Cô Bé Đồng Nát

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Ai nhôm đồng sắt vụn giấy báo cũ, bán khô... ông... ông!". Tiếng rao non nớt vỡ ra trong không gian như tiếng chim lạc bầy. Nghe lạ lẫm quá, cả phố chả ai để ý, ới gọi. Bởi họ đã quen nghe cái tiếng rao khàn đục của người đàn bà gầy gò vẫn thường qua phố này vào mỗi buổi sáng. Chị ta có thể cũng chưa già lắm nhưng thân hình thì tiều tụy, bộ mặt thật nhầu nhĩ. Cả phố ai cũng thương cảm, đoán chị phải có một hoàn cảnh khó khăn lắm. Thỉnh thoảng chị còn dắt theo một đứa bé gái cũng còm nhom lút cút chạy gằn theo đôi quang gánh như níu thêm gánh nặng trên vai chị xuống.

Thực ra đâu phải ngày nào cũng có đồ phế thải, nhưng chị ta vẫn cứ đi qua phố này như một thói quen, có thể không mua được gì nhưng có khi lại được một vài đồ dùng cũ kỹ mà dân phố thương cảm thường hay đem cho. Khi thì vài bộ quần áo cũ nhưng còn tốt, khi chiếc mũ, đôi dép lỗi thời và cả những đồ chơi hỏng cho con bé. Chị đỡ được khối tiền mua sắm. Bản thân chị cũng yêu cái phố này chứ không hẳn nó đã giúp mẹ con chị sinh sống.

Đứa bé thấm thoát thế mà đã qua tuổi đi học, nhưng nó đâu có được đến trường. Mẹ nó kiếm cho nó vài quyển sách tập đọc lớp Một, dạy nó hết bảng chữ cái, hết phép cộng trừ nhân chia, thế là xong. Nó có thể đánh vần được những tấm biển quảng cáo, cộng được số tiền ít ỏi mà mẹ nó thu về hàng ngày là được. Rồi con bé đi theo rong ruổi qua các phố, giúp mẹ sắp xếp chọn lựa những đống đồ phế thải. Nó cũng cần mẫn, nhanh nhẹn hệt như con nhà nòi.

Bỗng một thời gian khá dài chừng nửa tháng, dân phố không nghe thấy tiếng rao quen thuộc của chị đồng nát. Thấy văng vắng nhưng rồi cũng chóng quên. Những đồ phế thải, nếu để chật nhà thì quăng ra ngoài đường, quần áo cũ thì dùng làm giẻ lau. Tóm lại, họ đã quên mất thói quen để dành đồ cũ cho mẹ con người đồng nát.

Thế mà bỗng hôm nay lại có tiếng rao là lạ. Non nớt quá và cũng trong trẻo quá. Ai nhỉ. Một bà già đẩy cửa bước ra. Kìa con bé con của chị đồng nát. Hôm nay sao trông nó chững chạc thế. Có dễ cũng được đến 9, 10 tuổi rồi thì phải. Nhưng nó không đi bên mẹ nó níu đôi quang gánh như mọi khi mà chính nó đang đỡ trên vai một đôi quang gánh bé xíu, cũng hai chiếc mủng hai bên, cũng một chiếc que cời cầm tay và một giọng rao cũng thống thiết như mẹ nó.
- Này cháu! - Bà già vẫy tay gọi - Lại đây bà bán cho này!
Bà già chạy vội vào trong nhà một lúc rồi chạy ra.
- Thế này nhé, cả nhà đi vắng rồi, lâu nay bà không thấy mẹ con cháu nên không chuẩn bị trước. Bây giờ cháu vào đây giúp bà dọn cái đống đồ đạc này. - Bà chỉ vào hai, ba cái thùng các tông, cái to cái nhỏ, bảo cô bé đổ cả ra mà chọn.
- Toàn là giấy lộn cả đấy, cháu cứ xếp lại mà cân, còn đây là giày dép cũ, cháu dùng được đôi nào thì cứ lấy. Còn đồ nhựa nữa, nếu cháu muốn mua thì phải xuống bếp tự tìm lấy.
- Vâng ạ, bà cứ để mặc cháu dọn cho ạ.

Bà già kéo chiếc quạt cây lại gần cô bé, rồi đến chiếc xa lông ngồi nghỉ, vừa têm trầu vừa hỏi chuyện cô bé.
- Mẹ cháu dạo này đi đâu mà không thấy qua phố này mua hàng?
- Dạ, mẹ cháu... chết rồi ạ.
Bà già vừa đưa miếng trầu vào miệng vội vàng nhổ ra.
- Chết, mẹ cháu làm sao mà chết?
- Mẹ cháu ốm, cháu nghe nói là bị băng huyết.
- Thế bố cháu đâu?
- Cháu không có bố, bố bỏ mẹ con cháu từ khi cháu chưa ra đời cơ, mẹ cháu bảo vậy.
- Thế... làm sao mà lại băng huyết, mẹ sinh em bé à?
- Dạ, nhưng mẹ cháu không muốn cho em bé ra đời nên mẹ cháu đi bỏ...
- Thế mẹ chết ở bệnh viện à?
- Không, mẹ cháu không có tiền để nằm viện, mẹ cháu đến nhà một nhà bà đỡ quen, khi họ đưa mẹ cháu về nhà thì mẹ cháu chỉ nói với cháu vài lời rồi không nói được nữa.
- Thế cháu có họ hàng người quen gì không? Nhà cháu ở đâu?
- Mẹ con cháu ở trọ. Khi mẹ cháu mất, người ta đuổi cháu đi, mấy chị ở xóm ven sông cho cháu đến ở cùng.
- Trời ơi! Cháu có biết đó là nơi nào không? Toàn một lũ hư hỏng cả đấy.
- Nhưng các chị ấy đã nuôi cháu lại còn sắm cho đôi quang này để cháu đi làm giống mẹ cháu.

Đang mải chuyện và cũng đang tràn đầy nỗi thương cảm đứa bé, bà già thở dài quay mặt đi chấm nước mắt. Chính lúc đó, con bé mở một cuốn sách bìa cứng. Nó định rũ ra, lột bìa chỉ để lấy phần giấy thôi, thì bỗng nhiên một tờ đô la rơi ra. Nó chưa bao giờ biết tờ đô la thật, nhưng linh cảm cho nó biết đây là một tờ tiền thật. Một tờ tiền không giống loại tiền mẹ con nó vẫn tiêu nhưng chắc là có giá trị. Nó vội vàng gấp quyển sách và liếc lại phía bà cụ. Bà vẫn ngồi nhai trầu trầm tư, mắt nhìn ra phía cửa sổ. Yên trí rồi, con bé vội vàng thu đống đồ đạc và yêu cầu bà cho cân. Sự vội vã của nó khiến bà cụ băn khoăn.
- Cháu mệt phải không? Thôi được ngần nào thì được, mai lại đến lấy tiếp. Bà để dành cho cháu cả đấy.
Con bé cân qua loa rồi tính tiền, bà cụ xua tay.
- Cháu cầm lấy, bà cho. Mai lại đến mà lấy nhé. Tội nghiệp! - Bà cụ vuốt mái tóc đuôi gà của nó, đưa nó cốc nước mát và ái ngại nhìn khuôn mặt đầm đìa mồ hôi mà sắc mặt lại tái mét.
- Đội mũ vào kẻo cảm nắng đấy, hôm đầu đi ít thôi cháu ạ.
Trước khi bước ra khỏi nhà, bà cụ lại tất tả từ trong bếp chạy ra giúi cho nó gói bánh bích quy.
- Này cầm lấy, vừa đi vừa ăn kẻo đói. Chắc từ sáng đến giờ chưa có gì vào bụng chứ gì. Tội nghiệp!

Con bé cuống cuồng bước ra khỏi cửa, bước chân nó líu ríu như sắp ngã. Tâm trí nó đang để hết vào tờ đô la kẹp trong quyển sách dày cộp kia. Quyển sách còn tốt, sao lại bị vứt trong thùng rác nhỉ. Chắc chủ nhân cuốn sách cũng không biết nó đang ở đâu. Tờ đô la đó không biết đổi sang tiền ta là bao nhiêu nhưng chắc phải nhiều lắm. Nó sẽ có thể mua được nhiều thứ lắm, mua quần áo mới này. Mua thật nhiều hoa quả đến thắp hương trên mộ mẹ này. Và trước mắt bây giờ là vào một hàng phở gọi một bát tái gầu, đập một quả trứng gà giống như nó vẫn thường nghe người ta gọi trong hàng phở mỗi khi nó có dịp đi ngang qua nhìn vào. Nó lẩn đến một góc đường vắng, lục vội tờ đô nằm trong quyển sách. Tờ đô còn mới phẳng lỳ, thơm mùi giấy lạ. Ở góc trái tờ đô có một hàng số 2-8-1990. Không hiểu hàng số có ý nghĩa gì nhưng lại trùng với năm sinh của nó. Nó không biết ngày sinh của mình nhưng mẹ nó bảo nó sinh năm 1990. Nó không thể đem tiêu tờ tiền có hàng số trùng với năm sinh của nó được. Chắc hàng số này cũng có liên quan đến một kỷ niệm gì đây của chủ nhân tờ đô. Đêm đến nó lấy tờ tiền áp lên ngực và nghĩ mung lung.

Sáng sớm hôm sau, bà cụ giật mình khi mở cửa đã thấy con bé đồng nát đang đứng chờ từ bao giờ, nó có vẻ nôn nóng mà không dám bấm chuông.
- Kìa, cháu đến sớm thế, sao không gọi bà, bà vẫn để dành cho cháu mà.
- Không, cháu... cháu không phải đến để mua giấy lộn, cháu trả bà quyển sách này. Trong đó có tờ tiền đấy ạ.

Bà cụ cầm cuốn sách thoáng tái mặt.
- Trời! Sao nó lại ở trong đống giấy lộn nhỉ. Đây là cuốn sách của cháu nội bà, nhưng nó đã theo mẹ sang Đức rồi. Bố mẹ nó đã bỏ nhau. Cuốn sách này là quà sinh nhật lần thứ mười, cũng là lần cuối cùng mà bố nó tặng nó cùng với tờ 100 đô là tất cả những gì mà bố nó có. Cháu bà ra đi nhưng nó đã để lại kỷ vật này cho bà với lời hẹn lớn lên sẽ trở về quê hương. Đây là có lẽ là do sơ suất của con dâu bà, mẹ kế của nó ấy mà. - Bà cụ cầm quyển sách vuốt ve rồi đột ngột kéo cô bé ra ngoài cửa. - Này, sao cháu không lấy mà tiêu, cháu nghèo lắm cơ mà. Thôi cầm lấy, bà cho cháu đấy. Bà cũng chẳng cần tiền làm gì, mà chờ biết bao giờ cháu bà mới trở về.

Con bé giơ tay định cầm, nhưng bỗng rụt lại. Nó nhìn bà rưng rưng nước mắt rồi vội vàng bỏ chạy. Nó bỏ chạy không phải vì sợ sự quyến rũ của đồng tiền mà vì sự quyến rũ của một thứ tình cảm mà nó chưa bao giờ có được, mà nó luôn thèm khát...

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro