Nu Na Và Bánh Ống

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nhà tôi hồi đó ở ngay trong xóm người Khmer. Những đứa trẻ da đen nhẻm, mắt to tròn với hai hàng lông mày rậm và lông mi đen dài cong vút đặc trưng của người Khmer, mình trần trùng trục với mỗi cái xà lỏn cũ mèm nhàu nhĩ màu nâu xỉn. Chúng thi nhau móc đất sét nặn thành cái "nu na" rồi đem ra cái sân xi măng trước nhà tôi đang ở mà nện cho nổ bông bốc, bông bốc suốt từ sáng sớm đến tối mịt. Sau nhà tôi có cây nhàu lớn, đặc nghẹt trái già màu trắng bóc. Mỗi ngày, tôi lấy cần móc ra móc trái nhàu cả rổ rồi đem vào nhà vùi vào cái khạp sành chứa muối hột "giú" cho nó chín. Thấy trái thì ngứa tay ngứa chân hái chơi cho vui, chớ trái nhàu chín rồi tôi cũng không ăn được vì mùi nó tuy có hơi ngọt một chút nhưng lại cay nồng. Tôi thường đem những trái nhàu chín phân phát cho bọn trẻ đang chơi trước sân nhà. Chúng nó mừng rỡ vồ lấy, chấm nhàu với muối hột rồi ăn ngấu nghiến, luôn miệng khen lấy khen để rằng "ngon lắm".

Ngay góc sân, gần chân cầu, sáng nào cũng có một người phụ nữ Khmer đứng tuổi gánh cái gánh gióng bằng mây đến hạ xuống rồi bày ra nồi hấp, củi lửa, thau bột rồi nổi lửa lên hấp, bán bánh ống. Gọi là bánh ống vì bánh được hấp trong hai cái ống kim loại dựng đứng lớn cỡ cổ tay.

Hai ống kim loại này được gắn chặt vào một cái nồi gang lớn bằng một loại vật liệu ngăn hơi hình như là bằng xi măng hay đất sét nung gì đó, phía dưới có khoảng trống để đổ nước vào. Bà đốt lửa dưới bếp, bắc nồi khuôn bánh lên trên rồi đốt cho nước sôi bốc hơi lên hai ống sùng sục. Bà lấy hai cái que tre cắm dựng đứng vào giữa hai ống, rồi lấy thau bột nếp đã chế biến sẵn thành một loại bột vừa ươn ướt nhưng tơi xốp màu trắng đục ra, múc từng muỗng bột nếp đổ đầy vào hai ống. Lấy hai miếng gỗ mỏng tròn xuyên qua hai cái que đậy miệng ống lại. Vài phút sau, độ chừng bánh chín, bà giở nắp, cầm hai cái que rút nguyên cái bánh để lên cái mâm đồng đã cũ mòn có lót lá chuối xanh mượt. Bà nhanh nhẹn rút hai cái que ra, để lại trên mâm hai cái bánh có hình ống màu trắng hơi trong trong, nóng hổi và bốc mùi thơm phức. Sau đó, bà tiếp tục đổ bột vào khuôn hấp tiếp những cái bánh mới.

Nếu có khách mua, bà lấy con dao nhỏ xẻ một bên cái bánh, múc cho vào giữa một muỗng canh cơm dừa rám vỏ nạo thành những sợi dài trắng muốt, rắc thêm chút muối mè, ốp cái bánh lại cho đừng rơi nhân rồi gói từng cái vào tấm lá chuối bán cho khách.

Có hôm, bà làm thau bột nếp màu xanh ngọc, bánh hấp chín ra màu xanh mướt trong trông thật đẹp, bà nói đó là màu lá dứa, bánh vừa có màu đẹp vừa thơm phức. Dứa là một loài cây mọc thành bụi thấp với những cái lá dài như lá mía nhưng màu xanh đậm và mềm, không cứng bén như lá mía. Lá dứa dùng để lấy mùi thơm khi chế biến các loại bánh, hay nấu chung với các loại cây cỏ khác làm nước uống giải khát, cây này không có bông cũng không có trái. Chớ dứa này không phải cây thơm hay khóm.

Nhờ những ngày ở đây, tôi mới biết bánh ống này là một thứ bánh của người Khmer thường làm để ăn và cho hàng xóm mà người Kinh không biết cách làm. Bí quyết làm bánh nằm ở chỗ chế biến bột nếp trộn đường và nước cốt dừa sao cho bột không quá ngọt, hơi béo, vừa dẻo mà vừa xốp tơi như mạt cưa, không dính vào nhau. Bột sống nhưng để vào khuôn hấp chừng vài phút là bánh chín ngay lập tức, các hột bột nếp kết dính lại với nhau nhưng vẫn giữ độ tơi xốp. Bà bán bánh chỉ ngồi đó im lặng cần mẫn đổ bột, hấp bánh, rút bánh ra xếp lớp lên mâm, không cần rao hàng gì hết. Nhưng khách hàng đi ngang vẫn biết bà bán bánh và dừng lại mua. Người mua vài cái, người mua chục cái. Ngày nào, bà cũng bán hết một thau nhôm bột nếp to chừng năm sáu lít.

Thấy bánh lạ, suốt một tháng trời, sáng nào tôi cũng dỗ em ngủ rồi ra sân đứng nhìn bà hấp bánh ống một cách thèm thuồng mà không có tiền mua. Hỏi đám trẻ sao chúng chỉ hít hà thích ăn trái nhàu tôi cho mà không mua bánh ống ăn, chúng trả lời chúng cũng không có tiền mua. Có lần, tôi cũng được mẹ cho mấy xu gì đó mua được hai cái bánh ống, tôi mừng ơi là mừng. Cầm hai cái bánh nóng hổi trên tay ù chạy vội vào nhà rồi thưởng thức. Cắn một miếng vào bánh, cái cảm giác hơi ngọt của đường, dẻo dẻo của bột bếp, béo béo của cơm dừa và hạt mè, mặn mặn của muối làm thành một cảm giác ngon ngọt khó tả làm sao. Mùi thơm của lá dứa, của mè càng kích thích thêm vị giác làm tôi cứ muốn nhai ăn hết cái bánh này sang cái bánh khác.

Bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn gặp vài chiếc xe đẩy bán rong bánh ống trên đường phố Sài Gòn. Nhiều lúc, đang chạy xe máy ngon trớn, nhìn thấy xe bán bánh ống nhưng dừng lại không kịp, gặp đường một chiều không thể quay đầu lại nên tôi đành nuốt nước miếng đi luôn. Ngay ngã tư Phú Nhuận, góc đường Hai Bà Trưng có một gian hàng bánh ống nho nhỏ. Mỗi lần có dịp đi ngang đó, tôi đều tấp xe vào để mua chục cái, giá mỗi cái hai ngàn đồng. Bằng giọng miền Nam đặc sệt, cô bán hàng nói bán bánh cũng tàm tạm, ít người mua lắm, có lẽ người ta không biết đây là bánh gì. Quả thật, trước khi tôi tấp xe máy vào mua bánh thì hàng bánh vắng ngắt, bánh hấp chín rồi để ra mâm chất lên cao nghệu mà không thấy ai hỏi đến. Khi tôi vừa kêu lấy cho tôi mười cái, lập tức những chiếc xe máy đang dừng đèn đỏ ngay ngã tư cũng xúm vào mua mỗi người năm mười cái bánh. Bánh hấp không kịp chín, mọi người giành nhau lấy trước um sùm. Tôi quay lại hỏi: "Hồi nãy tôi chưa mua thì hổng có ai mua, bây giờ sao mua nhiều vậy?" Những người khách kia trả lời: "Em cũng hổng biết ăn bánh này, nhưng thấy chị mua nhiều chắc là ăn được lắm nên em cũng mua ăn thử".

Bánh ống phải ăn nóng mới ngon, nhưng nếu mua đem về nhà mà đường xa phải ăn nguội thì thấy bánh cũng ngon luôn, có điều không ngon bằng ăn lúc nóng mới ra khỏi khuôn thôi. Sau hơn 30 năm vật đổi sao dời, từng nếm qua nhiều thứ của ngon vật lạ, nhưng cái mùi vị bánh ống bột nếp đơn sơ, nghèo khó thuở nào vẫn đọng lại sâu đậm trong ký ức. Cảm giác béo ngọt deo dẻo mỗi khi cắn vào miếng bánh cứ đeo đẳng, luôn thúc giục tôi tìm kiếm lại hương vị ngày xưa.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro