Thai Cuc quyen

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Một số yêu cầu khi tập luyện Thái Cực Quyền

Muốn luyện tập thái cực quyền thì trước hết phải nắm thật vững những khái niệm cơ bản trong quá trình vận hành. Như: Hư lãnh đỉnh kình, khí trầm đan điền, hàm hung bát bối, lỏng eo thu hông là gì ?....Từ đó người luyện tập suy ra và chỉnh sửa sao cho phù hợp với những khái niệm ấy.

1) Hư lãnh đỉnh kình:

Khi đi quyền, yêu cầu đầu, cổ phải thẳng, cằm thu vào phía trong, hàm ý huyệt Bách hội (vị trí nằm giữa đỉnh đầu) nhẹ nhà "mở " hướng trên không. Ngoài ra khi vận động đỉnh đầu luôn phải ở vị trí ngang bằng. Đỉnh kình đòi hỏi không được dùng quá nhiều lực, phải hết sức tự nhiên, có như vậy động tác mới có thể đạt đến độ trầm, ổn định.

2) Khí trầm Đan điền:

Khi dẫn khí vào Đan điền, thân pháp phái chính trực, ý thức dẫn đạo hô hấp, do đó mà ý luôn phải thủ ở Đan điền. Nhìn chung, trong quá trình tập luyện Thái cực quyền, hô hấp là theo hình thức thở bụng. Hô hấp bụng giúp cho khi vận động nhưng tâm vẫn tĩnh, khí liễm, thần thái tự nhiên.Hô hấp bụng làm cho quá trình hô hấp được sâu thêm, hít thở phải hết sức tự nhiên, đều đặn, phối hợp mật thiết cùng các động tác sao cho không lâm vào trạng thái miễn cưỡng hoặc cứng nhắc. Mỗi một động tác của Thái cực quyền phải có ít nhất một lần hít vào và thở ra.

3) Hàm hung bạt bối:

Hàm hung là chỉ ngực được thu vào phía trong cơ thể, tạo cảm giác như có một khoảng trống trong lồng ngực. Bạt bối là chi khi ngực được thu vào bên trong thì cơ lưng lúc đó được thả lỏng, lưng sẽ trầm, hướng xuống phía dưới và chứa một lực đàn hồi nhất định. Trên thực tế, hàm hung có khả năng hỗ trợ khá tốt cho quá trình thở bụng. Trong khi đó các khớp vai được buông lỏng làm cho động tác được mềm mại, uyển chuyển, không cứng nhắc. Khi hàm hung, cơ thể được hạ thấp, tăng cường cho hoạt động của phổi và các vách ngăn nội tạng. Bạt bối có quan hệ tương hỗ với hàm hung, muốn hàm hung thì phải bạt bối.

4) Lỏng eo, thu hông:

Vì Thái cực quyền yêu cầu " Hàm hung bạt bối" nên eo cũng đòi hỏi phải thả lỏng. Khi lỏng eo, khí sẽ trầm, đồng thời củng cố cho hai chi dưới vững chắc thêm. Lỏng eo đóng vai trò tích cực đối với các động tác tiến thoái, xoay chuyển, dùng eo phát lực, hoàn thiện các động tác của tứ chi. Ngực thu lại, eo thả lỏng, cơ lưng giãn thì hông cũng phải thu lại. Khi thu hông cần cố gắng thả lỏng cơ hông và cơ eo tựa như đang dùng hông để nâng phần bụng vậy.

5) Viên đãng (Chân háng tròn và rộng):

Phần háng giữa hai chân chỉ bộ vị Hội âm. Trên đầu "hư lãnh đỉnh kình" có huyệt Bách hội ở trên tương ứng với huyệt Hội âm ở dưới cùng một trục thẳng sẽ giúp cho thân được ngay ngắn và khí quán triệt được từ trên xuống dưới. Háng phải được mở tròn và rộng,hai gối hơi thu vào phía trong sẽ hỗ trợ cho tư thế được chuẩn xác. Thái cực quyền chú trọng đến "hành bộ như miêu" ( bộ pháp di chuyển như mèo đi), đòi hỏi phải nhẹ nhàng, uyển chuyển nhưng vững chãi. Hai chân liên tục hoán đổi làm cho thân pháp trở nên linh hoạt. Do vậy yêu cầu các khớp chân, đặc biệt là hai khớp gối phải tương đối dẻo dai thì mới có thể đạt được yêu cầu.

6) Trầm khiên trụy trừu (Trầm vai và khuỷu tay):

Thái cực quyền yêu cầu vai phải lỏng, không được nhô vai rụt cổ. Khi đi quyền, hai khuỷu tay cũng không được hếch lên, làm như vậy sẽ đem lại cảm giác bên trong có thêm kình lực.

Làm thế nào để nâng cao được trình độ Thái Cực Quyền?

Võ thuật Trung Hoa có lịch sử lâu đời, nội dung hết sức phong phú, đa dạng, thâm thúy. Trong quá trình phát triển của mình, võ thuật Trung Hoa đã từng bước trở thành một hạng mục thể dục mang tính Quốc tế.

Khởi nguồn từ Trung Quốc, nhưng thuộc về cả thế giới, võ thuật Trung Hoa là một trong những di sản văn hóa quý báu. Nó có sức hấp dẫn thần bí mang phong cách văn hóa truyền thống Đông phương, thể hiện nội hàm, quan điểm sâu sắc của Triết học cổ điển, mỹ học, lý luận học và y học cổ truyền Trung Hoa. Ngày nay, võ thuật Trung Hoa càng ngày càng chinh phục được nhiều người, lôi cuốn, hấp dẫn họ tập luyện và nghiên cứu.

Luyện tập Thái Cực Quyền là một quá trình lĩnh hội, cảm nhận dần dần. Sau khi luyện xong các kỹ thuật cơ bản, người tập thường đứng trước một vấn đề là làm thế nào để có thể nâng cao được trình độ kỹ thuật?

Trước tiên cần phải có sự nhận thức đầy đủ và chính xác về Thái Cực Quyền. Thái Cực Quyền còn được mệnh danh là "văn quyền", "triết quyền", là một trong những môn quyền thuật ưu tú của võ thuật Trung Hoa. Trải qua mấy trăm năm tồn tại và phát triển, Thái Cực Quyền đã hình thành nên nhiều hình thức vận động khác nhau bao gồm: các loại công pháp, Taolu quyền, binh khí, thôi thủ và tán thủ. Thái Cực Quyền có những chức năng như: dưỡng sinh rèn luyện thân thể, tu thân dưỡng tính, phòng thân tự vệ, thi đấu , biểu diễn giải trí, phòng bệnh, tăng tuổi thọ...

Đối với các vấn đề như: sự khởi nguồn và phát triển của Thái Cực Quyền, nội dung và cách phân loại, đặc điểm và tác dụng, các quy định thi đấu, quyền luận, quyền phổ...yêu cầu người học phải nghiêm túc học hỏi và nắm bắt. Bởi vì những vấn đề này có tác dụng chỉ dẫn hết sức quan trọng. người tập Thái Cực Quyền cũng cần phải hiểu được các ý sau: thứ nhất, Thái Cực Quyền là một môn quyền thuật Trung Hoa, là hạng mục vận động thể dục. Thứ hai, quá trình luyện tập Thái Cực Quyền là đạo tu thân dưỡng tính vị nhân sinh. Thứ ba, sự vận động của Thái Cực Quyền là võ học, là văn hóa, là sự đòi hỏi không ngừng nghiên cứu và học tập.

Tiếp theo, phải nắm bắt rõ các quy định kỹ thuật cơ bản của Thái Cực Quyền. Với tinh thần không ngừng kế thừa, hấp thụ, sáng tạo và phát triển, chúng ta cần thiết phải nghiên cứu sâu hơn một cách khoa học hóa, quy phạm hóa lý luận cũng như kỹ thuật đối với sự vận động của Thái Cực Quyền. Bởi vì luyện Thái Cực Quyền nếu như không có sự quy phạm, hệ thống, động tác kỹ thuật không chính xác thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả luyện tập, thậm chí còn gây ra tật bệnh. Chính vì vậy mà sau khi học xong các bài Taolu Thái Cực Quyền, người học phải căn cứ theo những yếu lĩnh ( điểm cốt lõi) của quy định kỹ thuật mà làm rõ hơn hàm ý từng động tác của bài quyền. Đặc điểm phong cách cũng như quy định kỹ thuật của các hệ phái Thái Cực Quyền thường không giống nhau, thể hiện tương đối rõ nét ở: thủ hình, thủ pháp, thân hình, thân pháp, hô hấp và kỹ thuật tán thủ. Chúng ta thử đề cập đến đặc điểm nhãn pháp, hô hấp và kỹ thuật tán thủ của Thái Cực Quyền:

1) Thái Cực Quyền yêu cầu nhãn pháp như sau: Tinh thần tập trung, quán trú, ý niệm dẫn đạo, thần thái phải hết sức tự nhiên, bình thản. Khi động tác xoay chuyển xuống phía dưới thì mắt cũng phải theo đó mà hướng theo. Khi xoay thân chuyển thế thì mắt phải phối hợp thống nhất với thủ pháp, cước pháp và thân pháp. Nói chung là mắt thường phải dõi theo tay, ý thần quán triệt, không được nhìn xiên xẹo. Lúc đi quyền không được mất tập trung, mắt không được tùy tiện nhìn người, vật, xung quanh, như vậy mới đạt được yêu cầu " nội ngoại tương hợp, thần hình hợp nhất".

2) Hô hấp trong Thái Cực Quyền là một trong những phương pháp điều tiết khí, nó dựa vào dưỡng khí và luyện khí làm nền tảng cơ sở. Luyện tập Thái Cực Quyền kết hợp với hô hấp có tác dụng làm cho gân cốt được thư giãn, điều hòa khí huyết, đả thông kinh lạc, tăng cường nội kình, dùng khí để phát lực, tăng sức khỏe cho nội tạng, phá bỏ huyết ứ, tăng cường tuần hoàn máu. Hô hấp của Thái Cực Quyền là hình thức thở bụng, quá trình này thường kéo dài và sâu. Hít thở phải phối hợp với quyền thức, mỗi động tác khi kết thúc thì đều có thở ra, như thế mới gọi là điều tiết hô hấp, phối hợp động tác một cách có ý thức, qua đó kình lực càng hoàn chỉnh hơn, tinh thần càng quán trú hơn.

3) Thái Cực Quyền phối hợp giữa nhanh và chậm,có tiết tấu rõ ràng, cương nhu tương tế. Phần lớn mọi người đều cho rằng Thái Cực Quyền chậm rãi, không có chút giá trị chiến đấu phòng thân, đây là nhận định hết sức sai lầm. Thái Cực Quyền thực chất là luyện chậm nhưng dùng nhanh. Khi tập Taolu thì thường có tiết tấu chậm, thư thái, nhẹ nhàng, thả lỏng, phế bỏ sự cứng nhắc của cơ thể. Ứng dụng nhanh đó là tốc độ xuất thủ, xuất cước phải nhanh, tận dụng hết kình lực ở eo.

Phương pháp tán thủ là sự kết hợp giữa kỹ thuật chiến đấu truyền thống và kỹ thuật chiến đấu hiện đại để đạt tới mức độ đơn giản nhất, thực dụng nhất, hiệu quả nhất. Nó vận dụng tốc độ của đòn đá, đánh, vật, cầm nã cùng với các thủ pháp: bằng, loát, tễ,án, thái, liệt, trừu, hạo để chế ngự đối thủ. Thái cực tán thủ yêu cầu 'chiêu vô định pháp", cùng một chiêu thức nhưng dụng pháp lại rất nhiều, đòi hỏi phải biết liệu tình hình thực tế mà áp dụng.

Sau khi đã có những kiến thức và kỹ thuật cơ bản, người tập cần phải dốc tâm vào việc thường xuyên luyện tập. Trong những phương pháp luyện tập nâng cao kỹ thuật có: luyện đơn thức, luyện các tổ hợp chiêu thức, nửa bài hoặc toàn bài là hết sức cần thiết. Lượng vận động, cường độ vận động nên căn cứ vào thể chất của từng người mà quyết định cho phù hợp. Khi tập Thái cực tán thủ, ta có thể rút tỉa một số chiêu thức như thủ pháp, cước pháp, bộ pháp, động tác phát kình hoặc các động tác khó để luyện cho thuần thục.

Trạm trang và Thái Cực thôi thủ

Theo lý luận của Thái Cực Quyền, trạm trang với Thái Cực Quyền thôi thủ có quan hệ với nhau như Thể & Dụng. Trạm trang là Thái Cực Quyền và cũng là một phương pháp luyện tập thiết yếu của Nội gia quyền vậy.

Có câu:" Luyện quyền bất luyện công, đáo lão nhất trường không". Từ xa xưa thì bài quyền & kungfu đã khác nhau. Do nhiều nguyên nhân mà ngày nay nhiều người luyện võ, đặc biệt là những người luyện Thái Cực Quyền đã đồng nhất "luyện bài quyền" & "luyện võ côn" (kungfu). Điều đó không chỉ ngộ nhận đối với bản thân mà còn làm hại hậu thế. Người mới tập coi luyện bài quyền là chân truyền, sau 10 năm luyện tập mới biết là sai đường lối!

Vậy tập như thế nào là đúng?

Nhà tiền bối Thái Cực Quyền đời Thanh Vương Tông Nhạc đã viết: "Thái cực sinh ra từ vô cực, là cơ của động tĩnh...". Tức là đã chỉ rõ nội công của Thái Cực Quyền không phải từ bài quyền, mà từ vô chiêu thức của Vô cực trang sản sinh mà thành. Đó chính là Đại cương của Thái Cực Quyền.

Loại trang công của nội công Thái Cực Quyền này, từ đặc tính qui luật lực học phân tích: trong điều kiện hạn chế, bất biến thì trọng tâm của cơ thể về có bản là không thay đổi, nhất thiết véc tơ chính ngoại lực & hình thước thợ chính đều bằng không; nội lực đều dùng để duy trì trạng thái của tĩnh thân thể. Đó chính là cơ của tĩnh. Từ góc độ sinh lý, đặc trưng là trạng thái thần kinh trung ương từ đầu đến cuối ở trạng thái hưng phấn. Đó chính là cơ của động. Có thể thấy trang công với nguyên lý nội công chính là ngoại hình thì tĩnh mà nội ý thì động - không chỉ tâm lý mà cả sinh lý không ngừng tự điều tiết, từ đó dẫn tới nhanh chóng tu luyện đầy đủ cả hình & ý của người luyện, đạt tới trạng thái vô cực của mẹ Âm Dương.

Do đó chỉ có những người đã thông qua trạm trang đạt được nội kình, mới có thể chân chính lĩnh hội đạo lý Thái cực do Vô cực mà sinh.

Mà cũng chỉ có thông qua trạm trang, phương pháp luyện công chân khí trực dưỡng mà vô hại, tiêu hao nhỏ nhưng hiệu suất cao, mới có thể biến lý luận huyền ảo của Thái Cực Quyền biến thành kinh nghiệm & hiểu biết của bản thân có cả lý tính & cảm tính.

Trạm trang là kungfu hiểu mình, thôi thủ là kungfu hiểu người. Nếu tự mình chưa biết rõ nội kình mà tập bài quyền thì chỉ là cách gông xiềng tinh thần của Thái Cực Quyền thể thao.

Thái Cực Quyền thôi thủ là thông qua trạm trang, luyện quyền đều có nội kình (tức là súc kình)

Nội dung của Thái Cực Quyền thôi thủ gồm các bài tập: Đơn thôi thủ, Song thôi thủ, Tứ chính thôi thủ, Đại loát, Tự do thôi thủ... Bất luận trong trường hợp thôi thủ nào, đều gồm có các loại kĩ thuật dưới đây: cầm, nã, vật, trộn, móc, đá, câu, đẩy, kéo, nâng, gạt, đè, tránh, tiến, lùi... Khi luyện thì từ đầu tới cuối phải tuân thủ nguyên tắc: Niêm, Triêm, Liên, Tùy. Luyện kungfu nhẹ, lỏng, mềm, từ đó dưỡng thành thính kình, hóa kình, phát kình, Nguyên tắc căn bản nhất là nơi nào tiếp xúc với đối thủ thì nơi đó thính kình, hóa kình & phát kình. Mục tiêu của Thái Cực Quyền thôi thủ phải rõ ràng, tức là giải quyết khi trong thời gian & trạng thái da thịt vừa tiếp xúc với đối thủ thì có thể công phòng hợp nhất, làm mất trọng tâm của địch thủ & chiến thắng, đó là mục tiêu chính của Thái Cực Quyền thôi thủ. Thái Cực Quyền thôi thủ thì dùng chỉnh thể kình lực là kungfu bước đầu, dùng thần ý mới là võ công bậc cao.

Nhập môn thái cực quyền như thế nào ?

Sự vận động của Thái Cực Quyền có sự khác biệt so với nhiều môn thể dục khác, nó mang đậm triết lý vận động phương Đông. Yêu cầu trước tiên đối với người học là tâm tĩnh, buông lỏng thân, tự nhiên, thân thẳng. Thông thường, người học bắt đầu luyện trạm trang (đứng tĩnh), hai gối hơi co, thân hạ thấp, hai tay ôm thành vòng tròn trước bụng, hai chưởng đối lập với bộ vị Đan điền, đầu hư lãnh đỉnh kình, giữ cơ thể (lưng) thẳng, ngực hàm hung thả lỏng, khí trầm Đan điền, hô hấp tự nhiên, hai mắt nhắm hờ, từ từ nhập tĩnh. Mỗi lần luyện trạm trang khoảng 10 phút, lưu ý là trong quá trình thực hiện phải thả lỏng hoàn toàn các bộ vị cơ thể.

Bước tiếp theo là học cách phối hợp các động tác của chi trên và chi dưới, như" Dã mã phân tung", "Lâu tất ảo bộ", "Bạch hạc lượng xí", "Thủ huy tỳ bà"...Sau đó luyện các bài Thái Cực Quyền sơ cấp như: 8 thức, 16 thức Thái Cực Quyền.

Sau khi luyện thuần thục hai bài quyền trên, người học tiếp tục luyện các bài cơ bản phổ cập là: 24 thức,48 thức và 88 thức Thái Cực Quyền, lúc đó sẽ không còn cảm thấy khó khăn phức tạp. Ưu điểm của việc luyện các bài Thái Cực Quyền giản hóa này là người học dễ nhớ, dễ nắm bắt bởi vì các động tác trùng lặp đã được giảm bớt, động tác phóng khoáng, uyển chuyển hơn, độ khó không cao.

Sau khi đã học xong các bài Thái Cực Quyền giản hóa cơ bản rồi, người học bắt đầu thâm nhập vào các bài quyền truyền thống (cổ truyền) của các phái như: Trần, Dương, Ngô, Vũ, Tôn.Đặc điểm của những bài quyền này là yêu cầu qui chuẩn đối với từng động tác là khá chặt chẽ, khắt khe, số lượng động tác trong một bài quyền nhiều, phức tạp, đồng thời trùng lặp nhiều. Đặc biệt là Trần thức Thái Cực Quyền, yêu cầu phải luyện được "triền ty kình", phát kình.Để luyện được chuẩn xác, có hiệu quả các bài quyền truyền thống này, tốt nhất là nên có thầy hướng dẫn, qua đó có cái nhìn trực quan hơn, đồng thời mới có thể nắm bắt một cách đầy đủ các yếu lĩnh.Đối với người tập khi luyện các bài quyền truyền thống Thái Cực phải khổ công không ngừng, luyện càng nhiều lần càng tốt, đặc biệt là nên lựa chọn một phái Thái Cực Quyền để luyện, chuyên tâm vào phái đó thì mới đạt hiệu quả cao.

Dễ và khó của Thái Cực Quyền

Cái dễ của Thái Cực Quyền trước hết đó là người tập Thái Cực Quyền có thể tiến hành được ở mọi lúc, mọi nơi như công viên, sân vận động... với số lượng người không hạn chế. Thứ hai là hình thế, động tác của Thái Cực Quyền tương đối đơn giản, số lượng các động tác trong một bài quyền nhiều cũng chỉ có hơn 100 thức, ngắn hơn thì hơn 10 thức hoặc thậm chí chỉ có vài thức. Những động tác của Thái Cực Quyền dễ nhớ, dễ học, đặc biệt là trong các bài quyền giản hóa như: 24 thức, 42 thức, 48 thức và 88 thức.

Những động tác trong các bài quyền này không có cái gọi là "kỳ" (lạ), "nan" (khó), "hiểm" (nguy hiểm) nên rất thích hợp với những người mới học Thái Cực Quyền và nhũng người cao niên. Thời gian học những bài quyền giản hóa thường không lâu, nhanh thì trong một tuần, lâu thì một tháng là có thể lĩnh hội được. Thứ ba, Thái Cực Quyền dễ tổ chức diễn luyện tập thể, phối hợp với âm nhạc để diễn luyện, tăng thêm hứng thú, tạo cảm hứng khi tập luyện.

Cái khó của Thái Cực Quyền, thứ nhất là Thái Cực Quyền xuất phát từ cơ sở triết học cổ đại Trung Quốc, nó thuộc đạo Trung dung, hay là lý thuyết về cân bằng Âm Dương. Trong khi đó, đạo Âm Dương là một lý luận có tính chất tương đối, người ta thường khó nói hết, nói rõ hay nói một cách đầy đủ về nó. Do đó Thái Cực Quyền trở thành "bách gia chi ngôn" (tiếng nói của trăm nhà). Thứ hai, Thái Cực Quyền là môn quyền thuật tổng hợp tu thân và tu tâm. Nghĩa là phải tu thân luyện ý, cần đền sự giác ngộ, cảm thụ cho nên nó rất khó trong quá trình nghiên cứu, lý luận quyền pháp, quyền lý.

Tu thân: "Tu" mà Thái Cực Quyền muốn đề cập đến chính là những qui tắc của nó khi luyện quyền, điều này nằm ở thân pháp. Nội dung gồm có: " hư lãnh đỉnh kình", hàm hung bạt bối", trầm khiên trụy trừu"...Trong khi đó đa số người tập Thái Cực Quyền lại ít chú ý đến những qui tắc này mà lại chỉ quan tâm đến việc học sao cho được nhiều, cho được nhanh.

Tu tâm: Đạo Trung dung nói đến "tu" là chỉ sự tương hòa, trung lập. Cụ thể nói đến "cương nhu tương tế", "khai trung hữu hợp", "hợp trung hữu khai"

Nói tóm lại, cái dễ của Thái Cực Quyền là dễ về mặt hình, còn cái khó của nó là làm thế nào để có thể nắm bắt được cái lý của nó.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro