Giới thiệu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Ghi chép những chuyện kín của đạo Gia Tô Tây Dương



Bản tiếng Việt của tác phẩm này ra đời cách đây 26 năm, do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành, với dòng ghi "Lưu hành nội bộ". Từ đó đến nay, cuốn sách này đã là đối tượng, nguyên nhân, hay xuất phát điểm của rất nhiều cuộc tranh cãi, thường là gay gắt và thậm chí đau đớn. Đưa Tây Dương Gia Tô bí lục lên mạng lần này, chúng tôi tin tưởng ở sự trưởng thành trong kiến thức, nhận thức và văn hoá tranh luận của độc giả sau gần ba thập niên đầy biến chuyển của Việt Nam. Trong những ngày tới, chúng tôi sẽ giới thiệu một số bài tranh luận xung quanh cuốn sách này.

Lời giới thiệu
Vài nét về tác giả, tác phẩm và văn bản

Tây Dương Gia Tô bí lục là một tác phẩm truyện ký dã sử bằng chữ Hán về đề tài tôn giáo với quan điểm tư tưởng yêu nước chống đế quốc xâm lược. Theo những chi tiết đã được ghi trên sách từ tác phẩm này do Phạm Ngộ Hiên, Nguyễn Hoà Đường, Nguyễn Bá Am và Trần Đình Hiên cùng soạn. Cả bốn người đều là giáo sĩ Thiên Chúa giáo dòng Tên sống vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX.

Sách có bài tựa, mục thứ, lược dẫn, nguyên dẫn và phần chính, chia làm 9 quyển, nội dung tóm tắt như sau:

Quyển I: Huyền thoại về sự ra đời và tiểu sử Jêsu; thuyết phần hồn phần xác, chúa Trời ba ngôi, v.v.

Quyển II: Cách thức Jêsu đã làm để thuyết phục người Jiuđê theo các tín điều nghi lễ do mình đề xướng: phép nước thánh, bánh thánh, rửa tội, giải tội, lễ Misa, v.v.

Quyển III: Jêsu đến giảng đạo ở Jêrusalem và sự phản ứng của dân chúng. Đầu đuôi việc Jiuđa phản bội và cuộc hành hình trên núi Gôgôtha.

Quyển IV: Huyền thoại về việc Jêsu sống lại truyền phép kín cho các môn đồ trên núi Ôlivêtê.

Quyển V: Huyền thoại về việc Jêsu chỉ huy đội quân Lâm Bô đánh phá Jêrusalem. Những biện pháp của vua Jiuđê nghiêm cấm "tả đạo".

Quyển VI: Môn đồ của Jêsu do Phêrô cầm đầu lánh ra ngoài cõi Jiuđê, sang kinh đô Tây Dương (La Mã) được nhà vua trọng dụng. Vua Tây Dương tôn đạo của Jêsu làm quốc giáo, cho vẽ ảnh, đúc tượng Jêsu, thu thập các di vật và phỏng tạo các nơi lưu niệm, v.v.

Quyển VII: Các Giáo hoàng sắp đặt các phép tắc nghi lễ để nâng đạo Jêsu (Gia Tô) lên địa vị độc tôn (trước đó dân Tây Dương theo đa thần giáo).

Quyển VIII: Đạo Gia Tô bành trướng sang các nước láng giềng và biện pháp của một số nước cấm đạo để đối phó với âm mưu thôn tính của người Tây Dương.

Quyển IX: Quá trình đạo Thiên Chúa truyền vào Việt Nam. Sự thức tỉnh đầu tiên của những người Thiên Chúa giáo yêu nước trước nguy cơ nạn ngoại xâm nấp sau danh nghĩa truyền giáo.

Về quá trình hình thành tác phẩm và vài nét liên quan đến tiểu sử tác giả:

Vào cuối thế kỷ XVIII, giám mục khâm mạng toà thánh ở Việt Nam phán quyết giải tán dòng Tên, sáp nhập giáo đồ vào dòng Đôminic (tức Đômingô). Giáo đồ trấn Sơn Nam Hạ không chịu mất dòng, đã trích quỹ nhà thờ và quyên góp thêm được một số tiền tạm đủ, khẩn thiết khẩn cầu hai giám mục địa phận Nam Chân (nay là vùng Hải Hậu, Hà Nam Ninh) là Phạm Ngộ Hiên và Nguyễn Hoà Đường sang Tây Dương đưa đơn khiếu nại lên Giáo hoàng. Hai ông sợ giáo đồ đồng loạt bỏ đạo, đã nhận lời ra đi. Qua Ma Cao, đi thuyền biển mất sáu tháng, hai ông đến La Mã khoảng giữa năm 1793, đưa đơn khiếu nại và được vào bệ kiến Giáo hoàng. Hai ông được đón tiếp ân cần trang trọng như lời thỉnh cầu khôi phục dòng đạo thì không được giải quyết. Cũng trong dịp đó, hai ông được Giáo hoàng đặc cách cho đọc một tập tài liệu mật của giáo hội. Qua đó, từ mặt trái của vấn đề, hai ông đã nhận ra rằng từ lâu người Tây Dương đã có ý đồ lợi dụng việc truyền đạo để xâm lược các nước ngoài, trong đó có nước ta. Về nước vào năm 1794, hai ông cùng nhau ôn trí nhớ, ghi lại nội dung cuốn sách đã được đọc trong điện Giáo hoàng, đặt tên là Gia Tô bí pháp (phép kín đạo Gia Tô), cất kín trong tráp để đợi thời, rồi bỏ chức giám mục mà ra khỏi đạo.

Hai chục năm sau, hai thầy cả trẻ quê ở Hải Dương là Nguyễn Văn Hoằng (hiệu Bá Am) và Trần Đức Đạt (hiệu Trịnh Hiên), tuy chưa ra nước ngoài, nhưng bằng vào kinh nghiệm riêng của mình cũng rút ra được kết luận tương tự. Hai ông tìm đến Nam Chân thăm hai giám mục già. Bấy giờ là năm 1806, Phạm Ngộ Hiên qua đời, Nguyễn Hoà Đường gặp người cùng chí hướng, vui mừng đem sách Gia Tô bí pháp trao cho Văn Hoằng, Đức Đạt. Họ cũng lấy ra một tập sách đã khởi thảo đưa nhờ cụ Nguyễn đọc giúp. Nguyễn Hoà Đường xem xong, sốt sắng đóng góp ý kiến sửa chữa thêm bớt "khiến cho người ta xem xong đều biết những thủ đoạn lừa bịp của bọn giặc Tây Dương". Sau lần ấy, Văn Hoằng ở lại Thăng Long, Trần Đức Đạt về quê chưa được bao lâu thì chết vì bị đầu độc bởi kẻ xấu tay sai của bọn đội lốt thầy tu nước ngoài. Đau xót trước cái chết của bạn, Văn Hoằng đóng cửa không ra khỏi nhà, biên tập lại Tây Dương Gia Tô bí lục một lần nữa rồi thuê người viết chữ khắc in. Sách in xong năm Gia Long 11 (1812), bày bán ở các phố chợ Thăng Long. Không ngờ Toà Tổng giám mục biết chuyện, xuất tiền sai người đi lùng mua hết số sách đã in ra, lại mua luôn cả ván in đem về tiêu huỷ. Văn Hoằng vô cùng căm giận, tìm cách cất giấu một bản chép tay để lưu lại cho đời sau.

Chưa rõ bản sách do Nguyễn Văn Hoằng cất giữ đó có còn đến ngày nay hay không. Chỉ biết rằng về sau sách đó đã được lưu truyền và một truyền bản của nó đã đến với chúng ta. Đó là cuốn sách hiện lưu giữ tại Thư viện khoa Sử Trường đại học Tổng hợp Hà Nội mang ký hiệu HV26. Từ bản đó, năm 1962, Thư viện Khoa học trung ương (nay là Viện Thông tin khoa học xã hội) đã sao chép thêm một bản để tại thư viện ấy (ký hiệu VHv 2137).

Bản HV26 là một cuốn sách chép tay có nguồn gốc trong nhân dân. Toàn bộ có 103 tờ giấy dó loại tốt khổ rộng (21 x 30cm). Gáy sách bả sơn, bìa dẻo phủ đầu sơn bóng màu cánh gián; ba mép quét son, trên dưới có chừa khoảng trắng đủ đề 4 chữ "Dương tả bí lục", đó là tên gọi tắt của tác phẩm này. Chữ chép trong sách là lối chữ thảo rất có thể cách, đều đặn từ đầu chí cuối. Theo thực trạng của sách cùng với việc các chữ huý của Tự Đức được kiêng tránh đầy đủ, chúng tôi ước đoán sách này có thể được sao chép vào khoảng cuối thế kỷ trước hoặc những năm đầu thế kỷ này.

Cuối bài tựa tên Nguyễn Bá Am và Trần Trình Hiên, nhưng trong bài lại có lời khiêm tốn nói: "bốn người quê mùa chúng tôi", có lẽ vì vậy mà dòng lạc khoản đề là "Tân Lê Giáp dần niên đào nguyệt ký" (ghi vào tháng Hoa đào – tức tháng hai, năm Giáp Dần thời nhà Lê đã suy tàn). Đó là năm Giáp Dần niên hiệu Cảnh Thịnh 1 triều Tây Sơn (1794), cũng là năm hai ông Phạm, Nguyễn đi La Mã về (chép ở Q. IX, đã nói ở trên). Thực ra đó không phải là năm thực sự bài tựa đã được viết ra. Đọc bài tựa ấy, chúng ta thấy vai trò của hai ông Phạm, Nguyễn rất được đề cao. Hai ông sau, vì muốn thay lời cho cả bốn người, cho nên có thể họ đã lấy năm tháng của bài tựa cũ nhưng tránh không ghi niên hiệu Cảnh Thịnh, chỉ nói phớt qua bằng hai chữ "tàn Lê".

Tiếp sau tựa, có mục thứ, lược dẫn, nguyên dẫn và phần chính gồm 9 quyển, đầu mỗi quyển có hai câu thơ mào đầu như đã được chép giới thiệu ở mục thứ. Phần chính văn, ngoài một vài đoạn ngắn bị thiếu phải bỏ cách, nói chung các phần đều hoàn chỉnh. Trong sách có khá nhiều chữ phiên âm tên người, tên đất và danh từ tiếng nước ngoài (chủ yếu là tiếng Latinh) ra chữ Hán. Ngoài một bộ phận phiên âm khá có quy tắc như KhuDiêu = Jiuđê, KhuSa = Jiuse, KhuDa = Jiuda, NhiệtSiMaNê = Gêtsêmani, v.v. số còn lại phần nhiều chỉ ở mức độ gần sát chênh lệch nhau, như BaLinh = Bêtlehem, ThiLinh = Bêtani, v.v. Điều đáng chú ý là có một số trường hợp chép nhầm, ví dụ KhuDa chép nhầm thành KhuDiêu, CôngSàMaSong = Confirmatio (lễ kiên đạo) nhầm ra CôngSàAnSong hoặc CôngSàMaNô, CôMôNhung = Cômmuni (phép thánh thể) nhầm ra CôMô là thánh pháp, v.v. Lại có một vài tên địa lý dùng không chính xác, như YthiTô là chữ phiên âm tên nước Ai Cập (Egipto) có khi lại dùng để chỉ cả nước Italia, v.v. (có thể nghĩ rằng những trường hợp này sai chuyền từ các văn bản trước đó). Những lầm lẫn như vậy ít nhiều gây trở ngại cho việc theo dõi tác phẩm. Dẫu sao đó cũng là những sai sót có thể tránh khỏi trên con đường truyền bản, nhất là vấn đề phiên âm chữ nước ngoài quả thật có khó khăn đối với các tác giả là người chép sách Hán Nôm.

Ngoài phần chính văn, trong sách còn có nhiều ghi chú viết chữ nhỏ lưỡng cước. Những điều ghi chú này, theo nhận xét của chúng tôi, gồm hai loại: một loại là những điều ghi thêm với ý chưa nói đến trong chính văn và chú giải một số chi tiết liên quan đến việc đạo. Loại chú thích này có lẽ chủ yếu là của các tác giả nhưng cũng thấy có bóng dáng của người khác tham gia chú thích thêm ở một ít trường hợp. Loại thứ hai là những lời bình luận của một vài người khác nữa tỏ ý tán thưởng ở những chỗ đắc ý. Theo cách ngày trước, những ý kiến đó thường ghi bên cạnh ở phần trắng giữa các dòng chữ, đến các truyền bản tiếp theo, người sao chép đều tôn trọng đưa vào phần lưỡng cước như các nguyên chú khác.

Điều đó cho thấy rằng trước đây Tây Dương Gia Tô bí lục đã được dư luận chú ý và từng có một vài người khác tham gia vào việc chú thích bình luận tác phẩm. Hơn thế, phải chăng trong định bản hiện nay phần nào còn có vai trò nhuận sắc, bổ sung của một trong những người khuyết danh, chẳng hạn ở đoạn nói về sự kiện chiến tranh thuốc phiện ở Trung Quốc? Điều đó hiện còn chưa rõ. Dẫu sao thì việc có một vài người khác đã tham gia bình luận chú thích, một bộ phận hợp thành của tác phẩm, là điều đã rõ. Vì vậy, chúng tôi cho rằng về tác giả Tây Dương Gia Tô bí lục, ngoài bốn người đã nói trên, nên kể thêm sự đóng góp của một vài người khuyết danh ở nửa cuối thế kỷ XIX nữa.

Tiếng vang của một cuộc đấu tranh tư tưởng

Đọc Tây Dương Gia Tô bí lục, chúng ta thấy đề tài chung của tác phẩm có thể nói là rộng lớn, cả về không gian và thời gian. Tác phẩm không chỉ nói về cuộc đời của Jêsu từ khi ra đời cho đến khi tử nạn, mà còn kể lại cả những huyền thoại về sự hiển hoá của Chúa Cứu Thế trong đức tin của giáo đồ. Con đường truyền đạo không chỉ dừng lại ở những chuyến đi không mấy thuận lợi đến các làng xung quanh Jêrusalem, mà còn theo chân các sứ đồ đến các tiểu vương quốc miền Tiểu Á, sang kinh đô của đế quốc La Mã. Rồi từ đó, nhiều thế hệ giáo sĩ lại mở những hành trình truyền giáo đầy gian nan nguy hiểm: phía tây đến tận các nước bờ đông Đại Tây dương, phía đông sang tận Trung Quốc, Việt Nam đầu thế kỷ XVI.

Tuy vậy, tác phẩm này không phải là một tập đại thành ca ngợi ơn cứu chuộc của chúa Jêsu và chiến công của các nhà truyền giáo. Trái lại, toát lên trong toàn bộ tác phẩm là một tâm trạng thất vọng sâu sắc, có phần cay đắng, hãy còn nóng hổi của những người vừa bước qua biên giới của lòng tin.

Với lối văn kể chuyện sinh động, khi cần thiết có kê cứu tài liệu tham khảo đối chứng, các tác giả Tây Dương Gia Tô bí lục đã đề cập đến hầu hết những vấn đề cơ bản của đạo Gia Tô. Không hoài nghi gì về sự có thật của một người tên là Jêsu, các ông cũng nhận thấy rằng, ngay từ khi mới ra đời, người đó là một cậu bé khôi ngô tuấn tú, lớn lên thông minh hiếu động, có bản lĩnh cứng cỏi, về sau trở thành đặc điểm của con người Jêsu, có khả năng chinh phục khiến cho người xung quanh tuân theo ý nghĩ của mình, v.v. Tuy vậy, các tác giả Tây Dương Gia Tô bí lục bác bỏ quan niệm cho Jêsu như một đấng tiên tri siêu nhiên, phê phán tính chất huyền hoặc hoang đường của các thuyết chúa Trời ba ngôi, Jêsu là Chúa ngôi hai chịu nạn để chuộc tội cho thiên hạ, cho rằng tất cả những lời răn đe về thiên đường, địa ngục, ngày tận thế, toà phán xét, v.v. đều là những lời lẽ lòe bịp, ngu dân; mười điều răn "điều nào cũng tựa như khuyên người ta làm điều thiện, nhưng cái ý lớn là cốt làm cho người ta kiên lòng theo đạo mà thôi".

Trong cuộc đối đầu trong lãnh vực tư tưởng giữa một luồng tư tưởng tôn giáo từ phương xa tới với tư tưởng tín ngưỡng cổ truyền của người bản địa, có thể nói các tác giả Tây Dương Gia Tô bí lục là những người Việt Nam đầu tiên đã đưa ra một tác phẩm bày tỏ quan điểm phê phán của mình đối với những tín điều Thiên Chúa giáo(1). Nói chung các tác giả Tây Dương Gia Tô bí lục đã trình bày ý kiến của mình bằng những lập luận duy lý, dùng lôgic của đời sống hiện thực để chứng minh những gì là phi lý, hoang đường. Những lý lẽ của các ông có thể nói là sắc bén, bởi vì phần nhiều nói đúng vào những điểm mà đối phương khó hoặc không thể giải thích được. Nhưng do bị hạn chế bởi ý thức hệ Nho giáo (trước khi vào trường dòng, các ông đều là những người theo Nho học) nhiều khi các ông đã đưa cả những giáo điều của Khổng Mạnh vào ý kiến của mình.

Ngày nay, đọc tác phẩm của các ông, nếu chỉ xét theo góc độ tranh biện tư tưởng, chúng ta không khỏi cảm thấy lập luận của các ông có phần sơ lược, so với các nhà tư tưởng lớn thế kỷ XVIII ở châu Âu phê phán Thiên Chúa giáo thì không thấm vào đâu. Nhưng đó chính lại là một khía cạnh góp phần tạo nên giá trị độc đáo của Tây Dương Gia Tô bí lục, qua đó chúng ta tìm hiểu được cách suy nghĩ của đông đảo người nước ta trước đây trước vấn đề Thiên Chúa giáo. Vì vậy, Tây Dương Gia Tô bí lục là một tài liệu có giá trị, giúp ích cho công tác nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt Nam.


Giá trị văn học và sử liệu

Để diễn đạt những vấn đề tư tưởng trên đây, các tác giả Tây Dương Gia Tô bí lục đã lựa chọn một hình thức văn học có thể nói là khá sinh động. Nếu đối tượng đề tài của tác phẩm có một nhân vật lịch sử thì có thể xếp Tây Dương Gia Tô bí lục vào loại truyện ký lịch sử. Nhưng vì bản thân đối tượng đó đã bao hàm nhiều yếu tố truyền kỳ, trong tác phẩm lại dựng lại những huyền thoại qui mô lớn như cuộc phục sinh truyền phép kín trên núi Ôlivêtê (Q. IV), cuộc chiến giữa quân LâmBô của Jêsu với quân Jiuđê có sự tham gia của các đạo "thần binh" (Q. V), v.v. cho nên, xét về thể loại thì Tây Dương Gia Tô bí lục là một tập truyện ký dã sử.

Với một lối kể chuyện ít nhiều có phong cách dân gian, tác phẩm lại có dáng dấp như một tập sưu khảo bình luận, lại có chỗ dùng bút pháp của người chép sử, v.v. Chúng tôi cho rằng dung hợp được những đặc điểm đó một cách thích đáng và sinh động có lẽ cũng là một nét độc đáo của Tây Dương Gia Tô bí lục về phong cách nghệ thuật.

Mặc dù những tên sách ghi tắt theo kiểu xưa như Thực lục, Ngoại lục, Giảng tục, v.v. cả Bí lục nữa, không đủ cho chúng ta xác định đó là những tài liệu nào, nhưng qua tác phẩm chúng ta thấy quả thật các tác giả đã sưu tập tài liệu từ những nguồn tham khảo khá phong phú. Điều đáng kể là ngay cả phần nói về cuộc đời Jêsu, tác giả cũng không lặp lại nguyên vẹn theo một cuốn tiểu sử nào đã từng xuất bản trước đây. Những đoạn nói về tích lễ Lá, lễ Tro, lễ Ném đá, v.v. quả là những điều ghi chép mà ngoài Tây Dương Gia Tô bí lục chúng tôi chưa dám nói chắc là có thể tìm được ở một tài liệu nào khác hay không. Dẫu sau thì đối với một tác phẩm văn học dã sử thì tiền đề đã chấp nhận mọi cách trình bày của tác giả như là những biện pháp nghệ thuật.

Tuy vậy, trong Tây Dương Gia Tô bí lục cũng có một số điều ghi chép ít nhiều có chứa lượng thông tin lịch sử. Ví dụ tác giả cho biết cách đọc kinh chia là hai bè nam nữ là mới đặt ra về sau bởi dòng Đôminic; đám hội diễn thuật sự tích Jêsu chịu nạn nguyên ở phương Tây làm ban ngày, khi đạo mới truyền vào nước ta tuy chưa bị cấm nhưng vẫn có ý né tránh nhà chức trách nên làm vào bao đêm, v.v. Còn nhiều những đoạn mô tả khá tỉ mỉ về các nghi thức như phép rửa tội, xưng tội, xức dầu thánh, lễ kiên đạo, v.v. khi thầy cả và con chiên phải làm gì, đám rước ngày lễ phục sinh có ý nghĩa ra sao, v.v. là những điều ghi chép có thể có ý nghĩa đối với những người nghiên cứu, sáng tác có yêu cầu tìm hiểu nó.

Đáng kể về sử liệu, có thể nêu điều ghi chép sau đây của Tây Dương Gia Tô bí lục về thời điểm có người đạo trưởng Tây Dương đầu tiên đến Việt Nam. Các nhà truyền giáo phương Tây có nhiều tài liệu cho biết những giáo sĩ đến Việt Nam từ khá sớm. Nhưng về cái mốc đầu tiên đó thì có lẽ bị thiếu, vì vậy có người muốn đẩy sự việc đó lên đầu công nguyên: Pedro Ordonez de Cevallos (đến Việt Nam năm 1590) nói rằng thánh Thomas sang truyền đạo ở xứ Bắc kỳ từ hồi Bắc thuộc (!) Điều đó đã sớm bị một giáo sĩ khác là Chritoforo Borri (đến Việt Nam năm 1618) bác bỏ, cho là "chuyện bịa đặt không có căn cứ"(2). Thế mà sau này những cuốn như Sử ký Hội Thánh (xuất bản năm 1944) và một số tài liệu khác vẫn nhắc lại mãi.

Chính sử nước ta, Đại Việt sử ký toàn thư không nói gì đến việc này, chỉ ghi một việc về năm Cảnh Trị 1 (1663) cấm dân theo đạo Hoa Lang. Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì có chép rõ: "Năm Nguyên Hoà thứ 1 (1533) đời Lê Trang Tông có người Tây Dương là Ynêkhu (Ingatio) đi đường biển lẻn vào giảng đạo Gia Tô ở các làng Ninh Cường, Quần Anh, Trà Lũ huyện Nam Chân"(3).

Căn cứ vào đâu mà Cương mục ghi thêm được sự việc đó? Hai ông Chu Thiên và Đinh Xuân Lâm cho rằng đó là do Cương mục đã dựa vào tài liệu trong Tây Dương Gia Tô bí lục(4). Liên quan đến vấn đề này, năm 1944 Hồng Lam có dẫn cuốn Les debuts du Christianisme en Annam (Khởi đầu đạo Cơ đốc ở Việt Nam) của Bonifacy trong đó tác giả nói rằng M. Delloustal đã đọc thấy sự việc này ghi trong một cuốn dã lục hay gia lục(5). Hồng Lam không biết đến sách Tây Dương Gia Tô bí lục, nhưng cách dẫn tư liệu như vậy cho thấy tác giả cũng cho rằng người soạn Cương mục đã được tham khảo một tài liệu như cuốn "dã lục" mà M. Delloustal đã được xem. Nếu cách giải thích của các tác giả nói trên được xác nhận thì điều ghi về sự việc nói trên (xem Q. IX) là một sử liệu có giá trị, đồng thời điều đó cũng cho thấy một truyền bản của Tây Dương Gia Tô bí lục vào thời điểm biên soạn Cương mục (bắt đầu biên soạn 1856, xin xong 1884).

Tấm lòng của những người Thiên Chúa giáo yêu nước

Qua những điều ghi chép có tính chất tự truyện rải rác trong tác phẩm, chúng ta thấy các ông đều là những người ngoan đạo. Hai ông Phạm, Nguyễn tận tuỵ với chức đạo cho đến lúc tuổi già, được thăng làm giám mục. Hai ông Bá Am và Trình Hiên theo học đạo từ lúc còn nhỏ, rời trường dòng đều được phong thầy cả từ lúc mới trên dưới hai mươi tuổi, như thế không thể nói các ông không có lý tưởng tu hành. Vậy điều gì đã khiến cho các tác giả Tây Dương Gia Tô bí lục phải đi đến những ý kiến hoài nghi và phủ nhận những giáo điều mà mình đã tuân theo? Đó phải là một diễn biến tư tưởng sâu sắc mà phần nào ta có thể tìm thấy nguyên nhân trong lịch sử của bổn đạo.

Vào thời kỳ đầu, giáo sĩ phương Tây kẻ trước người sau đến Việt Nam rồi ra đi không đạt kết quả gì. Các giáo sĩ dòng Tên (Jésuites) là những người đã đặt được cơ sở bước đầu cho việc truyền đạo ở nước ta. Để làm được điều đó, có thể thấy rằng các nhà truyền giáo thời đó phải châm chước ít nhiều để cho các phép tắc nghi lễ của đạo Thiên Chúa trở nên đơn giản dễ chấp nhận đối với những người nước ta đầu tiên chịu phép rửa. Nói về một điều cấm trong luật đạo, thầy cả Philipphê Bỉnh ghi trong sổ tay của mình: "Sự ấy (phép kiêng thịt trong tuần chay) chẳng có cần, chẳng có trọng cho bằng ba ngày đến Annam có nhiều kẻ chẳng mấy khi được ăn thịt, một trông cho đến ngày Tế mà lại chẳng được ăn. Dù mà những kẻ thường ăn thịt mặc lòng, song thói trong nước lấy ba ngày ấy làm trọng thì phải đi mừng nhau mà thết đãi ăn uống (...), thấy bổn đạo chẳng được ăn thịt thì lấy làm gương xấu mà chẳng muốn đi đạo"(6), vì thế "có kẻ cùng chèo thuyền sang bên kia sông mà ăn". Những dòng ghi chép trên đây cho thấy đến cuối thế kỷ XVIII, đối với các giáo sĩ dòng Tên, việc dung hoà giữa luật đạo và luật đời (phong tục tập quán dân tộc) vẫn là một yêu cầu cấp thiết của việc truyền đạo. Nhưng tình hình lúc bấy giờ đã thay đổi. Mặc dù dòng Tên (của các giáo sĩ Bồ Đào Nha) có nhiều công lao trong buổi đầu, nhưng về sau dòng này kém phát triển vì vấp phải sự cản trở của Hội truyền giáo ngoại quốc của các giáo sĩ Pháp. Cuối cùng, do thế lực của tư bản Pháp, Toà thánh La Mã đã phán quyết giải tán dòng Tên ở Việt Nam, sáp nhập giáo đồ vào dòng Đôminic(7). Từ năm 1773 cho đến hết thế kỷ ấy là thời kỳ kèn cựa gay gắt giữa dòng Đôminic và cả dòng Phêrô với dòng Tên đang thất thế. Sau khi các giáo sĩ dòng Tên người phương Tây ra đi hết vào năm 1788 thì những cha cố dòng Tên người Việt Nam ở lại trong nước phải chịu đựng những áp lực thô bạo nhất. Thầy cả Sen (dòng Đôminic) nói với giáo dân làng Kẻ Sắt rằng: "Cụ Bỉnh (tức Philipphê Bỉnh) mới lìa khỏi gốc rạ", khi đến làm phép cho người ốm thấy bát nước phép của thầy cả Bỉnh thì bảo người nhà đem đổ xuống ao, v.v.

Cuộc tranh chấp đó gần 20 năm, đến 1793 thì các xứ đạo ở Sơn Nam Hạ phải thi hành phán quyết của bề trên về việc giải tán dòng Tên. Và vì việc ấy, hai ông Phạm Ngộ Hiên và Nguyễn Hoà Đường nhận uỷ thác của giáo đồ lên đường đi La Mã như tác phẩm đã cho biết(8).

Sau khi lời thỉnh cầu khôi phục dòng Tên bị bác bỏ, điều gì xảy ra đối với hai giám mục già từ đây sẽ trở về quê hương chịu sự khinh rẻ của các thầy dòng Đôminic? Từ việc bị tước mất con chiên đến việc đánh giá lại ý nghĩa cuộc đời tu hành là một bước phát triển có thể hiểu được. Qua câu nói bóng gió của người đứng đầu giáo hội lúc bấy giờ về một "cuộc đại khánh hạ" của người phương Tây trên đất nước Việt Nam, hai ông suy nghĩ gì? Lại những gì hai ông đã được xem trong căn phòng thâm nghiêm ấy, kể cả tấm bản đồ nước Nam đủ chi tiết núi sông đường sá? Trong con mắt của người xưa thì việc một nước này am hiểu quá sâu tình hình một nước khác không phải là một tin lành cho người bản quốc. Từ chỗ đó mà tiến tới nhận ra âm mưu các nước đế quốc phương Tây lợi dụng việc truyền giáo nhằm mục đích xâm lược lại là một bước phát triển nữa, rất có ý nghĩa và phù hợp với quy luật tư tưởng. Đó là những điều trong tác phẩm tường thuật rất rõ ràng. Hai ông tâm sự với nhau: "Xem ra thì từ lâu người Tây Dương chỉ mượn danh chúa Jêsu để đi cướp nước người. Chúng ta vì bọn họ mà xua đuổi dân ta theo bọn họ chỉ là làm công việc vô ích mà thôi".

Có thể nói đó là ý tưởng đầu tiên đã thức tỉnh tinh thần yêu nước trong lương tâm của hai vị giám mục già. Hai ông Nguyễn Văn Hoằng và Trần Đức Đạt về sau cũng trải qua một tâm trạng tương tự, từng thốt lên: "Bọn ta chìm vào đảng giặc đã lâu quá rồi!" Tỉnh ngộ ra điều đó, cả bốn ông trước sau đều muốn viết ra ngay những gì mình nghe thấy, mục đích là để cho người đọc "sau khi xem qua sách này một lần, thực trạng của bọn giặc Tây Dương sẽ không còn điều gì có thể gọi là kín đối với quí vị nữa" (Tựa). Chuyện kín của người Tây Dương thì có nhiều, nhưng điều kín lớn nhất như các ông đã nêu lên, là âm mưu lợi dụng việc truyền giáo để mưu đồ thực dân xâm lược: "Sai bề tôi lẻn vào nước ngoài, rồi dùng người nước đó sai họ đi quyến dụ người trong nước", khiến cho họ "cam tâm làm đầy tớ trung thành cho bọn người Tây Dương, lén lút bán rẻ đất đai con dân nước ta cho chúng".

Nếu kể từ hai ông Phạm, Nguyễn đi Tây Dương về thì bấy giờ đế quốc Pháp cũng chưa tiến xa hơn các nước đế quốc phương Tây khác trong âm mưu xâm chiếm nước ta, chỉ mới đạt được một mối tiếp xúc giữa Pingeau de Béhen với Nguyễn Ánh trên đất Xiêm.

Ngày nay chúng ta có đủ tài liệu cho thấy, từ rất lâu trước Béhen, một số người phương Tây đến Việt Nam với danh nghĩa truyền giáo nhưng đã hoạt động như gián điệp, có kẻ đã gợi ý hoặc chính thức đề nghị chính phủ nước mình đem quân sang xâm lược Việt Nam. Sau khi ở Việt Nam về A. de Rhodes viết: "Đây (Nam kỳ) là một vị trí cần phải chiếm lấy và nếu chiếm được vị trí này thì thương gia châu Âu sẽ nắm được một nguồn lợi lớn, vì tài nguyên ở đây rất dồi dào"(9). Thành viên của Hội truyền giáo ngoại quốc nếu không phải trước hết thì cũng đồng thời thực hiện nhiệm vụ do Napoléon I giao cho: "Tôi sẽ cử các giáo sĩ đi điều tra tình hình các xứ. Tấm áo của họ sẽ che chở cho họ và sẽ dùng để che giấu mưu đồ chính trị và thương nghiệp"(10).

Đó là việc phát hiện của ngày nay, còn suốt thời kỳ lịch sử cận đại thì những tài liệu như vậy chưa hề được phanh phui trước công luận trong nước. Trước thời điểm tàu chiến bắn vào cửa biển Đà Nẵng (1847), sắc dụ của các vua chúa, điều trần của sĩ phu nước ta liên quan đến việc cấm đạo không phải là ít, nhưng phần nhiều những tài liệu ấy đều nói đến cái hại đạo Gia Tô làm rối loạn tập tục, phá hoại luân thường, nhiều nhất là nói người Tây Dương mưu đồ lợi lớn. Chưa thấy tài liệu nào vạch rõ mối lợi đó của chúng là cái lợi xâm lược nước ta.

Điều đó tác giả Tây Dương Gia Tô bí lục đã làm được, kể cả ở quyển IV là phần đã được cho biết là khởi thảo từ 1794.

Nhận ra âm mưu của kẻ thù, lo lắng cho vận mệnh đất nước, các ông quay về cầm ngọn bút lông viết ra cuốn Tây Dương Gia Tô bí lục để lưu hành ở đời. Với ý nghĩa đó, phải chăng có thể coi các tác giả Tây Dương Gia Tô bí lục là những người Thiên Chúa giáo yêu nước đầu tiên đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ ngoại xâm từ phương Tây? Hơn là một lời cảnh báo, các ông đã chân thành mong muốn cuốn sách sẽ thay lời các ông dâng đặng lên "các bậc thánh nhân ở ngôi, các bậc hiền tài giúp nước", mong lựa chọn trong sách của các ông những lời đúng đắn "làm thành phép riêng của ta, xét sự thực để diệt trừ giặc Tây, khiến cho non sông nước Nam thì vua Nam ở, xã tắc vững âu vàng, cho muôn đời được nhờ cậy".

Ngày nay nhìn lại, chúng ta dễ thấy rằng các ông đều có nhiệt tâm yêu nước, nhưng tư tưởng yêu nước của các ông là chưa hoàn thành. Dường như trong một trạng thái cực đoan, các ông nhất loạt gọi là "nguỵ Tây", "tà đạo" mà chưa có cách nhìn thích đáng dùng để phân biệt những tu sĩ và con chiên thành thật tìm đức tin cứu rỗi với những kẻ khoác áo thầy tu nước ngoài. Các ông vạch trúng âm mưu của kẻ thù, nhưng biện pháp đối phó thì không ngoài những kinh nghiệm cấm đạo ở những nước xa xôi khác. Đó là những hạn chế sai lầm có tính lịch sử mà chúng ta đều biết các chính quyền nhà Nguyễn đã phạm phải, gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Phải đợi đến đầu thời kỳ hiện đại, đảng của giai cấp công nhân Việt Nam ra đời mới có một chính sách đúng đắn để đoàn kết đồng bào lương giáo cùng thực hiện nhiệm vụ chung giải phóng dân tộc.

Kết luận

Trong quá trình nghiên cứu và phiên dịch tác phẩm này, chúng tôi có chú ý tìm hiểu tiểu sử của bốn tác giả. Nhưng có lẽ vì thời gian đã xa, các vị tuy đã được phong các chức vụ trong bổn đạo, nhưng cuối đời do nhận ra âm mưu của bọn đội lốt thầy tù nước ngoài đã bỏ các chức đạo trở về cuộc sống của người dân bình thường, cho nên tên tuổi và hành trang của các vị không khỏi bị những kẻ thiếu thiện chí làm cho lu mờ, thanh danh mai một. Ngay cả tác phẩm của các vị cũng chỉ mới sưu tầm được cách đây không lâu.

Ngày nay đọc Tây Dương Gia Tô bí lục, chúng ta thấy rõ ràng những vấn đề tư tưởng tôn giáo đề cập đến trong tác phẩm đã lùi hẳn vào quá khứ cùng với những điều kiện lịch sử – xã hội trong đó các sự kiện và tác phẩm đã ra đời. Cái quý nhất trong người Thiên Chúa giáo yêu nước đầu tiên đã gắn bó đức tin với truyền thống yêu nước của dân tộc. Chính là với sức mạnh của truyền thống đó, tác phẩm của các ông ngùn ngụt nhiệt tình yêu nước, vạch trần âm mưu thâm độc của kẻ thù lợi dụng danh nghĩa truyền giáo để xâm lược nước ta. Đó là chủ đề xuyên suốt tác phẩm, và chúng tôi nghĩ rằng đó cũng là giá trị tư tưởng chủ yếu của Tây Dương Gia Tô bí lục.

Vì vậy, mặc dù có những hạn chế nhất định, Tây Dương Gia Tô bí lục đáng được ghi nhận là một tác phẩm văn học yêu nước có phong cách nghệ thuật độc đáo, đồng thời là tài liệu tham khảo có giá trị đối với công tác nghiên cứu lịch sử, nhất là lịch sử tư tưởng Việt Nam.

Bản dịch của chúng tôi mặc dù đã có chú ý trong việc dịch và chú thích văn bản(11), nhưng có lẽ cũng không tránh khỏi sai sót. Kính mong bạn đọc vui lòng chỉ giáo cho.

Ngô Đức Thọ

Lời tựa

Kín đây là chuyện kín của riêng người Tây Dương. Nay người nước ta phát hiện những chuyện kín ấy ra, khiến cho người Tây Dương không còn giữ riêng được, mà thành ra những chuyện kín công khai cho cả người nước ta biết nữa.

Chúng tôi nghĩ rằng: Đạo của tiên vương đều là quang minh chính đại, cho nên không có gì phải gọi là kín. Đã gọi là kín, ắt có sự gian dối không dám để lộ ra. Các đời tiên vương cấm dân theo tà đạo, những người nói khác tiếng mặc khác kiểu đều bị xét hỏi. Đó là cách rất chu đáo để phòng ngừa mưu gian của bọn địch. Từ khi phép tắc của tiên vương bị lỏng lẻo thì việc chống dị đoan, trừ tà thuyết đã làm cho các bậc thánh hiền phải bàn nói đến nhiều. Đó là các vị lo cho đời sau sẽ mắc phải nạn dị đoan càng thêm nặng. Nhưng từ đời Hán trở về sau không ai làm được việc ấy nữa(12). Vì bỏ phong tục ra ngoài mà chỉ bàn luận chính sự, cho nên bọn rợ Hồ (13)được dịp vào trước, rồi bọn quỷ Tây được dịp vào sau, biến đổi (nước) lễ nghĩa thành hang ổ của quỷ yêu ma(14). Các bậc tiên nho vì thế phải làm thinh mà than thở.

Nhưng mà đạo Thích Ca dạy người chỉ truyền giảng kinh bằng sách miệng. Còn đạo Gia Tô thì dám công nhiên sai bề tôi lẻn vào nước ngoài, rồi dùng người nước đó sai họ đi quyến dụ người trong nước.

Bọn họ nhằm mục đích gì? Xét ra thì người Tây Dương bản tính xảo quyệt nham hiểm, các nước láng giềng từng gọi vua nước chúng là vua quỷ(15), xua đuổi bọn chúng như loài cú vọ, chứ không ai muốn thân gần. Cứ xem như việc bọn chúng lừa phỉnh người ta, dẫu phải dụ dỗ nghìn vạn lời cũng không nản, cốt làm cho người ta nghe mãi lâu ngày cũng phải chìm đắm. Bọn chúng rắp tâm hiểm ác thì không kể muôn nghìn quỷ quái, khiến cho quan quân (16)lùng xét gắt gao cũng không tìm được hình tích. Bọn chúng lôi kéo người nước ngoài, cho làm giám mục là cốt để rộng lắp nanh vuốt, dùng mưu giữ kín không cho đọc các sách Bí lục, Thực lục để họ kiên tâm theo phép tắc của Giáo hoàng(17), vinh hạnh được phong chức hưởng lợi riêng mà quên công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ, vui thích vì riêng mình được tôn vinh nơi giáo đường mà quên việc thờ cúng tổ tiên, cam tâm làm đầy tớ trung thành cho bọn người Tây Dương, ngấm ngầm bán rẻ đất đai con dân nước ta cho chúng. Bọn ấy tuy mang danh là người nước ta nhưng kỳ thực đã vụng lén nhận lĩnh bằng sắc của giặc, chính là muốn rằng sau khi đạo chúng đã truyền bá rộng rãi thì sẽ đem cả nước nhà trao cho bọn giặc Tây Dương, các thuật của Jêsu há chẳng thâm độc lắm ru? Than ôi, thế lực của bọn giặc ngoại dương mạnh lớn, há phải một sớm một chiều mà có thể trừ bỏ đi được!

Kìa như nguyên do của sự việc Jiuđa phản bội, những thần hiến kế lạ, sách Bí lục không cho ban hành, việc hai ông Cảm Hợi và Chân Bình trình bày mưu kế(18), xem đó thì những người bất mãn với chúng kể cũng nhiều. Mà sách càng giữ kín thì hành động của bọn chúng càng càn bậy, dù phải lâu đến năm bảy mươi năm nhưng chưa nuốt chửng được nước nhiều thì chúng chưa chịu thôi.

Người ta thấy đạo ấy làm đồi bại phong tục, thương tổn luân thường(19), chứ không biết bọn chúng trước hết làm cho dân trở thành ngu dốt rồi sau mới chiếm lấy nước. Cần phải đọc các sách truyện ký của nước Tây Dương (20)thì mới biết được lại do của bọn giặc Tây Dương. Than ôi, từ xưa đến nay chưa có giặc nào hung ác như bọn giặc này!

Ngày nay dân chúng thì ngại phải nghe nói những chuyện rườm rà mà không biết xét kỹ, kẻ ra lệnh cấm thì chỉ nêu lên đại khái chứ không nói rõ những chỗ mập mờ. Do đó, nhiều đời nghiêm cấm, mà bọn giặc Tây Dương vẫn cứ còn nguyên đó.

Than ôi! Thánh vương các đời quên ăn quên mặc, chỉ lo không giáo hoá được dân. Thế mà bè đảng bọn chúng vẫn lén lút ẩn náu ở dưới, gần thì tụ tập, dần dần làm biến đổi hết phong tục nước ta. Cái tội gian hiểm xấc ngạo của chúng lẽ nào có thể dung tha được!

Nay bọn chúng lén vào ẩn náu ở nước Nam ta từ thời Hậu Lê, trải đến đời Cảnh Hưng (1740-1786) đã ba trăm năm rồi, vậy mà các giám mục, hào trưởng chẳng ai hay biết âm mưu của bọn chúng. Tuy nhiên, người sâu hiểm (21) há lại không có trời biết hay sao? Những sự bí hiểm của trời đất thánh nhân còn biết trước được, huống chi là những chuyện bí mật của nhân gian lẽ nào lâu ngày mà không lộ ra? Dù không lộ ra nữa, há lại không bị người đời khinh ghét hay sao?

Cho nên, trời giúp nước Nam ta, thánh phù cõi Việt, mới sinh ra hai cụ Phạm (Ngộ Hiên) và Nguyễn (Hoà Đường), phú cho bản tính thông minh cường kỳ. Hai cụ nhập bọn với chúng rồi được sang Tây Dương, khôn khéo chiếm được lòng tin để Giáo hoàng lấy cho xem cuốn sách ghi chép chuyện kín của đạo Gia Tô. Về nước, hai cụ nhớ lại mà chép ra, cất kín trong tráp để đợi thời. Thế là từ đó chuyện kín của giặc Tây Dương đã bị lộ.

Hai người chúng tôi trước theo học đạo Nho, kiêm học các phép đạo của người Tây Dương, từ khi mới chịu phép niệm chú bắt quyết(22)đã thấy ngay đó là thủ đoạn hại người. (Sau) chúng tôi thấy hết những sách ghi chép các chuyện kín để trong mật phòng của tu viện, đem xuống thuyền xem lén. Chúng tôi lại tìm hỏi được tập sách do hai cụ Phạm, Nguyễn viết ra, nhờ đó mới biết rộng thêm mọi việc của bọn rợ Tây, bèn dịch làm thành sách(23), trước sau mất 4 năm, phát giác hết mọi sự tình bí ẩn, không dám tiếc sức. Những chuyện kín của người Tây Dương tới đây mới thật bộc lộ ra hết! Chúng tôi chân thành mong muốn rằng sau khi quý vị xem qua sách này một lần, tình trạng của bọn giặc Tây Dương sẽ không còn điều gì gọi là "kín" được nữa.

Cái gọi là "kín" là những chuyện mà bọn chúng phải giữ kín để náu thân, phải giữ kín để che đậy âm mưu của chúng. Nay cái mà chúng tôi gọi là "kín" là những chuyện kín công khai cho cả nước ta đều biết, lưu lại cho muôn đời sau cùng giữ lấy. Như vậy, những chuyện kín nói đây há chẳng rộng lớn hay sao?

Chúng tôi đã già rồi, biết làm thế nào, chỉ trông cậy các bậc thánh nhân ở ngôi, các bậc tài giỏi giúp nước, những khi rảnh rỗi sau muôn công nghìn việc, không vứt bỏ những lời dông dài này. Trong sách của chúng tôi cũng có những điều khác biệt này khác, mong quý vị lượng thứ những chỗ sai trái, lựa chọn lấy những chỗ nghe được để đặt thành phép của ta, nắm lấy thực chất sự việc để trừ diệt giặc Tây, khiến cho non sông nước Nam thì vua nước Nam ở, xã tắc vững âu vàng(24), muôn đời được nhờ cậy. Đó là ý nguyện thành thực canh cánh bên lòng của bốn người quê mùa chúng tôi vậy. Nay làm tựa.

Viết vào tháng Hoa đào [tức tháng Hai] năm Giáp Dần, thời nhà Lê suy tàn (25) .

Nguyễn Bá Am – Trần Trình Hiên Kính cẩn vái đề

Dương tặc khi chúng thuyết lược dân
(Chỉ dẫn tóm tắt về những lời lẽ lừa bịp của bọn giặc Tây)

Những lời lẽ dối trá và những thủ đoạn lòe bịp của bọn giặc Tây rất nhiều, trong sách có ghi chép đầy đủ cả. Ở đây chỉ sơ lược nêu lên những nét đại khái như sau:

Bọn chúng lừa dối bảo người ta rằng các phép thiên văn, địa lý, bói toán tướng số, âm dương ngũ hành, đoán mộng, đều là nhảm nhí không đáng tin, kỳ thật thì vua tôi bọn chúng phần nhiều đều dùng những phép ấy. Bọn chúng lừa dối bảo người ta bỏ thờ cúng, kỳ thực vua tôi bọn chúng đều có đền miếu thờ phụng, đến ngày giỗ ngày kỵ thì đốc thúc dân chúng đến vái lạy. Bọn chúng lừa dối bảo rằng người chết chôn cho sâu, kỳ thực thì vua quan bọn chúng khi chết đều chôn nông cả. Bọn chúng lừa dối bảo rằng thể xác người ta do đất vắt nên, không đáng quý trọng. Kỳ thực thì đối với vua quan bọn chúng, sau khi chết còn chuộc hồn về để phong thần, lấy tóc và máu trát vào tượng để thờ. Làm như thế lại còn một ý nữa là: khiến cho người ta coi thường cái chết mà tin theo bọn chúng. Bọn chúng lừa dối bảo người ta không được thờ cúng ông bà cha mẹ cùng là các thần, kỳ thực chỉ là để cho người ta thờ cúng riêng Jêsu cùng vua tôi chúng nó. Bọn chúng lừa dối bảo rằng những món người ta vẫn thường ăn thì không được dùng để cúng tế. Kỳ thực thì bọn chúng cũng vẫn dùng bánh và rượu để tế Jêsu. Bọn chúng lừa dối người ta rằng có tội thì được giải tội. Kỳ thực thì ở nước chúng, những kẻ trộm cướp, gian dâm đều bị giết không tha. Nếu những tội ấy mà không bị xét xử, chỉ cần xưng tội rồi được tha thì nước chúng làm sao còn đứng vững được đến ngày nay? Bọn chúng lừa dối bảo người ta chỉ được lấy nhau một vợ một chồng, kỳ thực thì vua tôi bọn chúng phần nhiều đều có thiếp hậu vợ lẽ để được đông con cháu kế tự. Bọn chúng lừa dối bảo người ta không được tham lam của cải, kỳ thực thì bọn chúng bày đặt ra các lễ, thu tiền muôn bạc vạn. Bọn chúng lừa dối bảo người ta chớ nên vun vén tài sản riêng, kỳ thực khi bọn chúng đã thu được nhiều tiền bạc thì cưỡng ép người ta để mua vườn ruộng, giám mục ít nhất cũng không dưới trăm mẫu, thầy cả ít cũng không kém ba chục mẫu, thảy đều không phải nộp tô nộp thuế gì cả. Bon chúng giả dối khuyên người ta giúp đỡ kẻ nghèo thì được phúc, kỳ thực bọn chúng chẳng hề cứu giúp một ai. Bọn chúng lừa dối người ta rằng kẻ nào khuyên được một người cùng theo đạo thì cả hai cùng được lên thiên đường. Kỳ thực bọn chúng muốn người ta quyến rũ nhau theo đạo, khiến cho đạo chúng được đông dân. Bọn chúng lừa dối bảo người ta kiêng thịt, kỳ thực vua tôi bọn chúng ngày nào cũng ăn thịt cả. Việc này hai ông Phạm Văn Ất và Nguyễn Đình Bính khi sang Tây Dương đã được tận mắt nhìn thấy. Bon chúng lừa dối bảo người ta đừng theo Nho học, kỳ thực cốt khiến cho dân chúng không hay biết mưu mô của bọn chúng. Bọn chúng lừa dối bảo người ta rằng người cùng một huyết thống lấy nhau cũng không hề gì, kỳ thực đó là âm mưu của bọn chúng cốt làm cho kẻ đồng loại trở nên ngu đần đi. Bọn chúng lừa dối bảo người ta không được xem địa lý, kỳ thực bọn chúng muốn cắt yểm long mạch khiến cho dân chúng ngu dần đi. Bọn chúng lừa dối người ta rằng chúa Jêsu chuộc tội cho loài người, kỳ thực là khuyên người ta dẫu gặp phải tại hoạ cực khổ cũng phải chịu đựng như thế, không được hai lòng với chúa Jêsu. Bọn chúng đem thiên đường ra để lòe bịp người ta, kỳ thực ở nước chúng chẳng qua cũng chỉ lấy đền miếu làm thiên đường. Bọn chúng đem địa ngục ra mà doạ người ta, kỳ thực chẳng qua cũng là lấy hình phạt làm địa ngục. Bọn chúng lừa dối người ta rằng Chúa Trời có ba ngôi, kỳ thực là muốn người ta chỉ tôn thờ một mình Jêsu mà thôi. Bọn chúng lừa dối người ta về việc làm phép, trường thọ, kỳ thực là để trấn áp người ta. Jêsu đem Chúa Trời ra lòe bịp người ta, kỳ thực là để tỏ ra rằng chính mình là Chúa Trời. Bọn chúng lừa dối là phép rửa tội cho người sắp chết, kỳ thực là cốt để yểm áp khiến cho hồn người chết mất thiêng. Bọn chúng lừa dối người ta rằng bọn chúng thương con chiên cũng như thương bản thân mình, kỳ thực là cốt dụ dỗ dân nước khác tuân theo để bọn chúng chiếm lấy thiên hạ. Bọn chúng chưa thôn tính được nước ngoài thì còn đem chuyện phép tắc khoan nới mà dụ dỗ người ta, đến khi lấy được nước rồi thì nhất thiết thi hành hình pháp thảm khốc.


[Lời ghi riêng trong nguyên thư]

Tiếng nói của bọn rợ Tây viết ra bằng chữ Hán thì không có chữ. Trong sách này, phàm những tên người, tên đất đều chỉ chọn dùng những chữ có âm đọc na ná mà thôi, trong đó ắt có nhiều sai lạc. Kính mong quý vị hiểu nhiều, biết rộng sửa chữa giúp cho. Được như thế thật may mắn lắm.


Tây Dương Gia Tô bí lục nguyên dẫn
(Lời dẫn nguyên cớ của sách Tây Dương Gia Tô bí lục)

Các sách truyện ký của người Tây Dương thì có nhiều, chỉ chọn nêu lên 7 bộ quan trọng sau đây:

1. Bí lục, tức là sách Gia Tô bí pháp chỉ các Tổng giám mục mới được đọc.

2. Thực lục, tức là sách do môn đồ của Jêsu ghi lại những điều tai nghe mắt thấy.

3. Ngoại lục, ghi những lời vua tôi Tây Dương khoe khoang khoác lác để mê hoặc dân chúng.

4. Giảng lục, soạn những lời dối trá, lừa bịp.

5. Ngâm lục, lược trích từ sách Thực lục, chia làm 15 đoạn ngâm, nay giáo dân vẫn dùng để tụng niệm.

6. Quốc ký, ghi chép về vua tôi các đời của nước Tây Dương.

7. Nhất thống, ghi về những nước bị Tây Dương thôn tính.

Nay xin thâu góp ở các sách nói trên lược soạn thành một sách, gọi chung là Bí lục để tiện xem đọc.

Từ Q. I đến Q. IV chủ yếu dựa vào sách Thực lụcBí lục. Từ Q. V về sau thì tham khảo sử dụng sách Nhất thốngQuốc ký, rải rác giữa các đoạn có những lời phụ chú căn cứ vào sách Ngoại lụcGiảng lục để cho rõ thêm những lời lẽ lừa dối bịp bợm.

Nước Tây Dương cũng gọi là nước Italia(26). Nước ấy ở tận cuối trời Tây, cách miền Tây Vực không biết đến mấy nghìn vạn dặm. Tiếng nói chữ viết của nước ấy khác hẳn với nước Tây Trúc(27). Nước ấy cũng nhiều núi, dân chúng tựa vào núi mà ở. Người và ma quỷ chung lẫn với nhau, nhà thờ nhan nhản(28).

Người nước ấy, đàn ông thì cao to, đàn bà cũng cao như mà thon, đầu tóc quăn, mũi to, mắt đỏ. Đàn ông từ năm mươi tuổi trở lên bụng phệ dần ra, cho nên phải dùng dây da thắt lại. Áo của họ không may cổ cao, chỉ có một đường xẻ cài khuy và luồn dây để buộc thắt lại như chiếc váy, khi mặc thì lồng qua đầu mà thả xuống rồi buộc dây ở cổ. Đó là kiểu áo do Jêsu chế ra.

Giọng nói của họ "xì xồ", chữ viết lằng nhằng như thừng rối, mà lại đọc ngang, khi ra nước ngoài mà muốn học tiếng và dịch chữ của nước khác cho được thì thật là rất khó. Chẳng hạn muốn dạy cho họ tiếng "đông" thì phải chuyển lưỡi qua các vần "đổng, đống, động" rồi mới đến "đông", có khi phải chuyển năm sáu lần mới nói được tiếng "đông".

Ở cung vua nước ấy không có ghế ngai, chỉ xếp ván gỗ mà ngồi, mà cũng không có qui định thứ bậc gì cả. Riêng có một bục gỗ phủ gấm buông hình chữ môn, đó là chiếc ghế của vua ngồi. Bề tôi vào chầu, lúc đầu chỉ mặc thường phục, khi nghe tiếng chuông thì xếp hàng trước vua rồi mới mặc áo chầu, không lạy, chỉ cúi đầu xuống; khi đứng, khi quỳ, lâu mau đều tuỳ theo tiếng chuông làm hiệu. Vua ngự buổi chầu khi thì ngồi, khi thì ghé tựa vào ghế, hoặc cũng có khi lơ mơ ngủ. Khi vua ngủ thì các quan được ngồi, khi nào vua tỉnh thì các quan đứng dậy. Triều phục thì áo trong có tay, áo ngoài không tay, hình dáng đại khái như chiếc mai rùa. Đó cũng là kiểu áo do Jêsu chế ra, tức là kiểu áo lễ mà ngày nay các cố đạo thường mặc.

Nước ấy không đủ năm loài ngũ cốc, chỉ trồng được giống lúa mạch mà thôi. Sản vật thì có nhiều phục linh, sơn trà, đương quy và xác các loài thú dùng để nấu cao ăn hằng ngày.

Phong tục nước ấy khi trước vua tôi đều thờ chúa Trời. Mỗi làng lập một đạo trưởng để cai quản dân chúng. Quy định bảy ngày là một tuần, gọi tên từng ngày từ thứ nhất đến thứ bảy. Hằng năm lại luân phiên đổi ngày kế tiếp làm ngày thứ nhất, gọi ngày thứ nhất là ngày thờ chúa Trời. Trước đó một ngày, các nhà đem lễ vật hoa quả đến nạp cho đạo trưởng để nấu nướng cỗ bàn tế chúa Trời. Khi làm lễ, đàn ông ngồi gian trên, đàn bà ngồi gian dưới, san sát rập đầu vái lạy. Rồi đó đạo trưởng đọc lời răn giảng, nghe xong thì tan lễ ra về. Cho đến khi Jêsu ra đời, tục lệ thờ cúng chúa Trời như thế mới bãi bỏ, duy về cách chia tuần lễ 7 ngày thì nước Tây Dương vẫn còn dùng.

Người Tây Dương không dùng bốn con vật thiêng (long, ly, quy, phượng) làm hàng trang sức các đồ dùng, mà hoạ theo hình dạng cỏ cây hoa lá. Bởi vì họ sợ rằng vẽ tứ linh thì quỷ thần sẽ nương nhờ vào đó mà trở thành linh thiêng, người ta sẽ mượn cớ đó mà nói là còn có những đạo khác nữa.

Nước ấy có nhiều vàng bạc báu lạ, lại còn mua nhặt thêm quý vật của nước khác để khoe khoang nhiều của. Cho nên bọn họ đã quyến rũ ai thì chẳng mấy người không yếu mềm chìm đắm.

Hình phạt ở nước ấy rất nặng. Người có tội thì hai tay hai chân đóng đinh trên chiếc giá gỗ dựng hình chữ thập, gọi là hình phạt đóng đinh câu rút.

Nước Tây Dương khi xưa là một nước phụ thuộc của nước Jiuđê(29), từ chữ viết đến các việc chính sự hình pháp đều phỏng theo nước Jiuđê. Đến khi nước Tây Dương dùng phép thuật của Jêsu thì mới dứt hẳn quan hệ với nước Jiuđê.

1 Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi không nêu lại những vấn đề lịch sử và tư tưởng Thiên Chúa giáo đã từng gây tranh luận. Bạn đọc có thể xem thêm ở tác phẩm của giáo sư Trần Văn Giàu: Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam... Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1975 (chương III: Bước đầu của đạo Thiên Chúa ở Việt Nam).
2 Chritoforo Borri. Relation de la Nouvelle Mission des Pères de la compangie de Jesus au royaume de la Cochinchine (Ký sự của Tân hội Thừa sai dòng Tên ở Đàng Trong) Roma, 1631. Chuyển đăng Revue indochinoise (tạp chí Đông Dương). 1905, số 4, tr.348.
3 Cương mục, Chính biên
4 Chu Thiên Đinh và Xuân Lâm, Tây Dương Gia Tô bí lục, một tài liệu quý giá. Nghiên cứu lịch sử.
5 Theo Hồng Lam, Lịch sử đạo Thiên Chúa ở Việt Nam, L. Cadière và Nguyễn Văn Tố chú giải, Huế, Đại Việt, 1944.
6 Philipphê Bỉnh, Sách sổ sáng chép các việc (thủ bút của tác giả viết bằng chữ Quốc ngữ, lưu trữ tại Toà thánh Roma), Thanh Lãng sưu tầm. Viện đại học Đà Lạt xb. 1968, tr. 49-50. Xem chú thích 1
7 Philipphê Bỉnh cho biết chính xác việc này xảy ra ngày 22/7/1773 do phán quyết của Giáo hoàng Clément XIV, sđd, tr.1.
8 Đây không phải là trường hợp duy nhất giáo đồ dòng Tên cử bên trên của họ sang La Mã khiếu nại việc mất dòng. Hơn hai năm sau, cũng với mục đích và nhiệm vụ ấy, Philipphê Bỉnh và ba người khác là thầy Nhân, thầy Ngần, thầy Trung cũng đã đi Tây Dương vào năm 1796. Nhưng đoàn này không đến được La Mã vì sau khi theo thuyền của người Bồ sang Lisbon thì biết tin Giáo hoàng Clément XIV đã có phán quyết dứt khoát về việc giải tán dòng Tên. Cả bốn người đều phải ở lại Lixbon và qua đời tại đó. Xem Sách sổ sang chép các việc (sđd).
9 Dẫn theo Lịch sử Việt Nam, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, tr.304.
10 Dẫn theo Lịch sử Việt Nam, tr.386.
11 Các tên người, tên đất và danh từ bằng tiếng nước ngoài, những từ nào có thể tra cứu được thì chúng tôi phiên âm theo nguyên ngữ hoặc qua chuyển ngữ và có chú thích chữ phiên âm dùng trong nguyên thư. Những từ không biết rõ xuất xứ thì phiên theo nguyên thư và ghi bằng chữ liền với các chữ đầu viết hoa, ví dụ: ĐôSaNùng.
12 Tác giả nhắc lại sự kiện đạo Phật truyền vào Trung Quốc vào đời Hán Minh đế (58-76).

13 Nguyên văn: Hồ quỷ. Hồ là từ chỉ nước Hung Nô (phía bắc Trung Quốc) nhưng cũng dùng để chỉ người Ấn Độ (xem chuyện Sĩ Nhiếp trong Tam quốc chí, Ngô chí: cũng xem Đại Việt sử ký toàn thư, Sĩ vương kỷ). Ở đây dùng theo nghĩa thứ hai chỉ các tăng sĩ Ấn Độ.
14 Nguyên thư chép: "biến lễ nghĩa chi tục nhi vi quỷ lỗi chi hương". Ý vẫn có thể hiểu được, nhưng ngữ nghĩa không chuẩn vì "tục" không thể biến thành "hương" được; hợp nghĩa có lẽ là: "biến lễ nghĩa chi quốc nhi vi... chi hương".

15 Tác giả nhắc lại câu nói của vua Juiđê: "Hiểm ác thay tên vua quỷ Tây Dương" (xem Q. VIII, tr. 264).
16 Nguyên văn: bổ giả (những người đi lùng bắt), chỉ quan quân triều đình đi lùng bắt kẻ truyền đạo trái phép.
17 Nguyên thư phiên là "BaBa", tức là phiên âm tiếng Latinh: Papa = Giáo hoàng.
18 Tác giả nhắc lướt mấy sự việc có nói đến trong sách này: việc Jiuđa phản bội Jêsu (xem Q. III), nữ thần hiến kế lạ (Q. V, tr. 194), hai tu sĩ Cảm Hợi và Chân Bình đều trần mưu kế cấm đạo (Q. VIII, tr. 263).
19 Nguyên thư chép: "...hại tục nhi luân", đã có dấu son đánh đỏ móc sót. Chữ sót đó chắc là chữ "thương" (bại tục nhi thương luân).
20 Nguyên thư chép: Hoa Lang. Cần sửa lại là nước Tây Dương (Italia), lý do xin xem chú 1 bài Nguyên dẫn (tr.39).
21 Thời điểm giáo sĩ phương Tân đầu tiên đến Việt Nam, xin xem Q. IX (tr. 291), cũng xem Lời giá trị (tr. 18).
22 Tứ là lễ thụ phong Thầy cả.
23 Nguyên văn: "dịch lại bất lục". Ý tác giả muốn nói dịch phẩm Bí lục từ tiếng nước ngoài ra chữ Hán, phần đó là tài liệu tham khảo chính để soạn thành sách này; xem thêm Lời giới thiệu (tr. 17).
24 Dẫn câu thơ của Lý Thường Kiệt và một phần câu thơ của Trần Nhân Tông: "Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã, Sơn hà thiên cổ diện kim âu".
25 Về dòng lạc khoản "Tàn Lê Giáp Dần", xin xem ở lời giới thiệu (tr. 13).
26 Nguyên thư chép: "Tây Dương giả diệc hiệu Huê Lan quốc, diệc hiệu Y Thi Tổ Quốc" (nước Tây Dương cũng gọi là nước Huê Lan, cũng gọi là nước Y Thi Tô). Lời giải thích đó không chính xác, vì:
Y Thi Tô là chữ phiên âm tên nên Egipto, tức là những Ai Cập. Các sách của bổn đạo xuất bản trước đây cũng thường phiên tên nước Ai Cập là Y Thi Tô, hoặc I Chi Tô. Còn nước Tây Dương dùng trong sách này là để chỉ nước Ý (Italia).
Nước Hà Lan (Holland) phiên âm chữ Hán là Hoa Lan hoặc Hoà lan, sau vì kiêng huý mẹ Thiệu Trị, đọc chệch âm là Huề Lan. Người nước ta thường gọi đạo Thiên Chúa là đạo Tây Dương. Các giáo sĩ Hà Lan từng đến nước ta khá sớm, người đương thời do đó cũng gọi đạo Thiên Chúa là đạo Hoà Lan. Ví dụ câu hỏi sau đây do E. Busomi (đến Việt Nam năm 1615) ghi lại: "Con ngoo muon bau lom la Hoa Laom chia? = Con nhó muốn vào trong lòng Hoa Lang không? Có thể vì thế mà có sự nhầm lẫn Hoà Lang là Tây Dương (Italia) chăng?
27 Tây Trúc, tức Ấn Độ.
28 Thế mà về sau đạo Gia Tô Tây Dương cấm người ta thờ cúng quỷ thần.
29 Chưa rõ người viết bài Nguyên dẫn nói đến thời kỳ lịch sử nào của nước Jiuđê? (vì câu tiếp theo có nói đến chữ viết của người Jiuđê, tức chữ cổ của người Hébréus, thì có thể hiểu là tác giả có ý nhắc lịch sử một thời kỳ rất xa trước khi xuất hiện đế quốc La Mã?). Còn vào đầu Công nguyên, tương ứng với thời điểm của câu chuyện đầu tiên trong Tây Dương Gia Tô bí lục thì lúc đó nước Jiuđê là tiểu vương quốc chư hầu của đế quốc La Mã đời vua Ogustus, tiếp đó là Tiberlus.

Nguồn: Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1981. Bản điện tử do talawas thực hiện.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro