Tham.tu.roi.san.kh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thám tử rời sân khấu

Dịch giả: Dương Linh

Chương 1

Người nào mà chẳng chợt thấy se lòng khi sống lại một chuyện cũ?

"Tôi đã làm việc đó". Tại sao những lời đơn giản ấy lại gây cho ta nỗi xúc động lớn? Đó là câu hỏi tôi tự đặt lúc ngồi ở góc toa tàu, nhìn phong cảnh đơn điệu xứ Essex lướt qua cửa sổ.

Bao nhiêu thời gian đã trôi qua từ cái ngày tôi cũng đi trên con đường này! Bi thương trong cuộc chiến tranh mà tôi vẫn cho là lớn nhất, mặc dù sau này cuộc đại chiến thứ hai tỏ ra dữ dội hơn nhiều, hồi đó năm 1916, tôi tin mình đã là người từng trải! Thực ra, tôi đâu có hiểu bấy giờ cuộc đời tôi mới chỉ bắt đầu.

Hồi ấy, tôi đi mà chưa hiểu rằng sắp gặp một người sẽ có ảnh hưởng lớn đến đời tôi. Tôi đang đi tới nhà một người bạn, John Cavendish, mẹ anh ta vừa tái giá và có một ngôi nhà nghỉ ở nông thôn đặt tên là "Styles Court". Tôi hình dung lại lần đi ấy, niềm vui sắp được nối lại liên hệ với bạn cũ, không hề nghĩ là mình sắp bị cuốn vào những rắc rối của một vụ án bí ẩn.

Vậy mà chính tại Styles mà tôi đã gặp lại Hercule Poirot, con người bé nhỏ kỳ cục mà trước đó tôi đã làm quen ở Bỉ. Tôi còn nhớ mình kinh ngạc chừng nào khi thấy ông tập tễnh đi ngoài phố làng, bộ mặt vẫn điểm bộ ria đặc biệt.

Hercule Poirot! Từ hồi ấy, ông đã là bạn thân nhất của tôi, và chính trong khi cùng ông đuổi bắt một tên sát nhân, mà tôi đã gặp người con gái sẽ trở thành vợ tôi: người dịu hiền nhất, chung thủy nhất, người bạn đời tuyệt vời nhất mà một trang nam nhi có thể mơ ước. Giờ đây nàng đã yên nghỉ trên đất Argentina, để lại tôi thành người cô đơn, buồn chán.

Ôi! Nếu được quay lại quá khứ, bắt đầu lại cuộc đời! Nếu nhờ phép thần kỳ nào tôi được trở lại cái năm 1916, đang đi tới Styles lần đầu!... Từ đó đến nay, biết bao thay đổi! Đã vắng đi bao khuôn mặt thân quen! Chính ngôi nhà đã bị bán đi. John Cavedish đã mất, nhưng bà vợ Mary còn sống, ở đâu đó trong vùng Devon. Laurence cùng vợ và các con sang sống ở Nam Phi. Vâng, thay đổi, thay đổi nhiều.

Chỉ có một điều, kỳ thay, giống lần trước, tôi trở lại Styles để gặp Hercule Poirot.

Mấy hôm trước, tôi rất ngạc nhiên nhận được thư của ông, để địa chỉ từ Styles, vì đã hơn một năm rồi tôi không gặp ông. Lần gặp cuối đó, tôi đã rất buồn phiền, vì Poirot nay đã nhiều tuổi, đi lại khó khăn vì bệnh viêm khớp. Ông đã sang Ai Cập, hy vọng chữa được bệnh, nhưng theo thư ông viết, tình hình vẫn thế. Tuy vậy, giọng thư ông vẫn còn hăm hở...

... Anh có lạ không, khi biết tôi viết thư này từ đâu? Nó gợi cho anh nhiều kỷ niệm, phải không? Vâng, tôi đang ở Styles. Anh hình dung được không, bây giờ ở đó là một nhà trọ cho các gia đình, do một ông cựu đại tá làm chủ, tất nhiên vợ ông ta là tay hòm chìa khóa. Bà ta rất quán xuyến mọi việc, phải cái nói hơi nhiều, làm ông đại tá cũng phát ngán. Tôi mà ở vào địa vị ông ta, tôi sẽ không để như thế!

Tôi đọc quảng cáo họ đăng trên báo, và thế là tôi bỗng muốn trở lại cái nơi tôi đã ở đầu tiên khi tới nuớc Anh. Ở tuổi tôi, ai cũng thích sống lại quá khứ.

Ngoài ra, tôi gặp ở đây một vị huân tước là bạn ông chủ của con gái anh. Ông ta mời gia đình Franklin đến đây ở trong mùa hè. Bây giờ đến lượt tôi lại mời anh tới, thế là gặp nhau cả, rất vui. Vậy thì, anh Hastings thân mến, hãy mau mau tới đi. Tôi đã giữ cho anh một phòng có cả nhà tắm, vì anh biết không, bây giờ Styles Court cũng hiện đại hóa lắm rồi, và đã mặc cả tiền thuê với giá hời nhất.

Vợ chồng Franklin và Judith con gái anh tới đây đã đươc vài ngày. Mọi việc đã thu xếp xong, vậy anh chớ tìm cách thoái thác.

Thân ái

Hercule Poirot

Lời mời thật hấp dẫn, và tôi làm ngay theo lời ông bạn già. Tôi không vướng bận gì. Hai con trai, một đứa đang phục vụ trong Hải quân; đứa kia đã có vợ, lo trông nom cái trang trại của chúng tôi ở Argentina. Một con gái, tên là Grace, lấy chồng là quân nhân thì ở Ấn Độ... con gái út là Judith, chính là đứa tôi thầm cưng nhất, mặc dù chưa hiểu hết tính nết nó. Nó là một đứa con gái bí ẩn, ít nói, quen nghĩ một mình, không hỏi ý kiến ai. Tôi thường buồn phiền vì thái độ của nó, song vợ tôi hiểu nó hơn và bênh che nó, cho rằng không phải Judith không tin cậy, mà chỉ là tính rụt rè của tuổi mới lớn. Tuy nhiên đôi khi bà ấy cũng lo, bà ấy nói tình cảm của Judith quá tập trung, cô đặc, lại ít thổ lộ, nên có thể nguy hiểm. Đôi lúc nó có những cơn mơ màng và cố chấp một cách chua chát. Đổi lại, nó là đứa thông minh nhất trong mấy chị em, nên chúng tôi rất đồng tình để nó học lên tới đại học. Năm ngoái Judith đã tốt nghiệp và nhận làm trợ tá cho một bác sĩ đang chuyên nghiên cứu về những căn bệnh vùng nhiệt đới.

Đôi lúc tôi lo ngại tự hỏi Judith say mê làm việc và tận tụy với ông thầy đến thế phải chăng là có tình cảm riêng tư gì không. Tuy nhiên, thấy quan hệ nghiêm túc giữa thầy và trò, tôi yên tâm. Tôi cho là Judith rất yêu tôi, song ít khi để lộ, thường lại cố tình coi thường những suy nghĩ của tôi mà nó cho là tình cảm và cổ hủ. Thật lòng, tôi có hơi ngại về nó.

Đang nghĩ ngơi lan man thì tàu dừng lại ở ga Styles. À, nơi đây dù sao thì cũng không thay đổi. Thời gian trôi qua, nhưng cái ga xép này vẫn đứng trơ trọi giữa đồng không mông quạnh.

Nhưng khi tắc-xi đưa tôi qua làng, tôi mới nhận ra dấu ấn của thời gian. Gần như không nhận ra được thị trấn cũ nữa. Giờ đây đã có thêm trạm xăng, rạp chiếu bóng, hai khách sạn và những dãy nhà ở cho thuê rẻ tiền.

Xe đi qua cổng nhà Styles Court. Đến đây, đột nhiên tôi lại thấy mình trở lại cái thời xa xưa. Khu vườn vẫn y như cũ, có điều lối đi chính kém được sửa sang, nhiều cỏ dại. Đến lối ngoặt thì nhìn thấy tòa nhà. Bên ngoài không có gì thay đổi, mặt tiền và cửa sổ đã lâu không được sơn phết lại.

Hồi trước tôi đến, cách đây đã nhiều năm, có một bóng phụ nữ đang cúi xuống các bồn hoa. Lần này cũng vậy, và dường như trái tim tôi ngừng đập. Nhưng người phụ nữ đã đứng lên và tiến về phía tôi. Tôi thầm cười trong bụng, vì giữa cô Evelyn Howard khỏe mạnh trước kia và người đàn bà lúc này đang đứng trước mặt tôi, là cả một sự trái ngược. Bà này đứng tuổi, dáng cò lả, tóc xoắn dày và trắng toát, đôi mắt lạnh lùng khác hẳn với thái độ niềm nở mà tôi cho là hơi thái quá. Bà ta vồn vã hỏi:

- Ông là đại úy Hastings có phải không? Trời ơi! Tay tôi đầy đất thế này! Rất mừng là ông đã tới. Chúng tôi nghe nói mãi về ông! Xin giới thiệu: Tôi là bà Luttrell. Vợ chồng tôi chẳng biết tại sao tậu cái nhà này, và bây giờ đang cố thu hiệu quả. Tôi có bao giờ nghĩ lại trở thành chủ trọ! Nhưng xin đại úy nhớ cho rằng kinh doanh là kinh doanh, nên mọi thứ dịch vụ đều phải trả tiền...

Cả hai chúng tôi đều cười, coi như câu nói đùa dí dỏm, nhưng rồi tôi nghĩ điều bà Luttrell nói có thể trở thành sự thật. Phía sau vẻ hồ hởi của chủ nhà, có thấy dấu hiệu của sự tính toán sòng phẳng. Tôi hỏi thăm tin tức về ông bạn.

- A! Ông Poirot tội nghiệp! Ông ấy mong ông tới lắm.

Bà tháo đôi găng lao động, cùng đi với tôi vào nhà, vừa đi vừa nói:

- Còn cô con gái của ông nữa, sao mà dễ thương! Ở đây ai cũng khen cô ấy. Nhưng này, ông ạ tôi là người cổ, nên cứ thấy bắt một cô gái trẻ như thế suốt ngày ngó nghiêng vào kính hiển vi, là có tội đấy. Phải để cho cô ấy đi chơi, đi nhảy, kết bạn chứ.

- Con bé lúc này đang ở đâu?

Bà Luttrell nhăn mặt:

- Tội nghiệp! Vẫn ru rú trong cái phòng tôi cho bác sĩ Franklin thuê và rồi ông ấy biến thành xưởng thí nghiệm. Ở đó có đủ nào thỏ, nào chuột bạch... Nói thật, tôi không ưa cái thứ khoa học ấy... à, ông nhà tôi đây rồi.

Đại tá Luttrell vừa xuất hiện. Người cao lớn nhưng gầy, mặt nhợt nhạt như xác chết, song đôi mắt xanh trông rất hiền. Ông ta xem chừng có tính nóng nảy và cái tật vừa nói vừa giật giật ria mép. Bà Luttrell nói:

- Ông George ơi, đại úy Hastings đã tới.

Ông đại tá chìa tay:

- Ông đến bằng chuyến tàu... hờ... năm giờ bốn mươi, hả?

- Còn đến bằng chuyến nào khác? - Bà vợ nói như gắt - Vả lại, chuyến nào thì can gì? Ông hãy chỉ phòng cho ông ấy. Rồi có lẽ ông ấy muốn gặp ông Poirot. Hay là... ông muốn dùng trà cái đã, ông Hastings?

Tôi nói không dùng trà và muốn tới chào bạn ngay.

- Đồng ý, đại tá nói. Vậy ông theo tôi... À, này bà Daisy, đã mang hành lý của đại úy lên chưa?

- Đó là việc của ông chứ - bà Luttrell cau có. Tôi còn bận làm vườn đâu có ba đầu sáu tay.

Tôi cùng ông bước lên bậc tam cấp. Ngay ngưỡng cửa, gặp một người đi ra, tóc trắng, dáng người mảnh dẻ, bộ mặt trẻ thơ với cái nhìn ngơ ngác. Người đó đi hơi tập tễnh, tay cầm chiếc ống nhòm.

- Có một hoặc hai... tổ chim... gần cây sung - anh ta nói, giọng hơi lắp.

Vào tới sảnh. Luttrell bảo tôi:

- Đấy là Norton. Cậu ta rất tốt, rất mê chim và hoa.

Trong phòng chờ, một người cao đang đứng cạnh máy điện thoại.

- Tôi muốn treo cổ, xé xác tất cả bọn thầu thoán chết tiệt! Ông ta hầm hừ. Chúng chẳng đáng được gì nên trò.

Sự phẫn nộ quá đáng đó làm chúng tôi phải bật cười. Lập tức tôi có cảm tình với ông ta. Chắc đã quá ngũ tuần, nhưng trông còn đẹp mã. Mặt rám nắng chứng tỏ sống nhiều ở ngoài trời. Mặt khác, nhác nhìn đã thấy ông ta thuộc típ người ngày càng hiếm: loại người Anh chính gốc, bộc trực, biết tỏ uy quyền, cho nên tôi không ngạc nhiên khi đại tá Luttrell giới thiệu đó là ngài William Boyd Carrington. Tôi biết ông đã từng là thống đốc một bang ở Ấn Độ, nổi tiếng thiện xạ, hay đi săn thú rừng. Một trong những con người mà buồn thay, nước Anh ở thời kỳ suy thoái này không sản sinh ra nữa.

Ông ta cười và kêu lên:

- A! Rất mừng được thấy "ông bạn Hastings" bằng xương bằng thịt. Ông bạn già người Bỉ luôn nhắc tới ông. Với lại, ở đây còn cô con gái mỹ miều của ông nữa...

Tôi mỉm cười đáp lại:

- Tôi chắc con Judith ít khi nhắc đến tôi.

- Tất nhiên là không. Con gái hiện đại mà. Thời nay các cô gái dường như ngượng ngùng khi phải nhận mình cũng có cha có mẹ.

- Quả đúng như vậy - tôi thở dài. Thực tế là bố mẹ bị coi là xuống cấp hết.

Boyd Carrington lại cười:

- Tôi không biết ông cảm giác thế nào, vì tiếc thay tôi không có con. Judith của ông là một cô gái rất xinh, nhưng cựu kỳ tự phụ. Đáng ngại đấy.

Ông ta quay trở lại với điện thoại:

- Ông Luttrell hy vọng là ông không phiền, tôi phải xạc cho tổng đài một trận. Nó làm tôi khó chịu quá, phải đợi hoài.

- Vâng, ông cứ làm, tốt thôi.

Tôi theo ông đại tá lên cầu thang, rẽ sang trái, dừng trước một phòng tận cùng hành lang. Poirot đã giữ cho tôi căn phòng trước đây tôi đã ở.

Tuy nhiên, đã có nhiều thay đổi. Suốt dọc hành lang, các cửa đều mở, và tôi nhận thấy các phòng rộng trước kia đã được ngăn thành nhiều phòng nhỏ hơn. Song phòng của tôi trước đây vốn không rộnglắm, vẫn như cũ. Tuy nhiên ở một góc, có thêm một phòng tắm nhỏ xíu. Bàn ghế toàn kiểu mới, rẻ tiền, làm tôi hơi thất vọng. Tôi vẫn thích bày biện theo lối cổ, hợp hơn với chính kiến trúc của ngôi nhà.

Hành lý của tôi được mang lên. Ông đại tá cho biết phòng của Poirot ở ngay đối diện phòng tôi, ông sắn định đưa tôi sang thì có tiếng gọi giật giọng dưới nhà: "George!" Ông đại tá giật nảy mình, đưa tay lên miệng.

- Tôi... tôi... như vậy tạm ổn rồi chứ? Cần gì, ông cứ bấm chuông.

- George!

- Tôi xuống, tôi xuống đây, bà nó ạ.

Ông đi rồi, tôi hồi hộp băng qua hành lang, đến gõ cửa phòng Poirot.

Theo tôi, không có gì buồn hơn là sự suy thoái của tuổi già.

Tội nghiệp ông bạn tôi. Tôi đã nhiều lần mô tả ông, nên bây giờ tôi chỉ kể những gì có thay đổi. Bị thấp khớp, Poirot chỉ đi lại được bằng xe lăn. Thân hình bầu bĩnh trước kia nay đã sọp hẳn, mặt mũi đầy nếp nhăn. Ria mép và tóc thì vẫn đen nhánh, trước kia tôi còn ngờ ngợ, nhưng nay thì nhìn thấy rõ là đen nhờ thuốc nhuộm. Có cảm tưởng là ông mang tóc giả. Duy đối mắt không thay đổi: vẫn sắc sảo, linh lợi như xưa. Và lúc này đôi mắt ấy đang thể hiện niềm xúc động rõ rệt:

- A! Bạn Hastings, anh bạn Hastings...

Tôi cúi xuống để ông nồng nhiệt ôm hôn. Ông tựa hẳn người lên lưng ghế, hơi nghiêng đầu ngắm tôi:

- Vẫn thế. Lưng thẳng, vai vuông và tóc hoa râm, trông anh vẫn có thế lắm. Còn món đàn bà con gái? Họ vẫn ríu rít quanh anh chứ?

- Ồ, Poirot, chả nhẽ anh vẫn nghĩ...

- Không, tôi cho đó là một trắc nghiệm. Trắc nghiệm số một. Khi nào các cô gái trẻ tỏ ra lễ phép với anh, anh có thể tin rằng thế là hết. Đó là vị họ thương hại anh, họ nghĩ: "Thôi, ta cứ tử tế với các vị ấy, tuổi cao rồi, thật là buồn". Nhưng anh, anh Hastings, anh còn trẻ. Với anh, còn rất nhiều triển vọng...

Tôi bật cười:

- Poirot, ông nói quá rồi đấy. Thế còn ông, sức khỏe ra sao?

Poirot nhăn mặt:

- Tôi, thì thân tàn rồi. Không đi lại được, gần như liệt. Nhưng nhờ trời, tôi còn tự ăn được, không phải người bón. Còn những chuyện phải có người giúp như giúp trẻ: đi ngủ, thức dậy, mặc quần áo... thật buồn. Cũng may, hình hài thì thế, những trí óc vẫn tốt. Vẫn hoạt động được.

- Và ông bằng lòng ẩn ở cái xó này? - Tôi hỏi.

Ông nhún vai:

- Tạm được. Tất nhiên, đây không phải là khách sạn Ritz. Cái phòng lúc đầu cho tôi thuê quá nhỏ, bàn ghế lại sơ sài. Tôi đổi sang phòng này, không phải trả thêm tiền. Còn về ăn uống, thì đúng là thực đơn Anh vào loại tồi tệ nhất.

- Thế thì không hay rồi.

- Nhưng tôi không kêu ca đâu nhé, anh nhớ điều đó.

Tuy nhiên Poirot tiếp tục phàn nàn:

- Lại còn cái tạm gọi là hiện đại hóa nữa chứ. Đúng là có phòng tắm với hàng loạt vòi nước. Nhưng từ tất cả những độ mạ kền sáng loáng ấy thì nước chảy ra thế nào? Khăn tắm thì mỏng tang...

- Đúng là ngày xưa vẫn tốt hơn.

- Nhưng không nên kêu ca, Poirot tiếp tục nói. Tôi sẵn lòng chịu đựng để theo đuổi việc lớn.

Một ý nghĩ chợt lóe trong óc tôi:

- Này ông Poirot, ông không.... không đến nỗi túng thiếu chứ? Sau chiến tranh, mọi thứ đều bị ảnh hưởng, cả tình hình kinh tế...

Poirot vội xua tay để tôi yên tâm:

- Không, không. Tôi vẫn thoải mái, còn giàu là đằng khác. Không phải vì tiết kiệm mà tôi đến đây.

- Nếu vậy thì tốt. Có lẽ tôi hiểu ông cảm nghĩ gì. Người có tuổi có xu hướng muốn sống lại những ngày xưa cũ, tìm lại những cảm xúc cũ. Bản thân tôi không hăm hở trở lại đây lắm, song nó làm tôi sống lại biết bao hồi ức tưởng như đã quên. Tôi chắc ông cũng nghĩ thế.

- Hoàn toàn không phải vậy. Đó là anh nói về anh. Chứ còn tôi, hồi đó tôi tới Styles này chẳng vui vẻ gì. Tôi bị thương, chỉ là một kẻ lánh nạn như bao người khác, xa gia đình, xa tổ quốc, chỉ sống nhờ sự cưu mang của một nước xa lạ. Lúc đó tôi không ngờ nước Anh lại trở thành nơi trú ngụ lâu dài, và tôi tìm thấy hạnh phúc ở đó.

- Lâu ngày tôi quên mất chuyện đó. - Tôi thú nhận.

- Thấy chưa. Anh hay suy bụng ta ra bụng người. Hastings hạnh phúc, vậy mọi người đều hạnh phúc.

- Đâu, tôi có nghĩ thế đâu. Tôi cười và chống chế.

- Mà sự thực, cũng đâu có thế. Anh rưng rưng nước mắt nhìn lại phía sau, thở dài: "Ôi, những ngày tươi đẹp! Hồi đó ta còn trẻ..." Nhưng thực ra lúc đó anh có sung sướng gì đâu. Anh cũng vừa bị thương, đang bực mình vì không được ở lại quân đội chiến đấu. Tinh thần anh suy sụp vì phải nằm thời gian dài trong trại an dưỡng. Đã thế anh lại gây thêm rắc rối vì phải lòng hai cô gái cùng một lúc.

Tôi lại cười và hơi đỏ mặt:

- Sao ông nhớ dai thế! Thế ông có nhớ lúc ấy ông nói gì với tôi? Rằng cả hai cô ấy không hợp với tôi, và tôi phải can đảm lên!

Về sau, cả Poirot và tôi lại có dịp gặp nhau tại Pháp. Và cũng tại nước Pháp, tôi đã gặp người phụ nữ duy nhất của đời tôi...

Poirot vỗ nhẹ cánh tay tôi:

- Tôi biết, Hastings, tôi biết. Vết thương lòng hãy còn mới, nhưng không nên cả nghĩ. Hãy nhìn về phía trước.

Tôi tỏ vẻ nản:

- Nhìn về phía trước? Nhưng trước mặt tôi thì có cái gì?

- Trước hết, anh có một nhiệm vụ cần hoàn thành.

- Nhiệm vụ? Nhiệm vụ ở đâu?

- Ở ngay đây.

Tôi ngạc nhiên nhìn ông bạn. Poirot nói:

- Lúc nãy, anh vừa hỏi tại sao tôi có mặt ở Styles. Và có lẽ anh không để ý là tôi tránh trả lời. Nhưng bây giờ tôi nói. Anh Hastings, tôi đến đây để truy bắt một tên giết người.

Tôi tiếp tục nhìn ông, càng thêm lạ lẫm. Và thú thật, tôi thoáng có ý nghĩ là ông bạn bắt đầu nói lẫn. Cuối cùng tôi ấp úng:

- Ông nói... nghiêm chỉnh?

- Nghiêm chỉnh nhất đời. Nếu không tại sao tôi gọi anh đến? Chân tay tôi yếu rồi, nhưng óc tôi vẫn nguyên. Phương pháp của tôi, anh biết đấy, không bao giờ thay đổi. Chỉ cần ngồi yên trên ghế và suy nghĩ. Việc đó tôi vẫn làm được. Thực ra, đó là điều duy nhất tôi có thể làm lúc này. Còn các phần điều tra tích cực khác, tôi đã có anh, Hastings, người bạn vô giá.

- Ông nói nghiêm chỉnh chứ? - Tôi hỏi lại.

- Nhất định rồi. Tôi và anh lại cùng nhau phá án.

Phải mất mấy giây tôi mới tin được là Poirot không đùa.

Poirot mỉm cười nói tiếp:

- Anh tin rồi chứ? Chắc thoạt đầu, anh cho là bộ óc tôi đã kém đi rồi?

Tôi vội chối:

- Không, không. Nhưng nơi này có vẻ như làm gì có tội ác...

- Anh nghĩ vậy ư?

- Tất nhiên, vì tôi chưa gặp hết mọi người.

- Anh đã gặp những ai?

- Mới gặp vợ chồng Luttrell, rồi một cậu tên là Norton - trông rất hiền lành - cuối cùng là Boyd Carrington, bề ngoài cũng dễ mến.

Poirot gật đầu:

- Thế thì, tôi xin nói điều gì: khi đã biết tất cả mọi người trong nhà này, anh vẫn thấy lời tôi nói vừa rồi là bí hiểm.

- Còn những ai nữa?

- Bác sĩ Franklin và vợ, cô Craven là y tá chăm nom bà Franklin - Judith con gái anh; một cô tên là Cole - chừng băm nhăm tuổi - cuối cùng là một anh chàng tên Allerton, có số đào hoa. Xin nói thêm: họ đều là những người dễ thương.

- Và trong đó có một tên là sát thủ?

- Một trong số ấy là kẻ giết người - Poirot tuyên bố nghiêm trang.

- Nhưng làm sao... nghĩa là... làm sao ông biết vậy? - Tôi nói thều thào, vì vẫn chưa hết kinh ngạc.

- Hãy bình tĩnh, Hastings. Và bắt đầu từ chỗ bắt đầu. Anh đưa tôi cái cặp để trên tủ kia. Tốt, cả chìa khóa nữa.

Poirot mở chiếc cặp da, lấy ra một số mẩu báo cắt rời và một mớ giấy đánh máy:

- Anh hãy đọc cái này. Trước mắt đừng quan tâm vội đến các bài cắt từ báo: đó chỉ là tường thuật một số vụ án khác nhau - mô tả hấp dẫ đấy, nhưng thường không chính xác. Anh hãy xem bản tóm tắt của tôi viết thì hơn.

Tôi tò mò đọc ngay.

"VỤ A: ETHERINGTON

Leonard Etherington, nghiện rượu và ma túy, tính tình tàn bạo. Cô vợ trẻ và đẹp, rất khổ vì chồng. Etherington chết, có vẻ bị ngộ độc thức ăn. Khám xét tử thi thì là chết vì bị đầu độc bằng thạch tín. Cô vợ bị bắt, bị buộc tội giết chồng. Trước đó có quan hệ với một công chức trẻ, nhưng anh này đã trở sang Ấn Độ. Không có chứng cớ ngoại tình, nhưng mối liên hệ có vẻ thân thiết. Trên đường trở về Ấn Độ, anh chằng kia làm quen với một cô gái và quyết định đính hôn. Anh ta viết thư báo cho bà Etherington, nhưng không rõ bà này nhận được thư trước hay sau khi chồng chết. Bà ta khẳng định nhận được trước khi. Chứng cớ buộc tội bà phần lớn là gián tiếp, vì không còn biết nghi ngờ ai khác. Do ông chồng đã có tiếng tàn bạo, hay hành hạ vợ, nên đoàn bồi thẩm có vẻ cảm tình với bị cáo. Bà Etherington được miễn tố. Tuy nhiên, dư luận vẫn cho bà là thủ phạm. Bà bị người thân xa lánh, gặp nhiều khó khăn trong đời sống. Hai năm sau, chết vì uống thuốc ngủ quá liều. Kết quả điều tra coi là chết vì tai nạn.

VỤ B: CÔ SHARPLES

Là một bà gái già tàn tật, khổ sở vì bệnh, có cháu gái là Freda Clay trông nom. Cô Sharples chết do bị tiêm một mũi moóc-phin quá liều. Freda nhận là mình tiêm nhầm, và nói thấy bà cô đau đớn quá nên tiêm cho giảm đau. Cảnh sát thì cho là không nhầm mà cố tình. Tuy nhiên không đủ chứng cứ nên Freda Clay vô can.

VỤ C: EDWARD RIGGS

Công nhân nông nghiệp. Nghi vợ ngoại tình với Ben Graig, người ở trọ trong nhà. Cuối cùng người ta thấy cả đôi "gian phu dâm phụ" bị bắn chết bằng khẩu súng Riggs. Anh này tự đến nộp mình

VỤ D: DEREK BRADLEY

Anh này quan hệ với một cô gái, bị vợ phát hiện, dọa giết chết. Quả nhiên Bradley chết do uống bia bị bỏ thuốc độc. Người vợ bị bắt và hoàn toàn nhận tội, bị kết án.

VỤ E: MATTHEW LITCHFIELD

Là bố của bốn con gái, nhưng có tính độc đoán gia trưởng, khiến các con khổ sở. Một hôm, về đến cửa nhà, ông ta bị tấn công, giáng một cú vào đầu. Margaget, cô gái lớn, thú nhận mình đã giết cha để các em đỡ khổ. Litchfield để lại gia tài lớn. Margaget được coi như đã hành động một cách vô thức, được gửi vào trại trừng giới, ít lâu sau thì chết."

Tôi đọc chăm chú, mỗi lúc một ngạc nhiên hơn. Cuốicùng, đặt tập giấy xuống, tôi ngước nhìn Poirot có ý ngầm hỏi.

- Thế nào, anh bạn?

Tôi thong thả đáp:

- Vụ Bradley tôi có nhớ mang máng. Hồi đó tôi có theo dõi, còn nhớ cô vợ là người rất xinh đẹp.

Poirot gật đầu.

- Nhưng ông phải nói rõ hơn. Toàn bộ những vụ này có ý nghĩa gì?

- Anh cứ nói quan điểm của anh trước.

- Tôi vừa đọc tường thuật năm vụ án khác nhau, trong những tầng lớp xã hội khác nhau. Song không thấy giữa chúng có gì giống nhau. Một vụ là do ghen tuông; vụ kia là vợ bị hành hạ tàn bạo nên giết chồng; vụ thứ ba có động cơ là tiền bạc; vụ thứ tư thì có vẻ như nhằm mục đích tốt, vì thủ phạm tự ra đầu thú, còn vụ thứ năm thì có thể là đương sự say rượu.

Tôi ngừng lại một lát, rồi ngập ngừng hỏi:

- Giữa những vụ ấy, có điều gì giống nhau mà tôi chưa nhận ra?

- Không có gì hết. Anh đã thấy rất rõ. Anh chỉ có thể nhận xét một chi tiết phụ duy nhất, là trong từng ấy việc ai là thủ phạm đều rõ không hề có sự phân vân thực sự.

- Anh nói rõ xem nào.

- Ví dụ, bà Etherington được miễn tố, nhưng mọi người đều tin bà ta là thủ phạm. Freda Clay không bị kết án, nhưng không ai nghĩ còn thủ phạm nào khác. Riggs khai không nhớ mình có giết vợ và nhân tình không, nhưng ngoài hắn ra, còn ai vào đấy nữa. Còn Margaret Litchfield, cô này nhận hết. Anh thấy không, trong mỗi vụ chỉ có một kẻ tình nghi duy nhất.

Tôi cau mày suy nghĩ:

- Đúng vậy. Song tôi vẫn chưa hiểu từ đó ông rút ra kết luận gì.

- Hãy khoan. Tôi đi đến một điểm mà anh chưa biết. Giả sử ở mỗi vụ, có một sự việc từ bên ngoài, chung cho tất cả.

- Ông định nói sao?

- Tôi trình bày vấn đề như thế này nhé. Có một người nào đó ta gọi là X. Trong tất cả các vụ trên, bề ngoài X không có lý do gì để giết nạn nhân. Và nếu những thông tin tôi có là đúng, thì lúc xảy ra vụ án nọ, anh ta ở cách đó tới hai trăm năm mươi cây số. Tuy nhiên tôi phải nói là hắn có liên quan mật thiết với Etherington. Hắn lại có một thời gian ở cùng làng với Riggs. Hắn cũng quen biết bà Bradley và tôi có một tấm ảnh - chụp ngoài phố - hắn cùng đứng với Freda Clay. Cuối cùng, lúc Litchfield bị giết, hắn lại đang có mặt gần đó. Anh thấy thế có lạ không.

Tôi trố mắt nhìn Poirot, và nói:

- Thế thì hơi quá. Ta có thể chấp nhận có sự trùng hợp trong hai vụ - dđến ba là cùng - nhưng những năm vụ, thì khó nuốt quá. Dù vô lý thế nào, chắc phải có mối liên hệ gì giữa năm vụ đó.

- Thế là anh đã đi tới kết luận giống tôi.

- Có nghĩa chính tên X bí ẩn đó là thủ phạm.

- Và bây giờ, tôi xin báo với anh rằng X đang ở trong nhà này.

- Ở Styles này?

- Ở Styles. Từ đó ta suy diễn ra điều gì?

Tôi đã đoán trước được điều Poirot sắp nói. Ông nghiêm nghị tiếp:

- Phải, chẳng bao lâu nữa. Ở đây lại sẽ có người bị giết.

Một lúc lâu tôi chỉ nhìn Poirot, không nói một lời nào, vì sửng sốt cao độ. Cuối cùng mới cất nên lời:

- Ồ không! Ông phải ngăn chặn chuyện ấy.

Ông nhìn tôi một cách thân mến.

- Anh biết không, tôi rất xúc động vì anh đã đặt niềm tin vào tôi. Tuy nhiên, e rằng trong tình hình này lòng tin ấy không được đền đáp.

- Ông đừng nói lung tung. Ông thừa sức ngăn chặn tội ác.

- Hãy nghĩ mà xem, Poirit nói, nghiêm trang. Bắt một tên tội phạm thì được. Nhưng làm sao ngăn được tội ác?

- Ờ hờ... ông... ông... nếu ông biết trước...

Tôi ngừng bặt, thấy quả thực khó nói.

- Thấy chưa? Không đơn giản như ta tưởng. Có ba phương pháp. Thứ nhất là cảnh báo trước người nào có thể là nạn nhân. Việc này không phải lúc nào cũng có kết quả. Vì rất khó làm cho người đó tin mình đang bị đe dọa, nhất là khi mối họa đó lại từ một người rất gần gũi, thân thiết. Họ sẽ phản ứng lại và không tin. Cách thứ hai là cảnh cáo tên sát thủ, bằng cách ám chỉ "Tôi biết anh định làm gì rồi, nếu người này người nọ mà chết, tôi sẽ tố cáo". Cách này có thể có hiệu quả, mà cũng có thể thất bại. Vì thường thì tội phạm rất chủ quan, hắn cho mình đã chuẩn bị chu đáo, đánh lạc hướng cảnh sát... Tóm lại, hắn vẫn thi hành thủ đoạn, và ta chỉ có thể bắt hắn sau khi hắn đã hoàn thành tội ác.

Ngừng một lát, Poirot nói tiếp:

- Trong đời, tôi đã hai lần cảnh cáo một tên tội phạm: một lần ở Ai Cập, một lần ở nơi khác. Cả hai lần, hắn đều không từ bỏ ý định... ở đây có thể cũng thế chăng...

- Còn phương pháp thứ ba?

- Phải. Nhưng cách này đòi hỏi cực ký khéo léo. Phải xác định thật rõ hắn sẽ phạm tội lúc nào và ở đâu, để sẵn sàng bắt quả tang, không phải sau khi hắn làm bậy mà đúng lúc hắn sắp sửa bắt đầu. Việc ấy rất khó, không ai dám bảo đảm kết quả. Có thể tôi hay tự đánh giá cao, nhưng không cao đến mức ấy.

- Ở đây, ông định vận dụng phương pháp nào?

- Có lẻ cả ba. Hiện nay cách thứ nhất là khó hơn cả.

- Tôi cứ tưởng ngược lại, cách đó dễ nhất.

- Với điều kiện phải biết ai là nạn nhân. Mà anh không hiểu là tôi chưa biết ai bị nhắm sao?

- Sao?

Tôi đã thốt lên câu hỏi ấy một cách không suy nghĩ. Tiếp đó, tôi hiểu việc đó không dễ dàng. Chắc chắn phải có mối liên quan giữa năm vụ án tôi vừa đọc nhưng bản chất mối liên hệ đó là gì thì chúng tôi chưa biết. Động cơ không xuất hiện rõ. Như vậy, làm sao biết ai đang bị đe dọa?

Poirot gật đầu khi biết tôi đã hiểu cái khó của tình hình.

Tôi hỏi tiếp:

- Vậy đến nay, ông chưa tìm thấy mối liên quan giữa các vụ án?

- Chưa.

Tôi suy nghĩ. Ngoài động cơ tiền bạc, có thể đây là một vụ báo thù nào đó chăng? Tôi nhớ trước đây đã đọc một loạt vụ giết người có vẻ như không có động cơ. Sau đó người ta đã phát hiện tất cả những người bị giết đã tham gia một đoàn bồi thẩm, đoàn bồi thẩm này đã đồng thanh kết tội một người, nên người này lần lượt trừ khử họ để trả thù. Có lẽ trường hợp này giống như vậy chăng? Song tôi chỉ nghĩ thế thôi, không nói ra, mà nói:

- Bây giờ xin hỏi, tên X bí ẩn của ông là ai?

Poirot lắc đầu quầy quậy:

- A, điều này thì tôi không nói.

- Tại sao?

Một ánh tinhn quái lóe lên trong đôi mắt thám tử:

- Tại vì, đánh chết anh vẫn là chàng Hastings ấy, với bộ mặt lộ liễu của anh.Tôi nói ra để rồi anh cứ nhìn hắn chòng chọc, lộ ra hết.

- Ông phải hiểu là khi cần, tôi cũng biết giả bộ chứ.

- Lúc nào anh giả bộ, lại càng tệ hơn. Không, tôi không nói đâu, phải giữ bí mật. Khi nào cần ta sẽ ra tay.

- Ông thật là...

Tôi không kịp nói hết, vì có tiếng gõ cửa.

- Cứ vào! Poirot nói.

Judith, con gái tôi, bước vào. Judith người cao, mặt ngẩng lên kiêu hãnh. Tôi thường có cảm giác nó tỏa ra hào quang của một nhân vật bi kịch.

- Chào ba.

Nó mỉm cười, nhưng không chạy đến ôm hôn tôi, nó không quen kiểu cách ấy. Nụ cười của nó cũng nhợt nhạt, hơi gượng gạo. Dù nó thiếu sự hồn nhiên tự phát, tôi vẫn thấy là nó mừng được gặp tôi.

- Ừ, ba... ba đây - tôi lúng túng.

Tôi cảm thấy mình thiếu tự nhiên, như mỗi lần tiếp xúc với giới trẻ.

- Con rất thích ba đến đây, Judith nói.

- Tôi đang nói về chuyện ăn uống ở Styles, Poirot nói dối một cách không e ngại.

- Ăn uống ở đây tồi lắm sao? - Con gái tôi hỏi.

- Lẽ ra cháu không nên hỏi thế. Chả lẽ cả ngày cháu chỉ nghĩ đến ống nghiệm và kính hiển vi? Tay cháu vẫn còn dính mêtilen xanh lè kìa. Chồng cháu sẽ không thích thú gì nếu cháu không quan tâm đến dạ dày anh ấy. Đàn ông mà...

- Nhiều cái chắc là cháu không lấy chồng.

- Có, có phải lấy chồng chứ. Nếu không, cháu cho rằng Chúa sinh ra cháu để làm gì?

- Để làm nhiều việc khác.

- Trước hết là để lấy chồng.

- Thôi được. Vậy bác kiếm cho cháu một ông chồng ngoan ngoãn, cháu sẽ chăm sóc dạ dày ông ấy cẩn thận.

Poirot nhìn tôi, nói:

- Cô bé giễu tôi đấy. Nhưng rồi một ngày kia, cháu sẽ thấy những gì các cụ xưa nói là đúng.

Lại có tiếng gõ cửa. Lần này là bác sĩ Franklin. Người cao và khô thẳng, mặt gân guốc, tóc vàng - hung, mắt xanh khoảng băn lăm tuổi. Là người lơ đễnh nhất mà tôi từng thấy: ông ta đi vấp lung tung vào những thứ quanh mình và vừa vào đã vướng phải chiếc màn gần ghế của Poirot, phải lúng búng xin lỗi. Tôi cố nhịn cười, nhưng Judith thì vẫn nghiêm chỉnh, có vẻ nó đã quen với chuyện đó. Nó bình thản nói:

- Ông còn nhớ ba tôi không?

Bác sĩ Franklin giật mình, hấp háy đôi mắt nhìn tôi rồi chìa tay:

- Nhớ, nhớ. Tôi đã nghe nói ông sẽ tới.

Ông ta quay sang Judith:

- Này cô, ta có bắt buộc phải thay quần áo không? Nếu không, ngay sau bữa ăn, ta có thể tiếp tục công việc...

- Không, Judith đáp. Tôi muốn nói chuyện với ba tôi.

- Ồ! Thế thì được.

Ông ta thoáng mỉm cười xin lỗi. Một nụ cười dụt dè của trẻ thơ.

- Rất tiếc. Tôi bù đầu vài thí nghiệm, sinh ra ích kỷ. Xin lỗi.

Đồng hồ điểm giờ. Franklin ngước nhìn:

- Chết thật! Muộn thế rồi ư? Lại sắp gặp rắc rối: Tôi đã hứa đọc sách cho Barbara trước bữa ăn.

Ông lại mỉm cười lần nữa rồi vội vã đi ra, và lại vấp vào khuôn cửa.

- Bà Franklin thế nào? Tôi hỏi.

- Vẫn thế. - Judith đáp.

- Thật buồn cho bà ấy.

- Với một bác sĩ, điều ấy càng khổ - con gái tôi nói. Thầy thuốc ưa những người khỏe mạnh.

Tôi thở dài:

- Lớp trẻ bây giờ tàn ác quá.

Con gái tôi lạnh lùng đáp lại:

- Con chỉ nói lên một sự thật.

Poirot can:

- Tuy nhiên, ông thầy thuốc này đang vội về đọc sách cho vợ nghe.

- Thật buồn cười, Judith nói. Việc ấy để cô ý tá làm cũng được. Phần cháu, rất ghét phải nhờ người đọc hộ.

- Ô hay, tôi nói, mỗi người mỗi tính.

- Vợ ông Flankin là một người đàn bà ngớ ngẩn, Judith nói.

- À, cháu ơi, điều ấy thì bác không đồng ý - Poirot nói.

- Bà ấy toàn đọc những tiểu thuyết rẻ tiền, không quan tâm gì công việc của chồng, không theo dõi thời sự. Chỉ biết kêu ca phàn nàn suốt ngày về sức khỏe.

- Dù sao bác bác cho rằng bà ấy vẫn dùng đầu óc suy nghĩ mà cháu không hề biết, Poirot nói.

- Bà ấy đúng là phụ nữ, hay tỉ tê, nũng nịu. Bác Hercule ơi, bác quan niệm là phụ nữa phải thế chứ gì.

- Không phải thế - tôi nói. Bác ấy thích phụ nữ cao lớn, vạm vỡ. Quốc tịch Nga càng tốt.

- Hastings, anh lộ bí mật của tôi đấy nhé! Judith ạ, ba cháu lại thích phụ nữ có tóc màu gụ. Chính vì thế mà ông ấy bị thất tình vài lần đấy.

Judith nhìn chúng tôi, cười độ lượng:

- Bác và ba cháu, thật buồn cười!

Cháu đi rồi, tôi đứng lên, nói:

- Thôi, tôi phải đi dỡ hành lý và tắm một cái trước khi ăn.

Poirot thò tay bấm chuông. Một phút sau, anh hầu hiện ra. Tôi ngạc nhiên thấy anh ta là người mới hoàn toàn.

- Thế George đâu?

George vốn là người hầu đã theo phục vụ Poirot từ nhiều năm.

- Bố cậu ta ốm, nên tôi cho cậu ta về. Song hy vọng cậu ta sẽ trở lại. Trong khi chờ đợi, đã có cậu Curtiss đây.

Ông mỉm cười, nhìn người hầu mới. Curtiss cao và khỏe, song bộ mặt hơi quê mùa.

Lúc ra đi, tôi để ý thấy Poirot cất cẩn thận các tài liệu lúc nãy vào cặp. Tôi bồi hồi qua hành lang để về phòng mình.

Tối đó, tôi xuống phòng ăn với cảm giác cuộc sống bỗng trở nên hư ảo. Trong lúc mặc quần áo, đôi lần tôi nghĩ chẳng lẽ Poirot đã bịa ra câu chuyện nọ. Nói cho cùng, bây giờ Poirot đã là một ông già, sức khỏe kém sút. Ông nói trí óc vẫn hoàn hảo, nhưng có thật như vậy không? Suốt đời ông chỉ làm việc truy lùng hung thủ, vậy nay tưởng tượng chỗ nào cũng có tội phạm. Phải ngồi yên một chỗ không hoạt động gì, buồn lắm. Vì thế mà ông nghĩ ra trò truy bắt này chăng? Ông chắp nối vài vụ án vặt rồi tưởng mình đã tìm ra ở đó một nhân vật mờ ám, một tên giết người điên loạn. Còn nghi ngờ gì nữa, mụ Etherington đã giết chồng, tên Riggs đã thủ tiêu vợ, đứa con gái đã cho bà cô uống liều moóc-phin chết người, mụ vợ ghen tuông đã dọa giết chồng rồi làm thật, và một cô gái khốn khổ khác đã giết cha rồi ra tự thú. Thực tế, những tội ác đó đã xảy ra đúng như nó phải vậy, không hơn.

Tôi có thể đem ý kiến đó - mà tôi cho là hợp lẽ nhất - để đối lại với Poirot, và không tin lời ông nói rằng một vụ giết người nữa sắp xảy ra. Một lần nữa Styles lại là nơi xảy ra bi kịch. Thời gian sẽ chứng minh hoặc bác bỏ lời khẳng định đó. Nhưng nếu điều đó là thật thì chúng tôi có trách nhiệm phải ngăn ngừa. Tôi không biết kẻ giết người là ai, nhưng Poirot nói là biết.

Càng nghĩ, tôi càng phiền lòng. Thực thà mà nói, bạn tôi lại chơi trò ấy với tôi ư! Muốn tôi cộng tác nhưng không tin cậy nói hết. Tại sao? Lý do ông đưa ra không thuyết phục. Tôi không hài lòng chút nào về lời nói rằng tôi có "bộ mặt lộ liễu". Tôi cũng biết giữ bí mật như ai chứ. Poirot vẫn có định kiến là bản chất tôi "lộ liễu" tôi nghĩ gì đều lộ ra nét mặt. Tất nhiên ông có giảm nhẹ lời nói xúc phạm ấy, cho rằng sở dĩ vậy là do tình tôi thẳng thắn, không biết trí trá. Song nếu tất cả những chuyện trên chỉ do ông tưởng tượng bày đặt ra, thì thái độ đó là dễ hiểu. Tôi chưa biết tính sao thì tiếng cồng báo giờ ăn vang lên. Tôi đi xuống, trí óc và con mắt thật cảnh giác, quyết tâm khám phá tên X bí ẩn kia là ai. Trước mắt hãy tạm coi những gì Poirot nói là đúng. Vậy trong ngôi nhà này, có một kẻ đã năm lần giết người và đang chuẩn bị giết lần nữa. Kẻ đó là ai?

Trong phòng khách, trước giờ ăn, tôi được giới thiệu với cô Cole và thiếu tá Allerton. Cô Cole chừng băm ba băm tư còn rất đẹp, nhưng với thiếu tá Allerton thì tôi mất cảm tình ngay. Đó là một người đàn ông chừng bốn mươi, vai rộng, nước da rám nắng tuấn tú nhưng ăn nói vẻ bất cần, thở ra những lời đôi khi có ý nghĩa hai mặt. Dưới đôi mắt, có quầng thâm, thường là dấu hiệu của kẻ phóng đãng. Tôi xếp ngay anh ta vào loại người ăn chơi, rượu chè, cờ bạc, tán gái.

Hình như đại tá Luttrell cũng không ưa gì anh ta lắm, còn Boyd Carrington giữ thái độ lạnh nhạt. Sự thực Allerton chỉ thành công với phái yếu. Bà Luttrell vui thích ra mặt khi anh ta nói những lời nịnh bợ trắng trợn. Tôi khá buồn nhận ra là cả Judith cũng có vẻ thích gần anh ta và tìm cách bắt chuyện, mà tính nết nó xưa nay đâu có thế. Thật lạ tại sao những tên đàn ông mạt hạng lại được phụ nữ đứng đắn ưa thích. Linh tính báo cho tôi biết ngay Allerton là một thằng tồi, hỏi mười người đàn ông thì chắc chín người đều đồng ý. Nhưng hỏi mười phụ nữ, thì chín - có khi cả mười - lại không nghĩ như vậy.

Trong lúc mọi người ngồi vào bàn ăn, tôi đưa mắt nhìn một lượt, đánh giá mọi khả năng. Nếu Poirot nói đúng, nếu trí óc ông còn sáng suốt, thì một trong số những người này là kẻ giết người nguy hiểm. Tuy Poirot không nói rõ, tội đồ X phải là đàn ông. Ai trong số họ có vẻ có khả năng là tội phạm?

Chắc chắn không phải là lão đại tá Luttrell già, vốn tính mềm yếu không dám quyết định điều gì.

Cũng không phải Norton, cái anh chàng tôi gặp lúc nãy mới đến, luôn cầm ống nhòm trong tay. Anh ta trông dễ thương, mặc dù có vẻ là một con người vô bổ, thiếu sức sống. Đành rằng khối tên tội phạm chỉ là những kẻ bình thường không tầm cỡ và chính vì thế lại làm càn để tự khẳng định mình. Norton thuộc loại người ấy chăng, nhưng theo tôi, hắn lại mê chim và hoa, mà đã là người yêu thiên nhiên thì không thể là người tàn ác.

Boyd Carrington chăng? Không thể. Ông ta là người có tên tuổi trên thế giới, một người quản lý tài ba được mọi người yêu quý và kính nể, người đó không thể là tội phạm.

Tôi cũng loại trừ Franklin, người mà tôi biết con gái tôi, Judith luôn kính trọng, ngưỡng mộ.

Tôi xét tới trường hợp thiếu tá Allerton. Một kẻ rất mất cảm tính, loại người nếu cần có thể cứa cổ cả bà nội mình. Hắn đang kể một chuyện gì đó làm mọi người cười vang. Nếu hắn là X?

Song Poirot không hề nói rõ X là đàn ông, vì vậy tôi xét sang cô Cole. Người phụ nữ này có vẻ bình thường, nhưng luôn ngọ nguậy, rõ ràng tính tình nóng nảy. Quanh bàn ăn nay chỉ có mặt bà Luttrell, Judith và cô Cole. bà Franklin ăn trên phòng mình, và cô y tá chăm sóc bà nên sẽ ăn sau.

Ăn xong, tôi đang đứng trước cửa sổ ngẫm nghĩ, bỗng giật mình vì Judith chợt đến khoác tay tôi, kéo ra ngoài thềm.

- Có chuyện gì vậy, ba? Nó hỏi.

Tôi chột dạ:

- Chuyện gì? Ý con muốn nói sao?

- Ba cứ ngây ngô suốt buổi tối. Trong bữa ăn, sao ba cứ nhìn mọi người chòng chọc.

Tôi hơi lúng túng, không ngờ việc đó bị con gái để ý.

- À. Vì ba nghĩ đến quá khứ.

- Lúc trẻ, ba đã có một lần ở đây, phải không? Và đã có một bà bị giết, phải không?

- Đúng thế. Bị đầu độc bằng strích-nin.

- Bà ấy là người thế nào?

- Một bà rất tốt bụng, hay làm việc từ thiện...

- Ồ! Cái kiểu làm phúc ấy...

Judith nói với giọng coi thường; nó lại hỏi một câu nữa làm tôi ngạc nhiên:

- Hồi đó, mọi người ở đây có hạnh phúc không?

- Không, tôi đáp.

- Tại sao?

- Vì họ cảm thấy như bị cầm tù. Này nhé, bà Ingelthrop nắm giữ toàn bộ tiền bạc, và... chỉ chi ra từng tí một. Các con chồng của bà không có đời sống riêng.

Judith nhún vai, tay bíu chặt cánh tay tôi, nói:

- Không tốt. Rất không tốt. Không được phép lạm quyền như thế. Người già, người bệnh tật không có quyền ngăn trở cuộc sống của người trẻ, người khỏe, bắt họ phụ thuộc vào mình.

Tôi ngắt ngay:

- Đâu chỉ có người già mới ích kỷ.

- Con biết. Ba nghĩ lớp trẻ cũng ích kỷ. Có thể đúng, nhưng đó là thứ ích kỷ sạch sẽ. Chúng con chỉ muốn làm những gì mình thích, chứ không muốn để người khác làm thay. Chúng con không muốn bắt người khác làm nô lệ.

- Không, các con chỉ muốn chà đạp họ nếu họ tình cờ ở trên đường đi.

Judith giật tay tôi:

- Bà đừng chua chát thế. Con chẳng chà đạp ai. Vả lại, con công nhận ba không hề ép chúng con phải làm gì. Chị con, các anh con và con rất biết ơn vì điều đó.

Tôi đáp thẳng thắng:

- Nhiều khi ba cũng muốn làm như thế. Chính mẹ con mới là người muốn để các con tự chịu trách nhiệm hành vi của mình. Cả trách nhiệm về những sai lầm.

Tôi lại cảm thấy bàn tay Judith siết chặt cánh tay tôi.

- Con biết. Ba muốn ấp ủ các con như gà mẹ chăm sóc gà con từng tí. Con không thể chịu như thế. Nhưng chắc ba đồng ý với con là những kẻ vô dụng phải được hy sinh cho những người nào hữu ích.

- Chuyện ấy đôi khi xảy ra, không cần phải sử dụng những biện pháp hà khắc. Mỗi người cần biết tự lượng mình, tự rút lui...

- Vâng, nhưng có phải bao giờ cũng như thế đâu?

Giọng nói quá hung hăng làm tôi quay nhìn thẳng mặt con. Song trời tối, tôi không nhìn rõ. Judith nói tiếp, nho nhỏ nhưng sôi nổi:

- Có quá nhiều sự tính toán: tiền bạc... tinh thần trách nhiệm, ngại va chạm với người mình yêu... Và một số người thì không tự hiểu mình nữa. Họ bám dai như đỉa đói!

- Judith, con! - Tôi kêu.

Giọng bạo liệt của con làm tôi choáng váng. Có lẽ cũng hiểu là đã nói hơi quá, nên bỗng cất tiếng cười.

- Chắc ba cho là con quá dữ dội. Nhưng đây là vấn đề mà con quan tâm. Con biết một trường hợp... ồ! Đó là một kẻ vũ phu, và một người có cam đảm chống lại hắn để giải thoát người thân, thì thiên hạ lại bảo là điên. Điên ư? Thật ra đó là điều hợp lý nhất phải làm. Và dũng cảm nhất.

Tôi bỗng thấy cồn cào trong lòng. Chuyện này, dường như tôi đã nghe nói, mới đây thôi.

- Judith, con nói về ai vậy? - Tôi hỏi.

- Ồ! Chắc ba chả biết đâu. Họ là bạn của gia đình Franklin. Một lão tên là Licthfield. Giầu có, nhưng lại để các con gái gần như chết đói, không cho họ đi đâu, gặp gỡ bất kỳ ai... Thật là lão điên.

- Và đứa con gái đã giết bố, phải không?

- À, chắc ba đã đọc tin đó trên báo. Ba gọi đó là tội ác cũng được, song ba nhớ cho là cô ta làm việc đó không có chút động cơ cá nhân nào. Con cho rằng cô gái đó rất dũng cảm. Con chắc không có cái dũng khí ấy.

- Dũng khí tự ra đầu thú hay dũng khí giết người?

- Cả hai.

Tôi nghiêm nghị nói:

- ba không thích nghe con khẳng định là có những trường hợp giết người là chính đáng. Bác sĩ Franklin nghĩ thế nào về vấn đề đó.

- Rằng đánh kiếp cho tên vũ phu ấy. Ba biết không, có những kẻ thật đáng ghét, giết đi là phải?

- Ba không muốn con chủ trương cái thuyết lạ kỳ ấy. Ai dạy con vậy?

- Không ai cả.

- Vậy thì nghe ba đây, đó là những lý thuyết ngu ngốc và nguy hiểm.

- Thôi được, chúng ta dừng ở đây.

Judith yên lặng một lát, rồi nói nhẹ nhàng hơn:

- Thật ra, con gặp ba để chuyển lời mới của bà Franklin. Bà ấy muốn gặp ba, nếu ba vui lòng lên phòng bà.

- Ba không mong gì hơn. Thật buồn là bà mệt đến mức không xuống cùng ăn với mọi người.

Con gái tôi lạnh lùng đáp:

- Bà ấy chẳng sao cả, nhưng cứ thích làm ra nghiêm trọng.

Tôi rời khỏi cửa sổ, nghĩ thầm trong bụng: lớp trẻ ngày nay không còn biết thương xót ai cả.

Tôi mới gặp bà Franklin có một lần. Bà trạc ba mươi và thuộc loại tôi gọi là "quý phái". Đôi mắt to đen sẫm, tóc đen rẽ ngôi giữa khuôn mặt bầu dục đầy vẻ hiền hậu. Dáng người rất mảnh, da trắng như trứng gà bóc.

Bà nằm trên giường nghỉ, đầu tựa lên gối, mặc bộ đồ ngủ trắng và xanh. Franklin và Boyd Carrington đang ngồi uống cà phê. Bà Franklin nhoẻn miệng cười chào tôi và chìa tay:

- Đại úy Hastings, cảm ơn ông đã đến thăm. Ông đến đây cũng là tin vui cho Judith. Cô ấy làm việc vất vả quá.

- Tôi thấy cháu rất khỏe,có sao đâu ạ.

Bà Franklin thở dài:

- Phải, về mặt ấy, con gái ông thật may, tôi ghen với cô ấy. Chắc cô không thể hiểu ốm yếu khổ như thế nào.

Bà quay về phía cô y tá:

- Cô Craven, tôi nói thế có phải không? Ồ! Xin giới thiệu với cô đại úy Hastings. Còn đây là cô Craven, cô chăm sóc tôi rất tốt. Không có cô ấy, không biết tôi sẽ xoay sở ra sao.

Cô y tá là một người đàn bà trẻ, đẹp, tóc màu gụ. Tôi thấy bàn tay cô ta thon và trắng muốt; khác hẳn tay của nhiều y tá bệnh viện. Cô ta có vẻ ít nói, chỉ hơi nghiêng đầu chào tôi. bà Franklin nói:

- Quả thật, ông John nhà tôi bắt cô Judith làm việc hơi nhiều. Thầy gì mà khắc nghiệt quá. Có phải không, ông Judith?

Ông chồng đang đứng gần cửa sổ, nhìn ra bãi cỏ, huýt sáo miệng, tay đút túi. Nghe vợ hỏi, ông giật mình:

- Barbara, em nói gì?

- Rằng anh bắt cô Hastings làm việc quá sức. Giờ ông đại úy đã tới, tôi và ông ấy sẽ đoàn kết chống lại cái kiểu bóc lột ấy.

Bác sĩ Franklin có lẽ là người không biết đùa. Ông hơi bối rối, quay về phía Judith thăm dò:

- Nếu có như vậy, cô cứ nói thẳng.

- Ồ không. Bà nhà chỉ đùa vui. À mà nhân nói chuyện công việc, tôi muốn hỏi bác sĩ về cái vết xuất hiện trên bảng mẫu thứ hai. Ông biết rồi, cái vết...

- À phải! Nếu không phiền, ta xuống phòng thí nghiệm xem lại... Hai người vừa nói vừa ra khỏi phòng.

Barbara Franklin thở một hơi dài, ngả người lên gối. Cô y tá bỗng lên tiếng bằng giọng có vẻ khó chịu:

- Trong hai người nếu có ai bắt ai làm quá sức, người ấy phải là cô Hastings.

Bà Franklin lại thở dài đánh sượt:

- Tôi biết lẽ ra phải quan tâm hơn đến công việc của chồng, nhưng không làm được, quá sức tôi. Thực sự trong người tôi có cái gì trục trặc...

Tiếng cười gằn của Boyd Carrington cắt ngang:

- Đừng vớ vẩn. Cô khỏe mạnh, có sao đâu không nên lo hão.

- Ôi, anh Bill tôi lo chứ. Tính tôi hay nản... luôn luôn nghĩ ngợi... mà cứ nghĩ đến những con chuột, con nhái ấy, lại thấy kinh!

Bà rùng mình, rồi lại tiếp:

- Tôi biết là vớ vẩn, nhưng vẫn ốm vì thế! Tôi chỉ muốn nghĩ đến những thứ đẹp đẽ, chim, hay hoa chẳng hạn. Anh hiểu không?

Boyd Carrington tiến lại, cầm lấy bàn tay bà đưa ra như cầu cứu.

Khuôn mặt ông ta có nhiều nét cứng cỏi, bỗng dịu hẳn.

- Barbara, cô vẫn không thay đổi như khi còn mười bảy tuổi.

Ông quay đầu sang tôi:

- Barbara và tôi biết nhau từ hồi trẻ.

- Vâng, là bạn lâu năm. Bà Franklin nói.

- Tôi công nhận hơn cô mười lăm tuổi. Nhưng ngay từ hồi cô còn bé, tôi đã chơi với cô như chơi búp bê, tôi đã cõng cô đi khắp nơi. Sau này khi tôi trở về, cô đã là một thiếu nữ xinh đẹp chuẩn bị bước vào đời. Tôi đã dạy cô chơi gôn để giúp vào việc đó. Cô nhớ không?

- Ôi, Bill, làm sao em quên!

Bà quay bộ mặt thánh thiện sang tôi, giải thích:

- Bố mẹ tôi ở Anh, anh Bill thình thoảng lại đến ở nhà ông bác ở Knatton.

- Cái tòa nhà sao mà buồn thảm, giờ nó vẫn thế. Cổ quá rồi, không biết có sửa sang nổi để ở được không.

- Ôi, nếu làm được việc ấy thì thích quá!

- Phải. Phiền một cái là tôi không biết sắp xếp thế nào. Cần có phụ nữ mới xong.

- Em đã bảo rồi, nếu anh đồng ý, em sẽ đến giúp. Em nói thật đấy.

- Nếu em khỏe, thì có thể được.

Ông ngước nhìn cô y tá:

- Cô nghĩ thế nào, cô Craven?

- Tốt thôi, thưa ngài. Tôi tin là ra ngoài, đổi không khí thì chỉ tốt cho bà Franklin. Tất nhiên, với điều kiện bà không làm quá sức.

- Vậy là nhất trí, Boyd Carrington nói. Còn bây giờ, cô phải cố ngủ đi, để mai có đủ sức.

Chúng tôi từ biệt bà Franklin và cùng đi ra. Tới cầu thang, Boyd Carrington nói:

- Ông không biết lúc mười bảy tuổi Barbara xinh đẹp chừng nào. Lúc tôi từ Miến Điện về sau khi vợ tôi chết và thú thật là tôi mê Barbara. Nhưng hai, ba năm sau, người cô ấy lấy là Franklin. Tiếc thay, tôi cho rằng cuộc hôn nhân ấy không thật hạnh phúc, và đó chính là do sức khỏe yếu kém của Barbara. Chồng cô chưa bao giờ hiểu hết và đánh giá đúng về cô. Mà bản chất cô ta cực kỳ nhạy cảm và sức khỏe suy giảm phần chính là do tinh thần. Nếu cô ấy vui vẻ, nếu để cô thoát khỏi cảnh ấy, cô sẽ hoàn toàn đổi khác. Nhưng cái tay chồng lang vườn nọ không biết gì khác ngoài mấy cái ống nghiệm và vật thú.

Boyd cười gằn vẻ ấm ức, và tôi nghĩ điều ông ta nói có phần đúng. Tuy nhiên, tôi lấy làm lạ ông ta quyến luyếnbà Franklin đến thế, dù bà có duyên và dễ thương thật nhưng dù sao sức đã yếu. Còn ông ta thì vẫn đầy sức sống và khỏe mạnh. Nhưng đúng rồi, mấy năm trước hẳn Barbara phải là cô gái cực kỳ hấp dẫn, nhất là với loại đàn ông lạng mạn như Carrington; những cảm xúc thời trẻ thường làm ta nhớ mãi, và những mối tình đầu để lại ấn tượng khó phai mờ.

Dưới nhà, bà Luttrell vớ ngay lấy chúng tôi, mời chơi bài. Tôi xin lỗi, lấy cớ phải lên với ông bạn Poirot.

Poirot đang nằm trên giường. Curtiss dọn dẹp trong phòng, rồi rút lui sớm sau khi đóng cửa cẩn thận. Tôi nói:

- Cầu trời đánh ông chết với cái thói bao giờ cũng giữ môt cái gì bí mật cho riêng mình. Cả tối nay tôi đã cố tìm xem cái nhân vật bí ẩn của ông là ai.

- Chú tâm vào việc ấy, chắc anh lơ đãng không chú ý gì khác. Có ai nhận thấy không, có ai hỏi gì không?

Tôi đỏ mặt khi nhớ lại những câu hỏi của Judith, và Poirot chắc nhận thấy sự lúng túng của tôi, vì trên môi ông thoáng nở một nụ cười tinh quái. Song ông không đả động đến điều đó nữa, chỉ hỏi:

- Thế anh đi đế kết luận nào chưa?

- Nếu tôi nói ra, ông có chịu nói là đúng hay sai?

- Tôi sẽ không nói gì.

- Tôi đã nghĩ tới Norton...

Poirot vẫn gồi yên, không lộ thái độ gì. Tôi tiếp:

- Không phải là có chứng cứ gì cụ thể. Tôi chỉ thấy hắn có vẻ... nhiều khả năng hơn những người khác. Tôi hình dung tên sát thủ đang truy lùng phải thuộc loại... nhún nhường, không khiến ai để ý.

- Có thể. Nhưng có nhiều cách để không làm mọi người để ý.

- Ý ông định nói gì?

- Giả sử một người lạ có ý đồ xấu đến đây vài tuần trước khi hành động. Tốt nhất cho hắn là đừng làm gì nổi bật, tránh sự chú ý, giải trí bằng môn thể thao vô hại, như câu cá chẳng hạn...

- Hoặc tha thẩn xem chim chóc. Chính tôi định nói thế.

- Mặt khác, tốt hơn nữa là hung thủ nên là một nhân vật đặc biệt: là anh hàng thịt chẳng hạn. Anh chàng này có cái lợi là nếu quần áo bị dây máu cũng không ai để ý.

- Nhưng nếu trước đó, mọi người đều biết anh hàng thịt đã cãi nhau với anh... hàng bánh chẳng hạn.

- Không hề chi, nếu anh hàng thịt chọn nghề này chỉ cốt để có dịp hai anh hàng bánh.

Tôi nhìn poirot chăm chú, tự hỏi ông nói như trên là có ám chỉ gì không. Nếu có thì hẳn là nhằm đại tá Luttrell. Ông này cố tình mở quán trọ gia đình để rình cơ hội ám hại một người đến trọ chăng?

Poirot lắc đầu:

- Không thể nhìn mặt tôi mà anh đoán được lời giải đâu.

- Ông thật khó chịu. - Tôi nói. Mà này, tôi không chỉ nghi Norton. Còn cái anh chàng Allerton nữa.

Poirot vẫn bình thản:

- Anh không ưa hắn ta ư?

- Không chút nào!

- A, anh cho hắn là tên vô tích sự, có phải không?

- Đúng thế. Ông đồng ý với tôi chứ?

- Rất đồng ý. Tuy nhiên... hắn ta rất hấp dẫn đối với phụ nữ.

Tôi hừ lên một tiếng khinh khỉnh.

- Thế phụ nữ mới ngốc! Chả biết họ tìm thấy ở hắn cái gì?

- Thật khó nói. Đôi khi như vậy đấy: kẻ xấu lại có sức hấp dẫn.

- Tại sao?

Poirot nhún vai:

- Có thể họ tìm thấy ở đó cái gì mà ta không biết.

- Ví dụ?

- Ví dụ, sự mạo hiểm. Trên đời này ai cũng ưa một chút mạo hiểm. Một số tìm thấy mạo hiểm qua người khác làm trung gian, như khi xem đấu bò tót, hay đơn giản hơn, khi xem phim. Bản chất con người không ưa sự quá bình lặng. Vì vậy, đàn ông tìm mạo hiểm bằng nhiều cách khác nhau, còn phụ nữ tìm trong các cuộc phiêu lưu tình ái...

Tôi trở lại vấn đề đang ấp ủ:

- Ông biết không, với tôi tìm ra lai lịch tên X tương đối dễ thôi.Chỉ cần sục sạo để biết kẻ nào có liên quan với các nhân vật trong năm vụ án mà ông đưa tôi xem.

Poirot như không thèm để ý đến vẻ đắc thắng của tôi:

- Hastings, tôi không mời anh đến đây để bắt anh phải vất vả làm lại cái việc tôi đã làm rồi. Và xin nói là mọi việc không đơn giản như anh nghĩ. Bốn trong số năm vụ án kia xảy ra ở cùng một quận nơi ta đang sống lúc này. Những người tập hợp tại Styles không hoàn toàn là một nhóm người đến đây một cách tình cờ, và nhà này không phải là một quán trọ bình thường như ta hiểu. Vợ chồng Luttrell gốc gác ở vùng này. Họ gặp khó khăn về tài chính, tậu cái nhà này và lao vào một vụ làm ăn mạo hiểm. Khách trọ hiện nay của họ là bạn bè, hoặc do bạn bè giới thiệu. Chính ngài Boyd Carrington đã thúc giục vợ chồng Franklin tới đây. Vợ chồng Franklin lại mời Norton và cả cô Cole, nếu tôi không nhầm. Và cứ thế tiếp tục. Có nghĩ là rất có khả năng một người nào đó đã quen biết một người thì cũng quen biết tất cả những người khác. Tôi lại xét thêm một điểm khác. Lấy ví dụ trường hợp anh công dân nông nghiệp Riggs. Nơi án mạng xảy ra xảy ra không xa ngôi nhà ông bác của Boyd Carrington là bao. Họ hàng của bà Franklin cũng sống ở quanh đó. Quán trọ của làng cũng có nhiều khách du lịch đến ở, và một số bạn của bà Franklin thường trọ ở đó. Chính bác sĩ Franklin cũng đến ở đấy một thời gian. Rất có thể Norton và cô Cole cũng từng ghé qua. Không, tôi yêu cầu anh đừng cố khám phá một bí mật mà tôi cần giữ, chưa nói với anh.

- Thật vô lý. Ông sợ tôi để lộ chứ gì? Cái điều anh nói tôi có "bộ mặt lộ liễu" là trò khôi hài vớ vẩn.

- Anh cho đó là lý do duy nhất khiến tôi phải giấu anh ư? Hóa ra anh không hiểu rằng biết sự thật nhiều khi cũng rất nguy hiểm? Tôi giấu anh cũng chỉ vì tôi lo sợ cho sự an toàn của anh.

Tôi đứng ngây người. Đến lúc này, tôi không hề nghĩ đến khía cạnh ấy của vấn đề. Bây giờ tôi hiểu thái độ của Poirot là có lý. Nếu tên sát thủ này rất khôn khéo và mưu mẹo, từng nhúng tay vào năm vụ án, phát hiện ra hắn đang bị lần dấu vết, tất hắn sẽ phản ứng kịch liệt.

Song tôi nói ngay:

- Nhưng nói vậy, chính ông cũng đang bị nguy hiểm.

Poirot khoát tay ra hiệu coi thường:

- Tôi quen rồi, và tôi có thể tự phòng vệ. Vả lại, tôi chẳng có bên mình ông bạn Hastings tận tụy luôn che chở tôi đó sao?

Poirot có thói quen ngủ sớm. Tôi liền để ông nghỉ và xuống dưới nhà, song cũng dừng lại một lát nói chuyện với Curtiss.

Anh hầu này nom vẻ lỳ, không nhanh nhẹn, song tận tụy và đáng tin cậy. Anh ta vào làm với Poirot từ khi ông ở Ai Cập về. Anh nói với tôi rằng sức khỏe ông chủ nói chung tốt, có điều yếu tim và thỉnh thoảng lên cơn đáng ngại. Giống như một động cơ yếu dần. Tôi biết về đại thể, Poirot đã có một sự nghiệp đáng nể. Dù sao, tôi buồn thấy ông bạn già nay phải cố gắng lắm để cầm cự. Đã yếu rồi lại bị tật, nay ông vẫn không ngừng theo đuổi cái nghiệp mà ông từng tỏ ra xuất sắc một cách kỳ diệu.

Tôi đi xuống mà lòng se lại. Thật khó hình dung đời tôi sẽ ra sao nếu Poirot ra đi.

Trong phòng khách, mọi người vừa chơi hết một ván, tôi được gọi vào chơi tiếp. Có lẽ cũng nên thư giãn một chút, tôi nhận lời. Boyd Carrington rút lui, tôi thế chỗ ông ta, cùng đánh với Norton và vợ chồng đại tá Luttrell. Bà Luttrell hỏi:

- Nào ông Norton, bây giờ tôi với ông về một phe nhé?

Norton cười, nhưng bảo là nên rút thăm thì hơn. Bà Luttrell đành phải nghe, nhưng có vẻ không vừa ý. Thế là Norton và tôi cùng một bên, đối lại với ông bà Luttrell. Bà đại tá không giấu được vẻ bực bõ, cau mặt, cắn môi, mất đi vẻ tươi tắn. Chẳng bao lâu, tôi hiểu lý do sự thay đổi đó.

Về sau, nhiều lần tôi ở bên phía đại tá Luttrell và tôi thấy ông chơi không đến nỗi tồi. Ông đánh thận trọng, nhưng thỉnh thoảng lại đãng trí, đi sai nước. Và khi ông về phe với vợ, lại càng hay sai, khiến bà cáu kỉnh, và do đó ông càng phạm sai lầm. Bà đại tá chơi rất thạo, người cùng phe vất vả lắm mới theo kịp. Bà khôn khéo lợi dụng khai thác mọi nước đi, đôi khi phớt lờ cả luật chơi nếu đối phương không để ý, nhưng nếu có lợi cho bà thì bà lại bắt nẹt người khác. Bà cũng liếc nhìn trộm bài của đối phương. Nói cách khác, bà rất cay cú giành phần thắng.

Và tôi nhớ rằng Poirot nói rằng bà ta có giọng lưỡi độc ác. Lúc chơi bài, bà không còn giữ mồm giữ miệng như thường lệ. Chồng đi sai nước nào là bà nói không ra gì. Tôi phát ngượng, và thấy nhẹ hẳn người khi ván bài kết thúc. Norton và tôi xin rút lui, lấy cớ đã quá khuya. Lúc đi ra, anh bạn tôi mới nói điều mình suy nghĩ:

- Tôi điên tiết thấy ông chồng bị miệt thị quá đáng. Mà ông ta cứ ngoan ngoãn chịu. Chẳng còn gì là tư thế cựu đại tá.

- Suỵt! Tôi khẽ ngăn.

Norton nói hơi to, tôi sợ ông Luttrell nghe thấy.

- Thật ngán ngẩm! Norton nói tiếp.

- Rồi có ngày ông ấy sẽ phản ứng.

Norton lắc đầu.

- Không đâu. Thành thói quen mất rồi. "Phải, Daisy, ừ, Daisy, tôi xin lỗi", cứ vừa giật râu với luôn mồm nói thế.

Tôi gật đầu, nghĩ Norton nói phải. Ra tới sảnh, chúng tôi dừng lại. Cách cửa bên mở, gió lạnh ùa vào phòng.

- Ta có nên đóng cửa không nhỉ?

Norton ngần ngừ:

- Tôi... tôi không biết. Sợ rằng... mọi người chưa về hết.

Một thoáng nghi ngờ vụt trong óc:

- Còn ai ở bên ngoài?

- Con gái ông. Và... Allerton.

Anh ta nói câu ấy một cách bình thường, song do vừa trao đổi với Poirot xong, nên tôi cảm thấy không yên lòng.

Judith... và Allerton. Không được, con gái tôi thông minh, tỉnh táo, sao lại có thể thân thiết với một con người như thế. Nó phải sớm tỉnh ra chứ.

Về tới phòng, trong lúc thay quần áo, ý nghĩ ấy cứ ám ảnh tôi mãi.

Lên giường rồi, tôi vẫn trằn trọc không ngủ. Đêm khuya, cả nghĩ mọi thứ đều trở thành to chuyện, tôi càng lo. Ôi, nếu người vợ yêu quý của tôi còn sống! Tôi luôn tin tưởng vào sự đánh giá của nàng! Nàng bao giờ cũng khôn ngoan, hiểu biết các con. Mất nàng, tôi trở nên bất lực, hoang manh. Giờ đây tôi một mình phải chịu trách nhiệm về sự an toàn và hạnh phúc của chúng. Liệu tôi có làm được không? Nhỡ Judith phạm sai lầm và đau khổ...

Lòng ngổn ngang trăm mối, tôi nhỏm dậy, bật đèn. Thao thức thế này mãi không được, phải cố ngủ. Tôi vào buồng tắm, nhìn trên giá, thấy một ống thuốc átpirin. Không, cần thứ thuốc mạnh hơn. Chắc bên Poirot có thuốc ngủ. Tôi mở cửa, băng qua hành lang, rồi đứng ngập ngừng trước cửa phòng ông. Chẳng lẽ đánh thức ông bạn già đang say giấc chỉ để xin một viên thuốc! Tôi đang do dự thì nghe có tiếng chân trong hành lang. Đèn không sáng lắm, nên chỉ khi người này đến gần, tôi mới nhìn rõ mặt. Tôi đứng ngây người và cau mặt, vì người đó cười vẻ mãn nguyện, trông rất ghét.

- Chào ông Hastings! Chưa ngủ ư? Người đó ngạc nhiên kêu.

- Không ngủ được - tôi đáp trống không.

- À ra thế. Vào chỗ tôi, tôi cho ông cái này.

Tôi theo anh ta vào phòng, ngay cạnh buồng tôi. Tôi nói:

- Ông ngủ muộn nhỉ?

- Tôi không bao giờ ngủ sớm. Nhất là khi có cái để giải trí. Những tối đẹp như thế này, không nên bỏ phí.

Nói rồi, anh ta cười. Cái cười tôi thấy đáng ghét như lúc nãy.

Tôi theo anh ta vào phòng tắm. Hắn mở tủ, lấy ra một ống thuốc.

- Đây, ông cần uống cái này, sẽ ngủ sau như khúc gỗ. Một thứ thuốc an thần tuyệt vời.

Giọng nói say mê của hắn khiến tôi chột dạ. Người này dùng cả các loại ma túy.

- Có nguy hiểm không? - Tôi hỏi.

- Dùng nhiều mới ngại. Thứ thuốc ngủ này, hơi quá liều có thể nguy hại.

Hắn lại cười, môi nhếch lên một cách đáng ghét.

- Tơi tưởng thuốc loại này cần phải có đơn mới mua được.

- Về nguyên tắc, đúng vậy, nhưng tôi có cách.

Tôi biết mình hay phản ứng một cách thiếu suy nghĩ, song không thể kìm được sự bột phát.

- Tôi đoán ông có quen biết Etherington.

Hóa ra tôi đã bắt đúng thóp. Đôi mắt hắn gườm gườm, cảnh giác. Tuy nhiên, hắn đáp vẻ nhẹ nhàng, vô tư:

- Có! Tôi có quen. Tội nghiệp hắn!

Thấy tôi không nói gì, hắn tiếp:

- Đúng là hắn ta nghiện nặng. Lẽ ra phải biết ngừng đúng lúc, đằng này không. Vụ án thật thảm hại. Cô vợ có số may, tranh thủ được sự thông cảm của tòa.

Hắn đưa tôi hai viên thuốc, ra vẻ thản nhiên hỏi:

- Ông cũng biết Etherington à?

Tôi nói sự thật:

- Không.

Không biết nói gì hơn nữa, một lát sau hắn mới tiếp:

- Thằng cha cũng buồn cười! Không dễ chịu lắm nhưng thỉnh thoảng đối xử cũng tốt.

Tôi cảm ơn về mấy viên thuốc, đi về phòng. Lúc trở về giường nằm, tôi băn khoăn không biết mình có hớ hênh chăng. Vì bây giờ tôi biết chắc cái tên X ghê gớm nọ chính là Allerton. Và tôi đã chót để lộ cho hắn biết là tôi đang nghi ngờ điều gì.

Khi kể về những ngày ở Styles, khó trách khỏi tôi nói một cách lan man, rời rạc. Hồi tưởng lại thời ở đó, tôi nhớ nhất một số câu chuyện, lời nói ý nhiều có ý nghĩa.

Trước hết, tôi nhận thấy rõ là Poirot rất yếu về thể chất. Song, hình như tôi nói rồi, trí óc vẫn hoạt động một cách nhanh nhạy và sáng suốt. Nhưng thân thể thì tàn rồi, gầy ốm và hiểu ngay mình phải đóng vai trò tích cực hơn bình thường. Tôi phải là tai, là mắt của ông bạn.

Mỗi khi trời đẹp, Curtiss lại đưa chủ xuống dưới nhà, đặt sẵn ghế ở đó. Rồi đẩy ông ra vườn, thời tiết không thuận lợi, thì đưa ông xuống phòng khách. Dù ở đâu, sẽ có người đến bắt chuyện cùng ông, nhưng tất nhiên ông không thể chủ động chọn người đối thoại mình muốn.

Sau hôm tôi đến, Franklin đưa tôi đến một cái xưởng cũ ngoài vườn, mà ông ta đã sửa soạn làm nơi nghiên cứu khoa học. Xin nói ngay là tôi không thể hiểu biết về chuyên môn, do đo khi kể về chuyện nghiên cứu của bác sĩ Franklin, có thể tôi sẽ dùng những thuật ngữ không chuẩn, làm các nhà chuyên môn chê cười. Theo con mắt trần tục của mình, tôi hiểu là Franklin thí nghiệm chiết xuất các chất an-ca-lô-ít trong quả đậu Calabar, đặc biệt là chất physostigmine, còn gọi là êxerin. Một lần nói chuyện với bác sĩ và Poirot, Judith cố giải thích cho tôi hiểu, nhưng lại toàn dùng những từ kỹ thuật. Nó kể ra các chất an-ca-lô-ít nào là physostigmine, nào là cabarin, génesérine, và cuối cùng là một chất tên gọi rất khó đọc, nghe mà chẳng hiểu gì. Tôi hỏi nghiên cứu này mang lợi gì cho nhân loại. Hình như các nhà khoa học rất ghét câu hỏi loại này, nên Judith nhìn tôi một cách khinh thị và tiếp tục lao và giải thích một cách dài dòng, rắm rối. Tôi chỉ ghi nhận lại rằng một số bộ lạc xa xôi châu Phi có sự miễn dịch kỳ lạ với một căn bệnh cũng kỳ lạ không kém - có thể chết người - gọi là "gioocđanít" theo tên của bác sĩ Jordan, người đầu tiên phát hiện ra nó. Đó là một căn bệnh nhiệt đới hiếm thấy, mà gần đây hai, ba người da trắng đã mắc, và tỏ ra rất nguy hiểm.

Tôi buột miệng nhận xét giá nghiên cứu thứ thuộc nào khắc phục hậu quả của bệnh quai bị thì thiết thực hơn, làm con gái tôi càng bực. Nó lên mặt đáp, mục đích của khoa học không phải để phục vụ những việc vặt mà là để mở rộng tầm hiểu biết.

Judith chỉ tôi xem vài mảnh thí nghiệm qua kính hiển vi xem những bức ảnh chụp những người bản xứ Tây Phi, xem con chuột bị tiêm thuốc đang đờ đẫn trong lồng. Sau những chuyện ấy, tôi vội phải ra ngoài để hít thở chút không khí trong lành.

Như đã nói, tôi đặc biệt chú ý đến câu chuyện trao đổi giữa Franklin và Poirot... Ông bác sĩ nói:

- Ông hiểu không, chuyện này thực ra thuộc lĩnh vực của ông hơn của tôi. Cây đậu Calabar nghe nói có khả năng phát hiện ai có tội, ai vô tội. Ít nhất thì các bộ lạc châu Phi tin như vậy. Khi cần họ bỏ hạt đậu vào mồm nhai để chứng tỏ họ vô tội, nếu có tội sẽ bị nó vật chết.

- Và thế là họ trúng độc chết!

- Không phải tất cả. Ấy đó là điều làm chúng tôi phải chú ý.

- Tôi nghe cứ như là trò phù thủy.

- Thực ra, có hai loại đậu Calabar nhưng giống nhau như đúc, rất khó phân biệt. Cả hai loại đều chứa chất physostigmine và génesérine. Nhưng trong thí nghiệm, có thể tách riêng - tôi tin như vậy - một chất ancalôít khác có tác dụng vô hiệu hóa các chất kia. Hơn nữa, một số bộ lạc thường xuyên ăn loại đậu thứ hai trong các dịp lễ hội bí ẩn, và họ không bao giờ mắc bệnh gióocđanít. Đó là một điểm cực kỳ quan trọng. Khó khăn là chất ancalôít rất không ổn định. Tuy nhiên, tôi đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tuy còn phải dày công nghiên cứu nữa. Nhất định tôi phải làm bằng được...

Đột nhiên ông ngừng nói, mỉm cười:

- Xin lỗi vì toàn nói chuyện chuyên môn. Có lẽ tại tôi say mê quá...

Poirot mơ màng nói:

- Đúng rồi, nếu tôi phân biệt được người vô tội và có tội dễ như các bộ lạc châu Phi thì nghề của tôi sẽ trở thành trò trẻ. A! Nếu có một chất thật sự có đặc tính như cây đậu calabar như người ta đồn!

- Dù thế nào cũng chưa hết khó khăn. Vì nói cho cùng, thế nào là có tội? Thế nào là vô tội?

Tôi chen vào:

- Thiết tưởng việc đó có gì phải bàn cãi?

Bác sĩ quay sang phía tôi:

- Ác là gì? Thiện là gì? Mỗi thời, mỗi nơi quan niệm một khác. Cái có thể xác định, có lẽ chỉ là cảm giác có tội hay không có tội. Mà thực tế, cảm giác ấy chẳng có giá trị.

- Tôi không hiểu ý ông.

- Ông bạn ơi, ta hãy thử tưởng tượng một người tự cho mình cái quyền thiên liêng được giết... một tên cho vay nặng lãi chẳng hạn, hay bất cứ một kẻ xấu xa nào khác, bị mọi người căm ghét. Người đó sẽ làm một việc mà theo ông là tội ác, nhưng anh ta lại cho là một hành động hoàn toàn chính đáng, không tội lỗi gì hết.

- Tuy nhiên, tôi cho rằng khi đã giết người, thì ai cũng phải có cảm giác phạm tội.

- Hừm! Bác sĩ Franklin đáp, xin nói thật với ông rằng trên đời này, có hàng đống người mà tôi đây, tôi muốn giết. Và không phải vì thế mà sau đó tôi bị lương tâm cắn rứt. Theo tôi, có tới chín mươi phần trăm nhân loại cần phải biến đi, để cho những người còn lại sống tốt hơn.

Ông ta đứng dậy, vừa huýt sao vừa đi ra. Tôi sững sờ nhìn theo. Tiếng cười khẽ của Poirot khiến tôi trở về thực tại.

- Thế này thì kinh khủng quá. Hy vọng ông bác sĩ này không đem lý thuyết của ông ta ra thực hành.

- Nhưng nếu ông ta cứ làm?

Phần 2

Sau một lát do dự, tôi quyết định đi gặp Judith để dò hỏi về chuyện Allerton. Tôi sốt ruột xem nó phản ứng ra sao. Tôi biết con gái tôi là một đứa lành mạnh, biết tự chủ, không đến nỗi bị một người như Allerton mê hoặc.

Tôi đề cập vấn đề này chỉ nhằm được yên tâm, khẳng định thêm sự đánh giá của tôi. Tiếc thay không đạt kết quả mong muốn, vì tôi ăn nói hơi vụng. Không gì làm bọn trẻ tự ái hơn lời khuyên của người lớn. Mặc dù tôi đã cố nói bằng giọng vui vẻ, vô tư, nhưng Judith phản ứng ngay lập tức:

- Có phải ba định răn đe con tránh xa chú sói độc ác?

- Không, Judith con, không phải thế.

- Ba không ưa thiếu tá Alleton?

- Đúng là không ưa. Và ba muốn tin rằng con cũng nghĩ như ba.

- Tại sao?

- tại vì... hắn không hợp với con.

- Vậy theo ba, người thế nào thì hợp?

Judith có tài làm tôi cụt hứng. Nó nói tiếp:

- Tất nhiên ba không ưa. Con lại ưa. Con thấy anh ấy hay hay.

- Ồ! Hay hay à.

- Và rất hấp dẫn nữa. Bất cứ phụ nữ nào cũng nghĩ như con. Còn với con mắt nhìn của đàn ông, thì có thể khác.

- Không hẳn vậy.

Rồi tôi lỡ miệng nói thêm:

- Tối hôm nọ, con đi với hắn quá khuya...

Tôi không kịp nói hết, bão tố nổ ra liền.

- Ba, ba quá ngờ nghệch. Ba không chịu hiểu rằng ở tuổi con, con thừa sức để quyết định? Ba không có quyền can thiệp vào việc con làm, con chọn ai làm bạn. Con cái thường khổ cứ bị bố mẹ nhúng mũi vào việc của mình. Con rất quý ba, nhưng con đã trưởng thành, đời con là thuộc về con.

Không thể đáp lại gì, tôi quay gót với cảm giác đã dại dột đổ đầu vào lửa. Một lát sau, còn đang suy nghĩ vẩn vơ thì tôi nghhe cô Craven gọi với giọng tinh quái:

- Đại úy Hastings, ông đang nghĩ gì thế?

Tôi mừng vì có dịp đỡ phải suy tư, quay ngoắt lại. Cô Craven quả là người đàn bà đẹp. Có lẽ cô cố làm ra vẻ tinh nghịch, bông đùa, chứ rõ ràng cô là người thông minh, dễ gần.

Cô vừa đưa người ốm đến ngồi ở một chỗ nắng ấm, gần cái phòng thí nghiệm tạm của bác sĩ Franklin. Tôi hỏi:

- Bà ấy quan tâm đến công việc nghiên cứu của chồng?

Cô y tá lắc đầu vẻ coi thường:

- Ồ, những nghiên cứu ấy, bà làm sao hiểu được. Bà ấy vốn đã không thông minh lắm, mà việc của bác sĩ thì chỉ có người chuyên môn y khoa mới hiểu. Ông ấy thì cực kỳ thông minh, có thể nói xuất sắc. Tội nghiệp!

- Cô thuơng hại ông ấy?

- Phải. Biết bao người phải lấy vợ không phù hợp!

- Cô cho là trường hợp bác sĩ Franklin cũng vậy?

- Ông không thấy sao? Họ chẳng có điểm nào chung.

- Nhưng xem ra ông quý bà lắm. Chăm từng ly từng tí.

Cô ý tá bật cười một cách mà tôi cho là hơi hỗn:

- Bà ấy cố tình để làm ra như vậy.

- Cô cho là bà ấy... lợi dụng sự yếu đau của mình?

Cô Craven lại cười:

- Rất khó mà trách được bà điều gì về mặt đó. Bà ấy muốn gì được nấy. Một số phụ nữ là như thế, rất tinh ranh khéo léo. Ai không làm vừa lòng, là ngửa cổ, lim dim đôi mắt làm ra vẻ thảm hại. Bà Franklin thuộc loại ấy. Đêm không chịu ngủ và sáng ra bơ phờ, ủ dột.

- Nhưng bà ấy đau ốm thật chứ?

Cô Craven liếc mắt nhìn tôi một cách lạ lùng, nói buông thõng:

- Vâng, ốm thật!

Rồi cô lái sang chuyện khác, hỏi có phải hồi đại chiến thứ nhất, tôi đã từng ở Styles.

- Đúng, tôi đáp.

Cô hạ giọng khẽ nói:

- Và hồi đó có một vụ án mạng, phải không? Nghe đâu là một bà già. Một cô gia nhân ở đây nói với tôi thế. Lúc ấy ông có mặt không?

- Có. Tôi có mặt.

Cô hơi rùng mình:

- Thế là rõ.

- Rõ... rõ cái gì?

Cô lườm tôi:

- Ông không cảm thấy không khí nơi này à? Tôi thì thấy. Có cái gì khang khác.

Tôi đứng lặng suy nghĩ. Cô Craven nói đúng chăng?

- Có lần tôi đã ở một nơi xảy ra án mạng - cô nói tiếp - và không thể nào quên. Đó là một bênh nhân của tôi. Tôi đã bị thẩm vấn, phải ra làm nhân chứng, rất mệt mỏi, hoang mang. Mới trẻ tuổi mà đã trải qua lần rắc rối ấy, thật là khổ.

- Tôi hiểu. Tôi cũng biết...

Tôi im bặt vì nhìn thấy Boyd Carrington đang rẽ qua góc nhà, đi ra. Như mọi khi, tính cách mạnh mẽ, sự sung mãn của anh ta như xua tan mọi ám khí, mọi lo sợ mơ hồ.

- Chào cô Craven! Chào ông Hastings! Thế bà Franklin đâu?

- Chào ngài William, cô Craven đáp. Bà Franklin đang ở cuối vườn, dưới gốc cây sồi, gần phòng thí nghiệm.

- và chắc chồng bà ấy đang làm việc trong đó?

- Phải, với cô Hastings.

- Khổ cho cô gái! Buổi sáng đẹp trời thế này mà phải giam mình trong phòng để nghiên nghiên cứu cứu. Ông Hastings, ông phải có ý kiến chứ.

Cô y tá vội nói ngay:

- Ồ! Nhưng cô Hastings có khổ đâu, rất vui là đằng khác. Cô ấy thích thế, vả lại tôi chắc bác sĩ rầt cần có cô giúp.

- Lại cái ông ấy nữa! Boyd Carrington hướng về phía tôi, nói. Tôi mà có cô trợ lý trẻ đẹp như con gái ông, thì tôi chỉ ngắm cô ấy chứ không ngắm chuột bạch.

Judith chắc chắn rất ghét lối đùa giỡn đó, nhưng cô Craven lại cười thích thú.

- Ồ ngài William! Cô nói. Ngài không nên nói vậy. Ngài thì chúng tôi biết ngài sẽ xử sự thế nào trong trường hợp này. Chứ còn ông Franklin là người rất nghiêm túc... chỉ say mê nghiên cứu.

- Dù sao bà vợ cũng tìm được chỗ tốt để ngồi canh chừng. Bà ấy chắc phải ghen. - Boyd Carrington vẫn giọng cười cợt.

- Ngài có vẻ biết nhiều chuyện - cô y tá nói, rồi có vẻ tiếc rẻ: nhưng có lẽ đến lúc tôi phải về pha sữa cho bà Franklin.

Cô bước đi thong thả, Boyd Carrington dõi nhìn theo.

- Đẹp gái lắm. Tóc tuyệt vời, răng trắng bóng. Thế mà suốt ngày phải trông người ốm. Người cỡ ấy xứng đáng có số phận tốt hơn.

- ồ, rồi nay mai cô sẽ lấy chồng.

- Hy vọng như vậy.

Boyd thở dài, và tôi nảy ra ý nghĩ ông tưởng nhớ tới người vợ đã mất. Bỗng ông ta nói sang chuyện khác:

- Tôi đi Knatton để kiểm tra họ sửa sang ra sao. Ông muốn đi cùng không?

- Rất vui lòng. Nhưng để tôi lên xem ông Poirot cần gì tôi không. Poirot đang ngồi dưới hàng hiên. Ông khuyến khích tôi đi cùng Boyd:

- Anh cứ đi đi! Nghe nói đó là một dinh thự rất đẹp.

- Tôi cũng muốn đi xem. Nhưng ngại bỏ ông lại một mình...

- Anh cứ đi đi! Ngài William tốt bụng đấy, phải không?

- Rất tốt! - Tôi hào hứng trả lời.

Poirot cười mỉm:

- Tôi biết là anh thích anh ta mà.

Phần 3

Chuyến đi thật là thú. Trời đẹp đã đành nhưng gần gụi Boyd Carrington cũng rất vui. Ông ta có sức hút riêng, có kinh nghiệm nhiều mặt nên chuyện trò với ông ta không chán. Ông kể nhiều mẩu chuyện về cái thời ông cai trị ở Ấn Độ, cho tôi biết những tục lệ kỳ quặc của một số bộ lạc miền Đông châu Phi. Tôi mải vui gần như quên hết nỗi lo về Judith và những điều mà Poirot đang ấp ủ.

Cái cách ông ta nói về bạn tôi cũng dễ nghe. Ông rất kính nể Poirot, tôi trọng nghề nghiệp và nhân cách Poirot. Dù tay Poirot đã yếu nhiều, Boyd Carrington không tỏ vẻ thương hại, mà nghĩ rằng một cuộc đời như Poirot là có giá trị từ chính nó, và Poirot có thể hài lòng, lấy làm hãnh diện. Boyd nói thêm:

- Vả lại, tôi chắc trí óc ông vẫn minh mẫn hơn bao giờ hết.

- Vâng, vẫn minh mẫn - tôi xác nhận.

- Nghĩ rằng người yếu về thể chất cũng yếu luôn về trí tuệ là sai lầm. Và nói dại, tôi không bao giờ dám phạm tội gì trước mũi Hercule Poirot. Ngay cả bây giờ.

Tôi cười đáp:

- Đúng, ông sẽ bị Poirot lật tẩy ngay.

- Vả lại, tôi đâu có bản lĩnh của tội phạm. Tôi sẽ không thể lên nổi một kế hoạch hành động, vì thiếu sự kiên nhẫn, tỉ mỉ cần thiết. Nếu tôi giết ai thì là không có chủ định, chỉ do bột phát nhất thời.

- Thành ra lại càng khó điều tra làm sáng tỏ.

- Không hẳn thế. Có khi tôi để lại hàng tá dấu vết xung quanh. Lạy Chúa, tôi không có thiên hướng về tội phạm. Loại người mà tôi cần thấy phải thủ tiêu, ấy là bọn đe doa tống tiền. Bọn ấy phải bị trừ khử không thương tiếc, ông nghĩ thế nào?

Tôi đáp đồng ý với ông ta về cơ bản.

Chúng tôi bắt đầu xem xét các công trình đang làm, thì một anh kiến trúc trẻ đến gặp.

Dinh thự Knatton xây từ thời Tudor chỉ có một bên cánh là xây thêm về sau, và vào năm 1940, sửa thêm hai phòng tắm cổ lỗ.

Boyd Carrington cho biết bác ông là người ẩn dật yếm thế, suốt đời chỉ sử dụng có một góc nhà. Cũng có là cho hai người cháu đến nghỉ hè ở Knatton. Ông lão không lấy vợ và ăn tiêu dè sẻn, nên gờ đây, trả xong thuế thừa kế, ngài huân tước đứng đầu cả một tài sản kết sù.

- Ông bác tôi thật là người cô đơn, Boyd Carrington thở dài kết kuận.

Tôi lặng yên không nói, vì chính tôi cũng thuộc loại người cô đơn. Từ khi người vợ thân yêu mất, tôi luôn cảm thấy mình chỉ là một nửa con người. Một lát sau, tôi dụt dè nói lên cảm nghĩ của mình, Boyd Carrington đáp từ tốn:

- Tôi thông cảm với ông. Nhưng ông còn đã có cái mà tôi không hề có.

ông ta ngừng một lát, rồi kể vắn tắt nổi đau khổ của mình. Vợ ông là người tuyệt trần, duyên dáng, song nặng căn di truyền. Hầu như mọi người trong gia đình đều chết vì rượu, và vợ ông cũng không thoát khỏi định mệnh. Chưa đầy một năm sau ngày cưới, nàng mắc chứng nghiện rượu rồi chết. ông không chê trách nàng, vì hiểu nàng khó cưỡng nổi gánh nặng di truyền. Sau khi vợ mất, ông chịu cảnh sống cô đơn, và đã một lần bất hạnh, nên không nghĩ đến việc tục huyền.

- Có một mình, tôi thấy yên tâm hơn - ông nói. Ông thấy không, nhìn bề ngoài thì vậy, chứ do nỗi bất hạnh ấy làm tôi già đi nhiều.

Ngừng một lát, ông nói tiếp:

- Sự thực thì, có một lần, tôi cũng có ý định... nhưng cô gái đó quá trẻ, tôi không nỡ buộc chân cô vào một người đã chán chường như tôi. Tôi quá nhiều tuổi so với nàng... nàng còn như trẻ thơ... xinh đẹp... và trong trắng...

- Thì cứ để cô ấy quyết định xem sao? Tôi nói.

- Không nên, mặc dù tôi nghĩ nàng cũng thích tôi. Nhưng, như tôi nói, nàng quá trẻ! Tôi vẫn hình dung như cái hôm tôi gặp lần cuối, đầu nghiêng nghiêng, mắt nhìn tôi... vẻ bỡ ngỡ, bàn tay thon mảnh.

Một lần nữa, ông lại ngừng bặt. Lời nói ông gợi lên trong tôi hình ảnh thân thuộc mơ hồ, không hiểu tại sao. Rồi giọng ông lại cất lên:

- Bây giờ, tôi mới thấy mình ngu dại, để lỡ mất cơ hội. Để lúc này tôi chỉ có một mình với tòa nhà mênh mông này, không bóng dáng một người phụ nữ.

- Cô ấy về sau ra sao? - Tôi hỏi.

- Ồ... đã lấy chồng, tất nhiên. Còn tôi vẫn kéo dài cuộc đời đơn độc. Quen rồi... nhưng mời ông đi thăm vườn. Không được chăm sóc chu đáo, nhưng vẫn còn đẹp.

Chúng tôi đi vòng quanh nhà. Knatton quả thực là một dinh cơ rất đẹp, hèn gì mà chủ nó lấy làm hãnh diện. Mặt khác, Boyd Carrington rất quen biết xóm giềng và những người khác trong vùng, mặc dù chắc phải có nhiều người mới đến. Ông đã quen đại tá Luttrell từ nhiều năm trước, và tỏ ý hy vọng việc làm ăn của đại tá ở Styles sẽ có lãi. Ông kể:

- Khổ cho ông Toby Luttrell lâm vào cảnh túng quẫn. Một người tốt, một quân nhân tốt. Bắn rất giỏi, đã từng đi săn ở châu Phi. Ôi, cái thời tươi đẹp! lúc đó ông ta đã lấy vợ nhưng - may thay! Không mang vợ đi theo, hồi ấy bà còn đẹp lắm. Tuy nhiên, bà ấy thuộc loại lắm mồm. Kỳ thay, một ông chồng mà phải chịu đựng vợ đến thế. Trước đây, quân lính đứng trước mặt ông ta phải rung như cầy sấy, nghiêm lắm. Thế mà bây giờ chính ông ta lại run cầm cập trước vợ. Song phải nói rằng bà ta có đầu óc. Người làm ra tiền ở Styles này, là bà. Ông chồng thì không thạo làm ăn.

- Đôi lúc cũng hơi phiền - tôi nhận xét - là cái tính băm bổ của bà, lúc nào cũng như muốn vồ lấy người ta.

Boys Carrington tỏ vẻ thích thú:

- Ông đã bao giờ chơi bài với bà ta chưa?

- Ồ, rồi!

- Nói chung, tôi tránh chơi bài với đàn bà. Ông nên làm theo tôi.

Tôi kể tối hôm mới đến, tôi và Norton có chơi bài với vợ chồng Luttrell, và cản thấy khó chịu. Boyd nói:

- Norton, thì tốt. Phải cái tính trầm trầm. Suốt ngày ngắm chim, nhưng anh ta bảo chưa hề giết con chim nào. Phần tôi, chả hiểu thú vị gì cái việc cứ thơ thẩn trong rừng, giơ ống nhòm xem chim.

Lúc đó tôi chưa biết cái trò tiêu khiển vô hại đó của Norton sẽ đóng một vai trò quan trọng trong các sự việc về sau.

Ngày lại ngày qua đi trong sự chờ đợi đến nóng ruột, nhưng vẫn không có sự gì xảy ra. Tuy nhiên, có một số việc lặt vặt, vài nhận xét, vài mẩu trao đổi hơi là lạ, những chi tiết mà nếu tôi sắp xếp cho khớp lại thì có lẽ tôi đã nhìn sáng rõ hơn.

Vẫn là Poirot, như thường lệ đã chỉ cho tôi một điều mà tôi hoàn toàn bỏ qua. Tôi phàn nàn đến trăm lần về cái việc ông nhất định giữ bí mật, như thế là chơi không đẹp, từ trước tới nay tôi và ông vẫn thường thông báo tin tức cho nhau, vân vân.

Poirot sốt ruột đưa tay gạt:

- Đồng ý rồi, anh bạn, thế là không đẹp, không tin nhau, và có lẽ tôi chơi không đúng luật. Nhưng đây không phải là trò chơi, không phải là thể thao. Anh cố công tìm xem ai là X. Nhưng không phải vì chuyện ấy mà tôi yêu cầu anh đến Styles. Anh không cần mất công vào cái việc vặt ấy, vì tôi đã biết rồi. Cái tôi chưa biết và rất cần biết bây giờ là tên của nạn nhân sắp tới. Mục đích của chúng ta là cố gắng ngăn không để một con người phải chết.

Tôi hơi hoảng, thong thả đáp:

- Biết rối ông đã nói thế rồi, nhưng tôi chưa hiểu rõ...

- Thế thì đến lúc cần phải hiểu. Theo anh, ai sẽ là đối tượng bị nhắm?

- Tôi hoàn toàn không biết.

- Anh phải có một ý gì chứ? Nếu không anh ở đây làm gì?

Tôi nhớ lại những suy nghĩ mà tôi đã nghiền ngẫm về vấn đề này.

- Giữa nạn nhân và X, tất phải có mối liên quan nào đó. Cho nên nếu ông cho tôi biết X là ai...

Poirot lắc đầu kiên quyết:

- Tôi đã chẳng giảu thích cho anh biết phương pháp chủ yếu của tên tội phạm này là gì? Sẽ không có cái gì làm hắn dính líu tới cái chết của nạn nhân, điều ấy là chắc chắn.

- Ông muốn nói là, mối liên quan giữa nạn nhân và tội phạm được che giấu kỹ?

- Che giấu rất kỹ, tôi với anh không thể nào tìm ra.

- Nhưng nếu ta nghiên cứu lý lịch quá khứ của tên X...

- Không, dù sao thì không kịp, vì tội ác sẽ xảy ra nay mai.

- Và nạn nhân là một người đang ở trong nhà này?

- Không còn nghi ngờ gì.

- Ông thực không biết hắn định giết ai, giết bằng cách nào?

- A! Nếu tôi biết thì còn nói làm gì... Tôi đã không nhờ anh.

- Ông nêu giả thuyết như vậy chỉ vì hiện X có mặt ở Styles?

Trong tôi lúc đó chắc rất ngớ ngẫn, nên Poirot kêu:

- Khổ lắm, tôi đã nói bao nhiêu lần. Nghe tôi đây, nếu bỗng dưng một lô phóng viên chiến tranh đổ xô đến một nơi nào trên trái đất, như thế nghĩ là gì? Là: chiến tranh! Nếu các thầy thuốc từ nhiều nơi tụ họp ở một thành phố. ta kết luận gì? Rằng sắp có một hội nghị y tế. Khi nhìn thấy diều hâu bay lượn trên không, có thể chắc chắn là có xác chết đâu đó. Anh thấy một người dừng lại bên bờ sông, cởi áo và nhảy tùm xuống nước, có thể suy ra là người đó sắp cứu người chết đuối. Nếu anh ngửi thấy mùi nấu nướng lại trông thấy nhiều người cùng đi một hướng, có thể khẳng định là họ sắp tụ tập để ăn nhậu.

Tôi suy nghĩ một lát về những ví von ấy, rồi nói:

- Dù sao một phóng viên chiến tranh không nhất thiết là dấu hiệu của chiến tranh.

- Tất nhiên rồi, cũng như một con én không làm nên mùa xuân. Nhưng chỉ cần một sát thủ là đủ làm nên tội ác. Hoặc nhiều tội ác!

Khó mà cãi được. Nhưng tôi chợt nghĩ - và điều này Poirot có vẻ chưa nghĩ ra - một sát thủ có lúc cũng muốn nghỉ ngơi. Có thề X đến Styles chỉ để nghỉ vài ngày hoặc vài tuần, không có ý đồ xấu xa nào. Tuy nhiên, Poirot đang hăng hái, nên tôi không nói ta ý nghĩ ấy, và chỉ thở dài.

- Chúng ta phải đợi thôi.

- Chờ và xem, Poirot cười khẩy. Đó là hạ sách. Xin nhớ, tôi không khẳng định là ta sẽ thành công, vì như tôi đã nói, một khi kẻ tội phạm quyết ra tay thì không dễ gì chặn được. Dù sao ta phải cố. Hastings anh hãy tưởng tượng mình đứng trước một ván bài mà anh biết hết cả quân của từng người, rồi thử đoán kết quả sẽ ra sao.

Tôi lắc đầu.

- Tôi chịu. Nếu tôi biết X là ai...

- Thôi nào, sao anh cừng đầu thế. Anh đã nghiên cứu năm vụ án tôi đưa anh đọc. Không biết ai là X, nhưng anh biết cái mẹo hắn dùng để thực hiện những vụ án đó. Mẹo này, hắn sẽ còn dùng nữa.

- Ồ! Tôi hiểu...

- Thì đúng là anh hiểu. Nhưng anh mắc cái tội lười suy nghĩ, không bắt trí óc làm việc... Điều cốt yếu trong phương pháp của X là gì? Có phải là khi hoàn thành, vụ án rất hoàn hảo? Có nghĩ là ở đó có động cơ, cơ hội, phương tiện và điều này còn quan trọng hơn, có một "thủ phạm" để sẵn sàng quy tội và kết án.

Tôi công nhận mình quả là ngốc, và nói:

- Vậy tôi phải tìm người nào... đáp ứng tất cả các điều kiện đó. Nạn nhân tiềm ẩn.

Poirot ngả người trên lưng ghế, thở phào:

- Thế đó! Bây giờ anh đã hiểu nhiệm vụ của mình là gì. Anh năng động, còn đi lại được, bám sát mọi người, nói chuyện với họ, kín đáo theo dõi họ...

Tôi định cất tiếng phản đối, song lại thôi.

- Anh có thể nghe các câu chuyện của họ, đầu gối anh còn dẻo, có thể quỳ xuống để nhòm qua lỗ khóa...

- Tôi không nhòm qua lỗ khóa! - Tôi gắt.

Poirot lim diêm đôi mắt.

- Được. Anh không nhìn qua lỗ khóa, anh giữ đúng phong cách quân tử phong nhã nước Anh, và một người sẽ bị giết. Nhưng anh không quan tâm điều đó. Với người Anh, danh dự được đặt lên hàng đầu. Và danh dự của anh đáng giá hơn tính mạng một con người. Được rồi. Tôi hiểu.

- Nhưng Poirot...

- Anh ra đi, và gọi Curtiss cho tôi - giọng Poirot lạnh nhạt. Anh thật cố chấp, đã thế lại cực kỳ ngốc. Tôi muốn có người khác đáng tin cậy hơn, nhưng đành phải nhờ đến anh, tạm chịu đựng ý kiến vớ vẩn của anh về quân tử hão. Anh không có tế bào xám nên không sử dụng được, ít nhất thì anh cũng có tai, mắt và nếu cần, cả mũi nữa. Vậy hãy sử dụng chúng trong phạm vi những quan niệm của anh về danh dự cho phép.

* * * *

Đến hôm sau, tôi mạnh dạn trình bày với Poirot một ý nghĩ nhiều lần thoáng qua đầu óc. Tôi vừa trình bày vừa thăm dò, vì không biết ông sẽ phản ứng ra sao:

- Tôi đã suy nghĩ. Tất nhiên tôi không phải con người xuất sắc, ông còn cho tôi là ngu ngốc nữa. Kể có phần đúng: tôi chỉ là một nửa con người của tôi trước kia. Từ khi vợ tôi mất...

Tôi ngừng lại. Poirot hầm hừ tỏ vẻ thông cảm. Tôi tiếp:

- Song tôi nghĩ, ở đây có một người rất cần cho ông. Có trí tuệ, óc tưởng tượng, có khả năng. Tính quyết đoán, nhiều kinh nghiệm. Đó là Boyd Carrington. Ông ta có thể giúp ích. Ông hãy trao đổi với ông ta, kể tất cả câu chuyện.

Poirot nhìn tôi một lúc rồi tuyên bố:

- Nhất định không.

- Tại sao? Ít nhất ông ta cũng thông minh hơn tôi.

- Hãy bỏ ý kiến đó đi, anh Hastings. Chúng ta không chia sẻ bí mật với ai hết, anh nên hiểu rõ điều đó. Tôi cấm anh không nói chuyện này với ai.

- Được rồi, vì ông muốn thế. Nhưng Boyd Carrington thực sự...

- Ô là la! Không hiểu tại sao anh mê Boyd carrington đến thế. Ông ta là cái gì? Một anh chàng tự mãn vì luôn được xưng tụng là "ngài" khi còn làm thống đốc. Tôi đồng ý hắn tế nhị và có duyên nhưng không có gì đặc sắc. Hắn hay lặp đi lặp lại, kể đến hai lần liên tiếp một câu chuyện, trí nhớ hắn lại kém đến mức tuôn ra mẩu chuyện mà chính anh đã kể cho hắn nghe mấy hôm trước. Một người xuất chúng hơn người thường ư? Đâu có. Một anh lải nhải đến chán tai, một quả bóng toàn hơi, một tên người nộm độn cát!

Đúng là Boyd Carrington có trí nhớ kém. Tôi chợt nhớ một lần ông ta bị hố, và Poirot có định kiến từ đó. Poirot kể cho ông ta nghe một câu chuyện từ thời ông còn làm ở Sở Cảnh sát Bỉ, thế mà chỉ hai hôm sau, lúc mọi người tụ tập trong vườn, Boyd Carrington kể lại đúng mẩu chuyện ấy cho Poirot khoe rằng nghe được từ một cảnh sát Pháp.

Tôi không nói gì hơn nữa, và rút lui.

Tôi đi xuống vườn. Không có ai. Tôi qua bãi cỏ và một bụi cây, trèo lên một mô đất trên đó có một nhà kính vốn để trồng rau nhưng nay đã tàn tạ. Tôi ngồi xuống ghế, châm thuốc và suy nghĩ.

Ở Styles này, ai có lý do để giết ai? Quả thực tôi không thấy có người nào. Phiền một điều, là tôi không có đủ thông tin về tất cả những người ở đây. Những động cơ nào xui khiến người ta giết người? Tiền bạc, ghen tuông, thù hận.

Boyd carrington có vẻ là người giàu có nhất ở đây. Nếu ông ta chết ai sẽ thừa kế tài sản? Một người nào hiện có mặt ở Styles? Không có khả năng ấy, dù sao cần phải làm rõ. Có thể ông ta để lại gia tài cho công việc khoa học và chỉ định Franklin là người thừa kế chính thức? Ghép với cái lý thuyết ngông cuồng của ông bác sĩ này cần thủ tiêu tám mươi phần trăm nhân loại, có thể đặt Boyd Carrington vào tình thế cực kỳ nguy hiểm.

Cũng có thể Norton, hay cô Cole là những họ hàng xa, sẽ thừa kế. Giả thuyết hơi gượng ép, song có thể xem xét.

Và đại tá Luttrell từng là bạn cố tri của Boyd Carrington biết đâu ông chả có tên trong danh sách kế thừa của ngài huân tước?

Tôi tính tiếp đến những giả thuyết lãng mạn. Bà Franklin đau yếu, nhưng đâu là nguyên do làm sức khỏe bà suy sụp? Bà bị chồng đầu độc từ từ chăng? Là bác sĩ, Franklin thừa sức làm việc đó. Nhưng động cơ là gì? Bỗng một nỗi lo âu kinh khủng thoáng qua óc tôi khi nghĩ Judith có thể dính vào chuyện này. Tôi có đầy đủ cơ sở để tin mối quan hệ giữa con gái tôi và Franklin hoàn toàn chỉ có tính nghề nghiệp. Nhưng liệu dư luận có tin như vậy? Một sĩ quan cảnh sát ngốc ngếch nào đó sẽ đặt vấn đề nghi ngờ. Xưa nay bao nhiêu cô trợ lý trẻ đẹp chẳng là nguyên nhân gián tiếp của những cuộc ám hại đó sao? Nghĩ thế, tôi phát hoảng.

Rồi tôi xét đến trườg hợp Allerton. Người nào có lý do để thủ tiêu anh ta? Nếu nhất định sẽ phải có một vụ giết người - như Poirot tin chắc - có lẽ tôi muốn Allerton là nạn nhân hơn là người khác. Có thể tìm thấy nhiều lý do để người ta muốn hắn chết. Cô Cole tuy không còn trẻ, vẫn là người đàn bà đẹp. Nếu tìm ra được cô ta đã từng là tình nhân của Allerton một thời gian nào đó, ta có thể nghĩ cô sẽ hành động vì ghen tuông. Nhưng chẳng có lý do gì để tin chuyện đó là thực. Vả lại, ta đang nghi Allerton chính là tên X bí ẩn kia mà...

Tôi lắc đầu sốt ruột. Rối như tơ vò. Có tiếng chân bước trên sỏi ở bên dưới, làm tôi chú ý. Đó là Franklin đang rảo bước về nhà, đầu cúi xuống, hai tay đút túi, nom vẻ mệt mỏi, buồn bã. Bây giờ tôi mới chợt nhận ra là ông ta có vẻ thực sự đau khổ.

Mải nhìn ông ta, bỗng cô Cole xuất hiện ngay gần mà tôi không biết.

- ồ, cô đến lúc nào mà tôi không nghe tiếng chân - tôi vội nói để giải thích sự giật mình.

Có liếc nhìn cái nhà kính, nhận xét:

- Một di vật từ thời Victoria để lại.

- Đầy những mạng nhện. Nếu cô cần ngồi, để tôi phủi bụi.

Tôi thầm nghĩ: đây là dịp để ta tìm hiểu hơn những con người ở đây. Vừa phủi bụi chiếc ghế gỗ tôi vừa liếc mắt quan sát cô bạn. Giữa băm nhăm và bốn mươi, mặt gầy nhìn nghiêng khá thanh tú, mắt rất đẹp. Cô có vẻ khép nép, luôn giữ thế. hẳn người đàn bà này đã đau khổ nhiều, do đó cảnh giác với cuộc đời. Tôi quyết tâm tìm hiểu nhiều hơn về con người này.

Lấy mùi xoa phủi bụi một nhát cuối lên ghế tôi nói:

- Xong! Không thể làm sạch hơn.

- Cám ơn ông.

Cô mỉm cười và ngồi xuống. Tôi ngồi bên cạnh. Cái ghế ọp ẹp nhưng may không làm sao. Cô Cole hỏi:

- Lúc tôi tới, ông đang nghĩ gì vậy? Có vẻ như đang suy tưởng ghê lắm.

- Tôi nhìn theo bác sĩ Franklin, tôi thong thả đáp.

- À ra vậy?

Tôi thấy không có lý do gì để không nói lên điều đang suy nghĩ:

- Và đột nhiên tôi cảm thấy ông ấy có vẻ không hạnh phúc.

- Thì đúng vậy còn gì? - Cô bạn bình thản đáp - bây giờ ông mới thấy ư?

Tôi hơi ngạc nhiên, lúng túng.

- Ơ... quả thật, không. Tôi cứ tưởng ông chỉ chú tâm đến công việc.

- Và sự thật cũng đúng là thế.

- Và theo cô, vì thế mà ông ấy khổ sở ư? Tôi tưởng trái lại, một người như ông ấy phải hạnh phúc lắm.

- Tôi không phản đối. Song với điều kiện là công việc không bị ngăn trở, được làm việc hết mình.

Tôi tò mò nhìn cô.

- Mùa thu vừa rồi, cô nói tiếp, bác sĩ Franklin được mời sang Châu Phi tiếp tục nghiên cứu. Ông ấy là nhà khoa học có tầm cỡ, từng có những công trình xuất sắc trong lĩnh vực y học nhiệt đới.

- Vậy sao ông không đi?

- Bà vợ phản đối. Bà cho mình không hợp với khí hậu bên đó, và không muốn ở lại Anh một mình. Với lại kinh tế sẽ eo hẹp , vì lương lậu bên đó không cao.

- Và ông ấy cho là mình không thể đi, do sức khỏe của vợ?

- Ông Hastings, ông hiểu về sức khỏe của bà ấy thế nào?

- Ồ, không rõ lắm. Chỉ biết là bà ốm, có phải không?

- Bà ấy thích được như thế.

Giọng nói sẵng của cô Cole làm tôi hiểu là cô không ưa bà Franklin, mà cảm thông với ông bác sĩ. Tôi ngập ngừng nói:

- Phụ nữ đau yếu thường dễ sinh ích lỷ.

- Phải rồi. người ốm - là tôi nói người ốm thực - thường tỏ ra hơi ích kỷ. Ta chẳng thể trách họ.

- Vậy cô cho là tình hình bà Franklin không có gì nghiêm trọng.

- Ôi, tôi kông dám khẳng định. Chỉ hơi nghi một chút thôi. Nhưng trường hợp nào bà cũng làm theo ý mình.

- Xem ra cô hiểu vợ chồng Franklin lắm? - Tôi thăm dò.

- Không đâu. Trước khi đến đây, tôi chỉ mới gặp họ một, hai lần. Những gì tôi nói là do con gái ông kể.

Lòng tôi hơi chua chát khi nghĩ Judith dễ dàng tâm sự với người lạ hơn với bố. Cô Cole nói tiếp:

- Cô Judith rất tận tụy với thầy, và rất không tán thành sự ích kỷ của bà Franklin.

- Cô cũng cho là bà ấy ích kỷ.

- Phải. Nhưng tôi thông cảm với bà, và cũng thông cảm với thái độ nhường nhịn của ông Franklin. Cô Judith cho rằng ông cứ nên nghiên cứu bất chấp mọi sự. Cô ấy là một nhà khoa học say mê.

- Tôi biết - Tôi nói giọng buồn bã. Và điều ấy đôi khi làm tôi lo. Có cái gì không... tự nhiên. Có thể tôi nói không rõ, song theo tôi, nó phải... con người hơn, phải sống vui, giải trí... yêu một hay hai đứa con trai. Dù sao, tuổi trẻ là thời gian vui chơi chứ không phải suốt ngày cúi xuống mấy cái ống nghiệm. Không, không hợp tự nhiên. Thời trẻ chúng tôi nô đùa, tán tỉnh nhau, cô biết đấy...

Một lát im lặng, rồi cô Cole thốt ra lời lạnh như băng:

- Không, tôi không biết.

Tôi chưng hửng. Vô ý thức, tôi đã chuyện trò với cô Cole như với người đồng tuế, nay mới chợt nhận ra rằng cô kém tôi dễ tới mười lăm tuổi. Tôi đã thiếu tế nhị mà không biết. Tôi định nói chữa, tôi đã ngắt lời.

- Không hề chi. Tôi nói thật lòng: tôi không biết. Tôi không hề có cái mà ông gọi là "tuổi trẻ", và không hề được "vui chơi".

Tôi không biết nói gì trước những lời chua chát đó, chỉ lí nhí một câu xin lỗi. Cô cười nhợt nhạt:

- ồ, không sao. Đừng thắc mắc gì, ta nói chuyện khác.

Tôi vội vã chuyển đề tài:

- Cô biết rõ những người khác ở đây?

- Tôi biết ông bà Luttrell từ lúc còn bé, nay thấy họ phải làm ăn thế này tôi thấy buồn. Buồn nhất là cho ông ấy, vì ông ấy rất tốt. Còn bà, thì bề ngoài thế thôi, chứ cũng dễ thương. Chỉ vì suốt đởi phải sống dè sẻn, eo hẹp nên bà mới sinh ra keo bẩn. Nếu ông luôn luôn phải tính từng đồng, thì rồi cũng thế thôi. Tôi chỉ không ưa bà ở chỗ cứ làm ra vẻ vồ vập.

- Còn ông Norton thế nào?

- Cũng chả có gì đáng nói. Ông ta tốt, hơi nhút nhát, và... có lẽ không sáng trí lắm. Vả lại ông ấy cũng không khỏe. Sống với mẹ, một bà mẹ đần độn và cáu kỉnh, đe nẹt con từng tí. Bà ấy chết đã được mấy năm. Ông ta mê chim, hoa và những thứ tương tự. Ông ta thật tốt, và nhìn được nhiều thứ.

- Nhìn qua ống nhòm?

Cô Cole cười:

- Tôi không nói thế. Chỉ muốn bảo là ông ta nhận xét nhiều thứ như một con người bình tĩnh, mực thước. Ông ấy khoan dung, biết quan tâm đến mọi người. Nhưng tính hơi... thiếu quyết đoán. Tôi nói vậy, không biết ông có hiểu không.

- Hiểu, tôi hiểu cô muốn nói gì.

Giọng cô lại trở nên chua chát:

- Các nhà trọ kiểu này, chủ đã là người trên đường tàn lụi, thì khách trọ cũng toàn những kẻ thất bại trong cuộc đời, mệt mỏi, chán nản.

Lòng tôi tràn ngập một nỗi buồn. Đúng vậy thay! Chúng tôi ở đây là một mớ người đã tàn, tóc muối tiêu, đầu óc mông lung. Bản thân tôi cô đơn, chán chường, và người phụ nữ trẻ ở cạnh tôi lúc này cũng đầy chua chát và thất vọng. Bác sĩ Franklin bị ngăn trở trong công việc, vợ ốm. Chàng Norton hiền lành tập tễnh đi ngắm chim qua ống nhòm. Poirot đã một thời oanh liệt, nay là một ông già tàn tật.

Ngày xưa, khi tôi tới Styles lần đầu mọi sự đâu có thế! Tôi thở dài luyến tiếc.

- ông làm sao vậy? - Cô Cole hỏi.

- Không. Cô biết đấy, hồi trẻ tôi đã ở đây và tôi nghĩ đến sự tương phản giữa ngày xưa và ngày nay.

- Chắn hồi ấy, mọi người đều hạnh phúc.

Thật kỳ lạ, kỷ niệm xưa có vẻ như lẫn lộn, đan xen với nhau như hình ảnh kính vạn hoa. Và tôi nhận ra sự luyến tiếc của mình về quá khứ thực ra chỉ là vì tình yêu quá khứ, chứ không phải vì bản thân các sự việc. Vì, ngay hồi đó, làm gì có hạnh phúc thực sự ở Styles. Tôi nhớ lại từng người và thấy mọi người đều có những lo âu, ấm ức riêng. Và bây giờ cũng vậy. Tôi nói:

- Có lẽ tôi đã bị tình cảm lãng mạn ru ngủ. Thực ra, ở đây chưa ai hạnh phúc cả. Trước đây cũng như bây giờ.

- Con gái ông....

- Judith cũng không hạnh phúc.

Tôi nói những lời ấy mà không sợ sai. Không Judith không hạnh phúc.

- Hôm rồi Boyd Carrington nói với tôi rằng ông ấy cảm thấy cô đơn. Song xem ra ở đây ông có vẻ thích thú.

- Ngài William khác những người khác. Ông không thuộc loại người như chúng ta. ông đến từ bên ngoài, từ một thế giới thành đạt. Ông ấy đã có danh trên đời, và tự biết điều đó. Ông ấy không... tàn tật.

Tôi quay lại cô, ngạc nhiên:

- Sao lại cùng từ đó?

- Vì đúng sự thật là thế. Như tôi đây, tôi là một kẻ tàn tật.

- Có nghĩ là cô cũng không hạnh phúc?

- Ông chưa biết tôi là ai, có phải không? - Cô Cole bỗng hỏi tôi

- Ồ... tôi biết tên cô.

- Cole không phhải họ của tôi... Đó là... họ của mẹ tôi. Sau này tôi đổi lấy họ mẹ. Họ thực sự của tôi là licthfield.

Tôi không liên tưởng được ngay lập tức, chỉ cũng thấy cái tên cái quen quen thế thôi. Sau tôi nhớ ra, lẩm bẩm:

- Matthew Litchfield.

Cô gật đầu:

- Vậy là ông cũng biết. Bây giờ ông hiểu lúc nãy tôi muốn nói gì. Cha tôi là một người có bệnh và là một người tàn bạo. Ông không cho chúng tôi hưởng cuộc sống bình thường: cấm chúng tôi đi chơi, cấm không được có bạn, kể cả bạn gái. Không cho chúng tôi tiền tiêu, mặc dù ông rất giầu...

Cô ngừng lời, đôi mắt đẹp tối sầm xuống:

- Và thế là, chị tôi... chị tôi...

Cô lại ngừng.

- Cô khỏi nói, nói làm gì thêm buồn. Tôi biết chuyện rồi, do đó gợi lại những kỷ niệm đau đớn là cô ích.

- ông không thể biết hết đâu. Chị Maggie... Ôi, không thể tưởng tượng, không thể tin. Tất nhiên, chị đã tự ra nộp mình với cảnh sát, đã thú nhận hết. Nhưng đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa thể tin. Không hiểu tại sao, có vẻ như đó không phải là sự thật, mọi việc không thể xảy ra như chị đã khai báo.

- Cô muốn nói là các sự việc mâu thuẫn với lời nói của chị?

- Không, không. Đúng chị Maggie đã... Nhưng việc đó không hợp với tính chị. Không phải đúng là chị.

Môi tôi mấp mấy định nói mấy lời, nhưng lại thôi. Chưa phải lúc để tôi nói với cô Elizabeth Cole: "Cô nói đúng: Không phải là Maggie..."

Lúc đó vào khoảng sáu giờ, tôi nghe thấy ông Luttrell đi trên đường mòn, vai khoác khẩu súng săn nòng nhỏ. Tay ông xách hai con bồ câu rừng vừa săn được. Tôi gọi thì ông giật nảy mình, ngạc nhiên sao chúng tôi lại ở đây?

- Ô! Các vị làm gì thế? Cái nhà kính cũ này ọp ẹp lắm, đổ lúc nào không biết. Vả lại, cô Cole ạ, cô sẽ bị lấm lem hết.

- Không hề gì - cô đáp. Đại úy Hastings đã hy sinh một chiếc khăn tay phủi bụi cho tôi rồi.

- thật à? Thế thì tốt. Ông đại tá nói.

Chúng tôi đứng lên, lại gần ông. Ông có vẻ đăm chiêu, lơ đãng.

- Tôi đi bắn hạ hai con bồ câu rừng chết tiệt này. Các vị không biết chúng gây tác hại thế nào đâu.

- Tôi nghe nói ông bắn giỏi. - Tôi nói

- Ai bảo ông thế? Chắc là Boyd Carrington. Xưa kia thì thế đấy. Bây giờ kém rồi. Tuổi tác mà.

- Mắt bị kém chăng? - Tôi hỏi, cho có chuyện.

- Không đâu. Mắt vẫn tinh. Tất nhiên khi đọc báo phải đeo kính, nhưng nhìn xa thì vẫn rõ.

Im lặng một lát. Cô Cole nhìn khung cảnh xung quanh:

- Chiều nay trời đẹp quá.

Mặt trời từ từ lặn về tây, làm rực đỏ một khoảng trời. Đây là một trong những buổi chiều êm ả ở nước Anh, nếu ta phải đi xa sang xứ nhiệt đới nào đó sẽ rất nhớ. Tôi nói ra ý nghĩ đó, ông đại tá lập tức đồng tình:

- Đúng, ông nói đúng. Ngày trước khi còn ở Ấn Độ, tôi thường hay nhớ về những buổi chiều như thế này. Và lúc đó chỉ mong sớm hưu trí, để được về nước sống ổn định...

Tôi gật đầu tán đồng; ông lại nói tiếp, giọng ngao ngán:

- Phải, sống yên ổn... ở nhà mình... Nhưng khi chuyện ấy đến, mọi thứ lại không giống như mình tưởng...

Tôi nghĩ bụng trường hợp ông đại tá có như thế thật. Hẳn ông không thể ngờ một ngày kia mình trở thành một lão chủ trọ, cạnh một bà vợ quàu quạu luôn lấn át, mắng nhiết ông.

Chúng tôi thong thả đi về nhà. Norton và Boyd Carrington đang ngồi dưới hàng hiên. Đại tá và tôi sà vào chỗ họ, còn cô Cole vào trong nhà.

Chúng tôi cùng nhau chuyện trò một lúc. Luttrell có vẻ tươi hơn, còn đùa cợt một hai lần. Chưa bao giờ tôi thấy ông vui như vậy.

- Hôm nay trời nóng quá - Norton nói. Tôi khát cháy họng.

- Thế thì để tôi khao mỗi người một ly, Littrell nói.

Ông đứng lên, đi vào phòng ăn. Chúng tôi ngồi ngay trước cửa sổ, nghe thấy tiếng ông mở tủ lấy chai rượu. Một lát sau, lại nghe tiếng bật nắp.

Bỗng vang lên tiếng bà Luttrell the thé:

- George ông làm gì đó?

Đại tá lúng búng đáp lại gì không rõ, chỉ nghe mấy tiếng: các ông bạn... cụng ly một chút...

Rồi lại tiếng bà vợ, cau có, gắt gỏng:

- Không được, ông George! Mời ăn uống khắp bàn dân thiên hạ, có mà sạt nghiệp! Ai uống đều phải trả tiền. Ông chẳng hiểu gì cả, tôi phải theo sát ông từng bước như trẻ con. Thật quá quắt. Ông không có chút suy xét gì. Đưa cái chai cho tôi!... Đưa đây, bảo mà!

Ông đại tá lí nhí một câu phản đối gì đó không nghe rõ, nhưng tiếng bà vợ lại át đi:

- Mặc kệ. Tôi đã bảo: để lại chai vào tủ!

Rồi có tiếng chìa khóa khóa đánh tách.

- Thế là xong.

Lần này, chúng tôi nghe rõ hơn tiếng đại tá:

- Bà quá đáng vừa vừa chứ, tôi không chịu mãi đâu.

- Không chịu? Ông là ai mà ra lệnh cho tôi? Ai quản cái nhà này? Chính là tôi, ông chớ có quên.

Một lát sau, Luttrell mới xuất hiện ở ngoài thềm. Trông ông già hẳn đi, thật thảm hại. Ông gượng gạo:

- Đáng tiếc các bạn ạ, hình như trong kia không còn rượu.

Cũng lạ, hẳn ông phải nhận ra là chúng tôi đã nghe thấy phần nào tiếng vang cuộc cãi vã vừa rồi. Nếu không, ông cứ nhìn thái độ chúng tôi thì đủ biết, vì chúng tôi hết sức ngượng thay cho ông. Norton lại còn vụng về đến mức tuyên bố không muốn uống gì trước bữa ăn. Tôi lúng túng không biết nói gì, còn Boyd Carrington - lẽ ra phải là người biết cứu vãng tình thế - cũng bất động.

Liếc mắt nhìn, tôi thấy bà Luttrell xăm xăm đi ra vườn, tay đeo găng cao su và cầm một cái giẫy cỏ. Rõ ràng là một phụ nữ tháo vát, có uy quyền. Song thú thật lúc đó tôi chê trách bà nhiều hơn. Vì tôi cho rằng một người không có quyền miệt thị một người khác.

Norton nói lăng nhăng vài câu không đầu không đuôi, rồi nhặt một con bồ câu rừng của Luttrell nhấc lên và kể hồi còn đi học, anh đã bị bạn bè chế nhạo, vì buồn nôn không dám nhìn một con thỏ bị lột da. Rồi lại dài dòng kể lể một chuyến đi sắn ở Xcốtlen, có một thợ săn bị bắn nhầm và thiệt mạng. Cuối cùng, Boyd Carrington hắng giọng nói:

- Một lần, xảy ra một chuyện kỳ cục với một sĩ quan hầu cận của tôi. Anh ta đi phép về, tôi hỏi có vui không: "Thưa ngài, đây là kỳ nghỉ phép tuyệt với nhất." - "Tốt"- tôi đáp, hơi ngạc nhiên vì sự phấn khởi của anh ta. Hắn tiếp: "Kỳ nghỉ phép tuyệt vời, tôi đã giết anh tôi" - "Hả? Ngươi đã giết anh?" - "Thưa ông, tôi đã muốn giết từ lâu, và lần này đã thực hiện. Lúc đó tôi đang đứng trên mái nhà, thấy anh ta đi ở phía dưới . Tay tôi lại đang cầm súng. Dịp may hiếm có! Thế là tôi bắn đòm, như bắn một con thỏ."

Boyd Carrington kể chuyện có duyên, làm chúng tôi cười mãi. Khi ông ta bỏ đi, nói là cần đi dạo trước bữa ăn, Norton phát biểu ý kiến một cách hào hứng:

- Ông này hay thật!

Tôi gật gù. Và Luttrell cũng tán đồng ý kiến ấy. Norton tiếp:

- Và ông ta làm gì cũng thành công. Đầu óc vững vàng, đó là một con người hành động.

- Một số người là như thế - Luttrell nói. Làm đâu được đấy. Dường như không bao giờ mắc sai lầm... Đúng, có những người luôn gặp may.

Norton lắn đầu lia lịa:

- Không, không, không phải vấn đề may rủi. "Hỡi Brutus số mệnh chúng ta không phải ở các vì sao, mà ở tại chính mình". (Note: Trích trong kịch "Jules César")

- Có thể anh nói đúng. - Đại tá thở dài.

- Dù sao, ông ta có may mắn được thừa hưởng dinh cơ của ông bác - tôi nói. Một dinh cơ tuyệt vời. Nhưng ông ta phải lấy vợ nữa thôi. Có một mình trong cái dinh cơ mênh mông ấy, kể cũng chán.

Norton cười:

- Lại lấy vợ và tu tỉnh ư? Nhưng nếu ông ta lại bị vợ dắt mũi:

Trước mặt Luttrell lẽ ra không nên nói như thế, và Norton biết mình đã lỡ miệng. Anh định chữa lại, nói lấp liếm vài câu ngớ ngẫn rồi ngượng nghịu im bặt, làm không khí thêm nặng.

Tôi cố cứu vãn tình thế, xoay ra nói chuyện thời tiết và Norton nói muốn chơi bài sau bữa ăn.

Tuy nhiên, ông đại tá không động lòng, bình thản nói:

- Boyd Carrington không chịu như thế đâu. Đàn bà nào lấn át được ông ấy!

Thật khó nói. Đúng lúc ấy, một con chim rừng vụt qua đầu chúng tôi rồi đậu xuống một cành cây, cách đó ích bước.

Đại tá vớ khẩu súng:

- Lại cái giống chim chết tiệt!

Nhưng ông chưa kịp ngắm, con chim đã cụt bay lên và đậu xuống xa hơn, ngoài tầm súng. Luttrell vẫn chú ý đến một vật gì đụng đậy phía xa, bên kia vạt cỏ. Ông kêu:

- Trời ơi! Như có một con thỏ đang phá phách cái cây tôi mới trồng.

Ông giương súng, ngắm nhanh và bóp cò. Có tiếng phụ nữ the thé cất lên, tiếp theo là tiếng kêu rên.

Cây súng tuột khỏi tay Luttrell, mặt ông thất sắc:

- Chết rồi, bà Daisy nhà tôi...

Tôi và Norton lập tức băng qua bãi cỏ, và lát sau đã ở bên bà Luttrell. Lúc súng nổ, bà đang quỳ xuống buộc một cây con vào cọc. Cỏ chỗ đó khá cao, trời lại chạng vạng tối, nên ông đại tá chỉ nhìn thấy có vật xao động mà không nhìn rõ là vợ.

Bà Luttrell bị bắn trúng vào tai. Tôi cúi xuống để xem vết thương, rồi ngước mắt nhìn Norton. Anh ta đứng tực gốc cây, mặt xám nhợt như sắp bị ngất.

- Nhìn thấy máu là tôi không chịu được, anh ta thều thào.

- Đi tìm ông Franklin mau! Hay cô y tá - tôi ra lệnh.

Anh ta chạy đi.

Cô Craven đến trước tiên, tìm cách cầm lại máu. Rồi đến lượt Franklin. Hai người khiên bà Luttrell về nhà, đưa lên phòng. Ông bác sĩ sát trùng và băng bó vết thương, rồi đi gọi ông bác sĩ quen thường chăm sóc bà Luttrell. Tôi gặp ông ngoài sảnh lúc ông đặt máy xuống.

- Có nghiêm trọng không? - Tôi hỏi.

- Không. Sớm bình phục thôi. Đạn không vào chỗ phạm. Chuyện xảy ra thế nào?

Tôi kể lại tóm tắt.

- Hừm! Ra là thế. Lúc này ông Luttrell ở đâu? Chắc đang bị sốc. Ông ấy cũng cần được chăm sóc như vợ. Tim ông không khỏe đâu.

Chúng tôi thấy ông đại tá ở phòng ngoài, mặt xanh như tàu là, toàn thân đờ đẫn.

- Bà ấy... sao rồi? - Ông thều thào.

Bác sĩ Frnklin trấn an:

- Không sao đâu, đừng lo.

- Tôi tưởng... tưởng... con thỏ. Không hiểu sao lại nhìn gà hóa cuốc vậy. Có lẽ mắt bị lóa mặt trời...

- Tai nạn như thế không hiếm, bác sĩ nói. Tôi đã từng chứng kiến hai, ba trường hợp tương tự. Để tôi cho ông viên thuốc an thần, ông không được khỏe.

- Tôi không sao. Có vào thăm... bà ấy được không?

- Chưa nên vội. Bác sĩ Oliver sắp đến, chắc ông cũng khuyên như thế.

Tôi để hai người ở đó đi ra vườn. Allerton đi ngược chiều về phía tôi. Anh chàng đang ghé sát vào con gái tôi, và cả hai đều cười. Vừa xảy ra chuyện bà Luttrell, cảnh ấy làm tôi nổi nón hơn bình thường. Tôi gắt gỏng, gọi Judith. Nó ngạc nhiên ngẩnh đầu, lại gần tôi. Tôi kể lại vắn tắt câu chuyện.

- Kỳ lạ thật! Judith kêu.

Nó chỉ phản ứng có vậy, và tôi có cảm giác nó không mảy may xúc động. Phản ứng của Allerton lại càng đáng giận. Hắn dửng dưng như không, dường như đây chỉ là chuyện đùa:

- Mụ phù thủy ấy đáng đời, tôi cho ông lão làm thế là cố tình.

- Không phải! Tôi kêu to. Chỉ là tai nạn.

- Tôi biết loại tai nạn ấy rồi. Rất tiện lợi trong một số trường hợp. Nói thật, nếu lão Luttrell cố tình làm, tôi xin gả mũ chào.

- Không thể thế! Tôi nói gần như quát.

- ông chớ tin chắc vậy. Tôi biết có hai người đàn ông giết vợ. Một anh giở súng ra lau. Anh ta bắn thẳng thừng, để "đùa". Khi bào chữa, anh ta nói là vô tình không biết là súng đã lên đạn. Cả hai anh đều thoát, thần tình không?

- Đại tá Luttrell không phải loại người ấy. - tôi nói

- Tuy nhiên ông phải công nhận, nếu bà ấy chết, thì lão Luttrell cũng nhẹ mình. Họ chả vừa cãi nhau thì phải?

Tôi quay gót để giấu nỗi băn khoăn bắt đầu xăm chiếm lòng tôi. Allerton đã nói ra phần nào sự thật chăng? Lần đầu tiên trong đầu óc tôi nảy ra nghi hoặc.

Thế rồi tôi gặp Boyd Carrington đi dạo trở về. Tôi kể lại chuyện vừa xảy ra, ông ta nói luôn:

- Ông nghĩ rằng ông ta cố tình bắn vợ, phải không?

- Này, sao ông nói thế?

- Xin lỗi. Lẽ ra không nên nói vậy. Nhưng vừa nghe, tôi đã nảy ra ý nghĩ... Ông nhớ không, bà ấy vừa sàn sạt với chồng.

Chúng tôi im lặng, hồi tưởng lại cái cảnh mà chúng tôi đã nghe được giữa hai vợ chồng. Cuối cùng tôi về nhà, đến gõ cửa phòng Poirot.

Poirot đã biết chuyện - do Curtiss nói - nhưng đang sốt ruột chờ tôi về để tìm hiểu chi tiết. Từ khi tới đây, đã thành thói quen là tôi tường thuật lại cho Poirot những gì tôi nắm được qua chuyện trò với người này người kia. Như vậy tôi làm cho ông bạn già của tôi đỡ cảm thấy bị tách biệt, vẫn tham gia vào cuộc sống thường nhật của người. Vốn có trí nhớ khá tốt, tôi cố gắng nói lại nguyên si những ý kiến, những nhận xét mà tôi nghe được. Poirot nghe rất chăm chú và tôi chờ xem ông có chia sẻ với tôi mối nghi ngờ vừa chớm nở không. Song ông chưa kịp có ý kiến thì có tiếng gõ cửa khe khẽ.

Đó là cô Craven. Cô xin lỗi và giải thích.

- Tôi tưởng bác sĩ có ở đây. Bà Luttrell đã tỉnh, đang muốn gặp chồng. Đại úy Hastings, ông có biết tìm ông ấy ở đâu? Tôi, thì không bỏ con bệnh của tôi được.

Tôi nhận đi tìm ông đại úy. Poirot gật đầu đồng tình và cô Craven thì cám ơn rối rít.

Ông Luttrell ở trong phòng ăn nhỏ, ít khi dùng đến. Ông đứng trước cửa sổ, đăm đăm nhìn ra vườn. Tôi vào, ông quay phắt lại nhìn tôi dò hỏi. Tôi nói:

- Bà nhà đã tỉnh, đang muốn gặp ông.

Vẻ nhớn nhác trong đôi mắt như dịu bớt. Ông lắp bắp:

- Bà ấy... hỏi tôi? Tôi... tôi đến ngay.

Ông đi về phía cửa, dáng bộ lảo đảo khiến tôi phải chạy lại đỡ. Ông dựa vào cánh tay tôi, cùng lên thang gác. Ông thở hồng hộc, và tôi thấy lời bác sĩ Franklin nói về sức khỏe của ông là đúng. Tôi gõ cửa phòng bà Lutrell. Tiếng nói trong trẻo của cô Craven cất lên:

- Cứ vào.

Bà Luttrell nằm trên giường, mặt xanh xao mắt ngắm nghiền. Nghe chúng tôi vào, bà mở mắt gọi thều thào.

- George... ông George...

- Bà Daisy, tôi đây...

Một cánh tay của bà Luttrell phải băng bó, bất động. Bằng tay kia, bà ra hiệu cho chồng. Ông tiến đến, cầm tay vợ, nhắc lại:

- Daisy...

Nhìn nỗi lo âu và niềm thưong mến ánh lên trong đôi mắt ướt dầm đìa của ông, tôi thấy xấu hổ vì sự nghi ngờ vừa rồi. Tôi lặng lẽ rút lui, lòng thanh thản.

Tôi đang đi dọc hành lang thì tiếng cồng làm tôi giật mình. Tôi đã quên hết giờ giấc. Tai nạn vừa rồi đã làm xáo lộn cả nhà, song nhà bếp vẫn không quên nhiệm vụ và bữa ăn vẫn dọn đúng giờ.

Phần lớn chúng tôi cứ để nguyên quần áo vào phòng ăn và đại tá Luttrell vắng mặt. Ngược lại, bà Franklim đỏm dáng trong bộ váy áo màu hồng nhạt, hôm nay lại trực tiếp xuống phòng ăn. Bà có vẻ hoàn toàn khỏe mạnh và hồ hởi. Song chồng bà lại có vẻ đăm chiêu, ưu tư.

Sau bữa ăn, tôi lại không vừa lòng khi thấy Allerton và Judith cặp kè cùng ra ngoài vườn. Tôi ngồi nán một lúc nghhe Franklin và Norton chuyện trò về các căn bệnh nhiệt đới. Norton là một người chịu nghe một cách kiên nhẫn, mặc dù anh ta chẳng hiểu mấy.

Đầu kia phòng, bà Franklin nói chuyện với Boyd Carrington. Ông này đưa cho bà xem các bản vẽ mẫu màn cửa, hỏi ý kiến bà về việc chọn màu sắc.

Elizabeth Cole cầm quyển sách trong tay, chăm chú đọc. Tôi cảm thấy thái độ cô không tự nhiên lắm trước mặt tôi, điều dó dễ hiểu sau những lời tâm sự với tôi hồi chiều. Bản thân tôi cũng hơi áy náy và hy vọng cô không hối hận vì đã thổ lộ. Tôi rất muốn nói là tôi tôn trọng bí mật của cô và không nói với ai, nhưng không có cơ hội.

Lát sau, tôi lên phòng Poirot. Ở đó tôi đã thấy Luttrell ngồi trong vầng sáng của chiếc đèn nhỏ duy nhất. Poirot chăm chú nghe ông nói, song tôi cảm thấy như đại tá đang nói với chính mình:

- Tôi nhớ rõ... Vâng, ở một vũ hội. Nàng mặc váy trắng bồng bềnh. Ông biết đấy, cô ấy rất đẹp. Và tôi siêu lòng ngay. Đêm đó về nhà, tôi tự nhủ: "Ta phải lấy nàng làm vợ". Và tôi lấy thực. Cô ấy rất đáng yêu, tính tình nghịch ngợm có phần tinh quái.

Ông bụm miệng cười:

- Và rất bướng với tôi.

Tôi hình dung Daisy Luttrell lúc mới lấy chồng mặt mũi tinh nhanh, miệng nói liến láu. Hồi ấy là đáng yêu, nhưng với thời gian sẵn sàng trở thành một bà già cau có. Tuy nhiên, tối nay đại tá xúc động gợi lại hình ảnh người vợ yêu thời trước, và là mối tình đầu khó quên. Lần nữa tôi lại xấu hổ vì đã nghi oan cho ông.

Luttrell ra rồi, tôi kể hết với Poirot. ông yên lặng ngồi nghe, rồi nói:

- ra các ông đã nghĩ là ông Luttrell cố tình bắn vợ.

- Đúng. bây giờ tôi rất hối, song lúc đó...

Poirot khoát tay gạt thắc mắc của tôi:

- Ý nghĩ đó tự đến với anh, hay do ai gợi ra?

- Allerton nói một câu gì đó, hàm ý như vậy.

- Còn ai nữa?

- Boyd Carrington cũng đề cập đến giả thuyết ấy.

- A! Boyd Carrington.

- Ông ta là người hiểu đời, có kinh nghiệm.

- Phải, phải. Nhưng ông ta không có mặt lúc tai nạn, phải không nào?

- Không. Ông ta đi dạo trước bữa ăn.

- Hiểu rồi. Anh không cần phải áy náy gì. Trường hợp đó, bất cứ ai cũng có thể nghĩ vậy. Tự nhiên thôi.

Trong thái độ của Poirot có một cái gì như dè dặt mà tôi không hiểu; đôi mắt ông nhìn tôi một cách lạ lẫm.

- đành vậy - tôi nói. Song vừa rồi thấy Luttrell thực sự thương yêu vợ...

- Thường là thế đấy. Sau những hiểu lầm, cãi vã, đối đầu trong cuộc sống hàng ngày, vẫn có thể - và thường là thế - có tình yêu thực sự.

Tôi đồng ý với Poirot điểm này. Tôi nhớ lại ánh mắt dịu hiền, thương mến của bà Luttrell lúc chồng cúi xuống thăm hỏi. Không còn chút hậm hực, nóng nảy, bực bõ nào nữa.Và trên đường trở về phòng mình, tôi sực nghĩ: hôn nhân là một chuyện lạ kỳ. Tôi cũng hơi xao xuyến về cái nhìn lạ lẫm của Poirot; dường như ông đang chờ cho tôi nhận ra... nhưng nhận ra cái gì cơ chứ?

Chỉ một lát sau, lúc đã lên giường, tôi đã hiểu. Nếu bà Luttrell bị bắn chết, thì vụ việc sẽ hoàn toàn giống các vụ khác. Bề ngoài, đúng là ông đại tá giết vợ và kết luận là do tai nạn. Tuy nhiên, không ai dám khẳng định tuyệt đối đây là tai nạn hay cố tình. Không đủ chứng cớ để kết luận là giết người, nhưng lại đủ bằng chứng để có thể nghi ngờ.

Vậy thì, như thế có nghĩ... gì?

Có nghĩ là, chịu trách nhiệm thực sẽ không phải là ông đại tá, mà là... X. Tuy nhiên điều đó là không thể. Tôi đã chứng kiến, biết rõ là Luttrell đã nổ súng. Không có bất cứ tiếng nổ nào khác.

Trừ khi... Nhưng điều đó cũng không thể có. Có thể giả định người nào đó đã chờ đúng lúc, đúng cái giây ông đại tá nổ súng - để bắn thỏ - và người đó bắn vào bà Luttrell. Trường hợp ấy, sẽ chỉ nghe một tiếng nổ. Dù có không thật trùng, mọi người sẽ tưởng là tiếng vọng. Mà bây giờ nghĩ lại, tôi cảm thấy như lúc đó như có tiếng vọng thật.

Không, không, vô lý. Ngày nay người ta đã có đủ phương pháp để xác định đạn là từ nòng súng nào bắn ra. Tuy nhiên, chỉ làm xét nghiệm này khi cảnh sát cần biết vũ khí nào đã bắn. Mà trong trường hợp này thì không cần điều tra, vì ai cũng biết cả rồi - cả đại tá lẫn những người khác - nếu có hoài nghi thì chỉ là ở chỗ ông đại tá vô tình bắn nhằm hay cố tình giết vợ. Câu hỏi này, khó ai có thể trả lời.

Tóm lại, vụ việc này sẽ giống như những vụ việc khác. Giống vụ Riggs, anh chàng này không nhớ mình có giết không nhưng nghĩ là mình đã giết. Giống vụ Licthfield, cô này tự thú là đã giết bố mà chưa chắc là đã phải.

Vâng, vụ này giống các vụ trước. Nay tôi đã hiểu hơn thái độ của PoirotSáng hôm sau, tôi tiếp tục trao đổi với Poirot. Ông gật gù nghe tôi trình bày, cuối cùng tươi nét mặt:

- Tốt lắm. Tôi muốn để anh tự tìm ra sự giống nhau, chứ không muốn nói ra trước.

- Vậy là tôi không lầm: chúng ta đứng trước một vụ án nữa của X.

- Nhất định rồi.

- Nhưng tại sao? Động cơ là gì?

Poirot nghiêm nghị gật đầu. Tôi hỏi:

- Ông biết rồi ư? Hay đã có ý kiến thế nào?

- Có, tôi có một ý - ông chậm rãi đáp.

- Ông đã tìm thấy mối liên quan giữa các vụ?

- Có thể.

- Vậy thì...

Tôi không nén được sốt ruột.

- Không, anh Hastings.

- Ông phải cho tôi biết.

- Ngược lại, anh không nên biết hết thì hơn.

- Tại sao? Lý do gì?

- Lý do đơn giản là anh hãy tin tôi.

- Ông thật quá quắt! - Tôi kêu. Ông thấp khớp ngồi liệt ở đây, thế là còn định chơi trội một mình.

- Không phải thế đâu. Trái lại, chính anh đang là trung tâm hành động: là tai, là mắt của tôi. Tôi không muốn để anh biết một số thông tin, vì chúng có thể nguy hiểm.

- Chắc ông ngại rằng hung thủ biết là tôi dò theo vết hắn. Nhưng tôi không đủ sức tự bảo vệ được sao?

- Anh nên nhớ, kẻ đã giết một lần không e ngại gì mà không giết lần nữa.

- Nhưng ở đây, đã có ai giết ai đâu.

- Thế là may, rất may. Như tôi đã nói, mọi việc khó lường trước.

Ông thở dài, nét mặt đăm chiêu.

Tôi đi ra, lòng nặng trĩu nỗi buồn: rõ là từ nay Poirot không có khả năng nỗ lực liên tục. Trí óc còn minh mẫn, nhưng thể chất tàn tạ rồi. Ông dặn tôi chớ hoài công tìm hiểu lai lịch của X, nhưng tự đáy lòng, tôi tin mình đã biết hắn là ai. Ở Styles này, chỉ có một người có vẻ gian, chỉ còn giải quyết một vấn đề nữa là tôi có thể khẳng định. Sẽ chỉ là một cách thử phản diện nhưng có giá trị chắc chắn.

Sau bữa ăn sáng, tôi gọi Judith lại:

- Hôm qua, lúc ba gặp, con và Allerton ở đâu về?

Khi chú mục vào một khía cạnh của vấn đề, ta thường quên các khía cạnh khác, và tôi sửng sốt trước phản ứng mạnh mẽ của con gái:

- Ồ, ba, việc đó liên quan gì đến ba.

Tôi trố mắt nhìn con:

- Thì... ba chỉ... hỏi thế.

- Nhưng để làm gì? Tại sao lúc nào ba cũng hỏi? Con làm gì, con đi đâu, với ai... khó chịu quá.

Điều nực cười nhất là lần này câu hỏi của tôi thực ra không nhằm Judith. Điều tôi muốn biết chính là hành tung của Allerton.

Tôi xoa dịu:

- Judith con, tại sao ba lại không được hỏi.

- Còn con, con không hiểu tại sao ba cần biết.

- Thực ra ba không cố tình muốn biết. Ba chỉ lạ là làm sao hai người có vẻ dửng dưng trước việc xảy ra.

- Ba muốn nói tai nạn của bà Luttrell? Đây nếu ba muốn biết, con xuống làng để mua tem.

- Sao? Vậy Allerton không đi cùng với con?

Judith thở hắt ra vì bực:

- Không. Về đến gần nhà, con mới gặp anh ta. Thế là ba mãn nguyện rồi nhé. Mà con muốn nói thêm rằng dù có suốt ngày đi chơi với anh ta cũng không việc gì đến ba. Con đã hăm mốt tuổi, con tự kiếm sống, và con làm gì là việc của con.

- Đúng - Tôi đành nói vậy để chặn đứng cơn thịnh nộ.

- Ba nhận ra như thế là tốt.

Nó có vẻ dịu bớt căng thẳng, nở một nụ cười buồn, nói tiếp:

- Từ nay, ba đừng đóng vai ông bố lên giọng. Sốt ruột lắm!

- Được rồi, ba sẽ không nói nữa.

Franklin từ đâu xộc tới:

- Chào Judith! Đi thôi, chậm giờ rồi.

Thái độ của ông bác sĩ đột ngột và thiếu lịch thiệp, làm tôi khó chịu. Đành rằng ông ta làm chủ của Judith, trả lương cho nó, và có quyền ra lệnh. Nhưng ít nhất phải tỏ ra nhẹ nhàng, tế nhị. Tính ông này vốn không khéo léo, tôi đã nhiều lần nghiệm thấy, tuy nhiên đối xử với mọi người không đến nỗi. Riêng với Judith, gần đây ông ta tỏ ra mệnh lệnh, độc đoán đến cực kỳ. Nói mà không thèm nhìn người, rồi ra lệnh. Judith tỏ ra thản nhiên, nhưng tôi thì bực. Thái độ của Franklin lại càng bất lợi khi bị so sánh với sự ân cần, quan tâm quá đáng của Allerton. Tất nhiên, Franklin đáng giá gấp mười lần Allerton, song kém hẳn về mặt thái độ đối xử.

Nhìn theo ông bác sĩ đi về phòng thí nghiệm, tôi chú ý đến đi lều khều, tấm thân khô thẳng, khuôn mặt gồ ghề lấm chấm tàn nhan của ông ta. Nói chung, về hình thức là một người xấu xí. một bộ óc tài giỏi ư? Nhưng phụ nữ hiếm khi mê riêng bộ óc, nếu kèm theo không có gì khác. Tôi rất lo là do điều kiện, Judith ít có cơ hội làm quen với những người đàn ông hấp dẫn hơn, từ đó mới có sự so sánh. Đặt bên một Franklin lầm lỳ, nhợt nhạt; tất Allerton nổi hơn nhờ cái hào nhoáng bên ngoài. Và vì thế, con gái tôi không thể đánh giá đúng tư cách anh ta.

Nhỡ nó phải lòng anh ta thật? Sự cáu kỉnh vừa rồi của nó là một dấu hiệu khiến tôi không yên tâm vì rõ ràng Allerton là một thằng tồi. Thậm chí, hắn có thể là X lắm chứ? Lúc súng nổ làm bà Luttrell bị thương, hắn không đang ở cùng Judith như thoạt đầu tôi tưởng. Nhưng động cơ bí ẩn của hắn là gì? Hắn không điên, trí óc tỏ ra hoàn toàn lành mạnh, có điều là thiếu đạo đức và suy xét.

Thế mà con Judith nhà tôi lại bám riết lấy hắn.

* * * * *

Đến nay, tuy vẫn lo lắng về con gái, tâm trí tôi có lãng đi phần nào khi nghĩ rằng có thể sắp xảy ra một vụ án mới. nay thì vụ bắn nhầm đã xảy ra, may không chết người, tôi lại suy nghĩ nhiều hơn về vấn đề cũ. Càng nghĩ càng lo. Tôi nghe ngóng đâu đó rằng Allerton đã có vợ. Boyd Carrington hình như biết đủ mọi thứ chuyện, nói rõ hơn. Vợ của Allerton đã bỏ hắn đi chỉ sau khi kết hôn vài tháng. Song vì là người đạo gốc, cô ta không đồng ý ly dị, Boyd nói thêm:

- Và thằng cha cũng cóc cần ly dị, cứ để thế lại hay.

Sau vụ tai nạn, ngày lại ngày trôi qua không có gì đặc biệt, nhưng mối lo của tôi không hề giảm.

Đại tá Luttrell suốt ngày ở bên vợ, một cô y tá nữa lại mới đến, nên cô Craven trở lại chuyện lo chăm sóc bà Franklin. Tôi không định kiến, song nhận thấy bà Franklin tỏ ra không vui khi bà không còn là người bệnh duy nhất trong nhà. Bây giờ mọi người quan tâm đến tình hình bà Luttrell, mà bà Franklin đã quen mình phải là trung tâm chú ý duy nhất. Cả ngày bà nằm ườn trên ghế dài, tay ôm ngực kêu đau. Dọn ăn gì bà cũng không thích, luôn luôn tỏ ra bất bình, đau khổ. Một hôm, bà phàn nàn với Poirot:

- Tôi rất không muốn phiền mọi người. Đau ốm thế này, tôi thấy xấu hổ quá. Đôi khi tôi nghĩ ốm đau là tội ác đối với xã hội. Nếu mình không khỏe, tự thấy không còn ích gì nữa, thà yêu cầu được tiêm một phát... chết quách cho xong.

- Ấy không được, thưa bà! Poirot nói khéo. Một cây hoa yếu ớt không chịu được gió lạnh, người ta phải đem trồng trong nhà kính. Còn cỏ dại thì chỗ nào cũng mọc, đâu phải vì thế mà giá trị hơn hoa! Bà xem tình trạng tôi đây. Gần như bị liệt không tự đi lại, vậy mà tôi đâu muốn từ bỏ cõi đời. Tôi vẫn cố hưởng nhiều lạc thú: ăn ngon, rượu ngon, làm việc bằng trí óc.

Bà Franklin thở dài:

- Ông khác. Ông chỉ có một mình. Tôi thì tội nghiệp ông John, tôi biết tôi là gánh nặng cho ông ấy. Một người vợ ốm đau, vô tích sự, ông thấy không?

- Chắc chắn ông không bao giờ nghĩ như vậy.

- Không hẳn như thế, nhưng tôi lạ gì đàn ông! Ông ấy không giấu được tôi.

- Tôi hoàn toàn không nghĩ như bà, Poirot nói.

- Không? Thế là tại ông không biết ông ấy bằng tôi. Tất nhiên, nếu tôi không còn nữa, ông ấy sẽ tự do hơn. Và đôi khi tôi nghĩ nên chấm dứt tất cả cho nhẹ mình cả hai.

- Ồ, bà không nên nói vậy.

- Tại sao? Dù sao, tôi chẳng có ích cho ai cả.

Bà lắc đầu đau khổ:

- Tôi sẽ phiêu diêu nơi vô cùng, và... John sẽ tự do.

Sau này khi tôi nói lại cuộc trò chuyện ấy cho cô Craven, cô này nói ngay.

- Toàn nói hươu nói vượn. Tôi bảo đảm bà ta không làm thế. Càng mạnh mồm lắm càng không làm như mình nói.

Quả nhiên sau khi mọi người hết xao xuyến vì tai nạn của bà Luttrell, cô Craven trở về chăm sóc riêng bà Franklin, tôi thấy tinh thần bà này khá hơn hẳn.

Một sớm nọ, Curtiss đưa Poirot ra ngồi dưới rặng cây gần phòng thí nghiệm. Đây là nơi bạn tôi rất ưa ngồi, vì kín gió; ông vốn rất ngại gió lùa. Thực ra, có lẽ ông cứ thích ở trong nhà hơn, song thỉnh thoảng cũng đồng ý đi ra ngoài với điều kiện được che chắn cẩn thận.

Tôi ra tới chỗ Poirot, cũng là lúc bà Franklin từ phòng thí nghiệm đi ra. Bà bận đồ đẹp và có vẻ đặc biệt vui mừng. Bà nói Boyd Carrington hỏi ý kiến bà về chuyện chọn rèm cửa, nên bà sẽ đi dạo với ông ta một lát. Sau đó họ sẽ cùng đi Knatton để xem công việc đã tới đâu. Bà nói tiếp:

- Tôi vào phòng thí nghiệm để lấy cái túi để quên hôm qua, lúc vào gặp ông John.

Ngừng một lát, bà tiếp:

- Hôm nay, ông ấy đi Tadcaster với cô Judith để kiếm một số hóa chất sắp cạn.

Bà ngồi xuống một chiếc ghế gỗ, lắc đầu vẻ khôi hài:

- Cũng may tôi không phải là nhà khoa học. Như hôm đẹp trời thế này, thì thật là... uổng phí.

Poirot cười, đáp:

- Ấy, trước mặt các nhà khoa học, bà chớ nói thế.

- Tất nhiên.

Bỗng bà thay đổi nét mặt, nghiêm trở lại:

- Ông Poirot, ông đừng tưởng tôi không phục chồng đâu nhé. Dù sao, phải công nhận cái kiểu hết lòng vì công việc ấy thật là... đáng nể.

Giọng bà rung lên, và tôi nghĩ: bà này thích sắm nhiều vai trò. Lúc này, bà giữ vai người vợ trung thành, yêu chồng.

- Ông John nhà tôi - bà nói tiếp - gần như một ông thánh. Lắm lúc tôi phát sợ.

Ví Franklin với thánh, quả là quá đà - tôi nghĩ bụng. Song bà vẫn long lanh đôi mắt, nói tiếp:

- Ông ấy có thể làm mọi thứ, chịu mọi rủi ro vô lý nhất để mở rộng hiểu biết của loài người. Dù sao thế cũng là cao đẹp, có phải không?

- Vâng, vâng đúng thế. Poirot nhỏ nhẹ.

- Tuy nhiên, lắm lúc tôi thấy lo. Cứ thế rồi đi đến đâu, ví dụ như cái cây đậu Calabar kinh khủng mà ông đang nghiên cứu. Tôi sợ ông ấy đem thử nghiêm vào chính mình.

Tôi chen vào.

- Nếu vậy, tất nhiên ông phải chuẩn bị mọi biện pháp đề phòng.

Bà Franklin lắc đầu, nở một nụ cười buồn:

- Ông chưa hiểu ông ấy. Ông đã nghe chuyện một lần ông ấy làm gì khi nghiên cứu một chất khí?

- Chưa.

- Đó là một chất khí người ta chưa biết hết đặc tính. Thế là John tự đem mình ra làm thí nghiệm. Ông ấy để cho người ta nhốt ba mươi sáu giờ trong một cái thùng chứa đầy khí đó, và theo dõi mạch đập, nhiệt độ, hơi thở của ông để xem tác động lên cơ thể người thế nào, có giống với cơ thể súc vật không? Tôi thì chịu.

- Vâng, làm được thế phải rất dũng cảm, Poirot công nhận.

- phải, và tôi rất tự hào về ông, đồng thời lại rất lo. Vì đến một lúc nào đó, thử lên chuột, lên ếch nhái xong, phải thử lên người. Cho nên tôi rất sợ rồi John sẽ lấy cơ thể mình để thử cái cây đậu chết tiệt ấy.

Bà lại thở dài:

- Tôi nói ra, ông ấy chỉ cười. Đúng là ông thánh.

Boyd Carrington vừa từ trong nhà ra, tiến lại:

- Thế nào, cô Barbara, đi chưa?

- Vâng, ta đi.

- Hy vọng đi như thế này, cô sẽ không mệt quá sức.

- Không. Lâu lắm tôi mới lại thấy khỏe như hôm nay.

Hai người đi khỏi, Poirot thốt lên:

- Bác sĩ Franklin là bậc thánh của thời nay. Hừm!

- Thái độ hoàn toàn quay ngoắt - tôi nói - Bà ta là như thế.

- Như thế nào?

- Thích đóng nhiều vai khác nhau: hôm nay là người vợ đau khổ vì bị hắt hủi, hôm sau lại là người sẵn sàng hy sinh để khỏi là gánh nặng cho chồng. Song vai nào xem ra cũng đều gượng ép.

- Vậy là anh chê bà ta lắm nhỉ.

- Tôi không nói vậy. Dù sao cũng không phải là người có tầm cao.

- A! Bà ta không phải loại phụ nữ anh thích, đúng rồi.

- Loại phụ nữ của tôi là thế nào, ông nói xem? Tôi phản ứng.

Câu trả lời của Poirot làm tôi bất ngờ.

- Đừng nói nữa. Hãy nhắm mắt lại, rồi xem Trời đưa ai đến kìa.

Tôi không kịp đáp, vì cô Craven xuất hiện, nhẹ nhàng bước qua vạt cỏ, cười rất tươi. Cô vào phòng thí nghiệm rồi ra ngay, tay cầm đôi găng:

- Đã để quên túi, nay lại quên găng. Bà ta luôn để quên mọi thứ.

Rồi cô đi về phía bà Franklin và Boyd Carrington đang đợi.

Tôi nghĩ bụng: cái bà Barbara này thuộc loại người quên tất cả mọi thứ rồi chờ người khác tìm lại cho mình. Đôi khi họ còn tỏ ra tự hào về thói xấu đó. Tôi thường nghe bà Franklin phàn nàn:

- Đầu óc tôi như cái thùng rỗng.

Tôi nhìn theo cô Craven đi qua bãi cỏ. Thân hình cô thon thả, và cô chạy mới duyên dáng làm sao. Tôi nói mà không nghĩ:

- Tôi không tin một người còn trẻ thế mà chịu sống như thế này. Mà bà Franklin chẳng tỏ vẻ gì biết ơn cô ta.

Poirot bỗng nhắm mắt, nói một câu không ăn nhập vào đâu:

- Bộ tóc màu gụ.

Đúng là cô Craven có bộ tóc màu gụ. Song không hiểu sao Poirot lại chọn lúc này để nói.

Tôi không đáp lại.

Vào sáng hôm sau thì phải, trước giờ điểm tâm, có một cuộc trò chuyện làm tôi suy nghĩ.

Có bốn người: Judith, Boyd Carrington, Norton và tôi. Tôi không nhớ bắt đầu ra sao, mà chuyện xoay sang bàn về việc thay thuốc giúp người bệnh mau chết để tránh đau đớn vô ích. Như thường lệ Boyd là người nói nhiều nhất. Norton thỉnh thoảng chêm một câu, và Judith im lặng chăm chú nghe. Ý kiến của tôi là không tán thành việc đó, dù có biện luận thế nào. Nếu mọi người chấp nhận cách làm ấy, là đặt vào tay những người thân của bệnh nhân quyền quá lớn. Norton đồng ý với tôi, và thêm rằng chỉ khi nào người bệnh khẩn khoản yêu cầu, hơn nữa bệnh nhân đằng nào rồi cũng chết, thì mới được phép giúp cho chết mau không đau đớn. Boyd Carrington nói:

- Song người bệnh có bao giờ thực lòng mong "giúp tôi chết đi cho xong" không?

Và ông kể một chuyện mà ông cam đoan có thực. Một bệnh nhân nó bị ung thư, rất đau đớn về thể xác, yêu cầu bác sĩ cho uống hoặc tiêm thuốc gì để "chết ngay cho xong". Bác sĩ trả lời mình không được phép làm như vậy. Tuy nhiên, trước khi đi ra, ông chủ ý để vừa tay với của bệnh nhân một số viên moóc-phin, và dặn là đừng uống quá liều, sẽ nguy hiểm. Vậy người bệnh nếu muốn, đã có thể uống hết số thuốc ấy cho "xong chuyện". Song người đó không làm như thế, chứng tỏ rằng mặc dù đau đớn và nói ra miệng làm muốn chết, nhưng anh vẫn bám lấy cuộc sống.

Judith bây giờ mới cất tiếng lần đầu, giọng kiên quyết:

- Tất nhiên! Và lẽ ra không nên để anh ta tự quyết định.

- Cô muốn nói gì? Boyd Carrington hỏi.

- Một người quá yếu sức vì bệnh tật và đau đớn làm gì còn ý chí để tự quyết định. Ta phải quyết định hộ anh ta. Đó là trách nhiệm của những người thân xung quanh.

- Trách nhiệm...? Tôi sửng sốt hỏi.

Judith quay về phía tôi:

- Phải, con nói trách nhiệm. Cần phải có một người sáng suốt chịu trách nhiệm hành vi.

Boyd Carrington lắc đầu:

- Để rồi phải ra tòa vì tội giết người?

- Không nhất thiết. Vả lại, khi đã thực sự yêu ai, ta sẵn sàng chịu mạo hiểm.

Norton nói chen:

- Không được, như thế là một trách nhiệm rất nặng nề.

- Tôi không nghĩ như vậy. Con người hay quá sợ trách nhiệm. Nếu là con chó, ta sẵn sàng đập cho nó chết, tránh đau đớn. Với người, sao không được?

- Hoàn toàn khác nhau.

- Phải, vì nó quan trọng hơn nhiều - Judith tuyên bố rành mạch.

- Cô làm tôi phát sợ - Norton lý nhí.

- Vậy là cô dám mạo hiểm quyết định thay - Boyd Carrington nói.

- Tôi dám. Tôi không sợ mạo hiểm.

- Tôi thì không. Không thể cho ai cái quyền định đoạt sống, chết của một con người.

Norton nói:

- Trên thực tế, không ai dám đảm nhận một trách nhiệm như vậy.

Anh ta cười, nhìn Judith.

- Và tôi không tin là khi việc ấy xảy ra, cô có can đảm...

- Tất nhiên, không ai nói trước được điều gì. Nhưng tôi tin mình có đủ can đảm.

- Tôi không tin. Trừ khi cô có lợi lộc gì để làm việc ấy.

Judith đỏ mặt, đáp lại một cách gay gắt:

- Anh nói vậy vì anh chẳng hiểu gì hết. Nếu vì lý do riêng, tôi lại không làm!

Rồi quay sang mọi người:

- Nếu làm thì làm một cách khách quan, không vụ lợi.

- Dù sao, cô sẽ không làm. - Norton vẫn cãi.

- Làm. Trước hết tôi không coi cuộc sống là một cái gì thiêng liêng như thiên hạ thường nói. Sống mà vô ích thì nên biến. Chỉ những người đóng góp gì cho xã hội mới được phép sống.

Judith quay ngoắt đầu, nhìn Boyd Carrington.

- Ông đồng ý với tôi, phải không nào?

- Về nguyên tắc, tôi đồng ý. Boyd đáp chậm rãi. Chỉ những người đáng sống mới được sống.

Norton lại chen vào:

- Nhiều người có thể sẽ tán thành lý thuyết của các vị, nhưng khi thực hiện thì...

- Như vậy là không lô-gích! Judith cãi.

- Tất nhiên không lô-gích, vì đây chỉ là vấn đề dám hay không dám. Cho tôi nói thật, cô cũng vậy thôi. Đến lúc ra tay, cô sẽ không dám đâu.

- Anh cho là thế?

- Chắc chắn.

Boyd Carrington nói:

- Tôi, tôi thì tôi cho là anh Norton lầm. Judith có thừa dũng cảm. Nhưng may mắn thay, cơ hội để thực hiện rất hiếm!

Trong nhà, tiếng cồng bỗng vang lên. Judith đứng dậy, còn nói vớt mấy câu với norton.

- Anh nhầm hoàn toàn. Tôi có can đảm nhiều hơn anh tưởng.

Nó quay gót và đi nhanh vào nhà. Boyd Carring ton chạy theo:

- Judith! Chờ tôi với.

Tôi cũng đi vào. Không hiểu sao tôi thấy lòng bâng khuâng. Norton rất nhạy trọng việc đoán tâm trạng người khác, an ủi:

- Cô ấy nói vậy thôi. Đó là loại lý thuyết mà ta thường có khi còn trẻ nhưng, lạy trời, không đem ra thực hiện.

Hình như Judith nghe thấy, vì nó quay đầu lại, nguýt dài:

Norton hạ giọng nói tiếp:

- Ta chẳng nên lo lắng về thuyết này thuyết nọ. Nhưng này, ông Hasting...

- Gì cơ?

Anh ta có vẻ ngập ngừng:

- Tôi không muốn xem vào chuyện người khác. Tuy nhiên... hờ... ông biết gì về Allerton?

- Allerton dính gì đến chuyện này?

- Xin lỗi về lời đường đột, nhưng thật lòng, ở địa vị ông, tôi sẽ không để con gái cặp kè với cậu ta. Cậu ta... tiếng tăm không hay lắm.

- Tôi hiểu anh ta là hạng người nào rồi - tôi chua chát. Nhưng, thời bây giờ, không dễ...

- vâng, tôi hiểu. Người ta bảo, bây giờ con gái có quyền tự lập, biết tự giữ mình. Đúng thôi. Song... Allerton có mẹo riêng... rất chu đáo. Và thường đạt kết quả.

Sau một chút do dự Norton nói tiếp:

- Tôi tự thấy mình có bổn phận nói trước ông biết, thế thôi, ông đừng cho ai biết việc tôi sẽ kể đây. Vì tôi có biết một chuyện tồi tệ liên quan đến hắn.

Chuyện Norton kể, sau này tôi kiểm tra lại, là đúng. Đó là một cô gái hiện đại, tự lập, tự tin. Và Allerton đã thi thố "mẹo" của hắn. Vài tháng sau, cô gái tự tử bằng một liều thuốc ngủ.

Điều kinh hãi trong chuyện này là cô gái đó tính tình giống Judith. Loại con gái độc lập, không sợ ai, một khi đã hiến trái tim cho ai thì hiến hết lòng.

Tôi đi ăn sáng mà lòng trĩu nặng môt linh cảm hãi hùng.

Ngay chiều hôm ấy, Poirot hỏi tôi:

- Anh có điều gì lo lắng vậy?

Tôi chỉ lắc đầu, thấy mình không nên làm Poirot bận tâm vì một chuyện riêng tư, vả ông có biết cũng chẳng giúp được gì. Giả thử ông có gọi Judith lên trách mắng đi nữa, nó cũng lại phớt lờ, cho rằng người lớn chỉ hay lắm chuyện.

Giờ đây tôi khó mô tả chính xác những tình cảm hôm đó. Sau đó, nghĩ lại tôi nghĩ một phần âu lo bắt nguồn từ cái không khí ở Styles. Không phải chỉ trước đây, mà ngay cả hiện nay. Một tên giết người đang lởn vởn trong nhà này, tất cả chúng tôi đều ở dưới bàn tay đe dọa của hắn.

Theo những gì suy xét đuợc, hẳn Allerton là hung thủ. Mà Judith con gái tôi, lại phải lòng nó! Thật kinh khủng, khó tin và tôi bó tay không biết phải làm gì.

Sau bữa điểm tâm, Boyd Carrington kéo tôi ra chỗ riêng. Ông dặng hắng, dọn giọng mãi mới ngập ngừng nói:

- Tôi không muốn xen vào việc không phải của mình, song ở địa vị ông, tôi phải bảo con gái hãy dè chừng. Ông biết không, Allerton là người có tiếng xấu. Mà cô Judith xem ra... có vẻ thân thiết.

Nói thế thật dễ, với ai không có con. Bảo Judith đề phòng Allerton? Thì tôi đã nói rồi, chỉ gây thêm căng thẳng. Nếu vợ tôi còn sống! Hẳn nàng sẽ biết cách làm như thế nào.

Thú thật tôi đã định không đề cập chuyện này với Judith nữa, song nghĩ lại thấy mình quá yếu đuối. Tuy nhiên tôi vẫn do dự. Có lẽ tôi sinh ra e sợ con gái tôi thật.

Tôi đi đi lại lại trong vườn, tâm trí mỗi lúc một rối. Đến chỗ vườn hồng, tôi bỗng thấy quyết tâm trở lại, vì nhìn thấy Judith ngồi một mình trên ghế. Và có lẽ từ trước tới nay, tôi chưa bao giờ thấy nét mặt nó đau khổ đến thế. Bộ mặt thay đổi hẳn, rõ ràng là đang hoang mang, do dự. Tôi lấy hết can đảm, tiến lại, nói nhẹ nhàng:

- Judith con, đừng âu sầu thế nữa.

Nó mải suy nghĩ nên không nghe tiếng tôi bước tới, và ngẩng phắt đầu, ngạc nhiên:

- Ô, ba! Ba... bảo gì?

- Con ơi, con đừng tưởng ba không biết. Nó không xứng với con đâu.

Judith nhìn tôi vởi v3 hoảng hốt, nhưng lại bình tĩnh ngay:

- Ba nói gì, con không hiểu?

- Ba biết rồi. Con yêu nó, không nên. Rồi sẽ dẫn tới đâu? Hắn đã có vợ. Tình hình này là không có tương lai, sẽ chỉ có buồn đau và hổ thẹn.

Judith cười buồn:

- Ba nói hay thật, phải không?

- Hãy rũ sạch chuyện đó đi, Judith.

- Không!

- Đã bảo là nó không xứng với con.

Judith chậm rãi và bình tĩnh đáp:

- Anh ấy là tất cả với con.

- Judith, bố van con...

Nụ cười tắt trên môi con gái; nó đứng dậy, vùng kêu lên:

- Tại sao ba cứ can thiệp vào việc của con? Từ nay ba không được nói nữa. Con ghét ba... con ghét ba. Không việc gì đến ba. Đời con, con lo!

Nó hẩy tôi ra, chạy mất. Tôi nhìn theo, sững sờ.

Tôi còn đang đứng đó, bàng hoàng không biết nghĩ sao, thì mươi phút sau, cô Cole và Norton đi tới.

Họ tỏ ra tế nhị, biết là tôi đang có chuyện vấn vương, nhưng không đả động gì, chỉ rủ tôi cùng đi chơi. Cả hai đều yêu thiên nhiên. Elizabeth Cole chỉ cho tôi xem những loài hoa dại, còn Norton đưa tôi ống nhòm để quan sát chim muông. Chẳng bao lâu tôi trở lại bình tĩnh, ít nhất là bề ngoài, , vì thực ra lòng vẫn chưa yên. Bỗng Norton đang nhìn ống nhòm, kêu to:

- Lạy trời! kìa, đúng là con chim gõ kiến bụng đỏ, hay quá!

Nhưng anh ta đột ngột dừng lại, khiến tôi sinh nghi. Tôi giơ tay đòi lấy ống nhòm:

- Đưa tôi xem nào!

Norton vẫn khư khư giữ ống nhòm, ngập ngừng, nói giọng lạ lùng:

- Có lẽ... có lẽ tôi nhầm. Nó bay mất rồi. Và thực ra chỉ là một con chim thường.

Mặt anh ta tái đi, đôi mắt tránh nhìn tôi, dáng điệu hoang mang. Và tôi thấy rõ anh ta nhất quyết không chịu để tôi nhìn qua ống nhòm, lúc trước chĩa vào một bụi cây cách xa. Không biết anh ta đã nhìn thấy gì ở đó?

- Đưa tôi xem! Tôi nhắc lại.

Tôi nắm lấy ống nhòm, giật khỏi tay anh ta, mặc cho hắn cố giữ. Hắn lắc đầu:

- Thực ra, không phải... con chim bay rồi. Tôi chỉ muốn...

Tôi run run điều chỉnh lại ống nhòm, chĩa thẳng vào chỗ Norton vừa nhìn, nhưng không thấy gì, ngoại trừ một vật trăng trắng - váy áo phụ nữ chăng? - biến dần vào cây cối.

Tôi hạ ống nhòm trả cho Norton, không nói gì. Hắn có vẻ như vẫn tránh nhìn tôi. Dù sao, trông hắn phân vân, ngượng nghịu thế nào.

Chúng tôi lặng lẽ trở về nhà.

Bà Franklin và Boyd Carrington về nhà sau chúng tôi một lát. Họ đã thăm dinh cơ Knatton, rồi đi Tadminster để bà Franklin mua bán gì đó.Và bà đã mua nhiều thứ, dỡ từ xe ra một lô hộp đựng hàng.

Bà có vẻ rất vui, cười nói luôn miệng, hai má đỏ hồng. Bà đưa Boyd Carrington cầm một gói hàng dễ vỡ, còn tôi cũng ôm giúp bà một số hộp.

- Trời nóng quá, bà nói, có lẽ sắp dông. Người ta bao có thể sẽ thiếu nước. Chưa thấy hạn như thế này bao giờ.

Bà nói tíu tít hơn thường lệ, ra vẻ nóng nảy. Quay sang cô Cole, bà hỏi:

- Chiều nay,ở nhà mọi người làm gì? Ông John nhà tôi đâu? Ông ấy nói hơi nhức đầu và định đi dạo. Ông ấy có mấy khi nhức đầu đâu. Chỉ tại quá lo lắng cho công việc thôi, nghe đâu không suông sẻ như ông mong muốn.

Rồi quay sang Norton:

- Sao anh im lặng thế? Có chuyện gì không hay? Trông anh có vẻ... ngơ ngác. Hay là đã bắt gặp hồn ma của một bà... bà nào?

Norton giật mình:

- Không, không. Bà yên tâm, chẳng có hồn ma nào. Tôi đang mải nghĩ mà thôi.

Đúng lúc đó, Curtiss đẩy xe lăn của Poirot vào, chuẩn bị ẵm nhà thám tử lên gác. Nhưng Poirot lần lượt nhìn mọi người, hỏi:

- Có chuyện gì vậy?

Một lát im lặng, rồi bà Franklin gượng cười, đáp:

- Không, chuyện gì đâu. Chỉ là... có lẽ trời dông đến nơi... tôi mệt quá. Đại úy hastings nhờ ông mang hộ các gói đồ lên gác. Ông tốt quá. Xin cảm ơn.

Tôi theo bà lên cầu thang. Phòng bà ở cuối dãy phía tây. Bà mở cửa và đứng ngừng ngay lại. Tôi đứng lại đằng sau, tay ôm đầy hộp.

gần cửa sổ, cô Craven đang xem bàn tay của Boyd Carrington. Ông này ngửng đầu lên, lúng túng giải thích.

- Cô Craven... xem tướng tay cho tôi. Cô ấy đoán cừ lắm.

- Thế ư! Bà Franklin đáp sẵng. Thế mà tôi không biết.

Xem ra bà không ưa thái độ của cô y tá. Bà nhìn cô một lúc, nói tiếp:

- Cô đỡ cho đại úy Hastings những gói đồ này chứ? Rồi đi pha cho tôi cốc sữa. Tôi mệt lắm rồi. Và cho tôi một ấm nước sôi để ủ. Chỉ muốn đi nằm ngay.

- Vâng, thưa bà.

Cô y tá tiến lên, đỡ những gói đồ. Mặt cô thản nhiên, không mảy may xúc cảm. Bà Franklin lại nói:

- Ông Boyd, ông về đi. Tôi mệt.

Boyd Carrington lo lắng:

- Chuyến đi vừa rồi là quá sức, phải không? Xin lỗi. Khỉ thật, lẽ ra tôi phải tính trước, không để cho cô quá mệt.

Bà Franklin mỉm cười một cách thánh thiện:

- Tôi có ý kiến gì đâu. Ông biết là tôi rất ghét kêu ca, phàn nàn.

Tôi chào bà rồi cùng ông Boyd Carrington đi ra. Tới hành lang, ông này nói:

- Tôi thật ngốc! Cô ấy vui vẻ, phấn khởi làm tôi quên mất sức khỏe của cô. Hy vọng ngày mai cô ấy lại hoàn tàn hồi phục.

- Sau một đêm nghỉ ngơi, tất sẽ phải thế - tôi đáp.

Boyd đi về phía cầu thang. Sau một giây lưỡng lự, tôi rẽ sang hành lang dài hun hút phía bên kia. Lần đầu tiên, tôi đến gặp Poirot một cách miễn cưỡng, vì đầu óc tôi còn ngổn ngang trăm mối, vẫn còn bị ám ảnh vì câu chuyện với Judith lúc trước.

Đi qua trước cửa phòng allerton tôi nghe có tiếng nói. Không hề có ý định nghe trộm, song tôi vẫn nán lại. Đột nhiên cửa mở, Judith từ đó đi ra. Nó sững người khi nhìn thấy tôi... Tôi không nói không rằng, nắm cánh tay nó lôi vào phòng tôi, lòng sục sôi căm giận.

- Sao con lại vào phòng người ta như thế?...

Mặt lạnh như băng, Judith nhìn tôi, không đáp. Tôi lay mạnh:

- Ba không muốn như vậy, con nghe chưa? Thật tình, con không hiểu mình đang làm gì! Vô ý vô tứ đến thế là cùng!

Cuối cùng, con gái tôi đáp, giọng cay chua:

- Này ba, đầu óc ba làm sao rồi đấy.

- Người lớn nói gì, con đều không nghe. Ít nhất thì chúng ta cũng phải giữ ý tứ, tôn trọng những quy tắc sơ đẳng. Judith nghe đây, ba cấm con không được đi lại với con người ấy. Hay con chối là con không phải lòng hắn?

- Con không chối gì hết.

- Con không biết hắn là người thế nào. Mà làm sao con biết được!

Tôi thong thả nói lại với Judith những gì tôi nghe được về Allerton, và kết luận:

- Thấy chưa, hắn là hạng người xấu xa thế đấy.

- Thì con có bảo anh ta là ông thánh đâu.

- Và sau những gì ba kể, con không nghĩ gì sao? Judith con không thể nào nào suy đồi đến thế.

- Ba muốn gọi thế nào cũng được, con không quan tâm.

- Judith, con... con...

Không thể nói nên lời nữa, tôi nắm mạnh cánh tay nó, nó vùng ra:

- Này ba, con muốn làm gì mặc con, ba đừng lớn tiếng vô ích. Đời con đi đến đâu là do con, ba không thể ngăn cản.

Và nó đi ra.

Chân tôi như muốn khuỵu, tôi ngồi phịch xuống ghế. Thật kinh khủng hơn tôi tưởng: con bé đã bị mê hoặc đến lú lẫn rồi. Và tôi chẳng có ai để cầu cứu: mẹ nó, là người duy nhất có thể khuyên bảo nó, đã chết rồi.

Có lẽ chưa bao giờ tôi cảm thấy đau khổ đến thế.

Một lát sau, tôi dần bình tĩnh lại. Tôi đứng lên, đi cạo râu, thay quần áo để xuống ăn trưa. Có lẽ vẻ mặt tôi đã bình thường, vì không ai để ý cả. Một, hai lần, tôi thấy Judith nhìn tôi hơi khang khác. Chắc nó ngạc nhiên thấy tôi khéo che giấu những gì chất chứa trong lòng. Thật ra, cơn giận của tôi sôi lên, và tôi quyết định phải hành động. Chỉ cần can đảm và khôn khéo.

Sau bữa trưa, chúng tôi ra vườn, mọi người bàn chuyện thời tiết và cơn giông sắp tới. Liếc mắt, tôi thấy Judith biến đi, khuất sau góc nhà. Một phút sau, Allerton cũng từ từ đi theo hướng đó.

Tôi cắt đứt câu chuyện đang nói với Boyd Carrington và lảng ra theo. Norton giữ tay tôi lại, rủ tôi cùng đi dạo về phía vườn hồng. Nhưng tôi không chịu. Tuy nhiên, anh ta vẫn còn ở bên, tới lúc tôi đi tới góc quanh của ngôi nhà.

Họ đang ở đó. Tôi thấy Judith ngẩng đầu lên, và kẻ kia cúi xuống, ôm lấy Judith hôn. Nhưng bỗng họ rời nhau ngay.

Tôi tiến lên. Norton kéo tay tôi lại nói:

- Thôi nào, ông không nên...

Tôi gắt:

- A! Anh cho là như thế à?

- Vô ích, ông ạ. Đúng là chuyện không hay, nhưng ông không thể can nthiệp.

Tôi không đáp. Có thể anh ta nói thật lòng, nhưng tôi không thể đồng tình. Anh ta tiếp:

- Tôi biết, trường hợp này ông bực bội, tức giận đấy, nhưng điều duy nhất có thể làm được, là chịu bó tay.

Tôi không buồn tranh cãi, và để mắt nhìn ra xa. Không thấy Allerton và Judith đâu nữa, nhưng tôi biết chắc là họ đi đâu: tới gần cái nhà kính đổ nát.

Tôi rón rén lại gần. Hình như Norton vẫn đi sau tôi, tôi không biết rõ nữa. Tôi nghe tiếng Allerton:

- Thế nào, cô em, vậy ta nhất trí thế nhé. Mai, cô đi Luân Đôn, còn tôi nói là đi Ipswich một, hai ngày thăm bạn. Chiều cô sẽ gọi điện thoại về đây nói là không về kịp, thế thì ai biết được là cô đang cùng ăn với tôi ở nhà tôi? Sẽ rất thú vị, và cô sẽ không hối tiếc.

Một lần nữa, Norton lại giật tay áo tôi. Tôi quay trở lại và để anh ta kéo về nhà, làm như tôi đã nhượng bộ, chịu thua. Nhưng tôi biết tôi sẽ làm gì.

- Anh khỏi lo - tôi nói. Anh nói đúng: con cái đã lớn, không thể ốp chúng mãi.

Tôi thấy Norton có vẻ yên tâm. Tôi nói tôi nhức đầu, cần đi ngủ. Như vậy là anh ta không còn nghi ngờ gì ữa.

Tôi dừng một lát trong hành lang. Chung quanh yên ắng, không một bóng người. Phòng của Norton cũng ở phía này, song anh ta đang ở lại dưới nhà. Elizabth Cole chơi bài. Curtiss đang ăn. Vậy tôi hoàn toàn rảnh tay.

Tôi mừng là đã từng cộng tác vói Hercule Poirot nhiều năm, nên đã học được tính chuẩn bị cẩn thận, chu đáo.

Allerton sẽ không gặp Judith ở Luân Đôn ngày mai. Hắn sẽ không bao giờ gặp. Vấn đề đơn giản một cách lạ kỳ.

Tôi vào phòng mình lấy một ống átpirin, rồi lọt vào phòng Allerton đi thẳng vào chiếc tủ trong buồng tắm. Những viên thuốc ngủ vẫn đặt ở chỗ thường lệ. Tôi nghĩ chỉ tám viên là đủ. Một hoặc hai viên là điều thông thường, tám viên nhất định chết người. Tôi liếc nhìn nhãn thuốc, trên đó ghi: "không dùng quá liều, nguy hiểm".

Tôi thầm cười trong bụng. Tôi lót tay bằng chiếc mùi xoa, để khỏi để lại dấu vết, rồi mở nắp. Hai loại thuốc trông hệt như nhau. Tôi lấy ra tám viên thay vào đó tám viên átpirin. Lọ thuốc được trả lại y như cũ, Allerton sẽ không biết sự đánh tráo.

Tô trở lại phòng mình. Tôi có một chai uýt-ki, lấy nó ra, sắp sẵn hai cốc. Ai mời uống rượu tôi chưa thấy Allerton từ chối bao giờ. Khi nào hắn lên gác, tôi sẽ mời hắn uống.

Tôi thử hòa các viên thuốc vào rượu vào nếm thử. Có hơi đắng hơn bình thường một chút, nhưng khó nhận ra. Khi nào nghe tiếng Allerton lên, tôi sẽ làm như vừa rót đầy cốc, sẽ đưa hắn, còn tôi rót cốc khác. Thật dễ ợt và hoàn toàn tự nhiên.

Trừ khi Judith đã nói với hắn, hắn không thể nghi ngờ gì về thái độ của tôi đối với hắn. Vấn đề này làm tôi suy nghĩ một chút, song tôi kết luận là không sao. Chắc Judith chưa nói gì. Hắn càng không thể biết là tôi đã nắm rõ dự định của hắn cho ngày hôm sau.

Tôi chỉ còn đợi. Phải chịu khó kiên nhẫn, vì Allerton không bao giờ đi ngủ sớm. Tôi cứ ngồi yên vị trên ghế.

Tôi giật mình khi nghe thấy tiếng gõ cửa. Đó chính là Curtiss báo rằng Poirot muốn gặp. Poirot! Suốt buổi tối, tôi không nghĩ đến ông, và chắc ông đang muốn biết tôi đi đâu. Thật phiền. Trước hết tôi hối là đã không thăm hỏi ông, hơn nữa tôi không muốn làm ông nghi ngờ. Dù sao, tôi cũng đi theo Curtiss.

Vừa nhìn thấy tôi, Poirot nói ngay:

- A! Xem ra anh bỏ rơi tôi.

Tôi che miệng ngáp, mỉm cười vẻ nhận lỗi:

- Tôi nhức đầu quá nên phải nằm nghỉ sớm.

Poirot tỏ ra rất quan tâm, đề nghị tôi uống thuốc này thuốc nọ, rầy la tôi đã không giữ gìn, khéo bị cảm gió. Tôi nói đã uống átpirin rồi, nhưng vẫn phải uống cốc sữa nóng Poirot bảo Curtiss pha.

Tôi về phòng, đóng cửa thật mạnh để ai nấy nghe rõ. Nhưng ngay sau đó, tôi lại khẽ hé mở cửa, để rình lúc Allerton lên.

Tôi lại ngồi vào ghế, lan man nghĩ đến người vợ đã mất. Có lúc tôi lẩm bẩm:

- Em ơi, nhất định anh phải cứu lấy nó.

Nàng đã để Judith lại cho tôi chăm lo, tôi không có quyền rũ bỏ trách nhiệm. Trong đêm thanh vắng, tôi cảm thấy người vợ yêu quý vẫn ở bên tôi.

Và tôi tiếp tục ngồi đợi

Trong lúc ngồi chờ Allerton, tôi ngủ thiếp đi. Điều này dễ hiểu, vì đêm trước tôi không ngủ được, ban ngày lại đi dạo ngoài trời, đã thế tinh thần lại lo âu, cănng thẳng. Bầu không khí nặng nề trước cơn giông cũng tác động thêm vào.

Tóm lại, tôi ngủ ngồi mê mệt trên ghế. Lúc tỉnh dậy, chim đã hót véo von trên cành, mặt trời đã lên cao. Miệng tôi đắng ngắt, đầu vẫn chưa hết nhức.

Ngỡ ngàng, ngán ngẩm, song tôi lại thấy nhẹ hẳn mình.

Ai đó đã viết: "Ngày nào dù u ám nhất thì hôm sao cũng hết." Và đúng như vậy. Bây giờ, tôi thấy rõ là mình đã suy xét sai lạc đến thế nào. Tôi đã mất hết lý trí, định giết một con người.

Mắt tôi trông thấy cốc uýt-ki đặt trước mặt. Tôi rùng mình, đứng lên, hắt cốc rượu qua cửa sổ. Tối hôm trước, rõ ràng tôi hoàn toàn điên rồ.

Tôi cạo râu, đi tắm, mặc quần áo, cảm thấy người khoan khoái hơn. Tôi sang phòng Poirot, biết ông bao giờ cũng dậy sớm.

Tôi kể mọi chuyện cho Poirot nghe như dốc hết lòng mình. Ông khe khẽ gật đầu.

- A! Không ngờ anh lại tính những chuyện ngu ngốc vậy! Nay anh nói ra, thế là tốt. Nhưng sao tối qua anh không nói gì với tôi?

- Tôi sợ ông lại tìm cách can thiệp.

- Tất nhiên tôi phải can ngăn. Chả lẽ tôi ngồi yên nhìn anh vào tù vì một tên mạt hạng như Allerton?

- Họ không tóm được tôi đâu, tôi đã tính toán rất cẩn thận.

- Tội phạm nào cũng tưởng như thế. Nhưng xin nói anh biết, anh không lường trước được mọi chuyện đâu.

- Tôi đã xóa dấu vân tay trên lọ thuốc...

- Đã đành. Nhưng như vậy anh cũng xóa luôn dấu tay của Allerton. Và khi họ thấy hắn chết thì sao? Sẽ mổ tử thi và thấy là chết do uống thuốc ngủ quá liều. Nhưng trên lọ không có dấu tay của Allerton. Tại sao? Hắn không có lý do gì tự xóa dấu của mình. Lúc đó người ta sẽ khám xét và phát hiện phần lớn những viên thuốc còn lại đã được thay bằng átpirin.

- Ai mà chẳng giữ vài viên átpirin, tôi nói.

- Đúng. Nhưng không ai bỏ lẫn átpirin vào lọ thuốc ngủ. Hơn nữa, không phải ai cũng có một cô con gái mà Allerton đang bám đuổi. Mà anh lại vừa mâu thuẫn với Judith hôm trước về vấn đền này. Hai người, Boyd Carrington và Norton sẽ làm chứng rằng anh không ưa Allerton. Không, Hastings anh sẽ ở vào thế bất lợi, mọi sự nghi ngờ sẽ chĩa vào anh. Lúc đó anh sẽ cuống lên vì sợ hãi và hối hận, và bất cứ tên cớm nào cũng dễ dàng kết luận anh là thủ phạm. Mặt khác, rất có thể người ta đã nhìn thấy anh đánh tráo thuốc.

- Vô lý. Không có ai quanh đó cả.

- Xin nhắc là cửa sổ có một bao lơn bên ngoài, có người đứng đó thì sao. Rồi người ta cũng có thể nhòm qua lỗ khóa.

- Ông thì lúc nào cũng lỗ khóa. Thiên hạ có phải ai ai và lúc nào cũng mất thì giờ nhòm qua lỗ khóa.

Poirot nhắm mắt, nói rằng tôi quá tin người, và tiếp:

- Và xin nói rõ để anh biết, trong nhà này xảy ra những chuyện kỳ lạ về chìa khóa. Tôi, tôi luôn muốn chắn rằng cửa phòng tôi phải khóa, dù Curtiss ở ngay phòng bên. Thế mà ngay sau khi đến đây, chìa khóa tôi bị mất, tôi phải bảo làm cái khác.

- Nhưng dù sao có chuyện gì xảy ra đâu. Nhiều khi ta cứ lo sợ quá mức.

Tôi hạ giọng:

- Poirot, ông có nghĩ rằng không khí ở Styles này bị ô nhiễm vì vụ án mạng hồi xưa?

- Một vi-rút tội ác? Lý thuyết nghe hay đấy.

- Các ngôi nhà thực sự có không khí riêng của nó - tôi đăm chiêu nói. Mà ngôi nhà này có một lịch sử thê thảm.

Poirot gật đầu:

- Phải. Ở đây đã có những kẻ muốn người khác chết.

- Và tôi cho là điều đó có ảnh hưởng... Bây giờ, ông nói xem tôi phải làm gì về chuyện... con Judith và Allerton. Nhất định phải ngăn chúng lại.

- Không làm gì cả - Poirot đáp trịnh trọng.

- Nhưng...

- Hãy tin tôi, đừng làm gì cả là tốt hơn.

- Hãy để tôi nói chuyện với Allerton...

- Thì anh sẽ nói gì? Judith không còn trẻ con, nó đã trưởng thành, tự do làm theo ý nó.

- Nhưng tôi phải...

- Không, anh Hastings. Đừng tưởng anh đủ giỏi giang, kiên quyết để bắt chúng nghe lời. Allerton đã từng gặp những ông bố giận dữ, có khi hắn lại thích hắn lại thích thế nữa. Hơn nữa Judith không phải đứa con gái dễ bị áp lực. Nếu anh cần lời khuyên, tôi xin nói: "Nếu là tôi, tôi tin vào Judith."

Tôi ngạc nhiên nhìn Poirot, ông nói tiếp:

- Judith là một cô gái tốt, tôi rất ngưỡng mộ.

Tôi đáp:

- Tôi cũng ngưỡng mộ nó, nhưng nó làm tôi sợ.

Poirot khẽ gật đầu:

- Toi cũng sợ. Nhưng không phải theo cách anh hiểu. Phải, tôi rất sợ. Nhưng tôi bất lực... hoặc gần như thế. Ngày lại ngày qua đi, và mối nguy hiểm đã đến gần rồi.

Tôi cũng biết là nguy hiểm đã tới gần. Tôi càng có lý do để nghĩ vậy, do đã nghe lóm được câu chuyện tối hôm trước. Tuy nhiên khi đi xuống nhà để ăn điểm tâm, tôi vẫn còn suy nghĩ về câu nói của Poirot: "nếu là tôi, tôi tin vào Judith".

Dù bất ngờ, câu nói đó cũng làm tôi an tâm đôi chút. Và ngay sau đó, tôi nhận thấy lời nói đó là khôn ngoan và chính xác. Vì rõ ràng Judith hôm nay đã không đi Luân Đôn như dự định. Sau bữa điểm tâm, nó cùng đi với Franklin vào phòng thí nghiêm như mọi ngày, và thái độ của cả hai người cho tôi hiểu là họ chuẩn bị làm việc suốt cả ngày.

Tôi cảm thấy lòng nhẹ nhõm hẳn. Sao hôm trước tôi hồ đồ đến thế? Tôi đã tin ngay là Judith nhận lời Allerton. Bây giờ tôi mới nhớ là chưa hề nghe thấy Judith nói lời đồng ý. Không, nó đủ tỉnh táo và chắc là đã khước từ cuộc hẹn.

Tôi được tin Allerton đã ăm từ sớm, sau đó đã đi Ipswich. Vậy là hắn vẫn làm theo kế hoạch và tin là Judith sẽ lên gặp hắn ở Luân Đôn như hắn đề nghị. Hắn sẽ vỡ mộng thôi!

Boyd Carrington vừa tới, khen tôi hôm nay tươi tỉnh.

- Phải, tôi đáp. Tôi có nhiều tin vui.

Ông ta đáp là không có được cái may ấy. Ông vừa nhận được điện thoại không vui của kiến trúc sư và những bức thư gây lo nghĩ. Ông cũng lo là đã làm bà Franklin quá mệt mỏi sau cuộc đi chơi hôm trước.

Bà Franklin hôm trước vui vẻ, hồ hởi bao nhiêu thì hôm nay khó tính bấy nhiêu. Đó là điều cô Craven nói với tôi. Lẽ ra hôm nay là ngày nghỉ của cô, cô định đi thăm bạn bè nhưng phải tạm gác lại, nên đang bực bội. Từ sáng sớm, bà Franklin đòi hết thứ này đến thứ nọ, và không muốn cô Craven vắng mặt. Bà kêu nào là nhức đầu, nào là đau nhói ở tim, chân tay rời rã và một loạt các tật khác. Phải nói rằng những lời kêu ca ấy chẳng làm ai lo lắng, vì đã quen với cái tính thất thường của bà. Cô Craven và cả bác sĩ Franklin cũng nghĩ như vậy. Bác sĩ Franklin được gọi từ phòng thí nghiệm về, ông nghe bà kêu ca một lúc rồi hỏi bà có muốn mời ông bác sĩ địa phương đến khám không. Bà kiên quyết từ chối. Ông liền cho bà uống thuốc an thần, an ủi bà một lúc rồi lại trở về làm việc.

Cô Craven nhận xét:

- Tất nhiên, ông ấy cho là bà chỉ giả bộ.

- Cô tin bà ấy không làm sao?

- Nhiệt độ bình thường, nhịp đều... chỉ vẽ chuyện.

Cô y tá bực mình ra mặt, và nói bạo miệng hơn thường lệ:

- Bà ta không muốn mọi người được yên thân. Phải làm sao cho ông chồng lo đến cuống lên, cho tôi luôn phải quẩn quanh bên mình. Lại cũng phải làm cho ông Boyd hối hận, vì hôm qua đã đưa bà ấy đi chơi, khiến ngọc thể bất an. Tính bà ấy thế đấy.

Rõ ràng cô Craven hôm nay căm ghét bệnh nhân của mình, hẳn là cô bị bà Franklin đối xử tàn tệ. Bà đúng là loại người mà y tá và gia nhân không chịu đựng nổi.

Vậy là mọi người không coi sự kêu ca của bà Franklin là quan trọng, trừ Boyd Carrington cứ băn khoăn đi đi lại lại với vẻ mặt khổ tâm của một cậu bé vừa bị người lớn trách mắng.

Từ đó đến nay, biết bao lần tôi đã ôn lại những sự kiện của ngày hôm ấy, cố nhớ ra một chi tiết nào có thể bị bỏ qua, hình dung lại thái độ của từng người một. Một lần nữa, tôi xin cố ghi lại những gì đọng lại trong trí nhớ.

Boyd Carrington có vẻ không yên tâm, cứ như là mình có lỗi. Ông nghĩ hôm trước mình đã quá hăng hái, không tính đến sức khỏe mong manh của bà bạn. Hai lần ông lên phòng bà để nghe ngóng tin tức, nhưng cô Craven cũng đang bực mình nên tỏ ra hờ hững. Rồi ông xuống làng mua một hộp sôcôla nhờ đưa lên cho bà Franklin. Nhưng ngay sau đó, cô y tá lại gửi trả, nói rằng bà Franklin rất ghét sôcôla. Ông ngao ngán mở ngay hộp kẹo trước mặt Norton và tôi, mời chúng tôi ăn.

Sáng hôm đó, Norton cũng như có điều gì lấn cấn. Anh ta lơ đãng hơn, và luôn luôn chau mày ngơ ngẩn. Anh thích kẹo sôcôla và ăn khá hiều, mắt đăm đăm nhìn ra xa.

Thời tiết xấu đi, và từ mười giờ mưa như trút nước.

Đến trưa, Curtiss đưa Poirot xuống phòng khách, cô Elizabeth cũng xuống và ngồi đánh dương cầm cho ông nghe. Cô đánh rất hay những bài của Bach và Mozart, là hai tác giả mà Poirot ưa thích.

Khoảng một giờ kém hai mươi, Franklin và Judith từ phòng thí nghiệm về. Con gái tôi tái xanh, nét mặt mệt mỏi, lơ đãng nhìn quanh, rồi đi thẳng không nói một lời. Franklin ngồi lại với chúng tôi. Ông cũng có vẻ lo âu, mệt mỏi. Tôi nhớ đã nói câu gì về trời mưa làm cho không khí mát mẻ, ông nói ngay:

- Phải. Nhiều khi... có một cái gì đó đang thay đổi...

Không hiểu sao tôi có cảm giác ông không chỉ ám chỉ thời tiết. Với cử chỉ vụng về như thường lệ, ông vấp vào bàn, làm đổ hộp sôcôla.

- Ô xin lỗi! ông lúng túng thốt lên, như đang nói với hộp kẹo. Ông cúi xuống, nhặt kẹo lên. Norton hỏi sáng nay ông làm việc có mệt không, ông ngửng lên cười đột ngột.

- Ờ... không, không. Tôi vừa nhận ra mình đã sai. Cần phải có một phương pháp đơn giả hơn và nhanh hơn, thì sẽ tới đích...

Ông lắc lư chân này sang chân kia, ánh mắt mơ màng:

- Phải, đó là cách tốt nhất.

Trời chiều rất dễ chịu. Mặt trời lại chiếu sáng, nhưng nhiệt độ không gay gắt bằng lúc sáng. Bà Luttrell đã xuống nhà, người ta đặt bà ngồi dưới hàng hiên. Trông bà tươi tỉnh, bà vui vẻ với mọi người, còn trêu chọc ông chồng nhưng thương mến, không ác ý. Bản thân ông Luttrell cũng rất vui.

Poirot cũng được đưa xuống đây, và tỏ vẻ hồ hởi. Chắc ông thấy vui vì thái độ của hai vợ chồng Luttrell. Ông đại tá như trẻ ra đến vài tuổi, không dứt dứt râu nữa và tỏ vẻ vững dạ hơn. Ông còn đề nghị tổ chức hội chơi bài vào buổi tối.

- Cho bà Daisy vui, ông nói.

- phải đấy, bà Luttrell công nhận.

Norton có ý kiến trái lại, sợ bà mệt.

- Tôi chỉ chơi một ván thôi - bà nói, rồi nháy mắt ranh mãnh tiếp: Tôi sẽ chơi nghiêm chỉnh, không bắt nạt ông Geogre nhà tôi nữa.

- Vâng, tôi biết tôi chơi kém - ông Luttrell nói.

- Tôi thích chọc ông một chút, thì đã làm sao?

Câu nói của bà khiến mọi người cười ồ. bà nói thêm:

- Ồ! Tôi biết tôi lắm tính xấu. Nhưng già rồi, không sửa được. Vậy ông George chịu vậy.

Ông đại tá cứ ngớ ra mà nhìn vợ. Cái cảnh đôi vợ chồng già vui vẻ với nhau làm mọi người nói sang chuyện hôn nhân và ly hôn. Ngày nay ly dị dễ dàng, đàn ông và đàn bà có thực sự hạnh phúc hơn trước không? Hoặc là sau một thới kỳ mâu thuẫn, cãi vã, thường là vợ chồng trở lại thương mến nhau hơn?

Thật kỳ lạ mà nhận ra rằng ý kiến con người ta đôi khi trái ngược hẳn với kinh nghiệm đã có. Hôn nhân của tôi hoàn toàn hạnh phúc, và chắc chắn tôi thuộc về phái cổ. Mặc dù vậy, tôi chủ trương tán thành cho ly hôn. Ngược lại, hôn nhân của Boyd Carrington thất bại đau đớn thì ông lại chủ trương quan hệ hôn nhân không thể phá vỡ, cho rằng như vậy xã hội mới có nền móng bền vững.

Norton chưa từng lấy vợ, do vậy chưa có kinh nghiệm bản thân, tán thành quan điểm của tôi - Franklin có tinh thần khoa học và hiện đại, kỳ thay, lại kiên quyết phản đối ly hôn. ông cho rằng nếu đã cam kết nhận trách nhiệm khi lấy nhau, thì phải giữ lời hứa. Cam kết là cam kết, đã tự nguyện chấp nhận thì phải tôn trọng. Làm khác đi, sẽ dẫn xã hội đến hỗn loạn. Ngồi duỗi dài chân trên ghế, ông tuyên bố chắc nịch:

- Một người đã chọn người vợ mình lấy, thì phải có trách nhiệm cho đến khi nhắm mắt xuôi tay.

Norton cười:

- Đôi khi chia tay lại là tốt.

- Ông ơi, Boyd Carrington nói, ông không có thẩm quyền bàn chuyện này, vì ông chưa bao giờ có vợ.

Norton gật đầu:

- Đúng vậy, và bây giờ thì đã quá muộn.

Byod Carrington nheo mắt giễu cợt:

- Ông chắc vậy không?

Đúng lúc đó. Elizabeth Cole vừa đến. Phải chăng tôi tuởng tượng hay ánh mắt của Boyd Carrington nhìn từ Norton sang Cole thật? Một ý mới xuất hiện trong đầu tôi, và tôi nhìn kỹ cô ta hơn. Cô còn tương đối trẻ, và cũng đẹp. Một con người duyên dáng, dễ thương, còn có thể đem lại hạnh phúc cho một người đàn ông. Tôi chợt nhớ mấy ngày nay, Norton và cô Cole thường cặp kè với nhau đi ngắm chim và hoa dại, và cô Cole nói với tôi về Norton bằng những lời cảm kích.

Ồ, nếu như vậy thật, thì tôi mừng cho cô. Thời trẻ buồn thảm à khổ đau không ngăn cô có hạnh phúc trong tương lai và tấm thảm kịch xảy ra trong đời cô không đến nỗi là hoàn toàn vô ích. Càng nhìn tôi càng thấy cô tươi tắn, hớn hở hơn cái hôm tôi mới đến. Elizabeth Cole và Norton? Ừ, tại sao không?

Rồi, bỗng dưng tôi lại thấy lòng tràn ngập bất an, lo lắng. Nơi đây, tính chuyện xây đắp hạnh phúc tương lại thật không thích hợp. Trong không khí ngôi nhà này, có một cái gì xấu xa mà lúc này cảm nhận thấy rõ hơn. Tôi thấy mệt mỏi, kinh hoàng nữa.

Tuy nhiên lát sau cảm giác đó biến mất. Và không ai để ý đến tâm trạng của tôi, có lẽ chỉ trừ Boyd Carrington, vì mấy phút sau, ông lại gần tôi và hỏi:

- Có chuyện gì vậy, ông Hastings?

- Không - Tôi cố làm ra vẻ thản nhiên. Sao ông hỏi vậy?

- Ồ, ông có vẻ... tôi không biết tả thế nào.

- Có gì đâu, một thứ... hồi hộp thôi mà.

- Một linh cảm?

- Nói thế cũng được. Cảm giác là sắp xảy ra chuyện gì.

- Lạ thật. Tôi cũng đôi lúc cảm thấy thế. Nhưng chuyện gì cơ chứ?

Ông đăm đăm nhìn vào tôi, như muốn qua đó tìm ra lời đáp. Tôi chỉ lắc đầu. Vì thực ra, linh cảm của tôi chẳng dựa trên cơ sở nào cụ thể. Có thể nó chỉ là hậu quả của từng đợt e ngại, suy sụp tinh thần mà thỉnh thoảng tôi mắc phải.

Judith thong thả đi ra ngoài, đầu ngửng cao, môi mím chặt, vẻ nghiêm nghị. Trông nó không giống chút nào với mẹ nó và tôi! Dáng bộ khắc khổ như nữ tu sĩ. Hẳn Norton cũng có ý ấy, nên anh ta nói:

- Trông cô giống nhân vật nổi tiếng trùng tên với cô, trước khi nàng chặt đầu Holopherme.

Judith cười nhẹ, nhướng lông mày:

- Tôi không nhớ tại sao bà ta làm thế.

- Ồ, đó là vì lý do đạo đức và vì lợi ích của cộng đồng.

Cái giọng pha chút giễu cợt đó không làm con gái tôi vừa lòng. Nó đỏ mặt rồi bước qua mặt Norton để đến ngồi cạnh bác sĩ, không nói một lời. Nó tuyên bố:

- Bà Franklin khá hơn nhiều, và bà muốn mời tất cả lên dùng cà phê trên phòng bà.

Bà Barbara Franklin thật lắm chuyện. Tôi ngẫm nghĩ như vậy sau bữa ăn trưa, trong lúc chúng tôi lên gác đáp lời mời của bà. Cả buổi sáng, bà cáu kỉnh, khó tính,thì nay lại xởi lởi, nhẹ nhàng. Bà nằm trên ghế dài, mặc bộ áo ngủ sang trọng màu xanh lục. Cạnh đó là một tủ sách nhỏ xoay được, trên đó để sẵn bình cà phê. Bà và cô Craven nhanh nhẹn rót cà phê cho chúng tôi. Tất cả đều có mặt, trừ Poirot bao giờ cũng lên phòng sau bữa ăn; và tất nhiên vắng mặt Allerton đi Ipswich chưa về, và vợ chồng Luttrell ở lại dưới nhà.

Mùi cà phê thơm phức. Ở nhà trọ này, cà phê thường là loại nhạt thếch, do đó chúng tôi háo hức chờ đón được nếm thứ mà bà Franklin chiêu đãi.

Ông Franklin ngồi phía bên kia tủ sách, chuyển tách cho bà lần lượt rót. Boyd carrington đứng cạnh giường, Elizabeth Cole và Norton đứng trước cửa sổ. Cô Craven ở xa hơn một chút, đứng đầu giường. Còn tôi ngồi trên ghế, loay hoay điền ô chữ trên tờ thời báo, vừa làm vừa đọc to các định nghĩa. Gặp từ khó mọi người xúm lại mỗi người một ý, giúp tôi tìm ra từ thích hợp.

Bỗng từ ngoài bao lơn, tiếng của Judith vọng vào:

- Này mọi người ơi! Có một ông sao đổi ngôi... Ồ! Một ông nữa.

- Đâu, đâu? Boyd Carrington hỏi. Thế thì phải ước điều gì ngay. Nói rồi, ông chạy ra ngoài cùng đứng với cô Cole, Norton và Judith. Cô Craven cũng ra theo, rồi Franklin. Tôi vẫn ngồi, chăm chú vào ô chữ. Sao đổi ngôi chẳng liên quan đến tôi. Tôi chẳng có gì để ước...

Boyd Carrington đột ngột ngó vào phòng gọi:

- Barbara, cô ra đây.

- Không, bà Franklin đáp, tôi mệt lắm.

- Thôi nào, ra đây ước điều gì chứ! Boyd nài. Ra đây, tôi bế cô ra.

Và ông bế bà lên tay. Bà Franklin giẫy nẩy.

- Bỏ tôi ra! Đừng làm thế.

- Đàn bà con gái bắt buộc phải nói một điều ước...

Ông cứ thế ôm bà ra ngoài cửa, đặt đứng trên bao lơn.

Tôi cúi gằm mặt xuống tờ báo... Hồi ức trở về, một đêm trăng nơi nhiệt đới... và một ông sao đổi ngôi. Tôi đã quay lại, ôm vợ trong tay để chỉ cho xem ngôi sao vút chạy. Và nói một điều ước...

Những dòng ô chữ nhòa đi trước mắt tôi.

Một bóng người tách ra trong khuôn cửa, đi vào phòng... Judith.

Tôi không muốn để con gái nhìn thấy mắt tôi nhòa lệ, nên quay ra xoay cái tủ sách, làm bộ đang tìm sách. Tôi nhớ trong đó có một tuyển tập Shakespeare. Tôi lấy ra, lật giở tìm đến đoạn có vở kịch Othello.

- Ba làm gì vậy? Judith hỏi.

Tôi trả lời là đang lục tìm một từ thích hợp để điền vào ô chữ.

Những người khác lần lượt đi vào, cười cười, nói nói. Bà Franklin trở lại nằm trên ghế dài. Ông chồng ngồi vào chỗ cũ phía bên kia tủ sách, lơ đãng cầm thìa khuấy tách cà phê. Norton và cô Cole xin rút lui, nói là đã hứa xuống chơi bài với vợ chồng Franklin.

Bà Franklin uống hết tách cà phê, bảo mang thuốc đến cho bà. Cô Craven đi vắng đâu một lúc, nên Judith nhận vào phòng tắm lấy hộ.

Franklin lúc này đang đi đi lại lại trong phòng, vấp phải chiếc ghế.

- Ông John, hãy cẩn thận! Bà vợ kêu. Ông hậu đậu quá.

- Xin lỗi, tôi đang mải nghĩ.

Rồi ông nói:

- Đêm nay trời đẹp. Tôi muốn đi dạo một chút.

Ông đi khỏi, bà nói:

- Trông khù khờ thế, như ông ấy thật có tài, luôn say mê công việc. Tôi rất nể ông ấy.

- tất nhiên rồi ông ấy rất thông minh. Tôi rất nể ông ấy. Boyd Carrington nói.

Judith đột nhiên đi ra, suýt vấp phải cô Craven vừa tới.

- Barbara hay là ta chơi một ván pích kê? Boyd lại nói.

- Hay đấy. Cô Craven, nhờ cô mang giúp cỗ bài.

Cô y tá đi lấy bài, đưa cho bà Franklin. Tôi cảm ơn bà về tách cà phê, chúc bà ngủ ngon rồi xin rút lui.

Ra khỏi phòng, tôi thấy Judith và Franklin đứng cạnh nhau bên cửa sổ ngoài hành lang. Nghe tiếng chân tôi, ông bác sĩ quay đầu lại rồi tiến hai bước, ngập ngừng như thường lệ, hỏi Judith:

- Cô muốn cùng tôi đi dạo không?

Judith lắc đầu.

- Cảm ơn ông, tối nay thì không.

Và nó nói thêm bằng giọng hơi sẵn.

- Tôi đi đây. Chúc ông ngủ ngon.

Tôi cùng xuống với Franklin. Ông cười và huýt khe khẽ trong miệng.

- Tối nay, ông có điều gì vui - tôi nói.

- vâng. Tôi đã làm được một việc dư định bấy lâu, rất lấy làm hài lòng.

Tôi chia tay ông ở chân cầu thang và ra phòng khách, đứng nhìn mấy người chơi bài. Norton nháy mắt về phía tôi, ra ý chỉ vào bà Luttrell.

Allerton vẫn chưa về; không có hắn, tôi cảm thấy không khí ngôi nhà đỡ ngột ngạt.

Lát sau, tôi lên gác, gõ cửa phòng Poirot, gặp ông đang chuyện trò với Judith. Nhìn thấy tôi, nó nhoẻn miệng cười. Poirot nói:

- Cháu tha thứ cho anh rồi.

Tôi hơi bị chạm tự ái:

- thật tình, tôi không thể tin...

Judith đứng lên, lại gần đưa tay bá cổ tôi:

- Tội nghiệp ba! Bác Hercule không có ý định xúc phạm ba. chính con mới là người phải được tha thứ. Vậy... ba tha thứ cho con đi.

Tôi thong thả nói:

- Xin lỗi. Ba không có ý định...

Không hiểu sao tôi lại nói vậy. Judith ngắt lời:

- Con xin ba, ta không nói chuyện ấy nữa. Bây giờ mọi việc tốt rồi.

Trước khi đi ra, nó lại cười với tôi, nụ cười lơ đãng, xa xôi. Nó đi rồi, Poirot ngước mắt hỏi tôi:

- Thế nào, tối nay có chuyện gì?

- Không có gì đặc biệt, tôi đáp. Và tôi không có cảm tưởng là sẽ xảy ra chuyện gì.

Tôi nhầm to. Vì than ôi, đêm ấy có chuyện đã xảy ra. bà Franklin đau bụng dữ dội. Chồng bà đến khám, gọi thêm hai bác sĩ nữa đến nhưng vô hiệu. Sáng hôm sau, bà chết.

Hai mươi bốn giờ sau, chúng tôi mới biết sự thật. Barbara Franklin bị đầu độc bằng chất physostigmine.

Hai ngày sau, cuộc điều trần tiến hành.

Trước hết, bác sĩ pháp y báo cáo. Bà Barbara Franklin chết do đầu độc bằng chất physostigmine - có tên khác là ésérie. Nhưng các mẫu phân tích còn phát hiện thấy những chất ancalôít khác của giống đậu calabar. Bà Fraklin đã uống phải thuốc độc tối hôm trước, khoảng giữa bảy giờ tối đến mười hai giờ đêm.

Nhân chứng thứ hai là đích thân bác sĩ Franklin, ông báo cáo rất rành rẽ, chính xác. Sau cái chết, ông đã kiểm tra kỹ lưỡng các dung dịch cất giữ trong phòng thí nghiệm, và sửng sốt nhận thấy một lọ đáng lẽ chứa đầy dung dịch ancalôít của cây đậu calabar đã bị thay thế bằng nước lã. Ông không thể nói rõ sự đánh tráo đó đã xảy ra vào lúc nào, vì đã nhiều ngày nay không động đến nó.

Vấn đề đặt ra là: ai có thể vào phòng thí nghiệm? Bác sĩ Franklin khẳng định phòng bao giờ cũng khóa, và ông thường giữ chìa khóa trong túi. Chỉ có trợ lý Judith Hastings, có chiếc thứ hai, bất cứ ai muốn vào đều phải mượn một trong hai chìa đó. Vợ ông có lúc mượn chìa khóa vào phòng để lấy một vật gì bỏ quên trong đó. Bác sĩ cũng cho biết bà không hề mang dung dịch physostigmine về phòng.

Trả lời câu hỏi của cán bộ điều tra, bác sĩ cho biết vợ ông không có bệnh gì trong nội tạng, song ít lâu nay mắc chứng trầm uất, gây nên tính khí thất thường. Tuy vậy mấy hôm nay bà ấy lại vui vẻ, có dấu hiệu sức khỏe khá lên. Hai vợ chồng ông sống hòa thuận, từ lâu không mâu thuẫn gì. Trước hôm chết, bà Franklin còn rất vui.

Ông công nhận thỉnh thoảng bà nói muốn chết, song ông không coi ý định đó là nghiêm túc. Bà không phải là người muốn tự tử. Tiếp theo là cô Craven, duyên dáng trong sắc phục y tá. Ý kiến cô cũng rành rẽ, cụ thể. Cô chăm sóc bà Franklin được hơn hai tháng. Bà bị bệnh tinh thần là chính, và nhiều người đã nghe bà hai ba lần nói muốn chết cho xong, vì đời bà không còn ý nghĩa gì, chỉ là gánh nặng cho chồng.

- Theo cô, bà ấy nói thế là thế nào? Cán bộ điều tra hỏi. Giữa hai ông bà có va chạm gì không?

- Không hề. Song bà biết ông vừa mới được mời đi nhận chức vụ khá tốt ở nước ngoài, nhưng ông không đi vì vướng bà.

- Và vì thế bà lại càng thêm trầm uất?

- Vâng.

- Bác sĩ Franklin biết chuyện ấy không?

- Tôi không nghĩ là bà nói với ông chuyện ấy.

- Có bao giờ bà nói rõ ý muốn tự tử?

- Bà thường chỉ nói "muốn chết quách cho xong".

- Có bao giờ bà nói muốn chết bằng cách nào?

- Không. Chỉ nói chung chung vậy thôi.

- Gần đây có xảy ra sự việc gì khiến tinh thần bà thêm khủng hoảng?

- Theo tôi biết thì không. Gần đây bà còn khá hơn là đằng khác.

- Vậy là cô đồng ý với bác sĩ Franklin nói trước hôm chết bà có vẻ vui hơn.

Cô y tá lưỡng lự một lát.

- Theo tôi, bà có hơi... bồn chồn. Cả ngày đi chơi mệt, bà kêu nhức đầu, chóng mặt. Nhưng đúng là buổi tối, bà đỡ hẳn. Tuy nhiên, sự vui vẻ của bà không tự nhiên, như là... cố gượng.

- Cô có trông thấy cái lọ nào đựng thuốc độc?

- Không.

- Tối hôm đó, bà ăn những thứ gì?

- Canh, sườn nấu với khoai và đậu, rồi mứt anh đào. Và uống một ly rượu bourgogne.

- Rượu ở đâu ra?

- Bà có một chai cất trong phòng. Chỗ còn lại đã được các ông phân tích, hình như không có độc tố.

- Có thể bà bỏ thuốc độc vào rượu mà cô không biết?

- Rất dễ, vì không phải lúc nào tôi cũng để mắt. Tôi bận sắp xếp trật tự trong phòng. Bà ấy có cái túi để ngay tầm tay, muốn bỏ gì vào rượu, cà phê hay sữa đều được.

- Lọ thuốc độc dùng xong rồi, không biết bà bỏ đâu?

Cô Craven suy nghĩ vài giây:

- Có thể vứt ra ngoài cửa sổ, hay vứt vào sọt rác. Bà cũng có thể súc sạch rồi để lại vào tủ thuốc trong phòng tắm, ở đó lúc nào cũng có một số lọ không.

- Cô nhìn thấy bà Franklin lần cuối lúc nào?

- Lúc mười giờ rưỡi. Tôi đặt bà lên giường , đưa bà cốc sữa nóng, và bà bảo tôi mang cho bà ống átpirin.

- Lúc đó bà ấy thế nào?

Cô y tá lại nghĩ:

- Như thường lệ. Nhưng không hẳn như thế. Bà có vẻ hứng khởi hơn.

- Vậy là không trầm uất.

- Không. Nhưng một người sắp tự tử có thể ở trong tình trạng kích động, hoặc... hứng khởi.

- Cô có cho là bà thuộc loại người có thể tự tử?

Cô Craven im lặng môt lát, do dự:

- Trời, làm sao tôi khẳng định được. Tuy nhiên, tôi cho là có, vì bà vốn hay mất cân bằng.

Boyd Carrington được mời ra, ông thực sự bàng hoàng, nhưng khai báo rõ ràng. Tối đó, ông chơi bài pích-kê với bà Franklin, thấy bà không có gì là suy yếu tinh thần. Nhưng mấy ngày trước đó, bà có nói đến ý muốn chết. Bà ta là người rất khoan dung, không vụ lợi, rất buồn vì mình ngáng trở sự nghiệp của chồng.

Tiếp theo Boyd carrington là Judith, nhưng nó chả có mấy để khai. Nó không hiểu làm thế nào mà dung dịch physostigmine trong phòng thí nghiệm bị đánh tráo. Tối hôm đó, bà Franklin có vẻ hoàn toàn bình thường. Nó nói chưa bao giờ nghe bà Franklin tỏ ý muốn tự tử.

Người làm chứng cuối cùng là Hercule Poirot. Lời khai chắc nịch của ông gây ấn tượng mạnh. Trước hôm xảy ra tấm thảm kịch, Poirot đã chuyện trò với bà Franklin. Bà rất ủ rũ, tỏ ý muốn chết, rất buồn vì tình trạng sức khỏe, bà có sống cũng chẳng để làm gì. Bà còn nói, có lúc nghĩ rằng nếu ngủ đi rồi vĩnh viễn không dạy nữa thì tuyệt vời.

Nhưng câu Poirot trả lời câu hỏi tiếp theo mới càng gây sửng sốt:

- Sáng ngày 10 tháng 6, ông có ngồi gần cửa phòng thí nghiệm?

- Phải.

- Ôngn đã thấy bà Franklin từ đó đi ra?

- Có, tôi có thấy.

- Bà có cầm gì trong tay?

- Tay phải bà cầm một lọ nhỏ.

- Ông chắc chứ?

- Chắc chắn.

- Nhìn thấy ông, bà có tỏ ý gì không?

- Có vẻ hơi hốt hoảng.

Cán bộ điều tra quay sang các vị hội thẩm.

- Thưa các vị, bây giờ để tùy ý các vị xác định xem bà Franklin chết như thế nào. Báo cáo của pháp y rất rõ ràng về nguyên nhân cái chết, đó là do trúng độ physostigmine. Các vị sẽ phán quyết chất độc là cho bà Franklin tự uống - hoặc vô tình hoặc cố ý hay là do bàn tay người khác. Nhiều nhân chứng đã khai rằng nạn nhân mắc chứng tâm thần, mặc dù nội tạng không sao, nhưng sức khỏe suy sụp. Mặt khác, ông Hercule Poirot mà ta đều biết là người có uy tín, khẳng định có trông thấy bà từ phòng thí nghiệm của chồng đi ra, tay cầm lọ. Từ đó toàn hội thẩm quyền có quyền suy ra là bà Franklin đã lấy thuốc đó rõ ràng nhằm mục đích tự tử. Bà bị ám ảnh vì nỗi đã ngăn trở sự nghiệp của chồng. Người chồng rất tốt và vẫn thương yêu vợ, chưa hề phàn nàngì về sức khỏe của vợ, kể cả việc mình bị vợ gây khó khăn trong sự nghiệp. Ý đó chỉ là nằm trong tưởng tượng của bà Franklin. Những người bị bệnh thần kinh thường hay có những ý nghĩ cố định. Trong trường hợp này, khó thể biết nạn nhân đã uống độc dược như thế nào và lúc nào. Điều kỳ lạ là không tìm ra cái lọ mà ông Poirot đã nhìn thấy trong tay bà Frankin. Song rất có thể như cô Craven nói, bà Franklin đã rửa sạch và xếp nó vào tủ thuốc, nơi bà đã lấy nó trước khi đến phòng thí nghiệm. Và bây giờ, thưa các vị hội thẩm, xin để các vị phán xét.

Sau khi thảo luận ngắn, hội đồng bồi thẩm đã ra phán quyết: Bà Franklin đã tự kết liễu đời mình trong một cơn hoảng loạn nhất thời.

Nửa giờ sau, tôi ở trong phòng Poirot. Trông ông có vẻ kiệt sức. Curtiss đã đặt ông lên giường, cho ông uống thuốc.

Tôi sốt ruột chờ đợi anh hầu đi ra, rồi bật lên câu hỏi:

- Poirot, điều ông vừa kể có đúng không? Ông có thật thấy bà Franklin từ phòng thí nghiệm đi ra, tay cầm lọ?

Nụ cười thoáng trên đôi môi nhợt nhạt của nhà thám tử.

- Thì anh cũng trong thấy đó thôi.

- Không.

- Có thể lúc ấy anh không để ý.

- Có thể. Tất nhiên tôi không dám chắc.

- Anh cho là tôi nói dối sao?

- Biết đâu được.

- Hastings, anh không tin tôi nữa sao?

- Tôi không tin ông lại nói bậy, nói dối.

Ông khoát tay:

-Thôi điều gì đã nói là đã nói, cãi cọ vô ích.

- Tôi thật tình không hiểu.

- Anh không hiểu cái gì?

- Lời khai của ông: rằng bà Franklin nói với ông là muốn tự tử.

- Chính tai anh cũng đã từng nghe bà ấy nói vậy, có phải không?

- Đành thế, nhưng đó chỉ là kiểu nói quá của bà. Ông không nêu bật cái ý ấy.

- Có thể là tôi không muốn nêu.

- Ông muốn người ta kết luận là tự tử?

Poirot không trả lời ngay. Sau ông mới thong thả đáp:

- Hastings, anh không hiểu là tình thế nghiêm trọng. Đúng, tôi muốn người ta kết luận là tự tử.

Poirot thong thả gật đầu.

- Vậy ông tin là bà bị ám sát?

- Đúng vậy, bà bị ám sát

- Vậy tại sao ông lại muốn im chuyện, cố tình làm cho người ta đi đến phán quyết chấm dứt điều tra? Có phải ông muốn thế không?

- Phải.

- Vì lý do gì, hở trời?

- Hóa ra anh không nhìn thấy gì ư? Nhưng thôi, không quan trọng, không nói nữa. Song anh có thể tin tôi. Chúng ta đang đứng trước một vụ án mạng. Một án mạng có tính toán trước. Tôi đã bảo là sẽ có án mạng ở đây, mà ta chưa chắc ngăn chặn được, vì hunh thủ quyết tâm ra tay không thương tiếc.

Tôi rùng mình.

- Và bây giờ sẽ đến chuyện gì nữa?

Poirot lại cười:

- Vụ việc đã khép lại rồi, kết luận là tự tử. Nhưng tôi với anh còn ngầm làm việc tiếp, đào sâu như những con trũi. Và sớm muộn ta sẽ tóm được tên X.

- Trong khi chờ đợi, nhỡ lại có ám sát nữa.

- Không chắc. Trừ khi có người nào nhìn thấy, hoặc biết một điều gì. Nhưng nếu vậy, người ấy đã nói ra trong lúc điều tra.

Trinh Thám, Hình Sự

Thám tử rời sân khấu

Dịch giả : Dương Linh

Chương 15

Ký ức của tôi hơi mơ hồ về thời gian tiếp theo cuộc điều trần về cái chết của bà Franklin. Tất nhiên tôi không quên buổi lễ tang, có rất đông người ở Styles đến dự. Ở cổng nghĩa trang, một bà già mắt kem nhèm đến gặp tôi, chẳng rào trước đón sau gì, nói:

- Tôi nhớ ra ông rồi.

- Vâng... có thể, tôi lúng túng.

Bà nói tiếp:

- Lâu quá rồi nhỉ? Đấy là hồi vụ án mạng đầu tiên xảy ra trên đất này. Hồi đó tôi đã bảo: "Rồi còn xảy ra nữa". Cái bà Ingelthorp ấy, chính lão chồng đã giết.

Bà liếc mắt tinh quái:

- Lần này chắc cũng vậy thôi.

- Bà bảo sao? Tôi gắt lại. Bà không biết tòa đã phán quyết chết do tự tử sao?

- Tòa cũng có khi sai chứ!

Bà đưa khuỷu tay hích tôi:

- Là bác sĩ muốn khử ai thì quá dễ.

Tôi giận dữ nhìn bà, bà quay mặt đi, song vẫn tiếp:

- Dù sao cũng lạ là việc này lặp lại lần thứ hai. Và ông lại có mặt.

Tôi chợt nghĩ: hay là bà này nghi tôi là thủ phạm của cả hai vụ. Kỳ thay, ở một làng nhỏ thế này, người ta cũng nghĩ ra lắm chuyện! Mà bà già thực ra không hoàn toàn sai, vì tôi, tôi biết chắc là bà Franklin bị giết, chứ không tự tử.

Như đã nói, tôi nhớ không rõ những ngày sau đó. Trước hết, sức khỏe Poirot sút đi trông thấy. Một hôm, cutiss đếm tìm tôi, mặt không còn lỳ như mọi ngày, báo tin ông chủ vừa lên cơn đau nặng, và nói:

- Con nghĩ cần mời thầy thuốc.

Tôi lập tức chạy lên phòng ông, song ông kiên quyết phản đối mới thầy thuốc. Tôi thấy điều đó hơi lạ vì xưa nay Poirot rất quan tâm đến sức khỏe, thường cố tránh ngồi nơi gió lùa, quàng khăn cổ cẩn thận, không để chân bị ướt, hơi mệt là đi nằm và lấy nhiệt độ. Và tôi biết, dù hơi khó ở, ông đều hỏi ý kiến thầy thuốc.

Bây giờ ốm thực, ông lại làm trái lại. Nhưng có thể vì trước đó, ông chỉ mắc những chứng không nghiêm trọng. Giờ đây, ông sợ phải đứng trước sự thật hiển nhiên, nên ngại không đối mặt với thầy thuốc. Ông nói:

- Thầy thuốc ấy à, tôi đã khám rồi! Không phải một, mà nhiều thầy. Có hai ông thầy khuyên tôi đi nghỉ ở Ai Cập, rút cục bệnh lại nặng thêm.

Ông kể tên một bác sĩ nổi tiếng khác, chuyên về tim mạch.

- Ông ấy bảo sao? - Tôi hỏi ngay.

- Đã làm mọi thứ để làm - Poirot bình thản đáp. Đã cho thuốc. Nay có gọi thêm thầy thuốc nữa là vô ích. Bộ máy đã rão rồi, anh thấy không. Tiếc rằng không giống cái ôtô, chỉ thay động cơ là chạy được.

- Nhưng cũng phải làm cái gì chứ. Curtiss...

- Curtiss làm sao?

- Hắn nói rất lo cho ông. Hình như ông vừa lên cơn.

- Ồ! Chuyện vặt ấy mà.

- Ông thật sự không muốn khám lại?

- Đã nói rồi, vô ích.

Poirot nói giọng nhẹ nhàng nhưng nghiêm trọng. Lòng tôi se lại. Ông mỉm cười, nói tiếp:

- Cái vụ chúng ta đang theo đuổi, sẽ là vụ cuối cùng của tôi. Và cũng là vụ lý thú nhất, vì hunh thủ rất đặc biệt. Hắn có tài kỳ lạ, muốn hay không muốn, tôi phải khâm phục. Đến lúc này, hắn đã hành động khôn khéo đến mức Hercule Poirot này phải chịu thua. Hắn đã ra một đòn mà tôi không tìm ra cách đỡ...

- Nếu ông còn sức khỏe như ngày xưa...

Tôi nói câu ấy nhằm mục đích an ủi, song hóa ra là hớ.

- Đã bao nhiêu lần tôi nói với anh rằng sức mạnh cơ bắp không cần thiết? Để vạch mặt một hung thủ, cái chính là phải suy nghĩ, bắt các tế bào xám là việc.

- Ồ.. tất nhiên rồi. Việc ấy thì ông làm được. Rất tốt là đằng khác.

- Rất tốt? Tuyệt diệu nữa chứ! Chân tôi liệt, tim tôi thỉnh thoảng lên cơn, nhưng óc tôi vẫn hoạt động hoàn hảo.

- Thế thì tốt quá rồi.

Tuy nhiên, khi đi xuống nhà, tôi nghĩ: lần này thì bộ óc hoàn hảo của Poirot không theo kịp diễn biến sự việc nữa rồi. Trước hết là bà Luttrell sắp chết, rồi đến bà Franklin chết thật. Và chúng tôi đã làm gì để truy bắt thủ phạm? Hầu như không làm ggì.

Phần 2

Hôm sau, Poirot nói với tôi:

- Hôm qua, anh khuyên tôi nên khám bác sĩ.

- Đúng, như vậy tôi sẽ yên tâm hơn.

- Vậy thì anh vừa lòng nhé: tôi đồng ý. Tôi sẽ gặp bác sĩ Franklin.

- Franklin? Tôi ngạc nhiên nhắc lại.

- Ông ấy là bác sĩ, phải không nào?

- Đành thế, nhưng ông ấy chỉ chuyên nghiên cứu koa học.

- Tôi biết. Và chắc ông không giỏi về khám đa khoa. Nhưng dù sao cũng là bác sĩ. Và có thể ông cũng không kém đồng nghiệp là bao.

Tôi không hoàn toàn hài lòng. Tôi không nghi ngờ tài năng của Franklin, song ông ấy có bao giờ chú ý đến các bệnh thông thường. Dù sao Poirot cũng đã nhượng bộ và nhờ ông khám, do không có bác sĩ quen nào ở gần. Franklin tới ngay và còn nói nếu Poirot cần sự điều trị dài ngày, ông sẽ giới thiệu tới một chuyên gia khác.

Franklin ở khá lâu trong phòng Poirot. Khi ông ra, tôi kéo ông vào phòng mình, đóng cửa lại.

- Thế nào? Tôi hỏi dồn.

- Ông ấy là một người xuất sắc.

Tôi khoát tay:

- Điều đó, tôi biết rồi. Nhưng sức khỏe?

Franklin tỏ vẻ ngạc nhiên, dường như đó là vấn đề không quan trọng.

- Ồ! Sức khỏe thì không tốt lắm.

Đúng là một kiểu nói chung chung, vô thưởng vô phạt. Thế mà Judith, con gái tôi thường bảo ông là một sinh viên xuất sắc hồi học y.

- Tình trạng ông ấy thế nào? Tôi hỏi gặng.

Ông đăm đăm nhìn tôi một lát.

- Ông muốn biết à?

- Dĩ nhiên.

- Nhiều bệnh nhân không muốn biết rõ về bệnh tình, chỉ cần an ủi, động viện họ, để họ còn có hy vọng. Và nhờ đó có khi lui bệnh một cách kỳ lạ, bất ngờ. Tiếc thay, trường hợp ông Poirot không như vậy.

- Ông muốn nói...

Tôi thấy lòng thắt lại. Franklin khẽ gật đầu:

- Phải, không cứu chữa được. Tất nhiên, tôi nói vậy, vì đã được ông ấy cho phép.

- Vậy là... ông ấy đã biết.

- Biết. Ông ấy có thể suy sụp bất cứ lúc nào... Tất nhiên ta không thể nói thời gian chính xác.

Ngừng một lát, ông thong thả tiếp:

- Theo tôi hiểu, ông ấy không hoàn thành được... cái gì đó. Ông có biết là việc gì không?

- Có, tôi có biết.

Franklin nhìn tôi bằng ánh mắt tò mò.

- Ông ấy muốn nhất định phải hoàn thành việc đã định.

Không hiểu ông bác sĩ này có biết việc gì không, nhưng ông đã nói tiếp.

- Tôi hy vọng ông ấy sẽ làm được. Có cảm giác đối với ông việc này rất quan trọng. Ông ấy có đầu óc khoa học lắm.

- Ta có thể làm gì không? Có cách chữa trị nào...

Ông thong thả lắc đầu:

- Không. Ông ấy có sẵn những ống thuốc trợ tim rất tốt để uống khi nào lên cơn. Ngoài ra, không còn cách nào khác.

Sau vài giây lưỡng lự, ông hỏi một câu rất lạ:

- Ông ấy rất tôn trọng tính mệnh con người, có phải không?

- Vâng, có như vậy.

Biết bao lần tôi đã nghe Poirot tuyên bố: "Tôi phản đối giết người".

- Đó là sự khác nhau giữa chúng tôi. Tôi không có được sự tôn trọng như thế.

Tôi nhìn ông, không nói. Ông nghiêng đầu, mỉm cười.

- Phải không nào? Đằng nào cũng chết, thì chết sớm một chút hay muộn có nghĩa gì? Chẳng khác gì nhau.

- Nếu ông nghĩ vậy, tại sao ông lại chọn nghề chữa bệnh? Tôi hỏi, có ý bất bình.

- Y học không có nghĩ chỉ làm chậm cái chết. Hơn thế nhiều, nó nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Một người khỏe chết đi, điều đó không quan trọng lắm; một thằng tồi, một thằng đểu chết đi, lại là điều tốt. Nhưng nếu ta tìm ta cách biến thằng đểu thành người bình thường - ví dụ bằng cách chỉnh lại hoạt động của các hạch - đó mới là điều có tầm quan trọng lớn.

Tôi nhìn ông bác sĩ với sự hứng thú đặc biệt. Nếu tôi bị bệnh cúm, chắc chẳng dám nhờ đến ông, vì chưa chắc ông đã chữa được. Song sự thành tâm và ý nghĩ táo bạo của ông, ta phải ngã mũ chào. Từ khi vợ chết, tôi nhận thấy ông có chút thay đổi. Ông có buồn phiền hay không, không thếy ông để lộ ra. Ngược lại, ông có vẻ sinh động hơn, ít lơ đãng hơn.

Bỗng dưng, ông đưa ra nhận xét.

- Judith và ông, hai người khác nhau quá, phải không?

- Vâng, có thể.

- Cô ấy có giống mẹ không?

Tôi suy nghĩ và lắc đầu:

- Không thật giống. Vợ tôi luôn vui tươi, , thoải mái, gặp chuyện không hay vẫn vui. Cô ấy muốn tôi cũng như thế, nhưng tôi không làm được.

- Ông thuộc loại ông bố cao đạo, phải không? Ấy là Judith nói vậy. Cô ấy không mấy khi cười, rất nghiêm túc và ham làm việc quá. Một phần cũng tại tôi.

- Việc của ông chắc thú vị lắm - tôi nói.

- Thú vị với vài người thôi. Người khác cho là nhàm chán. Có khi họ nói đúng.

Ông hất đầu ra phía sau, nhô vai lên, trở lại con người thật của ông: mạnh mẽ, đầy nghị lực.

- Nhưng bây giờ cơ hội của tôi đã đến. Văn phòng bộ trưởng vừa cho biết chức vụ vẫn để trống, nó sẽ thuộc về tôi nếu tôi muốn. Mười ngày nữa tôi sẽ đi.

- Đi châu Phi?

- Phải.

- Vội thế ư?

Thú thật, tôi cảm thấy bất ưng.

- Ông bảo sao? Ồ, chắc ông nghĩ tới Barbara vừa mất. Ôi chao, việc gì phải giấu giếm rằng bà ấy mất đi làm tôi nhẹ mình? Tôi không có thì giờ để giữ thái độ phải phép theo lệ tục. Tôi yêu Barbara - lúc đó là một thiếu nữ rất xinh đẹp - tôi lấy cô, rồi chỉ sau một năm là hết yêu. Có lẽ tôi làm cô ấy thất vọng, vì cô tưởng có thể gây ảnh hưởng với tôi, nhưng không được. Tôi công nhận mình là một thằng tồi, ích kỷ, bao giờ cũng chỉ làm theo ý mình.

- Nhưng vừa rồi ông từ chối nhận chức vụ ở châu Phi là vì bà.

- Phải, nhưng đó là vì lý do tài chính. Tôi đã giữ cho cuộc sống của Barbara phong lưu như trước khi lấy chồng, nay nếu tôi đi, bà ấy sẽ gặp khó khăn.

Ông nở một nụ cười như trẻ con:

- Nhưng nay mọi việc lại xoay sang chiều thuận lợi lạ lùng.

Tôi thực sự công phẫn. Đằng rằng không phải đàn ông nào chết vợ cũng đau khổ. Nhưng như Franklin thì quá trâng tráo.

Ông vẫn nhìn tôi, nhưng không mảy may bận tâm đến thái độ bất đồng vủa tôi.

- Phải nhìn thẳng vào sự thật, ông nói tiếp. Như vậy đỡ mất thì giờ vì những lời rào đón vô bổ.

Tôi sẵng giọng:

- Vợ ông tự tử, ông không lấy thế làm buồn?

Ông ra vẻ trầm tư:

- Tôi không nghĩ bà ấy tự tử. Giả thuyết ấy là vô lý.

- Vậy thì là cái gì?

- Tôi không biết. Và có lẽ tôi cũng không muốn biết. Hiểu không?

Mắt ông ánh lên nhửng nét rắn chắc, lạnh lùng:

- Không, tôi không muốn biết. Tôi không quan tâm.

Phần 3

Tôi không nhớ chính xác lúc nào thì tôi nhận ra là Norton có vẻ bận tâm, tư lự. Sau cuộc điều trần và tang lễ, anh ta cứ lầm lì không nói đi lang thang, trán nhăn, mắt cắm xuống đất. Anh ta có thói quen đưa tay lùa lên mái tóc làm tóc dựng đứng, trông buồn cười. Cử chỉ vô thức đó lặp đi lặp lại chứng tỏ nội tâm có gì xao xuyến. Khi có người hỏi, anh đáp hờ hững. Tôi liền đánh bạo hỏi có phải anh nhận được tin buồn, thì anh lắc đầu. Tuy nhiên, lát sau, có vẻ như anh tìm cách vòng vo để hỏi ý kiến tôi về điều anh đang khúc mắc. Anh lúng búng - bao giờ cũng thế mỗi khi anh định nói chuyện nghiêm chỉnh - kể một chuyện rối rắm liên quan đến vấn đề đạo đức.

- Bảo cái này là tốt, cái kia là xấu, hình như dễ lắm, có phải không? Ấy vậy mà có trường hợp lại không thế. Ví dụ, tình cờ ta thấy một cái gì không liên quan đến ta, mà ta cũng chẳng rút ra lợi lộc gì, nhưng cái đó lại cực kỳ quan trọng. Ông hiểu tôi nói gì.

- Thú thực, không hiểu lắm.

Anh ta cau mày, đưa tay lên tóc.

- Khó giả thích thật. Giả thử, ông đọc được cái gì trong một bức thư riêng - nghĩa là thư gửi cho người khác mà ông vô tình mở ra. Ông bắt đầu đọc, vì tưởng là thư gửi mình và trước khi biết mình nhầm, thì đã biết được một điều lẽ ra ông không được biết. Việc ấy có thể xảy ra, có phải không?

- Phải.

- Vậy trường hợp ấy, làm thế nào?

- Ờ...

Tôi suy nghĩ một lát, rồi nói:

-... Có lẽ nên gặp chủ bức thư ấy, và xin lỗi đã mở nhầm.

Norton thở một hơi dài.

- Đâu có đơn giản như vậy. Vì chẳng hạn, anh đã đọc một chi tiết... bất tiện.

- Anh muốn nói, bất tiện với người kia? Thì ta phải làm như chưa đọc tí gì, vì đã kịp thời nhận ra không phải thư của mình.

- Phải, có lẽ thế - Norton đáp sau một lát im lặng.

Nhưng anh ta có vẻ chưa thỏa mãn với giải pháp ấy:

- Tôi vẫn muốn suy nghĩ xem nên phải làm gì - anh đăm chiêu nói tiếp.

Tôi khẳng định không còn cách nào khác, nhưng anh ta vẫn tư lự:

- Tôi còn thấy một điều này nữa. Giả thử điều ta vừa vô ý đọc được lại cũng rất quan trọng với một người thứ ba.

Tôi bắt đầu sốt ruột:

- Quả thực, anh Norton, tôi không hiểu anh định đi tới đâu. Ta không được đọc thư riêng của người khác, có thế thôi...

- Tất nhiên là không nên rồi. Tôi có ý kiến gì về vấn đề đó đâu. Vả lại, thực ra đây không phải bức thư. Tôi chỉ lấy ví dụ để ông hiểu thôi. Tất nhiên, bất cứ cái gì ta có thể đọc, thấy hoặc nghe, ta phải giữ kín cho mình. Trừ khi...

- Trừ khi... làm sao?

- Trừ khi là một điều mà ta có nghĩa vụ phải nói ra.

Tôi lại bắt đầu chú ý. Norton tiếp:

- Giả thử ông nhìn thấy điều gì qua lỗ khóa.

Tôi bỗng nghĩ đến Poirot.

- Tất nhiên, về nguyên tắc, đây là tôi nói ông có lý do chính đáng nhìn qua lỗ khóa: ví dụ khóa bị hóc... Tóm lại ông không có ý định nhìn cái ông đã nhìn.

Tôi chợt nhớ cái hôm Norton giương ống nhòm để quan sát con chim gõ kiến. Tôi nhớ anh ta tỏ ra lúng túng, ngượng nghịu, rồi cố tình ngăn không cho tôi nhìn cái anh ta đã nhìn. Lúc đó, tôi đã kết luận ngay là cái anh ta nhìn thấy ít nhiều có liên quan đến tôi: nói toạc ra, tôi cho là anh đã nhìn thấy Judith và Allerton. Nhưng nhỡ tôi lầm? Nhỡ đó là cái gì hoàn toàn khác? Hôm đó tôi bị ám ảnh bởi chuyện đó nên không thể nghĩ ra là cái gì khác.

- Có phải là cái gì anh nhìn thấy qua ống nhòm? - Tôi hỏi thẳng. Norton vừa ngạc nhiên vừa hoan hỉ:

- Sao... ông đoán được?

- Hôm đó chúng ta đứng trên mô đất cùng Cole, phải không nào?

- Phải.

- Và anh không muốn để tôi nhìn.

- Không. Không phải... tôi muốn nói là... Không ai được biết điều đó.

- Rốt cục là cái gì?

Norton sa sầm nét mặt:

- Tất cả vấn đề là ở đó. Tôi có được phép nói ra không? Vì... vì... cứ như là do thám ấy. Tôi đã nhìn thấy một cái mà bình thường ra, tôi sẽ không nhìn. Mà tôi có định nhìn đâu, tôi nhìn con chim gõ kiến cơ mà. Nhưng rồi, lại nhìn... nhìn thấy.

Tôi tò mò muốn chết, sốt ruột muốn biết đó là cái gì, song tôi tôn trọng sự đắn đo của Norton.

- Có phải điều gì quan trọng lắm không? Tôi hỏi

- Tôi không biết. Có thể lắm.

- Có liên quan đến cái chết của bà Frankiln không?

Norton giật nẩy mình:

- ông cũng hỏi tôi thế ư...

- Thế thì tôi đoán đúng.

- Hờ... không hoàn toàn liên quan. Nhưng việc ấy có thể làm nổi lên một cách nhìn mới với vài sự việc. Và như thế có nghĩ là... Ồ! Nhưng kệ thây tất cả! Song thực sự tôi không biết nên thế nào.

Rõ ràng Norton vẫn không muốn cho tôi biết anh ta đã nhìn thấy gì. Tôi thông cảm, vì ở địa vị tôi, có lẽ tôi cũng cư xử như vậy. Thật phiền khi ta có những thông tin lượm được bằng một cách mà người khác sẽ cho là không lịch sự.

Bỗng tôi nảy ra một ý:

- Hay anh thử hỏi ý kiến Poirot xem?

- Poirot? Norton hỏi lại, vẻ ngạc nhiên.

- Phải. Cứ xin ông ta một lời khuyên.

Sau một lát, Norton nói:

- Có lẽ ông nói phải. Tất nhiên, ông ấy là người nước ngoài...

- Ông ấy sẽ giữ kín cho anh. Nhưng dĩ nhiên, anh nhất thiết không cứ phải nghe theo lời khuyên của ông ấy.

- Được. Có lẽ tôi nên đi gặp ông ấy.

Phần 4

Tôi ngạc nhiên vì phản ứng của Poirot. Ông hỏi dồn:

- Anh Hastings, anh bảo gì?

Poirot để rơi miếng bánh sắp đưa lên miệng, ghé sát vào tôi:

- Nói lại tôi nghe!

Tôi làm theo. Ông đăm chiêu, kết luận:

- Thế là hôm đó, anh ta đã thấy điều gì qua ống nhòm. Một cái gì mà anh ta không muốn cho anh biết?

Ông níu cánh tay tôi:

- Anh ta không nói lại với bất kỳ ai chứ?

- Chắc là không.

- Hastings, anh hãy cẩn thận. Điều quan trọng là anh không được nói với ai. Nếu không, hậu quả sẽ rất nguy hiểm.

- Hậu quả... nguy hiểm?

- Đúng như tôi đã nói.

Khuôn mặt Poirot trở nên cực kỳ nghiêm trọng:

- Anh hãy thu xếp cho anh ta gặp tôi tối nay. Một cuộc gặp có tính bạn bè. Đừng để cho ai nghĩ là anh ta có lý do đặc biệt gì phải gặp tôi. Hastings này, hôm ấy cùng với anh còn ai nữa?

- Cô Cole.

- Cô ấy có nhận ra điều gì hơi lạ trong thái độ của Norton?

Tôi cố nhớ lại:

- Không biết. Có thể lắm. Hay để tôi hỏi cô xem...

- Không hỏi gì cả. Tuyệt đối không.

Tôi lập tức chuyển lời mời của Poirot tới Norton. Anh nói:

- Được. Tôi sẽ gặp. Nhưng, ông Hastings ạ, có lẽ tôi rất tiếc là đã nói ra chuyện này, ngay cả với ông.

- Nhưng mà, anh chưa nói với ai khác chứ?

- Không. Trừ khi... không, chắc chắn không?

- Có thật vậy không?

- Thật. Tôi không nói với ai.

- Vậy thì chớ nói với bất kỳ ai trước khi gặp Poirot.

Tôi đã để ý ngay đến sự lưỡng lự của Norton trong câu trả lời thứ nhất, nhưng đến câu thứ hai thì tôi yên tâm. Tuy nhiên về sau, tôi buộc phải nhớ tới sự lưỡng lự ấy.

Một lần nữa tôi lại trèo lên mô đất um tùm cỏ dại hôm trước, và thật bất ngờ tôi lại gặp Elizabeth Cole ở đó. Tôi vừa bước lên đỉnh thì cô quay mặt lại:

- Ông Hastings, sao trông ông hồi hộp vậy? Có chuyện gì làm ông bận tâm?

Tôi cố lấy bình tĩnh:

- Không, có gì đâu. Chỉ hơi thở mạnh.

Và nói thêm, vẻ thản nhiên:

- Hình như trời sắp mưa.

Cô ngước mắt nhìn trời:

- Phải, tôi cũng thấy thế.

Chúng tôi yên lặng đến một, hai phút. Người phụ nữ trẻ này có một cái gì khiến tôi rất dễ mến. Từ khi cô thú thật lai lịch của mình và tâm sự về quãng đời đau thương trước đây, tôi càng chú ý đến cô hơn. Hai con người thường gặp bất hạnh tất dễ cảm thông nhau và tôi thành thực mong cô sẽ có một tương lai sáng sủa. Tôi nói một cách bột phát:

- Hôm nay tôi hơi buồn. Có nhiều tin không vui về ông bạn già.

- Ông Poirot?

Sự quan tâm đầy thông cảm của cô khiến tôi không ngần ngại tâm sự. Tôi nói xong, cô im lặng lúc lâu rồi mới nói:

- Tôi hiểu. Vậy là sớm muộn rồi sẽ chấm dứt.

Tôi nói:

- Nếu ông ấy mà ra đi, tôi sẽ cảm thấy hoàn toàn đơn độc.

- Ồ! Nhưng ông còn Judith. Và những đứa con khác.

- Chúng ở tản mát bốn phương trời. Con Judith có công việc của nó. Nó không cần đến tôi.

- Tôi cảm thấy con cái chỉ cần đến bố mẹ khi nào chúng gặp khó khăn. Đó là quy luật bất di bất dịch. Song tôi còn cô đơn hơn ông. Hai chị tôi ở rất xa: một ở Mỹ, một ở Ý.

- Cô ơi đời cô còn dài.

- Băm nhăm tuổi còn gì.

- Băm nhăm là nghĩa gì? Tôi mong được trở lại tuổi ấy.

Và tôi nói nghịch:

- Cô biết không, mắt tôi không mù đâu.

Cô nhìn tôi dò hỏi, rồi đỏ mặt:

- Ông nghĩ gì vậy... ồ, Norton và tôi chỉ là bạn, không còn gì khác. Hai người có một vài điểm chung, nhưng...

- Thì hãy thế.

- Anh ấy... thật tốt. Nhưng ông cũng oái oăm. Ông tưởng tôi còn có thể nghĩ đến chuyện chồng con được sao? Chị tôi là kẻ giết người. Nếu không, thì là kẻ điên loạn. Đằng nào cũng chẳng hay hớm gì.

- Cô không nên băn khoăn việc đo. Chớ quên rằng... có thể đó không phải là sự thật.

- Ông nói gì? Đó là sự thật.

- Cô nhớ không, một lần cô nói với tôi: "Không phải chị Maggie".

- Đó chỉ là cảm nghĩ...

- Cảm nghĩ nhiều khi phù hợp với sự thật.

Cô mở to mắt nhìn tôi.

- Ông nói rõ xem nào.

- Chị cô không phải là thủ phạm thực sự.

Cô đưa tay lên miệng, nhìn tôi chăm chú, vẻ hốt hoảng.

- Ông mất trí rồi. Làm sao ông có ý nghĩ ấy?

- Không hề gì. Một ngày nào đó, tôi sẽ chứng minh cho cô thấy là tôi nói đúng.

Tôi về tới nhà thì gặp Boyd Carrington. Ông báo tin:

- Hôm nay là ngày cuối cùng tôi ở Styles. Mai tôi đi.

- Đi Knatton?

- Vâng.

Ông khẽ thở dài, nói tiếp:

- Nói thật với ông, tôi lấy làm mừng được rời khỏi nơi đây.

Tôi nhún vai

- Phải rồi, tôi cũng biết là ở đây ăn không ngon, phục vụ kém, song...

- Không phải vì chuyện ấy. Dù sao, tiền tọ rẻ, ta không thể đòi hỏi hơn. Không, không phải tôi nói chuyện vật chất. Chỉ là tôi không ưa cái nhà này, không khí làm sao ấy, rất khó giải thích. Có lẽ vì là nơi trước đây đã có án mạng nên không thể được như cũ nữa. Lắm chuyện xảy ra quá... Bà Luttrell bị tai nạn, nay lại đến Barbara tội nghiệp...

Ông yên lặng một lát, chìm trong suy nghĩ rồi nói thêm:

- Tôi không bao giờ nghĩ cô ấy là người muốn tự tử.

Tôi phân vân trước khi đáp:

- Ai mà biết chắc...

Ông đưa tay ngăn:

- Không, tôi chắc. Ông nhớ không, hôm trước suốt ngày tôi đi với cô ấy. Hoàn toàn vui vẻ, phấn khởi. Cô ấy chỉ băn khoăn một điều: lo chồng quá say mê công việc rồi đi quá xa, đem thân mình ra làm thí nghiệm cho nhựng thứ thuốc độc chết tiệt. Ông Hastings, ông biết tôi nghĩ gì không?

- Không.

- Chính ông chồng phải chịu trách nhiệm, với cái tính lầm lỳ, cáu gắt của ông ta. Đi với tôi, Barbara luôn vui vẻ, hạnh phúc. Nhưng ông chồng thì quá lộ liễu, cho rằng mình bị vợ cản trở sự nghiệp. Sự nghiệp cái con khỉ! Một con người trơ trơ, chẳng có cảm xúc. Vợ chết thê thảm như vậy hắn chẳng mảy may xúc động. Hắn vừa nói với tôi rằng bây giờ hắn có thể yên tâm sang châu Phi. Nói thật nhé, nếu ai nói rằng chính ông ta giết vợ, tôi sẽ không ngạc nhiên...

- Thôi nào! Tôi kêu. Ông nói không nghiêm túc.

- Đành là không. Nhưng là tôi nghĩ nếu hắn định giết, hắn sẽ làm cách khác. Ai cũng biết hắn đang nghiên cứu chất physostigmine nên hắn không dại gì dùng chất đó. Mặc dù vậy, không phải mình tôi thấy Franklin là một nhân vật kỳ lạ. Tôi nắm thông tin này từ một người đáng tin cậy.

- Ai vậy? Tôi hỏi ngay.

- Cô Craven.

Tôi không giấu sự ngạc nhiên:

- Sao?

- Suỵt! Khẽ chứ. Phải, chính cô ta làm tôi nảy ý nghĩ trên. Cô ta rất thông minh và rất tinh, không gì qua được mắt. Cô không ưa Franklin.

Thoạt đầu, tôi tưởng cô Craven chì không ưa bà Franklin là bệnh nhân khó tính. Chắc hẳn cô biết hiều chuyện về đôi vợ chồng này.

- Tối nay, cô ấy ở đây.

- Ông nói gì?

Tôi ngạc nhiên, vì ngay sau lễ tang bà Franklin, cô đã rời khỏi Styles.

Ngay từ bấy giờ, tôi phải nói rằng chưa bao giờ nghĩ Poirot có thể thất bại. Trong cuộc chiến chống lại X, tôi không bao giờ tin X có thể thắng. Mặc dù ông yếu đau, tôi vẫn hoàn toàn tin tưởng vào ông, ông là người mạnh nhất trong hai đối thủ. Vì nhiều năm nay, tôi đã quen nhìn thấy ông chiến thắng.

Nhưng cũng lại chính ông đã gieo trong tôi sự nghi ngờ. Trước khi xuống ăn trưa, tôi lên thăm ông, và khong hiểu sao ông buột biệt nói ra câu này:

- Nếu xảy ra chuyện gì với tôi...

Tôi cực lực phải đối, nói không thể có chuyện gì xảy ra.

- Vậy anh không chú ý nghe những lời của bác sĩ Franklin - Poirot nói.

- Franklin không thể biết tất cả. Ông còn sống nhiều năm nữa.

- Có thể, nhưng không chắc. Song tôi muốn nói đến một khả năng khác kia. Mặc dù tôi có thể chết nay mai, song với ngài X, như thế vẫn là muộn quá.

- Cái gì? Tôi sửng sốt kêu lên.

- Chứ sao. X là một tên thông minh, rất thông minh. Và hắn sẽ hiểu rằng thủ tiêu tôi sớm - dù chỉ là ít ngày trước khi tôi chết - cũng là thuận lợi vô giá đối với hắn.

- Thế thì... thế thì cái gì sẽ xảy ra?

- Trong chiến đấu, nếu sĩ quan chỉ huy gục ngã, thì người phó lên thay. Vậy nếu có làm sao, anh có trách nhiệm tiếp tục công việc.

- Tôi làm làm sao được? Tôi không biết gì, như người đi trong đêm.

- Tôi đã lường trước mọi việc. Nếu tôi mệnh hệ nào, anh sẽ có tất ả những tài liệu cần thiết.

Ông vỗ vỗ vào chiếc cặp có khóa đặt bên mình.

- Việc gì phải vòng vèo thế. Ông nói ngay bây giờ những gì tôi phải biết có đơn giản hơn không.

- Không, không. Anh không biết một số điều mà tôi biết, như vậy càng có lợi cho anh.

- Tài liệu ông để đây, hẳn là tường trình chi tiết vụ việc.

- Không phải đâu, vì X có thể âm mưu đánh cắp.

- Vậy là cái gì?

- Những chỉ dẫn, nếu X đọc thì chẳng ích gì, nhưng với anh, sẽ giúp anh tìm ra sự thật.

- Tôi không tin lắm. Tại sao đầu óc ông lại nhiều khê đến thế? Ông cứ thích làm phức tạp thêm mọi chuyện.

- Anh cho chuyện ấy ở tôi đã thành tật mất rồi, có phải không? Có thể anh nói đúng. Nhưng hãy yên tâm, những chỉ dẫn này sẽ đưa anh tới sự thật.

Ông ngừng lời, rồi lát sau nói tiếp:

- Và lúc đó, sợ rằng anh lại không muốn chúng đưa anh đi quá xa thế. Và anh sẽ nói: "Hạ màn đi!"

Giọng Poirot có một điệu gì khiến lại nổi trong tôi nỗi sợ hãi mơ hồ mà tôi đã cảm thấy vài ba lần. Cứ như là có điều gì khuất mắt mà tôi không muốn nhìn, không thể chịu đựng. Một điều mà trong thâm tâm, tôi đã biết rồi.

Tôi gạt ý nghĩ đó đi, chào Poirot rồi xuống phòng ăn. Bữa ăn khá vui. Bà Luttrell lại cùng ngồi ăn với chúng tôi, nói cười tự nhiên. Franklin hồ hởi, phấn khởi như tôi chưa từng thấy. Lần đầu tiên, tôi thấy cô Craven không bận sắc phục y tá, trút bỏ bộ dạng nghề nghiệp, nghiêm trang, có vẻ xinh đẹp, hấp dẫn hơn.

Sau bữa ăn, bà Luttrell đề nghị đánh bài, song cuối cùng mọi người chỉ chơi những trò đơn giản hơn. Khoảng chín giờ rưỡi, Norton ngỏ ý lên thăm Poirot.

- Hay đấy, Boyd Carrington nói. Tôi cùng đi với anh.

Tôi liền ngăn:

- Theo tôi, không nên... Ông biết đấy, tiếp nhiều người làm ông ấy mệt.

Norton hiểu ý, nói luôn:

- Tôi chỉ mang cho ông cuốn sách nói về chim. Hôm qua tôi đã hứa.

- Được thôi, Boyd Carrington nói. Nhưng... rồi ông lại xuống chứ, ông Hastings.

- Nhất định rồi.

Tôi cùng lên với Norton, Poirot đang chờ. Sau khi nói vài câu, tôi lại xuống phòng khách. Chúng tôi đánh một ván bài ra-mi.

Tôi có cảm giác Boyd Carrington khó chịu vì bầu không khí vô tư tối ấy. Hẳn ông cho rằng vừa có chết chóc, mà sao mọi người đã quên nhanh như vậy. Ông tỏ vẻ đãng trí, ra quân vụng về, rồi cuối cùng xin lỗi và đứng lên, ra mở cửa sổ. Xa xa, tiếng sấm ầm ì, mà cơn giông chưa tới. Boyd Carrington lại đóng cửa, quay về đánh bài, đứng nhìn một lúc rồi đi ra.

Tôi về phòng lúc mười một giờ kém mười lăm. Poirot chắc đã ngủ nên tôi không ghé vào. Vả lại, tôi không muốn phải đề cập đến vấn đề lâu nay lấn cấn. Tôi muốn ngủ và quên.

Tôi bắt đầu thiu thiu thì có tiếng động làm tôi nhỏm dậy. Tưởng có ai gõ cửa, tôi nói: "Cứ vào!". Không nghe trả lời, tôi bật đèn, ra khỏi giường và ngó ra ngoài hành lang.

Tôi thấy Norton từ phòng tắm đi ra, trở về phòng mình. Anh ta mặc bộ áo ngủ kẻ ô màu đặc biệt xấu xí, tóc bù xù như mọi khi. Cửa khép lại, và ngay sau đó tôi nghe tiếng chìa khóa xoay trong ổ.

Sấm nổi lên ầm ầm, to hơn lúc trước. Cơn dông tới gần.

Tôi trở về giường, hơi khó chịu về cái tiếng chìa khóa trong ổ, nghe như báo hiệu chuyện không hay. Norton có thói quen khóa kỹ cửa phòng ban đêm vậy sao? Hay Poirot đã khuyên anh ta phải đề phòng? Tôi chợt nhớ là chìa khóa cửa phòng Poirot đã bí mật biến mất chỉ ít lâu sau khi ông tới.

Nằm trên giường, mắt mở to, tôi thấy nỗi lo càng ngày càng tăng, tiếng sấm liên hồi làm tôi thêm nóng ruột. Cuối cùng tôi nhỏm dậy ra cửa, để khóa nó lại. Rồi mới quay vào, đi ngủ.

Phần 2

Sáng hôm nay, trước khi xuống điểm tâm, tôi rẽ vào phòng Poirot. Ông vẫn nằm. Nhìn thấy những nếp nhăn hằn sâu trên mặt, tôi thấy ông có vẻ rất yếu ớt.

- Sáng nay, ông thấy trong người thế nào? Tôi hỏi.

Ông nở nụ cười nhợt nhat.

- Anh bạn ơi, tôi vẫn tồn tại.

- Nhưng không đau gì chứ.

Ông thở dài:

- Không, chỉ mệt thôi. Rất mệt.

- Tối qua thế nào? Norton có nói hắn nhìn thấy gì hôm đó?

- Có, có nói.

- Là cái gì?

Poirot đăm chiêu nhìn tôi hồi lâu rồi mới đáp:

- Không biết tôi có nên nói lại với anh không. Sợ anh suy diễn...

- Ông nói rõ xem nào.

- Norton nói nhìn thấy hai người.

- Judith và Allerton! Tôi thốt lên. Tôi biết ngay mà.

- Không. Không phải Judith và Allerton. Tôi chả bảo là anh sẽ suy diễn mà! Anh cố chấp lắm.

- Xin lỗi - Tôi bối rối, nói. Vậy là ai?

- Có lẽ mai tôi sẽ nói. Tôi còn nhiều điều phải nghĩ.

- Chuyện trò với Norton, ông có biết thêm điều gì làm sáng tỏ vụ việc của chúng ta không?

Poirot gật đầu, rồi nhắm mắt, ngả người xuống gối. Ông nói:

- Vụ việc đã kết thúc. Chỉ còn vài chi tiết cần làm rõ. Anh xuống ăn sáng đi. Và gọi Curtiss cho tôi, được không?

Tôi làm theo. Vả tôi cũng muốn gặp Norton, nóng ruột xem anh ta đã nói gì với Poirot. Thực lòng tôi không thỏa mãn. Sự kém nhiệt tình của Poirot khiến tôi bực dọc.Tại sao úp úp mở mở, giữ bí mật đến thế? Và tại sao Poirot có vẻ buồn bã một cách khó hiểu? Lý do sâu xa là ở đâu?

Norton không có trong phòng ăn. Điểm tâm xong, tôi đi một vòng quanh vườn. Cơn dông ban đêm đã làm không khí mát lạnh, và tôi nhận thấy mưa khá to. Boyd Carrington đứng trên bồn cỏ. Tôi mừng gặp được người có thể tâm sự và tôi rất muốn thổ lộ hết. Poirot không còn khả năng hành động một mình. Nhưng Boyd Carrington sớm nay trông đầy sinh lực, khiến tôi vững dạ.

- Ông xuống muộn, Boyd nói.

- Vâng. Tôi ngủ trưa hơn mọi ngày.

- Đêm qua dông to quá. Ông có nghe thấy gì không?

- Tôi chỉ nhớ mang máng có nghe tiếng sấm ầm ì trong giấc ngủ.

- Hôm qua tôi thấy không khỏe lắm, Boyd nói tiếp. Hôm nay khá hơn nhiều rồi.

Ông vươn vai ngáp. Tôi hỏi:

- Norton đâu?

- Có lẽ chưa xuống. Anh ta chúa đại lãn, ông biết đấy.

Không ai bảo ai, chúng tôi cùng ngước mắt nhìn lên. Cửa phòng Norton ở ngay trên đầu. Tôi ngạc nhiên nhận ra trong các cửa, chỉ có mỗi cửa của Norton còn đóng.

- Lạ quá, tôi nói. Mọi người quên gọi anh ta dậy chăng?

- Đúng là lạ. Hy vọng cậu ta không ốm. Ta lên xem sao.

Chúng tôi cùng lên gác. Cô hầu phòng, người hơi đần, đang ở trong hành lang gác hai. Boyd Carrington hỏi, cô ta nói đã gõ cửa mà không thấy Norton thưa. Tôi lại gần: đúng là cửa khóa. Lòng tôi bỗng có linh cảm xấu. Tôi đá mạnh vào cánh cửa gỗ, gọi:

- Norton... Norton! Dậy đi.

Rồi hét to.

- Dậy, dậy!

Đã rõ ràng là không có tiếng trả lời, chúng tôi đi tìm đại tá Luttrell. Ông vừa nghe vừa đưa tay dứt râu, mắt hốt hoảng. Bà vợ, bao giờ cũng quyết đoán, biết ngay phải làm gì, nói:

- Bằng cách nào cũng phải mở cửa.

Lần thứ hai trong đời, tôi lại chứng kiến một vụ phá cửa ở Styles. Và sau cánh cửa đó, chúng tôi thấy cái trước kia đã thấy: một xác chết.

Norton nằm trên giường, trong bộ áo ngủ, tay phải còn nắm chặt khẩu súng lục. Đúng giữa trán là một lỗ đạn sâu hoắm. Chìa khóa phòng nằm trong túi áo.

Ngay lúc đó, tôi không thể nhớ ra điều đó là thế nào. Tôi quá xúc động không thể nghĩ ra.

Tôi vừa bước vào, Poirot đã nhận thấy bộ mặt ngơ ngác của tôi, hỏi ngay:

- Chuyện gì vậy? Norton?

- Chết rồi!

- Bao giờ? Thế nào?

Tôi nói vài câu vắn tắt, rồi kết luận:

- Rõ là tự tử rồi, không thể có giả thuyết nào khác. Cửa khóa từ bên trong, chìa khóa nằm trong túi áo Norton. Các cửa sổ cũng đóng. Tối qua, tôi đã trông thấy anh ta vào phòng, nghe tiếng khóa cửa.

- Anh nhìn thấy? Có thật anh nhìn thấy, và người ấy có phải là Norton?

- Chắc chắn. Cái màu áo ngủ ấy thì lẫn đi đâu được.

Poirot bỗng trở lại cái cung cách trước đây.

- Ồ! Tôi hỏi trông thấy người, có phải trông thấy áo đâu. Bất cứ người nào cũng có thể mặc áo ngủ giống áo ngủ của Norton.

- Đành rằng tôi không nhìn rõ mặt. Nhưng còn bộ tóc bù xù và... cái dáng đi hơi tập tễnh...

- Người nào cũng có thể giả vờ tập tễnh.

Tôi trố mắt nhìn ông bạn:

- Ông cho rằng người tôi nhìn thấy không phải là Norton?

- Tôi không hề bảo vậy. Tôi chỉ phân vân vì những lý do anh đưa ra để khẳng định đó là Norton, chứ tôi không phân cãi là không phải Norton. Thật khó có thể là ai khác, vì tất cả những người trong nhà này đều có tầm vóc cao hơn anh ta. Anh ta chỉ cao khoảng một mét sáu nhăm. Dù sao, cũng như trò quỷ thuật ấy nhỉ? Anh ta và phòng, khóa cửa, bỏ chìa khóa vào túi và hôm sau, khi phát hiện anh ta chết, chìa khóa vẫn nguyên trong túi.

- Vậy ông không tin là... Norton tự tử?

Poirot thong thả lắc đầu:

- Không. Norton không tự tử, anh ta bị giết.

Tôi hoang mang tột độ. Điều Poirot vừa nói thật khó lý giải, và tôi không hiểu cũng phải, mọi người hãy lượng thứ cho tôi. Tôi đã không đoán ra sự thật, vì đầu óc u mê của tôi không làm việc tỉnh táo.

Tuy nhiên, tất cả đều rất lô-gích! Norton bị giết. Tại sao? Tôi nghĩ bụng, chắc là để anh ta không nói ra đã nhìn thấy cái gì.

Nhưng anh ta đã nói với một người rồi! Và như thế là người đó nay cũng đang gặp nguy hiểm. Không những nguy hiểm mà còn không có khả năng tự vệ.

Lẽ ra tôi phải hiểu.

Lẽ ra tôi phải lường trước.

- Ông bạn ơi! Poirot nói với tôi như thế khi tôi đi ra.

Đó là những lời cuối cùng của Poirot.

Và khi Curtiss vào, hắn thấy chủ hắn đã chết.

Thật tình tôi không muốn phải viết phần sau đây. Không muốn nghĩ đến một chút nào. Hercule đã chết, và tôi có cảm giác một phần con người tôi cũng mất đi theo ông.

Dù sao tôi sẽ cố gắng kể lại. Thật chính xác, không tô vẽ.

Hercule Poirot chết một cái chết tự nhiên, như người ta nói. Cụ thể vì một cơn đau tim. Bác sĩ Franklin đã tiên đoán điều đó, và cơn đau này hẳn là do ông bị sốc trước cái chết của Norton. Thế mà không biết có phải vì quên hay không, mà những ống thuốc trợ tim lại không có trong bàn tay của Poirot lúc đó.

Nhưng có phải là quên hay không? Hay có kẻ nào đã cố tình dấu đi? Không, chắc là đã xảy ra chuyện gì khác, vì không ai lường là hôm ấy Poirot lên cơn. Giờ đây tôi không tin là chết tự nhiên. Hercule Poirot bị giết. Như Norton. Như Barbara Franklin. Nhưng tôi không hiểu tại sao họ bị giết, và ai giết họ.

Cuộc điều tra về cái chết của Poirot đi đến kết luận: tự tử. Tuy nhiên bác sĩ pháp y nhận xét rằng không mấy khi người tự tử bằng súng lại bắn đúng vào giữa trán. Đó là chi tiết duy nhất khiến ta phải phân vân, cón tất cả các cái khác đều rõ ràng: cửa khóa từ bên trong, các cửa sổ đều đóng kỹ, chìa khóa cửa tìm thấy trong túi áo ngủ của Norton, tay Norton nắm chặt khẩu súng. Đúng là cậu thanh niên này thường kêu nhức đầu, hơn nữa lại mới bỏ tiền vào mấy vụ làm ăn thất bại. Nhưng những lý do đó rất là nhỏ nhoi dể đi đến tự tử. Song vì không thể giải nghĩa bằng cách khác, người ta phải chấp nhận kết luận này.

Về khẩu súng, xem ra đúng là súng của Norton. Cô hầu phòng nói đã trông thấy nó hai lần đặt trên bàn đầu giường. Thế là rõ. Song với tôi, đây lại là một vụ giết người ta nữa ngụy trang thành tự tử.

Trong cuộc đối đầu giữa Poirot và X, một lần nữa tên nay đã thắng. Nhưng X là ai? Bây giờ tôi phải tìm cho ra.

Tôi lên phòng Poirot lấy chiếc cặp. Tôi hoàn toàn có quyền, vì tôi biết ông đã chỉ định tôi làm người thi hành di chúc.

Chìa khóa cặp, ông đeo ở cổ.

Trở về phòng, tôi mở cặp ra. Và sững sờ.

Năm hồ sơ về các vụ án mà chúng tôi từng bạn luận trước đây đã biến mất. Mới hôm kia, tôi còn trông thấy chúng lúc Poirot mở cặp trước mặt tôi. Sự việc này chứng tỏ có bàn tay can thiệp của tên X bí ẩn, vì không có lẽ Poirot đã thủ tiêu chúng.

- X? Vẫn là cái tên trời đánh thánh vật đó!

Song, chiếc cặp không hoàn toàn trống rỗng. Và tôi nhớ lại lời hứa của Poirot: tôi sẽ một số chỉ dẫn để tiến tới tìm ra sự thật. Nhưng trong cặp chỉ có hai cuốn sách: một là Othello của Shakespeare, hai là vở kịch của John Ervine nhan đề John Fergueson. Cuốn này có một mảnh giấy đánh dấu ở màn ba.

Nhìn hai cuốn sách, tôi chưng hửng. Đây là những chỉ dẫn mà Poirot để lại ư? Như vây là ý nghĩ gì? Hay là có một điểm gì chung giữa hai vở kịch để tôi lấy làm căn cứ? Nhưng làm thế nào để tìm ra? Trong sách không có đoạn nào được đánh dấu riêng, không một dòng, một từ nào gạch dưới để tôi chú ý. Tôi thử hơ qua loa hai cuốn sách lên lò sưởi, xem có hiện lên dòng chữ bí mật nào không, song không có.

Tôi liền đọc kỹ màn ba của kịch John Fergueson. Trong đó có một đoạn độc thoại tuyệt vời của nhân vật Clutie John, một anh chàng ngớ ngẩn. Tiếp đó, anh chàng đi lùng người đã cưỡng bức em gái mình. Một sự mô tả tính cách sâu đậm, song Poirot để lại tác phẩm này không lẽ chỉ để tôi được thưởng thức văn chương!

Tôi giở tiếp mấy trang, thì một mảnh giấy rời ra, rơi xuống đất. Tôi nhặt lên. Ngạc nhiên xiết bao khi trên đó có dòng chữ Poirot viết:

"Hãy đi gặp anh hầu George của tôi!"

Cuối cùng, thì đây là một lời chỉ dẫn! Có thể chìa khóa mật mã nằm trong tay George. Tôi phải tim ra địa chỉ là đi gặp anh ta.

Nhưng trước đó, tôi còn có nhiệm vụ đưa tang ông bạn quá cố. Nơi đây chính là nơi ông đã sống khi đặt chân lần đầu lên nước Anh, và cũng là nơi ông nghỉ lại vĩnh viễn.

Trong những ngày buồn thảm ấy, Judith tỏ ra rất ân cần với tôi, không rời tôi nửa bước, giúp đỡ tôi trong mọi việc. Elizabeth Cole và Boyd Carrington cũng hết lòng chăm sóc tôi. Norton chết đi, tôi thấy cô Cole không có vẻ đau buồn như tôi tưởng, hoặc nếu có đau buồn thì cô biết giữ kín, không để lộ.

Nay mọi việc đã xong. Tang lễ đã hoàn tất, và tôi ngồi bên con gái, buồn rầu phác xem sẽ phải làm gì. Judith nhỏ nhẹ:

- Nhưng ba ơi, con không ở lại đây đâu.

- Không ở đây? Nghĩa là sao?

- Con không ở lại nước Anh

Tôi ngạc nhiên nhìn nó, Judith nói tiếp:

- Con không muốn nói sớm hơn, sợ ba thêm buồn. Nhưng rồi trước sau gì cũng phải nói. Con đi châu Phi với bác sĩ Franklin.

Tôi không thể kìm mình nữa. Sao nó lại làm chuyện ấy! Thiên hạ sẽ điều ra tiếng vào. Làm trợ lý cho Franklin ở Anh trong khi vợ ông ta còn sống, là một việc; đi châu Phi với ông ta là một việc khác. Không thể, tôi sẽ phản đối bằng mọi cách. Judith không được, không thể làm như vậy.

Nó để mặc cho tôi nói thật lâu, rồi mới cười nhẹ.

- Không ba ơi, con không đi với tư cách là trợ lý, mà với tư cách là vợ của Franklin.

Như có một đòn nặng giáng lên đầu tôi.Tôi lắp bắp:

- Nhưng thế thì... còn Al... Allerton?

Judith có vẻ thích chí.

- Giữa hai chúng con, có gì đâu. Vì ba cứ nghi ngờ vớ vẩn, nên con bực mình không nói ngay. Vả lại, con muốn ba cứ tưởng tượng... cái điều ba tưởng, không đoán ra rằng chính là... Franklin.

- Nhưng ba đã nhìn thấy con ôm hôn Allerton tối hôm đó, ngoài sân.

- Ồ! Lúc đó con đang bực mình, buồn chán... Ba cũng biết đấy, chỉ là chuyện vặt.

- Nhưng sao con lấy Farnklin... nhanh thế.

- Có sao. Con muốn đi cùng anh. Giờ thì chẳng có lý do gì phải chờ.

Judith và Franklin. Franklin và Judith.

Ai hiểu cho tôi rằng lúc đó tôi nghĩ gì? Những ý nghĩ đã ẩn nấp tiềm tàng trong đầu óc tôi bấy lâu nay.

Judith tay cầm một cái lọ. Judith tuyên bố chắc nịch rằng những kẻ vô tích sự phải biến đi, dành chỗ cho người khác. Hai người Norton nhìn thấy có phải là Judith và Franklin? Nhưng nếu vậy... nếu vậy... Không, không thể thế. Không hải Judith! Franklin thì có thể, đó là một con người có vẻ vô cảm, nếu định giết hắn có thể giết nữa.

Poirot đã muốn nói chuyện với Franklin. Để làm gì. Ông định nói gì với hắn sáng hôm nay? Lúc đó Poirot có vẻ hơi lạ. Và những lời ông thốt ra lúc đó lại vang bên tai tôi: "Rồi có lẽ anh sẽ bảo Hạ màn thôi!"

Bỗng dưng một ý nghĩ mới nảy ra trong óc tôi. Kinh khủng! Vô lý! Tất cả câu chuyện về tên X bí ẩn phải chăng chỉ là bịa đặt? Poirot đến Styles này phải chăng vì lo sẽ xảy ra thảm kịch giữa vợ chồng Franklin? Ông đến đây để bảo vệ Judith? Có phải vì thế mà ông không chịu nói gì với tôi? Vì tên X chỉ là cái màn khói nhằm che đậy những chuyện khác?

Judith, con gái tôi, phải chăng là trung tâm của toàn bộ tấm thảm kịch.

Othello! Đó là cuốn sách mà tôi đã lấy ở tủ sách tối hôm bà Franklin chết. Phải chăng đó là dấu hiệu, là chìa khóa của bài toán?

Judith! Judith kiều diễm của tôi. Người nào đó chẳng đã nói rằng nó giống hệt nhân vật cùng tên, trước khi chặt đầu Holopherme?

Tôi viết những dòng này tại Eastbourne nơi tôi đến để gặp người hầu cũ của Poirot. George đã phục vụ bạn tôi trong nhiều năm. Cậu ta có đầu óc thực tế và cực kỳ được việc, mặc dù kém trí tưởng tượng. Tôi báo tin Poirot mất, và hắn phản ứng đúng như tôi dự đoán: dù rất buồn, hắn cố không để lộ trên nét mặt.

- Ông ấy có để lại thư cho tôi, phải không? Tôi hỏi.

- Thư cho ông? Không ạ, làm gì có.

Tôi lại chưng hửng. Gặng mãi, hắn vẫn một mực: Poirot không để lại thư từ gì. Tôi đành chịu.

- Thế thì tôi lầm. Giá như anh ở bên ông ấy lúc lâm chung, thì hay biết bao nhiêu.

- Vâng, tôi cũng muốn như thế.

- Nhưng vì bố cậu mất, tất nhiên cậu phải về chăm sóc.

George nhìn tôi, kinh ngạc:

- Xin lỗi, tôi không hiểu ông nói gì.

- Vì ông cụ đằng nhà mệt nặng, nên cậu phải nghỉ việc chỗ ông Poirot, không phải thế sao?

- Tôi có muốn bỏ ông ấy đâu. Tại ông Poirot bảo tôi đi.

- Bảo đi? Đến lượt tôi không hiểu.

- Không, ông ấy không đuổi tôi hẳn, một thời gian sau tôi sẽ trở lại. Nhưng tôi phải đi, theo ý của ông ấy. Ông còn cho tôi một món tiền kha khá để tạm về sống ở nhà.

- Tại sao như vậy?

- Tôi không biết, thưa ông.

- Anh không hỏi ông ấy?

- Không. Ông Poirot đã có ý kiến, tôi không đuợc phép hỏi lại.

- Ừ, phải - tôi hậm hự cho xong.

- Ông ấy rất thông minh, tôi phải kính nể. Ông ấy rất khó tính về khoản quần áo. Rồi còn râu, tóc, ông rất chăm chút.

- Ừ, cái bộ râu độc đáo!

Tôi xúc động nhớ lại, Poirot rất hãnh diện vì nó. George nói tiếp:

- Ông ấy thích bộ râu lắm. Tất nhiên, nay ít người để như thế, nhưng với ông lại rất hợp.

- Tôi đoán là ông ấy thường nhuộm râu và tóc.

- Râu thì có. Nhưng... nhiều năm nay ông ấy không đụng đến tóc.

- Vô lý! Tôi vẫn thấy tóc ông đen nhánh. Cứ như là... tóc giả.

George ho hắng mấy cái, vẻ khó nói:

- Xin lỗi, thưa ông, đúng là tóc giả. Mấy năm nay ông Poirot rụng hết một phần tóc, vì vậy ông quyết định dùng tóc giả.

Thật kỳ lạ, người hầu lại biết rõ chủ hơn người bạn thân thiết nhất là tôi. Tôi trở lại vấn đề đang thắc mắc.

- Vậy anh không biết tại sao Poirot lại bảo anh về nhà một gian à. Nghĩ kỹ xem nào.

- Tôi chỉ nghĩ ra một lý đo. Đó là vì ông muốn mượn Curtiss.

- Curtiss? Nhưng tại sao ông lại muốn thay người hầu?

George lại ho hắng:

- Xin lỗi, tôi thật khó nói. Nói thế này thì không phải, nhưng cái lần tôi gặp Curtiss, tôi thấy hắn không thông minh nhanh nhẹn. Khỏe mạnh đấy nhưng không phải loại người hầu phù hợp với ông Poirot. Hình như hắn có lúc đã làm việc ở một trại tâm thần.

Tôi đờ người, ngạc nhiên.

Cirtiss!

Có phải vì thế mà Poirot không chịu nói gì với tôi? Curtiss con người tôi không hề nghĩ tới. Phải, Poirot gợi ý để tôi tìm tên X trong số các khách trọ ở Styles, mặc dù ông biết hắn không nằm trong số đó.

Curtiss!

Có lúc làm việc trong một trại tâm thần. Mà tôi nghe nói nhiều người điều trị trong các trại kiểu đó sau được giữ lại luôn làm người phục vụ.

Một con người kỳ quặc, trí óc đần độn, đã từng phạm tội giết người trong một phút thẩn kinh hoảng loạn.

Nhưng nếu vậy thì...

Tôi có cảm giác như đã vén được đám mây đen.

Curtiss!...

Ghi chú của đại úy Arthur Hastings

Bốn tháng sau cái chết của Hercule Poirot một văn phòng luật gia mời tôi đến gặp tại trụ sở. Tại đây, họ làm theo yêu cầu của khách hàng của họ, trao cho tôi một phong bì kín, bên trong có văn bản mà tôi chép lại sau đây:

Văn bản của Hercule Poirot

Bạn thân mến, khi anh đọc những dòng này, tôi đã mất được bốn tháng. Tôi chần chừ không muốn viết, nhưng sau lại thấy cần phải nói cho ai đó biết sự thật về những gì xảy ra ở Styles. Chắc rằng đến lúc đọc bài này, anh đã đặt ra đủ các loại giả thuyết một cách chật vật hòng đi đến kết quả.

Song xin nói để anh biết rằng lẽ ra anh đã sớm tìm ra sự thật, vì tôi đã cố ý cung cấp những dấu hiệu để dẫn anh tới đó. Nếu anh chưa tìm ra được, ấy là tại vì bản chất anh quá tin người, trước sau anh vẫn vậy!

Ít nhất anh cũng phải biết ai đã giết Norton chứ, dù là còn tù mù về cái chết của Barbara Franklin.

Nhưng hãy nói từ đầu. Tôi mời anh đến Styles, nói là tôi cần anh. Đó là sự thực. Tôi bảo anh phải là tai, là mắt cho tôi. Đó cũng là sự thực, nhưng có lẽ không hẳn theo nghĩa mà anh hiểu. Anh phải nhìn thấy những gì tôi muốn anh nhìn, nghe thấy những gì tôi muốn anh nghe.

Anh phàn nàn về chuyện tôi không nói thật hết với anh khi trình bày vụ việc. Đúng, tôi không chịu nói rõ lai lịch tên X. Nhưng tôi phải làm thế, mặc dù ở đây cũng vậy, lý do tôi viện ra với anh không phải là lý do thực. Lý do thực, rồi anh sẽ hiểu ngay bây giờ.

Tôi đã chuyển cho anh bản tóm tắt năm vụ án khác nhau. Tôi đã nêu bật nhận xét rằng trong mỗi vụ án đó, người bị kết án hoặc bị nghi ngờ dường như không phải thủ phạm thực. Tôi lại nêu rõ một điều quan trọng nữa, trong mỗi vụ, X đã có mặt tại chỗ hoặc ở quanh quẩn đâu đó. Anh đã vội suy diễn ngay ra một điều, trớ trêu thay, vừa đúng vừa sai. Anh nghĩ X là người đã trực tiếp phạm các tội ác đó.

Nhưng bạn ơi, hoàn cảnh xảy ra là trong mỗi vụ, duy nhất chỉ có người bị kết tội mới có cơ hội làm việc đó. Như vậy, sẽ giải thích sự có mặt của X như thế nào? Trừ phi là người có dính dáng đến cảnh sát hoặc là một nhóm người quyền chức sa đọa, rất khó cho một người nào lại dính liên tiếp đến năm vụ án khác nhau. Điều đó không thể xảy ra anh hiểu không? Không ai lại đến gặp anh mà nói: "Tôi trực tiếp quen biết năm kẻ giết người". Không, không thể có như vậy. Thực ra, chúng ta đứng trước một hiện tượng xúc tác kỳ cục. Phản ứng giữa hai chất chỉ xảy ra khi có mặt chất thứ ba, chất này có vẻ như không đóng vai trò gì và không hề bị biến đổi. Tình hình là như thế: khi X có mặt, là án mạng xảy ra, nhưng X không mó tay trực tiếp.

Đây là một tình hình kỳ lạ, hoàn toàn bất bình thường. Và tôi hiểu ra là vào cuối đời, mình đã gặp một hung thủ tạm gọi là "hoàn hảo" hắn đã thực thi một kỹ thuật tinh vi làm cho hắn không bao giờ có thể bị vạch mặt.

Kỹ thuật đó là đáng ngạc nhên, nhưng không mới. Đã có những trường hợp tương tự. Và đây là một chỉ dẫn đầu tiên tôi để lại cho anh. Vở kịch Othello. Trong kịch này, có một điển hình như hệt X. Đúng, Iago là tên giết người hoàn hảo. Cái chết của Desdémone, của Cassio rồi của cả Othello nữa, là những tội ác của Iago do hắn trù liệu. Vậy mà không ai chịu nghi ngờ hắn. Lẽ ra hắn còn được "tại ngoại" mãi, cho đến khi người đồng hương vĩ đại của anh - thi hào Shekaspeare - phải dùng đến một biện pháp thô thiển nhất, là đưa chiếc khăn tay ra mới lật mặt được hắn.

Phải, án mạng được nâng lên thành nghệ thuật hoàn hảo. Không có một lời kích động trực tiếp nào. Iago còn khéo léo ngăn mọi người chớ dùng bạo lực và gieo mối nghi ngờ vào lòng người khác rồi lại làm bộ gân cổ bác bỏ!

Cách làm ấy ta lại thấy trong màn ba tuyệt vời của vở John Fergueson, trong đó chàng ngố Clutie John kích động người khác giết người mà hắn không ưa. Kiểu gợi ý về tâm lý đó là một công trình tuyệt hảo.

Anh Hastings, anh cần hiểu điều này: mỗi người chúng ta đều là một hung thủ tiềm ẩn. Trong mỗi chúng ta thỉnh thoảng lại nỗi lên sự muốn giết nhưng không nhất thiết kèm theo sự dám giết. Đã bao lần ta nghe thấy người này người kia nói: "Mụ ấy làm tôi tức lộn ruột, muốn giết mụ ngay lập tức!" - "Tôi sẽ giết nếu nó dám nói thế!" - "Tôi ấy à, tôi sẽ bẻ gẫy cổ hắn!"

Nhưng lúc đó, ý của ta thật rõ ràng: muốn giết cho chết. Nhưng ta không làm việc ấy, vì lý trí ta không đồng tình với tình cảm. Ở trẻ nhỏ cái máy hãm lý trí ấy có khi không hiệu quả. Tôi biết một thằng bé bực mình với con mèo, thốt lên: "Nằm im, không tao đập cho một cái vào đầu chết tươi!". Nói rồi làm thật. Để sau đó mới hoảng hồn vì con mèo đẵ chết. Vì thật ra, thằng bé rất yêu con vật ấy.

Tóm lại trong mỗi chúng ta đều có một tên hung thủ nằm ngủ. Và nghệ thuật của X không phải chỉ gợi lên ý muốn mà còn thủ tiêu sự kháng cự của lý trí. Nghệ thuật đó được rèn giũa trải qua thực tế lâu dài. Hắn biết dùng một từ chính xác, một câu nói thích hợp, giọng nói tính toán làm sao để gây áp lực liên tục lên một điểm yếu! Trong khi đó, nạn nhân không ngờ vực chút nào. Đây không phải là thôi miên; thôi miên chưa chắc đã ăn. Nó là một cái gì lắc léo hơn, đáng sợ hơn: sự tập hợp tất cả sức lực của một con người để mở rộng một khe hở chứ không bịt nó lại.

Anh phải biết điều đó chứ, vì nó đã xảy ra với anh. Có thể anh đã bắt đầu hiểu ý nghĩ một số nhận xét của tôi mà anh cho là lạ. Khi tôi nói có một vụ án sắp xảy ra không phải lúc nào tôi cũng ám chỉ một vụ giống nhau. Tôi nói rằng tôi đến Styles nhằm một mục đích nhất định, vì ở đó sắp xảy ra án mạng. Và anh đã hết sức ngạc nhiên thấy tôi đoán chắc như thế. Nhưng sở dĩ tôi chắc như vậy, vì vụ án mạng đó sẽ do tôi tiến hành.

Phải, kỳ lạ thật, anh nhỉ. Và kinh khủng nữa. Tôi là người phản đối tội ác, người luôn luôn tôn trọng cuộc sống con người, thế mà tôi lại kết thúc sự nghiệp của mình bằng gây ra án mạng! Hay bởi tôi quá đạo đức giả, quá ý thức về sự ngay thẳng của mình mà cuối cùng phải đứng trước sự lựa chọn sinh tử đó. Vì, anh Hastings ơi, bao giờ cũng có mặt phải, mặt trái. Nhiệm vụ của đời tôi là cứu người bị oan, ngăn ngừa tội phạm và tôi chỉ có thể làm được việc đó bằng một cách duy nhất. Vì - anh chớ quên điều này - X không thể bị pháp luật trừng trị. Hắn có chỗ trú an toàn. Tôi không nghĩ ra cách nào khác khác để đánh bại hắn, buộc hắn vĩnh viễn không thể tác oai tác quái.

Song tôi vẫn do dự. Biết rõ cần làm gì, nhưng chưa dám quyết làm. Giống như Hamlet, tôi cứ trì hoãn mãi giờ phán xét cuối cùng. Thế là xảy ra một mưu toan khác, định làm hại bà Luttrell.

Tôi nóng chờ xem anh, vốn thính nhạy với sự thật hiển nhiên, lần này có hiểu ra không. Và anh đã hiểu: phản ứng đầu tiên của anh là nghi cho Norton, dù rất mơ hồ. Anh đã đoán đúng: Norton chính là người chúng ta tìm. Không có bằng chứng gì để xác minh giả thuyết đó, trừ một nhận xét dụt dè của anh rằng hắn là con người vô vị. Song lúc đó chính là lúc anh đã tới gần sự thật.

Tôi đã nghiên cứu kỹ lai lịch của hắn. Hắn là con của một bà mẹ độc đoán và áp chế, nên không lúc nào hắn có dịp tự khẳng định hoặc áp đặt tính cách của mình cho ai. Hắn bị tật nhẹ ở chân, nên ngay lúc đi học không tham gia tích cực được vào các trò chơi của bạn học.

Một điều có ý nghĩ mà anh kể lại với tôi là hắn bị bạn bè chế nhạo vì buồn nôn khi nhìn con thỏ bị lột da. Tôi cho rằng chuyện ấy đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng hắn. Hắn sợ máu và bạo lực, nên bị "kém thớ". Trong tiềm thức, hắn chờ dịp để tự khẳng định, báo thù lại bằng cách tỏ ra táo bạo, thậm chí tàn ác.

Tôi hình dung hắn sớm nhận ra mình có khả năng gây ảnh hưởng tới người khác. Hắn biết bình tĩnh lắng nghe, gợi được cảm tình, mọi người không chú ý hắn lắm, song không ghét bỏ. Hắn nhận ra là nếu dùng những lời thích hợp và nhấn vào đúng chỗ, thì rất dễ gây ảnh hưởng tới người khác. Chỉ cần hiểu họ, nắm được ý nghĩ của họ,lường trước những phản ứng và những ý nghĩ âm ỉ của họ.

Anh có thấy không, một sự khám phá như vậy làm cho hắn có cảm giác như thế nào về quyền lực của mình! Hắn là Stephen Norton, người vừa được yêu mến vừa bị coi thường, nay có khả năng thúc đẩy người khác làm những việc họ không muốn làm hoặc tưởng là không muốn làm.

Tôi hình dung hắn bắt đầu đem cái sở trường đó ra thực hành, rồi lâu dần thành quen, thích thú với việc thông qua nguời khác để gây ra những hành vi bạo lực, những việc mà hắn không tự làm được vì thiếu sức mạnh thể chất.

Và cái trò quỷ đó cứ lên mãi thành niềm đam mê, không làm không được. Như một thứ ma túy, nghiện rồi không thể bỏ. Norton con người vốn bản tính hiền lành, trở thành tên bạo sát dấu mặt. Giống như người nghiện, hắn phải có suất tiêm chích hằng ngày, luôn tìm hết nạn nhân này tới nạn nhân khác. Tôi tin là con nhiều vụ khác, ngoài năm vụ mà ta đã biết. Và trong mỗi vụ, hắn đều có vai trò giống nhau. Hắn quen biết Etherington; hắn đã ở suốt mùa hè ở cái làng Riggs ở,thỉnh thoảng uống rượu với anh này ở quán. Trong một chuyến du ngoạn, hắn làm quen với Freda Clay và làm như nói chuyện bâng quơ, đã gợi ý cho cô ta thấy nếu bà cô chết đi thì nhất cử lưỡng tiện: chẳng những bà già được giải thoát, mà cô sẽ được sống ung dung, thoải mái. Hắn cũng là bạn của Litchfield, và gợi cho Margaret thấy nếu giải thoát được cho các em gái, cô sẽ là người hùng. Tôi tin là, không ai trong số những người đó sẽ giết người, nếu không bị Norton tác động.

Bây giờ ta trở lại những sự kiện ở Styles. Tôi đã theo dõi Norton một thời gian. Và khi hắn làm quen với Franklin, tôi thấy ngay mối nguy. Với Norton, vợ chồng Franklin mở ra những khả năng rất thú vị, có thể nói là đủ các loại khả năng. Bây giờ thì chắc anh đã hiểu điều mà bất cứ người nào đầu óc bình thường phải hiểu ngay, đó là Franklin và con gái anh yêu nhau. Cử chỉ bất thường của bác sĩ, cái cách ông ta không bao giờ nhìn thẳng vào Judith, bỏ qua mọi kiểu đối xử xã giao với Judith, tất cả những cái đó phải cho anh thấy là ông ta yêu con gái anh. Nhưng đó là một người có nghị lực và thẳng thắn. Có thể ăn nói hơi cục cằn, nhưng có những nguyên tắc nhất định. Theo ông, người chồng phải chung thủy với người vợ mình đã chọn.

Về phía Judith nó mê tít ông bác sĩ. Tôi tưởng anh đã biết chuyện ấy rồi, và Judith cũng tưởng thế, cái hôm anh gặp nó trong vườn hồng. Do đó nó với cáu kỉnh. Tính cách như nó không chịu để ai thương hại, thậm chí thông cảm.

Rồi Judith hiểu là anh tưởng nó yêu Allerton, và nó không cần đính chính, cứ để mặc cho khỏi gây lôi thôi. Nó chấp chới với Allerton như để tìm trong đó một niềm an ủi tuyệt vọng, mặc dù biết Allerton là loại người nào. Nó chỉ đùa cợt thế thôi, chứ không hàm ý tình cảm gì.

Tất nhiên Norton hiểu tất cả, hắn dự kiến khai thác tình hình đó. Tôi cho là hắn đã tìm cách ảnh hưởng đến Franklin, nhưng thất bại. Bác sĩ là loại người duy nhất không chịu tác động gì từ phía Norton. Ông có trí óc cực kỳ tỉnh táo. Hơn nữa, niềm đam mê lớn nhất đời ông là công việc.

Với Judith, Norton thành công hơn bằng cách khéo léo khích cái lý thuyết về những cuộc đời vô dụng. Judith thành thật tin vào thuyết này, và hắn tỏ ra cực kỳ gian manh, làm bộ chủ trương thuyết trái lại và nói khích Judith, cho là cô ta không đủ táo bạo để đưa lý thuyết vào thực hành. "Đó là loại lý thuyết ta hay có lúc trẻ, nhưng không bao giờ dám thực hiện". Cách nói ấy mang tính kích động thô thiển, ấy vậy mà có khi hiệu quả. Bọn trẻ ấy mà, chúng còn non nớt quá!

Nếu bà Barbara vô dụng bị loại trừ, con đường với Franklin và Judith sẽ rộng mở. Điều ấy không được nói toạc ra, người ta còn bản rằng lý thuyết này không ám chỉ trường hợp cá nhân nào, vì nếu Judith biết là có ám chỉ, nó sẽ phản ứng quyết liệt.

Nhưng với một môn đệ của tội ác như Norton thì một vụ là chưa đủ. Hắn đã tìm ra một chỗ nữa để thử tài, đó là vợ chồng Luttrell.

Ta hãy quay trở lại trước nữa. Hastings, anh có nhớ ván bài anh tham gia tối hôm mới đến. Sau ván bài, Norton đã nói mấy câu rất to khiến anh lo là ông đại úy nghe thấy. Nhưng đó là hắn cố tình muốn vậy: Luttrell phải nghe thấy! Norton không bỏ lỡ cơ hội nào để bình phẩm tính cách bà Luttrell, cố tình nhấn mạnh một cách tự nhiên. Và cuối cùng ý đồ của hắn đã thành kết quả. Việc ấy xảy ra ngay trước mũi anh, mà anh không hay biết. Nền móng của sự việc đã được sắp đặt sẵn: sự áp bức quá đáng của bà vợ, sự xấu hổ, bực bõ của ông chồng...

Anh hãy thử nhớ chính xác mà xem. Norton kêu khát. Hẳn là hắn biết bà Luttrell đang ở quanh đó và chắc chắn sẽ ra mặt. Ông đại tá đáp ứng ngay, tỏ rõ bản chất chủ nhà rộng rãi của mình. Ông xin đãi một chầu rượu và vào tìm chai. Các anh đều ngồi gần cửa sổ. Bà Luttrell bước vào phòng ăn, thế là xảy ra cuộc cãi vã, chì chiết. Luttrell biết là mọi người nghe thấy hết. Ông ta trở vào. Lẽ ra mọi người phải tìm cách xoa dịu sự việc. Hoặc Boyd Carrington, hoặc chính anh, Hastings có thể làm điều đó. Nhưng Norton đã cướp lời, và khéo léo đổ thêm dầu vào lửa. Hắn nói trở lại về ván bài - làm Luttrell cảm thấy mình bị lấn át - rồi nói chuyện tai nạn đi săn. Thế rồi, cái ông Boyd Carrington đần độn vô tình mắc bẫy, lao ngay vào kể chuyện tên cận vụ giết ông anh của mình. Câu chuyện đó, chính Norton đã để cho Boyd, hắn biết rằng Boyd sẽ kể lại như là của chính mình vào lúc nào có người khéo gợi. Thành ra gợi ý cuối cùng không phải do Norton nói ra!

Vậy là mọi thứ đã được dọc sẵn. Và điểm bùng nổ đã tới. Bị sỉ nhục trước mặt mọi người, nghĩ rằng ai nấy đều cho mình là thiếu dũng khí chống lại, ông Luttrell nghĩ cách để thoát ra. Thì đấy - có ngay những chuyện tai nạn đi săn, chuyện anh lính giết anh ruột. Rồi bất thần đằng cuối vườn, sau lùm cây, thấp thoáng cái đầu của bà vợ... không sợ gì cả... coi như tai nạn... Ta phải tỏ cho họ biết ta là ai... cho bà ấy chết cho xong!

Nhưng bà ấy không chết. Tôi cho là, lúc bóp cò, ông ta đã bắn trượt bởi trong thâm tâm, ông muốn bắn trượt. Lập tức ý tưởng phản ứng tan ra mây khói. Bởi vì dù thế nào, ông ta vẫn yêu vợ.

Đó là một trong những vụ án mạng mà Norton đã dự liệu không thành. Nhưng còn âm mưu tiếp theo! Hastings biết không, lần này hắn nhằm vào anh đó! Hãy nhớ lại đi, ông bạn thật thà ạ. Norton đã thấy ra tất cả các điểm yếu của anh, và cả những tính tốt của anh là ngay thẳng và đạo đức.

Allerton thuộc loại người mà anh căm ghét và e ngại một cách tự nhiên, như cólinh tính. Và những điều anh nghĩ về hắn, biết về hắn, đều đúng. Norton liền kể anh nghe một câu chuyện khác - chuyện này có thực, theo như tôi biết - về một con gái bị Allerton tình phụ.

Chuyện đó ngay lập tức gây ấn tượng mạnh với anh. Allerton đúng là thằng tồi, thằng đểu chuyên quyến rũ, cưỡng bức con gái, dồn họ đến chỗ phải tự vẫn. Mặt khác, Allerton gợi ý Boyd Carrington nói chuyện với anh về Judith. Và anh cảm thấy cần nói chuyện nghiêm chỉnh với con gái. Và, như anh đã lường trước, nó cãi lại, nói rằng việc đời nó, nó lo. Anh càng cuống.

Giờ anh hãy bình tĩnh xem xét Norton đã lợi dụng những gì ở anh: tình yêu con gái, ý thức trách nhiệm của người cha... anh tự nhủ: "Ta phải hành động ngay, kẻo hối không kịp". Anh lại nghĩ đến vợ, thấy không thể lẩn tránh trách nhiệm trông nom con cái mà người vợ yêu quý đã để lại. Còn có cả sự ghen tuông tự nhiên và vô lối của phần lớn các ông bố khi có kẻ địch cướp con gái mình. Thấy chưa, Norton đã nhấn vào những phím đàn nhạy cảm, đúng là một nhạc trưởng bậc thầy. Và anh cứ thế lao vào.

Hastings, anh có tật cả tin vào bề ngoài của sự vật. Chẳng suy nghĩ gì, anh tin ngay là Allerton hẹn gặp Judith hôm sau ở London. Nhưng anh không nhìn thấy Judith, không nghe Judith nói. Vậy mà sáng sớm hôm sau, anh vẫn còn tin như thế, và tỏ ý mừng là Judith đã đổi ý.

Song nếu anh chịu khó xem xét, anh sẽ thấy ngay là Judith không hề có ý định đi đâu hôm đó. Và anh cũng bỏ qua không thấy một sự việc nhỏ khác; có một người định đi hôm đó, nhưng không đi được, nên tỏ ra vô cùng bực dọc. Đó là cô Craven y tá. Đúng thế! Allerton không chỉ tán tình một phụ nữ. Quan hệ giữa hắn và cô Craven đã tiến triển khá xa, xa hơn nhiều so với việc hắn lơ mơ tí chút với Judith. Và người hắn hẹn gặp ở London chính là cô ta!

Một mẹo nữa của Norton. Anh trông thấy Allerton hôn Judith, Norton liền thúc anh đi vòng quanh góc nhà, vì hắn biết Allerton hẹn hò cô Craven gần nhà kính. Sau khi làm bộ níu anh lại, Norton để anh đi. Nhưng hắn đi theo anh. Hắn hiểu câu nói mà anh vừa nghe được từ miệng Allerton góp thêm thuận lợi vào kế hoạch của hắn. Cho nên hắn vội kéo anh đi nhanh để anh không kịp nhận ra rằng người phụ nữ ở đó không phải là Judith.

Đúng là mưu mẹo bậc thầy! Phản ứng của anh là tức thời: anh quyết giết Allerton. May thay, anh có một người bạn trí óc còn minh mẫn. Và không chỉ trí óc mà thôi, như anh sắp thấy đây. Ngay ở đầu bản viết này, tôi đã nói anh không tìm ra sự thật, vì tính anh dễ tin quá. Ai nói gì, anh tin ngay. Tôi, tôi nói gì, là anh tin.

Song tìm ra sự thật, đâu có khó với anh. Tôi đã đuổi George đi. Tại sao? Thay bằng một anh hầu ít từng trải hơn, và rõ ràng kém thông minh hơn. Tại sao? Tôi vốn là người rất chăm lo súc khỏe, tôi không để bác sĩ nào theo dõi, và từ chối không chịu để bác sĩ nào khám như anh khẩn khoản yêu cầu. Tại sao?

Bây giờ thì anh hiểu tại sao tôi cần anh đến Styles chứ? Tôi cần có một người tin như đinh đóng cột tất cả những gì tôi nói. Tôi nói đi dưỡng bệnh ở Ai Cập về, sức khỏe vẫn tồi như trước. Anh tin. Thựa ra là sai: tôi trở về Anh khá hơn rất nhiều. Chịu khó để ý một chút, anh sẽ thấy ngay. Nhưng không, anh đã tin. Sở dĩ tôi chia tay với George, là vì nếu nó ở lại, tôi không thể nói dối với nó rằng chân tôi bị liệt. Hastings, anh hiểu chưa? Tôi giả vờ bị tật, đánh lừa tất cả mọi người, kể cả Curtiss, thực ra tôi vẫn đi lại được. Hơi tập tễnh môt chút.

Rồi đến cái tối đáng nhớ đó, tôi nghe tiếng chân anh lên gác, chần chừ một lát rồi lẻn vào phòng Allerton. Tôi cảnh giác ngay, vì đang rất lo cho tâm trạng của anh. Curtiss đang xuống ăn dưới nhà, tôi có một mình. Không bỏ phí một giây, tôi ra khỏi phòng, băng qua hành lang. Tôi nghe tiếng anh làm gì trong buồng tắm của Allerton, và phải dùng cái cách mà anh thường phản đối - quỳ xuống nhìn qua lỗ khóa. May quá, chìa không có trong ổ. Và tôi nhìn thấy anh. Anh mó máy mấy cái lọ, và tôi hiểu ngay anh đang mưu đồ gì.

Phải hành động ngay. Tôi trở về phòng mình chuẩn bị các thứ. Lúc Curtiss lên, tôi sai hắn sang tìm anh. Anh vừa vào vừa ngáp, nói là đau đầu. Tôi liền gây chuyện rối tinh, yêu cầu anh phải uống thuốc. Để cho xong chuyện, anh đồng ý uống một tách sôcôla thật ngọt. Anh uống một ngụm hết, vì đang vội về. Có điều là, tôi cũng biết dùng những viên thuốc ngủ!

Về phòng, anh đã ngủ ngồi trên ghế. Sáng hôm sau thức dậy, trí óc anh tỉnh táo trở lại, bây giờ anh mới phát hoảng vì chuyện tày đình định làm. Thế là anh thoát hiểm, vì không thể nào lặp lại việc ấy lần thứ hai khi người ta đã lấy lại lý trí.

Nhưng điều ấy đã làm tôi, tôi phải quyết định. Vì tất cả những gì tôi biết về những người khác không áp dụng với anh. Anh không phải kẻ giết người, thế mà suýt nữa bị kết tội giết người, vụ giết này do người thứ ba chủ trương, nhưng hắn hoàn toàn vô tội trước pháp luật. Anh người trung thực, thật thà, tận tụy, đáng kính như thế, mà cũng suýt nhúng tay vào tội ác!

Vậy tôi phải hành động ngay. Tôi biết mình không còn nhiều thời gian nữa, nhưng xét cho cùng, như thế lại tốt. Vì cái mệt nhất, ấn tượng nhất trong một vụ án mạng là tác động của nó đối với hung thủ. Mọi việc dẫn đến chỗ là tôi, Hercule Poirot tự thấy mình như một người được Thượng Đế chỉ định để trừng phạt những người khác. May thay, điều đó sẽ không xảy ra, vì đã đến lúc tôi cũng sắp phải ra đi. Nhưng tôi sợ Norton lại thàng công nữa cái trò ma quái của hắn khi nhằm vào một người thân của cả anh và tôi. Đó là con gái anh.

Và bây giờ, ta nói đến cái chết của Barbara Franklin. Dù anh nghĩ thế nào mặc anh, tôi cho là anh chưa lúc nào ngờ tới sự thật. Vì Hastings ơi, chính anh đã giết Barbara. Phải, chính anh. Vì thực ra, còn một khía cạnh khác của hình tam giác một khía cạnh mà tới lúc đó, tôi chưa quan tâm đúng mức. Cả anh cả tôi đều không phát hiện hành tung của Norton theo hướng đó. Song tôi tin rằng hắn đều đã thực hiện cả.

Anh có bao giờ tự hỏi, tại sao bà Franklin lại muốn đến ở Styles? Nơi này đâu phải là chỗ thích hợp với bà. Bà thích tiện nghi, thích ăn ngon, thích chơi bời giao thiệp... ở Styles làm gì có những thứ đó. Nhưng bà lại cố đòi đến nghỉ hè tại đây. Đó là, như tôi đã nói, còn một cạnh khác của hình tam giác: Boyd Carrington.

Bà Franklin là một phụ nữ bị vỡ mộng, đó là nguyên nhân khiến bà bi tâm thần. Bà ôm nhiều tham vọng về bậc thang xã hội và về tài chính. Bà lấy bác sĩ Franklin hy vọng ông có tương lại, sự nghiệp xán lạn. Ông đúng là người xuất sắc theo kiểu ông, nhưng không như vợ mơ ước. Ông có tài, nhưng chẳng bao giờ được báo chí nói đến, chẳng bao giờ có nổi một phòng khám bệnh tư ở phố Harley. Ông chỉ được dăm bảy đồng nghiệp biết tiếng, và đăng các công trình khoa học của mình trên những tạp chí thông thái không mấy người đọc. Và ông sẽ không bao giờ giàu có.

Nhưng rồi Boyd Carrington từ phương Đông về, lại mới được phong tước hiệu, thừa kế một dinh cơ đồ sộ và gia tài lớn. Ông ta vẫn giữ trong lòng tình cảm thắm thiết với cô gái mười bảy tuổi hồi xưa, mà ông suýt hỏi làm vợ. Ông ta định nghỉ tại Styles - trong khi chờ công việc trùng tu dinh thự Knatton hoàng thành - và gợi ý mới vợ chồng Franklin cùng tới nghỉ. Barbara đồng ý ngay.

Hiển nhiên là dưới mắt người đàn ông giàu có và tráng kiện này, bà Franklin vẫn còn đầy xuân sắc và hấp dẫn. Song ông thuộc người của thế hệ trước, không thể xui bà ly dị chồng. John Franklin cũng không chấp nhận ly hôn. Nhưng nếu ông ta chết đi, Barbara Franklin có thể trở thành phu nhân Boyd Carrington hạnh phúc xiết bao.

Và tôi hình dung Norton đã nhìn thấy ở bà một công cụ dễ sai khiến.

Bây giờ ngẫm lại, sao mà mọi việc rõ ràng quá. Hãy nhớ lại bà Franklin luôn tỏ ra mình gắn bó như thế nào với chồng, còn tô đậm thêm, nói muốn chết để khỏi là gánh nặng cho chồng. Sau đó bà lại dùng chiến thuật khác: giả bộ lo lắng rằng chồng sẽ tự lấy thân mình làm thí nghiệm với các chất độc.

Phải, lẽ ra ta phải thấy rõ! Bà ta chuẩn bị tư tưởng để mọi người thấy Franklin chết vì chất physostigmine. Ồ! Không có ai đầu độc ông ấy đâu! Chỉ là thí nghiệm khoa học. Ông ấy dại dột ống thử chất ancalôít đó, rồi tử nạn.

Nhưng rồi, dồn dập có diễn biến. Chính anh cho tôi biết bà Franklin rất không bằng lòng thấy lúc họ đi Knatton về, Boyd Carrington để cho cô Craven xem tướng tay. Cô y tá này còn trẻ và khá hấp dẫn, rất khéo làm duyên với đàn ông. Cô đã thử bắt tình với bác sĩ Franklin, nhưng không xong. Vì thế cô ta ghen ghét với Judith. Cô ta lại bắt tình với Allerton, dù biết anh này là người không đúng đắn. Và cuối cùng cô ta xoay sang để ý đến Boyd Carrington, ông này còn đẹp mã lắm. Mà ông ta thì có lẽ sẵn sàng xiêu lòng, vì anh thấy rồi đấy, ông đã từng khen cô y tá là người tươi tắn, đáng yêu.

Vì thế bà Barbara sinh lo và quyết định ra tay sớm.

Hastings anh biết không, tôi cảm thấy cây đậu calabar thật là đáng nể. Lần này, nó đã thực sự phát huy quyền lực: tránh người vô tội, đánh kẻ ác tâm.

Tối hôm đó, bà Franklin mời mọi người lên uống cà phê trong phòng mình, và bà ta đã chuẩn bị sẵn thuốc độc. Theo lời anh nói lại, tách của bà đặt ngay cạnh bà, còn tách ông chồng đặt phía bên kia tủ sách nhỏ.

Rồi có chuyện ra xem sao đổi ngôi. Mọi người đổ xô ra ban công. Mình anh ở lại, lúi húi điền ô chữ và ngẫm nghĩ. Và anh xoay cái tủ sách để tìm một câu viết của Shakespeare.

Mọi người trở vào. Bà Franklin uống tách cà phê lẽ ra dành cho chồng, còn chồng lại uống tách của bà Barbara.

Tôi đã hiểu ngay chuyện gì đã xả ra, nhưng không thể chứng minh. Song nếu người ta cho bà Franklin chết không phải do tự tử, thì mọi nghi ngờ sẽ tập trung vào Franklin và Judith. Nghĩa là vào hai người hoàn toàn vô can.

Vì thế tôi nghĩ mình có quyền bịa ra chuyện trông thấy bà Frankin cầm lọ trong tay và nhắc lại những lời bà thường than vãn - dù là vờ vĩnh - muốn chết cho xong.

Có lẽ tôi là người duy nhất làm thế được, vì tôi được tiếng là có kinh nghiệm về hình sự, lời chứng của tôi nhất định có sức nặng. Tôi nói là tự tử, mọi người chấp nhận ngay và tỏ vẻ hài lòng. Nhưng, trời ơi, anh không hề nghi vấn gì vì mối hiểm nguy thực sự. Tôi chết đi rồi, anh còn suy nghĩ đến nó nữa không, như con rắn độc thỉnh thoảng ngóc đầu dậy và ton hót: "Hay Judith đã làm việc đó...".

Có thể lắm. Vì vậy tôi quyết định phải viết ra. Cần phải để cho anh biết rõ sự thật.

Có một ngưới khác không hài lòng về kết luận tự tử; đó là Norton. Vì hắn cảm thấy bị lấy mất "thành tích". Như tôi đã giải thích bên trên, hắn là một tên bạo sát, muốn hưởng tất cả lạc thú của sự kinh hoàng, ngờ vực, khiếp sợ mà vụ giết người gây ra. Đằng này không thế. Vụ giết người mà hắn dự tính đã xoay chuyển một cách thảm hại, không theo ý hắn.

Tuy nhiên hắn tính được ngay cách để đền bù. Và hắn lại bắt đầu ton hót, lắt léo. Mấy hôm trước, hắn đã làm bộ nhìn thấy điều gì bất thường qua ống nhòm. Lúc đó hắn định để anh tưởng là Allerton và Judith trong tư thế thân mật nào đó. Nhưng do không nói rõ hắn có thể sử dụng sự việc đó theo cách khác. Ví dụ, hắn sẽ nói đã trông thấy Franklin cặp kè với Judith. Như vậy sẽ chiếu thêm ánh sáng mới - rất thú vị - lên cái chết của Barbara và gây nghi ngờ rằng bà này chết không phải vì tự tử.

Vì thế, tôi quyết định ra tay ngay lập tức. Tôi nhờ anh bảo Norton đến gặp tôi tối hôm đó.

Bây giờ tôi sẽ kể chuyện gì xảy ra giữa chúng tôi. Hẳn Norton khấp khởi sẽ nói những gì hắn muốn để đánh lừa tôi. Tôi không để hắn kịp nói. Tôi nói toạc không vòng vo, những gì tôi biết về hắn và hành động của hắn. Hắn không chối điều nào. Hắn bình thản ngồi trên ghế, mỉm cười một cách mãn nguyện thách thức. Rồi hắn hỏi tôi định làm gì? Tôi đốp chát trả lởi luôn là tôi muốn chặn tay hắn lại, trừng trị hắn.

- A! Hắn ngạo nghễ. Bằng lưỡi dao hay bằng thuốc độc?

Lúc đó, chúng tôi đang chuẩn bị uống sôcôla. Hắn vốn nghiện món này mà.

- Cách đơn giản nhất, là một chén thuốc độc.

Và tôi đưa hắn tách sôcôla vừa rót. Hắn nói:

- Nếu vậy, tôi muốn uống tách kia cơ, tách của ông, được không?

- Không sao, tôi đáp.

Quả là không sao thật. Như đã nói, tôi cũng hay dùng thuốc ngủ. Nhưng vì từ lâu tối nào cũng dùng, nên cơ thể tôi đã quen, liều đối với tôi không nghĩ lý gì, vẫn làm Norton ngủ mệt. Tôi đã cho thuốc ngủ vào liễn sôcôla, cả hai chúng tôi cùng uống. Tách của Norton sau đó sẽ có tác dụng, còn tác dụng rất ít đối với tôi, nhất là sau đó tôi lại uống một thuốc khác để trung hòa.

Chúng ta sắp tới chương cuối. Khi Norton đã thiếp đi, tôi đặt hắn lên xe lăn của tôi, đẩy sát vào góc cửa sổ, phủ rèm che. Rồi Curtiss đến, giúp tôi lên giường. Chung quanh yên tĩnh rồi, tôi nhỏm dậy, đẩy Norton về phòng của hắn. Bây giờ chỉ còn trông vào tai mắt của ông bạn hastings nữa là xong.

Chắc anh không để ý, tôi đã mang tóc giả từ nhiều năm nay. Và anh càng không biết nữa, là râu mép của tôi cũng giả. (Ngay George cũng không biết việc này). Thật vậy, ngay sau khi mượn Curtiss, tôi đã cố tình vô ý làm cháy râu, và cho thay bằng râu giả y hệt.

Tôi liền khoác bộ áo ngủ của Norton, bộ áo này màu sắc đặc biệt không lẫn vào đâu được. Tôi làm cho tóc bù xù lên giống Norton, đi dọc hành lang, đến gõ cửa phòng anh. Đúng như tôi dự đoán, anh mở cửa nhìn ra ngoài, mắt còn ngái ngủ. Và anh nhìn thấy Norton từ phòng tắm đi ra, tập tễnh băng qua hành lang để về phòng. Cửa đóng rồi, anh còn nghe tiếng chìa khóa xoay trong ổ.

Tôi liền cởi bỏ bộ áo, mặc lại cho Norton đang ngủ. Sau đó tôi bê hắn lên giường trừng phạt hắn bằng khẩu súng nhỏ tôi có từ khi ở nước ngoài. Từ khi đến Styles tôi đã cất giấu cẩn thận, trừ hai hai lần tôi biết Norton đang đi chơi xa, tôi mang súng cố tình đặt hớ hênh trên bàn của hắn, để cô hầu phòng nhìn thấy mà khai sau này.

Tồi tôi bỏ chìa khóa vào túi Norton, lấy lại xe lăn, khóa cửa lại bằng chiếc khóa thứ hai mà tôi đã cho làm từ trước.

Từ lúc ấy tôi lo thảo văn bản này dành cho anh. Tôi mệt lắm rồi: bao cố gắng nỗ lực đã làm tôi kiệt sức, và chắc chẳng còn bao lâu nữa tôi sẽ...

Tuy nhiên, còn một số chi tiết nữa tôi cần nói rõ.

Các vụ giết người do Norton chủ trương là những tội ác hoàn hảo, còn vụ giết người của tôi không được như thế.

Cách dễ nhất, tốt nhất để thủ tiêu Norton là làm công khai, ví dụ gây ra một vụ tai nạn với khẩu súng của tôi. Lúc đó tôi sẽ giả bộ hốt hoảng, tiếc nuối, và mọi người sẽ bình phẩm: "Ông già thật lẩm cẩm, không nhớ là súng đã lên đạn."

Tôi không muốn làm như vậy, và xin giải thích lý do.

Bởi vì tôi muốn "chơi đẹp" như trong thể thao.

Đúng, anh không đọc nhầm đâu. Lúc này tôi đang làm tất cả nhưng việc mà anh đã trách tôi không chịu làm. Tôi đang nói toẹt ra với anh. Thực ra anh đã có đủ các quân bài chủ trong tay để khám phá sự thật. Nếu còn chưa rõ, tôi xin kể sau đây những chỉ dẫn mà tôi đã để lại cho anh.

Anh biết, vì tôi đã nói với anh là Norton đến đây sau tôi. Anh biết vì tôi đã nói với anh rằng sau khi tôi đến Styles chìa khóa phòng tôi bị mất và tôi phải làm một chìa khác.

Vì vậy, khi anh tự hỏi: "Ai có thể giết Norton? Ai có thể đi ra khỏi một phòng đã khóa từ bên trong?" thì câu trả lời là như sau:

- Là Hercule Poirot, vì hắn có chiếc chìa khóa thứ hai của một trong hai phòng.

Bây giờ tôi nói về người anh trông thấy ngoài hành lang. Tôi đã hỏi anh có chắc là Norton không. Anh tỏ vẻ ngạc nhiên về câu hỏi ấy và hỏi tôi chẳng nhẽ tôi cho là người khác. Tôi đã trả lời đúng sự thật; đó không hề là ý định của tôi (tất nhiên, vì tôi đã phải thi thố nhiều mẹo để làm anh tưởng đó là Norton). Tiếp đó tôi đã nêu vần đề vóc dáng và đưa ra nhận xét rằng tất cả những người ở Styles đều cao hơn hắn. Nhưng có một người thấp hơn đó là Hercule Poirot. Song muốn cao hơn hai ba phân thì quá dễ: chỉ cần độn thêm đế vào giầy.

Anh cũng hoàn toàn cho rằng tôi không thể đi lại một mình. Nhưng tại sao? Chỉ tại tôi bảo anh như thế. Cuối cùng, tôi đã cho George về, và để lại chỉ dẫn cuối cùng: "Hãy đi gặp George".

Othello và Clutie John nói lên rằng tên X bí mật ấy không ai khác ngoài Norton.

Vậy ai là người có thể giết Norton? Chỉ là Hercule Poirot!

Chỉ cần anh thoáng ngờ vực như vậy là mọi mảnh sẽ khớp lại với nhau: những điều tôi đã nói và làm, cả những điều tôi dè dặt chưa nói, lời các bác sĩ Ai Cập và bác sĩ London nói là tôi không đi lại được, lời George nói là tôi mang tóc giả, và việc tôi đi tập tễnh hơn cả Norton. Tất cả chi tiết đó lẽ ra phải làm anh hiểu.

Cuối cùng, có phát súng tôi bắn: đây là điểm yếu duy nhất của tôi. Tôi thừa biết rằng đáng lẽ phải áp nòng súng vào thái dương Norton. Nhưng tôi khó chấp nhận sự mất cân xứng ấy, cho nên tôi nhắm vào đúng giữa trán.

Ôi, chỉ riêng việc đó đủ để làm anh thấy ra sự thật.

Nhưng biết đâu anh đã chẳng ngờ ngợ thế rồi. Biết đâu anh đã chẳng biết rõ sự thật trước đọc những dòng này. Song... tôi lại nghĩ là chưa. Bởi vì anh thật thà quá, dễ tin quá, bởi vì bản chất anh quá tốt.

Tôi còn nói gì nữa đây? Franklin và Judith - tôi chắc rồi anh sẽ thấy - biết rõ sự thật, nhưng họ không nói với anh đâu. Họ sẽ không giàu có, trước mắt phải lo đối mặt với muỗi và sốt rét, nhưng mỗi người chúng ta đều có những ý kiến riêng về cách quyết định về mình, phải không nào?

Thế còn anh, anh Hastings cô đơn, tội nghiệp? Tim tôi đau quặn mỗi khi nghĩ tới anh. Một lần cuối, anh có muốn nghe lời khuyên của Poirot này không? Nếu muốn thì sau khi đọc hết những dòng này, hãy đáp xe lửa - hoặc xe hàng, xe hơi - đi gặp Elizabeth Cole tức Elizabeth Litchfield. Đọc cho cô ấy nghe văn bản này, giải thích cho cô ấy rằng, nếu là anh, anh cũng sẽ làm như Margaret chị cô. Tiếc rằng chị cô ấy không có một người như Poirot để bảo vệ. Nói tất cả cho Elizabeth để cô ấy rũ bỏ hết những ác mộng ám ảnh cô suốt bấy lâu nay. Làm cho cô ấy hiểu là bố cô không chết vì tay con gái lớn, mà là do ông bạn quý hóa của gia đình: Stephen Norton. Vì thật là không công bằng một phụ nữ còn trẻ, đẹp như cô ấy lại không muốn sống chỉ vì nghĩ mình là người có số mệnh đen đủi. Không phải vậy. Hãy nói thế nhé, anh bạn, anh vẫn còn dư sức hấp dẫn với phụ nữ...

Thôi, tôi không còn gì để nói. Tôi không biết việc tôi làm có chính đáng hay không. Thực sự không biết. Trong thâm tâm tôi nghĩ là một người không có quyền làm thay pháp luật. Nhưng mặt khác, tôi cũng là một phần của pháp luật. Hồi trẻ, lúc còn phục vụ ở Sở Cảnh sát Bỉ, tôi đã bắn hạ một tên tội phạm, hắn đứng trên mái nhà bắn xuống người qua đường. Trong trường hợp khẩn cấp chí nguy, tôi đã cứu được nhiều mạng người khác...

Thôi, vĩnh biệt anh bạn. Tôi đã vứt bỏ những ống thuốc trợ tim trước nay vẫn giữ trong tầm tay đề phòng trường hợp nguy cấp. Tôi muốn buông xuôi, phó mặc đời mình cho Chúa. Mong Người hãy trừng phạt - hay cứu vớt - thật nhanh.

Chúng ta sẽ không cùng nhau sát cánh nữa. Anh nhớ không, vụ án đầu tiên mà chúng ta cùng hợp tác để phá, diễn ra tại đây. Và cũng lại ở đây, là vụ án cuối cùng...

Ôi, cái thời tươi đẹp!...

HẾT

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#hoaian