Được Lòng Người và Tháp Nhu Cầu Của Maslow

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thỉnh thoảng từ blog, fanpage và ask tôi lại nhận được những câu hỏi như : Làm thế nào để đọc hiểu người khác? Bạn có thể giới thiệu vài cuốn sách tâm lý để đọc vị người khác hay không? Bạn thường đọc mấy sách như thế nào? Thú thật khi nhận mấy câu hỏi như thế này tôi rất ngại trả lời, phần vì tôi rất ít đọc sách, có chăng chỉ đọc sách giáo khoa của trường. Bởi vì với tôi, sách giáo khoa cung cấp những kiến thức cơ bản cần biết, còn lại phải phụ thuộc vào từng người để phát triển góc nhìn, suy nghĩ dựa trên những kiến thức cơ bản ấy. Thế nên đọc sách giáo khoa là đủ, còn lại, hãy xông pha ra bên ngoài trải nghiệm, tự gom lấy kiến thức riêng cho bản thân vì những gì bạn đọc trong sách chưa hẳn đã dùng được với bạn. Đọc trăm cuốn sách chẳng bằng lang bang ngoài đời. Tất nhiên, mớ lí lẽ trên cũng coi như biện luận cho cái sự lười của tôi đi. Phần còn lại thì với tôi, đa số những cuốn sách tâm lý về đọc vị người khác đều xoay quanh học thuyết căn bản trong bộ môn tâm lý mà tôi chuẩn bị nói dưới đây, được các tác giả phát triển dưới góc nhìn, kinh nghiệm của cá nhân họ. Một khi bạn đã hiểu được thuyết đó bạn sẽ thấy đa số các cuốn sách bán ngoài kia có thể có cách diễn đạt khác nhau nhưng đều có chung một nguồn cội.

Học thuyết mà tôi muốn nói ở đây chính là tháp nhu cầu của Maslow. Học thuyết này được Abraham Maslow giới thiệu vào năm 1943 trong bài viết "Thuyết Về Động Lực Con Người" của ông. Học thuyết dựa trên sự quan sát của ông về bản năng của con người. Tháp nhu cầu được mô tả theo hình kim tự giáp với những bậc lớn nhất, cơ bản nhất ở dưới cùng và mỗi bậc là mỗi nhu cầu cần thỏa mãn, khi nhu cầu bậc dưới được cung cấp đầy đủ thì con người sẽ hướng lên bậc cao hơn. Nếu nhu cầu không được thỏa mãn trong thời gian dài thì sự cần thiết để thỏa mãn nhu cầu đó càng tăng lên. Ví dụ như bạn càng nhịn ăn lâu thì bạn càng đói hơn.

Tháp nhu cầu cơ bản của Maslow gồm có năm tầng, từ dưới đếm lên:

-Tầng 1: Physiological needs- Nhu cầu sinh lý chính là nhu cầu ăn uống, ngủ nghỉ, tình dục.

-Tầng 2: Safety needs- Nhu cầu an toàn cảm giác yên tâm về nơi ở, công ăn việc làm, gia đình, sức khỏe.

-Tầng 3: Love-belonging need- Nhu cầu được giao lưu tình cảm, trực thuộc vào cộng đồng nào đó, được gia đình, bạn bè vui vầy. Một số trang khác còn gọi nhu cầu này là nhu cầu được thuộc về, giao lưu, hòa nhập vào xã hội.

-Tầng 4: Self-esteem – Nhu cầu được kính trọng, cảm giác được tin tưởng và tôn trọng được tự tin.

-Tầng 5: Sefl actualization – Nhu cầu tự thể hiện bản thân, muốn sáng tạo, muốn thể hiện mình, muốn được người khác công nhận

Vị trí các tầng trong tháp nhu cầu có thể thay đổi theo từng xã hội. Đối với những nước theo chủ nghĩa xã hội như Việt Nam, thì nhu cầu phụ thuộc vào xã hội, giao lưu tình cảm vượt lên trên nhu cầu được tự do, được thể hiện bản thân. Còn đối với những nước theo chủ nghĩa tư bản thì họ tập trung vào cá nhân, cải thiện bản thân hơn.

Vậy thì học thuyết này có liên quan gì đến việc hiểu người khác suy nghĩ cái gì? Ngược lại nó có liên quan rất lớn. Mỗi người đều có động lực để làm việc, học tập để thỏa mãn năm nhu cầu này. Nhìn một người bạn có thể đoán được họ ở tầng nào trong tháp nhu cầu, thông qua đó xác định được họ muốn tiến lên tầng thứ mấy và phần nào đoán được họ đang suy nghĩ gì và muốn gì vì những gì họ làm đều xoay quanh việc thỏa mãn tầng nhu cầu hiện tại và vươn lên tầng tiếp theo. Ví dụ như người mới có công ăn việc làm ổn định sẽ có nhu cầu mong muốn được hòa đồng, được chào đón trong chỗ làm. Đối với những người như vậy, chỉ cần bạn mỉm cười, khích lệ họ, họ sẽ cảm kích bạn rất nhiều. Đối với những người đi làm lâu, họ có lượng đồng nghiệp bạn bè rồi thì họ sẽ tiến đến tầng nhu cầu được tôn trọng. Với những người này thì việc bạn lắng nghe họ nói chuyện, hoặc chào họ bằng tên là đã thỏa mãn nhu cầu của họ, khiến họ yêu quý bạn hơn. Còn với các bạn học sinh, sinh viên thì họ có nhu cầu được yêu thích, thuộc về một nhóm bạn bè nào đó, bạn chỉ cần cởi mở, nói chuyện với họ, hòa nhã, lịch thiệp vậy thì bạn đã gầy dựng được hảo cảm với họ rồi.

Phần lớn mọi người ở Việt Nam thuộc giai cấp trung lưu. Tức là họ có chỗ ở, việc làm, hoặc đi học, có cơm ăn nước uống và không phải lo bị đói, bị khát. Tức là phần lớn người ở Việt Nam đã thỏa mãn hai tầng cơ bản nhất trong tháp như cầu chính là tầng sinh lý và tầng an toàn. Những hoạt động, suy nghĩ, hành động của họ vì thế sẽ xoay quanh việc thỏa mãn tầng thứ ba, thứ tư tức là nhu cầu được giao lưu tình cảm, và trực thuộc đoàn nhóm và nhu cầu được kính trọng. Đặc biệt, đối với những bạn trẻ trong độ tuổi hai mươi, học sinh, sinh viên thì việc đáp ứng nhu cầu thứ ba và thứ tư dường như là cần thiết nhất, sự thiếu hụt trong nhu cầu này dễ dẫn đến các bệnh tâm lý như trầm cảm.

Trong số các cuốn sách thuộc về mảng hiểu được lòng người mà tôi đã được đọc thì tôi thích nhất cuốn Đắc Nhân Tâm của Dale Carnegie, theo ý kiến của riêng tôi thì đó là cuốn hay nhất, áp dụng thực tiễn của tháp nhu cầu mà tôi nói trên. Vì vậy, tôi sẽ phân tích vài quy tắc trong cuốn Đắc Nhân Tâm dưới góc nhìn tháp nhu cầu để các bạn có thể hiểu rõ hơn.

Quy tắc thứ ba, "Phải nhớ rằng tên một người đối với người đó là một âm thanh quan trọng và êm tai hơn hết thảy những âm thanh khác".

Tức là muốn đạt được thiện cảm của một người, hãy luôn nhớ tên họ và gọi họ bằng tên đó chứ không phải bằng này, ê...

Vậy thì quy tắc thứ ba này là áp dụng tầng nào trong tháp nhu cầu? Quy tắc này áp dụng tầng thứ tư, nhu cầu được kính trọng. Tên là tài sản cha mẹ ban cho con cái từ khi mới ra đời và gắn liền với họ suốt cả cuộc đời. Khi bạn được một người xa lạ chỉ gặp một hai lần mà nhớ tên mình, bạn sẽ cảm thấy như mình được tôn trọng và có ảnh hưởng đến người đó. Việc Dale Carnegie khuyên bạn nên nhớ tên bất cứ người nào bạn gặp chính là khuyên bạn nên áp dụng tầng thứ tư. Tôi đi làm ở một tiệm nail bên này để trang trải việc học, mỗi người khách tôi đều nhớ tên của họ, có một số người lâu lắm mới đến, nghe tôi chào họ bằng tên thì rất ngạc nhiên, họ cười vui vẻ và bảo rằng không ngờ tôi vẫn nhớ tên họ. Và thế là những lần sau họ đến đều đòi tôi làm móng cho họ. Tôi có được những người khách trung thành với mình đều là nhờ việc áp dụng nhu cầu được kính trọng này. Bất kể họ thuộc tầng lớp nào, họ luôn có nhu cầu mong muốn người khác coi trọng thế nên hễ đến tiệm tôi làm móng, tôi đều mỉm cười chào đón họ mặc kệ tiền hoa hồng họ cho tôi nhiều hay ít chứ không như những người khác chửi xéo hay móc ngoáy họ. Bởi thế nên mỗi khi có khách hàng tranh chấp gì, lời tôi nói luôn được họ lắng nghe và suy nghĩ, hoặc ít ra là tôi chưa bị chửi bằng những từ ngữ nặng nề. Tôi cho họ sự tôn trọng, họ cũng làm như vậy với tôi.

Một số các quy tắc được kể ra trong cuốn này đều là áp dụng thực tiễn của tầng thứ tư này. Ví dụ như biết chăm chú nghe; và khuyến khích người khác nói tới họ, một người kêu nài, phản kháng chỉ để tỏ cái quan trọng mình và mong muốn người khác chú ý đến.

Hôm bữa có cô em tâm sự với tôi rằng cô mới cãi nhau với ba mẹ và buồn lắm, giờ đây cô chỉ muốn trốn trong cái góc của mình, không muốn nói chuyện với ai hết. Phải làm sao để trung hòa các mối quan hệ đây? Tôi dùng cái nhu cầu được tôn trọng này để khuyên em mà trong cuốn Đắc Nhân Tâm viết lại là

Vậy muốn cho người khác theo ý kiến mình, xin bạn nhớ quy tắc thứ ba sau này:

"Khi bạn lầm lỡ, hãy vui lòng nhận lỗi ngay đi".

Tôi bảo với em, khi ba mẹ la em, dù em nghĩ mình có lỗi hay không cũng phải xin lỗi ba mẹ trước vì họ la em có nghĩa là họ phiền lòng về em, dù bất cứ lý do gì đi chăng nữa, làm cha mẹ phiền lòng cũng là một lỗi. Ngoài ra, việc em cãi nhau với ba mẹ chính là việc em đi ngược lại nhu cầu được tôn trọng tôn trọng của họ. Đa số người lớn lúc nào cũng nghĩ là ý kiến họ đúng, em là hậu bối, em cãi lại họ chẳng khác nào bảo họ là sai rồi, lòng tự tôn của họ sao mà chịu được, cơn giận nổi lên, làm sao mà họ nghe em? Họ cũng như em, chăm chăm bảo vệ ý kiến của mình. Dù cho họ biết là họ sai, họ cũng sẽ không nhận, vì thế chẳng khác nào bảo họ thua cả một đứa con nít. Vậy thì em có thể làm gì? Việc đầu tiên là em phải hạ cơn giận của họ xuống bằng cách xin lỗi. Vì như thế họ sẽ cảm thấy em biết rằng họ đúng, em tôn trọng họ, lời nói của họ em để trong lòng. Em làm thế chính là em đảm bảo nhu cầu được tôn trọng của họ, điều đó sẽ khiến họ bớt giận lại. Lúc này chính là lúc để em bày tỏ ý kiến của bản thân. Khi em nói, "Con xin lỗi vì làm ba mẹ buồn. Ba mẹ có thể nghe con nói một số suy nghĩ của con được không?" một cách nhẹ nhàng, khép nép, họ sao có thể từ chối, không cho em nói ra suy nghĩ của mình chứ? Nếu từ chối thì chính là tát ngược họ lại, chứng minh rằng họ là người nhỏ nhen, không biết lắng nghe, không biết lý lẽ. Việc em xin lỗi trước rồi bày tỏ ý kiến sau với tông giọng nhẹ nhàng, và phải đầy vẻ hối hận buộc họ vào tình huống phải nghe em nói và suy nghĩ về những lời em nói, giúp em giải tỏa được bản thân, chứng tỏ rằng em cũng có suy nghĩ, còn giúp em thoát khỏi bị nói là mất dạy, bướng bỉnh.

Đó là một số quy tắc trong Đắc Nhân Tâm mà tôi thấy rõ nhất việc áp dụng nhu cầu thứ thứ tư vào thực tiễn. Và hầu hết những nguyên tắc trong quyển sách này đều xoay quanh việc đáp ứng nhu cầu được tôn trọng của người khác để đổi lấy sự tôn trọng và lắng nghe của người khác dành cho mình.

Một số các quyển sách khác mà tôi đọc thường chọn diễn giải từng cung bậc nhu cầu theo góc nhìn tác giả. Như những cuốn Hạt Giống Cho Tâm Hồn, Đừng Bao Giờ Từ Bỏ Ước Mơ chọn nhu cầu thứ năm, nhu cầu được thể hiện bản thân, sáng tạo, được người khác công nhận để mở rộng ý tưởng. Hay có những cuốn như Yes or No- Những quyết định thay đổi cuộc sống, nhấn mạnh vào việc bạn nên quyết định làm chuyện bạn cần làm hơn là những chuyện bạn muốn làm, dẫn dắt bạn nhìn nhận lại những nhu cầu cần được thỏa mãn của bản thân, hay nói cách khác, xác định vị trí của bạn trong tháp nhu cầu và những gì bạn cần làm để hướng lên trên.

Nhu cầu được tôn trọng dường như luôn đi kèm với nhu cầu được yêu thượng, trực thuộc xã hội. Với các bạn học sinh, sinh viên thì việc có một nhóm bạn chơi thân hay một hai người bạn thân kè kè bên nhau là điều quan trọng hơn cả việc có bạn trai. Tôi từng nhận rất nhiều câu hỏi bày tỏ nỗi lòng vì bị bạn bè xa cách, anh chị, ba mẹ không hòa thuận, việc này phản ánh nhu cầu thứ ba chưa được đáp ứng dẫn đến việc bạn trở nên buồn bã thường xuyên hơn, qua thời gian dài bạn có thể phát triển thêm một số bệnh tâm lý như trầm cảm. Đối với mỗi người tôi có mỗi lời khuyên khác nhau. Nhưng cái mà tôi muốn nói ở đây với các bạn, người nào đã làm anh, làm chị, hoặc chuẩn bị làm cha, làm mẹ tương lai chính là hãy bảo đảm nhu cầu thứ ba và thứ tư với con em bạn để có được một mối quan hệ tốt nhất, hãy tôn trọng, yêu thương, và lắng nghe khi chưa là quá muộn.

Tôi nghĩ mình viết thế này đã đủ dài để kết thúc rồi. Hy vọng các bạn có thể đọc và hiểu được những gì tôi muốn truyền tải. Chỉ cần bạn hiểu được tháp nhu cầu này và thử phân tích vài cuốn sách nói nói về việc có được lòng người khác dưới góc nhìn này bạn sẽ thấy nó thường xoay quanh tầng thứ ba, thứ tư là nhu cầu được yêu thương và tôn trọng. Còn những cuốn sách về tự lực (self help) thì thường xoay quanh tầng thứ tư và tầng thứ năm, nhu cầu được tôn trọng, tự tin, và nhu cầu được thể hiện bản thân. Việc hiểu được tháp nhu cầu này sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc hiểu được người khác suy nghĩ gì và mình phải làm sao. Tuy nhiên việc áp dụng tháp nhu cầu này không phải là dễ và đúng trong mọi trường hợp, nó là học thuyết cơ bản còn cần bạn trải nghiệm và sửa đổi sao cho hợp lý với đời sống và mục đích của bạn.

________________


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro