Hồi 17 - 18 - 19 - 20 - 21 - 22

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hồi 17

Viên Công Lộ cất bảy cánh quân

Tào Mạnh Đức gặp ba ông tướng

Viên Thuật ở Hoài Nam đất rộng lương nhiều, lại có ngọc tỷ của Tôn Sách gửi làm tin, có ý muốn tiếm xưng đế hiệu, hội cả các bầy tôi bàn rằng:

- Xưa Hán Cao Tổ chẳng qua là một người đình trưởng ở Tứ Thượng, thế mà lấy được thiên hạ. Từ bấy giờ đến nay đã bốn trăm năm, khí số đã hết. Trong bốn bể loạn tứ tung như vạc sôi. Mà nhà ta thì bốn đời làm đến tam công, trăm họ ai cũng trông ngóng. Ta muốn ứng vận trời, thuận lòng người, lên ngôi cửu ngũ, các người nghĩ thế nào?

Chủ bạ là Diêm Tượng can rằng:

- Xưa Hậu Tắc nhà Chu, chứa đức chất công; đến đời Văn Vương, thiên hạ chia ba có hai phần, còn phải thờ nhà Ân. Nay minh công gia thế tuy rằng quý, nhưng chưa được thịnh bằng nhà Chu. Nhà Hán tuy rằng suy, nhưng chưa đến nỗi tàn bạo như vua Trụ nhà Ân. Việc ấy quyết không nên làm.

Thuật giận nói rằng:

- Ta họ Viên do từ họ Trần mà ra, mà họ Trần vốn là cháu vua Ðại Thuấn ngày xưa; thuộc về hành Thổ, lấy Thổ kế vào Hoả chính ứng vận trời. Vả lại có câu sấm rằng: Thay nhà Hán ấy là chỗ cao ở giữa đường. Tên tự ta là Công Lộ, thế thì chính ứng câu sấm ấy. Lại có ngọc tỷ truyền quốc, nếu ta không làm vua, thì hoá ra trái đạo trời mất. Ý ta đã quyết, ai còn can nữa ta chém.

Lập tức đặt hiệu gọi là Trọng Thị, lập ra các quan, đài, sảnh[1]; cưỡi kiệu long phượng, tế thần Nam Giao, Bắc Giao, lập con gái Phùng Phương làm hoàng hậu, lập con trai làm Ðông cung, rồi sai sứ sang Từ Châu để xin cưới con gái Lã Bố về làm Ðông cung phi.

Nhưng nghe nói Lã Bố đem giải Hàn Dận vào Hứa Ðô và đã bị Tào Tháo chém rồi, Thuận giận lắm, liền cử Trương Huân làm đại tướng quân thống lĩnh đại quân hơn hai mươi vạn, rồi chia làm bảy đạo sang đánh Từ Châu: 1. Trương Huân đi giữa; 2. Thượng tướng Kiều Dị đi bên tả; 3. Trần Kỷ đi bên hữu; 4. Phó tướng Lôi Bạc đi bên tả; 5. Trần Lan đi bên hữu; 6. Hàng tướng Hàn Tiêm đi bên tả; 7. Dương Phụng đi bên hữu. Ðạo nào cũng thống lĩnh tướng đội, chọn ngày cất quân; lại sai thứ sử Duyện Châu Kim Thượng làm thái uý coi vận tiền lương cho bảy đạo quân. Thượng không nghe, Thuận giết Thượng, lấy Kỷ Linh làm đô cứu ứng sứ để tiếp ứng cho bảy đạo quân.

Thuận tự lĩnh ba vạn quân, sai Lý Phong, Lương Cương, Nhạc Tựu làm thôi tiến sứ, để đi lại cứu ứng quân bảy đạo.

Lã Bố sai người đi do thám, biết tin đạo quân Trương Huân đi theo đường cái lớn đến lấy Từ Châu; đạo Kiều Dị thì lấy Tiểu Bái; đạo Trần Kỷ lấy Nghi Ðô; đạo Lôi Bạc thì lấy Lương Gia; đạo Trần Lan thì lấy Kệ Thạch; đạo Hàn Tiêm thì lấy Hạ Phì; đạo Dương Phụng thì lấy Tuấn Sơn. Cả bảy đạo quân mã, mỗi ngày đi được 50 dặm, đi đến đâu cướp phá đến đó.

Bố nghe thám về báo thế, cho đi mời các mưu sĩ lại để bàn. Trần Cung và cha con Trần Khuê cũng đến cả. Trần Cung nói:

- Cái vạ Từ Châu này chỉ là do cha con Trần Khuê gây ra, nịnh triều đình để cầu tước lộc, mà để vạ lây đến tướng quân. Nay nên đem hai người ấy chém đi, mang đầu sang nộp Viên Thuật, thì lập tức Thuật rút quân về ngay.

Lã Bố lập tức sai người lôi cha con Trần Khuê, Trần Ðăng ra chém, Trần Ðăng cười to lên nói rằng:

- Sao lại hèn thế? Bảy đạo quân Viên Thuật ta coi như cỏ rác mà thôi. Việc gì phải lo cuồng lên như vậy?

Bố truyền khoan chém rồi bảo Trần Ðăng rằng:

- Hễ mày có kế gì phá được giặc thì ta tha cho.

Ðăng nói:

- Nếu tướng quân nghe lời tôi, thì Từ Châu quyết không lo ngại gì cả.

Bố nói:

- Thử nói đi!

Ðăng nói:

- Quân Thuật tuy nhiều nhưng là quân ô hợp, không thân tín nhau. Nếu ta lấy chính binh mà giữ, lấy kì binh mà đánh, tất nhiên thành công. Tôi lại có một kế nữa: không những là giữ vững được Từ Châu lại còn bắt sống được Viên Thuật.

Lã Bố hỏi kế ra làm sao, Ðăng nói:

- Hàn Tiêm, Dương Phụng nguyên là cựu thần nhà Hán; nhân sợ Tào Tháo mà chạy; không có nơi nương tựa cho nên phải theo Viên Thuật. Thuật tất cũng khinh thường họ, mà họ hẳn cũng không vui lòng để cho Thuật sai khiến. Nếu bây giờ ta đưa thư cho hai người ấy, nhử họ làm nội ứng, rồi ta lại nhờ Lưu Bị làm ngoại hợp, chắc là bắt sống được Thuật.

Bố nói:

- Mày phải đem thư cho Dương Phụng, Hàn Tiêm nhé?

Ðăng xin vâng.

Bố liền dâng biểu đến Hứa Ðô, và đưa thư sang Dự Châu cho Lưu Bị, rồi mới sai Trần Ðăng dẫn vài quân kị, sang trước đường Hạ Phì để đón Hàn Tiêm.

Khi Hàn Tiêm dẫn quân đến, lập trại rồi, Ðăng vào yết kiến. Tiêm hỏi:

- Mày là người của Lã Bố lại đây làm gì?

Ðăng nói:

- Ta là công khanh nhà Hán, sao lại gọi là người của Lã Bố? Như tướng quân trước làm tôi nhà Hán, bây giờ lại làm tôi thằng phản tặc, thế là công cứu giá Quan Trung ngày xưa hoá thành công cốc. Tôi trộm nghĩ lấy làm tiếc cho tướng quân. Vả lại tính Viên Thuật là đứa đa nghi, tướng quân theo hắn rồi sau hại tới thân. Nay không sớm liệu đi, sau hối không kịp nữa.

Tiêm than rằng:

- Tôi cũng muốn về với nhà Hán, ngặt vì không có đường về.

Bấy giờ Ðăng mới đưa thư của Lã Bố ra. Tiêm xem xong nói rằng:

- Tôi xin lĩnh lời Lã Ôn Hầu. Xin ông cứ về trước, để tôi cùng Dương tướng quân sẽ trở giáo đánh lại Viên Thuật. Ông về nói với Lã Ôn Hầu hễ thấy lửa cháy làm hiệu thì đem binh đến tiếp ứng, tất là được.

Ðăng từ giã Tiêm về trình với Lã Bố.

Bố chia quân ra làm năm đạo: Cao Thuận dẫn một đạo tiến lên đến Tiểu Bái để chống với Kiều Dị; Trần Cung dẫn một đạo đến Nghi Ðô để địch với Trần Kỷ; Trương Liêu và Tang Bá dẫn một đạo đến Lương Gia để địch với Lôi Bạc; Tống Hiến, Ngụy Tục dẫn một đạo đến Kế Thạch để địch với Trần Lan; Lã Bố thì tự dẫn một đạo đi ra đường cái lớn để đón Trương Huân. Mỗi đạo đem đi một vạn quân, còn thừa để lại giữ thành.

Lã Bố ra khỏi thành được ba mươi dặm đóng trại. Quân Trương Huân kéo đến, liệu chừng địch với Lã Bố không nổi, lùi lại hai mươi dặm đóng đồn để đợi quân bốn đạo tiếp ứng.

Canh hai đêm hôm ấy Hàn Tiêm, Dương Phụng đem quân kéo lại đốt lửa làm hiệu, quân Lã Bố ùa vào trại Trương Huân. Quân Huân cuống cuồng. Lã Bố thừa thế đánh dấn vào. Huân thua chạy. Lã Bố đuổi vừa đến sáng, gặp quân Kỷ Linh tiếp ứng cho Trương Huân vừa đến. Hai bên vừa sắp sửa đánh nhau, thì Hàn Tiêm, Dương Phụng hai đạo cùng đánh xổ đến. Kỷ Linh cũng thua chạy nốt. Lã Bố đuổi theo đánh. Bỗng thấy ở mé sau núi có một toán quân kéo ra.

Ở ngoài có một hàng cờ bay phấp phới, trong một đội quân mã, vác những cờ vẽ rồng vẽ phượng, cùng là kiếm vàng búa bạc, mao trắng, việt vàng; ở dưới thì tán tía lọng vàng. Viên Thuật mình mặc áo giáp vàng, nách đeo đôi đao, cưỡi ngựa đứng trước cửa trận, gọi mắng Lã Bố là đứa phản chủ.

Bố giận vác kích xông vào.

Tướng Thuật là Lý Phong, vác giáo ra địch. Đánh nhau chưa được ba hiệp, bị Lã Bố đâm vào cánh tay. Phong bỏ giáo chạy. Bố thúc quân vào đánh giết. Quân Viên Thuật cuống cuồng chạy trốn. Lã Bố dẫn quân đuổi theo, cướp giật được ngựa và áo giáp vô số.

Viên Thuật dẫn bại quân chạy, mới được vài dặm, sau núi có một toán quân kéo ra, chẹn ngang đường đi. Một tướng đứng đầu toán quân ấy là Quan Vân Trường, gọi to lên rằng:

- Phản tặc, không chịu chết đi, còn chạy đâu?

Viên Thuật cắm đầu cắm cổ chạy, quân sĩ tán loạn bị Quan Công đánh một trận thật dữ dội. Viên Thuật thu nhặt được ít tàn quân chạy về Hoài Nam.

Lã Bố thắng trận, mời Quan Công, Hàn Tiêm, Dương Phụng về cả Từ Châu, mở một tiệc yến to ăn mừng. Quân sĩ cùng được khao thưởng cả.

Hôm sau Quan Công từ tạ xin về.

Lã Bố tâu xin cho Hàn Tiêm làm mục ở Nghi Ðô; Dương Phụng làm mục ở Lương Gia. Lúc Bố muốn lưu hai người lại ở Từ Châu, Trần Khuê nói:

- Hai người ấy không nên để ở Từ Châu. Cứ cho họ sang giữ ở Sơn Ðông thì tôi chắc chỉ trong một năm, bao nhiêu thành quách đất Sơn Ðông đều về tay tướng quân cả.

Bố nghe Khuê, tạm cho hai người ra đóng ở Nghi Ðô, Lương Gia để đợi ân mệnh.

Trần Ðăng thấy vậy mới hỏi cha rằng:

- Sao cha không để hai người ấy ở Từ Châu, làm tay trong cho mình để giết Lã Bố.

Khuê nói:

- Thế ngộ hai người cùng hiệp sức giúp Lã Bố thì có phải hoá ra thêm nanh vuốt cho hổ không?

Ðăng phục cao kiến của cha.

Viên Thuật thua về Hoài Nam, sai người sang Giang Ðông, hỏi Tôn Sách cho mượn quân để báo thù. Sách giận mà nói rằng:

- Ngươi lấy không ngọc tỷ của ta, tiếm xưng đế hiệu, làm phản nhà Hán, xấc láo không biết đạo, ta đang muốn đem quân sang hỏi tội ngươi, đời nào lại đi giúp đứa phản tặc?

Bèn viết thư cự tuyệt Viên Thuật.

Thuật xem thư giận nói rằng:

- Thằng trẻ con miệng còn hơi sữa mà dám xấc à, ta phải đánh trước nó đi mới được.

Trưởng sử là Dương đại tướng ngăn can mãi Thuật mới thôi.

Tôn Sách từ khi đưa thư, sợ Viên Thuật đem quân đến, điểm binh giữ cửa sông. Chợt có sứ Tào Tháo đến, đem chiếu chỉ cho Sách làm thái thú ở Cối Kê, và sai khởi binh sang đánh Viên Thuật.

Sách bàn bạc với các tướng, muốn khởi binh, Trưởng sử là Trương Chiêu can rằng:

- Thuật tuy rằng mới thua, nhưng binh nhiều lương đủ, chưa dễ đánh được, không bằng đưa thư cho Tào Tháo, bảo hắn cứ sang đánh trước, rồi ta làm hậu ứng. Hai bên cùng hiệp lại đánh, quân Thuật phải thua, vậy ta chắc được vạn phần, vạn nhất có thua, có Tào Tháo cứu đỡ.

Sách nghe lời, sai sứ giả cứ như thế sang trình với Tào công.

Tào Tháo về đến Hứa Ðô thương nhớ Ðiển Vi lập miếu để thờ, rồi phong cho con Ðiển Vi là Ðiển Mãn làm Trung Lang, đem về phủ nuôi.

Bấy giờ có quân báo Tôn Sách sai sứ giả đem thư đến.

Tháo xem xong thư, lại có người báo rằng:

- Viên Thuật thiếu lương ra cướp ở Trần Lưu.

Tháo muốn thừa cơ sang đánh, sai Tào Nhân giữ lấy Hứa Ðô, còn bao nhiêu tướng sĩ bắt phải đi cả. Quân mã bộ cả thảy mười bảy vạn người, xe lương hơn một nghìn chiếc, một mặt sai người ra hẹn với Tôn Sách, Lưu Bị, Lã Bố.

Khi quân đi đến địa giớ Dự Châu, Lưu Bị dẫn quân ra đón. Tháo sai mời vào trại, Lưu Bị vào dâng hai cái đầu.

Tháo giật mình hỏi:

- Ðầu nào?

Lưu Bị nói:

- Ðây là đầu Dương Phụng, Hàn Tiêm.

Tháo hỏi:

- Sao lại giết hai người ấy?

Lưu Bị thưa:

- Lã Bố sai hai người quyền coi Nghi Ðô, Lương Gia và tâu xin cho được thực thụ chức mục hai nơi ấy. Không ngờ hai người thả quân cho ăn cướp của dân, ai cũng ta thán. Bởi thế tôi có làm một tiệc rượu, mời hai người đến bàn việc. Trong khi uống rượu, tôi ném chén làm hiệu sai Quan, Trương là hai em tôi đem hai người giết đi, bắt hết quân hàng phục. Vì thế nên nay lại thú tội với thừa tướng.

Tháo nói:

- Ông trừ hại cho nhà nước, ấy là công to, sao lại gọi là tội?

Tháo thưởng cho Lưu Bị, rồi hai bên cùng hợp binh lại, đến địa giới Từ Châu.

Lã Bố ra đón.

Tháo lấy lời ngọt ngào dỗ dành Lã Bố, phong cho làm tả tướng quân, hứa rằng: khi nào về Hứa Ðô sẽ đổi ấn khác.

Bố mừng lắm.

Tháo chia quân Lã Bố ở tả, quân Lưu Bị ở hữu, còn mình tự lĩnh đại quân ở giữa; sai Hạ Hầu Ðôn, Vu Cấm làm tiên phong.

Viên Thuật biết quân Tào đã đến nơi, sai Kiều Dị đem năm vạn quân làm tiên phong.

Hai bên gặp nhau ở giáp giới Thọ Xuân. Kiền Dị tế ngựa ra trước, đánh nhau với Hạ Hầu Ðôn, chưa được ba hiệp, bị Ðôn đâm chết.

Quân Thuật thua chạy về thành. Giữa lúc ấy lại có người báo rằng:

- Tôn Sách đem thuyền đánh mặt tây; Lã Bố đem binh đánh mặt đông; ba anh em Lưu, Quan, Trương dẫn binh đánh mặt nam; Tào Tháo thì dẫn mười bảy vạn quân đánh mặt bắc.

Thuật nghe báo vội vàng họp cả văn võ lại để bàn. Dương đại tướng nói:

- Ðất Thọ Xuân luôn mấy năm nay nước lụt rồi nắng to, dân gian đói khát cực khổ. Nếu bây giờ lại cất quân thì nhiễu dân quá, tất dân oán mình, giặc đến khó lòng mà cự được, không bằng đóng quân ở Thọ Xuân, không đánh nhau với quân địch, đợi quân địch cạn lương tất nhiên sinh biến. Bây giờ bệ hạ hãy nên đem quân ngự lâm qua sông Hoài, trước là sang chỗ lúa chín, sau nữa là hãy tạm lánh thế mạnh của quân địch.

Thuật nghe lời, cho Lý Phong, Nhạc Tựu, Lương Cương và Trần Kỷ, cả thảy bốn tướng với mười vạn quân để giữ Thọ Xuân, còn bao nhiêu tướng giỏi, cùng là vàng bạc châu báu trong kho, thu xếp nhặt nhạnh hết đem qua sông Hoài Nam.

Quân Tào Tháo mười bảy vạn mỗi ngày ăn lương tốn lắm. Các quận lại mất mùa, chuyển vận không kịp. Tháo thúc quân đánh mau.

Lũ Lý Phong cứ đóng chặt cửa thành không ra. Quân Tháo đánh thành hơn một tháng, lương ăn gần hết.

Tháo đưa thư sang vay Tôn Sách được mười vạn hộc lương. Quan coi lương là Vương Hậu thấy ít quá không đủ phát cho quân, vào bẩm với Tháo, hỏi xem nên làm thế nào?

Tháo nói:

- Ðem hộc nhỏ mà phát cho chúng nó, tạm cấp cứu lấy một lúc.

Hậu lại hỏi:

- Thế ngộ quân sĩ kêu ca thì nói thế nào?

Tháo nói:

- Ta đã có cách.

Hậu vâng lệnh, lấy hộc nhỏ đong lương phát cho quân. Tháo cho người đi dò các trại, chỗ nào cũng thấy quân ta thán rằng: "thừa tướng đánh lừa quân". Tháo thấy vậy mật cho người ra đòi Vương Hậu vào bảo rằng:

- Nay ta muốn mượn ngươi một cái, để dẹp yên lòng quân, ngươi đừng nên tiếc.

Hậu hỏi:

- Thừa tướng muốn dùng cái gì?

Tháo nói:

- Ta muốn mượn cái đầu ngươi để dẹp yên lòng quân.

Hậu thất kinh, kêu oan, Tháo lại nói:

- Ta cũng biết ngươi không có tội, nhưng không giết ngươi thì lòng quân sinh biến, sau khi ngươi chết, vợ con ngươi ta nuôi cho, ngươi đừng lo.

Vương Hậu muốn nói nữa, nhưng Tháo đã gọi ngay đao phủ vào lôi Hậu ra ngoài cửa chém rồi bêu đầu lên một cái sào dài, yết thị rằng: "Vương Hậu cố tình làm đấu nhỏ, để ăn cắp lương vua, nay chiếu quân pháp trị tội". Bởi thế quân sĩ không oán gì nữa.

Hôm sau Tào Tháo hạ lệnh cho các tướng rằng:

- Hạn cho ba ngày, hễ không cố sức phá được thành, các tướng phải chém cả.

Tháo thân đến tận dưới thành, đốc thúc quân sĩ vận chuyển đất đá để lấp hào. Trên thành tên đá bắn xuống như mưa. Có hai tì tướng sợ hãi lui ra, Tháo rút ngay kiếm chém liền ngay ở dưới thành, rồi xuống ngựa để đỡ lấy đất lấp hố. Bởi thế tướng sĩ lớn nhỏ, ai cũng phải cố lăn vào. Trên thành chống cự không nổi, quân Tào tranh nhau lên thành, chặt gãy khoá cửa thành, ào ào kéo vào.

Lý Phong, Trần Kỷ, Nhạc Tựu, Lương Cương đều bị bắt sống. Tháo sai đem cả bốn tướng ra chợ chém, đốt sạch cả đền đài cung miếu, và bao nhiêu những đồ phạm cấm trong thành Thọ Xuân, cho quân cướp lấy sạch.

Tháo bàn muốn tiến binh sang sông Hoài đuổi theo Viên Thuật. Tuân Úc can rằng:

- Mấy năm nay đói kém, lương thực khan thiếu, nếu lại tiến binh thì nhọc quân và hại dân, vị tất đã có lợi, không bằng tạm về Hứa Ðô, đợi sang xuân lúa chín, quân lương đủ dùng, bấy giờ ta sẽ liệu.

Tháo ngầy ngừ chưa quyết, chợt có kị mã đến báo rằng:

- Trương Tú nương nhờ Lưu Biểu, nay lại tung hoành lắm. Các huyện Nam Dương, huyện Giang Lăng lại làm phản, Tào Hồng chống với giặc không nổi, thua luôn mấy trận, nên sai đến cáo cấp.

Tháo đưa ngay thư cho Tôn Sách, sai vượt qua sông bày trận làm nghi binh để Lưu Biểu không dám tiến quân; Tháo thì ngay hôm ấy rút quân về, để bàn việc sang đánh Trương Tú.

Lúc đi, sai Lưu Bị lại về đóng đồn ở Tiểu Bái, cùng Lã Bố kết làm anh em, phải cứu giúp lẫn nhau, không được xâm phạm nhau nữa.

Lã Bố đem quân về Từ Châu, Tháo nói thầm với Lưu Bị rằng:

- Tôi sai ông đóng ở Tiểu Bái cũng là mẹo đào hố sẵn để bắt hổ đó. Ông nên cùng với cha con Trần Khuê bàn bạc, đừng để lầm lỡ điều gì, tôi sẽ làm ngoại viện.

Dặn dò xong rồi từ biệt nhau.

Tào Tháo dẫn quân về Hứa Ðô, có người báo rằng:

- Ðoàn Ổi đã giết được Lý Thôi, Ngũ Tập giết được Quách Dĩ, mang đầu lại dâng. Ổi lại bắt được họ hàng Lý Thôi, già trẻ hơn hai trăm người, giải vào Hứa Ðô đem nộp.

Tháo sai đem chia ra các cửa thành chém bêu đầu; nhân dân ai cũng hả dạ.

Vua lên điện hội tập các triều thần văn võ, mở tiệc yến thái bình ăn mừng, phong cho Ðoàn Ổi là đảng khấu tướng quân; Ngũ Tập làm đảng lỗ tướng quân, đều đem quân ra trấn thủ Trường An.

Hai người tạ ơn rồi trở ra.

Tháo tâu rằng:

- Trương Tú làm loạn, Tháo xin cất quân ra đánh.

Vua thân ngự loan giá tiễn Tháo.

Bấy giờ về tháng tư năm thứ ba niên hiệu Kiến An. Tháo lưu Tuân Úc ở lại Hứa Ðô, sai binh khiển tướng tự thống lĩnh đại quân kéo đi.

Khi quân đi qua một nơi lúa đã chín, dân thấy quân đến chạy trốn không dám ra gặt lúa. Tháo sai người đi hiểu dụ hết cả phụ lão thôn quê cùng các quan sở tại rằng:

- Ta phụng chiếu vua, đem quân đánh giặc, trừ hại cho dân. Nay đang mùa lúa chín, bắt đắc dĩ phải khởi binh. Quân tướng lớn nhỏ đi qua những ruộng, ai dẫm lên lúa đều bị chém. Quân pháp thực nghiêm, nhân dân không việc gì phải lo sợ cả.

Trăm họ nghe lời hiểu dụ, chỗ nào cũng vui mừng ca tụng, kéo cả ra đường bái vọng.

Quan quân đi qua các ruộng lúa đều phải xuống ngựa, lấy tay đỡ từng bông lúa mạch, lần lượt truyền tay nhau mà đi, không ai dám dẫm bừa.

Tháo cưỡi con ngựa đang đi, bỗng có một con chim gáy ở trong bụi lúa bay vụt ra. Ngựa Tháo giật mình lồng lên, nhảy ngay vào trong đám lúa, xéo nát cả một vùng lúa mạch.

Tháo lập tức gọi hành quân chủ bạ truyền phải luận tội mình xéo lúa.

Chủ bạ nói:

- Sao lại có thể kết tội thừa tướng?

Tháo nói:

- Ta đặt ra phép, ta lại tự phạm, thì sao chúng phục?

Liền rút gươm toan tự vẫn. Các tướng vội vàng ngăn lại.

Quách Gia nói:

- Cứ như nghĩa sách Xuân Thu ngày xưa, thì pháp luật không áp dụng với người tôn quý. Thừa tướng thống lĩnh đại quân, sao lại tự sát?

Tháo dùng dằng một hồi rồi nói rằng:

- Có phải sách Xuân Thu có nghĩa thế, thì ta hãy tạm tha tội cho ta khỏi chết.

Rồi lấy kiếm cắt tóc mình vất xuống đất mà nói rằng:

- Cắt tóc để thay đầu!

Rồi sai người cầm nắm tóc ra, truyền bảo ba quân rằng:

- Thừa tướng xéo phải lúa, đáng lẽ chém đầu làm hiệu lệnh. Nay hãy cắt tóc để thay!

Quân tướng nghe thấy đều rợn tóc gáy, không ai dám sai phép quân.

Ðời sau có thơ rằng:

Mười vạn quân hùng lắm bụng sao?

Một người ra lệnh cấm thế nào?

Thay đầu, cắt tóc, nghiêm quân pháp,

Trí trá Tào Man ấy mới cao!

Trương Tú nghe thấy Tháo dẫn binh đến, đưa ngay thư sang Lưu Biểu, nhờ làm hậu ứng, một mặt cùng với Lôi Tự, Trương Tiên hai tướng, đem quân ra ngoài thành nghênh địch.

Hai trận quây tròn lấy nhau. Trương Tú cưỡi ngựa ra, trỏ vào Tháo mắng rằng:

- Ngươi là đứa giả nhân giả nghĩa, không biết liêm sỉ, sánh với cầm thú không khác gì!

Tháo giận lắm sai Hứa Chử ra. Tú sai Trương Tiên ra tiếp chiến. Ðánh nhau được ba hiệp, Chử chém Trương Tiên chết.

Quân Tú thua to, Tháo đem quân đuổi đánh đến dưới thành Nam Dương. Tú vào thành đóng cửa không dám ra.

Tháo vây đánh thành, thấy hào rộng nước sâu, khó đến được gần thành, sai quân sĩ đổ đất lấp hào; lại dùng những đẫy vải dựng đất và những củi gỗ cỏ rác, chồng chất lẫn lộn cả ở bên thành, để làm bậc trèo vào; lại làm thang cao để dòm vào trong thành.

Tháo cưỡi ngựa đi diễu chung quanh thành ba hôm để nhìn xem địa thế, rồi truyền quân sĩ chất củi gỗ cỏ rác ở góc cửa tây, hội họp chư tướng, theo góc ấy trèo vào thành.

Giả Hủ ở trong thành, trông thấy quang cảnh như thế bảo với Trương Tú rằng:

- Ta biết ý Tào Tháo rồi, nay nên biến kế hắn thành kế của ta.

Thế thực là:

Ðã khôn gặp phải người khôn nữa;

Hay dối trêu ngay kẻ dối hơn.

Chưa biết kế Giả Hủ ra làm sao, xem đến hồi sau mới rõ.


Hồi 18

Giả Văn Hòa liệu mưu quyết thắng giặc

Hạ Hầu Đôn rút tên nuốt con ngươi

Giả Hủ biết ý Tào Tháo, muốn biến kế Tháo thành kế của mình, bèn bảo Trương Tú rằng:

- Tôi ở trên thành, thấy Tào Tháo đi chung quanh thành xem xét ba hôm nay, hắn thấy góc đông nam màu gạch, đất mới cũ không được đều, hàng rào chông chà đã nát quá nửa, ý nó muốn đánh vào mặt ấy, nhưng mà giả vờ chứa cỏ rác ở góc tây bắc để đánh lừa ta rút quân về giữ tây bắc, rồi nó nhân đêm tối, trèo lên góc đông nam tiến quân vào thành.

Trương Tú vội hỏi:

- Thế thì làm thế nào?

Hủ thưa:

- Khó chi việc ấy. Ngày mai nên sai quân tinh tráng ăn cơm no, mặc quần áo chẽn, phục cả trong buồng các trại ở mé đông nam, còn dân trong thành thì ăn mặc giả làm lính giữ mặt tây bắc. Ðến đêm mặc kệ cho chúng nó trèo vào góc đông nam, đợi khi chúng nó vào trong thành rồi, thì bắn một phát pháo hiệu, bao nhiêu quân phục đổ ra, Tháo chạy đi đằng trời.

Tú nghe, dùng kế ấy. Quả thực có quân thám, báo với Tào Tháo rằng: Trương Tú rút cả quân về mặt tây bắc, hò reo giữ thành, còn mặt đông nam bỏ trống.

Tháo mừng mà reo lên rằng:

- Nó mắc kế ta rồi!

Liền sai quân sĩ sắp sẵn thuổng cuốc để đào thành vào; ban ngày chỉ đem quân đánh mặt tây bắc, đến tối vào độ canh hai mới đem cả tinh binh ra góc đông nam, lội qua hào, dọn sạch hàng rào chông.

Trong thành vẫn im phăng phắc.

Quân Tháo kéo ùa cả vào, bỗng nghe một tiếng súng nổ, quân phục bốn mặt đổ ra. Quân Tào vội vàng rút lui. Trương Tú thúc quân dũng tráng đánh vào. Quân Tháo thua to.

Tháo ra thành chạy hơn hai mươi dặm.

Tú đánh mãi đến tang tảng sáng mới rút quân về.

Tháo điểm quân mất hơn năm vạn người; xe lương cùng các đồ khí giới mang đi theo mất nhiều lắm; Lã Kiền, Vu Cấm đều bị thương.

Giả Hủ thấy Tháo thua chạy, bảo ngay Trương Tú đưa thư cho Lưu Biểu, sai đem quân ra chẹn đường sau.

Biểu được thư muốn kéo quân đi ngay, chợt có thám mã đến báo rằng:

- Tôn Sách đóng quân ở Hồ Khẩu.

Khoái Lương nói:

- Sách đóng binh ở Hồ Khẩu là mẹo của Tào Tháo đấy. Nay Tào Tháo mới thua, nếu mình không thừa thế đánh ngay, về sau tất rồi sinh lo.

Biểu mới sai Hoàng Tổ giữ vững cửa ải, mình tự đem quân đến huyện An Chúng, chẹn đường Tào Tháo, một mặt giao ước với Trương Tú.

Tú thấy Biểu đã khởi binh, cùng Giả Hủ đem quân đuổi Tào Tháo.

Tào Tháo dẫn quân đi dần dần đến Tương Thành, gần sông Dục Thuỷ. Tháo tự dưng ngồi trên ngựa, khóc hu hu lên.

Các tướng ngạc nhiên hỏi vì cớ gì, Tháo nói rằng:

- Ta khóc là vì nhớ năm ngoái đại tướng của ta là Ðiển Vi chết ở chỗ này. Nghĩ đến, ta lại thương mà khóc.

Tháo lau nước mắt rồi truyền lệnh hãy đóng quân mã lại đó, bày một lễ lớn, tế vong hồn Ðiển Vi.

Tháo tự mình thắp hương khóc rồi lễ. Ba quân ai thấy cũng động lòng. Tế Ðiển Vi xong rồi, Tháo tế cháu là Tào Dân và con cả là Tào Ngang, rồi lại tế cả những quân lính chết ở đấy năm trước, tế cả đến con ngựa Ðại Uyển cùng chết một trận.

Hôm sau Tuân Úc sai người đến báo rằng:

- Lưu Biểu giúp Trương Tú đóng quân ở An Chúng, định chẹn đường ta.

Tháo trả lời Úc rằng:

- Mỗi ngày ta đi có vài dặm. Không phải là ta không biết có quân giặc đuổi theo sau đâu. Ta đã định đâu vào đấy cả rồi. Nếu đến An Chúng, ta chắc phá được quân Tú. Các ngươi chớ lo.

Nói rồi, giục quân đi cho mau đến đầu huyện An Chúng. Quân Lưu Biểu đã giữ cả những chốn hiểm yếu, đằng sau thì Trương Tú kéo quân đuổi theo.

Tháo sai quân đêm hôm ấy đào những nơi hiểm mở đường mai phục kì binh. Ðến sớm hôm sau, Lưu Biểu, Trương Tú, hai bên hội quân với nhau, thấy quân Tháo có ít, tưởng Tháo đã đi trốn rồi, kéo quân vào đường hẻm để đánh. Bấy giờ Tháo mới thả quân phục ra, đánh vỡ tan cả quân hai nhà, rồi ra khỏi cửa huyện An Chúng, hạ trại ở mé ngoài cửa ải đóng quân.

Lưu Biểu, Trương Tú thua, nhặt nhạnh tàn quân rồi cùng bàn với nhau. Biểu nói:

- Không ngờ lại mắc phải kế Tào Tháo!

Tú nói:

- Ðể thong thả ta sẽ liệu.

Hai bên cùng đóng quân ở An Chúng.

Tuân Úc do thám được rằng Viên Thiệu muốn đem quân tiến vào Hứa Ðô, lập tức sai người đem thư cho Tào Tháo.

Tháo thất kinh, ngay hôm ấy rút quân về.

Quân Trương Tú có đứa do thám thấy thế, về báo với Tú. Tú muốn đuổi theo. Giả Hủ can rằng:

- Không nên đuổi, đuổi tất thua!

Lưu Biểu không nghe, nói rằng:

- Nay không thừa thế đuổi dấn đi, bỏ phí mất cơ hội hay.

Biểu cố khuyên Tú, cùng dẫn một vạn quân đuổi theo.

Ði được mười dặm, đuổi kịp hậu quân Tào Tháo. Quân Tào cố sức đánh lại. Bỉểu, Tú thua to chạy về. Tú than với Hủ rằng:

- Tại tôi không nghe lời ông, quả nhiên thua thật.

Giả Hủ cười bảo rằng:

- Bây giờ hai ông nên thu quân lại mà đuổi.

Biểu và Tú nói:

- Vừa thua xong, lại còn đuổi làm gì nữa?

Hủ nói:

- Hai ông cứ đuổi đi. Phen này chắc hẳn là được. Hễ thua cứ chặt đầu tôi đi.

Tú tin lời Hủ, Biểu còn nghi hoặc, không chịu đi. Tú dẫn quân một mình đi đuổi.

Quân Tháo quả nhiên thua to. Xe ngựa lương thảo bỏ đầy cả ra đường mà chạy. Tú đương đuổi, sau núi bỗng có một cánh quân kéo ra, không dám đuổi nữa, thu quân về An Chúng.

Lưu Biểu thấy Tú được trận về, mới hỏi Giả Hủ:

- Trước đem quân thắng đuổi quân thua ông bảo rằng tất thua; sau đem quân thua đuổi đánh quân thắng, ông lại bảo tất được. Trước sau đều như lời ông cả. Sao cùng hai việc ông nói hai cách đều nghiệm cả, xin ông giảng cho tôi nghe.

Hủ thưa:

- Việc ấy dễ hiểu! Tướng quân dẫu biết dùng binh, nhưng không phải là tay địch nổi với Tào Tháo. Tào Tháo thua chạy tất nhiên phải để những tướng giỏi đi sau để phòng quân đuổi, quân ta dù giỏi cũng không địch nổi, bởi vậy tôi biết tất là thua. Tháo sở dĩ vội lui quân, chắc vì Hứa Ðô có việc, khi đã đánh được quân ta, tất nhiên xe nhẹ đi nhanh không phòng bị gì nữa, ta nhân lúc Tháo không phòng bị mà đuổi, chắc là được.

Lưu Biểu, Trương Tú đều phục là cao kiến.

Hủ lại khuyên Biểu về Kinh Châu và Tú giữ lấy Tương Thành để giúp đỡ lẫn nhau. Hai bên đều thu quân về.

Ðây nói lúc Tào Tháo đang đi nghe thấy báo:

- Hậu quân bị Trương Tú đuổi đánh.

Tháo liền đem các tướng lại cứu, đã thấy quân Trương Tú rút về rồi, bấy giờ đám hậu quân thua lại bẩm với Tháo rằng:

- Cũng may ở sau núi có toán quân ra chẹn đường, nếu không thì bị bắt hết cả.

Tháo vội hỏi:

- Người nào thế?

Một tướng vác giáo, xuống ngựa vào bái kiến Tào Tháo, thì là Trấn Oai trung lang tướng, người ở Giang Hạ, họ Lý tên Thông, tự là Văn Ðạt.

Tháo hỏi:

- Anh ở đâu đến?

Thông nói:

- Gần đây tôi giữ Nhữ Nam. Nghe tin thừa tướng đánh nhau với Trương Tú, Lưu Biểu, nên tôi đến để tiếp ứng.

Tháo mừng, phong cho Thông làm Kiến Công hầu, sai giữ mé tây đất Nhữ Nam để phòng Biểu, Tú. Thông lạy tạ rồi đi.

Tháo về Hứa Ðô, dâng biểu tâu Tôn Sách có công, xin phong làm Thảo Nghịch tướng quân, tước Ngô hầu, sai sứ cầm chiếu đến Giang Ðông, sai phải phòng đánh Lưu Biểu.

Tháo về phủ. Các quan đều đến chào mừng xong cả rồi, Tuân Úc mới hỏi rằng:

- Thừa tướng đi thong thả đến An Chúng. Sao biết rằng tất phá được giặc?

Tháo nói:

- Quân đi không có đường về, tất sống chết cũng phải cố đánh. Ta đi thong thả là để dử đằng kia hắn đến, vả ta đã có quân phục chỉ chực để đánh. Thế thì làm gì mà không chắc được!

Tuân Úc bái phục. Bấy giờ Quách Gia mới vào. Tháo hỏi:

- Sao ông lại chậm thế?

Gia sờ vào trong tay áo lấy ra một phong thư, đưa cho Tào Tháo thưa rằng:

- Viên Thiệu sai người đưa thư cho thừa tướng, nói rằng muốn đem quân đánh Công Tôn Toản, đến mượn binh lương.

Tháo nói:

- Ta nghe Thiệu muốn dòm Hứa Ðô, nay thấy ta về, nên mới xoay ra cách khác.

Nói rồi mở thư ra xem. Thấy lời lẽ kiêu ngạo, Tháo hỏi Gia rằng:

- Viên Thiệu láo. Ta muốn sang đánh, ngặt vì sức ta không nổi, nên làm thế nào?

Quách Gia thưa:

- Họ Lưu không địch được họ Hạng, ông cũng đã biết, thế mà Hạng Vũ sau bị bắt là vì Cao Tổ có nhiều mưu trí. Nay Viên Thiệu có mười điều thua, còn ông có mười điều được, do đấy quân Thiệu tuy mạnh, nhưng không đáng sợ.

Tính Thiệu hay vẽ vời nghi lễ. Ông thì dễ dãi tự nhiên, thế là được về đạo.

Thiệu hành động trái lẽ. Ông thuận lẽ phải, thế là được về nghĩa.

Từ đời Hoàn, Linh đến giờ, triều chính đổ nát vì quá khoan rộng. Nay Thiệu khoan quá, mà ông thì nghiêm để đưa vào quy củ, thế là được về chính trị.

Viên Thiệu ngoài khoan hoà, mà trong nghi kị, lại dùng toàn những người thân thích. Ông thì ngoài giản dị, trong sáng suốt, dùng người toàn là nhân tài, thế là được về độ lượng.

Thiệu nhiều mưu mà ít quyết đoán. Ông được mưu hay là làm ngay, thế là được về mưu lược.

Thiệu hiếu danh. Ông thì lấy bụng thực đãi người, thế là được về đức.

Thiệu nghĩ chỗ gần, quên chỗ xa. Ông thì nghĩ đâu cũng khắp, thế là được về nhân.

Thiệu hay nghe gièm pha, ngờ vực người. Ông thì không tin những đứa sàm nịnh, thế là được về sự sáng suốt.

Thiệu phải trái hồ đồ. Ông thì phép tắc phân minh, thế là được về văn.

Thiệu thích hư trương thanh thế, nhưng không biết cách dùng binh. Ông thì lấy ít đánh được nhiều, dùng binh như thần, thế là được về võ.

Ông có mười điều được ấy, đánh thắng Thiệu có khó gì.

Tháo cười nói rằng:

- Ông nói thế! Tôi sao có đủ được mười điều ấy.

Tuân Úc nói:

- Quách Phụng Hiếu kể mười điều được của ông và mười điều thua của Viên Thiệu, quả là hợp ý tôi lắm. Quân Thiệu dù nhiều cũng không đáng sợ.

Gia lại nói:

- Nay tôi xin lại hiến một kế: Lã Bố ở Từ Châu là một mối lo trong lòng. Nay Thiệu lên mặt bắc để đánh Công Tôn Toản. Ta nhân hắn đi xa hãy đánh Lã Bố trước, quét sạch cõi đông nam đã, rồi sẽ đánh Viên Thiệu sau. Thế là hơn cả. Nếu ta đang đánh Viên Thiệu. Lã Bố thừa cơ xâm phạm Hứa Ðô, thì lại hại to.

Tào Tháo cho là phải, bèn bàn việc kéo quân sang đông đánh Lã Bố.

Tuân Úc nói:

- Hãy sai người sang hẹn với Lưu Bị, đợi xem về báo thế nào, bấy giờ ta sẽ khởi binh.

Tháo nghe lời, một mặt đưa thư cho Lưu Bị, một mặt hậu đãi sứ Viên Thiệu, tâu cho Thiệu làm đại tướng quân thái uý, và đô đốc cả bốn châu: Ký, Thanh, U, Tịnh, lại đưa mật thư nói rằng: "Ông cứ sang đánh Công Tôn Toản, tôi sẽ giúp ông".

Thiệu được thư mừng lắm, liền sai tiến quân đánh Công Tôn Toản.

Ở Từ Châu, mỗi lần yến hội tân khách, bố con Trần Khuê cực lực ca tụng Lã Bố. Trần Cung không bằng lòng, nhân lúc vắng nói với Lã Bố rằng:

- Cha con Trần Khuê ngoài mặt nịnh tướng quân, nhưng thâm hiểm khó lường được. Tướng quân phải giữ gìn cho khéo.

Bố giận mắng rằng:

- Ngươi vô cớ gièm pha, muốn hại người tốt hay sao?

Cung trở lui ra than rằng:

- Lời trung chẳng nghe. Lũ ta sẽ mắc nạn cả.

Cung muốn bỏ Lã Bố đi nơi khác, nhưng không nỡ, lại sợ người ta chê cười, cả ngày buồn rầu, không vui.

Một hôm Cung đem vài mươi quân kị đi săn ở Tiểu Bái để giải trí, chợt gặp trên đường cái quan một người cưỡi ngựa trạm phóng ngựa lên trước.

Cung có bụng nghi, bỏ ngay vây săn, đem quân chạy đường tắt đuổi kịp, hỏi rằng:

- Ngươi là sứ giả của ai?

Người cưỡi ngựa biết Cung là bộ hạ Lã Bố, sợ lúng túng không nói được. Cung sai khám trong mình, bắt được một phong mật thư của Lưu Bị trả lời Tào Tháo.

Cung lập tức lôi cả người lẫn thư lại trình Lã Bố, Bố hỏi người mang thư, người mang thư thưa: Tào thừa tướng sai tôi mang thư đưa đến Lưu Dự Châu, nay được thư trả lời, tôi không biết trong thư nói gì. Bố mở thư ra xem, thư nói rằng:

- "Tôi vâng lời minh công, muốn trừ Lã Bố, ngày đêm vẫn phải lưu tâm. Ngặt tôi binh mọn tướng ít chưa dám khinh động. Nếu thừa tướng cất quân sang đánh tôi xin làm tiền khu. Nay xin sắp binh sửa giáp để đợi mệnh ngài".

Lã Bố xem xong giận lắm, liền sai đem chém sứ giả, rồi sai Trần Cung, Tang Bá kết liên với giặc Thái Sơn là Tôn Quan, Ngô Ðôn, Doãn Lễ và Xương Hi, sang phía Đông đánh các quận Sơn Ðông, Duyện Châu; sai Cao Thuận, Trương Liêu đánh Bái Thành, bắt Lưu Bị; sai Tống Hiến, Ngụy Tục sang phía tây đánh Nhữ Nam, Dĩnh Xuyên; Bố thì thống lĩnh trung quân để cứu ứng ba mặt.

Cao Thuận dẫn quân từ Từ Châu sắp đến Tiểu Bái, có người vào báo với Lưu Bị. Lưu Bị họp ngay các quan lại bàn. Tôn Càn nói:

- Trước hết nên cáo cấp ngay với Tào Tháo đã.

Lưu Bị hỏi:

- Ai sang Hứa Ðô bây giờ?

Dưới thềm có một người bước ra xin đi, hỏi ra thì là người cùng làng với Lưu Bị, tên là Giản Ung, tự là Hiến Hoà, hiện đương làm mạc tân. Huyền Ðức lập tức viết thư giao cho Ung, sai phải cấp tốc đi cho mau đến Hứa Ðô cấp cứu; một mặt chuẩn bị khí cụ giữ thành. Lưu Bị giữ cửa nam, Tôn Càn giữ cửa tây, Quan Công giữ cửa bắc, Trương Phi giữ cửa đông; lại sai My Chúc và em là My Phương giữ trung quân.

Nguyên My Chúc có em gái gả cho Lưu Bị làm vợ thứ, bởi thế Lưu Bị mới sai giữ ở trung quân để trông nom vợ con.

Khi quân Cao Thuận đến, Huyền Ðức đứng trên địch lâu hỏi rằng:

- Ta cùng Phụng Tiên không hiềm khích gì, cớ sao dẫn quân đến đây?

Thuận nói:

- Mày kết liên với Tào Tháo, quyết hại chủ tao, nay việc đã tiết lộ, sao không chịu trói ngay!

Thuận nói xong vẫy quân vào thành, Huyền Ðức đóng cửa không ra.

Hôm sau Trương Liêu dẫn quân đánh cửa Bắc.

Quan Công đứng ở trên thành bảo Trương Liêu rằng:

- Tôi trông ông nghi biểu cũng không phải người thường, sao lại khuất thân theo giặc?

Trương Liêu nghe nói, cúi đầu xuống, chẳng nói gì cả. Vân Trường biết rằng người ấy có khí trung nghĩa, không nỡ nói quá, và cũng không ra đánh.

Liêu dẫn quân lui đến cửa đông. Trương Phi ra đánh. Có người báo với Quan Công, Quan Công vội vàng ra cửa đông xem thì thấy Trương Phi vừa ra thành thì Trương Liêu đã lui quân. Phi muốn đuổi theo, Quan Công gọi lại bảo vào thành. Phi nói:

- Hắn sợ mà chạy làm sao không đuổi?

Quan Công nói:

- Võ nghệ người ấy chẳng kém gì hai anh em ta đâu. Vì anh đã lấy lời phải bảo y, nên y có bụng hối không đánh nhau với ta đó.

Phi từ ấy không ra đánh nữa, chỉ sai quân sĩ cố giữ lấy thành.

Giản Ung đến Hứa Ðô, vào ra mắt Tào Tháo, kể hết đầu đuôi. Tháo họp mưu sĩ lại để bàn, nói rằng:

- Nay ta muốn sang đánh Lã Bố, chẳng lo gì Viên Thiệu chẹn nách, nhưng chỉ sợ Lưu Biểu với Trương Tú chúng chực ở đằng sau đánh tập hậu.

Tuân Du nói:

- Hai người ấy mới thua, chưa dám khinh động. Lã Bố kiêu dũng lắm, nếu để cho hắn kết liên được với Viên Thuật, tung hoành bên vùng Hoài, Từ thì khó lòng trừ được.

Quách Gia nói:

- Nay nhân hắn mới làm phản, bụng quân chưa ai phục, ta nên đánh ngay đi.

Tháo lập tức sai Hạ Hầu Ðôn, Hạ Hầu Uyên, Lã Kiền lĩnh năm vạn quân đi trước, tự mình thống đại quân lần lượt kéo đi sau.

Giản Ung cũng theo về.

Có thám mã báo với Cao Thuận. Thuận báo với Lã Bố. Hầu Thành, Hách Manh, Tào Tính dẫn hơn ba trăm quân kị tiếp ứng Cao Thuận, ra đón Tháo ngoài Bái Thành ba mươi dặm. Lã Bố tự dẫn đại quân đến tiếp ứng sau.

Lưu Bị ở trong thành Tiểu Bái thấy Cao Thuận lui quân, biết rằng quân Tào đã đến, chỉ để Tôn Càn giữ thành; My Chúc, My Phương giữ nhà, mình thì đem Quan, Trương ra ngoài thành, chia đường đóng trại, tiếp ứng Tào Tháo.

Hạ Hầu Ðôn dẫn quân đi lên, vừa gặp ngay Cao Thuận kéo quân đến, lập tức vác giáo cưỡi ngựa ra thách đánh. Cao Thuận lại địch.

Hai bên đánh nhau bốn năm mươi hiệp. Cao Thuận chống đỡ không nổi, thua chạy về trận. Ðôn tế ngựa đuổi theo. Thuận chạy vòng quanh trận. Ðôn không tha cũng chạy vòng quanh đuổi.

Tào Tính đứng trong trận trông thấy hai người đuổi nhau, ngầm giương cung đặt tên, nhìn thực đích xác, bắn một phát trúng ngay mắt bên tả Hạ Hầu Ðôn.

Ðôn kêu to một tiếng, lấy tay rút mũi tên ra, không ngờ cả con ngươi cũng bật ra. Ðôn nói rằng: "Tinh cha huyết mẹ không nên bỏ", rồi đút con ngươi vào mồm nuốt chửng, lại cầm giáo tế ngựa xông vào đánh Tào Tính.

Tính chưa kịp đề phòng bị Ðôn đến đâm một nhát vào giữa mặt, chết ngã quay xuống.

Quân sĩ hai bên trông thấy, ai cũng khiếp đảm.

Ðôn giết được Tính rồi quay ngựa về. Cao Thuận tự đằng sau đuổi lại vẫy quân kéo ùa cả lên.

Quân bên Tào thua. Hạ Hầu Uyên hộ vệ anh chạy thoát.

Lã Kiền, Lý Ðiển rút bại quân về Tế Bắc đóng trại.

Cao Thuận được trận ấy rồi quay về đánh Lưu Bị. Giữa lúc ấy đại quân Lã Bố cũng đến.

Bố cùng Trương Liêu, Cao Thuận chia quân làm ba đường tiến đánh...

Thế mới biết rằng:

Mãnh tướng nuốt ngươi tuy đánh giỏi,

Tiên phong trúng đạn khó lâu bền.

Chưa biết Huyền Ðức chuyến này ra làm sao, xem đến hồi sau sẽ rõ.


Hồi 19

Thành Hạ Phì, Tào Tháo dùng binh

Lầu Bạch Môn, Lã Bố tuyệt mệnh

Cao Thuận, Trương Liêu đánh trại Quan Công; Lã Bố đánh trại Trương Phi. Quan, Trương hai ông cùng ra đối địch. Lưu Bị đem binh tiếp ứng hai trại, Lã Bố chia quân từ đằng sau đánh dồn lại. Hai cánh quân Quan, Trương cùng vỡ.

Huyền Đức dẫn vài chục kỵ mã chạy về Bái Thành. Lã Bố đuổi theo. Bị vội gọi quân trên thành buông cầu xuống để cho quân vào.

Lã Bố đã đến nơi rồi mà trên thành không dám bắn xuống, sợ bắn phải Huyền Đức. Lã Bố thừa thế xông vào thành. Tướng sĩ giữ cửa thành không chống cự nổi, vùng té chạy cả. Lã Bố hô quân vào thành, Huyền Đức thấy việc đã kíp, không kịp chạy về nhà nữa, đành bỏ vợ con, một mình cưỡi ngựa, lẻn ra cửa tây chạy trốn.

Lã Bố đến tận nhà Lưu Bị. My Chúc ra đón, nói với Lã Bố rằng:

- Tôi nghe: phàm đã gọi là đại trượng phu là không hại vợ con người ta. Nay cùng tướng quân tranh thiên hạ ấy là Tào Tháo, chứ như Huyền Đức vẫn nhớ ơn ông bắn kích ở nha môn, có khi nào dám quên đâu! Nay bất đắc dĩ phải theo Tào Tháo. Xin tướng quân thể tất cho.

Bố nói:

- Phải, ta cùng Huyền Đức vốn là bạn cũ với nhau, có đâu lại nỡ hại vợ con ông ấy!

Rồi sai My Chúc dẫn vợ con Lưu Bị ra Từ Châu ở yên đó. Bố thì dẫn quân sang Sơn Đông, Duyện Châu, để Cao Thuận, Trương Liêu ở lại giữ Tiểu Bái.

Bấy giờ Tôn Càn cũng đã trốn ra ngoài thành. Quan, Trương mỗi người thu nhặt ít quân mã vào đóng ở nơi rừng rú.

Lưu Bị một mình cưỡi ngựa đi trốn, đương đi thấy một người tế ngựa theo sau. Ngoảnh đầu lại xem ai thì là Tôn Càn. Lưu Bị mới hỏi rằng:

- Nay hai em ta không biết sống chết thế nào, vợ con ta thất lạc cả. Làm sao bây giờ?

Tôn Càn nói:

- Không bằng hãy về với Tào Tháo rồi sau sẽ liệu.

Huyền Đức nghe lời đi tắt đường nhỏ sang Hứa Đô.

Lúc đi đường nhỡ thiếu lương, phải vào trong làng xin ăn. Đi đến đâu ai nghe thấy tiếng Lưu Dự Châu cũng tranh nhau dâng đồ ăn uống.

Một hôm vào nghỉ trọ một nhà, trong nhà có một chàng tuổi trẻ ra lạy. Bị hỏi tên họ là gì, người ấy nói là con nhà săn bắn tên là Lưu An. Lưu An nghe thấy quan mục Dự Châu đi qua, muốn kiếm đồ dã vị thết đãi, ngặt vì không tìm được thứ gì bèn giết vợ lấy thịt thết Lưu Bị.

Huyền Đức hỏi:

- Thịt gì?

An thưa:

- Thịt chó sói!

Huyền Đức tưởng thực, ăn một bữa no, rồi tối đi ngủ. Đến sáng sắp đi, ra đằng sau lấy ngựa, thấy ở dưới bếp có một người đàn bà chết, thịt cánh tay đã cắt hết. Lưu Bị giật mình, hỏi ra mới biết thịt ăn tối hôm trước là thịt vợ Lưu An. Huyền Đức thương xót không biết ngần nào, gạt nước mắt, lên ngựa. Lưu An thưa với Huyền Đức rằng:

- Đáng lẽ tôi cũng xin theo sứ quân, nhưng lại còn mẹ già nên chưa dám đi.

Huyền Đức từ tạ rồi đi, tìm đường đến Lương Thành, bỗng thấy trước mặt có bụi bay mù mịt, một toán quân kéo đến. Huyền Đức biết là quân Tào Tháo, liền cùng với Tôn Càn đi tắt đến trung quân, vào yết kiến Tào công, nói hết cả sự tình mất Bái Thành, lạc hai em và vợ con bị hãm. Tháo nghe nói chuyện cũng thương cảm rỏ nước mắt. Bị thuật lại cho Tháo biết chuyện Lưu An giết vợ. Tháo sai Tôn Càn đem một trăm lạng vàng đến cho Lưu An.

Quân đi đến Tế Bắc, Hạ Hầu Uyên ra đón ra trại, thuật lại chuyện anh là Hạ Hầu Đôn mất một con mắt, hiện còn ốm chưa khỏi. Tháo vào tận giường nằm hỏi thăm, rồi sai người đưa về Hứa Đô để phục thuốc. Một mặt sai người thám thính xem Lã Bố ở đâu. Quân do thám về báo rằng:

- Lã Bố cùng Trần Cung, Tang Bá liên kết với giặc núi ăn cướp các huyện ở Duyện Châu.

Tháo sai ngay Tào Nhân đem ba nghìn quân sang đánh Bái Thành. Tháo tự đem đại quân cùng Huyền Đức đi đánh Lã Bố.

Đi đến Sơn Đông, gần cửa ải Tiêu Quan gặp bọn giặc núi là Tôn Quan, Ngô Đôn, Doãn Lễ và Xương Hi, lĩnh hơn ba vạn quân chắn ngang đường đi.

Tháo sai Hứa Chử ra đánh. Bốn tướng giặc cùng cưỡi ngựa ra. Hứa Chử cố chết lăn xả vào đánh. Bốn tướng chống cự không nổi đều thua chạy. Tháo thừa thế đánh dấn, đuổi đến cửa Tiêu Quan.

Có thám mã phi đến báo với Lã Bố. Bấy giờ Lã Bố đã về Từ Châu rồi, muốn đi với Trần Đăng ra cứu Tiểu Bái, mới sai Trần Khuê giữ lấy Từ Châu. Khi Trần Đăng đi, bố là Trần Khuê bảo con rằng:

- Xưa Tào công có dặn phàm việc phương đông, giao cho con cả. Nay Lã Bố đã sắp đến lúc thua, con nên liệu đấy mà làm.

Đăng nói:

- Mọi việc bên ngoài con xin tự lo liệu cả. Hễ Lã Bố có thua trở về, xin cha cùng My Chúc giữ lấy thành, đừng cho nó vào. Con đã có kế thoát thân.

- Vợ con Lã Bố ở đây, những tướng tâm phúc nó ở đây cũng nhiều thì làm thế nào?

Đăng nói:

- Con cũng có cách.

Đăng nói rồi vào ra mắt Lã Bố thưa rằng:

- Từ Châu bốn mặt trống trải. Tháo tất cố sức đánh. Ta nên nghĩ đường tháo trước. Nên vận tiền lương sang chứa ở Hạ Phì, nếu Từ Châu bị vây, Hạ Phì có tiền lương thì còn cứu được. Chúa công sao không liệu đi?

Bố nói:

- Anh nói rất phải, để ta đem ngay cả vợ con sang đó.

Liền sai ngay Tống Hiến, Nguỵ Tục hộ vệ vợ con cùng là tiền lương, đem cả sang Hạ Phì, rồi một mặt dẫn quân cùng Trần Đăng ra cứu Tiêu Quan.

Đi đến nửa đường, Đăng nói:

- Hãy để tôi đến ải xem Tào binh hư thực thế nào, rồi chúa công hãy nên đến.

Bố ưng như thế. Đăng đến cửa ải. Lũ Trần Cung ra đón. Đăng nói:

- Ôn hầu thấy các ông không chịu đánh, lấy làm kỳ quái, muốn đến để trách mắng các ông đấy.

Cung nói:

- Nay quân Tào thế lớn, không nên khinh địch. Chúng tôi ở đây giữ vững cửa ải. Ông nên về nói với chúa công giữ lấy Bái Thành cho cẩn thận là phải hơn.

Trần Đăng thưa:

- Dạ! Dạ! Xin nhận lời.

Đến chiều tối Đăng lên cửa ải nhìn xem, thấy quân Tào đóng sát ở dưới cửa. Đến đêm Đăng viết luôn ba cái thư, buộc trên đầu tên bắn xuống dưới ải.

Hôm sau, Đăng từ giã Trần Cung tế ngựa trở về, vào nói với Lã Bố rằng:

- Lũ Tôn Quan trên ải muốn dâng cửa quan cho Tào Tháo. Tôi đã dặn Trần Cung giữ gìn ở đó, tướng quân chiều hôm nay nên ra cứu ứng.

Bố nói:

- May quá! Không có ông thì cửa ải thật hỏng mất rồi.

Rồi sai Trần Đăng tế ngựa đến cửa ải, hẹn với Trần Cung làm nội ứng, đốt lửa làm hiệu. Đăng đến bảo Trần Cung rằng:

- Quân Tào đi lẻn đường nhỏ đã vào lọt trong cửa ải. Từ Châu nguy mất. Các ông phải về ngay mới được!

Cung liền dẫn quân bỏ cửa ải chạy về. Đăng đốt hiệu lửa ở trên cửa ải. Quân Lã Bố đang đêm kéo đến, quân Trần Cung cùng quân Lã Bố đánh lộn nhau trong đêm tối. Quân Tào ở ngoài thấy hiệu lửa, thừa thế đánh ùa vào. Lũ Tôn Quan chạy tan hoang cả.

Lã Bố đánh mãi đến sáng mới biết rằng mình lại đánh quân mình, hấp tấp cùng Trần Cung kéo về Từ Châu. Khi đến bên thành gọi cửa. Cửa chẳng thấy ai mở, chỉ thấy trên thành tên bắn xuống như mưa. Được một lát thấy My Chúc ở trên địch lâu quát to lên rằng:

- Mày cướp thành trì của chúa tao, nay phải trả. Không được vào đây nữa!

Lã Bố giận nói rằng:

- Trần Khuê ở đâu?

Chúc nói:

- Tao đã giết nó rồi!

Bố ngoảnh lại hỏi Trần Cung:

- Trần Đăng ở đâu?

Cung nói:

- Tướng quân mê ư, lại còn hỏi thằng giặc nịnh tặc ấy?

Bố sai tìm khắp cả trong quân, chẳng thấy Trần Đăng đâu cả.

Cung khuyên Lã Bố về Tiểu Bái. Bố nghe lời. Đi đến nửa đường lại thấy một toán quân kéo đến.

Trông ra là Cao Thuận, Trương Liêu. Bố hỏi:

- Đi đâu?

Cao Thuận, Trương Liêu nói:

- Trần Đăng nói rằng chúa công bị vây, sai chúng tôi lại cứu.

Cung nói:

- Đây là kế của thằng nghịch tặc rồi!

Bố giận lắm nói rằng:

- Thế nào ta cũng giết được thằng phản tặc mới nghe!

Kíp tế ngựa đến Tiểu Bái, trên thành đã thấy cắm nhan nhản những cờ Tào.

Nguyên Tào Tháo đã sai Tào Nhân lừa lấy thành trì và đem quân đến giữ rồi.

Lã Bố ở dưới thành chửi mắng Trần Đăng. Đăng ở trên thành trỏ vào Bố mắng lại rằng:

- Tao làm tôi nhà Hán, lại chịu thờ mày là thằng phản tặc hay sao?

Lã Bố giận lắm, vừa sắp đánh thành, chợt nghe sau lưng có tiếng reo, rồi thấy một đội quân mã kéo đến. Trương Phi đi đầu.

Cao Thuận ra địch không nổi, phải vào. Lã Bố xông vào. Bấy giờ ở ngoài trận lại nghe thấy tiếng reo, Tào Tháo kéo cả đại quân đến đánh. Lã Bố trông chừng đương không nổi, dẫn quân chạy về mặt đông. Tào binh từ đằng xa đuổi lại. Lã Bố chạy, người đã nhọc ngựa đã mỏi, chợt lại có một toán quân nữa ở đâu kéo đến, chẹn ngang đường đi, rồi thấy một tướng vác long đao, dừng ngựa lại thét to lên rằng:

- Lã Bố đừng chạy! Ta là Quan Vân Trường đây!

Lã Bố vội ra tiếp chiến. Sau lưng Trương Phi mới đổ dồn lại. Bố không dám ham đánh, cùng lũ Trần Cung đánh mở lấy một đường, chạy tắt đến Hạ Phì. Hầu Thành dẫn quân ra tiếp vào thành.

Quan, Trương từ khi thua chạy trốn, bấy giờ mới gặp được nhau. Hai người cùng gạt nước mắt, thuật lại cùng nhau chuyện ly tán. Vân Trường nói:

- Tôi đóng ở trên đường Hải Châu, nghe được tin nên tôi đến đây.

Trương Phi nói:

- Em ở trong núi Mang Đãng, ở được ít lâu. Hôm nay được gặp nhau, thực là may quá!

Hai người nói chuyện xong, dắt nhau đến trước Lưu Bị, cùng lạy xuống đất mà khóc.

Huyền Đức nửa thương nửa mừng, dẫn hai người vào ra mắt Tào Tháo rồi theo Tháo vào Từ Châu. My Chúc ra tiếp, nói rằng: "Gia quyến đều bình an cả". Huyền Đức mừng lắm.

Hai bố con Trần Khuê bấy giờ cũng lại yết kiến Tào Tháo.

Tháo sai mở một tiệc yến lớn để khao các tướng. Tháo ngồi giữa, sai Trần Khuê ngồi bên tả, Lưu Bị ngồi bên hữu, còn các tướng sĩ cứ thứ tự mà ngồi.

Ăn yến xong, Tháo khen công bố con Trần Khuê, phong thêm cho ăn lộc mười huyện, lại cho Đăng làm Phục ba tướng quân.

Tào Tháo lấy được Từ Châu, trong bụng mừng lắm, bàn với các tướng, muốn khởi binh sang đánh Hạ Phì.

Trình Dục nói:

- Lã Bố nay chỉ có một thành Hạ Phì, nếu ta đánh nó cấp quá, tất nó liều chết mà đánh để chạy sang với Viên Thuật. Bố mà hiệp sức với Viên Thuật thì khó lòng mà trị được lắm. Nay nên sai người tài giỏi, giữ chẹn các ngả đường hiểm Hoài Nam, trong phòng Lã Bố ra, ngoài chống Viên Thuật. Vả lại ở Sơn Đông, còn có lũ Tang Bá, Tôn Quan chưa quy phục về ta, mặt ấy càng nên phòng giữ cẩn thận.

Tháo nói:

- Thôi, ta tự giữ mặt Sơn Đông, còn Huyền Đức thì giữ mặt Hoài Nam.

Lưu Bị nói:

- Thừa tướng sai, tôi xin vâng.

Hôm sau, Lưu Bị để My Chúc, Giản Ung ở Từ Châu, rồi đem Tôn Càn, Quan Vũ và Trương Phi dẫn quân ra giữ các ngả đường Hoài Nam. Tào Tháo thì tự dẫn binh đi đánh Hạ Phì.

Lã Bố ở Hạ Phì cậy rằng lương ăn đủ dùng, vả lại có sông Tứ Thuỷ hiểm trở, vững dạ giữ ở đó, không lo ngại gì nữa. Một bữa Trần Cung nói rằng:

- Nay binh Tào Tháo mới đến, nên nhân lúc nó chưa lập trại xong, ta thong thả nghỉ ngơi đánh kẻ địch khó nhọc vất vả quyết nhiên là được.

Bố nói:

- Ta vừa mới thua mãi, không nên khinh địch. Đợi khi nào nó đến đánh, ta sẽ ra đánh, tất quân nó lăn cả xuống Tứ Thuỷ.

Bố không nghe lời Trần Cung.

Được vài hôm, Tào Tháo lập trại xong, đem các tướng đến dưới thành, gọi Lã Bố ra nói chuyện. Bố đứng trên mặt thành. Tháo gọi bảo rằng:

- Ta nghe Phụng Tiên muốn kết thân với Viên Thuật, cho nên đem binh đến đây. Thuật có tội phản nghịch lớn, mà ông thì có công đánh Đổng Trác, sao ông lại bỏ công trước của mình mà đi theo đứa phản tặc. Nếu bây giờ tôi phá được thành trì của ông, thì ông còn hối sao kịp làm sao? Bằng nay ông hàng ngay đi, cùng giúp nhà vua, ông sẽ được phong tước hầu.

Bố nói:

- Thừa tướng hãy về đi, để tôi bàn đã.

Trần Cung đứng bên cạnh Bố, thấy Tháo, quát to lên mắng Tháo là nghịch tặc, rồi bắn một mũi tên xuống, trúng vào lọng Tào Tháo.

Tháo trỏ vào Cung, nghiến răng lại mà rằng:

- Tao thề thế nào cũng giết mày.

Nói rồi dẫn ngay quân vào đánh thành.

Cung bảo với Bố rằng:

- Tào Tháo tự xa đến đây, thế cũng không ở lâu được. Tướng quân nên đem cả quân bộ quân kỵ ra đóng đồn ở ngoài, tôi thì giữ ở trong thành. Hễ Tháo đánh tướng quân thì tôi xin đem quân đánh tập hậu, hễ nó đánh thành thì tướng quân về cứu. Độ mười ngày, quân Tháo hết lương bấy giờ chỉ đánh một trận là phá được. Thế ấy gọi là thế "ỷ giốc".

Bố nói:

- Ông nói phải lắm.

Rồi về ngay phủ, thu xếp khí giới, áo giáp.

Bấy giờ đang mùa đông rét mướt, Bố sai quân hầu đem nhiều áo bông đi.

Vợ Lã Bố là họ Nghiêm nghe thấy thế, ra hỏi chồng rằng:

- Ông sắm sửa đi đâu thế?

Bố kể lại với vợ mưu của Trần Cung.

Họ Nghiêm nói:

- Nay ông bỏ thành không trông gì đến vợ con, đem quân ra tận xa. Vì dù một mai, có biến thì thiếp sao được trông thấy ông nữa.

Bố nghe nói ngần ngừ, trong bụng không biết định bề nào, ba hôm không ra đến ngoài.

Cung vào nói rằng:

- Quân Tào Tháo bốn mặt vây thành, nếu không ra ngoài thì khốn đến nơi.

Bố nói:

- Ta nghĩ chạy ra ngoài xa, sao bằng giữ vững ở đây?

Cung nói:

- Mới rồi tôi vừa nghe thấy tin Tháo hết lương, có sai quân về Hứa Đô để vận tải đến. Nay mai sắp đến nơi. Tướng quân nên đem tinh binh ra chẹn đường mang lương. Kế ấy thực là hay.

Bố chịu kế ấy là phải, lại vào hỏi vợ. Họ Nghiêm khóc nói rằng:

- Nếu tướng quân đi thì Trần Cung, Cao Thuận giữ làm sao nổi được thành này? Ngộ có điều lầm lỡ gì thì hối làm sao? Khi xưa thiếp ở Trường An đã bị tướng quân bỏ, may nhờ Bàng Thư giấu giếm mới lại được đoàn tụ với tướng quân. Không ngờ bây giờ tướng quân lại bỏ thiếp mà đi? Đường công danh của tướng quân còn nhiều, xin chớ nghĩ đến thiếp nữa!

Nghiêm thị nói xong khóc lóc thảm thiết.

Bố nghe nói, trong bụng buồn bã, không biết nghĩ thế nào. Lại vào nói chuyện với Điêu Thuyền. Thuyền nói:

- Tiện thiếp đã đem thân vào gửi tướng quân là trăm điều trông cậy ở tướng quân cả. Xin tướng quân nghe thiếp đừng khinh suất ra ngoài.

Bố nói:

- Chớ lo ngại gì. Ta có ngọn hoạ kích này, ngựa Xích thố kia thì ai dám đến gần ta.

Bèn ra bảo Trần Cung rằng:

- Quân Tào vận lương đến, là chước dối đấy. Tháo nhiều quỷ kế lắm, ta chưa nên cất quân vội.

Cung trở ra mà than rằng:

- Chúng ta phen này chết không có đất chôn!

Lã Bố từ đó cả ngày không ra đến ngoài, chỉ cùng với họ Nghiêm và Điêu Thuyền uống rượu giải buồn.

Một bữa có mưu sĩ Hứa Dĩ và Vương Khải vào hầu hiến kế như sau:

- Viên Thuật ở Hoài Nam thanh thế to lắm, tướng quân trước đã ước hôn với Thuật, nay sao không sang mà cầu? Giả thử quân Thuật sang cứu ta, trong đánh ra, ngoài đánh vào, khó gì mà chẳng phá được Tháo.

Bố nghe kế ấy lập tức viết thư, sai ngay hai người ấy đem đi.

Hứa Dĩ nói:

- Phải có quân đưa đường cho chúng tôi mới đi được.

Bố sai Trương Liêu, Hách Manh hai tướng dẫn một nghìn quân đưa ra khỏi cửa ải.

Canh hai đêm hôm ấy, Trương Liêu đi trước, Hách Manh đi sau giữ gìn cho Hứa Dĩ, Vương Khải kéo ra cửa thành, chạy qua trại Huyền Đức, các tướng ra đuổi không kịp, thoát được khỏi cửa ải, Hách Manh đem năm trăm quân đi theo Dĩ, Khải. Trương Liêu thì dẫn một nửa quân trở về. Khi về đến cửa ải thì gặp Quan Công ra chẹn đường, nhưng Quan Công chưa kịp đánh, Cao Thuận đã dẫn quân ra cứu, đón được Trương Liêu vào thành. Hứa Dĩ, Vương Khải đến Thọ Xuân vào bái kiến Viên Thuật dâng trình thư Lã Bố.

Thuật nói:

- Trước kia giết sứ của ta, lừa ta việc hôn nhân, nay sao lại đến đây?

Dĩ nói:

- Việc ấy trước vốn là tại mưu Tào Tháo nó làm nhỡ ra. Xin ngài xét lại cho rõ.

Thuật nói:

- Chủ mày nếu không bị Tào Tháo bức bách sao chịu đem con gái gả cho con ta.

Vương Khải nói:

- Chủ tôi sai tôi sang đây, chẳng qua cũng là lợi cả hai bên. Phỏng như bây giờ mà ngài nhất định không cứu, e rằng môi hở răng lạnh cũng không phải là phúc gì cho ngài đâu.

Viên Thuật nói:

- Phụng Tiên vốn có tính giáo giở, đưa con gái sang đây đã, rồi ta sẽ cất quân.

Hứa Dĩ, Vương Khải nói mãi không được phải trở về cùng với Hách Manh, lúc đi sắp đến trại Huyền Đức thì Dĩ nói:

- Ban ngày, không đi được, phải chờ đến nửa đêm hai chúng ta đi trước. Hách tướng quân đi chặn hậu.

Bàn nhau rồi, đêm hôm ấy đi qua trại Lưu Bị. Hứa Dĩ, Vương Khải đi trước được thoát còn Hách Manh đương đi thì gặp Trương Phi ra chặn đường, Hách Manh vào giao chiến, chỉ được một hiệp, bị Trương Phi bắt sống đem đi. Năm trăm quân đi theo cũng bị Phi đánh giết tan nát cả.

Trương Phi giải Hách Manh vào gặp Lưu Bị, Lưu Bị giải sang trình Tào Tháo. Hách Manh nói hết cả chuyện hứa hôn cầu cứu. Tháo giận lắm sai đem Manh ra cửa quân chém, lại truyền lệnh cho các trại "Phải phòng giữ cẩn thận, trại nào để cho Lã Bố và quân sĩ Lã Bố chạy lọt qua được, sẽ lấy quân pháp xử trị". Các trại đều lo sợ, ai nấy canh giữ thực riết.

Lưu Bị về trại, dặn bảo Quan, Trương rằng:

- Trại ta chính ở giữa đường hiểm Hoài Nam, hai em nên giữ cẩn thận, chớ phạm vào quân lệnh Tào công.

Phi nói:

- Ta bắt được một tướng giặc, Tào Tháo không thấy khen thưởng gì, lại còn dậm doạ, là làm sao?

Lưu Bị nói:

- Không phải là doạ. Tào công thống lĩnh nhiều quân, không có quân lệnh, làm sao bắt chúng phục tùng được? Em đừng nên phạm.

Quan, Trương vâng lời rồi ra.

Hứa Dĩ, Vương Khải về được vào hầu Lã Bố nói rằng:

- Viên Thuật muốn được nàng dâu trước rồi mới cất quân đến cứu.

Bố hỏi:

- Đưa dâu đi thế nào được?

Dĩ nói:

- Nay Tào Tháo đã bắt được Hách Manh tất nhiên nó biết cả mưu của ta rồi, mà đường sá thì tất nó giữ gìn thật nghiêm. Phi tướng quân thân hành hộ tống, thì không ai lọt ra được.

Bố hỏi:

- Đi ngay hôm nay có được không?

Dĩ nói:

- Hôm nay xấu ngày lắm không nên đi. Ngày mai tốt lắm, nên đi vào giờ tuất hoặc giờ hợi.

Bố sai Trương Liêu, Cao Thuận dẫn ba nghìn quân mã dặn rằng:

- Phải sắm sẵn một cỗ xe nhỏ, ta đưa con gái ta ra khỏi hai trăm dặm, rồi hai người đưa sang tận Hoài Nam.

Canh hai đêm hôm sau, Lã Bố lấy bông quấn vào mình con gái, ngoài mặc áo giáp, rồi cõng ở trên lưng, vác kích nhảy lên ngựa, mở cửa thành ra. Lã Bố đi trước, Trương Liêu, Cao Thuận đi theo sau.

Lúc sắp đến trại Lưu Bị thì có một tiếng trống nổi lên rồi thấy Quan, Trương ra chắn ngang đường đi, quát to lên:

- Đừng chạy! Đừng chạy nữa!

Bố bấy giờ không còn dám nghĩ đến chuyện đánh nhau nữa, chỉ cố chạy cho thoát. Lưu Bị dẫn một toán quân kéo lại hai bên đánh nhau giáp lá cà.

Lã Bố tuy khoẻ, nhưng trên lưng còn cõng con, sợ con bị thương, không dám xông pha cho lắm, chỉ chống đỡ làm sao cho chạy thoát mà thôi.

Đằng sau Từ Hoảng, Hứa Chử lại kéo quân đến. Quân sĩ cùng reo lên rằng:

- Không được để cho Lã Bố chạy thoát!

Bố thấy quân xô lại kíp lắm, lại phải quay vào trong thành.

Lưu Bị thu quân về. Lũ Từ Hoảng ai cũng về trại nấy. Quân Lã Bố không chạy lọt được một người.

Lã Bố về thành, trong bụng lo buồn, ngày nào cũng chỉ uống rượu.

Tào Tháo đánh ròng rã hai tháng trời mà chưa hạ được. Chợt lại có người báo rằng:

- Thái thú Hà Nội là Trương Dương, đem quân ra Đông Thị, định đến cứu Lã Bố, lại bị bộ tướng là Dương Sú giết chết. Sú toan đem đầu Trương Dương đến dâng thừa tướng, chẳng may lại phải tướng tâm phúc nhà Trương Dương là Khuê Cố giết mất; Khuê Cố nay đã đi sang Khuyển Thành mất rồi.

Tháo lập tức sai Sử Hoán đuổi theo chém Khuê Cố. Nhân việc ấy Tháo bàn với các tướng rằng:

- Trương Dương nó bị nội phản mà chết, thế là may cho ta lắm, nhưng tuy rằng thế, mặt bắc lại còn có Viên Thuật, mặt đông còn có Lưu Biểu, Trương Tú; cũng là phải lo cả; mà Hạ Phì đây thì vây mãi chưa đánh được. Ta muốn tha cho Lã Bố, về Hứa Đô, tạm nghỉ ít bữa, các ngươi nghĩ thế nào?

Tuân Du vội vàng ngăn rằng:

- Không nên! Không nên! Lã Bố thua luôn, nhuệ khí đã nhụt. Quân cốt có tướng, tướng đã suy, lòng quân cũng nản. Trần Cung tuy có mưu nhưng ứng biến chậm. Nay khí thế của Bố chưa hồi, mưu Trần Cung chưa định, đánh cho gấp, chắc là bắt được Lã Bố.

Quách Gia lại hiến một kế:

- Tôi có một kế phá được Hạ Phì, kế ấy dùng hai mươi vạn quân cũng không bằng.

Tuân Úc hỏi:

- Kế ấy có phải là khai sông Nghi, sông Tứ ra không?

Gia cười nói rằng:

- Chính phải!

Tháo mừng lắm, sai ngay quân sĩ khơi đào ngay hai con sông ấy.

Quân Tào đóng trên gò cao, ngồi trông nước chảy vào Hạ Phì.

Thành Hạ Phì chỉ có cửa đông không có nước, còn các cửa đều bị ngập cả.

Quân sĩ vào báo Lã Bố. Bố nói:

- Ta có ngựa Xích thố, bơi dưới nước như đi trên cạn, có việc gì mà lo?

Bèn cùng vợ và nàng hầu say sưa suốt ngày, nhân vì tửu sắc quá độ, hình dáng gầy võ. Một hôm, cầm gương soi, than rằng:

- Ta bị tửu sắc làm hại rồi, từ nay phải chừa mới được.

Bèn truyền lệnh:

- Hễ ai uống rượu thì chém!

Một bữa Hầu Thành có mười lăm con ngựa, bị người giữ ngựa ăn trộm, muốn đem dâng Lưu Bị. Hầu Thành biết, đuổi giết được người giữ ngựa, cướp ngựa được đem về. Các tướng đến mừng Hầu Thành.

Thành nhân có nấu được năm sáu hũ rượu, muốn đem ra mời các tướng cùng uống, nhưng sợ Lã Bố bắt tội, mới đem năm bình đến biếu Lã Bố và bẩm rằng:

- Nay tôi nhờ oai tướng quân cho nên lại bắt được ngựa mất. Các tướng đều đến mừng. Tôi có nấu được ít rượu, chưa dám tự tiện, trước xin đem dâng tướng quân.

Bố nổi giận nói rằng:

- Tao đang cấm rượu, sao mày dám nấu rượu, tụ tập với nhau để uống? Chúng bay đồng mưu định hại tao hay sao đấy?

Bố sai lôi Hầu Thành ra chém. Lũ Tống Hiến, Nguỵ Tục và các tướng cùng vào van xin cho Hầu Thành.

Bố nói:

- Cố ý trái lệnh, lẽ ra phải chém, nay nể các tướng hãy đánh nó một trăm roi.

Các tướng lại xúm vào kêu van, Hầu Thành bị đánh năm mươi roi, lưng bị lằn cả lên mới được tha.

Các tướng thấy thế ai cũng ngán lòng.

Tống Hiến, Nguỵ Tục đến nhà Hầu Thành hỏi thăm. Hầu Thành khóc nói rằng:

- Không có các ông thì tôi chết rồi.

Hiến nói:

- Bố chỉ quý vợ con, coi chúng ta như củi rác cả.

Tục nói:

- Quân vây dưới thành, nước quanh bên hào, chúng ta chưa biết chết ngày nào.

Hiến bàn rằng:

- Lã Bố không có nhân nghĩa gì, chúng ta bỏ nó mà đi. Các ông nghĩ sao?

Tục nói:

- Bỏ đi không phải là trượng phu, sao bằng bắt nó đem nộp Tào công.

Hầu Thành nói:

- Tôi vì cướp lại được ngựa mà bị nó đánh, nó cậy có con ngựa Xích thố, nếu hai ông định bắt nó và dâng thành, tôi sẽ lấy trộm ngựa của nó đem nộp Tào công trước.

Ba người bàn định xong rồi, đêm hôm ấy Hầu Thành lẻn ngay vào chuồng ngựa, ăn trộm ngựa Xích thố, chạy ra cửa đông. Nguỵ Tục mở cửa cho ra rồi lại tảng lờ đuổi theo không kịp.

Hầu Thành đến trại Tào Tháo, đem ngựa dâng lên, nói rằng:

- Tống Hiến, Nguỵ Tục cắm ngọn cờ trắng để làm hiệu, hai người ấy sắp sẵn để dâng cửa thành.

Tháo nghe nói, liền viết ngay vài chục tờ bố cáo bắn vào trong thành. Văn rằng:

"Đại tướng quân Tào: phụng chiếu vua, đến đánh Lã Bố, ai dám kháng cự với quân ta, hễ khi phá thành, cả nhà sẽ bị giết, trên từ tướng hiệu, dưới đến thứ dân, ai bắt sống được Lã Bố, hoặc lấy đầu đem dâng, sẽ được trọng thưởng, nay hiểu dụ, để mọi người đều biết".

Sáng hôm sau, ngoài thành có tiếng reo dậy đất. Lã Bố thất kinh, vác kích lên thành đi dạo các cửa xem xét, trách mắng Nguỵ Tục để Hầu Thành chạy thoát, làm mất ngựa quý, định đem Nguỵ Tục ra làm tội. Quân Tào ở dưới thành, trông thấy trên thành có lá cờ trắng, cố sức đánh thành. Bố phải thân ra chống giữ, từ sáng đến trưa quân Tào mới lui.

Lã Bố lên lầu tạm nghỉ ở trên tràng kỷ không ngờ ngủ quên mất. Tống Hiến đuổi tả hữu ra, trước hết ăn trộm cây hoạ kích, rồi gọi Nguỵ Tục vào cùng ra tay lấy thừng chão trói Lã Bố thật chặt.

Lã Bố đang bàng hoàng giấc ngủ, thấy động, mở choàng mắt ra, vội vàng gọi tả hữu, đều bị Hiến và Tục đánh tan hết cả. Tống Hiến cầm lá cờ trắng vẫy một cái, quân Tào đến cả dưới thành. Nguỵ Tục nói to lên rằng:

- Đã bắt sống được Lã Bố rồi!

Hạ Hầu Uyên chưa tin, Tống Hiến ở trên thành ném cây kích xuống, mở to cửa thành ra. Quân Tào kéo ùa cả vào.

Cao Thuận, Trương Liêu bấy giờ ở cửa tây, nước vòng quanh cả không sao ra được, cũng bị quân Tào bắt sống. Trần Cung chạy đến cửa nam, bị Từ Hoảng bắt.

Tào Tháo vào thành, lập tức truyền lệnh cho tháo nước ra, rồi treo bảng yên dân.

Tháo cùng với Lưu Bị lên ngồi trên lầu Bạch Môn. Quan Vũ, Trương Phi đứng hầu bên cạnh. Quân lính giải những tù binh đến.

Lã Bố tuy lực lưỡng, nhưng thừng trói chặt quá. Bố nói:

- Trói chặt quá, nới cho một tí.

Tào Tháo nói:

- Trói hổ phải trói cho chặt!

Lã Bố thấy Hầu Thành, Tống Hiến, Nguỵ Tục đứng ở hai bên, trách rằng:

- Ta đãi các ngươi không bạc, sao nỡ phản ta?

Hiến nói:

- Chỉ nghe lời vợ, không theo mưu tướng, sao gọi là không bạc?

Bố nín lặng.

Được một lát, quân lại giải Cao Thuận đến, Tào Tháo hỏi:

- Ngươi có muốn nói gì không?

Cao Thuận không trả lời, Tào Tháo giận sai đem chém ngay.

Từ Hoảng giải Trần Cung đến.

Tháo hỏi:

- Công Đài vẫn mạnh khoẻ chứ?

Cung nói:

- Bụng dạ ngươi bất chính, cho nên ta bỏ ngươi.

Tháo nói:

- Ông trách tôi là người bất chính, sao ông lại đi theo Lã Bố?

Cung trả lời:

- Lã Bố là người vô mưu mà thôi, chớ không có quỷ trá gian hiểm như ngươi.

Tháo hỏi:

- Ông tự cho là nhiều mưu trí, sao nay đến nỗi này?

Cung nhìn Lã Bố nói rằng:

- Chỉ giận rằng người này không nghe lời ta. Nếu nghe lời ta thì chưa chắc.

Tháo hỏi:

- Bây giờ ông nghĩ sao?

Cung nói to lên rằng:

- Bây giờ chỉ có chết mà thôi!

Tháo hỏi:

- Ông đã vậy, còn mẹ già ông và vợ con ông thì làm sao?

Cung nói:

- Tôi nghĩ người nào lấy đạo hiếu trị thiên hạ thì không hại bố mẹ người ta; người nào thi hành nhân chính ở thiên hạ thì không làm đứt tuyệt hương hoả người ta. Vậy mẹ tôi và vợ con tôi, sống chết cũng ở trong tay ông. Tôi đã bị bắt xin chịu chết ngay, trong lòng không còn vướng víu điều gì.

Tháo còn có ý lưu luyến.

Cung bước thẳng xuống lầu, tả hữu lôi lại không được. Tháo đứng dậy khóc tiễn Trần Cung.

Cung không ngoảnh cổ lại.

Tháo truyền cho lính hầu rằng:

- Lập tức phải đem mẹ già và vợ con Công Đài về Hứa Đô để phụng dưỡng. Hễ ai chậm trễ ta sẽ chém ngay.

Cung nghe lời Tháo nói cũng làm thinh vươn cổ ra cho quân chém.

Ai trông thấy cũng rỏ nước mắt khóc. Tháo sai lấy quan quách khâm liệm đem về táng ở Hứa Đô.

Đời sau có thơ khen rằng:

Sống chết khăng khăng vững một lòng,

Khảng khái thay đáng bực anh hùng!

Nhời vàng đá nọ sao không dụng?

Tài sến lim kia huống bỏ không!

Một bụng giúp người, trung với chúa,

Chút tình giã mẹ, xót cho ông,

Bạch Môn khi ấy còn ghi tiếng,

Thiên hạ ai là kẻ sánh cùng!

Đương khi Tào Tháo tiễn Trần Cung xuống lầu, Lã Bố ngoảnh mặt lại Lưu Bị trách rằng:

- Ông là khách trên ghế, tôi là tù dưới thềm, sao không nói giúp cho một nhời?

Lưu Bị gật đầu.

Đến khi Tào Tháo trở lên, Bố kêu rằng:

- Ông không lo ngại ai bằng lo ngại tôi. Nay tôi đã chịu ông. Ông làm đại tướng, tôi làm phó tướng, việc thiên hạ khó gì không định nổi?

Tháo ngoảnh mặt lại hỏi Huyền Đức:

- Thế nào?

Huyền Đức nói:

- Ông còn nhớ chuyện Đinh Kiến Dương và Đổng Trác không?

Bố nhìn vào Lưu Bị nói:

- Thằng này thực là vô tín.

Tháo sai đem xuống lầu thắt cổ. Bố lại ngoảnh lại bảo Lưu Bị rằng:

- Thằng tai to kia, quên mất công tao bắn kích ở nha môn rồi à?

Chợt có một người quát to lên rằng:

- Đồ hèn Lã Bố kia! Chết thì chết, sợ gì!

Chúng nhìn xem ai, thì là Trương Liêu, đang bị quân đao phủ dẫn đến.

Tháo sai đem Lã Bố xuống thắt cổ rồi mới chặt đầu đem bêu.

Đời sau có thơ rằng:

Nước cả mênh mông ngập Hạ Phì

Nhớ khi Lã Bố bắt mang đi!

Ngựa khoe Xích thố, làm gì được?

Kích cậy phương thiên, có ích chi?

Trói hổ còn mong chi trói lỏng?

Nuôi ưng, mới biết cũng nuôi thì.

Nghe lời vợ, chẳng nghe lời tướng,

Mắng kẻ tai to khéo chẳng suy!

Lại có thơ luận về Huyền Đức rằng:

Trói hổ xin đừng trói hững hờ

Kìa! Kìa! Đinh, Đống máu còn nhơ

Đã hay hổ đói hay ăn thịt

Để thịt Tào Man chẳng được dư?

Bấy giờ võ sĩ giải Trương Liêu đến. Tháo trỏ vào Liêu mà bảo rằng:

- Thằng này trông quen quen!

Liêu nói:

- Phải, gặp nhau trong thành Bộc Dương, đã quên rồi ư?

Tháo cười mà hỏi rằng:

- Thế ra mày còn nhớ à?

Liêu nói:

- Nhưng rất đáng tiếc!

Tháo hỏi:

- Tiếc cái gì?

Liêu nói:

- Tiếc hôm ấy lửa không cháy to đốt chết thằng quốc tặc là mày!

Tháo giận lắm, mắng rằng:

- Tướng đã thua sao dám làm nhục ta?

Rút gươm ra định giết Trương Liêu. Liêu chẳng sợ hãi vì vươn cổ chờ chết. Sau lưng Tào Tháo có người giữ tay lại, một người nữa quỳ trước mặt can rằng:

- Xin thừa tướng hãy dừng tay.

Thế thực là:

Lã Bố kêu van không đáng cứu;

Trương Liêu khảng khái mới nên tha!

Chưa biết hai người đến cứu Trương Liêu là ai, hồi sau mới phân giải.


Hồi 20

Tào A Man ra săn ruộng Hứa Điền

Đổng quốc cữu vâng chiếu trong nội các

Người vít cánh tay Tào Tháo là Lưu Bị; người quỳ trước mặt Tào Tháo là Quan Vũ.

Lưu Bị nói:

- Người có lòng son như thế nên giữ lại.

Quan Vũ nói:

- Tôi vốn biết Văn Viễn (Trương Liêu) là người trung nghĩa, tôi xin lấy tính mệnh đảm bảo.

Tháo vứt gươm xuống, cười và nói rằng:

- Ta cũng biết Văn Viễn là người trung nghĩa, cho nên đùa đấy thôi.

Tháo bèn tự tay cởi trói cho Trương Liêu, cởi áo ra mặc cho Trương Liêu rồi mời ngồi lên ghế.

Liêu cảm phục, bèn xin hàng.

Tháo cất Liêu lên làm trung lang tướng, cho tước Quan nội hầu, sai đi chiêu dụ Tang Bá. Bá thấy Lã Bố đã chết, Trương Liêu đã hàng, cũng đem quân bản bộ về hàng. Tào Tháo thưởng cho rất hậu.

Tang Bá lại chiêu an được Tôn Quan, Ngô Đôn và Doãn Lễ, chỉ còn có Xương Hi là chưa phục.

Tháo phong cho Tang Bá làm tướng huyện Lương Gia. Lũ Tôn Quan cũng được làm quan cả, Tháo sai lũ ấy giữ mạn bể hai châu Thanh và Từ, rồi sai đem vợ con Lã Bố về Hứa Đô. Tháo mở tiệc khao quân, nhổ trại mang quân về.

Khi Tháo qua Từ Châu, nhân dân đốt hương bái vọng, đông chật cả đường, xin để Lưu Bị ở lại làm thân mục.

Tháo nói:

- Lưu sứ quân công to, hãy vào chầu vua phong tước, rồi sẽ ra nhậm Từ Châu cũng chưa muộn.

Trăm họ lạy tạ. Tháo sai xa kỵ tướng quân là Xa Trụ, quyền lĩnh chức mục Từ Châu.

Tháo đem quân về Hứa Đô, phong thưởng cho các tướng sĩ. Còn Lưu Huyền Đức thì để nghỉ ngơi ở nhà bên cạnh tướng phủ.

Hôm sau vua Hiến đế khai trào.

Tháo dâng biểu tâu quân công của Huyền Đức và đem Huyền Đức vào chầu vua.

Huyền Đức mặc đồ trào phục, lạy dưới thềm son. Vua truyền cho lên điện, rồi hỏi rằng:

- Tổ người là ai?

Huyền Đức tâu rằng:

- Tôi là dòng dõi Trung Sơn Tĩnh vương, cháu xa đức Hiếu Cảnh hoàng đế, cháu Lưu Hùng và con Lưu Hoằng.

Vua sai lấy sổ tôn tộc ra kiểm xem, rồi sai quan tông chính khanh tuyên đọc:

Hiếu Cảnh hoàng đế sinh mười bốn con, con thứ bảy là Trung Sơn Tĩnh vương tên là Lưu Thắng; Thắng sinh ra Lục Thành đình hầu là Lưu Chính; Chính sinh ra Bái hầu là Lưu Ngang; Ngang sinh ra Chương hầu là Lưu Lộc; Lộc sinh ra Nghi Thuỷ hầu là Lưu Luyến; Luyến sinh ra Khâm Dương hầu là Lưu Anh; Anh sinh ra An Quốc hầu là Lưu Kiến; Kiến sinh ra Quảng Lăng hầu là Lưu Ai; Ai sinh ra Giao Thuỷ hầu là Lưu Hiến; Hiến sinh Tổ Ấp hầu là Lưu Thư; Thư sinh Kỳ Dương hầu là Lưu Nghị; Nghị sinh Nguyên Trạch hầu là Lưu Tất; Tất sinh Dĩnh Xuyên hầu là Lưu Đạt; Đạt sinh Phong Linh hầu là Lưu Bất Nghi; Bất Nghi sinh Tế Xuyên hầu là Lưu Huệ; Huệ sinh ra quan lịnh ở Đông Quận là Lưu Hùng; Hùng sinh Lưu Hoằng; Hoằng không làm quan, sinh ra Lưu Bị.

Vua so trong thế phả thì Huyền Đức vào hàng chú. Vua mừng lắm, mời vào thiên điện, làm lễ nhận họ. Vua bấy giờ nghĩ bụng rằng:

- Tào Tháo lộng quyền, việc nước không tự ta làm chủ. Nay được người chú anh hùng, may ra ta có người giúp.

Vua cho ngay Lưu Bị làm tả tướng quân Nghi Thành đình hầu, mở yến khoản đãi. Tiệc tan, Lưu Bị tạ ơn trở ra. Tự bấy giờ ai cũng gọi là Lưu hoàng thúc.

Tào Tháo về phủ, Tuân Úc và bọn mưu sĩ vào nói rằng:

- Thiên tử nhận Lưu Bị là chú, chúng tôi sợ có điều bất lợi cho minh công.

Tháo nói:

- Người ấy đã được nhận làm hoàng thúc, ta lấy chiếu vua sai khiến, lại càng phải phục tùng ta lắm. Vả ta lại để cho ở Hứa Đô, tiếng rằng gần vua, nhưng thực ra là ở trong tay ta, ta còn ngại gì. Chỉ lo thái uý Dương Bưu, vốn là thân thích với Viên Thuật. Nếu Bưu làm nội ứng cho hai anh em họ Viên, thì có lẽ hại to, nên phải trừ trước đi.

Bàn thế rồi, Tháo sai ngay người vu cáo cho Dương Bưu thông với Viên Thuật, rồi bắt bỏ ngục, sai Mãn Sủng xét án.

Bấy giờ thái thú Bắc Hải là Khổng Dung ở Hứa Đô, nhân thấy việc ấy, vào can Tháo rằng:

- Dương công vốn bốn đời nay vẫn có đức thanh liêm, há vì nhân việc họ Viên mà bắt tội?

Tháo nói:

- Việc ấy là tự triều đình chớ có tại tôi đâu!

Dung hỏi:

- Ngày xưa, giả thử Thành vương giết Thiệu công, thì Chu công có chối được rằng không biết chăng?

Bất đắc dĩ Tháo phải cách chức Bưu, đuổi về quê.

Bấy giờ có quan Nghi lang là Triệu Phạm thấy Tháo chuyên quyền, làm sớ tâu vua hạch Tháo rằng:

- Tháo tự tiện không tâu vua dám làm tội đại thần, thế là mạn phép quá!

Tháo giận lắm, lập tức bắt Triệu Phạm đem giết. Vì thế các quan ai cũng sợ hãi. Mưu sĩ là Trình Dục nói:

- Nay minh công uy danh mỗi ngày mỗi thịnh, sao không nhân lúc này mà làm việc vương bá?

Tháo nói:

- Thủ tục triều đình còn nhiều, chưa nên kinh động. Ta nên mời vua đi săn, để xem ý tứ các quan ra sao đã.

Tháo liền sai chọn ngựa tốt và chim ưng giỏi, chó săn hay, cung tên đủ cả, trước họp binh ở ngoài thành, rồi mời thiên tử đi săn.

Vua nói:

- Săn bắn không phải là chính đạo.

- Tháo thưa:

- Đế vương ngày xưa mùa xuân đi săn gọi là sưu, mùa hạ đi săn gọi là miêu, mùa thu đi săn gọi là kiển, mùa đông đi săn gọi là thú; bốn mùa cùng ra ngoài cõi để biểu thị võ lực với thiên hạ. Nay bốn bể đương lúc nhiễu loạn, bệ hạ chính nên đi săn để giảng việc võ.

Vua chẳng nghe chẳng được, liền lên ngựa Tiêu Diêu, đeo cung khảm ngọc và tên bịt vàng, bày đồ loan giá ra thành. Huyền Đức cùng Quan, Trương ba người đeo cung, dắt ngựa, trong mặc áo giáp che bụng, tay cầm đồ binh khí, dẫn vài chục quân kỵ mã theo vua ra Hứa Xương.

Tào Tháo cưỡi ngựa Phi Diện sắc vàng, dẫn mười vạn quân, cùng vua đi săn ở Hứa Điền. Quân sĩ vây vòng quanh, rộng hơn hai trăm dặm. Tháo sóng ngựa cho đi chỉ kém ngựa vua có một đầu, sau lưng toàn là tướng tâm phúc của Tháo đi theo. Trăm quan văn võ đi tận đằng xa không ai dám đến gần.

Khi vua đi đến Hứa Điền, Lưu Bị nhảy ngựa xuống đứng cạnh đường hỏi thăm sức khoẻ của vua. Vua nói:

- Trẫm muốn xem tài săn bắn của hoàng thúc.

Lưu Bị lĩnh mệnh lên ngựa. Bỗng trông đám cỏ có một con thỏ chạy ra. Bị bắn một mũi tên trúng ngay.

Vua reo lên một tiếng.

Đi qua một cái gò, chợt thấy trong bụi gai một con hươu lớn chạy ra vua bắn luôn ba phát không tin, bèn ngoảnh lại bảo Tháo rằng:

- Ngươi bắn đi!

Tháo xin mượn cung ngọc tên vàng của vua, giương lên bắn một phát, tin ngay giữa lưng, hươu ngã trong đám cỏ. Các đại thần và các tướng trông thấy lưng hươu có tên bịt vàng, tưởng vua bắn tin, cùng chạy lên trước mặt vua reo: Vạn tuế!

Tào Tháo tế ngựa ra đứng trước mặt vua để nhận lấy những lời chúc mừng.

Trăm quan thấy vậy ai nấy đều tái mặt. Sau lưng Huyền Đức, Quan Vân Trường giận lắm, mày tằm dựng ngược, mắt phượng giương to, cầm đao, thúc ngựa định ra chém Tào Tháo. Huyền Đức biết ý, vội vàng vẫy tay đưa mắt. Quan Công thấy anh ra hiệu, phải chịu đứng im.

Huyền Đức ngoảnh lại mừng Tào Tháo rằng:

- Thừa tướng bắn tài trong đời hiếm có!

Tháo cười nói nhún rằng:

- Ấy cũng nhờ phúc lớn của thiên tử.

Rồi Tháo quay ngựa ngoảnh vào vua chúc mừng, nhưng từ đấy giữ lấy cung khảm ngọc, không trả vua nữa.

Săn bắn xong, Tháo mở một tiệc yến ở Hứa Điền, rồi rước vua về Hứa Đô.

Khi các quan tướng đâu đã về đấy rồi, Quan Vũ mới hỏi Lưu Bị rằng:

- Thằng giặc Tào nó dối vua khinh trên, tôi toan giết nó để trừ hại cho nước, sao anh lại ngăn tôi?

Lưu Bị nói:

- Ném chuột còn phải lo vỡ đồ quý, Tháo đứng cách vua chỉ có một đầu ngựa, mà những người tâm phúc nó đi xúm xít cả chung quanh, nếu em nhân cơn giận làm liều không nghĩ, nhỡ việc không xong, hại đến thiên tử thì có phải tội tại chúng ta không?

Quan Vũ nói:

- Nay không giết thằng giặc ấy tất sinh vạ về sau.

Lưu Bị nói:

- Hãy giữ kín, không được nói một cách vội vàng.

Vua về cung, nghĩ đến việc đi săn hôm ấy, tủi mà khóc, bảo với vợ là Phục hoàng hậu rằng:

- Ta từ khi lên ngôi đến giờ, gặp nhiều gian hùng. Trước thì Đổng Trác, sau thì Thôi, Dĩ. Những điều khổ ải mà người ta chưa từng thấy bao giờ, ta và hoàng hậu đều nếm trải cả. Đến nay gặp Tào Tháo, tưởng nó là bầy tôi xã tắc, không ngờ nó lộng quyền, tác oai tác phúc. Ta trông thấy nó bao giờ là như chông gai cắm vào lưng bấy giờ. Hôm nay đi săn, nó ra nhận lấy lời chúc mừng của các quan, thật là vô lễ. Nay mai tất có vạ, vợ chồng ta chưa biết chết chỗ nào.

Phục hoàng hậu nói:

- Công khanh đầy triều đều ăn lộc nhà Hán, chẳng nhẽ lại không có ai cứu được quốc nạn hay sao?

Phục hoàng hậu chưa nói dứt lời thì có một người ở ngoài bước vào tâu rằng:

- Xin vua và hoàng hậu đừng lo. Tôi xin cử một người có thể cứu được nạn nước.

Vua trông ra thì là bố đẻ Phục hoàng hậu là Phục Hoàn. Vua gạt nước mắt hỏi rằng:

- Quốc trượng cũng biết giặc Tào nó chuyên quyền à?

Hoàn nói:

- Xem như việc bắn hươu ở Hứa Điền thì ai chẳng biết, chỉ vì cả triều văn võ, phi là họ hàng Tháo thì là đầy tớ nó. Nếu không phải quốc thích thì ai chịu hết lòng đánh giặc. Lão thần không có quyền thế gì, khó mà làm nổi việc ấy, nhưng có xa kỵ tướng quân là Đổng Thừa, có thể tin cậy.

Vua nói:

- Đổng quốc cữu nhiều lần liều mình với nạn nước ta vốn đã biết, nên vời vào trong cung để bàn việc lớn.

Hoàn nói:

- Tả hữu ở đây đều là tâm phúc của giặc Tháo, nếu việc tiết lộ sẽ xảy ra vạ to.

Vua hỏi:

- Thế thì nên làm thế nào?

Hoàn nói:

- Tôi có một kế: Bệ hạ nên cho may một cái áo bào và làm một cái đai ngọc, mật ban cho Đổng thừa; ở trong đai để tờ mật chiếu, khi về nhà thấy tờ chiếu, Thừa sẽ ngày đêm nghĩ kế tiến hành, thế thì dù quỷ thần cũng không biết được.

Vua lấy làm phải. Phục Hoàn lui ra.

Vua tự làm tờ chiếu, cắn đầu ngón tay lấy máu viết, mật sai Hoàng hậu may vào trong lần lót gấm tía ở trong đai ngọc; rồi sai nội sứ triệu Đổng Thừa vào.

Thừa vào ra mắt, lễ xong, vua nói:

- Tối hôm qua, trẫm và hoàng hậu nói chuyện lại những sự khổ ải ở Bá Hà khi trước, nhân nhớ đến công to của quốc cữu, nên cho vời vào có mấy lời uý lạo.

Thừa rập đầu lạy tạ. Vua dắt Thừa ra điện đến Thái miếu rồi lên gác công thần. Vua đốt hương lễ xong, dẫn Thừa đến xem tranh truyền thần, bức tranh giữa vẽ tượng Hán Cao tổ.

Vua nói:

- Cao Tổ hoàng đế ta xuất thân ở đâu? Sáng nghiệp thế nào?

Thừa giật mình tâu rằng:

- Bệ hạ hỏi bỡn tôi, việc thánh tổ sao ngài lại chẳng biết. Cao hoàng đế xuất thân làm đình trưởng ở Tứ Thuỷ, cầm thanh gươm ba thước chém rắn khởi nghĩa, tung hoành bốn bể, ba năm phá được nhà Tần, năm năm diệt được nước Sở, bởi vậy mới có thiên hạ, lập cơ nghiệp muôn đời.

Vua bèn nói:

- Quốc cữu thử ngẫm xem: tổ tôn anh hùng như thế mà con cháu thì hèn mạt thế này, chẳng xót lắm ru!

Vua nói thế, rồi trỏ vào hai bức tranh hai bên mà hỏi Thừa rằng:

- Đây có phải Lưu hầu Trương Lương không? Đây có phải Tản hầu Tiêu Hà không?

Thừa tâu rằng:

- Phải, đức Cao tổ khi xưa cũng nhờ sức hai người ấy mà dựng nên cơ đồ.

Vua ngoảnh lại, thấy tả hữu đứng xa cả, mới sẽ bảo Thừa rằng:

- Ngươi cũng nên đứng bên cạnh trẫm như hai người ấy.

Thừa nói:

- Tôi chẳng có tấc công nào, đâu dám sánh với các ông ấy?

Vua nói:

- Trẫm nghĩ công ngươi cứu giá ở Tây Đô, không bao giờ quên, chưa lấy gì trả lại được.

Rồi trỏ vào áo bào và đai bảo Thừa:

- Ngươi mặc áo này, thắt đai này cũng như thường đứng bên cạnh mình trẫm.

Thừa rập đầu lạy tạ. Vua cởi áo cởi đai đưa cho Thừa vào bảo thầm rằng:

- Người về nên nhìn cho kỹ, đừng phụ lòng trẫm!

Thừa biết ý, mặc áo đeo đai, rồi bái từ xuống gác trở ra.

Có người báo với Tào Tháo rằng:

- Thấy vua cùng Đổng Thừa lên gác công thần nói chuyện.

Tháo lập tức vào triều xem.

Đổng Thừa đi ra, vừa qua cửa cung, gặp ngay Tào Tháo đến, không thể ẩn núp vào đâu được, phải đứng ở cạnh đường, vái chào. Tháo hỏi:

- Quốc cữu đi đâu vậy?

Thừa nói:

- Thiên tử vừa cho vời vào ban cho áo gấm và đai ngọc này.

Tháo nói:

- Nhân việc gì mà vua ban cho thế?

Thừa nói:

- Nhân thiên tử nhớ đến công cứu giá ở Tây Đô ngày xưa nên ban cho những đồ quý ấy.

Tháo nói:

- Cởi đai cho ta xem!

Thừa cũng đoán trong đai có mật chiếu, sợ Tháo khám thấy, ngần ngừ không cởi. Tháo sai tả hữu lột ra, xem ước chừng nửa giờ, rồi cười mà nói rằng:

- Quả nhiên là đai ngọc đẹp lắm. Cởi nốt áo ta xem!

Thừa trong lòng sợ hãi, không dám cưỡng, phải cởi áo đưa ra. Tháo cầm lấy, soi lên bóng mặt giời nhìn xem từng tý. Xem xong Tháo mặc vào mình, đeo cả đai rồi hỏi tả hữu:

- Dài hay vắn?

Tả hữu khen áo đai vừa vặn lắm. Tháo bảo Thừa:

- Quốc cữu cho lại ta áo này, đai này có được không?

Thừa nói:

- Của vua ban cho, tôi không dám biếu. Xin về may bộ khác để dâng thừa tướng.

Tháo hỏi:

- Quốc cữu nhận áo đai ấy, ở trong có ý gì không?

Thừa thất kinh nói rằng:

- Tôi đâu dám thế! Có phải thừa tướng muốn dùng tôi xin dâng.

Tháo nói:

- Quốc cữu chịu ơn vua, ta sao nỡ cướp! Ta nói bỡn đấy thôi.

Rồi cởi áo và đai trả Đổng Thừa.

Thừa từ biệt Tháo về nhà, đến đêm ngồi một mình trong thư phòng, đem áo bào ngắm đi ngắm lại, chẳng thấy gì. Thừa nghĩ: "Vua cho áo và đai, dặn xem kỹ, tất là có thâm ý nay không thấy dấu vết gì là cớ làm sao". Lại đem đai ngọc ra xem, chỉ thấy ngọc trắng lóng lánh, thêu con rồng nhỏ vờn trong đám hoa, đằng sau lót gấm đỏ, đường chỉ thực vuông vắn phẳng phiu, tịnh không có một dấu vết nào. Thừa lấy làm ngờ, đặt ở trên án thư, giở đi giở lại tìm tòi. Lúc lâu, mỏi lắm, Thừa toan nằm xuống nghỉ, bỗng nhiên hoa đèn rơi vào đai, cháy đến lần lót. Thừa vội vàng gạt đi, nhưng đã cháy hết một chỗ, lộ ra lần lụa trắng, trông hình như có vết máu. Thừa lấy ngay dao tách ra xem, thì thấy tờ mật chiếu của vua, viết bằng máu. Trong chiếu nói rằng:

"Trẫm nghe: Trong đạo nhân luân, cha con là trọng; trong phận tôn ty, vua tôi là trọng. Lâu nay giặc Tháo hống hách lộng quyền, khinh rẻ quân phụ, kết hợp bè đảng, làm nát chính thế của triều đình; thưởng, phạt, sắc, phong, lấn cả chủ quyền của trẫm. Trẫm đêm ngày lo nghĩ, sợ thiên hạ nguy cấp đến nơi. Ngươi là đại thần nhà nước, lại là chí thân với trẫm, nên nhờ đến Cao Đế ngày xưa, dựng nghiệp khó nhọc, tập hợp lấy người trung nghĩa, trừ giết kẻ gian thần, để yên xã tắc, thì may cho tổ tông nhà Hán lắm.

Trẫm cắn ngón tay lấy máu, viết thư cho ngươi, ngươi nên nghĩ ba bốn lần cho kỹ, chớ phụ ý trẫm.

Niên hiệu Kiến An, năm thứ bốn, tháng ba, viết tờ chiếu này".

Đổng Thừa xem xong, nước mắt chảy ròng ròng, suốt đêm không ngủ được. Sớm ngày đứng dậy, Thừa lại đến thư phòng xem lại tờ chiếu hai ba lần, chưa nghĩ được mưu kế gì. Thừa bèn đặt tờ chiếu trên ghế, lo tìm kế trừ Tào, nhưng chưa nghĩ được kế gì thì nhọc quá gục xuống kỷ ngủ thiếp đi.

Chợt có quan thị lang là Vương Tử Phục đến chơi. Người nhà biết Tử Phục với Đổng Thừa là chỗ bạn thân, không dám ngăn trở. Tử Phục vào thẳng tư phòng, thấy Thừa ngủ say, ở dưới tay áo lại để một mảnh lụa trắng hơi lộ ra chữ "Trẫm". Tử Phục lấy làm nghi, sẽ nâng tay áo, cầm lấy mảnh lụa, xem xong, giấu vào ống tay áo mình, rồi đánh thức Thừa dậy:

- Quốc cữu thật là rỗi quá! Sao mà ngủ được kỹ thế?

Thừa giật mình, nhìn không thấy tờ chiếu, sợ hãi mất vía, chân tay luống cuống.

Tử Phục nói:

- Ngươi định giết Tào công, ta phải ra thú!

Thừa khóc nói rằng:

- Nếu anh làm thế, nhà Hán hỏng mất!

Tử Phục nói:

- Ta nói đùa đó, tổ tôn ta mấy đời ăn lộc nhà Hán, há lại không có lòng trung? Ta xin giúp anh một tay để giết thằng quốc tặc.

Thừa nói:

- Anh có bụng ấy, thực là may lớn cho nhà nước!

Tử Phục cầm tay Đổng Thừa, dắt vào nhà trong mà nói rằng:

- Nên vào mật thất, để cùng lập nghĩa trạng, liều bỏ ba họ để báo ơn vua.

Thừa mừng lắm, lấy ngay một bức lụa trắng, trước ký tên mình vào, rồi Tử Phục cũng ký tên. Ký xong, Tử Phục nói:

- Tôi có người bạn thân là tướng quân Ngô Tử Lan, nên để cho ông ấy cùng bàn mưu với ta.

Thừa nói:

- Trong cả đám đại thần chỉ có tràng thuỷ hiệu uý Chủng Tập và nghị lang Ngô Thạc là tâm phúc với tôi. Hai người ấy tất cũng cùng bàn mưu với ta được.

Đang bàn chuyện, người nhà vào báo có Chủng Tập và Ngô Thạc đến chơi.

Thừa nói:

- Thực là trời giúp ta đó!

Thừa bảo Tử Phục hãy núp vào sau bình phong, mời hai người vào thư viện, ngồi chơi uống nước. Uống nước rồi, Chủng Tập hỏi Đổng Thừa rằng:

- Việc đi săn ở Hứa Điền, ông có tức không?

Thừa nói:

- Tức thì tức, nhưng làm gì được?

Thạc nói:

- Ta muốn giết nó đi, nhưng giận rằng chẳng có ai giúp đỡ.

Tập lại nói:

- Trừ hại cho nước, dù có chết cũng không tiếc gì thân.

Bấy giờ Vương Tử Phục núp ở sau bình phong mới chạy ra nói rằng:

- Các ngươi muốn giết Tào công, ta phải ra thú, hiện có Đổng quốc cữu làm chứng.

Chủng Tập nổi giận nói rằng:

- Chúng ta là trung thần có sợ gì chết! Chúng ta chết làm ma nhà Hán, còn hơn nhà ngươi sống mà a dua với đứa phản tặc.

Đổng Thừa cười nói rằng:

- Chúng tôi cũng vì việc ấy mà muốn tiếp hai ông ở đây để bàn, Vương thị lang nói đùa đó.

Nói rồi móc ống tay áo, lấy tờ mật chiếu ra đưa cho hai người xem. Hai người đọc chiếu, nước mắt tuôn ra hai hàng.

Thừa mời hai người ký tên. Tử Phục nói:

- Xin ba ông hãy ở đây, để tôi đi mời Ngô Tử Lan nữa.

Tử Phục đi được một hồi, rồi cùng với Tử Lan đến. Mọi người chào nhau, cùng ký tên cả. Thừa mời vào nhà trong uống rượu. Chợt có quân vào báo rằng:

- Có thái thú Tây Lương là Mã Đằng đến thăm.

Thừa bảo đầy tớ ra nói dối rằng Thừa mệt không ra tiếp kiến được.

Lính canh cửa ra bảo thế, Mã Đằng giận nói rằng:

- Tối hôm qua ở ngoài cửa Đông Hoa, trông thấy mặc áo gấm đeo đai đi ra, nay cớ sao lại nói dối rằng ốm? Ta không phải vô cớ đến đây, sao lại từ chối ta?

Lính canh vào lại kể rõ Mã Đằng giận và nói những gì, Thừa mới đứng dậy nói rằng:

- Xin các ông ngồi chờ tôi đây, để tôi ra một lát thôi.

Rồi Thừa ra mời Mã Đằng vào công đường. Chào lễ xong, ngồi yên rồi. Đằng mới trách rằng:

- Tôi vào chầu sắp trở về, cho nên lại đây để từ biệt, sao lại cáo bệnh không muốn tiếp?

Thừa nói:

- Vì mới bị đau cho nên không ra nghênh tiếp được, xin chịu tội với sứ quân.

Đằng nói:

- Mặt phớn phở xuân sắc thế kia, bệnh ở đâu thế?

Thừa không biết trả lời thế nào. Đằng vung tay áo đứng dậy, than thở bước xuống thềm nói rằng:

- Lũ này không phải là những kẻ cứu nước!

Thừa thấy nói thế, cố giữ lại hỏi rằng:

- Ông bảo ai không phải là người cứu nước?

Đằng nói:

- Việc đi săn ở Hứa Điền ta còn tức đầy ruột, ông là chí thích của nhà nước, cứ mê mải về tửu sắc, chẳng lo gì đến việc giết giặc, sao được gọi là người phù tai cứu nạn của nhà vua?

Thừa còn sợ Đằng đánh lừa, giả cách giật mình nói rằng:

- Tào thừa tướng là đại thần nhà nước, triều đình trông cậy vào cả, sao ông dám nói thế?

Đằng hầm hầm mặt lại mắng rằng:

- Ngươi còn cho thằng giặc Tào là người tốt à!

Thừa xua tay nói:

- Ở đây tai vách mạch rừng, xin ông nói khẽ chứ!

Đằng lại mắng rằng:

- Đối với đồ ham sống sợ chết không thể cùng bàn việc lớn!

Nói xong đứng dậy toan về. Thừa biết Mã Đằng là người trung nghĩa, mới nói rằng:

- Ông hãy nguôi cơn giận, xin xem cái này!

Liền mời Mã Đằng vào thư phòng, lấy tờ chiếu cho xem. Đằng đọc xong, tóc lông dựng ngược cả lên, nghiến răng rít lưỡi, máu chảy đầy mồm, bảo Thừa rằng:

- Hễ ông khởi sự, tôi xin đem cả quân Tây Lương đến làm ngoại ứng.

Đoạn Mã Đằng trỏ vào năm người ngồi trên nói rằng:

- Giá ta được mười người cùng như thế này cả thì việc tất phải xong.

Thừa nói:

- Người trung nghĩa không thể có nhiều, nếu cộng sự với những người không ra gì thì lại làm hỏng việc.

Mã Đằng mượn sổ tên các quan trong triều xem một lượt, từng tên một, để tính xem đồng mưu ước được bao nhiêu người. Xem đến chỗ tôn tộc họ Lưu, Đằng vỗ tay lên hỏi rằng:

- Sao không bàn với người này?

Mọi người hỏi:

- Người nào vậy?

Mã Đằng thong thả nói tên người ấy ra.

Thế thực là:

Vốn là quốc cữu vâng lời chiếu

Lại gặp tôn thần giúp việc vua.

Chưa biết Mã Đằng nói ai, xem đến hồi sau sẽ rõ.



Hồi 21

Tào Tháo uống rượu luận anh hùng

Quan Công lừa mưu giết Xa Trụ

Đổng Thừa vội hỏi Mã Đằng:

- Ông muốn rủ ai?

Đằng nói:

- Hiện bây giờ có Dự Châu mục là Lưu Huyền Đức ở đây, sao không tìm đến?

Thừa nói:

- Người ấy tuy là chú vua, nhưng cũng nương dựa vào Tào Tháo, sao chịu làm việc này?

Đằng nói:

- Tôi xem trong cuộc đi săn hôm trước, khi Tào Tháo đứng trước mặt vua nhận lời chúc mừng của các quan, Vân Trường đứng sau Huyền Đức, vác dao toan giết Tháo, nhưng Huyền Đức đưa mắt, lại thôi. Huyền Đức không phải là không muốn giết Tào Tháo vì sợ nanh vuốt của Tào Tháo nhiều, sức mình không làm nổi đấy thôi. Ông thử đến xem, người ấy tất đồng tâm với ta.

Ngô Thạc nói:

- Việc ấy không nên hấp tấp, xin hãy để bàn bạc cho chín đã.

Năm người đều về nhà.

Đêm khuya hôm sau Đổng Thừa mang tờ chiếu đến nhà Huyền Đức. Lính canh vào báo, Huyền Đức ra đón mời vào trong gác ngồi chơi, Quan, Trương đứng hầu bên cạnh. Huyền Đức hỏi:

- Canh khuya, quốc cữu đến đây tất có việc gì gấp?

Huyền Đức lấy rượu khoản đãi. Thừa nói:

- Bữa nọ trong cuộc đi săn, Vân Trường muốn giết Tào Tháo, tướng quân lại đưa mắt lắc đầu để ngăn đi, là ý làm sao?

Huyền Đức thất kinh nói:

- Sao ông biết?

Thừa nói:

- Người ta không ai trông thấy, chỉ có tôi biết mà thôi.

Huyền Đức không thể giấu được mới nói thực rằng:

- Em tôi thấy Tháo lấn quyền vua nên tức giận đó.

Thừa che mặt khóc nói rằng:

- Giả sử tôi con triều đình, ai cũng được như Vân Trường, thì lo gì thiên hạ chẳng được thái bình?

Huyền Đức sợ là Tào Tháo sai đến dò la, bèn nói giả cách rằng:

- Tào thừa tướng sửa sang việc nước lo gì không thái bình?

Thừa tái mặt đứng dậy nói rằng:

- Ông là hoàng thúc nhà Hán, cho nên ta vạch gan moi ruột để nói chuyện với ông, sao ông còn nói dối?

Huyền Đức nói:

- Tôi sợ quốc cữu không thực bụng, nên phải thử.

Đổng Thừa đưa ngay tờ chiếu ra cho Huyền Đức xem, Huyền Đức lấy làm xót xa căm tức. Thừa lại dưa ra xem tờ nghĩa trạng, có sáu người ký tên là: Đổng Thừa, Vương Tử Phục, Chủng Tập, Ngô Thạc, Ngô Tử Lan và Mã Đằng.

Huyền Đức nói:

- Quốc cữu đã phụng chiếu đánh giặc, tôi dám đâu không cố sức khuyển mã.

Thừa lại tạ mời ký tên, Huyền Đức ký "Tả tướng quân, Lưu Bị", rồi đưa lại Thừa nhận lấy.

Thừa nói:

- Nên mời thêm ba người nữa, họp đủ mười người trung nghĩa để trừ quốc tặc.

Huyền Đức nói:

- Nên thong thả, chớ hấp tấp khinh thường để tiết lộ việc lớn.

Hai người cùng nhau luận bàn đến canh năm mới chia tay.

Huyền Đức bấy giờ sợ Tháo nghi mình mưu đồ gì, bèn làm một vườn rau ở sau nhà ngày ngày vun xới tưới tắm, để làm cách che mắt Tháo khỏi ngờ.

Quan, Trương thấy vậy hỏi rằng:

- Anh không lưu tâm đến việc lớn thiên hạ, học làm chi cái việc của kẻ tiểu nhân này?

Huyền Đức nói:

- Hai em biết đâu ý anh!

Hai người từ đó không dám nói gì nữa.

Một hôm Quan Vũ, Trương Phi cùng đi chơi vắng, Huyền Đức đang lom khom tưới rau, bỗng thấy Hứa Chử và Trương Liêu dẫn vài chục người vào vườn, nói rằng:

- Thừa tướng sai chúng tôi mời sứ quân đến ngay phủ.

Huyền Đức giật mình, hỏi:

- Việc gì khẩn cấp thế, hai ông?

Hứa Chử thưa:

- Hai chúng tôi thấy sai thì vâng lệnh đi mời, chứ không biết việc chi.

Huyền Đức theo hai người vào phủ yết kiến Tháo, Tháo cười nói rằng:

- Huyền Đức độ này ở nhà làm một việc lớn lao đấy nhỉ?

Huyền Đức sợ tái mặt. Tháo cầm tay Huyền Đức dắt vào vườn ở sau nhà, nói rằng:

- Huyền Đức học làm việc vườn, chắc cũng không phải là việc dễ dàng?

Huyền Đức bây giờ mới vững dạ, đáp rằng:

- Không có việc gì, làm để tiêu khiển đó thôi.

Tháo nói:

- Vừa rồi thấy trên cành mai đã có quả xanh, sực nhớ khi trước đi đánh Trương Tú, đi đường không có nước, tướng sĩ khát cào cuống họng. Bấy giờ ta nghĩ được một kế, cầm roi trỏ hão nói rằng: trước mặt có rừng mơ. Quân sĩ nghe nói đến mơ, ai cũng ứa nước dãi, đỡ được khát nước. Nay có mơ thật, nên hái xuống mà thưởng. Vả lại rượu nấu vừa chín, cho nên mời sứ quân đến tiểu đình uống rượu.

Huyền Đức bây giờ trấn tĩnh lại được, theo đến tiểu đình, đã thấy bày mâm bát, giữa bàn bày một đĩa mơ xanh, một bình rượu nóng.

Hai người ngồi đối diện, ăn uống vui vẻ. Lúc rượu ngà ngà say, chợt thấy mây đen mù mịt, cơn mưa sắp kéo đến.

Quân hầu trỏ lên trời bẩm:

- Có vòi rồng lấy nước.

Tháo và Huyền Đức dựa vào bao lơn ngắm xem. Tháo nói:

- Sứ quân có biết rồng nó biến hoá thế nào không?

Huyền Đức nói:

- Tôi chưa được tường.

Tháo nói:

- Rồng lúc thì to, lúc thì nhỏ, lúc thì bay, lúc thì nấp. Lúc to thì nổi mây phun mù; lúc nhỏ thì thu mình ẩn bóng; khi bay ra thì liệng trong trời đất; khi ẩn thì lẩn núp ở dưới sóng. Nay đang mùa xuân, rồng gặp thời biến hoá, cũng như là người ta lúc đắc chí, tung hoành trong bốn bể. Rồng ví như anh hùng trong đời. Huyền Đức lâu nay đã đi khắp bốn phương, bao nhiêu anh hùng đời nay, hẳn đã biết cả, xin thử nói cho nghe.

Huyền Đức thưa:

- Bị này người trần mắt thịt, biết đâu được anh hùng.

Tháo nói:

- Huyền Đức không nên nhún mình quá!

Huyền Đức nói:

- Bị nay được nhờ ơn thừa tướng làm quan trong triều, anh hùng trong thiên hạ thực không được biết.

Tháo nói:

- Đã đành không biết mặt, nhưng cũng có nghe tiếng chứ?

Huyền Đức nói:

- Viên Thuật ở Hoài Nam, binh lương nhiều, có thể cho là anh hùng được chăng?

Tháo cười nói:

- Xương khô trong mả, chỉ nay mai là ta bắt được!

Huyền Đức lại nói:

- Anh Viên Thuật là Viên Thiệu ở Hà Bắc, bốn đời làm tam công, có nhiều đầy tớ cũ; hiện nay là con hổ dữ hùng cứ ở Ký Châu; bộ hạ nhiều tay tài giỏi, có thể cho là anh hùng được chăng?

Tháo lại cười nói:

- Viên Thiệu ngoài mặt mạnh bạo, trong bụng nhút nhát, thích mưu mẹo mà không quyết đoán, làm việc lớn lại lo đến bản thân, thấy lợi nhỏ thì lại quên mình, không thể gọi là anh hùng được!

Huyền Đức lại nói:

- Có một người nổi tiếng trong tám tuấn kiệt, uy danh khiếp cả chín châu, là Lưu Cảnh Thăng, có thể cho là anh hùng được chăng?

Tháo lại cười:

- Lưu Biểu có hư danh nhưng không có thực tài, không phải anh hùng.

Huyền Đức lại nói:

- Có một người, sức lực đương khoẻ, đứng đầu xứ Giang Đông, là Tôn Bá Phù, hẳn là anh hùng?

Tháo nói:

- Tôn Sách nhờ danh tiếng của bố, không phải anh hùng.

Huyền Đức lại nói:

- Lưu Quý Ngọc ở Ích Châu có phải là anh hùng không?

Tháo nói:

- Lưu Chương, tuy là tôn thất, nhưng chỉ là con chó giữ nhà, sao gọi là anh hùng được?

Huyền Đức lại nói:

- Như bọn Trương Tú, Trương Lỗ và Hàn Toại thì thế nào?

Tháo vỗ tay cười to:

- Lũ tiểu nhân nhung nhúc ấy thì nói làm gì!

Huyền Đức nói:

- Ngoài những người ấy ra, Bị thực không còn biết ai nữa.

Tháo nói:

- Anh hùng là người trong bụng có chí lớn, có mưu cao, có cái bao trùm được cả vũ trụ, có chí nuốt cả trời đất kia.

Huyền Đức mới nói:

- Ai có thể xứng đáng được như thế?

Tào Tháo lấy tay trỏ vào Huyền Đức, rồi lại trỏ vào mình nói rằng:

- Anh hùng thiên hạ bây giờ chỉ có sứ quân và Tào Tháo mà thôi.

Huyền Đức nghe nói, giật nảy mình, cái thìa đôi đũa đương cầm ở trong tay, rơi cả xuống đất. Giữa lúc bấy giờ, con mưa u ám, có một tiếng sét thực dữ. Lưu Bị từ từ cúi xuống nhặt đũa và thìa, nói tảng rằng:

- Gớm ghê! Tiếng sét dữ quá!

Tào Tháo cười hỏi rằng:

- Trượng phu cũng sợ sấm à!

Huyền Đức nói:

- Đức thánh ngày xưa gặp lúc sấm dữ gió to cũng đổi sắc mặt, huống chi là tôi đây sao lại không sợ?

Huyền Đức đã che đậy được hết cả việc giật mình đánh rơi cả thìa đũa khi nghe Tháo gọi mình là anh hùng.

Tháo thấy thế không ngờ gì Huyền Đức nữa.

Đời sau có thơ rằng:

Gượng vào hang ổ, tạm nương mình

Nói rõ anh hùng sợ thất kinh

Mượn tiếng sấm vang ra vẻ sợ

Tuỳ cơ ứng biến thật tài tình!

Giời vừa mưa xong, có hai người tay cầm bảo kiếm, xông vào tận vườn sau, đến thẳng tận trước đình, lính canh ngăn lại không được. Tháo trông ra thì là Quan Vũ và Trương Phi.

Nguyên là hai người ra ngoài thành săn bắn vừa về, nghe thấy Huyền Đức bị Trương Liêu, Hứa Chử mời đi, vội vàng chạy ngay đến tướng phủ dò xem việc gì. Thấy nói ở sau vườn sợ có xảy ra điều gì, nên hai người xông thẳng vào. Vào đến nơi thấy Huyền Đức đang ngồi uống rượu với Tào Tháo, hai người bèn cầm gươm đứng hầu.

Tháo hỏi:

- Hai người đi đâu?

Vân Trường thưa:

- Chúng tôi nghe thừa tướng cùng anh tôi uống rượu, nên chúng tôi lại đây múa gươm để mua vui!

Tháo cười, nói rằng:

- Đây có phải là "hội Hồng Môn" đâu mà phải dùng đến Hạng Trang, Hạng Bá.

Huyền Đức cũng cười.

Tháo sai lấy rượu "để hai Phàn Khoái uống cho tan cơn sợ".

Quan, Trương lạy tạ. Một lát tiệc tan, Huyền Đức cáo từ ra về.

Vân Trường nói:

- Anh làm chúng tôi sợ chết đi được!

Huyền Đức thuật lại chuyện đánh rơi đũa. Quan, Trương hỏi:

- Thế là ý làm sao?

Huyền Đức nói:

- Độ này ta chịu khó làm vườn cuốc đất, cốt là để cho Tào Tháo không nghi ta có chí lớn. Ai ngờ nó lại trỏ ngay vào ta mà bảo ta là anh hùng đời nay. Ta nghe nói rụng rời, đánh rơi cả đũa, lại sợ Tào Tháo ngờ, cho nên mượn cớ là sợ sét để che giấu đi.

Quan, Trương khen rằng:

- Anh thực là cao kiến!

Hôm sau Tào Tháo lại mời Lưu Bị đến uống rượu. Trong khi đương tiệc có người vào báo rằng:

- Mãn Sủng đi dò tin tức của Viên Thuật đã về.

Tháo gọi vào hỏi, Sủng trình rằng:

- Công Tôn Toản đã bị Viên Thuật phá vỡ.

Huyền Đức vội vàng hỏi rằng:

- Xin cho biết đầu đuôi làm sao?

Sủng nói:

- Tôn Toản đánh nhau với Thiệu không được, mới đắp thành chung quanh một vùng, trong dựng một cái lầu cao mười trượng, gọi là "dịch kinh", chứa ba mươi vạn hộc lúa để ăn giữ thành. Đôi khi, quan trong thành ra vào bị quân Thiệu rình bắt, quân trong xin ra cứu, Toản không cho ra, bảo rằng: "Nếu cứu một lần, lần sau có ai đánh nhau chỉ mong người đến cứu thì không cố chết mà đánh nữa". Bởi thế lúc quân Thiệu đánh vào, quân Toản nhiều người ra hàng. Lúc Toản thế cô lắm có sai người đem thư đến Hứa Đô cầu cứu, không ngờ đi nửa đường lại bị quân Thiệu bắt được. Toản lại đưa thư cho Trương Yên, hẹn nhau đốt lửa làm hiệu, trong đánh ra ngoài đánh vào. Người đưa thư lại bị Viên Thiệu bắt nốt. Thiệu được thư ấy cứ như lời Toản hẹn với Yên, đốt lửa làm hiệu, Toản ở trong ngờ là hiệu lửa của Trương Yên, mới tự ra đánh, không ngờ ra đến ngoài, bốn mặt quân phục nổi dậy. Quân mã của Toản mất quá nửa, còn non một nửa lui về để giữ thành, lại bị Viên Thiệu đào ngầm dưới đất, đem quân vào tận dưới lầu Toản ở, phóng hoả đốt lầu, Toản không có đường chạy, trước giết vợ con, rồi tự thắt cổ chết, cả nhà cùng bị lửa cháy. Nay Viên Thiệu được cả quân của Toản, thanh thế to lắm. Em Thiệu là Viên Thuật ở Hoài Nam, kiêu ngạo, xa xỉ quá độ, không thương gì đến quân dân, cho nên họ đều nổi loạn, Thuật nhường đế hiệu cho Viên Thiệu. Thiệu muốn lấy ngọc tỷ. Thuật hẹn xin tự đem đến. Hiện giờ Thuật muốn bỏ Hoài Nam về Hà Bắc. Nếu để hai người hợp sức với nhau, thì rất khó đánh được, xin thừa tướng liệu trừ trước đi.

Huyền Đức nghe tin Công Tôn Toản đã chết, nghĩ đến ơn tiến mình ngày xưa, rất là thương xót, lại không biết Triệu Tử Long ở đâu, không đành dạ chút nào, nhân nghĩ vụng rằng: "Ta không nhân dịp này tìm kế thoát thân, còn đợi đến bao giờ?" liền đứng lên thưa với Tào Tháo rằng:

- Nếu Thuật sang với Thiệu, tất phải đi qua Từ Châu, tôi xin lĩnh một cánh quân đón đường đánh, chắc bắt được.

Tháo cười nói:

- Để ngày mai tâu vua, rồi sẽ khởi binh.

Hôm sau Huyền Đức vào tâu vua. Tào Tháo lại sai Huyền Đức đốc suất năm vạn quân mã, lại sai Chu Linh, Lộ Chiêu cùng đi. Lúc Huyền Đức vào từ biệt vua, vua khóc tiễn đi.

Huyền Đức về nhà trọ, suốt đêm thu xếp khí giới và ngựa chiến, đeo ấn tướng quân, đốc thúc để cho chóng. Đổng Thừa ra ngoài mười dặm tràng đình để tiễn. Huyền Đức nói:

- Xin quốc cữu hãy yên tâm. Chuyến này tôi đi tất có thể đáp lại ý muốn của ngài.

Thừa nói:

- Ông nên lưu tâm, chớ phụ lòng vua.

Hai người từ giã nhau.

Quan, Trương hai người ngồi trên ngựa bấy giờ mới hỏi anh rằng:

- Sao phen này anh đi vội vàng vậy?

Lưu Bị nói:

- Ta ở Hứa Đô như chim lồng cá chậu, chuyến này được đi như cá vào bể lớn, chim lên mây xanh, không bị giam hãm trong lồng trong chậu nữa.

Nói xong, hai người thúc quân mã Chu Linh, Lộ Chiêu đi mau.

Bấy giờ ở Hứa Đô, Quách Gia và Trình Dục đi kiểm tra tiền lương vừa về, nghe thấy Tào Tháo sai Lưu Bị đem quân sang Từ Châu, vội vàng vào bẩm rằng:

- Sao thừa tướng lại sai Lưu Bị đi đốc binh?

Tháo nói:

- Cho ra để chẹn đường Viên Thuật.

Dục nói:

- Lúc Lưu Bị còn giữ chức mục ở Dự Châu, chúng tôi xin thừa tướng giết đi, thừa tướng không nghe, nay lại cho đi cầm quân, thế là thả rồng xuống bể, đuổi hổ về rừng, sau này muốn trừ đi còn làm sao được nữa?

Quách Gia nói:

- Nếu thừa tướng không giết Lưu Bị cũng chớ nên sai đi ra ngoài. Cổ nhân có nói rằng: "Một ngày thả giặc, để lo muôn đời". Xin thừa tướng xét lại.

Tháo nghe ra, liền sai Hứa Chử đem năm trăm quân đuổi theo gọi Lưu Bị về.

Hứa Chử vâng lệnh đi liền.

Huyền Đức đang đi, ở mặt sau bỗng thấy bụi mù, liền bảo với Quan, Trương rằng:

- Đây chắc quân Tào Tháo đuổi theo.

Nói rồi lập trại, đóng quân lại, sai Quan, Trương cầm binh khí đứng hai bên. Hứa Chử đến, thấy binh uy nghiêm chỉnh tề, bèn xuống ngựa vào trại, ra mắt Huyền Đức. Huyền Đức hỏi:

- Ông đến có việc gì?

Chử nói:

- Phụng mệnh thừa tướng, mời tướng quân trở lại bàn bạc việc khác.

Huyền Đức nói:

- Tướng đã ở ngoài, mệnh lệnh của vua cũng có điều không phải vâng theo, huống chi tôi đã chầu vua, lại được vâng lời thừa tướng mà đi. Nay không còn việc gì phải bàn nữa, xin ông trở về ngay bẩm lại với thừa tướng cho tôi.

Hứa Chử nghĩ rằng:

- Thừa tướng vốn đối đãi tử tế với Huyền Đức, nay không thấy dặn phải đánh nhau, vậy hãy đem lời Lưu Bị về bẩm lại, tuỳ ý ngài định đoạt.

Chử liền từ giã Huyền Đức về, vào hầu Tào Tháo thuật lại lời của Huyền Đức. Tháo ngần ngại chưa quyết, Trình Dục, Quách Gia nói rằng:

- Lưu Bị không chịu đem quân trở lại, tất là thay lòng đổi dạ rồi.

Tháo nói:

- Ta đã sai Chu Linh, Lộ Chiêu đi kèm Lưu Bị, vị tất hắn đã dám sinh biến. Vả ta đã sai, không nên hối lại.

Bèn không đuổi theo Huyền Đức nữa.

Người sau có thơ rằng:

Gióng ngựa giục quân, lòng vội vã,

Nỗi lo canh cánh chiếu trong đai,

Hổ tung cũi sắt về rừng rậm,

Rồng phá then vàng, ra bể khơi...

Mã Đằng bấy giờ ở Hứa Đô, thấy Huyền Đức đã đi, ở châu mình lại có quân đến báo nhiều việc kíp, cho nên cũng về Lương Châu.

Huyền Đức đem quân tới Từ Châu, thứ sử là Xa Trụ ra đón, yến tiệc xong, lũ Tôn Càn, My Chúc đều lại yết kiến. Huyền Đức về nhà thăm vợ con, một mặt sai người dò xem tin tức Viên Thuật.

Thám tử về báo:

- Viên Thuật xa xỉ quá độ. Tướng Thuật là Lôi Bạc, Trần Lan cũng bỏ Thuật về núi Tung Sơn, thế Thuật đã suy, Thuật phải đưa thư nhường đế hiệu cho Viên Thiệu và đương thu binh nhặt mã và các đồ cung cấm ngự dụng, sắp qua Từ Châu.

Lưu Bị nghe Viên Thuật sắp đến, dẫn Quan, Trương và Chu Linh, Lộ Chiêu đem năm vạn quân ra đón đánh, thì gặp tiên phong của Thuật là Kỷ Linh đến.

Trương Phi ra đánh nhau với Kỷ Linh mới được mươi hợp, liền thét lớn một tiếng, đâm chết Kỷ Linh ngã xuống chân ngựa. Quân lính thua chạy trốn cả. Thuật tự dẫn binh đến đánh, Huyền Đức chia quân làm ba đường. Chu Linh, Lộ Chiêu ở tả; Quan, Trương ở hữu, tự mình đứng trung quân, ra ngoài cửa cờ mắng Thuật rằng:

- Thằng phản nghịch vô đạo kia! Ta nay phụng chiếu ra đánh, mày nên tự trói tay mà hàng, ta sẽ tha cho khỏi chết.

Viên Thuật mắng lại rằng:

- Thằng dệt chiếu đóng dép kia! Sao mày dám khinh ta?

Nói xong đốc binh vào đánh. Huyền Đức tạm lui, cho quân tả hữu hai bên ra đánh, quân Thuật thây nằm khắp đồng, máu chảy thành vũng, sĩ tốt trốn đi không biết bao nhiêu, lại bị Lôi Bạc, Trần Lan ở Tung Sơn ra cướp mất tiền nong lương thảo. Thuật muốn về Thọ Xuân, lại bị trộm cướp đến đánh tập hậu, phải đóng lại ở Giang Đình. Bấy giờ Thuật chỉ còn hơn một nghìn quân, toàn những người già yếu. Trời đang nóng nực, lương thực hết, chỉ còn ba mươi hộc lúa, phát cho quân sĩ, người nhà phải nhịn, chết đói nhiều. Thuật ăn cơm gạo xấu, không nuốt được, sai nhà bếp lấy mật ăn cho khỏi khát. Nhà bếp nói:

- Mật không có, chỉ có nước máu!

Thuật đương ngồi trên giường, kêu to một tiếng, đâm nhào xuống đất, thổ ra đến một chậu máu, rồi chết.

Bấy giờ là tháng sáu, năm thứ bốn, niên hiệu Kiến An (199).

Người sau có thơ rằng:

Cuối Hán, binh đao nổi bốn phương,

Khéo đâu Viên Thuật cũng ngông cuồng!

Mấy đời không nghĩ nền công tướng

Chút phận hòng toan vị đế vương

Tỷ ngọc vào tay thêm ngạo ngược,

Điềm trời trước mắt, uổng khoe khoang.

Khát tìm mật uống tìm đâu thấy?

Thổ huyết nằm queo chẳng kẻ thương!

Viên Thuật chết rồi, cháu là Viên Dận đem hài cốt cùng vợ con Thuật chạy về Lư Giang, bị tên Từ Cầu giết sạch, cướp lấy ngọc tỷ đem đến Hứa Đô dâng lên Tào Tháo. Tháo mừng lắm phong cho Từ Cầu làm thái thú ở Cao Lăng. Từ bấy giờ ngọc tỷ lại vào tay Tào Tháo.

Huyền Đức thấy Viên Thuật đã chết, dâng biểu cho triều đình, và đưa thư trình Tào Tháo biết, sai Chu Linh, Lộ Chiêu về Hứa Đô, còn bao nhiêu binh mà đều lưu lại để giữ Từ Châu, một mặt chiêu dụ những nhân dân lưu tán trở về an cư lạc nghiệp.

Chu Linh, Lộ Chiêu về Hứa Đô vào hầu Tào Tháo thuật lại việc Huyền Đức giữ binh mã. Tháo giận lắm muốn chém ngay hai người. Tuân Úc can rằng:

- Quyền ở Lưu Bị, hai người làm thế nào được.

Tháo mới tha tội cho hai người.

Úc lại bàn rằng:

- Thừa tướng nên viết thư cho Xa Trụ, sai ở đó tìm cách trừ Lưu Bị.

Tháo nghe kế ấy, mật sai người đến bảo Xa Trụ. Trụ mời Trần Đăng đến bàn.

Đăng nói:

- Việc ấy thực dễ, nay Lưu Bị ra ngoài thành chiêu dụ nhân dân, không mấy ngày nữa sẽ về. Tướng quân nên phục quân dưới cửa cuốn ở ngoài thành, giả cách ra đón, đợi khi Lưu Bị cưỡi ngựa đến, chém cho một nhát, tôi thì ở trên thành bắn xuống để chặn hậu quân của Lưu Bị, thế là xong việc.

Trụ nghe theo kế ấy.

Trần Đăng về nói lại với bố là Trần Khê. Trần Khê sai Đăng ra báo trước cho Huyền Đức biết. Đăng vừa ra khỏi thành gặp Quan Vũ, Trương Phi bèn nói chuyện cho hai người hay.

Nguyên là Quan, Trương về trước, Huyền Đức về sau. Trương Phi nghe nói, muốn chạy vào đánh ngay. Vân Trường ngăn lại nói rằng:

- Nó phục binh dưới cửa cuốn bên thành, nếu vào thì mắc mẹo nó. Ta có một kế giết được Xa Trụ; nhân ban đêm, ta giả làm quân Tào đến Từ Châu, Xa Trụ tất ra đón, ra đến nơi thì ta giết đi.

Phi chịu rằng phải.

Quân bộ hạ của Quan, Trương sẵn có cờ hiệu của Tào, y giáp cũng giống nhau, đang nửa đêm, đến ngay cửa thành gọi mở. Trên thành hỏi ai. Chúng thưa:

- Quân mã Trương Văn Viễn. Tào thừa tướng sai đến.

Quân giữ thành vào báo với Trụ. Trụ mời Trần Đăng lại bàn rằng:

- Không ra đón thì sợ có chuyện nghi kị, ra đón lại sợ có chuyện lừa dối.

Trụ lên thành nói rằng:

- Đêm khuya khó phân biệt được thực hư, xin để sáng mai hãy mở cửa.

Ở dưới thành đáp rằng:

- Chỉ sợ Lưu Bị biết. Xin mở cửa mau.

Xa Trụ ngần ngừ chưa quyết, dưới thành thì cứ giục mở cửa mãi. Trụ đành phải mặc áo giáp lên ngựa, dẫn một nghìn quân mã ra ngoài thành. Đi khỏi cầu, Trụ gọi to rằng:

- Văn Viễn ở đâu?

Trong bóng lửa thấy ngay Vân Trường cầm đao tế ngựa lại, xông thẳng vào Xa Trụ thét rằng:

- Thằng kia! Sao dám lừa dối muốn hại anh tao?

Trụ giật mình, đánh chưa được vài hiệp, chống đỡ không nổi, quay ngựa chạy về. Chạy đến đầu cầu, Trần Đăng ở trên thành bắn tên xuống như mưa. Vân Trường sấn lại, phất long đao một nhát chém Trụ ngã lăn xuống đất rồi chặt lấy đầu, quay mặt vào thành giơ đầu Trụ lên hô rằng:

- Phản tặc là Xa Trụ ta đã giết rồi. Quân sĩ không có tội, hàng thì tha cả.

Quân sĩ đều cầm ngược khí giới, xin hàng. Từ ấy quân dân đều được yên ổn cả.

Vân Trường mang đầu Xa Trụ lại đón Huyền Đức nói rằng:

- Xa Trụ muốn mưu hại anh, nay đã giết được rồi.

Huyền Đức thất kinh nói rằng:

- Tháo nó lại, thì làm thế nào?

Vân Trường nói:

- Hễ nó lại, thì hai em xin đánh chứ sao!

Huyền Đức ân hận mãi, rồi vào Từ Châu. Các cụ già và trăm họ đón rước đầy đường. Lưu Bị đến phủ, tìm Trương Phi, thì Trương Phi đã bắt cả nhà Xa Trụ đem giết rồi. Huyền Đức giận nói:

- Giết mất người tâm phúc của Tháo, sao nó chịu thôi?

Trần Đăng nói:

- Tôi có một kế, có thể lui được Tào Tháo.

Thế thực là:

Cô thân đã thoát ra hang hổ

Diệu kế còn toan rập khói lang[1]

Chưa biết Trần Đăng bàn kế gì, xem đến hồi sau sẽ rõ.


Hồi 22

Viên, Tào đều cất ba quân mã bộ

Quan, Trương cùng bắt hai tướng Vương, Lưu

Trần Đăng hiến kế cho Lưu Bị rằng:

- Tào Tháo chỉ sợ Viên Thiệu. Thiệu nay như hổ ngồi giữ ở các quận Ký, Thanh, U và Tinh. Quân mặc áo giáp có vài trăm vạn; văn quan võ tướng rất nhiều, sao không viết thư sang đó mà cầu cứu?

Huyền Đức nói:

- Thiệu và tôi chưa có đi lại với nhau bao giờ, vả lại vừa đánh em hắn, sao hắn chịu giúp.

Đăng nói:

- Ở đây có một người, ba đời thông gia với họ Viên, nếu được người ấy đưa thư sang cho Thiệu, tất Thiệu đem quân lại cứu.

Huyền Đức hỏi ai, Đăng nói:

- Người ấy là người ông xưa nay vốn kính lễ, sao nay lại quên?

Huyền Đức chợt nghĩ ra, hỏi:

- Có phải Trịnh Khang Thành tiên sinh không?

Đăng cười, nói:

- Chính phải!

Nguyên Trịnh Khang Thành tên là Huyền, chăm học, nhiều tài, khi trước là học trò Mã Dung. Mỗi khi Dung dạy học, bao giờ cũng treo một bức màn đỏ, ngoài thì học trò ngồi, trong thì đông những nhà trò, con gái đứng hầu. Trịnh Huyền đến học trong ba năm, mắt không trông ngang. Dung lấy làm lạ. Đến khi Trịnh Huyền học xong, trở về nhà. Dung than rằng:

- Học được bí truyền của ta, chỉ có một Trịnh Huyền.

Trong nhà Trịnh Huyền, thị tì đều thuộc Mao Thi[1].

Có một thị tì làm trái ý Huyền, Huyền bắt quỳ mãi dưới thềm, một thị tì khác hỏi đùa:

- "Hồ vi hồ nê trung?"[2]

Người kia lập tức đáp ngay:

- "Bạc ngôn vãng tố, phùng bỉ chi nộ".[3]

Như thế thực là phong nhã.

Đời vua Hoàn đế, Trịnh Huyền làm quan thượng thư. Đến sau gặp loạn mười tên hoạn quan, Huyền bỏ quan về ở Từ Châu làm ruộng. Huyền Đức khi ở Trác Quận đã thờ làm thầy, đến khi làm mục ở Từ Châu, thường thường vẫn đến hầu rất mực tôn kính.

Bấy giờ Huyền Đức nghĩ ra người ấy, lấy làm may mắn, liền cùng Trần Đăng đi đến nhà Trịnh Huyền, xin Huyền viết thư cho Viên Thiệu. Huyền nhận lời viết ngay một bức thư, giao cho Huyền Đức. Huyền Đức sai Tôn Càn đi suốt ngày đêm đưa thư đến Viên Thiệu.

Thiệu xem xong nghĩ rằng:

- Huyền Đức vừa đánh em ta, đáng nhẽ không giúp, nhưng vì có lời của Trịnh thượng thư, đành phải đi cứu.

Thiệu liền họp các văn võ bàn việc cất quân.

Mưu sĩ là Điền Phong can rằng:

- Mấy năm khởi binh luôn, nhân dân mỏi mệt, kho tàng trống rỗng, không nên lại khởi đại quân. Trước hết hãy sai người dâng biểu tâu công thắng trận lên thiên tử, nếu biểu không dâng lên được, bấy giờ sẽ kể tội cho Tào Tháo, rồi đem binh đóng ở Lê Dương, làm thêm thuyền bè ở Hà Nội, sửa sang khí giới, phân phát tinh binh, đóng đồn ngoài biên ải. Như thế trong ba năm, việc lớn có thể xong được.

Mưu sĩ khác là Thẩm Phối lại nói rằng:

- Điền Phong nói thế không phải. Lấy oai thần võ của minh công, sẵn có nền giàu mạnh ở đất Hà Sóc, đem binh đánh Tào Tháo, dễ như trở bàn tay, hà tất phải kéo dài ngày tháng.

Mưu sĩ thứ ba là Thư Thụ nói:

- Cái mưu đánh được, không cứ gì ở sự cường thịnh, Tào Tháo đã có quyền trong tay, thi hành được pháp lệnh, quân lính lại tập luyện giỏi, không như bọn Công Tôn Toản ngồi bó tay một chỗ. Nay không dùng mưu của Điền Phong, dấy một đội quân vô danh[4] tôi trộm nghĩ là không phải.

Lại có một mưu sĩ nữa là Quách Đồ nói:

- Thế cũng không phải, đem binh đánh Tào Tháo sao gọi là vô danh? Ông nên kịp thời mưu tính sớm định nghiệp lớn. Xin ông nghe nhời Trịnh thượng thư, cùng Lưu Bị đem nghĩa lớn đánh giặc Tào, trên hợp ý trời, dưới hợp lòng dân, thực là may mắn.

Bốn người tranh luận mãi. Viện Thiệu trù trừ chưa quyết. Chợt có Hứa Du, Tuân Thầm ở ngoài vào.

Thiệu nói:

- Hai người kiến thức rộng, thử xem chủ trương thế nào?

Hai người thi lễ xong. Thiệu hỏi:

- Trịnh thượng thư gửi thư đến, bảo ta khởi binh giúp Lưu Bị đánh Tào Tháo. Nên khởi binh hay không khởi binh?

Hai người đồng thanh nói:

- Minh công lấy nhiều đánh ít, lấy khoẻ đánh yếu, giết giặc Tào để giúp nhà Hán, khởi binh là phải lắm.

Thiệu nói:

- Hai người nói chính hợp ý ta!

Lập tức truyền lệnh cất quân; cho Tôn Càn về trước báo với Trịnh Huyền, và hẹn Huyền Đức chuẩn bị sẵn sàng để tiếp ứng; một mặt sai Thẩm Phối, Phùng Kỷ làm thống quân, Điền Phong, Tuân Thầm, Hứa Du làm mưu sĩ. Nhan Lương, Văn Sú làm tướng quân, khởi quân mã mười lăm vạn, quân bộ mười lăm vạn, cả thảy ba mươi vạn tinh binh, tiến về Lê Dương.

Xếp đặt đâu đấy rồi, mưu sĩ là Quách Đồ tiến lên nói:

- Minh công lấy nghĩa lớn đánh Tào Tháo, phải nên làm một bài văn hịch, nêu hết sự tàn ác của Tào Tháo, truyền tờ hịch đi các quận, kể rõ lẽ tại sao mình đem quân đến đánh, thế mới là danh chính ngôn thuận.

Thiệu bèn sai thư ký là Trần Lâm làm bài hịch. Lâm tự là Khổng Chương, vốn có danh tiếng. Đời vua Hoàn đế làm chủ bạ, nhân can Hà Tiến không nghe, lại gặp loạn Đổng Trác, Trần Lâm lánh nạn ở Ký Châu, Thiệu dùng làm thư ký. Bấy giờ vâng lệnh thảo hịch, cầm bút viết xong ngay. Bài hịch như sau:

"Thường nghe rằng: minh quân chúa nhân nguy để bày kế; trung thần lo nạn để lập công. Bởi thế, phải có người phi thường, mới lập được việc phi thường; có việc phi thường, mới có công phi thường. Cái công phi thường ấy, vốn không phải người thường có thể làm nổi.

"Trước kia nhà Tần vua yếu, Triệu Cao lộng quyền, hống hách trong triều, một tay tác oai tác phúc. Người bấy giờ bị ức hiếp, không ai dám nói cầu gì, đến nỗi có biến ở cung Vọng Di[5] tổ tông nhà nó bị tiêu diệt, để tiếng nhơ nhuốc đến ngày nay, làm gương cho đời.

"Cuối đời Lã hậu, Sản, Lộc, chuyên chính, trong giữ hai đạo quân, ngoài thống lĩnh nước Lương, nước Triệu; chuyên quyền ỷ thế, xử việc ở trong cấm sảnh, kẻ dưới lăng loàn, người trên suy yếu, bốn bể ai cũng lo sợ. Bởi thế Giáng hầu và Chu Hữu hầu tức giận nổi dậy giết sạch kẻ bạo nghịch, lập vua Thái tông[6] nhờ thế đạo vương hưng thịnh, sáng sủa và rõ rệt, ấy tức là cái nêu cao lập công của kẻ đại thần.

"Tư không là Tào Tháo ngày nay: Ông nó là trung thường thị tên Đằng, cùng với bọn Tả Quan, Từ Hoàng hưng yêu tác quái, tham lam rông rỡ, nát đạo hại dân. Bố nó là Tung, làm con nuôi của Đằng, nhân có nhờ đút lót mà được chức vị, xe vàng khiêng ngọc, đem nộp cửa quyền, trộm giữ ngôi cao, làm nghiêng đổ quyền lớn. Đến Tháo: nòi giống sót của hoạn quan, vốn không có đức hạnh, gian giảo độc ác, thích gây ra sự biến loạn, vui mừng thấy sự tai vạ.

"Mạc Phủ[7] đây thống suất hùng binh, quét trừ kẻ hung nghịch, gặp khi Đổng Trác lấn quan hại nước, bèn chống gươm khua trống, phát lịnh ra cõi Đông Hạ, thu dụng anh hùng, bỏ nết xấu để dùng được việc, cho nên mới cùng Tháo hợp mưu, trao cho chức tì tướng, tưởng là tài ưng khuyển có thể dùng được. Không ngờ nó ngu dại, kém mưu lược, khinh thường sự tiến quân và lui quân, đến nỗi thất bại làm tổn thiệt quân sĩ.

"Mạc Phủ lại chia thêm cho quân tinh nhuệ, sửa sang bù đắp cho nó, tâu xin cho nó sang Đông Quận lĩnh chức thứ sử ở Duyện Châu; thân dê chó đội lốt hổ, để nó có chút quyền hành, mong rằng nó sẽ có phen báo thù được trận thua trước như quân Tần báo thù được nước Tấn khi xưa[8]. Nhưng Tháo lại thừa thế bạt hổ, bạo ác càn rỡ, tàn dân, hại người lương thiện. Vì thế quan thái thú Cửu Giang là Biên Nhượng, tài cán giỏi giang, thiên hạ biết tiếng, nói thẳng lòng ngay, không a siểm ai, cũng bị nó hãm hại, đầu phải bêu, vợ con phải tàn sát. Từ đó, sĩ phu ai cũng tức tối, nhân dân lại càng oán ghét; một người vung cánh tay cả châu cùng hưởng ứng; cho nên thân nó bị thua ở Từ Châu, đất nó bị cướp về tay Lã Bố; bơ vơ cõi Đông, không nơi nương tựa, Mạc Phủ nghĩ đến nghĩa gốc mạnh cành yếu[9] và thương nó, không buộc nó vào đảng của kẻ phản nghịch, cho nên lại giương cờ, mặc áo giáp, cất quân sang đánh. Chiêng trống vang lừng, Lã Bố tan vỡ, cứu cho nó khỏi chết, và khôi phục lại chức phương bá cho nó, thế là Mạc Phủ ta tuy không có công gì với dân Duyện Châu, nhưng thực là làm phúc cho Tào Tháo to lắm. Đến khi loan giá trở về, giặc cướp quấy rối (loạn Thôi, Dĩ), bấy giờ Ký Châu đang có việc đề phòng ở cõi bắc, ta chưa rờ ra ngoài được, cho nên sai tùng sự trung lang là Từ Huân sang truyền cho Tháo phải sửa sang chốn giao miếu, giúp đỡ vua nhỏ. Nhưng Tháo dám rông rỡ làm càn, hiếp vua thiên đô, khinh nhờn nhà vua, nát phép loạn kỷ, ngồi giữ cả việc ba đài[10] chuyên chế triều chính, muốn thưởng ai thì thưởng, muốn giết ai thì giết; yêu ai thì người ấy sung sướng đến cả năm ngành; ghét ai thì người ấy phải chết cả ba họ; ai bàn tán phải trái thì trị tội công khai, ai thầm vụng chê bai, thì bị giết ngầm ngấm. Vì thế trăm quan buộc miệng, đường sá đưa mắt nhìn nhau. Còn các quan thượng thư thì chỉ nhớ buổi vào triều đến hội cho có mặt; công khanh thì chỉ gọi là có chức phẩm mà thôi!

"Cho nên quan thái uý là Dương Bưu, từng giữ hai chức tư không và tư đồ, nhất phẩm trong nước, Tháo nhân thế mang lòng ganh ghét, vu cho tội trạng, đánh đập tàn nhẫn, đủ cả năm thứ hình cụ; tự ý làm càn, không nghĩ đến phép nước.

"Quan nghị lang là Triều Ngạn, lời ngay nói thẳng, có thể nghe theo, vì thế vua nghe nói động lòng, thay đổi nét mặt, tỏ ý khen thưởng, nhưng Tháo định che lấp lẽ phải, chặn lắp đường nói năng của mọi người, tự tiện bắt Triệu Ngạn giết đi, không tâu vua biết.

"Lương Hiếu vương, là anh em ruột với tiên đế, lăng mộ của người là nơi tôn quý, dẫu đến cây cối trên mả, cũng phải kính cẩn gìn giữ, thế mà Tháo đem tướng sĩ, khai quật phá áo quan, bỏ lộ thây, cướp lấy vàng báu, đến nỗi vua phải chảy nước mắt, dân sĩ phải đau lòng.

"Nó lại đặt ra quan trung lang tướng, đào mả quan hiệu uý bới vàng; đi đến đâu tàn hại đến đó, xương trong mả phải bới ra cả ngoài. Nó ở ngôi Tam công, làm việc trộm cướp, nhơ cả nước, khổ đến dân, làm hại cả người sống lẫn người chết. Vả lại chính sự tế toái thảm khốc, luật lệ bày ra thật nhiều, khác gì dò bẫy đầy cả khe, hang hố lấp cả đường, giơ tay mắc phải lưới, đụng chân vấp phải cạm. Cho nên ở Duyện, Dự có những người đau buồn, kinh đô có những nhời than vãn. Xem hết cả sử sách xưa nay, những kẻ làm tôi vô đạo, tham tàn ác nghiệt, đến Tháo là cùng.

"Mạc Phủ ta đang phòng ngoại gian, chưa kịp dạy bảo nó, và cũng có ý khoan dung, mong cho nó tu tỉnh lại. Nhưng nó bụng dạ sài lang, mang tâm gây vạ, muốn đạp đổ cột rường, làm cho nhà Hán suy yếu, trừ giết kẻ trung chính chuyên làm kẻ kiêu hùng.

"Trước kia ta gióng trống sang mặt bắc, đánh Công Tôn Toản, quân cường khấu nghịch tặc cự nhau với quân ta một năm, Tháo nhân quân ta chưa đánh được, ngầm đưa thư cho Toản, ngoài mặt giả làm giúp quân ta, kì thực nó định đánh úp quân ta, may được người mang thư tiết lộ mưu gian, Toản phải thua chết. Cho nên nhuệ khí của nó phải nhụt và mưu đồ của nó cũng không thành.

"Nay nó đóng giữ Ngao Xương, chẹn sông giữ biển, muốn đem cánh tay con bọ ngựa chặn đường của xe thần sét.

"Mạc Phủ nay phụng oai linh nhà Hán, dẹp yên bờ cõi, kích dài trăm vạn, ngựa khoẻ nghìn đàn, đem những tướng mạnh như Trung Hoàng, Hạ Dục, Ô Hoạch[11]; dùng cái thế cung cứng nỏ bền, từ Minh Châu vượt núi Thái Hàng; từ Thanh Châu qua sông Tế, sông Luỹ, đại quân qua sông Hoàng Hà đánh mặt trước; quân Kinh Châu xuống đất Uyển, Diệp đánh mặt sau. Sấm vang, hổ sợ, khác gì cầm bó lửa đốt mớ bòng bong, dốc nước bể tưới đống tro tàn, còn cái gì không bị tiêu diệt?

"Vả lại quân sĩ của Tháo người nào có thể đánh trận được toàn là người ở U, Ký, hoặc là quân sĩ của bộ hạ cũ, đều oán giận muốn về quê hương, rỏ nước mắt trông về phía bắc. Còn như dân ở Duyện, Dự và quân sót của Lã Bố, Trương Dương, đều là bị ức hiếp, tạm bợ đi theo nó, vết thương chưa khỏi, quân nọ quân kia thù địch lẫn nhau. Nếu ta lên núi cao đánh tiếng trống, phất cờ trắng chiêu hàng, thế tất đất lở ngói tan, không đợi lưỡi gươm phải dây máu mới dẹp yên được.

"Hiện nay nhà Hán suy đồi, kỷ cương trễ nải, triều đình không có một người phù tá nào giỏi, chân tay của vua không có thể đánh dẹp được giặc; trong kinh đô, những người lão luyện, đều phải cúi đầu khép cánh, không biết trông cậy vào đâu; tuy có kẻ trung nghĩa cũng bị nó ức hiếp, không làm thế nào thổ lộ được khí tiết của mình?

"Vả lại Tháo sai bảy trăm binh lính bộ hạ của nó, vây chốn cung khuyết, ngoài mặt giả làm giữ gìn cho vua, kì thực là nó giam cấm vua. Chúng ta sợ rằng cái mầm thoán nghiệp, nảy ra từ đó. Ấy thực là buổi óc gan lầm đất của trung thần và cái hội lập công của hào kiệt, chúng ta chẳng nên gắng sức dư!

"Tháo nó lại mạo làm chiếu vua, sai sứ cất quân. Ta sợ những châu quận ở xa, tưởng là chiếu của vua thực, cấp quân cho nó, thế là trái với lòng dân và vào hùa với quân phản nghịch, phi cả tiếng mình, lại để thiên hạ chê cười. Những bậc minh triết, tất không làm thế.

"Nay mai, quân U, Tinh, Thanh, Ký, bốn châu cùng tiến lên. Thư ta đưa đến Kinh Châu, xin phải cất quân ngay, cùng quan Kiến trung tướng quân (Trương Tú) họp lại làm cho thanh thế được mạnh.

"Các châu quận cũng nên họp sẵn nghĩa binh, dàn khắp bờ cõi, thị võ dương oai, cùng giúp ấy nền xã tắc. Thế là cái công phi thường sẽ được rõ rệt dựng nên.

"Ai mà lấy được đầu Tào Tháo sẽ được phong tước hầu năm nghìn hộ, thưởng tiền năm nghìn vạn quan.

"Những bộ khúc tướng tá ai chịu quy hàng, đều tha tội hết. Mở rộng ân tín, ban bố phong thưởng. Nay làm tờ hịch này báo cáo thiên hạ, để ai nấy đều biết mà vua đang có lệnh nguy cấp.

"Cấp cấp như luật lệnh!"

Thiệu xem hịch xong mừng lắm, liền sai sứ giả đưa đi khắp cả châu huyện và yết thị các nơi cửa ải, bến đò. Bài hịch truyền tận Hứa Đô. Bấy giờ Tào Tháo đang bị chứng nhức đầu, nằm trên giường. Tả hữu đem bài hịch vào trình. Tháo xem xong rợn tóc rùng mình, mồ hôi toát ra như tắm, khỏi cả nhức đầu, từ giường vùng dậy, ngoảnh lại hỏi Tào Hồng:

- Ai làm bài hịch này?

Hồng nói:

- Bài ấy nghe đâu của Trần Lâm soạn.

Tháo cười nói:

- Có văn hay phải có võ lược đi kèm, văn Trần Lâm, tuy hay nhưng võ lược của Viên Thiệu lại dở, thì làm thế nào!

Bèn họp các mưu sĩ bàn việc nghênh địch. Khổng Dung thấy thế, vào nói với Tào Tháo rằng:

- Viên Thiệu to thế, không nên đánh nhau, hoà thì hơn.

Tuân Úc nói:

- Viên Thiệu là người vô dụng, hoà với nó làm gì?

Dung lại nói:

- Viên Thiệu có đất rộng, dân mạnh, bộ hạ như bọn Hứa Du, Quách Đồ, Thẩm Phối, Phùng Kỷ, đều là những người mưu trí; Điền Phong, Thư Thụ đều là trung thần; Nhan Lương, Văn Sú sức khoẻ hơn ba đội quân; còn như Cao Lãm, Trương Cáp, Thuần Vu Quỳnh toàn là những danh tướng đời nay. Sao lại bảo Thiệu là vô dụng?

Úc cười, nói:

- Thiệu binh nhiều mà không nghiêm chỉnh; Điền Phong tính cương trực hay phạm người trên; Hứa Du tham mà không khôn, Thẩm Phối hay tự cho mình là phải mà không có mưu mẹo; Phùng Kỷ tính cả quyết nhưng không làm được việc. Mấy người ấy không ưa nhau, tất rồi cũng có nội biến; Nhan Lương, Văn Sú tuy khoẻ, nhưng đồ thất phu ấy chỉ đánh một trận là bắt được; còn những đồ tầm thường nhung nhúc, dẫu có trăm vạn cũng chẳng kể vào đâu.

Khổng Dung ngồi nín lặng.

Tháo cười to, nói:

- Đều không ra ngoài sự tính toán của Tuân Văn Nhược.

Liền gọi tiền quân là Lưu Đại, hậu quân là Vương Trung dẫn năm vạn quân mang cờ hiệu "Thừa tướng" sang Từ Châu đánh Lưu Bị.

Lưu Đại vốn làm thứ sử Duyện Châu, sau hàng Tào Tháo, Tháo cho làm thiên tướng. Cho nên Tháo sai hắn cùng Vương Trung mang quân đi trước.

Tháo tự dẫn đại quân hai mươi vạn ra Lê Dương để chống Viên Thiệu.

Trình Dục nói:

- Lưu Đại, Vương Trung hai người mà thừa tướng sai đi cùng không xứng việc.

Tháo nói:

- Ta cũng đã biết hai người ấy không phải tay địch nổi Lưu Bị, nhưng để hư trương thanh thế.

Tháo lại dặn hai người:

- Không được khinh tiến, đợi ta phá được Thiệu, bấy giờ mới quay binh về đánh Lưu Bị.

Lưu Đại, Vương Trung lĩnh binh đi.

Tháo đến Lê Dương, hai bên cách nhau tám mươi dặm, cùng đào hào đắp luỹ, giữ nhau không đánh, từ tháng tám đến tháng mười. Nguyên là Hứa Du không bằng lòng để Thẩm Phối cầm quân; Thư Thụ thì giận Viên Thiệu không dùng mưu của mình, nội bộ lủng củng không hoà thuận với nhau, chẳng ai nghĩ gì đến việc tiến binh cả.

Tháo thấy vậy mới gọi hàng tướng là Tang Bá, thủ hạ của Lã Bố sai giữ miền Thanh, Từ; Vu Cấm, Lý Điển đóng đồn trên sông Hà; Tào Nhân thì thống lĩnh đại quân, đóng ở Quan Độ. Còn Tháo thì tự dẫn một đội quân về Hứa Đô.

Đây nói Lưu Đại, Vương Trung dẫn năm vạn quân đến cách Từ Châu một trăm dặm đóng trại, trong quân giả vờ dựng một lá cờ hiệu Tào thừa tướng, không dám tiến binh vội, chờ đợi tin tức Hà Bắc.

Trong thành Từ Châu, Lưu Bị cũng không biết hư thực thế nào, chưa dám dấy quân, cũng nghe ngóng tin tức Hà Bắc.

Chợt Tào Tháo sai người giục Lưu Đại, Vương Trung tiến binh. Hai người ở trong trại bàn nhau. Đại bảo Trung:

- Anh đi đánh trước.

Trung nói:

- Thừa tướng sai anh đi đánh trước kia mà!

Đại nói:

- Ta là chủ tướng, sao lại ra đánh trước được?

Trung nói:

- Thế thì anh với tôi cùng đi.

Đại nói:

- Chúng ta rút thăm, phải tên người nào người ấy đi.

Vương Trung rút phải chữ "tiên" phải lĩnh một nửa quân mã, đến đánh Từ Châu.

Huyền Đức biết tin, mời Trần Đăng đến thương nghị, nói rằng:

- Viên Thiệu tuy có đóng quân ở Lê Dương, nhưng các mưu sĩ, đại thần không hoà thuận với nhau, vẫn chưa tiến binh. Còn Tào Tháo thì không biết ở đâu, nghe như trong quân Lê Dương không có cờ hiệu Tháo, sao ở đây lại có cờ hiệu Tháo?

Đăng nói:

- Tào Tháo trăm nghìn quỷ kế, tất nó lấy Hà Bắc làm trọng, phải tự mình đôn đốc ở đấy, cố ý giấu cờ hiệu đi, còn cờ hiệu ở đây chỉ là hư trương thanh thế, tôi chắc chắn Tào Tháo không có ở đây.

Huyền Đức ngoảnh lại hỏi Quan, Trương:

- Hai em, ai đi dò xem hư thực?

Trương Phi xin đi.

Huyền Đức bảo:

- Em táo bạo quá, không nên đi.

Trương Phi nói:

- Cho có ngay Tào Tháo em cũng xin bắt nó đem về!

Vân Trường nói:

- Để em xin đi.

Huyền Đức nói:

- Nếu Vân Trường đi, anh mới vững dạ.

Vân Trường dẫn ba nghìn quân mã ra khỏi Từ Châu.

Bấy giờ bắt đầu mùa đông, mây mờ u ám, hoa tuyết bay tán loạn. Quân mã xông vào trong tuyết bày trận. Vân Trường tế ngựa cắp đao, gọi to Vương Trung ra nói chuyện.

Trung nói:

- Thừa tướng đến đây sao không hàng?

Vân Trường nói:

- Người về mời thừa tướng ra trước trận, ta sẽ thưa chuyện.

Trung nói:

- Thừa tướng nào lại thèm ra nói chuyện với mày!

Vân Trường giận lắm, quất ngựa lên trước. Vương Trung vác giáo lại địch. Hai ngựa vừa gặp nhau, Vân Trường quay ngựa chạy lại, quát to một tiếng, múa long đao vào đánh. Trung địch không nổi, sắp sửa quay ngựa chạy trốn, Vân Trường tay trái cắp ngược bảo đao, tay phải nắm lấy thắt lưng Vương Trung, lôi xuống cắp ngang trên mình ngựa quay về.

Quân Vương Trung chạy tán loạn cả.

Vân Trường áp giải Vương Trung về Từ Châu vào nộp Huyền Đức. Huyền Đức hỏi:

- Mày là người nào, hiện làm chức gì, dám trá xưng là Tào thừa tướng?

Trung nói:

- Tôi nào dám thế, thừa tướng sai tôi lại đây hư trương thanh thế để làm nghi binh, thừa tướng thực không có ở đây.

Huyền Đức sai lấy quần áo cho mặc, và cho cơm rượu tử tế rồi cho tạm giam lại, đợi bắt được Lưu Đại sẽ bàn định sau.

Vân Trường nói:

- Tôi biết anh có ý muốn hoà giải, cho nên tôi mới bắt sống đem về.

Huyền Đức nói:

- Anh cũng sợ Dực Đức nóng nảy giết mất Vương Trung, cho nên anh không dám sai đi. Những người này giết đi vô ích; để lại còn có thể làm chỗ hoà giải.

Trương Phi ra nói:

- Anh hai bắt sống được Vương Trung, còn Lưu Đại em xin ra bắt sống đem về.

Huyền Đức nói:

- Lưu Đại trước làm thứ sử Duyện Châu, khi ở Hổ Lao đánh Đổng Trác, y là một vị chư hầu ở một trấn, nay làm tiền quân, em không nên khinh thường.

Phi nói:

- Bọn ấy có xá gì, em sẽ như anh hai, bắt sống đem về cho mà xem.

Huyền Đức nói:

- Chỉ sợ em làm hại mất tính mạng nó, lại làm lỡ việc lớn.

Phí nói:

- Hễ em giết nó, em xin đền mạng.

Huyền Đức bèn trao cho ba nghìn quân. Phi dẫn quân đi.

Lưu Đại thấy Vương Trung bị bắt, cứ giữ không ra đánh. Trương Phi mỗi ngày đến trước trại chửi mắng, Đại biết rằng Trương Phi không dám thò ra. Phi giữ vài ngày, không thấy Đại ra, nghĩ ngay được một kế, bèn truyền lệnh cho quân rằng:

- Canh hai đêm nay đi cướp trại.

Cả ngày hôm ấy, Trương Phi chỉ ngồi trong trướng uống rượu, giả vờ say, tìm bới một lỗi nhỏ của một tên lính canh, đánh cho một trận, trói ở trong dinh, truyền rằng: "Đợi đến lúc nào ra quân sẽ tế cờ"; rồi bảo thầm tả hữu cởi trói cho nó trốn đi. Tên lính ấy được thoát, lẻn ra ngoài dinh, đi tắt ngay đến trại Lưu Đại, báo trước cho Lưu Đại biết việc Phi cướp trại đêm hôm ấy. Lưu Đại thấy quân hàng mình mẩy bị trọng thương, chắc là nó nói thực, tối đến để trại không, đem quân phục ở ngoài.

Đêm hôm ấy, Trương Phi chia quân ra làm ba đường, giữa sai ba mươi người vào cướp trại phóng hoả, còn hai đường lẻn ra đằng sau trại, trông lửa cháy làm hiệu thì đánh ập lại. Đến canh ba, Trương Phi dẫn tinh binh chẹn hẳn đằng sau Lưu Đại. Đường giữa ba mươi người kéo vào trại đốt lửa, phục quân Lưu Đại sắp kéo vào đánh, quân hai mặt của Trương Phi đều xô ra.

Quân Đại rối loạn, không biết quân Phi nhiều ít thế nào, vỡ tan chạy trốn cả. Lưu Đại dẫn một đội tàn quân cướp đường mà chạy, chẳng may gặp ngay Trương Phi. Trong quãng đường cùng, khó lòng lánh ẩn, đánh nhau mới được một hiệp, Đại đã bị Trương Phi bắt sống. Quân sĩ đều xin hàng.

Phi sai người về Từ Châu báo tin trước. Huyền Đức bảo Vân Trường rằng:

- Dực Đức xưa nay tính tình thô lỗ, bây giờ cũng biết dùng mưu, ta không lo gì nữa.

Liền thân đi ra ngoài thành để đón Lưu Đại.

Phi hỏi:

- Anh vẫn chê em táo tợn, bây giờ thế nào?

Huyền Đức nói:

- Không nói khích, đời nào em chịu dùng mưu mẹo.

Phi cười ầm lên.

Huyền Đức thấy Lưu Đại bị trói, vội vàng xuống ngựa cởi trói, nói:

- Em nó nhỡ xâm phạm đến mình ngài, xin ngài miễn chấp cho.

Nói rồi đón về Từ Châu, tha Vương Trung ra, khoản đãi hai người tử tế. Huyền Đức nói rằng:

- Trước kia Xa Trụ muốn hại tôi, cho nên tôi bất đắc dĩ phải giết đi, thừa tướng lại ngờ là tôi làm phản, sai hai tướng quân đến hỏi tội. Tôi đội ơn thừa tướng, đang mong báo đáp, có đâu lại dám làm phản. Vậy nhờ hai tướng quân về Hứa Đô phân trần giúp tôi, thì thật may cho tôi lắm.

Lưu Đại, Vương Trung nói:

- Chúng tôi được đội ơn sâu sứ quân không giết. Nay về hầu thừa tướng xin hết lòng tìm đường giảng giải, đem cả lớn bé già trẻ hai nhà chúng tôi lĩnh cho sứ quân.

Huyền Đức cảm tạ.

Hôm sau Huyền Đức trả lại cả quân mã cho hai người, lại tiễn ra ngoài thành. Lưu Đại, Vương Trung đi chưa được mười dặm, bỗng một tiếng trống nổi, Trương Phi đứng giữa đường quát to lên rằng:

- Anh ta sao khờ thật vậy! Bắt được tướng giặc sao lại tha ra!

Hai người ngồi trên ngựa run lẩy bẩy. Trương Phi trừng mắt, cầm giáo xô lại. Bỗng đâu sau lưng một người tế ngựa lại mắng:

- Không được vô lễ!

Trông ra thì là Vân Trường. Lưu Đại, Vương Trung bây giờ mới vững dạ. Vân Trường nói:

- Huynh trưởng đã tha, sao em lại không tuân lệnh?

Phi nói:

- Phen này tha, lần sau nó lại đến.

Vân Trường nói:

- Khi nào họ lại đến, sẽ giết cũng chưa muộn.

Hai người đồng thanh nói:

- Dù thừa tướng giết cả ba họ chúng tôi, chúng tôi cũng không dám đến nữa, xin tướng quân tha cho.

Trương Phi nói:

- Cho cả Tào Tháo đến nữa, ta cũng đánh cho nó không còn manh giáp. Lần này ta hãy gửi hai cái đầu đấy.

Lưu Đại, Vương Trung ôm đầu thui thủi đi. Quan, Trương cùng về, nói với Huyền Đức:

- Tào Tháo tất nhiên lại đến.

Tôn Càn bảo Huyền Đức rằng:

- Từ Châu là đất trống cả bốn mặt, không ở lâu được, không bằng chia quân đóng ở Tiểu Bái, giữ gìn Hạ Phì làm thế ỷ giốc để phòng Tào Tháo đến.

Huyền Đức nghe theo, sai Vân Trường giữ Hạ Phì, hai vợ là Cam phu nhân và My phu nhân cũng để ở đó.

Cam phu nhân là người Tiểu Bái, My phu nhân là em My Chúc. Còn Tôn Càn, Giản Ung, My Chúc, My Phương giữ Từ Châu, Huyền Đức và Trương Phi đóng ở Tiểu Bái.

Lưu Đại, Vương Trung về Hứa Đô vào hầu Tào Tháo, nói việc Lưu Bị không làm phản. Tháo giận mắng rằng:

- Những đồ làm nhục quốc thể, để chúng bây sống làm gì!

Bèn gọi tả hữu lôi ra chém.

Thế thực là:

Chó lợn đấu sao cùng hổ mạnh,

Cá tôm tranh được với rồng thiêng?

Chưa biết hai người chết sống thế nào, xem đến hồi sau mới rõ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro