Rau Trai Đồng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi có người bạn cũng dân làm báo, gốc gác ở Sài Gòn. Anh kể sau ngày 30/4/1975 mấy anh chị em của anh ấy đều đi Thanh Niên Xung Phong hết. Tôi hỏi: "Dân Sài Gòn gốc biết gì về lý tưởng Cộng Sản, sao anh chị em nhà anh "sung" quá vậy?". Anh này nói: "Lý tưởng con mẹ gì. Không đi để chết đói à? Nhà ai có người từ mười tám tuổi trở lên nó bắt phải đăng ký đi Thanh Niên Xung Phong nó mới phát tem phiếu cho mua gạo, chớ "xung phong" hồi nào. Ði khai hoang lao động ở trên núi rừng mấy năm, cực quá trời không chịu nổi mà vẫn đói, nên trốn về Sài Gòn hết. Ði buôn lậu từng lon gạo, từng cái tem phiếu. Ðó là khoảng thời gian đau thương, mất mát nhiều nhất trong gia đình".

Sài Gòn như vậy, thôn quê cũng đói có khác gì đâu. Năm 1978, nhà tôi ở thị xã Bạc Liêu, thuộc tỉnh Minh Hải. Nếu như dân Sài Gòn còn được xếp hàng mua bánh mì, mua gạo, các loại thực phẩm khác theo tem phiếu, thì thị xã Bạc Liêu là chỗ nửa quê nửa chợ. Nói là quê thì không phải vì có ai "mần ruộng" đâu, làm thợ thủ công, làm dịch vụ, buôn bán nhỏ lẻ, không ai có một cục đất chọi chim; mà nói là chợ thì có được bao nhiêu người để kinh doanh buôn bán cho nó sầm uất, giàu có. Thời điểm này lại bị "ngăn sông cấm chợ", người trong quê "mần ruộng" có lúa đem ra chợ bán bị bắt, tịch thu. Người ở chợ có tiền muốn mua gạo không biết mua ở đâu để ăn. Mua gạo, mua thuốc uống cũng phải mua "chợ đen", lén lén lút lút như đi ăn trộm.

Cha tôi, từ nhỏ trắng trẻo, đẹp trai giống Tây lai, được ông nội cưng cho đi học trường Tàu, rồi học trường Việt, sau nữa lên Sài Gòn học sửa radio, vô tuyến ở trường Bách Nghệ (ti vi thời này kêu là cái vô tuyến). Cha tôi còn học nghề thợ hình với ông chú tôi. Lúc đó, nhà ai cũng có cái radio "ấp chiến lược" vỏ nhựa trắng, còn nhà nào có tivi trắng đen là giàu có sang trọng lắm nên cái nghề sửa radio và ti vi cũng thuộc loại "nghề sang trọng". Cha tôi mở tiệm chụp hình, sửa radio – vô tuyến, trước đây cũng kha khá đồng ra đồng vô. Ơn Ðảng, đùng một cái phim chụp, giấy ảnh, hóa chất tráng rọi in ảnh không mua được, nhà ai có ti vi đem bán hết lấy tiền mua gạo ăn, radio "ấp chiến lược" đem giấu không dám xài do trên cái radio có in hình lá cờ Mỹ. Cha tôi phải đóng cửa tiệm.

Bác Hai tôi ở Cà Mau kêu cha tôi về với bác "mần ruộng". Một công đất mà trúng mùa có ba chục giạ lúa, ruộng nhà bác tôi thiếu tiền mua phân, thiếu tiền mướn trâu cày, thiếu thuốc trừ sâu, hai anh em tự đi cày thay cho con trâu, phần cha tôi không biết làm ruộng nên làm chậm hơn người ta, nên mỗi công gặt lên có mười mấy giạ lúa. Lúa gặt bao nhiêu Hợp tác xã bắt nộp thuế hết, làm cả năm rốt cuộc được có hơn 20 giạ lúa (Một giạ là bốn chục lít). Ðược hai mùa, cha tôi bỏ về Bạc Liêu kiếm chuyện khác làm.

Trong thời gian cha tôi về Cà Mau "mần ruộng", bọn tôi ở Bạc Liêu đi lang thang kiếm cái ăn. Mỗi ngày cả nhà có một lon sữa bò gạo nấu cháo thiệt là lỏng, thiệt là nhừ, củi thì đi lượm cây mục, rác rến đâu đó về phơi rồi đốt.

Từ xưa, chuyện cổ tích kể ai nhà nghèo đều làm nghề "mò cua bắt ốc" hết. Tôi nghĩ những người "mò cua bắt ốc" đó cũng còn giàu hơn nhà tôi, ít ra thì cũng có chỗ mà mò, mà bắt, nhà tôi không ruộng không vườn, biết mò, biết bắt ở đâu? Ruộng nhà người ta người ta còn mò không đủ ăn, có ai đâu cho mình xuống mò.

Tôi xách theo cái giỏ đệm bự, đi dài dài theo đường, thấy chỗ nào thưa nhà dân có những đám cỏ lớn thì bang vô, trong đám cỏ đó thế nào cũng có rau ăn được. Nhìn bên ngoài không thấy gì, vạch ra rau trai, rau diệu, rau sam mọc ken dày trong đó, nhiều nhứt là rau trai. Rau này có nhiều do nó màu xanh mọc lẫn với cỏ nên ít ai để ý, thứ nữa là có mấy người biết loại này ăn được, trong Ðông y nó là một vị thuốc vị ngọt, tính hàn, làm nhuận tràng, mát gan. Ông ngoại tôi sinh thời vừa là ông giáo làng vừa là một thầy thuốc Ðông y chuyên bốc thuốc từ thiện cho chùa. Có lần, bà ngoại tôi chỉ cây rau trai cho tôi thấy, nói: "Ông ngoại mày nói rau trai này luộc ăn ngon lắm". Rau này ít người biết, lá nó lớn cỡ ngón tay, đầu thuôn nhọn lại, mỏng mỏng, cuống lá mỏng bao quanh thân, thân nó tròn lớn hơn cái tăm xỉa răng một chút.

Tôi cứ vậy mà ngắt phần đọt non của nó ém vô giỏ cho tới khi đầy chặt thì thôi. Về nhà, rửa sạch, giũ cho ráo nước rồi nhận vô nồi cháo đang sôi sùng sục trên bếp. Chờ một lúc cho rau chín thì bưng nồi xuống, múc ra la liệt tô chén, cả nhà ăn với muối cục, chớ nước mắm cũng không có nữa. Một lon gạo mà "cõng" đến một giỏ rau, nhìn vô nồi cháo không thấy gạo đâu, thấy toàn rau trai, rau diệu xanh lè. Ðang khi đói rã họng, cái gì ăn vô mà không chết lại chẳng ngon. Cháo nóng, rau xanh, muối trắng nhai rồn rột. Nói ăn cháo mà nhai rồn rột chớ không phải húp soàn soạt là vì tô cháo toàn những rau trai là rau trai. Rau này vào miệng cảm giác hơi nham nhám, giòn giòn, cứng cứng, mềm mềm, ngọt ngọt, không có độ nhớt như lá rau muống. Vậy mà ăn nhiều phát ghiền, riết rồi đâm mê cái vị nhám nhám, giòn giòn của nó. Hôm nào có chút đỉnh tiền, mẹ tôi kêu đi mua rau muống mà ăn đừng hái rau trai nữa cực lắm, riêng tôi không có rau trai cảm giác ăn mất ngon.

Vài năm sau, tình hình hơi khả quan một chút, tôi vẫn cứ đi hái rau trai về luộc chấm nước mắm. Ăn chỉ có vậy thôi mà cháp một lèo bốn chén cơm, bụng no rồi cái miệng vẫn cứ muốn ăn thêm. Vét hết dĩa rau không sót cái lá nào.

Mấy chục năm sau, tôi làm việc và sinh sống tại Sài Gòn, vẫn không quên được hương vị, cảm giác ngon miệng khi ăn rau trai luộc chấm nước mắm với cơm nóng. Có một số nhà hàng đặc sản bán cơm trắng kho quẹt, nồi tôm khô kho quẹt có chút xíu, dĩa rau luộc gồm khổ qua, trái bầu cắt khoanh, rau muống, đọt bí, đọt bầu, mỗi thứ có vài miếng mà họ "chém" đến năm chục ngàn một phần. Thứ này tôi đi chợ nấu cơm cũng bằng số tiền đó có thể nấu ra hai chục phần. Mình bận bịu không có thời gian đi chợ nấu cơm đành phải ăn tạm cho đỡ thèm vậy thôi, Sài Gòn kiếm đâu ra rau trai đây hở trời. Thiệt là cứ ham muốn ngặt nghèo không hà!

Lâu rồi, muốn kiếm một thứ rau gì đó ăn thay thế rau trai, mà kiếm hoài không ra, không có thứ nào nó giông giống như vậy. Vô các siêu thị người Việt bên Mỹ, rau nào bên Việt Nam có thì bên Mỹ cũng có, tuy hình thức thì giống nhưng chất lượng không giống chút nào. Tỷ như rau má, ở Sài Gòn có bán hai loại: loại cọng nhỏ xíu nhỏ hơn cái tăm xỉa răng, lá bằng cái móng tay, để ăn sống chấm cá kho, nấu canh tôm, canh cá, canh thịt heo bằm ngon tuyệt vời luôn; loại lá lớn hơn, cọng bằng cái tăm và dài cỡ một tấc để xay ra làm nước uống chớ ăn thì không ngon. Rau má Mỹ cọng nào cọng nấy bự bự dài hơn một gang tay, đem về xay uống thì được, chớ nấu canh coi như đồ bỏ. Phen này tôi nhất định phải "quyết liệt chống cộng" để còn trở về Bạc Liêu ăn món rau trai luộc.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro