Phật Thích Ca đang ở đâu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

NAM MÔ ĐỨC BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT!
Thời nay, người ta gọi là thời Mạt Pháp, tức thị là thời pháp đạo đang trong kỳ suy vong.
Có rất nhiều thiện tín lại hoài nghi hỏi rằng: - Vậy thì Thích Ca Mâu Ni, Ngài đang ở đâu? Sao lại rời bỏ chúng sanh? Rời bỏ chánh pháp? Để cho chánh pháp rơi vào suy vong?
Theo kinh điển ghi lại thì Thích Ca Thế Tôn hiện thời đang an trú trong cảnh giới Niết Bàn.
Chúng ta nên quán cho rõ Niết Bàn là một cảnh giới chứ không phải Thế Giới.
Tức thị là Niết Bàn không phải như sự mô tả về Cực Lạc Tây Phương. Không phải là một Thế Giới được tạo ra theo nguyện lực như Cực Lạc tịnh thổ của A Di Đà!
Như vậy thì Niết Bàn là cảnh giới giải thoát vi diệu của một hành giả khi vượt ra được sự chi phối của luân hồi, nghiệp lực (không còn nghiệp, cũng không còn tạo nghiệp). Đoạn được tất cả mọi lậu hoặc để chứng được viên mãn vô sanh, vô diệt, vô sanh diệt.
Nhưng hôm nay chúng ta không lạm bàn về cảnh giới tối thắng của con đường tu học - Niết Bàn, mà thầy chỉ nói sơ qua đôi chút để ta hiểu rõ rằng Thích Ca đang ở đâu?!
Như vậy thì Thích Ca Thế Tôn vẫn đang nhập vào cảnh giới Niết Bàn, an trú trong cực lạc viên mãn.
Nhưng Niết Bàn là ở đâu?
Ở phương nam, hay phương bắc? Ở phía trên hay phía dưới? Ở bên ngoài hay bên trong? Ở phía trái hay phía phải?
Và câu trả lời là tất cả đều không phải!
Niết Bàn là cảnh giới tối thắng trong tâm thức của hành giả, được hành giả tạo ra và tồn tại ngay chính trong tâm thức đó! Khi viên mãn công hạnh chứng quả A La Hán.
Ngay cả khi thân xác đã bị hư hoại, thì tâm thức đó vẫn thường trụ vĩnh viễn bất biến, tức thị là cảnh giới Niết Bàn đó cũng tồn tại thường trụ bất biến.
Tâm thức này có thể luân chuyển bất cứ đâu, bất cứ nơi nào trong thập phương thế giới, vô ngại, bất xâm, bất nhập, bất biến!
Ngày nay, tuy nói là đương thời Mạt Pháp nhưng không phải là Thế Tôn không còn trú xứ chốn Ta Bà, mà Thế Tôn Thích Ca với đại hùng lực, đại trí tuệ, đã phân thân ra thành trăm ngàn pháp thân vẫn hằng ngày, hằng giờ, thường trú nơi pháp hội mà trợ thần cho chư vị Tôn Đức, giảng pháp, nói kinh, trợ duyên oai thần độ giúp chúng sanh bước về bờ giác.
Theo lời Thọ Ký của Thế Tôn thì phải còn rất lâu nữa Phật Di Lặc mới ra đời và thành đạo, một lần nữa chấn hưng Phật pháp, hiện thân con người.
Như vậy có thể hiểu nôm na rằng, từ khi Thế Tôn nhập diệt cho đến khi Di Lặc thành đạo thì ngài không sanh lại thân người cụ thể nào để độ chúng nữa. Nhưng mà mọi lúc, mọi nơi người có thể hóa thân độ pháp cho chúng sanh.
Thầy thí dụ, nếu khi có một vị chư tôn đức nào có đủ phẩm hạnh, đức độ giảng nói pháp phật của Thích Ca Mâu Ni, vì bá tánh, chúng sanh mà thuyết độ, thì khi đó Thích Ca Thế Tôn có thể phân thân mình đến đó nhập thần đại trí vào vị Tôn Đức đó để mà luận nói pháp vi diệu để độ sanh! Sau lúc đó thì xuất thần trở lại, và cứ như vậy trong khắp mười phương thế giới này, nơi đâu cũng có Phật, nơi nào cũng có thể nghe được lời Phật Thuyết chứ chẳng phải là người đã bỏ rơi chúng sanh, chỉ còn thu thần an trú cực lạc trong Niết Bàn trụ xứ.
Pháp đạo rơi vào suy vong là vì sao?! Không phải là vì chư Phật không tận lực độ thoát mà chỉ do chính lòng người mê chấp mà ra.
Thầy thí dụ thế này mọi người sẽ tự có thể có câu trả lời cho mình!
Trên một sạp rau có 3 kg rau cải.
Buổi sáng một số người ghé qua mua, rau tốt, rau ngon họ lượm nhặt chọn lấy một nửa.
Buổi chiều trên sạp rau đó còn lại một nửa thì tất nhiên rau buổi chiều đã không thể tốt bằng rau ban sáng được rồi, có phải như vậy không?!
Thế gian Ta Bà cũng như thế!
Qua hơn hai ngàn năm trăm năm, người ngộ pháp, hữu tâm đa phần chuyển sanh về các cõi giới cao hơn. Còn lại rất ít người còn thiện tâm to lớn, cầu trí cầu đạo cho nên làm sao mà tránh khỏi sự suy vong chánh pháp?
Cho nên sự suy vong này là tất yếu! Cũng không nên buồn phiền vì cái lẽ tất yếu này!
Chỉ nên ngộ rằng mình còn trụ tại nhân gian tức nghiệp còn dày, phước còn mỏng, đi sau thì phải về sau, nhưng nếu còn không đi thì tất nhiên mãi mãi cũng không thể nào về!
Không chỉ riêng mình Thích Ca Thế Tôn hóa thân trợ pháp, mà trong thập phương thế giới còn có hằng hà sa chư Phật, Bồ Tát nhập thần trợ pháp tương tự như vậy!
Cho nên đâu đâu cũng có Phật, có Bồ Tát chỉ cần tâm ta khởi cầu bằng chân thiện chánh niệm tức sẽ có ứng linh.
Khi ta vì ai đó hành thiện, nói pháp giúp họ ngộ pháp, hồi ngạn, phá chấp khai minh tức thì chung quanh ta có chư Phật, Bồ Tát đồng tán thán, xuyển dương, hộ trì, trợ oai.
Ta không hề đơn độc. Mọi người hãy ghi nhớ lẽ này mà tùy duyên pháp độ!
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT!
_(())_ KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ PHẬT THÍCH CA THÀNH ĐẠO - MÙNG 8/12 AL - PL 2559

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT 🙏🙏🙏

_((()))_ ĐỨC PHẬT NGÀI LÀ AI _((()))_

"Ta không là Thượng đế, cũng không phải là thần linh..."

"Ta không là Thượng đế, cũng không phải là thần linh, mà chỉ là một con người, nhưng con người đã chiến thắng thế gian".

Đức Phật đã chiến thắng thế gian, nhưng Ngài không cần ngai vàng để ngự trị và cũng không cần thần dân để được tôn vinh. Ngài sống rất thảnh thơi với ba mảnh y và một bình bát, nhưng chiến thắng được tâm mình để sống với chơn tánh mới là cái chiến thắng vĩ đại của bậc Đại giác, Đại hùng vậy. Chỉ sau khi Ngài nhập diệt, con người mới tôn thờ Ngài, sùng tín Ngài như các vị thần linh. Tóm lại, Đức Phật chỉ là một đạo sư, là ngọn đuốc tuệ để giúp chúng sinh nương theo đó mà tìm ra con đường sáng, con đường giải thoát giác ngộ cho chính mình.

Để giải thích mối quan hệ giữa lòng tin và trí tuệ, Đức Phật dạy rằng :

"Người có lòng tin mà không có trí tuệ thì thường làm tăng trưởng vô minh. Người có trí tuệ mà không có lòng tin thì thường làm tăng trưởng tà kiến".

Trí tuệ ở đây cần được hiểu là năng lực suy xét và phán đoán mọi sự việc cho nên nếu trí tuệ không có lòng tin vào Chánh pháp thì người tu tập dễ rơi vào tà kiến, tăng trưởng tự cao, tự đại, luôn cố chấp không thấy được chỗ sai lầm của mình.

Ngược lại, người có lòng tin vào Chánh pháp mà thiếu đi trí tuệ để nhận hiểu và phân biệt đứng đắn thì dễ dàng lún sâu vào chỗ si mê, tăm tối, mê tín dị đoan.

Vì thế mà trong Bát Chánh Đạo tức là tám con đường chân chính giúp chúng sinh chuyển cuộc sống từ phàm đến thánh chỉ có chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định mà không hề có chánh tín.

Đức Phật không phải là đấng thần linh nên Ngài không bắt buộc chúng sinh phải tin vào Ngài một cách tuyệt đối.

Ngược lại, Đức Phật dạy chúng sinh phải tư duy quán chiếu, suy nghiệm những lời Phật dạy một cách khách quan, đứng đắn thì mới có lợi ích cho mình.

Đức Phật muốn chúng sinh thấu hiểu chánh pháp để thấy biết đúng, suy nghĩ đúng mà có cuộc sống thanh bình an lạc thì lúc đó con người đâu còn tin vào tà kiến, mê tín dị đoan.

Vì thế hãy lắng nghe thông điệp của Đức Phật chính là con đường sống cao thượng của cuộc đời :

"Hãy tránh xa tất cả những hành động tội lỗi, trau dồi cuộc sống bằng những hành động tốt, thanh lọc tâm trí khỏi những ý nghĩ bất tịnh".

Trước khi nhập diệt, Đức Phật dạy rằng:

"Các con là những hải đảo, những ngọn đuốc cho chính mình. Hãy nương tựa vào chính mình, không nương tựa vào nơi nào khác".
Trong kinh Pháp Cú, Phật lại dạy thêm :

"Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi! Các con hãy lấy Pháp của ta làm đuốc! Hãy theo Pháp của ta mà tu giải thoát! Đừng tìm sự giải thoát ở một kẻ nào khác, đừng tìm sự giải thoát ở một nơi nào khác, ngoài các con".

Và sau cùng Đức Phật dạy rằng :
"Các con hãy tự cố gắng, Như Lai chỉ là kẻ dẫn đường".

Đạo Phật là tôn giáo duy nhất trên hoàn cầu xác định rằng cánh cửa thành công để đạt đến cứu cánh giải thoát giác ngộ phải mở rộng cho tất cả mọi người, từ nam nữ, lớn nhỏ, sang hèn, cao thấp, đạo đức hay tội lỗi.

Nếu chúng sinh biết cải thiện đời sống trong sạch, hóa giải hết phiền não vô minh thì sẽ có được Bồ-đề, Niết bàn như Phật.

Không phải ngày nay con người mới nghe đến những tôn giáo thuộc về "Thiên chủ tạo vật" mà vào thời Đức Phật đã có những giáo thuyết như vậy rồi.

Đó là "Thượng đế tạo ra tất cả mọi người, mọi vật. Thượng đế chịu trách nhiệm tất cả mọi việc. Thượng đế ban thưởng và tha thứ tội lỗi của chúng ta.

Thượng đế chịu trách nhiệm về cuộc đời chúng ta sau khi chúng ta chết. Thượng đế sẽ cho ta lên thiên đường hay bắt ta xuống địa ngục".

Ở đây, Đức Phật không hứa hẹn hạnh phúc hay ban thưởng cho những ai tự nhận là tín đồ của Ngài và Ngài cũng không hứa hẹn cứu rỗi cho những ai đặt niềm tin nơi Ngài.

Đức Phật không khuyên các đệ tử của Ngài đi cải đạo dân chúng, những người mà nếu không theo sẽ bị đọa vào địa ngục.

Ngài và tín đồ của Ngài không chỉ trích những người khác đạo là những người phạm tội sẽ bị đọa vĩnh viễn nơi địa ngục.

Theo tinh phần Phật giáo, cả đến những người không đạo nhưng biết sống trong phẩm hạnh và có lòng từ bi thì vẫn có thể lên thiên đường như thường.

Đối với Ngài, tôn giáo không phải là sự mặc cả, mà là con đường sống cao thượng để đạt đến cứu cánh tột đỉnh là giải thoát giác ngộ.

Đức Phật không muốn các tín đồ của Ngài tin tưởng trong mù quáng. Ngài muốn chúng sinh phải biết suy nghĩ và thấu biết. Phật giáo là con đường cao thượng cho đời sống mà nơi đó, nhân đạo, bình đẳng, công bằng và an lạc chiếm vị trí tối thượng.

Đức Phật phủ nhận có đấng Phạm thiên, Thượng đế vì chỉ có ta mới chính là Thượng đế của chính mình và chỉ có ta mới có thể tự lèo lái con thuyền định mệnh của mình được.

Đức Phật không dạy phải cầu nguyện và sùng bái Ngài để được Ngài tha thứ cho các tội lỗi. Thanh tịnh hay ô nhiễm trong tư tưởng của chúng sinh tùy thuộc nơi chúng sinh.

Không một đấng thiêng liêng, Phật hay một tha nhân nào có thể làm ô nhiễm hay thanh tịnh tư tưởng của người khác được. Ngay cả Niết bàn là hạnh phúc tuyệt đối cũng thế, khi chúng sinh tự mình quét sạch được những dục vọng, luyến ái và vị kỷ thì chính họ sẽ nghiệm chứng sự an lạc tịch diệt của Niết bàn chớ Niết bàn không phải do Như Lai ban tặng được.

Một ngày nọ, Đức Phật thấy những người Jalita lặn lội dưới nước trong khi tuyết xuống liên tiếp trong 7 ngày đêm để tế thần lửa tại bờ sông Gaya, Đức Thế Tôn dạy rằng :

"Sự trong sạch do rửa bằng nước không bao giờ có. Người nào tắm trong giòng nước Chân thật và thiện pháp thì người đó mới là người trong sạch".

Đức Phật đã khẳng định rằng tất cả các thứ nước trên thế gian này kể cả nước thánh thì không có thứ nước nào rửa sạch được lòng hung ác để trở thành tâm lương thiện. Chỉ có chân lý Tứ Diệu đế và Thánh pháp mới làm cho con người trở nên trong sạch, trở thành Thánh nhân. Đó chính là nước vô hình rửa được vô minh phiền não trong tâm của chúng sinh.

Một hôm khác, Đức Phật đang thuyết pháp, có vị Bà la môn tên là Sudarika bạch với Phật rằng :

- Bạch Đức Thế Tôn! Ngài có đến con sông Bahuka để tắm không?
- Này, Thầy Bà la môn! Con sông đó có gì đặc biệt?
- Thưa Thầy Cồ Đàm! Con sông Bahuka là nơi mà mọi người cho đó là giòng sông Phước nên hàng ngày biết bao người đến tắm để rửa tội.
Bây giờ Thế Tôn mới dạy :

- Người thiếu trí, tạo ác nghiệp cho dù có đến tắm những giòng sông Bahuka, sông Gaya, sông Sarassati, sông Payaya và sông Bahumati thì những con sông ấy không thể làm cho người ác hết tội. Người đã tạo ác nghiệp thì không có giòng sông nào làm cho họ trong sạch được.

- Này Thầy Bà la môn! Thầy nên tắm, rửa tội thứ nước mà Như Lai đã dạy là: người không nói dối, không làm hại chúng sinh khác, không nên lấy của người, không nên bỏn xẻn keo kiệt. Ngược lại, tuy Thầy có đi đến con sông Gaya và uống nước ấy cũng không ích lợi gì cho Thầy".

Do đó sự rửa tội và sự đưa chúng sinh lên thiên đàng không hề bao giờ có trong đạo Phật và chính Đức Phật đã phủ nhận nói rằng Ngài có oai lực đưa người đi được đến Thiên đàng, Cực Lạc. Vì vậy mà đạo Phật mới gọi là đạo Tự giác.

Đức Phật là đấng đã thức tỉnh trong giấc mộng vô minh và lời dạy của Ngài kêu gọi chúng sinh nên thức tỉnh nghĩa là Phật dạy chúng sinh phải tự mình tu và cố gắng giải thoát lấy mình chớ đừng mong đợi Phật có oai lực cứu độ mình. Nói cách khác, người muốn no hãy tự ăn lấy mới no, kẻ khác không thể ăn cho mình no được.

Vì thế bất cứ ai cũng có thể đứng trước Đức Phật trong tư thế một người có phẩm cách chớ không phải trong tư thế một người cầu khẩn, van xin.

Hãy lắng nghe lời phát biểu của giáo sư Lakshmi Nasara viết trong cuốn "Tinh Hoa của Phật giáo" :

- Chỉ nói về Phật giáo thôi, ta có thể xác nhận là tôn giáo này thoát khỏi tất cả cuồng tín. Phật giáo nhằm tạo trong mỗi cá nhân một sự chuyển hóa nội tâm bằng cách tự chiến thắng lấy mình.

Từ xưa đến nay, lý trí và đức tin luôn chống đối với nhau. Lý trí thì dùng lý luận và suy tư phát xuất từ kinh nghiệm và nhận xét, trong khi đức tin nằm trong phạm vi tình cảm, không thể suy luận, suy xét hay giảng giải được.

Do đó những tôn giáo thần khải thì đức tin là thượng đế cảm nhận bằng trái tim, không phải bằng lý trí. Tình thương phát xuất bằng trái tim thì dựa vào tình cảm nên rất thăng trầm vì thế nó có lúc đúng, có lúc sai, có lúc thương có lúc ghét.

Ngược lại lòng từ bi phát xuất từ trí tuệ sáng suốt thì dựa theo tinh thần khách quan bình đẳng, không thiên vị. Thêm nữa, đối với những tôn giáo thần khải thì thần thông, phép lạ là quan trọng.

Ngược lại Đức Phật coi đó là không đáng kể và không thích đáng bởi vì điều quan trọng nhất vẫn là bồi dưỡng trí tuệ để có giải thoát giác ngộ. Đối với đạo Phật, những người có phép lạ không nhất thiết là bậc giác ngộ hay các bậc Thánh cho nên theo Đức Phật, thần thông phép lạ cao siêu nhất và huyền diệu nhất phải là làm sao biến một người ngu si thành một người khôn ngoan, trí tuệ.

Vậy đạo Phật có phải là một tôn giáo không?
Dựa theo lời giải thích của học giả H. G Wells thì tôn giáo là trung tâm của giáo dục xác định luân lý phẩm hạnh của con người.

Triết gia Aldous Huxley định nghĩa tôn giáo như sau :

- Tôn giáo là một hệ thống giáo dục, bằng các phương tiện con người có thể tự mình huấn luyện cho mình. Trước hết là thay đổi cái mình mong muốn cho đúng với nhân cách của mình trong xã hội. Thứ hai là nâng cao lương tri và thiết lập quan hệ giữa con người và vũ trụ mà họ là một thành phần trong đó.
Thông thường tôn giáo luôn đi đôi với tín ngưỡng vì thế tất cả những tôn giáo trên thế giới đều tin tưởng đấng thần linh này, đấng cứu rỗi nọ, ông trời mình và ông trời người.

Duy chỉ có Phật giáo là không tin vào thần linh, không tin vào thượng đế, không tin vào ai cả mà chỉ tin vào khả năng tự mình có thể giải thoát ra khởi mọi hệ lụy của phiền não vô minh cho chính mình mà Đức Phật là người dẫn đường, là bậc toàn giác.

Đạo Phật khai mở một hệ tư tưởng triết học rất thâm thâu huyền diệu dựa vào tư tưởng tánh Không (Bát nhã) để dẫn dắt chúng sinh quán triệt thật tướng của vạn pháp chớ không nhất thiết chỉ thấy biết vạn pháp qua thế giới hiện tượng.

Những lời dạy thâm sâu của Đức Phật để đưa tâm quy về một trạng thái tinh thần tĩnh lự và sáng suốt được nhiều người cho đó là tôn giáo, người khác lại cho là triết học hay tâm lý trị liệu.

Vì vậy, khi đề cập đến thế giới bản thể và hiện tượng là một vấn đề rất quan trọng, một vấn đề mang tính triết học sâu xa, nếu con người nhìn nó qua lăng kính của triết học.

Nhưng đối với Phật giáo, cho dù con người có gọi nó là tôn giáo, nền giáo dục, môn triết học hay là gì đi chăng nữa thì điều đó chẳng có giá trị thêm bớt gì vì lý luận là còn nằm trong vòng lẩn quẩn của Nhị nguyên, của thế giới tương đối có sinh có diệt. Mà điều quan trọng hơn hết là những lời thuyết pháp của Đức Phật nhằm nói lên chân lý khách quan, nói lên cái nguyên thủy của sự hình thành và sự tồn tại khách quan của vũ trụ vạn hữu.

Nhưng cho dù con người có lý luận dựa theo bất cứ khía cạnh, phương diện nào thì có một điều chắc chắn mà mọi người đều đồng ý rằng Đức Phật không phải là đấng thần linh, đấng cứu rỗi mà Ngài chỉ là đấng toàn giác, là bậc thầy vĩ đại mà thôi.

Vì vậy, đạo Phật có thể được gọi là một tôn giáo không có tín ngưỡng. Tại sao lại không có tín ngưỡng?

Bởi vì đạo Phật là con đường giúp chúng sinh tự mình thể nghiệm chân lý để có giải thoát giác ngộ mà không tin có một đấng Thượng đế, một đấng thần linh nào đó có thể ban vui cứu khổ hay cứu rỗi cho họ được. Mà muốn đạt đến cứu cánh tột đỉnh này, người đệ tử Phật bắt buộc phải có niềm tin.

Nhưng niềm tin ở đây là tin vào lời dạy chân thật của Đức Phật là người đã thực chứng những chân lý nhiệm mầu bởi vì lời dạy của Phật là : "Như Lai thị chơn ngữ giả, thật ngữ giả, bất dị ngữ giả, bất cuống ngữ giả" nghĩa là lời nói của Phật là chân chính, là thành thật, không tráo trở và không bao giờ dối trá.

Quan trọng hơn là người đệ tử Phật phải tin chính mình có khả năng hóa giải, diệt trừ mọi vô minh phiền não để đạt được tâm thanh tịnh mà có Niết bàn, có Bồ-đề cũng như chư Phật, chư Bồ-tát vậy.

Đức Phật dạy chúng sinh phát triển những tiềm năng và nỗ lực của chính bản thân mình để đạt đến trạng thái an lạc và hạnh phúc tuyệt đối Niết bàn.

Do đó hạnh phúc hay khổ đau là do nơi con người chớ không tùy thuộc vào một đấng quyền năng tuyệt đối nào và Đức Phật chỉ là một bậc thầy hướng đạo. Đức Phật đã trải qua bao nhiêu khổ ải và đau đớn để đạt đến an lạc, thanh tịnh Niết bàn vì thế Ngài chính là biểu tượng của An lạc, Từ bi và Trí tuệ.

Vậy người đệ tử Phật phải có những đức tin gì?

-Tín tự : tức là tin ở trong ta, chính mình có khả năng tu thành Phật nhưng vì bị vô minh che lấp nên vẫn còn sống trong điên đảo khổ đau.

-Tín tha không có nghĩa là tin vào tha lực của chư Phật để được cứu giúp hoặc được vãng sanh về thế giới cực lạc mà chính mình không chịu lo tu sửa, hóa giải phiền não vô minh. Đây là hoàn toàn trái ngược với luật nhân quả của Phật giáo.

Tín tha ở đây là tin vào lời dạy chân thật của Phật vì đây chính là con đường, là ánh sáng huyền diệu giúp chúng sinh hóa giải tất cả những vô minh phiền não trong cuộc sống này. Vì Phật là người đã giác ngộ trước, là người chỉ đường nên chúng sinh nếu không tin vào lời Đức Phật thì làm sao nương theo con đường mà Phật đã đi để có thể chứng đắc được chân lý mà có được giải thoát giác ngộ như Phật.

Nếu chính mình không hóa giải hết phiền não vô minh, cho dù Phật A Di Đà có rước về tây phương cực lạc thì tự mình cũng không có thanh tịnh cực lạc được. Vì thế kinh Duy Ma Cật đã khẳng định là : "Tùy kỳ tâm tịnh, tắc Phật độ tịnh" nghĩa là hễ tâm mình được an vui thanh tịnh thì thế giới mình đang sống sẽ chính là thế giới cực lạc vậy.

3) Tín Nhân, Tín Quả : Ngoài tín tự, tín tha, trọng tâm của đạo Phật vẫn là tín nhân tín quả. Con người phải tin chắc rằng hễ mình gieo nhân gì thì chính mình sẽ nhận lấy quả báo của nó. Nên nhớ rằng không có một tha nhân nào trên thế gian này có thể thay nhân đổi quả của người khác được mà chỉ có mình mới lèo lái con thuyền định mệnh của chính mình mà thôi.

Con người không cần phải cầu nguyện, van xin để chư Phật độ cái này, thưởng cái kia vì có van xin cầu nguyện cũng không bao giờ được, bởi vì nó đi ngược với luật nhân quả.

Nhưng nếu chúng sinh muốn biết cuộc sống mình sẽ ra sao thì chỉ cần nhìn kỹ vào tất cả những nhân thiện ác mà chính mình đã tạo tác thì chắc chắn sẽ biết mình sẽ được thọ báo những hạnh phúc hay khổ đau. Muốn có cuộc sống hạnh phúc yên vui thì nên gieo nhân lành, ngược lại gieo nhân bất thiện thì phải chịu cảnh khổ đau, bất toại nguyện, thế thôi.

Ngày nay có rất nhiều đệ tử Phật vẫn còn nhầm lẫn về hai chữ: "Phật độ". Phật độ không có nghĩa là mình cầu nguyện, van vái điều gì thì Phật độ, Phật ban cho điều ấy.

Mà Phật độ ở đây chính là Phật chỉ dạy cho chúng sinh con đường giải thoát giác ngộ để tự mỗi chúng sinh tùy theo bổn nguyện, căn cơ và hoàn cảnh của chính mình mà tự mình hóa giải những hệ lụy của phiền não vô minh. Có bớt được một phần phiền não vô minh thì có được một phần Bồ-đề Niết bàn.

Do đó Phật độ là Phật giúp cho chúng sinh phương tiện tức là kinh điển, nhưng chính chúng sinh phải tự mình chèo, lái, thực hành và sống với chánh pháp thì mới có giải thoát, an vui và tự tại.

Ngược lại nếu chúng sinh ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật, trì chú, van vái, cầu nguyện mà tự mình không chịu lo tu sửa, tánh tham tật đố không chừa, tâm còn giận còn hờn, lòng còn chạy theo si mê ái dục thì đây chỉ là tu hành theo hình thức, không có một ý nghĩa hay giá trị nào hết.

Ngày xưa khi tôn giả Mục Kiền Liên cầu khẩn và bạch với Phật xin thương xót cứu vớt mẹ Ngài là bà Thanh Đề ra khỏi địa ngục A Tỳ. Tại sao Phật không làm phép, bắt ấn tam muội để bọn quỷ sứ ma vương thả bà Thanh Đề về?

Không phải là Phật không làm được, nhưng Ngài không làm vì đây hoàn toàn trái với luật nhân quả. Nếu bà Thanh Đề đã gieo những nhân bất thiện thì chỉ có bà phải tự mình ăn năn sám hối để chuyển cái tâm tội lỗi xấu xa thành cái tâm thuần lương tươi sáng. Có như thế thì chính bà tự bẻ gãy gông cùm nơi địa ngục mà hóa sanh về cảnh thiên đường an lạc.

Chẳng những Phật giáo phủ nhận Thượng đế mà Phật giáo cũng không chấp nhận Diêm vương là người có quyền phán xét tội hồn trong cõi âm.

Khi nói về cõi âm, hai quyển "Hồi dương nhân quả" và "Ngọc lịch minh kinh" không phải là kinh sách của Phật giáo vì nó diễn tả một câu chuyện xảy ra ở Trung Hoa của hai người trùng tên nhưng khác họ, bị quỷ bắt lầm rồi sau đó trả hồn về thế gian.

Thật ra ông Diêm vương mà người thế gian thường nhắc đến không phải phát xuất từ Phật giáo mà nó đã xuất hiện rất lâu trong những kinh sách Vệ Đà của Ấn Độ. Vì thờ đa thần nên họ nghĩ rằng trên trời thì có thiên thần, ở giữa hư không có hư không thần và trong đất cũng có địa thần...Vì thế người Trung Hoa mới sao lại những vị Diêm Vương cai quản 18 tầng địa ngục.

Nhưng trong thế gian có biết bao giống dân như Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Gia Nã Đại... thế thì tại sao ông Diêm vương phải lại là người Trung Hoa? Phải ăn mặc giống như cải lương, hát bội vậy?

Đây phải chăng là do óc tưởng tượng của người Trung Hoa bày vẽ ra? Thật sự nếu có vị Diêm vương cai quản cõi âm thì tội hồn cũng có cách hối lộ để được giảm tội hình. Nhưng dựa theo Phật giáo, địa ngục không phải là nơi giam giữ tội hồn đời đời như nhiều người thường nghĩ.

Những hình ảnh ma vương, quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa cùng những khổ hình nơi 18 tầng địa ngục chính là sự phóng rọi, biến hiện và trói buộc của Nghiệp cảm mà thôi. Vì vậy, mỗichúng sinh đều có một ngài Diêm vương nơi tâm mình mà họ không tự biết, đó là tiếng nói mãnh liệt của Chơn tâm, Phật tánh và là sự phán xét sau cùng của Chí thiện.

Đức Phật Thích Ca đã khẳng định rằng Ngài chỉ là một đấng đạo sư, chứ không phải là đấng cứu thế, đấng thần linh vì thế đạo Phật là con đường giúp chúng sinh tự mình chứng ngộ chân lý, tự mình có được giải thoát giác ngộ chứ Phật không cứu rỗi, độ cho bất cứ ai.

Bồ-đề, Niết bàn là do chúng sinh tự hóa giải hết vô minh phiền não mà có chứ không phải do Phật, Bồ-tát ban tặng. Bớt một phần vô minh thì có một phần Bồ-đề, hóa giải một phần phiền não thì có một phần an lạc Niết bàn thế thôi.

Đức Phật hy sinh cả cuộc đời vương giả, không ngại dầm mưa giải nắng, cực khổ gian lao để đi tìm chân lý. Đến khi thành đạo Ngài đã đem ánh đạo vàng gieo khắp các nơi, đem nước từ bi rưới xuống cứu độ chúng sinh để "lìa khổ được vui" không phân biệt là cung vua phủ chúa hay mái tranh nghèo của người nông phu vì thế không có nơi nào ở Ấn Độ mà không có dấu chân Phật.

Nếu đây không phải là "Tha lực Phật" đã gia bị cho chúng sinh thì là gì? Nhưng trong Phật giáo không hề có việc ân sủng cứu rỗi vì nó đi ngược lại với quy luật nhân quả phát triển khách quan của tất cả vạn hữu trong vũ trụ.

Trong Kinh A Hàm, có câu chuyện nàng Kisa Gotami như sau :
Nàng Kisa Gotami có người con trai chẳng may bị rắn cắn chết. Vì quá thương yêu đứa con yêu dấu của mình nên nàng Kisa không thể chấp nhận cái chết. Nàng mang thi hài của con đến hết nhà này tới nhà kia để tìm thuốc cứu chữa, nhưng không ai có thể giúp nàng được. Cuối cùng nàng đến hầu Đức Phật. Đức Phật dạy rằng :

- Nếu cô có thể đem cho ta một nắm tro (có sách viết là hạt cải), ta sẽ giúp cô. Tuy nhiên, nắm tro ấy phải xuất phát từ ngôi nhà trong đó không có người nào chết cả.

Kisa đi đến mọi nhà trong thành phố. Khắp nơi mọi người đều thương xót cho hoàn cảnh đau khổ của nàng nên ai cũng tặng nàng nắm tro. Nhưng khi hỏi lại thì bất cứ gia đình nào cũng có người chết. Đó là có khi anh em, cha mẹ, vợ chồng hay con cái như nàng. Quá thất vọng, nàng trở về gặp Đức Phật với tay không. Đức Phật nhìn người đàn bà đau khổ và hỏi:

- Ngươi đã tìm được nắm tro ấy không?

- Ôi! Con ôm đứa con đã lạnh vào lòng và đi gỏ cửa từng nhà một để xin thứ tro ấy. Tro thì không thiếu gì, nhưng không có nhà nào không có người hoặc mới chết, hoặc chết đã lâu. Con mệt nhọc mà vẫn không tìm ra nay nhờ Ngài chỉ dùm nhà nào có thứ tro mà Ngài đã dạy để cứu con của con.

Đức Phật đặt một tay trên vai Kisa như để trút cả một niềm thương lên đó và nói bằng một giọng xót xa:

- Kisa! Không có thứ tro đó đâu. Vì chết là một luật chung của sinh vật trong vũ trụ này. Hôm qua ta bảo ngươi đi tìm thứ tro ấy là cốt để cho ngươi nhận thấy rằng "Đã là con người thì phải chịu cảnh sinh ly tử biệt".

Không ai có thể vượt thoát ra khỏi luật vô thường cay nghiệt này. Hôm qua ngươi tưởng chỉ có một mình ngươi đau đớn.

Bây giờ ngươi đã hiểu rằng toàn thể nhân loại đều chịu chung như thế cả. Cái đau đớn của ngươi chỉ là một trong cái đau đớn của toàn thể nhân loại. Đây là một giọt nước mắt trong biển nước mắt mà thôi.

Ngươi đừng nên than khóc thái quá vì không thể nào thay đổi cái định luật khắc nghiệt này. Nếu ta có thể cứu được con ngươi thì dầu cần đến máu xương ta thì ta cũng không từ.

Nàng Kisa cảm thấy được an ủi nên về sau nàng đến gặp Đức Phật, trở thành đệ tử của Ngài và sau đó chứng thánh quả A la hán.

Dựa vào câu chuyện trên, chính Đức Phật cũng không thể thay đổi sinh mệnh của con người được bởi vì chân lý của đạo Phật là nhân nào thì quả nấy và chỉ có ta mới có thể thay đổi cuộc đời và định mệnh của ta mà thôi. Vì thế không có việc độ trì, cứu rỗi trong đạo Phật vì Đức Phật chỉ là bậc thầy vĩ đại chứ không phải là đấng thần linh.

Trưởng giả Cấp Cô Độc (Anàthapindika) là vị thí chủ lớn nhất ủng hộ Đức Phật và Tăng chúng. Ông cùng Thái tử Kỳ-Đà (Jeta) xây tịnh xá Kỳ Viên nơi mà Đức Phật đã thuyết giảng trong suốt 19 mùa an cư kiết hạ. Khi cư sĩ Cấp Cô Độc đau nặng sắp chết, Đức Phật hay tin liền cho tôn giả Xá Lợi Phất và A Nan đến thăm. Sau khi thăm hỏi bệnh tình, tôn giả Xá Lợi Phất khuyên ông Cấp Cô Độc không nên để cho mắt sanh thức rồi nhiễm theo sắc trần, không nên để tai sanh thức rồi nhiễm theo thanh trần...

Nói chung tuy sáu căn tiếp xúc với sáu trần nhưng đừng khởi thức phân biệt rồi chạy theo sáu trần. Sau đó Ngài nhắc ông Cấp Cô Độc chớ để tâm đắm nhiễm sắc thân tứ đại (đất, nước, gió, lửa) mà sanh tham dục. Chớ để tâm đắm nhiễm cái thân ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) mà sanh tham dục. Trưởng giả Cấp Cô Độc nghe xong bài pháp thoại liền rơi nước mắt mà thưa rằng :

- Từ trước đến giờ con chưa từng nghe bài pháp như thế, bây giờ con mới được nghe.

Tôn giả A Nan cũng nhắc nhở khuyến pháp cho ông Cấp Cô Độc. Nhắc nhở, giảng giải xong, hai tôn giả từ giả ra về. Sau đó không bao lâu, cư sĩ Cấp Cô Độc mệnh chung sinh lên cõi trời Đầu Suất.

Như vậy đối với các Phật tử sắp chết, Đức Phật và các đại đệ tử của Ngài chỉ đến thăm, giảng giải đạo lý nhắc cho người bệnh nhớ và tin sâu vào Tam Bảo mà an lòng ra đi chớ không có tụng kinh trợ niệm.

Nếu những Phật tử khi mạnh khỏe thường tụng Bát Nhã tâm kinh thì nên nhắc nhở với họ còn nhớ câu : "Quán tự tại Bồ-tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời, chiếu kiến ngủ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách".

Nếu họ trả lời "Nhớ" thì hỏi tiếp: "Chiếu kiến ngũ uẩn giai không là sao?".

Nếu họ giải thích đúng, thì hỏi tiếp: "Thế thì quý vị đã thấy ngũ uẩn giai không chưa?

"Nếu họ đã thấy thì qua hết khổ nạn mà ra đi thảnh thơi. Nếu họ chưa thấy thì nhắc lại cho họ tỉnh. Hoặc có thể nhắc nhở một câu trong kinh Kim Cang : "Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, Nhược kiến chư tướng, Phi tướng tức kiến Như Lai" để đánh thức họ họ đừng luyến tiếc xác thân, tiền của, ngay cả vợ chồng con cái thì mới ra đi nhẹ nhàng được.

Như vậy là độ cho họ trong giờ phút lâm chung, chớ không phải lập bàn thờ Phật, mình thì tụng kinh gõ mõ còn họ thì cứ mê cứ mệt, không sáng suốt, hai bên không dính dáng gì nhau.

Bây giờ hãy lắng nghe Thái tử Tất Đạt Đa than thở với Công chúa Da Du Đà La trước khi Ngài đi xuất gia:

"Chúng ta sẽ già yếu và xấu đi. Thời gian sẽ phủ lên đầu chúng ta những lớp tro bạc. Ôi! Mặt trong của nàng rồi sẽ mờ đục. Môi thắm của nàng rồi sẽ úa màu. Ta nghe trong ta, trong nàng và trong tất cả mọi người, mỗi ngày mỗi đổ vỡ dưới sức tàn phá của cái búa thời gian...Chúng ta ôm giữ một cách tuyệt vọng những bảo vật ở trong ta như ôm giữ một cái bóng, như nắm bắt một làn hương."

Vì vậy cuộc tiệc nào chẳng có lúc tàn, dung nhan nào chẳng có lúc tàn phai do đó chỉ có cái đẹp tự trong tâm hồn là cái đẹp bền vững, không bao giờ phai nhạt và không còn sợ bị quỷ vô thường ám hại.

Thế thì cầu an cầu siêu "không phải" là truyền thống của Phật giáo. Chúng sinh phải tự hỏi rằng Phật hay Bồ-tát có thể tiêu trừ những khổ đau, tội nghiệp và những rắc rối của mình được không? Nói cách khác, mình tạo nhân mà người khác chuyển quả có được không? Một người ăn mà người khác có no được không?

Con người phải trực tiếp nhận lãnh trách nhiệm của chính mình cho những gì sảy ra đến với mình. Người làm lành sẽ được thưởng quả tốt, ngược lại, kẻ gieo nhân ác sẽ phải thọ lãnh điều bất hạnh thế thôi. Luật nghiệp quả rất công bình, hợp lý và không thiên vị bất cứ một ai cho dù đó là Đức Phật.

Một kiếp quá khứ, tiền thân Đức Phật vì lở tạo khẩu nghiệp, cho đến kiếp này mặc dù đã thành Phật vẫn phải trả như thường. Ngài phải ăn lúa dành để nuôi ngựa đến 3 tháng mới xóa được nghiệp bất thiện này. Vì thế nếu con người muốn cải thiện đời sống của mình thì nó tùy thuộc vào sự thay đổi cách cư xử, lối sống và những thái độ nhằm để tác động những gì sẽ xảy ra trong tương lai.

Đức Phật không dạy cầu an cầu siêu vì có cầu cũng chẳng được bởi vì nhân nào quả nấy, trồng khế thì ăn quả chua còn trồng quít thì hưởng quả ngọt thế thôi. Con người khi còn sống thì dối người, lợi mình. Dối người chưa đủ họ còn quay lại dối mình và dối luôn cả Phật trời.

Nhưng khi chết thì thân vật lý đâu còn nữa để che đậy sự dối trá của mình nên tất cả các nghiệp thiện ác hiện ra rất rõ ràng trong thân trung ấm (thân tư tưởng trong hư không) để đưa họ tái sinh tương xứng với quả nghiệp của họ. Khi đi tái sinh thì cái ngã tan vỡ đâu còn nên hài nhi không còn nhớ mình là ai, từ đâu đến, đã làm những việc thiện ác gì.

Từ đây nó mang một hình hài mới, sắc diện mới, tên họ mới, cha mẹ anh em dòng họ mới và một cuộc đời mới tương xứng với tất cả những quả nghiệp mà nó đã tạo tác từ những đời quá khứ. Cái ngã cũ không còn, tên họ cũ mất đi.

Thí dụ ngày xưa là Nguyễn văn A bây giờ tái sinh thành ra John Smith thì ông A vĩnh viễn biến mất trong thế gian rồi, còn đâu nữa mà cầu. Ngày xưa tôn giả Mục Kiền Liên là thánh Tăng mà không siêu nổi cho mẹ ông thì phàm tăng đời nay có ai dám bảo đảm làm được?

Còn nếu năm nay các chùa tụng kinh cầu siêu cho ông bà chúng ta được siêu sinh tịnh độ rồi, thì năm tới tại sao các chùa cũng tiếp tục gởi thơ để cầu siêu nữa? Nếu đã siêu rồi thì tại sao năm nào cũng cầu? Cầu đến bao nhiêu năm mới được siêu?

Dựa theo Phật giáo, nếu muốn siêu thì khi còn sống con người phải lo tu tâm dưỡng tánh, làm lành tránh dữ, vun bồi phước đức và công đức để biến cuộc sống thành an vui tự tại, thanh tịnh giải thoát thì khi nhắm mắt sẽ được an nhiên siêu thoát mà không cần ai cầu ai nguyện chi cả.

Hãy nghe tiến sĩ Oldebburg, một học giả người Đức phát biểu rằng:

- Đức Phật không giải thoát con người, nhưng Ngài dạy con người phải tự chính mình giải thoát lấy mình, như chính Ngài đã tự giải thoát lấy Ngài.

Con người chấp nhận giáo lý của Ngài là chân lý, không phải giáo lý này đến từ nơi Ngài, nhưng vì lòng xác tín cá nhân, thức tỉnh bởi những lời Ngài dạy, trỗi dậy bởi ánh sáng trí tuệ của chính mình.

Ngay cả Giáo sư Eliot viết trong cuốn "Phật giáo và Ấn Độ giáo" rằng:

- Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, Đức Phật tuyên bố sự giải thoát, mỗi con người có thể đạt được do chính bản thân mình trong đời sống của mình trên thế giới mà không cần đến sự giúp đở của Thượng đế hay thánh thần nào.

Ngài nhấn mạnh về giáo lý như lòng tự tin, thanh tịnh, nhã nhặn giác ngộ, an lạc và lòng thương yêu nhân loại. Ngài cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết của trí tuệ vì không có nó thì siêu linh nội tâm không xâm nhập trong đời sống của Ngài được.

Tóm lại, đạo Phật không phải là đạo đổi chác, không phải là đạo ban bố phép mầu và cũng không phải là đạo hứa hẹn. Sự giải thoát giác ngộ hay sự an lạc thanh tịnh Niết bàn thật ra tự chúng sinh đem lại cho mình chớ Phật không ban bố cho ai cả.

Vì thế, tuy đạo Phật là đạo của từ bi, trí tuệ và lòng dũng cảm, nhưng nếu con người không tin vào lòng từ bi để thương yêu, ban vui cứu khổ để cứu giúp chúng sinh; vào khả năng phát triển trí tuệ để chứng đạt chân lý ngỏ hầu thấu biết được thật tướng nhân sinh vũ trụ và lòng dũng cảm để vượt qua sóng gió chập trùng mà chiến thắng được vô minh phiền não của mình mà chỉ muốn cầu xin, van vái thần linh để có hạnh phúc thì con đường họ đi chắc chắn " không phải" là đạo Phật.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro