Đêm cuối ở thành phố

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hà Nội của những ngày tháng mười hai lạnh tê tái, gió lạnh như những cơn mưa xả ra những chiếc kim sắc nhọn, sẵn sàng găm vào da thịt của bất cứ ai lảng vảng ngoài phố lúc đêm khuya. Sương rơi xuống dày đặc, làn sương mù giống như những làn khói của xứ sở thần tiên, thế nhưng thứ hiện ra không phải là những ông Bụt mà là sự tăm tối, lạnh lẽo. Ánh đèn đường thì yếu ớt, khoảng ánh sáng chiếu xuống đường một phạm vi chừng ba mét rưỡi. Những cây đèn đường cao như bộ tộc những người khổng lồ gầy yếu nằm cách nhau một khoảng bóng tối rộng lớn.

Cảnh vật lúc này đã yên tĩnh hẳn, nhưng cái yên tĩnh ở đây lại là thứ đáng sợ đối với Hùng - Một nhà văn ba mươi ba tuổi đang cố tìm lại một thời huy hoàng trong ngành viết lách. Anh đi đến các tòa soạn nhưng đều bị từ chối, chỉ vì những thứ anh viết quá thực, lời văn thì khô khan, cứng nhắc. Trong khi đấy, các độc giả thời ấy lại thích những tác phẩm thơ mộng, những thứ tình yêu mộng tưởng chỉ có trong những câu chuyện cổ tích, những thứ tưởng chừng như chỉ có ở một xứ sở xa xôi mà loài người chả thể đặt chân đến, rồi thì chỉ có "chàng chàng" hay "nàng ngàng". Anh thường viết về một thời sống ở làng, một thời chiến tranh đã qua đi và thiệt hại của nó như thế nào. "Ôi chao, những thứ như vậy có gì hay để đọc ? Gu độc giả bây giờ lạ lắm anh Hùng ạ, đất nước hòa bình rồi thì phải phát triển văn học lên một tầm cao mới chứ, lãng mạn lên đi, Hùng của thời cấp ba đâu rồi ?" - Một biên tập viên từng nhận xét mộ tác phẩm của Hùng.

Nghĩ lại những lời nói như thế anh tức chết, nhưng anh cũng không từ bỏ ngành, cũng như từ bỏ cái đam mê đã có từ thuở còn là học sinh cấp hai. Ngồi ngẫm nghĩ mãi cũng chả có cách giải quyết nào để những tòa soạn nơi thành thị đông đúc này chấp nhận anh như chấp nhận một nhân tài hiện thực, anh bắt đầu ngồi xuống cái ghế mang phong cách là chiếc ghế giám đốc để sống chậm lại một chút. Tách cafe để nguội từ bao giờ không hay, anh nhâm nhi nó như nhâm nhi cái sự lạnh tanh của phố thị đèn xanh đèn đỏ. Phải đấy, anh đang ngẫm lại về cách sống của con người ở đây, họ cắm mặt vào công việc và chỉ nghĩ đến tiền, tiền và tiền. Giáo dục con cái thì cứng nhắc, chúng không được là những đứa trẻ hồn nhiên từ khi mới bốn tuổi, phải đánh vần abc từ thuở đấy và đi học thêm từ khi mới "tuổi ăn, tuổi lớn". Anh nghĩ lại mà lòng buồn rười rượi, anh nhớ những chiều được đùa vui với những đứa trẻ hàng xóm, cánh đồng lúa đến mùa gặt thơm phức. Mùi thơm của lúa phả thẳng vào mũi làm anh thấy nhẹ lòng, đối nghịch hoàn toàn với cảnh tượng mà anh đang sống, xe cộ thì nhiều mà rất khói bụi. Rồi anh nhớ những bác nông dân "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", họ có mệt mỏi thì tối vẫn cứ sang nhà nhau để chuyện trò, để tâm sự chuyện nông dân, túm lăm tụm ba rồi thì bàn về người này, chê bai người kia. Mùa đông vẫn sang nhà nhau rồi thì ngồi quanh cái bếp lửa đang cháy đỏ hồng trông mới êm ấm làm sao.Tuy hơi lắm chuyện nhưng họ sống với nhau rất tình cảm, lòng người ở đây ấm hơn cả ngọn lửa giữa trời đông giá rét, những thứ chăn gối hay lò sưởi mà dân thành thị hay dùng. Người thành phố cứ chê người nhà quê này nọ, nhưng họ đâu biết có những điều ở nhà quê mà thành phố không hề có được, đó chính là "cái tình". Cách giáo dục của những người nhà quê tuy nghiêm khắc nhưng họ vẫn sẵn sàng lắng nghe những điều mà trẻ con thích, rồi thì để chúng nghịch ngợm đúng với bản chất hồn nhiên của một đứa trẻ. Cũng chính vì điểu này mà bài viết của anh đã bị chê vì các độc giả thành thị họ cho rằng "đấy là chiều chuộng con cái" hoặc "thảo nào cái lũ trẻ nhà quê nó hư thế, không có giáo dục". Thành phố chắc trẻ con sẽ ngoan ngoãn nghe theo những lời dạy khô khan của cha mẹ ? Chắc sau này lớn chúng sẽ trở thành một công dân gương mẫu ? (Anh tự hỏi).

Có những đứa con vì sợ hãi với cha mẹ mà chúng sau này lớn đã đi biền biệt, chúng sẵn sàng quên đi cái gốc gác mà chúng cho là "địa ngục trần gian". - Cũng phải thôi, thông minh từ nhỏ thì làm sao có thể cống hiến cho cái đất nước thu hẹp này, đất nước với những ý nghĩ lạc hậu này. - Anh tự viết và đọc trên trang giấy trắng.

Anh nhớ lại khoảng thời gian dài đã trôi qua, bao nhiêu năm nay, anh sống xa quê của mình là xã Thái Sơn thuộc Huyện An Lão, tính từ thời điểm năm 1960 đến giờ cũng phải được mười lăm năm. Năm ấy anh và mẹ phải đi sơ tán vì giặc đến bắn phá, thả bom gây thiệt hại nặng cho cả thành phố Hải Phòng. Cha anh thì hi sinh do chiến tranh, ông là người đã từng bị bắt vì cái chủ nghĩa nhân đạo của mình, bọn Pháp bắt ông đi vì chúng cho rằng ông đang chống đối lại chúng. Trong những năm tháng ở tù, ông bị tra tấn dã man, các tài liệu của ông thì bị tiêu hủy hết và mãi về sau chả còn ai biết đến, nhớ đến nó. Những người hàng xóm xung quanh ông chỉ có thể nhớ đến những con số không chính xác cho các sáng tác của ông. Người thì bảo ông sáng tác được hơn hai mươi tác phẩm, người thì bảo ba mươi nhăm. Khi được "thả" về thì ông gặp được mẹ anh, họ yêu nhau để rồi sinh ra một anh nhà văn thừa hưởng bộ óc văn họ của bố. Thời điểm ấy là trước cách mạng tháng tám năm 1945. Nhưng rồi họ chỉ sống với nhau được bảy năm, tức là Hùng lúc đấy mới được bảy tuổi. Chưa được hưởng cái hạnh phúc lâu dài sau bao nhiêu năm vào tù của bọn Tây, ông lại phải rời xa gia đình để ra chiến trận miền Nam, ngày hôm ấy ông đi trong bộ áo xanh như cái lá trên cành, bước lên chiếc xe tải treo đầy lá cây để ngụy trang rồi thì vẫy tay chào hai mẹ con Hùng, bao chiến sĩ khác đi theo cũng vậy, họ chào tạm biệt gia đình và vợ con mình, có người thì có vợ sắp cưới, người thì đang nuôi mẹ già hoặc mất bố phải nuôi em mình. Họ hứa hẹn sẽ gặp lại nhau sau chiến tranh và bước đi trong lời chào tạm biệt đầy nỗi lo âu của gia đình. Thế rồi tiểu đội của ông đã không thể thực hiện lời hứa đấy, xe tải chở họ đã bị giặc Mĩ hạ bom cho nổ tung sau một nhiệm vụ trinh sát ở con đường Trường Sơn chông gai. Cả đội đã bị máy bay giặc thả bom chúng và đã hi sinh. Vài tháng sau thì cả nhà Hùng và những hộ gia đình có người đi kháng chiến đều nhận được giấy báo tử thay cho bức thư cuối cùng, đây cũng chính là lúc mà Hùng suy sụp nhất, mẹ anh cũng đau khổ và nhiều lần đã định chọn đến cái chết. Ngay lúc đấy anh là sự an ủi, là tia sáng hi vọng trong bà, Hùng an ủi mẹ bằng những câu văn giàu sức thuyết phục và luôn ôm mẹ bằng những tình cảm chân thành của một người con.

Mới bé thôi mà anh đã như một người trưởng thành rồi, nhưng con người anh lúc đấy cũng rất lãng mạn. Cái quá khứ huy hoàng của anh là năm anh học cấp ba, lúc đấy anh tròn mười tám tuổi. Chỉ từ cái lá, anh có thể sử dụng văn học để tả cảnh lúc nó rơi xuống chậm rãi theo chiều gió buổi cuối thu, và so sánh nó như sự dịu dàng của người phụ nữ Việt, đồng thời cũng là tuổi xuân của họ. Khi ở trên cành thì họ đẹp lung linh, sức trẻ vẫn còn, nhưng khi rơi xuống nhè nhẹ thì mới biết được những đau khổ, những thời xuân đã qua của họ. Mặc dù có chậm rãi, có nhẹ nhàng thì những chiếc lá vẫn chạm đến đất, mặt đất được anh ví là tuổi già của phụ nữ. Hay kể cả là việc anh viết và làm cho câu chuyện tình của hai con thiên nga càng trở lên lãng mạn, thế giới của chúng giống với thế giới loài người hơn v.v, anh coi con người ai cũng đẹp như con thiên nga, họ không đẹp chỗ này thì đẹp ở chỗ khác, vậy nên anh rất được mọi người yêu quý vì sự hòa đồng, thân thiện, con mắt quan sát tinh tế. Cha anh là một nhà văn cách mạng rất nổi tiếng thời bấy giờ, ban đầu ông cũng chuyên viết những tác phẩm lãng mạn về tình yêu thời chiến nhưng rồi lại viết về hiện thực, lên án bọn Tây cùng bọn cường hào rồi bị bắt giống như trên đã nói. Thời đấy cũng có nhiều người tương tự cha của Hùng, chính họ mới là "những người cho máu" và dũng cảm nhưng đều bị xã hội từ chối và bị bắt đi. Hình như anh thừa hưởng bộ óc lãng mạn bay bổng cũng là từ cha mình lúc ban đầu, nhiều người cũng nhận xét cái văn phong của anh như được di chuyển từ bố vậy: nhẹ nhàng, lãng mạn. Nhưng rồi càng lớn, anh càng muốn tuôn hết nỗi lòng của mình qua các tác phẩm hiện thực, mọi thứ đều được dựa trên những chuyện mà anh từng chứng kiến - những thứ tàn khốc của chiến tranh. Nhưng có lẽ vì lời nói quá khô khan, đọc cứ như là đọc một cuốn nhật ký cảm thán nên người ta cũng chả thể đồng cảm được với anh, nhân vật thì chả thể để lại ấn tượng với người đọc cho nên anh mới thất bại trong việc viết lách. Càng lớn anh càng chán ngấy và càng không còn tí thơ mộng nào về tình yêu, chắc có lẽ là do những nỗi ám ảnh đeo bám anh suốt từ một thời tuổi thơ bất hạnh và đầy bi kịch cho đến khi anh lớn.

Nhìn lên tờ lịch đang ở tờ có con số mười một trên tường chưa được xé, anh bàng hoàng nhận ra rằng "đây là tết Nguyên Đán của năm ngoái". Cái bàng hoàng ở đây chính là sự theo đuổi nghề nghiệp đến mê muội, không để ý thời gian, vậy là anh đã trở thành những đứa trẻ trên thành phố ? Đã bấy lâu nay anh chưa một lần nào để ý đến người mẹ thân thương của mình. Sắp bước sang năm mới rồi, lại thêm một tuổi xuân nữa đã đi qua của mẹ. Anh không kìm nén được sự xúc động mà khóc sụt sịt giữa căn phòng tối tăm chỉ có ánh đèn học loe lói, căn phòng chỉ có tiếng đồng hồ "lạch cạch" trò chuyện với tâm hồn nhà văn đang đi lạc lối. Mẹ anh gầy và xanh xao hơn ngày trước, anh không hề biết. Mẹ anh đã bước sang cái tuổi hưởng thụ thanh xuân già cỗi với sự nhàn hạ, anh cũng không hề quan tâm. Vậy thì trưởng thành để làm gì ? Sao không bé mãi để biết yêu mẹ, biết nói tiếng yêu với những người đã đẻ ra mình ? (Anh lại tự hỏi).

Anh bắt đầu quở trách về sự vô tâm ấy của mình khi nhớ lại một buổi tối hè năm 1974, hôm ấy anh phải đâm đầu bào một bản thảo về cuốn "Kiếp đen như chó mực". Nội dung mà anh hướng đến rất hay nhưng rồi lại bí ý tưởng, theo lời kể từ mẹ anh trong những cuộc phỏng vấn sau này khi anh được biết đến rộng rãi: "Con tôi nó giỏi nhưng tính cách rất lạnh lùng và lười nói, những lần nó viết là những lần mà tôi thấy nó biến đổi rất nặng. Từ một người hiền lành, nó (lúc trở thành tay viết lách) trở lên rất lạnh lùng và thường cáu bẳn".
Tối hôm ấy như bao buổi tối khác, khi anh đang ngồi chăm chú viết thì nghe thấy tiếng vọng của mẹ từ phía cửa phòng anh:
- Hùng ơi ngủ đi con, muộn lắm rồi !
- Con đang viết dở, mẹ không thấy à ? - Anh nói với chất giọng đều đều và trầm.
Sau câu nói có phần hỗn xược ấy, mẹ anh như buồn hơn về sự tha hóa của con mình, bà không nói gì thêm mà chỉ lặng lẽ về phòng. Bà buồn lắm nhưng biết làm sao được, bây giờ Hùng không còn bé nữa, những gì anh làm mẹ anh cũng chỉ có thể khuyên bảo chứ không thể quát mắng và ép buộc anh như lúc còn nhỏ nữa. Không thể nào có chuyện "cha mẹ đặt đâu, con nằm đấy" nữa.

Anh thấy mặt mẹ buồn nhưng không thể vỗ về được, công việc như cuốn anh hơn, anh miệt mài viết nhưng rồi nhận ra đã hơn ba giờ sáng. Hùng lúc đấy bỗng nhiên day dứt hơn vì đã gạt bỏ đi cái sự quan tâm của mẹ. Từ bé cho đến lớn anh chưa bao giờ ngủ muộn như thế, kể cả công việc có căng lắm thì cũng chỉ đến tầm hơn mười một giờ có vài giây là anh đã vội gấp đống bản thảo của mình rồi vội lên giường yên giấc, chờ đến khi bình minh tô điểm cho căn phòng anh.

Chỉ sáng sớm hôm sau, qua cái đêm day dứt ấy, anh đã cùng mẹ trở về quê nhà Thái Sơn sau bao nhiêu năm xa cách, cốt là để mẹ anh vui. Anh vẫy tay để gọi chiếc xích lô đậu trước nhà để trở hai mẹ con đến ga tàu. Thế rồi, khi hành lí đã vác đủ hết lên xe thì có tin vui đối với anh nhưng lại là thứ đáng tiếc đối với mẹ anh. Anh lại một lần nữa vì công việc mà gạt bỏ hết chuyện tình cảm, có một tòa soạn mang tên "Sao Mai" đã duyệt tác phẩm "Kiếp đen như chó mực" của anh. Người đưa thư mang đến lá thư mà trong đó có giấy mời đúng lúc mà anh chuẩn bị đi, vậy là quần áo đã chuẩn bị sẵn, một chiếc áo Tây lịch sự đã mặc sẵn trong người anh và anh vội đi đến tòa soạn đó theo địa chỉ có trong thư mời đó chính là con đường gần khu Ngọc Thụy anh sống. Anh vui sướng biết bao khi đã qua những ngày đi làm thêm ở những quán bánh đa gần nhà, ngày làm thêm còn đêm thì phải về viết lách kiếm thêm chút ít. Nay có người duyệt như vậy sao anh có thể kìm sự sung sướng được. Mẹ anh lúc đấy chả giận mà cũng chả buồn, vì bà đã quá quen rồi nhưng sâu trong cái vẻ "cố nhịn" kia thì bà lại đau lòng, bao nhiêu năm xa cách những người anh của bà, những người bạn sống cùng thôn xóm và ngôi nhà mang nhiều kỷ niệm của bà với bố của Hùng. Bà chỉ biết tự hào về con trong sự buồn bã, chứ biết làm cách nào để con thoát ra khỏi thứ nghệ thuật xa xỉ ấy.

Sau những hồi tưởng ấy, nước mắt anh đã khô và đọng lại trên làn da rám nắng của anh. Cùng với những gì mà anh coi là chán nhất của thành phố, anh quyết định rằng sẽ liên lạc với bác chưởng - anh cả của bố và ghi lên tờ giấy một dòng chữ về một địa chỉ "Thôn Nhất Thượng - Xã Thái Sơn - Huyện An Lão - Thành Phố Hải Phòng", đúng vậy anh quyết định rằng sẽ về quê và theo lời giới thiệu của biên tập viên ở tòa soạn "Sao Mai" về việc chuyển công tác về quê nhà anh. Anh nhận thấy sự trùng hợp này nó là cái lợi vì thứ nhất: Nó gần với quê anh. Thứ hai: chỉ có "Sao Mai" mới duyệt bài của anh mà ở thôn quê thì thiếu gì chuyện.

Lúc này đã là bốn giờ sáng mà mai anh phải đi sớm để kịp về quê sớm mà gặp lại bà con thôn xóm. Rồi thì anh chìm giấc ngủ ngon trên cái giường dài mét bẩy, nhắm mắt dần và chờ đợi một ngày mai tươi sáng. Chờ đợi cho sự đoàn tụ ấm áp.

An Lão ngày 16/12/2021
Hoàn thành tập 1

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro