tham thien 7

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tham Thiền 19

QUÁN THỨC UẨN

Thức tâm tâm thức chẳng rời nhau

Ý thức thêm vào đủ bộ ba

Dù gọi ba tên duy thức uẩn

Sở tri, tác, thọ bất tương ly.

TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG

Tâm là Thức; Thức là Tâm. Dù không được nói là một, nhưng cũng không được nói hai. Bởi vì tâm là thể, thức là dụng. Dụng không ngoài thể, thể không rời dụng. Ví như: nước và sóng, nước là sóng; sóng là nước; vậy mà nói một không đúng; nói hai thì trật. Sóng là dụng của nước, nước là thể của sóng. Thể dụng không ngoài nhau mà vẫn có tên sóng, nước. Còn nữa; ý là thức, thức là ý, thức là thể của ý, ý là dụng của thức. Thế cho nên "tâm, thức, ý" không thể nói một mà cũng không được nói ba. Nói ba, tìm ba không có. Nói một, tìm một không ra! Vậy mà có cả ba "danh ngôn": Tâm, Ý, Thức.

Những nhà thông thái, khuynh hướng triết học, họ bảo giáo lý Phật là triết lý, Phật học là triết học. Nhà khoa học họ thấy kinh điển giáo lý đạo Phật nói những điểm, mấy mươi thế kỷ sau họ mới phát hiện nhận thấy ra, rồi họ tự nhận đạo Phật không là một "tôn giáo thuần túy". Nhà duy vật biện chứng chủ nghĩa nhận xét, phê phán: Mục đích và Tôn chỉ chánh thống nguyên thủy của đạo Phật: "Nhất thiết duy tâm tạo" phủ nhận thế lực ngoại lai: "thiêng liêng, thần học..." Thế cho nên, đạo Phật là đạo Phật. Đạo Phật là con đường "Giác ngộ", con đường "tỉnh thức", Thích Ca Mâu Ni Phật là đạo sư, người phóng lộ mở đường.

Thật rủi ro bất hạnh cho Phật giáo có những người tự nhận mình đệ tử Phật, tại gia có, xuất gia có. Họ cũng nghiên cứu kinh điển Phật rồi viết ra "giáo tài" "giáo trình" "giáo án" đem giảng dạy cho Tăng Ni trẻ học ở các trường Phật học, ở các Học viện PG, họ gọi là môn "Tôn giáo học". Thật là một "thiện chí" bôi nhọ Phật giáo mà ít ai để ý quan tâm. Hãy tra cứu, định nghĩa chữ "Tôn giáo" đi, rồi sẽ rõ đạo Phật không là một Tôn giáo.

Giáo lý của đạo Phật ai chịu nghe, chịu học sẽ thấy dễ ợt. Giáo lý của đạo Phật không nói chuyện "cao xanh" hoang đường viễn vong vô căn cứ, không nói "thần này, thánh nọ" ở trên mây, ở trong lòng đất con người không ai thấy biết. Giáo lý đạo Phật dạy những điều mà con người ai cũng có quyền thấy biết. Ví dụ: Con người tổng thể có hai phần: Một là vật chất, tức sắc uẩn, hai là tâm linh, tức thức uẩn. Con người là một "sác thủ thú", một hợp thể Sắc và Tâm.

Sắc tức vật chất, có hình dáng, kích thước trọng lượng, qui mô lớn nhỏ ... có thể thấy biết. Tâm thì trái lại. Muốn nhìn tâm, hiểu tâm phải mượn phương tiện "thiền định" để thấy và nhận biết tâm qua sự biểu hiện:

1. "Pháp hiện thọ dụng": Nghĩa là cái mà con người đang thọ dụng để thành "con người", khiến cho con người khác thực vật, khoáng vật và phi vật thể. (Tâm)

2. "Pháp hữu tác dụng": Nghĩa là cái tác dụng biểu hiện qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; khiến cho mắt thì thấy, tai thì nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân xúc, ý phân biệt. (Thức)

3. "Pháp hiện sở tri": Con người tối linh ư vạn vật, là chủ thể nhận thức cả nhân sanh quan và vũ trụ quan. Bởi vì, nếu không có "Hiện sở tri" của con người chủ thể, thì vũ trụ và nhân sanh hiện hữu với cái gì? Hiện hữu với ai? (Ý).

Do vậy, Tâm, Ý, Thức cũng có thể hiểu là một, cũng có thể hiểu là ba. Ví như hoa tai, nhẫn, dây chuyền cùng một chất vàng SJC, tính theo thời điểm tháng 02 năm 2009 là 1.978.000 VNĐ/chỉ.

Thế cho nên "Quán Tâm" thiền giả sẽ thấy rõ, biết rõ cả ý và thức của mình.

Người đệ tử Phật năng kiểm tra, soi rọi ý nghĩ, niệm lự của mình. tự đánh giá phân biệt: Tà, chánh, chơn, ngụy, đại, tiểu, thiên, viên. Rồi tự chọn những niệm lự chánh, chơn, đại, viên ta phát huy tu tập. Những niệm lự: Tà, ngụy, tiểu, thiên ta gạn bỏ nó ra ngoài tâm, ý, thức của ta. Làm được việc đó tức ta tu "Thiền" rồi đó. Soi rọi nhận biết sai trái của ý nghĩ, của tư duy là ta tu "Quán" rồi đó. Thiền là tư duy, Quán là vận dụng trí soi rọi tâm, nắm vững chánh niệm:

Chư ác mạc tác

Chúng thiện phụng hành

Tự tịnh kỳ ý

Thị chư Phật giáo.

Thông tin từ: phatphapdaithua.com

31-08-2009

Tham Thiền 20

QUÁN NGÃ

Tham thiền quán "ngã" khởi đường tu

Quán chiếu "ngã không" điểm khởi đầu

Lục phủ, tứ chi chung ngũ tạng

Họp thành năm uẩn chắc bền chi?

TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG

Học Phật, tu theo đạo Phật "Ngã" là một cái từ, một danh ngôn khó, cần phải học, phải tập tham thiền mới hiểu rõ được. Bởi vì đức Thế Tôn từng dạy: Nhất thiết pháp vô ngã; nghĩa là tất cả pháp không ngã.

Nếu người đệ tử Phật mà hiểu rõ nghĩa "Ngã" "Vô ngã" đúng, chính xác, hiểu kỹ tận đáy lòng, thông qua thiền định trí tuệ, thì thiền giả đó đạt đến trình độ liễu tri, liễu triệt, liễu đạt, liễu minh, liễu ngộ, liễu liễu, một trình độ giác ngộ đến đỉnh cao trong đạo Phật; một địa vị có thể viễn ly "tứ tướng" trong hàng Bồ tát.

Chữ Ngã ở thi ca này ám chỉ cái "tôi", cái "ta", tấm thân ngũ uẩn thất đại. Ngã này nằm trong hệ giáo lý tiểu thừa, nhằm hướng dẫn hành giả tu pháp "Quán bất tịnh". Thiền tiểu thừa căn bản ai cũng phải tu tập trải qua bốn pháp quán:

1) Quán thân bất tịnh

2) Quán thọ thị khổ

3) Quán tâm vô thường

4) Quán pháp vô ngã.

Trọng tâm, cũng như chủ đích bài này là Quán thân bất tịnh.

Thân này tổ hợp "duyên sanh".

Ngũ tạng, lục phủ, ngũ quan, tứ chi. Phân tích chi li hơn, thân là chỗ chứa đựng, nó là cái đãy bao bọc 36 vật bất tịnh, nhơ nhớp không sạch. Người khởi tâm tu, hãy tập xem nhẹ "bản ngã" không quí thân nhiều. Hình thức sa môn là đầu trần, chân đất, ăn kham khổ, mặc ca sa ..., tự xem mình là con người tầm thường trong xã hội, trong cuộc sống. Được vậy, thiền giả thành công bước đầu của pháp tu quán Ngã không.

Đệ tử Phật hãy tu tập: Quán "Ngã" không, "Ngã sở hữu" không, tất cả pháp đều không. Căn cứ nơi tiêu chí ấy quán chiếu tu tập, tự mình nhận xét, đánh giá bước đường tu tập của mình, tiến bộ nhiều hay ít, khỏi hỏi ai khác! "hành tàng hư thật tự gia tri"!

Thông tin từ: phatphapdaithua.com

31-08-2009

TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG

Cảnh là một trong các chi của cây "gia phả" ngũ uẩn. Bởi vì ngũ uẩn là nền tảng của toàn bộ giáo lý Phật. Sắc, tâm, ý, thức, cảnh là sự khác nhau do cách nhìn và nhận thức qua màu sắc, góc cạnh, công dụng ... Tất cả danh xưng đó gộp lại là một hợp thể ngũ uẩn mà thôi!

CẢNH gồm tất cả những gì thuộc vật thể và phi vật thể. Như: Động vật, thực vật, khoáng vật và những phi vật thể. Bởi vì nói đến cảnh là nói đến:

Sáu căn, sáu cảnh, vật thể, phi vật thể đều là "đối tượng quán" của thiền giả, thiền sư. Đã là "đối tượng quán" tức "cảnh sở quán". Thiền giả, thiền sư là người phải thấy cho được, phải nhận thức cho được bằng cái được thật của tự tâm trí mình, rằng: Tâm cảnh tự tánh nó thanh tịnh xưa nay, căn cảnh tự nó vắng lặng xưa nay, căn cảnh vốn có, căn cảnh hiện hữu vô thỉ dĩ chí vô chung, nhưng căn cảnh không hề là nguyên nhân đau khổ cho bất cứ ai!

"Chơn giác vô công, căn trần hà cựu"

Hãy quán cảnh như thế!

Thông tin từ: phatphapdaithua.com

18-08-2009

ỌC VỀ CHỮ PHÁP

Pháp nghĩa là chi bẩm các sư?

Xưa nay "chư pháp" thật hay hư?

Cớ gì Phật dạy ly duyên cảnh?

"Cảnh" "Pháp" là hai? Một? Thế nào?

TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG

Pháp là một "cảnh" trong sáu cảnh, là một "trần" trong sáu trần: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Pháp là một từ, là một danh ngôn quan trọng bậc nhất trong nền giáo lý Phật. bởi vì pháp đại biểu cho tất cả những gì thuộc hữu vi và vô vi đều thông qua danh ngôn, qua cái từ "pháp".

Bên mặt hữu vi, hiện tượng; chữ PHÁP trong đạo Phật so sánh với cái từ "vật chất" của chủ nghĩa Duy vật biện chứng khoa học của thời cận đại tương tức, tương đồng: Tất cả những gì lớn nhất, cũng như tất cả những cái nhỏ nhất, tự nó có hình mạo, kích thước, khuôn khổ, qui mô ... để con người nhận thức, phân biệt "nó là nó", nó không thể lẫn lộn vật khác, thì đó là một vật chất. Tất cả vạn vật hiện tượng là vật chất.

Chữ Pháp, cái từ pháp trong giáo lý đạo Phật, đức Phật phát minh nói ra đã hơn hai ngàn năm, mà đem so sánh thì hai định nghĩa ấy tương đồng, tương tức khẳng định hổ tương một cách nhiệm mầu. Do vậy, nhà khoa học Duy vật biện chứng và nhà Duy tâm khoa học biện chứng của đạo Phật đã có lúc cùng nhìn chung một hướng.

Pháp của nhà Duy tâm khoa học, cũng như vật chất của nhà Duy vật khoa học đều "vô ký" tánh. Tự nó không "làm khổ" cho ai và cũng không làm gì cho ai "an lạc".

Chữ Pháp ở trong "pháp cảnh" hay "pháp trần" thuộc tánh của nó "hữu phú vô ký". Với tác nhân gây tạo thiện ác, nó có thể là thiện, cũng có thể là ác. Nó là bóng dáng của sắc, thanh, hương, vị, xúc còn lưu lại ở ký ức chưa phai mờ. Thế cho nên pháp trần phân tích để quán chiếu, Thiền giả thấy rõ tánh chất của nó một nữa vật chất, một nữa tâm tưởng của con người (50-50 ngôn từ thời hiện đại đang dùng)

Pháp là một trong sáu cảnh, thì Pháp là cảnh. Pháp cảnh khi nhiễm ô thì gọi là pháp trần, "Pháp trần" hay "Pháp cảnh" há chẳng là "Duy tâm tạo" đó ư?.

Thông tin từ: phatphapdaithua.com

18-08-2009

Các tin mới hơn

Tham Thiền 23

LẠI HỌC VỀ CHỮ PHÁP

Pháp pháp xưa nay chẳng pháp gì!

Gọi là "không pháp" cũng buông đi

Như Lai dạy rõ đường "không pháp"

Còn gọi đây...kia...chẳng pháp chi!

TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG

Học Phật, bước một học giáo lý kinh điển: Phương tiện, Tiểu thừa, Bán tự giáo, Bất liễu nghĩa và Hữu vi pháp.

Bước hai học kinh điển: Thật nghĩa, Đại thừa, Mãn tự giáo, Liễu nghĩa kinh và Vô vi.

Học giáo lý nghiên cứu kinh điển đạo Phật phải xuyên qua các hệ tư tưởng với một quá trình từ thấp tới cao như thế.

Về mặt hành tu thì có: Nhơn thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ tát Đại thừa.

Người đệ tử Phật cần xác định môi trường, hoàn cảnh, khả năng của mình có thể ứng dụng tu tập thừa nào mình thực hiện được. Không nên đặt tiêu chí quá cao, vượt khả năng với tới, để rồi có lúc nản lòng, tuyệt vọng thì không hay!

"Pháp pháp xưa nay chẳng pháp gì"... Thi ca này, chủ đích giới thiệu cho đọc giả nguồn giáo lý Đại thừa liễu nghĩa mãn tự giáo và hướng dẫn ai là Thiền giả cũng hãy quán chiếu tư duy sâu vào "bản thể" của hiện tượng vốn vô vi. Vô vi có nghĩa là"chẳng có gì" "không ai làm ra" "tự tánh ấy thanh tịnh bản nhiên". Đừng hỏi tại sao! Đừng đòi ở đó một "cái", một "con", một "ông", một "vật" hay bất cứ một "thứ" gì, kể cả thứ "trống không".

Chữ Pháp ở bài học này nhằm dạy các đệ tử Phật, học về vô pháp. Vô pháp có nghĩa là pháp không, không có gì.

Ở hữu vi tục đế, Pháp tức là hiện tượng vật chất, chữ Pháp ở bên hữu vi hiện tượng tức là vật chất, cho nên "có" rõ là có, nhưng là huyễn có. Bên vô vi bản thể gọi là pháp, chỉ có trong khái niệm, không có thật pháp, dù là huyễn pháp.

Bạn thử hồi tưởng lần ác mộng của bạn đêm nào! Bạn thấy bọn côn đồ uy hiếp, đánh đập bạn, nó còn dùng dao búa cố tình giết chết, bạn sợ hãi vô cùng, thất thanh gào thét ... Rồi sau một giờ ác mộng đã qua, tất cả khổ đau, gào thét thất thanh sợ hãi ấy qua rồi, còn lại sau đó một giấc ngủ nhẹ nhàng an lành khỏe ơi là khỏe ... vậy thôi!

Nếu bạn mong muốn tìm xem cái gì làm cho bạn nhẹ nhàng an lành khỏe khoắn ấy, bạn nên chiêm nghiệm lại; Bạn đã sai rồi! Đừng tìm cái đó, dù có ai nói đó là thiên đàng là đấng thiêng liêng giúp đỡ!

- Bỏ vọng là Chơn, đừng tìm Chơn nào nữa

- Bỏ Ta bà là Cực lạc, đừng đòi Cực lạc ở phương Tây

- Ly tam giới là Niết bàn, không ước mơ Niết bàn ở phương hướng xa xăm nào khác

- Bỏ có tự không, không tìm pháp Không đâu nữa ...

Thông tin từ: phatphapdaithua.com

18-08-2009

Tham Thiền 24

HỌC VỀ CHỮ QUÁN

Quán chiếu nên tri quán tưởng ly

Tưởng tâm tưởng cảnh tưởng ông gì?

Tưởng đi với vọng gây nhân khổ

Giải thoát Bồ đề chẳng tưởng chi!

TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG

Những người có Tôn giáo thường có khuynh hướng thiện, họ có tâm lành, thường kích khởi "Tánh bổn thiện" của mình. Người có tôn giáo bất cứ ở nước nào, đạo nào, ngôn ngữ âm thanh có khác, nhưng thâm ý tự mặc nhận với nhau là Tu, Tu sĩ. Tu sĩ có nghĩa là người chịu "tư duy", thường "quán chiếu" suy nghĩ soi rọi sự sai trái lỗi lầm của thân, miệng và ý.

Tu sĩ trong đạo Phật có hai giới: Một, thành phần xuất gia, thoát ly gia đình thế tục, người có lý tưởng cao đẹp mong thoát ly khỏi nhà "tam giới" để thọ dụng Niết bàn. Hai, thành phần cư sĩ tại gia cũng có quyền tu và cũng có quyền được thọ dụng "Niết bàn bất ly ư đương xứ"! Nhưng vấn đề then chốt, quan trọng là tu cho đúng nghĩa chữ Tu. Tu sai không đem lại kết quả an lạc nào, mà còn có hại. Cầu nguyện, lạy cúng, khấn vái, van xin không đúng nghĩa "tu hành" của đạo Phật!

Tu trong đạo Phật có ba cách hành phổ biến: Thiền, Quán, Niệm

Thiền. Tức là "tư duy" "chiêm nghiệm" "nhận xét" kể cả nghiên cứu một đối tượng, một vấn đề khoa học chẳng hạn. Căn cứ "đối tượng thiền" mà hiệu quả đạt được khác nhau.

Quán, Quán chiếu vận dụng lý trí, soi rọi đối tượng mà thiền giả muốn tư duy tìm hiểu một pháp, hoặc tâm hoặc cảnh để nhận thức và phân biệt, sau đó nhận định, phân tích, đánh giá để đúc kết thành "chân lý".

Đạo Phật không dùng "quán tưởng"; nghĩa là không dùng tâm tưởng tượng một đối tượng không có thật. Ví dụ tưởng tượng đấng "bề trên" đấng tối cao, đấng thiêng liêng từ xưa tới nay không ai thấy biết. Chẳng hạn như tưởng tượng người yêu trong mộng, hình ảnh người đẹp trong mơ... Nói chung, tưởng tượng là điều tối kỵ của người đệ tử Phật. Bởi vì quán tưởng đi đến "ảo tưởng"; ảo tưởng đi đến cuồng loạn, nói năng hành động xa rời thật tế, người đời gọi là "điên". Thậm chí hình ảnh chư Phật và Bồ tát cũng không nên tưởng tượng. Phật là Tri giác của ta, Phật ở trong ta! Bồ tát là ta, Bồ tát ở trong ta!

Niệm. Niệm là nhớ, nhớ chớ không phải kêu tên, phổ biến rất thông thường, Phật tử "kêu tên Phật" mà tưởng mình niệm Phật. Có ông Phật nào chịu đựng nỗi cả nhóm người cứ kêu tên mình mãi!

Phật là Giác. Con người ai cũng có giác tánh vốn có, giác tâm vốn có; nhớ những tánh giác không rời, luôn luôn nhớ, đó chính là niệm Phật, nhớ Giải thoát, nhớ Giác ngộ, nhớ tự tánh thanh tịnh vốn có của chính mình.

"Nhớ" bằng trí, "kêu" bằng miệng khác nhau xa! Hãy học Phật, hãy chọn minh sư mà học. Hãy sử dụng lý trí mà học tu. Thích cảm tình rất dễ bị mê hoặc!

Viết gì cũng không trúng, là trúng!

Nói gì cũng không trúng, là trúng!

Nghĩ gì cũng không trúng, là trúng!

Như Huyễn Thiền Sư

Thông tin từ: phatphapdaithua.com

18-08-2009

Tham Thiền 25

NIỆM PHẬT

Niệm Phật cho ta nhớ Phật hoài

Thế Tôn toàn trí rõ không ngoa

Tán dương Giác giả tâm thanh khiết

Ái mộ mê nhơn ý nhiễm ô

Gieo hạt khổ qua thu trái đắng

Trồng cây đậu lạc nhặt nhân bùi

Mực đen son đỏ tùy ưa thích

Tự quyết đời ta khỏi hỏi ai !

TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG

Như ta đã biết "Niệm" có nghĩa là nhớ. Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng có nghĩa là nhớ Phật, nhớ Pháp, nhớ Tăng, tức nhớ Tam bảo không quên. Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, Lục tổ Huệ Năng dạy: Niệm Giác, niệm Chánh, niệm Tịnh, có nghĩa là Thiền giả hay tu sĩ nên luôn nhớ tánh giác ngộ của mình, nhớ tánh chánh trực vốn có của mình và nhớ tánh tịnh thanh vốn có của mình. Thế cho nên ý nghĩa của niệm bao hàm cả thiền định, tư duy và quán chiếu.

Niệm Phật, kinh nghiệm của tiền bối để lại có: Cao thanh niệm, Mặc niệm, Sổ châu niệm, Sổ tức niệm, Tam muội niệm, Cao thanh niệm, niệm Phật: kêu tên Phật xuất âm thanh vang vọng.

Mặc niệm, niệm Phật: Kêu tên Phật thầm lặng, có lúc vành môi cử động nhẹ.

Sổ châu niệm, niệm Phật: Kêu tên Phật âm thầm nhưng kèm theo tay lần tràng hạt.

Sổ tức niệm, niệm Phật: Kêu tên Phật âm thầm nhưng duyên gá theo hơi thở ra vào.

Bốn cách niệm ấy nói là niệm, sự thật kêu tên Phật chớ không phải "niệm". Bởi vì nhớ "giác" nhớ "chánh" nhớ "tịnh" như Lục tổ Huệ Năng thì có ông gì để gọi tên? Thế cho nên, bốn cách niệm trên chỉ là kêu tên Phật, đem lại hiệu quả rất là ít.

Lấy trí tuệ mà tư duy, quán chiếu, ta nhận rõ ra" "Niệm Phật tam muội" là pháp tu viên mãn, người đệ tử Phật xuất gia cũng như tại gia nên học và tu tập pháp môn Niệm Phật này.

Đối tượng của niệm Phật tam muội là: Như Lai; Pháp thân; Thường lạc ngã tịnh; Vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh; Không, vô tác, vô nguyện; Tất cả pháp vô ngã; Vạn pháp giai không; Hữu vi pháp như mộng huyễn; Thật tướng vô tướng; Ngũ ấm vô ngã ...

Đó là những pháp đối tượng để thiền giả niệm, niệm bằng "quán chiếu" "tư duy" "tĩnh lự". Nói cách khác, "Niệm Phật tam muội" bao hàm Thiền, cả Tịnh, cả Xa ma tha, Tam ma bát đề, Thiền na, cả Tam vô lậu học. Cách niệm ấy, niệm hết thảy chư Phật mười phương ba đời Phật. Thiền giả thọ dụng an lạc, Niết bàn "bất ly ư đương xứ"! Niệm Phật Tam muội là pháp tu ưu việt".

Thiền Tịnh song tu của đạo Phật!

Thông tin từ: phatphapdaithua.com

18-08-2009

Tham Thiền 26

NGŨ ẤM VÔ NGÃ

Ngũ ấm phù hư rỗng hợp tan

Sắc là vật chất mớ vi trần

Thọ hành tưởng thức rằng TÂM pháp

Ngũ ấm gồm trong tiếng SẮC TÂM.

TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG

Ngũ ấm, nền giáo lý căn bản trong đạo Phật. Ngũ ấm: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức là một tổng hợp của "sác thủ thú" tức là một chỉnh thể, gồm đủ ngũ quan tứ chi, ngũ tạng lục phủ: một con người phàm phu thật sự hiện hữu. Một con người kiến hoặc, tư hoặc, trần sa vô minh vi tế hoặc còn nguyên.

Sắc, thọ, tưởng, hành, thức khi được bồi dưỡng, xây dựng, cải tạo, gột rửa từng phần kiến tư hoặc, con người tiến lên từng bước với những quả vị: Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm và A la hán. Lúc bấy giờ, cái thân sắc, thọ, tưởng, hành, thức kia không gọi "ngũ ấm" nữa, vì nó được lột bỏ vô minh: kiến tư hoặc trong tam giới rồi. Giờ đây thân ấy được gọi với tên thân "ngũ uẩn". Chữ "uẩn" có nghĩa là sự tổ hợp hình thành một chỉnh thể gọi là "người", một con người. Thân A la hán trở lên không gọi "ấm" nữa mà dùng "uẩn", ngũ uẩn thân.

Ngũ ấm vô ngã là một "thoại đầu", một "công án THIỀN" vĩ đại trong đạo Phật. Thiền giả, Thiền sư tu giỏi, người ta có thể quán triệt, chứng ngộ tột cùng nguồn gốc vũ trụ nhân sinh quan, qua thi ca "Ngũ Ấm Vô Ngã" ấy. Người đệ tử Phật hay một Thiền giả mà nhận thức thấy được cái tánh "phù hư" của "ngũ ấm" thì con đường giác ngộ giải thoát ta đang dạo bước thênh thang, vì ta đã nhận thấy rõ Ngũ ấm vô ngã không còn nghi.

Hãy xem bản đúc kết sau đây:

Quán chiếu và tư duy thấy rõ tánh vô ngã của ngũ ấm. Người đệ tử Phật tập "buông bỏ", tập viễn ly huyễn hư! sẽ "VƯỢT QUA TẤT CẢ KHỔ ÁCH" trong cuộc đời "NGŨ TRƯỢC ÁC THẾ"!

Thông tin từ: phatphapdaithua.com

18-08-2009

Tham Thiền 27

CÁCH HÀNG PHỤC TÂM CỦA BỒ TÁT

Chúng sanh mười loại có xem không

Năng sở song vong bặc tích tông

Độ tận vô dư không kẻ độ

Niết bàn rằng có lại rằng không!

TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG

Đưc Phật dạy cho hàng Bồ tát cách hàng phục tâm ở kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật: Đối tượng Thiền của Bồ tát là mười loại "chúng sanh": Thai sanh, noãn sanh, thấp sanh, hóa sanh, hữu sắc, vô sắc, hữu tưởng, vô tưởng, phi hữu tưởng, phi vô tưởng. mười loại chúng sanh ấy vừa là đối tượng Thiền vừa là đối tượng sở độ của Bồ tát.

Bồ tát hàng phục tâm "năng độ". Mười loại chúng sanh "sở độ" ấy, đem lại cho Bồ tát kết quả thể nhập "cứu cánh Niết bàn" ngang bằng thành quả ba đời chư Phật đã có.(*)

Năng độ, sở độ Phật dạy ở kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật là năng sở toàn diện, hết thảy những cái gì có trong không gian vô cực, thời gian vô cùng. Cái gì con người khái niệm đến được: Vũ trụ, nhân sanh quan chẳng hạn. Bồ tát thấy hết, biết hết. Nói rõ ra, tất cả đệ tử Phật thiền định giỏi, quán chiếu sâu đều được kết quả giác ngộ chân lý, giải thoát phiền não ngang nhau. Ngang nhau, nghĩa là không thua kém Niết Bàn của ba đời chư Phật đã được. Chân lý của chung nhân loại mà!

Tu hành, người đệ tử Phật hãy ráng mà học giáo lý Phật, rồi tu. Phải học, tu mới kết quả! Người ta nói: Tu mà không học, tu mù. Tu mù có nghĩa tu sai, tu bậy, tu trật, tu không đúng chánh pháp, có khác gì nấu cát mong được có cơm ăn, uống nước bọng cây van xin lành bệnh, rõ là vô lý, không đem an lạc hạnh phúc cho ta được!

Năng sở song vong là pháp Thiền định cao sâu tột cùng trí tuệ trong đạo Phật. Pháp tu cao thâm vi diệu ấy. Đại Bồ tát đều phải hành thiền Năng sở song vong, mới ngang bằng chư Phật, mới thành Phật.

Niết bàn, Cực lạc của Phật dạy, hai từ đó, hai cảnh giới đó có hay không đều từ tâm ta. Cực lạc, Niết bàn có là do liễu nhơn chớ không do sanh nhơn.

Nghĩa là tâm ta tịnh thì mới có cảnh "độ tịnh". Độ tịnh tức Cực lạc, tâm ta gột rửa, buông bỏ hết ưu tư phiền muộn, mừng, giận, thương, sợ, yêu, ghét, muốn. Ta đem hết tài sản, nhà cửa xe cộ, ruộng vườn cho con cháu chúng nó quản lý. Ta ở không chơi. Ta nhìn trời mây, non nước; đói thì ăn chơi, khát uống chơi, trong người cảm thấy không khỏe uống chút thuốc chơi, hôm nay uống thuốc không tác dụng nữa "chết chơi".

Niết bàn là vậy đó, không khẩn nguyền lạy lục ai cả. Bởi vì không ai có dư Niết bàn để ban tặng cho ai cả, vì Niết bàn có do liễu nhơn, không do ai đó làm ra!

"Niết bàn rằng có lại rằng không"!

(*) Đọc thêm Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật của Như Huyễn Thiền Sư dịch, diễn giải hết sức rỏ ràng từ trước tới nay. Nên thường xuyên thọ trì đọc tụng Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật.

Thông tin từ: phatphapdaithua.com

18-08-2009

Tham Thiền 28

Chỗ Trụ Tâm của Bồ tát

Lục cảnh phàm phu: chỗ trụ tâm

Vì tâm trụ cảnh hóa ra trần

Vận tâm bố thí căn trần ấy

Vô trụ tâm không cảnh tịch nhiên.

TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG

Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; sáu món ấy, vốn là những hiện tượng nhân duyên sanh. Đương nhiên, sự sanh khởi, sự hiện hữu ấy vẫn là huyễn sanh, huyễn diệt. Mong manh huyễn hóa hơn, lục cảnh ấy thuộc thành phần "Phi vật thể" so với động vật, thực vật và khoáng vật. Vậy mà do vô minh của con người, một loại "phi vật thể" khác, khiến cho sáu cảnh: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp vốn vô tư ấy thành "trần", tức là sáu thứ "nhiễm ô". Kinh điển gọi chúng cái tên "lục trần". Sở dĩ "lục cảnh" mang tên "lục trần", truy nguyên do chấp, do trụ. Trụ, chấp làm cho lục cảnh hóa ra lục trần. Chớ căn trần nào có lỗi chi đâu! Khi đạt đạo rồi, chợt tỉnh: "chơn giác vô công, căn trần hà cựu", biết ra thì việc đã rồi!

Bất cứ ai, muốn mình là đệ tử Phật, phải học tu Bồ tát hạnh, học về cách TRỤ tâm. Trụ sắc, trụ thanh, trụ hương, trụ vị, trụ xúc, trụ pháp là cách trụ để rồi đau khổ, trụ với lá chắn vô minh, trụ của phàm phu, mãi mãi luân hồi trong lục đạo, tam giới, không có ngày ra! Phải học trụ bằng cách "vô trụ".

"Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm". Bồ tát nên phát khởi tâm vô trụ. Đừng trụ chấp sắc, đừng trụ chấp thanh, đừng trụ chấp hương, đừng trụ chấp VỊ, đừng trụ chấp xúc, đừng trụ chấp pháp. Tâm còn trụ là đã phạm phải sai lầm. Vì sao vậy? Bởi vì vạn pháp giai không, duyên sanh như huyễn. Trụ với không có gì, trụ với ảo ảnh thì mình được cái gì? Người trí muốn qua sông, ai đi ôm thây ma tả tơi sắp rã!

Không nên trụ sắc, Không nên sanh tâm tru thanh, Không nên sanh tâm trụ hương, Không nên sanh tâm tru vị, Không nên sanh tâm tru xúc, Không nên sanh tâm tru pháp, Bồ tát nên sanh tâm "vô trụ".

Sanh tâm vô trụ đối với lục cảnh tức là Bồ tát hành Bố thí Ba la mật một cách viên mãn rồi! Tức là Bồ tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật rồi. Bồ tát đã chiếu kiến ngũ uẩn giai không rồi. Bồ tát đạt tới đỉnh tột cao của các thiền định là: "vô trí và vô đắc".

Thông tin từ: phatphapdaithua.com

18-08-2009

TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG

Đức Phật Thích Ca , từ khi thành Phật dưới cội Bồ đề cho đến lúc nhập diệt ở Ta la song thọ, thời gian 49 năm kinh sử Phật lược ghi, đức Phật Thích Ca chỉ làm một việc: Bạc tế mê luân, trang nghiêm phước hải. Để khẳng định điều đó, chúng ta hãy đọc lời châu ngọc của hàng tiền bối để lại, thể hiện qua hai câu đối tại chùa Quán Sứ Thủ đô Hà Nội:

歷 劫 為 明 君, 為 良 將, 為 孝 子, 為 導 師, 運 用 真 如, 結 無 量 善 緣, 莊 嚴 福 海.

現 世 棄 珍 寶, 棄 妻 孥, 棄 國 城, 棄 王 位, 圓 成 大 覺, 說 恆 沙 妙 法, 拔 濟 迷 淪.

Phiên âm:

Lịch kiếp, vi minh quân, vi lương tướng, vi hiếu tử, vi đạo sư, vận dụng chân như, kết vô lượng thiện duyên, trang nghiêm phước hải.

Hiện thế, khí trân bảo, khí thê noa, khí quốc thành, khí vương vị, viên thành đại giác, thuyết hằng sa diệu pháp, bạt tế mê luân.

Dịch nghĩa:

Trải số kiếp, làm minh quân, làm tướng giỏi, làm con thảo, làm đạo sư, vận dụng chân như, kết vô số duyên lành, mở lớn thêm biển phước.

Hiện đời này, bỏ châu báu, bỏ vợ con, bỏ quốc thành, bỏ vương vị, nói hằng sa diệu pháp, cứu vớt kẻ trầm luân.

Rõ ràng là như vậy. Nhận xét lý lịch quá trình hành đạo, Phật xuất thân từ hoàng tộc, suốt đời không nói đến quốc kế dân sanh. Văn, tài năng, võ, tót chúng mà không tham gia luận đàm chính trị, quân sự. Kinh ban tế thế, địa vị thái tử đủ điều kiện phát huy. Vậy mà một đời hành đạo, Phật đóng vai một kẻ ăn xin, một người Khất sĩ và chỉ làm một việc:

Thuyết hằng sa diệu pháp, bạt tế mê luân.

Kết vô lượng thiện duyên, trang nghiêm phước hải.

"Phật pháp vì người rõ chẳng ngoa

"Nhân sinh an lạc thoả lòng ta

"Trần gian tịnh độ là tiêu chí

"Vô ngã vô nhơn, đạo Thích Ca.

Rõ ràng là như vậy.

Muốn chuyển Ta bà thành Tịnh độ

Muốn chuyển phiền não thành Bồ đề

Muốn chuyển sanh tử ra Niết bàn

Ai mà không ly tứ tướng: Ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả. Ai mà không luyện đức: Vô ngã, vô nhơn, vô chúng sanh, vô thọ mạng, mà mong có được an lạc, có được giác ngộ, có được giải thoát thì: "trái ý Phật rồi"!

Thông tin từ: phatphapdaithua.com

18-08-2009

Tham Thiền 30

THÀNH PHẬT

Phật dạy Văn Thù một chữ tri

Vô minh huyễn mộng để lòng ghi

Huyễn tâm huyễn cảnh buông huyễn trí

Vĩnh đoạn vô minh: Phật vậy thôi!

TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG

Học và tu giáo lý Nhơn thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Viên giác thừa nghe nói Quả vị Phật, thành Phật thì ham lắm. Tu Bồ tát Đại thừa, trình độ giác ngộ đạt đến tối thượng "Đẳng giác", các ngài đã hiểu ra rằng: vấn đề Thành Phật, sự thật không có thành gì cả, Như Lai gọi là thành Phật vậy thôi.

Ngủ say nhắm mắt, cảnh vật: Núi sông đồng nội, trời mây chim thú không có, thấy có. Đó là mộng.

Thức tỉnh mở mắt, cảnh vật: Núi sông đồng nội, trời mây chim thú chỉ là nhơn duyên sanh, huyễn có không thật, chấp cho là thật. Đó là tưởng, do vọng tưởng của con người.

Vui sống với cảnh mộng, bằng lòng với vọng tưởng, Phật gọi là mê nhơn. Tỉnh mộng hết mê, biết rõ mộng mê, ra khỏi mê mộng, Phật gọi là giác giả.

Mê nhơn tức phàm phu, Giác giả là Phật. Cũng một con người, không hề thay xương đổi thịt để "trở thành".

Chúng ta thử đọc bài kệ trùng tụng Kinh Viên Giác để củng cố niềm tin:

Kệ rằng:

Văn thù ông nên biết

Tất cả chư Như Lai

Nhân địa thuở ban đầu

Đều dùng trí tuệ giác

Nhận rõ các vô minh

Biết chúng như không hoa

Mà được khỏi lưu chuyển

Người mộng thấy việc mộng

Khi tỉnh chẳng có gì.

Thể Giác như hư không

Bình đẳng không động chuyển

Giác khắp mười phương cõi

Gọi là thành Phật đạo

Các huyễn diệt không chỗ

THÀNH PHẬT cũng không thành

Vì tánh Giác viên mãn

Bồ tát nương nơi đây

Mà phát Bồ đề tâm

Chúng sanh trong hậu thế

Nương đây khỏi tà kiến.

Thông tin từ: phatphapdaithua.com

18-08-2009

Tham Thiền 31

Làm gì để

THẤY ĐƯỢC NHƯ LAI

Muốn thấy Như Lai biết pháp thân

Lưu thanh luyến sắc kẻ vô phần

Mê tâm tà đạo duyên (vịn) thanh sắc

Chẳng thấy Như Lai, biết Pháp thân!

TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG

Môn đồ đệ tử Phật, thông thường biết Phật qua ba thân:

- Thanh tịnh Pháp thân

- Viên mãn Báo thân

- Thiên bách ức hóa thân

Thanh tịnh Pháp thân tức là Như Lai. Thanh tịnh Pháp thân, thân ấy thế nào? Thân có nghĩa "hội tụ", "tổ hợp", "chứa nhóm". Thanh tịnh Pháp thân là danh ngôn biểu thị tánh thanh tịnh vốn có của hiện tượng vạn pháp. Tánh thanh tịnh của vạn pháp hội tụ vào một gọi đó là Pháp thân, là Như Lai. Do vậy kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật định nghĩa:

如 來 者,即 諸 法 如 義,若 有 人 言,如 來 若

來,若 去 若 坐 若 臥,不 能 解 我 所 說 義,如

來 者 無 所 從 來,亦 無 所 去,故 名 如 來.

Phiên âm :

Như Lai giả, tức chư pháp như nghĩa. Nhược hữu nhơn ngôn: Như Lai nhược lai, nhược khứ, nhược tọa, nhược ngọa, bất năng giải ngã sở thuyết nghĩa. Như Lai giả vô sở tùng lai diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai.

Pháp của Phật "Vô thượng thậm thâm vi diệu" cho nên đệ tử Phật chưa học hiểu ý nghĩa vi diệu thậm thâm, thì chỉ biết và thấy Phật qua dung mạo Phật và Thế Tôn. Đẳng Giác Bồ tát vượt trên hàng Thập địa mới thấy được Như Lai.

Nói thế, nhưng Phật tử chúng ta đừng hiểu lầm: Do địa vị cao, quyền hạn lớn, được thân cận Phật mà có được sự ưu đãi của Như Lai, đâu nhé!

Đây là tiêu chí Phật nêu ra, để cho hàng đệ tử muốn thấy Như Lai làm chuẩn trên bước đường tu học.

若 以 色 見 我, 以 音 聲 求 我

是 人 行 邪 道, 不 能 見 如 來

Phiên âm:

Nhược dĩ sắc kiến ngã

Dĩ âm thanh cầu ngã

Thị nhơn hành tà đạo

Bất năng kiến Như Lai

Dịch nghĩa:

Nếu căn cứ sắc tướng hình mạo, mong thấy Như Lai, nếu căn cứ trên âm thanh thuyết pháp của Phật, nếu van xin cầu nguyện tụng tán để mong muốn gặp Như Lai, người ấy tu tà đạo, không bao giờ thấy gặp Như Lai.

Vậy, Bồ tát thấy được Như Lai do không quên lời Phật dạy. Quan trọng hơn là Bồ tát thường sống trong quán chiếu, trong tĩnh lự, trong tư duy mà được thấy Như Lai.

Viên mãn báo thân: là thân do "quả báo" của mình đã trồng nhân, nay có thân 32 tướng tốt, 80 vẽ đẹp, có tài năng, có trí tuệ, có khả năng giác ngộ chân lý, thành bậc Giác giả, người đời gọi là Phật. Báo thân tức thân Thái tử Tất Đạt Đa, người đang là Phật ấy! Thời Phật tại thế, người bình dân Ấn Độ thường được gặp Phật, thấy Phật, cúng dường Phật qua Báo thân.

Thiên bách ức hóa thân: là thân hóa hiện trên bước đường giáo hóa.

Ví dụ: Gặp vua, Phật vận dụng ngôn từ, tư cách, nghi thức, nói pháp thuyết phục vua.Gặp người hạ tiện, Phật tùy cơ quyền biến gần gũi dẫn dắt giáo hóa ngang bằng căn cơ trình độ họ, không để người cùng khổ có mặc cảm tự ti.

Ba thân không rời một. Một thân có đủ hàm lượng Giải thoát giác ngộ của ba. Đó là nền giáo lý "Nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất" của đạo Phật.

Thông tin từ: phatphapdaithua.com

23-07-2009

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#chau#tue