Mộ Nguyễn Bỉm Khiêm

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chuyện ly kỳ quanh những cuộc tìm mộ nhà tiên tri Nguyễn Bỉnh Khiêm
Thứ Năm, 18/04/2019 06:50 AM GMT+7
(VTC News) - Một nhóm các nhà ngoại cảm, khảo cổ, đã đào một ngôi mộ ở địa phận Hải Phòng, hoặc Tứ Kỳ, và cho đó là mộ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm?


Kỳ 1: Nhà tiên tri muốn "gặp" nhà báo
Mấy năm nay, người dân cả nước, đặc biệt là các nhà quản lý văn hóa, khảo cổ, tâm linh đều quan tâm đến câu chuyện tìm mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhân vật xuất chúng lỗi lạc, được coi là nhà tiên tri của Việt Nam.
Chính vì thế, mỗi khi rộ lên một thông tin gì liên quan đến mộ của cụ, người dân cả nước lại quan tâm sát sao, báo chí vào cuộc đưa tin, với đầy hy vọng.
Còn nhớ, suốt hai năm 2016 và 2017, chuyện tìm mộ cụ sốt nóng trên các phương tiện truyền thông. Nhưng rồi, cuối cùng, chuyện tìm thấy mộ cụ lại thực sự hết sức tào lao, như câu chuyện dựng lên, bịa tạc, khiến nhiều người hụt hẫng, mất hết niềm tin vào các nhà nghiên cứu, phương pháp tìm mộ bằng tâm linh, thậm chí là cả những nhà khảo cổ học uy tín.
Mới đây, phóng viên Báo điện tử VTC News, khá ngỡ ngàng, khi một người mà phóng viên chưa từng quen biết bao giờ đã gọi điện và đề nghị muốn được gặp nhà báo. Chị nói, chị có khả năng thông linh với "cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm" và chính cụ nói với chị là hãy gặp nhà báo Phạm Dương Ngọc để bàn và lo cho chuyện của cụ.
Chuyen ly ky quanh nhung cuoc tim mo nha tien tri Nguyen Binh Khiem hinh anh 1
Chiếc quách gỗ được cho là chứa hài cốt của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, đào được năm 2014.
Thấy câu chuyện thú vị, dù có hơi hướng hoang đường, nhưng phóng viên đã sắp xếp thời gian để được "gặp cụ", để có thêm thông tin về những cuộc tìm mộ cụ đang âm thầm tiếp diễn.
Đúng hẹn, đầu giờ chiều, trước mặt phóng viên là một người phụ nữ có khả năng tâm linh. Chị có khuôn mặt hiền lành, đức độ, khiêm tốn. Năm nay mới 40 tuổi, nhưng đã là tiến sĩ nhiều năm, hiện là giảng viên của một trường đại học danh tiếng ở thủ đô.
Câu chuyện về cuộc đời chị hết sức lạ lùng, nhưng cũng có nhiều nét tương đồng như những người có khả năng ngoại cảm ở Việt Nam, xuất hiện nhiều trong những năm gần đây.


Chị sinh ra trong một gia đình có gia thế. Bố mẹ vâ những người thân khác đều là cán bộ nhà nước, có chức tước. Bản thân chị cũng là trí thức. Từ nhỏ, chị chẳng quan tâm nhiều đến vấn đề tâm linh, việc thờ cúng chị cũng làm như mọi người bình thường. Ngày Rằm, mồng 1 đầu tháng chị cũng chỉ lòng thành thắp hương gia tiên và thỉnh thoảng có đi lễ chùa. Chị nói, ở Việt Nam có nhà ngoại cảm nào chị cũng không biết, người nào quá nổi tiếng thì chị cũng chỉ loáng thoáng nghe tên nhưng cũng không biết mặt. Cho nên, đến một ngày, chị tự dưng thành "nhà ngoại cảm", rồi đi gặp một nhà báo, truyền đạt câu chuyện nghe có vẻ hết sức hoang đường, là đều chị chẳng bao giờ nghĩ đến.
Theo lời chị, con đường chị được khai mở và dẫn dắt đến với tâm linh là hoàn toàn tự nhiên và bất ngờ chứ không phải do chị tự tìm đến với tâm linh. Chị nói, con đường này bắt đầu chính thức được mở ra từ cuối năm 2016. Từ đó cho đến nay, có biết bao nhiêu điều cực kỳ mới mẻ, vi diệu, huyền linh đã  được chị chứng ngộ. Câu chuyện gắn với chặng đường từ 2016 đến nay rất dài và chị nói là chị chỉ có thể kể tóm tắt để dẫn dắt vào việc chính mà chị muốn gặp nhà báo hôm nay để trình bày.
Chị kể, từ khi mang bầu đứa con thứ 3, chị luôn có những cảm nhận và đoán trước được kết quả về một số việc mà chị sắp làm. Khi chị sinh con vào giữa năm 2015, thì những tín hiệu chị cảm nhận được ngày càng rõ hơn. Nhưng tất cả chỉ mới dừng lại ở sự cảm nhận. Phải đến cuối năm 2016, theo lời chị kể, chị mới được "bề trên" về khai mở, truyền năng lượng và chị chính thức được dẫn dắt vào thế giới tâm linh một cách rõ ràng. "Đó là một thế giới hết sức trong sáng, cao siêu, kỳ diệu và trí tuệ vô biên, chứ không phải thứ vong ma ngoại cảm thông thường" – chị cho biết.
Một nhân vật thường xuyên dạy dỗ chị, là "Mẫu". Đó là bậc trí huệ, dạy dỗ chị, thử thách chị, và khai trí cho chị. Chị hay gọi là "mẹ". Ngoài ra, còn những nhân vật khác, mà chị đều coi là tối linh. Nhiều năm qua, ngoài lúc lên lớp giảng dạy, chị vẫn miệt mài, âm thầm "học tập" chăm chỉ, và được các bậc tối linh dẫn dắt, thử thách, rèn luyện hoàn thiện bản thân và khả năng đặc biệt, đó là khả năng thông linh với những bậc tối cao.
Chuyen ly ky quanh nhung cuoc tim mo nha tien tri Nguyen Binh Khiem hinh anh 2
Các nhà tâm linh, nhà nghiên cứu tìm hiểu tiểu gỗ.
Chị bảo rằng, trong quá trình hơn hai năm qua, chị cứ âm thầm tiếp nhận và chứng nghiệm mọi thông tin chị nhận được từ các bậc mà chị được phép thông linh. Chị ít khi tiết lộ khả năng của mình với ai. Chị chỉ cung cấp thông tin, trò chuyện với một số ít người. Ngay cả người thân trong gia đình cũng không biết gì về khả năng của chị.
Tôi hỏi rằng, trước đây chị có đi áp vong bao giờ không, chị bảo "không bao giờ", tôi lại hỏi "chị có đi học thiền, cảm xạ, mở luân xa, nhân điện...", thì chị thú nhận, có thời gian từng đi học môn cảm xạ khoảng 1 tháng, để rèn luyện sức khỏe.


Khi tôi đang trò chuyện để tìm hiểu khả năng của chị liên quan đến não bộ, thì chị lại nhắc đến những bậc tối linh. Nhưng, câu chuyện chị gặp tôi, lại khá kỳ lạ, khi liên quan đến cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, là bậc trí giả lỗi lạc sống cách nay nửa thiên niên kỷ.
"Tôi không làm gì, nói gì, hay gặp ai mà theo ý mình cả. Tất cả đều là sự sắp xếp của bề trên. Bề trên sai bảo điều gì, thì tôi làm như vậy. Nay gặp nhà báo, cũng là sự dẫn dắt của bề trên" – chị khẳng định lại như vậy.
Theo chị, lâu nay, một bậc mà chị thường xuyên được giao tiếp là cụ "Nguyễn Bỉnh Khiêm". Cơ duyên chị được giao tiếp với Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm và có cuộc gặp gỡ với nhà báo Phạm Dương Ngọc được chị kể tóm tắt như sau:
Vào cuối năm 2017, theo sự chỉ dẫn tâm linh của Mẫu – người thường xuyên dạy dỗ và sắp đặt mọi việc cho chị làm, chị đã xuống đền thờ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm để lễ. Chị nói, đó là lần đầu tiên chị xuống đền thờ của cụ. Khi xuống đó, cụ có thông linh với chị và có dặn là chị là hãy lo cho việc của cụ vào Tiết Xuân năm sau. Rồi từ thời điểm đó, chị đã được các bậc, trong đó có cụ dẫn dắt, sắp đặt và gieo duyên cho để từng bước làm rất nhiều việc nhằm giúp chị lo cho việc của cụ như cụ đã dặn. Đó chính là việc liên  quan tới mộ của cụ.
Chị kể, tháng 3 vừa rồi, cụ đã nói với chị là hãy đến gặp nhà báo Phạm Dương Ngọc để trao đổi những thông tin mà cụ đã cung cấp cho chị. Chị nói rằng, chị không biết nhà báo Phạm Dương Ngọc là ai nhưng khi nghe cụ nhắc đến họ tên nhà báo này, chị chợt nhớ ra là trong một chuyến đi Sa Pa với một đoàn nghiên cứu về đá khắc cổ vào cuối năm 2018, có một nhà nghiên cứu lịch sử đi cùng đoàn đã có nhắc tới nhà báo này trong câu chuyện kể dông dài trên đường đi từ Hà Nội lên Sa Pa.
Tiếp theo nữa, đầu năm 2019 chị có về đền Trần, Thái Bình để lễ và cũng đã nhờ nhà nghiên cứu lịch sử này dẫn đi. Chị hiểu ngay đó là một sự gieo duyên để cho chị làm tiếp công việc được giao. Vì vậy, chị đã nhờ nhà nghiên cứu lịch sử đó giúp chị kết nối với nhà báo Phạm Dương Ngọc.
Chuyen ly ky quanh nhung cuoc tim mo nha tien tri Nguyen Binh Khiem hinh anh 3
Nhà khảo cổ Nguyễn Lân Cường từng trực tiếp nghiên cứu chiếc tiểu gỗ được cho là chứa hài cốt cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Chị cũng nhấn mạnh rằng, bản thân chị, nếu nhờ vào mối quan hệ xã hội và mối quan hệ họ hàng hai bên nội ngoại thì tự chị cũng có thể kết nối để gặp nhiều nhà báo, nhưng Cụ lại trực tiếp chỉ dẫn là gặp nhà báo Phạm Dương Ngọc. Rồi mọi việc cứ được sắp xếp dẫn dắt để hướng chị gặp nhà báo này.
Chuyen ly ky quanh nhung cuoc tim mo nha tien tri Nguyen Binh Khiem hinh anh 4
Ngôi mộ mà một nhà tâm linh cho là của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Theo lời chị, thì "cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm nói" với chị rằng, hãy nói với nhà báo mấy ý sau;
Một là, các cuộc tìm mộ của cụ đã diễn ra trước đây đều là mộ gió.


Hai là, sắp tới, có một cuộc tìm mộ của cụ sẽ được tiến hành nhưng đó là mộ của một  vị Vua nhà Mạc chứ không phải mộ của cụ. Địa điểm tìm kiếm là nằm ngoài khu vực Hải Phòng.
Ba là, nhà báo hãy đợi mọi việc được tuyên bố công khai thì sẽ lên tiếng chính thức về cuộc tìm mộ này.
Bốn là, cụ hướng nhà báo quan tâm tới một ngôi mộ cổ ở xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Đây là một ngôi mộ cổ phát lộ đã nhiều năm nay trong quá trình khai thác đá và đất silic. Ngôi mộ cũng đã được nhiều nhà nghiên cứu phong thủy và cả nhà tâm linh cho rằng có thể là mộ của cụ. Cụ cũng dặn, các bước tiếp theo như thế nào, hãy làm theo đúng sự chỉ dẫn của cụ.
Mặc dù, câu chuyện của chị đầy sự huyễn hoặc, song tôi đã gọi điện cho một số cơ quan chức năng ở Hải Phòng, các nhà nghiên cứu ở địa phương. Tất cả họ đều khẳng định chưa được nghe chuyện gì liên quan đến việc khai quật mộ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm diễn ra gần đây cả.
Kỳ 2: Ngụy tạo chứng cứ biến quách gỗ chôn trẻ con thành cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm?
Kỳ 1: Nhà tiên tri muốn "gặp" nhà báo
Như đã nói ở kỳ trước, một nữ tiến sĩ đã đích thân gặp nhà báo Phạm Dương Ngọc theo chỉ dẫn của "cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm" để tố việc một nhóm nhà nghiên cứu, tâm linh đã âm thầm khai quật một ngôi mộ, ở một địa điểm bí mật, để công bố đã tìm thấy mộ Trạng Trình.
Dù câu chuyện đầy sự huyễn hoặc, song phóng viên đã tích cực vào cuộc tìm hiểu. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, phóng viên vẫn chưa xác minh được cuộc quật mộ nào diễn ra ở Hải Phòng hoặc Tứ Kỳ (Hải Dương) liên quan đến cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm theo lời "báo" cả.
Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu, thì phóng viên có được trong tay một tài liệu trình bày hết sức "khoa học", có vẻ như có sức thuyết phục cao, khẳng định việc tìm thấy mộ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm là thật. Tài liệu này có tên "Hành trình tìm chủ nhân ngôi mộ cổ phát lộ ngày 7 tháng 4 năm 2014 tại thôn Hạ Đồng, xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng". Tên hai cơ quan ghi ở phần đầu tài liệu dày 45 trang này gồm: Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người và Hội khảo cổ học Việt Nam.
Cuoc nghien cuu 'bai ban' ve ngoi mo cu Nguyen Binh Khiem hay nhung tro nguy tao? hinh anh 1
Các nhà khoa học, nhà tâm linh đang nghiên cứu chiếc quách gỗ mà họ cho là thứ cải táng xương cốt cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Sở dĩ, tôi nói tài liệu hết sức "khoa học", vì sử dụng hình ảnh, tên tuổi những nhân vận có uy tín, sức ảnh hưởng trong giới nghiên cứu, đặc biệt là PGS.TS Nguyễn Lân Cường, người rất có uy tín trong giới khảo cổ học Việt Nam. Tất nhiên, đây vẫn là ngôi mộ gây tranh cãi gay gắt vào thời điểm năm 2017.
Theo đó, vào 7/4/2014, bà Bùi Thị Hiền (tự xưng nhà ngoại cảm) cùng người dân thôn Hạ Đồng đào được một chiếc tiểu gỗ màu đỏ sẫm, có mùi thơm, có nhiều chữ nho, ở độ sâu 1,5m, tại sân nhà bà Hiền.


Trong tiểu gỗ có hài cốt đã cải táng còn nguyên hình hài, khi chuyển sang tiểu sành, xương bị vỡ vụn, chỉ còn một đoạn xương ống chân và chút xương đầu không bị vỡ vụn. Chiếc tiểu sành có hài cốt chuyển sang được đem đi chôn, còn tiểu gỗ được người dân đem ra bờ sông cọ rửa, lưu lại trong sân nhà bà Hiền đến đầu tháng 5/2014. Lúc đó, bà Bùi Thị Hiền thường xuyên "trò chuyện" cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm và tin rằng đó mà mộ cụ.
Đầu tháng 5, nhà văn Nguyễn Thụy Kha, người tích cực nghiên cứu về cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, mang chiếc tiểu gỗ về Hà Nội. Ông thuê một căn phòng ở 59 Tràng Thi, bảo quản chiếc tiểu gỗ, lập bàn thờ. Chiếc tiểu gỗ được lưu ở đây cho đến ngày 7/12/2016. Các nhà ngoại cảm, các nhà nghiên cứu thường xuyên đến "gọi vong cụ" và nghiên cứu chiếc tiểu này.
Cuoc nghien cuu 'bai ban' ve ngoi mo cu Nguyen Binh Khiem hay nhung tro nguy tao? hinh anh 2
Tiểu gỗ khi mới được đào lên, và sau khi rửa sạch. Phần mái đã bị sập hoàn toàn.
Sau đó, là liên tục các cuộc làm việc của "trung tâm tìm mộ" với bà Bùi Thị Hiền tại nhà bà Hiền, gồm các GS.TS khả kính, các nhà ngoại cảm, các nhà nghiên cứu tâm linh và những nhà trí thức quan tâm đến việc tìm mộ cụ.
Điều đáng quan tâm, là PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam đã lấy mẫu gỗ gửi đến Trung tâm Hạt nhân TP.HCM để xác định niên tại gỗ làm tiểu bằng phương pháp carbon phóng xạ. Kết quả khẳng định mẫu gỗ có tuổi trên dưới 1.700 năm.


Với những người có hiểu biết, thì kết quả này không có ý nghĩa gì nhiều. Nhưng, mẫu gỗ đã khẳng định chắc chắn là cái cây mọc lên trước khi cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm ra đời. Nếu mẫu gỗ có tuổi dưới 500 năm, thì bác luôn thông tin đây là mộ cụ.
Cụ Nguyễn Văn Duyệt, 91 tuổi, nhà nho, trú thôn Ngãi Am, xã Hòa Bình (Vĩnh Bảo, Hải Phòng), là người được mời đến nhà bà hiền khoảng 2 tuần sau khi đào được mộ. Cụ là người đầu tiên và duy nhất đọc được hai chữ trực tiếp trên tiểu gỗ trước khi chữ bị mờ theo thời gian. Hai chữ đó là "Nguyễn Bình".
Cuoc nghien cuu 'bai ban' ve ngoi mo cu Nguyen Binh Khiem hay nhung tro nguy tao? hinh anh 3
PGS.TS Nguyễn Lân Cường, chuyên gia khảo cổ hàng đầu Việt Nam (quần áo trắng bên phải) rất tích cực nghiên cứu ngôi mộ này.
Nhà giáo Ngô Văn Hiển, người chụp được những bức ảnh tiểu gỗ đầu tiên rất quý. Sau đó, cụ Lương Bắc Tưởng, nhà nho ở Hải Phòng, thông qua bức ảnh nhà giáo hiển chụp, đã đọc được hai chữ "Kim Lan". Đây là tên thời nhỏ của cụ Nhữ Văn Lan, ông ngoại của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Phần trên của tài liệu nói ông Hiển chụp tiểu gỗ, nhưng các chữ nho thì ông Hiển "vẽ lại", vì bản thân ông không dịch được. Từ bản vẽ chữ nho của ông Hiển, nhà thư pháp Lê Thiên Lý dã dịch được một đoạn như sau: "Giá độc tất đạt/ Trạng Trình khiếu phong/ Tâm dĩ nhật chính/ Tầm tự quang long/ Trùng mộc chủ tôn/ Trung sinh nam cự".
Ngày 7/12/2016, với những thông tin "quan trọng" này, thì cuộc bàn giao hiện vật đã diễn ra. Chiếc tiểu gỗ từ 59 Tràng Thi đã được đưa về Bảo tàng TP. Hải Phòng.
Điểm thú vị nhất là cuộc mổ xẻ nghiên cứu chiếc tiểu gỗ ở Bảo tàng Hải Phòng, với sự vào cuộc của nhà khảo cổ Nguyễn Lân Cường. Khó hiểu nhất, là đã diễn ra một cuộc tìm kiếm thẻ tre ở chiếc tiểu này, theo chỉ dẫn của "nhà ngoại cảm" có tên Trần Lệ Giang. Bà này bị ốm, đang điều trị ở Hà Nội, song gọi điện chỉ đạo PGS.TS Nguyễn Lân Cường cùng các chuyên gia của Bảo tàng Hải Phòng để tìm thẻ tre trong tiểu gỗ.
Sau khi đo đạc, nghiên cứu kỹ lưỡng tiểu gỗ, thì nước mưa được mang từ Vĩnh Bảo lên, được đổ vào bồn chứa đã đặt tiểu gỗ. Gỗ mục gặp nước thì tự bung ra.
Cuoc nghien cuu 'bai ban' ve ngoi mo cu Nguyen Binh Khiem hay nhung tro nguy tao? hinh anh 4
Lấy chiếc thẻ tre từ trong tấm ván.
Đúng 1 tháng sau ngày quách gỗ về Bảo tàng Hải Phòng, ngày 7/1/2017, Viện nghiên cứu ứng dụng tiềm năng con người và Hội Khảo cổ học Việt Nam tiến hành tìm chiếc thẻ tre trong tấm ván địa còn nguyên lớp sơn ta phủ kín. Lớp sơn ta chưa có sự tác động của con người, như sự niêm phong của tiền nhân.
Bóc lớp sơn ta, thì lộ ra chiếc thẻ tre được giấu bên trong. Tiền nhân đã khoét một cái rãnh, rồi nhét thẻ tre vào đó. Ông Nguyễn Lân Cường chụp kỹ lưỡng chiếc thẻ tre và đo được kích thước như sau: dài 265mm, rộng 9,76mm, dày 3,79mm.


Ông Nguyễn Lân Cường còn tuyên bố, đây là lần đầu tiên thông qua ngoại cảm mà tìm được một hiện vật là chiếc thẻ tre trên đó có những chữ Nho. Nhà thư Pháp Lê Thiên Lý phát biểu đã đọc được hai chữ Xuyên và Đạt ở thẻ tre khi chụp ảnh và phóng to.
Viện nghiên cứu ứng dụng tiềm năng con người đã đề nghị Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, Bảo tàng Tự nhiên Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam chụp chiếc thẻ tre bằng các thiết bị hiện đại, dưới góc độ và nguồn sáng khác nhau.
Cuoc nghien cuu 'bai ban' ve ngoi mo cu Nguyen Binh Khiem hay nhung tro nguy tao? hinh anh 5
Lúc mới lấy thẻ tre ra khỏi quách, không ai nhìn thấy chữ, nhưng hình ảnh chụp được, thì có dấu hiệu có chữ.
Ngày 16/1/2017, đã diễn ra cuộc hội thảo về ngôi mộ này. Thông tin chốt lại, thì các nhà nghiên cứu đã đọc được 7 chữ trên chiếc thẻ tre: "Cù Xuyên Mạc Triều Trạng Nguyên... Tại".
Quá trình ghép lại tấm ván tiểu, thì PGS. Nguyễn Lân Cường tiếp tục chụp nhiều ảnh và TS. Cung Khắc Lược đã dò tìm từng nét chữ thông qua ảnh chụp, rồi chữ đầu tiên ông đọc được là chữ Triều, tiếp theo là hai chữ Trạng Nguyên, chữ thứ tư là Mạc. Tiếp theo là bốn chữ "Mộ tại Ao Dương" viết bằng chữ Nôm.
Ngày 15/2/2017, tại Bảo tàng Hải Phòng, ông Cung Khắc Lược đọc được 9 chữ là Đạt và hàng chữ "Mạc triều Trạng Nguyên mộ tại Ao Dương".
Sau đấy, thạc sĩ khảo cổ Nguyên Kính Cát đọc được tới 30 chữ trên thẻ tre, trong đó có dòng sau: "Đại Việt thành thiên hạ chính thế thăng thọ khai thiên môn" (Nước Việt mà thành thiên hạ yên ổn thì đất nước mới được bền vững và tương lai mới mở ra).
Cuoc nghien cuu 'bai ban' ve ngoi mo cu Nguyen Binh Khiem hay nhung tro nguy tao? hinh anh 6
Ngôi mộ được "báo" với phóng viên là mộ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Mặc dù, các thông tin trên trình bày, sắp xếp có vẻ khoa học, khách quan và chưa đưa ra kết luận cuối cùng, tuy nhiên, sự sắp xếp đó ngầm khẳng định luôn rằng đã tìm thấy mộ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đó chính là ngôi mộ của nhà tiên tri vĩ đại của Việt Nam.
Tuy nhiên, vụ tìm mộ bằng ngoại cảm, kết hợp tâm linh, có dấu ấn của chuyên gia khảo cổ nổi tiếng Nguyễn Lân Cường, đã không được chính quyền Hải Phòng chấp nhận, thậm chí còn bị bóc mẽ là lừa bịp, ngụy tạo.


Theo đó, chiếc quách gỗ hình chữ nhật, có lòng dài 84cm, rộng 15,5cm, dày 5cm, thì chỉ có thể nhét vừa được mấy khúc xương chân người, không thể nhét vừa hộp sọ người lớn. Một người như cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, chẳng nhẽ xương cốt lại được nhét vào chiếc quách dành cho trẻ sơ sinh và chôn đơn giản như vậy?
Ngoài ra, hài cốt trong quách cũng chỉ là nghe kể lại, chứ cũng không ai nhìn thấy. Khi chính quyền yêu cầu bà Hiền cung cấp nơi cải táng bộ xương từ cái quách này, để làm giám định AND, thì bà ta bảo không nhớ chôn ở đâu.
Theo ông Đỗ Xuân Trung, Phó Giám đốc bảo tàng Hải Phòng, hôm lấy chiếc thẻ tre từ quách gỗ ra (do sự chỉ đạo từ xa của nhà ngoại cảm), mọi người đều xúm vào xem xét, chụp ảnh, và khẳng định không hề có chữ. Ngoài ra, cái thẻ tre bé tí tẹo, chiều ngang chưa nổi 1cm, thì không rõ viết được chữ gì lên đó. Thế nhưng, một thời gian sau, thì ầm ĩ cả nước với thông tin trên thẻ tre có chữ "Mạc triều trạng nguyên, Cù Xuyên...". Nhiều người đặt câu hỏi, có kẻ nào đó đã bắn chữ lên chiếc thẻ tre đó để ngụy tạo.
Kỳ 3: Tận mắt ngôi mộ ứng với sấm truyền?
Loạt bài tìm mộ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm:
Kỳ 1: Nhà tiên tri muốn "gặp" nhà báo
Kỳ 2: Ngụy tạo chứng cứ biến quách gỗ chôn trẻ con thành cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm?
Câu chuyện mang hơi hướng tâm linh liên quan đến cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm ngày một hấp dẫn hơn, khi nhà tâm linh, là một tiến sĩ giảng dạy ở một trường đại học danh tiếng ở Hà Nội, gọi điện cho tôi, nói cần thiết phải về Hải Phòng, để thắp hương ở ngôi mộ, mà theo lời chị, chính là mộ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Chị tin rằng, "vong hồn" cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chỉ dẫn cho chị như vậy.
Tò mò với câu chuyện "cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm" dẫn dắt thông qua một tiến sĩ có khả năng tâm linh đặc biệt, tôi đã sắp xếp lên đường về Hải Phòng.
Hôm đó, mùa xuân, nhưng thời tiết Hà Nội cực kỳ dị biệt. 7 giờ sáng, trời đất Hà Nội bỗng tối sầm, như ban đêm, sấm chớp đùng đùng, rồi mưa như trút nước. Khắp Hà Nội kẹt xe, phố phường ngập lụt, khiến mất rất nhiều thời gian chúng tôi mới thoát ra khỏi Hà Nội được. Suốt thời gian chạy trên cao tốc Hải Phòng, trời đều mưa như trút nước, không đi nhanh được.
Điều khá đặc biệt, là khi đến ngôi mộ ở xã Thiểm Khê (xã Liên Khê, Thủy Nguyên, Hải Phòng), thì đột nhiên hết mưa, trời bừng sáng, khí hậu trong lành, sạch sẽ. Tôi thì cho đó là chuyện ngẫu nhiên, bình thường, nhưng nhà tâm linh thì coi đó là chuyện đặc biệt.
Điều thú vị hơn, là trên xe, có một nhà nghiên cứu, là một viện trưởng, ông rất có tiếng trong lĩnh vực nho y lý số, đặc biệt là kiến trúc phong thủy. Nhiều năm qua, ông say mê nghiên cứu và giải mã các vấn đề tiềm ẩn trong khoa học lý số và tâm linh. Ông cũng bỏ nhiều thời gian, tâm huyết nghiên cứu về những sấm truyền của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Từ các kiến thức phong thủy, kết hợp với giải mã tâm linh, ông tin rằng, mộ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm được táng ở vùng đất Liên Khê.
Viện trưởng N.X.Cao (ông muốn giấu tên) coi Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà hiền triết, với tài tiên tri tuyệt đỉnh về các tiến triển lịch sử của Việt Nam và của thế giới.
Ông tìm kiếm từ các tàng thư của Thư viện Quốc gia và thấy những văn bản về sấm Trạng. Việc lưu tồn văn bản có ý thức ấy thời phong kiến, đã chứng tỏ giá trị đích thực của các pho sấm ký này.


Nổi bật và đã được ứng nghiệm chính xác là các lời sấm (tiên tri) cho nhà Mạc, nhà Nguyễn, Chúa Trịnh, Chiến tranh Thế giới II và Cách mạng Tháng Tám, Giải phóng Thủ đô, Biển Đông... và "sự trở lại" của Trạng Trình. Trong các tài liệu cổ, các sử gia Trung Quốc (trong đó có Chu Sán - Nhà Thanh) phải bái phục gọi ông là: "An Nam Lý học hữu Trình Tuyền".
Giai ma loi sam va hanh trinh tim thay mo co duoc cho la cua Trang Trinh Nguyen Binh Khiem? hinh anh 1
Ngôi mộ được một nhà tâm linh coi là mộ của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, hiện ở xã Liên Khê, Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Hơn 430 năm qua từ ngày cụ Trạng mất, "sự trở lại" của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm như thế nào và phần mộ của cụ ở đâu vẫn là 2 câu hỏi lớn chưa có trả lời chính thức, vẫn là mối quan tâm đau đáu của không chỉ các thế hệ hậu duệ của cụ, mà còn là của Nhà nước. Chính vì thế, các nhà khoa học, các nhà lý học phương Đông không thể đứng ngoài cuộc trong việc giải mã nơi an nghỉ của cụ.
Về chuyện trở lại của nhà tiên tri Nguyễn Bỉnh Khiêm, thì có hai lời sấm của cụ mà viện trưởng N.X. Cao rất chú ý, đó là: "Bao giờ Tiên Lãng xẻ đôi/ Sông Hàn nối lại thì tôi lại về", và "Ba Giá trông sang/ Ba Đồng ngoảnh lại/ Mộ tại Ao Dương".
"Bao giờ Tiên Lãng xẻ đôi/ Sông Hàn nối lại thì tôi lại về"
Theo nghiên cứu của viện trưởng N.X. Cao, lời sấm "Bao giờ Tiên Lãng xẻ đôi/ Sông Hàn nối lại thì tôi lại về" đã được ứng nghiệm vào năm Tân Mùi - 1991, đúng 500 năm sau ngày sinh của cụ (1491) hoặc 406 năm kể từ ngày mất của Cụ (1585).
Đó là, năm 1991 huyện Tiên Lãng hoàn thành công trình đào kênh thủy lợi chia huyện thành 2 phần (ứng với Tiên Lãng xẻ đôi). Cũng năm 1991, Nhà nước đã xây dựng cây cầu nối sông Hàn từ quê nội Vĩnh Bảo sang quê ngoại Tiên Lãng của cụ Trạng (ứng với Sông Hàn nối lại). Ngày 15/01/2015 thành phố Hải Phòng đã kết hợp với Bộ Văn hóa long trọng tổ chức kỷ niệm 430 năm ngày mất, hoặc 525 năm ngày sinh của của Trạng (ứng vào Tôi lại về).


"Ba Giá trông sang/ Ba Đồng ngoảnh lại/ Mộ tại Ao Dương".
Lời sấm thứ nhất, với từ cuối "tôi lại về" khá mơ hồ. Không rõ nghĩa, "cụ về" có phải là việc tìm thấy mộ cụ, hay chỉ là buổi lễ kỷ niệm ngày mất, ngày sinh của cụ được tổ chức long trọng. Tuy nhiên, bài đồng dao lưu truyền trong dòng họ, và dân gian vùng Vĩnh Bảo quê cụ, thì mô tả rất rõ ràng về nơi chôn cất cụ.
Ông Lương Cao Rính (Hội văn nghệ dân gian Hải Phòng) người chuyên sưu tầm, khảo cứu các tư liệu địa phương, cho biết, dân gian có lưu truyền chuyện kể về những phút cuối đời của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trong đó, có một truyền thuyết kể rằng, vào thời khắc lâm chung cụ Trạng gọi người con cả vào và viết lên lòng bàn tay 4 chữ "Táng tại Ao Dương".
Giai ma loi sam va hanh trinh tim thay mo co duoc cho la cua Trang Trinh Nguyen Binh Khiem? hinh anh 2
Vị trí được coi là "Ao Dương".
Khi cụ mất, gia đình và học trò theo di huấn mang thi thể cụ xuống thuyền đưa đi chôn cất tại địa điểm mà cụ căn dặn. Ngày hôm sau, tại Trung Am đã diễn ra lễ viếng cụ linh đình và quan tài giả được khiêng đi chôn cất công khai. Mộ phần này chỉ là mộ phần giả, lâu ngày thiên nhiên đã xóa sạch dấu tích. Đồng thời, trong dân gian cũng lưu truyền "cách nhận biết địa danh - nơi đặt mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm" bằng 3 câu thơ mang tính vừa cụ thể vừa ẩn dụ nêu trên.
Khi nữ tiến sĩ, giảng viên đại học, có khả năng tâm linh, "theo chỉ dẫn của cụ", đã tìm về khu vực thôn Thiểm Khê (xã Liên Khê, Thủy Nguyên, Hải Phòng) và xác nhận có một ngôi mộ trên mỏm đồi, được cải táng lại, chính là mộ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, thì chị đã tìm đến viện trưởng N.X. Cao , người đã có nhiều năm nghiên cứu về cụ Trạng, để nhờ xem xét. Viện trưởng N.X. Cao lập tức về Thủy Nguyên nghiên cứu, và ngỡ ngàng khi nhận ra ngôi mộ cũng như vị trí chôn cất phù hợp với bài đồng dao nói về nơi táng cụ.
Viện trưởng N.X. Cao cho biết: "Qua nghiên cứu, khảo sát, chúng tôi nhận thấy có một quần thể núi bao bọc tạo thành một thung lũng nhỏ tại thôn Thiểm Khê có đủ 3 yếu tố để nhận dạng một cách thâm thúy, nhưng chính xác về vị trí đặt mộ như "sấm" truyền: "Ba Giá trông sang/ Ba Đồng ngoảnh lại/ Mộ tại Ao Dương". Ao Dương là một thế đất đẹp, nếu không muốn nói là đẹp nhất trong vùng, trong nước thời bấy giờ về phong thủy, vì nó hội đủ "tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ, tiền Chu Tước, hậu Huyền Vũ", lại có dòng sông Đá Bạc bao phía trước".
Giai ma loi sam va hanh trinh tim thay mo co duoc cho la cua Trang Trinh Nguyen Binh Khiem? hinh anh 3
Quả núi nơi có ngôi mộ cổ đã bị san phẳng, thậm chí đào sâu xuống lòng đất.
Có một điều thú vị, là nơi chôn cất cụ không hề có ao, nhưng nhà nghiên cứu N.X. Cao với kiến thức phong thủy, vẫn nhìn ra ao. Theo ông, cụ Trạng gọi địa danh này là Ao Dương, có lẽ ngoài lý do bảo mật ra, địa danh này thỏa mãn các tiêu chí là Ao và là Ao Dương theo ngôn ngữ của phong thủy học.        
"Là ao (Brown), vì thung lũng này có nước vào mùa mưa, nhưng mực nước thường không sâu, đúng với định nghĩa trong Bách khoa toàn thư mở Wikipedia chú thích từ Brown, A.L (1987): "Ao là nơi mà ánh sáng mặt trời có thể soi qua tầng nước xuống tận đáy và hồ là nơi mà ánh sáng không soi tới đáy được". Là Ao Dương (Plus Brown), vì ở đây thành ao không phải là thành đất xung quanh mà khi đào ao ở dưới mặt đất tạo thành, mà là phần nổi trên mặt đất của quần thể các ngọn núi. Đáy ao (mặt thung lũng) cao hơn mặt đất xung quanh, tức có bình độ trên cốt 0, mà trên cốt 0 thì đó phải là dương. Ao Dương chính là bí số lớn nhất trong việc tìm mộ cụ Trạng" – nhà nghiên cứu N.X. Cao lý giải.


Khi đã tìm ra bí quyết về Ao Dương và vị trí của nó rồi thì toàn bộ nội dung trong 3 câu sấm sẽ được hiểu một cách dễ dàng và viện trưởng N.X. Cao cũng dễ dàng giải mã được bài đồng dao.
Khi chúng tôi đang đi trên Quốc lộ 10, đến cầu bắc qua sông Giá, thuộc địa phận thôn Mỹ Liệt, xã Minh Tân, viện trưởng N.X. Cao bảo dừng lại, rồi ông chỉ về phía xa xa bên phải, để giải mã cho câu nói "Ba Giá trông sang". Đó chính là "ngã 3 sông Giá", nơi gặp nhau của 2 nhánh sông Giá với hồ Đà Nẵng, vốn là hạ lưu sông Giá. Từ ngã ba sông Giá trông sang theo hướng Tây Bắc  sẽ gặp vùng núi đồi hùng vĩ, trong đó có Đấu Đong, tức Ao Dương (ứng với trông sang).
Giai ma loi sam va hanh trinh tim thay mo co duoc cho la cua Trang Trinh Nguyen Binh Khiem? hinh anh 4
Đến cầu qua sông Giá, nhìn về tay phải là "ngã ba sông Giá".
Giai ma loi sam va hanh trinh tim thay mo co duoc cho la cua Trang Trinh Nguyen Binh Khiem? hinh anh 5
Nhìn về bên trái là những dải núi thuộc làng Thiểm Khê, ứng với câu "Ba Giá trông sang".
Tiếp tục đi theo Đường 10 tới địa phận xã Gia Minh, rẽ phải chừng 100m là hang Lương (nơi nhà Trần đã bố trí làm kho lương trong thời kỳ chống quân Nguyên).
Cách hang Lương chừng 2km về hướng Đông Bắc là hang Tuần (nơi nhà Trần sử dụng như một đồn trú tuần canh trên sông Đá Bạc).
Đi tiếp trên Đường 10, qua cầu Đá Bạc, vòng lại dưới cầu để rẽ trái chừng 2km là hang Son (nơi đóng quân của nhà Trần thời kỳ chống Nguyên Mông). Hang Son nằm trên địa phận thôn Cẩm Phong, xã Phương Nam, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, cách Thiểm Khê không xa.
Theo lý giải của viện trưởng N.X. Cao, ba hang Lương, Tuần, Son tạo thành một tam giác cân có đỉnh là hang Tuần. Từ 3 hang này, muốn nhìn về Ao Dương thì phải ngoảnh lại hướng Tây Nam (ứng với ngoảnh lại).
Cả 3 địa danh này, nếu gọi là Ba Động hay Ba Hang hoặc Ba Đồng đều hợp lý (Ba Đồng ngoảnh lại/ Ba Hang ngoảnh lại/ Ba Động ngoảnh lại), vì cả 3 ngọn núi này, mỗi ngọn đều có một hang động và đều nằm trên khu đất bằng như cánh đồng.
Đứng tại nơi có ngôi mộ cổ mới được cải táng chục năm trước, vị trí được coi là "ao Dương" (Đấu Đong) nằm ở Tây Bắc của Ba Giá và Tây Nam của Ba Đồng (Ba Động/Ba Hang), GS. Nguyên phân tích: Khi di chuyển từ Vĩnh Bảo đến Thủy Nguyên theo Đường 10 thì rõ ràng từ Ba Giá (Ngã Ba sông Giá) phải trông sang phía Tây Bắc và từ Ba Động phải ngoảnh lại phía Tây Nam mới gặp được ao Dương.


Địa danh "ao Dương" nhiều năm qua đã trở thành công trường khai thác đá, đất silic cho các nhà máy xi măng, nên mặt bằng đã bị biến dạng lớn. Ngọn núi có tên Phượng Hoàng đã bị phá trụi, làm lộ một ngôi mộ cổ. Ngôi mộ này đã bị đào lên và táng lại trên gò đất cao trong thung lũng, lệch so với hướng ban đầu.
Theo chỉ dẫn tâm linh, kết hợp với phân tích phong thủy, giải mã câu đồng dao cùng lời tiên tri, viện trưởng N.X. Cao tin rằng, ngôi mộ cổ ở Thiểm Khê có thể là mộ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nếu không phải là ngôi mộ đó, thì mộ của cụ cũng phải nằm trong khu vực "ao Dương" này.
Kỳ 4: Ly kỳ quanh "mộ vua"
Loạt bài tìm mộ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm:
Kỳ 1: Nhà tiên tri muốn "gặp" nhà báo
Kỳ 2: Ngụy tạo chứng cứ biến quách gỗ chôn trẻ con thành cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm?
Kỳ 3: Tận mắt ngôi mộ ứng với sấm truyền?
Như đã nói ở kỳ trước, trong một ngày mưa gió tối sầm đất trời, tôi theo chân một nữ tiến sĩ có khả năng tâm linh, và một nhà nghiên cứu phong thủy, là một viện trưởng thuộc Liên hiệp các hội khoa học Việt Nam, về thôn Thiểm Khê (xã Liên Khê, Thủy Nguyên, Hải Phòng), để xem xét ngôi mộ được cho là của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Nhà tâm linh về ngôi mộ này, theo sự "dẫn dắt của cụ", còn nhà nghiên cứu nọ thì phân tích câu đồng dao nổi tiếng Hải Phòng: "Ba Giá trông sang/ Ba đồng ngoảnh lại/ Mộ tại ao Dương" để đặt dấu hỏi về nơi đặt mộ nhà tiên tri lỗi lạc.
Đó là một ngôi mộ nằm giữa mỏm đất cao, giữa một thung lũng. Cạnh đó là một quả núi đá, đã bị đào phá nham nhở. Xung quanh, những công trường khai thác đá hoạt động ầm ĩ, mìn nổ ùng ục trong lòng đất suốt buổi trưa.
Ngo ngang khi ngoi mo cu Nguyen Binh Khiem o Hai Phong la mo vua Mac Dang Dung? hinh anh 1
Ngôi mộ cổ được họ Mạc ở Thủy Nguyên nhận là mộ vua Mạc Đăng Dung.
Ngôi mộ khá to, được xây cất cẩn thận. Trên quả đồi, còn có một ngôi nhà tạm. Rất nhiều người đang hương khói trên ngôi mộ đó. Xôi gà, khói hương nghi ngút. Hóa ra, ngày rằm, con cháu họ Mạc ở huyện Thủy Nguyên tề tựu về đây hương khói cho người nằm dưới mộ.
Tôi khá bất ngờ, khi mọi người gọi đó là mộ vua. Sau này mới biết, người dân trong xã Liên Khê đều gọi ngôi mộ đó là mộ vua. Và, theo hậu duệ họ Mạc ở vùng đất này, người nằm dưới mộ là vua Mạc Đăng Dung. Câu chuyện quanh ngôi mộ trở nên thú vị, đầy bí ẩn và thêm phần rắc rối.
Ngo ngang khi ngoi mo cu Nguyen Binh Khiem o Hai Phong la mo vua Mac Dang Dung? hinh anh 2
Người dân, con cháu họ Mạc cúng viếng bên ngôi mộ rất đông.
Thắp nhang khấn vái trước ngôi mộ xong, anh Mạc Văn Trọng tiếp tôi khá niềm nở. Tuy nhiên, việc đầu tiên là anh thể hiện sự bức xúc với với những doanh nghiệp, những đám đá tặc, đất tặc, silic tặc ở khu vực này.
Anh Trọng kéo tôi ra sườn đồi, chỉ con đường bê tông ở ngay dưới chân đồi, và bức xúc: "Chỗ này là thành Dền, của nhà Mạc. Vậy mà họ đem máy ủi máy xúc đào sạch, giờ không còn thấy bóng dáng đâu nữa. Chỗ kia, là quả núi cực đẹp, nơi lưu giữ đầy dấu tích các triều đại, đặc biệt là các dấu tích nhà Mạc, cũng bị họ phá hết, thậm chí phá xong quả núi rồi, họ còn đào sâu xuống lòng đất tới vài chục mét, thành cái hủm luôn. Họ Mạc đã làm đề xuất giữ lại di tích Thành Dền này, các cơ quan văn hóa cũng đã có nhiều cuộc hội thảo, nhiều cuộc nghiên cứu khẳng định giá trị của di chỉ, nhưng họ phá hết và vẫn tiếp tục ngày đêm phá nốt".
Ngo ngang khi ngoi mo cu Nguyen Binh Khiem o Hai Phong la mo vua Mac Dang Dung? hinh anh 3
Hội thảo khẳng định giá trị của Thành Dền.
Vừa bức xúc, anh Trọng vừa mở điện thoại cho tôi xem cảnh nhà cửa anh lúc bị ném gạch, lúc bị hắt sơn. "Bao năm nay, vì muốn giữ lại di tích cho họ Mạc, cho nhân dân, cho quốc gia, mà tôi bị đám xã hội đen dọa nạt gây khó dễ đủ kiểu. Nhưng, vì việc chung, tôi không sợ kẻ nào hết" – anh Trọng chia sẻ.
Chuyện doanh nghiệp và cá nhân phá hoại di tích khảo cổ có một không hai này, chúng tôi sẽ phản ánh trong loạt bài điều tra trong thời gian tới.
Ngo ngang khi ngoi mo cu Nguyen Binh Khiem o Hai Phong la mo vua Mac Dang Dung? hinh anh 4
Vị trí Thành Dền của nhà Mạc nhìn từ vệ tinh.
Quay trở lại ngôi mộ kỳ lạ, được gọi là mộ vua ở thôn Thiểm Khê. Theo lời anh Mạc Văn Trọng, sở dĩ, họ Mạc nhận là mộ vua Mạc, là bởi được sự chỉ dẫn tâm linh rất đặc biệt, kỳ lạ.
Theo đó, năm 2009, Công ty Tân Phú Xuân, khi đào phá núi Phụ Gia, ở ngay cạnh đó, đã trúng ngôi mộ này. Ngôi mộ nằm sâu so với mặt quả núi tới 13m. Từ sườn núi phía bờ sông Đá Bạc thẳng đến ngôi mộ khoảng 60m. Thật khó tưởng tượng, ngôi mộ lại nằm sâu như thế. Những người đào mộ đoán rằng, phải là mộ của vua chúa, có nhiều kẻ thù, cần phải đào sâu chôn kỹ, mới kín đáo như vậy, nên rất sợ hãi.


Phía trên ngôi mộ là một lớp than củi đen. Phía dưới, là những tấm gỗ khổng lồ, xếp thành hình chữ nhật, mộng đóng khít cực kỳ nguyên vẹn. Bên trong "ngôi nhà gỗ" đó, là một quan tài khổng lồ, được làm bằng gỗ lim cực kỳ chắc chắn, nguyên vẹn.
Ngo ngang khi ngoi mo cu Nguyen Binh Khiem o Hai Phong la mo vua Mac Dang Dung? hinh anh 5
Đoạn Thành Dền đắp đất từng cao bằng nóc nhà bị doanh nghiệp phá hoại để làm đường vào mỏ đá.
Doanh nghiệp này sợ đụng phải mộ vua, không dám phá mộ, nên đã thuê thầy bà cúng bái cẩn thận, dùng máy cẩu nhấc nguyên vẹn toàn bộ ngôi mộ cùng quan tài, đưa lên xe tải, chở ra mỏm đồi bên cạnh quả núi Phụ Gia để chôn. Ngôi mộ tồn tại từ đó đến nay.
Một ngày, hai doanh nhân khá có tiếng, gặp một nhà ngoại cảm rất nổi tiếng ở Hà Nội, để hỏi về ngôi mộ đó, thì nhà ngoại cảm bảo rằng, đó là mộ của vua Mạc Đăng Dung. Thế là, ngôi mộ được con cháu họ Mạc ở Thủy Nguyên xây sửa, tôn tạo, bảo vệ hiện trạng đến nay.
Điều thú vị, là một nữ tiến sĩ, nhà tâm linh, theo sự "dẫn dắt của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm", thì lại khẳng định ngôi mộ này là của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cụ Khiêm sống ở thời Mạc, cũng giấu kín mộ lúc lâm chung, nên ngôi mộ bí ẩn, chôn rất sâu trong lòng núi này, khiến những người có nhận thức bình thường rất tin tưởng nếu đem ra mổ xẻ, phân tích.
Ngo ngang khi ngoi mo cu Nguyen Binh Khiem o Hai Phong la mo vua Mac Dang Dung? hinh anh 6
Quả núi Phụ Gia đã bị múc sạch, chỉ còn lại mặt bằng thế này.
Từng là nhà báo có ít nhiều kinh nghiệm về các loại hình mộ táng, từng đi theo nhiều nhà khảo cổ, nhà nghiên cứu khai quật mộ cổ, tiếp cận với nhiều tài liệu mộ cổ ở Việt Nam, nên tôi cũng có những suy đoán cho riêng mình.
Không khó khăn gì, tôi tìm được anh Trịnh Văn Hoài, nhà ở cạnh khu vực có tên Đấu Đong Quân (nơi nhà Trần tập hợp đếm quân như kiểu đong gạo), cách "mộ vua" độ cây số.


Anh Hoài pha trà, mời thuốc nước dưới gốc cây trước cổng nhà. Tôi ngỡ ngàng, khi trên mặt bàn, thứ đựng đầy tàn thuốc lá, là một chiếc bình cổ bằng gốm, tuổi cỡ gần 2.000 năm. Thấy tôi tò mò, phán đoán tuổi cổ vật, anh Hoài cười và công nhận có tí chút hiểu biết. Rồi anh dẫn tôi ra vườn cây. Tôi thấy la liệt chum, bình, vò cổ, toàn bằng gốm, vứt lăn lóc gốc cây, đựng nước. Anh bảo, toàn là đồ cổ, có thứ đến 4 ngàn năm, còn lại hầu như cỡ 2000 năm.
Ngo ngang khi ngoi mo cu Nguyen Binh Khiem o Hai Phong la mo vua Mac Dang Dung? hinh anh 7
Anh Trịnh Văn Hoài bên trái và anh Mạc Văn Trọng bên phải.
Ngo ngang khi ngoi mo cu Nguyen Binh Khiem o Hai Phong la mo vua Mac Dang Dung? hinh anh 8
Tủ kính đầy cổ vật của anh Hoài.
Rồi anh dẫn vào trong nhà, mở chiếc tủ kính, cho tôi xem vô số cổ vật. Kinh ngạc nhất là chiếc ấn bằng ngọc. Nhìn những món đồ, đặc biệt là là những mảnh gốm của một ngôi nhà mô hình thu nhỏ, tôi đoán ra chúng được lấy từ những ngôi mộ Hán, từ thời Bắc thuộc, hình thức mộ táng mà tôi từng có nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu.
Kỳ 5 (kỳ cuối): Ngôi mộ Hán cổ khổng lồ?
Loạt bài tìm mộ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm:
Kỳ 1: Nhà tiên tri muốn "gặp" nhà báo
Kỳ 2: Ngụy tạo chứng cứ biến quách gỗ chôn trẻ con thành cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm?
Kỳ 3: Tận mắt ngôi mộ ứng với sấm truyền?
Kỳ 4: Ly kỳ quanh "mộ vua"
Sau khi nghe những người trong dòng họ Mạc kể về quá trình Công ty Tân Phú Xuân đào ngôi mộ, rồi chuyển ra, tôi đã xác minh thêm thông tin bằng cách tìm gặp những người hiểu biết về mộ cổ trong vùng. Không khó khăn gì để gặp được anh Trịnh Văn Hoài, là người từng có nhiều kinh nghiệm trong việc đào mộ cổ.
Theo lời anh Trịnh Văn Hoài, quả núi Phụ Gia từng là một... khó báu khổng lồ, bởi đó là một nghĩa địa mộ Sở. Chuyện người dân ở vùng đất này gọi những ngôi mộ cổ trong lòng núi là mộ Sở, tức mộ của người nước Sở khá thú vị, tôi sẽ viết kỹ trong thời gian tới.
Theo anh Hoài, núi Phụ Gia có cả trăm ngôi mộ cổ. Anh từng đào bới, thu được không biết bao nhiêu cổ vật, số lượng có lẽ đến hàng ngàn món, anh bán hết cho mấy đại gia sưu tầm từ độ 20 năm trước. Anh tinh thông đến nỗi, trèo lên núi, dùng xẻng chọc chọc vào đất, là biết bên dưới lòng núi có mộ, mộ to hay nhỏ.
Ở quả núi Phụ Gia, mộ được chôn tầng tầng lớp lớp. Có 3 loại mộ cổ chính, một là mộ đất, hai là mộ gạch và 3 là mộ gỗ.
Ngoi mo co o Hai Phong la mo vua Mac, mo cu Nguyen Binh Khiem hay mo Han 2.000 nam truoc? hinh anh 1
Theo phương pháp tâm linh, thì ngôi mộ này vừa được cho là của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, lại vừa được cho là của vua Mạc Đăng Dung.
Mộ đất là loại mộ người xưa đào sâu xuống lòng đất, có thể sâu đến cả chục mét, đặt xác người chết xuống, không có quan tài gỗ, xếp đồ vật cạnh người chết, rồi lấp đất lại. Khi đào sâu xuống, sẽ lấy được đồ cổ xếp thành mặt phẳng. Xương cốt không còn, hoặc may ra chỉ thấy vệt trắng, gặp không khí là biến mất.
Loại mộ gạch thì nhiều nhất. Đó là những ngôi mộ vòm cuốn, như những đường hầm. Có ngôi mộ chỉ cách mặt đất độ 2-3m, có ngôi sâu cả chục mét. Có ngôi nhỏ, gồm 1 cuốn, có ngôi to như tòa nhà trong lòng đất. Trong mộ gạch cũng có rất nhiều đồ cổ.


Loại mộ nữa là mộ gỗ. Mộ gỗ thường ở rất sâu. Gỗ gồm những tấm lớn, thường là gỗ lim, xếp thành hình một cái cũi, như ngôi nhà. Có những ngôi mộ tốn cả trăm tấn gỗ lim. Bên trong cái cũi là quan tài chứa xương cốt. Trong quan tài và ngoài quan tài, đều có nhiều cổ vật, thậm chí vàng ngọc, vì quan niệm chia của cho người chết.
Ngoi mo co o Hai Phong la mo vua Mac, mo cu Nguyen Binh Khiem hay mo Han 2.000 nam truoc? hinh anh 2
Tác giả trong một ngôi mộ Hán bằng gạch ở Yên Hưng (Quảng Ninh), loại mộ có nhiều thời Bắc thuộc.
Ngoi mo co o Hai Phong la mo vua Mac, mo cu Nguyen Binh Khiem hay mo Han 2.000 nam truoc? hinh anh 3
Một ngôi mộ gỗ rất lớn ở Hải Dương, được xác định là mộ Hán cổ, có tuổi trên dưới 2.000 năm.
Sau khi Công ty Tân Phú Xuân chuyển ngôi mộ quách gỗ ra chôn, rồi gọi là mộ vua, thì liên tiếp các sự kiện đồn đại kinh dị diễn ra, khiến nhiều người hoang mang, sợ hãi. Chẳng hạn như, những người tham gia chuyển mộ, người chết, người bệnh, người tán gia bại sản, rồi xe cộ hỏng, chết máy... Điều đó càng khiến ngôi mộ này linh thiêng.
Video: Phát hiện hai tấm bia nghi liên quan đến mộ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm


Điều thú vị, là năm 2011, khi phá quả núi Phụ Gia này lấy đất đá nghiền xi măng, thì Công ty Tiến Thành lại chạm một ngôi mộ gỗ khổng lồ, y hệt "mộ vua", nằm cách "mộ vua" đúng 300m. Ngôi mộ này cũng sâu tới 13m, và từ mép núi phía sông vào là 63m.
Vì lời đồn kinh dị liên quan đến "mộ vua", nên Công ty Tiến Thành không dám xâm phạm ngôi mộ này. Họ đã giữ nguyên hiện trạng, thông báo cho Bảo tàng Hải Phòng. Bảo tàng Hải Phòng đã thuê anh Hoài, anh Tiễu, anh Mạnh, anh Cao, đều là những người có kinh nghiệm đào mộ cổ, khai quật ngôi mộ này.
Ngoi mo co o Hai Phong la mo vua Mac, mo cu Nguyen Binh Khiem hay mo Han 2.000 nam truoc? hinh anh 4
Chiếc triện ngọc anh Hoài đào được trong mộ.
Theo mô tả của anh Hoài, thì tôi hình dung ra đó là một ngôi mộ gỗ hình cũi rất lớn, được xếp bằng gỗ lim. Trong lòng quách gỗ là quan tài hình thân cây khoét rỗng. Bên trong quan tài không còn xương cốt, nhưng có một số cổ vật như 7 chiếc mâm bồng bằng gỗ, 4 pho tượng người cách điệu bằng gỗ sơn son thếp vàng, các di vật rất nhiều như mai, đĩa, chén, lược, lọ, bình, vò, chum, bát, thạp, thìa bằng gỗ và đất nung với hoa văn trang trí chủ chủ yếu là hình tổ ong và các khắc, vạch.
Ngoài ra, còn tìm thấy một số quả cau và vết tích của những lá trầu không làm bằng gỗ...
Ngoi mo co o Hai Phong la mo vua Mac, mo cu Nguyen Binh Khiem hay mo Han 2.000 nam truoc? hinh anh 5
Đồ cổ anh Hoài dùng đựng tàn thuốc lá.
Mặc dù không được tận mắt cuộc đào ngôi "mộ vua" năm 2009, nhưng theo lời kể của những công nhân di chuyển, thì ngôi "mộ vua" và mộ gỗ hình cũi đào được năm 2011 là giống nhau, kích cỡ tương đương nhau. Theo anh Hoài, anh đào được khá nhiều những ngôi mộ ở gần nhau có kích cỡ tương ứng nhau, kiểu dáng giống nhau và cùng niên đại. Nhiều khả năng là mộ của chồng và vợ, đều là quan to, vua chúa, cực giàu có thời xưa.
Với kinh nghiệm từng tìm hiểu về các loại hình mộ táng xưa, tôi tin rằng, ngôi "mộ vua" là mộ gỗ hình cũi, là loại hình mộ phổ biến thời Bắc thuộc, kéo dài từ đầu công nguyên đến tận thời Trần. Những ngôi mộ gỗ to, gỗ lim phiến lớn, cũi to, quan tài to hoặc bằng thân cây, chôn theo đồ gỗ, đồ gốm, thường xuất hiện vào thời điểm đầu công nguyên.
Ngoi mo co o Hai Phong la mo vua Mac, mo cu Nguyen Binh Khiem hay mo Han 2.000 nam truoc? hinh anh 6
Đồ cổ thời Bắc thuộc lấy được trong mộ Hán, có rất nhiều ở nhà anh Hoài.
Mộ gỗ hình cũi xuất hiện cùng thời điểm với mộ gạch xây vòm cuốn. Những ngôi mộ đất, tức chỉ đào đất rất sâu rồi chôn xác người, có thể xuất hiện sớm hơn dạng mộ gỗ và mộ gạch.
Với những kiến thức khá cơ bản này, tôi đặt nghi vấn rằng, "mộ vua" là một ngôi mộ rất cổ, xuất hiện thời Bắc thuộc, có tuổi trên dưới 2.000 năm. So sánh với những ngôi mộ gỗ khổng lồ đào được ở vùng Hải Dương, Quảng Ninh, thì có thể phán đoán, niên đại của ngôi mộ này tới 1.800 năm. Thời điểm đầu Công nguyên, mộ gỗ hình cũi ở vùng này thường rất lớn, được xếp bằng nhiều súc gỗ lim khổng lồ. Vua Mạc Đăng Dung và cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, mất cách nay mới hơn 400 năm, thì khó có thể là ngôi mộ này.


Thế kỷ 16, nước ta đã xuất hiện mộ xác ướp, kéo dài đến thời Nguyễn, nên có thể mộ vua Mạc Đăng Dung, hoặc cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm là mộ xác ướp, hoặc cũng có thể táng theo cách đơn sơ của người Việt.
Ngoi mo co o Hai Phong la mo vua Mac, mo cu Nguyen Binh Khiem hay mo Han 2.000 nam truoc? hinh anh 7
Người dân xã Liên Khê chặn đường phản đối các cá nhân, doanh nghiệp phá hoại di chỉ khảo cổ.
Tôi bày tỏ quan điểm của mình về "mộ vua" có thể là mộ Hán, thì anh Mạc Văn Trọng cho biết: "Chúng tôi không có chuyên môn sâu về khảo cổ học, chỉ biết tin vào sự chỉ dẫn của tâm linh. Ngoài ra, khu vực này là Thành Dền, là di tích rất quý của nhà Mạc, nên tất cả mọi thứ phải được bảo tồn nguyên trạng theo luật di sản. Cũng mong các cơ quan vào cuộc, trước mắt là bảo vệ những di chỉ còn sót lại. Tiếp đó, các nhà khảo cổ về nghiên cứu, khai quật ngôi mộ, để làm sáng tỏ, là điều họ Mạc chúng tôi rất mong chờ".
Ngôi mộ này, là mộ Hán, mộ vua Mạc, hay mộ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, quả thực rất cần sự quan tâm của các nhà khoa học để làm sáng tỏ. Tuy nhiên, có vẻ như, nhà tiên tri Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn đang thử thách con cháu trong việc tìm mộ cụ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#tl