Rau Càng Cua Tuổi Thơ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hồi tôi bảy tám tuổi, ngoài những giờ phải đi học ở trường thì tôi thường hay thơ thẩn một mình ở ngoài ruộng lúa, đình làng, đền thờ Đức Thánh Trần để "hái hoa bắt bướm". Tôi thích đến những chỗ đó vì có nhiều cổ thụ mát mẻ, cây cỏ xanh mướt, đa dạng, tha hồ mà hái, mà bắt đủ thứ đem về chơi. Thích hơn nữa là dưới những khoảng đất rộng rãi, mát mẻ núp dưới bóng cây, trong các chậu kiểng to đùng có mọc lên một loại rau gọi là rau càng cua, ăn rất ngon và mát. Không những mọc trên đất, ở những chỗ mái ngói cũ rêu phong ẩm thấp, rau mọc trên mái ngói thành từng đám lớn xanh rờn. Tôi trèo lên nắm nguyên một dề rau lôi xuống, ông Từ thấy tôi trèo lên mái ngói không la rầy mà còn mừng nữa. Bởi lẽ ông đã già, đi đứng chậm chạp lấy gì leo trèo, ông nói để rau nó mọc trên lâu ngày trên đó nó làm ẩm ướt mục ngói hết trơn.

Rau càng cua không thích chỗ nào nước nhiều hay ngập nước, nơi đâu có chút đất, có hơi ẩm ướt là nó sống được. Ngay cả những bức tường cũ nứt nẻ rêu bám nó cũng bám theo mọc được. Giản dị và tràn trề sức sống như chính người dân quê vùng đất mới phía Nam này. Gặp điều kiện thuận lợi, rau mọc nhiều dày bịt, khít rịt cả vùng rộng lớn như một tấm thảm xanh mượt. Cọng rau có thể dài đến năm sáu tấc, vươn thẳng, xanh trong và giòn rụm. Mùa nắng khô, hột rau rụng xuống nằm lẫn trong đất cát, lá mục "mai danh ẩn tích". Khi có cơn gió nồm mùa Hè mạnh mẽ lướt qua, mang theo hạt rau rải lên bờ tường, mái ngói, hạt rau vẫn kiên nhẫn nép mình ở đó cho đến mùa mưa năm sau. Khi những giọt mưa đầu mùa mát rượi bắt đầu rơi xuống, hạt rau lại vươn mình ngồi dậy chui ra khỏi nơi ẩn nấp để chìa ra những cái lá hình trái tim tròn trịa, mượt mà, xanh mát.

Lá rau càng cua lớn nhất cũng chỉ bằng ngón chân cái, hình giống trái tim màu xanh mướt. Thân cây màu xanh nhạt, hơi trong trong, rất giòn và mềm. Ngọn rau màu trắng xanh, lớn cỡ que tăm, ngọn nhọn mọc vươn lên, xung quanh có nhiều hạt trắng trắng xanh xanh bám chung quanh giống như cái tua con mực, mà cũng giống như những hạt nhỏ nhỏ trên càng con cua, có lẽ vì vậy mà người ta đặt cho nó cái tên là rau càng cua.

Tôi thường vừa hái, vừa ngắt những cọng rau sạch nhất, non nhứt bỏ vào miệng nhai nhai để thưởng thức vị ngòn ngọt pha chút the the nồng nồng, mòng mọng nước mát cả cổ họng.

Rau càng cua mùa nào cũng có, mùa mưa rau mọc nhiều hơn mùa nắng. Mỗi lần đi chơi, tôi thường cầm theo cái rổ hái đầy một rổ rau. Về nhà, trả lời cho câu hỏi: "Mày đi đâu cả buổi từ sáng (hoặc từ chiều) đến giờ mới về?", tôi chỉ cần chìa rổ rau ra là xong. Thời chiến tranh, mỗi buổi chiều chạng vạng là nghe tiếng súng "ô buýt" từ bên đồn thụt ình ình mà sao dân xóm tôi không thấy có biểu hiện sợ hãi gì. Cha mẹ tôi để mặc tôi đi lang thang từ làng trên xuống xóm dưới, chơi chán thì về. Không phải như bây giờ, con nít ra đường cha mẹ phải giữ khư khư, sểnh một chút gặp "yêu râu xanh" là "tàn đời cô Lựu".

Mỗi lần tôi hái được rau, hoặc mẹ mua được rau ở chợ gần nhà, mẹ tôi thường làm món gỏi rau càng cua trộn giấm đường với trứng vịt luộc, da heo luộc.

Rau đem về nhặt sạch cỏ lẫn lộn, ngắt lấy phần non, rửa sạch để ráo, xong cho rau vào một cái thau sức chứa lớn gấp hai lần số rau để cho dễ trộn mà không bị đổ ra ngoài. Mẹ tôi lấy chừng bốn muỗng canh mỡ, phi tỏi cho thơm rồi để cho hơi nguội một tí. Mỡ nguội quá thì nó đông lại không trộn được, mà nóng quá thì nó làm chín rau ăn không ngon. Trứng vịt chạy đồng luộc chín, lòng đỏ đậm màu cà rốt, lòng trắng trắng tinh khôi và dai, để nguội lột vỏ bay mùi thơm phức. Mẹ tôi thường dùng sợi chỉ ngậm vào miệng để cắt mỗi cái trứng luộc ra làm tám miếng đều nhau. Mẹ tôi cho giấm nuôi, đường, chút muối, chút bột ngọt vào thau rau rồi dùng đôi đũa xốc tới xốc lui trộn đều. Một lúc sau thì rau thấm giấm và muối, xẹp xuống thấy rõ. Lúc này mẹ tôi mới rưới mỡ phi tỏi vào, dùng đôi đũa trộn đều rồi mới cho trứng vịt đã cắt lúc nãy vào, thêm da heo luộc mềm cắt mỏng, tôm khô, đậu phộng rang trộn chung vô luôn, gia giảm gia vị sao cho đủ mùi chua, ngọt vừa ăn. Xong xúc ra dĩa dọn lên bàn ăn.

Gỏi rau càng cua trộn giấm, trứng vịt, da heo luộc này vừa rẻ vừa ngon. Ăn với cá kho, thịt kho đều bắt cơm. Cái vị giòn, chua, ngọt của rau, vị béo của mỡ, vị bùi của trứng, dai dai giòn giòn của da heo, thơm thơm của đậu phộng cộng với vị mằn mặn của cá kho (hay thịt kho) quyện vào nhau, trở thành một thứ hương vị đặc biệt, chỉ người miền Tây mới được trời ban ơn cho thưởng thức. Tôi ăn liên tục mấy chén cơm to đùng vẫn không biết ngán. Bụng đã no căng rồi mà cái miệng vẫn còn thòm thèm muốn ăn thêm nữa.

Mẹ tôi nói đúng ra thì không bỏ trứng vịt vào trộn như vậy nhìn không đẹp, muốn đẹp thì xúc rau ra dĩa rồi mới bày trứng lên trên, và có thể cắt trứng theo chiều ngang thành hình tròn cho đẹp. Nhưng vì anh em tụi tôi tham ăn lắm, phải trộn như vậy rồi chia ra cho đỡ... đánh lộn. Nếu nhà nào khá giả, mua thêm thịt bò hay thịt heo, xắt mỏng ngang sớ thịt, ướp gia vị rồi xào sơ qua, xong trút lên trên dĩa rau đã trộn giấm sẵn, thêm cà chua cắt mỏng bày xung quanh rồi ăn nóng thì ngon tuyệt.

Tôi để ý các chợ ở Sài Gòn, dù là chợ lớn hay chợ nhỏ, chợ quận hay chợ phường, chợ cóc bên đường, không bao giờ nhìn thấy có bán rau càng cua. Có lẽ, rau càng cua là món quà Thượng Đế đã dành riêng cho người dân nông thôn miền Nam chân chất.

Hồi tôi ở quê, rau càng cua ít người bán bởi giá bán quá rẻ không bỏ công hái, muốn ăn phần nhiều là tự đi hái. Người ta có quan niệm rau mọc hoang nó "không sang trọng". Bây giờ, món ăn gì có nguồn gốc thuộc về chữ "hoang" đều trở nên mắc mỏ, khi mà nhìn đâu cũng thấy rau cải, trái cây đều bơm, tưới, tắm, xịt, rưới, ép... đầy thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng, thậm chí cả nhớt thải xe cho rau (muống) bóng mượt, thì rau càng cua trở nên có giá. Vào mùa nắng, một ký rau có thể bán đến ba mươi ngàn đồng cho các nhà hàng để phục vụ thực khách loại "sang"(!). Người bán bây giờ cũng tinh ranh lắm, nhổ rau lên để nguyên cả gốc lẫn rễ, giũ cho sạch đất cát, vuốt lại cho thẳng rồi đem bán để cân cho nặng ký. Một ký rau đem về nhặt sạch, bỏ gốc rễ đi chẳng còn lại bao nhiêu phần rau non, trộn gỏi được một dĩa hột xoài là hết cỡ.

Rau càng cua, rau đắng, rau dệu, rau sam, là những loài rau hoang dã mọc bên hè nhà, bụi chuối, bờ ao. Là những thứ rau quen thuộc không bao giờ thiếu trong bữa ăn của người nông dân nghèo ở quê tôi, đã nuôi sống bao thế hệ nên tầm nên vóc. Ngày trước, khi hái rau, ăn rau càng cua, có mấy ai quý trọng, nâng niu nó. Giờ thì tôi muốn ngậm một lá rau trong miệng cũng không có mà ngậm nữa. Thế mới biết, những điều bình thường, giản dị nhất ở gần bên ta nhưng ta không biết trân trọng, để rồi khi mất đi, mới thấy tiếc rẻ, bâng khuâng thì cũng không thể níu kéo cho quá khứ trở về.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro