Gánh Hàng Rau Của Mẹ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Có những ký ức để quên, có những ký ức để nhớ và mãi đi theo ta suốt cuộc đời. Tôi cũng có những kỷ niệm không thể nào quên, mặc dù tôi đã cố cất giấu thật kỹ nhưng nó vẫn hằn sâu trong trái tim.

Đó là ký ức về phiên chợ Tết năm 1995. Khi đó gia đình tôi nghèo lắm, nghèo nhất nhì của cái xã Thành Kim. Gia đình tôi thuần nông, tất cả đều trông vào mấy sào ruộng. Năm đó cả làng tôi ngập trong biển nước, cánh đồng lúa xanh mơn mởn ngày nào giờ trắng băng. Ai nấy đều xót xa.

Cũng phải thôi, tất cả trông vào mấy sào ruộng, giờ mất hết thì biết lấy gì mà ăn, mà sống. Gia đình tôi lại đông con, sáu bảy miệng ăn, tất cả giờ lại nhờ vào gánh hàng rau của mẹ. Ngày ngày mẹ đi lấy sỉ về bán lẻ ở chợ Kim Tân. Buôn bán cũng chẳng ăn thua gì gọi là kiếm củ sắn, củ khoai cho qua ngày.

Tôi còn nhớ như in cứ chiều 30 Tết là mọi người ăn cơm Tất Niên - bữa cơm cuối cùng của năm cũ. Công việc đó được coi như một nghi lễ của ngày cuối năm để chào đón năm mới. Tôi vẫn còn nhớ cái mùi thơm của hương bưởi, của trái bồ kết, lá hương nhu, lá sả, lá chanh dùng để đun nước gội đầu và tắm. Mùi thơm này rất đặc trưng mà chỉ có ở vùng đồng bằng Bắc bộ.

Vào dịp Tết những gia đình khá giả tất bật lo Tết nhất, sửa sang nhà cửa, mua thứ này thứ nọ. Quần quần, áo áo. Tết đến nhà tôi cũng thấy háo hức lắm. Nhưng háo hức đó rồi lại thôi. Bởi Tết càng gần thì nỗi lo càng lớn. Biết lấy gì sắm Tết đây. Tôi chỉ thương mẹ, ngày ngày gánh hàng rau vẫn chất trên đôi vai gầy của mẹ, những ngày Tết gần kề mẹ lại càng tất bật hơn. Mẹ dậy lúc 1, 2 giờ sáng đi lấy hàng, rồi gồng gánh ra chợ xin nước rửa rau cho sạch sẽ để bán. Khi đó tôi cũng đã nghỉ học nên xin theo mẹ phụ bán hàng. Nhất là những phiên chợ từ 25 Tết trở đi, lượng người mua sắm nhiều. Mẹ tôi bán hàng đa dạng hơn, nào là măng tươi, nào là su hào, bắp cải, lá dong...

Càng gần Tết hai mẹ con tôi càng phải đi sớm hơn vì lo mất chỗ ngồi. 1g sáng khi trời còn lạnh giá, sương mù trắng xóa tôi đã phải dậy mang theo những mảnh bìa, miếng nilông ra chợ trải để "" chỗ đợi mẹ gánh rau ra. Mẹ ra, chia cho tôi ngồi bán một nơi, mẹ một nơi cho nhanh. Có lẽ nhờ sự nhỏ nhắn, nhanh nhẹn của cô bé 10 tuổi như tôi đâm ra lại đắt hàng. Người tới mua nườm nượp. Do bán được hàng nên tôi thấy phấn khởi và vui. Bán hết hàng hai mẹ con lại đi sắm Tết như bao người, mẹ mua trước những thứ cần thiết nào là mộc nhĩ, miến, mì chính, nước mắm, vàng hương, trầu cau, vài chai rượu...

Về đến nhà, bỏ đôi quang gánh xuống mẹ lại lao vào làm việc nhà. Tôi thấy thương cái dáng hao gầy của mẹ quá. Bởi đôi vai gầy đó cùng với đôi gánh hết ngày này qua ngày khác, mặc cho mưa nắng vẫn theo mẹ suốt hành trình để lo miếng cơm, manh áo cho đàn con thơ. Chiếc áo mẹ đã sờn bạc theo năm tháng...

Đàn con thơ chỉ thấy mẹ về khi trời tối mịt. Những suy nghĩ miên man trong tôi chợt tan biến khi mẹ kêu tôi dọn dẹp nhà cửa. Khi đó tôi như chợt bừng tỉnh sau cơn mê. Tôi lao vào dọn dẹp nhà, quét mạng nhện, lau chùi nhà cửa, dọn dẹp chuồng gà, ra vườn hái quả trứng gà, chặt nải chuối làm mâm ngũ quả. Cắt hoa mẫu đơn cắm vào lọ để lên bàn thờ. Khi mọi thứ đã tươm tất, tôi phụ mẹ rửa lá dong, để ráo nước, lau khô rồi bó vào cột nhà cho thẳng để khi bố về gói vài cái bánh chưng cho có không khí Tết.

Có lẽ vui nhất là phiên chợ 28 Tết, vẫn như mọi hôm tôi phụ mẹ bán hàng, hôm đó bán hết hàng sớm mẹ đã dẫn tôi vào một tiệm dép người quen mua cho tôi và mấy đứa em mỗi đứa một đôi dép nhựa mới. Tôi vui lắm, lúc nào tôi cũng lấy ra ngắm rồi đi thử xuống chân. Chỉ mong nhanh đến Tết để đi dép mới. Tối đến ngồi châm nước, châm củi nấu bánh cùng mẹ. Hơi ấm của bếp cùng với mùi thơm của bánh làm tôi thèm thèm. Nhiều lúc tôi quay sang hỏi mẹ "nấu xong có được ăn luôn không hả mẹ". Mẹ chỉ tủm tỉm cười bảo "để thắp hương ông bà xong mới được ăn".

Khi tôi đủ lớn để hiểu tôi mới thấm thía, mới thương mẹ biết bao khi năm xưa mẹ đã cơ cực với gánh hàng rau lo cơm cháo cho chị em tôi. Nhờ gánh hàng rau của mẹ mà chị em tôi khi đó mới có một cái Tết đầm ấm, vui vẻ. Nhờ gánh hàng rau của mẹ mà chị em tôi mới được như bây giờ, mới thật sự thấm thía bao nỗi mệt nhọc của mẹ vì cuộc mưu sinh, những lo toan ẩn sâu trong đôi mắt đượm buồn của mẹ nhất là mỗi độ Xuân về. Nhưng đôi mắt đó vẫn ánh lên niềm tin ở ngày mai, ở một cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro