Đọc một tác phẩm trung đại bỗng có chút nhớ.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trên đời phương thức biểu đạt nhanh nhất, hoàn hảo nhất không gì khác ngoài lời nói. Nhưng lời nói đôi khi quá trực tiếp, quá thấu triệt, không được hoa mỹ và uyển chuyển cho lắm, nên một vài người đã nghĩ tới việc lồng ghép hàm ý muốn biểu đạt qua thơ từ, văn chương. Văn chương nhiều khi rất khó hiểu, vòng vo tam quốc đến cuối cùng cũng chỉ để diễn đạt một ý mà ta có thể tóm gọn trong vài câu. Nhưng cũng chính bởi vậy, hàm ý diễn đạt qua văn chương nếu có thể suy ngẫm, thấu hiểu thì sẽ sinh động, khắc sâu vào tâm trí ta hơn việc nói toẹt ra rất nhiều. Chính bởi vậy ta mới cần đọc sách. Biết vậy, nhưng tôi cũng không phải người đọc sách nhiều cho cam, và đa số sách đọc đều là ngôn tình yêu đương ướt át. Với vài người, đó dường như là sách để giải trí, không chút giá trị, thế nhưng đọc lâu rồi tôi mới nghiệm ra thực ra ngôn tình, tuy phi thực tế, tuy ướt át nhưng vẫn ẩn chứa rất nhiều triết lí nhân sinh, và nhiều bài học mà theo tôi, là bổ ích. Ngay từ đầu đã nói, văn chương, vốn là cách con người biểu thị cảm xúc của mình một cách uyển chuyển, sinh động hơn, vậy vì lí do gì ngôn tình là sách rác, không có giá trị? Bởi lẽ tuy không có thực nhưng đó chính là tâm tư, suy nghĩ và đôi khi còn lồng ghép chính kinh nghiệm của tác giả vào câu truyện của nhân vật, vì lẽ đó nhiều người mới muốn đắm chìm, say mê trong cảm xúc vốn có lẽ cả đời sẽ chẳng trải qua. Vậy có thể nói, không thể loại văn chương nào, kể cả dâm phẩm là rác cả, bởi chúng là thứ tác giả muốn truyền đạt, là ham muốn hay đôi khi chính kinh nghiệm sống của tác giả. Và theo đó việc miệt thị sách chính là đang miệt thị người tạo ra nó cũng như cảm xúc của họ. Nhắc lại một chút chủ đề tôi đã nhắc trên tựa. Hôm nay đọc một cuốn truyện cận đại, mới thấm thía câu thơ của Nguyễn Du trong truyện Kiều:
"Buồn trông cửa bể chiều hôm
Hoa trôi man mác biết là về đâu."
Dù đã từng được nghe giảng và cũng phân tích kĩ càng câu thơ này rồi đấy, nhưng chỉ khi đọc qua cuốn sách này, tôi mới thực sự thấu triệt sự bất lực và cam chịu của người con gái khi xưa. Cha mẹ đặt đâu con ngồi ấy, chồng đánh mẹ chồng rủa xả vẫn phải quỳ lạy mà giữ đạo làm con, phải lòng ai thương ai, cũng phải xem liệu có môn đăng hộ đối. Số phận người phụ nữ cận đại được Nguyễn Du so sánh như cánh hoa, đẹp thì đẹp đấy, nhưng mong manh, yếu ớt, nước đẩy đi đâu thì trôi tới đó, để rồi sau này tan nát trong sóng gió cuộc đời lúc nào chẳng hay. Con gái lấy chồng như bát nước hắt đi, vậy sao? Lấy chồng rồi là máu mủ ruột rà cũng chỉ như nước lã sao? Tôi đột nhiên cảm thấy biết ơn sâu sắc khi sinh ra trong thời đại nam nữ bình đẳng như bây giờ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro