Đào Chưa Phai, Mưa Phùn Chưa Nhạt

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Có rất nhiều cái Tết trôi qua trong một đời người. Có cái Tết của thời Bao Cấp, cứ đầy lên nỗi lo gạo trắng, nước trong. Có Tết Giao Thừa rồi tôi vẫn phải lo đi gánh nước ở cái máy nước công cộng cuối phố Nguyễn Đình Chiểu, để mai đỡ phải xếp hàng thùng hứng nước. Lại có Tết, thật buồn khi tiễn người thân về với đất. Tết với tôi với một ngọn đèn dầu.

Nhưng không khí rậm rịch cho Tết vẫn cứ luôn làm lòng người ta xao xuyến vì sắm sửa và vì thu dọn trong nhà, vì cuối cùng cũng cần ngồi lại một mình, thu dọn lại hồn mình ra sao trong năm qua. Năm mới, cái Tết cũng có nhiều tốc độ khác. Tôi thì đã quen với chiếc đèn dầu ở nơi thờ ông bà, cha mẹ, lại ngồi đó, thắc thỏm nhớ cái Tết ở vườn nhà xưa.

Ngày đó, Hà Nội còn cũ kỹ, bố tôi nhắc Tết, mẹ nó nhớ sắm lấy cành đào phai. Chơi Tết xưa, người Hà Nội gốc chỉ thích đào phai chứ không phải đào bích hay đào thốn. Tết của năm ấy, cành đào phai mẹ ra phía ô Đông Mác, đi qua chợ Đuổi, mua cái bình vôi hôm 29 Tết để mẹ tôi vôi ăn trầu. Phía chái bếp có cái gáo dừa đặt trên miệng chum nước và cái ấm đun nước đen xì khói bếp. Ngẩng nhìn chùm bồ kết trên gác bếp cũng đen màu bồ hóng, nhớ bỏ bồ kết xuống, nướng lên với lá mùi già, hương nhu tím, gội đầu tắm rửa.

Tết xưa, lo được bốn bát sáu đĩa, cho đầy mâm cỗ cúng ông bà, đã là nhà khá giả lắm rồi. Nhà tôi chỉ luôn có ba người, bố mẹ và tôi. Tết nào cũng không vắng mặt bà Thưỡi, bà là vợ một ông bác họ giàu có, góa bụa sớm, sống một mình rồi đổ đốn cờ bạc, túng bấn lắm, lúc về già. Bố mẹ tôi lại không nhìn vào cái tật xấu của bà Thưỡi mà chỉ nhìn vào lúc bà hoạn nạn là giúp thôi. Tết, mời bà đến xơi bữa Tất Niên, cho bà đỡ tủi phận, hưu hắt một đèn một bóng. Rồi khi bà về, mẹ tôi gửi biếu bà một đôi bánh chưng, một thanh chả quế cho bà ăn qua Tết.

Cũng nhờ bữa cơm Tất Niên, bà Thưỡi được uống chén rượu Thanh Mai. Ngày ấy có rượu Thanh Mai là quý hóa lắm, vì bố tôi làm ở nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo mới có tem phiếu mua rượu.

Bà Thưỡi kể rằng, bà vẫn nhớ bà nội của tôi năm xưa cứ chiều Ba Mươi là giục chị Ba, là mẹ tôi đi đón những người nhỡ bữa về nhà ở trong làng mình ăn Tết. Chuyện về ông bà nội cưu mang người nghèo khó, hay chuyện chạy tản cư, cả làng Vân Hồ lấp ao. Hình ảnh thương người, sự hào hiệp với người ăn kẻ ở của ông bà nội vẫn luôn hiện hữu trong câu chuyện của bà Thưỡi.

Rồi bà Thưỡi khen ngon. Bát canh có vị của tôm nõn, nước luộc gà, với đủ nấm, cà rốt, xúp lơ xanh, đậu Hà Lan. Canh đủ vị nấu khó, nhìn vào thấy đủ kim mộc thủy hỏa thổ, đẹp mắt. Rồi bát măng khô công phu nấu với ngan, tất cả đều dậy mùi mà không ngán. Rồi bà nhắc về chuyện cũ của ông bà, chuyện của chú Tư Huân tiêu hoang, rộng rãi với người, còn bác Trưởng Ấm thì chúa hà tiện nhưng nấu ăn ngon lắm. Phận người xưa đã khuất bóng nhưng trở về trong bữa cơm Tết hiện tại, để con cháu hiểu sự tử tế luôn đọng lại trong cõi người.

Câu chuyện của bữa Tất Niên và ngày mai năm mới, thăm thẳm trôi. Mãi sau này tôi mới hiểu, ông bà ngày xưa thương người như thể thương thân ra sao. Mẹ lại dặn dò, ở đời giúp ai thì cứ lặng lẽ mà làm, chớ kể lể mà phải tội với giời xanh. Có cái Tết khác, bố mẹ ngồi lại hỏi chuyện chị Thứ, người giúp việc cho nhà mình ngày xưa, khi bế ẵm tôi lúc bé, giờ không đủ áo mặc, cơm ăn. Mẹ bảo: "Xem tem phiếu còn không, nhường cho chị Thứ một cái áo cánh mới. Nhớ gửi cân gạo với cân bột mì cho chị ăn cái Tết cho tươm tất".

Là nhà mình no, đỡ đần người không may cũng có bữa Tết yên dạ. Ngày ấy cứ xem cách xử sự của mẹ, ngỡ chỉ là chuyện thường tình, bâng quơ. Không ngờ, nó "đóng triện" vào trí nhớ, và học theo cách ứng xử của mẹ với đời. Thế nào là chuyện nhường cơm sẻ áo, thế nào là thương người như thể thương thân.

Thế mới hiểu cái Tết là sự đùm bọc quây quần, là sự kể lại, là hồi ức xưa, êm đẹp, để nhớ lại lúc còn tươi trẻ ham sống. Chứ đời người về chiều, khi xế bóng, đâu cần gì nhiều của cải vật chất. Chỉ mong đủ sống, mong khỏe mạnh để không làm phiền đến con đến cháu.

Tết của thời hiện đại, chỉ cần nửa buổi chợ, mua đủ một cái Tết trong nhà. Nhà máy Trần Hưng Đạo xưa kia, giờ đã là tòa nhà Vincom hiện đại. Chợ Đuổi xưa cũng đã là trung tâm thương mại lớn. Dấu xưa, mưa phùn nhòa nhạt, chỉ còn hoa đào chưa phai trong gió bấc lất phất mưa. Không gian này mới thật là không gian của Tết Bắc, Tết Hà Nội. Nó vừa xuýt xoa vừa ấm áp trong sum họp gia đình.

Bây giờ bữa cơm Tất Niên, có gia đình đối thoại với nhau bằng ba bốn ngôn ngữ, dâu ta rể tây, hay rể ta dâu tây, cháu nội ngoại nói hai ba ngôn ngữ. Tết hội nhập, nhưng món ăn Việt, bánh chưng xanh, bát dưa hành, đĩa xôi gấc đỏ có hòa nhập mấy cũng không trộn lẫn với bất cứ món ăn nào trên thế giới. Bởi nhắc đào phai, gió bấc thì nhớ Hà Nội, nhắc mai vàng phải ngoảnh lại Sài Gòn, Tết Việt không hề bị đánh mất trong ký ức. Nó vẫn tua rất chậm trong câu chuyện truyền miệng, lưu giữ trong gia đình khi Tết về ấm áp bên nhau.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro