Bánh Ống

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bánh kẹo hẳn là thứ không thể thiếu trong tuổi thơ của mỗi người, đặt biệt là những đứa trẻ háo ăn như tôi. Tuổi thơ của tôi, chỉ cần đến tiệm tạp hóa là có ngay đủ loại bánh kẹo muôn màu muôn vẻ. Tôi thích những gói snack giòn rụm, những chiếc bánh xốp nhân kem béo ngậy và những viên kẹo đủ mùi vị. Nhưng những loại bánh kẹo này hôm nào tôi ăn nhiều là người cứ ho sù sụ, hai lỗ mũi bị tắt, thở khò khè, và ba mẹ lại bắt uống thuốc nữa. Không thích cảm giác này chút nào, nhưng vẫn ăn! Cho đến khi phát hiện ra một loại bánh mà tôi ăn nhiều cũng chẳng bị nóng như mấy loại bánh kẹo kia: bánh ống. Món ăn dân dã làm từ hạt ngọc của trời, có từ lâu lắm, ba tôi bảo, từ lúc ba biết ăn vặt thì đã có món bánh này rồi. Chỗ tôi bánh ống không đắt, nhưng cũng không phải muốn ăn là mua được ngay, phải đợi.

Đợi chiếc ghe nhỏ tròng trành của vợ chồng bác Năm đi qua, đợi tiếng máy rao lanh lãnh, đợi một mùi thơm nhè nhẹ phả trên mặt sông. Trên chiếc ghe nhỏ là vợ chồng bác Năm, họ mưu sinh bằng nghề bán bánh ống dọc theo sông. Hễ mỗi lần nghe tiếng rao của bác là tôi lại xuống chạy ra bờ sông gọi lại tâm trạng vui vẻ vì sắp được ăn bánh ống. Khi bác cập ghe vào bờ, mẹ tôi sẽ đông lấy hai lon gạo rồi mang xuống cho hai bác ấy. Trong ghe là một cỗ máy diệu kỳ có thể biến những hạt gạo khô cứng thành những ống bánh thơm lừng, giòn tan. Tôi thấy bác Năm dùng một lực thật mạnh để xoay cái tay quay, cho máy khởi động. Tiếng lạch cạch phát ra, một làn khói đen bốc ra, kiểu phổ biến của những động cơ đốt trong thời xưa. Thoạt đầu tôi cũng thắc mắc chiếc máy ấy trong đen xì vậy có khi làm ra bánh có bị lẫn dầu nhớt hay ám khói gì không? Tôi hỏi ba, ba tôi bảo không đâu chỗ để đúc thành bánh sẽ ở một khoan riêng, tách biệt hoàn toàn với nơi làm việc của động cơ.

Hèn chi! Bánh thơm phức dù được làm ra một chiếc máy có phần xấu xí. Nó giống người dân quê mình ba nhỉ? Tay lấm chân bùn quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời, nhưng làm ra những hạt gạo dẻo thơm dâng cho đời.

Trong khi bác trai đang loay hoay cho gạo vào vào cái phễu đặt trên máy, thì bác gái đang giả đậu phộng cùng với vài thứ như dừa nạo, đậu phộng, mè, và một vài gia vị, sau đó cho vào chiếc phễu đầy gạo mà mẹ mang ra lúc nảy, trộn thật điều. Chiếc phễu to lấm tấm rơi xuống những hạt gạo, được chiếc máy phía dưới đón lấy, rồi nhào nặn thành một chiếc ống dài đang từ từ chui ra một cái rãnh nhỏ trên máy, có khói bốc lên, nhưng lần này không phải là làm khói đen xì xì nữa, mà làn khói trắng sực nức mùi gạo dẻo, mùi dừa, mùi đậu phộng... thơm ơi là thơm!

Chiếc ống dài giòn xốp ấy được bác gái cắt thành từng đoạn tầm hai gang tay rồi xếp vào một cái túi nilon lớn, hai lon gạo của mẹ có thể đúc được tầm hai túi, ăn được trong rất lâu. Để bánh giòn lâu không bị mềm, phải dùng một sợi dây buộc chặt miệng túi lại, khi nào cần ăn thì hãy mở ra. Tiền công cho mỗi lần đúc bánh là mười lăm nghìn, còn gạo thì nhà tôi có sẵn không phải mua nên tính ra món bánh quê này rất rẻ so với những món bánh kẹo đóng gói ngoài cửa hàng. Bánh ngon, lại rẻ nên mỗi lần hai Bác ghé bến sông nhà tôi y như rằng sẽ đắt khách. Không chỉ có mỗi nhà tôi đúc bánh, mấy nhà hàng xóm bên cạnh cũng mang mang gạo mang túi sang để đúc bánh. Chắc khó có ai có thể cưỡng lại mùi thơm thoang thoảng gọi mời của món bánh quê bình dị, chân phương.

Vào buổi chiều, khi trời vừa tắt nắng, bọn trẻ chúng tôi hay tụ tập trước sân vừa vui đùa vừa nhai những ống bánh. Âm thanh rạp rạp của những chiếc răng đang khoái chí khi va vào một thứ bánh giòn tan, rồi sau đó tan ra thật nhanh trong miệng. Có một chút ngọt, không phải vị ngọt của đường hóa học mà là vị ngọt của những hạt gạo được làm ra từ bàn tay cần mẫn của ba tôi. Một chút béo, vị béo vừa đủ không làm người ta ngấy mà có thể ăn hoài, ăn đến khi bụng no căng cũng không sợ bị nóng. Tôi yêu món bánh quê dân dã này cũng như yêu những dòng sông, những cánh đồng lúa, những con người chất phát của làng quê.

Ngày nay, cuộc sống mưu sinh trên sông giờ đây không còn phổ biến như trước nữa, phần vì bộ được xây dựng rộng khắp, phần vì sông ngòi ô nhiễm, nó trở thành nơi người ta xả rác nhiều hơn là nơi để phương tiện đường thủy lưu thông. Mặt trái của sự tiện nghi trong cuộc sống hiện đại là sự hủy diệt môi trường. Bánh ống giờ không chỉ được làm ra trên những chiếc ghe nhỏ lênh đênh trên sông, mà đã được sản xuất mà đóng gói đẹp mắt ở những xưởng sản xuất bánh kẹo, vận chuyển đi muôn nơi. Nhưng đâu đó, trong tuổi thơ của những đứa trẻ, vẫn tồn tại ký ức ngọt ngào của sự háo hức chờ đợi ghe bánh ống cập bến, rồi chăm chú nhìn những ống bánh cứ dài ra từ trong chiếc máy diệu kỳ, và khoảnh khắc thưởng thức hương vị khó quên của những chiếc bánh ống.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro