VƯƠNG CHIÊU QUÂN - HỒNG NHAN BẠC MỆNH XỨ NGƯỜI (p2)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lưu Bang cả mừng, theo kế ấy mà thi hành, quả nhiên 2 nước được yên ổn hơn 50 năm. Trong thời gian này, Lưu Bang cho thi hành 1 loạt cải cách về kinh tế và pháp luật, khiến triều Tây Hán phát triển rất mau. Quân đội nhờ đó cũng hùng mạnh hơn trước gấp nhiều lần. Tuy nhiên vốn là bộ tộc ở vùng đất cằn cỗi, lương thực luôn bị thiếu thốn, nên Hung Nô vẫn lén lút cướp phá rồi rút nhanh về biên giới, khiến quân binh nhà Hán phải đề phòng. Quân số trấn thủ biên cương càng ngày càng tăng thêm, mà nhân dân cũng chẳng được yên ổn ngày nào. Hán Cao Tổ nhiều lần phái sứ giả sang Hung Nô trách móc, nhưng đều trả lời rằng không biết sự việc, chắc có lẽ chỉ là bọn thổ phỉ ở biên giới mà thôi. Triều đình không sao chứng minh được, đành mộ thêm quân để tăng cường nơi biên giới, tổn phí mỗi năm lên đến hàng vạn lượng vàng.

Đến thời Hán Vũ Đế, vốn là người hùng tâm tráng chí. Ông chủ động phá vỡ tình trạng bế tắc này, bằng cách dồn toàn lực, phát động cuộc chiến đánh đuổi Hung Nô. Trải qua hơn 50 năm ngồi trên ngai vàng, Hán Vũ Đế đã đạt được kết quả khả quan. Nhờ vào các danh tướng đều có tài năng vũ dũng, đánh đuổi bộ tộc Hung Nô chạy lên vùng sa mạc cực bắc. Vì thất bại này, bộ tộc Hung Nô bắt đầu bị chia rẽ trầm trọng. Tuy nhiên, vùng cực bắc rất rộng lớn, không thể kiểm soát nổi, nên thỉnh thoảng Hung Nô vẫn có thể tụ tập, rồi bất ngờ tiến đánh, sau đó rút lui. Riêng triều Hán về tổn phí chiến tranh quá lớn, nền kinh tế cũng suy sụp 1 phần, không còn thịnh vượng như trước nữa. Khi Hán Vũ Đế mất lên , nối ngôi là Hán Tuyên Đế. Lúc ấy sự chia rẽ của bộ tộc Hung Nô lên tới đỉnh điểm, có tới 5 người tự xưng là Thiền vu, không ai nhường ai, chiêu mộ binh mã quyết tiêu diệt cho được đối phương. Một trong số năm Thiền vu tên là Hô Hàn Gia, thế lực yếu hơn, bị anh là Thiền vu Bì Chi đánh đuổi dữ dội, bất đắc dĩ phải dẫn tàn quân sang đầu hàng nhà Hán, hy vọng sẽ mượn được quân mã trở về trả thù. Khi Hô Hàn Gia vào bệ kiến, Hán Tuyên Đế không muốn chấp nhận, nhưng các đại thần đồng lòng tâu: "Từ trước tới nay, triều đình đã nhiều lần đối phó với Hung Nô mà chưa thể thành công trọn vẹn. Kế sách hòa thần từ các đời trước mang lại thái bình cũng không lâu dài, bởi Hung Nô đang bị chia rẽ, người thì muốn giao hảo nhưng không ít kẻ vẫn nuôi tham vọng đánh chiếm mảnh đất Trung nguyên nhiều tài nguyên. Ngay cả việc tiên đế dồn lực lượng đánh đuổi Hung Nô mà mãi mấy chục năm qua, tiêu tốn biết bao tài lực, vậy mà cũng chỉ có kết quả tạm thời. Vì vậy việc Hô Hàn Gia đến xin cầu viện chính là trời giúp nhà Hán. Bệ hạ nên chấp thuận lời thỉnh cầu của hắn, dùng người Hung Nô đánh người Hung Nô. Dù ai thắng ai bại cũng đều có lợi cho chúng ta. Sau này nếu Hô Hàn Gia có trở mặt, thì chúng ta cũng đã đủ sức tiêu diệt bọn chúng rồi!".

Hán Tuyên Đế nghe theo, tiếp đãi Hô Hàn Gia rất trọng hậu, rồi cung cấp cho hắn 1 số quân mã cùng với lương thảo để Hô Hàn Gia trở về nước. Hô Hàn Gia hết sức cảm động về nghĩa cử này, trước sân rồng thề thốt sẽ quy thuận, không bao giờ xâm phạm Trung nguyên nữa. Tuy nhiên, vì quân ít thế yếu, Hô Hàn Gia vẫn không thể đánh bại được Bì Chi, tình hình vẫn rối ren kéo dài, nhưng ít nhất cũng giảm thiểu được phần nào sự quấy nhiễu của Hung Nô. Mãi đến khi Tuyên Đế mất, Nguyên Đế lên ngôi, 1 lần nữa nhà vua muốn giải quyết dứt khoát, hạ lệnh chỉnh đốn quân mã, đại tấn công chủ lực của Hung Nô ở Tây Vực, giết chết Bì Chi, thì Hô Hàn Gia mới có cơ hội tiêu diệt các Thiền vu khác, thống nhất Hung Nô. Khi đã trở thành cường quốc về quân sự, Hung Nô vẫn không thể nào quên được tham vọng chiếm toàn bộ Trung nguyên, Hô Hàn Gia thường than thở với các quan: "Đất Trung nguyên màu mỡ phì nhiêu, người Hung Nô lại cần cù chịu khó. Nếu chúng ta làm chủ đất nước đó thì sẽ phát triển không biết đâu mà kể. Tiếc rằng trước kia ta đã thề với triều đình nhà Hán, không bao giờ xâm phạm nữa. Nay đành ngồi thèm thuồng mơ ước vậy thôi!".

1 đại thần liền dâng mưu kế: "Nước có thể đổi chủ, lời thề có thể không thi hành nếu như có những nguyên nhân khác, Đại vương có thể tìm cớ để phá bỏ lời thề đó. Theo tôi thì dân tộc Hoa Hạ tối kị gả con gái cho bộ tộc Hung Nô, bởi bọn chúng xem bộ tộc chúng ta là man di mọi rợ. Nay nếu Đại vương viện lý để mọi việc hòa thân thêm vững chắc, xin cưới một vị công chúa Hán triều, thì chắc chắn họ không bằng lòng. Nhân cớ ấy, chúng ta có thể tiến hành từng bước tiến xuống Trung nguyên mà không ai dị nghị được".

Hô Hàn Gia nghe vậy cả mừng, lập tức truyền lệnh sửa soạn phái đoàn đến triều đình nhà Hán cầu thân. Lời cầu thân này quá bất ngờ, lại nói rõ muốn cưới 1 công chúa chứ không phải dân thường khiến Nguyên Đế vô cùng phân vân. Nhà vua đành phải họp quần thần lại, bàn định kế sách ứng phó sao cho toàn vẹn. Đa số các đại thần Hung Nô đưa ra lời cầu thân là có ý tìm cách khiêu khích chứ không thật lòng. Vì vậy, dù có hy sinh 1 công chúa cũng chẳng đi tới đâu, chắc chắn Hung Nô sẽ tìm ra cớ khác vòi vĩnh. Thấy vậy, 1 vị lang trung tên là Hầu Ưng bước ra tâu: "Theo hạ thần thì không nên làm mích lòng Hung Nô. Vả chăng tiên triều đã dùng chính sách hòa thân giúp Trung nguyên được thái bình trong một thời gian dài. Khi ấy chúng ta cũng không gả công chúa thật, mà Hung Nô có biết gì đâu. Nay cũng thi hành giống như vậy, nhưng khác một chút, là chọn trong số hàng ngàn cung nữ phong cho làm công chúa, thì không phải mất thời gian dạy dỗ các nghi tiết cung đình".

1 đại thần khác đồng ý kiến tâu: "Trước kia Lâu quân sư đã nói rõ hai điều lợi khi hòa thân với Hung Nô. Trước nhất, tạm thời biên giới được bình yên, triều đình có đủ thời gian chấn chỉnh quân tướng sẵn sàng đối phó. Thứ hai, nếu nữ nhân Hán tộc sinh được hoàng nam thì lợi ích càng bền vững, Hung Nô không còn nuôi tham vọng điên cuồng nữa".

Hán Nguyên Đế nghe theo lời tâu của Hầu Ưng, nhưng không muốn ép buộc các cung nữ, giao cho các thái giám loan báo. Tất cả các cung nữ tuổi từ đôi mươi trở xuống, không phân biệt xấu đẹp, nếu bằng lòng hy sinh cho triều đình xuất giá về Hung Nô thì sẽ được phong làm công chúa, gia đình cũng được ban thưởng trọng hậu. Các cung nữ phần lớn xuất thân từ gia đình nghèo hèn, nghe có ban thưởng trọng hậu rất mừng rỡ, nhưng khi nghĩ đến cảnh phải phục vụ Hung Nô, bỏ xác ở nơi man di mọi rợ, không có ngày về cố quốc, thì đều lo sợ, xôn xao bàn tán với nhau, hơn 10 ngày mà không có ai bằng lòng đứng ra tình nguyện. Bọn thái giám hết sức lo lắng, bởi vì Nguyên Đế chỉ cho hạn 1 tháng, liền gọi tất cả cung nữ ở lục cung, tìm lời thuyết phục bằng được. Sau khi nói ngon nói ngọt, vẫn chẳng có 1 cung nữ nào tình nguyện vì nước. Các thái giám đang thất vọng, thì chợt có 1 cung nữ còn rất trẻ bước ra, cúi đầu thưa: "Tôi là họ Vương tên Tường, xin vì triều đình mà hy sinh tấm thân này, được phong làm công chúa là tôi mãn nguyện lắm rồi, không cần cho gia đình biết việc này, chỉ thêm đau xót mà thôi!".

Bọn thái giám nhìn lên, hết sức sững sờ vì nhan sắc tuyệt trần của cung nữ ấy. Trong lòng tên nào cũng băn khoăn, tự đặt câu hỏi: "Cung nữ họ Vương này sắc nước hương trời như vậy mà sao lâu nay chúng ta không nhận biết? Không hiểu tại sao chẳng có ai tiến dẫn với hoàng thượng?"

Tuy nhiên, trước mắt có người tình nguyện là tròn nhiệm vụ vua giao, bọn thái giám chẳng cần suy nghĩ, thương hoa tiếc ngọc làm gì cho mất thời gian, lấy sổ sách ra tra xét. Quả nhiên trong sổ có ghi tên Vương Tường, người ở đất Nam Đô, được tiến vào cung từ năm 15 tuổi, tức là hơn 4 năm nay. Vương Tường xuất thân từ gia đình trung lưu, có chút học hành nên lấy tên tự là Chiêu Quân. Bọn hoạn quan cả mừng, hỏi vài lời, thấy cử chỉ của nàng phong nhã, lời ăn tiếng nói dịu dàng thanh cao, mắt ngọc mày ngài không có tỳ vết thì vô cùng kinh ngạc, chẳng hiểu sao 1 mỹ nhân tuyệt sắc như vậy, lại tình nguyện bỏ quê hương xứ sở vào nơi hoang mạc khô cằn sỏi đá. Tuy nhiên, bọn hoạn quan quá mừng rỡ vì đã làm tròn nhiệm vụ nên không để ý đến bức vẽ dung mạo đi kèm danh tánh mà bất cứ nữ nhân nào cũng phải có khi nhập cung, lập tức ghi lại tên tuổi, rồi dâng lên Nguyên Đế ngay ngày hôm ấy. Hán Nguyên Đế nhìn thoáng qua bức vẽ, thấy nhan sắc Vương Tường không có gì đặc biệt, thậm chí còn khá xấu, nên mau chóng phê thuận, truyền nội thị viết chiếu, lấy tên tự của nàng phong là "Chiêu Quân công chúa". Khi sự việc sắp đặt xong, Nguyên Đế mời Thiền vu Hô Hàn Gia đến kinh đô triều kiến, đồng thời làm lễ nghênh hôn cho long trọng. Hô Hàn Gia nhận lời, cùng 1 số đại thần mang châu ngọc, vật phẩm rầm rộ đến Trường An ngay trong tháng đó, thái độ vẫn cung kính như ngày trước, không tỏ lộ ý đồ gì xấu xa. Hán Nguyên Đế hết sức hài lòng, sai quan Thái sử chọn ngày lành tháng tốt rồi xuống chiếu cho Hô Hàn Gia vào cung triều kiến, đồng thời xem mặt tân nương trước khi làm lễ nghênh hôn chính thức. hôm ấy trong triều trang hoàng rực rỡ, nghi vệ oai nghiêm, bá quan hầu như có mặt đầy đủ, đứng thành 2 hàng rất uy vệ. Thiền vu Hung Nô mặc áo gấm màu đỏ rực rỡ, trên cổ đeo 1 chuỗi ngọc phỉ thúy giá trị liên thành cùng các đại thần tiến vào cung làm lễ triều kiến. Khi nghi lễ xong xuôi, Nguyên Đế truyền nhã nhạc nổi lên rồi 1 viên thái giám lớn tuổi bước ra hô to: "Mời Chiêu Quân công chúa ra diện kiến phu quân!".

Vương Tường từ bên trong bước ra, được các cung nữ dìu đỡ. Tiếng ngọc tiếng kim thánh thót êm tai, đi tới đâu hương thơm tỏa ngát đến đó. Quả đúng là 1 vị công chúa cành vàng lá ngọc. Khi Hán Nguyên Đế hạ lệnh cho nàng mở tấm khăn mỏng trùm mặt ra, cả sân triều chợt như có ánh sáng chói lòa, ai nấy đều ngẩn ngơ cả người, không sao ngờ được Chiêu Quân công chúa lại có nhan sắc chim sa cá lặn đến như vậy, đều tiếc rẻ thầm trong bụng. Người kinh ngạc hơn cả có lẽ là Hán Nguyên Đế. Vị hoàng đế nhà Hán bâng khuâng tự hỏi trong lòng: "Trong cung của ta có mỹ nhân tuyệt sắc như thế này, mà sao ta không hề hay biết? Nàng có phải cung nữ hay thiên tiên hạ thế giúp cho nhà Hán đây?"


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro