NÓI VỀ 7 CHỨC NĂNG TÂM LÝ CỦA NGHỆ THUẬT

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Nghệ thuật hứa hẹn thành tựu sự trọn vẹn bên trong mỗi cá thể..."

"Nghệ thuật là gì?" Đây là câu hỏi mà nhân loại luôn canh cánh từ buổi bình minh của lịch sử. Đối với Tolstoy, nghệ thuật là cầu nối của sự đồng cảm giữa ta và người khác, và với Anais Nin, nghệ thuật cũng là một cách giải tỏa khi cảm xúc dâng đến mức cao trào khó kiểm soát. Nhưng nghệ thuật có thể giao hòa cả 2 chức năng trên: đó vừa là một kênh của sự đồng cảm vào thế giới tâm lý của chính chúng ta, cho phép chúng ta vừa giải phóng vừa hiểu rõ hơn những cảm xúc cá nhân – nói cách khác, nghệ thuật như một dạng trị liệu.

Trong Nghệ thuật trị liệu, triết gia Alain de Botton cùng nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật John Armstrong đã khám phá mục đích sâu xa nhất của nghệ thuật: khả năng trung hòa những khiếm khuyết tâm lý của con người và làm dịu bớt những lo lắng về sự bất toàn. Theo họ, về cơ bản, hơn cả việc phục vụ niềm đam mê mỹ thuật đơn thuần, nghệ thuật còn có một mục đích phức tạp nhưng vô cùng quan trọng trong sự tồn tại của con người :

"Giống như các công cụ khác, nghệ thuật có sức mạnh mở rộng khả năng của chúng ta ra khỏi khuôn khổ những gì thiên nhiên đã ban tặng. Nghệ thuật giúp chúng ta bù đắp vài điểm yếu bẩm sinh, trong trường hợp này, chúng có thể được hiểu như là những xung động về tâm lý, xuất phát từ tâm trí chứ không phải từ cơ thể chúng ta.

De Botton và Armstrong từ đó đã phác thảo bảy chức năng tâm lý cốt lõi của nghệ thuật:

1. CỦNG CỐ TRÍ NHỚ

Trí nhớ con người không hoàn hảo, khả năng hồi tưởng và tự quy chiếu không đáng tin cậy, bộ nhớ có nhiều lỗ hổng sâu sắc, nên chẳng có gì ngạc nhiên là một trong những nguồn cơn gây phiền muộn nơi con người là sợ lãng quên – như quên những chi tiết cụ thể về người và nơi chốn, tòa nhà, công viên... những chi tiết mà khi hòa quyện với nhau sẽ góp phần định hình nên con người ta. Khi cả ký ức và nghệ thuật đều là những loại hình trong đó ta phải lựa chọn điều gì nên giữ lại và điều gì nên lược bớt, de Botton và Armstrong tranh luận nghệ thuật cung cấp một phương thuốc cho sự bất an này ở con người:

Những gì chúng ta đang lo lắng về việc lãng quên ... có xu hướng khá cụ thể. Không phải ta muốn nhớ tất cả mọi thứ về 1 con người hay cảnh vật ; mà chúng ta chỉ muốn nhớ những gì thực sự quan trọng, và nghệ sĩ giỏi, theo chúng ta, dường như là những người đã lựa chọn đúng những gì nên truyền tải và những gì nên bỏ bớt đi. Chúng ta có thể cho rằng một tác phẩm nghệ thuật tốt sẽ chạm tới phần cốt lõi của ý nghĩa, trong khi một tác phẩm yếu, mặc dù nó có thể nhắc nhở chúng ta về một cái gì đó, nhưng nó lại để vuột mất cái cốt yếu. Ký ức như vậy sẽ trở nên một cái vỏ rỗng không, không còn ý nghĩa.

'Ta không chỉ quan sát người phụ nữ này mà còn phải nhận biết những điểm quan trọng về cô ấy. "Johannes Vermeer,"Người phụ nữ áo xanh đọc bức thư"(1663).

Do đó, nghệ thuật không chỉ là những gì nằm trong khung hình mà bản thân nó là một cái khung dành cho trải nghiệm:

"Nghệ thuật là một cách để bảo tồn những trải nghiệm, trong đó có rất nhiều trải nghiệm đẹp đẽ nhưng ngắn ngủi mà chúng ta cần gìn giữ."

2. ĐEM LẠI HY VỌNG

Mối quan hệ mâu thuẫn của chúng ta với cái đẹp thể hiện một nghịch lý đặc biệt: Những tác phẩm phổ biến được ngưỡng mộ nhất thường thể hiện vẻ "đẹp" – như miêu tả những cảnh vật, gương mặt, vật dụng, tình huống vui vẻ và dễ chịu – tuy nhiên các nhà phê bình nghệ thuật "nghiêm túc" và sành điệu xem chúng như những tác phẩm "thất bại", với thị hiếu và trí thông minh hạn chế. De Botton và Armstrong phân tích:

"Tình yêu cái đẹp thường bị đánh giá thấp, tuy nhiên do nó quá phổ biến, nó cần được chú ý, và có thể nó hàm ý một chức năng quan trọng của nghệ thuật. ... Những cái nhìn tiêu cực về vẻ đẹp có hai khía cạnh. Thứ nhất, hình ảnh đẹp bị cáo buộc là nuôi dưỡng tính đa cảm. Sự đa cảm bị đánh giá là không đủ gắn kết với vấn đề thực tại phức tạp hơn nhiều. Những hình ảnh đẹp dường như chỉ gợi ý rằng, để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, chỉ cần điểm xuyết một chút hoa để tô điểm cho căn hộ sáng sủa hơn.

Nói về series tranh "Hoa súng" của Monet (là những bức bán chạy nhất của Viện Bảo tàng New York)

Nếu chúng ta muốn hỏi bức tranh rằng thế giới này đang có điều gì không ổn, nó như thể chỉ trả lời được bạn rằng 'thế giới chưa có đủ vườn nước Nhật Bản' – một câu trả lời có vẻ như bỏ qua tất cả những vấn đề cấp bách hơn mà nhân loại đang phải đối đầu... Sự ngây thơ và đơn giản của bức tranh dường như đánh lạc hướng chúng ta khỏi mọi nỗ lực cải thiện cuộc sống một cách toàn diện. Thứ hai, liên quan với điều đầu tiên, trong giới hàn lâm luôn có sự sợ hãi rằng sắc đẹp sẽ làm tê liệt chúng ta và khiến chúng ta không đủ cảnh giác với những bất công xung quanh mình."

Nhưng những lo lắng trên, theo tranh luận của tác giả, là đang đi lạc hướng. Sự lạc quan, chứ không phải là sự thất bại của trí thông minh như phần lớn hình dung, là một kỹ năng quan trọng về nhận thức và tâm lý-tình cảm trong sự tìm kiếm một lối sống tốt đẹp hơn cho chúng ta – điều này bộ môn thần kinh học cũng đã chứng minh – và niềm hy vọng, những dẫn đề của nó, cũng cần được nuôi dưỡng và phát triển thay vì lên án:

"Tính tình vui vẻ là một thành quả, và niềm hy vọng là một điều đáng mừng. Niềm lạc quan là quan trọng vì kết quả của một nhiệm vụ nào đó phụ thuộc vào việc ta gửi gắm bao nhiêu niềm lạc quan vào nó. Lạc quan là một thành phần quan trọng của sự thành công. Điều này trái ngược với các quan điểm của giới ưu tú rằng tài năng là yêu tố cơ bản của một cuộc sống tốt đẹp, nhưng trên thực tế, trong nhiều trường hợp, sự khác biệt giữa thành công và thất bại được quyết định không gì hơn bởi cảm giác của chúng ta về những gì có thể xảy ra và năng lượng, nhiệt huyết chúng ta bỏ vào nó và thuyết phục người khác về điều mình làm. Chúng ta có thể gặp kết cục bi thảm không phải do thiếu kỹ năng, mà bởi sự thiếu vắng niềm hy vọng."

Tác giả cung cấp một ví dụ:

"Các vũ công trong bức tranh của Matisse của không phủ nhận những vấn đề của hành tinh này, nhưng từ góc nhìn về mối quan hệ bất toàn và mâu thuẫn của chúng ta với thực tế, chúng ta có thể nhìn thấy thái độ khuyến khích của những vũ công. Họ kết nối chúng ta với phần vô tư, thanh thản của chính bản thể mình, là phần con người giúp chúng ta đối phó với những phủ nhận, hổ thẹn mà ai cũng gặp phải. Bức tranh không gợi ý rằng tất cả đều tốt đẹp, bất quá nó cho thấy rằng phụ nữ luôn hân hoan với sự tồn tại của người khác và tất cả cùng kết hợp trong một mạng lưới hỗ trợ lẫn nhau."

Từ đó, chúng ta quay trở lại câu hỏi vì sao cái đẹp lại có ý nghĩa với chúng ta:

"Cuộc sống của chúng ta càng khó khăn, vẻ đẹp duyên dáng của một bông hoa lại càng có thể làm chúng ta động lòng. Những giọt nước mắt – nếu có – là một phản ứng tự nhiên không phải đến từ nỗi buồn, mà từ vẻ đẹp mà bức ảnh mang lại.

[...]

Chúng ta nên tận hưởng một bức ảnh đẹp lý tưởng mà không cần đánh giá nó như là một phản ánh sai lầm về thực tại thường ngày. Một tạo tác xinh đẹp, mặc dù nó không toàn diện, cũng trở nên quý giá với chúng ta bởi ta cần luôn ý thức được rằng cuộc sống chẳng mấy khi đáp ứng được mong muốn của con người."

3. NHẬN DIỆN NỖI BUỒN

Vì chúng ta là sinh vật chất chứa những nỗi mâu thuẫn nội tâm vô hạn, nghệ thuật có thể giúp chúng ta trở nên toàn diện hơn không chỉ bằng cách mở rộng biên độ cho những cảm xúc tích cực mà còn giúp chúng ta ngừng phủ nhận mà nhận diện và chuyển hóa những tiêu cực, trong khi vẫn giữ gìn phẩm giá – và bằng cách đó nghệ thuật nhắc nhở chúng ta rằng "nỗi buồn là một phần thiết yếu cho một cuộc sống tốt đẹp":

Một trong những điều bất ngờ nhưng quan trọng mà nghệ thuật có thể làm cho ta là dạy chúng ta làm thế nào để chịu đựng được tốt hơn... Chúng ta có thể thấy rất nhiều thành tựu nghệ thuật được xây dựng trên sự "thăng hoa" nỗi buồn của người nghệ sĩ, và công chúng tiếp nhận được nỗi buồn ấy. Sự thăng hoa (sublimation) là thuật ngữ xuất phát từ môn hóa học, thể hiện quá trình mà một chất rắn được trực tiếp chuyển đổi thành chất khí, mà không qua giai đoạn chuyển thành chất lỏng. Trong nghệ thuật, sự thăng hoa liên quan đến các quá trình chuyển đổi tâm lý, trong đó những trải nghiệm gốc không mấy vui vẻ lại được chuyển hóa thành một dạng thức đẹp và cao quý – đây chính xác những gì có thể xảy ra khi nỗi buồn đau gặp công cụ biểu đạt là nghệ thuật.

Trên tất cả, theo de Botton và Armstrong tranh luận, nghệ thuật giúp chúng ta cảm thấy bớt cô đơn trong nỗi đau khổ của chính mình, nỗi buồn riêng của chúng ta có thể được biểu hiện qua một cách biểu đạt mang tính xã hội và điều này đem lại cho nỗi buồn một phẩm cách nhất định. Tác giả cung cấp một ví dụ trong tác phẩm của nhiếp ảnh gia Nan Goldin, người khám phá cuộc sống của cộng đồng người đồng tính với sự tò mò ngang bằng với niềm tôn trọng từ rất lâu trước khi những người như Andrew Sullivan đưa vấn đề chính trị của đồng tính luyến ái vào diễn ngôn văn hóa chủ đạo:

"Chỉ mới đây thôi, chủ đề đồng tính luyến ái còn phần lớn nằm ngoài ranh giới của nghệ thuật. Trong khi đó, may thay, đây lại là một trong những chủ đề trung tâm trong tác phẩm của Nan Godin. Nghệ thuật của ông tràn đầy một sự chú tâm hào phóng về cuộc sống của các đối tượng. Ta có thể thấy bức ảnh được xử lý và trau chuốt tối đa, về một cô gái trẻ, và theo cách phục trang cho thấy, là cô đồng tính nữ, đang ngắm nhìn kỹ mình trong gương, mặc dù ban đầu chúng ta có thể không nhận ra được điều đó. Điểm nhấn là ở công cụ phản chiếu (chiếc gương). Trong chính căn phòng này, người phụ nữ nằm ngoài tiêu cự; chúng ta không nhìn được trực tiếp cô ấy, mà chỉ nhìn được một bên khuôn mặt và hình ảnh mờ nhạt của bàn tay cô. Điểm nhấn là ở cách phục sức, trang điểm mà cô ấy sử dụng. Hình ảnh trong gương là hình ảnh cô gái muốn được chúng ta nhìn thấy: nổi bật và phong cách, bàn tay khéo léo và biết nói. Nghệ thuật ở đây như để cô gái nói với chính mình, bằng một giọng nói nhẹ nhàng nhưng quyết đoán rằng : "Tôi thấy bạn như cách bạn hy vọng sẽ được nhìn thấy, tôi thấy bạn là người xứng đáng với tình yêu." Bức ảnh như hiểu được khao khát của một con người muốn trở thành một phiên bản chỉn chu và thanh lịch của chính mình. Tất nhiên đây có vẻ là một mong muốn hoàn toàn hiển nhiên; nhưng trong nhiều thế kỷ, một phần vì không có Godin, ước vọng đó đã có vẻ không được biểu hiện rõ ràng đến vậy.

Từ đây, tác giả lập luận, mở ra một trong những món quà vĩ đại nhất của nghệ thuật:

"Nghệ thuật có thể đem lại một điểm nhìn quan trọng và thuận lợi, từ đó người nghệ sĩ khảo sát cách con người đối phó với tình trạng của chính mình."

4. GIÚP TÁI CÂN BẰNG

Sở hữu một bản thể linh hoạt, tràn ngập những mâu thuẫn dằn vặt, cộng thêm một nền văn hóa quá ưu tiên hiệu suất thay vì sự hiện diện và tận hưởng khoảnh khắc, chẳng có gì lạ khi chúng ta thấy mình cần xác định lại trung tâm, tự định vị lại bản thân mình. Đó là chính xác những gì nghệ thuật có thể đem lại:

"Rất ít người trong chúng ta có thể hoàn toàn cân bằng. Lịch sử các ghi chép tâm lý của chúng ta, những mối quan hệ và thói quen làm việc cho thấy cảm xúc của chúng ta có thể nghiêng hẳn sang một hướng này hay hướng khác. Ví dụ, chúng ta có thể có xu hướng là quá tự mãn, hay quá bất an; quá tin tưởng hay quá đa nghi; quá nghiêm trọng hay quá dễ tính. Nghệ thuật có thể giúp chúng ta tiếp cận với phần nhân cách ta đang đánh mất kia, và từ đó khôi phục lại trạng thái cân bằng cho bản thể chúng ta.

Chức năng này của nghệ thuật cũng giúp giải thích sự đa dạng về thị hiếu của mỗi chúng ta – do mỗi cá nhân lại 'mất cân bằng' theo cách khác nhau, do đó, con người cũng tìm đến các tác phẩm nghệ thuật khác nhau để xoa dịu trạng thái của mình:

"Tại sao một số người tìm đến kiến trúc tối giản còn những người khác lại thích kiến trúc Baroque? Tại sao một số người bị kích thích bởi những bức tường bê tông trần còn những người khác thì bởi hoa văn William Morris? Thị hiếu của mỗi người chúng ta phụ thuộc vào những nhu cầu minh họa cảm xúc của mỗi cá nhân, vốn còn đang nằm trong bóng tối và có nhu cầu được kích thích và biểu hiện ra ngoài. Mỗi tác phẩm nghệ thuật được thấm nhuần trong một bầu không khí tâm lý và luân lý riêng biệt: một bức tranh có thể tạo ấn tượng thanh thản hay hồi hộp, can đảm hay cẩn trọng, khiêm nhường hay tự tin, nam tính hay nữ tính, tư sản hay quý tộc, và thị hiếu của mỗi người khác nhau phản ánh sự đa dạng về tâm lý. Chúng ta cần những tác phẩm nghệ thuật có thể bù đắp cho sự dễ tổn thương bên trong, giúp đưa chúng ta trở lại trạng thái cân bằng. Chúng ta cho một tác phẩm là đẹp khi nó mang lại cho chúng ta phần đức hạnh ta đang đánh mất, và chúng ta cho một tác phẩm là xấu khi nó kích thích ở ta những tâm trạng tiêu cực hay khơi gợi chủ đề khiến ta cảm thấy bị đe dọa hay gợi lại những thứ xấu xa đã nhấn chìm ta hàng ngày. Nghệ thuật hứa hẹn đem lại sự trọn vẹn bên trong mỗi cá nhân."

Từ góc độ này, de Botton và Armstrong tranh luận rằng, nghệ thuật cũng giúp chúng ta nhận thức được tại sao chúng ta có thể phản ứng tiêu cực với một tác phẩm nghệ thuật – đây có thể là cái nhìn thấu thị ngăn chúng ta tự hạ thấp bản thân. Khả năng nhận ra 'thiếu sót' của một tác giả khiến cho tác phẩm của anh ta không hoàn mỹ giúp chúng ta phát triển kỹ năng nhận biết tác phẩm thông qua sự thấu cảm thay vì áp đặt cá nhân. Ở đây nghệ thuật còn là công cụ 'bắt sóng' và là cơ chế hòa giải với luân thường đạo lý của mỗi cá thể. Trên thực tế, nhiều tác phẩm nghệ thuật lừng lẫy của lịch sử đều đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải những bài học tinh thần lớn lao – đây là điều mà de Botton and Armstrong gọi là « nỗ lực khuyến khích phiên bản tốt hơn của con người được thăng hoa thông qua những thông điệp được ẩn giấu có tính thúc đẩy, khuyên răn, nhắc nhở » – thông thường chúng ta kháng cự và phản hồi lại những thông điệp này một cách đầy giận dữ. Nhưng những phản ứng đó đã để lỡ phần quan trọng như sau đây sẽ chỉ ra:

"...Chúng ta có thể nghĩ về những tác phẩm nghệ thuật như là những sản phẩm hách dịch, áp đặt không cần thiết, từ đó đưa đến ngộ nhận là việc nghệ thuật thúc đẩy đức hạnh luôn đối lập hẳn với mong muốn của ta. Tuy nhiên, trong thực tế, khi chúng ta trong trạng thái bình thản và không bị sức ép, hầu hết chúng ta đều mong muốn trở nên tốt hơn và dù nghệ thuật có nhắc nhở điều đó với cách thức kỳ quặc đến đâu chăng nữa ta cũng không thấy phiền; nhưng ngặt một nỗi là chúng ta không thể tìm được động lực duy trì phiên bản hoàn hảo của bản thân hết ngày này qua ngày khác. Trong mối liên kết giữa khát vọng của ta tới sự toàn thiện, chúng ta phải chịu đựng trạng thái mà Aristotle gọi là "akrasia", hay sự yếu ớt của ý chí. Chúng ta muốn cư xử tốt trong các mối quan hệ, nhưng lại trượt dài trong vòng áp lực. Chúng ta muốn tạo nên nhiều giá trị cho bản thân mình, nhưng lại đánh mất động lực vào lúc cam go nhất. Trong những hoàn cảnh đó, chúng ta có thể tiếp nhận được lợi ích to lớn từ những tác phẩm nghệ thuật để thúc đẩy bản thân đạt tới phiên bản hoàn thiện nhất, phiên bản mà ta chỉ có thể căm ghét khi ta hình thành nỗi sợ hãi vô lý những tác động ngoại cảnh, hoặc là khi ta nhận thấy mình đã hoàn hảo rồi."

Những tác phẩm hàng đầu của thể loại 'nghệ thuật cảnh báo' – thể loại nghệ thuật có đạo đức nhưng không mang tính quy phạm giáo điều – giúp chúng ta hiểu con người có thể dễ dàng bị cuốn hút vào những thứ sai trái (như cái vỏ phô trương của sự rỗng tuếch bên trong).

[...]

Vì lẽ ấy, nhiệm vụ của các nghệ sĩ là khám phá ra những cách thức mới để khơi gợi sự tò mò trong ta đối với những ý tưởng có vẻ quen thuộc đến mỏi mệt, nhưng vô cùng quan trọng, về một cuộc sống hoàn thiện và cân bằng.

"Một lý do để nói lời xin lỗi". Eve Arnold, "Cuộc ly dị ở Moscow" (1966)

Họ đã kết luận chức năng này của nghệ thuật bằng một câu đúc kết hay:

"Nghệ thuật có thể giúp ta tiết kiệm thời gian – và còn cứu rỗi cả cuộc sống của ta – bằng lời nhắc nhở thầm kín nhưng đúng lúc về sự cân bằng và hoàn thiện mà ta không bao giờ nên tự nhận rằng ta đã hiểu rõ"

5. GIÚP TỰ HIỂU MÌNH

Thế giới bên trong mỗi con người vẫn luôn là điều bí ẩn, bất chấp mọi nỗ lực tự nhận thức, chúng ta chỉ có thể hiểu về chúng phần nào, hay hoàn toàn mù mờ về chúng. Theo de Botton và Armstrong, nghệ thuật có thể giúp ta thắp sáng đến cả những ngõ ngách sâu kín nhất trong tâm trí và hữu hình hóa những linh cảm của trực giác mà chúng ta vẫn chỉ có thể cảm nhận nhưng không thể diễn đạt rõ ràng được:

"Chúng ta không tự cảm nhận rõ chính mình. Ta có trực giác, những hoài nghi, những linh cảm, ý nghĩ mơ hồ và nhiều cảm xúc lẫn lộn kỳ quặc, tất cả những điều không thể định nghĩa một cách ngắn gọn và minh bạch. Chúng ta có nhiều tâm trạng, nhưng ta vẫn chưa từng thực sự hiểu rõ chúng. Và rồi, đôi khi, chúng ta gặp những tác phẩm nghệ thuật dường như chạm tới được điều gì đó ta đã cảm thấy nhưng chưa từng nhận biết được cụ thể. Alexander Pope đã nhận ra một chức năng chính của nghệ thuật thơ như đem đến một cách diễn đạt hữu hình những ý nghĩ mà ta chỉ mới nhận thức được một nửa. Nói cách khác, qua nghệ thuật thơ, phần bất chợt và mờ ảo trong suy nghĩ và trải nghiệm của ta được khơi đào lên, chỉnh sửa và trở lại với chúng ta trong hình thái cao đẹp hơn, để ta cảm thấy, cuối cùng ta cũng nhận biết rõ bản thân mình hơn."

Không những thế, kho tàng nghệ thuật từ sự tự nhận biết mình của thế hệ đi trước đã truyền lại cho chúng ta một thứ ngôn ngữ để giao tiếp với người khác – điều đó giải thích tại sao chúng ta lại đặc biệt chú ý tới các loại hình nghệ thuật mà ở đó chúng ta công khai bày tỏ bản thân mình trong một khuôn khổ, ví dụ từ việc sơn màu tường nhà tới việc update các trang mạng cá nhân như Facebook và Tumblrs. Trong khi người hay chỉ trích sẽ cho rằng hành vi này chỉ đơn thuần là khoe mẽ, de Botton và Armstrong, tuy thế, lại loại bỏ thứ suy nghĩ bề nổi đó để đưa ra phát kiến về động cơ tâm lý sâu xa hơn – đó là khát khao được giao tiếp với người khác một cách thầm kín và tinh tế về những gì làm nên con người ta và những gì chúng ta tin theo cách mà đôi khi ngôn từ chưa thể nắm bắt được đủ đầy.

6. GIÚP TRƯỞNG THÀNH

Bên cạnh việc đem lại nhận thức sâu rộng về bản thân, nghệ thuật cũng giúp ta mở rộng ranh giới về khái niệm ta là ai bằng cách giúp ta vượt qua sự sợ hãi với những thứ lạ lẫm và rộng lòng đón nhận những điều ta chưa biết:

" Sự dấn thân trong nghệ thuật rất hữu dụng vì nó đem lại cho chúng ta những dẫn chứng mạnh mẽ về những vật dụng lạ kỳ khiến ta chán nản và sợ hãi thụ động, nhưng sau đó sẽ cho ta thời gian và sự riêng tư để học hỏi cách đối phó với chúng. Bước quan trọng nhất để không còn phải phòng vệ thụ động trước nghệ thuật là trở nên cởi mở với những điều xa lạ trong từng tình huống cụ thể."

De Botton và Armstrong đưa ra ba bước quan trọng giúp vượt qua sự phòng thủ của ta trước nghệ thuật: Thứ nhất, thừa nhận sự khác lạ mà chúng ta cảm thấy, và ta có thể cảm thông với bản thân khi có cảm xúc đó, tự nhủ rằng việc nó đến là hoàn toàn tự nhiên – thực ra rất nhiều ngành nghệ thuật ra đời từ những người có thế giới quan rất khác biệt, và thường mâu thuẫn với quan điểm của chính ta. Thứ hai, trở nên cởi mở, làm quen với sự lạ và từ đó sẽ cảm thấy thoải mái hơn với những tâm hồn đã sáng tạo ra môn nghệ thuật đó. Cuối cùng, hãy tìm ra những điểm chung của mình với người nghệ sĩ ấy, "dù điểm chung có nhỏ bé và mong manh đến đâu", từ đó ta có thể liên hệ tác phẩm được thoát thai từ hoàn cảnh sống của họ với hoàn cảnh thực của bản thân mình.

7. NÂNG CAO KHẢ NĂNG THƯỞNG LÃM

Sự chú ý của ta, như ta đã thấy, là một "kẻ kỳ thị có chủ đích mà không buồn biện giải", nó cản trở chúng ta nhận ra biết bao điều kì diệu khác xung quanh mình, lâu ngày nó khiến ta vô cảm với những bối cảnh, sự việc thân thuộc và gần gũi. Theo de Botton và Armstrong, nghệ thuật có thể khai sáng những "điểm mù" để chúng ta có thể hấp thụ không chỉ những gì ta muốn thấy, mà còn cả những điều ngoài mong đợi nữa:

"Một trong những thiếu sót chính, và nguyên nhân khiến ta không hạnh phúc, là việc chúng ta luôn thấy thật khó để tâm tới những gì cố hữu quanh mình. Ta khổ sở vì ta đã đánh mất giá trị của những gì ta có, trong khi đó, ta lại thường khao khát, thường theo một cách vô nghĩa lý, những dạng hình hấp dẫn tưởng tượng ở đâu đó."

Trong khi thói quen có thể là một lực trung tâm thúc đẩy ta định hình cuộc sống , nó cũng là một con dao hai lưỡi có thể thái hỏng cả một chu trình trải nghiệm lý thú khiến con người ta rơi vào một chế độ tự động lặp đi lặp lại. Nghệ thuật có thể định hướng thói quen vào những gì thật sự tuyệt vời và đáng được tận hưởng với niềm vui thích:

"Nghệ thuật là một nguồn lực có thể giúp chúng ta đánh giá lại một cách chính xác hơn điều gì có giá trị bằng cách thử làm khác đi với thói quen thường nhật và thúc đẩy ta tự cân chỉnh lại những gì ta ngưỡng mộ và yêu thích."

"Chú ý đến cuộc sống bình thường." Jasper Johns, "Vẽ bằng đồng" (1960)

Họ đã đưa ra một ví dụ từ bức tranh lon bia bằng đồng nổi tiếng của Jasper John, nó thôi thúc chúng ta nhìn vào một sự vật trần tục và thân thuộc với một cặp mắt khác:

"Chất liệu nặng và đắt tiền được sử dụng để làm nên 2 lon bia đã đem cho ta cách nhìn nhận mới về tính riêng biệt và kì quặc của chúng: ta nhìn như thể trước đây chúng ta chưa từng để mắt tới mấy lon bia một lần nào, thừa nhận sự tò mò của ta trước chúng như của một đứa trẻ hay một người từ trên sao Hỏa rơi xuống, cả hai trường hợp này đều chưa có thói quen gì với thế giới trần tục nên thường có phản ứng tương tự.

Johns đã dạy chúng ta một bài học: Làm thế nào để nhìn thế giới xung quanh ta với con mắt thiện cảm và tỉnh thức hơn."

Đó là sức mạnh của nghệ thuật: Nó vừa là nhân chứng (cho) vừa hoan nghênh giá trị của điều rất đỗi bình thường, mà chúng ta vẫn luôn bỏ qua để kiếm tìm một vẻ đẹp nhân tạo vĩ đại. Nghệ thuật giúp ta nhạy cảm hơn, khiến chúng ta "tỉnh giấc" trước sự giàu có của cuộc sống thường ngày:

"Nghệ thuật có thể dạy chúng ta hướng về bản thân, cái bản ngã mà ta luôn nỗ lực đạt trạng thái tốt nhất trong mọi hoàn cảnh: một công việc mà ta không phải lúc nào cũng yêu thích, những khiếm khuyết của tuổi trung niên, những tham vọng không thành và những nỗ lực chung thủy với người bạn đời nóng nảy nhưng vô cùng yêu thương. Nghệ thuật có thể nói lên mặt trái của việc tán dương những điều không thể đạt được, nó có thể thức tỉnh ta đến với những giá trị thật sự của cuộc sống, những gì mà ta luôn bị mặc định là phải chủ động nắm rõ nhất."

Phần còn lại của tác phẩm Nghệ thuật trị liệu tiếp tục với những câu hỏi muôn thuở như điều gì tạo nên một tác phẩm nghệ thuật tốt, loại hình nghệ thuật nào một người nên thực hiện, nghệ thuật nên được trưng bày, nghiên cứu, mua và bán như thế nào, và rất nhiều chỉ dẫn hữu ích khác.

Nguồn: Art as Therapy: Alain de Botton on the 7 Psychological Functions of Art

Nguồn dịch: https://lifeartvietnamorg.wordpress.com/2016/04/11/nghe-thuat-tri-lieu-alain-de-botton-noi-ve-7-chuc-nang-tam-ly-cua-nghe-thuat/  

(tamlyhoctoipham.com)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro