Dì Nhân

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi chỉ còn nhớ mang máng năm đó tôi 10, 11 tuổi. Một lần bố đèo tôi đi chơi xa, bảo là "Đến nhà dì Nhân ở Bến Chanh". Quãng đường quanh co lên dốc, xuống đèo gần ba chục cây số. Đây là lần đầu tiên tôi biết bến đò Chanh.

Dì Nhân mở quán bún riêu cua ngay đầu dốc xuống bến. Quán tranh vách nứa, nằm ép vào sườn đồi. Nhà chỉ có hai mẹ con, cái Hồng con dì chừng tuổi tôi, nhưng trông có vẻ cứng cỏi hơn. Tối ấy dì thết tôi một bữa bún riêu cua no đến căng bụng. Ngồi chơi tam cúc với cái Hồng trên chõng tre ngoài hiên, tôi lăn ra ngủ lúc nào không biết. Nửa đêm thức giấc, tôi chột dạ thấy cái Hồng cũng nằm chung trên chõng, úp mặt vào vách ngủ ngon lành. Bấy giờ tôi quan sát nhà chỉ có một cái giường và một cái chõng tre, ban ngày dùng bày hàng. Ở giường trong, ngọn đèn vẫn sáng có tiếng thì thầm của bố và dì. Dẫu là đứa trẻ con khờ khạo, lúc này tôi cũng linh cảm được điều gì uẩn khúc trong câu chuyện. Bỗng tôi thấy thương mẹ ở nhà. Hèn nào lúc đi bố tôi dặn: "Đừng nói gì với mẹ nhé. Dì sẽ cho con áo mới". Tôi nghĩ: Sao người lớn ngày thì làm lụng vất vả, đêm về lại hay bới ra lắm chuyện phức tạp để làm khổ nhau? Ứ tôi sẽ thèm vào cái áo mới của dì. Tôi muốn về nhà ngay!

Nhưng với cái Hồng, dẫu có một ngày ở chơi, tôi thấy đã thân. Nó xưng em với tôi không chút ngượng ngập. Ra đường, gặp trẻ con cùng lứa, nó dọa "Đừng có mà bắt nạt anh tao!". Hai đứa tôi suốt ngày hết ra sông tập bơi, chơi ném thia lia, rồi lại nhặt những viên sỏi trắng phau về, chui vào góc tối quệt cho phát ra những đốm sáng đom đóm.

Tôi còn nhớ như in hình ảnh dì Nhân trong buổi chiều hai bố con tôi về, dì ôm chầm tôi và cái Hồng vào lòng, khóc tức tưởi. Lúc đó cái Hồng nói với tôi một câu rất người lớn: "Sau này dù có đi đâu, chúng mình cũng tìm nhau nhé".

Thực ra, trước khi gặp dì Nhân, tôi đã biết sơ về dì qua câu chuyện của người lớn. Dì là người phụ nữ nhan sắc, đẹp hơn mẹ tôi nhiều. Dì và bố yêu nhau trước khi bố lấy mẹ. Nhưng ông bà tôi không đồng ý với lý do "dì lẳng lơ" và sợ "đẹp sẽ xỏ mũi chồng". Đổi lại, ông bà đẻ nhà dì cũng không đồng ý bố tôi. Họ nhận gả cho một người quen, bố làm nghề buôn bè. Nghe đâu để gán nợ. Một hôm dì bị nhốt khóa trái buồng. Nửa đêm, người mẹ mở khóa, đẩy người đàn ông kia vào. Sau đó dì trốn nhà đi biệt. Tới mấy năm sau mới có tin đồn dì sống ở bến đò Chanh này. Còn cái Hồng chính là kết quả của cuộc hôn thú tội lỗi kia.

Bẵng đi mấy năm chiến tranh, tôi không gặp lại dì Nhân. Chỉ có một lần tôi giấu nhà tìm đến bến đò Chanh. Đấy là khi tôi đã lớn, bắt đầu biết nghĩ và đôi lúc vơ vẩn nhớ đến Hồng. Bến đò Chanh bây giờ là bến phà, một đầu mối giao thông thủy quan trọng, nên máy bay đánh phá ngày đêm. Cả một vùng hai bên bờ sông bom đạn cày xới, không một bóng nhà. Hỏi thăm mãi mới hay "bà chủ quán bún riêu" đã đi sơ tán tận vùng lòng hồ. Còn cô con gái tham gia thanh niên xung phong, hiện đang cùng đơn vị làm nhiệm vụ phá bom thủy lôi, mãi tận mãn thượng nguồn. Tôi đứng bần thần hồi lâu trước cái nền quán cũ và cầm về một viên sỏi trắng nhặt ở bến đò.

Tới khi tôi đã là một phóng viên báo, đi đây đó, tôi mới lại có dịp trở lại bến đò Chanh. Từ xa tôi nhận ra một mái nhà tranh đã mọc lên chỗ đầu dốc. Lòng khấp khởi mừng là dì và Hồng trở về, lại mở quán bún riêu. Nhưng khi bước chân vào sân, tôi chỉ thấy một người đàn ông chạc sáu mươi tuổi, ngồi xếp bằng tròn giữa nhà, đang phập phừng cây Măng-đô-lin cũ. Trông cũng còn khỏe, cường tráng là đằng khác. Người chủ ngôi nhà không biết có khách vào vì quá say hát hay vì đôi mắt sau cặp kính "thầy bói"? Mà lạ, ông hát toàn những bài về sông nước, có bài nghe rất mới như là do người hát tự đặt.

- "Thế ra cậu là... con ông bà...?". Ông hỏi lại tôi một cách ngờ vực, khi tôi xưng tên. Hình như ông biết khá tường về gia đình tôi, có thể là qua dì Nhân. Và đây là câu chuyện ông kể về gia đình ông, đúng hơn là về chính ông!

- "Tôi tìm lại mẹ con bà ấy khi đã bỏ lại sau tất cả tuổi trẻ, tiền bạc và những ngày sống như một giang hồ thủy tặc. Cậu biết không, tôi đã từng buôn thuốc phiện, những gói thuốc phiện giấu trong ống tre luồng, đóng bè thả xuôi. Cả một vùng sông nước này tôi thuộc như lòng bàn tay và những tay anh chị hảo hán đều là thuộc hạ. Nhưng cuộc vui nào rồi cũng đến hồi vãn. Cuộc đời lênh đênh sông nước, lắm tiền, cũng không ít họa, mãi cũng chán, để có một ngày bỗng thèm một mái nhà, tiếng trẻ. Tôi quyết định đi tìm bà Nhân. Lúc này tôi đã biết tin mình có một đứa con, đang sống với mẹ nó ở bến đò Chanh. Nhưng khi gặp lại, tôi đã lầm. Một lần nữa tôi tưởng tiền bạc có thể mua được tình. Bà ấy quẳng tiền của tôi ra sân và đóng sầm cửa lại. Tôi phải quỳ lậy sống hai mẹ con. Tôi chỉ xin một điều để cái Hồng nhận bố.
Chán chường trước ngõ cụt cuộc đời, tôi đem bị tiền quăng vào tửu quán. Nhưng tối lại về tế sống hai mẹ con, rồi nằm ngay ngoài hè. Giữa lúc đang như kẻ chết đuối tìm cọc, tôi gặp bố cậu. Tôi nảy ra ý định thử nhờ ông vì chỉ có tiếng nói của ông mới có thể lay chuyển được bà ấy. Không ngờ ông nhận lời. Cái nghĩa này của ông, tôi sống để dạ, chết mang theo. Thế mới biết, trên đời này vẫn còn người tốt".

Ngừng một lát, ông say sưa kể tiếp: "Hồi ấy quãng sông này sao xảy ra lắm vụ chết người thế. Phần vì bom thủy lôi, phần do tàu thuyền va đá ngầm. Tôi được dịp trổ tài sông nước và chút vốn hiểu biết luồng lạch, tham gia cứu hộ, trục vớt tàu thuyền. Nhiều phen cũng vào sinh ra tử và được cấp trên tặng bằng khen thưởng hẳn hoi. Tôi bị tai nạn cũng từ lần tham gia phá bom ấy. Và chính vào lúc ấy mẹ con bà Nhân mở cửa cho tôi vào. Bà ấy bảo "Cũng vì nể tình ông". Tôi thì tôi biết bà vì thương đứa con và vì có nhời của bố cậu. Cái tình cũ ở bà ấy còn nặng lắm...".

Từ đấy tôi chí thú làm ăn. Cũng có lúc máu giang hồ nổi lên, tôi lại muốn làm ăn một chuyến lênh đênh. Nhưng bà ấy bảo: "Người ta thì lo thông luồng mở lạch để biến con sông thành nơi sinh lợi cho dân cho nước. Còn ông chỉ muốn con sông là nơi vẫy vùng giao hồ thủy tặc, buôn lậu...". Thế là ý định trong tôi lại tan biến.

Kể đến đây ông lão hát xẩm lật đật đứng dậy như tìm cái gì, tôi phát hiện ra ông không mù, một chân đi tập tễnh. Tôi sốt ruột hỏi ông về dì Nhân và Hồng, vì mục đích tôi đến đây là để gặp họ.
- "Thế ra cậu chưa hay biết gì ư?"- Ông ta lại hỏi tôi – "Nói cậu bỏ lỗi, đã hai cái giỗ bà Nhân rồi. Ông bên nhà mất đầu năm thì bà nhà tôi mất cuối năm. Hôm ấy bà ra ghềnh mò cua đá, bị lũ quét ào về. Mấy ngày sau tôi mới mò được xác bà ấy. Trời thật bất công, người như bà Nhân, như bố cậu thì mất sớm, còn cái hạng người như tôi thì cứ sống dai. Nhưng thôi, cậu đừng trách cứ tôi mà tội. Tôi lẩn thẩn rồi... Còn cái Hồng, giờ em nó công tác ở trạm quản lý đường sông, cách nhà bốn cây số. Chiều nó về đấy!".

Tôi lặng người đi và không còn muốn nghe ông lão kể nữa. "Thế là không bao giờ gặp lại dì Nhân rồi".

Hình ảnh gương mặt đầy nước mắt, kìm nén một nỗi đau tê dại của người đàn bà đi theo tiễn bố con tôi hôm ấy, lại hiển hiện lên. Thì ra việc bố tôi đến thăm dì Nhân hôm đó chính là để hai người nói với nhau những lời cuối cùng của một mối tình.

Buổi chiều tôi theo ông lão ra viếng mộ dì Nhân nằm ở một doi cát cuối bến. Trên đường về, ông lão nói: "Tôi vẫn khấn cho bà Nhân và bố cậu kiếp sau gặp nhau...". Tôi thầm hỏi: "Liệu có kiếp sau không?".

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro