Venus - Một Người Yêu Tốt Và Một Bà Vợ Tồi (Phần 1)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

(SOI: Tích thần thoại Hy Lạp thì vô số, chưa kể một tích còn nhiều dị bản. Mục Bài học Chủ Nhật rất vui khi đã có thêm người cùng đóng góp. Với phương châm "tự đào tạo", Soi xin đăng thêm bài của tác giả khác song song với bài của Pha Lê luôn luôn có, để ngày Chủ Nhật thêm xôm tụ và đủ bài để học cho cả tuần. Như đã nói, các dị bản tích Hy Lạp cũng lắm khi chọi nhau chí chóe, nên cùng một tích có thể có nhiều bài khác nhau; nhiều tác giả cũng đồng nghĩa với nhiều tài liệu để tham khảo, coi như tất cả cùng có lợi).

*

Aphrodite (tên La Mã là Vénus, Vệ Nữ), nữ thần tình yêu và sắc đẹp, ngoài xuất thân không minh bạch (như SOI đã từng nêu ra trong bài về sự ra đời của nàng), còn có một đời sống tình ái khá phức tạp mà xét theo những tiêu chuẩn ngày nay thì không thể được coi là đoan chính, tiết hạnh khả phong...

Khi đũa mốc chòi lên mâm son...

Một trong những chuyện tình nổi tiếng nhất của Aphrodite chính là cuộc tình tay ba với hai anh em: Arès, thần chiến tranh (tên La Mã là Mars) và Hephaestos, thần núi lửa, cũng là thần lò rèn (tên La Mã là Vulcain).

Câu chuyện này dài, và điều đáng nói là với bản tính lăng nhăng của mình, Zeus, chúa tể của các vị thần trên đỉnh Olympus, có vô số con rơi với đủ các loại thần cũng như người trần, nhưng với bà vợ cả, chính thất, là nữ thần Héra, ông chỉ có hai người con trai là Arès và Hephaestos. Có nghĩa hai người là anh em ruột (không rõ ông nào là anh, ông nào là em, vì đối với các vị thần bất tử, điều đó có vẻ không quan trọng lắm).

Trong số hai người thì Hephaestos kém may mắn hơn, bởi khi ra đời đã bị tật, thọt một chân!

Vậy làm sao mà một vị thần tàn tật xấu xí như thế lại có thể trở thành chồng của Vệ Nữ, vị nữ thần đẹp nhất trong thế giới thần linh?

Tương truyền rằng khi được các nữ thần đỡ đẻ mang Hephaestos lại cho xem, thấy đứa con trai bị tật xấu xí, Héra đã tức giận quẳng con trai từ đỉnh Olympus xuống trần gian, muốn cho nó đi đâu thì đi!

"Zeus và Hera trên núi Ida" của Andreas hay Andries Lens, 1775. Bên cạnh là hai con, nhìn thì có vẻ không có bé nào thọt. Có thuyết cho rằng do Hera ném nên con mới thọt. Nhưng không thọt thì sao lại ném?

Là con của thần nên dĩ nhiên là Hephaestos không chết. Chú bé rơi xuống biển, lãnh địa cai quản của ông bác là thần biển Poseidon (tên La Mã là Neptune – hay được in hình trên chai dầu ăn), được vị thần đầu bạc Okeanos nuôi nấng. Tuy bị thọt chân nhưng vốn tính chăm chỉ, ham học hỏi, Hephaestos học được nghề rèn và lớn lên trở thành thần thợ rèn, có khả năng rèn ra những vật phẩm hết sức tinh xảo. Sau này, nhờ tài năng chứ không phải do đấu thầu ưu đãi, hầu hết những cung điện vàng bạc trong thế giới các thần trên đỉnh Olympus đều do một tay Hephaestos làm ra.

Hephaestos của Peter Paul Rubens. Đây là vị nam thần duy nhất có nghề nghiệp tử tế. Trông chân đứng trụ thì không có vẻ gì bị tật.

"Lò rèn của Vulcain", tranh của Francesco da Ponte, 1755.

Thành nghề rồi, điều đầu tiên mà thần thợ rèn Hephaestos nghĩ đến là... trả thù bà mẹ quá đáng đã hắt hủi mình từ khi mới lọt lòng! Mà không gì tiện dụng hơn là dùng sở trường của mình để ra đòn thù. Nghĩ là làm, Hephaestos bèn rèn một cái ghế tựa bằng vàng tuyệt đẹp và gửi lên đỉnh Olympus để biếu mẹ.

Khỏi phải nói là nữ thần Héra vui sướng thế nào khi nhận được quà tặng của đứa con trai tật nguyền (đàn bà, cho dù là thần, đôi khi cũng nông cạn thế đấy). Bà tưởng tượng khi ngồi vào chiếc ghế ấy sẽ mang lại cho mình một uy quyền tối cao, khiến các thần kính sợ và ông chồng lăng nhăng Zeus cũng phải nể vị. Vậy nên không chần chừ, nữ thần Héra ngồi vào cái ghế và ngay lập tức, từ tay ghế, chân ghế, chỗ dựa bung ra những sợ xích bằng vàng trói chặt Héra vào chiếc ghế. Tất cả mọi nỗ lực của các thần nhằm cứu nữ thần, chúa tể của các thần thánh và người trần, đều vô hiệu. Người duy nhất có thể giải thoát Héra khỏi chiếc ghế chính là người đã chế tạo ra nó: thần thợ rèn Hephaestos.

Tượng Hephaestos của Guillaume Coustou the Younger tại điện Louvre. Hephaestos ngồi bên cái bễ của thợ rèn. Mặt thần không xấu như trong tích nói. Hai bắp chân to đều vẫn không có vẻ gì bị tật, ngoại trừ ngón cái bàn chân trái bị cụt (nhưng chắc do vận chuyển về bảo tàng!).

Nhưng ông con trai Hephaestos vốn có tính thù dai. Được thần đưa tin Hermes đến đàm phán nhằm trả tự do cho mẹ, Hephaestos nhất quyết không chịu. Chỉ đến khi Hermes cậy nhờ thần rượu nho Dionysus, dùng mưu chuốc cho Hephaestos say túy lúy (uống rượu nhiều nguy hiểm thật) rồi bê thẳng ông này lên đỉnh Olympus, thì khi ấy ông con trai thọt mới chịu giải thoát cho mẹ, nhưng với một điều kiện: nữ thần Héra phải tác thành cho mình lấy được nữ thần tình yêu và sắc đẹp Aphrodite làm vợ!

Hóa ra là vị thần thợ rèn này từ lâu đã ngấm ngầm say mê vị nữ thần sinh ra từ bọt biển, đã nhân cơ hội bằng vàng, vừa giải thoát cho mẹ, vừa thực hiện được ước muốn lâu nay của mình là làm chồng của thần Vệ Nữ. Đũa mốc chòi lên mâm son...

Với quyền uy vô biên của mình nên Héra đã dễ dàng biến ước nguyện của cậu con trai thành hiện thực, cũng là mở đầu cho những cuộc ngoại tình của Aphrodite về sau.

"Venus trong lò rèn của Vulcain" của Lous Le Nain, vẽ 1641. Khi này Venus đã có con và trông như đang sắp có em bé nữa? Mặt Vulcain (Hephaestos) trông rất thẫn thờ, và các cậu thợ cũng không có vẻ để ý gì đến nữ thần sắc đẹp.

"Venus trong xưởng của Vulcan", Palma Giovane vẽ năm 1605. Hai mẹ con Venus và Cupid chơi đùa bên trong, bên ngoài thợ thuyền và ông chồng vẫn làm quần quật.

"Venus thăm xưởng của Vulcans", tranh của Teniers the Elder. Trong phiên bản này mới thấy rõ chân phải Vulcans có tật, còn Venus thì như một bà vợ nông dân chính cống, nếu Cupid mà không đeo cánh thì chắc chắn đây là cảnh sinh hoạt của một lò rèn thôn quê.

(Còn tiếp)

-Soi-

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#man#tận