Chương 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Năm ngoái bố tôi được chuyển về văn phòng công an tỉnh làm việc, nên mấy nay bố tôi ít phải đi công tác lại. Thời gian bố về nhà nhiều hơn, thời gian ở trong bà của tôi ít lại. Tuy vậy tôi vẫn ăn cơm trưa trong bà, vì có thể ngồi chơi với các chị.

Tối ngày đầu tiên tập trung ở trường, bố có hỏi tôi hôm nay tập trung như nào.

Tôi bảo là bình thường. Cô chủ nhiệm tên là Phượng, khá trẻ, cô dạy môn Văn.

"Trong lớp có quen được đứa nào không?". Bố tôi hỏi.

"Con chả quen được ai, toàn mấy đứa lạ hoắc".

Sau đó bố có dặn tôi một số thứ khi lên cấp ba, rồi bảo tôi sắp vào năm học rồi thì nên đi ngủ sớm. Tôi cũng chỉ biết cười, dạ dạ vâng vâng cho đến hết bữa tối.

Rửa bát xong xuôi cũng là bảy rưỡi. Bố đang ngồi xem tin tức, tôi về phòng ngủ của mình.

Mở điện thoại lướt Facebook, nhóm lớp tối nay đã náo nhiệt hẳn lên.

"Cô thấy các bạn nữ lớp mình ai cũng xinh đẹp như hoa hồng, nhìn là biết mấy đứa này đều ngoan ngoãn rồi".

Quả nhiên là giáo viên dạy Văn. Nghe nổi hết cả da gà. Đám học sinh nhanh mồm cũng được dịp vào nhóm nịnh hót.

Tôi tắt thông báo tin nhắn trong vòng 8 tiếng, rồi ngồi lướt Facebook. Mười phút sau có người gửi lời mời kết bạn, là anh.

Dù sao sáng nay cũng ngồi cùng bàn, tôi cũng không thể không chấp nhận lời mời kết bạn được.

Sau đó tôi mò thử trong tường nhà anh có gì. Chỉ thấy lần cập nhật gần đây nhất của anh có ảnh avarta mới thay hồi tháng 7.

Ảnh được chụp ở một sân bóng rổ. Trong ảnh là một cậu trai trẻ mặc đồ bóng rổ. Anh cầm một quả bóng trên tay, nụ cười rất rạng rỡ. Tôi không thấy nụ cười này có nét gì giả tạo hay gượng ép. Nó khá là tự nhiên, chứng tỏ hôm đấy anh chơi rất vui.

Tôi nhớ là sáng nay anh có đeo kính, là loại kính không gọng, nhưng trong ảnh thì anh không đeo. Tôi vẫn thích nhìn anh đeo kính hơn, vì trông như vậy sẽ thư sinh và tri thức hơn.

Chẳng biết anh cận bao nhiêu độ, nhưng chắc chắn là nhẹ hơn tôi. Hai tháng trước đi kiểm tra lại thì mắt trái 6.5 độ, mắt phải 4.5. Chênh lệch khá lớn, nửa cận nửa loạn. Bỏ kính ra tuy không đến mức mù dở, nhưng cái gì cũng thấy mờ mờ ảo ảo. Điều duy nhất tôi thấy được an ủi khi đeo kính là nó làm tôi đẹp hơn một chút.

Sau đó tôi lướt xuống xem thêm còn gì không, cũng chẳng có gì cả ngoài mấy cái ảnh anh được người khác tag tên. Đa số là ảnh chụp chung với lớp. Ngoài ảnh avarta có ảnh thật của anh thì cũng chẳng có ảnh nào có ảnh thật là anh tự đăng lên cả.

Lướt chưa được một phút đã hết cái tường nhà, trong danh sách bạn bè cũng không hiển thị ai. Không có bạn chung.

Nhìn lại cái tường nhà Facebook của mình, không có một cái gì khác ngoài mấy cái meme vô tích sự. Một ngày tôi phải chia sẻ ít nhất một cái meme, riết rồi tường nhà mình cũng không khác gì cái rạp xiếc lắm.

Nghĩ đến cuộc hội thoại xã giao hồi sáng, cùng với tường nhà Facebook trống trải này của anh. Tôi cảm thấy có vẻ anh là một người dễ gần, thân thiện, nhìn qua thì có vẻ anh là người suy nghĩ đơn giản.

Nhưng không biết con người thực sự của anh có phức tạp hơn so với cách mà anh thể hiện ra hay không? Tôi không biết, đây mới chỉ là ấn tượng ban đầu. Người với người sống chung nhiều năm còn chưa chắc đã hiểu hết nhau, thì ấn tượng ban đầu bị sai lệch cũng chẳng có gì lạ. Biết đâu có khi chỉ là tôi suy đoán lung tung mà thôi.

Tôi tắt Facebook, rồi ngồi chơi điện thoại.

Chiều thứ 3 tôi đi học thêm Toán, trong lớp chỉ có tôi và cái Linh học chung trường với nhau. Dù học được vài buổi nhưng chúng tôi vẫn chưa thể hòa nhập được với đám trường khác. Đến giờ giải lao chúng nó thì ngồi buôn chuyện hí ha hí hửng, còn chúng tôi thì thẫn thờ làm việc riêng.

Thầy giáo dạy thêm Toán là giáo viên trường Chuyên, thầy có nhận cả học sinh thường nên thầy tách hai nhóm lớp 10 là lớp 10 trường Chuyên và lớp 10 trường thường. Tôi được xếp vào lớp thường.

Tôi đến nhà thầy khá sớm, mới chỉ có tôi và một đứa nữa. Tôi để xe ở trong sân nhà thầy rồi ngồi vào bàn học chờ lớp tới.

Lúc tôi vừa ngồi xuống thì cái Linh bắt chuyện: Ê, mày học lớp nào thế?"

"Tao học A6, cô Phượng, dạy Văn, lớp mày thì sao?". Tôi trả lời.

Nó thở dài, rồi bảo: "Tao học bên A7. Lớp tao là bà Đào, bà đấy ghê vãi. Bả không cho dùng điện thoại, cũng không cho trang điểm".

Trường tôi không có quy định cấm mang điện thoại đến trường, chỉ là không được dùng trong giờ học mà thôi. Nhưng mà đi học mà không có điện thoại thì đúng là có phần tù túng.

"Ủa, sao lại không được mang điện thoại?". Tôi hiếu kỳ hỏi nó.

Nó đáp: "Bả bảo là mang điện thoại thì lớp sẽ mất đoàn kết, ra chơi đứa nào cũng cúi mặt vào cái điện thoại không làm quen với ai"

Tôi chợt thấy buồn cười, có điện thoại hay không thì muốn đoàn kết tự chúng nó sẽ đoàn kết, còn đã ghét nhau thì làm gì cũng thấy ghét thôi. Có khi nhìn vào lớp thì tưởng là đoàn kết, nhưng nội bộ thì chia năm xẻ bảy. Huống hồ kể cả có cấm thì vẫn sẽ có đứa lén mang theo thôi.

"Nhưng chắc kiểu gì chả có đứa vẫn lén mang theo. Không kiểm tra balo thì chỉ cần tắt chuông là bà đấy cũng chả phát hiện".

"Ừ, bà đấy bảo chỉ cần có đứa dùng điện thoại trước mặt bả thì không cần biết dùng làm gì bả tịch thu liền".

"Mới đầu năm nghe mà đã thấy không muốn học rồi". Tôi nói tiếp: "Tao học lớp chọn, chả biết giáo viên sau này có gắt như lớp mày không!".

Ấn tượng ban đầu của tôi với giáo viên chủ nhiệm cũng không tệ. Buổi đầu tiên trông cô có vẻ điệu đà, nữ tính. Tối hôm qua còn trò chuyện rôm rả với đám học sinh. Nhưng có điều đây là lớp chọn, tôi nghĩ trông cô dù hiền nhưng vẫn có thể rất khó tính.

"Thế lớp mày thì sao? Giáo viên lớp mày thế nào?". Cái Linh vừa hỏi vừa ngắm nghía bản thân trong camera điện thoại.

"Cũng bình thường". Tôi nói tiếp: "Chính ra hồi đấy bố tao mà không xin vào lớp chọn thì khéo lại học chung lớp với mày".

Đám học sinh trường khác lũ lượt kéo nhau đến, trông đứa nào đứa nấy cũng rất phấn khởi, cười đùa rộn rã. Thầy giáo cũng ra hỏi han cả lớp vài câu, thế là buổi học bắt đầu.

Chiều thứ 3 và chiều thứ 5 thì học thêm Toán, chiều thứ 6 và chiều thứ 7 thì đi học Tiếng Anh. Tôi vẫn chưa đi học thêm Văn, cũng không có ý định đi học thêm môn này lắm.

Thời gian thì vẫn trôi qua ngày qua ngày, chỉ có tôi là còn luyến tiếc mùa hè đang trôi qua, vẫn chưa sẵn sàng đi học.

Tối thứ 4 cô Phượng gửi thời khóa biểu kèm thông báo tuần sau sẽ bắt đầu học. Tôi thở dài vì sắp không còn được thức khuya, không còn được ngủ cả ngày trong nhà.

Chiều thứ 6 tôi đi học thêm tiếng Anh. Tôi theo học cô Thu bắt đầu từ hồi ôn thi cuối kỳ lớp 9. Khi ấy là con bé Mai giới thiệu cho tôi, bảo là cô giúp nó lấy gốc tiếng Anh hồi lớp 7. Quả thật mặc dù hồi đấy tôi vẫn học ngu tiếng Anh, nhưng học một thời gian thì trình độ tiếng Anh cũng được cải thiện lên rõ rệt.

Vào phòng học tôi thấy cô đang chấm bài cho học sinh, còn nó thì ngồi thơ thẩn trong góc tường.

"Ôi trời ơi". Tôi vừa ngồi xuống ghế vừa than: "Sắp phải đi học rồi".

Con bé Mai nom cũng mệt mỏi, cũng thở dài: "Đúng vậy, mình cũng chưa muốn đi học".

Cô Thu thấy thế cũng cười, bảo: "Hai cái đứa này, nghỉ cả tháng trời ngồi chơi phè phỡn ở nhà vẫn chưa thấy chán hả? Lên lớp 10 rồi thì đáng ra ngày đầu đi học phải háo hức chứ".

"Đã là học sinh thì làm gì có đứa nào thích đi học đâu cô". Tôi bĩu môi. "Giờ cho em nghỉ cả mười tháng đi học có hai tháng em cũng chưa thấy đủ".

Cô Thu thở dài, rồi than: "Cũng phải, đi dạy cô sợ nhất là đám lớp 10 với đám lớp 11. Bọn lớp 10 thì mới thi xong đa số toàn lười với ham chơi. Bọn lớp 11 còn ác hơn cả bọn lớp 10, đã lỳ lại còn láo. Bọn lớp 12 thì phải ôn thi Đại học chúng nó cũng có ý thức học hơn một tí".

Cũng vừa mới vào lớp 10, nghe được lời cô nói tôi cũng cảm nhận được hiện tại thì đúng là như vậy. Dù là mới học được vài tuần nhưng không khí học tập trong lớp cũng không quá là ham học. Trừ cái đứa vẫn chăm chỉ như cái Hà suốt từ hồi tôi mới vào vẫn không đổi thì cả lớp cũng không hẳn là có ai chăm học lắm. Cái Mai với thằng Hoàng tuy lười nhưng chúng nó vẫn học giỏi. Còn tôi thì tuy không quá chăm nhưng vẫn cố làm cho đủ bài tập chứ ít khi động não. Mấy đứa mới vào từ hồi lớp 10 thì chả có đứa nào là học hành tử tế cả.

Con Thảo từ lúc tôi mới vào học thì vẫn luôn im ỉm im ỉm chẳng nói được mấy câu. Con Hòa từ khi lên lớp 10 thì nói nhiều hơn một chút nhưng vẫn không quá chú tâm vào học. Khác hẳn với không khí căng thẳng của lớp hồi ôn thi cấp 3.

Nếu mới học chưa lâu mà lớp đã như vậy, thì tôi cũng không tưởng tượng nổi một thời gian lâu sau lớp sẽ thành cái gì.

Tôi cũng không tìm được câu gì thích hợp để nói chuyện với cô. Thế là quay sang bắt chuyện với cái Mai.

4 giờ 50 phút chiều, cái Thảo đến, vừa thấy nó vào chỗ cô đã vội hỏi thăm: "Cái Thảo mấy nay thế nào rồi, vào trường nào hả em?".

Cái Thảo hồi mới thi vào lớp 10 điểm nó cao hơn tôi rất nhiều, nó được 36,5 điểm. Chỉ có điều trường nguyện vọng 1 của nó lấy 37,8. Trong khi nguyện vọng 2 của nó là trường tôi thì lại lấy 37,25. Thế là tạch cả hai nguyện vọng. Nếu để nguyện vọng 1 là trường tôi thì nó đã đỗ rồi. Cô vẫn luôn lo lắng cho nó.

"Bố em xin cho em vào Nguyễn Trãi cô ạ, vào lớp chọn khối D".

Cái Mai ngạc nhiên, bảo với nó: "Ủa, thế là cùng lớp với Thanh này".

Tôi với cái Thảo cũng sửng sốt, cái Thảo quay ra hỏi tôi: "Ơ, mày học lớp chọn à?".

"Ừ". Tôi cười khổ: "Bố tao xin cho tao vào đấy, chứ tao cũng chả muốn vào".

"Học lớp chọn cũng được mà em, vào đấy nhiều đứa ngoan chứ học sinh trường em cũng nhiều đứa học hành vớ vẩn bỏ xừ. Cô thấy lớp chọn trường Nguyễn Trãi còn tốt hơn lớp thường trường Hùng Vương". Lý lẽ cô Thu quả thật không khác gì bố tôi, và cũng giống như bao lời nhận xét từ nhiều phụ huynh tôi nghe được. Chỉ là tôi vẫn cảm thấy nếu vì lý do như vậy mà nhiều phụ huynh xin cho con vào lớp chọn quá thì kết quả học tập của lớp cũng khó mà cao nổi. Không chừng lớp chọn của trường còn xuống cấp.

"Đây, lớp em đây này cô". Cái Mai hăng hở: "Vừa mới vào lớp đã thấy toàn bọn ăn chơi rồi. Có đứa lúc cô chủ nhiệm chưa vào còn hút cả vape".

"Thế á?". Cô Thu sững sờ, rất nhanh sau đó đã thở dài: "Mày mà không dốt Toán thì cũng không vào phải cái lớp cuối trường đâu".

Con Mai học lệch. Tôi nhớ hồi lớp 8 lớp 9 học chung lớp học thêm Toán với nó thì nó còn dốt Toán hơn cả tôi. Ít ra tôi vẫn hiểu được mấy bài cơ bản, thuộc được công thức tính của mẫu đề thi. Còn nó thì đến bài cơ bản cũng làm được có mấy câu. Với lại phần lớn điểm Toán tôi thấp thảm hại cũng vì tôi ẩu, hiểu nhưng tính sai.

Cũng may là hồi đi thi không tính sai câu nào, được 7,75 điểm.

Con Mai dốt Toán là thế nhưng tiếng Anh của nó thì cao khủng khiếp, được 9,5 điểm. Nhưng mà tiếng Anh thì chỉ có hệ số 1, trong khi Toán với Văn đều là hệ số 2. Mà điểm cả 2 môn này của nó cũng đều thấp như nhau.

Con Mai vẫn luôn kể lại cái hồi ôn thi của nó như một chiến tích đáng tự hào. Kể cả bây giờ vẫn vậy.

"Trời ơi em cố mãi mới được 5,25 Toán đấy cô. Em thề với cô là từ hồi lớp 6 em đã sợ Toán rồi, cứ đến giờ Toán là học mãi chả vào. Đi học thêm em cũng toàn chép bài của Thanh chứ em cũng có hiểu cái gì đâu. Còn Văn thì em ôn tủ ông Sáu, thế mà đề lại vào ông Hai. Em ngồi chém gió xong phát kết quả được 5,75 điểm".

Tôi nhớ lại cái hồi nhận đề thi Văn, cảm giác cũng ngã ngửa như con Mai. Mà hóa ra không phải chỉ mình sốc, mà là gần như cả tỉnh cũng sốc.

Do năm trước đã thi vào thơ, nên năm nay kiểu gì cũng có khả năng cao vào truyện. Trong khi bài "Làng" thì ra vào năm trước nữa rồi nên tôi chỉ học sơ qua, còn "Chiếc lược ngà" thì lâu rồi không thấy vào. Thế là tôi cũng đánh liều ôn "Chiếc lược ngà" với "Lặng lẽ Sa Pa". Nào ngờ Sở vẫn ra "Làng" nhưng ở đoạn trích khác.

Không chỉ có cú sốc vì trật tủ, mà còn là sự cay cú khi sai câu a phần đọc hiểu.

Tôi cũng nói thêm với con Mai: "Ê, mà hồi đấy mình làm sai phần a đọc hiểu cũng tức vãi. Ban đầu mình phân vẫn giữa so sánh với ẩn dụ. Thế là chọn ẩn dụ, đến lúc về cô Dương chữa là so sánh".

"Câu đấy so sánh rõ ràng mà bạn, đứa nào nhìn phát cũng biết so sánh".

Tôi cười khổ: "Ừ, nhưng mà lúc đấy trong phòng thi lại không nhận ra, mất mẹ 1 điểm".

Cô Thu chấm bài xong, xếp lại chồng bài thi cho thẳng hàng. Nhớ lại hồi bọn học sinh báo kết quả cho cô mà cũng bật cười hoài niệm: "Cô nhớ hồi đấy báo điểm mẹ con Mai lo sốt vó, không biết nó trượt hay là đỗ. Đến lúc có điểm chuẩn thì may quá nó vẫn thừa 1,25 điểm. Cái Thảo điểm cũng cao mà tiếc cái không đặt Nguyễn Trãi lên nguyện vọng 1, may mà có bố xin cho vào Nguyễn Trãi nên không phải học ở Nguyễn Thị Lưu. Thằng Thanh làm cô bất ngờ nhất, hồi đấy thi thử nó được có 25,5, xếp gần 1300 cả thành phố xong thế quái nào đi thi thật nó lại được 35,1. Thế là cũng yên tâm".

Đúng là bất ngờ thật, ngay cả tôi lẫn bố đều không tin nổi.

Hồi mới trả kết quả thi thử, bố tôi bất lực gần như không nói lên lời. Chỉ biết thở dài bảo tôi: "Không biết sau này mày làm ăn được gì!". Có lẽ niềm hy vọng con mình sẽ được học ở một môi trường tốt lúc đó gần như dập tắt.

Sau đó tôi cũng chú ý học hành hơn một chút, vì tôi biết nếu vẫn cứ tiếp tục với kết quả này thì chỉ có thể hoặc là đi học trường nghề, hoặc là học ở Nguyễn Thị Lưu. Đây là hai trường được xem là vớt vát những thành phần top dưới cùng, mà môi trường ở đây cũng lắm học sinh bất ổn, quậy phá.

Dĩ nhiên còn một trường nữa ở nguyện vọng 2 của tôi là Ngô Quyền. Nhưng trường đó lại mới mở không lâu, lại ở mãi ngoại thành, học sinh ở đây cũng chỉ khá hơn hai trường kia một tẹo. Mà không đỗ nguyện vọng 1 thì cũng chưa chắc đã đỗ nguyện vọng 2. Bao giờ nguyện vọng 2 của các trường cũng cao gần bằng nguyện vọng 1.

Trường Hùng Vương chỉ xếp sau trường Chuyên, nên điểm ở trường này năm nào cũng cao. Thỉnh thoảng tôi cũng ước được học ở đây, dù sao nó cũng gần nhà bà. Nhưng với tình hình học tập lúc bấy giờ mà vẫn để Hùng Vương là nguyện vọng một, kết quả cũng chỉ là trèo cao thì ngã đau.

May mà hồi đó môn tiếng Anh tôi chuyển kịp sang cô Thu trước khi thi thử một tuần nên sau kỳ thi thử đó tôi lấy lại gốc tiếng Anh không ít. Môn Toán tuy nắm vững công thức tính từng dạng bài nhưng vì hay tính sai nên lúc thi Toán tôi phải kiểm tra lại đáp án rất nhiều lần. Chỉ có môn Văn là tôi lười nhất, ôn tủ thì bị tủ đè, lại bỏ lỡ mất 1 điểm câu đơn giản.

Vì môn Văn đó mà sau khi thi tôi bị lo âu, tính thế nào cũng chỉ ra cao nhất là 5,5 điểm. Mà thường thì trường hợp cao nhất thường khó xảy ra, nên tôi cũng không quá hy vọng vào điểm 5,5 này. Chưa kể biết đâu môn Toán với môn Anh lại có chỗ sai, mất thêm mấy điểm nữa. Tính thế nào thì khả năng xảy ra nhiều nhất cũng vẫn là hơn 30 điểm.

Có tính toán kiểu gì thì cũng có lúc trật lất, điểm Văn của tôi được tận 6 điểm, ngoài sức tưởng tượng của tôi.

Nếu như không làm sai phần đọc hiểu thì đã được 7 điểm rồi. Hơn nữa hệ số môn Văn lại là hệ số 2.

Từ lúc phát đề thi đến lúc có kết quả. Môn Văn luôn là môn làm tôi ngỡ ngàng nhiều nhất, vì tất cả mọi suy đoán của tôi với môn này đều trật lất. Môn Toán với môn Anh đều là kết quả cao nhất trong dự tính.

Các cô chấm Văn rẻ kinh.

Ngay cả bố cũng sững sờ, nhưng ngay sau đó đã rất vui vẻ mà khen tôi: "Mày mà học Văn chăm hơn nữa thì cũng đỗ cả Hùng Vương rồi"

Quả thật nếu tôi không lười học Văn thì cũng có khả năng đỗ vào Hùng Vương. Nhưng cả năm lớp 9 tôi chả động chạm được bao nhiêu kiến thức môn Văn vì nó có quá nhiều ý để nhớ. Nhưng ngẫm lại thì Nguyễn Trãi cũng được. Nếu được quay lại thời kỳ ôn thi, có lẽ đăng ký vào Hùng Vương lại quá mạo hiểm.

Có người vui ắt có người bất hạnh, cô Thu vẫn còn thất vọng vì kết quả của con Hòa: "Cô thấy con Hòa học hành cũng đâu đến nỗi, mà đi thi được có hơn 29 điểm. Đến Ngô Quyền cũng không đỗ được, thế là phải học ở Nguyễn Thị Lưu".

Tiếng mở cửa phòng khách mở ra rồi đóng lại, cái Hà bước vào lớp.

"Mấy giờ rồi Hà ơi?". Ở trong phòng không có đồng hồ, cái Hà vừa đến thì cô thuận miệng hỏi luôn.

"4 giờ 58 rồi cô ạ". Cái Hà nhìn đồng hồ rồi đáp.

"Quái nhỉ, bây giờ mới có 4 đứa trong lớp. Cái bọn này đi học muộn quá!".

5 giờ tròn, con Hiền đến, con Hiền cũng học lớp tôi với hay đi với con bé khác. Thỉnh thoảng tôi cũng thấy nó lúc đi thi với nhận kết quả. Lúc tập trung trên trường sáng thứ 2 còn chẳng nghĩ con bé này học cùng lớp.

Sau đó 5 phút sau. Con Hòa, con Oanh với con Nhung lần lượt đến lớp. Con Oanh với con Nhung học cùng lớp A7, chơi khá thân với nhau, sau đó con Oanh khoe con Nhung được làm lớp trưởng.

Cô Thu gần như không tin nổi, hỏi lại nó: "Sao em lại được làm lớp trưởng?".

"Tại cô em bảo làm lớp trưởng chỉ cần to mồm là được". Con Nhung cười hì hì.

Con Nhung bình thường hay nhí nhố, vui vẻ. Với lại giọng của nó cũng rất to. Tôi đoán nếu lúc nó quát người khác thì chỉ cần nghe giọng người ta đã đủ sợ.

"5 giờ 10 rồi mà vẫn chưa thấy đám còn lại đến. Thôi các em học trước đi nhé, kệ chúng nó".

Lại một buổi học thiếu động lực học nữa bắt đầu. Đến tận 5 giờ 20 phút mới đầy đủ sĩ số lớp. Có lẽ vừa trải qua một kỳ thi căng thẳng nên bọn học sinh vẫn chưa lấy lại được tinh thần học tập. Cả buổi tuy ngồi học nhưng vẫn có một số đứa cao hứng gợi chuyện rồi lôi cả lớp vào cùng bàn tán.

Tan học, tôi với cái Mai cùng đạp xe về. Đợi đến lúc chỉ còn hai đứa bọn tôi, con Mai mới bảo: "Thực ra con Hòa toàn chép bài đứa khác chứ nó học cũng chả ổn gì".

Tôi thấy hơi ngạc nhiên, tôi với con Hòa từng học chung bốn năm cấp hai với nhau. Nhưng mà bọn tôi cũng không tiếp xúc với nhau quá nhiều. Thỉnh thoảng mới bắt chuyện xã giao, lại hay nghe nó hàn huyên với cô Thu nên trong ấn tượng ban đầu của tôi nó có phần nóng tính, nhiều chuyện. Nên tôi cũng không quá để ý đến nó. Nhưng mà có một lần nó sân si với con em gái kết nghĩa trước mặt tôi khiến tôi cũng không quá thích con bé này.

"Thế á, trước giờ mình còn tưởng nó học cũng được. Trước đi học cấp hai trên lớp thấy nó học cũng không đến nỗi".

"Không bạn ơi, nó hay nhìn bài con Thảo lắm. Mình học cô Thu với nó hơn hai năm mấy lần trông thấy nó hỏi đáp án con Thảo rồi".

Tôi như hiểu ra phần nào sự thân thiết của con Hòa với cái Thảo, bảo: "Bảo sao hay thấy hai đứa nó có vẻ thân nhau, mình ngồi cạnh bọn nó chỉ thấy chúng nó thì thầm to nhỏ gì đấy chứ cũng chả nghe ra được gì".

"Ban nãy cô Thu bảo nó học cũng ổn, nhưng mà toàn là nó nhờ con Thảo cho nhìn đề rồi xung phong trả lời với cô. Nên cô mới nghĩ nó học giỏi. Chứ trình độ thực sự của nó cũng chỉ làm được mấy câu đơn giản vừa sức thằng Bảo thôi".

Tôi nhớ lại cái hồi nó nói về con em tôi, cười khinh bỉ: "Thế mà người ta còn dám mạnh mồm chê con em gái của mình đấy, bảo là con Quỳnh Đỗ nhờ ăn may nên mới vào được Hùng Vương. Hóa ra là con chép bài ngồi chê con chăm học. Đến cả Nguyễn Trãi cũng chẳng may thi trượt thì ăn may đỗ Hùng Vương hẳn là có lý do".

"Con đấy thì ai mà chẳng ghen, lần nào nó nói chuyện với cô cũng toàn thấy chê người khác".

"Chà, cũng không biết là bạn Trần Ngọc Hòa này có ghen ăn tức ở nói xấu sau lưng gì về mình không. Nhưng nếu có thì cũng tốt, vì ít nhất thì mình cũng biết là bạn ấy không có bằng mình".

Vừa đạp xe vừa tán dóc với cái Mai đến đoạn Tháp đồng hồ thì chúng tôi tạm biệt nhau rồi về.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro