Tản Ðà, thi sĩ của "thực" và "mộng"

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tản Ðà, thi sĩ của "thực" và "mộng"

Hoài Việt Hoài

Thường tình thì chất lãng mạn trong thơ của Xuân Diệu thật khó đi đôi với lối phê phán hiện thực của Nguyễn công Hoan ; tính hài hước của Tú Mỡ cũng khác với kiểu tả chân độc đáo của Nguyễn Tuân. thế mà tất cả những văn thi sĩ đó đều nhận mình chịu ảnh hưởng của Tản Đà (1) ; ngay cả nhà viết tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng là Nguyễn triệu Luật cũng cho raüng : nếu mình làm nên sự nghiệp gì thì cũng là nhờ đọc Tản Đà hồi còn trẻ. Điều đó nói lên Tản Đà thật là một con người đa dạng : lãng mạn và hiện thực, hài hước và phê phán, hưởng lạc và yêu nước. Sự đa dạng về khuynh hướng đã đưa ông đến sự đa dạng về thơ, ông làm đủ loại thơ : đường luật, ca trù, thơ bảy chữ, thơ tự do.. Tản Đà là người có những dòng thơ "phong phú, lắm vẻ, đủ trang hoàng cho cả một giai đoạn văn học "(2), "người mà trong thi nghiệp của mình, đã một mình làm được cơn gió lạ "(3). Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu người đó qua những khuynh hướng thi ca của ông .

MỘT TÂM HỔN LÃNG MẠN

Các nhà phê bình hiện đại đều đồng ý đặt Tản Đà làm gạch nối giữa hai thế hệ thơ cũ và thơ mới. Vì tuy xuất thân từ nề nếp Nho Phong cũ (4), tuy thông thạo các thể thơ cổ từ năm 14 tuổi, nhưng ông lại có một tâm hồn lãng mạn, sáng tạo ra những câu thơ không xa lạ lắm với dòng thơ mới về thể điệu, hình ảnh, ngôn ngữ, và nhất là tâm tình. Có lẽ sự lãng mạn đã có từ buổi thất tình với nàng Đỗ Thị ở phố Hàng Bồ, cộng thêm sự hỏng thi năm Nhâm Tý (1912) khi ông tròn 23 tuổi, đã đưa ông vào những "Giấc mộng con " và "Giấc mộng lớn", mơ lên hầu trời, gặp các danh nhân, đàn hát với các mỹ nhân, đi du lịch Âu Á . Và ở đây, chúng ta thấy cái lãng mạn của Tản Đà có phần khác các nhà thơ xưa, đã đành rằng ông chán nản vì thất tình, công danh lận đận, sống nghèo khổ. nhưng ông không ngồi thở than cùng trăng hoa mây gió, cũng không đến với thuyết Lão Trang để coi đời là bụi bặm, nơi ở trọ, và sống dửng dưng, ẩn dật. Nhưng là thái độ ham sống, mơ ứơc lên trời để giãi bày tâm sự với Hàn Thuyên, Nguyễn Trãi trong "Giấc mộng con ", là đi du lịch khắp nơi học hỏi cái hay của xưa người trong "Giấc mộng lớn ", là thích chơi : thơ, rượu, và ăn uống .

Ai đã hay đâu tớ chán đời

Đời chưa chán tớ, tớ còn chơi . (Còn chơi )

Và chính thái độ lãng mạn có vẻ tích cực này, đã đưa tài nghệ của nhà thơ lên cao, xứng đáng là "bậc đàn anh " của những nhà thơ mới, với những câu thơ tuyệt diệu:

Trên trời Chức Nữ cùng Ngưu Lang

Một giải sông Ngân lệ mấy hàng . (Thu khuê oán )

Như những thi sĩ của dòng thơ mới,ông nói nhiều về cái tôi của mình, nhưng là cái "tôi " thật dễ thương :

Người ta hơn tớ cái phong lưu

Tớ cũng hơn ai cái sự nghèo .

Và cùng với ái tình, cái "tôi ", Tản Đà cũng nói nhiều về thiên nhiên với những hình ảnh và cách dùng chữ thật thần tình :

Con sông chạy buột về Hà

Nhớ ai Hà Nội trông mà ngùi thương .

Nhưng đẹp nhất, giầu hình ảnh và nhạc điệu nhất, và biểu trưng cho thơ lãng mạn của Tản Đà là bài thơ "Tống biệt " . Đây là bài thơ các Tiên nữ tiễn đưa Lưu Thần và Nguyễn Triệu từ Thiên Thai trở về hạ giới; thế nhưng toàn bài chả thấy Tiên và cũng chả thấy người. Tác giả chỉ vẽ cảnh tiên cùng với những câu dài ngắn khác nhau như những "bước đi một bước, giây giây lại dừng " làm đậm thêm lòng lưu luyến; rồi thời gian như "nước chảy, huê trôi "sẽ làm cho cõi Tiên trở thành giấc mơ của một "trời đất từ nay xa cách mãi ", chỉ còn "bóng trăng chơi "một mình cô độc, "thơ thẩn " ở cõi trời, cõi đời, và ở trong lòng người.

Nói như nhà văn Trương Tửu:"Trong nghề thơ có ba điều khó nhất : tả cái vô hình, tả cái bất động, và tả cái tối mù ; thì Tản Đà đã làm được hai :tả cái vô hình trong bài "Tống biệt ", tả cái bất động với bài "Thề non nước " (5). Đây là hai trong những bài thơ hay nhất của Tản Đà, biểu lộ tài năng của một thi sĩ lãng mạn mà không xa rời cuộc sống. Một cuộc sống tuy không dễ chịu cho lắm, nhưng ông đã dám đảm nhận và tự hào với khí khái của một nhà thơ .

II. MỘT CÁI NHÌN HIỆN THỰC

Tuy là người lãng mạn, nhưng Tản Đà lại có cái nhìn rất thực tế . Với tâm hồn nhạy cảm, ông rất dễ cảm thông với nỗi khổ của dân, đặc biệt là nỗi khổ của những người tài sắc , và ông thường đặt họ trong những cảnh ngộ đau thương :" hồng nhan đa truân", "tài tử đa cùng" dường như đã là số mệnh. Và những bài thơ thật hay của ông thường là nhưng bài thơ buồn, nói lên một cái gì cách biệt, chia lìa như bài "Cánh bèo ", "Thăm mả cũ bên đường ","Tống biệt " được viết lên trong tâm trạng đó, và ông được người ta gọi là "Thi sĩ của phôi pha " (6). Thơ của ông sở dĩ thật hay là vì phản ảnh hoàn cảnh và tâm trạng của chính tác giả, một tâm trạng không do ông tưởng tượng, nhưng là của chính ông , phũ phàng, thực tế : thất tình, thi rớt, đóng cửa nhà báo, sống trong cùng khổ. Nhìn những khó khăn mà không giải quyết được, ông đã thở than :

Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi

Trần thế em nay chán nửa rồi . (Muốn làm thằng Cuội )

Đã "nghèo chỉ có văn, văn lại ế ", may mắn thay, ông tìm được sự ủi an trong cõi mộng : nhà thơ được "hầu Trời", và đọc thơ cho Trời nghe, để rồi :

Chư Tiên ao ứơc tranh nhau dặn

Anh gánh lên đây bán chợ trời . (Hầu trời )

Nhưng đó chỉ là trong cõi mộng, và trong một cõi mộng thật chua chát :Thơ văn mà đi bán "chợ trời ", rồi cụ Hàn Thuyên cũng cảm thông, than thở cho ông "Báo An Nam mà đình bản thì còn gì là nước An Nam !" (Giấc mộng con ). và thật là cay đắng khi :

Bao nhiêu củi nước mới thành văn

Bán được văn ra chết mấy lần

Ông chủ nhà in, in đã đắt

Lại ông hàng sách mấy mươi phân .(Lo văn ế)

Nơi Tản Đà, cái mộng và cái thực như quyện lẫn vơi nhau : cảnh khổ và sự lãng mạn đẩy ông vào mộng, nhưng trong mộng lại nói toàn chuyện thực và cũng chả giải quyết được gì. Thế nhưng cái hay của Tản Đà là ở chỗ ông không mặc cảm, cho rằng đó là số phận của những kẻ tài hoa, và tự hào chấp nhận cuộc sống, với tinh thần lạc quan :

Còn trời còn đất còn non nước

Còn có thơ ca bán phố phường . (Khối tình con )

Ở đây, có người cho rằng vì Tản Đà là con người lãng mạn, nên đã thoát ly thực tế, quay lưng lại với cuộc sống để hướng về cõi mộng, hết "Giấc mộng con" rồi" Giấc mộng

lớn ",chìm đắm trong hoang tưởng khi gặp Trời, Tiên, cùng danh nhân kim cổ. Thoạt nhìn thì điều đó có vẻ đúng; nhưng chúng ta đừng quên một Tản Đà của dòng thơ cổ,một người chịu ảnh hưởng của Đạo Nho và tự nhận mình có chân tâm với nho Học, lẽ nào ông chịu làm ngơ trước cảnh bát nháo của cuộc đời. Ông đã viết "Xã Hội ba đào ký "là 1 tiểu thuyết hiện thực nói lên cuộc sống nổi chìm của xã hội, có ảnh hưởng đến cuốn "Bước đường cùng " của Nguyễn công Hoan sau này. Rồi ông đã ra báo An Nam, viết "Giấc mộng con ", "Giấc mộng lớn ", đem những điều khó khăn của dương thế lên "hầu trời " mong nhờ Trời giải quyết hộ; Ông đã lên trời để lo cho đời chứ không phải để mộng và ngủ : một tư tưởng yêu nước và lo đời "ở trong mộng ", kể cũng thật lạ đời , nhưng đó là cung cách của Tản Đà mà chúng ta cần cảm thông và hiểu. Nếu bắt ông có cái nhìn hiện thực như những nhà văn khác : lên án những bất công xã hội, chống đối cường quyền. ; ông thật không có, vì nó đi ngược lại với bản lĩnh và cá tính của ông; ông không thể nhập cuộc cùng cái xa lạ với cảm nghĩ và tâm tình của mình. Cái hiện thực của ông là :thấy sự nghèo khổ nhưng không bị bó buộc day dứt, lại tự hào và sống thanh cao, dưỡng nuôi một tư tưởng phóng khoáng. Thật ra, ông cũng chả khoanh tay đứng nhìn, nhưng đã từng hành động : Viết báo An Nam để mong giáo dục quốc dân, muốn dùng phương tiện báo chí để tác động lên xã hội một cách mạnh mẽ hơn . Nhưng việc không thành, báo nhiều lần đóng cửa mở cửa, rồi chết hẳn ; viết sách báo đề cao thuyết Thiên Lương, kêu gọi mọi người đùm bọc nhau ", không có hiệu qua û; viết văn,"văn lại ế ", ông ngậm ngùi than :

Lạnh lẽo hơi sương toà tạp chí

Lệ ai giàn giụa với non sông

Dân hai nhăm triệu, ai người lớn

Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con (khối tình con )

Nhìn thấy Nho học đã tàn vì người ta chạy theo bạc tiền danh vọng, như nhà thơ Tú Xương đã từng viết :

Cái học nhà nho đã hỏng rồi

Mười người đi học, chín người thô i.

Tản Đà cũng đem cái cười ra để nhẹ nhàng châm chọc xã hội, một xã hội mà những người có chân tâm với Nho học như ông đã bó tay, hết thời :

Mười mấy năm trời ngọn bút lông

Xác xơ chẳng bợn chút hơi đồng

Bây gièé anh đổi lông ra sắt

Cách kiếm ăn đời có nhọn không ? (Thuận bút )

Chán chường, Tản Đà làm thơ, uống rượu , rồi "bán áo mà mua giấy viết ngông ".

III. NHÀ THƠ " SAY" VÀ " NGÔNG"

Vùng đất Sơn Tây nẩy một ông

Tuổi chửa bao nhiêu văn rất hùng

Sông Đà núi Tản ai hun đúc

Bút Thánh câu Thần sớm vãi vung .

Phải chăng đây là 4 câu thơ của một thi sĩ ái mộ ca ngợi Tản Đà ? thưa không, đó là những câu thơ Tản Đà tự nói về mình trong bài "Tự trào " . Nói một cách ngông nghênh làm cho người không hiểu ông sẽ lấy làm khó chịu. Nhưng khó chịu hơn nữa cho những người hiểu ông rành rẽ, vì họ cho là phi lý khi một tài năng như Nguyễn khắc Hiếu lại thi rớt trường thi Nam Định, rồi rớt luôn kỳ thi hậu bổ, dù ông là một thần đồng văn học. Chính vì vậy mà Tản Đà đã cay đắng viết về mình :

Bởi ông hay quá ông không đỗ

Không đỗ ông càng tốt bộ ngông . (Tự trào )

Và ở đây, chúng ta lại thấy một Tản Đà lãng mạn thắng một Tản Đà thực tế : không đỗ thì ông cũng chẳng màng, bất cần đời; ông lại còn có vẻ khoái chí vì bản lĩnh khinh đời ngạo thế của mình. Vì từ đây ông có thể sống phóng khoáng hơn để làm giàu cho đời sống tinh thần .Cái ngông này thật đáng quý trọng , nó không phải là cái ngông ngạo bất đắc chí của Cao bá Quát khi thấy "tài bất phùng thời " (tài chẳng gặp thời ), cũng không là cái ngông cay cú của Tú Xương, hay cái ngông thoả mãn vì thành đạt của Nguyễn công Trứ; đây là cái ngông nhẹ nhàng thanh cao của Tản Đà . Với cái ngông này, từ đây ông có thể kiếm cái mình muốn : đó là nghệ thuật. Với sự hỗ trợ của rượu , cái ngông đã làm cho thơ của ông trở nên thanh tao, phóng khoáng :

Công danh sự nghiệp mặc đời

Bên thời be rượu, bên thời bài thơ . (Tản Đà xuân sắc )

Và chúng ta thấy hình ảnh một "Trích Tiên " như Lý Bạch đời Đường, mang trong mình đầy hoài bão làm sao cho nước mạnh dân cường, nhưng hoàn cảnh và con người như không hoà hợp được với nhau, để cho nhà thơ chân bước "ngả nghiêng" trên đất mà cứ mải nghĩ chuyện cao xa trên trời, hi vọng trong cõi mộng có một cuộc sống tương lai sáng sủa hơn cho dân chúng .

Với bản tính lãng mạn xuề xòa, Tản Đà hờ hững với công danh nhưng không giận hờn số mệnh, sống giữa đời một cách thanh cao, không vương vấn, đắn đo. Nhà văn Nguyễn Tuân kể rằng : Có một hôm, những người đang tắm biển ở bãi tắm Sầm Sơn bỗng giật mình, vì thấy Tản Đà bơi một mình ra mũi Kẻ Cổ Rùa, nơi chỉ những người bơi tài và mạo hiểm lắm mới dám ra. Tưởng để làm gì, hoá ra ông cố bơi ra đấy để. "nhậu " tại trận , ông tháo bầu rượu dắt ở thắt lưng ra, mở nút và tu ừng ực, rồi lấy mũi dao nhọn tách những con hàu đang bám vào đá, tợp chúng với rượu một cách ngon lành, vừa uống vừa ngắm sóng bạc đầu.trước bao cặp mắt ngạc nhiên .Cung cách của Tản Đà là thế : ngông, say, yêu thơ, và mộng . Chúng có thể bắt nguồn từ sự thất tình , chán đời, vứt bỏ công danh; nhưng có lẽ chính chúng cũng đem lại cho nhà thơ sự phóng khoáng, yêu đời, thi vị . Để mãi mãi thế hệ mai sau còn nhớ :

Trăm năm thơ túi rượu vò

Nghìn năm thi sĩ tửu đồ là ai ? (Thơ rượu )

IV. LÒNG YÊU NƯỚC NHẠT NHOÀ HAY MỘT QUAN NIỆM ĐẠO ĐỨC THƯƠNG DÂN ?

Có người cho rằng Tản Đà là một con người thoát ly, một thi sĩ bạc nhược, chỉ biết ăn chơi, hay trốn vào cõi mộng; nếu có lòng yêu nước thì chỉ là lòng yêu nước nhạt nhoà, không tham gia các phong trào chống Pháp,ngay cả làm thơ đả kích mà cũng không dám, làm sao gọi là yêu nước ? Nếu đứng trên phương diện hành động mà xét một cách nghiệt ngã, thì Tanû Đà chả có gì ngoài ít bài thơ và tờ báo An Nam tạp chí " như một bằng chứng "ít thuyết phục " cho lòng yêu nước của ông . Thật ra, nếu xét như vậy, thì cả những nhà thơ như Nguyễn Khuyến hay Phan văn Trị cũng chỉ có "lòng yêu nước nhẹ nhàng ", có lẽ là không đủ cảm thông với họ, lại càng không hiểu hết tấm lòng và cá tính của Tanû Đà, một người là thi sĩ hơn là một chiến sĩ .

Đối với nhà thơ của sông Đà núi Tản ( mà ngay cả bút hiệu cũng cho thấy lòng yêu quê hương của ông ),thì người yêu nước phải là người có tấm lòng, có đạo đức, chứ không phải la người hành động cẩu thả, càng không lấy sự quá khích hay to miệng làm trọng như ông chê trách trong bài "Mắng con cuốc tiếc xuân " :

Sao cứ lo co trong bụi rậm

Lại còn eo óc với trời cao .

Ông gọi những người chỉ yêu nước bằng miệng là "cô oanh học nói ", "chú khướu nỏ mồm ". Thật ra, ông đã từng đau xót trước cảnh khổ của dân, cảnh cha phải bán con :

Lệ đầy vơi, tình chia phôi

Bồng bế con thơ bán khắp nơi

Năm hào một đứa trẻ lên sáu

Cha còn sống đó, con mồ côi . (Khuyên người giúp dân lụt )

Lúc thì ông kêu gọi cứu trợ nạn lụt :

Lúc thủy tai, này ai ơi

Quý tiếc thương yêu lấy giống nòi

Con cháu Rồng Tiên khi đã bỉ

Đừng nên rẻ rúng bỏ nhau hoài . (Khuyên người giúp dân lụt )

Ông đã mời gọi cả phụ nữ :

Trung Nam Bắc, chị cùng em

Chị em trong đó, con chim gọi đàn

Chim kia còn biết gọi đàn

Chút tình hữu ái, bàn cùng chị em. (Đề báo Hữu Thanh )

Ông thấy rõ nguồn gốc nỗi khổ của dân là sự đô hộ của thực dân Pháp và sự bóc lột của triều đình yếu nhược, nhưng trước lưỡi kéo kiểm duyệt báo chí, ông chỉ dám than thở xa xa :

Ôi Lý Trần Lê đâu mất cả

Mà thấy hươu nai đủng đỉnh chơi . (Chơi trại hàng hoa )

Ông không chủ trương chống đối bằng bạo lực như cụ Phan bội Châu, nhưng là tranh đấu ôn hoà như cụ Phan Chu Trinh :phải giúp dân yêu thương đùm bọc lấy nhau, nâng cao dân trí để dân đủ ý thức yêu nước, sau đó mới tính chuyện độc lập, đấu tranh trong ôn hòa. Do đó ông ra tờ An nam tạp chí để giáo dục dân, nhưng tờ báo cũng èo uột như dân và như chính tác giả, sống dở chết dở mấy lần .

Có một hành động thật đơn sơ nhưng đáng trọng, là đi đâu ông cũng mang theo một tấm địa đồ đất nước ở trong mình. Lâu ngày, tấm địa đồ bị nhàu nát,ố vàng, nhưng nhà thơ vẫn

trân trọng giữ gìn, và tâm tình của ông biểu lộ qua bài "Vịnh bức dư đồ rách " với sự ngậm ngùi :

Đã bao lúc mất công vờn vẽ

Sao đến bây giờ rách tả tơi

Aáy trước cha ông mua để lại

Mà sau con cháu lấy làm chơi . (Vịnh bức dư đồ rách )

Có một lần ông tâm sự với nhà văn Nguyễn công Hoan :kể lể lý do tại sao trong "Giấc mộng con " ông đặt bài hát cho Chiêu Quân đánh đàn, Dương quý Phi say rượu múa, Tây Thi hát , đó là vì "Cả ba mỹ nhân với mình , đều là dân vong quốc cả " .

Nhưng bài thơ bày tỏ lòng yêu nước sâu sắc nhất của Tản Đà, vẫn là bài thơ "Thề non nước". Đây là bài thơ đem lại nhiều tranh luận và khó bình giảng nhất, giữa hai khuynh hướng cho rằng "Tản Đà yêu nước " và Tản Đà thuần tuý tả cảnh, tả tình ". Ở đây, chúng ta nghiêng về ý kiến cho rằng Tản Đà là nhà thơ yêu nước để nhìn bài thơ như một tấm lòng đằm thắm thuỷ chung của một người đối với non sông, như sự gắn bó keo sơn của non và nước.

Nước non nặng một lời thề

Nước đi đi mãi không về cùng non

Nhớ lời nguyện nước thề non

Nước đi chưa lại non còn đứng trông .

Khi dùng hình ảnh non nước như vật chứng nghìn năm của sự thề nguyền,Tản Đà làm cho người đọc nghĩ ngay đến đất nước nghìn năm. Có lẽ từ núi Tản sông Đà hùng tráng, nhà thơ đã liên tưởng tới hình ảnh mong ngóng của hai người yêu nhau, để rồi đi xa ơn một bước, ông đã gửi gắm tâm sự của mình : một tâm sự yêu nước thiết tha, đích thực :

Non cao những ngóng cùng trông

Suối tuôn dòng lệ chờ mong tháng ngày

Xương mai một nắm hao gầy

Tóc mai một mái đã dầy tuyết sương .

Và ông kết bài thơ với sự khẳng định tấm lòng sắt đá của mình dành cho tổ quốc :

Nước kia dù hãy còn đi ,

Ngàn dâu xanh tốt, non thì cứ vui .

Nghìn năm giao ước kết đôi ,

Non non, nước nước không nguôi lời thề .

Ngoài tâm sự yêu nước được gửi gắm qua ít bài thơ, những thể loại thi ca được dùng cũng là bằng chứng hùng hồn cho lòng yêu nước của Tản Đà. Ông đã xử dụng thuần thục các thể thơ bình dân :điệu ca trù, hát xẩm cổ điển, từ khúc, song thất lục bát, và nhất là lục bát... Vàông đã dùng ngôn ngữ dân gian Việt nam, một ngôn ngữ giản dị, trong sáng, duyên dáng, gợi cảm, mà không kém phần điêu luyện, sắc sảo, chọn lọc. Theo nhà văn Trương Tửu, "Tản Đà làm thơ rất công phu và rất khó tính, có ý thức của thơ và có lương tâm của nhà thơ " (7), với những hình ảnh thật đẹp, và cách xử dụng hư từ, điệp ngữ, âm điệu, tiết tấu thật tài tình :

Lào rào lá rụng cây ai đếm

Cuồn cuộn sông dài nước đến đâu.

Hoặc :

Gió gió mưa mưa đã chán phèo

Sự đời nghĩ đến thật buồn teo . (Sự đời )

Nơi thơ ông, những đặc sắc của ngôn ngữ Việt được diễn tả thật tài tình, ông phải là người biết tiếng Việt thật tường tận mới viết được những bài thơ như những lời ca dân gian ; điều đó chứng tỏ rằng : Tản Đà là người yêu nước thiết tha và có tinh thần dân tộc . Thật đúng như lời cố giáo sư Dương quảng Hàm đã từng ca ngợi :"Lời thơ của ông có giọng điệu nhẹ nhàng, du dương, cách dùng chữ (thường là tiếng nôm ) và đặt câu lại uyển chuyển, êm đềm, nên thơ của ông khiến cho người đọc dễ cảm động say mê, ông thực là một thi sĩ có tính cách Việt Nam thuần tuý vậy " (8) .

Ai làm cho khói lên trời

Cho mưa xuống đất cho người biệt ly

Ai làm Nam Bắc phân kỳ

Xót xa hàng lệ đầm đìa tấm thương. (Phong dao )

Thật như ca dao. Có thể nói là sau Nguyễn Du và trước Nguyễn Bính, Bàng bá Lân, Tản Đà là nhà thơ lục bát đặc sắc nhất của Việt Nam vậy.

V. KẾT LUẬN : TẢN ĐÀ, " KHÍ THIÊNG SÔNG NÚI "

- " Tản Đà, một ảo thuật gia về chữ, âm thanh, và nhạc điệu " . (Trương Tửu )

- " Tản đà là thi sĩ đầu tiên mở đầu cho thơ mới hiện đại ". (Xuân Diệu )

- " Tản Đà là nhà thơ diễn tả đúng nhất tâm hồn Việt nam " . (Vũ ngọc Phan )

- " Tản Đà là một nhà thơ dân tộc chân chính ". (Nhóm Lê quý Đôn )

- " Trong phong cách Tản Đà, có cái hương vị đất nước đậm đà ". (Nguyễn đình Chú )

Những lời nhận xét về Tản Đà đã nói lên giá trị của nhà thơ với tất cả tấm lòng trân trọng và yêu mến . Nếu chúng ta tìm trong thơ ông những ý tứ sâu sắc, thâm trầm, chúng ta sẽ thất vọng ; nhưng nếu muốn kiếm giá trị nghệ thuật tuyệt vời của thể loại và ngôn ngữ dân gian, chúng ta sẽ thấy . Công lao của Tản Đà đối với văn học Việt nam là ở đó . Tuy ông không thành công trong văn xuôi với ý hướng giáo dục quốc dân như ông từng mong đợi, nhưng đã thành công khi để lại những đóng góp lớn lao cho dòng thơ Việt ; và hơn nữa, với tư cách là "gạch nối sang thơ mới "(9), ông là người mở đầu cho "cuộc hòa điệu tân kỳ đang sắp sửa "(10) ở đầu thế kỷ XX . Thơ của ông chứa đầy tinh thần dân tộc vì có đủ cả ba yếu tố rất "Việt Nam " : trữ tình, phê phán, và hài hước ; ảnh hưởng sâu sa đến một số văn thi sĩ tiền chiến và thế hệ sau này .Đến độ khi nhớ đến ông , tổng hội sinh viên đã thổn thức trong điếu văn "Khóc tiên sinh, chúng tôi có cảm giác khóc cho cả nghệ thuật nước Việt Nam ". Ông do khí thiêng của núi Tản sông Đà hun đúc, ông là tinh hoa của dân tộc Việt. Và thơ ông sẽ còn mãi với thời gian , vì nó ghi lại bản lĩnh và tâm trạng của một con người thiết tha với dân chúng và quê hương. Chúng ta có thể mượn lời của nhà văn Nguyễn trọng Thuật (11) khóc bác Ấm Hiếu để kết luận cho bài này :

Một đời hi sinh cho nghệ thuật

Lánh xa danh lợi, cam nghèo cùng

Uống rượu tiêu sầu, thơ khiển muộn

Cười đùa năm tháng với non sông .

PHỤ LỤC I : NHỮNG GIAI THOẠI

Rau sắng Chùa Hương

Chùa Hương có một loại rau sắng ngon đặc biệt, Tản Đà rất thích ăn và từng ca ngợi trong thơ của mình. Vào dịp Lễ Hội Chùa Hương năm 1922, ông không đi dự Lễ được nên ngồi ở Hà Nội nhớ Hội Chùa và rau sắng, cảm hứng làm 1 bài thơ đăng lên báo :

Muốn ăn rau sắng Chùa Hương

Tiền đò ngại tốn, con đường ngại xa

Mình đi ta ở lại nhà,

Cái dưa thì khú, cái cà thì thâm .

Cuối tháng 3 năm ấy (Hội Chùa vào ngày 18 tháng 3 ). Tản Đà nhận được một bưu kiện, mở ra thì thấy một bó rau sắng Chùa Hương còn tươi, với một mảnh giấy kèm theo, ghi bốn câu thơ hoạ, ký tên là Đỗ trạng Nữ (12) :

Kính dâng rau sắng Chùa Hương

Tiền đò đỡ tốn , con đường đỡ xa

Không đi thì gửi lại nhà,

Thay cho dưa khú cùng là cà thâm .

Nhà thơ rất cảm động, muốn cám ơn nhưng không biết tên và địa chỉ của người gửi . Với đầu óc lãng mạn, ông hình dung người cho quà là "người tình nhân không quen biết " và làm ngay một bài thơ đăng lên báo :

Mấy lời cảm tạ tri âm

Đồng bang là nghĩa, đồng tâm là tình .

Đường xa rau vẫn còn xanh ,

Tấm lòng thơm thảo, bát canh ngọt ngào .

Yêu nhau xa cách càng yêu ,

Dẫu rằng xuông nhạt còn nhiều chứa chan .

Nước non khuất nẻo ngư nhàn ,

Tạ lòng xin mượn "thế gian " đưa tình .

2.Trồng húng .

Nhà tư sản Bạch thái Bưởi nổi tiếng giàu có và hào phóng ở Bắc kỳ. Ông đã mời Tản Đà cùng gia quyến của nhà thơ đến ở với mình để khỏi lo sinh kế và an tâm phục vụ cho nghệ thuật . Một hôm, chủ nhân về đến nhà, ông rất ngạc nhiên khi thấy Tản Đà đang loay hoay với cái cuốc, đào bới một khoảng sân gạch của ông. Ông hỏi thì nhà thơ gắt :

Sân sướng cóc khô gì mà lại lát gạch kín mít, chẳng chừa tí đất nào để cấy ít rau húng , rau thơm, lúc cần thì có cái mà hái để "nhắm" chứ .

Chủ nhân cũng bật cười, gật đầu đồng ý, và cũng xắn tay "phá" sân gạch chung với nhà thơ .

3. Càng nợ .

Có thời gian ở Saigon, Tản Đà cùng thuê nhà chung với nhà văn Ngô tất Tố. Đã mấy tháng không trả được tiền nhà, hai người phải khất mãi . Vì bị đòi riết, Tản Đà phải tìm đến nhà người quen vay tiền . Quãng 10 giờ đêm hôm đó, ông trở về nhà trọ, tay thì ôm chai rượu, tay thì xách gói thịt vịt cùng ít đồ nhắm khác. Ngô tất Tố ngạc nhiên hỏi, nhà thơ thản nhiên trả lời :

Chúng ta nợ tiền nhà 30 đồng, tôi chỉ vay được có 15 đồng, nếu đem về trả nợ cũng không đủ, tôi bèn mua "chúng " về đấy .

Ngô tất Tố kêu lên :

Thế là nợ lại hoàn nợ .

Và chúng ta lại thấy thêm cái "ngông" của "thi sĩ tửu đồ "

PHỤ LỤC II : NHỮNG BÀI THƠ HAY

THỀ NON NƯỚC

Nước non nặng một lời thề , Nước đi đi mãi không về cùng non Nhớ lời " nguyện nước thề non "

Nước đi chưa lại non còn đứng không .

Non cao những ngóng cùng trông

Suối tuôn dòng lệ chờ mong tháng ngày

Xương mai một nắm hao gầy

Tóc mai một mái đã dầy tuyết sương .

Trời tây ngả bóng tà dương,

Càng phơi vẻ ngọc, nét vàng phôi pha .

Non cao tuổi vẫn chưa già ,

Non thời nhớ nước, nước mà quên non

Dù cho sông cạn đá mòn ,

Còn non, còn nước, hãy còn thề xưa

Non xanh đã biết hay chưa ?

Nước đi ra bể lại mưa bề nguồn .

Nước non hội ngộ còn luôn

Bảo cho non chớ có buồn làm chi .

Nước kia dù hãy còn đi ,

Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui .

Nghìn năm giao ước kết đôi

Non non, nước nước không nguôi lời thề .

TỐNG BIỆT

Lá đào rơi rắc lối thiên thai

Suối tiễn, oanh đưa những ngậm ngùi

Nửa năm tiên cảnh

Một bước trần ai

Ước cũ, duyên thừa có thế thôi!

Đá mòn, rêu nhạt.

Nước chảy, huê trôi

Caí hạc bay lên vút tận trời

Trời đất từ nay xa cách mãi

Cửa động

Đầu non

Đừơng lối cũ

Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi ....

VỊNH BỨC DƯ ĐỔ RÁCH

Nọ bức dư đồ thử đứng coi ,

Sông sông núi núi khéo bia cười .

Biết bao lúc mới công vờn vẽ ,

Sao đến bây giờ rách tả tơi ?

Ấy trước ông cha mua để lại ,

Mà sau con cháu lấy làm chơi !

Thôi thôi có trách chi đàn trẻ ,

Thôi để rồi ta sẽ liệu bồi !

MUỐN LÀM THẰNG CUỘI

Đêm thu buồn lắm, chị Hằng ơi !

Trần thế em nay chán nửa rồi !

Cung Quế đã ai ngồi đó chửa ?

Cành đa xin chị nhắc lên chơi .

Có bầu có bạn can chi tủi

Cùng gió cùng mây thế mới vui .

Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám

Tựa nhau trông xuống thế gian , cười !

GIÓ THU

I

Trận gió thu phong rụng lá vàng

Lá rơi hàng xóm lá bay sang

Vàng bay mấy lá năm già nửa

Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng

II

Trận gió thu phong rụng lá hồng

Lá bay tường bắc lá sang đông

Hồng bay mấy lá năm hồ hết

Thơ thẩn kìa ai vẫn đứng không .

CHÚ THÍCH

Tản Đà tên thật là Nguyễn khắc Hiếu (1888-1939), người làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn tây.Vì quê ông gần sông Đà và núi Tản Viên , nên ông lấy bút hiệu là Tản Đà.

Gs Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, cuốn III, tr 405 - nxb Đồng Tháp

Gs Trần ngọc Vượng

Thân phụ của Tản Đà là quan án sát Nguyễn danh Kế, và anh cả của nhà thơ là Phó Bảng Nguyễn tái Tích, cả ai đều có ảnh hưởng đến sở học của Tản Đà.

Trương Tửu, Tao Đàn số 13, Năm 1939

Đặng Tiến, tạp chí Văn, số đặc biệt về Tản Đà, năm 1971

Trương Tửu, Tao Đàn số 12, Năm 1939

Gs Dương quảng Hàm, Việt nam văn học sử yếu, tr 431 - Nxb Đại nam

Hoài thanh,"Cung chiêu anh hồn tản Đà ", Thi nhân Việt nam - Nxb đại nam 1994

Gs Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, cuốn III, tr 393 - nxb Đồng Tháp

Nguyễn trọng Thuật, tác giả "Quả dưa đỏ " là tiểu thuyết được giải thưởng của Hội Khai Trí Tiến Đức năm 1925

Đỗ trạng Nữ tên thật là Đỗ thị Khuê, chính là Nữ thi sĩ Song Khuê, rất phục Tản Đà, lúc đó cô đang làm y tá ở Phủ Lý (Nam Định ) .

Câu Đối Viếng Tản Đà

Tưởng Niệm Mai Lâm (1915 - 1995)

Hoàng Ngọc Liên

Một trong những mối duyên tao ngộ dành cho cuộc đời luân lạc, trôi nổi của tôi, là hân hạnh được gặp Mai Lâm Đoàn Văn Thăng, người đã khóc Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, lúc Thi Sĩ miền sông Đà núi Tản còn đang khỏe mạnh.

Bài thơ đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy (TTTB) hồi năm 1933, như sau:

Viếng Tản Đà

Ôi thôi! hỡi bác Tản Đà,

Suối vàng nay đã lánh xa cõi đời!

Xa trông mây nước ngậm ngùi,

Tấm lòng thương nhớ, mấy lời viếng thăm.

Nhớ ai vấn vít tơ tằm,

Nước non bao kẻ đồng tâm hẹn hò.

Thơ đầy túi, rượu lưng bồ,

Dẫu nho kiết, cũng danh nho nước nhà.

Ôi thôi! hỡi bác Tản Đà,

Suối vàng nay đã lánh xa cõi đời!

Bác với tôi... Bác với tôi,

Tuy không quen biết, cũng người đồng bang.

Lại thêm cùng mối văn chương,

Chung tình non nước, tơ vương bên lòng.

Bấy lâu tôi những ước mong,

Có phen dun dủi tương phùng hai ta.

Ôi thôi! hỡi bác Tản Đà,

Suối vàng nay đã lánh xa cõi đời!

Làm chi vội mấy, bác ơi!

Chí cao, nghiệp cả, ai người nối theo?

Thuyền nan ai giữ mái chèo?

Con tàu bản quốc ai liều sóng khơi?

Bức dư đồ rách, ai bồi?

Báo An Nam nghỉ, ai rồi lại ra?

Ôi thôi! hỡi bác Tản Đà,

Suối vàng nay đã lánh xa cõi đời!

Than ôi! Còn đất, còn trời,

Còn non, còn nước, đâu người nước non?

Đà dù cạn, Tản dù mòn,

Danh thơm thi sĩ vẫn còn truyền lâu.

Hồn thơ phảng phất nơi đâu?

Chút tình có thấu cho nhau chăng là.

Ôi thôi! hỡi bác Tản Đà,

Suối vàng nay đã lánh xa cõi đời!

Mai Lâm Đoàn Văn Thăng

(Hoàng Mai, Hè 1933)

Khóc lầm, vì 6 năm sau, cụ Tản Đà mới đem thơ lên bán chợ Trời, nên Cũng trên TTTB, sau đó đăng bài "Cười Ông Mai Lâm" của Tản Đà:

Nực cười cho bác Mai Lâm,

Thương nhau chi mấy mà lầm khóc nhau?

Suối vàng ai đã vội đâu?

Mà cho ai nhớ ai sầu, hỡi ai!

Tóc tơ vương vít còn dài,

Con tằm còn trả nợ đời chưa xong.

Lửa hương còn chất bên lòng,

Nho tàn còn vẫn trong vòng trăm năm.

Nực cười cho bác Mai Lâm,

Thương nhau chi mấy mà lầm khóc nhau?

Đôi ta đồng quốc, đồng châu,

Lại trong thanh khí tương cầu tương thân.

Gặp nhau rồi cũng có lần,

Cùng nhau còn ở cõi trần trăm năm.

Nực cười cho bác Mai Lâm,

Thương nhau chi mấy mà lầm khóc nhau?

Cõi đời đã lánh xa đâu?

Mà cho ai tiếc, ai sầu, hỡi ai?

Bức dư đồ rách chưa bồi,

Báo An Nam nghỉ, biết đời nào ra?

Hủ nho vô ích nước nhà,

Rượu thơ còn vẫn la cà trăm năm.

Nực cười cho bác Mai Lâm,

Thương nhau chi mấy mà lầm khóc nhau?

Hồn thơ đã mất đi đâu,

Mà cho ai khóc, ai sầu hỡi ai?

Dưới trên còn đất, còn trời,

Còn non, còn nước, còn người nước non.

Đà chưa cạn, Tản chưa mòn,

Còn ai Thi sĩ, lại còn Tri âm.

Nực cười cho bác Mai Lâm,

Thương nhau chi mấy mà lầm khóc nhau?

Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu

Đầu thập niên 50, trong những năm vừa chạy loạn, vừa học thêm ở một tỉnh nhỏ miền châu thổ sông Hồng Hà, tôi có xin được một chân dạy học tại xã Liên Thủy, quận Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Trong số học sinh lớp Nhì, niên khóa 1951-1952, có một cô bé xinh xắn tên là Đoàn Ngọc Kiều Nga.

Ít năm sau, khi đã di cư vô Nam, một bữa tình cờ cô bé gặp lại ông thầy cũ ở sân nhà Thờ đường Tôn Đản và mời về nhà, trên đường Tôn Thất Thuyết, Khánh Hội.

Ngay từ lúc sơ kiến, tôi được biết ông già của Đoàn Ngọc Kiều Nga chính là Mai Lâm Đoàn Văn Thăng, người từng khóc... trật Tản Đà Tiên Sinh trước kia!

Ngày 17 tháng 6 năm 1939, trước Tết Đoan Ngọ năm Kỷ Mão 4 ngày, Tản Đà tiên sinh gánh thơ lên bán Chợ Trời.

Hàng loạt câu đối viếng được gửi tới Ngã Tư Sở Hà Nội, nơi Tiên Sinh thất lộc. Tôi chỉ nhớ được hai câu của quý cụ Đồng Sơn và Nguyễn Văn Luận - đều ở Nam Định - chánh quán của tôi, do gia phụ ghi lại:

- Nặng "Khối tình con, tài tử giai nhân trời khéo cợt;

- Còn "Thề Non Nước", văn chương sự nghiệp đất khôn vùi!

(Đồng Sơn, Nam Định)

- Côi Vị ngày nào, chếnh choáng giang sơn ba chén rượu;

- Hà Đồ số hẳn, rỡ ràng sự nghiệp mấy vần thơ.

(Nguyễn Văn Luận, giáo học Nam Định)

Từ năm Tản Đà Tiên Sinh cỡi hạc về trời, cho đến khi tôi được hân hạnh diện kiến cụ Mai Lâm, là 17 năm, nhưng trông Đoàn Tiên Sinh rất tráng kiện lắm. Như vậy, lúc làm thơ xướng họa với nhà thơ sông Đà, núi Tản, ông còn rất trẻ.

Thật là một dịp may, vì nhân cơ hội này, tôi mới biết là cụ Mai Lâm đã gửi đôi câu đối khóc Tản Đà, khi Nguyễn Tiên Sinh thực sự trăm tuổi.

Đây là một đôi câu đối Nôm:

- Bác thật "về" ư? Tiệc Rượu Thần Tiên mong đãi khách;

- Tôi còn ở mãi! Tình Thơ Non Nước vẫn lưu người!

Mai Lâm dùng chữ "thật" chỗ này, thật đắc địa, vì ông đã từng khóc Tản Đà lúc Nguyễn Tiên Sinh chưa về... thật.

Ông cười nói với tôi:

- Thầy giáo đừng khen câu đối nôm của tôi là hay. Hai câu dịch ra chữ Hán của điêu khắc gia Đới Ngạn Quân còn hay hơn nguyên tác nhiều lắm!

Mắt tôi sáng ra:

- Tiên sinh cho nghe đi!

Mai Lâm cầm phấn trắng, viết trên bảng đen, hai dòng chữ Hán:

- Công quả quy hồ? Tửu Tịch Thần Tiên phương đãi khách!

- Ngã do tại dã! Thi Tình Sơn Thủy vĩnh lưu nhân!

Mãi đến năm 1992, trước khi xuất ngoại, tôi mới tìm được địa chỉ cụ Mai Lâm để đến thăm tiên sinh một lần, có thể là lần chót. Cụ đã già lắm - gần 40 năm rối còn gì -, lại không còn nghe được nữa!

Đoàn Ngọc Kiều Nga, cô học trò nhỏ bé của tôi năm nào, lúc đó đã là bà xã của người bạn thơ văn của tôi: Anh Trần Thúc Vũ, có 3 cháu đã lớn.

Rất may là hôm đó, Kiều Nga cũng đến thăm ông già. Cô "bé" mở cửa, rất ngỡ ngàng, mãi mới nhận ra tôi, vì lúc đó - cũng như bây giờ, hẳn vậy - tôi vừa già, vừa quá xấu, Kiều Nga nhất thời chưa nhận ra ngay.

Cụ Mai Lâm dĩ nghiên cũng không nhận ra tôi. Tôi cầm tay cụ, nghẹn nào:

- Đoàn tiên sinh, tôi đến vấn an tiên sinh đây!

Kiều Nga buồn rầu nói với tôi:

- Hai tai thầy con điếc nặng rồi, không còn nghe được nữa!

Vừa nói, Kiều Nga vừ trao cho tôi cuốn sổ và cây viết vẫn để sẵn trên bàn. Cụ Mai Lâm vừa đọc tên tôi là cụ ôm chặt lấy tôi:

- Bác Hoàng! Thầy giáo! Không ngờ còn được gặp lại bác.

Trong buổi sơ kiến năm 1956, cụ đã nói với tôi:

- Chúng ta là những người làm thơ, không cần câu nệ về tuổi tác. Cứ xưng hô bác, tôi với nhau cho thân mật.

Từ đó, cụ luôn gọi tôi là bác Hoàng. Còn tôi, vì trọng cụ là bậc trên, nên vẫn kêu cụ la Đoàn tiên sinh.

Hôm ấy, trong căn nhà của cụ Mai Lâm, cạnh Nhà Thờ của xứ Đạo Hoàng Mai, Gò Vấp - Tôi "bút đàm" với cụ suốt một buổi chiều, khi nhìn ra ngoài thấy trời đã tối, mới đứng lên từ giã cụ. Cụ và con gái tiễn tôi ra phía ngoài. Cụ nắm tay tôi:

- Bác đi bình an, mạnh giỏi!

Tôi cúi đầu chào cụ, người đã dành cho tôi vinh dự được là bạn vong niên với nhiều hảo cảm.

Mồng 1 tháng 5 âm lịch là ngày giỗ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, tôi là kẻ hậu sinh chẳng có tên tuổi gì đáng kể trong làng thơ, hàng năm vẫn nhớ ngày giỗ cụ. Bởi tôi chưa quên những câu đối kính viếng Cụ, khi Cụ trăm tuổi, trong đó có câu đối của Mai Lâm Đoàn Văn Thăng.

Sau đó, nhiều lần gửi thư về xứ đạo Hoàng Mai, Gò Vấp,để vấn an Cụ Mai Lâm nhưng không được hồi âm.

Mãi đến ngày 27 tháng 3 năm 1998, tôi mới tìm được số điên thoại của xứ đạo Hoàng Mai, Gò Vấp để hỏi thăm và được tin cụ Mai Lâm Đoàn Văn Thăng đã thất lộc năm 1995, trong căn nhà mà tôi đã đến thăm.

Cụ để lại những tác phẩm: "Bảy Thánh Vịnh Thống Hối", "Ngôi Sao Lạ", "Duyên Thơ" và tập thơ dịch "Sấm Truyền" .

Hoàng Ngọc Liên

(Trích Viên Đạn Cuối Cùng)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#balamat