Tết Trung Thu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tết Trung Thu (Hán Nôm: 中秋節) theo âm lịch là ngày rằm tháng 8 hằng năm. Đây là ngày tết của trẻ em, còn được gọi là "Tết trông Trăng" hay Tết Thiếu nhi, Tết Nhi đồng [1].. Trẻ em rất mong đợi được đón tết này vì thường được người lớn tặng đồ chơi, thường là đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân, súng phun nước... rồi bánh nướng, bánh dẻo. Vào ngày tết này, người ta tổ chức bày cỗ, trông trăng. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ. Ở một số nơi người ta còn tổ chức múa lân, múa sư tử, múa rồng để các em vui chơi thoả thích.

Mục lục

[ẩn]

* 1 Ý nghĩa tết Trung Thu

* 2 Tết Trung thu trong văn học - nghệ thuật

o 2.1 Thơ về Tết Trung Thu

o 2.2 Câu hát về Tết Trung thu

* 3 Phong tục Việt Nam

o 3.1 Làm đồ chơi Trung Thu

o 3.2 Rước đèn

o 3.3 Múa lân

o 3.4 Bày cỗ

o 3.5 Các loại bánh

o 3.6 Hát trống quân

* 4 Tặng quà Trung thu

* 5 Sản xuất đồ chơi Trung thu

* 6 Chú thích

* 7 Liên kết ngoài

Ý nghĩa tết Trung Thu

Tết Trung Thu có nguồn gốc văn minh nông nghiệp của dân tộc Việt. Thời điểm này khí trời mát mẻ, mùa màng đang chờ thu hoạch. Nông dân nghỉ ngơi và vui chơi sau một vụ mùa. Sau này người Trung Hoa tiếp nhận từ văn hóa Việt và tiếp đó phổ biến thành ngày lễ truyền thống của dân tộc Đông Á như Hàn Quốc.

Theo phong tục người Việt, vào dịp Tết Trung Thu, cha mẹ bày cỗ cho các con để mừng trung thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con rước đèn. Cỗ mừng trung thu gồm bánh Trung Thu, kẹo, mía, bưởi và các thứ hoa quả khác nữa. Đây là dịp để cha mẹ tùy theo khả năng kinh tế gia đình thể hiện tình thương yêu con cái một cách cụ thể. Vì thế, tình yêu gia đình lại càng khắng khít thêm.

Cũng trong dịp này người ta mua bánh trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng và các ân nhân khác.

Người Trung Hoa thường tổ chức múa rồng vào dịp Trung Thu, còn người Việt múa sư tử hay múa lân. Con Lân tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng và là điềm lành cho mọi nhà... Thời xưa, người Việt còn tổ chức hát Trống Quân trong dịp Tết Trung Thu. Điệu hát trống quân theo nhịp ba "thình, thùng, thình".

Ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em và người lớn, Tết Trung Thu còn là dịp để người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.

* Muốn ăn lúa tháng Năm, trông trăng rằm tháng Tám.

* Tỏ trăng Mười Bốn được tằm, đục trăng hôm Rằm thì được lúa chiêm.

Tết Trung thu trong văn học - nghệ thuật

Thơ về Tết Trung Thu

Trung Thu vốn là nguốn cảm hứng lớn cho các thi sĩ từ xưa đến nay, trong đó có nhà thơ đời Đường Đỗ Phủ với bài Trung thu:

Thu cảnh kim tiêu bán

Thiên cao nguyệt bội minh

Nam lâu thùy yến hưởng

Ty trúc tấu thanh thanh

Bản dịch của Thái Giang:

Cảnh thu nay đúng nửa rồi

Trăng thu thêm sáng, khung trời thêm cao

Lầu nam ai rót rượu đào

Tiếng tơ, tiếng trúc thanh tao nhịp nhàng[2]

Nhà thơ Tản Đà cũng nhắc đến ngày Trung thu với các câu thơ:

Có bầu có bạn can chi tủi

Cùng gió cùng mây thế mới vui

Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám

Tựa nhau trông xuống thế gian cười.

Câu hát về Tết Trung thu

Đèn ông sao bằng giấy kiếng

Các loại đèn lồng

Bài "Chiếc đèn ông sao":

Chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu

Cán đây rất dài, cán cao qua đầu

Em cầm đèn sao em hát vang vang

Đèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan...tùng dinh dinh là tùng tùng dinh

Bài Múa sư tử:

Thùng thình thùng thình trống rộn ràng ngoài đình

Có con sư tử vui múa quanh vòng quanh

Trung thu liên hoan trăng sáng ngập đường làng

Dưới ánh trăng vàng em cất tiếng hát vang

Bài Rước đèn tháng tám

Tết Trung Thu rước đèn đi chơi

Em rước đèn đi khắp phố phường

Lòng vui sướng với đèn trong tay

Em múa ca trong ánh trăng rằm

Đèn ông sao với đèn cá chép

Đèn thiên nga với đèn bướm bướm

Em rước đèn này đến cung trăng

Đèn xanh lơ với đèn tím tím

Đèn xanh lam với đèn trắng trắng

Trong ánh đèn rực rỡ muôn màu

Nhạc sĩ Lê Thương cũng có bài Thằng Cuội viết về chủ đề này, trong bài hát có đoạn "Có con dế mèn, suốt trong đêm thâu, hát xẩm không tiền, nên nghèo xác xơ...".

Nhạc sĩ Ngọc Lễ cũng có tác phẩm Cắc tùng cắc tùng về ngày Tết Trung thu cho các em thiếu nhi.

Phong tục Việt Nam

Làm đồ chơi Trung Thu

Mặt nạ và đèn ông sao là hai loại đồ chơi phổ biến nhất trong dịp lễ tết Trung thu. Trước đây ở miền Bắc, khi còn trong thời kỳ bao cấp (1976 - 1986), các đồ chơi cho trẻ em vào dịp tết Trung thu rất hiếm, phần lớn các gia đình thường tự làm lấy đồ chơi như trống bỏi, đèn ông sư, đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ, tò he, chong chóng... cho trẻ em trong gia đình. Các loại mặt nạ thường được làm bằng bìa hoặc bằng giấy bồi, với các hình phổ biến về các nhân vật trẻ em yêu thích bấy giờ như : đầu sư tử, ông Địa, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Bạch Cốt Tinh... Ngày nay, phần lớn đồ chơi ở Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc, các loại mặt nạ được làm bằng nhựa mỏng, không đẹp bằng mặt nạ thời trước.

Rước đèn

Cảnh rước đèn trung thu tại Phan Thiết, Việt Nam

Tại những nơi mà quan hệ hàng xóm láng giềng vẫn còn được bảo tồn và trân trọng, người ta thường tổ chức cho trẻ em cùng nhau rước đèn đi khắp thôn, xóm, khu phố trong đêm trung thu. Tại Phan Thiết (Bình Thuận), người ta còn tổ chức rước đèn quy mô lớn với hàng ngàn học sinh tiểu học và trung học cơ sở đi khắp các đường phố. Đây là lễ hội rước đèn trung thu được xác lập kỷ lục lớn nhất Việt Nam[3].

Múa lân

Múa lân trong Tết Trung Thu

Múa lân (ở miền Bắc thường gọi là múa sư tử mặc dù sư tử thì không có sừng) thường được tổ chức vào trước tết Trung Thu nhưng nhộn nhịp nhất là hai đêm 14 và 15.

Bày cỗ

Các em nhỏ ở Hà Nội đang bày cỗ trông trăng

Mâm cỗ Trung Thu thông thường có trọng tâm là con chó[cần dẫn nguồn] được làm bằng tép bưởi, được gắn 2 hạt đậu đen làm mắt. Xung quanh có bày thêm hoa quả và những loại bánh nướng, bánh dẻo thập cẩm hoặc là loại bánh chay có hình lợn mẹ với đàn lợn con bép múp míp, hoặc hình cá chép là những hình phổ biến. Hạt bưởi thường được bóc vỏ và được xiên vào những dây thép, phơi khô từ 2-3 tuần trước khi đến hôm rằm, và đến đêm Trung Thu, những sợi dây bằng hạt bưởi được đem ra đốt sáng. Những loại quả, thức ăn đặc trưng của dịp này là chuối và cốm, quả thị, hồng đỏ và hồng ngâm màu xanh, vài quả na dai...và bưởi là thứ quả không thể thiếu được. Đến khi trăng lên tới đỉnh đầu chính là giây phút phá cỗ, mọi người sẽ cùng thưởng thức hương vị của Tết Trung Thu. Phong tục trông trăng cũng liên quan đến sự tích Chú Cuội trên cung trăng, do một hôm Cuội đi vắng, cây đa quý bị bật gốc bay lên trời, chú Cuội bèn bám vào rễ cây níu kéo lại nhưng không được và đã bị bay lên cung trăng với cả cây của mình. Nhìn lên mặt trăng, có thể thấy một vết đen rõ hình một cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc, và trẻ em tin rằng, đó là hình chú Cuội ngồi gốc cây đa.

Các loại bánh

Bài chi tiết: Bánh trung thu

Bánh nướng ngày tết Trung thu

Bánh nướng

Bánh dẻo

Hát trống quân

Tết Trung Thu ở miền Bắc còn có tục hát trống quân. Đôi bên nam nữ vừa hát đối đáp với nhau, vừa đánh nhịp vào một sợi dây gai hoặc dây thép căng trên một chiếc thùng rỗng, bật ra những tiếng "thình thùng thình" làm nhịp cho câu hát. Những câu hát vận tức là hát theo vần, theo ý hoặc hát đố có khi có sẵn, có khi lúc hát mới ứng khẩu đặt ra. Cuộc đối đáp trong những buổi hát trống quân rất vui và nhiều khi gay go vì những câu đố hiểm hóc.

Tặng quà Trung thu

Tết Trung Thu với hình nhân bằng giấy và đèn tại Botanical garden, Montreal, Quebec năm 2006

Trước tết Trung thu người ta thường tặng quà cho nhau. Quà thường là các hộp bánh, lồng đèn, áo quần, tiền. Các cơ quan, doanh nghiệp cũng tặng quà cho khách hàng, cán bộ công nhân viên có khi mua cả xe tải bánh trung thu. Nhiều công ty có hàng ngàn công nhân, đặt hàng ngàn hộp bánh với số tiền hoa hồng hậu hĩnh[4].

Tính trên tổng lượng bánh trung thu tiêu thụ năm 2006 (thống kê từ các nhà sản xuất) ước khoảng 6.500- 6.800 tấn, lấy mức giá bình quân của 1 hộp bánh loại 220 - 250gr khoảng 100.000 - 130.000đ, người tiêu dùng đã tiêu pha hết hơn 800 tỉ đồng cho khoảng 7 triệu hộp bánh.[5] Và các hộp bánh đắt như vàng, người nghèo không sao mua nổi[6] cứ chạy lòng vòng từ người nọ sang người kia.

Đối tượng tặng quà của người lớn thường là các bề trên như cha mẹ, cấp trên, những người cần nhờ vả, thầy cô giáo hoặc cũng có thể hàng xóm, bạn bè hoặc con cháu trong nhà. Thường đối tượng nhận quà càng quan trọng thì giá trị món quà phải càng cao. Việc tặng quà Trung thu là một thói quen phổ biến khi đời sống khá lên sau đổi mới, nó có thể là một hình thức tiêu cực khi giá trị món quà quá lớn.

Đối với các doanh nghiệp hoặc cá nhân việc không có quà Tết biếu có thể bị đánh giá là lơ đễnh hoặc coi thường vì vậy đây là chi phí không nhỏ khi đến dịp trung thu. Chi phí tặng quà thường được chi từ chi phí tiếp khách bằng tiền. Do mức hoa hồng hoặc chiết khấu của các hiệu bánh cao (có thể lên đến 35%)[7] nên nhiều người thích dùng tiền cơ quan biếu xén để hưởng lợi.

Việc tặng quà trung thu đắt tiền là dịp "ơn nghĩa" của người lớn hơn là tết của con trẻ. Không ít người thường lợi dụng dịp này để biếu xen quà cáp nhằm mua quan bán chức. Những hộp bánh Trung thu đặc mà bên trong nhân bánh "là vàng", "là đô la" đã làm mờ mắt nhiều quan tham và biếu xén trong dịp Tết Trung thu là một lệ của những thành phần này[1].

Sản xuất đồ chơi Trung thu

Nói đến đồ chơi tết Trung thu là phải nói đến lồng đèn, thứ không thể thiếu để các em đi rước trăng.

Từ xưa đến nay, hai thành phố Hội An và Sài Gòn nổi tiếng khắp nước về thủ công nghệ làm lồng đèn trang trí và các loại đèn giấy dùng trong ngày tết Trung Thu.

Theo Văn công Lý hiện sống tại Hội An, thì ông tổ ngành làm đèn lồng ở đây tên gọi là Xã Đường. Đèn Hội An độc đáo ít nơi có, đèn lồng Hội An đẹp nhờ có đủ hình thù, kiểu dáng, to nhỏ. Vải bọc đèn thay giấy là loại lụa Hà Đông nổi tiếng, làm cho ánh sáng thêm huyền ảo lung linh.

Tại Sài Gòn, từ trước năm 1975 tới bây giờ, Phú Bình thuộc quận 11 Đô Thành, cũng vẫn là một trung tâm sản xuất lồng đèn trung thu lớn nhất miền nam VN, cung cấp cho cả vùng. Đây là một làng di cư năm 1954, nguyên gốc từ Làng Báo Đáp thuộc tỉnh Nam Định. Làng này ở Bắc Phần vốn nổi tiếng với nghề thợ nhuộm. Khi vào nam, dân chúng vẫn sống quây quần với nhau bằng nghề nhuộm, dệt vải và làm giầy dép. Phú Bình sau năm 1975 nằm trên điạ bàn của Phường 19, quận Tân Bình và phường 5, quận 11, cách khu du lịch Đầm Sen chừng nửa cây số. Lúc đầu khi vào nam, Phú Bình chỉ chuyên sản xuất những loại đèn Trung Thu đơn giản như đèn ống sáo, con cá, ngôi sao... cố ý để cho học sinh vui chơi trong đêm lễ mà thôi. Từ năm 1960-1975, Phú Bình mỗi năm sản xuất hơn nửa triệu đèn lồng trung thu, cung cấp khắp các tỉnh thành từ Bến Hải vào tới Cà Mau. Sau này dân chúng ở dây vẫn tiếp tục nghề cũ. Năm 1994, lồng đèn Trung quốc ồ ạt xâm nhập thị trường Việt Nam khắp nước, chèn ép đèn Phú Bình, làm cho dân chúng ở đây lâm cảnh điêu đứng đói khổ, vì hàng bị ế ẩm do lồng đèn Trung quốc đẹp, kiểu cách mới lạ, lại rất tiện lợi khi ra gió không sợ cháy vì dùng pin, giá thành lại rẻ, nên ai cũng muốn mua[8].

Ở thị trường Việt Nam ngành công nghệ sản xuất đồ chơi cho trẻ em dịp trung thu giúp tạo việc làm và lợi nhuận cho rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, do nguyên liệu thông dụng và công nghệ đơn giản, vốn ít, sau một thời gian để đồ chơi của Trung quốc thống lĩnh thị trường đến năm 2006 ngành hàng sản xuất lồng đèn Việt Nam hồi phục và chiếm lĩnh lại thị trường nội địa.

=========================================================================================================================

Tết Trung Thu

Thằng Cuội ngồi gốc cây đa

Thả trâu ăn lúa gọi cha ời ời

Cha còn cắt cỏ bên trời

Mẹ còn cỡi ngựa đi mời quan viên

Quan thì cầm bút cần nghiên

Quan thì cầm tiền đi chuộc lá đa

Tháng 9 thời tiết mát, những cơn mưa giông nhỏ hạt, cỏ cây xanh lá sẽ đổi màu cho muà Thu sắp đến. Có những đêm không mây mù bao phủ, bầu trời đẹp quang đãng, ánh trăng vàng mát dịu, theo âm lịch rằm tháng 8 là tết Trung Thu. Cộng đồng người Việt tị nạn chuẩn bị tổ chức Tết Trung Thu cho trẻ em, những tiệm thực phẩm Á Châu bán bánh trung thu, lồng đền lộng lẫy. Những hộp bánh Trung thu màu đỏ sậm, bánh dẻo, bánh nướng..

Những chiếc lồng đèn gợi cho chúng ta nhớ thời ấu thơ, vào dịp Tết Trung Thu theo mẹ ra chợ, mua những đồ chơi bằng giấy bồi, hoặc dán lên bộ khung bằng tre nứa như lồng đèn hình ngôi sao, hình bánh ú .. một số đồ chơi lớn như đèn kéo quân, tối thắp nến sáng các vòng dán hình người, thú và cảnh vật từ chuyển động, từ ngoài nhìn qua các lớp giấy bóng màu, các hoạt cảnh cứ liên tục diễn ra nhịp nhàng, sống động như một màn hình, các lồng đèn với dạng đầu sư tử, tiến sĩ giấy... Nguyễn Khuyến trong bài thơ Ông nghè tháng tám đã viết

"Mấy chú Hoa Nam khéo vẽ trò,

cũng cờ cũng cũng biển cũng cân đai"

Ngày xưa ở phố hàng Mã Hà Nội, người ta thường bày bán đủ các loại lồng đèn, nhiều kiểu đủ màu, không thiếu hình các ông tiến sĩ giấy, Nhiều người thích mua cho con chơi và mơ ước con cái sau nầy sẽ là những người khoa bảng có điạ vị trong xã hội. Các phố hàng Đường, hàng Buồm bán đủ các loại bánh Trung Thu. Ngày nay khắp nơi đều có bày bán quà bánh Trung Thu, lồng đèn, theo văn minh phát triễn cuả khoa học, thêm những đồ chơi bằng nhựa, những con bướn, chim bồ câu bằng điện tử bay lượn quanh gian hàng, càng tăng phần hấp dẫn hơn. Ở Sài gòn khắp nơi đều có bán bánh Trung Thu, rằm tháng 8 trở thành một lễ Hội lớn cho trẻ em, người lớn mua bánh để biếu những người mình mang ơn

Hằng năm người Việt ở hải ngoại thường tổ chức tết Trung Thu, để trẻ em có cơ hội gặp nhau, tổ chức dự thi lồng đèn, có các mục như: thi ca nhạc với quốc phục, thi vẽ với đề tài về Tết Trung Thu, đố vui để học . vv. để nhớ lại kỷ niệm thời thơ ấu xa xưa ở quê nhà. Chúng ta tìm hiểu về Tết Trung Thu tại sao có lồng đèn ông sao? tiến sĩ giấy..múa lân với tiếng trống vui nhộn khắp nơi từ thành thị cho đến thôn quê.

Theo huyền thoại thì Tết Trung thu bắt đầu từ đời nhà Đường; thời vua Duệ Tôn, niên hiệu Văn Minh. Nguyên năm đó, vào đêm Rằm tháng tám trăng tròn sáng tỏ, gió mát . Nhà vua ngự chơi ngoài thành tới khuya. Bỗng xuất hiện ông già đầu bạc trắng chống gậy tới bên nhà vua. Trông người và theo cử chỉ, nhà vua đoán ngay là một vị thượng tiên giáng thế. Ông già kính cẩn chào nhà vua rồi hỏi:

-Bệ hạ có muốn lên thăm cung trăng không?

-Nhà vua liền trả lời "có"

Vị tiên liền đưa chiếc gậy lên trời, hoá phép ra một chiếc cầu vồng, một đầu giáp cung trăng, còn một đầu giáp mặt đất. Tiên ông đưa nhà vua trèo lên cầu vồng, đến cung trăng. Phong cảnh nơi đây thật đẹp với vẻ đẹp khác xa nơi trần thế. Có những nàng tiên nữ nhan sắc xiêm y cực kỳ lộng lẫy, xinh như mộng, nhảy múa những điệu vô cùng quyến rũ...Nhà vua đang say sưa với những cảnh đẹp thì tiên ông lại đưa nhà vua trở lại cung điện. Về tới trần thế, nhà vua còn luyến tiếc cảnh trên cung Quảng và những giờ phút đầy thơ mộng nhà vua đã sống qua. Để kỷ niệm cái ngày du Nguyệt điện, nhà vua đặt ra Tết Trung thu.

Trong ngày Tết này, người ta uống rượu, uống trà thưởng trăng, và vì vậy Tết này còn được gọi là Tết Trông Trăng. Vầng trăng mở hội liên hoan, ngày rằm Trung thu nhằm vào tiết Thu phân nên khí âm và dương điều hòa với đêm ngày bằng nhau. Bầu trời quang đãng, khí hậu ôn hòa nên người ta cảm thấy dễ chịu nhất trong năm. Hơn nữa, Thu là mùa lúa chín, nên việc đồng áng rảnh rỗi.. Đây là dịp "ăn mừng vầng trăng tập thể "một cách cụ thể của tục lệ xã hội trong cảnh liên hoan náo nhiệt với tục rước đèn, múa lân . Nhiều gia đình nhân dịp làm nhiều thứ bánh bày cổ trông trăng, làm lễ cúng tổ tiên ông bà, cỗ Trung Thu rất phong phú nhiều trái cây, bánh kẹo.

Các vì sao trên trời cao, được bổ sung bằng lồng đèn hình ngôi sao của các em như mời trăng, rước trăng về dự cỗ với các em, trẻ em lũ lượt kéo nhau ra phố, mỗi đưá cầm chơi một cái lồng đền thắp nến bên trong, càng tạo không khí huyền hoặc như cảnh cung Quảng Hàn ở giữa trần gian, các em cùng nhau hát gọi trăng những bài đồng dao. - Với nhi đồng là vầng trăng của bài ca "Ông giẳng, Ông giăng ...", của những chuyện kể thần thoại về "Thằng cuội", "Hằng Nga", "Thiềm thừ", "Cung Quảng", của những trò chơi "Thả đỉa ba ba", " Rồng rắn Ông thầy", Phụ đồng chổi.. thổi lổi mà lên" dưới ánh trăng vàng vằng vặc.

Ông Giăng ơi, xuống chơi với tôi

Nhà tôi có một bát cơm xôi

Có nồi cơm nếp, có nệp bánh chưng

Có lưng hũ rượu, có khướu đánh đu

Thằng cu giữ lại, mẹ đẻ bồng con

Cái lon múc nước, cái lược chải đầu

Con trâu cày chiêm, cái liềm hái lá

Con cá có vây, thợ rèn có buá

Nhà chuá có tàn, nhà quan có lọng..

Hết ngồi hát vỗ tay, các em lại đứng lên nắm tay nhau thành vòng tròn xung quanh mâm cỗ, vừa đi vừa hát:

Dung dăng dung dẻ, dắt trẻ đi chơi

Đến cửa nhà trời, tìm nơi gió mát

Cùng hát véo von, mời ông trăng tròn

Ra chơi với bé, xì xà xì xạp..

...

Sau đó các em đi ngược lại và hát tiếp như điệp khúc:

Dung dăng dung dẻ, dắt trẻ đi chơi

Đến cửa nhà trời, lạy cậu lạy mợ

Cho cháu về quê, cho dê đi học

Cho cóc ở nhà, cho gà bới bếp

Ngồi xệp xuống đây...

Đôi khi trẻ em quây quần bên bà nội hay mẹ nghe kể chuyện về trăng có Hằng Nga dịu dàng tươi trẻ, hoặc về chú Cuội láu lỉnh "ngồi gốc cây đa, thả trâu ăn lúa, gọi cha hời hời..." Các em nghe chuyện, ăn quà bánh trông trăng, người lớn cũng vui với trăng hoà mình với thiên nhiên : Nói về trăng như những luyến ái với nhân gian. Với lứa tuổi nam nữ yêu đương là những vầng trăng thề, trăng chia phôi, trăng nhớ nhung, trăng khắc khoải... trong truyện Kiều 3522 câu lục bát chỉ nhắc đến hai ba chữ "nắng" nhưng đã nhắc đến 38 chữ "trăng" với bao nhiêu sắc vẻ trữ tình như trăng bạc, trăng già, trăng gió, trăng hoa, trăng khuyết, trăng mới, trăng tà, trăng tàn, trăng thâu, trăng thề, trăng tròn ...

Vầng trăng rất quan hệ đến sinh hoạt, tính khí và sinh lý của vạn vật trên mặt đất qua hiện tượng thủy triều và ảnh hưởng huyền bí trên mùa màng cây cỏ. Về hình dáng và thời điểm xuất hiện của vầng trăng trong tháng được nhà nông kể thuộc lòng theo vần theo điệu như sau:

Mồng một lá trai,

Mồng hai lá lúa,

Mồng ba câu liêm,

Mồng bốn lưỡi liềm,

Mồng năm liềm giật,

Mồng sáu thật trăng,

Mười rằm trăng náu,

Mười sáu trăng treo,

Mười bảy sảy giường chiếu,

Mười tám trăng lẹm,

Mười chín dụn dịn,

Hai mươi giấc tốt,

Hăm mốt nửa đêm,

Hăm hai bằng tai,

Hăm ba bằng đầu,

Hăm bốn bằng râu,

Hăm lăm bằng cầm,

Hăm sáu đã vậy,

Hăm bảy làm sao,

Hăm tám thế nào,

Hăm chín thế ấy,

Ba mươi không trăng.

Qua những kinh nghiệm theo nghề nông việt Nam còn có những câu sau để tiên đoán việc nông

Muốn ăn lúa ré, xem trăng rằm tháng giêng,

Muốn ăn lúa tháng 5, xem trăng rằm tháng 8

Muốn ăn lúa tháng 10, xem trăng mồng tám tháng 4

Hay là

Trăng thanh vằng vặc giữa trời

Nhớ tình nhớ nghiã nhớ nơi hẹn hò

Trăng tròn chỉ có đêm rằm

Tình ta tháng tháng quanh năm vẫn tròn

Trăng bao nhiêu tuổi trăng già

Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non ..........

Tô Đông Pha trong hai bài Tiền Xích bích phú và Hậu Xích bích bất hủ sáng tác vào mùa thu năm Nhâm Tuất (năm 1082) đã tạo một ảnh hưởng sâu đậm cảnh sông nước Trường giang dưới ánh trăng thu, Tô Đông Pha đã luận về thân phận phù du của con người trong vũ trụ mênh mang bất diệt để kết luận với cái triết lý hưởng lạc trước mắt trong kho tàng thiên nhiên vô tận:

Nước kia vẫn xuôi giòng chẩy xiết,

Mà chưa từng đi hết chút nao!

Trăng kia có lúc đầy hao,

Mà ta chưa thấy khi nào bớt thêm

Cứ lúc biến mà xem trời đất,

Thì chẳng qua chớp mắt mà thôi.

Cứ khi không biến mà coi,

Thì ai ai cũng lâu dài như nhau

(Tiền Xích Bích Phú dịch nôm của Đào Nguyên Phổ)

Nói về Trăng là cả một nguồn thi hứng để sáng tác. Các thi nhân ca tụng trăng khi nghe đờn hát, khi ngắm hoa, khi lên núi cao, khi dong thuyền trên sông nước.... Những áng văn nổi tiếng của những thi hào đều được sáng tác dưới trăng: Trong bài Tương tiến tửu, thi bá Lý Bạch khuyến khích người ta:

Khôn nỡ để chén vàng trơ dưới nguyệt.

Nhân sinh khi đắc ý nên càng,

Trong Tỳ bà hành (mùa thu năm 816 CN), Bạch Cư Dị đã tả:

Thuyền không đậu bến mặc ai,

Quanh thuyền trăng giải, nước trôi lạnh lùng.

Cố thi sĩ Hàn Mặc Tử, yêu thương những mùa trăng trong cuồn loạn

Trăng ! Trăng ! Trăng ! là Trăng! Trăng ! Trăng

Ai mua Trăng tôi bán trăng cho....

Ánh trăng mỏng quá không chê nổi

Những vẻ xanh xao của mặt hồ

Những nét buồn buồn tơ liễu rủ

Những lời năng nỉ của hư vô

Những ngày xa quê hương muốn có những đêm trăng để thưởng thức rất khó, vì thời tiết ở Âu Châu vào thu trời không đẹp như ở bên quê nhà, ánh đèn điện sáng khắp nơi làm mất đi một phấn nào vẽ đẹp cuả thiên nhiên với ánh trăng vàng vào dịp tết Trung Thu! Tản Đà với thơ ngông, chán đời đã gởi chị Hằng một phần tâm sự

Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi !

Trần giới em nay chán nửa rồi.

Cung Quế đã ai ngồi đó chửa ?

Cành đa xin chị nhắc lên chơi

...

Ai đâu trở lại mùa thu trước,

Nhặt lấy cho tôi những lá vàng

Nhạc phẩm Thằng Cuội (1) của nhạc sĩ Lê Thương (mất năm 1996). Bài hát này không chỉ cuốn hút thế giới tuổi thơ mà cả người lớn

"Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già, ôm một mối mơ. Lặng yên, ta nói Cuội nghe: Ở cung trăng mãi làm chi? Bóng trăng trắng ngà. Có cây đa to..."

Trăng qua thi ca thật hấp dẫn gợi tình, hình ảnh các nàng tiên xinh đẹp với chi Hằng Nga ở cung quảng thơ mộng, đã bị quấy rầy bởi chuyến bay Apollo 11 khởi hành ngày 16.7.1969 đã đáp xuống mặt trăng vào ngày 24.7.1969. Con người đã khám phá cuộc sống bí mật của không gian, thiên thể. Hằng Nga xinh đẹp và các nàng tiên đã bỏ đi nơi khác!!! cây đa của chú Cuội (xem phần đìển tích trích dưới) chỉ trở về trong những ngày rằm tháng Tám.

Kỷ niệm thời ấu thơ vui chơi mùa Trung Thu, với những chiếc lồng đèn xinh đẹp, rước đèn trong đêm trăng rằm tháng Tám, được ăn bánh Trung thu của gia đình hay trường học phân phát, thưởng thức vui đùa hồn nhiên dưới ánh trăng vàng diệu vợi. Kỷ niệm đó chỉ còn lại trong ký ức tuổi đời theo bóng ngã chiều tà.

Munich cuối hè 2007

Sự tích chú Cuội cung trăng

Ngày xưa ở một miền nọ có một người tiều phu tên là Cuội. Một hôm, như lệ thường, Cuội vác rìu vào rừng sâu tìm cây mà chặt. Khi đến gần một con suối nhỏ, Cuội bỗng giật mình trông thấy một cái hang cọp. Nhìn trước nhìn sau anh chỉ thấy có bốn con cọp con đang vờn nhau. Cuội liền xông đến vung rìu bổ cho mỗi con một nhát lăn quay trên mặt đất. Nhưng vừa lúc đó, cọp mẹ cũng về tới nơi. Nghe tiếng gầm kinh hồn ở sau lưng, Cuội chỉ kịp quẳng rìu leo thoắt lên ngọn một cây cao. Từ trên nhìn xuống, Cuội thấy cọp mẹ lồng lộn trước đàn con đã chết. Nhưng chỉ một lát, cọp mẹ lẳng lặng đi đến một gốc cây gần chỗ Cuội ẩn, đớp lấy một ít lá rồi trở về nhai và mớm cho con, bốn con cọp con đã vẫy đuôi sống lại, khiến cho Cuội vô cùng sửng sốt. chờ cho cọp mẹ tha con đi nơi khác, cuội đến cây lạ kia đào gốc vác về nhà

Dọc đường gặp một ông lão ăn mày nằm chết vật trên bãi cỏ, Cuội liền đặt gánh xuống, không ngần ngại, bứt ngay mấy lá nhai và mớm cho ông già! Mầu nhiệm làm sao, mớm vừa xong, ông lão đã mở mắt ngồi dậy. Thấy có cây lạ, ông lão liền hỏi chuyện. Cuội kể lại đầu đuôi câu chuyện, nghe xong ông lão nói

"Cây này chính là cây có phép "cải tử hoàn sinh". Thật là trời cho con để cứu giúp thiên hạ. Con hãy chăm sóc cho cây nhưng nhớ đừng tưới bằng nước bẩn mà nó bay lên trời." Nói rồi ông lão chống gậy đi. Còn Cuội thì gánh cây về nhà trồng ở góc vườn phía đông, luôn luôn nhớ lời ông lão dặn, ngày nào cũng tưới bằng nước giếng trong sạch

Từ ngày có cây thuốc quý, Cuội cứu sống được rất nhiều người. Hễ nghe nói có ai nhắm mắt tắt hơi là Cuội vui lòng mang lá cây đến tận nơi cứu chữa. Tiếng đồn Cuội có phép bay đi khắp nơi, Một hôm Cuội lội qua sông gặp xác một con chó chết trôi. Cuội vớt lên rồi giở lá trong mình ra cứu chữa cho chó sống lại. Con chó quấn quít theo Cuội, tỏ lòng biết ơn. Từ đấy, Cuội có thêm một con vật tinh làm bạn

Một lần khác, có lão nhà giàu ở làng bên hớt hải chạy đến tìm Cuội, vật nài xin Cuội cứu cho con gái mình vừa sẩy chân chết đuối. Cuội vui lòng theo về nhà, lấy lá chữa cho. Chỉ một lát sau, mặt cô gái đang tái nhợt bỗng hồng hào hẳn lên, rồi sống lại. Thấy Cuội là người cứu sống mình, cô gái xin làm vợ chàng. Lão nhà giàu cũng vui lòng gả con gái cho Cuội. Vợ chồng Cuội sống với nhau thuận hòa, êm ấm thì thốt nhiên một hôm, trong khi Cuội đi vắng, có bọn giặc đi qua nhà Cuội. Biết Cuội có phép cải tử hoàn sinh, chúng quyết tâm chơi ác. Chúng bèn giết vợ Cuội, cố ý moi ruột người đàn bà vứt xuống sông, rồi mới kéo nhau đi. Khi Cuội trở về thì vợ đã chết từ bao giờ, mớm bao nhiêu lá vẫn không công hiệu, vì không có ruột thì làm sao mà sống được !!

Thấy chủ khóc thảm thiết, con chó lại gần xin hiến ruột mình thay vào ruột vợ chủ. Cuội chưa từng làm thế bao giờ, nhưng cũng liều mượn ruột chó thay ruột người xem sao. Quả nhiên người vợ sống lại và vẫn trẻ đẹp như xưa. Thương con chó có nghĩa, Cuội bèn nặn thử một bộ ruột bằng đất, rồi đặt vào bụng chó, chó cũng sống lại. Vỡ với chồng, người với vật lại càng quấn quít nhau hơn, nhưng cũng từ đấy, tính nết vợ Cuội tự nhiên thay đổi hẳn. Hễ nói đâu là quên đó, làm cho Cuội lắm lúc bực mình. Ðã không biết mấy lần, chồng dặn vợ: "Có đái thì đái bên Tây, chớ đái bên Ðông, cây dông lên trời!".

Nhưng vợ Cuội hình như lú ruột, lú gan, vừa nghe dặn xong đã quên. Một buổi chiều, chồng còn đi rừng kiếm củi chưa về, vợ ra vườn sau, không còn nhớ lời chồng dặn, cứ nhằm vào gốc cây quý mà đái. Không ngờ chị ta vừa đái xong thì mặt đất chuyển động, cây đảo mạnh, gió thổi ào ào. Cây đa tự nhiên chuyển động bay lên trời. Vừa lúc đó thì Cuội về đến nhà. Thấy thế, Cuội hốt hoảng vứt gánh củi, chạy đến níu cây lại. Nhưng cây lúc ấy đã rời khỏi mặt đất lên quá đầu người. Cuội chỉ kịp móc rìu vào rễ cây, định lôi cây xuống, nhưng cây vẫn cứ bốc lên, không một sức nào cản nổi.

Cuội cũng nhất định không chịu buông, thành thử cây kéo cả Cuội bay vút lên cung trăng. Từ đấy Cuội ở luôn cung trăng với cả cái cây quý của mình. Nhìn lên mặt trăng, người ta thấy một vết đen rõ hình một cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc, người ta gọi cái hình ấy là hình chú Cuội ngồi gốc cây đa....

THI CA TRUNG THU

SƠN TRUNG sưu tầm

Ông giăng ơi!

Xuống chơi với tôi

Nhà tôi có bát cơm xôi

Có nồi cơm nếp

Có nệp bánh chưng

Có lưng hũ rượu

Có khướu đánh đu ...

Thằng cu giữ lại

Mẹ đẻ bồng con

Cái lon múc nước

Cái lược chải đầu

Con trâu cày chiêm

Cái liềm hái lá

Con cá có vây

Thợ rèn có búa

Nhà chúa có tàn

Nhà quan có lọ ...

Dung dăng dung dẻ

Dắt trẻ đi chơi

Đến cửa nhà trời

Tìm nơi gió mát

Cùng hát véo von

Mời ông trăng tròn

Ra chơi với bé

Xì xà xì xụp...

Dung dăng dung dẻ

Dắt trẻ đi chơi

Đến cửa nhà trời

Lạy cậu lạy mợ

Cho cháu về quê

Cho dê đi học

Cho cóc ở nhà

Cho gà bới bếp

Ngồi xệp xuống đây

秋月偶成

阮廌

幽齋睡起獨沈吟

案上香消凈客心

靜裏乾坤驚萬變

閒中日月値千金

儒風冷淡時情薄

聖域優游道味深

讀罷羣書無箇事

老梅窗畔理琴瑤

Thu nguyệt ngẫu thành

Nguyễn Trãi

U trai thuỵ khởi độc trầm ngâm,

Án thượng hương tiêu tịnh khách tâm.

Tĩnh lý càn khôn kinh vạn biến,

Nhàn trung nhật nguyệt trị thiên kim.

Nho phong lãnh đạm thời tình bạc,

Thánh vực ưu du đạo vị thâm .

Độc bãi quần thư vô cá sự,

Lão mai song bạn lý dao cầm.

ĐÊM THU THÀNH THƠ

Đêm khuya tỉnh giấc, dựa thư phòng

Trên án hương đưa dạ tĩnh không.

Tĩnh lặng càng lo cơ vạn hóa,

Thanh nhàn mới thấy giá muôn chung.

Nhà nho thanh đạm , đời đen bạc,

Đạo thánh thâm sâu, đạo vị nồng

Đọc sách đã xong, lòng chẳng bận,

Ôm đàn ngồi gảy ở bên song.

(Sơn Trung dịch)

THƠ NGUYỄN DU

秋至

香江一片月

今古許多愁

往事悲青塚

新秋到白頭

有形徒役役

無病故拘拘

回首藍江浦

閒心謝白鷗

THU CHÍ

Hương giang nhất phiến nguyệt,

Kim cổ hứa đa sầu.

Vãng sự bi thanh trủng.

Tân thu đáo bạch đầu.

Hữu hình đồ dịch dịch,

Vô bệnh cố câu câu

Hồi thủ Lam giang phố,

Nhàn tâm tạ bạch âu.

THU ĐẾN

Trăng sáng trên giòng Hương,

Gợi thêm bao sầu thương.

Bao mối sầu kim cổ.

Thương xót bao nấm mộ ,

Thu về tóc như sương

Tấm thân nhiều cay đắng

Không bệnh lưng đã còng

Nhìn về sông Lam chảy

Thua đàn âu thong dong.

(Sơn Trung dịch)

THƠ NGUYỄN KHUYẾN

TIẾN SĨ GIẤY

I

Rõ chú hoa man (1) khéo vẽ trò,

Bỡn ông mà lại dứ thằng cu.

Mày râu mặt đó chừng bao tuổi,

Giấy má nhà bay đáng mấy xu?

Bán tiếng mua danh thây lũ trẻ,

Bảng vàng bia đá vẫn nghìn thu.

Hỏi ai muốn ước cho con cháu,

Nghĩ lại đời xưa mấy kiếp tu.

II

Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai.

Cũng gọi ông nghè có kém ai.

Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng, (2)

Nét son điểm rõ mặt văn khôi. (3)

Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ?

Cái giá khoa danh thế mới hời! (4)

Ghế tréo, lọng xanh ngồi bảnh choẹ,

Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi!

THƠ TẢN ĐÀ

Muốn Làm Thằng Cuội

Đêm thu buồn lắm! Chị Hằng ơi!

Trần thế em nay chán nữa rồi

Cung quế đã ai ngồi đó chửa?

Cành đa xin chị nhắc lên chơi

Có bầu có bạn can chi tủi

Cùng gió cùng mây thế mới vui

Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám

Tựa nhau trông xuống thế gian cười.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro