20 tấm gương kiên trì vượt khó trong học tập

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

A.VỀ HỌC TẬP:
I.Nguyễn Ngọc Ký-Đôi chân viết nên số phận

Nguyễn Ngọc Ký (sinh ngày 28 tháng 6 năm 1947, quê ở xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định)là nhà giáo tại Việt Nam. Từ năm lên 4 tuổi, ông bị bệnh và bị bại liệt cả 2 tay, nhưng ông đã cố gắng vượt qua số phận của mình và trở thành nhà giáo ưu tú, lập kỷ lục Việt Nam "Người thầy đầu tiên của Việt Nam dùng chân để viết".
Năm lên 4 tuổi, cậu bé Nguyễn Ngọc Ký gặp cơn bạo bệnh và bị liệt cả hai tay. Bản thân ông và gia đình đều rất buồn và xót xa. Tuy vậy, Nguyễn Ngọc Ký vẫn nuôi ước mơ được đi học như chúng bạn cùng trang lứa.

Năm lên 7 tuổi, ông lân la đến trường, đứng ngoài nghe cô giáo giảng bài, xem các bạn học. Về nhà, cậu bắt đầu hì hụi tập viết bằng ... chân. Thời gian đầu việc tập viết với ông quả như cực hình. Dần dần ông viết được chữ O, chữ V... Không những thế, Ký còn vẽ được hình bằng thước và com-pa, làm được lồng chim để chơi... Nhờ sự cố gắng tuyệt vời đó, ông đã được đi học và học rất giỏi. Năm 1962, Nguyễn Ngọc Ký được Bác Hồ tặng Huy hiệu cao quý của Người. Năm 1963, ông tham dự kì thi chọn học sinh giỏi Toán toàn quốc và xuất sắc đứng thứ 5. Ông lại được Bác Hồ tặng Huy hiệu cao quý lần thứ 2.

Lên cấp III, theo lời động viên của bạn bè khắp nơi trên cả nước, Nguyễn Ngọc Ký đã chọn ngành Văn. Năm 1966, ông nhận được giấy báo nhập học ngành Ngữ Văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong 4 năm học Đại học, dù bệnh tật luôn đe dọa tính mạng, song Nguyễn Ngọc Ký vẫn miệt mài đèn sách.

Ông quan niệm: “Xa trường, xa lớp nhưng không xa sách vở”. Năm 1970, ông bảo vệ thành công Luận văn Tốt nghiệp và cho ra đời tập truyện ký viết bằng chân đầu tiên với nhan đề : “Những năm tháng không quên” (sau đó là “Tôi đi học”, “Tôi học đại học” tái bản nhiều lần).

Tốt nghiệp Đại học ngành Ngữ Văn, Nguyễn Ngọc Ký đã nghe theo lời khuyên của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng về Hải Hậu, Nam Định (quê ông) làm thầy giáo để “dạy các em phấn đấu vượt mọi trở ngại, khó khăn, góp phần thống nhất nước nhà”.

Để có thể giảng bài với đôi tay tật nguyền, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã suy nghĩ, tìm tòi nhiều phương pháp, cách thức dạy học. Ông đã nghĩ ra phương pháp dạy học rất sáng tạo, hiệu quả. Ông  tự thiết kế các mô hình, dàn bài trên bìa một tờ giấy cứng, bên ngoài có một tờ giấy trắng che lại. Giảng đến đâu, ông dùng chân kéo tờ giấy che ở bên ngoài xuống, thế là những con chữ xuất hiện. Cùng với đó là giọng giảng sinh động, truyền cảm, ông đã thuyết phục được học sinh. Không những thế, trong bất cứ bài học nào ông cũng nghĩ ra những câu đố bằng thơ rất độc đáo. Chẳng hạn, khi dạy tác phẩm của Nguyễn Trãi, ông vào bài bằng mấy câu đố:

Đức tài rực sáng sao Khuê

Bút là gươm sắc phò Lê cứu đời

Lấy dân làm đạo, làm vui,

Hùng văn thuở ấy đất trời còn vang

Cứ thế, người thầy tật nguyền nhưng sáng ngời ý chí và nghị lực ấy đã truyền lửa cho biết bao thế hệ học sinh. Trong lần về thăm huyện Hải Hậu, Nam Định, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký là đại diện cho sự phấn đấu phi thường và kỳ diệu, là tấm gương sáng cho các bạn trẻ hôm nay, nhất là những người khuyết tật noi theo”. Ngày 20/11/1992, ông được vinh dự nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Năm 1993, sau khi vào Thành phố Hồ Chí Minh chữa bệnh, sức khỏe của ông suy giảm nghiêm trọng. Năm 1994, ông chuyển công tác từ Nam Định vào làm việc tại Phòng giáo dục quận Gò Vấp để vừa công tác vừa chữa bệnh.

Thầy còn đi giao lưu khắp nơi, khắp các vùng, miền trong cả nước. Từ trường tiểu học đến trường đại học, các bạn đều rất thích được thầy tiếp xúc, trò chuyện, trao đổi về nhân sinh và cuộc sống. 1500 buổi nói chuyện tại các nhà trường THCS, THPT, THCN là một con số đáng nể phục! Chẳng thế mà một thầy giáo trẻ từng bày tỏ “Thầy Ký giao lưu một tiết bằng chúng em dạy giáo dục công dân cả năm… Thầy đã thực sự truyền lửa và lòng nhiệt huyết đến các bạn trẻ”.

Ngoài 60 tuổi nhưng ông vẫn làm công tác tư vấn tâm lý và giáo dục cho giới trẻ qua tổng đài 1080, vẫn miệt mài ngồi bên máy vi tính gõ những câu đố, những vần thơ... Ông đã được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Tâm sự về nghề nghiệp, thầy nói: “Nhờ nghề giáo mà tôi thực hiện được những ước mơ, hoài bão của mình, tham gia đóng góp được nhiều cho xã hội."     

II.Trần Trà My-Nhà văn không đầu hàng số phận

Bất hạnh đến với chị từ nhỏ khi mới ba tháng tuổi, trên người chị bị nổi những chấm li ti. Cứ ngỡ là bệnh bình thường ở trẻ nhỏ khi thời tiết chuyển mùa, nhưng khi gia đình đưa chị đi bệnh viện thì bệnh quá nặng. Sau các cơn phẫu thuật, đôi bàn chân của chị không thể đi lại như những người bình thường, mà phải luôn cần công cụ trợ giúp.

Đôi tay chị cũng mềm dần, cuối cùng chỉ còn một ngón có thể hoạt động được. Không thể đến trường, những tưởng cuộc sống sẽ bị chôn vùi trong bốn bức tường của căn phòng ở ngôi nhà nhỏ quê hương Đông Hà, nhưng không, Trà My bắt đầu tập viết. My kể, có lần mẹ đi làm về đứng ngoài cửa thấy chị cặm cụi viết chữ, bà giả vờ làm lơ, rồi lén quay đi lau nước mắt. Chính vì thế, chị càng quyết tâm hơn để những ước mơ bay bổng có thể chắp cánh. Và khi những con chữ lành lặn ra đời, chị bắt đầu viết nên những cảm xúc, suy nghĩ của mình qua các tản văn, truyện ngắn.

Một lần, Trà My viết bài thử gửi lên đài, không ngờ bài của chị được phát. Gia đình, làng xóm ai cũng ngạc nhiên và vui mừng cho chị. Từ đó, một bầu trời mới đã mở ra, chị tập trung viết nhiều hơn nữa, chìm đắm trong thế giới văn chương với những câu chuyện thấm đẫm tính nhân văn, công bằng, trong sáng và không ngừng mơ ước. Chị chia sẻ: “Tôi viết bằng cả trái tim và khi viết tôi cảm thấy mình thoát ra khỏi thân thể của mình”. Đến nay, chị đã cho ra đời 3 tập sách ấn tượng: Giấc mơ đôi chân thiên thần (2009), Chúng ta chính là mùa xuân (2010), Yêu trên từng ngón tay (2013) và sắp tới sẽ là Người tử tế đâu rồi.

Có lúc Trà My tưởng đã gục ngã trước số phận của mình. Chị bị ám ảnh bởi những khiếm khuyết của bản thân. Chị sợ khi nghĩ về hình ảnh ba đứa em của mình đến tuổi lấy vợ lấy chồng và gia đình họ tới thăm gia đình chị, phát hiện ra có một người khác lạ ngồi ở góc nhà, liệu người ta có đồng ý không. Chị sợ và bị ám ảnh khi nghĩ đến cảnh phải thui thủi nơi góc nhà và nhìn người ta đang sống. Thế nên, Trà My đã chọn cuộc sống không cam chịu bằng cách đứng dậy và kiêu hãnh bước đến những mục tiêu của mình.

Ngay sau đó, chị đã rời quê Quảng Trị để vào Sài Gòn, tìm việc nuôi sống mình và để thực hiện những ước mơ. Chị sống bằng viết văn, viết báo, làm truyền thông và viết những gì người khác đặt hàng trong khả năng của mình. Chị tâm sự, ngoài đam mê văn chương, chị rất mong muốn được cống hiến làm việc trong hai mảng y tế và giáo dục. Bởi một đất nước muốn tiến bộ thì nên cần tập trung hai mảng này để đời sống con người được nâng cao. Không chỉ vậy, Trà My còn học thêm nhiều lớp nghiệp vụ về truyền thông để phát triển công việc. Song song đó, chị tham gia nhiều hoạt động xã hội như là cách trả ơn cuộc đời vẫn còn mỉm cười với mình.

Với những người khuyết tật, làm việc nuôi sống bản thân đã khó, để thành công và nổi tiếng càng khó khăn hơn gấp bội. Thế mà Trần Trà My, nữ nhà văn đặc biệt này đã làm được điều đó bằng cả nghị lực chưa bao giờ cạn.

III.Nguyễn Sơn Lâm-Chàng trai nghị lực vươn lên cuộc sống.

Nguyễn Sơn Lâm là một doanh nhân thành đạt, một diễn giả chuyên nghiệp và là chuyên gia trong lĩnh vực truyền động lực và khai phá tiềm năng con người. Anh còn được biết đến như một biểu tượng của tinh thần lạc quan và ý chí vươn lên trong cuộc sống, bất chấp sự nghiệt ngã của số phận. Chúng ta hãy cùng xem anh đã làm những gì vượt qua những khó khăn gì để đến được với thành công ngày hôm nay nhé!
Là nạn nhân chất độc da cam, với chiều cao chưa đầy 90cm, nặng 27kg, nhưng Nguyễn Sơn Lâm đã làm nên điều kỳ diệu biến nỗi đau thành động lực để bước đến thành công. Anh được sinh ra trong một gia đình nghèo có bốn anh chị em. Khi sinh ra anh hoàn toàn khỏe mạnh và lành lặn như bao đứa trẻ khác. Nhưng từ sau một tuổi, đôi chân của anh bắt đầu teo dần. Từ một cậu bé hoàn toàn có thể tự đứng được, Sơn Lâm bắt đầu phải lê lết do bị ảnh hưởng chất độc da cam từ cha mình – một người lính từng tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ. Đến khi 5 tuổi anh bắt đầu gắn bó với nạng gỗ, chuỗi ngày đau đớn trong khi di chuyển đi lại bắt đầu đến với anh.

Năm 15 tuổi lúc đó ba anh mất, anh trở thành gánh nặng cho mẹ và các anh của mình, làm gì cũng mẹ bế mẹ ẵm, anh đến trường trong sự trêu chọc của bạn bè. Anh lấy đó làm động lực để vươn lên anh bỏ mặc những lời nói khó nghe những chỉ trích về mình ngoài tai. Anh cố gắng học tập thất tốt nhiều năm liền anh là học sinh giỏi. Ngay từ rất nhỏ anh đã rất thông minh khi học lớp 1 mà anh có thể làm được toán lớp 3. Khi học cấp ba anh đã nói được ba thứ tiếng Anh, Nhật và Pháp, anh luôn là người dẫn đầu trong các cuộc thi của trường và tỉnh Quảng Ninh. Cú sốc trượt ĐH lần đầu tiên khiến anh suy sụp hoàn toàn, cũng trong năm đó anh bị tai nạn giao thông và được bác sĩ chuẩn đoán “chấn thương hộp sọ” anh không bỏ cuộc không đầu hàng số phận, một thời gian điều trị anh đã bình phục. Sau đó anh một mình lên Hà Nội trọ học và miệt mài ôn luyện thi cử vì anh biểt không thể để cuộc đời mình luẩn quẩn mãi như vậy được, anh phải đậu đại học phải biến những ước mơ của mình thành hiện thực. Năm đó anh đỗ liền lúc hai trường ĐH: ĐH Phương Đông và ĐH Ngoại Ngữ (bây giờ là ĐH Hà Nội).

Sau khi ra trường anh được nhận làm phóng viên, biên tập viên mảng thể thao cho các tờ báo Vietnamnet, bongda24h…. Có một tình yêu mãnh liệt với bóng đá, nhưng ước mơ trở thành doanh nhân thành đạt luôn cháy bỏng trong lòng chàng trai trẻ. Tháng 6/2010 anh trở thành chủ tịch hội đồng quản trị của ông ty CP Đào Tạo Tỏa Sáng anh cùng với những người bạn có cùng chí hướng lập ra. Công ty chuyên cung cấp các dịch vụ đào tạo, kỹ năng sống, mở các khóa đào tạo cho sinh viên về phương pháp tư duy, xây dựng thái độ sống tích cực, tình yêu thương và trách nhiệm với cuộc sống, khai thác tiềm năng của bản thân.

Ước mơ trở thành một doanh nhân thành đạt của anh đã thành hiện thực, anh đã vượt qua mọi khó khăn biến những điều không thành có thể. Anh đã từng chia sẻ:  trước đây nhà anh nghèo lắm, bố mẹ phải bán nước trước cổng Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển ở Uông Bí. Nhiều người vào uống nước không khỏi ái ngại cho hoàn cảnh của anh và gia đình, không ngăn được tiếng xuýt xoa khổ thân thằng bé, chân tay như thế sau này cũng chỉ gắn với quán nước như bố thôi. Ngay lúc đó cậu bé Sơn Lâm đã bình tĩnh đáp lại: “Cháu không thấy mình khổ, sau này cháu sẽ trở thành giám đốc”. Một câu trả lời bâng quơ của một đứa bé ngây ngô ngày ấy bây giờ đã thành sự thật, anh đã chứng minh cho mọi người thấy nghị lực kiên cường theo đuổi ước mơ của mình.

Mặc dù cuộc đời luôn phải gắn với chiếc nạng nhưng anh có một tình yêu mãnh liệt với môn thể thao vua. Anh có thể chơi bóng và từng là biên tập viên của những tờ thể thao... không dừng lại ở đó đến tháng 10/2011 anh quyết định thực hiện ước mơ chinh phục nóc nhà Đông Dương của mình.

Có người còn cho rằng anh có vấn đề về tâm thần, bởi sức khỏe sẽ khiến anh khó thực hiện mục tiêu của mình. Vượt qua bao nhiêu vách đá cao, bùn lầy và nhiều đoạn suối, những thân cây lớn vắt ngang đường... từng bị ngã, có khi bị lăn ra đường, qua những nấc thang. Cuối cùng hành trình chinh phục nóc nhà Đông Dương của anh cũng thành hiện thực, anh vỡ òa trong niềm vui sướng và hạnh phúc.

Chinh phục thành công đỉnh núi Phanxipang chàng trai cao 90cm lại có những ước mơ táo bạo hơn  bước ra Trường Sa, nơi những chiến sĩ không quản ngại khó khăn, vất vả, nhọc nhằn để ngày đêm bảo vệ vùng biển đảo của đất nước. Ước mơ trở thành một anh bộ đội đã từng ấp ủ trong anh nay lại cháy rực lên khi anh quyết định lên kế hoạch thực hiện ước mơ ra Trường Sa. Ngoài ra anh từng tham gia vào chương trình VietNam idol năm 2010.

Nguyên Sơn Lâm, anh chàng có cái tên tỷ lệ nghịch với thân hình, nhưng trong anh luôn có một ý chí nghị lực phi thường, biết vượt qua khó khăn đương đầu với thử thách với khó khăn nghiệt ngã của cuộc sống để vươn đến ước mơ của bản thân. Hành trình vượt lên số phận anh là người chiến thắng và là ngọn lửa truyền động lực cho các bạn trẻ thế kỉ 21 giám vượt qua khó khăn gian nan thử thách để đến với ước mơ của mình.
 

IV.Nguyễn Thảo Vân-Nữ giám đốc giàu nghị lực vươn lên số phận.

Chào đời trong gia đình thuần nông ở vùng quê nghèo tỉnh Nghệ An, Vân là em gái của hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng (đã mất). Cũng như người anh mình, Vân mới sinh ra bình thường, càng lớn thì cơ thể càng biến dạng, teo tóp không phát triển được. Không chịu đầu hàng số phận và ý thức chỉ có việc học mới có thể cải thiện được cuộc sống của mình, Thảo Vân cùng anh trai đã vượt qua bao khó khăn, cực nhọc để học hết PTTH tại quê nhà.

Lúc đầu việc học của Vân gặp vô vàn khó khăn, vì ngoài phải ngồi xe lăn đến lớp còn thường xuyên bị bạn bè trêu chọc với nhiều trò đùa ác ý. Thương con, bố mẹ xin cho Vân vào trường trẻ em khuyết tật để em đỡ tủi thân và dễ hòa nhập với các bạn. Luôn ý thức được hoàn cảnh của mình và thương bố mẹ vất vả vì phải nuôi 2 con tật nguyền đi học, Thảo Vân cố gắng học hành, giành nhiều thành tích. Lớp 9 Vân đạt giải nhất cờ vua, năm lớp 10 đạt giải nhất cờ tướng khối PTTH cấp tỉnh, năm 2003 đạt học sinh giỏi môn Anh văn…

Bước ngoặt trong cuộc đời Thảo Vân là khi tiếp xúc với chiếc máy tính và những công nghệ về máy tính từ người anh trai của mình. "Tôi cảm nhận được cái duyên và niềm đam mê của cuộc đời mình với công nghệ thông tin, vì những công dụng tiện lợi để truyền tải thông tin, những tính năng rất phù hợp với người khuyết tật để vận hành và phát triển", cô gái nhìn nhận.

Thảo Vân theo học một lớp đào tạo về tin học tại Hà Nội và bắt nhịp rất nhanh. Chỉ sau thời gian ngắn, cô đã có thể sử dụng thành thạo vi tính với các chương trình phần mềm cơ bản như các chương trình phần mềm đồ họa, photoshop...

Thảo Vân bắt đầu tự lập cuộc sống mới mẻ bằng việc nộp đơn và được tuyển dụng vào một công ty liên doanh giữa Việt Nam và Đan Mạch, chuyên cung cấp phần mềm các sản phẩm đồ họa cho các công ty bất động sản quốc tế với mức lương khá cao. Năm 2006, người anh khuyết tật của Vân cùng nhóm bạn mở Công ty Nghị lực sống ở Hà Nội để giới thiệu, hướng nghiệp, đào tạo miễn phí cho người khuyết tật. Lĩnh vực hoạt động chủ yếu là tin học và ngoại ngữ.

Thảo Vân chia sẻ: "Khi đó tôi đã phải đắn đo lắm để quyết định xin nghỉ việc ở công ty về giúp anh Hùng quản lý và đào tạo ở trung tâm, làm chuyên viên tư vấn đồng cảnh trên"

Hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng mất đột ngột vào 31/12/2012. Từ đó Vân thay mặt anh điều hành quản lý công ty. Thảo Vân cho biết thêm, từ khi anh trai mất, công ty gặp rất nhiều khó khăn, học viên cũng giảm nhiều do họ không thấy thần tượng của mình nữa. Cô gái trẻ đã phải nỗ lực cố gắng để công ty tiếp tục vận hành. “Tôi phải đến gặp các đối tác cũ để thuyết phục họ tiếp tục ký hợp đồng, đồng thời mở rộng mối quan hệ với các đối tác khác để xin tài trợ. Việc lấy lại tinh thần cho mọi người trong công ty sau cú sốc vì mất đi anh Hùng mất cũng rất quan trọng. Quá nhiều khó khăn nhưng không sao, cứ bước đi rồi đường sẽ thẳng”, Thảo Vân lạc quan nói.

Hiểu và chia sẻ với những việc Thảo Vân làm, xung quanh cô, một đội ngũ tình nguyện viên đông đảo từ các trường đại học và nhiều doanh nghiệp, công ty ở Hà Nội… đã chung tay góp sức, cộng tác với Trung tâm Nghị lực sống để liên kết đào tạo và giải quyết việc làm cho người khuyết tật.

Trong căn hộ chật hẹp thuê trên tầng 6 ở chung cư Linh Đàm, vừa là nơi làm việc, vừa  là chỗ ăn ở, sinh hoạt cho hàng chục con người khuyết tật, Thảo Vân trải lòng: “Tôi chỉ mong sao có một chỗ ở để học viên làm việc và học tập ổn định, không phải nay chuyển chỗ này, mai chuyển chỗ khác, mệt mỏi lắm".

Học viên của Trung tâm Nghị lực sống là các bạn trẻ khuyết tật khắp mọi miền đất nước. Họ đến đây được miễn 100% học phí, chỉ phải đóng tiền ăn và tiền trọ là một triệu đồng một tháng. Hàng ngày Vân và các tình nguyện viên dành nhiều thời gian để đào tạo miễn phí tin học, tiếng Anh và các môn học sáng tạo, tổ chức các chương trình về kỹ năng mềm cho học viên.

Tính đến nay, Trung tâm Nghị lực sống đã tiếp nhận và đào tạo được gần 600 học viên, trong đó 65% số học viên được đào tạo tại trung tâm đã có công ăn việc làm ổn định. Nhiều người trong số họ quay lại trung tâm làm giảng viên tình nguyện cho các học viên khác. Các khóa học ở đây không chỉ giúp người khuyết tật  được trang bị kiến thức Tin học, khơi dậy niềm tin, nghị lực sống mà còn khẳng định được vai trò của bản thân với xã hội.

Cô gái nhỏ bé Thảo Vân còn tổ chức rất nhiều những chương trình hoạt động từ thiện xã hội như chương trình “Bánh chưng xanh” - xuân Mậu Tý;  “Mang trung thu đến vùng lũ quét” cho 1.000 trẻ em nghèo xã Minh Quân (Chấn Yên, Yên Bái) với số tiền quyên góp được là 27 triệu đồng; tổ chức Giáng sinh cho những mảnh đời bất hạnh ở huyện Nghi Lộc, Nghệ An được 20 triệu đồng; tặng 10.000 phần mềm bản quyền diệt virus cho cộng đồng người khuyết tật trị giá hàng tỷ đồng…

Với trái tim biết yêu thương và những việc làm thiện nguyện của mình, Thảo Vân được nhận các giải thưởng “Nhân tài đất Việt”, “Chim én”, và mới đây là giải thưởng “Tầm nhìn phụ nữ” do Hội Phụ nữ Quốc tế trao tặng.

V.Lê Đình Nguyên-Người đạt điểm khối A cao nhất Thanh Hóa.

Bố đi bán hàng rong, mẹ làm nông nhưng Lê Đình Nguyên (THPT Quảng Xương 1, Thanh Hóa) đã giành 28,85 điểm 3 môn (Toán 9,25, Lý 10, Hóa 9,6)

Nguyên là con thứ hai trong gia đình có 3 chị em, người chị gái đang là sinh viên năm ba Đại học Ngoại thương, sau Nguyên còn một em gái mới hơn một tuổi. Trong gia đình Nguyên có 4 thế hệ gồm cố, ông bà nội và người chú tật nguyền.

Cả gia đình sống chủ yếu bằng nghề làm nông nghiệp. Cha Nguyên không có công việc ổn định nên phải đi bán hàng rong.
Suốt 12 năm học phổ thông, Nguyên luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi, từng giành nhiều giải ở các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh.

Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Nguyên đăng ký thi vào Học viện An ninh. Dù rất đam mê ngành công nghệ thông tin, nhưng em quyết định chọn khối ngành lực lượng vũ trang vì muốn giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình.

VI.Nguyễn Thị Thùy-Cô bé mồ côi thành Thủ khoa sợ không đủ tiền đi học.

Cô bạn Nguyễn Thị Thùy (SN 1998, xóm 4 (Đồng Rớn), xã Minh Tân, huyện Thuỷ Nguyên, Thành phố Hải Phòng) học sinh trường THPT Bạch Đằng, Hải Phòng đã trở thành Thủ khoa khối D cụm thi trường ĐH Hàng Hải với 28,75 (Anh Văn: 9,5 điểm, Toán: 9 điểm, Văn: 8,75 điểm).

Có được kết quả đáng ngưỡng mộ như vậy, cũng chính bởi động lực lớn từ chính hoàn cảnh cuộc sống éo le và nghị lực vượt khó phi thường của cô bạn.

Khi Thùy còn rất nhỏ, căn nhà đã vắng bóng bàn tay trụ cột của người bố. Mẹ đi bước nữa và có một cậu con trai, năm Thùy học lớp 2 thì bố dượng qua đời rồi mấy năm sau người mẹ yêu quý cũng bị cướp mất bởi bàn tay tử thần .

Thùy phải nhờ đến sự giúp đỡ của chính quyền, gửi em trai tới Mái ấm Thanh Xuân - Trung tâm Giáo dục lao động Thanh Xuân Hải Phòng (đường Ngô Gia Tự, quận Hải An, Hải Phòng).
Thùy được cô giáo đón về nhà nuôi như con, lo lắng cho em từ học hành đến cuộc sống sinh hoạt.

Với số điểm đạt được trong kỳ thi THPT vừa qua, Thùy hy vọng mình có thể trở thành tân sinh viên của Học Viện Khoa Học Quân Sự - Khoa Ngôn ngữ Anh những cô vẫn trăn trở sợ không đủ tiền đi học và luôn đau đáu ước mơ sớm đón được em trai về chung một mái nhà.

VII.Nguyễn Thị Kim Ngân-Nữ thủ khoa 30 điểm rửa bát thuê nuôi ước mơ làm trinh sát

Xuất sắc giành được 28,5 điểm khối C (Văn: 9,25; Sử: 9,5 và Địa 9,75) trong kỳ thi THPT Quốc gia, Nguyễn Thị Kim Ngân (cựu học sinh Chuyên Chu Văn An, TP. Lạng Sơn) còn được cộng thêm 1,5 điểm ưu tiên ở khu vực nên đã được 30 điểm, trở thành thủ khoa khối C ở cụm thi số 17 do Đại học Xây dựng (Hà Nội) chủ trì.

Kim Ngân sinh ra ở thành phố Lạng Sơn, gia đình em làm đậu phụ. Hàng ngày, bố mẹ Ngân dậy từ 3h sáng, làm đậu rồi mang ra chợ bán, đến tối mịt mới về.

Cô Hoàng Thị Thu (mẹ Kim Ngân) cũng chia sẻ: 'Ngân rất tự giác trong việc học và chịu khó giúp đỡ cha mẹ. Có những hôm đi học về chưa kịp tháo cặp, mồ hôi nhễ nhại đã lao ngay ra phụ mẹ bán đậu'.

Cuối năm cấp 2 Ngân đã xin cha mẹ đi làm thêm bưng bê, rửa bát để phụ giúp cha mẹ với thu nhập rất ít chỉ từ 900.000 đến 1,5 triệu đồng/tháng nhưng cũng là cách em phụ mẹ cha bớt gánh nặng chi tiêu.

Ngay cả khi về ôn để thi lại năm nay (Năm ngoái Ngân được 28 điểm, thiếu 1 điểm vào Học viện An ninh) cô gái ấy cũng vẫn đi làm thêm.

Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia, Ngân lại tiếp tục công việc bưng bê, rửa bát từ 7h sáng đến 22h. Cô cho biết sẽ vẫn nộp hồ sơ xét tuyển vào Học viện An ninh nhân dân để theo đuổi ước mơ trở thành trinh sát giỏi.

VIII.Trần Đức Lương-Chàng thủ khoa nghèo ước mơ làm bác sĩ.

                     (Áo trắng)

Với số điểm 28,7, Trần Đức Lương đã đỗ thủ khoa khối B cụm thi Đại học Thủy Lợi.
Bố mẹ Lương từ quê cũ Phú Xuyên đến nội thành lập nghiệp gần 20 năm nay với mong muốn con có được môi trường học tập tốt. Mẹ mở hàng bán hoa ở chợ Vĩnh Tuy, còn bố Lương làm lái xe cho nhiều nơi, thu nhập không mấy dư giả, chỉ đủ chi tiêu trong cuộc sống hàng ngày.

'Thương bố mẹ khổ, cháu chẳng bao giờ đòi hỏi hay quậy phá gì, chỉ chuyên tâm học hành, không bao giờ lãng phí thời gian vào việc chơi bời', cô Hương (mẹ Lương) tâm sự.

Bên cạnh việc học, Lương còn giúp đỡ trông coi nhà cửa khi bố mẹ phải đi làm cả ngày. Có những ngày mẹ em phải dậy từ 2h sáng để đi lấy hoa ở chợ Nghi Tàm về bán đến tối mịt mới về, việc nhà cửa đều do một tay Lương quán xuyến.

Từ dọn dẹp, nấu cơm, rửa bát đến chăm và dạy cậu em trai lớp 5 học bài, Lương đều lo đâu vào đấy. Những ngày Tết được nghỉ học, em còn giúp mẹ bán hoa để kiếm thêm thu nhập.

Với số điểm cao đạt được, ước mơ trở thành sinh viên ngành Y đa khoa, Đại học Y Hà Nội đang ngày càng gần tầm tay của Lương.

     

IX.Nguyễn Thị Tình-Nữ thủ khoa nghèo muốn trở thành kỹ sư công nghệ thông tin

Sau khi biết điểm thi 28,5 điểm (Toán 9,5; Lý 9,4; Hóa 9,6), Nguyễn Thị Tình (Trường THPT Nguyễn Trân, Bình Định) cho biết đã tính được điểm trước nên không quá bất ngờ về kết quả.

Tình là con thứ hai trong bốn anh chị em, bố mẹ đều là lao động tự do, làm thuê, làm mướn vất vả, chị cả của Tình đang học Y Dược ở Huế, nên ngoài giờ lên lớp Tình quán xuyến mọi việc trong gia đình, chăm em cho bố mẹ yên tâm đi làm.

Là lớp trưởng suốt 3 năm THPT, Tình không chỉ luôn đi đầu trong thành tích học tập mà rất hòa đồng, gương mẫu và nhiệt tình tham gia các hoạt động của lớp.
Thầy Thanh Hoàng, giáo viên chủ nhiệm suốt 3 năm của nữ thủ khoa này, chia sẻ: 'Hoàn cảnh gia đình em Tình khó khăn, gia đình là hộ nghèo nhưng luôn có nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Suốt 3 năm cấp 3 Tình luôn là tấm gương học tập của lớp và của toàn trường. Đặc biệt năm lớp 12, điểm trung bình học tập của Tình rất cao, các môn trên 9,0 trong đó các môn tự nhiên đều gần 10 phẩy'.

Ước mơ sau này của cô là trở thành kỹ sư công nghệ thông tin và nữ thủ khoa này dự định sẽ làm hồ sơ đăng ký xét tuyển vào Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM. Thương mẹ cha vất vả, cô gái hiếu thảo này thổ lộ lên Sài Gòn sẽ đi làm gia sư để trang trải học phí.

X.Lê Minh Trung

Gia đình Trung rất khó khăn, cả một miếng đất “cắm dùi” cũng không có, gia đình phải cất ngôi nhà tạm trên phần đất mượn của người bà con; nói là nhà chứ, thực tế chỉ là túp lều che tôn, che bạt rộng khảng 20m2, để gia đình có chỗ ra vào, trời nắng thì đỡ còn trời mưa thì cả nhà phải mặc áo mưa để ngủ; đây là chỗ ăn ở sinh hoạt của 4 con người. Trong nhà chẳng có thứ gì đáng giá, ngoài cái ti vi cũ của người hàng xóm cho mượn, chỉ toàn là giấy khen của Trung. Bố làm thợ hồ, một công việc rất nặng nhọc nhưng lại bấp bênh, mẹ phụ giúp bán hàng cho người ta, những đồng tiền công ít ỏi đó chỉ tạm đủ cho cuộc sống sinh hoạt cho gia đình 4 người, với hai đứa con ăn học. Hiểu được gia cảnh của mình, nỗi vất cả của cha mẹ, Trung đã nguyện với lòng mình rằng phải cố gắng học thật giỏi để có thể đậu vào một trường Đại học nào đó với học phí ít nhất để không phụ lòng mong mỏi của cha mẹ thầy, cô, sau này có một cái nghề có thể nuôi sống bản thân, phụng dưỡng cha mẹ.

Minh chứng cho điều đó, hầu như năm nào Trung cũng đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến. Đặc biệt năm lớp 11 Trung đã đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Ngoài giờ học ở trường Trung không có điều kiện học thêm như các bạn cùng trang lứa, Trung phải tự học ở nhà, ngoài ra Trung còn phụ giúp cha mẹ những việc nhà như vặt rau, nấu cơm, rửa chén, giặt đồ cho cả gia đình.

Hằng ngày bằng chiếc xe đạp “cà tàng”, vượt qua quãng đường gần 5km để đến trường, ở nhà là một đứa con ngoan, đến trường Trung là một trò giỏi. Cô Phạm Thúy Liễu – giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1 cho biết “mặc dù em Trung có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhưng em luôn cố gắng vươn lên học tốt, trong lớp Trung luôn chú ý lắng nghe các thầy cô giảng bài và hăng say tham gia phát biểu ý kiến, tích cực tham gia các phong trào Đoàn – Hội của lớp, của trường, em luôn được thầy cô và bạn bè tin yêu”.

XI.Trần Thảo Vy

Trần Thảo Vy, học sinh lớp 4-5 trường Tiểu học An Lộc A, cái ngày Vy bị tai nạn 8 tháng thì bố Vy bị nạn, bỏ lại 3 mẹ con Vy bơ vơ cui cút trong ngôi nhà gỗ lụp xụp, hơn khoảng 30m2 do ông bà nội để lại, theo thời gian mái tôn đã bạc màu lấm tấm, những miếng ván trên tường đã mục nát, căn nhà như đang chực đổ bất kì lúc nào; Nhà không có đất sản xuất, 3 mẹ con Vy chỉ bấu víu vào hai sào đất trồng tiêu, không thể để các con phải nghỉ học, mẹ Vy hàng ngày đi làm bất kể việc gì mà bà con lối xóm thuê mướn để kiếm đồng tiền công ít ỏi nuôi  anh, em Vy ăn học.

Do không có tiền chữa trị triệt để nên tại nạn để lại di chứng tay, chân bị dị tật, não bị ảnh hưởng, việc sinh hoạt, học tập và đi lại rất khó khăn, cần phải nhờ đến sự giúp đỡ của mẹ và anh trai. Mặc dù việc tiếp thu bài có phần hạn chế so với các bạn cùng trang lứa, nhưng Vy vẫn không nản chí, mặc cảm. Vy cho biết chưa khi nào Vy có ý nghĩ là sẽ bỏ học trừ khi không còn đủ sức lực và điều kiện đến lớp, với Vy việc học là việc Vy có thể làm lúc này  có thể giúp mẹ, giúp Vy vượt lên số phận. Vy có mơ ước trở thành một bác sỹ để giúp đỡ mẹ và các bạn có hoàn cảnh giống như mình.

Hiểu được gia cảnh của mình, nên Vy rất chăm chỉ, ngoài giờ học trên lớp về nhà Vy lại cặm cụi bền bàn học. Cô Phạm Thị Hồng Anh – giáo viên chủ nhiệm lớp 4 - 5 cho biết, Vy rất siêng năng, dù bất kể là mưa dông hay giá rét Vy vẫn bắt mẹ chở đến trường, trừ khi bệnh đau không thể cử động được Vy mới chịu nghỉ học.

XII.Lê Đức Duẩn-Nghị lực phi thường của thủ khoa chỉ nặng 38kg

Tuổi thơ của cậu học trò nghèo thật có ít ngày vui, khi mà mới sáu tuổi, Duẩn đã chịu mất mát lớn về tinh thần. Người anh trai mà cậu bạn "quấn quýt cả ngày" (theo như lời cô Thu kể) đã ra đi vì căn bệnh ung thư máu. "Lúc đó tớ còn nhỏ quá, không nhớ được nhiều, chỉ nghe mọi người nói anh mất, thấy mẹ khóc cũng khóc theo. Sau này càng lớn những kí ức xưa càng hiện về rõ mồn một. Các bác kể anh ấy rất thông minh, nếu anh ấy còn sống, chắc chắn sẽ học giỏi hơn tớ bây giờ". Nỗi đau chưa dừng lại ở đó khi 5 năm sau, bố Duẩn qua đời ở tuổi 42 vì căn bệnh ung thư gan, để lại ba mẹ con trong căn nhà cũ ủ dột. Lúc này, Duẩn mới bước vào lớp 6.

Cuộc sống của ba mẹ con Duẩn thật quá đỗi gian truân, khi trụ cột chính trong nhà là bố đã không còn nữa. Thuộc diện hộ nghèo của xã Hoàng Long, cô Thu quanh năm chân lấm tay bùn. Chồng mất mười hai năm nay, chưa ngày nào cô không lo nghĩ đến chuyên cơm áo gạo tiền cho con đi học. Cô Thu nhận hết tất cả những việc có thể làm được, đi phụ hồ, làm đồ thủ công tại nhà, thi thoảng không có việc lại đi bắt ốc về bán, lấy tiền mua thức ăn cho con.

Sáng nào mẹ Duẩn cũng chuẩn bị cho bạn một cặp lồng cơm đạm bạc, buổi trưa cậu bạn ở luôn lại trường, ăn xong lấy tạm ghế làm chỗ nghỉ trước khi vào giờ học buổi chiều. Cứ như vậy, ba năm THPT đi qua với nhiều khó khăn chồng chất, thế nhưng Lê Đức Duẩn chưa một lần than thở, chưa một lần tự ti với hoàn cảnh của mình.

Vượt hơn 60km, cậu học trò Lê Đức Duẩn mang theo tình thương của mẹ, sự kì vọng của xóm làng cũng như nhà trường tới kì thi Đại học năm nay. Ban đầu cậu bạn định dự thi Học viện An ninh nhân dân để đỡ học phí 4 năm Đại học, nhưng vì cân nặng không đủ (chỉ được 38 kg), Duẩn đã phải gác giấc mơ đó lại.

Căn nhà cũ kĩ của mẹ con Duẩn nằm nép cạnh bờ mương nhỏ chảy qua thôn Nhị Khê. Những mảng vữa trên tường đã bung ra gần hết. Trong nhà, hai chiếc cột trụ cũng bạc màu theo tháng năm. Vợ chồng cô Thu cất được ngôi nhà này vào năm 1988, cho đến giờ ngoài việc đảo lại mái ngói vài lần thì chưa sửa sang gì.

Cảnh nghèo đeo bám, nhiều khi muốn sửa cũng không được. Trời nắng còn đỡ, cứ hễ mưa xuống là trong ngoài như một. Duẩn kể có đêm ba mẹ con đang ngủ thì mưa lớn, dột ướt hết cả chỗ nằm. Tiếng mưa rơi lộp độp vào mấy cái chậu trong nhà, nằm đếm từng giọt, thế là hết đêm.

Cuộc sống của ba mẹ con Duẩn thật quá đỗi gian truân, khi trụ cột chính trong nhà là bố đã không còn nữa. Thuộc diện hộ nghèo của xã Hoàng Long, cô Thu quanh năm chân lấm tay bùn. Chồng mất mười hai năm nay, chưa ngày nào cô không lo nghĩ đến chuyên cơm áo gạo tiền cho con đi học. Cô Thu nhận hết tất cả những việc có thể làm được, đi phụ hồ, làm đồ thủ công tại nhà, thi thoảng không có việc lại đi bắt ốc về bán, lấy tiền mua thức ăn cho con.

Sáng nào mẹ Duẩn cũng chuẩn bị cho bạn một cặp lồng cơm đạm bạc, buổi trưa cậu bạn ở luôn lại trường, ăn xong lấy tạm ghế làm chỗ nghỉ trước khi vào giờ học buổi chiều. Cứ như vậy, ba năm THPT đi qua với nhiều khó khăn chồng chất, thế nhưng Lê Đức Duẩn chưa một lần than thở, chưa một lần tự ti với hoàn cảnh của mình.

Vượt hơn 60km, cậu học trò Lê Đức Duẩn mang theo tình thương của mẹ, sự kì vọng của xóm làng cũng như nhà trường tới kì thi Đại học năm nay. Ban đầu cậu bạn định dự thi Học viện An ninh nhân dân để đỡ học phí 4 năm Đại học, nhưng vì cân nặng không đủ (chỉ được 38 kg), Duẩn đã phải gác giấc mơ đó lại.

Đạt được đến thành tích cao như hôm nay, thế nhưng ít người biết được cậu học trò Lê Đức Duẩn đã hai lần định bỏ học. Lần đầu tiên là năm lớp 6, sau khi bố qua đời, Duẩn xin nghỉ ở nhà để đi làm giúp mẹ. Mẹ khuyên bảo, giáo viên chủ nhiệm cũng tới nhà động viên, giúp đỡ, cậu bạn mới tiếp tục đến trường.

Những tưởng thành tích học tập tốt sẽ giữ chân được Duẩn, nhưng đầu năm lớp 10, lại một lần nữa Duẩn nghỉ học vì gia đình quá khó khăn. Lần này, cậu bạn đã nghỉ ở nhà được 2 tuần. Rất may cô giáo chủ nhiệm và bạn cùng lớp tới thăm hỏi, khuyến khích, Duẩn mới đi học trở lại.

Hiện tại,Duẩn đang học ở Đại học Quân Y.

XIII.Lê Minh Tâm-Chàng sinh viên khiếm thị bán vé số nuôi ước mơ

Đôi mắt mù bẩm sinh, từ nhỏ Lê Minh Tâm(sinh năm 1990, ở ấp Trường Phước, xã Trường Tây, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh) đi bán vé số cùng những người anh mù của mình để kiếm sống. Vượt lên khó khăn, chàng trai đó hiện là sinh viên năm thứ nhất khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TPHCM.

Lê Minh Tâm trong một gia đình có 11 người con. Trên Tâm, 4 người anh cũng bị mù, gia đình lại nghèo nên cuộc đời gắn liền với tấm vé số để mưu sinh.

Giờ đây, cứ vào cuối tuần, sau những giờ học và sinh hoạt ở trường, Tâm lại ôm cây đàn đi hát rong khắp mọi ngõ ngách tiếp tục tích cóp cho mình những đồng tiền để “nuôi” ước mơ trở thành thầy giáo.

XIV.Nguyễn Thị Ánh Nguyệt-Cô gái tật nguyền thi đỗ đại học ở tuổi 25

Bị bệnh viêm đa khớp dạng thấp phải nằm liệt gần 8 năm nay, Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (sinh năm 1987, trú thôn Dưỡng Xuân, xã Quế Xuân 1, Quế Sơn, Quảng Nam) đã đỗ vào Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) trong niềm ngỡ ngàng của nhiều người.

Ánh Nguyệt đã quyết tâm tự học ở nhà để đi thi đại học mặc cho các khớp tay không cho em cầm chắc cây bút. Nguyệt mượn sách của các em đã học trong xóm, xin đề thi các năm trước rồi tự ôn luyện và giải. Đến khi đăng ký, Nguyệt chọn ngành Sư phạm tiếng Anh vì ước mơ của em sau này trở thành giáo viên. Và em đã đỗ đại học với số điểm “đáng nể” 27,5.

XV.Nguyễn Thiện Huy-Chàng sinh viên cao 1m2 giàu nghị lực

Năm nay 22 tuổi nhưng chỉ cao 1,2m, chàng trai giàu nghị lực Nguyễn Thiện Huy quyết tâm vượt khó, trở thành sinh viên đại học. Thiện Huy hiện là sinh viên năm hai Trường ĐH Đông Á Đà Nẵng. Với chàng SV tí hon này, mỗi ngày đến lớp là mỗi khó khăn mà Huy phải đối mặt, dường như mọi thứ trong lớp học đều không dành cho một cậu SV tí hon với chiều cao ngang tầm một học sinh tiểu học.

Huy tâm sự: “Mình luôn phải đứng chép bài suốt buổi học, chân tay mỏi tê cứng, nhiều lúc mình muốn bỏ cuộc, từ bỏ mọi ước mơ. Nhưng rồi nghĩ đến bố mẹ ở nhà đang rất vất vả khổ sở lo lắng, kỳ vọng vào mình. Và nhờ có sự động viên của bạn bè, thầy cô, mình vẫn bước tiếp cùng với nghị lực của bản thân”. Được biết, ngoài thời gian học, Huy còn tranh thủ đi làm thêm để tự cho cuộc sống của mình.

XVI.Ngân Thị Đòa-Cô bé 10 tuổi ở riêng nuôi em ăn học


Mặc dù mới 10 tuổi, nhưng cô bé Ngân Thị Đòa ở bản Chiềng, xã Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) đã có 3 năm ở một mình cùng hai em trong căn lều dựng tạm bên cạnh trường để nuôi giấc mơ con chữ. Nhà xa trường, sợ bố mẹ không còn cho đi học, cô bé Ngân Thị Đòa năn nỉ xin bố dựng một căn lều tạm bên cạnh Trường tiểu học Trung Lý 2, nơi em đang học để bố mẹ không phải đưa mấy chị em đi học mà Đòa và các em vẫn được theo con chữ.

Từ ngày ở riêng, mọi sinh hoạt hằng ngày và chăm sóc các em đều do một tay Đòa lo toan như một người lớn. Dù khó khăn là vậy, vất vả là vậy nhưng năm nào cô học trò nhỏ này cũng đều đạt học sinh tiên tiến của trường.

XVII.Nguyễn Trọng Tín-Cậu học trò xương thủy tinh 9 năm liền học sinh giỏi

Từ khi lọt lòng mẹ đến nay, Nguyễn Trọng Tín (16 tuổi, trú thôn Phú Mỹ, xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) bị gãy chân hơn 20 lần. Càng ngày đôi chân càng teo tóp lại, em không thể tự đi đứng được. Nhưng nhờ nỗ lực vươn lên trong học tập, 9 năm liền cậu học trò xương thủy tinh này đạt danh hiệu HS giỏi.

Khi được hỏi ước mơ sau này, Tín nhỏ nhẹ: “Mình sẽ cố gắng hoàn thành tốt nghiệp THPT và thi vào ngành Công nghệ thông tin vì chân không đi được nên mình thấy nghề đó rất phù hợp”.


Bé Nguyễn Linh Chi là con gái của anh Nguyễn Đình Nam và chị Trịnh Ngọc Thủy (phường Nguyễn Thái Học, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái). Bé Nguyễn Linh Chi cùng em trai Nguyễn Đình Dũng và bố đều bị di chứng do ảnh hưởng chất độc màu da cam từ ông nội. Ông biết mình mang trong người chất độc da cam, nhưng không ngờ lại truyền nỗi đau sang thế hệ thứ ba của mình. Do di chứng của chất độc màu da cam, bé Nguyễn Linh Chi bị dị tật bẩm sinh không chân không tay, anh Nguyễn Đình Nam và cháu Nguyễn Đình Dũng mắc bệnh dị ứng máu.

Chị Thủy vẫn chực trào nước mắt mỗi khi kể về cuộc sống của bé Linh Chi từ lúc chào đời tới giờ. Cô bé không có tay để ôm bầu sữa mẹ, chỉ nằm tròn lăn lông lốc, đặt ngồi thì lại ngã…

Bố mẹ Chi mặc dù thương con nhưng cũng chỉ biết lo cho em một cuộc sống yên ổn trong ngôi nhà của mình. Cuộc sống âm thầm lặng lẽ với mặc cảm tật nguyền của Chi đã không thay đổi nếu Nick không sang Việt Nam. Chị Thủy nhớ lại cảnh ngày đưa Chi vào học lớp 1, ngay cả bản thân chị cũng xấu hổ và tủi thân khi con mình bị các bạn trêu chọc. Chị vẫn nhớ mãi cái cảm giác bế bé Chi đi học. Cảm giác xấu hổ mà không dám bế con mình đi khai giảng. Khi bế con đi xin học, các bạn cùng lớp cứ bám theo trêu chọc nói cái con không tay, không chân, thậm chí còn véo cả chân bé nữa.

Anh chị đã phải tạo niềm tin cho con và củng cố cả quyết tâm cho chính mình để nuôi nấng bé Linh Chi. Tình thương của họ được gửi gắm qua những lời động viên khiến Chi tin rằng tay chân của em sẽ mọc khi em lớn. Và khi nhìn thấy sự tự tin của Nick, chị mới nhận ra rằng, tại sao mình thương con mà bao nhiêu năm lại phải giấu con sự thật. Chị Thủy đã đưa Chi về Hà Nội, xin cho con được đứng từ xa để thấy hình ảnh của Nick, để con có ý chí vươn lên. Nhưng hơn cả sự mong đợi của hai mẹ con, cô bé không tay chân của Việt Nam đã được lên giao lưu cùng Nick.
Để chắp cánh cho ước mơ của người con mình, gia đình anh chị Nam – Thủy đã đưa bé xuống Hà Nội lắp tay chân giả, giúp bé có những thuận lợi hơn trong cuộc sống. Suốt từ tháng 6 tới nay, bé Chi cùng với người mẹ của mình đã ở Trung tâm chỉnh hình để luyện tập cho những bước đi “đầu đời”.

Như hiểu cho tấm lòng của bố mẹ, cảm nhận được tình yêu thương bao la đó, bé Linh Chi dù thấy khó khăn nhưng càng quyết tâm bước đi thật vững. Dù không có chân tay, Linh Chi đã tập đi trên hai ống inox, em còn có thể cầm đồ vật, rót nước uống, mời khách. Chi cũng đã biết đọc và tập viết chữ bằng cách kẹp viết vào cằm, dù em viết chậm so với bạn.

Ngoài niềm vui học hát, múa với bạn bè, Chi còn rất thích đọc thơ và vẽ tranh. Hiện cô bé đang theo học trường tiểu học Nguyễn Thái Học, và nhờ sự dạy dỗ tận tình của các thầy cô, 2 năm gần đây, Linh Chi đã biết đọc, biết viết. Dù không có tay lành lặn, em vẫn viết được nét chữ khá đẹp và ngay ngắn.

Thật không thể kìm được nỗi xúc động của mình khi chứng kiến cảnh bé Chi học bài, tập viết chữ. Cây bút được kẹp bằng má và “đoạn khuỷu tay” của bé. Cứ thế, cô bé vẫn miệt mài đến trường với bạn bè.

Mặc dù phải chịu đựng bệnh tật và bị thiệt thòi quá nhiều so với bạn bè cùng trang lứa, nhưng hai chị em Nguyễn Linh Chi vẫn quyết tâm đến trường và luôn luôn mong muốn học thật giỏi để trở thành những con người có ích cho xã hội. Đến nay, nhờ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm và các bác sỹ giỏi, Chi đã được làm chân tay giả để tạo điều kiện tốt hơn trong học tập và sinh hoạt của em. Tuy nhiên, với điều kiện gia đình còn nhiều khó khăn, để có thể đảm bảo cuộc sống và nuôi dưỡng hai người con không lành lặn của mình, vợ chồng anh Nguyễn Đình Nam còn phải vượt qua muôn vàn khó khăn phía trước.

B.VỀ LAO ĐỘNG:
I.Tô Văn Đận-Cựu chiến binh vượt khó làm giàu

Trước năm 1996, cuộc sống gia đình ông Đận vô cùng khó khăn, ăn không đủ khiến ông phải rời quê hương Phú Xuyên (Hà Nội) lên Hòa Bình lập nghiệp. Không tiền, không nhà, hai bàn tay trắng, vợ chồng ông phải đi ở nhờ. Tuy nhiên, CCB Tô Văn Đận luôn có phẩm chất không khuất phục trước khó khăn, thử thách của người lính. Vợ chồng ông mưu sinh đủ thứ nghề, từ việc luộc ốc bán, trồng từng luống hành ven đường để bán kiếm tiền sống qua ngày. Vượt qua giai đoạn khó khăn, gia đình ông tích góp, vay mượn, thuê được 1 ha đất tại xóm Cộng, xã Quy Hậu. Vợ chồng, con cái cùng đồng lòng phá keo trồng mía. Trời không phụ công sức của những người nông dân cần mẫn, vụ mía đầu tiên, gia đình thu được 230 triệu đồng.

Ông Tô Văn Đận, xóm Tân An, xã Quy Hậu (Tân Lạc) chăm sóc diện tích rau, màu chuẩn bị thu hoạch để bán dịp Tết Nguyên đán.

Vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, từ năm 2009 - 2014, mỗi năm, gia đình ông thu nhập từ 350-400 triệu đồng từ trồng trọt trên đất đi thuê. Cuối năm 2014, ông quyết tâm mua 4 ha đất đồi và cải tạo, san lấp xây dựng mô hình VAC. Năm 2015, ông mạnh dạn đầu tư 1,5 tỷ đồng cho mô hình kinh tế VAC. Với 3.000 m2 ao cá và trồng các loại cây gồm: 1.000 gốc cam Canh, 500 gốc cam lòng vàng, 500 gốc cam V2, 300 gốc quất cảnh, 50 gốc bưởi, 300 gốc táo, 500 gốc ổi và nhiều loại rau màu, bí xanh, cà chua.

Để mô hình VAC của gia đình đạt hiệu quả cao, ông Đận không ngừng tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc, áp dụng tiến bộ KH-KT để tạo ra những sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. ông Đận chia sẻ: Đối với bất cứ loại cây nào đều có đặc điểm sinh trưởng và phát triển riêng. Chính vì vậy phải nắm được những đặc điểm của từng loại cây để chăm sóc đúng theo giai đoạn sinh trưởng. Tôi thường xuyên học tập kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi trên báo chí. Có bất cứ băn khoăn nào về kỹ thuật, tôi gọi điện trực tiếp theo số điện thoại đường dây nóng để được các chuyên gia tư vấn. Gia đình luôn hướng đến những sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng. Các loại cây ăn quả, rau, màu không phun thuốc sâu mà sử dụng thuốc tự chế từ thảo dược tự nhiên. Ví dụ như khi cây bị nhệt đỏ, tôi sử dụng công thức pha 2 muỗng dầu ăn+1 chén nước rửa bát hoặc sử dụng nước sạch xịt thật mạnh, nhệt đỏ sẽ chết. Cây trồng bị sâu bệnh hại, tôi ngâm tỏi, gừng để phun. Bón phân cho cây trồng tôi sử dụng hàm lượng đạm và phân hóa học rất ít, chủ yếu bón phân chuồng; ủ lên men đậu tương với mật mía sẽ đảm bảo đất tốt và không bị bạc màu cho chất lượng quả ngọt đậm đà.

Tạo ra những sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng là phương châm hàng đầu của ông Đận. Đó cũng là lý do cam, quýt, cà chua… của gia đình ông Tô Văn Đận luôn “cháy” hàng. Các siêu thị và cửa hàng hoa quả sạch tại Hà Nội tìm đến trang trại nhà ông Đận để đặt hàng. Năm 2016, trừ chi phí đầu tư, gia đình ông thu về khoảng 300 triệu đồng. Mô hình VAC của CCB Tô Văn Đận tạo việc làm cho 20 lao động thời vụ và 4 lao động chuyên nghiệp với mức lương từ 3-4 triệu đồng/tháng.

Chăm chỉ, cần mẫn và sáng tạo đã giúp gia đình CCB Tô Văn Đận trở thành hộ có thu nhập khá trong xã. Năm 2015, ông là đại diện tiêu biểu của huyện Tân Lạc tham dự Đại hội thi đua yêu nước tỉnh và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong sản xuất.

II.Văn Viết Lộc

Anh Văn Viết Lộc là công nhân bậc 7/7- Tổ trưởng sản xuất Tổ Gia công cơ khí - Xía nghiệp Điện cơ Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng. Anh sinh ra trong gia đình có nghề gia công cơ khí. Từ thuở nhỏ, khi còn là học sinh, mỗi khi đi học về thấy cha chạm trổ hình con rồng, con phụng trên các tấm inox với những đường nét tinh tế, sắc sảo, anh đã mê mẩn nồi dõi theo từng nhịp búa nhẹ nhàng của cha theo từng đường nét. Anh cảm thấy thú vị khi cha chỉ cần dùng lực rất nhẹ để gõ và thay đổi mũi chạm - cũng theo một cách nhẹ nhàng, uyển chuyển, thế là những hình hài uốn lượn của rồng phụng dần hiện ra. Sau này anh mới hiểu đó là nghề tay trái của cha, còn nghề chính của cha là thợ tiện, nguội, phay bào. Từ những khám phá mới mẻ của chính mình về công việc chạm trổ của cha, anh đã "xung phong" làm phụ với cha và được ông bày vẽ phân tích cặn kẽ.

Sau ngày giải phóng, cha anh được nhận vào làm việc tại nhà máy phát điện Đà Nẵng. Thời ấy, vận hành máy điện diesel, ông cũng như những công nhân khác rất vất vả nhưng luôn đầy say mê. Với vai trò là một Tổ trưởng sản xuất xưởng tiện nguội, ông đã có nhiều sáng kiến đóng góp để phục vụ ổn định nguồn điện. Tâm sự với chúng tôi, anh Lộc kể, một hôm anh đọc báo và bất ngờ nhận ra bức hình cha mình trên trang báo, ông được tôn vinh trong một bài viết: “Sáng Kiến đúc bạc Turbo GM2500KW trên máy tiện”. Bất ngờ và vui sướng, anh mang tờ báo về tặng cha. Anh cảm thấy rất hãnh diện về người cha của mình và tự nhắc nhở mình cũng phải cố gắng phấn đấu theo tấm gương của ông. Người cha tài hoa ấy đã sinh ra những người thợ tài hoa, anh Lộc có người em trai Văn Viết Phúc làm việc cùng Tổ gia công cơ khí, là những người có tay nghề giỏi trong xưởng.

Sau khi tốt nghiệp khóa học trường điện, tháng 10 năm 1981, anh được phân công về làm công nhân cơ khí thuộc Phân xưởng Phát điện Liên Trì, Sở điện lực Quảng Nam- Đà Nẵng.

Năm 1983 theo lệnh nhập ngũ, anh tham gia nghĩa vụ quân sự tại Savanakhet – Lào, đơn vị kỹ thuật Trung đoàn 509.  Trong thời gian tại ngũ, anh đã được trau dồi thêm nghề nghiệp của mình.

Năm 1986, anh ra quân, trở về tiếp tục làm việc tại Phân Xưởng Phát Điện Liên Trì - Điện lực Đà Nẵng.

Năm 1987, anh lập gia đình và sinh được 2 cô con gái. Năm 2008, biến cố đau buồn đã xảy ra với gia đình anh - vợ anh bị bệnh hiểm nghèo và qua đời, một mình "gà trống nuôi con", chăm sóc hai con ăn học. Các cháu thương cha nỗ lực học tập, cả hai đến nay đã ra trường và đang chờ xin việc làm.

Trong quá trình công tác của mình, anh luôn được cấp trên và đồng nghiệp ghi nhận về tinh thần trách nhiệm, ý chí quyết tâm và khả năng sáng tạo trong công việc. Để hoàn thành tốt kế hoạch, nhiệm vụ sản xuất của hàng năm, với vai trò Tổ trưởng sản xuất, anh cùng anh em trong Tổ bàn bạc, lập kế hoạch chính xác với giải pháp hợp lý để hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc, đáp ứng yêu cầu về năng suất lao động và đảm bảo thu nhập cho anh em. Số lượng công nhân trong tổ còn hạn chế, trong khi đó công việc thì rất đa dạng: Gia công cơ khí lắp ghép, gia công các loại xà biến áp, gia công các loại cột sắt, sửa chữa máy phát điện lưu động, khắc phục sự cố thiết bị điện, máy cắt, dao cách ly, cải tạo nắp máy biến áp, phục hồi sửa chữa két giải nhiệt máy biến áp... Trong tình hình đó, anh đã điều hành công việc một cách linh hoạt, sắp xếp, phân công hợp lý để đảm bảo hoàn thành toàn diện nhiệm vụ được giao.

Trong lao động, anh là tấm gương cần cù, sáng tạo, luôn sát cánh cùng anh em vượt qua mọi khó khăn trở ngại để hoàn thành nhiệm vụ chung của Tổ. Anh luôn suy nghĩ, tìm tòi sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm sức lao động cho anh em bằng những sáng kiến của mình; nhiệt tình hướng dẫn, giúp đỡ, bồi dưỡng kiến thức, tay nghề cho anh em nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Với những phẩm chất và hiệu quả thực thi nhiệm vụ được giao, anh luôn nhận được sự tin tưởng của lãnh đạo Xí nghiệp, được tập thể tín nhiệm và tôn trọng. Anh luôn là một Tổ trưởng gương mẫu trong lao động sản xuất, trong học tập cũng như trong sinh hoạt ới lối sống lành mạnh, thực hiện nghiêm túc nội quy, quy chế đơn vị, chấp hành tốt các chính sách pháp luật của Nhà nước.

Về sự sáng tạo trong công việc, có thể nói ở anh đã thể hiện một tố chất rất rõ ràng, với bề dày của cả một quá trình lao động sáng tạo đầy nỗ lực và tâm huyết. Sáng tạo với anh trở thành một niềm đam mê. Anh tâm sự, tất cả những tìm tòi, suy ngẫm của mình trong công việc cũng chỉ với mục tiêu là đưa công việc tiến triển nhanh hơn, sản phẩm đẹp, chất lượng hơn mà công nhân của mình lại đỡ vất vả, Tổ mình có thể hoàn thành khối lượng công việc lớn hơn để thu nhập, đời sống của anh em tốt hơn. Do vậy, trước bất cứ vấn đề gì anh đều động viên anh em suy nghĩ tìm giải pháp và bản thân mình gương mẫu chủ động tìm kiếm giải pháp mới mẻ, hiệu quả để áp dụng. Với việc tự ra đề và tự giải những "bài toán" trong thực tiễn công tác, anh đã tích lũy được một danh sách sáng kiến đầy tự hào và đáng nể phục. Chỉ tính từ 2009 đến nay, anh đã có 07 sáng kiến được công nhận, đóng góp một giá trị làm lợi đáng kể đối với hoạt động sản xuất kinh doanh tại đơn vị.

Với quá trình lao động sáng tạo của mình, liên tục trong các năm 2009 - 2013, anh được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; đặc biệt, năm 2011, anh còn nhận được danh hiệu Chiến Sĩ thi đua Bộ Công Thương. Với những thành tích đó, anh cũng đã nhận được các hình thức khen thưởng các cấp: Năm 2010: Giấy khen Công đoàn Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng; năm 2012 - Bằng khen  Bộ Công thương; năm 2013 - Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Bằng khen UBND Thành phố Đà Nẵng; Bằng khen Thủ tướng Chính phủ; Công đoàn Điện lực Việt Nam tặng danh hiệu Công nhân Lao động giỏi tiêu biểu giai đoạn 2011 – 2013

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro