Tam quoc dien nghia 46 - 50

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Dùng chước lạ, Khổng Minh mượn tên;

Dâng kế mật, Hoàng Cái chịu nhục.

Lỗ Túc vâng lời Chu Du xuống thuyền thăm dò Khổng Minh, Khổng Minh đón vào khoang thuyền ngồi chơi. Túc nói:

- Mấy bữa nay bận việc quân, chưa lúc nào rảnh đến hầu chuyện tiên sinh được.

Khổng Minh nói:

- Chính tôi cũng chưa đến mừng đô đốc được.

Túc hỏi:

- Có việc gì mà mừng?

Khổng Minh nói:

- Việc Công Cẩn sai ông đến dò tôi xem có biết hay không, việc ấy chính nên mừng.

Lỗ Túc tái mặt hỏi:

- Sao tiên sinh biết?

Khổng Minh đáp:

- Mẹo ấy chỉ lừa được Tưởng Cán. Tào Tháo tuy cũng mắc mẹo, nhưng hắn tất nghĩ ra, song không chịu nhận lỗi đâu. Nay Trương, Sái hai người đã chết, Giang Đông không phải lo gì nữa, sao chẳng mừng được! Tôi lại nghe Tào Tháo cho Vu Cấm, Mao Giới lên thay lĩnh chức thuỷ quân đô đốc. Hai người ấy chỉ có mang tính mệnh cả thuỷ quân Tào Tháo mà quẳng đi, chớ làm chi được!

Lỗ Túc nghe xong, nói một vài câu qua loa rồi từ biệt ra về. Khổng Minh dặn Lỗ Túc:

- Tử Kính có về, đừng nói với Công Cẩn rằng tôi biết trước việc ấy nhé! Sợ rồi Công Cẩn mang lòng ghen ghét. Lại kiếm chuyện để mưu hại tôi.

Lỗ Túc vâng lời trở về, ra mắt Chu Du, kể hết đầu đuôi, Du thất kinh, nói:

- Người này quyết không sao để được, ta phải chém đi mới xong.

Lỗ Túc can:

- Nếu ta giết Khổng Minh, sẽ bị Tào Tháo cười cho.

Du nói:

- Ta sẽ lấy phép công mà chém, cho hắn chết cũng không oán được ta.

Lỗ Túc hỏi:

- Phép công gì?

Du nói:

- Tử Kính không phải nói, đến mai sẽ biết.

Hôm sau, Du hội cả các tướng dưới trướng, mời Khổng Minh đến bàn việc. Khổng Minh đến, Du hỏi:

- Nay sắp đánh nhau với Tào Tháo ở trên mặt sông, nên dùng vũ khí gì đánh cho tiện?

Khổng Minh thưa:

- Trên mặt sông lớn, cốt lấy cung tên làm đầu.

Du nói:

- Lời tiên sinh hợp ý tôi lắm! Hiện trong quân đang thiếu tên bắn, phiền tiên sinh trông nom giúp cho việc làm mười vạn chiếc tên. Đây là việc công, xin tiên sinh chớ nên từ chối.

Khổng Minh nói:

- Đô đốc đã sai, tôi xin hết sức. Xin hỏi mười vạn tên khi nào dùng đến?

Du hỏi:

- Trong mười hôm, có làm xong không?

Khổng Minh nói:

- Quân Tào nay mai sắp đến, nếu đợi mười ngày, việc lớn hỏng mất.

Du hỏi:

- Tiên sinh liệu độ mấy hôm thì xong?

Khổng Minh thưa:

- Trong nội ba ngày sẽ nộp đủ mười vạn tên.

Du nói:

- Việc quân không phải trò đùa đâu!

Khổng Minh nói:

- Đâu có dám đùa với đô đốc, tôi xin làm giấy cam đoan, nếu ba ngày không xong, cam chịu trọng tội.

Du mừng lắm, gọi ngay quan chính tư[1]

 mang giấy tờ ra làm cam kết, rồi mở tiệc khoản đãi và nói:

- Khi nào xong việc, sẽ có hậu thưởng.

Khổng Minh nói:

- Hôm nay đã không kịp rồi, ngày mai bắt đầu làm, đến ngày thứ ba, xin đô đốc sai năm trăm quân đến bờ sông nhận tên đem về.

Khổng Minh uống thêm vài chén rồi từ biệt.

Lỗ Túc hỏi Chu Du:

- Người này nói khoác chăng?

Du nói:

- Rõ ràng hắn tự mua lấy cái chết, chứ ta cũng không bắt ép gì hắn. Hôm nay đông đủ mặt các quan, làm tờ cam kết, dù hắn có mọc cánh cũng không bay thoát. Ta dặn bọn thợ cố làm dây dưa, và không cấp đủ cho đồ dùng, tất nhiên hắn lỡ hẹn. Khi ấy ta trị tội, xem có kêu ca được nữa không? Tử Kính thử sang thăm dò tình hình, về báo cho ta biết.

Lỗ Túc vâng lệnh, đến gặp Khổng Minh.

Khổng Minh nói:

- Ta đã bảo Tử Kính đừng nói chuyện gì với Công Cẩn, e Công Cẩn lại tìm kế hại ta. Không ngờ Tử Kính không chịu giấu giếm hộ, hôm nay, quả nhiên lại có chuyện. Trong ba ngày, làm sao vót nổi mười vạn tên, Tử Kính phải cứu ta mới được.

Túc nói:

- Ông tự rước lấy tội, tôi biết cứu làm sao bây giờ?

Khổng Minh nói:

- Tử Kính cho ta mượn hai chục chiếc thuyền, mỗi chiếc dùng ba chục tay thuỷ thủ tốt. Trên thuyền căng vải xanh che chung quanh, và xếp hơn nghìn bó cỏ ở hai bên mạn thuyền. Ta sẽ có kế. Đến ngày thứ ba bảo đảm có đủ mười vạn tên cho mà xem. Nhưng chớ để cho Công Cẩn biết nữa, nếu hắn biết thì kế ta hỏng mất đó.

Túc vâng lời, nhưng chưa hiểu rõ mưu mô khổng Minh ra sao. Lúc về gặp Chu Du, quả nhiên Túc không đả động gì đến việc mượn thuyền, chỉ bảo không thấy Khổng Minh dùng đến tre, gỗ, lông chim và sơn nhựa gì cả, chỉ nói rằng đã có cách.

Du rất ngạc nhiên nói:

- Thử đợi đến hôm thứ ba xem sao.

Lỗ Túc cắt riêng hai chục chiếc thuyền nhanh nhẹ, mỗi chiếc ba chục người bơi, đủ đồ vải căng, cỏ bó, dự bị sẵn sàng cho Khổng Minh. Ngày thứ nhất không thấy gì, ngày thứ hai cũng vậy. Mãi đến hôm thứ ba, độ canh tư, Khổng Minh mới lén sai người mời Lỗ Túc xuống thuyền. Túc hỏi:

- Ông gọi tôi đến có việc gì?

Khổng Minh nói:

- Mời ông cùng đi lấy tên một thể.

Túc hỏi:

- Lấy tên ở đâu?

Khổng Minh nói:

- Tử Kính không phải hỏi, cứ đi sẽ biết.

Nói rồi, sai lấy thừng chạc dàng cả hai chục thuyền làm một, cho bơi thẳng lên phía bắc.

Đêm ấy, sương mù phủ kín trời, trên mặt sông lại càng mờ mịt, giáp mặt không trông thấy nhau. Khổng Minh giục quân chèo thuyền đi thật gấp. Quả thật là sương mù rất đẹp, rất nên thơ.

Lỗ Túc sợ hãi hỏi:

- Quân Tào ùa ra thì làm thế nào?

Khổng Minh cười đáp:

- Tôi chắc Tào Tháo thấy sương mù thế này, không dám cho quân ra. Chúng mình cứ yên trí uống rượu làm vui, đợi khi nào sương tan thì về.

Canh năm đêm ấy, thuyền đến sát thuỷ trại của Tào Tháo. Khổng Minh sai đổ thuyền quay mũi về hướng tây, dàn thành hàng chữ nhất, rồi đánh trống và hò reo ầm ĩ.

Trong trại Tào, nghe thấy tiếng trống đánh, tiếng reo hò, Mao Giới, Vu Cấm vội vàng phi báo với Tào Tháo.

Tháo truyền lệnh rằng:

- Sương mù dày đặc, quân giặc kéo đến bất thần, tất có mai phục, không nên khinh động.

Tháo chỉ ra lệnh cho quân cung nỏ bắn tứ tung ra, lại sai người lên trại cạn gọi Trương Liêu, Từ Hoảng mỗi người dẫn ba nghìn quân cung nỏ cấp tốc đến bờ sông trợ chiến. Hiệu lệnh đến nơi thì Vu Cấm, Mao Giới sợ quân nam tràn vào thuỷ trại, đã sai quân bắn rào rào ra rồi một lát quân trên cạn cũng đến, ước hơn vạn người, đều chĩa vào chỗ có tiếng trống bắn xuống như mưa. Khổng Minh một mặt lại sai quay mũi thuyền về phía tây, áp vào trại thuỷ đỡ lấy tên; một mặt vẫn cứ thúc trống hò reo ầm ĩ. Khi mặt trời đã mọc, sương mù dần tan, Khổng Minh sai thu thuyền kéo về. Các bó cỏ trên hai chục chiếc thuyền, bó nào cũng chi chít những tên cắm.

Khổng Minh sai quân sĩ đồng thanh reo to lên rằng:

- Tạ ơn thừa tướng giúp tên!

Khi quân vào báo cho Tháo biết, thì thuyền nhẹ nước xuôi, đã đi xa hàng hai chục dặm rồi, đuổi không kịp nữa. Tào Tháo tức bực vô cùng.

Khổng Minh quay thuyền về nói với Lỗ Túc rằng:

- Mỗi thuyền được ước chừng năm sáu nghìn tên mà không hề tốn chút công sức nào của Đông Ngô cả. Thế là đã được hơn mười vạn tên, nay mai lại đem tên bắn lại quân Tào, chẳng tiện lắm ư?

Túc nói:

- Tiên sinh thực là thần thánh. Làm sao lại biết đêm nay có sương mù lớn thế?

Khổng Minh nói:

- Làm tướng mà không biết thiên văn, không tường địa lý, không biết được thuật pháp, không hiểu được âm dương, không tính trận đồ, không giỏi binh thế, đó là tướng xoàng. Từ ba hôm trước, ta đã tính biết hôm nay có sương mù lớn, nên mới dám nhận thời hạn ba hôm. Công Cẩn hạn cho ta mười ngày, mà thuyền thợ, đồ dùng không có gì đủ, chực đem một tội lỗi nhỏ để hại ta; nhưng số mệnh ta đã có trời, hại làm sao nổi!

Lỗ Túc chịu là giỏi.

Thuyền vừa cập bến, đã thấy năm trăm quân của Chu Du đứng chực lĩnh tên. Khổng Minh bảo lên thuyền mà lấy, được hơn chục vạn chiếc đem về nộp. Lỗ Túc vào ra mắt Chu Du, thuật lại cả việc đi lấy tên. Du giật mình, thở dài than rằng:

- Khổng Minh mẹo thần, tính giỏi, ta thật không bằng!

Ngày sau có thơ rằng:

Sương mù mờ mịt khắp Trường Giang

Gần xa không rõ nước mênh mang

Tên bắn như mưa thuyền không núng

Khổng Minh tài trí vượt Chu lang.

Một lát, Khổng Minh cũng vào gặp Chu Du. Du ra ngoài trại đón và khen rằng:

- Mưu kế tiên sinh tài tình lắm, khiến người ta phải kính phục.

Khổng Minh nói:

- Đó chỉ là một chút mẹo vặt, có gì là lạ đâu?

Du mời Khổng Minh vào trướng uống rượu, rồi hỏi rằng:

- Hôm qua, chúa công tôi cho người đến thúc giục tiến quân, tôi chưa nghĩ được mẹo gì lạ, xin tiên sinh dạy cho.

Khổng Minh thưa:

- Tài tôi thường lắm, nghĩ sao được diệu kế?

Du nói:

- Hôm trước, tôi xem thuỷ trại của Tào Tháo cực kỳ nghiêm chỉnh, rất hợp binh pháp, không dễ phá được. Tôi đã nghĩ ra một mẹo, chưa biết có dùng được hay không, xin tiên sinh quyết định giúp.

Khổng Minh nói:

- Đô đốc đừng nói vội, xin hãy cùng viết vào lòng bàn tay, xem có khớp nhau không đã.

Du mừng lắm, sai đem nghiên bút ra, viết ngầm vào bàn tay một chữ, rồi đưa bút cho Khổng Minh. Khổng Minh cũng viết một chữ. Hai người ngồi lại gần, xoè bàn tay ra, rồi cùng cười ầm cả lên. Té ra trong tay Chu Du đề một chữ “Hoả”, trong tay Khổng Minh cũng một chữ “Hoả”.

Chu Du nói:

- Hai chúng ta đã hợp ý nhau, chắc không còn nghi ngờ gì nữa, xin đừng tiết lộ cho ai biết.

Khổng Minh nói:

- Việc là việc chung cả hai nhà, có lẽ đâu lại để lộ chuyện. Tào Tháo đã hai phen mắc mẹo của tôi, nhưng chắc lần này hắn cũng không phòng bị. Đô đốc cố gắng lên thì thế nào cũng được.

Tan tiệc đâu về đấy, các tướng không ai biết câu chuyện ra sao.

Tào Tháo, từ khi mất mười lăm mười sáu vạn tên, trong lòng buồn tức lắm. Tuân Du hiến kế rằng:

- Giang Đông có Chu Du, Gia Cát Lượng, hai người hợp mưu với nhau, khó lòng phá nổi. Ta hãy sai người đến Giang Đông trá hàng, làm tay trong, dò xét đầy đủ tình hình mới có thể phá được.

Tháo nói:

- Ngươi nói chính hợp ý ta. Vậy ngươi thử xem ai đi làm được việc ấy?

Tuân Du thưa:

- Sái Mạo bị giết, em hắn là Sái Trung, Sái Hoà hiện đang làm phó tướng. Thừa tướng nên ban ơn cho họ vui lòng gắn bó với ta, rồi sai sang trá hàng, tất Đông Ngô không nghi kỵ.

Tháo theo lời ấy, đang đêm, gọi hai người vào trướng dặn rằng:

- Hai người hãy dẫn một số quân sang Đông Ngô trá hàng, hễ thấy động tĩnh gì, sai người về mật báo ngay. Khi nào thành công, ta sẽ ban thưởng thêm; chớ có ăn ở hai lòng nhé!

Sái Trung, Sái Hoà bẩm:

- Xin thừa tướng chớ nghi, vợ con chúng tôi ở cả Kinh Châu, chúng tôi có đâu dám thế! Hai chúng tôi quyết lấy đầu Chu Du, Gia Cát Lượng về dâng dưới trướng.

Tháo trọng thưởng cho hai người.

Hôm sau, hai người đem năm trăm tên quân, chở vài chiếc thuyền, thuận gió xuôi xuống bờ phía nam. Chu Du đang tính toán việc tiến quân, chợt có tin báo có thuyền ở Giang Bắc sang, tự xưng tên là Sái Hoà, Sái Trung, em ruột Sái Mạo, đến hàng. Du cho gọi vào. Hai người vừa khóc vừa lạy, nói:

- Anh chúng tôi là Sái Mạo, không có tội gì, tự dưng bị Tào Tháo giết mất. Chúng tôi muốn báo thù cho anh, nên sang đầu hàng. Mong đô đốc thu dụng cho, chúng tôi xin làm tiền bộ.

Du mừng rỡ, trọng thưởng cho hai người rồi sai dẫn quân theo Cam Ninh làm tiền bộ. Hai người lạy tạ, chắc mẩm Du đã trúng kế rồi.

Du gọi Cam Ninh vào dặn rằng:

- Hai thằng này không mang theo vợ con, chẳng phải thực bụng hàng đâu, đúng Tào Tháo sai đến làm gian tế đây. Nay ta muốn biến kế của nó thành kế của mình, để nó báo tin về cho Tào Tháo. Ngươi phải ân cần khoản đãi chúng nó, nhưng phải đề phòng. Đợi khi nào ta cất quân đi, sẽ đem giết chúng để tế cờ. Ngươi phải cẩn thận, không được để lỡ việc.

Cam Ninh vâng lời trở ra. Lỗ Túc vào gặp Chu Du, nói:

- Việc Sái Trung, Sái Hoà đến hàng chỉ là giả dối, không nên dùng vội.

Du mắng rằng:

- Hai người ấy vì Tào Tháo giết oan mất anh, nên đến hàng để trả thù, giả gì mà giả? Ngươi hay đa nghi thế, dùng làm sao được người giỏi trong thiên hạ?

Túc nín lặng lui ra, đến nói với Khổng Minh. Khổng Minh chỉ cười.

Túc nói:

- Ông cười gì thế?

Khổng Minh nói:

- Tôi cười ông không biết đó là Công Cẩn dùng mưu. Sông to cách trở, do thám đi lại khó khăn. Tháo sai hai người sang trá hàng để dò xét quân ta. Công Cẩn lại muốn mượn kế nó làm kế mình, dùng chúng thông báo tin tức đỡ mình. Binh pháp cần phải dối trá, mưu của Công Cẩn rất hay.

Túc bấy giờ mới hiểu.

Đêm hôm ấy, Chu Du đang ngồi trong trướng, bỗng thấy Hoàng Cái lẻn vào ra mắt, Du hỏi:

- Công Phúc đang đêm đến đây, tất có mưu hay bàn bạc.

Cái thưa:

- Quân giặc nhiều, quân ta ít, không nên cầm cự lâu. Sao không dùng kế hoả công?

Du hỏi:

- Ai xui ông hiến kế ấy?

Cái thưa:

- Tôi tự nghĩ ra, không có ai bày vẽ cho cả.

Du nói:

- Ta vẫn muốn dùng kế ấy, cho nên mới giữ Sái Trung, Sái Hoà ở đây, để chúng nó đưa tin tức về cho nhau; nhưng hiềm vì không có ai thi hành kế trá hàng cho ta cả.

Cái thưa:

- Tôi xin đảm nhận.

Du nói:

- Nếu không chịu khổ sở một chút, thì khi nào Tào Tháo chịu tin?

Cái thưa:

- Tôi đội hậu ân của họ Tôn, dẫu gan óc lầy đất cũng cam.

Du lại tạ rằng:

- Ông chịu thực hiện kế khổ nhục này, thật là may mắn cho Giang Đông quá.

Cái thưa:

- Tôi chết cũng không oán hận chút nào!

Nói rồi tạ trở ra.

Hôm sau, Chu Du nổi trống họp các tướng. Khổng Minh cũng đến, Chu Du nói:

- Tháo dẫn hàng trăm vạn quân, doanh trại liên tiếp hơn ba trăm dặm, không phải một ngày mà phá xong được. Nay truyền cho các tướng, mỗi người phải lĩnh lương thảo ba tháng, phòng chống nhau với giặc.

Du nói vừa dứt lời, Hoàng Cái tiến ra nói:

- Đừng nói ba tháng, dẫu cấp cả ba mươi tháng lương thảo cũng chẳng làm trò gì? Nội trong cả tháng này, có thể phá được thì phá, nếu không phá nổi, thì chi bằng theo lời Tử Bố, bỏ giáp quẳng gươm, ngoảnh mặt về bắc mà hàng đi cho rảnh!

Chu Du nghe nói tái mặt lại, nổi giận đùng đùng, thét lớn:

- Ta đây phụng mệnh chúa công, chỉ huy ba quân phá Tào, ai dám nói đến hàng là chém. Nay đang lúc hai bên đối địch, mày dám mở mồm ra nói câu ấy, làm ngã lòng quân, không chém đầu mày thì còn bảo được ai!

Liền quát võ sĩ lôi Cái ra chém.

Cái cũng tức giận nói lớn:

- Ta từ khi theo Phá lỗ tướng quân[2]

 đến nay, tung hoành miền đông nam trải qua ba đời rồi, khi ấy đâu đã có ngươi?

Du giận quá, thét chém cho mau.

Cam Ninh bước lên can rằng:

- Công Phúc là cựu thần của Đông Ngô, xin hãy khoan thứ cho.

Du quát lên rằng:

- Sao mày dám nói lôi thôi, làm loạn phép tắc của tao?

Lập tức thét tả hữu lấy roi vụt Cam Ninh túi bụi rồi đuổi ra.

Các quan đều quỳ xuống can rằng:

- Tội Hoàng Cái thực là đáng chết, nhưng giết Cái thì không có lợi cho việc quân. Xin đô đốc hãy khoan thứ cho, tạm ghi tội lại đó, đợi phá xong Tào Tháo, sẽ đem chém cũng chưa muộn.

Chu Du vẫn hầm hầm, các quan nằn nì kêu van mãi, Du mới nói:

- Nếu không nể mặt các quan, thì ta quyết lấy đầu mày đó! Nay hãy tha cho mày tội chết!

Du bèn sai tả hữu vật cổ Hoàng Cái xuống đánh một trăm roi.

Các quan lại kêu van, Du hất đổ cả bàn đi, quát mắng các quan, và thét bảo đánh đập. Tả hữu lật áo Hoàng Cái, vật sấp xuống đánh, đánh năm chục roi. Các quan lại xúm vào xin tha. Du đứng dậy, chỉ mặt Hoàng Cái nói:

- Mày còn dám coi thường tao chăng? Hãy cho chịu năm chục trượng đó, nếu còn vô lễ, hai tội sẽ trị nhân thể.

Rồi vừa đi vừa mắng nhiếc om sòm trở vào trong trướng.

Các tướng ra vực Hoàng Cái dậy, thấy da thịt tả tơi, máu me đầm đìa. Khi về đến trại, ngất đi mấy lần. Ai đến hỏi thăm cũng ứa hai hàng nước mắt. Lỗ Túc cũng đến thăm, rồi xuống thuyền trách Khổng Minh rằng:

- Hôm nay Công Cẩn giận đánh Hoàng Cái như thế, chúng tôi là bộ hạ Công Cẩn nên không ai dám mạnh dạn can ngăn đã đành; tiên sinh là khách, sao chỉ thu tay đứng xem, không nói giúp cho một câu gì?

Khổng Minh cười nói:

- Tử Kính còn dối ta!

Túc nói:

- Từ khi tôi cùng với tiên sinh sang sông đến giờ, chưa hề có câu gì dối nhau, sao tiên sinh lại nói thế?

Khổng Minh nói:

- Thế ra Tử Kính không biết Công Cẩn đánh đau Hoàng Cái là mưu kế đó ư? Tại sao còn cần đến tôi khuyên can?

Lỗ Túc bấy giờ mới biết, Khổng Minh nói:

- Không dùng mẹo khổ nhục, làm sao đánh lừa được Tào Tháo? Nay đô đốc tất sai Hoàng Cái sang trá hàng, và mượn bọn Sái Trung đưa tin về trước. Tử Kính có đến chơi với Công Cẩn, chớ có nói là ta biết mẹo ấy nhé! Chỉ nên nói rằng ta cũng oán Công Cẩn ác quá là xong.

Túc về, vào gặp Chu Du. Du mời vào sau trướng ngồi chơi. Túc nói:

- Hôm nay, làm sao đô đốc đánh Công Phúc đau quá thế?

Du hỏi:

- Các tướng có ai oán ta không?

Túc nói:

- Nhiều người thắc mắc lắm!

Du hỏi:

- Ý Khổng Minh thế nào?

- Khổng Minh cũng oán đô đốc bạc đãi tướng sĩ.

Du cười, nói:

- Phen này ta mới lừa được Khổng Minh!

Túc hỏi làm sao, Du nói:

- Đánh Hoàng Cái là kế của ta đó. Ta muốn sai hắn trá hàng, nên trước hết dùng kế khổ nhục để đánh lừa Tào Tháo, rồi sau dùng kế hoả công thì mới có thể thắng được.

Túc trong bụng phục Khổng Minh là cao kiến, nhưng không dám nói rõ.

Hoàng Cái đau nằm trong trướng, các tướng đều đến hỏi thăm. Cái chẳng nói năng gì cả, cứ thở dài sườn sượt. Chợt báo có quan tham mưu là Hám Trạch lại thăm. Cái sai mời vào tận chỗ nằm, đuổi tả hữu lui ra ngoài. Hám Trạch hỏi:

- Tướng quân có thù hằn gì với đô đốc chăng?

Cái nói:

- Không thù hằn gì cả.

Trạch nói:

- Thế thì vừa rồi ông bị đòn có phải là kế khổ nhục không?

Cái hỏi:

- Sao ông biết?

- Tôi xem bộ dạng Công Cẩn, mười phần đã đoán được chín.

Cái nói:

- Tôi chịu hậu ân họ Tôn đã ba đời, không lấy gì báo được, nên hiến kế ấy để phá Tào Tháo. Thân tôi tuy đau khổ, nhưng lòng tôi hả hê. Tôi xem trong đám tướng sĩ, không ai là tâm phúc của tôi; duy có ông là người trung nghĩa, nên tôi mới dám thổ lộ can trường.

Trạch nói:

- Phải chăng ông muốn dùng tôi dâng thư trá hàng?

Cái đáp:

- Quả thị tôi có ý đó, chưa biết ông có chịu giúp cho không?

Hám Trạch hớn hở nhận lời.

Ấy thực là:

Dũng tướng quên mình mong báo chúa,

Mưu thần vì nước lại đồng tâm.

Chưa biết Hám Trạch sang dâng thư làm sao, xem đến hồi sau sẽ rõ.

Chú thích cuối trang

1.

 Quan giữ hình luật trong quân.

2.

 Chỉ Tôn Kiên.

Hồi 47

Hám Trạch mật dâng thư giả hàng;

Bàng Thống khéo dùng liên hoàn kế.

Hám Trạch tự là Đức Nhuận, người làng Sơn Âm, quận Cối Kê, nhà nghèo nhưng chăm học, phải đi làm thuê; thường hay mượn sách về xem, xem xong một lượt là nhớ như in không bao giờ quên nữa. Trạch lại có tài biện bác, có can đảm. Tôn Quyền dùng làm tham mưu. Trạch chơi với Hoàng Cái thân thiết lắm, nên Cái nhờ dâng thư trá hàng, Trạch vui lòng nhận ngay và nói:

- Đại trượng phu ở đời, không lập được công danh sự nghiệp gì, chẳng hoá ra cùng với cỏ cây mục nát ư? Ông đã quên mình báo chúa, đây tôi dám há tiếc thân!

Hoàng Cái nhảy choàng xuống đất lạy tạ. Trạch nói:

- Việc không nên để lâu, xin đi ngay hôm nay!

Cái nói:

- Thư tôi đã viết sẵn rồi.

Trạch nhận lấy thư. Đến đêm giả làm ông lão đánh cá, bơi chiếc thuyền con sang thẳng bờ phía bắc. Đêm hôm ấy, sao lạnh đầy trời; vừa canh ba thì thuyền Hám Trạch tới cạnh thuỷ trại quân Tào. Quân tuần tiễu trên sông bắt được, vào báo với Tào Tháo.

Tháo hỏi:

- Có lẽ là gian tế chăng?

Quân thưa:

- Chỉ có một ông lão đánh cá, tự xưng là tham mưu bên Đông Ngô, tên là Hám Trạch, lại trình việc cơ mật.

Tháo sai dẫn vào. Bấy giờ trên trướng, đèn đuốc sáng loà, Tháo ngồi ngất ngưởng trên ghế hỏi rằng:

- Ngươi đã làm tham mưu bên Đông Ngô, nay đến đây có việc chi?

Trạch nói:

- Trước kia, tôi thấy người ta đồn Tào thừa tướng cầu người hiền như kẻ khát nước. Nay nghe lời nói thật không ăn khớp chút nào. Thôi, Hoàng Công Phúc, ngươi nghĩ lầm mất rồi!

Tháo nói:

- Ta sắp sửa đánh nhau với Đông Ngô, thấy ngươi một mình đi lẻn đến đây, lẽ nào chẳng phải hỏi?

Hám Trạch nói:

- Hoàng Công Phúc là cựu thần ba đời bên Đông Ngô. Nay vô cớ bị Chu Du dập đánh khổ sở trước mặt các tướng. Công Phúc lấy làm căm tức vô cùng, bởi vậy, muốn sang hàng thừa tướng để báo thù, liền bàn với tôi. Tôi với ông ta như anh em ruột một nhà, cho nên dâng hộ tờ mật thư, chưa biết thừa tướng có dùng cho không?

Tháo hỏi:

- Thư đâu?

Hám Trạch đưa thư ra trình. Dưới đèn, Tháo mở xem, trong thư nói rằng:

“Tôi là Hoàng Cái, đội ơn sâu họ Tôn, đáng lẽ không dám ăn ở hai lòng mới phải. Nhưng xét tình thế bây giờ, thì đem quân sáu quận Giang Đông mà địch với quân trăm vạn ở Trung Nguyên, ít địch sao nổi nhiều, thiên hạ đều thấy rõ cả. Các tướng sĩ bên Đông Ngô, bất kỳ khôn dại, ai cũng biết cái lẽ như thế. Duy có Chu Du ba tuổi ranh, tính tình nông nổi, tự cao tự đại, muốn đem trứng chọi với đá, lại ỷ thế lộng quyền, phạt kẻ vô tội mà không thương người có công. Tôi là cựu thần, bỗng dưng bị đánh, căm tức biết ngần nào!

“Tôi được nghe tiếng thừa tướng đem bụng chân thành đãi người, nhún mình dùng kẻ sĩ. Vậy tôi xin đem quân lại hàng, mong lập lấy chút công và rửa nhục trước. Lương thảo cùng đồ khí giới, sẽ xin đem cả thuyền lại nộp sau. Khóc ra máu, lạy trình thư này, xin đừng hồ nghi gì cả!”

Tháo ngồi trên ghế, xem đi xem lại tờ thư hơn chục lượt, rồi bỗng dưng đập tay xuống án, trợn mắt nổi giận lên mà nói rằng:

- Hoàng Cái dùng kế khổ nhục, sai người đến dâng thư trá hàng, dám to gan đánh trống qua cửa nhà sấm phải không?

Và thét tả hữu lôi Trạch ra chém. Khi Trạch bị dẫn đi, nét mặt vẫn thản nhiên như không. Trạch chỉ ngẩng mặt lên trời cười ngất.

Tháo sai lôi lại quát hỏi:

- Ta đã biết rõ ruột gan ngươi, ngươi còn cười gì nữa?

Trạch nói:

- Thưa! Tôi đâu dám cười ông! Tôi cười Hoàng Công Phúc không biết người đó thôi!

Tháo hỏi:

- Thế nào là không biết người?

Trạch đáp:

- Chém thì cứ chém, việc gì phải hỏi lôi thôi?

Tháo nói:

- Ta đây học binh thư từ nhỏ, còn lạ gì những mẹo ấy, ngươi lừa ai thì được, chớ lừa ta sao nổi?

Trạch nói:

- Xin ông hãy cho tôi biết mẹo lừa ở chỗ nào?

Tháo nói:

- Để ta nói thẳng cho ngươi biết, để ngươi có chết cũng không oán thán gì được nữa. Nếu các ngươi thật tâm muốn hàng, sao không định trước ngày giờ? Thế có phải là gian hay không?

Trạch nghe xong, phì cười, nói:

- Nói thế mà không biết thẹn, dám khoe khoang biết nhiều binh thư! Thôi, biết điều thì thu quân về cho mau, đừng có đánh chác gì nữa mà bị Chu Du tóm được. Đồ vô học kia! Tiếc thay, ta chết uổng về tay ngươi!

Tháo hỏi:

- Sao lại bảo ta là vô học?

Trạch đáp:

- Ngươi không biết cơ mưu, không hiểu đạo lý, vô học rành rành ra đấy còn gì!

Tháo nói:

- Ngươi cứ vạch những chỗ không đúng của ta ra xem nào?

Trạch nói:

- Ngươi không kính trọng người hiền, hà tất phải nhiều lời làm gì? Ta chỉ có chết là hết!

Tháo nói:

- Nếu ngươi đưa ra đủ lý lẽ thì tự nhiên ta sẽ kính phục ngay.

Trạch nói:

- Thế ngươi không biết câu: “Trốn chúa đi lén, không thể hẹn giờ sao? Nếu hẹn trước mà lỡ ra việc trong chưa xong, ngoài đã có binh tiếp ứng, chẳng hoá ra lộ chuyện mất à? Do đó gặp lúc thuận tiện thì làm, chứ hẹn trước làm sao được. Ngươi không hiểu lẽ đó, định giết người tử tế, quả là đồ vô học.

Tháo nghe xong, dịu ngay nét mặt, bước xuống xin lỗi nói:

- Tôi xét việc không tinh, lỡ phạm đến oai ngài, xin tha thứ cho.

Hám Trạch nói:

- Tôi với Hoàng Công Phúc đã dốc một lòng đến hàng, khác nào trẻ nít mong cha mẹ, còn có điều gì là dối trá nữa.

Tháo mừng lắm nói:

- Nếu hai ông mà lập được công to này, ngày sau sẽ được phong tước cao hơn những người khác.

Trạch nói:

- Chúng tôi có phải vì tước lộc mà lại đây đâu, chính vì thuận lẽ trời, hợp lòng người đó thôi.

Tháo sai đem rượu khoản đãi. Một lát, có người vào ghé tai nói nhỏ với Tào Tháo. Tháo nói:

- Đưa thư ra xem nào!

Người đó trình thư lên. Xem xong, Tháo tỏ vẻ vui mừng. Hám Trạch nghĩ thầm đây hẳn là Sái Hoà, Sái Trung đưa tin về báo chuyện Hoàng Cái bị đòn, nên Tháo mừng việc ta đến hàng là thật bụng hẳn.

Tháo nói:

- Phiền tiên sinh trở về Giang Đông, cùng với Hoàng Công Phúc hẹn ngày đưa tin sang bên này cho tôi biết trước, để đem quân ra tiếp ứng.

Trạch thưa:

- Tôi đã bỏ xứ Giang Đông mà đến đây, không mặt mũi nào dám về nữa. Xin thừa tướng sai người tin cẩn khác.

Tháo nói:

- Nếu sai người khác, tôi e tiết lộ việc chăng?

Trạch từ chối mãi rồi nói:

- Tôi có về thì phải đi ngay, không ở đây lâu được.

Tháo thưởng cho vàng lụa. Trạch không nhận, từ tạ trở ra, lại bơi chiếc thuyền nhỏ về Giang Đông.

Trạch thuật lại tất cả với Hoàng Cái. Cái nói:

- Giá không được ông là người biện bác giỏi, thì ta chịu khổ cũng uổng công.

Trạch xin ra trại Cam Ninh để dò ý tứ Sái Trung, Sái Hoà. Cái nói:

- Hay lắm!

Trạch đến trại, nói với Ninh rằng:

- Hôm qua tướng quân cứu Hoàng Công Phúc mà cũng bị đánh, tôi rất căm tức.

Ninh chỉ cười không nói. Giữa lúc ấy thì Sái Trung, Sái Hoà ở đâu vừa đến. Trạch đưa mắt cho Cam Ninh, Ninh hiểu ý nói ngay rằng:

- Công Cẩn chỉ hợm tài, chẳng coi chúng ta ra gì. Ta nay bị nhục thật xấu hổ với các người bên sông Trường Giang.

Nói đoạn, mắm miệng nghiến răng, đập tay xuống bàn gầm thét. Trạch giả tảng ghé vào tai Cam Ninh nói mấy câu. Ninh cúi sầm ngay mặt xuống, nín lặng, chỉ thở dài ba tiếng.

Sái Trung, Sái Hoà thấy hai người có ý muốn làm phản, mới hỏi thử:

- Chẳng hay tướng quân và tiên sinh sao buồn bực làm vậy?

Trạch nói:

- Các ngươi biết thế nào được những điều đau khổ trong lòng chúng ta!

Sái Hoà nói:

- Có lẽ hai vị định phản Đông Ngô mà hàng Tào Tháo chăng?

Hám Trạch tái mặt lại. Cam Ninh tuốt gươm đứng dậy nói:

- Việc của ta bị lộ rồi, phải giết hai thằng này đi mới có thể giữ kín được!

Sái Trung, Sái Hoà vội nói:

- Hai ông chớ lo, chúng tôi cũng xin đem việc tâm phúc bày tỏ với các ông.

Ninh nói:

- Nói mau lên!

Hoà nói:

- Tào công sai hai chúng tôi đến trá hàng đây, nếu hai ông có ý quy thuận Tào công, chúng tôi xin dẫn tiến.

- Có thật thế không?

Hai người đồng thanh đáp:

- Đâu dám nói dối!

Ninh vờ mừng rỡ nói:

- Nếu được như thế, thì chính là trời đem lại dịp may cho ta rồi!

Hai người nói:

- Việc Hoàng Công Phúc và tướng quân bị nhục, tôi đã báo tin về cho thừa tướng rồi.

Hám Trạch cũng nói:

- Ta đã dâng thư hàng của Công Phúc sang thừa tướng rồi, nay đến rủ Hưng Bá cùng đến hàng đây.

Ninh nói:

- Đại trượng phu đã gặp được minh chủ, cũng nên quyết một lòng đi theo.

Bốn người chén tạc chén thù, bàn việc tâm sự với nhau. Hai anh em họ Sái lập tức viết thư báo cho Tào Tháo, nói Cam Ninh sẽ cùng với chúng làm nội ứng. Hám Trạch lại viết thư riêng sai người đưa sang Tào Tháo. Trong thư nói Hoàng Cái muốn đến, nhưng chưa có dịp thuận tiện, khi nào thấy đoàn thuyền có cắm cờ xanh ở đầu, đó chính là thuyền đến hàng.

Tháo được luôn hai bức thư, trong bụng vẫn nghi nghi hoặc hoặc, liền hội các mưu sĩ lại bàn rằng:

- Bên Trường Giang, Cam Ninh bị Chu Du làm nhục, xin làm nội ứng, Hoàng Cái bị đòn, sai Hám Trạch sang xin hàng, đều chưa đáng tin lắm. Ai dám sang trại Chu Du dò xem hư thực ra sao?

Tưởng Cán bước ra nói:

- Tôi bữa trước sang Đông Ngô, chưa làm được việc gì, vẫn còn áy náy. Nay xin liều đi chuyến nữa, quyết dò được sự thật về báo với thừa tướng.

Tháo mừng rỡ, sai ngay Tưởng Cán đi. Cán cưỡi chiếc thuyền nhỏ, bơi thẳng đến cạnh thuỷ trại phía nam Trường Giang cho người vào báo. Chu Du thấy Cán lại đến, mừng nói rằng:

- Ta thành công được là nhờ người này đây.

Lập tức dặn Lỗ Túc: “Mời Bàng Thống đến bảo cứ làm như thế… như thế cho ta”.

Bàng Thống tự là Sĩ Nguyên, quê ở Tương Dương, tránh loạn sang ngụ bên Giang Đông. Lỗ Túc thường tiến cử lên Chu Du. Thống chưa kịp đến ra mắt, thì Du đã sai Túc đến hỏi kế phá Tào. Thống mật bảo Túc rằng:

“Muốn phá quân Tào, phải dùng hoả công, nhưng trên mặt sông to, một chiếc thuyền bén lửa thì các thuyền khác tản ra chạy được cả. Chỉ có dùng kế liên hoàn, khiến Tháo phải ghép cả thuyền vào một chỗ, mới có thể thắng được”.

Túc về nói lại với Chu Du. Du phục lắm và bảo Túc:

- Chỉ có Bàng Sĩ Nguyên mới thực hiện được kế ấy cho ta mà thôi.

Túc nói:

- Chỉ sợ Tào Tháo xảo quyệt, đi thế nào được?

Chu Du còn đang phân vân, tìm chưa ra cơ hội, thì được tin Tưởng Cán lại sang. Du mừng lắm, một mặt dặn dò Bàng Thống thi hành mưu kế, một mặt cho người mời Tưởng Cán vào. Cán thấy không ai ra đón, trong bụng ngờ vực, liền sai buộc thuyền ở chỗ hẻo lánh rồi vào. Du hầm hầm nổi giận nói rằng:

- Tử Dực sao dám khinh ta thế?

Cán cười, đáp:

- Ta nghĩ ông là chỗ tình nghĩa anh em cũ, muốn đến bày tỏ tâm sự, sao lại bảo ta lừa lọc?

Du nói:

- Ngươi muốn dụ ta hàng Tào, trừ phi sông cạn đá mòn ta mới chịu! Lần trước ta nghĩ tình bạn cũ, mời uống rượu và lưu ngủ chung giừơng; không ngờ ngươi ăn cắp thư của ta, lẻn về báo với Tào Tháo, để Trương Doãn, Sái Mạo bị giết, làm hỏng việc của ta. Hôm nay ngươi bỗng dưng lại, chắc không có bụng tốt đâu! Nếu ta không nghĩ đến tình xưa, thì chỉ cho ngươi một nhát dao đứt làm hai đoạn! Ta cũng muốn tống ngươi về cho rảnh, nhưng độ vài hôm nữa ta sẽ đánh phá Tào Tháo, nên phải giữ ngươi lại, kẻo tiết lộ quân cơ!

Liền sai tả hữu đưa Cán ra nghỉ trong một cái am, gần núi Tây Sơn, và bảo:

- Đợi khi nào ta phá xong Tào Tháo, sẽ tiễn ngươi sang sông cũng vừa.

Tưởng Cán đang chực nói thì Chu Du đã trở vào sau trướng rồi. Tả hữu lấy ngựa cho Tưởng Cán cưỡi, và dẫn đến am nhỏ sau núi, cắt hai tên lính hầu hạ.

Cán ở đó vừa buồn vừa lo, ăn ngủ không yên. Đêm hôm ấy, trăng sao vằng vặc. Cán dạo ra sau am, nghe văng vẳng có tiếng đọc sách. Cán lần theo, mãi đến cạnh núi, thấy có căn nhà tranh, ánh đèn le lói. Cán nhòm vào thấy một người đang ngồi đọc binh thư, trước đèn treo một thanh kiếm. Cán nghĩ người này hẳn là dị nhân đây, liền gõ cửa vào chơi. Người đó ra đón Cán vào, tư thế rất trịnh trọng. Cán hỏi tên họ, người đó đáp:

- Tôi là Bàng Thống, tự là Sĩ Nguyên.

Cán nói:

- Có phải là Phượng Sồ tiên sinh đó không?

Thống đáp:

- Chính phải.

Cán mừng, nói:

- Tôi lâu nay vẫn nghe tiếng ngài, sao nay lại ẩn dật ở đây?

Thống nói:

- Chu Du cậy tài khinh người, nên tôi phải đến ở chỗ này. Xin hỏi ông là ai?

Cán đáp:

- Tôi là Tưởng Cán.

Thống mời vào thảo am nói chuyện. Cán nói:

- Cứ như tài của tiên sinh, đi đâu mà chẳng được trọng dụng. Nếu tiên sinh chịu sang với Tào công, tôi xin tiến dẫn.

Thống nói:

- Tôi muốn bỏ đất Giang Đông này đã lâu. Ông đã có lòng tiến dẫn, thì phải đi ngay mới được, nếu để chậm trễ, Chu Du biết, sẽ làm hại mất.

Ngay đêm hôm ấy, Thống cùng với Cán xuống núi, ra bờ sông tìm chiếc thuyền của mình trước, chở như bay về Giang Bắc.

Về đến trại, Cán vào trước, thuật chuyện lại với Tào Tháo. Tháo thấy có Phượng Sồ tiên sinh đến, ra ngay ngoài trướng đón vào, chia ngôi chủ khách ngồi chơi, rồi hỏi:

- Chu Du tuổi còn non choẹt mà đã hợm mình khinh người, không dùng được mưu hay. Tôi được nghe tiếng lớn của tiên sinh đã lâu, nay đã có lòng hạ cố, có điều gì xin tiên sinh cứ dạy bảo cho.

Thống thưa:

- Tôi vẫn được nghe thừa tướng dùng binh rất giỏi, nay xin cho được xem việc bố trí quân sĩ thế nào.

Tháo sai đem ngựa và mời Bàng Thống đi xem trại trên cạn trước. Hai người dóng ngựa lên chỗ cao đứng quan sát. Thống khen rằng:

- Những trại này tựa vào sườn núi, men rừng, trước sau liên hệ với nhau, ra vào có cửa, lui tới có đường, dẫu Tôn, Ngô, Nhương Thư ngày xưa cũng không thể hơn được!

Tháo nói:

- Tiên sinh chớ có quá khen, còn mong dạy bảo giúp cho.

Lại mời Thống đi xem trại dưới nước, thấy ở mé nam chia làm hai mươi bốn cửa, thuyền lớn bao bọc phía ngoài như một bức thành: Giữa là những thuyền nhỏ, lối ra vào thật phân minh. Thống cười, nói:

- Thừa tướng dụng binh thế này, tiếng đồn quả nhiên không ngoa!

Rồi lại trỏ sang Giang Nam, nói:

- Chu lang! Chu lang! Nay mai tất chết!

Tháo mừng lắm, về trại, mở tiệc thết đãi, cùng thống đàm luận về cách dùng binh. Thống lý lẽ hùng biện, ứng đối trôi chảy. Tháo kính phục lắm, ân cần mời mọc. Thống giả say, hỏi rằng:

- Bẩm thừa tướng, ở đây có thầy lang giỏi không?

Tháo hỏi:

- Cần thầy lang làm gì?

Thống nói:

- Tôi xem chừng thuỷ quân của thừa tướng ốm nhiều, cần có thầy lang giỏi mới chữa được.

Bấy giờ, quân Tào không quen thuỷ thổ, bệnh thổ tả phát ra, nhiều người bị chết. Tháo đang lo nghĩ, chợt nghe Thống nói thì làm gì chẳng phải hỏi. Thống bèn nói:

- Phương pháp luyện tập thuỷ quân của thừa tướng thật là tuyệt diệu, nhưng tiếc chưa được toàn diện.

Tháo hỏi gặng hai ba lần. Thống nói:

- Tôi có một kế, khiến cho thuỷ quân không mắc tật bệnh gì, có thể yên ổn thành công.

Tháo mừng lắm, hỏi kế hay. Thống nói:

- Trong sông lớn này, nước thuỷ triều khi lên khi xuống, sóng gió liên miên. Người phương bắc không quen ngồi thuyền bị sóng đánh nghiêng ngả mới sinh ra bệnh. Nếu đem thuyền lớn nhỏ, ghép lại thành từng cụm độ ba chục chiếc hoặc năm chục chiếc, đầu đuôi dùng xích sắt ghép liền với nhau, trên thuyền lát ván phẳng phiu, như thế chẳng những người đi lại dễ dàng, mà đến ngựa chạy cũng được. Nên làm ngay lúc này đi, thì còn lo chi thuỷ triều và sóng gió nữa.

Tào Tháo bước xuống tạ, nói:

- Giá tiên sinh không vạch cho kế hay này, thì phá sao được Đông Ngô!

Thống nói:

- Tôi cũng mới nghĩ nông cạn thế thôi, xin thừa tướng thử liệu xem có nên không?

Tháo lập tức truyền thợ rèn, ngày đêm đúc dây xích và đánh lớn ghép chặt các thuyền lại. Quân sĩ được tin, ai nấy đều mừng rỡ.

Người sau có thơ rằng:

Xích Bích dùng binh đánh hoả công

Bày mưu đặt mẹo khéo thông đồng

Nếu không có kế liên hoàn ấy

Công Cẩn làm sao lập được công?

Bàng Thống lại nói với Tào Tháo rằng:

- Tôi xem tình hình các bậc hào kiệt bên Giang Đông, lắm người oán Chu Du. Tôi xin đem ba tấc lưỡi, dụ bọn ấy về hàng thừa tướng. Còn một mình Chu Du không có người giúp đỡ tất bị thừa tướng bắt sống thôi. Du đã bị tan, thì Lưu Bị cũng chẳng giở trò gì được nữa.

Tháo nói:

- Tiên sinh lập được công to này, Tháo sẽ tâu với thiên tử, phong ngài làm chức tam công.

Thống nói:

- Tôi không phải vì phú quý đâu, chỉ muốn cứu dân đó thôi. Thừa tướng có sang sông, chớ nên tàn hại dân lắm.

Tháo nói:

- Tôi thay trời mà trị dân, lẽ đâu lại giết hại dân?

Thống xin tờ chứng nhận của Tháo để phòng khi quân Tháo kéo sang khỏi động chạm đến họ hàng nhà mình.

Tháo nói:

- Họ hàng tiên sinh ở cả đâu?

Thống thưa:

- Ở cả bờ sông bên kia, nếu được giấy đó thì bình an vô sự.

Tháo sai viết giấy đóng dấu vào rồi giao cho Thống. Thống lạy tạ nói:

- Sau khi tôi đi rồi, thừa tướng nên gấp rút tiến quân, chớ để cho Chu Du biết.

Tháo cho là phải. Thống từ biệt ra đến bờ sông, sắp bước chân xuống thuyền, bỗng có một người nắm chặt lấy Bàng Thống mà nói rằng:

- Ngươi to gan thật! Hoàng Cái dùng kế khổ nhục. Hám Trạch đưa thư trá hàng, còn ngươi lại đến bày kế liên hoàn. Ta chỉ sợ bọn ngươi đốt không xuể được thôi! Bọn ngươi mưu mô ác độc, chỉ lừa được Tào Tháo, chớ bịt sao nổi mắt ta!

Bàng Thống rụng rời hết vía.

Ấy là:

Cứ tưởng đông nam nhiều mẹo giỏi

Ai ngờ tây bắc lắm người khôn!

Chưa biết người ấy là ai, xem đến hồi sau sẽ hiểu.

Hồi 48

Mở tiệc yến, Tào Tháo ngâm thơ;

Khóa chiến thuyền, bắc quân dùng võ.

Bàng Thống nghe người đó nói giật nảy mình, vội ngoảnh lại trông thì là bạn cũ Từ Thứ. Trong bụng Thống bấy giờ mới yên. Nhìn trước nhìn sau không có ai, Thống mới nói:

- Nếu anh làm lộ kế của tôi, thì nhân dân tám mươi mốt châu bên Giang Nam đều do tay anh giết cả đấy!

Từ Thứ cười, nói:

- Thế còn tính mạng tám mươi ba vạn quân mã ở đây sẽ ra sao?

Thống nói:

- Nguyên Trực! Anh định phá kế của tôi thật à?

Thứ nói:

- Tôi đội ơn sâu Lưu hoàng thúc, không lúc nào quên. Tào Tháo làm mẹ tôi chết, tôi đã thề suốt đời không bày một mưu kế gì cho y cả; lẽ đâu tôi lại phá kế của anh? Chỉ vì tôi cũng ở trong đám quân này, một mai giao tranh gay go khốc liệt thì tránh sao khỏi tai nạn? Anh hãy bày cho tôi một kế thoát thân, tôi sẽ xin gắn miệng lại mà đi ngay chỗ khác.

Thống cười, nói:

- Nguyên Trực nghĩ xa lắm, nhưng kế ấy thì có khó gì!

Thống liền ghé vào tai Từ Thứ nói nhỏ vài câu. Thứ mừng rỡ, vái tạ. Thống từ biệt xuống thuyền về Giang Đông.

Lại nói, chiều hôm ấy, Từ Thứ sai người lẻn đến các trại, phao một tin đồn. Hôm sau, quân lính túm năn tụm ba, chỗ nào cũng ghé tai, chạm trán thì thầm với nhau. Quân do thám về báo với Tháo rằng: trong quân có tin đồn Hàn Toại, Mã Đằng ở Tây Lương làm phản đang kéo về đánh Hứa Đô.

Tháo giật mình, vội vàng họp các mưu sĩ lại bàn bạc:

- Ta dẫn quân sang đánh mặt nam, lúc nào cũng lo lắng về bọn Mã Đằng, Hàn Toại. Tin đồn chưa biết hư thực thế nào, nhưng cũng nên đề phòng mới được.

Tháo vừa dứt lời. Từ Thứ bước ra thưa:

- Tôi từ khi đội ơn thừa tướng thu dùng, chưa lập được chút công lao nào. Nay tôi xin lãnh ba nghìn quân mã, ra giữ ải Tản Quan, nếu xảy việc gì khẩn cấp, sẽ xin báo tin lên thừa tướng.

Tháo mừng, nói:

- Nếu Nguyên Trực chịu khó đi cho, ta không còn lo ngại gì nữa. Hiện ở cửa ải cũng đã có quân sĩ, ông thống lĩnh cả một thể. Ta cấp cho ông ba nghìn quân mã bộ nữa, cùng Tang Bá làm tiên phong, ông nên lập tức đi ngay, đừng trì hoãn.

Từ Thứ từ biệt Tào Tháo, cùng Tang Bá lĩnh quân đi. Đó chính là kế Bàng Thống cứu Từ Thứ.

Đời sau có thơ rằng:

Tào Tháo nam chinh dạ những sầu,

Lo vì Đằng, Toại nổi qua mâu.

Một lời Bàng Thống xui Nguyên Trực,

Có khác chi như cá thoát câu.

Tào Tháo từ khi sai Từ Thứ đi khỏi, trong bụng tạm yên. Một hôm, cưỡi ngựa đi xem xét chung quanh các trại trên bộ, rồi đến thuỷ trại. Tháo đi trên chiếc thuyền to, giữa cắm cờ hiệu chữ Suý. Hai bên bày thuỷ trại, trên thuyền phục hơn một nghìn tay cung nỏ. Tháo ngồi chót vót tầng trên.

Hôm 15 tháng 11 năm Kiến An thứ mười hai (207) khí trời tạnh tẽ, sóng gió êm lặng, Tháo sai mở một tiệc rượu có cả ca nhạc trên thuyền to để hội các tướng. Trời tối dần, vầng trăng hiện trên đỉnh núi phía Đông, vằng vặc như ban ngày: dải sông Trường Giang nằm vắt ngang như tấm lụa. Tháo ngồi trên thuyền, ta hữu vài trăm người, mặc toàn gấm vóc, vác qua, cầm kích đứng hầu hai bên. Các quan văn võ ngồi theo ngôi thứ. Tháo đứng ngắm bốn phương trời mênh mông, bát ngát: dãy núi Nam Bình lồ lộ như tranh vẽ; phía Đông bờ cõi Sài Tang, phía Tây sông dài Hạ Khẩu; phía Nam dãy núi Phàn Sơn; phía Bắc khu rừng Ô Lâm. Tháo lấy làm khoan khoái, nói với quan quân:

- Ta từ khi khởi nghĩa, vì nước trừ những kẻ hung bạo, thề quyết quét sạch bốn biển, san phẳng thiên hạ, duy chỉ còn Giang Nam là chưa lấy được thôi! Nay ta có trăm vạn hùng binh, lại nhờ sức các ông, lo gì chẳng thành công? Sau khi ta thu phục được Giang Nam, thiên hạ yên ổn rồi, ta sẽ tha hồ cùng với các ông chung hưởng phú quý, vui vẻ đời thái bình!

Văn võ cùng đứng dậy nói:

- Chúng tôi chỉ mong sao thừa tướng chóng thành công, trọn đời chúng tôi đều được nhờ phúc ấm của thừa tướng.

Tháo mừng lắm, sai tả hữu đi rót rượu mời các quan. Uống mãi đến đêm, Tháo say, trỏ sang phía Nam, nói:

- Bớ Chu Du! Lỗ Túc! Chúng mày không biết lòng trời. Nay may có người của chúng mày đến hàng ta làm nội ứng, phá từ trong phá ra, đó là trời giúp ta vậy!

Tuân Du thưa:

- Thừa tướng không nên nói, e bị tiết lộ.

Tháo cười ha hả, nói:

- Mọi người có mặt ở đây đều là tâm phúc của ta cả, nói ra có ngại gì!

Lại trỏ sang Hạ Khẩu nói:

- Bớ Lưu Bị, Gia Cát Lượng kia! Bọn mày không biết sức mình như con sâu cái kiến, cứ hòng đẩy núi Thái Sơn. Sao ngu lắm thế?

Rồi ngoảnh lại bảo các quân:

- Ta nay đã 54 tuổi rồi, nếu lấy được Giang Nam thì sở nguyện của ta cũng đạt được. Khi xưa, ta quen thân với Kiều công ở Giang Nam, biết ông có hai người con gái xinh đẹp tuyệt trần. Về sau, không ngờ về tay Tôn Sách và Chu Du. Ta vừa xây xong đài Đồng Tước trên bờ sông Chương, nếu hạ được Giang Nam, ta sẽ bắt hai nàng Kiều ấy đem về đài Đồng Tước, để vui hưởng tuổi già, ta mới mãn nguyện!

Nói rồi cười ầm cả lên!

Ông Đỗ Mục ở đời nhà Đường có vịnh một bài thơ rằng:

Dưới cát gươm chìm, sắt chửa tiêu,

Giữa mài nhận biết việc tiên triều.

Gió đông nếu chẳng vì Công Cấn,

Đồng Tước đêm xuân khoá nhị Kiều!

Tào Tháo đang vui cười, bỗng thấy con quạ vừa kêu vừa bay về phía Nam. Tháo hỏi:

- Quạ ấy làm sao mà đang đêm lại kêu?

Tả hữu bẩm:

- Quạ thấy sáng trăng, tưởng trời đã sáng, cho nên bay ra kêu.

Tháo lại cười ầm lên.

Bấy giờ, Tháo đã quá say, cầm một ngọn giáo, đứng trên mũi thuyền, đổ một chén rượu xuống sông rồi lại uống luôn ba chén đầy nữa, cắp ngang ngọn giáo, nói với các tướng:

- Từ khi ta cầm ngọn giáo này, phá Khăn vàng, bắt Lã Bố, diệt Viên Thuật, thu Viên Thiệu, thọc sâu vào Tái Bắc, ruỗi thẳng đến Liêu Đông, tung hoành bốn bể, thật không phụ ý chí của kẻ đại trượng phu! Ta làm một bài hát, các ông đều hoạ chơi cho vui.

Bài hát rằng:

Cuộc vui có được là mấy chốc?

Có khác chi hạt móc sáng ngày.

Nguồn sâu lai láng vơi đầy,

Giải phiền hoạ có rượu này làm vui!

Tràng áo xanh ngậm ngùi lòng tớ.

Hươu ngoài đồng hớn hở gọi nhau.

Khách ta, ta đã gặp nhau,

Gảy đàn, thổi sáo ngó hầu thêm vui!

Trăng sáng tỏ, bùi ngùi trong dạ,

Nỗi lo này biết ngỏ cùng ai?

Chuyện trò kể lể xa xôi,

Nhớ người nghĩa cũ cười vui đề huề…

Quạ đêm trăng bay về nam hậu,

Lượn ba vòng biết đậu cành nao?

Nước càng sâu, núi càng cao,

Chu công trọng khách xôn xao kéo về…

Tháo hát đoạn, mọi người hoạ theo, cười đùa vui vẻ. Bỗng một người bước vào, nói:

- Giữa lúc hai bên đang đối địch, tướng sĩ đang cố sức, sao thừa tướng nói gở vậy?

Tháo nhìn xem thì là Lưu Phúc, thứ sử Dương Châu. Phúc trước làm quan ở Hợp Phì, xây đắp nhiều thành quách, tập họp những dân xiêu tán, mở trường học, khai khẩn ruộng đất, dạy dỗ nhân dân. Phúc theo Tào Tháo đã lâu, lập được nhiều công trạng.

Khi ấy, Tháo cắp ngang ngọn mâu, hỏi lại rằng:

- Ta nói gở điều gì?

Phúc thưa:

- Những câu: “Trăng sáng… Quạ bay lượn ba vòng… Không biết đậu vào đâu…”, là những câu gở.

Tháo nổi giận, nói:

- Mày sao dám bẻ tao?

Nói rồi phóng một ngọn giáo, đâm chết Lưu Phúc. Ai cũng kinh hãi, bữa tiệc cũng tan.

Hôm sau, Tháo tỉnh rượu, hối hận quá. Con Phúc là Lưu Hy kêu xin đem thây cha về táng. Tháo khóc, nói:

- Hôm qua, ta say rượu quá, lỡ giết mất cha ngươi, giờ hối lại không kịp mất rồi. Vậy nên dùng lễ tam công làm ma cho cha ngươi.

Lại sai quân sĩ hộ tống linh cữu đưa về an táng.

Hôm sau, thuỷ quân đô đốc Mao Giới và Vu Cấm vào bẩm rằng:

- Các thuyền lớn nhỏ đã ghép đâu vào đấy, tinh kỳ khí giới cũng đủ cả. Xin thừa tướng điều khiển cho quân sĩ luyện tập để nay mai cất quân.

Tháo ra trại thuỷ, ngồi trên một chiến thuyền to ở chính giữa đòi các tướng đến nghe lệnh. Quân thuỷ và quân bộ đều chia làm năm hiệu cờ. Quân thuỷ, tướng trung quân cờ vàng là Mao Giới, Vu Cấm; tướng tiền quân cờ đỏ là Trương Cáp; tướng hậu quân cờ đen là Lã Kiền; tướng tả quân cờ xanh là Văn Sính; tướng hữu quân cờ trắng là Lã Thông. Quân mã bộ thì Từ Hoảng làm tướng tiền quân, cờ đỏ; Lý Điển làm tướng hậu quân, cờ đen; Nhạc Tiến làm tướng tả quân, cờ xanh; Hạ Hầu Uyên làm tướng hữu quân, cờ trắng; Hạ Hầu Đôn, Tào Hồng thì tiếp ứng cả hai đường thuỷ lục; Hứa Chử, Trương Liêu hộ vệ và đi lại đốc chiến. Còn bao nhiêu tướng tá, đội nào cứ theo đội ấy mà đi.

Lệnh truyền vừa dứt, trong trại thuỷ nổi ba hồi trống, các đội thuyền buồm lần lượt theo từng cửa tiến ra. Hôm ấy nổi gió tây bắc, buồm vải kéo lên, các thuyền xông pha sóng gió vững chắc như đi trên mặt đất. Quân sĩ trên thuyền nhảy nhót ra oai, kẻ phóng giáo, người múa gươm tả hữu, trước sau, đội nào cơ ấy, rất là nghiêm chỉnh. Lại có hơn năm chục chiếc thuyền nhỏ ở ngoài, đi lại tuần phòng, đốc thúc. Tháo đứng trên tường đài quan sát quân tập luyện, trong bụng vui mừng, cho rằng quân tướng thế này đánh đâu chẳng được. Liền sai hạ buồm, thuyền nào lại theo đội ấy kéo về trại.

Tháo lên trướng, nói với các mưu sĩ:

- Nếu không có trời giúp, thì sao ta được diệu kế của Phượng Sồ? Dây xích ghép thuyền thành cụm, quả nhiên đi dưới nước như đi trên đất bằng!

Trình Dục thưa:

- Thuyền ghép cả lại làm một tuy vững chắc thật, nhưng nếu bị đánh hoả công thì khó bề xoay xở, không thể không đề phòng được.

Tháo cười lớn, nói:

- Ngươi tuy cũng đã lo xa, nhưng chưa hiểu biết đầy đủ.

Tuân Du nói:

- Trọng Đức nói phải đấy, sao thừa tướng còn cười?

Tháo nói:

- Phép đánh hoả công phải nhờ sức gió. Đang mùa này, chỉ có gió tây bắc, làm gì có gió đông nam. Nếu nó dùng hoả công tức là nó lại đốt quân nó, đây ta có sợ gì? Giả thử vào tiết tiểu xuân tháng mười thì ta đã phòng bị từ lâu rồi!

Các tướng đều phục lắm, nói:

- Thừa tướng cao kiến lắm, chúng tôi còn kém xa!

Tháo ngoảnh lại bảo các tướng:

- Quân các châu Thanh, Từ, Yên, Đại, xưa nay không quen cưỡi thuyền. Nay không dùng kế ấy, thì qua thế nào được đại Trường Giang hiểm trở?

Bỗng hai tướng nhảy ra, bẩm rằng:

- Tiểu tướng tuy sinh trưởng ở U, Yên, nhưng ngồi thuyền đánh thuỷ cũng được. Nay xin thừa tướng cho mượn hai chục chiếc thuyền tuần tiễu, bơi thẳng sang bờ nam, cướp lấy cờ trống đem về, để mọi người biết quân miền bắc đánh thuyền cũng giỏi.

Tháo nhìn xem thì là Tiêu Súc và Trương Nam tướng cũ Viên Thiệu, Tháo nói:

- Các ngươi sinh trưởng miền bắc, e đánh thuyền không quen. Quân Giang Nam qua lại trên mặt nước, luyện tập thành thạo, chớ nên khinh thường mà đùa với tính mạng.

Hai người kêu to rằng:

- Nếu không đánh được, xin chịu thi hành quân pháp.

Tháo nói:

- Chiến thuyền đã ghép liền cả rồi, chỉ còn thuyền nhỏ, chở độ vài chục người, e đánh nhau không tiện.

Tiêu Súc bẩm:

- Nếu dùng thuyền to, sao gọi là tài? Chúng tôi chỉ xin lĩnh hai chục chiếc thuyền nhỏ, chia đôi mỗi người dẫn một nửa, sang thẳng trại thuỷ Giang Nam, cướp được cờ chém được tướng trở về mới nghe.

Tháo nói:

- Ta trao cho các ngươi hai chục chiếc thuyền và năm trăm quân tinh tráng, mang toàn giáo dài nỏ cứng; sáng mai sẽ huy động các thuyền trong trại thuỷ ra giữa sông làm thanh thế và sai Văn Sính dẫn ba chục chiếc thuyền đi tuần để tiếp ứng cho hai người về.

Tiêu Súc, Trương Nam mừng rỡ lui ra.

Hôm sau, canh tư thổi cơm, canh năm nai nịt gọn gàng, trong trại thuỷ chiến trống nổi lên thuyền bè ùa ra, dàn trên mặt sông. Một dải Trường Giang, cờ hiệu xanh đỏ rợp trời. Tiêu Súc và Trương Nam dẫn hai chục chiếc thuyền tuần tiễu, xuyên qua trại tiến lên, nhắm Giang Nam lướt tới.

Nói về bên Giang Nam, từ hôm trước nghe tiếng trống đánh ầm ầm; ở xa trông sang thấy Tào Tháo điểm duyệt quân thuỷ; quân sĩ vào báo với Chu Du. Du trèo lên núi cao quan sát, nhưng quân Tào đã thu cả về trại rồi. Hôm sau trống lại thúc ầm ĩ, quân sĩ trèo lên gò cao nhòm sang thấy một số thuyền nhỏ rẽ sóng bơi đến. Du hỏi các tướng ai dám ra địch, thì Hàn Đương, Chu Thái, hai người cùng đứng ra nói:

- Tôi xin tạm làm tiên phong phá địch!

Du mừng rỡ truyền lệnh cho các trại phải giữ gìn cẩn thận, không đâu được khinh động. Hàn Đương, Chu Thái, mỗi người lĩnh năm chiếc thuyền tuần tiễu chia làm hai ngả kéo ra.

Lại nói Tiêu Súc, Trương Nam cậy có sức mạnh, chèo thuyền như bay sang bờ nam. Hàn Đương chỉ mặc một áo giáp che ngực, tay cầm giáo dài, đứng trên đầu thuyền. Thuyền Tiêu Súc đến trước, sai quân bắn tới tấp sang thuyền Đông Ngô, Đương giơ lá mộc lên đỡ. Tiêu Súc khoa giáo dài đâm Hàn Đương, bị Đương đâm lại một mũi, chết gục ngay xuống. Trương Nam ở phía sau, thét lên ruổi tới. Chu Thái chèo thuyền ra địch. Trương Nam vác giáo đứng trên mũi thuyền, hai bên cung nỏ bắn nhau tới tấp. Chu Thái tay mộc tay đao, khi hai thuyền còn cách nhau độ bảy tám thước, Chu Thái nhảy ngay sang thuyền Trương Nam, chém một nhát, Nam ngã lăn xuống nước. Thái múa đao chém lia lịa, thuyền địch tan chạy. Hàn Đương, Chu Thái thúc thuyền đuổi đánh, ra đến giữa sông vừa gặp thuyền Văn Sính đến, hai bên lại dàn thuyền kịch chiến.

Chu Du dẫn các tướng trèo lên đỉnh núi trông sang bờ bắc, thấy thuyền to dàn khắp mặt nước, cờ hiệu phấp phới, hàng ngũ chỉnh tề. Lại ngoảnh xem Hàn Đương, Chu Thái cầm cự với Văn Sính; hai người dốc toàn lực ra đánh, Văn Sính phải bỏ chạy. Hai người thúc thuyền đuổi theo. Du sợ đuổi vào nơi nguy hiểm, liền phất cờ trắng và sai khua chiêng thu quân. Hai người mới quay thuyền về trại.

Chu Du vẫn còn đứng trên núi, nhìn chiến thuyền bên kia vào cả thuỷ trại, ngoảnh lại bảo các tướng rằng:

- Chiến thuyền Giang Bắc nhiều hơn lá tre, Tào Tháo lại nhiều mưu kế, ta tìm cách gì phá cho được?

Mọi người chưa kịp thưa lại, bỗng thấy lá cờ vàng giữa trại Tào bị cơn gió to thổi gãy gục, bay ra giữa sông. Du cười lớn, nói:

- Đó là điềm không hay rồi!

Du đang mải quan sát, bỗng một trận gió đùng đùng thổi đến, sóng vật tới bờ. Cái dải cờ bay tạt vào mặt Chu Du. Du sực nghĩ tới điều gì, bỗng kêu rú lên một tiếng rồi ngã vật ra phía sau, miệng thổ máu tươi. Các tướng vội vàng vực Du đứng dậy, thì Du đã mê man không biết gì nữa rồi.

Rõ là:

Vừa mới cười xong sao bỗng ngất,

Quân nam đâu dễ phá quân Tào.

Chưa biết tính mạng Chu Du thế nào, xem đến hồi sau sẽ rõ.

Hồi 49

Đàn Thất tinh, Gia Cát cầu phong;

Cửa Tam Giang, Chu Du phóng hỏa.

Lại nói Chu Du đứng trên đỉnh núi, quan sát hồi lâu, bỗng nhiên ngã vật về phía sau, miệng thổ máu tươi, bất tỉnh nhân sự. Tả hữu vực vào trướng, các tướng đến thăm; ai nấy đều ngơ ngác nhìn nhau, nói:

- Quân Tào hàng trăm vạn, khác nào hổ rình kình đớp. Không may, đô đốc bị tai nạn thế này, nếu quân Tào kéo đến, thì làm thế nào?

Lập tức một mặt sai người về báo với Ngô hầu; một mặt tìm thấy thuốc điều trị.

Lỗ Túc thấy Chu Du nằm một chỗ, trong lòng buồn bã, đến chơi Khổng Minh, thuật chuyện Chu Du bị bệnh bất ngờ.

Khổng Minh nói:

- Theo ý ông thì ra làm sao?

Túc nói:

- Đó cũng là phúc Tào Tháo mà vạ Đông Ngô thôi!

Khổng Minh cười, nói:

- Bệnh Công Cẩn, tôi có thể chữa được.

Túc nói:

- Nếu được như thế, thì may cho Đông Ngô quá!

Liền mời Khổng Minh cùng đến thăm Chu Du.

Lỗ Túc vào trước ra mắt Chu Du, thấy Du trùm chăn kín đầu. Túc hỏi:

- Bệnh tình đô đốc ra sao?

Du nói:

- Ruột gan đau quặn, thỉnh thoảng lại mê mẩn.

Túc hỏi:

- Đô đốc đã dùng thuốc gì rồi?

Du nói:

- Uống vào lại nôn oẹ ra, không thuốc nào chịu.

Túc nói:

- Tôi vừa đến chơi Khổng Minh, Khổng Minh nói có thể chữa được bệnh đô đốc. Ông ta đang ở ngoài trướng, xin cho mời vào khám chữa!

Du sai mời vào, rồi bảo tả hữu đỡ dậy ngồi trên giường.

Khổng Minh nói:

- Mấy bữa nay không đến hầu, ngờ đâu ngọc thể bất an!

Du nói:

- Người ta hoạ phúc sớm tối khôn lường, biết đâu mà giữ cho xuể!

Khổng Minh cười, nói:

- Trời kia gió mưa bất thường, người ta có liệu trước được không?

Du nghe nói tái mặt đi, rên khừ khừ.

Khổng Minh hỏi:

- Trong bụng đô đốc, nghe như hơi đầy có phải không?

Du đáp:

- Phải.

Khổng Minh nói:

- Nên uống những vị thuốc mát mới được.

Du nói:

- Tôi đã uống nhưng đều vô hiệu.

Khổng Minh nói:

- Trước hết phải chữa cái khí, nếu khí thuận, thì thở hít cũng dễ, rồi tự nhiên sẽ khỏi bệnh.

Du tin chắc Khổng Minh hiểu được ý mình, liền hỏi thử rằng:

- Muốn cho thuận được khí, nên uống thuốc gì?

Khổng Minh cười, nói:

- Tôi có một phương thuốc, làm cho đô đốc thuận được khí.

Du hỏi:

- Phương thuốc gì, xin tiên sinh cho biết?

Khổng Minh mượn giấy bút, bảo tả hữu lui ra ngoài rồi viết mười sáu chữ như sau:

“Muốn đánh Tào công

Phải dùng hoả công

Muôn việc đủ cả

Chỉ thiếu gió đông”.

Viết xong, đưa cho Chu Du và nói:

- Căn bệnh của đô đốc ở đây!

Du xem xong giật mình, nghĩ rằng:

- Khổng Minh thật là thần thánh, biết hết cả ruột gan ta! Cần phải nói rõ sự thật mới xong!

Rồi cười, nói với Khổng Minh:

- Tiên sinh đã biết gốc bệnh của tôi, vậy phải dùng thuốc gì trị được? Việc gấp đến nơi rồi, xin dạy cho.

Khổng Minh nói:

- Tôi tuy rằng bất tài, nhưng có gặp được một dị nhân truyền cho quyển “Kỳ môn độn giáp thiên thư” có thể gọi được gió, bảo được mưa. Đô đốc muốn cần đến gió đông nam, thì phải lập đàn tại núi Nam Bình, gọi là đàn Thất tinh, bề cao chín thước, chia làm ba tầng, dùng một trăm hai chục người cầm cờ đứng xung quanh. Tôi xin lên đàn, dùng phép, mượn gió đông nam thật to ba ngày ba đêm để đô đốc dùng binh. Đô đốc nghĩ thế nào?

Du nói:

- Chẳng cần đến ba ngày ba đêm, chỉ một đêm gió to là xong việc. Nhưng xin tiên sinh phải làm ngay cho, chớ để chậm chạp.

Khổng Minh nói:

- Ngày 20 tháng 11 là ngày giáp tý, bắt đầu tế gió, đến ngày 22 là ngày bính dần thì gió im, có được không?

Du nghe nói mừng lắm, đứng choàng dậy, lập tức sai quân đến núi Nam Bình đắp đàn, và điều một trăm hai mươi tên lính cầm cờ giữ đàn, sẵn sàng nghe lệnh.

Khổng Minh từ biệt Chu Du, cùng với Lỗ Túc lên ngựa đến núi Nam Bình, xem xét địa thế. Rồi sai quân sĩ lấy đất đỏ ở phương đông nam đắp đàn, chu vi rộng 24 trượng mỗi tầng cao ba thước, cả thảy là chín thước.

Tầng dưới cắm 28 lá cờ sao.

Phương đông 7 lá cờ xanh, theo hình chòm sao Thanh long là: giốc, cang, đê, phòng, tâm, vĩ, cơ. Phương bắc 7 lá cờ đen, theo hình chòm sao Huyền vũ là: đẩu, ngưu, nữ, hư nguy, thất, bích. Phương tây 7 lá cờ trắng, theo hình chòm sao Bạch hổ là: khuê, lâu, vị, mão, tất, thuỷ, sâm. Phương nam 7 lá cờ đỏ, theo hình chòm sao Chu tước là: tỉnh, quỷ, liễu, tính, trương, dực, chẩn.

Tầng thứ hai 64 lá cờ cắm xung quanh, theo phương vị 64 quẻ, đứng dàn ra tám mặt.

Tầng trên nữa dùng bốn người; người nào cũng phải đội mũ bịt tóc, mặc áo the thâm, áo dài đai rộng, giày đỏ quần vuông. Mé trước, một người đứng bên tả, cầm cái cần dài, trên đầu cầm cắm lông gà, để chiêu gió; một người đứng bên hữu cũng cầm cái cần dài, trên đầu cần buộc cờ hiệu thất tinh, để khiến chiều gió. Mé sau, một người bên tả cắp thanh bảo kiếm, một người bên hữu bưng cái lư hương. Ở dưới chân đàn lại có 24 người vác cờ xí và khí giới đứng quanh bốn phía.

Đến ngày 20 giáp tý, tháng 11, giờ tốt, Khổng Minh tắm gội sạch sẽ, mặc áo phù thuỷ, xoã tóc đi chân không đến trước đàn, dặn Lỗ Túc:

- Ông về giúp Chu Du điều quân, nếu tôi cầu không được gió cũng đừng nên trách.

Lỗ Túc từ biệt ra về. Khổng Minh dặn các tướng sĩ coi đàn:

- Không ai được tự tiện bỏ chỗ đứng mà đi chỗ khác; không ai được quay đầu ghé tai, nói năng bậy bạ; không ai được thất kinh sợ hãi. Ai trái lệnh sẽ bị chém đầu!

Chúng đều tuân lệnh răm rắp:

Khổng Minh khoan thai bước lên đàn, quan sát phương hướng đâu đấy, đốt hương rót nước, ngẩng mặt lên trời khấn thầm một hồi, rồi xuống đàn vào trướng nghỉ. Lại truyền cho quân sĩ thay đổi nhau ăn uống.

Mỗi ngày Khổng Minh lên đàn ba lần, xuống đàn ba lần, mà mãi vẫn không thấy có gió đông nam.

Đây nói Chu Du mời Trình Phổ, Lỗ Túc và các tướng chực sẵn dưới trướng, chỉ đợi có gió đông nam là cất quân đi. Một mặt báo tin cho Tôn Quyền để tiếp ứng. Hoàng Cái đã dự sẵn hai chục chiếc hoả thuyền, mũi thuyền cắm chông sắt, trong thuyền chứa đầy lau sậy, củi khô tẩm dầu mỡ, trên rắc lưu hoàng, diêm tiêu, dùng vải xanh che kín. Trên mũi thuyền cắm cờ xanh, đuôi thuyền đóng sẵn một cái xuồng dự bị, sẵn sàng đợi lệnh Chu Du.

Cam Ninh, Hám Trạch kèm riết Sái Trung, Sái Hoà trong thuỷ trại, ngày nào cũng uống rượu, không cho một tên lính nào lên đến bờ; xung quanh toàn là quân mã Đông Ngô bao vây chặt chẽ, chờ lệnh cấp trên.

Chu Du đang ngồi bàn việc trong trướng, có thám tử vào báo rằng:

- Thuyền của Ngô hầu đã bỏ neo cách trại tám mươi lăm dặm, chỉ đợi tin lành của đô đốc.

Du liền sai Lỗ Túc truyền báo cho quan quân, tướng sĩ: ai nấy đều phải thu xếp thuyền bè, khí giới cho đủ; khi nào có lệnh xuống, không được chậm chạp một phút nào, nếu ai lầm lỡ, lập tức chiếu quân pháp trị tội. Các tướng được lệnh ấy, ai nấy khoa chân múa tay, sẵn sàng chiến đấu.

Hôm ấy, trời gần tối, bầu trời sáng sủa, không phe phẩy một tí gió nào. Du nói với Lỗ Túc:

- Khổng Minh nói sai rồi, trời đông tháng rét thế này, làm gì có được gió đông nam?

Túc nói:

- Tôi chắc Khổng Minh không phải là người nói bậy.

Gần đến canh ba, bỗng nhiên nghe thấy tiếng gió thổi, cờ quạt tung bay. Du ra trướng xem, thấy đuôi cờ bay về phía tây bắc. Một lát, gió đông nam nổi lên ầm ầm, Du giật mình nói:

- Người này có phép đoạt được trời đất, có thuật tài hơn quỷ thần. Nếu để sống thì thế nào cũng gây vạ lớn cho Đông Ngô, chi bằng giết trước để khỏi lo về sau.

Nói rồi, lập tức gọi hai tướng bộ quân đô uý là Đinh Phụng, Từ Thịnh, đến bảo rằng:

- Hai người dẫn một trăm quân, Từ Thịnh đi đường thuỷ, Đinh Phụng đi đường bộ, cùng đến cả đàn Thất tinh ở núi Nam Bình, không hỏi han chi cả, cứ việc chặt phăng ngay đầu Gia Cát Lượng, đem về đây lấy thưởng.

Hai tướng lĩnh mệnh. Từ Thịnh dẫn một trăm tay đao phủ, nhổ thuyền đi trước, Đinh Phụng dẫn một trăm tay cung nỏ lên ngựa đi sau, đến cả núi Nam Bình. Dọc đường thấy gió đông nam đang nổi to lắm.

Người đời sau có thơ rằng:

Xoã tóc lên đàn khấn gió đông.

Gió đâu phút chốc nổi đùng đùng,

Ví không Gia Cát dùng mưu lạ,

Công Cẩn khôn ngoan luống uổng công?

Quân mã Đinh Phụng đến trước; trông lên thấy tướng sĩ đang cầm cờ đứng đón gió trên đàn. Phụng xuống ngựa, cắp gươm lên đàn, không thấy Khổng Minh đâu, đâm hoảng, hỏi các tướng sĩ ở đó, thì họ nói Khổng Minh vừa xuống đàn đi rồi. Phụng vội vàng xuống đàn đi tìm thì thuyền Từ Thịnh cũng vừa đến. Hai người tụ ở bờ sông. Tiểu tốt báo rằng chiều hôm qua, có một chiếc thuyền đỗ ở bến trước mặt và mới rồi thấy Khổng Minh xoã tóc xuống thuyền, thuyền ấy vừa ngược sông. Hai tướng lập tức chia làm hai đường thuỷ lục đuổi theo.

Từ Thịnh sai kéo căng buồm, lướt nhanh như gió. Đuổi cách thuyền trước không xa mấy, Thịnh đứng trên mũi thuyền gọi to lên rằng:

- Quân sư đừng đi vội, đô đốc tôi có lời mời!

Khổng Minh đứng ở sau thuyền cười ha hả nói:

- Ông hãy về bẩm với đô đốc dùng binh cho khéo, Lượng tôi tạm về Hạ Khẩu, khi khác sẽ xin đến hầu.

Từ Thịnh nói:

- Xin hãy dừng thuyền một chút, có việc khẩn cấp muốn nói.

Khổng Minh nói:

- Ta đã biết đô đốc chẳng dung, thể nào cũng sai giết ta, nên đã dặn trước Tử Long đến đón, tướng quân không cần phải đuổi theo nữa!

Từ Thịnh thấy thuyền Khổng Minh không có buồm nên cố sức đuổi theo; khi đuổi gần kịp, thấy Triệu Tử Long giương cung đặt tên, đứng ở lái thuyền, gọi to lên rằng:

- Ta là Triệu Tử Long ở Thường Sơn đây! Ta phụng mệnh đến đón quân sư, sao ngươi dám đuổi theo? Đáng lẽ ta cho một phát tên kết liễu đời người mới phải, nhưng e mất tình hoà khí giữa hai nhà. Song cũng phải cho ngươi biết tay ta mới được!

Nói đoạn bắn một phát, đứt phăng dây cột buồm ở thuyền Từ Thịnh; cánh buồm rơi xuống sông, thuyền quay ngang ngay ra. Triệu Tử Long liền sai giương buồm theo chiều gió mà đi, thuyền bay vùn vụt như tên, đuổi cũng không kịp. Đinh Phụng ở trên bờ, gọi Từ Thịnh ghé thuyền vào, bảo rằng:

- Gia Cát Lượng mưu thần tài thánh, không ai bì được. Lại có Triệu Vân, sức địch muôn người. Ngươi có biết trận đánh ở Đương Dương, Trường Bản không? Chúng mình chỉ việc quay về báo là hơn cả.

Hai tướng bèn về ra mắt Chu Du, thuật lại việc Khổng Minh đã hẹn trước Triệu Vân sang đón. Chu Du giật mình nói:

- Người này đa mưu quá, làm cho ta chẳng yên tâm chút nào.

Lỗ Túc nói:

- Hãy để phá xong Tào Tháo, rồi ta sẽ liệu.

Du đồng ý, đòi các tướng đến nghe lệnh. Trước hết, sai Cam Ninh đem Sái Trung và hàng binh đi men theo bờ phía nam, mang toàn cờ hiệu, đến thẳng rừng Ô Lâm là kho lương của Tào Tháo, kéo sâu vào đến nơi, đốt lửa lên làm hiệu. Chỉ để một mình Sái Hoà ở lại trong trại, có việc dùng đến.

Thứ nhì, gọi Thái Sử Từ vào dặn:

- Ngươi lĩnh ba nghìn quân, đến thẳng địa giới Hoàng Châu, chặn đường quân Tào ở Hợp Phì đến tiếp ứng. Lúc nào giáp chiến quân Tào thì đốt lửa làm hiệu; trông thấy cờ đỏ tức là quân tiếp ứng của Ngô hầu tới. Hai đội này đi xa hơn cả, phải đi trước.

Thứ ba, gọi đến Lã Mông, lĩnh ba nghìn quân đi ra rừng Ô Lâm để tiếp ứng Cam Ninh, đốt trại Tào Tháo.

Thứ tư, sai Lăng Thống lĩnh ba nghìn quân, chặn ngang biên giới Di Lăng, hễ thấy Ô Lâm nổi lửa, thì dẫn quân đến tiếp ứng.

Thứ năm, gọi Đổng Tập lĩnh ba nghìn quân đến thẳng Hán Dương theo đường Hán Xuyên đánh vào trại Tào Tháo, hễ nhìn thấy cờ trắng, kéo ra Hán Dương tiếp ứng Đổng Tập.

Sáu đội chiến thuyền chia đường cùng tiến.

Lại sai Hoàng Cái chuẩn bị hoả thuyền, một mặt cho quân mang thư hẹn với Tào Tháo đêm nay đến hàng; một mặt điều bốn đội thuyền đi theo Hoàng Cái để tiếp ứng. Đội nhất là Hàn Đương, đội nhì là Chu Thái, đội ba là Tưởng Khâm, đội tư là Trần Vũ. Mỗi đội mang ba trăm chiếc thuyền, hai chục chiếc hoả thuyền đi hàng đầu. Chu Du cùng với Trình Phổ ngồi trên chiếc thuyền to đốc chiến; Từ Thịnh, Đình Phụng làm tả hữu hộ vệ. Còn Lỗ Túc, Hám Trạch và bọn mưu sĩ ở nhà giữ trại. Trình Phổ thấy Chu Du có tài điều khiển quân sĩ rất lấy làm kính phục.

Lại nói, Tôn Quyền sai sứ mang ấn tín đến báo Chu Du là đã cử Lục Tốn làm tiên phong, tiến thẳng ra Kỳ Hoàng, Ngô hầu tự đem quân làm tiếp ứng. Du lại sai người đốt hoả pháo ở núi Tây Sơn, và phất cờ hiệu ở núi Nam Bình. Đâu đấy chuẩn bị đầy đủ, chỉ đợi đến chập tối là khởi sự.

Nói về Lưu Huyền Đức ở Hạ Khẩu, đương chờ Khổng Minh về, chợt thấy một đội thuyền kéo đến, là thuyền Lưu Kỳ lại thăm dò tình hình. Huyền Đức mời ngồi trên lầu và nói:

- Gió Đông Nam nổi đã lâu, mà Tử Long đi đón Khổng Minh vẫn chưa thấy về, tôi rất lo ngại.

Quân sĩ chỉ đằng xa về phía Phàn Khẩu nói:

- Chiếc thuyền buồm căng gió tiến lại kia, chắc là thuyền quân sư rồi!

Huyền Đức, Lưu Kỳ vội vàng xuống đón. Phút chốc thuyền ghé vào bờ. Khổng Minh và Tử Long bước lên. Huyền Đức mừng rỡ, hỏi han trò chuyện, Khổng Minh nói:

- Các việc khác xin hãy để thư thả; khi trước, tôi có hẹn quân mã và chiến thuyền, đã thu xếp xong chưa?

Huyền Đức nói:

- Xong đã lâu, chỉ đợi quân sư về cắt đặt.

Khổng Minh cùng với Huyền Đức, Lưu Kỳ lên trướng ngồi, rồi bảo Tử Long:

- Tử Long đem ba nghìn quân mã sang sông, đi tắt đến đường hẻm Ô Lâm, tìm chỗ nào cây cối rậm rạp mai phục. Cuối canh tư đêm nay, Tào Tháo thế nào cũng chạy qua đường ấy, đợi quân Tào đi được nửa chừng thì đốt lửa lên, đổ ra mà đánh. Tuy không giết được cả, nhưng chắc giết được một nửa.

Vân nói:

- Ô Lâm có hai đường, một đường sang Nam Quận, một đường về Kinh Châu, biết đón ở đường nào?

Khổng Minh nói:

- Nam Quận địa thế hiểm lắm, Tào Tháo không dám qua, tất phải sang Kinh Châu, để kéo về Hứa Đô.

Triệu Vân lĩnh kế đi trước.

Khổng Minh lại gọi Trương Phi đến, bảo rằng:

- Dực Đức lĩnh ba nghìn quân mã sang sông, mai phục trong hang Hồ Lô, Tào Tháo không dám qua nam Di Lăng, tất chạy qua bắc Di Lăng. Ngày mai, lúc tạnh mưa, quân Tào đến đó thổi cơm; hễ thấy có khói thì đốt lửa ở sườn núi rồi đổ ra mà đánh. Tuy không bắt được Tào Tháo, nhưng công của Dực Đức cũng không phải là nhỏ.

Phi lĩnh kế đi ngay.

Lại dặn My Chúc, My Phương, Lưu Phong phải mang thuyền đi quanh sông vây bắt bại quân, tước lấy khí giới. Ba người lĩnh kế tiến quân.

Khổng Minh đứng dậy bảo Lưu Kỳ rằng:

- Một dải Võ Sương vô cùng hiểm yếu, xin công tử dẫn quân về ngay, bố trí ở các cửa bến. Quân Tào thua chạy đến đó, xông ra mà bắt, nhưng chớ nên đi xa thành luỹ của mình.

Lưu Kỳ từ biệt Huyền Đức và Khổng Minh đem quân đi.

Khổng Minh bảo Huyền Đức rằng:

- Chúa công nên đóng quân ở cửa Phàn Khẩu, lên núi cao mà xem Chu Du đêm nay thành công lớn.

Bấy giờ, Vân Trường đứng cạnh, Khổng Minh không đả động gì đến. Vân Trường không sao nhịn được, nói to lên rằng:

- Tôi từ khi theo anh tôi đi đánh dẹp đến nay kể cũng đã lâu, chưa khi nào tôi phải lùi lại sau. Nay gặp trận đánh to thế này, không thấy quân sư hỏi han gì đến là ý làm sao?

Khổng Minh cười, nói:

- Vân Trường đừng trách, tôi muốn nhờ tướng quân giữ cho một chỗ hiểm yếu, nhưng còn hơi ngại một chút, chưa dám phiền đến.

Vân Trường nói:

- Nghi ngại điều gì, xin cho tôi biết?

Khổng Minh nói:

- Khi xưa, Tào Tháo đãi tướng quân hậu lắm, thế nào tướng quân chẳng nhớ ơn. Nay Tào Tháo thua trận, tất chạy qua đường Hoa Dung. Nếu sai túc hạ đi, tất nhiên túc hạ tha cho hắn thoát, bởi thế, chưa dám phiền tới.

Vân Trường nói:

- Quân sư nghĩ thế, thật là có bụng tốt. Khi xưa Tào Tháo có trọng đãi tôi. Nhưng tôi đã chém Nhan Lương, Văn Sú, giải vây thành Bạch Mã để báo ơn rồi. Nay nếu có gặp y, tôi đâu dám dễ dàng tha y được.

Khổng Minh nói:

- Nếu tướng quân tha thì làm sao?

Vân Trường nói:

- Xin theo quân luật.

Khổng Minh nói:

- Nếu thế, phải làm giấy cam đoan.

Vân Trường xin ký giấy cam đoan, rồi hỏi lại rằng:

- Tào Tháo không chạy qua đường ấy, thì quân sư dạy thế nào?

Khổng Minh nói:

- Tướng quân nên tìm trái núi nào cao ở đường hẻm Hoa Dung, chất cỏ đốt lửa lên, để dử quân Tào đến.

Vân Trường nói:

- Tào Tháo thấy có lửa, biết có mai phục, sao hắn chịu đến?

Khổng Minh cười, nói:

- Tướng quân không nhớ trong binh pháp có câu “Hư hư thực thực” đó ru? Tháo giỏi dùng binh, có thể mới lừa được hắn. Hắn trông thấy lửa, cho là ta hư trương thanh thế, tất nhiên tìm đến lối đó. Tướng quân không được thả cho hắn đi!

Vân Trường lĩnh mệnh dẫn Chu Thương, Quan Bình và năm trăm quân đao phủ ra đường Hoa Dung mai phục.

Huyền Đức nói nhỏ với Khổng Minh rằng:

- Em tôi là người nghĩa khí lắm. Nếu Tào Tháo quả nhiên đi qua đó, chỉ sợ em tôi lại tha mất thôi!

Khổng Minh thưa:

- Tôi xem thiên văn, biết số Tào Tháo chưa chết, nên mới để một mối tình nghĩa ấy cho Vân Trường làm, cũng là một việc hay.

Huyền Đức nói:

- Tiên sinh mưu kế như thần, trên đời hiếm có!

Khổng Minh cùng Huyền Đức sang cả Phàn Khẩu xem Chu Du đánh trận, để Tôn Càn, Giản Ung ở lại giữ thành.

Nói về Tào Tháo ở trong thuỷ trại, cùng tướng tá bàn bạc, chỉ đợi tin Hoàng Cái. Hôm ấy gió đông nam nổi to, Trình Dục vào bẩm rằng:

- Hôm nay có gió đông nam, xin thừa tướng đề phòng mới được.

Tháo cười, nói:

- Hôm nay là ngày đông chí, khí nhất dương mới sinh ra, trách nào chẳng có gió đông nam, có gì lạ!

Chợt quân sĩ vào báo có thuyền Giang Đông đưa mật thư của Hoàng Cái đến. Tháo gọi vào. Người ấy dâng thư lên, trong thư nói:

“Chu Du phòng bị cẩn mật lắm, chưa tìm được kế thoát thân. Nay nhân có lương thảo ở hồ Phiên Dương mới tải đến, Chu Du sai tôi đi ra tiếp nhận, dịp may đã tới, sớm tối gì tôi cũng giết được danh tướng Giang Đông, đem thủ cấp sang hàng. Chỉ vào khoảng canh hai đêm nay hễ thấy thuyền nào cắm cờ xanh thì chính là thuyền lương”.

Tháo mừng lắm, họp các tướng trên thuyền to, đợi xem thuyền Hoàng Cái đến.

Lại nói bên Giang Đông, chiều tối hôm ấy, Chu Du gọi Sái Hoà ra, sai quân trói lại. Hoà kêu là vô tội. Du mắng rằng:

- Mày là thằng nào, dám đến đây trá hàng? Nay ta đang thiếu một thứ lễ vật tế cờ, hãy mượn cái đầu mày đấy!

Hoà cố cãi không được, kêu to lên rằng:

- Cam Ninh, Hám Trạch cũng đồng mưu với tôi!

Du nói:

- Đó là do ta sai khiến đấy!

Nói đoạn, sai điệu Sái Hoà ra bờ sông dưới cột cờ đèn, rót rượu đốt vàng, chém đầu lấy máu tế cờ, xong dong thuyền kéo đi.

Hoàng Cái ngồi trên chiếc hoả thuyền thứ ba, chỉ mặc một áo giáp che bụng, tay cầm dao cực sắc, trên cờ hiệu để bốn chữ “Tiên phong Hoàng Cái”, thuận gió giương buồm đến thẳng núi Xích Bích.

Bấy giờ, gió đông thổi mạnh, sóng cuốn ầm ầm. Tháo ngồi trên thuyền, trông sang phía nam, mặt trăng lấp ló, toả sáng dòng sông, tựa hồ muôn vạn rắn vàng giỡn trên mặt nước. Tháo đón gió vui cười, tỏ vẻ đắc chí lắm.

Chợt một tên quân chỉ tay nói:

- Phía nam sông có cánh buồm nhấp nhô xuôi gió tiến lại.

Tháo lên cao đứng trông. Quân nói:

- Thuyền cắm toàn cờ xanh, giữa có một lá cờ to đề mấy chữ lớn “Tiên phong Hoàng Cái”.

Tháo mừng, nói:

- Công Phúc lại hàng, thật là trời giúp ta!

Thuyền Đông Ngô lướt tới gần. Trình Dực đứng ngắm hồi lâu, bỗng bảo Tháo:

- Thuyền này khả nghi lắm, không nên cho vào gần trại.

Tháo hỏi:

- Sao ngươi biết?

Dực thưa:

- Thuyền tải lương thì nặng mới phải, thuyền này đã nhẹ lại nổi bồng bềnh. Vả lại, đêm nay gió đông nam to lắm, nếu có âm mưu gì, thì làm thế nào?

Tháo nghe ra, liền hỏi các tướng:

- Ai dám ra cản thuyền ấy lại cho ta?

Văn Sính nói:

- Tôi quen nghề sông nước, xin đi một chuyến!

Nói xong, lập tức nhảy xuống chiếc thuyền nhỏ, tay vẫy vài mươi chiếc thuyền tuần tiễu đi ra. Sính đứng đầu thuyền, gọi to lên rằng:

- Thừa tướng truyền cho các thuyền kia không được vào gần trại vội, hãy thả neo đậu cả lại giữa sông!

Quân sĩ cũng đều quát lớn:

- Hạ buồm xuống cho mau!

Quân nói chưa dứt lời, cung nỏ đã bắn sang rào rào, Văn Sính bị tên trúng cánh tay trái, ngã ngay xuống thuyền. Quân Tào rối loạn chạy về. Thuyền bên này còn cách trại Tào độ hai dặm, Hoàng Cái cầm dao vẫy một cái, các thuyền mé trước nhất tề đốt lửa. Lửa được gió, gió bốc lửa, thuyền bay vùn vụt như tên, rực cháy ngút trời: hai chục chiếc hoả thuyền tràn vào thuỷ trại.

Thuyền trong trại Tào Tháo bén lửa bốc cháy tứ tung, lại bị xích sắt khoá chặt, không sao chạy thoát. Bên kia sông, pháo nổ đùng đùng, bốn mặt hoả thuyền ùa đến. Trên mặt sông Tam Giang gió cuốn lửa bay, trên trời dưới nước đỏ rực như mặt trời mọc. Tào Tháo trông lên các trại trên bờ lại thấy mấy chỗ bốc cháy.

Hoàng Cái ngồi trên chiếc thuyền nhỏ với vài thuỷ thủ bơi thuyền, xông vào trong đám lửa, tìm bắt Tào Tháo. Tháo thấy thế nguy cấp lắm, định bỏ thuyền to chạy lên bờ; chợt có Trương Liêu chở một chiếc thuyền con đến, đỡ Tháo xuống; Tháo vừa xuống được thì chiếc thuyền to đã bắt lửa cháy rồi. Trương Liêu và vài chục người bảo vệ Tào Tháo chạy lên bờ. Hoàng Cái thấy có người mặc áo cẩm bào đỏ xuống thuyền, biết là Tào Tháo, sai bơi mau ngay thuyền đến, tay cầm dao sắc gọi to lên rằng:

- Tào tặc chớ chạy, Hoàng Cái đã đến đây!

Tào Tháo luôn miệng kêu khổ, Trương Liêu giương cung lắp tên, đợi Hoàng Cái tới gần, bắn ra một phát. Lúc này gió thổi vù vù, Hoàng Cái đang ở trong đám lửa, nghe sao thấy tiếng tên bắn, nên bị trúng ngay vào giữa vai, ngã lăn xuống sông.

Ấy là:

Vạ lửa đang nguy lây vạ nước,

Đau đớn chưa khỏi lại đau tên.

Chưa biết tính mệnh Hoàng Cái sống thác thế nào, xem đến hồi sau sẽ biết.

Hồi 50

Gia Cát Lượng khéo tình đường Hoa Dung;

Quan Vân Trường vì nghĩa tha Tào Tháo.

Lại nói đang đêm hôm ấy Trương Liêu bắn trúng Hoàng Cái ngã xuống sông, cứu được Tào Tháo chạy lên bờ, tìm được ngựa thì quân sĩ đã rối loạn cả rồi.

Hàn Đương xông vào đánh thuỷ trại, bỗng quân sĩ báo tin có một người ở dưới bánh lái đang gọi tên mình. Hàn Đương lắng nghe, thấy tiếng gọi:

- Công Nghĩa cứu ta với!

Đương nhận đúng là tiếng Hoàng Cái, vội vàng vớt lên, thấy Hoàng Cái bị tên bắn trúng, bèn ghé răng cắn rút tên ra, nhưng đầu tên mắc trong thịt, Đương vội vàng cởi áo ướt của Cái ra, lấy gươm khoét thịt lấy đầu tên, rồi xé vải cờ buộc chặt lại; lại cởi chiến bào của mình thay cho Hoàng Cái, sai thuyền đưa về trại chữa thuốc.

Hoàng Cái xưa nay bơi lội đã quen, cho nên đang lúc đại hàn, ngã xuống sông cũng không việc gì.

Đêm hôm ấy, lửa đỏ rực trời, tiếng reo dậy đất. Bên tả, hai đội quân của Hàn Đương, Tưởng Khâm, từ mé tây núi Xích Bích đánh đến. Bên hữu, hai đội quân của Chu Thái, Trần Vũ từ mé đông núi Xích Bích đánh vào; ở giữa đại đội chiến thuyền của Chu Du, Trình Phổ, Từ Thịnh, Đinh Phụng xốc tới. Trong thì lửa đốt, ngoài thì quân đánh. Đó thật là: thuỷ chiến cửa Tam Giang, dàn quân núi Xích Bích. Quân Tào người bị giáo đâm, kẻ trúng tên bắn, chết cháy, chết đuối, không biết bao nhiêu mà kể…

Đời sau có thơ rằng:

Chiến tranh, Ngô, Nguỵ quyết thư hùng,

Xích Bích thuyền bè phút sạch không!

Lửa bốc đùng đùng mây biển đỏ,

Chu Du nhờ đó phá Tào công!

Lại có bài thơ tứ tuyệt rằng:

Non cao, trăng quạnh nước mênh mông,

Chinh chiến thời xưa khéo lạ lùng.

Quân sĩ Giang Đông, không đón Nguỵ,

Gió đông có ý giúp Chu lang.

Lại nói Cam Ninh sai Sái Trung đưa đường vào cướp trại Tào Tháo; đến nơi Ninh chém chết ngay Sái Trung, rồi đốt lửa lên làm hiệu. Lã Mông thấy trung quân có hiệu lửa, liền đốt luôn vài chục nơi để tiếp ứng Cam Ninh. Đổng Tập, Phan Chương cũng chia nhau đốt lửa hò reo, trống đánh rộn rã.

Tào Tháo cùng với Trương Liêu dẫn hơn chục quân kỵ mã chạy trong rừng lửa, nhìn ra phía trước chẳng chỗ nào là chỗ không có lửa cháy. Đang chạy, thì thấy Mao Giới cứu được Văn Sính, dẫn vài chục quân vừa chạy đến. Tháo sai quân tìm đường, Trương Liêu chỉ tay nói:

- Chỉ còn có đường Ô Lâm rộng rãi để chạy thôi.

Tháo chạy tắt ra đường Ô Lâm. Bỗng có một toán quân đuổi tới, gọi to lên rằng:

- Giặc Tào đừng chạy nữa!

Trong ánh lửa, hiện ra lá cờ hiệu Lã Mông. Tháo thúc quân cứ việc chạy, để Trương Liêu đi sau đánh nhau với Lã Mông. Một lát, lại thấy trước mặt có lửa bốc, một toán quân ở trong hang núi kéo ra, gọi to lên rằng:

- Lăng Thống ở đây!

Tào Tháo rụng rời hồn vía, may đâu có một toán quân cũng vừa chạy đến, kêu lớn:

- Thừa tướng đừng sợ, có Từ Hoảng ở đây!

Và xốc vào đánh Lăng Thống một chập, rồi tháo đường chạy cả về phía bắc. Lại thấy một toán quân mã đóng trên sườn núi, Từ Hoảng ra hỏi, thì là Mã Diên và Trương Khải, tướng cũ Viên Thiệu đã hàng Tào. Hai tướng ấy có ba nghìn quân mã, cắm trại ở đó. Đêm hôm ấy, trông thấy lửa sáng rực trời, chưa dám khinh động, vừa may gặp Tào Tháo. Tháo sai hai tướng dẫn một nghìn quân đi trước mở đường, còn bao nhiêu bắt đi kèm để bảo vệ.

Tháo được toán quân dồi dào sinh lực ấy, trong bụng hơi vững. Mã Diên, Trương Khải hai tướng tế ngựa đi trước, chưa được mười dặm, bỗng nghe tiếng quát ầm ĩ, một toán quân đổ ra, tướng đi đầu thét lên rằng:

- Tao là Cam Hưng Bá ở Đông Ngô đây!

Mã Diên đang chực giao chiến thì đã bị Cam Ninh đưa một nhát dao, lăn ngay xuống ngựa. Trương Khải vác giáo xông tới. Ninh quát to một tiếng, Khải trở tay không kịp, bị một nhát dao chết nốt. Hậu quân phi báo Tào Tháo. Tháo lúc đó chỉ mong quân Hợp Phì đến cứu; không ngờ Tôn Quyền chặn ở đường Hợp Phì, trông thấy lửa sáng dưới sông, biết là quân mình thắng trận, liền sai Lục Tốn đốt lửa làm hiệu. Thái Sử Từ thấy có hiệu lửa, liền hợp quân với Lục Tốn đánh bừa vào, Tào Tháo phải chạy rẽ ra Di Lăng. Giữa đường, gặp Trương Cáp, Tháo sai Cáp đi chặn hậu. Tháo ra roi tế ngựa chạy mãi đến canh năm, ngoảnh lại trông thấy khói lửa đã xa, mới tạm yên tâm, và hỏi:

- Đây là xứ nào?

Tả hữu bẩm:

- Đây là phía tây rừng Ô Lâm, phía bắc đất Nghi Đô.

Tháo ngồi trên ngựa, nhìn thấy cây cối um tùm, núi non trùng điệp, bỗng nhiên cười sằng sặc mãi không thôi. Các tướng hỏi:

- Thừa tướng cười gì?

Tháo nói:

- Ta không cười ai, chỉ cười Chu Du ít mưu, Gia Cát Lượng kém mẹo. Nếu phải ra tay, ta cho phục sẵn một đạo quân ở chỗ này, thì sẽ ra sao nhỉ?

Tháo nói chưa dứt lời, đã thấy trống đánh thùng thùng, lửa bốc ngùn ngụt. Tháo sợ hãi quá, suýt nữa ngã ngựa. Một toán quân xông ra, rồi một tướng thét lên:

- Ta là Triệu Tử Long, phụng mệnh quân sư, đợi ở đây đã lâu rồi!

Tháo sai Từ Hoảng, Trương Cáp hai người ra địch Triệu Vân, còn mình cứ việc cắm cổ chạy. Tử Long không đuổi theo, chỉ cố cướp đoạt tinh kỳ, khí giới thôi. Tháo thoát nạn.

Lúc này, trời đã gần sáng, mây đen phủ kín cả bầu trời, gió đông nam vẫn chưa tắt. Bỗng nhiên một trận mưa đổ xuống như trút nước, ướt cả áo giáp. Tào Tháo và quân sĩ đội trời mà chạy, người nào người nấy bụng đói như cào, Tháo thả quân vào các làng mạc cướp gạo và tìm lửa để thổi cơm ăn. Sắp thổi cơm, thì một toán quân đuổi đến. Tháo hoảng quá, trông ra thì là Lý Điển, Hứa Chử, đưa một bọn mưu sĩ vừa chạy tới. Tháo mừng rỡ, thúc quân đi luôn không ăn vội, và hỏi:

- Phía trước mặt kia là địa phận nào?

Quân sĩ bẩm:

- Một bên là đường to đi nam Di Lăng, một bên là đường núi đi bắc Di Lăng.

Tháo lại hỏi:

- Đi đường nào về Nam Quận, Giang Lăng cho gần?

Quân sĩ thưa:

- Đi đường nam Di Lăng, qua cửa hang Hồ Lô, về Nam Quận gần hơn.

Tháo bảo ngay đi đường nam Di Lăng. Đến cửa hang Hồ Lô, quân sĩ đã đói lả cả rồi, không nhấc chân được nữa. Ngựa cũng kiệt sức, lắm con ngã lăn ra dọc đường. Tháo cho quân tạm nghỉ. Quân sĩ khi nãy vào các làng mạc, kẻ thì cướp được gạo củi, người thì giật được nồi niêu, liền đem cả ra tìm chỗ khô ráo, bắc bếp thổi cơm, cắt cả thịt ngựa nướng ăn. Rồi người nào người nấy cởi áo ra hóng gió cho khô; ngựa tháo yên cho gặm cỏ.

Tháo ngồi trong rừng, bỗng dưng lại ngẩng mặt cười sằng sặc. Các tướng hỏi:

- Vừa rồi thừa tướng cười Chu Du, Gia Cát Lượng, đã xuất hiện ngay một đám Triệu Tử Long, tổn hại bao nhiêu quân mã. Sao bây giờ thừa tướng lại cười?

Tháo nói:

- Ta vẫn cười Gia Cát Lượng, Chu Du là kém mưu trí, nếu ta dùng binh, thì phục sẵn quân ở chỗ này, ngồi chơi ăn sẵn, chúng ta chẳng chết cũng bị trọng thương. Họ không tính đến nước đó, nên ta cười.

Tháo đang cười cười nói nói, bỗng phía trước phía sau tiếng hò reo nổi lên ầm ĩ. Tháo giật mình, bỏ cả giáp, nhảy lên ngựa, phần; lớn quân sĩ chưa kịp thu ngựa về, đã thấy bốn mặt lửa cháy đùng đùng, một đạo quân dàn trước cửa hang, tướng đi đầu là Trương Dực Đức, cắp mâu kìm ngựa, hét lớn:

- Bớ giặc Tháo, mi định chạy đi đâu?

Tướng sĩ trông thấy Trương Phi, đều rụng rời hết vía. Hứa Chử vội vàng cưỡi ngựa không yên ra địch Trương Phi; Trương Liêu, Từ Hoảng cũng tế ngựa xúm vào đánh. Quân sĩ hai bên đánh nhau lộn bậy. Tháo tế ngựa chạy thoát. Các tướng cũng dần dần rút cả.

Trương Phi đuổi theo. Tháo cắm cổ chạy. Khi chạy đã xa. Tháo ngoảnh nhìn các tướng, thấy bị thương rất nhiều. Đang đi, quân sĩ bẩm rằng:

- Trước mặt là ngã ba đường, xin hỏi thừa tướng đi đường nào?

Tháo hỏi:

- Đi đường nào cho gần?

Quân sĩ bẩm:

- Con đường lớn phẳng phiu lắm, nhưng xa hơn năm chục dặm; con đường nhỏ sang Hoa Dung gần năm chục dặm, nhưng hẹp và gồ ghề khó đi.

Tháo sai người lên núi quan sát, người ấy trở xuống báo rằng:

- Trong đường nhỏ có mấy chỗ khói bốc nghi ngút, đường lớn thì không thấy gì.

Tháo truyền cho các tướng đi theo đường nhỏ Hoa Dung.

Các tướng hỏi:

- Có khói lửa, tất có mai phục, sao lại đi đường ấy?

Tháo nói:

- Các tướng không biết trong binh thư có câu “Hư là thực, thực là hư” à? Gia Cát Lượng khôn ngoan, cho nên sai người đốt lửa ở sườn núi hẻo lánh để ta không dám đi qua núi, rồi phục binh sẵn ở đường lớn. Ta đã biết tỏng rồi, khi nào còn mắc mẹo hắn.

Các tướng đều nói:

- Thừa tướng mưu cơ giỏi lắm, khó ai bì kịp!

Rồi cùng nhau đem quân chạy theo lối Hoa Dung. Bấy giờ, quân mã mỏi mệt, thương binh phải gượng gạo dắt díu, cõng đỡ nhau mà đi, quần áo ướt sũng, tả tơi; vũ khí cờ quạt xơ xác. Trong số này, phần nhiều bị đuổi riết ở đường Di Lăng mới rồi, chỉ còn cưỡi ngựa trần, yên cương chẳng có. Vả đang lúc trời đông rét mướt, khổ não không sao kể xiết.

Đang đi, Tháo thấy tiền quân dừng ngựa đứng lại. Tháo hỏi làm sao; quân quay về bảo rằng:

- Đường hẻm chân núi, vì buổi sáng mưa to, nước đọng thành vũng, bùn lầy ngập vó ngựa, khó đi lắm.

Tháo điên tiết, quát mắng:

- Phép hành quân, gặp núi phải mở lối, gặp nước phải bắc cầu, có lẽ đâu bùn lầy không đi được?

Lập tức truyền lệnh, cho quân già yếu và bị thương từ từ đi sau. Còn bao nhiêu quân cường tráng phải gánh đất, kiếm cỏ rác để đắp đường cho phẳng phiu; phải làm ngay để lấy đường đi, ai trái lệnh sẽ chém đầu. Quân sĩ được lệnh phải tụt xuống ngựa, đẵn tre chặt gỗ để lấp đường.

Tháo lại sợ sau lưng có quân đuổi theo, sai Trương Liêu, Hứa Chử, Từ Hoảng dẫn một trăm lính kỵ, tuốt gươm cầm sẵn trong tay, tên nào chậm chạp thì chém. Lúc này, quân sĩ đều đói mệt, lăn queo ra đường. Tháo thét người ngựa giẫm lên trên mà đi, chết hại không biết bao nhiêu, tiếng kêu khóc vang cả đường sá.

Tháo giận, nói:

- Sống chết có số, việc gì mà phải khóc? Hễ đứa nào khóc nữa thì chém!

Trong ba toán quân mã, một toán ở lại sau, một toán đi trước đắp đường, lấp hố, còn một toán đi kèm với Tào Tháo. Đi khỏi quãng hiểm trở, ra đến đường cái phẳng phiu hơn. Tháo ngoảnh lại thấy chỉ còn hơn ba trăm quân mã, quần áo tả tơi. Tháo giục đi cho mau. Các tướng thưa:

- Người ngựa kiệt sức quá rồi, xin cho tạm nghỉ một chút!

Tháo nói:

- Đến hẳn Kinh Châu, sẽ nghỉ cũng vừa!

Lại đi được độ vài dặm. Tháo ngồi trên ngựa, giơ roi cười sằng sặc lên. Các tướng hỏi:

- Thừa tướng lại cười gì thế?

Tháo nói:

- Người ta khen Chu Du, Gia Cát Lượng lắm mưu nhiều trí nhưng theo ta, chỉ là lũ xoàng thôi. Nếu họ phục sẵn một toán quân ở đây, thì chúng ta đành khoanh tay chịu trói cả.

Tháo nói chưa dứt lời, tiếng pháo đâu lại nổ lên đùng đùng, hai bên năm trăm quân đao phủ dàn ra, đi đầu là Quan Vân Trường cầm thanh long đao, cưỡi ngựa xích thố, chắn ngang đường đi. Quân Tào nhìn thấy, ba hồn bảy vía lên mây cả, ngơ ngác nhìn nhau, Tháo bảo các tướng rằng:

- Đã đến đường đất này, chỉ còn liều chết mà đánh thôi!

Các tướng nói:

- Người tuy còn có thể địch nổi, nhưng ngựa thì đã kiệt sức quá rồi, đánh sao được nữa?

Trình Dục nói:

- Tôi vẫn biết Vân Trường vốn kiêu ngạo với người trên, nhưng không chấp kẻ dưới; coi thường người khoẻ, nhưng không nỡ hiếp người yếu; ân oán phân minh, tín nghĩa rõ ràng. Thừa tướng khi xưa có ân tình với ông ấy, nay nên thân ra kêu cầu, hoạ may mới thoát được nạn này.

Tào Tháo nghe lời, tế ngựa ra nghiêng mình nói với Vân Trường:

- Tướng quân lâu nay vẫn mạnh khoẻ chứ?

Vân Trường cũng nghiêng mình đáp lại:

- Tôi phụng mệnh quân sư, đợi thừa tướng ở đây đã lâu.

Tháo nói:

- Tháo tôi thua trận, thế nguy, đến đây không còn đường nào nữa. Xin tướng quân nghĩ đến tình nghĩa khi xưa làm trọng.

Vân Trường nói:

- Trước đây, tôi tuy đội ơn sâu của thừa tướng, nhưng đã chém Nhan Lương, Văn Sú, giải vây thành Bạch Mã, để đền đáp rồi. Còn việc hôm nay tôi đâu dám vị chút tình riêng mà bỏ việc công cho được.

Tháo nói:

- Thế tướng quân còn nhớ đến việc qua năm cửa ải chém sáu tướng không? Đại trượng phu phải trọng điều tín nghĩa. Tướng quân thông hiểu sách Xuân thu, há không biết việc Dữu Công Chi Tư đuổi theo Tử Chạc Nhụ Tử

[1]

đó ư?

Vân Trường xưa nay vẫn là người trọng nghĩa, nhớ đến ân tình Tào Tháo khi xưa đãi mình rất hậu và việc ra khỏi năm cửa ải chém sáu tướng, không khỏi động lòng. Vả lại, trông thấy quân Tào đứa nào cũng rơm rớm nước mắt, đứng run cầm cập, lòng càng không nỡ. Bởi thế, quay ngựa lại bảo quân sĩ rằng: “Bốn mặt giãn cả ra!” rõ ràng có ý tha cho Tào Tháo. Tháo thấy vậy, liền cùng với các tướng kéo ồ cả đi. Vân Trường quay ngựa lại, thì Tào Tháo đã đi qua rồi. Vân Trường quát to lên một tiếng, quân Tào vội xuống ngựa, quỳ lạy, sụt sùi khóc lóc. Vân Trường càng không nỡ, còn đang do dự thì Trương Liêu tế ngựa vừa đến. Vân Trường lại nhớ đến tình bạn cũ, thở dài một tiếng, thả cho đi hết.

Người sau có thơ rằng:

Tào Man thua chạy đến Hoa Dung

Khéo đâu đường hẻm gặp Quan Công.

Chỉ vì tình nghĩa còn ghi tạc,

Nên để rồng tù thoát xuống sông.

Tháo thoát được nạn Hoa Dung, ra khỏi cửa rừng, ngoảnh lại trông quân mình chỉ còn hai mươi bảy tên lính kỵ. Mãi đến chiều tối, sắp tới Nam Quận, lại thấy lửa bốc sáng rực, một đội quân mã kéo ra chặn đường.

Tháo hoảng quá, nói:

- Thôi! Mạng ta đến đây là hết!

Một lát, tiền quân lại gần, té ra quân mã của Tào Nhân. Tháo bấy giờ mới hoàn hồn.

Tào Nhân ra nghênh tiếp và nói:

- Tuy biết tin thua trận, nhưng không dám bỏ thành đi cứu, nên đóng ở gần để nghênh tiếp.

Tháo nói:

- Ta suýt nữa không được trông thấy nhà ngươi!

Bèn dẫn quân vào Nam Quận nghỉ ngơi. Tiếp đó Trương Liêu cũng về tới nơi, thuật lại chuyện nhân đức của Vân Trường. Tháo kiểm lại các tướng thấy nhiều người bị thương lắm, bèn cho phép nghỉ ngơi cả ở đó.

Tào Nhân mở tiệc rượu để Tào Tháo giải buồn, có đủ mặt các mưu sĩ. Tháo bỗng nhiên ngẩng mặt lên khóc hu hu. Các mưu sĩ hỏi:

- Khi thừa tướng ở trong hang hổ trốn nạn, còn chẳng sợ hãi gì. Nay đã về đến thành nhà, người được ăn uống thảnh thơi, ngựa được nghỉ ngơi dưỡng sức, lẽ ra nên thu xếp quân mã, để đánh báo thù, việc gì phải khóc?

Tháo nói:

- Ta khóc Quách Phụng Hiếu đó. Nếu Phụng Hiếu còn sống thì không đến nỗi có trận thua này.

Nói rồi vỗ bành bạch vào bụng và khóc rằng:

- Thương xót thay Phụng Hiếu! Đau đớn thay Phụng Hiếu! Mến tiếc thay Phụng Hiếu!

Các mưu sĩ ai cũng hổ thẹn, nín lặng chẳng ai nói gì cả.

Hôm sau, Tháo gọi Tào Nhân vào bảo rằng:

- Ta nay phải về Hứa Đô, thu xếp quân mã, để đánh báo thù. Ngươi cần giữ vững lấy Nam Quận. Ta có một mật kế trong phong giấy này, khiến Đông Ngô không dám nhòm ngó Nam Quận nữa.

Tào Nhân bẩm:

- Còn Hợp Phì, Tương Dương, thì nên giao cho ai giữ?

Tháo nói:

- Kinh Châu giao cho ngươi trông nom; Tương Dương ta đã sai Hạ Hầu Đôn đến giữ rồi. Còn Hợp Phì là nơi hiểm yếu nhất ta sai Trương Liêu làm chủ tướng, Lý Điển, Nhạc Tiến làm phó tướng, trấn thủ đất ấy. Nếu có việc gì nguy cấp thì phi báo cho ta biết.

Tháo dặn dò đâu đấy, rồi dẫn các tướng lên ngựa về Hứa Đô, lại đem theo cả các quan văn võ đã hàng ở Kinh Châu đi, Tào Nhân sai Tào Hồng giữ Di Lăng và Nam Quận, để phòng Chu Du đến cướp.

Lại nói, Quan Vân Trường tha Tào Tháo, rồi dẫn quân trở về. Bấy giờ các đạo quân đều bắt được ngựa, khí giới, tiền lương, đem cả về Hạ Khẩu. Chỉ có Vân Trường về tay không, ra mắt Huyền Đức. Khổng Minh đang chúc mừng Huyền Đức, thấy nói Vân Trường đến, vội vàng đứng lên cầm chén rượu ra đón và nói rằng:

- Mừng tướng quân lập được công to nhất một đời, và trừ được hại lớn cho cả thiên hạ! Đáng lẽ tôi phải ra tận xa đón mừng mới phải!

Vân Trường nín lặng chẳng nói gì. Khổng Minh lại nói:

- Hay là tại chúng tôi không ra ngoài xa đón tiếp, cho nên tướng quân không bằng lòng chăng?

Rồi ngoảnh lại bảo tả hữu:

- Sao các ngươi không báo tin cho ta biết trước?

Vân Trường nói:

- Tôi xin đến chịu tội.

Khổng Minh nói:

- Hay là Tào Tháo không chạy qua đường Hoa Dung chăng?

Vân Trường đáp:

- Chính hắn chạy qua đường ấy, nhưng vì tôi bất tài, nên hắn chạy thoát được.

Khổng Minh hỏi:

- Thế có bắt được tướng sĩ nào không?

Vân Trường đáp:

- Không bắt được gì cả.

Khổng Minh nói:

- Thôi! Chắc là Vân Trường nghĩ đến ân Tào tháo khi xưa, cố ý tha cho hắn rồi. Tờ cam kết hiện còn ở đây, không thể không chiếu theo quân luật được!

Liền quát võ sĩ lôi Vân Trường ra chém:

Đó là:

Cũng liều một chết đền ơn cũ,

Nên để nghìn thu nức tiếng thơm.

Chưa biết tính mạng Vân Trường ra thế nào, xem đến hồi sau sẽ rõ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro