Đông sương mùi súng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nắng chiều vương xuống nhè nhẹ một chiều đông trên cánh đồng, hiu hắt qua từng ngọn bấc hanh khô. Lạ nhỉ? Đông mà có nắng. Cả một khoảng không trải rộng thế mà vàng giòn một màu nắng, nhưng cái lạnh thì cứ thổi lên từng đợt, lạnh cắt da cắt thịt. Cứ cái dạo đông rét cong này là tôi được má sắm đồ đông, mấy cái áo dày dặn, mặc ấm lắm. Cả Út nữa, hai đứa tôi hay thích diện đi khoe anh em thằng Quốc thằng Hanh. Tía không cho chúng tôi ra ngoài, tía nói là sợ chúng tôi lạnh.

Thế mà tía má bỏ chúng tôi đi. Có lẽ, tía má không còn lo chúng tôi sẽ lạnh nữa. Tía má nói dối chúng tôi mất rồi.

Mà cũng chẳng biết Út đang ở đâu, chẳng biết Út có lạnh không, Út của tôi ơi?

Trời này Út thích rúc vào người tôi lắm, mặc dù mặc cái áo dày bịch, em vẫn cứ thích dụi dụi làm nũng... Giờ Quốc cũng giống vậy, người đâu đàn ông đàn ang cứ rỗi ra là cọ cọ cái chóp mũi đỏ hoe lên cổ tôi đòi sưởi. Có khi hâm lên thì áp hai cái tay lạnh cóng như cục băng không tan lên má tôi, mu bàn tay rồi lòng bàn tay, cảm giác như má tôi đã đóng băng tới nơi rồi. Lắm lúc tôi giật mình định mắng Quốc, nhưng rồi lại thôi. Người gì đâu mà dễ thương quá chừng, hổng nỡ mắng.

- Mẹ mầy! Cọ vừa thôi!

- Hai mắng tôi đấy à? Thế mà Hai nói thương tôi...

- Nhưng mà cọ mãi vậy tao rát cổ bỏ cha! Chứ tao ghét mầy, tao còn nói thương làm gì?

Thằng Quốc cứ cười tủm tỉm mãi như đồ điên ăn phải bả chó. 

* * *

- Hai đi đâu mấy?

Rậm rạp cả một cánh đồng khô, từng bước chân tôi nặng trịch một nỗi ám ảnh. Đêm đó trôi qua trong tôi dài đằng đẵng, vang vọng thẳm sâu là tiếng thét xé lòng của chính bản thân, và có lẽ cả cuộc đời này, tôi sẽ không sao quên được.

Trái tim tôi quặn lại từng nhịp. Đau không nguôi ngoai.

Cách đây không lâu, vào thời điểm giao mùa mà thời tiết hay giở chứng, tôi ốm liên miên. Nhưng không còn ai khác, tôi nhận nhiệm vụ mở đường cho anh em về căn cứ. Tôi biết điều đó nguy hiểm, và trước đó, mẹ Quốc đã phải bỏ mạng vì xảy ra sơ xuất. Nhận nhiệm vụ trước khi tiến hành độ dăm hôm, tôi cũng đã lo lắng rất nhiều. Thằng Quốc nó không làm ầm lên như cái đợt tôi nhận nhiệm vụ đi lấy cắp bản đồ chế tạo súng, tôi chỉ thấy nó ngồi thủi một góc.

- Lần này đi phải hết sức cẩn thận. Hai lại còn đang ốm....

- Hanh... hổm rầy tôi cũng đỡ đỡ rồi, đừng lo cho tôi nhiều. Tôi làm được mà. Hanh ra coi thằng Quốc nó bị làm sao, chứ tôi thấy nó không ăn không uống... Khổ vậy. Chẳng biết nó nghĩ gì mà cứ thủi lủi như thế. Tôi sợ nó lại sinh bệnh ra.

- Chắc nó nghĩ chuyện u nhà. Xíu nữa có thể sẽ ổ-

- Hanh ơi!! Hanh! Lại anh biểu cái coi!

Tiếng gọi chanh chua của anh Kỳ cắt ngang cuộc hội thoại của chúng tôi, nó lù rù rảo bước về phía anh. Khi Hanh nói về má Quốc, tôi thấy trong mắt em nhuốm một màu u buồn ảm đạm, đâu đó... là đau thương mênh mang. Đôi mắt Hanh đẹp lắm, mỗi lần Hanh nhìn tôi cũng thế. Nó sáng như những ngôi sao xa xôi, những ngôi sao ngự trị đẹp đẽ trên trời đen kịt mỗi dịp tôi lén anh Tuấn thức khuya chỉ để chìm đắm trong mơ mộng. Tưởng chừng như những lúc như thế, cánh rừng của chúng tôi có thể chạm đến những vì sao, chạm đến bao lung linh của mây trời. Hanh cũng hay trốn ra ngồi cùng tôi, và đôi lúc, theo sau cũng sẽ có Quốc nữa. Ba đứa tôi, chỉ thiếu Út...

Khi tôi chỉ còn một bước đi nữa là chạm đến những ngón chân đang co quắp của Quốc, tôi thấy nó ngước lên nhìn tôi, bằng đôi mắt thấm đẫm những giọt lệ, bằng đôi mắt sáng trong như chưa từng vướng chút bụi đời nào. Tôi khựng lại, và tôi chưa từng cảm thấy Quốc giống với Út của tôi như bây giờ.

Ngây ngô. Thuần khiết.

Tôi vốn đã nghĩ rằng đó là một hình phạt mà chiến tranh mang lại cho tôi. Chiến tranh là đau thương và mất mát. Chiến tranh lấy đi của tôi một người em máu mủ ruột rà, lấy đi của tôi một gia đình sung túc. Thở một hơi dài giữa không trung, tôi ngỡ ngàng nhận ra...

Tôi chẳng còn gì để mất nữa.

Không nhà cửa, không gia đình.

- Hai... Hai ôm em... được không...?

Đầu tôi ong lên. Đau đớn. Mảng ký ức về Út như chưa từng một lần bị giấu đi khỏi trái tim tôi. Đôi mắt em hiện lên trong tâm trí tôi, sáng trong và mọi ký ức về em vẫn còn rất mới.

"Hai ơi! Em lạnh lắm! Hai ôm em được không?"

Út của tôi, trong đêm đông giá rét. Trong cái đêm mà ngay ngày hôm sau, chúng tôi sinh ly tử biệt, cái ngày mà tôi cắm đầu chạy vào trong rừng đến mức ngất đi. Cổ họng tôi nghẹn ắng hẳn lại, mũi sụt sịt như đang bị tắc nghẽn, tưởng chừng như không còn thở được. Môi tôi nóng ran, và hai mi mắt cũng đã ươn ướt. Đáng sợ thay, tôi đã khóc.

Tôi khóc trước mắt Quốc, mà có chăng là ảo ảnh. Hình bóng Quốc nhòe đi theo nước mắt. Tôi nhìn thấy Út yêu của tôi, nhỏ nhắn, gầy gò, hai tay em vươn về phía tôi, đôi mắt mong chờ một cái ôm. Em của tôi...

Tôi quỳ xuống, ôm lấy thân ảnh ấy, vỗ về như cái cách em từng dỗ tôi sau mỗi trận đòn của má. 

- Đừng khóc. Hai ở đây, đừng khóc....

Mãi cho đến khi Quốc gục trên vai tôi và thôi tiếng thút thít, tôi mới nhận ra nó đã ngủ. Khẽ vuốt tóc nó, tôi cúi thấp người, hôn lên trán nó trấn an. Hồi đó tôi cũng hay làm thế mỗi lúc dịu Út đi ngủ. Em sẽ không bao giờ chịu nằm yên cho tôi ngủ, trừ khi tôi hôn lên trán em với một câu chúc ngủ ngon. Đêm đó, tôi lại rón rén từng bước ra ngoài, chỉ để ngắm cảnh rừng một đêm cuối thu. Lá vàng cứ chốc chốc lại rơi xào xạc giữa đêm khuya tĩnh mịch. Tôi chỉ còn nghe tiếng thở đều đều của anh em, và đôi lúc là tiếng ngáy của anh Tuấn, hoặc tiếng nói mớ của anh Kỳ. Chúng tôi ở đây được các anh lo cho đủ mọi thứ, các anh như tía má tôi vậy, tận tâm và chu đáo. Thế nhưng tôi biết, họ cũng chỉ đơn giản là những đứa con nít của chiến tranh, những người mà... lớn khi chưa lớn mà thôi.

Lồm cồm mò đường trong ánh trăng dịu mát, tôi giật thót khi thoáng trông có bóng người ngồi trên gác mái, cái chỗ chắc chắn quen thuộc mà tôi vẫn rón rén mò lên mỗi đêm mất ngủ. Người đó quay lại, và dường như đã thấy tôi.

- Quốc mất ngủ đó hả? Chắc tại hồi chiều Quốc ngủ quên giời quên đất đó...

Quốc nhích người ra, chừa cho tôi một phần đủ rộng để ngồi lại mà không sợ bị ngã.

- Tôi lo nhiệm vụ của Hai ngày mai...

- Ôi dào ôi ông tướng ạ! Hai còn chưa nói thì mầy lo chuyện của Hai làm gì.

Tôi cười phì ra, Quốc lại ôm lấy đầu gối, thu mình lại.

- Khi đó má cũng nói với tôi như thế. Chỉ là... má không có về...

Quốc nhỏ giọng dần trong sự ngỡ ngàng của tôi, với cái tông đã lạc hẳn đi khi nó thở hắt ra một hơi tủi hờn. Tôi đáng trách, tôi lại gợi cho nó về những điều đáng buồn. Tôi rối rít vỗ vai Quốc, như là liệu pháp duy nhất tôi có thể làm để khiến nó dứt ra khỏi những suy nghĩ của quá khứ. Gương mặt nó méo xẹo đi, cái môi trề ra xấu xí và hai mắt hồi chiều sưng húp lại vì khóc giờ đã đỏ hoe và chực trào nước mắt. Nó nhìn lên xa xăm, như là để tránh cho nước mắt lại ào ra một lần nữa.

- Hai... Tôi đã mất má vì cái nhiệm vụ ấy... Hai... Tôi...

- Nào, Hai sẽ không sao cả.

- Hai... Hai có thương tôi không?

Quốc tròn xoe đôi mắt, nhìn tôi đầy ngây ngô. Gương mặt em còn vương chút non nớt của một đứa nhóc mười tám cái xuân xanh, tôi nhớ anh Tuấn đã nhẩm tính cho tôi là nhiêu đó tuổi. Chớ tôi thì không nhớ nữa, vì từ bận đi làm giao liên chỉ biết mình ít tuổi hơn anh Tuấn, anh Kỳ và anh Trân thôi. Tôi bật cười, ngả ngớn vỗ bộp bộp mấy cái lên vai nó.

- Tất nhiên là thương rồi! Mầy với anh em trong căn cứ, ai ai cũng như gia đình của Hai vậy đó! Mà anh em một nhà, không thương thì làm sao?

Đôi mắt trân trân nhìn tôi của Quốc bỗng trở nên rỗng tuếch. Ánh trăng hiu hắt rọi lên chúng tôi, phản trên làn da rắn rỏi sạm màu của Quốc những vết sẹo chiến tranh cùng với bùn đất lấm lem, em nhìn tôi chăm chăm. Tôi khẽ ròm kĩ lại một lần nữa...

Ráo hoảnh. Ngỡ ngàng.

Đôi mắt em từng chứa chan vô vàn trân quý, nhưng hiện tại, nó u tối, và trống trơn.

- V-vậy... nếu tôi Việt phả-

- Tất nhiên là tao sẽ từ mặt mầy luôn!

Tôi nói mà không cần suy nghĩ nhiều. Kể từ lúc tía má theo Tây tới giờ, tôi chưa từng nghĩ những người thân thiết với tôi như thế này sẽ bỏ lại kháng chiến mà chạy theo những thứ tởm lợm và ô uế như thế. Chúng tôi đã từng cùng nhau đứng trước kế hoạch chỉ huy kháng chiến đầu tiên, tay đặt trên ngực như cảm nhận được rõ nhịp đập của dòng máu Việt Nam, cùng nhau nói lời thề, cùng nhau sát cánh đến tận cùng của kháng chiến trường kỳ. Tôi cũng chưa từng nghĩ ai đó trong chúng tôi sẽ bỏ kháng chiến mà đi, và cũng chưa từng nghĩ đến một viễn cảnh phải đối mặt với nhau trong tình thế một mất một còn. Tôi thở dài nhìn xa xăm, bâng quơ nói ra tâm tình của bản thân.

- Hai luôn có niềm tin vào anh em ở đây. Nhưng nếu thiệt sự có ai đó theo Tây... Hai sẽ thất vọng lắm. Tình cảm không thể đặt lên trên đồng bào mình, Hai vẫn sẽ phải đối mặt. Nếu như người đó là Quốc...

- Hai hãy cứ cầm súng lên và bóp cò, nếu người đó là tôi.

Quốc nhìn tôi kiên định như thể em đang giấu tôi một bí mật nào đó rất kinh hoàng. Tôi cũng không dám gặng hỏi thêm. Tôi biết là Quốc sẽ không bao giờ phản bội máu mủ của mình. Tôi biết, em sẽ hành động như cái tên của em, Quốc, vì đồng bào, và vì chúng tôi.

*       *
*

Ngay hôm sau, khi mặt trời mới lấp lửng giữa cánh đồng xơ xác, chúng tôi đã xuất phát. Từ tờ mờ sáng cho đến khi chiều xuống tối tậm tịt mà mùi cỏ rạ ngập ngụa cả một cánh đồng mênh mang, chúng tôi đã rong ruổi cả một chặng đường dài. Dừng chân dưới một bụi rậm không mất quá nhiều thời gian, tôi đã tính toán trước. Không lâu nữa, chúng tôi sẽ phải đi qua một vùng đất "tởm lợm", "chết chóc", y như anh Kỳ từng nói. Mùi rơm rạ cay nồng khóe mắt cứ vậy mà bao quanh, đồng không mông quạnh đâu đó vọng lại tiếng cười đùa bẩn thỉu của bọn Việt phản. Tôi hơi rùng mình, bởi nơi này hoang vu như làng tôi cái ngày chúng nó đem quân đến đốt sạch, khói bốc lên như hòa cùng với mây trời, những thứ mà từ lâu chúng tôi đã không còn biết màu sắc nó ra làm sao. Cả một khoảng không dài rộng lênh thênh nặc mùi rạ đốt, ghê rợn, dễ khiến cho con người ta cảm thấy lạnh gáy, và không tránh khỏi nao núng. Đâu đó còn là những vệt máu khô trải dài, báo hiệu rằng nơi này từng chứng kiến một cuộc hỗn chiến, hoặc không, chứng kiến những lần ra đi đầy đau đớn mà chiến tranh đã mang lại.

Tàn bạo. Dã man. Mọi rợ.

- Đi qua cánh đồng kia nữa là tới điểm hẹn, sẽ có người chờ sẵn. Tôi sẽ đi trước dọn đường, anh em đợi đến cho đến chớm canh Tuất thì rút.

- Hai...

Quốc níu lại tay tôi, mắt em nhìn tôi đầy lo lắng. Tôi vuốt tay em trấn an, nhưng trong tôi đang lạnh toát mồ hôi. Tôi cũng run, và cũng lo lắng. Nếu có bị bắt, cùng lắm tôi sẽ không trở về, và chịu chết đi thôi. Nhưng có lẽ tôi không muốn, trong tôi vẫn đong đầy đôi mắt mơ của Quốc, tôi vẫn muốn theo đến cùng với kháng chiến, vẫn không muốn từ bỏ.

- Hai sẽ về. Nếu như đến canh Dần sáng hôm sau mà không thấy Hai về... thì... đừng tìm Hai nữa.

Tôi chạy vụt đi mà bên tai còn thoảng tiếng gió rít rùng rợn như muốn lấy đi cái mạng của tôi, thấp thoáng là tiếng thút thít của mấy đứa em gái ở căn cứ mà tôi rất yêu quý. Tôi không nỡ lòng nhìn chúng nó khóc, tôi sẽ nhớ về Út... Tôi sẽ yếu lòng mất. Suy cho cùng, kẻ nào đánh mạnh được vào bóng hình của Út trong tôi, kẻ đó sẽ nhanh chóng giết chết được con nhóc Hai Tình giao liên tôi. Nhưng thiệt lòng mà nói, tôi chẳng còn gì để mất.

Đúng thế, chẳng còn gì để mất.

* * *

Khốn khiếp thay. Tôi bị giặc bắt.

- Con Hai Tình đây phỏng? Ông nhà biểu tao tìm cho ra mày, tối nay ổng qua. Trùng hợp thay, mày tự chui đầu quay về đó hả?

Thằng Việt phản đem cái bàn tay với cái đầu móng dài đầy cặn đen và bụi bặm rờ từ mặt tôi, xuống đến cổ và gần đến ngực. Tôi bị trói chặt, bực tức phun ra nước bọt vào mặt nó. Bình thường tôi không sợ đất cát lấm lem, nhưng nếu cứ thế này, tôi sẽ chết đi trong ô uế và nhục nhã mất.

Khi tôi liếc mắt quanh cái căn hầm của chúng nó mà tính toán đường đi nước bước, tầm dăm thằng đứng quanh đó đang nhìn tôi, đê hèn, bẩn thỉu. Tôi trải qua đủ nhiều để biết nếu như tôi không chống cự, tôi sẽ ra làm sao. Nó làm cho tía tôi, nó nhắc đến tía tôi, nhưng cũng không phải dạng trung thần quân tử gì cho cam. Tía từng làm trong quan huyện, ít nhiều rồi tía cũng sẽ nhúng tay vào mấy vụ tham ô. Trước chúng nó bợ đỡ nhà tôi ra mặt, mà giờ phản, phản liền. Những thằng như thế sẽ sẵn sàng đem ra một vài chuyện không nên biết của tía tôi để hăm dọa...

- Ô kìa! Tao đã làm gì mày đâu mà mắt mày cứ trợn trừng lên thế hả con ranh con?

Thằng đó nắm lấy gáy tóc tôi dựt đến nhức óc, những thằng đứng xung quanh cười phá lên như một lũ điên. Đúng thế, một lũ điên! Một lũ điên khiến cho đồng bào tôi khổ sở, một lũ điên khiến cho những đứa trẻ như chúng tôi phải chịu cảnh chia lìa! Từ bận đi liên lạc, tôi đã được ôm tía ôm má lần nào đâu? Còn Út của tôi, chết ở đâu còn không thấy xác! Khốn, khốn lắm! Một lũ khốn nạn bán máu của anh em đồng bào, một lũ khốn nạn tiếp tay cho chiến tranh!

Tôi bị chúng nó gô vào một cái cọc giữa hầm, tôi bị chúng nó tát đến rát cả má. Đau lắm, rát lắm. Đau đến chết đi sống lại, đau mà không mở nổi mắt ra. Chẳng biết Út đang yên thân nơi nào, chẳng biết anh em chỗ Quốc đã tới được điểm hẹn chưa...

Cũng đã quá canh Tuất rồi.

Tôi gặp lại tía. Tía già đi trông thấy. Mà cũng phải thôi, đã dăm ba năm từ cái ngày cuối cùng tôi gặp tía, ngày mà Út đi. Tía ở nơi cao sang chả khác ngày trước là mấy, đi sau có kẻ hầu người hạ, cơm bưng nước rót đến tận mồm. Mà càng nhìn tôi càng chướng mắt. Trong khi những người như tía đang rảnh rang ăn chơi nghỉ dưỡng, chúng tôi phải lang bạt muôn nơi, lấm lem bùn đất. Mà thậm chí, còn phải lao thân vào những nơi như thế này.

- Hai Tình... Mầy mà nghe tía, đi với tía má mầy thì đâu có cơ cực như thế này? Sao đây? Sao mặt mầy bầm tím thế? Tía nói mà mầy đâu có nghe! Giờ chúng nó đánh cho, không trách được.

- Tôi không có quan hệ đếch gì với Việt phản cả! Ông nói đám lính của ông thả tôi đi! Mà nếu không thả, thì giết chết tôi cũng được. Có moi cũng không moi được cái gì từ tôi đâu!

Thằng Việt phản sau lưng tía chĩa thẳng cái nòng súng vào cổ họng tôi, mở chốt, lên đạn. Thằng ở đằng sau giựt tóc tôi, như là ép tôi phơi cái cổ họng yếu ớt ra. Nó nạt nộ tôi tinh tướng. Tôi liếc tía, mà tía chỉ ngồi vuốt cằm bình thản.

- Mày hỗn!

- Ròm, bỏ súng xuống! Tất nhiên, tía sẽ thả mầy đi nhanh chóng. Nhưng mầy, và lũ anh em của mầy cẩn thận cái mặt tao. Lão Bảy tía thằng Quốc cũng chẳng tốt lành gì cho cam đâu! Đấy là tao nói để cho mày biết!

Tía chỉ thẳng vào mặt tôi. Giờ thì tôi mới hiểu được cảm giác của dân đen khi đối mặt với những người như tía, chẳng khác nào một con chó đang ngúng nguẩy sắp chết. Mà hơn hết lại không có lựa chọn. Được thả đi và phải đánh đổi một điều gì đó, không thì chịu chết. Chết lại có nhiều cách thức, chết từ từ hoặc là chết ngay lập tức. Lão phun nước bọt xuống ngay chỗ đất mà tôi đang phải quỳ, chuẩn bị đứng dậy.

- Tha hóa, tha hóa hết rồi! Từ nhỏ ông răn dạy tôi như thế nào ông đã quên rồi sao? Đồ Việt phản hôi hám dơ hèn! Tôi không có người cha nào như ông! Ông định làm gì bọn họ? Ông chỉ cần nhắm vào tôi! Một mình tôi thôi! Và dù ông có làm gì, tôi cũng sẽ chọn kháng chiến!

- Ngu! Tao với má mầy đẻ mầy ra, nuôi mầy từ bé tới lớn, mầy thông minh lanh lẹ thế nào tao cũng đã rõ, mà mầy liều lĩnh thẳng thắn thế nào tao cũng không lạ. Mầy thử nghĩ mà xem, tại sao năm năm trước chúng nó lại không gô cổ mầy lại, giải quyết một thể với con Út Lương?

- Gì cơ...? Ông... ông đã để xác con bé ở đâu rồi? Ông để em tôi ở đâu?? Bỏ ra!! Út của tôi đang ở đâu??

Cổ họng tôi giống như mắc một cục xương lớn, hai tai ù đi đau đớn và trong thân tâm đang chết lặng. Khốn lắm! Chúng nó còn định giữ lại tay tôi, đau đến khó thở. Trước mắt tôi là một con quỷ, một con ma mọi rợ. Dã man khôn cùng! Lão nhìn tôi cười khẩy, và từ nhỏ tôi đã quen bởi những lần ăn hối lộ của lão. Một điệu cười mà đang toan tính muôn ngàn điều ở trong đầu, một nụ cười mà dễ khiến người ta thấp thỏm để bụng.

- Mầy khôn lắm cơ mà? Để đánh đổi lấy nơi an yên của em mầy, thì nói tao nghe, căn cứ ở đâu? Ngoan, chỉ cần nói cho tía căn cứ chỉ huy ở đâu, tía sẽ dẫn con đến tận mộ mả của Út. Lúc đấy, con muốn như thế nào tía cũng sẽ đồng ý.

"Đoàng!"

*            *
*

- Hai ơi! Hai phụ em thay thuốc với.

Cũng đã lại dăm tháng nữa từ đêm đó tôi gặp lại tía, người đã làm phản với đồng bào. Quốc và anh em đến cứu tôi, đồng thời đánh sập chốt điểm của chúng nó. Quốc đỡ cho tôi một nhát dao và một phát đạn, tôi sống sót. Thế nhưng anh em của tôi... Đêm đó, trong một cái lán xập xệ gần khu hầm, tôi sơ cứu cho Quốc... 

Sau tiếng mìn vang dội, cả cái hầm của chúng nó sụp xuống, tôi vội chạy thoát thân. Đất đá rơi xuống, liên tiếp theo đó là mùi khói súng cay nồng. Trong bụi bặm và khói mù, tôi thấy tía giựt vội khẩu súng, nả đạn bừa bãi không ngừng. May rằng có Quốc, người đã đỡ cho tôi phát đạn trong cơn xả súng liên hoàn đó, và liền ngay sau đó là một nhát dao của thằng Việt phản chó chết. Tôi khệnh khạng đỡ Quốc ra đến cửa hầm, và mặc cho em kêu gào một góc, tôi định xông vào cứu người còn lại, Hanh. Thế nhưng cơ sự không thành, cửa hang bị chặn kín. Trong đó, đất đá vùi Hanh bé nhỏ vào lòng đất... 

Tôi sụt sịt nước mắt nước mũi đầm đìa, vừa sơ cứu cho Quốc, mà vừa nghe Quốc kể lể. Em nói em với Hanh đánh lẻ, trữ một quả bom và hai khẩu súng để quay lại cái chỗ tôi bị mất dấu. Trong tôi lẫn lộn cảm xúc, vừa thấy thương, mà vừa thấy trách. Phải chi chúng nó ở yên cứ điểm, ở yên với anh em chỉ huy thì giờ đã không xảy đến cơ sự này. Tôi không biết nên nói gì, muốn trách cũng không được, mà giờ nói cảm ơn cũng không xong. Tôi cũng không biết tía có trốn thoát được không, hay cũng nằm yên trong đó rồi. Tôi khóc dữ lắm, về đến căn cứ chỉ huy cũng vẫn sướt mướt như mưa. Buồn chứ, sao mà không được. Tôi đã mất Út, mà giờ lại mất cả Hanh. Chỉ bởi vì tôi, chỉ bởi vì cứu tôi... Mà, tôi cũng chẳng tìm được mộ mả của Út.

Giống như Út, Hanh đi mà không để lại điều gì, đi mà quá đột ngột. Cảm giác ấy ngứa ngáy đến tận xương tủy, như là cận kề ngay đó, nhưng chỉ có thể giương mắt ra nhìn, nhìn những người mình thương yêu ra đi, và bản thân không làm được gì. 

Mai kia kháng chiến có đi đến ngày cuối, rồi không biết ai lo mộ mả cho em, không biết ai sẽ ngày ngày đến dọn dẹp và chăm sóc cho nơi an nghỉ của em? Tôi biết trời đất không phụ lòng người sống tốt, nơi mà em yên nghỉ vĩnh hằng sẽ là nơi ngát xanh sắc cỏ và biêng biếc màu trời. 

* * *

Tôi cùng Quốc đi dọc con đường làng của chúng tôi. Nắng chiều chiếu đến âm thầm, nhẹ nhõm. Chúng tôi vừa đi thăm Hanh về, cái căn hầm bị đất đá lấp sạch đó. Còn Út thì sao... Em đang nằm lạnh nơi chốn nào? Tôi vẫn mãi không thể biết. Em có chăng là mây, có chăng là gió, có chăng là cây cỏ, là hơi ấm của đồng bào, rong ruổi cùng tôi mỗi tuyến hành quân, ôm ấp lấy tôi qua bao bão gió bụi đời. Cỏ khô rậm rạp từng bước tôi đi, tôi nhớ em, nhớ Hanh, nhớ những nắng mưa ấm áp có nhau. Tôi chưa từng yêu, mà cũng chưa từng bị quật ngã. Chỉ rằng người cạnh bên tôi là một ông thần hộ mệnh, chỉ rằng người cạnh bên tôi nói với tôi sẽ không bỏ tôi lại một mình.

"Hai ơi! Mai kia Hai có lấy chồng, Hai đừng có quên Út nghe! Hai có gì buồn, thì không được giấu em đâu đó." 

"Út ạ. Hai chỉ dám quên mình, không dám quên em."

"Hai ơi! Hai đi làm nhiệm vụ mà thấy có nguy, thì bắn quả pháo này nghe không? Tôi sẽ không để Hai đợi lâu đâu."

"Hanh khờ quá đi. Pháo này còn để anh em dùng để mà gọi tiếp viện. Hai tự lo được mà, Hanh đừng có lo lắng quá nghen."

Trên tay tôi là nhành hoa trắng mà Quốc đã hái. Chúng tôi chỉ đi bên nhau, không nói gì. Đồng quê mênh mang bạt ngàn, vương lại đâu đó là tiếng cười của hai lũ nhóc năm nào. Út ơi, là Út mấy lị Hanh đó! Tôi trông theo xa, nghĩ đến ngày đó vui cười hồn nhiên, mà cũng nghĩ đến một mai tôi có Quốc bên cạnh. Hoa ban trắng Quốc trao tôi, Quốc nói coi như là để Quốc giữ lời hứa sẽ không bỏ tôi. 

Chẳng biết má đang nơi nao, chẳng biết má có đang nhớ hai đứa chúng tôi tôi... Một người năm nay hăm tám, và một người mãi mãi mười sáu xuân xanh. Làng tôi đó, hoang tàn đổ nát, giờ đã um tùm cỏ dại. Cỏ mọc xanh thắm quanh cái cọc giữa đồng, nơi đất trời thiêng liêng chứng kiến em tôi ra đi. Làng đã bị đốt trui đốt trụi từ lâu, giờ, chỉ còn cái đình làng xập xệ, bụi bặm, tưởng như chỉ cần một mùa mưa bão nữa là sẽ sụp đổ. Đồng đa vắng quanh, chắc người làng đi tản cư cũng đã không quay về nữa. Chỉ còn chúng tôi nơi này, lặng ngắm một mảng đất um tùm mà chiến tranh đã để lại. Đâu ai biết làng tôi từng nhộn nhịp biết bao. 

Đâu ai biết chúng tôi từng có một mái ấm yêu thương biết bao... Và cũng đâu ai biết cái cảnh chúng tôi lang bạt, chui rúc từng xó xỉnh, hay cái cảnh chúng tôi bị tra tấn, hành hình, mà thậm chí cũng đã có người theo kháng chiến, bỏ mạng ở một nơi không ai ngờ đến.

Chiến tranh khốn khổ.

Chiến tranh mất mát.

Chiến tranh đau thương.

Tôi vẫn còn nhớ cái đêm tôi gặp lại Quốc, khi tôi đang ở tạm trong một cái lán xập xệ để liên lạc và theo dõi tình hình tiến quân của địch. Tôi vẫn còn nhớ tôi đã chạy thục mạng, tôi vẫn còn nhớ đêm đó nằm canh Quốc ngủ mà trái tim thổn thức từng nhịp chiến tranh, đau đớn từng hơi nồng của quê hương. 

"Tôi, Quốc đây!"

"Ô kìa, khóc xấu khóc xấu. Thương thương..."

* * *

- Hai này! Tôi... Tôi thương Hai.

- Vậy là trước giờ mầy ghét Hai đó hả?

- Thiệt tình! Tôi nghiêm túc đó. Tặng Hai một nhành hoa trắng, tức là hẹn Hai một mai đất nước bình yên, đồng bào bà con có cái ăn, cái mặc. Khi đó... tôi dọn về ở với Hai, nhé? Hai đừng nói lời từ chối, tôi đã hứa với Hai như thế mà. 

...


Hạ nồng mùi máu,

Đông sương mùi súng. 

Đợi ngày mưa đi,

Chờ ngày nắng về. 

Trân quý từ Sến - Seonie.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro