1. BAO TỰ - NỤ CƯỜI LÀM MẤT GIANG SƠN (p1)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sau khi Chu Vũ Vương khởi binh tiêu diệt Trụ Vương, kiến lập nên chế độ mới với nhiều chính sách hướng về lợi ích nhân dân. Sở dĩ nhà Tây Chu đạt được những thành tựu ấy, là nhờ sự phò tá đắc lực của Chu Công, và cái gương nữ họa Đắc Kỷ còn rõ ràng trước mắt, trở thành 1 triều đại an thịnh và phồn vinh, nhân dân ấm no hạnh phúc. Trải qua mấy đời, từ Thành Vương cho đến Lệ Vương, thế nước dần dần suy đồi, hầu như không có 1 nhân tài nào kiệt xuất đứng ra phò tá cho các vua nhà Chu. Vì vậy, bá quan văn võ chỉ toàn bọn vô tài bất tướng, thi nhau theo gương nhà vua hưởng lạc. Tiếp đến đời Tuyên Vương lại càng hủ bại, bởi vì Tuyên Vương không những ham mê chơi bời, mà còn chẳng màng gì đến chính sự, mặc cho bọn quần thần dưới quyền lộng hành, hà hiếp dân đen. Tuy các chư hầu vẫn nhớ đến ân nghĩa phong hầu, cấp đất của nhà Chu; theo lệ cũ hàng năm vẫn tiến cống, nhưng đa số đều ngấm ngầm phẫn uất, bởi vì nhà Chu mỗi năm lại đòi hỏi tăng thêm để có đủ chi dụng cho việc hưởng lạc vô cùng xa hoa tổn phí. Dù là hôn quân mê ám, nhưng Tuyên Vương cũng biết lòng người không phục, nên trong lòng cũng rất lo lắng. Tuy không ngừng ăn chơi xa xỉ, song đồng thời lại cho tiến hành việc tăng cường binh lực để trấn áp mọi sự chống đối. Nhà vua hy vọng với quyền lực của mình, sẽ không có một chư hầu nào dám có ý nghĩ sẽ xâm phạm đến nhà Chu. Thế nhưng, nước Khuyển Nhung lại nghĩ khác, cho rằng đây là cơ hội tốt nhất để thống nhất Trung Nguyên, nên ồ ạt kéo quân xâm phạm biên giới. Quân tướng nhà Chu tuy đông chẳng kém Khuyển Nhung, nhưng liên tiếp mấy trận đều đại bại, bởi vì quân sĩ không hết lòng vì nước, tướng soái thì bất tài, chỉ giỏi ăn chơi hơn là thao lược.

Nghe tin dữ, Tuyên Vương vội triệu bá quan đến thương thảo kế sách. Đa số đại thần từ trước đến nay, nhờ vào nịnh bợ mà tiến thân, không hề có thực tài, nên đồng thanh tâu: "Sở dĩ Khuyển Nhung thắng trận là vì bọn chúng dồn hết lực lượng tấn công, trong khi đó chúng ta lại phải bảo vệ suốt một miền biên giới quá dài. Nay bệ hạ chỉ cần ban lệnh trưng dụng thêm quan binh, là thừa đủ tiêu diệt Khuyển Nhung như như trở bàn tay".

Tuyên Vương nghe vậy rất hài lòng, lập tức xuống chiếu tuần du đất Thái Nguyên để kiểm điểm trai tráng trước khi quyết định số lượng quân binh sẽ được tăng cường. Khi việc đã xong, trở về gần đến Cảo Kinh thì trời đã sụp tối. Đoàn xa giá vừa vượt qua phố chợ để vào cổng kinh thành, thì chợt nghe văng vẳng có tiếng con trẻ vỗ tay, cùng nhau hát đồng dao:

"Thỏ mọc thì ác phải tà

Giang hồ ki phúc ấy là mất Chu"

Trong lòng đang sẵn mối lo, Tuyên Vương nghe câu đồng dao ấy hết sức giận dữ, lập tức truyền lệnh truy bắt những đứa trẻ con đã hát đồng dao. Bọn trẻ con sợ hãi bỏ chạy tán loạn, rốt cuộc quân binh chỉ bắt được 2 đứa, dẫn đến trước mặt nhà vua. Tuyên Vương giận dữ phán hỏi: "Người nào đã bày cho bọn ngươi câu đồng dao đó, các ngươi nói thật thì ta tha cho, bằng không sẽ bị chém đầu!".

Hai đứa trẻ hết sức sợ hãi, không dám giấu giếm, giương giọng trả lời: "Tâu Đại vương, ba ngày trước đây có một đứa trẻ mặc áo đỏ, chẳng biết từ đâu đến, dạy câu hát này cho tất cả chúng con, không riêng một đứa nào. Sau khi dạy xong, đứa trẻ mặc áo đỏ ấy đi đâu mất, không ai gặp lại nữa. Chúng con trẻ người non dạ, không ai hiểu ý nghĩa ra sao, nên vô tình phạm tội. Xin Đại vương tha chết cho."

Tuyên Vương biết là bọn trẻ nói thật, lo lắng im lặng hồi lâu, rồi truyền tha cho bọn chúng. Sau khi về triều, nhà vua vẫn bị ám ảnh bởi câu hát này, hạ lệnh cho quan Tư vụ, nếu còn nghe ai hát, lập tức sẽ khép vào tội phản nghịch, chém đầu cả cha mẹ. Thật ra nhà vua không hiểu rõ lắm ý nghĩa sâu xa của câu đồng dao, nên mấy hôm sau, triệu 2 đại thần trụ cột, có học vấn rộng rãi, là Đại tông Bá Chiêu Hổ, Thái sử Bá Dương Phụ vào cung hỏi cho rõ. Đại tông Bá Chiêu Hổ suy nghĩ rồi tâu: "Thần được biết, "giang" là tên cây dâu mọc trên núi, "giang hồ" tức là lấy cây dâu ấy làm thành cánh cung, "ki"là tên một loại cỏ có tính chất dai, bền, "phúc" là cái bao đựng tên. Như vậy "ki phúc" là lấy cỏ ki làm bao đựng tên. Cả hai câu này ngầm ý nói đến cung tên, tức là báo trước nước ta sắp có họa đao binh".

Tuyên Vương càng lo sợ hỏi: "Câu đồng dao là do đứa trẻ mặc áo đỏ bày ra, vậy đứa trẻ ấy ý nghĩa ra sao?".

Thái sử Bá Dương Phụ đáp: "Sắc đỏ thuộc hỏa tinh, vì vậy theo thần suy đoán thì đứa trẻ mặc áo đỏ tức là sao Huỳnh Hoặc hay Hỏa tinh".

Tuyên Vương hết sức kinh sợ, bởi vì thông thường sao Hỏa tinh xuất hiện thì chắc chắn không thoát khỏi nạn binh đao, vội vàng nói: "Nếu vậy, trẫm không tính đến việc trừng trị Khuyển Nhung nữa, cho quân án binh bất động và đốt bỏ toàn bộ cung tên, thì có thể tránh được tai nạn hay không?".

Bá Dương Phụ lắc đầu, tâu: "Theo thần thì họa lớn không phải bắt nguồn từ cung tên, bởi câu "thỏ mọc thì ác phải tà" có nghĩa âm thịnh dương suy; nếu là âm thịnh dương suy, tất cả họa phát sinh từ trong cung cấm hoặc là nữ họa, khiến đất nước nghiêng ngả".

Thấy Tuyên Vương có vẻ không vui, Bá Dương Phụ cúi đầu tâu tiếp: "Họa là do nữ nhân gây ra, cung tên binh đao từ đó mà ra, vì vậy có thể tránh được. Chỉ cần bệ hạ tu nhân tích đức, làm điều lành, giúp dân no ấm, thì họa sẽ tự tiêu tan".

Thực ra Bá Dương Phụ không dám nói thẳng, là nhà vua nên dẹp bỏ ăn chơi hưởng lạc, đừng xa hoa dâm sĩ thì sẽ chẳng còn lo đến tai họa nữ nhân nữa. Riêng Tuyên Vương có chút mừng rỡ, cho 2 người lui ra, rồi vào trong triệu Khương hậu đến bàn bạc mọi việc, đề phòng. Chẳng ngờ khi vừa gặp mặt, Khương hậu đã vội tâu ngay: "Trong cung bất ngờ có việc rất quái dị, thần thiếp đang định diện kiến hoàng thượng để tâu bày. Thật đúng việc dị".

Tuyên Vương thất sắc hỏi dồn: "Trong cung kín cổng cao tường, hàng ngàn cấm binh canh giữ, vả lại từ trước đến nay hậu cai quản cấm cung rất nghiêm minh, làm sao có việc gì quái lạ xảy ra được?".

Khương hậu tâu: "Trong cung có một lão cung nhân của Tiên đế ngày trước, nay đã 50 tuổi, mang thai hơn 38 năm mà không thấy dấu hiệu gì sắp sinh nở. Chẳng biết vì sao hôm qua chợt chuyển dạ, sinh được 1 đứa con gái, chẳng là điều quái dị, không thể tưởng tượng ra được hay sao?".

Tuyên Vương càng thêm kinh hoảng, vội hỏi: "Đứa con gái ấy hình dạng ra sao, còn sống hay đã chết?".

Khương hậu đáp: "Đứa bé ấy bình thường như mọi đứa trẻ khác, tuy thần thiếp thấy nó có vẻ xinh đẹp, nhưng vì là vật quái lạ nên lập tức sai người mang ra Thanh Thủy vứt đi rồi".

Tuyên Vương thở phào, trong lòng bớt lo lắng. Muốn biết sự thật, Tuyên Vương truyền cung nữ già ấy vào hỏi han thêm. Lão cung nữ cứ thật sự tâu bày: "Tâu bệ hạ, vào đời nhà Hạ vua Kiệt, một ngày kia chợt có 1 con rồng bay xuống sân cấm, miệng nhỏ nước dãi, Hạ Kiệt vội triệu quan Thái sử đến hỏi ý kiến; Thái sử bói được 1 quẻ rất tốt, cho rằng rồng giáng hạ là điềm lành, bệ hạ nên thì giữ lấy nước dãi của nó để làm vật quốc bảo thì hay hơn. Hạ Kiệt nghe theo, truyền lấy 1 cái hộp bằng vàng, đựng nước dãi rồng ấy, cất vào kho. Sau khi lấy xong, chợt trời nổi lên sấm chớp, mưa to, rồi con rồng theo gió bay mất. Trải qua mấy đời Hạ, Thương rồi Chu, chưa hề có ai mở chiếc hộp vàng đựng nước dãi rồng ra lần nào. Đến đời Tiên vương (tức Lệ Vương), bất chợt 1 hôm, chiếc hộp phát ra ánh hào quang chói lọi, khiến quan nội khố rất kinh ngạc, tâu lên Tiên vương. Tiên vương liền sai mang hộp vàng đến, tò mò mở ra xem thử rồi lỡ tay đánh rơi hộp vàng xuống đất, nước dãi rồng chảy xuống sân cung cấm, biến thành con dãi nhỏ chạy thẳng vào hậu cung, khi ấy thần thiếp mới 12 tuổi, thấy nhốn nháo liền chạy ra, vô tình đúng hướng con dãi chạy tới, đến chân thần thiếp thì chợt biến mất. Do vậy, thần thiếp hoài thai nhưng trải qua 38 năm vẫn không động tĩnh gì, chẳng biết nguyên nhân vì sao đến hôm qua mới chuyển dạ. tuy là việc quái lạ nhưng không phải do thần thiếp gây nên, vả chăng đứa bé đó đã bị hoàng hậu đem vứt bỏ rồi thì không còn gì lo lắng nữa. Xin hoàng thượng tha tội cho".

Tuyên Vương nghe xong, truyền cho lão cung nữ lui ra, rồi hạ lệnh cho quân binh đi dọc theo sông Thanh Thủy, tìm xem có thật đứa bé gái đã chết chưa. Sau mấy ngày mệt nhọc, bọn quân sĩ về tâu báo: "Tuy chúng tôi không tìm thấy xác, nhưng có lẽ đứa baes gái ấy đã chìm xuống lòng sông hoặc đã bị cá ăn thịt mất rồi".

Tuyên Vương không sao hết lo lắng, truyền Thái sử Bá Dương Phụ vào bàn soạn. Bá Dương Phụ theo lệnh, bói được 1 quẻ có lời hào:

"Nước biếc chảy về đông, khí hồng ở phía tây

Giang hồ ki phúc vẫn còn, nên cẩn trọng".

Bá Dương Phụ giải thích: "Theo lời quẻ, thì yêu khí tuy đã ra khỏi cung nhưng chưa bị tiêu diệt, cũng theo lời hào, thì bệ hạ chỉ cần cẩn trọng trong việc cung tên thì có thể tránh được đại nạn".

Tuyên Vương không sao yên tâm được, lập tức xuống lệnh: "Trong phạm vi nội ngoại kinh đô, bất cứ ai tìm được 1 đứa trẻ gái sơ sinh, dù sống hay chết đều trọng thưởng. Ai nuôi trẻ sơ sinh gái không có nguồn gốc thì bị tội chém đầu toàn gia". Đồng thời Tuyên Vương cũng triệu Thượng đại phu Đỗ Bá và Hạ đại phu Tả Nho vào ra lệnh, truyền 2 người đốc thúc các quan, cấm tuyệt đối không cho ai chế tạo hay buôn bán cung làm bằng gỗ dâu núi hoặc bao đựng tên làm bằng cỏ ki, trái lệnh chém đầu không cần xét xử.

Tả Nho phụ trách việc khám xét nội ngoại thành, còn Đỗ Bá dẫn quân dọc theo sông Thanh Thủy, phải tìm bằng được đứa bé gái sơ sinh, dù chết hay sống cũng đều trọng thưởng. Các quan cấp dưới biết đây là việc hệ trọng nên không dám chần chừ, mau chóng dán cáo thị khắp nơi và ngày đêm tuần tra xét hỏi. Tiếc rằng lệnh ra quá gấp, chỉ những người trong thành biết rõ, đa số dân chúng ở ngoại thành không hề biết đến lệnh cấm này. Vì vậy hôm sau có đôi vợ chồng ở gần chân núi, chưa biết lệnh cấm, cùng nhau gùi 1 số cung làm bằng gỗ dâu núi và 1 ít bao tên bằng cỏ ki vào thành, định bán đổi lấy gạo ăn. Vừa đến cửa thành, quan quân đã phát hiện ra, lập tức xông vào bắt trói. Vì là người miền núi, giỏi săn bắn luồn lách, nên người chồng tuy hốt hoảng, vẫn mau chân chạy thoát được; quân sĩ chỉ bắt được người vợ và tất cả số cung tên họ mang theo, giải về trình lên cho Tả Nho xét xử. Hạ đại phu Tả Nho thầm nghĩ: "Theo lời đồng dao thì vừa có cung tên bằng gỗ dâu núi vừa có nữ họa. Nay ta đã bắt được mụ đàn bà cùng số cung và bao tên thì tức là chẳng còn gì phải lo lắng nữa. Chắc chắn hoàng thượng sẽ hài lòng, nếu đừng nhắc đến việc tên chồng đã chạy thoát, cũng đừng cho Đỗ Bá biết để tranh công với ta".

Vì vậy Tả Nho mau chóng vào cung tâu báo với Tuyên Vương, không hề nhắc đến sai sót của mình. Tuyên Vương cả mừng, ngay lập tức truyền lệnh đốt bỏ số cung và bao tên, đồng thời chém đầu người đàn bà; trong lòng hoàn toàn yên tâm là nữ họa đã bị tiêu diệt tận gốc.

Thế nhưng việc đời không đơn giản như suy nghĩ thiển cận của nhà vua hôn ám. Khi thấy vợ bị bắt , tuy chẳng biết nguyên do tại sao, nhưng người đàn ông quen với việc săn bắn phản ứng rất mau lẹ, ngay đêm đó chạy thật xa kinh thành, chờ tới trời sáng mới dò ra hỏi dân cư tin tức. Người đàn ông nghe được tin vợ mình chết oan ức vì 1 đứa con gái sơ sinh vứt bỏ nào đó thì khóc lóc thảm thiết. Hai người vốn chưa có con cái, bao nhiêu năm nay sống gắn bó với nhau nơi chân núi biết mấy ân tình. Cơn hoảng loạn này chưa hết, đã tiếp đến nỗi đau thương khó tả, người đàn ông nhất thời không cầm được cảm xúc, đi thẳng tới dòng sông Thanh Thủy với ý định cùng chết với vợ cho trọn nghĩa tình. Chẳng ngờ, đến bờ sông, hắn chợt nghe có tiếng con nít khóc, liền chạy đến nhìn xem; hóa ra tiếng khóc từ trong 1 cái chiếu cuốn tròn vọng ra. Vốn đã được nghe người ta kể lại, sở dĩ Tuyên Vương ra cáo thị giết chóc bừa bãi dân lành, chẳng qua là vì 1 bé gái sơ sinh nào đó. Người đàn ông động tâm cơ suy nghĩ: "Có khi đây chính là đứa bé mà hôn quân tìm giết, chi bằng ta cứu nó, vừa làm phúc vừa trả mối hận cho người vợ hiền phần nào".

Nhờ vậy, trong lòng ông ta nguôi xúc động, tìm 1 cây sào dài, khều cái chiếu vào bờ mở ra xem. Quả nhiên trong cái chiếu là 1 đứa bé gái rất xinh xắn, được quấn bằng cái khăn sang trọng, chắc chắn là vật từ hoàng cung. Thấy đứa bé vẫn tiếp tục khóc mặc dù âm thanh khô khốc và nhỏ như sắp đứt hơi thở, người đàn ông đau khổ, vội vàng bụm ít nước mớm cho nó, hồi lâu đứa bé mới im tiếng, ngủ thiếp đi. Hiện tại ông ta biết có lệnh cấm nuôi bé gái không nguồn gốc nên quyết định rời bỏ quê hương, nhắm đường sang nước Bao, tìm người chị họ xin cứu giúp. Tiếc rằng người chị họ cũng quá nghèo lại già lão nên không có sữa cho đứa bé. Người đàn ông phải ngậm ngùi mang cho 1 người trong làng tên là Bao Tiều. Bao Tiều lấy vợ đã lâu nhưng chưa có con, nay được đứa bé gái đẹp như thiên thần thì mừng lắm, đặt tên là Bao Tự. Câu chuyện dần dần phai nhạt, chẳng ai còn nghĩ tới việc nhỏ nhặt ấy nữa, riêng Chi Tuyên Vương đã yên tâm, tiếp tục ăn chơi sa đọa.

Mấy năm sau nhân đến ngày tế lễ ở Thái miếu, Tuyên Vương theo lệ cũ thân hành ra miếu chay tịnh. Vào đêm khuya, nhà vua chợt nhìn thấy 1 nữ nhân, từ hướng tây chạy thẳng vào trong miếu. Thái miếu là chốn trang nghiêm, từ trước đến nay cấm tuyệt phụ nữ lai vãng. Vì vậy Tuyên Vương rất giận, lớn tiếng truyền cho quân sĩ bắt nữ nhân ấy lại. Thế nhưng, mặc cho nhà vua kêu gọi mấy lần, chẳng hề có tên quân nào xuất hiện. Người con gái huyền bí này tiến tới trước linh vị tiên vương nhà Chu, cười 3 tiếng, khóc 3 tiếng rồi gom toàn bộ thần chủ trong Thái miếu mang đi. Tuyên Vương vô cùng kinh sợ, nhỏm dậy định đuổi theo thì chợt giật mình tỉnh dậy, mới biết mình vừa nằm mơ. Trong lòng vẫn chưa hết hồi hộp, Tuyên Vương lập tức triệu Thái sử Bá Dương Phụ vào bói 1 quẻ xem tốt xấu ra sao. Sau khi gieo quẻ, Bá Dương Phụ trầm ngâm tâu: "Mộng thấy nữ nhân, thật hợp với điềm báo nữ họa trước kia. Nữ nhân từ hướng tây chạy đến, gom hết thần chủ, rồi chạy về hướng đông, đúng với câu đồng dao "nước biết chảy về đông, khí hồng ở phía tây"".

Tuyên Vương kinh hãi nói: "Trước đây mấy năm, trẫm đã giết người đàn bà bán cung gỗ dâu và đốt hết bao tên bằng cỏ ki rồi. Chẳng phải đã trừ được nữ họa hay sao?".

Bá Dương Phụ lắc đầu tâu: "Theo hạ thần, thì người đàn đàn bà quê mùa ấy không liên can gì đến câu đồng dao cả, một người như vậy chắc chắn không thể làm nghiêng ngả nước nhà. Khi ấy bệ hạ quá mừng, nên quên mất việc Thượng đại phu Đỗ Bá có tìm thấy tung tích đứa bé gái sơ sinh hay không. Hạ thần đã toan nói, nhưng sợ như vậy phật lòng Hạ đại phu Tả Nho nên lại thôi".

Tuyên Vương ngẩn người ra 1 lúc, lập tức hạ lệnh triệu Đỗ Bá vào hỏi. Đỗ Bá tâu rằng: "Hạ thần cùng quan binh truy tìm dọc theo dòng sông Thanh Thủy, trải dài mấy chục dặm mà không tìm thấy vật gì khác lạ. Sau lại nghe Tả Nho đã bắt được yêu nhân, nên yên lòng cho quân rút về, sợ kéo dài sẽ làm cho lòng dân chúng không tốt".

Tuyên Vương nghe xong, nổi trận lôi đình, lập tức xuống lệnh mang Đỗ Bá ra chém đầu. Lúc đó Tả Nho cũng đã nghe tin, chạy đến hết lời cầu xin, nhận tội về phần mình, nhưng chỉ làm cho Tuyên Vương thêm tức tối: "Đỗ Bá không làm tròn quân lệnh, chết là đáng lắm, còn bênh vực nỗi gì! Ngươi cũng có phần tội trong đó, nay xem trọng bạn hữu, khinh khi quân vương, thì còn đáng chết trăm lần".

Tả Nho nghe vậy, biết không thể làm gì khác hơn, trước sau gì cũng phải chết, nên khi Đỗ Bá bị chém đầu, Tả Nho về phủ trăn trối với vợ con, rồi tự vẫn chết theo. Trong 1 ngày, 2 vị đại thần cùng lìa đời là 1 chấn động lớn, vì vậy trong lòng Tuyên Vương cũng có đôi chút hối hận; từ đó thường hay mơ thấy Đỗ Bá và Tả Nho về đòi mạng, tinh thần và thể xác sa sút thấy rõ. Một đêm kia, Tuyên Vương không còn chịu nổi nữa, thấy Đỗ Bá và Tả Nho xuất hiện, liền rút bảo kiếm trấn quốc ra mắng lớn: "Ta là thiên tử, dù có giết trăm ngàn người vẫn là theo mệnh trời. Các ngươi chưa biết tội hay sao mà còn đeo đẳng ám ảnh ta".

Hai oan hồn cũng mắng lại: "Hôn quân giết người vô tội, nay còn muốn giết chúng ta lần nữa sao?". Quát xong, Đỗ Bá lấy cung ra bắn 1 phát, trúng vào bụng Tuyên Vương. Nhà vua đau quá, gào lên 1 tiếng rồi giật mình thức dậy, vẫn còn đau nhức không sao chịu nổi, nên ngã ra bất tỉnh. Từ đó Tuyên Vương nằm liệt giường, dù thuốc thang hết mức, bệnh tình vẫn không thuyên giảm, chẳng bao lâu thì băng hà. Đó là năm 784 TCN. Thái tử Cung Niết lên nối ngôi nhà vua, xưng hiệu là Chu U Vương.

Quả thật cha nào con nấy, U Vương còn ăn chơi phóng túng u mê dâm loạn, bạo ngược hơn cả cha. Trong cung không bao giờ ngớt xướng ca đàn địch, gái đẹp hàng ngàn. Thoạt đầu, U Vương còn có chút nể nang Doãn Cát Phủ và Chiêu Hổ. Nhà vua không màng gì đến triều chính, chỉ trọng dụng các gian thần biết chiều theo ý thích của mình nên quốc gia ngày 1 suy tàn. Lúc ấy, Khương hậu và các đại thần chính trực như Doãn Cát Phủ, Chiêu Hổ đều đã qua đời, không còn ai dám đứng ra can gián, nên U Vương càng thêm tha hồ tự tung tự tác. Đã vậy, 2 vị đại thần trụ cột là con của Doãn Cát Phủ và Chiêu Hổ là Doãn Cầu và Oắt Công, tính nết trái ngược hẳn với những người đã sinh thành ra mình, đều là những tên gian tà nịnh bợ. Do được U Vương tin cậy, nắm quyền thế ngất trời ở trong triều đình, 2 tên này ra sức diệt trừ những quan lại chống đối, trù dập người có lòng trung trinh, ngày đêm tìm mưu kế giúp cho U Vương ăn chơi thỏa mãn. Vì quá hoang phí, chẳng bao lâu quốc khố nhà Chu đã cạn kiệt, ngay cả đến loại rượu ngon nhất, nấu từ lúa mạch đen, xuất xứ từ nước Bao cũng phải hạn chế. U Vương hết sức tức giận, gọi Doãn Cầu và Oắt Công vào hỏi: "Trẫm nghe quan nội khố trình báo là quốc khố rất cạn kiệt, không đủ cho hoàng thất chi dùng. Tại sao lại như vậy?".

Doãn Cầu vội đáp: "Trước kia các bậc tiên đế có lòng trung hậu, quy định số phẩm vật tiến cống quá ít; thêm vào đó, các chư hầu đều ngại cớ mất mùa, thiên tai để rút bớt một ít nữa; thành ra càng ngày càng thiếu hụt trầm trọng".

U Vương sầm mặt hỏi: "Theo các ngươi, thì phải đối phó ra sao?".

Oắt Công bước ra tâu: "Theo thần thì rất đơn giản, chỉ cần bệ hạ xuống chiếu tăng số lượng tiến cống lên gấp 3 thì mới đủ chi dùng. Các chư hầu đã chịu nhiều công ơn của nhà Chu, vả chăng e sợ binh lực hùng mạnh của nước ta, thì chẳng ai dám trái lệnh đâu!".

Doãn Cầu gật đầu bàn thêm: "Quả đúng là đơn giản như Oắt Công tâu bày. Tuy nhiên, theo thần thì trước khi hạ chiếu tăng thêm phẩm vật tiến cống, bệ hạ nên có động thái uy hiếp chư hầu để bọn chúng khiếp sợ mà răm rắp tuân theo, không dám phản kháng. Nhân cơ hội trong cung đang thiếu rượu ngon, bệ hạ có thể viện cớ này mà hạch tội nước Bao trước, đòi hỏi phải tiến nộp ngay loại lúa mạch đen thượng hảo hạng. Nếu nước Bao chống lệnh, lập tức đem quân thảo phạt, thu góp của cải đem về nước. Bằng như nước Bao phục tùng, thì các chư hầu kia chẳng còn lí do gì mà chống đối được cả".

U Vương nghe bàn rất mừng, lập tức hạ chiếu gọi Bao Hướng – là vua nước Bao về kinh thành hạch tội. Bao Hướng nghe tin sét đánh, hết sức lo sợ, vội họp quần thần lại thương nghị; 1 vị đại thần bước ra tâu: "Tuy nhà Chu là thiên tử, nhưng ngày càng u tối sa đọa, các chư hầu đều không phục. Nay họ ỷ vào binh lực hùng mạnh, lấy cớ nhỏ nhen xâm chiếm nước ta, thì chưa chắc các chư hầu ngôi yên. Vả chăng, ngay từ đầu lập quốc đến nay, nước Bao chúng ta đồng lòng một dạ, nên tuy quân số ít ỏi, vẫn có thể thừa sức chống trả một thời gian..."

Chưa dứt lời, 1 đại phu bước ra ngăn cản: "Không nên! Không nên! Quân tướng nhà Chu đông gấp 10 lần chúng ta, lại lấy danh nghĩa thiên tử trừng phạt chư hầu, sẽ chẳng nước nào dại đột vì chúng ta mà đắc tội với thiên triều. Theo hạ thần, sở dĩ U Vương chỉ vì chuyện nhỏ mà hạch sách, là vì quốc khố không kham nổi sự xa hoa quá mức. Nay chỉ cần Đại vương chấp nhận tiến cống thêm châu ngọc là xong. Lúa mạch đen chỉ là cái cớ, bởi vì nhà Chu biết chắc chắn, mùa này chúng ta không thể thu hoạch được".

Bao Hướng gật đầu khen phải, truyền quan nhưng vị đại thần quản lý quốc khố vội bước ra thưa: "Tâu Đại vương, thực sự quốc khố nước Bao hiện nay cũng trống rỗng, bao nhiêu vàng ngọc vừa rồi đã đem cứu tế nhân dân mất mùa cả rồi".

Nghe vậy Bao Hướng mới giật mình, nhíu mày nhớ lại chính mình vài tháng trước kia đã hạ lệnh xuất hết châu ngọc cùng số thóc lúa dự trữ để cứu tế toàn dân, nay lấy đâu ra để tiến cống. Bao Hướng thở dài u uất, nói với quần thần: "Chống không xong, lùi không được. Bây giờ chỉ còn mỗi cách, ta phải thân hành sang Cảo Kinh nói sự thật, may ra thiên tử có động lòng chút nào hay chăng?".

Đại phu ngự sử vội bước ra, cúi đầu thưa: "Theo hạ thần, thì Đại vương không nên làm vậy, hạ thần vốn nghe U Vương là người bạo ngược, nay lại tửu sắc quá độ, chắc chắn tính tình càng thêm nóng nảy. Đại vương đến Cảo Kinh thì có khác chi đưa thân vào miệng cọp".

Bao Hướng lại thở dài, trầm ngâm nói: "Ta cũng biết như vậy, nhưng nước nhà đang lâm nguy, không phải ta đứng ra gánh vác thì là ai đây? Chuyến đi này quả thật lành ít dữ nhiều, nhưng ý ta đã quyết; nếu có bất trắc thì tất cả chính sự sẽ giao cho Hồng Đức đảm đương. Các ngươi đừng ngăn trở nữa."

Quần thần nghe vậy đều rơi lệ, đồng loạt cúi đầu nghe lệnh. Vốn phong cách giản dị, không sử dụng nghi tiết xa hoa, chỉ trong vài ngày đã sửa soạn xong. Bao Hướng cùng đoàn tùy tùng đem 1 số vàng ngọc ít ỏi, nhắm hướng Cảo Kinh thẳng tiến, hy vọng việc mình tự thân đến kinh đô cầu xin sẽ có tác dụng. Chẳng ngờ khi ấy ở đất Chu, núi Kỳ Sơn đột ngột bị sạt lở, U Vương đang có tâm trạng không vui, cho đây là điềm trời báo trước việc mình phải trải qua chiến tranh nên kiên quyết bỏ qua những lời trần tình của Bao Hướng.Tuy Bao Hướng hết sức biện minh, đến lúa kê, lúa nước nhân dân còn không đủ ăn, thì làm sao đủ số lúa mạch đen để tiến cống. Nhưng U Vương đã rắp tâm sẵn, không nghe lọt tai lời nào, lập tức truyền giam Bao Hướng vào đại lao, đuổi hết tùy tùng về nước, bao giờ có đủ số lúa mạch đen thì mới tha người.

Doãn Cầu là người dâng kế sách, nếu nhà vua mềm lòng thì có thể thất bại, mang họa vào mình, càng ra sức gièm pha nói xấu Bao Hướng: "Theo hạ thần thì nước Bao mới trải qua một cơn hạn hán ngắn ngày, không thể nào kiệt quệ đến như vậy được! Chắc chắn Bao Hướng cố tình lừa gạt bệ hạ mà thôi. Thói đời người ta chỉ thích nặng chứ không thích nhẹ, bệ hạ chỉ cần giam giữ Bao Hướng vài tháng là nước Bao có phẩm vật ngay!".

U Vương rất tin dùng Doãn Cầu, nghe vậy càng thêm tức giận.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro