TÂY THI - MỸ NHÂN NỔI TIẾNG CỔ KIM (p3)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Một lần kia, Phù Sai ngồi với Tây Thi trên Cô Tô đài, nhìn xuống thấy vợ chồng Câu Tiễn ngồi cạnh đống phân ngựa, còn Phạm Lãi cặm cụi quét tước; người nào cũng tiều tụy, quần áo rách rưới thì có ý thương cảm. Tây Thi nhân cơ hội ấy nói: "Câu Tiễn trước kia là Đại vương của thiếp thần, nhưng bao nhiêu năm nay đã biết an phận. Đại vương hãy nhìn xem, chí anh hùng thuở nào nay đã bay biến, chỉ còn lại là một tên thất phu nghèo hèn mà thôi, Đại vương còn giữ lại làm gì để các chư hầu có chỗ chê trách Đại vương thiếu lòng khoan dung".

Bá Hy đứng hầu bên cạnh nghe vậy cũng góp thêm vào, nên Phù Sai phân vân nói: "Các ngươi đã nói vậy thì ta bằng lòng cho hắn về nước, nhưng đây là việc quan trọng, cần phải nhờ quan Thái sử bói một quẻ xem sao?".

Bá Hy cả mừng, sau khi yến tiệc xong, lập tức cho người bí mật báo tin vui cho Phạm Lại và Câu Tiễn. Tiếc rằng Phù Sai chưa kịp quyết định, thì Ngũ Viên nghe biết, vào yết kiến Phù Sai, ngỏ lời khuyên can: "Trước kia Kiệt vương giam giữ vua Than, Trụ vương giam giữ Văn Vương vì muốn được tiếng nhân nghĩa hảo mà không giết chết. Sau đó Kiệt vương bị vua Than đuổi chạy khỏi kinh thành, Trụ vương bị Văn Vương và Võ Dư tiêu diệt. Cái gương trước mắt ấy chẳng lẽ Đại vương không nhìn thấy. Nếu tha cho Câu Tiễn về nước, tôi e rằng nước Ngô chẳng còn miếng đất cho mồ mả tổ tiên yên nghỉ".

Phù Sai nghe vậy, liền quyết định giết chết Câu Tiễn cho khỏi hậu họa. Bá Hy nghe được việc này, mật báo cho Tây Thi, nhờ vậy đêm hôm đó, nàng nhân lúc vui chơi thì nỉ non, nói xa nói gần khiến Phù Sai đâm ra phân vân. Do đó, hôm sau Câu Tiễn vào chầu, mà Phù Sai chẳng cho người giết ngay, mà chần chừ chẳng biết nghe lời Ngũ Viên hay Tây Thi. Câu Tiễn đã được Phạm Lãi dặn trước, bình tĩnh đứng chầu trước cửa luôn 3 ngày đêm, thái độ rất khiêm cung, không hề than vãn. Ngay lúc đó Phù Sai lại bị cảm hàn, nhân lúc đó Bá Hy liền vào cung vấn an, khéo léo tâu: "Việc giết Câu Tiễn như lấy đồ trong túi, Đại vương không nên vì vậy mà mệt tâm, làm bệnh lâu khỏi. Theo tôi thấy thì có lẽ Ngũ Viên muốn tỏ quyền uy, nên cứ bắt buộc Đại vương phải giết Câu Tiễn bằng được, mặc dù Câu Tiễn hết lòng thần phục Đại vương. Nếu chưa quyết được, Đại vương cứ cho Câu Tiễn về nhà đá vài ngày, bao giờ khỏi bệnh hãy tính sau. Hắn như cá trên thớt, Đại vương muốn bắt, muốn giết lúc nào lúc nào mà chẳng được!".

Phù Sai đang mệt mỏi, nghe theo Bá Hy, truyền cho Câu Tiễn về nhà đá đợi lệnh. Chẳng ngờ chỉ vì 1 cơn cảm hàn thông thường, mà Phù Sai nằm gần 3 tháng trời, không sao dậy nổi. Phạm Lãi lo lắng, không biết rằng sau khi hết bệnh có cho thi hành quyết định của mình hay không, bói 1 quẻ nhân độ để xem bệnh tình Phù Sai ra sao. Xem quẻ xong, Phạm Lãi vui mừng nói với Câu Tiễn: "Đây là cơ hội ngàn vàng để Đại vương lấy lòng Phù Sai, tôi chỉ sợ Đại vương không làm được mà thôi!".

Từ trước đến nay, Phạm Lãi rất quyết đoán, nay lại phân vân không nói rõ ngay thì chứng tỏ đây là việc khá hệ trọng. Câu Tiễn nhìn sắc mặt bối rối của Phạm Lãi, đoán ra vài phần, thở dài đáp: "Đã mấy năm nay ta nằm gai nếm mật, chịu đựng biết bao nhiêu sỉ nhục, nhớ đến mối thù mà nghiến răng vượt qua. Nay dù việc khó khăn đến mấy ta cũng không sờn lòng. Ngươi mau nói ra đi!".

Phạm Lãi chần chừ rất lâu, cho rằng đây là cơ hội tốt nhất, nếu bỏ qua thì không biết bao giờ mới gặp lại, đành phải nói: "Theo quẻ bói thì bệnh tình của Phù Sai đến ngày Kỷ Tỵ thì sẽ bớt, đến ngày Nhâm Thân khỏi hẳn. Nếu Đại vương nén được sự ghê tởm, giả vờ vào thăm bệnh, nếm xem phân thế nào, rồi ngỏ lời chúc mừng. Khi khỏi bệnh, chắc chắn Phù Sai sẽ nghĩ tình mà tha cho về nước".

Câu Tiễn nghe vậy thì chảy nước mắt, nghẹn ngào nói: "Mấy năm nay ta đã chịu đựng nhiều cay đắng, nếu có thêm một lần hôi thối tính ra cũng không can gì. Nhưng nghĩ lại thân phận, dù sao ta cũng là vua một nước mà phải bị sỉ nhục đến như vầy, thì thật lòng trời không thương nước Việt".

Phạm Lãi cũng rơi nước mắt khóc theo: "Trước kia Trụ vương cũng giam Văn Vương, giết con là Bá Ấp khảo làm bánh bao đem cho ăn để thử lòng chân thành. Văn Vương nhịn nhục ăn thịt con rồi sau này kéo binh tiêu diệt nhà Thương. Nếu Đại vương bắt chước được như Văn Vương thì mới mong tung hoành thiên hạ".

Câu Tiễn gạt nước mắt, nghe theo Phạm Lãi, nói với Bá Hy tâu lại, xin Phù Sai cho mình được 1 lần vấn an. Phù Sai nghe Bá Hy tâu, đã có chút cảm động, gượng ngồi dậy nói: "Câu Tiễn nhớ đến ta như vậy thật đáng quý, ngươi hãy cho hắn vào xem thử".

Khi vấn an xong, Câu Tiễn cố chần chừ để đợi nội thị bưng thùng ra, nói luôn: "Trước kia tôi có theo học một y sư ở Đông Hải nên có biết được ít nhiều y lý, có thể biết được bệnh tình ra sao nhờ vào màu sắc và mùi vị của phân. Đại vương bệnh đã lâu ngày, làm cho tôi không sao yên tâm được, xin thử một phen".

Phù Sai không khỏi sửng sốt, nhìn Câu Tiễn chăm chăm hồi lâu rồi mới bằng lòng. Câu Tiễn cố nén ghê tởm, nếm xong liền phục xuống chúc mừng: "Bệnh của Đại vương đã đỡ nhiều, theo tôi thì đến ngày Kỷ Tỵ sẽ bớt, đến ngày Nhâm Thân thì khỏi".

Phù Sai mừng rỡ, nhưng vẫn còn chưa tin hẳn, cười hỏi: "Ngươi có chắc vậy không, vị y sư dạy ngươi y lý giải thích ra sao?".

Câu Tiễn giả vờ nghiêm trang đáp: "Phân chính là cốc vị nên thuận theo thời khí thì người sống, trái thời khí thì người chết. Tôi nếm thử thấy đắng lẫn chua, hợp với tiết xuân hạ hiện nay nên tính ra được ngày Đại vương khỏi bệnh. Nếu không đúng thì cũng bày tỏ được lòng thần phục của tôi luôn luôn cầu cho Đại vương sống lâu muôn tuổi".

Phù Sai nghe rất có lý thì rất hài lòng, cười mà hỏi Bá Hy đứng bên cạnh: "Ngươi có dám thử như vậy không?"

Bá Hy vội quỳ xuống, thành thật thưa: "Hạ thần không dám, dù Đại vương có trách phạt cũng đành chịu mà thôi".

Phù Sai cả cười, truyền Bá Hy cho vợ chồng Câu Tiễn qua mấy gian nhà lá gần đó, sạch sẽ hơn, và cũng được cung cấp thực phẩm khá hơn 1 chút. Vợ chồng Câu Tiễn và Phạm Lãi thấy bước đầu thành công thì hết lòng cảm tạ trời đất, hồi hộp đợi đến ngày Nhâm Thân. May sao Phù Sai khỏi bệnh thật, bá quan liền mở đại yến chúc mừng nhà vua. Thấy Phù Sai cho mời Câu Tiễn đến dự yến, Phạm Lãi liền bàn kế sách: "Đại vương cứ giả như không biết gì, cứ mặc quần áo rách rưới mà đến. Nếu Phù Sai quát mắng, bắt về tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo là điềm tốt, ngược lại hắn không nói gì thì Đại vương tạ ơn, lấy cớ không thể ngồi dự cùng các đại thần rồi cáo lui ngay tập tức".

Câu Tiễn nghe theo, Phù Sai không những bắt Câu Tiễn phải trở về tắm rửa, mà còn ban cho triều phục tử tế, nói với mọi người: "Câu Tiễn thật lòng thần phục, ta đã quyết cho về nước nên không thể đối đãi như tù nhân được. Các ngươi cũng phải theo phép vương gia mà đối xử".

Bá quan nhất nhất xin nghe theo, chỉ riêng Ngũ Viên bất mãn, hậm hực bỏ đi mà không nói lời nào. Bá Hy nhân dịp, buông 1 câu châm chọc: "Đại vương và Câu Tiễn đều là người biết nhân biết nghĩa, đều là bậc anh hùng nên Tướng quốc xấu hổ mà không dám ngồi chung bàn".

Phù Sai đang lúc vui vẻ, nghe vậy cười ha hả khiến bá quan cũng cười nịnh theo, yến tiệc càng thêm vui vẻ. Nhân lúc có mặt đông đủ, Phù Sai ra lệnh chọn ngày cho Câu Tiễn về nước. Hôm ấy Phù Sai còn ban ơn cho đặt tiệc nơi Sa Môn để tiễn đưa trọng thể. Bá quan nước Ngô đều tới dự chúc mừng, chỉ riêng ngũ Viên không tới. Trong lòng vẫn hồi hộp, chỉ sợ bất chợt Phù Sai đổi ý, Câu Tiễn cố ý không để lộ vẻ vui mừng ra mặt, giả vờ quyến luyến, mấy lần lạy ta mà chưa dứt đi được. Phù Sai càng thêm tin tưởng, tự thân vỗ về rồi đưa Câu Tiễn đến tận xe rồi mới trở lại hoàng cung. Khi đoàn xe về tới Tích Giang, Câu Tiễn mới thở phào thoát nạn. Khi đã thoát được gánh nặng tủi nhục rồi, nhìn non sông nước Việt mơn mởn màu xanh của đồng ruộng, Câu Tiễn không nén nổi tâm tình, rơi nước mắt cảm hoài. Văn Chủng, bá quan và người dân nước Việt đều khóc theo, đó là những giọt nước mắt trút hết nhục nhã, mừng cho những ngày tươi sáng sắp tới. Cối Kê là nơi thua trận ngày trước, nên Câu Tiễn sai quân đắp 1 cái thành ở đó để ghi nhớ. Phạm Lãi và Văn Chủng được nhà vua giao cho toàn quyền điều động bá quan và quân binh. Thành này 3 phía đều có tường cao, hào sâu. Ngọn núi phía bắc là Ngọa Tàng sơn thì có Phi Dục lâu, phía nam thì có lâu Thạch Đậu, đều là những vọng gác nhìn được xa, xây đắp kiên cố. Chỉ riêng phía tây bắc là đường hướng về nước Ngô, hoàn toàn không che chắn gì.

Phạm Lãi sợ Phù Sai vẫn cho người dò xét, nên phao tin phía tây bắc để trống là tiện việc chuyển vận tài vật tiến cống cho triều đình nước Ngô. Phù Sai nghe quân thám thính về báo lại, càng tin tưởng hơn, ngày đêm vui chơi trác táng với Tây Thi ở Cô Tô đài. Nhờ có Văn Chủng chỉnh đốn quốc chính, Phạm Lãi luyện tập quân mã; chẳng bao lâu nước Việt đã trở nên cường thịnh, quân binh không những hùng hậu mà còn rất tinh nhuệ, chỉ mong tới ngày xuất chiến báo thù xưa. Tuy thế nước Việt đã đủ sức báo thù, nhưng Câu Tiễn rút kinh nghiệm kiêu ngạo ngày trước, quyết mở mang sao cho 1 lần ra trận là nắm chắc thành công, không để rơi vào tình trạng ô nhục như trước kia nữa. Nhà vua không bao giờ nghĩ tới việc vui chơi, ra sức lo cho dân cho nước. Câu Tiễn còn sai nội thị lấy cỏ lục đánh vào đánh vào mắt nếu thấy mình phê duyệt tấu chương mà ngủ gục. Mùa hạ ngồi gần lửa cháy để nung nấu lòng căm thù, mùa lạnh thì nhúng chân vào nước lạnh, nghiến răng chịu đựng để không quên những ngày gian khổ, đầy nhục nhã nơi xứ người. Muốn dân số tăng nhanh, Câu Tiễn còn đặt ra lệ thưởng. Trong khi chính mình thì nằm giường củi, cùng làm ruộng với dân; sai phu nhân làm vải, cực nhọc mà sản xuất, chứ không hề nghĩ đến nhàn hạ mà hưởng lạc. Chủ trương dân giàu thì nước mạnh, Câu Tiễn hạ lệnh miễn thuế 3 năm, nhưng đồng thời vẫn tích cóp để tiến cống cho nước Ngô đầy đủ. Phù Sai hết sức hài lòng, ban cho Câu Tiễn hơn 800 dặm vuông gồm đất Câu Dụng, Quề Lý, Cô Miệt và Bình Nguyên, nước Việt nhờ đó càng mở mang phát triển. Lần này Ngũ Viên thấy Phù Sai quá sai lầm, vào triều tâu: "Đại vương nhận lễ vật của Câu Tiễn là thu nhận lòng thành của hắn, chẳng nói làm gì. Nay lại ban thêm cho đất đai thì thật sai lầm. Nước Việt càng lớn mạnh bao nhiêu, nguy cơ mất nước Ngô càng đến mau bấy nhiêu. Chẳng biết Đại vương có thấy không?".

Phù Sai kiêu ngạo đáp: "Ngươi nói gì vậy? Đất đai nước Việt cũng là đất đai của nước Ngô. Ta chỉ nhờ thêm Câu Tiễn cai trị một vùng đất của chính ta mà thôi. Sao lại còn phân biệt Ngô – Việt?"

Ngũ Viên nghẹn lời, hậm hực đi ra. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro