tham thien 5

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tham Thiền 11

DIỆT VỌNG

Vọng chất ra sao đòi diệt vọng?

Vọng không hình mạo có danh ngôn

Tâm ai tỉnh ngộ tìm không có

Vọng đến lòng ai có não phiền.

TRƯC CHỈ ĐỀ CƯƠNG

Là đệ tử Phật, xuất gia cũng như tại gia, phải sắp xếp cho mình, dành cho mình thời gian "học đạo". Đạo Phật gọi là quá trình Văn, tư, tu. Có vậy, sự tu hành mới đạt kết quả mong muốn. Tu không học là tu mù, mười người tu sai lạc hơn chín rưỡi. Lời thật mích lòng, nhưng đó là sự thật mà không được mấy người bằng lòng.

Các Sư dạy ngồi Thiền tìm vọng để diệt hết vọng thì chơn hiện ra. Lời dạy đó, nghe qua ai cũng tưởng đúng. Cố gắng ngồi tìm vọng để "diệt", hy vọng nắm bắt lấy chơn. "Ngồi thiền" như vậy sai rồi! Ngồi càng nhiều càng phí sức phí công nhiều. gieo hạt giống bị rang luộc, không có ngày sanh cây kết trái.

"Diệt tâm vọng, vọng tìm không có!

"Chân lý tìm, chân lý biết ở đâu?

"Sai lầm ngay khi khởi ý "diệt", "tìm".

"Lệch chánh pháp, tưởng con mà là giặc"

Tu Thiền của đạo Phật "chánh tông" dễ ợt, và tại vì dễ ợt cho nên nói ra người ta giật mình ngờ vực chẳng dám tin ngay. Tại vì người ta tưởng khó và phần nhiều ngồi chịu trận với các kiểu thiền cực khổ đã quen. Thiền cực khổ còn không đem lại an lạc giải thoát chút nào, thiền mà dễ làm sao tin được? Lý luận đối phó như vậy người mới nghe qua đều cho là đúng, nhưng với kinh Liễu nghĩa Đại thừa, đó là thứ lý luận "kiến thủ kiến" của người có chủng tánh "ngoại đạo phàm phu".

Thiền chánh tông của đạo Phật, đi, đứng, ngồi thậm chí nằm cũng thiền, kết quả thành tựu như nhau. Nói về nơi chốn và thời gian, bất cứ ở chỗ nào, không luận giờ khắc ngày hay đêm thiền đều đem lại kết quả về mặt tri kiến về mặt an lạc giải thoát như nhau.

Vậy "Thiền dễ ợt" phải học ở đâu? Học ở kinh Như Lai Viên Giác của Như Huyễn Thiền Sư - Thích Từ Thông biên dịch ấy.

Kinh Viên Giác, Phật dạy cho Bồ tát Văn Thù: "Mười phương Như Lai, trên đường tu nói là tu, thật ra các Ngài chẳng tu gì cả, mười phương Như Lai chỉ cần "tỉnh thức", tâm ý các Ngài thường xuyên liên tục trong ý nghĩa của một chữ "Tri". Tri có nghĩa là biết là tỉnh thức không mê muội. Biết cái gì?

- Biết vô minh như hoa đốm trong không

- Biết ngũ uẩn phù hư không khứ lai

- Biết sắc thị không, không thị sắc

- Biết ảo hóa không thân tức pháp thân

- Biết thất đại thật tánh chẳng có đại nào!

"Làm sao giết được người trong mộng"...

Đòi diệt vọng lại cũng như vậy. Hãy bỏ đi, thứ lý luận sai lầm!

Thông tin từ: phatphapdaithua.com

31-08-2009

Tham Thiền 12

TIN TƯỞNG

Cầu nguyện cao xanh ngưỡng vọng lên

Đinh ninh nơi ấy có bề trên

Hiểu ra : lồng lộng thênh thang rỗng

Bởi thế trần gian mãi lụy phiền.

TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG

Tin tưởng là một đức tánh vốn có của nhân loại. Đến thế kỷ 21 này, nhân số toàn cầu trên dưới 8,4 tỷ người là có ngần ấy tin tưởng khác nhau.

Tin tưởng gì, tin tưởng ai, người ta nhìn ở nơi các tôn giáo thờ phượng tôn nghiêm là cơ sở biểu hiện rõ đức tin của người tin tưởng đó.

Thế giới ngày nay, phần lớn đứng vào một thỏa thuận chung: Tôn trọng tự do tín ngưỡng, do vậy vấn đề tín ngưỡng không nên phê phán hay chỉ trích lẫn nhau. Tự do tín ngưỡng mà.

Bài thi ca của Như Huyễn Thiền Sư nhan đề Tin Tưởng, nhưng tin tưởng theo tin tưởng của Như Huyễn Thiền Sư, chắc chắn có phù hợp với một thành phần người và cũng chắc chắn có bực bội khinh ghét của một thành phần người khác, khi đọc.

Theo giáo lý đạo Phật, theo tinh thần hành đạo và truyền bá đạo Phật của Như Huyễn Thiền Sư: Vũ trụ bao la, con người tối linh tối thượng, không cần cầu nguyện, van xin với ai ngoài thân ta và tâm ta. Địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, tam đồ khổ do thân tâm ta tạo ra. Trời, người, A tu la, có khổ, có vui cũng do thân tâm ta tạo ra. Sáu cảnh "lục đạo luân hồi" ấy, do con người làm con người chịu, không có "đấng bề trên", "đấng cao xanh" hay "ông gì" thưởng phạt, do thương ghét của cá nhân mình!

Cầu nguyện là một kiểu tin chung của người có tôn giáo và không tôn giáo. Trong cuộc sống hình như rất ít ai trong đời không có cầu nguyện. Bởi vì tuyệt đại đa số con người có tánh tự ti, cho nên tự đặt mình là "kẻ dưới" là người yếu hèn và tự đặt ở chỗ "Cao xanh" kia có đấng "Bề trên" ở trên ấy, mình muốn gì vượt quá khả năng thì "cầu nguyện" nhờ đấng "Bề trên" hay "Ơn trên" phò hộ.

Đạo Khổng tử nói, trên khoảng xanh vô tận kia, người ta tưởng đó là trời, thật ra không có Ông gì hết. Theo Khổng tử đó là:

"Thiên thính tịch vô âm

"Thương thương hà xứ tầm

"Phi cao diệc phi viễn

"Đô chỉ tại nhơn tâm"

Khoa học thì dùng viễn vọng kính, phi thuyền không gian đi khá xa, nhìn khá rộng mà chưa gặp đấng Bề trên nào.

Còn đạo Phật nói: Mỗi người tự làm "Đấng Bề Trên" cho mình và cũng tự mình làm cho mình thành người tệ hại nhất, đau khổ nhất. Thế cho nên người học hiểu đạo Phật, tu theo đạo Phật người ta không chủ trương cầu nguyện. Bởi vì, nếu cầu nguyện mà "được" thì nhân loại chẳng ai để cho mình nghèo, càng không để cho mình khổ.

Long lộng thênh thang rỗng: chỉ cho vũ trụ. Vũ là không gian. Trụ là thời gian. Vũ trụ có hai thành phần: 1) Trống rỗng, là khoảng không. 2) Có vật chất.

Khoa học tóm lượt đại khái gồm có: Động vật, thực vật và khoáng vật. Dựa vào vật chất mà khái niệm ý nghĩa thời gian, cũng dựa vào vật chất mà người ta khái niệm ra ý nghĩa không gian. Do vậy, Cái gì thuộc bên có thì nằm trong động vật, thực vật và khoáng vật. Cái gì thuộc về bên không thì "lồng lộng thênh thang rỗng" vậy thôi!

Nếu dám dứt bỏ ý niệm chủ quan định kiến của riêng ai đó. Khách quan mà nhận xét, ai cũng có thể thấy rõ ràng rằng:

- Cầu an cho thế giới, không được

- Cầu siêu cho thế giới, không được

- Cầu nguyện thế giới hòa bình, không được

- Cầu nguyện cho nước hiếu chiến kia tiêu diệt, không được.

Thế cho nên nếu "Cầu nguyện" mà được thì trần gian này, nhơn loại này ai ai cũng hạnh phúc ấm no giống nhau.

Thông tin từ: phatphapdaithua.com

31-08-2009

Tham Thiền 13

TA BÀ - CỰC LẠC

Cực Lạc là đây tại cõi này

Xin đừng vọng ngoại hướng phương Tây

Đông Tây quả đất xoay di chuyển

Rạng sáng là Đông, sẩm tối Tây.

TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG

Ta Bà nói đủ: Ta bà thế giới. Ta bà thế giới là thế giới con người ở nơi đó đều kham nhẫn, chịu đựng các sự khổ như: Dục ái khổ, sắc ái khổ, vô sắc ái khổ... Nói cách khác, đó là thứ khổ trong tam giới. Phật Thích Ca là giáo chủ cõi Ta bà. Do vậy, cõi chúng ta hiện ở tức là cõi Ta bà vậy.

Cực lạc nói đủ: Cực lạc thế giới. Thế giới Cực lạc là thế giới tột an vui. Con người ở thế giới Cực lạc luôn luôn thọ hưởng tất cả mọi sự an vui, không hề có sự khổ não bất như ý. Phật A Di Đà là giáo chủ thế giới Cực lạc. Thế giới Cực lạc không phiền não cấu uế, không các khổ bất bình bất mãn, cho nên cõi Cực lạc cũng gọi là Tịnh độ. Tịnh Độ là cõi đất thanh tịnh, cõi nước trong sạch.

Ta Bà, Cực Lạc là hai thế giới riêng khác, hai giáo chủ riêng khác như ta đã biết và tuyệt đại đa số Phật tử đều hiểu như vậy. Bởi vì đại đa số Phật tử nghe pháp và học hiểu đạo Phật qua ngôn ngữ văn tự, các Phật tử mới bước một bước "Văn" mà chưa có Tư, Tu. Người đệ tử Phật phải Văn, Tư, Tu, phải học sâu giáo lý Đại thừa, phải đi vào chiều sâu của thiền định Phật tử mới hiểu giáo lý: "Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp" của Đại thừa Phật giáo. Khi hiểu giáo lý Đại thừa các Phật tử sẽ sung sướng rất mát lòng mà ngâm nga :

"Cực Lạc là đây tại cõi này"

Cực lạc là đây tại cõi này, có nghĩa là Ta bà và Cực lạc văn tự ngôn ngữ tuy hai mà không hai, không hai mà không được nói một. Bởi vì ở tại đây là cõi Ta bà Phật Thích Ca làm giáo chủ, nhưng người tu đạo Phật, đệ tử Phật có thể mời thỉnh Phật A Di Đà di dời thế giới Cực lạc về đây sáp nhập thế giới Ta bà mà không chật hẹp đi một vuông đất nào !

Phật tử theo đạo Phật, ai cũng hiểu rằng : Thế giới Cực lạc hay cõi Tịnh độ của Phật A Di Đà ở Phương Tây, tức phía mặt trời lặn mỗi ngày.

Giáo lý thượng thừa dạy : "Pháp giới bất nhị" "Thế giới nhất chân" vạn vật trong vũ trụ : "Trong một có tất cả, tất cả là một" cho nên Tây phương không phải Tây phương, vọng ngoại hướng về Tây phương cầu sanh Tịnh độ để hưởng các sự an vui ở Cực lạc là vọng tưởng sai lầm. Phía mặt trời lặn không phải Tây phương, không có cõi Tịnh độ, Cực lạc ở phía mặt trời lặn, mà :

"Cực Lạc là đây ở cõi này

Xin đừng vọng ngoại hướng phương Tây"

Gọi là Đông, Tây do quả đất xoay. Gọi là ngày, đêm; do mặt đất bị khuất. Gọi giờ : Tý, ngọ, mẹo, dậu do quả đất di chuyển. Cho nên người đệ tử Phật hiểu rõ đạo Phật không cầu nguyện sanh về cõi Cực Lạc ở phương Tây. Đừng hiểu sai lầm nữa ! Tốn công tu hành cực khổ, tốn của cúng lạy mệt mỏi; rốt cuộc khổ đau vẫn phải chịu khổ đau vằng vặc suốt cả cuộc đời.

Rạng sáng là Đông, sẩm tối Tây: Hiểu câu này phải thực nghiệm bằng hai cách:

1. Phải tư duy bằng thiền định

2. Áp dụng thực tế bằng cách: Tạo dụng cụ hướng dẫn cách thực nghiệm. Chẳng hạn, tạo một điểm sáng đứng yên là Định tinh (mặt trời), tạo một quả cầu to xoay lăn di chuyển là Hành tinh. Ta lăn quả cầu, ta quan sát sẽ thấy Đông, Tây, tí, ngọ, mẹo, dậu... do sự di chuyển của quả cầu mà ta đang di chuyển.

Thông tin từ: phatphapdaithua.com

31-08-2009

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#chau#tue