gã ăn mày và cây đũa phép

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Khi là sinh viên năm nhất, Cao Khanh Trần bước vào cánh cổng đại học với sự háo hức và hi vọng về một tương lai rộng mở phía trước. Cuối cùng cũng có cơ hội để anh có thể tiến đến gần hơn với cái niềm khao khát mãnh liệt mà anh vẫn hằng mơ.

Trở thành một hoạ sĩ.

Anh thích vẽ. Cái tiếng xột xoạt khi đầu than chì cọ vào lớp giấy dày màu ngà làm dấy lên sự thích thú tột độ trong cái không gian vắng lặng và hiu quạnh. Cái mùi mốc ẩm ương của những lọ màu, cái sự thoả mãn khi phủ từng sắc màu vào những trang giấy. Từ hai màu đen và trắng, Cao Khanh Trần có thể biến chúng sống động và chân thực vô cùng.

Cao Khanh Trần yêu nghệ thuật. Thứ nghệ thuật muôn màu muôn vẻ, lập dị và khác lạ. Anh yêu những thứ đẹp, những thứ anh thấy là đẹp, là nghệ thuật, mặc kệ những người khác cho rằng nó lập dị và vớ vẩn ra sao. Những chiếc lá cuối thu vàng và ròn rộm cũng khiến anh ngơ ngẩn cả ngày. Cao Khanh Trần thấy chính chúng còn có sức hấp dẫn hơn mấy cô nàng ẽo ọt hay làm điệu ở trường, và cả mấy thằng trai mới lớn của đội bóng rổ với body nóng bỏng.

Mọi thứ vốn không dễ dàng.

Ảo mộng mà anh gây dựng, nay đã sụp đổ. Anh cố hi vọng, cố mong chờ, thế nhưng có vẻ may mắn đã đi khỏi anh mãi mãi. Ở cái độ tuổi hai mươi lăm, bạn bè người thì thành đạt, người thì đang cố gắng thăng tiến, người thì đã lập gia đình. Ở cái độ tuổi hai mươi lăm, Cao Khanh Trần chẳng có gì ngoài những bút màu và giá vẽ trắng tinh.

Những bức vẽ của anh, nghệ thuật phải trả bằng mồ hôi, máu và nước mắt của anh, không được công nhận. Cao Khanh Trần sống lay lắt bằng số tiền ít ỏi do mẹ và chị từ quê gửi lên, cúi đầu trước người chủ trọ mỗi khi ông ta gào thét về vụ tiền nhà và cái lắc đầu chán nản của những tòa soạn từ chối anh. Đến cả thằng ăn xin đầu phố còn có nhét vào bụng được hai chiếc bánh mì kẹp, và cái cách gã ngạo nghễ cười cợt anh mỗi lần Cao Khanh Trần đi qua rồi lại trở về với bản vẽ còn nguyên và cái túi trống rỗng càng khiến anh điên tiết.

"Con mẹ nó, anh đến cả việc đi xin làm thuê còn không thèm, suốt ngày ngửa tay ăn xin, còn cười cợt tôi?"

Gã ăn mày ở đây ngay từ cái ngày Cao Khanh Trần còn khoác lên mình bộ quần áo gọn gàng phẳng phiu, khoác ba lô và tổ lái với xe đạp đến trường đại học. Anh ngày đấy còn là một thiếu niên dương quang với nụ cười luôn nở trên môi, thỉnh thoảng sẽ là người đưa cho gã vài cái bánh hoặc chai suối khoáng, an ủi vài câu và bố thí lòng thương hại cho gã như bao người đi qua tuyến đường này đã từng. Khu nhà ở xuống cấp, chính phủ chuyển sang đầu tư dự án khác, biến một khu phố tấp nập thành một khu ô chuột xập xệ, đồng thời cũng biến những con người từng là ánh mặt trời tỏa sáng biến thành một ngọn cỏ ven đường. Ông chủ nhà cọc cằn từng niềm nở hay nướng bánh quy tặng mọi người nay suốt ngày kì kèo từng đồng tiền nước tiền điện, chị gái hàng xóm luôn nấu cao quy linh tặng anh và thích trồng xương rồng tầng dưới nay suốt ngày ôm mấy lon bia và khóc lóc vì mấy thằng bồ cũ tệ bạc. Còn Cao Khanh Trần, anh cũng chẳng khá hơn bọn họ là bao, đến con xe hai bánh cũng phải bán nốt để trả nợ. Duy chỉ có riêng gã, vẫn luôn đội mũ lưỡi chai đã bạc đến mức chẳng nhìn rõ màu sắc nguyên bản, tóc xoăn mì dài che hết nửa mặt, giọng nói giống một cậu thanh niên hai mươi hai nhưng cách đi đứng thì giống một ông chú bốn mươi bốn.

"Cao Khanh Trần, cậu là người duy nhất luôn giúp đỡ tôi."

Cao Khanh Trần có chút sững lại, động tác cầm bật lửa chậm dần, điếu thuốc ngậm trên miệng cũng muốn nhả xuống. Gã từng nói rằng hút thuốc có hại cho sức khỏe, ở cái lần đầu tiên mà dự án anh đang làm bị từ chối và Cao Khanh Trần mua cho cả hai một ổ bánh mì đặc ruột, đến tìm gã tâm sự và định thử điếu thuốc đầu tiên. Bốn năm đại học sau đấy, anh luôn chia sẻ cho gã đồ ăn, đồ uống, những câu chuyện vặt, nghệ thuật và những bức vẽ. Gã không hiểu nhưng sẽ lắng nghe, thỉnh thoảng chê, thỉnh thoảng khen, thỉnh thoảng động viên anh hãy tiếp tục.

Một chút kí ức tốt đẹp làm anh choáng váng. Cao Khanh Trần từng là một người thế nào? Bạn bè đại học bảo anh hay cười, rất đáng yêu, hay làm nũng và thích giúp đỡ người khác. Đàn em khen anh chơi bóng rổ thật giỏi, thầy giáo khen anh chịu khó tìm tòi và tập luyện, bố mẹ nói rằng anh là niềm tự hào của bọn họ. Chứ không phải một thằng thanh niên hai mươi mấy tuổi đầu tóc dài lòa xòa đến vai và râu không cạo, mặc đi mặc lại một cái áo sơ mi đã giặt đến trăm lần mỗi khi đi thử việc, cận năm độ và nghiện thuốc lá.

"Ngày mai tôi sẽ rời đi. Nên tôi có món quà này dành cho cậu."

Cao Khanh Trần chẳng thảm hại đến mức cần sự bố thí từ một tên ăn mày. Cơ mà, gã với anh cũng có thể coi là bạn đi. Và sự hiện diện của gã cũng phần nào an ủi anh, rằng Cao Khanh Trần chưa phải là thứ tệ nhất. Và một điều nữa, anh hiếu kỳ. Sự tò mò giết chết con mèo. Nhưng sự hài lòng đã mang nó trở lại.

Nói rồi gã lúi húi lấy cái hộp kê gối đầu trong góc ra, thổi đi lớp bụi dày đặc bên trên, vuốt nhẹ ba cái như vuốt cây đèn thần. Cao Khanh Trần chờ đợi một thần đèn đích thực sẽ từ trong chiếc hộp chui ra, sau đó ban cho anh ba điều ước, của cải và tiền bạc, mẹ anh khỏi bệnh, và một thứ tình yêu xa xỉ chăng?

Trong đầu anh thoáng hiện lên hình bóng một người, nhưng tiếng chìa khóa tra vào ổ cạch một tiếng đã kéo anh trở về thực tại.

Cái hộp này là một bí mật vô cùng to lớn, gã luôn giữ khư khư và không bao giờ cho ai động vào. Cao Khanh Trần có hỏi rất nhiều lần, nhưng gã chỉ cười và xua tay "Đây là chiếc hộp chứa cả cuộc đời của tôi." Cao Khanh Trần biết đây là một thứ gì đó vô cùng quan trọng với gã, bởi có lần, một trận động đất nhẹ xảy ra, gã ăn mày đã phải cấp cứu vì lấy cả thân mình che đi cái hộp, trong khi gã có thừa cơ hội để chạy thoát.

Cái hộp mở ra, nhưng đổi lại sự kì vọng của Cao Khanh Trần là một chiếc hộp đen kịt, có lẽ ánh đèn đường vàng ngà ngà lúc mười hai giờ đêm không đủ để chiếu sáng góc cầu thanh hôi thối và tối tăm này. Gã thò cả cẳng tay vào mò mẫn trong một chiếc hộp bé tí bằng hai găng tay, làm Cao Khanh Trần kinh hãi:

"Đây là túi thần kỳ của Doraemon hay là anh là Harry Potter vậy?"

"Lần đầu tiên cậu đoán đúng một điều về tôi."

Đã lâu rồi anh mới nghe được một lời nói đùa dở tệ như vậy, sau cái lần anh hứa với mẹ sẽ bán được tranh và lấy đi toàn bộ tiền tiết kiệm, đến khi bà đổ bệnh và nhà không còn gì. Cao Khanh Trần chỉ đáp lại bằng một cái nhún vai.

Sau khoảng một hai phút, gã cuối cùng cũng lôi ra một thứ gì đó dưới con mắt tò mò đến mức trợn tròn lên của anh. Một cái túi bọc to bằng găng tay, điều này thì hợp lí hơn rồi vì nó không phải là một cây đũa phép hay cánh cửa dịch chuyển thời không, ơn trời.

Gã ném về phía anh và Cao Khanh Trần vừa vặn bắt được. Chiếc túi nhìn cũ kĩ nhưng sờ vào thì mịn như da người, nhìn thì rõ ràng nó làm bằng vải chứ không phải da, cái cảm xúc mướt mướt và mềm mại làm anh nổi da gà.

Giờ thì anh bắt đầu bán tín bán nghi về lời nói đùa căn nãy.

"Về nhà hẵn mở ra. Nó sẽ giúp cậu có được thứ cậu muốn, bất kể thứ gì. Lợi hại hơn thần đèn nhiều."

Gã nhìn anh bằng một ánh mắt nghiêm túc, một ánh nhìn chưa bao giờ có giữa cả hai. Lúc này đây, lời nói của gã như có một sức nặng ngàn cân, tỏa ra một thứ áp bức uy hiếp làm những giọt mồ hôi trên trán anh bắt đầu nhỏ xuống. Cao Khanh Trần không còn kịp nghĩ tại sao gã biết anh nghĩ về thần đèn, cũng không kịp hỏi tại sao thứ đồ mà gã trân trọng cả một đời lại dễ dàng cho đi như vậy.

"Anh định đi đâu? Anh có quay về không ?"

Nhưng gã không trả lời anh, mà chỉ đáp lại bằng một nụ cười mỉm. Áp lực căn nãy giống như chưa hề tồn tại, gã lại trở về làm cái thằng ăn xin đầu đường xó chợ nhếch nhác và vô hại.

"Dùng nó một cách khôn ngoan."

Reng....reng...reng

Tiếng chuông điện thoại phá vỡ cuộc trò chuyện dang dở của cả hai, Cao Khanh Trần theo một cách lịch sự quay đi và ấn vào nút trả lời, đầu giây bên kia là chất giọng chán ớn đầy máy móc quen thuộc:

"Thưa anh Cao, hôm nay đã là hạn chót, vì vậy bên tôi đành phải lấy đi tài sản anh cầm."

Xưng hô xa lạ làm anh biết có chuyện chẳng lành. Chết tiệt, đống máy tính và đồ gia dụng bị đem đi hết thì sống sao ?

"Ôi Patrick, chú cho anh thong thả thêm chỉ vài ngày nữa thôi, vài ngày thôi, được không? Anh hứa là..."

Đầu giây bên kia quyết không nhân nhượng, chưa kịp để anh nói xong đã ngắt lời:

"Cao Khanh Trần, tháng trước anh cũng nói với tôi như vậy. Tôi đã phải lấy tiền của mình để thế chấp cho anh rồi, và giờ tôi không thể kéo dài thêm cho anh nữa."

Doãn Hạo Vũ là người em đồng hương anh quen trong một buổi họp báo về cách sử dụng màu vẽ trong thời cổ đại. Hai người tình cờ ngồi cạnh nhau và Doãn Hạo Vũ khen tấm tắc bức vẽ mà anh mang theo trong ngày hôm đấy. Cả hai có chung sở thích nên dần dà trở thành bạn tốt, cho đến khi bốn năm đại học kết thúc, Doãn Hạo Vũ cũng từ bỏ ngành nghệ thuật để làm nhân viên kế toán, trái ngành làm cậu ta chán nản và cuối cùng kết thúc bằng việc đi làm công cho một cửa tiệm cầm đồ. Còn Cao Khanh Trần vẫn sống chết đi theo chuyên ngành ban đầu và trở thành khách hàng quen thuộc của tiệm cầm đồ ấy.

"Nhưng mà chú cũng biết anh sắp..."

Chiêu bài tình cảm chắc có lẽ vẫn hữu dụng, đúng chứ?

"Tôi gọi điện để thông báo, không phải thương lượng, vài giờ nữa người bên tôi sẽ đến lấy đồ. Chúc anh một ngày tốt lành, anh Cao."

Cao Khanh Trần chưa kịp chửi thề, đầu giây bên kia đã cúp máy. Anh chán nản ném điện thoại xuống sàn, như một cách xả giận vô dụng vì tiền sửa điện thoại chắc chẳng có nổi mà trả, nhưng giờ cũng có thể làm vậy bởi cái điện thoại này cũng sắp sửa bị đi cầm rồi còn đâu. Có lẽ một chút lòng tốt còn xót lại trong Doãn Hạo Vũ khi nhìn thấy vết nứt màn hình như cái mạng nhện này của anh sẽ đem nó đi sửa, và cậu ta chắc không cộng khoản này vô số tiền nghìn bath mà anh đang nợ đâu.

Nhưng chẳng có một tiếng đổ vỡ va đập nào, và giờ Cao Khanh Trần nhận ra mình đang nằm trên tấm đệm lót trong căn trọ cũ kĩ của mình, với ánh nắng ban mai hắt từ khung cửa kính thẳng vào mặt đến chói mắt.

Thế quái nào... sao anh lại ở trên phòng rồi? Và nửa đêm sao lại thành ban ngày?

Cao Khanh Trần bật người dậy, điện thoại bị anh ném đi may mắn còn nằm trên đệm, bên cạnh nó là cái túi đen hôm qua.

Anh ôm cái túi chạy thục mạng xuống phố, đi đến gầm cầu thang của gã ăn mày và hỏi cho ra nhẽ. Nhưng gầm cầu đó không có một ai và bị phủ kín bởi những túi rác thải to bự của cư dân.

Lưu Tá Ninh vừa vặn đi ngang qua, cô nàng xách một túi rác to tổ chảng lỉnh kỉnh đủ thứ chai vỏ bia rỗng, gương mặt so với dạo trước mới gặp trông còn tiều tụy hơn.

"Tiểu Cửu, mày làm gì ngồi nhìn đống rác thẫn thờ suốt năm phút vậy?"

Cao Khanh Trần vớt tay nhấc túi rác của cô lên rồi xếp trên mấy bao rác. Độ cao này đủ để bác hót rác không cằn nhằn Lưu Tá Ninh mỗi lần gặp cô nàng vì bác không cúi xuống thấp được bởi lưng đau, trong khi cô chả đủ khỏe để nhấc cái túi nặng gần năm cân này đặt lên đống rác cao hơn đầu mình nữa.

"Tiếc nhỉ chị, lão Châu cứ thế mà đi mất rồi."

Lão cứ thế mà đi, đi thật rồi. Cao Khanh Trần cảm thấy như chỗ dựa tinh thần cuối cùng cũng sụp đổ, giờ thì chẳng còn ai ở bên anh để anh trải lòng nữa. Một quãng thời gian dài như vậy cùng nhau gắn bó, cứ như thế mà không còn gì.

"Lão Châu nào?"

Giọng nói đều đều của cô làm anh có chút không vui, dù gì chị em bọn họ là người hay cùng lão Châu nói chuyện nhất, thế mà cô chẳng quan tâm sao?

"Lão Châu ăn mày ngồi ở gầm cầu thang này thây, hai tuần trước lão còn giúp chị đuổi thằng bồ cũ hay lảng vảng ở đây ấy, thế mà không nhớ à?"

Lưu Tá Ninh có chút ngạc nhiên, cô quay qua nhìn thẳng vào Cao Khanh Trần:

"Ô kìa, lão Châu nào, chị hỏi thật đấy, mà vụ ấy không phải mày gọi cảnh sát giúp chị sao?"

Lúc này thì Cao Khanh Trần có chút hoảng rồi. Lưu Tá Ninh trông vô cùng điềm tĩnh, cô nàng đúng là có chút mỏi mệt, nhưng hoàn toàn không giống như không tỉnh táo mà nói nhăng nói cuội:

"Gã ngồi ở đây suốt sáu năm, chị uống đến sảng rồi sao?"

Lần này thì thật sự chọc giận đối phương, cô huých vai anh một cái, lớn tiếng phản bác:

"Mày mới là đứa sảng ấy, sáng ra thẫn thờ ăn nói linh tinh, chỗ này là bãi rác của tiểu khu từ lúc chuyển đến đây rồi, làm gì có người ăn mày nào, mà cả cái khu này cũng chẳng ai gọi là lão Châu cả."

Cao Khanh Trần đi tìm lão Lưu cho thuê trọ, kể cả mấy bà cô hay múa quảng trường thường cho lão Châu bánh mì cũng chỉ nhận được một kết quả: chẳng có một gã ăn mày họ Châu nào ở đây trong suốt sáu năm qua cả.

Cao Khanh Trần nhìn chiếc túi nhỏ trong tay mình, anh toát hết mồ hôi đi về nhà. Nhà cửa mở toang hoang, đồ đạc bên trong chẳng còn bao nhiêu, có lẽ Doãn Hạo Vũ đã đến và lấy hết đồ đi cho tiệm cầm đồ rồi. Anh nhìn chiếc nồi vẫn còn trên bếp và một túi rau thịt tươi ở trên bàn mà bật khóc, nước mắt cứ thế nối tiếp nhau rơi xuống. Lão Châu thật sự là một phù thủy sao, vậy chắc thứ đồ gã đưa có thể giúp anh thoát khỏi cảnh nghèo khổ, sống mà như chỉ tồn tại, sống trong sự thương hại và mặc cảm này sao?

Cao Khanh Trần mở chiếc túi ra, thứ đồ bên trong chỉ là một chiếc bút chì gỗ. Dài khoảng hơn một gang tay, màu đen xì, trông rất mới, phần thân trơn nhẵn, phần đầu được gọt sắc cẩn thận. Bên trên không gắn nhãn hiệu, cũng không để lại một thứ gì khiến người ta có thể truy tìm được nguồn gốc của nó. Nó đơn giản đến mức nhạt nhẽo. Giống như bất kì cây bút chì nào có thể mua được ở cửa hàng, nhỏ gọn và trông sạch sẽ, được mua với giá ba bath và được gọt bằng dao rọc giấy cho đến khi chúng ngắn tủn mủn bằng một đốt ngón tay rồi nằm an vị trong thùng rác.

Thôi được rồi, chí ít thì nó hữu dụng với một họa sĩ.

"Theo cậu thì điều gì là quan trọng nhất khi vẽ?"

Cao Khanh Trần đang cặm cụi phác thảo lại cảnh đêm của khu phố ổ chuột ấy, một cách giúp anh giải tỏa cảm xúc mỗi khi chán nản. Cao Khanh Trần đã vẽ hơn nghìn bức về khu phố này, từ lúc anh mới chuyển đến và tập tễnh dùng dao rọc giấy gọt bút và vẽ từng khối vuông tròn để thể hiện bao quát hình khối của khu, đến khi nó được chính phủ cấp tiền xây một bồn hoa và đài phun nước tráng lệ lộng lẫy, đến cả khi đài phun bị đập vỡ và thay thế bằng một nhà máy sản xuất ủng cao su, rồi đến cả khi nhà máy bị bỏ hoang và khu phố được bọc trong mùi rác và sự bẩn thỉu. Sáu năm, nghìn bức tranh, cũng trôi theo khu phố xuống khu rác thải của thành phố, Cao Khanh Trần vẽ xong liền vứt đi, không giữ lại chỉ trừ duy nhất bức tranh hoàn chỉnh đầu tiên về khu phố mà anh tặng cho lão Châu. Đó là lần đầu gã khen anh vẽ đẹp.

"Là ý tưởng, là sáng tạo. Sau đó đem hết tất cả những thứ đó lên trang giấy, hoàn chỉnh một tác phẩm."

Đó cũng là lí do khiến anh cầm bút, là lí do khiến anh đeo đuổi cái nghệ thuật hão huyền ấy. Cao Khanh Trần ghi lại thứ anh thích, và thông qua góc nhìn độc nhất của mình, trải qua vô số sáng tạo và ý tưởng nở bung trong đầu, biến nó thành bức họa.

"Thế theo anh, thứ gì là quan trọng nhất?"

Lão Châu mất rất lâu mới trả lời, làm Cao Khanh Trần nghĩ gã đang cố nặn ra một vài triết lí thật sâu sắc nào đó.

"Cây bút."

Câu trả lời ấy làm Cao Khanh Trần phải dừng vẽ để cười nghiêng ngả.

"Haha, cũng đúng. Không có bút làm sao mà vẽ được chứ. Không có giấy cũng vậy mà nhỉ, dụng cụ đúng là quan trọng, nhưng tôi đang hỏi cái quan trọng nhất cơ mà."

Gã chỉ đáp:

"Một tờ giấy không được vẽ thì nó chỉ là một tờ giấy trắng. Nhưng nếu có một cây bút, cậu có thể vẽ ở bất cứ đâu."

Cao Khanh Trần cầm cây bút gỗ màu đen này lên, ngay lập tức anh cảm thấy linh hồn như bị một thứ gì đó chạm vào, vuốt ve thật nhẹ nhàng, một cảm giác yêu thích không nói thành lời làm anh sung sướng đến run rẩy. Giống như lần đầu cầm cây bút gỗ được chị gái tặng mà vẽ lên bức họa đầu đời, giống như lần đầu tiên phác họa hoàn chỉnh một khối cầu đổ bóng được thầy giáo khen, giống như lần đầu tiên bức họa anh vẽ được trưng bày ở triển lãm, một thời huy hoàng đáng để hoài niệm.

Cao Khanh Trần ngay lập tức cầm chiếc bút này lên, trở về với giá vẽ và lấy một tờ giấy trắng tinh, bắt đầu nghuệch ngoạc những nét vẽ sau sáu tháng trời không đụng đến.

Anh vẫn nhớ như in bức họa đầu tiên của cuộc đời mình. Sinh nhật sáu tuổi, chị gái tặng cho anh một hộp bút chì màu. Cao Khanh Trần đã vẽ lại khung cảnh sinh nhật của mình năm ấy. Trước mắt anh là bánh kem dâu, cắm sáu ngọn nến, xung quanh bàn bày biện bim bim và hoa quả. Bố ngồi bên trái, mẹ ngồi bên phải, chị gái ngồi đối diện, bạn bè ngồi bên cạnh. Tất cả mọi người đều vỗ tay hát vang, núi quà ở bên góc xếp thành đống. Cảnh tượng trước mắt hiện lên rõ mồn một, bên tai anh là bài hát chúc mừng sinh nhật bằng tiếng quê hương quen thuộc, nhiệt độ nóng chảy mồ hôi  khi tụ tập đông người độ đúng hè Bangkok, nụ cười của tất cả mọi người, ngay cả mùi bánh kem dâu cũng thật ngọt ngào và quyến luyến. Cao Khanh Trần không rõ là thực hay là ảo, cũng không rõ là mình đang khóc hay cười. Bàn tay của anh nhỏ lại giống như bàn tay trẻ con, ánh nến lập lòe cũng được thổi tắt ngay sau đó.

Anh nhớ nhà quá, nhớ Bangkok xa xôi cả nghìn dặm, nhớ những bữa cơm quây quần và gia đình.

Cao Khanh Trần buông bút xuống, một bức tranh bằng chì được hoàn thiện. Không màu sắc, không cần dùng tẩy. Một bữa tiệc tràn đầy niềm vui và hạnh phúc được tái hiện một cách hoàn chỉnh. Bây giờ là bốn giờ chiều, cái bụng đói của anh bắt đầu réo biểu tình.

Cao Khanh Trần chụp lại bức tranh, đăng lên hội nhóm thưởng thức hội họa chia sẻ thành quả như mọi lần mình đã từng. Sẽ có vài chục bình luận khen lẫn che, và một ngày như vậy lại trôi qua. Anh vào bếp làm một gói mì trứng với rau cải, thịt thì cất tủ lạnh ăn dần. Rau để ngoài cả ngày đã hơi héo, nhưng đối với Cao Khanh Trần đã là quá tốt rồi. Nhai ngấu nghiến xong bát mì không muối, Cao Khanh Trần bật con điện thoại iphone6 đã cũ nhưng vẫn chạy ổn lên, lướt facebook như mọi tối, bỗng giật mình vì phần noti của anh như nổ tung. Hơn 100+ thông báo và tin nhắn.

Tay anh run run ấn vào thông báo, tất cả đều đến từ bài đăng trong group hội họa. Bức ảnh mà anh đăng đã nhận hơn 3k lượt tương tác cùng hàng tá bình luận khen ngợi. Vô số nói rằng bức tranh này vẽ quá trâu bò, giống như một bức ảnh chụp lại thời thơ ấu của chính họ, vô số người khen kĩ thuật dùng chì của anh, vô số người khen bức tranh thật có cảm xúc.

Ở phần tin nhắn, bọn họ người hỏi anh có thể chia sẻ câu chuyện đằng sau, người hỏi anh kĩ thuật này dùng kiểu gì, còn có người hỏi mua bức tranh với giá tiền đúng bằng số tiền cho các khoản nợ của Cao Khanh Trần.

Thời đến cản không nổi! Cao Khanh Trần nhìn số tài khoản từ 0 đồng đến vài con số nối đuôi nhau, anh cười đến tỉnh trong mơ.

Đây đích thị là cây đũa phép thần hái ra tiền của anh. Lão Châu, cảm ơn lão rất nhiều, bảo sao lại coi trọng cây bút này đến thế.

Cao Khanh Trần cả ngày đâm đầu vào vẽ, anh vẽ những kí ức của mình. Ngôi trường đại học, hàng cây trước ngõ, con phố ổ chuột cũ nát, những khoảnh khắc đáng tự hào và đầy kỉ niệm của mình. Hoặc có thể là bất cứ phong cảnh nào mà anh thấy thích thú, hàng cây bên đường, vườn hoa hướng dương. Hoặc là vẽ tặng cho những người anh yêu mến, dáng vẻ cười ngốc nghếch của Doãn Hạo Vũ trong bộ com lê bảnh tỏn khi tự mình khai trương một của tiệm cầm đồ của riêng cậu nhóc, chị Lưu Tá Ninh với chiếc sườn xám đỏ dài và nét mặt hạnh phúc khi tìm được tình yêu đích thực của mình, lão Lưu đang mải ổ bánh mì nướng cùng vẻ ngạc nhiên sau khi biết được cả khu phố được chính phủ đồng ý nâng cấp. Cao Khanh Trần có một núi tiền trong tay sau khi bán những tác phẩm ấy đi. Mẹ của anh đã khỏi bệnh và anh đã tự tay mua được căn nhà mới cho bố mẹ. Chả ai nhận ra một Cao Khanh Trần tóc dài và gầy guộc trước kia. Người ta hay gọi anh là đôi bàn tay kì tích và ngưỡng mộ một người đàn ông hai mươi sáu trong bộ vest hàng hiệu và quả đầu vuốt keo 5:7 chỉnh chu.

Chiếc bút đó không cần gọt, cũng không bao giờ cùn đi.

Và những gì anh vẽ ra, tất cả đều là thật.

"Hãy dùng nó một cách khôn ngoan."

Cao Khanh Trần biết được điều kì diệu của nó. Doãn Hạo Vũ gọi điện, khóc lóc với anh rằng đây là cửa tiệm cầm đồ thứ sáu cậu bị đuổi việc, Cao Khanh Trần nghĩ đến cảnh tượng nếu như cậu ta có một của tiệm của riêng mình thì sao nhỉ? Chị hàng xóm đem cho anh một hũ cao quy linh trông không được ngon lắm nhưng vẫn hỏi han dạo này anh sao rồi, nếu thiếu gì cứ nói với chị làm anh nghĩ đến việc nếu như cô tìm được một người thật lòng giúp cô vượt qua tất cả những buồn phiền và đau khổ này thì sao nhỉ? Lão Lưu và những mẻ bánh nướng khét chẳng dám đem tặng bất kì hàng xóm nào nữa nếu như biết được khoản tiền trợ cấp được chính phủ trả lại hết và còn đồng ý nâng cấp khu phố này thì sao nhỉ? Nếu như bệnh của mẹ anh khỏi hẳn và nhà anh trả hết nợ, sống sung sướng thì sao nhỉ?

Vậy là, Cao Khanh Trần vẽ.

Và chúng trở thành sự thật.

Anh ngồi trong căn hộ cao cấp đắt tiền trên tầng thứ sáu mươi bảy, lười biếng bật ti vi trong khi thưởng thức một ly cocktail ngọt nhẹ, thư thái mà hưởng thụ cuộc sống. Bảng tin thời sự hôm nay cũng khá náo nhiệt, bỗng có một tin tức làm anh chú ý đến:

"Tập đoàn Châu thị tuyên bố phá sản sau bê bối phân phối hàng giả, hiện tại chủ tịch tập đoàn cũng như cổ đông lớn nhất, cô Châu Kha Quỳnh bị tuyên án tù..."

Châu Kha Quỳnh... Châu Kha Vũ...

Cao Khanh Trần cười nhẹ, lắc lắc ly cocktail trong tay. Cô ta cuối cùng cũng phải trả cái giá cho tất cả những việc làm của mình, cho dù người đứng đằng sau có thật sự là Châu Kha Quỳnh hay không, nhưng thái độ bàng quan, thờ ơ của cô ta khi vụ việc năm đó nổ ra thật không thể dung thứ. Vả lại, sau cùng người được hưởng tất cả chẳng phải cô sao?

Cao Khanh Trần tắt bản tin đi, anh nằm trên giường, hai mắt nhắm lại mà thở dài. Mùa hè năm đó có nắng và gió, có những bức thư còn bỏ dở, và có nụ cười của thiếu niên chẳng bao giờ thấy lại được.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro