Cá Thiên Thần Bay Đến Sài Gòn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đã vào mùa cá thiên thần khi tháng-ba-lịch-theo-trăng bắt đầu. Tôi vẫn gọi loài cá biết bay là cá thiên thần vì những vũ điệu giữa sóng nước thật ngoạn mục của chúng.

Đúng như đã hẹn là sau Tết mới có cá chuồn, chị bán cá biển Phan Thiết ở chợ Bàn Cờ ngay hôm đầu có loại cá này đã thông báo cho chúng tôi.

Cá chuồn với những điệu bay từng đàn thật ưu mỹ đã khoắng lên lớp ký ức của những ngày còn đi học ở ngôi trường nằm bên bờ biển Nha Trang. Trường xưa giờ đã mất. Biển giờ đã xa.

Tất cả tình yêu đã xa tít tắp. Chỉ còn đọng lại chính mình. Giống như nhà thơ Guillaume Apollinaire đọng lại khi bao nhiêu nước sông Seine đã trôi qua dưới cầu Mirabeau, khi đêm đổ chuông, khi ngày đã bước ra đi.

Chẳng hiểu sao tiếng chuồn trong tiếng Việt có nét nghĩa bay hay di chuyển nhanh. Nào là chuồn chuồn, loài động vật hay thay đài khí tượng, rồi cá chuồn, loại cá có khi bay lên cả ghe ngư dân nộp mình, rồi chuồn cho lẹ...

Nhưng làng Chuồn nổi tiếng ở Huế lại có nét nghĩa khác – có vẻ như đồng âm với truồng, nên mới có câu thơ lâu riết thành như ca dao:
Tại răng mà gọi làng Chuồn?
Chỗ mô con gái ở truồng leo cau?
Thôi thôi chẳng dám lau chau
Xin cô nhận một cơi trầu làm quen...

Một dọc biển miền Trung nơi nào cũng có cá chuồn. Những lưu dân miền Trung ở trong Nam mấy ai chẳng thương nhớ con cá thiên thần này. Vậy mà dân xứ Quảng Nam chơi thắt ngặt xí con cá chuồn là của biển Quảng.

Một hai khăng khăng câu ca dao: "Ai về nhắn với nậu nguồn/ Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên" là của mình. Làm như Phú Yên, Bình Định không có nẩu, nậu. Dân làng Chuồn lại bảo cá chuồn nơi đó tuyệt ngon.

Thiệt ra, loài cá có đôi cánh giống thiên thần, biết bay khi gặp sát thủ nguy hiểm, chỉ ngon vừa. Và ngon vừa nên vừa túi tiền để chui vào giỏ đi chợ của các bà má xứ nghèo miền Trung.

Đâu có phải cứ hễ thiên thần là thượng đẳng như các thiên thần trên thiên đàng – hình dung đầu tiên của tôi từ thời thơ ấu. Nhất là cá vào đến chợ Bàn Cờ, chợ Bà Hoa. Cá từ ngoài Trung vào đến Sài Gòn chỉ có nước chiên may ra mới ngon. Thịt cá nhờ "son phấn" dầu mỡ bèn săn lại. Để cho đúng gu xứ Quảng, thì vào siêu thị gần nhà kiếm mớ củ nén ướp cá và phi dầu cùng với tỏi. Hương khó tả sẽ lan ra từ trên bếp xuống đến mâm cơm.

Cá ngon mắm dầm cá cũng phải ngon. Nước chấm giả danh mắm như Chinsu là hỏng!

Nói đến mắm mới nhớ hôm ở Long Xuyên ông chủ nhà cứ một hai nhấn mạnh: "Cá bông lau sông Vàm Nao phải chấm mắm 60 độ đạm như thế này mới ngon".

Mắm 60 độ đạm càng hỏng! Hỏng là vì ai biết đạm tự do như đạm am môn trong mắm ấy chiếm tỷ lệ bao nhiêu! Đó là thứ sở thích tiêu dùng mà nhà sản xuất sẵn sàng tiếp tay để đầu độc khách hàng.

Thứ chiêu trò của những nhà thùng kém tử tế ấy vậy mà lừa được bao nhiêu người.

Biết là cá ở Sài Gòn chỉ nên chiên là hảo hạng, nhưng vẫn nghe thèm miếng cá nấu canh. Thịt cá dầm mắm. Miếng cá không tươi lắm chấm mắm được nỗi nhớ bữa ăn ở quê bù sớt lại.

Có khi trái tim bảo với lý trí ăn như thế còn ngon hơn cá chiên dầm mắm ngò đúng bài bản để báng đi cái không tươi của cá vì phải "bay" đường xa.

Ở Sài Gòn nghiệt một nỗi, bữa trước có mít non, đi kiếm không ra cá chuồn. Đến lúc có cá chuồn lại chẳng mò được miếng mít non nào.

Bởi vậy cái recipe của câu ca dao kể chuyện trong cuộc sống đổi chác hiện vật ngày xưa núi đổi cho biển lấy mít và cá qua lại trở nên vô duyên. Đã thèm cá. Ăn canh cá lại nhớ tới gạo lúa mướp gặt hồi cận Tết.

Quê tôi ở sát với xứ Tu Bông – một nơi nổi tiếng với gió mùa. Gió mạnh đến độ có thể hất chiếc xe Jeep chạy trên đường xuống ruộng, nên lúa mướp là giống lúa chuyên trị gió.

Trị được gió, lại đập lúa đến phát khóc mới sạch rơm... Một năm hai vụ lúa, một vụ lúa gòn sáu tháng và vụ lúa mướp bốn tháng.

Hai giống lúa đều chê thuốc trừ sâu và phân hoá học lạm dụng. Thứ lúa sạch ấy bây giờ đã xa người luôn.

Gạo lúa mướp nấu cơm có màu đo đỏ, ăn với canh cá chuồn nấu mít non từ độ đó đã trở thành Kinh, thành một bộ tam gắn kết.

Bây giờ, đâu đâu cũng nói đến gạo sạch, lúa sạch, làm nhớ kinh khủng một thời toàn ăn lúa gòn với lúa mướp.

Vậy mà ngày xưa lần đầu ăn gạo đỏ – không phải gạo lứt – như gạo lúa mướp, anh em tôi đã khóc, vì dể duôi sự không trắng của nó. Bây giờ nghĩ lại chẳng hiểu sao hồi đó mình còn nhỏ mà giống y người lớn bây giờ?

Nghĩa là gạo phải trắng mới ngon cơm!

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro