Mở đầu.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Vũ trụ rộng lớn. Con người suy cho cùng cũng chỉ như giọt nước giữa đại dương, như hạt cát giữa sa mạc, như ngôi sao bé nhỏ giữa hàng vạn vì tinh tú trong dải ngân hà.

Giống loài ấy nhỏ bé biết nhường nào. Ấy thế nhưng trong suốt quá trình tiến hóa và phát triển, họ luôn hướng ánh mắt cùng trí óc non nớt về mọi thứ xung quanh. Từ đồng bằng màu mỡ đến sa mạc khô cằn, băng qua rừng rậm hoang dã đến vượt biển ra khơi, trên trời dưới đất, thực vật rồi động vật, thậm chí cả các vi sinh vật không thể nhìn thấy bằng mắt thường, con người cũng không hề ngại khó, họ vẫn miệt mài nghiên cứu, tìm tòi nhằm lí giải hết thảy bí mật của thế giới vô cùng vô tận.

Từ thuở sơ khai cho tới khi đạt được sự phát triển đỉnh cao, con người đã có rất nhiều cách để giải thích về sự hình thành của vạn vật. Vừa giải thích bằng khoa học hiện đại vừa giải đáp bằng tín ngưỡng, tôn giáo. Tất cả những thành quả ấy đều là minh chứng cho bước tiến vượt bậc và sự phong phú đa dạng về tri thức của xã hội loài người.

Đối với khoa học, cụ thể là ở vũ trụ học, theo mô hình Big Bang (vụ nổ lớn) cho rằng vũ trụ khởi thuỷ bằng một vụ nổ khoảng 15 tỷ năm trước. Tại vụ nổ, kích thước vũ trụ được xem là bằng không nên mật độ năng lượng và nhiệt độ vô cùng lớn. Sau vụ nổ, vũ trụ giãn nở và nguội dần, cho phép thành các cấu trúc như ta đã thấy ngày nay. 

Vậy nên mọi nghiên cứu, quan sát về vũ trụ đều dựa vào thuyết Big Bang. Các nhà thiên văn học đã phân tích bức xạ còn sót lại từ thời kỳ đầu của vũ trụ đến đo lường các nguyên tố nhẹ nhất, tất cả chúng đều trùng khớp với dự đoán của thuyết Big Bang. Trông thì thuyết này có vẻ là bức tranh hoàn hảo nhằm thể hiện sự hình thành của vũ trụ. Thế nhưng chúng ta hãy còn thiếu một mảnh ghép vô cùng quan trọng, đó là khoảnh khắc đầu tiên của vũ trụ sau khi hình thành. 

Các chuyên gia vẫn đang tìm kiếm đáp án trong suốt nhiều năm qua và ngày càng đi sâu vào sự hình thành của vũ trụ, bài toán càng trở nên khó trả lời. Điểm mấu chốt mà chúng ta chưa thể nghiên cứu sâu chính là sự tồn tại của "điểm kỳ dị" (singularity) - là điểm có mật độ siêu dày đặc, nóng và đầy năng lượng lúc bắt đầu Big Bang. Nó cho thấy có thời điểm vũ trụ chỉ nằm trong một hạt cực kỳ nhỏ và dày đặc. Rõ ràng đó là giả thuyết vô lý, hoặc trình độ vật lý hiện nay chưa thể giải thích.

Nói một cách khái quát về sự hình thành vũ trụ theo góc nhìn của khoa học, ta có thể thấy rằng những chuyên gia khoa học, thiên văn học, vật lí học vẫn chưa có một lời giải thích hoàn toàn chính xác. Khi họ trả lời được một vấn đề thì đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Câu hỏi càng lúc càng nhiều, mỗi lần mở được một lớp màn của bí mật, ngay sau đó lại xuất hiện thêm hàng ngàn, hàng vạn lớp màn khác đan xen, chồng chéo lên nhau. 

Ví như ngoài tìm hiểu về sự ra đời của vũ trụ, người ta còn đặt ra thuyết đa vũ trụ, đồng thời chứng minh rằng đa vũ trụ xuất hiện từ hư vô do nguyên lý bất định. Theo quan điểm vật lý, hư vô không phải là không có gì, thay vào đó là chứa đầy các thăng giáng lượng tử xuất hiện do nguyên lý bất định Heisenberg, hay cái chúng ta đang đề cập đến chính là "bọt Wheeler". Nhưng mọi thứ không phải chỉ dừng lại ở những định lí của "thế giới vật chất", thêm vào đó khi tìm hiểu sâu nguyên lí ấy, ta sẽ phát hiện ra bản chất cốt lõi ở đây chính là "vẫn hiện hữu mà vẫn lại là số không" (giống như triết lý "sắc sắc không không" của đạo Phật). Có tồn tại "hư vô" và nguyên lí bất định để vũ trụ tự sinh tự diệt. Có điều tại sao nó tồn tại thì khoa học vẫn chưa giải đáp được. Và phải chăng đấy là một trong những lý do tồn tại vĩnh hằng của nghệ thuật hay tôn giáo?

 Khoa học "quan điểm" như thế.

Còn cách lí giải của tôn giáo, tin ngưỡng cùng các thoại bản xưa kia lại vô cùng đơn giản. 

Ví dụ như trong thần thoại Việt Nam ta, câu chuyện "Thần trụ trời" chính là câu trả lời của người xưa về sự hình thành của vũ trụ. Họ cho rằng thuở ấy chưa có thế gian, chưa có muôn vật. Trời đất chỉ là một vùng hỗn độn, tối tăm. Bỗng từ đâu xuất hiện một vị thần khổng lồ. Thần dùng đầu đội trời lên cao, lấy thân đắp đất đa thành một cái cột chống trời, cột cao lên bao nhiêu trời càng cao rộng bấy nhiêu. 

Từ đó, trời đất mới phân đôi. Đất phẳng như cái mâm vuông, trời tròn như chiếc bát úp. Nơi trời đất giáp nhau gọi là chân trời. Khi trời đất đã ổn định, rạch ròi, thần phá đi cái cột, hất tung đất đá khắp nơi. Vì thế, cột trụ trời bây giờ không còn nữa, nhưng vết tích của cột vẫn còn ở núi Yên Phụ (Kim Môn, Hải Dương ). Còn những nơi đất đá văng đến, thì thành núi đồi, gò đống; những chỗ bị đào thì thành biển sâu hồ rộng.

Rồi những thần khác xuất hiện nối tiếp công việc xây dựng nên cõi thế gian này. Các vị thần đó rất nhiều, như thần Sao, thần Sông, thần Núi, thần Biển...

Hay trong thần thoại Trung Hoa cũng có nhiều nét tương tự với truyền thuyết trên, nhưng lại có thêm nhiều dị bản về thuở khai thiên lập địa hơn. Trước hết, theo "Sơn Hải Kinh" cho rằng thần Hỗn Độn là vị thần sáng thế, thần tự nhiên sinh ra ở Côn Luân, khi Trời Đất còn trộn lẫn nhau. Thần là cục thịt tròn, có 4 chân, có mắt những không mở ra được, không miệng, không tai, không nghe, không thấy, không ăn, không nói. Thần đại diện cho ý tưởng về sự hỗn độn: người tốt đến gần, thần liền tức giận; người xấu đến gần, thần liền vui vẻ.

Còn Đạo giáo lại quan niệm rằng Bàn Cổ mới là vị thần khai thiên lập địa. Theo truyền thuyết, Bàn Cổ tự nhiên mà khai sinh từ một viên đá trên núi Côn Luân tích tụ khí âm dương. Bàn Cổ đến phia tây núi Côn Luân thấy một cái rìu, liền dùng đó tách Trời và Đất. Rồi ông tự xưng mình là Thiên tử. Bên cạnh đó, trong sách vở Đạo giáo còn ghi nhận thuyết sáng thế thứ ba về Nguyên Thủy Thiên Tôn, vị thần này xuất hiện trước thời Bàn Cổ. Bản chất Nguyên Thủy Thiên Tôn là thứ khí làm vạn vật được vận hành, quyền lực ngang với khái niệm Thượng Đế phương Tây, thậm chí chính Nguyên Thủy Thiên Tôn tạo ra Bàn Cổ và có quyền chỉ định Ngọc Hoàng.

Hoặc trong quan niệm của người Hy Lạp trước đây, thế giới là hiện thân của vị thần Hỗn Mang - Chaos. Lúc này vũ trụ chỉ là một cõi vô biên, chìm trong bóng tối và chưa hề tồn tại sự sống. Thần Chaos thấy thế giới như vậy là quá u tối, nhàm chán nên quyết định tạo ra sự sống cho vạn vật, khai nguồn ánh sáng cho vũ trụ. Thần Chaos đã sinh ra Đất Mẹ - Gaia, nữ thần đã đem sự sống đến cho muôn loài ngay trên cơ thể của mình. Vì thế cả một vùng đất rộng mênh mông đều nằm trong quyền cai trị của thần Gaia. Không chỉ có vậy, Chaos còn sinh ra Erebus – Chốn tối tăm vĩnh cửu, Nyx – Đêm tối mịt mù, Địa ngục – Tartarus và Tình yêu – Eros.

Sau đó, Erebe lấy Nyx làm vợ, họ sinh được hai người con: Aether - thần ánh sáng và Hemera - nữ thần ban ngày. Còn Gaia lại sinh ra thần Bầu Trời Ouranos, thần Núi Orea và thần biển Pontos.  

Nhưng rồi có lẽ do quá cô đơn, Đất Mẹ Gaia đã cùng với đứa con Ouranos của mình - hòa hợp giữa trời và đất để sinh ra những đứa con khác bao bao gồm 12 vị thần khổng lồ Titan và Titanide: trong đó có sáu nam thần Titan (Oceanus, Coeus, Crius, Iapetus, Hyperion và Cronus) và sáu nữ thần Titanide (Theia, Themis, Tethys, Phoebe, Mnemosyne và Rhea). Bên cạnh đó là ba tên khổng lồ một mắt Cyclops hung bạo, tuy nhiên vì sự khéo léo, chúng được coi là những thợ rèn điêu luyện, những người luyện ra vũ khí cho các vị thần. Các Cyclops gồm: Brontes (sét), Steropes (sấm) và Arges (chớp). Và cuối cùng là ba tên quái vật khổng lồ Hecatonchire với 100 cánh tay, 50 cái đầu: Cottus, Briareus, Gyges...

Ngoài ra, chúng ta còn có thần thoại Bắc Âu, thần thoại Ai Cập, thần thoại Celtic, thần thoại Ấn Độ,... Đa phần trong các câu chuyện thần thoại trên thế giới, vũ trụ đều bắt đầu bằng Hỗn Độn hay Hỗn Mang, khởi nguyên từ một nơi không có gì, vô biên, bất tận, xung quanh chỉ toàn bóng tối. Qua điều này, ta có thể thấy rõ một quan điểm triết học rất sâu xa: mọi thứ hữu hình đều bắt đầu từ vô định, mọi thứ định hình đều bắt đầu từ cái không định hình...

Con người thuở xa xưa luôn có những suy nghĩ rất đơn giản. Họ lí giải mọi hiện tượng tự nhiên bằng cách thần thánh hóa. Rồi từ những thần thoại đó người ta biến chúng thành tín ngưỡng và duy trì đến tận ngày nay. Dù trong thời đại bây giờ, các hiện tượng kì bí nọ đều đã được đem ra soi xét lại dưới cái nhìn của khoa học nhưng vẫn có những điều mà công nghệ hiện đại không thể lí giải nổi. Có người tin, có người không tin, thế nhưng chính khoa học đã phải bó tay trước nhiều hiện tượng cổ quái xảy ra trên thế giới và chính họ cũng phải tự hỏi rằng liệu thần thánh thực sự không tồn tại hay là do khoa học chưa đủ phát triển để lí giải chúng. 

Vậy nếu thần thánh có tồn tại thì họ sẽ cảm thấy thế nào về loài người?

Là tự hào hay là thất vọng?

Tất cả sau cùng chỉ là thoại bản. 

Niềm tin dần phai mờ. Việc tồn tại bỗng tựa như sương khói, nhẹ thổi liền tan biến. Nỗi cô độc quạnh hiu nuốt chửng hết thảy...

Đó là trong thơ văn viết vậy!

Còn thực tế thì khác xa lắm!

"Bàn Cổ, ngươi nói xem, sao con người thích ăn mấy đồ lắm dầu mỡ thế nhỉ?"

"Hỏi thừa! Đơn giản vì nó ngon, chứ sao trăng cái gì!"

"Này Zeus, ngươi xem mạng xã hội thì cũng phải biết chọn lọc chứ, sao cứ thích mấy cái thể loại ngôn tình ba xu thế này?"

"Ơ kìa, nó hay mà!"

"Hay cái con khỉ!"

"Hắn xem để tập tành làm tổng tài bá đạo đấy. Trời chưa lạnh đâu, đừng cho Vương thị phá sản vội."

"Ê Odin, đấy là sở thích của ta, xem cho vui thôi!"

"Chắc ta tin!"

"Này, công việc còn một đống kia kìa, không lo làm đi, ngồi đó mà buôn dưa!"

"Ôi Tây Vương Mẫu, công việc đó cứ để cho tiểu tiên giải quyết. Đằng nào chuyện dưới nhân giới bây giờ cũng đâu như ngày xưa, không cần lo nhiều làm gì cho mệt người. Hơn nữa chúng ta cũng già rồi, phải có thời gian dưỡng lão chứ."

"Đây là trẻ không chơi, già đổ đốn à?"

Xưa kia, con người bàn "thần thoại".

Ngày nay, thần thánh bàn "nhân thoại".





Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro