Thương Một Góc Bếp

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Vào một ngày mùa Đông mưa gió, u uẩn và xám xịt, muốn tìm một cảm giác ấm áp, có lẽ chẳng nơi nào bằng cái góc bếp. Góc bếp trong mỗi nhà...

Tôi cứ nghĩ đến cái góc bếp, trong mỗi nhà, như thế, rất nhiều khi. Mấy tháng trước tôi ăn một bữa ăn ở một nhà hàng, một bữa ăn được mời, ngon miệng với những món rõ ràng là bình dân: canh riêu cua, cà muối, cá rán, rau xào...

Và khi nhìn lướt cái hoá đơn tính tiền vào cuối bữa, tim tôi thót lại (cho dù không phải trả tiền) vì quá mắc. Mấy món bình dân ấy đều tính bằng tiền triệu. Dẫu ngon miệng đến mấy, tôi cho rằng cái giá ấy có lẽ khiến người ta chỉ đến ăn một lần rồi thương xót cái ví của mình mà tự thôi. Vậy mà, khổ chủ không có vẻ xót xa như tôi tưởng. Không phải vì thừa tiền, hẳn thế, chỉ là "ăn ở nhà hàng này giống như ăn cơm mẹ nấu ngày xưa, cũng cách nêm nếm ấy, không bị pha tạp, không bị xô bồ...", nói tóm lại, tiền triệu bỏ ra vì nỗi nhớ thương đắm đuối cái góc bếp xưa cũ nào đó với một bà mẹ khéo léo. Nỗi nhớ thương nói chung không tính được bằng tiền!

Chủ nhà hàng, mà sau đó tôi quen, đã giải thích cho tôi nghe sự đắt đỏ của nhà hàng mình: em không chỉ bán một bát canh riêu hay đĩa cá rán..., em không chỉ bán món ăn, em bán giá trị của món ăn, những giá trị liên quan đến ký ức. Cũng bát canh riêu cua, em phải chọn từng con, giã cối đá chứ không mua cua xay sẵn. Con cá mòi chẳng đáng mấy tiền, nhưng chỉ ngon vào một mùa nhất định, trong con cá có trứng, nhà bếp khử tanh theo cách riêng, cẩn trọng với từng con cá cho đến lúc bày ra đĩa. Khách cứ vừa ăn vừa rưng rưng gọi ngày xưa ơi... Bán giá trị của món ăn chứ không chỉ bán món ăn, phải rất liều lĩnh và ranh ma, đồng thời cũng phải rất hiểu biết ẩm thực, mới dám làm thế.

Mà thế, nói cho cùng, là một cách dẫn dắt người ta về với nỗi niềm thân quen của những bữa ăn gia đình. Chúng ta có mắc sai lầm không khi bỏ đi không mấy tiếc thương những bữa ăn ấm áp với người nhà để ra quán tìm những món nhà hay nấu, rồi vừa ăn vừa... nhớ nhà? Nhưng chuyện ấy có lẽ không cần bàn, bởi nếu không thế, sẽ chẳng có nhà hàng khôn khéo như nhà hàng kể trên nữa, những món ăn thân quen mãi mãi nhàm chán không làm người ta ước ao như ước ao một giá trị tinh thần.

Nhưng có một điều khác để người ta yêu hơn căn bếp của gia đình, vào thời buổi này, vì nỗi lo thực phẩm bẩn. Không hoài niệm, không đi tìm thời gian đã mất ở những bữa ăn bên ngoài, chỉ đơn giản là ăn ở nhà, sẽ yên tâm hơn (ít ra là tin tưởng được nhiều hơn) vì nấu cho gia đình, việc lựa chọn thực phẩm an toàn được đặt lên hàng đầu. Những bà nội trợ cố gắng trở thành những người tiêu dùng thông minh, răm rắp làm theo những chỉ dẫn vớ được bất kỳ đâu đó về việc ăn sạch. Rau hữu cơ, lợn không chất tạo nạc, gà ăn thóc v.v. Nếu đọc hết thông tin về sự an toàn thực phẩm rất dễ... tẩu hoả nhập ma vì nhiều quá. Nhưng rồi sự lo âu vẫn dai dẳng tồn tại bởi những thông tin trái chiều cũng nhiều như những lời quảng cáo thực phẩm sạch, cứ đập vào nhau chan chát. Vài ngày lại một vụ các cơ quan chức năng bắt giữ đâu đó hàng tấn thịt ôi mỡ thối, rau từ bãi rác chế biến thành kim chi cải thảo, lợn dư thừa chất salbutamol, hàn the trong giò chả, formol trong bánh phở, huỳnh quang trong bún...

Rồi cũng vài ngày, lại nghe một cuộc tranh cãi nảy lửa từ những thông tin đưa ra từ những nơi được gọi là có chức năng bảo vệ người tiêu dùng, để nghe xong thì chẳng còn biết tin ai, như là chuyện nước mắm có arsen. Thật hư chẳng biết đâu mà lần, sự thật lớn nhất là bệnh ung thư có nguyên nhân từ việc ăn uống ngày một tăng. Những bữa ăn gia đình nói gì thì nói vẫn mang lại cho người ta niềm tin tưởng, tất nhiên chỉ là tương đối. Thực phẩm sạch được mua rất đắt, giá một ký thịt cho là sạch mua tại những cửa hàng thực phẩm treo biển an toàn có thể đắt gấp đôi, gấp ba giá chợ. Rau cũng đắt gấp ba bốn lần giá chợ. Nỗi tin tưởng cũng nói chung không tính được bằng tiền.

Cứ bấp bênh như thế những bữa ăn đắt đỏ vì hoài niệm hoặc vì sự tin tưởng thực phẩm trong đời sống chúng ta. Ăn để mà nhớ ký ức, ăn để mà bảo vệ sức khoẻ hiện tại..., cả mấy điều ấy hoá ra cũng đều khó khăn và phải trả giá.

Cứ nghĩ mãi, mà thương, cái góc bếp mỗi nhà.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro