Nam Mô Long Hoa giáo chủ Di Lặc Tôn Vương Phật

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

_((()))_ Ý NGHĨA HÌNH TƯỢNG PHẬT DI LẶC _((()))_
Một hôm Hòa thượng Thảo Đường gặp Ngài hỏi:
-Thế nào là đại ý Phật pháp?
Đang quảy bị trên vai, Ngài liền để xuống. Hòa thượng Thảo Đường hỏi tiếp:
- Chỉ có thế thôi hay có con đường tiến lên?
Ngài quảy bị lên vai và đi luôn. Mọi người không biết tung tích Ngài thế nào.Trước khi tịch, Ngài về chùa, ngồi trên bàn thạch làm một bài kệ:
Di Lặc chơn Di Lặc,
Phân thân thiên bách ức.
Thời thời thị thời nhơn,
Thời nhơn giai bất thức.
Ngài nói: Di Lặc thật Di Lặc. Phân thân trăm muôn ức. Thường thường chỉ dạy người đời, người đời đều không biết. Nhờ vào bài kệ, chúng ta mới biết Bố Đại Hòa thượng là hóa thân của Đức Di Lặc. Vì vậy khi vẽ hình Đức Di Lặc, người đời vẽ hình Bố Đại Hòa thượng.
Khảo qua lịch sử, chúng ta không biết Đức Di Lặc sanh và tịch ngày nào. Vậy thì ngày vía Đức Di Lặc là ngày gì? Chúng ta chớ nghĩ có ngày sinh và ngày tịch mới gọi là ngày vía. Chư Tổ chọn ngày mồng một Tết làm ngày vía Đức Di Lặc, vì người đời xem ngày mồng một Tết là ngày quyết định trọn năm, nên dè dặt từng lời nói, từng hành động, từng tên người đến thăm. Như vậy ngày mồng một Tết là ngày mang ý nghĩa của tương lai. Trong chùa các Tổ lấy ngày mồng một Tết làm ngày vía Đức Di Lặc cũng là ngày mang ý nghĩa tương lai sẽ thành Phật nên xướng lễ: Nam mô Long Hoa Giáo Chủ Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật. Lạy Đức Di Lặc, chúng ta đặt hết niềm hy vọng mình sẽ thành Phật. Đó là ý nghĩa thứ nhứt.
Ý nghĩa thứ hai là hình ảnh vui cười của Đức Di Lặc là biểu tượng hạnh phúc. Tại sao? Tới đây tôi nói qua thâm ý của Thiền tông.
Hỏi: Thế nào là đại ý Phật pháp?
Bố Đại quăng cái bị xuống, không trả lời.
Hỏi: Có con đường tiến lên không?
Bố Đại quảy bị lên vai đi.
Đại ý Phật pháp không có gì lạ, chỉ ở chữ xả. Chấp ngã, chấp nhân, chấp quyền thế, danh vọng... buông tất cả là đại ý Phật pháp.Ngài Qui Tông trong pháp hội Mã Tổ được ca ngợi là người buông xả nhất, nên Thiền sư Hoàng Bá thượng đường dạy chúng, nói: "Mã Đại sư sanh ra 84 vị thiện tri thức, hỏi đến cái tiêu chảy đầy đất chỉ có Qui Tông". Tiêu chảy đầy đất là buông xả tất cả. Xả là pháp đưa người đạt đến viên mãn trong đạo. Thế nên sau khi Ngài buông cái bị xuống, ngài Thảo Đường hỏi có con đường tiến lên không? Ngài liền quảy bị lên vai đi.Chính khi buông hết là tự tại giải thoát. Đây là chỗ cao siêu của Thiền. Chỗ này, một thiền sư nói: Ta không một pháp dạy người mà chỉ tùy phương tiện nhổ đinh tháo chốt.Nhổ đinh tháo chốt là phá chấp, là buông xả.Nói đến buông xả là nói đến hạnh phúc. Vì có xả được chúng ta mới an vui, cố chấp không xả thì phiền muộn khổ đau. Trong gia đình, vợ chồng bất đồng ý kiến cố chấp giận nhau, ra vào không nhìn mặt, không nói năng... Lúc đó có vui không? Chắc chắn là không; khi nào xả được, nói chuyện với nhau, lúc đó mới an vui Ngoài xã hội, bạn bè giao tế làm ăn va chạm nhau, nếu chúng ta cứ nhớ anh đó tính toán mưu toan, cậy thế lấn hiếp mình... Cố chấp như vậy có an vui hạnh phúc không? Chắc chắn là không, vì đang sống trong phiền giận, bất an. Khi nào xả hết phiền giận mới an vui.Lúc Phật còn tại thế, một hôm Ngài đi khất thực ở vùng Bà la môn. Vị trưởng Bà la môn vùng ấy phiền giận đi theo mắng chửi Ngài. Ông ta mắng chửi, Ngài vẫn làm thinh, chậm rãi đi. Tới ngã tư đường, Ngài trải tọa cụ ngồi. Ông ta tới trước mặt hỏi: Ông thua tôi chưa? Ngài đáp bằng bài kệ:
Người hơn thì thêm oán,
Kẻ thua ngủ không yên.
Hơn thua hai đều xả,
Ấy được an ổn ngủ.
Hơn người thì người oán giận. Còn nếu thua người về ngủ cũng không yên. Cả hai đều là cội gốc của đau khổ. Thành ra hơn thua bỏ quách đi thì được an ổn ngủ.Hạnh phúc từ đâu có? Từ tâm niệm buông xả mà có. Nếu trong gia đình cứ buồn vợ giận con, ngoài xã hội nhớ người này lấn mình, người kia khinh mình, ôm ấp phiền não
trong lòng hoài làm sao được hạnh phúc? Chúng ta hãy xem những chuyện đó là những lỡ lầm của người không có gì quan trọng, hỷ xả như thế mới được an vui. Đó là hạnh phúc nho nhỏ của thế gian. Còn hạnh phúc cao siêu trong đạo là phải đạt đến cứu cánh giải thoát. Trong kinh Phật dạy chúng ta không chấp ngã, không chấp nhân, không chấp cảnh, không chấp pháp... Buông hết những kiến chấp đó thì Niết bàn hiện tại, vĩnh viễn hạnh phúc.
Không chấp tức là hỷ xả, hỷ xả thì hạnh phúc, nên biểu trưng hình tượng Đức Di Lặc hoặc Bố Đại Hòa thượng lúc nào miệng cũng cười toe toét.Đầu năm chúng ta chúc cho nhau một năm đầy hạnh phúc. Chúc hạnh phúc mà cứ phiền giận hoài thì chỉ là chúc suông thôi. Ở đây, tôi không chúc gì cho quý vị hết, mà chỉ khuyên: "Năm nay quý vị tập tiêu chảy kha khá một chút". Chừng nào tiêu chảy như ngài Qui Tông, lúc đó quý vị sẽ tràn trề hạnh phúc. Đó là ý nghĩa qua hình ảnh và ngày vía Đức Di Lặc.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro