DƯƠNG NGỌC HOÀN - MỸ NHÂN THIÊN CỔ HẬN TÌNH (p4)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Dương quý phi chờ rất lâu, trong lòng cực kì nóng nảy nên khi thấy Huyền Tông quần chưa được chỉnh tề từ trong đi ra, bản tính ôn nhu biến đâu mất hết. Nàng hậm hực hỏi ngay: "Thiếp có làm gì cho bệ hạ phải buồn lòng đến mức chẳng ngó ngàng gì tới, cũng chẳng cho người báo tin thì thật tệ bạc quá!".

Đường Huyền Tông vừa bị mất hứng thú vừa còn đang ngái ngủ, cũng quên hẳn những yêu thương, nhíu mày nói lớn: "Trẫm là thiên tử, chẳng lẽ đi đâu cũng phải báo cho mọi người biết hay sao?".

Dương quý phi từ trước đến giờ chưa bao giờ bị Huyền Tông quát mắng, thậm chí cũng chưa lớn tiếng bao giờ; nén nghẹn ngào cãi lại: "Thần thiếp chẳng dám trách bệ hạ vì chẳng nói một lời nhưng đến như việc thiết triều là việc quốc gia đại sự, bá quan đều trông ngóng tâu báo. Nếu biết chỉ vì quá say mê du sơ mà bãi bỏ thì thử hỏi còn nể trọng được không?".

Đường Huyền Tông vừa ngượng vừa mệt, nghe vậy cơn giận nổi lên, trợn mắt nói lớn: "Thật giỏi cho nàng, bây giờ còn biết lấy quốc gia đại sự trách cứ ta nữa. Từ trước tới giờ ta vẫn biết nữ nhân khi đã ngồi trên ngôi cao thì dễ dàng biến đổi tính tình, vì vậy không lập hoàng hậu. Nay nàng lại muốn học đòi theo cái gương Vương hoàng hậu trước kia hay sao?".

Dương quý phi thấy Đường Huyền Tông đối với mình hình như chẳng còn tình cảm gì nữa, tự ái làm cơn giận cũng tăng theo, nói luôn: "Nếu bệ hạ đã không còn ưa thích thì thần thiếp xin ra khỏi cung ngay ngày hôm nay. Trước kia vì bắt buộc nên thiếp mới phải vào cung hầu hạ, nay đã hết ân tình thì còn quyến luyến làm gì cho thêm tủi nhục. Sau này bệ hạ bị ma nữ ấy quyến rũ sao nhãng quốc sự, sụp đổ triều chính thì đừng trách thiếp không nói trước!".

Huyền Tông càng nghe càng thêm giận, hừ 1 tiếng rồi quát lớn: "Nàng muốn vậy thì sẽ được vậy!".

Quát xong, Huyền Tông lập tức quay vào hậu cung, truyền gọi Cao Lực Sĩ đến, hạ lệnh đuổi ra khỏi cung. Vừa tức giận vừa nhục nhã, Dương quý phi lập tức dọn về phủ của người anh họ tên Dương Điền. Gia tộc họ Dương thật ra cũng không mấy phú quý, chỉ từ lúc Dương Ngọc Hoàn được Huyền Tông sủng ái phong làm quý phi mới phát khởi, anh em con cháu đều được cất nhắc làm quan. Nay Dương Ngọc Hoàn bị đuổi ra khỏi cung thì cơ nghiệp bao lâu nay gầy dựng có thể sụp đổ. Vì vậy tất cả người nhà họ Dương đều lo lắng, họp nhau lại bàn cách ứng phó. Có người tìm cách năn nỉ Dương Ngọc Hoàn, cho rằng bậc đế vương có làm bất cứ việc gì cũng đều coi là đúng cả, đề nghị nàng nhẫn nhục dâng biểu tạ tội, may ra Huyền Tông nghĩ lại mà bỏ qua cho. Từ khi làm vợ Lý Mạo cho đến lúc nhập cung, Dương Ngọc Hoàn chưa từng 1 lần nào bị hổ thẹn như vậy nên không chấp nhận đề nghị ấy. Thật ra Dương Ngọc Hoàn có bản tính và chủ ý là luôn luôn làm vui lòng đế vương, cam chịu như 1 nô lệ phục tùng  đế vương; nhưng lần này sự việc chạm mạnh vào tự ái của nàng, khó có thể vì 1 vài lời nói mà nguôi ngoai cho được. Bất đắc dĩ gia tộc họ Dương đành phải cử Dương Điền đại diện vào cung xin gặp Cao Lực Sĩ, nhờ ông ta nói giúp với Huyền Tông 1 lời. Tưởng đâu chuyện phải rất khó khăn, chẳng ngờ Cao Lực Sĩ nghe vậy liền gật đầu ưng thuận ngay. Sở dĩ như vậy, là vì mấy ngày nay từ khi Dương quý phi ra khỏi cung, Huyền Tông có vẻ rất hối hận, ăn ngủ không yên, lúc thì thở than buồn rầu, khi lại lẩm bẩm ưu tư, cử chỉ như người mất hồn vía. Cao Lực Sĩ nhìn rõ tâm trạng ấy, tâu với Huyền Tông: "Bệ hạ trong cung có hàng ngàn phi tần nên không hiểu thấu tâm lý của nữ nhân. Nữ nhân sinh ra là để phục vụ cho nam nhân, mà bệ hạ là nam nhân cao trọng nhất thì bất cứ nữ nhân nào cũng đều mơ ước được bệ hạ sủng ái, Dương quý phi cũng vậy mà thôi. Nay chỉ vì chút hiểu lầm, bệ hạ và quý phi đều nóng giận gây ra xung đột không đáng có. Đã mấy ngày qua, chắc chắn nóng giận ấy đã tiêu tan, bệ hạ chỉ cần hạ một chiếu dụ là quý phi vui vẻ quay về cung ngay!".

Huyền Tông nghe vậy cả mừng, chẳng nghĩ gì đến thể diện, lập tức sai Cao Lực Sĩ cầm chiếu dụ đi đón Dương quý phi về cho mình, chẳng ngờ Dương quý phi cứng cỏi cự tuyệt, nói với Cao Lực Sĩ: "Ta không làm điều gì sai trái mà bị hoàng thượng đuổi ra khỏi cung, bây giờ tự nhiên trở về thì các người trong hậu cung coi ta ra gì nữa? Ngươi về nói với hoàng thượng, muốn ta về thì phải mở cửa An Hưng, ta mới bằng lòng!".

Cao Lực Sĩ liền quay về báo lại cho Huyền Tông biết yêu cầu của Dương quý phi. An Hưng môn là nơi tiếp đón các sứ thần ngoại quốc hoặc chỉ được mở khi có đại sự quan trọng cần toàn thể bá quan văn võ vào triều, vì vậy đòi hỏi của Dương quý phi hơi quá đáng, nàng muốn như vậy để nở mặt nở mày mà thôi, việc xung đột giữa 2 vợ chồng đâu có phải là việc quân quốc đại sự. Huyền Tông vốn tính phóng túng, nghe Cao Lực Sĩ nói Dương quý phi bằng lòng trở về thì mừng lắm, hớn hở cười nói: "Mở thì mở, An Hưng hay Ngọ Môn trẫm cũng chấp thuận cho mở bằng hết, chiều lòng mỹ nhân một chút cũng chẳng hại gì đến triều chính mà sợ".

Khi Dương quý phi về rồi, Huyền Tông hết sức an ủi vỗ về, ngon ngọt thề thốt sẽ chẳng bao giờ yêu thương âu yếm với bất kì nữ nhân nào khác. Thấy Huyền Tông có vẻ thành tâm hối hận, Dương quý phi như mở cờ trong bụng, từ đó lại càng chiều chuộng nhà vua hơn trước. Qua 1 thời gian yên ấm, bất ngờ 1 sự việc tương tự lại xảy ra. Một hôm, Oắt Quốc phu nhân xin vào bệ kiến Huyền Tông, cầu xin thiên tử cất nhắc cho chồng mình. Thấy Oắt Quốc phu nhân xinh đẹp, ánh mắt long lanh đa tình, đôi môi đỏ mọng hình như muốn mời gọi nam nhân, Huyền Tông không nén được lòng dâm, cười nói: "Nàng muốn gì ta cũng chiều hết, miễn sao cho ta ôm vào lòng một chút có được không?".

Oắt Quốc phu nhân nghe vậy đỏ bừng mặt hoa nhưng đồng thời cũng lả lơi mời gọi. Thế là Huyền Tông không nhịn được, ôm chặt Oắt Quốc phu nhân vào lòng âu yếm. 2 người đang quấn quýt với nhau, thì bất ngờ Dương quý phi tình cờ đi ngang, vì cũng có chút giao tình với Oắt Quốc phu nhân nên định ghé vào thăm hỏi. Bắt quả tang 2 người như rắn cuộn lấy nhau, Dương quý phi chết lặng cả người, đứng ngây ra nhìn hồi lâu mới run run giọng trách Huyền Tông: "Mới vài tháng nay bệ hạ đã thề thốt với thần thiếp như thế nào, còn nhớ hay đã quên rồi mà cùng người khác giở trò ong bướm ngay thanh thiên bạch nhật".

Huyền Tông thẹn quá, đẩy Oắt Quốc phu nhân ra. Đáng lẽ sự việc không có gì to tát, nhưng rủi sao Oắt Quốc phu nhân lại thốt ra 1 câu có vẻ khích bác, cho rằng đến thiên tử cũng bị nữ nhân nắm đầu cai trị. Huyền Tông đâm ra giận dữ, lập tức gọi nội thị vào, ra lệnh đưa Dương quý phi về nhà họ Dương như trước. Lần này cả dòng họ Dương náo loạn, ai nấy đều kinh hoảng như sắp có đại loạn tới nơi bởi vì 1 lần thì không sao, thiên tử đã nổi giận tới lần thứ 2 thì thật khó hòa giải. Về phần Dương Ngọc Hoàn đang sống cuộc đời nhung lụa, muốn gì được nấy, kẻ hầu người hạ chung quanh, được hoàng đế quấn quýt yêu chiều, quyền thế khiến người ta phải cúi đầu kính nể, nay đều mất hết thì không khỏi chán ngán buồn bã, chỉ mong lại được Huyền Tông rầm rộ tổ chức đón về như cũ. Nàng trông ngóng từng ngày, thế nhưng tâm lý nữ nhân hết sức mâu thuẫn. Tình cờ Tiết độ phó sứ ở Hà Đông là Các Ôn về triều tâu báo tình hình địa phương, có chút tình thâm giao với nhà họ Dương nên ghé qua hỏi thăm. Họ Dương liền nhờ Các Ôn khi bệ kiến Huyền Tông thì cố trần tình giúp cho quý phi. Các Ôn cũng muốn làm ơn cho nhà họ Dương để sau này nhờ vả lại, khi tấu báo xong chính sự thì liền khéo léo nhắc đến việc riêng: "Hạ thần về kinh có ghé qua nhà họ Dương, vô tình được diện kiến dung nhan của quý phi, thật là may mắn. Thế nhưng hỏi ra chuyện thì mới biết quý phi một lòng hối hận, tự trách mình đến bỏ cả cơm nước, thân thể gầy yếu, hình dung sa sút. Thật đáng thương hại! Nữ nhân nào mà chẳng ghen tuông. Quý phi càng ghen tuông bao nhiêu càng biểu lộ trong lòng quý phi yêu mến bệ hạ vô cùng. Hạ thần nghe thấy quý phi tỏ ý muốn về tạ tội, xin bệ hạ rộng lượng ban cho một lối thoát để hậu cung còn có người trông nom cai quản".

Khi ấy Huyền Tông cũng buồn bã không kém Ngọc Hoàn, nghe vậy lập tức sai Trung sứ Trương Thao đem vài món ngự thiện quý giá nhất đưa đến phủ họ Dương ban cho quý phi. Nhà họ Dương vô cùng hân hoan giục giã Ngọc Hoàn chụp lấy cơ hội này mà về cung. Nhìn thấy ngự thiện, những món ăn mà vài tháng trước nàng cùng hoàng đế sát cánh bên nhau cùng thưởng thức, ý tình nồng thấm, cười nói vui vẻ, Ngọc Hoàn không khỏi đau lòng tiếc nuối, nhưng chợt nghĩ tới cảnh Huyền Tông ôm ấp Oắt Quốc phu nhân thì cơn ghen lại trào lên, lấy dao cắt 1 lọn tóc đưa cho Trương Thao, dặn dò nói lại với Huyền Tông những lời như sau: "Thần thiếp biết ghen tuông ở hậu cung là phạm đến danh dự của hoàng thượng, tội đáng chết nhưng có thể tha thứ vì đó là bản tính nữ nhân, nhất thời không kìm hãm được. Tuy được thánh thượng sủng ái ban ơn huệ, nhưng dù sao hoàng cung vẫn có nhiều mỹ nhân lượn lờ trước mắt, người nào cũng sẵn sàng giết chết địch thủ cản đường đến với hoàng thượng. Thần thiếp e rằng khó có thể giữ mình lần thứ ba, vì vậy xin được ra khỏi chốn phiền phức ấy sống một cuộc đời bình lặng trong buồn khổ cho đến trọn đời. Thần thiếp xin gởi lọn tóc này để tỏ lòng trung thành, suốt đời thân thể của thiếp vẫn là của thánh thượng. Mỗi lần ân ái với ai, nhìn thấy lọn tóc thì xin hãy nhớ đến thiếp, như vậy thiếp cũng được an ủi lắm rồi!".

Khi Trương Thao trở về, Huyền Tông thấy lọn tóc mượt mà đen nhánh của Dương quý phi thì trong lòng bồi hồi xúc động, nhớ nhung khôn xiết nên lập tức sai Cao Lực Sĩ đến phủ họ Dương đón Dương quý phi, căn dặn dù thế nào cũng không được tay trắng trở về. Lần này Dương quý phi đã nhận chân được nguyên nhân của sự việc, nam nhân dù đó là hoàng đế vẫn là nam nhân, luôn luôn có tính hiếu sắc và hay thay đổi. Muốn giữ được sự sủng ái mãi mãi thì không có gì tốt bằng sử dụng nhan sắc để buộc chặt họ bên mình. Từ đó trở đi, Dương quý phi càng ra sức chăm sóc đến dung nhan cho thật kiều diễm, càng ra sức chiều chuộng Huyền Tông, ôn nhu hầu hạ không hề oán trách đến một lời. Quả nhiên, Huyền Tông đã khá lớn tuổi, quá quen thuộc với sự ân cần của nàng, cảm thấy không còn nữ nhân nào khác có thể sánh bằng nên càng sủng ái nhiều hơn, không còn ý nghĩ tìm đến mỹ nhân khác làm gì nữa. Tình cảm 2 người mỗi ngày thêm gắn bó, hầu như Huyền Tông đi đâu cũng có Dương quý phi sánh vai, khi ngắm trăng thanh, lúc nhìn hoa nở khôn xiết ân tình.

Một lần vào ngày mồng 7 tháng 7, theo truyền thuyết là ngay Ngưu Lang Chức Nữ mỗi năm một lần được trời sai cho đàn chim Ô Thước bắt cầu cho 2 người gặp gỡ, Ngưu Lang và Chức Nữ đều khóc nên ngày ấy thường có mưa nhẹ. Người ta cho rằng đó là nước mắt của đôi tình nhân vì quy định khắt khe của thượng giới mà trắc trở muôn đời. Đêm hôn ấy, Đường Huyền Tông và Dương quý phi đến điện Trường Sinh yến ẩm, 2 người nhìn lên bầu trời nhắc tới chuyện Ngưu Lang Chức Nữ thì đều xúc động, nắm tay nhau thốt lời thề: "Nguyện đời đời kiếp kiếp sẽ là phu thê, mãi mãi không bao giờ xa nhau!".

Thi nhân Bạch Cư Dị sống ở thời Trung Đường - tức là sau đó khoảng mấy chục năm, vào khoảng đời Đức Tông, khi nghe được chuyện Huyền Tông cùng giai nhân tuyệt sắc Dương Ngọc Hoàn thề thốt chung tình ở Trường Sinh điện thì cũng cảm hứng, viết trong bài Trường hận ca, trong đó có 2 câu diễn tả được lời thề chung thủy rất xuất sắc:

"Trên trời nguyện làm chim,

Dưới đất nguyện làm cây liền cành".

Nên nhớ Bạch Cư Dị là nhà thơ sáng tác ra thể loại Tân nhạc phủ, phê phán chế độ phong kiến rất mạnh mẽ, nhiều câu thơ khiến cho bọn quyền quý đưa mắt nhìn nhau mà biến sắc mặt: "huyền hào quý tiến dã tương mục nhi biến sắc", thế mà ông cũng có những câu thơ ca ngợi sự chung tình của Huyền Tông và Dương quý phi thì cũng hiểu sức mạnh của tình yêu bao giờ cũng làm cho thi nhân cảm động.

 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro