Tâm lý học đám đông

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

TÂM LÝ HỌC ĐÁM ĐÔNG

TÂM LÝ HỌC ĐÁM ĐÔNG
LA PSYCHOLOGIE DES FOULES – 1895

Tác giả: GUSTAVE LE BON
Nguyễn Xuân Khánh dịch
Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính

LỜI GIỚI THIỆU

Gustave Le Bon (1841 - 1931) là nhà tâm lí học xã hội nổi tiếng người Pháp với lí thuyết về đám đông. Ông viết về nhiều lĩnh vực và có ảnh hưởng rất lớn trong xã hội Pháp đương thời. Những tác phẩm nền tảng nhất của Le Bon là Quy luật tâm lí vì sự phát triển của các dân tộc (Les Lois psychologiques de l'évolution des peuples, 1894), Cách mạng Pháp và tâm tí học về các cuộc cách mạng (La Révolution francaise et la psychologie des révolutions, 1912) và Tâm lí học đám đông (La Psychologie des foules, 1895). Các tác phẩm khác của Le Bon bao gồm: Tâm lí học về chủ nghĩa xã hội (Psychologie du socialisme, 1898), Bài học tâm lí từ cuộc chiến tranh châu Âu (Enseignements psychologies de la guerre Européenne, 1915), Tâm lí học thời đại mới (La psychologie des temps nouveaux, 1920) và Một thế giới mất cân bằng (Le déséquilibre du monde, 1924)...

Le Bon tập trung nghiên cứu về tính cách và tinh thần của các dân tộc, nhưng ưu thế và quá trình phát triển của các chủng tộc. Ông đặt lên hàng đầu khái niệm vô thức tập thể mà chính Freud đã thừa nhận vai trò của nó đối với các nghiên cứu về phân tâm học của mình. Le Bon cho rằng con người được xác định bởi những nhân tố sinh học và tâm lí học. Trong những quy luật lớn thường xuyên chỉ đạo sự tiến triển chung của mỗi nền văn minh, "những cái phổ biến nhất, khó quy giản nhất sinh ra từ cấu tạo tinh thần của những chủng tộc" (Quy luật tâm lí về sự phát triển của các dân tộc). Thực ra, mỗi dân tộc “đều có một cấu tạo tinh thần cố định như tính chất giải phẫu học của nó" (sách đã dẫn), được biểu hiện trong “tâm hồn" nó. Tất cả các thể chế, niềm tin, mọi nghệ thuật của một dân tộc chỉ là “mạng lưới hữu hình trong tâm hồn vô hình của nó". Chủng tộc cũng núp bóng trong mỗi cá nhân cấu thành một dân tộc; nó chi phối mọi hành động, mọi ham muốn, mọi xung năng của anh ta, nó tạo nên vô thức tập thể của anh ta.

Trong khi đó, thời đại của Le Bon đã chứng kiến bản chất di truyền của chủng tộc bị lung lay với sự lớn mạnh của đám đông và những bất ổn về chính trị, xã hội. Ông đã trải nghiệm qua Công xã Paris năm 1871 và nghiên cứu rất kỹ về cuộc Cách mạng Pháp năm 1789 và 1848. Những trải nghiệm ấy mang lại kinh nghiệm thực tiễn cho việc hình thành tư tưởng về đám đông của ông. Tư tưởng ấy được thể hiện rõ rệt nhất trong tác Phẩm Tâm lí học đám đông

Theo Le Bon, những đám đông luôn bị vô thức tác động, họ xử sự như người nguyên thuỷ, người dã man, không có khả năng suy nghĩ, suy luận, mà chỉ cảm nhận bằng hình ảnh, bằng sự liên kết các ý tưởng; họ không kiên định, thất thường, và đi từ trạng thái nhiệt tình cuồng loạn nhất đến ngây dại ngớ ngẩn nhất. Vả lại, do thể tạng của mình, những đám đông ấy cần có một thủ lĩnh, một người cầm đầu, kẻ có thể dẫn dắt họ và cho bản năng của họ một ý nghĩa. “Những người cầm đầu hiện nay càng có khuynh hướng thay thế quyền lực công thì quyền lực công càng bị chất vấn và suy yếu đi. Sự bạo ngược của những ông chủ mới này làm đám đông ngoan ngoãn vâng lời họ hơn cả khi họ đã từng vâng lời chính quyền" (Tâm lí học đám đông, tr.179). Vậy nên, thời hiện đại được định tính bằng sự lên ngôi của những đám đông được người cầm đầu dẫn dắt. Và trong thời đại hỗn loạn và lo âu ấy, bằng việc đánh mất lí tưởng của mình, chủng tộc đã đánh mất tâm hồn mình và lại trở thành đám đông. "Nền văn minh chẳng có sự cố định nào, bị phó mặc cho mọi ngẫu nhiên. Bọn tiện nhân thành bà hoàng và những kẻ dã man tiến lên" (Tâm lí học đám đông, tr.303).

Ngày nay, lí thuyết của Le Bon vẫn chịu một số chỉ trích. Ông được coi là người đặt nền móng cho chủ nghĩa quốc gia hiện đại. Nhưng dù thế nào đi nữa thì Le Bon cũng chỉ là "con đẻ" của thời đại ông. Nỗi lo sợ về nạn bạo lực, sự hoành hành, chứng khủng bố của những đám đông thể hiện rất rõ trong lí thuyết của ông. Ông dường như đã quá phóng đại về nguy cơ bạo lực và sự vô lí của đám đông. Tuy vậy, cuốn sách này thực sự là tác phẩm quan trọng và có ảnh hưởng lớn tới tư tưởng thời đại của Le Bon nói chung cũng như tâm lí học hiện đại nói riêng. Dù tán thành hay phản đối, dù đôi chỗ Le Bon có phần cực đoan, và những quan điểm, luận thuyết của ông còn phải tranh luận, nhưng NXB Tri Thức cũng xin mạnh dạn giới thiệu tác phẩm của Le Bon với độc giả Việt Nam như một cái nhìn tham khảo. Hơn nữa, việc xem xét, tìm hiểu nhiều học thuyết trên thế giới, thậm chí trái ngược, mâu thuẫn với nhau thiết nghĩ là điều rất hữu ích cho các sinh hoạt tri thức của Việt Nam, làm đa dạng hoá và phong phú thêm tri thức của người Việt Nam. Trên tinh thần đó, chúng tôi sẽ tiếp tục cho ra mắt bản dịch cuốn Trí tuệ đám đông (The Wisdom of Crowds), một trong những cuốn sách bán chạy nhất năm 2005, mang một cái nhìn khác với cái nhìn của Le Bon về đám đông, để độc giả có thêm thông tin khách quan về chủ đề này.

Trong khi đọc cuốn sách này, xin độc giả lưu ý rằng cụm từ chủ nghĩa xã hội (socialisme) mà Le Bon nhắc đến ở đây có hàm ý là chủ nghĩa xã hội không tưởng đã tồn tại từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XIX ở Tây Âu, chứ không đồng nghĩa với khái niệm chủ nghĩa xã hội khoa học của Marx và Engels mà Lenin đã vận dụng để xây dựng nên Liên bang Xô viết và trở thành nền tảng tư tưởng của phe xã hội chủ nghĩa được hình thành sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Tháng 6/2006. NXB TRI THỨC

LỜI NÓI ĐẦU

Trong cuốn sách trước, tôi đã dành để mô tả tâm hồn của chủng tộc. Bây giời, tôi sẽ nghiên cứu tâm hồn những đám đông.

Toàn thể những tính cách chung mà sự di truyền áp đặt cho mọi cá nhân của một chủng tộc, tạo thành tâm hồn của chủng tộc đó. Nhưng khi một số cá nhân này họp nhau lại thành đám đông để hành động, thì những quan sát chứng minh rằng chính sự sáp lại gần nhau của các cá nhân sẽ sinh ra một số tính cách tâm lí mới, chúng chồng lên những tính cách của chủng tộc, và đôi khi chúng khác biệt sâu sắc so với tính cách chủng tộc.

Những đám đông được tổ chức luôn có một vai trò đáng kể trong đời sống các dân tộc, nhưng vai trò ấy chưa bao giờ quan trọng như ngày hôm nay. Hành động vô thức của những đám đông thay thế cho hoạt động có ý thức của các cá nhân là một trong những đặc điểm chính của thời hiện tại.

Tôi thử tiếp cận vấn đề khó khăn về đám đông theo các phương cách thuần tuý khoa học, nghĩa là cố gắng có một phương pháp và gạt sang bên những ý kiến, những lí thuyết và những chủ nghĩa. Tôi nghĩ, đó là cách duy nhất để đi tới phát hiện ra được vài mảng nhỏ chân lí, nhất là như ở đây, khi đó là một vấn đề dễ kích động những ý kiến dị biệt. Nhà bác học tìm cách nhận biết một hiện tượng, không can bận tâm tới các lợi ích mà những ghi nhận của mình có thể đụng chạm. Trong một bài viết mới đây, một nhà tư tưởng nổi tiếng, ông Goblet d'Alviela, nhận xét rằng tôi không thuộc về một trường phái hiện đại nào, đôi khi tôi còn đứng ở phía đối nghịch với một số kết luận của tất cả các trường phái này. Tôi hi vọng rằng công trình mới này sẽ tiếp tục xứng đáng với nhận xét ấy. Thuộc về một trường phái có nghĩa là nhất thiết gắn bó với những thành kiến và những thiên kiến của trường phái ấy.

Tuy nhiên, tôi cần phải giải thích cho độc giả biết tại sao từ các nghiên cứu, tôi lại rút ra những kết luận khác với những kết luận mà thoạt đầu người ta có thể tưởng chúng hàm chứa; chẳng hạn nhận thấy một não trạng cực kì thấp kém của những đám đông, kể cả các hội đồng toàn người ưu tú, và tuy vậy lại tuyên bố rằng, mặc dù sự thấp kém ấy, cũng sẽ nguy hiểm nếu động chạm tới tổ chức của chúng.

Đó là vì sự quan sát thật chăm chú các sự kiện lịch sử luôn chỉ cho tôi thấy rằng những tổ chức xã hội cũng phức tạp như tổ chức của mọi sinh vật chúng ta không có khả năng làm chúng đột nhiên phải chịu những biến đổi sâu sắc. Tự nhiên đôi khi cũng cần đến những biện pháp triệt để, nhưng không bao giờ theo ý của chúng ta; và điều ấy giải thích tại sao không có gì nguy hại cho một dân tộc bằng sự say cuồng những cải cách vĩ đại, dù rằng những cải cách ấy có vẻ tuyệt vời về mặt lí thuyết. Chúng chỉ có ích nếu như ta có thể thay đổi ngay tức thời tâm hồn những quốc gia. Thế mà, chỉ duy nhất thời gian mới có khả năng như vậy. Cái ngự trị con người chính là tư tưởng, tình cảm và tập tục, những điều nằm trong bản thân chúng ta. Còn các thể chế và luật Pháp lại là sự biểu hiện của tâm hồn chúng ta, là sự biểu hiện những nhu cầu của nó. Thoát thai từ tâm hồn, những thể chế và luật pháp ắt sẽ không thể thay đổi tâm hồn ấy được.

Nghiên cứu những hiện tượng xã hội không thể tách khỏi việc nghiên cứu các dân tộc, nơi sản sinh ra chúng. Về mặt triết học, những hiện tượng này có thể có một giá trị tuyệt đối, nhưng về mặt thực hành, chúng chỉ có giá trị tương đối mà thôi.

Vậy, khi nghiên cứu một hiện tượng xã hội, cần phải xem xét nó lần lượt dưới hai mặt rất khác nhau. Lúc đó, ta thấy rằng những bài học của lí trí thuần tuý thường rất trái ngược với bài học của lí trí thực tiễn. Hiếm có một dữ kiện nào, kể cả dữ kiện vật lí, mà sự phân biệt này không áp dụng vào được. Đứng ở góc độ chân lí tuyệt đối một hình lập phương, một hình tròn là những hình hình học bất biến, được xác định chặt chẽ bằng một số công thức. Song, đứng ở góc độ mắt thường, những hình hình học này có thể mang các hình dáng rất khác nhau. Phép phối cảnh có thể biến một hình lập phương thành hình tháp hay hình vuông, có thể biến hình tròn thành hình elip hay đường thẳng; và việc xem xét những hình thức ảo này lại quan trọng hơn rất nhiều so với những hình thức thực, bởi vì chúng là những hình thức duy nhất được mắt ta nhìn thấy và môn nhiếp ảnh lẫn hội hoạ có thể tái tạo được. Cái phi thực, trong một số trường hợp, lại thật hơn là cái thực. Hình dung các đối tượng bằng những hình dáng hình học chính xác của chúng lại làm biến dạng tự nhiên và khiến nó trở nên không thể nhận ra được. Nếu chúng ta giả định một thế giới mà cư dân của nó chỉ có thể sao chép hoặc chụp ảnh sự vật mà không có khả năng sờ mó vào các sự vật ấy thì họ sẽ rất khó có được một ý niệm chính xác về hình dáng của chúng. Sự nhận thức về hình thức này chỉ một số ít các nhà bác học là có thể đạt được, vả chăng nó chỉ cho thấy một lợi ích rất ít ỏi mà thôi.

Nhà triết học nghiên cứu những hiện tượng xã hội phải luôn nhớ rằng bên cạnh giá trị lí thuyết, những hiện tượng này còn có một giá tri thực tiễn, và đứng về phương diện tiến hoá của các nền văn minh, thì chỉ riêng giá trị thực tiễn là có tầm quan trọng nào đó. Một ghi nhận như thế khiến nhà triết học phải rất thận trọng trong những kết luận mà ban đầu, quy luật hình như đã áp đặt cho ông ta.

Còn nhiều lí do khác đòi hỏi ông ta phải thận trọng. Các sự kiện xã hội phức tạp đến nỗi ta không thể bao quát tổng thể và không thể tiên đoán hậu quả của những ảnh hưởng tương hỗ giữa chúng. Hình như đằng sau các sự kiện có thể trông thấy được đôi khi còn ẩn giấu hàng nghìn nguyên nhân không thể trông thấy. Những hiện tượng xã hội có thể trông thấy được hình như là kết quả tổng hợp của một công việc vô thức rộng lớn vốn nằm bên ngoài khả năng phân tích của chúng ta. Ta có thể ví chúng như những làn sóng biểu hiện lên trên bề mặt những đảo lộn dưới đáy sâu của đại dương mà ta không hề hay biết. Được xem xét trong phần lớn những hành vi, các đám đông thường cho thấy một não trạng thấp kém đến kì lạ, nhưng lại có những hành vi khác tỏ ra được hướng dẫn bởi nhiều lực lượng huyền bí mà người xưa gọi là số phận, tự nhiên, thiên định, còn chúng ta thì gọi là tiếng nói của người quá cố, sức mạnh của những tiếng nói ấy ta không thể bỏ qua, mặc dù ta không biết bản chất của chúng là gì. Đôi khi hình như trong lòng các quốc gia có những lực lượng ẩn ngầm hướng dẫn đám đông. Ví dụ, có gì phức tạp hơn, logic hơn, tuyệt vời hơn một ngôn ngữ? Và thử hỏi sản phẩm được tổ chức tốt đẹp và tinh tế như thế sinh ra từ đâu, nếu không phải từ tâm hồn vô thức của những đám đông? Những viện hàn lâm thông thái nhất, những nhà ngữ pháp học sáng giá nhất chỉ làm công việc nặng nhọc ghi lại các quy luật đã chi phối những ngôn ngữ này, và họ hoàn toàn không có khả năng sáng tạo ra chúng. Ngay cả những tư tưởng thiên tài của các vĩ nhân, liệu chúng ta có chắc chắn rằng những tư tưởng ấy có chuyên nhất là công trình của riêng họ không? Hẳn nhiên bao giờ chúng cũng được sáng tạo bởi những con người đơn độc; nhưng hành nghìn hạt bụi mới tạo thành phù sa và chính từ phù sa ấy, những tư tưởng mới nảy mầm. Phải chăng chính tâm hồn của những đám đông đã hun đúc nên chúng?

Chắc chắn đám đông bao giờ cũng vô thức, nhưng chính cái vô thức ấy có lẽ là một trong những bí ẩn của sức mạnh đám đông. Trong tự nhiên, sinh vật chỉ bị chi phối bởi bản năng, chúng thực hiện các hành động mà độ phức tạp kì diệu làm ta phải ngạc nhiên. Lí trí là cái mà nhân loại chỉ mới có được gần đây thôi và còn quá không hoàn hảo để có thể vén lộ cho chúng ta những quy luật của cái vô thức và nhất là thế chỗ cho cái vô thức. Trong mọi hành động của chúng ta, phần vô thức thì to lớn còn phần lí trí thì nhỏ bé. Cái vô thức tác động như một lực lượng hãy còn chưa được biết rõ.

Vậy nếu chúng ta muốn đứng trong những giới hạn nhỏ hẹp nhưng chắc chắn của các sự vật mà khoa học có thể nhận thức, chứ không đi lang thang trong lãnh địa của phỏng đoán mơ hồ và giả thuyết hư ảo, thì chúng ta chỉ cần xem xét những hiện tượng mà chúng ta có thể hiểu được, và hạn chế chúng ta trong sự xem xét này. Mọi kết luận được rút ra từ quan sát của chúng ta thường chỉ là sơ bộ, bởi vì, đằng sau những hiện tượng mà chúng ta nhìn rõ, còn có những hiện tượng khác chúng ta nhìn không rõ, và thậm chí đằng sau cả những hiện tượng cuối cùng này, lại còn những hiện tượng khác nữa mà chúng ta không trông thấy.

DẪN LUẬN

Thời đại của những đám đông

Sự tiến triển của thời hiện tại. - Những thay đổi lớn của văn minh là kết quả của những thay đổi trong tư tưởng của các dân tộc. - Niềm tin mới vào sức mạnh của đám đông. - Nó biến đổi chính trị truyền thống của những Nhà nước. - Sự lên ngôi của các tầng lớp bình dân xảy ra như thế nào và sức mạnh của tầng lớp ấy tác động ra sao. - Hậu quả tất yếu của sức mạnh những đám đông. – Chíng chỉ thực hiện chức năng của kẻ phá hoại. - Chính nhờ đám đông mà tiến trình tan rã của các nền văn minh già cỗi mới kết thúc được. - Sự thiếu hiểu biết chung về môn tâm lí học đám đông. - Tầm quan trọng của việc nghiên cứu đám đông đối với những nhà lập pháp và các chính khách.

Những đảo lộn to lớn xảy ra trước những thay đổi của các nền văn minh, như sự sụp đổ của Đế chế La Mã và việc thành lập Đế chế Ả Rập, mới thoạt nhìn, hình như được quyết định chủ yếu do những biến đổi chính trị to lớn: ngoại bang xâm lược, các triều đại bị sụp đổ. Nhưng một nghiên cứu chăm chú tỉ mỉ hơn về những biến cố này cho thấy rằng đằng sau những nguyên nhân bề mặt, thường có nguyên nhân thực sự là sự biến đổi sâu sắc trong tư tưởng của các dân tộc. Những đảo lộn lịch sử thực sự không phải là những đảo lộn làm chúng ta ngạc nhiên vì mức độ lớn lao và bạo liệt của chúng. Chỉ những thay đổi quan trọng, nơi sinh ra sự đổi mới cho các nền văn minh mới là những gì diễn ra trong tư tưởng, quan niệm và niềm tin. Các biến cố đáng nhớ của lịch sử là hiệu quả có thể thấy được của nhiều thay đổi không thể nhìn thấy trong tư tưởng con người. Sở dĩ những biến cố lớn lao ấy rất hiếm khi biểu lộ, đó là vì ở một chủng tộc chẳng có gì bền vững hơn nền tảng di truyền trong tư tưởng của nó.

Thời hiện tại là một trong những thời điểm quyết định, vì đó là lúc tư tưởng con người đang trong tiến trình tự biến đổi.

Có hai nhân tố cơ bản làm nền tảng cho sự biến đổi này. Nhân tố thứ nhất là sự phá huỷ niềm tin tôn giáo, chính trị và xã hội, vốn là nguồn cội sinh ra mọi yếu tố của nền văn minh chúng ta. Nhân tố thứ hai là sự sáng tạo ra những điều kiện sinh tồn và suy tưởng hoàn toàn mới, kết quả của những phát kiến mới trong khoa học và công nghiệp hiện đại.

Những tư tưởng của quá khứ, dù đã bị phá huỷ phân nửa, vẫn còn rất mạnh, và những tư tưởng phải thế chỗ cho chúng thì đang hình thành, nên thời hiện đại biểu thị một giai đoạn quá độ và vô chính phủ.

Từ giai đoạn này, dĩ nhiên có phần hỗn độn, thật không dễ để nói giờ đây cái gì có thể nảy sinh. Sẽ có các tư tưởng cơ bản nào để trên đó xây dựng những xã hội nối tiếp xã hội của chúng ta? Chúng ta vẫn chưa biết được. Nhưng, ngay từ lúc này, điều chúng ta đã thấy rõ, đó là để tổ chức chúng, cần phải tính tới một sức mạnh mới, tối cao của thời hiện đại: quyền lực của những đám đông. Trên đống đổ nát của biết bao tư tưởng, được coi là chân lí trước đây nhưng nay đã chết, của biết bao quyền lực mà các cuộc cách mạng đã liên tiếp đập tan, thì quyền lực của đám đông là cái độc nhất vượt lên, và nó hình như sớm được giao cho sứ mệnh hấp thu hết những quyền lực khác. Trong khi mọi niềm tin cổ xưa đều chao đảo và biến mất, những cột trụ già cỗi của xã hội lần lượt sụp đổ thì quyền lực của đám đông là lực lượng duy nhất chẳng gì đe doạ nổi và uy thế của nó ngày càng lớn lên. Thời đại mà chúng ta đang bước vào sẽ thực sự là THỜI ĐẠI CỦA NHỮNG ĐÁM ĐÔNG.

Chỉ mới một thế kỉ trước đây thôi, đường lối chính trị truyền thống của các Nhà nước và sự đối nghịch giữa các vua chúa vẫn là nhân tố chính của những biến cố. Ý kiến của những đám đông ít có giá trị, và thậm chí thường chẳng có chút giá trị gì. Còn ngày nay, truyền thống chính trị, khuynh hướng cá nhân của các nhà cai trị, sự đối nghịch giữa họ lại không còn quan trọng nữa, trái lại, chính tiếng nói của đám đông đã trở nên có ưu thế hơn. Tiếng nói ấy áp đặt cho vua chúa cách hành xử và vua chúa có nhiệm vụ phải nghe theo nó. Số phận của các quốc gia không còn được sắp đặt trong những hội đồng của các ông hoàng nữa, mà ở trong tâm hồn của những đám đông.

Sự lên ngôi của các giai cấp bình dân trong đời sống chính trị, nghĩa là, trên thực tế, họ đã dần dần biến đổi thành giai cấp lãnh đạo, là một trong những đặc điểm nổi bật của thời đại quá độ của chúng ta. Thực ra, việc phổ thông đầu phiếu, được thực hiện từ lâu nhưng ít có ảnh hưởng, không phải là đặc điểm đánh dấu sự lên ngôi của giai cấp bình dân như ta vẫn tưởng. Việc dần nảy sinh quyền lực đám đông thoạt tiên được bắt đầu bằng sự phổ biến một số tư tưởng từ từ du nhập vào tâm trí con người, rồi từng bước liên kết những cá nhân để dẫn tới việc hiện thực hoá các quan niệm lí thuyết. Chính thông qua liên kết mà những đám đông cuối cùng đã hình thành nên tư tưởng, nếu chưa thật xác đáng thì ít ra cũng dứt khoát về quyền lợi và có ý thức về sức mạnh của mình. Những đám đông thành lập các nghiệp đoàn mà mọi giới có thẩm quyền đều phải lần lượt đầu hàng, các hiệp hội lao động nhằm điều tiết những điều kiện lao động và tiền công, bất chấp mọi quy luật kinh tế. Họ gửi vào các cơ quan chính phủ những đại biểu không giữ ý kiến riêng và sự độc lập cá nhân nữa mà thường chỉ còn là những người phát ngôn cho các uỷ ban đã lựa chọn mình.

Ngày nay những yêu sách của đám đông càng ngày càng rõ rệt và không dẫn đến điều gì khác hơn là phá huỷ toàn bộ xã hội hiện tại, để đưa nó về chủ nghĩa cộng sản nguyên thuỷ, trạng thái thông thường của mọi nhóm người trước buổi bình minh của văn minh. Hạn chế giờ lao động, trưng thu hầm mỏ, đường sắt, nhà máy và đất đai; chia đều sản phẩm, loại trừ mọi tầng lớp trên vì quyền lợi của các giai cấp bình dân v.v... Đó là các yêu sách.

Thiếu khả năng suy luận, ngược lại đám đông đủ khả năng hành động. Qua sự tổ chức hiện thời, sức mạnh của đám đông trở nên to lớn vô cùng. Những tín điều mà ta thấy đang nảy sinh chẳng mấy chốc sẽ có sức mạnh như những tín điều xưa cũ, nghĩa là sức mạnh chuyên chế và tối thượng không được phép bàn cãi, Luật thiêng của đám đông sẽ thay thế luật thiêng của vua chúa.

Các nhà văn ủng hộ tầng lớp tư sản hiện thời, những người đại diện tốt nhất cho tầng lớp này, tầng lớp có tư tưởng chật hẹp, đầu óc thiển cận, chủ nghĩa hoài nghi hơi thô thiển, tính ích kỉ đôi khi hơi quá đáng, thì gần như điên lên trước cái quyền lực mới đang lớn mạnh. Và để đấu tranh chống lại sự hỗn loạn của tâm trí con người, các nhà văn này đã tuyệt vọng kêu gọi tới sức mạnh tinh thần của Nhà thờ mà xưa kia họ vốn coi thường. Họ nói với chúng ta rằng khoa học đã phá sản, và trở về từ La Mã với lòng sám hối, họ nhắc nhở chúng ta những bài học về chân lí đã được thần khải. Nhưng những kẻ quy đạo mới này quên là đã chậm quá mất rồi. Nếu thực sự ơn phước đã chạm tới họ, thì ơn phước cũng không có quyền năng như thế đối với những linh hồn chẳng mấy bận tâm đến bao lo lắng đang ám ảnh các tân tín đổ này. Ngày nay, những đám đông không còn thích các thần thánh mà ngày xưa chính họ cũng không thích và từng góp phần vào đập phá. Không có sức mạnh thần thánh hoặc con người nào có thể bắt những dòng sông chảy ngược về nguồn.

Khoa học không hề bị phá sản và không dính gì tới tình trạng vô chính phủ trong tinh thần con người hiện đại, cũng chẳng dính gì tới quyền lực mới đang lớn lên giữa tình trạng vô chính phủ này. Khoa học đã hứa hẹn cho chúng ta chân lý, hay ít nhất cho ta sự nhận thức về những quan hệ mà trí tuệ của chúng ta có thể nắm bắt; nó không bao giờ hứa hẹn cho chúng ta hoà bình và hạnh phúc. Vô cùng thờ ơ với tình cảm của chúng ta, khoa học không nghe lời than vãn của chúng ta. Chính chúng ta phải cố gắng sống với khoa học, bởi vì chẳng gì có thể phục hồi những ảo tưởng đã bị nó phá huỷ.

Những triệu chứng phổ biến, thấy được ở mọi quốc gia chỉ cho ta thấy rõ sự tăng nhanh quyền lực của những đám đông, và không cho phép ta giả định rằng quyền lực này sắp phải ngừng lớn lên. Dù nó mang lại cho ta điều gì, ta cũng đành phải chịu.

Mọi biện luận chống lại quyền lực của đám đông chỉ là những ngôn từ vô ích. Hẳn có thể sự lên ngôi của đám đông đánh dấu một trong những chặng đường cuối cùng của các nền văn minh Tây phương, một sự quay hẳn về những thời kì vô chính phủ hỗn tạp, vốn hình như bao giờ cũng phải xảy ra trước khi khai sinh một xã hội mới. Nhưng chúng ta làm thế nào để ngăn cản nó?

Cho đến nay, vai trò rõ ràng nhất của đám đông là tạo ra những cuộc phá huỷ to lớn đối với các nền văn minh đã quá già cỗi. Thực thế, không phải chỉ ngày hôm nay, vai trò này mới xuất hiện trên thế giới. Lịch sử cho ta biết rằng khi những lực lượng tinh thần làm nền móng cho một nền văn minh đã mất hết ảnh hưởng, thì sự tan rã cuối cùng sẽ được thực hiện bởi những đám đông vô thức và tàn nhẫn, được gọi khá chuẩn xác là những kẻ dã man. Cho đến nay, những nền văn minh chỉ được tạo ra và được dẫn dắt bởi một nhóm nhỏ quý tộc trí thức, chứ không bao giờ bởi những đám đông. Đám đông chỉ có sức mạnh để phá hoại. Sự thống trị của đám đông bao giờ cũng biểu thị một thời kì dã man. Một nền văn minh bao hàm những quy tắc cố định, kỉ luật, sự chuyển từ ban năng sang lí trí, có viễn kiến về tương lai, một trình độ cao về văn hoá, những điều kiện mà đám đông, phó mặc cho chính mình, luôn tỏ ra tuyệt nhiên không thể thực hiện nổi. Do sức mạnh duy nhất chỉ là phá hoại, sự tan rã của những cơ thể ốm yếu hay những thây ma. Khi tòa lâu đài của một nền văn minh đã bị mục ruỗng, thì bao giờ cũng chính những đám đông sẽ đưa nó tới chỗ sụp đổ. Chính lúc đó xuất hiện vai trò chủ đạo của đám đông, và trong một khoảnh khắc, triết lí số đông hình như là thứ triết lý duy nhất của lịch sử.

Nền văn minh của chúng ta liệu có giống như thế không? Đó là điều chúng ta có thể lo sợ, nhưng đó cũng là điều mà chúng ta vẫn còn chưa thể biết rõ.

Dù sao chăng nữa, ta phải đành lòng chịu sự thống trị của đám đông, bởi vì có nhiều bàn tay không biết lo xa đã lần lượt lật bỏ tất cả những rào cản có thể kìm giữ nó lại.

Nhưng đám đông ấy bắt đầu được ta nói tới nhiều, nhưng ta hiểu về chúng còn quá ít. Các nhà tâm lí học chuyên nghiệp thì sống cách xa đám đông, luôn không biết về họ, và khi quan tâm tới họ thì lại chỉ quan tâm tới tội ác mà đám đông có thể phạm phải. Tất nhiên, đã có những đám đông tội phạm, nhưng cũng có những đám đông đức hạnh, những đám đông anh hùng, và nhiều loại đám đông khác nữa. Tội ác của đám đông chỉ là một trường hợp đặc biệt trong tâm lí học đám đông. Và ta không thể biết về cấu tạo tinh thần của đám đông bằng cách chỉ nghiên cứu tội ác của nó, cũng như ta sẽ không thể biết cấu tạo tinh thần của một cá nhân nếu chỉ đơn thuần mô tả nhưng thói hư tật xấu của cá nhân ấy.

Tuy nhiên nói đúng ra, tất cả những chúa tể trên thế giới, tất cả những bậc sáng lập ra các tôn giáo hay các đế chế, những thánh tông đồ của mọi tín ngưỡng, những chính khách nổi tiếng, và trong một lĩnh vực khiêm tốn hơn, những người đứng đầu bình thường của các tập thể nho nhỏ, bao giờ cũng là những nhà tâm lí học không tự giác, họ có hiểu biết về tâm hồn đám đông, một hiểu biết bản năng nhưng thường rất chắc chắn; và chính vì thế nên họ mới dễ dàng trở thành người lãnh đạo. Napoléon hiểu sâu sắc tâm lí những đám đông của đất nước mà ông thống trị, nhưng đôi khi ông lại không hiểu biết một cách đầy đủ tâm lí những đám đông thuộc các chủng tộc khác, và chính vì không hiểu biết nó, nên khi tiến hành các cuộc chiến tranh ở Tây Ban Nha và nhất là ở Nga, sức mạnh của ông vấp phải sự đối kháng sẽ sớm hạ gục ông.

Ngày nay, sự hiểu biết về tâm lí học đám đông là chỗ dựa cuối cùng của chính khách nào muốn hay không muốn cai trị đám đông - điều này đã trở nên rất khó khăn - nhưng ít ra không bị đám đông điều khiển quá nhiều.

Chỉ khi hiểu sâu một chút tâm lí học đám đông, ta mới hiểu luật pháp và thiết chế ít có tác động tới đám đông đến chừng nào; đám đông khó có được những ý kiến bất kì nào nằm bên ngoài những ý kiến đã áp đặt cho họ; không thể dẫn dắt đám đông bằng những quy tắc dựa trên sự công minh mang tính lí thuyết thuần tuý mà phải bằng việc tìm ra cái gì có thể gây ấn tượng và lôi cuốn họ. Ví dụ, nếu một nhà lập pháp muốn thiết lập một thứ thuế mới, liệu ông ta có Phải chọn thứ thuế công bằng nhất về mặt lí thuyết hay không? Chắc không đời nào! Thứ thuế bất công nhất có thể là thứ thuế tốt nhất với đám đông xét về mặt thực tế. Nếu thứ thuế ấy kém minh bạch nhất, đồng thời bề ngoài lại ít nặng nề nhất, nó sẽ dễ dàng được chấp nhận nhất. Vì thế nên một thứ thuế gián thu, dù nó rất nặng, sẽ luôn được đám đông chấp nhận, bởi vì nó được trả hàng ngày vào đồ tiêu dùng bằng những phần nhỏ từng xu, nó không làm phiền đến những thói quen của đám đông, và nó không gây ấn tượng cho họ. Nếu thay nó bằng thuế luỹ tiến đánh vào đồng lương hay thu nhập khác, và phải trả ngay một lần, thì về mặt lí thuyết, dù thuế này nhẹ hơn mười lần so với thuế gián thu, nó vẫn gây ra sự nhất loạt phản đối. Thực vậy, những đồng xu không nhìn thấy hàng ngày được thay thế bằng một món tiền tương đối lớn, có vẻ như rất to vào cái ngày phải nộp, do đó nó rất ấn tượng. Thuế chỉ tỏ vẻ nhẹ nếu nó được để dành từng xu một; nhưng phương pháp tiết kiệm ấy biểu thị một mức độ biết nhìn xa trông rộng mà đám đông không thể có.

Ví dụ trên đây là đơn giản nhất, sự đúng đắn của nó dễ dàng nhận thấy. Nó đã không thoát khỏi [con mắt] một nhà tâm lí học như Napoléon, nhưng các nhà lập pháp không hiểu tâm hồn đám đông sẽ không nhận thấy nó. Kinh nghiệm chưa dạy dỗ họ đến nơi đến chốn để hiểu rằng, con người không bao giờ cư xử theo những quy định của lí trí thuần tuý.

Tâm lí học đám đông có thể có nhiều ứng dụng khác. Hiểu biết nó có thể làm sáng tỏ phần lớn những hiện tượng lịch sử, kinh tế mà nếu thiếu nó sẽ hoàn toàn không thể hiểu nổi. Tôi sẽ có dịp chỉ ra rằng nếu như nhà sử học hiện đại xuất sắc nhất của chúng ta, ngài Taine, đôi khi đã hiểu không đầy đủ những biến cố của cuộc Đại cách mạng Pháp, đó là vì ông chưa bao giờ nghĩ tới việc nghiên cứu tâm hồn những đám đông. Trong việc nghiên cứu thời kì phức tạp ấy, ông đã dùng phương pháp mô tả của những nhà tự nhiên chủ nghĩa làm hướng đạo. Nhưng, trong những hiện tượng mà nhà tự nhiên chủ nghĩa nghiên cứu, những lực lượng tinh thần ít có mặt. Thực ra chính những lực lượng ấy mới là động lực chính của lịch sử.

Do đó, chỉ đơn thuần xem xét về mặt thực tiễn, việc nghiên cứu tâm lí học đám đông là việc xứng đáng phải làm. Dù chỉ có một lợi ích đơn thuần là thoả trí tò mò, thì nó vẫn xứng đáng được nghiên cứu. Thật thú vị khi ta giải mã được động cơ những hành vi của con người, cũng như khi giải mã được một khoáng vật hay một thực vật.

Nghiên cứu của chúng tôi về tâm hồn đám đông sẽ chỉ có thể là một sự tổng hợp ngắn gọn, một tóm tắt đơn giản những nghiên cứu của chúng tôi. Chỉ nên đòi hỏi nó như một vài cái nhìn gợi ý. Những người khác sẽ đào sâu luống cày. Hôm nay, chúng tôi chỉ làm công việc vạch nó ra trên một mảnh đất hãy còn rất hoang sơ.


Quyển I. TÂM HỒN NHỮNG ĐÁM ĐÔNG


Quyển II. Ý KIẾN VÀ NIỀM TIN CỦA ĐÁM ĐÔNG


Quyển III. PHÂN LOẠI VÀ MÔ TẢ CÁC LOẠI ĐÁM ĐÔNG KHÁC NHAU

Created by AM Word2CHM

Quyển I. TÂM HỒN NHỮNG ĐÁM ĐÔNG

 

TÂM LÝ HỌC ĐÁM ĐÔNG


Chương I. ĐẶC ĐIỂM TỔNG QUÁT CỦA ĐÁM ĐÔNG: QUY LUẬT TÂM LÍ VỀ SỰ THỐNG NHẤT TINH THẦN CỦA ĐÁM ĐÔNG


Chương II. TÌNH CẢM VÀ ĐẠO ĐỨC CỦA ĐÁM ĐÔNG


Chương III. TƯ TƯỞNG, SỰ SUY LUẬN VÀ TRÍ TƯỞNG TƯỢNG CỦA ĐÁM ĐÔNG


Chương IV. MỌI NIỀM TIN CỦA ĐÁM ĐÔNG ĐỀU MANG HÌNH THỨC TÔN GIÁO

   

Chương I. ĐẶC ĐIỂM TỔNG QUÁT CỦA ĐÁM ĐÔNG: QUY LUẬT TÂM LÍ VỀ SỰ THỐNG NHẤT TINH THẦN CỦA ĐÁM ĐÔNG

TÂM LÝ HỌC ĐÁM ĐÔNG

à

Quyển I. TÂM HỒN NHỮNG ĐÁM ĐÔNG

Cái gì cấu thành một đám đông xét về quan điểm tam lí học. - Một sự quần tụ nhiều cá nhân không đủ để họp thành một đám đông. - Những đặc tính riêng biệt của đám đông tâm lí. - Khuynh hướng cố định về tư tưởng và tình cảm ở những cá nhân hợp thành đám đông và sự biến mất tính cách cá nhân. - Đám đông bao giờ cũng bị cáo vô thức thống trị. - Sự biến mất của hoạt động não bộ và sự ưu trội của hoạt động tuỷ sống. - Sự giảm sút trí tuệ và tiến đổi hoàn toàn những tình cảm. - Tình cảm được biến đổi có thể tốt hơn hay xấu hơn tình cảm của những cá nhân đã họp thành đám đông. - Đám đông cũng dễ dàng là anh hùng hay tội phạm.

Theo nghĩa thông thường, từ đám đông biểu thị một sự hợp nhất những cá nhân bất kì, bất kể thuộc dân tộc, nghề nghiệp hay giới tính nào, và cũng bất kể sự ngẫu nhiên nào đã tập hợp họ lại.

Từ quan điểm tâm lí học, thuật ngữ đám đông có một ý nghĩa hoàn toàn khác. Trong một vài hoàn cảnh đã cho, và chỉ trong những hoàn cảnh này thôi, một quần tụ những con người sẽ có những tính cách mới rất khác những tính cách của những cá nhân họp thành quần tụ ấy. Cá tính có ý thức biến mất, những tình cảm và tư tưởng của tất cả các đơn vị đều hướng về cùng một hướng. Nó hình thành một tâm hồn tập thể, tuy chỉ nhất thời, nhưng có những tính cách rất rõ. Vì thiếu một từ ngữ hay hơn, nên tôi gọi cái tập thể ấy là một đám đông được tổ chức, hoặc, nếu muốn, còn gọi là một đám đông tâm lí. Đám đông này hình thành nên một thực thể duy nhất, phục tùng quy luật thống nhất tinh thần của những đám đông.

Rõ ràng là không phải chỉ vì có nhiều cá nhân ngẫu nhiên ở bên cạnh nhau mà họ có được những tính cách của một đám đông có tổ chức. Một ngàn cá nhân ngẫu nhiên tụ họp trên một quảng trường công cộng không có một mục đích xác định, thì không hề là một đám đông từ quan điểm tâm lí học. Để có được những tính cách đặc biệt, cần phải có ảnh hưởng của một vài tác nhân kích thích mà chúng ta sẽ xác định bản tính của chúng.

Sự biến mất cá tính có ý thức và việc định hướng nhưng tình cảm và tư tưởng theo một chiều nhất định, là những nét đầu tiên của đám đông đang tự tổ chức, không phải bao giờ cũng bao hàm sự hiện diện đồng thời nhiều cá nhân trên cùng một điểm. Hàng ngàn cá nhân tách riêng, ở một thời điểm nào đó, có thể chịu ảnh hưởng của một vài xúc cảm mãnh liệt, ví dụ một biến cố quốc gia to lớn, cũng có tính cách một đám đông tâm lí. Lúc ấy chỉ cần một ngẫu nhiên nào đó tập hợp họ lại thì những hành động của họ lập tức mang tính cách đặc biệt của hành vi đám đông. Ở một vài thời điểm, chỉ một nửa tá người cũng có thể cấu thành một đám đông tâm lí, trong khi hàng ngàn người tập hợp ngẫu nhiên lại không thể cấu thành đám đông tâm lí. Mặt khác, toàn thể một dân tộc, dẫu không có sự quần tụ rõ ràng, cũng có thể trở thành một đám đông dưới tác động của một số ảnh hưởng.

Khi một đám đông tâm lí được hình thành, nó liền có những tính cách chung tạm thời, nhưng có thể xác định được. Những tính cách chung này lại được cộng thêm tính cách riêng, khả biến, tuỳ theo những thành tố mà đám đông bao gồm và có thể làm biến thái cấu tạo tinh thần của đám đông.

Như thế, những đám đông tâm lí đều có thể phân loại và khi tới mục phân loại này, chúng ta sẽ thấy rằng một đám đông không thuần nhất, nghĩa là gom những phần tử không giống nhau, cũng sẽ có những tính cách chung với những đám đông thuần nhất, nghĩa là gồm những phần tử ít nhiều giống nhau (giáo phái, đẳng cấp, giai cấp), và bên cạnh những tính cách chung đó, còn có những đặc tính riêng cho phép ta phân biệt được hai loại đám đông ấy.

Nhưng trước khi xem xét các loại đám đông khác nhau, đầu tiên ta cần phải nghiên cứu những tính cách chung của tất cả các loại. Chúng ta tiến hành như nhà tự nhiên học, bắt đầu bằng việc mô tả những tính cách chung của mọi cá thể thuộc về một họ trước khi xét tới những tính cách riêng cho phép phân biệt những loài và những giống mà họ đó bao gồm.

Thật chẳng dễ gì mô tả chính xác tâm hồn đám đông, bởi vì tổ chức của nó biến đổi chẳng những tuỳ theo chủng tộc và thành phần của các tập thể, mà còn tuỳ theo bản tính và mức độ của các tác nhân kích thích lên những tập thể ấy. Nhưng khó khăn này cũng có trong việc nghiên cứu tâm lí một cá nhân bất kì. Chỉ trong tiểu thuyết ta mới thấy những cá nhân trải qua cuộc đời với một tính cách không thay đổi. Chỉ có sự đồng đều của môi trường mới tạo ra sự đồng đều bên ngoài của những tính cách. Vả lại, tôi đã chứng minh ở một tác phẩm khác rằng mọi cấu trúc tinh thần đều hàm chứa những khả năng về tính cách có thể biểu hiện ngay khi môi trường đột ngột thay đổi. Chính vì vậy, những đại biểu dữ tợn nhất của Hội nghị Quốc ước lại là các nhà tư sản hiền lành trong hoàn cảnh bình thường, họ vốn là những công chứng viên hoà nhã hay quan chức hành chính đức hạnh. Giông bão đi qua, họ lại quay trở lại với tính cách bình thường của tầng lớp trung lưu ôn hoà. Napoléon đã tìm được trong tầng lớp này những nô bộc ngoan ngoãn nhất của mình.

Ta không thể nghiên cứu ở đây tất cả những mức độ hình thành đám đông, mà chỉ nghiên cứu trước hết những đám đông trong thời kì chúng đã trở thành tổ chức hoàn bị. Nghĩa là, chúng ta sẽ xem xét chúng có thể trở thành cái gì chứ không phải chúng luôn luôn đã là cái gì. Chỉ trong giai đoạn đã phát triển này của tổ chức thì một số đặc điểm mới mẻ và đặc biệt mới chồng lên trên tính cách bất biến và chủ đạo ấy của chủng tộc, và sẽ xảy ra chuyện tình cảm và tư tưởng của tập thể quay về cùng một hướng. Chỉ vào lúc đó mới biểu lộ cái mà ở trên tôi gọi là Quy luật tâm lí về sự thống nhất tinh thần của đám đông.

Trong những tính cách tâm lí của đám đông, có những tính cách mà đám đông có thể có chung với những cá nhân riêng lẻ, trái lại chúng còn bao hàm những tính cách rất riêng biệt, chỉ có ở tập thể. Chính những tính cách riêng biệt này là những gì ta cần phải nghiên cứu trước tiên để vạch rõ tầm quan trọng của chúng.

Sự kiện nổi bật nhất của đám đông tâm lí là điều sau đây: dù những cá nhân họp thành nó như thế nào, dù đời sống, nghề nghiệp, tính cách hay trí tuệ của những cá nhân ấy giống nhau hay khác nhau ra sao, thì chỉ riêng việc họ chuyển biến thành đám đông, họ đã có một thứ tâm hồn tập thể làm cho họ cảm nhận, suy nghĩ, và hành động theo một cách hoàn toàn khác với cách mà một cá nhân riêng lẻ vẫn cảm nhận, suy nghĩ, và hành động. Có những tư tưởng, tình cảm chỉ nảy sinh hay chỉ biến thành hành động ở những cá nhân khi cá nhân ấy nằm trong đám đông. Đám đông tâm lí là một tồn tại tạm thời, hợp thành bởi những yếu tố dị loại chỉ gắn kết với nhau trong một thời đoạn, chúng giống hệt những tế bào cấu thành một cơ thể sống nhờ nối kết với nhau thành một sinh vật mới, biểu lộ những tính cách rất khác biệt với tính cách mà riêng từng tế bào đã có.

Trái ngược với một ý kiến làm ta ngạc nhiên vì đã được viết ra dưới ngòi bút của một nhà triết học sâu sắc như Herbert Spencer, thật ra, trong một quần tụ họp thành một đám đông, không hề có tổng số và trung bình cộng của các thành tố [như H. Spencer quan niệm] mà chỉ có sự tổ hợp và sự tạo ra những tính cách mới. Giống như trong hoá học, một số yếu tố đối lập nhau. ví dụ bazơ hay axit, kết hợp với nhau để tạo thành một hợp chất mới có những đặc tính hoàn toàn khác các chất được dùng để làm ra nó.

Ta dễ dàng nhận thấy cá nhân nằm trong đám đông khác với cá nhân riêng lẻ đến mức nào nhưng thật chẳng dễ dàng để tìm ra những nguyên nhân của sự khác biệt ấy.

Chí ít, để đi tới chỗ hé nhìn thấy những nguyên nhân này, trước tiên ta phải nhớ lại điều nhận xét ấy trong tâm lí học hiện đại, để biết rằng không phải chỉ trong đời sống hữu cơ mà còn cả trong sự vận hành của trí tuệ, những hiện tượng vô thức đóng một vai trò hoàn toàn ưu trội. Đời sống ý thức của tâm trí chỉ biểu thị một phần rất kém bên cạnh đời sống vô thức. Nhà phân tích tinh tế nhất, nhà quan sát sâu sắc nhất hầu như chỉ phát hiện ra một số rất ít những động cơ vô thức đã dẫn dắt nó. Những hành vi có ý thức của chúng ta là kết quả của một tầng nền vô thức chủ yếu được tạo ra do những ảnh hưởng di truyền. Tầng nền này bao chứa vô vàn những chất cặn của tổ tiên tạo nên tâm hồn của chủng tộc. Đằng sau những nguyên nhân được thừa nhận trong hành vi của chúng ta, chắc chắn có những nguyên nhân thầm kín mà ta không thú nhận, nhưng đằng sau những nguyên nhân thầm kín này còn có những nguyên nhân thầm kín hơn nữa, bởi vì chính chúng ta cũng không biết đến chúng. Phần lớn hành động hằng ngày của chúng ta chỉ là hậu quả của những động cơ ẩn giấu mà ta không nắm được.

Chính những yếu tố vô thức hình thành nên tâm hồn của một chủng tộc, là những yếu tố hàng đầu làm cho mọi cá nhân trong chủng tộc ấy giống nhau, còn chính những yếu tố ý thức - kết quả của giáo dục mà nhất là của sự di truyền đặc thù - là những yếu tố chính yếu làm cho các cá nhân ấy khác nhau. Những con người khác nhau nhất về trí thông minh, lại đều có những bản năng, những đam mê, những tình cảm rất giống nhau. Trong tất cả các lĩnh vực thuộc tình cảm tôn giáo, chính trị, tinh thần, thiện cảm, ác cảm v.v…, những con người kiệt xuất nhất cũng hiếm khi vượt qua được trình độ của những cá nhân bình thường nhất. Giữa một nhà toán học vĩ đại với người thợ giày của ông ta, về mặt trí tuệ có thể tồn tại một vực thẳm, nhưng về mặt tính cách thì sự khác biệt thường không có hoặc rất nhỏ.

Thực vậy, chính những phẩm chất chung của tính cách bị cái vô thức khống chế mà đa số những cá nhân bình thường của một chủng tộc đều có ở mức độ ngang nhau - lại trở thành cái chung trong đám đông. Trong tâm hồn tập thể, những khả năng trí tuệ của cá nhân, và theo đó là tính cách cá thể, bị mờ nhạt đi. Cái dị loại chìm trong cái đồng nhất, và những tính chất vô thức chiếm ưu thế.

Đúng là việc đặt những tính chất bình thường thành "cái chung" đã giải thích tại sao đám đông không bao giờ có thể thực hiện được những hành động đòi hỏi trí tuệ cao. Những quyết định về lợi ích chung được đưa ra do một tập hợp những con người ưu tú, nhưng ở nhiều chuyên ngành khác nhau, rõ ràng không cao siêu hơn quyết định của một tập hợp những con người ngu đần. Thực vậy, họ chỉ cùng đưa ra được những tính chất tầm thường mà ai ai cũng có. Trong đám đông, chính sự ngu đần chứ không phải trí tuệ, đã được tích tụ. Như ta thường nói, không phải tất cả mọi người có trí tuệ nhiều hơn Voltaire, chắc chắn Voltaire có trí tuệ nhiều hơn tất cả mọi người, nếu như ta hiểu "tất cả một người" nghĩa là đám đông.

Nhưng nếu các cá nhân trong đám đông chỉ đặt chung nhau những tính chất bình thường mà mỗi người đều có phần của mình, thì đơn giản sẽ chỉ có cái trung bình cộng, chứ không phải như ta nói, sẽ tạo ra tính cách mới.

Vậy những tính cách mới được thiết lập thế nào? Đó là điều bây giờ chúng ta sẽ phải nghiên cứu.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau quyết định sự xuất hiện những tính cách đặc thù của đám đông mà các cá nhân tách riêng không có. Nguyên nhân thứ nhất là cá nhân trong đám đông đã có được, chỉ nhờ số lượng đông, một ý thức về sức mạnh vô địch cho phép nó nương theo những bản năng, mà nếu chỉ một mình, cá nhân sẽ tất nhiên kìm nén. Cá nhân càng ít có xu hướng kìm nén chúng, nếu đám đông là vô danh, do đó là vô trách nhiệm; ý thức về trách nhiệm, điều luôn ngăn giữ những cá nhân, đã biến mất hoàn toàn.

Nguyên nhân thứ hai, sự lây nhiễm, cũng can thiệp để xác định sự biểu hiện những tính cách đặc thù của đám đông, đồng thời xác định cả định hướng của chúng. Sự lây nhiễm là hiện tượng dễ nhận thấy, nhưng không được giải thích, và cần phải gắn nó với những hiện tượng thuộc lĩnh vực thôi miên mà lát nữa ta sẽ nghiên cứu. Trong một đám đông, mọi tình cảm, mọi hành động đều có tính lây nhiễm, và lây nhiễm đến mức cá nhân rất dễ dàng hy sinh quyền lợi riêng cho quyền lợi tập thể. Đó là một khả năng rất trái ngược với bản tính cá nhân, mà con người hầu như chỉ có thể làm được khi nó là bộ phận của một đám đông.

Nguyên nhân thứ ba, và là nguyên nhân quan trọng nhất, xác định những tính cách đặc biệt khi cá nhân ở trong đám đông; chúng đôi khi hoàn toàn trái ngược với tính cách của cá nhân lúc tách lẻ. Tôi muốn nói tới tính dễ bị gợi ý (suggestibilité) mà tính lây nhiễm nói trên thực ra dù là hệ quả của nó.

Muốn hiểu hiện tượng này, ta phải nhớ đến một số phát hiện mới đây của sinh lí học. Ngày nay, chúng ta biết rằng, bằng những cách khác nhau, một cá nhân có thể được đặt trong một trạng thái nào đó, và bị mất hoàn toàn nhân cách có ý thức, tuân theo mọi gợi ý của người làm thí nghiệm, người đã khiến cá nhân mất ý thức, và làm những hành động vô cùng trái ngược với những tính cách và thói quen của mình. Thực vậy, những quan sát kĩ lưỡng nhất chứng minh rằng cá nhân bị chìm đắm một thời gian trong lòng một đám đông đang hành động, sẽ nhanh chóng rơi vào một tình trạng đặc biệt - do thứ điện từ đó phóng ra, hay từ nguyên nhân hoàn toàn khác mà ta không biết - rất giống trạng thái mê hồn khi người bị thôi miên ở trong tay nhà thôi miên. Đời sống não bộ bị tê liệt ở người bị thôi miên, người này trở thành nô lệ cho mọi hoạt động vô thức của tuỷ sống và nhà thôi miên điều khiển anh ta theo ý muốn. Nhân cách có ý thức của anh ta hoàn toàn biến mất, ý chí và óc phân biệt biến mất. Mọi tình cảm và tư tưởng đều bị nhà thôi miên hướng theo một chiều nhất định.

Điều đó rất gần với trạng thái của cá nhân khi thuộc về một đám đông tâm lí. Anh ta không còn ý thức về những hành động của mình nữa. Ở anh ta, cũng như ở người bị thôi miên, một số khả năng bị phá huỷ, đồng thời những khả năng khác có thể bị dẫn tới một mức độ hứng khởi cực đoan. Dưới ảnh hưởng của một gợi ý, cá nhân này sẽ lao vào thực hiện một vài hành vi nào đó với sự mãnh liệt không thể cưỡng nổi. Sự cuồng nhiệt ấy trong đám đông còn lôi cuốn mạnh hơn so với một chủ thể bị thôi miên, bởi vì sự gợi ý như nhau đối với mọi cá nhân sẽ được phóng đại lên khi trở thành tương hỗ. Trong đám đông, những cá nhân có cá tính khá mạnh để cưỡng lại sự gợi ý, thường có số lượng quá ít để đấu tranh chống lại trào lưu. Nhiều nhất thì những cá nhân này cũng chỉ làm được việc đánh lạc mục tiêu bằng cách đưa ra một gợi ý khác. Chẳng hạn, chính nhờ vậy, mà một từ ngữ may mắn, một hình ảnh được gợi đúng lúc đôi khi đã làm đám đông chệch hướng, tránh được những hành động đẫm máu nhất.

Vậy, việc biến mất của nhân cách có ý thức, sự ưu trội của nhân cách vô thức, sự định hướng những tình cảm và tư thưởng theo cùng một chiều qua con đường gợi ý và lây nhiễm, khuynh hướng biến đổi ngay lập tức những ý tưởng gợi ý thành hành động, đó là những đặc tính chủ yếu của cá nhân nằm trong đám đông. Cá nhân không còn là bản thân mình nữa. Anh ta đã trở thành một thứ người máy không được ý chí chỉ đạo nữa

Vậy nên, chỉ riêng việc biến mình thành bộ phận trong một đám đông có tổ chức, con người đã tụt xuống nhiều nấc trong thang bậc văn minh. Đứng tách riêng, có thể đó là một cá nhân có văn hoá; nằm trong đám đông, anh ta là một kẻ dã man, nghĩa là một kẻ bản năng. Anh ta có tính tự phát, thói bạo lực, tính hung dữ, và có cả lòng nhiệt tình, sự anh dũng của người nguyên thuỷ. Anh ta còn có khuynh hướng sáp gần những điều đó, vì anh ta dễ dàng để mình chịu ảnh hưởng bởi những từ ngữ, hình ảnh - những điều mà sẽ hoàn toàn không tác động tới cá nhân họp thành đám đông nếu cá nhân đó đứng tách riêng - và vì anh ta đã để mình bị dẫn đến những hành vi trái ngược với quyền lợi hiển nhiên nhất và những thói quen thường có nhất của mình. Cá nhân nằm trong đám đông là một hạt cát giữa vô vàn hạt cát khác mà gió sẽ bốc lên tuỳ thích.

Chính vì vậy ta thấy những ban bồi thẩm đã đưa ra các bản án mà mỗi bồi thẩm viên sẽ không tán thành nếu đứng riêng lẻ, những nghị viện đã thông qua các đạo luật và các biện pháp mà mỗi thành viên trong nghị viện nếu đứng tách riêng sẽ phản đối. Nếu đứng riêng rẽ, các đại biểu trong Hội nghị Quốc ước là những trưởng giả sáng suốt, với thói quen ôn hòa. Khi họp thành đám đông, họ chẳng ngần ngại tán thành những đề nghị hung tàn nhất, đưa lên máy chém những cá nhân rõ ràng vô tội nhất; và trái ngược với mọi quyền lợi của mình, họ chấp nhận từ chối quyền bất khả xâm phạm, và chịu để chính mình bị tàn sát.

Và không phải chỉ do hành động mà cá nhân trong đám đông khác biệt một cách cơ bản với bản thân mình. Trước khi cá nhân mất hết sự độc lập, thì tư tưởng và tình cảm của anh ta đã được biến đổi, và sự biến đổi ấy sâu sắc đến nỗi làm cho kẻ hà tiện trở thành kẻ hoang phí, kẻ hoài nghi thành kẻ có niềm tin, người lương thiện thành tội phạm, kẻ hèn nhát thành người anh hùng. Việc từ chối mọi đặc quyền trong một thời khắc nhiệt tình, mà tầng lớp quý tộc đã bỏ phiếu tán thành vào cái đêm trứ danh ngày 4 tháng Tám năm 1789, chắn chắn sẽ không bao giờ được bất cứ một cá nhân quý tộc nào chấp thuận, nếu họ tách riêng từng người một.

Ta hãy kết luận những điều nói trên, rằng đám đông bao giờ cũng thấp kém xét về mặt trí tuệ so với con người đứng riêng lẻ, nhưng cũng phải kết luận rằng, xét về mặt tình cảm và hành động mà tình cảm này gây ra, đám đông có thể tốt hơn hay xấu hơn tuỳ theo hoàn cảnh. Tất cả phụ thuộc vào cái cách đám đông được gợi ý. Đó là điều mà các nhà văn nghiên cứu về đám đông trên phương diện tội phạm tuyệt nhiên không biết đến. Chắc chắn đám đông thường phạm tội, nhưng đám đông cũng thường anh hùng. Đó chủ yếu là những đám đông bị người ta dẫn dắt đến chỗ hy sinh thân mình để giành chiến thắng cho một niềm tin hay một ý niệm, được người ta tạo cho nhiệt tình để giành vinh quang và danh dự, được huấn luyện - hầu như không bánh mì để ăn và tay không vũ khí - như ở thời đại những cuộc Thập tự chinh để giải thoát ngôi mộ Chúa Ki Tô khỏi tay những kẻ dị giáo, hoặc như vào năm 93, để bảo vệ đất đai của tổ quốc. Chắc chắn đó là chủ nghĩa anh hùng vô thức, nhưng chính với chủ nghĩa anh hùng đó, lịch sử đã được tạo ra. Nếu chỉ dùng lí trí lạnh lùng để kích động các dân tộc thực hiện các hành động vĩ đại, thì những cuốn biên niên sử trên thế giới chắc sẽ ghi lại chẳng được bao nhiêu.

Created by AM Word2CHM

Chương II. TÌNH CẢM VÀ ĐẠO ĐỨC CỦA ĐÁM ĐÔNG

TÂM LÝ HỌC ĐÁM ĐÔNG

à

Quyển I. TÂM HỒN NHỮNG ĐÁM ĐÔNG

1/ Tính bốc đồng, tính dễ thay đổi, tính dễ bị kích động của đám đông. - Đám đông là đồ chơi của mọi kích động bên ngoài và phản ánh điều đó qua những biến đổi không ngừng. - Những xung động mà nó phải tuân theo khẩn thiết đến nỗi quyền lợi cá nhân bị mờ nhạt đi. - Chẳng điều gì được mưu tính trước ở đám đông. - Tác động của chủng tộc.

2/ Tính dễ bị gợi ý và tính nhẹ dạ của đám đông. - Đám đông dễ tuân theo sự gợi ý. - Những hình ảnh được gợi lên trong tâm trí thì được đám đông coi là thực tế. - Tại sao những hình ảnh đó đối với mọi cá nhân hợp thành đám đông lại đều giống nhau. - Sự cào bằng giữa nhà bác học và kẻ ngu đần trong một đám đông.- Những ví dụ khác nhau về các ảo tưởng mà mọi cá nhân trong đám đông đều dễ mắc phải. – Không thể tin tưởng vào sự làm chứng của đám đông. - Sự nhất trí của nhiều chứng nhân là một trong những chứng cứ tồi tệ nhất mà ta có thể nêu lên để xác lập một sự kiện. - Giá trị yếu kém của sách lịch sử.

3/ Sự phóng đại và giản đơn trong tình cảm của đám đông. - Đám đông không biết tới sự nghi ngờ, cũng không biết tới sự chắc chắn và luôn đi tới cực đoan. - Tình cảm đám đông luôn quá khích. 4/ Lòng bất khoan dung, tính chuyên chế và bảo thủ của đám đông. - Nguyên cớ của những tình cảm này. - Thói nô lệ của đám đông trước một quyền lực mạnh. - Những bản năng cách mạng nhất thời của đám đông không ngăn cản chúng trở nên vô cùng bảo thủ. - Đám đông có bản năng thù nghịch với những thay đổi và tiến bộ.

5/ Đạo đức của đám đông. - Đạo đức của đám đông, tuỳ theo những gợi ý, có thể trở nên kém hơn nhiều hay cao hơn nhiều so với đạo đức những cá nhân cấu thành nó. - Lí giải và ví dụ. - Đám đông hiếm khi được quyền lợi dẫn đường, mà thông thường, quyền lợi là động cơ đặc biệt của cá nhân riêng lẻ. - Vai trò giáo hoá của đám đông.

Sau khi đã nói một cách rất chung về những tính cách chính của đám đông, bây giờ chúng tôi sẽ đi sâu vào chi tiết của những tính cách này.

Ta nhận thấy rằng, trong những tính cách đặc thù của đám đông, có khá nhiều tính cách như thói bốc đồng, tính dễ bị kích động, sự thiếu khả năng suy luận, thiếu xét đoán và tinh thần phê phán, sự thổi phồng tình cảm và nhiều điều khác, mà ta đồng thời cũng nhận thấy ở những người thuộc về hình thái phát triển thấp, như phụ nữ, người dã man và trẻ nhỏ, nhưng đó chỉ là một sự giống nhau mà tôi nhân tiện chỉ ra. Việc chứng minh điều ấy vượt ra ngoài khuôn khổ của cuốn sách này. Hơn nữa, việc đó sẽ vô ích đối với những người đã hiểu về tâm lí học người nguyên thuỷ và luôn thiếu thuyết phục đối với những người không biết môn tâm lí ấy.

Bây giờ tôi xin tiếp cận lần lượt những tính cách khác nhau mà ta có thể quan sát thấy ở phần lớn các đám đông.

1. Thói bốc đồng, tính hay thay đổi và tính dễ bị kích động ở đám dông.

Khi nghiên cứu những tính cách cơ bản của đám đông, chúng tôi đã nói rằng đám đông hầu như bị vô thức dẫn dắt. Những hành vi của nó chịu nhiều ảnh hưởng của tuỷ sống hơn là của não bộ. Ở điểm này, đám đông hoàn toàn giống với người nguyên thuỷ. Những hành vi được thực thi có thể hoàn hảo về mặt thực hiện, nhưng não bộ không điều khiển những hành vi ấy, cá nhân hành động tuỳ theo những ngẫu nhiên của các kích thích. Đám đông là đồ chơi của mọi kích thích bên ngoài và phản ánh những biến đổi không ngừng của chúng. Vậy, nó là nô lệ của những xung động mà nó tiếp nhận. Cá nhân riêng rẽ có thể chịu cùng những kích thích như con người trong đám đông; nhưng vì bộ não chỉ ra cho nó những bất lợi khi nhượng bộ điều đó, nên nó không nhượng bộ. Về mặt sinh lí học, đó là điều mà người ta có thể biểu lộ khi nói rằng cá nhân tách riêng có khả năng làm chủ những phản xạ của mình, còn đám đông không có được điều đó.

Những xung động khác nhau mà đám đông phải tuân theo này, tuỳ theo các kích thích, có thể là độ lượng hay tàn ác, anh hùng hay nhát gan, nhưng các xung động ấy luôn luôn bức thiết đến nỗi quyền lợi cá nhân, quyền bảo toàn bản thân không thống trị con người nữa. Những tác nhân kích thích có thể tác động lên đám đông một cách đa dạng và đám đông luôn tuân theo chúng, do vậy đám đông cực kì dao động; và chính vì thế ta thấy đám đông trong phút chốc chuyển đổi từ thái độ hung bạo đẫm máu nhất sang đại lượng hay anh hùng tuyệt đối nhất. Đám đông rất dễ dàng trở thành đao phủ, nhưng trở thành kẻ tử vì đạo cũng thẳng kém dễ dàng. Chính từ trong lòng đám đông đã tuôn chảy những dòng thác máu mà chiến thắng của mỗi một niềm tin đòi hỏi. Chẳng cần phải quay trở về những thời đại anh hùng mới thấy được đám đông có khả năng đến thế nào ở điểm này. Trong một cuộc nổi dậy, đám đông không bao giờ mặc cả mạng sống của mình, và chỉ cách đây ít năm thôi, một vị tướng, đột nhiên nổi danh, dễ dàng tìm thấy ngay một trăm ngàn người sẵn sàng hi sinh đời mình cho sự nghiệp của ông ta nếu ông ta đề nghị họ. Vậy chẳng điều gì có thể lường trước ở đám đông.

Đám đông có thể liên tiếp đi qua các sắc thái tình cảm rất trái ngược nhau, nhưng đám đông bao giờ cũng chịu ảnh hưởng của những kích thích tại thời điểm. Đám đông giống như những chiếc lá mà giông bão cuốn lên tan tác mọi ngả, rồi tự rơi xuống. Bằng việc nghiên cứu ở chỗ khác một số đám đông cách mạng, chúng tôi sẽ chứng minh vài ví dụ về tính hay thay đổi trong tình cảm của nó.

Sự dao động của đám đông làm cho nó rất khó điều khiển, nhất là khi một bộ phận quyền lực công rơi vào tay nó. Nếu những nhu cầu đời sống hằng ngày không là một thứ tác nhân điều hoà vô hình của sự vật, thì những nền dân chủ khó có thể tồn tại lâu dài. Nhưng nếu như đám đông muốn điều gì một cách cuồng nhiệt, thì nó cũng không mong muốn điều đó quá lâu. Nó không thể có một ý chí cũng như tư tưởng kiên định bền lâu.

Đám đông không chỉ hay bốc đồng và thay đổi. Cũng như người dã man, nó không chấp nhận một điều gì đó có thể xen vào giữa niềm ham muốn của nó và sự thực hiện niềm ham muốn ấy. Nó càng ít hiểu điều này hơn nếu số lượng đông đem lại cho nó ý thức về một sức mạnh không gì ngăn nổi. Đối với cá nhân nằm trong đám đông, khái niệm về sự bất khả đã biến mất. Cá nhân đơn độc cảm thấy rõ rằng anh ta không thể một mình đốt cháy lâu đài, cướp phá cửa hàng. và nếu anh ta định làm việc đó, thì anh ta sẽ dễ dàng cưỡng lại được ý đồ của mình. Nhưng khi là bộ phận của đám đông, anh ta có ý thức về quyền lực mà số đông đem lại cho mình, và chỉ cần gợi ý cho anh ta ý tưởng về sự giết người và cướp phá là anh ta lập tức ngả theo ý đồ ấy. Cản trở bất ngờ sẽ lập tức bị bẻ gãy với sự cuồng nhiệt. Nếu cơ thể người cho phép sự cuồng nộ vĩnh tồn, thì ta sẽ có thể nói rằng tình trạng bình thường của đám đông bị ngăn trở là sự cuồng nộ.

Trong tính dễ bị kích động, thói bốc đồng và tính hay thay đổi của đám đông, cũng như trong mọi tình cảm thông thường khác mà ta sẽ nghiên cứu, những tính cách cơ bản của chủng tộc, mảnh đất không biến đổ, nơi nảy sinh mọi tình cảm của ta, luôn can thiệp vào. Mọi đám đông bao giờ cũng dễ tức giận và bốc đồng, chắc chắn vậy, nhưng với những biến đổi lớn về mức độ. Ví dụ, sự khác biệt giữa một đám đông người Latin với một đám đông người Anglo-Saxon là rất rõ nét. Những sự kiện gần đây nhất trong lịch sử Pháp đã làm sáng tỏ điểm này. Năm 1870, chỉ cần công bố một bức điện đơn giản về một lời sỉ nhục được giả định dành cho một vị đại sứ, cũng đủ để làm bùng lên cơn cuồng nộ, và lập tức một cuộc chiến tranh khủng khiếp đã xảy ra. Vài năm sau, thông báo điện tín về cuộc thất trận không đáng kể ở Lạng Sơn đã gây ra một sự bùng nổ mới dẫn tới chính phủ bị sụp đổ ngay lập tức. Cùng thời gian ấy, một đoàn quân viễn chinh của Anh đã thất trận nặng nề hơn nhiều ở Kartoum chỉ gây ra một xúc động rất nhỏ ở Anh, và chẳng hề có một chính phủ nào bị lật đổ cả. Ở khắp mọi nơi, đám đông thường nữ tính, nhưng đám đông giàu nữ tính nhất là những đám đông người Latin. Những ai dựa vào chúng có thể leo lên rất cao và rất nhanh, nhưng sẽ luôn luôn phải đi men trên sườn núi Tarpéienne, và chắc chắn một ngày nào đó sẽ bị đẩy xuống vực.

2. Tính dễ bị gợi ý và tính nhẹ dạ của đám đông

Khi định nghĩa đám đông, chúng tôi đã nói rằng một trong những tính cách chung của nó là tính dễ bị gợi ý quá mức, và chúng tôi cũng đã chỉ ra trong mọi quần tụ người, một sự gợi ý sẽ lây nhiễm đến thế nào; điều đó giải thích sự định hướng nhanh chóng những tình cảm theo một chiều nhất định.

Dù ta giả định đám đông trung lập đến mấy, thì nó vẫn thường ở trong trạng thái chăm chú chờ đợi, làm cho sự gợi ý trở nên dễ dàng. Gợi ý đầu tiên được đưa ra, qua sự lây nhiễm, nó lập tức được áp đặt vào mọi bộ não, và ngay tức khắc sự định hướng được thiết lập. Cũng như ở tất cả những con người được gợi ý, ý tưởng xâm chiếm bộ não có khuynh hướng biến đổi thành hành động Dù là đốt cháy một toà lâu đài hay thực hiện một hành động tận tuỵ, đám đông cũng sẵn sàng làm một cách dễ dàng. Tất cả phụ thuộc vào bản chất của tác nhân kích thích chứ không phụ thuộc vào các quan hệ tồn tại giữa hành động được gợi ý và tổng số lí lẽ có thể chống lại việc thực hiện hành động ấy như ở những cá nhân riêng lẻ.

Vậy nên, luôn phiêu bạt trên những giới hạn của vô thức, dễ dàng chịu mọi gợi ý, có mọi sự mãnh liệt về tình cảm riêng ở những người không thể cầu viện đến ảnh hưởng của lí trí, không có tinh thần phê phán, đám đông chỉ có thể thuộc về tính cả tin quá mức. Điều khó tin không tồn tại đối với đám đông, và cần phải nhớ lấy điều này để hiểu được tại sao những truyền thuyết và những câu chuyện khó tin nhất lại dễ dàng được tạo ra và lan truyền.

Sự sáng tạo những truyền thuyết được lưu truyền khá dễ dàng trong đám đông không chỉ được quyết định do tính cả tin vào tất cả. Nó còn được quyết định bởi những biến cố đã bị làm biến dạng ghê gớm do trí tưởng tượng của những con người tụ họp với nhau. Biến cố đơn giản nhất dưới cái nhìn của đám đông sẽ nhanh chóng trở thành một biến cố bị biến dạng. Đám đông suy nghĩ bằng hình ảnh, và hình ảnh được gợi ra, bản thân nó lại gợi thêm một loạt hình ảnh khác chẳng có liên hệ logic nào với hình ảnh ban đầu. Chúng ta dễ dàng nhận thức được trạng thái này khi liên tưởng tới sự nối tiếp kì lạ của những ý tưởng mà đôi khi chúng ta bị dẫn dắt tới thông qua việc gợi ra từ một sự kiện nào đó. Lí trí cho ta thấy những hình ảnh này rời rạc, nhưng đám đông ít thấy điều đó; và trí tưởng tượng gây biến dạng cộng vào với biến cố thực làm nó lẫn lộn cái tưởng tượng với cái thực. Đám đông ít phân biệt được cái chủ quan với cái khách quan. Đám đông chấp nhận những hình ảnh được gợi lên trong tâm trí như là thực, và thường thường hình ảnh ấy chỉ là họ hàng xa với sự kiện được quan sát.

Đám đông chứng kiến một biến cố nào đó rồi làm biến dạng nó đi. Hình như những biến dạng đó nhiều vô kể và theo những chiều hướng khác nhau, bởi vì những cá nhân cấu thành đám đông có khí chất rất khác nhau. Nhưng điều ấy chẳng sao cả. Do lây nhiễm nên những biến dạng đều cùng một bản chất và theo cùng một hướng đối với mọi cá nhân. Biến dạng đầu tiên được một cá nhân trong tập thể nhận thấy là hạt nhân cho sự gợi ý mang tính lây nhiễm. Trước khi hiện lên trên các bức tường của Jérusalem cho mọi chiến binh Thập tự chinh, Thánh Georges chắc chắn chỉ được một người có mặt nhìn thấy. Bằng con đường gợi ý và lây nhiễm, phép lạ chỉ do một người phát hiện lập tức được tất cả mọi người chấp nhận.

Đó bao giờ cũng là cơ chế của những hoang tưởng tập thể rất thường xảy ra trong lịch sử và dường như có tính chất cổ điển về sự xác thực, bởi vì đó là những hiện tượng đã được hàng nghìn người nhận thấy.

Để chống lại điều trên, không nên nhờ đến đặc tính tinh thần của những cá nhân trong đám đông. Đặc tính đó không quan trọng. Khi con người nằm trong đám đông, kẻ ngu dốt và nhà bác học đều không có khả năng nhận xét.

Luận đề này có thể tỏ ra nghịch lí. Để chứng minh nó cặn kẽ, cần phải sử dụng lại nhiều sự kiện lịch sử, và rất nhiều tập sách cũng sẽ không đủ.

Tuy nhiên, vì không muốn để độc giả có cảm tưởng là khẳng định không chứng cứ nên tôi sẽ đưa ra vài ví dụ nhặt ngẫu nhiên trong vô số những cứ liệu mà ta có thể kể ra.

Sự kiện sau đây là một trong những sự kiện điển hình nhất, bởi vì nó được lựa chọn trong những hoang tưởng tập thể hoành hành trong một đám đông bao gồm đủ loại người, những kẻ dốt nát nhất cũng như người có học nhất. Câu chuyện do trung uý hải quân Julien Félix nhân thể kể lại trong cuốn sách của ông ta về những dòng hải lưu và đã được in lại trong Tạp chí Khoa học (Revue Scientifique).

Chiến thuyền Belle Poule chạy trên biển đi tìm tàu hộ tống Berceau. Hai con tàu bị bão nên lạc nhau. Lúc đó đang giữa ban ngày, trời nắng. Bỗng nhiên, chòi quan sát báo hiệu có một chiếc xuồng hỏng. Đoàn thuỷ thủ nhìn về điểm được báo, và tất cả mọi người, sĩ quan và thuỷ thủ đều nhìn thấy rõ một chiếc mảng đầy người do xuồng kéo, trên xuồng treo tín hiệu cấp cứu. Tuy nhiên, đó chỉ là một hoang tưởng tập thể. Đô đốc Desfossés cho trang bị một chiếc xuồng đi ứng cứu những người bị nạn. Khi lại gần, thuỷ thủ và sĩ quan trên xuồng đều trông thấy “đám đông người cuống quýt chìa tay ra, và nghe thấy những âm thanh trầm đục của nhiều giọng nói hỗn tạp". Khi chiếc xuồng tới nơi, người ta chỉ thấy trước mặt mấy cành cây đầy lá từ bờ biển gần đó trôi tới. Đứng trước một sự hiển nhiên có thể sờ mó được như vậy, hoang tưởng tan ngay.

Trong ví dụ này, ta thấy cơ chế của hoang tưởng tập thể diễn ra rất rõ như chúng tôi đã giải thích. Mộ mặt, đám đông đang chăm chú chờ đợi; mặt khác, sự gợi ý do trạm quan sát báo có một chiếc xuồng hỏng trên biển, điều gợi ý qua con đường lây nhiễm đã được mọi người tham dự, từ sĩ quan đến thủy thủ, chấp nhận.

Không cần một đám đông phải nhiều người thì năng lực nhìn đúng cái gì xảy ra trước mặt nó mới bị xoá bỏ, và những sự kiện thực mới bị thay thế bằng những hoang tưởng chẳng có quan hệ gì với chúng. Ngay khi vài cá nhân tụ họp với nhau, họ đã cấu thành một đám đông, và khi đó dù họ là những nhà bác học nổi tiếng, họ cũng mang tính cách đám đông đối với những điều nằm ngoài chuyên môn của mình. Năng lực quan sát và tinh thần phê phán mà từng người trong họ sẵn có lập tức biến mất. Một nhà tâm lí học tài tình, ông Davey, đã cung cấp cho ta một ví dụ kì lạ, mới đây tờ Niên giám Khoa học tâm lí (Annales des Sciences psychique) đã in, nó đáng được kể lại ở đây. Ông Davey đã triệu tập một cuộc họp gồm các quan sát viên nổi tiếng, trong số đó có ngài Wallace, nhà bác học hàng đầu của nước Anh. Ông Davey để cho họ xem xét các đồ vật, và đánh dấu vào chỗ tuỳ họ thích, rồi ông thực hiện trước mặt họ tất cả những hiện tượng thông linh cổ điển như: vật chất hoá thần linh, viết trên bảng đá v.v... Sau đó, nhận được từ các quan sát viên nổi tiếng những bản tường trình khẳng định rằng những hiện tượng được quan sát chỉ có thể đạt được nhờ các phương tiện siêu nhiên, ông tiết lộ cho họ biết rằng những hiện tượng ấy chỉ là kết quả của những trò gian trá rất đơn giản. Tác giả bài tường thuật viết: “Điều đáng ngạc nhiên nhất trong thí nghiệm của ông Davey không phải sự kì diệu của bản thân những trò biểu diễn, mà là sự yếu kém vô cùng của những quan hệ mà các nhân chứng không am hiểu vấn đề đã làm. Vậy những nhân chứng có thể viết nhiều chuyện kể xác thực hoàn toàn lầm lẫn, nhưng kết quả là, nếu ta chấp nhận sư mô tả của họ là đúng, thì những hiện tượng họ mô tả sẽ không thể giải thích được bằng trò gian trá. Những phương pháp được ông Davey sáng tạo thật đơn giản đến mức ta phải ngạc nhiên là ông quá táo bạo khi sử dụng chúng; nhưng ông đã có một quyền lực như thế đối với tâm trí đám đông đến nỗi ông có thể thuyết phục nó để nó phải nhìn thấy cái điều mà nó không nhìn thấy”. Đó luôn là quyền năng của nhà thôi miên đối với người bị thôi miên. Nhưng khi ta thấy quyền năng này tác động được lên những trí tuệ cao siêu mà đã được cảnh báo trước, thì ta hiểu thật dễ dàng đến chừng nào để làm cho những đám đông bình thường bị rơi vào ảo tưởng.

Những ví dụ tương tự nhiều vô kể. Vào lúc tôi viết những dòng chữ này, những tờ nhật báo đăng tải đầy câu chuyện về hai em bé gái chết đuối được vớt từ sông Seine. Đầu tiên, một tá nhân chứng khẳng định dứt khoát đã nhận diện được hai em. Mọi điều khẳng định đều khớp nhau đến nỗi ông cán bộ kiểm sát chẳng còn nghi ngờ điều gì nữa. Ông cho lập giấy khai tử. Nhưng đến lúc chuẩn bị tiến hành mai táng, thì ngẫu nhiên người ta phát hiện hai nạn nhân giả định vẫn đang sống sờ sờ; vả lại chúng chỉ hao hao giống hai em bé chết đuối. Cũng như những ví dụ đã kể trên, sự khẳng định của nhân chứng đầu tiên, nạn nhân của một ảo tưởng đã đủ để gợi ý cho những người khác.

Trong các trường hợp tương tự, điểm xuất phát của sự gợi ý bao giờ cũng là ảo tưởng được nảy sinh ở một cá nhân, do những hồi ức ít nhiều mơ hồ, rồi tiếp theo là sự lây nhiễm bằng con đường khẳng định cái ảo tưởng ban đầu này. Nếu người quan sát đầu tiên là người rất mẫn cảm thì, loại bỏ tất cả những điểm giống nhau, trong thực tế, xác chết mà ông ta nhận ra, chỉ cần một vài điểm đặc thù như một vết sẹo hay một chi tiết trang phục, cũng có thể gợi cho ông ta ý tưởng về người này người khác.

Ý tưởng được gợi ra lúc ấy có thể trở thành hạt nhân của sự kết tinh hoá xâm chiếm trường lí trí và làm tê liệt mọi năng lực phê phán. Lúc này, điều mà người quan sát nhìn thấy không phải là bản thân đối tượng nữa mà chính là hình ảnh được gợi trong tâm trí anh ta. Vậy nên, có thể giải thích được chuyện nhận diện nhầm xác con của chính người mẹ, như trường hợp sau, đã xưa cũ mà gần đây báo chí có nhắc lại. Ở đây, ta thấy biểu hiện rõ hai loại gợi ý mà tôi vừa mới vạch ra cơ chế.

“Một trẻ nhỏ được một trẻ khác nhận ra. Trẻ thứ hai nhầm. Thế là một loạt những nhận diện sai được tiếp diễn.

Và ta thấy một chuyện rất kì lạ. Sau cái ngày em học trò nhận diện ra xác chết một người phụ nữ kêu lên: "Lạy Chúa! Đây là con tôi”.

Người ta đưa bà tới cạnh xác chết. Bà quan sát quần áo, nhận thấy một vết sẹo trên trán. Bà nói "Đúng là thằng bé khốn khổ của tôi. Nó bị lạc từ tháng Bảy vừa rồi. Người ta đã bắt nó và người ta đã giết con tôn!".

Người đàn bà làm nghề gác cổng ở phố Four và tên là Chavandret. Người ta cho gọi người anh rể của bà ta đến, không do dự ông ta nói: "Đây là cháu bé Philibert". Nhiều người dân cùng phố cũng công nhận đứa trẻ được tìm thấy ở La Vilette chính là Philibert Chavandret, đấy là chưa kể thầy giáo của em, đối với ông chiếc huy hiệu là một dấu hiệu.

Thế đấy! Những người hàng xóm, người anh rể, thầy giáo và người mẹ đều nhầm lẫn. Sáu tuần sau, nhân dạng của đứa trẻ được xác lập. Đó là một em nhỏ ở Bordeaux, bị giết ở Bordeaux, rồi được hãng vận tải chuyển tới Paris.

Người ta nhận thấy rằng những cuộc nhận diện như thế thường được tiến hành với phụ nữ và trẻ nhỏ, nghĩa là với những con người mẫn cảm nhất. Đồng thời những cuộc nhận diện ấy cho chúng ta thấy, trong pháp luật, những sự làm chứng như thế có giá trị gì. Nhất là đối với trẻ nhỏ, đừng bao giờ viện dẫn những lời khẳng định của chúng. Các vị quan toà thường nhắc đi nhắc lại một điều sáo rỗng rằng ở tuổi này, người ta không nói dối. Với chút kiến thức tâm lí học hơi sơ sài, họ sẽ biết rằng ở tuổi ấy, trái lại, người ta hầu như luôn nói dối. Tất nhiên, sự nói dối ấy là ngây thơ, nhưng vẫn là nói dối. Thà rằng quyết định bằng cách gieo tiền sấp ngửa, còn hơn là kết án một bị cáo theo lời chứng của một trẻ nhỏ, như người ta đã làm rất nhiều lần.

Lại nói về những nhận xét do đám đông thực hiện, ta sẽ kết luận rằng những nhận xét tập thể thường sai lạc nhất trong mọi nhận xét, và thông thường chúng biểu thị ảo tưởng đơn giản của một cá nhân đã gợi ý cho những người khác qua con đường lây nhiễm. Ta có thể nhân lên đến vô tận những sự kiện để chứng minh rằng cần phải vô cùng cảnh giác với sự làm chứng của đám đông. Hàng ngàn người đã tham dự vào lời buộc tội nổi tiếng đối với kỵ binh ở trận chiến Sedan, tuy nhiên, với sự có mặt của nhiều người chứng kiến tận mắt mâu thuẫn nhau nhất, thật khó có thể biết kỵ binh đã do ai chỉ huy. Trong một cuốn sách mới đây, ngài Wolseley vị tướng người Anh đã chứng minh rằng cho đến tận bây giờ người ta vẫn phạm những sai lầm nghiêm trọng nhất đối với những sự kiện quan trọng nhất trong trận chiến Waterloo, những sự kiện mà hàng trăm nhân chứng đã chứng thực.

Các sự kiện như thế đã chứng tỏ cho ta thấy giá trị của việc làm chứng của đám đông là thế nào. Những chuyên luận logic học đưa sự nhất trí của nhiều nhân chứng vào phạm trù những chứng cứ vững chãi nhất mà ta có thể viện dẫn để chứng minh tính đúng đắn của một sự kiện. Nhưng điều mà ta biết về tâm lý học đám đông đã chứng minh rằng, về điểm này, các chuyên luận logic học cần phải viết lại hết. Những biến cố đáng ngờ nhất chắc chắn là những biến cố do rất đông người chứng kiến. Nói rằng một sự kiện đã đồng thời được hàng ngàn nhân chứng quan sát, thông thường có nghĩa là sự kiện thực sẽ khác nhiều so với câu chuyện đã được chấp nhận.

Rõ ràng từ những điều nói trên, ta suy ra rằng cần phải coi sách lịch sử như là những cuốn sách tưởng tượng thuần túy. Đó là những câu chuyện thêu dệt về các sự kiện được quan sát sơ sài, đi kèm những lời giải thích được thực hiện sau đó. Đánh vữa thạch cao là việc làm có ích hơn là mất thời giờ để viết những cuốn sách như thế. Nếu quá khứ không để lại cho chúng ta những tác phẩm văn học, nghệ thuật và kiến trúc, thì chúng ta sẽ tuyệt nhiên chẳng biết đâu là thực về quá khứ ấy. Liệu chúng ta có biết một chút gì là thực về cuộc đời những vĩ nhân, những người đã giữ vai trò nổi trội trong nhân loại như Hercule, Đức Phật, Chúa Jésus hay nhà Tiên tri Mahomet không? Rất có thể là không. Vả lại, xét cho cùng cuộc đời thực của họ đối với chúng ta cũng chẳng quan trọng lắm. Điều mà chúng ta quan tâm muốn biết là những vĩ nhân như truyền thuyết dân gian đã sáng tạo nên là ai. Đó là những bậc anh hùng truyền thuyết, chứ tuyệt nhiên không phải là những anh hùng hiện thực, những người đã gây ấn tượng cho tâm hồn đám đông.

Khốn thay, những truyền thuyết - dù chúng có được sách vở xác định - thì bản thân chúng cũng không có chút vững chắc nào. Trí tưởng tượng của đám đông đã biến đổi chúng không ngừng theo các thời đại. và nhất là theo từng chủng tộc. Có khoảng cách rất xa từ đấng Jého vah khát máu của Kính Cựu ước đến Đức Chúa Trời mang tình yêu thương của nữ thánh Thérèse, và Đức Phật được thờ phụng ở Trung Hoa cũng chẳng có điểm gì chùn với Đức Phật được sùng báo ở Ấn Độ.

Cũng chẳng cần đến nhiều thế kỉ đi qua để trí tưởng tượng của đám đông biến đổi truyền thuyết về những người anh hùng. Đôi khi, sự biến đổi chỉ cần vài năm. Ở thời nay, chúng ta cũng thấy truyền thuyết về một trong những anh hùng vĩ đại nhất của lịch sử đã bị biến đổi nhiều lần trong vòng chưa đầy 50 năm. Dưới thời Bourbon, Napoleon trở thành một nhân vật trữ tình, từ tâm và tự do, bạn của những người nghèo khổ, theo cách nói của các thi sĩ, những con người nghèo khổ ấy phải lưu giữ dài lâu kỉ niệm về người dưới mái tranh. Ba mươi năm sau, người anh hùng nhu nhược đã trở thành một bạo chúa khát máu, sau khi chiếm đoạt quyền lực và tự do, đã làm chết ba triệu người duy chỉ để thoả mãn tham vọng của mình. Ngày nay, chúng ta lại chứng kiến một biến đổi mới của truyền thuyết. Khi vài chục thế kỉ qua đi, nhà khoa học trong tương lai đứng trước những câu chuyện mâu thuẫn nhau như vậy, có lẽ sẽ nghi ngờ sự tồn tại của người anh hùng, cũng như đôi khi họ nghi ngờ về sự tồn tại của Đức Phật, và chỉ nhìn thấy ở ngài một huyền thoại nào đó về mặt trời, hay một sự phát triển của truyền thuyết về Hercule. Hẳn họ sẽ dễ bằng lòng về sự không chắc chắn này, bởi vì họ am hiểu tri thức về tâm lí học đám đông hơn ngày nay, họ sẽ biết rằng lịch sử khó giữ được cái gì vĩnh hằng ngoài những huyền thoại.

3. Sự phóng đại và giản đơn trong tình cảm

Dù một đám đông biểu hiện tình cảm thế nào, tốt hay xấu, thì nó cũng có tính cách kép, đó là giản đơn và phóng đại. Về điểm này cũng như về nhiều điểm khác, cá nhân nằm trong đám đông gần với người nguyên thủy. Không thể đạt tới những sắc thái, họ nhìn sự vật trong một khối và không nhận thấy những chuyển tiếp. Trong đám đông, sự phóng đại những tình cảm được tăng cường bởi sự việc: một tình cảm được biểu lộ lan truyền rất nhanh bằng con đường gợi ý và lây nhiễm, nên sự tán thưởng rõ ràng dành cho tình cảm ấy làm gia tăng đáng kể sức mạnh của nó.

Tính giản đơn và phóng đại những tình cảm của đám đông đã khiến nó không biết đến nghi ngờ và lưỡng lự. Giống như phụ nữ, những tình cảm lập tức đi tới cực đoan. Nỗi hoài nghi được nói ra tức thì biến thành sự thực hiển nhiên không cần bàn cãi. Một sự khởi đầu ác cảm hoặc không tán thưởng, ở một cá nhân tách riêng sẽ không trở nên đậm nét, và sẽ lập tức trở thành hận thù hung dữ ở một cá nhân nằm trong đám đông.

Sự mãnh liệt của tình cảm trong đám đông còn được phóng đại lên, nhất là ở đám đông không thuần nhất, do không có trách nhiệm. Tin chắc không bị trừng phạt, đám đông càng đông sự tin chắc càng bền vững, và quan niệm về một sức mạnh nhất thời đáng kể nhờ số lượng, đã làm cho tập thể khả dĩ có những tình cảm và hành động mà cá nhân riêng lẻ không thể có. Trong đám đông, kẻ ngu đần, kẻ dốt nát, kẻ đố kỵ được giải phóng khỏi ý thức về sự vô giá trị và sự bất lực của mình, ý thức ấy được thay thế bằng ý niệm về một sức mạnh tàn bạo, nhất thời, nhưng vô cùng to lớn.

Sự phóng đại, ở đám đông, khốn khổ thay lại thường dựa trên những tình cảm xấu, di chứng mang tính lại giống của những bản năng người nguyên thuỷ. Vì sợ trừng phạt nên những cá nhân riêng rẽ và có trách nhiệm buộc phải hãm những bản năng ấy lại. Đó là điều làm cho đám đông dễ dàng bị dẫn tới những quá khích xấu xa nhất.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là khi được gợi ý khéo léo, đám đông sẽ không thể có hành vi anh hùng, tận tụy và những đức hạnh cao cả. Thậm chí, đám đông còn có thể làm những điều đó tốt hơn nhiều so với cá nhân riêng lẻ. Chúng ta sẽ có dịp trở lại vấn đề này khi nghiên cứu đạo đức của đám đông.

Vì ưa thổi phồng trong tình cảm nên đám đông chỉ bị ấn tượng bởi những tình cảm quá khích. Diễn giả nào muốn lôi cuốn đám đông đều phải lạm dụng sự khẳng định mạnh mẽ. Thổi phồng, khẳng định, nhắc đi nhắc lại, và không bao giờ thử chứng minh điều gì bằng sự suy luận, là những phương pháp biện luận ai cũng biết của các diễn giả trong các cuộc hội họp quần chúng. Đám đông còn muốn chính sự thổi phồng ấy trong tình cảm những người hùng của họ. Các ưu điểm và đức hạnh bề ngoài của những người hùng bao giờ cũng phải được khuếch đại. Người ta đã nhận xét rất đúng rằng trong rạp hát đám đông đòi hỏi nhân vật chính của vở kịch phải có đức tính can đảm, đạo đức và đức hạnh không bao giờ được thực hiện trong đời sống.

Trong lĩnh vực sân khấu, người ta có lí khi nói tới một nhãn quan đặc biệt. Có một nhãn quan như vậy thật, nhưng những quy tắc của nó thường không liên quan tới lương tri và logic. Nghệ thuật nói trước đám đông tất nhiên là ở cấp độ thấp, nhưng đòi hỏi những khả năng hoàn toàn đặc biệt. Thật khó có thể giải thích để hiểu sự thành công của một số vở kịch. Nhiều giám đốc nhà hát khi nhận những vở ấy, bản thân họ thường không chắc chắn về sự thành công của chúng, bởi vì muốn đánh giá thì điều cần thiết là họ phải có khả năng tự biến đổi thành đám đông. Còn ở đây, nếu ta có thể tìm hiểu sâu về sự phát triển, ta sẽ thấy ảnh hưởng ưu trội của chủng tộc. Một vở kịch làm cho đám đông của một nước này phấn khởi, đôi khi lại chẳng có chút thành công nào trong một nước khác, hoặc chỉ có một thành công tương đối và có tính chiếu lệ, bởi vì nó không vận dụng những động lực có khả năng làm khơi dậy công chúng mới.

Tôi không cần nói thêm rằng sự thổi phồng của đám đông chỉ ảnh hường tới tình cảm và chẳng tác động gì tới trí tuệ. Tôi đã chỉ ra rằng riêng việc cá nhân nằm trong đám đông, trình độ trí tuệ của anh ta đã thấp xuống ngay lập tức và rất đáng kể. Đó là điều ông Tarde cũng nhận thấy trong nghiên cứu của ông về tội ác của đám đông. Vậy, chỉ trong lĩnh vực tình cảm, đám đông mới có thể leo lên rất cao hay ngược lại tụt xuống rất thấp mà thôi.

4. Lòng bất khoan dung, tính chuyên chế và bảo thủ của đám đông

Đám đông chỉ biết tới những tình cảm giản đơn và cực đoan; những ý kiến, tư tưởng và niềm tin đã gợi ý cho đám đông đều được chấp nhận hoặc bị vứt bỏ tất thảy, rồi được xem như những chân lí tuyệt đối hay những sai lầm cũng không kém phần tuyệt đối. Bao giờ cũng xảy ra như thế đối với những niềm tin được xác định qua con đường gợi ý, mà lẽ ra chúng phải được sinh ra qua con đường suy lí. Ai cũng biết những niềm tin tôn giáo đều bất khoan dung biết nhường nào, và như bạo chúa chúng tác động xiết bao tới tâm hồn con người.

Không chút nghi ngờ với những gì là chân lí hoặc sai lầm, mặt khác lại có khái niệm rõ ràng về sức mạnh của mình, đám đông vừa chuyên chế vừa bất khoan dung. Cá nhân có thể chịu đựng được mâu thuẫn và tranh cãi, còn đám đông thì không bao giờ chịu đựng được điều đó. Trong những cuộc hội họp đông người, diễn giả chỉ mới bộc lộ chút mâu thuẫn thôi, lập tức đã bị bao vây bởi những tiếng la hét cuồng nộ và những lời thoá mạ kịch liệt, ngay tiếp theo là những hành động gây tổn thương và xua đuổi dù diễn giả có cố nài nỉ. Nếu không có sự hiện diện của người có quyền lực, người có ý kiến trái ngược thậm chí còn bị giết. Tính chuyên chế và bất khoan dung là tiêu biểu cho tất cả các loại đám đông, nhưng chúng ở nhiều mức độ rất khác nhau, và ở đây lại xuất hiện khái niệm cở bản về chủng tộc, kẻ thống trị mọi tình cảm và mọi tư tưởng của con người. Tính chuyên chế và bất khoan dung phát triển đến cấp độ cao nhất là ở những đám đông người Latin. Nó đi đến chỗ hoàn toàn phá huỷ ý thức độc lập cá nhân vốn rất mạnh mẽ ở người Anglo - Saxon. Đám đông Latin chỉ nhạy cảm với sự độc lập tập thể của nhóm phái mà nó thuộc về và đặc điểm của thứ độc lập tập thể này là nhu cầu nô lệ hoá áp đặt niềm tin của mình cho bất cứ kẻ nào không cùng ý kiến một cách tức thời và bạo lực. Ở những dân tộc Latin, những kẻ Jacobins ở mọi thời đại, từ những người thời Toà án dị giáo, đã không bao giờ có thể vươn lên tới một thứ quan niệm nào khác về tự do.

Đối với đám đông, tính chuyên chế và bất khoan dung là những tình cảm rất rõ ràng, mà nó hiểu dễ dàng và chấp nhận cũng dễ dàng, nó thực hành những điều đó ngay khi người ta áp đặt chúng cho nó. Đám đông ngoan ngoãn tôn trọng sức mạnh và chẳng mấy ấn tượng với lòng nhân từ mà đối với nó chỉ là một hình thức của sự yếu đuối. Cảm tình của đám đông không bao giờ dành cho các ông chủ nhu nhược mà dành cho những bạo chúa đã mạnh mẽ đè bẹp họ. Bao giờ đám đông cũng dựng tượng đài cao nhất cho các bạo chúa. Nếu như đám đông sẵn sàng khinh rẻ những bạo chúa đã bị lật đỗ thì chỉ vì bạo chúa ấy đã mất sức mạnh, hắn đã thuộc vào loại kẻ yếu mà người ta khinh bỉ bởi vì người ta không sợ những kẻ ấy nữa. Loại anh hùng quý hoá với đám đông bao giờ cũng có cấu trúc như một César. Hình ảnh sặc sỡ phù hoa của ông ta cám dỗ họ, quyền lực của ông ta bắt họ kính nể và thanh gươm của ông ta làm họ sợ.

Luôn sẵn sàng nổi dậy chống lại một quyền lực yếu, song đám đông lại khom lưng nô lệ trước một quyền lực mạnh. Nếu sức mạnh của quyền lực bị gián đoạn, thì đám đông tuân theo những tình cảm cực đoan, luân chuyển từ vô chính phủ sang nô lệ, rồi từ nô lệ sang vô chính phủ.

Vả lại sẽ là kém hiểu biết về tâm lí học đám đông khi tin vào sự ưu trội trong những bản năng cách mạng của nó. Chỉ riêng tính bạo lực của đám đông cũng đã làm ta ảo tưởng về điểm này. Những bùng phát nổi loạn và phá hoại của nó bao giờ cũng rất nhất thời. Đám đông bị cái vô thức thống trị quá nhiều, và do đó chịu ảnh hưởng bởi sự di truyền lâu đời, nên nó thành ra cực kì bảo thủ.

Bị bỏ rơi một mình, đám đông sẽ chán ngán sự mất trật tự và theo bản năng nó sẽ sớm hướng về sự nô lệ. Chính những người Jacobins kiêu hãnh nhất, khó trị nhất lại là những người nhiệt tình đón chào Bonaparte nhất, khi ông ta thủ tiêu mọi quyền tự do và cứng rắn giơ bàn tay sắt.

Rất khó để hiểu lịch sử, nhất là lịch sử của những cuộc cách mạng quần chúng khi ta không hiểu những bản năng bảo thủ sâu xa của đám đông. Họ muốn thay đổi tên những thiết chế của mình, và đôi khi họ thực hiện các cuộc cách mạng bạo lực để có được những thay đổi ấy; nhưng nền tảng của các thiết chế này lại là sự biểu hiện quá mạnh mẽ những nhu cầu di truyền của chủng tộc khiến chúng khó mà không luôn luôn quay trở lại. Tính hay thay đổi của họ chỉ dựa trên những sự việc hoàn toàn mang tính bề ngoài. Thực ra, đám đông có những bản năng bảo thủ không thể thay đổi được như bản năng của người nguyên thuỷ. Lòng sùng kính đối với truyền thống là tuyệt đối. Nỗi sợ hãi vô thức của họ đối với những cái mới có khả năng làm thay đổi điều kiện sống thực tế của họ, là hoàn toàn sâu sắc. Nếu các nền dân chủ đã sở hữu được quyền lực, như chúng có hôm nay, vào cái thời mà người ta sáng chế ra máy dệt cơ khí, máy hơi nước và đường sắt, thì sự hiện thực hoá những sáng chế ấy đã không xảy ra, hoặc có xảy ra thì phải trả giá bằng những cuộc cách mạng và những cuộc tàn sát liên miên. Thật may cho những tiến bộ văn minh, bởi vì sức mạnh của đám đông chỉ bắt đầu nảy sinh khi những phát minh lớn của khoa học và công nghệ đã được hoàn tất.

5. Đạo đức của đám đông

Nếu ta hiểu từ đạo đức theo cái nghĩa luôn tôn trọng một số quy ước xã hội, và thường xuyên đàn áp những xung động ích kỉ, thì rõ ràng là đám đông đã quá bốc đồng và hay thay đổi để có thể gọi là có đạo đức. Nhưng nếu, trong khái niệm đạo đức, chúng ta đưa vào sự xuất hiện nhất thời một số đức tính như: sự quên mình, lòng tận tụy, tính vô tư, sự hy sinh bản thân, nhu cầu công lí, thì chúng ta có thể nói trái lại, đám đông đôi khi có thể có đạo đức rất tốt.

Một số rất ít các nhà tâm lí học nghiên cứu đám đông lại chỉ xem xét nó về phương diện hành vi tội phạm, và nhìn xem hành vi ấy xảy ra thường xuyên đến mức nào, họ đã coi như đám đông có trình độ đạo đức rất thấp kém.

Chắc chắn thường xảy ra như vậy. Nhưng tại sao? Đơn giản chỉ vì những bản năng phá hoại hung hãn là những tàn dư của thời nguyên thuỷ, vẫn nằm ngủ ở đáy sâu trong mỗi chúng ta. Trong đời sống cá nhân riêng lẻ, thật nguy hiểm cho anh ta nếu làm thoả mãn những bản năng này, trong khi nếu cá nhân nhập vào một đám đông vô trách nhiệm, và vì ở đấy sự không bị trừng phạt được bảo đảm, nên đã tạo cho anh ta hoàn toàn tự do để theo đuổi những bản năng ấy. Không thể thường xuyên tác động những bản năng phá hoại ấy lên đồng loại, nên ta hạn chế chỉ làm điều đó đối với thú vật. Chính đó là nguồn gốc nảy sinh những đam mê rất phổ biến đối với săn bắn và những hành vi bạo tàn của đám đông. Một đám đông tù từ băm nát một nạn nhân không có gì bảo vệ, chứng tỏ một sự tàn bạo rất hèn hạ; nhưng đối với nhà triết học thì sự tàn bạo ấy rất giống với sự dã man của những người đi săn họp nhau lại đến cả tá người để tìm thú vui khi tham dự cuộc săn đuổi và xua bầy chó cắn thủng bụng một con hươu khốn khổ.

Nếu đám đông có khả năng giết người, đốt nhà và làm mọi thứ tội ác, thì nó cũng có khả năng hành động tận tuy, hi sinh và vô tư rất cao cả thậm chí cao cả hơn rất nhiều so với sự cao cả mà cá nhân riêng lẻ có thể làm. Người ta đã tác động chủ yếu lên cá nhân nằm trong đám đông, và thường là đến mức có được sự hi sinh mạng sống, bằng cách viện dẫn đến ý thức về vinh quang, danh dự, tôn giáo và tổ quốc. Lịch sử đầy rẫy những ví dụ tương tự như những chiến binh Thập tự chinh và những người tình nguyện của năm 93. Chỉ có tập thể mới có khả năng thực hiện những hành động vô tư vĩ đại và những hiến dâng vĩ đại.

Đã có biết bao nhiêu đám đông từng hi sinh anh dũng vì những niềm tin, những tư tưởng và những ngôn từ mà họ hầu như không hiểu.

Những đám đông đình công đã làm việc đó còn tốt hơn để tuân theo một khẩu hiệu chứ đâu chỉ để được tăng thêm đồng lương còm mà họ đã cam lòng. Quyền lợi cá nhân hiếm khi là động lực mạnh mẽ ở đám đông, trong khi nó là động lực gần như chủ yếu ở cá nhân riêng lẻ. Chắc không phải quyền lợi đã hướng đạo đám đông trong nhiều cuộc chiến tranh, điều thường khó có thể hiểu đối với trí tuệ đám đông, ở đấy đám đông dễ dàng hi sinh thân mình, giống như loài chim chiền chiện bị người đi săn dùng gương để thôi miên.

Ngay cả đối với những kẻ vô lại nhất, thường xảy ra khi họ tập hợp nhau lại thành đám đông, cũng nhất thời có những nguyên tắc đạo đức rất nghiêm ngặt. Taine nhận ra rằng những kẻ tàn sát người hồi tháng Chín đều đem nộp lên bàn hội đồng tất cả những ví tiền và đồ trang sức mà họ tìm thấy trên người các nạn nhân, dù họ có thể dễ dàng ăn cắp. Đám đông la hét, lúc nhúc và khốn cùng trong cuộc Cách mạng 1848 đã chiếm điện Tuileries, cũng không hề chiếm một đồ vật nào làm của riêng, dù vật đó làm họ loá mắt và chỉ lấy một vật thôi họ cũng đủ miếng ăn trong nhiều ngày.

Việc đám đông đã đạo đức hoá cá nhân chắc không phải là một quy tắc bất biến, nhưng đó là một quy tắc mà ta thường thấy. Ta còn thường thấy điều này trong những trường hợp ít nghiêm trọng hơn những hoàn cảnh mà tôi vừa kể. Tôi đã nói rằng ở rạp hát đám đông muốn nhân vật của vở kịch phải có những đức hạnh được phóng đại, và anh ta thuộc về một sự quan sát tầm thường mà một cử toạ gồm những thành phần thấp kém, cũng tỏ ra rất đứng đắn. Kẻ ăn chơi lõi đời, tên ma cô, đứa mất dạy chuyên nhạo báng thường xì xào trước một cảnh hơi quá trớn hay một lời đề nghị phóng túng, tuy cũng chẳng đáng kể gì so với những câu nói quen thường ngày của họ.

Vậy nếu đám đông thường tự phó mặc cho những bản năng thấp hèn, thì đôi lúc họ cũng nêu gương trong những hành vi đạo đức cao cả. Nếu như tính vô tư, lòng cam chịu, lòng tận tuỵ tuyệt đối cho một lí tưởng không tưởng hay hiện thực là những đức hạnh đạo đức, thì ta có thể nói rằng đám đông thường có những đức hạnh ấy ở một mức độ mà các nhà hiền triết khôn ngoan nhất cũng hiếm khi đạt được. Tất nhiên, đám đông thực hành chúng trong vô thức, song điều ấy quan trọng gì. Ta cũng không nên than phiền rằng đám đông chủ yếu bị vô thức điều khiển, và ít khi suy luận. Nếu đám đông đã đôi lúc suy luận và chất vấn về quyền lợi trực tiếp của mình, thì có lẽ chẳng có nền văn minh nào được phát triển trên bề mặt hành tinh của chúng ta, và nhân loại sẽ không có lịch sử.

Created by AM Word2CHM

Chương III. TƯ TƯỞNG, SỰ SUY LUẬN VÀ TRÍ TƯỞNG TƯỢNG CỦA ĐÁM ĐÔNG

TÂM LÝ HỌC ĐÁM ĐÔNG

à

Quyển I. TÂM HỒN NHỮNG ĐÁM ĐÔNG

1/ Tư tưởng của đám đông. - Những tư tưởng chính yếu và những tư tưởng thứ yếu. - Làm thế nào để có thể đồng thời tồn tại những tư tưởng đối nghịch. - Những tư tưởng cao siêu phải biến đổi như thế nào để có thể đi tới đám đông. - Vai trò xã hội của những tư tưởng luôn độc lập đối với phần chân lí mà chúng có thể hàm chứa.

2/ Suy luận của đám đông. - Đám đông không thể bị ảnh hưởng bởi những suy luận. - Suy luận của đám đông bao giờ cũng ở cấp độ sơ đẳng. - Những tư tưởng mà đám đông liên kết chỉ có vẻ bề ngoài giống nhau hoặc kế tiếp nhau.

3/ Trí tưởng tượng của đám đông. - Sức mạnh của trí tưởng tượng của đám đông. - Đám đông suy nghĩ bằng hình ảnh và những hình ảnh nối tiếp nhau này không có chút quan hệ nào. - Đám đông bị ấn tượng nhất bởi khía cạnh kì diệu của sự vật. - Cái tuyệt diệu và cái hoang đường là những bệ đỡ thật sự của các nền văn minh. - Trí tưởng tượng của bình dân luôn là nền tảng quyền lực của các chính khách. - Những sự kiện xảy ra như thế nào để có thể tác động vào trí tưởng tượng của đám đông.

1. Tư tưởng của đám đông

Trong cuốn sách trước, khi nghiên cứu về vai trò của tư tưởng trong sự tiến hoá của các dân tộc, chúng tôi đã vạch rõ rằng mỗi nền văn minh đều sinh ra từ một phần nhỏ những tư tưởng cơ bản rất hiếm khi được đổi mới. Chúng tôi đã trình bày làm thế nào mà những tư tưởng ấy ăn sâu vào tâm hồn đám đông; chúng đã khó khăn biết bao mới xâm nhập được vào đó, và khi đã xâm nhập rồi chúng liền có sức mạnh. Cuối cùng, chúng ta đã thấy những rối loạn lịch sử lớn thường nảy sinh từ sự thay đổi những tư tưởng cơ bản ấy như thế nào.

Tôi đã viết khá đủ về chủ đề này, nay không quay lại nữa mà chỉ hạn chế nói đôi lời về những tư tưởng đã xâm nhập đám đông và đám đông đã hiểu những tư tưởng này dưới hình thức nào.

Ta có thể chia chúng thành hai lớp. Trong lớp này, chúng ta xếp những tư tưởng ngẫu nhiên và nhất thời, được sinh ra do những ảnh hưởng tại thời điểm: chẳng hạn lòng hâm mộ một cá nhân hay một chủ thuyết. Trong lớp kia là những tư tưởng cơ bản mà môi trường, sự di truyền, ý kiến đã mang lại cho chúng một độ bền vững rất cao: ví dụ nhưng niềm tin tôn giáo ngày xưa, những tư tưởng dân chủ và xã hội ngày nay.

Những tư tưởng cơ bản có thể được hình dung như khối nước của một con sông chảy từ từ theo dòng; những tư tưởng nhất thời được hình dung như những con sóng nhỏ luôn thay đổi khuấy động bề mặt sông và, dù sóng nhỏ không thực sự quan trọng, chúng vẫn rõ ràng hơn là dòng chảy của bản thân con sông.

Ngày nay, những tư tưởng lớn, cơ bản mà cha ông ta đã từng kinh qua ngày càng bị chao đảo. Chúng đã mất hoàn toàn sự vững chắc, và cùng lúc, những thiết chế dựa trên tư tưởng ấy cũng bị lung lay sâu sắc. Hàng ngày, hình thành nhiều tư tưởng nhỏ có tính quá độ mà tôi sẽ đề cập ngay sau đây; nhưng rất ít trong số ấy lớn lên rõ rệt và có được ảnh hưởng ưu trội.

Dù những tư tưởng được gợi ý cho đám đông như thế nào, chúng cũng chỉ có thể trở nên thống trị với điều kiện mang khoác lên mình một hình thức thật nguyên vẹn và thật giản đơn. Lúc đó, chúng hiển hiện dưới dáng vẻ những hình ảnh, và chỉ xâm nhập vào quần chúng dưới hình thức này. Những "hình ảnh-tư tưởng" ấy không gắn kết với nhau bằng bất cứ quan hệ logic giống nhau hoặc kế tiếp nào và có thể thế chỗ cho nhau như những tấm kính trong chiếc đèn ma thuật mà người điều khiển rút ra từ chiếc hộp nơi chúng được xếp chồng lên nhau. Chính vì vậy ta có thể thấy ở đám đông nhiều tư tưởng rất mâu thuẫn nhau lại nằm kề nhau. Tuỳ theo những ngẫu nhiên tại thời điểm, đám đông sẽ bị ảnh hưởng bởi một trong các tư tưởng khác nhau đã được tích giữ trong trí não mình, và do đó nó có thể nhúng tay vào những hành vi hết sức khác nhau. Sự thiếu vắng hoàn toàn tinh thần phê phán khiến nó không thể nhận ra những mâu thuẫn.

Điều này không phải là hiện tượng đặc thù của đám đông; ta nhận thấy nó ở nhiều cá nhân riêng lẻ, không chỉ trong những người nguyên thuỷ mà còn ở cả những người có khía cạnh tinh thần nào đó giống người nguyên thuỷ, - ví dụ những tín đồ của một niềm tin tôn giáo cuồng nhiệt. Tôi đã quan sát thấy điều đó với một mức độ kì lạ ở những người Hindu có học vấn, được đào tạo trong các trường đại học âu châu của chúng ta, và họ đã nhận được các loại bằng cấp. Trên nền tảng không thể thay đổi gồm những tư tưởng tôn giáo hay xã hội mang tính di truyền, được chồng chất thêm một nền tảng gồm những tư tưởng Tây phương chẳng có họ hàng gì với những tư tưởng trước, mà không làm tư tưởng trước thay đổi. Tuỳ theo những ngẫu nhiên tại thời điểm, tư tưởng này hay tư tưởng khác xuất hiện cùng với đám rước độc đáo của chúng gồm những hành động hay diễn từ; và chính cá nhân cũng biểu hiện những mâu thuẫn rõ rệt nhất. Hơn nữa, mâu thuẫn thể hiện trên bề mặt hơn là thực tế, bởi vì chỉ những tư tưởng di truyền mới đủ mạnh ở cá nhân riêng lẻ để trở thành những động cơ cho hành vi. Chỉ khi thông qua sự lai giống, con người đứng giữa những xung động có tính di truyền khác nhau, thì những hành động mới thực sự hoàn toàn trái ngược nhau giữa lúc này với lúc khác. Sẽ là vô ích khi nhấn mạnh ở đây những hiện tượng này dù rằng tầm quan trọng mang tính tâm lí của chúng là cơ bản. Tôi cho rằng cần phải ít nhất mười năm du hành và quan sát mới đi tới chỗ hiểu được chúng.

Tư tưởng chỉ tiếp cận với đám đông sau khi đã mang một hình thức rất đơn giản, nó thường phải chịu những biến đổi hoàn toàn nếu muốn trở nên đại chúng. Nhất là khi đó là những tư tưởng triết học hay khoa học khá cao siêu, và ta có thể nhận thấy những biến đổi sâu sắc cần thiết để chúng đi xuống từ lớp này qua lớp khác cho đến trình độ của đám đông. Những biến đổi này phụ thuộc vào loại đám đông hay chủng tộc mà đám đông thuộc về; nhưng những biến đổi ấy luôn có tính chất giảm thiểu hoá và đơn giản hoá. Và chính vì thế, trên quan điểm xã hội, thực ra ít có đẳng cấp tư tưởng, nghĩa là những tư tưởng ít hay nhiều cao siêu. Chỉ riêng việc một tư tưởng đến được với đám đông và có thể tác động, dù lúc đầu nó có vĩ đại và chân thực đến thế nào, thì nó cũng bị lột trụi hầu hết những điều đã làm cho nó cao siêu và lớn lao.

Vả lại trên quan điểm xã hội, giá trị đẳng cấp của một tư tưởng không quan trọng. Điều cần xem xét, đó là những hiệu quả mà nó sinh ra. Những tư tưởng Ki Tô giáo thời Trung cổ, những tư tưởng dân chủ thế kỉ trước, những tư tưởng xã hội của ngày hôm nay, hẳn không phải quá cao siêu. Về mặt triết học ta có thể chỉ xem chúng như những sai lầm hơi đáng tiếc; tuy nhiên vai trò của chúng đã và sẽ vô cùng to lớn và chúng sẽ tồn tại lâu dài trong những nhân tố cốt yếu nhất trong hành động của Nhà nước.

Ngay cả khi tư tưởng đã chịu những biến đổi khiến nó du nhập được vào đám đông, nó cũng chỉ tác động được bằng các phương pháp khác nhau sẽ được nghiên cứu ở chỗ khác, nó xâm nhập vào vô thức và trở thành tình cảm, điều này thường cần thời gian rất lâu.

Thực vậy, đừng tưởng rằng chỉ đơn giản vì một tư tưởng đúng đắn đã được chứng minh mà nó có thể sinh ra những hiệu quả, ngay cả đối với người có học. Ta sẽ nhanh chóng hiểu ra điều đó khi thấy rằng ngay cả sự chứng minh rõ ràng nhất cũng ít có ảnh hưởng tới đa số con người. Sự hiển nhiên, nếu nó rõ mồn một, có thể sẽ chỉ được một thính giả có học công nhận; nhưng tín đồ mới này cũng sẽ nhanh chóng bị vô thức dẫn về với những quan niệm nguyên thuỷ của mình. Vài hôm sau bạn hãy gặp lại anh ta, thế nào anh ta cũng lại giở ra với bạn những luận cứ cũ, chính xác đến từng từ. Thực ra, anh ta vẫn nằm trong ảnh hưởng của những tư tưởng có trước đã trở thành tình cảm; và chỉ những tư tưởng xưa cũ ấy tác động lên những động cơ sâu xa của các hành vi và diễn từ của chúng ta mà thôi. Đối với những đám đông, chuyện ấy cũng chẳng khác.

Nhưng khi một tư tưởng bằng những cách khác nhau cuối cùng đã xâm nhập vào tâm hồn đám đông, nó sẽ có một sức mạnh không thể cưỡng nổi và triển khai một loạt những hiệu quả mà ta phải chịu đựng. Những tư tưởng triết học dẫn tới cuộc Cách mạng Pháp phải mất gần một thế kỉ mới bám rễ được vào tâm hồn đám đông. Ta biết sức mạnh không thể cưỡng nổi của chúng khi chúng đã được xác lập ở đó. Sự nhiệt tình của cả một dân tộc lao vào chinh phục công bằng xã hội, lao vào thực hiện những quyền trừu tượng và tự do tư tưởng, đã làm chao đảo mọi ngai vàng, và làm đảo lộn sâu sắc thế giới Tây phương. Trong vòng hai mươi năm, các dân tộc xông vào nhau và châu Âu đã biết tới những cuộc tàn sát khiến cho Thành Cát Tư Hãn và Tamerlan cũng phải khiếp sợ. Chưa bao giờ thế giới chứng kiến việc truyền bá một tư tưởng lại có thể gây ra những sự việc đến mức như thế.

Phải mất nhiều thời gian, tư tưởng mới được xác lập trong tâm hồn đám đông, nhưng muốn thoát ra khỏi đó cũng phải mất chừng ấy thời gian. Vậy nên, đứng trên phương diện tư tưởng, đám đông bao giờ cũng đi chậm hơn vài thế hệ so với những nhà bác học và triết gia. Mọi chính khách ngày nay đều biết rõ điều sai lầm của những tư tưởng cơ bản mà tôi vừa mới kể, nhưng vì ảnh hưởng của chúng còn rất mạnh, nên họ buộc phải cai trị theo những nguyên tắc mà họ không còn tin vào chân lí của chúng nữa.

2. Sự suy luận của đám đông

Ta không thể nói một cách chắc chắn tuyệt đối rằng những đám đông không suy luận và không thể bị ảnh hưởng bởi sự suy luận. Nhưng những luận chứng mà đám đông sử dụng và lí lẽ có thể tác động tới nó về phương diện logic, đều thuộc loại sơ đẳng đến mức ta chỉ có thể đánh giá sự suy luận ấy bằng con đường của phép loại suy.

Những suy luận sơ đẳng của đám đông, cũng như những cách suy luận cao siêu, đều dựa trên các liên tưởng, nhưng những tư tưởng được đám đông liên kết, giữa chúng chỉ có mối liên hệ bề ngoài do giống nhau hoặc kế tiếp nhau. Chúng liên kết với nhau như liên tưởng của người Esquimau, bằng kinh nghiệm, họ biết rằng nước đá là một vật thể trong suốt, tan chảy trong miệng, nên họ kết luận rằng kính là vật thể cũng trong suốt nên cũng tan chảy trong miệng; hoặc sự liên tưởng của người dã man, họ hình dung rằng khi ăn trái tim của một kẻ thù can đảm, họ sẽ có sự gan dạ; hoặc liên tưởng của người công nhân bị một ông chủ bóc lột, anh ta lập tức kết luận mọi ông chủ đều là những kẻ bóc lột.

Liên tưởng những sự vật không giống nhau, giữa chúng chỉ có những quan hệ bề ngoài, và khái quát hoá tức thời những trường hợp đặc biệt, đó là đặc điểm suy luận của đám đông. Những người biết tác động tới đám đông đều luôn dùng cách suy luận thuộc loại ấy, đó là những kiểu suy luận duy nhất có thể ảnh hưởng tới đám đông. Một chuỗi những suy luận logic sẽ hoàn toàn không thể hiểu được đối với đám đông, và chính vì vậy có thể nói đám đông không suy luận hoặc suy luận sai, và đám đông không thể bị ảnh hưởng bởi suy luận. Đôi khi, ta ngạc nhiên khi thấy ở buổi hội thảo, một số diễn văn tốt nhưng lại có ảnh hưởng lớn đối với đám đông ngồi nghe; nhưng người ta quên rằng những diễn viên ấy được viết ra để lôi kéo tập thể chứ không phải để cho các triết gia đọc. Diễn giả có mối giao lưu thân mật với đám đông, biết gợi lên những hình ảnh để cám dỗ nó. Nếu ông ta thành công, ông ta đã đạt được mục đích; hai mươi tập sách hô hào - bao giờ cũng được viết sau đó - cũng chẳng bằng một vài câu đi đến tận não bộ con người mà ta phải thuyết phục.

Thật là thừa khi nói thêm rằng sự bất lực của đám đông trong suy luận hợp lí đã cản trở nó có tinh thần phê phán dù là một dấu vết nhỏ, nghĩa là cản trở nó cỏ khả năng phân biệt chân lí với sai lầm, ngăn cản nó đưa ra một phán xét chính xác về bất cứ điều gì. Những phán xét được đám đông chấp nhận chỉ là những phán xét áp đặt chứ không bao giờ là những phán xét đã được thảo luận. Ở điểm này, nhiều người không vươn lên cao hơn trình độ của đám đông. Một số ý kiến dễ dàng trở thành ý kiến chung chủ yếu bởi phần lớn mọi người không có khả năng tự hình thành một ý kiến riêng dựa trên sự suy luận của riêng mình.

3. Trí tưởng tượng của đám đông

Giống như đối với những người không có khả năng suy luận, trí tưởng tượng có tính biểu tượng của đám đông cũng rất mạnh mẽ, rất năng động, và dễ bị gây ấn tượng sâu sắc. Những hình ảnh được gợi lên trong tâm trí họ thông qua một nhân vật, một biến cố, một tai nạn, hầu như đều có sự sinh động của những sự việc thực. Đám đông hơi giống trường hợp người đang ngủ, mà lí trí nhất thời tạm ngừng, để cho những hình ảnh có cường độ cực mạnh nổi dậy trong tâm trí, nhưng chúng lại tan nhanh nếu đám đông có thể chịu khó suy nghĩ. Không có khả năng suy nghĩ, suy luận, đám đông không biết tới cái không thể có thực: thế mà chính những sự vật không thể có thực nhất thường là những điều ấn tượng nhất.

Và chính vì vậy bao giờ những khía cạnh tuyệt diệu và hoang đường của những biến cố cũng tác động vào đám đông nhất. Khi ta phân tích một nền văn minh, ta sẽ thấy rằng trên thực tế cái tuyệt diệu và cái hoang đường là những bệ đỡ thực sự của nền văn minh đó. Trong lịch sử, vẻ bề ngoài luôn đóng vai trò quan trọng hơn nhiều so với cái thực chất. Ở đó, cái phi thực luôn trội hơn cái thực.

Đám đông chỉ có thể suy nghĩ bằng hình ảnh, chỉ bị ấn tượng bởi hình ảnh.

Chỉ có những hình ảnh mới làm nó khiếp sợ hoặc cám dỗ được nó, và trở thành động cơ hành động.

Vậy nên, những cuộc trình diễn sân khấu, đưa ra hình ảnh dưới hình thức dễ thấy nhất, luôn có ảnh hưởng lớn tới đám đông. Ngày xưa, bánh mì và những cuộc trình diễn là lí tưởng về hạnh phúc của tầng lớp bình dân La Mã, và họ chẳng đòi hỏi gì hơn nữa. Trong những thời đại tiếp theo, lí tưởng ấy đã thay đổi chút ít. Chẳng gì tác động mạnh đến trí tưởng tượng của mọi loại đám đông hơn là những cuộc trình diễn sân khấu. Cả rạp cùng một lúc đều cảm thấy những xúc động như nhau, và nếu những xúc động ấy không biến ngay thành hành động thì đó là vì người khán giả vô thức nhất biết rằng mình đang bị những ảo tưởng chi phối, và rằng mình đang cười và khóc theo những cuộc phiêu lưu tưởng tượng. Tuy nhiên đôi khi tình cảm được gợi lên do những hình ảnh quá dữ dội, đến nỗi giống như gợi ý thông thường, tình cảm ấy có khuynh hướng biến thành hành động. Người ta đã kể rất nhiều lần câu chuyện về nhà hát bình dân, nơi chỉ biểu diễn những vở kịch u ám, người ta buộc phải bảo vệ người nghệ sĩ đóng vai kẻ phản bội khi anh ta ra khỏi nhà hát, để tránh cho nghệ sĩ khỏi bị bạo hành do khán giả bất bình với những tội ác mà tên phản bội phạm phải, mặc dù đó là tội ác tưởng tượng. Tôi nghệ đó là những dấu hiệu đáng chú ý nhất về trạng thái tinh thần của đám đông, và nhất là việc người ta dễ dàng gợi ý đám đông. Cái phi thực hầu như cũng tác động lên đám đông như cái thực. Đám đông có một khuynh hướng rõ rệt là không phân biệt giữa hai cái ấy.

Chính trên trí tưởng tượng đại chúng mà sức mạnh của nhà chinh phục, quyền lực của Nhà nước đã được xác lập. Nhất là bằng cách tác động lên trí tưởng tượng, người ta đã lôi cuốn được đám đông. Mọi sự kiện lịch sử vĩ đại, sự sáng tạo ra đạo Phật, đạo Ki Tô, đạo Hồi, thời Cải cách, Tôn giáo, Cách mạng [Pháp], và chủ nghĩa xã hội ngày nay đều là những hậu quả trực tiếp hay gián tiếp của những ấn tượng mạnh mẽ được sinh ra từ trí tưởng tượng của đám đông.

Vậy nên, tất cả những chính khách lớn của mọi thời đại, của mọi quốc gia, kể cả những bạo chúa chuyên chế nhất đều coi trí tưởng tượng bình dân là nền tảng quyền lực của họ, và không bao giờ họ thử cai trị bằng cách chống lại trí tưởng tượng ấy. Napoléon đã nói ở Hội đồng Nhà nước: "Chính bằng cách biến mình thành người Công giáo, mà tôi đã thấm dứt được chiến tranh ở miền Vendée, bằng cách biến mình thành người Hồi giáo, mà tôi đã dừng chân được ở Ai Cập, bằng cách biến mình thành người theo phái Giáo hoàng toàn quyền, mà tôi đã thu phục được các thầy tu nước Ý. Nếu tôi cai trị một dân tộc Do Thái, tôi sẽ phục hồi lại đền thờ Salomon”. Có lẽ chưa bao giờ kể từ Alexandre và César, chẳng có một vĩ nhân nào lại biết cách làm thế nào để gây ấn tượng mạnh mẽ lên trí tưởng tượng của đám đông đến thế. Mối quan tâm bất biến của ông là tác động vào trí tưởng tượng của & đám đông. Ông nghĩ tới điều đó trong những chiến thắng, trong những lời hô hào, trong các bài diễn văn, trong mọi hành động của mình. Nằm trên giường chờ chết, ông còn nghĩ đến điều ấy.

Người ta đã làm thế nào để gây ấn tượng lên trí tưởng tượng của đám đông? Chúng ta sẽ sớm thấy điều đó. Còn lúc này, chúng ta chỉ có thể nói rằng đừng bao giờ tác động vào trí thông minh và lí trí, nghĩa là bằng con đường chứng minh. Antoine đã thành công trong việc xúi giục dân chúng chống lại những kẻ giết hại César không phải bằng một phép tu từ có tính bác học mà bằng cách đọc bản di chúc và chỉ cho dân chúng thấy xác chết của César.

Tất cả những gì tác động vào tưởng tượng của đám đông đều xảy ra dưới hình thức một hình ảnh gây xúc động và rất rõ ràng, bỏ hết mọi phụ chú, hay chỉ kèm theo một số sự kiện kì diệu hay bí ẩn: một chiến thắng vĩ đại, một phép lạ diệu kì, một tội ác tày trời, một hi vọng lớn lao. Cần phải trình bày sự vật thành cả khối, chứ đừng bao giờ chỉ ra sự tạo sinh của nó. Một trăm tội ác nhỏ nhặt hay một trăm tai biến vặt vãnh không hề tác động vào trí tưởng tượng của đám đông; trong khi chỉ mỗi một tội ác tày trời, mỗi một tai nạn nghiêm trọng lại tác động sâu sắc tới đám đông, dù rằng số người chết ít hơn nhiều so với một trăm tai biến vặt vãnh gộp lại. Cách đây ít năm, một dịch cúm đã làm chết 5.000 người, chỉ riêng ở Paris trong vài tuần lễ. Nhưng chuyện đó tác động rất ít tới trí tưởng tượng của đám đông. Thực vậy, cuộc tàn sát thực sự này lại không được diễn giải bằng những hình rõ ràng, mà chỉ được diễn giải bằng những chỉ dẫn thống kê hàng tuần. Một tai nạn thay vì làm chết 5.000 người, lại chỉ làm chết 500 người, nhưng chết cùng một ngày, tại cùng một địa điểm công cộng, một tai nạn ai cũng thấy, ví dụ tháp Eiffel đổ, thì trái lại sẽ gây ra cho trí tưởng tượng một ấn tượng vô cùng to lớn. Một chiếc tàu xuyên Đại Tây Dương - vì thiếu tin tức - có lẽ đã đắm giữa biển cả, sẽ tác động sâu sắc vào trí tưởng tượng của đám đông trong suốt tám ngày. Trong khi đó, những thống kê chính thức cho biết, trong một năm, một ngàn con tàu lớn đã mất tích. Nhưng sự mất mát ấy kế tiếp nhau, số lượng người chết và hàng hoá lớn hơn nhiều so với thiệt hại của chiếc tàu xuyên Đại Tây Dương, đám đông cũng chẳng bận tâm dù chỉ trong chốc lát.

Vậy, không phải bản thân những sự kiện đã tác động vào trí tưởng tượng của đại chúng, mà chính là cái cung cách mà những sự kiện ấy xảy ra và được trình bày. Tôi có thể nói như thế này, cần phải có sự cô đọng các sự kiện. Sự cô đọng ấy sinh ra hình ảnh gây xúc động tràn vào và ám ảnh tâm trí. Người nào biết nghệ thuật gây ấn tượng cho trí tưởng tượng của những đám đông cũng sẽ biết nghệ thuật thống trị chúng.

Created by AM Word2CHM

Chương IV. MỌI NIỀM TIN CỦA ĐÁM ĐÔNG ĐỀU MANG HÌNH THỨC TÔN GIÁO

TÂM LÝ HỌC ĐÁM ĐÔNG

à

Quyển I. TÂM HỒN NHỮNG ĐÁM ĐÔNG

Yếu tố cấu thành tình cảm tôn giáo. - Tình cảm tôn giáo độc lập với sự tôn thờ một thần linh. - Các đặc điểm của nó. - Sức mạnh của những niềm tin mang hình thức tôn giáo. - Những ví dụ khác nhau. - Các thần linh của bình dân không bao giờ biến mất. - Họ tái sinh dưới những hình thức mới. - Các hình thức tôn giáo của chủ nghĩa vô thần. - Tầm quan trọng của những khái niệm này đứng về mặt lịch sử. - Cải cách Tôn giáo, cuộc thảm sát Saint-Barthélemy, thời Khủng bố và mọi biến cố tương tự, đều là hậu quả của tình cảm tôn giáo của đám đông, chứ không phải ý chí của những cá nhân riêng lẻ.

Chúng tôi đã chỉ ra rằng đám đông không suy luận, nó chấp nhận hay vứt bỏ toàn bộ tư tưởng; nó không chịu đựng được sự thảo luận, cũng không chịu đựng được mâu thuẫn, và rằng những gợi ý tác động lên nó sẽ xâm chiến hoàn toàn phạm vi nhận thức của nó và lập tức có khuynh hướng chuyển thành hành động. Chúng tôi đã chứng minh rằng đám đông khi được gợi ý thích hợp sẽ sẵn sàng hi sinh vì lí tưởng đã được người ta gợi ý cho nó. Chúng ta cũng đã thấy rằng đám đông chỉ biết đến những tình cảm mãnh liệt và cực đoan, rằng ở đám đông, cảm tình sẽ nhanh chóng trở thành tôn thờ, và ác cảm chỉ vừa mới nảy sinh đã chuyển thành thù hận. Những dấu hiệu chung này đã cho phép ta cảm nhận được bản chất niềm tin của đám đông.

Khi ta nghiên cứu sâu sát những niềm tin của đám đông, cả ở những thời đại của đức tin cũng như trong những cuộc nổi dậy chính trị lớn, chẳng hạn cuộc nổi dậy ở thế kỉ trước, ta nhận thấy những niềm tin này luôn mang một hình thức đặc biệt, mà tôi không thể xác định bằng cách nào tốt hơn là cho nó cái tên tình cảm tôn giáo.

Tình cảm này có những đặc tính rất giản dị: tôn thờ một con người được giả định là cao siêu, sợ hãi quyền năng thần bí giả định người ấy có, mù quáng tuân theo mọi mệnh lệnh của người ấy, không thể thảo luận những tín điều của người ấy, ước muốn truyền bá chúng, khuynh hướng coi mọi người không chấp nhận những tín điều ấy là kẻ thù. Một tình cảm như vậy dù gắn vào một Thượng đế vô hình, một thần tượng bằng đá hay bằng gỗ, vào một vị anh hùng hay một tư tưởng chính trị, thì khi nó thể hiện những đặc tính trên, nó vẫn luôn có bản chất tôn giáo. Cái siêu nhiên và cái huyền diệu, ở đây, đều ở cùng một cấp độ như nhau. Một cách vô thức, đám đông đã khoác những quyền năng bí ẩn cho khẩu hiệu chính trị hay người thủ lĩnh chiến thắng, khiến họ trở nên cuồng tín trong thời điểm ấy.

Người ta không chỉ là người theo đạo khi tôn thờ một thần linh, mà cả khi người ta đặt mọi khả năng của tinh thần, mọi sự thuần phục của ý chí, mọi nhiệt tình của sự cuồng tín cho việc phục vụ một lí tưởng hay một con người đã trở thành mục đích và là người dẫn đường cho tư tưởng và hành động.

Lòng bất khoan dung và cuồng tín là sự đồng hành cần thiết của một tình cảm tôn giáo. Chúng không thể thiếu ở những con người tin rằng đã sở hữu được bí mật của niềm hạnh phúc trần thế hoặc vĩnh hằng. Hai nét này lại được tìm thấy ở tất cả những người kết thành nhóm khi một niềm tin nào đó đã nâng họ lên. Những người Jacobins trong thời Khủng bố về cơ bản cũng theo đạo như người Công giáo thời Toà án dị giáo, và lòng nhiệt tình độc ác của họ sinh ra từ cùng một nguồn gốc.

Những niềm tin của đám đông đều mang tính chất ngu trung, cố chấp dữ tợn và nhu cầu tuyên truyền bạo lực. Những tính chất này gắn liền với tình cảm tôn giáo; và chính vì vậy, ta có thể nói rằng mọi niềm tin của đám đông đều có một hình thức tôn giáo. Người anh hùng được đám đông hoan nghênh thực sự là một vị thần đối với nó. Napoléon là như thế trong vòng mười lăm năm, và chưa bao giờ một thần linh lại có những kẻ tôn thờ hoàn hảo hơn. Không có vị thần nào lại đưa con người đến chỗ chết dễ dàng đến thế. Những vị thần của đa thần giáo hay Thiên chúa giáo cũng không bao giờ có được uy lực tuyệt đối hơn đối với những tâm hồn mà họ chinh phục được.

Mọi nhà sáng lập ra đức tin tôn giáo hay chính trị chỉ sáng lập ra chúng bởi vì họ biết cách áp đặt cho đám đông những tình cảm cuồng tín, làm cho con người đi tìm hạnh phúc trong sự tôn thờ, vâng lời và sẵn sàng hiến dâng thân mình cho thần tượng. Điều đó đã xảy ra ở mọi thời đại. Trong cuốn sách rất hay viết về xứ Gaule thuộc La Mã, Fustel de Coulanges đã nhận xét đúng đắn rằng Đế chế La Mã đứng vững hoàn toàn không phải là do sức mạnh, mà do sự sùng bái có tính tôn giáo mà nó gợi lên. Ông nói rất có lí: “Trong lịch sử thế giới không có ví dụ nào về một chế độ bị nhân dân ghét bỏ mà lại kéo dài được năm thế kỉ... Ta sẽ không giải thích được tại sao ba mươi binh đoàn của Đế chế lại cỏ thể bắt buộc một trăm triệu người tuân theo". Nếu họ vâng lời, thì chính hoàng đế, hiện thân cho sự vĩ đại La Mã, đã được đồng lòng nhất trí tôn thờ như một thần linh. Trong thị trấn nhỏ nhất của Đế chế, cũng có đền thờ hoàng đế. “Thời ấy, từ đầu này tới đầu kia của Đế chế, ta thấy trong tâm hồn con người đã nói lên một tôn giáo mới mà thần linh là chính các hoàng đế. Vài năm trước kỉ nguyên Ki Tô giáo, toàn xứ Gaule, được đại diện bằng sáu mươi thành bang đã dựng chung một ngôi đền ở gần thành phố Lyon, để thờ hoàng đế Auguste… Những giáo sĩ trong đền được hội nghị các thành bang xứ Gaule bầu, là những nhân vật hàng đầu của quê hương họ... Không thể gán tất cả chuyện đó cho sự sợ hãi và thói nô lệ. Toàn thể các dân tộc ấy không nô lệ, và họ cũng không nô lệ trong vòng ba thế kỉ. Không phải bọn nịnh thần mới tôn thờ hoàng đế, mà chính La Mã tôn thờ. Không phải chỉ có La Mã, mà cả xứ Gaule, cả Tây Ban Nha, cả Hy Lạp và châu Á cũng tôn thờ".

Ngày nay, phần lớn các nhà đắc nhân tâm vĩ đại không có điện thờ nữa, nhưng họ lại có tượng đài và hình ảnh, và sự thờ phụng người ta dành cho họ chẳng khác gì mấy so với xưa kia. Ta chỉ có thể hiểu chút ít về triết học lịch sử khi xâm nhập vào điểm cơ bản này của tâm lí học đám đông. Cần phải là thần linh của đám đông hoặc chẳng là gì cả.

Không nên tưởng rằng đó là những điều mê tín của một thời đại khác mà lí trí đã bị xua đuổi hẳn. Trong cuộc chiến vĩnh cửu của nó chống lại lí trí, tình cảm không bao giờ bị thua. Đám đông không muốn nghe những từ ngữ về thần linh và tôn giáo nữa. Nhân danh chúng, trong thời gian quá lâu, họ đã bị nô lệ hoá nhưng chưa bao giờ sở hữu nhiều vật thờ như từ một trăm năm nay, và chưa bao giờ những thần linh cổ xưa lại được lập nhiều tượng đài và điện thờ đến thế. Trong những năm qua, những ai nghiên cứu một phong trào bình dân được biết dưới cái tên phong trào Boulanger đều có thể thấy những bản năng tôn giáo của đám đông đã dễ dàng sẵn sàng tái sinh thế nào. Chẳng có quán trọ nào trong làng lại không có hình ảnh của người anh hùng. Người ta gán cho ông quyền năng chưa lành được mọi bất công, mọi đau khổ; và hàng nghìn con người sẵn sàng chết vì ông. Vị trí nào trong lịch sử mà ông ta chẳng giành được nếu tính cách của ông ta đủ sức mạnh dù chỉ chút ít để nâng đỡ truyền thuyết về ông!

Vậy nên, phải chăng sẽ là một sự tầm thường vô ích khi nhắc lại rằng cần một tôn giáo cho đám đông, bởi vì mọi niềm tin chính trị, thần thánh và xã hội chỉ được xác lập ở đám đông với điều kiện luôn mang hình thức tôn giáo, tránh cho chúng khỏi bị mang ra tranh cãi. Chủ nghĩa vô thần, nếu có thể làm cho đám đông chấp nhận nó, sẽ có tất thảy sự nồng nhiệt cố chấp của tình cảm tôn giáo, và với hình thức bên ngoài của mình, nó sẽ sớm trở thành một sự sùng bái. Sự phát triển của một đảng phái nhỏ những nhà thực chứng luận sẽ cho ta một bằng chứng kì lạ về chuyện này. Những gì đã từng xảy ra với con người theo thuyết hư vô chủ nghĩa ấy mà Dostoievski sâu sắc đã kể cho chúng ta nghe câu chuyện, đã nhanh chóng xảy đến với các nhà thực chứng. Một hôm được ánh sáng của lí trí soi rọi, anh chàng đã đập vỡ những tranh thánh trên bàn thờ của một nhà thờ nhỏ. Anh ta tắt nến, và không mất một giây, thay thế những bức tranh bị phá huỷ bằng những cuốn sách của một vài nhà triết học vô thần như Buchner va Moleschott, sau đó kính cẩn thắp lại nến. Đối tượng của những niềm tin tôn giáo đã được biến đổi, nhưng những tình cảm tôn giáo của anh ta, liệu có thể nói đã thực sự thay đổi không?

Tôi xin nhắc lại, ta chỉ hiểu rõ được một số biến cố lịch sử - và đó chính xác là những biến cố quan trọng nhất - khi ta nhận thấy hình thức tôn giáo mà những niềm tin của đám đông cuối cùng luôn phải đi theo. Có những hiện tượng xã hội cần phải nghiên cứu theo cách của nhà tâm lí học hơn là theo cách của nhà tự nhiên học. Nhà sử học vĩ đại Taine chỉ nghiên cứu cuộc Cách mạng Pháp theo cách của nhà tự nhiên học, và chính vì vậy sự sinh thành thực sự của các biến cố thường bị tuột khỏi tay ông. Ông đã quan sát hoàn hào các sự kiện, nhưng vì thiếu nghiên cứu tâm lí học đám đông, nên ông thường không lần ra được nguồn gốc. Những sự kiện đã làm ông khiếp sợ do khía cạnh đẫm máu, vô chính phủ và hung tàn của chúng. Ông thấy những vị anh hùng của thời sử thi vĩ đại chỉ là một bẫy người động kinh man rợ để mặc cho bản năng hoành hành mà không cản trở. Bạo lực cách mạng, những cuộc tàn sát, nhu cầu tuyên truyền, tuyên chiến với mọi vua chúa, chỉ được giải thích rõ nếu ta nghĩ rằng đó đơn giản là sự thiết lập một niềm tin tôn giáo mới trong tâm hồn đám đông. Cuộc Cải cách Tôn giáo, cuộc thảm sát Saint-Barthélemy, những cuộc chiến tranh tôn giáo, Toà án dị giáo, thời Khủng bố đều là những hiện tượng thuộc trật tự giống nhau, được thực hiện nhờ những đám đông bị tình cảm tôn giáo kích động, nhất thiết dẫn tới loại bỏ không thương xót, bằng máu và lửa, tất cả những gì đối kháng với việc thiết lập niềm tin mới. Những phương pháp của Toà án dị giáo là những phương pháp của mọi tín đồ thực sự. Họ sẽ không phải là tín đồ nếu họ dùng những phương pháp khác.

Những đảo lộn tương tự như những đảo lộn tôi vừa mới kể chỉ có thể có được khi chính tâm hồn đám đông làm cho chúng nổi dậy. Bạo chúa chuyên chế nhất cũng sẽ không thể làm chúng bùng nổ. Khi các sử gia kể lại cho chúng ta rằng cuộc thảm sát Saint-Barthélemy là tác phẩm của một ông vua, thì họ đã chứng tỏ rằng họ chẳng biết gì về tâm lí học đám đông, cũng như chẳng hiểu tâm lí các vị vua. Những biểu hiện giống như vậy chỉ có thể sinh ra từ tâm hồn đám đông. Quyền lực tuyệt đối nhất của một quân vương bạo tàn nhất cũng chẳng làm được gì hơn là việc làm nhanh lên hay chậm lại một chút thời điểm của biến cố. Không phải các ông vua đã làm nên cuộc thảm sát Saint-Barthélemy, các cuộc chiến tranh tôn giáo, càng không phải Robespierre, Danton hay Saint Juste đã làm ra thời Khủng bố. Đằng sau những biến cố như vậy, ta luôn thấy tâm hồn đám đông, và chẳng bao giờ thấy quyền lực của các vị vua.

Created by AM Word2CHM

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro