#1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Viện ngồi trong nhà, trời không lạnh mà người nó run cầm cập. Thằng Quân vừa chết sáng nay. Thắt cổ tự tử. Từ lúc nghe tin dữ đó, Viện cũng không dám sang nhà thằng Quân, nhất là sau khi nghe những lời chú nó nói, nó lại càng thấy toàn thân ớn lạnh.

"Thằng Quân chết vì bị thần phạt. Đấy là cái chết dữ, nó sẽ không đi một mình mà sẽ kéo thêm ai đó nữa. Mày cùng tuổi với nó, cẩn thận đấy..."

Vậy là nó ở nhà một mình, trong khi mọi người trong nhà đều sang nhà thằng Quân lo việc tang ma. Tiếng kèn đám ma từ bên nhà thằng Quân vẫn vọng đến tai Viện. Viện tựa lưng vào tường, nhắm mắt nhớ lại cái ngày bắt đầu mọi chuyện.

Thằng Quân là em họ Viện. Nhà chỉ cách nhau mấy trăm mét, lại học cùng lớp với nhau từ nhỏ, nên thân lắm. Thằng Quân tuy là em, nhưng tính lại hay nhường nhịn. Cái hồi học lớp năm, hai đứa cùng với thằng Bốn, cái Thơm con cô Hoán rủ nhau đi trộm sắn trên đồi nhà người ta. Được có mấy củ, bốn đứa háu đói giành nhau. Thằng Quân giành được miếng nào đều đưa cho Viện ăn trước. Đến lúc cả bốn đứa quay đơ ra vì say sắn dù (chúng nó biết đâu đấy là sắn dù!) thì Viện là đứa bị nặng nhất vì ăn nhiều quá. Thi thoảng nhớ lại, Viện lại thấy buồn cười.

Nhưng giờ thì nó không cười được. Thằng Quân chết rồi, đúng nửa tháng sau khi nó đá vỡ tai tượng trên miếu đồi Gò. Đồi Gò là một cái đồi thấp trên đường đi vào thôn Cù, trên đồi có một cái miếu hoang, hình như là có từ thời chống Pháp. Miếu chả rõ lai lịch thế nào, đã đổ nát và chẳng còn hương khói. Người trong vùng rất ít ai bén mảng đến gần, để mặc cây cỏ mọc lên um tùm xung quanh. Người lớn chẳng lên đồi, nhưng lũ trẻ con thì hay chơi ở cái khoảnh đất bằng trên đỉnh đồi, chỉ cách cái miếu vài chục mét.

Hôm đấy, Viện và Quân vừa về quê nghỉ hè. Đi lang thang qua đồi Gò, thấy một lũ nhóc đang đá bóng, liền hứng chí xin nhập bọn.

-         Hai anh lớn đùng vậy bọn em đá sao lại?

-         Anh một bên, anh này một bên, thế là huề. Có gì mà sợ?

Thằng nhóc gãi đầu, suy nghĩ chốc lát rồi quay qua lũ bạn:

-         Được không chúng mày?

Vừa nhìn thấy cái gật đầu đầu tiên, Viện hô to:

-         Ô kê rồi. Tao bên này. Quân, mày sang bên kia. Bắt đầu thôi.

Thằng Quân đá bóng không khéo bằng Viện, nó chỉ được cái khỏe, bóng cứ vào chân nó là bay đi như trái phá. Nhất là sau khi bị Viện ghi một bàn vào gôn, nó lại càng hăng.

Bụp! Thằng Quân mắm môi mắm lợi sút. Quả bóng bay vèo như tên lửa xé qua những bụi đom đóm bay thẳng vào cái miếu.

- Khiếp, anh sút gì ác thế! Bóng bay ra tít đằng kia rồi.

Mấy thằng nhóc kêu lên. Quân cười xòa, lếch thếch chạy ra nhặt bóng.

- Mày đá vỡ tai tượng rồi.

Viện đi tới sau nó, lên tiếng. Trước cửa miếu có một pho tượng bằng đất nung, trên thân đầy vết loang, mặt mũi dữ tợn. Tai phải của tượng bị vỡ, rơi ra trên đám bụi đất lẫn lá cây của nền miếu. Thằng Quân quay lại, nhoẻn miệng cười. Nó chạy vào trong nhặt quả bóng, rồi đi ra xoa đầu pho tượng, cười hề hề.

-         Xin lỗi nhé. Tớ lỡ chân tí.

Viện chạm tay vào thân tượng. Mát lạnh. Bóng cây đổ lên tượng làm mặt tượng sẫm lại như bóng đêm. Một cảm giác khó chịu kì cục tự dưng dấy lên, nó rụt tay lại, bước nhanh ra khỏi chỗ đó.

***

Sau mấy ngày thì thằng Quân đổ bệnh. Lúc đầu chỉ là ít ăn, ít ngủ, thi thoảng nổi cáu vô cớ, hoặc bần thần như người mất hồn. Một tuần sau thì nó chẳng ra khỏi nhà, cả ngày ngồi trên giường, ôm đầu quay mặt vào tường, chẳng nói năng gì. Bà Xoan mẹ nó lại gần hỏi han thì gắt ầm lên vài câu vu vơ rồi lại quay vào như cũ.

Viện qua thăm nó. Người nó gầy rộc, đầu tóc bù xù ngồi bó gối quay mặt vào góc tường, nó cuốn chiếc chăn thu quanh người, miệng rên hừ hừ.

-              Đấy, em nó đấy. Chán lắm cơ. Trạm xá chả biết nó bị bệnh gì, bảo nó bị mất trí rồi. Thím định mấy hôm nữa đưa nó lên tỉnh khám. – Bà Xoan thở dài.

Viện vỗ nhẹ lên vai thằng Quân, gọi khẽ: “Quân ơi, tao – Viện đây này”. Thằng Quân quay lại, mặt mũi nó hốc hác, mắt thâm quầng không còn thần sắc. Nó thẫn thờ nhìn Viện, nhưng cứ như nhìn vào cái gì đó sau vai Viện. Viện đứng thần người nhìn nó một lúc, không biết nói gì, liền vỗ vỗ vào vai nó rồi quay đi. Thằng Quân bất chợt vươn người chụp lấy tay Viện:

-              Đừng đi… Nó đến… bắt… tao…

Giọng nó thều thào, van nài. Viện nhìn mẹ nó lo lắng. Bà Xoan chạy vội lại nắm lấy tay con thì nó cau mặt, gắt lên.

-              Tránh ra!

Rồi lại quay mặt vào trong như cũ.

Viện thở dài quay ra, lòng băn khoăn vô cùng. “Mày bị làm sao vậy, Quân ơi?”

***

Chiều hôm sau, bà Xoan sang nhà Viện, khi nó đang sửa lại cái chuồng gà. Bà vừa đi chợ về, trên tay cầm cái làn có túi xương với mấy mớ rau muống. Bà hỏi Viện, vẻ mặt như có chuyện gì nghiêm trọng.

-              Thím hỏi con này, thím nghe thằng cu Toàn con cái Thoa nói hôm nọ con với thằng Quân đi vào trong miếu đồi Gò, có đúng không? Có chuyện gì kể cho thím nghe đi con.

Viện nhìn gương mặt hốc hác của bà Xoan, bất giác nó nhớ đến cảm giác rờn rợn kì dị khi nó đứng cạnh bức tượng ở miếu. Nó rụt rè bảo:

-              Hôm đó thằng Quân đá bóng vào miếu, làm vỡ tai tượng ở cửa miếu đó. Bọn cháu vào đó nhặt bóng…

Mặt bà Xoan trở nên trắng bệch, bà rên lên:

-              Sao con không nói cho thím biết ngay? Mấy thằng dại dột thế, cái miếu đó thiêng lắm con ơi.

Bà níu lấy tay mẹ Viện, lúc đó vừa từ trong bếp đi ra.

-              Chị ơi, chị đi cùng em đến nhà cô Thuyên để cô xem cho nhé.

Bà Đam tất tưởi vào nhà lấy ít đồ, rồi vội vã đi cùng bà Xoan.

***

Cô Thuyên là thầy cúng ở vùng này. Nhà cô ở trong Tân Kỳ, cách nhà Viện chừng ba cây số. Cô xem bói bằng cách nhìn vào một cái gương trang điểm nhỏ, sau khi khấn vài câu thần chú xưng tên tuổi ngày giờ sinh của thằng Quân. Những lời phán của cô làm mẹ thằng Quân khóc sưng mắt trên đường về, bà Đam phải đỡ bà để đi cho vững. Thằng Quân không thể cứu được. Nó sẽ chết, sớm hay muộn, nhưng nếu làm lễ xin thần trước khi nó chết thì nó sẽ chết yên ổn, còn nếu không cái chết của nó sẽ là tai họa cho người sống, nó sẽ bắt ai đó trong họ đi cùng nữa.

-              Thôi, thím đừng khóc nữa. – Bà Đam ôm lấy vai bà Xoan nói – Bây giờ, số thằng Quân như vậy rồi, thì mình đành chấp nhận thôi. Nhưng mình phải làm lễ cho nó càng sớm càng tốt, không thì để nó sinh họa cho người trong nhà thì càng chết hơn. Bây giờ tối rồi, không làm gì được. Sáng mai, tôi với thím ra chợ sớm mua đồ về làm lễ cho nó.

Bà Xoan sụt sùi, gật đầu. Bà còn biết làm gì khác nữa đây?

***

Thế mà thằng Quân chết, trước khi mọi người kịp làm lễ thần cho nó. Khi mẹ nó và mẹ Viện đi chợ về thì tìm thấy nó đã thắt cổ ở trong bếp, xác vẫn còn ấm. Ông thần đã về bắt nó đi, hoặc có lẽ nó đã quá mệt mỏi vì chờ đợi ông ta về bắt nên đã tình nguyện đi sớm. Dù gì thì gì, nó đã chết vì mắc tội với thần, đã đá vỡ tai tượng thần lại còn hỗn hào xoa đầu tượng, vì thế không thể được tha thứ. Và bây giờ, cái chết của nó còn đem lại điềm dữ cho cả những người họ hàng của nó.

-              Mày là một trong những đối tượng cần phải cẩn thận. – Chú Thuận bảo Viện – Thầy bảo rồi, nó sẽ bắt những người cùng tuổi Dậu như nó. Tao với mày đều đáng lo. Nhưng mày là lo nhất đấy, vì mày thân với nó, ma hay bắt người hợp với mình.

Đấy là lí do Viện đang ngồi lì trong nhà lúc này, với một tư thế co ro không khác thằng Quân hôm nọ là mấy. Nhưng được một lúc, khi mọi người đều đi hết sang nhà thằng Quân, xung quanh chỉ còn bóng tối với tiếng kim đồng hồ kêu “tịch, tịch”, và thi thoảng tiếng kèn ỉ ôi từ xa văng vẳng lại, Viện bỗng thấy sợ. Nó không dám ngồi trong nhà một mình nữa mà lấy ghế ra sân ngồi, thẫn thờ nhìn những tán cây cảnh đu đưa trong ráng chiều ảm đạm.

***

Ông Thuận là chú của Viện. Tính cả tuổi ta thì năm nay ông mới bốn mươi lăm tuổi, cùng tuổi Dậu như Quân và Viện. Ông đã từng chết hụt một lần năm hai mươi chín tuổi. Lần đó nhà ông có trùng tang, thầy phán ắt sẽ phải có một người thân chết theo. Suốt một tháng sau ngày tang, ông và các anh em ông liên tục bị tai nạn giao thông, không chết mà chỉ bị xây xát. Chính ông cũng bị ô tô tông phải nhưng chẳng hiểu thế nào bị bắn ra lề đường, cái xe Honda nát bét mà người không việc gì. Người ta nói, do mấy anh em ông toàn người cao số nên chưa bắt đi được, nhưng sớm muộn gì rồi cũng có người chết, khi đó tình trạng này mới chấm dứt. Quả nhiên, sau hơn hai tháng bị hết tai nạn này tai nạn khác, tự dưng một hôm chú út hơi ngớ ngẩn nhà ông không hiểu thế nào sáng sớm mò ra cầu ao để rồi ngã xuống chết đuối, thì mọi chuyện trở nên yên ả. Bởi thế nên khi nghe về chuyện thằng Quân, ông cũng vẫn bình tĩnh lắm. Dù ông cũng cầm tinh con gà nhưng thằng Quân cũng khó mà lấy mạng ông được, ông chỉ lo cho thằng cháu con anh cả - thằng Viện.

Nhà ông Thuận ở gần nhà thằng Quân, từ nhà ông nhìn chéo sang bên kia đường là nhìn thấy nhà nó. Buổi tối, trước khi đi ngủ, ông muốn làm hớp nước chè. Ra ngoài sân đổ bã chè, ông chợt giật bắn mình vì thấy bên kia, ở đầu cổng nhà thằng Quân có một con hổ trắng to tướng đứng trấn. Kinh hãi, ông chớp chớp mắt định thần nhìn lại thì con hổ biến mất. Ông vội trở lại trong nhà, bấm số gọi điện cho chị dâu ông – bà Đam.

***

Viện đang chuẩn bị đi ngủ thì mẹ nó nhận được điện thoại của chú Thuận. Sau cú điện thoại đó, nó đâm ra không ngủ được. Vậy là chú Thuận cũng đã nhìn thấy điềm dữ ở nhà thằng Quân. Chú dặn phải hết sức cẩn thận, trong mấy ngày tới thể nào thằng Quân cũng về. Viện cứ nhìn trừng trừng lên trần nhà, không dám nhắm mắt lại vì cứ nhắm mắt nó lại thấy khuôn mặt thất thần, u ám của thằng Quân hôm nọ.

“…Ơi…Ơi…”

Viện giật thót mình. Mệt quá, nó vừa mới thiếp đi được một lúc. Chiếc chăn mỏng bị đạp tung ra vì nóng, giờ lại được Viện kéo lại trùm kín đầu. Những tiếng “…ơi …ơi…” tha thiết vọng từ ngoài cửa vào như một luồng khí lạnh chạy vào từng đốt sống lưng nó. Nó mím chặt môi. Người ta bảo nghe thấy tiếng gọi lúc nửa đêm thì cấm được trả lời, nếu là ma gọi thì sẽ bị bắt mất hồn. Ma gọi sẽ không bao giờ gọi tên, chỉ có những tiếng “…ơi …ơi” não nề và tha thiết y hệt như Viện đang nghe thấy ngoài cửa.

Khi những tiếng gọi ngừng được một lúc lâu, Viện mới se sẽ kéo cái chăn ra khỏi đầu, mồ hôi trên người vã ra như tắm. Nó thở ra nhè nhẹ. Cả đêm mà cứ như thế này thì tổn thọ quá. Người ta thường nói, dương sao âm vậy, mà tại sao nó thấy âm dương ở đây quay ngoắt 180o như thể chưa từng có mối liên hệ. Thằng Quân khi còn sống hiền lành và thương Viện đến thế, Viện chưa từng nghĩ là có bao giờ phải sợ nó. Thế mà sau khi chết, nó như thể đã biến thành một con quỷ độc ác chực quay về bắt người thân đem đi. Cả nhà đều sợ, mẹ nó, các cô các chú chặt cành dâu về để đầy gầm giường và cửa nhà để xua đuổi hồn ma của nó. Viện càng nghĩ càng không thể hiểu nổi tại sao lại có những lẽ đời oái oăm như thế. Nếu giả sử như có một thế lực độc ác nào đó bắt thằng Quân phải mang một người nào đó theo thì tại sao nó lại cứ muốn mang đi người mình thân thiết nhất mà không phải ai đó xa lạ? Tại sao ma lại luôn chọn người hợp nhất với mình? Nếu như theo thuyết duy tâm của Descartes, nếu tất cả những điều về ma quỷ và thần bí kia đều trở thành sự thật bởi vì người ta tin như vậy, thì tại sao người ta lại đi chọn một cái lí lẽ độc ác như vậy để tin? Tại sao không tin rằng người chết đi vì lẽ gì thì họ cũng không thay đổi, họ vẫn dễ thương, hiền lành như vậy, chỉ là bước sang một cuộc sống khác. Nếu như vậy, người sống đã chẳng ai phải sợ và xa lánh ma làm gì, và thậm chí có lẽ, bây giờ Viện còn có thể ngồi nói chuyện với linh hồn của thằng Quân về thế giới mới của nó.

***

Bà Đam tỉnh dậy, lập cập khua chân mò tìm đôi dép. Bà vừa nghe thấy tiếng cửa mở lạch cạch. Thằng Viện con bà nằm ngủ ở giường ngoài. Từ hôm xảy ra chuyện với thằng cháu con ông em chú, bà lo lắng khôn nguôn. Nhất là sau đêm hôm qua thằng Viện trông xuống sắc hẳn, mắt nó thâm quầng như thể cả đêm không ngủ được. Dù nó không nói với bà, nhưng bà biết nó đã gặp phải chuyện gì đó. Sống từng này tuổi đầu, bà không còn lạ lẫm gì những chuyện ma về gọi hoặc dẫn người thân đi theo. Không cả kịp bật đèn, bà bước vội ra nhà ngoài.

Cửa chính mở. Một cái bóng áo trăng trắng mờ mờ đang lừng lững đi ra cổng. Thằng Viện! Bà cất tiếng gọi. Nó vẫn tiếp tục bước đi, như thể không nghe thấy tiếng bà. Bà vội vàng chạy theo.

Thằng Viện đi nhanh như chạy. Nó cứ đi thẳng ra bờ ao nhà ông Khiêm. Bà Đam đuổi kịp và giật tay nó lại ngay trước khi nó bước xuống ao.

Thằng Viện nhìn bà như kẻ mất hồn. Bà vung tay tát vào mặt nó hai nhát. Nó giật bắn mình. Rồi như vừa chợt nhìn thấy mẹ, nó ôm lấy bà, òa khóc.

***

-              Thằng Quân về tìm con. Nó ngồi ở đầu giường. Nó chẳng nói gì, chỉ ngồi như thế. Rồi sau đó… con không biết nữa… mẹ tìm thấy con.

Viện kể lại cho mẹ, người nó vẫn run lên từng chập. Nó vừa thoát chết trong gang tấc, nhờ có mẹ nó. Bà Đam mặt mũi tái nhợt, đưa tay ôm vai con, an ủi nó. Bà không vào nhà trong ngủ nữa. Hai mẹ con, chẳng ai ngủ tiếp, cứ thức như vậy cho đến sáng.

***

Viện và mẹ nó phải chịu những lo lắng, sợ hãi như vậy hai đêm nữa thì có một sự việc xảy ra. Bà Thoan chết. Bà Thoan – mà Viện gọi là bà trẻ - đã gần bảy mươi tuổi. Bà ốm liệt giường đã lâu, con cháu cũng biết bà sẽ không qua khỏi. Khi chuyện thằng Quân xảy ra, tất cả mọi người đều lo lắng cho những người còn trẻ mà chẳng ai nhớ ra bà cũng là tuổi gà. Đến khi bà trút hơi thở cuối cùng vào sáng sớm nay thì mọi người mới nghĩ ra và thở phào nhẹ nhõm. Thế là thằng Quân cũng đã bắt được người. Hóa ra cuối cùng nó cũng còn biết thương người thân, nên đã chọn bắt người đằng nào cũng chết. Viện nhẹ nhõm, mẹ nó nhẹ nhõm, cả họ hàng nhẹ nhõm, dù nhà cũng đang có tang, bởi họ đã cất đi được nỗi sợ hãi treo lơ lửng trên đầu mấy hôm nay.

***

Viện nằm ngủ trong nhà. Nó chỉ đảo qua đám tang một lúc rồi về. Mấy đêm liền không ngủ làm nó gầy rộc và xuống sức, nó cần phải nghỉ ngơi. Nằm được một lúc nó thấy tiếng lép loẹt xoẹt của mẹ ở sân, tiếng mẹ nó gọi.

-              Viện ơi, dậy anh Khoa sang này.

Viện nhớ anh Khoa, anh là họ hàng xa của nó. Hồi nhỏ có đợt nó chơi với anh suốt, lên đồi bắn chim, lấy củi. Nhà anh đã chuyển xuống Hà Nội từ lâu, anh cũng đã thành đạt. Lần này anh về quê dự đám tang, chắc tiện qua nhà nó chơi.

Nó dụi mắt tỉnh dậy, bước ra hè. Anh Khoa dáng người cao ráo, đĩnh đạc, mặc áo sơ mi quần âu trông đường hoàng lắm. Anh tươi cười tiến lại gần nó.

Nhưng Viện không cười lại với anh được. Trái lại, quai hàm nó cứng đơ, mắt nó trừng trừng nhìn ra phía trước. Khuôn mặt của người đang tiến lại gần nó càng ngày càng trở nên giống khuôn mặt của thằng Quân, thất thần và thảm não. Nó ngất đi trước khi anh ta kịp chạm vào người nó.

***

-              Cô yên tâm. Được điều trị thế này em sẽ khỏi thôi.

Viện nghe tiếng anh Khoa nói chuyện với mẹ nó ngoài cửa phòng bệnh. Nó đã thấy trong người khá hơn. Nó nằm trong Trung tâm Chống độc của bệnh viện Bạch Mai, được chẩn đoán là bị ngộ độc chì trường diễn. Anh Khoa là bác sĩ của khoa này, khi nhìn thấy trên vành lợi của Viện có những vết đen và bà Đam kể về những ảo giác nó gặp phải thì anh đã khuyên bà đưa nó xuống Hà Nội để khám gấp. Bằng một cách nào đó, Viện đã bị nhiễm một lượng chì lớn trong một thời gian dài, dẫn đến thần kinh nó bị ảnh hưởng và nhìn thấy, nghe thấy những hiện tượng kì lạ như mấy hôm vừa rồi. Có lẽ thằng Quân cũng bị nhiễm chì như Viện và bị ảo giác dẫn đến hoảng sợ quá mức mà thắt cổ tự vẫn. Cũng phải thôi! Trong cái xã hội này, khi người ta tìm đủ mọi cách lừa bán cho nhau những đồ ăn thức uống chứa toàn chất độc, mỗi đồ dùng đều chứa chất thải công nghiệp, từng centimet khối không khí cũng chứa đủ những chất gây hại mà không kể hết đủ trên một trang giấy thì việc thằng Quân và Viện bị nhiễm độc chì hoàn toàn có khả năng xảy ra. Chúng nó ở cùng một phòng trọ, ăn chung với nhau, có lẽ suốt cả năm qua chúng nó đã nạp dần dần bao nhiêu chì vào người mà không biết.

Dù bệnh viện chẩn đoán như vậy và sức khỏe Viện cũng khá lên ngày ngày nhưng bà Đam, chú Thuận và nhiều người ở quê nó vẫn không tin chuyện hoàn toàn chỉ có vậy. Họ không tin thằng Quân chết không phải bởi hỗn láo với tượng thần miếu đồi Gò và Viện không bị ma hiện về dẫn đi mà chỉ là hậu quả của việc ảo giác do nhiễm độc. Với họ, miếu đồi Gò vẫn là nơi linh thiêng và đáng sợ. Hơn nữa, cũng còn một điểm làm họ không tin được, bởi họ không tìm ra được nguồn gốc lượng chì mà Viện và Quân bị nhiễm từ đâu ra. Nếu do ăn uống, sinh hoạt thì tại sao thằng Tuyên xóm bên cũng ở chung với hai thằng nhưng lại được chẩn đoán là không bị nhiễm độc? Hơn nữa, tại sao nhiễm độc lâu thế rồi mà lại chỉ phát bệnh vào đúng ngay sau khi thằng Quân đá vỡ tai tượng, còn Viện chỉ phát bệnh ngay sau khi thằng Quân chết? Vì thế, việc Viện và Quân bị nhiễm độc chì thật thì chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên, hoặc có thể đấy chính là cách thần phạt chúng nó. Họ tin như vậy.

Viện không biết ai đúng. Nó đang hồi phục dần dần và không thấy ảo giác nữa. Những nghi vấn của mẹ nó và chú Thuận cũng có những hợp lí, chính nó cũng băn khoăn tự hỏi nhiều lần những câu hỏi như vậy. Nhưng nó là sinh viên ngành kĩ thuật, vì thế cuối cùng, nó chọn cách tin vào khoa học.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro