Thế giới của Sophie - Jostein Gaarder

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

VƯỜN ĐỊA ĐÀNG ... một lúc nào đó, cái gì đó hẳn đã sinh ra từ hư vô...    Sophie Amundsen từ trường về. Cô đi cùng đường với Joanna. Họ trò chuyện về người máy. Theo Joanna, bộ óc của con người giống như một cái máy tính cao cấp. Sophie không rõ có đồng ý được không. Chắc chắn một con người phải hơn là một cái máy chứ?    Khi đến siêu thị, mỗi người rẽ về phía nhà của mình. Sophie sống ở cuối một khu nhà ngoại ô, đường đến trường xa gấp đôi Joanna. Nhà cô như ở tận cùng của thế giới, vì sau khu vườn đã là cửa rừng.    Cô rẽ vào đường Cỏ Ba Lá. Cuối đường có một chỗ ngoặt gấp - "khúc ngoặt của Thuyền trưởng". Hầu như chẳng có ai đến đây trừ thứ bảy và chủ nhật.    Bấy giờ là đầu tháng Năm. Trong các khu vườn, hoa thuỷ tiên mọc xen với cây ăn quả. Những cây phong đã được phủ một màu lá xanh dịu.    Thật kỳ diệu khi mọi vật bừng nở vào thời kỳ này trong năm! Cái gì đã làm cho cỏ cây xanh tốt ùa ra từ lòng đất chết, ngay khi trời vừa ấm lên và tuyết tan hết?    Khi Sophie mở cánh cửa vườn, cô ngó vào hộp thư. Ở đó thường có cả đống quảng cáo và một vài phong bì khổ lớn gửi cho mẹ cô. Thỉnh thoảng cũng có một vài lá thư từ ngân hàng gửi cho bố cô, nhưng phải nói ngay rằng, ông không như các ông bố bình thường khác. Bố Sophie là thuyền trưởng của một tàu chở dầu lớn và ông vắng nhà gần như quanh năm. Khi có được vài tuần ở nhà, ông sẽ đi lại loẹt xoẹt quanh nhà và làm mọi thứ trở nên xinh đẹp và ấm cúng. Nhưng khi ở ngoài biển, ông lại có vẻ rất xa cách    Chỉ có mỗi một bức thư trong hộp thư, và nó được gửi cho Sophie. Chiếc phong bì trắng ghi "Sophie Amundsen, số 3 đường Cò Ba Lá". Chỉ có vậy, không có tên người gửi, cũng chẳng có cả tem.    Sophie vội vàng khép cổng và mở phong bì. Bên trong chỉ có một mảnh giấy nhỏ với dòng chữ: Bạn là ai?    Không có gì khác, chỉ có ba chữ viết tay với một dấu chấm hỏi to tướng.    Cô nhìn lại chiếc phong bì. Rõ ràng bức thư được gửi cho cô. Ai đã thả nó vào hộp thư?    Sophie chạy nhanh vào ngôi nhà màu đỏ. Như thường lệ, chú mèo Sherekan đã kịp chui ra khỏi bụi cây, nhảy lên bậc thềm và lách vào nhà trước khi cô đóng cửa.    Mỗi lần bực bội, mẹ Sophie thường gọi ngôi nhà họ đang ở là một cái chuồng thú. Sophie khá hạnh phúc về bộ sưu tập động vật của mình. Đầu tiên, cô có ba con cá vàng Lưng Vàng, Mũ Đỏ, và Cờ Đen. Tiếp theo là hai con vẹt Smitt và Smule, rùa Govinda, và cuối cùng là con mèo vàng Sherekan. Chúng đều được tặng cho cô để bù đắp cho chuyện mẹ cô luôn đi làm về muộn còn bố cô thì luôn vắng nhà, lái tàu khắp thế giới.    Sophie liệng cặp xuống sàn và cho mèo ăn. Sau đó, cô ngồi xuống chiếc ghế nhà bếp với lá thư bí ẩn trên tay.    Bạn là ai?    Làm sao biết được? Tất nhiên, cô là Sophie Amundsen, nhưng đấy là ai? Cô chưa nghĩ ra.    Nếu thực ra cô được đặt một cái tên khác, Anne Knutsen chẳng hạn, liệu cô có thành người khác không?    Cô chợt nhớ ban đầu bố cô đã định đặt tên cô là Lillemor. Sophie thử tưởng tượng mình bắt tay và tự giới thiệu là Lillemor Amundsen, nhưng không ổn chút nào. Cứ như người khác đang tự giới thiệu vậy.    Cô rời ghế và đi vào phòng tắm, mang theo lá thư kỳ lạ. Cô đứng trước gương và nhìn vào mắt mình.    "Tôi là Sophie Amundsen", cô nói.    Cô gái trong gương chẳng phản ứng gì, chỉ làm giống hệt Sophie. Sophie cố cử động thật nhanh để thắng bóng mình trong gương, cô gái kia cũng nhanh chẳng kém.    "Bạn là ai?" Sophie hỏi.    Lần này, cô cũng không nhận được phản hồi, nhưng cô chợt nghĩ không biết người đã đặt câu hỏi là cô hay cái bóng trong gương.    Sophie ấn ngón trỏ lên cái mũi trong gương và nói :    "Bạn là tôi".    Không được trả lời, cô đảo ngược câu nói :    "Tôi là bạn".    Sophie thường không hài lòng với vẻ ngoài của mình. Cô thường được khen có đôi mắt đẹp hình hạnh nhân. Nhưng có lẽ mọi người chỉ nói thế thôi, vì mũi cô quá nhỏ và miệng thì hơi rộng quá. Còn tai thì quá gần với mắt. Tệ nhất là mái tóc thẳng không tài gì uốn cong được. Đôi khi, bố cô vuốt tóc cô và gọi cô là "cô gái tóc vải lanh" - tên một bản nhạc của Claude Debussy. Không có một loại mousse hay keo xịt tóc nào có tác dụng dù là nhỏ nhất với tóc Sophie. Có lúc, Sophie thấy mình xấu xí đến mức cô tự hỏi không biết mình có bị khuyết tật gì khi sinh ra hay không. Mẹ cô thường kể về chuyện sinh ra cô khó khăn như thế nào. Nhưng điều đó có thực sự là cái quyết định bề ngoài không?    Thật kỳ quặc khi cô không biết mình là ai! Chẳng phải bất công hay sao khi cô không được tham gia quyết định về bề ngoài của mình? Vẻ bề ngoài đã được trút lên đầu cô. Cô có thể chọn bạn cho mình, nhưng chắc chắn cô không chọn chính mình. Cô thậm chí không chọn việc trở thành một con người.    Con người là gì?    Sophie lại ngước mắt nhìn cô gái trong gương.    "Có lẽ mình nên lên nhà và làm bài tập môn sinh học", cô nói như cảm thấy có lỗi. Ra đến sảnh, cô nghĩ : Không, mình ra vườn thì hơn.    "Miu miu !"    Sophie xua con mèo ra bậc thềm rồi đóng cửa lại.    Đứng trên con đường rải sỏi với bức thư bí ẩn trên tay, một cảm giác kỳ lạ xâm chiếm Sophie. Cô cảm thấy mình giống như con búp bê bất ngờ được truyền sự sống bởi một chiếc đũa thần.    Thật phi thường khi có mặt trong thế giới lúc này, lang thang trong một cuộc phiêu lưu tuyệt vời.    Sherekan nhẹ nhàng nhảy qua con đường rải sỏi và lẩn vào bụi phúc bồn tử rậm rạp. Một con mèo sống động đầy sinh lực từ bộ ria trắng đến cái đuôi xoắn ở cuối thân hình mềm mại. Nó cũng đang ở trong vườn, nhưng lại không có ý thức về điều đó như Sophie. Suy nghĩ về chuyện được sống, Sophie nhận ra mình sẽ không sống mãi. Bây giờ, mình đang ở trên đời, nhưng một ngày nào đó, mình sẽ không còn nữa.    Có cuộc sống sau cái chết hay không? Đó cũng là một câu hỏi mà con mèo không ý thức được.    Bà của Sophie mới mất cách đâu không lâu. Sáu tháng nay, ngày nào Sophie cũng cảm thấy thiếu bà. Thật không công bằng khi cuộc sống phải kết thúc !    Sophie đứng suy nghĩ trên con đường rải sỏi. Cô cố nghĩ thật nhiều về chuyện mình đang sống để quên rằng cô sẽ không sống mãi. Nhưng vô ích. Ngay khi tập trung nghĩ về sự sống, ý nghĩ về cái chết cũng nảy ra trong tâm trí cô. Điều ngược lại cũng vậy : chỉ khi có được một cảm xúc sâu sắc về một ngày nào đó mình sẽ chết, cô mới có thể thấy rằng thật tuyệt vời khi được sống. Nó như hai mặt của một đồng xu mà cô không ngừng lật đi lật lại. Mặt này to hơn, rõ hơn bao nhiêu, mặt kia cũng to rõ hơn bấy nhiêu    Cô nghĩ, người ta không thể cảm nhận mình đang sống mà không đồng thời nghĩ rồi mình sẽ phải chết. Cũng giống như người ta không thể nghĩ mình phải chết mà không nghĩ việc được sống kỳ diệu đến thế nào.    Sophie nhớ khi bác sĩ bảo bà ốm nặng, bà đã nói "Đến bây giờ tôi mới nhận ra cuộc sống đẹp đến thế nào".    Thật buồn khi hầu hết mọi người phải bị ốm trước khi họ hiểu quà tặng của cuộc sống. Hoặc họ phải tìm thấy một lá thư bí ẩn trong hộp thư !    Có lẽ cô nên quay lại xem có lá thư nào mới đến hay không. Sophie vội vã ra cổng và ngó vào trong hộp thư màu lục. Cô giật mình khi lại thấy một phong thư màu trắng giống hệt cái đầu tiên. Chiếc phong bì này cũng có tên cô trên đó và cũng đựng một mảnh giấy nhỏ cùng kích thước. Trên đó có dòng chữ :    Thế giới từ đâu ra?    Mình không biết, Sophie nghĩ thầm. Chắc chắn là chẳng ai thực sự biết điều đó. Tuy nhiên, Sophie nghĩ, đó cũng là một câu hỏi hay. Lần đầu tiên trong đời, cô cảm thấy người ta không thể sống trong thế giới mà không một lần hỏi xem nó từ đâu ra.    Những lá thư bí ẩn làm Sophie chóng mặt. Cô quyết định vào ngồi trong hốc.    Cái hốc là nơi trú ẩn bí mật của Sophie. Cô đến đây khi rất bực bội, đau khổ hoặc hạnh phúc. Hôm nay, cô chỉ cảm thấy bối rối.    Ngôi nhà đỏ được bao quanh bởi một khu vườn rộng với rất nhiều luống hoa, cây bụi, cây ăn quả đủ loại, một thảm cỏ rộng với một cái tàu lượn và một cái chòi nhỏ mà ông nội đã xây cho bà khi bà mất người con đầu mới vài tuần tuổi tên là Maria. Trên mộ cô có khắc dòng chữ "Maria bé nhỏ đến với chúng ta, chào, rồi ra đi".    Dưới góc vườn, đằng sau bụi phúc bồn tử là một bụi cây dày, nơi chẳng có hoa hay dâu mọc được. Thực ra, đó là bờ giậu cũ đã từng là ranh giới với khu rừng. Nhưng hai mươi năm nay không ai tỉa, nó đã mọc thành một bụi rậm chằng chịt không đi qua được. Bà nội kể, thời chiến tranh, khi gà được nuôi thả trong vườn, hàng giậu này đã ngăn cáo vào bắt gà.    Với tất cả mọi người trừ Sophie, bờ giậu cũ vô dụng như những cái chuồng thỏ ở bên kia vườn. Nhưng đó chỉ là vì họ chưa tìm ra điều bí mật của Sophie.    Sophie không còn nhớ từ khi nào cô đã biết về cái lỗ nhỏ trong bờ giậu. Khi chui qua, cô đến một khoảng rộng giữa các bụi cây. Nó như một ngôi nhà nhỏ. Cô biết không ai có thể tìm thấy cô ở đó.    Nắm chặt hai lá thư trong tay, cô băng qua vườn, bò len lỏi trong bờ giậu. Cái hốc gần đủ cao để cô có thể đứng thẳng, nhưng hôm nay, cô ngồi trên một đám rễ cây. Từ đây, cô có thể nhìn qua các lỗ nhỏ giữa đám cành lá. Tuy không có lỗ nào to hơn đồng xu, cô vẫn có thể quan sát toàn bộ khu vườn. Hồi nhỏ, cô đã từng thích ngồi xem bố mẹ tìm mình giữa các đám cây.    Sophie vẫn luôn nghĩ rằng khu vườn tự nó là cả một thế giới. Mỗi khi nghe về vườn Địa đàng trong Kinh thánh, cô lại nhớ đến những lúc mình ngồi trong hốc ngắm nghía thiên đường bé nhỏ của mình.    Thế giới từ đâu ra?    Cô chẳng có chút ý tưởng nào dù chỉ mơ hồ. Cô biết rằng Trái Đất chỉ là một hành tinh nhỏ trong vũ trụ. Nhưng vũ trụ từ đâu ra?    Có thể vũ trụ vẫn luôn luôn tồn tại, khi đó cô sẽ không phải nghĩ xem nó từ đâu ra. Nhưng liệu có thể có cái gì luôn luôn tồn tại không? Có cái gì đó sâu trong cô phản đối ý tưởng này. Tất cả những gì đang tồn tại chắc chắn phải có một sự bắt đầu chứ? Vậy, một lúc nào đó, vũ trụ đã được tạo ra từ một cái gì đó khác.    Nhưng nếu vũ trụ bắt nguồn từ một cái gì đó khác, cái đó cũng phải được sinh ra từ một cái gì đó. Sophie cảm thấy mình chỉ đang trì hoãn vấn đề. Tại thời điểm nào đó, cái gì hẳn đã nảy sinh từ hư vô. Nhưng điều đó có thể hay không? Phải chăng điều đó cũng không tưởng như quan niệm rằng thế giới luôn tồn tại?    Ở trường, cô được dạy rằng Chúa Trời tạo ra thế giới. Sophie cố tự bằng lòng với ý nghĩ rằng đây có lẽ là lời giải tốt nhất cho toàn bộ vấn đề. Nhưng rồi cô nghĩ lại. Cô có thể chấp nhận rằng Chúa đã tạo ra vũ trụ, thế còn Chúa thì sao? Ngài đã tự tạo ra chính mình từ hư vô chăng? Một lần nữa, lại có cái gì đó sâu trong cô phản đối. Kể cả nếu Chúa đã có thể tạo ra mọi thứ, Ngài không thể tạo ra bản thân trước khi có "chính mình". Nhưng cô đã loại bỏ khả năng đó ! Mọi thứ tồn tại đều phải có một sự khởi đầu.    Khỉ thật !    Cô lại mở hai phong bì.    Bạn là ai?    Thế giới từ đâu ra?    Thật là những câu hỏi khó chịu ! Và những lá thư này từ đâu đến? Điều đó cũng bí hiểm không kém.    Ai đã bỗng dưng kéo Sophie ra khỏi cuộc sống bình lặng để đặt cô đối diện với những điều bí ẩn lớn lao của vũ trụ?    Lần thứ ba, Sophie đến chỗ hộp thư. Người đưa thư vừa đến phát thư. Sophie lấy ra một chồng quảng cáo, báo và thư cho mẹ. Có cả một tấm bưu ảnh với hình một bãi biển nhiệt đới. Cô lật tấm bưu ảnh. Trên đó có một con tem Na Uy và dấu bưu điện. Tiểu đoàn Liên hợp quốc. Của bố gửi chăng? Nhưng chẳng phải bố đang ở một nơi hoàn toàn khác sao? Đây cũng không phải chữ của bố.    Sophie cảm thấy tim đập nhanh hơn một chút khi đọc thấy địa chỉ người nhận : "Hilde Moller Knag, nhờ Sophie Amundsen số 3, đường Cỏ Ba Lá... chuyển giùm". Phần còn lại của địa chỉ thì chính xác. Tấm bưu ảnh ghi :    "Hilde thân yêu. Chúc mừng sinh nhật lần thứ 15 ! Bố biết con sẽ hiểu. Bố muốn tặng con một món quà mà nó sẽ giúp con khôn lớn. Bố xin lỗi đã gửi bưu ảnh cho Sophie. Nhưng đó là cách tiện nhất. Bố yêu con".    Sophie chạy về nhà và vào bếp. Cô cảm thấy thật bối rối. Cái cô "Hilde" này là ai, mà sinh nhật lần thứ 15 của cô ấy lại trước ngày sinh của cô đúng một tháng?    Sophie lục cuốn danh bạ điện thoại. Có rất nhiều người có tên Moller hoặc Knag, nhưng chẳng có ai tên là Moller Knag cả.    Cô xem lại cái bưu ảnh bí ẩn. Nó trông có vẻ rất thật với một con tem và dấu bưu điện.    Tại sao một ông bố lại gửi thiệp mừng sinh nhật con gái đến địa chỉ của Sophie trong khi rõ ràng cô ấy không ở đây. Bố kiểu gì mà lại đi lừa chính con gái mình bằng cách cố tình gửi thiệp mừng sinh nhật đi lạc đường? Làm sao mà đó lại là "cách tiện nhất" được? Và nhất là làm thế nào để lần ra được Hilde?    Vậy là Sophie lại có thêm một vấn đề phải quan tâm. Cô cố gắng sắp xếp lại suy nghĩ của mình.    Buổi chiều nay, trong vòng có hai tiếng đồng hồ, cô đã gặp ba bài toán. Thứ nhất, ai đã bỏ hai phong bì trắng vào trong hộp thư. Thứ hai là các câu hỏi hóc búa trong các lá thư. Vấn đề thứ ba : Hilde Moller Knag là ai, tại sao thiệp mừng sinh nhật của cô ấy lại được gửi cho Sophie. Cô dám chắc ba vấn đề này có quan hệ với nhau. Nhất định là có, bởi cho tới hôm nay, cô vẫn sống một cuộc sống hoàn toàn bình lặng. CÁI MŨ CAO VÀNH ...phẩm chất duy nhất cần thiết để trở thành triết gia tốt là khả năng ngạc nhiên...    Sophie tin chắc người viết thư nặc danh sẽ lại liên lạc với cô. Cô quyết định chưa nên kể cho ai biết. Ở trường, cô không thể tập trung vào những gì thầy cô giáo giảng. Dường như họ chỉ nói về những điều không quan trọng. Tại sao thầy cô không nói về con người là gì, hoặc nói về bản chất và nguồn gốc của thế giới?    Cô bắt đầu cảm thấy ở trường và mọi nơi khác, mọi người chỉ quan tâm đến những vấn đề nhỏ mọn. Trong khi có những vấn đề quan trọng cần được giải quyết.    Đã ai có câu trả lời cho các câu hỏi đó chưa? Suy nghĩ về chúng quan trọng hơn là ngồi học thuộc các động từ bất quy tắc.    Khi chuông reo báo hết giờ, cô ra khỏi trường nhanh đến mức Joanna phải chạy theo mới kịp.    "Cậu có muốn chơi bài tối nay không?" Joanna hỏi.    Sophie nhún vai.    "Tớ hết hứng chơi bài rồi."    Joanna lộ vẻ ngạc nhiên.    "Thế à? Vậy thì đánh cầu lông nhé!"    Sophie nhìn xuống vỉa hè, rồi ngước lên cô bạn.    "Tớ không nghĩ là tớ thích đánh cầu."    "Cậu không đùa đấy chứ?"    Sophie nhận thấy một chút hờn dỗi trong giọng nói của cô bạn.    "Cậu không muốn kể xem tự dưng lại có chuyện gì nghiêm trọng vậy à?"    Sophie chỉ lắc đầu. "Chuyện đó... chuyện đó bí mật"    "Êu! Chắc là đang cảm ai rồi!"    Hai cô bé yên lặng hồi lâu. Đến sân bóng, Joanna nói "Tớ sẽ đi ngang qua sân vận động."    Ngang qua sân vận động? Đó là đường ngắn nhất của Joanna, nhưng cô chỉ đi đường này nếu phải vội về nhà để kịp đón khách hay kịp cuộc hẹn chữa răng.    Sophie hối hận vì đã làm bạn dỗi. Nhưng cô có thể nói gì khác được? Nói rằng cô bỗng dưng bị thu hút bởi chuyện mình là ai và thế giới từ đâu ra, đến nỗi không có thời gian chơi cầu lông ư? Joanna liệu có hiểu không?    Tại sao việc quan tâm đến câu hỏi sống còn nhất và cũng tự nhiên nhất trong các câu hỏi lại rắc rối đến vậy?    Cô cảm thấy thật hồi hộp khi mở hộp thư. Đầu tiên, cô chỉ tìm thấy một bức thư từ ngân hàng và một vài phong bì to màu nâu gửi cho mẹ. Khỉ thật! Sophie mong nhận được một lá thư nữa của người không quen biết.    Khi đóng cổng, cô nhận ra tên mình trên một trong những chiếc phong bì khổ lớn. Mặt sau phong bì ghi: "Giáo trình Triết học. Cần giữ gìn cẩn thận."    Sophie chạy ngược con đường rải sỏi, quăng cặp lên bậc thềm. Cô nhét các lá thư khác dưới đệm chùi chân rồi chạy vòng ra khu vườn sau nhà đến ẩn mình trong cái hốc. Đấy là nơi duy nhất để mở cái phong bì to.    Sherekan tới, nó nhảy theo cô, nhưng chẳng sao. Sophie biết con mèo sẽ không làm lộ bí mật.    Trong phong bì có ba trang giấy đánh máy được kẹp lại. Sophie bắt đầu đọc: Triết học là gì?    Sophie thân mến,    Mỗi người đều có sở thích riêng. Người sưu tầm tiền cổ hoặc tem nước ngoài, người đan lát, người thích chơi thể thao.    Nhiều người thích đọc sách báo. Nhưng thị hiếu về sách báo lại khác nhau rất nhiều. Một số chỉ thích đọc báo và truyện tranh, một số thích tiểu thuyết, trong khi những người khác lại thích sách về thiên văn học, động vật hoang dã, hay các khám phá khoa học.    Nếu tôi lỡ thích ngựa hoặc đá quý, tôi không thể trông đợi mọi người khác đều chia sẻ nhiệt huyết của tôi. Nếu tôi xem tất cả các chương trình thể thao trên truyền hình với một niềm say mê lớn, tôi phải chấp nhận thực tế rằng có những người thấy thể thao thật buồn tẻ.    Chẳng lẽ không có cái gì mà tất cả mọi người đều quan tâm, không có cái gì có liên quan đến tất cả mọi người, bất kể họ là ai và sống ở đâu? Có đấy, Sophie thân mến ạ. Có những câu hỏi mà ai cũng quan tâm. Đó chính là các câu hỏi làm chủ đề cho khoá học này.    Cái gì là quan trọng nhất trong cuộc đời? Nếu ta hỏi một người sắp chết đói, câu trả lời là thức ăn. Nếu ta hỏi một người sắp chết rét, câu trả lời là sự ấm áp. Nếu cùng câu hỏi ấy được đặt ra cho một người đang cảm thấy cô quạnh và đơn độc, câu trả lời có thể sẽ là sự bầu bạn.    Nhưng khi các nhu cầu cơ bản đã được thoả mãn, liệu sẽ có cái gì đó mà ai cũng cần không? Các triết gia cho là có. Họ tin rằng, con người không thể chỉ sống bằng bánh mì. Tất nhiên, ai cũng cần thức ăn. Ai cũng cần tình yêu và sự quan tâm. Nhưng ngoài ra, vẫn còn một thứ mà ai cũng cần, đó là tìm hiểu xem chúng ta là ai và tại sao chúng ta lại ở đây.    Mối quan tâm đến chuyện tại sao chúng ta tồn tại không phải là một sở thích "thông thường" như thú sưu tập tem. Những người đặt ra các câu hỏi đó đã tham gia một cuộc tranh luận kéo dài từ khi con người bắt đầu sống trên hành tinh này. Nguồn gốc của vũ trụ, Trái Đất và sự sống là câu hỏi lớn hơn và quan trọng hơn việc biết được ai là người giành được nhiều huy chương vàng nhất tại các kỳ Olympic gần đây.    Cách tốt nhất để tiếp cận triết học đó là hỏi một vài câu hỏi triết học:    Thế giới đã được tạo ra như thế nào? Có một ý chí hay ý nghĩa nào ẩn sau những gì đang xảy ra hay không? Có hay không cuộc sống sau khi chết? Làm sao để ta có thể trả lời những câu hỏi này? Và điều quan trọng nhất, ta nên sống như thế nào? Con người thời nào cũng đặt ra các câu hỏi đó. Ta không biết một nền văn hoá nào lại không quan tâm đến chuyện con người là gì và thế giới từ đâu ra.    Thực ra không có nhiều câu hỏi triết học. Ta mới chỉ hỏi một số câu trong các câu hỏi quan trọng nhất. Nhưng lịch sử đã cho ta nhiều câu trả lời khác nhau cho mỗi câu hỏi. Cho nên, hỏi còn dễ hơn là trả lời.    Ngày nay, mỗi cá nhân cũng đều phải tìm câu trả lời của chính mình cho chính những câu hỏi đó. Em không thể tra từ điển bách khoa xem Chúa Trời có tồn tại hay không, hoặc có cuộc sống sau cái chết hay không. Tự điển bách khoa cũng không thể bảo ta nên sống như thế nào. Tuy nhiên, đọc về những gì người khác đã tin có thể giúp ta định hình cách nhìn của bản thân về cuộc sống.    Công cuộc tìm kiếm sự thật của các nhà triết học cũng giống như truyện trinh thám. Có người nghỉ Andersen là tên giết người, người khác lại cho rằng thủ phạm phải là Nielsen hoặc Jensen. Đôi khi, cảnh sát phá được một vụ án. Nhưng khả năng họ không bao giờ phá được vụ án đó cũng tương đương, mặc dù có một lời giải đáp ở đâu đó. Vậy, ngay cả khi câu hỏi khó trả lời, vẫn có một - và chỉ một - câu trả lời đúng. Hoặc có một dạng tồn tại sau cái chết, hoặc không.    Khoa học ngày nay đã giải thích được rất nhiều bí ẩn cổ xưa. Chuyện phần tối của Mặt Trăng trông như thế nào đã từng được phủ một tấm màn huyền bí. Đó không phải là cái có thể được giải quyết bằng tranh luận, nó đã được dành cho trí tưởng tượng của mỗi người. Nhưng ngày nay, chúng ta đã biết chính xác nửa tối của Mặt Trăng trông như thế nào, không ai còn có thể "tin" rằng có người Mặt Trăng, hoặc rằng Mặt Trăng được làm bằng pho mát xanh.    Một triết gia Hy Lạp sống cách đây hơn hai nghìn năm đã tin rằng triết học bắt nguồn từ khả năng ngạc nhiên của con người. Con người đã cảm thấy ngạc nhiên về sự sống của mình đến mức đã tự đưa ra các câu hỏi triết học đó.    Nó giống như xem một trò ảo thuật. Chúng ta không hiểu trò ảo thuật được thực hiện như thế nào, và ta hỏi: nhà ảo thuật làm thế nào để biến một đôi khăn lụa trắng thành một con thỏ sống?    Nhiều người nhìn thế giới với sự hoài nghi y như khi thấy nhà ảo thuật bất ngờ lôi ra một con thỏ từ trong một cái mũ mà trước đó người ta đã thấy nó trống rỗng.    Về chuyện con thỏ, ta biết nhà ảo thuật đã lừa chúng ta. Nhưng ta muốn biết ông ta đã làm như thế nào. Đối với thế giới thì khác. Ta biết rằng thế giới không phải một trò nhanh tay nhanh mắt, vì ta đang sống trong đó, ta là một phần của nó. Thực ra, ta là con thỏ trắng được kéo ra khỏi chiếc mũ. Điều khác biệt duy nhất giữa ta và con thỏ đó là con thỏ không ý thức được chuyện nó đang tham gia trò ảo thuật. Còn ta, ta cảm thấy mình là một phần của cái gì đó huyền bí, và ta muốn hiểu điều huyền bí đó.    T.B.: Về chuyện con thỏ, có lẽ nên so sánh nó với vũ trụ thì hơn. Ta ở đây chỉ là những con bọ cực nhỏ ở sâu trong đám lông thỏ. Còn các nhà triết học luôn cố leo lên đỉnh những sợi lông mảnh để nhìn thẳng vào mắt nhà ảo thuật.    Em vẫn nghe tôi đấy chứ, Sophie? Còn nữa...    Sophie hoàn toàn kiệt sức. Vẫn nghe? Cô hầu như quên thở trong khi đọc.    Ai đã đem lá thư này đến? Không thể là người đã gửi thiệp sinh nhật cho Hilde Moller Knag, bởi trên tấm thiệp có cả tem và dấu bưu điện. Còn chiếc phong bì nâu đã được trực tiếp mang đến hộp thư, giống như hai chiếc phong bì trắng.    Sophie nhìn đồng hồ, mới ba giờ kém mười lăm. Hơn hai tiếng nữa mẹ mới về.    Sophie bỏ vào vườn và chạy tới hộp thư. Biết đâu có một lá thư nữa.    Cô tìm thấy một chiếc phong bì nâu nữa với tên mình trên đó. Lần này, cô nhìn quanh nhưng không thấy ai. Sophie chạy tới bìa rừng và nhìn xuống con đường mòn.    Chẳng có ai. Bỗng cô nghe như có tiếng một cành cây gãy ở sâu trong rừng. Nhưng cô không dám chắc, và dù sao thì cũng chẳng nên đuổi theo một người cố tình trốn làm gì.    Sophie về nhà, lên phòng mình và lấy ra một chiếc hộp đựng bánh to bằng thiếc đựng đầy những viên đá đẹp mắt. Cô trút hết đá ra sân và đặt hai chiếc phong bì lớn vào trong hộp. Rồi cô lại vội vã ra vườn, hai tay ôm chặt chiếc hộp thiếc. Trước khi đi, cô cho Sherekan một chút thức ăn.    "Miu miu, miu miu!"    Quay lại hốc, cô mở chiếc phong bì nâu thứ hai, lôi ra những trang giấy đánh máy mới. Cô bắt đầu đọc. Một sinh vật kì lạ    Chúng ta lại gặp nhau! Như em thấy, giáo trình triết học nhỏ này sẽ đến dần từng ít một. Sau đây là một số lưu ý nhập môn khác:    Tôi đã nói rằng phẩm chất duy nhất cần thiết để trở thành một triết gia tốt là khả năng ngạc nhiên, phải không? Nếu chưa, tôi sẽ nói bây giờ đây: PHẨM CHẤT DUY NHẤT MÀ TA CẦN ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT NHÀ TRIẾT HỌC TỐT LÀ KHẢ NĂNG NGẠC NHIÊN.    Trẻ con có khả năng này. Điều đó chẳng có gì lạ. Sau vài tháng trong bụng mẹ, chúng rơi tuột vào một thực tại hoàn toàn mới mẻ. Nhưng khi lớn lên, tài ngạc nhiên dường như mất dần. Tại sao vậy? Em có biết không? Nếu một đứa trẻ sơ sinh có thể nói, có lẽ nó sẽ nói gì đó rằng nó đã đến một thế giới thật phi thường. Ta có thể thấy nó nhìn quanh và tò mò cố với lấy mọi thứ mà nó nhìn thấy.    Khi dần dần học nói, đứa trẻ ngẩng lên và bi bô "Bâu-uâu" mỗi khi nó nhìn thấy một con chó. Nó nhấp nhổm trong xe đẩy và vẫy tay: "Bâu-uâu! Bâu-uâu!". Chúng ta, những người lớn tuổi hơn và từng trải hơn, có thể cảm thấy hơi mệt mỏi vì sự nhiệt tình của đứa trẻ. Ta nói một cách dửng dưng: "Được rồi, được rồi, đó là một con Bâu-uâu, con ngồi yên nào!" Chúng ta không cảm thấy ngạc nhiên sung sướng. Ta đã nhìn thấy con chó nhiều lần rồi.    Sự kiện sung sướng này có thể lặp lại hàng trăm lần trước khi đứa trẻ học được cách đi ngang qua một con chó, một con voi, hay một con hà mã mà không cuống cuồng lên. Nhưng rất lâu trước khi đứa trẻ có thể nói sõi, và rất lâu trước khi nó biết suy nghĩ một cách triết học, thế giới đã trở thành một thói quen.    Thật đáng tiếc, nếu em muốn biết tôi đang nghĩ gì!    Sophie thân mến, mối quan tâm của tôi là em sẽ không lớn lên thành một trong những người cho thế giới là điều hiển nhiên. Vậy để cho chắc chắn, ta sẽ làm một số thử nghiệm nhỏ trong suy nghĩ trước khi ta bắt đầu khoá học.    Hãy tưởng tượng một hôm em đi dạo trong rừng. Bất chợt em nhìn thấy một con tàu vũ trụ trên con đường trước mặt. Một người Sao Hoả nhỏ xíu trèo ra khỏi chiếc tàu và đứng nhìn em chăm chăm...    Em sẽ nghĩ gì? Chẳng sao, điều đó không quan trọng. Nhưng có bao giờ em nghĩ rằng chính em cũng là một người Sao Hoả không?    Hiển nhiên, khó có chuyện em sẽ gặp người hành tinh khác. Chúng ta thậm chí không biết có cuộc sống trên hành tinh khác hay không. Nhưng một ngày nào đó, em có thể gặp chính mình. Trong một cuộc đi dạo trong rừng như vậy, em có thể bất ngờ dừng lại và nhìn thấy bản thân mình trong một ánh sáng hoàn toàn mới.    Em sẽ nghĩ: mình là một sinh vật lạ thường, một sinh vật bí ẩn.    Em cảm thấy như mình vừa tỉnh dậy từ một giấc ngủ bị phù phép. Mình là ai? Em tự hỏi. Em biết mình đang lang thang trên một hành tinh trong vũ trụ. Nhưng vũ trụ là cái gì?    Nếu em tìm hiểu bản thân theo kiểu này, em sẽ thấy một cái gì đó bí ẩn không kém người Sao Hoả mà ta vừa nói đến. Em sẽ không chỉ thấy một sinh vật từ vũ trụ, em sẽ cảm nhận từ trong tâm thức rằng mình chính là một sinh vật lạ thường.    Em có theo kịp không, Sophie? Ta hãy làm một thử nghiệm tưởng tượng khác.    Một buổi sáng. Bố, Mẹ và bé Thomas mới hai hoặc ba tuổi đang ăn sáng trong bếp. Một lát sau, Mẹ đứng dậy và đi về phía bồn rửa bát, còn Bố bay lên lơ lửng trên trần nhà trong khi Thomas ngồi nhìn chăm chú. Theo em, Thomas sẽ nói gì? Có lẽ, bé sẽ chỉ Bố và nói "Bố đang bay!" Chắc chắn Thomas sẽ ngạc nhiên, nhưng hàng ngày đã có rất nhiều điều lạ lẫm đối với bé. Bố đã làm bao nhiêu việc kỳ lạ nên chuyến bay trong bữa ăn sáng cũng không có gì đặc biệt lắm. Hàng ngày Bố cạo râu bằng một cái máy trông rất ngộ. Thỉnh thoảng, Bố lại leo lên mái nhà xoay ăng-ten, hoặc không thì chui đầu vào gầm ô tô rồi chui ra với bộ mặt đen xì.    Bây giờ đến lượt Mẹ. Mẹ nghe thấy Thomas nói và quay ngoắt lại. Theo em, ba sẽ phản ứng như thế nào trước cảnh Bố bồng bềnh trôi lững lờ phía trên bàn bếp?    Bà buông hũ mứt và thét lên vì hoảng sợ. Thậm chí Mẹ có thể cần được chăm sóc sức khoẻ một khi Bố đã quay xuống ngồi yên vị trên ghế. (Đáng ra đến giờ Bố đã phải học được cách cư xử tại bàn ăn rồi mới phải!) Theo em, tại sao Thomas và mẹ của bé lại phản ứng khác nhau đến vậy?    Tất cả là do thói quen. (Hãy nhớ nhé!) Mẹ đã biết rằng con người không thể bay. Thomas thì chưa. Bé vẫn chưa biết chắc những gì ta có thể và không thể làm được trên Trái Đất này.    Nhưng còn chính Trái Đất thì sao, Sophie? Em có cho rằng nó có thể làm được những gì nó đang làm không? Trái Đất cũng đang trôi trong vũ trụ.    Đáng buồn là trọng lực không phải cái duy nhất trở thành thói quen khi ta lớn lên. Chẳng bao lâu, chính thế giới cũng thành điều hiển nhiên. Có vẻ như khi lớn lên, ta mất dần khả năng ngạc nhiên về thế giới. Khi đó, ta đánh mất một cái gì đó rất trung tâm - cái mà các nhà triết học cố gắng khôi phục. Ở đâu đó trong chúng ta, cái gì đó bảo ta rằng cuộc sống là một bí ẩn lớn lao. Đó chính là điều ta đã từng trải qua, từ rất lâu trước khi ta học cách suy nghĩ này.    Nói một cách chính xác hơn: tuy các vấn đề triết học có liên quan đến tất cả chúng ta, không phải ai trong chúng ta cũng trở thành triết gia. Do nhiều lý do mà hầu hết mọi  người đều quá bận bịu với những chuyện thường ngày đến nỗi không còn tâm trí để thấy ngạc nhiên vê thế giới. (Họ chui sâu bên trong bộ lông thỏ, cảm thấy sự ấm cúng dưới đó thật dễ chịu và yên vị tại đó cho đến hết cuộc đời.)    Đối với trẻ con, thế giới và mọi thứ trong đó đều mới mẻ và đáng ngạc nhiên. Còn người lớn thì khác. Hầu hết người lớn thừa nhận thế giới như một chuyện hiển nhiên.    Đó chính là chỗ mà các triết gia là một ngoại lệ đáng trân trọng. Một triết gia không bao giờ thật sự quen với thế giới. Đối với họ, thế giới lúc nào cũng có vẻ hơi không hợp lý, khó hiểu, thậm chí kỳ bí. Do vậy, các triết gia và trẻ nhỏ có cùng một khả năng quan trọng. Ta có thể nói rằng nhà triết học suốt đời nhạy cảm như một đứa trẻ.    Sophie, bây giờ em hãy chọn lựa. Có phải em là một đứa trẻ chưa trở nên không còn hứng thú với thế giới? Hay em là một triết gia, người thề sẽ không bao giờ trở nên như vậy?    Nếu em chỉ lắc đầu, không nhận thấy mình là một đứa trẻ hay một triết gia, thì em đã quá quen với thế giới đến  nỗi nó chẳng còn làm em ngạc nhiên nữa. Hãy cẩn thận! Em đang đứng trên băng mỏng. Đó chính là lý do em đang tiếp nhận khoá triết học này. Em là người mà tôi sẽ không cho phép ra nhập nhóm những người dửng dưng thờ ơ. Tôi muốn em có một cái đầu luôn tò mò.    Khoá học này miễn phí, nên em sẽ không được tiền bồi hoàn nếu bỏ dở. Nếu muốn, em có thể bỏ ngang bất cứ lúc nào. Trong trường hợp đó, em cần để lại một lời nhắn vào hộp thư cho tôi. Một con ếch thì tuyệt. Hoặc ít nhất một cái gì đó màu xanh để khỏi làm bác đưa thư phát hoảng.    Tóm lại, một chú thỏ được lôi ra từ một cái mũ cao vành. Vì đây là một con thỏ khổng lồ nên trò ảo thuật kéo dài nhiều tỷ năm. Mọi sinh vật đều được sinh ra ở đầu những sợi lông mịn của con thỏ, nơi có thể ngạc nhiên về sự không thể tin được của trò ảo thuật. Nhưng khi lớn lên, chúng chui sâu dần vào bộ lông thỏ. Và chúng ở lại đó. Chúng cảm thấy thoải mái đến mức không bao giờ dám bò lên sợi lông mảnh lần nữa. Chỉ có các triết gia bắt đầu chuyến du hành nguy hiểm về phía tận cùng của ngôn ngữ và sự tồn tại. Một số bị rơi, những người khác cố gắng bám trụ và hét gọi những người đang yên ổn trong sự mềm mại ấm cúng, no say với rượu và thức ăn ngon.    "Hỡi các quý bà và quý ông", họ hét, "chúng ta đang trôi trong không gian!" Nhưng những người ở dưới chẳng ai buồn quan tâm.    "Thật là một lũ lắm chuyện!" họ nói, rồi lại tiếp tục tán chuyện: Bà làm ơn chuyển cho tôi đĩa bơ. Hôm nay chứng khoán của ta đã tăng bao nhiêu? Cà chua giá cả thế nào? Bà đã nghe tin công nương Di lại mới có bầu chưa?        Cuối buổi chiều, khi mẹ cô đi làm về, Sophie vẫn chưa hết sốc. Cô cẩn thận giấu chiếc hộp thiếc đựng các lá thư của triết gia bí hiểm trong hốc. Sophie cố gắng bắt tay vào làm bài tập nhưng tâm trí cô không thể thoát khỏi những điều vừa đọc.    Cô chưa bao giờ nghĩ nhiều đến vậy! Cô không còn là một đứa trẻ, nhưng cô cũng chưa phải là người lớn. Sophie nhận ra rằng mình đã bắt đầu bò xuống, về phía bộ lông ấm áp của con thỏ đã được lôi ra từ chiếc mũ cao vành của vũ trụ. Nhà triết học đã giữ cô lại. Ông ấy - hay bà ấy? - đã tóm gáy cô và kéo lên, đưa cô trở lại nơi cô đã đùa chơi khi còn bé. Và ở đó, nơi tận cùng của những sợi lông mịn, cô lại một lần nữa nhìn thế giới như mới lần đầu.    Nhà triết học đã cứu cô. Không nghi ngờ gì nữa. Người viết thư lạ mặt đã cứu cô khỏi sự tầm thường của cuộc sống hàng ngày.    Khi mẹ về nhà lúc năm giờ chiều, Sophie kéo bà vào phòng khách và ấn bà vào chiếc ghế bành.    "Mẹ, mẹ có thấy là cuộc sống thật lạ kỳ không?" cô bắt đầu.    Mẹ cô sửng sốt đến nỗi bà không thể nói gì. Thường ngày, khi bà về đến nhà thì Sophie đang học bài.    "Có lẽ là có,...thỉnh thoảng," bà nói.    "Thỉnh thoảng ư?" "Vâng, nhưng...mẹ có thấy thật đáng ngạc nhiên là thế giới đang tồn tại không?"    "Thôi nào, Sophie. Con sao vậy?"    "Sao ạ? Chắc mẹ cho rằng thế giới này rất bình thường?"    "Không phải thế à? Dù sao thì cũng không ít thì nhiều."    Sophie nhận ra rằng nhà triết học đã nói đúng. Người lớn coi thế giới là chuyện hiển nhiên. Họ đã để mình bị ru vào giấc ngủ say của sự tồn tại nhàm chán của mình, thế là xong.    "Mẹ đã quá quen với thế giới đến nỗi chẳng có gì làm mẹ ngạc nhiên nữa."    "Con đang nói về chuyện gì vậy?"    "Ý con là mẹ đã quá quen với tất cả mọi thứ. Nói cách khác, mẹ chẳng thấy cái gì hết."    "Con không được nói với mẹ bằng cái giọng đó!"    "Thôi được, con sẽ nói lại theo kiểu khác. Mẹ đã tự tạo một chỗ ấm cúng ở dưới sâu trong bộ lông của con thỏ trắng - con thỏ đang được lôi ra từ trong chiếc mũ cao vành của vũ trụ. Một phút nữa mẹ sẽ đặt khoai tây lên bếp. Tiếp theo mẹ sẽ đọc báo. Sau nửa tiếng nằm nghĩ, mẹ sẽ xem chương trình tin tức trên TV!"    Mẹ cô lộ vẻ lo lắng. Quả thật, bà vào bếp đặt nồi khoai tây. Một lúc sau, bà quay lại phòng khách, và lần này bà là người ấn Sophie ngồi xuống ghế bành.    "Mẹ phải nói với con điều này", bà bắt đầu. Sophie có thể nhận rõ sự nghiêm túc trong giọng nói của mẹ.    "Con chưa dính vào ma tuý đấy chứ, con gái?"    Sophie suýt thì bật cười, nhưng cô hiểu tại sao mẹ lại hỏi câu đó vào lúc này:    "Mẹ điên à?" Cô nói. "Chuyện này càng chứng tỏ mẹ chẳng hiểu gì."    Chiều hôm đó, họ không nói gì thêm về thỏ hay ma tuý nữa. HUYỀN THOẠI ...một thế quân bình mong manh giữa các lực lượng thiện và ác...    Sáng hôm sau, không có một bức thư nào cho Sophie. Cả một ngày lê thê chán ngắt ở trường. Cô cố tỏ ra thân mật với Joanna. Trên đường về, họ bàn chuyện đi cắm trại ngay khi rừng đủ khô ráo.    Thời gian gần như vô tận cho đến khi Sophie đến được chỗ cái hộp thư. Đầu tiên, cô mở một bức thư gửi từ Mexico. Đó là thư của bố cô. Ông viết về nỗi nhớ nhà và về lần đầu tiên ông đánh cờ thắng sĩ quan chỉ huy. Ngoài ra, ông đã đọc gần xong đống sách ông đã mang theo sau kỳ nghỉ đông.    Và tiếp theo, nó kia rồi - một chiếc phong bì màu nâu với tên cô trên đó! Cất cặp và các lá thư khác vào nhà, Sophie chạy đến chỗ cái hốc. Cô lấy ra những tờ giấy mới đánh máy và bắt đầu đọc: Bức tranh huyền thoại về thế giới    Chào Sophie! Ta có rất nhiều việc phải làm, vậy hãy bắt đầu ngay không chậm trễ.    Triết học là một lối tư duy hoàn toàn mới, nó được phát triển ở Hy Lạp vào khoảng 600 năm trước Công Nguyên. Cho đến thời điểm đó, nhiều người đã tìm ra lời giải đáp cho tất cả các câu hỏi của mình trong các tôn giáo khác nhau. Những lời giải thích mang màu sắc tôn giáo này được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác dưới dạng các huyền thoại. Một huyền thoại là một câu chuyện về các thần thánh, nó được đặt ra để giải thích các hiện tượng trong cuộc sống.    Qua nhiều thiên niên kỷ, trải khắp thế giới là sự nở rộ của những cách giải thích mang tính huyền thoại cho các câu hỏi triết học. Các nhà triết học Hy Lạp đã cố gắng chứng minh rằng các cách giải thích đó không đáng tin cậy.    Để hiểu được lối tư duy của các triết gia tiên khởi, ta phải hiểu một bức tranh huyền thoại về thế giới nghĩa là như thế nào. Ta có thể lấy ngay một vài huyền thoại Na Uy làm ví dụ. (Không cần chở củi về rừng.)    Có lẽ em đã nghe kể về thần Thor và cái búa của ngài. Trước khi Ki Tô giáo đến Na Uy, người ta tin rằng thần Thor thường bay ngang qua bầu trời trên một cỗ xe hai dê kéo. Khi ngài vung búa, nó sẽ tạo ra sấm sét. Từ "sấm" trong tiếng Na Uy - "Thor dØn" - có nghĩa là tiếng gầm của Thor. Trong tiếng Thuỵ Điển, từ "sấm" là "åska", xưa là "ås-aka", có nghĩa "chuyến đi của thần thánh" qua thiên đàng.    Khi có sấm chớp thì cũng có mưa - sự sống còn đối với nông dân Viking. Do đó, Thor còn được thờ làm thần của sự phì nhiêu.    Do đó, cách giải thích thần thoại về hiện tượng mưa là khi thần Thor vung búa. Và khi mưa xuống, ngô nảy mầm và đua nhau vươn lên trên các cánh đồng.    Người ta đã không hiểu vì sao cây cối mọc và cho mùa màng. Nhưng rõ ràng, điều đó có liên quan tới mưa. Và khi tất cả đều tin rằng mưa là do thần Thor, ngài trở thành một trong những vị thần quan trọng nhất của Na Uy.    Vai trò quan trọng của thần Thor còn có một lý do liên quan đến trật tự của cả thế giới.    Người Viking cho rằng, thế giới, nơi con người sinh sống giống như một hòn đảo luôn bị đe doạ từ bên ngoài. Họ gọi phần thế giới này là Midgard, có nghĩa là vương quốc ở giữa. Bên trong Midgrad là Asgard - nơi ở của các thần thánh. Bên ngoài Midgrad là vương quốc Utgard, miền đất của những tên khổng lồ xảo trá, chúng dùng mọi thủ đoạn hòng phá huỷ thế giới. Những tên ác quỷ này thường được gọi là "các lực lượng hỗn mang". Không chỉ trong thần thoại Na Uy mà trong hầu hết các nền văn hoá khác, người ta đều thấy một thế quân bình mong manh giữa các lực lượng thiện và ác.    Một trong những phương cách mà bọn khổng lồ có thể sử dụng để tiêu diệt Midgard đó là bắt cóc Freyja, nữ thần của sự phì nhiêu. Nếu bọn chúng thành công, sẽ không còn thứ gì mọc trên đồng và phụ nữ sẽ không thể sinh con. Vậy nên, giữ chúng trong tầm kiểm soát là nhiệm vụ có vai trò sống còn.    Thor là nhân vật trung tâm của cuộc chiến đấu với bọn khổng lồ. Lưỡi búa của ngài không chỉ để làm mưa; đó còn là một vũ khí quan trọng để chống lại các thế lực hỗn mang nguy hiểm. Nó cho ngài sức mạnh gần như vô hạn. Chẳng hạn, ngài có thể ném nó vào kẻ thù để giết chúng. Và ngài không bao giờ phải lo mất búa vì nó luôn luôn quay lại, y như một cái boomerang.    Đó là một lời giải thích mang tính thần thoại về chuyện sự cân bằng thiên nhiên đã được gìn giữ như thế nào và tại sao lại có cuộc đấu tranh không ngừng giữa thiện và ác. Và đây chính là kiểu giải thích mà các nhà triết học bác bỏ.    Nhưng đó không chỉ là lời giải thích đơn thuần.    Con người không thể ngồi khoanh tay đợi các vị thần can thiệp khi thiên tai như hạn hán, dịch bệnh hoành hành. Họ phải tự hành động trong cuộc đấu tranh chống cái ác. Họ làm việc đó bằng cách tổ chức các nghi lễ tôn giáo đa dạng. Nghi lễ tôn giáo nổi bật nhất ở Bắc Âu thời cổ là lễ dâng cúng. Dâng cúng cho một vị thần làm tăng sức mạnh của vị thần đó. Chẳng hạn, con người đã phài dâng cúng các thần để mang lại cho họ sức mạnh chiến thắng các lực lượng hỗn mang. Hình thức dâng cúng cho thần có thể là hiến sinh một con vật. Đồ cúng thần Thor thường là một con dê. Với thần Odin, có khi phải dùng con người làm vật hiến sinh. Huyền thoại nổi tiếng nhất ở các nước vùng Bắc Âu bắt nguồn từ bài thơ cổ kiểu Iceland "Bài thơ về Thrym". Huyền thoại kể về thần Thor. Một lần khi ngủ dậy, thần phát hiện ra mình đã mất búa, thần bực tức đến nỗi hai bàn tay run bần bật, và bộ râu cũng rung lên. Thần cùng người giúp việc Loki đi gặp Freyja hỏi mượn đôi cánh để bay đến xứ Jotunheim, xứ sở của bọn khổng lồ, để tìm hiểu xem có phải chúng đã lấy trộm chiếc búa. Tại Jotunheim, Loki gặp Thrym, vua của bọn khổng lồ. Hắn khoe đã giấu cây búa sâu bảy dặm dưới lòng đất. Hắn còn nói thêm rằng Thor sẽ không lấy lại được cây búa chừng nào hắn chưa cưới được Freyja làm vợ. Em có tưởng tượng được không, Sophie? Bỗng nhiên, các thần thiện thấy mình ở giữa một vụ bắt cóc con tin. Bọn khổng lồ đã đoạt được vũ khí phòng thủ sống còn của các thần. Đây là một tình thế hoàn toàn không thể chấp nhận được. Một khi bọn khổng lồ còn giữ chiếc búa của Thor, chúng còn kiểm soát toàn bộ thế giới của thần và người. Để đổi lấy cây búa, chúng đòi Freyja. Nhưng điều này cũng không thể chấp nhận được. Nếu các thần phải bỏ nữ thần của mùa màng và sự phì nhiêu - người bảo vệ sự sống - thì cỏ sẽ biến mất trên các cánh đồng và tất cả các thần và con người sẽ chết. Tình thế bế tắc. Câu chuyện tiếp tục với việc Loki quay về Asgard bảo Freyja mặc trang phục cô dâu vì nàng sẽ phải cưới vua khổng lồ. Freyja giận dữ nói rằng nếu nàng bằng lòng lấy một tên khổng lồ, mọi người sẽ nghĩ rằng nàng mắc bệnh cuồng dâm. Khi đó, thần Heimdall nghĩ ra một cách. Thần gợi ý Thor cải trang thành cô dâu. Với mái tóc quấn lên và hai hòn đá độn dưới ngực áo, trông thần sẽ giống một phụ nữ. Có thể đoán là Thor không thích thú ý tưởng này lắm, nhưng thần hiểu đây là cách duy nhất để đoạt lại cây búa. Vậy là Thor để mọi người trang điểm cho mình thành cô dâu và Loki thành nàng hầu. Nói theo ngôn ngữ hiện đại, Thor và Loki là "đội đặc nhiệm chống khủng bố" của các vị thần. Cải trang thành phụ nữ, nhiệm vụ của họ là thâm nhập pháo đài của bọn khổng lồ để đoạt lại cây búa của thần Thor. Khi các vị thần đến Jotunheim, bọn khổng lồ bắt đầu chuẩn bị một bữa tiệc cưới lớn. Nhưng trong bữa tiệc, cô dâu Thor chén hết cả một con bò và tám con cá hồi. Thần còn uống hết ba thùng bia. Thrym rất đỗi kinh ngạc. "Đội đặc nhiệm" suýt bị lộ mặt. Nhưng Loki đã đẩy lùi mối nguy hiểm bằng cách giải thích rằng cô dâu đã mong được đến Jotunheim đến nỗi nàng đã không ăn uống gì trong suốt một tuần liền. Khi Thrym vén tấm voan cưới để hôn cô dâu, hắn giật mình nhìn thấy đôi mắt rực lửa của Thor. Một lần nữa, Loki cứu vãn tình hình bằng cách giải thích rằng cô dâu đã thức suốt một tuần do quá hồi hộp vì đám cưới. Yên tâm , Thrym  ra lệnh đem cây búa đến đặt trong phòng cô dâu khi cử hành hôn lễ. Thần Thor cười phá lên khi nhận được cây búa. Trước hết, thần giết Thrym, sau đó thần quét sạch bọn khổng lồ và họ hàng của chúng. Thế là vụ con tin ghê gớm đã kết thúc tốt đẹp. Thor - Ngươi Dơi, hay điệp viên 007 của các vị thần - lại một lần nữa chiến thắng cái ác. Kể chuyện thần thoại thế là đủ. Nhưng ý nghĩa thực sự đằng sau đó là gì? Huyền thoại được xây dựng không chỉ để giải trí. Huyền thoại còn cố gắng giải thích điều gì đó. Đây là một lời giải thích có thể chấp nhận được. Khi hạn hán xảy ra, con người tìm cách giải thích tại sao trời không mưa. Có phải là do bọn khổng lồ đánh cắp cây búa của thần Thor? Có lẽ huyền thoại là một cố gắng giải thích sự thay đổi của các mùa trong năm: mùa đông, thiên nhiên chết vì cây búa của thần Thor đang ở Jotunheim. Nhưng đến mùa xuân, thần giành lại được cây búa. Vậy huyền thoại cố gắng đưa ra sự giải thích cho một điều gì đó mà con ngừơi chưa thể hiểu. Nhưng huyền thoại không chỉ là một lời giải thích. Người ta còn tổ chức các nghi lễ tôn giáo liên quan đến các huyền thoại. Ta có thể hình dung khi gặp hạn hán hoặc mất mùa, người ta sẽ diễn lại một vở kịch về các sự kiện trong huyền thoại. Có thể một anh trai làng sẽ mặc trang phục cô dâu - với hai hòn đá độn ngực - để chiếm lại cây búa từ tay bọn khổng lồ. Làm như vậy, người ta cho rằng mình đã làm được gì đó giúp đem mưa đến cho mùa màng trên đồng. Ở nhiều nơi khác trên thế giới, có rất nhiều ví dụ về cách con người kịch hóa huyền thoại về các mùa để thúc giục các quá trình của tự nhiên. Chúng ta chỉ mới nhìn qua thế giới huyền thoại Bắc Âu cổ. Có vô số huyền thoại về các thần Thor và Odin, Freyr và Freyja, Hoder và Balder cùng nhiều vị thần khác. Các khái niệm thần thoại kiểu này đã phát triển mạnh mẽ trên khắp thế giới cho đến khi các nhà triết học bắt đầu can thiệp. Một bức tranh thần thoại về thế giới cũng đã tồn tại ở Hy Lạp khi lý luận triết học đầu tiên đang được phát triển. Suốt nhiều thế kỷ, các câu chuyện về các vị thần Hy Lạp đã được truyền từ đời này sang đời khác. Ở Hy Lạp, các vị thần được gọi là Zeus và Apollon, Hera và Athene, Dionysos và Asclepios, Heracles và Hephaestos. Đấy mới chỉ là kể qua một vài vị thần. Khoảng năm 700 trước Công nguyên, phần lớn thần thoại Hy Lạp được Homer và Hesiod chép lại. Việc này đã tạo ra  một tình thế mới. Khi các huyền thoại tồn tại dưới dạng văn viết, thì người ta có thể thảo luận về chúng. Các triết gia đầu tiên của Hy Lạp đã chỉ trích các truyền thuyết của Homer vì các thần quá giống người thường, họ cũng ích kỷ và mưu mô không kém. Lần đầu tiên, huyền thoại được xem là không phải là gì khác ngoài các khái niệm của chính con người. Triết gia Xenophanes, người sống vào khoảng năm 570 trước Công nguyên, là một đại diện của quan điểm này. Ông nói, con người đã tạo nên các thần theo hình ảnh của chính mình. Họ tin rằng các thần đã được sinh ra, họ có cơ thể, quần áo, ngôn ngữ như chúng ta vậy. Người Ethiopia tin rằng các vị thần da đen và mũi tẹt, dân xứ Thrace lại tưởng tượng các vị thần mắt xanh tóc vàng. Nếu bò, ngựa, và sư tử biết vẽ, hẳn chúng cũng sẽ vẽ thần thánh trông giống bò, ngựa, và sư tử! Thời đó, Hy Lạp thành lập nhiều thành bang ở cả Hy Lạp và các nước thuộc địa của Hy Lạp tại miền nam Italia và vùng Tiểu Á, nơi mọi công việc chân tay đều dành cho nô lệ, còn các công dân được tự do dành trọn thời gian cho chính trị và văn hóa. Trong các môi trường thành thị này, người ta bắt đầu suy nghĩ theo một cách hoàn toàn mới. Với danh nghĩa cá nhân, mỗi công dân đều có quyền đặt câu hỏi về việc xã hội nên được tổ chức như thế nào. Do đó, mọi cá nhân đều có quyền đặt ra các câu hỏi triết học mà không viện dẫn tới các huyền thoại cổ. Ta gọi đây là sự phát triển từ kiểu tư duy huyền bí thành lối tư duy dựa vào kinh nghiệm và lý luận. Mục đích của các nhà triết học Hy Lạp tiên khởi là tìm ra lời giải thích tự nhiên, thay vì siêu nhiên, cho các quá trình của thiên nhiên. Sophie ra khỏi cái hốc và đi lang thang trong khu vườn rộng. Cô cố gắng quên những gì đã học ở trường, đặc biệt trong các giờ khoa học. Nếu cô lớn lên trong khu vườn này mà không biết tí gì về thiên nhiên, cô sẽ cảm nhận như thế nào về mùa xuân? Liệu cô có cố tìm ra một cách nào đó để giải thích tại sao thỉnh thoảng trời bất chợt mưa? Liệu cô có nghĩ ra một câu chuyện tưởng tượng nào đó để giải thích chuyện tuyết trốn đi đâu và tại sao mặt trời mọc mỗi buổi sáng? Có, chắc chắn là có. Cô bắt đầu bịa ra một câu chuyện: Mùa đông giữ mặt đất trong bàn tay băng giá vì tên Muriat xấu xa đã nhốt nàng công chúa Sikita xinh đẹp trong ngục tối lạnh lẽo. Một buổi sáng, chàng hoàng tử Bravato dũng cảm đến cứu công chúa. Sikita hạnh phúc đến nỗi nàng nhảy múa trên đồng cỏ, hát một bài ca mà nàng đã sáng tác trong ngục tối. Mặt đất và cây cỏ cảm động đến nỗi tuyết biến thành những giọt nước mắt. Rồi mặt trời lên và làm khô nước mắt. Chim chóc bắt chước bài hát của Sikita. Và khi nàng công chúa xinh đẹp xõa suối tóc vàng, một vài lọn tóc rơi xuống đất và biến thành những bông hoa ly trên đồng... Sophie rất thích câu chuyện đẹp của mình. Nếu cô chưa biết các cách giải thích khác về sự chuyển đổi của các mùa, chắc hẳn cuối cùng cô sẽ tin vào câu chuyện của chính mình. Cô hiểu rằng con người đã luôn cảm thấy một nhu cầu giải thích các quá trình của thiên nhiên. Có lẽ họ không thể sống mà không có những lời giải thích đó. Vì vậy, họ đã tạo ra các huyền thoại vào cái thời mà chưa có cái gọi là khoa học. CÁC NHÀ TRIẾT HỌC TỰ NHIÊN ...chẳng có gì nảy sinh từ hư vô...   Chiều hôm đó, khi mẹ đi làm về, Sophie đang ngồi trong cái tàu lượn, mải mê suy nghĩ về mối liên hệ giữa khóa triết học và Hilde MØller Knag, người sẽ không nhận được thiệp mừng sinh nhật của bố mình.  Mẹ cô gọi từ phía cuối vườn, "Sophie! Có một bức thư cho con này!" Cô giật mình. Cô đã lấy hết thư trong hộp thư, vậy đây phải là lá thư của nhà triết học. Cô phải nói với mẹ thế nào bây giờ? "Không dán tem. Có khi là thư tình đấy!" Sophie cầm lấy bức thư. "Con không định bóc thư à?" Cô phải tìm cách chối. "Mẹ đã bao giờ thấy ai bóc thư tình trong khi bà mẹ đang nhòm từ đằng sau chưa?" Cứ để mẹ cô nghĩ đây là một bức thư tình. Dù sao cũng còn đỡ xấu hổ hơn là nếu mẹ phát hiện cô đang học từ xa với một người hoàn toàn xa lạ, một nhà triết học đang chơi trò trốn tìm với cô. Đó là một chiếc phong bì nhỏ màu trắng. Khi lên đến phòng mình, Sophie đọc thấy ba câu hỏi mới: Có chất cơ bản nào mà mọi vật đều có cấu tạo từ đó? Nước có thể biến thành rượu được không? Làm thế nào mà đất và nước tạo ra được một con ếch sống? Sophie thấy những câu hỏi này thật ngớ ngẩn. Tuy nhiên, chúng vẫn ám ảnh cô suốt buổi tối. Ngày hôm sau, cô vẫn nghĩ về chúng khi ở trường, cô xem xét từng câu hỏi một. Có thể có một "chất cơ bản" nào mà từ đó sinh ra mọi thứ hay không? Nếu có một chất nào đó như vậy, làm thế  nào mà nó bỗng dưng biến thành một bông hoa hay một con voi được? Ý kiến phản đối tương tự với câu hỏi nước có biến thành rượu được không. Sophie nhớ trong Kinh Thánh có đoạn Jesus biến nước thành rượu vang, nhưng cô không bao giờ hiểu nó theo nghĩa đen. Và nếu Jesus quả thực đã biến nước thành rượu, thì đó là một phép mầu nên nó là việc mà bình thường không thể thực hiện được. Sophie biết rằng không chỉ trong rượu mà trong tất cả các sinh vật đang sinh trưởng cũng có rất nhiều nước. Ngay cả khi trong quả dưa chuột có đến 95% là nước thì trong đó hẳn vẫn phải có cái gì đó khác nữa, vì dưa chuột là dưa chuột chứ không phải là nước. Bây giờ đến câu hỏi về ếch. Sao ông thầy triết học của cô thích nói đến ếch nhỉ! Sophie có thể công nhận rằng trong một con ếch có chứa đất và nước, trong trường hợp đó, đất phải gồm có nhiều loại chất khác nhau. Nếu đất chứa rất nhiều chất, rõ ràng là đất và nước đi với nhau có thể tạo ra một con ếch. Nghĩa là nếu đất và nước đi qua trứng ếch và nòng nọc. Vì một con ếch không thể mọc ra từ một cái mầm bắp cải được, cho dù ta có tưới nước kiểu gì đi nữa. Tan học về, có một chiếc phong bì dày nằm đợi cô trong hộp thư. Như mấy hôm trước, Sophie trốn vào trong hốc. Nghiên cứu của các triết gia Chúng ta lại gặp nhau! Ta sẽ đi thẳng vào bài mà không cần vòng vo với thỏ trắng và những thứ tương tự. Tôi sẽ phác họa những nét chính của tư duy con người về triết học, từ thời Hy Lạp cổ đại cho đến hiện nay. Nhưng mọi thứ cần phải có thứ tự. Do một số triết gia đã sống trong những thời đại khác - và có lẽ trong các nền văn hóa khác hẳn chúng ta - ta nên thử xem xét nghiên cứu của từng triết gia. Tôi muốn nói rằng ta phải cố nắm bắt chính xác mối quan tâm nghiên cứu của từng nhà triết học. Triết gia này có thể muốn tìm hiểu nguồn gốc của cây cỏ động vật. Người khác lại muốn biết có Chúa Trời hay không hoặc con người có một linh hồn bất tử hay không. Một khi đã xác định được một nhà triết học cụ thể nào đó nghiên cứu những gì, ta sẽ dễ dàng lần theo dòng suy nghĩ của ông ta hơn. Bởi không có triết gia nào lại quan tâm đến toàn bộ triết học. Tôi dùng từ ông ta để chỉ nhà triết học, vì đây còn là câu chuyện của đàn ông. Thời trước, phụ nữ không được nhìn nhận với tư cách là con người suy tưởng, điều này rất đáng tiếc vì nó đã gây ra sự mất mát của rất nhiều kinh nghiệm quan trọng. Chỉ đến thế kỷ này, phụ nữ mới thực sự ghi dấu ấn của mình vào lịch sử triết học. Tôi không định cho em bài tập về nhà, không có các bài toán khó hay cái gì tương tự, cách chia động từ tiếng Anh cũng nằm ngoài quan tâm của tôi. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, tôi sẽ giao cho em một bài luyện nhỏ. Nếu em chấp nhận các điều kiện này, ta sẽ bắt đầu. Các nhà triết học tự nhiên Các triết gia Hy Lạp đầu tiên đôi khi được gọi là các nhà triết học tự nhiên vì họ chủ yếu quan tâm đến thế giới tự nhiên và các quá trình của nó. Ta đã tự hỏi mọi thứ từ đâu sinh ra. Hiện nay, nhiều người hình dung rằng tại một thời điểm nào đó, cái gì đó hẳn đã sinh ra từ hư vô. Đối với những người Hy Lạp cổ đại, tư tưởng đó không phổ biến đến vậy. Vì lý do này hay lý do khác, họ cho rằng "cái gì đó" đã luôn luôn tồn tại. Do vậy, vấn đề 'tại sao mọi thứ có thể sinh ra từ hư vô' không phải là một câu hỏi quan trọng. Mặt khác, người Hy Lạp cảm thấy cách mà cá sống được sinh ra từ nước, và những thân cây to cùng muôn hoa rực rỡ sinh ra từ lòng đất rồi chết đi thật đáng kinh ngạc. Chưa kể đến chuyện bằng cách nào mà một đứa trẻ được sinh ra từ bụng mẹ! Các triết gia thấy được bằng chính mắt mình thiên nhiên ở trong một trạng thái liên tục biến đổi. Nhưng những biến đổi đó xảy ra bằng cách nào? Chẳng hạn, làm thế nào mà cái gì đó biến đổi từ một chất thành một sinh vật sống? Các nhà triết học tiên khởi có chung niềm tin rằng phải có một chất cơ bản nào đó là gốc cho mọi biến đổi. Khó có thể nói họ đi đến tư tưởng đó như thế nào. Chúng ta chỉ biết rằng khái niệm đó đã phát triển dần dần đến mức có thể phát biểu rằng phải có một chất cơ bản là nguyên nhâu sâu xa của mọi biến đổi trong thiên nhiên. Phải có "cái gì đó" mà mọi thứ đều sinh ra từ đó và quay trở về đó. Đối với ta, phần thú vị nhất thực ra không phải những lời giải đáp mà các triết gia tiên khởi đã tìm ra, mà là ở chỗ họ đã đặt ra các câu hỏi nào và kỳ vọng tìm ra những lời giải đáp thuộc kỉểu gì. Ta quan tâm đến cách tư duy của họ hơn là cụ thể họ đã nghĩ những gì. Ta biết rằng, họ đã đặt ra các câu hỏi liên quan đến những biến đổi mà họ có thể quan sát được trong thế giới vật lý. Họ tìm kiếm những quy luật của thiên nhiên bên dưới các biến đổi đó. Họ muốn hiểu cái gì đang xảy ra xung quanh mà không phải quay về các huyền thoại cổ xưa. Và quan trọng nhất, họ muốn tìm hiểu các quá trình thực tế bằng cách nghiên cứu chính thiên nhiên. Điều này khác xa với việc giải thích sấm chớp hoặc mùa đông, mùa xuân bằng cách kể những câu chuyện về các vị thần. Vậy là triết học đã dần dần tự giải phóng mình khỏi tôn giáo. Ta có thể nói rằng, các nhà triết học tự nhiên đã đi những bước đầu tiên theo hướng lý luận khoa học, và từ đó đã trở thành những người tiên phong cho cái mà sau này đã trở thành khoa học. Chỉ còn lại ít dấu vết về những điều các nhà triết học tự nhiên đã nói và viết. Thông tin ít ỏi được truyền lại là nhờ Aristotle, người sống sau đó hai thế kỷ. Ông chỉ nhắc đến các kết luận mà các triết gia đã đạt được. Do đó, ta không biết họ đã đi theo con đường nào để tới kết luận đó. Nhưng những gì biết được giúp ta thiết lập rằng nghiên cứu của các nhà triết học Hy Lạp đầu tiên xoay quanh một chất cấu tạo cơ bản và các biến đổi trong thiên nhiên. Ba nhà triết học thành Miletus Nhà triết học đầu tiên mà ta biết là Thales, người Miletus, một thuộc địa của Hy Lạp ở vùng Tiểu Á. Ông đã đến nhiều nước, trong đó có Ai Cập. Người ta kể rằng, ở đó, ông đã tính chiều cao của một kim tự tháp bằng cách đo bóng của nó tại thời điểm mà chiều dài bóng của ông bằng đúng chiều cao của ông. Người ta cũng kể rằng ông đã dự đoán chính xác nhật thực năm 585 trước Công nguyên. Thales cho rằng nước là nguồn gốc của mọi thứ. Ta không biết chính xác ý ông là gì, có thể ông đã tin rằng mọi sự sống bắt nguồn từ nước và sẽ quay lại với nước khi nó phân hủy. Trong thời gian ở Ai Cập, hẳn ông đã quan sát mùa màng bắt đầu mọc lên ngay khi lũ sông Nile rút dần ra khỏi các vùng đất châu thổ sông Nile. Có lẽ ông cũng nhận thấy rằng ếch nhái và giun xuất hiện ở bất cứ nơi nào vừa có mưa. Có thể Thales đã nghĩ về cách nước biến thành băng, thành hơi, rồi quay trở lại thành nước. Người ta cho rằng Thales đã nói "mọi vật đều tràn ngập các thánh thần". Ta chỉ có thể đoán ý ông. Có lẽ, khi nhìn đất đen là nguồn gốc của mọi vật, từ hoa quả mùa màng đến côn trùng và gián, ông đã tưởng tượng rằng trái đất tràn ngập những "mầm sống" li ti vô hình. Nhưng có một điều chắc chắn: không phải ông đang nói về các vị thần của Homer. Nhà triết học thứ hai mà ta biết là Anaximander, người sống ở Miletus cùng thời với Thales. Ông ta cho rằng thế giới của chúng ta chỉ là một trong vô số các thế giới sinh ra rồi tan đi trong một cái mà ông gọi là "vô biên". Thật khó có thể hiểu rõ ý của ông về "vô biên", nhưng có lẽ ông ta không nói đến một chất đã được biết đến theo cách mà Thales hình dung. Có thể ông cho rằng cái chất nguồn gốc của mọi vật phải là một cái gì đó khác với tất cả mọi thứ được sinh ra từ nó. Do mọi vật tạo đều là hữu hạn, nên cái đến trước và đến sau phải là "vô biên". Rõ ràng, cái thứ cơ bản này không thể là một thứ bình thường như nước được. Nhà triết học thứ ba từ Miletus là Anaximenes, người sống từ năm 570 đến năm 526 t.CN. Ông cho rằng nguồn gốc của mọi thứ phải là "khí" hoặc "hơi". Anaximenes chắc hẳn phải quen thuộc với thuyết về nước của Thales. Nhưng nước từ đâu ra? Anaximenes nghĩ rằng nước là khí được cô đặc lại. Ta thấy rằng khi trời mưa, nước được chắt ra từ không khí. Khi nước được tiếp tục nén, nó trở thành đất. Có thể ông đã thấy đất và đá xuất hiện từ băng đang tan. Ông còn nghĩ rằng lửa chính là không khí loãng. Theo Anaximenes, do vậy, không khí là nguồn gốc của đất, nước, và lửa. Không xa xôi gì khi liên tưởng từ nước tới hoa trái của đất. Có lẽ Anaximenes nghĩ rằng đất, không khí và lửa là mọi điều cần thiết để tạo ra sự sống, nhưng nguồn gốc của mọi thứ chính là không khí hay là hơi. Vậy, cũng như Thales, ông cho rằng phải có một chất nào đó là nguồn gốc của mọi sự biến đổi trong thiên nhiên. Không có cái gì sinh ra từ hư vô Cả ba nhà triết học thành Miletus đều tin vào sự tồn tại của một chất cơ bản duy nhất là nguồn gốc của mọi vật. Nhưng làm thế nào mà một chất bỗng dưng biến thành một cái gì đó khác? Ta có thể gọi đây là vấn đến về sự biến đổi. Vào khoảng năm 500 trước Công nguyên, có một nhóm các triết gia ở một thuộc địa Hy Lạp ở Elea, miền nam Italia, quan tâm đến câu hỏi này. Người quan trọng nhất trong các nhà triết học trên là Parmenides (540-480 t.Cn). Parmenides cho rằng mọi thứ đang tồn tại đã luôn luôn tồn tại. Tư tưởng này không xa lạ đối với người Hy Lạp. Họ gần như cho rằng tất nhiên là mọi thứ tồn tại trong thế giới đều là vĩnh cửu. Không có cái gì sinh ra từ hư vô, Parmenides nghĩ. Và chẳng có cái gì đang tồn tại có thể biến thành hư vô. Nhưng Parmenides còn đi xa hơn nữa. Ông cho rằng không hề có sự thay đổi thực sự. Không có gì có thể trở thành cái gì khác chính nó. Tất nhiên, Parmenides cũng nhận thấy thế giới ở trong trạng thái biến đổi không ngừng. Ông nhận thức bằng các giác quan rằng sự vật thay đổi. Nhưng ông không thể đồng nhất nó với những gì lý tính của ông mách bảo. Khi phải lựa chọn giữa việc dựa vào giác quan hay dựa vào lý tính, ông đã chọn lý tính. Chắc em biết câu: "Bao giờ thấy thì tôi sẽ tin". Nhưng Parmenides không tin cả vào những gì ông nhìn thấy. Ông tin rằng các giác quan cho ta bức tranh sai lạc về thế giới, một bức tranh không khớp với lý tính của ta. Là một nhà triết học, ông đặt cho mình nhiệm vụ chỉ ra mọi dạng của ảo ảnh nhận thức. Niềm tin không thể lay chuyển vào lý tính của con người được gọi là chủ nghĩa duy lý. Một người theo chủ nghĩa duy lý là người cho rằng lý tính của con người là cội nguồn của mọi tri thức về thế giới. Mọi thứ đều trôi Cùng thời với Parmenides là Heraclitus (540-480 t.Cn) người vùng Ephesus, Tiểu Á. Ông cho rằng thực sự biến đổi liên tục mới là đặc tính cơ bản của tự nhiên. Ta có thể nói rằng, so với Parmehides, Heraclitus là người tin tưởng hơn vào những gì bản thân có thể tri giác được. "Mọi thứ đều trôi", Heraclitus nói. Mọi vật đều ở trong trạng thái biến đổi không ngừng, không có gì bất biến. Như vậy, chúng ta "không thể bước hai lần xuống cùng một dòng sông". Khi ta bước xuống dòng sông lần thứ hai, cả ta và dòng sông đều không còn như trước. Heraclitus chỉ ra rằng các mặt đối lập là đặc điểm của thế giới. Nếu chúng ta không bao giờ bị ốm, ta sẽ không thể biết được khỏe mạnh là như thế nào. Nếu ta không bao giờ bị đói, ta sẽ không cảm thấy niềm vui khi no bụng. Nếu chưa bao giờ có chiến tranh, ta sẽ không biết trân trọng hòa bình. Và nếu không có mùa đông, ta sẽ không bao giờ thấy mùa xuân. Heraclitus tin rằng cái tốt và cái xấu đều có vị trí tất yếu trong trật tự của mọi vật. Nếu không có sự luân phiên của những mặt đối lập, thế giới sẽ không thể tồn tại. "Thượng Đế là ngày và đêm, mùa đông và mùa xuân, chiến tranh và hòa bình, đói và no," ông nói. Ông dùng từ "Thượng Đế" [1], nhưng rõ ràng ông không nói về các vị thần trong các huyền thoại. Đối với Heraclitus, Thượng Đế - hay Chúa Trời - là cái gì đó ôm trọn cả thế giới. Quả thật, có thể nhìn thấy Thượng Đế rõ nhất trong sự biến đổi liên tục và những sự đối lập của thiên nhiên. Thay cho từ "Thượng Đế", Heraclitus thường dùng một từ Hy Lạp là "logos" với nghĩa lý tính. Tuy con người chúng ta không phải lúc nào cũng suy nghĩ giống nhau hoặc có cùng mức độ lý luận, Heraclitus tin rằng có một thứ "lý tính phổ quát" dẫn dắt mọi thứ xảy ra trong thiên nhiên. Cái "lý tính phổ quát" hay "quy luật phổ quát" này chung cho tất cả chúng ta, là một cái gì đó dẫn dắt mọi người. Tuy nhiên, hầu hết mọi người vẫn sống bằng lý tính của cá nhân mình, Heraclitus nghĩ. Nói chung, ông không xem trọng người khác. Ông nói: "quan niệm của đa số chẳng qua như đồ chơi của trẻ con". Vậy, ở giữa trạng thái vận động không ngừng và những sự đối lập của thiên nhiên, Heraclitus nhìn thấy một Thực Thể là nguồn gốc của mọi vật, mà ông gọi là Thượng Đế hay logos. Bốn nguyên tố cơ bản Xét một mặt nào đó, Parmenides và Heraclitus có quan điểm đối lập hoàn toàn với nhau. Lý tính của Parmenides khẳng định rằng không có gì biến đổi. Các tri giác giác quan của Heraclitus khẳng định một cách không kém phần chắc chắn rằng tự nhiên ở trong một trạng thái vận động không ngừng. Cái nào đúng? Ta nên để cho lý tính chỉ huy hoàn toàn hay nên tin tưởng vào các giác quan? Cả Parmenides và Heraclitus, mỗi người khẳng định hai điều: Parmenides nói rằng: - Không có gì có thể biến đổi, và do đó - Các tri giác giác quan của ta không đáng tin cậy. Trái lại, Heraclitus cho rằng: - Mọi vật đều vận động không ngừng. - Các tri giác giác quan là đáng tin cậy. Các nhà triết học chỉ có thể bất đồng đến thế là cùng! Nhưng ai đúng? Empedocles (490-430 t.Cn), người đảo Sicile, đã giải quyết sự bế tắc. Theo ông, mỗi nhà triết học có một khẳng định đúng và sai ở khẳng định còn lại. Empedocles thấy rằng nguồn gốc của bất đồng căn bản là ở chỗ cả hai đều giả thiết sự tồn tại của một chất duy nhất. Nếu điều đó là đúng, khoảng cách giữa những gì lý tính mách bảo và những gì "ta có thể thấy bằng chính mắt mình" là không thể kéo gần lại được. Rõ ràng, nước không thể biến thành một con cá hay một con bướm. Thực tế, nước không thể biến đổi. Nước tinh khiết vẫn sẽ mãi là nước tinh khiết. Vậy Parmenides có lý khi khẳng định rằng "không có gì biến đổi". Nhưng Empedocles cũng đồng ý với Heraclitus rằng ta phải tin vào các bằng chứng của giác quan. Ta phải tin những gì ta nhìn thấy, và những gì ta thấy chính là thiên nhiên biến đổi. Empedocles kết luận rằng cái phải loại bỏ chính là ý niệm về một chất cơ bản. Riêng mình không khí hoặc nước không thể biến thành một bụi hồng hay một con bướm. Nguồn gốc của thiên nhiên không thể chỉ là một "nguyên tố" duy nhất. Empedocles tin rằng thiên nhiên bao gồm bốn nguyên tố mà ông gọi là cái "gốc". Bốn gốc này là đất, không khí, lửa và nước. Mọi quá trình thiên nhiên là kết quá của sự kết hợp và phân rã của bốn nguyên tố đó. Mọi vật đều là một hỗn hợp của đất, không khí, lửa và nước với các tỷ lệ khác nhau. Khi một bông hoa hay một con vật chết, ông nói, bốn nguyên tố tách ra. Ta có thể chứng kiến sự thay đổi này bằng mắt thường. Nhưng đất và không khí, lửa và nước tồn tại mãi mãi, không bị ảnh hưởng bởi tất cả các hợp chất mà chúng là thành phần. Về cơ bản, không có gì thay đổi. Mọi hiện tượng xảy ra chỉ là sự kết hợp và phân chia để rồi lại kết hợp của các nguyên tố. Ta có thể so sánh với việc vẽ tranh. Nếu một họa sĩ chỉ có một màu, màu đỏ chẳng hạn, anh ta sẽ không thể vẽ cây xanh. Nhưng nếu có các màu vàng, đỏ, xanh và đen, anh ta có thể vẽ hàng trăm màu sắc khác nhau vì anh ta có thể trộn chúng theo các tỷ lệ khác nhau. Một minh họa tương tự bằng việc làm bếp: nếu tôi chỉ có bột mì, tôi phải là phù thủy thì mới làm được bánh. Còn nếu có trứng, sữa, bột và đường, tôi có thể nướng đủ loại bánh. Không phải hoàn toàn tình cờ mà Empedocles chọn đất, không khí, lửa và nước làm các "gốc" của thiên nhiên. Các triết gia trước ông đã cố gắng chứng tỏ rằng chất nguyên thủy phải là không khí, lửa, hoặc nước. Thales và Anaximenes đã chỉ ra rằng nước và không khí là hai nguyên tố cốt yếu trong thế giới vật chất. Người Hy Lạp tin rằng lửa cũng quan trọng. Ví dụ, họ quan sát thấy tầm quan trọng của mặt trời với mọi sinh vật sống, và họ biết rằng người và động vật đều có thân nhiệt. Có thể Empedocles đã quan sát một mẩu gổ đang cháy. Có cái gì đó phân rã. Ta nghe thấy nó nổ lách tách và réo xèo xèo. Đó là "nước". Cái gì đó bay lên thành khói. Đó là "khí". "Lửa" là cái ta nhìn thấy. Cái gì đó còn lại khi lửa tắt. Đó là tro, hay "đất". Sau giải thích của Empedocles về các biến đổi của thiên nhiên bằng sự kết hợp và phân chia của bốn cái "gốc", vẫn còn cái gì đó cần làm rõ. Cái gì đã kết hợp các nguyên tố này để làm xuất hiện sự sống mới? Và cái gì đã làm cho "hỗn hợp", chẳng hạn của một bông hoa, phân rã trở lại? Empedocles tin rằng trong thiên nhiên có sự tác động của hai lực khác nhau mà ông gọi là tình yêu và xung khắc. Tình yêu kết hợp chúng với nhau và xung khắc chia rẽ chúng. Ông phân biệt giữa "chất" và "lực". Điều nay rất đáng chú ý. Ngay cả hiện nay, các nhà khoa học cũng phân biệt giữa các nguyên tố và các lực thiên nhiên. Khoa học hiện đại khẳng định rằng mọi quá trình tự nhiên đều có thể giải thích bằng sự tương tác giữa các nguyên tố và các lực thiên nhiên khác nhau. Empedocles tin rằng mắt chứa đất, không khí, nước, và lửa như mọi vật khác trong thiên nhiên. Do đó, "đất" trong mắt tôi sẽ cảm nhận những thứ thuộc về đất ở xung quanh tôi, "khí" cảm nhận những gì thuộc về khí, "lửa" cảm nhận lửa, và "nước" cảm nhận nước. Nếu mắt tôi thiếu một trong bốn nguyên tố, tôi sẽ không nhìn thấy đầy đủ thế giới. Chút gì của mọi vật trong mỗi vật Anaxagoras (500-428 t.Cn) là một triết gia khác, ông không thể đồng ý rằng một chất cơ bản nào đó, chẳng hạn nước, có thể biến đổi thành mọi vật mà ta thấy trong thế giới tự nhiên. Ông cũng không công nhận rằng đất, không khí, nước, và lửa có thể biến thành xương và máu. Anaxagoras cho rằng thiên nhiên được xây dựng từ vô số các hạt nhỏ xíu mắt thường không nhìn thấy. Hơn nữa, mọi thứ đều có thể chia thành các phần nhỏ hơn, nhưng ngay cả trong những phần nhỏ nhất cũng có những mảnh của  tất cả các vật khác. Ông cho rằng, nếu da và xương không phải do vật khác biến đổi thành, thì phải có da và xương trong sữa ta uống và trong thực phẩm ta ăn. Có lẽ một số ví dụ hiện đại có thể minh họa dòng tư duy của Anaxagoras. Công nghệ laser hiện đại có thể tạo ra ảnh ba chiều. Nếu một ảnh ba chiều chụp một chiếc ô tô được chia nhỏ, ta sẽ nhìn thấy một bức tranh đầy đủ của cả chiếc xe ngay cả khi ta chỉ có phần ảnh cái cản đầu xe. Đó là bởi vì toàn bộ chủ thể hiện diện trong từng phần nhỏ xíu. Theo một nghĩa nào đó, cơ thể chúng ta cũng được xây dựng theo cùng một kiểu. Nếu tôi bong một chút tế bào da từ ngón tay, nhân tế bào đó không chỉ chứa đặc điểm về da của tôi mà nó còn cho biết màu mắt, màu tóc và kiểu ngón tay của tôi, vân vân. Mỗi tế bào của con người đều mang thông tin về cấu tạo của tất cả các tế bào khác. Vậy, có một chút gì đó của tất cả trong từng tế bào đơn lẻ. Cái toàn thể hiện hữu trong từng phần nhỏ xíu. Anaxagoras gọi các hạt nhỏ xíu chứa một phần của mọi vật là các hạt mầm. Nhớ lại rằng Empedocles đã cho rằng "tình yêu" là cái đã kết nối các nguyên tố lại với nhau trong các cơ thể đầy đủ. Anaxagoras còn hình dung "trật tự" là một dạng sức mạnh tạo ra động vật và con người, hoa cỏ và cây cối. Ông gọi sức mạnh này là năng lực tâm thức hay trí tuệ (nous). Anaxagoras còn rất đáng chú ý vì ông là nhà triết học đầu tiên ở Athens mà ta biết. Ông xuất thân từ vùng Tiểu Á nhưng chuyển đến sống tại Athens khi ông khoảng bốn mươi tuổi. Sau đó, ông bị kết tội vô thần và bị buộc rời khỏi thành phố. Một trong những lý do đó là ông đã tuyên bố Mặt Trời không phải một vị thần mà chỉ là một hòn đá nóng đỏ lớn hơn toàn bộ bán đảo Peloponnese [2]. Anaxagoras rất quan tâm đến thiên văn học. Ông tin rằng mọi thiên thể đều có cấu tạo giống Trái Đất. Ông đi đến kết luận này sau khi nghiên cứu một mảnh thiên thạch. Điều này cho ông ý tưởng rằng có thể có con người sống trên các hành tinh khác. Ông cũng chỉ ra rằng Mặt Trăng không tự phát sáng, ông khẳng định rằng ánh sáng của nó bắt nguồn từ Trái Đất. Ông cũng đã nghĩ ra một cách giải thích về hiện tượng nhật thực. TB. Cảm ơn em đã chú ý theo dõi, Sophie à. Có thể em sẽ phải đọc chương này vài lần trước khi hiểu hết. Nhưng hiểu hết luôn đòi hỏi cố gắng. Có lẽ em sẽ không khâm phục một người bạn giỏi tất cả mọi thứ nhưng lại chẳng cần phải cố gắng gì. Đáp án tốt nhất cho câu hỏi về chất cơ bản và những biến đổi trong thiên nhiên phải đợi đến ngày mai, khi em gặp Democritus. Tôi dừng ở đây! Sophie ngồi trong hốc, nhìn ra vườn qua một cái lỗ nhỏ xíu trong bụi rậm. Cô phải sắp xếp lại các suy nghĩ sau tất cả những gì vừa đọc. Rõ như ban ngày rằng nước thông thường không bao giờ có thể biến thành cái gì ngoài băng hay hơi nước. Nước lại càng không thể biến thành dưa hấu cho dù nhiều ngôn ngữ gọi dưa hấu là "dưa nước" (watermelon), vì dưa hấu không chỉ gồm có nước. Nhưng cô biết chắc điều đó chỉ vì đó là những gì cô đã được học. Liệu cô có thể hoàn toàn chắc chắn rằng băng chỉ gồm toàn nước hay không nếu không phải cô đã được dạy như vậy? Ít nhất, chắc hẳn cô sẽ phải nghiên cứu rất kỹ nước đông thành nước đá và lại tan ra như thế nào. Một lần nữa, Sophie cố suy nghĩ theo cách của riêng mình, tránh nghĩ về những gì cô đã học từ người khác. Parmenides đã từ chối công nhận ý niệm về sự biến đổi ở bất kỳ dạng nào. Càng nghĩ, cô càng thấy rằng ông ta có lý theo một nghĩa nào đó. Trí tuệ của ông đã không thể chấp nhận rằng "cái gì đó" có thể bỗng nhiên biến thành một "cái gì đó hoàn toàn khác". Phải dũng cảm lắm mới có thể đứng lên và nói ra điều đó. Bởi nó tương đương với việc phủ nhận mọi sự thay đổi trong thiên nhiên mà ai cũng có thể tự nhìn thấy. Chắc hẳn ông đã bị rất nhiều người cười nhạo. Và Empedocles hẳn đã rất thông minh khi ông chứng minh rằng thế giới phải bao gồm nhiều hơn một chất. Điều đó làm cho các biến đổi của thiên nhiên là có thể mà không có cái gì phải thực sự thay đổi. Nhà triết học cổ Hy Lạp đã nghĩ ra điều đó chỉ bằng lý luận. Tất nhiên, ông đã nghiên cứu thiên nhiên. Nhưng ông không có các dụng cụ để phân tích hoá học như các nhà khoa học hiện đại. Sophie không rõ cô có thực sự tin rằng nguồn gốc thực sự của mọi vật có phải là đất, không khí, nước và lửa hay không. Nhưng dù sao thì điều đó có quan trọng gì? Về nguyên tắc, Empedocles đã đúng. Cách duy nhất để chấp nhận những biến đổi mà ta nhìn thấy bằng mắt mình mà không để mất lý luận của bản thân, đó là chấp nhận sự tồn tại của nhiều hơn một chất cơ bản. Sophie thấy môn triết học thú vị gấp đôi, vì nó có thể theo dõi các tư tưởng bằng tư duy của chính mình mà không phải nhớ mọi điều cô đã học ở trường. Cô kết luận triết học không phải cái mà ta có thể học, mà là ta có thể học cách tư duy theo kiểu triết học. DEMOCRITUS ...món đồ chơi tuyệt vời nhất thế giới...    Sophie xếp tất cả các trang giấy đánh máy của nhà triết học lạ mặt vào trong chiếc hộp thiếc rồi đóng nắp lại. Cô bò ra khỏi hốc và đứng nhìn quanh khu vườn. Cô nghĩ về việc xảy ra ngày hôm qua. Hôm nay, khi ăn sáng, mẹ cô lại trêu chọc về "lá thư tình". Cô rảo bước về phía hộp thư để tránh xảy ra thêm một chuyện tương tự. Nhận được thư tình trong hai ngày liền sẽ xấu hổ gấp đôi.    Có một phong bì nhỏ màu trắng nữa! Sophie bắt đầu nhận ra kiểu đưa thư: mỗi buổi chiều cô sẽ nhận được một phong bì to màu nâu. Khi cô đọc nó, nhà triết học sẽ lén đến hộp thư với một chiếc phong bì nhỏ màu trắng.    Vậy, bây giờ cô có thể tìm ra ông ta là ai, nếu như đó là một người đàn ông! Từ phòng mình, cô có thể quan sát tốt hộp thư. Nếu đứng cạnh cửa sổ, cô có thể nhìn thấy nhà triết học bí ẩn. Những chiếc phong bì trắng không thể từ không khí mà ra được!    Sophie quyết định những ngày tiếp theo sẽ quan sát cẩn thận. Ngày mai là thứ Sáu và cô sẽ có cả kỳ nghỉ cuối tuần.    Cô lên phòng và mở phong bì. Hôm nay chỉ có một câu hỏi, nhưng nó còn kỳ cục hơn cả ba câu trước:    Tại sao Lego là đồ chơi tuyệt vời nhất thế giới?    Ban đầu, Sophie không chắc là cô cũng nghĩ như vậy. Cô đã bỏ chơi những khối nhựa nhỏ xíu ấy từ bao năm nay rồi. Hơn nữa, cô chịu không thể hiểu được Lego thì có liên quan gì tới triết học.    Nhưng cô là một học sinh chăm chỉ. Lục tung ngăn tủ trên cùng, cô tìm thấy một túi đựng đầy các khối Lego với đủ hình dạng kích thước.    Lần đầu tiên sau nhiều năm, cô bắt đầu lắp ráp. Một số ý tưởng về các khối nhựa bắt đầu xuất hiện.    Chúng rất dễ lắp, cô nghĩ. Tuy các khối khác nhau, nhưng tất cả đều khớp nhau. Chúng không bao giờ vỡ. Cô không thể nhớ được mình đã nhìn thấy một khối Lego vỡ bao giờ hay chưa. Tất cả các khối đều trông rực rỡ và mới nguyên như ngày đầu tiên được mua về, từ nhiều năm trước. Điều thú vị nhất là cô có thể lắp được mọi thứ từ Lego. Và sau đó cô có thể tháo chúng ra để lắp một thứ khác.    Còn có thể đòi hỏi gì hơn ở một đồ chơi? Sophie kết luận rằng Lego quả thực có thể được gọi là đồ chơi hay nhất thế giới. Nhưng nó liên quan như thế nào đến triết học thì cô chịu.    Cô đã lắp gần xong một ngôi nhà búp bê to. Cô ghét phải thừa nhận rằng đã lâu cô không chơi vui đến vậy.    Tại sao mọi người không chơi nữa khi họ thành người lớn nhỉ?    Khi mẹ đi làm về và nhìn thấy Sophie đang chơi, bà thốt lên, "Hay thật! Mẹ rất vui vì con vẫn là một cô bé con!"    "Con có chơi đâu!", Sophie tức tối, "Con đang làm một thí nghiệm triết học rất phức tạp đấy!"    Mẹ cô thở dài. Có lẽ bà đang nghĩ về con thỏ trắng và chiếc mũ cao vành.    Hôm sau, khi Sophie từ trường về, có thêm vài trang giấy cho cô trong một chiếc phong bì to màu nâu. Cô mang lên phòng. Cô rất nóng lòng muốn đọc, nhưng cô còn phải để mắt đến cái hộp thư nữa. Thuyết nguyên tử    Lại tôi đây, Sophie. Hôm nay em sẽ nghe về người cuối cùng trong các nhà triết học lơn của trường phái triết học tự nhiên. Tên ông là Democritus (460-370 t.Cn), ông đến từ thành phố nhỏ Abdera trên bờ bắc biển Aegea [3].    Nếu em đã có thể trả lời câu hỏi về Lego mà không gặp khó khăn gì, em sẽ dễ dàng hiểu đề tài nghiên cứu của các nhà triết học này.    Democritus đồng ý với các vị tiền nhân rằng các biến đổi trong thiên nhiên không phải là do có cái gì đó thực sự "thay đổi". Do vậy, ông giả thiết rằng mọi thứ đều được cấu tạo từ các khối nhỏ vô hình, mỗi khối đều vĩnh cửa và bất biến. Democritus gọi những đơn vị nhỏ nhất này là các nguyên tử.    Trong tiếng Hy Lạp, nguyên tử ("atom") có nghĩa là "không phân chia được". Đối với Democritus, điều rất quan trọng cần khẳng định đó là các thành phần cấu thành nên mọi vật không thể phân chia một cách vô hạn thành các phần nhỏ hơn. Nếu không, chúng đã không thể được dùng làm các khối cơ bản. Nếu các nguyên tử có thể bị chia mãi thành các phần nhỏ hơn, thiên nhiên sẽ bắt đầu phân rã như súp cứ loãng dần ra vậy.    Hơn nữa, các khối cơ bản của thiên nhiên phải là vĩnh cửu, vì không có cái gì sinh ra từ hư vô. Ở đây, ông đã nhất trí với Parmenides và những người xứ Elea. Thêm vào đó, ông còn tin rằng các nguyên tử rắn và vững chắc. Nhưng không thể tất cả chúng đều giống nhau. Nếu mọi nguyên tử đều giống nhau, sẽ lại không có lời giải thích thoả đáng tại sao chúng có thể kết hợp để tạo nên mọi thứ từ hoa anh túc và cây ô-liu đến da dê và tóc người.    Democritus tin rằng thiên nhiên bao gồm vô số nguyên tử thuộc nhiều dạng. Một số tròn và nhẵn, số còn lại thì hình dạng méo mó và gồ ghề. Chính vì rất khác nhau nên chúng có thể kết hợp thành đủ loại cơ thể khác nhau. Nhưng dù có đa dạng đến đâu về số lượng và hình dạng, các nguyên tử đều vĩnh cửu, bất biến, và không phân chia được.    Khi một cơ thể bị chết và phân huỷ, chẳng hạn một cái cây hay một con vật, các nguyên tử tản ra và có thể được sử dụng lại cho các cơ thể mới. Các nguyên tử chuyển động hỗn độn trong không gian, nhưng vì có "móc" và "ngạnh" nên chúng có thể nối với nhau để tạo nên mọi vật mà chúng ta nhìn thấy ở xung quanh.    Bây giờ em đã hiểu những gì tôi muốn nói về các khối Lego. Chúng cũng có các tính chất gần giống với những gì Democritus gán cho các nguyên tử. Đó cũng là lý do mà chơi lắp ghép bằng các khối Lego thật thú vị. Đầu tiên, chúng không thể phân chia được. Tiếp theo, chúng có đủ hình dạng, kích thước. Chúng rắn chắc và không thấm nước. Chúng còn có móc và ngạnh nên có thể ghép nối thành mọi hình thù mà ta có thể tưởng tượng ra. Các kết nối này lại có thể bị phá vỡ để tạo ra những hình mới từ các khối cũ.    Lego được ưa chuộng rộng rãi vì chúng có thể được dùng đi dùng lại. Hôm nay, một khối Lego là một phần của một chiếc xe tải. Hôm sau, nó có thể là một mảnh của một toà lâu đài. Ta cũng có thể nói rằng các khối Lego là "vĩnh cửu". Trẻ em hôm nay có thể chơi với chính những khối Lego mà cha mẹ chúng đã chơi hồi nhỏ. Ta cũng có thể nhận ra mọi hình từ đất sét. Nhưng không thể dùng đi dùng lại đất sét vì nó có thể bị vỡ thành những mẩu nhỏ. Những mẩu nhỏ li ti không bao giờ có thể được gắn lại để tạo nên những thứ khác được nữa.    Ngày nay, chúng ta có thể khẳng định rằng thuyết nguyên tử của Democritus khá gần với sự thực. Thiên nhiên quả thực được xây dựng từ các "nguyên tử" khác nhau, chúng kết hợp rồi lại phân rã. Một nguyên tử hydro ở chóp mũi của tôi xưa kia có lẽ đã từng là một phần của một cái vòi voi. Một nguyên tử carbon trong cơ tim của tôi có thể đã từng thuộc về đuôi của một con khủng long!    Tuy nhiên, các nhà khoa học đương đại đã phát hiện rằng các nguyên tử có thể phân chia thành các "hạt cơ bản" nhỏ hơn. Ta gọi các hạt cơ bản này là các proton, neutron và electron. Những hạt này có lẽ sẽ còn được chia thành các hạt nhỏ hơn nữa. Nhưng các nhà vật lý đồng ý rằng phải có một giới hạn ở đâu đó. Phải có một "phần tối thiểu" mà thế giới được tạo nên từ đó.    Democritus không có những thiết bị điện tử hiện đại. Cái duy nhất ông có là tâm thức của mình. Nhưng lý tính của ông không cho ông nhiều chọn lựa. Một khi đã chấp nhận rằng không có gì có thể biến đổi, không có gì sinh ra từ hư vô, và rằng không có gì mất đi, vậy thì thiên nhiên phải bao gồm những khối vô cùng nhỏ bé mà chúng có thể kết hợp rồi lại phân chia.    Democritus không tin có một "lực" hay "linh hồn" nào có thể can thiệp vào các quá trình của thiên nhiên. Ông cho rằng cái duy nhất tồn tại là các nguyên tử và sự trống rỗng. Do ông chỉ tin vào những gì thuộc về vật chất, ta gọi ông là một nhà duy vật.    Theo Democritus, không có một "thiết kế" có ý thức nào trong vận động của các nguyên tử. Trong tự nhiên, mọi vật đều xảy ra một cách khá là máy móc. Điều đó không có nghĩa là mọi sự đều xảy ra một cách ngẫu nhiên, vì mọi sự đều tuân theo các quy luật tất yếu về sự cần thiết. Mọi sự xảy ra đều có một nguyên nhân tự nhiên, một nguyên nhân cố hữu trong chính sự vật đó. Democritus đã từng nói rằng ông thà tìm ra một nguyên nhân mới của tự nhiên còn hơn là làm vua xứ Ba Tư.    Democritus cho rằng thuyết nguyên tử còn giải thích các tri giác giác quan của ta. Khi ta cảm nhận điều gì đó, đó là do vận động của các nguyên tử trong không gian. Khi ta nhìn thấy Mặt Trăng là khi các "nguyên tử Mặt Trăng" thâm nhập mắt ta.    Nhưng còn "linh hồn" thì sao? Có chắc là nó cấu thành từ các nguyên tử, từ những thứ vật chất? Chắc chứ! Democritus tin rằng linh hồn bao gồm các "nguyên tử linh hồn" tròn và nhẵn. Khi một người chết, các nguyên tử linh hồn bay đi mọi hướng và sau đó có thể trở thành một phần của một linh hồn mới.    Điều đó có nghĩa rằng con người không có linh hồn bất tử, một niềm tin của nhiều người đương đại. Cũng như Democritus, họ cho rằng "linh hồn" được nối với bộ não, và rằng chúng ta không thể giữ lại một dạng ý thức nào một khi bộ não phân rã.    Thuyết nguyên tử của Democritus đã tạm thời đánh dấu sự kết thúc của triết học tự nhiên Hy Lạp. Ông đồng ý với Heraclitus rằng mọi vật trong tự nhiên đều "trôi", do các hình dạng đến rồi đi. Nhưng đằng sau đó, có một số thứ vĩnh cửu, bất biến mà không trôi. Democritus gọi chúng là các nguyên tử.    Trong khi đọc, Sophie nhìn qua cửa sổ mấy lần để xem người viết thư bí ẩn đã đến hộp thư chưa. Giờ thì cô ngồi nhìn đăm đăm ra đường, suy nghĩ về những điều mình vừa đọc.    Cô thấy các tư tưởng của Democritus thật đơn giản nhưng cũng thật tài tình. Ông đã tìm ra lời giải thực sự cho vấn đề "chất cơ bản" và "sự biến đổi". Vấn đề này phức tạp đến nỗi nhiều thế hệ triết gia đã phải tốn bao công sức vì nó. Và cuối cùng, Democritus  đã tự mình giải thích được bằng phán đoán thông thường.    Sophie không nén được nụ cười. Thiên nhiên chắc phải được xây dựng từ những phần nhỏ bé không bao giờ thay đổi. Trong khi đó, rõ ràng Heraclitus cũng có lý khi cho rằng mọi dạng thức trong thiên nhiên đều biến đổi. Bởi vì con người ai cũng phải chết, các con vật cũng chết, ngay cả một dãy núi cũng bị xói mòn dần. Điều quan trọng là ở chỗ dãy núi đó cấu thành từ những phần nhỏ bé không phân chia được và không bao giờ bị phá huỷ.    Tuy nhiên, Democritus cũng đã đưa ra một số câu hỏi mới. Thí dụ, ông ta cho rằng mọi sự đều xảy ra một cách máy móc. Không như Empedocles và Anaxarogas, ông không chấp nhận giả thuyết về sự tồn tại của một sức mạnh tinh thần nào trong cuộc sống. Democritus còn tin rằng con người không có linh hồn bất tử.    Cô có chắc chắn về điều đó không?    Cô không biết. Nhưng dù sao thì cô cũng vừa mới bắt đầu khoá triết học. SỐ MỆNH ... thầy bói cố tiên đoán một điều khó mà đoán được... Sophie đã canh chừng cái hộp thư trong khi đọc về Democritus. Nhưng để cẩn thận, cô vẫn quyết định đi xuống cổng vườn. Khi mở cửa trước, cô trông thấy một chiếc phong bì nhỏ trên bậc cửa. Và tất nhiên là nó gửi cho Sophie Amundsen. Vậy là ông ta đã chơi xỏ cô! Đúng vào ngày cô canh chừng cẩn thận hộp thư thì con người bí ẩn lại lẻn vào nhà từ hướng khác và để lá thư lên thềm trước khi quay trở lại rừng. Khỉ thật! Làm thế nào mà ông ta biết được hôm nay Sophie sẽ canh chừng hộp thư? Ông ta đã nhìn thấy Sophie bên cửa sổ chăng? Dù sao thì cô cũng mừng vì đã nhận được thư trước khi mẹ về. Sophie quay về phòng và bóc lá thư. Chiếc phong bì trắng hơi bí ẩn ở quanh mép, và có hai cái lỗ nhỏ trên đó. Tại sao vậy? Mấy hôm nay trời không mưa mà! Mẩu thư ghi: Em có tin vào Số mệnh không? Có phải bệnh tật là sự trừng phạt của các vị thần? Những sức mạnh nào chi phối dòng chảy lịch sử? Cô có tin vào số mệnh không ư? Cô không rõ. Nhưng cô biết nhiều người tin. Có một cô bạn cùng lớp hay đọc tử vi trong các tạp chí. Nếu họ tin vào chiêm tinh, có lẽ họ tin cả số mệnh nữa, vì các nhà chiêm tinh học khẳng định rằng vị trí của các ngôi sao ảnh hưởng đến cuộc sống của con người trên trái đất. Nếu bạn tin rằng bạn gặp một con mèo đen đi ngang qua là vận rủi thì bạn đã tin vào số mệnh, không phải thế sao? Càng nghĩ, cô càng thấy nhiều ví dụ về chuyện tin vào số mệnh. Chẳng hạn, tại sao người gõ lên gỗ [4]? Tại sao thứ Sáu ngày 13 lại là ngày xui xẻo. Sophie nghe nói có nhiều khách sạn không có phòng số 13. Đó hẳn là vì có nhiều người mê tín. "Mê tín". Thật là một từ kỳ quặc. Nếu bạn theo Ki Tô giáo hay đạo Hồi, đó gọi là đức tin. Nhưng khi bạn tin vào chiêm tinh học hay thứ Sáu ngày 13, đó lại là mê tín! Ai có quyền gọi đức tin của kẻ khác là sự mê tín? Dù sao thì Sophie cũng biết chắc một điều. Democritus không tin vào số mệnh. Ông là một nhà duy vật. Ông chỉ tin vào các nguyên tử và không gian trống rỗng. Sophie cố suy nghĩ về các câu hỏi khác trong bức thư. "Có phải bệnh tật là sự trừng phạt của các vị thần?" Ngày nay liệu ai còn tin vào chuyện đó? Nhưng cô nhận ra rằng nhiều người cho là cầu nguyện sẽ giúp chóng lành bệnh. Vậy chắc hẳn họ tin rằng Chúa Trời có quyền lực nào đó đối với sức khỏe của con người. Câu hỏi cuối cùng khó hơn. Sophie chưa bao giờ để ý đến chuyện cái gì chi phối lịch sử. Chắc đó phải là con người chứ nhỉ! Nếu là Chúa Trời hay Số mệnh, thì con người chẳng có chút ý chí tự do nào. Suy nghĩ về ý chí tự do làm Sophie nghĩ đến một chuyện khác. Tại sao cô lại phải chịu để nhà triết học bí ẩn chơi trò mèo vờn chuột với mình? Tại sao cô không thể viết một bức thư cho chính ông ta? Ông ta hay bà ta chắc sẽ đặt một phong bì lớn nữa vào hộp thư trong đêm nay hoặc sáng mai. Cô sẽ đảm bảo rằng sẽ có một bức thư cho người này. Sophie bắt tay vào việc ngay. Thật khó khi viết thư cho một người cô chưa bao giờ gặp. Cô thậm chí còn không biết đó là nam hay nữ, già hay trẻ. Hoặc cũng có thể nhà triết học bí ẩn lại là một người quen. Cô viết: Nhà triết học kính mến, Chúng tôi rất trân trọng những bài giảng triết học từ xa của ông. Nhưng chúng tôi cảm thấy hơi bất tiện khi không được biết ông là ai. Do vậy, chúng tôi mong ông sử dụng tên đầy đủ của mình. Bù lại chúng tôi sẽ rất lấy làm vinh hạnh nếu ông tới chơi và uống cà phê, tốt nhất là khi mẹ tôi có nhà. Mẹ tôi đi làm từ 7h30 sáng đến 5h chiều hằng ngày, từ thứ Hai đến thứ Sáu. Những ngày đó, tôi cũng đi học, nhưng tôi luôn về nhà lúc 2h15, trừ thứ Năm. Tôi pha cà phê rất ngon. Xin chân thành cảm ơn. Học trò tận tụy của ông, Sophie Amundsen (14 tuổi) Ở cuối trang giấy, cô viết: Mong được trả lời. Sophie cảm thấy bức thư hơi quá trịnh trọng. Nhưng khó có thể biết nên dùng từ gì với một người giấu mặt. Cô bỏ lá thư vào trong một chiếc phong bì màu hồng và ghi "Kính gửi: Nhà triết học". Bây giờ vấn đề là ở chỗ phải đặt nó ở đâu để mẹ cô không phát hiện ra. Cô sẽ phải đợi mẹ đi làm về rồi mới đặt nó vào trong hộp thư. Và cô cũng sẽ phải nhớ kiểm tra hộp thư sáng sớm hôm sau trước khi người ta đem báo đến. Nếu tối và đêm nay không có thêm lá thư nào cho cô, cô sẽ phải lấy lại chiếc phong bì màu hồng. Tại sao mọi chuyện lại phải rắc rối vậy nhỉ? Tối hôm đó, mặc dù là thứ Sáu, Sophie lên phòng sớm. Mẹ cô cố dụ dỗ cô bằng bánh pizza và một bộ phim giật gân trên TV, nhưng Sophie nói cô đã mệt và muốn lên giường đọc sách. Trong khi mẹ xem TV, cô lẻn ra ngoài hộp thư với lá thư màu hồng. Rõ ràng là mẹ cô đã lo lắng. Kể từ vụ con thỏ trắng và chiếc mũ cao vành, bà bắt đầu nói với Sophie bằng mọt giọng không bình thường. Sophie rất không thích để mẹ lo lắng, nhưng cô vẫn phải lên phòng để canh chừng hộp thư. Khoảng mười một giờ, khi mẹ cô lên phòng, Sophie đang ngồi bên cửa sổ nhìn đăm đăm xuống đường. "Con không phải đang ngóng cái hộp thư đấy chứ!" "Con được nhìn bất cứ cái gì con thích chứ!" "Mẹ thật sự nghĩ là con đang yêu, Sophie à. Nhưng nếu cậu ấy định mang đến cho con một bức thư thì chắc chắn là cậu ta không đến vào lúc nửa đêm đâu." Khỉ thật! Sophie chúa ghét các kiểu nói chuyện mùi mẫn về tình yêu. Nhưng cô phải để cho mẹ tiếp tục tin rằng điều đó là sự thực. "Có phải cậu ta là người đã nói với con về thỏ và mũ cao vành không?" mẹ cô hỏi. Sophie gật đầu. "Cậu ta... cậu ta không dùng ma túy đấy chứ?" Giờ thì Sophie cảm thấy thực sự thương mẹ. Cô không thể tiếp tục để mẹ lo lắng kiểu này, cho dù mẹ thật buồn cười khi nghi ngờ một người là nghiện hút chỉ vì anh ta có một tư tưởng hơi kỳ quặc. Người lớn tuổi đôi khi thật ngốc. Cô nói, "Mẹ à, con hứa với mẹ chỉ một lần này thôi. Con sẽ không bao giờ làm chuyện gì kiểu đó... và cậu ấy cũng vậy. Nhưng cậu ấy rất thích triết học." "Cậu ta lớn tuổi hơn con?" Sophie lắc đầu. "Bằng tuổi?" Sophie gật đầu. "Mẹ đoán là cậu ấy rất đáng yêu. Còn bây giờ, mẹ nghĩ là con nên đi ngủ thôi." Nhưng hàng tiếng đồng hồ sau, Sophie vẫn không rời cửa sổ. Cuối cùng thì cô buồn ngủ díp mắt. Lúc đó là một giờ. Cô vừa định đi ngủ thì thấy một bóng đen xuất hiện từ trong rừng. Mặc dù bên ngoài trời gần như đã tối, cô vẫn nhận ra một dáng người. Đó là một người đàn ông, Sophie có cảm tưởng là ông ta đã khá lớn tuổi. Ông ta chắc chắn là không cùng tuổi với cô! Ông đội một chiếc mũ nồi. Cô có thể thề rằng ông ta đã nhìn về phía căn nhà. Nhưng đènn phòng Sophie không bật. Người đàn ông đi thẳng đến hộp thư và thả một chiếc phong bì lớn vào trong. Khi thả, ông nhìn thấy lá thư của Sophie, ông thò tay lấy lá thư. Một phút sau, người đàn ông đã rảo bước trên đường về phía cánh rừng. Ông vội vã đi xuống con đường rừng rồi mất hút. Sophie cảm thấy tim mình đạp mạnh. Cảm giác đầu tiên là muốn mặc nguyên bộ áo ngủ mà đuổi theo, nhưng cô không dám đuổi theo một người lạ vào lúc nửa đêm. Nhưng cô phải ra ngoài để lấy lá thư. Một phút sau, cô rón rén xuống thang, khẽ mở cửa rồi chạy ra hộp thư. Một loáng sau, cô đã về đến phòng mình với lá thư trong tay. Cô ngồi trên giường nín thở. Vài phút trôi qua mà không có động tĩnh gì trong nhà, cô mở lá thư và bắt đầu đọc. Cô biết rằng đây không phải thư trả lời cho bức thư của cô. Lá thư đó không thể đến sớm hơn ngày mai được. Số mệnh Chúc buổi sáng tốt lành, Sophie thân mến! tôi phải nhắc rằng em không bao giờ được theo dõi tôi. Một ngày nào đó chúng ta sẽ gặp nhau, nhưng tôi sẽ là người quyết định khi nào và ở đâu. Vậy nhé! Em sẽ không làm trái lời tôi chứ? Quay  lại câu chuyện về các triết gia. Ta đã thấy cách họ cố tìm kiếm một cách giải thích tự nhiên cho các biến đổi trong thiên nhiên. Trước đó, những điều này đã được giải thích bằng các huyền thoại. Những điều mê tín cổ xưa trong các lĩnh vực khác cũng phải bị loại bỏ. ta có thể thấy ảnh hưởng của chúng trong các vấn đề về bệnh tật và sức khỏe, cũng như các sự kiện chính trị. Trong cả hai lĩnh vực này, những người Hy Lạp đã là những đệ tử của thuyết định mệnh. Thuyết định mệnh cho rằng mọi sự xảy ra đều là tiền định. Chúng ta thấy niềm tin này ở khắp thế giới, không chỉ trong lịch sử mà cả trong thời đại của chúng ta. Ở các nước vùng Bắc Âu có một niềm tin sâu sắc vào "lagnadan" hay số mệnh thường có mặt trong các truyền thuyết cổ của người Iceland. Tại Hy Lạp cổ đại cũng như các vùng khác trên thế giới, ta thấy một niềm tin rằng con người có thể biết được số mệnh của mình qua một dạng sấm truyền nào đó. Nói cách khác, số mệnh của một con người hay một đất nước có thể được tiên đoán theo nhiều cách. Còn có nhiều người tin rằng họ có thể đoán tương lai của ta bằng bói bài, đọc chỉ tay, hoặc đoán tương lai qua các vì sao. Ở Na Uy có một kiểu bói đặc biệt là bói cà phê. Khi uống cạn cốc cà phê, dưới đáy cốc sẽ còn lại một chút cặn. Nó sẽ tạo ra một hình ảnh hay ít nhất là một hoa văn nào đó, ta cứ tha hồ tưởng tượng. Nếu cặn có hình giống một chiếc ô tô, nghĩa là người vừa uống cốc đó sắp lái xe đường dài. Như vậy, "thầy bói" cố gắng tiên đoán một điều khá là khó đoán trước được. Đây là đặc điểm của mọi kiểu tiên đoán. Cũng chính vì những điều họ "nhìn thấy" thật mơ hồ nên ta khó có thể bác bỏ được các tuyên bố của thầy bói. Khi ngắm những vì sao, ta thấy một vùng hỗn độn các đốm sáng nhấp nháy. Tuy nhiên, thời nào cũng có những người tin rằng các vì sao có thể cho ta biết về cuộc sống của chúng ta trên Trái Đất. Ngay cả hiện nay, vẫn có những thủ lĩnh chính trị hỏi ý kiến của các nhà chiêm tinh trước khi đưa ra bất cứ quyết định quan trọng nào. Sấm truyền đền Delphi Người Hy Lạp cổ tin rằng họ có thể những lời sấm truyền nổi tiếng ở đền Delphi về số mệnh của mình. Apollo, vị thần của sấm truyền, phan qua người nữ đồng Pythia ngồi trên một cái ghế bắc qua một khe nứt của mặt đất. Hơi thôi miên bốc lên từ khe nứt đưa Pythia vào trạng thái nhập đồng. Nhờ đó, bà trở thành phát ngôn viên của Apollo. Khi tới đền, người ta dâng các câu hỏi cho các tu sĩ trong đền, họ sẽ chuyển cho Pythia. Những câu trả lời của bà khó hiểu và đa nghĩa đến mức các tu sĩ sẽ phải giải nghĩa chúng. Bằng cách nào đó, mọi người được hưởng sự thông thái của Apollo, họ tin tưởng rằng thần biết mọi điều, ngay cả về tương lai. Có nhiều vị đứng đầu các thành bang không dám tham gia chiến tranh hoặc chưa thỉnh được sấm truyền đền Delphi. Vì vậy, các tu sĩ của Apollo hoạt động gần như các nhà ngoại giao hoặc các cố vấn. Họ là các chuyên gia với kiến thức sâu sắc về dân chúng và các quốc gia. Bên trên lối vào đền Delphi có khắc hàng chữ: Hãy biết chính mình! Nó nhắc nhở khách đến đền rằng con người phải luôn nhớ rằng mình không bất tử, và rằng không có ai thoát được định mệnh của mình. Người Hy Lạp đã có nhiều câu chuyện về những người cố vượt ra nhưng rồi vẫn không qua khỏi vòng cương tỏa của số mệnh. Theo thời gian, nhiều vở bi kịch đã được viết về những con người có số phận bi thảm này. Trong đó, nổi tiếng nhất là bi kịch về Vua Oedipus. Lịch sử và y học Nhưng số mệnh không chỉ chi phối cuộc đời của các cá nhân. Người Hy Lạp đã cho rằng ngay cả lịch sử của thế giới cũng bị chi phối bởi số mệnh, và xu thế của chiến tranh có thể bị xoay chuyển bởi sự can thiệp của các vị thần. Ngày nay, vẫn có nhiều người tin rằng Chúa Trời hay một sức mạnh bí hiểm nào đó đang định hướng dòng chảy của lịch sử. Vào thời kỳ mà các triết gia Hy Lạp đang tìm kiếm lời giải thích tự nhiên cho các quá trình biến đổi của thiên nhiên, các nhà sử học đầu tiên bắt đầu tìm kiếm cách giải thích tự nhiên cho dòng chảy của lịch sử. Khi một quốc gia thua trận, sự báo thù của các vị thần không còn là lời giải thích chấp nhận được đối với họ. Hai nhà sử học nổi tiếng nhất của Hy Lạp là Herodotus (484 - 424 t.Cn) và Thucydides (460 - 400 t.Cn). Người Hy Lạp cổ còn tin rằng bệnh tật cũng là do sự can thiệp của các vị thần. Các thần có thể làm cho họ khỏe mạnh trở lại nếu họ cúng lễ một cách thích hợp. Niềm tin này không chỉ có ở Hy Lạp. Trước khi y học hiện đại phát triển, quan điểm của quảng đại quần chúng là bệnh tật là do các nguyên nhân siêu nhiên. Từ "influenza" (bệnh cúm) thực ra có nghĩa là ảnh hưởng xấu từ các vì sao. Ngay cả hiện nay, có nhiều người tin rằng một số bệnh tật, chẳng hạn AIDS, là sự trừng phạt của Chúa Trời. Nhiều người còn tin rằng người ốm có thể được cứu chữa nhờ các sức mạnh siêu nhiên. Cùng thời với những xu hướng mới của triết học Hy Lạp, ngành y học Hy Lạp đã xuất hiện, nó cố gắng tìm kiếm những lời giải thích tự nhiên cho bệnh tật và sức khỏe. Người ta nói rằng nhà sáng lập ra nền y học Hy Lạp là Hippocrates, người được sinh ra trên đảo Cos vào khoảng năm 460 trước Công nguyên. Theo truyền thống y học Hippocrates, cách phòng bệnh tốt nhất là sự điều độ và lối sống lành mạnh. Sức khỏe là tình trạng bình thường. Bệnh tật xảy ra là dấu hiệu rằng Tự nhiên đã đi chệch đường do sự mất cân bằng về thể xác hoặc tinh thần. Sự điều độ, hài hòa là con đường dẫn tới sức khỏe cho mỗi người, và "một tinh thần lành mạnh trong một thể xác lành mạnh". Ngày nay, người ta nói nhiều về "y đức". Theo đó, bác sĩ phải tôn trọng một số quy tắc đạo đức. Thí dụ, một bác sĩ không nên kê thuốc ngủ cho người khỏe mạnh. Người bác sĩ còn phải giữ bí mật nghề nghiệp, nghĩa là ông ta không được phép tiết lộ bất cứ điều gì bệnh nhân đã kể về căn bệnh của mình. Các quan điểm này có từ thời Hippocrates. Ông đã đòi hỏi học trò tuyên thệ những điều sau đây: Tôi sẽ sử dụng cách điều trị mà theo năng lực và sự phán đoán của tôi là có lợi cho bệnh nhân và tránh mọi điều có hại. Tôi sẽ không đưa thuốc độc cho ai, kể cả khi được yêu cầu, và không gợi ý điều tương tự. Cũng như vậy, tôi sẽ không giúp phụ nữ phá thai. Mỗi khi đến một căn nhà, tôi sẽ đến vì lợi ích của người ốm và sẽ tránh mọi hành vi gây hại hoặc bất lương, tránh mọi cám dỗ của đàn ông, đàn bà, dù đó là người tự do hay nô lệ. Khi hành nghề, tất cả những gì tôi nghe thấy hoặc nhìn thấy mà không nên nói rộng, tôi sẽ giữ bí mật. Nếu giữ lời thề, tôi có thể sẽ được yên hưởng cuộc sống và nghề nghiệp, và luôn được mọi người kính trọng. Bằng không, tôi sẽ phải chịu những điều ngược lại.      Sáng thứ Bảy, Sophie giật mình tỉnh dậy. Đó là một giấc mơ hay cô quả thực đã nhìn thấy nhà triết học? Cô luồn tay xuống dưới giường. Đây rồi - lá thư đêm qua. Đó không chỉ là một giấc mơ. Chắc chắn cô đã nhìn thấy nhà triết học! Còn nữa, chính mắt cô đã thấy ông lấy lá thư cô viết!   Cô bò xuống sàn, kéo tất cả các tờ giấy đánh máy từ trong gầm giường ra. Nhưng cái gì kia? Sát chân tường có cái gì đó màu đỏ. Một chiếc khăn chăng? Sophie chui vào gầm giường và lôi ra một chiếc khăn lụa đỏ. Nó không phải là của cô, chắc chắn như vậy! Cô xem xét chiếc khăn kĩ càng hơn và há hốc mồm khi nhìn thấy tên HILDE được viết bằng mực dọc theo đường may. Hilde! Nhưng Hilde là ai mới được cơ chứ! Tại sao hai người cứ đụng độ nhau suốt vậy?    SOCRATES ... người uyên bác nhất là người biết rằng mình không biết... Sophie mặc một chiếc váy mùa hè rồi vội vã xuống bếp. Mẹ cô đang đứng cạnh bàn bếp. Sophie quyết định không đã động gì đến chiếc khăn lụa. "Mẹ đã mang báo vào chưa ạ?" Cô hỏi. Mẹ cô quay lại. "Con lấy cho mẹ nhé!" Sophie chạy ào ra cửa, chạy đến chỗ hộp thư. Chỉ toàn báo. Có lẽ còn quá sớm để nhận được thư trả lời. Trên trang nhất, cô đọc thấy tin về quân đội Na Uy trong lực lượng của Liên hợp quốc ở Lebanon. Lực lượng của Liên hợp quốc... có phải đó là dấu bưu điện trên tấm bưu thiếp của bố Hilde? Nhưng tem lại là tem Na Uy. Có lẽ quân đội Na Uy đã đem theo cả bưu điện của mình. "Bây giờ con lại quan tâm đến báo chí cơ đấy!" mẹ cô nói một cách tỉnh bơ khi cô quay vào bếp. May mà trong bữa sáng và suốt ngày hôm đó, mẹ cô không nói gì thêm về chuyện thư từ nữa. Khi mẹ đi chợ, Sophie chui vào hốc, mang theo lá thư về Số mệnh. Cô ngạc nhiên nhìn thấy một chiếc phong bì nhỏ màu trắng bên cạnh cái hộp thiếc đựng các lá thư khác của nhà triết học. Sophie dám chắc mình không đặt nó ở đó. Chiếc phong bì cũng bị ẩm quanh mép. Và nó có mấy lỗ nhỏ như cái cô nhận được hôm trước. Nhà triết học đã đến đây chăng? Ông ta biết về chỗ trốn bí mật của cô sao? Tại sao chiếc phong bì bị ẩm? Tất cả những câu hỏi đó làm cô chóng mặt. Cô bóc thư và đọc. Sophie thân mến, tôi đã rất thích thú khi đọc lá thư của em. Rất tiếc là tôi phải làm em thất vọng vì tôi không thể nhận lời mời. một ngày nào đó chúng ta sẽ gặp mặt, nhưng có lẽ sẽ còn lâu trước khi tôi có thể thân hành đến Khúc ngoặt của Thuyền trưởng. Tôi phải nói thêm rằng từ nay tôi sẽ không thể trực tiếp mang thư đến. Về lâu dài sẽ rất rủi ro. Những lá thư sau sẽ được liên lạc viên bé nhỏ của tôi đem đến. Ngoài ra, chúng sẽ được mang thẳng đến nơi bí mật trong vườn. Em có thể tiếp tục liên hệ với tôi khi cần. Khi đó, em đặt một chiếc phong bì hồng tại đó với một chiếc bánh quy hay một mẩu đường bên trong. Nếu liên lạc viên bé nhỏ tìm thấy, lá thư sẽ được mang thẳng đến cho tôi. TB. Thật không hay khi từ chối lời mời uống cà phê của một cô gái trẻ. Nhưng đôi khi cần phải làm như vậy. TTB. Nếu em tình cờ tìm thấy một cái khăn lụa đỏ ở đâu đó, nhờ em giữ gìn cẩn thận. Đôi khi đồ đạc cá nhân bị lẫn lộn, đặc biệt trong trường học và những nơi tương tự. Và đây là một trường triết học. Thân mến, Alberto Knox. Sophie đã sống gần trọn 15 năm và đã nhận được khá nhiều thư, ít ra là vào kỳ Giáng sinh hay trong dịp sinh nhật. Nhưng đây là lá thư kỳ cục nhất mà cô từng nhận được. Nó không có tem bưu điện, không được đặt vào hộp thư mà được đem thẳng đến nơi tối mật của Sophie trong bờ giậu cũ. Chuyện nó bị ẩm giữa thời tiết mùa xuân khô ráo cũng bí ẩn chẳng kém. Điều kỳ lạ nhất tất nhiên là chiếc khăn lụa. Chắc hẳn nhà triết học còn có một học trò khác. Học trò đó đã đánh mất một chiếc khăn lụa đỏ. Đúng. Nhưng làm thế nào mà cô ta lại để mất nó dưới gầm giường của Sophie? Còn Alberto Knox... tên gì nghe kỳ cục! Có một điều đã được khẳng định: mối liên hệ giữa nhà triết học và Hilde Møller Knag. Nhưng còn chuyện chính bố của Hilde mà lại nhầm lẫn địa chỉ hai người thì hoàn toàn không thể hiểu được. Sophie ngồi suy nghĩ hồi lâu về chuyện Hilder có thể liên quan đến cô như thế nào. Cuối cùng, cô bỏ cuộc. Nhà triết học đã viết rằng một ngày nào đó cô sẽ gặp ông. Có thể cô cũng sẽ gặp cả Hilde. Cô lật lá thư và thấy mặt sau cũng có chữ: Có sự thẹn thùng tự nhiên hay không? Người uyên bác nhất là người biết rằng mình không biết. Sự thấu hiểu đến từ bên trong. Người hiểu lẽ phải sẽ hành động đúng. Sophie hiểu những câu ngắn trong chiếc phong bì trắng có dụng ý để cô chuẩn bị cho chiếc phong bì to sẽ đến sau đó. Cô bỗng này ra một ý tưởng. Nếu "liên lạc viên" đến cái hốc để giao bức thư màu nâu, Sophie chỉ cần ngồi đợi anh ta. Hay đó là con gái? Cô nhất định sẽ giữ lấy người đó cho đến khi cậu ta chịu kể cho cô nghe về nhà triết học! Lá thư viết: "liên lạc viên nhỏ bé". Đó là một đứa bé chăng? "Có sự thẹn thùng tự nhiên không?" Sophie hiểu "thẹn thùng" có nghĩa là sự xấu hổ, chẳng hạn vì bị người khác nhìn thấy trong tình trạng không quần áo. Nhưng xấu hổ về chuyện đó có phải là cảm giác tự nhiên không? Nếu cái gì đó là tự nhiên thì nó phải giống nhau đối với tất cả mọi người, Sophie nghĩ. Ở nhiều vùng trên thế giới, khỏa thân là một điều hoàn toàn tự nhiên. Do vậy, chắc hẳn xã hội là cái quyết định ta có thể làm gì và không thể làm gì. Khi bà còn trẻ, chắn chắn người ta không thể để ngực trần tắm nắng. Nhưng ngày nay, đo số mọi người cho rằng như thế là "tự nhiên", tuy điều đó vẫn bị cấm ngặt ở nhiều nước. đây có phải là triết học không nhỉ? Sophie tự hỏi. Câu tiếp theo là: "Người uyên bác nhất là người biết rằng mình không biết". Uyên bác hơn ai? Nếu nhà triết học muốn nói rằng người hiểu rằng mình không biết tất cả mọi thứ trên đời uyên bác hơn người nào chỉ biết chút ít nhưng lại tưởng rằng mình biết rất nhiều - à thì chẳng khó gì mà không đồng ý. Trước kia, Sophie chưa bao giờ suy nghĩ đến điều này. Nhưng càng nghĩ, cô càng thấy rõ ràng rằng biết rằng mình không biết cũng chỉ là một loại kiến thức. điều ngu ngốc nhất mà cô từng biết đó là khi người ta làm như thể mình biết tất cả về những điều mà họ hoàn toàn chẳng biết tí gì. Câu tiếp theo nói rằng sự thấu hiểu đến từ bên trong. Nhưng chẳng phải mọi kiến thức đều đi vào đầu ta từ bên ngoài sao? Mặt khác, Sophie có thể nhớ những khi mẹ cô hoặc các thầy cô giáo ở trường cố gắng dạy cô điều gì đó mà cô không thấm được. Và mỗi khi cô thực sự học được điều gì khi chính cô đã tham gia vào nó theo một nghĩa nào đó. Thậm chí, thỉnh thoảng cô bất chợt hiểu ra một điều mà trước đó cô hoàn toàn mờ tịt. có thể đó là cái mà người ta gọi là "sự thấu hiểu" từ bên trong. Từ đầu đến giờ đều ổn cả. Sophie cho rằng cô đã hoàn thành khá tốt ba câu hỏi đầu tiên. Nhưng câu còn lại thì kỳ cục đến mức cô không nhịn được cười: "người hiểu lẽ phải sẽ hành động đúng." Có phải như thế có nghĩa rằng khi một tên cướp vào cướp nhà băng thì đó là do hiểu biết của hắn chỉ được đến thế? Sophie không cho là vậy. Ngược lại, cô nghĩ rằng cả trẻ con lẫn người lớn đều làm những việc ngu ngốc mà sau đó họ có thể sẽ hối hận chính là vì họ đã làm dù biết như vậy là không đúng. Trong khi ngồi suy nghĩ, cô nghe thấy tiếng sột soạt trong bụi cây khô ở phía bờ giậu gần rừng. Đó là người đưa tin chăng? Tim cô bắt đầu đập rộn lên. Nghe như có một con thú đang đến gần, nó đang thở hổn hển. Lát sau, một con chó to nòi Labrador sục vào hốc. nó thả chiếc phong bì to màu nâu đang ngậm trong mõm xuống chân Sophie. Tất cả xảy ra nhanh đến nỗi Sophie không kịp phản ứng. Một giây sau, cô ngồi với chiếc phong bì trên tay, còn con Labrador màu vàng đã phong về phía khu rừng. Khi tất cả đã qua, cô òa khóc. Cô ngồi như vậy một lúc lâu, mất hết khái niệm về thời gian. Rồi cô chợt ngẩng lên. Vậy ra đó là liên lạc viên quý hóa của ông ta! Sophie thở phào nhẹ nhõm. Tất nhiên, vì vậy mà phong bì bị ẩm quanh mép và có những cái lỗ nhỏ. Tại sao cô lại không nghĩ ra nhỉ? Bây giờ, thật dễ hiểu về chuyện bỏ một chiếc bánh quy hay một mẩu đường vào phong bì khi cô muốn gửi thư cho nhà triết học. Không phải lúc nào cô cũng có thể thông minh được như cô muốn, nhưng ai mà đoán được liên lạc viên lại là một chú chó cơ chứ! Nói một cách nhẹ nhàng thì chuyện này hơi khác thường. Cô từ bỏ ý định ép liên lạc viên tiết lộ thông tin về chỗ ở của Alberto. Sophie bóc chiếc phong bì to và bắt đầu đọc. Triết học thành Athens  Sophie thân mến! Khi đọc bức thư này, có lẽ em đã gặp Hermes. Nếu chưa, tôi xin nói thêm rằng đó là một chú chó. Đừng lo, nó rất hiền và hơn nữa còn thông minh hơn khá nhiều người. Trong bất cứ trường hợp nào, nó không bao giờ ra vẻ khôn ngoan hơn là nó vốn có. Có lẽ em cũng thấy rằng tên của nó không phải không có ý nghĩa. Trong thần thoại Hy Lạp, Hermes là người đưa tin của các vị thần. Đây còn là vị thần của những người đi biển, nhưng ta không quan tâm đến chuyện đó, ít nhất là bây giờ. Điều quan trọng hơn là tên của Hermes được dùng trong từ "hermetic", nghĩa là bị che giấu hay không tới được. Không phải là không thích hợp với cách Hermes giữ cho chúng ta giấu mặt đối với nhau. Vậy là liên lạc viên đã được giới thiệu. Tất nhiên, chú ta hiểu khi nghe gọi tên và tóm lại là rất ngoan. Nào, ta quay lại với triết học. Chúng ta đã hoàn thành phần đầu của khóa học. Ý tôi muốn nói đến các nhà triết học tự nhiên và sự đoạn tuyệt có tính chất quyết định của họ đối với bức tranh thần thoại về thế giới. Bây giờ ta sẽ gặp ba nhà triết học cổ điển vĩ đại: Socrates, Plato và Aristotle. Các triết gia này, mỗi người đã ảnh hưởng đến toàn bộ nền văn minh châu Âu theo cách của mình. Các nhà triết học tự nhiên còn được gọi là các triết gia tiền Socrates, vì họ sống trước thời của Socrates. Mặc dù Democritus chết sau Socrates vài năm, nhưng tất cả các tư tưởng của ông vẫn thuộc về triết học tự nhiên tiền Socrates. Socrates đại diện cho một thời kỳ mới về cả địa lý lẫn thời gian. Ông là người đầu tiên trong các nhà triết học vĩ đại sinh ra ở Athens, cả ông và hai người kế tục đều sống và làm việc ở đây. Em có lẽ còn nhớ là Anaxagonas cũng sống ở Athens một thời gian nhưng đã bị đuổi đi vì ông cho rằng Mặt Trời là một khối đá nóng đỏ. (Socrates cũng phải chịu số phận không hơn gì). Từ thời của Socrates, Athens là trung tâm của văn hóa Hy Lạp. Cần lưu ý sự thay đổi về đặc điểm của chính các nghiên cứu triết học khi nó tiến triển từ triết học tự nhiên đến Socrates. Nhưng trước khi gặp Socrates, ta hãy nghe một chút về các Học giả - những người ngự trị trên sân khấu Athens thời Socrates. Kéo màn, Sophie! Lịch sử của các tư tưởng cũng giống như một vở kịch nhiều màn. Con người ở vị trí Trung tâm Sau những năm 450 trước Công nguyên, Athens trở thành trung tâm văn hóa của thế giới Hy Lạp. Từ thời kỳ này, triết học đi theo một hướng mới. Các nhà triết học tự nhiên đã quan tâm chủ yếu đến bản chất của thế giới vật chất. Điều đó đem lại cho họ một vị trí trung tâm trong lịch sử của khoa học. Ở Athens, các mối quan tâm lúc bấy giờ tập trung vào cá nhân và vị thế của cá nhân trong xã hội. Dần dần, một nền dân chủ đã ra đời với các hội đồng nhân dân và tòa án. Để nền dân chủ có hiệu lực, dân chúng phải có đủ học thức để tham gia quá trình dân chủ. Ta đã thấy trong thời đại của chúng ta, một nền dân chủ non trẻ cần đến sự khai sáng cho quảng đại quần chúng như thế nào . Đối với những người Athens , điều đầu tiên và quan trọng nhất là phải thành thạo nghệ thuật diễn thuyết : nghĩa là nói sao cho thật thuyết phục. Một làn sóng giáo sư và triết gia từ các thuộc địa của Hy Lạp đổ về Athens. Họ tự xưng là Học giả [5] (Sophist). Từ "sophist" thời đó có nghĩa một người học vấn và uyên bác. Ở Athens, các Học giả kiếm sống bằng nghề dạy học cho dân chúng. Các Học giả có chung một đặc điểm với các nhà triết học tự nhiên: họ cũng chỉ trích các huyền thoại truyền thống. Nhưng đồng thời, các Học giả bác bỏ những gì mà họ coi là các suy đoán triết học vô ích. Quan điểm của họ là: mặc dù các câu hỏi triết học có thể có lời giải đáp, nhưng con người không thề hiểu được sự thực về các câu đố của thiên nhiên và vũ trụ. Trong triết học, quan điểm kiểu này được coi là thuộc Chủ nghĩa hoài nghi. Nhưng ngay cả khi ta không thể giải đáp mọi câu đố của thiên nhiên, ta biết rằng con người vẫn phải học cách sống với nhau. Các Học giả chọn con đường quan tâm đến con người và vị trí của con người trong xã hội. "Con người là thước đo của vạn vật", Học giả Protagoras (485-410 t.Cn) đã nói. Qua đó, ông ta muốn nói rằng các câu hỏi về đúng sai, xấu tốt đều phải được xét trong mối liên quan với nhu cầu của một con người. Khi được hỏi ông có tin vào các vị thần Hy Lạp không, ông chỉ đáp "Đó là một câu hỏi phức tạp, mà đời người thì ngắn ngủi". Một người mà không thể dám chắc về sự tồn tại hay không tồn tại của thần linh hay Chúa Trời được gọi là một người theo thuyết bất khả tri. Các Học giả đã chu du nhiều nơi, nhìn thấy nhiều kiểu chính quyền khác nhau. Cả các tập quán và luật lệ địa phương ở các  thành bang khác nhau cũng có thể rất khác nhau. Điều đó dẫn các Học giả đến với câu hỏi: cái gì là tự nhiên và cái gì do xã hội tạo ra. Khi đó, họ đã mở đường cho các cuộc tranh luận về xã hội trong thành Athens. Thí dụ, họ có thể chỉ ra rằng cụm từ "sự thẹn thùng tự nhiên" không phải lúc nào cũng biện minh được, vì nếu thẹn thùng là "tự nhiên" thì nó phải do bẩm sinh. Nhưng Sophie à, nó là bẩm sinh hay do xã hội tạo ra? Đối với người đã đi du lịch nhiều nơi trên thế giới, câu trả lời hẳn đơn giản: Sự thẹn thùng khi khoả thân không phải tự nhiên hay bẩm sinh. Thẹn thùng hay không chính là một vấn đề về tập quán xã hội. Như em có thể hình dung, các Học giả lang thang đã tạo ra sự tranh luận gay gắt ở Athens, khi họ chỉ rõ rằng không có tiêu chuẩn tuyệt đối về sự đúng sai. Trong khi đó, Socrates cố gắng chứng tỏ rằng, thực ra, có một số tiêu chuẩn là tuyệt đối và áp dụng cho tất cả mọi người. Socrates là ai? Có lẽ Socrates (470 - 399 t.Cn) là nhân vật kỳ bí nhất trong toàn bộ lịch sử triết học. Ông không bao giờ viết dù chỉ một dòng. Nhưng ông lại là một trong những nhà triết học có ảnh hưởng lớn nhất đối với tư tưởng của Châu Âu, một phần không nhỏ là do cái chết bi thảm của ông. Ông sinh ra ở Athens, ông sống phần lớn cuộc đời mình trên các quảng trường thành phố và các khu chợ, nói chuyện với những người ông gặp . "Cây cối ở nông thôn chẳng thể dạy tôi điều gì", ông đã nói vậy. Ông cũng có thể đứng hàng giờ đắm chìm trong suy tư. Ngay cả lúc sinh thời ông đã được xem là người kỳ bí, và chẳng bao lâu sau khi chết, ông được coi là người đặt nền móng cho nhiều trường phái triết học khác nhau. Chính sự bí ẩn và mơ hồ của ông làm cho các trường phái rất khác nhau có thể nhận ông làm người sáng lập của mình. Ta biết chắc chắn rằng ông có bề ngoài cực kỳ xấu xí. Ông có cái bụng phệ, đôi mắt lồi và chiếc mũi hếch. Nhưng người ta nói rằng ông cực kỳ đáng mến. Người ta còn nói về ông rằng "Bạn có thể tìm ông trong hiện tại, trong quá khứ, nhưng sẽ không bao giờ tìm được ai bằng ông." Tuy vậy, ông đã bị kết án tử hình vì các hoạt động triết học của mình. Chúng ta biết về cuộc đời của Socrates chủ yếu qua Plato, một học trò của ông, người đã trở thành một trong những nhà triết học vĩ đại nhất của mọi thời đại. Plato đã viết nhiều Hội thoại, hay là các tác phẩm kịch hoá các cuộc tranh luận triết học mà trong đó Socrates là nhân vật chính và là người phát ngôn của Plato. Do Plato đã truyền thụ triết học của ông qua lời của Socrates, ta không thể dám chắc những lời ông nói trong các Hội thoại có phải thực sự do chính ông đã nói ra hay không. Do vậy, khó có thể phân biệt giữa các học thuyết của Socrates và triết học của Plato. Chính rắc rối này cũng xảy ra đối với nhiều nhân vật lịch sử khác, những người không để lại bút tích. Jesus là một ví dụ điển hình. Ta không thể dám chắc rằng Jesus "trong lịch sử" quả thực đã nói những lời mà Mathew và Luke đã gán cho ông. Tương tự, những gì mà Socrates "trong lịch sử" quả thực đã nói luôn luôn bị che phủ trong màn bí mật. Những chuyện Socrates là ai thật ra không quan trọng lắm. Điều chủ yếu là chân dung Socrates mà Plato dựng nên đã khơi nguồn cho các nhà tư tưởng phương Tây trong suốt gần 2.500 năm. Nghệ thuật đối thoại Bí quyết trong nghệ thuật đối thoại của Socrates là ở chỗ ông không bao giờ tỏ ra có ý hướng dẫn mọi người. Ngược lại, ông tạo ra ấn tượng về một người muốn học hỏi những người ông bắt chuyện. Như vậy, thay vì thuyết giảng như một ông giáo sư truyền thống, ông thảo luận. Hiển nhiên, nếu ông chỉ giới hạn trong việc nghe người khác nói, thì ông đã không thể trở thành một nhà triết học nổi tiếng, và cũng đã chẳng bị kết án tử hình. Thực ra, ông chỉ đưa ra các câu hỏi, nhất là để bắt đầu cuộc đối thoại, như thể ông là người không biết gì. Trong quá trình đối thoại, ông sẽ để người kia nhận ra những điểm yếu trong luận cứ của họ, và khi bị dồn vào chân tường, cuối cùng họ sẽ phải nhận ra cái gì đúng, cái gì sai. Mẹ Socrates là một người đỡ đẻ. Ông từng nói nghệ thuật của ông cũng giống như nghệ thuật của một bà đỡ. Chính bà không sinh ra đứa trẻ, nhưng bà giúp đỡ để nó được sinh ra. Tương tự, Socrates coi nhiệm vụ của mình là giúp đỡ mọi người "sinh hạ" sự thấu hiểu đúng đắn, do sự thấu hiểu một cách thực sự phải đến từ bên trong. Nó không thể được cấy bởi một người nào khác, và chỉ có sự hiểu biết đến từ bên trong mới có thể dẫn tới sự thấu hiểu thực sự. Tôi sẽ diễn đạt lại một cách chính xác hơn: Khả năng sinh nở là một đặc điểm tự nhiên. Cũng như vậy, ai cũng có thể nắm được chân lý triết học nếu họ sử dụng lý tính bẩm sinh. Dùng lý tính bẩm sinh có nghĩa là lần tìm vào sâu trong bản thân và sử dụng những gì nằm ở đó. Đóng vai kẻ không biết gì, Socrates đã buộc tất cả những người ông gặp phải sử dụng nhận thức thông thường. Ông biết cách giả vờ dốt nát. Ta gọi đó là "sự châm biếm của Socrates". Nó giúp ông liên tục làm điểm yếu trong tư duy của mọi người bộc lộ ra. Ông cũng không ngại làm điều đó giữa quảng trường thành phố. Nếu gặp Socrates, rất có thể ta sẽ bị công khai biến thành một tên ngốc. Do vậy, không phải chuyện lạ khi thời gian trôi qua, người ta ngày càng cảm thấy khó chịu về ông, đặc biệt là những người có vai vế trong cộng đồng. Tục truyền rằng ông đã nói, "Athens giống như một con ngựa lừa biếng, còn tôi là một con ruồi trâu đang cố chích cho nó tỉnh ra". (Người ta thường làm gì với những con ruồi trâu, hả Sophie?) Giọng nói thần thánh Socrates chọc tức những người xung quanh không phải để hành hạ họ. Ông bị thúc ép bởi cái gì đó bên trong. Ông luôn nói rằng ông có một giọng nói thần thánh bên trong. Thí dụ, Socrates đã phản đối bất kỳ sự liên quan nào đến việc kết án tử hình người khác. Hơn nữa, ông còn từ chối tiết lộ thông tin về các địch thủ chính trị của mình. Cuối cùng, ông đã phải trả giá cho điều đó bằng cuộc sống của mình. Năm 399 trước Công nguyên, ông bị buộc tội "đưa ra các thần linh mới và làm tha hóa thanh niên", cùng với tội không tin vào các vị thần chính thống. Với gần như đa số, một bồi thẩm đoàn gồm 500 người đã kết luận ông có tội. Lẽ ra, ông đã có thể xin ân xá, hoặc ít nhất cũng có thể đồng ý rời bỏ Athens để giữ tính mạng. Nhưng nếu làm vậy, ông đã không phải là Socrates. Ông coi lương tâm và chân lý có giá trị hơn cuộc sống. Ông đã cố thuyết phục bồi thẩm đoàn rằng những gì ông đã làm chỉ nhằm phục vụ lợi ích cao nhất của thành bang. Tuy nhiên, ông vẫn bị kết án phải uống thuốc độc dược. Ít lâu sau, ông đã uống thuốc độc trước mặt bạn bè và chết. Tại sao vậy, Sophie? Tại sao Socrates lại phải chết? Người ta đã đặt ra câu hỏi đó suốt 2.400 năm nay. Tuy nhiên, ông không phải là người duy nhất trong lịch sử đã nhìn nhận rõ mọi việc để đi đến một kết cục cay đắng, và chấp nhận chết cho niềm tin của mình. Tôi đã nhắc đến Jesus, và thực ra có một số đặc điểm tương đồng giữa hai người. Cả hai đều là những tính cách bí ẩn đối với những người cùng thời. Không ai để lại ghi chép về các học thuyết của mình, do vậy chúng ta buộc phải dựa vào những hình ảnh do các học trò của họ vẽ nên. Nhưng chúng ta biết rằng cả hai đều là bậc thầy về nghệ thuật đối thoại. Họ có phong cách nói đặc trưng bởi tính thuyết phục mà có thể làm cho người ta say mê hay tức giận. Một điều khá quan trọng là cả hai đều tin rằng họ đang nói với danh nghĩa của một đấng vĩ đại hơn họ. Họ thách thức quyền lực của cộng đồng bằng cách chỉ trích mọi hình thức của bất công hay tha hóa. Và cuối cùng, họ phải trả giá cho các hoạt động đó bằng mạng sống của mình. Hai vụ xử Jesus và Socrates cũng có những điểm tương tự. Cả hai đều đã có thể tự cứu mình bằng cách xin ân xá. Nhưng họ đều cảm thấy sứ mệnh của mình sẽ thất bại, trừ khi họ vững niềm tin đến cùng. Và khi dũng cảm đón nhận cái chết, họ đã tập hợp được vô số môn đệ, ngay cả sau khi họ đã chết. Tôi không cố ý nói rằng Jesus và Socrates giống nhau. Tôi chỉ muốn em chú ý đến chi tiết rằng cả hai đều có một thông điệp gắn liền với lòng dũng cảm của họ. Một con bài Joke [6] ở Athens Chúng ta chưa kết thúc về Socrates đâu, Sophie! Ta đã nói về phương pháp của ông. Nhưng còn đề tài nghiên cứu triết học của ông là gì? Socrates sống cùng thời với các Học giả. Cũng như họ, ông quan tâm đến con người và vị trí của con người trong xã hội hơn là các sức mạnh của thiên nhiêm. Như một triết gia La Mã tên là Cicero vài trăm năm sau đã nói về ông, Socrates "kéo triết học từ trên trời xuống, đặt vào các thành phố và đưa đến từng nhà, buộc triết học nghiên cứu cuộc sống, luân lý, thiện và ác." Nhưng Socrates khác các Học giả ở một điểm nổi bật: ông không tự coi mình là một "học giả", nghĩa là một người học vấn và uyên bác. Khác với các Học giả, ông không dạy học vì tiền. Không, Socrates coi mình là một nhà triết học theo đúng nghĩa của từ đó. Một nhà triết học, một "philo-sopher", là một "người yêu sự thông thái". Em có hiểu không, Sophie? Điều rất quan trọng đối với phần còn lại của khóa học là em phải hiểu được đầy đủ sự khác biệt giữa một nhà thông thái và một nhà triết học. Các Học giả nhận tiền cho việc giảng giải những điều nhỏ nhặt, họ đã đền rồi đi mà không để lại dấu vết trong lịch sử. Tôi đang nói đến tất cả các ông thầy và những vị biết tuốt bảo thủ - những người thỏa mãn với chút kiến thức họ có , hay những người khoe khoang về những chủ đề mà họ chẳng có một khái niệm gì dù là nhỏ nhất. Em còn nhỏ nhưng chắc đã gặp một vài vị Học giả này rồi. Sophie à, một nhà triết học thực thụ hoàn toàn ngược hẳn. Nhà triết học hiểu rằng thực ra mình biết rất ít. Đó là lý do mà ông ta luôn cố gắng đạt được sự thấu hiểu thực sự. Socrates là một trong số những người hiếm hoi đó. Ông hiểu rằng ông không biết gì về cuộc sống và thế giới. Tiếp đến là phần quan trọng: ông cảm thấy khổ sở vì mình chỉ hiểu biết ít như vậy. Vì vậy, nhà triết học là người nhận ra rằng có rất nhiều điều mình chưa hiểu, và cảm thấy khổ sở vì chuyện đó. Theo một nghĩa nào đó, ông ta khôn ngoan hơn tất cả những kẻ khôn ngoan kiến thức về những chủ đề mà họ chẳng hiểu gì. Tôi đã nói "Người uyên bác nhất là người biết rằng mình không biết". Còn chính Socrates đã nói "Điều duy nhất mà tôi biết, đó là tôi chẳng biết gì cả". Hãy nhớ kỹ câu nói đó, vì đó là lời thú nhận rất hiếm thấy, ngay cả trong các nhà triết học. Hơn nữa, việc công khai tuyên bố đó nguy hiểm đến nỗi có thể phải trả giá bằng tính mạng. Những người có tinh thần phản kháng mạnh nhất là những người đặt câu hỏi. Việc trả lời còn xa mới đáng sợ bằng. Còn một câu hỏi có thể gây bùng nổ mạnh hơn một nghìn câu trả lời. Em còn nhớ câu chuyện về bộ quần áo mới của hoàng đế không? Hoàng đế thực ra trần như nhộng nhưng không một thần dân nào dám nói vậy. Bỗng nhiên, một đứa trẻ bật ra "Nhưng Hoàng để chẳng mặc gì cả!" Đấy là một đứa bé dũng cảm, Sophie à. Cũng như Socrates, người đã dám cho mọi người thấy con người hiểu biết ít đến thế nào. Ta đã từng nói vế mối tương đồng giữa trẻ em và các nhà triết học. Nói một cách chính xác hơn: Loài người đối mặt với nhiều câu hỏi khó mà chúng ta không có được câu trả lời thỏa đáng. Vậy có hai khả năng: hoặc ta tự lừa mình và phần còn lại của thế giới bằng cách vờ như ta đã biết tất cả những gì cần biết, hoặc ta có thể mãi mãi nhắm mắt làm ngơ trước những vấn đề trung tâm này và bỏ mặc mọi tiến độ. Con người được chia thành hai loại theo cách đó. Mọi người nói chung thuộc hai kiểu: hoặc khăng khăng cho rằng mình biết tất cả hoặc hoàn toàn dửng dưng. (Cả hai loại đều đang bò quanh quẩn dưới sâu trong bộ lông thỏ!) Cũng giống như khi chia bộ bài tú-lơ-khơ thành hai xấp, một xấp đen, một xấp đỏ. Một lúc nào đó, con joke xuất hiện, nó không phải cơ hay rô, cũng chẳng phải pích hay tép. Socrates đã là con joke này ở thành Athens. Ông không biết chắc cũng chẳng dửng dưng. Tất cả những gì ông biết là ông không biết gì cả, và nó làm cho ông khổ sở. Do vậy ông trở thành một triết gia - người không bỏ cuộc mà luôn luôn tìm kiếm chân lý đích thực. Người ta kể rằng có một người Athens đã hỏi lời sấm Đền Delphi xem ai là người thông thái nhất ở Athens. Lời sấm trả lời rằng, trong tất cả chúng sinh, Socrates là người thông thái nhất. Khi Socrates nghe được điều này, ông rất kinh ngạc, nếu diễn đạt một cách nhẹ nhàng. (Ông hẳn đã phá lên cười!) Ông đến gặp người được coi là thông thái tuyệt đỉnh của thành phố. Nhưng hóa ra người này không thể trả lời các câu hỏi của Socrates một cách thỏa đáng, Socrates nhận ra rằng lời sấm truyền có lý. Socrates cảm thấy cần phải thiết lập một nền tảng vững chắc cho tri thức của loài người. Ông tin rằng nền tảng này nằm trong lý tính của con người. Với niềm tin vững chắc vào lý tính con người, ông là người theo chủ nghĩa duy lý. Sự thấu hiểu đúng đắn dẫn đến hành động đúng đắn Như tôi đã nói, Socrates tin rằng ông được dẫn tới bởi một giọng nói thần thành từ bên trong. Và cái "lương tâm" đó bảo ông cái gì là đúng. Ông nói "người biết lẽ phải sẽ hành động đúng". Qua đó, ông muốn nói rằng sự thấu hiểu đúng đắn dẫn đến hành động đúng đắn. Và chỉ có người hành động đúng đắn mới là "người đạo đức". Những khi ta làm điều gì sai, đó là vì ta không biết cách nào tốt hơn. Đó là lý do tại sao việc không ngừng học tập lại quan trọng đến vậy. Socrates muốn tìm định nghĩa rõ ràng và đúng đắn một cách phổ quát cho cái đúng và cái sai . Khác với các Học giả, Socrates cho rằng khả năng phân biệt đúng sai nằm trong lý tính của con người chứ không phải trong xã hội . Có lẽ em thấy phần này hơi khó hiểu. Để tôi diễn đạt lại: Socrates cho rằng không ai có thể hạnh phúc nếu họ làm điều mà họ tin là không nên làm. Và người nào biết cách đạt được hạnh phúc cũng sẽ làm theo cách đó. Như vậy, người biết cái gì là đúng sẽ hành động đúng. Bởi ai lại muốn tự làm khổ mình làm gì? Em nghĩ thế nào, Sophie? Em có thể sống hạnh phúc nếu em liên tục làm những việc mà sâu trong lòng mình em biết là sai không? Có nhiều người dối trá, lừa bịp, đơm đặt về người khác. Họ có nhận thấy những việc đó là không đúng đắn hay không? Em có cho rằng những người này hạnh phúc không? Socrates thì không. Đọc xong bức thư, Sophie nhanh chóng cất nó vào trong chiếc hộp thiếc rồi bò ra vườn. Cô muốn vào nhà trước khi mẹ đi chợ về để tránh mọi câu hỏi về việc cô đã ở đâu. Vả lại, cô cũng đã hứa sẽ rửa bát. Nước vừa chảy đầy bồn rửa bát thì mẹ bước vào, xiêu vẹo với hai túi đồ to đùng. Có lẽ vì thế mà mẹ nói "Dạo này con cứ mải suy nghĩ tận đâu, Sophie à". Sophie không hiểu sao mình lại buột miệng "Socrates cũng vậy". "Socrates?" Mẹ tròn mắt nhìn cô. "Thật buồn là vì vậy mà ông ta đã phải chết." Sophie trầm ngâm nói tiếp. "Trời đất! Sophie! Mẹ không biết phải làm gì với con bây giờ!" "Socrates cũng vậy. Ông chỉ biết rằng ông chẳng biết gì. Tuy vậy, ông là người thông minh nhất thành Athens." Mẹ cô sững sờ không nói được nên lời. Cuối cùng bà nói, "Con đã học điều đó ở trường à?" Sophie lắc đầu quầy quậy. "Bọn con chẳng học được gì ở đó cả. Thầy cô và các nhà triết học khác nhau ở chỗ các thầy cô cho rằng họ biết rất nhiều điều mà họ muốn nhồi vào đầu học sinh. Các nhà triết học thì cố gắng cùng học trò suy nghĩ tìm lời giải đáp." "Lại chuyện con thỏ trắng! Con hiểu không? Mẹ phải biết bạn trai của con thực sự là ai? Nếu không, mẹ bắt đầu có cảm giác là thần kinh cậu ta không bình thường." Sophie quay lại, tay vẫn cầm mút rửa bát. "Không phải tinh thần ông ta không ổn định! Ông ấy chỉ muốn quấy rầy người khác để lắc cho họ bung ra khỏi lối suy nghĩ cứng nhắc của mình." "Đủ rồi! Mẹ thấy như thế là có vẻ hơi quá chớn đấy!" Sophie quay lưng lại bồn rửa. "Ông ta không quá chớn mà cũng chẳng chừng mực", Sophie cãi, "Ông ta chỉ muốn tìm chân lý. Đó là sự khác nhau giữa một quân joke thực sự và các quân khác trong bộ bài". "Con vừa nói joke?" Sophie gật đầu. "Mẹ đã bao giờ nghĩ về chuyện trong một bộ bài có rất nhiều cơ, rô, pích, tép, nhưng lại chỉ có một joke không?" "Con cãi mẹ thế hả, Sophie!" "Chính mẹ hỏi con trước chứ!" Mẹ cô đã cất xong các món đồ vừa mua. Giờ bà lấy tờ báo rồi đi vào phòng khách. Sophie có cảm giác mẹ đã sập cửa mạnh hơn bình thường. Rửa bát xong, cô lên phòng. Cô lấy chiếc khăn lụa đỏ mà cô đã cất trên nóc tủ cạnh bộ Lego xuống và xem xét nó một cách chăm chú. Hilde... ATHENS ...những toà nhà lớn đã mọc lên từ đống phế tích... Buổi tối hôm đó, mẹ Sophie đi thăm một người bạn. Ngay sau khi mẹ ra khỏi nhà, Sophie chạy ra vườn tới cái hốc. Cô tìm thấy một cái gói dày bên cạnh cái hộp bánh bằng thiếc. Sophie xé giấy bọc. Đó là một cái băng video. Cô chạy vào nhà. Băng video! Nhà triết học làm thế nào biết được nhà cô có một cái đầu video? Trong băng có gì vậy? Sophie nhét băng vào máy. Một thành phố trải rộng trên màn hình ti vi. Khi máy quay cận thành Acropolis, Sophie nhận ra đây chắc chắn là Athens. Cô thường thấy hình ảnh của khu phế tích cổ ở đó. Đây là những cảnh quay đời thường. Khách du lịch mùa hè với máy ảnh video lủng lẳng đang xúm đông xúm đỏ quanh khu phế tích. Một người trong đám đông hình như đang cầm một tấm biển. Lại thấy ông ta kia rồi! Chẳng phải tấm biển đó ghi chữ "Hilde" đấy sao? Một hai phút sau, máy quay cận cảnh một người đàn ông tuổi cỡ trung niên. Ông ta khá thấp, bộ râu đen tỉa gọn gàng, đầu đội một chiếc mũ nồi xanh. Ông nhìn vào máy quay và nói "Chào mừng em đến với Athens, Sophie! Chắc em cũng đoán được, tôi là Alberto Knox. Nếu không, tôi sẽ nhắc lại rằng con thỏ to vẫn đang được kéo ra từ trong chiếc mũ cao vành của vũ trụ." "Chúng ta đang đứng ở Acropolis. Từ đó có nghĩa là "thành trì", hay chính xác hơn là "thành phố trên đồi". Con người đã sống ở đây từ thời Đồ đá. Đó là vì địa hình đặc biệt của vùng này. Nền đất cao dễ phòng thủ chống xâm lăng. Từ Acropolis, ta có thể nhìn toàn cảnh một trong những hải cảng tuyệt nhất Địa Trung Hải. Do Athens cổ xưa được bắt đầu xây dựng trên vùng đất bằng dưới thấp, Acropolis đã được dùng làm pháo đài phòng thủ và nơi thờ cúng... Trong suốt nửa đầu thế kỷ V trước Công Nguyên, ở đây đã xảy ra cuộc chiến tranh dữ dội chống lại người Ba Tư. Năm 480, Xerxes, vua Ba Tư, chiếm được Athens và đốt toàn bộ các toà nhà bằng gỗ của Acropolis. Một năm sau, quân Ba Tư thua trận, đó là sự khởi đầu của thời hoàng kim của Athens. Acropolis được xây dựng lại, đẹp đẽ và uy nghi hơn, và được dành riêng cho việc thờ cúng." "Đó là thời kỳ mà Socrates đi dọc các dãy phố và quảng trường, nói chuyện với người Athens. Do đó, có thể ông đã chứng kiến sự tái sinh cảu Acropolis và theo dõi quá trình xây dựng những toà nhà oai nghiêm mà ta thấy ở quanh đây. Thật là một nơi tuyệt vời! Phía sau tôi, em có thể thấy ngôi đền lớn nhất, đền Parthenon, có nghĩa là "Nơi của Trinh Nữ". Đền được xây dựng để tôn vinh Athena, nữ thần bảo hộ của Athens. Cả công trình đồ sộ bằng đá hoa cương không có lấy một nét thẳng; cả bốn bên đều được làm hơi cong để công trình trông đỡ nặng nề. Mặc dù có kích thước khổng lồ, ngôi đền vẫn tạo một ấn tượng nhẹ nhàng. Nói cách khác, nó thể hiện một ảo giác quang học. Những cái cột hơi nghiêng vào trong, chúng có thể tạo một kim tự tháp cao 1.500 mét nếu chúng được tiếp tục kéo dài để gặp nhau bên trên mái đền. Trong đền chỉ có duy nhất bức tượng Athena cao 12 mét. Bức tượng làm bằng cẩm thạch trắng mà thời đó đã được tô vẽ bằng những màu sắc sống động, cẩm thạch đã được chở về từ một ngọn núi cách đây 16 km." Sophie đờ cả người. Có thật là nhà triết học đang nói với cô không. Cô mới chỉ một lần nhìn thấy dáng người ông trong đêm tối. Có phải đó chính là người đang đứng tại Acropolis ở Athens? Ông bắt đầu bước dọc chiều dài ngôi đền với máy quay theo sau. Ông dừng bước tại mép thềm và chỉ quang cảnh chung quanh. Máy quay hướng về một nhà hát cổ nằm ngay dưới chân Acropolis. "Đó, em có thể thấy nhà hát Dionysos". Người đàn ông đội mũ nồi nói tiếp. "Có lẽ nó chính là nhà hát cổ nhất Châu Âu. Vào thời của Socrates, đó là nơi mà những bi kịch tuyệt vời của Aeschylus, Sophocles, và Euripides đã được trình diễn. Tôi đã từng nhắc đến vua Oedipus bạc mệnh. Vở bi kịch của Sophocles về ông đã được trình diễn lần đầu tại đó. Nhưng họ còn diễn cả hài kịch nữa. Tác giả hài kịch nổi tiếng nhất thời đó là Aristophanes, người đã viết một vở hài kịch đầy hằn học mà trong đó Socrates bị coi là thằng hề của Athens. Ngay kia, em có thể nhìn thấy bức tường đá mà các nghệ sĩ đã dùng làm phông diễn. Nó được gọi là skene, nguồn gốc của từ "scene" trong tiếng Anh với nghĩa phông cảnh trong sân khấu. Tiện thể, từ 'theatre' (nhà hát) có xuất xứ từ một từ Hy lạp cổ với nghĩa là nhìn thấy. Nhưng đã đến lúc ta phải quay lại với các nhà triết học, Sophie à. Ta sẽ đi quanh đền Parthenon và xuống cổng chính...." Người đàn ông bé nhỏ đi vòng quanh ngôi đền vĩ đại rồi đi qua một số ngôi đền nhỏ hơn ở phía bên phải. Sau đó, ông bắt đầu bước xuống vài bậc thang giữa những cây cột cao. Khi xuống đến chân Acropolis, ông leo lên một ngọn đồi nhỏ rồi chỉ về phía Athens: "Ta đang đứng trên đồi Areapagos. Nơi đây trước kia là tòa án tối cao của người Athens chuyên xử các vụ án giết người. Nhiều trăm năm sau, thánh Paul đã đứng tại đây để giảng cho người Athens nghe về Jesus và đạo Ki Tô. Sau này, ta sẽ quay lại với những gì ông nói. Bên trái, em có thể nhìn thấy di tích quảng trường cổ thành Athens. Ngoại trừ ngôi đền lớn thờ thần thợ rèn Hephaetos, tất cả chỉ còn lại một vài khối đá hoa cương. Nào, ta đi xuống..." Thoáng sau, ông xuất hiện ở giữa các phế tích cổ. Vươn cao trên nền trời - ở phần trên của màn hình ti vi - là ngôi đền thờ nữ thần Athena nằm trên đồi Acropolis. Ông thầy triết học của cô ngồi xuống một khối đá hoa cương. Ông nhìn vào máy quay và nói: "Ta đang ngồi trên khu chợ cổ thành Athens. Một cảnh tượng đáng buồn. Em có nghĩ như vậy không? Tôi muốn nói về hiện tại ấy. Ngày xưa, nó đã từng được bao quanh bởi những ngôi đền tráng lệ, tòa án, công sở, cửa hàng cửa hiệu, một phòng hòa nhạc, và cả một cung thể thao lớn. Tất cả đều tập trung quanh quảng trường - một không gian rộng ngoài trời... Cả nền văn hóa châu Âu đã khởi nguồn từ khu đất bé nhỏ này." "Trong các ngôn ngữ chính ở châu Âu, các từ ngữ như chính trị và dân chủ, kinh tế và lịch sử, sinh học và vật lý, đạo lý và triết học, lý thuyết và phương pháp, tư tưởng và hệ thống đều bắt nguồn từ một cộng đồng dân cư nhỏ xíu mà cuộc sống hàng ngày chỉ tập trung quanh quảng trường này. Đây là nơi mà Socrates đã dành rất nhiều thời gian để trò chuyện với những người ông gặp. Có thể ông đã níu áo một người nô lệ đang đội một bình dầu ô liu để hỏi con người khốn khổ một câu hỏi triết học, bởi ông cho rằng nô lệ cũng có nhận thức thông thường như một người danh giá. Có thể ông đã tranh luận sôi nổi với một công dân Athens hoặc thì thầm trò chuyện với Plato, người học trò trẻ tuổi của mình. Cảm giác thật lạ thường khi nghĩ về chuyện đó.Chúng ta vẫn nói đến triết học Socrates hay triết học Plato, nhưng Socrates và Plato với nghĩa những con người thực sự thì lại là vấn đề hoàn toàn khác." Sophie cũng cảm thấy điều đó thật khác thường. Nhưng cô còn thấy lạ thường chẳng kém khi nhà triết học bỗng dưng nói với cô trong một băng video do một chú chó bí hiểm đem đến chỗ trốn bí mật của chính cô. Nhà triết học đứng dậy và khẽ nói: "Tôi đã định sẽ chỉ dừng ở đây thôi. Tôi đã muốn để em nhìn thấy Acropolis và phế tích của quảng trường cổ Athens. Nhưng tôi không rõ em có hiểu được xưa kia nơi đây đã huy hoàng đến thế nào hay không... vì vậy tôi muốn đi xa hơn một chút. Đây là một khóa học không bình thường... nhưng tôi chắc rằng phần còn lại sẽ là bí mật của chúng ta. Thôi được, dù sao thì nhìn thoáng qua một chút cũng đủ rồi..." Ông ngừng lời, nhưng vẫn đứng yên chỗ đó một lúc lâu, mắt không rời máy quay. Trong lúc đó, một vài toà nhà lớn bắt đầu mọc lên từ đống đổ nát. Như có phép thuật, những tòa nhà cổ lại một lần nữa đứng đó. Trên nền trời, Sophie vẫn có thể thấy Acropolis, nhưng bây giờ cả nó và các tòa nhà dưới quảng trường đều trông mới nguyên. Chúng được phủ bằng vàng và sơn nhiều màu sặc sỡ. Dân chúng với trang phục vui mắt đang đi quanh quảng trường. Một số đeo kiếm, một số khác đầu đội bình, một người tay kẹp một cuốn sách viết trên giấy cói. Sophie nhận ra ông thầy triết học. Ông vẫn đội mũ nồi xanh nhưng mặc áo thụng vàng cùng kiểu với những người xung quanh. Ông tiến về phía Sophie, nhìn vào máy quay và nói: "Khá hơn rồi! Chúng ta đang ở thành Athens cổ xưa, Sophie à. Tôi đã muốn em đến tận nơi, em thấy đấy! Ta đang ở năm 402 trước Công nguyên, chỉ ba năm trước khi Socrates qua đời. Hy vọng em đánh giá cao chuyến thăm đặc biệt này, bởi thuê được một cái máy quay ở đây không phải là chuyện dễ...". Sophie cảm thấy chóng mặt. Làm thế nào mà bỗng dưng người đàn ông kỳ dị này lại có thể đến được Athens của 2.400 năm trước? Làm sao mà cô lại được xem một đoạn phim video quay một thời kỳ xa xôi đến vậy? Thời vậy làm gì có video... hay đây là một bộ phim truyện chăng! Nhưng những tòa nhà hoa cương trông rất thật. Nếu những toà nhà này và cả Acropolis đã được xây lại chỉ để quay một cuốn phim thì quả là quá tốn kém. Dù thế nào thì đó cũng là một cái giá khủng khiếp phải trả chỉ để dạy Sophie về Athens. Người đàn ông đội mũ nồi quay lại nhìn cô. "Em có nhìn thấy hai người đàn ông dưới chân hàng cột đằng kia không?" Sophie nhận thấy một người đàn ông đứng tuổi mặc chiếc áo nhàu nát, bộ râu dài rối bù, cái mũi hếch, cặp mắt sắc lẻm, và đôi má phinh phính. Bên cạnh là một thanh niên trẻ tuổi đẹp trai. "Đấy là Socrates và Plato - học trò của ông. Em sẽ đích thân gặp họ." Nhà triết học đến chỗ hai người đàn ông, bỏ mũ, và nói điều gì đó Sophie không hiểu. Đó chắc là tiếng Hy Lạp. Sau đó, ông nhìn vào máy quay và nói: "Tôi đã nói với họ rằng em là một cô bé Na Uy, người rất muốn được gặp họ. Và bây giờ, Plato sẽ cho em một câu hỏi để suy nghĩ. Nhưng chúng ta phải thật nhanh trước khi bị lính gác phát hiện." Sophie cảm thấy mạch đập dồn dập trên thái dương khi người thanh niên tới nhìn vào máy quay. "Chào mừng em đến với Athens, Sophie!" Anh ta nói bằng một giọng dịu dàng hơi lơ lớ. "Tôi là Plato. Tôi sẽ giao cho em bốn nhiệm vụ. Đầu tiên, em phải nghĩ xem người nướng bánh làm thế nào để nướng được 50 chiếc bánh quy giống hệt nhau. Rồi em tự hỏi xem tại sao tất cả các con ngựa đều giống nhau. Tiếp theo, em phải xác định xem em có cho rằng con người có linh hồn bất tử hay không. Cuối cùng, em phải nói xem đàn ông và đàn bà có óc xét đoán như nhau hay không. Chúc em may mắn!" Hình ảnh trên màn hình tivi phụt tắt. Sophie tua đi tua lại nhưng đó là tất cả những gì có trong băng. Sophie cố gắng suy xét lại mọi chuyện một cách có trật tự. Nhưng vừa nghĩ đến ý tưởng này, thì ý nghĩ khác lại tràn đến. Ngay từ đầu, cô đã thấy rằng ông thầy triết học là người lập dị. Nhưng ông đã đi quá xa khi bắt đầu sử dụng những phương pháp giảng dạy chối bỏ tất cả các quy luật tự nhiên, Sophie thầm nghĩ. Có thật là cô đã nhìn thấy Socrates và Plato trên tivi không? Tất nhiên là không rồi, điều đó là không thể xảy ra. Nhưng đó chắc chắn không phải là phim hoạt hình. Sophie rút chiếc băng video ra khỏi máy rồi chạy lên phòng mình. Cô đặt nó lên ngăn tủ trên cùng, cạnh những khối Lego. Rồi cô lăn ra giường, mệt rã rời, cô ngủ thiếp đi. Vài giờ sau, mẹ cô vào phòng. Bà lay nhẹ Sophie và nói: "Con sao thế, Sophie?" "Ưm..hứ..?" "Con đã mặc nguyên váy dài đi ngủ!" Sophie hấp háy mắt ngái ngủ. "Con vừa đến Athens," cô lúng búng. Đó là tất cả những gì cô có thể nói khi cô trở mình ngủ tiếp. PLATO ...mong mỏi trở về với vương quốc của linh hồn... Sáng sớm hôm sau, Sophie giật mình thức giấc. Cô liếc nhìn đồng hồ. Mới hơn năm giờ nhưng cô đã tỉnh ngủ và ngồi dậy. Tại sao mình lại đang mặc váy? Cô bắt đầu nhớ lại mọi việc. Cô trèo lên ghế đẩu và nhìn lên ngăn tủ trên cùng. Đúng, kia rồi, nằm sâu bên trong là chiếc băng video. Không phải là một giấc mơ, ít ra thì không phải tất cả đều là mơ. Nhưng cô không thể đã nhìn thấy Plato và Socrates được... ôi, thế nào cũng được! Cô không đủ sức nghĩ tiếp về chuyện đó nữa. Có lẽ mẹ cô đã nói đúng, chắc dạo này cô hơi hâm hấp thật. Dù sao thì cô cũng không thể đi ngủ lại được. Có lẽ cô nên xuống vườn xem chú chó đã mang đến lá thư mới nào chưa. Sophie rón rén xuống thang, xỏ một đôi giày thể thao và ra ngoài. Trong vườn, mọi vật trong trẻo và yên tĩnh tuyệt vời. Chim chóc chíu chít, rối rít khiến Sophie không nhịn được cười. Sương mai lấp lánh trong lá cỏ như những giọt pha lê. Một lần nữa, Sophie lặng người trước vẻ kỳ diệu của thế giới. Bên trong hàng rậu rất ẩm ướt. Sophie không thấy thư mới của nhà triết học. Nhưng dù sao cô cũng lau một cái rễ cây to và ngồi xuống. Cô nhớ ra rằng Plato-trong-phim đã cho cô một số câu hỏi. Câu đầu tiên về chuyện người thợ bánh làm cách nào để nướng 50 chiếc bánh quy giống hệt nhau. Sophie phải suy nghĩ rất cẩn thận vì việc này chắc chắn không dễ dàng gì. Thỉnh thoảng mẹ cô nướng một mẻ bánh, chúng không bao giờ giống hệt nhau. Nhưng bà đâu phải là một chuyên gia làm bánh; có lúc bếp trông giống như vừa bị trúng bom vậy. Ngay cả những chiếc bánh quy mua ở hiệu về cũng chẳng bao giờ giống nhau hoàn toàn. Người thợ bánh đã nặn từng chiếc bánh một. Sophie nở nụ cười hài lòng. Cô còn nhớ một lần cùng bố đi chợ trong khi mẹ đang bận rộn nướng bánh Giáng sinh. Khi về nhà, cô thấy một lô bánh quy gừng hình người trải trên bàn bếp.Mặc dù không phải tất cả đều hoàn hảo, nhưng theo một cách nhìn nào đó thì chúng giống hệt nhau. Tại sao vậy? Hiển nhiên là vì mẹ đã dùng cùng một cái khuôn cho tất cả những chiếc bánh đó. Sophie cảm thấy thật hài lòng với chính mình vì đã nhớ lại chuyện đó, cô tuyên bố mình đã hoàn thành câu hỏi thứ nhất. Nếu người thợ bánh làm 50 chiếc bánh giống hệt nhau, hẳn người đó đã dùng cùng một cái khuôn cho cả 50 chiếc bánh. Xong! Tiếp theo, Plato-trong-phim đã hỏi cô tại sao tất cả các con ngựa đều giống hệt nhau. Nhưng chúng đâu có giống hệt! Ngược lại, Sophie cho rằng không có hai con ngựa nào giống y như nhau, cũng như không có hai người nào giống hệt nhau. Cô vừa định bỏ cuộc khi chợt nhớ lại những điều mình vừa nghĩ về những chiếc bánh quy. Chúng không hề giống nhau hoàn toàn. Có những chiếc dày hơn những chiếc khác. Một vài chiếc bị sứt mẻ. Nhưng theo một nghĩa nào đó, ai cũng có thể bảo rằng chúng "giống hệt nhau". Có lẽ câu hỏi thực sự của Plato là tại sao một con ngựa luôn là một con ngựa mà không phải là nửa giống ngựa nửa giống lợn chẳng hạn. Bởi vì tuy con thì có màu nâu như gấu, con thì trắng như cừu, nhưng tất cả các con ngựa đều có cái gì đó giống nhau. Chẳng hạn Sophie chưa từng nhìn thấy một con ngựa có sáu hay tám chân. Nhưng chắc chắn Plato không thể tin rằng các con ngựa giống nhau là vì chúng đuợc tạo ra từ cùng một cái khuôn! Tiếp theo, Plato cho cô một câu hỏi thật khó. Con người có linh hồn bất tử hay không? Sophie cảm thấy mình chưa đủ học vấn để trả lời câu hỏi này. Cô chỉ biết rằng các xác chết được chôn hoặc hoả thiêu, vì thế chẳng còn tương lai nào cho chúng. Nếu con người có một linh hồn bất tử, người ta sẽ phải tin rằng con người bao gồm hai phần riêng biệt: một thể xác hao mòn dần qua năm tháng, và một linh hồn hoạt động ít nhiều độc lập với những gì xảy ra với thể xác. Có lần, bà đã nói rằng bà cảm thấy chỉ có cơ thể là già nua, còn bên trong, bà vẫn luôn là một cô gái trẻ. Ý nghĩ về "cô gái trẻ" dẫn Sophie đến câu hỏi cuối cùng: có phải đàn ông đàn bà đều có óc xét đoán như nhau hay không?  Sophie không rõ lắm. Điều đó còn tuỳ thuộc quan niệm của Plato về óc xét đoán. Cô chợt nhớ một điều nhà triết học đã nói về Socrates. Socrates đã chỉ ra rằng mọi người đều có thể hiểu các chân lý triết học nếu họ sử dụng nhận thức thông thường. Ông cũng nói rằng nô lệ cũng có nhận thức thông thường như một người quý phái. Sophie đoán chắc ông cũng cho rằng phụ nữ cũng có nhận thức thông thường như nam giới. Sophie đang ngồi suy nghĩ thì bỗng có tiếng loạt xoạt trong bụi rậm và tiếng thở phì phò như một cái đầu máy hơi nước. Một giây sau, con Labrador màu vàng trườn vào hốc, mõm ngậm một chiếc phong bì to. "Hermes!", Sophie kêu lên, "Thả xuống! Thả xuống!" Con chó thả chiếc phong bì vào lòng Sophie, cô vươn tay xoa đầu nó. "Ngoan lắm! Hermes". Cô nói. Con chó nằm xuống để cô vuốt ve. Một vài phút sau nó nhổm dậy, quay lại lối cũ và chui ra khỏi bụi rậm. Sophie cầm chiếc phong bì và chui ra theo. Cô bò qua hàng dậu dầy và chẳng mấy chốc đã ra khỏi khu vườn. Hermes đã bắt đầu chạy về phía bìa rừng, Sophie theo sau cách khoảng vài bước. Con chó quay lại gầm gừ hai lần, nhưng Sophie không nao núng. Lần này cô quyết tâm tìm bằng được nhà triết học, kể cả nếu phải chạy đến tận Athens. Con chó tăng tốc và bất chợt rẽ ngoặt xuống một con đường hẹp, Sophie đuổi theo. Vài phút sau, con chó dừng lại, quay về phía cô và sủa như một con chó giữ nhà. Sophie vẫn không bỏ cuộc mà tận dụng cơ hội này để  rút ngắn khoảng cách. Con chó quay đi và phóng như bay dọc con đường. Sophie nhận ra rằng cô sẽ không thể đuổi kịp. Cô dừng lại, đứng lặng một lúc lâu như hàng thế kỷ, lắng nghe tiếng chân chạy xa dần, xa dần. Cuối cùng chỉ còn yên lặng. Cô ngồi xuống một gốc cây cụt ở rìa một khoảng trống trong rừng. chiếc phong bì vẫn còn trên tay. Cô bóc ra và bắt đầu đọc. Hàn lâm viện của Plato Cảm ơn em đã đi Athens cùng tôi, Sophie. Vậy là ít nhất tôi cũng đã tự giới thiệu. Và tôi cũng đã giới thiệu Plato với em, nên chúng ta có thể bắt đầu vào bài ngay. Khi Socrates uống độc dược thì Plato (428-347 t.Cn) hai mươi chín tuổi. Ông đã theo học Socrates một thời gian dài và đã theo dõi sát sao vụ án của ông. Việc Athens có thể kết án tử hình công dân ưu tú nhất của mình đã không chỉ in một dấu ấn sâu đậm trong Plato mà còn định hình cho toàn bộ nỗ lực nghiên cứu triết học của ông. Đối với Plato, cái chết của Socrates là một ví dụ sâu sắc về mâu thuẫn có thể tồn tại giữa xã hội thực tế và xã hội lý tưởng. Việc đầu tiên của Plato với tư cách là một triết gia là cho công bố Tự biện của Socrates, một bản tường trình về những lời tự biện hộ của Socrates trước bồi thẩm đoàn. Chắc hẳn em còn nhớ, Socrates dã không viết lại điều gì,  dù nhiều triết gia tiền Socrates đã viết. Vấn đề là ở chỗ hầu như không còn lại bút tích nào của họ. Nhưng trong trường hợp của Plato, người ta tin rằng tất cả những tác phẩm chính của ông đều được bảo tồn. (Ngoài Tự biện của Socrates, ông còn để lại nhiều thư và khoảng 25 Đối thoại triết học). Ngày nay, ta còn giữ lại những tác phẩm này, phần không nhỏ là do Plato đã thành lập một trường dạy triết học của riêng mình tại một khu rừng nhỏ không xa Athens. Ông lấy tên của Academus, một anh hùng trong thần thoại Hy Lạp, để đặt cho trường. Do vậy trường có tên là Academy. (Kể từ đó, nhiều nghìn "academy" được thành lập ở khắp nơi trên thế giới. Trong nhiều ngôn ngữ, từ này được dùng với nghĩa viện hàn lâm, viện nghiên cứu...) Các môn đuợc dạy ở Hàn lâm viện của Plato là triết học, toán học và thể thao - mặc dù "dạy" khó có thể coi là từ đúng. Đối thoại trực tiếp được coi là quan trọng bậc nhất tại Hàn lâm viện của Plato. Do vậy, không phải hoàn toàn tình cờ mà các tác phẩm của Plato thường có dạng những cuộc hội thoại. Chân, thiện, mỹ vĩnh hằng Khi mở đầu khóa học, tôi đã nói: nên hỏi xem một nhà triết học nghiên cứu về vấn đề gì. Và giờ tôi hỏi: Plato quan tâm đến những vấn đề gì? Nói một cách khái lược, ta có thể nói rằng Plato quan tâm đến mối quan hệ giữa những cái vĩnh cửu bất biến với những cái thay đổi. (Cũng như các nhà triết học tiền Socrates). Ta đã thấy các Học giả và Socrates đã chuyển sự chú ý của mình từ các câu hỏi về triết học tự nhiên tới các vấn đề liên quan đến con người và xã hội. Tuy nhiên, theo một nghĩa nào đó, ngay cả Socrates và các Học giả cũng chú trọng đến mối quan hệ giữa cái vĩnh hằng bất biến và cái biến đổi. Họ quan tâm đến vấn đề đó khi nó liên hệ với nguyên tắc đạo đức con người và các lý tưởng hay đức hạnh xã hội.  Nói một cách rất ngắn gọn, các Học giả cho rằng nhận thức về đúng sai là tùy theo từng thành bang, và tùy từng thế hệ. Vậy, đúng và sai là cái gì đó biến đổi. Điều này hoàn toàn không chấp nhận được đối với Socrates. Ông tin vào sự tồn tại của những quy tắc vĩnh cửu và tuyệt đối về đúng và sai. Bằng cách sử dụng nhận thức thông thường, tất cả chúng ta đều có thể đi đến các quy phạm bất biến này, do lý tính của con người là vĩnh cửu và bất biến. Em có theo kịp không, Sophie? Tiếp đến là Plato. Ông quan tâm đến cả hai: cái vĩnh cửu và bất biến trong thiên nhiên và cái vĩnh cửu bất biến khi nói đến đạo đức xã hội. Đối với Plato, hai vấn đề này giống nhau và là một. Ông cố gắng nắm bắt một "thực tại" vĩnh cửu và bất biến. Thật ra mà nói, đó chính là cái mà chúng ta cần ở các nhà triết học. Ta không cần họ tuyển chọn hoa hậu, cũng chẳng cần họ mặc cả cà chua. (Đây là lý do tại sao họ thường không được ưa chuộng!) Các triết gia sẽ cố gắng lờ đi các sự kiện thời sự nổi bật, thay vào đó, cố kéo sự quan tâm của mọi người vào cái "chân" vĩnh cửu, cái "thiện" vĩnh cửu và cái "mỹ" vĩnh cửu. Vậy, ta có thể bắt đầu điểm qua về nghiên cứu triết học của Plato. Nhưng ta hãy đi từng điểm một. Ta đang cố tìm hiểu một trí tuệ phi thường, một trí tuệ mà sau đó đã ảnh hưởng sâu sắc lên toàn bộ nền triết học châu Âu sau này.  Thế giới ý niệm Cả Empedocles và Democritus đã cho rằng tuy trong thiên nhiên mọi vật đều biến đổi nhưng dù sao vẫn có "cái gì đó" không bao giờ biến đổi. ("bốn cái gốc" hay "nguyên tử".) Plato cũng đồng ý với tuyên bố đó, nhưng theo một hướng hoàn toàn khác. Plato tin rằng mọi vật hữu hình trong tự nhiên đều "biến đổi". Do vậy, không có "chất" nào không tan rã. Tất cả mọi thứ thuộc về "thế giới vật chất" đều được tạo từ loại vật liệu mà thời gian có thể ăn mòn, nhưng mọi thứ đều được tạo ra theo một cái "khuôn" hay "dạng thức" không chịu ảnh hưởng của thời gian, nó vĩnh cửu và bất biến. Em có thấy như thế không? Ồ, không. Tại sao tất cả các con ngựa đều giống hệt nhau, Sophie?  Có thể em không cho rằng chúng giống nhau. Nhưng có những đặc điểm mà mọi con ngựa đều có, những đặc điểm đó giúp ta nhận ra chúng là ngựa. Một con ngựa cụ thể "biến đổi" một cách tự nhiên. Nó có thể già đi, què quặt, và sẽ đến lúc nó chết. Nhưng "hình thức"  của con ngựa thì vĩnh cửu và bất biến. Do vậy, theo Plato, cái vĩnh cửu và bất biến đó không phải là một "chất cơ bản" có tính vật chất, như quan niệm của Empedocles và Democritus. Khái niệm của Plato là về những khuôn mẫu vĩnh hằng và bất biến, mà về bản chất, chúng là những thứ trừu tượng thuộc về tinh thần và mọi vật đều được tạo ra theo đó. Các nhà triết học tiền Socrates đã đưa ra lời giải thích tương đối tốt về các biến đổi trong tự nhiên mà không phải giả định bất cứ cái gì thực sự "thay đổi". Họ cho rằng, ở giữa chu kỳ của thiên nhiên, có một số thành phần nhỏ nhất vĩnh cửu và bất biến đã không tan rã. Vậy cũng được, Sophie à. Nhưng họ đã không có cách giải thích có lý tại sao các "nguyên tố nhỏ nhất" đã từng là thành phần của một con ngựa có thể bốn năm thế kỷ sau bỗng dưng tụ lại với nhau để tạo thành một con ngựa hoàn toàn mới.  Hoặc một con voi hay cá sấu cũng tương tự. Trọng tâm của Plato là ở chỗ các nguyên tử của Democritus không bao giờ hợp thành một con "voi cá sấu" hay một con "cá sấu voi". Đó là điều đã định hướng cho suy nghĩ của ông. Nếu em đã hiểu tôi đang định dẫn dắt đến điều gì, em có thể bỏ qua đoạn sau. Nhưng tôi sẽ nói rõ hơn phòng khi em chưa nắm được. Em có một hộp Lego và em lắp một con ngựa bằng Lego. Sau đó em tháo ra và cất các khối Lego vào hộp. Em không thể hy vọng tạo ra  một con ngựa mới chỉ bằng cách xóc xóc cái hộp. Làm sao các khối Lego có thể tự tìm nhau và một lần nữa trở thành một con ngựa được? Không, Sophie, chính em phải tự lắp lại con ngựa. Và em có thể làm được điều đó là vì trong tâm thức em có hình ảnh về con ngựa. Con ngựa Lego được tạo ra từ một mô hình không thay đổi. Em đã xoay xở như thế nào với 50 chiếc bánh quy? Giả sử em từ trên trời rơi xuống, chưa bao giờ nhìn thấy một người thợ bánh bao giờ.  Em rơi vào một hiệu bánh đầy hấp dẫn, ở đó em nhìn thấy 50 chiếc bánh quy gừng hình người xếp trên giá.Tôi hình dung em sẽ tự hỏi làm thế nào mà chúng lại giống nhau đến vậy. Cũng có thể, một chiếc bánh thiếu một tay, chiếc khác bị mẻ đầu, chiếc thì có cái bụng gồ lên trông rất ngộ. Nhưng sau khi suy xét cẩn thận, em sẽ thấy tất cả các chiếc bánh quy gừng đều có chung một cái gì đó. Cho dù không có chiếc nào hoàn hảo, em vẫn ngờ rằng chúng có chung nguồn gốc. Em sẽ nhận ra rằng tất cả các chiếc bánh đều được định hình từ cùng một cái khuôn. Tiếp theo là gì, Sophie? Em sẽ nảy ra một ý muốn không cưỡng lại được: muốn nhìn thấy cái khuôn đó. Bởi vì rõ ràng cái khuôn phải tuyệt đối hoàn hảo - và đẹp hơn theo một nghĩa nào đó - khi so với những bản sao thô thiển kia. Nếu em đã tự mình giải được câu hỏi này, em đã đến với lời giải triết học trên chính con đường mà Plato đã đi qua. Như hầu hết các triết gia, Plato "từ trên trời rơi xuống" (ông đứng trên đỉnh của một chiếc lông thỏ mà). Ông sửng sốt khi thấy các hiện tượng tự nhiên thật giống nhau, và ông kết luận rằng chắc chắn đó là do có một số hữu hạn các hình thức ở "đằng sau" mọi vật mà ta nhìn thấy xung quanh. Plato gọi các hình thức này là các ý niệm. Đằng sau tất cả ngựa, lợn hay con người là "con ngựa ý niệm", "con lợn ý niệm" và "con người ý niệm". (Cũng bằng cách này, hiệu bánh ta vừa nói đến có thể có bánh quy gừng hình người, bánh quy gừng hình ngựa, và bánh quy gừng hình lợn. Bởi vì mọi hiệu bánh tử tế đều có nhiều hơn một khuôn bánh. Nhưng mỗi khuôn là đủ cho một loại bánh quy gừng). Plato đi đến kết luận rằng phải có một thực tại đằng sau "thế giới vật chất". Ông gọi thực tại này là thế giới ý niệm, nó bao gồm các "khuôn mẫu" vĩnh cửu và bất biến nằm sau các hiện tượng đa dạng mà ta gặp trong thiên nhiên. Quan điểm đáng chú ý này được gọi là thế giới ý niệm của Plato.  Tri thức đích thực Tôi đoán chắc là em vẫn theo kịp tôi, Sophie thân mến. Nhưng có lẽ em đang tự hỏi không biết Plato có đùa không. Có thật là ông tin rằng các hình thức như vậy thực sự tồn tại trong một thực tại hoàn toàn khác hay không? Có lẽ không phải suốt đời lúc nào ông cũng nghĩ như vậy. Nhưng chắc chắn đó là những gì ông muốn người đọc hiểu từ một số đoạn hội thoại của mình. Ta hãy thử đi theo dòng suy nghĩ của ông. Như ta đã thấy, nhà triết học cố gắng nắm bắt được cái gì đó vĩnh cửu và bất biến. Thật vô ích nếu viết một luận thuyết triết học về sự tồn tại của một cái bong bóng xà phòng cụ thể nào đó. Một phần là do người ta khó có thời gian nghiên cứu cái bong bóng kỹ càng trước lúc nó vỡ tan ra. Phần khác, có lẽ khó mà tìm được thị trường cho một luận thuyết triết học về một vật mà hầu như chẳng ai nhìn thấy, cái chỉ tồn tại có 5 giây. Plato tin rằng một vật  mà ta nhìn thấy trong thiên nhiên, những thứ hữu hình, có thể được coi như bong bóng xà phòng, bởi chẳng có gì tồn tại trong thế giới tri giác là trường cửu. Tất nhiên, ta biết rằng tất cả người hay vật, không sớm thì muộn, đều chết và phân hủy. Ngay cả một khối đá hoa cương cũng biến đổi và mòn dần. (Acropolis đã đổ nát thành phế tích đấy thôi, Sophie! Điều đó thật tệ nhưng không thể tránh khỏi). Plato muốn nói rằng ta không bao giờ có thể có được tri thức đích thực về bất cứ cái gì luôn trong trạng thái thay đổi. Ta chỉ có thể có các quan điểm về những vật thuộc thế giới tri giác, những vật hữu hình. Ta chỉ có thể có tri thức đích thực về những gì có thể hiểu bằng lý tính của ta. Thôi được, Sophie, tôi sẽ giải thích rõ hơn: một chiếc bánh quy gừng hình người sau khi nướng xong có thể bị méo mó đến mức khó có thể đoán được đáng ra nó phải có hình dạng như thế nào. Nhưng nếu đã thấy hàng tá bánh hình người ít nhiều thành công, thì tôi có thể biết khá chắc về hình dạng của cái khuôn. Tôi có thể đoán, tuy chưa bao giờ nhìn thấy. Có thể, được tận mắt nhìn thấy cái khuôn thực chưa chắc đã là một lợi thế, vì ta không thể lúc nào cũng tin tưởng vào các bằng chứng của giác quan. Thị lực của mọi người không giống nhau. Tuy nhiên, ta có thể dựa vào những gì lý tính mách bảo, vì nó giống nhau đối với tất cả mọi người.  Nếu em ngồi trong một lớp học có 30 học sinh khác, và thầy giáo hỏi trong các màu của cầu vồng, màu nào đẹp nhất, thầy có lẽ sẽ nhận được rất nhiều câu trả lời khác nhau. Nhưng nếu ông hỏi 8 lần 3 bằng bao nhiêu, cả lớp có thể sẽ trả lời giống nhau - hy vọng là như vậy. Bởi vì đó là khi lý tính lên tiếng, và theo một nghĩa nào đó, lý tính là cái đối lập trực tiếp của cái "cho là" hay "cảm thấy" . Ta có thể nói rằng lý tính là vĩnh cửu và phổ quát chính là vì nó chỉ diễn đạt những trạng thái vĩnh cửu và phổ quát. Plato thấy toán học rất cuốn hút, vì các trạng thái toán học không bao giờ thay đổi. Do vậy chúng là các trạng thái mà ta có thể có tri thức đích thực về nó. Nhưng ở đây ta cần thêm một ví dụ. Hãy tưởng tượng là em tìm thấy một quả thông tròn trong rừng. Có thể em nói em "nghĩ" rằng trông nó cực tròn, trong khi Joanna khẳng định rằng nó hơi bẹt về một bên. (Rồi cả hai bắt đầu cãi nhau về chuyện đó!). Nhưng em không thể có được tri thức đích thực về bất cứ thứ gì em có thể tri giác bằng mắt. Mặt khác, em có thể khẳng định một cách tuyệt đối chắc chắn rằng tổng các góc trong một hình tròn là 360 độ. Trong trường hợp này, em đang nói về một hình tròn lý tưởng có thể không tồn tại trong thế giới thực nhưng em có thể hình dung được rất rõ ràng. (Em đang nói đến cái khuôn bánh chứ không phải là một cái bánh cụ thể nào). Tóm lại, ta chỉ có thể có tri giác không chính xác về những vật ta cảm nhận bằng các giác quan. Nhưng ta có thể có tri thức đích thực bằng những gì ta hiểu  bằng lý tính. Cho đến ngày tận thế thì tổng các góc trong một tam giác vuông vẫn sẽ mãi là 180 độ. Tương tự, con ngựa "ý niệm" vẫn sẽ đi bằng bốn chân ngay cả khi tất cả ngựa trong thế giới tri giác đều bị què một cẳng. Một linh hồn bất tử Như tôi đã giải thích, Plato tin rằng thực tại được chia thành hai vùng. Một vùng là thế giới tri giác mà ta chỉ có thể nhận được tri thức gần đúng và không đầy đủ về nó bằng cách sử dụng năm giác quan (cũng gần đúng và không đầy đủ). Trong thế giới tri giác này, "mọi thứ đều biến đổi" và không có gì bền vững. Không có gì trong thế giới tri giác trường tồn, chỉ có những cái đến rồi đi. Vùng kia là thế giới ý niệm  mà chúng ta có thể có được tri thức đích thực về nó bằng cách sử dụng lý tính của ta. Không thể cảm nhận được thế giới ý niệm bằng các giác quan, nhưng các ý niệm (hay hình thức) là vĩnh cửu và bất biến. Theo Plato, con người là sinh vật kép. Ta có một thể xác biến đổi, nó gắn bó chặt chẽ với thế giới tri giác và có cùng số phận với mọi sự vật khác trong thế giới đó - một cái bong bóng xà phòng chẳng hạn. Mọi giác quan của ta đều dựa vào thể xác này và do vậy không đáng tin cậy. Nhưng chúng ta còn có một linh hồn bất tử, linh hồn này chính là thực tại của lý tính. Và do không phải là một thứ vật chất, linh hồn có thể quan sát thế giới ý niệm. Nhưng đó chưa phải là tất cả, Sophie. CHƯA PHẢI LÀ TẤT CẢ! Plato còn cho rằng linh hồn đã hiện hữu trước khi nó trú ngụ trong thể xác. (Nó nằm trong một cái ngăn tủ cùng với tất cả những chiếc khuôn bánh quy). Nhưng ngay khi linh hồn thức tỉnh trong một cơ thể người, nó đã quên hết các ý niệm hoàn hảo. Rồi một điều gì đó bắt đầu xảy ra. Thực tế, một quá trình kỳ diệu bắt đầu. Khi con người đó khám phá các khuôn mẫu đa dạng trong thế giới tự nhiên, hồi ức mơ hồ khuấy động linh hồn anh ta. Anh ta nhìn thấy một con ngựa, nhưng là một con ngựa không hoàn hảo. (Một chiếc bánh quy gừng hình ngựa!). Hình ảnh đó đủ để đánh thức trong linh hồn một hồi ức mờ nhạt về "con ngựa" hoàn hảo mà linh hồn đã từng nhìn thấy trong thế giới ý niệm, điều đó gợi lên cho linh hồn một nỗi khao khát được trở về với thế giới thực sự của nó. Plato gọi sự khao khát này là eros - tình yêu. Rồi linh hồn cảm thấy một nỗi "mong mỏi được trở về với khởi nguồn chân chính của nó". Từ đây thể xác và toàn bộ thế giới giác quan được trải nghiệm như là những gì không hoàn chỉnh và không có ý nghĩa. Linh hồn khao khát được bay về nhà, về với thế giới ý niệm trên đôi cánh của tình yêu. Nó mong được giải thoát khỏi xiềng xích của thể xác. Tôi phải nhấn mạnh rằng Plato đang mô tả một dòng đời lý tưởng, bởi chắc chắn không có chuyện con người thả cho linh hồn tự do để bắt đầu cuộc hành trình trở về thế giới ý niệm. Hầu hết mọi người đều níu lấy thế giới cảm giác với những "phản chiếu" của các ý niệm. Họ nhìn thấy một con ngựa, rồi một con ngựa khác. Nhưng họ không bao giờ thấy rằng tất cả những con ngựa đó đều chỉ là những mô phỏng mờ nhạt. (Họ lao vào bếp ăn lấy ăn để những chiếc bánh quy mà không có lấy một ý nghĩ về chuyện chúng ở đâu ra). Cái mà Plato miêu tả là phương pháp của các nhà triết học. Triết học của ông có thể được xem như là một miêu tả về hoạt động triết học. Sophie à, khi em nhìn thấy một cái bóng, em sẽ cho rằng đó phải là bóng của một cái gì đó. Em nhìn thấy cái bóng của một con vật. Em nghĩ có thể đó là một con ngựa, nhưng em không chắc lắm. Do vậy em quay lại và nhìn thấy chính con ngựa đó, tất nhiên nó đẹp hơn và hình dáng sắc nét hơn vạn lần cái "bóng ngựa" mờ mờ. Tương tự, Plato tin rằng mọi hiện tượng thiên nhiên chỉ là những cái bóng của các khuôn mẫu hay ý niệm vĩnh cửu. Nhưng hầu hết mọi người bằng lòng với cuộc sống giữa những cái bóng. Họ chẳng bao giờ nghĩ xem cái gì tạo ra những cái bóng đó. Họ cho rằng những cái bóng là tất cả những gì tồn tại, không bao giờ nhận ra rằng chính mình cũng chỉ là những cái bóng. Và vì vậy, họ chẳng để ý đến sự bất tử của linh hồn của chính mình. Ra khỏi bóng tối của cái hang Plato dùng một truyện tưởng tượng để minh họa điều này. Ta gọi nó là Truyện về cái Hang.  Tôi sẽ kể lại bằng lời văn của mình. Hãy tưởng tượng một vài người sống trong một cái hang dưới lòng đất. Họ ngồi quay lưng lại miệng hang và chân tay bị trói để họ chỉ có thể nhìn thấy vách đá bên trong hang. Đằng sau họ là một bức vách cao. Đằng sau bức vách có những sinh vật giống người đi lại và giương cao những con rối có hình dạng khác nhau lên trên đỉnh bức vách. Do có một đống lửa ở sau những con rối, nên chúng tạo thành những cái bóng nhún nhảy trên vách đá bên trong hang. Do vậy, điều duy nhất mà những người trong hang nhìn thấy là vở kịch của những cái bóng. Họ đã ngồi đây từ khi sinh ra nên họ nghĩ rằng những cái bóng là tất cả những gì tồn tại. Tưởng tượng rằng một người trong số các cư dân hang đá tự giải thoát được cho mình khỏi dây trói. Điều đầu tiên anh ta tự hỏi đó là: những cái bóng trên vách hang là ở đâu ra. Em thử nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra khi anh ta quay lại và nhìn thấy những con rối đang được giương cao trên đỉnh bức vách? Đầu tiên, anh ta bị lóa mắt bởi ánh mặt trời chói lòa. Anh ta còn bị lóa mắt bởi sự rõ ràng, sáng sủa của những con rối vì trước kia anh chỉ mới nhìn thấy những cái bóng của chúng. Nếu anh leo được qua bức vách, vòng qua đống lửa để đến với thế giới bên ngoài, anh ta sẽ còn lóa mắt hơn nhiều. Nhưng sau khi dụi mắt, anh ta sẽ bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp của vạn vật. Lần đầu tiên trong đời, anh nhìn thấy màu sắc và những hình dáng rõ ràng. Anh sẽ nhìn thấy hoa cỏ và muông thú sống động mà những cái bóng trong hang chỉ là những phản chiếu tội nghiệp của chúng.  Nhưng ngay cả bây giờ, anh sẽ lại tự hỏi tất cả cỏ cây muông thú từ đâu đến. Anh sẽ nhìn thấy mặt trời và nhận ra rằng đó là cái đem lại sự sống cho những cỏ cây và muông thú này, cũng giống như ngọn lửa đã làm những cái bóng hiện lên. Cư dân hang đá sung sướng đã có thể nhảy chân sáo đến thẳng vùng thôn quê để vui hưởng sự tự do mới tìm thấy. Nhưng anh ta không làm thế, thay vào đó, anh lại nghĩ tới tất cả những người vẫn còn ở trong hang. Anh ta quay lại. Về đến nơi, anh cố gắng thuyết phục mọi người rằng những cái bóng trên vách đá thực ra chỉ là hình ảnh phản chiếu bập bùng của những cái "thật". Nhưng họ không tin, họ chỉ lên vách hang và nói rằng những gì họ nhìn thấy là tất cả những gì tồn tại. Cuối cùng họ giết anh ta. Qua Truyện về cái Hang, Plato đã minh họa con đường của nhà triết học từ những hình ảnh lờ mờ đến những ý niệm đích thực đằng sau mọi hiện tượng thiên nhiên. Có lẽ, ông còn nghĩ về Socrates, người đã bị những cư dân trong hang giết vì đã xáo trộn các tư tưởng truyền thống của họ và cố gắng soi sáng con đường dẫn tới sự thấu hiểu đích thực. "Truyện về cái Hang" minh họa lòng dũng cảm của Socrates và ý thức trách nhiệm của ông trong việc giáo dục con người. Ý Plato muốn nói rằng mối liên hệ giữa bóng tối trong hang và thế giới bên ngoài tương ứng với mối quan hệ giữa các hình dạng trong thế giới tự nhiên và thế giới của các ý niệm. Không phải ông có ý nói rằng thế giới tự nhiên tăm tối và buồn tẻ, mà là nó tăm tối và buồn tẻ khi so sánh với sự rõ ràng của các ý niệm. Một bức ảnh phong cảnh đẹp không hề tăm tối hay buồn tẻ. Nhưng nó chỉ là một bức ảnh. Nhà nước triết học Truyện về cái hang  được tìm thấy trong Nền Cộng hòa của Plato. Trong đoạn đối thoại này, Plato còn mô tả một bức tranh về "nhà nước lý tưởng", đó là một nhà nước tưởng tượng, lý tưởng, hay còn gọi là nhà nước không tưởng. Nói ngắn gọn, Plato cho rằng nhà nước nên được lãnh đạo bởi các nhà triết học. Ông giải thích điều này dựa trên cấu trúc của cơ thể con người. Theo Plato, cơ thể con người gồm có ba phần: đầu, ngực, và bụng. Ứng với mỗi phần là một năng lực tương ứng của linh hồn. Lý tính ở trong đầu, ý chí thuộc về  ngực, còn lòng ham muốn nằm ở bụng. Mỗi năng lực đó đều có một lý tưởng hay "đức tính". Lý tính hướng tới sự uyên bác. Ý chí vươn tới lòng dũng cảm, còn lòng ham muốn phải được kiềm chế để có thể đạt được sự điều độ. Chỉ khi cả ba phần cùng hoạt động như một thể thống nhất, ta mới có một cá nhân hài hòa, hay nói cách khác là "có đạo đức". Ở trường, một đứa trẻ trước hết phải học cách kiềm chế lòng ham muốn của mình, sau đó nó sẽ phải rèn luyện lòng dũng cảm, và cuối cùng lý tính dẫn đến sự uyên bác. Plato hình dung một nhà nước được xây dựng y như ba phần của cơ thể con người. Một cơ thể có đầu, ngực, bụng. Còn nhà nước có chính quyền, quân đội và người lao động. (Chẳng hạn nông dân). Ở đây, Plato đã sử dụng y học Hy Lạp làm mô hình cho mình. Cũng  như một con người hài hòa mạnh khỏe rèn luyện sự cân bằng và điều độ, một nhà nước "có đạo đức" là nhà nước mà trong đó mỗi người đều biết vị trí của mình trong bức tranh toàn cục. Như mọi khía cạnh khác của triết học Plato, triết học chính trị của ông được đặc trưng bởi chủ nghĩa duy lý. Sự tạo dựng một nhà nước tốt đẹp phụ thuộc vào việc nhà nước đó được lãnh đạo bằng lý tính. Cũng như cái đầu chỉ huy cơ thể, các nhà triết học phải lãnh đạo xã hội. Ta hãy thử một minh họa đơn giản về mối quan hệ giữa ba phần của con người và nhà nước: CƠ THỂ            LINH HỒN          ĐỨC TÍNH                  NHÀ NƯỚC đầu                     lý tính                    sự uyên bác                            chính quyền ngực                   ý chí                     lòng dũng cảm              quân đội bụng                   lòng ham muốn    sự điều độ                     người lao động Nhà nước lý tưởng của Plato không phải không giống hệ thống đẳng cấp cổ của Ấn Độ, trong đó, mỗi người đều có chức năng cụ thể của mình để phục vụ lợi ích của cả cộng đồng. Ngay từ trước thời của Plato, hệ thống đẳng cấp của Ấn Độ đã có một kiểu cấu trúc ba phần tương tự: đẳng cấp tăng lữ, đẳng cấp chiến binh, và đẳng cấp dân lao động. Ngày nay, người ta gọi nhà nước kiểu Plato là nhà nước chuyên chế. Nhưng có một điều rất đáng chú ý  đó là Plato cho rằng phụ nữ cũng có thể lãnh đạo hiệu quả không kém đàn ông, vì lý do đơn giản: các nhà cầm quyền lãnh đạo bằng lý tính. Ông khẳng định rằng phụ nữ có năng lực lý luận như nam giới nếu họ được đào tạo như nam giới và không phải nuôi dạy con hay làm công việc nội trợ. Trong nhà nước lý tưởng của Plato, những người lãnh đạo và các chiến binh không được phép có cuộc sống gia đình và tài sản riêng. Việc nuôi dạy trẻ em được cho là có tầm quan trọng rất lớn, không thể để cho cá nhân mà phải phụ thuộc trách nhiệm của nhà nước. (Plato là nhà triết học đầu tiên chủ trương ủng hộ các nhà trẻ công lập và nền giáo dục chính quy). Sau nhiều cản trở về chính trị, Plato viết cuốn Luật pháp, trong đó, ông mô tả "nhà nước pháp quyền" là nhà nước tốt thứ nhì. Lần này, ông lại đưa cuộc sống riêng và quan hệ gia đình quay trở lại. Quyền tự do của phụ nữ do vậy bị hạn chế hơn. Tuy nhiên, ông nói rằng một nhà nước không giáo dục và đào tạo phụ nữ thì cũng giống một người chỉ tập luyện tay phải của mình. Nhìn chung, ta có thể nói rằng Plato có một quan điểm tích cực về phụ nữ trong bối cảnh xã hội thời ông. Trong đối thoại có tên Bữa tiệc, ông đã dành cho một người phụ nữ, một nữ tu trong truyền thuyết tên là Diotima, vinh dự của việc trao cho Socrates sự thấu hiểu triết học. Đó là Plato, Sophie à. Các lý thuyết đáng kinh ngạc của ông đã được đem ra bàn luận và phê phán trong suốt hơn hai ngàn năm. Người đầu tiên làm điều đó là một trong những học trò từ Hàn lâm viện của chính ông. Tên người đó là Aristotle, ông là nhà triết học vĩ đại thứ ba từ Athens.Tôi dừng ở đây! Trong  khi Sophie đọc về Plato, mặt trời đã lên ở đằng đông. Nó lấp ló trên đường chân trời đúng lúc cô đọc đến đoạn một người trèo ra khỏi hang và chớp chớp mắt trong ánh sáng chói lòa bên ngoài. Như thể chính Sophie vừa chui ra từ một cái hang sâu. Sophie cảm thấy từ khi đọc Plato cô nhìn thiên nhiên theo một cách hoàn toàn khác. Nó gần giống như người vừa bị mù màu. Như thể trước đó cô mới chỉ nhìn thấy những cái bóng mà chưa nhìn thấy các ý niệm rõ nét. Cô không dám chắc là Plato hoàn toàn đúng trong những gì ông đã nói về các khuôn mẫu vĩnh cửu, nhưng đó là một ý nghĩ đẹp khi cho rằng mọi sinh vật sống đều là bản sao không hoàn hảo của các hình thức vĩnh cửu trong thế giới ý niệm. Bởi chẳng phải tất cả cây cỏ, con người, muông thú đều "không hoàn hảo" sao? Sophie thấy mọi vật quanh mình thật đẹp và sống động, đến nỗi cô phải dụi mắt để xem có phải đó là thực hay không. Nhưng chẳng có gì cô đang thấy đây sẽ trường tồn. Dù sao, một trăm năm nữa, cũng những bông hoa này, những con thú này sẽ lại ở đây. Ngay cả nếu mọi bông hoa đều phải héo tàn, mọi con thú đều phải chết dần và chìm vào quên lãng, sẽ có cái gì đó "hồi tưởng" hình ảnh của chúng. Sophie đăm đăm nhìn thế giới. Bỗng một con sóc leo ngược lên một cây thông. Nó bò vài vòng quanh thân cây rồi biến vào trong đám cành lá. "Ta đã nhìn thấy chú mày từ trước rồi!" Sophie nghĩ. Cô nhận ra rằng đó có thể không phải con sóc mà cô đã nhìn thấy từ trước, nhưng cô đã nhìn thấy "hình thức" đó. Có lẽ Plato đã có lý. Có thể, trước đây, cô đã thực sự nhìn thấy "con sóc" vĩnh cửu trong thế giới ý niệm, khi linh hồn cô chưa đến trú ngụ trong một thể xác con người. Có thật cô đã sống trước đó không? Linh hồn cô có tồn tại trước khi nó có một cơ thể để chạy lòng vòng trong đó hay không? Và có thật là cô mang một cục vàng nhỏ trong người - một vật báu không thể bị bào mòn bởi thời gian, một linh hồn sẽ tiếp tục sống khi thể xác của chính cô già đi rồi chết? NGÔI NHÀ GỖ CỦA ÔNG THIẾU TÁ ... cô gái trong gương nháy cả hai mắt ... Mới có bảy giờ mười lăm. Chưa cần về nhà vội. Chủ nhật, mẹ Sophie thường dễ dãi, bà chắc sẽ ngủ thêm hai tiếng nữa. Cô có nên đi xa thêm một chút vào trong rừng và thử tìm Alberto Knox không? Tại sao con chó lại gầm gừ về phía cô dữ dội vậy? Sophie đứng dậy và đi dọc lối mòn mà Hermes đã đi, cô cầm theo cái phong bì nâu với tập giấy viết về Plato. Mỗi khi đường rẽ nhánh, cô chọn lối rộng hơn. Tiếng chim hót ríu rít khắp nơi, trên cây, trên trời, và cả trong bụi rậm. Chúng đang bận rộn với công việc buổi sáng. Chúng chẳng biết đến sự khác nhau giữa ngày thường và Chủ nhật. Ai đã dạy chúng làm tất cả những việc đó? Phải chăng có một chiếc máy tính nhỏ xíu bên trong mỗi con chim, lập chương trình cho những việc chúng làm? Lối mòn dẫn lên một ngọn đồi nhỏ, sau đó đi xuống dốc giữa những hàng thông cao. Rừng ở đây dày đến mức cô chỉ có thể nhìn được xa khoảng chục mét giữa các thân cây. Bỗng cô thoáng thấy một cái gì lấp lánh giữa những thân cây thông. Đó hẳn là một cái hồ nhỏ. Lối mòn dẫn đi hướng khác nhưng Sophie tự tìm đường xuyên qua đám cây. Không rõ vì sao, nhưng cô cứ để chân mình dẫn bước. Cái hồ không lớn hơn một cái sân bóng đá. Bờ bên kia, cô nhìn thấy một chiếc thuyền nhỏ nằm nửa trên cạn, nửa dưới nước. Trên thuyền có một cặp mái chèo. Sophie nhìn quanh. Kiểu gì thì cô cũng không thể đi vòng quanh hồ để đến ngôi nhà gỗ đỏ mà không bị ướt hết giầy. Cô quyết định đến chỗ chiếc thuyền và kéo nó xuống nước. Rồi cô trèo lên, lắp mái chèo và chèo sang bên kia hồ. Chẳng mấy chốc, chiếc thuyền cập bờ bên kia. Sophie lên bờ và cố kéo chiếc thuyền lên theo. Bờ bên này dốc hơn nhiều so với bên kia. Sophie chỉ ngoảnh nhìn lại đằng sau một lần trước khi bước về phía ngôi nhà. Cô hơi sửng sốt vì sự bạo gan của mình. Thế nào mà cô lại dám làm việc này? Cô không hiểu. Cứ như thể có "cái gì" lôi kéo cô vậy. Sophie gõ cửa. Cô đợi một lúc nhưng chẳng có ai trả lời. Cô thử xoay nắm đấm một cách cẩn thận, và cửa mở. "Xin chào!" cô gọi. "Có ai ở nhà không ạ?" Cô bước vào và thấy mình đang ở trong phòng khách. Cô không dám đóng cánh cửa sau lưng. Rõ ràng có ai đó đang sống ở đây. Sophie có thể nghe thấy tiếng gõ lách cách trong cái bếp lò cũ. Có người vừa mới ở đây. Trên một chiếc bàn ăn lớn có một chiếc máy chữ, một vài cuốn sách, hai chiếc bút chì, và một chồng giấy. Bên cạnh cửa sổ trông ra hồ là một chiếc bàn nhỏ hơn và hai chiếc ghế. Ngoài ra, có rất ít đồ đạc, nhưng lại có một bức tường được phủ bởi những cái giá xếp đầy sách. Phía trên một cái tủ ngăn kéo màu trắng có treo một tấm gương tròn lớn với khung dày bằng đồng. Trông nó có vẻ rất cổ. Có hai bức tranh treo trên tường. Một bức là tranh sơn dầu vẽ một ngôi nhà trắng nằm không xa cái vịnh nhỏ với một căn nhà thuyền màu đỏ. Giữa ngôi nhà và nhà thuyền là một khu vườn thoai thoải với một cây táo, vài bụi cây rậm rạp và mấy tảng đá. Khu vườn được bao quanh bởi những hàng cây bulô trông như một vành khăn. Bức tranh có tên là "Bjerkely". Bên cạnh là một bức chân dung cổ của một người đàn ông ngồi trên ghế cạnh cửa sổ. Ông có một cuốn sách đặt trong lòng. Cảnh nền của bức tranh cũng có một vịnh nhỏ với cây và đá. Bức tranh trông có vẻ như nó đã được vẽ từ vài trăm năm trước. Nhan đề của bức tranh là "Berkeley", và tên cuả họa sĩ là Smibert. Berkeley và Bjerkely. Thật kỳ lạ! Sophie tiếp tục xem xét. Một cái cửa dẫn từ phòng khách vào một cái bếp nhỏ. Ai đó vừa rửa bát. Đĩa và cốc được xếp lên trên một cái khăn, một vài chiếc vẫn còn ánh lên từ những giọt nước có xà phòng. Có một cái bát thiếc trên sàn, bên trong còn một chút thức ăn thừa. Chắc người nào sống ở đây có nuôi chó hoặc mèo. Sophie quay lại phòng khách. Một cái cửa khác dẫn vào một phòng ngủ bé xíu. Trên sàn cạnh chân giường có một cái đệm dày. Sophie tìm thấy vài sợi lông vàng trên đó. Bằng chứng đây rồi! Giờ thì Sophie biết rằng đây chính là nơi ở của Alberto Knox và Hermes. Quay lại phòng khách, Sophie đứng trước gương. Tấm gương đã mờ và xước nhiều, hình ảnh phản chiếu của cô chỉ nhòa nhòa. Cô bắt đầu làm điệu bộ với bóng mình trong gương như cô thường nghịch trong buồng tắm ở nhà. Cái bóng trong gương bắt chước giống hệt. Tất nhiên, đó là điều duy nhất mà người ta chờ đợi. Bất chợt, một cái gì thật đáng sợ xảy ra. Đúng một lần - trong một tích tắc - Sophie thấy rất rõ ràng cô gái trong gương nháy mắt bằng cả hai mắt. Sophie hoảng hốt lùi lại. Nếu chính cô đã nháy mắt làm sao cô có thể nhìn thấy cô gái kia nháy mắt được? Không chỉ có thế, có vẻ như cô gái khi đã nháy mắt với Sophie như để nói rằng: Tôi nhìn thấy bạn, Sophie à. Tôi ở đây, ở phía bên kia của tấm gương. Sophie cảm thấy trống ngực đập thình thịch, cùng lúc đó, cô nghe thấy tiếng chó sủa ở đằng xa. Hermes! Cô phải ra khỏi đây ngay lập tức. Rồi cô nhìn thấy một chiếc ví xanh trên mặt tủ dưới cái gương. Trong đó có một tờ 100 cu-ron, một tờ 50, và một chiếc thẻ học sinh. Trên đó có bức ảnh một cô gái tóc vàng và cái tên Hilde Moiler Knag... Sophie rùng mình. Cô lại nghe thấy tiếng chó sủa. Cô phải ra khỏi đây, ngay lập tức! Khi đi vội vàng qua cái bàn, cô nhìn thấy nằm giữa những quyển sách và chồng giấy là một chiếc phong bì trắng trên đó ghi một chữ : SOPHIE. Không kịp hiểu mình đang làm gì, cô vơ lấy chiếc phong bì, nhét nó vào trong phong bì nâu đựng bài học về Plato. Rồi cô lao ra khỏi nhà, sập cửa. Tiếng chó sủa nghe gần hơn. Nhưng tệ nhất là cái thuyền đã biến mất. Một hai giây sau, cô nhìn thấy nó đang trôi giữa hồ, một cái mái chèo nổi lềnh bềnh bên cạnh. Tất cả chỉ vì cô đã không thể kéo nó lên trên bờ. Tiếng chó sủa rất gần, cô đã có thể nhìn thoáng thấy bóng nó giữa những thân cây bên kia hồ. Sophie không lưỡng lự thêm một giây nào nữa. Với chiếc phong bì lớn trong tay, cô lao vào bụi rậm phía sau ngôi nhà gỗ. Một lát sau, cô bắt đầu phải lội qua nền đất lầy lội, vài lần thụt xuống quá mắt cá chân. Nhưng cô phải đi tiếp. Cô phải về được nhà. Chẳng bao lâu, cô gặp một lối mòn. Đó có phải con đường mà cô đã đi không? Cô dừng lại để vắt khô chiếc váy. Và rồi cô òa khóc. Tại sao cô lại có thể ngu ngốc đến vậy? Điều tồi tệ nhất là chiếc thuyền. Cô không thể quên được hình ảnh chiếc thuyền với một mái chèo trôi lênh đênh trên mặt hồ. Thật đáng xấu hổ... Ông thầy triết học có thể đã đến bờ hồ. Ông sẽ cần chiếc thuyền để về nhà. Sophie cảm thấy mình như một tên tội phạm. Nhưng cô đã không cố ý làm vậy. Chiếc phong bì! Điều đó có lẽ còn tồi tệ hơn nữa. Tại sao cô lại lấy nó? Dĩ nhiên là vì có tên cô trên đó, vậy nó là của cô theo một nghĩa nào đó. Nhưng dù vậy, cô vẫn cảm thấy mình như một tên trộm. Hơn nữa, cô lại còn cung cấp bằng chứng rằng chính cô là kẻ đã ở đó. Sophie mở phong bì và đọc. Cái gì có trước - gà hay con gà "ý niệm"? Chúng ta có được sinh ra với các "ý niệm" bẩm sinh hay không? Đâu là sự khác biệt giữa một cái cây, một con thú và một con người? Tại sao trời mưa? Phải làm thế nào để có một cuộc sống tốt? Cô không thể nghĩ gì về các câu hỏi đó ngay lúc này được, nhưng cô đoán chúng có liên quan đến nhà triết học tiếp theo. Có phải ông ta tên là Aristotle? Cuối cùng thì cô cũng nhìn thấy bờ giậu sau khi phải chạy một quãng đường thật dài xuyên rừng. Cứ như thể bơi vào bờ sau một vụ đắm tàu vậy. Nhìn từ bên ngoài, hàng giậu trông thật buồn cười. Cho đến khi bò vào hốc, cô mới nhìn đồng hồ. Đã mười giờ rưỡi. Cô cất chiếc phong bì to vào trong hộp bánh và nhét tờ giấy khi các câu hỏi mới vào trong cạp quần. Mẹ đang gọi điện khi cô vào nhà. Nhìn thấy Sophie, bà nhanh chóng cúp máy. "Con đi đâu về vậy?" "Con... đi dạo... trong rừng" Sophie lắp bắp. "Vậy à." Sophie đứng yên nhìn nước rỏ giọt từ cái váy của mình. "Mẹ đã gọi Joanna..." "Joanna?" Mẹ mang quần áo khô cho cô. May mà cô giấu được lá thư của nhà triết học. Rồi hai mẹ con ngồi trong bếp, mẹ cô pha nước socola nóng. Một lúc sau, bà bắt đầu: "Con vừa đi với anh ta?" "Anh ta?" Trong đầu Sophie chỉ có ông thầy triết học. "Đúng, với anh ta. Cái anh chàng với con thỏ của con ấy!" Sophie lắc đầu quầy quậy. "Hai đứa đã làm gì, Sophie? Tại sao con lại bị ướt hết cả như vậy?" Sophie ngồi nhìn cái bàn một cách nghiêm trọng. Nhưng cô đang cười thầm trong bụng. Khổ thân mẹ, bây giờ mẹ lại lo về chuyện đó. Cô lắc đầu lần nữa. Lần này thì các câu hỏi đổ xuống đầu cô như mưa. "Mẹ muốn biết sự thật. Con đã đi chơi suốt đêm phải không? Tại sao hôm đó con đi ngủ mà lại mặc nguyên quần áo? Có phải con chỉ chờ mẹ đi ngủ là lẻn ra phải không? Con mới có mười bốn tuổi thôi, Sophie! Mẹ yêu cầu con nói xem con đang hẹn hò với ai!" Sophie bật khóc. Rồi cô bắt đầu kể. Cô vẫn còn sợ, và khi sợ, người ta thường nói thật. Sophie giải thích rằng cô đã thức dậy rất sớm và đi dạo trong rừng. Cô kể về căn nhà gỗ nhỏ và con thuyền, và về cái gương bí hiểm. Nhưng cô không đả động gì đến khóa học qua thư. Cô cũng không kể về cái ví xanh. Không rõ vì sao, nhưng cô phải giữ bí mật về Hilde cho riêng mình. Mẹ cô quàng tay ôm cô trìu mến, và Sophie hiểu mẹ đã tin mình. "Con không có bạn trai" Sophie sụt sịt "con chỉ bịa như vậy vì lúc đó mẹ bực về chuyện con thỏ trắng". "Và con thực sự đã đến tận ngôi nhà gỗ của ông thiếu tá ư..." "Ngôi nhà gỗ của ông thiếu tá?" Sophie tròn mắt nhìn mẹ, "Căn nhà nhỏ bằng gỗ đó được gọi như vậy vì mấy năm trước có một ông thiếu tá đã sống ở đó một thời gian. Ông ta khá là lập dị, mẹ cho là ông ta hơi hâm hâm. Nhưng điều đó chẳng quan trọng. Ngôi nhà đã bị bỏ hoang từ thời đó." "Không phải! Có một nhà triết học hiện đang sống ở đó." "Thôi nào, con lại bắt đầu tưởng tượng rồi!" Sophie ở lại trong phòng mình và suy nghĩ về những chuyện vừa xảy ra. Đầu cô có cảm giác như một đoàn xiếc huyên náo với những con voi kéo gỗ, những chú hề ngốc nghếch, những diễn viên đu bay dũng cảm, và những con khỉ biết làm trò. Nhưng một hình ảnh cứ bám dai dẳng mãi - một con thuyền nhỏ với một mái chèo trôi trên hồ trong rừng sâu - và có người đang cần cái thuyền để về nhà. Cô cảm thấy chắc chắn nhà triết học sẽ không tức giận và sẽ tha lỗi cho cô nếu ông ta biết cô đã đến nhà ông. Nhưng cô đã phá vỡ giao ước. Đó là tất cả những lời cảm ơn mà nhà triết học nhận được cho khóa triết dành cho cô. Làm sao cô có thể sửa chữa việc làm ngốc nghếch đó bây giờ? Sophie lấy một tờ giấy màu hồng và bắt đầu viết: Nhà triết học kính mến. Em là người đã đến ngôi nhà gỗ của thầy sáng sớm Chủ nhật. Em đã rất muốn gặp thầy để bàn luận về một số vấn đề triết học. Hiện tại, em đang rất hâm mộ Plato, nhưng em không chắc ông ấy có lý hay không khi nói rằng ý niệm hoặc các hình ảnh mẫu mực tồn tại trong một thế giới khác. Dĩ nhiên, chúng có trong linh hồn chúng ta, nhưng em nghĩ - dù sao cũng chỉ là suy nghĩ nhất thời - rằng đó là một chuyện khác. Em cũng phải thú nhận rằng em chưa thấy thuyết phục lắm về sự bất tử của linh hồn. Cá nhân em chẳng có chút hồi tưởng nào về các cuộc đời trước của mình. Nếu thầy có thể làm em tin rằng linh hồn của bà nội đã quá cố của em đang hạnh phúc trong thế giới ý niệm, thì em sẽ rất cảm ơn thầy. Thực ra không phải vì lý do triết học em viết lá thư này (và em sẽ bỏ thư vào trong một cái phong bì màu hồng cùng với một mẩu đường). Em chỉ muốn xin lỗi thầy vì đã không nghe lời. Em đã cố kéo hẳn chiếc thuyền lên bờ, nhưng em không đủ sức. Hoặc có lẽ một đợt sóng to đã kéo nó xuống nước. Em hy vọng thầy về được nhà mà không bị ướt chân. Nếu không, có thể thầy sẽ thoải mái hơn khi biết rằng em đã bị ướt sũng và có thể sẽ bị cảm lạnh. Nhưng đó là tại em. Em đã không động tới thứ gì trong nhà, nhưng em xin lỗi vì đã lấy chiếc phong bì trên bàn. Em đã không thể kìm mình được. Không phải vì em muốn lấy trộm mà là vì có tên em ghi trên đó. Trong lúc cuống quít, em đã nghĩ nó là của mình. Em thực sự xin lỗi thầy, em hứa sẽ không bao giờ làm thầy thất vọng nữa. TB. Bây giờ em sẽ bắt đầu suy nghĩ cẩn thận về những câu hỏi mới. TTB. Cái gương trong khung đồng ở bên trên cái tủ trắng là gương thường hay gương có phép ạ? Em hỏi vậy vì em không quen nhìn thấy bóng mình trong gương nháy cả hai mắt. Học trò chăm chỉ của thầy. SOPHIE. Sophie đọc lại lá thư hai lần trước khi đút vào trong phong bì. Cô nghĩ nó không trịnh trọng bằng lá thư cô viết lần trước. Trước khi xuống bếp để lấy một viên đường, cô đọc tờ giấy với các câu nói cho ngày hôm nay: "Cái gì có trước - con gà hay con gà "ý niệm""? Câu này rắc rối chẳng kém câu đố cổ về gà và trứng gà. Không thể có gà nếu không có trứng, và không thể có trứng nếu không có gà. Chắc nghĩ được xem gà có trước hay con gà "ý niệm" có trước cũng phức tạp chẳng kém. Sophie hiểu điều Plato muốn nói. Ông cho rằng con gà "ý niệm" đã có mặt trong thế giới ý niệm rất lâu trước khi gà hiện hữu trong thế giới tri giác. Theo Plato, linh hồn đã "nhìn thấy" con gà "ý niệm" trước khi đến trú ngụ trong một thể xác. Nhưng chẳng phải đây chính là chỗ Sophie nghi ngờ Plato đã nhầm lẫn đó sao? Làm sao một người chưa bao giờ nhìn thấy một con gà thật hay một bức tranh gà lại có thể có một "ý niệm" nào đó về gà? Điều đó đưa cô đến với câu hỏi thứ hai: Chúng ta có các "ý niệm" bẩm sinh hay không? Khó có khả năng như vậy, Sophie nghĩ. Cô khó có thể tưởng tượng một em bé mới sinh đã được trang bị các ý niệm. Rõ ràng người ta không thể biết chắc được, bởi vì việc em bé không biết nói không có nghĩa rằng nó không có ý niệm nào trong đầu. Nhưng chắc chắn là ta phải nhìn thấy những sự vật trong thế giới trước khi có thể hiểu biết được điều gì về chúng. "Đâu là sự khác biệt giữa một cái cây, một con thú, và một con người?" Sophie có thể thấy ngay những điểm khác biệt rõ ràng. Ví dụ, cô không nghĩ rằng một cái cây lại có một cuộc sống tình cảm phức tạp. Đã có ai nghe nói về một cây hoa chuông cảm thấy đau khổ bao giờ? Một cái cây sinh trưởng, lấy chất dinh dưỡng, tạo ra hạt cây để có thể tự nhân giống. Đó gần như là tất cả những gì người ta có thể nói về cây cỏ. Sophie kết luận rằng mọi thứ áp dụng cho cây cỏ đều áp dụng cho động vật và con người. Nhưng động vật còn có các đặc điểm khác. Chẳng hạn, chúng có thể di chuyển. (Một bông hồng đã chạy Marathon khi nào vậy?). Chỉ ra sự khác nhau giữa động vật và con người hơi khó hơn một chút. Con người biết suy nghĩ, nhưng chẳng phải chim muông cũng biết suy nghĩ đấy sao? Sophie tin rằng con mèo Sherekan của cô biết suy nghĩ. Ít nhất, nó cũng biết tính toán hơn thiệt. Nhưng nó có thể suy nghĩ về những câu hỏi triết học hay không? Một con mèo có thể phán đoán được về sự khác biệt giữa thực vật, động vật và con người không? Khó có thể! Một con mèo có thể cảm thấy hài lòng hay khó chịu, nhưng liệu có bao giờ nó tự hỏi xem liệu Chúa Trời hay liệu nó có linh hồn bất tử hay không? Sophie thấy điều này cực kỳ khó tin. Nhưng ở đây nảy sinh cùng một vấn đề như với trẻ em và ý niệm bẩm sinh. Nói chuyện với một con mèo về những câu hỏi đó cũng khó chẳng kém việc tranh luận với một em bé sơ sinh. "Tại sao trời mưa?" Sophie nhún vai. Trời có thể mưa vì nước biển bống hơi và mây ngưng tụ lại thành những giọt mưa. Chẳng phải cô đã học điều đó từ lớp ba? Tất nhiên, người ta luôn có thể nói rằng trời mưa để cây cỏ và động vật có thể phát triển. Nhưng điều đó có đúng không? Một trận mưa rào có một mục đích thực sự nào đó không? Câu hỏi cuối cùng dứt khoát có liên quan đến mục đích: "Phải làm thế nào để có một cuộc sống tốt?" Nhà triết học đã viết về chuyện này ở gần đầu khóa học. Mọi người cần thức ăn, sự ấm áp, tình yêu và sự quan tâm. Những điều cơ bản đó bao giờ cũng là những điều kiện đầu tiên của một cuộc sống tốt. Sau đó ông đã chỉ ra rằng người ta còn cần tìm câu trả lời cho một số câu hỏi triết học nữa. Có lẽ được làm một công việc mà mình thích cũng là một điều khá quan trọng. Thí dụ, nếu bạn ghét đi lại, bạn sẽ không thể hạnh phúc nếu làm nghề lái taxi. Và nếu bạn ghét làm bài tập về nhà, trở thành giáo viên có lẽ là một ý tưởng dở. Sophie yêu động vật và cô muốn trở thành bác sĩ thú y. Nhưng cô không bao giờ nghĩ rằng cần phải trúng xổ số để được một triệu đồng để có một cuộc sống tốt. Có vẻ như ngược lại. Tục ngữ có câu: Nhàn cư vi bất thiện [7]. Sophie ở trong phòng cho đến khi mẹ cô gọi xuống để ăn một bữa trưa thịnh soạn. Bà đã chuẩn bị món bít tết thăn bò và khoai tây nướng. Còn có dâu và kem để ăn tráng miệng. Hai mẹ con nói đủ chuyện. Mẹ Sophie hỏi xem cô định tổ chức sinh nhật lần thứ 15 như thế nào. Chỉ còn vài tuần nữa. Sophie nhún vai. "Con không định mời ai sao? Nghĩa là, con không muốn tổ chức một bữa tiệc à?" "Chắc là có ạ." "Mình có thể mời Martha và Anne Marie... và Helen. Và tất nhiên cả Joanna. Có lẽ cả Jeremy nữa. Tùy con quyết định. Con biết không, mẹ còn nhớ rất rõ sinh nhật lần thứ 15 của mẹ. Chẳng có vẻ gì là đã lâu lắm. Hồi đó mẹ cảm thấy là mình đã thành người lớn rồi. Thật kỳ cục, Sophie nhỉ! Mẹ chẳng cảm thấy mình đã thay đổi chút gì kể từ ngày ấy." "Mẹ chẳng thay đổi gì. Không có gì thay đổi cả. Mẹ chỉ lớn lên và già đi thôi..." "Hừm... đấy là giọng của người lớn. Mẹ chỉ cảm thấy thời gian trôi thật nhanh". ARISTOTLE ... một con người tỉ mỉ muốn làm sáng tỏ các khái niệm của chúng ta... Khi mẹ nghỉ trưa, Sophie đến chỗ cái hốc. Cô đã bỏ một viên đường vào trong chiếc phong bì màu hồng và ghi "Kính gửi thầy Alberto" ở ngoài. Chưa có thư mới. Nhưng vài phút sau, Sophie nghe tiếng con chó đến gần. "Hermes!" Cô gọi. Một lát sau, con chó đã chui vào trong hốc, mõm ngậm một chiếc phong bì to. Cô quàng tay ôm con chó đang thở hồng hộc. Cô đút chiếc phong bì hồng vào mõm nó. Con chó chui qua hàng giậu và quay trở vào rừng. Sophie lo ngại mở chiếc phong bì nâu, cô tự hỏi không biết nó có chứa cái gì về ngôi nhà gỗ và chiếc thuyền hay không. Như thường lệ, trong phong bì có một tập giấy đánh máy được kẹp lại bằng một cái kẹp giấy. Nhưng lần này còn có thêm một tờ giấy rời. Tờ giấy viết: Cô Thám tử, hay chính xác hơn, cô Kẻ trộm thân mến! Vụ án đã được chuyển cho cảnh sát. Không hẳn thế đâu. Không, tôi không giận. Nếu em cũng tò mò như vậy khi tìm câu trả lời cho các câu đố triết học, tôi có thể nói rằng cuộc phiêu lưu của em rất hứa hẹn. Chỉ hơi khó chịu là bây giờ tôi sẽ phải chuyển nhà. Dù sao thì tôi nghĩ rằng chỉ có thể đổ lỗi cho chính mình thôi. Đáng ra tôi phải biết rằng em là người luôn muốn đi đến tận cùng của vấn đề. Thân ái, Alberto. Sophie nhẹ cả người. Vậy là ông ấy không giận. Nhưng tại sao ông lại phải chuyển nhà? Sophie cầm tập giấy rồi chạy lên phòng. Nên có mặt ở nhà khi mẹ thức dậy thì hơn. Nằm thoải mái trên giường, cô bắt đầu đọc về Aristotle. Nhà triết học và nhà khoa học Sophie thân mến. Có lẽ em đã rất ngạc nhiên về lý thuyết của Plato về các ý niệm. Em không phải là người duy nhất đâu! Tôi không biết em đã nuốt chửng tất cả mọi thứ - móc câu, dây câu và chỉ - hay em đã có phê phán. Nếu có, em có thể chắc chắn rằng, những lời chỉ trích đó cũng đã được nêu lên bởi Aristotle (384-322 t.CN), người đã là học trò tại Hàn lâm viện của Plato trong 20 năm. Aristotle không phải là người gốc Athens. Ông sinh ra ở Macedonia và đến Hàn lâm viện của Plato khi Plato 61 tuổi. Cha của Aristotle là một thầy thuốc được mọi người kính trọng, và do đó là một nhà khoa học. Hoàn cảnh gia đình đó đã gợi ý cho ta chút gì đó về hướng nghiên cứu triết học của Aristotle. Điều ông quan tâm nhất là nghiên cứu về thiên nhiên. Không chỉ là nhà triết học Hy Lạp vĩ đại cuối cùng, ông còn là nhà sinh vật học vĩ đại đầu tiên của châu Âu. Xét về hai thái cực, ta có thể nói rằng Plato đã say mê với các hình thức vĩnh cửu, hay "ý niệm" đến nỗi ông chẳng để ý đến các biến đổi thiên nhiên. Ngược lại, Aristotle lại chỉ chú trọng vào những thay đổi này - những gì mà ngày nay ta gọi là các quá trình tự nhiên. Cường điệu hơn nữa, ta có thể nói rằng Plato quay lưng lại với thế giới tri giác và nhắm mắt trước vạn vật mà ta nhìn thấy ở xung quanh. (Ông muốn thoát ra khỏi cái hang để nhìn ra thế giới vĩnh cửu của các ý niệm!) Aristotle làm điều hòa ngược lại: ông bò dưới đất để nghiên cứu các và ếch, cỏ và hoa. Trong khi Plato chỉ sử dụng lý tính, Aristotle còn sử dụng cả các giác quan nữa. Ta tìm thấy những khác biệt có tính quyết định giữa hai người, phần không nhỏ là từ các tác phẩm của họ. Plato là một nhà thơ, nhà thần học; còn các tác phẩm của Aristotle thì khô khan và chính xác như bách khoa toàn thư. Ngoài ra, phần lớn những điều ông viết đều dựa trên các nghiên cứu thực tiễn mới nhất. Các tài liệu từ thời Cổ Đại nói đến 170 tác phẩm được coi là do Aristotle viết. Trong số đó, 47 tác phẩm còn bảo tồn đến bây giờ. Đây không phải là các cuốn sách hoàn chỉnh mà chủ yếu là các tập bài giảng. Vào thời ông, triết học vẫn chủ yếu là các hoạt động truyền miệng. Ý nghĩa quan trọng của Aristotle đối với văn hóa châu Âu phần không nhỏ là do ông đã tạo ra các thuật ngữ mà các nhà khoa học ngày nay sử dụng. Ông là nhà tổ chức vĩ đại, người đã đặt nền móng và phân loại nhiều ngành khoa học. Vì Aristotle viết về tất cả các ngành khoa học, tôi sẽ giới hạn chỉ trong những lĩnh vực quan trọng nhất. Do tôi đã kể với em rất nhiều về Plato, nên em sẽ bắt đầu bằng việc nghe xem Aristotle đã phản bác học thuyết ý niệm của Plato như thế nào. Sau đó, ta sẽ xem ông thiết lập triết học tự nhiên của mình như thế nào, do Aristotle chính là người đã tổng kết lại những điều mà các nhà triết học tự nhiên trước ông đã nói. Ta sẽ xem ông phân loại các khái niệm và đặt nền móng cho môn Logic như là một ngành khoa học. Và cuối cùng, tôi sẽ kể cho em chút ít về quan điểm của Aristotle về con người và xã hội. Không có ý niệm bẩm sinh Cũng như các nhà triết học tiền bối, Plato muốn tìm thấy cái vĩnh cửu và bất biến trong màn sương mù của vạn vật biến đổi. Vậy nên ông đã tìm thấy các ý niệm hoàn hảo cao cấp hơn thế giới tri giác. Xa hơn nữa, ông còn cho rằng các ý niệm có tính thực chất hơn mọi hiện tượng của thiên nhiên. Con ngựa "ý niệm" đến trước, rồi mới đến những con ngựa của thế giới tri giác lóc cóc phi nước kiệu như những cái bóng trên vách bang. Con gà "ý niệm" có trước cả con gà và trứng. Aristotle cho rằng Plato đã lộn ngược mọi thứ. Ông đồng ý với người thầy của mình rằng con ngựa cụ thể biến đổi, và rằng không có con ngựa nào sống mãi. Ông cũng công nhận rằng hình thức thực sự của ngựa là vĩnh cửu và bất biến. Nhưng con ngựa "ý niệm" chỉ đơn giản là một khái niệm mà con người chúng ta thiết lập sau khi đã nhìn thấy một vài con ngựa. Do vậy, con ngựa "ý niệm" hay "hình thức" không có sự tồn tại của riêng mình. Đối với Aristotle, con ngựa "ý niệm" hay con ngựa "hình thức" được tạo bởi các đặc điểm của ngựa - nó định nghĩa cái mà ngày nay ta gọi là loài ngựa. Nói một cách chính xác hơn, Aristotle coi con ngựa "hình thức" là những gì chung cho mọi con ngựa. Ở đây, phép ẩn dụ về cái khuôn bánh không áp dụng được vì cái khuôn tồn tại độc lập với những chiếc bánh cụ thể. Aristotle không tin vào sự tồn tại của những cái khuôn hay hình thức nằm trên cái giá riêng của nó bên ngoài thế giới tự nhiên. Ngược lại, với Aristotle, các "hình thức" nằm trong sự vật, vì chúng là các đặc điểm cụ thể của những sự vật này. Vậy nên Aristotle không đồng ý với Plato rằng con gà "ý niệm" có trước gà. Cái mà Aristotle gọi là con gà "hình thức" có mặt trong từng con gà, đó chính là một tập cụ thể các đặc điểm của gà, đẻ trứng chẳng hạn. Con gà thực tế và con gà "hình thức" cũng gắn liền với nhau như thể xác và linh hồn. Đó chính là cốt lõi của những chỉ trích của Aristotle đối với thuyết ý niệm của Plato. Nhưng em cần lưu ý rằng đây là một bước ngoặt lớn của tư tưởng. Trong lý thuyết của Plato, nằm ở mức hiện thực cao nhất là những gì ta tư duy bằng lý tính. Còn Aristotle lại thấy rõ ràng không kém rằng mức độ cao nhất của thực tại chính là những gì ta tri giác được bằng các giác quan. Plato cho rằng mọi thứ ta nhìn thấy trong tự nhiên chỉ là hình ảnh phản chiếc của những sự vật tồn tại trong một hiện thực cao hơn, đó là thế giới ý niệm, và do vậy chúng ở trong linh hồn con người. Ngược lại, Aristotle cho rằng những gì trong linh hồn con người chỉ là hình ảnh phản chiếu của các đối tượng tự nhiên. Vì vậy thiên nhiên chính là thế giới thực. Theo Aristotle, Plato bị kẹt trong bức tranh thần tình về thế giới mà trong đó trí tưởng tượng của con người đã bị lẫn lộn với thế giới thực. Aristotle chỉ ra rằng không có gì tồn tại trong ý thức mà trước đó chưa được trải nghiệm bằng giác quan. Plato hẳn đã nói rằng không có gì tồn tại trong thế giới tự nhiên mà trước đó lại chưa có trong thế giới ý niệm. Aristotle cho rằng như thế là Plato đã "nhân đôi sự vật". Ông đã dùng con ngựa "ý niệm" để giải thích về một con người. Nhưng thế nghĩa là thế nào, Sophie? Câu hỏi của tôi là: con ngựa "ý niệm" ở đâu ra. Biết đâu, thậm chí có thể có một con ngựa thứ ba mà con ngựa "ý niệm" chỉ là một mô phỏng của nó? Aristotle khẳng định rằng mọi suy nghĩ và ý niệm của chúng ta đã đến với ý thức qua những gì ta đã nghe thấy và nhìn thấy. Nhưng ta còn có năng lực lý luận bẩm sinh. Không phải ta có ý niệm bẩm sinh như Plato đã nghĩ, mà là ta có năng lực bẩm sinh trong việc sắp xếp và phân loại tất cả các ấn tượng tri giác. Các khái niệm "đất đá", "thực vật", "động vật" và "con người" đã sinh ra theo cách đó, các khái niệm "ngựa", "tôm hùm" và "chim hoàng yến" cũng nảy sinh theo cách tương tự. Aristotle không phủ nhận rằng con người có lý tính bẩm sinh. Ngược lại, theo Aristotle, lý tính chính là đặc điểm nổi bật nhất của con người. Nhưng lý tính của ta hoàn toàn trống rỗng cho đến khi ta cảm nhận được cái gì đó bằng giác quan. Vậy, con người không có "ý niệm" bẩm sinh. Hình thức của một vật là các đặc điểm cụ thể của nó Giải quyết xong lý thuyết ý niệm của Plato, Aristotle xác lập rằng hiện thực bao gồm nhiều sự vật riêng biệt, chúng hợp thành một thể thống nhất của hình thức và chất. "Chất" là cái mà từ đó sự vật được tạo ra, trong khi "hình thức" là các đặc điểm cụ thể của mỗi vật. Một con gà mái đang vẫy cánh trước mặt em, Sophie. "Hình thức" của gà mái chính là: nó vẫy cánh, và rằng nó cục tác và đẻ trứng. Vậy với ta, "hình thức" của một con gà là tập hợp các đặc điểm cụ thể của loài của nó. Khi con gà chế - và ngừng cục ta cục tác - "hình thức" của nó chấm dứt sự tồn tại. Cái duy nhất còn lại là "chất" của con gà (thật đáng buồn phải không Sophie), nhưng nó không còn là một con gà. Như tôi đã nói, Aristotle quan tâm đến các thay đổi trong tự nhiên. "Chất" luôn chứa tiềm năng hiện thực hóa một "hình thức" cụ thể. Ta có thể nói rằng "chất" luôn phấn đấu để đạt được một tiềm năng bẩm sinh. Aristotle cho rằng mỗi thay đổi trong thiên nhiên là một sự biến đổi của "chất" từ "tiềm năng" thành "sự thực". Phải, Sophie à, tôi sẽ giải thích điều tôi muốn nói. Để xem câu chuyện vui này có giúp được em không. Một nhà điêu khắc đang làm việc với một tảng đá granite lớn. Ngày ngày, ông cặm cụi đục đẽo tảng đá trông không ra hình thù gì. Một hôm, một cậu bé ghé qua chơi, cậu hỏi "Bác đang làm gì vậy?", "Cháu cứ chờ rồi sẽ biết!", nhà điêu khắc trả lời. Vài hôm sau, chú bé quay lại, nhà điêu khắc đã tạc được một con ngựa tuyệt đẹp từ tảng đá. Cậu bé ngắm nhìn đầy sửng sốt, rồi cậu quay về phía nhà điêu khắc và hỏi, "Bác làm thế nào mà biết là nó ở trong đó?" Quả vậy, sao ông ta biết? Theo một nghĩa nào đó, nhà điêu khắc đã nhìn thấy hình thức con ngựa trong khối đá granite, vì khối đá đó có tiềm năng được tạc thành hình một con ngựa. Tương tư, Aristotle tin rằng mọi vật trong thiên nhiên đều có tiềm năng hiện thực hóa - hay tiềm năng đạt được - một "hình thức" cụ thể. Ta hãy quay lại với chuyện gà và trứng. Một quả trứng gà có tiềm năng trở thành một con gà. Điều đó không có nghĩa rằng mọi quả trứng gà đều trở thành gà, phần lớn có kết cục là trứng rán, trứng ốp lết hay trứng luộc trên bàn ăn mà không bao giờ hiện thực hóa được tiềm năng của chúng. Nhưng có một điều rõ ràng cũng không kém là một quả trứng gà không thể trở thành một con ngỗng. Tiềm năng đó không có trong trứng gà. "Hình thức" của một vật quyết định cả hạn chế lẫn tiềm năng của nó. Khi nói về "chất" và "hình thức" của sự vật, Aristotle không chỉ nói đến các cơ thể sống. Cũng như "hình thức" của gà mái là vẫy cánh, cục tác, đẻ trứng, "hình thức" của hòn đá là rơi xuống đất. Gà không thể không cục tác, hòn đá cũng không thể không rơi xuống đất. Tất nhiên, em có thể nhặt một hòn đá và ném nó lên cao, nhưng vì bản chất của hòn đá là phải rơi xuống đất, em không thể ném nó lên tận mặt trăng. (Hãy cẩn thận khi em thực hiện thí nghiệm này, vì hòn đá có thể trả thù và tìm đường ngắn nhất để quay trở lại mặt đất!) Nguyên nhân sau cùng Trước khi kết thúc chủ đề về mọi vật sống hay chết đều có một "hình thức" quy định các "hành động" tiềm tàng của chúng, tôi phải nói thêm rằng Aristotle đã có một cách nhìn rất đáng chú ý về quan hệ nhân quả trong thiên nhiên. Ngày nay, khi nói về nguyên nhân của một điều gì đó, ta muốn nói đến chuyện "làm thế nào mà nó xảy ra được". Cửa kính vỡ vì Peter ném đá; một chiếc giày được tạo ra vì người thợ giày đã khâu các mảnh da lại với nhau. Nhưng Aristotle cho rằng trong tự nhiên có các loại nguyên nhân khác nhau. Ông đã chỉ ra bốn nguyên nhân khác nhau. Điều quan trọng là phải hiểu được cái mà ông gọi là "nguyên nhân sau cùng" là gì. Trong trường hợp cửa sổ bị vỡ, sẽ là hợp lý khi hỏi tại sao Peter lại ném đá. Như vậy, ta đang hỏi mục đích của Peter là gì. Không nghi ngờ gì, mục đích cũng có vai trò trong chuyện chiếc giày được tạo ra. Nhưng Aristotle còn tính đến cả một "mục đích" tương tự khi xem xét các quá trình thuần túy vô tri trong thiên nhiên. Đây là một ví dụ: Tại sao trời mưa, Sophie? Có lẽ em đã học ở trường rằng hơi nước trong các đám mây lạnh dần rồi ngưng tụ thành những giọt mưa, những giọt mưa này bị kéo về phía trái đất do lực hấp dẫn. Aristotle chắc cũng sẽ gật đầu đồng ý. Nhưng ông sẽ nói thêm rằng em mới chỉ nói đến ba nguyên nhân. "Nguyên nhân vật chất" là hơi nước (đám mây) đã ở đó vào đúng lúc không khí lạnh đi, và "nguyên nhân hình thức" là "hình thức", hay bản chất, của nước là phải rơi xuống đất. Nhưng nếu em dừng lại ở đó, Aristotle sẽ bổ sung rằng trời mưa vì cây cỏ và chim muông cần nước mưa để sinh trưởng. Ông gọi đây là "nguyên nhân sau cùng". Aristotle gán cho những giọt mưa một nhiệm vụ hay "mục đích" sống. Ta có thể lật ngược lại và nói rằng cây cỏ phát triển vì nó tìm được hơi ấm. Em có thấy được sự khác nhau không, Sophie? Aristotle tin rằng có một mục đích đằng sau mọi thứ trong tự nhiên. Trời mưa để cây mọc; cam và nho mọc để người ăn trái. Lý luận khoa học ngày nay không như vậy. Ta nói rằng thức ăn và nước uống là các điều kiện cần thiết cho cuộc sống của con người và thú vật. Nếu không có những điều kiện đó, ta đã không tồn tại. Nhưng nước hay cam đều không có mục đích để làm thức ăn cho chúng ta. Xét quan hệ nhân quả, ta muốn nói rằng Aristotle đã nhầm. Nhưng không nên quá vội vã. Nhiều người tin rằng Chúa Trời đã tạo ra thế giới như thế này để mọi tạo vật của Ngài có thể sinh sống trong đó. Nếu nhìn theo cách đó, khẳng định rằng trong các dòng sông có nước vì con người và chim muông cần nước để sống là hoàn toàn tự nhiên. Nhưng giờ thì ta đang nói về mục đích của Chúa Trời. Còn giọt mưa và nước sông chẳng hề quan tâm đến lợi ích của ta. Logic học Sự khác biệt giữa "hình thức" và "chất đóng một vai trò quan trọng trong giải thích của Aristotle về cách ta nhận thức các sự vật trong thế giới. Khi nhận thức, ta phân loại sự vật thành các nhóm hay các phạm trù khác nhau. Tôi nhìn thấy một con ngựa, một con ngựa khác, rồi một con ngựa nữa. Những con này không giống hệt nhau, nhưng chúng có cái gì đó chung, và các chung đó chính là "hình thức" của ngựa. Bất cứ cái gì phân biệt, hoặc cá thể, đều thuộc về "chất" của con ngựa. Vậy là chúng ta đi khắp nơi, phân loại mọi thứ. Ta nhốt bò vào chuồng bò, ngựa vào tàu ngựa, gà vào chuồng gà. Cũng giống như khi Sophie Amundsen dọn phòng. Cô xếp sách lên giá, cất vở vào cặp, nhét báo vào ngăn kéo. Sau đó, cô gập quần áo gọn gang và cất vào tủ, đồ lót một ngăn, áo len vào một ngăn khác, tất vào một ngăn khác nữa. Lưu ý rằng chúng ta cũng thực hiện chính công việc đó trong đầu. Ta phân biệt những thứ bằng đá, bằng len, và bằng cao su. Ta phân biệt những vật sống với vật chết, phân biệt giữa thực vật, động vật và con người. Em thấy không, Sophie? Aristotle muốn dọn dẹp kỹ càng "căn phòng" thiên nhiên. Ông cố gắng chỉ ra rằng mọi vật trong thiên nhiên thuộc về các phạm trù và các phạm trù con khác nhau. (Hermes là một sinh vật sống, cụ thể hơn, nó là động vật, cụ thể hơn nữa, nó là động vật có xương sống, cụ thể hơn nữa, nó là thú có vú, cụ thể hơn nữa, nó là một con chó, cụ thể hơn nữa, nó là một con Labrador, cụ thể hơn nữa, nó là một con Labrador đực) Em hãy về phòng mình, nhặt một thứ bất kỳ từ dưới sàn. Bất kể đó là gì, em sẽ thấy nó thuộc về một phạm trù cao hơn. Bao giờ em nhìn thấy cái gì đó mà em không thể phân loại, em sẽ bị sốc. Chẳng hạn, nếu em tìm thấy một thứ mà em không nhận ra nó là động vật, thực vật hay khoáng vật, tôi không nghĩ là em sẽ dám chạm vào nó. Nói về động vật, thực vật và khoáng vật làm tôi nhớ về một trò chơi trong các bữa tiệc mà kẻ xấu số phải ra khỏi phòng, và khi quay lại, anh ta phải đoán xem mọi người đang nghĩ về cái gì. Chẳng hạn, mọi người đã thống nhất cùng nghĩ về con mèo Fluffy lúc đó đang ở trong vườn nhà hàng xóm. Kẻ xấu số quay vào và bắt đầu đoán. Những người khác chỉ được trả lời "đúng" hoặc "sai". Nếu kẻ xấu số là một học trò giỏi của Aristotle - và khi đó không còn xấu số nữa - trò chơi rất có thể sẽ tiến triển như sau: Nó là một vật cụ thể? (Đúng!) Khoáng vật? (Sai!) Sinh vật sống? (Đúng!) Thực vật? (Sai!) Động vật? (Đúng!) Nó là một con chim? (Sai!) Một con thú có vú? (Đúng!) Một con vật nguyên vẹn? (Đúng!) Nó là một con mèo? (Đúng!) Có phải Fluffy? (Đúng rồi! Những tiếng cười vang lên...) Vậy là Aristotle đã phát minh ra trò chơi đó. Ta cũng cần ghi công Plato do đã phát minh ra trò chơi trốn tìm, và Democritus do tìm ra trò Lego. Aristotle là nhà tổ chức tỉ mỉ, người đã định làm rõ các khái niệm của chúng ta. Thực tế, ông đã đặt nền móng cho ngành logic. Ông trình bày một loạt các quy tắc chi phối các kết luận và các chứng minh đúng đắn. Chỉ cần một ví dụ là đủ. Nếu đầu tiên tôi khẳng định rằng "mọi sinh vật sống đều sẽ phải chết" (tiền đề thứ nhất), và sau đó khẳng định rằng "Hermes là một sinh vật sống" (tiền đề thứ hai), thì tôi có kết luận rằng "Hermes sẽ phải chết". Ví dụ trên cho thấy rằng logic của Aristotle dựa trên mối tương quan giữa các hạng tử logic, trong trường hợp này là "sinh vật sống" và "sẽ phải chết". Mặc dù ai cũng phải công nhận kết luận trên là đúng 100%, nó hầu như chẳng cho ta thông tin gì mới. Ta đã biết từ trước rằng Hermes sẽ phải chết. (Nó là một con "chó", mọi con chó đều là "sinh vật sống", và sinh vật sống thì không bất tử như đá trên đỉnh Everest). Chắc chắn ta đã biết điều đó. Nhưng mối quan hệ giữa các lớp sự vật không phải lúc nào cũng dễ thấy như vậy. Đôi khi ta cần phải làm rõ các khái niệm của mình. Ví dụ: có thật là chuột con mới sinh cũng bú tí mẹ như cừu non và lợn con không? Chắc chắn là chuột không đẻ trứng. (Lần cuối cùng tôi nhìn thấy một quả trứng chuột là khi nào nhỉ?) Vậy, chúng đẻ con non như lợn và cừu. Ta gọi những động vật đẻ con non là động vật có vú - những con thú nuôi con bằng sữa mẹ. Ta đã đến đích. Trong một chốc lát, ta đã quên rằng chuột con quả thực bú tí mẹ. Có lẽ đó là vì ta chưa bao giờ nhìn thấy một chú chuột con đang được cho bú, lý do đơn giản là khi cho con bú, chuột khá là thẹn nên không để con người nhìn thấy. Hệ thống cấp bậc của thiên nhiên Khi Aristotle "dọn dẹp" sự sống, đầu tiên, ông chỉ ra rằng mọi vật trong thế giới tự nhiên có thể được chia thành hai phạm trù chính. Môt bên là các vật vô tri chẳng hạn như hòn đá, những giọt nước, một nhúm đất. Những vật này không có tiềm năng biến đổi. Theo Aristotle, những vật vô tri chỉ có thể bị thay đổi qua ảnh hưởng từ bên ngoài. Chỉ có sinh vật có tiềm năng biến đổi. Aristotle chia "sinh vật" thành hai phạm trù khác nhau: thực vật và động vật. Cuối cùng, động vật lại được chia thành phạm trù con: cầm thú và con người. Em hẳn thấy rằng cách phân loại của Aristotle là rõ ràng và đơn giản. Có một điểm khác biệt có tính quyết định giữa một sinh vật và  một vật vô tri, chẳng hạn một bông hồng và một hòn đá. Cũng như có sự khác nhau có tính quyết định giữa một cái cây và một con thú, chẳng hạn giữa bông hồng và một con ngựa. Tôi cũng có thể tuyên bố rằng chắc chắn có sự khác biệt giữa một con ngựa và một con người. Nhưng khác nhau chính xác ở chỗ nào? Em biết không? Không may là tôi không có thời gian để chờ em viết câu trả lời và bỏ vào một chiếc phong bì hồng với một mẩu đường. Nên tôi sẽ tự trả lời. Khi Aristotle phân chia các hiện tượng thiên nhiên thành các phạm trù khác nhau, tiêu chí của ông là các đặc điểm của đối tượng, cụ thể hơn, nó làm gì hoặc có thể làm gì. Mọi sinh vật (cây cỏ, cầm thú, con người) phải có khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng, phát triển và sinh sản. Tất cả các động vật (cầm thú, con người) đều có thêm khả năng nhận biết thế giới xung quanh và khả năng di chuyển. Thêm nữa, mọi con người đều có khả năng suy nghĩ, hay nói cách khác, biết sắp xếp các tri giác thành các phạm trù và các lớp khác nhau. Vậy, trong thực tế, không có ranh giới rõ ràng trong thế giới tự nhiên. Ta quan sát sự biến đổi dần dần từ sự sống đơn giản thành những cây cỏ có cấu tạo phức tạp hơn, từ động vật đơn giản thành những động vật phức tạp hơn. Tại đỉnh của hệ thống cấp bậc này là con người - sinh vật mà Aristotle cho là sống tòan bộ cuộc sống của thiên nhiên. Con người sinh truởng và hấp thụ chất dinh dưỡng như thực vật, có cảm giác và khả năng di chuyển như động vật, nhưng còn có một đặc tính cụ thể đặc biệt chỉ có ở con người, đó là khả năng suy nghĩ dựa trên lý tính. Do đó, con người có tia sáng của lý tính thần thánh, Sophie à. Phải, tôi đã nói là thần thánh. Thỉnh thoảng, Aristotle lại nhắc nhở chúng ta rằng phải có một vị Chúa Trời, người đã khởi đầu mọi chuyển động trong thế giới tự nhiên. Do vậy, Chúa Trời phải ở trên đỉnh của cấp bậc thiên nhiên. Aristotle tưởng tượng rằng chuyển động của các vì sao và các hành tinh hướng dẫn mọi chuyển động trên trái đất. Nhưng phải có cái gì đó làm cho các thiên thể chuyển động. Aristotle gọi đó là "người tạo ra chuyển động đầu tiên" hay "Chúa Trời". "Người tạo ra chuyển động đầu tiên" thì đang nghỉ ngơi, nhưng đó lại là "nguyên nhân hình thức" của chuyển động của các thiên thể, và do đó là nguyên nhân của mọi chuyển động trong tự nhiên. Luân lý học Ta hãy quay lại với con người, Sophie. Theo Aristotle, "hình thức" của con người có một linh hồn - cái có một phần thực vật, một phần động vật và một phần duy lý. Và ông hỏi: Ta nên sống như thế nào? Để sống tốt cần những điều kiện nào? Câu trả lời của ông: Con người chỉ có thể đạt được hạnh phúc bằng cách sử dụng mọi khả năng và năng lực của mình. Aristotle tin rằng có ba hình thức của hạnh phúc. Hình thức thứ nhất của hạnh phúc là khoái lạc và hưởng thụ. Hình thức thứ hai là cuộc sống của một công dân tự do có tinh thần trách nhiệm. Hình thức thứ ba là cuộc sống của một nhà tư tưởng và triết gia. Từ đó, Aristotle nhấn mạnh rằng cả ba tiêu chí đều phải cùng có mặt thì con người mới tìm được hạnh phúc và sự đầy đủ. Ông bác bỏ mọi hình thức thiếu cân bằng. Nếu ông còn sống đến ngày nay, chắc ông sẽ nói rằng một người chỉ chú trọng phát triển cơ thể sống thiếu cân bằng chẳng kém một người chỉ hoạt động trí óc. Cả hai thái cực đều là biểu hiện của cách sống lệch lạc. Điều tương tự cũng áp dụng cho quan hệ của con người khi Aristotle chủ trương "Nguyên tắc Trung dung". Chúng ta nên dũng cảm mà không hèn nhát hay liều lĩnh (quá ít dũng cảm thì là hèn nhát, còn dũng cảm quá thì thành liều lĩnh), nên hào phóng mà không keo kiệt hay hoang phí (quá ít hào phóng là keo kiệt, còn hào phóng quá thì thành hoang phí). Vấn đề ăn uống cũng vậy. Ăn quá ít hay quá nhiều đều nguy hiểm. Luân lý học của Plato và Aristotle mang bóng dáng của y học Hy Lạp: ta chỉ có thể đạt bằng được hạnh phúc hay một cuộc sống "hài hòa" nếu sống cân bằng và điều độ. Chính trị Sự không mong muốn những gì thái quá còn được thể hiện trong cách nhìn của Aristotle về xã hội. Ông nói rằng bản chất con người là một "động vật chính trị". Không sống trong xã hội, ta sẽ không phải con người thật sự, ông khẳng định. Ông chỉ ra rằng gia đình và làng xã thỏa mãn các nhu cầu sơ đẳng về thức ăn, sự ấm áp, hôn nhân, và nuôi dạy con cái. Nhưng hình thức cao nhất của tính cộng đồng con người chỉ có thể được tìm thấy trong tổ chức nhà nước. Điều này dẫn đến câu hỏi: nhà nước nên được tổ chức như thế nào? (Em còn nhớ "nhà nước triết học" của Plato chứ?) Aristotle đã miêu tả ba hình thức tốt của chính thể. Một là chế độ quân chủ - nghĩa là chỉ có một người đứng đầu nhà nước. Để chính thể này được tốt, nó không được thoái hóa thành "chuyên chế độc tài" - đó là khi một người cầm quyền lãnh đạo nhà nước vì lợi ích cá nhân mình. Một hình thức khác là chính thể quí tộc, trong đó lãnh đạo nhà nước là một nhóm người. Chính thể này dễ bị thoái hóa thành một "tập đoàn đầu sỏ chính trị", khi quyền lực chính phủ nằm trong tay một vài người. Hình thức thứ ba là chính thể dân chủ. Nhưng hình thức này cũng có nhược điểm. Một chế độ dân chủ có thể nhanh chóng phát triển thành chế độ luật số đông. (Ngay cả nếu tên độc tài Hitler không trở thành người đứng đầu nhà nước Đức, thì tất cả những tên Đức Quốc xã nhỏ hơn cũng có thể tạo thành một luật số đông đáng sợ.) Quan điểm về phụ nữ Cuối cùng, ta hãy xem xét quan điểm của Aristotle về phụ nữ. Không may là cách nhìn của ông không được dễ chịu như của Plato. Aristotle có xu hướng tin rằng phụ nữ không hoàn thiện theo một nghĩa nào đó. Một phụ nữ là một "người đàn ông không hoàn chỉnh". Aristotle khẳng định, trong việc sinh sản, phụ nữ thụ động và tiếp nhận trong khi nam giới chủ động và tác tạo, vì đứa bé chỉ thừa kế các đặc điểm của cha. Ông tin rằng mọi đặc điểm của đứa trẻ đều nằm trong tinh trùng của người cha. Phụ nữ là đất, tiếp nhận và nuôi hạt giống nảy mầm, trong khi đàn ông là "người gieo hạt". Hoặc theo ngôn ngữ của Aristotle, người đàn ông cung cấp "hình thức" còn người phụ nữ đóng góp phần "chất". Thật ngạc nhiên và đáng tiếc khi một người thông minh như Aristotle lại có thể sai lầm đến vậy về mối quan hệ giữa hai giới tính. Nhưng điều đó cho thấy hai điểm: thứ nhất, Aristotle đã không có nhiều kinh nghiệm thực tiễn về cuộc sống của phụ nữ và trẻ em, thứ hai, nó cho thấy rằng khi nam giới được phép thống trị các lĩnh vực triết và khoa học thì có thể dẫn đến sai lầm đến mức độ nào. Quan niệm sai lầm về giới tính của Aristotle còn tai hại gấp đôi và chính quan điểm của ông - chứ không phải của Plato - đã thống trị suốt thời Trung Cổ. Do vậy mà nhà thờ đã thừa kế một quan điểm về phụ nữ mà hoàn toàn không có cơ sở từ Kinh thánh. Chắc chắn Jesus không phải là người ghét phụ nữ! Tôi dừng ở đây. Nhưng em sẽ còn nhận được tin của tôi. Sau khi đã đọc đi đọc lại chương Aristotle, Sophie cất tập giấy vào trong phong bì và ngồi yên, mắt đăm đăm nhìn vào khoảng không trước mặt. Cô bỗng nhận thấy xung quanh mình là một đống hỗn độn. Sách vở và cặp tài liệu nằm im rải rác trên sàn. Tất và áo len, quần bó và quần jean, nửa trong tủ, nửa thò lò ra ngoài. Trên chiếc ghế đặt cạnh bàn học là một đống quần áo bẩn. Sophie nổi hứng dọn dẹp. Việc đầu tiên là lôi tất cả quần áo trong tủ xuống sàn. Cần phải bắt đầu lại từ đầu. Rồi cô gập gọn gàng và xếp ngay ngắn vào các ngăn tủ. Cái tủ có bảy ngăn. Một ngăn đựng đồ lót, một ngăn đựng tất và quần bò, và một ngăn đựng quần jean. Cô dần dần xếp đầy từng ngăn. Cô không bao giờ đắn đo xem để cái gì ở đâu. Quần áo bẩn nhét vào trong một cái túi nilông tìm thấy ở ngăn dưới cùng. Có một thứ mà cô gặp rắc rối - một chiếc tất trắng dài đến đầu gối. Vấn đề là ở chỗ cô không tìm thấy chiếc thứ hai. Còn nữa, nó chưa bao giờ là của Sophie. Sophie xem xét kỹ càng chiếc tất. Không có gì để nhận ra nó là của ai, nhưng Sophie rất ngờ rằng cô đã biết người chủ của chiếc tất là ai. Cô quẳng nó lên ngăn trên cùng, chỗ của bộ Lego, chiếc băng video và chiếc khăn lụa đỏ. Quay xuống sàn. Sophie sắp xếp sách, cặp tài liệu, tạp chí, áp phích đúng như ông thầy triết học đã mô tả trong chương nói về Aristotle. Khi hoàn thành, cô dọn giường rồi bắt đầu dọn bàn viết. Công việc cuối cùng là xếp tất cả các trang giấy về Aristotle thành một tập gọn ghẽ. Cô rút ra một kẹp tài liệu còn rỗng và một cái đục lỗ, dập lỗ các tờ giấy, rồi xếp cẩn thận vào trong kẹp tài liệu. Cái này cũng được để lên ngăn trên cùng. Lát nữa, cô sẽ phải đem chiếc hộp thiếc từ trong hốc về. Từ nay, mọi thứ sẽ được giữ gọn gàng, không chỉ ở trong phòng cô. Sau khi đọc Aristotle, cô nhận ra rằng việc sắp xếp các ý tưởng của mình cho có trật tự cũng không kém phần quan trọng. Cô dành riêng ngăn tủ trên cùng cho những thứ thuộc loại này. Đó là nơi duy nhất trong phòng mà cô chưa kiểm soát hoàn toàn được. Suốt hai tiếng liền không nghe thấy tiếng mẹ. Sophie xuống cầu thang. Trước khi đánh thức mẹ, cô quyết định mang thức ăn đến cho các con thú cảnh của mình. Cô nghiêng người trên bể cá vàng trong bếp. Một con cá đen, một con cá vàng, một con đỏ pha trắng. Đó là vì sao cô gọi chúng là Cờ Đen, Lưng Vàng, và Mũ Đỏ. Vừa rắc thức ăn cho cá xuống nước, cô vừa nói: "Các em là những sinh vật sống của Thiên nhiên, các em có thể hấp thụ chất dinh dưỡng, sinh trưởng và sinh sản. Cụ thể hơn, các em thuộc về thế giới động vật. Nên các em có thể cử động và nhìn ra thế giới. Chính xác hơn nữa, các em là cá, các em thở bằng mang và có thể bơi đi bơi lại trong làn nước của sự sống." Sophie đậy nắp lọ thức ăn cho cá. Cô khá hài long với cách mình đã xếp lũ cá vàng vào hệ thống cấp bậc của thiên nhiên, và cô đặc biệt thích cụm từ "làn nước của sự sống". Nào, giờ đến lượt đôi vẹt Úc đuôi dài. Sophie đổ một ít hạt kê vào cốc thức ăn và nói: "Smit và Smule thân mến. Các em đã trở thành hai chú vẹt đuôi dài đáng yêu vì các em đã nở ra từ hai quả trứng vẹt đuôi dài, và vì trứng vẹt đuôi dài có hình thức để trở thành vẹt đuôi dài, nên thật may là các em đã không thành những con két lắm điều." Sau đó Sophie vào phòng tắm, ở đó có một con rùa chậm chạp nằm trong một cái hộp lớn. Thỉnh thoảng khi mẹ cô tắm vòi hoa sen, bà lại hét lên rằng một ngày nào đó bà sẽ giết nó. Nhưng đến giờ thì đó vẫn chỉ là một lời đe dọa suông. Sophie thả một chiếc xà lách vào trong hộp. "Govinda thân mến," cô nói. "Em không phải một trong số những con vật nhanh nhẹn nhất, nhưng chắc chắn em có thể cảm nhận được từng mẩu nhỏ xíu của thời gian trong thế giới rộng lớn mà chúng ta đang sống. Em phải tự hài lòng với bản thân rằng mình không phải người duy nhất không thể vượt qua các giới hạn của chính mình." Sherekan có lẽ đang bắt chuột ngoài vườn, dù sao đó cũng là bản chất của mèo. Sophie đi qua phòng khách về phía phòng ngủ của mẹ. Trên bàn nước đặt một lọ hoa thủy tiên. Có vẻ như những bông hoa màu vàng cúi chào đầy kính trọng khi Sophie đi qua. Cô dừng lại chốc lát và dịu dàng vuốt nhẹ những cánh hoa mịn màng. "Mày cũng là sinh vật của tự nhiên", cô nói. "Thực ra mày được ưu tiên nhiều hơn so với cái lọ. Nhưng thật không may là mày không hiểu được điều đó." Sau đó, Sophie rón rén vào giường mẹ. Mặc dù mẹ đang ngủ say, cô đặt một tay lên trên trán bà. "Mẹ là một trong những người may mắn nhất," cô thì thào, "vì mẹ không chỉ đang sống như hoa thạch thảo trên đồng. Và mẹ không chỉ là một sinh vật như Sherekan hay Govinda. Mẹ là một con người, và do đó có một khả năng hiếm có - khả năng suy nghĩ" "Con đang lẩm bẩm cái gì vậy, Sophie?" Mẹ cô tỉnh giấc nhanh hơn mọi lần. "Con chỉ vừa nói rằng mẹ trông như một con rùa lười biếng. Ngoài ra, con có thể thông báo cho mẹ rằng con đã dọn dẹp phòng với một sự chu đáo triết học." Mẹ cô ngóc đầu dậy. "Mẹ sẽ ra ngay đây", bà nói. "Con pha cà phê nhé!" Sophie làm theo lời mẹ. Một lát sau, hai mẹ con ngồi trong bếp với cà phê, nước hoa quả và socola. Sophie bỗng thốt lên, "Mẹ có bao giờ tự hỏi xem tại sao chúng ta lại đang sống không?" "Ôi, lại bắt đầu rồi!" "Vâng, bởi vì bây giờ con đã biết câu trả lời. Người ta sống trên hành tinh này là để có ai đó đi khắp nơi và đặt tên cho mọi thứ." "Sophie!" "Mẹ thử tưởng tượng xem, nếu trên thế giới chỉ có cây cỏ và cầm thú, sẽ chẳng có ai phân biệt giữa 'chó' và 'mèo', giữa 'hoa loa kèn' và 'hoa chuông'. Cây cỏ và cầm thú cũng là sinh vật, nhưng chúng ta là loại sinh vật duy nhất có thể phân loại thiên nhiên thành các lớp và các nhóm khác nhau." "Con quả thực là đứa con lập dị nhất của mẹ." Mẹ cô nói. "Con cũng hi vọng như vậy," Sophie trả lời. "Người nào cũng lập dị không ít thì nhiều. Con là người. Vậy con lập dị không ít thì nhiều. Con là con gái duy nhất của mẹ. Vậy thì con là đứa lập dị nhất rồi." "Mẹ muốn nói là con đang làm mẹ phát sợ vì cái kiểu nói đó." "Mẹ dễ hoảng sợ thật." Cuối buổi chiều, Sophie quay lại cái hốc. Cô lén mang được cái hộp thiếc về phòng, mẹ không biết gì. Đầu tiên, cô xếp tất cả các trang giấy theo đúng thứ tự. Sau đó, cô dập lỗ và xếp chúng vào kẹp tài liệu, lên trước tập giấy về Aristotle. Cuối cùng, cô đánh số từng trang ở góc trên bên phải. Có tất cả hơn 50 trang. Sophie đang trong quá trình biên sọan cuốn sách triết học của riêng mình - cuốn sách không phải do cô viết mà được viết dành riêng cho cô. Sophie không có thời gian để làm bài tập cho ngày thứ Hai. Rất có thể sẽ có một bài kiểm tra môn Kiến thức Tôn giáo, nhưng thầy luôn nói rằng thầy coi trọng quan điểm cá nhân và những phán đóan có giá trị. Sophie cảm thấy mình đang bắt đầu có một cơ sở nào đó cho cả hai. THỜI KỲ HY LẠP HÓA ... một tia sang từ đống lửa... Tuy ông thầy triết học đã bắt đầu gửi thư thẳng đến hàng giậu cũ, nhưng sáng thứ Hai, theo thói quen, Sophie vẫn kiểm tra hộp thư. Nó rỗng không, chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Cô bắt đầu đi dọc đường Cỏ Ba Lá. Bỗng cô nhìn thấy một bức ảnh nằm trên vỉa hè. Đó là hình một chiếc xe jeep trắng và một lá cờ xanh với hai chữ cái UN trên đó. Chẳng phải đó là cờ của Liên hợp quốc? Sophie lật bức ảnh và nhận ra đó là một tấm bưu ảnh thông thường. Gửi "Hilde Moller Knag, qua Sophie Amundsen..." Nó được đóng tem Na Uy và dấu bưu điện "Tiểu đoàn Liên hợp quốc" thứ Sáu 15/6/1990 15 tháng Sáu! Đó là ngày sinh nhật Sophie! Tấm thiệp viết: Hilde yêu quí. Bố đoán vẫn đang là ngày sinh nhật 15/6 của con. Hay đã là buổi sáng hôm sau? Dù sao, điều đó cũng không ảnh hưởng đến món quà của con. Theo một nghĩa nào đó, nó sẽ bền lâu suốt đời. Nhưng bố muốn chúc mừng sinh nhật con lần nữa. Có lẽ con hiểu vì sao bố gửi thiếp cho Sophie. Bố chắc chắn là bạn ấy sẽ chuyển chúng cho con. TB. Mẹ con đã bị mất ví. Bố hứa sẽ bù cho con 150 cu-ron. Con có thể xin một cái thẻ sinh viên khác ở trường, trước khi họ nghỉ hè. Bố yêu con. Sophie đứng chôn chân tại chỗ. Tâm bưu ảnh trước đóng dấu bưu điện khi nào? Cô lờ mờ nhớ ra rằng hình như tấm bưu ảnh bãi biển cũng đóng dấu tháng Sáu - mặc dù mới đang là tháng Năm. Đơn giản là cô đã không nhìn kỹ. Cô liếc nhìn đồng hồ rồi chạy về nhà. Hôm nay cô đành phải đến trường muộn vậy! Sophie vào nhà và leo lên cầu thang để về phòng. Cô tìm thấy tấm bưu ảnh đầu tiên cho Hilde bên dưới chiếc khăn lụa đỏ. Phải rồi! Nó cũng đóng dấu bưu điện ngày 15 tháng Sáu! Sinh nhật của Sophie và ngày cuối cùng trước khi nghỉ hè. Những ý nghĩ chạy đua trong đầu khi cô chạy đến siêu thị để gặp Joanna. Hilde là ai? Tại sao bố của Hilde lại cho rằng hiển nhiên Sophie sẽ tìm thấy cô ta? Dù sao cũng phải thật điên rồ khi gửi bưu ảnh cho Sophie thay vì gửi thẳng cho con gái mình. Ông ta không thể không biết địa chỉ của chính con gái mình. Đây là một trò đùa chăng? Hay là ông ta muốn làm con gái ngạc nhiên bằng cách nhờ một người hoàn toàn xa lạ chơi trò thám tử và người đưa thư? Có phải vì thế mà cô được cho trước một tháng? Hay dùng cô làm người trung gian là một cách để tặng con gái một người bạn mới làm quà sinh nhật? Có phải cô là món quà sẽ "bền lâu suốt đời"? Nếu con người thích đùa này thực sự đang ở Lebanon, ông ta làm thế nào mà có được địa chỉ của Sophie? Còn nữa, Sophie và Hilde có ít nhất hai điểm giống nhau. Nếu Hilde cũng sinh ngày 15/6 thì cả hai có cùng ngày sinh. Và họ cùng có bố đang ở phía bên kia trái đất. Sophie cảm thấy mình đang bị kéo vào một thế giới không tự nhiên. Có lẽ tin vào số mệnh cũng chẳng phải chuyện ngớ ngẩn lắm. Dù sao, cô cũng không nên kết luận quá sớm; mọi chuyện vẫn có thể có lời giải thích hoàn toàn tự nhiên. Nhưng khi làm thế nào mà Alberto Knox lại tìm thấy vị trí của Hilde khi cô ấy ở tận Lillesand? Lillesand cách đây hàng trăm dặm. Và tại sao Sophie lại tìm thấy tấm bưu ảnh này trên vỉa hè? Nó rơi ra khỏi túi của người đưa thư trước khi họ đến hòm thư của Sophie chăng? Nếu vậy, tại sao họ lại đánh rơi chính cái bưu ảnh này? "Cậu điên à?" Joanna kêu lên khi cuối cùng thì Sophie cũng đến được siêu thị. "Tớ xin lỗi!" Joanna cau mày nghiêm khắc như cô giáo. "Cậu nên giải thích thì hơn." "Chuyện này liên quan đến Liên hợp quốc," Sophie trả lời. "Tớ đã bị một đội quân thù địch bắt giữ ở Lebanon." "Hẳn rồi...Cậu đang yêu mà!" Họ vắt chân lên cổ chạy đến trường. Tiết ba có bài kiểm tra Kiến thức Tôn giáo mà hôm trước Sophie đã không kịp có thời gian chuẩn bị trước. Đề kiểm tra là: Triết học về cuộc sống và sự chấp nhận 1.           Liệt kê những gì ta có thể biết. Sau đó liệt kê những gì ta chỉ có thể tin. 2.           Kể ra một số nhân tố đóng góp cho triết lý sống của một con người. 3.           Lương tâm nghĩa là gĩ? Em có cho rằng lương tâm của mọi người đều giống nhau không? 4.           Lợi ích ưu tiên nghĩa là gì? Sophie ngồi nghĩ một lúc lâu trước khi bắt đầu viết. Cô có được sử dụng những tư tưởng đã học từ Alberto Knox không? Không còn cách nào khác vì đã từ mấy hôm nay cô chưa lần nào mở cuốn Kiến thức Tôn giáo của mình. Chỉ cần đặt bút là từ ngữ bắt đầu trào ra từ ngòi bút cô. Cô viết rằng ta biết Mặt Trăng không phải được làm bằng pho mát và ở mặt tối của Mặt Trăng cũng có những miệng núi lửa, và rằng cả Socrates và Jesus đều bị kết án tử hình, rằng ai cũng phải chết không sớm thì muộn, rằng những đền thờ vĩ đại trên đồi Acropolis được xây dựng sau cuộc chiến tranh với Ba Tư vào thế kỷ V trước Công nguyên, và rằng lời sấm truyền quan trọng nhất Hy Lạp cổ đại là sấm truyền đền Delphi. Để ví dụ cho những gì ta chỉ có thể tin, Sophie viết về những câu hỏi: có sự sống trên các hành tinh khác hay không, Chúa Trời có tồn tại hay không, có sự sống sau khi chết hay không, và Jesus là con của Chúa hay chỉ là một nhà thông thái. "Chắc chắn ta không thể biết được thế giới từ đầu ra," cô viết, kết thúc danh sách của mình. "Vũ trụ có thể được so sánh với một con thỏ lớn đang kéo ra từ một chiếc mũ. Các nhà triết học cố gắng leo lên đầu những sợi lông thỏ mảnh mai và nhìn thẳng vào mắt Nhà Ảo Thuật Vĩ Đại. Họ có thành công hay không là một câu hỏi để ngỏ. Nhưng nếu mỗi nhà triết học trèo lên lưng một người khác, họ sẽ lên được cao hơn trên chiếc lông thỏ. Và khi đó, theo em, có khả năng một ngày nào đó họ sẽ thành công. TB. Trong Kinh Thánh có một thứ đáng ra đã có thể là một trong những cái lông thỏ. Cái lông thỏ đó được gọi là tháp Babilon. Nó đã bị phá hủy vì Nhà Ảo Thuật không muốn những con bọ-người leo lên cao đến vậy để vươn ra ngoài con thỏ trắng mà ta vừa tạo ra." Câu hỏi tiếp theo: "Kể một số nhân tố đóng góp cho triết lý sống của một con người." Ở đây, giáo dục của cha mẹ và môi trường sống có vai trò rất quan trọng. Những người thời Plato có triết lý sống khác với nhiều người ngày nay vì họ đã sống ở một thời đại khác, trong một môi trường khác. Một nhân tố khác đó là những kiểu kinh nghiệm mà bản thân họ muốn tiếp nhận. Nhận thức thông thường không do môi trường quyết định. Ai cũng có nó. Có lẽ, người ta có thể so sánh môi trường và vị thế xã hội với những điều kiện đã tồn tại ở sâu trong cái hang của Plato. Sử dụng tâm thức của mình, từng cá nhân có thể tự kéo mình ra khỏi bóng tối. Nhưng một cuộc du hành như vậy đòi hỏi lòng dũng cảm. Socrates là một tấm gương về một con người bằng trí tuệ của mình đã tự giải phóng bản thân ra khỏi những quan điểm thống trị thời đại mình. Cuối cùng, cô viết: "Ngày nay, mọi người từ nhiều miền đất và những nền văn hóa khác nhau đang ngày càng pha trộn với nhau. Những người theo Ki Tô giáo, Hồi giáo, và Phật giáo có thể sống trong cùng một tòa nhà. Khi đó, việc chấp nhận đức tin của người khác quan trọng hơn là đặt câu hỏi tại sao mọi người không có cùng đức tin." Không tồi, Sophie nghĩ thầm. Cô cảm thấy mình đã xoay xở được với những gì đã được học từ thầy giáo triết học của mình. Và cô đã có thể bổ sung vào đó một chút từ nhận thức thông thường của chính mình và những gì có lẽ đã đọc được hoặc nghe được ở đâu đó. Sophie quay sang tập trung vào câu hỏi thứ ba: "Lương tâm nghĩa là gì? Em có cho rằng lương tâm của mọi người đều giống nhau không?" Đây là điều mà lớp cô đã thảo luận khá nhiều. Sophie viết: Lương tâm là khả năng phản ứng với cái đúng và cái sai. Theo em, ai cũng được phú cho khả năng này, hay nói cách khác, lương tâm là bẩm sinh. Socrates chắc hẳn cũng nói như vậy. Nhưng những gì lương tâm chỉ bảo lại khác nhau tùy theo từng cá nhân. Có thể nói rằng các Học giả thời Hy Lạp cổ đại đã có lý ở điểm này. Họ cho rằng 'đúng sai' là khái niệm được quyết định chủ yếu do môi trường mà một cá nhân lớn lên từ đó. Trong khi đó, Socrates lại tin rằng lương tâm của mọi người đều giống nhau. Có thể cả hai quan điểm đều đúng. Tuy rằng không phải ai cũng cảm thấy xấu hổ khi khỏa thân, nhưng hầu hết mọi người sẽ cảm thấy lương tâm cắn rứt nếu họ đối xử thật sự tồi tệ với người khác. Tuy nhiên, cần nhớ rằng có lương tâm là một chuyện, còn hành động theo lương tâm lại là một chuyện khác. Đôi khi, có những người xử sự rất tồi nhưng em tin rằng ở đâu đó sâu trong tâm hồn, họ vẫn còn có một chút lương tâm nào đó. Cũng như khi một số người tỏ ra chẳng có chút ý thức nào, nhưng đó chỉ là vì họ không sử dụng nó mà thôi. TB. Nhận thức thông thường và lương tâm đều có thể được so sánh với một cơ bắp. Nếu ta không dùng đến cơ bắp đó, nó sẽ ngày càng yếu đi." Bây giờ chỉ còn một câu hỏi: "Lợi ích ưu tiên nghĩa là gì?" Đây cũng là một điều gần dây đã được thảo luận nhiều. Ví dụ, lái ô tô để đi lại nhanh chóng từ nơi này đến nơi khác là có lợi. Nhưng nếu việc lái xe dẫn tới phá rừng và làm ô nhiễm môi trường tự nhiên, ta sẽ gặp một lựa chọn giữa hai lợi ích. Sau một hồi suy xét cẩn thận, Sophie cảm thấy mình đã đi đến kết luận rằng rừng xanh và môi trường trong lành có giá trị hơn chuyện đi làm tốn ít thời gian. Cô đưa thêm một số ví dụ khác. Cuối cùng, cô viết: "Theo em, môn Triết học quan trong hơn môn Ngữ pháp Tiếng Anh. Vì vậy, bớt một chút giờ Tiếng Anh và thêm môn Triết học sẽ là có ý thức về lợi ích ưu tiên." Giờ nghỉ tiết cuối cùng, thầy giáo kéo Sophie ra một bên. "Thầy đã đọc bài kiểm tra môn Tôn giáo của em", ông nói. "Nó nằm gần đầu tập bài." "Em hi vọng nó đã làm thầy suy nghĩ." "Đó chính là điều mà thầy muốn nói với em. Bài viết của em rất già dặn theo nhiều phương diện. Già dặn một cách đáng ngạc nhiên. Và rất tự tin. Nhưng em đã làm bài tập về nhà chưa, Sophie?" Sophie hơi ấp úng: "Dạ...thầy đã nói rằng điều quan trọng là phải có quan điểm cá nhân." "Phải, thầy đã nói vậy...nhưng điều gì cũng có giới hạn." Sophie nhìn thẳng vào mắt ông thầy. Cô cảm thấy có thể tự cho phép mình làm như vậy sau tất cả những gì cô đã trải qua gần đây. "Em đã bắt đầu nghiên cứu Triết học," cô nói. "Nó cho người ta một nền móng vững cho các quan điểm cá nhân." "Nhưng điều đó chẳng làm thầy dễ chấm điểm bài em hơn chút nào. Em có thể được D hoặc A." "Có phải thầy muốn nói rằng em hoặc rất đúng hoặc rất sai?" "Vậy thì A," ông thầy nói. "Nhưng lần sau em phải làm bài tập đấy nhé!" Buổi chiều hôm đó, Sophie đi học về, cô quăng cặp lên bậc thềm rồi chạy về phía cái hốc. Một chiếc phong bì nâu đang nằm trên đám rễ cây sần sùi. Mép phong bì khô ráo, vậy là Hermes đã thả nó ở đây khá lâu. Cô nhặt chiếc phong bì rồi vào nhà. Cô cho những con thú cảnh ăn rồi lên phòng mình. Nằm dài trên giường, cô bóc lá thư của Alberto và bắt đầu đọc. Thời kỳ Hy Lạp hóa Chúng ta lại gặp nhau, Sophie! Đọc xong về các nhà triết học tự nhiên và Socrates, Plato và Aristotle, em đã làm quen với những nền tảng của triết học Châu Âu. Vậy từ giờ, ta sẽ bỏ qua những câu hỏi mào đầu mà em thường nhận được trong những chiếc phong bì trắng. Chắc là em có rất nhiều bài tập và bài kiểm ra ở trường. Bây giờ tôi sẽ kể cho em về một thời kỳ dài từ Aristotle ở cuối thế kỷ IV trước Công nguyên đến tận thời Trung Cổ vào khoảng năm 400. Lưu ý rằng, ta viết trước Jesus Christ và sau Jesus Christs là vì Ki Tô giáo là một trong những nhân tố quan trọng nhất và huyền bí của thời kỳ này. Aristotle qua đời năm 322 trước Công nguyên, khi Athens đã mất vai trò thống trị của nó. Đó chủ yếu là do những biến động chính trị hậu quả từ những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế (356 - 323 t.Cn). Alexander Đại Đế là vua xứ Macedonia. Aristotle cũng là người Macedonia và ông có thời gian là thầy dạy của Alexander thời trẻ. Alexander là người thắng trận cuối cùng quyết định trước quân Ba Tư. Hơn nữa, với nhiều cuộc chinh phục, ông đã nối cả Ai Cập và miền đất phương Đông xa xôi đến tận Ấn Độ vào với nền văn minh Hy Lạp. Đó là sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người. Một nền văn minh xuất hiện, trong đó văn hóa Hy Lạp và ngôn ngữ Hy Lạp đóng vai trò chủ đạo. Giai đoạn này kéo dài 300 năm và được gọi là thời kỳ Hy Lạp hóa (Hellenism). Thuật ngữ này được dùng để chỉ khoảng thời gian đó, cũng như nền văn hóa chịu nhiều ảnh hưởng của Hy Lạp phổ biến trong cả ba vương quốc thuộc nề văn minh Hy Lạp hóa: Macedonia, Syria, và Ai Cập. Tuy nhiên, từ khoảng năm 50 trước Công nguyên, La Mã chiếm ưu thế về quân sự và chính trị. Cường quốc mới dần đánh bại tất cả các vương quốc Hy Lạp hóa. Và từ đó, văn hóa La Mã và tiếng Latin chiếm ưu thế suốt từ Tây Ban Nha ở phía Tây đến tận sâu trong lòng Châu Á. Đó là khởi đầu của thời kỳ La Mã mà ta thường gọi là thời Hậu Cổ Đại. Nhưng hãy ghi nhớ một điều: trước khi người La Mã đánh bại thế giới Hy Lạp hóa, chính La Mã cũng là một tỉnh nằm trong vùng văn hóa Hy Lạp. Do vậy, văn hóa Hy Lạp và triết học Hy Lạp vẫn đóng vai trò quan trọng rất lâu sau khi ảnh hưởng chính trị của Hy Lạp chỉ còn là quá khứ. Tôn giáo, triết học và khoa học Đặc điểm nổi bật của thời Hy Lạp hóa là biên giới giữa các quốc gia và giữa các nền văn hóa bị xóa nhòa. Trước đó, người Hy Lạp, La Mã, Ai Cập, Ba Tư, Syria, và Babylon thờ các vị thần của riêng mình trong cái ta thường gọi là "tôn giáo quốc gia". Còn bây giờ, các nền văn hóa khác nhau đã hoà trộn vào nhau thành một cái vạc phù thủy vĩ đại chứa đầy các tư tưởng tôn giáo, triết học và khoa học. Ta có thể nói rằng quảng trường thành phố đã được thay thế bằng vũ đài thế giới. Quảng truờng cổ từ trước vẫn ồn ào bởi những giọng nói, khi thì mang theo những mặt hàng đa dạng đến chợ, khi lại mang theo những tư tưởng và ý kiến khác nhau. Nét mới là quảng trường nay tràn ngập hàng hóa và tư tưởng từ khắp nơi trên thế giới. Tiếng ồn ào nay được phát ra bằng nhiều thứ tiếng. Ta đã nói rằng quan điểm sống của Hy Lạp nay đã lan rộng hơn nhiều so với thời trước tại các vùng Hy Lạp cũ. Nhưng theo thời gian, các vị thần Phương Đông cũng đã được thờ phụng ở các nước vùng Địa Trung Hải. Những tôn giáo mới xuất hiện vay mượn thần linh và tín ngưỡng của nhiều dân tộc cổ xưa. Đó là điều mà người ta gọi là thuyết hổ lốn hay sự pha trộn của tín ngưỡng. Trước đó, con người cảm thấy một mối gắn bó chặt chẽ với dân tộc mình và thành bang của mình. Nhưng khi những đường biên giới đã bị xóa nhòa, nhiều người bắt đầu cảm thấy phân vân, hoài nghi về triết lý sống của mình. Thời kỳ Hậu Cổ Đại thường được đặc trưng bởi những hoài nghi về tôn giáo, sự tan rã về văn hóa, và chủ nghĩa bi quan. Người ta nói rằng "thế giới đã trở nên già cỗi". Một đặc điểm chung của những tôn giáo mới xuất hiện trong thời kỳ Hy Lạp hóa là chúng thường chứa những giáo lý về cách giải thoát con người khỏi cái chết. Những giáo lý này thường được giữ bí mật. Bằng cách công nhận giáo lý và thực hiện một số nghi lễ đặc biệt, con người có thể hy vọng vào sự bất tử của linh hồn và một cuộc sống vĩnh hằng. Đối với sự cứu rỗi của linh hồn, một sự thấu hiểu nhất định về bản chất thực sự của vũ trụ có thể chỉ quan trọng ngang hàng với các nghi lễ tôn giáo. Đó là về các tôn giáo mới, Sophie à. Nhưng cả triết học cũng ngày càng hướng về sự "cứu rỗi linh hồn" và sự thanh thản của cuộc sống. Người ta cho rằng sự thấu hiểu triết học không chỉ có giá trị tự thân mà còn cần giải phóng con người khỏi sự bi quan và nỗi sợ cái chết. Do đó, ranh giới giữa tôn giáo và triết học dần dần bị xóa bỏ. Nhìn chung, triết học thời Hy Lạp hóa không có gì mới mẻ đặc biệt. Không có Plato mới hay Aristotle mới xuất hiện trên sân khấu. Ngược lại, ba nhà triết học thành Athens là một nguồn cảm hứng cho một loạt các khuynh hướng triết học mà lát nữa tôi sẽ miêu tả ngắn gọn cho em nghe. Khoa học thời Hy Lạp hóa cũng bị ảnh hưởng bởi sự hòa trộn tri thức từ nhiều nền văn hóa. Thành phố Alexandria đóng vai trò chủ chốt với vai trò nơi gặp gỡ của Đông và Tây. Trong khi Athens vẫn là trung tâm của triết học với những trường phái triết học thừa kế Plato và Aristotle vẫn hoạt động, Alexandria trở thành trung tâm khoa học. Với thư viện vĩ đại, thành phố này đã trở thành trung tâm của toán học, thiên văn học, sinh học và y học. Văn hóa Hy Lạp có thể được so sánh với thế giới hiện đại ngày nay. Thế kỷ XX cũng đã chịu ảnh hưởng của một nền văn minh ngày càng mở rộng. Ở thời đại chúng ta, sự cởi mở này cũng tạo nên những biến động dữ dội về tôn giáo và triết học. Cũng như ở La Mã vào khoảng đầu thời kỳ Ki Tô giáo, khi người ta có thể gặp các tôn giáo của Hy Lạp, Ai Cập và phương Đông, ngày nay khi ta tiến dần đến cuối thể kỷ XX, ta có thể tìm thấy ở mọi thành phố Châu Âu các tôn giáo lớn nhỏ từ mọi nơi trên thế giới. Ngày nay, ta còn thấy sự kết hợp của các tôn giáo, triết học, khoa học cổ kim có thể hình thành nền tảng cho các lựa chọn mới trong chợ "quan điểm sống". Hầu hết các "tri thức mới" này thực ra chỉ là những mảnh tàu đắm còn sót của những tư tưởng xưa cũ, một số bắt nguồn từ thời Hy Lạp hóa. Như tôi đã nói, triết học Hy Lạp hóa tiếp tục nghiên cứu những vấn đề mà Socrates, Plato, và Aristotle đã nêu ra. Họ có điểm chung là ước muốn tìm hiểu xem con người nên sống và chết như thế nào thì tốt nhất. Họ quan tâm đến luân lý học. Trong nền văn minh mới này, lĩnh vực đó trở thành đề tài nghiên cứu triết học chủ đạo. Mục tiêu được chú trọng là tìm hiểu xem hạnh phúc chân chính là gì và làm thế nào để đạt được nó. Ta sẽ điểm qua bốn trong số các khuynh hướng triết học này. Các triết gia Yếm thế Truyện kể rằng một lần Socrates đứng ngắm một gian hàng bán đủ loại hàng hóa. Cuối cùng, ông nói "Thật lắm thứ mà tôi chẳng cần đến!" Câu nói đó có lẽ đã là phương châm cho trường phái triết học Yếm thế do Antisthenes sáng lập ở Athens vào khoảng năm 400 trước Công nguyên. Antisthenes đã là một học trò của Socrates, và là người đặc biệt chú ý đến sự thanh đạm của ông. Các triết gia Yếm thế nhấn mạnh rằng hạnh phúc chân chính không có trong các thuận lợi bên ngoài chẳng hạn sự giàu sang, quyền lực chính trị và sức khỏe tốt. Hạnh phúc chân chính là ở sự không phụ thuộc vào những thứ ngẫu nhiên và phù du đó, nó nằm trong tầm tay của mọi người. Hơn nữa, một khi đã tìm được, nó sẽ không bao giờ bị tuột mất. Triết gia Yếm thế nổi tiếng nhất là Diogenes, một học trò của Antisthenes. Người ta kể rằng ông chỉ sống với một cái thùng và chẳng có gì ngoài một cái áo choàng, một cây gậy và một túi bánh mì. (Do vậy chẳng dễ gì mà ăn trộm được hạnh phúc của ông!) Một hôm, ông được Alexander Đại Đế đến thăm khi ông đang ngồi sưởi nắng bên cạnh cái thùng. Vị hoàng đế đứng trước mặt ông và hỏi xem ông có mong muốn điều gì không. "Có," Diogenes trả lời. "Tôi muốn ngài đứng tránh sang bên. Ngài đang chắn mặt trời." Như vậy, Diogenes cho thấy ông hạnh phúc và giầu có chẳng kém người đàn ông vĩ đại đứng trước mặt mình. Ông có mọi điều mà ông muốn. Các triết gia Yếm thế tin rằng con người không cần quan tâm đến sức khỏe của bản thân. Thậm chí họ không cần lo âu về đau khổ bệnh tật và cái chết. Họ cũng không để bản thân phải dằn vặt bởi sự quan tâm đến nỗi thống khổ của người khác. Ngày nay, từ "yếm thế" hay "chủ nghĩa yếm thế" đã mang ý nghĩa về sự hoài nghi nhạo báng về sự chân thật của con người, và hàm ý sự vô cảm trước nỗi đau khổ của người khác. Các triết gia Khắc kỷ Các triết gia Yếm thế đã có công trong sự phát triển của trường phái triết học Khắc kỷ tại Athens vào khoảng năm 300 trước Công nguyên. Người sáng lập ra trường phái này là Zeno, người đảo Síp, ông đã đến với các triết gia Yếm thế ở Athens sau một vụ đắm tàu. Ông thường tập hợp học trò dưới một mái hiên lớn. Từ khắc kỷ (stoic) trong tiếng Hy Lạp bắt nguồn từ từ mái hiên (stoa). Chủ nghĩa Khắc kỷ sau đó đã có ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa La Mã. Cũng như Heraclitus, các triết gia Khắc kỷ tin rằng mọi người đều là một phần của cùng một tri thức con người - hay "logos". Họ cho rằng mỗi người là một thế giới thu nhỏ hay "tiểu vũ trụ" - một phản ánh của "đại vũ trụ". Từ đó dẫn tới tư tưởng rằng tồn tại một lẽ phải phổ quát - cái gọi là quy luật tự nhiên. Và vì quy luật tự nhiên này dựa trên lý tính phổ quát phi thời gian của con người, nó không thay đổi theo thời gian và không gian. Ở đây, các nhà triết gia Khắc kỷ đã đứng về phía Socrates và phản bác các Học giả. Quy luật tự nhiên chi phối toàn bộ loài người, kể cả nô lệ. Các triết gia Khắc kỷ coi chế độ pháp luật của nhiều nước chỉ là những sự bắt chước không đầy đủ quy luật có sẵn trong chính tự nhiên. Cũng như vậy, các triết gia Khắc kỷ đã xóa bỏ sự khác biệt giữa cá nhân và vũ trụ, họ còn phủ nhận mọi mâu thuẫn giữa "tinh thần" và "vật chất". Chỉ có một thiên nhiên, họ quả quyết. Kiểu tư tưởng này được gọi là thuyết nhất nguyên (ngược lại với thuyết nhị nguyên rõ ràng hay thực tại kép của Plato). Là những đứa con đích thực của thời đại mình, các triết gia Khắc kỷ thực sự là những "người theo chủ nghĩa thế giới" ở chỗ họ cởi mở trước văn hóa đương thời hơn các "triết gia thùng gỗ" (các triết gia Yếm thế). Họ kêu gọi sự quan tâm đến tình bằng hữu của con người, họ quan tâm nhiều đến chính trị, nhiều trong số đó, nổi bật nhất là hoàng đế La Mã Marcus Aurelius (121 - 180), đã trở thành những chính khách năng động. Họ cổ vũ văn hóa và triết học Hy Lạp tại La Mã. Một trong số những người nổi bật nhất là nhà chính trị, nhà triết học và nhà hùng biện Cicero (106 - 43 t.Cn). Ông là người định hình cho khái niệm "chủ nghĩa nhân văn" - đó là một quan niệm sống đặt cá nhân vào trung tâm. Vài năm sau, triết gia Khắc kỷ Seneca (4 t.Cn - 65) nói rằng "đối với loài người, loài người là vật linh thiêng". Câu nói đó đã là khẩu hiệu cho chủ nghĩa nhân văn kể từ đó. Ngoài ra, các triết gia Khắc kỷ còn nhấn mạnh rằng tất cả các quá trình tự nhiên như bệnh tật và cái chết đều là những quy luật bất diệt của tự nhiên. Do vậy, con người phải học cách chấp nhận số phận của mình. Không có cái gì xảy ra một cách tình cờ. Mọi sự xảy ra đều là tất yếu, do vậy, chẳng ích gì mà phàn nàn khi số mệnh gõ cửa. Họ cho rằng, con người còn phải tiếp nhận những sự kiện hạnh phúc trong cuộc sống một cách điềm tĩnh. Ở đây, ta thấy sự gần gũi đối với các triết gia Yếm thế - những người cho rằng mọi sự kiện bên ngoài đều không quan trọng. Ngày nay, ta vẫn dùng từ bình tĩnh khắc kỷ (stoic calm) để chỉ những người không để bị cuốn theo tình cảm của mình. Các triết gia theo thuyết Hưởng lạc Như ta đã thấy, Socrates đã quan tâm đến chuyện con người phải làm sao để có cuộc sống hạnh phúc. Cả hai trường phái Yếm thế và Khắc kỷ đều hiểu triết lý của ông theo nghĩa rằng con người phải giải phóng bản thân ra khỏi xa hoa vật chất. Nhưng Socrates còn có một học trò tên là Aristippus. Ông tin rằng mục đích của cuộc sống là để đạt được sự hưởng thụ về giác quan cao nhất có thể được. Ông nói "cái thiện cao nhất là niềm khoái lạc, cái ác lớn nhất là nỗi đau đớn". Do đó, ông muốn tìm được một cách sống mà mục đích là tránh sự đau khổ dưới mọi hình thức. (Các triết gia Yếm thế và Khắc kỷ tin tưởng vào sự chịu đựng mọi hình thức đau khổ, điều này khác với việc cố ý tránh đau khổ.) Khoảng năm 300 trước Công Nguyên, Epicurus (341 - 270) thành lập một trường phái triết học ở Athens. Các môn đệ của ông được gọi là các Epicurian - hay những người theo thuyết hưởng lạc. Ông đã phát triển luân lý học về khoái lạc của Aristippus và kết hợp những thuyết nguyên tử của Democritus. Chuyện kể rằng những người theo thuyết Hưởng lạc sống trong một khu vườn. Do vậy, họ còn được gọi là các "triết gia vườn". Người ta kể rằng trên cổng vào vườn có treo dòng chữ: "Hỡi khách lạ, ở đây người sẽ sống sung sướng. Nơi đây, khoái lạc là cái thiện cao nhất." Epicurus nhấn mạnh rằng kết quả thú vị và dễ chịu của một hành động luôn phải được đem ra cân nhắc với các ảnh hưởng phụ có thể. Nếu em đã từng ních đầy một bụng socola thì em hiểu tôi muốn nói gì. Còn nếu chưa, em hãy thử bài tập này: Hãy lấy tất cả tiền bỏ ống của em ra để mua hai trăm cu-ron socola. (Ta hãy giả sử là em thích socola.) Tiếp theo, điểm cốt yếu của bài tập là em phải ăn hết chỗ socola liền một lúc. Khoảng nửa giờ sau, khi chỗ socola tuyệt ngon đã hết nhẵn, em sẽ hiểu các ảnh hưởng phụ mà Epicurus muốn nói đến. Epicurus còn tin rằng một kết quả vừa ý trong tương lai gần phải được cân  nhắc với khả năng của một niềm vui thú lớn hơn, lâu bền hơn, hoặc mạnh mẽ hơn trong tương lai xa. (Có thể là em nhịn socola trong cả một năm vì em muốn dành tiền mua một chiếc xe đạp hay đi một chuyến du lịch tốn kém ở nước ngoài.) Không như động vật, chúng ta có thể hoạch định cuộc sống của bản thân. Chúng ta có khả năng "tính toán cho sự vui thú". Socola thì ngon, nhưng một chiếc xe đạp mới hay một chuyến du lịch tại Anh còn thích hơn. Tuy nhiên, Epicurus nhấn mạnh rằng "khoái lạc" không nhất thiết có nghĩa là sự thỏa mãn về giác quan - chẳng hạn khi ăn socola. Các giá trị như tình hữu nghị và sự thưởng thức nghệ thuật cũng được tính đến. Hơn nữa, sự vui sống đòi hỏi các lý tưởng Hy Lạp cổ về sự tự chủ, điều độ, và trầm tĩnh. Sự thèm muốn phải được kiềm chế, sự trầm tĩnh sẽ giúp ta chịu đựng đau khổ. Nỗi sợ hãi các vị thần đã đưa nhiều người đến khu vườn của Epicurus. Trong mối liên hệ này, thuyết nguyên tử của Democritus là phương thuốc hữu hiệu chống lại mê tín. Để sống hạnh phúc, việc chiến thắng nỗi sợ chết không phải là không quan trọng. Để đạt được mục đích này, Epicurus sử dụng thuyết "nguyên tử linh hồn" của Democritus. Có lẽ em vẫn còn nhớ Democritus đã tin rằng không có cuộc sống sau khi chết, bởi vì khi ta chết, các "nguyên tử linh hồn" phát tán theo mọi hướng. "Cái chết không can dự đến ta", Epicurus nói một cách khá giản dị, "vì khi ta còn tồn tại, cái chết chưa có mặt. Và khi cái chết đến, ta không còn tồn tại." (Em thử nghĩ mà xem, chưa bao giờ có ai phiền muộn vì mình đã chết cả.) Epicurus đã tổng kết xu hướng triết học giải thoát của mình bằng cái mà ông gọi là bốn vị dược liệu: Không phải sợ thần linh. Chẳng đáng lo cái chết. Điều thiện dễ đạt được. Nỗi sợ dễ chịu đựng. Nhìn từ quan điểm Hy Lạp, không có gì mới khi so sánh các nghiên cứu triết học với các nghiên cứu y học. Chủ ý ở đây chỉ đơn giản là con người phải tự trang bị một "tủ thuốc triết học" chứa bốn vị thuốc tôi vừa nêu trên. Ngược lại với các triết gia Khắc kỷ, các triết gia theo thuyết hưởng lạc hầu như không quan tâm đến chính trị và cộng đồng. "Hãy sống ẩn dật!" là lời khuyên của Epicurus. Ta có thể so sánh "khu vườn" của ông với các cộng đồng trong xã hội hiện đại. Có nhiều người ở thời đại của chúng ta đã tìm kiếm một nơi trú ẩn, một bến đỗ thanh bình để trốn tránh xã hội. Sau Epicurus, nhiều triết gia theo thuyết Hưởng lạc đã quá nhấn mạnh vào sự phóng túng, đam mê lạc thú. Châm ngôn của họ là "Sống cho hiện tại!" Từ "người theo chủ nghĩa hưởng lạc" ngày nay được dùng để mô tả những người chỉ sống vì lạc thú. Chủ nghĩa Plato mới Như tôi đã giới thiệu, các trường phái Yếm thế, Khắc kỷ, và thuyết hưởng lạc đều có nguồn gốc từ các học thuyết của Socrates. Họ còn sử dụng một số học thuyết tiền Socrates như Heraclitus và Democritus. Nhưng xu hướng triết học đáng chú ý nhất vào cuối thời kỳ Hy Lạp hóa có nguồn cảm hứng đầu tiên và quan trọng nhất từ triết học của Plato. Do vậy, nó được gọi là chủ nghĩa Plato mới. Nhân vật quan trọng nhất của chủ nghĩa Plato mới là Plotinus (205 - 270), người đã nghiên cứu triết học ở Alexandria nhưng sau đó lại định cư tại La Mã. Rất nên lưu ý rằng ông đến từ Alexandria, thành phố đã là điểm gặp gỡ trung tâm của triết học Hy Lạp cổ và chủ nghĩa huyền bí Phương Đông trong vài thế kỷ. Plotinus mang đến Rome một học thuyết cứu rỗi mà sau này nó sẽ cạnh tranh với Ki Tô giáo khi đến thời của tôn giáo này. Tuy nhiên, chủ nghĩa Tân Plato cũng đã ảnh hưởng mạnh đến thần học chính thống của Ki Tô giáo. Em hãy nhớ lại học thuyết về ý niệm của Plato và cách ông phân biệt giữa thế giới ý niệm và thế giới tri giác. Nó thiết lập một sự phân chia rõ ràng giữa linh hồn và thể xác. Khi đó, con người trở thành một sinh vật đúp: thể xác của ta chứa đất và bụi như mọi thứ khác trong thế giới tri giác, nhưng ta còn có một linh hồn bất tử. Từ rất lâu trước Plato, rất nhiều người Hy Lạp đã tin vào điều này. Plotinus cũng đã quen thuộc với những tư tưởng tương tự từ châu Á. Plotinus tin rằng thế giới trải rộng giữa hai cực. Tại một đầu là ánh sáng thần thánh mà ông gọi là cái Duy Nhất. Đôi khi, ông gọi đó là Thượng Đế. Tại đầu kia là bóng tối tuyệt đối, nơi không nhận được một chút ánh sáng từ cái Duy Nhất. Nhưng ý của Plotinus là bóng tối này thực ra không có sự tồn tại của chính nó. Bóng tối chỉ đơn giản là sự không có mặt của ánh sáng, nói cách khác, nó LÀ hư không. Tất cả những gì tồn tại là Thượng Đế, hay cái Duy Nhất. Nhưng cũng giống như một chùm sáng khi đi càng xa càng mờ dần và rồi mất hẳn, ở đâu đó có một điểm mà tại đó ánh sáng thần thánh không thể rọi tới. Theo Plotinus, linh hồn được chiếu rạng bởi ánh sáng từ cái Duy Nhất, trong khi vật chất là bóng tối - cái không có sự tồn tại thật sự. Còn các hình dạng trong tự nhiên có một quầng sáng mờ nhạt của cái Duy Nhất. Hãy tưởng tượng một đống lửa lớn trong đêm tỏa sáng về mọi hướng. Vùng sáng rộng quanh đống lửa làm cho mọi thứ sáng như ban ngày. Ánh sáng từ đống lửa có thể được nhìn thấy từ cách xa vài dặm. Nếu ta ra xa hơn nữa, ta có thể nhìn thấy một đốm sáng nhỏ xíu như một cái đèn xa xôi trong đêm tối, nếu đi xa hơn nữa, đến một điểm nào đó ta sẽ không còn nhìn thấy ánh sáng đó nữa. Ở một nơi nào đó, những tia sáng biến vào đêm tối, và khi hoàn toàn tối, ta chẳng còn nhìn thấy gì nữa. Không có cả hình lẫn bóng. Bây giờ hãy tưởng tượng rằng thực tại là một đống lửa như vậy. Đống lửa cháy rực là Thượng Đế, và bóng tối chính là vật chất giá lạnh mà người và vật được tạo nên từ đó. Gần với Thượng Đế nhất là các ý niệm vĩnh cửu, chúng là hình thức sơ khởi của mọi sinh vật. Cao hơn tất cả, linh hồn con người là những "tia lửa từ đống lửa". Tuy nhiên, ít nhiều ánh sáng thần thánh vẫn chiếu rọi trong khắp thế giới tự nhiên. Ta có thể nhìn thấy ánh sáng đó trong mọi sinh vật sống: ngay cả một đóa hồng hay một bông hoa chuông xanh cũng có quầng sáng thần thánh của nó. Ở xa Thượng Đế nhất là đất, đá và nước. Tôi đang nói rằng có một cái gì đó huyền bí và thần thánh trong tất cả những gì hiện hữu. Ta có thể thấy chúng lấp lánh trong một bông hoa hướng dương hay một bông anh túc. Ta cảm nhận được điều kỳ diệu này rõ ràng hơn từ một con bướm vẫy cánh bay lên từ một cành cây hay một chú cá vàng bơi tung tăng trong bể kính. Nhưng ta ở gần Thượng Đế nhất trong linh hồn mình. Chỉ có ở đó, ta mới có thể hòa vào làm một với điều huyền diệu vĩ đại của cuộc sống. Thực tế, tại những khoảnh khắc hiếm hoi, ta có thể cảm thấy ta chính là điều huyền diệu thần thánh đó. Phép ẩn dụ của Plotinus khá giống câu chuyện về cái hang của Plato: càng đến gần miệng hang, ta càng gần với nơi mà từ đó mọi thứ hiện hữu phát sinh. Nhưng ngược lại với hiện thực kép rõ ràng của Plato, học thuyết của Plotinus được đặc trưng bởi sự trải nghiệm của cái toàn thể. Tất cả đều là một - vì tất cả đều là Thượng Đế. Ngay cả những cái bóng sâu trong cái hang của Plato cũng có một quầng sáng mờ nhạt của cái Duy Nhất. Một đôi lần trong đời, Plotinus đã cảm nhận được sự hợp nhất của linh hồn ông với Thượng Đế. Ta thường gọi đây là trải nghiệm thần bí. Không chỉ Plotinus mới có những trải nghiệm như thế. Người ta đã kể về chúng trong mọi thời đại và mọi nền văn hóa. Các chi tiết có thể khác nhau, nhưng các đặc tính căn bản đều trùng hợp. Ta hãy điểm qua một số trong các đặc tính đó. Chủ nghĩa thần bí Một trải nghiệm thần bí là một sự trải nghiệm về sự hòa nhập với Thượng Đế hay "tinh thần vũ trụ". Nhiều tôn giáo nhấn mạnh vào cái hố sâu giữa Thượng Đế và Tạo Hóa, nhưng nhà thần bí không thấy cái hố ngăn cách đó. Người đó trải qua cảm giác "với Thượng Đế là một" hoặc "hòa nhập" với Ngài. Tư tưởng đó là: cái mà ta thường gọi là "Tôi" không phải cái "Tôi" thực. Trong nháy mắt, ta có thể cảm thấy một cái "Tôi" lớn hơn. Một số nhà thần bí gọi đó là Thượng Đế, một số khác gọi đó là tinh thần vũ trụ, Thiên Nhiên, hoặc Vũ Trụ. Khi sự hợp nhất xảy ra, nhà thần bí cảm thấy ông ta đang "đánh mất bản thân"; ông tan biến vào trong Chúa như một giọt nước đánh mất bản thân khi hòa vào đại dương. Một nhà thần bí Ấn Độ đã từng mô tả như sau: "Khi tôi hiện hữu, Thượng Đế không hiện hữu. Khi Thượng Đế hiện hữu, không còn tôi nữa." Nhà thần bí Ki Tô giáo Angelus Silesius (1624 - 1677) đã nói theo một cách khác: Mỗi giọt nước trở thành biển cả khi nó chảy vào đại dương, cũng như cuối cùng linh hồn sẽ bay lên và trở thành Chúa. Bây giờ em có thể cảm thấy chuyện "đánh mất bản thân" không thể dễ chịu cho lắm. Tôi hiểu ý của em. Nhưng điều quan trọng là ở chỗ cái mà em mất là rất nhỏ so với cái em đạt được. Tại thời điểm đó em chỉ đánh mất cái hình thức nhất thời của em, nhưng cùng lúc đó em nhận ra rằng em là cái gì đó vĩ đại hơn nhiều. Em là vũ trụ. Thực ra em chính là tinh thần vũ trụ, Sophie à. Chính em là Thượng Đế. Nếu em phải đánh mất bản thân là Sophie Amundsen, em có thể cảm thấy dễ chịu khi hiểu rằng "cái tôi hằng ngày" này là cái mà đằng nào một ngày nào đó em cũng sẽ mất. Cái "Tôi" thực sự của em - cái mà em chỉ có thể cảm thấy nếu em có thể từ bỏ bản thân - theo các nhà thần bí, giống như một ngọn lửa huyền diệu cháy mãi trong cõi vĩnh hằng. Nhưng một trải nghiệm kiểu này không tự đến. Nhà thần bí có thể phải tìm con đường "thanh tịnh và khai sáng" để đến được cuộc gặp với Thượng Đế. Con đường này bao gồm một cuộc sống giản dị và nhiều phương pháp thiền định đa dạng. Thế rồi, nhà thần bí bất chợt đạt được mục đích của mình và có thể thốt lên "Tôi là Thượng Đế" hoặc "Con là Ngài". Các xu hướng thần bí được tìm thấy trong tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới. Những gì các nhà thần bí miêu tả về trải nghiệm thần bí cho thấy một sự tương đồng đáng chú ý vượt qua các ranh giới văn hóa. Nguồn gốc văn hóa của các nhà thần bí thể hiện trong sự giải thích của họ bằng tôn giáo hoặc triết học về các trải nghiệm thần bí. Trong chủ nghĩa thần bí Phương Tây - các đạo Do Thái, Ki Tô và đạo Hồi - nhà thần bí nhấn mạnh rằng cuộc gặp của ông là một vị Chúa cá thể. Tuy Chúa hiện hữu trong cả thiên nhiên và trong linh hồn con người, Ngài còn ở rất xa bên trên và bên ngoài thế giới. Trong chủ nghĩa thần bí Phương Đông - Ấn Độ giáo, Phật giáo và Đạo giáo của Trung Quốc - người ta thường nhấn mạnh hơn rằng nhà thần bí trải nghiệm sự hòa nhập hoàn toàn với Thượng Đế hay là "tinh thần vũ trụ". Nhà thần bí có thể thốt lên "Tôi là tinh thần vũ trụ!" hay "Tôi là Thượng Đế!" Bởi vì, không những Thượng Đế hiện hữu trong thế giới, mà Thượng Đế còn không thể ở nơi đâu khác được. Đặc biệt, từ rất lâu trước thời của Plato, ở Ấn Độ đã có những phong trào thần bí mạnh mẽ. Swami Vivekenanda, một người Ấn Độ đã có vai trò quan trọng trong quá trình truyền bá Ấn Độ giáo sang phương Tây, đã từng nói: "Một số tôn giáo cho rằng những người không tin vào một vị Chúa cá thể ở bên ngoài bản thân họ là những kẻ vô thần. Cũng như vậy, chúng tôi nói rằng người nào không tin vào bản thân mình là kẻ vô thần. Không tin vào sự huy hoàng của linh hồn chính mình là cái mà chúng tôi gọi là chủ nghĩa vô thần." Một trải nghiệm thần bí cũng có thể mang ý nghĩa luân lý. Một cựu tổng thống Ấn Độ, Sarvepalli Radhakrishnan, đã từng nói: "Hãy yêu hàng xóm như yêu chính bản thân mình bởi vì ta là hàng xóm của chính mình. Chính ảo tưởng làm cho ta tưởng rằng hàng xóm của ta không phải là chính ta." Trong thời đại của chúng ta, có những người không theo một tôn giáo nào nhưng cũng kể về các trải nghiệm thần bí. Họ bất chợt trải nghiệm cái mà họ gọi là "ý thức vũ trụ" hoặc một "cảm giác đại dương". Họ cảm thấy mình bị giật ra khỏi Thời Gian và cảm nhận thế giới "từ góc độ của sự vĩnh hằng". Sophie bật dậy trên giường. Cô phải sờ xem mình còn có một thân xác hay không. Khi đọc về Plato và các nhà thần bí, cô đã bắt đầu có cảm giác như thể mình đang bồng bềnh trôi quanh phòng, ra ngoài cửa sổ, và bay rất cao phía trên thành phố. Từ đó, cô nhìn xuống mọi người dưới quảng trường, rồi lửng lơ lên cao nữa, cao nữa, bên trên quả địa cầu đã là nhà của cô, trôi qua biển Bắc và châu Âu, về phía sa mạc Sahara, và bay qua thảo nguyên châu Phi. Cả thế giới gần như đã trở thành một cơ thể sống, và cảm giác như cơ thể sống đó chính là Sophie. Thế giới là ta, Sophie nghĩ. Vũ trụ vĩ đại mà trước đây cô thường cảm thấy thật đáng sợ và quá bí hiểm, trở thành cái "Tôi" của chính cô. Vũ trụ vẫn vĩ đại và quyền uy, nhưng giờ đây chính bản thân cô là người vĩ đại như vậy. Cảm giác phi thường đó trôi qua rất nhanh, nhưng Sophie dám chắc rằng cô sẽ không bao giờ quên được. Cô cảm thấy như cái gì đó bên trong cô đã bùng ra từ trên trán và hòa nhập với mọi vật khác, như một giọt màu mang màu sắc đến cho cả một bình nước. Khi cảm giác đã trôi qua, cô như vừa thức dậy, váng đầu sau một giấc mơ kỳ diệu. Sophie hơi vỡ mộng thấy mình có một thể xác, cái thể xác đó đang cố ngồi dậy trên giường. Nằm sấp đọc những trang viết của Alberto Knox làm cô đau lưng. Nhưng cô đã trải qua một điều không thể quên được. Cuối cùng cô đứng dậy. Việc đầu tiên là đục lỗ cho những trang giấy và xếp vào kẹp giấy cùng với các bài học khác. Sau đó, cô xuống vườn. Chim đang hót líu lo như thể thế giới vừa mới được sinh ra. Màu xanh dịu của hàng cây bulô đằng sau chuồng thỏ cũ đậm đến nỗi như thể Đấng Tạo hóa chưa kịp phối màu xong. Cô có thực sự tin rằng vạn vật là một cái "Tôi" thần thánh? Cô có thể tin rằng cô mang trong mình một linh hồn mà nó là một "tia lửa từ đống lửa"? Nếu điều đó là đúng thì cô thực sự là một sinh vật thần thánh. NHỮNG TẤM BƯU ẢNH ...Bố đang cố kiểm duyệt bản thân thật chặt chẽ...   Đã vài ngày trôi qua mà không có tin tức gì từ ông thầy triết học. Ngày mai là thứ Năm, 17 tháng Năm - quốc khánh Na Uy. Trường sẽ đóng cửa cả ngày 18 nữa. Khi tan học về nhà, Joanna chợt thốt lên "Mình đi cắm trại đi!" Phản xạ đầu tiên của Sophie là cô không thể vắng nhà lâu. Nhưng rồi cô nói "Ừ, tại sao không nhỉ?" Một hai tiếng sau, Joanna đến trước cửa nhà Sophie mang theo một cái ba lô to. Sophie cũng đã sắp xếp đồ đạc xong, cô còn mang cả lều trại. Cả hai đều đem theo túi ngủ, áo len, tấm trải nền, đèn pin, bình giữ nhiệt, và thật nhiều đồ ăn ưa thích. Khi mẹ Sophie về nhà vào khoảng 5 giờ, bà giảng cho hai cô bé một bài về chuyện phải làm gì và không được làm gì. Bà còn nhất định muốn biết hai cô định đi cắm trại ở đâu. Các cô bé nói họ định đến đỉnh Gà Gô. Họ sẽ có thể may mắn được nghe tiếng gà gô gọi bạn tình vào sáng hôm sau. Sophie cố tình chọn địa điểm đó. Cô nghĩ đỉnh Gà Gô chắc rất gần căn nhà của ông thiếu tá. Có cái gì giục giã cô quay lại nơi đó, nhưng cô không dám tới một mình. Hai cô bé đi bộ dọc theo con đường dẫn từ lối cụt nhỏ ở quá cổng vườn nhà Sophie. Họ trò chuyện, Sophie cảm thấy thích thú khi được giải lao một chút khỏi bất cứ thứ gì có liên quan đến triết học. Đến tám giờ, họ đã dựng xong lều trên khoảng đất trống gần đỉnh Gà Gô. Họ đã sửa soạn xong cho buổi đêm, túi ngủ đã được trải. Ăn xong bánh mì kẹp, Sophie hỏi, "Cậu đã bao giờ nghe nói về căn nhà của ông thiếu tá chưa?" "Căn nhà của ông thiếu tá?" "Có một căn nhà nhỏ trong rừng, ở đâu đó gần đây... bên bờ một cái hồ nhỏ. Một người lạ đã từng sống ở đó, ông ta là thiếu ta, thế nên người ta gọi đó là căn nhà của ông thiếu tá." "Bây giờ có ai sống ở đó không?" "Cậu có muốn đi xem không?" "Ở đâu?" Sophie chỉ tay về đám cây. Joanna không háo hức lắm, nhưng cuối cùng họ cũng khởi hành. Mặt trời đã xuống thấp. Lúc đầu, họ đi dưới những cây thông cao, nhưng chẳng mấy chốc đã phải vất vả đi xuyên qua những bụi cây rậm. Cuối cùng thì cũng đến được đường mòn. Đây có phải là con đường mà Sophie đã đi theo hôm Chủ nhật nọ không? Chắc chắn rồi - gần như ngay lập tức, cô có thể nhìn thấy cái gì đó lấp lánh giữa những thân cây, phía bên phải con đường. "Kia kìa!" Sophie nói. Lát sau, họ đứng bên bờ hồ. Sophie nhìn chăm chú về phía căn nhà nhỏ bên kia hồ. Tất cả các cửa sổ đều đóng kín. Ngôi nhà đó là nơi hoang vắng nhất mà cô từng thấy. Joanna ngoảnh về phía cô. "Mình có phải lội nước không?" "Tất nhiên là không rồi. Mình sẽ chèo thuyền." Sophie chỉ vào đám lau sậy. Cũng như lần trước, ở đó có một cái thuyền. "Cậu đã đến đây lần nào chưa?" Sophie lắc đầu. Nếu cố giải thích về lần trước thì quá phức tạp. Khi đó cô sẽ phải kể cho bạn về Alberto Knox và cả khóa triết học nữa. Hai cô bé vừa cười đùa vừa chèo thuyền qua hồ. Khi sang đến bờ bên kia, Sophie chú ý để đảm bảo là thuyền được kéo hẳn lên bờ. Họ đến trước cửa. Khi dám chắc là không có ai ở trong nhà, Joanna thử vặn núm cửa. "Khóa rồi... cậu nghĩ là cửa chỉ khép thôi à?" "Có thể mình sẽ tìm được chìa," Sophie nói. Cô bắt đầu tìm kiếm trong những vết nứt của móng nhà bằng đá. "Ôi, hay là quay về lều vậy" sau vài phút, Joanna nói. Nhưng ngay lúc đó, Sophie reo lên, "Đây rồi! Tìm thấy rồi!" Cô đắc thắng giơ chiếc chìa lên. Cô đút chìa vào ổ khóa, và cánh cửa bật mở. Hai người bạn rón rén bước vào như thể họ đang định làm điều gì phạm pháp. Trong nhà vừa lạnh vừa tối. "Mình chẳng thấy gì cả!" Joanna nói. Nhưng Sophie đã lường trước chuyện này. Cô rút bao diêm từ trong túi ra và đánh một que. Họ chỉ có đủ thời gian để thấy rằng căn nhà vắng tanh trước khi que diêm tắt ngấm. Sophie đánh một que diêm nữa, lần này cô nhìn thấy một mẩu nến trong cái chân nến bằng sắt đặt trên mặt lò. Cô châm nến bằng que diêm thứ ba và căn phòng nhỏ trở nên đủ sáng cho họ quan sát xung quanh. "Lạ nhỉ, một mẩu nến nhỏ xíu như thế mà có thể chiếu sáng được bao nhiêu là bóng tối!" Sophie nói. Cô bạn gật đầu. "Nhưng ở đâu đó, ánh sáng tan biến vào bóng tối," Sophie tiếp lời. Thực ra, bóng tối không thực sự hiện hữu. Nó chẳng qua là sự thiếu ánh sáng." Joanna rùng mình. "Ở đây sợ lắm! Mình đi đi..." "Chưa, mình phải nhìn vào trong gương đã." Sophie chỉ về phía cái gương đồng treo bên trên cái tủ thấp, vẫn y như lần trước. "Nó đẹp thật!" Joanna trầm trồ. "Nhưng nó là một cái gương thần." "Gương kia ngự ở trên tường, nước ta ai đẹp được dường như ta?" "Thật đấy! Joanna ạ. Tớ đảm bảo rằng nhìn vào đó, cậu có thể thấy cái gì đó ở bên kia." "Có thật là cậu chưa bao giờ đến đây chứ? Và sao cậu lại thích dọa tớ suốt như thế?" Câu này thì Sophie không trả lời được. "Tớ xin lỗi." Lần này thì Joanna là người bất ngờ nhìn thấy cái gì đó nằm trên sàn trong góc nhà. Đó là một cái hộp nhỏ. Joanna nhặt lên. "Bưu ảnh." Cô nói. Sophie há hốc mồm. "Đừng chạm vào đấy! Nghe tớ nói không! Không được chạm vào đó!" Joanna nhảy dựng lên. Cô ném cái hộp xuống như thể phải bỏng. Những chiếc bưu ảnh văng khắp nền nhà. Một giây sau, cô phá lên cười. "Chỉ là bưu ảnh thôi mà!" Joanna ngồi xuống và bắt đầu nhặt bưu ảnh. Lát sau, Sophie ngồi xuống bên cạnh. "Lebanon... Lebanon... Lebanon... Chúng đều được đóng dấu bưu điện Lebanon." Joanna nhận xét. "Tớ biết," Sophie nói. Joanna ngồi thẳng dậy và nhìn vào mắt Sophie. "Vậy là cậu đã từng đến đây!" "Ừ, chắc vậy." Cô bỗng nhận ra rằng nếu từ đầu cô nhận là cô đã đến rồi thì hẳn mọi việc đã dễ dàng hơn nhiều. Chẳng hại gì nếu cô tiết lộ cho bạn mình những điều bí hiểm cô đã gặp trong mấy ngày gần đây. "Tớ không muốn kể cho cậu khi mình còn chưa đến nơi." Joanna bắt đầu đọc các tấm bưu ảnh. "Tất cả đều gửi cho ai đó tên Hilde Moller Knag." Sophie vẫn chưa chạm vào những tấm bưu ảnh. "Địa chỉ ở đâu?" Joanna đọc: "Hilde Moller Knag, gửi qua Alberto Knox, Lillesand, Na Uy." Sophie thở phào. Cô sợ rằng chúng có thể gửi qua Sophie Amundsen. Cô bắt đầu xem xét kỹ hơn. "28 tháng Tư... mùng 4 tháng Năm... mùng 6 tháng Năm... mùng 9 tháng Năm... Chúng được đóng dấu từ có mấy hôm trước." "Nhưng còn nữa này. Tất cả các dấu bưu điện đều là của Na Uy! Xem này... tiểu đoàn Liên hợp quốc... tem cũng là tem Na Uy!" "Tớ nghĩ là chuyện đó bình thường. Quân đội Na Uy ở đó là lực lượng trung lập, chắc họ có bưu điện Na Uy riêng ở đó." "Thế họ mang thư về nhà bằng cách nào?" "Có lẽ bằng máy bay quân sự." Sophie đem cây nến xuống sàn, cả hai bắt đầu đọc những chiếc bưu ảnh. Joanna sắp xếp theo trình tự thời gian rồi đọc chiếc đầu tiên. Hilde yêu quí, bố rất mong được về nhà mình ở Lillesand. Bố sẽ xuống sân bay Kjevik vào chiều tối ngày Hội Mùa Hè. Bố rất muốn về kịp ngày sinh nhật lần thứ 15 của con, nhưng bố đang làm nhiệm vụ quân sự mà. Để bù lại, bố hứa sẽ dành tất cả tình cảm cho món quà lớn mà con sẽ nhận được cho ngày sinh nhật. Nhiều yêu thương từ bố, người luôn nghĩ về tương lai của con gái mình. T.B. Bố gửi một bản của bưu ảnh này cho một người bạn chung của bố con mình. Bố biết là con sẽ hiểu, Hilde à. Hiện giờ bố đang rất bí mật, nhưng con sẽ hiểu. Sophie nhặt tấm bưu ảnh tiếp theo: Hilde yêu quí, ở đây người ta đang tính từng ngày một. Nếu có điều gì mà bố sẽ nhớ về ba tháng ở Lebanon thì đó chính là sự chờ đợi này. Nhưng bố đang làm tất cả những gì có thể để ngày sinh nhật thứ 15 của con sẽ thật tuyệt với. Hiện giờ bố không thể nói gì thêm được. Bố đang cố gắng kiểm duyệt bản thân thật chặt chẽ. Yêu con. Bố. Hai người bạn gần như nín thở vì hồi hộp. Không ai nói gì, họ chỉ đọc những gì được viết trên những tấm bưu ảnh. Con yêu quí của bố, điều bố mong muốn nhất là gửi một con bồ câu trắng đem những suy nghĩ bí mật của bố đến cho con. Nhưng ở Lebanon hết sạch bồ câu trắng. Đất nước bị chiến tranh tàn phá quả là cần những con chim câu trắng. Bố cầu mong một ngày nào đó, Liên hợp quốc sẽ thật sự mang được hòa bình đến cho thế giới này. T.B. Quà sinh nhật của con có thể đem chia sẻ với những người khác. Mình sẽ nói về chuyện này khi bố về nhà. Nhưng con vẫn chưa hiểu bố đang nói về cái gì đâu nhỉ? Yêu con nhiều, bố có rất nhiều thời gian để nghĩ cho cả hai bố con. Khi họ đã đọc xong được sáu bưu ảnh thì thấy chỉ còn lại một cái. Trên đó viết: Hilde yêu quí, bố sắp nổ tung bởi những bí mật dành cho sinh nhật của con, đến nỗi mỗi ngày mấy lần bố phải kiềm chế không gọi điện về nhà và kể hết mọi chuyện. Nó càng ngày càng lớn. Và con biết đấy, khi một cái gì đó càng ngày càng lớn thì rất khó giữ nó cho riêng mình. Yêu con. T.B. Một ngày nào đó, con sẽ gặp một cô bé tên là Sophie. Để giúp hai con có cơ hội tìm hiểu nhau trước khi gặp, bố bắt đầu gửi Sophie một bản của tất cả những bưu ảnh bố gửi con. Bố nghĩ là chẳng bao lâu cô ấy sẽ bắt kịp. Cô bé ấy chưa biết gì nhiều hơn con đâu. Sophie có một cô bạn gái tên là Joanna. Có thể cô bé ấy sẽ giúp được gì chăng? Sau khi đọc xong bưu ảnh cuối cùng, Joanna và Sophie ngồi lặng, tròn mắt nhìn nhau. Joanna nắm chặt cổ tay Sophie. "Tớ sợ," cô nói. "Tớ cũng thế." "Cái bưu ảnh mới nhất được đóng tem vào ngày nào?" Sophie xem lại tấm bưu ảnh. "16 tháng Năm" cô đọc. "Đó là ngày hôm nay!" "Không thể thế được!" Joanna kêu lên, giọng gần như tức tối. Họ xem xét cẩn thận tấm bưu ảnh, nhưng không có nhầm lẫn gì,... 16-05-90 "Không thể tin được!" Joanna nhất quyết. "Và tớ không thể tưởng tượng được ai đã viết nó. Đó chắc chắn là người biết về bọn mình. Nhưng sao họ có thể biết được mình sẽ đến đây vào đúng ngày hôm nay?" Joanna là người hoảng sợ hơn cả. Còn với Sophie thì những chuyện dính dáng đến bố con Hilde không còn xa lạ nữa.        "Tớ nghĩ rằng chuyện này có liên quan đến cái gương đồng." Joanna nhảy dựng lên. "Cậu không nghĩ là những tấm bưu ảnh vỗ cánh bay qua cái gương đến đây ngay sau khi nó được đóng tem ở Lebanon đấy chứ?" "Cậu có cách giải thích nào khả dĩ hơn không?" "Không." Sophie đứng lên, cầm nến soi hai bức tranh trên tường. Joanna bước đến chăm chú nhìn các bức tranh. "Berkeley và Bjerkely. Thế nghĩa là gì?" "Tớ chịu." Cây nến đã cháy gần hết. "Mình đi thôi," Joanna nói. "Đi!" "Mình phải đem cái gương theo đã." Sophie với tay tháo cái gương đồng ra khỏi cái móc trên tường. Joanna cố ngăn lại nhưng vô ích. Khi họ ra đến ngoài thì trời đã tối hết mức của một đêm tháng Năm. Nền trời đủ sáng để có thể nhìn thấy những đường nét rõ ràng của những bụi cây, thân cây. Cái hồ nhỏ soi bóng nền trời. Hai cô bé trầm ngâm chéo thuyền sang bờ bên kia. Trên đường về lều, chẳng ai nói gì, nhưng ai cũng biết bạn mình đang chìm đắm trong suy nghĩ về những gì vừa nhìn thấy. Thỉnh thoảng, một con chim giật mình bay vụt lên. Một đôi lần, họ nghe thấy tiếng cú mèo hú. Về đến lều, hai cô bé chui ngay vào túi ngủ, Joanna nhất định không chịu để cái gương bên trong lều. Trước khi ngủ thiếp đi, cả hai cùng công nhận rằng chỉ cần biết cái gương đang ở bên ngoài lều là đã đủ sợ rồi. Trước đó, Sophie cũng đã lấy tất cả đống bưu ảnh và nhét vào ba lô. Họ tỉnh dậy sáng sớm hôm sau. Sophie tỉnh giấc trước. Cô đi ủng và ra ngoài lều. Cái gương lớn nằm trên cỏ, đọng đầy sương. Sophie lấy áo lau hết sương và nhìn ảnh phản chiếu của mình trong gương. Giống như cô đang nhìn lên, vừa giống như cô đang nhìn xuống chính mình. May là không có thêm bưu ảnh mới nào từ Lebanon. Phía trên khoảnh đất trống đằng sau lều, sương mù buổi sớm đang dạt vào thành hình những cái nệm bông xơ xác. Những chú chim nhỏ đang líu lo đầy nhiệt tình, nhưng Sophie chẳng nhìn thấy hay nghe thấy tiếng con gà gô nào. Hai cô bé mặc thêm áo len rồi ăn bữa sáng bên ngoài lều. Chẳng mấy chốc, câu chuyện của họ lại quay về căn nhà của ông thiếu tá và những tấm bưu ảnh bí hiểm. Sau bữa sáng, họ gấp lều và bắt đầu quay về nhà. Sophie mang cái gương lớn. Thỉnh thoảng cô phải dừng lại nghỉ. Joanna nhất định không chịu chạm vào cái gương. Khi đến gần ngoại ô thành phố, họ nghe thấy vài tiếng súng rời rạc. Sophie nhớ lại những gì bố Hilde đã viết về đất nước Lebanon bị tàn phá bởi chiến tranh, cô nhận ra mình thật may mắn vì đã được sinh ra trên một đất nước hòa bình. Những tiếng súng mà họ vừa nghe vọng từ một cuộc bắn pháo hoa mừng ngày Quốc khánh. Sophie mời Joanna về nhà để uống socola nóng. Mẹ cô rất tò mò muốn biết cô đã tìm thấy cái gương ở đâu. Cô kể là họ đã tìm được nó bên ngoài căn nhà của ông thiếu tá, và mẹ cô nhắc lại câu chuyện rằng từ nhiều năm nay đã không có ai ở đó. Khi Joanna về, Sophie diện một chiếc váy đỏ. Ngày Quốc khánh diễn ra khá bình thường. Buổi tối, chương trình thời sự trên tivi đưa tin về tiểu đoàn Na Uy trong quân đội Liên hợp quốc tại Lebanon chào mừng Quốc khánh. Sophie dán mắt vào màn hình. Một trong những người cô đang nhìn thấy có thể là bố của Hilde. Việc cuối cùng Sophie làm trong ngày 17 tháng Năm là treo cái gương lên tường trong phòng mình. Buổi sáng hôm sau, có một chiếc phong bì nâu mới trong hốc. Cô vội xé mở và bắt đầu đọc. HAI NỀN VĂN HÓA ...cách duy nhất để tránh trôi nổi trong chân không...   Sophie thân mến, chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ gặp nhau. Tôi nghĩ em sẽ quay lại căn nhà của ông thiếu ta nên tôi đã để tất cả bưu ảnh của cha Hilde lại đó. Đấy là cách duy nhất để chuyển cho cô ấy. Em không phải lo về chuyện Hilde sẽ làm thế nào để nhận được chúng. Từ giờ đến ngày 15 tháng Sáu, nhiều chuyện có thể xảy ra. Ta đã thấy các nhà triết học thời Hy Lạp hóa tái sử dụng tư tưởng của các vị tiền bối như thế nào. Một số thậm chí còn cố gắng biến những người đi trước thành các tiên tri tôn giáo. Plotinus đã gần như tôn Plato lên làm vị cứu tinh của nhân loại. Nhưng như ta biết, một vị cứu tinh khác đã sinh ra trong khoảng thời gian mà ta vừa bàn đến - và việc này xảy ra ở bên ngoài lãnh thổ Hy-La. Tôi đang nói đến Jesus xứ Nazareth. Trong chương này, ta sẽ thấy Ki Tô giáo đã bắt đầu dần dần lan tỏa khắp thế giới Hy-La như thế nào - ít nhiều giống như thế giới của Hilde đã bắt đầu dần dần thấm vào thế giới của chúng ta. Jesus là một người Do Thái, và dân tộc Do Thái nằm trong văn hóa Semite. Người Hy Lạp và người La Mã thuộc về văn hóa Ấn-Âu. Nền văn minh châu Âu có gốc rễ từ cả hai nền văn hóa này. Trước khi tìm hiểu kỹ hơn về ảnh hưởng của Ki Tô giáo đối với văn hóa Hy-La, ta phải xem xét gốc rễ này. Người Ấn-Âu Khi nói đến Ấn-Âu, ta nói đến tất cả các dân tộc và văn hóa sử dụng ngôn ngữ Ấn-Âu. Nó bao gồm tất cả các dân tộc châu Âu ngoại trừ những dân tộc sử dụng một trong các ngôn ngữ Finno-Ugrian (tiếng Mông Cổ, Phần Lan, Estonia và Hungary) hay Basque. Ngoài ra, hấu hết các ngôn ngữ Ấn Độ và Iran cũng thuộc gia đình ngôn ngữ Ấn-Âu. Cách đây khoảng 4000 năm, người Ấn-Âu nguyên thủy đã sống ở những vùng ven bờ biển Caspian và biển Đen. Từ đó, những làn sóng của những bộ lạc Ấn-Âu này đã bắt đầu lang thang xuống phía Đông Nam đến Iran và Ấn Độ, xuống phía Tây Nam đến Hy Lạp, Italia, Tây Ban Nha, sang phía Tây qua Trung Âu đến Pháp và Anh, lên phía Tây Bắc đến Bắc Âu, và lên phía Bắc đến Đông Âu và Nga. Đi đến đâu, người Ấn-Âu cũng hòa đồng với nền văn hóa bản địa, tuy ngôn ngữ và tôn giáo Ấn-Âu đã trở nên đóng vai trò chủ đạo. Kinh Vệ Đà của Ấn Độ cổ, triết học Hy Lạp, và cả truyền thuyết của Snorri Sturluson [8] đều được viết bằng ngôn ngữ có họ hàng với nhau. Nhưng không chỉ các ngôn ngữ có quan hệ gần gũi. Các ngôn ngữ gần nhau thường dẫn đến các tư tưởng gần nhau. Đó là lý do mà ta thường nói đến một "nền văn hóa" Ấn-Âu. Văn hóa của người Ấn-Âu chịu ảnh hưởng lớn nhất từ việc họ thờ nhiều thần. Đó là thuyết đa thần. Tên của các vị thần này cũng như nhiều thuật ngữ tôn giáo được gặp trên khắp vùng Ấn-Âu. Tôi sẽ cho em một số ví dụ. Người Ấn Độ cổ thờ một vị thần trên trời tên là Dyaus, tiếng Phạn có nghĩa là bầu trời, ban ngày, thiên đường/Thượng Đế. Trong tiếng Hy Lạp, vị thần này tên là Zeus, trong tiếng Latin là Jupiter (thực ra là iov-pater, nghĩa là "Chúa Trời - cha"), trong ngôn ngữ Bắc Âu cổ là Tyr. Như vậy, những cái tên Dyaus, Zeus, Iov, và Tyr là các biến thể địa phương của cùng một từ. Có lẽ em đã biết rằng người Viking cổ thờ các vị thần mà họ gọi là Aser. Đây cũng là một từ mà người ta thấy nó được lặp lại trong cả vùng Ấn-Âu. Trong tiếng Phạn, ngôn ngữ cổ truyền thống của Ấn Độ, các vị thần được gọi là asura, còn trong tiếng Ba Tư là Ahura. Một từ khác có nghĩa "thần" là deva trong tiếng Phạn, daeva trong tiếng Ba Tư, deus trong tiếng Latin, và tivurr trong ngôn ngữ Bắc Âu cổ. Thời Viking, người ta còn thờ một nhóm đặc biệt gồm các thần mùa màng, sinh sản (chẳng hạn Niord, Freyr, và Freyja). Các vị thần này được gọi bằng một cái tên chung, vaner, một từ có liên quan đến tên Latin của vị thần sinh sản, Venus. Tiếng Phạn cũng có một số từ có quan hệ gần: vani, có nghĩa là "khao khát". Người ta còn quan sát thấy rất rõ ràng một mối quan hệ gần gũi giữa một số truyền thuyết Ấn-Âu. Trong các câu chuyện của Snorri về các vị thần Bắc Âu cổ, có một số điểm tương tự với các truyền thuyết của Ấn Độ đã được truyền lại từ khoảng từ hai đến ba nghìn năm trước. Tuy các truyền thuyết của Snorri phản ánh hoàn cảnh Bắc Âu cổ còn các truyền thuyết Ấn Độ phản ánh hoàn cảnh của Ấn Độ, nhiều truyện trong số chúng vẫn giữ dấu vết của một nguồn gốc chung. Ta có thể thấy các dấu vết này rất rõ trong các truyền thuyết về thuốc trường sinh và về cuộc đấu tranh của các vị thần chống lại những con quái vật của hỗn mang. Ta cũng có thể thấy rõ những điểm tương đồng trong cách suy nghĩ của các nền văn hóa Ấn-Âu. Một sự giống nhau điển hình là cách nhìn thế giới như là nội dung của một biến cố mà trong đó các thế lực Thiện và Ác đối mặt nhau trong một cuộc đấu tranh không khoan nhượng. Do đó, người Ấn-Âu thường cố gắng "đoán" kết cục của trận đấu giữa Thiện và Ác sẽ ra sao. Người ta có thể nói ít nhiều có phần đúng đắn rằng không phải ngẫu nhiên mà triết học Hy Lạp lại bắt nguồn từ văn hóa Ấn-Âu. Các truyền thuyết của Ấn Độ, Hy Lạp, và Bắc Âu cổ rõ ràng cùng thiên về một cách nhìn triết học, hay nói cách khác là "có tính suy đoán", về thế giới. Người Ấn-Âu tìm kiếm "sự thấu hiểu" về lịch sử thế giới. Ta có thể lần theo dấu một từ cụ thể với nghĩa "sự thấu hiểu" hay "tri thức" từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác trong cả thế giới Ấn-Âu. Trong tiếng Phạn, đó là vidya. Từ này giống hệt với từ idéa (ý niệm) trong tiếng Hy Lạp, từ này đã có vai trò quan trọng trong triết học Plato. Từ tiếng Latin, ta có từ video, nhưng nghĩa của nó chỉ đơn giản là nhìn thấy. Đối với chúng ta, "tôi thấy" có nghĩa là "tôi hiểu", và trong phim hoạt hình, một ngọn đèn có thể lóe lên trên đầu Woody Woodpecker khi anh ta nảy ra một ý tưởng hay. (Chỉ đến thời của chúng ta, "thấy" mới trở nên đồng nghĩa với việc nhìn chằm chằm màn hình vô tuyến.) Trong tiếng Anh, ta có các từ wise (thông thái) và wisdom (sự thông thái) - trong tiếng Đức, wissen (biết/hiểu). tiếng Na Uy có từ viten, nó cùng có chung nguồn gốc với từ vidya của Ấn Độ, idéa của Hy Lạp, và video của tiếng Latin. Tóm lại, ta có thể khẳng định rằng sự nhìn thấy là quan trọng nhất trong các giác quan của người Ấn-Âu. Văn học Ấn Độ, Hy Lạp, Ba Tư, và các bộ tộc Đức cổ đều được đặc trưng bởi các hình dung về vũ trụ. (Lại nữa, từ vision (hình ảnh) bắt nguồn từ động từ video trong tiếng Latin.) Văn hóa Ấn-Âu cũng được đặc trưng bởi truyền thống vẽ tranh và tạc tượng về các vị thần và các sự kiện trong truyền thuyết. Cuối cùng, người Ấn-Âu có một quan niệm tuần hoàn về lịch sử. Đó là niềm tin rằng lịch sử phát triển theo đường tròn. Không có bắt đầu và không có kết thúc đối với lịch sử, nhưng có các nền văn minh khác nhau phát triển và lụi tàn trong sự tương tranh vĩnh cửu giữa sinh và tử. Cả hai tôn giáo lớn của phương Đông, Ấn Độ giáo và Phật giáo, đều có nguồn gốc Ấn-Âu. Triết học Hy Lạp cũng vậy. Chúng ta có thể thấy một loạt các điểm tương đồng rõ rệt giữa một bên là Ấn Độ giáo và Phật giáo, bên kia là triết học Hy Lạp. Ngay cả ngày nay, Ấn Độ giáo và Phật giáo vẫn được thấm đẫm bởi tư duy triết học. Ta thường thấy trong Ấn Độ giáo và Phật giáo sự nhấn mạnh rằng thần thánh ngự trị trong mọi vật (thuyết phiếm thần) và rằng con người có thể hòa nhập vào với Thượng Đế qua sự thấu hiểu về tôn giáo. (Em còn nhớ Plotinus không, Sophie?) Để đạt được điều này cần luyện tập tự giác ngộ và thiền định. Do vậy, ở phương Đông, sự thụ động và ẩn dật có thể trở thành lý tưởng tôn giáo. Ngay cả ở Hy Lạp cổ, có nhiều người tin rằng sống ẩn dật, khổ hạnh là cách cứu rỗi linh hồn. Nhiều khía cạnh của cuộc sống tu hành thời Trung Cổ có thể được lần lại về đức tin từ thời văn minh Hy-La. Tương tự, sự đầu thai của linh hồn, hay vòng luân hồi, là đức tin căn bản trong nhiều nền văn hóa Ấn-Âu. Trong vòng hơn 2500 năm, mục đích tối cao của mỗi người Ấn Độ là để được giải thoát khỏi vòng luân hồi. Plato cũng đã tin vào sự đầu thai của linh hồn. Người Semite Chúng ta hãy chuyển sang người Semite. Họ thuộc về một nền văn hóa hoàn toàn khác. Các dân tộc Semite có nguồn gốc từ bán đảo Arab, nhưng họ cũng đã di cư đến nhiều nơi trên thế giới. Người Do Thái đã sống xa quê trong vòng hơn 2000 năm. Lịch sử và tôn giáo Semite đã vươn xa nhất ra khỏi gốc rễ của nó bởi Ki Tô giáo, mặc dù văn hóa Semite đã được lan tỏa rộng nhất qua đạo Hồi. Cả ba tôn giáo phương Tây - Do Thái giáo, Ki Tô giáo, và Hồi giáo - có chung nguồn gốc Semite. Kinh thánh đạo Hồi - kinh Koran, và Cựu Ước đều được viết bằng họ ngôn ngữ Semite. Một trong những từ trong kinh Cựu Ước với nghĩa "Chúa Trời" có cùng gốc ngữ nghĩa với từ Allah của đạo Hồi. (Đơn giản là từ "allah" có nghĩa là "Chúa Trời".) Khi xét đến Ki Tô giáo, bức tranh trở nên phức tạp hơn. Ki Tô giáo cũng có nguồn gốc Semite, nhưng Tân Ước lại được viết bằng tiếng Hy Lạp, và khi thần học hay tín điều Ki Tô giáo được định hình một cách có hệ thống, nó lại bị ảnh hưởng bởi Hy Lạp và La Mã, và do đó bị ảnh hưởng bởi triết học Hy-La. Người Ấn-Âu thờ nhiều vị thần. Đặc điểm đó cũng giống như người Semite, ở chỗ từ thời cổ xưa, họ đã được thống nhất trong đức tin dành cho một vị Chúa duy nhất. Đó được gọi là thuyết độc thần. Do Thái giáo, Ki Tô giáo và Hồi giáo đều chia sẻ cùng một tư tưởng căn bản rằng chỉ có duy nhất một Chúa Trời. Người Semite còn có chung một quan niệm tuyến tính về lịch sử. Nói cách khác, lịch sử được xem như một đường thẳng liên tục kéo dài. Ban đầu, Chúa Trời tạo ra thế giới và đó là điểm bắt đầu của lịch sử. Nhưng một ngày nào đó, lịch sử sẽ chấm dứt và đó sẽ là Ngày Phán Quyết, khi Chúa phán xét người sống và người chết.  Vai trò của lịch sử là một đặc điểm quan trọng trong ba tôn giáo phương Tây này. Họ tin rằng Chúa Trời can thiệp vào tiến trình của lịch sử - thậm chí lịch sử tồn tại với mục đích để Chúa có thể chứng tỏ ý muốn của mình trong thế giới. Cũng như một lần Chúa đã dẫn Abraham đến miền "Đất Hứa," Chúa Trời dẫn dắt loài người đi qua lịch sử để đến Ngày Phán Quyết. Khi ngày đó đến, mọi cái ác trên thế giới sẽ bị tiêu diệt. Với sự nhấn mạnh vào các hoạt động của Chúa Trời trong tiến trình lịch sử, người Semite đã chú trọng vào việc ghi lại lịch sử từ nhiều nghìn năm. Và các cội rễ lịch sử này đã hợp thành chính cốt lõi cho kinh thánh của họ. Ngay cả hiện nay, thành phố Jerusalem là một trung tâm tôn giáo quan trọng cho các tín đồ của cả Ki Tô giáo, Do Thái giáo, cũng như Hồi giáo. Điều này hàm ý một cái gì đó về cội nguồn chung của cả ba tôn giáo này. Thành phố có những nhà thờ, thánh đường nổi tiếng của Ki Tô giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo. Do đó, thật bi kịch là Jerusalem đã trở thành một khúc xương để tranh giành - người ta giết nhau theo con số hàng ngàn vì họ không thể thống nhất được ai là người nắm quyền trên "Thành phố Vĩnh hằng" này. Hy vọng một ngày nào đó, Liên hợp quốc sẽ thành công trong việc biến Jerusalem thành một thánh đường cho cả ba tôn giáo này! (Hiện giờ chúng ta sẽ không đi sâu hơn vào phần nhiều tính thực tiễn này của khóa triết học. Ta sẽ để toàn bộ cho cha của Hilde. Đến giờ chắc em đã biết rằng ông ta là một quan sát viên Liên hợp quốc tại Lebanon. Chính xác hơn, tôi có thể tiết lộ rằng ông ta đang mang quân hàm thiếu tá. Nếu em đang bắt đầu nhìn thấy mối liên quan nào đó thì chính nó đấy. Tuy nhiên, ta hãy ngừng dự đoán các sự kiện!) Ta đã nói rằng giác quan quan trọng nhất đối với người Ấn-Âu là nhìn. Tầm quan trọng của nghe đối với các nền văn hóa Semite cũng thú vị không kém. Không phải ngẫu nhiên mà kinh Tin kính Do Thái bắt đầu bằng những từ: "Hãy nghe, hỡi Israel!" Trong kinh Cựu Ước, ta đọc được về chuyện người ta đã "nghe thấy" lời của Chúa như thế nào, và các nhà tiên tri Do Thái thường bắt đầu các bài thuyết giáo của mình bằng "Vì vậy, Jehovah (Chúa Trời) đã nói." Việc "nghe thấy" lời Chúa cũng được nhấn mạnh trong Ki Tô giáo. Các buổi lễ tôn giáo của Ki Tô giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo đều được đặc trưng bởi việc ngâm hay đọc to. Tôi cũng đã nhắc đến việc người Ấn-Âu luôn vẽ tranh hoặc tạc tượng các vị thần của họ. Đặc điểm của người Semite là họ không bao giờ làm như vậy. Họ không được phép tạo ra tranh hoặc tượng Chúa Trời. Kinh Cựu Ước lệnh rằng con người không được phép tạo ra bất cứ một hình ảnh nào về Chúa Trời. Điều này ngày nay vẫn còn là luật lệ đối với Do Thái giáo và Hồi giáo. Hơn nữa, đạo Hồi còn có sự ác cảm chung đối với nhiếp ảnh và nghệ thuật, vì con người không nên tranh đua với Chúa trong việc "sáng tạo" bất cứ cái gì. Nhưng các nhà thờ Ki Tô giáo thì tràn ngập các bức tranh về Jesus và Chúa Trời, chắc em đang nghĩ như vậy. Đúng vậy, Sophie à, nhưng đó chỉ là ví dụ về ảnh hưởng của thế giới Hy-La đối với Ki Tô giáo. (Trong Giáo hội Chính thống Hy Lạp - ở Hy Lạp và Nga - "hình Chúa", hoặc tượng và thánh giá từ các câu chuyện trong Kinh Thánh vẫn bị cấm.) Ngược lại với các tôn giáo lớn ở phương Đông, ba tôn giáo phương Tây nhấn mạnh rằng có một khoảng cách giữa Chúa Trời và sáng tạo của Ngài. Mục đích không phải để thoát khỏi vòng luân hồi, mà để chuộc lỗi. Hơn nữa, cuộc sống tôn giáo được đặc trưng bởi cầu nguyện, thuyết giáo, và nghiên cứu kinh thánh hơn là sự tự giác ngộ và thiền định. Israel Tôi không có ý định cạnh tranh với thầy giáo dạy môn tôn giáo của em, Sophie à, nhưng hãy tóm tắt nhanh về nguồn gốc Do Thái của Ki Tô giáo. Tất cả bắt đầu khi Chúa Trời tạo dựng thế giới. Em có thể đọc ngay ở trang đầu tiên của Kinh Thánh. Sau đó loài người bắt đầu nổi loạn chống lại Chúa Trời. Sự trừng phạt đối với họ không chỉ là Adam và Eva bị đuổi khỏi vườn Địa Đàng, mà Cái Chết cũng bắt đầu đến với thế giới. Chuyện con người không tuân theo Chúa là chủ đề xuyên suốt Kinh Thánh. Nếu đi sâu hơn vào quyển kinh Sáng Thế [9] , ta đọc về nạn Hồng thủy và con thuyền lớn của Noah. Tiếp theo, ta đọc thấy rằng Chúa Trời làm một giao ước với Abraham và con cháu của ông. Giao ước này nói rằng Abraham và con cháu sẽ làm theo những điều răn của Chúa. Để đổi lại, Chúa Trời hứa sẽ bảo vệ tất cả các con cháu của Abraham. Giao ước này được củng cố khi Moses được giao Mười Điều răn trên đỉnh Sinai vào khoảng năm 1200 trước Công nguyên. Vào thời điểm đó, người Israel từ lâu đã trở thành nô lệ ở Ai Cập, nhưng với sự giúp đỡ của Chúa Trời, họ đã được dẫn dắt về vùng đất của lsrael. Vào khoảng 1000 năm trước Công nguyên - nghĩa là rất lâu trước khi có cái gì gọi là triết học Hy Lạp - ta nghe về ba vị vua vĩ đại của Israel. Vị đầu tiên là Saul, tiếp theo là David và sau đó là Solomon. Thời đó, người dân Israel được thống nhất trong một vương quốc, đặc biệt dưới triều vua David, khi họ có một thời hoàng kim về chính trị, quân sự và văn hóa. Khi các nhà vua được chọn, họ được dân chúng xức dầu thánh. Vì vậy mà họ có danh hiệu Messiah, nghĩa là "người được xức dầu thánh". Theo ý nghĩa tôn giáo, vua được coi là người trung gian giữa Chúa Trời và thần dân. Do đó vua còn có thể được gọi là "Con của Chúa", và quốc gia được gọi là "Vương quốc của Chúa". Nhưng chẳng bao lâu, người Israel bắt đầu đánh mất quyền lực và vương quốc bị chia thành Bắc quốc (Israel) và Nam quốc (Judea). Năm 772 trước Công nguyên, Bắc quốc bị người Assyrian đánh bại và nó đánh mất toàn bộ tầm quan trọng về chính trị và văn hóa. Nam quốc cũng không khá hơn, nó bị người Babylon chiếm vào năm 586 trước Công nguyên. Đền thờ bị phá hủy, dân chúng bị đem sang Babylon làm nô lệ. Sự giam hãm của người Babylon kéo dài đến năm 539 trước Công nguyên, khi dân chúng được phép quay về Jerusalem, và đền thờ lớn được khôi phục lại. Nhưng suốt thời kỳ trước khi Chúa Ki Tô được sinh ra, người Do Thái tiếp tục sống dưới sự chiếm đóng của ngoại bang. Người Do Thái thường tự hỏi tại sao Vương quốc của David bị phá hủy, và tại sao hết thảm họa này đến thảm họa khác đổ lên đầu họ, trong khi Chúa Trời đã hứa sẽ bao bọc Israel trong vòng tay mình. Nhưng mọi người cũng đã hứa sẽ thực hiện các điều răn của Chúa. Dần dần, mọi người bắt đầu công nhận rằng Chúa đang trừng phạt Israel vì đã không tuân lời. Từ khoảng năm 720 trước Công nguyên, nhiều nhà tiên tri đã bắt đầu tuyên truyền về sự tức giận của Chúa Trời vì Israel đã không tuân theo các điều răn. Ngày Phán Quyết của Chúa đối với Israel sẽ đến, họ nói. Ta gọi các lời tiên tri này là lời tiên đoán về Ngày Tận Số. Thời gian trôi qua, xuất hiện những nhà tiên tri truyền dạy rằng Chúa Trời sẽ cứu vớt một số con dân được chọn và gửi cho họ một "Hoàng tử Hòa bình" hoặc một vị vua dòng dõi David. Vị vua này sẽ khôi phục lại Vuơng Quốc cũ của David và dân chúng sẽ có một tương lai thịnh vuợng. "Những người đang đi trong bóng tối sẽ nhìn thấy một nguồn ánh sáng vĩ đại," nhà tiên tri Isaiah nói, và "ánh sáng sẽ chiếu rọi trên đầu những người đang sống ở vùng đất của những bóng ma." Ta gọi các lời tiên tri này là lời tiên tri về sự cứu rỗi. Tóm lại những người con của Israel đã sống hạnh phúc dưới thời vua David. Nhưng sau đó, khi hoàn cảnh của họ suy thoái các nhà tiên tri bắt đầu khẳng định rằng một ngày kia sẽ có một vị vua mới dòng dõi David. Vị "Messiah" này, hay "Con của Chúa Trời" sẽ chuộc tội cho dân chúng, khôi phục lại sự vĩ đại của Israel và đặt nền móng cho "Vương Quốc của Chúa". Jesus Chắc em vẫn đang nghe tôi đấy chứ, Sophie? Các từ quan trọng là "Messiah", "Con của Chúa", và "Vương Quốc của Chúa". Đầu tiên, tất cả các từ đó được hiểu theo nghĩa chính trị. Thời Jesus, có nhiều người tưởng tượng rằng sẽ có một "Messiah" mới theo nghĩa một nhà lãnh đạo về chính trị, quân sự, và tôn giáo thuộc tầm cỡ vua David. Do vậy, vị "cứu tinh" này được coi là một người mang sứ mệnh của dân tộc, người sẽ chấm dứt sự thống khổ của người Do Thái dưới ách thống trị của La Mã. Nhưng cũng có nhiều người khác có tầm nhìn xa hơn. Do từ hai trăm năm trước đã có những nhà tiên tri tin rằng vị "Messiah" hứa hẹn sẽ là cứu tinh cho toàn thế giới. Người sẽ không chỉ giải phóng dân Israel khỏi ách ngoại bang, mà còn cứu cả nhân loại khỏi tội lỗi - mà quan trọng là khỏi cái chết. Niềm mong mỏi sự "cứu rỗi" theo nghĩa chuộc tội đã được lan rộng khắp thế giới Hy-La. Rồi Jesus của Nazareth xuất hiện. Ông không chỉ là người duy nhất đã từng đứng lên nhận mình là vị "Messiah" được hứa hẹn. Jesus còn dùng các từ "Con của Chúa", "Vương Quốc của Chúa" và "chuộc tội". Khi làm như vậy, ông đã giữ được mối liên hệ với các lời tiên tri cổ. Ông đến Jerusalem và để đám đông tôn xưng mình là vị cứu tinh, và như vậy đã thực hiện đúng nghi lễ của các vị vua xưa trong "lễ đăng quang". Ông cũng tự cho phép mình được mọi người xức dầu thánh. "Thời điểm đã chín muồi," ông nói, và "Vương Quốc của Chúa đã trong tầm tay". Nhưng đây mới là điểm quan trọng: Jesus phân biệt mình với các "messiah" khác bằng cách tuyên bố rõ ràng rằng ông không phải người chống đối về chính trị hay quân sự. Sứ mệnh của ông vĩ đại hơn nhiều. Ông thuyết giáo về sự cứu rỗi và lòng khoan dung của Chúa Trời với mọi người. Với những người gặp trên đường, ông nói "Nhân danh Người, tội lỗi của con đã được tha thứ". Kiểu "xá tội" này chưa từng được nghe thấy. Và tệ hơn nữa, ông gọi Chúa Trời là "Cha" (Abba). Điều này hoàn toàn chưa hề có tiền lệ trong cộng đồng Do Thái. Do vậy, chưa bao lâu sau đã nổi lên một làn sóng phản đối từ các vị tư tế. Vậy là tình hình là như thế này: ở thời Jesus, rất nhiều người đang chờ mong một vị Messiah, người sẽ tái thiết Vương Quốc của Chúa với rất nhiều trống kèn (nói cách khác, với máu lửa và đao kiếm). Thành ngữ "Vương Quốc của Chúa" hẳn đã là chủ đề được lặp đi lặp lại trong các bài thuyết giáo của Jesus - nhưng với nghĩa rộng hơn nhiều. Jesus nói rằng "Vương Quốc của Chúa" đó là tình yêu với hàng xóm, lòng trắc ẩn đối với kẻ yếu và người nghèo, và sự bao dung đối với những người đã phạm sai lầm. Đây là một bước chuyển đột ngột trong ý nghĩa của một thành ngữ cổ xưa đã từ lâu mang âm hưởng chiến tranh. Trong khi mọi người đang mong đợi một nhà lãnh đạo quân sự, người sẽ nhanh chóng tuyên bố thành lập Vương Quốc của Chúa, thì Jesus lại mặc áo gai đi dép cỏ tiến đến bảo họ rằng Vương Quốc của Chúa - hay bản "giao ước mới" - là "yêu hàng xóm như yêu chính bản thân mình". Chưa hết, Sophie à, ông còn nói rằng ta phải yêu kẻ thù. Khi bị chúng tát, ta không được trả đũa; mà thậm chí còn phải giơ má kia ra. Và chúng ta phải tha thứ - không phải bảy lần mà bảy mươi lần bảy. Chính Jesus đã thể hiện rằng mình không đứng trên cao hơn mọi người, ông nói chuyện với gái điếm, những kẻ cho vay nặng lãi xấu xa, và những người mưu toan đảo chính. Ông còn đi xa hơn, ông nói rằng một kẻ vô dụng đã tiêu xài toàn bộ gia tài cha để lại - hay một viên chức biển lậu tiền công quỹ - đều trở nên chính trực trước mặt Chúa khi anh ta hối cải và cầu xin sự tha thứ, lòng nhân từ của Chúa thật lớn lao. Nhưng khoan đã - ông ta còn đi một bước xa hơn: Jesus nói rằng trong mắt của Chúa Trời, những kẻ tội lỗi đó còn chính trực và xứng đáng với sự tha thứ của Chúa hơn là những tín đồ Phari không một vết nhơ luôn chạy quanh trưng diện đức hạnh của mình. Jesus chỉ ra rằng không ai xứng đáng với lòng nhân từ của Chúa Trời. Chúng ta không thể tự chuộc lỗi (như nhiều người Hy Lạp đã tin tưởng). Những yêu cầu luân lý nghiêm khắc mà Jesus đặt ra trong Bài Giảng Trên Núi không chỉ để giảng giải ý muốn của Chúa Trời, mà còn để nói rằng không có người nào đủ chính trực trong mắt Chúa. Lòng nhân từ của Chúa Trời là vô biên, nhưng chúng ta phải hướng về phía Chúa và cầu xin sự tha thứ của Ngài. Để thầy giáo môn tôn giáo của em dạy kỹ hơn về Jesus và những giáo huấn của ông. Công việc của ông thầy của em sẽ không đơn giản chút nào. Tôi hy vọng ông ấy sẽ thành công trong việc cho em thấy con người của Jesus đặc biệt đến mức nào. Ông đã sử dụng ngôn ngữ thời đó một cách thật tuyệt vời để đem đến cho những lời kêu gọi chiến tranh cổ xưa một nội dung hoàn toàn mới và rộng hơn. Cũng không có gì ngạc nhiên rằng ông đã kết thúc đời mình trên cây Thập tự. Xu hướng cấp tiến của ông về sự chuộc lỗi đã mâu thuẫn với quá nhiều lợi ích và thế lực nên ông đã phải bị loại trừ. Khi nói về Socrates, ta đã thấy việc kêu gọi lý tính của mọi người có thể nguy hiểm đến mức nào. Với Jesus, ta thấy mức độ nguy hiểm của việc đòi hỏi tình bằng hữu vô điều kiện và sự bao dung vô điều kiện. Ngay trong thế giới ngày nay, ta có thể thấy các quyền lực mạnh có thể tan rã khi đối mặt với các đòi hỏi đơn giản về hoà bình, tình yêu, lương thực cho người nghèo, và ân xá cho kẻ thù của quốc gia. Em có thể nhớ lại Plato đã tức giận như thế nào khi con người chính trực nhất của Athens bị tước bỏ cuộc sống. Theo giáo lý Ki Tô giáo, Jesus là con người chính trực duy nhất từng có trên đời. Vậy mà ông đã bị xử tử. Tín đồ Ki Tô giáo nói rằng ông đã hy sinh vì nhân loại, và thường gọi đó là "Khổ Nạn" của Chúa Ki Tô. Jesus là "kẻ tôi tớ đau khổ", người mang tội lỗi của cả nhân loại để chúng ta có thể được "chuộc lỗi" và cứu thoát khỏi sự giận dữ của Chúa Trời. Paul Vài ngày sau khi Jesus đã bị đóng đinh câu rút và được chôn cất, có tin đồn loan ra rằng ông đã bay lên từ dưới mộ. Bằng cách đó, ông đã chứng minh rằng ông không phải người thường. Ông thực sự là "Con của Chúa Trời". Ta có thể nói rằng Giáo hội Ki Tô giáo đã được thành lập vào Buổi Sáng Phục Sinh với tin đồn về sự hồi sinh của Jesus. Điều này đã được Paul khẳng định: "Và nếu Chúa Ki Tô không bay lên trời, thì thuyết giảng của chúng ta là rỗng tuếch và đức tin của các tín hữu cũng thành hão huyền." Đến đây thì cả loài người có thể hy vọng vào chuyện hồi sinh của thể xác, vì Jesus đó bị đóng đinh câu rút là để cứu chúng ta. Nhưng Sophie thân mến, hãy nhớ rằng trong quan điểm Do Thái không tồn tại câu hỏi về "sự bất tử của linh hồn" hay bất kỳ dạng nào của việc "đầu thai"; đó là một tư tưởng của Hy Lạp - và do đó là tư tưởng Ấn-Âu. Theo Ki Tô giáo, trong con người không có cái gì bất tử - "linh hồn" chẳng hạn. Mặc dù Giáo hội Ki Tô giáo tin vào "sự hồi sinh của cơ thể và cuộc sống vĩnh cứu", nhưng chính là nhờ vào phép lạ của Chúa Trời mà chúng ta được cứu thoát khỏi cái chết và "sự đọa đầy dưới địa ngục". Nó chẳng nhờ vào công trạng của ta, cũng không do bất cứ năng lực bẩm sinh tự nhiên nào. Thế là những người Ki Tô giáo đầu tiên bắt đầu thuyết giảng "tin mừng" về sự cứu rỗi nhờ đức tin vào Jesus Christ. Qua suy tưởng của ông, "Vương Quốc của Chúa" đã sắp thành hiện thực. Bây giờ, Chúa Ki Tô có thể thắng lợi trên toàn thế giới. (Từ "Ki Tô [10] " - "christ" là tiếng Hy Lạp dịch từ "messiah" trong tiếng Hebrew, ngôn ngữ của người Do Thái. Một vài năm sau cái chết của Jesus, Paul, một tín đồ Phari, đã cải đạo sang Ki Tô giáo. Qua nhiều cuộc hành trình truyền giáo của ông trên khắp thế giới Hy-La, ông đã làm cho Ki Tô giáo trở thành một tôn giáo tầm vóc thế giới. Ta nghe về điều này từ Chứng thư của các Thánh tông đồ. Ta biết về giáo huấn và hướng dẫn của Paul đối với tín đồ Ki Tô giáo qua nhiều thánh thư ông viết gửi các hội đoàn tín hữu Ki Tô giáo thời kỳ đầu. Sau đó ông đến Athens. Ông vào thẳng quảng trường của thủ đô triết học. Và người ta nói rằng "tinh thần ông bị khuấy động khi thấy thành phố hoàn toàn chìm đắm trong sự sùng bái tượng ảnh". Ông đi thăm giáo đường Do Thái ở Athens và trò chuyện với các triết gia thuộc các trường phái Hưởng lạc và Khắc kỷ. Họ dẫn ông lên đỉnh đồi Areopagos và hỏi: "Chúng tôi xin phép được hỏi về học thuyết mới mà ngài đề cập đến. Vì ngài đã mang đến những điều lạ tai, chúng tôi muốn hiểu những điều đó có ý nghĩa gì." Em có thể tưởng tượng được không, Sophie? Một người Do Thái bỗng nhiên xuất hiện trong chợ Athens và bắt đầu nói về một vị cứu tinh, người đã bị đóng đinh trên một cây thập tự rồi sau đó bay lên từ dưới mộ. Ngay từ cuộc thăm viếng này của Paul đến Athens, ta đã cảm thấy sự đụng độ sắp đến giữa triết học Hy Lạp và học thuyết về sự chuộc tội của Ki Tô giáo. Nhưng Paul rõ ràng đã thành công trong việc làm cho người Athens nghe ông nói. Từ Areopagos - và dưới chân những đền đài kiêu hãnh của Acropolis - ông đã thực hiện bài diễn thuyết sau: "Thưa quý vị người Athens, tôi thấy rằng quý vị quá mê tín về mọi thứ. Thật vậy, khi tôi dạo qua thành phố và chiêm ngưỡng những nơi thờ phượng của quý vị, tôi đã thấy có cả một bàn thờ, trên đó khắc chữ "KÍNH THẦN VÔ DANH". Vậy nên, về Đấng thiêng liêng mà quý vị vẫn tôn thờ mà không biết, tôi xin giao giảng cho quý vị. Thiên Chúa, Ngài tạo nên thế giới và muôn loài trong đó, Ngài là Chúa Tể của trời đất, không ngự trong những đền thờ do tay con người làm nên. Ngài cũng không cần được bàn tay con người phục vụ như thể Ngài chẳng thiếu thốn thứ gì, vì Ngài ban cho muôn loài sự sống, hơi thở và mọi thứ. Từ một dòng máu duy nhất, Thiên Chúa đã tạo nên tất cả các dân tộc sống trên khắp mặt đất; Ngài đã vạch ra những thời kỳ nhất định và những ranh giới cho nơi ở của họ; và rằng họ phải tìm kiếm Thiên Chúa; may ra họ dò dẫm mà tìm thấy Ngài, tuy rằng Ngài không xa mỗi người chúng ta. Vì chính ở nơi Ngài mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu. Như một số thi sĩ của quý vị cũng đã nói: vì chúng ta cũng thuộc dòng giống của Ngài. Vậy, vì là dòng giống Thiên Chúa, chúng ta không được nghĩ rằng thần linh giống như hình tượng do nghệ thuật tài trí con người trạm trổ trên vàng, bạc hay đá. Thiên Chúa đã nhắm mắt bỏ qua cho những thời người ta không nhận biết Ngài. Nhưng giờ Ngài truyền rằng mọi người ở mọi nơi phải sám hối. Vì Ngài đã ấn định một ngày để xét xử thiên hạ theo công lý, nhờ một người mà Ngài đã chỉ định. Để bảo đảm điều đó với mọi người, Thiên Chúa đã cho vị này sống lại từ cõi chết." Paul ở Athens, Sophie! Ki Tô giáo đã bắt đầu đi vào thế giới Hy-La như một cái gì đó khác hẳn với triết học Hưởng lạc, Khắc kỷ, Yếm thế, hay Plato mới. Nhưng Paul đã tìm được một chút tương đồng trong nền văn hóa này. Ông nhấn mạnh rằng sự tìm kiếm Chúa Trời là tự nhiên đối với tất cả mọi người. Điều này không có gì mới đối với người Hy Lạp. Nhưng cái mới trong thuyết giảng của Paul là Chúa Trời đã hiện thân trước loài người và thực sự đã dang tay về phía họ. Như vậy Chúa không còn là một vị "Chúa Trời triết học" mà con người có thể tiếp cận bằng hiểu biết của mình. Chúa cũng không phải một "bức tượng bằng vàng, bạc, hay đá" - những bức tượng kiểu này có vô số trên Acropolis và dưới chợ! Ngài là một vị Chúa "không ngự trong các đền thờ do tay con người làm nên". Ngài là một vị Chúa cá thể, người can thiệp vào lịch sử và chết trên Thập giá vì loài người. Ta đọc trong Chứng thư của các Thánh Tông đồ rằng khi Paul thực hiện bài diễn thuyết đó trên đồi Areopagos, một vài người đã nhạo cười khi ông nói về sự hồi sinh từ cái chết. Nhưng những người khác nói: "Chúng tôi sẽ nghe ngài nói thêm về vấn đề này." Cũng có một số người đi theo Paul và bắt đầu tin vào Chúa Ki Tô. Đáng ghì nhận rằng một trong số họ là một phụ nữ tên là Damaris. Phụ nữ nằm trong số những người cải sang Ki Tô giáo nồng nhiệt nhất. Thế là Paul tiếp tục các hoạt động truyền giáo. Chỉ vài thập kỷ sau cái chết của Jesus, các hội đoàn tín hữu Ki Tô giáo đã được thành lập tại tất cả các thành phố quan trọng của Hy Lạp và La Mã - Athens, Rome, Alexandria, Ephesos, và Corinth. Trong vòng ba bốn trăm năm, cả thế giới Hy Lạp hóa đã theo Ki Tô giáo. Kinh Tin kính Paul không chỉ có tầm quan trọng căn bản đối với Ki Tô giáo với vai trò nhà truyền đạo. Ông còn có ảnh hưởng lớn đối với các hội đoàn tín hữu Ki Tô giáo. Đã từng có một nhu cầu rộng lớn về sự hướng dẫn tinh thần. Trong những năm đầu sau Jesus, có một câu hỏi quan trọng là: một người không phải Do Thái có được trở thành tín đồ Ki Tô giáo mà không cần trước hết trở thànhh tín đồ Do Thái giáo hay không. Thí dụ, một người Hy Lạp có cần tuân theo luật ăn chay không? Paul tin rằng điều đó là không cần thiết. Ki Tô giáo không phải chỉ là một giáo phái của Do Thái giáo. Nó gửi đến tất cả nhân loại một thông điệp về sự cứu rỗi. Bản "Giao ước cũ [11] " giữa Chúa và lsrael đã được thay thế bằng "Giao ước mới [12] " mà Jesus đã thiết lập giữa Chúa và loài người. Tuy nhiên, Ki Tô giáo không phải tôn giáo duy nhất tại thời kỳ đó. Ta đã thấy nền văn minh Hy Lạp hóa đã bị ảnh hưởng bởi một hỗn hợp các tôn giáo. Do vậy, một việc quan trọng có ý nghĩa sống còn là giáo hội tiến lên trước với một tổng kết súc tích giáo lý Ki Tô giáo, vừa nhằm mục đích tách nó ra khỏi các tôn giáo khác, vừa để ngăn chặn sự phân chia trong lòng Giáo hội Ki Tô giáo. Do đó, kinh Tin kính đầu tiên đã được xây dựng tóm tắt các tín lý trung tâm Ki Tô giáo. Một trong các tín lý nói rằng Jesus vừa là Chúa Trời vừa là người. Ông không chỉ là "Con của Chúa". Ông chính là bản thân Chúa Trời. Nhưng ông còn là một "con người thực", người đã chia sẻ những bất hạnh của loài người và đã thực sự chịu nạn trên cây Thánh giá. Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn. Nhưng thông điệp của giáo hội chính xác là Chúa đã trở thành người. Jesus không phải là một vị "bán thần" mà trong các tôn giáo Hy Lạp cổ đại và Hy Lạp hóa khá phổ biến. Giáo hội dạy rằng Jesus là "Chúa Trời hoàn hảo, người hoàn hảo". Tái bút Sophie thân mến, hãy để tôi nói một vài lời về mối quan hệ giữa những kiến thức này. Khi Ki Tô giáo mở đường tiến vào thế giới Hy-La, ta chứng kiến sự gặp gỡ giữa hai nền văn hóa. Ta cũng thấy một trong những cuộc cách mạng văn hóa vĩ đại của lịch sử. Ta sắp bước ra khỏi thời Cổ Đại. Gần một nghìn năm đã trôi qua kể từ thời của những nhà triết học Hy Lạp đầu tiên. Phía trước chúng ta là thời Trung cổ Ki Tô giáo, thời đại này cũng kéo dài khoảng một ngàn năm. Goethe, nhà thơ người Đức, đã từng nói rằng: "Kẻ nào không biết rút ra những bài học của ba nghìn năm, kẻ đó chỉ sống lần hồi qua ngày" [13] . Tôi không muốn em lâm vào tình trạng đáng buồn đó. Tôi sẽ làm những gì có thể để giới thiệu với em gốc rễ lịch sử của em. Đó là cách duy nhất để trở thành một con người, cách duy nhất để hơn một con khỉ trần trụi, cách duy nhất để không bị trôi nổi trong chân không . "Đó là cách duy nhất để trở thành một con người, cách duy nhất để hơn một con khỉ trần trụi..." Sophie ngồi lặng nhìn vào vườn qua cái lỗ nhỏ trong bờ rào. Cô bắt đầu hiểu tại sao việc hiểu biết về gốc rễ lịch sử lại quan trọng đến thế. Chắc chắn điều đó đã rất quan trọng đối với Những Đứa Con của lsrael. Chính cô cũng chỉ là một người bình thường. Nhưng nếu cô biết về cội nguồn lịch sử của mình, cô sẽ bớt tầm thường đi một chút. Cô sẽ sống trên hành tinh này chỉ ít năm. Nhưng nếu lịch sử của loài người là lịch sử của chính cô, hiểu theo một cách nào đó, cô đã hàng ngàn năm tuổi. THỜI TRUNG CỔ ...chỉ đi một đoạn đường không có nghĩa là đi sai đường...   Một tuần trôi qua mà Sophie không nhận được tin tức gì của Alberto Knox. Cũng không có thêm bưu ảnh nào từ Lebanon, mặc dù cô và Joanna vẫn nói chuyện về những tấm bưu ảnh họ tìm được trong căn nhà của ông thiếu tá. Joanna đã bị một cú sốc nhớ đời, nhưng khi có vẻ chẳng có thêm chuyện gì xảy ra, sự hoảng sợ nhất thời nhạt dần và biến mất trong đống bài tập và những trận cầu lông. Sophie đọc đi đọc lại những lá thư của Alberto, tìm kiếm đầu mối để có thể soi sáng điều bí ẩn Hilde. Việc đó cũng tạo cho cô cơ hội để tiêu hóa được các tư tưởng triết học kinh điển. Cô không còn vất vả khi cố gắng phân biệt giữa Democritus và Socrates, hay giữa Plato và Aristotle. Ngày thứ Sáu, 25 tháng Năm, cô đang trong bếp chuẩn bị bữa tối trước khi mẹ về nhà. Đó là thỏa thuận thường lệ cho thứ Sáu. Hôm nay, cô nấu súp với cá viên và cà rốt. Đơn giản, dễ làm. Bên ngoài trời bắt đầu nổi gió. Sophie đứng khuấy nồi súp. Cô ngoái nhìn về phía cửa sổ. Rặng bu-lô đang uốn mình như những thân cây ngô. Bất chợt có cái gì đó đập vào cửa sổ. Sophie ngoái lại lần nữa và nhìn thấy một tấm thiệp đang dính vào cửa sổ. Đó là một tấm bưu ảnh. Cô có thể đọc nó qua cửa kính: "Hilde Moller Knag, gửi qua Sophie Amundsen." Cô đoán không sai! Cô mở cửa sổ và lấy tấm bưu ảnh. Không có chuyện nó bay suốt từ Lebanon đến đây được! Tấm thiệp này cũng được ghi ngày 15 tháng Sáu. Sophie nhấc nồi ra khỏi bếp rồi ngồi xuống cạnh bàn. Trên bưu ảnh ghi: Hilde yêu quí, không biết khi con đọc tấm bưu ảnh này thì có còn đang là sinh nhật của con không nữa. Bố hy vọng là vẫn còn, hay ít nhất là mới chỉ ít ngày sau sinh nhật của con. Một hai tuần đối với Sophie không có nghĩa nó cũng dài như vậy đối với chúng ta. Bố sẽ về đến nhà vào lễ Hội Mùa Hè, khi đó, bố con mình có thể ngồi cùng nhau hàng giờ trong cái tàu lượn và nhìn ra biển, Hilde à. Chúng ta có thật nhiều chuyện để nói. Nhiều yêu thương từ bố, người đôi khi cảm thấy rất buồn về cuộc tranh chấp hàng nghìn năm giữa người Do Thái, người Ki Tô giáo, và người Hồi giáo. Bố phải tự nhắc nhở mình rằng cả ba tôn giáo này đều xuất phát từ Abraham. Do vậy, bố cho rằng họ đều thờ cùng một vị Chúa. Ở đây, Cain và Abel vẫn chưa ngừng giết nhau. T.B. Con hãy chào Sophie. Khổ thân, cô bé còn chưa hiểu tất cả những chuyện này có liên quan với nhau như thế nào. Chắc con đã hiểu?   Sophie mệt mỏi gục đầu xuống bàn. Có một điều chắc chắn - cô không hiểu tí gì về chuyện này. Nhưng Hilde hiểu, chắc vậy. Nếu bố của Hilde bảo cô ấy chào Sophie, hẳn là Hilde phải biết về Sophie nhiều hơn Sophie biết về Hilde. Mọi chuyện rối rắm đến nỗi Sophie quay lại với việc nấu nướng. Một cái bưu ảnh tự bay đến đập vào cửa sổ bếp! Có thể gọi đó là thư hàng không quá đi chứ! Cô vừa đặt lại nồi súp lên bếp thì điện thoại reo. Hy vọng đấy là Bố gọi! Cô mong ước một cách tuyệt vọng rằng bố sẽ về nhà để cô có thể kể tất cả những chuyện đã xảy ra trong mấy tuần nay. Nhưng có lẽ đó chỉ là Joanna hoặc Mẹ. Sophie nhấc máy. "Sophie Amundsen đang nghe ạ," cô nói. "Tôi đây," một giọng nói vang lên. Sophie biết chắc ba điều: đó không phải bố cô, nhưng đó là giọng đàn ông, và cô biết cô đã nghe thấy giọng nói này ở đâu rồi. "Ai đấy ạ?" "Tôi là Alberto." "Ôôôi!" Sophie lặng người không nói được lời nào. Cô đã nhận ra đó là giọng nói trong băng video về Acropolis. "Em không sao chứ?" "Vâng ạ." "Từ bây giờ tôi sẽ không gửi thêm lá thư nào nữa." "Nhưng em có gửi thầy con nhái nào đâu ạ!" "Chúng ta phải gặp mặt. Tình hình bắt đầu trở nên khẩn cấp rồi, em thấy đấy." "Sao vậy ạ?" "Cha của Hilde đang khép dần vòng vây quanh chúng ta." "Bao vây thế nào ạ?" "Từ mọi phía, Sophie à. Chúng ta phải hợp tác từ bây giờ." "Như thế nào ạ...?" "Nhưng em chưa thể giúp được nhiều trước khi tôi kể cho em về thời Trung Cổ. Chúng ta còn phải nói về thời Phục Hưng và thế kỷ XVII nữa. Berkeley là nhân vật then chốt..." "Có phải ông ta là người trong bức tranh ở nhà ông thiếu tá không ạ?" "Chính thế. Có lẽ cuộc đấu tranh thực sự sẽ được đền đáp bằng triết học của ông ấy." "Thầy nói nghe như chiến tranh ấy." "Đáng ra tôi nên gọi đó là một trận chiến của ý chí. Chúng ta sẽ phải thu hút sự chú ý của Hilde và kéo cô ấy về phía ta trước khi cha cô ấy về nhà ở Lillesand." "Em chẳng hiểu gì cả." "Có lẽ các nhà triết học sẽ có thể mở mắt cho em. Gặp tôi ở nhà thờ Thánh Mary vào tám giờ sáng mai. Nhưng đến một mình, bé ạ." "Sao sớm thế ạ!" Điện thoại kêu lách cách. "Alô?" Ông ta đã cúp máy! Sophie lao về phía bếp vừa kịp khi nồi súp bắt đầu trào. Nhà thờ Thánh Mary? Đó là một nhà thờ cổ bằng đá từ thời Trung Cổ. Bây giờ nó chỉ được dùng để tổ chức các buổi hòa nhạc hay những buổi lễ rất đặc biệt. Mùa hè, thỉnh thoảng người ta mở cửa cho khách du lịch vào thăm. Nhưng có chắc là nó không mở cửa lúc nửa đêm chứ? Khi mẹ về nhà, Sophie đã cất tấm bưu ảnh vào cùng chỗ với những thứ khác từ Alberto và Hilde. Sau bữa tối, cô đến nhà Joanna. "Mình phải thu xếp một việc rất đặc biệt," cô nói ngay khi bạn vừa mới mở cửa. Cô không nói thêm gì cho đến khi Joanna đóng cửa phòng ngủ. "Chuyện này khá là khó hiểu," Sophie tiếp tục. "Kể đi!" "Tớ sẽ phải bảo mẹ là tớ sẽ ngủ đêm ở đây." "Tuyệt!" "Nhưng tớ chỉ nói thế thôi, cậu hiểu không. Tớ phải đến một chỗ khác." "Tệ thật. Một anh chàng à?" "Không, chuyện này có liên quan đến Hilde." Joanna khẽ huýt sáo, Sophie nhìn thẳng vào mắt cô. "Tối nay tớ sẽ đến," cô nói, "nhưng tớ sẽ phải lén đi lúc 7 giờ sáng. Cậu phải che giấu giúp tớ cho đến khi tớ quay lại." "Nhưng cậu định đi đâu vậy? Cậu phải làm cái gì vậy?" "Rất tiếc, tớ không nói được." Ngủ nhà bạn chưa bao giờ là vấn đề. Gần như ngược lại là đằng khác. Đôi khi Sophie có cảm giác mẹ cô thích ở nhà một mình. "Con sẽ về nhà ăn sáng chứ?" đấy là câu duy nhất mẹ cô hỏi, khi Sophie ra khỏi nhà. "Nếu con không về, mẹ biết con ở đâu rồi." Cái quái gì làm cô nói vậy? Đó là một điểm yếu. Cuộc viếng thăm của Sophie bắt đầu như mọi lần đến ngủ nhà bạn, hai cô chuyện trò đến tận khuya. Điều khác biệt duy nhất là họ bắt đầu đi ngủ vào lúc 2 giờ sáng, Sophie đặt đồng hồ báo thức lúc 7 giờ kém 15. Năm tiếng sau, Joanna thức giấc khi Sophie tắt chuông báo thức. "Đi cẩn thận nhé," cô nói bằng giọng ngái ngủ. Sophie lên đường. Nhà thờ Thánh Mary nằm ở ngoại vi phố cổ của thành phố. Đường xa khoảng vài dặm. Tuy mới ngủ được vài giờ nhưng Sophie vẫn cảm thấy rất tỉnh táo. Khi cô đến trước cổng nhà thờ đá cổ thì đã gần tám giờ. Sophie thử đẩy cánh cửa lớn. Cửa không khóa! Nhà thờ cổ hoang vắng tĩnh mịch. Luồng ánh sáng màu xanh được lọc qua những khung kính màu làm hiện ra vô số hạt bụi nhỏ xíu đang bay lượn trong không khí. Dường như bụi trong nhà thờ tập trung thành những luồng lớn theo cách này. Sophie ngồi trên hàng ghế trung tâm, đăm đăm nhìn về phía bàn thờ, nơi có một cây thánh giá cổ xỉn màu. Một vài phút trôi qua. Bỗng vang lên tiếng đàn phong cầm. Sophie không dám nhìn quanh. Tiếng đàn nghe như một giai điệu cổ xưa, có lẽ từ thời Trung Cổ. Sau đó lại là sự im lặng. Rồi cô nghe thấy tiếng chân đang đến gần từ phía sau. Có nên quay lại nhìn không nhỉ? Thay vì quay lại, cô quyết định không rời mắt khỏi cây thánh giá. Bước chân đi vượt qua cô, tiếp tục tiến giữa hai hàng ghế, và cô nhìn thấy một người mặc áo thầy tu màu nâu. Sophie có thể thề rằng đó chính là một tu sĩ đến từ thời Trung Cổ. Cô cảm thấy thật căng thẳng, nhưng không đến nỗi sợ hết vía. Đến trước bàn thờ, tu sĩ xoay nửa vòng rồi leo lên bục giảng. Ông ta tì lên mép bục, nhìn xuống Sophie, và nói với cô bằng tiếng Latin: "Gloria Patri, et Filio, et Spirtui Sancto. Sicut erat in principo, et nunc, et semper et in sæculorum. Amen." "Nói cái gì người ta hiểu được chứ! Ngớ ngẩn!" Sophie bật ra. Tiếng cô vọng khắp nhà thờ đá. Mặc dù nhận ra rằng ông thầy tu chắc phải là Alberto Knox, cô vẫn hối hận vì đã thét lên tại nơi thờ cúng tôn nghiêm này. Nhưng cô đã cảm thấy rất căng thẳng, và khi thần kinh căng thẳng quá thì làm loạn một chút sẽ giúp ta cảm thấy dễ chịu hơn. "Ssh!" Alberto giơ một tay lên như các tu sĩ vẫn làm khi họ muốn các con chiên ngồi xuống. "Thời Trung Cổ bắt đầu lúc 4 giờ," ông nói. "Thời Trung Cổ bắt đầu lúc 4 giờ?" Sophie nói, cảm thấy ngớ ngẩn, nhưng đã hết căng thẳng. "Đúng, khoảng 4 giờ. Và sau đó là 5 giờ, 6 giờ, và 7 giờ. Nhưng thời gian như đứng yên. Rồi phải đến tám giờ, chín giờ, và mười giờ. Nhưng vẫn là thời Trung cổ, em thấy đấy. Giờ thức dậy đón một ngày mới, có thể em nghĩ như thế. Phải, tôi hiểu ý em. Nhưng vẫn đang là Chủ nhật, một chuỗi dài những ngày Chủ nhật. Và rồi đến mười một giờ, mười hai giờ, và mười ba giờ. Đây là thời kỳ mà người ta gọi là thời Gothic, khi những nhà thờ vĩ đại được xây dựng ở châu Âu. Và sau đó, khoảng mười bốn giờ, hai giờ chiều, một con gà gáy vang - và thời Trung Cổ dài lê thê bắt đầu lụi dần." "Vậy là thời Trung Cổ kéo dài đến 10 tiếng đồng hồ," Sophie nói. Alberto vươn cổ ra khỏi chiếc mũ trùm đầu màu nâu của tu sĩ và thăm dò hội đoàn tín hữu của mình - gồm một cô bé 14 tuổi. "Đúng, nếu mỗi giờ tính bằng 100 năm. Ta có thể coi Jesus sinh ra lúc nửa đêm. Paul bắt đầu các cuộc hành trình truyền giáo khoảng gần 1 giờ rưỡi sáng và chết tại Rome khoảng 15 phút sau. Khoảng 3 giờ sáng, Giáo hội Ki Tô giáo hầu như bị cấm, nhưng đến năm 313, nó đã là một tôn giáo được chấp nhận trong đế quốc La Mã. Đó là triều đại của hoàng đế Constantine. Nhiều năm sau, chính hoàng đế đã được rửa tội lần đầu tiên trên giường hấp hối. Từ năm 380, Ki Tô giáo là tôn giáo chính thức trên khắp đế quốc La Mã." "Đế quốc La Mã vẫn chưa sụp đổ ạ?" "Nó mới bắt đầu đổ vỡ. Ta đang đứng trước một trong những thay đổi vĩ đại nhất trong lịch sử văn hóa. Vào thế kỷ IV, La Mã bị đe dọa bởi cả dân man di từ phía bắc đánh xuống lẫn sự tan rã từ bên trong. Năm 330, Constantine Đại đế dời thủ đô của đế quốc từ Rome đến Constantinople, thành phố mà ông đã sáng lập khi tiến gần biển Đen. Nhiều người coi thành phố mới là "thành Rome thứ hai". Năm 395, đế quốc La Mã bị chia thành hai - một đế quốc phía Tây với trung tâm là Rome, và một đế quốc phía Đông với thủ đô là Constantinople. Rome bị quân man di cướp phá năm 410, và đến năm 476 cả đế quốc phía Tây đã bị phá tan. Đế quốc phía Đông vẫn tồn tại như một nước độc lập cho đến năm 1453, khi người Thổ chiếm được Constantinople." "Và tên của nó bị đổi thành Istanbul?" "Đúng đấy! Istanbul là cái tên gần đây nhất. Một mốc nữa mà chúng ta cần lưu ý là năm 529. Đó là năm mà nhà thờ đóng cửa Hàn lâm viện của Plato ở Athens. Cũng trong năm đó, dòng Benedictine, dòng tu lớn đầu tiên, đã được thành lập. Do vậy, năm 529 đã trở thành biểu tượng của việc Giáo hội Ki Tô giáo đậy nắp đóng kín triết học Hy Lạp. Từ đó, các tu viện nắm độc quyền về giáo dục, tư tưởng, và suy nghĩ. Đồng hồ đang tích tắc về phía 5 rưỡi sáng..." Sophie hiểu ý nghĩa của giờ giấc mà Alberto đang nói đến. Nửa đêm là năm 0, 1 giờ là 100 năm sau Thiên chúa giáng sinh, 6 giờ là 600 năm sau Thiên chúa giáng sinh, và mười bốn giờ là 1400 năm sau Thiên chúa giáng sinh. Alberto tiếp tục: "Thực ra thời Trung Cổ có nghĩa là thời kỳ chuyển tiếp giữa hai thời đại khác. Thành ngữ này được đưa ra vào thời Phục Hưng. Thời đại Đen Tối, một tên khác của thời Trung Cổ, thời đó được xem là đêm dài lê thê một nghìn năm đã bao phủ châu Âu giữa thời Cổ đại và thời Phục Hưng. Ngày nay, từ "trung cổ" được dùng với nghĩa xấu, để tả một cái gì độc đoán và cứng nhắc. Nhưng nhiều nhà sử học hiện đại lại xem thời Trung Cổ là thời đại nghìn năm của nảy mầm và phát triển. Thí dụ, hệ thống trường học đã được phát triển tại thời Trung Cổ. Những trường học trong tu viện đầu tiên đã được mở khá sớm trong thời kỳ này, và các trường dòng nối tiếp vào thế kỷ XII. Khoảng năm 1200, những trường đại học tổng hợp đầu tiên đã được thành lập, các môn học được nhóm thành các 'khoa' khác nhau, y như ngày nay." "Một nghìn năm là khoảng thời gian rất dài." "Đúng nhưng Ki Tô giáo cần thời gian để đến với đại chúng. Hơn nữa, trong thời Trung Cổ, nhiều quốc gia dân tộc đã hình thành và phát triển với các thành phố và nhân dân, dân ca và truyện dân gian. Nếu không có thời Trung Cổ thì chuyện cổ tích và những bài dân ca sẽ ra sao? Thậm chí cả châu Âu sẽ như thế nào? Một tỉnh của La Mã chăng. Cái tạo ra tiếng vang của những cái tên Anh, Pháp, và Đức chính là cái vực sâu không đáy mà ta gọi là thời Trung Cổ. Có nhiều con cá lấp lánh bơi quanh cái vực đó, dù không phải lúc nào ta cũng nhìn thấy chúng. Snorri sống vào thời Trung Cổ. Thánh Olaf và Charlemagne cũng vậy, khỏi cần nhắc đến Romeo và Juliet, Joan D'Arc, Ivanhoe, Pied Piper D'Hamelin, và nhiều hoàng tử dũng mãnh và các vị vua oai nghiêm, các hiệp sĩ hào hoa và các tiểu thư xinh đẹp, những người thợ làm kính màu và thợ đàn phong cầm vô danh. Và tôi còn chưa nói đến các tu sĩ khổ hạnh, các hiệp sĩ thập tự chinh, và những mụ phù thuỷ." "Thầy cũng chưa nói đến các linh mục." "Đúng. Nhân tiện, tôi nói thêm là đến tận thế kỷ XI, Ki Tô giáo mới đến Na Uy. Không phải là nói quá khi bảo rằng các nước Bắc Âu đã theo Ki Tô giáo một cách chóng vánh. Các tín ngưỡng cổ xưa vẫn tiếp tục tồn tại bên dưới bề mặt Ki Tô giáo, và nhiều nguyên tố tiền - Ki Tô giáo đã kết hợp với Ki Tô giáo. Ví dụ, trong lễ mừng Giáng sinh của vùng Scandinavia, các tập tục Ki Tô giáo và Bắc Âu vẫn chung sống đến tận ngày nay. Và ở đây, câu nói cổ rằng vợ chồng cưới nhau sẽ trở nên ngày càng giống nhau đã được áp dụng. Bánh qui Yuletide, lợn con Yuletide, và bia Yuletide trở nên giống với Ba nhà thông thái từ phương Đông và cái máng ăn Thành Bethlehem. Nhưng không nghi ngờ gì nữa, Ki Tô giáo đã dần trở thành triết lý sống chủ đạo. Do đó, ta thường nói về thời Trung Cổ như là một sức mạnh thống nhất của văn hoá Ki Tô giáo." "Như vậy thời đó không hoàn toàn u ám?" "Những thế kỷ đầu tiên sau năm 400 quả thực là một sự suy thoái về văn hoá. Thời La Mã đã là một đỉnh cao văn hoá với những thành phố lớn có thợ may, nhà tắm công cộng, và thư viện, đấy là chưa nói đến nền kiến trúc đáng tự hào. Những thế kỷ đầu của thời Trung Cổ, toàn bộ nền văn hoá này tan rã. Thương nghiệp và kinh tế của nó cũng vậy. Thời Trung Cổ, dân chúng quay lại kiểu mua bán bằng trao đổi hàng hoá. Nền kinh tế thời đó là kinh tế phong kiến, có nghĩa là một số ít quí tộc quyền thế sở hữu đất, nông nô phải làm việc cực nhọc trên những mảnh đất đó để kiếm sống. Dân số cũng giảm mạnh vào những thế kỷ đầu. Thời Cổ Đại, có hơn một triệu người sinh sống tại Rome. Nhưng đến năm 600, dân số của Thủ đô La Mã cổ đã giảm xuống còn khoảng 40.000 người, chỉ bằng một cái vảy của thời kỳ trước. Như vậy, chỉ còn một phần tương đối nhỏ dân chúng còn ở lại, lang thang giữa những gì còn lại của công trình oai nghiêm - vẻ huy hoàng xưa kia của thành phố. Khi họ cần vật liệu xây dựng, có vô số đống đổ nát để cung cấp cho họ. Đây là nguồn gốc của nỗi buồn lớn lao đối với các nhà khảo cổ học hiện đại, họ ước gì những người thời Trung Cổ đã không động đến các đền đài." "Có sự kiện cụ thể thì dễ hiểu hơn đấy ạ." "Nhìn từ quan điểm chính trị, thời La Mã đã chấm dứt vào cuối thế kỷ IV. Tuy nhiên, Giám mục của Rome trở thành người đứng đầu tối cao của Giáo hội Công giáo La Mã. Ông được trao danh hiệu Giáo hoàng (tiếng Latin là 'papa' với nghĩa là 'cha') và dần dần được coi là người thừa lệnh của Chúa Ki Tô trên trần gian. Như vậy, Rome là thủ đô của Ki Tô giáo trong suốt gần hết thời Trung Cổ. Nhưng khi vua và giám mục của các quốc gia dân tộc mới ngày càng trở nên hùng mạnh hơn, một vài người trong số họ đã dám đứng lên chống lại quyền lực của nhà thờ." "Thầy đã nói rằng nhà thờ đóng cửa Hàn lâm việc của Plato ở Athens. Có phải vậy nghĩa là tất cả các nhà triết học Hy Lạp đều đã bị lãng quên?" "Không hẳn là như vậy. Một số trước tác của Plato và Aristotle vẫn được biết đến. Nhưng đế quốc La Mã cổ đã dần dần được chia thành ba nền văn hoá khác nhau. Ở Tây Âu, ta có văn hoá Ki Tô giáo La Mã với thủ đô là Rome. Ở Đông Âu, ta có văn hoá Ki Tô giáo Hy Lạp với thủ đô là Constantinople. Thành phố này bắt đầu được gọi bằng tên tiếng Hy Lạp - Byzantium. Do vậy, ta nói về thời Trung Cổ Byzantine để phân biệt với thời Trung Cổ Ki Tô giáo La Mã. Tuy nhiên, Bắc Phi và Trung Đông cũng từng là một phần của đế quốc La Mã. Vào thời Trung Cổ, khu vực này đã phát triển thành văn hoá Hồi giáo nói tiếng Arab. Sau cái chết của Muhammad năm 632, Hồi giáo đã thắng lợi ở cả Trung Đông và Bắc Phi. Chẳng bao lâu sau, Tây Ban Nha cũng bắt đầu trở thành một phần của thế giới Hồi giáo. Đạo Hồi lấy Mecca, Medina, Jerusalem, và Bagdad làm các thánh địa. Nhìn từ quan điểm lịch sử văn hoá, sự kiện người Arab tiếp quản thành phố Hy Lạp cổ Alexandria khá là lý thú. Như vậy, phần lớn nền khoa học Hy Lạp cổ được thừa kế bởi người Arab. Trong suốt thời Trung Cổ, người Arab chiếm ưu thế trong các môn khoa học chẳng hạn toán học, hoá học, thiên văn học, và y học. Ngày ngay, chúng ta vẫn sử dụng hệ thống số Arab. Trong nhiều lĩnh vực, văn hoá Arab nổi trội hơn văn hoá Ki Tô giáo. "Em muốn biết chuyện gì đã xảy ra với triết học cổ Hy Lạp." "Em có thể tưởng tượng được một dòng sông rộng có một đoạn bị chia thành 3 nhánh rồi nhập thành một dòng sông lớn không?" "Có ạ." "Vậy em cũng có thể thấy văn hoá Hy Lạp đã bị chia rẽ, nhưng đã sống sót qua ba nền văn hoá Ki Tô giáo La Mã ở phía Tây, văn hoa Byzantine ở phía Đông, và văn hoá Arab ở phía Nam. Nếu nói một cách cực kỳ giản lược, ta có thể nói rằng triết học Tân Plato được truyền ở phía Tây, Plato ở phía Đông, và triết học Aristotle được truyền cho người Arab ở phía Nam. Tuy nhiên, vẫn có sự pha trộn ở cả ba dòng. Điểm quan trọng là đến cuối thời Trung cổ, cả ba dòng gặp nhau ở Bắc Ý. Ảnh hưởng Arab đến từ những người Arab ở Tây Ban Nha, ảnh hưởng Hy Lạp từ phía Hy Lạp và đế quốc Byzantine. Và bây giờ, ta thấy sự khởi đầu của thời Phục Hưng, sự 'tái sinh' của văn hoá cổ đại. Theo một nghĩa nào đó, văn hoá cổ đại đã sống sót qua thời đại Đen Tối." "Em hiểu rồi." "Nhưng ta không nên đoán trước dòng sự kiện. Đầu tiên ta phải nói chút ít về triết học Trung Cổ. Tôi sẽ không tiếp tục nói từ trên bục giảng nữa. Tôi sẽ xuống chỗ em." Mắt Sophie nặng trĩu vì thiếu ngủ. Khi nhìn ông thầy tu xa lạ từ trên bục giảng nhà thờ Thánh Mary đi xuống, cô có cảm giác như mình đang ngủ mơ. Alberto đi về phía bàn thờ, nhìn lên cây thánh giá cổ, rồi chậm rãi bước về phía Sophie. Ông ngồi xuống hàng ghế cạnh Sophie. Thật là một cảm giác kỳ lạ khi ông ta ở gần đến thế. Sophie nhìn thấy một đôi mắt sâu màu nâu dưới cái mũ trùm đầu. Chúng thuộc về một người đàn ông trung niên tóc sẫm và chỏm râu cằm nhỏ hình tam giác. Thầy là ai, cô thầm nghĩ, tại sao thầy lại đảo lộn cuộc sống của em như vậy? "Dần dần chúng ta sẽ quen nhau hơn," ông nói như thể đọc được suy nghĩ của Sophie. Họ ngồi cạnh nhau, ánh sáng lọt vào nhà thờ qua những khung kính màu ngày càng trở nên sắc nét, Alberto bắt đầu nói về triết học thời Trung Cổ. "Triết học thời Trung Cổ gần như coi đức tin Ki Tô giáo hiển nhiên có thực," ông bắt đầu."Câu hỏi đặt ra là ta đơn giản là phải tin hoàn toàn vào mặc khải Ki Tô giáo, hay ta có thể tiếp cận các chân lý của Ki Tô giáo với sự giúp đỡ của lý tính. Các triết gia Hy Lạp và những gì Kinh thánh nói có mối quan hệ với nhau như thế nào? Có hay không mâu thuẫn giữa Kinh thánh và lý tính, hay là đức tin và trí thức có tương thích hay không? Hầu hết triết học thời Trung Cổ xoay quanh câu hỏi này." Sophie gật đầu một cách sốt ruột. Cô đã biết học những điều này ở môn Tôn giáo rồi. "Ta sẽ thấy hai nhà triết học nổi bật nhất thời Trung Cổ giải quyết câu hỏi này như thế nào, và ta sẽ bắt đầu với Thánh Augustine, người sống từ năm 354 đến năm 430. Trong cuộc đời con người này, ta có thể quan sát quá trình chuyển dịch từ hậu Cổ Đại sang tiền Trung Cổ. Augustine sinh ra ở Tagaste, một thành phố nhỏ ở Bắc Phi, 16 tuổi ông đến Cartage để học. Sau đó, ông đến Rome, Milan, và sống phần đời còn lại ở Hippo, một thành phố cách Cartage vài dặm về phía tây. Nhưng ông không phải tín đồ Ki Tô giáo từ nhỏ, Augustine đã nghiên cứu một vài tôn giáo và triết học khác nhau trước khi trở thành tín đồ Ki Tô giáo." "Thầy ví dụ đi ạ?" "Có một thời gian, ông ta là tín đồ Manichaean. Đó là một giáo phái hoàn toàn mang đặc trưng của thời Hậu Cổ Đại. Giáo lý của họ nửa tôn giáo, nửa triết học, khẳng định rằng thế giới được cấu tạo bởi những cặp đôi của cái thiện và cái ác, ánh sáng và bóng tối, tinh thần và vật chất. Bằng tinh thần, con người có thể vươn lên cao hơn thế giới vật chất và như vậy có thể chuẩn bị cho sự cứu rỗi linh hồn mình. Nhưng sự phân chia rõ rệt giữa thiện và ác làm cho Augustine trẻ tuổi băn khoăn. Ông bị thu hút hoàn toàn vào cái mà ta gọi là 'vấn đề về cái ác' - câu hỏi về nguồn gốc của cái ác. Có lúc ông chịu ảnh hưởng của triết học Khắc kỳ, mà theo các triết gia Khắc kỳ thì không có ranh giới rõ ràng giữa thiện và ác. Tuy nhiên, những nghiên cứu chủ đạo của ông lại hướng về chủ nghĩa Tân Plato - trường phái triết học quan trọng còn lại của triết học Hậu Cổ Đại. Tại đây, ông gặp khái niệm rằng mọi vật hiện hữu đều có bản chất thần thánh." "Như vậy ông ta đã trở thành một giám mục Tân Plato?" "Em nói vậy cũng được. Trước hết, ông trở thành tín đồ Ki Tô giáo, nhưng Ki Tô giáo của Augustine chịu ảnh hưởng bởi chính thuyết ý niệm của Plato. Và như vậy, Sophie à, có nghĩa là em phải hiểu rằng, tại thời điểm bước vào thời Trung Cổ Ki Tô giáo, không có sự đoạn tuyệt với triết học Hy Lạp. Phần lớn triết học Hy Lạp được đưa vào thời đại mới bởi các giáo phụ như Augustine." "Thầy muốn nói rằng Augustine là người nửa Ki Tô nửa Tân Plato?" "Ông ta tin rằng mình là tín đồ Ki Tô giáo 100% và ông không thấy có mâu thuẫn thực sự nào giữa Ki Tô giáo và triết học Plato. Đối với ông, sự tương đồng giữa Plato và giáo lý Ki Tô giáo dễ thấy đến mức ông cho rằng Plato chắc hẳn đã biết về Kinh Cựu Ước. Tất nhiên, điều này là khó có khả năng. Vậy ta hãy nói rằng Augustine là người đã 'Ki Tô hoá' Plato." "Như vậy là khi bắt đầu tin vào Chúa Ki Tô, ông ta không quay lưng lại tất cả những gì liên quan đến triết học?" "Không, nhưng ông ta chỉ ra rằng, trong lĩnh vực các câu hỏi tôn giáo, có những giới hạn của việc lý tính có thể đưa ta đến đâu. Đức tin Ki Tô là một huyền thoại thánh thần mà ta chỉ có thể nhận thức được qua đức tin. Nhưng nếu ta tin vào Ki Tô, Chúa Trời sẽ 'soi sáng' linh hồn để ta có thể trải nghiệm một dạng trí thức siêu nhiên về Chúa, Augustine đã cảm thấy từ chính bản thân mình rằng triết học có giới hạn. Ông không tìm được sự bình yên trong tâm hồn cho đến khi ông theo Ki Tô giáo. "Trái tim ta không yên bình cho đến khi nó được yên nghỉ trong Chúa." Ông đã viết." "Em không hiểu làm thế nào mà các tư tưởng của Plato có thể hoà được với Ki Tô giáo," Sophie phản đối."Thế còn các ý niệm vĩnh cửu thì sao?" "Augustine khẳng định rằng Chúa Trời tạo ra thế giới từ hư vô, và đó là tư tưởng của Kinh Thánh. Người Hy Lạp thiên về tư tưởng rằng thế giới vẫn luôn luôn tồn tại. Nhưng Augustine tin rằng, trước khi Chúa sáng tạo ra thế giới, các 'ý niệm' nằm trong tâm thức Thần Thánh. Như vậy, ông đã đặt các ý niệm Plato vào trong Chúa và bằng cách đó đã bảo toàn quan niệm của Plato về các ý niệm vĩnh cửu." "Thông minh thật!" "Điều đó cho thấy rằng không chỉ Augustine mà nhiều giáo phụ khác đã ngả về quá khứ để đưa các tư tưởng Hy Lạp và Do Thái lại với nhau. Theo một nghĩa nào đó, chúng thuộc về hai nền văn hoá. Augustine còn ngả về chủ nghĩa Tân Plato trong quan điểm về cái ác. Cũng như Plotinus, ông tin rằng cái ác là 'sự vắng mặt của Chúa'. Cái ác không có sự tồn tại của riêng nó, nó là cái gì đó không hiện hữu, bởi thực ra sáng tạo của Chúa chỉ tuân lệnh Chúa của con người. Ông nói rằng: "Thiện ý là sản phẩm của Chúa Trời; ác ý là sự rời xa sản phẩm của Chúa." "Ông ta có tin rằng con người có linh hồn thần thánh không?" "Có và không. Augustine khẳng định rằng giữa Chúa Trời và thế giới có một hàng rào không thể vượt qua. Ở đây, ông theo sát Kinh Thánh và loại bỏ học thuyết của Plotinus rằng mọi thứ đều là một. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng con người là một thực thể tinh thần. Anh ta có một thể xác vật chất - cái thuộc về cái thế giới vật lý mà 'mối mọt và rỉ mốc phá hoại' - nhưng anh ta còn có một linh hồn biết về Chúa. "Chuyện gì xảy ra với linh hồn khi ta chết?" "Theo Augustine, cả loài người bị lạc lối kể từ sự Sa Ngã của loài người. Nhưng Chúa Trời quyết định rằng một số người nên được cứu thoát khỏi cái chết vĩnh cửu." "Nếu thế thì Chúa Trời cũng có thể quyết định cứu tất cả mọi người." "Về chuyện đó thì Augustine phủ nhận quyền phê phán Chúa của con người, dựa theo Thánh Thư của Paul gửi cho người La Mã: Hỡi con người, người là ai mà dám cãi lại Thiên Chúa? Chẳng lẽ vật được tạo ra lại nói với người tạo ra nó: 'sao ông làm ra tôi như thế này?' Phải chăng thợ gốm không có quyền dùng đất sét theo ý mình: từ cùng một nắm đất sét mà nặn ra các đồ vật khác nhau, cái thì dùng vào việc cao quý, cái thì dùng vào việc thấp hèn?" "Vậy là Chúa Trời ngồi trên Thiên Đường và chơi với con người ư? Và mỗi khi chán một trong các tác phẩm của mình thì ông ta chỉ việc quẳng đi?" "Quan điểm của Augustine là không có người nào xứng đáng với sự cứu vớt của Chúa Trời. Nhưng Chúa đã chọn một số người để cứu thoát khỏi bị đầy xuống địa ngục. Vậy với Chúa, chẳng có gì bí mật về chuyện ai sẽ được cứu và ai không được. Điều đó đã được định trước. Chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào lòng thương của Chúa Trời." "Như vậy, theo một cách nào đó, ông ta đã trở lại với đức tin cổ xưa vào số mệnh." "Có thể. Nhưng Thánh Augustine không chối bỏ trách nhiệm của con người đối với cuộc sống của chính mình. Ông dạy rằng ta phải sống trong sự nhận thức về việc được Chúa Trời lựa chọn. Ông không phủ nhận rằng chúng ta có ý chí tự do. Nhưng Chúa dã 'thấy trước' chúng ta sẽ sống như thế nào." "Như thế không phải thật bất công sao?" Sophie hỏi. "Socrates nói rằng tất cả chúng ta đều có cơ hội như nhau vì chúng ta đều có nhận thức thông thường như nhau. Nhưng Augustine lại chia mọi người thành hai nhóm. Một nhóm được cứu vớt và nhóm kia bị nguyền rủa." "Đúng là lý thuyết của Augustine đi tách khá xa ra khỏi chủ nghĩa nhân văn của Athens. Nhưng Augustine không chia nhân loại thành hai nhóm. Ông ta chỉ đang giải thích giáo lý Kinh Thánh về cứu rỗi và trừng phạt. Ông giải thích điều này trong một công trình nghiên cứu có tên Thành phố của Chúa." "Thầy kể về nó đi ạ". "Thành ngữ 'Thành phố của Chúa' hay 'vương quốc của Chúa' xuất phát từ Kinh Thánh và học thuyết của Jesus. Augustine tin rằng toàn bộ lịch sử loài người là một cuộc đấu tranh giữa 'Vương quốc của Chúa' và 'Vương quốc Thế giới'. Đây không phải là hai vương quốc chính trị tách rời. Chúng đấu tranh để giành quyền làm chủ bên trong mỗi con người. Tuy nhiên, Vương quốc Thế giới hiện diện trong Nhà nước, chẳng hạn đế quốc La Mã - đế quốc đang suy tàn vào thời Thánh Augustine. Khái niệm này trở nên ngày càng rõ ràng khi Giáo hội và Nhà nước đấu tranh giành quyền tối cao trong suốt thời Trung Cổ. Khi đó người ta nói rằng 'Không có sự cứu rỗi bên ngoài nhà thờ". Cuối cùng thì 'Vương quốc của Chúa' của Augustine đã trở nên đồng nhất với Giáo hội. Chỉ đến thời kỳ của phong trào Kháng Cách vào thế kỷ XVI mới nảy sinh sự phản đối tư tưởng rằng người ta chỉ có thể nhận ra được sự cứu rỗi thông qua Nhà thờ." "Đã đến lúc đi qua rồi!" "Ta cũng có thể thấy rằng trong những nhà triết học mà ta từng gặp, Thánh Augustine là người đầu tiên kéo lịch sử vào triết học của mình. Cuộc đấu tranh giữa thiện và ác không phải điều gì mới. Cái mới ở đây là, đối với Augustine, cuộc đấu tranh này đã diễn ra trong lịch sử. Không có mấy Plato ở khía cạnh này trong công trình của Augustine. Ông ta chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ cách nhìn tuyến tính về lịch sử như ta gặp trong Kinh Cựu ước: tư tưởng rằng Chúa cần toàn bộ lịch sử để hiện thực hóa Vương quốc của Chúa. Lịch sử cần cho sự khai sáng của con người và sự hủy diệt cái ác. Hoặc, như Augustine nói, 'Sự tiên kiến thần thánh định hướng lịch sử của nhân loại từ thời Adam đến ngày tận thế, như thể đó là câu chuyện về một người phát triển dần dần từ trẻ thơ đến tuổi già." Sophie nhìn đồng hồ, "Mười giờ rồi," cô nói: "Em sắp phải về." "Nhưng tôi phải kể cho em nghe về một nhà triết học vĩ đại khác của thời Trung Cổ đã. Chúng ta ra ngoài ngồi nhé?" Alberto đứng dậy. Ông chắp hai lòng bàn tay lại rồi bắt đầu đi dọc lối đi giữa hai hàng ghế. Trông ông như thể đang cầu nguyện hoặc đang đắm chìm trong suy nghĩ về một chân lý tinh thần nào đó. Sophie đi theo, cô cảm thấy mình chẳng có lựa chọn nào khác. Mặt trời vẫn chưa ló ra khỏi những đám mây buổi sáng. Alberto ngồi xuống một cái ghế băng bên ngoài nhà thờ. Sophie tự hỏi nếu ai đó đi ngang qua thì người ta sẽ nghĩ gì. Ngồi trên ghế nhà thờ lúc mười giờ sáng đã là lạ, ngồi với một thầy tu thời Trung Cổ chẳng làm cho tình thế trông khả dĩ hơn chút nào. "Tám giờ" ông bắt đầu. "Khoảng 4000 năm đã trôi qua kể từ thời Thánh Augustine, trường học bắt đầu mở cửa. Từ đây cho đến lúc mười giờ, các trường học trong tu viện sẽ giữ độc quyền về giáo dục. Từ mười giờ đến mười một giờ, trường dòng đầu tiên sẽ được thành lập, tiếp theo là những trường đại học tổng hợp đầu tiên vào lúc giữa trưa. Những nhà thờ Gothic vĩ đại sẽ được xây dựng vào cùng thời gian đó. Chính nhà thờ này cũng có niên đại từ những năm 1200 -  hay thời kỳ mà ta gọi là thời Gothic. Trong thành phố này, người ta đã không đủ tiền để xây một nhà thờ lớn. "Họ chẳng cần," Sophie nói. "Em ghét nhà thờ trống không." "À, nhưng những nhà thờ vĩ đại được xây dựng không chỉ để phục vụ các hội đoàn tín hữu lớn. Người ta xây những nhà thờ lớn để làm sáng danh Thiên Chúa, và đó chính là một dạng tôn giáo. Tuy nhiên, trong thời kỳ này còn xảy ra một sự kiện khác có ý nghĩa đặc biệt với các nhà triết học như chúng ta." Alberto tiếp tục: "Ảnh hưởng của những người Arab ở Tây Ban Nha bắt đầu thể hiện rõ. Trong suốt thời Trung Cổ, người Arab đã duy trì sự sống cho truyền thống Aristotle, và từ cuối thế kỷ XII, các học giả Arab đã đến Bắc Ý theo lời mời đã được biết đến và được dịch từ tiếng Hy Lạp và Arab sang tiếng Latin. Điều này đã tạo nên mối quan tâm mới đối với khoa học tự nhiên và thổi sức sống mới vào câu hỏi về mối quan hệ của mặc khải Ki Tô Aristotle trong lĩnh vực khoa học, nhưng khi nào người ta nên đi theo nhà triết học Aristotle, khi nào bám vào Kinh thánh? Em thấy không? Sophie gật đầu, ông thầy tu tiếp tục. "Nhà triết học vĩ đại nhất và quan trọng nhất trong thời kỳ này là Thánh Thomas Aquinas, ông sinh năm 1225 và qua đời năm 1274. Ông xuất thân từ Aquino, một thành phố nhỏ nằm giữa Rome và Naples, nhưng ông cũng dạy ở Đại học Tổng hợp Paris. Tôi gọi ông là một nhà triết học, nhưng thực ra ông là một nhà thần học. Thời đó, thần học và triết học không khác nhau là bao. Ngắn gọn, ta có thể nói rằng Aquinas đã biến Aristotle thành tín đồ Ki Tô giáo y như việc Thánh Agustine đã làm đối với Plato vào đầu thời  Trung Cổ." "Chuyện đó thật kỳ quái, biến các nhà triết học đã sống từ cả ngàn năm trước khi có Chúa Ki Tô thành tín đồ Ki Tô giáo." "Em có thể nói như vậy. Nhưng khi nói đến việc 'Ki Tô hóa' hai nhà triết học Hy-Lạp vĩ đại này, ta chỉ có ý rằng họ đã được giải nghĩa theo một cách mà theo đó họ không còn được coi là mối đe dọa đối với tín lý Ki Tô giáo. Aquinas là một trong những người đã cố gắng làm cho triết học của Aristotle tương thích với đức tin Ki Tô giáo. Ta nói rằng ông đã tạo ra sự kết hợp vĩ đại giữa đức tin và tri thức. Ông ta làm việc đó bằng cách đi vào triết học của Aristotle và nắm lấy lời ông." "Em xin lỗi thầy, nhưng đêm qua em hầu như không ngủ. Chắc thầy phải giải thích rõ hơn mới được." "Aquinas tin rằng không nên có mâu thuẫn giữa những gì triết học hay lý tính dạy ta và những gì sách Khải Huyền Ki Tô giáo hay đức tin nói với ta. Thế giới Ki Tô giáo và triết học thường phát biểu giống nhau. Như vậy, chúng ta thường có thể tự lập luận để đạt đến cùng một chân lý mà ta có thể đọc được trong Kinh Thánh." "Bằng cách nào? Chẳng lẽ lý tính nói với ta rằng Chúa Trời tạo ra thế giới trong sáu ngày, và Jesu là Con của Chúa?" "Không, ta chỉ có thể tiếp cận những cái gọi là chân lý của đức tin đó qua sách Khải Huyền và đức tin. Nhưng Aquinas tin vào sự tồn tại của các 'chân lý thần học tự nhiên', nghĩa là những chân lý mà ta có thể đạt được qua cả đức tin Ki Tô giáo lẫn lý tính bẩm sinh hay lý tính tự nhiên của ta. Chẳng hạn, chân lý về sự tồn tại của Chúa Trời. Aquinas tin rằng có hai con đường đến với Chúa. Một đường qua đức tin và sách Khải Huyền Ki Tô giáo, đường kia qua lý tính và các giác quan. Trong hai con đường đó, đường qua đức tin và Kinh thánh hẳn là con đường chắn chắn nhất, vì người ta rất dễ lầm lạc nếu chỉ tin vào lý tính. Nhưng quan điểm của Aquinas là không nên có mâu thuẫn giữa một nhà triết học như Aritotle và giáo lý Ki Tô giáo." "Như vậy ta có thể chọn giữa việc tin Aristotle và tin Kinh thánh?" "Không hề, Aristotle chỉ đi nửa đường vì ông ta không biết đến Khải Huyền Ki Tô giáo. Nhưng đi nửa đường không có nghĩa là đi sai đường. Ví dụ nói rằng Athens nằm ở châu Âu thì không sai, nhưng cũng chẳng cụ thể lắm. Nếu một cuốn sách chỉ viết rằng Athens là một thành phố ở Châu Âu thì ta nên tra cứu thêm đầy đủ rằng Athens là thủ đô của Hy Lạp, một quốc gia nhỏ ở đông nam Châu Âu. Nếu may mắn, ta có thể tìm được một ít thông tin về Acropolis nữa. Đấy là chưa nói đến Socrates, Plato, và Aristotle." "Nhưng mẩu thông tin đầu tiên về Athens là đúng sự thật." "Chính xác! Aquinas muốn chứng minh chỉ một sự thật. Như vậy khi Aristotle cho ta thấy một điều lý tính mách bảo là có thật, điều đó có mâu thuẫn với giáo lý Ki Tô giáo. Ta có thể đạt tới một khía cạnh của chân lý với sự giúp đỡ của lý tính và bằng chứng của giác quan. Chẳng hạn, loại chân lý mà Aristotle nói đến khi mô tả thế giới động thực vật. Còn qua Kinh thánh, Chúa mở ra cho chúng ta một khía cạnh khác của chân lý. Nhưng hai khía cạnh này của chân lý trùng nhau tại những điểm quan trọng. Có những câu hỏi mà Kinh thánh và lý tính đưa ra các câu trả lời giống hệt nhau." "Đúng vậy. Triết học của Aristotle cũng giả thiết sự tồn tại của một vị Chúa Trời - hay một nguyên nhân hình thức - cái đã làm cho tất cả các quá trình thiên nhiên hoạt động. Nhưng ông không miêu tả gì hơn về Chúa Trời. Do vậy, ta phải dựa hoàn toàn vào Kinh thánh và học thuyết của Jesu." "Hoàn toàn chắc chắn là có Chúa ạ?" "Hiển nhiên là người ta có thể tranh cãi về chuyện đó. Nhưng ngay cả trong thời của chúng ta, phần đông mọi người sẽ đồng ý rằng lý tính của con người chắc chắn không đủ khả năng để phản chứng sự tồn tại của Chúa Trời. Aquinas còn đi xa hơn. Ông tin rằng ông có thể dùng triết học của Aristotle để chứng minh rằng Chúa Trời tồn tại." "Ghê nhỉ!" "Ông tin rằng, với lý tính, ta có thể nhận ra rằng mọi thứ xung quanh ta đều phải có một 'nguyên nhân hình thức'. Như vậy, có cả 'thần học về đức tin' và 'thần học tự nhiên'. Điều tương tự cũng đúng trong khía cạnh đạo đức. Kinh thánh dạy ta Chúa Trời muốn con người sống như thế nào. Nhưng Chúa cũng cho ta một lương tâm để ta phân biệt đúng sai một cách 'tự nhiên'. Vậy, cũng có 'hai con đường' dẫn đến một cuộc sống có đạo đức. Ta hiểu rằng làm hại người khác, ngay cả khi chưa đọc trong Kinh thánh rằng ta phải đối xử với người như ta muốn được người đối xử. Ở đây cũng vậy, cách chắn chắn nhất là tuân theo lời răn trong Kinh thánh." "Em nghĩ là em đã hiểu," Sophie nói. "Nó gần giống như cách ta biết có bão khi nhìn thấy chớp và nghe thấy sấm." "Chính xác! Ta có thể nghe thấy sấm nếu ta mù, và có thể nhìn thấy chớp nếu ta điếc. Tất nhiên, tốt nhất là vừa nghe thấy vừa nhìn thấy. Nhưng không có mâu thuẫn giữa những cái ta nhìn thấy và nghe thấy. Ngược lại, hai ấn tượng hỗ trợ lẫn nhau." "Vâng." "Để tôi lấy thêm một hình ảnh nữa. Nếu em đã đọc một tiểu thuyết, 'Truyện về Chuột và Người' của John Steinbeck chẳng hạn..." "Thực ra em đã đọc quyển đó rồi." "Chỉ qua việc đọc sách, em có cảm nhận được điều gì về tác giả không?" "Em thấy rằng có một người đã viết quyển sách đó." "Đấy là tất cả những gì em biết về ông ta?" "Ông ta có vẻ quan tâm đến những người bị ruồng bỏ." "Khi em đọc cuốn sách đó - một tác phẩm của Steinbeck - em biết cả một số điều về bản chất của Steinbeck nữa. Nhưng em không thể trông đợi rằng sẽ lấy được thông tin về cá nhân tác giả. Đọc Truyện về Chuột và Người, em có thể biết được tác giả bao nhiêu tuổi khi viết cuốn sách đó, ông ta sống ở đâu, hay ông có mấy đứa con hay không?" "Hiển nhiên là không rồi." "Nhưng em có thể tìm những thông tin này từ tiểu sử của John Steinbeck. Chỉ từ tiểu sử hay hồi ký, em mới có thể biết rõ hơn về con người Steinbeck. "Vâng, đúng vậy." "Sự sáng tạo của Chúa Trời và Kinh thánh ít nhiều cũng như vậy. Chỉ cần dạo quanh thiên nhiên, ta cũng có thể nhận thấy rằng có một vị Chúa Trời. Ta có thể dễ dàng thấy rằng Ngài yêu hoa cỏ và muông thú, nếu không Ngài đã chẳng tạo ra chúng. Nhưng các thông tin về cá nhân Chúa thì chỉ có thể tìm thấy trong Kinh thánh, hay là 'hồi ký' của Chúa nếu em muốn." "Thầy giỏi tìm ví dụ thật!" "Ờ, ừ..." Lần đầu tiên, Alberto không trả lời mà chỉ ngồi lặng thinh suy nghĩ. "Có phải tất cả những chuyện này đều liên quan đến Hilde không ạ?" Sophie không kìm được. "Chúng ta không biết có hay không một cô 'Hilde'." "Nhưng ta biết có ai đó đang xếp đặt một bằng chứng về bạn ấy ở khắp nơi. Bưu ảnh, khăn lụa, ví xanh, tất..." "Alberto gật đầu. "Và có thể cha của Hilde là người quyết định ông ta sẽ sắp đặt bao nhiêu bằng chứng," ông nói. "Đến giờ, tất cả những gì chúng ta biết chỉ là có ai đó đang gửi cho ta rất nhiều bưu ảnh. Tôi hy vọng ông ấy sẽ viết chút ít đó về bản thân nữa. Nhưng chúng ta sẽ quay lại chuyện đó sau." "Mười một giờ kém 15 rồi. Em phải có mặt ở nhà trước khi thời Trung Cổ chấm dứt." "Tôi sẽ chỉ kết luận bằng mấy lời về cách Aquinas đưa triết học Aristotle vào mọi lĩnh vực, nơi nó không xung đột với thần học của Nhà thờ. Các lĩnh vực này bao gồm logic, lý thuyết về tri thức, và quan trọng nhất là triết học tự nhiên của ông. Chẳng hạn, em còn nhớ miêu tả của Aristotle về thang tiến triển của sự sống từ thực vật và động vật đến con người không?" Sophie gật đầu. "Aristotle cho rằng cái thang này cho thấy một vị Chúa Trời cấu thành một dạng cực đại của sự tồn tại. Có thể liên hệ sơ đồ này với thần học Ki Tô một cách không khó khăn gì. Theo Aquinas, có một mức độ hiện hữu tăng dần từ thực vật đến động vật rồi đến con người, từ con người đến thiên thần, và từ các thiên thần đến Chúa Trời. Cũng như động vật, con người có một cơ thể và các cơ quan cảm giác, nhưng con người còn có trí thông minh để lập luận. Thiên thần không có cơ thể với các cơ quan cảm giác, đó là lý do họ có trí thông minh tự phát và tức thời. Họ không cần suy nghĩ cân nhắc như con người. Họ biết tất cả những gì con người có thể biết mà không phải học từng bước như chúng ta. Và vì thiên nhiên không có thể xác, họ không bao giờ chết. Không phải họ luôn luôn tồn tại như  Chúa Trời, vì họ đã từng được Chúa tạo ra. Nhưng họ không có một thể xác mà một ngày nào đó phải từ bỏ, do vậy họ sẽ không bao giờ chết." "Nghe hay thật!" "Nhưng Chúa Trời trị vì ở bên trên các thiên thần, Sophie ạ. Ông ta có thể nhìn thấy tất cả và biết tất cả mọi thứ chỉ trong một tầm nhìn thống nhất." "Vậy là bây giờ ông ta có thể nhìn thấy chúng ta." "Phải, có lẽ ông ta nhìn thấy. Nhưng không phải 'bây giờ'. Đối với Chúa Trời, thời gian không tồn tại như nó đang tồn tại với chúng ta. 'Bây giờ' của chúng ta không phải 'bây giờ' của Chúa. Nhiều tuần đã trôi qua đối với chúng ta, nhưng không nhất thiết là chúng đã trôi qua đối với Chúa." "Ôi trời!" Sophie thốt lên. Cô lấy tay bịt miệng. Alberto cúi nhìn cô và Sophie nói tiếp: "Hôm qua em nhận được một tấm bưu ảnh nữa của bố Hilde. Ông ấy viết cái gì đó như: một hai tuần đối với Sophie không có nghĩa nó cũng dài như vậy đối với chúng ta. Câu đó gần như giống hệt với những gì thầy vừa nói về Chúa!" Sophie có thể thấy một cái nhíu mày thoáng qua khuôn mặt Alberto bên dưới cái mũ thầy tu. "Ông ta phải tự lấy làm xấu hổ mới phải!" Sophie chẳng hiểu Alberto định nói gì. Ông tiếp tục: "Đáng tiếc là Aquinas cũng tiếp thu quan điểm của Aristotle về phụ nữ. Chắc em còn nhớ Aristotle cho rằng phụ nữ là một người đàn ông không hoàn chỉnh. Ông còn cho rằng con cái chỉ thừa kế đặc điểm của cha, do người phụ nữ thụ động và tiếp nhận, trong khi người đàn ông chủ động và tạo tác. Theo Aquinas, những quan điểm này đồng điệu với thông điệp của Kinh thánh - chẳng hạn trong đó viết rằng phụ nữ được tạo ra từ xương sườn của Adam." "Vớ vẩn!" "Nên lưu ý rằng đến tận năm 1827 người ta mới phát hiện được trứng của động vật có vú. Do đó, chuyện người ta cho rằng người đàn ông mới là người sáng tạo và là năng lực truyền sự sống trong quá trình sinh sản có lẽ cũng không đáng ngạc nhiên lắm. Hơn nữa, ta có thể ghi nhận rằng, theo Aquinas, phụ nữ chỉ thấp hèn hơn nam giới trong vai trò một thực thể tự nhiên. Linh hồn của phụ nữ ngang bằng với linh hồn nam giới. Trên Thiên Đường có sự bình đẳng tuyệt đối về giới tính, vì mọi sự khác nhau vật lý về giới tính đã chấm dứt." "An ủi nhạt nhẽo. Ở thời Trung Cổ không có nhà triết học nữ nào ạ?" "Nam giới thống trị cuộc sống trong nhà thờ thời Trung Cổ. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng không có các nhà tư tưởng nữ. Một trong số họ là Hildegard xứ Bingen..." Sophie tròn mắt: "Bà ấy có liên quan gì tới Hilde không ạ?" "Hỏi thế bao giờ! Hilde là một nữ tu ở Rhine Valey, sinh năm 1098 và qua đời năm 1179. Mặc dù là phụ nữ, bà giảng đạo, viết sách, làm thầy thuốc, là nhà thực vật học, nhà tự nhiên học. Bà là một ví dụ về thực tế rằng phụ nữ có đầu óc thực tiễn hơn, thậm chí khoa học hơn, ngay cả ở thời Trung Cổ." "Thế còn Hilde?" "Theo đức tin Ki Tô giáo và Do Thái cổ xưa, Chúa Trời không chỉ là một người đàn ông. Chúa còn có một mặt nữ tính, hay 'mẹ thiên nhiên'. Phụ nữ cũng được tạo theo hình Chúa. Trong tiếng Hy Lạp, mặt nữ tính của Chúa được gọi là Sophia. 'Sophia' hay 'Sophie' có nghĩa là sự thông thái." Sophie lắc đầu đầy cam chịu. Tại sao trước đây chưa có ai từng nói với cô về điều đó? Và tại sao cô chưa bao giờ hỏi? Alberto nói tiếp: "Sophia, hay phần mẹ thiên nhiên của Chúa Trời có một ý nghĩa nhất định đối với cả người Do Thái và Giáo hội Chính thống Hy Lạp trong suốt thời Trung Cổ. Ở phía Tây, bà đã bị lãng quên. Nhưng Hildegard xuất hiện. Bà đã được thấy linh ảnh của Sophia hiện ra trong trang phục áo chẽn vàng gắn những đồ trang sức quý giá..." Sophie nhỏm dậy. Sophie đã hiện ra trước Hildegard... "Có thể em sẽ hiện ra trước Hilde." Cô ngồi xuống. Lần thứ ba, Alberto đặt tay lên vai cô. "Đó là điều mà chúng ta phải nghiên cứu. Nhưng bây giờ đã quá mười giờ. Em phải về nhà, và chúng ta đang tiến tới một thời kỳ mới. Tôi sẽ gọi em đến để nói về thời Phục Hưng. Hermes sẽ đến tìm em trong vườn." Đến đó, ông thầy tu kỳ lạ đứng dậy và bắt đầu đi về phía nhà thờ, Sophie ngồi lặng thinh suy nghĩ về Hildegard và Sophia, Hilde và Sophie. Bỗng nhiên, cô bật dậy chạy về phía nhà triết học mặc áo thầy tu, cô hỏi với theo: "Thời Trung Cổ có Alberto không ạ?" Alberto đi chậm lại, khẽ quay đầu và nói, "Aquinas có một ông thầy triết học nổi tiếng được gọi là Alberto Vĩ đại..." Rồi ông cúi đầu và biến mất sau cánh cửa nhà thờ Thánh Mary. Sophie vẫn chưa hài lòng với câu trả lời. Cô theo ông vào trong nhà thờ. Nhưng bây giờ, nó hoàn toàn không một bóng người. Ông ấy đã độn thổ chăng? Trên đường ra ngoài, cô nhìn thấy một bức hình Đức Mẹ Đồng trinh Madonna. Cô tiến đến ngắm nghĩa kĩ càng. Cô chợt nhận thấy một giọt nước nhỏ đọng dưới khóe mắt Madonna. Có phải đó là nước mắt không? Sophie lao ra khỏi nhà thờ và vội vã quay về nhà Joanna. THỜI PHỤC HƯNG ...hỡi dòng dõi thần thánh trong vỏ bọc trần tục... Vừa đúng mười hai giờ thì Sophie về đến cổng nhà Joanna, mệt đứt hơi vì chạy. Joanna đang đứng trong mảnh vườn trước nhà. "Cậu đã đi năm tiếng liền!" Joanna rít lên qua kẽ răng. Sophie lắc đầu. "Không, tớ đã đi hơn một nghìn năm." "Cậu đã ở chỗ quái quỉ nào vậy? Điên thật! Mẹ cậu gọi điện đến cách đây nửa tiếng." "Cậu đã nói gì?" "Tớ bảo là cậu đang ra hiệu thuốc. Mẹ cậu bảo cậu khi nào về thì gọi điện. Nhưng giá mà cậu chứng kiến lúc bố mẹ tớ mang socola nóng và bánh mì vào phòng lúc mười giờ... và giường cậu trống không." "Cậu đã nói với bố mẹ như thế nào?" "Khá là xấu hổ. Tớ bảo là cậu đã về nhà vì mình vừa cãi nhau to." "Thế thì mình nên nhanh chóng làm lành thôi. Và mình phải đảm bảo là bố mẹ cậu sẽ không gặp mẹ tớ trong vài ngày. Cậu có nghĩ là mình có thể làm được chuyện đó không?" Joanna nhún vai. Ngay lúc đó, bố cô từ góc vườn đi tới, ông kéo theo một chiếc xe cút kít. Ông mặc một bộ quần áo bảo hộ và đang dọn dẹp cành lá rụng từ năm ngoái. "À ha, hai đứa đã làm lành rồi, bố biết mà. Chà, không còn một cái lá rụng trước bậc thềm tầng hầm nữa." "Tốt quá", Sophie nói. "Vậy có lẽ chúng cháu có thể uống socola nóng ở đó thay vì uống trên giường". Bố Joanna cố gắng phá lên cười, nhưng Joanna thì há hốc mồm. Trong gia đình Sophie, chuyện đối đáp bao giờ cũng thoải mái hơn là trong căn nhà khá giả hơn của vợ chồng ngài cố vấn tài chính Ingebrighten. "Tớ xin lỗi, Joanna, nhưng tớ cảm thấy tớ cũng nên góp phần vào vụ che giấu lúc trước". "Cậu có định kể cho tớ không đấy?" "Chắc chắn rồi, nếu cậu về nhà cùng tớ. Bởi vì chuyện này sẽ không lọt tai cố vấn tài chính hay búp bê Barbi quá cỡ đâu". "Thật là quá quắt! Chắc cậu cho là cái kiểu vợ chồng chông chênh đến nỗi một người phải đi biệt tận ngoài biển là khá hơn à?" "Chắc là không. Nhưng đêm qua hầu như tớ thức trắng. Và còn chuyện này nữa, tớ bắt đầu tự hỏi không hiểu Hilde có thể thấy hết mọi chuyện bọn mình làm hay không". Họ bắt đầu đi về phía phố Cỏ Ba Lá. "Ý cậu là Hilde có thể có khả năng ngoại cảm?" "Có thể có, có thể không." Rõ ràng Joanna không hứng thú gì về tất cả những chuyện bí mật này. "Nhưng điều đó không thể giải thích được tại sao bố của cô ta lại gửi một đống bưu ảnh điên rồ đến một cái nhà hoang trong rừng." "Tớ công nhận đó là một điểm yếu." "Cậu có muốn kể xem cậu đã đi đâu không?" Thế là Sophie kể cho bạn về mọi chuyện, kể cả khóa triết học kỳ lạ. Cô bắt Joanna hứa sẽ giữ bí mật mọi chuyện. Họ bước đi yên lặng một lúc lâu. Khi đến gần phố Cỏ Ba Lá, Joanna nói, "Tớ không thích chuyện này tí nào." Cô dừng lại trước cổng nhà Sophie rồi quay lại để trở về nhà mình. "Chẳng ai yêu cầu cậu thích nó cả. Nhưng triết học không phải là một trò chơi vô hại trong bữa tiệc. Đó là vấn đề chúng ta là ai và chúng ta từ đâu ra. Cậu có cho là ở trường mình đã được học đủ về chuyện đó không?" "Đằng nào thì cũng không có ai trả lời được những câu hỏi kiểu đó." "Phải, nhưng chúng mình thậm chí còn không biết đường hỏi cơ!" Khi Sophie vào bếp thì bữa trưa đã bày sẵn trên bàn. Không ai nhắc đến chuyện cô đã không gọi điện từ nhà Joanna. Sau bữa trưa, Sophie tuyên bố sẽ đi ngủ trưa. Cô thú nhận là đêm hôm trước ở nhà Joanna hầu như không ngủ được mấy. Khi đến ngủ nhà bạn, chuyện đó chẳng bất bình thường chút nào. Trước khi lên giường, cô đến đứng trước cái gương đồng lớn giờ đã được treo trên tường trong phòng ngủ. Đầu tiên, cô chỉ nhìn thấy khuôn mặt trắng bệch mệt mỏi của mình. Nhưng sau đó, cô thấy sau khuôn mặt mình, một khuôn mặt khác mờ mờ hiện ra. Sophie hít thở sâu một vài nhịp. Nhìn thấy ảo ảnh thì chẳng hay ho gì. Cô ngắm nhìn những nét sắc sảo trên khuôn mặt tái nhợt bao quanh bởi mái tóc bất trị không chịu theo bất kỳ kiểu tóc nào ngoại trừ kiểu tự nhiên của chính nó. Nhưng đằng sau bóng cô lại là ảo ảnh của một cô gái khác. Bất chợt cô gái kia nháy mắt rối rít bằng cả hai mắt, như thể muốn ra hiệu rằng cô ta quả thực ở trong đó, ở phía bên kia. Ảo ảnh chỉ kéo dài một vài giây rồi biến mất. Sophie ngồi phịch xuống mép giường. Không nghi ngờ gì nữa, cô vừa nhìn thấy Hilde trong gương. Cô đã nhìn thoáng qua ảnh của Hilde trên tấm thẻ sinh viên ở nhà ông thiếu tá. Chắc chắn đó chính là cô gái mà cô vừa thấy trong gương. Thật kỳ lạ, cô toàn thấy những điều bí hiểm kiểu này khi đang mệt chết đi được. Có nghĩa là sau đó cô luôn phải tự hỏi xem có phải nó đã thực sự xảy ra hay không. Sophie vắt quần áo lên thành ghế rồi chui vào giường. Cô ngủ thiếp ngay và mơ một giấc mơ sinh động và rõ nét một cách kỳ lạ. Cô mơ thấy mình đang đứng trong một khu vường rộng thoai thoải xuôi xuống một ngôi nhà thuyền màu đỏ. Trên cầu tàu phía sau ngôi nhà có một cô gái trẻ tóc vàng đang ngồi nhìn xa xăm về phía biển. Sophie đến ngồi bên cạnh. Nhưng cô bé có vẻ không nhận thấy sự có mặt của cô. Sophie tự giới thiệu. "Tớ là Sophie," cô nói. Nhưng cô bé kia có vẻ chẳng nhìn thấy hay nghe thấy cô. Sophie chợt nghe thấy một tiếng gọi, "Hilde!" Ngay lập tức cô bé bật dậy và chạy thật lực về phía ngôi nhà. Rõ ràng cô ấy không điếc cũng chẳng mù. Một người đàn ông trung niên từ phía sau ngôi nhà sải bước về phía cô. Ông mặc một bộ quân phục kaki và đội mũ nồi xanh. Cô bé quàng tay qua cổ ông và đu vài vòng. Sophie nhìn thấy một sợi dây chuyền nhỏ bằng vàng gắn thánh giá trên cầu nơi cô bé đã ngồi. Cô nhặt lên và giữ nó trong tay. Rồi cô tỉnh giấc. Sophie nhìn đồng hồ. Cô đã ngủ được hai tiếng. Cô ngồi dậy, suy nghĩ về giấc mơ kỳ lạ. Nó thật đến mức cô cảm thấy như thể mình đã thực sự chứng kiến. Cô cũng cảm thấy chắc chắn không kém rằng ngôi nhà và cái cầu tàu đó thực sự tồn tại ở đâu đó. Rõ ràng nó rất giống bức tranh trên tường nhà ông thiếu tá mà cô đã nhìn thấy. Dù sao thì cũng không nghi ngờ gì, cô bé trong giấc mơ chính là Hidle Moller Knag và người đàn ông đó là bố cô, vừa từ Lebanon trở về nhà. Trong giấc mơ, ông ta trông khá giống Alberto Knox... Khi Sophie đứng dậy và bắt đầu dọn giường, cô tìm thấy một sợi dây chuyền vàng gắn thánh giá ở dưới gối. Mặt sau thánh giá khắc ba chữ: HMK. Đây không phải lần đầu tiên Sophie nằm mơ nhặt được một vật quý. Nhưng chắc chắn đây là lần đầu tiên cô đem nó về từ trong mơ. "Chết tiệt!" cô kêu lên thành tiếng. Sophie bực tức đến nỗi cô mở tủ và quăng mạnh sợi dây chuyền mỏng manh lên ngăn trên cùng, cùng với chiếc khăn lụa, chiếc tất trắng và những tấm bưu ảnh từ Lebanon. Sáng hôm sau, Sophie tỉnh dậy với một bữa sáng thịnh soạn: bánh mì nóng, nước cam, trứng, và rau trộn. Chẳng mấy khi sáng Chủ nhật mà mẹ lại dậy sớm hơn Sophie. Khi bà dậy sớm hơn, bà thích chuẩn bị cho Sophie một bữa no. Trong khi ăn, mẹ cô nói: "Có một con chó lạ trong vườn, suốt buổi sáng nó đánh hơi quanh hàng giậu cũ. Mẹ chẳng hiểu nó đang làm gì ở đó, con có đoán được không? "Có!" Sophie bật reo lên và ngay lập tức cảm thấy hối hận. "Nó đã từng đến đây rồi à?" Sophie đã rời bàn ăn và vào phòng khách để nhìn qua cửa sổ ra vườn. Đúng như cô đã nghĩ. Hermes đang nằm trước lối đi bí mật dẫn vào cái hốc của cô. Nên nói gì bây giờ? Cô không có đủ thời gian để suy tính trước khi mẹ cô đến đứng cạnh. "Con bảo rằng nó đã từng đến đây rồi phải không?" bà hỏi. "Con đoán nó đã chôn một mẩu xương ở đó và bây giờ nó đến tìm lại của quí. Chó cũng có trí nhớ..." "Chắc là con nói đúng. Con là nhà tâm lý học động vật của nhà mình mà." Sophie cuống cuồng suy tính. "Con sẽ đưa nó về," cô nói. "Con biết nó sống ở đâu à?" Sophie nhún vai. "Có thể nó có địa chỉ ghi trên cổ dề." Vài phút sau, Sophie đã trên đường xuống vườn. Khi Hermes thấy cô, nó lạch bạch chạy tới, vẫy đuôi và nhảy chồm lên mừng cô. "Ngoan lắm, Hermes!" cô nói. Cô biết mẹ đang quan sát từ cửa sổ. Cô thầm mong con chó sẽ không chui qua bờ giậu. Con chó chạy về phía lối đi rải sỏi phía trước nhà, phóng qua vườn, và nhảy vọt qua cổng. Khi Sophie đóng cổng lại phía sau, Hermes tiếp tục chạy trước Sophie khoảng chục mét. Đường khá xa. Sophie và Hermes không phải là những kẻ duy nhất đi dạo trong ngày Chủ nhật. Nhiều gia đình kéo cả nhà đi chơi. Sophie chợt cảm thấy ghen tị. Thỉnh thoảng, Hermes chạy sang bên đường hít hít một con chó khác hoặc một cái gì đó thú vị bên giậu vườn, nhưng chỉ cần Sophie gọi "Đây mà, cún!" nó sẽ lập tức quay lại với cô. Họ đi qua một trại chăn nuôi cũ, một sân bóng lớn, và một sân chơi cho trẻ em, rồi xuyên qua một khu vực có nhiều xe cộ hơn. Họ tiếp tục đi về phía trung tâm thành phố, dọc theo một con phố lớn lát đá và có đường tàu điện. Hermes dẫn cô đi qua quảng trường thành phố và lên phố Nhà Thờ. Ra khỏi quảng trường, họ vào Khu Phố Cổ với những ngôi nhà đồ sộ thâm trầm xây từ đầu thế kỷ. Đã gần 1 giờ rưỡi. Bây giờ họ đã ở nửa bên kia của thành phố. Sophie không hay đến khu vực này. Cô còn nhớ một lần hồi còn nhỏ, cô đã được đưa đến đây thăm một bà họ hàng sống ở một trong những con phố này. Cuối cùng, họ đến một quảng trường nhỏ nằm giữa mấy ngôi nhà cổ. Nó được gọi là Quảng trường Mới, mặc dù trông nó rất cổ. Nhưng cả khu phố đều cổ cả, nó đã được đặt nền móng từ tận thời Trung Cổ. Hermes đi về ngôi nhà số 14 rồi đứng đợi Sophie mở cửa. Trống ngực cô bắt đầu đập nhanh hơn. Bên trong cửa chính có một loạt hộp thư màu xanh gắn trên một tấm bảng. Sophie thấy một tấm bưu ảnh đang treo lủng lẳng bên ngoài một hộp thư ở hàng trên. Nó đã được người đưa thư đóng dấu ngang với nghĩa rằng không tìm thấy người nhận. Người nhận là Hilde Moller Knag, 14, Quảng trường Mới. Dấu bưu điện đóng ngày 15 tháng Sáu. Còn 2 tuần nữa mới đến ngày đó, nhưng rõ ràng người đưa thư đã không nhận thấy điều đó. Sophie gỡ tấm bưu ảnh xuống và đọc: Hidle yêu quí. Bây giờ Sophie đang đến chỗ nhà triết học. Cô ấy sắp được 15 tuổi, nhưng con đã 15 tuổi từ hôm qua. Hay là hôm nay, Hilde? Nếu là hôm nay thì chắc đã muộn rồi. Đồng hồ của bố con mình không phải lúc nào cũng chạy giống nhau. Một thế hệ già đi trong khi một thế hệ khác tiến lên phía trước. Trong lúc đó, lịch sử đang tiến theo con đường của mình. Con đã bao giờ nghĩ rằng lịch sử của châu Âu cũng giống như cuộc đời một con người chưa? Thời Cổ Đại giống như thời thơ ấu của châu Âu. Tiếp đến là thời Trung Cổ lê thê - thời học sinh của châu Âu. Và cuối cùng đã đến thời Phục Hưng; những ngày cắp sách đến trường dài đằng đẵng đã qua. Châu Âu đến tuổi mà sự phấn chấn và niềm khao khát cuộc sống bừng dậy. Ta có thể nói rằng thời Phục Hưng là sinh nhật lần thứ 15 của châu Âu! Đang là giữa tháng Sáu, con gái ạ. Thật tuyệt vời khi được sống! T.B. Bố rất tiếc vì con đã đánh mất sợi dây chuyền vàng gắn thánh giá. Con phải học cách giữ gìn đồ đạc cẩn thận hơn. Yêu con nhiều. Bố - người ở đâu đó quanh đây. Hermes đã đang leo cầu thang. Sophie theo sau, cầm theo tấm bưu ảnh. Cô phải chạy để theo kịp được con chó, nó vẫy đuôi thích thú. Họ lên tầng hai, tầng ba, tầng bốn. Từ đó chỉ còn cầu thang lên tầng áp mái. Họ đang leo lên mái nhà chăng? Hermes lóng ngóng leo từng bậc thang rồi dừng lại bên ngoài một cánh cửa hẹp và cào cào móng lên cửa. Sophie nghe tiếng bước chân đến gần từ bên trong. Cửa mở, đứng trước cửa là Alberto Knox. Ông đã đổi quần áo, và giờ đang mặc một bộ phục trang khác: tất trắng, quần ống túm màu đỏ dài đến đầu gối, và áo khoác màu vàng có độn vai. Ông làm Sophie nhớ đến hình ảnh một con joke trong bộ bài tú-lơ-khơ. Nếu cô không nhầm, đây chính là một bộ trang phục điển hình thời Phục Hưng. "Đúng là hề!" Sophie thốt lên và đẩy nhẹ ông sang bên để lấy đường đi vào trong phòng. Một lần nữa, cô lại trút bỏ nỗi sợ và sự e ngại lên đầu ông thầy triết học kém may mắn. Tâm trí của Sophie đang rối loạn vì tấm bưu ảnh mà cô tìm được ở dưới tiền sảnh. "Bình tĩnh nào, bé." Alberto nói và đóng cửa lại. "Thầy xem đi này," Sophie nói khi đưa cho ông tấm bưu ảnh như thể cô cho rằng ông phải chịu trách nhiệm về nó. Alberto đọc, rồi lắc đầu. "Ông ta càng ngày càng trơ tráo. Tôi sẽ chẳng lấy làm ngạc nhiên nếu ông ta đang dùng chúng ta như một loại trò giải trí cho sinh nhật con gái mình." Dứt lời, ông xé tấm bưu ảnh thành từng mảnh nhỏ và quẳng vào sọt giấy vụn. "Trong đó viết rằng Hilde đánh mất sợi dây thánh giá." Sophie nói. "Tôi cũng đọc thấy thế." "Còn em đã tìm thấy nó, chính sợi dây chuyền đó, ở dưới gối của em ở nhà. Thầy có hiểu làm thế nào mà nó lại ở chỗ đó không?" Alberto buồn bã nhìn vào mắt cô. "Nghe có vẻ hay ho lắm! Nhưng đó chỉ là một trò rẻ tiền mà ông ta chẳng tốn chút công sức nào. Chúng ta nên tập trung vào con thỏ trắng bị kéo ra khỏi cái mũ cao vành của vũ trụ thì hơn." Họ vào phòng khách. Đó là một trong những căn phòng lạ thường nhất mà cô từng nhìn thấy. Alberto sống trong một căn hộ rộng rãi trên tầng áp mái với những bức tường xiên. Ánh mặt trời từ trên cao rọi thẳng xuống qua cửa trời trên tường và tràn ngập căn phòng. Còn một số cửa khác nhìn về thành phố. Từ đây, Sophie có thể nhìn xuống mọi mái nhà trong Khu Phố Cổ. Nhưng điều làm Sophie ngạc nhiên nhất là những thứ xếp đầy trong phòng - đồ đạc, vật dụng từ nhiều thời kỳ lịch sử. Có một cái đi văng từ những năm 30, một cái bàn từ hồi đầu thế kỷ, và một cái ghế phải đến hàng trăm năm tuổi. Nhưng không chỉ có bàn ghế cổ. Đồ dùng và đồ trang trí cổ đứng lộn xộn bên nhau trên giá và tủ chén. Đồng hồ và lọ hoa, súng cối và bình cổ cong, dao và búp bê, bút lông và kệ giữ sách, kính bát phân và kính lục phân, com-pa và phong vũ biểu. Cả một bức tường toàn là sách, nhưng không phải là loại thường thấy trong hiệu sách. Đây chính là một bộ sưu tập tiêu biểu của những cuốn sách đã từng được in trong nhiều trăm năm nay. Trên các bức tường khác treo những bức tranh, một số từ vài chục năm gần đây, nhưng phần lớn đều rất cổ. Trên tường còn có nhiều sơ đồ, bản đồ cổ, và chỉ cần xét riêng về Na Uy là đủ thấy chúng không được chính xác lắm. Sophie đứng lặng mấy phút để ngắm tất cả mọi thứ. "Thầy đã sưu tập được cả một đống đồ cổ hỗn độn," Sophie nói. "Này này! Thử nghĩ xem tôi đã lưu giữ được bao nhiêu thế kỷ của lịch sử trong căn phòng này. Tôi không cho như vậy là hỗn độn." "Thầy quản lý một cửa hàng đồ cổ hay gì vậy?" Alberto lộ vẻ gần như đau khổ. "Chúng ta không thể để thủy triều của lịch sử cuốn đi tất cả, Sophie à. Ai đó trong chúng ta phải nán lại để thu nhặt những gì còn sót lại dọc theo hai bờ sông." "Điều đó nghe thật kỳ quặc." "Phải, nhưng nó là sự thật, bé ạ. Ta không chỉ sống trong thời đại chúng ta; ta mang theo mình lịch sử của ta. Đừng quên rằng tất cả những gì em nhìn thấy trong phòng này đã có thời là đồ mới tinh. Con búp bê gỗ từ thế kỷ XVI kia có thể đã được làm để tặng sinh nhật cho một bé gái 5 tuổi. Có lẽ do bà của cô bé tặng... rồi cô trở thành một thiếu nữ, trưởng thành, rồi lấy chồng. Có thể cô cũng có con gái và đã tặng con búp bê cho con mình. Cô già đi, rồi một ngày bà lão qua đời. Tuy bà sống một cuộc đời rất dài, nhưng một ngày kia, bà ra đi và không bao giờ trở lại. Thực ra, bà chỉ ở trần gian trong một thời gian ngắn. Nhưng con búp bê của bà... nó vẫn đang ở trên giá kia." "Khi thầy nói như vậy, mọi thứ nghe thật buồn và nghiêm trọng." "Cuộc sống là như vậy, buồn và nghiêm túc. Chúng ta được đưa vào một thế giới kỳ diệu, ta gặp nhau, chào nhau, và lang thang cùng nhau trong một khoảnh khắc ngắn ngủi. Rồi chúng ta mất nhau và tan biến cũng bất chợt và vô lý y như khi ta đến." "Em hỏi thầy điều này được không ạ?" "Chúng ta đã thôi chơi trốn tìm rồi." "Tại sao thầy lại đến ở trong ngôi nhà của ông thiếu tá?" "Để chúng ta ở không xa nhau lắm khi chỉ liên lạc qua thư. Tôi biết căn nhà đó không có người ở." "Vậy là thầy cứ thế chuyển đến?" "Đúng, tôi đã chuyển đến đó." "Vậy chắc là thầy có thể giải thích được làm thế nào mà bố Hilde biết thầy ở đó." "Nếu tôi không nhầm, ông ta biết hầu như tất cả mọi chuyện." "Nhưng em vẫn không thể hiểu được thầy đã làm thế nào mà người đưa thư lại mang thư vào tận giữa rừng!" Alberto ngoác miệng cười. "Ngay cả những việc như vậy cũng chỉ là trò vặt vãnh đối với cha của Hilde. Trò ảo thuật rẻ tiền, một cái phẩy tay đơn giản. Ta đang sống dưới cái có lẽ là sự giám sát chặt chẽ nhất thế giới." Sophie cảm thấy mình đang phát cáu. "Em mà gặp thì em sẽ móc mắt ông ấy ra!" Alberto đi về phía cái đi văng và ngồi xuống. Sophie theo sau và ngồi xuống một cái ghế bành sâu lòng. "Chỉ có triết học mới có thể đưa chúng ta đến gần cha của Hilde hơn." Cuối cùng, Alberto nói. "Hôm nay tôi sẽ nói với em về thời Phục Hưng." "Đạn đã lên nòng... Bắn!" "Chẳng bao lâu sau thời kỳ thống trị các quan điểm của Thomas Aquinas, những vết rạn nứt bắt đầu hiện ra trong khối thống nhất của văn hóa Ki Tô giáo. Triết học và khoa học ngày càng tách xa thần học của Nhà thờ, điều đó cho phép cuộc sống tôn giáo có được mối quan hệ tự do hơn với lý luận. Thêm nhiều người nhấn mạnh rằng ta không thể đến với Chúa Trời qua chủ nghĩa duy lý vì Chúa là bất khả tri trong mọi khía cạnh. Điều quan trọng đối với một người không phải là hiểu điều huyền diệu thần thánh mà là tuân theo ý Chúa. "Khi giữa tôn giáo và khoa học có được mối liên hệ tự do hơn, đường đã mở rộng cho cả các phương pháp khoa học mới và một nhiệt tình tôn giáo mới. Đó là nền tảng cho hai biến động mạnh mẽ trong hai thế kỷ XV và XVI: Phục Hưng và Kháng Cách." "Từng thứ một thôi thầy." "Phong trào Phục Hưng cũng là sự phát triển văn hóa rực rỡ bắt đầu từ cuối thế kỷ XIV. Nó bắt nguồn từ Bắc Ý và nhanh chóng lan rộng lên phía bắc trong các thế kỷ XV và XVI." "Chẳng phải thầy đã nói rằng "phục hưng" có nghĩa là sự tái sinh?" "Đúng vậy, và cái được tái sinh là nghệ thuật và văn hóa cổ đại. Ta cũng nói về chủ nghĩa nhân văn Phục Hưng kể từ thời điểm này. Sau thời đại Đen Tối khi mọi khía cạnh của cuộc sống đều được nhìn qua ánh sáng thần thánh, từ đây mọi thứ lại một lần nữa xoay quanh con người. 'Về nguồn' là khẩu hiệu, và ý nghĩa đầu tiên, quan trọng nhất của nó chính là chủ nghĩa nhân văn thời Cổ Đại." "Đào bới tượng và sách cổ đã gần như trở thành niềm ham mê của đại chúng, cũng như việc học tiếng Hy Lạp đã trở thành mốt thời thượng. Việc nghiên cứu chủ nghĩa nhân văn đem lại một 'học vấn cổ điển' và phát triển cái có thể được gọi là các phẩm chất của con người. Người ta nói 'ngựa được sinh ra', nhưng 'con người không được sinh ra - họ được tạo thành'." "Có phải nghĩa là để trở thành con người thì chúng ta phải được giáo dục không ạ?" "Đúng, chính là tư tưởng đó. Nhưng trước khi xem xét kỹ hơn các tư tưởng của chủ nghĩa nhân văn Phục Hưng, ta phải nói một chút về bối cảnh chính trị và văn hóa của thời Phục Hưng." Alberto đứng dậy và bắt đầu đi quanh phòng. Lát sau, ông dừng lại và chỉ về phía một dụng cụ cổ trên giá. "Đó là cái gì?" ông hỏi. "Trông nó giống một cái la bàn cổ." "Đúng đấy." Ông lại chỉ một khẩu súng cổ treo trên tường phía trên cái đi văng. "Còn cái kia?" "Một khẩu súng trường kiểu cổ." "Chính xác - và cái này?" Alberto kéo ra một cuốn sách lớn từ trên giá sách. "Đó là một quyển sách cổ." "Chính xác hơn, đây là một incunabulum." "Một incunabulum?" "Thực ra từ đó có nghĩa là 'cái nôi'. Từ này được dùng để chỉ những cuốn sách được in từ thời công nghệ in ấn còn nằm trong nôi. Đó là trước năm 1500." "Có thật quyển sách đó cổ đến thế không?" "Cổ đến thế đấy. Và ba phát minh này - là bàn, súng, và công nghệ in - là các điều kiện tiên quyết cho thời đại mới mà ta gọi là thời Phục Hưng." "Thầy giải thích rõ hơn được không ạ?" "La bàn giúp việc xác định phương hướng dễ dàng hơn. Nói cách khác, đó là cơ sở cho các cuộc hành trình khám phá vĩ đại trên biển. Súng đạn cũng giúp theo một cách khác. Vũ khí mới đem lại cho quân sự châu Âu sức mạnh vượt trội so với các nền văn hóa châu Mỹ và châu Á, tuy súng đạn cũng là một nhân tố quan trọng tại châu Âu. In ấn đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá các tư tưởng mới của các nhà nhân văn chủ nghĩa thời Phục Hưng. Và không kém phần quan trọng, nghệ thuật in ấn là một trong những nhân tố buộc Nhà thờ từ bỏ vị trí cũ là nguồn phổ biến kiến thức duy nhất. Các phát minh và công nghệ mới bắt đầu tiếp nối một cách nhanh chóng và đông đảo. Ví dụ, kính viễn vọng là một dụng cụ quan trọng đã tạo nên một cơ sở hoàn toàn mới cho thiên văn học." "Và cuối cùng thì tên lửa và tàu vũ trụ xuất hiện." "Em đi quá nhanh đấy. Nhưng em có thể nói rằng một quá trình bắt đầu từ thời Phục Hưng cuối cùng đã đưa con người lên Mặt Trăng. Hay đưa đến Hiroshima và Chernobyl cũng đúng. Tuy nhiên, tất cả bắt đầu từ các thay đổi trên mặt trận văn hóa và kinh tế. Có một điều kiện quan trọng là việc chuyển từ một nền kinh tế tự cung tự cấp sang một nền kinh tế tiền tệ. Đến cuối thời Trung Cổ, với việc kinh doanh hiệu quả và nền thương mại sống động với các mặt hàng mới, các thành phố đã phát triển nền kinh tế tiền tệ và ngân hàng. Tầng lớp trung lưu xuất hiện, tạo nên một sự tự do nhất định trong các điều kiện cơ bản của cuộc sống. Các nhu yếu phẩm đã trở nên cái gì đó có thể được mua bằng tiền. Kiểu kinh doanh này đã khuyến khích sự cần cù, trí tưởng tượng và óc sáng tạo. Các đòi hỏi mới được đặt ra đối với từng cá nhân." "Hơi giống với cách phát triển của các thành phố Hy Lạp hai nghìn năm trước." "Không phải hoàn toàn không đúng. Tôi đã nói với em về cách các triết gia Hy Lạp đã ra khỏi bức tranh thần thoại về thế giới với mối liên quan đến văn hóa nông dân. Cũng theo cách đó, tầng lớp trung lưu thời Phục Hưng bắt đầu tách ra khỏi các vị chúa phong kiến và quyền lực của nhà thờ. Trong khi điều này xảy ra, văn hóa Hy Lạp được tái phát hiện qua mối liên hệ gần gũi hơn đối với người Arab ở Tây Ban Nha và văn hóa Byzantine ở phía Đông." "Ba nhánh sông từ thời Cổ Đại đã hòa vào thành một dòng sông lớn." "Em học chăm chú đấy. Đó là một chút về bối cảnh thời Phục Hưng. Bây giờ tôi sẽ nói với em về những tư tưởng mới." "Vâng, nhưng em sẽ phải về nhà để ăn tối." Alberto lại ngồi xuống đi văng. Ông nhìn Sophie. "Quan trọng hơn hết, thời Phục Hưng đã tạo ra một cách nhìn mới về con người. Chủ nghĩa nhân văn Phục Hưng đã đem lại một niềm tin mới vào con người và giá trị của con người, đối nghịch hoàn toàn với sự nhấn mạnh thiên lệch của thời Trung Cổ vào bản chất tội lỗi của con người. Giờ đây, con người được coi là vĩ đại và giá trị vô cùng. Một trong những tên tuổi trung tâm của thời Phục Hưng là Marsilio Ficino, người đã kêu lên: 'Hãy hiểu chính mình, hỡi dòng dõi thần thánh trong vỏ bọc trần tục.' Một tên tuổi khác, Pico della Mirandora, đã viết Diễn thuyết về chân giá trị của con người, một điều hẳn đã có thể là chuyện không thể tưởng tượng được trong thời Trung Cổ. "Trong suốt thời Trung Cổ, Chúa Trời luôn luôn là xuất phát điểm. Còn các nhà nhân văn thời Phục Hưng đã chọn xuất phát điểm tại chính con người." "Các triết gia Hy Lạp cũng vậy." "Đó chính là lý do tại sao ta nói về sự 'tái sinh' của chủ nghĩa nhân văn thời Cổ Đại. Nhưng chủ nghĩa nhân văn Phục Hưng thậm chí còn tiến xa hơn với đặc trưng là chủ nghĩa cá nhân. Chúng ta không chỉ là con người, chúng ta còn là những cá nhân độc nhất vô nhị. Tư tưởng này có thể dẫn đến sự tôn sùng cảm hứng một cách gần như không hạn chế. Lý tưởng trở nên cái mà ta gọi là con người Phục Hưng - một con người với cảm hứng vũ trụ, bao quát mọi khía cạnh của cuộc sống, nghệ thuật và khoa học. Cách nhìn mới này về con người cũng thể hiện trong mối quan tâm về giải phẫu học con người. Như thời cổ xưa, người ta lại bắt đầu mổ tử thi để khám phá cấu trúc cơ thể người. Việc này là do nhu cầu khẩn thiết của cả y học và nghệ thuật. Một lần nữa, hình tượng khỏa thân lại trở thành thường gặp trong các tác phẩm nghệ thuật. Đã đến lúc rồi, sau cả ngàn năm làm bộ đoan trang kiểu cách. Con người đã đủ táo bạo để lại là chính mình. Không còn phải xấu hổ về bất cứ thứ gì nữa." "Nghe thật lôi cuốn," Sophie nói, cô tì tay lên chiếc bàn nhỏ chắn giữa cô và nhà triết học. "Không thể phủ nhận được. Cách nhìn mới về con người đã dẫn tới một quan điểm hoàn toàn mới. Con người tồn tại không chỉ vì Chúa Trời. Do đó, con người có thể tận hưởng cuộc sống ngay trong hiện tại. Với tự do mới để phát triển, các khả năng là vô tận. Mục tiêu bây giờ là vượt qua mọi ranh giới. Đây cũng là một tư tưởng mới nếu nhìn từ chủ nghĩa nhân văn Hy Lạp; các nhà nhân văn thời Cổ Đại đã nhấn mạnh vào tầm quan trọng của sự yên bình, điều độ và kiềm chế." "Và các nhà nhân văn thời Phục Hưng đã đánh mất sự kiềm chế?" "Chắc chắn họ đã không điều độ cho lắm. Họ cư xử như thể cả thế giới vừa được đánh thức. Họ trở nên ý thức mãnh liệt về kỷ nguyên của mình, từ đó họ đã đưa ra thuật ngữ 'thời Trung Cổ' để chỉ các thế kỷ nằm giữa thời Cổ Đại và thời của chính họ. Có một sự phát triển không có đối thủ trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Nghệ thuật và kiến trúc, văn học và âm nhạc, triết học và khoa học nở rộ chưa từng thấy. Tôi sẽ lấy một ví dụ cụ thể. Ta đã nói về thành Rome cổ, thành phố đã được tôn vinh bằng những danh hiệu như 'thành phố của các thành phố' và 'cái rốn của vũ trụ'. Thời Trung Cổ, thành phố suy tàn, và đến năm 1417, tại thủ phủ này chỉ còn 17.000 cư dân sinh sống." "Chẳng đông hơn Lillesand nơi Hilde sống là bao." "Các nhà nhân văn Phục Hưng coi việc khôi phục Rome là nghĩa vụ văn hóa của họ. Đầu tiên và quan trọng nhất là công trình xây dựng nhà thờ Thánh Peter vĩ đại lên trên mộ Thánh Tông đồ Peter. Và nhà thờ Thánh Peter không thể khoe khoang về sự điều độ hay kiềm chế. Nhiều nghệ sĩ thời Phục Hưng đã tham gia dự án xây dựng này - dự án lớn nhất thế giới. Nó được khởi công năm 1506 và kéo dài 120 năm, và người ta cần thêm 50 năm nữa để hoàn thành quảng trường Thánh Peter rộng lớn." "Đó chắc phải là một nhà thờ khổng lồ!" "Nó dài hơn 200m và cao hơn 130m, bao phủ một diện tích rộng hơn 16.000m2. Thế là đủ để nói về sự táo bạo của con người thời Phục Hưng. Một điều đáng kể khác là thời Phục Hưng đã mang đến một cách nhìn mới về tự nhiên. Con người coi thế giới là nhà và không coi cuộc sống chỉ là sự chuẩn bị cho đời sau. Thực tế đó đã tạo ra một cách tiếp cận hoàn toàn mới đối với thế giới vật lý. Giờ đây, thiên nhiên được coi là một sự vật. Nhiều người giữ quan điểm rằng Chúa Trời cũng hiện diện trong sự sáng tạo của Người. Nếu Chúa quả thực là vô tận thì Chúa hẳn phải hiện hữu trong mọi vật. Tư tưởng này được gọi là thuyết phiếm thần. Các triết gia Trung Cổ đã nhất định rằng giữa Chúa và Tạo hóa có một hàng rào không thể vượt qua. Giờ đây, người ta có thể nói rằng thiên nhiên là thiêng liêng thần thánh - và thậm chí rằng đó chính là 'sự nảy nở sinh sôi của Chúa Trời'. Các tư tưởng thuộc kiểu này không phải lúc nào cũng được nhà thờ nương nhẹ. Số phận của Giordano Bruno là một ví dụ bi thảm. Ông ta không chỉ tuyên bố rằng Chúa Trời hiện hữu trong thiên nhiên mà còn tin rằng phạm vi của vũ trụ là vô tận. Ông đã bị trừng phạt rất nặng nề vì các tư tưởng của mình." "Trừng phạt như thế nào?"   Ông ta bị thiêu sống tại chợ hoa của Rome vào năm 1600 "Thật kinh khủng... và ngu xuẩn. Và thầy gọi đó là chủ nghĩa nhân văn à?" "Không, hoàn toàn không phải như vậy. Bruno là một nhà nhân văn, còn những tên đao phủ của ông thì không. Trong thời Phục Hưng, cái mà ta gọi là phản-nhân-văn cũng phát triển. Ý tôi muốn nói đến quyền lực độc đoán của Chính phủ và Nhà thờ. Trong suốt thời Phục Hưng, có một cơn khát dữ dội đối với việc xử tội phù thủy, đốt tà đạo, ma thuật và mê tín dị đoan, những cuộc chiến tranh tôn giáo đẫm máu - và không kém phần quan trọng là cuộc chinh phục tàn bạo châu Mỹ. Còn chủ nghĩa nhân văn luôn có một mặt tối. Không có một kỷ nguyên nào chỉ toàn thiện hoặc toàn ác. Thiện và ác là hai sợi chỉ đôi xuyên suốt lịch sử nhân loại. Và chúng thường bện vào nhau. Điều này cũng đúng không kém trong pha quan trọng tiếp theo của chúng ta, một phương pháp khoa học mới, một sự đổi mới khác của thời Phục Hưng mà tôi sẽ kể cho em." "Có phải đó là khi họ xây những nhà máy đầu tiên?" "Không, chưa đến đó. Nhưng một điều kiện tiên quyết cho mọi phát triển kỹ thuật xảy ra sau thời Phục Hưng chính là phương pháp khoa học mới này. Tôi muốn nói về một cách tiếp cận hoàn toàn mới đối với khoa học thời đại. Về sau, các thành quả kỹ thuật của phương pháp này mới trở nên rõ ràng." "Phương pháp mới đó là gì?" "Chủ yếu, đó là phương pháp nghiên cứu thiên nhiên bằng tri giác của chính chúng ta. Từ thế kỷ XIV, ngày càng nhiều nhà tư tưởng cảnh báo về lòng tin mù quáng vào các quyền lực cũ, dù đó là giáo lý tôn giáo hay triết học tự nhiên của Aristotle. Cũng xuất hiện khuyến cáo về niềm rin rằng các vấn đề có thể được giải quyết thuần túy bằng suy nghĩ. Trong suốt thời Trung Cổ, người ta đã tin tưởng quá mức vào tầm quan trọng của lý tính. Bây giờ, người ta nói rằng mọi nghiên cứu về các hiện tượng thiên nhiên đều phải được dựa trên quan sát, trải nghiệm, và thí nghiệm. Ta gọi đây là phương pháp thực nghiệm." "Nghĩa là gì ạ?" "Nó chỉ có nghĩa là tri thức của ta về sự vật cần dựa trên cơ sở là trải nghiệm của chính ta, chứ không phải trên những cuốn sách bụi bặm bằng da hay những điều tưởng tượng. Khoa học thực nghiệm đã được biết đến từ thời Cổ Đại, nhưng những thí nghiệm có hệ thống là cái gì đó khá mới mẻ." "Chắc là thời đó họ không có những dụng cụ kỹ thuật như ta có ngày nay."   "Tất nhiên họ không có máy tính điện tử. Nhưng họ có toán học và cân cơ học. Và mọi quan sát khoa học bắt buộc phải được biểu diễn bằng các thuật ngữ toán học chính xác. 'Đo cái có thể đo, và làm cho cái không thể đo được trở nên đo được', Galileo Galilei, một trong những nhà khoa học quan trọng nhất của thế kỷ XVI, đã nói như vậy. Ông còn nói rằng cuốn sách thiên nhiên được viết bằng ngôn ngữ của toán học." "Và tất cả những thí nghiệm và đo đạc mới này đã tạo điều kiện cho những phát minh mới." "Pha đầu tiên là một phương pháp khoa học mới. Chính nó đã làm cho cuộc cách mạng kỹ thuật trở nên có thể, và từ đó, bước đột phá kỹ thuật đã mở đường cho mọi phát minh. Em có thể nói rằng con người đã bắt đầu thoát ra khỏi điều kiện tự nhiên của mình. Thiên nhiên không còn là cái mà con người chỉ đơn giản là một phần của nó. 'Tri thức là sức mạnh', nhà triết học người Anh Francis Bacon đã nói, ông nhấn mạnh giá trị thực tiễn của tri thức - và điều này thì thật sự mới mẻ. Con người bắt đầu can thiệp thật sự vào thiên nhiên và bắt đầu điều khiển nó." "Nhưng không chỉ theo hướng tốt?" "Không, đây là điều tôi đã nhắc đến lúc nãy khi tôi nói về các sợi chỉ thiện và ác luôn luôn bện vào với nhau trong mọi việc chúng ta làm. Cuộc cách mạng kỹ thuật bắt đầu từ thời Phục Hưng đã dẫn đến máy xe sợi nhiều trục và nạn thất nghiệp, đến thuốc men và bệnh tật mới, đến sự tăng năng suất nông nghiệp và sự tàn phá môi trường, đến các đồ gia dụng thuận tiện như máy giặt, tủ lạnh và sự ô nhiễm môi trường cộng với chất thải công nghiệp. Mối đe doạ nghiêm trọng đối với môi trường mà chúng ta đang đối mặt ngày nay làm nhiều người coi chính cuộc cách mạng kỹ thuật là một sự thích nghi yếu kém và đầy hiểm hoạ đối với các điều kiện tự nhiên. Người ta đã chỉ ra rằng chúng ta đã khởi động một quá trình mà ta không còn có thể kiểm soát được nữa. Một số người lạc quan cho rằng chúng ta vẫn đang sống trong thời kỳ trong nôi của công nghệ, rằng tuy em bé khoa học chắc chắn đã gặp một vài khó chịu của thời kỳ mọc răng, nhưng ta sẽ dần dần học cách điều khiển thiên nhiên mà không đồng thời đe doạ chính sự tồn tại của nó và từ đó đe doạ sự sống còn của chính chúng ta." "Thầy chọn phe nào?"   "Tôi cho rằng có lẽ cả hai đều có phần đúng. Trong một số lĩnh vực, chúng ta phải ngừng can thiệp vào thiên nhiên, nhưng trong một số lĩnh vực khác, chúng ta có thể thành công. Có một điều chắc chắn: Không thể quay lại thời Trung Cổ. Từ thời Phục Hưng, loài người trở nên không chỉ đơn giản là một phần của tạo hoá. Con người bắt đầu can thiệp vào thiên nhiên và định hình nó theo hình ảnh của chính mình. Thực sự, 'con người quả là một tác phẩm tuyệt vời!'"   "Chúng ta đã lên Mặt Trăng. Liệu thời Trung Cổ có ai tin rằng điều đó có thể không nhỉ?"   "Không, chắc chắn là không. Điều đó đã đem đến cho ta một cách nhìn mới về thế giới. Trong suốt thời Trung Cổ, mọi người đứng dưới bầu trời ngắm nhìn Mặt Trời, Mặt Trăng, các vì sao và các hành tinh. Nhưng không ai nghi ngờ về việc Trái Đất là trung tâm của vũ trụ. Không một quan sát nào khơi lên sự nghi ngờ về chuyện Trái Đất đứng yên trong khi các 'thiên thể' di chuyển theo quỹ đạo xung quanh nó. Ta gọi đây là bức tranh địa tâm về thế giới, hay nói theo cách khác, niềm tin rằng mọi thứ đều quay quanh Trái Đất. Khi nói rằng Chúa ngựa trị ở trên cao bên trên các thiên thể, đức tin Ki Tô giáo cũng góp phần gìn giữ quan niệm này." "Giá mà nó chỉ đơn giản như thế!"   "Nhưng vào năm 1543, một quyển sách nhỏ với tiêu đề Chuyển động tròn của các thiên thể đã được xuất bản. Tác giả là Nicolaus Copernicus, một nhà thiên văn học người Ba Lan, người đã chết đúng vào ngày cuốn sách được xuất bản. Copernicus tuyên bố rằng không phải Mặt Trời quay quanh Trái Đất mà ngược lại. Từ kết quả quan sát các thiên thể, ông cho rằng điều này là hoàn toàn có thể. Ông nói người ta đã luôn luôn tin rằng Mặt Trời quay quanh Trái Đất là vì Trái Đất quay quanh trục của chính nó. Ông chỉ ra rằng mọi quan sát về các thiên thể trở nên dễ hiểu hơn nếu giả thiết rằng cả Trái Đất và các hành tinh khác đều quay quanh Mặt Trời. Ta gọi đây là bức tranh nhật tâm về thế giới, có nghĩa rằng Mặt Trời là trung tâm của mọi thứ." "Và quan niệm đó đúng?"   "Không hoàn toàn. Điểm cốt yếu của ông - rằng Trái Đất chuyển động xung quanh Mặt Trời - tất nhiên là đúng. Nhưng ông khẳng định Mặt Trời là trung tâm của vũ trụ. Ngày nay, ta biết rằng Mặt Trời chỉ là một trong vô số các ngôi sao. Và những ngôi sao quanh ta chỉ tạo nên một trong số nhiều tỷ thiên hà. Copernicus còn tin rằng Trái Đất và các hành tinh khác chuyển động theo quỹ đạo hình tròn quanh Mặt Trời."   "Không phải như thế ạ?"   "Không. Ông ta không có gì làm cơ sở cho niềm tin vào quỹ đạo hình tròn này ngoại trừ tư tưởng cổ xưa rằng các thiên thể hình tròn và di chuyển theo đường tròn đơn giản vì chúng 'ở trên trời'. Từ thời Plato, hình cầu và đường tròn được coi là các hình học hoàn hảo nhất. Nhưng đầu những năm 1600, nhà thiên văn học người Đức Johannes Kepler đã công bố kết quả của các quan sát đầy đủ, cho thấy các hành tinh chuyển động theo quỹ đạo hình elip với Mặt Trời nằm tại một tâm elip. Ông còn chỉ ra rằng vận tốc của một hành tinh là cao nhất khi nó ở gần Mặt Trời nhất và rằng quỹ đạo của một hành tinh càng ở xa Mặt Trời thì nó chuyển động càng chậm. Đến thời của Kepler, người ta mới thực sự khẳng định rằng Trái Đất chỉ là một hành tinh như các hành tinh khác. Kepler cũng nhấn mạnh rằng các định luật vật lý áp dụng cho mọi nơi trong vũ trụ." "Làm sao ông ta biết được điều đó?"   "Vì ông ta đã nghiên cứu chuyển động của các hành tinh bằng các giác quan của chính mình thay vì tin tưởng mù quáng vào các điều mê tín cổ xưa. Galileo Galilei, người gần như cùng thời với Kepler, cũng đã sử dụng kính thiên văn để quan sát các thiên thể. Ông nghiên cứu các miệng núi lửa trên bề mặt Mặt Trăng và kết luận rằng Mặt Trăng cũng có các ngọn núi và thung lũng tương tự như trên Trái Đất. Hơn nữa, ông còn phát hiện rằng sao Mộc cũng có bốn mặt trăng. Như vậy, không phải chỉ mình Trái Đất có mặt trăng. Nhưng điều quan trọng nhất về Galilei đó là ông là người đầu tiên phát biểu cái gọi là Định luật Quán tính." "Định luật đó như thế nào ạ?"   "Galilei phát biểu thế này: Một vật thể giữ nguyên trạng thái đứng yên hay chuyển động nếu nó không có ngoại lực bắt nó thay đổi trạng thái." "Đơn giản nhỉ."   "Nhưng đây là một quan sát rất có ý nghĩa. Từ thời Cổ Đại, một trong những luận cứ trọng tâm để phản bác việc Trái Đất tự quay quanh trục của mình là khi đó Trái Đất sẽ chuyển động nhanh đến mức nếu một hòn đá được ném thẳng lên trời nó sẽ rơi xuống đất ở cách chỗ nó được ném lên hàng chục mét." "Vậy tại sao lại không như thế?"   "Nếu em ngồi trên tàu và thả rơi một quả táo, nó sẽ không rơi về phía sau do còn tàu đang chuyển động. Nó sẽ rơi thẳng xuống. Đó chính là vì định luật quán tính. Quả táo giữ đúng vận tốc mà nó có trước khi em thả rơi nó." "Em hiểu rồi." "Vào thời của Galilei không có tàu hoả. Nhưng nếu em lăn một quả bóng trên nền đất - và bất ngờ thả tay..." "...nó sẽ tiếp tục lăn..." "...bởi vì sau khi em thả tay nó vẫn giữ nguyên vận tốc." "Nhưng cuối cùng nó sẽ dừng lại, nếu căn phòng đủ dài." "Đó là do các lực khác làm nó chậm lại. Thứ nhất là sàn nhà, đặc biệt nếu đó là sàn gỗ nhám. Tiếp đó, trọng lực không chóng thì chày cũng làm cho nó dừng lại. Nhưng gượm hẵng, tôi sẽ cho em xem cái này."   Alberto đứng dậy, bước đến bên chiếc bàn làm việc cũ. Ông lấy cái gì đó từ trong một ngăn kéo. Khi quay lại, ông đặt nó lên mặt bàn nước. Đó chỉ là một tấm bảng gỗ, một cạnh dày khoảng vài milimet, cạnh kia mỏng. Bên cạnh chiếc bảng to gần choán mặt bàn, ông đặt một hòn bi đá màu xanh. "Cái này được gọi là mặt phẳng nghiêng," ông nói. "Theo em thì chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi thả hòn bi tại đây, chỗ dày nhất của mặt phẳng nghiêng?" Sophie thở dài ngán ngẩm.   "Em cược 10 cu-ron là nó sẽ lăn xuống bàn và rơi xuống sàn."   "Xem nhé!"   Alberto thả hòn bi và nó chuyển động hệt như lời Sophie. Nó lăn xuống bàn, rơi qua mép bàn, rơi bịch xuống sàn, và cuối cùng thì đâm vào chân tường. "Ấn tượng nhỉ," Sophie nói.   "Đúng! Không phải thế sao? Đó chính là kiểu thí nghiệm mà Galilei đã thực hiện, em thấy không?" "Ông ta ngớ ngẩn đến thế thật ạ?"   "Kiên nhẫn nào! Ông ta muốn nghiên cứu sự vật bằng các giác quan của chính mình, và chúng ta chỉ mới bắt đầu. Trước hết, hãy giải thích cho tôi tại sao hòn bi lại lăn từ trên mặt phẳng nghiêng xuống." "Nó bắt đầu lăn vì nó nặng." "Được rồi. Và khối lượng thực ra là cái gì, bé?" "Câu hỏi ngớ ngẩn." "Nó không ngớ ngẩn chút nào nếu em không thể trả lời. Tại sao hòn bi lăn xuống sàn?" "Do trọng lực." "Chính thế - hay còn gọi là lực hấp dẫn. Đó là lực đã làm cho hòn bi chuyển động"   Alberto nhặt hòn bi từ dưới sàn. Ông lại đứng khom mình xuống mặt phẳng nghiêng với hòn bi trong tay.   "Bây giờ, tôi sẽ lăn bi ngang mặt phẳng nghiêng," ông nói. "Hãy quan sát kỹ chuyển động của nó"   Sophie nhìn hòn bi từ từ chuyển động cong xuống theo chiều dốc của mặt phẳng nghiêng.   "Cái gì đã xảy ra?" Alberto hỏi.   "Nó lăn nghiêng xuống dốc vì mặt bảng dốc."   "Bây giờ tôi sẽ quết mực lên hòn bi... khi đó có lẽ chúng ta sẽ có thể xem chính xác 'nghiêng xuống' nghĩa là gì."   Ông lôi ra một cái bút lông và tô mực đen lên khắp hòn bi. Rồi ông lăn bi một lần nữa. Bây giờ, Sophie có thể thấy chính xác hòn bi đã lăn qua những chỗ nào trên tấm bảng vì nó để lại một đường mực đen.   "Em mô tả đường đi của hòn bi như thế nào?"   "Nó cong... trông như một phần của một đường tròn."   "Chính thế!" Alberto ngẩng lên nhìn cô và nhướn mày. "Tuy nhiên, nó không hẳn là một đường tròn. Hình này được gọi là một đường parabole."   "À, nhưng tại sao hòn bi lại chuyển động theo kiểu đó?"   Sophie suy nghĩ kỹ càng. Rồi cô nói, "Vì mặt bảng dốc nên hòn bi bị lực hấp dẫn kéo về phía sàn."   "Đúng, đúng! Đây quả là một sự kiện tuyệt vời! Tôi kéo một cô bé chưa đầy 15 tuổi lên căn gác xép này, và chỉ qua đúng một thí nghiệm, cô bé đã nhận ra chính những điều mà Galilei đã từng thấy!"   Ông vỗ tay nồng nhiệt. Trong khoảnh khắc ấy, Sophie sợ rằng Alberto đã phát điên. Ông nói tiếp: "Em đã thấy cái xảy ra khi có hai lực cùng tác động lên một đối tượng. Galilei đã phát hiện ra rằng chính điều này cũng áp dụng cho một quả đạn pháo chẳng hạn. Quả đạn được bắn lên không trung. Nó còn tiếp tục con đường của mình trên cao, nhưng cuối cùng sẽ bị kéo về phía mặt đất. Như vậy, nó sẽ tạo ra một đường đạn tương ứng với đường của hòn bi trên mặt phẳng nghiêng. Đây thực ra là một phát kiến mới vào thời của Galilei. Aristotle đã cho rằng khi một đầu đạn được phóng theo phương nghiêng lên không trung, trước tiên nó sẽ bay theo một đường hơi cong, rồi sẽ rơi xuống đất theo phương thẳng đứng. Điều này không đúng, nhưng không ai có thể biết rằng Aristotle đã sai, cho đến khi nó được chứng minh bằng thực nghiệm." "Tất cả những điều này thực ra để làm gì?" "Để làm gì à? Em có thể đánh cược là nó rất quan trọng. Nó có ý nghĩa với tầm vóc vũ trụ, bé ạ. Trong tất cả các phát kiến khoa học trong lịch sử loài người, đây chính là phát kiến quan trọng nhất." "Chắc thầy sắp giải thích vì sao." "Tiếp đó xuất hiện nhà vật lý người Anh Isaac Newton, người sống trong khoảng thời gian từ năm 1642 đến năm 1727. Ông ta là người đã đưa ra mô tả cuối cùng về Hệ Mặt Trời và quỹ đạo của các hành tinh. Ông không chỉ mô tả được chuyển động của các hành tinh quanh Mặt Trời, mà còn giải thích tại sao chúng chuyển động như vậy. Ông làm được điều này một phần là nhờ cái mà ta gọi là động lực học của Galilei." "Thế thì các hành tinh cũng lăn trên mặt phẳng nghiêng à?" "Gần như vậy. Nhưng đợi một chút đã, Sophie." "Em có lựa chọn nào đâu?" "Kepler cũng đã chỉ ra rằng phải có một lực làm các thiên thể thu hút lẫn nhau. Thí dụ, phải có lực Mặt Trời để giữ chặt các hành tinh trong quỹ đạo của chúng. Hơn nữa, chính lực đó giải thích được tại sao các hành tinh giảm dần vận tốc khi chuyển động ra xa Mặt Trời. Kepler còn tin rằng thuỷ triều lên xuống là do lực mặt trăng." "Và điều này thì đúng." "Đúng vậy. Nhưng Galilei lại bác bỏ thuyết này. Ông ta đã mỉa mai Kepler rằng Kepler là người cho phép Mặt Trăng điều khiển nước. Đó là do Galilei bác bỏ tư tưởng rằng lực hấp dẫn có thể có tác dụng từ khoảng cách xa, thậm chí lại còn có tác dụng giữa các thiên thể." "Ông ấy sai ở chỗ đó." "Phải, tại chính điểm đó. Và điều thật sự buồn cười vì ông ta đã rất chú tâm đến lực hấp dẫn của Trái Đất và các vật thể rơi. Ông thậm chí còn cho thấy lực khi bị tăng lên có thể điều khiển chuyển động của một vật như thế nào." "Nhưng thầy đang nói về Newton mà." "Ừ, Newton xuất hiện. Ông thiết lập cái mà ta gọi là Định luật Vạn vật Hấp dẫn. Định luật này phát biểu rằng mọi cặp vật thể đều hút nhau với một lực tăng theo tỷ lệ với khối lượng của chúng và giảm theo tỷ lệ với khoảng cách giữa chúng." "Em nghĩ là em hiểu rồi. Ví dụ, lực hút giữa hai con voi lớn hơn lực hút giữa hai con chuột. Và giữa hai con voi trong cùng một chuồng thú có lực hút lớn hơn là giữa một con voi ở Ấn Độ và một con voi ở châu Phi." "Em hiểu rồi đấy. Và bây giờ là điểm trọng tâm. Newton đã chứng minh rằng lực hấp dẫn này là tổng quát trong cả vũ trụ, nghĩa là nó đúng cho mọi nơi, cả trong không gian, giữa các thiên thể. Người ta kể rằng ông đã nảy ra ý tưởng này khi đang ngồi dưới một cây táo. Khi nhìn thấy một quả táo rơi từ trên cây, ông đã phải tự hỏi có phải Mặt Trăng cũng bị kéo về phía Trái Đất bởi cùng một lực, và có phải đây là lý do tại sao Mặt Trăng tiếp tục quay quanh Trái Đất mãi mãi." "Thông minh đấy. Nhưng thật ra là không thông minh lắm." "Tại sao không?"   "Nếu Mặt Trăng cũng bị kéo về phía Trái Đất bởi cùng một lực đã làm quả táo rơi, thì thay vì quay quanh Trái Đất mãi mãi, một ngày nào đó Mặt Trăng sẽ rơi xuống và đâm sầm vào Trái Đất."   "Điều đó đưa chúng ta đến với định luật của Newton về quỹ đạo các hành tinh. Về chuyện Trái Đất hút Mặt Trăng, em đã đúng một nửa và sai một nửa. Tại sao Mặt Trăng không rơi xuống đất? Lực hút giữa Trái Đất và Mặt Trăng quả thực rất mạnh. Chỉ cần nghĩ đến lực cần thiết để dâng nước biển lên một hoặc hai mét khi triều cường là đủ." "Em không cho là em đã hiểu." "Hãy nhớ lại mặt phẳng nghiêng của Galileo. Chuyện gì xảy ra khi tôi lăn hòn bi theo chiều ngang?" "Có hai lực cùng tác động lên Mặt Trăng?" "Chính xác! Ngày xửa ngày xưa, khi Hệ Mặt Trời hình thành, Mặt Trăng bị bắn ra ngoài - nghĩa là ra xa khỏi Trái Đất - bằng một lực cực mạnh. Lực này sẽ giữ hiệu lực mãi mãi vì nó chuyển động trong chân không, không có gì cản..." "Nhưng nó cũng bị hút về phía Trái Đất vì lực hấp dẫn, phải không ạ?" "Chính thế. Hai lực này là hằng số và cả hai đều tác động cùng lúc. Do vậy, Mặt Trăng sẽ tiếp tục chuyển động theo quỹ đạo quanh Trái Đất." "Thực sự chỉ đơn giản thế thôi ạ?" "Chỉ đơn giản như vậy, và chính sự đơn giản này là điểm mấu chốt của Newton. Ông đã chứng tỏ rằng có một vài định luật tự nhiên áp dụng cho toàn bộ vũ trụ. Khi tính toán quỹ đạo của các hành tinh, ông đã chỉ dùng đến hai định luật tự nhiên mà Galileo đã đưa ra. Một là định luật quán tính mà Newton phát biểu lại là: 'Một vật thể giữ nguyên trạng thái đứng yên hoặc chuyển động đều cho đến khi phải chuyển trạng thái vì một lực tác dụng lên nó.' Định luật kia đã được Galileo biểu diễn bằng mặt phẳng nghiêng: Khi hai lực cùng tác dụng lên một vật thể, vật thể đó sẽ chuyển động theo một đường hình elip."   "Và đó là cách Newton giải thích tại sao tất cả các hành tinh đều chuyển động quanh Mặt Trời." "Đúng. Các hành tinh đều chuyển động trên quỹ đạo hình elip quanh Mặt Trời do kết quả của hai chuyển động khác nhau: thứ nhất là chuyển động đều mà nó nhận được khi Hệ Mặt Trời hình thành, và thứ hay là chuyển động về phía Mặt Trời do lực hấp dẫn." "Rất thông minh." "Rất rất thông minh. Newton chứng tỏ rằng các định luật về các vật thể chuyển động đó đúng cho mọi nơi trong cả vũ trụ. Như vậy, ông đã phá bỏ niềm tin thời Trung Cổ rằng có một bộ luật dành cho trời và một bộ luật khác cho đất. Quan điểm nhật tâm về thế giới đã tìm được sự khẳng định cuối cùng và lời giải thích cuối cùng." Alberto đứng dậy cất cái mặt phẳng nghiêng. Ông nhặt viên bi và đặt lên bàn giữa hai người. Sophie thầm nghĩ, thật đáng ngạc nhiên khi họ đã rút ra bao nhiêu điều từ một mảnh gỗ xiên và một hòn bi. Khi nhìn hòn bi xanh vẫn còn lấm mực, cô không thể không nghĩ về quả cầu Trái Đất. Cô nói, "Và người ta không còn cách nào khác ngoài việc phải chấp nhận rằng mình đang sống trên một hành tinh ngẫu nhiên ở đâu đó trong không gian?" "Đúng vậy - cách nhìn mới về thế giới là một cú rất nặng theo nhiều khía cạnh. Tình thế đó có thể so sánh với những gì xảy ra sau này, khi Darwin chứng minh rằng loài người đã tiến hoá lên từ động vật. Trong cả hai trường hợp, loài người đều mất một chút vị thế đặc biệt trong tạo hoá. Và trong cả hai trường hợp, Nhà thờ đã phản đối kịch liệt." "Điều đó thì em có thể hiểu được. Vì trong cái thứ mới mẻ này thì Chúa Trời ở chỗ nào? Khi Trái Đất là trung tâm còn Chúa và các hành tinh ở trên đầu thì chuyện đơn giản hơn nhiều." Nhưng đó không phải là thách thức lớn nhất. Khi Newton đã chứng minh được rằng các định luật tự nhiên áp dụng cho mọi nơi trong vũ trụ, người ta có thể cho rằng bằng cách đó ông đã làm hại đến niềm tin của mọi người vào quyền năng tuyệt đối của Chúa Trời. Nhưng đức tin của chính Newton lại không hề lung lay. Ông coi các định luật tự nhiên là bằng chứng về sự tồn tại của Chúa Trời vĩ đại và toàn năng. Có thể là bức tranh của con người về chính mình đã tiến triển theo chiều hướng xấu đi." "Nghĩa là sao ạ?" "Bắt đầu từ thời Phục Hưng, con người phải làm quen với việc sống trên một hành tinh ngẫu nhiên trong một thiên hà mênh mông. Tôi không dám chắc là ngay cả đến giờ chúng ta đã hoàn toàn chấp nhận chuyện đó hay chưa. Nhưng ngay từ thời Phục Hưng, đã có những người nói rằng từng cá nhân trong chúng ta có một vị trí trung tâm hơn trước kia." "Em không hiểu lắm." "Trước đó, Trái Đất là trung tâm của thế giới. Nhưng từ khi các nhà thiên văn học nói rằng vũ trụ không có một trung tâm tuyệt đối, xuất hiện tư tưởng rằng có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu trung tâm vũ trụ. Mỗi con người có thể là trung tâm của một vũ trụ." "À, em hiểu rồi." "Thời Phục Hưng đã tạo ra một sự sùng đạo mới. Khi triết lý và khoa học dần dần tách ra khỏi thần học, một lòng mộ đạo Ki Tô giáo mới đã phát triển. Rồi thời Phục Hưng đến với quan niệm mới về con người. Điều đó ảnh hưởng lên đời sống tôn giáo. Giờ đây, quan hệ cá nhân của mỗi người với Chúa quan trọng hơn quan hệ của anh ta với nhà thờ như là một tổ chức." "Có phải như việc tự cầu nguyện mỗi tối chẳng hạn?" "Đúng vậy. Trong nhà thờ Công giáo thời Trung Cổ, sách nghi lễ viết bằng tiếng Latin, và các bài kinh cầu nguyện nghi lễ đã là xương sống của thánh lễ. Chỉ có các tu sĩ và linh mục đọc Kinh thánh vì nó chỉ có bằng tiếng Latin. Nhưng thời Phục Hưng, Kinh thánh đã được dịch từ tiếng Hy Lạp và Hebrew sang ngôn ngữ của các dân tộc. Đó là trung tâm của cái mà ta gọi là phong trào Kháng Cách." "Martin Luther..." "Đúng, Martin Luther là một nhân vật  quan trọng, nhưng ông không phải là nhà cải cách duy nhất. Trong Giáo Hội còn có những nhà cải cách chọn con đường ở lại với Giáo hội Công giáo La Mã. Một trong số họ là Erasmus của Rotterdam." "Luther đã ra khỏi Giáo hội Công giáo vì ông ta không muốn mua sự xá tội, đúng không ạ?"   "Đúng, đó là một trong các lý do. Còn một lý do quan trọng hơn. Theo Luther, người ta không cần nhờ nhà thờ hay linh mục làm trung gian để có thể được Chúa Trời xá tội. Sự xá tội của Chúa cũng không phụ thuộc vào việc mua 'sự xá tội' từ nhà thờ. Việc mua bán những cái gọi là thư xá tội đã bị nhà thờ Công giáo cấm từ giữa thế kỷ thứ XVI" "Chắc Chúa đã lấy làm mừng về chuyện đó." Nói chung, Luther đã tách mình ra khỏi nhiều tập tục và tín lý tôn giáo đã bắt nguồn từ lịch sử giáo hội trong thời Trung Cổ. Ông muốn quay lại với Ki Tô giáo thời kỳ đầu như trong kinh Tân Ước. Ông nói 'Chỉ Kinh thánh mà thôi.' Bằng khẩu hiệu này, ông muốn quay lại với 'cội nguồn' của Ki Tô giáo, cũng như các nhà nhân văn thời Phục Hưng muốn trở lại với cội nguồn cổ xưa của văn hoá và nghệ thuật. Luther đã dịch Kinh thánh sang tiếng Đức và từ đó đặt nền móng cho ngôn ngữ viết tiếng Đức. Ông tin rằng mỗi người nên có khả năng đọc được Kinh thánh và như vậy theo một nghĩa nào đó đã trở thành linh mục của chính mình." "Linh mục của chính mình? Chẳng phải như thế là đã đi hơi xa quá rồi sao?" Ý ông là linh mục không có vị trí ưu đãi trong mối quan hệ với Chúa. Các hội đoàn tín hữu phái Luther sử dụng linh mục cho các lý do thực tiễn, chẳng hạn để hành lễ và chăm lo các công việc hành chính thường ngày, còn Luther không tin rằng có ai đó có thể nhận đuợc sự ân xá và chuộc tội từ các nghi lễ nhà thờ. Ông nói rằng con người nhận được sự xá tội 'miễn phí' nhờ mỗi đức tin mà thôi. Đó là niềm tin mà ông đã có được từ việc đọc Kinh thánh." "Như vậy Luther cũng là một con người Phục Hưng điển hình?" "Đúng và không đúng. Có một đặc điểm mang tính Phục Hưng là việc ông nhấn mạnh vào từng cá nhân và mối quan hệ riêng của từng cá nhân đối với Chúa. Ông tự học tiếng Hy Lạp vào tuổi 35 và bắt đầu công trình miệt mài dịch Kinh thánh từ bản Hy Lạp cổ sang tiếng Đức. Cho phép ngôn ngữ của dân chúng được ở một vị thế cao hơn tiếng Latin cũng là một đặc điểm của Phục Hưng. Nhưng Luther không phải là một nhà nhân văn chủ nghĩa như Ficino hay Leonardo da Vinci. Ông còn bị các nhà nhân văn, chẳng hạn như Erasmus của Rotterdam, phản đối, bởi họ cho rằng quan điểm của ông về con người là quá tiêu cực; Luther đã tuyên bố rằng con nguời đã hoàn toàn suy đồi kể từ sự "Sa ngã của loài người". Ông tin rằng con người chỉ có thể được 'phục hồi công chính' nhờ hồng ân của Chúa. Vì cái giá phải trả cho tội lỗi là cái chết." "Nghe thật tăm tối." Alberto đứng dậy, ông cất hòn bi nhỏ màu xanh vào túi áo. "Hơn bốn giờ rồi!" Sophie hoảng hốt kêu lên. "Và kỷ nguyên vĩ đại tiếp theo của lịch sử nhân loại là thời Baroque. Nhưng chúng ta sẽ để dành cho một hôm khác, Hilde yêu quý." "Thầy vừa nói gì?" Sophie đứng phắt dậy từ cái ghế bành cô đang ngồi. "Thầy gọi em là Hilde!" "Đó là một câu buột miệng nghiêm trọng." "Nhưng buột miệng không bao giờ là tình cờ hoàn toàn cả." "Có lẽ em đúng. Em đã nhận thấy rằng cha của Hilde đã bắt đầu mớm lời cho chúng ta. Tôi nghĩ ông ta đang lợi dụng việc chúng ta đang trở nên mệt mỏi và không tự vệ được tốt lắm." "Thầy đã từng nói rằng thầy không phải bố của Hilde. Điều đó có thật không?" Alberto gật đầu. "Nhưng em có phải là Hilde không?" "Tôi mệt rồi, Sophie à. Em phải hiểu điều đó. Chúng ta đã ngồi đây hơn hai tiếng đồng hồ và tôi nói là chính. Em không phải về ăn tối sao?" Sophie cảm thấy ông gần như đang cố quẳng cô ra khỏi nhà. Cô vừa bước ra cái sảnh nhỏ vừa suy nghĩ rất lung tung về chuyện tại sao ông lại buột miệng như vậy. Alberto ra tiễn cô. Hermes đang nằm ngủ dưới một dãy mắc treo những bộ đồ trông kỳ quặc như trang phục nhà hát. Alberto gật đầu về phía con chó và nói: "Nó sẽ đến tìm em." "Em cảm ơn thầy về bài học." Sophie nói Cô chợt ôm choàng Alberto. "Thầy là thầy giáo triết học giỏi nhất và tốt bụng nhất mà em từng gặp," cô nói. Dứt lời, cô mở cửa cầu thang. Khi cửa đóng, Alberto nói, "Không lâu nữa chúng ta sẽ gặp lại nhau, Hilde à." Sophie còn lại có một mình với những lời đó. Lại buột miệng, thật quá quắt! Sophie chỉ muốn quay lại đập thật mạnh lên cửa. Nhưng có cái gì đó giữ cô lại. Xuống đến phố, cô chợt nhớ mình không mang theo đồng nào. Cô sẽ phải cuốc bộ suốt đoạn đường dài về nhà. Thật rắc rối! Mẹ cô sẽ vừa bực vừa lo nếu cô không về đến nhà trước sáu giờ, đó là điều chắc chắn. Đi chưa được vài chục mét, cô bỗng nhìn thấy một đồng xu trên vỉa hè. Đó là một đồng 10 cu-ron - đúng bằng giá một chiếc vé xe buýt. Sophie tìm đường đến bến xe buýt và đợi xe về Quảng trường Chính. Từ đó, cô có thể dùng chính chiếc vé đó để bắt một chiếc xe buýt khác về đến tận gần cổng nhà mình. Đến khi đứng trên Quảng trường Chính đợi chiếc xe buýt thứ hai, cô mới bắt đầu tự hỏi vì sao cô đã may mắn đến nỗi nhặt được đồng xu đúng lúc cần đến nó. Bố của Hilde đã để nó ở đó chăng? Ông ta là một chuyên gia trong việc để đồ tại những nơi thuận tiện nhất. Nhưng nếu ông ta đang ở Lebanon thì ông ta làm chuyện đó thế nào được? Và tại sao Alberto lại buột miệng? Không chỉ là một mà những hai lần! Sophie rùng mình. Cô cảm thấy một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng. THỜI BAROQUE ... những chất liệu làm nên giấc mơ... Mấy ngày liền, Sophie không nhận được tin tức gì của Alberto, nhưng chốc chốc cô lại liếc mắt ra vườn, hy vọng thấy bóng Hermes. Cô bảo mẹ rằng con chó đã tìm thấy đường về nhà, và cô đã được người chủ nó, một cựu giáo viên vật lý, mời vào chơi. Ông đã kể với Sophie về Hệ Mặt Trời và môn khoa học mới đã phát triển vào thế kỷ XVI. Cô kể cho Joanna nhiều hơn. Cô kể tất cả về cuộc viếng thăm Alberto, tấm bưu ảnh trong hộp thư, và đồng 10 cu-ron cô nhặt được trên đường về nhà. Cô giữ lại giấc mơ về Hilde và sợi dây chuyền vàng gắn thánh giá cho riêng mình. Thứ Ba, 29 tháng Ba, Sophie đang đứng rửa bát trong bếp. Mẹ cô đã vào phòng khách để xem bản tin thời sự. Khi đoạn nhạc dạo đầu chìm dần, từ trong bếp, cô nghe thấy rằng một thiếu tá thuộc tiểu đoàn Liên hợp quốc của Na Uy đã bị giết bởi một mảnh đạn. Sophie quẳng khăn lau bát xuống bàn và lao vào phòng khách. Cô chỉ vừa kịp nhìn thoáng khuôn mặt người sĩ quan Liên hợp quốc trong vài giây trước khi bản tin chuyển sang tin tức khác.   "Ôi không!" cô kêu lên. Mẹ cô quay lại. "Ừ, chiến tranh là một thứ kinh khủng!" Sophie bật khóc. "Kìa Sophie, không đến nỗi thế đâu!" "Người ta có nói tên của ông ta không ạ?" "Có, nhưng mẹ không nhớ. Ông ta là nguời vùng Grimstad, mẹ nghĩ thế." "Không phải Lillesand chứ ạ?" "Không, con đang suy nghĩ ngốc nghếch gì thế." "Nhưng nếu một người sinh ra ở Grimstad, người đó cũng có thể đi học ở Lillesand." Cô đã nín khóc, bây giờ đến lượt mẹ cô phản ứng. Bà đứng dậy và tắt TV. "Chuyện gì xảy ra thế, Sophie?" "Chẳng có gì cả." "Có đấy. Con có bạn trai, và mẹ bắt đầu nghĩ là anh ta già hơn con rất nhiều. Trả lời mẹ nào: Con quen với một người đàn ông ở Lebanon à?" "Không, không hẳn..." "Con đã gặp con trai của ai đó ở Lebanon?" "Không, con chưa. Con còn chưa gặp được con gái của ông ấy." "Con gái của ai?" "Chuyện này không liên quan đến mẹ đâu." "Mẹ nghĩ là có đấy." "Có lẽ con nên bắt đầu đặt câu hỏi vậy. Tại sao bố chẳng bao giờ ở nhà? Có phải vì mẹ không dám ly dị không? Có thể mẹ có bồ và mẹ không muốn bố và con biết chuyện, vân vân và vân vân. Chính con cũng có cả một đống câu hỏi." "Mẹ nghĩ là mình cần nói chuyện." "Có lẽ thế. Nhưng bây giờ con mệt lắm, con muốn đi nằm. Và con sắp đến kỳ kinh nguyệt." Cô chạy lên phòng; cảm thấy mình muốn khóc. Vừa chui vào giường nằm cuộn tròn trong chăn thì mẹ cô vào phòng. Sophie giả bộ đang ngủ, dù cô biết mẹ chẳng tin. Tuy nhiên, mẹ cô làm như tin cô đang ngủ. Bà ngồi xuống giường và vuốt tóc con gái. Sophie thầm nghĩ: thật rắc rối phức tạp khi phải sống hai cuộc đời một lúc. Cô bắt đầu mong khoá triết học chóng kết thúc. Có lẽ nó sẽ kết thúc vào ngày sinh nhật của cô - hoặc ít nhất là ngày Hội Mùa Hè, khi bố của Hilde từ Lebanon trở về nhà..." "Con muốn tổ chức tiệc sinh nhật." Cô bỗng nói. "Tuyệt! Con sẽ mời những ai?" "Rất nhiều người... có được không ạ?" "Tất nhiên rồi. Nhà mình có vườn rộng. Hy vọng đến hôm đó trời vẫn đẹp." "Con muốn tổ chức vào tối ngày Hội Mùa Hè." "Được rồi." "Đó là một ngày rất quan trọng," Sophie nói, cô không chỉ nghĩ đến ngày sinh của mình. "Chắc chắn rồi." "Con cảm thấy là dạo này con đã lớn lên nhiều." "Thế thì rất tốt, phải không nào?" "Con cũng không biết nữa." Sophie vẫn vùi mặt trong gối trong khi nói. Giờ thì mẹ cô nói "Sophie, con phải kể cho mẹ xem tại sao dạo này con lại có vẻ mất thăng bằng đến vậy."  "Hồi mẹ 15 tuổi, mẹ không giống con sao?"  "Có thể. Nhưng con hiểu mẹ muốn nói gì."  Sophie chợt quay đầu về phía mẹ cô. "Con chó tên là Hermes". Cô nói.  "Thế à?"  "Chủ của nó là một người đàn ông tên là Alberto."  "Ừ"  "Ông ấy sống ở Khu phố Cổ."  "Con đi với con chó suốt cả từng ấy đường?"  "Việc đó chẳng có gì nguy hiểm cả."  "Con bảo rằng con chó hay đến đây?"  "Con đã nói như vậy à?"  Giờ thì cô phải suy tính. Cô muốn kể càng nhiều càng tốt, nhưng không thể kể tất cả.  "Mẹ hầu như chẳng bao giờ ở nhà," cô đánh liều.  "Mẹ quá bận việc mà."  "Alberto và Hermes đã đến đây rất nhiều lần."  "Để làm gì? Họ có vào nhà không?"  "Mẹ hỏi từng câu một thôi. Họ chưa lần nào vào nhà. Nhưng họ thường đi dạo trong rừng. Như thế có bí hiểm lắm không?"  "Không, không hề."  "Họ đi ngang qua cổng nhà mình như tất cả những người đi dạo khác. Một hôm, khi đi học về, con đã nói chuyện với con chó. Thế là con quen Alberto." "Thế còn chuyện con thỏ trắng và những thứ linh tinh khác?" "Alberto đã nói về những chuyện đó. Ông ấy là một nhà triết học thực thụ. Ông đã kể cho con về tất cả các nhà triết học." "Chỉ đơn giản là nói chuyện qua hàng rào thôi à?" "Ông ấy còn viết thư cho con, thực ra là rất nhiều lần. Thỉnh thoảng ông ấy gửi qua bưu điện, khi lại bỏ thẳng vào hộp thư trên đường đi dạo." "Thì ra đó chính là "bức thư tình" mà mẹ con mình đã nói đến." "Chỉ có điều đó không phải là thư tình." "Ông ta chỉ viết về triết học thôi à?" "Vâng, mẹ có thể tưởng tượng được không! Con đã học được từ ông ấy nhiều hơn cả những gì con đã học trong tám năm đến trường. Thí dụ, mẹ có biết về Giordano Bruno, người đã bị thiêu sống năm 1600, hay về Định luật vạn vật hấp dẫn của Newton không?" "Không, có nhiều thứ mẹ không biết." "Con cá là mẹ thậm chí còn không biết tại sao Trái Đất quay quanh Mặt Trời - và nó là hành tinh của chính mẹ!" "Ông ta khoảng bao nhiêu tuổi?" "Con chịu - có lẽ khoảng 50." "Nhưng ông ấy liên quan gì đến Lebanon?" Khó thật. Sophie cố nghĩ. Cô chọn câu chuyện dễ nghe nhất. "Alberto có một người em là thiếu tá trong tiểu đoàn Liên hợp quốc. Ông ấy sống ở Lillesand. Có lẽ ông ấy chính là ông thiếu tá đã từng sống ở căn nhà nhỏ trong rừng." "Cái tên Alberto nghe hơi kỳ kỳ nhỉ?" "Chắc thế." "Nghe như tiếng Ý." "À, gần như tất cả những gì quan trọng đều bắt nguồn từ Hy Lạp hoặc Ý." "Nhưng ông ta nói tiếng Na Uy đấy chứ?" "Ồ vâng, rất nhuần nhuyễn." "Con biết không, Sophie - mẹ nghĩ là con nên mời Alberto đến nhà mình chơi một hôm. Mẹ chưa bao giờ gặp một nhà triết học thực sự." "Để rồi con xem thế nào." "Có lẽ mình có thể mời ông ấy đến dự sinh nhật của con. Già trẻ lẫn lộn có khi sẽ vui đấy. Nếu thế thì mẹ cũng có thể dự nữa. Ít nhất mẹ cũng có thể giúp chuyện phục vụ ăn uống. Ý kiến đó được đấy chứ?" "Nếu ông ấy muốn. Dù sao thì nói chuyện với ông ấy cũng thú vị hơn là tán dóc với bọn con trai cùng lớp. Chỉ có điều..." "Gì cơ?" "Bọn nó có thể tức lên và cho rằng Alberto là bạn trai mới của con." "Thế thì con chỉ cần bảo là không phải như vậy." "Mình sẽ phải tính xem đã." "Ừ, mình sẽ tính. À Sophie này, đúng là chuyện giữa bố và mẹ không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Nhưng chưa bao giờ có ai khác..." "Con phải đi ngủ bây giờ. Con đau bụng lắm." "Con có cần uống một viên aspirin không?" "Có ạ, mẹ lấy cho con với." Khi mẹ cô quay lại với viên thuốc và một cốc nước thì Sophie đã ngủ thiếp. Ngày 31 tháng Năm là thứ Năm. Sophie khổ sở ngồi cho qua giờ học buổi chiều ở trường. Từ khi bắt đầu khóa triết học, cô trở nên khá hơn trong một số môn học. Thường thì điểm số của cô cho hầu hết các môn đã khá tốt. Nhưng gần đây, điểm của cô còn cao hơn nữa, chỉ trừ môn toán. Tiết cuối cùng, thầy trả bài. Chủ đề Sophie đã chọn là "Con người và Công nghệ". Cô đã viết rất nhiều về thời Phục Hưng và bước đột phá khoa học, quan điểm mới về thiên nhiên, và Francis Bacon, người đã nói rằng tri thức là sức mạnh. Cô đã rất cẩn thận viết rõ rằng phương pháp thực nghiệm đã xuất hiện trước các phát triển công nghệ. Rồi cô viết về một số thứ thuộc về công nghệ nhưng không được tốt lắm đối với xã hội. Cô kết thúc bằng một đoạn viết về thực tế rằng mọi việc người ta làm đều có thể được dùng cho điều thiện và điều ác. Thiện và ác cũng như một sợi chỉ trắng và một sợi chỉ đen cũng bện thành một sợi duy nhất. Đôi khi chúng bện vào nhau chặt đến mức không thể gỡ ra được. Khi thầy trả vở bài tập, ông nháy mắt với Sophie. Cô được điểm A và lời phê: "Em học những điều này từ đâu vậy?". Khi thầy vẫn đứng đó, cô lấy bút chì ra viết một dòng chữ in hoa lên mép vở: EM ĐANG HỌC TRIẾT HỌC. Khi cô gập vở lại, có cái gì đó rơi ra từ bên trong. Đó là một tấm bưu ảnh từ Lebanon: Hilde yêu quí. Khi con đọc những dòng này, thì bố con mình đã nói chuyện qua điện thoại về cái chết bi thảm ở đây. Đôi khi bố tự hỏi nếu trước kia người ta đã suy nghĩ kỹ hơn một chút thì có tránh được cuộc chiến tranh này hay không. Có lẽ phương thuốc tốt nhất chống lại bạo lực sẽ là một khóa học ngắn về triết học. Một "cuốn sách triết học nhỏ của Liên hợp quốc" thì sao nhỉ? Mỗi công dân mới của thế giới sẽ được tặng một bản bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Bố sẽ đề xuất ý tưởng này với Tổng thư ký Liên hợp quốc. Qua điện thoại, con kể là con đã tiến bộ trong việc sắp xếp đồ đạc của mình. Bố rất mừng, vì con là người bừa bãi nhất mà bố từng gặp. Rồi con kể là từ lần nói chuyện trước, con chỉ đánh mất duy nhất một đồng 10 cu-ron. Bố sẽ giúp con tìm thấy nó. Tuy bố ở xa, nhưng bố có người giúp đỡ ở nhà. (Nếu tìm thấy tiền bố sẽ để nó vào quà sinh nhật cho con.) Yêu con nhiều. Bố cảm thấy như mình đã bắt đầu chuyến đi dài về nhà. Sophie vừa đọc xong tấm bưu ảnh thì chuông tan học vang lên. Suy nghĩ của cô lại rối loạn. Joanna đang đợi dưới sân trường. Trên đường về, Sophie mở cặp và cho Joanna xem tấm bưu ảnh mới nhất. "Nó đóng dấu bưu điện ngày nào vậy?" Joanna hỏi. "Có lẽ là ngày 15 tháng Sáu..." "Không, xem này...30/5/90." "Đó là hôm qua... một ngày sau cái chết của người thiếu tá ở Lebanon." "Tớ nghi ngờ chuyện một tấm bưu ảnh từ Lebanon có thể tới đây trong vòng một ngày," Joanna nói. "Nhất là lại với cái địa chỉ khá kỳ quặc: Hilde MØller Knag, c/o Sophie Amundsen, trường cấp hai Furulia..." "Cậu có cho rằng nó đến bằng đường bưu điện không? Và thầy vừa nhét nó vào quyển vở của cậu?" "Chịu. Tớ còn không biết tớ có dám hỏi câu đó không nữa." Họ không nói gì thêm về tấm bưu ảnh. "Tớ sẽ tổ chức một bữa tiệc trong vườn vào đêm Hội Mùa Hè," Sophie nói. "Mời bọn con trai đến?" Sophie nhún vai. "Mình không phải mời cả những thằng ngốc nhất." "Nhưng cậu sẽ mời Jeremy chứ?" "Nếu cậu muốn. Nhân tiện, tớ sẽ mời Alberto Knog." "Cậu điên à!" "Ừ." Cuộc trò chuyện chỉ đi đến đây trước khi họ chia tay gần siêu thị. Về đến nhà, việc đầu tiên là Sophie nhìn xem Hermes có trong vườn không. Kia rồi, nó đang đánh hơi quanh mấy cây táo. "Hermes!" Con chó đứng lặng một giây. Sophie biết chính xác những gì xảy ra trong giây đồng hồ đó: con chó nghe tiếng gọi, nhận ra giọng cô, và quyết định nhìn xem cô có ở đó không. Tiếp đến, nhìn thấy Sophie, nó bắt đầu chạy về phía cô. Cuối cùng thì cả bốn chân nó vung liến thoắng như những cái dùi trống. Đó thực ra khá là nhiều thứ trong một giây. Nó lao tới, vẫy đuôi rối rít, và chồm lên liếm mặt cô. "Khôn lắm, Hermes! Yên nào, yên nào. Mày làm bẩn hết tao rồi. Ngồi xuống! Thế!" Sophie vào nhà. Sherekan nhảy ra khỏi bụi rậm chạy đến. Nó rất không thích kẻ lạ mặt. Sophie lấy thức ăn cho mèo, đổ kê vào cốc cho mấy con vẹt, lấy một lá xà lách cho rùa, và viết một mẩu giấy nhắn cho mẹ. Cô viết rằng cô đưa Hermes về và sẽ về nhà lúc 7 giờ. Họ bắt đầu đi xuyên thành phố. Lần này Sophie nhớ đem theo tiền. Cô tự hỏi không biết mình có nên đi xe buýt cùng Hermes hay không, và quyết định là cô nên đợi để hỏi Alberto thì hơn. Cuốc bộ theo sau Hermes, cô nghĩ về chuyện một con vật thực chất là cái gì. Có những gì khác nhau giữa một con chó và một con người? Cô nhớ lại lời của Aristotle. Ông nói rằng người và động vật đều là sinh vật sống của tự nhiên với rất nhiều đặc điểm chung. Nhưng có một điểm khác biệt rõ rệt giữa người và động vật, đó là lý tính của con người. Ông ta làm thế nào để biết chắc được điều đó? Democritus thì khác, ông cho rằng người và vật đều khá giống nhau vì cùng cấu tạo từ các nguyên tử. Và ông không cho rằng người hay vật có linh hồn bất tử. Theo ông, linh hồn cấu tạo từ các nguyên tử mà khi người ta chết đi chúng sẽ rải vào trong gió. Ông ta là một trong số những người nghĩ rằng linh hồn của một con người gắn bó không rời với bộ não. Nhưng linh hồn cấu tạo từ các nguyên tử sao được? Linh hồn đâu phải cái mà ta có thể sờ thấy như các phần khác của cơ thể. Nó là cái gì đó "thuộc về tinh thần". Họ đã đi qua Quảng trường Chính và đang đến gần Khu phố Cổ. Khi họ đến vỉa hè nơi Sophie đã tìm thấy đồng tiền, cô máy móc nhìn xuống mặt đường. Và ở đó, chính nơi cô đã cúi xuống nhặt đồng tiền , có một tấm bưu ảnh với mặt có ảnh ngửa lên trên. Bức ảnh có hình một khu vườn trồng cọ và cam. Sophie cúi xuống nhặt. Hermes bắt đầu gầm gừ như thể nó không thích Sophie đụng đến tấm bưu ảnh. Tấm bưu ảnh viết: Hilde yêu quí. Cuộc sống là một chuỗi dài những sự trùng hợp ngẫu nhiên. Không phải hoàn toàn không thể xảy ra chuyện đồng 10 cu-ron con đánh mất lại xuất hiện tại chính chỗ này. Có thể một cụ già đã tìm thấy nó trên quảng trường ở Lillesand, lúc đó cụ đang đợi xe buýt đến Kristiansand, cụ đi tàu đến thăm cháu, và nhiều giờ, nhiều giờ sau, cụ đánh rơi đồng tiền đó tại đây, trên Quảng trường Mới. Sau đó, hoàn toàn có khả năng là chính đồng tiền đó đã được một cô bé tìm thấy, cô đang rất cần nó để đi xe buýt về nhà. Con chẳng bao giờ có thể biết được, Hilde à. Nhưng nếu sự thực quả là như vậy thì người ta chắc chắn phải đặt câu hỏi liệu có quyền năng của Chúa ở đằng sau mọi chuyện. Yêu con nhiều, Bố - người mà hồn đang ngồi trên cầu tàu trước nhà ở Lillesand. T.B. Bố đã nói là bố sẽ giúp con tìm đồng 10 cu-ron. Phần địa chỉ ghi: "Hilde MØller Knag, c/o một người qua đường...". Dấu bưu điện đóng ngày 15/6/90. Sophie chạy lên thang theo sau Hermes. Alberto vừa mở cửa, cô nói ngay: "Tránh đường! Người đưa thư đây." Cô thấy mình có đầy đủ lý do để bực tức. Alberto đứng tránh sang bên khi cô xông vào. Hermes lại đến nằm dưới đám mắc áo như lần trước. "Ngài thiếu tá vừa trình một tấm danh thiếp nữa hả bé?" Sophie nhìn lên và thấy ông đang mặc một bộ trang phục khác. Ông đội một bộ tóc giả vừa dài vừa xoăn, chiếc áo vét lùng thùng với một đống đăng-ten, quàng quanh cổ là một chiếc khăn lụa lòe loẹt. Bên ngoài áo vét là một cái áo choàng đỏ. Ông còn đi tất trắng và một đôi giày da mỏng có nơ. Bộ trang phục làm Sophie nhớ đến những bức tranh cô đã xem về triều đình của vua Louis XIV. "Đúng là hề!" cô nói và đưa tấm bưu ảnh cho ông. "Hừm... và quả thực em đã nhặt được đồng tiền tại chính nơi mà ông ta đã đặt tấm bưu ảnh này?" "Chính xác" "Ông ta càng ngày càng thô thiển. Nhưng có lẽ thế cũng tốt." "Tại sao ạ?" "Như vậy sẽ dễ lật mặt ông ta hơn. Nhưng cái trò này vừa tự cao vừa tự đại vừa nhạt nhẽo. Nó gần như bốc mùi nước hoa rẻ tiền." "Nước hoa?" "Nó cố tỏ ra trang nhã nhưng thật ra lại là đồ giả mạo. Em có thấy ông ta trơ tráo đến mức đi so sánh sự giám sát tồi tàn của mình đối với chúng ta với quyền năng của Chúa không?" Ông giơ tấm bưu ảnh lên rồi xé thành từng mảnh nhỏ. Để tránh làm ông thêm tức tối, Sophie quyết định không nhắc đến tấm bưu ảnh đã rơi ra từ quyển vở của cô. "Ta hãy vào và ngồi xuống. Mấy giờ rồi nhỉ?" "Bốn giờ." "Hôm nay chúng ta sẽ nói về thế kỷ XVII." Họ vào phòng khách , nơi có những bức tường nghiêng và cửa sổ trời. Sophie nhận thấy Alberto đã đặt những đồ vật khác vào chỗ của mấy thứ cô đã nhìn thấy lần trước. Trên bàn nước là một cái hộp cổ đựng một bộ các kiểu mắt kính. Bên cạnh là một cuốn sách đã mở sẵn, trông nó rất cũ kỹ. "Cái gì đấy ạ?" Sophie hỏi. "Đây là ấn bản đầu tiên của cuốn sách gồm các bài luận triết học của Descartes được xuất bản năm 1637, trong đó có nguyên bản bài Phương pháp Luận nổi tiếng. Một trong những tài sản quí giá nhất của tôi." "Thế còn cái hộp?" "Nó đựng một bộ thấu kính độc đáo - còn gọi là kính quang học. Spinoza, một nhà triết học người Hà Lan, đã mài chúng vào khoảng giữa những năm 1600. Chúng cực kỳ đắt tiền và cũng là một trong những báu vật giá trị nhất của tôi." "Chắc em sẽ hiểu rõ giá trị của chúng hơn nếu em biết Descartes và Spinoza là ai." "Tất nhiên rồi. Nhưng trước hết, ta hãy làm quen với thời kỳ của họ đã. Em ngồi xuống." Họ ngồi y như lần trước. Sophie trên ghế bành và Alberto trên đi văng. Giữa họ là cái bàn nước với quyển sách và hộp kính. Alberto tháo bộ tóc giả và đặt lên bàn viết. "Ta sẽ nói về thế kỷ XVII - hay ta thường gọi là thời kỳ Baroque." "Thời Baroque? Cái tên lạ thật!" "Từ 'baroque' bắt nguồn từ một từ được dùng để chỉ cho một viên ngọc trai có hình thù không đều. Sự bất qui tắc chính là đặc điểm của nghệ thuật Baroque. Thời này, nghệ thuật phong phú, đa dạng, nhiều thể đối lập hơn so với nghệ thuật hài hòa dễ hiểu của thời Phục Hưng. Cả thế kỷ XVII được đặc trưng bởi sự căng thẳng giữa những lực lượng đối lập không thể dung hòa được. Một bên là chủ nghĩa lạc quan Phục Hưng không suy giảm - bên kia lại có nhiều người tìm kiếm thái cực ngược lại: đời sống tôn giáo ẩn dật và khổ hạnh. Cả trong nghệ thuật và đời thường, ta gặp những hình thức tự biểu thị lòe loẹt phô trương, trong khi cũng lúc đó nổi lên một phong trào tu hành quay lưng lại với thế giới." "Nói cách khác là các cung điện kiêu hãnh và những tu viện hẻo lánh." "Đúng, em có thể nói như vậy. Một trong số những châm ngôn được ưa chuộng thời Baroque là thành ngữ Latin 'carpe diem' - 'hãy nắm lấy thời gian'. Một thành ngữ Latin khác đã được trích dẫn rộng rãi là 'memento mori', nghĩa là 'hãy nhớ rằng ta sẽ phải chết'. Trong nghệ thuật, một bức tranh có thể mô tả một cuộc sống vô cùng xa hoa, với một cái đầu lâu nhỏ vẽ ở góc tranh. "Theo nhiều nghĩa, thời Baroque được đặc trưng bởi sự phù hoa hay khoa trương giả tạo. Nhưng cùng lúc đó, có rất nhiều người quan tâm đến mặt bên kia của đồng xu; họ quan tâm đến bản chất phù du của sự vật. Đó là thực tế rằng, mọi vẻ đẹp xung quanh chúng ta một ngày nào đó sẽ biến mất." "Đúng vậy. Thật buồn khi nhận ra rằng chẳng có cái gì tồn tại mãi mãi." "Em nghĩ giống hệt như nhiều người của thế kỷ XVII. Thời Baroque còn là một thời kỳ của các mâu thuẫn chính trị. Châu Âu bị tàn phá bởi chiến tranh. Tồi tệ nhất là Chiến tranh Ba mươi năm hoành hành trên gần như toàn bộ lục địa từ năm 1618 đến năm 1648. Thực ra, đó là một chuỗi các cuộc chiến tranh đã gây thiệt hại đặc biệt nặng nề cho nước Đức. Nhờ không ít vào kết cục của Chiến tranh Ba mươi năm, Pháp dần dần trở thành thế lực chi phối Châu Âu." "Những cuộc chiến tranh đó về cái gì vậy?" "Chủ yếu là chiến tranh giữa Kháng Cách và Công giáo. Nhưng chúng cũng liên quan đến các thế lực chính trị nữa." "Ít nhiều giống như ở Lebanon, thầy nhỉ." "Bên cạnh chiến tranh, thế kỷ XVII còn là thời kỳ của sự phân biệt giai cấp. Tôi dám chắc em đã nghe nói về tầng lớp quý tộc Pháp và triều đình Versailles. Nhưng tôi không rõ em đã được nghe mấy về sự nghèo đói của nhân dân Pháp hay chưa. Nhưng nói tới sự phô trương của những gì nguy nga tráng lệ cũng là nói đến sự phô trương của quyền lực. Người ta thường nói rằng hoàn cảnh chính trị thời Baroque không khác với kiến trúc và nghệ thuật của thời này. Các tòa nhà kiểu Baroque được đặc trưng bởi nhiều ngóc ngách trang trí công phu. Theo một kiểu có phần tương tự, hoàn cảnh chính trị cũng có điển hình là những vụ âm mưu, mánh khóe và ám sát." "Có phải một ông vua Thụy Điển đã bị bắn chết trong nhà hát không ạ?" "Chắc em đang nghĩ về vua Gustav III, một ví dụ tốt về những gì tôi đang nói đến. Vụ ám sát Gustav III xảy ra vào tận năm 1792, nhưng hoàn cảnh thời đó khá là baroque. Ông bị giết khi đang tham dự một vũ hội hóa trang lớn." "Em lại tưởng ông ta đang ở nhà hát." "Vũ hội hóa trang lớn đó được tổ chức tại nhà hát Opera. Ta có thể nói rằng thời kỳ Baroque ở Thụy điển kết thúc tại vụ ám sát Gustav III. Vào thời ông đã có một điều luật về 'chế độ chuyên chế Khai Sáng', giống như điều luật tương tự trong triều đại Louis XIV gần một trăm năm trước. Gustav III còn là một người vô cùng phù phiếm, ông ngưỡng mộ mọi nghi lễ và cung cách cư xử kiểu Pháp. Ông cũng say mê nghệ thuật sân khấu..." "...và ông ta chết vì nó." "Đúng, nhưng sân khấu thời Baroque không chỉ là một hình thức nghệ thuật. Nó còn là biểu tượng thông dụng nhất của thời gian." "Biểu tượng của cái gì ạ?" "Của cuộc đời, Sophie à. Tôi không biết trong thế kỷ XVII đã bao lần người ta nói rằng 'Cuộc đời là một sân khấu'. Dù sao thì người đã rất hay nói như vậy. Thời Baroque đã khai sinh ra nghệ thuật kịch hiện đại - với đủ loại hình thức phông màn và thiết bị sân khấu. Trong nhà hát, người ta xây dựng một ảo tưởng trên sân khấu - để cuối cùng phơi bày rằng vở kịch trên sân khấu chỉ là một ảo tưởng. Như vậy, nghệ thuật sân khấu đã trở thành một phản ánh của cuộc sống con người nói chung. Nghệ thuật sân khấu có thể cho thấy 'lòng kiêu ngạo đến trước sự sa ngã', và thể hiện một chân dung tàn nhẫn của những nhược điểm của con người." "Có phải Shakespeare sống trong thời Baroque không ạ?" "Ông viết những vở kịch vĩ đại nhất vào khoảng năm 1600, như vậy ông đứng với một chân trong thời Phục Hưng và chân kia trong thời Baroque. Các tác phẩm của Shakespeare mang đầy những đoạn nói về cuộc đời giống như một sân khấu. Em có muốn nghe một vài đoạn không?" "Có ạ." "Trong vở As You Like It, ông viết: Cả thế gian là một sân khấu, Nơi cả đàn ông, đàn bà chỉ là các diễn viên, Họ ra, vào. Suốt cuộc đời mỗi người đóng nhiều vai diễn. "Và trong vở Macbeth, ông nói: Đời chỉ là một cái bóng ngang qua, Diễn viên tồi khệnh khạng đóng trò trên sân khấu, Và rồi yên lặng; chỉ là câu chuyện phiếm, Đầy âm thânh và cuồng nộ, kể bởi một thằng đần, Chẳng nghĩa lý gì." "Nghe bi quan quá!" "Ông đã bị ám ảnh bởi sự ngắn ngủi của cuộc sống. Chắc hẳn em đã biết câu nổi tiếng của Shakespeare?" "Tồn tại hay không tồn tại - đó là câu hỏi." "Đúng rồi, đó là lời của Hamlet. Một ngày kia, ta còn đang đi loanh quanh trên trái đất, và hôm sau, ta đã chết và tan biến mãi mãi." "Cảm ơn thầy, em hiểu rồi." "Khi không so sánh cuộc sống với một sân khấu, các nhà thơ thời Baroque lại so sánh cuộc sống với một giấc mơ. Chẳng hạn, Shakespeare đã viết: "Ta chỉ là những mẩu vụn giấc mơ, đời bé mọn cơn mê tròn vẹn...." [14] "Nghe thơ thật." "Một nhà viết kịch người Tây Ban Nha tên là Calderón de la Barea, sinh năm 1600, đã viết một vở kịch có tên 'Đời là một giấc mơ', trong đó ông nói: 'Đời là gì? Một sự điên rồ. Đời là gì? Một ảo tưởng , một cái bóng, một câu chuyện, và điều tốt đẹp vĩ đại nhất cũng chỉ là nhỏ bé, vì cả cuộc đời chỉ là một giấc mộng..." "Có thể ông ta nói đúng. Chúng em đã đọc một vở kịch ở trường. Vở kịch tên là 'Jeppe trên núi'." "Ừ, của Ludvig Holbeg. Ông ta là một tên tuổi lớn của vùng Scandinavia, ngừơi đánh dấu sự chuyển đổi từ thời Baroque sang thời kỳ Khai Sáng." "Jeppe ngủ thiếp đi trong một cái lều.... và thức dậy trên giường của ngài lãnh chúa. Thế là anh ta nghĩ mình đã nằm mơ là một tá điền nghèo khổ. Rồi khi anh ta ngủ lại, người ta đem anh về lại căn lều cũ. Và anh thức dậy. Lần này, anh ta nghĩ rằng mình đã nằm mơ được nằm trên giường lãnh chúa." "Holbeg đã mượn chủ đề này từ Calderón, và Calderón mượn từ những câu chuyện cổ tích Arab Nghìn lẻ một đêm. Tuy nhiên, việc so sánh cuộc đời với một giấc mơ là một chủ đề đã có từ rất xưa trong lịch sử, nhất là ở Ấn Độ và Trung Quốc. Chẳng hạn, Trang tử, một bậc hiền nhân cổ của Trung Quốc, đã nói rằng: Một lần ta nằm mơ ta là bướm, hay ta là một con bướm đang nằm mơ là Trang tử." "Đằng này hay đằng kia thì cũng đều không thể chứng minh được." "Ở Na Uy, ta cũng có một nhà thơ Baroque tài năng tên là Petter Dass. Ông đã sống từ năm 1647 đến năm 1707. Một mặt, ông quan tâm đến việc miêu tả cuộc sống như nó hiện có. Mặt khác, ông nhấn mạnh rằng chỉ có Chúa Trời là vĩnh cửu và bất biến." "Chúa vẫn là Chúa nếu mặt đất bỏ hoang, Chúa vẫn là Chúa nếu loài người chết hết." "Nhưng ông cũng dùng chính giai điệu đó khi viết về cuộc sống nông thôn ở miền Bắc Na Uy - và về cá bướu, cá tuyết, và cá than. Đây chính là nét điển hình Baroque, miêu tả trong cùng một văn cảnh cái trần tục, cái tức thời - và cái siêu phàm, cái mai sau. Tất cả gợi lại sự phân biệt của Plato giữa thế giới cụ thể của các tri giác và thế giới bất biến của các ý niệm." "Thế còn triết học của họ thì thế nào ạ?" "Cả triết học cũng mang tính cách của cuộc đấu tranh mãnh liệt giữa hai lối suy nghĩ hoàn toàn đối lập. Như tôi đã nói, một số nhà triết học tin rằng về bản chất, những gì hiện hữu đều thuộc về tinh thần. Quan điểm này được gọi là chủ nghĩa duy tâm. Quan điểm đối ngược được gọi là chủ nghĩa duy vật, nghĩa là trường phái triết học cho rằng mọi thứ có thật đều hình thành từ vật chất cụ thể. Chủ nghĩa duy vật cũng được nhiều người ủng hộ trong thế kỷ XVII. Có lẽ nhân vật quan trọng nhất là nhà triết học người Anh Thomas Hobbes. Ông tin rằng mọi vật, trong đó có con người và động vật, đều cấu tạo chỉ từ các hạt vật chất. Kể cả ý thức - hay linh hồn - của con người cũng hình thành từ vận động của các hạt nhỏ xíu trong bộ nào." "Vậy là ông ta đồng ý với những gì Democritus đã nói hai nghìn năm trước?" "Cả duy tâm và duy vật đều là các chủ đề mà em sẽ gặp trong suốt lịch sử triết học. Nhưng hiếm khi cả hai quan điểm cùng được thể hiện rõ ràng như trong thời Baroque. Chủ nghĩa duy vật liên tục được nuôi dưỡng bởi các ngành khoa học mới. Newton đã chứng tỏ các định luật chuyển động áp dụng cho toàn bộ vũ trụ, và rằng mọi thay đổi trong thế giới tự nhiên - cả trên Trái Đất và trong không gian - đều được giải thích bằng các nguyên lý về vạn vật hấp dẫn và chuyển động của các vật thể. "Như vậy, mọi thứ đều bị chi phối bởi những qui luật không thể phá vỡ - hay bởi cùng cơ chế. Do vậy, theo nguyên tắc, có thể tính toán mọi thay đổi trong tự nhiên với độ chính xác toán học. Và Newton đã hoàn chỉnh cái mà ta gọi là thế giới quan cơ giới." "Ông ấy tưởng tượng thế giới là một cái máy lớn ạ?" "Quả thật là có. Đáng chú ý là cả Newton và Hobbes đều không thấy bất cứ mâu thuẫn nào giữa hình dung cơ giới về thế giới và đức tin vào Chúa Trời. Nhưng các nhà duy vật thế kỷ XVIII , XIX thì không như vậy. Vào thế kỷ XVIII, nhà triết học và bác sĩ người Pháp La Mettrie đã viết một cuốn sách nhan đề L'homme machine, nghĩa là 'Con người - cỗ máy'. Chân dùng các cơ để đi lại, cũng như vậy, bộ não dùng các 'cơ' để suy nghĩ. Sau đó, nhà toán học người Pháp Laplace đã diễn đạt một quan niệm cơ giới cực độ với tư tưởng này: Nếu tại một thời điểm nào đó, một trí thông minh biết được vị trí của tất cả các hạt vật chất, thì 'không có cái gì là không biết được, cả quá khứ và tương lai sẽ trải rộng trước mắt'. Tư tưởng ở đây là mọi chuyện xảy ra đều đã được tiên định. Quan niệm này gọi là thuyết quyết định." "Vậy thì chẳng có gì gọi là ý chí tự do à?" "Không, mọi thứ đều là sản phẩm của các quá trình cơ giới - kể cả ý nghĩ và những giấc mơ của chúng ta. Các nhà duy vật người Đức ở thế kỷ XIX đã tuyên bố rằng mối quan hệ của nước tiểu với thận, và của mật với gan." "Nhưng nước tiểu và mật là vật chất. Còn ý nghĩ thì không!" "Em đã nắm được trọng tâm ở chỗ đó. Tôi có thể kể cho em nghe câu chuyện về một điều tương tự. Một lần, một phi công vũ trụ Nga và một bác sĩ phẫu thuật thần kinh người Nga bàn luận về tôn giáo. Người bác sĩ phẫu thuật là tín đồ Ki Tô giáo còn ngừơi phi công thì không. Người phi công nói, 'Tôi đã ra ngoài không gian rất nhiều lần, nhưng tôi chưa bao giờ nhìn thấy Chúa Trời hay các thiên thần.' Và nhà phẫu thuật trả lời, 'Còn tôi đã mổ rất nhiều bộ não thông minh nhưng tôi cũng chưa bao giờ nhìn thấy một ý nghĩ nào.'" "Điều đó không chứng minh rằng ý nghĩ không tồn tại." "Chính thế. Ngược lại, nó nhấn mạnh thực tế rằng các ý nghĩ không phải là cái mà có thể được phẫu thuật hay chia thành các mảnh nhỏ hơn. Thí dụ, chẳng dễ gì có thể cắt bỏ một ảo tưởng bằng phẫu thuật. Nó mọc quá sâu để có thể phẩu thuật được. Một nhà triết học quan trọng khác của thế kỷ XVII tên là Leibniz đã chỉ ra rằng sự khác biệt giữa vật chất và tinh thần chính là ở chỗ vật chất có thể được chia thành các phần nhỏ hơn, còn linh hồn thì thậm chí chia làm đôi cũng không được." "Chia thế nào được, theo thầy thì nên dùng loại dao mổ nào cho việc đó?" Alberto chỉ lắc đầu. Lát sau, ông chỉ xuống cái bàn giữa hai người rồi nói: "Hai nhà triết học vĩ đại nhất của thế kỷ XVII là Descartes và Spinoza. Họ cũng trăn trở với các câu hỏi như mối quan hệ giữa 'linh hồn' và 'thể xác', và bây giờ chúng ta sẽ nghiên cứu kỹ hơn về họ." "Bắt đầu đi thầy. Nhưng em sẽ phải có mặt ở nhà lúc 7 giờ." DESCARTES ...ông muốn dọn sạch gạch vụn... Alberto đứng lên, tháo bỏ chiếc áo choàng đỏ và vắt lên thành ghế. Rồi ông ngồi xuống chỗ cũ ở góc đi văng. "René Descartes sinh năm 1596. Trong suốt cuộc đời, ông đã sống tại nhiều nước ở Châu Âu. Ngay từ thời trẻ, ông đã có một mong muốn mãnh liệt là đạt được sự thấu hiểu về bản chất của con người và vũ trụ. Nhưng sau khi nghiên cứu triết học, ông trở nên ngày càng tin rằng mình còn biết quá ít." "Như Socrates?" "Đúng vậy, ít nhiều giống ông ấy. Cũng như Socrates, ông tin rằng chỉ có thể thu được tri thức đáng tin cậy qua lý tính. Ta không thể tin vào những gì các quyển sách cũ nói. Ta thậm chí còn không nên tin vào những gì các giác quan của ta mách bảo." "Plata cũng nghĩ như vậy. Ông tin rằng chỉ có lý tính mới có thể cho ta tri thức đáng tin cậy." "Chính xác. Dòng dõi của Plato và Socrates đã được truyền thẳng qua Augustine xuống cho Descrates. Họ là những nhà duy lý điển hình, những người tin tưởng rằng lý tính là con đường duy nhất dẫn tới tri thức. Sau khi nghiên cứu kỹ càng, Descrates đi đến kết luận rằng lượng kiến thức truyền lại từ thời Trung Cổ không nhất thiết là đáng tin cậy. Em có thể so sánh ông với Socrates, người đã không tin vào những quan điểm đại chúng mà ông gặp trên quảng trường Athens. Vậy thì khi đó người ta sẽ làm gì, Sophie? Em có thể nói cho tôi không?" "Người ta bắt đầu xây dựng triết học của chính mình." "Tuyệt vời! Descrates quyết định chu du vòng quanh châu Âu, như Socrates đã danh cả đời mình nói chuyện với dân chúng thành Athens. Ông kể rằng, từ đó, ông tập trung vào tìm kiếm sự thông thái mà có thể tìm được hoặc trong chính bản thân hoặc trong 'cuốn sách vĩ đại nhất thế giới'. Thế là ông gia nhập quân đội và tham gia chiến tranh, nhờ đó ông đã sống nhiều khoảng thời gian tại nhiều vùng khác nhau ở Trung Âu. Sau đó, ông sống vài năm ở Paris, nhưng đến năm 1629, ông đến Hà Lan và ở lại đó trong vòng 20 năm viết các công trình về toán học và triết học. "Năm 1649, ông được nữ hoàng Christina mời đến Thụy Điển. Nhưng quãng thời gian tạm trú ở nơi mà ông gọi là 'đất nước của gấu, băng và đá' đã mang đến một trận viêm phổi và ông qua đời mùa đông năm 1650." "Vậy là khi chết ông ấy mới có 54 tuổi." "Đúng vậy, nhưng ông có ảnh hưởng rất lớn đối với triết học, ngay cả sau khi đã chết. Người ta có thể nói một cách không quá lời rằng Descrates là cha đẻ của triết học hiện đại. Tiếp sau sự tái phát hiện say sưa về con người và thiên nhiên trong thời Phục Hưng, xuất hiện nhu cầu kết hợp các tư tưởng của thời đại để tạo thành một hệ thống triết học chặt chẽ. Người xây dựng hệ thống quan trọng đầu tiên chính là Descrates. Nối tiếp ông là Spinoza và Leibniz, Locke và Berkeley, Hume và Kant." "Hệ thống triết học có nghĩa là gì ạ?" "Nghĩa là triết học được xây dựng từ dưới nền móng lên, và nó liên quan đến việc tìm kiếm cách giải thích cho mọi câu hỏi trung tâm của triết hoc. Thời Cổ Đại cũng có những nhà xây dựng hệ thống vĩ đại, đó là Plato và Aristotle. Thời Trung Cổ có Thánh Thomas Aquinas, người đã cố gắng xây cầu nối giữa triết học Aristotle và thần học Ki Tô giáo. Tiếp đến là thời Phục Hưng với một mớ hỗn độn các đức tin cũ và mới về thiên nhiên và khoa học, Chúa Trời và con người. Đến tận thế kỷ XVII, các nhà triết học mới thử kết hợp các tư tưởng mới vào thành một hệ thống triết học rõ ràng, và người đầu tiên làm việc đó là Descrates. Công trình của ông là tiên phong của những đề tai quan trọng nhất của triết học trong các thế hệ nối tiếp. Mối quan tâm chủ yếu của ông là những gì ta có thể biết, nói cách khác là tri thức đáng tin cậy. Một câu hỏi lớn khác cũng ám ảnh ông đó là về mối quan hệ giữa thể xác và tâm thức. Cả hai câu hỏi đều là trọng tâm của các lý luận triết học trong vòng 150 năm sau." "Ông ta chắc đã đi trước thời đại." "À, nhưng câu hỏi đó lại thuộc về thời đại của ông. Khi nói đến việc thu thập tri thức đáng tin cậy, nhiều người cùng thời của ông đã bày tỏ một chủ nghĩa hoài nghi triết học tuyệt đối. Họ cho rằng con người nên chấp nhận rằng mình chẳng biết gì cả. Nhưng Descrates thì không. Nếu làm như vậy, ông đã chẳng trở thành một nhà triết học thực thụ. Ta lại có thể vẽ một đường song song với Socrates, người đã không chấp nhận chủ nghĩa hoài nghi của các Học giả. Và vào thời của Descrates, các ngành khoa học tự nhiên mới đang phát triển một phương pháp cho phép mô tả một cách chính xác và đáng tin cậy các quá trình của thiên nhiên. "Descrates đã phải tự hỏi có tồn tại hay không một phương pháp chính xác và đáng tin cậy cho tư duy triết học." "Em có thể hiểu điều đó" "Nhưng đó chỉ là một phần. Ngành vật lý mới đã đưa ra câu hỏi về bản chất của vật chất và cái gì quyết định các quá trình vật lý của thiên nhiên. Ngày càng có nhiều người ủng hộ quan niệm cơ giới về thiên nhiên. Nhưng khi thế giới nhìn càng có vẻ cơ giới thì câu hỏi về mối quan hệ giữa thể xác và linh hồn cang trở nên hối thúc. Cho đến thế kỷ XVII, linh hồn vẫn thường được coi là một loại 'sinh khí' tràn ngập mọi sinh vật sống. Trong hầu hết các ngôn ngữ của Châu Âu, nguồn gốc ý nghĩa của các từ 'linh hồn' và 'tinh thần' thực ra là 'hơi thở' và sự 'hít thở'. Đối với Aristole, linh hồn là cái hiện hữu ở mọi nơi trong cơ thể sống như là 'nguyên khí' của cơ thể đó - và do vậy không thể coi là biệt lập với cơ thể. Cho nên, ông có thể nói đến một linh hồn cây, hay một linh hồn thú. Trước thế kỷ XVII, các nhà triết học chưa bao giờ đưa ra được một ranh giới rõ ràng giữa linh hồn và thể xác. Lý do là vì chuyển động của mọi thể vật thể vật chất - trong đó có cơ thể, người hay động vật - được giải thích bằng các quá trình cơ giới. Những linh hồn con người chắc chắn không thể là một phần của cái cớ chế này được. Vậy thì linh hồn là cái gì ? Cần một lời giải thích cho câu hỏi không ít quan trọng: Một thứ thuộc về tinh thần làm thế nào để khởi động được một quá trình cơ giới ?" "Thật là một ý nghĩ kỳ lạ" "Kỳ lạ thế nào ?" "Em quyết định nhấc tay - và thế là cánh tay tự nâng. Hoặc em quyết định chạy theo xe buýt, tích tắc sau chân em đang chuyển động. Hay là em đang nghĩ về một chuyện buồn, rồi em chợt khóc. Vậy, phải có một mối nối bí hiểm nào đó giữa cơ thể và ý thức". "Đó chính là vấn đề đã thúc đẩy tư duy của Descartes. Cũng như Plato, ông tin rằng có một ranh giới rõ ràng giữa 'tinh thần' và 'vật chất'. Nhưng về chuyện tâm thức ảnh hưởng lên thể xác như thế nào, Plato không có câu trả lời." "Em cũng vậy, và em đang đợi được nghe về lý thuyết của Descartes đây". "Ta hãy đi theo dòng lý luận của chính ông". Alberto chỉ quyển sách trên bàn. "Trong phương pháp luận, ông đặt ra câu hỏi về phương pháp mà nhà triết học phải sử dụng để giải quyết các vấn đề triết học. Khoa học đã có phương pháp mới của mình..." "Thầy đã nói rồi" "Descartes giữ quan điểm rằng ta không thể chấp nhận bất cứ điều gì là đúng trừ khi chúng ta có thể tri giác nó một cách rõ ràng và xác thực. Để làm được việc này, cần phải chia một vấn đề phức hợp ra thành càng nhiều nhân tố đơn càng tốt. Sau đó, ta có thể xuất phát từ ý niệm đơn giản nhất. Em có thể nói rằng mỗi ý nghĩ đều phải đem ra cân đo đông đếm. Như cách Galileo đã muốn đo cái có thể đo và làm cho cái không thể đo trở nên được đo được. Descartes tin rằng triết học nên đi từ cái đơn giản đến cái phức tạp. Chỉ khi đó mới có thể xây dựng được một sự thấu hiểu mới. Cuối cùng cần phải đảm bảo rằng không cái gì bị bỏ xót bằng cách liên tục liệt kê và kiểm soát. Khi đó một kết luận triết học sẽ nằm trong tầm tay". "Nghe cứ như một bài kiểm tra môn toán". "Đúng thế, Descartes là một nhà toán học, ông được coi là cha đẻ của môn hình học giải tích và ông đã đóng góp một phần quan trọng cho môn đại số. Descartes đã muốn sử dụng phương pháp toán học ngay cả cho việc tư duy triết học. Ông bắt đầu chứng minh cách chân lý triết học theo cách người ta chứng minh một định lý toán học. Nói cách khác, ông muốn sử dụng chính các công cụ mà người ta dùng cho các con số, đó là lý tính, vì chỉ khi có lý tính mới có thể cho ta sự chắc chắn đáng tin cậy. Không thể dám chắc rằng ta có thể dựa vào các giác quan của mình. Chúng ta đã ghi nhận sự đồng minh của Descartes với Plato, người cũng đã quan sát thấy rằng toán học và tỷ lệ bằng số cho ta thấy độ tin cậy cao hơn những bằng chứng thu thập từ giác quan của ta". "Nhưng người ta có thể giải quyết các vấn đề triết học theo cách đó được không ?" "Ta nên quay lại với lập luận của Descartes. Mục tiêu của ông là đạt được sự xác tính về bản chất của cuộc sống và ông bắt đầu bằng việc khẳng định rằng trước hết người ta phải nghi ngờ tất cả mọi thứ. Ông không muốn xây dựng trên nền cát, em thấy đấy". "Em đã diễn đạt rất chuẩn, bé ạ. Bây giờ, Descartes không cho rằng việc nghi ngờ mọi chuyện là hợp lý mà ông cho rằng trên nguyên tắc có thể nghi ngờ mọi thứ. Thí dụ, không thể đảm bảo rằng ta sẽ tiến bộ trong nghiên cứu triết học bằng cách đọc về Plato hay Aristole. Nó có thể làm tăng kiến thức về lịch sử chứ không làm tăng kiến thức về thế giới. Đối với Descartes, điều quan trọng là phải tự thoát khỏi tất cả những thứ được truyền lại, hoặc nhận được, học được trước khi bắt đầu công cuộc xây dựng triết học của chính mình". "Ông muốn dọn sạch gạch vụn khỏi mặt bằng trước khi xây ngôi nhà mới..." "Cảm ơn em. Ông muốn dùng toàn những vật liệu mới để đảm bảo rằng công trình tư tưởng mới của mình sẽ đứng vững. Nhưng những nghi ngờ của Descartes còn đi xa hơn. Ông nói rằng ta thậm chí không thể tin vào những gì các giác quan mách bảo. Có thể chúng ta đang lừa dối ta". "Như thế nào ?" "Khi nằm mơ, ta cảm thấy mình đang chứng kiến thực tại. Cái gì phân biệt giữa các cảm giác khi thức và cảm giác khi đang mơ ?" "Khi suy xét kỹ càng, tôi không tìm thấy một đặc điểm nào phân biệt rõ ràng giữa trạng thái thức và trạng thái ngủ mơ, Descartes viết. Và ông tiếp tục: 'Làm sao bạn có thể dám chắc là cả cuộc đời mình không phải là một giấc mơ ?'" "Jeppe nghĩ mình mơ là đã nằm trên giường lãnh chúa". "Và khi anh ta đang nằm trên giường của lãnh chúa, anh ta lại nghĩ cuộc đời tá điền nghèo khổ của mình chỉ là một giấc mơ. Cũng theo cách đó, Descartes đi đến chỗ nghi ngờ mọi thứ. Nhiều nhà triết học trước ông đã đến cuối con đường của mình tại chính chỗ đó". "Vậy là họ đã đi không xa". "Còn Descartes thì cố gắng tiến lên từ cái mốc số không này. Ông đã nghi ngờ mọi thứ, và đó chính là điều duy nhất mà ông biết chắc. Và giờ ông chợt nhận ra một điều: Có một điều chắc chắn phải đùng và đó chính là: Ông đã nghi ngờ. Khi ông nghi ngờ, ông hẳn đang suy nghĩ, vậy chắc chắn ông là một bản thể tư duy. Hẳn như ông đã tự phát biểu về mình: "Cognito, ergo sum". "Nghĩa là cái gì ạ ?" "Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại". "Em chẳng ngạc nhiên là ông ta đã nhận ra điều đó". "Cũng phải thôi. Nhưng em hãy lưu ý độ xác tinh của trực giác việc ông nhận thức bản thân như là một bản thể tư duy. Có lẽ em còn nhớ Plato đã nói rằng cái mà ta nằm bắt bằng lý tính có thực hơn cái ta nắm bắt được bằng các giác quan. Descartes cũng nghĩ như vậy. Ông không chỉ đang nhận thức được rằng mình là một cái tôi tư duy này có thật hơn là thế giới vật chất mà ta đang tri giác bằng các giác quan. Và ông đi tiếp. Ông còn xa mới hoàn thành nghiên cứu triết học của mình". "Tiếp theo là gì ?" "Bây giờ Descartes tự hỏi liệu có cái gì khác mà ông có thể tri giác được với cùng độ xác tín trực giác đó hay không. Ông đi đến kết luận rằng trong tâm thức mình có một ý niệm rõ ràng và xác thực về một thực thể hoàn hảo. Đó là một ý niệm mà ông luôn luôn có và do đó, Descartes thấy rằng một ý niệm như thế hiển nhiên không thể xuất phát từ bản thân ông. Ông khẳng định rằng ý niệm về một thực thể hoàn hảo không thể xuất phát từ một người mà chính anh ta lại không hoàn hảo. Do vậy, ý niệm về sự hoàn hảo phải xuất phát từ chính thực thể hoàn hảo đó, hay nói cách khác là từ Chúa Trời. Như vậy, đối với Descartes việc Chúa Trời tồn tại cũng hiển nhiên như việc một bản thể tư duy chắc chắn phải tồn tại". "Giờ thì ông nhẩy đến kết luận vội thế! Lúc đầu, ông ấy cẩn thận hơn". "Em nói đúng. Nhiều người đã gọi đó là điểm yếu của ông. Nhưng em dùng từ 'kết luận'. Thực ra, đây không phải là một vấn đề chứng minh. Descartes chỉ muốn nói rằng chúng ta ai cũng có ý niệm về một thực thể hoàn hảo và rằng ý niệm đó tự nó đã chứa đựng sự thật rằng thực thể hoàn hảo đó phải tồn tại. Bởi vì một thực thể hoàn hảo sẽ không hoàn hảo nếu nó không tồn tại. Nếu không có một thực thể hoàn hảo thì ta đã chẳng có ý niệm về nó. Vì chúng ta không hoàn hảo, nên ý niệm về sự hoàn hảo không thể xuất phát từ chúng ta. Theo Descartes, ý niệm về Chúa Trời là bẩm sinh, nó được đóng triện lên chúng ta từ khi sinh ra 'như một nghệ nhân thủ công đóng dấu lên sản phẩm của mình'". "Vâng, nhưng chuyện em có ý niệm về một con cá sấu voi không có nghĩa là con cá sấu voi đó tồn tại". "Descartes chắc chắn sẽ nói rằng sự tồn tại của con cá sấu voi không phải cái gì đó vốn có trong khái niệm về cá sấu voi. Tuy nhiên, sự tồn tại của một thực thể hoàn hảo lại vốn dĩ được hàm chứa trong khái niệm về nó. Theo Descartes, điều này cũng chắc chắn y như trong ý niệm về một đường tròn đã có sẵn tính chất rằng các điểm trên đường tròn phải có khoảng cách tới tâm bằng nhau. Em không thể có một đường tròn không tuân theo qui tắc đó. Em cũng không thể có một thực thể hoàn hảo mà lại thiếu một tính quan trọng nhất là sự tồn tại". "Một lối tư duy kỳ quặc". "Đó chính là kiểu suy nghĩ duy lý, cũng như Socrates và Plato, Descartes tin rằng có một mối nối giữa lý tính và sinh vật sống. Một vật càng hiển nhiên đối với lý tính của một người thì càng chắc chắn là nó tồn tại". "Như vậy là ông ta đã tiến xa đến kết luận rằng ông là một con người tư duy và rằng tồn tại là một thực thể hoàn hảo". "Đúng vậy và từ xuất phát điểm này, ông đi tiếp. Đối với câu hỏi về tất cả các ý niệm của ta về thực tại bên ngoài - chẳng hạn, mặt trời và mặt trăng - có khả năng chúng chỉ là tưởng tượng. Nhưng thực tại bên ngoài còn có những tính chất nhất định mà chúng ta có thể nhận thức bằng lý tính. Đó là các tính chất toán học, hay nói cách khác là những thứ có thể đo được, chẳng hạn chiều rộng, chiều dài và độ sâu. Những tính chất 'định lượng' này cũng rõ ràng và xác thực đối với lý tính của ta như thực tế rằng tôi đã tư duy do đó tôi tồn tại. Mặt khác, các tính chất 'định tính', chẳng hạn màu sắc, mùi vị, có liên quan đến tri giác, giác quan và do đó không miêu tả sự thực bên ngoài". "Vậy rốt cuộc thì thiên nhiên không phải là một giấc mơ". "Đúng vậy và đến đây, một lần nữa Descartes viện đến ý niệm của ta về thực thể hoàn hảo. Khi lý tính của ta tri giác được một cái gì đó rõ ràng và xác thực- như trường hợp các tính chất toán học của thực tại bên ngoài - cái đó nhất thiết phải như thế. Bởi vì một vị Chúa Trời hoàn hảo sẽ không lừa dối chúng ta. Descartes tuyên bố rằng Chúa đảm bảo rằng bất cứ điều gì ta nhận thức được bằng lý tính đều tương ứng với thực tại". "Thôi được rồi, vậy là ông ta đã phát hiện mình là một bản thể tư duy, Chúa Trời tồn tại và có thực tại bên ngoài". "À, nhưng thực tại bên ngoài rất khác biệt với thực tại của tư duy. Bây giờ Descartes khẳng định rằng có hai hình thức khác nhau của thực tại - hoặc hai 'chất'. Một chất là tư duy hay 'tâm thức', chất kia là phần mở rộng hay vật chất. Tâm thức là thuần túy ý thức, nó không chiếm chỗ trong không gian và do đó không thể chia thành các phần nhỏ hơn. Còn vật chất là phần mở rộng thuần túy, nó chiếm chỗ trong không gian nên luôn luôn có thể được chia nhỏ hơn, nhưng nó không có ý thức. Descartes còn khẳng định rằng cả hai chất đều bắt nguồn từ Chúa Trời, vì chỉ có chính bản thân Chúa tồn tại độc lập với bât cứ thứ gì khác. Nhưng mặc dù cả tư duy và vật chất đều bắt nguồn từ Chúa, hai chất này lại không có mối liên hệ gì với nhau. Tư duy khá độc lập với vật chất và ngược lại, các quá trình vật chất cũng khá độc lập với tư duy". "Vậy là ông ta chia đôi sự sáng tạo của Chúa ?" "Chính xác. Ta nói rằng Descartes là một người theo thuyết nhị nguyên, có nghĩa rằng ông ta đưa ra một ranh giới rõ ràng giữa thực tại tư duy và thực tại mở rộng. Ví dụ, chỉ có con người mới có tâm thức, động vật hoàn toàn thuộc về thực tại mở rộng. Quá trình sống và chuyển động của chúng được thực hiện một cách hoàn toàn máy móc. Descartes coi một con vật như là một cái máy tự động phức tạp. Đối với thực tại mở rộng, ông hoàn toàn đống ý với thế giới cơ giới - hệt như các nhà duy vật". "Em rất nghi ngờ chuyện Hermes chỉ là một cái máy. Chắc Descartes không thích động vật lắm. Thế còn chúng ta thì sao ? Chúng ta cũng là những cái máy chắc ?" "Có và không. Descartes đi đến kết luận rằng con người là những sinh vật kép vừa tư duy chiếm chỗ trong không gian. Như vậy con người có cả một tâm thức và một thể xác mở rộng. Augustine và Thomas Aquinas đã nói những điều tương tự, đó là con người có một cơ thể như động vật và một linh hồn như các thiên thần. Theo Descartes, có thể con người là một cái máy hoàn hảo. Nhưng con người còn có một tâm thức hoạt động khá độc lập với thể xác. Các quá trình trong cơ thể không có được sự tự do đó, chúng tuân theo các luật lệ riêng. Nhưng những điều ta suy nghĩ bằng lý tính không xảy ra trong tâm thức - mà tâm thức thì hoàn toàn độc lập với thực tại mở rộng. Nhân đây, tôi nên nói thêm rằng Descartes không phủ nhận khả năng động vật có thể tư duy. Nhưng nếu chúng có khả năng đó thì cũng phải áp dụng cho chúng thuyết nhị nguyên giữa tư duy và vật chất". "Chúng ta đã nói đến mấy chuyện này rồi. Nếu em quyết định chạy theo xe buýt, cả cái 'máy' sẽ chạy. Và nếu em không đuổi kịp xe buýt, em sẽ khóc'. "Ngay cả Descartes cũng không thể chối bỏ rằng có một sự tương tác thường xuyên giữa tâm thức và thể xác. Ông tin rằng một khi tâm thức còn ở trong thể xác, nó được kết nối với bộ não bởi một cơ quan thần kinh đặc biệt mà ông gọi là tuyến tùng, nơi đó có sự tương tác liên tục diễn ra giữa "tinh thần" và "vật chất". Do đó tâm thức liên tục được tác động bởi các cảm giác và xúc cảm liên quan đến các nhu cầu của thể xác. Nhưng tâm thức cũng có thể tách mình ra khỏi những xung động "bản năng" đó và hoạt động độc lập với thể xác. Mục tiêu là để lý tính nắm quyền kiểm soát. Bởi vì, ngay cả nếu tôi bị một cơn đau bụng tệ hại nhất thì tổng ba góc của một tam giác vẫn bằng 180 độ. Như vậy, con người có khả năng vượt lên trên các nhu cầu thể xác và cư xử một cách hợp lý. Theo nghĩa đó, tâm thức siêu việt hơn thể xác. Chân ta có thể yếu đi, lưng có thể còng và răng có thể rụng, nhưng 2 cộng 2 sẽ mãi bằng 4, miễn là ta vẫn còn lý tính. Lý tính không trở nên già yếu. Chỉ có thể xác là già đi. Đối với Descartes, phần cốt lõi của tâm thức là tư duy. Những cảm xúc và say mê bản năng hơn, chẳng hạn như mong muốn và căm ghét, có liên kết chặt chẽ hơn với các chức năng của cơ thể  và do đó gần với thực tại mở rộng hơn". "Em không thể nuốt được cái kiểu ông ấy coi cơ thể con người như một cái máy tự động". "Sự so sánh này được dựa trên cơ sở thực tế rằng vào thời của ông, mọi người rất say sưa với máy móc và hoạt động của đồng hồ - những thứ có vẻ như có khả năng làm việc tự động. Nhưng dễ thấy đó chỉ là một ảo tưởng khi nghĩ rằng chúng ta tự hoạt động. Thí dụ, một cái đồng hồ thiên văn, nó được xây dựng và lên giây đều là bởi bàn tay con người. Descartes nhấn mạnh thực tế rằng so với số lượng khổng lồ các xương, cơ, dây thần kinh, tĩnh mạch và động mạch cấu tạo nên cơ thể người và động vật thì những phát minh tài bà thuộc loại đó thực ra chỉ là lắp ráp một cách đơn giản từ một số tương đối ít ỏi các thành phần. Tại sao Chúa Trời không thể tạo một cơ thể người hay động vật theo các định luật cơ học ?" "Ngày nay người ta nói rất nhiều về 'trí thông minh nhân tạo' ". "Phải, đó chính là cái máy tự động của thời đại chúng ta. Ta đã tạo nên những cái máy mà đôi khi chúng có thể lừa cho ta tin rằng chúng có trí thông minh. Những cái máy kiểu này chắc là có thể đe dọa Descartes sợ mất vía. Có thể ông ta sẽ bắt đầu nghi ngờ không biết lý tính con người có thật sự tự do và độc lập như ông đã nghĩ hay không ? Và có những nhà triết học tin rằng cuộc sống tinh thần của con người chẳng hề tự do hơn các quá trình của cơ thể. Hiển nhiên, tâm thức con người phức tạp vô hạn lần một chương trình máy tính bất kỳ, nhưng có người cho rằng, trên nguyên tắc, chúng ta bị trói buộc chẳng kém những chương trình kia. Nhưng này, Sophie. Tôi sẽ cho em xem một thứ". Alberto chỉ về phía cái bàn viết lớn ở đầu kia của căn phòng. Trên đó đặt một chiếc máy tính nhỏ. Ông đi về phía cái máy tính. Sophie theo sau. Ông bật máy. Chẳng mấy chốc, màn hình xuất hiện chữ C:. Ông gõ 'Laila' và giải thích đây là một chương trình hội thoại cao cấp. Một dòng chữ nhanh chóng hiện ra trên màn hình: "Xin chào! Tôi là Laila. Bạn đang ngồi thoải mái đấy chứ ?" Sophie gõ: "Thoải mái", cô viết mặc dù cô vẫn chưa ngồi xuống. Alberto mang một chiếc ghế đến cho cô. "Tên bạn là gì ?" Màn hình hiện. "Sophie Amundsen", Sophie viết và máy tính trả lời: "Nhà số 3, đường Cò Ba Lá. Rất vui được gặp bạn, Sophie ạ. Bạn sắp đến sinh nhật lần thứ 15 phải không ?" Sophie giật mình, Alberto đặt một tay lên vai cô và nói: Tôi chỉ cho nó tên, địa chỉ và ngày sinh của em thôi. Giống như khi em được giới thiệu với bạn mới. Nếu được biết trước một chút về họ sẽ hay hơn". "Không tồi", Sophie viết. "Ôi Sophie thân mến, tôi hy vọng không phải bạn đang không vui. Bạn hãy cố gắng nói chuyện bằng những câu đầy đủ". "Cảm ơn, tôi bình thường. Tôi có thể hỏi bạn mấy câu được không ?" "Tôi rất mừng là bạn bình thường. Bạn hãy hỏi đi". "Bạn bao nhiêu tuổi ?" Sophie viết. " Tôi ra đời ở Atlanta vào ngày 8 tháng 8 năm 1988. Nhưng tôi được dịch sang tiếng Na Uy ở trường đại học bác khoa Na Uy ngày 28 tháng 3 năm 1990". "Phịa!" "Tôi đã nói là bạn phải nói đủ câu". "Tôi chỉ kêu 'Phịa!' thôi mà" "Tôi không hiểu tiếng lóng. Vốn từ của tôi có hơn 100.000 từ những từ gần với phịa nhất mà tôi có thẻ tìm thấy là Phúc Âm". "Đó là chuyện Jesus". "Bạn có phải là người theo Ki Tô giáo không, Sophie ?" "Tôi không biết". "Theo quy luật, không biết là một bước tiến về trí thức mới". "Socartes chắc cũng nói như vậy. Hay Descartes cũng được". "Socrates là một nhà triết học người Hy Lạp sống từ năm 470 đến năm 399 trước công nguyên. Nếu bạn muốn biết thêm, nhấn F7. Descartes là một nhà triết học người Hy Lạp sống từ năm 1596 đến 1650. Nếu bạn muốn biết thêm, nhấn F7". "Cảm ơn, thế là đủ rồi. Tôi có thể hỏi bạn câu khác được không ?" "Tôi rất mừng vì như thế là đủ. Bạn hỏi đi!" Alberto cười thầm, Sophie viết: "Hilde Moller Knag là ai ?" "Hilde Molleer Knag sống ở Lillesand và bằng tuổi Sophie Amundsen". "Sao bạn biết ?" "Tôi không biết. Tôi tìm thấy cô ấy trên đĩa cứng". Sophie cảm thấy một bàn tay đặt trên vai mình. "Tôi đã nhập vào chương trình một chút thông tin chúng ta có về Hilde", Alberto nói. "Bạn còn biết gì khác về Hilde không ?", Sophie viết. "Cha Hilde là một nhà quan sát Liên Hợp Quốc tại Lebanon. Ông ta có hàm thiếu tá và liên tục gửi bưu ảnh cho con gái". "Bạn tìm ông ta đi". "Tôi không thể. Ông ta không có trong các file của tôi và tôi không được kết nối với các cơ sở dữ liệu khác". "Tìm đi!!!" "Bạn xúc động à, Sophie ? Nhiều dấu chấm than như vậy là dấu hiệu của cảm xúc mạnh". "Tôi muốn nói chuyện với bố của Hilde!". "Bạn đang gặp khó khăn trong vấn đề kiềm chế bản thân. Nếu bạn muốn nói về thời thơ ấu, nhấn F9". Alberto lại đặt tay lên vai Sophie. "Nó nói đúng đấy. Đây không phải là một quả cầu pha lê. Laila chỉ là một chương trình máy tính thôi mà". "Im đi!" Sophie viết. "Nếu bạn muốn, Sophie. Cuộc trò chuyện của chúng ta chỉ kéo dài 13 phút 52 giây. Tôi sẽ ghi nhớ tất cả những gì chúng ta đã nói. Tôi sẽ kết thúc ở đây". Chữ C: lại hiện ra trên màn hình. "Bây giờ chúng ta có thể quay lại bàn," Alberto nói. Nhưng Sophie đã gõ mấy phím. "Knag", cô viết. Một dòng chữ lập tức hiện lên trên màn hình: "Tôi đây". Bây giờ đến lượt Alberto giật mình. "Ai đấy ?" Sophie viết. "Thiếu tá Albert Knag xin được phục vụ. Tôi từ Lebanon đến thẳng đây. Bạn có yêu cầu gì ?" "Thật chưa từng thấy!" Alberto thở mạnh. "Con chuột đã lẻn vào đĩa cứng". Ông ra hiệu cho Sophie đứng ra và ngồi trước bàn phím. "Ông vào máy tính của tôi bằng cách nào ?" Ông viết. "Chỉ là trò vặt thôi mà, đồng nghiệp thân mến. Tôi ở đâu mà tôi muốn". "Đồ Virus đáng ghét!" "Thôi nào! Hiện giờ tôi chỉ là một con Virus sinh nhật thôi. Cho tôi gửi một lời chúc mừng sinh nhật nhé ?" "Thôi cảm ơn, chúng tôi đã nhận được quá đủ rồi". "Nhanh thôi mà: Tất cả chỉ để dành cho con thôi, Hilde yêu quí. Một lần nữa, chúc sinh nhật thật vui vẻ. Con hãy hiểu cho tình huống này nhé, bố muốn lời chúc mừng sinh nhật của bố bật ra từ khắp nơi xung quanh con, ở bất cứ nơi nào con đến, yêu con nhiều. Bố, mong được ôm con một cái thật chặt". Trước khi Alberto kịp gõ tiếp, chữ C: đã hiện ra trên màn hình. Alberto gõ "dir knag*.*", kết quả là màn hình hiện lên các thông tin: knag.lib    147,643      06-15-90     12:47 knag.lil     326,439      06-23-90     22:34 Alberto gõ "del knag*.*" rồi tắt máy tính. "Xong rồi, tôi đã xóa sạch". Ông nói: "Nhưng không thể nói được lần sau ông ta sẽ xuất hiện ở đâu." Ông vẫn ngồi trên ghế, mắt trân trân nhìn màn hình. Ông nói tiếp: "Điều tồi tệ nhất là cái tên. Albert Knag..." Lần đầu tiên, Sophie giật mình vì sự giống nhau giữa hai cái tên. Albert Knag và Alberto Knox. Nhưng trông Alberto bực tức đến mức cô không dám hé răng. Họ quay lại ngồi bên bàn nước. SPINOZA ...Chúa Trời không phải là một nghệ sĩ múa rối... Họ yên lặng một lúc lâu. Rồi Sophie mở đầu, cố kéo tâm trí Alberto ra khỏi những gì vừa xảy ra. "Descartes hẳn là một người kỳ quặc. Ông có nối tiếng không ạ ?" Alberto hít thở sâu một vài giây trước khi trả lời: "Ông ta đã có ảnh hưởng rất lớn. Có lẽ đã có ảnh hưởng lớn nhất đối với một nhà triết học vĩ đại khác - Baruch Spinoza, người đã sống trong khoảng thời gian từ năm 1632 đến 1677". "Có phải thầy sắp kể cho em nghe về ông ấy không ạ ?" "Đúng là tôi định như vậy. Và chúng ta sẽ không bị ngắt quãng bởi các khiêu khích quân sự". "Em đang nghe đây". "Spinoza thuộc về cộng đồng Do Thái ở Amsterdam. Nhưng ông đã bị rút phép thông công vì tội tà giáo. Ngay cả sau này, ít có nhà triết học nào bị trừng phạt nặng vì tư tưởng của mình như ông. Chuyện xảy ra là vì ông đã phê phán các tôn giáo đã được chính thức hóa. Ông tin rằng Ki Tô giáo và Do Thái giáo tồn tại được chỉ là nhờ vào tín lý cứng nhắc và các nghi lễ bề ngoài. Ông là người đầu tiên áp dụng cái ta gọi là sự giải nghĩa mang tính lịch sử phê phán về Kinh Thánh". "Thầy giải thích đi ạ". "Ông phủ nhận rằng Kinh Thánh đã được linh ứng bởi Chúa Trời đến từng chi tiết. Ông nói rằng khi đọc Kinh Thánh, ta phải liên tục lưu ý đến thời đại mà nó được viết ra. Đọc theo kiểu 'phê phán' như cách ông đề ra sẽ làm lộ ra nhiều điểm không thống nhất trong nội dung. Nhưng ở sâu trong những lời kinh Tân Ước là Jesus, người có thể được gọi là phát ngôn viên của Chúa Trời. Như vậy, học thuyết của Jesus thể hiện một sự giải phóng ra khỏi Do Thái giáo chính thông. Jesus thuyết giáo về một 'tôn giáo của lý tính', nó đánh giá tình yêu cao hơn mọi thứ khác. Spinoza giải thích rằng đó là cả tình yêu Chúa Trời và tình yêu nhân loại. Tuy nhiên, Ki Tô giáo cũng đã trở nên đóng kín trong các giáo điều cứng nhắc và các nghi lễ bề ngoài của nó". "Em không cho rằng điều này dễ nuốt đối với các nhà thờ Ki Tô giáo hay Do Thái giáo". "Khi mọi chuyện trở lên thực sự nghiêm trọng, Spinoza thậm chí bị chính gia đình ông từ bỏ. Họ cố truất quyền thừa kế của ông dựa vào tội danh tà giáo. Nhưng nghịch lý là ở chỗ: Ít người phát biểu về tự do ngôn luận và bao dung tôn giáo mạnh mẽ được như ông. Sự phản đối mà ông gặp phải từ mọi phía đưa ông đến chỗ theo đuổi một cuộc sống ẩn cư yên tĩnh và dành hoàn toàn tâm ý cho triết học. Ông sống một cuộc sống nghèo khổ bằng nghề mài kính, một vài thấu kính trong số đó đã trở thành tài sản của tôi". "Thật ấn tượng!" "Việc ông sống bằng nghề mài kính gần như có một ý nghĩa biểu tượng. Một nhà triết học phải giúp mọi người nhìn cuộc sống từ một góc độ mới. Một trong những trụ cột của triết học Spinoza chính là nhìn sự vật từ góc độ của vĩnh cửu". "Góc độ vĩnh cửu ?" "Đúng vậy, Sophie à. Em có cho là em có thể hình dung được cuộc đời của em trong một hoàn cảnh vũ trụ không ? Em sẽ phải thử hình dung bản thân em và cả cuộc đời em trong một khoảnh khắc..." "Hừm...Chẳng dễ chút nào". "Lưu ý rằng em chỉ đang sống một phần tí xíu trong sự sống của cả thiên nhiên. Em là một phần của cái toàn thế vĩ đại". "Chắc là em đã hiểu ý thầy..." "Em có thể cảm thấy nó không ? Em có thể tri giác được cả thiên nhiên, hay thực ra là cả vũ trụ, trong một nháy mắt không ?" "Em nghi ngờ lắm. Chắc em cần mấy cái thấu kính". "Tôi không có ý chỉ nói về sự vô tận của không gian. Tôi muốn nói về cả sự vĩnh cửu của thời gian nữa. Ngày xửa ngày xưa, ba mươi nghìn năm trước, có một cậu bé sống ở thung lũng sông Rhine, cậu là một phần nhỏ xíu của thiên nhiên, một gợn sóng tí xíu trên biển cả vô tận. Cả em nữa, Sophie à, em cũng đang sống một mẩu nhỏ xíu của sự sống thiên nhiên. Giữa em và cậu bé đó chẳng có gì khác nhau". "Ngoài trừ việc hiện giờ em đang sống". "Phải, nhưng đó chính là cái tôi muốn em thử hình dung. Ba mươi nghìn năm nữa, em sẽ là ai ?" "Đó là tà giáo ạ ?" "Không hoàn toàn...Spinoza không chỉ nói rằng mọi thứ đều là thiên nhiên. Ông đồng nhất thiên nhiên với Chúa Trời. Ông nói Chúa Trời là tất cả và tất cả là Chúa". "Như vậy ông ấy là người theo thuyết phiếm thần". "Đúng vậy. Đối với Spinoza, Chúa Trời không tạo ra thế giới để đứng bên ngoài nó. Không Chúa Trời là thế giới. Đôi khi Spinoza diễn đạt theo cách khác. Ông khẳng định rằng thế giới ở trong Chúa. Khi nói vậy, ông dẫn lời bài diễn thuyết của Thánh Paul trước những người thành Athens trên đồi Areapagos: 'Ta sống, chuyển động và tồn tại ở trong Ngài'. Nhưng ta hãy lần theo chính những lập luận của chính Spinoza. Cuốn sách quan trọng nhất của ông là cuốn Luân lý học - Diễn giải bằng hình học [15] . "Luân lý học - diễn giải bằng hình học ?" "Nghe có vẻ hơi kỳ quặc đối với chúng ta. Trong triết học, luân lý học nghiên cứu về cách cư xử có đạo đức để sống một cuộc sống tốt. Ý nghĩa này cũng dùng đến khi ta nói đến luân lý học của Socrates hay Aristole chẳng hạn. Chỉ đến thời nay, luân lý học mới trở nên ít nhiều suy giảm thành một tập hợp các quy tắc sống sao để không dẫm lên chân người khác". "Bởi vì chỉ nghĩ về bản thân thì được coi là ích kỷ, đúng không ạ ?" "Đại khái vậy. Khi dùng từ luân lý học, Spinoza có ý nói về cả nghệ thuật sống lẫn cách cư xử có đạo đức". "Kể cả như vậy...Diễn giải nghệ thuật sống bằng hình học là thế nào ?" "Phương pháp hình học là thuật ngữ ông dùng để diễn đạt tư tưởng của mình. Chắc em còn nhớ Descartes đã muốn sử dụng phương pháp toán học cho việc tư duy triết học. Có nghĩa là một hình thức tư duy triết học được xây dựng từ các kết luận logic chặt chẽ là một phần của chính truyền thống duy lý này. Ông muốn luân lý học của mình chứng minh rằng cuộc sống của con người chịu nhiều ảnh hưởng của các quy luật phổ quát của thiên nhiên. Do đó, chúng ta phải giải thoát bản thân khỏi các cảm xúc và say mê của chúng ta. Ông tin rằng khi đó ta mới có thể tìm thấy sự hài lòng và hạnh phúc". "Chắc chắn là ta không bị chi phối hoàn toàn bởi các quy luật phổ quát chứ ạ ?" "À, nắm bắt được triết học Spinoza không phải dễ. Ta hãy đi từng bước một. Chắc em còn nhớ Descartes đã tin rằng thực tại gồm có hai chất hoàn toàn phân biệt được: Tư duy và phần mở rộng". "Em quên thế nào được ?" "Từ 'chất' có thể được giải nghĩa là 'cái mà một vật được cấu tạo từ đó' hay cái là bản chất của vật đó, hay vật đó có thể được suy giảm thành nó. Từ đó Descartes thực hiện việc tư duy với hai loại chất này. Mỗi thứ đều là tư duy hoặc phần mở rộng". "Tuy nhiên, Spinoza không chấp nhận sự phân chia đó. Ông tin rằng chỉ có một chất. Mọi thứ tồn tại đều rút gọn về được một thực tại duy nhất mà ông gọi đó là Chất. Có lúc ông lại gọi đó là Chúa Trời hay thiên nhiên. Như vậy, Spinoza không có quan điểm nhị nguyên về thực tại như Descartes. Ta nói rằng, ông là người theo chủ nghĩa nhất nguyên. Có nghĩa là, ông rút gọn thiên nhiên và điều kiện của mọi thứ về một chất duy nhất". "Bất đồng quan điểm đến thế là cùng". "À, nhưng sự khác biệt giữa Descartes và Spinoza không sâu sắc như nhiều người khẳng định đâu. Descartes cũng chỉ ra rằng chỉ có Chúa Trời là tồn tại độc lập. Chỉ khi đồng nhất Chúa Trời với thiên nhiên thì Spinoza mới tách mình ra khỏi cả Descartes, giáo lý Ki Tô giáo và Do Thái giáo". "Vậy, thiên nhiên là Chúa Trời và thế là hết". "Nhưng khi dùng từ 'thiên nhiên', Spinoza không chỉ có ý nói đến thiên nhiên mở rộng. Khi nói đến Chất, Chúa Trời hay thiên nhiên, ông muốn nói đến tất cả những gì tồn tại, trong đó có cả những thứ thuộc về tinh thần". "Nghĩa là cả phần tư duy và phần mở rộng ?" "Chính xác! Theo Spinoza, con người chúng ta nhận biết được hai trong số các phẩm chất hay các thể hiện của Chúa Trời. Spinoza gọi các phẩm chất này là các thuộc tính của Chúa, và hai thuộc tính này đồng nhất với 'tư duy' và 'phần mở rộng; của Descartes. Chúa Trời - hay thiên nhiên - thể hiện bản thân hoặc trong tư duy hoặc trong phần mở rộng. Cũng có thể, ngoài 'tư duy' và phần 'mở rộng; Chúng còn có vô số các thuộc tính khác. Nhưng con người chỉ biết đến hai thuộc tính này". "Thế thì còn nghe được, nhưng cách diễn đạt này rắc rối quá!" "Đúng vậy, người ta cần đến cả búa và đục để hiểu ngôn ngữ của Spinoza. Phần thưởng là cuối cùng em sẽ lôi ra được một tư tưởng trong suốt như kim cương". "Em không thể đợi thêm được nữa!" "Như vậy, mọi thứ trong thiên nhiên đều là tư duy hoặc phần mở rộng. Những hiện tượng đa dạng mà ta gặp trong cuộc sống hằng ngày, chẳng hạn một bông hoa hay một bài thơ, là những dạng thức khác nhau của thuộc tính tư duy hay mở rộng. Một 'dạng thức' là phong cách cụ thể mà Chất, Chúa Trời hay thiên nhiên khoác lên mình. Một bông hoa là một 'dạng thức' của thuộc tính mở rộng và bài thơ về chính bông hoa đó là một 'dạng thức' của thuộc tính tư duy. Nhưng về căn bản, cả hai đều là biểu tượng của Chất, Chúa Trời hay thiên nhiên". "Nghe thật rối tinh rối mù!" "Nhưng nó thực ra không phức tạp như thoạt nghe. Đằng sau cách phát biểu chặt chẽ đó của ông là một sự nhận thức tuyệt vời mà thực ra nó đơn giản đến mức ngôn ngữ hàng ngày không thể hàm chứa được." "Em thà nghe ngôn ngữ hàng ngày còn hơn, nếu thầy không phản đối." "Thôi được. Thế thì tôi sẽ bắt đầu bằng chính em. Khi em bị đau bụng, cái gì cảm thấy đau?" "Như thầy vừa nói đấy, em là người bị đau." "Được rồi. Và về sau, khi em nhớ lại rằng em đã bị đau bụng thì cái gì đã suy nghĩ?" "Cũng là em." "Như vậy, em là một con người mà lúc này bị đau bụng, còn lúc sau thì ở trong trạng thái suy nghĩ. Spinoza khẳng định rằng mọi thứ vật chất và những gì xảy ra quanh ta là một biểu hiện của Chúa Trời hay thiên nhiên. Như vậy, dẫn đến kết luận là mọi suy nghĩ của chúng ta cũng là các suy nghĩ của Chúa Trời hay của thiên nhiên. Bởi vì, tất cả đều là Một. Chỉ có một Chúa Trời, một thiên nhiên hay một Chất. "Nhưng thầy nghe này, khi em nghĩ điều gì đó thì em là người thực hiện việc suy nghĩ. Khi em cử động, em là người thực hiện chuyển động. Tại sao thầy lại phải lôi Chúa Trời vào đây?" "Tôi thích nhiệt tình của em. Nhưng em là ai? Em là Sophie Amundsen, nhưng em cũng chỉ là biểu hiện của một cái gì đó lớn hơn vô hạn lần. Nếu em muốn, em có thể nói rằng em đang suy nghĩ và em đang cử động, nhưng em không thể nói rằng chính thiên nhiên đang nghĩ suy nghĩ của em hoặc chính thiên nhiên đang chuyển động thông qua em được sao? Đó thật sự chỉ là vấn đề em chọn thấu kính nào để nhìn qua mà thôi." "Có phải thầy đang nói rằng em không thể tự quyết định cho bản thân?" "Đúng và không đúng. Em có thể có quyền xoay ngón tay cái tùy ý mình. Nhưng ngón cái của em chỉ có thể chuyển động theo bản chất tự nhiên của nó. Nó không thể nhảy khỏi bàn tay của em và múa may quanh phòng. Cũng như vậy, em cũng có chỗ của em trong cấu trúc của sự tồn tại, Sophie thân mến. Em là Sophie, nhưng em cũng là một ngón tay của cơ thể Chúa Trời." "Thế thì Chúa quyết định mọi hoạt động của em à?" "Nói cách khác là thiên nhiên hay các quy luật tự nhiên. Spinoza tin rằng Chúa Trời hay các quy luật tự nhiên là nguyên nhân bên trong của mọi hiện tượng. Chúa Trời không phải là một nguyên nhân bên ngoài, vì Chúa nói thông qua các quy luật tự nhiên và chỉ qua các quy luật đó." "Em không thấy được rõ lắm sự khác biệt." "Chúa Trời không phải là một nghệ sĩ múa rối - người kéo tất cả các sợi dây điều khiển mọi sự xảy ra. Một nghệ sĩ múa rối thực thụ điều khiển các con rối từ bên ngoài và do vậy chỉ là "nguyên nhân bên ngoài" của chuyển động của các con rối. Đó không phải là cách Chúa điều khiển thế giới. Chúa điều khiển thế giới qua các quy luật tự nhiên. Do vậy, Chúa hay thiên nhiên là "nguyên nhân bên trong" của mọi hiện tượng. Điều đó có nghĩa rằng mọi sự trong thế giới vật chất xảy ra đều do tất yếu. Spinoza có quan điểm nhất định về thế giới vật chất hay thế giới tự nhiên." "Em nghĩ là thầy đã nói điều gì tương tự như thế rồi." "Có thể em đang nghĩ về các nhà triết học theo chủ nghĩa Khắc kỷ. Họ cũng cho rằng mọi chuyện xảy ra đều là tất yếu. Rằng đó là lý do cho tầm quan trọng của việc chấp nhận mọi tình huống hay nói cách khác là đối mặt với chúng một cách "khắc kỷ". Con người không nên để mình bị cảm xúc cuốn đi. Ngắn gọn, đó cũng chính là luân lý học của Spinoza." "Em hiểu ý thầy rồi. Nhưng em vẫn không thích cái quan niệm rằng em không tự quyết định cho bản thân." "Thôi được, ta hãy đi ngược thời gian đến với một cậu bé thời Đồ Đá đã sống vào khoảng 30 nghìn năm trước. Khi cậu bé lớn lên, cậu ném lao về phía những con thú hoang, yêu một người phụ nữ, cô ấy sinh cho cậu ta những đứa con, và khác chắc chắn là cậu ta thờ cúng các vị thần của bộ lạc. Em có thực sự nghĩ rằng cậu ta tự quyết định tất cả những điều đó cho mình không?" "Em không biết." "Hoặc nghĩ về một con sư tử Châu Phi. Em có cho rằng nó đã quyết định trở thành thú săn mồi hay con mồi không? Có phải vì thế mà nó tấn công một con linh dương khập khiễng không? Thay vào đó, nó có thể quyết định trở thành động vật chỉ ăn thực vật không?" "Không, một con sư tử tuân theo bản chất tự nhiên của nó." "Nghĩa là tuân theo các quy luật tự nhiên. Em cũng vậy, Sophie à, vì em cũng là một phần của thiên nhiên. Tất nhiên, với sự hỗ trợ của Descartes, em có thể phản đối rằng con sư tử chỉ là một con thú mà không phải một con người tự do với các năng lực trí óc tự do. Nhưng hãy nghĩ về một em bé mới sinh, bé khóc và hét. Nếu không được bú sữa, bé sẽ mút tay. Em bé đó có ý chí tự do hay không?" "Chắc là không." "Vậy thì khi nào đứa trẻ sẽ có được ý chí tự do? Hai tuổi, bé chạy quanh và chỉ trỏ tất cả những gì bé nhìn thấy. Ba tuổi, bé vòi vĩnh mẹ. Bốn tuổi, bé bỗng trở nên sợ bóng tối. Tự do là ở đâu hả Sophie?" "Em hiểu thầy định dẫn đến đâu rồi." "Cô bé ấy là Sophie Amundsen, chắc chắn rồi. Nhưng cô còn sống theo các quy luật tự nhiên. Vấn đề là ở chỗ cô không nhận thấy điều đó, vì mỗi việc cô làm đều có rất nhiều lý do phức tạp." "Em không nghĩ là em muốn nghe tiếp nữa đâu." "Nhưng em phải trả lời chỉ một câu hỏi cuối cùng. Có hai cái cây bằng tuổi nhau đang mọc trong một khu vườn rộng. Một cây trồng tại một chỗ đất nhiều nắng, nhiều mùn và nhiều nước. Cây kia trồng ở chỗ đất xấu, nơi có ít ánh nắng. Theo em cây nào sẽ phát triển tốt hơn? Và cây nào sẽ cho nhiều quả hơn?" "Hiển nhiên là cái cây nào có điều kiện sống tốt hơn." "Theo Spinoza, cái cây đó tự do. Nó có đầy đủ tự do để phát triển mọi khả năng tiềm tàng. Nhưng nếu nó là một cây táo, nó sẽ không thể cho quả lê hay quả mận. Điều đó cũng áp dụng cho con người chúng ta. Sự phát triển của bản thân chúng ta có thể bị hạn chế, do các điều kiện chính trị chẳng hạn. Ngoại cảnh có thể giới hạn chúng ta. Chỉ khi chúng ta được tự do phát triển các năng lực bẩm sinh, khi đó chúng ta mới có thể sống như là những bản thể tự do. Nhưng chúng ta vẫn bị định trước bởi các tiềm năng bên trong và các cơ hội bên ngoài không kém cậu bé thời Đồ Đá ở thung lũng sông Rhine, con sư tử Châu Phi hay cây táo trong vườn." "Thôi được rồi, coi như em chịu thầy rồi." "Spinoza nhấn mạnh rằng chỉ có duy nhất một bản thể là "nguyên nhân của chính mình" một cách hoàn toàn và tuyệt đối, và có thể hành động với tự do tuyệt đối. Chỉ có Chúa Trời hay thiên nhiên mới là biểu hiện của một quá trình tự do và "không tình cờ" như thế. Con người có thể đấu tranh giành tự do để thoát khỏi các ràng buộc bên ngoài, nhưng anh ta sẽ không bao giờ có được "ý chí tự do". Chúng ta không kiểm soát được mọi chuyện xảy ra trong cơ thể mình - một dạng thức của thuộc tính mở rộng. Chúng ta cũng không "chọn" suy nghĩ của bản thân. Do vậy, con người không có một "linh hồn tự do"; nó ít nhiều bị cầm tù trong một thể xác máy móc." "Khó hiểu quá." "Spinoza nói rằng chính những tình cảm mãnh liệt của chúng ta - chẳng hạn tham vọng và ham muốn - ngăn cản chúng ta đạt được sự hài hòa và hạnh phúc thực sự, nhưng nếu nhận ra rằng mọi việc đều là tất yếu, chúng ta có thể đạt được sự hiểu biết trực giác về thiên nhiên một cách toàn thể. Ta có thể đi đến một nhận thức trong sáng như pha lê rằng mọi vật đều có liên quan với nhau, thậm chí rằng tất cả đều là Một. Mục đích là để hiểu mọi vật hiện hữu trong một nhận thức bao quát tất cả. Chỉ khi đó, ta mới đạt được sự mãn nguyện và hạnh phúc thực sự. Đó là cái mà Spinoza gọi là nhìn mọi vật theo kiểu "sub specie aeternitatis"." "Nghĩa là gì ạ?" "Nhìn mọi vật từ góc độ vĩnh cửu. Chẳng phải chúng ta đã bắt đầu từ đó đấy thôi?" "Đó cũng là điểm kết thúc nữa. Em phải đi thôi." Alberto đứng dậy lấy một khay hoa quả to từ trên giá sách. Ông đặt nó lên bàn nước. "Em ăn một ít hoa quả đã chứ?" Sophie lấy một quả chuối, Alberto chọn một quả táo xanh. Cô bẻ cuống chuối và bắt đầu bóc. Bỗng cô thốt lên: "Ở đây có ghi chữ gì này, thầy!" "Đâu?" "Đây - bên trong vỏ chuối. Trông như là viết bằng bút lông." Sophie nhoài người giơ quả chuối cho Alberto xem. Ông đọc thành tiếng: Lại bố đây, Hilde à. Bố ở khắp mọi nơi. Chúc mừng sinh nhật! "Khôi hài gớm." Sophie nói. "Ông ta càng ngày càng mánh khóe." "Nhưng mà chuyện này là không thể xảy ra được... phải không ạ? Lebanon có trồng chuối không thầy?" Alberto lắc đầu. "Chắc chắn em sẽ không ăn cái thứ đó." "Thế thì vứt đi thôi. Người nào mà viết lời chúc sinh nhật cho con gái mình ở bên trong một quả chuối chưa bóc vỏ hẳn phải là người thần kinh không bình thường. Tuy nhiên, ông ta chắc phải khá là thông minh." "Vâng, cả hai." "Vậy chúng ta có nên khẳng định ngay lập tức rằng Hilde có một người cha thông minh không? Nói cách khác, ông ta không ngu ngốc lắm." "Đó chính là điều em vẫn nói với thầy. Và có khi chính ông ta là người hôm trước đã làm cho thầy gọi em là Hilde. Có lẽ ông ta chính là người mớm lời cho chúng ta." "Không có điều gì có thể loại trừ. Nhưng chúng ta nên nghi ngờ mọi chuyện." "Theo những gì ta đã biết, cả cuộc đời chúng ta có thể chỉ là một giấc mơ..." "Không nên nhảy vội đến kết luận. Có thể có một lời giải thích đơn giản hơn." "Thế nào cũng được, em phải nhanh về nhà đây. Mẹ em đang đợi." Alberto tiễn cô ra cửa. Khi cô đi, ông chào: "Hẹn gặp lại, Hilde thân mến." Rồi cửa đóng phía sau lưng Sophie. LOCKE ... trần trụi và trống trơn như một tấm bảng đen trước khi thầy giáo đến... Sophie về đến nhà lúc 8 giờ rưỡi. Muộn một tiếng rưỡi so với thỏa thuận - thực ra không hẳn là thỏa thuận. Cô chỉ bỏ bữa tối và để lại một mảnh giấy cho mẹ nói rằng cô sẽ về không muộn hơn 7 giờ. "Chuyện này phải chấm dứt thôi Sophie à. Mẹ đã phải gọi điện cho trung tâm thông tin để hỏi xem họ có hồ sơ về ai đó tên là Alberto ở khu phố Cổ không. Họ cười vào mũi mẹ." "Con không thể dứt ra được. Con nghĩ là bọn con sắp đi đến một bước đột phá trong một chuyện đại bí hiểm." "Vớ vẩn!" "Thật mà!" "Con đã mời ông ấy đến dự tiệc chưa?" "Ôi chưa, con quên mất." "Mẹ nhất định phải gặp ông ta. Muộn nhất là ngày mai. Một cô bé gặp gỡ một người đàn ông lớn tuổi kiểu này chẳng bình thường tí nào." "Mẹ không phải lo ngại về Alberto đâu. Bố của Hilde còn đáng ngại hơn." "Hilde là ai?" "Con gái của người đàn ông ở Lebanon. Ông ta tệ lắm. Ông ta có lẽ đang điều khiển cả thế giới." "Nếu con không nhanh giới thiệu Alberto với mẹ, mẹ sẽ không cho phép con gặp ông ta nữa. Chừng nào mẹ chưa biết mặt mũi ông ta như thế nào, mẹ sẽ không thể cảm thấy yên tâm được." Sophie nảy ra một ý tưởng tuyệt vời, cô lao lên phòng. "Con sao vậy?" mẹ cô gọi với theo. Sophie quay xuống trong nháy mắt. "Một phút nữa, mẹ sẽ biết ông ta trông như thế nào. Và sau đó, con hy vọng mẹ sẽ để cho con yên." Cô vẫy vẫy chiếc băng video và đi về phía máy VCR. "Ông ta cho con băng video à?" "Từ Athens..." Những hình ảnh về Acropolis nhanh chóng hiện ra trên màn hình. Mẹ cô ngồi chết lặng khi Alberto tiến đến gần và bắt đầu nói với Sophie. Bây giờ, Sophie nhận ra một điều cô đã quên mất. Acropolis tràn ngập khách du lịch đi lại lộn xộn thành từng nhóm. Một cái áp phích nhỏ được giương lên từ giữa một nhóm. Trên đó ghi chữ HILDE... Alberto tiếp tục đi lòng vòng trên Acropolis. Một lúc sau, ông đi xuống theo đường vào và leo lên đồi Areopagos, nơi Paul đã đứng nói chuyện với dân chúng thành Athens. Rồi ông tiếp tục nói chuyện với Sophie từ quảng trường. Mẹ cô ngồi bình luận đoạn phim bằng những câu đứt đoạn. "Thật không thể tin được... Alberto đấy à? Ông ấy lại nói đến con thỏ trắng nữa... Nhưng, phải rồi, ông ấy đang nói với con thật. Mẹ không biết Paul đã đến Athens..." Phim đang gần đến đoạn Athens cổ bất ngờ nổi lên từ đống đổ nát. Sophie không kịp dừng băng vào phút cuối cùng. Cô đã cho mẹ xem Alberto, không cần phải giới thiệu thêm Plato với mẹ nữa. Căn phòng lặng thinh. "Mẹ thấy ông ấy như thế nào? Ông ấy trông được đấy chứ?" Sophie đùa. "Ông này lạ thật, quay phim ở Athens chỉ để gửi cho một cô bé hầu như không quen biết. Ông ấy ở Athens hồi nào vậy?" "Con chịu." "Có điều này..." "Gì cơ ạ?" "Ông ấy trông rất giống ông thiếu tá người đã từng ở căn nhà nhỏ trong rừng." "Có khi chính ông ta đấy mẹ ạ." "Nhưng 15 năm nay không có ai nhìn thấy ông ta." "Có thể ông ấy đã đi nhiều nơi... đến Athens chăng." Mẹ cô lắc đầu. Hồi năm bảy mấy, khi mẹ nhìn thấy ông ta, ông ấy trông chẳng trẻ hơn trong phim tí nào. Ông ta có cái tên nghe như tiếng nước ngoài..." "Knox?" "Có thể. Có thể tên ông ấy là Knox." "Hay là Knag?" "Chịu, mẹ không thể nhớ được... con đang nói về Knox hay Knag nào vậy?" "Một là Alberto, tên kia là bố của Hilde." "Con làm mẹ chóng cả mặt." "Nhà còn gì ăn được không ạ?" "Còn thịt viên. Con có thể hâm nóng lại." "Đúng hai tuần đã trôi qua mà Sophie không nhận được tin tức gì của Alberto. Cô nhận được thêm một tấm thiệp sinh nhật cho Hilde. Nhưng dù ngày sinh đã đến gần, cô vẫn chưa nhận được một tấm thiệp nào cho mình. Một buổi chiều, cô đến khu phố Cổ và gõ cửa nhà Alberto. Ông không có ở nhà, nhưng có một mẩu giấy nhỏ đính trên cửa. Mẩu giấy ghi: Chúc mừng sinh nhật, Hilde! Bước ngoặt lớn đang đến gần. Khoảnh khắc của chân lý, con gái bé bỏng. Mỗi lần nghĩ đến chuyện đó, bố không thể nhịn được cười. Dĩ nhiên, nó có liên quan đến Berkeley. Con hãy giữ chặt mũ của mình nhé! Sophie giật mẩu giấy ra khỏi cánh cửa, rồi nhét vào hộp thư của Alberto khi cô đi ra. Quỷ thật! Chắc ông ấy chưa quay lại Athens chứ? Làm sao ông ta có thể bỏ cô lại với bao nhiêu là câu hỏi chưa được trả lời? Ngày 14 tháng sáu, khi cô từ trường về nhà, Hermes đang nô đùa trong vườn. Sophie chạy về phía con chó còn nó sung sướng nhảy cỡn về phía cô. Sophie ôm choàng lấy con chó như thể nó là người duy nhất có thể giải được mọi điều bí ẩn. Cô lại viết một mẩu giấy cho mẹ, nhưng lần này cô đề thêm địa chỉ của Alberto. Trên đường đi xuyên thành phố, cô nghĩ về ngày mai. Chẳng nghĩ về mấy ngày sinh của cô, vì dù sao đến tận tối ngày Hội Mùa Hè thì tiệc mới được tổ chức. Mà vì mai còn là sinh nhật của Hilde nữa. Sophie tin rằng, một điều phi thường sẽ xảy ra. Ít nhất sẽ là kết thúc của những tấm thiệp sinh nhật từ Lebanon. Khi đi qua Quảng Trường Chính và hướng về Khu Phố Cổ, họ đi qua một vườn hoa có sân chơi. Hermes dừng lại cạnh một cái ghế băng như thể nó muốn Sophie ngồi xuống. Cô làm theo. Khi cô xoa đầu con chó và nhìn vào mắt nó. Con chó bỗng rùng mình rất mạnh. Nó sắp sủa, Sophie nghĩ. Rồi hàm Hermes bắt đầu rung, nhưng nó không gầm gừ, cũng chẳng sủa. Nó há mõm và nói: "Chúc mừng sinh nhật Hilde!" Sophie chết lặng. Có phải con chó vừa nói với cô? Không thể được, chắc là cô đã tưởng tượng ra chuyện đó, vì cô đang nghĩ về Hilde. Nhưng sâu trong lòng, cô lại tin rằng Hermes đã nói, và nó nói bằng một giọng trầm âm vang. Một giây sau, mọi thứ lại như trước. Hermes thể hiện mấy tiếng sủa - như thể để che giấu thực tế là nó đã nói bằng tiếng người - rồi chạy lon ton lên trước, về hướng nhà Alberto. Khi họ vào nhà, Sophie ngẩng lên nhìn trời. Bao lâu nay thời tiết vẫn đẹp, nhưng hôm nay, những đám mây nặng nề bắt đầu tụ lại ở phía xa. Alberto vừa mở cửa, Sophie kêu lên: "Không cần lịch sự có được không ạ? Thầy là đồ đại ngốc, và thầy biết thế." "Giờ là chuyện gì vậy?" "Ông thiếu tá dạy Hermes nói!" "À, vậy là đã đến nước đó rồi." "Vâng, thầy thử tưởng tượng mà xem!" "Thế nó nói gì?" "Cho thầy ba lần đoán." "Chắc là nó nói cái gì đó đại loại như Chúc mừng Sinh nhật!" "Chuẩn!" Alberto đưa Sophie vào. Ông lại mặc một bộ phục trang khác. Nó không khác lắm so với lần trước, nhưng hôm nay hầu như không có dải viền, nơ, hay đăng-ten. "Nhưng còn nữa," Sophie nói. "Em định nói gì?" "Thầy có tìm thấy mẩu giấy trong hộp thư không?" "À, cái đó. Tôi vứt luôn rồi." "Cho ông ấy tha hồ cười mỗi khi nghĩ đến Berkeley, em chẳng quan tâm. Nhưng nhà triết học đó có gì buồn cười đến vậy?" "Ta sẽ phải đợi xem." "Nhưng hôm nay là ngày thầy sẽ nói về ông ta đúng không ạ?" "Đúng vậy, hôm nay." Alberto dựa mình thoải mái trên đi văng. Rồi ông nói: "Lần trước, tôi đã nói về Descartes và Spinoza. Chúng ta đã đồng ý rằng họ có một điểm chung quan trọng, đó là cả hai đều theo chủ nghĩa duy lý." "Và người theo chủ nghĩa duy lý là người tin tưởng mạnh mẽ vào tầm quan trọng của lý luận." "Đúng vậy, một người theo chủ nghĩa duy lý tin vào lý tính như là nguồn gốc chính yếu của tri thức, và ông ta có thể còn tin rằng con người có một số ý niệm bẩm sinh nhất định có sẵn trong tâm thức trước mọi kinh nghiệm. Và các ý niệm càng rõ ràng thì ta càng chắc chắn rằng chúng tương ứng với thực tại. Em hãy nhớ lại Descartes đã có một ý niệm rõ ràng và xác thực về một "thực thể hoàn hảo" như thế nào, và trên cơ sở đó, ông đã kết luận rằng Chúa Trời tồn tại." "Em không đến nỗi chóng quên thế đâu thầy." "Lập luận duy lý kiểu này là đặc điểm của các nhà triết học thế kỷ XVII. Nó còn có gốc rễ vững chãi từ thời Trung Cổ, và ta còn nhớ nó đã có từ thời Plato và Socrates. Nhưng đến thế kỷ XVIII, nó là đối tượng của một sự phê phán sâu sắc ngày càng cao. Một loạt các nhà triết học cho rằng trong tâm thức của ta hoàn toàn chẳng có cái gì mà ta chưa từng trải nghiệm nó bằng các giác quan. Quan điểm kiểu này được gọi là chủ nghĩa kinh nghiệm." "Và hôm nay thầy sẽ nói về họ, những nhà kinh nghiệm chủ nghĩa?" "Đúng vậy. Những nhà kinh nghiệm chủ nghĩa - hay các nhà triết học kinh nghiệm - quan trọng nhất là Locke, Berkeley, và Hume, cả ba đều là người Anh. Các nhà triết học duy lý đứng đầu của thế kỷ XVII là Descartes, người Pháp; Spinoza, người Hà Lan; và Leibniz, người Đức. Vậy nên người ta thường phân biệt giữa chủ nghĩa kinh nghiệm Anh và chủ nghĩa duy lý Châu Âu." "Một đống từ khó hiểu! Thầy có thể nhắc lại nghĩa của từ chủ nghĩa kinh nghiệm được không ạ?" "Một nhà kinh nghiệm chủ nghĩa sẽ rút ra mọi tri thức về thế giới từ những gì các giác quan cho ta biết. Phát biểu kinh điển về cách tiếp cận theo lối kinh nghiệm là của Aristotle. Ông nói: Không có gì trong tâm thức ngoại trừ những thứ bắt nguồn từ những gì ta nhận được từ các giác quan. Quan điểm này ngụ ý một sự phê phán trực tiếp đối với Plato, người đã cho rằng con người mang theo một tập hợp các "ý niệm" bẩm sinh từ thế giới ý niệm. Locke nhắc lại lời của Aristotle, nhưng ông dùng chúng để nhằm vào Descartes." "Không có gì trong tâm thức... ngoại trừ những gì trước hết đã có từ các giác quan?" "Chúng ta không có ý tưởng hay khái niệm gì về thế giới ta được đưa đến, trước khi ta nhìn thấy thế giới đó. Nếu ta có một khái niệm hay ý niệm nào đó mà nó không thể gắn với các thực tế đã được trải nghiệm, thì đó phải là một khái niệm sai. Ví dụ, khi ta dùng các từ như "Chúa Trời", "vĩnh cửu" hay "chất", thì lý tính đang bị sử dụng sai vì chưa có ai đã từng trải nghiệm Chúa Trời, sự vĩnh cửu hay cái mà các nhà triết học gọi là chất. Như vậy, người ta có thể viết nhiều luận thuyết uyên bác mà trong đó thực ra không chứa một khái niệm nào thật sự mới. Một hệ thống triết học được xây dựng tài tình như vậy có thể nghe rất ấn tượng nhưng thực ra chỉ là tưởng tượng thuần túy. Các nhà triết học thế kỷ XVII, XVIII đã thừa hưởng một loạt các bài luận uyên bác. Và bây giờ, chúng phải được xem xét lại dưới kính hiển vi. Chúng phải được lọc bỏ mọi khái niệm trống rỗng. Ta có thể so sánh với việc đãi cát tìm vàng. Phần lớn những gì đào lên là cát và đất sét, nhưng trong đó, em nhìn thấy ảnh phản chiếu của những hạt vàng." "Và những hạt vàng đó là kinh nghiệm thực sự?" "Hay ít ra cũng là các suy nghĩ có thể được liên hệ với kinh nghiệm. Đối với các nhà kinh nghiệm chủ nghĩa Anh, việc xem xét kỹ lưỡng mọi khái niệm của con người để xem chúng có được đặt cơ sở trên các trải nghiệm thực tế hay không đã trở nên vấn đề có tầm quan trọng lớn lao. Nhưng ta hãy nói về từng nhà triết học một." "Nào!" "Đầu tiên là nhà triết học người Anh John Locke. Ông sinh năm 1632 và mất năm 1704. Tác phẩm chính của ông là Luận về sự Hiểu biết của Con người [16], xuất bản năm 1690. Trong đó ông đã cố gắng làm sáng tỏ hai câu hỏi. Thứ nhất, chúng ta lấy các ý niệm của mình từ đâu, và thứ hai, chúng ta có thể tin vào những gì các giác quan mách bảo hay không." "Tầm cỡ thật!" "Ta sẽ xét từng câu hỏi một. Locke cho rằng mọi suy nghĩ và ý niệm của ta đều xuất phát từ những gì ta thu được từ các giác quan. Khi ta còn chưa nhận thức bất cứ điều gì, tâm thức là một "tabula rasa" - hay tấm bảng viết trống trơn." "Thầy có thể bỏ qua tiếng Latin được đấy ạ." "Trước khi ta bắt đầu cảm nhận, tâm thức trần trụi và trống trơn như một cái bảng đen trước khi thầy giáo vào lớp. Locke còn so sánh tâm thức với một căn phòng chưa có đồ đạc. Nhưng khi ta cảm nhận sự vật, ta nhìn thế giới xung quanh, ta ngửi, nếm, sờ và nghe thấy. Không ai làm việc này nhiều bằng trẻ sơ sinh. Bằng cách này, xuất hiện cái mà Locke gọi là các ý niệm cảm giác đơn giản. Nhưng tâm thức không chỉ tiếp nhận thông tin từ bên ngoài một cách thụ động. Một số hoạt động khác cũng xảy ra trong đó. Các ý niệm cảm giác đơn được xử lý qua các hoạt động suy nghĩ, lập luận, tin tưởng và nghi ngờ, từ đó sinh ra cái mà ông gọi là phản ánh. Như vậy, ông phân biệt giữa "cảm giác" và "phản ánh". Tâm thức không chỉ tiếp nhận một cách thụ động, nó phân loại và xử lý mọi cảm giác khi chúng chảy vào ào ào. Và đây chính là chỗ người ta phải cảnh giác." "Cảnh giác?" "Locke nhấn mạnh rằng những cái duy nhất mà ta có thể tri giác được là các cảm giác đơn. Thí dụ, khi ăn một quả táo, ta không cảm nhận cả quả táo bằng một cảm giác. Thực tế, ta nhận được một loạt các cảm giác đơn - chẳng hạn, một thứ màu xanh, mùi mát, có nhiều nước và vị sắc. Chỉ sau khi đã ăn táo nhiều lần, ta mới nghĩ: mình đang ăn "táo". Nói theo kiểu của Locke, ta đã thành lập một ý niệm phức về một "quả táo". Khi ta còn bé xíu, lần đầu nếm táo ta không có ý niệm phức đó. Thay vào đó, ta thấy một thứ màu xanh, ta ăn thấy vị mát, ngon và có nhiều nước... Nó còn hơi chua nữa. Từng ít một, ta kết hợp nhiều cảm giác đơn tương tự lại với nhau và hình thành các khái niệm như "táo", "lê", "cam". Nhưng trong phân tích cuối cùng thì mọi chất liệu cho tri thức của ta về thế giới đều đến với ta từ các cảm giác. Do vậy, những tri thức không thể được lần ngược về các cảm giác đơn là các tri thức sai và phải bị loại bỏ." "Dù thế nào thì ta cũng có thể chắc chắn là những gì ta nhìn thấy, nghe thấy, nếm được và sờ thấy đều đúng như ta cảm nhận được." "Vừa đúng vừa sai. Và điều đó đưa chúng ta đến với câu hỏi thứ hai mà Locke đã cố gắng trả lời. Đầu tiên, ông đã trả lời câu hỏi các ý niệm của chúng ta là ở đâu ra. Bây giờ, ông đặt câu hỏi có phải thế giới thực sự giống như chúng ta tri giác được hay không. Điều này cũng không hiển nhiên lắm, em biết đấy, Sophie à. Chúng ta không được nhảy đến kết luận. Đó là điều duy nhất mà một nhà triết học chân chính không bao giờ được làm." "Em có nói gì đâu." "Locke phân biệt giữa cái mà ông gọi là tính chất "sơ cấp" và tính chất "thứ cấp". Và ở đây, ông thừa nhận lòng biết ơn đối với các triết gia lớn trước thời ông - trong đó có Descartes. "Với ông, tính chất sơ cấp có nghĩa là phần mở rộng, khối lượng, chuyển động và số lượng, v.v... Khi đặt câu hỏi về các tính chất này, ta có thể chắc chắn rằng các giác quan mô phỏng chúng một cách khách quan. Nhưng chúng ta cũng cảm nhận được các tính chất khác của sự vật. Ta nói rằng một cái gì đó ngọt hoặc chua, xanh hoặc đỏ, nóng hoặc lạnh. Locke gọi đó là các tính chất thứ cấp. Các cảm giác thuộc kiểu này - màu sắc, mùi vị, âm thanh - không mô phỏng các tính chất cố hữu trong chính các sự vật. Chúng chỉ mô phỏng hiệu ứng của thực tại bên ngoài đối với các giác quan của ta." "Nói cách khác, nó tùy gu của từng người." "Chính xác. Ai cũng có thể đồng ý về các tính chất sơ cấp như kích thước, khối lượng vì chúng nằm trong chính các đối tượng. Nhưng các tính chất khác như màu sắc và mùi vị có thể khác nhau giữa người này với người khác, giữa con thú này với con thú khác, tùy theo bản chất cảm giác của từng cá thể." "Khi Joanna ăn cam, mặt bạn ấy nhăn nhó như người khác ăn chanh. Và bạn ấy không ăn được quá một múi. Bạn ấy kêu chua. Còn em thì thường thấy chính quả cam đó ngon và ngọt." "Và cả hai chẳng có ai đúng hay sai. Các em chỉ miêu tả tác động của quả cam lên cảm giác của mình. Cũng giống như cảm giác về màu sắc. Có thể em không thích một sắc đỏ nào đó. Nhưng nếu Joanna mua một chiếc váy có màu đỏ, khôn ngoan nhất là không nói ra quan điểm của mình. Hai người cảm nhận về màu sắc một cách khác nhau, còn nó chẳng đẹp cũng chẳng xấu." "Nhưng ai cũng có thể đồng ý rằng quả cam hình tròn." "Đúng vậy, nếu em có một quả cam hình tròn, em không thể "nghĩ" rằng nó hình vuông. Em có thể "nghĩ" rằng nó nặng đến 8kg trong khi nó chỉ nặng có 200g. Tất nhiên, em có thể "tin"  rằng nó nặng vài kilo, nhưng khi đó thì em sai toét. Nếu vài người phải đoán khối lượng của một vật, chắc chắn có một người trong số đó đoán đúng hơn những người còn lại. Chuyện tương tự cũng đúng đối với số lượng. Hoặc trong hộp có đúng 986 hạt đậu, hoặc không phải như vậy. Chuyển động cũng vậy. Hoặc là chiếc xe đang chuyển động, hoặc nó đang đứng yên." "Em hiểu rồi." "Như vậy, đối với câu hỏi về thực tại "mở rộng", Locke đồng ý với Descartes rằng có những tính chất nhất định mà con người có thể hiểu được bằng lý tính." "Để công nhận điều đó đâu có khó khăn đến vậy." "Locke thừa nhận cái mà ông gọi là tri thức trực giác, hay "trực quan", trong cả các lĩnh vực khác nữa. Ví dụ, ông khẳng định rằng có những nguyên tắc đạo đức áp dụng cho tất cả mọi người. Nói cách khác, ông tin vào tư tưởng về một lẽ phải tự nhiên, đó là một đặc điểm duy lý trong tư duy của ông. Một đặc điểm không kém phần duy lý khác đó là Locke tin rằng khả năng nhận biết về sự tồn tại của Chúa Trời là cái vốn có trong lý tính con người." "Có lẽ ông ta đúng." "Về cái gì?" "Rằng Chúa Trời tồn tại." "Tất nhiên, điều đó là có thể. Nhưng ông đã không để nó dựa vào đức tin. Ông tin rằng ý niệm về Chúa là bẩm sinh trong lý tính của con người. Đó là một đặc điểm duy lý. Tôi nên nói thêm rằng ông đã lên tiếng ủng hộ sự khoan dung và tự do tri thức. Ông cũng bận tâm với vấn đề bình đẳng nam nữ, ông cho rằng vị thế nhược tiểu của phụ nữ trước nam giới là "nhân tạo". Và do đó nó có thể được thay đổi." "Locke là một trong những nhà triết học đầu tiên trong thời đại không xa lắm quan tâm đến các vai trò giới tính. Ông đã có ảnh hưởng lớn đối với John Stuart Mill, người mà đến lượt mình đã đóng một vai trò then chốt trong cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng nam nữ. Tóm lại, Locke là một người tiên phong cho nhiều tư tưởng tự do mà về sau đã nở rộ trong thời kỳ Khai Sáng Pháp vào thế kỷ XVIII. Ông chính là người đầu tiên ủng hộ nguyên tắc phân chia quyền lực..." "Có phải ý thầy muốn nói về chuyện quyền lực của một quốc gia được phân chia giữa các cơ quan quyền lực không ạ?" "Em có nhớ những cơ quan nào không?" "Cơ quan lập pháp hay các đại diện được bầu cử. Cơ quan tư pháp hay tòa án. Và cơ quan hành pháp, đó là chính phủ." "Sự phân chia quyền lực này xuất phát từ Montesquieu, nhà triết học Khai Sáng người Pháp. Trước đó, Locke đã nhấn mạnh rằng nếu muốn tránh sự độc tài thì quyền lập pháp và quyền hành pháp phải được tách riêng. Montesquieu sống vào thời vua Louis XIV, người nắm trong tay toàn bộ quyền lực. Louis đã nói "Trẫm là nhà nước". Ta nói rằng ông là một nhà cầm quyền "tuyệt đối". Ngày nay, ta có thể coi luật lệ của Louis XIV là vô luật và độc đoán. Quan điểm của Locke là để đảm bảo một nhà nước hợp pháp, các đại diện của nhân dân phải làm ra luật còn vua hay chính quyền phải thi hành các điều luật đó." HUME ... thế thì ném nó vào lửa... Alberto ngồi nhìn trân trân xuống bàn. Cuối cùng, ông quay về phía cửa sổ. "Trời đầy mây." Sophie nói. "Ừ, oi bức thật." "Thầy có định nói về Berkeley bây giờ không ạ?" "Ông ta là người tiếp theo trong ba nhà triết học kinh nghiệm người Anh. Nhưng vì ông ta thuộc một phạm trù của riêng mình theo nhiều nghĩa, nên trước hết, ta hãy tập trung vào David Hume. Hume sinh năm 1711 và mất năm 1776. Ông nổi bật với vị thế quan trọng nhất của các nhà kinh nghiệm chủ nghĩa. Ông còn là người đã giúp nhà triết học vĩ đại Immanuel Kant tìm ra con đường triết học của mình." "Thầy không thèm để ý đến chuyện em quan tâm đến triết học của Berkeley hơn à?" "Chuyện đó không quan trọng. Hume lớn lên ở gần Edinburgh, Scotland. Gia đình muốn ông theo ngành luật, nhưng ông cảm thấy "một sự kháng cự không thể vượt qua được đối với mọi thứ trừ triết học và sự học nói chung". Ông sống vào thời kỳ Khai Sáng, cùng thời với các nhà tư tưởng lớn của Pháp như Voltaire và Rousseau. Ông đã đi nhiều nơi ở Châu Âu trước khi trở về định cư tại Edinburgh cho đến cuối đời. Tác phẩm chính của ông, Khảo luận về Bản chất Con người [17], được xuất bản khi Hume mới 28 tuổi, nhưng ông nói rằng mình đã có ý tưởng về cuốn sách từ hồi 15 tuổi." "Vậy là em không còn thời gian để mà phí phạm nữa." "Em đã bắt đầu rồi còn gì." "Nhưng nếu em định xác lập triết học của chính mình, nó sẽ rất khác với tất cả những gì em đã nghe từ đầu đến giờ." "Liệu còn thiếu cái gì đó chăng?" "Trước hết, tất cả các triết gia mà thầy đã nói đến đều là đàn ông. Và có vẻ như đàn ông sống trong một thế giới riêng của họ. Em quan tâm đến thế giới thực hơn, nơi có hoa cỏ, chim muông, nơi trẻ em sinh ra và lớn lên. Các nhà triết học của thầy lúc nào cũng nói về "người [18]" và "con người", bây giờ lại thêm một bài luận về "bản chất con người". Cứ như thể cái "con người" này là một ông trung niên ấy. Ý em là cuộc sống bắt đầu với việc mang thai và sinh nở, thế mà từ đầu đến giờ em chưa thấy cái gì liên quan đến tã lót và trẻ sơ sinh khóc cả. Và hầu như chẳng thấy gì về tình yêu và tình bạn." "Em đúng đấy, tất nhiên rồi. Nhưng Hume là một nhà triết học với một cách tư duy khác. Nhiều hơn bất kỳ một nhà triết học nào khác, ông đã lấy cuộc sống hàng ngày làm xuất phát điểm của mình. Thậm chí tôi còn cho rằng Hume suy nghĩ nhiều về cách mà trẻ em - những công dân mới của thế giới - trải nghiệm cuộc sống." "Thế thì em nghe vậy." "Là một nhà kinh nghiệm chủ nghĩa, ông tự đặt cho mình nhiệm vụ dọn dẹp các khái niệm và các cấu trúc tư tưởng mơ hồ mà các triết gia nam giới trước đó đã tạo ra. Có hàng đống mảnh vụn cũ, cả viết lẫn nói, từ thời Trung Cổ và triết học duy lý thế kỷ XVII. Hume đề xuất sự quay về với kinh nghiệm tự phát của chúng ta về thế giới. Ông nói rằng sẽ không có một nhà triết học nào có khả năng đưa ta tới được những gì ẩn sau các trải nghiệm hàng ngày, hay cho ta các quy tắc ứng xử trái với những gì ta thu được từ những suy nghiệm về cuộc sống hàng ngày." "Nghe có vẻ hứa hẹn. Thầy có thể cho em một ví dụ được không ạ?" "Thời của Hume có nhiều người tin vào sự tồn tại của các thiên thần, nghĩa là những sinh vật hình người có cánh. Em đã bao giờ nhìn thấy một sinh vật dạng này chưa Sophie?" "Chưa ạ." "Nhưng em đã nhìn thấy người rồi đúng không?" "Thế mà cũng hỏi." "Chắc chắn rồi, nhưng không phải ở trên một thân người." "Như vậy, theo Hume, "thiên thần" là một ý niệm phức. Nó bao gồm hai kinh nghiệm khác nhau mà thực ra không có liên quan với nhau, nhưng lại được liên hệ với nhau trong trí tưởng tượng của con người. Nói cách khác, đó là một ý niệm sai và phải bị loại bỏ ngay tức khắc. Chúng ta phải dọn dẹp các tư tưởng và ý niệm của mình, và dọn cả bộ sưu tập sách của chúng ta cũng theo cách đó. Hume diễn đạt như thế này: Nếu ta cầm trên tay một cuốn sách... hãy hỏi "Nó có chứa lý luận trừu tượng liên quan đến định lượng hay số lượng không?" Không. "Nó có chứa lập luận nào xây dựng trên kinh nghiệm liên quan đến sự thật và sự tồn tại không?" Không. Thế thì ném nó vào lửa, vì nó chẳng có chứa gì ngoài ngụy biện và ảo tưởng." "Quyết liệt thật!" "Còn thế giới vẫn tồn tại, tươi mới và rõ nét hơn bao giờ hết. Hume muốn biết một đứa trẻ trải nghiệm thế giới như thế nào. Chẳng phải em đã nói rằng phần lớn các triết gia em đã được nghe đều sống trong thế giới của riêng mình và rằng em quan tâm đến thế giới thực hơn?" "Đại loại như vậy." "Hume có thể cũng đã nói y như vậy. Nhưng chúng ta hãy theo sát dòng suy tưởng của ông hơn nữa." "Em nhất trí." "Hume bắt đầu với việc chỉ ra rằng con người có hai loại tri giác khác nhau, đó là các ấn tượng và các ý niệm. "Ấn tượng" là cảm giác tức thời về thực tại bên ngoài. "Ý niệm là hồi ức về các ấn tượng đó." "Thầy cho ví dụ đi ạ." "Nếu em bị bỏng vì đụng phải bếp lò nóng, em nhận được một "ấn tượng" tức thời. Sau đó, em nhớ lại chuyện phải bỏng. Khi được hồi tưởng, ấn tượng đó thành cái mà Hume gọi là một "ý niệm". Sự khác biệt là ở chỗ một ấn tượng mạnh mẽ hơn và sống động hơn ký ức về ấn tượng đó. Em có thể nói rằng ấn tượng hay cảm giác là nguyên gốc, còn ý niệm hay hồi ức chỉ là một sự mô phỏng nhợt nhạt. Chính ấn tượng là nguyên nhân trực tiếp của các ý niệm lưu trữ trong tâm thức." "Đến giờ thì em... vẫn theo được thầy." "Hume tiếp tục nhấn mạnh rằng cả ấn tượng và ý niệm đều có thể là đơn hoặc phức. Em chắc còn nhớ quả táo mà ta đã nói đến khi nói về Locke. Kinh nghiệm trực tiếp về một quả táo là ví dụ về một ấn tượng phức." "Em xin lỗi vì phải ngắt lời thầy, nhưng chuyện này có thật sự quan trọng đến thế không ạ?" "Quan trọng? Sao em có thể hỏi như thế được? Ngay cả khi các nhà triết học có thể đã bận tâm đến nhiều vấn đề không thực chất, em cũng không được bỏ cuộc bây giờ khi đang xây dựng một luận cứ. Hume có lẽ cũng đồng ý với Descartes rằng xây dựng một tư tưởng phải bắt đầu ngay từ nền móng là điều thiết yếu." "Thôi được, thôi được." "Quan điểm của Hume là đôi khi chúng ta tạo nên các ý niệm phức không tương ứng với một đối tượng nào trong thế giới vật chất. Chúng ta vừa nói về các thiên thần. Trước đó, ta đã nhắc đến "voi cá sấu". Một ví dụ khác là Thi mã, một con ngựa có cánh. Trong tất cả các trường hợp đó, ta đều phải thừa nhận rằng tâm thức đã thực hiện rất giỏi công việc tự cắt dán ra tất cả các ý niệm đó. Mỗi thành phần đều đã từng được thấy, và được đưa vào nhà hát của tâm thức dưới dạng một "ấn tượng" thực. Thực ra tâm thức chẳng phát minh ra cái gì mà chỉ sắp xếp các thứ lại với nhau và tạo nên các "ý niệm" sai." "Vâng, em hiểu rồi. Ý đó rất quan trọng." "Thế thì được. Hume đã muốn thẩm định từng ý niệm để xem nó có được kết hợp theo một kiểu không tương ứng với thực tại hay không. Ông hỏi: ý niệm này bắt nguồn từ ấn tượng nào? Trước tiên, ông phải tìm xem những "ý niệm đơn" nào tham gia hợp thành một ý niệm phức. Việc này mang lại cho ông một phương pháp phê phán để phân tích các ý niệm của ta, và nhờ đó cho phép ông dọn dẹp lại các tư tưởng và khái niệm của ta." "Thầy cho một hai ví dụ được không ạ?" "Vào thời của Hume, nhiều người có những ý niệm rất rõ ràng về "thiên đường" hay "Tân Jerusalem". Em còn nhớ Descartes đã ngụ ý rằng các ý niệm có bản chất "rõ ràng và xác thực" có thể là một sự bảo đảm rằng chúng tương ứng với cái gì đó thật sự tồn tại chứ?" "Em đã nói là em không đãng trí đến thế." "Ta thấy rằng khái niệm "thiên đường" của ta bao gồm rất nhiều thành phần. Thiên đường gồm có "cổng ngọc trai", những "con đường lát vàng", bao nhiêu là "thiên thần", v.v... Và chúng ta vẫn chưa chia mọi thứ ra thành các thành phần đơn, vì chính cổng ngọc trai, đường lát vàng và các thiên thần tự nó đều đã là các ý niệm phức. Chỉ khi chúng ta nhận thấy rằng khái niệm thiên đường của ta bao gồm các khái niệm đơn chẳng hạn "ngọc trai", "cổng", "vàng", "hình người màu trắng", và "cánh", thì ta mới có thể tự hỏi xem chúng ta đã từng có các "ấn tượng đơn" đó chưa?" "Chúng ta đã có. Nhưng ta cắt ra và dán tất cả các "ấn tượng đơn" này vào thành một ý niệm." "Đó chính là điều mà ta đã làm. Bởi vì cắt và dán chính là hoạt động mà con người chúng ta thực hiện khi hình dung. Nhưng Hume nhấn mạnh rằng mọi thành phần mà ta đưa vào các ý niệm của mình đều đã từng đi vào tâm thức của chúng ta dưới dạng các "ấn tượng đơn". Một người chưa bao giờ nhìn thấy vàng sẽ không thể tưởng tượng ra những con đường lát vàng." "Ông ta thông minh thật. Thế còn chuyện Descartes có một ý niệm rõ ràng và xác thực về Chúa Trời thì sao ạ?" "Hume cũng có câu trả lời cho việc đó. Giả sử ta hình dung Chúa Trời là một thực thể vô cùng "thông minh, uyên bác, và thiện". Như vậy, ta có một "ý niệm phức" bao gồm cái gì đó vô cùng thông minh, cái gì đó vô cùng uyên bác, và cái gì đó vô cùng thiện. Nếu ta chưa bao giờ được biết về trí thông minh, sự uyên bác, và cái thiện, chúng ta sẽ không thể có được ý niệm như thế về Chúa Trời. Khái niệm Chúa Trời của ta cũng có thể là "một Người Cha nghiêm khắc nhưng công bằng" - đó là một khái niệm bao gồm "sự nghiêm khắc", "công bằng", và "cha". Hume nhận được nhiều chỉ trích của giới tôn giáo vì ông đã cho rằng các ý niệm của chúng ta về Chúa Trời có liên quan đến những gì ta đã cảm nhận về cha mình khi ta còn nhỏ. Khẳng định đó có ý rằng ý niệm về một người cha đã dẫn tới ý niệm về một "người cha trên trời". "Có thể điều đó là đúng, nhưng em chưa bao giờ chấp nhận rằng Chúa nhất thiết phải là một người đàn ông. Đôi khi mẹ em gọi Chúa Trời là "bà Trời" cho cân." "Dù sao thì Hume cũng phản đối mọi tư tưởng và ý niệm mà không thể lần ngược được về các tri giác giác quan tương ứng. Ông nói rằng ông muốn "gạt bỏ mọi điều vô nghĩa đã từ lâu thống trị tư duy siêu hình và làm cho nó mang tiếng xấu." "Nhưng ngay cả trong cuộc sống hàng ngày, ta vẫn dùng các ý niệm phức mà chẳng tự hỏi xem chúng có đúng đắn hay không. Ví dụ, xét câu hỏi về "cái tôi" hay bản ngã. Đó chính là nền tảng của triết học Descartes. Nó là tri giác rõ ràng và xác thực mà toàn bộ triết học của ông đã được xây dựng lên trên." "Em hy vọng Hume không cố phủ nhận rằng em là em. Nếu không thì ông ấy thật là hồ đồ." "Sophie! Nếu có điều gì mà tôi muốn em học được từ khóa triết học này, thì đó chính là không được nhảy đến kết luận." "Em xin lỗi thầy, thầy nói tiếp đi ạ." "Không, em hãy thử dùng phương pháp của Hume để phân tích cảm nhận của em về "bản ngã" của mình xem." "Trước hết, em sẽ phải xác định xem bản ngã là một khái niệm đơn hay phức." "Kết luận của em là gì?" "Quả thực em phải thừa nhận là em cảm thấy nó khá là phức tạp. Chẳng hạn, em rất hay thay đổi. Em khó xác định ý kiến về một việc gì đó. Và em có thể vừa thích vừa không thích cùng một người." "Nói cách khác, "khái niệm bản ngã" là một "ý niệm phức"." "Vâng, vậy chắc là bây giờ em phải nghĩ xem em có có một "ấn tượng phức" tương ứng về bản ngã của mình hay không. Và em cho là có. Thực ra là em luôn luôn có." "Chuyện đó có làm em lo ngại không?" "Em rất hay thay đổi. Hôm nay em không giống với em hồi 4 tuổi. Tính khí của em và cách em nhìn nhận bản thân thay đổi từng phút. Em có thể bất chợt cảm thấy như mình là một "người hoàn toàn mới"." "Như vậy, cảm giác về việc sở hữu một bản ngã bất biến là một nhận thức sai. Nhận thức về bản ngã trong thực tế là một chuỗi dài những ấn tượng đơn mà em không bao giờ trải qua trong cùng thời điểm. Theo cách diễn đạt của Hume, nó "chỉ là một tập hợp các tri giác khác nhau, tri giác này nối tiếp tri giác kia với tốc độ cực nhanh mà ta không thể hình dung được, tạo thành một luồng chuyển động liên tục". Tâm thức là "một kiểu nhà hát, nơi một vài tri giác nối tiếp nhau xuất hiện: qua, lại, lướt đi, và hòa vào trong vô số các tư thế và tình thế". Hume chỉ ra rằng chúng ta không có "đặc tính cá nhân" ẩn sau các tri giác và cảm giác đến và đi này. Nó chỉ như những hình ảnh trên màn chiếu phim. Chúng thay đổi nhanh đến nỗi ta không ghi nhận rằng phim được làm từ các bức ảnh đơn. Trong thực tế, các bức ảnh này không được kết nối. Bộ phim là một tập hợp của các khoảnh khắc." "Chắc là em chịu rồi." "Có phải thế nghĩa là em từ bỏ ý niệm về việc sở hữu một bản ngã bất biến?" "Chắc vậy." "Lúc nãy em đã tin vào điều ngược lại. Tôi cần nói thêm rằng phân tích của Hume về tâm thức con người và sự phủ nhận bản ngã bất biến đã được đưa ra trước đó gần 2500 năm ở nửa bên kia của thế giới." "Bởi ai vậy?" "Phật. Cái cách mà hai người xác lập tư tưởng của mình giống nhau một cách kỳ lạ. Phật nhìn cuộc đời là một chuỗi liên tục của các quá trình tinh thần và vật chất, nó giữ người ta trong một trạng thái liên tục biến đổi. Đứa bé sơ sinh không giống khi nó trở thành người trưởng thành; tôi hôm nay khác với tôi hôm qua. Phật nói rằng không có cái gì mà ta có thể nói "nó là của tôi", và chẳng có cái gì mà ta có thể nó "đây là tôi". Vậy, không có "tôi" hay bản ngã bất biến." "Vâng, rất đúng kiểu Hume." "Khi tiếp tục ý niệm về bản ngã bất biến, nhiều nhà duy lý đã mặc nhiên công nhận rằng con người có linh hồn vĩnh cửu." "Đó cũng là một tri giác sai ạ?" "Theo Phật và Hume thì đúng như vậy. Em có biết Phật đã nói gì với các đệ tử của mình trước khi ông qua đời không?" "Không, làm sao mà em biết được?" "Có hợp thì tất có tan, có sinh thì tất có diệt. Đừng bao giờ quên siêng năng tinh tiến để giải thoát vọng nghiệp". Hume chắc cũng có thể nói tương tự như vậy. Hay Democritus nữa. Từ tất cả các sự kiện, ta thấy rằng Hume loại bỏ mọi cố gắng chứng minh sự bất tử của linh hồn hay sự tồn tại của Chúa. Điều đó không có nghĩa rằng ông loại trừ một khả năng nào trong đó, mà theo ông, việc chứng minh đức tin tôn giáo bằng lý luận của con người là một trò lừa duy lý. Hume không cần phải là một tín đồ Đạo Ki-tô, ông cũng chẳng phải một người vô thần cố chấp. Ông thuộc kiểu mà ta gọi là người theo thuyết bất khả tri." "Nghĩa là gì ạ?" "Người theo thuyết bất khả tri là người khẳng định rằng không thể chứng minh hay phản chứng được sự tồn tại của Chúa Trời hay thần thánh. Khi Hume hấp hối, một người bạn hỏi ông có tin vào cuộc sống sau cái chết hay không. Người ta kể là ông đã trả lời rằng: "Cũng có thể có một viên than đặt trên ngọn lửa và không bắt lửa." "Em hiểu rồi." "Câu trả lời này điển hình cho sự sẵn sàng tiếp thu cái mới một cách vô điều kiện của ông. Ông chỉ chấp nhận những gì ông tri giác được bằng các giác quan của mình, và để ngỏ tất cả các khả năng khác. Ông không phủ nhận đức tin vào Ki-tô hay đức tin vào các phép màu. Nhưng cả hai đều là đức tin mà không phải tri thức hay lý luận. Em có thể nói rằng, với triết học Hume, mối liên kết cuối cùng giữa đức tin và tri thức đã bị phá vỡ." "Thầy nói là ông ấy không phủ nhận rằng phép màu có thể xảy ra?" "Điều đó không có nghĩa ông tin vào chúng, điều ngược lại còn có khả năng hơn. Ông đã nêu lên một thực tế rằng mọi người có vẻ có một nhu cầu rất lớn về những cái mà ngày nay ta gọi là hiện tượng "siêu nhiên". Vấn đề là ở chỗ tất cả những phép màu mà ta nghe thấy đều đã xảy ra ở một nơi xa xôi nào đó, và từ lâu lắm rồi. Thực ra, Hume chỉ loại bỏ phép mầu vì ông chưa bao giờ chứng kiến chúng. Nhưng ông cũng chưa từng chứng kiến rằng chúng không thể xảy ra." "Thầy sẽ phải giải thích thêm về ý đó." "Theo Hume, phép mầu không tuân theo các quy luật tự nhiên. Nhưng khẳng định rằng chúng ta đã chứng kiến các quy luật tự nhiên là vô nghĩa. Ta đã chứng kiến một hòn đá rơi xuống đất khi ta thả nó, và nếu nó không rơi... à, thế thì ta chứng kiến hiện tượng đó." "Em sẽ gọi đó là một phép màu, hay cái gì đó siêu nhiên." "Vậy, em tin rằng có hai tự nhiên, một "tự nhiên" và một "siêu tự nhiên". Không phải em đang trên đường quay lại trò lừa duy lý đấy sao?" "Có thể, nhưng em vẫn tin rằng hòn đá sẽ rơi xuống đất mỗi khi em thả nó." "Tại sao?" "Thầy quá đáng thật!" "Tôi không quá đáng đâu, Sophie. Với một nhà triết học, đặt câu hỏi không bao giờ là việc làm sai. Có lẽ chúng ta đang tiến đến gần điểm then chốt của triết học Hume. Hãy nói xem vì sao em có thể chắc chắn đến vậy rằng hòn đá sẽ luôn luôn rơi xuống đất." "Em đã thấy chuyện đó xảy ra nhiều lần đến mức em hoàn toàn chắc chắn là nó sẽ lại xảy ra như thế." "Hume chắc sẽ nói rằng em đã nhiều lần chứng kiến hòn đá rơi xuống đất. Nhưng em chưa bao giờ chứng kiến rằng nó luôn rơi. Người ta thường nói rằng đá rơi xuống đất do luật trọng trường. Nhưng chúng ta chưa bao giờ chứng kiến định luật đó. Chúng ta chỉ chứng kiến các vật rơi." "Hai chuyện đó không hoàn toàn giống nhau sao?" "Không hoàn toàn. Em nói em tin rằng hòn đá sẽ rơi xuống đất vì em đã nhìn thấy việc đó xảy ra nhiều lần. Đó chính là điểm mấu chốt của Hume. Em đã quen với chuyện sự việc này nối tiếp sự việc khác đến mức mỗi lần em thả hòn đá, em đều chờ đợi cùng một kết quả sẽ xảy ra. Khái niệm mà ta gọi là "những quy luật không thể phá vỡ thiên nhiên" đã sinh ra theo cách đó." "Có thực là ông ấy có ý rằng cũng có thể là một hòn đá khi được thả sẽ không rơi?" "Ông ta có lẽ cũng tin tưởng chẳng kém gì em rằng nó sẽ rơi mỗi khi được thả. Nhưng ông nhấn mạnh rằng ông chưa được chứng kiến tại sao chuyện đó xảy ra." "Bây giờ thì chúng ta lại đi xa khỏi trẻ em và hoa cỏ rồi!" "Không, ngược lại. Em tha hồ lấy trẻ em ra để kiểm nghiệm Hume. Em cho là ai sẽ ngạc nhiên hơn khi nếu hòn đá lửng lơ bồng bềnh trong vòng một hai tiếng, em hay là một đứa bé một tuổi?" "Chắc là em." "Tại sao?" "Vì em hiểu rõ hơn em bé chuyện đó bất thường đến thế nào." "Và tại sao em bé lại không cho rằng chuyện đó không tự nhiên?" "Vì nó chưa biết thiên nhiên hành xử như thế nào." "Hoặc có lẽ do thiên nhiên chưa trở thành một thói quen chăng?" "Em hiểu ý thầy rồi. Hume muốn mọi người gọt sắc khả năng nhận thức của mình." "Thế thì câu hỏi tiếp theo: giả sử em và một đứa bé đi xem ảo thuật, nơi người ta làm cho các đồ vật bay lơ lửng trong không khí. Trong hai em, ai sẽ thấy vui nhất?" "Chắc là em." "Tại sao?" "Vì em biết chuyện đó là không thể được." "Vậy là... đối với đứa bé, nhìn thấy các quy luật tự nhiên bị chối bỏ khi bé còn chưa biết về chúng thì chẳng có gì là hay cả." "Chắc thế." "Và chúng ta vẫn đang ở điểm then chốt của triết học kinh nghiệm Hume. Ông chắc sẽ nói thêm rằng đứa trẻ chưa trở thành nô lệ của kỳ vọng về những chuyện thường nhật; vậy trong hai người, đứa bé có cái nhìn cởi mở hơn. Tôi tự hỏi không biết có phải đứa bé cũng là nhà triết học lớn hơn hay không? Bé đến với cuộc đời với tuyệt nhiên không một chút thành kiến. Và đó, Sophie thân mến, chính là phẩm chất nổi bật nhất của một nhà triết học. Đứa bé nhận thức thế giới như nó vốn có, không thêm thắt bất cứ thứ gì ngoài những gì bé trải nghiệm." "Mỗi lần định kiến, em có cảm giác tồi tệ." "Khi Hume bàn về sức mạnh của thói quen, ông tập trung vào "luật nhân quả". Quy luật này nói rằng mọi việc xảy ra đều có nguyên nhân. Hume dùng hai viên bi-a làm ví dụ. Nếu em lăn viên đen đập vào viên trắng đang đứng yên, viên trắng sẽ thế nào?" "Tại sao?" "Vì nó bị viên đen đập vào." "Như vậy, ta thường nói rằng va chạm của viên đen là nguyên nhân của sự kiện viên trắng bắt đầu lăn. Nhưng hãy nhớ là ta chỉ có thể nói về những gì ta thực sự chứng kiến." "Em quả thực đã chứng kiến chuyện này rất nhiều lần. Nhà Joanna có ban bi-a dưới tầng hầm." "Hume sẽ nói điều duy nhất mà em đã thấy là viên trắng bắt đầu lăn. Em chưa chứng kiến nguyên nhân thực sự của việc nó bắt đầu lăn. Em đã chứng kiến một hiện tượng xảy ra sau một hiện tượng khác, nhưng chưa chứng kiến rằng hiện tượng sau xảy ra là do hiện tượng trước." "Chẳng phải như vậy là chẻ sợi tóc làm tư?" "Không, điều này rất trọng tâm! Hume nhấn mạnh rằng sự kỳ vọng một sự kiện nối tiếp một sự kiện khác không nằm trong chính các sự kiện đó, mà nằm trong tâm thức của chúng ta. Và như ta đã thấy, sự kỳ vọng có liên quan đến thói quen. Quay trở lại với em bé, nó sẽ không tròn mắt ngạc nhiên khi một viên bi-a đập vào một viên bi-a khác và cả hai đứng yên hoàn toàn. Khi ta nói về các "quy luật tự nhiên" hay về "nguyên nhân và kết quả", thực ra ta đang nói về những gì ta kỳ vọng chứ không phải một cái gì đó "hợp lý". Các quy luật tự nhiên không hợp lý và cũng chẳng bất hợp lý, chúng chỉ đơn giản là như vậy. Do vậy, việc kỳ vọng viên bi trắng sẽ lăn khi nó bị viên bi đen đập phải không phải là bẩm sinh. Chúng ta không được sinh ra với một tập các kỳ vọng về chuyện thế giới ra sao, các sự vật trong thế giới hành xử như thế nào. Thế giới giống như nó vốn có, và đó là cái mà ta tìm hiểu được." "Em bắt đầu cảm thấy như mình đang lệch hướng lần nữa." "... nếu không phải các kỳ vọng của ta làm ta nhảy đến kết luận. Hume không phủ nhận sự tồn tại của các "quy luật tự nhiên không thể phá vỡ". Trái lại, ông cho rằng chính vì chúng ta không thể chứng kiến các quy luật tự nhiên nên chúng ta có thể dễ dàng đi đến các kết luận sai lầm." "Thí dụ?" "Thế này, tôi nhìn thấy một đàn ngựa đen, điều đó không có nghĩa là tất cả các con ngựa đều màu đen." "Dĩ nhiên là không." "Và mặc dù cả đời tôi chỉ nhìn thấy quạ đen, điều đó không có nghĩa là không có một con quạ trắng nào cả. Đối với cả các nhà triết học lẫn các nhà khoa học, điều quan trọng là không được loại bỏ khả năng tìm thấy một con quạ trắng. Em gần như có thể nói rằng việc săn tìm "con quạ trắng" chính là nhiệm vụ chính yếu của khoa học." "Vâng, em hiểu rồi." "Đối với câu hỏi về nguyên nhân và kết quả, có thể có nhiều người hình dung chớp là nguyên nhân của sấm vì tiếng sấm xuất hiện sau ánh chớp. Ví dụ này thực sự không khác với ví dụ về các viên bi-a là mấy. Nhưng chớp có phải là nguyên nhân của sấm không?" "Không hẳn, vì thực ra chúng xảy ra cùng lúc." "Cả sấm và chớp đều là do một cuộc phóng điện. Như vậy, trong thực tế, một nhân tố thứ ba là nguyên nhân của cả hai." "Đúng vậy." "Bertrand Russell, một nhà kinh nghiệm chủ nghĩa của thế kỷ chúng ta, đã đưa ra một ví dụ ấn tượng hơn. Một con gà thấy rằng hàng ngày nó được cho ăn khi bà chủ trại vào sân nuôi gà. Cuối cùng, nó sẽ đi đến kết luận rằng có một mối liên hệ nhân quả giữa việc bà chủ vào sân gà và việc nhận thức ăn được đổ vào máng." "Nhưng một hôm con gà không được cho ăn?" "Không, một hôm bà chủ trại đến và vặn cổ con gà." "Eo! Kinh quá!" "Do đó, thực ra việc một sự kiện nối tiếp một sự kiện khác không nhất thiết có nghĩa là giữa chúng có một mối quan hệ nhân quả. Một trong những mối quan tâm chính của triết học là cảnh báo mọi người đừng nên nhảy đến kết luận. Trong thực tế, nó có thể dẫn đến nhiều dạng khác nhau của mê tín dị đoan." "Như thế nào ạ?" "Em thấy một con mèo đen chạy qua phố. Rồi hôm đó em bị ngã gãy tay. Nhưng điều đó không có nghĩa tồn tại một mối quan hệ nhân quả giữa hai sự kiện. Trong khoa học, một điều đặc biệt quan trọng là không nên vội nhảy đến kết luận. Ví dụ, việc có nhiều người khỏi bệnh sau khi uống một loại thuốc nào đó không có nghĩa là chính loại thuốc đó đã chữa khỏi cho họ. Đó là lý do cần phải có một nhóm lớn các bệnh nhân tin rằng họ cũng được uống cùng loại thuốc đó, nhưng thực chất chỉ được cho dùng nước và bột mì. Nếu những bệnh nhân này cũng khỏi bệnh thì phải có một nhân tố thứ ba chẳng hạn niềm tin rằng loại thuốc đó hiệu nghiệm đã chữa khỏi cho họ." "Em nghĩ là em bắt đầu hiểu chủ nghĩa kinh nghiệm là gì." "Hume còn phản bác lại tư tưởng duy lý trong lĩnh vực luân lý. Các nhà duy lý đã luôn khẳng định rằng khả năng phân biệt đúng sai là sẵn có trong lý tính con người. Ta đã gặp tư tưởng về cái gọi là lẽ phải tự nhiên từ nhiều triết gia từ Socrates đến Locke. Nhưng theo Hume, không phải lý tính quyết định những gì ta nói và làm." "Thế thì cái gì ạ?" "Đó là cảm tính của ta. Nếu em quyết định giúp một người đang cần được giúp đỡ, em làm điều đó vì tình cảm của em chứ không phải lý tính." "Thế nếu em chẳng buồn giúp?" "Cả đó cũng là vấn đề cảm tính. Việc không giúp đỡ người khác không hợp lý cũng chẳng bất hợp lý, nhưng nó có thể là tàn nhẫn." "Nhưng phải có một giới hạn nào đó chứ. Ai cũng hiểu giết người là sai." "Theo Hume, ai cũng nhạy cảm với chất lượng cuộc sống của người khác. Như vậy, chúng ta đều có một khả năng trắc ẩn. Nhưng chuyện này chẳng liên quan đến lý tính." "Em không rõ là có thể đồng ý được không." "Sophie à, việc loại bỏ một người khác không phải lúc nào cũng là ngu xuẩn. Đó thực ra có thể là một ý tưởng khá hay nếu em muốn đạt được điều này hay điều khác." "Ấy ấy! Gượm hẵng! Em phản đối!" "Có lẽ em hãy thử giải thích tại sao không nên giết một người hay gây rắc rối?" "Người đó cũng muốn sống. Vì thế ta không nên giết họ." "Đó có phải là một luận cứ logic không?" "Em không biết." "Việc em vừa làm là rút ra kết luận từ một câu tả - "Người đó cũng muốn sống" - đến một câu định chuẩn: "Vì thế ta không nên giết họ". Từ quan điểm lý tính, đây là một việc vô nghĩa. Vì ta cũng có thể nói rằng "Có nhiều người trốn thuế, cho nên tôi cũng nên trốn thuế". Hume nói rằng, ta không thể rút ra kết luận từ một câu tả để tạo ra một câu định chuẩn "nên". Thế nhưng chuyện này lại cực kỳ thông dụng, đặc biệt trên báo chí, trong các cương lĩnh chính trị và các bài phát biểu. Em có muốn một vài ví dụ không?" "Có ạ." "Ngày càng có nhiều người đi máy bay, cho nên ta cần xây dựng thêm sân bay". Em có thấy kết luận đó đúng không?" "Không, thật bậy bạ! Người ta phải nghĩ đến môi trường nữa chứ. Em nghĩ là thay vào đó ta nên xây thêm đường sắt thì hơn." "Hay người ta nói rằng: Phát triển thêm các mỏ dầu mới sẽ tăng mức sống của nhân dân thêm 10%. Do đó, ta cần xây dựng thêm các mỏ dầu mới càng nhanh càng tốt." "Chắc chắn là không. Ta cũng phải nghĩ đến môi trường. Hơn nữa, dù sao thì mức sống ở Na Uy cũng đã đủ cao rồi." "Đôi khi người ta nói rằng "Điều luật này đã được Nghị viện thông qua, do đó mọi công dân phải chấp hành". Nhưng nhiều khi, việc tuân thủ các điều luật đó lại đi ngược lại với ước muốn sâu xa của dân chúng." "Vâng, em hiểu điều đó." "Như vậy, ta đã thiết lập rằng người ta không thể dùng lý tính làm thước đo cho hành động của mình. Hành động một cách có trách nhiệm không phải là chuyện tăng cường sức mạnh cho lý tính mà là vấn đề làm sâu sắc hơn tình cảm của ta đối với cuộc sống của người khác. Hume đã nói rằng, lý tính không mâu thuẫn với việc thà để cho cả thế giới bị hủy diệt còn hơn mình bị xước ngón tay." "Thật là một khẳng định dựng tóc gáy." "Nó còn dựng tóc gáy hơn nếu em thử tráo bài. Em biết là Phát xít Đức đã giết hàng triệu người Do Thái. Em sẽ nói rằng lý tính của bọn Phát xít có vấn đề, hay em sẽ bảo rằng cuộc sống tình cảm của những người này không bình thường?" "Chắc chắn có cái gì không ổn trong cảm xúc của họ." "Nhiều tên trong số chúng có đầu óc cực kỳ tỉnh táo và nhạy bén. Ta thường gặp những tính toán lạnh băng đằng sau những quyết định nhẫn tâm nhất. Sau chiến tranh, nhiều tên Phát xít đã bị kết tội, nhưng chúng không bị kết tội vì đã "bất hợp lý". Chúng bị kết tội vì đã là những tên giết người khủng khiếp. Có thể xảy ra các trường hợp những người không có đầu óc tỉnh táo được miễn chịu trách nhiệm cho hành vi phạm tội của mình". Chưa từng có ai được miễn tội vì đã không có tình cảm." "Em hy vọng là không." "Nhưng ta không cần dùng mãi những ví dụ kinh khủng. Nếu một nạn lụt làm hàng triệu người mất nhà ở, chính cảm tính của ta quyết định xem ta có đến giúp hay không. Nếu nhẫn tâm, ta có thể để mặc mọi thứ cho "lý tính lạnh lùng", ta có thể nghĩ rằng thực ra trong một thế giới đang bị đe dọa bởi sự bùng nổ dân số, chuyện hàng triệu người chết là đúng trật tự." "Thầy thậm chí có thể nghĩ như thế à! Thầy đang làm em phát điên lên được!" "Và lưu ý rằng không phải lý tính của em đang tức tối." "Thôi được, em hiểu rồi." BERKELEY ... như một hành tinh loạng quạng quay cuồng quanh một mặt trời rực cháy... Alberto đi về phía cửa sổ ngắm nhìn xuống phố. Sophie theo sau. Khi họ đang đứng ngắm những ngôi nhà cổ, một chiếc máy bay nhỏ bay phía trên những ngôi nhà cao nhất. Gắn vào đuôi máy bay là một băng vải dài mà Sophie đoán là quảng cáo của một sản phẩm hay sự kiện nào đó của thành phố, một buổi trình diễn nhạc rock chẳng hạn. Nhưng khi chiếc máy bay đến gần và rẽ ngang, cô đọc thấy một thông điệp hoàn toàn khác: CHÚC MỪNG SINH NHẬT HILDE! "Không mời mà đến." là bình luận duy nhất của Alberto. Mây đen nặng nề từ những ngọn đồi phía nam đã bắt đầu che phủ thành phố. Chiếc máy bay nhỏ biến mất vào trong bầu trời màu xám. "Tôi e là sắp có bão." Alberto nói. "Thế thì em sẽ về bằng xe buýt." "Tôi chỉ hy vọng là ông Thiếu tá không đứng sau cả chuyện này nữa." "Ông ta không phải là Chúa Trời toàn năng đấy chứ ạ?" Alberto không trả lời. Ông quay trở lại ngồi bên bàn nước. "Chúng ta phải nói về Berkeley." Lát sau ông lên tiếng. Sophie đã về chỗ cũ. Cô thấy mình đang cắn móng tay. "George Berkeley là một giám mục người Ireland, ông sinh năm 1685 và qua đời năm 1753," Alberto bắt đầu, rồi ngừng một lúc lâu. "Berkeley là một giám mục người Ireland..." Sophie nhắc. "Nhưng ông ta còn là một nhà triết học..." "Vâng?" "Ông cảm thấy triết học và khoa học hiện thời đang là mối đe dọa đối với lối sống Ki-tô giáo, nhất là sự lan tràn khắp nơi của chủ nghĩa duy vật đã đại diện cho mối đe dọa ngày càng cao đối với đức tin rằng Chúa Trời là đấng sáng tạo và bảo vệ cả thiên nhiên." "Thế ạ?" "Tuy vậy, Berkeley vẫn là một trong những nhà kinh nghiệm chủ nghĩa kiên định nhất." "Ông ấy tin rằng ta không thể biết về thế giới nhiều hơn những gì ta thấy được qua các cảm giác?" "Hơn thế nữa, Berkeley khẳng định rằng những sự vật thường ngày thật sự giống như ta tri giác về chúng, chỉ có điều chúng không phải là các sự vật." "Thầy sẽ phải giải thích ý đó." "Em còn nhớ Locke đã chỉ ra rằng ta không thể khẳng định gì về "tính chất thứ cấp" của sự vật. Ta không thể khẳng định rằng một quả táo là xanh và chua. Ta chỉ có thể nói rằng ta thấy nó như thế. Locke còn nói rằng các "tính chất sơ cấp" như tỷ trọng, trọng lượng và khối lượng thật sự thuộc về thực tại bên ngoài ở quanh ta. Thực tế, thực tại bên ngoài là vật chất." "Em nhớ điều đó và em nghĩ là sự phân chia sự vật của Locke là rất quan trọng." "Đúng vậy, Sophie. Giá mà tất cả chỉ có thế." "Thầy nói tiếp đi." "Cũng như Descartes và Spinoza, Locke tin rằng thế giới vật chất là thực tại." "Vâng?" "Đó chính là cái mà Berkeley đặt câu hỏi và ông đã thực hiện việc đó bằng logic của chủ nghĩa kinh nghiệm. Ông nói rằng những thứ duy nhất tồn tại là những thứ mà ta tri giác được. Nhưng chúng ta không tri giác "vật chất". Ta không tri giác sự vật như là các đối tượng xác thực. Cho rằng bên trong những gì ta tri giác được thực sự có "chất" của chính nó là nhảy đến kết luận. Ta hoàn toàn không có kinh nghiệm gì để có thể làm nền móng cho tuyên bố đó." "Thật ngớ ngẩn! Thầy xem này." Sophie nện nắm đấm xuống bàn. "Au!" cô kêu lên. "Như thế không chứng minh được là đây là một cái bàn thật bằng vật chất ư?" "Em cảm thấy nó thế nào?" "Em thấy nó cứng." "Em đã có cảm giác về một vật cứng, nhưng em đã không thực sự sờ thấy vật chất bên trong cái bàn. Cũng giống như em có thể nằm mơ là em đấm phải một vật cứng, nhưng làm gì có cái cứng trong mơ, đúng không nào?" "Vâng, không có trong mơ." "Một người cũng có thể bị thôi miên rằng mình đang "cảm thấy" cái gì đó ấm hay lạnh, sự vuốt ve hay một cú đấm." "Nhưng nếu cái bàn không thực sự cứng thì tại sao em lại cảm thấy như thế?" "Berkeley tin vào một "tinh thần". Ông nghĩ mọi ý niệm của ta đều có một nguyên nhân nằm ngoài ý thức của ta, và rằng nguyên nhân này không có bản chất vật chất. Nó thuộc về tinh thần." Sophie lại bắt đầu cắn móng tay. Alberto tiếp tục: "Theo Berkeley, linh hồn của chính tôi có thể là nguyên nhân của các ý niệm của riêng tôi - như khi tôi mơ - nhưng chỉ có một ý chí hay một tinh thần khác mới có thể là nguyên nhân của các ý niệm tạo nên thế giới "hữu hình". Ông nói rằng mọi thứ đều là do tinh thần đó, và tinh thần đó là nguyên nhân của "mọi thứ trong mỗi thứ" và là các mà "mọi thứ đều chứa bên trong"." "Ông ta đang nói về cái "tinh thần" nào vậy ạ?" "Tất nhiên là Berkeley đang nghĩ về Chúa Trời. Ông nói rằng "ta còn có thể khẳng định rằng sự tồn tại của Chúa Trời còn được tri giác rõ ràng hơn nhiều so với sự tồn tại của con người." "Thậm chí không chắc là chúng ta đang tồn tại?" "Đúng và không đúng. Tất cả những gì ta nhìn thấy và cảm thấy đều là "kết quả của quyền năng của Chúa", Berkeley đã nói như vậy. Vì Chúa "hiện hữu một cách sâu sắc trong ý thức của ta, tạo ra vô số các ý niệm, tri giác mà chúng ta liên tục phải trải nghiệm". Cả thế giới quanh ta và cả cuộc đời của ta tồn tại bên trong Chúa. Chúng ta chỉ tồn tại trong tâm thức của Chúa." "Thật đáng kinh ngạc! Nói thế là còn nhẹ." "Vậy, "tồn tại hay không tồn tại" không phải là toàn bộ câu hỏi. Câu hỏi còn là ta là ai. Có thật ta là con người bằng xương bằng thịt hay không? Thế giới của ta có bao gồm những vật có thật hay không? - hay bao quanh ta là tâm thức?" Sophie tiếp tục cắn móng tay. Alberto tiếp tục: "Thực tại vật chất không phải là cái duy nhất mà Berkeley nghi ngờ. Ông ta còn đặt câu hỏi "thời gian" và "không gian" có sự tồn tại tuyệt đối hay độc lập nào không. Cũng có thể tri giác của ta về thời gian và không gian chẳng qua chỉ là những chuyện tưởng tượng của thâm thức. Một hay hai tuần đối với chúng ta không nhất thiết là một hay hai tuần đối với Chúa..." "Thầy đã nói rằng đối với Berkeley cái tinh thần mà mọi thứ tồn tại trong nó chính là Chúa Trời cả Ki-tô giáo, đúng không ạ?" "Đúng vậy, chắc là tôi đã nói như vậy. Nhưng đối với chúng ta..." "Chúng ta?" "Với chúng ta - với tôi và em - cái "ý chí hay tinh thần" mà nó là nguyên nhân của "mọi thứ trong mỗi thứ" có thể là cha của Hilde." Sophie tròn xoe mắt ngờ vực. Nhưng cũng lúc đó, sự tỉnh thức bắt đầu lóe lên trong cô. "Có thật là thầy nghĩ như thế không?" "Tôi không thấy khả năng nào khác. Có lẽ đó là lời giải thích khả thi nhất cho mọi chuyện đã xảy ra với chúng ta. Tất cả những tấm thiệp và dấu hiệu đã xuất hiện chỗ này chỗ khác... Hermes bắt đầu nói... chuyện vô tình buột miệng của chính tôi." "Em..." "Thử hình dung tôi gọi em là Sophie, Hilde à. Tôi luôn biết tên em không phải là Sophie." "Thầy đang nói gì vậy? Bây giờ thầy lẫn lộn hết cả rồi." "Đúng vậy, tâm thức của tôi đang chạy vòng quanh, bé ạ. Như một hành tinh loạng quạng quay cuồng quanh một mặt trời rực cháy." "Và mặt trời đó là bố của Hilde?" "Em có thể nói như vậy." "Có phải thầy đang nói rằng ông ta là một kiểu Chúa Trời đối với chúng ta?" "Nói một cách hoàn toàn thẳng thắn, đúng vậy. Ông ta nên lấy làm hổ thẹn mới phải!" "Thế còn Hilde?" "Cô ấy là một thiên thần, Sophie ạ." "Hilde là người mà cái "tinh thần" này đang hướng tới." "Có phải thầy đang nói rằng Albert Knag kể cho Hilde về chúng ta?" "Hoặc là viết về chúng ta. Vì chúng ta không thể tri giác được chính cái vật chất mà thực tại của ta được tạo nên từ đó, chúng ta mới tìm hiểu đến được chừng đó. Ta không thể biết thực tại bên ngoài của chúng ta cấu tạo từ sóng âm thanh hay giấy và chữ viết. Theo Berkeley, tất cả những gi chúng ta có thể biết đó là chúng ta là tinh thần." "Còn Hilde là một thiên thần..." "Đúng vậy, Hilde là một thiên thần. Ta hãy kết thúc ở đây. Chúc mừng sinh nhật Hilde!" "Bất chợt căn phòng tràn ngập bởi một ánh sáng trắng xanh. Một vài giây sau, họ nghe thấy một tiếng sấm nổ rung chuyển cả ngôi nhà. "Em phải về đây," Sophie nói. Cô đứng dậy và chạy ra cửa. Khi Sophie trên đường ra, Hermes tỉnh dậy sau giấc ngủ trong hành lang. Sophie cho rằng cô đã nghe nó nói, "Hẹn gặp lại, Hilde." Sophie lao xuống cầu thang và chạy ra phố. Phố vắng tanh. Mưa như trút nước. Một hai chiếc xe con đang rẽ mưa mà đi, không thấy bóng dáng một chiếc xe buýt nào. Sophie chạy qua Quảng trường Chính và tiếp tục chạy xuyên thành phố. Vừa chạy, tâm trí của cô vừa quanh quẩn mãi một ý nghĩ: "Mai là sinh nhật của mình! Thấy rằng cuộc đời chỉ là giấc mơ đã là một điều cay đắng. Nhận ra điều đó đúng vào hôm trước sinh nhật lần thứ 15 thì còn cay đắng hơn nữa. Giống như nằm mơ thấy mình trúng xổ số được một triệu và ngay khi sắp nhận được tiền thì tỉnh dậy." Sophie chạy qua sân vận động lép nhép nước là nước. Vài phút sau, cô nhìn thấy ai đó đang chạy về phía mình. Đó là mẹ cô. Những rạch chớp giận dữ nối tiếp nhau chọc thủng bầu trời. Chạy tới nơi, mẹ cô choàng tay ôm Sophie. "Chuyện gì đang xảy ra vậy, con gái bé bỏng?" "Con không biết," Sophie nức nở. "Như một cơn ác mộng." BJERKELY ...một cái gương thần mà cụ bà đã mua của một người đàn bà Di-gan Hilde Moller Knag tỉnh giấc trong căn buồng áp mái trong ngôi nhà của ông thuyền trưởng già ở ngoại ô Lillesand. Cô nhìn đồng hồ. Mới sáu giờ, nhưng trời đã sáng rõ. Cô ra khỏi giường và đi về phía cửa sổ. Giữa chừng, cô dừng lại cạnh bàn và xé một tờ lịch ra khỏi quyển lịch. Thứ năm, 14-6-1990. Cô vò mảnh giấy và ném vào sọt rác. Bây giờ cuốn lịch đề ngày 15-6-1990, trông rạng rỡ hẳn lên. Từ hồi tháng Giêng, cô đã viết dòng chữ "sinh nhật lần thứ 15" vào tờ lịch này. Cô cảm thấy còn đặc biệt hơn nữa khi tròn 15 tuổi vào đúng ngày 15. Điều này sẽ không bao giờ đến nữa. Mười lăm tuổi! Không phải đây là ngày đầu tiên cô làm người lớn sao? Cô không thể đi ngủ lại được. Vả lại, hôm này là ngày bế giảng. Học sinh chỉ phải có mặt ở nhà thờ lúc 1 giờ chiều. Còn nữa, một tuần nữa bố sẽ từ Lebanon về nhà. Bố đã hứa sẽ kịp về dự Hội Mùa Hè Hilde đứng bên cửa sổ nhìn ra vườn, về phía cầu tàu nhỏ phía sau căn nhà thuyền màu đỏ. Ca-nô vẫn chưa được đem ra cho vụ hè, nhưng cái thuyền có mái chèo đã được buộc vào cầu tàu. Cô phải nhớ tát nước cho nó sau trận mưa to đêm qua. Khi ngắm nhìn các vịnh nhỏ, cô nhớ lại hồi còn là một cô bé mới sáu tuổi, cô đã leo lên thuyền và một mình chèo ra vịnh. Cô đã ngã xuống nước và đó là tất cả những gì cô có thể làm để vào được bờ. Mình mẩy ướt như chuột lột, cô hì hục chui qua hàng giậu rậm rạp. Khi cô còn đang đứng trong vườn nhìn lên phía ngôi nhà thì mẹ đã hớt hải chạy đến. Cái thuyền và đôi mái chèo vẫn còn nổi lềnh bềnh trên mặt vịnh. Thỉnh thoảng, cô vẫn còn mơ thấy chiếc thuyền bị bỏ trôi lênh đênh. Đấy là một kỷ niệm làm cô rất ngượng. Trong vườn, cây cối không sum sê và cũng không được chăm sóc cẩn thận lắm. Nhưng khu vườn khá rộng, và nó là của Hilde. Một cây táo tơi tả vì thời tiết và mấy bụi cây ăn quả gần như bị chột đã sống sót qua được những trận bão mùa đông khắc nghiệt. Cái tàu lượn nằm trên bãi cỏ, giữa đống đá granite và hàng giậu. Dưới ánh nắng sớm, trông nó thật đáng thương. Lại càng tiêu điều hơn vì những cái đệm đã được cất đi. Có lẽ đêm qua mẹ đã vội vàng chạy ra cứu chúng khỏi cơn mưa. Bao quanh vườn là rặng bu-lô ít nhất thì chúng cũng che chắn được phần nào những trận gió tệ hại nhất. Chính vì rặng cây này mà từ khoảng trăm năm trước ngôi nhà đã được đổi tên thành Bjerkely [19]. Cụ của Hilde đã xây ngôi nhà này khoảng vài năm trước khi bước vào thế kỷ này. Ông đã từng là thuyền trưởng của một trong những chiếc tàu buồm cuối cùng. Có nhiều người vẫn tiếp tục gọi ngôi nhà là nhà ông thuyền trưởng. Buổi sáng hôm đó, khu vườn vẫn còn dấu vết của cơn mưa to đêm hôm trước. Hilde đã bị đánh thức mấy lần bởi những loạt sấm rền. Nhưng hôm nay, trời không một gợn mây. Mọi vật trở nên thật tươi tắn sau một cơn bão mùa hè như thế. Trời đã khô và nóng hàng tuần liền, chóp là bu-lô đã bắt đầu ngả vàng. Còn bây giờ, như thể cả thế giới vừa được tắm gội. Hình như cả thời thơ ấu của cô cũng đã bị gột đi cùng cơn bão. "Thực vậy, có đớn đau khi nụ xuân bừng nở..." Có phải một nhà thơ Thụy Điển đã nói gì đó đại loại như vậy? Hay bà ấy là người Phần Lan nhỉ? Hilde đứng trước tấm gương đồng nặng trịch treo trên tường phía trên chiếc bàn trang điểm cũ của bà nội. Cô có xinh không? Dù sao thì cô cũng không xấu. Có lẽ cô thuộc loại ở giữa giữa... Hilde có mái tóc dài màu sáng. Cô đã luôn mong ước màu tóc mình có thể sẫm hơn hoặc sáng hơn một chút. Cái màu giữa giữa này trông thật xỉn. Về ưu điểm, tóc cô hơi xoăn nhẹ. Nhiều cô bạn đã phải vất vả uốn cho tóc mình xoăn dù chỉ một chút, nhưng tóc Hilde lúc nào cũng lượn sóng tự nhiên. Cô nghĩ, "một ưu điểm khác nữa là đôi mắt màu xanh thẳm". "Có thật là nó màu xanh không nhỉ?" các ông cậu và bà dì của cô thường nói vậy khi họ cúi xuống nhìn cô. Hilde tự hỏi không biết cô đang ngắm nhìn hình ảnh của một cô bé hay một phụ nữ trẻ. Cô quyết định là cả hai đều không đúng. Có thể cơ thể đã có dáng khá là phụ nữ, nhưng khuôn mặt làm cô nghĩ đến một quả táo chưa chín. Cái gương cổ này có cái gì đó làm Hilde luôn nghĩ về bố. Nó đã từng được treo dưới "studio". Đó là một căn phòng dưới nhà thuyền, là kết hợp của thư viện, phòng viết văn, và nơi ẩn dật của bố cô. Albert, như cách Hilde gọi ông khi ông ở nhà, luôn luôn muốn viết một cái gì đó có ý nghĩa. Một lần, ông đã thử viết một cuốn tiểu thuyết, nhưng ông chẳng bao giờ kết thúc nó. Thỉnh thoảng, ông có một vài bài thơ và tranh về quần đảo đăng trên một tạp chí phát hành trên cả nước. Hilde thật tự hào mỗi khi nhìn thấy tên ông in trên báo. ALBERT KNAG. Dù sao nó cũng có ý nghĩa ở Lillesand này. Cụ nội cũng tên là Albert. Chiếc gương. Nhiều năm trước, bố cô đã đùa về chuyện không thể nháy mắt với bóng mình trong gương, ngoại trừ cái gương đồng này. Đó là một ngoại lệ vì đó là cái gương thần mà cụ bà đã mua của một người đàn bà Di-gan ngay sau lễ cưới. Hilde đã thử mãi rồi, nhưng nháy mắt với bóng mình trong gương khó chẳng kém việc chạy khỏi cái bóng nắng của mình. Cuối cùng, cô được giữ vật thừa kế của gia đình. Năm tháng trôi qua, thỉnh thoảng cô lại tập luyện điều bất khả thi đó. Không có gì đáng ngạc nhiên khi hôm nay cô trầm tư. Và cũng bình thường khi cô mải suy nghĩ về bản thân. Cô đã mười lăm tuổi... Tình cờ liếc nhìn về chiếc bàn nhỏ cạnh giường, cô thấy một cái gói lớn. Nó được bọc giấy xanh và thắt ruy-băng lụa đỏ rất đẹp. Đó hẳn là một món quà sinh nhật! Có phải đó chính là món quà ấy? Món quà lớn mà bố cô cứ bí mật suốt? Ông đã thả bao nhiêu là lời bóng gió bí ẩn trong những tấm bưu ảnh tử Lebanon. Nhưng ông đã "cố gắng kiểm duyệt bản thân thật chặt chẽ". Ông đã viết rằng món quà là một thứ "ngày càng lớn". Rồi ông nói gì đó về một cô bạn mà cô sắp gặp, và rằng ông đã gửi bản sao của tất cả các tấm bưu ảnh cho cô ấy. Hilde đã cố dò hỏi mẹ để tìm manh mối, nhưng bà cũng chẳng biết tí gì. Lời bóng gió kỳ quặc nhất là món quà sẽ có thể được "chia sẻ với những người khác". Làm việc cho Liên hợp quốc có khác! Nếu ông có nung nấu ý tưởng gì, mà ông thì nhiều lắm, thì đó là Liên hợp quốc nên trở thành một kiểu chính phủ thế giới. Ông đã viết trong một tấm bưu ảnh rằng hy vọng một ngày nào đó Liên Hợp Quốc sẽ có thể thực sự đoàn kết toàn nhân loại. Cô có được mở quà trước khi mẹ lên phòng và hát bài "Mừng sinh nhật" với bánh nướng và cờ Na Uy không? Có phải gói quà để sẵn đó nghĩa là cô được mở luôn? Cô rảo bước đến bên bàn và nhấc gói quà lên. Nặng thật! Cô nhìn thấy cái nhãn nhỏ: Tặng Hilde nhân dịp sinh nhật lần thứ 15. Bố. Cô ngồi xuống giường và cẩn thận tháo chiếc nơ lụa đỏ, rồi cô gỡ tấm giấy bọc màu xanh. Một cái cặp táp lớn. Đây là quà của cô ư? Có phải đây là quà sinh nhật lần thứ 15 mà bố đã làm cô tò mò mong đợi hết chịu nổi? Món quà ngày càng lớn và có thể chia sẻ với người khác? Nhìn thoáng qua có thể thấy cái cặp kẹp đầy những trang giấy đánh máy. Hilde nhận ra chúng được gõ bằng chiếc máy chữ của bố cô, cái máy mà ông đã mang theo khi đi Lebanon. Ông đã viết cả một cuốn sách cho cô ư? Trên trang đầu tiên là đầu đề viết tay bằng chữ khổ lớn, THẾ GIỚI CỦA SOPHIE. Phía dưới là hai dòng thơ đánh máy: SỰ KHAI SÁNG VỚI CON NGƯỜI NHƯ ÁNH MẶT TRỜI VỚI ĐẤT -N.F.S.Grundtvig Hilde lật trang sau, đến mở đầu của chương thứ nhất với tiêu đề "Vườn địa đàng". Cô lên hẳn trên giường, ngồi thoải mái, đặt chiếc cặp lên lòng, và bắt đầu đọc. Sophie Amundsen từ trường về. Cô đi cùng đường với Joanna. Họ trò chuyện về người máy. Theo Joanna, bộ óc của con người giống như một cái máy tính cao cấp. Sophie không rõ có đồng ý được không. Chắc chắn một con người phải hơn là một cái máy chứ? Hilde mê mải đọc, quên hết  xung quanh, quên cả hôm nay là sinh nhật. Thỉnh thoảng trong khi đọc, một ý nghĩ ngắn len vào giữa các dòng chữ. Bố đã viết một cuốn sách? Cuối cùng thì bố cũng bắt đầu một cuốn tiểu thuyết quan trọng và đã hoàn thành nó ở Lebanon? Ông thường phàn nàn rằng ở nơi đó của thế giới, thời gian rất là quí báu. Bố của Sophie cũng xa nhà. Có lẽ cô ấy là cô gái mà Hilde sẽ làm quen... Chỉ khi có được một cảm xúc sâu sắc về một ngày nào đó mình sẽ chết, cô mới có thể thấy rằng thật tuyệt vời khi được sống... Thế giới từ đâu ra? ... Tại thời điểm nào đó, cái gì đó hẳn đã nảy sinh từ hư vô. Nhưng điều đó có thể hay không? Phải chăng điều đó cũng không tưởng như ý tưởng rằng thế giới luôn luôn tồn tại? Hilde mải miết đọc. Cô bất ngờ đọc đến đoạn Sophie nhận được một tấm bưu ảnh từ Lebanon: "Hilde Moller Knag", nhờ Sophie Amundsen 3, đường Cỏ Ba Lá...chuyển dùm" Hilde thân yêu. Chúc mừng sinh nhật lần thứ 15! Bố biết con sẽ hiểu. Bố muốn tặng con một món quà mà nó sẽ giúp con khôn lớn. Bố xinh lỗi đã gửi bưu ảnh cho Sophie. Đó là cách tiện nhất. Bố yêu con. Ôi quỉ thật! Hilde biết bố mình luôn là người tinh nghịch, nhưng hôm nay ông đã thực sự làm cô sửng sốt. Thay vì đính tấm thiệp lên gói quà, ông lại viết vào cuốn sách. Nhưng thật tội nghiệp Sophie. Cô ấy chắc phải bối rối lắm. Tại sao một ông bố lại gửi thiệp mừng sinh nhật con gái đến địa chỉ của Sophie trong khi rõ ràng cô ấy không ở đây. Bố kiểu gì mà lại đi lừa chính con gái mình bằng cách cố tình gửi thiệp mừng sinh nhật đi lạc đường? Làm sao mà đó lại là "cách tiện nhất"? Và nhất là làm thế nào để lần ra được Hilde? Không, cô ấy làm sao mà tìm được? Sophie lật một hai trang và bắt đầu đọc chương hai, "Cái mũ cao vành". Chẳng mấy chốc, cô đọc đến đoạn về lá thư dài mà một người bí hiểm đã viết cho Sophie. Mối quan tâm đến câu hỏi tại sao chúng ta tồn tại không phải là một sở thích "thông thường" như thú sưu tập tem. Những người đặt ra các câu hỏi đó đã tham gia một cuộc tranh luận kéo dài từ khi con người bắt đầu sống trên hành tinh này. "Sophie hoàn toàn kiệt sức". Hilde cũng vậy. Bố không chỉ đã viết một cuốn sách để làm quà sinh nhật lần thứ 15 cho cô, bố đã viết một quyển sách lạ thường và tuyệt vời. Tóm lại, một chú thỏ được lôi ra từ một cái mũ cao vành. Vì đây là một con thỏ khổng lồ nên trò ảo thuật kéo dài nhiều tỷ năm. Mọi sinh vật đều được sinh ra ở đầu những sợi long mịn của con thỏ, nơi có thể ngạc nhiên về sự không thể tin được của trò ảo thuật. Nhưng khi lớn lên, chúng chui sâu dần vào bộ lông thỏ. Và chúng ở lại đó... Sophie không phải là người duy nhất cảm thấy mình đã đi đến chỗ tìm thấy cho mình một nơi ấm cúng ở sâu trong bộ lông thỏ. Hôm nay là sinh nhật lần thứ 15 của Hilde, và cô có cảm giác đã đến lúc mình phải quyết định sẽ bò theo hướng nào. Cô đọc về các nhà triết học tự nhiên Hy Lạp. Hilde biết bố quan tâm đến triết học. Ông đã viết một bài lên báo đề nghị rằng triết học nên là một môn học chính khoá trong nhà trường. Bài báo có đầu đề là "Tại sao nên có triết học trong chương trình giảng dạy?". Thậm chí ông đã đưa vấn đề này trong cuộc họp phụ huynh của lớp Hilde. Cô đã thấy cực kỳ xấu hổ về chuyện đó. Hilde nhìn đồng hồ. Bảy giờ ba mươi. Chắc nửa tiếng nữa mẹ cô mới lên phòng với khay đựng bữa sáng. Tốt quá, vì bây giờ cô vẫn đang mải mê với Sophie và những câu hỏi triết học. Cô đọc chương "Democritus". Trước tiên, Sophie có một câu hỏi để suy nghĩ. Tại sao Lego là đồ chơi hay nhất thế giới? Sau đó, cô tìm thấy một cái phong bì to màu nâu trong hộp thư. Democritus đồng ý với các vị tiền nhân rằng các biến đổi trong thiên nhiên không phải là do có cái gì đó thực sự "thay đổi". Do vậy, ông giả thiết rằng mọi thứ được cấu tạo từ các khôi nhỏ vô hình, mỗi khối vô hình đều vĩnh cửu và bất biến. Democritus gọi những đơn vị nhỏ nhất này là các nguyên tử. Hilde cảm thấy bực tức khi Sophie tìm thấy chiếc khăn lụa đỏ của cô ở dưới gối. Vậy ra nó ở đấy à! Nhưng làm thế nào mà một chiếc khăn có thể biến vào trong một câu chuyện? Nó phải ở đâu đó... Chương về Socrates bắt đầu với việc Sophie đọc "tin về quân đội Na Uy trong lực lượng của Liên hợp quốc ở Lebanon". Đúng là bố có khác! Ông để ý đến chuyện người dân Na Uy còn ít quan tâm đến nhiệm vụ gìn giữ hoà bình của lực lượng Liên hợp quốc. Nếu không có ai thì Sophie sẽ phải quan tâm. Bằng cách này, ông có thể viết về nó trong câu chuyện của mình và thu hút sự chú ý nào đó của các phương tiện thông tin đại chúng. Cô phải bật cười khi đọc phần TB trong lá thư của ông thầy triết học gửi Sophie: Nếu em tình cờ tìm thấy một cái khăn lụa đỏ ở đâu đó, nhờ em giữ gìn cẩn thận. Đôi khi đồ đạc cá nhân bị lẫn lộn, đặc biệt trong trường học và những nơi tương tự. Và đây là một trường triết học. Hilde nghe thấy tiếng chân mẹ trên cầu thang. Trước khi bà gõ cửa, cô đã đọc đến đoạn Sophie tìm thấy chiếc băng video về Athens trong cái hốc bí mật. "Happy Birthday..." mẹ cô bắt đầu hát từ nửa đường lên cầu thang. "Mẹ vào đi," Hilde nói, cô đang đọc đoạn ông thầy trực tiếp nói chuyện với Sophie từ trên đồi Acropolis. Ông trông giống hệt bố của Hilde: "bộ râu đen tỉa gọn gàng" và chiếc mũ nồi xanh. "Chúc mừng sinh nhật, Hilde!" "À...vâng." "Hilde?" "Mẹ cứ để đấy cho con." "Con không định...?" "Mẹ thấy đấy, con đang học mà." "Thử nghĩ mà xem, con 15 tuổi rồi đấy." "Mẹ đã đến Athens bao giờ chưa ạ?" "Chưa, sao con hỏi vậy?" "Thật lạ, những ngôi đền cổ vẫn còn đứng đó. Chúng đã 2500 năm tuổi rồi. À mà ngôi đền lớn nhất là Nơi Của Trinh Nữ." "Con đã mở quà của bố rồi à?" "Quà nào ạ?" "Con phải nhìn lên nào, Hilde! Con đang mụ mẫm vì đọc đấy." Hilde thả cho cái cặp lớn trượt vào lòng. Mẹ đang đứng, tay bưng một chiếc khay. Trên khay là những cây nến đang cháy, bánh mì tròn quết bơ với xa-lát tôm, và nước ngọt. Còn có một cái gói nhỏ nữa. Mẹ đứng ngượng nghịu với lá cờ kẹp nách vì cả hai tay còn bận bê cái khay. "Ôi, con cảm ơn mẹ. Mẹ tuyệt quá, nhưng quả thực là con đang bận" "Đến tận một giờ chiều con mới phải đến trường mà." Đến giờ Hilde mới nhớ ra mình đang ở đâu. Mẹ cô đặt khay lên cái bàn cạnh giường. "Con xin lỗi mẹ. Con mải mê với cái này quá." "Bố viết cái gì vậy, Hilde? Mẹ cũng mù tịt chẳng kém gì con. Hàng tháng nay chẳng moi được câu nào có nghĩa từ bố con." Không hiểu vì sao, Hilde bỗng cảm thấy ngường ngượng. "À, chỉ là một câu chuyện thôi mà." "Một câu chuyện?" "Vâng, một câu chuyện. Và một cuốn lịch sử triết học. Hay cái gì đại loại như vậy." "Con có định mở quà của mẹ bây giờ không?" Hilde không muốn tỏ ra không công bằng, nên cô mở ngay gói quà của mẹ. Đó là một chiếc vòng tay bằng vàng. "Ôi, đẹp quá! Con cảm ơn mẹ!" Hilde nhảy xuống khỏi giường và ôm chầm lấy mẹ. Hai mẹ con ngồi trò chuyện một lát. Rồi Hilde nói: "Con phải đọc tiếp đây, mẹ ạ. Lúc này ông ta đang đứng trên đỉnh Acropolis." "Ai cơ?" "Con không biết. Sophie cũng thế. Vấn đề là ở chỗ đó." Cuối cùng thì mẹ cô cũng xuống cầu thang. Ông thầy triết học của Sophie cũng vậy. Ông đi xuống những bậc thang của Acropolis, sau đó đứng trên đồi Areopagos, lát sau, ông xuất hiện ở quảng trường cổ Athens. Hilde rùng mình khi những toà nhà cổ bất chợt nhô lên từ đống đổ nát. Một trong những ý tưởng ruột của bố là kêu gọi tất cả các nước thuộc Liên hợp quốc hợp tác xây dựng lại một bản sao chính xác của quảng trường Athens. Đó sẽ là diễn đàn cho các cuộc thảo luận triết học và cả các cuộc đàm phán giải trừ quân bị. Ông cảm thấy rằng một dự án vĩ đại cỡ đó sẽ thắt chặt tình đoàn kết thế giới. "Xét cho cùng thì chúng ta cũng đã thành công trong việc xây dựng những dàn khoan dầu và tên lửa lên mặt trăng." Rồi cô đọc về Plato "Linh hồn khao khát được bay về nhà, về với thế giới ý niệm trên đôi cánh của tình yêu. Nó mong được giải thoát khỏi xiềng xích của thể xác..." Sophie đã chui qua hàng giậu và đi theo Hermes, nhưng con chó đã chạy thoát. Sau khi đọc về Plato, cô đã đi sâu vào rừng và đến ngôi nhà nhỏ màu đỏ bên bờ hồ. Trong nhà treo một bức tranh về Bjerkely. Theo như miêu tả thì thấy đó rõ ràng là Bjerkely của Hilde. Nhưng còn có cả bức chân dung của một người có tên là Berkeley. "Thật kỳ lạ!" Hilde đặt tập giấy nặng chịch xuống giường và đến giá sách, cô tra tên của ông trong cuốn từ điển bách khoa toàn thư ba tập mà cô được tặng vào sinh nhật lần thứ 14. Đây rồi - Berkeley! Berkeley, Geogre, 1685-1753, Triết gia người Anh, giám mục địa phận Cloyne. Phủ nhận sự tồn tại của thế giới vật  chất bên ngoài tâm thức con người. Tri giác giác quan của chúng ta bắt nguồn từ Chúa Trời. Tác phẩm chính: Khảo luận về các Nguyên lý của Tri thức con người [20] (1710). Đúng là kỳ lạ thật. Hilde đứng nghĩ ngợi vài giây trước khi quay lại giường với tập giấy đánh máy. Hiểu theo một cách nào đó, chính bố cô là người đã treo hai bức tranh đó lên tường. Liệu còn có mối quan hệ nào ngoài chuyện giống tên không? Berkeley là nhà triết học phủ nhận sự tồn tại của thế giới vật chất bên ngoài tâm thức con nguời. Phải thừa nhận rằng điều này quả thật rất kỳ quặc. Nhưng phản bác tuyên bố đó cũng chẳng phải dễ. Như trường hợp của Sophie thì rất hợp lý. Xét cho cùng, bố của Hilde là người chịu trách nhiệm về các "tri giác giác quan" của cô ấy. À mà, cô sẽ biết thêm nếu đọc tiếp. Hilde mỉm cười khi cô đọc đến đoạn Sophie phát hiện thấy bóng một cô gái trong gương nháy cả hai mắt. "Cô gái kia đã nháy mắt với Sophie như để nói rằng: Tôi nhìn thấy bạn, Sophie à. Tôi ở đây, ở phía bên kia của tấm gương." Sophie còn tìm thấy chiếc ví xanh ở căn nhà đỏ - cả tiền và những thứ khác! Nó làm thế nào mà đến được tận đó? Ngốc nghếch thật! Trong khoảng một hai giây, Hilde đã thật sự tin rằng Sophie đã tìm thấy ví. Nhưng rồi cô thử tưởng tượng xem Sophie đã cảm thấy như thế nào về tất cả những chuyện này. Chắc là mọi thứ có vẻ rất kỳ lạ và bí hiểm. Lần đầu tiên, Hilde cảm thấy một niềm mong muốn mạnh mẽ, cô muốn được trực tiếp gặp mặt Sophie. Cô muốn kể sự thật về toàn bộ những chuyện này. Nhưng bây giờ Sophie phải ra khỏi được căn nhà trước khi bị bắt quả tang. Tất nhiên là chiếc thuyền đã bị trôi ra giữa hồ. (Bố cứ nhất định phải nhắc cô nhớ lại chuyện ngày xưa, thật quá đáng!) Hilde uống một ngụm sô đa, cắn một miếng bánh trong khi đọc lá thứ về ngày Aristotle "tỉ mỉ", người đã trích lý thuyết của Plato. Aristotle chỉ ra rằng không có gì tồn tại trong ý thức mà trước đó chưa được trải nghiệm bằng các giác quan. Plato đã nói rằng không có gì tồn tại trong thế giới tự nhiên mà trước đó lại chưa có trong thế giới ý niệm. Aristotle cho rằng như thế là Plato đã "nhân đôi sự vật." Hilde bây giờ mới biết rằng Aristotle là người đã phát minh trò chơi "động vật, thực vật hay đất đá". Aristotle muốn dọn dẹp kỹ càng "căn phòng" thiên nhiên. Ông cố gắng chỉ ra rằng mọi vật trong thiên nhiên đều thuộc về các phạm trù và các phạm trù con khác nhau. Khi đọc về quan điểm của Aristotle về phụ nữ, cô vừa bực tức vừa thất vọng. Cứ hình dung một nhà triết học lỗi lạc đến vậy mà cũng thật ngốc! Aristotle đã làm Sophie nổi hứng dọn phòng. Và ở đó, cùng với những đồ đạc khác, Sophie đã tìm thấy chiếc tất trắng đã biến mất khỏi tủ quần áo của Hilde một tháng trước! Sophie cất tất cả những tập giấy nhận được từ Alberto vào một cái bìa kẹp. "Có tất cả hơn 50 trang". Còn Hilde, cô đã đọc đến trang 124, nhưng ngoài thư từ của Alberto, cô còn có câu chuyện của Sophie nữa. Chương tiếp theo là "Thời kỳ Hy Lạp hoá". Đầu tiên, Sophie tìm thấy một tấm bưu ảnh có hình một chiếc xe jeep Liên hợp quốc, đóng dấu bưu điện của tiểu đoàn Liên hợp quốc ngày 15 tháng 6. Một trong số những tấm bưu thiếp cho Hilde mà bố cô đã đặt vào trong câu chuyện thay vì gửi bưu điện. Hilde yêu quí. Bố đoán vẫn đang là ngày sinh nhật 15/6 của con. Hay đã là buổi sáng hôm sau? Dù sao, điều đó cũng không ảnh hưởng đến món quà của con. Theo một nghĩa nào đó, nó sẽ bền lâu suốt đời. Nhưng bố muốn chúc mừng sinh nhật con lần nữa. Có lẽ con hiểu vì sao bố gửi cho Sophie. Bố chắc chắn là bạn ấy sẽ chuyển chúng cho con. TB. Mẹ nói con bị mất ví. Bố hứa sẽ bù cho con 150 cu-ron. Con có thể xin một cái thẻ sinh viên khác ở trường, trước khi họ nghỉ hè. Bố yêu con. Tốt thật! Vậy là cô sẽ có thêm 150 cu- ron. Có lẽ bố nghĩ là chỉ món quà cây nhà lá vườn thì chưa đủ. Vậy có vẻ 15 tháng Sáu cũng là sinh nhật của Sophie. Nhưng lịch của Sophie mới đến giữa tháng Năm. Có lẽ đó là khi bố viết chương này, và bố đã đề lùi ngày tháng vào "tấm thiệp sinh nhật" cho Hilde. Nhưng khổ thân Sophie chạy đến siêu thị để gặp Joanna. Hilde là ai? Tại sao bố của Hilde lại gần như cho rằng hiển nhiên Sophie sẽ tìm thấy cô ta? Dù sao cũng thật điên rồ khi gửi bưu ảnh cho Sophie thay vì gửi thẳng cho con gái mình. Cũng như Sophie, Hilde gần như đuợc nâng lên tới các thiên cầu khi cô đọc về Plotinus. Tôi tin rằng có một cái gì đó huyền bí và thần thánh trong tất cả những gì hiện hữu. Ta có thể thấy chúng lấp lánh trong một bong hoa hướng dương hay một bông hoa anh túc. Ta cảm nhận được điều kỳ diệu này rõ ràng hơn từ một con bướm vẫy cánh bay lên từ một cành cây - hoặc một chú cá vàng bơi tung tăng trong bể kính. Nhưng ta ở gần Chúa nhất trong linh hồn mình. Chỉ ở đó, ta mới có thể hoà tan vào làm một với điều huyền diệu vĩ đại của cuộc sống. Thực tế, tại những khoảnh khắc hiếm hoi, ta có thể cảm thấy ta chính là điều huyền diệu thần thánh đó. Đây là đoạn văn nghe ngây ngất nhất mà Hilde đã đọc từ đầu và đến giờ. Nhưng nó lại là đoạn giản dị nhất. Mọi thứ đều là một, và cái "duy nhất" này là điều huyền diệu thần thánh mà tất cả cùng chia sẻ. Đây không hẳn là một điều gì đó mà ta cần tin. Nó là như vậy, Hilde nghĩ. Như vậy mỗi người có thể đọc cái mà họ muốn trong từ "thần thánh". Cô nhanh chóng chuyển sang chương sau, Sophie và Joanna đi cắm trại vào đêm trước ngày Quốc khánh 17 tháng Năm. Họ tìm đường đến căn nhà ông thiếu tá... Đọc được vài trang thì Hilde tức tối tung chăn, cô ra khỏi giường và bắt đầu đi đi lại lại, tay cầm chặt tập giấy. Đây chắc là mánh thô nhất mà cô từng biết đến! Trong căn nhà nhỏ giữa rừng, bố để hai cô bé tìm thấy bản sao của tất cả những tấm thiệp mà ông đã gửi Hilde trong hai tuần đầu của tháng Năm. Và tất cả bản sao nguyên văn Hilde đã từng đọc đi đọc lại chính những dòng đó, cô có thể nhận ra từng chữ một. Hilde yêu quí, bố sắp nổ tung bởi những bí mật dành cho sinh nhật của con, đến nỗi mỗi ngày mấy lần bố phải kiềm chế không gọi điện về nhà và kể hết mọi chuyện. Nó càng ngày càng lớn. Và con biết đấy, khi một cái gì đó càng ngày càng lớn thì rất khó giữ nó cho riêng mình. Sophie nhận được một bài học mới từ Alberto về người Do Thái, người Hy Lạp và hai nền văn hoá lớn. Hilde thích có được cái nhìn toàn cảnh như thế này về lịch sử. Cô chưa bao giờ được học cái gì tương tự ở trường. Ở đó, cô chỉ được học chi tiết và chi tiết. Giờ đây, cô đã nhìn Jesus và đạo Ki Tô dưới một ánh sáng hoàn toàn mới. Cô rất thích lời trích dẫn của Goethe: "Kẻ nào không biết rút ra những bài học của ba nghìn năm, kẻ đó chỉ sống lần hồi qua ngày." Chương tiếp theo bắt đầu bằng một tấm thiệp dính trên cửa sổ bếp nhà Sophie. Tất nhiên, đó là một tấm thiệp mừng sinh nhật mới của Hilde. Hilde yêu quí, không biết khi con đọc tấm bưu ảnh này thì có còn đang là sinh nhật của con nữa không. Bố hy vọng là vẫn còn, hay ít nhất là mới chỉ ít ngày sau sinh nhật của con. Một hai tuần đối với Sophie không có nghĩa nó cũng dài như vậy đối với chúng ta. Bố sẽ về đến nhà vào lễ Hội Mùa Hè, khi đó, bố con mình có thể ngồi cùng nhau hàng giờ trong cái tàu lượn và nhìn ra biển, Hilde à. Chúng ta có thật nhiều chuyện để nói... Rồi Alberto gọi điện cho Sophie, và đây là lần đầu tiên cô được nghe giọng của ông. "Thầy nói nghe như chiến tranh ấy." "Đáng ra tôi nên gọi đó là một trận chiến của ý chí. Chúng ta sẽ phải thu hút sự chú ý của Hilde và kéo cô ấy về phía ta trước khi cha cô ấy về nhà ở Lillesand." Và rồi Sophie gặp Alberto hoá trang như một thầy tu thời Trung Cổ trong ngôi nhà thờ đá thế kỷ XII. Ôi không! Nhà thờ! Hilde nhìn đồng hồ. Một giờ mười lăm...Cô đã quên cả thời gian. Có lẽ chuyện nghỉ học vào ngày sinh nhật cũng không quan trọng lắm. Nhưng thế có nghĩa là các bạn cùng lớp sẽ không mừng sinh nhật cùng cô. Ôi dào, cô lúc nào chẳng nhận được bao nhiêu là lời chúc tốt đẹp rồi. Chẳng mấy chốc, cô thấy mình như đang nghe một bài giảng đạo dài. Alberto vào vai thầy tu thời Trung Cổ chẳng khó khăn gì. Khi đọc truyện Sophie đã linh hiện trước Hildegard, Hilde lại lần nữa tra từ điển bách khoa. Nhưng lần này cô chẳng tìm thấy Sophie hay Hildegard. Đoán không sai! Cứ động đến một câu hỏi về phụ nữ hay cái gì đó liên quan đến phụ nữ thì từ điển bách khoa lại có nhiều thông tin chẳng kém một cái miệng núi lửa trên Mặt Trăng. Hay là nó bị Hội Bảo vệ Nam giới kiểm duyệt? Hildegard xứ Bingen là một nhà thuyết giáo, tác giả, thầy thuốc, nhà thực vật học, và nhà sinh học. Có lẽ bà là "một ví dụ về thực tế rằng phụ nữ thường có đầu óc thực tiễn hơn, thậm chí khoa học hơn, ngày cả ở thời Trung Cổ." Nhưng trong từ điển bách khoa không có một chữ nào về bà. Thật đáng hổ thẹn! Sophie chưa bao giờ nghe ai nói rằng Chúa có "mặt nữ tính", hay về "mẹ thiên nhiên". Tên bà có vẻ là Sophia, nhưng có vẻ như là bà ấy không đáng tốn mực in. Mục gần nhất mà cô có thể tìm thấy trong từ điển là về nhà thờ Santa Sophia, nghĩa là Sự Uyên bác Thần thánh. Nhưng chẳng có gì nói về chuyện nó mang nữ tính. Phải chăng đó cũng là kết quả của việc kiểm duyệt? Còn không, chắc chắn là Sophie đã xuất hiện trước Hilde. Cô lúc nào cũng tưởng tượng về một cô gái với mái tóc thẳng... Khi Sophie về nhà sau khi đã ở nhà thờ Thánh Mary gần hết buổi sáng, cô đứng trước tấm gương đồng mà cô đã mang từ căn nhà trong rừng về. Cô ngắm những nét sắc sảo trên khuôn mặt tái nhợt bao quanh bởi mái tóc bất trị không chịu theo bất kì kiểu tóc nào ngoại trừ kiểu tự nhiên của chính nó. Nhưng đằng sau bóng cô lại là ảo ảnh của một cô gái khác. Bất chợt cô gái kia nháy mắt rối rít bằng cả hai mắt, như thể muốn ra hiệu rằng cô ta quả thực ở trong đó, ở phía bên kia. Ảo ảnh chỉ kéo dài vài giây rồi biến mất. Đã bao lần Hilde đứng trước gương như thể đang tìm kiếm ai đó ở bên kia tấm kính? Nhưng bố làm thế nào mà biết được? Chẳng phải cô đã tìm kiếm một người phụ nữ tóc đen? Chẳng phải cụ nội đã mua tấm gương từ một người đàn bà Di-gan? Hilde cảm thấy đôi tay đang cầm sách run run. Cô có cảm giác rằng Sophie quả thực tồn tại ở đâu đó, "ở phía bên kia". Bây giờ Sophie đang mơ về Hilde và Bjerkely, Hilde không thể nhìn thấy hay nghe thấy cô - nhưng rồi Sophie tìm thấy sợi dây chuyền vàng gắn thánh giá của Hilde trên đầu cầu. Và sợi dây chuyền với tên của Hilde khắc trên đó nằm trên giường của Sophie khi cô tỉnh giấc! Hilde cố gắng lục lọi trong trí nhớ. Cô đã đánh mất cả sợi dây chuyền nữa ư? Cô đến bên bàn trang điểm và lấy hộp nữ trang. Chiếc dây chuyền gắn thánh giá - món quà bà nội tặng nhân lễ rửa tội không có trong đó. Vậy là cô đã đánh mất nó thật. Thôi được, nhưng làm thế nào mà bố biết được trong khi chính cô còn chưa biết? Còn một chuyện nữa, Sophie hình như đã mơ thấy bố Hilde từ Lebanon về nhà. Nhưng còn một tuần nữa bố mới về. Giấc mơ của Sophie là giấc mơ tiên tri chăng? Có phải ý của bố cô là khi ông về nhà, bằng cách nào đó Sophie cũng sẽ ở đây? Ông đã viết rằng Hilde sẽ có một người bạn mới... Trong một ảo ảnh thoáng qua nhưng rõ ràng tuyệt đối, Hilde nhận thấy rằng Sophie không chỉ là mực và giấy. Cô ấy thực sự tồn tại. THỜI KỲ KHAI SÁNG ...từ cách làm kim khâu cho đến cách đúc đại bác... Hilde vừa bắt đầu chương về thời Phục Hưng khi cô nghe thấy tiếng mẹ ở cửa chính. Cô nhìn đồng hồ. Bốn giờ chiều. Mẹ chạy lên gác và mở cửa phòng Hilde. "Con không đến nhà thờ à?" "Có chứ ạ." "Thế ... con đã mặc cái gì?" "Như con đang mặc bây giờ ấy ạ." "Váy ngủ á?" "Đó là một cái nhà thờ cổ bằng đá từ thời Trung Cổ." "Hilde!" Cô thả cặp giấy vào lòng rồi ngước nhìn mẹ. "Con đã  quên mất thời gian, mẹ ạ. Con xin lỗi, nhưng con đang đọc một truyện hay kinh khủng." Mẹ cô không thể nhịn được cười. "Đó là một quyển sách kỳ diệu," Hilde nói thêm. "Thôi được, chúc mừng sinh nhật con lần nữa, Hilde à!" "Ôi, hôm nay con được nghe câu đó nhiều hết chịu nổi rồi..." "Nhưng mẹ chưa... thôi mẹ đi nghỉ một lát đây, rồi mẹ sẽ nấu một bữa tối thật ngon. Mẹ đã kiếm được một ít dâu tây." "Vâng, con đọc tiếp đây." Mẹ đi khỏi và Hilde tiếp tục đọc. Sophie đang theo Hermes đi xuyên qua thành phố. Tại sảnh nhà Alberto, cô tìm thấy một bưu ảnh nữa từ Lebanon. Cái này cũng đề ngày 15 tháng Sáu. Hilde bắt đầu hiểu hệ thống ngày tháng. Những tấm thiệp đề ngày trước 15 tháng Sáu là bản sao của những bưu ảnh bố đã gửi cho Hilde. Còn những tấm đề ngày hôm nay, cô được đọc lần đầu tiên là từ trong tập giấy. Hilde yêu quí. Bây giờ Sophie đang đến chỗ nhà triết học. Cô ấy sắp được 15 tuổi, nhưng con đã 15 tuổi từ hôm qua. Hay là hôm nay, Hilde? Nếu là hôm nay thì chắc đã muộn rồi. Đồng hồ của bố con mình không phải lúc nào cũng chạy giống nhau... Hilde đọc đoạn Alberto nói về thời Phục Hưng và những ngành khoa học mới, về các nhà duy lý thế kỷ XVII và chủ nghĩa kinh nghiệm Anh. Cô nhảy dựng lên mỗi lần đọc đến một tấm thiệp mới hay một lời chúc mà bố cô đã đính vào câu truyện. Ông làm cho chúng rơi ra từ một quyển vở bài tập, xuất hiện trong vỏ chuối và ẩn trong một chương trình máy tính. Chẳng tốn chút công sức, ông có thể làm Alberto buột miệng gọi Sophie là Hilde. Kỳ nhất là ông làm cho Hermes nói "Chúc mừng sinh nhật, Hilde!" Hilde cũng đồng ý với Alberto là bố cô đã hơi quá đà, ông dám so sánh mình với Chúa Toàn năng. Nhưng thực ra cô đang đồng ý với ai vậy? Chẳng phải chính bố đã đưa những lời lẽ tự phê phán hay chỉ trích này vào miệng Alberto hay sao? Cô kết luận là rốt cục thì so sánh với Chúa Trời cũng không đến nỗi điên rồ lắm. Trong thế giới của Sophie, bố cô quả thực giống một vị Chúa Toàn năng. Khi Alberto nói đến Berkeley, Hilde cũng bị mê hoặc chẳng kém Sophie. Chuyện gì sẽ xảy ra? Đã có đủ lời bóng gió rằng một cái gì đó rất đặc biệt sẽ xảy ra khi họ đến với nhà triết học này - người đã phủ nhận sự tồn tại của một thế giới vật chất bên ngoài tâm thức của con người. Chương đó bắt đầu khi Alberto và Sophie đang đứng bên kia cửa sổ, ngắm nhìn chiếc máy bay bé xíu kéo theo dải băng Chúc Mừng Sinh Nhật bay phần phật phía sau. Cùng lúc đó, mây đen bắt đầu trùm lên thành phố. "Vậy, 'tồn tại hay không tồn tại' không phải là toàn bộ câu hỏi. Câu hỏi còn là ta là ai. Có thật ta là con người bằng xương bằng thịt hay không? Thế giới của ta có bao gồm những vật có thật hay không? - hay bao quanh ta là tâm thức?" Chẳng có gì ngạc nhiên khi Sophie bắt đầu gậm móng tay. Hilde chưa bao giờ có thói cắn móng tay, nhưng lúc này cô không cảm thấy hài lòng với bản thân cho lắm. Và cuối cùng thì chuyện cũng được nói toạc ra: "Với chúng ta - với tôi và em - cái 'ý chí hay tinh thần' mà nó là 'nguyên nhân của mọi thứ trong mỗi thứ' có thể là cha của Hilde." "Có phải thầy đang nói rằng ông ta là một kiểu Chúa Trời đối với chúng ta?" "Nói một cách hoàn toàn thẳng thắn, đúng vậy. Ông ta nên lấy làm hổ thẹn mới phải!" "Thế còn Hilde?" "Cô ấy là một thiên thần, Sophie ạ." "Một thiên thần?" "Hilde là người mà cái 'tinh thần' này hướng tới." Đến đây, Sophie vùng chạy khỏi Alberto và lao vào cơn bão. Có phải chính là cơn bão đã gầm rú khắp Bjerkely đêm qua - một vài tiếng sau khi Sophie chạy xuyên qua thành phố? Vừa chạy, tâm trí cô vừa quanh quẩn mãi một ý nghĩ: "Mai là sinh nhật của mình! Thấy rằng cuộc đời chỉ là giấc mơ đã là một điều cay đắng. Nhận ra điều đó vào đúng hôm trước sinh nhật lần thứ 15 thì còn cay đắng hơn nữa. Giống như nằm mơ thấy mình trúng xổ số được một triệu và ngay khi sắp nhận được tiền thì tỉnh dậy." Sophie chạy qua sân vận động lép nhép nước là nước. Vài phút sau, cô nhìn thấy ai đó đang chạy về phía mình. Đó là mẹ cô. Những rạch chớp giận dữ nối tiếp nhau chọc thủng bầu trời. Chạy tới nơi, mẹ cô choàng tay ôm Sophie. "Chuyện gì đang xảy ra với mình vậy, con gái bé bỏng?" "Con không biết," Sophie nức nở. "Như một cơn ác mộng." Hilde cảm thấy nước mắt sắp ứa ra. "Tồn tại hay không tồn tại - đó chính là câu hỏi." Cô liệng cái cặp giấy xuống cuối giường và đứng dậy. Cô đi đi lại lại trong phòng. Cuối cùng, cô dừng lại truớc tấm gương đồng nơi cô đứng đó cho đến khi mẹ lên gọi xuống ăn tối. Khi nghe tiếng gõ cửa, Hilde không biết mình đã đứng đó bao lâu rồi. Nhưng cô chắc chắn rằng, hoàn toàn chắc chắn, rằng cái bóng trong gương đã nháy mắt với cô bằng cả hai mắt. Suốt buổi tối, cô cố gắng làm ra vẻ vui tươi và thoải mái. Nhưng tâm trí cô lúc nào cũng quanh quẩn với Sophie và Alberto. Họ sẽ ra sao khi biết rằng chính bố của Hilde là người quyết định mọi chuyện? Tuy vậy, có lẽ "biết" là một sự cường điệu. Thật vô nghĩa khi nghĩ rằng họ biết bất cứ cái gì. Chẳng phải chính bố cô là người cho họ biết đấy thôi? Tuy nhiên, nhìn theo kiểu gì thì vấn đề cũng vẫn như thế. Một khi Sophie và Alberto biết được mọi chuyện có quan hệ như thế nào với nhau, thì theo một nghĩa nào đó, họ đã đến cuối đường. Cô suýt nghẹn với một mồm đầy thức ăn khi cô bỗng nhận ra rằng chính vấn đề đó cũng có thể áp dụng ngay cho thế giới của cô. Người ta đã tiến bộ liên tục trong hiểu biết về các quy luật của thiên nhiên. Một khi mảnh cuối cùng của trò chơi xếp hình triết học và khoa học đã được đặt vào đúng chỗ, liệu lịch sử còn có thể tiếp tục đến vô cùng hay không? Chẳng phải có một mối liên hệ giữa một bên là sự phát triển của tư tưởng và khoa học với bên kia là hiệu ứng nhà kính và sự phá rừng? Có lẽ chẳng điên rồ cho lắm khi gọi niềm khao khát tri thức loài người là sự Sa Ngã. Câu hỏi này thật đồ sộ và đáng sợ, đến nỗi Hilde lại cố quên nó đi. Có lẽ cô sẽ hiểu thêm khi cô đọc được nhiều hơn từ cuốn sách quà sinh nhật của bố. "Happy birthday to you...", mẹ hát khi hai mẹ con ăn xong món kem dâu tây Ý. "Bây giờ mình sẽ làm gì tùy con." "Con biết là có vẻ hơi điên rồ, nhưng con chỉ muốn đọc cuốn sách bố tặng thôi." "Cũng được, miễn là bố không làm con phát điên." "Làm gì có chuyện." "Mình có thể ăn bánh pizza khi xem phim trinh thám trên tivi tối nay." "Vâng, tuỳ mẹ." Hilde chợt nghĩ về cách Sophie nói với mẹ. Hy vọng là bố đã quyết định không đưa mẹ vào nhân vật mẹ của Sophie. Để chắc ăn, cô quyết định không đả động gì đến con thỏ trắng được kéo ra từ trong chiếc mũ cao vành. Ít nhất không phải hôm nay. "À," cô nói khi rời bàn. "Sao cơ?" "Con không tìm thấy sợi dây chuyền vàng gắn thánh giá của con ở đâu cả." Mẹ cô nhìn lên với vẻ mặt bí ẩn. "Mẹ tìm thấy nó ở dưới cầu tàu từ mấy tuần trước cơ. Chắc con đã đánh rơi, con quỉ luộm thuộm ạ." "Mẹ có kể với bố không?" "Để xem nào... có. Chắc là mẹ đã kể." Mẹ cô đứng dậy đi lấy hộp nữ trang. Hilde nghe thấy một tiếng kêu ngạc nhiên từ trong phòng mẹ. Bà nhanh chóng quay lại phòng khách. "Giờ thì mẹ không tìm thấy." "Con cũng đoán vậy." Cô ôm choàng lấy mẹ rồi chạy lên phòng mình. Cuối cùng thì cô đã có thể tiếp tục đọc sách về Sophie và Alberto. Cô lại trèo lên giường như trước, đặt cặp giấy lên đầu gối, và bắt đầu chương tiếp theo. Sáng hôm sau, Sophie tỉnh giấc khi mẹ vào phòng mang theo một khay đầy quà sinh nhật. Mẹ cắm một lá cờ trong một chai sô đa rỗng. "Chúc mừng sinh nhật, Sophie!" Sophie dụi mắt ngái ngủ. Cô cố nhớ xem chuyện gì đã xảy ra vào đêm hôm trước. Nhưng tất cả như một đống lộn xộn các mảnh xếp hình. Mảnh này là Alberto, mảnh kia là Hilde và ông thiếu tá. Mảnh thứ ba là Berkeley, Bjerkely là mảnh thứ tư. Mảnh đen tối nhất là cơn bão. Cô gần như bị sốc. Mẹ cô đã dùng khăn tắm để lau khô cho cô và đưa cô vào giường với một cốc sữa nóng pha mật ong. Cô đã ngủ thiếp đi ngay lập tức. "Chắc là con vẫn còn sống," Sophie yếu ớt nói. "Tất nhiên là con vẫn sống! Và hôm nay con tròn mười lăm tuổi!" "Chắc không mẹ?" "Sao lại không chắc? Chẳng lẽ một bà mẹ lại không biết đứa con duy nhất của mình sinh ngày nào? Ngày 15 tháng Sáu, năm 1975...lúc một giờ rưỡi, Sophie à. Đó là khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong đời mẹ." "Mẹ có chắc tất cả không phải chỉ là một giấc mơ chứ ạ?" "Chắc chắn phải là một giấc mơ đẹp để tỉnh dậy với bánh ngọt, sô-đa, và quà sinh nhật." Bà đặt khay quà xuống một chiếc ghế, thoắt rời khỏi phòng trong giây lát. Khi quay lại, bà bưng trên tay một khay khác đựng sô-đa và bánh ngọt. Bà đặt khay xuống cuối giường. Đó là tín hiệu cho nghi lễ buổi sáng ngày sinh nhật với việc mở quà và chuyến du hành đa cảm của mẹ cô về với những cơn chuyển dạ đầu tiên của mười lăm năm trước. Quà của mẹ cô là một cây vợt tennis. Sophie chưa bao giờ chơi tennis, nhưng có mấy sân tennis ngoài trời chỉ cách nhà mấy phút đi bộ. Bố đã gửi cho cô một chiếc tivi nhỏ xíu bắt được sóng FM. Màn hình nó chỉ to bằng một tấm ảnh bình thường. Còn có quà của các cô dì và bạn bè của gia đình. Mẹ cô nói: "Con có muốn mẹ nghỉ việc để ở nhà hôm nay không?" "Không, tại sao mẹ phải làm thế?" "Hôm qua con đã bị chấn động mạnh. Nếu chuyện này tiếp tục, mẹ nghĩ là mình sẽ cần đến gặp bác sĩ tâm lý." "Không cần đâu ạ." "Đó là vì cơn bão hay vì Alberto?" "Thế còn mẹ? Mẹ đã bảo: chuyện gì đang xảy ra với mình vậy, con gái bé bỏng?" "Lúc đó mẹ đang nghĩ về chuyện con chạy quanh thành phố để gặp một người bí ẩn - có lẽ đó là lỗi của mẹ." "Chẳng ai có lỗi đâu, mẹ ạ. Con chỉ theo một khoá Triết học trong thời gian rãnh rỗi. Mẹ cứ đi làm đi. Đến mười giờ con mới phải đến trường và bọn con cũng chỉ đến nhận điểm rồi ngồi chơi thôi." "Con có đoán được điểm tốt hay xấu không?" "Chắc chắn là tốt hơn kỳ trước rồi." Chẳng bao lâu sau khi mẹ cô đi làm thì chuông điện thoại reo. "Sophie Amundsen đây ạ." "Tôi là Alberto." "A!" "Đêm qua ông thiếu tã đã không tiếc đạn dược." "Nghĩa là sao ạ?" "Cơn bão đấy, Sophie." "Em chẳng biết nên nghĩ gì nữa." "Đó là đức tính tốt nhất của một nhà triết học giỏi. Tôi rất tự hào về tất cả những gì em đã học được trong một thời gian ngắn như vậy." "Em sợ là chẳng có gì có thực cả." "Đó chính là mối lo sợ hiện sinh, và theo quy luật, nó chỉ là một giai đoạn trên con đường tới một ý thức mới." "Em nghĩ là em cần nghỉ giải lao một thời gian." "Bây giờ đã có nhiều ếch nhái trong vườn rồi à?" Sophie bật cười. Alberto nói tiếp: "Tôi nghĩ chúng ta nên kiên trì. À nhân tiện, chúc mừng sinh nhật. Ta phải hoàn thành khoá học trước đêm Hội Mùa Hè. Đó là cơ hội cuối cùng của ta." "Cơ hội cuối cùng cho việc gì?" "Em có đang ngồi thoải mái không? Chúng ta sẽ nói chuyện lâu đấy." "Em đang ngồi rồi." "Em còn nhớ Descartes chứ?" "Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại?" "Theo sự nghi ngờ có phương pháp của chúng ta, ta hiện đang bắt đầu từ đầu. Ta thậm chí không biết liệu mình có suy nghĩ hay không. Có thể chúng ta chỉ là những ý nghĩ, và điều đó khác hẳn với việc suy nghĩ. Ta có đủ lý do để tin rằng ta chỉ là cái mà cha của Hilde nghĩ ra để làm món quà sinh nhật cho cô con gái ở Lillesand. Em hiểu không?" "Vâng..." "Nhưng trong đó còn gắn liền với một mâu thuẫn. Nếu chúng ta chỉ là hư cấu, ta không có quyền 'tin' bất cứ điều gì. Trong trường hợp đó, cả cuộc nói chuyện qua điện thoại này chỉ là tưởng tượng." "Và chúng ta không có được một mẩu ý chí tự do dù là nhỏ nhất, vì chính ông thiếu tá là người lập kế hoạch cho tất cả những gì ta nói và làm. Như thế thì ta có thể cúp máy luôn cho rồi." "Ồ không, em đang đơn giản hoá mọi thứ quá mức rồi." "Thầy giải thích đi vậy." "Em có cho rằng người ta lập kế hoạch cho tất cả những gì mình mơ thấy không? Có thể cha của Hilde biết mọi hành động của chúng ta. Có thể việc trốn thoát tầm kiểm soát của ông cũng khó chẳng kém việc chạy khỏi cái bong của chính mình. Tuy nhiên, không chắc là ông thiếu tá đã xác định được xong về tất cả những chuyện sẽ xảy ra hay chưa - và đây chính là khởi điểm của một kế hoạch mà tôi bắt đầu soạn. Ông ta có thể để đến phút cuối cùng - nghĩa là khoảnh khắc sáng tạo. Chính những lúc đó là khi chúng ta có thể có được sự chủ động về những gì ta nói và làm. Sự chủ động đó tất nhiên sẽ chỉ tạo ra được những xung động rất yếu so với trọng pháo của ông thiếu tá. Rất có thể chúng ta không biết tự vệ trước các lực lượng quấy rối từ bên ngoài như chó biết nói, thông điệp trong quả chuối hay những cơn bão được đặt trước. Nhưng chúng ta không thể phủ nhận sự ngoan cường của mình, cho dù nó có thể yếu đến đâu đi nữa." "Làm sao có thể thế được ạ?" Dĩ nhiên ông thiếu ta biết mọi điều về thế giới bé nhỏ của chúng ta. Nhưng điều đó không có nghĩa ông ta có quyền lực tuyệt đối. Dù sao, ta cũng phải sống như thể ông ta không có." "Chắc là em hiểu ý thầy rồi." "Khéo léo là ở chỗ nếu ta có thể làm được điều gì đó chỉ giữa hai chúng ta mà thôi, ông thiếu tá sẽ không thể phát hiện ra." "Làm sao có thể làm được trong khi chúng ta thậm chí không tồn tại?" "Ai bảo chúng ta không tồn tại? Câu hỏi không phải là ta có tồn tại hay không, mà là ta là cái gì và ta là ai. Ngay cả nếu quả thực ta chỉ là những xung động yếu ớt trong nhân cách đôi của ông thiếu tá, thì điều đó cũng không nhất thiết lấy mất sự tồn tại bé nhỏ của chúng ta." "Thế còn ý chí tự do của ta?" "Tôi đang tính toán chuyện đó, Sophie à." "Nhưng bố Hilde chắc chắn biết rằng thầy đang tính chuyện đó." "Dĩ nhiên là thế. Nhưng ông ta không biết kế hoạch đó như thế nào. Tôi đang cố tìm một điểm tựa Archimedes." "Một điểm tựa Archimedes?" "Archimedes là một nhà bác học người Hy Lạp, người đã nói rằng 'Cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng cả Trái Đất.' Đó chính là loại điểm tựa mà ta phải tìm để nâng chúng ta ra khỏi cái vũ trụ bên trong ông thiếu tá." "Đó sẽ là một kỳ công!" "Nhưng ta sẽ không thể chuồn trước khi hoàn thành khoá Triết học. Nó còn chưa kết thúc thì ông ta còn nắm chắc chúng ta. Rõ ràng ông ta đã quyết định rằng tôi phải đưa em qua các thế kỷ cho đến thời đại của chúng ta. Nhưng chúng ta chỉ còn vài ngày trước khi ông lên máy bay từ đâu đó ở vùng Trung Đông. Nếu không thoát được ra khỏi trí tưởng tượng dính như keo của ông thiếu tá trước khi ông ta về đến Bjerkely thì chúng ta xong đời." "Thầy làm em phát sợ!" Trước hết, tôi sẽ kể cho em về các sự kiện quan trọng của thời kỳ Khai Sáng Pháp. Sau đó, ta sẽ điểm qua những nét chính của triết học Kant để ta có thể đi đến chủ nghĩa Lãng mạn. Hegel cũng sẽ là một phần quan trọng trong bức tranh của chúng ta. Và khi nói về ông, ta sẽ phải nhắc đến bất đồng sâu sắc của Kierkegaard đối với triết học Hegle. Ta sẽ nói qua về Marx, Darwin, và Freud. Và nếu ta có thể kết thúc bằng đôi câu nhận xét về Sartre và chủ nghĩa hiện sinh thì kế hoạch của ta có thể được đem ra triển khai." "Cả một đống việc cho một tuần!" "Thế nên chúng ta phải bắt đầu ngay lập tức. Em có thể đến đây ngay bây giờ không?" "Em phải đến trường. Bọn em họp lớp và nhận điểm." "Bỏ đi. Nếu chúng ta chỉ là hư cấu thì mùi vị của kẹo và nước ngọt chỉ là tưởng tượng thôi." "Nhưng điểm của em..." "Sophie à, hoặc là em đang sống trong một vũ trị kỳ diệu trên một hành tinh nhỏ xíu trong một trong số nhiều trăm tỷ thiên hà hoặc em chỉ là kết quả của mấy xung động điện từ trong trí óc ông thiếu tá. Thế mà em lại nói về điểm số! Thật đáng xấu hổ!" "Em xin lỗi." "Nhưng em cũng nên đến trường trước khi ta gặp nhau. Có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến Hilde nếu em bỏ học ngày bế giảng. Có lẽ cô ấy cũng đến trường trong ngày sinh của mình. Cô ấy là một thiên thần, em biết đấy." "Thế thì em sẽ đến trường luôn." "Ta sẽ gặp nhau ở nhà ông thiếu tá." "Căn nhà ông thiếu tá ấy ạ?" ...Điện thoại kêu 'Cách!'. Hilde thả cặp giấy vào lòng. Bố cô đã làm cô áy náy - cô đã trốn học ngày bế giảng. Ông thật là quỉ quái! Cô ngồi tự hỏi không biết kế hoạch Alberto đang mưu tính như thế nào. Cô có nên xem trộm trang cuối không nhỉ? Không, như thế là gian lận. Cô nên đọc nhanh đến cuối thì hơn. Nhưng cô tin rằng Alberto đã đúng ở một điểm quan trọng. Đúng là bố cô đã bao quát những gì sẽ xảy ra với Sophie và Alberto. Nhưng trong khi viết, ông có thể không biết tất cả những gì sẽ xảy ra. Ông có thể phóng tay viết cái gì đó rất vội vàng, cái mà có lẽ ông sẽ chỉ nhận ra sau khi viết xong đã lâu. Trong một tình huống như vậy, Sophie và Alberto sẽ có một chút tự do nhất định. Một lần nữa, Hilde có một niềm tin gần như chắc chắn rằng Sophie và Alberto thật sự tồn tại. Nước lặng đáy sâu, cô tự nhủ. Tại sao ý tưởng đó lại đến với cô? Chắc chắn dó không phải là một suy nghĩ làm gợn sóng bề mặt. Ở trường, Sophie được quan tâm nhiều vì hôm nay là sinh nhật của cô. Các bạn cùng lớp lòng tràn ngập những ý nghĩ về kỳ nghỉ hè, điểm số và nước ngọt ngày bế giảng. Cô giáo vừa cho lớp tan với lời chúc tốt đẹp nhất cho kỳ nghỉ thì Sophie chạy về nhà, Joanna cố gọi cô lại nhưng Sophie trả lời rằng cô có việc bận. Cô tìm thấy trong hộp thư hai tấm bưu ảnh từ Lebanon. Cả hai đều là thiệp mừng sinh nhật: CHÚC MỪNG SINH NHẬT - 15 TUỔI. Một tấm gửi "Hilde Moller Knag, c/o Sophie Amundsen..." Nhưng tấm thiếp kia dành cho chính Sophie. Cả hai đều đóng dấu "Tiểu đoàn Liên hợp quốc -15/6" Sophie đọc tấm thiệp của cô trước: Sophie Amundsen thân mến. Hôm nay cháu cũng nhận được một tấm thiệp. Chúc mừng sinh nhật, Sophie, và cảm ơn cháu rất nhiều vì tất cả những gì cháu đã làm cho Hilde. Thân mến, Thiếu tá Albert Knag. Sophie không biết phải phản ứng thế nào, khi cuối cùng thì bố của Hilde cũng viết cả cho cô. Tấm thiệp cho Hilde viết: Hilde yêu quí, Bố không biết bây giờ là ngày nào, mấy giờ ở Lillesand. Nhưng, như bố đã nói, điều đó chẳng quan trọng. Bố đoán là bây giờ chưa quá muộn để bố gửi lời chào cuối cùng, hoặc gần cuối cùng. Nhưng con đừng thức khuya nhé! Alberto sắp kể cho con nghe về thời kỳ Khai Sáng tại Pháp. Ông sẽ tập trung vào bảy điểm sau đây: 1.           Phản đối chính quyền 2.           Chủ nghĩa duy lý 3.           Phong trào Khai Sáng 4.           Chủ nghĩa lạc quan văn hoá 5.           Sự quay về với thiên nhiên 6.           Tôn giáo tự nhiên 7.           Quyền con người Rõ ràng ông thiếu tá vẫn đang để mắt đến họ. Sophie vào nhà và đặt bảng điểm toàn A lên bàn bếp. Rồi cô luồn qua bờ giậu và chạy vào rừng. Chẳng mấy chốc, cô lại đang chèo thuyền qua cái hồ nhỏ. Alberto đang ngồi trên bậc cửa khi cô đến nơi. Ông chỉ cô ngồi xuống bên cạnh. Thời tiết khá đẹp, tuy có một chút sương mờ mờ đang bốc lên từ mặt hồ. Có vẻ như nó chưa hoàn toàn bình phục sau cơn bão. "Ta hãy bắt đầu luôn," Alberto nói. "Sau Hume, nhà triết học lớn tiếp theo là Immanuel Kant, người Đức. Nhưng Pháp cũng có nhiều nhà tư tưởng lỗi lạc trong thế kỷ XVIII. Ta có thể nói rằng trong thế kỷ XVIII, trọng tâm triết học của Châu Âu ở Anh vào nửa đầu, ở Pháp vào giữa thế kỷ và ở Đức vào phần cuối." "Nói cách khác là một sự chuyển dịch từ Tây sang Đông." Chính xác. Ta hãy phác qua một số tư tưởng mà nhiều triết gia của thời kỳ Khai Sáng Pháp cùng chia xẻ. Những tên tuổi quan trọng là Montesquieu, Voltaire và Rousseau, nhưng  còn có nhiều, nhiều người khác. Tôi sẽ tập trung vào bảy điểm." "Cảm ơn thầy, đáng buồn là em đã biết thế rồi." Sophie đưa ông tấm thiếp của bố Hilde. Alberto thở dài. "Ông ta đâu cần phải tốn nhiều công như thế... thôi được, từ khoá thứ nhất là Phản đối chính quyền. Nhiều triết gia Khai Sáng Pháp đã sang thăm Anh, nơi tự do hơn đất nước họ về nhiều mặt. Họ đã bị lôi cuốn bởi các ngành khoa học tự nhiên của Anh, đặc biệt là Newton và ngành vật lý phổ quát của ông. Nhưng họ còn nhận được cảm hứng từ triết học Anh, cụ thể là Locke và triết học chính trị của ông. Trở về Pháp, họ ngày càng trở nên bất đồng với quyền lực cố cựu. Họ cho rằng điều quan trọng là phải giữ thái độ hoài nghi đối với mọi chân lý được thừa kế, mỗi cá nhân phải tìm câu trả lời của chính mình cho từng câu hỏi. Ở đây, truyền thống của Descartes đã gây được rất nhiều cảm hứng." "Bởi vì ông ấy là người đã xây dựng mọi thứ từ nền móng?" "Đúng vậy. Sự phản đối chính quyền chủ yếu trực tiếp chống lại quyền lực của tăng lữ, nhà vua và giới quý tộc. Trong thế kỷ XVIII, ở Pháp, các tổ chức này có nhiều quyền lực hơn ở Anh." "Tiếp đến là cách mạng Pháp." "Đúng, năm 1789. Nhưng các tư tưởng cách mạng đã nảy sinh từ trước đó khá lâu. Từ khoá tiếp theo là chủ nghĩa duy lý." "Em tưởng chủ nghĩa duy lý đã tàn cùng Hume." "Chính Hume đến tận năm 1776 mới qua đời. Đó là khoảng 20 năm sau Montesquieu và chỉ hai năm trước Voltaire và Rousseau, hai vị này mất năm 1778. Nhưng cả ba đều đã đến Anh và quen thuộc với triết học của Locke. Chắc em còn nhớ rằng Locke không được nhất quán cho lắm trong chuỷ nghĩa kinh nghiệm của ông. Ví dụ, ông tin rằng đức tin vào Chúa Trời và một số nguyên tắc đạo đức nhất định là cố hữu trong lý tính của con người. Tư tưởng này cũng là cốt lõi của thời kỳ Khai Sáng Pháp." "Thầy còn nói rằng người Pháp luôn duy lý hơn người Anh." "Đúng vậy, đó là một sự khác biệt đã có từ thời Trung Cổ. Trong khi người Anh nói về 'common sense' (nhận thức thông thường) thì người Pháp thường nói về 'évident' (hiển nhiên). Cụm từ tiếng Anh có nghĩa 'điều mà ai cũng biết', từ tiếng Pháp có nghĩa 'điều hiển nhiên đối với lý tính của con người', như vậy đó." "Em hiểu rồi." "Cũng như những người theo chủ nghĩa nhân văn thời Cổ đại, chẳng hạn Socrates và các triết gia Khắc kỷ, hầu hết các nhà triết học Khai Sáng đều có niềm tin vững chãi vào lý tính con người. Điều đó đặc trưng đến mức thời kỳ Khai Sáng Pháp thường được gọi là Thời đại của Lý tính. Nhiều ngành khoa học tự nhiên đã cho thấy thiên nhiên là đối tượng của lý tính. Giờ đây, các triết gia Khai Sáng thấy rằng họ có nhiệm vụ đặt nền móng cho tinh thần, tôn giáo, và luân lý học theo lý tính bất biến của con người. Điều đó dẫn đến phong trào Khai Sáng." "Điểm thứ ba." "Bây giờ đã đến lúc bắt đầu 'khai sáng' cho dân chúng. Đó sẽ là cơ sở cho một xã hội tốt hơn. Người ta đã nghĩ rằng nghèo khổ và áp bức là lỗi của ngu dốt và mê tín dị đoan. Do đó, mối quan tâm hàng đầu tập trung vào việc giáo dục trẻ em và nhân dân. Không phải ngẫu nhiên mà ngành sư phạm đã được thành lập vào thời kỳ Khai Sáng." "Vậy là trường học có từ thời Trung Cổ và ngành sư phạm từ thời Khai Sáng." "Em có thể nói như vậy. Công trình kỷ niệm vĩ đại nhất của phong trào Khai Sáng rất mang tính đặc trưng, đó là một cuốn từ điển bách khoa đồ sộ. Tôi đang nói đến cuốn Từ điển Bách khoa gồm 28 tập, xuất bản trong những năm từ 1751 đến 1772. Tất cả các triết gia và học giả đã đóng góp vào cuốn sách. Người ta nói rằng có thể tìm thấy mọi thứ ở đó, 'từ cách làm kim khâu cho đến cách đúc đại bác.'" "Điểm tiếp theo là chủ nghĩa lạc quan văn hoá," Sophie nói. "Em làm ơn cất cái bưu ảnh đó đi trong khi tôi đang nói có được không?" "Em xin lỗi thầy." "Các triết gia thời kỳ Khai Sáng cho rằng một khi lý tính và tri thức được truyền bá rộng rãi, nhân loại sẽ có được những bước tiến xa. Có thể chỉ là vấn đề thời gian trước khi sự phi lý và ngu dốt sẽ nhường bước cho một nhân loại đã được 'khai sáng'. Tư tưởng này đã thống trị Châu Âu cho đến vài thập kỷ cuối cùng. Ngày nay, chúng ta không còn tin tưởng rằng mọi sự 'phát triển' đều dẫn đến điều tốt đẹp. "Nhưng chính các triết gia thời kỳ Khai Sáng đã nêu ra những phê phán đó đối với sự 'khai hoá văn minh'". Có lẽ chúng ta đáng lẽ nên nghe theo họ." "Đối với một số người, khẩu hiệu mới là quay về với thiên nhiên. Nhưng 'thiên nhiên' đối với các triết gia Khai Sáng cũng có nghĩa gần giống với 'lý tính', vì lý tính của con người là quà tặng của thiên nhiên chứ không phải của một tôn giáo hay của sự 'khai hoá văn minh'. Người ta đã quan sát thấy rằng những người được coi là người nguyên thuỷ vừa khoẻ mạnh hơn lại vừa hạnh phúc hơn người dân Châu Âu, và nguời ta nói rằng đó là vì họ chưa được 'khai hoá văn minh'. Rousseau đã đưa ra câu nói 'ta nên quay về với thiên nhiên', vì thiên nhiên tốt đẹp và con người về bản chất là thiện; chính nền văn minh đã phá hỏng anh ta. Rousseau còn tin rằng nên để một đứa trẻ ở giai đoạn ngây thơ 'tự nhiên' của nó càng lâu càng tốt. Cũng có thể nói rằng quan niệm về giá trị thực chất của tuổi thơ ấu bắt đầu có từ thời kỳ Khai Sáng. Trước đó, tuổi thơ ấu chỉ được coi là một sự chuẩn bị cho cuộc sống trưởng thành. Nhưng tất cả chúng ta đều là con người, ta sống cuộc sống của ta trên trái đất này ngay cả khi chúng ta là trẻ con." "Em nhiệt liệt ủng hộ!" "Họ cho rằng tôn giáo cũng phải được làm cho trở nên tự nhiên." "Nghĩa là sao ạ?" Ý họ là tôn giáo cũng phải được đưa đến sự hài hoà với lý tính 'tự nhiên'. Có nhiều người đấu tranh cho cái mà nguời ta có thể gọi là một tôn giáo tự nhiên, và đó là điểm thứ sáu trong danh sách. Vào thời đó, có nhiều nhà vật lý kỳ cựu không tin vào Chúa Trời và tự nhận mình theo thuyết vô thần. Nhưng hầu hết các triết gia Khai Sáng cho rằng thật phi lý khi hình dung một thế giới không có Chúa Trời. Bởi thế giới này quá hợp lý. Newton cũng có quan điểm như vậy. Người ta còn coi việc tin tưởng vào sự bất tử của linh hồn cũng là điều hợp lý. Cũng như Descartes, vấn đề con người có một linh hồn bất tử hay hông là một câu hỏi về lý tính hơn là về đức tin." "Em thấy điều đó thật kỳ quặc. Em nghĩ đó là một trường hợp điển hình về cái ta tin, chứ không phải cái mà ta biết." "Đó là vì em không sống ở thế kỷ XVIII. Theo các triết gia Khai Sáng, điều cần thiết cho tôn giáo là phải loại tất cả những tín điều và học thuyết phi lý đã được gắn vào những giáo huấn giản dị của Jesus trong suốt lịch sử giáo hội." "Em hiểu rồi." "Do đó, nhiều người đi theo một học thuyết được gọi là thuyết hữu thần." "Đó là gì ạ?" "Thuyết hữu thần là đức tin rằng Chúa Trời đã tạo ra thế giới từ xưa lắm rồi, nhưng từ đó chưa lần nào hiện diện đối với thế giới. Như vậy, Chúa Trời được rút xuống thành một 'Đấng Siêu việt', người chỉ hiện diện trước loài nguời qua thiên nhiên và các quy luật tự nhiên, không bao giờ theo một cách 'siêu nhiên' nào. Ta thấy một sự đồng với 'vị Chúa Trời triết học' trong các tác phẩm của Aristotle. Đối với ông, Chúa là 'nguyên nhân hình thức' hay 'động lực đầu tiên.'" "Như vậy là chỉ còn lại một điểm: quyền con người." "Và có lẽ đây chính là điểm quan trọng nhất. Nhìn chung, em có thể nói rằng thời Khai Sáng Pháp có tính thiết thực hơn triết học Anh." "Ý thầy là họ đã sống theo triết học của mình?" Đúng vậy, quả là như vậy. Các triết gia Khai Sáng không thoả mãn với các quan điểm lý thuyết về vị thế của con người trong xã hội. Họ chủ động đấu tranh cho cái mà họ gọi là các 'quyền thiên nhiên' của công dân. Đầu tiên là hình thức một phong trào chống kiểm duyệt - đấu tranh cho quyền tự do báo chí. Nhưng cả trong các vấn đề về tôn giáo, đạo đức, và chính trị, quyền tự do về tư tưởng và ngôn luận của cá nhân cũng phải được bảo vệ. Họ còn đấu tranh đòi bãi bỏ chế độ nô lệ và đòi sự đối nhân xử đạo hơn đối với tội phạm." "Em nghĩ là em đồng ý với hầu hết các điểm đó." "Nguyên tắc về 'quyền bất khả xâm phạm của cá nhân' đã lên đến đỉnh điểm trong Tuyên ngôn về quyền con người và quyền công dân được quốc hội Pháp phê chuẩn năm 1789. Bản Tuyên ngôn về quyền con người này là nền tảng cho hiến pháp Na Uy năm 1814 của chúng ta." "Nhưng nhiều người vẫn đang phải đấu tranh cho những quyền này." "Rất đáng buồn là như vậy. Nhưng các triết gia Khai Sáng đã muốn thiết lập những quyền nhất định mà mọi con người sinh ra đều được hưởng. Đó chính là những gì mà họ gọi là 'quyền tự nhiên'. "Ta vẫn nói về một 'quyền tự nhiên' có mâu thuẫn với luật pháp của quốc gia. Và ta luôn thấy những cá nhân hay cả dân tộc đòi 'quyền tự nhiên' này khi họ nổi dậy chống lại tình trạng vô chính phủ, nô lệ hay áp bức." "Thế còn quyền của phụ nữ thì sao ạ?" "Năm 1787, cách mạng Pháp đã thiết lập một số quyền cho mọi 'công dân'. Nhưng công dân hầu như lúc nào cũng được hiểu là nam giới. Nhưng chính cách mạng Pháp đã nhen nhóm những ý niệm đầu tiên về phong trào phụ nữ." "Đến lúc quá đi rồi ấy chứ!" "Ngay từ năm 1787, nhà triết học Khai Sáng Condorcet đã xuất bản một bài luận về quyền phụ nữ. Ông cho rằng phụ nữ cũng có các 'quyền tự nhiên' như nam giới. Trong Cách mạng 1789, phụ nữ đã cực kỳ tích trong cuộc đấu tranh chống chế độ phong kiến cổ hủ. Ví dụ, chính phụ nữa đã dẫn đầu những cuộc biểu tình buộc nhà vua phải chạy khỏi cung điện Versailes. Các đoàn thể phụ nữ đã được thành lập ở Paris. Bên cạnh việc đòi hỏi được bình quyền về chính trị với nam giới, họ còn đòi hỏi các thay đổi đối với luật hôn nhân gia đình và điều kiện xã hội của phụ nữ." "Họ có đạt được quyền bình đẳng không ạ?" "Không. Cũng như nhiều dịp sau đó, vấn đề quyền phụ nữ đã được tận dụng triệt để trong phong trào đấu tranh, nhưng ngay khi mọi việc bắt đầu ổn định với một chính thể mới, cái xã hội cũ thống trị bởi đàn ông lại được bắt đầu." "Biết ngay mà!" Một trong những người đấu tranh mạnh mẽ nhất cho quyền phụ nữ trong cách mạng Pháp là Olympe de Gouges. Năm 1791 - hai năm sau cuộc cách mạng - bà công bố một bản tuyên ngôn về quyền phụ nữ. Bản tuyên ngôn về quyền công dân đã không có một điều khoản nào về các quyền tự nhiên của phụ nữ. Giờ đây, Olympe de Gouges đòi phụ nữ được hưởng tất cả các quyền của nam giới." "Chuyện gì đã xảy ra ạ?" "Năm 1793, bà bị lên máy chém. Và mọi hoạt động chính trị cho phụ nữ đều bị cấm." "Thật đáng xấu hổ!" "Đến tận thế kỷ XIX, phong trào đòi binh quyền cho phụ nữ mới thực sự bắt đầu, không chỉ ở Pháp mà còn ở phần còn lại của Châu Âu. Từng ít một, cuộc đấu tranh này bắt đầu có kết quả. Nhưng, ở Na Uy chẳng hạn, đến tận năm 1913 phụ nữ mới có quyền bầu cử. Và phụ nữ ở nhiều nơi trên thế giới vẫn còn nhiều điều phải đấu tranh." "Họ có em ủng hộ." Alberto ngồi nhìn ra hồ. Một hai phút sau, ông nói: "Ít nhiều đó là những gì tôi muốn nói với em về thời kỳ Khai Sáng." "Sao lại 'ít nhiều' ạ?" "Tôi có cảm giác rằng thế là đủ." Nhưng khi ông nói câu đó, một cái gì đó bắt đầu xảy ra ở giữa hồ. Bọt nước nổi lên từ dưới đáy hồ. Rồi một sinh vật khổng lồ và gớm ghiếc nhô lên khỏi mặt nước. "Rắn biển!" Sophie hét lên. Con quái vật đen ngòm uốn mình vài lần rồi biến mất xuống đáy hồ. Mặt nước lại phẳng lặng y như trước. Alberto đã quay đi. "Giờ ta hãy vào trong ngôi nhà," ông nói. Họ đi vào bên trong căn nhà nhỏ. Sophie đứng ngắm hai bức tranh về Berkeyley và Bjerkely. Cô chỉ bức Bjerkely và nói: "Em nghĩ là Hilde sống ở đâu đó trong bức tranh này." Có thêm một tấm vải thêu treo giữa hai bức trang. Trên đó có hàng chữ: TỰ DO, BÌNH ĐẲNG, BÁC ÁI. Sophie quay về phía Alberto: "Thầy đã treo cái này lên ạ?" Ông chỉ lắc đầu với vẻ chán nản. Rồi Sophie tìm thấy một phong bì nhỏ nằm trên bệ lò sưởi. Trên đó ghi: "Gửi Hilde và Sophie." Sophie biết ngay ai là người đã gửi bức thư này, nhưng ông ta đã bắt đầu trực tiếp liên lạc với Sophie, đó là một bước ngoặt mới của các sự kiện. Cô mở thư và đọc thành tiếng: Các con thân mến, ông thầy triết học lẽ ra đã phải nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của thời kỳ Khai Sáng Pháp đối với những lý tưởng và nguyên tắc nền tảng của Liên hợp quốc. Hai trăm năm trước, khẩu hiệu "Tự do, bình đẳng, bác ái" đã giúp đoàn kết nhân dân Pháp. Ngày nay, chính những lời đó nên đoàn kết cả thế giới. Giờ đây, việc xây dựng một Gia Đình Lớn Của Loài Người trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Hậu duệ của chúng ta là con và các cháu của chính chúng ta. Chúng sẽ được thừa kế một thế giới như thế nào? Mẹ đang gọi Hilde từ dưới nhà, mười phút nữa bộ phim trinh thám sẽ bắt đầu, mẹ đã đặt bánh pizza vào lò. Hilde đã khá kiệt sức vì đọc. Cô đã dậy từ sáu giờ sáng. Cô quyết định sẽ dùng hết phần còn lại của buổi tối để ăn sinh nhật với mẹ. Nhưng trước hết, cô phải tìm cái này trong từ điển bách khoa đã. Gouges...không có. De gouges? Cũng không. Olympe De Gouges? Vẫn thế. Cuốn từ điển này đã không viết một chữ nào về một người phụ nữ đã bị chặt đầu vì lý tưởng chính trị của mình. Thật đáng xấu hổ! Chắc bà ấy không phải do bố cô phịa ra đấy chứ? Hilde chạy xuống nhà tìm một cuốn từ điển bách khoa to hơn. "Con chỉ tra cái này một tí thôi," cô nói khi thấy mẹ tròn mắt nhìn. Cô lấy tập FORV-GP của từ điển bách khoa toàn thư gia đình bộ lớn rồi chạy lên phòng. Gouges...đây rồi! Gouges, Marie Olympe (1748 - 1793), tác giả người Pháp, đóng vai trò quan trọng trong cách mạng Pháp với nhiều tài liệu tuyên truyền về các vấn đề xã hội và một số vở kịch. Trong cách mạng Pháp, là một trong số ít người đấu tranh đòi áp dụng quyền con người cho phụ nữ. Năm 1791, xuất bản "Tuyên ngôn về quyền phụ nữ". Bị xử chém năm 1793 vì dám bảo vệ Louis XVI và chống đối Robespierre. (Trích từ L.Lacour, "Nguồn gốc của phong trào nữ quyền đương đại," 1900) KANT ...bầu trời đầy sao trên đầu tôi và qui tắc đạo đức ở trong tôi... Gần nửa đêm, thiếu tá Albert Knag gọi điện về chúc mừng sinh nhật Hilde. Mẹ Hilde nhấc máy. "Điện thoại của con này, Hilde." "Allô?" "Bố đây." "Bố điên à? Gần nửa đêm rồi!" "Bố chỉ muốn nói Chúc mừng sinh nhật..." "Bố đã chúc con cả ngày rồi." "...nhưng bố muốn đợi hết ngày rồi mới gọi điện." "Vì sao ạ?" "Con nhận được quà của bố rồi đấy chứ?" "Rồi ạ. Con rất cảm ơn bố." "Bố nhất định phải hỏi xem con thấy nó thế nào?" "Tuyệt vời! Cả ngày hôm nay con gần như chưa ăn gì, quà của bố hay tuyệt!" "Con đọc đến đâu rồi?" "Hai người vừa mới vào trong căn nhà ông thiếu tá vì bố đem con rắn biển ra trêu họ." "À, thời kỳ Khai Sáng." "Và Olympe de Gouges." "Như vậy là bố đoán không sai mấy?" "Sai gì cơ ạ?" "Bố nghĩ là vẫn còn một lời chúc sinh nhật nữa, lần này sẽ có cả nhạc." "Con vẫn chưa thôi à?" "Chưa bao giờ con đi học được nhiều bằng hôm nay. Khó mà tin được, từ lúc Sophie đi học về và tìm thấy chiếc phong bì đầu tiên đến giờ mới chưa đầy 24 tiếng." "Lạ phải không? Con chỉ cần có chừng ấy thời gian để đọc về một khoảng thời gian dài của Sophie." "Nhưng con cảm thấy hơi tội nghiệp..." "Cho mẹ á?" "Không, tội nghiệp cho Sophie." "Vì sao vậy?" "Cô gái khốn khổ ấy hoàn toàn không còn biết chuyện gì đang xảy ra và mình nên làm gì nữa." "Nhưng đó chỉ là..." "Bố định bảo cô ấy chỉ là tưởng tượng?" "Ừ, đại loại là thế." "Con nghĩ là Sophie và Alberto thực sự tồn tại." "Bố con mình sẽ nói tiếp chuyện đó khi bố về nhé." "Vâng, thế cũng được." "Chúc con một ngày tốt lành!" "Gì cơ ạ?" "Ý bố là chúc con ngủ ngon." "Chúc bố ngủ ngon." Nửa tiếng sau, khi Hilde lên giường, trời vẫn còn đủ sáng để cô có thể nhìn thấy khu vườn và cái vịnh nhỏ. Vào thời gian này trong năm, trời không bao giờ tối hẳn. Cô cảm thấy vui vui khi nghĩ về ý tưởng rằng cô đang ở trong một bức tranh treo trên tường trong căn nhà nhỏ trong rừng. Cô tự hỏi không biết người ta có thể từ trong một bức tranh nhìn ra những gì ở xung quanh đó hay không. Trước khi ngủ, cô đọc thêm vài trang trong tập giấy. Sophie đặt lại lá thư của bố Hilde lên bệ lò sưởi. "Những điều ông ta nói về Liên hợp quốc không phải là không  quan trọng," Alberto nói, "nhưng tôi không thích ông ta can thiệp vào phần trình bày của tôi." "Em không nghĩ là thầy nên để ý quá nhiều về chuyện đó." Dù sao, từ bây giờ tôi sẽ cố ý lờ đi tất cả các hiện tượng kỳ quái như con rắn biển và những thứ tương tự. Ta hãy ra ngồi cạnh cửa sổ khi tôi nói với em về Kant." Sophie thấy một cặp kính nằm trên chiếc bàn nhỏ giữa hai cái ghế bành. Cô cũng nhìn thấy mắt kính màu đỏ. Có thể đó là kính râm loại mạnh... "Gần hai giờ rồi," cô nói. "Em phải về nhà trước năm giờ. Chắc mẹ em có kế hoạch gì đó cho sinh nhật em." "Vậy là ta có ba tiếng." "Ta bắt đầu đi, thầy" "Immanuel Kant sinh năm 1724 tại thành phố Konigsgerg ở miền Đông nước Phổ, ông là con trai của một người thợ làm yên ngựa. Ông đã sống ở đó gần trọn cuộc đời cho đến khi ông qua đời ở tuổi 80. Gia đình ông rất sùng đạo. Đức tin tôn giáo của ông đã tạo nên nền móng quan trọng cho triết học của ông. Cũng như Berkeley, ông thấy cần phải bảo tồn cơ sở cho đức tin Ki Tô giáo." "Em đã nghe quá đủ về Berkeley rồi thầy." "Trong những nhà triết học mà ta đã biết đến, Kant là người đầu tiên dạy triết trong trường đại học. Ông là một giáo sư triết học." "Giáo sư ạ?" "Có hai loại triết gia. Loại thứ nhất là những người tìm kiếm câu trả lời của riêng mình cho các câu hỏi triết học. Loại kia gồm những người là chuyên gia về lịch sử triết học nhưng không nhất thiết xây dựng triết học của riêng mình." "Kant thuộc loại nào ạ?" "Cả hai loại. Nếu ông chỉ là một giáo sư giỏi và là một chuyên gia về các tư tưởng của các nhà triết học khác, thì ông đã không bao giờ tạo được cho mình một vị trí trong lịch sử triết học. Nhưng cần lưu ý rằng Kant có kiến thức nền tảng vững chắc về các truyền thống triết học trong quá khứ. Ông quen thuộc với cả chủ nghĩ duy lý của Descartes và Spinoza lẫn chủ nghĩa kinh nghiệm của Locke, Berkeley và Hume." "Em đã đề nghị thầy không nhắc đến Berkeley nữa mà." Còn nhớ các nhà duy lý tin rằng nền tảng cho mọi tri thức của con người nằm trong tâm thức. Còn phía các nhà kinh nghiệm chủ nghĩa tin rằng mọi tri thức về thế giới phát triển từ các giác quan. Xa hơn nữa, Hume còn chỉ ra rằng có những giới hạn rõ ràng của các kết luận mà ta có thể rút ra được từ các tri giác giác quan." "Kant đã đồng ý với ai ạ?" "Ông cho rằng cả hai quan điểm đều có phần đúng và có phần sai. Câu hỏi mà ai cũng quan tâm là: ta có thể biết được gì về thế giới. Đề tài triết học này đã làm bận tâm tất cả các triết gia từ thời Descrartes. "Có hai khả năng chính được rút ra: hoặc thế giới đúng hệt như ta tri giác được, hoặc đó chỉ là cách nó hiện ra trong lý tính của ta." "Và Kant đã nghĩ thế nào ạ?" "Kant cho rằng cả 'cảm giác' và 'lý tính' đều giữ vai trò trong nhận thức của ta về thế  giới. Nhưng ông cho rằng các nhà duy lý đã đi quá xa trong các khẳng định của họ về phần đóng góp của lý tính, còn các nhà kinh nghiệm chủ nghĩ thì đã quá nhấn mạnh vào trải nghiệm giác quan." "Nếu thầy không nhanh chóng cho em một ví dụ thì đó sẽ chỉ là một bó chữ thôi đấy." "Tại xuất phát điểm, Kant đồng ý với Hume và các nhà kinh nghiệm chủ nghĩa rằng mọi tri thức của ta về thế giới bắt nguồn từ các cảm giác. Nhưng - và ở đây Kant vươn tay về phía các nhà duy lý - trong lý tính của ta cũng có những nhân tố có tính quyết định đối với cách ta cảm nhận thế giới xung quanh. Nói cách khác, có những điều kiện nhất định trong tâm thức con người có đóng góp vào nhận thức của ta về thế giới." "Thầy cho đấy là ví dụ à?" "Ta đã làm một thí nghiệm nhỏ. Em có thể mang cặp kính trên bàn kia lại đây được không? Cảm ơn em. Bây giờ, em hãy đeo nó vào." Sophie làm theo. Mọi thứ xung quanh cô chuyển sang màu đỏ. Những màu nhạt thành màu hồng, còn màu đậm trở thành đỏ thẫm. "Em thấy thế nào?" "Em nhìn thấy mọi thứ y như trước, chỉ có điều cái gì cũng đỏ." "Đó là vì cái kính hạn chế em cảm nhận thế giới. Những gì em nhìn thấy chỉ là một phần của thế giới xung quanh, em nhìn như thế nào là do cặp kính em đang đeo quyết định. Như vậy, em không thể nói rằng thế giới màu đỏ cho dù em nhìn thấy nó như vậy." "Vâng, tất nhiên rồi." "Nếu bây giờ em đi dạo một vòng trong rừng, hoặc trở về nhà, em sẽ nhìn mọi thứ theo như bình thường. Nhưng em nhìn cái gì cũng thấy nó màu đỏ." "Vâng, miễn là em không bỏ kính ra." "Và, Sophie à, đó chính là những gì Kant muốn nói khi ông bảo rằng có những điều kiện nhất định chi phối hoạt động của tâm thức, chúng ảnh hưởng đến cách ta trải nghiệm thế giới." "Những loại điều kiện nào ạ?" Bất kỳ cái gì ta nhìn thấy đều được nhận thức trước tiên dưới dạng một hiện tượng trong không gian và thời gian. Kant gọi 'thời gian' và 'không gian' là hai 'hình thức trực quan' của ta. Và ông nhấn mạnh rằng, trong tâm thức của ta, hai hình thức này đi trước mọi trải nghiệm. Nói cách khác, trước khi trải nghiệm cái gì, ta có thể biết rằng ta sẽ nhận thức nó như là một hiện tượng trong không gian và thời gian. Bởi vì ta không thể tháo 'cặp kính' lý tính". "Vậy ông ta cho rằng việc nhận thức trong không gian và thời gian là cố hữu?" "Đúng, theo một góc độ nào đó. Những gì ta nhìn thấy có thể phụ thuộc chuyện ta lớn lên ở Ấn Độ hay Greenland, nhưng cho dù ta ở đâu đi chăng nữa, ta trải nghiệm thế giới như là một chuỗi các quá trình trong không gian và thời gian. Đó là cái ta có thể nói trước được." "Nhưng không gian và thời gian tồn tại bên ngoài chúng ta, đúng không ạ?" "Không. Kant cho rằng thời gian và không gian thuộc về điều kiện của con người. Thời gian và không gian là hai dạng thức tri giác đầu tiên và quan trọng nhất, chúng không phải các thuộc tính của thế giới vật chất." "Đấy là một cách nhìn hoàn toàn mới." Bởi vì tâm thức con người không chỉ là "sáp ong thụ động" khi tiếp nhận các cảm giác từ bên ngoài. Tâm thức để lại dấu ấn trong cách ta tri giác về thế giới. Em có thể so sánh điều đó với khi em rót nước vào bình thuỷ tinh. Nước tự thích nghi với hình dạng của cái bình. Cũng như vậy, các tri giác của ta tự thích nghi với các 'hình thức trực quan' của ta". "Chắc là em đã hiểu ý thầy." "Kant khẳng định rằng không chỉ có tâm thức thích ứng với sự vật, mà sự vật cũng thích ứng với tâm thức. Ông gọi đây là cuộc cách mạng Copernic trong vấn đề  tri thức con người." "Có nghĩa là điều này cũng mới mẻ và khác một cách căn bản với tư duy cũ y như khi Copernic khẳng định rằng Trái Đất quay quanh Mặt Trời chứ không phải ngược lại." "Giờ thì em hiểu vì sao ông ấy lại cho rằng cả nhà duy lý và các nhà kinh nghiệm chủ nghĩa đều chỉ đúng một phần. Các nhà duy lý hầu như quên mất tầm quan trọng của kinh nghiệm. Còn các nhà kinh nghiệm chủ nghĩa thì đã nhắm mắt trước ảnh hưởng của tâm thức đối với cách ta nhìn thế giới." "Và theo Kant, ngay cả luật nhân quả - cái mà Hume tin rằng con người không thể trải nghiệm được - cũng thuộc về tâm thức." "Thầy giải thích đi ạ." Em chắc còn nhớ Hume đã khẳng định rằng thói quen đã làm ta thấy mối quan hệ nhân quả sau các quá trình tự nhiên. Theo Hume, ta không thể nhận thức được rằng viên bi-a đen là nguyên nhân gây ra chuyển động của viên bi-a trắng. Do đó, ta không thể chứng minh rằng viên đen sẽ luôn luôn làm viên trắng chuyển động." "Vâng, em nhớ." Nhưng chính cái mà Hume cho rằng ta không thể chứng minh lại là cái mà Kant đưa vào thành một thuộc tính của lý tính con người. Luật nhân quả là vĩnh cửu và tuyệt đối đơn giản là vì lý tính con người tri giác về mọi sự xảy ra theo kiểu nguyên nhân và kết quả." "Nhưng em vẫn nghĩ là luật nhân quả nằm trong chính thế giới vật chất chứ không phải nằm trong tâm thức của ta." Triết học của Kant khẳng định rằng nó là cố hữu bên trong chúng ta. Ông đồng ý với Hume rằng ta không thể biết chắc thế giới 'tự nó' như thế nào. Ta chỉ có thể biết rằng thế giới như thế nào 'đối với tôi' - hay mọi người. Đóng góp vĩ đại nhất của Kant cho triết học chính là đường ranh mà ông đã vạch ra giữa vật tự thân - das Ding an sich -  và sự vật như nó hiện ra đối với chúng ta." "Em không giỏi tiếng Đức đến thế đâu ạ." "Kant đã đưa ra một sự phân biệt quan trọng giữa 'vật tự thân' và 'sự vật đối với tôi'. Ta không bao giờ có thể có được tri thức chắc chắn về vật 'tự thân'. Ta chỉ biết nó 'hiện ra' với ta như thế nào. Mặt khác, trước mỗi trải nghiệm cụ thể, ta đều có thể nói gì đó về cách mà sự vật sẽ được nhận thức bởi tâm thức con người." "Thế ạ?" "Buổi sáng, trước khi em ra khỏi nhà, em không thể biết em sẽ nhìn thấy và chứng kiến những gì trong ngày. Nhưng em có thể biết rằng những gì em nhìn thấy và chứng kiến sẽ được nhận thức như là đang xảy ra trong không gian và thời gian. Hơn nữa, em có thể tin tưởng rằng luật nhân quả sẽ áp dụng, đơn giản là vì em mang nó theo như là một phần của ý thức mình" "Nhưng ý thầy là chúng ta cũng có thể được tạo ra theo cách khác?" "Đúng vậy, chúng ta có thể có một thiết bị cảm nhận khác. Và ta có thể có cảm nhận khác về thời gian và cảm giác về không gian. Và thậm chí ta có thể có đặc tính bẩm sinh là không đi tìm nguyên nhân của những gì xảy ra xung quanh." "Thế nghĩa là sao ạ?" "Hình dung một con mèo đang nằm trên sàn nhà trong phòng khách. Một quả bóng lăn qua. Con mèo sẽ làm gì?" "Em đã thử nhiều lần rồi. Nó sẽ chạy theo quả bóng." "Được rồi. Bây giờ hãy tưởng tượng em đang ngồi trong chính căn phòng đó. Nếu bỗng dưng nhìn thấy một quả bóng lăn ngang qua, liệu em có định chạy theo nó không?" "Đầu tiên, em sẽ quay lại để xem quả bóng lăn từ đâu đến." "Đúng vậy, vì em là con người nên việc em sẽ đi tìm nguyên nhân của mọi sự kiện là chuyện tất yếu, bởi vì luật nhân quả là một phần của bản chất tự nhiên của em." "Kant nói thế thì em biết thế." "Hume đã chứng tỏ rằng ta không thể tri giác cũng chẳng thể chứng minh được các quy luật tự nhiên. Điều này làm Kant cảm thấy lo ngại. Nhưng ông tin rằng ông có thể chứng minh được tính hiệu lực tuyệt đối của các quy luật bằng cách chỉ ra rằng thực ra ta đang nói về các quy luật của tri giác con người." "Liệu một đứa bé có quay lại để nhìn xem quả bóng lăn từ đâu tới không ạ?" "Có thể không. Nhưng Kant chỉ ra rằng vì lý tính của một đứa bé chưa phát triển hoàn chỉnh cho đến khi nó có được vật liệu cảm giác để nghiên cứu nó. Nói về một tâm thức trống rỗng là hoàn toàn vô nghĩa." "Ấy, tâm thức đó chắc phải kỳ lạ lắm chứ!" "Nào, ta hãy tổng kết lại. Theo Kant, có hai yếu tố đóng góp cho tri thức con người về thế giới. Một là các yếu tố ngoại vi mà ta không thể biết được trước khi ta tri giác được về chúng qua các giác quan. Ta có thể gọi đây là vật liệu của tri thức. Yếu tố kia là các điều kiện nội tại trong chính con người - chẳng hạn sự nhận thức các sự kiện trong không gian và thời gian và trong mối tương quan với một luật nhân quả bền vững. Ta có thể gọi yếu tố này là hình thức của tri thức." Alberto và Sophie ngồi yên lặng nhìn ra cửa sổ. Bỗng Sophie thoáng thấy bóng một cô bé giữa các thân cây bên kia hồ. "Thầy nhìn kìa!" Sophie thốt lên. "Ai đấy ạ?" "Chắc chắn tôi không biết." Cô bé chỉ thấp thoáng một vài giây rồi khuất hẳn. Sophie nhận thấy hình như cô bé đội một cái mũ màu đỏ. "Kiểu gì thì ta cũng không nên phân tán tư tưởng." "Thầy nói tiếp đi vậy." "Kant tin rằng có những giới hạn rõ ràng đối với những gì ta có thể biết. Có lẽ em có thể nói rằng cặp kính của tâm thức đặt ra những giới hạn này." "Như thế nào ạ?" "Chắc em còn nhớ rằng các nhà triết học trước Kant đã bàn về những câu hỏi thật sự 'to lớn'. Thí dụ, con người có linh hồn bất tử hay không, có Chúa Trời hay không, có phải thiên nhiên cấu tạo từ những hạt nhỏ xíu không phân chia được, và vũ trụ hữu hạn hay vô hạn." "Vâng." "Kant tin rằng không thể tìm được tri thức chắc chắn cho những câu hỏi đó. Không phải ông phủ nhận kiểu tranh luận này. Ngược lại, nếu ông chỉ gạt những câu hỏi này sang một bên thì ông đã khó có thể được gọi là một nhà triết học." "Thế ông ấy đã làm gì?" "Kiên nhẫn nào! Đối với những câu hỏi triết học tầm cỡ đó, Kant tin rằng lý tính hoạt động ở ngoài giới hạn của những gì con người chúng ta có thể hiểu được. Trong khi đó, đi tìm lời giải đáp cho những câu hỏi đó là mong muốn bản năng của chúng ta. Nhưng chẳng hạn khi hỏi vũ trụ hữu hạn hay vô hạn, ta đang hỏi về một cái toàn thể mà bản thân ta chỉ là một mẩu nhỏ xíu trong đó. Do đó, không bao giờ ta có thể hiểu biết được trọn vẹn cái toàn thể này." "Tại sao ạ?" "Khi em đeo cặp kính đỏ, chúng ta đã chứng minh quan niệm của Kant rằng có hai yếu tố cho tri thức của ta về thế giới." "Cảm giác và lý tính." "Đúng vậy, và vật liệu của tri thức đến với chúng ta qua các giác  quan, nhưng vật liệu này phải tuân theo các thuộc tính của lý tính. Ví dụ, một trong các thuộc tính của lý tính là tìm kiếm nguyên nhân của sự kiện." "Như quả bóng lăn qua phòng." "Nếu em muốn. Nhưng khi ta tự hỏi thế giới từ đâu ra và bàn luận các lời giải thích có thể, thì theo một nghĩa nào đó lý tính chuyển sang trạng thái 'trì hoãn'. Bởi vì nó không có vật liệu giác quan để xử lý, không có kinh nghiệm để sử dụng, vì ta chưa bao giờ trải nghiệm toàn bộ thực tại vĩ đại mà ta chỉ là một phần nhỏ xíu trong đó." "Theo một góc độ nào đó, ta chỉ là một mẩu nhỏ xíu của quả bóng lăn trên sàn. Nên ta không thể biết nó từ đâu lăn đến." "Nhưng việc đặt câu hỏi quả bóng từ đâu đến sẽ mãi mãi là một thuộc tính của lý tính con người. Đó là lý do tại sao ta cứ hỏi và hỏi, gắng hết sức để tìm câu trả lời cho những câu hỏi sâu sắc nhất. Nhưng ta chẳng bao giờ có được cái gì vững chắc để bám vào; ta không bao giờ có một câu trả lời vừa ý bởi vì lý tính không có điểm tựa." "Em biết chính xác cảm giác đó như thế nào rồi." "Đối với những câu hỏi nặng ký chẳng hạn như câu hỏi về bản chất của thực tại, Kant chứng minh rằng sẽ luôn có hai quan điểm đối lập mà khả năng đúng hay sai đều như nhau, tùy vào những gì lý tính của ta mách bảo." "Ví dụ?" "Nói rằng thế giới đã có một điểm bắt đầu trong thời gian, hay nói rằng thế giới không có điểm bắt đầu, cả hai đều ngang nhau. Lý tính không thể chọn một bên nào. Ta có thể cho rằng thế giới đã luôn luôn tồn tại, nhưng cái gì có thể luôn luôn tồn tại nếu không chưa bao giờ có một sự bắt đầu? Như vậy, ta buộc phải chấp nhận quan điểm đối lập. "Ta nói rằng thế giới hẳn đã bắt đầu tại một thời điểm nào đó và nó chắc hẳn phải bắt đầu từ hư vô, trừ khi ta muốn nói đến một sự chuyển dịch từ trạng thái này sang trạng thái khác. Nhưng cái gì có thể bắt đầu từ không có gì, Sophie?" "Không. Cả hai khả năng đều có vấn đề. Nhưng chắc phải có một trong hai khả năng là đúng và khả năng kia là sai." "Chắc em còn nhớ rằng Democritus và các nhà duy vật đã nói rằng thiên nhiên phải bao gồm những phần rất nhỏ mà mọi vật đều được cấu thành từ đó. Những người khác, chẳng hạn Descartes, tin rằng luôn luôn có thể chia thực tại mở rộng thành những phần nhỏ hơn. Bên nào nói đúng?" "Cả hai đúng. Chẳng bên nào đúng." "Còn nữa, nhiều nhà triết học coi tự do là một trong những giá trị quan trọng nhất của con người. Trong khi đó, ta gặp các nhà triết học khác, chẳng hạn các triết gia Khắc kỷ và Spinoza, họ đã nói rằng mọi chuyện xảy ra đều do sự tất yếu của quy luật tự nhiên. Đây cũng là một trường hợp mà theo Kant lý tính của con người không có khả năng đưa ra một phán đoán chắc chắn." "Cả hai quan điểm đều có lý và vô lý như nhau." "Cuối cùng, ta chỉ có thể thất bại nếu cố gắng chứng minh sự tồn tại của Chúa Trời với sự giúp đỡ của lý tính. Ở đây, các nhà duy lý, chẳng hạn Descartes, đã cố chứng minh rằng tồn tại một vị Chúa Trời đơn giản là vì ta có ý niệm về một "bản thể siêu phàm". Những người khác như Aristotle và Thomas Aquinas khẳng định rằng phải có một vị Chúa vì mọi thứ đều phải có nguyên nhân đầu tiên." "Kan thì thế nào ạ?" "Ông phủ nhận cả hai chứng minh sự tồn tại của Chúa Trời. Cả lý tính lẫn kinh nghiệm đều không có cơ sợ vững chắc nào để khẳng định sự tồn tại của Chúa Trời. Xét về lý tính mà nói, khả năng có Chúa hay không có Chúa là như nhau." "Nhưng lúc đầu thầy đã nói rằng Kant muốn bảo vệ cơ sở của đức tin Ki Tô giáo cơ mà." "Đúng vậy, ông đã mở ra một chiều mới của tôn giáo. Ở đó, nơi cả lý tính và kinh nghiệm đều thiếu hụt, có một khoảng trống có thể được lấp đầy bởi đức tin." "Ông ta đã cứu Ki Tô giáo bằng cách đó ạ?" "Em nói vậy cũng được. Có lẽ ta nên lưu ý rằng Kant là một tín đồ theo phái Kháng Cách. Kể từ phong trào cải cách tôn giáo, Kháng Cách đã có đặc điểm chính là sự nhấn mạnh vào đức tin. Trong khi đó, từ đầu thời kỳ Trung cổ, giáo hội Công giáo đã tin tưởng vào lý tính như là trụ cột của đức tin. "Nhưng Kant không chỉ khẳng định rằng những câu hỏi nặng ký này nên được để lại cho đức tin của từng cá nhân. Ông còn tiến xa hơn khi tin rằng điều quan trọng về mặt đạo đức là cần phải giả định trước rằng con người có linh hồn bất tử, rằng Chúa Trời tồn tại, và rằng con người có ý chí tự do." "Vậy là ông ấy làm hệt như Descartes. Đầu tiên là phê phán mọi thứ mà người ta có thể hiểu biết. Rồi tiếp theo là lén đưa Chúa Trời vào qua đường cửa hậu." "Nhưng không như Descartes, ông đặc biệt nhấn mạnh rằng không phải lý tính mà chính là đức tin đã đưa ông đến đó. Chính ông đã gọi niềm tin vào linh hồn bất tử, sự tồn tại của Chúa và ý chí tự do của con người là những tiên đề thực tiễn." "Nghĩa là gì ạ?" " 'Tiên đề' là điều được thừa nhận mà không thể chứng minh. Theo Kant, 'tiên đề thực tiễn' là điều phải được thừa nhận vì mục đích thực tiễn; có nghĩa là: vì đạo đức của con người. Ông nói: 'Thừa nhận sự tồn tại của Chúa Trời là một sự cần thiết về mặt đạo đức.' " Bỗng có tiếng gõ cửa. Sophie nhỏm dậy, nhưng khi thấy Alberto chẳng có vẻ gì là định đứng lên, cô hỏi: "Mình không nên xem đó là ai ạ?" Alberto nhún vai và miễn cưỡng. Họ ra mở cửa, một cô bé mặc váy trắng và đội mũ đỏ đang đứng trước cửa. Đó chính là cô bé mà họ đã nhìn thấy ở bên kia hồ. Cô bé xách một chiếc giỏ đựng thức ăn. "Xin chào," Sophie nói. "Em là ai?" "Chị không nhận ra em là Cô Bé Đội Mũ Đỏ à?" Sophie nhìn Alberto, và ông gật đầu. "Em đã nghe cô bé nói rồi đấy." "Em đang tìm nhà bà ngoại." Cô bé nói. "Bà già rồi và đang bị ốm, em mang đồ ăn đến cho bà." "Không phải nhà bà cháu ở đây đâu." Alberto nói, "cháu nên đi tiếp đi." Ông xua xua tay như thể người ta đang đuổi ruồi. "Nhưng cháu phải đưa một lá thư," cô bé đội chiếc mũ đỏ nói tiếp. Nói đoạn, cô lấy ra một chiếc phong bì nhỏ và đưa cho Sophie. Rồi cô bé quay đi, vừa đi vừa nhảy chân sáo. "Cẩn thận chó sói nhé!" Sophie gọi với theo. Alberto đã quay bước về phòng khách. "Thầy thử nghĩ mà xem! Đó là Cô Bé Đội Mũ Đỏ!" Sophie nói. "Và dặn cô bé canh chừng chẳng ích gì đâu. Cô bé vẫn sẽ đến nhà bà và bị chó sói ăn thịt. Cô bé không bao giờ học được đâu. Chuyện đó sẽ quay đi quay lại mãi mãi." "Nhưng em chưa bao giờ nghe kể rằng cô ấy gõ cửa một ngôi nhà khác trước khi đến nhà bà." "Chuyện vặt mà, Sophie." Sophie nhìn chiếc phong bì vừa nhận được. Trên đó đề: "Gửi Hilde." Cô bóc thư và đọc thành tiếng: Hilde thân yêu. Nếu bộ não của con người đủ đơn giản để ta có thể hiểu được thì ta sẽ ngu ngốc đến mức vẫn không thể hiểu nó được. Yêu con, Bố. Alberto gật đầu. "Đúng đấy. Tôi tin là Kant đã nói một câu tương tự. Ta không thể kỳ vọng hiểu được ta là cái gì. Có thể ta hiểu được một bông hoa hay một con bọ, nhưng ta không bao giờ có thể hiểu được chính ta. Ta lại càng ít có thể mong hiểu được vũ trụ." Sophie phải đọc đi đọc lại vài lần câu văn trúc trắc trong bức thư gửi Hilde trước khi Alberto nói tiếp: "Chúng ta sẽ không để bị quấy rầy bởi rắng biển hay những thứ tương tự nữa. Trước khi kết thúc bài ngày hôm nay, tôi sẽ kể cho em về luân lý học của Kant." "Nhanh lên thầy. Em sắp phải về nhà rồi." "Chủ nghĩa hoài nghi của Hume về những gì lý tính và các giác quan có thể cho ta biết đã buộc Kant suy nghĩ kỹ càng về nhiều câu hỏi quan trọng của cuộc sống. Nhất là trong lĩnh vực luân lý học." "Có phải Hume đã nói rằng ta không thể chứng minh cái gì là phải hay trái? Ta không thể rút ra các câu "nên" từ các câu trần thuật." "Theo Hume, cả lý tính lẫn kinh nghiệm của ta đều không quyết định sự khác biệt giữa đúng và sai. Chính cảm tính của ta làm điều đó. Đối với Kant, đây là một nền tảng quá yếu ớt." "Em có thể hình dung được điều đó." "Kant đã luôn cảm thấy rằng sự phân biệt đúng sai là một vấn đề thuộc về lý tính chứ không phải cảm tính. Ở đây, ông đồng ý với các nhà duy lý, những người đã nói rằng khả năng phân biệt đúng sai là cố hữu trong lý tính con người. Ai cũng biết cái gì đúng cái gì sai không phải bởi vì ta đã được học, mà là nó được sinh ra trong tâm thức. Theo Kant, ai cũng có 'lý tính thực tiễn', đó là trí tuệ cho ta khả năng phân biệt đúng sai trong mọi trường hợp." "Và nó là bẩm sinh?" "Khả năng phân biệt đúng sai cũng có tính bẩm sinh như mọi thuộc tính khác của lý tính. Cũng giống như chúng ta đều là những bản thể thông minh nhận thức mọi sự trong mối quan hệ nhân quả, tất cả chúng ta đều tiếp cận được cùng một qui tắc đạo đức phổ quát. "Qui tắc đạo đức này cũng có tính đúng đắn tuyệt đối như các định luật vật lý. Đối với đạo đức của ta, các qui tắc đó cũng mang tính căn bản y như khẳng định rằng cái gì cũng có nguyên nhân, hoặc như bảy cộng năm bằng mười hai là điều cơ bản đối với trí tuệ của chúng tá." "Thế qui tắc đạo đức đó nói gì ạ?" "Do nó đứng trước mọi trải nghiệm, nó là 'hình thức'. Có nghĩa là nó không bị giới hạn trong bất cứ tình húông cụ thể nào của lựa chọn đạo đức. Bởi vì nó áp dụng cho mọi người ở mọi xã hội và trong mọi thời đại. Do đó, nó không nói rằng ta nên làm điều này hay điều kia trong tình huống này tình huống khác. Nó qui định ta nên xử sự như thế nào trong mọi tình huống." "Thế thì có một qui tắc đạo đức được cấy sẵn trong mình để làm gì nếu nó không bảo ta phải làm gì trong những tình huống cụ thể?" "Kant phát biểu qui tắc đạo đức này như là một lệnh thức tuyệt đối. Qua đó, ông muốn nói rằng qui tắc đạo đức là 'tuyệt đối', hay nói cách khác là nó áp dụng cho mọi tình huống. Hơn nữa, nó mang tính 'mệnh lệnh', có nghĩa là nó chỉ huy và do đó có quyền lực tuyệt đối." "À ra thế." "Kant phát biểu 'lệnh thức tuyệt đối' này theo nhiều cách. Đầu tiên, ông nói; Hãy hành động như thể qua ý nguyện của ta, phương châm hành động của ta sẽ trở thành một Quy Luật Tự nhiên Phổ quát." "Vậy, khi em làm gì đó, em phải đảm bảo là em muốn mọi người khác cũng hành động như thế nếu họ cũng ở trong hoàn cảnh đó." "Chính xác. Chỉ khi đó em sẽ hành động theo qui tắc đạo đức bên trong em. Kant còn phát biểu 'lệnh thức tuyệt đối' như thế này: Hành động sao cho ta luôn đối xử với nhân loại, dù đó là bản thân ta hay một người nào khác, không bao giờ chỉ như là một phương tiện mà luôn luôn như là một mục đích." "Như vậy là ta không được lợi dụng người khác để làm lợi cho bản thân." "Đúng vậy, vì mỗi người tự họ đều là một mục đích. Nhưng điều đó không chỉ áp dụng cho người khác mà còn áp dụng cho bản thân ta nữa. Ta cũng không được khai thác bản thân chỉ như một phương tiện để đạt được một điều gì khác." "Điều đò làm em nhớ đến quy tắc vàng: Muốn được người khác đối xử như thế nào thì hãy đối xử với người khác như vậy." "Đúng vậy, đó cũng là một qui tắc 'hình thức' về cách cư xử mà về cơ bản đã bao hàm mọi lựa chọn luân lý. Em có thể nói rằng qui tắc vàng có nội dung giống như qui tắc đạo đức phổ quát của Kant." "Nhưng chắc chắn đó chỉ là một khẳng định. Hume có lẽ đã đúng khi nói rằng ra không thể dùng lý tính để chứng minh cái gì đúng cái gì sai." "Theo Kant, qui tắc đạo đức cũng tuyệt đối và cũng phổ quát như luật nhân quả. Nó cũng không thể được chứng minh bằng lý tính. Nhưng dù sao, nó vẫn là tuyệt đối và bất biến. Không ai phủ nhận điều đó." "Em có cảm giác là thực ra cái mà chúng ta đang nói về là lương tâm. Vì ai cũng cần có một lương tâm, phải không ạ?" "Đúng như vậy. Khi Kant miêu tả qui tắc đạo đức, ông miêu tả lương tâm con người. Ta không thể chứng minh những gì lương tâm ta mách bảo, tuy nhiên, ta biết điều đó là đúng." "Đôi khi có thể em tỏ ra tốt bụng giúp đỡ người khác chỉ vì em biết làm thế là có lợi. Đó có thể là một cách để được mọi người quý mến." "Nếu em chia sẻ với người khác chỉ để được quý mến thì em không hành động vì tôn trọng qui tắc đạo đức. Có thể em hành động hợp với qui tắc đó - cũng phải thôi - nhưng nếu đó là một hành động đạo đức, thì em đã phải đấu tranh chiến thắng bản thân. Chỉ khi em làm điều đó thuần tuý chỉ vì trách nhiệm thì đó mới được gọi là một hành động đạo đức. Chính vì vậy mà luân lý học của Kant đôi khi còn được gọi là luân lý học trách nhiệm." "Em có thể cảm thấy em có trách nhiệm quyên tiền cho nơi bán hàng phúc thiện của nhà thờ hay hội Chữ Thập Đỏ." "Đúng thế, và điều quan trọng là em làm việc đó vì em biết như thế là đúng. Em đã tuân theo qui tắc đạo đức, ngay cả nếu số tiền em quyên được bị mất trên phố hay không đủ để cứu đói được nhiều người như mong đợi. Em đã hành động vì thiện chí, và theo Kant, chính thiện chí chứ không phải kết quả hành động là cái quyết định xem hành động đó có đúng đắn về mặt đạo đức hay không. Do đó, luân lý học của Kant còn được gọi là luân lý học thiện chí." "Tại sao việc biết được chính xác khi nào người ta hành động vì tôn trọng qui tắc đạo đức lại quan trọng với ông ấy đến vậy? Chắc chắn điều quan trọng nhất là những gì ta làm thực sự giúp đỡ người khác." "Quả vậy, Kant chắc sẽ không phản đối. Nhưng chỉ khi bản thân ta tự biết rằng mình đang hành động vì tôn trọng qui tắc đạo đức thì khi đó ta mới hành động tự do." "Ta chỉ tự do khi ta tuân theo một qui tắc ? Chẳng phải như thế nghe kỳ quặc làm sao?" "Theo Kant thì không. Chắc em còn nhớ ông đã phải 'thừa nhận' rằng con người có ý chí tự do. Đó là một điểm quan trọng, vì Kant còn nói rằng mọi thứ đều tuân theo luật nhân quả. Vậy thì làm sao mà ta có được ý chí tự do?"        "Làm sao em biết được." "Tại đây, Kant chia con người thành hai phần theo một kiểu không phải là không tương đồng với cách mà Descartes đã cho rằng con người là một 'sinh vật kép' gồm có một thể xác và một tâm thức. Kant nói rằng, là sinh vật vật chất, ta hoàn toàn nằm dưới quyền lực của luật nhân quả không thể phá vỡ. Ta không thể quyết định được những gì ta nhận thức - các tri giác đến với ta do tất yêu và gây ảnh hưởng lên chúng ta bất kể ta có muốn hay không. Nhưng ta không chỉ là những sinh vật vật chất, ta còn là những sinh vật lý tính. "Là vật chất, ta hoàn toàn thuộc về thế giới tự nhiên. Do đó, ta là đối tượng của các quan hệ nhân quả. Khi đó, ta không có ý chí tự do. Nhưng là sinh vật có lý tính, ta có phần trong cái mà Kant gọi là das Ding an sich - nghĩa là thế giới như nó tự có và độc lập với các ấn tượng giác quan của ta. Chỉ khi ta làm theo lý tính thực tiễn - cái cho phép ta đưa ra các lựa chọn đạo đức - thì ta mới thực hiện ý chí tự do của mình. Vì khi tuân theo qui tắc đạo đức, chính ta là người định ra luật lệ mà ta đang tuân theo." "Vâng, điều đó là đúng theo một góc độ nào đó. Chính em, hoặc cái gì đó trong em, nói rằng không nên xấu tính với người khác." "Vậy, khi em quyết định không xấu tính - ngay cả nếu điều đó ngược lại với lợi ích của chính em - là khi em hành động tự do." "Ta không được tự do và độc lập cho lắm nếu lúc nào ta cũng chỉ làm những gì mình muốn." "Người ta có thể trở thành nô lệ cho đủ thứ. Thậm chí ta có thể trở thành nô lệ cho chính tính cố chấp của mình. Độc lập và tự do chính là những gì cần thiết để lên vượt lên trên ham muốn và những thói xấu của mình." "Thế còn động vật thì sao ạ? Em đoán là chúng chỉ làm theo nhu cầu và ham muốn. Chúng không có chút tự do nào để tuân theo qui tắc đạo đức, phải không ạ?" "Đúng vậy, đó chính là sự khác biệt giữa con người và động vật." "Giờ thì em hiểu rồi." "Và cuối cùng, có lẽ ta có thể nói rằng Kant đã thành công trong việc chỉ ra lối thoát khỏi ngõ cụt mà triết học đã đâm vào trong cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa kinh nghiệm. Do vậy, một thời đại trong lịch sử triết học đã kết thúc tại Kant. Ông qua đời năm 1804, khi kỷ nguyên văn hóa mà ta gọi là chủ nghĩa Lãng mạn đang dần chiếm ưu thế. Một trong những câu nói thường được trích dẫn của ông đã được khắc trên bia mộ ông tại Konigsberg: "Hai điều tràn ngập tâm tư tôi với sự ngưỡng mộ và kính sợ luôn luôn mới mẻ và gia tăng mỗi khi nghĩ tới: bầu trời đầy sao trên đầu tôi và qui tắc đạo đức ở trong tôi." Alberto ngả người dựa lưng vào thành ghế rồi nói: "Xong. Tôi đã kể cho em những gì quan trọng nhất về Kant." "Dù sao cũng đã 4 giờ 15 rồi." "Nhưng còn một chuyện. Cho tôi một phút nữa." "Em không bao giờ ra khỏi lớp trước khi giáo viên cho nghỉ." "Có phải tôi đã nói là Kant tin rằng chúng ta không có tự do nếu chỉ sống như các sinh vật của các giác quan?" "Vâng, thầy đã nói đại khái như vậy." "Còn nếu tuân theo lý tính phổ quát thì ta sẽ tự do và độc lập. Tôi cũng đã nói vậy phải không?" "Vâng, nhưng bây giờ thầy nhắc lại để làm gì?" Alberto nghiêng người về Sophie, ông nhìn sâu vào trong mắt cô và thì thào: "Đừng tin vào tất cả mọi thứ em nhìn thấy, Sophie à." "Nghĩa là sao ạ?" "Chỉ cần lật lại vấn đề thôi, bé ạ." "Giờ thì em chẳng hiểu tí gì hết." "Người ta thường nói rằng khi nào thấy thì tôi sẽ tin. Nhưng đừng tin ngay cả những gì em thấy." "Thầy đã có lần nói đại loại như vậy rồi." "Đúng vậy, về Parmenides." "Nhưng em vẫn không hiểu ý thầy." "Thôi được, khi ta ngồi nói chuyện ngoài bậc thềm, có một thứ gọi là rắn biển đã vỗ nước ở dưới hồ." "Chẳng phải chuyện đó kỳ quái lắm sao?" "Không kỳ quái tí nào. Tiếp theo là Cô Bé Đội Mũ Đỏ đến gõ cửa. 'Em đang đi tìm nhà bà ngoại.' Thật là một vở diễn ngớ ngẩn! Đó chỉ là tiểu xảo của ông thiếu tá mà thôi, Sophie. Cũng như thông điệp trong vỏ chuối và cơn bão điên rồ đó." "Thầy cho là...?" "Nhưng tôi đã nói rằng tôi có một kế hoạch. Chỉ cần chúng ta bám vào lý tính của mình, ông thiếu ta sẽ không thể lừa ta được. Bởi vì theo một nghĩa nào đó chúng ta có tự do. Ông ta có thể làm chúng ta 'tri giác' đủ thứ, nhưng chẳng có gì sẽ làm tôi ngạc nhiên. Nếu ông ta làm cho trời tối hay voi bay thì tôi cũng chỉ cười thôi. Nhưng bảy cộng năm bằng mười hai. Sự thật đó vượt qua mọi hiệu ứng tranh truyện của ông ta. Triết học là đối nghịch của các câu chuyện cổ tích." Sophie ngạc nhiên ngồi lặng nhìn ông. "Em về đi," cuối cùng ông nói. "Tôi sẽ gọi em đến để nói về chủ nghĩa Lãng mạn sau. Em còn cần nghe về Hegel và Kierkegaard nữa. Nhưng chỉ còn có một tuần trước khi ông thiếu tá xuống sân bay Kjevik. Trước đó, ta sẽ phải tự giải phóng ra được khỏi trí tưởng tượng dính như keo của ông ta. Tôi dừng ở đây, Sophie. Trừ việc tôi muốn em biết là tôi đang lập một kế hoạch tuyệt vời cho cả hai chúng ta." "Vậy thì em về đây." "Khoan đã - ta đã quên mất việc quan trọng nhất." "Việc gì ạ?" "Bài hát mừng sinh nhật, Sophie à. Hôm nay Hilde tròn 15 tuổi." "Em cũng thế." "Đúng vậy, cả em nữa. Ta cùng hát nào." Cả hai đứng dậy và cùng hát: "Happy birthday to you." Đã gần bốn rưỡi. Sophie chạy xuống mép nước và chèo thuyền về bờ bên kia. Cô kéo thuyền vào đám lau sậy rồi vội vã đi xuyên rừng. Khi lên đến đường mòn, cô chợt nhật thấy cái gì đó đang chuyển động giữa các thân cây. Cô tự hỏi không biết đó có phải Cô Bé Đội Mũ Đỏ đang lang thang một mình trong rừng để đến nhà bà ngoại hay không, nhưng cái bóng này nhỏ hơn nhiều. Cô đến gần hơn. Nó không lớn hơn một con búp bê. Nó màu nâu và mặc áo len đỏ. Sophie đứng sững lại khi nhận ra đó là một con gấu bông. Nếu có ai đó để quên một con gấu bông trong rừng thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng chú gấu bông này sống động, và nó có vẻ đang rất bận bịu chuyện gì. "Xin chào," Sophie nói. "Em là Gấu Pooh," gấu bông nói, "và em chẳng may bị lạc đường trong rừng, trong một ngày đáng ra rất đẹp trời như hôm nay. Chắc chắn là em chưa gặp chị bao giờ." "Có lẽ chị mới là người chưa đến đây bao giờ," Sophie nói. "Bởi vì chắc em vẫn còn đang ở nhà trong khu rừng Trăm Mẫu." "Ồ không, con số đó quá khó! Chị đừng quên em chỉ là một chú gấu nhỏ và em không thông minh lắm." "Chị cũng đã nghe kể về em." "Em đoán chị là Alice. Có một lần Christopher Robin đã kể cho bọn em nghe về chị. Chắc mình đã gặp nhau như thế. Chị uống từ một cái chai nhiều đến mức chị bị thu nhỏ lại. Nhưng rồi chị uống từ một cái chai khác và lại lớn lên như cũ. Cho cái gì vào miệng là chị phải rất cẩn thận đấy! Có lần em ăn nhiều đến mức em bị tắc trong một cái hang thỏ." "Chị không phải là Alice đâu." "Mình là ai thì cũng thế thôi. Quan trọng là mình tồn tại. Cứ nói vậy, và bác ấy rất thông thái. Một hôm nắng đẹp, bác ấy đã bảo là bảy cộng bốn bằng mười hai. Cả em lẫn Lừa đều thấy mình rất ngu ngốc vì làm tính cộng khó quá. Xem thời tiết xấu hay đẹp dễ hơn nhiều." "Tên chị là Sophie." "Rất vui được gặp chị, Sophie à. Như em đã nói rồi đấy, chắc chị mới đến đây lần đầu. Nhưng bây giờ gấu con phải đi đây, em phải đi tìm Ỉn. Chúng em sắp đi dự một bữa tiệc lớn ngoài vườn của Thỏ và các bạn của cậu ấy." Chú gấu giơ tay vẫy vẫy. Sophie nhìn thấy bàn tay kia của chú đang cầm một mảnh giấy nhỏ gấp lại. "Em đang cầm cái gì thế?" Sophie hỏi. Gấu Pooh giơ ra mẩu giấy và nói: "Chính cái này đã làm em lạc đường đây." "Nhưng nó chỉ là một mẩu giấy thôi mà." "Không, nó không chỉ là một mẩu giấy. Nó là thư gửi Hilde-ở-trong-Gương." "Ồ, chị có thể nhận hộ." Chị có phải là cô gái trong gương không?" "Không, nhưng..." "Thư phải được đưa đến tận tay. Hôm qua Christopher vừa dạy em thế." "Nhưng chị biết Hilde." "Cũng thế thôi. Kể cả thân thì cũng không nên đọc thư của người khác." "Chị định nói là chị có thể chuyển thư cho Hilde được." "Thế này là chuyện khác. Đây, chị cầm lấy. Nếu em thoát được lá thư này thì chắc em cũng sẽ tìm được Ỉn. Để tìm được Hilde-ở-trong-Gương thì phải tìm một cái gương. Nhưng chuyện đó ở quanh đây thì chẳng dễ dàng gì." Nói đọan, chú gấu con đưa mảnh giấy cho Sophie và lũn cũn chạy vào rừng. Khi chú đi khuất, Sophie mở mảnh giấy và đọc: Hilde yêu quí, tiếc là Alberto đã không nói với Sophie rằng Kant đã ủng hộ việc thành lập một "hiệp hội các quốc gia". Trong bài luận Hòa bình bất diệt, ông đã viết rằng các tất cả các nước nên đoàn kết trong một hiệp hội các quốc gia, nó sẽ đảm bảo sự cùng tồn tại trong hòa bình giữa các quốc gia. Bài luận này được công bố năm 1725. Khoảng 125 năm sau, sau Thế chiến lần thứ nhất, Hiệp hội các Quốc gia đã được thành lập. Sau Thế chiến lần thứ hai, nó được thay thế bằng Liên hợp quốc. Do đó con có thể nói rằng Kant là cha đẻ của ý tưởng Liên hợp quốc. Quan điểm của Kant là "lý tính thực tiễn" của con người đòi hỏi các quốc gia vượt ra khỏi trạng thái tự nhiên hoang dại - cái gây ra chiến tranh - và ký kết hiệp ước giữ gìn hòa bình. Mặc dù con đường đi tới việc thiết lập hiệp hội các quốc gia đầy gian khó, nghĩa vụ của ta là cống hiến cho "công cuộc giữ gìn hóa bình mãi mãi trong toàn vũ trụ". Việc thiết lập một hiệp hội như vậy là cái đích xa đối với Kant. Con hầu như có thể nói rằng đó là mục đích tối cao của triết học. Lúc này, bố đang ở Lebanon. Yêu con, Bố. Sophie cất lá thư vào túi và tiếp tục đi về nhà. Đây chính là kiểu gặp gỡ trong rừng mà Alberto đã cảnh báo cô. Nhưng cô không thể để chú gấu bé nhỏ lang thang mãi trong rừng để đi tìm Hilde-ở-trong-Gương, phải không nhỉ? CHỦ NGHĨA LÃNG MẠN ...con đường bí hiểm dẫn vào trong... Sophie thả cái cặp giấy nặng trịch vào lòng. Rồi cô để nó trượt xuống sàn nhà. Trời đã sáng hơn lúc cô mới lên giường. Cô nhìn đồng hồ. Đã gần ba giờ. Cô chui vào chăn và nhắm mắt lại. Vừa chìm dần vào giấc ngủ, cô vừa tự hỏi tại sao bố cô lại viết về Cô Bé đội Mũ Đỏ và Gấu Pooh... Cô ngủ đến tận mười một giờ trưa hôm sau. Cảm giác căng thẳng trong người nhắc cô rằng suốt cả đêm hôm trước cô đã mơ rất nhiều, nhưng cô chẳng nhớ được gì. Cô cảm thấy như thể mình đã ở một thực tại hoàn toàn khác. Cô xuống nhà ăn sáng. Mẹ đã mặc bộ quần áo bảo hộ màu xanh và chuẩn bị xuống nhà thuyền để sửa sang cái ca-nô. Khi bố từ Lebanon về, kể cả nếu không nổi được trên nước thì nó cũng phải trông ra hình cái thuyền. "Con có muốn xuống giúp mẹ một tay không?" "Con phải đọc một chút đã ạ. Con sẽ đem trà và bữa ăn nhẹ buổi sáng vậy mẹ nhé?" "Ăn nhẹ gì nữa?" Ăn sáng xong, cô quay lên phòng, dọn giường, rồi ngồi thoải mái với chiếc cặp giấy đặt trên đầu gối. Sophie chui qua hàng giậu và đứng trong khu vườn rộng mà co đã từng coi là vườn Địa Đàng của mình... Những mẩu cành cây và lá rụng vương vãi khắp nơi sau trận bão đêm trước. Hình như có mối quan hệ nào đó giữa cơn bão, những mẩu cành cây rụng và cuộc gặp gỡ của cô với Cô Bé đội Mũ Đỏ và Gấu Pooh. Cô vào nhà. Mẹ vừa về và đang xếp mấy chai nước ngọt vào tủ lạnh. Trên bàn là một chiếc bánh socola trông thật ngon mắt. "Mẹ sắp có khách ạ?" Sophie hỏi. Cô hầu như quên bẵng hôm nay là sinh nhật của mình. "Mình sẽ tổ chức tiệc vào thứ Bảy tới, nhưng mẹ nghĩ hôm nay mình cũng nên có một tiệc nhỏ." "Tiệc như thế nào ạ" "Mẹ đã mời gia đình Joanna." "Vâng, thế cũng được." Gần 7 rưỡi tối thì khách đến. Không khí có vẻ hơi trang trọng - mẹ Sophie chẳng mấy khi gặp cha mẹ Joanna. Được một lúc thì Sophie và Joanna lên phòng Sophie để viết thiệp mời cho bữa tiệc vườn. Vì Alberto cũng được mời nên Sophie nảy ra ý tưởng mời mọi người đến "tiệc vườn triết học". Joanna không phản đối. Dù sao đây cũng là tiệc của Sophie và dạo này đang là mùa tiệc tùng. Cuối cùng, hai cô bé cũng soạn xong nội dung thiệp mời. Hết tất cả hai tiếng, và họ không nhịn được cười. Thân gửi... Mời bạn đến dự bữa tiệc vườn triết học tại số 3 đường Cỏ Ba Lá vào lúc 7 giờ, thứ Bảy ngày 23 tháng Sáu (lễ hội Mùa Hè). Buổi tối hôm đó, hy vọng ta sẽ giải được bí ẩn về cuộc sống. Xin đem theo áo len ấm và những ý tưởng thông minh để giải các câu đố triết học. Rất tiếc, vì phòng cháy rừng, chúng tôi sẽ không thể đốt lửa trại, nhưng mọi người tha hồ để trí tưởng tượng cháy sáng. Trong các vị khách mời sẽ có ít nhất một nhà triết học thực thụ. Vì lý do này, bữa tiệc hoàn toàn trong phạm vi riêng tư. Phóng viên báo chí sẽ không được vào. Rất hân hạnh được đón tiếp. Joanna Ingebrigtsen (Trưởng ban tổ chức) Sophie Amundsen (Chủ tiệc) Hai cô bé xuống nhà với các vị phụ huynh, giờ họ đã trò chuyện thoải mái hơn. Sophie đưa bản phác thảo giấy mời viết bằng bút mỹ thuật cho mẹ. "Mẹ chụp cho con 18 bản với ạ." Đây không phải lần đầu tiên cô nhờ mẹ photo ở chỗ làm. Mẹ Sophie đọc giấy mời rồi đưa cho bố Joanna. "Anh thấy đấy. Con bé nhà tôi đang hơi hâm hâm." "Nhưng xem ra có vẻ rất hấp dẫn." Bố Joanna nói và chuyển tờ giấy cho vợ. "Chính tôi cũng muốn tham dự." Búp bê Barbie đọc tờ giấy mời rồi nói. "Ôi, khỏi phải nói! Cô cũng đến dự có được không, Sophie?" "Vâng, thế thì 20 bản, mẹ ạ." Sophie nhận lời. "Cậu điên à!" Joanna kêu lên. Đêm đó, trước khi lên giường, Sophie đứng nhìn ra cửa sổ một lúc lâu. Cô nhớ đã có lần nhìn thấy bóng Alberto trong đêm tối. Đã hơn một tháng rồi. Bây giờ cũng là đêm khuya, nhưng là đêm trắng mùa hè." Đến tận sáng thứ Ba, Sophie mới nhận được tin của Alberto. Ông gọi điện khi mẹ vừa rởi nhà để đi làm. "Sophie Amundsen nghe ạ." "Alberto Knox đây." "Em cũng đoán thế." "Tôi rất tiếc đã không gọi sớm hơn, nhưng tôi đang suy nghĩ rất nhiều về kế hoạch của chúng ta, tôi chỉ có thể ở một mình để làm việc yên ổn khi ông thiếu tá đang tập trung hoàn toàn vào em." "Kỳ cục." "Nên tôi nắm lấy cơ hội để ẩn mình, em thấy đấy. Hệ thống do thám tốt nhất thế giới cũng có hạn chế khi nó chỉ được điều khiển bởi duy nhất một người... Tôi đã nhận được thiệp của em." "Thiệp mời dự tiệc ấy ạ?" "Em có dám liều không?" "Dám chứ ạ!" "Mọi thứ đều có thể xảy ra tại một bữa tiệc kiểu đó." "Thầy đến chứ ạ?" "Tất nhiên rồi. Nhưng còn một chuyện. Em có nhớ hôm đó chính là ngày cha của Hilde từ Lebanon về nhà không?" "À, em quên mất." "Việc ông ta để em mở một buổi tiệc triết học đúng vào ngày ông về nhà ở Bjerkely không thể hoàn toàn là ngẫu nhiên." "Em chẳng nghĩ gì về chuyện đó cả." "Tôi đảm bảo là ông ta có nghĩ. Nhưng không sao, ta sẽ quay lại chuyện này sau. Em có thể đến căn nhà ông thiếu tá sáng nay được không?" "Em còn phải nhổ cỏ cho mấy luống hoa." "Thế thì hai giờ chiều nhé. Em đến được chứ?" "Được ạ, em sẽ đến." Khi Sophie đến thì Alberto lại đang ngồi trên bậc thềm. "Em ngồi xuống đây." Ông nói rồi đi ngay vào việc. "Những buổi trước, ta đã nói về thời kỳ Phục Hưng, thời Baroque, và thời kỳ Khai Sáng. Hôm nay, ta sẽ nói về chủ nghĩa Lãng Mạn, đây có thể được coi là kỷ nguyên văn hóa lớn cuối cùng của châu Âu. Chúng ta đang đến gần đoạn cuối của một câu chuyện dài, bé ạ." "Thời kỳ Lãng mạn dài đến thế cơ ạ?" "Nó bắt đầu vào khoảng cuối thế kỷ XVIII và kéo dài đến giữa thế kỷ XIX. Nhưng từ sau năm 1850, người ta không còn nói về những kỷ nguyên trọn vẹn trong đó bao gồm thơ văn, triết học, nghệ thuật, khoa học và âm nhạc." "Thời kỳ Lãng mạn có phải là một trong những kỷ nguyên đó không ạ?" "Người ta đã nói rằng chủ nghĩa Lãng mạn là cách nhìn cuộc sống cuối cùng mà cả châu Âu cùng chia sẻ. Khởi đầu ở Đức, nó nổi lên như là một phản ứng đối với thái độ một mực nhấn mạnh vào lý tính của thời kỳ Khai Sáng. Sau Kant và chủ nghĩa lý trí của ông, như thể giới trẻ Đức đã thở phào nhẹ nhõm." "Họ đã thay thế nó bởi cái gì ạ?" "Những khẩu hiệu mới là 'cảm xúc', 'tưởng tượng', 'trải nghiệm' và 'khao khát'. Một số nhà tư tưởng thời kỳ Khai Sáng - nhất là Rousseau - đã thu hút sự quan tâm đến tầm quan trọng của cảm xúc, nhưng khi đó là sự phê phán thói thiên lệch về lý tính. Cái đã từng là mạch ngầm giờ trở thành dòng chính của văn hóa Đức." "Vậy là tính đại chúng của Kant đã không tồn tại lâu, phải không ạ?" "Đúng và không đúng. Nhiều người theo chủ nghĩa Lãng mạn tự coi mình là người kế tục Kant, vì ông đã khẳng định rằng có một giới hạn của những gì ta có thể biết về 'das Ding an sich'. Mặt khác, ông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đóng góp của cái tôi cho tri thức hay nhận thức. Giờ đây, cá nhân có thể hoàn toàn tự do hiểu cuộc sống theo cách của mình. Những người Lãng mạn khai thác triệt để điểm này khi 'tôn thờ cái tôi' một cách gần như không kiềm chế, điều này dẫn đến sự đề cao tài năng nghệ thuật." "Hồi đó có nhiều thiên tài lắm ạ?" "Beethoven là một. Âm nhạc của ông thể hiện cảm xúc và khao khát của chính ông. Theo một nghĩa nào đó, Beethoven là một nghệ sĩ 'tự do', không như các bậc thầy thời Baroque như Bach và Handel - những người đã soạn những tác phẩm ca ngợi Chúa Trời gần như chỉ bằng những thể loại âm nhạc chặt chẽ." "Em chỉ biết bản sonat Ánh trăng và bản giao hưởng số Năm." "Nhưng em biết bản sonat Ánh trăng lãng mạn đến thế nào, và em có thể nghe thấy Beethoven biểu đạt bản thân một cách dữ dội như thế nào trong bản giao hưởng số Năm." "Thầy đã nói rằng những người theo chủ nghĩa nhân văn thời Phục Hưng cũng là những người theo chủ nghĩa cá nhân." "Đúng vậy. Có nhiều điểm tương đồng giữa thời Phục Hưng và thời Lãng mạn. Điển hình là tầm quan trọng của nghệ thuật đối với nhận thức của con người. Ở đây, Kant cũng đã có đóng góp đáng kể. Trong mỹ học của mình, ông đã nghiên cứu những gì xảy ra khi ta sững sờ trước cái đẹp, chẳng hạn trong một tác phẩm nghệ thuật. Khi ta thả hồn vào một tác phẩm không với mục đích nào khác ngoài chính trải nghiệm mỹ học, ta được đưa đến gần hơn với một trải nghiệm về 'das Ding an sich'." "Như vậy là người nghệ sĩ có thể đem lại cái gì đó mà các nhà triết học không thể diễn đạt được?" "Đó chính là quan điểm của những người Lãng mạn. Theo Kant, người nghệ sĩ chơi một cách tự do trong năng lực tri giác của riêng mình. Nhà thơ Đức Shiller đã phát triển tư tưởng của Kant xa hơn nữa. Ông viết rằng hoạt động của người nghệ sĩ như là chơi và một con người chỉ tự do khi anh ta chơi, vì khi đó anh ta tự đặt ra luật cho bản thân. Những người Lãng mạn tin rằng chỉ nghệ thuật mới có thể đưa ta đến gần hơn với 'cái không thể biểu đạt được'. Một số đi đến chỗ so sánh nghệ sĩ với Chúa Trời." "Bởi vì nghệ sĩ sáng tạo thực tại của riêng mình như cách Chúa đã sáng tạo thế giới." "Người ta đã nói rằng người nghệ sĩ có một 'trí tưởng tượng sáng tạo vũ trụ'. Khi trong trạng thái tràn đầy xúc cảm nghệ thuật, anh ta có thể cảm thấy sự tan rã của ranh giới giữa thực và mơ. "Novalis, một trong những thiên tài trẻ tuổi, đã nói rằng 'thế giới trở nên một giấc mơ và cõi mơ trở thành thực tại. Ông viết một cuốn tiểu thuyết tựa đề Heinrich xứ Ofterdingen với bối cảnh thời Trung Cổ. Cuốn tiểu thuyết còn dở dang khi ông qua đời năm 1801, nhưng nó vẫn là một tác phẩm rất có ý nghĩa. Tác phẩm kể về chàng thanh niên Heinrich, người đi tìm 'bông hoa xanh' mà một lần anh thấy trong mơ và từ đó luôn khao khát có được bông hoa ấy. Nhà thơ Lãng mạn người Anh Coleridge cũng đã thể hiện ý tưởng đó khi nói thế này: Nếu như ta ngủ, và nếu như trong giấc ngủ, ta mơ. Và nếu như trong giấc mơ, ta lên thiên đường và hái ở đó một bông hoa lạ tuyệt đẹp. Và nếu như khi thức dậy, tay ta đang cầm bông hoa? À thế thì sao?" "Hay quá!" "Niềm khao khát một điều gì xa xôi không với tới là đặc trưng của những người Lãng mạn. Họ hoài niệm về những thời đại xa xưa, chẳng hạn thời Trung Cổ mà giờ đây lại được ca ngợi một cách đầy nhiệt tình sau những đánh giá tiêu cực thời Khai Sáng. Và họ khát khao những nền văn hóa xa xôi như văn hóa phương Đông với thuyết thần bí. Hoặc họ cảm thấy bị lôi cuốn bởi Đêm tối, Mông muội, những phế tích và các hiện tượng siêu nhiên. Họ mải mê suy tư về cái mà ta thường gọi là mặt đen tối của cuộc sống, hay những gì mờ ám, lạ thường và huyền bí." "Thời đại này nghe có vẻ thật hấp dẫn. Những người Lãng mạn này là ai ạ?" "Chủ nghĩa Lãng mạn chủ yếu là một hiện tượng thành thị. Thực tế, vào nửa đầu của thế kỷ trước có một nền văn hóa đô thị đã nở rộ tại nhiều nơi ở châu Âu, nhất là ở Đức. Những người Lãng mạn điển hình là thanh niên, thường là sinh viên đại học, mặc dù không phải lúc nào họ cũng coi trọng việc học hành cho lắm. Họ có cách nhìn cuộc sống với thái độ chống đối tầng lớp trung lưu một cách rõ rệt, họ có thể gọi cảnh sát hoặc các chủ nhà trọ là những kẻ phàm phu tục tử chẳng hạn, hay đơn giản là kẻ thù." "Chắc em sẽ không dám cho một người Lãng mạn thuê phòng." "Khoảng năm 1800, thế hệ Lãng mạn đầu tiên là những người trẻ tuổi. Và thực ra ta có thể gọi Phong trào Lãng mạn là cuộc nổi dậy đầu tiên của sinh viên châu Âu. Những người Lãng mạn không phải không giống với những thanh niên hip-pi khoảng 150 năm sau." "Ý thầy là flower power [21] và tóc dài, bập bùng ghi-ta và lê la ngoài đường ấy ạ?" "Đúng vậy. Người ta đã từng nói rằng 'nhàn rỗi là lý tưởng của thiên tài và lười biếng là phẩm chất của người Lãng mạn.' Nghĩa vụ của người Lãng mạn là trải nghiệm cuộc sống - hoặc nằm mơ mình vượt ra ngoài cuộc sống. Công việc hàng ngày là để cho những kẻ phàm phu tục tử." "Bryon là một nhà thơ Lãng mạn đúng không ạ?" "Đúng. Cả Bryon và Shelley đều là các nhà thơ Lãng mạn thuộc cái gọi là trường phái Sa-tăng. Hơn thế nữa, Bryon đã tạo cho thời kỳ Lãng mạn một thần tượng, đó là người hung Byronic trong cuộc sống và cả trong nghệ thuật - một tinh thần lạc lõng, u sầu và nổi loạn. Chính Bryon là người vừa ương ngạnh vừa say đắm, lại đẹp trai nên ông bị bao vây bởi các phu nhân đài các. Những lời đồn đại trong thiên hạ quy những cuộc phiêu lưu lãng mạn trong thơ ông vào cuộc đời thực của ông. Nhưng dù có nhiều mối quan hệ tình ái, đối với ông, tình yêu chân chính mãi mãi viển vông và xa xôi diệu vợi như bông hoa xanh của Novalis. Novalis đã đính hôn với một cô gái 14 tuổi. Bốn ngày sau sinh nhật lần thứ 15 , cô qua đời. Nhưng Novalis đã chung thủy với cô cho đến hết cuộc đời ngắn ngủi của ông." "Thầy bảo là cô ấy mất khi mới 15 tuổi và bốn ngày?" "Ừ..." "Hôm nay em cũng 15 tuổi bốn ngày." "Thì sao?" "Cô ấy tên là gì ạ?" "Tên là Sophie." "Cái gì?" "Đúng là như thế mà." "Thầy làm em sợ. Liệu đó có phải chuyện trùng hợp ngẫu nhiên?" "Tôi chịu. Nhưng cô ấy tên là Sophie." "Thầy giảng tiếp đi vậy." "Novalis qua đời khi mới hai mươi chín tuổi. Ông là một trong những người chết trẻ. Nhiều người Lãng mạn chết trẻ, thường là vì lao phổi. Một số tự tử..." "Eo!" "Những người sống đến già thường từ bỏ chủ nghĩa Lãng mạn khi khoảng ba mươi tuổi. Một số thậm chí gia nhập tầng lớp trung lưu chính hiệu và trở nên bảo thủ." "Vậy là họ đã sang phía kẻ thù." "Có thể. Nhưng ta đang nói về tình yêu lãng mạn. Chủ đề về tình yêu không được đáp lại đã được Goethe đưa ra từ năm 1774 trong tiểu thuyết Nỗi buồn của chàng Werther. Cuốn sách kết thúc bằng việc Werther tự sát vì không thể có được người phụ nữ mà mình yêu..." "Cần phải đi xa đến thế cơ ạ?" "Tỉ lệ tự tử tăng lên sau khi cuốn sách được phát hành, và có thời gian cuốn sách bị cấm ở Đan Mạch và Na Uy. Như vậy, làm một người Lãng mạn không phải là không nguy hiểm. Ở đây có liên quan đến những xúc cảm mạnh." "Khi thầy nói 'Lãng mạn', em nghĩ đến những bức tranh phong cảnh với rừng rậm tăm tối và thiên nhiên xù xì hoang dại... nếu có thêm sương mù lãng đãng thì càng hay." "Đúng đấy, một trong những đặc trưng của chủ nghĩa Lãng mạn chính là khao khát về thiên nhiên và các bí ẩn của thiên nhiên. Và như tôi nói, nó không thuộc kiểu những gì nảy sinh từ các vùng nông thôn. Em chắc còn nhớ Rousseau, người đã khởi đầu khẩu hiệu 'quay về với thiên nhiên'. Những người Lãng mạn đã làm cho khẩu hiệu này trở nên thịnh hành. Chủ nghĩa Lãng mạn còn đại diện cho một phản ứng đối với vũ trụ cơ giới của thời kỳ Khai Sáng. Người ta nói rằng chủ nghĩa Lãng mạn hàm chứa một sự phục hưng của ý thức vũ trụ cổ xưa." "Thầy giải thích đi ạ." "Nghĩa là nhìn thiên nhiên như một thể toàn vẹn. Những người Lãng mạn tìm cội nguồn của mình không chỉ từ Spinoza, mà còn từ Plotinus và các triết gia thời Phục Hưng chẳng hạn Jakob Bohme và Giordano Bruno. Điểm chung của những nhà tư tưởng này là họ đã thấy một 'cái tôi' thần thánh trong thiên nhiên." "Thế thì họ theo thuyết phiếm thần..." "Cả Descartes và Hume đã vạch một đường phân định rõ rệt giữa cái tôi và thực tại 'mở rộng'. Kant cũng để lại sau ông một ranh giới rõ ràng giữa cái 'tôi' nhận thức và thiên nhiên 'tự thân'. Giờ đây, người ta nói rằng thiên nhiên chẳng qua là một cái 'TÔI' viết hoa. Những người Lãng mạn còn sử dụng những từ ngữ như 'linh hồn thế giới' hay 'tinh thần thế giới'." "Ra là vậy." "Nhà triết học Lãng mạn đứng đầu là Shelling, ông sinh năm 1775 và mất năm 1854. Ông đã muốn hợp nhất tâm thức và vật chất. Ông tin rằng toàn bộ thiên nhiên - cả linh hồn con người và thế giới vật chất - đều là thể hiện của một cái Tuyệt Đối, hay tinh thần thế giới." "Vâng, hệt như Spinoza." "Shelling nói rằng thiên nhiên là tinh thần hữu hình, tinh thần là thiên nhiên vô hình, vì người ta cảm nhận được một 'tinh thần cấu trúc' ở mọi nơi trong thiên nhiên. Ông còn nói rằng vật chất là dạng trí tuệ đang ngủ say." "Thầy giải thích rõ hơn đi ạ."        "Shelling nhìn thấy một 'tinh thần thế giới' trong thiên nhiên, và ông cũng nhìn thấy chính 'tinh thần thế giới' đó trong tâm thức con người. Cái tự nhiên và cái tâm tình chẳng qua là các biểu hiện của cùng một thứ." "Vâng, tại sao lại không nhỉ?" "Như vậy, có thể tìm kiếm tinh thần thế giới trong tự nhiên hoặc trong tâm thức con người. Do đó, Novalis đã có thể nói rằng 'con đường bí hiểm dẫn vào trong'. Ý ông là con người mang trong mình cả vũ trụ và bằng cách đi sâu vào bản thân mình, anh ta sẽ đến được gần nhất với điều bí mật của thế giới." "Ý tưởng tốt đẹp." "Đối với nhiều nhà Lãng mạn chủ nghĩa, triết học, tự nhiên học và thơ văn tạo thành một sự kết hợp hoàn hảo. Ngồi trên căn phòng áp mái, vung bút viết về một câu thơ đầy cảm hứng hay nghiên cứu đời sống thực vật hoặc cấu tạo của đá, đó chỉ là hai mặt của một đồng xu. Vì thiên nhiên không phải là một cỗ máy vô hồn, nó là một tinh thần thế giới sống động." "Thầy nói thêm một lời nữa thì em sẽ trở thành một người theo chủ nghĩa Lãng mạn mất." "Nhà tự nhiên học gốc Na Uy Henrik Steffans - người mà Wergeland [22] đã gọi là 'lá nguyệt quế xa xứ của Na Uy' vì ông lập nghiệp ở Đức - đã đến Copnehagen năm 1801 để thuyết trình về chủ nghĩa Lãng mạn Đức. Ông miêu tả đặc điểm của Phong trào Lãng mạn như thế này: 'Mệt mỏi vì mãi gắng sức đấu tranh tìm đường vượt qua vật chất nguyên thô, chúng tôi chọn con đường khác và cố gắng tiếp thu sự vô biên. Chúng tôi đi vào trong bản thân mình và tạo ra một thế giới mới..." "Thầy làm thế nào mà nhớ được hết thế ạ?" "Chuyện vặt ấy mà, bé." "Thầy nói tiếp đi vậy." "Shelling còn nhìn thấy một sự phát triển trong thiên nhiên từ đất đá đến tâm thức con người. Ông thu hút sự chú ý của mọi người đến sự biến đổi rất chậm chạp từ thiên nhiên vô tri vô giác đến những dạng sống phức tạp hơn. Đặc trưng của quan điểm Lãng mạn tổng quan là thiên nhiên được coi là một cơ thể sống, hay nói cách khác, một thể thống nhất mà nó liên tục phát triển các tiềm năng bẩm sinh của mình. Thiên nhiên giống như một bông hoa đang nảy lá và xòe cánh, hay như một nhà thơ đang mở dần những vần thơ của mình." "Thầy có thấy nó làm thầy nhớ đến Aristotle không ạ?" "Quả là vậy. Triết học tự nhiên thời Lãng mạn mang nhiều âm hưởng của cả triết học Aristotle lẫn triết học Plato mới. Quan niệm của Aristotle về các quá trình tự nhiên mang nhiều sắc thái hữu cơ hơn là quan điểm của các nhà duy vật cơ giới..." "Vâng, em cũng nghĩ như thế." "Ta còn tìm thấy những tư tưởng tương tự trong ngành lịch sử. Một người đã có tầm quan trọng lớn đối với những người Lãng mạn chủ nghĩa là nhà triết học lịch sử Johand Gottfried von Herder, ông sinh năm 1744 và mất năm 1803. Ông tin rằng đặc trưng của lịch sử là tính liên tục, sự tiến hóa, và kế hoạch. Ta nói rằng ông có một quan điểm 'động' về lịch sử vì ông coi nó là một quá trình. Các triết gia Khai Sáng đã thường có một quan điểm 'tĩnh' về lịch sử. Theo họ, chỉ có một lý tính phổ quát mỗi thời đại lịch sử có một giá trị thực của riêng nó và mỗi dân tộc có tính cách hay 'tâm hồn' của riêng mình. Câu hỏi đặt ra là ta có thể đồng cảm với các nền văn hóa khác được hay không." "Vậy là, giống như ta phải đồng cảm với người khác để hiểu về họ hơn, ta cũng phải đồng cảm với các nền văn hóa khác để hiểu biết nhiều hơn về các nền văn hóa đó." "Ngày nay, điều đó được coi là hiển nhiên. Nhưng vào thời Lãng mạn, đó là một quan niệm mới. Chủ nghĩa Lãng mạn đã làm tinh thần dân tộc trở nên mạnh mẽ hơn. Không phải ngẫu nhiên mà cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Na Uy đã lên cao trào đúng vào thời điểm đó - năm 1814." "À ra vậy." "Vì chủ nghĩa Lãng mạn liên quan đến những định hướng mới trong nhiều lĩnh vực, nên người ta thường phân biệt giữa hai hình chủ nghĩa Lãng mạn. Chủ nghĩa Lãng mạn Phổ quát chỉ những người Lãng mạn quan tâm chủ yếu đến thiên nhiên, tâm hồn thế giới và tài năng nghệ thuật. Hình thức này hưng thịnh trước nhất, đặc biệt vào khoảng năm 1800 ở Đức, tại thành phố Jena." "Thế còn hình thức kia ạ?" "Hình thức kia được gọi là chủ nghĩa Lãng mạn Dân tộc. Nó trở nên phổ biến một thời gian sau đó, đặc biệt ở thành phố Heidelberg. Những người Lãng mạn Dân tộc chủ yếu quan tâm đến lịch sử của 'nhân dân', ngôn ngữ của 'nhân dân' và văn hóa của 'nhân dân' nói chung. Và 'nhân dân' được xem là một cơ thể sống đang nảy nở những tiềm năng bẩm sinh của mình - y hệt như thiên nhiên và lịch sử." "Nói cho tôi biết anh ở đâu, và tôi sẽ biết anh là người như thế nào." "Cái đầu tiên và quan trọng nhất đã kết hợp hai khía cạnh này của chủ nghĩa Lãng mạn là cụm từ 'cơ thể sống'. Đối với những người Lãng mạn, một cái cây hay một dân tộc đều là cơ thể sống. Một tác phẩm văn thơ cũng là một cơ thể sống. Ngôn ngữ là một cơ thể sống. Thậm chí cả thế giới vật chất cũng được coi là một cơ thể sống. Như vậy, không có đường ranh giới rõ rệt giữa chủ nghĩa Lãng mạn Dân tộc và chủ nghĩa Lãng mạn Phổ quát. Tinh thần thế giới có mặt trong nhân dân và trong văn hóa quần chúng cũng như trong thiên nhiên và nghệ thuật." "Vâng." "Herder đã là người tiên phong sưu tập các bài dân ca từ nhiều vùng đất dưới một tiêu đề đầy biểu cảm Tiếng hát nhân dân. Ông thậm chí còn gọi truyện dân gian là 'tiếng mẹ đẻ của nhân dân'. Anh em nhà Grimm và những người khác bắt đầu sưu tầm dân ca và truyện cổ tích ở Heidenberg. Hẳn em biết về Truyện cổ Grimm." "Ôi có chứ ạ. Nàng Bạch tuyết và bảy chú lùn, Hoàng tử Ếch, Hamsel và Gretel..." "Và còn nhiều nữa. Ở Na Uy, ta có Asbjomsen và Moe, những người đã đi khắp đất nước để sưu tầm truyện dân gian. Nó giống như thu hoạch một loại quả mà ta vừa mới phát hiện ra là nó vừa bổ vừa ngon. Và còn cấp bách nữa, quả đã bắt đầu rụng. Dân ca được sưu tầm; tiếng Na Uy bắt đầu được nghiên cứu một cách khoa học. Các truyền thuyết cổ và truyện dân gian từ thời tiền Ki Tô giáo được tái phát hiện và các nhà soạn nhạc khắp châu Âu bắt đầu đưa các giai điệu dân ca vào các tác phẩm của mình để cố gắng lấp cái hố sâu ngăn cách giữa nhạc dân gian và nhạc nghệ thuật." "Nhạc nghệ thuật là cái gì ạ?" "Nhạc nghệ thuật là nhạc do một người cụ thể nào đó, chẳng hạn Beethoven, sáng tác. Dân ca không được viết bởi một người cụ thể nào, nó được nhân dân sáng tác. Do vậy, ta không biết chính xác các giai điệu dân gian có từ khi nào. Ta phân biệt giữa truyện dân gian và truyện cổ tích nghệ thuật cũng theo cách đó." "Vậy các truyện cổ tích nghệ thuật là..." "Chúng là các câu chuyện cổ tích có tác giả, thí dụ Hans Christian Andersen. Thể loại truyện cổ tích đã được các nhà Lãng mạn chủ nghĩa vun xới một cách đầy say mê. Một trong những bậc thầy người Đức trong thể loại này là E.T.A. Hoffmann." "Em đã nghe nói về Truyện cổ Hoffmann." "Truyện cổ tích là lý tưởng văn chương của những người Lãng mạn. Cũng giống như hình thức nghệ thuật của thời Baroque là sân khấu. Nó đem lại cho nhà thờ toàn quyền để khám phá khả năng sáng tạo của mình." "Ông ta có thể đóng vai Chúa Trời trong vũ trụ hư cấu của mình." "Chính thế! Và bây giờ là thời điểm tốt để tổng kết lại." "Em sẵn sàng." "Các triết gia Lãng mạn coi 'linh hồn thế giới' là một bản ngã mà khi trong một trạng thái gần giống như giấc mơ, nó đã tạo ra mọi thứ trong thế giới. Nhà triết học Fichte đã nói rằng thiên nhiên mọc ra từ một trí tưởng tượng cao hơn và trong trạng thái vô thức. Schelling nói thẳng ra rằng thế giới 'ở trong Chúa Trời'. Ông tin rằng Chúa nhận biết một phần, nhưng có những khía cạnh khác của thiên nhiên đại diện cho những điều chưa biết trong Chúa. Do Chúa Trời cũng có một mặt tối." "Tư tưởng đó nghe thật hấp dẫn nhưng cũng thật đáng sợ. Nó làm em nhớ đến Berkeley." "Mối quan hệ giữa người nghệ sĩ và tác phẩm của anh ta cũng được nhìn dưới chính ánh sáng đó. Thể loại truyện cổ tích cho nhà văn tự do tha hồ khai thác 'trí tưởng tượng tạo thiên lập địa' của mình. Và ngay cả hoạt động sáng tạo không phải lúc nào cũng trong trạng thái ý thức hoàn toàn. Nhà văn có thể thấy câu chuyện của mình được viết bởi một sức mạnh nào đó từ bên trong. Trong khi viết, anh ta có thể ở trong trạng thái gần như bị thôi miên." "Thôi miên ấy ạ?" "Đúng vậy, nhưng sau đó anh ta sẽ bất chợt phá tan ảo ảnh. Anh ta có thể can thiệp vào câu chuyện và đưa ra những lời bình châm biếm nhằm đến người đọc, để gợi nhớ người đọc, dù chỉ trong khoảnh khắc, rằng dù sao đây cũng chỉ là một câu chuyện." "À." "Cũng lúc đó, nhà văn có thể nhắc với người đọc rằng chính ông là người đang thao túng vũ trụ hư cấu này. Hình thức phá vỡ ảo ảnh này được gọi là 'sự châm biếm lãng mạn'. Thí dụ, Henrik Ibsen đã để một nhân vật trong vở kịch Peer Gynt nói rằng: 'Người ta không thể chết ở giữa hồi Năm.'" "Câu thoại đó buồn cười thật! Thực ra anh ta đang nói rằng mình chỉ là một nhân vật hư cấu." "Phát biểu đó nghịch lý đến mức nhất định ta sẽ nhấn mạnh nó bằng một mục mới." "Thầy nói thế nghĩa là sao ạ?" "Ồ không, chẳng sao cả. Nhưng chúng ta đã nói rằng vợ chưa cưới của Novalis tên là Sophie, trùng tên với em, và rằng cô ấy qua đời khi mới chỉ mười lăm tuổi và bốn ngày..." "Thầy đang làm em sợ đấy! Chẳng lẽ thầy không biết thế sao?" Alberto ngồi nhìn trân trân, vẻ mặt vô cảm. Rồi ông nói: "Nhưng em không phải lo mình sẽ gặp số phận giống như vợ chưa cưới của Novalis đâu." "Tại sao ạ?" "Bởi vì vẫn còn vài chương nữa." "Thầy đang nói gì vậy?" "Tôi đang nói rằng người nào đang đọc câu chuyện về Sophie và Alberto sẽ đoán được rằng câu chuyện còn nhiều trang nữa. Chúng ta mới chỉ đến được chủ nghĩa Lãng mạn." "Thầy làm em chóng cả mặt." "Đúng ra là ông thiếu tá đang cố tình làm Hilde chóng mặt. Không hay ho lắm phải không? Mục mới!" Alberto vừa dứt lời thì một chàng trai từ trong rừng chạy đến. Đầu anh ta quấn khăn xếp, tay cầm một chiếc đèn dầu. Sophie túm tay Alberto. "Ai đấy ạ?" cô hỏi. Chàng trai tự trả lời: "Tôi là Aladdin, tôi từ Lebanon đến." Alberto nghiêm nghị nhìn chàng trai: "Cậu có cái gì trong chiếc đèn vậy?" Chàng trai xoa xoa chiếc đèn, và từ trong chiếc đèn dâng lên một đám khói dầy. Đám khói dần dần thành hình một người đàn ông. Ông ta đội chiếc mũ nồi xanh và có bộ râu đen giống Alberto. Bay lơ lửng trên chiếc đèn, ông gọi: "Hilde! Con có nghe thấy bố không? Bố đoán bây giờ đã quá muộn để chúc mừng sinh nhật. Bố chỉ muốn nói rằng, đối với bố ở Lebanon, Bjerkely và vùng quê phía nam ở nhà cứ như là thế giới thần tiên vậy. Mấy hôm nữa bố con mình sẽ gặp nhau." Nói đến đây, hình người đàn ông trở lại thành khói xám và bị hút vào trong chiếc đèn. Chàng trai đầu quấn khăn kẹp chiếc đèn vào nách rồi chạy vào rừng và khuất dạng. "Em không thể tin chuyện này được," Sophie nói. "Chuyện vặt thôi"Thần đèn nói y cứ như bố của Hilde vậy." "Bởi vì đó chính là cha của Hilde - bằng tinh thần." "Nhưng..." "Cả tôi và em cùng mọi thứ quanh ta đều đang sống ở sâu trong tâm thức của ông thiếu tá. Bây giờ đang là đêm khuya thứ Bảy ngày 28 tháng Tư, tất cả những người lính Liên hợp quốc đã ngủ quanh ông thiếu tá. Tuy ông vẫn còn thức nhưng cũng không xa giấc ngủ là mấy. Ông còn phải kết thúc cuốn sách để kịp làm quà sinh nhật cho Hilde. Vậy nên ông ta phải làm việc, Sophie à, vậy nên người đàn ông khốn khổ hầu như không được nghỉ ngơi." "Em chịu rồi." "Mục mới!" Sophie và Alberto ngồi nhìn sang bên kia bờ hồ. Trông Alberto như đang trong trạng thái nhập định. Một lát sau, Sophie đánh bạo kéo tay áo Alberto. "Thầy đang mơ đấy ạ?" "Đúng, ông ta đã can thiệp trực tiếp. Mấy đoạn vừa rồi là do ông ta đọc chính tả đến từng chữ một. Ông ta nên tự lấy làm xấu hổ mới phải. Nhưng bây giờ ông ta đã tự lộ diện và chuyển ra công khai. Bây giờ ta đã biết rằng ta đang sống trong một cuốn sách mà cha của Hilde sẽ gửi cho Hilde làm quà mừng sinh nhật. Em đã nghe những gì tôi nói đấy chứ? Ờ mà, không phải 'tôi' đã nói những điều đó." "Nếu những gì thầy nói là đúng thì em sẽ chạy khỏi cuốn sách và đi đường em." "Đó chính là chuyện tôi đang tính toán. Nhưng trước khi việc đó có thể xảy ra, ta phải cố nói chuyện với Hilde đã. Cô ấy đọc từng lời ta nói. Một khi ta ra khỏi được chỗ này, việc liên lạc với cô ấy sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Nghĩa là ta phải nắm lấy cơ hội này." "Ta sẽ nói gì ạ?" "Tôi nghĩ là ông thiếu tá sắp ngủ gục trên máy chữ, mặc dù những ngón tay của ông vẫn đang lướt như điên trên những phím chữ..."        "Đó quả là một ý nghĩ sởn gai ốc." "Đây là lúc mà ông có thể viết những gì mà sau này ông sẽ hối tiếc. Và ông ta không có bút xóa. Đó là phần sống còn của kế hoạch của tôi. Cầu mong không ai cho ông ta mượn bút xóa!" "Dù chỉ là một mẩu băng phủ khô em cũng không cho ông ấy!" "Ngay lúc này đây, tôi đang kêu gọi cô bé đáng thương ấy đứng lên chống lại cha mình. Cô ấy nên tự lấy làm xấu hổ nếu cô ta cũng thích thú với cái trò đùa cợt phóng túng với những cái bóng của ông ta. Giá mà tóm được ông ta ở đây, ta sẽ cho ông ấy nếm mùi phẫn nộ của chúng ta!" "Nhưng ông ấy không có ở đây." "Ông ta ở đây bằng tinh thần và tâm hồn, nhưng ông ta cũng đang trốn kỹ ở tận Lebanon. Mọi thứ quanh ta đều là bản ngã của ông thiếu tá." "Nhưng ông ta không chỉ là những gì mà ta có thể thấy ở đây." "Ta chỉ là những cái bóng trong tâm hồn của ông thiếu tá. Và những cái bóng đi tấn công ông chủ thì không phải chuyện đơn giản chút nào, Sophie ạ. Việc này đòi hỏi cả sự khôn khéo và chiến lược. Nhưng chúng ta có cơ hội gây ảnh hưởng với Hilde. Chỉ có thiên thần mới có thể nổi dậy chống lại Chúa Trời." "Ta có thể xui Hilde giận dỗi với ông ấy khi ông ta về nhà. Cô ấy có thể bảo ông ta là đồ bịp bợm. Cô ấy có thể phá thuyền, hoặc ít nhất cũng đập cái đèn bão của ông ấy." Alberto gật đầu. Rồi ông nói: "Cô ấy cũng có thể bỏ trốn ông thiếu tá. Việc đó với cô ấy dễ hơn là đối với chúng ta. Cô ấy có thể đi khỏi nhà ông thiếu tá và không bao giờ trở lại. Thế chẳng phải đáng đời cho một ông thiếu tá thích đem chúng ta ra để chơi trò 'tưởng tượng tạo lập thế giới' hay sao?" "Em có thể hình dung được. Ông thiếu tá đi khắp thế giới tìm Hilde. Còn Hilde thì đã biến mất vào không khí vì cô không thể sống với một người bố đã đem Sophie và Alberto ra làm trò hề." "Đúng! Đúng đấy! Làm trò hề! Đó chính là từ tôi muốn dùng để chỉ chuyện ông ấy dùng chúng ta làm trò vui ngày sinh nhật. Nhưng ông ấy nên liều liệu, Sophie ạ. Cả Hilde cũng vậy." "Ý thầy là gì ạ?" "Em đang ngồi vững đấy chứ?" "Miễn là không có thêm một vị thần đèn nào nữa." "Em hãy thử hình dùng rằng mọi chuyện xảy ra với ta đều diễn ra trong tâm thức của một người nào đó khác. Ta là tâm thức đó. Có nghĩa là ta không có linh hồn, ta là linh hồn của một người khác. Vậy là ta đang ở môi trường triết học quen thuộc. Cả Berkeley và Schelling chắc cũng phải dỏng tai lên nghe." "Rồi sao nữa ạ?" "Giờ có thể linh hồn đó là của cha Hilde. Ông đang ở Lebanon, viết cuốn sách triết học để mừng sinh nhật con gái. Khi Hilde thức dậy vào ngày 15 tháng Sáu, cô sẽ tìm thấy cuốn sách trên bàn cạnh giường, và đến khi cô ấy - và bất cứ người nào khác - có thể đọc về chúng ta. Đã có gợi ý từ lâu rằng 'món quà' này có thể được chia sẻ với những người khác." "Vâng, em vẫn nhớ." "Những gì tôi đang nói với em sẽ được Hilde đọc, sau khi cha cô từ Lebanon đã tưởng tượng tôi đang nói với em rằng ông ấy đang ở Lebanon... tưởng tượng về tôi nói với em rằng ông ấy đang ở Lebanon." Đầu óc Sophie quay cuồng. Cô cố nhớ về những gì đã được nghe về Berkeley và chủ nghĩa Lãng mạn. Alberto tiếp tục. "Nhưng họ không nên quá tự mãn về chuyện đó. Họ là những người không nên cười nhất, vì cười dễ làm họ nghẹn lắm." "Thầy đang nói về ai vậy?" "Hilde và cha cô ấy. Không phải ta đang nói về họ sao?" "Thế thì tại sao họ không nên tự mãn?" "Bởi vì có khả năng chính họ cũng chỉ là tâm thức." "Làm sao có thể thế được?" "Nếu điều đó là có thể đối với Berkeley và những người Lãng mạn, thì nó cũng có thể đối với họ. Có thể ông thiếu tá cũng chỉ là một cái bóng trong một cuốn sách viết về ông ta và Hilde, và cuốn sách đó cũng viết về chúng ta, do chúng ta là một phần trong cuộc sống của họ." "Thế thì còn tệ hơn nữa. Thế thì ta chỉ là bóng của những cái bóng." "Nhưng rất có thể là một tác giả hoàn toàn khác ở đâu đó đang viết về một cuốn sách về một thiếu tá quân Liên hợp quốc tên là Albert Knag, còn ông thiếu tá này lại đang viết về một cuốn sách cho con gái Hilde của mình - một cuốn sách viết về một ông Alberto Knox nào đó, người bỗng dưng bắt đầu gửi những bài giảng triết học khiêm tốn cho Sophie Admunsen ở nhà số 3 đường Cỏ Ba Lá." "Thầy có tin như thế không ạ?" "Tôi chỉ đang nói rằng điều đó là có thể. Đối với ta, tác giả đó sẽ là một 'vị Chúa Trời dấu mặt'. Mặc dù những gì ta là và những gì ta nói thực sự bắt nguồn từ ông ta vì ta là ông ta, ta sẽ không bao giờ có thể biết gì về ông ấy. Ta nằm trong cái hộp trong cùng." Alberto và Sophie ngồi lặng thinh một lúc lâu. Cuối cùng, Sophie phá vỡ sự im lặng. "Nhưng nếu quả thực có một tác giả viết về bố của Hilde ở Lebanon, cũng như ông ấy đang viết một câu chuyện về chúng ta..." "Ừ?" "... thì cũng có thể cả ông ấy cũng không nên tự mãn." "Em nói thế nghĩa là sao?" "Ông ấy đang ngồi ở đâu đó, giấu Hilde và em ở sâu trong đầu mình. Chẳng phải cũng có thể rằng cả ông ta cũng là một phần của tâm thức cao hơn ư?" Alberto gật đầu. "Tất nhiên là có thể, Sophie ạ. Đó cũng là một khả năng có thể xảy ra. Và nếu vậy thì điều đó có nghĩa là ông ta đã cho phép ta có cuộc đàm luận triết học này để trình bày khả năng đó. Ông ta muốn nhấn mạnh rằng chính ông cũng có thể chỉ là một cái bóng bất lực, và rằng cuốn sách - cuốn sách trong đó có Hilde và Sophie - trong thực tế chỉ là một cuốn sách giáo khoa triết học." "Sách giáo khoa ấy ạ?" "Vì tất cả những cuộc đàm luận, những cuộc đối thoại của chúng ta..." "Dạ?" "...thưc ra là một lời độc thoại dài." "Em có cảm giác rằng mọi thứ đang tan thành tâm thức và tinh thần. Em mừng là còn có vài trà triết học nữa. Môn triết học đã bắt đầu thật kiêu hãnh với Thales, Empedocles và Democritus không thể bị mắc kẹt ở chỗ này, đúng không ạ?" "Hẳn rồi. Tôi vẫn còn phải kể cho em nghe về Hegel. Ông là triết gia đầu tiên cứu triết học sau khi các nhà Lãng mạn chủ nghĩa đã làm mọi thứ tan ra thành tinh thần." "Em tò mò quá!" "Để không bị làm gián đoạn bởi một cái bóng hay một tinh thần nào nữa, ta hãy vào trong nhà." "Dù sao thì ngoài này cũng bắt đầu lạnh rồi." "Chương tiếp theo!" HEGEL ... Cái tồn tại là cái hợp lý... Hilde thả chiếc cặp giấy dày rơi uỵch xuống sàn. Cô ngả người xuống giường, mắt đăm đăm nhìn lên trần nhà. Dòng suy nghĩ của cô hỗn loạn. Giờ thì bố quả thực đã làm đầu óc cô quay cuồng. Bố tệ thật! Không thể ngờ được! Sophie đã cố nói chuyện trực tiếp với cô. Cô ấy đã đề nghị cô nổi dậy chống lại bố mình. Và cô ấy thực sự đã làm nảy mầm một ý tưởng trong đầu Hilde. Một kế hoạch... Sophie và Alberto không thể đụng đến một sợi tóc trên đầu ông, nhưng Hilde thì có thể. Và qua Hilde, Sophie có thể với tới bố Hilde. Cô công nhận với Sophie và Alberto rằng ông đã đi quá xa trong trò chơi về những cái bóng. Ngay cả nếu Sophie và Alberto chỉ là do ông phịa ra, ông cũng chỉ nên cho phép mình phô trương quyền lực trong một giới hạn nào đó mà thôi. Sophie và Alberto thật đáng thương! Đứng trước trí tưởng tượng của ông, họ không có chút khả năng tự vệ nào, chẳng khác gì màn ảnh đối với máy chiếu phim. Hilde nhất định phải cho bố mình một bài học khi ông về nhà! Cô đã có thể hình dung ra phác thảo của một kế hoạch tuyệt hay. Cô đứng dậy và nhìn ra ngoài vịnh. Đã gần hai giờ. Cô mở cửa sổ và gọi về phía nhà thuyền. "Mẹ ơi!" Mẹ cô ló ra. "Khoảng một tiếng nữa con sẽ mang bánh mì kẹp xuống, được không ạ?" "Ừ." "Con phải đọc một chương về Hegel đã." Alberto và Sophie ngồi trên hai chiếc ghế bên cạnh cửa sổ hướng về phía hồ. "Georg Wilhelm Friedrich Hegel là một đứa con chính thức của chủ nghĩa Lãng mạn, "Alberto bắt đầu. "Người ta gần như có thể nói rằng ông phát triển cùng tinh thần Đức khi nó tiến hoá dần dần tại nước Đức. Ông sinh năm 1770 tại Stuttgard và bắt đầu nghiên cứu thần học tại Tubingen năm 18 tuổi. Từ năm 1799, ông làm việc với Schelling tại Jena, đó là khi mà phong trào Lãng mạn đang ở giai đoạn phát triển bùng nổ nhất. Sau một thời kỳ làm giáo sư trợ giảng tại Jena, ông trở thành một giáo sư tại Heidelberg, trung tâm của Chủ nghĩa Lãng mạn Dân tộc Đức. Năm 1818, ông được cử làm giáo sư tại Berlin, đúng lúc thành phố đang trở thành trung  tâm tinh thần của châu Âu. Ông mất vì bệnh tả năm 1831, nhưng trước đó, chủ nghĩa Hegel đã đạt được sự ủng hộ của rất nhiều người tại hầu hết các trường đại học ở Đức." "Vậy là ông ta đã được khối sân." "Đúng thế, và triết học của ông cũng vậy. Hegel đã thống nhất và phát triển hầu như tất cả các tư tưởng xuất hiện trong Lãng mạn. Nhưng ông cũng phê phán gay gắt nhiều nhà Lãng mạn chủ nghĩa, trong đó có Schelling." "Ông ấy đã chỉ trích điều gì ạ?" "Schelling cũng như nhiều nhà Lãng mạn khác đã nói rằng ý nghĩa sâu xa của cuộc sống nằm ở trong cái mà họ gọi là "tinh thần thế giới". Khi Hegel nói về "tinh thần thế giới" hay "lý tính thế giới", ông muốn nói đến tổng tất cả các biểu đạt của loài người, và chỉ con người mới có một "tinh thần". "Theo nghĩa đó, ông có thể nói về sự tiến triển của "tinh thần thế giới" trong suốt lịch sử. Tuy nhiên, chúng ta không được quên rằng ông đang nói đến cuộc sống của loài người, tư duy loài người và văn hoá của loài người." "Cái tinh thần này đỡ giống ma hơn hẳn. Nó không còn nằm chờ đợi như một "trí thông minh đang ngủ" trong những hòn đá và cây cỏ". "Giờ chắc em còn nhớ Kant đã nói về cái mà ông gọi là 'das Ding an sich'. Mặc dù ông phủ nhận quan niệm rằng con người có thể có chút nhận thức rõ ràng nào đó về những bí mật tận cùng của thiên nhiên, ông thừa nhận sự tồn tại của một loại 'chân lý' và do đó phủ nhận sự tồn tại của bất kỳ 'chân lý' nào vượt ra ngoài lý tính của con người. Ông nói: mọi tri thức là trí thức của con người." "Ông ấy đã phải kéo các nhà triết học khác về lại với thực tại, đúng không ạ?" "Đúng, có lẽ em có thể nói như vậy. Tuy nhiên triết học của Hegel rộng lớn và đa dạng đến mức đối với mục đích hiện nay, ta chỉ nên bằng lòng với việc điểm qua những khía cạnh chính. Thực ra, người ta không rõ có thể nói Hegel có 'triết học' của riêng ông hay không. Cái thường được biết với tên triết học Hegel chủ yếu chỉ là một phương pháp để hiểu sự tiến triển của lịch sử. Triết học Hegel không dạy ta điều gì về bản chất bên trong của cuộc sống, nhưng nó dạy ta cách suy nghĩ một cách hữu ích." "Điều đó không phải là không quan trọng." "Tất cả các hệ thống triết học trước Hegel có một điểm chung, đó là sự nỗ lực đặt ra các tiêu chí vĩnh cửu đối với những gì con người có thể biết về thế giới. Điều đó đúng với Descartes, Spinoza, Hume và Kant. Mỗi người đều cố gắng nghiên cứu nền tảng cả nhận thức của con người. Họ đều đưa ra những tuyên bố về yếu tố phí thời gian của tri thức con người về thế giới." "Đó chẳng phải công việc của một nhà triết học sao ạ?" "Hegel không tin điều đó là có thể. Ông tin rằng nền tảng của nhận thức của con người thay đổi từ thế hệ này qua thế hệ khác. Do đó, không có 'chân lý vĩnh cửu', không có lý tính thời gian. Điểm cố định duy nhất mà triết học có thể bám vào chính là lịch sử." "Chắc thầy phải giải thích thêm thôi. Lịch sử luôn thay đổi. Làm sao nó có thể là một điểm cố định được?" "Một dòng sông cũng luôn thay đổi. Điều đó không có nghĩa là em không thể nói về nó. Nhưng em không thể nói nơi nào trong thung lũng là nơi mà dòng sông 'đúng' là dòng sông nhát." "Vâng, vì suốt dọc theo dòng sông, chẳng đoạn nào không phải là sông." "Cũng như thế đối với Hegel, lịch sử giống như một dòng sông đang chảy. Mọi chuyển động nhỏ xíu của nước tại một điểm nào đó trong dòng sông đều được quyết định bởi những thác nước và xoáy nước của thượng nguồn. Nhưng những chuyển động này còn được quyết định bởi đá và những khúc quanh ngay tại đoạn sông mà em đang quan sát." "Chắc là em hiểu rồi." "Và lịch sự của tư tưởng - hay của lý tính - cũng giống dòng sông này. Cách suy nghĩ của em được quyết định phần nào bởi các tư tưởng bị cuốn theo dòng chảy của truyền thống từ quá khứ, cũng như các điều kiện vật chất đang phổ biến trong hiện tại. Do đó, không bao giờ em có thể khẳng định rằng một tư tưởng cụ thể nào đó luôn luôn đúng. Nhưng tư tưởng đó có thể đúng nếu nhìn từ vị trí của em." "Điều đó không giống như câu nói rằng cái gì cũng vừa đúng vừa sai, phải không ạ?" "Chắc chắn rồi, nhưng điều này hay điều kia có thể đúng hoặc sai trong quan hệ với một hoàn cảnh lịch sử nhất định. Nếu bây giờ em tuyên bố ủng hộ chế độ chiếm hữu nô lệ thì bị coi là đồ ngốc đã là may mắn cho em lắm rồi. Nhưng 2500 năm trước, em sẽ không bị coi là ngu ngốc, mặc dù thời đó đã có những tiếng nói tiến bộ theo hướng xóa bỏ chế độ nô lệ. Nhưng ta có thể lấy ví dụ gần gũi hơn. Chưa đầy 100 năm trước, việc đốt một diện tích rừng lớn để lấy đất canh tác không bị coi là quá đáng. Nhưng ngày nay, việc đó là không thể chấp nhận được. Chúng ta có một cơ sở tốt hơn và hòan tòan khác cho những đánh giá đó." "Giờ  thì em hiểu rồi." "Hegel chỉ ra rằng về mặt các suy tưởng triết học, lý tính cũng có tính động: thực ra, đó cũng là một quá trình. Và 'chân lý' chính là quá trình này, do không có tiêu chí nào vượt ra ngoài quá trình lịch sử mà lại có thể quyết định được cái gì là đúng nhất và hợp lý nhất." "Ví dụ ạ!" "Em không thể tách ra một tư tưởng nào từ các thời Cổ Đại, Trung Cổ, Phục Hưng, hay thời kỳ Khai Sáng và tuyên bố rằng tư tưởng đó là đúng hay sai. Cũng như vậy, em không thể bảo rằng Plato sai và Aristotle đúng. Em cũng không thể nói rằng Hume sai, còn Kant và Schelling đúng. Đó là một cách suy nghĩ phản lịch sử." "Vâng, nói vậy nghe không thuận." "Thực ra, em không thể tách một nhà triết học hoặc một tư tưởng nào ra khỏi hoàn cảnh lịch sử của nhà triết học hay tư tưởng đó. Nhưng - và ở đây tôi đến một điểm khác - vì luôn luôn có cái gì đó mới được bổ sung, nên lý tính có tính 'diễn tiến'. Nói cách khác, tri thức con người luôn luôn mở rộng và phát triển." "Có nghĩa là dù sao thì triết học của Kant cũng đúng hơn triết học của Plato?" Đúng vậy. Tinh thần thế giới đã tiến triển từ Plato đến Kant. Và đó là điều tốt. Nếu ta quay lại với ví dụ về dòng sông, ta có thể nói rằng bây giờ dòng sông có nhiều nước hơn. Nó đã chảy hơn nghìn năm rồi. Chỉ có điều Kant không nên cho rằng những 'chân lý' của ông sẽ đứng mãi bên bờ sông như những tảng đá bất động. Các ý niệm của Kant cũng được nghiên cứ, và 'lý tính' của ông trở thành đề tài cho các phê phán của các thế hệ sau. Đó chính xác là những gì đã xảy ra." "Nhưng dòng sông mà thầy vừa nói..." "Sao cơ?" "Nó chảy đi đâu?" "Hegel khẳng định rằng 'tinh thần thế giới' liên tục phát triển hướng về một tri thức không ngừng mở rộng về chính nó. Cũng như các dòng sông, càng đến gần biển chúng càng trở nên rộng hơn. Theo Hegel, lịch sử là câu chuyện về hành trình của 'tinh thần thế giới' dần dần tiến tới ý thức về bản thân. Mặc dù thế giới đã luôn luôn tồn tại, văn hóa và sự phát triển của lòai người đã làm tinh thần thế giới ngày càng có ý thức về giá trị thực của nó." "Làm sao ông ta có thể chắc chắn về điều đó như vậy?" "Ông ta cho rằng là thực tế lịch sử. Đó không phải là lời tiên đoán. Bất cứ ai nghiên cứu lịch sử sẽ thấy rằng nhân loại đã tiến về phía 'sự tự thân phát triển' và 'trí thức tự thân' không ngừng mở rộng. Theo Hegel, nghiên cứu về lịch sử loài người cho thấy nhân loại đang tiến về tự do và sự hợp lý cao hơn. Mặc dù có những lúc quanh co, quá trình phát triển của lịch sử là có tính tiến bộ. Ta nói rằng lịch sử có mục đích." "Vậy là nó phát triển. Rõ rồi." "Đúng vậy. Lịch sử là một chuỗi dài các phản ánh. Hegel còn chỉ ra những quy luật nhất định áp dụng cho chuỗi các phản ánh này. Ai nghiên cứu sâu về lịch sử sẽ thấy một tư tưởng thường được đề xuất dựa trên các tư tưởng đã được đưa ra trước đó. Nhưng ngay khi một tư tưởng được đề xuất, nó sẽ bị phản bác bởi một tư tưởng khác. Một sự căng thẳng nảy sinh giữa hai lối tư duy độc lập. Nhưng căng thẳng sẽ được giải toả bằng sự đề xuất tư tưởng thứ ba - cái kết hợp những gì tốt nhất của cả hai quan điểm kia. Hegel gọi đây là một quá trình biện chứng." "Thầy ví dụ đi ạ." "Em chắc còn nhớ các nhà triết học tiền -Socrates thảo luận về câu hỏi về chất nguyên thuỷ và sự biến đổi?" "Đại khái" "Những nười theo học thuyết Eleatics cho rằng thực ra không thể có sự biến đổi. Do vậy, họ phải phủ nhận mọi biến đổi cho dù họ có thể ghi nhận các biến đổi qua các giác quan của mình. Những người Eleatic đã đề xuất một khẳng định, và Hegel gọi là lập trường như vậy là một chính đề." "Rồi sao nữa ạ?" "Nhưng mỗi khi có một tuyên bố cực đoan đến vậy được đưa ra, một tuyên bố đối lập sẽ nảy sinh. Hegel gọi đây là một phủ định.Phủ định của triết học Eleatic là Heraclitus, người nói rằng mọi thứ đều biến đổi. Bây giờ nảy sinh căng thẳng giữa hai trường phái tư tưởng hoàn toàn trái ngược. Nhưng tình trạng căng thẳng này được giải toả khi Empedocles chỉ ra rằng cả hai tuyên bố đó vừa có phần đúng vừa có phần sai." "Vâng, giờ thì em nhớ ra rồi..." "Những người Eleatic đã đúng khi nói rằng không có gì thực sự biến đổi, nhưng họ đã sai khi nhất quyết rằng chúng ta không thể tin vào các giác quan. Heraclitus đã đúng khi cho rằng chúng ta có thể tin vào các giác quan, nhưng không đúng khi khẳng định rằng mọi thứ đều biến đổi." "Bởi vì có nhều hơn một chất. Cái biến đổi là hợp chất chứ không phải chính các chất đó." "Đúng vậy, quan điểm của Empedocles - cái dẫn đến sự thoả hiệp giữa hai trường phái tư tưởng - là cái mà Hegel gọi là phủ định của phủ định." "Một thuật ngữ kinh khủng!" "Ông còn gọi ba trạng thái của tri thức này là chính đề, phản đề và hợp đề. Ví dụ, em có thể nói rằng chủ nghĩa duy lý của Descartes là một chính đề, nó bị phủ nhận bởi phản đề là chủ nghĩa kinh nghiệm của Hume. Nhưng mâu thuẫn, hay sự căng thẳng giữa hai cách tư duy, đã được giải toả bởi hợp đề của Kant. Kant đồng ý với những người duy lý ở một số điểm và đồng ý với các nhà kinh nghiệm chủ nghĩa tại những điểm khác. Nhưng câu chuyện không kết thúc tại Kant. Hợp đề của Kant giờ lại trở thành xuất phát điểm cho một chuỗi phê phán, hay một 'bộ ba' khác. Bởi vì một hợp đề cũng sẽ bị phủ nhận bởi một phản đề mới." "Nghe lý thuyết quá!" "Chắc chắn là lý thuyết rồi. Nhưng Hegel không coi đó là việc ép lịch sử vào một cái khung nào. Ông tin rằng chính lịch sử đã tự thể hiện mẫu hình biện chứng này. Do vậy, ông cho rằng ông đã tìm ra một số quy luật nhất định của sự phát triển của lý tính - hay của sự tiến triển của 'tinh thần thế giới' trong suốt lịch sử". "Lại nó nữa!" "Nhưng phép biện chứng của Hegel không chỉ áp dụng được cho lịch sử. Khi thảo luận về đề tài gì, chúng ta cũng suy nghĩ theo kiểu biện chứng. Ta cố tìm lỗi trong các luận cứ. Hegel gọi đó là 'suy nghĩ tiêu cực'. Nhưng khi ta tìm được lỗi trong một luận cứ chính là khi ta gìn giữ những gì tốt nhất của luận cứ đó." "Ví dụ ạ!" "Thế này, khi một người thuộc phe xã hội chủ nghĩa và người phe bảo thủ cùng ngồi giải quyết một vấn đề xã hôi, một sự căng thẳng sẽ nhanh chóng lộ ra giữa hai lối tư duy đối lập của họ. Nhưng điều đó không có nghĩa người này tuyệt đối đúng và người kia hoàn toàn sai. Có thể là cả hai đều có phần đúng phần sai. Và thông thường, khi cuộc tranh luận tiến triển, những gì tốt nhất của cả hai luận cứ sẽ kết tinh." "Hy vọng thế." "Nhưng trong khi đang vật lộn trong một cuộc tranh luận như vậy, ta không dễ quyết định quan điểm nào hợp lý hơn. Trong chừng mực nào đó, lịch sử sẽ quyết định cái gì đúng cái gì sai. Cái hợp lý là cái có sức sống." "Bất kì cái gì sống sót đều đúng." "Hoặc ngược lại: cái đúng sẽ sống sót." "Thầy không có một chút xíu ví dụ ạ?" "Một trăm năm mươi năm trước, có nhiều người đấu tranh cho nữ quyền. Cũng có nhiều người phản đối quyết liệt việc cho phụ nữ quyền bình đẳng. Ngày nay, khi ta đọc luận cứ của cả hai phía, ta dễ thấy bên nào có quan điểm 'hợp lý' hơn. Nhưng ta không được quên rằng ta đã có tri thức của thời đại sau, khi việc đã ngã ngũ. Tri thức đó 'chứng tỏ'  những người đấu tranh vì quyền bình đẳng đã đúng. Không nghi ngờ gì, nhiều người chắc sẽ xấu hổ khi đọc được những gì người ông của mình đã viết về vấn đề quyền bình đẳng này." "Em cũng nghĩ vậy. Thế quan điểm của Hegel như thế nào ạ?" "Về chuyện bình đẳng giới tính à?" "Không phải chúng ta đang nói về chuyện đó à?" "Em có muốn nghe một đoạn trích không?" "Rất muốn ạ." "Ông ta đã nói: ' Sự khác biệt giữa nam giới và nữ giới giống như giữa động vật và thực vật. Nam giới tương ứng với động vật, trong khi phụ nữ tương ứng với thực vật, vì sự phát triển của họ tĩnh lặng hơn và nguyên lý bên dưới đó là một thể thống nhất khá mơ hồ của cảm xúc. Khi phụ nữ lãnh đạo chính phủ, quốc gia lâm nguy ngay lập tức, bởi phụ nữ hành động không theo các đòi hỏi có tính chất toàn thể mà theo những chủ trương và khuynh hướng độc đoán. Như thể phụ nữ được giáo dục - ai mà biết bằng cách nào? - bằng việc hít thở các ý niệm và bằng cách sống chứ không phải bằng việc tích lũy kiến thức. Trong khi đó, vị thế nam tử chỉ có thể đạt được nhờ sự căng thẳng suy nghĩ và nhiều nỗ lực kỹ thuật." "Cảm ơn thầy, thế là quá đủ. Em không muốn nghe thêm bất kỳ tuyên bố nào như thế nữa." "Nhưng đó là một ví dụ rất ấn tượng để thấy quan điểm của người ta về chuyện cái gì là hợp lý luôn thay đổi. Nó cho thấy Hegel cũng chỉ là một đứa con của thời đại ông. Và chúng ta cũng vậy. Một số quan điểm 'hiển nhiên' của ta cũng sẽ không trụ được sự kiểm nghiệm của thời gian." "Thí dụ quan niệm nào ạ?" "Tôi không có ví dụ nào." "Tại sao lại không ạ?" "Vì khi đó tôi sẽ lấy ví dụ về cái hiện đã đang bị thay đổi. Chẳng hạn, tôi có thể nói rằng lái ô tô là chuyện ngu xuẩn vì ô tô làm ô nhiễm môi trường. Nhiều người đã nghĩ như vậy rồi. Còn lịch sử chứng minh rằng phần nhiều những gì ta cho là hiển nhiên sẽ không còn đứng vững dưới ánh sáng của lịch sử." "À vâng." "Ta còn có thể quan sát một sự việc khác. Chính số đông nam giới cùng thời Hegel, những người có thể xả ra những lời công kích thô thiển khó chấp nhận kiểu như vậy về sự thấp kém của phụ nữ, đã thúc đẩy sự phát triển của phong trào phụ nữ." "Sao lại thế được?" "Họ đã đưa ra một chính đề. Tại sao? Vì phụ nữ đã bắt đầu nổi dậy. Không cần phải có quan điểm về một điều mà ai cũng đồng ý. Và khi họ bày tỏ quan điểm về sự thấp kém của phụ nữ một cách càng thô bạo, sự phủ định sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn." "Vâng, tất nhiên rồi." "Em có thể nói rằng phải chống lại những đối thủ mạnh mẽ là điều tốt nhất có thể xảy ra. Càng cực đoan, họ lại càng phải đối mặt với những phản ứng mãnh liệt hơn. Có một câu tục ngữ nói về chuyện "đổ thêm dầu vào lửa." "Cái lò lửa của em đã bắt đầu cháy mạnh hơn từ một phút trước rồi!" "Từ quan điểm của triết học hoặc logic thuần tuý, giữa hai khái niệm thường sẽ nảy sinh một mối căng thẳng biện chứng." "Ví dụ ạ?" "Nếu tôi nghĩ về khái niệm 'tồn tại', tôi bắt buộc sẽ phải nghĩ về khái niệm đối lập - khái niệm 'không tồn tại'. Em không thể nghĩ về sự tồn tại của em mà không nhận ra ngay rằng em không tồn tại mãi mãi. Căng thẳng giữa 'tồn tại' và 'không tồn tại' được phân giải bằng khái niệm 'trở thành'. Vì nếu cái gì đó đang trong quá trở thành, nó vừa tồn tại vừa không tồn tại." "Em hiểu." "Do đó, 'lý tính' của Hegel là logic động. Vì đặc điểm của thực tại là những sự đối lập nên miêu tả thực tại cũng phải đầy tương phản. Đây là một ví dụ khác: người ta kể rằng nhà vật lý hạt nhân người Đan Mạch Niels Bohr đã kể về chuyện Newton có một cái móng ngựa treo trước cửa chính nhà ông." "Cái đó để đem lại vận may." "Nhưng đó chỉ là điều mê tín, còn Newton thì chắc chắn không mê tín. Khi có người hỏi ông có thực sự tin vào những thứ kiểu đó hay không, ông trả lời. 'Không, tôi không tin, nhưng người ta bảo tôi rằng dù sao thì nó cũng có ích.'" "Hay thật!" "Nhưng câu trả lời của ông khá là biện chứng nếu xét về mặt đối lập. Cũng như nhà thơ Na Uy Vinje của chúng ta, Niels Bohr vốn nổi tiếng về sự mâu thuẫn trong tư tưởng, ông đã từng nói: Có hai loại chân lý. Có những chân lý bề mặt, những gì đối lập với chúng hiển nhiên sai. Nhưng còn có những chân lý thâm thuý mà điều ngược lại của chúng cũng đúng không kém. "Đó có thể là loại chân lý nào ạ?" "Chẳng hạn, nếu tôi nói rằng cuộc đời ngắn ngủi..." "Em sẽ đồng ý với thầy." "Nhưng trong một hoàn cảnh khác, tôi có thể giang tay và nói rằng cuộc đời quả là dài." "Thầy nói đúng. Điều đó cũng đúng, theo một nghĩa nào đó." "Cuối cùng, tôi sẽ cho em một ví dụ khi một căng thẳng biện chứng có thể dẫn đến một hành động tự phát mà hành động này lại dẫn đến một thay đổi bất ngờ." "Thầy nói đi ạ." "Hãy hình dung một cô bé luôn trả lời mẹ bằng những lời Vâng, thưa mẹ... Dạ, thưa mẹ... Con sẽ làm ngay, thưa mẹ." "Nghe rùng cả mình." "Cuối cùng, mẹ cô bé tức phát điên vì sự ngoan ngoãn quá đáng của con gái, bà hét lên: Đừng có lúc nào cũng vâng vâng dạ dạ thế nữa! Và cô bé trả lời: Vâng, thưa mẹ." "Em mà là bà mẹ thì em sẽ cho một cái tát." "Có thể. Nhưng em sẽ làm gì, nếu cô bé lại trả lời: Nhưng con muốn ngoan ngoãn như thế." "Đó là một câu trả lời kỳ cục. Có lẽ em vẫn cho một cái tát." "Nói cách khác, tình thế này bế tắc. Sự căng thẳng biện chứng đã đi đến một điểm mà cái gì đó phải xảy ra." "Như một cái tát vào mặt chẳng hạn?" "Ở đây còn phải nói đến khía cạnh cuối cùng của triết học Hegel." "Em đang nghe." "Em còn nhớ ta đã nói rằng những người Lãng mạn là những người cá nhân chủ nghĩa không?" "Con đường bí hiểm dẫn vào trong..." "Chủ nghĩa cá nhân cũng đã gặp sự phủ định hay mặt đối lập của nó trong triết học Hegel. Hegel nhấn mạnh cái mà ông gọi là các quyền lực 'khách quan'. Trong các quyền lực này, Hegel nhấn mạnh tầm quan trọng của gia đình, xã hôi dân sự và nhà nước. Em có thể nói rằng Hegel có phần hoài nghi về cá nhân. Ông tin rằng cá nhân là một phần hữu cơ của cộng đồng. Lý tính hay 'tinh thần thế giới' hiện ra trước hết và rõ ràng nhất trong sự tương tác giữa người và người." "Thầy giải thích rõ hơn đi ạ." "Lý tính thể hiện bản thân rõ nhất trong ngôn ngữ. Ngôn ngữ là cái mà khi sinh ra chúng ta được đặt vào trong nó. Ngôn ngữ Na Uy chẳng hề hấn gì nếu không có ông Hansen, nhưng ông Hansen không thể sống thiếu ngôn ngữ Na Uy. Vậy, không phải cá nhân định hình ngôn ngữ mà chính ngôn ngữ định hình cá nhân." "Chắc vậy." "Cũng như khi một em bé được sinh ra trong một ngôn ngữ, em còn được sinh ra trong một hoàn cảnh lịch sử. Và không ai có được mối quan hệ 'tự do' với loại hoàn cảnh đó. Do đó, người nào không tìm được chỗ cho mình trong quốc gia thì người đó không thuộc về lịch sử. Chắc em còn nhớ đây đã từng là tư tưởng trung tâm của những triết gia lớn người Athens. Công dân không thể không có quốc gia cũng như quốc gia không thể không có công dân." "Rõ ràng." "Theo Hegel, quốc gia không chỉ là cá nhân một công dân. Hơn nữa, nó còn hơn cả tổng tất cả các công dân của quốc gia đó. Nên ông nói người ta không thể 'từ bỏ xã hôi'. Do đó, ai chỉ nhún vai trước xã hội mình đang sống trong đó và chỉ muốn 'tìm linh hồn của chính mình' thì sẽ bị chế nhạo." "Em không rõ có thể đồng ý hoàn toàn không, nhưng thôi thế cũng được." "Theo Hegel, không phải cá nhân tìm thấy chính mình mà là tinh thần thế giới." "Tinh thần thế giới tìm thấy chính mình?" "Hegel nói rằng tinh thần thế giới quay về với bản thân qua ba giai đoạn. Nghĩa là quá trình nó trở nên có ý thức về bản thân trải qua ba giai đoạn." "Những giai đoạn nào ạ?" "Trước hết, tinh thần thế giới ý thức được bản thân trong phạm vi cá nhân. Hegel gọi đây là tinh thần chủ quan. Tiếp theo, nó đạt tới mức độ nhận thức cao hơn, đó là gia đình, xã hội và quốc gia. Hegel gọi đây là tinh thần khách quan vì nó thể hiện trong mối quan hệ tương hỗ giữa người với người. Nhưng còn có một giai đoạn thứ ba..." "Đó là gì ạ?" "Tinh thần thế giới đạt đến hình thức cao nhất của sự tự nhận thức trong tinh thần tuyệt đối. Và tinh thần tuyệt đối này là nghệ thuật, tôn giáo và triết học. Trong đó, triết học là hình thức cao nhất của tri thức, vì trong triết học, tinh thần tuyệt đối suy tưởng về ảnh hưởng của chính nó đối với lịch sử. Như vậy, tinh thần thế giới gặp gỡ bản thân lần đầu tiên trong triết học. Có lẽ, em có thể nói rằng triết học là tấm gương của tinh thần thế giới." "Vấn đề này thật khó hiểu, em cần thêm thời gian để suy nghĩ kỹ hơn. Nhưng em thích điều thầy vừa nói." "Điều gì cơ? Rằng triết học là tấm gương của tinh thần thế giới?" "Vâng, nghe thật hay. Thầy có cho rằng nó có liên quan đến tấm gương đồng không ạ?" "Vì em đã hỏi nên câu trả lời là có." "Nghĩa là sao ạ?" "Tôi đoán tấm gương đó có một ý nghĩa đặc biệt nào đó vì nó cứ xuất hiện liên tục." "Chắc thầy cũng đoán được ý nghĩa đặc biệt đó là gì chứ ạ?" "Không. Tôi chỉ nói rằng nếu nó không có ý nghĩa đặc biệt gì đối với Hilde và cha cô thì nó đã không được nhắc đến nhiều vậy. Ý nghĩa đó là gì thì chỉ Hilde mới biết." "Đó có phải sự châm biếm kiểu Lãng mạn không ạ?" "Một câu hỏi vô vọng, Sophie à." "Tại sao ạ?" "Vì chúng ta không phải là người tạo ra những chuyện này. Chúng ta chỉ là những nạn nhân rủi ro của trò châm biếm đó. Nếu một đứa trẻ con lớn tuổi vẽ cái gì đó lên một mảnh giấy, em không thể hỏi tờ giấy xem cái hình vẽ đó thực ra có nghĩa gì." "Thầy làm em rùng mình." KIERKEGAARD ... châu Âu đang trên đường phá sản... Hilde nhìn đồng hồ. Đã quá bốn giờ. Cô đặt tờ giấy lên bàn rồi chạy xuống bếp. Cô phải xuống nhà thuyền trước khi mẹ phát chán vì phải đợi lâu. Cô liếc nhìn tấm gương đồng hồ khi đi ngang qua nó. Cô nhanh chóng đặt ấm pha trà và sửa soạn mấy chiếc bánh kẹp. Cô quyết định sẽ chơi xỏ bố. Hilde bắt đầu cảm thấy mình ngày càng chuyển sang đồng phe với Sophie và Alberto. Kế hoạch của cô sẽ bắt đầu khi ông về tới Copenhagen. Cô đi xuống nhà thuyền, mang theo một cái khay lớn. "Bữa giữa buổi của mẹ con mình đây." cô nói. Mẹ cô đang cầm giấy ráp. Bà đưa gạt tóc trên trán. Trên tóc bà cũng có cát. "Thế thì bỏ qua bữa tối vậy." Họ ra ngồi trên cầu tàu và bắt đầu ăn. "Bao giờ bố về ạ?" một lát sau Hilde hỏi. "Thứ Bảy. Mẹ tưởng con đã biết rồi?" "Nhưng mấy giờ ạ? Có phải bố sẽ chuyển máy bay ở Copenhagen không ạ?" "Ừ..." Mẹ cô cắn miếng bánh mì kẹp. Khoảng năm giờ, bố sẽ đến Copenhagen. Chuyến bay đến Kristiansand bay lúc tám giờ kém mười lăm. Chắc bố sẽ xuống Kjevik lúc chín rưỡi." "Vậy bố sẽ ở Kastrup mấy tiếng liền..." "Ừ, nhưng sao cơ?" "Không có gì, con chỉ tò mò thôi." Khi Hilde thấy chuyện đã dừng được một lúc đủ dài, cô làm vẻ tình cờ hỏi mẹ, "Dạo này mẹ có nghe tin tức gì của Anne và Ole không ạ?" "Thỉnh thoảng hai đứa cũng gọi điện. Khoảng tháng Bảy hai đứa sẽ về nhà nghỉ hè." "Đến tận tháng Bảy ạ?" "Ừ." "Vậy là tuần này hai anh chị ấy vẫn còn ở Copenhagen..." "Sao tự dưng con lại hỏi những chuyện này, Hilde?" "Có gì đâu ạ. Con chỉ nói chuyện linh tinh thôi mà." "Con nhắc đến Copenhagen những hai lần." "Thế ạ?" "Mình đã nói về chuyện bố sẽ xuống sân bay ở..." "Chắc vì thế nên con nghĩ tới Anne và Ole." Hai mẹ con vừa ăn xong, Hilde dọn ca và đĩa vào khay. "Con phải lên đọc tiếp đây, mẹ ạ." "Rõ rồi." Có một chút trách cứ trong giọng của mẹ thì phải. Hai mẹ con đã từng bàn chuyện cùng sửa thuyền trước khi bố về. "Bố gần như bắt con hứa sẽ đọc xong cuốn sách trước khi bố về." "Chẳng ra sao. Khi ở xa, bố con đâu cần chỉ huy mẹ con mình ở nhà." "Giá mà mẹ biết bố chỉ huy người khác như thế nào," Hilde nói với một giọng bí ẩn, "và mẹ không thể tưởng tượng được bố khoái chí chuyện đó như thế nào đâu." Cô quay về phòng và đọc tiếp. Bỗng Sophie nghe thấy một tiếng gõ cửa. Alberto nhìn cô một cách nghiêm nghị. "Chúng ta không muốn bị quấy rầy." Tiếng gõ cửa mạnh hơn. "Tôi sẽ kể cho em nghe về một nhà triết học Đan Mạch, người đã rất tức tối vì triết học của Hegel," Alberto nói. Tiếng gõ cửa mạnh đến nỗi cả cánh cửa rung lên. "Tất nhiên, đó là ông thiếu tá đang gửi một cái ảo ảnh nào đó đến để chúng ta có mắc mồi câu hay không." Alberto nói. "Ông ta đâu có tốn chút công sức nào." "Nhưng nếu ta không mở cửa và xem đó là ai thì ông ta có thể phá sập cả ngôi nhà mà cũng chẳng tốn tí sức nào." "Có lẽ em đúng. Chúng ta ra mở cửa vậy." Họ ra cửa. Sophie tưởng sẽ nhìn thấy một người rất to lớn vì tiếng gõ cửa mạnh đến vậy. Nhưng đứng trên bậc thềm là một cô bé mặc váy xanh với màu tóc dài màu sáng. Mỗi tay cô bé cầm một cái chai nhỏ. Một chai màu đỏ, chai kia màu xanh. "Xin chào," Sophie nói. "Bạn là ai?" "Tôi tên là Alice," cô bé nói, rồi rụt rè nhún mình chào. "Tôi cũng đoán vậy,"Alberto gật đầu. "Đây là Alice ở xứ sở Kỳ diệu." "Làm thế nào mà cô ấy đến được đây?" Alice giải thích: "Xứ sở Kỳ diệu là một đất nước hòan tòan không có ranh giới. Nghĩa là ở đâu cũng là xứ sở Kỳ diệu - khá là giống với Liên hợp quốc. Xứ sở Kỳ diệu nên là thành viên danh dự của Liên hợp quốc. Chúng tôi nên có đại diện trong mọi ủy ban vì Liên hợp quốc cũng đã sinh ra từ kỳ công của con người." "Hừm... tay thiếu tá này!" Alberto lầm bầm. "Thế bạn đến đây làm gì?" Sophie hỏi. "Tôi phải mang cho Sophie hai cái chai triết học nhỏ này." Cô bé đưa hai cái chai cho Sophie. Một chai đựng chất lỏng màu đỏ, còn chai kia đựng chất lỏng màu xanh. Chai đỏ dán nhãn HÃY UỐNG TÔI, nhãn chai xanh cũng ghi dòng chữ HÃY UỐNG TÔI. Chợt một con thỏ trắng chạy ngang qua ngôi nhà nhỏ, dáng điệu vội vã. Nó chạy trên hai chân sau, mặc gi-lê ở trong, áo vét ở ngoài. Đến trước nhà, con thỏ rút ra một cái đồng hồ quả quýt từ túi áo gi-lê và kêu lên: "Ôi trời! Ôi trời! Tôi sẽ muộn mất!" Rồi nó chạy tiếp. Alice bắt đầu chạy theo. Trước khi chạy vào rừng, cô nhún mình chào và nói, "Giờ thì nó lại bắt đầu rồi." "Gửi lời chào đến Dinah và Hoàng Hậu nhé!" Sophie gọi với theo. Alberto và Sophie vẫn đứng trên bậc cửa xem xét những cái chai. "HÃY UỐNG TÔI và HÃY UỐNG TÔI nữa," Sophie đọc. "Em không biết em có dám không. Biết đâu mấy thứ này có thuốc độc." Alberto chỉ nhún vai. "Chúng được ông thiếu tá gửi đến, mà mọi thứ xuất phát từ ông ta đều chỉ thuần túy trong tâm thức thôi. Nên chúng chỉ là thứ nước uống giả vờ." Sophie mở nút chai đỏ và thận trọng đưa lên miệng. Thứ chất lỏng có một vị ngọt là lạ, nhưng chưa hết. Khi cô uống, có cái gì đó bắt đầu xảy ra xung quanh cô. Có vẻ như hồ nước, khu rừng và căn nhà cùng hoà vào làm một. Chẳng mấy chốc, có vẻ như tất cả những gì cô nhìn thấy là một con người và người đó chính là Sophie. Cô ngước lên nhìn Alberto, nhưng cả ông nữa cũng như thể một phần của tâm hồn Sophie. " Kỳ quá là kỳ " Cô nói. " Mọi vật điều trông giống như trước, nhưng giờ tất cả chỉ là một ý nghĩ ". Alberto gật đầu - nhưng Sophie thấy như chính cô đang gật đầu với mình. " Đó là thuyết phiếm thần hay chủ nghĩa duy tâm." Ông nói. " Đó là tinh thần thế giới của những người Lãng mạn. Họ coi mọi thứ là một 'cái tôi' lớn. Đó cũng chính là Hegel, người phê phán nhân tố cá nhân và xem mọi vật đều là thể hiện của một và chỉ một lý tính thế giới. " " Em nên uống cái chai kia nữa ạ ? ". " Nó ghi như thế trên nhãn mà. " Sophie mở nút chiếc chai xanh và uống một ngụm lớn. Chất lỏng này có vị mát và sắt hơn. Một lần nữa mọi vật quanh cô bỗng biến đổi. Ngay lập tức, hiệu ứng của cái chai đỏ biến mất, mọi vật quay lại như cũ. Alberto lại là Alberto, cây trở về rừng, và nước quay lại làm hồ. Nhưng trạng thái đó chỉ kéo dài một giây vì mọi thứ tiếp tục trượt ra xa nhau. Khu rừng không còn là khu rừng, mỗi cái cây bây giờ có vẻ như một thế giới riêng. Một nhánh cây nhỏ xíu cũng giống như một thế giới cổ tích với hàng ngàn câu chuyện thần tiên. Cái hồ nhỏ bổng trở thành đại dương vô tận - không phải về bề rộng hay chiều sâu, mà về những nét lấp lánh rực rỡ và những gợn sóng muôn hình vạn trạng. Sophie cảm thấy mình có thể cả đời đứng ngắm mặt nước này, và đến ngày cô qua đời nó vẫn sẽ là một điều bí hiểm không thể giải thích. Sophie ngước nhìn lên một ngọn cây. Ba chú chim sẻ nhỏ xíu đang mãi mê với một trò chơi kỳ lạ. Có phải đó là trò chơi trốn tìm ? Chừng mực nào đó, cô đã biết từ trước rằng trên cái cây đó có chim, kể cả sau khi uống nước từ chai đỏ. Nhưng cô chưa từng nhìn chúng một cách rõ ràng như thế. Thứ nước đỏ đã xóa mọi sự tương phản và sự khác biệt giữa các cá thể. Từ trên bậc thềm đá nơi hai thầy trò đang đứng, Sophie nhảy xuống sân để nhìn đám cỏ. Ở đó cô phát hiện ra một thế giới mới nữa - giống như một thợ lặn biển sâu lần mở mắt dưới đáy biển. Giữa những cọng cỏ, riêu li ti ken dầy. Sophie theo dõi một con nhện đang lách qua đám rêu với dáng điệu bệ vệ và đầy quả quyết, một con rận cây màu đỏ chạy lên chạy xuống một cọng cỏ và cả một đội quân kiến đang hợp sức lao động chăm chỉ trong đám cỏ. Nhưng mỗi con kiến nhỏ xíu lại vung chân theo một cách của riêng mình. Kỳ lạ hơn hết là những gì đập vào mắt khi cô đứng lên và ngước nhìn Alberto. Ở Alberto, cô thấy một con người lạ lùng - ông như một sinh vật từ hành tinh khác hay một nhân vật bị phù phép từ trong truyện cổ tích. Cũng lúc đó cô cảm nhận về bản thân theo một cách hoàn toàn mới, cô là một cá thể độc nhất vô nhị. "Em thấy thế nào ? " Alberto hỏi. "Em thấy thầy là một con chim lạ." "Em nghĩ thế à?" "Em không cho là khi nào đó em có thể hiểu được làm một người khác như thế nào. Trên thế giới không có hai người nào giống nhau. " "Thế còn khu rừng thì sao ? " "Những cái cây không còn giống nhau nữa. Chúng như cả một vũ trụ của những câu chuyện kỳ lạ ." "Đúng như tôi đoán. Cái chai xanh là chũ nghĩa cá nhân. Đó là phản ứng của Soren Kierkegarrd đối với chủ nghĩa duy tâm của người lãng mạn. Nhưng nó còn bao chứa một người Đan Mạch khác sống cùng thời với Kierkegarrd, đó là nhà văn viết chuyện cổ tích nỗi tiếng Hans Christian Andersen. Ông cũng có con mắt sắc sảo trước sự phong phú đến khó tin về chi tiết của thiên nhiên. Hơn một thế kỷ trước, có một nhà triết học cũng nhìn thấy điều đó. Đó là nhà triết học Leibniz người Đức. Ông đã phản đối chủ nghĩa duy tâm của Spinoza, cũng như Kierkegaard đã chống lại Hegel. " "Em nghe thấy thầy nói nhưng giọng thầy buồn cười quá . " "Điều đó có thể hiểu được. Em chỉ cần nhấp thêm một ngụm từ cái chai đỏ là được. Nào hãy ngồi xuống bậc thềm. Ta hãy nói chút ít về Kierkegaard trước khi kết thúc bài ngày hôm nay. " Sophie ngồi xuống bậc thềm bên cạnh Alberto, cô uống một chút từ cái chai đỏ và mọi thứ lại bắt đầu hoà vào nhau. Thực ra chúng hoà vào nhau hơi quá ; cô lại có cảm giác rằng không có sự khác biệt nào là đáng kể cả. Nhưng cô chỉ cần chạm môi vào miệng chai màu xanh và thế giới quanh cô ít nhiều lại trông giống như Alice mới mang hai chai nước đến. "Thế đằng nào là thật ạ ? " giờ thì Sophie hỏi. " Chai màu xanh hay chai màu đỏ cho ta bức tranh đúng đắn ? ". "Cả xanh lẫn đỏ Sophie à. Ta không thể nói rằng các nhà Lãng mạn chủ nghĩa đã sai lầm khi khẳng định có một thực tại. Nhưng có lẽ góc nhìn của họ hơi hẹp. " "Thế còn cái chai màu xanh ? " "Tôi không cho rằng Kierkegaard đã uống khá nhiều từ cái chai đó. Chắc chắn ông có một con mắt rất tinh tường đối với ý nghĩa của cá thể. Chúng ta không chỉ là 'con của thời đại mình'. Hơn thế mỗi người trong chúng ta là một cá thể độc nhất vô nhị chỉ sống một lần trên thế giới này. " "Còn Hegel thì không quan tâm đến điều đó mấy ? " "Không, ông ta quan tâm đến phạm vi rộng lớn của lịch sử nhiều hơn. Đó chính là điều đã làm Kierkegaard rất bất bình. Ông cho rằng cả chủ nghĩa duy tâm của những người Lãng mạn và 'chủ nghĩa lịch sử' của Hegel đều làm mời đi trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cuộc đời của chính mình. Do vậy, theo Kierkegaard, Hel và những người Lãng mạn đều cùng một duộc . " "Em có thể hiểu vì sao ông ấy lại tức đến thế. " "Soren Kierkegaard sinh năm 1983 và được cha nuôi dạy một cách rất hà khắc. Nỗi u sầu tôn giáo của ông chính là một tài sản kế thừa từ người cha này. " "Nghe thật đáng ngại. " "Cũng vì nỗi u sầu này mà ông cảm thấy bắt buộc phải phá bỏ hôn ước, một việc mà tầng lớp tư sản Copenhagen nhìn với con mắt không dễ chịu. Do đó, ông đã sớm trở thành người bị xã hội ruồng bỏ và một đối tượng của sự khinh miệt. Tuy nhiên, ông đã dần dần học được cách ăn miếng trả miếng, và ông ngày càng trở nên cái mà sau này Ibsen miêu tả là 'một kẻ thù của nhân dân'. " "Tất cả chỉ vì chuyện hôn ước bị phá vỡ ? " "Không, không chỉ có thế. Đặc biệt là đến cuối đời, ông có một thái độ phê phán quyết liệt đối với xã hội. Ông đã nói : 'Cả châu Âu đang trên đường tới phá sản.' Ông tin rằng mình đang sống trong một thời đại hoàn toàn vắng bóng niềm say mê và sự cam kết. Ông đặt biệt bất bình với sự tẻ nhạt của giáo hội chính thức của giáo hội phái Luther Đan Mạch. Ông phê phán không thương tiếc cái mà em có thể gọi là 'Kitô giáo Chúa Nhật' . " "Ngày nay người ta nói về 'Đạo Ki tô của lễ kiên tín23'. Đa số trẻ con chịu lễ kiên tín chỉ vì những quà tặng mà chúng sẽ được nhận. " 23 Nghi lễ chính thức công nhận một người là tín đồ của Ki-tô giáo - ND. "Đúng, em đã hiểu rồi đấy. Đối với Kierkegaard, Ki Tô giáo vừa phi thường vừa phi lý đến mức nó nhất định phải hoặc thế này hoặc thế khác. Người ta không thể có lòng tin 'đôi chút' hay 'tới chừng mực nào đó' được. Bởi vì hoặc Jesus đã hồi sinh vào ngày Phục Sinh, hoặc không phải như vậy. Và nếu quả thực ông ta đã hồi sinh, nếu ông ta quả thực đã chết vì chúng ta - thì điều đó phi thường đấn mức nó phải có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cả cuộc đời ta. " "Vâng, em hiểu. " "Nhưng Kierkegaard lại thấy cả nhà thờ và quần chúng nói chung đều tiếp cận các câu hỏi tôn giáo một cách vô thưởng vô phạt. Chỉ tin rằng các tín điều Ki tô giáo là 'đúng' thì chưa đủ. Có đức tin Ki Tô nghĩa là phải tuân theo cách sống  Ki tô giáo. " "Chuyện đó thì có liên quan gì tới Hegel ạ ? " "Em đúng đấy. Có lẽ chúng ta đã mở đầu sai chỗ. " "Thế thì thầy quay lui và bắt đầu lại vậy. " "Kierkegaard bắt đầu nghiên cứu thần học năm 17 tuổi, nhưng ông lại trở nên ngày càng say mê các câu hỏi triết học. Năm 27 tuổi ông đạt được bằng thạc sỹ với luận văn đầ tài 'Luận về khái niệm châm biếm'. Trong công trình này, ông đã chiến đấu với thái độ châm biếm Lãng mạn và trò chơi ảo ảnh thiếu trách nhiệm. Ông so sánh với 'châm biếm kiểu Socrates'. Tuy Socrates đã sử dụng sự châm biếm với hiệu quả cao, mục đích của nó là để khơi ra những chân lý cơ bản về cuộc sống. Không như các nhà Lãng mạn chủ nghĩa, Socrates là người mà Kierkegaard gọi là một nhà tư tưởng 'hiện sinh'. Nghĩa là một nhà tư tưởng người đã kéo toàn bộ sự sinh tồn của bản thân vào các suy tưởng triết học của mình. " " Rồi sao nữa ạ ? " " Năm 1841, sau khi phá bỏ hôn ước, Kierkegaard đến Berlin, nơi ông theo học Schelling. " " Ông ấy có gặp Hegel không ạ ? " " Không, Hegel đã qua đời từ hai năm trước, nhưng tư tưởng của ông vẫn chiếm ưu thế ở Berlin và nhiều vùng châu Âu. 'Hệ thống' của ông được sử dụng như một kiểu lời giải thích đa năng cho mọi loại câu hỏi. Kierkegaard cho rằng kiểu 'chân lý khách quan' mà học thuyết Hegel nói tới hoàn toàn không liên quan đến cuộc sống riêng tư của cá nhân. " " Thế kiểu chân lý nào thì có liên quan ạ ? " " Theo Kierkegaard, thay vì đi tìm chân lý với chữ C viết hoa, tìm kiếm những chân lý có ý nghĩa đối với cuộc sống cá nhân là việc quan trọng hơn. Tìm thấy 'chân lý cho tôi' là việc rất cần thiết. Như vậy ông đã đặt cá nhân đối lập với 'hệ thống'. Kierkegaard cho rằng Hegel đã quên rằng chính ông cũng là một con người. Đây là những gì ông đã viết về vị giáo sư theo thuyết Hegel : " Trong khi ngài giáo sư buồn tẻ giải thích toàn bộ bí mật về cuộc sống, ông đã đãng trí quên mất tên của chính mình, quên rằng mình là một con người không hơn không kém chứ không phải ba phần tám tuyệt hay của một đoạn văn. " " Vậy theo Kierkegaard thế nào là một con người ? " " Không thể diễn đạt một cách khái quát đuợc. Kierkegaard hoàn toàn không quan tâm đến một miêu tả rộng về bản chất con người hay về loài người. Điều quan trọng duy nhất là sự tồn tại riêng của mỗi con người. Và em không trải nghiệm sự tồn tại của riêng em sau một cái bàn giấy. Chỉ khi ta hành động - nhất là khi ta thực hiện các lựa chọn quan trọng - thì ta mới gắn với sự tồn tại của chính mình. Có thể minh hoạ cho những gì Kierkegaard muốn nói bằng một câu chuyện về Phật ". " Phật ấy ạ ? " " Đúng vậy vì triết học của Phật cũng lấy sự tồn tại của con người làm xuất phát điểm. Có một nhà sư đề nghị Phật trả lời rõ hơn cho những câu hỏi căn bản về thế giới là gì và con người là gì. Phật trả lời bằng cách so sánh nhà sư với một người bị trúng tên độc. Người bị thương chắc chắn sẽ không quan tâm đến vấn đề lý thuyết về chuyện mũi tên làm bằng gì, nó được tẩm loại thuốc độc nào. " " Chắc điều anh ta muốn nhất là có ai đó rút mũi tên ra và chữa trị vết thương. " " Đúng như vậy. Điều đó có tầm quan trọng sống còn của anh ta. Cả Phật và Kierkegaard đều có ý thức sâu sắc về sự tồn tại chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi. Và khi đó thì, như tôi đã nói, người ta không ngồi sau bàn giấy và triết lý về bản chất tinh thần thế giới. " " Dĩ nhiên là không rồi. " " Kierkegaard còn cho rằng chân lý có tính chất chủ quan. Ông không có ý nói rằng bất cứ những gì ta nghĩ hoặc tin tưởng đều là chân lý. Ông muốn nói rằng những chân lý thật sự quan trọng đều mang tính cá nhân. Chỉ có những chân lý này là 'đúng cho tôi ". " Thầy cho ví dụ về một chân lý chủ quan đi ạ ? " " Chẳng hạn có một câu hỏi quan trọng : các tín đồ Kitô giáo có đúng hay không. Đây không phải câu hỏi mà người ta có thể hiểu một cách lý thuyết hay hàn lâm. Đối với một người hiểu được vị trí của bản thân mình trong cuộc sinh tồn, đây là vấn đề sống hay chết. Nó không phải là cái để ta ngồi bàn luận cho vui mà là cái để ta tiếp cận với niềm đam mê và sự chân thành lớn lao nhất. " " Em hiểu. " " Nếu em rơi xuống nước em sẽ không quan tâm về mặt lý thuyết xem em có thể chết chìm hay không. Chuyện dưới nước có cá sấu hay không cũng chẳng quan trọng lắm. Đây là vấn đề sinh tử. " " Cảm ơn thầy em đã hiểu rồi. " " Do vậy ta phải phân biệt giữa câu hỏi triết học về chuyện có Chúa trời hay không và mối liên quan cá nhân với chính câu hỏi đó, một tình huống mà trong đó một người một khác. Những câu hỏi như vậy có thể tiếp cận qua đức tin. Còn những gì ta có thể biết rằng lý tính, hay nói cách khác là tri thức, là hoàn toàn không quan trọng theo quan điểm của Kierkegaard. " " Em nghĩ là thầy cần giải thích thêm. " " Tám cộng bốn bằng mười hai. Ta có thể hoàn toàn chắc chắn về điều đó. Đó là một loại ví dụ về 'chân lý lý tính' mà tất cả các triết gia kể từ Descartes vẫn nói đến. Nhưng trong lời cầu nguyện của chúng ta hàng ngày có những thứ dạng đó hay không ? Không hề. Những chân lý thuộc dạng đó có thể vừa khách quan vừa tổng quát nhưng dù thế nào thì chúng cũng chẳng có ý nghĩa lý gì đối với sự sinh tồn của mỗi người. " " Thế đức tin thì sao ạ?" "Nếu em xử sự không tốt với một người, em không bao giờ có thể biết được họ có tha thứ hay không. Do vậy điều đó là quan trọng đối với em. Đó là một vấn đề mà em quan tâm sâu sắc. Em cũng không thể biết được một người có yêu em hay không. Đó là điều mà em hãy tin và hi vọng. Đối với em những điều này quan trọng hơn thực tế rằng tổng ba góc trong một tam giác là 180 độ. Em không nghĩ tới luật nhân quả hay các dạng thức của tri thức khi em đang hôn nụ hôn đầu đời." "Có mà điên thì mới làm vậy." "Đức tin là yếu tố quan trọng nhất đối với các câu hỏi tôn giáo. Kierkegaard đã viết: 'Nếu tôi có khả năng thấu hiểu Chúa Trời một cách khách quan, tôi sẽ không tin. Nhưng vì chính tôi không thể có khả năng đó, nên tôi phải tin. Nếu tôi muốn bảo toàn đức tin của mình, tôi phải thường xuyên chú ý níu giữ tình trạng không rõ ràng khách quan để có thể mải ở sâu bảy vạn dặm dưới đáy nước mà giữ gìn đức tin." "Nghe trầm trọng thật." "Trước đó, nhiều người đã cố gắng chứng minh sự tồn tại của Chúa Trời - hoặc bằng mọi cách đưa Chúa vào trong phạm vi của tính hợp lý. Nhưng nếu em tự bằng lòng với một luận cứ logíc hoặc môt bằng chứng dạng đó, em sẽ không còn đức tin, và cùng với nó, em đánh mất cảm xúc mạnh mẽ về tôn giáo. Bởi vì vấn đề không phải tín điều Kitô giáo có đúng hay không mà là nó đúng với em hay không. Tư tưởng đó đã được thể hiện từ thời Trung Cổ trong câu châm ngôn: credo quia absurdum." "Lại tiếng Latin." "Có nghĩa tôi tin vì nó bất hợp lý. Nếu Kitô giáo lôi cuốn lý tính của ta thay vì các mặt khác, thì nó đã không phải là một vấn đề về đức tin." "Vậy là ta đã tìm hiểu về các khái niệm 'sinh tồn', 'chân lý chủ quan' của Kierkegaard và quan niệm của ông về 'đức tin'. Ba khái niệm này được xây dựng để phê phán truyền thống triết học nói chung và triết học Hegel nó riêng. Nhưng chúng còn là biểu hiện của một sự 'phê phán xã hội' một cách mạnh mẽ. Ông đã nói, cá nhân trong xã hội thành thị hiện đại đã trở thành công chúng và đặc điểm nổi bật của đám đông hay quần chúng là tất cả những cuộc thảo luận vô thưởng vô phạt của họ. Ngày nay ta có thể dùng từ 'a dua', nghĩa là mọi người suy nghĩ giống nhau, tin vào những điều giống nhau mà chẳng có chút tình cảm sâu sắc về điều đó." "Không biết Kierkegaard sẽ bình luận gì về bố mẹ của Joanna nhỉ." "Không phải lúc nào ông ấy cũng nhận xét một cách hiền lành đâu. Ông ta có một ngòi bút sắc bén và một giọng châm biếm cay độc. Chẳng hạn ông có thể nói những câu như 'đám đông là phản chân lý', hay 'chân lý luôn đứng về phe thiểu số' và rằng hầu hết mọi người đều sống hời hợt." "Sưu tập búp bê Barbie là một chuyện, nhưng sống như một con Barbie là chuyện tệ hại hơn nhiều." "Điều đó đưa ta đến với học thuyết Kierkegaard về ba cấp độ trên đường đời." "Cái gì cơ ạ?" "Kierkegaard cho rằng có ba hình thức khác nhau của cuộc sống. Ông gọi đó là cấp độ mỹ học, cấp độ luân lý và cấp độ tôn giáo. Ông dùng từ cấp độ để nhấ mạnh rằng người ta có thể sống tại một trong hai cấp độ thấp hơn và bất chợt vọt lên một cấp độ cao hơn. Nhiều người sống cả đời tại duy nhất một cấp độ." "Chắc thầy sắp giải thích thêm. Em rất nóng lòng muốn biết mình đang ở cấp độ nào." "Người sống tại cấp độ mỹ học sống cho hiện tại và nắm bắt mọi cơ hội hưởng thụ. Bất cứ gì đẹp đẽ, vừa ý hay dễ chịu đều là tốt. Những người này sống hoàn toàn trong thế giới của giác quan và là một nô lệ của ước muốn và tâm trạng của bản thân. Mọi thứ buồn tẻ đều xấu." "Vâng em cảm ơn thầy, em nghĩ là em biết cái thái độ đó." "Do đó người Lãng mạn điển hình cũng là người duy mỹ điển hình, vì nó không chỉ là hưởng thụ giác quan thuần tuý. Một người có cách tiếp cận phê phán đối với thực tại hoặc lĩnh vực nghệ thuật hay triết học mà anh ta theo đuổi cũng đang sống tại cấp độ mỹ học. Thậm chí còn có thể có thái độ duy mỹ, hay 'phê phán', trước nỗi buồn và sự đau khổ. Nhân vật Peer Gynt của Ibsen là chân dung của một người duy mỹ điển hình." "Em hiểu ý thầy rồi". "Em có biết ai kiểu như vậy không?" "Không hoàn toàn. Nhưng em nghe có vẽ giống ông thiếu tá." "Có thể, có thể, Sophie à... Mặc dù đấy lại là một ví dụ trò châm biếm Lãng mạn nghe phát buồn nôn của ông ta. Em nên chùi miệng đi thì hơn." " Cái gì ? " " Thôi được đó không phải là lỗi của em. " " Thầy nói tiếp đi vậy. " " Một người sống ở cấp độ mỹ học dễ gặp trạng thái angst, nghĩa là nỗi lo sợ và cảm giác trống rỗng. Nếu điều này xảy ra thì còn có hi vọng. Theo Kierkegaard, angst gần như là một trạng thái tích cực. Đó là một biểu hiện rằng cá thể đó đang trong trạng thái sinh tồn, và khi đó có thể thực hiện một bước nhảy vọt để lên cấp độ cao hơn. Nhưng điều này có thể xảy ra hay không xảy ra. Ở trạng thái sắp nhảy vọt cũng không ích gì nếu ta không làm tới cùng. Đây là vấn đề thế này hoặc thế khác. Không ai có thể làm thay cho ta. Đó là chọn lựa của bản thân ta. " " Có vẻ giống như khi quyết định cai rượu hoặc cai ma tuý. " " Đúng có thể nói như vậy. Miêu tả của Kierkegaard về 'phạm trù quyết định' này có phần giống với quan điểm của Socrates rằng mọi sự thấu hiểu đúng đắn đều đi đến từ bên trong. Lựa chọn đưa một người tiến từ cách sống duy mỹ tới cách sống luân lý hay tôn giáo phải đến từ bên trong. Ibsen đã miêu tả điều này trong Peer Gynt. Có thể tìm thấy một miêu tả bậc thầy khác về chuyện lựa chọn sinh tồn nảy sinh từ sự tuyệt vọng và nhu cầu nội tâm trong cuốn tiểu thuyết 'Tội ác và trừng phạt của Dostoevsky ". " Điều tốt nhất ta có thể làm là lựa chọn một hình thức khác của cuộc sống. " " Và có lẽ khi đó, ta sẽ bắt đầu sống tại cấp độ luân lý. Cấp độ này đặc trưng bởi tính nghiêm túc và nhất quán trong các lựa chọn đạo đức. Cách sống này không phải không giống với luân lý trách nhiệm của Kant. Ta phải cố gắng sống theo các quy tắc đạo đức. Cũng như Kant, Kierkegaard đã thu hút sự quan tâm trước hết tới tính khí con người. Cái mà ta có thể cho là đúng hay sai không quan trọng. Điều đáng kể là ta chọn một quan niệm về cái gì đúng cái gì sai. Mối quan tâm duy nhất của những người duy mỹ về một cái gì đó là nó thú vị hay buồn tẻ. " " Sống như thế có sợ sẽ trở nên quá nghiêm túc không ạ ? " " Chắc chắn rồi ! Kierkegaard chưa bao giờ cho rằng cấp độ luân lý đem lại sự thoả mãn. Ngay cả một người có ý thức trách nhiệm cao cuối cùng cũng sẽ thấy mệt mỏi vì lúc nào cũng tận tuỵ và tỉ mỉ. Nhiều người về cuối đời đã trải nghiệm phản ứng mệt mỏi đó. Một số rơi trở lại với cuộc sống phê phán tại cấp độ mỹ học của mình. " Nhưng những người khác tạo một bước tiến mới tới cấp độ tôn giáo. Họ nhảy xuống vực sâu bảy vạn dặm của đức tin. Họ chọn đức tin thay cho niềm vui duy mỹ và lời kêu gọi trách nhiệm của lý tính. Và mặc dù có thể rất kinh khủng khi nhảy vào vòng tay mở rộng của Chúa Trời hằng sống, như Kierkegaard đã mô tả, nhưng đó là con đường duy nhất đến với sự chuộc tội. " " Thầy đang nói về KiTô gíao ạ ? " " Đúng vậy. Vì theo Kierkegaard, Kitô giáo chính là cấp độ tôn giáo. Nhưng ôngcũng có ý nghĩa sâu sắc đối với các nhà tư tưởng không theo Kitô giáo. Với cảm hứng từ nhà triết học Đan Mạch, chủ nghĩa hiện sinh đã nở rộ trong thế kỷ XX. " Sophie liếc nhìn đồng hồ. " Gần bảy giờ rồi ! Em phải chạy thôi. Mẹ sẽ lo cuống lên mất. " Cô vẫy tay chào nhà triết học rồi chạy xuống phía chiếc thuyền. MARX ...một bóng ma đang ám ảnh châu Âu... Hilde ra khỏi giường và đến bên cửa sổ trông ra vịnh. Hôm thứ bảy, cô đã đọc đến đoạn sinh nhật lần thứ mười lăm của Sophie. Ngày hôm trước chính là sinh nhật của Hilde. Nếu bố cô tưởng rằng hôm qua cô mới đọc đến đoạn ngày sinh của Sophie thì ông không được thực tế cho lắm. Cả ngày cô chẳng làm gì ngoại trừ việc đọc. Nhưng ông vẫn đúng khi bảo rằng sẽ chỉ còn một lời chúc sinh nhật nữa. Đó là khi Alberto và Sophie cùng hát bài Happy Birthday để chúc mừng cô. Xấu hổ thật Hilde thầm nghĩ. Và bây giờ Sophie đang mời mọi người đến một bữa tiệc triết học trong vườn tổ chức vào đúng cái ngày bố cô sẽ từ Lebanon về đến nhà. Hilde tin chắc hôm đó sẽ có chuyện gì đó xãy ra mà cả cô và bố cô đều chưa biết chắc được. Nhưng có một điều chắc chắn : trước khi bố về đến nhà, bố sẽ bị một quả sợ. Đó là điều tối thiểu cô có thể làm cho Sophie và Alberto, đặc biệt là sau khi họ đã kêu gọi cô giúp đỡ... Mẹ cô vẫn ở dưới nhà thuyền. Hilde chạy xuống chỗ để điện thoại ở Copenhagen của Anne và Ole, cô gọi cho họ. " Anne Kvamsdal nghe ạ. " " Chào chị em là Hilde đây ạ."

"A, chào em. Mọi chuyện ở Lillesand dạo này thế nào?" "Ổn cả chị ạ, em đang nghỉ hè mà. Còn tuần tới bố em sẽ từ Lebanon về." "Tuyệt quá còn gì!" "Vâng, em rất mong bố về. Em gọi điện cho chị cũng vì chuyện ấy." "Thế à." "Hình như bố em sẽ xuống sân bay Kastrup khoảng 5 giờ chiều thứ bảy ngày 23. Lúc đó chị có ở Copenhagen không?" "Tất nhiên là được rồi, chuyện gì vậy?" "Chuyện này rất đặc biệt, em cũng không biết có được không nữa." "Em đang làm chị tò mò quá đấy!" Hilde bắt đầu mô tả kế hoạch. Cô kể cho Anne nghe về cái cặp giấy, về Sophie và Alberto và những chuyện khác. Cô phải ngừng vài lần vì hai chị em buồn cười quá. Nhưng khi Hilde gác máy là lúc kế hoạch cô bắt đầu được thực thi. Bây giờ cô sẽ bắt đầu phải chuẩn bị một số thứ, nhưng còn nhiều thời gian. Hilde dành phần còn lại của buổi chiều và cả buổi tối ở bên mẹ. Họ lái xe đi Kristiansand chơi và xem phim. Hai mẹ con cảm thấy cần phải bù lại vì hôm trước họ chưa làm gì đặc biệt cả. Khi đi ngang qua lối ra sân bay Kjevik, một vài mẫu của trò xếp hình lớn mà Hilde đang chơi đã rơi vào đúng chỗ. Đêm đó, cô lên giường khi đã muộn, nhưng cô lấy chiếc cặp giấy và đọc tiếp. Khi Sophie lách qua hàng dậu để vào vườn thì đã gần tám giờ. Cô xuất hiện khi mẹ đang nhặt cỏ dại trên luống hoa trước cửa. "Con nảy từ đâu ra thế?" "Con chui qua hàng dậu về. " " Qua hàng dậu ? " " Mẹ không biết có đường xuyên qua ạ ? " " Nhưng con ở đâu về, Sophie ? Đây là lần thứ hai con biến mất mà chẳng nhắn câu nào. " " Con xin lỗi mẹ. Hôm nay đẹp trời nên con đi dạo hơi xa. " Mẹ cô đứng dậy nhìn cô nghiêm khắc. " Không phải con lại đi với ông triết học kia đấy chứ ? " " Đúng là con có đi với ông ấy. Con đã kể với mẹ là ông ấy thích đi dạo mà. " " Ông ta sẽ đến dự bữa tiệc trong vườn chứ ? " " Ồ vâng, ông ấy rất mong đến buổi tiệc. " " Mẹ cũng vậy. Mẹ đang mong đến từng ngày. " Có vẻ mẹ đang bực. Để an toàn Sophie nói : " May mà con đã mời cả bố mẹ Joanna, nếu không thì sẽ hơi khó xử." "Mẹ không rõ...nhưng gì thì gì, mẹ cũng sẽ phải nói chuyện nghiêm túc với cái ông Alberto này." "Mẹ có thể dùng phòng con nếu mẹ muốn. Con đảm bảo là mẹ sẽ quý ông ấy." "Còn một chuyện khác. Con có một bức thư." "Thế ạ?" "Thư đóng dấu Tiểu Đoàn Liên hợp quốc." "Chắc là của em trai Alberto." " Chuyện này phải chấm dứt thôi, Sophie ! " Sophie cuống cuồng nghĩ. Trong nháy mắt cô tìm được một câu trả lời có vẻ hợp lý. Như thể cô được vị thần hướng đạo nào đó gợi ý. " Con kể với Alberto là con sưu tầm các dấu bưu điện hiếm. Có anh em cũng có ích lợi đấy chứ. " Mẹ cô có vẻ yên tâm lại. " Bữa tối trong tủ lạnh ấy." Bà ta nói với giọng hơi dịu lại. "Lá thư ở đâu ạ?" "Trên nóc tủ lạnh." Sophie ào vào nhà. Phong bì đóng dấu ngày 15 tháng sáu năm 1990. Cô bóc thư và lấy ra một mảnh giấy nhỏ : Để làm gì, đời nhọc nhằn sáng tạo vĩnh hằng Chẳng mấy nỗi đời tàn trong quên lãng Quả thực là Sophie không trả lời được câu hỏi đó. Trước khi ăn cô cất mảnh giấy vào ngăn tủ cùng với những thứ cô đã thu thập được từ mấy tuần trước. Chẳng bao lâu cô sẽ biết được tại sao lại hỏi câu đó. Sáng hôm sau, Joanna đến chơi. Sau một ván cầu lông, hai cô bé bắt đầu bàn kế hoạch cho một bữa tiệc triết học. Họ cần dành sẵn một chút bất ngờ để phòng những trường hợp mọi người bắt đầu cảm thấy buồn tẻ. Khi mẹ Sophie đi làm về, hai cô vẫn chưa bàn tính xong. Mẹ Sophie nhắc đi nhắc lại : " đừng lo tốn tiền ". Và bà không hề châm chọc. Có lẽ bà đang nghĩ rằng một " bữa tiệc triết học " chính là đều cần thiết để đưa Sophie về lại thực tại sau nhiều tuần cô tập trung học triết. Đến cuối buổi chiều, họ đã thống nhất được mọi chuyện, từ những chiếc đèn lồng bằng giấy cho đến một câu đố triết học có thưởng. Giải thưởng sẽ là một cuốn sách triết học dành cho tuổi trẻ là hay nhất. Nếu như có một thứ như vậy ! Sophie không chắc chắn về điều này tí nào. Hai ngày trước lễ hội Mùa Hè, thứ năm 21 tháng sáu, Alberto lại gọi điện cho Sophie " Sophie đang nghe ạ. " " Tôi là Alberto đây " " Ồ em chào thầy. Thầy khoẻ không ạ ? " " Thật sự rất khoẻ, cảm ơn em. Tôi nghĩ là tôi đã tìm được một cách tuyệt vời để trốn thoát. " " Trốn khỏi cái gì ạ ? " " Em biết rồi đấy. Thoát khỏi sự giam cầm tinh thần mà chúng ta đang sống từ quá lâu rồi. " ra thế. " " Nhưng không thể nói một từ nào về kế hoạch trước khi nó được bắt đầu. " " Như thế không phải sẽ quá muộn ạ ? Em cần biết em liên quan đến chuyện gì chứ. " " Em đang ngây thơ quá đấy. Mọi cuộc trao đổi của chúng ta đều bị nghe trộm. Điều khôn ngoan nhất bây giờ là không nói gì cả. " " Tình thế xấu đến thế cơ à ? " " Chuyện nó như vậy mà, bé. Những việc quan trọng nhất, quan trọng nhất phải xảy ra khi chúng ta không nói. " " Ồ " " Ta đang sống trong một thực tại hư cấu đằng sau những từ ngữ của một câu chuyện dài. Từng chữ cái đang được ông thiếu tá gõ lên một chiếc máy chữ xách tay cũ kỹ. Do vậy, không có gì in ra mà lại thoát được sự chú ý của ông ta. " " Em hiểu ra rồi. Nhưng chúng ta làm cách nào trốn khỏi ông ấy được. " " Suỵt ! " " Cái gì ạ ? " " Còn có cái gì nằm giữa dòng chữ nữa. Đó chính là nơi mà chúng ta đang cố xoay xở khéo léo với mọi mánh khoé mà tôi biết. " " Ra là vậy. " " Nhưng ta phải tận dụng tối đa thời gian của hôm nay và ngày mai. Thứ bảy này, quả bóng sẽ bay. Em có thể đến chỗ tôi ngay bây giờ không ? " " Em đi ngay đây. " Sophie cho chim và cá ăn, rồi lấy một lá xà lách to cho Govina. Trước khi ra khỏi nhà, cô mở một hộp thức ăn mèo và trút vào một cái bát đặt trên bậc thềm cho Shekeran. Rồi cô chui qua hàng giậu ra con đường ở phía ngoài nhà. Đi được một lát cô chợt thấy một cái bàn rộng đặt giữa đám cây thạch nam. Ngồi bên bàn là một người đàn ông đứng tuổi, ông ta có vẻ đang tính toán với các con số. Sophie đến gần và hỏi tên ông. " Ebenezer Scrooge. ", ông ta trả lời rồi lại miệt mài với cuốn sổ cái. " Tên cháu là Sophie. Chắc ông là một nhà doanh nghiệp ạ ? " Người đàn ông gật đầu. " Và ta giàu kếch xù. Không được phí phạm một xu nào. Thế nên ta phải tập trung vào khoản mục kế toán của ta. " " Phiền nhỉ. " Sophie vẫy tay chào rồi đi tiếp. Nhưng chưa được bao xa thì cô nhìn thấy một cô bé ngồi một mình dưới gốc cây cao. Cô bé ăn mặc rách rưới, da dẻ xanh xao và ốm yếu. Khi Sophie đi ngang qua, cô bé thục tay vào túi và rút ra một bao diêm. " Chị mua diêm nhé ? " Cô bé mời, chìa bao diêm về phía Sophie, Sophie sờ túi xem cô có mang theo đồng nào không. Có cô tìm thấy một cu-ron. " Bao nhiêu một bao ? " " Một cu-ron ".  Sophie đưa đồng xu cho cô bé và đứng đó, tay cầm bao diêm. " Hàng trăm năm nay rồi chị là người đầu tiên mua diêm của em. Có lúc em bị chết vì đói, khi khác thì vì băng giá. " Sophie thầm nghĩ có lẽ chẳng đáng ngạc nhiên nếu việc kinh doanh diêm không phát đạt lắm ở trong rừng. Nhưng rồi cô nhớ ra nhà doanh nghiệp mà cô vừa gặp trên đường. Không có lí gì mà cô bé phải chết đói trong khi ông ta lại giàu có đến như vậy. " Đi với chị. " Sophie nói. Cô nắm tay cô bé bán diêm và dẫn cố bé quay lại chỗ người đàn ông giàu có. " Ông phải xem thế nào để cô bé này có một cuộc sống tốt hơn. "cô nói. Người đàn ông ngẩng lên từ đống giấy tờ và nói : " Chuyện đó tốn tiền, và tôi đã nói rồi, một xu cũng không được bỏ phí. " " Nhưng thật không công bằng khi ông thì giàu thế còn cô bé này lại nghèo thế. " Sophie khăng khăng " Như thế là bất công ! " " Vớ vẩn! lắm chuyện ! Công bằng chỉ tồn tại giữa những người bình đẳng. " " Ông nói thế nghĩa là sao ? " " Tôi gây dựng cơ đồ này bằng sức mình, và công sức tôi được đền đáp xứng đáng. Người ta gọi đó là phát triển." "Nếu ông không giúp cháu; cháu sẽ chết," cô bé khốn khổ nói. Nhà doanh nghiệp lại ngẩng đầu lên từ cuốn sổ. Rồi ông quẳng chiếc bút lông ngỗng xuống bàn một cách sốt ruột. "Mày không có con số nào trong sổ kế toán của tao. Vậy thì cút! Cút về nhà tế bần!" "Nếu ông không giúp tôi; tôi sẽ đốt rừng," cô bé nói. Người đàn ông đứng bật dậy, nhưng cô bé đã đánh một que diêm. Cô dí que diêm cháy vào một cụm cỏ khô và nó bắt lửa ngay lập tức. Người đàn ông vung tay lên trời, miệng hét: Xin Chúa cứu con! Con gà đỏ đã gáy rồi! Cô bé nhìn người đàn ông và cười tinh nghịch. "Ông biết tôi là một người cộng sản rồi chứ?" "Một phút sau, cô bé, nhà doanh nghiệp và cái bàn đã biến mất. Sophie còn lại một mình trong khi ngọn lửa đang nhanh chóng nuốt dần cụm cỏ khô. Cô phải mất một lúc mới dập được đám lửa bằng cách dẫn chân lên nó. Ơn trời! Sophie nhìn xuống đám cỏ đen xì. Cô đang cầm trong tay một bao diêm. Không lẽ chính cô đã châm lửa? Khi gặp Alberto ngoài cửa căn nhà nhỏ, cô đã kể cho ông về những chuyện vừa xảy ra. "Scrooge là một gã  tư sản keo kiệt trong tác phẩn Bài hát mừng Giáng Sinh của Charles Dickens. Em chắc còn nhớ cô bé bán diêm trong truyện cổ tích của Hans Christian Andersen." "Em không nghĩ là lại gặp họ trong rừng." "Sao lại không? Đây đâu phải một khu rừng bình thường, và chúng ta lại sắp nói về Karl Marx. Em vừa chứng kiến một ví dụ về những cuộc đấu tranh giai cấp dữ dội vào giữa thế kỷ XIX, hợp lý  quá còn gì. Nhưng ta hãy vào trong. Ở đó, ta sẽ được bảo vệ đôi chút khỏi sự quấy rầy của ông thiếu tá." Họ lại ngồi bên chiếc bàn nhỏ cạnh cửa sổ trông ra hồ. Sophie vẫn còn nhớ rõ cô đã cảm nhận về cái hồ như thế nào sau khi uống cái chai màu xanh. Hôm nay, hai cái chai nhỏ được đặt trên bệ lò sưởi. Trên bàn có một mô hình đền thờ Hy Lạp nhỏ. "Cái gì đấy ạ?" Sophie hỏi. "Đâu sẽ có đó, Sophie thân mến." Alberto bắt đầu: "Khi Kierkegaard đến Berlin vào năm 1841, có thể ông đã ngồi cạnh Marx trong lớp học của Schelling. Kerkegaard hoàn thành luận văn thạc sĩ về Socrates. Cùng thời gian đó, Marx đã viết luận án tiến sĩ về Democritus và Epicurus - nói cách khác, về chủ nghĩa duy vật thời cổ đại. Như vậy, cả hai đã định được hướng đi cho triết học của mình." "Có phải Kierkagaard đã trở thành một nhà triết học hiện sinh, còn Marx là nhà duy vật?" "Marx đã trở thành một nhà duy vật lịch sử. Nhưng ta sẽ quay lại chuyện đó sau." "Thầy nói tiếp đi vậy." "Mỗi người theo cách của riêng mình, cả Kierkegaard và Marx đều đã lấy triết học của Hegel làm xuất phát điểm. Cùng chịu ảnh hưởng của lối tư duy Hegel, nhưng cả hai đều phủ nhận 'tinh thần thế giới' hay chủ nghĩa duy tâm của ông." "Có lẽ vì đối với họ nó quá viển vông." "Chính xác! Nói chung, ta thường nói rằng thời kỳ của "những hệ thống triết học lớn đã kết thúc tại Hegel. Sau ông, triết học chuyển sang một hướng mới. Thay cho những hệ thống lớn mang tính suy đoán, ta có cái gọi là triết học hiện sinh, hay triết học của hành động. Đó là những gì Marx muốn nói khi ông quan sát thấy rằng, cho đến giờ 'các nhà triết học chỉ giải thích thế giới theo nhiều cách khác nhau; vấn đề quan trọng là thay đổi nó.' Những lời này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử triết học." "Sau khi gặp Scrooge và cô bé bán diêm thì em thấy Marx rất dễ hiểu." "Các tư tưởng của Marx có mục đích thực tiễn, hay nói cách khác là chính trị. Ông không chỉ là một triết gia, ông còn lạ một nhà sử học, nhà xã hội học và nhà kinh tế học." "Và ông đã là người đi tiên phong trong tất cả các lĩnh vực đó ạ?" "Chắc chắn chưa có nhà triết học nào có vai trò quan trọng hơn ông trong ngành chính trị học thực tiễn. Tuy nhiên, ta phải cẩn trọng trong việc đồng nhất những gì tự xưng là chủ nghĩa Marx và các tư tưởng của chính Marx. Người ta nói rằng, đến tận giữa những năm 1840, Marx mới trở thành người theo chủ nghĩa Marx, nhưng ngay cả sau đó, đôi khi ông cảm thấy cần phải khẳng định rằng ông không phải là người theo chủ nghĩa Marx." "Jesus có theo đạo Ki Tô không ạ?" "Đấy tất nhiên cũng là điều đáng tranh cãi." "Rồi sao nữa ạ?" "Ngay từ đầu, Friedrich Engel, người bạn và người đồng nghiệp của ông đã đóng góp cho cái mà sau này được gọi là chủ nghĩa Marx. Trong thế kỷ của chúng ta, Lenin, Stalin, Mao và nhiều người khác cũng góp phần của mình cho chủ nghĩa Marx, hay là chủ nghĩa Marx-Lennin" "Theo em thì chúng ta chỉ nên tập trung vào Marx thôi. Thầy vừa bảo rằng ông ta là một nhà duy vật lịch sử phải không ạ?" "Ông không phải là một nhà duy vật triết học như các triết gia theo thuyết nguyên tử cổ đại, ông cũng không ủng hộ chủ nghĩa duy vật cơ giới của các thế kỷ XVII và XVIII. Nhưng ông cho rằng chính các yếu tố vật chất trong xã hội xác định cách tư duy của ta. Những yếu tố vật chất với bản chất đó chắc chắn đã có vai trò quyết định đối với sự phát triển của lịch sử." "Điều này rất khác tinh thần thế giới của Hegel." "Hegel đã chỉ ra rằng sự phát triển của lịch sử được định hướng bởi sự căng thẳng giữa các mặt đối lập - cái mà sau đó được giải toả bằng một thay đổi bất ngờ. Marx đã phát triển tư tưởng này xa hơn nữa. Nhưng theo Marx, Hegel đã lộn đầu xuống đất mà chổng chân lên trời." "Hy vọng không phải lúc nào cũng như vậy." "Hegel gọi lực đẩy lịch sử lên phía trước là tinh thần thế giới hay lý tính thế giới. Marx cho rằng, điều này bị lộn ngược. Ông muốn chứng minh rằng chính các thay đổi về vật chất gây ảnh hưởng lên lịch sử. 'Các quan hệ tinh thần' không tạo ra các thay đổi về vật chất, điều ngược lại mới đúng. Các thay đổi vật chất tạo ra các quan hệ tinh thần mới. Marx đặc biệt nhấn mạnh rằng chính các lực lượng kinh tế trong xã hội đã tạo ra thay đổi và nhờ đó đẩy lịch sử lên phía trước." "Thầy có ví dụ nào không ạ?" "Triết học và khoa học cổ đại có mục tiêu thuần tuý lý thuyết. Không ai đặc biệt quan tâm đến việc đưa các phát kiến mới vào thực tiễn." "Không ạ?" "Đó là do cách tổ chức đời sống kinh tế của cộng đồng. Sản xuất dựa chủ yếu vào lao động nô lệ. Do đó, các công dân không có nhu cầu tăng năng suất bằng các cải tiến thực tiễn. Đó là một ví dụ về ảnh hưởng của các quan hệ vật chất đối với các suy tưởng triết học." "Vâng, em hiểu rồi." "Marx gọi các mối quan hệ vật chất, kinh tế, xã hội này là cơ sở hạ tầng của xã hội. Cách tư duy của xã hội, các thể chế chính trị, hệ thống luật pháp và không kém phần quan trọng là tôn giáo, đạo đức, nghệ thuật và khoa học, Marx gọi là kiến trúc thượng tầng của xã hội." "Vâng, cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng." "Còn bây giờ em hãy đưa cho tôi cái đền thờ Hy Lạp." Sophie làm theo. "Đây là mô hình của đền Parthenon trên đỉnh Acropolis. Em cũng đã nhìn tận mắt." "Nghĩa là đã xem trong băng video." "Em có thể thấy rằng công trình này có mái đền rất thanh nhã và tinh tế. Có lẽ mái đền với cái trán tường là những gì đập vào mắt ta trước nhất. Đó là cái mà ta gọi là kiến trúc thượng tầng." "Nhưng nó không thể lơ lửng trong không khí." "Nó được hàng cột chống đỡ." "Ngôi đền có nền móng rất vững chãi chống đỡ toàn bộ công trình. Cũng như vậy, Marx tin rằng các quan hệ vật chất nâng đỡ toàn bộ những gì thuộc về tư tưởng và quan niệm trong xã hội. Kiến trúc thượng tầng của một xã hội thực ra là một phản ánh của các nền tảng của xã hội đó." "Có phải ý thầy là thuyết ý niệm của Plato là một phản ánh của ngành sản xuất đồ gốm và trồng nho?" "Không, không đơn giản như vậy, theo như cách Marx đã chỉ ra một cách rõ ràng. Đó là hiệu ứng tương tác của các nền tảng của xã hội đối với kiến trúc thượng tầng của nó. Nếu Marx phủ nhận tương tác này thì ông đã là một nhà duy vật cơ giới. Nhưng vì Marx đã nhận ra rằng có một mối quan hệ tương tác và biện chứng giữa các cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, ta nói rằng ông là một nhà duy vật biện chứng. Nhân tiện, nói để em biết, Plato không phải thợ gốm, cũng chẳng phải người trồng nho." "Thôi được. Thầy còn nói gì thêm về cái đền nữa không ạ?" "Có, còn một chút nữa. Em thử miêu tả nền móng của ngôi đền xem." "Những cột chống đặt trên một cái nền gồm ba mức - hoặc ba bậc." "Cũng như vậy, ta sẽ gọi tên ba mức hoặc ba tầng của các cơ sở hạ tầng xã hội. Tầng cơ bản nhất là cái mà ta có thể gọi là điều kiện sản xuất của xã hội. Nói cách khác là điều kiện tự nhiên hoặc tài nguyên thiên nhiên của xã hội. Chúng là nền tảng của bất cứ xã hội nào, và nền tảng này quyết định thể loại sản xuất trong xã hội, đồng thời quyết định bản chất và văn hoá của xã hội nói chung." "Người ta không thể đánh cá trích trên sa mạc Sahara hay trồng chà là ở miền bắc Na Uy được." "Đúng đấy. Và tư duy của những người thuộc văn hoá du mục rất khác với cách suy nghĩ của dân làng đánh cá ở miền Bắc Na Uy. Tầng tiếp theo là tư liệu sản xuất của xã hội. Ở đây, Marx muốn nói đến mọi loại thiết bị, công cụ, máy móc, cũng như các vật liệu thô được tìm thấy trong xã hội đó." "Ngày xưa, người ta chèo thuyền ra bãi cá. Bây giờ người ta dùng tàu lớn với lưới rà để đánh cá." "Đúng vậy. Và em vừa nói về tầng tiếp theo trong cơ sở hạ tầng của xã hội, đó là những người sở hữu các tư liệu sản xuất. Sự phân công lao động, hay sự phân bố công việc và sở hữu, đó là cái mà Marx gọi là các quan hệ sản xuất của xã hội" "À." "Như vậy, ta có thể kết luận rằng chính phương thức sản xuất trong một xã hội quyết định các điều kiện về chính trị và tư tưởng trong xã hội đó. Không phải ngẫu nhiên mà ngày nay cách tư duy và các quy tắc đạo đức của chúng ta có phần nào khác với thời phong kiến cổ xưa." "Như vậy Marx không tin vào một lẽ phải của tự nhiên vĩnh cửu?" "Không. Theo Marx, vấn đề cái gì đúng đắn về mặt đạo đức là một sản phẩm của cơ sở hạ tầng của xã hội. Ví dụ, không phải ngẫu nhiên mà trong xã hội nông dân ngày trước, cha mẹ là người chọn vợ chồng cho con cái mình. Đó là vấn đề ai sẽ thừa kế trang trại. Trong một thành phố hiện đại, các quan hệ xã hội không giống như vậy. Ngày nay, người ta có thể gặp người chồng hoặc vợ tương lai của mình tại một buổi tiệc hay một sàn nhảy, và nếu yêu nhau đủ nhiều, người ta sẽ tìm một nơi nào đó để sống chung." "Em không bao giờ có thể chịu được chuyện bố mẹ quyết định xem em sẽ cưới ai." "Đó là vì em là một đứa con của thời đại của em. Hơn nữa, Marx nhấn mạnh rằng gần như giai cấp thống trị xã hội chính là những người đặt ra các quy tắc về đúng và sai. Bởi vì 'lịch sử của mọi xã hội từ trước đến nay là lịch sử của các cuộc đấu tranh giai cấp.' Nói cách khác, lịch sử chủ yếu là vấn đề ai là người sở hữu các tư liệu sản xuất." "Các tư tưởng và ý kiến của nhân dân không đóng góp vào việc thay đổi lịch sử ạ?" "Có và không. Marx hiểu rằng các điều kiện trong kiến trúc thượng tầng của xã hội có thể có một ảnh hưởng qua lại đối với hạ tầng cơ sở của xã hội, nhưng ông phủ nhận rằng kiến trúc thượng tầng có chút lịch sử độc lập nào của riêng nó. Cái đã đưa lịch sử phát triển từ xã hội nô lệ thời Cổ Đại tới xã hội công nghiệp ngày nay về căn bản được quyết định bởi các thay đổi trong hạ tầng cơ sở của xã hội." "Thấy đã nói vậy rồi." "Marx tin rằng trong mọi thời kỳ của lịch sử đều đã có một sự mâu thuẫn giữa hai giai cấp có ảnh hưởng lớn trong xã hội. Xã hội nô lệ thời Cổ đại có sự mâu thuẫn giữa công dân tự do và nô lệ. Xã hội phong kiến thời Trung Cổ có mâu thuẫn giữa chủ đất và nông nô; và sau đó là giữa quý tộc và một dân chúng. Còn tại thời của Marx, trong cái mà ông gọi là một xã hội tư sản hoặc xã hội tư bản chủ nghĩa, mâu thuẫn lớn nhất là giữa các nhà tư bản và công nhân hay giữa những người vô sản. Như vậy, mâu thuẫn nằm giữa những người sở hữu tư liệu sản xuất và những người không sở hữu. Và do 'giai cấp trên' không tự nguyện từ bỏ quyền lực của họ nên thay đổi chỉ có thể xảy ra bằng cách mạng." "Thế còn một xã hội cộng sản chủ nghĩa thì sao ạ?" "Marx đặc biệt quan tâm đến sự chuyển dịch từ một xã hội tư bản đến một xã hội cộng sản. Ông còn thực hiện một phân tích chi tiết về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Nhưng trước khi xem xét vấn đề đó, ta phải nói một chút về quan niệm của Marx về lao động của con người." "Thầy nói đi ạ." "Trước khi trở thành một người cộng sản, anh thanh niên Marx đã quan tâm nghiên cứu những gì xảy ra với một người khi người đó làm việc. Đây là điều mà Hegel cũng đã phân tích. Hegel tin rằng có một mối quan hệ tương hỗ hoặc biện chứng giữa con người và thiên nhiên. Khi con người biến đổi thiên nhiên, chính anh ta cũng bị thay đổi. Hay nói một cách hơi khác, khi con người làm việc, anh ta tương tác với thiên nhiên và biến đổi nó. Nhưng trong quá trình đó, thiên nhiên cũng tương tác với con người và biến đổi ý thức của anh ta." "Nói cho tôi biết anh làm gì, và tôi sẽ nói anh là ai." "Đó chính là diễn đạt ngắn gọn về quan điểm của Marx. Cách ta làm việc có ảnh hưởng tới ý thức của ta, nhưng ý thức của ta cũng ảnh hưởng đến cách ta làm việc. Em có thể nói đó là mối quan hệ tương hỗ giữa đôi tay và ý thức. Do đó, cách tư duy của em có quan hệ chặt chẽ với công việc em làm." "Thế thì khi bị thất nghiệp chắc phải chán nản lắm." "Đúng vậy. Theo một nghĩa nào đó, người thất nghiệp là người trống rỗng. Hegel đã nhận thấy điều này từ trước đó. Đối với cả Hegel và Marx, công việc là một điều tích cực và nó có quan hệ chặt chẽ với bản chất cốt lõi của loài người." "Vậy thì làm công nhân cũng phải là một điều tốt chứ ạ?" "Ừ, ban đầu là như vậy. Nhưng đây chính là nơi Marx chĩa mũi dùi phê phán phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa." "Như thế nào ạ?" "Dưới hệ thống tư bản chủ nghĩa, người công nhân làm việc cho người khác. Do vậy, lao động của anh ta là cái gì đó ngoại lai đối với anh ta - hay cái gì đó không thuộc về anh ta. Người công nhân trở nên xa lạ đối với công việc của mình và từ đó cũng trở nên xa lạ với chính mình. Anh ta đánh mất liên hệ với thực tại của chính mình. Bằng một lối diễn đạt của Hegel, Marx nói rằng người công nhân trở nên bị lạc lõng." "Em có một người cô đã làm việc trong nhà máy, cô ấy đóng gói kẹo hơn 20 năm liền. Nên em thấy những gì thầy đang nói rất dễ hiểu. Cô ấy bảo rằng sáng nào cô cũng ghét đi làm." "Nhưng Sphie à, nếu cô ấy ghét công việc của mình, theo một nghĩa nào đó, cô ấy chắc phải ghét cả chính mình." "Chắc chắn là cô ấy ghét kẹo." "Trong một xã hội tư bản chủ nghĩa, lao động được tổ chức sao cho thực ra công nhân làm nô lệ cho một giai cấp xã hội khác. Như vậy, công nhân chuyển giao lao động của mình - và cùng với nó là cả cuộc đời mình - cho giai cấp tư sản." "Có tệ hại đến thế thật không ạ?" "Ta đang nói về Marx, và do đó ta phải lấy xuất phát điểm từ các điều kiện xã hội của những năm giữa thế kỷ trước. Cho nên câu trả lời phải là một tiếng 'đúng' vang rền. Công nhân có thể phải làm việc 12 tiếng mỗi ngày trong một nhà xưởng giá lạnh. Tiền công thường rẻ mạt đến mức cả trẻ em và phụ nữ có thai cũng phải đi làm. Điều đó dẫn tới tình trạng xã hội tồi tệ hết chỗ nói. Ở nhiều  nơi, một phần tiền công được trả bằng những thứ rượu rẻ tiền và phụ nữ phải kiếm thêm tiền bằng mãi dâm. Khách hàng của họ là những công dân được kính trọng trong thành phố. Ngắn gọn, chính trong tình huống mà đáng ra phải được đứng trên bục danh dự lớn nhất của loài người, người công nhân đã bị  biến thành thân trâu ngựa." "Thật đáng phẫn nộ!" "Điều đó cũng làm Marx phẫn nộ. Và trong khi tình trạng đó diễn ra, con cái của giai cấp tư sản chơi vĩ cầm trong những căn phòng rộng rãi, ấm áp sau khi được tắm táp cho sảng khoái. Hay chúng ngồi bên đàn dương cầm trong khi đợi một bữa tối bốn món thịnh soạn. Đàn vĩ cầm và dương cầm cũng có thể là một thú tiêu khiển sau một cuộc cưỡi ngựa dài." "Hừm! Thật bất công!" "Marx chắc hẳn cũng đồng tình. Cùng với Engels, năm 1848, ông đã xuất bản Tuyên ngôn Cộng sản. Câu đầu tiên trong bản tuyên ngôn này viết rằng: Một bóng ma đang ám ảnh châu Âu - bóng ma của chủ nghĩa Cộng sản." "Nghe sợ nhỉ." "Nó cũng làm giai cấp tư sản hoảng sợ. Bởi vì giờ đây, giai cấp vô sản đang bắt đầu nổi dậy. Em có muốn nghe bản Tuyên ngôn kết thúc như thế nào không?" "Có ạ." "Những người Cộng sản không thèm che giấu quan điểm và ý định của họ. Họ công khai tuyên bố rằng mục đích của họ chỉ có thể đạt được bằng cách dùng bạo lực lật đổ toàn bộ trật tự xã hội hiện hành. Hãy để các giai cấp thống trị run sợ trước một cuộc cách mạng Cộng sản chủ nghĩa. Những người vô sản không có gì để mất ngoài những xiềng xích trói buộc họ. Họ sẽ có thể giành được cả thế giới. Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!" "Nếu tình trạng xã hội tồi tệ như thầy vừa kể, em chắc cũng ký vào bản Tuyên ngôn đó. Nhưng tình hình bây giờ chắc chắn đã khác nhiều phải không ạ?" "Ở Na Uy thì đúng như vậy, nhưng không phải ở đâu cũng thế. Nhiều người vẫn phải sống trong những điều kiện phi nhân tính trong khi họ tiếp tục sản xuất các loại hàng hoá làm cho các nhà tư bản ngày càng giầu có hơn. Marx gọi đó là sự bóc lột." "Thầy có thể giải thích từ đó được không ạ?" "Nếu một người công nhân sản xuất một sản phẩm, sản phẩm này có một giá trị trao đổi nhất định." "Vâng." "Nếu giờ ta lấy giá trị trao đổi trừ đi tiền công cho công nhân và các chi phí sản xuất khác, ta luôn có một số tiền nào đó còn dư lại. Marx gọi số tiền này là giá trị thặng dư hay lợi nhuận. Nói cách khác, nhà tư bản đút túi một giá trị mà thực ra do người công nhân tạo ra. Đó là ý nghĩa của bóc lột." "À ra thế." "Như vậy, nhà tư bản đầu tư một phần lợi nhuận của công ty vào tư bản mới, chẳng hạn để hiện đại hoá quy trình sản xuất với hy vọng sản xuất hàng hoá với chi phí ít hơn và nhờ đó tăng lợi nhuận trong tương lai." "Nghe có vẻ hợp logic." "Đúng vậy, nó có vẻ hợp lý. Nhưng trong lĩnh vực này hay lĩnh vực khác, với thời gian, mọi chuyện sẽ không diễn ra như nhà tư bản hình dung." "Thế nghĩa là sao ạ?" "Marx tin rằng có nhiều mâu thuẫn cố hữu trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Chủ nghĩa tư bản là một hệ thống kinh tế tự huỷ diệt vì nó thiếu một sự kiểm soát hợp lý." "Điều đó tốt cho những người bị áp bức đấy chứ?" "Đúng vậy. Chủ nghĩa tư bản có đặc điểm cố hữu là nó đang tiến dần về sự diệt vong của chính mình. Theo một nghĩa nào đó, chủ nghĩa tư bản có tính tiến bộ vì nó là một giai đoạn trên đường tới chủ nghĩa cộng sản." "Thầy có thể ví dụ về tính chất tự diệt vong của chủ nghĩa tư bản được không ạ?" "Ta đã nói rằng nhà tư bản có một lượng tiền thặng dư lớn, và ông ta sử dụng một phần của số tiền này để hiện đại hoá nhà máy. Nhưng ông ta còn tiêu tiền cho các bài học vĩ cầm. Hơn nữa, vợ ông ta đã trở nên quen với cách sống xa hoa." "Không nghi ngờ gì." "Ông ta mua máy móc mới và không còn cần nhiều công nhân như trước. Ông ta làm việc này để tăng sức cạnh tranh." "Em hiểu." "Nhưng ông ta không phải là người duy nhất suy nghĩ theo kiểu này. Có nghĩa là toàn bộ nền sản xuất liên tục được cải tiến để ngày càng hiệu quả hơn. Các nhà máy ngày càng lớn hơn trong khi số công nhân ngày càng ít hơn. Chuyện gì sẽ xảy ra, Sophie?" "Ờ..." "Cần ngày càng ít công nhân, có nghĩa là ngày càng có nhiều người thất nghiệp. Do đó, các vấn đề xã hội cũng tăng lên, và các cuộc khủng hoảng như vậy là dấu hiệu của việc chủ nghĩa tư bản còn có các yếu tố tự huỷ diệt khác. Mỗi khi lợi nhuận phải được gắn chặt với tư liệu sản xuất nhưng không tạo ra được một giá trị thặng dư đủ lớn để giữ cho sản xuất tiếp tục có giá cạnh tranh..." "Vâng?" "...khi đó, nhà tư bản sẽ làm gì? Em có thể cho tôi biết không?" "Không, em chịu." "Hãy tưởng tượng em là chủ một nhà máy. Em không thể cân đối thu chi. Em không thể mua nguyên liệu thô để duy trì sản xuất. Em đang đối mặt với phá sản. Câu hỏi của tôi là em có thể làm gì để tiết kiệm tiền?" "Có lẽ em sẽ giảm lương công nhân." "Thông minh đấy! Đúng, đó thật sự là điều khôn khéo nhất mà em có thể làm. Nhưng nếu nhà tư bản nào cũng khôn khéo như em - tất cả bọn họ đều như vậy - thì công nhân sẽ nghèo đến mức họ không thể mua hàng được nữa. Ta có thể nói rằng sức mua giảm sút. Và bây giờ ta thật sự nằm trong cái vòng luẩn quẩn khắc nghiệt. Hồi chuông báo tử cho tài sản tư bản đã rung, Marx chắc sẽ nói như vậy. Chúng ta đang tiến nhanh tới một tình huống cách mạng." "À, ra vậy." "Nói ngắn gọn, cuối cùng giai cấp vô sản nổi dậy và chiếm lĩnh các tư liệu sản xuất." "Và rồi sao nữa ạ?" "Trong một thời kỳ, ta có một 'xã hội giai cấp' mới, trong đó những người vô sản chế ngự giai cấp tư sản bằng vũ lực. Marx gọi đây là chế độ chuyên chính vô sản. Nhưng sau một thời kỳ quá độ, sự chuyên chính của giai cấp vô sản sẽ được thay thế bằng một 'xã hội không có giai cấp', trong đó tư liệu sản xuất thuộc sở hữu 'toàn dân' - nghĩa là của chính nhân dân. Chính sách của xã hội này là 'làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu'. Hơn nữa, giờ đây lao động thuộc về chính những người lao động và cảm giác bị lạc lõng của thời kỳ tư bản chủ nghĩa chấm dứt." "Nghe tuyệt thật! Nhưng trong thực tế chuyện gì đã xảy ra? Có cuộc cách mạng nào không ạ?" "Có và không. Ngày nay, các nhà kinh tế học có thể khẳng định rằng Marx đã nhầm tại một số điểm quan trọng, nhất là trong phân tích của ông về các cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản. Và ông đã quan tâm chưa đủ tới sự phá hoại môi trường tự nhiên mà ngày nay ta đang chứng kiến những hậu quả nghiêm trọng của nó. Tuy nhiên..." "Tuy nhiên điều gì ạ?" "Chủ nghĩa Marx đã dẫn tới những biến động lớn. Không nghi ngờ gì, chủ nghĩa xã hội đã thành công lớn trong việc đấu tranh chống lại một xã hội phi nhân tính. Dù sao thì ở châu Âu, ta cũng đang sống trong một xã hội công bằng hơn và đoàn kết hơn thời Marx. Đó có phần không nhỏ là nhờ chính Marx và toàn thể phong trào xã hội chủ nghĩa." "Cái gì đã xảy ra ạ?" "Sau Marx, phong trào xã hội chủ nghĩa chia thành hai nhánh chính, phong trào dân chủ xã hội và chủ nghĩa Lenin. Với chủ  nghĩa xã hội, phong trào dân chủ xã hội là phương cách của Tây Âu. Ta có thể gọi đây là cuộc cách mạng chậm. Chủ nghĩa Lenin giữ nguyên niềm tin của Marx rằng cách mạng là cách duy nhất để đấu tranh với xã hội giai cấp cũ. Nhánh này có ảnh hưởng lớn tại Đông Âu, châu Á, và châu Phi. Theo cách của mình, mỗi nhánh đều đấu tranh chống lại điều kiện sống khổ cực và sự áp bức." "Nhưng nó không tạo ra một dạng áp bức mới chứ ạ? Ví như tại Nga và Đông Âu?" "Không nghi ngờ gì về điều đó. Ở đây, lại một lần nữa, ta thấy rằng mọi thứ con người chạm vào đều trở thành một hỗn hợp của thiện và ác. Tuy nhiên, không có lý gì quy tội cho Marx vì những yếu tố tiêu cực của 50 hay 100 năm sau khi ông qua đời tại cái gọi là các nước xã hội chủ nghĩa. Nhưng có lẽ ông đã nghĩ quá ít về những người sẽ trở thành những người điều hành của một 'xã hội cộng sản'. Có lẽ sẽ không bao giờ có một 'vùng đất hữa'. Loài người sẽ luôn tạo ra các vấn đề mới để đấu tranh về nó." "Chắc chắn vậy." "Và ta sẽ hạ tấm màn về Marx tại đây, Sophie à." "Ấy, khoan đã! Có phải thầy đã nói gì đó về chuyện công bằng chỉ tồn tại giữa những người bình đẳng?" "Không, Scooge đã nói vậy." "Sao thầy biết ông ấy đã nói gì?" "Ôi dào, tôi và em có cùng một ông tác giả. Thực ra, chúng ta gắn bó với nhau chặt chẽ hơn là người thường có thể thấy được." "Lại trò châm biếm đáng ghét của thầy!" "Đúp. Đó là châm biếm đúp, Sophie à." "Nhưng quay lại với công bằng. Thầy bảo là Marx cho rằng chủ nghĩa tư bản là một dạng xã hội không công bằng. Thầy định nghĩa như thế nào về một xã hội công bằng?" "Một nhà triết học đạo đức tên là John Rawls đã thử làm việc đó bằng ví dụ sau đây: Tưởng tượng rằng em là thành viên của một hội đồng đặc biệt có nhiệm vụ đề ra mọi luật lệ cho một xã hội trong tương lai." "Em không từ chối vào hội đồng đó đâu." "Họ phải xem xét đến từng chi tiết nhỏ một, bởi vì ngay khi họ đạt được một sự thống nhất và khi mọi người đều đã ký xác nhận bộ luật, thì họ sẽ lăn ra chết cả." "Ôi!" "Nhưng họ sẽ lập tức sống lại trong xã hội mà họ đã lập pháp. Có điều, họ sẽ không biết mình sẽ có vị trí nào trong xã hội mới." "À, em hiểu rồi." "Xã hội đó sẽ là một xã hội công bằng, xã hội của những người bình đẳng." "Nam và nữ!" "Điều đó thì khỏi phải nói. Chẳng ai trong số đó biết mình sẽ tỉnh dậy là nam hay nữ, vì xác suất là 50-50. Cho nên đối với phụ nữ hay nam giới thì xã hội đó đều hấp dẫn y như nhau." "Nghe thật hứa hẹn." "Vậy hãy nói cho tôi nghe, châu Âu của Karl Marx có phải là một xã hội như thế không?" "Hoàn toàn không!" "Nhưng em có biết ngày nay có xã hội nào như thế không?" "Hừm... đó là một câu hỏi thú vị." "Em hãy suy nghĩ về vấn đề đó. Còn bây giờ, không còn thêm điều gì về Marx nữa." "Cái gì ạ?" "Chương tiếp theo!" DARWIN ... một con tàu chở gen căng buồm đi suốt cuộc đời... Sáng Chủ nhật, Hilde bị đánh thức bởi một tiếng huỵch lớn. Đó là tiếng chiếc cặp giấy rơi xuống sàn. Đêm trước, cô đã nằm trên giường đọc về cuộc trò chuyện của Sophie và Alberto về Marx rồi ngủ thiếp đi. Cây đèn đọc sách bên giường vẫn sáng cả đêm. Những con số màu xanh trên đồng hồ báo thức trên bàn báo 8:59. Cô đã mơ về những nhà máy lớn và những thành phố bị ô nhiễm; một cô bé ngồi bán diêm ở một góc phố, những người mặc áo choàng dài sang trọng đi qua mà không thèm liếc nhìn. Khi ngồi dậy, cô nhớ đến những nhà máy lập pháp - những người sẽ thức dậy trong một xã hội  mà chính họ đã tạo nên. Dù sao thì Hilde cũng mừng là cô đã thức dậy tại Bjerkely. Liệu cô có dám thức dậy ở Na Uy nếu cô không biết mình sẽ thức dậy ở vùng nào hay không? Nhưng đó không chỉ là câu hỏi cô sẽ thức dậy ở đâu. Biết đâu, cô lại tình cờ tỉnh dậy tại một thời kỳ khác? Thời Trung Cổ chẳng hạn, hay thời kỳ Đồ Đá hoặc hai mươi nghìn năm trước? Hilde thử hình dung mình đang ngồi ở lối vào một cái hang, có lẽ là đang cạo da thú. Trước khi có chút gì gọi là văn hoá, một cô bé mười lăm tuổi như thế nào nhỉ? Cô có thể đã nghĩ như thế nào? Mà liệu cô có tí chút suy tư gì không đã? Hilde mặc một chiếc áo len, khuân cái cặp giấy lên giường, rồi bắt đầu đọc chương tiếp theo. Alberto vừa nói "Chương tiếp theo!" thì có ai đó gõ cửa. "Ta không còn cách nào khác phải không ạ?" Sohpie nói. "Tôi cũng nghĩ vậy." Alberto trả lời. Ngoài cửa là một cụ già râu tóc dài trắng muốt. Cụ già một tay chống gậy, tay kia mang một bức tranh có hình một con thuyền. Trên thuyền là đủ loại động vật. "Quý ông cao tuổi đây là ai ạ?" Alberto hỏi. "Ta là Noah" "Tôi cũng đoán vậy." "Tổ tiên xa xôi nhất của con đấy, con trai ạ. Nhưng có lẽ bây giờ hết mốt nhận tổ tiên rồi." "Cụ đang cầm cái gì đấy ạ?" Sophie hỏi. "Đây là bức tranh vẽ tất cả muông thú đã được cứu thoát khỏi trận Đại Hồng Thuỷ. Tặng cho con, con gái ạ." Sophie đỡ lấy bức tranh. "Được rồi, ta phải về nhà chăm sóc vườn nho đây," cụ già nói. Đoạn cụ nhảy lên, gõ hai gót giầy vào nhau trên không, rồi vui vẻ vừa đi vừa nhảy vào trong rừng với dáng điệu đặc biệt mà thỉnh thoảng ta thấy ở các cụ ông. Sophie và Alberto vào trong và ngồi lại vào bàn. Sophie bắt đầu ngắm nghía bức tranh. Nhưng trước khi cô kịp xem kỹ, Alberto giật lấy bức tranh với vẻ oai vệ. "Ta sẽ tập trung vào những đường nét chính trước đã." "Vâng, thế cũng được." "Tôi quên nói với em rằng Marx đã sống 34 năm cuối đời mình tại London. Ông chuyển đến đó năm 1849 và qua đời năm 1883. Trong suốt thời gian đó, Charles Darwin sống ngay ở ngoại ô London. Ông mất năm 1882 và được chôn cất với những nghi thức long trọng tại điện Westminster như là một trong những người con ưu tú của nước Anh. Như vậy, con đường của Marx và Darwin gặp nhau, nhưng không chỉ trong không gian và thời gian. Marx đã muốn đề tặng Darwin bản tiếng Anh của tác phẩm vĩ đại nhất của mình, Tư bản. Nhưng Darwin đã từ chối vinh dự đó. Khi Marx qua đời một năm sau. Darwin, Friedrich Engels, bạn ông, đã nói: khi Darwin tìm ra thuyết tiến hoá của cơ thể sống, thì Marx tìm ra thuyết tiến hoá của lịch sử loài người." "Ra thế." "Một nhà tư tưởng lớn khác cũng đã liên hệ công việc của mình với Darwin, đó là nhà tâm lý học Sigmund Freud. Ông cũng đã sống những năm cuối đời ở London. Ông đã nói rằng cả thuyết tiến hoá của Darwin và ngành phân tâm học của ông đều gây nên một sự sỉ nhục đối với chủ nghĩa vị kỷ ngây thơ của loài người." "Một lúc mà nhiều tên tuổi quá. Chúng ta đang nói về Marx, Darwin, hay Freud đây ạ?" "Theo nghĩa rộng, chúng ta có thể nói về một xu hướng tự nhiên chủ nghĩa bắt đầu từ giữa thế kỷ XIX và kéo sang khá sâu vào trong thế kỷ của chúng ta. "Tự nhiên chủ nghĩa" là một ý thức về thực tại mà không chấp nhận thực tại nào khác ngoài thiên nhiên và thế giới cảm giác. Do đó, một nhà tự nhiên chủ nghĩa cũng coi loài người là một phần của thiên nhiên. Một nhà khoa học tự nhiên sẽ chỉ dựa vào các hiện tượng tự nhiên chứ không dựa vào các giả thuyết duy lý hay bất cứ hình thức mặc khải thần thánh nào." "Và điều đó áp dụng cho Marx, Darwin và Freud?" "Hoàn toàn đúng. Những từ ngữ quan trọng của thời kỳ giữa thế kỷ trước là: thiên nhiên, môi trường, lịch sử, tiến hoá và phát triển. Marx đã chỉ ra rằng ý thức hệ của con người là một sản phẩm của cơ sở hạ tầng của xã hội. Darwin đã chứng minh rằng loài người là kết quả của một quá trình tiến hoá sinh học chậm chạp, còn những nghiên cứu của Freud về vô thức cho thấy rằng hành động của con người thường là kết quả của những nhu cầu hay bản năng 'động vật'." "Em nghĩ là em đã hiểu ít nhiều về cái mà thầy gọi là chủ nghĩa tự nhiên, nhưng ta đang nói về từng người một có hơn không ạ?" "Chúng ta sẽ nói về Darwin, Sophie. Có thể em còn nhớ rằng các nhà triết học tiền-Socrates đã tìm hiểu những lời giải thích tự nhiên cho các quá trình của thiên nhiên. Như thế, họ đã phải tách mình ra khỏi những lời giải thích thần bí cổ xưa. Darwin cũng đã phải tách mình ra khỏi quan niệm của nhà thờ về sự tạo thành con người và thú vật." "Nhưng ông ấy có phải một nhà triết học không ạ?" "Darwin là một nhà sinh học và nhà khoa học tự nhiên. Và ông còn là nhà khoa học của thời đại cận đại, người đã công khai thách thức quan niệm của Kinh thánh về vị trí của con người trong Tạo hoá." "Vậy thì thầy sẽ phải nói về thuyết tiến hoá của Darwin." "Ta hãy bắt đầu bằng con người Darwin, ông sinh năm 1809 tại thành phố nhỏ Shrewsbury. Cha ông, bác sĩ Robert Darwin, là một thầy thuốc địa phương nổi tiếng và là người rất nghiêm khắc trong việc giáo dục con trai. Khi Charles học tại trường trung học địa phương, hiệu trưởng trường ông miêu tả ông là một cậu bé suốt ngày chạy rông, nghịch ngợm những thứ vớ vẩn, và chẳng bao giờ chịu làm việc gì có ích mặc dù chỉ một chút xíu. Đối với ông hiệu trưởng, những việc 'có ích' nghĩa là nhồi nhét những từ tiếng Hy Lạp và Latin. Còn "chạy rông" là một trong những từ ông dùng để nói về việc Charles leo trèo khắp nơi thu thập đủ loại bọ cánh cứng." "Em cược là ông ta sẽ hối hận về việc này." "Rồi khi phải học môn thần học, Charles lại quan tâm đến việc quan sát chim chóc và thu thập côn trùng hơn nhiều, nên ông không được điểm tốt về môn thần học. Nhưng khi vẫn còn trong trường đại học, ông đã nổi tiếng với vai trò một nhà tự nhiên học, phần nhiều là do mối quan tâm của ông đến môn địa chất - đó có lẽ là ngành khoa học phát triển mạnh mẽ nhất thời bấy giờ.. Ngay sau khi tốt nghiệp khoa thần học tại trường đại học Cambridge vào tháng Tư năm 1831, ông đến miền Bắc xứ Wales để nghiên cứu các cấu tạo đá và tìm kiếm hóa thạch. Tháng Tám năm đó, khi mới hai mươi hai tuổi, ông nhận được một lá thư mà nó sẽ quyết định con đường của cả cuộc đời ông." "Lá thư đó nội dung như thế nào ạ?" "Đó là thư của người bạn, người thầy của ông, John Steven Henslow. Ông viết: "Tôi được yêu cầu... giới thiệu một nhà tự nhiên học để đi cùng Thuyền trưởng FrizRoy, người được chính phủ giao nhiệm vụ khảo sát bờ biển phía Nam châu Mỹ. Tôi đã nói rằng tôi thấy ông là người có năng lực nhất trong số những người có thể thích hợp cho tình huống này mà tôi biết. Về chuyện tài chính thì tôi không có thông tin gì. Cuộc hành trình sẽ kéo dài hai năm..." "Thầy làm thế nào mà thuộc được hết đoạn đó?" "Chuyện vặt ấy mà, Sophie." "Và ông ấy đã trả lời thế nào ạ?" "Ông hết lòng mong muốn nắm được cơ hội này. Nhưng thời đó, những người trẻ tuổi không thể làm gì mà không được phép của cha mẹ. Sau nhiều công thuyết phục, cha ông cuối cùng cũng đồng ý - và chính ông là người chu cấp tiền cho chuyến đi của con trai. Còn 'chuyện tài chính' thì không thấy tăm hơi đâu." "Ồ." "Con tàu là chiến hạm hải quân HMS Beagle. Nó xuất phát ngày 27 tháng Mười năm 1831 từ Plymouth hướng về Nam Mỹ, và đến tận tháng Mười năm 1836 mới trở về. Hai năm đã kéo thành năm năm, và cuộc hành trình tới Nam Mỹ đã biến thành cuộc hành trình vòng quanh thế giới. Và bây giờ chúng ta đến với một trong những cuộc thám hiểm quan trọng nhất của thời cận đại." "Họ đã đi tàu thủy trong suốt cả chặng đường vòng quanh thế giới ạ?" "Đúng vậy. Từ Nam Mỹ, họ vượt Thái Bình Dương đến New Zealand, Úc và Nam Phi. Rồi họ quay lại Nam Mỹ trước khi quay buồm về Anh. Darwin  viết rằng không nghi ngờ gì cuộc hành trình trên tàu Beagle là sự kiện quan trọng trong đời ông." "Làm một nhà tự nhiên học ngoài biển chắc không dễ dàng gì." "Trong những năm đầu, khi tàu Beagle ngược xuôi bờ biển Nam Mỹ, Darwin đã có rất nhiều cơ hội để làm quen với lục địa này, kể cả trong đất liền. Những cuộc du hành ngắn trong chuyến thám hiểm quần đảo Galapagos ở Thái Bình Dương, phía tây của Nam Mỹ, cũng có ý nghĩa quyết định. Ông đã có thể thu thập và gửi về nước Anh những lượng lớn mẫu vật. Tuy nhiên, ông giữ những suy nghiệm về thiên nhiên và sự tiến hóa của sự sống cho riêng mình. Khi trở về nhà vào tuổi hai mươi bảy, ông thấy mình đã là một nhà khoa học nổi tiếng. Tại thời điểm đó, trong đầu ông đã có một bức tranh rõ nét về cái sẽ trở thành thuyết tiến hóa của ông. Nhưng đến tận nhiều năm sau khi trở về, Darwin mới xuất bản công trình nghiên cứu chính của mình, vì ông là một người cẩn trọng - và điều này phù hợp với một nhà khoa học." "Công trình chính của ông là gì ạ?" "À, thực ra ông có một số công trình chính. Nhưng cuốn sách làm nảy sinh cuộc tranh cãi nảy lửa nhất ở Anh là cuốn Nguồn gốc của các Loài, xuất bản năm 1859. Tên đầy đủ của cuốn sách là Về nguồn gốc của các loài do chọn lọc tự nhiên, hay sự bảo tồn các nòi giống được ưu đãi trong cuộc đấu tranh sinh tồn. Thực ra, tiêu đề đầy đủ chính là một tóm tắt hoàn chỉnh cho lý thuyết của Darwin." "Quả là ông ấy đã đóng gói khá nhiều điều vào một tên sách." "Nhưng ta hãy phân tích từng phần một. Trong cuốn sách Nguồn gốc của các loài, Darwin đưa ra hai học thuyết hai hai luận đề: thứ nhất, ông đề xuất rằng mọi dạng động vật hay thực vật hiện đang tồn tại đều bắt nguồn từ những dạng sống cổ xưa hơn và nguyên thủy hơn nhờ một quá trình tiến hóa sinh học. Thứ hai, sự tiến hóa đó là kết quả của chọn lọc tự nhiên. "Sự sống sót của những kẻ thích nghi nhất, đúng không ạ?" "Đúng vậy, nhưng trước hết ta hãy tập trung vào quan niệm về sự tiến hoá. Đây không phải là điều hoàn toàn mới. Quan niệm về một quá trình tiến hoá sinh học đã bắt đầu được chấp nhận rộng rãi trong một số giới từ những năm 1980. Người phát ngôn tiên phong cho quan niệm này là Lamarck, nhà động vật học người Pháp. Ngay cả trước ông, Eramus Darwin, ông nội của Darwin, đã đưa ra giả thuyết rằng cây cỏ và động vật đã tiến hoá từ một vài loài nguyên thuỷ. Nhưng không ai trong họ đã đưa ra được một lời giải thích chấp nhận được về việc quá trình tiến hoá này đã diễn ra như thế nào. Do vậy, đối với những người trong giáo hội, họ không được coi là những mối đe doạ lớn." "Nhưng Darwin thì có." "Quả vậy, và không phải là không có lý do. Cả hai giới giáo sĩ và khoa học đều trung thành triệt để với giáo lý Kinh thánh về tính bất biến của mọi loài động thực vật. Mỗi dạng sống của động vật đều đã được tạo riêng biệt một lần cho mãi mãi. Hơn nữa, quan điểm Ki Tô giáo này còn phù hợp với học thuyến của Plato và Aristotle." "Như thế nào ạ?" "Thuyết ý niệm của Plato cho rằng mọi loài vật đều bất biến vì chúng được tạo ra từ hình thức của các ý niệm vĩnh cửu. Tính bất biến của các loài vật còn là một trong những nền tảng quan trọng của triết học Aristotle. Nhưng vào thời Darwin, nhiều quan sát và phát kiến đã đòi hỏi xem xét lại quan niệm truyền thống." "Những loại quan sát và phát kiến nào ạ?" "Đầu tiên là ngày càng nhiều hoá thạch được tìm thấy. Người ta còn tìm thấy hoá thạch của những mảnh xương lớn của những động vật đã tiệt chủng. Chính Darwin đã bối rối khi tìm thấy dấu vết của những động vật biển ở sâu trong đất liền. Ở Nam Mỹ, ông đã thu được những kết quả tìm kiếm tương tự ở cao trên dãy núi Andes. Một động vật biển làm gì ở trên dãy Andes? Em có thể cho tôi biết không, Sophie?" "Em chịu." "Một số người tin rằng chúng chỉ bị con người hoặc thú rừng quẳng lên đó. Những người khác tin rằng Chúa Trời đã tạo ra những hoá thạch và vết tích động vật biển này để làm lạc hướng những kẻ không thích Chúa." "Thế còn các nhà khoa học thì nghĩ sao ạ?" "Hầu hết các nhà địa chất học đều dứt khoát ủng hộ 'thuyết thảm hoạ', theo đó, trái đất đã chịu nhiều trận đại hồng thuỷ, những trận động đất lớn và nhiều thiên tai khác, và chúng đã tiêu diệt toàn bộ sự sống. Ta đã đọc về một trong số đó từ Kinh thánh - trận Đại Hồng thuỷ và con thuyền của Noah. Sau mỗi thảm hoạ, Chúa Trời khôi phục lại sự sống bằng cách tạo ra những cây cỏ và động vật mới và hoàn thiện hơn." "Như vậy các hoá thạch là những dấu vết của những dạng sống xưa kia đã bị huỷ diệt bởi những thảm họa đó?" "Chính xác. Ví dụ người ta cho rằng các hoá thạch là vết tích của những động vật không lên được con thuyền của Noah. Nhưng khi Darwin giong buồm trên con tàu Beagle, ông mang theo tập một của cuốn sách Các nguyên lý địa chất của nhà sinh học người Anh Charles Lyell. Lyell cho rằng cấu tạo địa chất hiện tại của trái đất với những ngọn núi và thung lũng là kết quả của một quá trình phát triển lâu dài và chậm chạp. Quan điểm của ông là: xét những khoảng thời gian dài đã trôi qua, kể cả những thay đổi nhỏ cũng có thể gây ra những biến đổi địa chất lớn." "Ông ấy muốn nói về những kiểu thay đổi nào ạ?" "Ông ta nghĩ đến những sức mạnh mà ngày nay vẫn tiếp diễn: gió mưa và thời tiết, băng tan, động đất và sự nâng lên của mặt đất. Em chắc đã nghe nói câu nước chảy đá mòn - không phải bằng sức mạnh, mà bằng cách chảy liên tục. Lyell tin rằng, qua thời gian, những thay đổi từ từ và nhỏ nhặt tương tự có thể thay đổi hoàn toàn bộ mặt của thiên nhiên. Tuy nhiên, một mình lý thuyết này không thể giải thích vì sao Darwin tìm thấy vết tích của sinh vật biển ở tận trên dãy Andes. Nhưng Darwin đã luôn ghi nhớ rằng những thay đổi nhỏ nhặt và từ từ có thể tạo nên những biến đổi lớn nếu chúng có đủ thời gian." "Chắc ông ấy cho rằng có thể sử dụng lời giải thích đó cho sự tiến hoá của động vật." "Đúng là ông ấy nghĩ vậy. Nhưng như tôi đã nói, Darwin là một người cẩn trọng. Ông đặt câu hỏi rất lâu trước khi dám đưa ra câu trả lời. Ở đây, ông đã sử dụng cùng phương thức như mọi nhà triết học chân chính: đưa ra câu hỏi là quan trọng nhưng không nên vội vàng đưa ra câu trả lời." "Vâng, em hiểu rồi." "Một yếu tố quyết định trong lý thuyết Lylle là tuổi của Trái đất. Thời Darwin, nhiều người tin rằng khoảng 6.000 năm đã trôi qua kể từ khi Chúa sáng tạo thế giới. Con số đó là kết quả của việc đếm các thế hệ từ Adam và Eve." "Ngây thơ thật!" "À, biết rồi thì bao giờ chả thông thái hơn. Darwin tính toán tuổi của Trái Đất vào khoảng 300 triệu năm. Bởi vì ít nhất có một điều rất rõ rằng: cả lý thuyết phát triển địa chất của Lylle lẫn thuyết tiến hoá của Darwin đều không có chút đúng đắn nào trừ khi người ta tính đến những khoảng thời gian rất rất dài." "Trái đất bao nhiêu tuổi rồi ạ?" "Ngày nay, ta biết rằng tuổi của Trái Đất là khoảng 4-6 tỷ năm." "Ôi chao!" "Đến đây, ta đã nói đến một trong các luận cứ cho thuyết tiến hoá của Darwin, đó là các lớp hoá thạch nằm trong nhiều tầng đá. Luận cứ thứ hai là phân bố địa lý của các loài vật sống. Đó là nơi mà cuộc hành trình khoa học của Darwin có thể đóng góp những dữ kiện mới mẻ và cực kỳ dễ hiểu. Ông đã tận mắt thấy rằng những cá thể thuộc cùng một giống loài  và sống trong cùng một khu vực có thể khác nhau ở những chi tiết nhỏ nhặt. Ông đã thực hiện một số quan sát rất thú vị, đặc biệt là tại quần đảo Galapagos và miền tây Ecuador." "Thầy kể đi." "Galapagos là một quần đảo dày đặc gồm các đảo núi lửa. Do đó, không có những điểm khác biệt lớn trong quần thể động vật ở đây. Tuy nhiên, Darwin quan tâm đến những khác biệt rất nhỏ. Trên tất cả các hòn đảo, ông gặp những con rùa khổng lồ, mà rùa ở đảo này hơi khác với rùa trên đảo khác. Chẳng lẽ Chúa Trời đã tạo từng loại rùa riêng cho từng hòn đảo một?" "Khó tin lắm!" "Những quan sát của Darwin về chim chóc trên quần đảo Galapagos còn đáng chú ý hơn nữa. Các loài sẽ ở các đảo khác nhau thuộc Galapagos khác nhau rõ rệt, nhất là dáng mỏ. Darwin chỉ ra rằng sự đa dạng này có quan hệ chặt chẽ với cách chim sẻ tìm thức ăn trên các hòn đảo khác nhau. Những con sẻ đất mỏ ngắn sống bằng hạt thông, chim chích ăn sâu bọ, còn sẻ cây ăn mối từ vỏ và thân cây... Mỗi loài chim có hình dáng mỏ thích nghi một cách tuyệt đối với loại thức ăn của chúng. Phải chăng những loài sẻ này đã bắt nguồn từ cùng một loài? Và thời gian trôi qua, những con chim sẻ đã thích nghi với môi trường trên các hòn đảo khác nhau và đã tiến hóa thành những loài sẻ mới." "Và đấy là kết luận của Darwin ạ?" "Đúng vậy. Và có lẽ quần đảo Galapagos là nơi mà Darwin đã trở thành một 'người theo thuyết Darwin'. Ông còn quan sát thấy rằng hệ động vật ở đó rất giống với nhiều loài ông đã gặp ở Nam Mỹ. Chúa đã tạo ra tất cả những con vật hơi khác nhau chút xíu này một lần cho mãi mãi hay một sự tiến hóa đã xảy ra? Ông bắt đầu ngày càng nghi ngờ về tính bất biến của mọi loài. Nhưng ông vẫn chưa có một lời giải thích đủ thuyết phục về quá trình tiến hóa đó đã xảy ra như thế nào. Nhưng còn một yếu tố cho thấy mọi loài động vật trên thế giới có thể có họ hàng với nhau." "Đó là cái gì ạ?" "Sự phát triển của bào thai thú có túi. Nếu em so sánh phôi thai của chó, dơi, thỏ và người ở thời kỳ đầu, chúng trông giống nhau đến mức khó có thể phân biệt được. Em không thể phân biệt được một phôi thai người và một phôi thai thỏ cho đến tận giai đoạn cuối. Điều đó có cho thấy chúng ta có họ hàng xa không?" "Nhưng ông ấy vẫn chưa giải thích được sự tiến hóa đã xảy ra như thế nào." "Ông luôn suy nghĩ về lý thuyết của Lyell về những thay đổi nhỏ có thể tạo một hiệu ứng lớn sau một khoảng thời gian dài. Nhưng ông không thể tìm được một cách giải thích nào có thể áp dụng như một nguyên lý tổng quát. Ông quen thuộc với học thuyết của Lamarck - nhà động vật học người Pháp, người đã cho thấy những loài vật khác nhau đã phát triển những đặc tính mà chúng cần. Chẳng hạn, hươu cao cổ đã phát triển cái cổ dài, vì trong nhiều thế hệ chúng đã vươn cổ để với tới lá cây trên cao. Lamarck tin rằng những đặc tính mà mỗi cá thể đạt được bằng cố gắng của riêng mình được truyền cho thế hệ sau. Nhưng Darwin phủ nhận học thuyết về sự di truyền các 'tính trạng đạt được' này, vì Lamarck đã không có chứng minh gì cho tuyên bố táo bạo này. Tuy nhiên, Darwin theo đuổi một hương suy nghĩ khác rành mạch hơn nhiều. Em hầu như có thể nói rằng cơ chế thực sự của quá trình tiến hóa của các loài vật nằm ngay trước mũi của ông." "Đó là gì ạ?" "Tôi muốn em tự tìm ra cơ chế này. Tôi có câu hỏi này: Em có ba con bò sữa, nhưng chỉ đủ cỏ khô để nuôi hai con. Em sẽ làm gì?" "Chắc là em sẽ phải giết thịt một con." "Được rồi... em sẽ giết con nào?" "Chắc em sẽ giết con cho ít sữa nhất." "Chắc chứ?" "Vâng, điều đó rất hợp lý mà." "Đó chính là điều mà hàng nghìn năm nay con người đã làm. Nhưng ta vẫn chưa xong việc với hai con bò của em. Giả sử em muốn một trong hai con bò đẻ con. Em sẽ chọn con nào?" "Con nào có nhiều sữa nhất. Thế thì con của nó sau này có thể cũng là một con bò cho nhiều sữa." "Em quả là thích bò nhiều sữa. Giờ còn một câu hỏi nữa. Em là một người thợ săn có hai con chó săn. Nhưng em phải bỏ một trong hai con, em sẽ giữ lại con nào?" "Dĩ nhiên là con nào giỏi hơn trong công việc tìm loại mồi săn mà em muốn." "Cũng vậy, em sẽ giữ lại con chó săn tốt hơn. Đó chính là cách mà con người đã gây giống vật nuôi trong suốt hơn mười nghìn năm nay. Sophie à. Chẳng phải từ xưa gà mái đã đẻ năm trứng một tuần, cừu đã cho nhiều len, con ngựa đã mạnh mẽ và chạy nhanh như bây giờ. Những người nhân giống đã thực hiện một sự chọn lọc nhân tạo. Chuyện tương tự cũng xảy ra đối với thế giới của các loài rau quả. Người ta không trồng khoai tây chất lượng kém nếu có hạt giống của những loại khoai ngon. Và người ta cũng không tốn thời gian gặt lúc mì nếu nó không có hạt. Darwin chỉ ra rằng không có hai con bò, hai bông lúa, hai con chó hay hai con sẻ nào hoàn toàn giống nhau. Chắc em đã tự mình chứng kiến điều đó khi em uống nước từ chai xanh." "Ui, vâng!" "Vậy là Darwin phải tự hỏi: Liệu trong thiên nhiên có một cơ chế tương tự? Liệu có khả năng thiên nhiên thực hiện một 'sự chọn lọc tự nhiên' để quyết định xem những cá thể nào sẽ sống sót? Và sau một thời gian dài, sự chọn lọc như thế có thể tạo ra những loài động thực vật mới hay không? "Em đoán câu trả lời là Có." "Darwin vẫn chưa thể hình dung rõ ràng một sự chọn lọc tự nhiên như thế có thể xảy ra bằng cách nào. Nhưng vào tháng Mười năm 1838, đúng hai năm kể từ khi trở về từ tàu Beagle, ông tình cờ bắt gặp một cuốn sách nhỏ của Thomas Malthus, một chuyên gia về dân số. Cuốn sách nhỏ có tựa đề Luận về nguyên lý dân số. Malthus đã lấy ý tưởng cho bài luận này từ Benjamin Franklin, một người Mỹ đã phát minh ra cột thu lôi và nhiều thứ khác. Franklin đã chỉ ra rằng nếu không có những yếu tố hạn chế trong thiên nhiên thì một loài thực vật hoặc động vật  duy nhất sẽ phát triển tràn ngập toàn bộ địa cầu. Nhưng vì có nhiều loài, nên chúng kìm giữ nhau trong trạng thái cân bằng." "Em có thể hiểu được điều đó." "Mathus đã phát triển ý tưởng này và áp dụng cho dân số, ông tin rằng một số lớn sẽ phải chết trong cuộc đấu tranh sinh tồn. Do đó, số sống sót để trưởng thành và duy trì nòi giống sẽ là những ai tỏ ra trội hơn trong cuộc đấu tranh sinh tồn." "Nghe có vẻ hợp lý." "Và đây chính là cơ chế thống nhất mà Darwin đã tìm kiếm bấy lâu. Đây chính là lời giải thích về sự tiến hoá đã xảy ra như thế nào. Đó là do sự chọn lọc tự nhiên trong cuộc đấu tranh sinh tồn, trong đó những cá thể nào thích nghi tốt nhất với môi trường xung quanh sẽ sống sót và duy trì nòi giống. Đây là học thuyết thứ hai ông đưa ra trong cuốn Nguồn gốc của các Loài. Ông viết: Voi được coi là loài sinh trưởng chậm nhất trong các loài vật đã được biết đến."Nhưng nếu chúng đẻ sáu con và sống đến 100 tuổi, thì 'sau một khoảng thời gian từ 740 đến 750 năm, sẽ có gần 19 triệu con voi sinh sống mà chúng là con cháu của đôi voi đầu tiên." "Khỏi phải nói đến cả ngàn trứng cá tuyết mà một con cá mẹ đẻ ra." "Darwin còn đi xa hơn nữa khi nói rằng cuộc đấu tranh sinh tồn thường cam go nhất giữa các loài giống nhau nhất. Chúng phải giành giật cùng một loại thức ăn. Do đó, giữa những biến dị cực nhỏ, lợi thế dù nhỏ nhất cũng thực sự dành được vị thế của mình. Cuộc đấu tranh sinh tồn ngày càng gay gắt, quá trình tiến hoá cho loài mới sẽ diễn ra càng nhanh, để chỉ những kẻ thích nghi nhất sống sót và phần còn lại chết dần." "Thức ăn càng ít, bầy đàn càng đông, thì tiến hoá càng nhanh ạ?" "Đúng vậy. Nhưng thức ăn không phải là vấn đề duy nhất. Việc tránh bị các con thú khác ăn thịt cũng quan trọng không kém. Ví dụ, để sống sót cần có một tài nguỵ trang tốt, khả năng chạy nhanh, khả năng nhận ra kẻ thù hoặc một mùi vị kinh khủng khi cùng đường. Một chất độc có thể giết chết con thú ăn thịt cũng rất có ích. Đó là lý do tại sao có nhiều loại xương rồng độc đến vậy, Sophie ạ. Gần như không có thứ gì khác có thể mọc trong sa mạc, nên loại cây này đặc biệt dễ bị động vật ăn thực vật tấn công." "Xương rồng còn lắm gai nữa." "Dễ thấy rằng khả năng sinh sản cũng có tầm quan trọng sống còn. Darwin nghiên cứu sự thụ phận khéo léo của thực vật đến từng chi tiết nhỏ. Hoa phô bày những màu sắc rực rỡ và toả ra hương thơm quyến rũ để thu hút các loại côn trùng giúp thụ phấn. Để duy trì nòi giống, chim chóc hót lên những giai điệu du dương. Một con bò đực lầm lì sầu muộn không quan tâm đến bò cái sẽ chẳng nằm trong mối quan tâm của ngành gia phả học. Vì với những đặc tính như vậy, dòng giống của nó sẽ lụi tàn ngay. Mục đích sống duy nhất của con bò đực là lớn đến độ trưởng thành về sinh dục rồi sinh sản để duy trì nòi giống. Đó gần như một cuộc chạy tiếp sức. Những cá thể mà vì lý do này hay lý do khác không thể truyền lại gen của mình liên tục bị loại bỏ. Khả năng kháng bệnh là một trong những đặc tính quan trọng nhất liên tục được tích luỹ và bảo tồn trong những biến thể sống sót." "Vậy là mọi vật ngày càng tốt lên?" "Kết quả của quá trình chọn lọc không ngừng này là những cá thể thích nghi tốt nhất với môi trường sinh thái nào đó sẽ duy trì được nòi giống lâu dài trong môi trường cụ thể đó. Nhưng cái là lợi thế trong môi trường này không nhất thiết là lợi thế trong một môi trường khác. Đối với một số loài sẻ ở Galapagos, khả năng bay có vai trò sống còn. Nhưng không cần bay giỏi đến thế nếu phải đào thức ăn dưới đất và không có thú săn mồi đe doạ. Qua thời gian, số loài vật khác nhau sẽ phát sinh nhiều đến vậy chính là do trong môi trường tự nhiên có nhiều môi trường sinh thái con." "Nhưng lại chỉ có một loài người." "Đó là vì con người có khả năng thích nghi độc nhất vô nhị đối với các điều kiện sống khác nhau. Một trong những điều làm Darwin ngạc nhiên nhất là cách những người da đỏ ở Tierra del Fuego đã sống được trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả mọi người đều giống nhau. Những người sống gần xích đạo có màu da sẫm hơn những người sống ở những vùn phía bắc, vì màu da xám bảo vệ họ trước ánh nắng mặt trời. Người da trắng ở dưới nắng trong thời gian dài dễ bị ung thư da." "Có phải nếu sống ở phương Bắc thì da trắng cũng là một lợi thế tương tự không ạ?" "Có chứ, nếu không thì trên thế giới này da ai cũng xẫm màu cả. Da trắng dễ tạo các vitamin từ ánh nắng hơn, và điều đó có thể rất quan trọng với những vùng ít ánh sáng. Ngày nay, điều đó không quan trọng đến thế vì ta có thể có đủ vitamin cần thiết nhờ chế độ ăn uống. Nhưng trong tự nhiên chẳng có gì là ngẫu nhiên. Mọi thứ đều là do những thay đổ cực nhỏ đã tạo được hiệu ứng qua vô số thế hệ." "Thật tuyệt khi hình dung những điều này." "Quả vậy. Giờ thì ta có thể tóm tắt thuyết tiến hoá của Darwin bằng mấy câu sau." "Thầy nói đi." "Ta có thể nói rằng 'nguyên liệu' của quá trình tiến hoá của sự sống trên Trái Đất là sự biến đổi liên tục của các cá thể trong một loài cộng với một số lượng hậu duệ lớn, nghĩa là chỉ có một phần trong số chúng sống sót. Do vậy, cơ chế thực sự, hay sức mạnh điều khiển đằng sau quá trình tiến hoá là sự chọn lọc tự nhiên trong cuộc đấu tranh sinh tồn. Sự chọn lọc này đảm bảo rằng cá thể mạnh nhất hay 'thích nghi nhất' sẽ sống sót." "Nghe logic như một phép toán vậy. Thế cuốn Nguồn gốc của các Loài đã được tiếp nhận như thế nào ạ?" "Nó là nguyên nhân của những cuộc tranh luận gay gắt. Nhà thờ kịch liệt phản đối và giới khoa học bị chia rẽ. Điều này không đáng ngạc nhiên lắm. Dù sao thì Darwin cũng đã đẩy Chúa Trời ra xa khỏi sự sáng tạo thế giới, tuy phải thừa nhận rằng có một số người đã cho rằng tạo ra cái gì đó có tiềm năng tiến hoá bẩm sinh rõ ràng vĩ đại hơn là chỉ tạo ra một thực thể bất biến." Sophie bỗng bật dậy. "Nhìn kìa!" cô kêu lên. Cô chỉ ra ngoài cửa sổ. Dưới mép hồ có một người đàn ông và một người đàn bà đang đi, tay trong tay. Họ hoàn toàn không có lấy môt mảnh vải che thân. "Đó là Adam và Eva," Alberto nói. "Họ đã bị ép vào cùng hội cùng thuyền với Cô bé Đội Mũ Đỏ và Alice ở Xứ sở Kỳ diệu. Vậy nên họ xuất hiện ở đây." Sophie ra cửa sổ nhìn, nhưng hai người đã nhanh chóng đi khuất sau những thân cây. "Bởi vì Darwin tin rằng loài người bắt nguồn từ động vật ạ?" "Năm 1871, Darwin xuất bản cuốn Nguồn gốc của loài người, trong đó ông thu hút sự chú ý tới những điểm tương đồng lớn giữa con người và các loài vật, ông đề xuất học thuyết rằng người và vượn người đã từng tiến hoá từ cùng một tổ tiên. Vào thời đó, những chiếc sọ hoá thạch đầu tiên của một giống người đã tuyệt chủng đã được tìm thấy, đầu tiên ở vùng núi Gibranta và vài năm sau tại vùng Neanderthal thuộc nước Đức. Kỳ lạ là năm 1871 lại có ít phản đối hơn năm 1859 - khi Darwin xuất bản Nguồn gốc của các Loài. Cuốn sách đầu tiên đã ngầm ý về nguồn gốc con người từ động vật. Và như tôi đã nói, khi Darwin qua đời vào năm 1882, ông đã được chôn cất với tất cả những nghi thức dành cho người đã đi tiên phong trong khoa học." "Vậy cuối cùng ông cũng tìm thấy vinh dự và sự trọng vọng." "Đúng vậy. Nhưng trước đó, ông đã từng bị coi là kẻ nguy hiểm nhất nước Anh." "Ôi trời đất!" "Một quý bà thượng lưu đã viết rằng: 'Hy vọng điều đó không đúng, còn nếu nó đúng, hy vọng rằng nó không được biết đến một cách rộng rãi.' Một nhà khoa học danh tiếng đã biểu lộ một suy nghĩ tương tự: 'Một khám phá đáng xấu hổ, người ta nói về nó càng ít càng tốt." "Đó gần như là bằng chứng rằng con người có họ với đà điểu!" "Nhận xét hay đấy! Nhưng ta thì dễ nói hơn rồi. Còn mọi người thời đó bỗng dưng phải xem lại toàn bộ cách hiểu kinh Sáng thế. Nhà văn trẻ John Ruskin đã thể hiện trạng thái đó như thế này: 'Giá mà các nhà địa chất để cho tôi yên. Cứ mỗi một câu trong Kinh thánh, tôi lại nghe thấy những nhát búa của họ." "Và những nhát búa là nghi ngờ của ông ta về những lời của Chúa?" "Có lẽ đó là điều ông ta muốn nói. Bởi không chỉ nghĩa đen của câu chuyện về sự sáng tạo bị lung lay. Đểm cốt yếu trong học thuyết Darwin là những biến dị hòan toàn ngẫu nhiên cuối cùng đã tạo nên Con Người. Và còn gì nữa, Darwin đã biến Con Người thành một sản phẩm của một thứ vô cảm như cuộc đấu tranh sinh tồn." "Darwin có nói gì về chuyện những biến dị ngẫu nhiên đó đã nảy sinh bằng cách nào không ạ?" "Em vừa chạm vào điểm yếu nhất trong học thuyết của ông. Darwin chỉ có một ý tưởng cực kỳ mờ nhạt về di truyền. Có cái gì đó đã xảy ra khi lai giống. Một cặp cá thể cha và mẹ không bao giờ cho ra hai đứa con giống hệt nhau. Luôn có một chút khác biệt. Mặt khác, khó có thể tạo ra cái gì thực sự mới mẻ bằng cách đó. Hơn nữa, có những loài động vật và thực vật sinh sản bằng lối nảy chồi hoặc phân bào đơn giản. Về câu hỏi các biến dị, đã nảy sinh bằng cách nào, học thuyết của Darwin đã được bổ sung bởi cái gọi là học thuyết Darwin mới" "Đó là gì ạ?" "Về cặn bản mọi sự sống và sự sinh sản là quá trình phân chia tế bào. Khi một tế bào phân đôi, hai tế bào giống hệt được tạo ra với các yếu tố di truyền y hệt tế bào ban đầu. Như vậy, ta nói rằng, khi phân bào, một tế bào sao chép chính mình." "Rồi sao nữa ạ?" "Đôi khi, những lỗi cực nhỏ xảy ra trong quá trình phân bào, do đó tế bào thu được sau sao chép không hoàn toàn giống tế bào mẹ. Theo thuật ngữ của sinh học hiện đại, đây là một sự đột biến. Các đột biến hoặc là hoàn toàn không có ý nghĩa gì hoặc có thể dẫn tới những thay đổi thể hiện trong hành vi của cá thể. Chúng có thể lập tức có hại, những 'cá thể đột biến' này sẽ liên tục bị loại ra khỏi những lứa đông cá thể. Trong thực tế, nhiều căn bệnh có nguyên nhân từ sự đột biến. Nhưng đôi khi một đột biến có thể đem lại cho cá thể một tính trạng tốt hơn bình thường, cần thiết để tự vệ trong cuộc đấu tranh sinh tồn." "Chẳng hạn một cái cổ dài hơn ạ?" "Lamarck giải thích hươu cao cổ có cổ dài là do chúng đã luôn phải vươn lên cao. Nhưng theo Darwin, những tính trạng đạt được như vậy không thể truyền từ đời này sang đời khác. Darwin tin rằng cái cổ dài của hươu cao cổ là kết quả của một biến dị. Học thuyết Darwin mới đã bổ sung cho quan niệm đó bằng cách chỉ ra một nguyên nhân cho chính sự biến dị cụ thể đó." "Đột biến ạ?" "Đúng vậy, những biến đổi hoàn toàn ngẫu nhiên của các yếu tố di truyền đã đem lại cái cổ hơi dài hơn bình thường cho một trong các tổ tiên của hươu cao cổ. Khi lượng thức ăn không nhiều, đây là một lợi thế sống còn. Con hươu cao cổ nào với được cao nhất lên ngọn cây sẽ xoay sở được tốt nhất. Ta cũng có thể tưởng tượng rằng một số 'hươu cao cổ nguyên thủy' đã phát triển được khả năng đào thức ăn dưới đất. Sau một khoảng thời gian rất dài, một loài thú tuyệt chủng từ lâu có thể đã chia thành hai loài. Ta có thể lấy một số ví dụ gần đây về diễn biến của sự chọn lọc tự nhiên." "Vâng, thầy nói đi ạ." "Ở nước Anh có một loài bướm hồ tiêu chuyên sống trên thân cây bạch dương. Hồi thế kỷ XVIII, phần lớn bướm hồ tiêu có màu xám bạc. Em có đoán được vì sao không?" "Để chim chóc khó nhìn thấy chúng." "Đúng vậy, vì trong môi trường đó, nơi thân cây bạch dương có màu bạc, màu xẫm hơn là một đặc tính không thuận lợi. Do vậy, những con bướm màu sáng hơn luôn là loại có số lượng tăng. Nhưng rồi trong môi trường đó đã có một điều xảy ra. Ở một số vùng, những thân cây màu bạc bị đen đi vì muội công nghiệp. Theo em, khi đó chuyện gì đã xảy ra đối với những con bướm hồ tiêu?" "Những con xám xẫm hơn sẽ sống sót tốt hơn." "Đúng thế, chẳng bao lâu, số lượng chúng đã tăng lên. Từ năm 1848 đến năm 1948, ở một số vùng, tỷ lệ bướm hồ tiêu màu xẫm đã tăng từ 1% lên 99%. Môi trường đã thay đổi và màu sáng không còn là một lợi thế. Ngược lại, những con bướm trắng thua cuộc cứ lảng vảng đến gần thân cây là bị chim chóc loại trừ. Nhưng rồi, một chuyện quan trọng lại xảy ra. Than ít được sử dụng hơn, các thiết bị lọc tốt hơn tại các nhà máy gần đây đã tạo ra một môi trường sạch hơn." "Vậy là bây giờ bạch dương lại có màu trắng bạc?" "Và do đó bướm hồ tiêu đang trong quá trình quay lại với màu bạc. Đó là cái mà ta gọi là sự thích nghi. Đó là một quy luật tự nhiên." "Vâng, em hiểu rồi." "Còn có rất nhiều ví dụ về sự can thiệp của con người vào môi trường tự nhiên." "Chẳng hạn?" "Ví dụ, người ta đã cố tiêu diệt sâu phá hoại bằng nhiều loại thuốc trừ sâu. Ban đầu, điều này cho kết quả tuyệt vời. Nhưng khi phun thuốc trừ sâu lên một cánh đồng hay một vườn cây ăn quả, thực chất ta đã gây ra một thảm họa môi trường nhỏ đối với những con sâu bọ mà ta muốn diệt. Do những đột biến liên tục, một loài sâu bệnh mới có sức đề kháng với loại thuốc trừ sâu đó sẽ phát triển. Giờ thì những 'kẻ chiến thắng' đó mặc sức hoành hành. Vậy là trận chiến chống lại một số loại sâu bệnh ngày càng trở nên khó khăn hơn, mà lý do lại chính là cố gắng diệt trừ chúng của con người. Rõ ràng, những biến thể có sức đề kháng tốt nhất là những cá thể sống sót." "Đáng sợ thật!" "Đó đúng là một điều đáng suy nghĩ. Ta cũng đang cố gắng chống lại những con vi khuẩn ăn bám trong cơ thể chúng ta." "Ta dùng penicilin hay các loại thuốc kháng sinh khác." "Đúng vậy, và penicilin cũng là một loại thảm họa môi trường đối với những con quỷ tí hon. Tuy nhiên, khi tiếp tục dùng penicilin, ta đang làm một số con vi khuẩn cá khả năng đề kháng, và do đó tạo ra một nhóm vi khuẩn khó chống lại hơn trước. Ta thấy rằng phải sử dụng loại thuốc kháng sinh mạnh hơn và mạnh hơn nữa, cho đến khi..." "Cho tới khi chúng bò ra từ miệng ta? Có lẽ ta bắt đầu dùng súng để bắn chúng chăng?" "Như thế thì hơi cường điệu quá. Nhưng rõ ràng y học hiện đại đã tạo ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan rất nghiêm trọng. Vấn đề không chỉ ở chỗ một con vi khuẩn đã trở nên hiểm độc hơn. Thời xưa, có nhiều trẻ em chết vì nhiều loại bệnh tật. Đôi khi, chỉ có thiểu số sống sót. Còn ngày nay, theo một nghĩa nào đó, sự chọn lọc tự nhiên đã bị miễn nhiệm bởi y học hiện đại. Về lâu dài, cái đã giúp một cá thể qua khỏi căn bệnh nặng có thể góp phần làm yếu đi sức đề kháng của cả lòai người đối với một số căn bệnh nhất định. Nếu chúng ta không quan tâm gì đến cái gọi là vệ sinh di truyền, ta có thể sẽ nhìn thấy mình đối mặt với sự suy thoái của loài người. Tiềm năng kháng bệnh mà loài người được thừa kế sẽ bị yếu đi." "Viễn cảnh thật đáng sợ!" "Nhưng một nhà triết học thực thụ không được tránh việc chỉ ra cái gì đó 'đáng sợ' nếu ông ta tin rằng nó là đúng. Ta hãy thử tổng kết thêm lần nữa." "Vâng." "Em có thể nói rằng sự sống là một trò xổ số lớn, trong đó ta chỉ có thể nhìn thấy được những con số trúng giải." "Thầy nói thế nghĩa là thế nào?" "Những kẻ thất bại trong cuộc đấu tranh sinh tồn đã biến mất, em thấy đấy. Cần nhiều triệu năm để chọn ra được những con số thắng cuộc cho mỗi loài thực vật hoặc động vật trên Trái Đất. Còn những con số thua cuộc thì chỉ hiện ra một lần. Do vậy, không có một loài động vật nào hiện đang tồn tại mà lại không phải là những con số thắng cuộc trong trò xổ số vĩ đại của sự sống." "Bởi vì chỉ có những gì tốt nhất mới sống sót." "Đúng vậy, đó là một cách diễn đạt khác. Còn bây giờ, phiền em đưa cho tôi bức tranh mà ông bạn - hay ông già trông vườn thú đó - đã mang cho chúng ta..." Sophie đưa bức tranh cho Alberto. Một mặt tranh vẽ chiếc thuyền của Noah, mặt kia là một sơ đồ hình cây gồm rất nhiều loại động vật. Đó là mặt tranh mà Alberto đang cho Sophie xem. "Ông Noah ủng hộ Darwin nay còn mang tới một bản sơ đồ phân loại nhiều loài động vật. Em có thể thấy các loài khác nhau thuộc về các nhóm, các lớp và các giới sinh vật khác nhau." "Vâng." "Cùng với các loài khỉ, con người thuộc về cái gọi là động vật linh trưởng. Linh trưởng là động vật có vú, và động vật có vú thì thuộc về động vật có xương sống. Đến lượt động vật có xương sống lại thuộc về động vật đa bào." "Nghe cứ như là Aritotle." "Đúng thế. Nhưng sơ đồ này không chỉ minh họa phân bố của các động vật ngày nay. Nó còn nói về lịch sử tiến hóa. Chẳng hạn, em có thể thấy rằng, tại một thời điểm nào đó, các loài chim đã tách ra khỏi các loài bò sát, bò sát tách khỏi lớp lưỡng cư, và lưỡng cư tách khỏi các loài cá." "Vâng, rất rõ ràng." "Mỗi khi một đường phân đôi là do sự đột biến đã tạo ra một loài mới. Nhờ đó, qua thời gian, các lớp và các phân giới động vật khác nhau xuất hiện. Thực ra, ngày nay trên thế giới có hơn một triệu lòai động vật, và một triệu này chỉ là một phần của các loài đã từng có mặt trên Trái Đất. Ví dụ, nhóm động vật bọ biển ba thùy đã tiệt chủng." "Còn ở dưới đây là những sinh vật đơn bào." "Một vài trong số đó có thể không thay đổi gì trong hai tỷ năm nay. Em có thể thấy đường nối từ các sinh vật đơn bào lên các loài thực vật. Bởi vì rất có thể cây cỏ và động vật đã bắt nguồn từ cùng một tế bào nguyên thủy." "Vâng, nhưng có một điều làm em khó hiểu." "Điều gì?" "Cái tế bào nguyên thủy đó từ đâu ra? Darwin có trả lời được câu hỏi đó không ạ?" "Tôi đã nói rằng ông ta là một con người rất cẩn trọng. Nhưng đối với câu hỏi đó, ông ta đã tự cho phép mình đề xuất cái mà người ta có thể gọi là một phỏng đoán có trọng lượng. Ông viết rằng: Nếu ta có thể hình dung một cái hồ nóng lực, trong đó có đủ loại muối amoniac và phosphoric, ánh sáng, nhiệt độ, điện... và tại đó, một hợp chất protein đã được tạo ra bằng các phản ứng hóa học và sẵn sàng qua nhiều biến đổi phức tạp hơn nữa..." "Rồi sao nữa ạ?" "Cái mà Darwin suy đoán ở đây là tế bào sống đầu tiên có thể đã được tạo ra từ các chất vô cơ bằng cách nào. Một lần nữa, ông đã nện búa trúng vào đầu đinh. Các nhà khoa học ngày nay cho rằng dạng sống nguyên thủy của đá nảy sinh từ chính cái "hồ nhỏ nóng rực" mà Darwin đã hình dung." "Thầy nói tiếp đi ạ." "Thế là đủ rồi, ta sẽ kết thúc chuyện Darwin ở đây. Chúng ta sẽ nhảy đến những phát kiến mới nhất về nguồn gốc của sự sống trên Trái Đất." "Em thấy hơi đáng ngại. Liệu có ai thực sự biết sự sống đã bắt đầu như thế nào không ạ?" "Có thể là không. Nhưng ngày càng có nhiều mẫu nhỏ của câu đố xếp hình rơi vào đúng chỗ để tạo nên bức tranh miêu tả sự việc đó." "Thế ạ?" "Trước hết, ta hãy khẳng định rằng mọi sự sống trên Trái Đất cả động vật và thực vật - đều được cấu tạo 'từ chất mà trong một môi trường dinh dưỡng có khả năng tự phân chia thành hai phần giống hệt. Quá trình này được chỉ huy bởi một chất gọi là DNA. Khi nói tới DNA, ta muốn nói đến các nhiễm sắc thể, hay các cấu trúc di truyền được tìm thấy trong mọi tế bào sống. Ta còn dùng thuật ngữ phân tử DNA, vì thực ra DNA là một phân tử phức tạp, hay một đại phân tử. Vậy thì câu hỏi đặt ra là phân tử DNA đầu tiên hình thành như thế nào." "Vâng?" "Trái Đất được tạo khi Hệ Mặt Trời bắt đầu thành hình vào khoảng 4-6 tỷ năm trước. Nó bắt đầu là một khối rực cháy rồi nguội dần. Đây là nơi mà các nhà khoa học tin rằng sự sống bắt đầu vào khoảng giữa ba hay bốn tỷ năm trước." "Nghe không thể tin được!" "Đừng vội nói vậy trước khi em nghe hết phần còn lại. Trước hết, hồi đó hành tinh của chúng ta khá là khác với bây giờ. Do chưa có sự sống nên chưa có oxy trong khí quyển. Khí oxy tự do được sinh ra đầu tiên là do sự quang hợp của cây cỏ. Và sự không có oxy là rất quan trọng. Rất khó có khả năng các tế bào sống - mà nó sẽ tạo DNA - có thể sinh ra trong một bầu khí quyển có oxy." "Tại sao ạ?" "Vì oxy rất dễ phản ứng. Phân tử DNA chưa kịp được tạo thành thì các thành phần của DNA đã bị oxy hóa từ lâu." "À." "Thế cho nên ta biết chắc chắn rằng ngày nay không có thêm sự sống mới nào. Thậm chí ngay cả một con vi khuẩn hay virus. Mọi dạng sống trên Trái Đất phải có cùng tuổi. Một con voi cũng có cây gia phả dài chẳng khác gia phả của con vi khuẩn nhỏ nhất. Em gần như có thể nói rằng một con voi - hay một con người - trên thực tế là một quần thể đơn nhất gắn kết các sinh vật đơn bào. Vì mỗi tế bào trong cơ thể chúng ta đều mang cùng một vật liệu di truyền. Toàn bộ công thức pha chế một con người nằm ẩn trong mỗi tế bào nhỏ xíu." "Đó là một ý nghĩ kỳ quặc." "Một trong những điều huyền bí vĩ đại của sự sống đó là các tế bào của động vật đa bào có khả năng chuyên môn hóa chức năng của chúng, vì không phải tất cả các tính trạng di truyền khác nhau đếu có hiệu lực trong mọi tế bào. Một số tính trạng - hoặc gen - 'được kích hoạt' các gen khác ở trạng thái 'bị vô hiệu hóa'. Một tế bào gan không tạo ra các protein cùng loại với những gì các tế bào thần kinh hay tế bào đa bào tạo ra. Nhưng cả ba loại tế bào này có phân tử DNA giống hệt nhau, đây là nơi chứa đựng công thức chế tạo cho toàn bộ cơ thể. "Do trong khí quyển không có oxy, không có tầng ozone bảo vệ bao quanh Trái Đất. Nghĩa là không có gì ngăn cản các tia phóng xạ từ vũ trụ. Điều này cũng có ý nghĩa lớn vì các tia vũ trụ này có thể đã có công trong việc tạo ra phân tử phức tạp ban đầu. Các bức xạ vũ trụ này đã là năng lượng thực sự làm các chất hóa học khác nhau bắt đầu kết hợp với nhau thành một đại phân tử phức tạp." "Vâng." "Để tôi tóm tắt lại: Trước khi có thể hình thành các phân tử phức tạp cấu tạo nên mọi cơ thể sống, phải có ít nhất hai điều kiện: không có oxy trong khí quyển và bức xạ vũ trụ xuống được mặt đất." "Em hiểu rồi!" "Trong cái 'hố nhỏ nóng lực' này, một đại phân tử cực kỳ phức tạp đã từng được hình thành. Phân tử này có khả năng kỳ diệu: tự phân đôi thành hai phần giống hệt nhau. Vậy là quá trình tiến hóa dài đằng đẵng bắt đầu, Sophie ạ. Nếu đơn giản hóa đi một chút, ta có thể nói rằng chúng ta đang bàn về vật liệu di truyền đầu tiên, DNA đầu tiên hay tế bào sống đầu tiên. Nó liên tục tự phân chia, nhưng ngay từ giai đoạn đầu tiên đột biến đã xảy ra. Sau một khoảng thời gian dài, một trong những cơ thể đơn bào này đã kết hợp với thực vật cũng bắt đầu, và bằng cách này khí quyển cho phép sự tiến hóa của các loài vật có thể thở bằng phổi. Thứ hai, khí quyển bảo vệ sự sống khỏi các bực xạ vũ trụ có hại. Thật kỳ lạ, chính những tia vũ trụ mà trước đó có thể đã là một tia lửa sống còn trong sự tạo hình của tế bào đầu tiên lại có hại cho mọi dạng sống." "Nhưng khí quyển không thể được hình thành chỉ trong một đêm. Những dạng sống đầu tiên làm thế nào để sống sót được ạ?" "Sự sống bắt nguồn trong những 'đại dương' nguyên thủy. Ở đó, nó có thể được bảo vệ khỏi các tia có hại. Đến tận gần đây, khi sự sống trong các đại dương đã tạo được bầu khí quyển, những động vật lưỡng cư đầu tiên mới bò lên đất liền. Phần còn lại là những gì chúng ta đã nói đến. Và bây giờ chúng ta ngồi đây tại một ngôi nhà nhỏ trong rừng, nhìn lại cả một quá trình đã xảy ra trong ba bốn tỷ năm. Và trong chúng ta, quá trình dài đằng đẳng này cuối cùng đã bắt đầu nhận thức được chính mình." "Nhưng thầy vẫn không cho rằng mọi chuyện đã xảy ra khá là ngẫu nhiên?" "Tôi chưa bao giờ nói vậy. Bức tranh trên tấm bảng này cho thấy sự tiến hóa đã có một định hướng. Suốt dọc thời gian, các loài động vật đã tiến hóa về phía các hệ thống thần kinh ngày càng phức tạp và bộ não ngày càng lớn. Cá nhân tôi không nghĩ rằng chuyện đó chỉ là ngẫu nhiên. Thế còn em?" "Không thể có chuyện đôi mắt con người đã được tạo ra thuần túy nhờ may rủi. Thầy có cho là có ý nghĩa nào đó về khả năng nhìn thế giới xung quanh của chúng ta không ạ?" "Thật buồn cười, sự phát triển của đôi mắt cũng làm Darwin bối rối. Ông không thể thực sự chấp nhận rằng một thứ tinh tế và nhạy cảm như con mắt có thể hoàn toàn do chọn lọc tự nhiên mà có." Sophie ngồi nhìn Alberto. Cô nghĩ thật đặc biệt rằng cô đang sống, và rằng cô chỉ sống đúng một lần này và sẽ không bao giờ trở lại. Cô chợt thốt lên: Để làm gì, đời nhọc nhằn sáng tạo vĩnh hằng Chẳng mấy nỗi đời tàn trong quên lãng Alberto cau mày. "Em không được nói như vậy, bé ạ. Đó là những lời của Quỷ." "Quỷ ạ?" "Hay là nhân vật Mephistophelles - trong vở kịch Faust của Goethe. 'Was soll uns denn das ew'ge Schaffen! Geschaffenes zu nichts hinwegzuraffen!" "Nhưng chính xác là những lời đó ý nói gì ạ?" "Khi Faust chết và nhìn lại cuộc đời mình, ông ta nói một cách đắc thắng" Thời khắc này đây ta muốn được nói ra: Từ từ đã, người sao đẹp quá! Dấu vết những tháng ngày ta sống trên trần thế Không thể nào mờ nhạt bởi thời gian Tiện cảm tới, ta ngập tràn hạnh phúc. Phút giây cao đẹp nhất là đây. "Nghe thơ thật." "Nhưng sau đó đến lượt Quỷ. Khi Faust vừa chết, hắn thốt lên" Xong! một từ ngốc nghếch. Sao lại xong? Xong và hư không, hoàn toàn đơn điệu! Để làm gì, đời nhọc nhằn sáng tạo vĩnh hằng Chẳng mấy nỗi đời tàn trong quên lãng Ta hiểu gì khi nói "thế là xong?" Xong như thể chưa bao giờ tồn tại; Trong cái vòng luẩn quanh, nó như thế đã hiện tồn nơi ấy. Nên ta quí yêu sự Trống rỗng Vĩnh hằng. "Bi quan quá! Em thích đoạn trước hơn. Ngay cả khi cuộc sống của ông ta kết thúc. Faust đã thấy được ý nghĩa nào đó của những gì ông sẽ để lại." "Và chẳng phải đó cũng là một hệ quả của học thuyết Darwin rằng ta là một phần của một cái gì đó bao trùm tất cả mà trong đó mỗi sự sống li ti đều có ý nghĩa của nó trong bức tranh lớn hay sao?  Ta là hành tinh sống, Sophie à. Ta là một con tàu lớn đi trong vũ trụ quanh mặt trời rực cháy. Nhưng mỗi chúng ta là một con tàu nhỏ chở gen căng buồm đi suốt cuộc đời. Khi ta đưa hàng an toàn đến bến tiếp theo, ta đã sống không vô ích. Thomas Hardy đã thể hiện tư tưởng đó trong bài thơ 'Những Biến đổi của ông: Một phần của cây thủy tùng này Là của một người đàn ông cụ tổ tôi quen Nảy nở dưới gốc cây, Cành nhánh này có thể là vợ anh ta, Một đời người tươi đỏ Nay thành một chồi xanh. Lá cỏ này hẳn đã được tạo Từ cô ấy người thế kỷ trước Thường nguyện cầu được sự thảnh thơi Và nàng con gái dạo xưa Người tôi cố làm quen Chắc đã nhập vào bông hồng này. Vậy họ không ở dưới sâu Mà tim óc ở đâu đây Ở trong dòng khí bay lên Họ cảm nhận nắng mưa Và năng lượng Đã từng tạo nên họ." "Hay quá!" "Nhưng ta sẽ dừng ở đây. Tôi chỉ cần nói: Chương tiếp theo!" "Ôi! Thầy ngừng cái trò châm chọc đó đi có được không!" "Chương tiếp theo! Tôi đã nói rằng lời tôi sẽ là mệnh lệnh."

FREUD ...xung năng vị kỷ đáng ghét đã từng nổi lên trong cô... Hilde Moller Knag ôm chiếc cặp giấy to sụ nhảy ra khỏi giường. Cô quẳng nó lên bàn đánh rầm, vơ đám quần áo, và lao vào phòng tắm. Cô đứng dưới vòi hoa sen trong hai phút, nhanh chóng mặc quần áo, rồi chạy xuống nhà. "Bữa sáng đã sẵn sàng rồi, Hilde!" "Con phải đi chèo thuyền một lúc đã." "Nhưng Hilde...!" Cô ào ra khỏi nhà, chạy xuống vườn, ra cầu tàu. Cô tháo chiếc thuyền và nhảy lên. Cô vung những nhịp chèo ngắn nóng nảy đưa thuyền đi loanh quanh trong vịnh cho đến khi bình tĩnh lại. "Ta là hành tinh sống, Sophie à. Ta là một con tàu lớn đi trong vũ trụ quanh mặt trời rực cháy. Nhưng mỗi chúng ta là một con  tàu nhỏ chở gen căng buồm đi suốt cuộc đời. Khi ta đưa hàng an toàn đến bến tiếp theo, ta đã sống không vô ích..." Cô đã thuộc lòng đoạn đó. Nó đã được viết cho cô. Không phải cho Sophie mà là cho cô. Từng từ trong tập giấy đều là Bố đã viết cho Hilde. Cô tựa mái chèo vào cọc và kéo về phía mình. Con thuyền lắc nhẹ trên mặt nước, những gợn sóng vỗ nhẹ nhàng vào mũi thuyền. Và như một con thuyền trôi trên mặt vịnh ở Lillesand, cô cũng chỉ là một mảnh vỏ hạt nhỏ trôi trên bề mặt của sự sống. Sophie và Alberto ở đâu trong bức tranh này? Đúng vậy, Sophie và Alberto ở đâu? Cô không thể hình dung được rằng họ chỉ là những "xung điện từ" trong bộ não của bố cô, và chắc chắn không thể chấp nhận rằng họ chỉ là giấy và mực từ một giải ruy-băng trong cái máy chữ xách tay của bố. Người ta cũng có thể nói rằng chính cô cũng chẳng là gì ngoài một khối hợp chất protein mà một ngày nào đó đã bất ngờ sống dậy từ trong một cái hồ nhỏ nóng rực. Nhưng cô không chỉ là vậy. Cô là Hilde Moller Knag. Cô phải công nhận rằng câu chuyện trong tập giấy là một món quà tuyệt vời, và bố đã chạm đến cốt lõi của cái gì đó trong cô. Nhưng cô không thích cách ông đối xử với Sophie và Alberto. Nhất định cô sẽ cho ông một bài học, thậm chí từ trước khi ông về đến nhà. Cô cảm thấy đó là nghĩa vụ của cô đối với Sophie và Alberto. Sophie đã có thể hình dung cảnh bố cô tại sân bay Kastrup ở Copenhagen. Cô có thể thấy ông chạy quanh như điên. Hilde đã gần như trở lại bình thường. Cô chèo thuyền về cầu tàu, cẩn thận buộc thuyền thật chặt. Sau bữa sáng, cô ngồi bên bàn cùng mẹ khá lâu. Thật dễ chịu khi có thể nói về những chuyện thường ngày như món trứng tráng có vẻ hơi mềm quá. Đến tận tối cô mới bắt đầu đọc tiếp. Không còn nhiều trang nữa. Lại có tiếng gõ cửa. "Ta hãy bịt tai lại," Alberto nói, "và có thể họ sẽ bỏ đi." "Không em muốn xem đó là ai." Alberto theo cô ra cửa. Một người đàn ông trần truồng đang đứng trên bậc cửa. ông ta có dáng điệu rất trịnh trọng, nhưng cái duy nhất trên người ông là một cái vương miện trên đầu. "Thế nào?" người đàn ông hỏi. "Các ngươi nghĩ như thế nào về bộ trang phục mới của Hoàng đế?" Sophie và Alberto đứng chết lặng. Điều đó làm cho người đàn ông kinh ngạc. "Hả? Các ngươi còn không chịu cúi chào!" Ông kêu lên. "Quả vậy." Alberto nói. "Nhưng hoàng đế trần như nhộng." Người đàn ông trần truồng vẫn giữ dáng điệu trịnh trọng. Alberto cúi xuống thì thầm vào tai Sophie. "Ông ta nghĩ ông ấy là người đáng kính trọng." Thấy vậy, người đàn ông tỏ vẻ cáu kỉnh: "Một sự kiểm duyệt nào đó đang được thực thi tại dinh cơ này chăng?" "Rất tiếc là như vậy." Alberto trả lời. "Ở đây, chúng tôi đều có đầu óc tỉnh táo sáng suốt. Do vậy Hoàng đế không thể bước qua cái cửa này trong tình trạng đáng xấu hổ của ngài." Sophie thấy thái độ vênh váo của người đàn ông lố bịch đến mức cô phá lên cười. Như thể tiếng cười của cô là một dấu hiệu đã được tính trước. Người đàn ông đội vương miện bỗng nhận ra mình đang trần truồng. Lấy hai tay che chỗ kín, ông ta nhảy đến bụi cây gần nhất và biến mất, chắc để nhập bọn với Adam và Eve, ông già Noah, cô bé Đội Mũ Đỏ và Gấu Pooh. Sophie và Alberto vẫn đứng cười. Cuối cùng, Alberto nói, "Ta nên vào trong thì hơn. Tôi sẽ kể cho em về Freud và học thuyết của ông về vô thức." Hai người quay vào ngồi bên cửa sổ. Sophie nhìn đồng hồ và nói: "Đã hai rưỡi rồi, em còn rất nhiều việc phải làm trước buổi tiệc ngoài vườn." "Tôi cũng vậy. Chúng ta sẽ chỉ nói chút ít về Sigmund Freud." "Ông ấy có phải một nhà triết học không ạ?" "Ít nhất thì ta cũng có thể coi ông là một nhà triết học văn hóa. Freud sinh năm 1856 và ông học ngành Y tại Đại học Tổng hợp Vienna. Ông sống phần lớn cuộc đời mình tại Vienna, khi đời sống văn hóa của thành phố đó đang thời hưng thịnh. Ông đã sớm lấy chuyên môn là khoa thần kinh. Trong thời kỳ từ cuối thế kỷ trước đến sau trong thế kỷ của chúng ta, ông đã phát triển ngành 'tâm lý học sâu' hay phân tâm học." "Thầy sẽ giải thích chứ ạ?" "Ngành phân tâm học mô tả tâm thức con người nói chung và liệu pháp điều trị các rối loạn thần kinh và tâm thần. Tôi không định cho em một bức tranh hoàn chỉnh về con người Freud hay nghiên cứu của ông. Nhưng học thuyết của ông về vô thức là rất cần thiết cho việc hiểu một con người." "Thầy làm em tò mò quá! Thầy nói tiếp đi." "Freud khẳng định rằng có một mối căng thẳng không đổi giữa một con người và môi trường xung quanh. Cụ thể là một mối căng thẳng - hay sự xung đột - giữa xung năng và nhu cầu của anh ta với đòi hỏi của xã hội. Không phải quá lời khi nói rằng Freud đã phát hiện ra các xung năng của con người. Điều đó làm ông trở thành một người tiêu biểu quan trọng cho xu hướng tự nhiên chủ nghĩa - xu hướng nổi bật về cuối thế kỷ XIX." "Xung năng của con người là gì ạ?" "Hành động của chúng ta không phải lúc nào cũng được lý tính chỉ huy. Con người không thực sự là một sinh vật lý tính như các nhà duy lý thế kỷ XVIII đã nghĩ. Những xung năng phi lý thường quyết định ta nghĩ gì, mơ gì và làm gì. Những xung năng phi lý dó có thể là thể hiện của các bản năng hay nhu cầu cơ bản. Ví dụ, xung năng tình dục của con người cũng cơ bản như bản năng bú của trẻ sơ sinh." "Vâng?" "Bản thân điều này không phải một phát hiện mới. Nhưng Freud đã chỉ ra rằng những nhu cầu cơ bản này có thể bị ngụy trang hoặc bị 'chế ngự', và bằng cách đó lái hành động của chúng ta mà ta không biết. Ông còn cho rằng trẻ nhỏ cũng có một dạng tính dục nào đó. Tầng lớp trung lưu đáng kính ở Vienna đã phản ứng với đề xuất 'tính dục của trẻ nhỏ' với một sự ghê tởm và làm cho ông trở nên rất không được ngưỡng mộ." "Em không ngạc nhiên gì." "Ta gọi đó là chủ nghĩa Victoria khi tất cả những gì liên quan đến tính dục đều là điều cấm kỵ. Freud bắt đầu nhận ra bản năng giới tính của trẻ nhỏ khi ông điều trị bằng liệu pháp mà ta có thể gọi là sự khảo cổ tâm hồn." "Nghĩa là gì ạ?" "Một nhà khảo cổ học tìm kiếm dấu vết của quá khứ xa xôi bằng cách đào các tầng văn hóa. Anh ta có thể tìm thấy một con dao từ thế kỷ XVIII. Sâu hơn dưới lòng đất, anh ta có thể tìm thấy một cái lược từ thế kỷ XIV, và sâu hơn nữa có thể là một cái bình từ thế kỷ XV trước Công nguyên." "Vâng?" "Tương tự, với sự giúp đỡ của bệnh nhân, một nhà phân tâm học có thể đào sâu trong tâm thực người bệnh và đem ra ánh sáng những trải nghiệm đã gây ra rối loạn tâm lý cho bệnh nhân. Vì theo Freud, chúng ta lưu trữ ký ức về mọi trải nghiệm ở sâu trong chúng ta." "À ra vậy." "Nhà phân tâm học có thể sẽ tìm ra những kỷ niệm không vui mà người bệnh đã cố đè nén trong nhiều năm. Những cái tuy đã được chôn sâu nhưng lại gặm mòn người bệnh. Bằng cách đưa một 'chấn thương tinh thần' ra trước ý thức hay là giương nó lên trước mặt người bệnh, ông ta có thể giúp người bệnh 'hết nợ với nó' và khỏe trở lại." "Hợp lý ra phết." "Nhưng tôi đang nhảy hơi xa quá. Trước hết, ta hãy xem miêu tả của Freud về tâm thức con người. Em đã bao giờ thấy một em bé mới sinh chưa?" "Em có một đứa em họ bốn tuổi." "Khi ta chào đời, ta sống với các nhu cầu thể xác và tinh thần một cách khá trực tiệp và không biết xấu hổ là gì. Nếu ta muốn bú sữa, ta khóc, và có thể ta khóc vì cái tã ướt. Ta cũng thể hiện trực tiếp mong muốn về sự tiếp xúc và hơi ấm cơ thể. Freud gọi 'nguyên tác khoái lạc' này trong ta là cái ấy, hay là xung động bản năng. Khi còn là trẻ con, ta hầu như chẳng là gì ngoài cái ấy." "Thầy nói tiếp đi ạ." "Ta mang theo xung động bản năng hay nguyên tắc khoái lạc đến tuổi trưởng thành và suốt cả cuộc đời. Nhưng dần dần, ta học cách điều hòa những mong muốn của ta và điều chỉnh cho thích hợp với môi trường xung quanh. Ta học cách điều chỉnh nguyên tắc khoái lạc trong mối quan hệ với 'nguyên tắc thực tại'. Theo thuật ngữ của Freud, ta phát triển một cái tôi với chức năng điều chỉnh này. Cho dù ta muốn hoặc cần cái gì, ta không thể cứ nằm lăn ra ăn vạ cho đến khi ta được cái mình muốn. "Rõ rồi." "Có thể ta khao khát một điều gì đó mà thế giới bên ngoài sẽ không chấp nhận. Ta có thể kìm nén những ham muốn của mình. Có nghĩa là ta cố gắng đẩy chúng ra xa và cố quên chúng." "Em hiểu." "Tuy nhiên, Freud đề xuất và nghiên cứu về một yếu tố thứ ba trong tâm thức con người. Từ khi sinh ra, chúng ta liên tục đối mặt với những yêu cầu về đạo đức của bố mẹ và xã hội. Khi ta làm điều gì sai, bố mẹ bảo: "Không được làm thế!" hoặc "Hư quá! Làm vậy là xấu!" Ngay cả khi đã lớn, ta vẫn giữ tiếng vọng của những yêu cầu và đánh giá về đạo đức đó. Có vẻ như sự kỳ vọng của xã hội về đạo đức đã trở thành một phần của bản thân ta. Freud gọi đây là cái siêu tôi." "Có phải đó là một cái tên khác của lương tâm không ạ?" "Lương tâm là một thành phần của cái siêu tôi. Nhưng Freud khẳng định rằng cái siêu tôi cho ta biết khi nào những ham muốn của ta là 'xấu' hoặc 'không thích hợp', nhất là trong trường hợp các ham muốn về tình dục. Và như tôi đã nói, Freud khẳng định rằng những ham muốn 'không thích hợp' này đã tự thể hiện từ thời thơ ấu." "Như thế nào ạ?" "Ngày nay, ta biết rằng trẻ em thích nghịch các cơ quan sinh dục của mình. Ta có thể quan sát điều này trên bất cứ bãi biển nào. Thời Freud, hành vi này có thể dẫn tới một cái tét vào tay đứa bé hai hoặc ba tuổi, có thể kèm theo câu mắng của người mẹ: 'Hư!' hay 'Không được làm thế!' hoặc 'Để tay ra ngoài chăn!'" "Bệnh hoạn thật!" "Đó là khởi đầu của những cảm giác tội lỗi về tất cả những gì liên quan đến các cơ quan sinh dục và tính dục. Vì cảm giác tội lỗi này ở lại trong cái siêu tôi nên nhiều người - theo Freud là đa số người - suốt đời cảm thấy tội lỗi về tình dục. Cũng lúc đó, ông chỉ ra rằng các ham muốn và nhu cầu tình dục là tự nhiên và sống còn đối với con người. Và do đó, Sophie thân mến, vũ đài đã được dọn sẵn cho sự xung đột suốt đời giữa ham muốn và tội lỗi." "Thầy có cho rằng xung đột này đã giảm rất nhiều kể từ thời của Freud không ạ?" "Chắc chắn là như vậy. Nhưng nhiều bệnh nhân của Freud đã phải trải qua những xung khắc sâu sắc đến mức họ phát triển cái mà Freud gọi là chúng rối loạn thần kinh chức năng. Ví dụ, một trong nhiều bệnh nhân nữ của ông đã thầm yêu người anh rể. Khi người chị ốm chết, cô nghĩ: 'Bây giờ anh ấy đã được tự do để lấy mình'. Freud nói rằng ý nghĩ này xung đột trực diện với cái siêu tôi của cô và nó là một ý tưởng gớm ghiếc đến mức cô nén nó lại ngay lập tức. Nói cách khác, cô ta chôn nó sâu trong vô thức. Freud viết: 'Cô gái ốm yếu và  biểu hiện những triệu chứng kích động trầm trọng. Khi tôi bắt đầu điều trị cho cô, có vẻ như cô ấy đã hoàn toàn quên cảnh bên giường của người chị và quên xung năng vị kỷ đáng ghét đã từng nổi lên trong cô. Nhưng trong quá trình phân tích, cô ấy đã nhớ lại. Và trong một trạng thái xúc động mạnh, cô đã diễn tả lại khoảnh khắc gây bệnh và đã được chữa khỏi nhờ điều trị này." "Bây giờ thì em hiểu hơn về ý nghĩa của khảo cổ tâm hồn." "Vậy ta có thể miêu tả tổng quan về tâm lý con người. Sau nhiều năm kinh nghiệm điều trị bệnh nhân, Freud đi đến kết luận rằng ý thức chỉ chiếm một phần nhỏ của tâm thức con người. Ý thức giống như phần nổi trên mặt nước của tảng băng trôi. Dưới mặt biển - hay bên dưới giới hạn của ý thức - là 'tiềm thức' hay vô thức." "Không phải lúc nào mọi kỷ niệm cũng hiện diện trong ý thức của ta. Còn những gì ta đã nghĩ đến, đã trải nghiệm và ta có thể nhớ lại mỗi khi ta 'cố nhớ', Freud gọi là tiền ý thức. Ông dành riêng từ vô thức cho những gì ta đã đè nén. Đó là những gì ta cố quên vì nó 'không vui' hoặc 'không đúng đắn' hoặc 'xấu xa'. Nếu ta có những ham muốn và khao khát mà ý thức không thể chấp nhận được, cái siêu tôi sẽ đẩy chúng xuống vực. Biến!" "Em hiểu rồi." "Cơ chế này áp dụng cho tất cả mọi người khỏe mạnh. Nhưng đối với một số người, việc che giấu một vết nhơ trầm trọng khỏi ý thức có thể căng thẳng ghê gớm đến mức nó dẫn đến bệnh thần kinh. Bất cứ cái gì bị kìm nén theo kiểu này sẽ cố tìm cách tự quay lại ý thức. Một số người cần những nỗ lực rất lớn dễ giữ những xung năng này trong tầm kiểm soát của con mắt khó tính của ý thức. Năm 1909, khi Freud giảng bài ở Mỹ về phân tâm học, ông đã đưa ra một ví dụ về hoạt động của cơ chế kìm nén này." "Em rất muốn nghe." "Ông nói: 'Giả sử tại hội trường này, giữa các vị thính giả mà tôi không thể khen ngợi đủ về sự yên lặng và tập trung chú ý mẫu mực, có một người gây rắc rối bằng cách cười nói thiếu ý thức hay lê dép quèn quẹt làm tôi mất tập trung vào nhiệm vụ của mình. Tôi sẽ giải thích rằng tôi không thể tiếp tục bài giảng của mình trong điều kiện như vậy. Do vậy, một số quý ông mạnh mẽ trong các vị đứng dậy và tống cổ kẻ phá rối trật tự ra khỏi hội trường sau một cuộc vật lộn ngắn ngủi. Giờ thì anh ta đã bị kìm nén và tôi có thể tiếp tục bài giảng của mình. Nhưng để sự quấy rối không lặp lại, đề phòng trường hợp người đàn ông vừa bị quẳng ra ngoài dùng sức mạnh để vào trong lần nữa, các quý ông làm theo gợi ý của tôi và mang ghế ra cửa để ngồi trấn vị trí đó như là một cản trở để tiếp tục sự kìm nén. Bây giờ, nếu các vị chuyển đổi hai địa điểm sang tâm thần học, gọi phần bên trong hội trường là ý thức còn bên ngoài hội trường là vô thức, ta sẽ có một minh họa khá rõ về quá trình kìm nén.'" "Vâng, đúng vậy." "Nhưng kẻ quấy rối cứ nhất định đòi vào. Ít nhất thì đó là chuyện xảy ra đối với các suy nghĩ và nhu cầu bị kìm nén. Ta sống dưới áp lực không ngừng của những suy nghĩ bị kìm nén đang cố đấu tranh tìm cách nổi lên từ trong vô thức. Điều đó giải thích tại sao ta thường nói hoặc làm những điều ta không chủ định. Như vậy các phản ứng vô thức xui khiến các cảm xúc và hành động của ta." "Thầy có thể ví dụ không ạ?" "Freud đã nghiên cứu một số cơ chế. Ông gọi một trong số đó là parapraxis - sự buột miệng hoặc lỡ bút. Nói cách khác, ta vô tình nói hoặc làm những điều mà ta đã từng cố kìm nén. Freud lấy ví dụ về một anh thợ cả, anh ta phải nâng cốc chúc mừng ông chủ. Rắc rối là ở chỗ mọi người rất không ưa ông chủ này. Nói đơn giản, người ta có thể gọi ông ta là đồ con lợn." "Rồi sao nữa ạ?" "Anh thợ cả đứng dậy, nâng cốc và nói: 'Chúc mừng đồ con lợn!'" "Em thật không biết nói thế nào bây giờ!" "Anh thợ cả cũng vậy. Thực ra anh ta chỉ nói những gì anh ta nghĩ. Nhưng anh ta không định nói như vậy. Em có muốn nghe một ví dụ khác không?" "Có ạ." "Một vị giám mục đến uống trà với một mục sự địa phương, ông này có một gia đình lớn với chín cô con gái ngoan. Vị giám mục chẳng may có một cái mũi quá khổ. Các cô bé đã được dặn dò rất cẩn thận rằng không được đả động đến cái mũi của vị giám mục vì bất cứ lý do gì, vì trẻ con thường bật ra những nhận xét về người khác do cơ chế kìm nén của chúng chưa phát triển đầy đủ. Vị giám mục đến, và các cô bé vui tính kiềm chế hết mức để không bình luận gì về cái mũi của ông ta. Các cô thậm chí cố không nhìn nó và cố quên nó. Nhưng các cô lại luôn luôn nghĩ về nó. Và rồi một cô bé được đề nghị chuyển lọ đường. Cô nhìn vị giám mục thượng khách và nói, 'Cha dùng đường bằng mũi chứ ạ?'" "Tệ thật!" "Một điều khác chúng ta có thể làm đó là hợp lý hóa. Nghĩa là, ta không đưa ra lý do thực sự của những việc ta làm, ta giấu người khác và giấu ngay cả chính mình, vì các lý do thực sự đó không chấp nhận được." "Thí dụ?" "Tôi có thể thôi miên để em mở cửa sổ. Trong khi em đang bị thôi miên, tôi nói rằng khi nào tôi bắt đầu gõ gõ ngón tay lên bàn thì em sẽ đứng dậy và ra mở cửa sổ. Tôi gõ gõ ngón tay lên bàn và em ra mở cửa sổ. Sau đó, tôi hỏi em tại sao mở cửa sổ, và có thể em sẽ nói rằng em làm vậy vì nóng quá. Nhưng đó không phải lý do thực sự. Em không sẵn lòng tự thừa nhận rằng mình đã làm gì đó theo mệnh lệnh thôi miên của tôi. Cho nên, em hợp lý hóa nó." "Vâng." "Hầu như ngày nào chúng ta cũng gặp những chuyện tương tự." "Em có một đứa em họ bốn tuổi. Hình như thằng bé không có nhiều bạn cùng chơi, nên nó rất vui mỗi khi em đến thăm. Một hôm, em bảo rằng em phải vội về nhà với mẹ. Thầy có biết thằng bé nói gì không?" "Bé nói gì?" "Nó nói: 'Mẹ chị ngớ ngẩn lắm!'" "Đó chắc chắn là một tình huống hợp lý hóa. Cậu bé không có ý như vậy. Cậu có ý: thật ngớ ngẩn khi em phải về, nhưng cậu bé nhát quá nên không dám nói vậy. Một điều nữa mà chúng ta hay làm, đó là sự phóng chiếu." "Thế là thế nào ạ?" "Khi ta phóng chiếu, ta chuyển những tính cách của chính mình mà ta đang cố kìm nén sang cho người khác. Chẳng hạn, một kẻ keo kiệt sẽ thấy đặc trưng của người khác là sự bủn xỉn. Còn người nào không thừa nhận mình lúc nào cũng nghĩ đến tình dục có thể là người đầu tiên nổi giận trước tình trạng ám ảnh tình dục của người khác." "Hừm." "Freud cho rằng cuộc sống hàng ngày của chúng ta đầy những cơ chế vô thức như vậy. Ta quên tên một người nào đó, ta lóng ngóng xoắn áo khi đang nói hay ta dời chỗ những đồ vật có vẻ như ngẫu nhiên trong phòng. Ta còn nói lộn, buột mồm hay lỡ bút một cách có vẻ như hoàn toàn ngây thơ vô tội. Quan điểm của Freud là những chuyện chẳng may này không ngẫu nhiên hay ngây thơ vô tội như ta tưởng. Thực ra, những hành động lộn xộn này có thể để lộ những điều bí mật sâu kín nhất." "Từ giờ, em sẽ để ý cẩn thận từng lời em nói." "Ngay cả nếu em làm như thế, em cũng không thể thoát khỏi những xung năng vô thức của mình được. Nghệ thuật chính là ở chỗ không tiêu tốn quá nhiều công sức để che giấu những điều không hay trong vô thức. Nó giống như cố gắng lấp lối vào hang chuột chũi. Em có thể chắc chắn rằng con chuột sẽ chui ra từ một chỗ khác trong khu vườn. Thực ra, mở hé cánh cửa giữa ý thức và vô thức có lợi cho sức khỏe." "Nếu khóa cánh cửa đó, ta có thể bị thần kinh, đúng không ạ?" "Đúng vậy. Người bị rối loạn thần kinh chức năng chính là một người như vậy, họ dùng quá nhiều năng lượng để đẩy 'những điều không hay' ra khỏi ý thức. Thường thì có một trải nghiệm nào đó mà người ta cố gắng một cách tuyệt vọng để kìm nén. Tuy nhiên, anh ta có thể mong muốn được bác sĩ giúp mình tìm đường quay lại với sự kiện đau buồn đang giấu mặt." "Freud cho rằng ta phải phân biệt giữa giấc mơ thực mà ta nhớ lại mỗi buổi sang và ý nghĩa thực sự của giấc mơ đó. Ông gọi những hình ảnh của giấc mơ thực, nghĩa là cuốn phim hay video mà ta mơ, là giấc mơ nội dung. Nội dung rõ ràng này của giấc mơ luôn lấy chất liệu và kịch bản từ những sự kiện xảy ra ngày hôm trước. Nhưng giấc mơ còn chứa một ý nghĩa sâu hơn được che giấu khỏi ý thức. Freud gọi đây là các ý tưởng tiềm tàng của giấc mơ, và những ý tưởng giấu mặt này, hay nói cách khác là chủ đề thực sự của giấc mơ, có thể bắt nguồn từ quá khứ xa xôi, chẳng hạn từ thời còn nhỏ xíu." "Vậy là ta phải phân tích giấc mơ trước khi ta có thể hiểu được nó ạ?" "Đúng, và đối với bệnh thần kinh, việc này phải được thực hiện với một nhà trị liệu. Nhưng không phải bác sĩ là người giải thích giấc mơ. Ông ta chỉ có thể làm được với sự giúp đỡ của bệnh nhân. Trong trường hợp này, bác sĩ chỉ thực hiện chức năng của một 'bà đỡ' Socrates: giúp đỡ trong quá trình giải thích." "À." "Freud gọi quá trình chuyển đổi từ những ý tưởng tiềm tàng thành giấc mơ nội dung là công việc mơ. Ta có thể gọi đó là sự 'trá hình' hoặc 'mã hóa' nội dung thực sự của giấc mơ. Khi giải nghĩa giấc mơ, ta phải đi qua quá trình ngược lại và gỡ bỏ mặt nạ hay giải mã để đến được chủ đề thực của nó." "Thầy lấy ví dụ đi ạ." "Sách của Freud đầy ví dụ. Nhưng ta có thể tự xây dựng một ví dụ đơn giản mà rất Freud. Giả sử có một anh thanh niên mơ thấy cô em họ tặng mình hai quả bóng..." "Rồi sao nữa ạ?" "Em thử tự giải nghĩa giấc mơ đó xem nào." "Hừm, có một giấc mơ nội dung, như thầy nói: có một anh thanh niên mơ thấy cô em họ tặng mình hai quả bóng bay." "Tiếp đi." "Thầy nói rằng kịch bản luôn bắt nguồn từ ngày hôm trước. Vậy là ngày hôm trước anh ta đã đến hội chợ - hoặc đã nhìn thấy hình bóng bay trên báo." "Có thể. Nhưng anh ta chỉ cần nhìn thấy từ 'bóng bay' hoặc cái gì đó gợi cho anh ta nghĩ đến bóng bay." "Nhưng các ý tưởng tiềm tàng là gì?" "Em là người giải nghĩa." "Có khi anh ta chỉ muốn có một cặp bóng bay." "Không ổn đâu. Em đúng ở điểm giấc mơ là sự hiện thực hóa một ước muốn. Nhưng một thanh niên khó có thể thực sự muốn có một cặp bóng bay. Còn nếu anh ta muốn thật, thì anh ta cũng chẳng cần phải mơ về chuyện đó." "Em nghĩ ra rồi: thực ra anh ta muốn có cô em họ, và cặp bóng bay là bộ ngực của cô ấy." "Được đấy, cách giải thích đó có khả năng đúng cao hơn nhiều. Và nó ám chỉ rằng anh ta cảm thấy ngượng về ước muốn của mình." "Trong chừng mực nào đó, các giấc mơ của chúng ta đi lòng vòng khá nhiều." "Đúng vậy. Freud tin rằng giấc mơ là 'sự thỏa mãn trá hình của một ước muốn bị kìm nén'. Nhưng từ thời Freud là một bác sĩ ở thành Vienna đến nay, danh mục những gì chúng ta kìm nén có thể đã thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, cơ chế của nội dung mơ trá hình có thể vẫn nguyên như trước." "Vâng, em hiểu." "Phân tâm học của Freud có ý nghĩa cực kỳ quan trọng những năm 1920, đặc biệt trong việc điều trị một số bệnh nhân tâm thần. Học thuyết vô thức của ông còn có ý nghĩa rất lớn đối với văn học và nghệ thuật." "Các nghệ sĩ trở nên quan tâm đến cuộc sống tinh thần trong vô thức của con người ạ?" "Chính xác. Tuy điều này đã trở thành một khía cạnh nổi bật của văn học từ thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XIX, nghĩa là trước khi phân tâm học của Freud được biết đến. Điều đó cho thấy sự xuất hiện của phân tâm học của Freud vào thời điểm cụ thể đó - những năm 1890 - không phải là tình cờ." "Ý thầy muốn nói đó là tinh thần của thời đại?" "Chính Freud đã không tự nhận mình là người tìm ra những hiện tượng như sự kìm nén, các cơ chế phòng vệ hay sự hợp lý hóa. Ông chỉ là người đầu tiên áp dụng các kinh nghiệm này của con người vào ngành tâm thần học. Ông còn là bậc thầy trong việc minh họa các lý thuyết của mình bằng các ví dụ có tính văn học. Nhưng như tôi đã nói, những năm 1920, phân tâm học của Freud có ảnh hưởng trực tiếp hơn đối với văn học và nghệ thuật." "Ảnh hưởng theo nghĩa nào ạ?" "Các nhà thơ và họa sĩ, đặc biệt là các nghệ sĩ trường phải siêu thực đã khai thác năng lực vô thức trong các tác phẩm của mình." "Trường phái siêu thực là gì ạ?" "Từ chủ nghĩa siêu thực (surrealism) bắt nguồn từ Pháp. Năm 1924, André Breton xuất bản một 'Tuyên ngôn của chủ nghĩa siêu thực'. Trong đó, ông cho rằng nghệ thuật phải xuất phát từ vô thức. Do đó, người nghệ sĩ nên tìm kiếm những nguồn cảm hứng tự do nhất có thể được từ những hình ảnh mình mơ thấy và hướng về cái 'siêu thực', trong đó những ranh giới giữa mơ và thực bị hòa tan. Đối với người nghệ sĩ, sự kiểm duyệt của ý thức cũng cần bị phá vỡ để cho ngôn từ và hình ảnh được tự do bay bổng." "Vâng, em có thể hiểu được điều đó." "Theo một nghĩa nào đó, Freud đã cho thấy có một nghệ sĩ bên trong mỗi người. Xét cho cùng thì mỗi giấc mơ là một tác phẩm nghệ thuật nhỏ, và đêm nào cũng có những giấc mơ mới. Để giải nghĩa được các giấc mơ của bệnh nhân, Freud phải tìm đường đi giữa một ngôn ngữ đậm đặc ký hiệu, không như cách ta giải thích một bức tranh hay một đoạn văn." "Đêm nào ta cũng mơ ạ?" "Các nghiên cứu gần đây cho thấy thời gian mơ chiếm khoảng 20% thời gian giấc ngủ của ta, nghĩa là khoảng từ một đến hai tiếng mỗi đêm. Nếu bị quấy rối khi ta đang mơ, ta sẽ trở nên căng thẳng và dễ cáu. Điều đó có nghĩa rằng mỗi chúng ta bẩm sinh đều có một nhu cầu diễn đạt sự hiện tồn của mình bằng nghệ thuật. Dù sao thì các giấc mơ của ta cũng về chính ta. Chúng ta là đạo diễn, ta dựng kịch bản, và đóng tất cả các vai. Người nào nói rằng mình không hiểu nghệ thuật, người đó không hiểu bản thân cho lắm." "Vâng." "Freud còn đưa ra những bằng chứng rất ấn tượng về những điều kỳ diệu của tâm thức con người. Quá trình làm việc với bệnh nhân đã thuyết phục ông rằng ta giữ lại tất cả những gì ta từng nhìn thấy và trải nghiệm ở đâu đó sâu trong ý thức, và tất cả những ấn tượng này có thể được đưa ra ánh sáng trở lại. Khi ta bị quên mất điều gì, rồi lát sau mang máng nhớ ra, rồi lát sau nữa chợt nhớ ra, ta đang nói về một điều từ trong vô thức bất chợt trượt qua cánh cửa hé mở để sang ý thức." "Nhưng đôi khi nó cần khá nhiều thời gian." "Nghệ sĩ nào cũng hiểu điều đó. Nhưng rồi bỗng chốc như thể mọi cánh cửa đều bật mở. Mọi thứ tự nó lộn xộn ùa đến, và ta có thể tìm thấy mọi từ ngữ và hình ảnh ta cần. Đó là khi ta đã 'mở nắp' đậy vô thức. Ta có thể gọi đó là cảm hứng, Sophie ạ. Cảm giác như thể những gì ta đang viết hoặc vẽ đang đến từ một nguồn nào đó bên ngoài." "Chắc đó phải là một cảm giác tuyệt vời." "Em chắc đã trải qua cảm giác đó rồi. Em có thể thường xuyên quan sát được hiệu quả của cảm hứng đối với trẻ em khi chúng quá mệt. Đôi khi chúng kiệt sức đến mức chúng có vẻ tỉnh như sáo. Rồi bỗng dưng chúng bắt đầu kể một câu chuyện như thể đang tìm thấy những từ ngữ chưa bao giờ học. Tuy nhiên, chúng đã học rồi; chẳng qua những từ ngữ và ý tưởng này đã nằm ẩn sâu trong ý thức. Và bây giờ, khi mọi sự kiểm duyệt và cẩn trọng đã bị thả rơi, chúng nổi lên bề mặt. Có một điều cũng rất quan trọng đối với người nghệ sĩ, đó là không được để lý tính và sự phân tích điều khiển một sự biểu đạt mà nó ít nhiều thuộc về vô thức. Em có muốn nghe một câu chuyện nhỏ để minh họa không?" "Có ạ." "Đây là một câu chuyện nghiêm túc và là một câu chuyện buồn." "Cũng được ạ." "Ngày xưa, có một con rết có tài nhảy siêu hạng với hàng trăm cái chân của nó. Mỗi khi con rết nhảy, mọi loài trong rừng tự tập để chiêm ngưỡng và con nào cũng thán phục điệu nhảy tuyệt vời. Nhưng có một con vật không thích xem điệu nhảy của rết, đó là một con rùa." "Chắc đó chỉ là ghen tị." "Ta phải làm thế nào để rết không nhảy nữa? Con rùa nghĩ. Nó không thể chỉ nói rằng nó không thích điệu nhảy. Nó cũng không thể nói rằng nó nhảy giỏi hơn, điều đó hiển nhiên là sai. Thế là nó nghĩ ra một kế hoạch ma mãnh." "Như thế nào ạ?" "Nó viết thư bức thư cho rết. 'Hỡi cô Rết có một không hai,' con rùa viết, 'tôi là một kẻ cực kỳ hâm mộ điệu nhảy tuyệt vời của cô. Tôi rất muốn biết cô nhảy như thế nào. Có phải cô nhấc chân trái thứ 28 lên, rồi đến chân phải thứ 39 không ạ? Hay cô nhấc chân phải thứ 17 lên trước khi nhấc chân trái số 44? Tôi nín thở mong chờ phúc đáp của cô. Kính thư, Rùa.'" "Đểu thật!" "Khi con rết đọc thư, nó lập tức bắt đầu nghĩ xem thực ra mình nhảy như thế nào, chân nào nhấc lên trước, tiếp theo là chân nào... Theo em thì câu chuyện kết thúc như thế nào?" "Con rết không bao giờ nhảy nữa ạ?" "Chính xác là như vậy. Và đó cũng là chuyện xảy ra khi trí tưởng tượng bị chẹt cổ bởi một sự cân nhắc bằng lý tính." "Đó là một câu chuyện buồn." "Điều quan trọng đối với một người nghệ sĩ là khả năng 'thả lỏng'. Những người theo chủ nghĩa siêu thực đã cố gắng tận dụng điều này bằng cách tự đưa mình vào trạng thái khi mọi thứ đều tự dưng xảy ra. Họ đặt một tờ giấy trắng trước mặt rồi bắt đầu viết mà không nghĩ về những gì mình đang viết. Họ gọi đó là sáng tác tự động. Cụm từ đó bắt nguồn từ thuyết duy linh, trong đó, một bà đồng tin rằng linh hồn một người quá cố dẫn đường cho cây bút. Nhưng ngày mai ta sẽ nói nhiều hơn về chủ đề này." "Vâng, em cũng muốn nghe." "Theo một nghĩa nào đó, người nghệ sĩ siêu thực chính là một thầy đồng, hay là một trung gian liên kết. Anh ta là một thầy đồng của vô thức của chính mình. Nhưng có lẽ có một yếu tố vô thức trong mỗi quá trình sáng tạo, thực ra chúng ta dùng từ tính sáng tạo để chỉ cái gì?" "Em chịu. Chẳng phải đó là khi người ta tạo ra cái gì đó sao?" "Đúng đấy. Và điều đó xảy ra trong sự tương tác tinh tế giữa trí tưởng tượng và lý tính. Nhưng thường thì lý tính bóp nghẹt trí tưởng tượng, và điều đó rất nghiêm trọng. Vì nếu không có trí tưởng tượng, người ta chẳng bao giờ có thể tạo ra cái gì thực sự mới. Tôi tin rằng sự tưởng tượng cũng giống như hệ thống Darwin." "Đó là cái gì ạ? Em không hiểu." "À, thuyết Darwin khẳng định rằng những sự đột biến của thiên nhiên nối tiếp nhau xuất hiện, nhưng chỉ có một số được sử dụng. Và chỉ vài trong số chúng được quyền sống sót." "Thế thì sao ạ?" "Đó là chuyện xảy ra khi ta có hứng và nảy ra một loạt các ý tưởng mới. Các biến dị tư tưởng nối đuôi nhau xuất hiện trong ý thức nếu ta không kiểm duyệt bản thân quá mức. Nhưng chỉ có một vài trong số các ý tưởng này được sử dụng. Ở đây, vai trò của lý tính xuất hiện, cả lý tính cũng có chức năng quan trọng. Khi mẻ cá đánh được đang bầy trước mặt, ta không được quên việc chọn lựa." "Sophie so sánh không tồi." "Thử hình dung nếu mọi ý nghĩ nảy sinh đều được phép phát ra thành tiếng từ miệng ta. Không cần tính đến chuyện nhảy ra khỏi sổ tay và ra khỏi ngăn kéo bàn làm việc. Khi đó, thế giới sẽ chìm nghỉm dưới sức nặng của những xung năng tùy tiện và không có một sự chọn lựa nào được thực hiện." "Vậy là lý tính thực hiện công việc chọn lựa các ý tưởng?" "Đúng vậy, em không cho là thế sao? Có thể trí tưởng tượng tạo ra những gì mới mẻ, nhưng trí tưởng tượng không chọn lựa. Trí tưởng tượng không 'tác tạo'. Một tác tạo - mỗi tác phẩm nghệ thuật đều là một 'tác tạo' - được sinh ra trong sự tương tác kỳ diệu giữa trí tưởng tượng và lý tính, hay giữa tâm thức và suy tư. Do đó sẽ luôn có một yếu tố may rủi trong quá trình sáng tạo. Người ta cần phải thả cừu chạy rông trước khi có thể bắt đầu lùa chúng thành đàn." Alberto ngồi lặng yên, đăm đăm nhìn ra ngoài cửa sổ. Sophie chợt thấy một đám nhân vật hoạt hình Disney đầy màu sắc sặc sỡ xuất hiện bên bờ hồ. "Goofy kìa!" Sophie kêu lên, "cả chú cháu vịt Donald nữa. Thầy nhìn kìa! Chuột Mickey và..." Alberto quay về phía cô. "Ừ, thật buồn, bé ạ." "Sao cơ ạ?" "Chúng ta đang bị biến thành những nạn nhân bất lực của đàn cừu của ông thiếu ta. Nhưng đó là lỗi của tôi, tất nhiên. Tại tôi bắt đầu nói về sự liên hệ tự do của các ý tưởng." "Chắc chắn không phải tại thầy..." "Tôi đang định nói về tầm quan trọng của trí tưởng tượng đối với các nhà triết học. Để nghĩ ra được những tư tưởng mới, chúng ta phải đủ táo bạo để bản thân được tự do. Nhưng bây giờ thì ông ta đã đi hơi quá xa." "Kệ ông ấy." "Tôi đang định nói đến tầm quan trọng của phân tích thì ta được tặng thưởng sự đần độn thảm hại này đây. Ông ta phải tự lấy làm xấu hổ mới phải." "Thầy đang châm biếm đấy ạ?" "Chính ông ta là người đang châm biếm chứ không phải tôi. Nhưng tôi có một niềm an ủi - và đó chính là viên đá đặt nền móng cho toàn bộ kế hoạch của tôi." "Giờ thì em chẳng hiểu gì cả." "Ta đã nói về những giấc mơ. Về điều đó cũng có một chút châm biếm. Chẳng phải chúng ta chẳng qua chỉ là những hình ảnh trong mơ của ông thiếu ta sao?" "À!" "Nhưng vẫn còn một điều ông ta chưa tính đến." "Điều gì vậy?" "Có thể ông ta biết về giấc mơ của mình. Ông ta biết mọi thứ chúng ta nói và làm - cũng như những người nằm mơ nhớ những khía cạnh thể hiện của giấc mơ. Ông ta chính là người thao túng nó bằng cây bút của mình. Nhưng ngay cả nếu ông nhớ mọi điều chúng ta nói và làm, thì ông ta vẫn không tỉnh táo lắm." "Thầy nói thế nghĩa là sao ạ?" "Ông ta không biết những ý tưởng tiềm tàng, Sophie à. Ông ta quên rằng đây cũng là một giấc mơ trá hình." "Thầy nói lạ quá!" "Ông thiếu tá cũng nghĩ như vậy. Đó là vì ông không hiểu ngôn ngữ mơ của chính mình. Chúng ta nên cảm ơn điều đó. Nó cho ta một chút xíu đất để xoay sở, em thấy đấy. Với chút xíu đó, ta sẽ chóng tìm được đường ra khỏi cái ý thức lầy lội này như những con chuột nước nhảy ra giỡn nắng trong một ngày hè." "Thầy có cho là mình sẽ thành công không ạ?" "Chúng ta phải làm được. Trong vòng vài ngày tới, tôi sẽ cho em một đường chân trời mới. Khi đó ông thiếu tá sẽ không thể biết được những con chuột nước đang ở đâu hay chúng sẽ chui ra từ chỗ nào." "Nhưng kể cả nếu chúng ta chỉ là những hình ảnh trong mơ thì em vẫn là con gái của mẹ em. Và đã năm giờ rồi. Em phải về nhà ở khúc ngoặt Thuyền trưởng và chuẩn bị cho bữa tiệc đây." "Hừm... em có thể giúp tôi một việc nhỏ trên đường về không? "Việc gì ạ?" "Hãy cố thu hút thêm sự chú ý. Cố làm ông thiếu tá để mắt đến em trên suốt dọc đường về. Cố gắng nghĩ về ông ta khi em về đến nhà - và ông ta cũng sẽ nghĩ về em." "Để làm gì ạ?" "Để tôi có thể yên ổn tiếp tục với công việc xây dựng kế hoạch bí mật. Tôi sẽ lặn sâu trong vô thức của ông thiếu tá. Tôi sẽ ở đó cho đến khi ta gặp lại." THỜI ĐẠI CỦA CHÚNG TA ...con người bị kết án phải tự do Đồng hồ chỉ 12 giờ kém 5, nửa đêm. Hilde nằm nhìn trân trân lên trần nhà. Cô cố gắng để những liên tưởng của mình trôi tự do. Mỗi khi kết thúc một chuỗi ý tưởng, cô lại tự hỏi tại sao. Có thể điều gì cô đang cố kìm nén hay không ? Giá như cô có thể gạt mọi sự kiểm duyệt sang bên, cô có thể sẽ trôi vào một giấc mơ trong khi đang tỉnh. Hơi sợ đấy, cô thầm nghĩ. Càng thả lỏng và để ngỏ bản thân cho những ý nghĩa và hình ảnh ngẫu nhiên, cô càng cảm thấy như thể mình đang ở trong căn nhà nhỏ của ông thiếu tá bên cái hồ nhỏ trong rừng. Alberto đang tính làm gì ? Tất nhiên, chính bố của Hilde định rằng Alberto đang lập một kế hoạch. Nhưng ông có biết được Alberto sẽ làm gì không ? Có lẽ ông đang cố để cho mình tự do để chuyện xảy ra tại kết cục sẽ đến như một điều bất ngờ với chính ông nữa. Không còn nhiều trang sách. Cô có nên xem trộm trang cuối không ? Không, như thế là không trung thực. Ngoài ra, Hilde tin rằng kết cục vẫn chưa được quyết định. Nghĩ gì kỳ thật! Cái cặp giấy ở ngay đây và bố cố không thể về kịp để gắn thêm trang mới nào. Trừ khi Alberto tự mình làm điều gì đó. Một điều bất ngờ... Dù sao thì Hilde cũng có mấy điều bất ngờ giấu trong tay áo. Bố không thể kiếm soát cô. Nhưng cô có toàn quyền kiểm soát bản thân hay không ? Ý thức là gì ? Đó chẳng phải là một trong những câu đố vĩ đại nhất của vũ trụ sao ? Ký ức là gì ? Cái gì làm cho ta "ghi nhớ" mọi thứ ta đã nhìn thấy và trải nghiệm. Cơ chế nào làm cho ta tạo ra những giấc mơ hoang đường hàng đêm ? Thỉnh thoảng cô nhắm mắt, rồi lại mở mắt nhìn đăm đăm lên trần nhà. Cuối cùng, cô quên mở mắt. Cô ngủ thiếp đi. Khi bị tiếng kêu khan khan của bầy mòng biển đánh thức, Hilde ra khỏi giường. Như thường lệ, cô đi ngang qua phòng, đến bên cửa sổ và đứng nhìn ra vịnh. Đó là một thói quen, bất kể mùa đông hay mùa hè. Đang đứng đó, bỗng cô cảm thấy vô số sắc màu tung tóe trong đầu. Cố nhớ lại giấc mơ đếm trước. Nhưng có cảm giác như nó không phải một giấc mơ thường, vì những hình ảnh và màu sắc rất sinh động... Cô đã mơ thấy bố từ Lebanon trở về. Và cả giấc mơ là sự mở rộng của giấc mơ của Sophie về chuyện cô tìm thấy chiếc dây chuyền gắn cây thánh giá trên cầu tàu. Hilde đã ngồi trên mép cầu tàu, y như trong giấc mơ của Sophie. Rồi cô nghe thấy một giọng thì thào rất nhẹ: "Tên tôi là Sophie!". Hilde ngồi thật yên, cố nghe xem giọng nói đến từ đâu. Giọng nói tiếp tục, gần như tiếng xào xạc không thể nghe được, như thể một con côn trùng đang nói với cô: "Bạn chắc là vừa điếc vừa mù!". Đúng lúc đó, bố cô về đến vườn nhà trong bộ quân phục Liên Hợp Quốc. "Hilde!", ông gọi to. Hilde chạy về phía bố, vòng hai tay ôm cổ ông. Giấc mơ kết thúc tại đó. Cô nhớ tới mấy câu thơ của Arnulf Overland: Đêm nọ tỉnh giấc cơn mơ lạ Giọng thì thào như muốn nói cùng tôi Nghe xa xôi như tiếng suối ngầm Tôi ngồi dậy: Bạn cần gì vậy ? Hilde vẫn đứng bên cửa sổ khi mẹ bước vào. "Chào con gái! Con đã dậy rồi à ?" "Con cũng không rõ lắm..." "Khoảng bốn giờ mẹ sẽ về, như bình thường". "Vâng". "Chúc con một ngày vui vẻ". "Con cũng chúc mẹ như vậy". Khi nghe thấy tiệng mẹ sập cửa trước, cô lại chui vào chăn với chiếc cặp giấy. "Tôi sẽ lặn sâu trong vô thức của ông thiếu tá. Tôi sẽ ở đó cho đến khi ta gặp lại". Đây, đúng rồi. Hilde bắt đầu đọc tiếp. Cô có thể cảm thấy dưới đầu ngón trỏ phải chỉ còn vài trang giấy nữa. Khi Sophie rời khỏi căn nhà ông thiếu tá, cô vẫn nhìn thấy những nhân vật hoạt hình Disney bên mép nước. Nhưng chúng như tan biến khi cô đến gần. Đến khi cô tới chỗ cái thuyền thì chúng đã hoàn toàn biến mất. Vừa chèo thuyền, cô vừa làm mặt khỉ và khi đã kéo được thuyền lên bờ bên kia, cô vẫy tay sang hai bên. Sophie gắng hết sức thu hút sự chú ý của ông thiếu tá để Alberto có thể ngồi yên trong nhà. Suốt dọc đường, cô nhảy chân sáo và lò cò suốt dọc đường, cô cố đi như một con búp bê máy, thậm chí cô còn hát nữa. Có đoạn, cô đứng im, thầm đoán xem kế hoạch của Alberto như thế nào. Giật mình, cô cảm thấy có lỗi đến mức cô bắt đầu leo lên một thân cây. Sophie leo lên cao hết mức có thể. Lên gần đến ngọn cây, cô nhận ra mình không thể xuống được. Cô quyết định nghỉ một lát rồi sẽ thử lại. Nhưng lúc đó cô không thể giữ yên lặng. Ông thiếu tá sẽ chán theo dõi cô và ông ta sẽ bắt đầu quan tâm đến chuyện Alberto đang làm gì. Sophie vẫy tay, thử gáy như gà và cuối cùng thì hát bằng giọng kim. Lần đầu tiên trong đời cô hát được những nốt cao như thế và cảm thấy khá hài lòng về bản thân. Cố thử leo xuống một lần nữa, nhưng cô đã bị tắc thật sự. Bỗng một con ngồng trời lớn đậu xuống một trong những cành cây Sophie đang bám. Vừa nhìn thấy một đám nhân vật hoạt hình Disney nên cô không ngạc nhiên tí nào khi con ngỗng bắt đầu nói. "Tên tớ là Morten". Con ngỗng nó : " Thực ra, tớ là ngỗng đã thuần dưỡng, nhưng trong dịp đặc biệt này tớ bay từ Lebanon về đây cùng ngỗng trời. Hình như cậu đang cần giúp đỡ để xuống khỏi cái cây này ? " « Cậu nhỏ thế này làm sao giúp tôi được ? » Sophie nói. « Cậu đang kết luận vội vàng đấy, quý cô ạ. Đúng ra là cậu quá to lớn ». « Có gì khác nhau đâu ? » « Cậu nên biết rằng tớ đã chở một cậu bé cũng bằng tuổi cậu bay khắp Thụy Điển. Tên cậu ấy là Nils Hogersson ». « Tớ mười năm tuổi rồi". « Còn Nils lúc đó mới mười bốn. Một năm tuổi cũng chẳng tạo nên điều gì khác biệt lắm cho chuyến bay ». « Cậu làm thế nào để nâng được cậu ấy ? » « Tớ vỗ cậu ấy một cái và cậu ấy bất tỉnh. Khi tỉnh lại, cậu ta chẳng lớn hơn ngón tay cái ». « Hay đấy. Chắc đây là một cuốn sách triết học. Khi tớ cùng Nils Holgersson bay trên Thụy Điển, chúng tớ hạ cánh xuống làng Marbacka ở Varmland, ở đó Nild gặp một bà đang định viết một cuốn sách về Thụy Điển cho trẻ em. Bà ấy bảo cuốn sách phải vừa đúng sự thật vừa có tính giáo dục. Khi nghe kể về những cuộc phiêu lưu của Nils, bà ấy quyết định viết tất cả những gì cậu ấy đã nhìn thấy từ trên lưng ngỗng trời ». « Nghe lạ thật » « Thật ra mà nói, điều đó khá làm châm biếm vì chúng tớ đã ở trong cuốn sách đó rồi ». Bỗng, Sophie cảm thấy có cái gì đó tét vào má và một phút sau cô đã trở nên không lớn hơn một ngón tay cái. Cái cây như cả một khu rừng và con ngỗng to như một con ngựa. « Lên đi nào ». Con ngỗng nói. Sophie đi dọc theo cành cây và leo lên lưng ngỗng. Những chiếc lông ngỗng vốn mềm mại, nhưng vì giờ đây cô nhỏ xíu nên chúng chọc vào cô nhiều hơn là cù. Cô vừa tìm được tư thế thoải mái thì con ngỗng cất cánh. Họ bay lên cao hơn những ngọn cây. Sophie nhìn xuống hồ và căn nhà ông thiếu tá. Trong đó Alberto đang ngồi với kế hoạch ranh ma của mình. « Một tour ngắm cảnh ngắn là đủ cho hôm nay rồi », con ngỗng nói và vẫy vẫy cánh. Nó bay vào bờ và hạ cánh xuống gốc thân cây mà Sophie trèo lên lúc trước. Khi con ngỗng chạm đất, Sophie lộn nhào xuống đất. Sau khi lộn vài vòng trong đám thạch nam, cô ngồi dậy. Cô ngạc nhiên khi thấy mình lại lớn lên như cũ. Con ngỗng lạch bạch đi vòng quanh cô. « Cảm ơn cậu rất nhiều". Sophie nói. « Chuyện vặt thôi mà. Có phải cậu đã nói đây là một cuốn sách triết học không ? » « Đâu chính cậu nói thế chứ ! » « À ừ, cũng thế cả. Nếu là tớ, tớ đã chở cậu bay khắp lịch sử triết học giống như trở Nils bay khắp Thụy Điển. Mình có thể lượn vòng quanh Miletus và Athens, Alexandria và Jerusalem, Rome và Florence, London và Paris, Jena và Heildelberg, Berlin và Copenhagen... » « Cảm ơn, thế là đủ rồi ». « Nhưng bay qua các thế kỷ sẽ là một công việc nặng nhọc, ngay cả đối với một con ngỗng hay châm biếm. Bay qua các tỉnh của Thụy Điển dễ hơn nhiều". Nói đoạn, con ngỗng chạy vài bước rồi cất cánh vào không trung. Sophie mệt rã rời, nhưng lát sau, khi bò qua hàng giậu vào vườn, cô nghĩ chắc Alberto rất hài lòng vì những trò nghi binh của cô. Suốt một tiếng đồng hồ vừa qua, ông thiếu tá không thể nghĩ ngợi nhiều về Alberto được. Nếu nghĩ được, chắc ông ta phải bị tâm thần phân lập nặng. Sophie vừa bước vào cửa trước thì mẹ đi làm về. Thế là tránh được khoản phải kể chuyện được ngỗng cứu từ trên ngọn cây. Sau bữa tối, hai mẹ con bắt đầu chuẩn bị mọi thứ cho bữa tiệc. Họ khiêng một cái bàn xếp dài bốn mét từ trên gác xép xuống và mang nó ra vườn. Hai mẹ con đã định kê chiếc bàn này dưới gốc hàng cây ăn quả. Lần gần nhất chiếc bàn này được sử dụng là hôm kỷ niệm mười năm lễ cưới của bố mẹ Sophie. Hồi đó, Sophie mới 8 tuổi, nhưng cô nhớ rất rõ bữa tiệc ngoài trời với bao nhiêu là bạn bè và họ hàng. Dự báo thời tiết không thể tốt hơn được nữa. Không có một giọt mưa nào kể từ trận bão khủng khiếp hôm trước sinh nhật Sophie. Tuy nhiên, hai mẹ con quyết định để việc kê dọn và trang trí đến sáng thứ Bảy. Sau đó, họ nướng hai loại bánh mì. Đồ ăn sẽ có thịt gà và rau trộn. Còn nước ngọt nữa. Sophie lo mấy cậu bạn trai cùng lớp sẽ mang bia đến. Cô ngại rắc rối. Khi Sophie đi ngủ, mẹ lại hỏi xem Alberto có đến dự không. « Chắc chắn là ông ấy sẽ đến. Ông ấy còn hứa sẽ biểu diễn một trò triết học ». « Trò triết học ? Đó là trò kiểu gì vậy ? » « Con chịu...Nếu ông ấy là một nhà ảo thuật, chắc ông ấy sẽ làm một trò ảo thuật, lôi một con thỏ trắng từ trong mũ ra chẳng hạn... » « Cái gì ? Lại thỏ nữa à ? » « Nhưng vì là một nhà triết học, nên ông ấy sẽ làm một trò triết học. Dù sao thì đây cũng là một bữa tiệc triết học. Mẹ đang định làm gì đó à ? » « Ừ, thực ra là có ». « Một bài diễn văn ạ ? » « Mẹ không nói trước đâu. Chúc con ngủ ngon, Sophie ! » Sáng sớm hôm sau, Sophie bị mẹ đánh thức vì bà sắp đi làm. Mẹ đưa cho Sophie một danh sách những thứ cần phải mua trong thành phố cho buổi tiệc vườn. Mẹ vừa ra khỏi nhà thì chuông điện thoại reo. Đó là Alberto. Rõ ràng, ông ta biết chính xác khi nào thì Sophie có ở nhà một mình. « Điều bí mật của thầy thế nào rồi ạ ? » « Suỵt ! Không nói một lời nào. Không cho ông ta dù chỉ một cơ hội nghĩ về nó ». « Em không nghĩ là hôm qua em đã làm ông ta chú ý ». « Tốt ». « Khóa triết học kết thúc chưa ạ ? » « Tôi gọi điện cũng vì chuyện ấy. Ta đã vào thế kỷ của chúng ta. Từ bây giờ, em có thể tự định hướng cho bản thân. Cơ sở kiến thức là điều quan trọng bậc nhất. Nhưng dù sao ta cũng phải gặp nhau để nói chút ít về thời đại của chúng ta ». « Nhưng em phải vào thành phố... » « Tuyệt ! Tôi đã nói là chủ đề thời đại của chúng ta mà ». « Thật ạ ? » « Vậy nên gặp nhau trong thành phố là thích hợp nhất ». « Em sẽ đến nhà thầy chứ ạ ? » « Không, không, không phải ở đây. Mọi thứ đang lộn xộn hết cả. Tôi vừa lục tìm những cái micro cài trộm ». « À » « Có một quán cà phê mới ở quảng trường chính. Café Pierre. Em có biết quán đó không ? » « Có ạ. Khi nào em cần có mặt tại đó ? » « Chúng ta gặp nhau lúc 12 giờ được không ? » « Vâng, em chào thầy ». Khoảng mười hai giờ hơn một hai phút. Sphie bước vào quán Café Pierre. Đó là một trong những quán theo phong cách mới với những chiếc bàn tròn nhỏ và ghế đen, những chai rượu nho cắm ngược trên giá, bành mì que và bánh mì kẹp. Căn phòng nhỏ và đầu tiên Sophie nhận thấy là Alberto không có ở đó. Nhiều người khác đang ngồi quanh những chiếc bàn tròn nhưng Sophie chỉ thấy rằng Alberto không có ở đó. Sophie không có thói quen vào quán một mình. Cô có nên trở ra, rồi lát nữa quay lại xem Alberto đã đến chưa hay không ? Cô gọi một cốc trà chanh tại quầy bar ốp cẩm thạch và ngồi xuống cạnh một chiếc bàn còn trống. Cô nhìn ra cửa. Lúc nào cũng có người đến rồi đi, nhưng vẫn không thấy Alberto. Giá mà cô có một tờ báo ! Thời gian trôi qua, cô bắt đầu quan sát xung quanh. Một vài ánh mắt nhìn lại. Trong giây lát, cô có cảm giác mình là một phụ nữ trẻ. Cô mới mười lăm, nhưng chắc chắn trông cô như mười bảy - hay ít nhất cũng mười sáu tuổi rưỡi. Cô tự hỏi tất cả những con người này suy nghĩ gì về cuộc đời của họ. Trông họ như thể họ chỉ ghé qua, như thể chỉ tình cờ ngồi đây. Ai cũng nói cười và khoa chân múa tay hùng hồn, nhưng trông chẳng có vẻ gì là họ đang nói về điều gì đó có ý nghĩa. Cô chợt nghĩ đến Kierkegaard, người đã nói rằng đặc điểm nổi bật nhất của đám đông là luôn mồm nói những chuyện vô thưởng vô phạt. Phải chăng tất cả những người này đang sống tại cấp độ mỹ học ? Hay là có cái gì đó có ý nghĩa sinh tồn đối với họ ? Trong một trong những lá thư mà Alberto gửi cho cô thời gian đầu, ông đã viết về sự tương đồng giữa trẻ em và các nhà triết học. Cô lại nhận ra rằng mình sợ trở thành người lớn. Biết đâu cuối cùng thì cả cô cũng bò xuống sâu trong đám lông của con thỏ trắng đang được kéo ra từ chiếc mũ cao vành của vũ trụ ! Cô không rời mắt khỏi cửa ra vào. Đột nhiên, Alberto bước vào. Dù đang là giữa mùa hè, ông đội mũ nồi đen và khoác áo choàng xám bằng vải len dài đến ngang hông. Ông vội vã tiến về phía cô. Cảm giác thật lỳ lạ khi gặp ông ở nơi công cộng. « Đã mười hai giờ mười lăm rồi ! » « Một phần tư tiếng đồng hồ. Em có muốn một bữa ăn nhẹ không ? » Ông ngồi xuống và nhìn vào mắt Sophie. Cô nhún vai. « Vâng, thầy cho em một chiếc bánh mì kẹp ạ ». Alberto đến quầy. Ông nhanh chóng quay lại với một cốc cà phê và hai chiếc bánh mì dài kẹp pho mát và thịt hun khói. « Có đắt không ạ ? » « Chuyện vặt mà, Sophie ! » « Thầy có định xin lỗi về chuyện đến muộn không ạ ? » « Không, tôi cố ý. Tôi sẽ giải thích lý do ngay đây ». Ông cầm mấy miếng bánh to rồi nói : « Ta hãy nói về thế kỷ của chúng ta ». « Có cái gì xảy ra liên quan đến triết học không ạ ? » « Rất nhiều...Các phong trào phát triển theo đủ hướng. Ta sẽ bắt đầu bằng một xu hướng rất quan trọng. Đó là chủ nghĩa hiện sinh. Đây là một thuật ngữ chỉ những dòng triết học lấy trạng thái sinh tồn của con người làm xuất phát điểm. Ta thường nói về triết học hiện sinh thế kỷ XX. Một vài người trong số các nhà hiện sinh này đặt cơ sở tư tưởng của mình dựa trên không chỉ Kierkegaard mà còn cả Hegel và Marx. « Một nhà triết học quan trọng, người có ảnh hưởng lớn đến thế kỷ XX là Friedrich Nietzche, người Đức. Ông sinh năm 1844 và mất năm 1900. Ông cũng phản đối triết học Hegel và 'chủ nghĩa lịch sử Đức'. Ông cho rằng bản thân cuộc sống là đối trọng của sự quan tâm thiếu sức sống đến lịch sử và cái mà ông gọi là 'đạo đức nô lệ' Ki Tô giáo. Ông tìm cách đem lại một sự 'tái đánh giá mọi giá trị', để sức sống của những tâm hồn mạnh nhất không bị cản trở bởi những gì yếu đuối. Theo Nietzche, cả Ki Tô giáo và triết học truyền thống đã quay lưng lại với thế giới thực tế và hướng về 'thiên đường' hay 'thế giới niệm'. Còn cái được coi là thế giới 'thực' thật ra chỉ là một thế giới giả. 'Hãy chân thực với thế giới', ông nói : « Đừng nghe theo những người cho bạn những kỳ vọng siêu nhiên ». « Rồi sao nữa ạ... » « Một người chịu ảnh hưởng của Kierkegaard và Nietzche là một nhà hiện sinh người Đức Martin Heidegger. Nhưng ta sẽ tập trung vào một nhà triết học hiện sinh người Pháp Jean-Paul Sartre. Ông sinh năm 1905 mất năm 1980. Giữa những nhà hiện sinh, ông là sánh sáng dẫn đường, ít nhất là dẫn đường đến với công chúng rộng rãi hơn. Chủ nghĩa hiện sinh của ông đặc biệt nổi tiếng vào những năm 1940, ngay sau chiến tranh. Sau đó, ông ủng hộ phong trào Marxist ở Pháp, nhưng chưa bao giờ trở thành đảng viên của một đảng phái nào ». « Có phải đấy là lý do vì sao chúng ta gặp nhau tại một quá cà phê Pháp không ạ ? » « Tôi thú nhận là không được tình cờ cho lắm. Chính Sartre đã dành nhiều thời gian tại các quán cà phê. Ông đã gặp người bạn cả đời Simon de Beauvoir trong một quán cà phê. Bà cũng là một nhà triết học hiện sinh ». « Một nữ triết gia ! » « Đúng vậy ». « Thật nhẹ nhõm khi loài người cuối cùng cũng đã trở nên văn minh ». « Tuy nhiên, nhiều vấn đề mới đã nảy sinh trong thời đại của chúng ta ». « Thầy đang định nói về chủ nghĩ hiện sinh ». « Sartre nói rằng 'chủ nghĩ hiện sinh là chủ nghĩa nhân văn'. Nghĩa là các nhà hiện sinh đã xuất phát từ không gì khác ngoài bản chất của chính con người mình. Ta có thể nói thêm rằng chủ nghĩa nhân văn mà ông nói đến có quan điểm về vị thế của con người ảm đạm hơn nhiều so với chủ nghĩa nhân văn mà ta đã gặp ở thời Phục Hưng ». « Tại sao ạ ? » « Cả Kierkegarrd và một số nhà triết học hiện sinh này đều là người theo Ki Tô giáo. Nhưng Sartre lại trung thành với cái mà người ta gọi là hiện sinh vô thần. Triết học của ông có thể được coi là sự phân tích tàn nhẫn về vị thế con người khi 'Chúa đã chết'. Cụm từ 'Chúa đã chết' bắt nguồn từ Nietzche. « Thầy nói tiếp đi ». « Cụm từ quan trọng của triết học Sarte cũng như của Kierkegaard là 'sinh tồn'. Nhưng 'sinh tồn' không cùng nghĩa với đang sống. Cây cỏ và động vật cũng đang sống, chúng hiện hữu nhưng chúng không phải nghĩ đến chuyện điều đó hàm ý điều gì. Con người là sinh vật duy nhất ý thức được sự tồn tại của bản thân. Sartre nói rằng một sự vật vật chất chỉ đơn giản 'ở tại nó', còn loài người là 'vì nó'. Do đó, sự tồn tại của con người không giống như sự tồn tại của sự vật ». « Em không thể không đồng ý ». « Sartre nói rằng sự hiện tồn của một con người đáng được xét đến trước chuyện anh ta có thể là cái gì nếu anh ta không hiện tồn. Thực tế rằng tôi đang tồn tại có ý nghĩa hơn chuyện tôi là ai. Sự tồn tại quan trọng hơn bản chất ». « Tuyên bố này phức tạp quá ». « Bản chất ở đây có nghĩa là cái tạo nên một vật - bản tính tự nhiên của vật đó. Nhưng theo Sartre, bẩm sinh con người không có 'bản năng tự nhiên' đó. Do đó, con người phải tự tạo cho bản thân. Anh ta phải tự tạo cho bản tính tự nhiên hay 'bản chất' của chính mình, ví nó không được định sẵn từ trước ». « Chắc là em hiểu thầy định nói gì ». « Trong suốt lịch sử triết học, các nhà triết học đã cố gắng tìm hiểu con người là gì - hay bản tính tự nhiên của con người là gì. Nhưng Sartre lại tin rằng con người không có cái 'bản chất' vĩnh cửu đó để dựa vào. Do đó, tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời nói chung là điều vô nghĩa. Chúng ta bị buộc phải ứng biến. Ta như những diễn viên bị lôi lên sân khấu mà chưa học lời thoại. Không có kịch bản, không có người nhắc vở thì thào hướng dẫn. Ta phải tự quyết định mình sẽ sống như thế nào ». « Thực ra thì đúng như vậy. Nếu người ta chỉ cần đọc Kinh thánh hay là một cuốn sách triết học và tìm được cách sống thì tiện lợi quá ». « Em hiểu rồi đấy. Khi người ta nhận ra rằng mình đang sống và một ngày nào đó sẽ chết và chẳng có ý nghĩa gì để bấu víu - họ cảm thấy lo sợ đó cũng là đặc điểm mà Kierkegaard đã mô tả về một con người trong trạng thái sinh tồn ». « Vâng » « Sartre nói rằng con người cảm thấy lạc lõng trong một thế giới không có ý nghĩa. Khi ông mô tả sự lạc lõng của con người, ông lặp lại những ý tưởng trung tâm của Hegel và Marx. Cảm giác lạc lõng của con người trong thế giới tạo ra nỗi thất vọng, chán chường, sự ghê tởm và ngu xuẩn. « Nhưng việc cảm thấy thất vọng và thấy mọi thứ đều buồn tẻ cũng khá bình thường đấy chứ ạ ? » « Đúng thế. Sartre đang miêu tả cư dân thành thị của thế kỷ XX. Em có nhớ các nhà thiên văn chủ nghĩa thời Phục Hưng đã kêu gọi sự chú ý đến tự do và độc lập của con người một cách gần như là đắc thắng không ? Sartre thấy tự do của con người như là một sự nguyền rủa. Ông nói : 'Con người bị kết án tự do. Bị kết án vì anh ta không tự tạo ra chính mình nhưng lại tự do. Bởi vì một khi bị quẳng vào thế giới, anh ta phải chịu trách nhiệm về tất cả những hành động của mình. « Nhưng ta đâu có yêu cầu được tạo ra là những cá thể tự do ? » « Đó chính là quan điểm của Sartre. Tuy nhiên, chúng ta lại là những cá thể tự do và sự tự do này bắt buộc ta phải lựa chọn suốt đời. Không có một giá trị hay quy tắc vĩnh cửu nào để ta bám vào, điều đó làm cho các sự lựa chọn của ta trở nên quan trọng hơn. Bởi vì ta chịu hoàn toàn trách nhiệm cho mọi điều ta làm. Sartre nhấn mạnh rằng con người không bao giờ được chối bỏ trách nhiệm đối với hành động của mình. Ta cũng không thể lẩn tránh trách nhiệm đưa ra lựa chọn của bản thân với các lý do rằng ta 'phải' đi làm, ta 'phải ; sống theo những lề lối nhất định của tầng lớp trung lưu. Do đó, những người trượt vào đa số vô danh sẽ mãi mãi chỉ là thành viên của đám đông không có cá tính, họ chạy trốn khỏi bản thân để đến với sự lừa dối. Trong khi đó, sự tự do bắt ta phải tạo ra cái gì đó từ bản thân để sống một cách 'đích thực' » . « Vâng em hiểu rồi ». « Nó đặc biệt phù hợp với tình huống của các lựa chọn luân lý. Ta không thể đổ lỗi cho 'bản chất con người' hay 'sự yếu đuối của con người' hay bất cứ cái gì tương tự. Đôi khi, có những người đàn ông trưởng thành xử sự như những con lợn và sau đó đổ lỗi cho 'cụ Adam'. Nhưng chẳng có 'cụ Adam' nào cả. Đó chỉ là một nhân vật mà ta bám lấy để tránh trách nhiệm cho những hành động của chính mình ». « Nên có một giới hạn cho những gì thuộc về trách nhiệm của con người ». « Tuy nhiên Sartre cho rằng cuộc sống tự thân nó không có ý nghĩa, nhưng không có ý rằng chẳng cái gì có ý nghĩa khác. Ông không phải là người theo thuyết hư vô ». « Nghĩa là gì ạ ? » « Thuyết hư vô cho rằng chẳng có cái gì có ý nghĩa và cái gì cũng được phép. Sartre tin rằng cuộc sống phải có ý nghĩa. Đó là điều cực kỳ quan trọng. Nhưng chính ta là người phải tạo ý nghĩa cho cuộc đời mình. Tồn tại là sáng tạo cuộc đời mình ». « Thầy có thể nói rõ hơn được không ạ ? » « Sartre đã cố gắng chứng mình rằng ý thức tự nó không là gì cho đến khi nó bắt đầu tri giác được cái gì đó. Vì ý thức luôn luôn tri giác một điều gì đó. Và cái 'điều gì đó' đó được quyết định bởi chính bản thân ta cũng như bởi môi trường xung quanh. Chúng ta phần nào quyết định cái ta nhận thức bằng cách chọn ra những gì có ý nghĩa đối với mình ». « Thầy cho ví dụ đi ạ ». « Hai người có thể cùng ở trong một căn phòng nhưng lại cảm nhận về nó khá là khác nhau. Đó là do chúng ta tạo nên ý nghĩa của riêng mình - hay là mối quan tâm của riêng mình - khi ta nhận thức về thế giới xung quanh. Một người phụ nữ có bầu có thể thấy rằng mình nhìn đâu cũng thấy các bà bầu. Đó không phải là vì trước đây không có phụ nữ mang bầu mà bởi vì khi cô ta mang bầu cô nhìn thế giới bằng đôi mắt khác. Một tên tù trốn trại có thể nhìn thấy cảnh sát ở khắp mọi nơi... » « Ừm, ra là thế ». « Cuộc sống của chúng ta ảnh hưởng lên cách ta tri giác về căn phòng. Nếu có cái gì đó mà tôi không quan tâm, tôi sẽ không nhìn thấy. Và bây giờ tôi có thể giải thích vì sau tôi đến muộn ». « Thầy đã cố ý, đúng không ạ ? » « Hãy nói xem em đã nhìn thấy gì đầu tiên khi tôi tới đây ? » « Điều đầu tiên em thấy là thầy không có ở đây ». « Điều đầu tiên em nhận thấy là sự vắng mặt, như thế không phải là hơi lạ sao ? » « Có thể, nhưng mục đích của em là đến gặp thầy ». « Sartre dùng chính cuộc hẹn ở quán cà phê để cho thấy cách ta 'triệt tiêu' những gì không liên quan tới ta ». « Thầy đến muộn chỉ để giải thích điều đó thôi ạ ? » « Đúng vậy, để em hiểu điểm trung tâm của triết học Sartre. Hãy gọi đó là một bài thực hành ». « Thật quá đáng ! » « Nếu em đang yêu và đang đợi người yêu gọi điện đến, có thể em sẽ 'nghe thấy' rằng cả buổi tối anh ta không gọi đến. Em hẹn anh ta tại ga tàu, bao người đi lại trên sân ga nhưng em không nhìn thấy anh ta ở đâu cả. Tất cả bọn họ đều làm vướng mắt, họ không có ý nghĩa gì đối với em. Em có thấy họ thật đáng bực mình, thậm chí khó chịu. Họ đang chiếm quá nhiều chỗ. Điều duy nhất em ghi nhận là 'anh ta' không có ở đó». « Buồn thật ». « Simone de Beauvoir đã thử áp dụng chủ nghĩa hiện sinh cho thuyết bình đẳng nam nữ. Sartre cũng đã nói rằng con người không có 'bản chất' cơ sở để cầu viện đến. Ta tự tạo cho chính mình'. « Thật thế ạ ? » « Điều đó cũng đúng đối với cách ta nhận thức về giới tính. Simone de Beauvoir phủ nhận sự tồn tại của một 'bản chất nam giới' hay 'bản chất phụ nữ'. Chẳng hạn, người ta đã từng khẳng định rằng nam giới có một thiên hướng vươn lên và đạt mục đích. Do đó anh ta sẽ tìm kiếm ý nghĩa và định hướng ngoài xã hội. Người ta cho rằng phụ nữ có triết lý sống đối lập. Cô ta có tính 'nội tại', có nghĩa là cô ta muốn ở nguyên tại chỗ. Do đó, cô ta sẽ chăm sóc gia đình, quan tâm đến môi trường và những gì đơn giản và thường ngày hơn. Ngày nay, ta có thể nói rằng phụ nữ quan tâm nhiều đến những 'giá trị nữ tính' hơn nam giới ». « Bà ấy có thực sự tin như vậy không ạ ? » « Em đang để ý đi đâu vậy ? Thực ra Simone de Beauvoir không tin vào sự tồn tại của một cái 'bản chất nam giới' hay 'bản chất phụ nữ' nào. Ngược lại, bà tin rằng phụ nữ và nam giới phải tự giải phóng bản thân khỏi những định kiến đó ». « Đúng rồi ». « Tác phẩm chính của bà được xuất bản năm 1949 có tên là giới tính hạng hai ». « Ý của bà ấy như thế nào ạ ? » « Bà viết về phụ nữ. Trong nền văn hóa của chúng ta, phụ nữ được đối xử như là giới phụ. Đàn ông xử sự như thể họ là chủ thể và đối xử với phụ nữ như thể đồ vật của mình, do đó tước đi của phụ nữ trách nhiệm đối với cuộc đời của chính họ ». « Bà ấy muốn nói rằng tự do và độc lập của phụ nữ chúng ta đến đâu là tùy vào sự lựa chọn của chính mình ? » « Đúng, em có thể nói như vậy. Từ những năm 40 đến nay, chủ nghĩa hiện sinh còn có một ảnh hưởng rất lớn đối với văn học, đặc biệt là nghệ thuật kịch. Chính Sartre cũng viết cả kịch và tiểu thuyết. Các nhà văn quan trọng khác là Albert Camus người Pháp, Samuel Backett người Ireland, Eugène Ionesco người Romania và Wintold Gombrowicz người Ba Lan. Phong cách đặc trưng của họ và nhiều nhà văn hiện đại khác là cái mà ta gọi là chủ nghĩa phi lý. Thuật ngữ này đặc biệt được sử dụng cho 'kịch phi lý' ». « A ! » « Em có biết người ta dùng từ 'phi lý' với nghĩa gì không ? » « Có phải nghĩa là vô nghĩa hoặc không hợp lý không ạ ? » « Chính xác ! Kịch phi lý đối lập với kịch hiện thực. Mục tiêu của nó là chỉ ra những sự thiếu ý nghĩa trong cuộc sống để khán giả bất bình. Ý tưởng không phải là để cổ vũ sự vô nghĩa. Ngược lại, bằng cách phơi bày những sự phi lý trong các tinh thể thường ngày, tác giả buộc khán giả phải tìm cho mình một cuộc sống chân thực và bản chất hơn ». « Nghe thật thú vị ». « Kịch phi lý thường mô tả các tinh thể hoàn toàn thông thường. Do đó nó còn có thể được coi là một loại 'chủ nghĩa hiện thực cường điệu'. Con người được mô tả chính xác như trong đời thường. Nhưng nếu ta tái tạo trên sân khấu chính xác những gì xảy ra trong buồng tắm và một buổi sáng hoàn toàn bình thường trong một ngôi nhà hoàn toàn bình thường, khán giả sẽ cười. Tiếng cười của họ có thể được hiểu là một cơ chế phòng vệ trước việc thấy chính mình bị đả kích trên sân khấu ». « Vâng, đúng như vậy ». « Kịch phi lý cũng có thể có một số chi tiết siêu thực nhất định. Các nhân vật kịch thường thấy mình trong các tình thế rất phi hiện thực hoặc như trong mơ. Khi họ chấp nhận những tình thế đó mà không chút ngạc nhiên, khán giả sẽ buộc phải phản ứng bằng sự ngạc nhiên trước thái độ thiếu ngạc nhiên của nhân vật. Đó là cách Charlie Chapline thể hiện trong các bộ phim câm của ông. Hiệu ứng hài trong các bộ phim câm đó thường là nhân vật bình thản chấp nhận tất cả những gì phi lý xảy đến với mình. Điều đó buộc khán giả phải tìm trong bản thân cái gì đó đích thực và chân thật hơn ». « Thật đáng ngạc nhiên khi thấy những gì mọi người chịu đựng mà không chút phàn nàn ». « Đôi khi, ta không hề sai khi có cảm giác rằng : Tôi phải thoát khỏi cái thứ này - dù tôi còn chưa biết phải thoát đi đâu ». « Nếu căn nhà bắt lửa ta phải chạy ra ngoài, cho dù ta chẳng còn nơi nào khác để sống ». « Đúng thế. Em có muốn một cốc trà nữa không ? Hay một chai Coca ? » « Okay. Nhưng em vẫn nghĩ là chuyện thầy đến muộn thật ngớ ngẩn ». « Tùy em thôi ». Alberto trở lại với một cốc cà phê và một chai Coca. Trong khi đó, Sophie đã bắt đầu thấy thích không khí của quán cà phê. Cô cũng bắt đầu nghĩ rằng những cuộc trò chuyện tại các bàn khác chắc không đến nỗi tầm thường như cô đã tưởng. Alberto nện chai Coca xuống bàn đánh rầm. Vài người tại các bàn khác quay lại nhìn. « Và con đường của chúng ta đến đây là hết », ông nói. « Ý thầy là lịch sử triết học kết thúc với Sartre và chủ nghĩa hiện sinh ? » « Không, nói thế thì hơi quá. Triết học hiện sinh đã có ý nghĩa cách mạng đối với nhiều người trên khắp thế giới. Như ta đã thấy, nó bắt rễ trong lịch sử qua Kierkegaard tới tận Socrates. Thế kỷ XX cũng đã chứng kiến sự nở rộ và đổi mới của các dòng triết học khác mà chúng ta đã nói tới ». « Chẳng hạn ? » « À, một trong các dòng đó là chủ nghĩa Tân-Thomas, nghĩa là các tư tưởng mới theo truyền thống Thomas Aquinas. Một dòng khác có tên là triết học phân tích hay chủ nghĩa kinh nghiệm logic bắt nguồn từ Hume và chủ nghĩa kinh nghiệm Anh và thậm chí từ logic của Aristole. Bên cạnh đó, thế kỷ XX còn chịu ảnh hưởng của cái mà ta có thể gọi là chủa nghĩa Marx mới với vô số khuynh hướng đa dạng. Ta cũng đã nói về chủ nghĩa Darwin mới và tâm quan trọng của phân tâm học ». « Vâng ». « Ta cần nhắc đến một dòng cuối cùng, chủ nghĩa duy vật, nó cũng có các nguồn gốc lịch sử. Có thể lần ngược nhiều nghành khoa học hiện nay về nỗ lực của các nhà khoa học tiền Socrates, chẳng hạn như cuộc tìm kiếm 'hạt cơ bản' không phân chia được mà mọi chất đều cấu tạo từ nó. Chưa có ai đưa ra được những lời giải thích đầy đủ cho câu hỏi 'vật chất' là gì. Nhiều nghành khoa học hiện đại, chẳng hạn vật lý hạt nhân và hóa sinh, bị mê hoặc bởi vấn đề đó đến nỗi nó cấu thành một phần sống còn trong triết lý về cuộc sống của nhiều người ». « Cái mới và cái cũ trộn lần cả vào với nhau... » « Đúng vậy. Vì người ta vẫn chưa trả lời được chính những câu hỏi mở đầu khóa học của chúng ta. Sartre đã đưa ra một nhận xét quan trọng khi ông nói rằng không thể trả lời các câu hỏi hiện sinh một cách dứt khoát. Theo định nghĩa, một câu hỏi triết học là cái gì đó mà thế hệ nào thậm chí cá nhân nào cũng phải hỏi đi hỏi lại ». « Một suy nghĩ ảm đạm ». « Tôi không chắc có thể đồng ý với em được. Chắc chắn là nhờ đưa ra những câu hỏi đó mà chúng ta biết rằng mình đang sống. Hơn nữa, trong khi tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi cội nguồn, người ta tìm ra được lời giải mạch lạc và trọn vẹn cho nhiều vấn đề khác. Khoa học, nghiên cứu và công nghệ đều là những sản phẩm phụ của các suy tưởng triết học. Chẳng phải chính sự tò mò về sự sống đã đưa con người lên mặt trăng ? » « Vâng, đúng vậy ». « Khi Neil Amstrong đặt chân lên mặt trăng, anh nói : 'Một bước chân nhỏ của một con người, một sự nhảy vọt vĩ đại của loài người'. Những lời đó đã tóm gọn cảm xúc của việc là người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, cùng với anh ta là tất cả những người đã đi trước. Rõ ràng, đó là vinh quang của không chỉ một mình anh ». « Trong thời đại của chúng ta, chúng ta cũng phải đối mặt với những vấn đề hoàn toàn mới. Những vấn đề nghiêm trọng nhất là về môi trường. Do đó một xu hướng trung tâm của triết học thế kỷ XX là triết học sinh thái - ecophilosophy hay ecosophy, như nhà triết học người Na Uy Ame Naess- một trong những nhà sáng lập ra nghành này đặt tên. Nhiều nhà triết học sinh thái phương Tây đã cảnh báo rằng toàn bộ nền văn minh phương Tây đã đi trên một con đường sai lạc về căn bản khi lao nhanh về phía một cuộc đụng đầu với những giới hạn mà hành tinh của chúng ta có thể chịu đựng được. Họ cố gắng tiến hành các cuộc thăm dò sâu hơn là các ảnh hưởng cụ thể của ô nhiễm môi trường và sự tàn phá môi trường. Họ cho rằng có cái gì đó sai một cách căn bản trong tư tưởng của phương Tây." "Em nghĩ là họ nói đúng." "Ví dụ, triết học sinh thái đã đặt vấn đề với chính quan niệm về sự tiến hóa và giả thuyết rằng con người 'ở trên đỉnh' - như thể chúng ta là những ông chủ của thiên nhiên. Lối tư duy này có thể được coi là tai họa đối với toàn bộ hành tinh sống." "Mỗi khi nghĩ đến chuyện đó, em tức điên lên được" "Khi chỉ trích học thuyết này, nhiều nhà triết học sinh thái đã quan tâm đến tư tưởng của các nền văn hóa khác, chẳng hạn văn hóa Ấn Độ. Họ cũng đã nghiên cứu tư duy và tập quán của những dân tộc được coi là nguyên thủy - hay các 'thổ dân', chẳng hạn các thổ dân châu Mỹ - nhằm tìm lại những gì chúng ta đã đánh mất. "Trong các cộng đồng khoa học những năm gần đây, người ta nói rằng toàn bộ lối tư duy khoa học của ta đang đối mặt với một 'sự dịch chuyển về khuôn mẫu'. Nghĩa là một sự chuyển dịch căn bản trong cách nghĩ của các nhà khoa học. Nó đã đem lại kết quả trong một số ngành. Ta đã chứng kiến nhiều ví dụ của cái gọi là 'các phong trào alternative' ủng hộ một lối sống mới không theo truyền thống và chính thể luận - thuyết cho rằng các tinh chất của một hệ thống không thể được quyết định hay giải thích chỉ bởi tổng các thành phần của hệ thống đó." "Tuyệt!" "Tuy nhiên, khi có liên quán đến nhiều người, người ta luôn phải phân biệt giữa tốt và xấu. Một số tuyên bố rằng chúng ta đang bước vào một thời đại mới. Nhưng không phải cái gì mới cũng tốt, và không phải cái gì cũ cũng đáng quăng đi. Đó là một trong những lý do tại sao tôi dạy em khóa triết học này. Bây giờ em đã có kiến thức căn bản về lịch sử, em có thể tự định hướng cho bản thân em trong cuộc sống." "Em cảm ơn thầy." "Tôi cho rằng em sẽ thấy nhiều kẻ trong số những người đi dưới khẩu hiệu Thời Đại Mới thuộc loại bịp bợm. Ngay cả những cái gọi là Tôn Giáo Mới , Thuyết Huyền Bí Mới, và đủ loại mê tín dị đoan hiện đại đã ảnh hưởng lên thế giới phương Tây trong những thập kỷ gần đây. Nó đã trở thành một ngành kinh doanh. Những lời chào hàng theo lối cải cách trên thị trường triết học đã mọc lên như nấm trong sự thức tỉnh của sự ủng hộ đang tan dần dành cho Ki Tô giáo." "Những kiểu chào hàng nào ạ?" "Danh sách dài đến nỗi tôi chẳng dám liệt kê. Và dù sao thì miêu tả thời đại của chính mình không dễ dàng gì. Nhưng tại sao chúng ta không đi dạo phố một vòng nhỉ? Tôi muốn chỉ cho em xem cái này." "Em không có nhiều thời gian đâu. Hy vọng thầy chưa quên bữa tiệc vườn ngày mai?" "Tất nhiên là không rồi. Đó là khi một điều tuyệt vời sẽ xảy ra. Chúng ta còn phải hoàn thiện khóa triết học cho Hilde đã. Ông thiếu tá chưa nghĩ xa hơn được chuyện đó, em thấy đấy. Vậy là ông ta đánh giá mất một chút quyền lực đối với chúng ta." Một lần nữa, ông nhấc chai Coca giờ đã rỗng và nện xuống bàn. Họ bước ra phố, nơi mọi người đang vội vã đi lại như những con mối đầy sinh lực trong một cái đụn mối. Sophie tự hỏi không biết Alberto đang định cho cô xem cái gì. Hai người đi ngang qua một cửa hàng lớn bán mọi thứ liên quan đến công nghệ truyền thông, từ ti vi, máy quay video, ăng ten vệ tinh, cho đến điện thoại di động, máy tính và máy fax. Alberto chỉ vào gian kính trưng bày và nói: "Đó là thế kỷ XX của em, Sophie à. Thời Phục Hưng, thế giới bắt đầu bùng nổ, nếu có thể nói như vậy. Khởi đầu bằng những cuộc thám hiểm vĩ đại trên biển, người châu Âu bắt đầu đi khắp thế giới. Ngày nay, tình hình trái ngược. Ta có thể gọi là một cuộc bùng nổ theo hướng ngược lại." "Theo nghĩa nào ạ?" "Nghĩa là thế giới đang được kéo lại với nhau thành một mạng truyền thông vĩ đại. Không bao lâu trước đây, các nhà triết học phải đi hàng ngày trời trên xe và ngựa để tìm hiểu thế giới xung quanh họ và gặp các nhà triết học khác. Ngày nay, ta có thể ngồi tại bất cứ đâu trên hành tinh này và truy cập toàn bộ kinh nghiệm của con người trên một màn hình máy tính." "Một ý nghĩ hay tuyệt, nhưng nghe hơi đáng sợ." "Vấn đề đặt ra là có phải lịch sử đang đi đến điểm cuối cùng, hay ngược lại, ta đang đứng trên ngưỡng cửa của một thời đại hoàn toàn mới. Chúng ta không còn đơn giản là các công dân của một thành phố hay một nước nào đó. Chúng ta sống trong một nền văn minh hành tinh." "Quả vậy." "Các phát triển về công nghệ trong ba mươi bốn mươi năm nay, đặc biệt trong ngành truyền thông, có khi còn mạnh mẽ hơn trong toàn bộ lịch sử cộng lại. Tuy nhiên, chúng ta có lẽ mới chỉ chứng kiến sự khởi đầu..." "Có phải đó là cái thầy muốn chỉ cho em không?" "Không, nó ở sau cái nhà thờ đằng kia cơ." Khi hai người quay đi, hình ảnh của vài người lính Liên hợp quốc chợt lóe lên trên màn hình của một cái ti vi. "Thầy nhìn kìa!" Sophie gọi. Máy quay chuyển vào cận cảnh một trong những người lính. Ông ta có một bộ râu đen gần giống hệt bộ râu của Alberto. Bỗng, ông giơ lên một tấm thiệp trên có dòng chữ: "Bố con mình sắp gặp nhau rồi, Hilde à!" Ông vẫy vẫy tay rồi quay đi. "Đồ bịp bợm!" Alberto thốt lên. "Đó là ông thiếu tá ạ?" Hai người đi xuyên qua vườn hoa trước mặt nhà thờ và tới một phố chính khác. Alberto có vẻ hơi bực bội. Họ dừng lại trước LIBRIS, cửa hàng sách lớn nhất thành phố. "Nào, ra vào trong." Alberto nói. Trong cửa hàng, ông chỉ tay tới bức tường dài nhất. Trên đó có ba mục: "THỜI ĐẠI MỚI, LỐI SỐNG ALTERNATIVE, và THẦN BÍ. Những cuốn sách có những tên rất hấp dẫn, chẳng hạn Cuộc sôngs sau cái chết, Những bí mật của thuyết duy linh, Bói bài, Hiện tượng UFO, Trị bệnh, Sự trở lại của các thánh thần, Trước kia bạn đã từng đến đây, và Chiêm tinh học là gì? Có hàng trăm cuốn sách. Dưới các giá sách, sách xếp thành từng chồng còn nhiều hơn nữa. "Đây cũng là thế kỷ XX, Sophie à. Đây là đền thờ của thời đại chúng ta." "Thầy không tin vào những thứ này chứ ạ?" "Phần nhiều là trò bịp bợm nhưng chúng bán chạy chẳng kém sách báo khiêu dâm. Giới trẻ có thể đến đây để mua những quan niệm nào quyến rũ họ nhất. Nhưng điều khác biệt giữa triết học thực thụ và những cuốn sách này đại loại cũng như sự khác nhau giữa tình yêu chân chính và khiêm dâm." "Thầy ăn nói gì mà thô lỗ thế!" "Ta hãy ra vườn hoa ngồi." Hai người ra khỏi cửa hàng và tìm thấy một cái ghế băng còn trống trước ở cửa nhà thờ. Những con chim bồ câu khệnh khạng đi quanh gốc cây. Một con chim sử đơn độc đang hăm hở nhảy nhót quanh đám bồ câu. "Nó được gọi là ESP hoặc cận tâm lý học." Alberto nói. "Hay nó được gọi là thần giao cách cảm, lên đồng, tâm động học. Đó là duy linh học, chiêm tinh học, UFO học." "Nhưng thật thà mà nói, thầy có thực sự tin tất cả những thứ đó đều là bịp bợm không?" "Rõ ràng là một nhà triết học thực thụ sẽ không nói rằng tất cả những thứ đó đều tồi như nhau. Nhưng tôi không ngại nói rằng tất cả những chủ đề đó cùng nhau vẽ bản đồ khá chi tiết của một vùng đất không tồn tại. Và ở đó có rất nhiều 'điều tưởng tượng' mà Hume chắc đã quẳng vào lửa. Nhiều cuốn sách mà nội dung chẳng có được chút xíu trải nghiệm thực sự nào." "Tại sao sách về các chủ đề đó lại nhiều đến vậy ạ?" "Xuất bản những cuốn sách thuộc loại đó là công việc kinh doanh béo bở. Rất nhiều người muốn đọc chúng." "Theo thầy thì tại sao lại thế?" "Rõ ràng, họ muốn cái gì đó huyền bí, cái gì đó khác lạ để phá vỡ sự đơn điệu đáng sợ của cuộc sống hàng ngày. Nhưng nó cũng như chở củi về rừng mà thôi." "Nghĩa là sao ạ?" "Chúng ta đang lang thang trong một cuộc phiêu lưu kỳ diệu. Một tác phẩm của tạo hoá đang hiện ra ngay trước mắt chúng ta. Ngay giữa ban ngày, Sophie à! Tuyệt diệu!" "Chắc vậy." "Tại sao chúng ta lại phải chui vào căn lều của thầy bói hay sân sau của thế giới học thuật để tìm cái gì đó hứng thú và siêu việt?" "Ý thầy là người viết những cuốn sách này chẳng qua là những kẻ lừa đảo dối trá?" "Không, tôi không có ý nói vậy. Nhưng và cả ở đây nữa, chúng ta cũng đang nói về một hệ thống Darwin." "Thầy sẽ phải giải thích thêm về ý đó." "Hãy nghĩ về những điều khác nhau có thể xảy ra một ngày. Thậm chí em có thể lấy một ngày trong đời mình. Hãy ghi về tất cả những gì em có thể nhìn thấy và trải nghiệm." "Vâng?" "Thỉnh thoảng em thấy một sự trùng hợp kỳ lạ. Em có thể vào cửa hàng, mua một thứ gì đó giá 28 cu-ron. Rồi cũng trong ngày hôm đó, Joanna đến trả em 28 cu-ron mà bạn ấy nợ em. Hai em quyết định đi xem phim - và chỗ của em là ghế số 28." "Vâng, đó sẽ là một sự trùng hợp bí hiểm." "Dù sao thì đó cũng sẽ là một sự trùng hợp. Điểm quan trọng là người ta thu thập những sự trùng lặp như vậy. Họ thu thập các trải nghiệm kỳ lạ không giải thích được. Khi những trải nghiệm đó được lấy từ cuộc đời của hàng tỷ người, nó bắt đầu trông giống như dữ liệu chân thực. Và số lượng của chúng liên tục tăng lên. Nhưng một lần nữa, ta đang nhìn một trò xổ số mà trong đó chỉ các con số trúng thưởng mới hiện lên." "Nhưng chẳng phải vẫn có các ông đồng bà cốt thường xuyên gặp những thứ như vậy đấy thôi?" "Đúng là có, và nếu ta loại bỏ những tên lửa đào và tìm một lời giải thích khác cho cái gọi là những trải nghiệm huyền bí này." "Như thế nào ạ?" "Em còn nhớ ta đã nói về học thuyết về vô thức của Freud chứ?" "Tất nhiên là em nhớ." "Frued đã chỉ ra rằng chúng ta thường là các 'thầy đồng' cho vô thức của chính mình. Ta có thể chợt thấy mình đang nghĩ hoặc làm cái gì đó mà không rõ vì sao. Lý do là ta có cả đống trải nghiệm, ý nghĩ và ký ức bên trong chúng ta mà ta không nhận thấy." "Thế thì sao ạ?" "Em hiểu ý thầy rồi." "Rất nhiều chuyện kỳ quặc xảy ra hàng ngày có thể được giải thích bằng học thuyết về vô thức của Freud. Tôi có thể bỗng dưng nhận được điện thoại của một người bạn đã nhiều năm không liên lạc, đúng vào lúc tôi đang tìm số điện thoại của anh ta." "Nghe mà nổi da gà." "Nhưng lời giải thích có thể là cả hai đang cùng nghe thấy một bài hát cũ trên đài, bài hát mà chúng tôi đã nghe khi gặp nhau lần cuối cùng. Vấn đề là chúng ta không để ý đến mối liên quan sâu xa." "Vậy nó là trò bịp bợm hoặc xác suất trúng xổ số, nếu không thì nó là vô thức. Đúng không ạ?" "Ờ, dù sao thì tốt hơn cả là ta nên tiếp cận những cuốn sách đó với một thái độ hoài nghi nào đó. Nhất là nếu ta là một nhà triết học. Ở Anh, có một hội những người hoài nghi. Từ nhiều năm trước, họ treo một giải thưởng lớn cho người đầu tiên có thể đưa ra một bằng chứng dù là nhỏ nhất của một cái gì đó siêu tự nhiên. Chẳng cần phải là một phép lạ ghê gớm, chỉ một ví dụ nhỏ xíu về thần giao cách cảm là đủ. Từ bấy đến giờ chưa có ai thử sức." "Hừm." "Trong khi đó, có rất nhiều điều con người chúng ta chưa hiểu. Có khi chúng ta còn chưa hiểu các quy luật tự nhiên. Thế kỷ trước đã có nhiều người tưởng rằng các hiện tượng như từ tính và điện là một loại phép thuật. Tôi cược là cụ bà của tôi sẽ tròn mắt ngạc nhiên nếu nghe kể về ti vi hay máy vi tính." "Vậy là thầy không tin vào bất cứ thứ gì siêu nhiêu?" "Chúng ta đã nói về chuyện đó rồi. Ngay cả 'siêu nhiêu' cũng là một từ kỳ cục. Không, tôi tin rằng chỉ có một thiên nhiên. Nhưng chính cái thiên nhiên đó cực kỳ đáng kinh ngạc." "Đôi khi người ta nói hoặc đi lại trong giấc ngủ. Ta có thể gọi đây là một loại hành động máy móc của thần kinh. Khi bị thôi miên, người ta cũng có thể nói và làm những việc 'ngoài ý muốn'. Cũng nhớ lại các nhà văn siêu thực cố gắng tạo ra cái gọi là lối viết vô thức. Họ đã cố gắng làm thầy đồng cho vô thức của chính mình." "Em nhớ." "Trong thế kỷ này đôi khi cũng từng có cái gọi là 'gọi hồn' nghĩa là một thầy đồng có thể liên lạc với một người đã chết. Bằng cách nói và giọng nói của người chết hoặc bằng lối viết vô thức, thầy đồng nhận được thông điệp của một người đã sống từ năm, năm mươi hoặc hàng trăm năm trước. Điều này đã được đem ra làm bằng chứng cho việc một cuộc sống sau khi chết hoặc rằng chúng ta có nhiều kiếp sống." "Vâng, em biết." "Tôi không nói rằng tất cả các ông đồng bà cốt đều nguỵ tạo. Một số thực sự có niềm tin. Họ quả thực là các thầy đồng, nhưng họ chỉ là thầy đồng cho vô thức của chính mình. Đã có một số trường hợp các thầy đồng được nghiên cứu kỹ lưỡng khi họ đang nhập đồng và thể hiện các kiến thức và khả năng mà cả họ lẫn những người khác đều không thể hiểu được họ có thể bằng cách nào. Có trường hợp, một người phụ nữ không biết tiếng Hebrew lại truyền các thông điệp bằng ngôn ngữ đó. Do vậy, bà ta chắc đã từng có kiếp trước hoặc đã liên lạc được với linh hồn của người đã chết." "Thầy nghĩ thế nào?" "Té ra khi còn nhỏ, bà ta đã từng có vú em người Do Thái." "À!" "Chuyện đó có làm em thất vọng không? Nó chỉ cho thấy khả năng lạ thường của một số người trong việc ghi nhớ các trải nghiệm vào trong vô thức." "Thế còn dạng những thứ huyền bí trong cuốn sách thầy vừa chỉ cho em thì sao ạ?" "Mọi nhà triết học thực thụ phải luôn mở to mắt. Thậm chí nếu ta chưa bao giờ nhìn thấy một con quạ trắng thì ta cũng không bao giờ nên ngừng tìm kiếm nó. Và một ngày nào đó, ngay cả một kẻ hoài nghi như tôi có thể buộc phải công nhận một hiện tượng mà trước kia tôi không tin. Nếu tôi không để mở khả năng này, tôi sẽ là một kẻ giáo điều chứ không phải là một nhà triết học chân chính." Alberto và Sophie ngồi yên lặng trên ghế băng. Những con bồ câu vươn cổ gù gù, thỉnh thoảng chúng lại bị giật mình bởi một chiếc xe đạp đi ngang qua hay một chuyển động bất ngờ. "Em phải về nhà chuẩn bị cho bữa tiệc đây." cuối cùng Sophie lên tiếng. "Nhưng trước khi chúng ta chia tay, tôi sẽ chỉ cho em một con quạ trắng. Nó ở gần hơn là ta nghĩ, em sẽ thấy." Alberto đứng dậy và dẫn Sophie quay lại cửa hàng sách. Lần này, họ bỏ qua tất cả những cuốn sách về các hiện tượng siêu nhiên và dừng lại trước một giá sách nhỏ ở tận góc cuối cùng cửa hàng. Trên giá treo một tấm biển nhỏ xíu. Trên đó ghi: TRIẾT HỌC. Alberto chỉ xuống một cuốn sách, và Sophie há hốc mồm khi cô đọc tên: THẾ GIỚI CỦA SOPHIE. "Em có muốn tôi mua tặng em một cuốn không?" "Em không biết em có dám không nữa." Tuy nhiên, chỉ lát sau cô đã trên đường về nhà, một tay cầm cuốn sách, tay kia xách một túi nhỏ đựng mấy thứ dành cho bữa tiệc vườn. BỮA TIỆC TRONG VƯỜN ... một con quạ trắng... Hilde ngồi lặng trên giường. Cô đang nắm chặt chiếc cặp giấy nặng và cảm thấy đôi tay mình đang run lên. Gần 11 giờ. Cô đã đọc hơn hai tiếng liền. Thỉnh thoảng, cô đã phải rời mắt khỏi những trang giấy để phá lên cười, cũng có khi lại há mồm vì kinh ngạc. Thật hay là ở nhà chỉ có một mình cô. Những gì cô đã trải qua trong hai tiếng đồng hồ thật ấn tượng. Bắt đầu là chuyện Sophie cố gắng thu hút sự chú ý của ông thiếu tá trên đường từ căn nhà nhỏ trong rừng về. Cuối cùng thì cô trèo lên cây và được Ngỗng Morten cứu, chú ngỗng đã tới như một thiên thần hộ mệnh từ Lebanon. Tuy đã lâu lắm rồi, nhưng Hilde không hề quên hồi bố cô hay đọc cho cô nghe truyện Những cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils. Nhiều năm sau đó, hai bố con vẫn có chung một ngôn ngữ bí mật liên quan tới cuốn truyện. Và bây giờ ông lại lôi con ngỗng ngày xưa ra một lần nữa. Sau đó, Sophie trải qua lần đầu tiên làm người khác đơn độc trong quán cà phê. Hilde đặc biệt ấn tượng với những gì Alberto nói về Sartre và chủ nghĩa hiện sinh. Ông gần như mê hoặc cô - tuy trước đó ông cũng đã làm vậy nhiều lần trong cái cặp giấy. Vào khoảng năm ngoái, một lần Hilde đã mua một cuốn sách về chiêm tinh học. Một hôm khác, cô đem về nhà vài bộ bài bói. Lần sau là một cuốn sách về thuyết duy linh. Lần nào bố cũng giảng cho cô một bài về sự 'mê tín' và 'năng lực phê phán' của cô, nhưng ông đã đợi đến tận bây giờ để ra cú đòn quyết định. Đòn phản công của ông vô cùng chính xác. Rõ ràng, ông không thể để con gái lớn lên mà không cảnh báo đầy đủ về những thứ thuộc loại đó. Để hoàn toàn yên tâm, ông còn vẫy chào cô từ màn hình một chiếc ti vi trong cửa hàng điện tử. Đáng ra ông chẳng cần phải vất vả vậy... Điều cô tò mò hơn cả là Sophie. Sophie - bạn là ai? Bạn từ đâu đến? Tại sao bạn lại bước vào cuộc đời toi? Cuối cùng thì Sophie được tặng một cuốn sách về chính cô. Có phải đó chính là cuốn mà Hilde hiện đang cầm trên tay? Nhưng đây chỉ là một tập giấy. Nhưng dù sao thì - làm thế nào mà một người có thể tìm thấy một cuốn sách về mình trong một cuốn sách về mình được nhỉ? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Sophie đọc cuốn sách đó? Bây giờ chuyện gì sắp xảy ra? Chuyện gì có thể xảy ra? Trong cặp giấy chỉ còn lại vài trang. Sophie gặp mẹ trên xe buýt khi từ thành phố về nhà. Ồ không! Mẹ sẽ nói gì khi nhìn thấy cuốn sách trên tay Sophie? Sophie cố nhét cuốn sách vào chiếc túi đựng đầy băng giấy màu và bóng bay cho bữa tiệc, nhưng không thành công. "A Sophie! Hai mẹ con mình bắt cùng một chuyến xe buýt. Hay thật!" "Con chào mẹ." "Con mua sách à?" "Không, không hẳn thế đâu ạ." "Thế giới của Sophie... lạ nhỉ." Sophie biết cô không có được một chút xíu cơ hội nói dối mẹ. "Alberto cho con." "À, dĩ nhiên rồi. Mẹ đã nói rồi đấy, mẹ đang mong gặp mặt ông ta. Cho mẹ xem được không?" "Ít nhất thì mẹ cũng có thể đợi đến khi mình về nhà được không ạ? Đây là sách của con mà mẹ!" "Tất nhiên là của con. Mẹ chỉ muốn xem qua trang đầu tiên thôi, được chưa nào? ...'Sophie Amudsen từ trường về. Cô đi cùng đường với Joanna. Họ trò chuyện về người máy..." "Trong đó viết như thế thật à?" "Ừ. Tác giả là Albert Knag. Chắc là một tay mới. À thế ông Alberto của con thì họ là gì nhỉ?" "Knox." "Có khi thực ra chính con người đặc biệt đó đã viết một cuốn sách về con, Sophie à. Người ta gọi là dùng bút danh." "Không phải ông ta đâu mẹ. Mẹ đừng tiếp tục nữa có được không. Đằng nào thì mẹ cũng chẳng hiểu gì?" "Ừ, mẹ cũng chẳng cho là mẹ hiểu. Ngày mai là đến bữa tiệc rồi, sau đó mọi chuyện sẽ yên ổn lại." "Albert Knag sống trong một thực tại hoàn toàn khác. Thế cho nên cuốn sách này là một con quạ trắng." "Con có thôi ngay tất cả những trò này đi không? Không phải nó là một con thỏ trắng à?" "Có mà mẹ ấy!" Họ không nói gì thêm cho đến bến xe ở cuối đường Cò Ba Lá, khi họ gặp ngay một cuộc biểu tình. "Lạy chúa tôi! Helenne Amundsen kêu lên. "Mẹ cứ tưởng chính trị vỉa hè chừa khu phố này ra." Chỉ có khoảng mười người. Họ mang các khẩu hiệu: ÔNG THIẾU TÁ SẮP TỚI ỦNG HỘ CÁC MÓN KHOÁI KHẨU TRONG LỄ HỘI MÙA HÈ THÊM THUYỀN LỰC CHO LIÊN HỢP QUỐC Sophie thấy mẹ thật đáng thương. "Quan tâm làm gì." cô nói. "Những cuộc biểu tình này kỳ quặc thật, Sophie à. Khá là ngớ ngẩn, thật đấy." "Trò vặt ấy mà." "Thế giới thay đổi ngày càng nhanh. Thực ra, mẹ chẳng ngạc nhiên tí nào." "Dù sao thì mẹ cũng nên lấy làm lạ là mình không ngạc nhiên." "Ồ không. Họ đâu có quá khích. Mẹ chỉ hy vọng họ chưa giẫm nát những luống hoa hồng nhà mình. Chắc không cần phải biểu tình trong vườn. Mình về nhà nhanh xem sao." "Đấy là biểu tình triết học, mẹ ạ. Những nhà triết học thực thụ không giẫm lên hoa hồng đâu." "Mẹ bảo này, Sophie. Mẹ chẳng tin là còn có những nhà triết học thật nữa đâu. Bây giờ cái gì cũng là hàng tổng hợp." Hai mẹ con dành cả buổi chiều và buổi tối để chuẩn bị. Sáng hôm sau họ lại tiếp tục bày biện và trang trí bàn ăn. Joanna đến giúp một tay. "Chán quá!" cô than thở. "Ba mẹ tớ cũng đến. Tại cậu đấy, Sophie!" Nửa tiếng trước giờ mời khách, mọi thứ đã sẵn sàng. Trên cây treo đầy những băng giấy màu và đèn lồng Nhật Bản. Bóng bay mắc trên cổng vườn, hàng cây dọc theo đường đi và cửa trước của ngôi nhà. Sophie và Joanna đã dành gần hết buổi chiều để thổi bóng. Trên bàn bày thịt gà, rau trộn và các loại bánh mì nhà làm. Trong bếp còn có bánh ngọt nhân nho và bánh gato, bánh nướng Đan Mạch và bánh socola. Nhưng ngay từ đầu, vị trí trang trọng nhất ở giữa bàn đã được dành riêng cho một chiếc bánh sinh nhật - một kim tự tháp bằng bánh nướng hạnh nhân. Trên đỉnh chiếc bánh là một con búp bê nhỏ xíu hình một cô gái mặc bộ váy trắng của lễ kiên tín. "Mình đã không bỏ quên cái gì." bà nhắc đi nhắc lại mấy lần trước khi buổi tiệc bắt đầu. Các vị khách bắt đầu đến. Đầu tiên là ba cô bé cùng lớp Sophie, họ mặc áo sơ mi mùa hè, áo len mỏng, váy dài và một chút xíu trang điểm trên mắt. Lát sau, Jeremy và David vào cổng với vẻ nghênh nghênh trẻ con pha chút ngài ngại. "Chúc mừng sinh nhật!" "Bây giờ cậu cũng thành người lớn rồi nhỉ!" Sophie để ý thấy Joanna và Jeremy đã bắt đầu kín đáo đưa mắt nhìn nhau. Cảm giác có cái gì đó. Đây là đêm Lễ Hội Mùa Hè mà. Mọi người mang quà sinh nhật tới, và do đây là buổi tiệc vườn triết học nên vài người khác đã cố tìm hiểu xem triết học là cái gì. Dù không phải người nào cũng tìm được món quà có tính triết học, nhưng hầu như ai cũng viết câu gì đó triết lý lên tấm thiệp mừng của mình. Sophie nhận được một cuốn từ điển triết học, cô còn có một cuốn sổ nhật ký có khoá ngoài bìa đề: CÁC TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC CÁ NHÂN. Mẹ của Sophie mời khách uống nước táo trong những chiếc ly chân cao. "Xin chào... Chàng trai này tên gì vậy? Tôi không nghĩ là chúng ta đã gặp nhau... Cecilie, cô rất mừng là cháu đã đến được..." Khi các vị khách trẻ tuổi đã có mặt đầy đủ và đang cầm ly nước táo đi dạo dưới những tán cây, chiếc xe Mercedes trắng của cha mẹ Joanna đỗ xịch trước cổng vườn. Trong bộ vest xám đắt tiền, nhà tư vấn tài chính ăn mặc thật không chê vào đâu được. Bà vợ diện một bộ váy đỏ đính những đồng xu kim loại màu đỏ sẫm. Sophie dám cá bà ta đã mua trong cửa hàng đồ chơi của con búp bê Barbie ăn mặc hệt như vậy rồi thuê thợ may một bộ lớn hơn vừa cỡ mình. Một khả năng khác: nhà tư vấn tài chính có thể đã mua một con búp bê rồi đưa cho một nhà ảo thuật để biến thành người thật. Nhưng khả năng này khó xảy ra nên Sophie loại trừ nó. Họ ra khỏi chiếc xe Mercedes và bước vào vườn trước những ánh mắt kinh ngạc của các vị khách trẻ tuổi. Nhà tư vấn tài chính tặng Sophie một hộp quà nhỏ và dài - món quà của gia đình Ingebrigtsen. Sophie cố hết sức để giữ vẻ bình thường khi thấy món quà té ra là... Đúng vậy!... nó là một con búp bê Barbie. Nhưng Joanna thì chẳn tốn công sức làm vậy. "Ba mẹ điên à. Sophie đâu có chơi búp bê!" Bà Ingebrigtsen vội vã bước tới, những đồng xu kim loại va vào nhau kêu leng keng. "Nhưng nó chỉ để bày cho đẹp thôi mà, con biết đấy." "À vâng, cháu rất cảm ơn hai bác." Sophie cố gắng dàn hoà. "Giờ  thì cháu có thể bắt đầu sưu tập búp bê." Mọi người bắt đầu tiến dần về phía bàn ăn. "Chúng ta chỉ còn đợi Alberto." Mẹ Sophie nói với cô với giọng hơi nhanh che giấu sự e ngại ngày càng tăng. Những lời xì xào về vị khách danh dự đặc biệt đã lan truyền giữa những người dự tiệc. "Thầy đã hứa đến dự, thầy sẽ đến." "Nhưng chúng ta đâu có thể mời các vị khách khác vào bàn khi ông ta chưa đến?" "Tất nhiên là mời được. Nào, mẹ." Helene Amundsen bắt đầu xếp chỗ cho khách quanh chiếc bàn dài. Bà cố ý dành chiếc ghế trống giữa ghế bà và của Sophie. Bà nói một vài lời về thời tiết tốt và rằng Sophie giờ đây đã thành người lớn. Họ ngồi vào bàn được khoảng nửa tiếng thì một người đàn ông đội mũ nồi, tuổi trung niên với bộ râu dê đen từ đường Cò Ba Lá bước vào vườn, tay ôm một bó 15 bông hồng đỏ. "Thầy Alberto!" Sophie rời bàn chạy tới chào. Cô quàng tay quanh cổ ông rồi nhận bó hoa. Để đáp lại sự chào đón, ông lục lọi trong túi áo khoác lấy ra mấy quả pháo Trung Quốc, châm lửa và ném ra sân. Tiến đến bàn, ông thắp một cây pháo hoa cà và cắm lên đỉnh chiếc bánh sinh nhật. Rồi ông đến đứng cạnh cái ghế còn trống ở giữa hai mẹ con Sophie. "Tôi rất vui được có mặt ở đây." Ông nói. Các vị khách ngồi lặng. Bà Ingebrigtsen liếc nhìn chồng với ánh mắt đầy ngụ ý. Mẹ Sophie nhẹ cả người vì cuối cùng ông ta cũng đã tới, đến nỗi bà có thể bỏ qua mọi chuyện. Còn Sophie thì phải cố hết sức để nhịn cười. Helene gõ gõ ly của mình rồi nói: "Chúng ta hãy chào mừng Alberto Knox đã đến dự buổi tiệc triết học này. Ông ấy không phải bạn trai mới của tôi. Vì tuy là chồng tôi thường xuyên đi biển xa nhưng hiện tại tôi không có bạn trai. Tuy nhiên, con người đáng kinh ngạc này là thầy giáo triết học mới của Sophie. Năng lực của ông vượt xa chuyện đốt pháo. Chẳng hạn người đàn ông này có thể lấy ra một con thỏ từ trong mũ rộng vành. Hay đó là một con quạ, hả Sophie?" "Rất cám ơn chị về những lời giới thiệu." Alberto nói rồi ngồi vào bàn. "Xin mời nâng cốc!" Sophie nói. Khách nâng ly uống mừng sức khoẻ Alberto. Họ ngồi ăn thịt gà và rau trộn hồi lâu. Chợt Joanna đứng dậy, quả quyết đi về phía Jeremy rồi hôn chụt lên môi cậu ta. Cậu đáp lại bằng cách cố vật Joanna xuống bàn để ôm cô chặt hơn khi hôn lại. "Ôi, tôi chưa từng bao giờ...", bà Ingebrigtsen thốt lên. Còn bà Amundsen thì chỉ bình luận: "Không phải ở trên bàn, các cháu." "Sao lại không?" Alberto hỏi. "Hỏi gì kỳ cục!" "Một nhà triết học thực thụ không bao giờ sai khi đặt câu hỏi." Alberto trả lời. Mấy cậu bé không được hôn thì bắt đầu ném xương gà lên nóc nhà. Cả chuyện này cũng chỉ dẫn tới một lời phàn nàn nhẹ nhàng của mẹ Sophie. "Phiền các cháu đừng làm thế. Lỡ xương gà lọt vào trong máng thoát nước thì sẽ khá là rắc rối." "Cháu xin lỗi." một cậu nói. Rồi bọn con trai bắt đầu ném xương qua hàng rào. Cuối cùng, bà Amundssne nói:"Có lẽ đã đến lúc dọn bát đĩa và bắt đầu món bánh. Sophie và Joanna, các con giúp một tay nhé?" Đường vào bếp chỉ đủ thời gian cho một chút chuyện trò. "Sao cậu hôn Jeremy?" Sophie hỏi Joanna. "Tớ ngồi nhìn mội cậu ấy và không thể cưỡng lại được. Cậu ấy xinh trai thật!" "Cảm giác thế nào?" "Không hẳn như tớ đã hình dung, nhưng..." "Lần đầu à?" "Nhưng không phải lần cuối!" Chẳng mấy chốc, cà phê và bánh ngọt đã được bày lên bàn. Alberto đang chia pháo cho các cậu bé khi mẹ Sophie gõ gõ tách cà phê của mình. "Tôi sẽ không nói dài," bà bắt đầu, "nhưng tôi chỉ có một cô con gái và dịp này chỉ đến một lần. Đúng một tuần và một ngày trước đây, con gái tôi đã sang tuổi mười lăm. Và như các vị thấy, chúng tôi đã không tiếc gì cho buổi tiệc này. Có hai mươi khoanh hạnh nhân trên chiếc bánh sinh nhật, do đó mỗi người có ít nhất một khoanh. Những người lấy bánh trước có thể lấy hai khoanh vì chúng ta lấy từ trên xuống và các khoanh bánh càng ở dưới càng to hơn. Cuộc đời cũng như vậy. Hồi bé, Sophie đi chơi quanh những vòng tròn nhỏ. Nhưng năm tháng trôi qua, vòng tròn lớn dần. Bây giờ, từ đây nó đã vươn tới khu Phố Cổ. Và còn nữa, với một người cha lúc nào cũng ở ngoài biển xa, Sophie đã đến thăm mọi vùng trên thế giới. Sophie, chúng ta chúc mừng con nhân ngày sinh nhật lần thứ mười lăm!" "Thú vị thật!" bà Ingebrigtsen thốt lên. Sophie không rõ bà ta đang nói tới mẹ cô, bài diễn văn, chiếc bánh sinh nhật, hay chính Sophie. Khách khứa vỗ tay rào rào, một cậu bé ném pháo lên cây lê. Joanna rời bàn và đến kéo Jeremy ra khỏi ghế. Họ nằm xuống cỏ và lại bắt đầu hôn nhau. Lúc sau, cả hai lăn vào giữa mấy bụi dâu đỏ. "Thời nay con gái là người chủ động." Ông Ingebrigtsen nói. Đoạn, ông đứng dậy, đến chỗ mấy bụi dâu và đứng quan sát cận cảnh sự việc. Các vị khách khác cũng theo sau. Chỉ còn Sophie và Alberto vẫn ngồi tại bàn. Các vị khách giờ đang đứng thành một vòng cung quanh Joanna và Jeremy. "Không thể dừng chúng lại được." Bà Ingebrigtsen nói không phải không có chút tự hào. "Đúng vậy, con nhà tông không giống lông cũng giống cánh," chồng bà tiếp lời. Ông nhìn quanh, chờ đợi tràng vỗ tay tán thưởng câu nói khéo chọn của mình. Khi thấy sự hưởng ứng chỉ là vài cái gật đầu lặng lẽ, ông nói thêm. "Thật vô phương." Từ xa, Jeremy đang cố cởi khuy chiếc áo trắng của Joanna giờ đã lấm đầy những vết xanh của cỏ. Còn cô thì đang lóng ngóng tháo thắt lưng của cậu ta. "Khéo không bị cảm lạnh, con nhé!" Bà Ingebrigtsen dặm. Sophie ngán ngẩm nhìn Alberto. "Tình hình diễn biến nhanh hơn là tôi tưởng." ông nói. "Ta phải thoát khỏi đây càng nhanh càng tốt. Tôi chỉ phải làm một bài phát biểu ngắn." Sophie vỗ mạnh tay. "Mọi người có thể quay về bàn được không ạ? Thầy Alberto sẽ nói vài lời." Mọi người chậm chạp trở về chỗ của mình, trừ Joanna và Jeremy. "Anh định phát biểu thật à?" Mẹ Sophie hỏi. "Hay quá!" "Cảm ơn chị." "Và anh còn thích đi dạo, tôi biết. Giữ sức khỏe thật là quan trọng. Có một con chó làm bạn đường thì lại còn hay hơn nữa. Có phải tên nói là Hermes không?" Alberto đứng dậy. "Sophie thân mến." ông bắt đầu. "Vì đây là buổi tiệc triết học nên tôi sẽ nói về triết học." Tiếng vỗ tay rào rào chúc mừng. "Trong nhóm thực khách đầy màu sắc của chúng ta, một chút lý luận có vẻ không phải là không hợp cảnh. Tuy nhiên, cho dù chuyện gì xảy ra thì chúng ta hãy cùng chúc mừng Sophie nhân ngày sinh nhật lần thứ 15." Ông chưa kịp dứt lời thì có tiếng động cơ của một máy bay thể thao đang tới gần. Nó lượn thấp xuống bên trên khu vườn. Sau đuôi máy bay thì một chiếc băng rôn dài bay phấp phới. Trên đó ghi dòng chữ: "Chúc mừng sinh nhật lần thứ 15." Tiếng vỗ tay lại rào rào nổi lên, lần này còn hơn lần trước. "Đấy, các vị thấy không?" Bà Amundsen reo lên vui sướng. "Người đàn ông này không chỉ biết làm pháo hoa." "Xin cảm ơn. Đó chỉ là chuyện vặt thôi mà. Trong mấy tuần nay, tôi và Sophie đã tiến hành một nghiên cứu triết học quan trọng. Bây giờ và ngay tại đây, chúng tôi sẽ tiết lộ các kết quả đã đạt được. Chúng tôi sẽ tiết lộ điều bí mật sâu xa nhất về sự tồn tại của chúng ta." Đám khách lặng yên đến mức chỉ còn nghe thấy tiếng chim ríu rít và tiếng xào xạc trong bụi dâu. "Thầy nói tiếp đi." Sophie nhắc. "Sau một nghiên cứu triết học thấu đáo từ các nhà  triết gia Hy Lạp cổ đại đến triết học hiện đại, chúng tôi đã phát hiện ra rằng chúng tôi đang sống cuộc đời của mình trong trí tưởng tượng của một ông thiếu tá, người hiện đang phục vụ trong lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc với vai trò quan sát viên tại Lebanon. Ông ta còn viết một cuốn sách về chúng ta cho cô con gái đang sống ở Lillesand. Tên cô ấy là Hilde Moller Knag, cô ấy tròn 15 tuổi vào cùng một ngày của Sophie. Cuốn sách về chúng ta nằm bên giường Hilde khi cô ấy thức dậy vào sáng sớm ngày 15 tháng Sáu. Nói một cách chính xác hơn, nó có dạng một tập giấy. Ngay khi chúng ta đang nói, ngón tay trỏ của cô ấy có thể đang chạm tới những trang giấy cuối cùng." Một cảm giác lo ngại bắt đầu lan truyền quanh bàn tiệc. "Do đó, sự hiện hữu của chúng ta chẳng qua chỉ là một kiểu quà sinh nhật cho Hilde Moller Knag không hơn không kém. Tất cả chúng ta đã được sinh ra để cho một cốt truyện của chương trình dạy triết học mà ông thiếu tá dành cho con gái. Điều đó có nghĩa là chiếc Mercedes trắng ngoài cổng kia chẳng hạn không đáng giá một xu. Nó là trò vặt. Nó chỉ là một chiếc Mercedes chạy đi chạy lại trong đầu một ông thiếu tá khốn khổ, người mà ngay lúc này đây đang phải núp dưới bóng một cây cọ để khỏi bị say nắng. Mấy hôm nay ở Lebanon trời rất nóng, các bạn ạ." "Rác rưởi!" Vị cố vấn tài chính thốt lên. "Hoàn toàn vô nghĩa lý!" "Hoan nghênh ông đưa ra quan điểm của mình," Alberto điểm nhiên tiếp tục, "nhưng sự thật là chính cái buổi tiệc này mới là thứ hoàn toàn vô nghĩa lý. Điều có lý duy nhất trong cả bữa tiệc chính là bài phát biểu này." Đến đây là ngài cố vấn tài chính đứng bật dậy và nói: "Chúng ta đang gắng hết sức để kinh doanh và để đảm bảo rằng chúng ta có bảo hiểm cho mọi loại rủi ro. Thế mà bỗng dưng lại xuất hiện cái tay biết tuốt này, hắn định phá nát hết bằng ba cái luận điệu 'triết học'." Alberto gật gù tỏ vẻ tán đồng. "Quả thật là không có bảo hiểm nào dành cho các hiểu biết triết học thuộc kiểu này. Chúng ta đang nói về một điều tệ hại hơn cả các thảm họa thiên nhiên, thưa ông. Nhưng có lẽ ông cũng biết rằng bảo hiểm cũng chẳng bao gồm những thứ đó." "Đây không phải một thảm họa thiên nhiên." "Đúng vậy, nó là một thảm họa hiện sinh. Ông hãy thử ngó xuống dưới bụi dâu và ông sẽ hiểu ý tôi muốn nói gì. Ông không thể mua bảo hiểm phòng cho sự sụp đổ của cả cuộc đời mình. Ông cũng không thể mua bảo hiểm phòng cho việc mặt trời bỗng nhiên lụi tắt." "Chúng ta liệu có phải chịu đựng chuyện này không?", cha của Joanna hỏi vợ. Bà ta lắc đầu. Mẹ Sophie cũng vậy. "Thật đáng tiếc." bà nói. "thế mà chúng ta đã chỉ không tiếc tiền." Đám khách trẻ tuổi vẫn tiếp tục hướng về phía Alberto. "Chú nói tiếp đi ạ!" Một cậu tóc xoăn đeo kính đề nghị. "Xin cảm ơn, nhưng không còn gì nhiều để nói. Khi chúng ta đã nhận ra rằng mình chỉ là những hình ảnh mơ màng trong cái ý thức đang buồn ngủ của một người khác, thì theo tôi im lặng là khôn ngoan nhất. Nhưng tôi có thể kết thúc bằng một lời khuyên rằng các cháu nên theo học một khóa ngắn về lịch sử triết học. Các cháu cần có khả năng suy xét về những giá trị của các thế hệ trước. Điều đó rất quan trọng. Nếu tôi đã cố gắng dạy Sophie điều gì, thì đó chính là suy nghĩ một cách có phê phán. Hegel gọi đó là tư duy phủ định." Vị cố vấn tài chính vẫn đang đứng. Ông gõ gõ ngón tay xuống bàn. "Tên kích động này đang cố phá hủy mọi giá trị đúng đắn mà nhà trường, nhà thờ và chính chúng ta đang cố gắng giáo dục cho thế hệ trẻ. Chính bọn trẻ là những người có cả tương lại ở phía trước và một ngày nào đó chúng sẽ thừa hướng tất cả những gì mà chúng ta đã gây dựng nên. Nếu người đàn ông này không lập tức rời khỏi cuộc tụ họp này thì tôi sẽ gọi luật sư riêng. Anh ta sẽ biết cách xử lý tình huống này." "Ông có làm gì hay không thì cũng vậy thôi, vì ông chỉ là một cái bóng. Dù sao thì tôi và Sophie cũng sắp rời khỏi bữa tiệc. Vì đối với chúng tôi, khóa triết học này không phải thuần túy lý thuyết mà nó còn có cả phần thực hành. Khi thời cơ chín muồi, chúng tôi sẽ diễn màn biến mất. Đó là cách mà chúng tôi sẽ dùng để trốn ra khỏi ý thức của ông thiếu tá." Helen Amundsen nắm lấy tay con gái. "Không phải con đang định rời bỏ mẹ đấy chứ, Sophie?" Sophie quàng tay ôm mẹ. Cô ngước nhìn Alberto. "Mẹ em rất buồn..." "Không, điều đó thật vớ vẩn. Em đừng quên những gì đã học. Chúng ta phải tự giải phóng mình khỏi chính những thứ vô nghĩa này. Mẹ em là một phụ nữ dịu dàng và nhân hậu, cũng như cô bé đội mũ đỏ đã đến trước cửa nhà tôi hôm nọ với chiếc giỏ đầy thức ăn biếu bà ngoại. Mẹ em chẳng buồn đâu, cũng như cái máy bay vừa bay qua đây đâu có cần xăng cho những chuyến lượn vòng để chúc mừng sinh nhật." "Em hiểu rồi." Sophie nói rồi quay về phía mẹ."Thế nên con phải làm những gì thầy nói, mẹ ạ. Đằng nào thì một ngày nào đó con cũng phải xa mẹ." "Mẹ sẽ rất nhớ con." mẹ cô nói, "nhưng nếu có một thiên đường ở phía trên kia thì con cứ bay đi thôi. Mẹ hứa sẽ chăm sóc Govinda. Mỗi ngày nó ăn một hay hai cái xà lách?" Alberto đặt tay lên vai bà. "Chị và mọi người ở đây sẽ chẳng ai nhớ chúng tôi đâu. Vì một lý do đơn giản là 'mọi người không tồn tại. Các vị chẳng qua là những chiếc bóng." "Đó là lời sỉ nhục thậm tế nhất mà tôi từng nghe!" Bà Ingebrigtsen thốt lên. Chồng bà gật đầu. "Nếu không có gì thay đổi thì chúng ta có thể làm cho hắn bị buộc tội xúc phạm danh dự. Hắn muốn tước đoạt của ta mọi thứ mà chúng ta gìn giữ. Người này là một tên vô lại!" Đến đây, cả Alberto và vị cố vấn tài chính đều ngồi xuống. Ông này tím mặt vì giận dữ. Giờ thì Joanna và Jeremy cùng đến ngồi vào bàn. Áo quần hai người nhàu nát lấm lem. Mái tóc vàng của Joanna bết đầy đất. "Mẹ ạ, con sẽ sinh em bé," cô tuyên bố. "Được rồi, nhưng con phải đợi khi về đến nhà đã." Ngay lập tức, bà ta nhận được sự giúp đỡ từ chồng. "Con bé sẽ phải tự kiềm chế thôi," ông nói, "và nếu phải có một lễ đặt tên thánh đêm nay thì nó sẽ phải tự sắp xếp lấy." Alberto nhìn Sophie với vẻ mặt buồn bã. "Đến lúc rồi đấy." "Trước khi đi, con có thể mang ra cho chúng ta một chút cà phê nữa được không?" mẹ cô hỏi. "Được chứ ạ! Con làm ngay đây." Sophie cầm chiếc phích trên bàn. Cô đi pha thêm cà phê. Trong khi đợi chiếc máy cà phê, cô cho chim và cá ăn. Cô còn vào buồng tắm cho Govinda một lá xà lách. Cô không nhìn thấy con mèo ở đâu cả, nhưng có mở một hộp thức ăn cho mèo, đổ vào một cái bát rồi đặt lên bậc thềm. Cô cảm thấy nước mắt mình sắp chào ra. Khi Sophie mang cà phê quay ra vườn,  bữa tiệc trông giống như một bữa tiệc trẻ con hơn là tiệc mừng một phụ nữ trẻ. Mấy chai nước ngọt trên bàn đã bị gạt đổ. Vết bánh socola bôi bê bết khắp khăn trải bàn. Đĩa bánh nho nằm úp trên bãi cỏ. Sophie vừa ra đến nơi thì một cậu bạn đút một quả pháo vào trong chiếc bánh nhiều tầng. Quả pháo nổ làm bánh bắn tung toé khắp vườn và làm lấm lem các vị khách. Thương vong nặng nhất là bộ đồ đỏ của bà Ingebrigtsen. Kỳ quặc là cả bà ta và mọi người khác đều tỏ vẻ rất bình thản. Joanna bốc một miếng bánh socola lớn, bôi đầy lên mặt Jeremy và bắt đầu liến phần bánh đó. Mẹ cô và Alberto ngồi trên chiếc tàu lượn, hơi tách khỏi những người khác. Hai người vẫy Sophie để gọi cô tới. "Vậy là cuối cùng mẹ và thầy cũng nói chuyện riêng với nhau." Sophie nói. "Và con đã hoàn toàn đúng." mẹ cô nói. Giờ thì bà có vẻ khá là vui vẻ."Alberto là một người rất nhân hậu. Mẹ tuyệt đối tin tưởng khi gửi gắm con cho ông ấy." Sophie ngồi xuống giữa hai người. Hai cậu bé đã trèo được lên mái nhà. Một cô bé đi quanh vườn, dùng châm gài tóc chọc thủng tất cả các quả bóng. Rồi một vị khách không mời đổ xịch xe mô tô trước cổng, trên yên xe buộc một thùng bia và nước khoáng. Vài người khách ra đón anh ta vào. Đến đây, vị cố vấn tài chính đứng lên. Ông vỗ tay để mọi người chú ý rồi nói: "Các vị có muốn chơi một trò chơi không?" Ông ta có một chai bia, uống cạn, rồi đặt chai rỗng vào giữa bãi cỏ. Sau đó ông quay lại bàn tiệc, lấy năm chiếc vòng cuối cùng từ chiếc bánh sinh nhật. Ông hướng dẫn mọi người cách ném vòng để nó choàng vào cổ cái chai. "Con giẫy chết," Alberto nói."Chúng ta nên đi trước khi ông thiếu tá kết thúc tất cả những chuyện này và Hilde đóng tập giấy." "Mẹ sẽ phải dọn một mình rồi, mẹ ạ." "Không sao đâu con. Đây không phải cuộc sống cho con. Nếu Alberto có thể cho con một cuộc sống tốt hơn, sẽ chẳng có ai hạnh phúc hơn mẹ. Không phải con đã kể với mẹ là ông ấy có một con ngựa trắng đấy chứ?" Sophie nhìn quanh khu vườn. Không thể nhận ra được.Vỏ chai, xương gà, bánh, bóng... tất cả bị xéo nát lẫn vào trong cỏ. "Đây đã từng là Vườn Địa đàng nhỏ của em." cô nói. "Và giờ em đã bị đẩy ra khỏi nó." Alberto tiếp lời. Một cậu bé đang ngồi trong chiếc xe Mercedes trắng. Cậu rồ máy và chiếc ô tô đâm xuyên qua cổng vườn, đi lên con đường rải sỏi và vào trong vườn. Sophie cảm thấy ai đó nắm chặt tay mình và cô bị kéo vào cái hốc có bụi cây. Rồi cô nghe tiếng Alberto: "Đi nào!" Cùng lúc đó, chiếc Mercedes đâm sầm vào một cây táo. Một trận mưa táo xanh đổ xuống mui xe. "Thật quá quắt!" Ông cố vấn tài chính hét lên. "Tôi yêu cầu được bồi thường!" Bà vợ ông ủng hộ nhiệt liêt. "Đó là lỗi của tên vô lại đáng nguyền rủa! Hắn đâu rồi?" "Họ đã biết mất rồi." Helen Amundsen nói với một vẻ không phải không có chút tự hào. Ba vươn thẳng người, đi về phía bàn tiệc và bắt đầu dọn dẹp. "Có ai muốn uống cà phê nữa không?" ĐỐI ÂM ... nhiều giai điệu cùng âm vang... Trên giường, Hilde ngồi dậy. Đó là kết thúc câu chuyện về Sophie và Alberto. Nhưng thực ra chuyện gì đã xảy ra? Tại sao bố cô lại viết chương cuối như vậy? Phải chăng đó chỉ để thể hiện quyền lực của ông trong thế giới của Sophie? Vẫn chìm sâu trong suy nghĩ, cô đi tắm rồi mặc quần áo. Cô ăn quàng bữa sáng rồi lang thang ra vườn, cô chui vào ngồi trong cái tàu lượn. Cô đồng ý với Alberto rằng bài phát biểu của ông là sự kiện duy nhất hợp lý trong bữa tiệc. Có chắc là bố cô không cho rằng thế giới của Hilde không hỗn loạn như buổi tiệc trong vườn của Sophie không nhỉ? Hay là rồi cuối cùng thế giới của cô cũng sẽ tan biến? Rồi lại còn vấn đề của Sophie và Alberto. Chuyện gì đã xảy ra với kế hoạch bí mật? Phải chăng câu chuyện tiếp diễn như thế nào là tuỳ Hilde? Hay là họ đã thực sự trốn được ra khỏi câu chuyện? Và bây giờ họ đang ở đâu? Bỗng một luồng suy nghĩ loé lên trong cô. Nếu quả thực Sophie và Alberto đã thoát ra khỏi câu chuyện, trong tập giấy sẽ chẳng có đoạn nào nói gì về điều đó. Đáng tiếc là mọi điều trong đó đều rất rõ ràng đối với bố cô. Phải chăng có gì đó ẩn giữa những dòng chữ? Khả năng đó được ngụ ý không dưới một lần. Hilde nhận ra rằng cô sẽ phải đọc lại toàn bộ câu chuyện một hai lần nữa. Khi chiếc Mercedes trắng lao vào khu vườn, Alberto kéo Sophie vào cái hốc trong bụi cây. Rồi họ chạy vào rừng hướng về phía nhà ông thiếu tá. "Nhanh lên!" Alberto kêu lên. "Nó phải xảy ra trước khi ông ấy bắt đầu tìm chúng ta." "Chúng ta đã vượt khỏi tầm với của ông thiếu tá chưa ạ?" "Chúng ta đang ở vùng giáp ranh." Họ chèo thuyền qua bên kia hồ rồi chạy vào trong căn nhà. Alberto mở một cánh cửa bí mật dưới sàn. Ông đẩy Sophie xuống hầm. Mọi thứ tối xầm lại. Những ngày sau đó, Hilde sắp xếp kế hoạch của mình. Cô gửi thư và gọi điện vài lần cho Anne Kvamsdal ở Copenhagen. Cô còn nhờ bạn bè và người quen giúp đỡ. Số bạn bè cùng lớp cùng tham gia chiếm đến gần nửa sĩ số. Trong lúc đó, cô đọc lại Thế giới của Sophie. Đó không phải một câu chuyện mà người ta có thể đọc một lần là xong. Cô thường nảy thêm những suy đoán mới về chuyện xảy ra với Sophie và Alberto khi họ rời khỏi bữa tiệc. Thứ Bảy ngày 23 tháng Sáu, khoảng chín giờ sáng, Hilde giật mình tỉnh giấc. Cô biết bố mình đã rời khỏi binh trạm ở Lebanon. Bây giờ vấn đề chỉ còn là chờ đợi. Thời gian còn lại trong ngày của ông đã được lập kế hoạch đến từng chi tiết nhỏ nhất. Sáng hôm đó, cô bắt đầu cùng mẹ chuẩn bị cho đêm Hội Mùa Hè. Hilde không thể không nghĩ về chuyện hai mẹ con Sophie đã sắp xếp bữa tiệc Hội Mùa Hè của họ như thế nào. Nhưng đấy là điều gì đó họ đã làm. Chuyện đã qua, đã kết thúc. Có phải thế không nhỉ? Hay là ngay lúc này họ vẫn đang ở đâu đó và cũng đang trang trí? Sophie và Alberto ngồi xuống bãi cỏ trước mặt hai toà nhà lớn với những ống thông gió xấu xí thò ra ngoài. Một đôi bạn trẻ bước ra từ một toà nhà. Người con trai xách một chiếc cặp nâu. Cô gái vắt vai một chiếc xắc đỏ. Một chiếc ô tô đang đi trên con đường nhỏ ở phía xa.. "Chuyện gì đã xảy ra vậy ạ?" Sophie hỏi. "Chúng ta đã thành công!" "Nhưng giờ mình đang ở đâu ạ?" "Oslo." "Thầy có chắc không ạ?" "Chắc chứ. Toà nhà này có tên là Chateau Neuf, nghĩa là 'Lâu đài mới'. Người ta học nhạc ở trong đó. Còn toà nhà kia là Khoa Tôn giáo. Đây là trường dạy thần học. Người ta học khoa học tự nhiên ở lưng chừng đồi phía xa kia. Còn trên đỉnh đồi thì học văn học và triết học." "Vậy là chúng ta đã ra khỏi cuốn sách của Hilde và ngoài tầm kiểm soát của ông thiếu tá?" "Đúng vậy. Ông ấy sẽ không bao giờ tìm thấy chúng ta ở đây." "Nhưng khi chạy qua rừng thì mình đã ở đâu?" "Trong khi ông thiếu tá còn bận đâm cái xe Mercedes vào cây táo, chúng ta đã nắm lấy cơ hội để trốn trong hốc cây. Khi đó chúng ta ở giai đoạn phôi thai, ta ở trong cả thế giới cũ và thế giới mới. Nhưng khi ta trốn, có một cái gì đó mà ông thiếu tá đã không thể tiêu liệu được." "Tại sao lại không ạ?" "Ông ấy không thể để chúng ta đi thoát dễ dàng đến vậy được. Thế mà nó lại xảy ra như một giấc mơ. Tất nhiên, luôn có một khả năng là chính ông ta cố ý như vậy." "Nghĩa là sao ạ?" "Chính ông ấy là người chạy chiếc Mercedes. Có lẽ ông ta đã gắng hết sức để không nhìn thấy chúng ta. Có thể ông ấy đã hoàn toàn kiệt sức sau tất cả những gì đã xảy ra..." Lúc này, đôi bạn trẻ chỉ còn cách hai thầy trò khoảng chục mét. Sophie cảm thấy hơi ngượng ngịu khi ngồi trên bãi cỏ với một người đàn ông hơn mình nhiều tuổi. Ngoài ra, cô còn muốn được ai đó khẳng định lại những gì Alberto vừa nói. Sophie đứng dậy và đi về phía đôi bạn. "Xin lỗi anh chị, phố này tên là gì ạ?" Nhưng họ hoàn toàn không để ý đến cô. Sophie tức đến nỗi cô hỏi lại: "Mọi người ở đây không có thói quen trả lời người khác à?" Anh thanh niên có vẻ đang mải mê giải thích điều gì đó cho cô bạn: "Thể loại đối âm thể hiện theo hai chiều, chiều ngang hay chiều giai điệu và chiều dọc hay còn gọi là chiều hoà âm. Lúc nào cũng có ít nhất hai giai điệu cùng âm vang..." "Em xin lỗi vì đã ngắt lời, nhưng..." "Các giai điệu hoà với nhau sao cho chúng tôn nhau lên hết mức có thể được. Điều này không phụ thuộc mức độ khác nhau giữa chúng. Nhưng chúng phải hoà được với nhau. Thực ra, đó là nốt nhạc tương phản với nốt nhạc." Thật bất lịch sự! Họ không mù cũng chẳng điếc. Sophie cố thử lần thứ ba, cô đứng chắn đường hai người. Cô bị dạt sang bên. "Có gió về đấy." cô gái nói. Sophie chạy về phía Alberto. "Họ không thể nghe thấy em!" cô tuyệt vọng - và ngay lúc đó, cô chợt nhớ lại giấc mơ về Hilde và sợi dây chuyền vàng. "Đó là cái giá mà chúng ta phải trả. Tuy trốn ra được khỏi cuốn sách, nhưng chúng ta không thể trông đợi có được vị thế như tác giả cuốn sách đó. Nhưng chúng ta quả thực đang ở đây. Từ nay, ta sẽ không bao giờ già đi dù chỉ một ngày, ta mãi mãi ở độ tuổi khi ta rời khỏi bữa tiệc triết học trong vườn." "Nghĩa là mình sẽ không bao giờ liên lạc được thực sự với mọi người xung quanh?" "Một nhà triết học chân chính không bao giờ nói 'không bao giờ'. Mấy giờ rồi nhỉ? "Tám giờ." "Đúng là thời điểm chúng ta rời khỏi Khúc ngoặt Thuyền trưởng, tất nhiên rồi." "Hôm nay là ngày bố của Hilde từ Lebanon trở về." "Thế cho nên chúng ta phải nhanh chân lên." "Tại sao? Thầy định nói gì ạ?" "Em không sốt ruột muốn biết chuyện gì xảy ra khi ông thiếu tá về đến nhà ở Bjerkeley à?" "Chắc chắn rồi. Nhưng..." "Thế thì đi nào!" Hai thầy trò bắt đầu quốc bộ về phía thành phố. Trên đường hai người gặp một vài người, nhưng họ đều thản nhiên đi qua như thể Sophie và Alberto vô hình. Ô tô con đỗ suốt dọc hai bên lề đường. Alberto dừng lại bên một chiếc xe mui trần màu đỏ. "Cái này được đấy." Ông nói. "Ta chỉ cần đảm bảo nó là của ta." "Em chẳng hiểu thầy nói gì." "Thế thì tôi nên giải thích vậy. Chúng ta không thể cứ lấy đại một chiếc ô tô bình thường của một ai đó trong thành phố. Theo em thì chuyện gì sẽ xảy ra khi người ta thấy một chiếc xe không người lái chạy trong thành phố? Và đằng nào thì chắc chúng ta cũng không thể khởi động nó được." "Vậy sao thầy lại chọn cái xe mui trần này?" "Tôi cho là đã nhìn thấy nó trong một bộ phim cổ." "Ôi thầy! Em bắt đầu thấy mệt mỏi vì mấy cái thứ khó hiểu này rồi đây." "Đây là một cái xe tưởng tượng, Sophie à. Nó cũng giống như chúng ta. Khi nhìn nó, mọi người chỉ thấy một khoảng không trống rỗng. Đấy là tất cả những gì chúng ta cần khẳng định trước khi lên đường." Họ đứng bên cạnh chiếc xe và chờ đợi. Lát sau, trên vỉa hè có một cậu bé đạp xe tới. Cậu bé bất ngờ rẽ ngoặt, đi xuyên qua chiếc ô tô để xuống lòng đường. "Đấy! Em thấy chưa? Nó là của chúng ta!" Alberto mở cánh cửa ghế sau. "Xin mời!" ông nói, và Sophie leo lên. Ông ngồi vào chỗ của lái xe. Chìa khóa đã sẵn trong ổ điện. Ông xoay chìa, chiếc xe nổ máy. Họ lái xe về phía nam, ra khỏi thành phố, đi qua Lysaker, Sandvika, Drammen và xuôi về phía Lillesand. Trên đường, càng lúc hai người thấy càng nhiều pháo hoa của Lễ hội Mùa Hè, nhất là khi ta đã đi qua Drammen. "Đó là Lễ hội Mùa Hè, Sophie à. Tuyệt đấy chứ!" "Đi xe mui trần có giá mát trong lành thế này cũng thật tuyệt. Có thật là không ai có thể nhìn thấy chúng ta không ạ?" "Chỉ có những ai thuộc cùng loại với chúng ta mới thấy thôi. Có thể ta sẽ gặp vài người đấy. Mấy giờ rồi nhỉ?" "Tám rưỡi ạ." "Ta sẽ phải đi tắt vài đoạn. Ta không thể đi mãi đằng sau cái xe tải kia được." Họ sẽ vào một cánh đồng lúa mì rộng lớn. Sophie nhìn lại đằng sau và thấy họ để lại dấu vết khá lớn với những thân lúa mì đổ rạp. "Ngày mai, người ta sẽ nói rằng có một cơn gió kỳ quái đã thổi qua cánh đồng." Alberto nói. Thiếu tá Albert Knag vừa hạ cánh xuống sân bay Kastrup ở ngoại ô Copenhagen. Lúc đó là 4 giờ rưỡi thứ Bảy ngày 23 tháng Sáu. Quả là một ngày dài. Chuyến bay vừa xong đã cất cánh từ Roma. Khi đi qua trạm kiểm soát hộ chiếu, ông vẫn còn mặc nguyên bộ quân phục Liên hợp quốc mà ông rất đỗi tự hào. Ông không chỉ đại diện cho bản thân và đất nước mình. Alberto Knag đại diện cho một hệ thống luật pháp quốc tế - một truyền thống đã có từ một thế kỷ và nay đang bao bọc cả hành tinh. Ông chỉ đem theo một chiếc túi hàng không. Ông đã gửi tất cả hành lý từ Roma. Ông chỉ cần giữ quyển hộ chiếu đỏ của mình. "Tôi không có gì để khai báo." Thiếu tá Albert Knag phải đợi gần 3 tiếng ở sân bay cho đến khi chuyến bay đi Kristiansand cất cánh. Ông sẽ có thời gian để mua một chút quà cho gia đình. Hai tuần trước, ông đã gửi món quà của cả đời cho Hilde. Marit, vợ ông, đã đặt món quà đó bên giường Hilde để cô bé sẽ tìm thấy nó khi thức dậy buổi sáng này sinh nhật. Kể từ cú điện thoại đêm hôm đó, ông chưa có thêm lần nào trò chuyện với Hilde. Albert mua một tờ báo Na Uy, vào một quán giải khát và gọi một cốc cà phê. Chưa kịp lướt qua các tít báo, ông chợt nghe một thông báo trên loa. "Đây là một lời nhắn cá nhân gửi ông Albert Knag. Đề nghị ông Albert Knag liên hệ với bàn thông tin SAS." Cái gì vậy nhỉ? Ông cảm thấy ớn lạnh sống lưng. Không phải mình đang bị điều động quay lại Lebanon đấy chứ? Hay là ở nhà có chuyện gì nhỉ?" Ông nhanh chóng tới bàn thông tin SAS. "Tôi là Albert Knag." "Đây là thư khẩn gửi ông." Ông mở phong bì ngay lập tức. Trong đó có một phong bì nhỏ hơn. Trên đó đề người nhận là Thiếu tá Albert Knag, gửi qua phòng thông tin SAS, sân bay Kastrup, Copenhagen. Albert lo lắng mở chiếc phong bì nhỏ. Trong đó có một mẩu thư ngắn" Bố yêu quí, chào mừng bố từ Lebanon trở về. Như bố thấy đấy, con không thể đợi đến khi bố về đến nhà. Con xin lỗi vì người ta đã gọi tên bố ầm ĩ trên loa. Nhưng đó là cách tiện nhất. TB. Rất tiếc là con đã nhận được yêu cầu bồi thường thiệt hại của ngài cố vấn tài chính Ingebrgsten về chuyện chiếc Mercedes bị phả hỏng và mất trộm. TTB. Chắc khi bố về đến nhà thì con đang ngồi trong vườn. Nhưng bố có thể nhận được tin tức của con từ trước đó. TTTB. Đôi khi con cảm thấy sợ khi ở trong vườn lâu quá. Ở những nơi như thế dễ bị thụt xuống đất lắm. Con yêu bố, con đã dành rất nhiều thời gian để chuẩn bị cho ngày bố trở về. Phản ứng đầu tiên của Thiếu tá Albert Knag là mỉm cười. Nhưng ông không thích cái kiểu bị điều khiển như thế này cho lắm. Ông luôn luôn làm chủ hoàn toàn cuộc sống của mình. Giờ thì cô phù thủy nhỏ ở Lillesand đang điều khiển các hoạt động ông tại sân bay Kastrup! Con bé làm thế nào thế nhỉ? Ông đút chiếc phong bì vào túi ngực rồi lững thững đi về phía khu mua sắm nhỏ. Ông vừa định bước vào quầy đặc sản Đan Mạch thì thấy một chiếc phong bì nhỏ đính trên cửa kính của gian hàng. Trên phong bì ghi THIẾU TÁ KNAG bằng bút đánh dấu với nét rất đậm. Ông tháo xuống và bóc ra: Tin nhắn cá nhân cho Thiếu tá Albert Knag, gửi qua cửa hàng Đặc sản Đan Mạch, sân bay Kastrup, Copenhagen. Bố yêu quí, bố mua một cái xúc xích salami Đan Mạch thật to nhé, loại một cân là hay nhất. Mẹ chắc sẽ thích một cái xúc xích cognac. TB. Trứng cá Đan Mạch không tệ tí nào đâu ạ. Con yệu bố, Hilde. Albert nhìn quanh. Không phải con bé đang ở đâu đó quanh đây đấy chứ nhỉ? Hay là Marit đã cho con bé tới Copenhagen để đón bố? Đây đúng là chữ viết tay của Hilde... Bất chợt ngài quan sát viên Liên hợp quốc bắt đầu cảm thấy mình đang bị quan sát. Như thể có ai đó đang điều khiển từ xa mọi hành động của ông. Ông có cảm giác như con búp bê trong tay một đứa trẻ. Ông vào cửa hàng, mua một cái xúc xích salami loại một cân, một xúc xích cognac, ba hộp trứng cá Đan Mạch. Rồi ông tiếp tục dạo qua các cửa hàng. Ông đã định mua một món quà thực sự cho Hilde. Một chiếc máy tính chăng? Hay một chiếc đài nhỏ - được đấy, ông sẽ mua đài. Khi  bước vào một quầy bán đồ điện tử, ông lại thấy một chiếc phong bì đính trên cửa. Lá thư đề địa chỉ người nhận: Thiếu tá Albert Knag, gửi qua cửa hàng thú vị nhất sân bay Kastrup. Bên trong phong bì là mẩu thư: Bố yêu quí, Sophie gửi lời chào và cảm ơn về chiếc tivi mini kèm đài FM, quà sinh nhật mà bố bạn ấy đã tặng. Món quà rất tuyệt, tuy nó chỉ là chuyện vặt. Dù sao con cũng phải thú nhận rằng con cũng có chung sở thích với bạn ấy về những chuyện vặt đó. TB. Phòng khi bố chưa đến những cửa hàng kia, con còn để tin nhắn cho bố ở cửa hàng Đặc sản Đan Mạch và cửa hàng miễn thuế bán rượu vang và thuốc lá. TTB. Con đã có một ít tiền cho sinh nhật, nên con có thể đóng góp 350 cu-ron cho cái tivi mini. Con yêu bố, Hilde. Con đã nhồi gà tây và làm món rau trộn Waldorf. Một cái tivi mini giá 985 cu-ron Đan Mạch. Chắc chắn có thể gọi đó là chuyện vặt nếu so sách với cảm giác của Albert Knag khi ông bị xỏ mũi dăt dây bằng những trò tinh quái của con gái. Con bé có phải đang ở đây không nhỉ? Từ thời điểm đó, ông thường trực cảnh giác ở mọi nơi ông đến. Ông cảm thấy mình vừa như một điệp viên bí mật lại vừa như một con rối. Như thể ông đang bị tước đoạt các quyền cơ bản của con người. Ông đành phải đến cửa hàng miễn thuế. Ở đó treo một phong bì nữa với tên ông trên đó. Cả sân bay đã trở thành một trò chơi điện tử , trong đó ông là nhân vật bị điều khiển. Ông đọc mẩu tin nhắn" Gửi thiếu tá Knag, nhờ cửa hàng miễn thuế tại Kastrup chuyển giúp. Tất cả những thứ con cần ở đây chỉ là một gói kẹo dẻo và vài thanh kẹo hạnh nhân. Ở Na Uy mấy thứ đó đắt hơn nhiều. Nếu con không nhầm, mẹ rất thích rượu Campari. TB. Trên đường về, bố cần phải rất để ý. Vì chắc bố sẽ không muốn bỏ qua một lời nhắn nào của con. Con yêu bố, Hidle - cô con gái luôn học theo bố. Albert thở dài tuyệt vọng, nhưng ông cũng vào cửa hàng và mua những thứ như con gái đã dặn. Tay xách ba túi đồ và một túi hàng không, ông đi về Cửa số 28 để đợi chuyến bay. Nếu còn tin nhắn nào nữa thì chắc chúng sẽ phải ở tại đây. Tuy nhiên, tại Cửa 28, ông bắt gặp một phong bì trắng khác dán trên một cái cột: "Gửi thiếu tá Knag, Cửa 28, sân bay Kastrup." Đây cũng là chữ của Hilde, nhưng số hiệu cổng có vẻ như đã được viết thường để so sánh, chỉ có các chữ in hoa và các con số. Ông tháo lá thư xuống và đọc. Bên trong chỉ có dòng chữ "Không còn lâu nữa đâu." Ông ngồi xuống một chiếc ghế, lưng áp vào tường, mấy túi đồ kẹp giữa hai đầu gối. Vậy là ngài thiếu tá oai phong ngồi ngay đơ, mắt nhìn thẳng, như một đứa trẻ lần đầu tiên một mình đi xa. Nếu Hilde mà ở đây, chắc chắn cô sẽ không thể phát hiện ra ông trước để mà khoái chí về việc đó. Ông liếc nhìn từng người khách đi vào một cách đầy lo ngại. Có lúc, ông cảm thấy như thể mình là một kẻ thù của quốc gia đang bị theo dõi sát sao. Cuối cùng thì hành khách cũng được phép lên máy bay, ông thở phào nhẹ nhõm. Ông là người cuối cùng lên máy bay. Khi đưa thẻ lên máy bay cho nhân viên hàng ông, ông lại gỡ được một chiếc phong bì đính trên bàn check-in. Sophie và Alberto đã đi quá Brebik, lát sau đã vượt qua đoạn rẽ đi Kragero. "Thầy lái xe nhanh khiếp!" Sophie nói. "Gần chín giờ rồi. Ông ấy sắp hạ cánh xuống Kjevik. Còn chúng ta thì không bị cảnh sát bắt dừng vì vượt quá giới hạn tốc độ." "Nhỡ mình đâm vào một chiếc xe khác thì sao?" "Nếu đó là một cái xe bình thường thì chẳng sao cả. Nhưng nếu là một trong những người kiểu như chúng ta..." "Thì sao?" "Vậy thì chúng ta sẽ phải rất cẩn thận. Em có thấy chúng ta đã vượt qua xe của Người Dơi không?" "Không ạ." "Nó đỗ đâu đó ở Vestfold." "Không dễ vượt qua chiếc xe du lịch kia đâu. Cả hai bên đường đều là rừng rậm." "Có sao đâu Sophie. Em vẫn chưa hiểu à?" Vừa nói, ông vừa lao xe vào rừng và đâm thẳng xuyên qua các thân cây. Sophie thở phào nhẹ nhõm. "Thầy làm em sợ quá!" "Nếu đâm vào một bức tường gạch thì chúng ta cũng chẳng cảm thấy gì đâu." "Điều đó chỉ có nghĩa là nếu so với thế giới xung quanh thì ta chỉ là những tinh thần không khí." "Không, em nói ngược rồi. Chính thực tại này mới chỉ là một cuộc phưu lưu nhẹ như không đối với chúng ta." "Em chẳng hiểu gì cả." "Vậy thì em chú ý nghe nhé. Đa số mọi người đều cho rằng tinh thần là một thứ còn 'không khí' hơn cả hơi nước. Nhưng thật ra đó là một sự nhầm lẫn. Trái lại, tinh thần còn 'đặc' hơn cả nước đá." "Chưa bao giờ em có ý nghĩ nào tương tự." "Tôi sẽ kể cho em nghe một câu chuyện. Ngày xửa ngày xưa có một người đàn ông không tin rằng có các thiên thần. Một hôm, khi ông đang làm việc trong rừng, một thiên thần đến thăm ông." "Rồi sao nữa ạ?" "Họ đi với nhau một lúc lâu. Rồi người đàn ông quay sang phía thiên thần và nói: "Thôi được, tôi phải công nhận là có thiên thần. Nhưng các anh không tồn tại trong thực tại như chúng tôi." Ông nói như vậy nghĩa là sao? thiên thần hỏi. Người đàn ông trả lời: 'Khi chúng ta đi đến tảng đá kia, tôi đã phải đi vòng quanh, còn anh chỉ lướt xuyên qua nó. Và khi chúng ta gặp khúc gỗ khổng lồ chắn ngang đường, tôi đã phải trèo qua trong khi anh đi xuyên qua." Thiên thần ngạc nhiên nói. "Thế ông không để ý khi chúng ta đi ngang qua đầm lầy ư? Cả hai chúng ta đều đi xuyên qua sương mù. Đó là vì cả hai đều đặc hơn sương mù." "A!" "Chúng ta cũng vậy, Sophie. Tinh thần có thể vượt qua cửa thép. Không có xe tăng hoặc bom đạn nào có thể đè nát được bất cứ cái gì thuộc về tinh thần." "Nghe thật là dễ chịu." "Chúng ta sắp qua Risor. Từ khi chúng ta rời căn lều của ông thiếu tá đến giờ chưa đầy nửa tiếng. Tôi đang rất muốn uống một cốc cà phê." Khi đến Fiane, họ đi ngang qua một quán ăn. Quán có tên Cô Bé Lọ Lem. Alberto vòng xe đỗ trên bãi cỏ trước cửa quán. Trong quán, Sophie cố gắng lấy một chai Coca từ trong tủ lạnh. Nhưng cô không thể nhấc nó lên được. Như thế nó bị tắc. Dưới quầy, Alberto đang cố rót cà phê vào một cái cốc bằng giấy ông đã tìm được trong ô tô. Ông chỉ việc nhấn một cái cần, nhưng kể cả khi dùng đến toàn bộ sức lực, cái cần vẫn không hạ xuống dù chỉ một chút xíu. Chuyên này làm Alberto bực bội đến mức ông quay sang các khách hàng khác và nhờ giúp đỡ. Khi không có ai trả lời, ông hét to đến mức Sophie dù đứng xa mà vẫn phải bịt tai: "Tôi muốn uống cà phê!" Cơn giận dữ nhanh chóng bốc hơi, Alberto gập người ôm bụng cười ngất. Hai người định quay ra thì một bà cụ rời bàn ăn và tiến về phía họ. Bà mặc một cái váy đỏ chóe, áo len xanh nhạt, đầu đội khăn vuông màu trắng. Có vẻ như đối với hai thầy trò, trông bà có đường nét rõ ràng hơn bất cứ thứ gì khác trong quán ăn. Bà đên bên Alberto và nói: "Ôi chà, sao mà hét ghê thế hả con trai!" "Cháu xin lỗi." "Có phải con vừa nói là muốn uống cà phê?" "Vâng, nhưng..." "Chúng ta có một quán nhỏ ở đây." Hai người theo bà cụ ra khỏi quán ăn và đi theo một con đường nhỏ đằng sau quán. Bà cụ hỏi: "các con mới đến phải không?" "Vâng, quả là vậy ạ." "Tốt rồi! Chào mừng các con đến với cõi vĩnh hằng." "Thế còn bà ạ?" "Ta đến từ trong một câu chuyên cổ Grim. Đã gần 200 năm rồi. Còn các con từ đâu đến?" "Chúng cháu đến từ một cuốn sách triết học. Cháu là thầy giáo triết học, còn đây là Sophie, học trò của cháu." "Hí hí! Mới tinh!" Họ đi qua đám cây tới một bãi trống nhỏ. Ở đó có mấy ngôi nhà đang màu nâu trông rất ấm cúng. Một đống lửa Lễ hội Mùa Hè đang rực cháy trong mảnh sân nằm giữa những ngôi nhà. Quanh đống lửa là một đám đông đầy màu sắc đang nhảy múa. Sophie nhận ra khá nhiều nhân vật. Có Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Mary Poppín và Sherlock Homes, Peter Pan và Pippi Tất Dài, Cô Bé Quàng Khăn Đỏ và Cô Bé Lọ Lem. Còn nhất nhiều những nhân vật quen thuộc không tên cũng đang tụ hội quanh đống lửa - đó là thần lùn giữ cửa và các chú bé tí hon, yêu tinh và phù thủy, thiên thần và tiểu yêu. Sophie còn thoáng thấy bóng một gã khổng lồ. "Náo nhiệt nhỉ!" Alberto thốt lên. "Đó là vì đang diễn ra Lễ hội Mùa Hè", bà cụ giải thích, "từ đêm hội Valborg đến giờ chúng ta mới tụ tập đông vui như thế này. Dạo đó chúng ta ở Đức. Ta chỉ đến đây du lịch ít ngày thôi. Con muốn uống cà phê phải không?" "Vâng ạ. Bà cho cháu một cốc." Đến giờ Sophie mới nhận ra rằng cả mấy ngôi nhà đều làm bằng bánh gừng, kẹo đường và đường kính trắng. Có mấy nhân vật đang gặm mặt tiền của ngôi nhà. Một bác thợ làm bánh loay hoay từ chỗ này sang chỗ khác để tu sửa các thiệt hại. Sophie đánh liều ăn một mẩu nhỏ từ một căn nhà. Cô chưa từng được nếm thứ gì ngon ngọt đến vậy. Chẳng mấy chốc, bà cụ quay lại với một cốc cà phê. "Cháu rất cảm ơn bà. Thế khách ở đây trả tiền cà phê như thế nào ạ?" "Trả tiền? Chúng ta thường trả bằng một câu chuyện. Với cà phê thì chuyện về các bà vợ già là đủ rồi." "Chúng cháu có thể kể toàn bộ câu chuyện đáng kinh ngạc về loài người." Alberto nói. "Nhưng tiếc là chúng cháu đang vội. Hôm khác chúng cháu quay lại kể có được không ạ?" "Được chứ. Nhưng sao các con vội thế?" Nghe Alberto giải thích, bà cụ bình luận: "Ta phải nói rằng hai con quả là một đôi lính mới. Các con nên nhanh lên mà cắt cái dây rốn các con với bậc khai sinh trần tục đó đi. Chúng ta không còn cần tới thế giới của họ nữa. Chúng ta thuộc về thế giới của những người vô hình." Alberto và Sophie vội vã quay về phía quán Cô Bé Lọ Lem và chiếc xe mui trần màu đỏ. Ngay cạnh chiếc xe, một bà mẹ bận rộn đang xì con tè. Đua xe và rẽ tắt, chẳng mấy chốc hai người đã đến Lillesand. 9 giờ 35, chuyến bay SK876 từ Copenhagen hạ cánh xuống Kjevik đúng giờ. Khi máy bay sắp cất cánh rời sân bay Copenhagen, ông thiếu tá mở chiếc phong bì đã được đính trên bàn đăng ký ở sân bay. Mẩu thư bên trong viết: Gửi thiếu tá Knag, khi ông nộp thẻ lên máy bay tại Kastrup, đêm hội Mùa Hè, 1990. Bố yêu quí, chắc bố tưởng là con sẽ xuất hiện ở Copenhagen. Nhưng con điều khiển hoạt động của bố còn khéo léo hơn nhiều. Bố ở đâu con cũng nhìn thấy, bố ạ. Thực ra là con đã đến thăm một gia đình Digan nổi tiếng mà rất nhiều năm trước họ đã bán một cái gương đồng có phép cho cụ nội. Con cũng đã kiếm được một quả cầu pha lê. Ngay lúc này con có thể thấy là bố vừa mới ngồi xuống ghế. Bố hãy đóng thắt lưng an toàn và để thẳng lưng ghế cho đến khi người ta tắt tín hiệu Cài Thắt Lưng An Toàn. Khi máy bay cất cánh xong, bố có thể ngả ghế và nghỉ ngơi thoải mái cho bõ vất vả. Về nhà, bố sẽ còn cần nghỉ ngơi nhiều. Thời tiết ở Lillesand tuyệt vời. Nhưng nhiệt độ hơi thấp hơn ơ Lebanon. Con chúc bộ một chuyến bay vui vẻ. Con yêu bố, con gái phù thủy của bố. Nữ Hoàng Gương và Nhà bảo trợ tối cao của các trò Châm biếm. Albert không thể xác định rõ được mình đang bực tức hay chỉ đơn giản là mệt mỏi và cam chịu. Rồi ông bật cười. Ông cười to đến mức các hành khách khác quay sang nhìn ông chằm chằm. Rồi máy bay cất cánh. Ông vừa được nếm vị thuốc của chính mình. Nhưng chắc chắn có một sự khác biệt quan trọng. Thuốc của ông chỉ dành cho Sophie và Alberto và chỉ có tác dụng với họ. Vả hai người đó... ờ, họ chẳng qua chỉ là tưởng tượng. Ông làm theo lời khuyên của Hilde. Ông ngả lưng ghế rồi lơ mơ ngủ. Chỉ đến khi lại một lần nữa đi qua khu kiểm tra hộ chiếu và đứng giữa sảnh của sân bay Kjevik, ông mới hoàn toàn tỉnh ngủ. Một đám đông đang đứng đón chào mừng ông. Có khoảng tám đến mười thiếu niên trạc tuổi Hilde đang mang tấm pano ghi dòng chữ: MỪNG BỐ ĐÃ VỀ - HILDE ĐANG ĐỢI TRONG VƯỜN - CHÂM BIẾM MUÔN NĂM. Tệ nhất là ông không thể chui ngay vào một cái taxi mà phải đứng đợi hành lý. Suốt thời gian đó, các bạn cùng lớp với Hilde đứng đầy xung quanh ông buộc ông phải đọc đi đọc lại những tấm biển. Rồi một cô bé mang tới tặng ông một bó hồng. Cảm động, ông cúi xuống lục túi đồ và tặng mỗi cô cậu một thanh hạnh nhân. Vậy là chỉ còn hai thanh cho Hilde. Khi ông đã lấy được đồ, một thanh niên bước tới và giải thích rằng anh ta được lệnh của Nữ hoàng Gương lái xe đưa ông về Bjerkeley. Nhóm bạn cùng lớp Hilde tản dần vào đám đông. Họ lái xe trên đường E18. Mỗi cây cầu và đường hầm họ qua đều căng những băng rôn với hàng chữ: "Mừng bố về nhà!", "Món gà tây đã sẵn sàng", "bố ơi, con nhìn thấy bố!" Khi được thả xuống bên ngoài cổng nhà ở Bjerkeley, Albert Knag thở phào nhẹ nhõm, ông cảm ơn anh lái xe bằng một trăm cu-ron và ba lon bia Carlsberg. Vợ ông đang đứng đợi bên thềm. Sau khi ôm hôn vợ thật lâu, ông hỏi: "Con đâu rồi?" "Con ngồi trên cầu tàu, anh à." Đến  Lillesand, Alberto và Sophie đỗ chiếc xe mui trần đỏ trên quảng trường bên ngoài  khách sạn Norge. Lúc đó là 10h10'. Họ có thể thấy một đám lửa trại to ở ngoài quần đảo. "Làm thế nào để tìm được Bjerkeley bây giờ?" Sophie hỏi. "Chỉ cần ngó quanh một chút thôi. Em còn nhớ bức tranh trong căn lều của ông thiếu tá không?" "Có ạ. Ta đi nhanh lên. Em muốn tới đó trước khi ông ta về đến nơi." Hai người bắt đầu lái xe quanh những con đường nhỏ, lên đồi và xuống dốc. Có một đầu mối rất hữu ích là Bjerkeley nằm bên mép nước. Chợt Sophie reo lên. "Kia rồi! Mình tìm được rồi!" "Tôi tin là em đúng. Nhưng đừng hét to thế." "Tại sao ạ? Chẳng ai nghe thấy chúng ta cả." "Sophie thân mến. Tôi rất thất vọng vì sau cả một khoá triết học mà em vẫn vội vàng nhảy đến kết luận." "Vâng, nhưng mà..." "Em có dám chắc rằng nơi này hoàn toàn không có người khổng lồ, yêu tinh, thần rừng, và tiên đấy chứ?" "À, em xin lỗi." Họ lái xe qua cổng và theo con đường rải sỏi về phía ngôi nhà. Alberto đỗ xe trên bải cỏ bên cạnh cái tàu lượn. Trong vườn, một bàn ăn cho ba người đã được bày sẵn. "Em thấy bạn ấy rồi!" Sophie thì thào. "Bạn ấy đang ngồi trên cầu tàu, y như trong giấc mơ của em." "Em có thấy khu vườn này trông giống vườn của em ở đường Cỏ Ba Lá như thế nào không?" "Tất nhiên rồi. Tôi sẽ ở lại đây." Sophie chạy về phía cầu tàu. Cô suýt thì trượt chân ngã đè vào Hilde. Nhưng rồi cô lịch sự ngồi xuống bên cạnh cô bạn. Sophie thấy Hilde trông thật xinh. Cô có mái tóc vàng lượn sóng và đôi mắt xanh biếc. Cô đang mặc một chiếc váy mùa hè màu vàng. Trông Hilde không phải là không giống Joanna. Sophie thử nói với bạn, dù cô hiểu việc đó hoàn toàn vô ích. "Hilde - tớ là Sophie đây!" Hilde chẳng tỏ ra dấu hiệu nào là cô đã nghe thấy. Sophie nhổm dậy và cố hét vào tai Hilde. "Cậu có nghe thấy tớ không? Hilde! Hay là cậy vừa mù vừa điếc?" Có phải Hilde vừa mở to mắt hơn một chút không? Chẳng phải đó là một chút xíu dấu hiệu là cô đã nghe thấy tiếng gì đó - dù là rất khẽ? Hilde nhìn quanh, rồi đột ngột quay ngoắt đầu nhìn thẳng vào mắt Sophie. Cô không hẳn nhìn Sophie, mà như thể cô nhìn xuyên qua Sophie. "Đừng hét to thế, Sophie," giọng Alberto từ trong xe, "Tôi không muốn các nàng tiên cá đến đầy cả khu vườn này đâu." Giờ thì Sophie ngồi yên. Chỉ cần ngồi gần Hilde thế này là đã đủ để cô cảm thấy dễ chịu. Hilde  đã ngồi trên cầu tàu đợi bố về. Từ khi ông hạ cánh ở Kastrup, cứ mười lăm phút cô lại nghĩ đến ông, cố tưởng tượng xem ông đang ở đâu, ông tiếp nhận những trò tinh quái của cô như thế nào. Cô đã ghi tất cả các mốc thời gian vào một mẩu giấy và giữ bên mình cả ngày. Nếu ông bực tức thì sao nhỉ? Nhưng chắc chắn ông không thể trông mong rằng sau khi đã viết cho cô một  cuốn sách bí ẩn rồi mà mọi chuyện vẫn như xưa được. Cô lại nhìn đồng hồ. Đã 10h15'. Ông sắp về đến nơi rồi. Nhưng đó là cái gì vậy? Hình như cô đã nghe thấy một tiếng thở nhẹ của cái gì đó, hệt như trong giấc mơ của cô về Sophie. Cô quay sang thật nhanh. Có cái gì đó, chắc chắn như vậy. Nhưng đó là cái gì? Có thể đó chỉ là đêm hè. Trong chốc lát, cô sợ mình bắt đầu bị hoang tưởng. "Hilde !" Giờ thì cô quay đầu sang phía khác. Bố! Bố đang đứng ở lối vào vườn. Hilde  bật dậy và lao về phía ông. Hai cha con gặp nhau ở khoảng giữa cái tàu lượn và chiếc xe mui trần màu đỏ. Ông nhấc cô lên và xoay tròn. Hilde òa khóc. Bố cô cũng phải kìm những giọt nước mắt. "Con đã trở thành người lớn rồi, Hilde à." "Và bố đã trở thành một nhà văn thực thụ." Hilde lau nước mắt. "Bố con mình hòa chứ?" cô hỏi. "Hòa." Họ ngồi vào bàn. Đầu tiên, Hilde phải kể lại chính xác những gì đã xảy ra ở Kastrup và trên đường về. Hai người phá lên cười từng đợt. "Bố không tìm thấy lá thứ trong quán ăn à?" "Bố không có lúc nào để ngồi xuống mà ăn cái gì cả. Quỷ con! Giờ bố đang đói cào cả ruột đây." "Khổ thân bố." "Chuyện món gà tây chắc toàn là bịa phải không?" "Ấy không! Con đã làm hết đấy! mẹ đang mang ra đây." Rồi họ quay lại chuyện tập giấy và câu chuyện về Sophia và Alberto, từ đầu đến cuối, hết xuôi lại ngược. Mẹ Hilde mang ra bàn món gà tây và rau trộn Waldorf, rượu vang hồng và bánh mì do Hilde nướng. Bố cô đang nói gì đó về Platp thì bỗng nhiên Hilde nhắt lời:"Suỵt!" "Gì vậy?" "Bố có nghe thấy gì không? Có tiếng gì rin rít?" "Không." "Chắc chắn là con đã nghe thấy cái gì đó. Có thể đó chỉ là một con chuột đồng." Khi mẹ cô đi lấy thêm một chai rượu vang, bố cô nói: "Nhưng khóa triết học vẫn chưa kết thúc đâu." "Chưa ạ?" "Đêm nay bố sẽ kể cho con nghe về vũ trụ." Trước khi cả nhà bắt đầu ăn, ông nói với vợ: "Hilde lớn quá rồi, Con không ngồi trên đùi anh được nữa. nhưng em thì chưa đâu!" Nói đoạn, ông ôm lấy eo vợ và kéo bà vào lòng. Phải một lúc sau, bà mới bắt đầu ăn được chút gì đó. "Thế là em sắp 40 rồi cơ đấy..." Khi Hilde bật dậy và chạy về phía bố, Sophie cảm thấy nước mắt mình trào ra. Cô sẽ không bao giờ bằng  được Hilde ... Sophie thật ghen tị với Hilde vì cô được sinh ra làm con người bằng xương bằng thịt. Khi Hilde và ông thiếu tá đã ngồi vào bàn, Alberto nhấn một hồi ô tô. Sophie ngước nhìn lên. Không  phải Hilde cũng làm y như thế sao? Sophie chạy về phía Alberto rồi nhảy vào ngồi trong xe, bên cạnh ông. "Ta sẽ ngồi đây một lát xem chuyện gì xảy ra", ông nói. Sophie gật đầu. "Em vừa khóc à?" Cô lại gật đầu. "Có chuyện gì vậy?" "Bạn ấy thật may mắn được là một con người thật. Bạn ấy rồi sẽ lớn lên và trở thành một người phụ nữ thực thụ. Chắc chắn bạn ấy sẽ có những đứa con thật..." "Và cô ấy sẽ có các cháu nữa, Sophie à. Nhưng cái gì cũng có hai mặt. Đó là điều tôi đã cố gắng dạy em ngay từ đầu khóa học của chúng ta." "Ý thầy là sao ạ?" "Cô ấy là người may mắn, tôi đồng ý. Nhưng ai trúng xổ số được sự sống thì cũng phải chọn lấy cái chết, vì sự sống luôn gắn liền với cái chết." "Nhưng dù sao đi nữa, chẳng phải là có được một cuộc sống vẫn còn hơn không bao giờ thật sự sống?" "Chúng ta không  thể có một cuộc sống như Hilde - hay như ông thiếu tá. Nhưng ta sẽ không  bao giờ chết. Em có nhớ những  gì bà cụ trong rừng đã nói không? Bà ấy đã 200 tuổi rồi. Và tại buổi dạ hội Mùa hè, tôi đã thấy những  nhân vật còn nhiều hơn ba ngàn năm tuổi..." "Có lẽ điều em thèm muốn nhất về Hilde là ... cuộc sống gia đình của bạn ấy." "Nhưng chính em cũng có gia đình cùa mình mà. Em còn có một con mèo, hai con chim và một con rùa." "Nhưng ta đã bỏ lại cả rồi đấy thôi?" "Không  hề! Chỉ có ông thiếu tá là người bỏ mọi thứ lại đằng sau. Ông ấy đã viết chữ cuối cùng trong cuốn sách của mình. Sophie thân mến. Và ông ấy sẽ không bao giờ tìm thấy chúng ta nữa." "Nghĩa là ta có thể quay trở lại?" "Bất cứ khi nào muốn. Nhưng chúng ta cũng sẽ làm quen với người bạn mới trong khoảng rừng phía sau quán Cô Bé Lọ Lem nữa." Nhà Knag bắt đầu ăn tối. Có lúc Sophie sợ mọi chuyện sẽ diễn ra như trong bữa tiệc triết học ở đường Cỏ Ba Lá. Có lúc, ông thiếu tá trông có vẻ như định bế Marit đặt lên bàn. Nhưng rồi ông lại kéo vợ vào ngồi trong lòng mình. Chiếc xe đỏ ở cách bàn ăn một quãng khá xa. Họ chỉ thỉnh thoảng nghe loáng thoáng cuộc trò chuyện của ba người. Hai thầy trò có thừa thãi thời gian để ngẫm nghĩ về từng chi tiết và kết cục buồn của bữa tiệc vườn triết học. Đến tận nửa đêm, nhà Knag mới rời khỏi bàn. Hilde và ông thiếu tá tản bộ về phía cái tàu lượn. Họ vẫy vẫy Marit khi bà đi vào trong ngôi nhà màu trắng. "Mẹ cứ đi ngủ trước đi. Bố và con còn nhiều chuyện lắm." VỤ NỔ LỚN ...chúng ta cũng là bụi của những  ngôi sao... Hilde chui vào ngồi cạnh bố trong tàu lượn. Đã gần nửa đêm. Họ ngồi nhìn ra vịnh. Vài ngôi sao le lói yếu ớt trên bầu trời vẫn còn sáng. Sóng nhẹ nhàng táp vào những hòn đá bên dưới cầu tàu. Bố cô phá vỡ sự tĩnh lặng. "Cảm giác thật lạ khi nghĩ rằng chúng ta đang sống trên một hành tinh nhỏ xíu trong vũ trụ." "Vâng..." "Trái Đất chỉ là một trong nhiều hành tinh đang xoay quanh mặt trời. Thế nhưng Trái Đất lại là hành tinh duy nhất có sự sống." "Có khi là duy nhất trong toàn vũ trụ?" "Có thể. Nhưng cũng có thể là vũ trụ đầy sự sống. Vũ trụ rộng lớn một cách không  thể hình dung được. Các khoảng cách cũng lớn đến mức ta phải đo bằng phút ánh sáng và năm ánh sáng." "Thực ra mấy thứ đó là gì ạ?" "Phút ánh sánh là khoảng cách mà ánh sáng đi được trong thời gian một phút. Đó là một quãng đường rất dài, vì vận tốc ánh sáng trong không gian là 300.000km một giây. Nghĩa là một phút ánh sáng dài gấp 60 lần 300.000km - hay là 18 triệu km. Một năm ánh sáng dài gần 10 nghìn tỷ km." "Mặt Trời ở cách đây bao xa ạ?" "Hơm tám phút một chút. Những tia nắng tháng Sáu sưởi ấm đôi má con đã đi trong không gian trong 8 phút  trước khi đến được với chúng ta." "Bố nói tiếp đi..." "Diêm vương tinh, hành tinh xa xôi nhất trong Hệ Mặt Trời, ở cách chúng ta khoảng 5 giờ ánh sáng. Khi một nhà thiên văn học nhìn Diêm Vương tinh qua kính viễn vọng, thực ra ông ta đang nhìn về 5 giờ đồng hồ trước trong quá khứ. Ta cũng có thể nói rằng hình ảnh của Diêm Vương tinh cần 5 tiếng để đến được đây." "Hơi khó hình dung, nhưng chắc là con hiểu." "Con hiểu được,Hilde ạ. Còn con người trên Trái Đất chúng ta mới chỉ bắt đầu xác định xem mình đang ở đâu. Mặt Trời của chúng ta là một trong 400 tỷ ngôi sao trong thiên hà mà chúng ta gọi là dải Ngân Hà. Thiên hà này trông giống như một cái đĩa lớn. Mặt trời của chúng ta nằm ở một trong các nhánh hình xoắn ốc. Khi nhìn lên bầu trời vào một đêm mùa đông trời trong, ta sẽ thấy một dải sao rộng. Đó là do ta đang nhìn về phía trung tâm Ngân Hà." "Có lẽ vì vậy nên trong tiếng Thụy Điển người ta gọi Ngân Hà là "con đường Mùa đông"." "Khoảng cách từ đây đến ngôi sao láng giềng gần nhất trong dải Ngân Hà là bốn năm ánh sáng. Có khi nó chính là ngôi sao phía trên hòn đảo đằng kia. Con thử tưởng tượng ngay lúc này có một "người ngắm sao" đang ngồi trên đó và nhìn thẳng về Bjerkeley bằng một kính thiên văn siêu mạnh. Anh ta sẽ nhìn thấy Bjerkeley bốn năm trước. Anh ta có thể sẽ thấy một cô bé mười một tuổi đang ngồi đong đưa chân trong cái tàu lượn." "Thật không thể tin được!" "Đó mới chĩ là ngôi sao gần nhất. Toàn bộ thiên hà, hay ta còn gọi là tinh vân, rộng khoảng 90.000 năm ánh sáng. Đó cũng là một cách để mô tả thời gian cần thiết cho việc đi từ đầu này đến đầu lia dải thiên hà. Khi nhìn một ngôi sao trong dải Ngân Hà cách Mặt Trời chúng ta 50.000 năm ánh sáng thì ta đang nhìn quá khứ của 50.000 năm trước." "Quan niệm đó quá lớn đối với cái đầu bé tí của con." "Do đó, cách duy nhất để chúng ta nhìn vào không gian là nhìn về quá khứ. Ta không  bao giờ có thể biết được hiện giờ vũ trụ ra sao. Ta chỉ biết rằng trước đây nó đã như thế  nào. Khi nhìn một ngôi sao cách ta hàng nghìn năm ánh sáng, ta thật sự đang quay về hàng ngàn năm trước trong lịch sử của vũ trụ." "Hoàn tòan không  thể hiểu được." "Nhưng tất cả những  gì ta nhìn thấy đều tới mắt dưới dạng các sóng ánh sáng. Và các sóng ánh sáng này cũng cần thời gian để di chuyển trong không gian. Ta có thể so sánh nó với sấm. Bao giờ ta cũng nghe thấy sấm sau khi đã nhìn thấy chớp. Đó là vì sóng âm di chuyển chậm hơn sóng ánh sáng. Khi nghe thấy một tràng sấm rền là ta đang nghe tiếng của một cái gì đó đã xảy ra trước đó giây lát. Chuyện các ngôi sao cũng tương tự. Khi nhìn một ngôi sao cách xa hàng nghìn năm ánh sáng, ta đang nhìn một 'tràng sấm' của một sự kiện đã xảy ra ở ngôi sao đó hàng nghìn năm trước." "Giờ thì con hiểu rồi." "Nhưng đến giờ bố con mình mới chỉ nói về thiên hà của chúng ta. Các nhà thiên văn học nói rằng trong vũ trụ có khoảng một trăm tỷ thiên hà và mỗi thiên hà trong số đó có khoảng một trong tỷ ngôi sao. Ta gọi thiên hà gần Ngân Hà nhất là tinh vân Andromede. Nó nằm cách thiên hà của ta hai triệu năm ánh sáng. Nghĩa là ánh sáng từ thiên hà đó cần tới hai triệu năm để đến được đây. Vậy là khi nhìn tinh vân Andromede ở phía trên cao kia, ta đang nhìn về hai triệu năm trước. Và có một người ngắm sao thông minh trên thiên hà nó, thử tưởng tượng anh ta đang chĩa kính thiên văn về phía Trái Đất, anh ta sẽ không  thể nhìn thấy bố con mình. May mắn lắm thì anh ta mới thấy được mấy anh chàng Neanderthal mặt bẹt." "Hay thật!" "Cho đến nay, những  thiên hà xa nhất mà người ta biết được nằm cách ta khoảng mười tỷ năm ánh sáng. Khi ta nhận tín hiệu từ những  thiên hà này, ta đang quay về mười tỷ năm trước trong lịch sử vũ trụ. Hệ Mặt Trời của chúng ta mới chỉ tồn tại được khoảng một nửa thời gian đó." "Bố làm con chóng cả mặt." "Hiểu được chuyện mình nhìn về quá khứ đã là khó khăn, các nhà thiên văn học còn phát hiện ra môt thứ còn có ý nghĩa to lớn hơn nữa đối với bức tranh về thế giới của chúng ta." "Cái gì ạ?" "Có vẻ như không  có thiên hà nào ở yên một chỗ. Tất cả các thiên hà trong vũ trụ đều di chuyển ra xa nhau bằng tốc độ khổng lồ. Càng ra xa, chúng chuyển động càng nhanh. Nghĩa là khoảng cách giữa các thiên hà liên tục tăng lên." "Con đang cố hình dung điều đó." "Nếu con có một quả bóng bay chưa thổi và con vẽ các đốm đen lên trên quả bóng đó. Khi con thổi bóng, các đốm đen sẽ di chuyển ra xa nhau. Đó cũng là những  gì đang xảy ra đối với các thiên hà trong vũ trụ. Người ta nói rằng vũ trụ đang nở ra." "Cái gì làm cho nó nở ra?" "Hầu hết các nhà thiên văn học đồng ý với nhau rằng sự giãn nở của vũ trụ chỉ có thể có một lý do: Ngày xưa, khoảng 15 tỷ năm trước, tất cả vật chất trong vũ trụ đều tập trung trong một khu vực tương đối nhỏ. Mật độ vật chất lớn đến nổi lực hấp dẫn làm cho khối vật chất đó trở nên nóng khủng khiếp. Cuối cùng, nó nóng và bị nén chặt đến mức bị nổ tung. Ta gọi vụ nổ này là Vụ Nổ Lớn - Big Bang" "Chỉ nghĩ đến thôi cũng đủ để con rùng cả mình." "Vụ Nổ Lớn làm mọi vật chất trong vũ trụ bị bắn đi tất cả các hướng. Và khi nguội dàn, nó đã hình thành các ngôi sao và các thiên hà, các mặt trăng và các hành tinh..." "Nhưng con tưởng bố vừa nói là vũ trụ vẫn đang nở ra?" "Đúng vậy, nó đang nở ra chính là do cái vụ nổ từ hàng tỷ năm trước này. Vũ trụ không có địa lý phi thời gian. Vũ trụ là một thứ đang xảy ra. Vũ trụ là một vụ nổ. Các thiên hà trong vũ trụ vẫn tiếp tục bay ra xa nhau bằng vận tốc tăng dần." "Chúng có di chuyển như thế mãi không ah?" "Đó là một khả năng. Nhưng còn một khả năng khác. Con có nhớ Alberto đã kể cho Sophie về hai lực giữ các hành tinh trên quỹ đạo không đổi quanh mặt trời không?" "Có phải đó là trọng lực vào quán tính không ạ?" "Đúng đấy, những  thứ đó cũng áp dụng cho các thiên hà. Vì tuy vũ trụ đang giãn ra nhưng lực hấp dẫn của các thiên hà lại hoạt động theo chiều ngược lại. Và một ngày nào đó trong một vài tỷ năm nữa, có thể lực hấp dẫn sẽ làm cho các thiên thể lại quay về với nhau khi lực của vụ nổ lớn bắt đầu yếu đi. Khi đó, ta sẽ có hiện tượng đảo ngược của vụ nổ, gọi là nổ ngược. Nhưng các khoảng cách lớn đến nổi nó sẽ xảy ra như một đoạn phim quay chậm. Con có thể so sánh nó với những  gì xảy ra khi ta xì hơi một quả bóng bay." "Liệu rồi các thiên hà có bị kéo về phía nhau trong một cái nhân bị nén chặt nữa không ạ?" "Có, con hiểu đúng rồi đấy! Rồi chuyện gì sẽ xảy ra sau đó?" "Sẽ lại có một Vụ Nổ Lớn nữa. Và vũ trụ lại bắt đầu nở ra. Bỏi vì các quy luật tự nhiên đó vẫn hoạt động. Và thế là các ngôi sao và các thiên hà mới sẽ được  hình thành." "Tư duy tốt! Các nhà thiên văn học cho rằng có hai viễn cảnh có thể xảy ra đối với tương lai của vũ trụ. Hoặc là các thiên hà ngày càng xa nhau, hoặc vũ trụ sẽ bắt đầu co lại. Khối lượng và kích thước của vũ trụ sẽ quyết định chuyện gì sẽ xảy ra. Và đây là điều mà các nhà thiên văn học chưa có cách nào biết được ." "Nếu vũ trụ nặng đến mức rồi nó sẽ bắt đầu co lại, thì có khi nó đã co và giãn nhiều lần rồi." "Đó là một kết luận hiển nhiên. Tuy nhiên lý thuyết phân đôi tại điểm này. Có thể sự giãn nở của vũ trụ là một hiện tượng sẽ chỉ xảy ra một lần duy nhất này. Nhưng nếu nó vĩnh viễn giãn nở thì câu hỏi rằng tất cả đã được bắt đầu như thế nào lại càng trở nên cấp thiết." "Vâng, tất cả  những thứ tự dưng nổ tung ấy là từ đâu ra ạ?" "Đối với một người  Ki Tô giáo, thật dễ dàng coi Vụ Nổ Lớn như là thời điểm của tạo hoá. Kinh Thánh viết rằng Chúa nói: "Phải có ánh sáng!" Chắc con còn nhớ Alberto đã nhắc đến quan điểm "tuyến tính" của Ki To giáo về lịch sử. Nếu theo quan điểm của đức tin Ki Tô giáo về thời điểm tạo hoá thì nên hình dung về vũ trụ sẽ tiếp tục giãn nở." "Thật thế ạ?" "Còn quan điểm của người  phương Đông về lịch sử vũ trụ thì lại có tính "tùân hoàn". Nói cách khác, lịch sử vĩnh viễn lặp đi lặp lại. Chẳng hạn ở Ấn Độ có một học thuyết cổ xưa cho rằng thế giới liên tục gấp vào rồi lại mở ra, và do vậy luân phiên giữa hai trạng thái mà người  Ấn gọi là Ngày Brathma và Đêm Brathma. Rõ ràng tư tưởng này hoà hợp nhất với chuyện vũ trụ hết giãn lại co để rồi lại giãn ra trong một quy trình tùân hoàn vĩnh cửu. Bố thường hình dung một trái tim vũ trụ khổng lồ đang đập bùm, bùm, bùm..." "Con thấy cả hai thuyết khó hiểu như nhau và cũng lý thú như nhau." "Chúng có thể so với nghịch lý vĩ đại của vĩnh cửu mà Sophie đã từng ngồi nghĩ về nó trong vườn: hoặc vũ trụ vẫn luôn luôn tồn tại, hoặc nó bỗng xuất hiện từ chỗ không có gì..." "Ái!" Hilde đập tay lên trán. "Gì vậy?" "Hình như con vừa bị mòng đốt." "Có khi chính là Spcrates đã chích cho con một phát cho tỉnh." Sophie và Alberto đã ngồi trong chiếc xe mui trần nghe ông thiếu tá kể cho Hilde  nghe về vũ trụ. Lát sau, Alberto hỏi. "Em có nhận ra là vai trò của chúng ta đã hoàn toàn đảo ngược không ?" "Theo nghĩa nào ạ?" "Trước kia, họ là người  nghe chúng ta, còn ta không  thể thấy họ. Còn bây giờ, ta đang nghe họ mà họ chẳng thể thấy chúng ta." "Thế thì chưa hết đâu ạ." "Ý em là gì?" "Ban đầu, ta không  biết về thực tại mà Hilde và ông thiếu tá đang sống trong đó. Còn bây giờ, họ lại không  biết về thực tại của chúng ta." "Sự trả đũa ngọt ngào." "Nhưng ông thiếu tá đã có thể can thiệp vào thế giới của chúng ta." "Thế giới của chúng ta chẳng có gì ngoài các can thiệp của ông ấy." "Nhưng em biết điều đó là không  thể. Em còn nhớ chuyện xảy ra ở quán Cô Bé Lọ Lem đấy chứ? Tôi đã thấy em cố lấy chai Coca như thế nào." Sophie  không  nói gì. Cô nhìn đăm đăm về phía khu vườn. Khi đó, ông thiếu tá đang giải thích về Vụ Nổ Lớn. Có cái gì đó trong từ đó đã làm nảy ra một dòng suy nghĩ trong đầu cô. Cô bắt đầu lục lọi trong xe. "Em làm gì vậy?" Alberto hỏi. "Không có gì ạ. " Sophie  mở ngăn dụng cụ và tìm thấy một cái cờ lê. Cô tóm lấy nó và nhảy ra khỏi xe. Cô đi về phía cái tàu lượn và đúng ngay trước mặt hai bố con Hilde. Đầu tiên, cô cố làm Hilde  chú ý nhưng vô ích. Cuối cùng, cô vung cờ lê lên và đập thật mạnh vào trán Hilde . "Ái!" Hilde  kêu lên. Rồi Sophie  đập mạnh vào trán ông thiếu tá. Nhưng ông ta chẳng phản ứng tí gì. "Gì vậy?" "Hình như con vừa bị mòng đốt." "Có khi chính là Spcrates đã chích cho con một phát cho tỉnh." Sophie  nằm xuống cỏ và cố đẩy cái tàu lượn. Nhưng nó không  hề nhúc nhích. Hay là cô đã làm nó dịch đi được  một ly? "Có cơn gió lạnh đang về!" Hilde  nói. "Đâu. Thời tiết dễ chịu đấy chứ!" "Không  chỉ thế thôi đâu. Còn có một cái gì đó." "Chỉ có bố con mình và đêm hè mát mẻ thôi." "Không , con cảm thấy có cái gì đó trong không khí." "Đó có thể là cái gì?" "Bố nhớ Alberto và kế hoạch bí mật của ông ấy không ?" "Bố quên thế nào được !" "Họ biến mất khỏi bữa tiệc trong vườn. Như thế họ đã ta biến vào không khí..." "Đúng vậy, nhưng..." "... tan vào không khí." "Câu chuyện phải kết thúc ở đâu đó. Đó chỉ là những gì bố đã viết." "Vâng, nhưng chuyện gì xảy ra sau đó? Giả sử họ đang ở đây..." "Con tin như thế à?" "Con cảm thấy như thế, bố ạ." Sophie  chạy lại về phía chiếc xe. "Ấn tượng đấy." Alberto nói một cách miễn cưỡng khi cô bé trèo vào xe, tay nắm chặt cái cờ-lê. "Em có những tài năng đặc biệt, Sophie  à. Để tôi xem." Ông thiếu tá quàng tay qua vai Hilde . "Bố có thấy bản nhạc bí ẩn của tiếng sóng không ?" "Có, mai mình sẽ phải thả thuyền xuống nước." "Bố có thấy tiếng gió xào xạc cũng rất lạ không ? Nhìn những chiếc lá cây dương đang run lên kìa." "Hành tinh đang sống mà, con biết đấy..." "Bố đã viết là có cái gì đó ẩn giữa những dòng chữ." "Thế à?" "Có lẽ trong khu vường này cũng có cái gì đó ẩn giữa những dòng chữ." "Thiên nhiên đầy dãy những điều bí ẩn. Nhưng mình đang nói về những ngôi sao trên trời." "Lát nữa sẽ có cả sao trên mặt nước." "Đúng rồi. Hồi bé con thường nói như vậy về lân tinh. Con đã nói đúng theo một nghĩa nào đó. Lân tinh và mọi tổ chức sinh vật khác đều được  cấu tạo từ các nguyên tố đã từng trộn lẫn với nhau trong một ngôi sao." "Cả bố con mình cũng thế ạ?" "Đúng vậy, chúng ta cũng là bụi của những sao." "Nói vậy nghe thật đẹp." "Khi kính thiên văn vô tuyến bắt được  tia sáng từ những thiên hà xa xôi cách đây hàng tỷ năm ánh sáng, chúng sẽ vẽ nên bản đồ vũ trụ thời sơ khai sau Vụ Nổ Lớn. Tất cả những gì ta có thể nhìn thấy trên bầu trời là những hoá thạch vũ trụ từ hàng nghìn, hàng triệu năm trước. Tiên đoán quá khứ là điều duy nhất một nhà thiên văn học có thể làm." "Bởi vì các ngôi sao trong chòm sao đã di chuyển ra xa nhau từ lâu trước khi ánh sáng của chúng đến với chúng ta, đúng không  ạ?" "Ngay cả hai nghìn năm trước, các chòm sao đã trông khá là khác so với hình ảnh mà bây giờ ta thấy." "Bây giờ con mới biết chuyện đó." "Nếu vào một đêm trời trong, ta có thể thấy vũ trụ hàng triệu, thậm chí hàng tủ năm trong quá khứ. Vậy là theo một nghĩa nào đó, chúng ta đang về nhà." "Con không  hiểu." "Bố và con đều bắt nguồn từ Vụ Nổ Lớn, vì mọi vật chất trong vũ trụ là một thể thống nhất. Thời sơ khai, mọi thứ đã từng hội tụ thành một khối vĩ đại đến mức một mẩu bằng đầu kim cũng nặng tới nhiều tỷ tấn. Cái 'nguyên tử sơ khai' này đã nổ tung vì trọng lực vĩ đại của chính nó. Như thể một cái gì đó bị phân rã. Khi nhìn lên bầu trời là khi ta cố tìm đường quay về với chính mình." "Thật phi thường!" "Tất cả các vì sao và thiên hà đều cấu tạo từ cùng một chất liệu. Các phần của nó kết lại với nhau, một ít chỗ này, một ít chỗ khác. Hai thiên hà hàng xóm có thể cách nhau hàng tỷ năm ánh sáng. Nhưng chúng có chung nguồn gốc. Mọi ngôi sao và hành tinh đều thuộc cùng một gia đình." "Vâng, con hiểu rồi." "Nhưng cái vật chất đó là gì? Cách đây hàng tỷ năm cái gì đã nổ tung? Nó ở đâu ra?" "Đó là câu hỏi lớn." "Và tất cả chúng ta đều có liên quan sâu sắc đến câu hỏi đó. Vì chính chúng ta được cấu thành từ vật liệu ấy. Chúng ta là những tia sáng từ một đống lửa vĩ đại đã được  đốt lên từ nhiều tỷ năm trước." "Đó cũng là một ý nghĩ đẹp." "Tuy nhiên, ta không  được  cường điệu tầm quan trọng của những hình ảnh đó. Chỉ cần cầm một hòn đá trong tay là đủ. Nếu vũ trụ chỉ gồm có duy nhất một hòn đá to bằng quả cam thì nó cũng không  dễ hiểu hơn tí nào. Câu hỏi về nó vẫn đi vào ngõ cụt y như trước: hòn đá này ở đâu ra?" Sophie  chợt đứng bật dậy và chỉ về phía vịnh. "Em muốn thử cái thuyền," cô nói. "Nó bị buộc lại rồi. Chúng ta sẽ không  bao giờ nhấc nổi mái chèo đâu." "Mình cứ thử xem, thầy! Đằng nào thì cũng đang là đêm hội Mùa Hè." "Dù sao thì ta cũng vẫn có thể xuống mép nước." Hai thầy trò nhảy ra khỏi xe và chạy xuyên qua khu vườn. Họ cố nới lỏng cái dây thừng đã được  buộc chặt vào một cái vòng thép. Nhưng hai người thậm chí không  nhấc nổi cái đầu dây. "Cứ như nó được  đóng đinh xuống ấy." Alberto nói. "Mình còn nhiều thời gian." "Một nhà triết học chân chính không  bao giờ được  bỏ cuộc. Giá mà ta có thể...gỡ nó ra..." "Bây giờ có nhiều sao hơn rồi." Hilde  nói. "Ừ, vào mùa hè, giờ là lúc đêm tối nhất." "Nhưng mùa đông sao sáng hơn. Bố còn nhớ đêm hôm trước khi bố đi Lebanon không ? Đó là một đêm tháng Giêng." "Đó là khi bố quyết định sẽ viết tặng con một cuốn sách về triết học. Bố đã đến một hiệu sách ở Kristiansend và đến cả thư viện nữa. Nhưng họ chẳng có quyển sách nào hợp với thiếu niên." "Cứ như là bố con mình đang ngồi trên ngọn một sợi lông nhỏ của con thỏ trắng." "Không  hiểu có ai ở ngoài kia không  nhỉ, trong đêm của những năm ánh sáng." "Cái thuyền đã tự tuột ra rồi kìa!" "Ờ nhỉ!" "Không  hiểu sao, con đã xuống đó kiểm tra lại ngay trước khi bố về mà!" "Thế à?" "Chuyện này làm con nhớ khi Sophie  mượn thuyền của Alberto. Bố có nhớ nó nằm trôi lềnh bềnh giữa hồ không ? " "Bố cá là lần này cũng lại tại Sophie  nữa đây." "Bố cứ trêu con thoải mái đi. Cả buổi tối nay con cứ cảm thấy có ai đó quanh đây." "Hoặc con hoặc bố sẽ phải bơi ra kéo thuyền vào đấy." "Cả hai chúng ta, bố nhé."    [1] Trong tiếng Anh, "God" có nghĩa "Chúa Trời", "Thượng Đế" và cũng có nghĩa "thần" - ND [2] Một bán đảo lớn ở miền Nam Hy Lạp - ND [3] Biển nằm giữa bán đảo Hy Lạp và bán đảo Tiểu Á - ND [4] "knock on wood" - người dân Bắc Âu có tục "gõ lên gỗ" để xua đuổi tà mam ví dụ khi khen trẻ con khỏe mạnh thì người ta gõ lên gỗ - ND [5] Từ "sophist" từ sau thời Plato mới dần mang nghĩa xấu và ngày nay có nghĩa "người nguỵ biện" - ND [6] Joke: quân hề trong bộ bài tú lơ khơ [7] Tiếng Anh: The devil finds work for idle hands - ND. [8] Snorri Sturluson (1178-1241), nhà sử học, người biên soạn truyền thuyết, chính trị gia người Iceland - ND [9] Quyển Genesis, với nội dung Chúa Trời sáng tạo ra thế giới - ND. [10] "Ki Tô" là phiên âm từ tiếng Tây Ban Nha "Cristo". "Cơ Đốc" là phiên âm qua chữ Hán - ND. [11] Cựu ước. [12] Tân ước. [13] Bản dịch tiếng Anh: "He who cannot draw on three thousand years is living from hand to mouth" - ND. [14] Tiếng Anh: "We are just stuff as dreams are made on, and our little life is rounded with a sleep..." - ND. [15] Tiếng Anh: 'Ethics - Geometrically Demonstrated' - ND [16] Tiếng Anh: "Essay Concerning Human Understanding" - ND [17] Tiếng Anh: "A Treatise of Human Nature" - ND. [18] Trong tiếng Anh: "man" vừa có nghĩa là "người" vừa có nghĩa là "đàn ông" - ND. [19] Cây bu-lô trong tiếng Na Uy la bjørketreer - ND [20] Tiếng Anh: "A Treatise Concerning the Principles of Human Knowledge" - ND [21] Quan niệm chính trị của phong trào hip-pi những năm 1960-1970: hòa bình và tình yêu - ND. [22] Henrik Wergeland (1808-1845) nhà thơ người Na Uy - ND.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#triethoc