Nắm Xôi Trứng Kiến Đảo Điên Nhiều Bờm

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Không phải ra Phú Yên, Bình Định, chỉ cần tới số 3 Hoàng Sa, gần cầu Thị Nghè, là có thể thưởng thức được món trứng kiến vàng. Trứng có lộn không, xin chịu chết.
    
Trứng kiến vàng được dùng thay thế các loại đậu để nấu xôi.

Nhưng sự tình cõi đời con kiến vàng có khi ngon hơn món trứng của nó.

Chămpa quán ở Hoàng Sa chuyên bán đặc sản Lào, có nhiều món trứng kiến vàng. Uống với Beerlao là có thể thấy núi rừng Thượng Lào hiện về trong đáy ly. Có lẽ nơi đó người ta bắt loài kiến mà qua cách chúng làm tổ người Mỹ đặt tên kiến thợ dệt, chuyên sống trên các tán cây, cung cấp cho nhà hàng này. Ngoài ra, Beerlao còn làm cho các loại bia Việt phải xấu hổ, vì thơm và ngon hơn nhiều.

Lần đầu tiên tôi biết đến những con kiến thợ dệt khi về đến khu vườn chung quanh nhà dì Năm ở Thanh Hải, Vĩnh Hải, Nha Trang. Chúng làm tổ trên những cây mãng cầu xiêm. Nhìn thấy một số con di chuyển ở những chiếc lá bên ngoài tổ lúc nào cũng nhe càng khi thấy tiếng động lạ. Nhưng lúc đó không hề biết rằng những chiến binh kiến ở vòng ngoài tổ – tiền đồn phòng vệ kẻ thù – là những cụ bà kiến thợ đồng thời là những chiến binh mạnh, hung hăng, có trách nhiệm bảo vệ và sẵn sàng ngã xuống vì giống nòi nhất của bầy (1). Trời sinh để các cụ bà kiến chọn cách kết thúc cuộc đời bằng chiến đấu thật đẹp. Hai chuyên gia của Harvard Bert Hölldobler và Edward O.Wilson từng viết: "Một khác biệt chính giữa loài người và kiến là trong khi chúng ta gởi trai tráng ra trận, chúng gởi các cụ bà".

Chắc từ thuở biết kiến vàng cũng mới biết luôn mùi vị của kiến vàng cắn. Làm sao tránh khỏi nhìn những con vật như thế mà không chọc chúng vào cái tuổi chỉ xếp thứ hạng sau quỷ và ma. Kiến làm tổ trên cao, và muốn chọc chúng phải dùng cái khều móc thường dùng hái trái cây treo ở một nhánh cây nào đó trong vườn. Mùi vị kiến cắn thật thấm thía. Nhất là xui rủi bị con nào rơi ngay mắt cắn cho một nhát rồi vãi cho một giọt nước tiểu acid vào. Cay xè. Thoảng mùi chua hôi. Thế rồi kiến vàng với người dạo gần đây cũng sa vào định mệnh như cá với kiến. Kiến cắn người, người cắn kiến. Kiến cắn xong đái vào vết cắn một mớ acid gây đau cũng khá, nhất là luôn luôn tấn công hội đồng. Theo tài liệu, một đàn kiến có thể có nhiều tổ trên một cây, hoặc các tổ có thể trải rộng ra các cây cạnh nhau; có đàn có thể lên đến nửa triệu con. Có trường hợp một đàn chiếm đến 151 tổ phân bổ trên 12 cây. Mỗi đàn có một kiến chúa ở một trong các tổ này và ấu trùng được đưa tới các tổ khác của đàn. Trung bình một đàn trưởng thành có thể mất tám năm (2).

Món ngon nhất là xôi trứng kiến. Lúc đó trứng kiến trở thành những hạt đậu trắng đục màu sữa, thay thế cho chất béo của đậu xanh, đậu đen, đậu phộng. Xôi Lào có lẽ cùng gốc với nếp nương ở miền núi phía Bắc Việt Nam. Nếp nấu chín không dính tay khi ta ăn bốc. Có lẽ vì vậy mà dân Lào không chịu từ bỏ cảm giác sung sướng của sự ăn bốc.

Kiến vàng sống bằng cách ăn thịt côn trùng và bọ có cánh. Từ lâu, con người đã biết tập quán này của kiến, nên dưỡng chúng trên các cây ăn trái, nhất là các cây cam quýt có mùi hấp dẫn côn trùng, sâu bọ. Bây giờ "kiến thuốc" đã diệt hết kiến vàng.

Kiến vàng làm tổ vào ban đêm và làm nhanh hơn một số dự án làm đường của loài người, như dự án ở Thủ Thiêm chẳng hạn. Kiến thợ bậc 2 làm nhiệm vụ kéo các mép lá xáp lại gần nhau, kiến thợ bậc 1 có nhiệm vụ kịp thời bê những con ấu trùng sao cho đít chúng rà dọc theo các mí lá. Ấu trùng tiết ra một dạng keo sợi giữ các mép lá dính lại với nhau.

Không thấy món gỏi ấu trùng kiến mà chỉ thấy gỏi trứng kiến ở Chămpa quán. Gỏi chỉ ngon khi người ta khai thác luôn mùi hương acid chua chua từ chính con kiến vàng. Hoặc trứng kiến xào kiểu người Thái cũng tạo ra hương vị lạ, độc đáo. Đặc biệt, Thái Lan có bán trứng kiến vàng luộc, sấy khô đóng gói, đóng hộp. Lạ hơn, còn có kiến vàng rang muối đóng hộp. Tiếc là xứ ta không có ý tưởng về các thứ đó...

Có điều ông chủ nhà hàng Ven Sông, Cần Thơ, lắc đầu cho rằng trứng kiến không ngon. Ông nói: "Ăn chỉ cốt lạ, chứ thực ra chẳng ngon lành gì". Dẫu gì, mỗi người mỗi gu. Đến nay khoa học còn chưa biết gu xuất phát từ đâu, nói gì đến xếp "gu hạng".

—————

(1) https://www.nationalgeographic.com/magazine/2011/05/weaver-ants/

(2) Kusters, Koen; Belcher, Brian (2004). Forest Products, Livelihoods and Conservation: case studies of non-timber forest product systems. volume 1 – Asia.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro