2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cơm nước xong xuôi thì Lâm bảo tôi ra bàn uống nước, còn anh thì đem bát đũa vào dọn dẹp. Tôi biết vậy là không phải phép, tôi tỏ thái độ với anh mà còn ăn cơm anh nấu, nào có chuyện giờ đến dọn dẹp cũng không phải động tay. Thế nhưng ma xui quỷ khiến thế nào mà tôi không phản đối, chỉ ra bàn rồi tự rót cho mình một chén nước, có lẽ tôi vẫn còn mệt mỏi.

Quê tôi không phải vùng trồng chè nổi tiếng, nhưng địa hình trung du và khí hậu gió mùa dù sao cũng khá lý tưởng cho chè xanh. Đồi chè ở quê tôi rất nhiều, sâu trong núi còn có những cây chè cổ mà khi xưa tôi nghe ông bà kể rằng một năm chỉ có thể thu hoạch một lần vào mùa xuân, lá chè ấy xao đúng cách khi hãm sẽ tự có hương nhài, người đủ tinh uống sẽ ra một phong vị khác. Tôi thì không phải người quá tinh thông trà đạo, nhưng lại vẫn vì tính chất ngành mà khi đi điền dã cho các nghiên cứu được gặp rất nhiều người, ở rất nhiều nơi, cũng được nếm thử rất nhiều loại chè ngon, nên cũng có thể coi tôi là người biết nhìn hàng vậy. Nước chè trong chén thoang thoảng mùi sen, tôi mở nắp ấm chè nhìn thử, thấy bên trong là một bông sen được ủ trong ấm.

Lâm lúc này cũng dọn dẹp xong chén đũa, hai người ăn đơn giản nên chắc anh rửa rất nhanh, tiến về phía bàn, anh cũng rót cho bản thân một chén.

"Chè sen này là ông cụ tự tay làm. Sen được hái ở dưới đầm kia, nhưng không phải sen năm nay mà hái từ năm ngoái rồi. Ông cụ còn tự mình ra sau đồi hái chè, xao rồi mới nhét vào từng cánh sen, phơi khô bọc trong lá sen, còn bảo tôi cứ ném vào ngăn đông lạnh là sẽ để được rất lâu, nếu muốn thì cứ lấy ra uống giải nhiệt."

Dường như anh biết tôi muốn hỏi gì, tôi nghi ngờ rằng anh đọc được suy nghĩ của tôi, nhưng cũng có lẽ là do những thắc mắc hiện lên trên mặt tôi quá rõ ràng.

"Nếu cậu muốn làm thử thì năm nay cũng có thể hái sen, chỉ là bây giờ chưa được, còn phải chờ mấy ngày nữa..."

Tôi muốn mở miệng cắt ngang câu nói của Lâm, đặt vấn đề về việc để anh rời khỏi đây, nhưng cũng do tôi áy náy chuyện đã để anh nấu cơm dọn dẹp cho, nên ấp úng mãi mà không nói ra được lời nào. Tôi ghét tính cả nể và nhượng bộ của bản thân, nhưng tôi sinh ra đã như vậy, chẳng thể nào sửa được.

"Cậu về sớm, chưa dọn đồ lên nhà đúng không? Để tôi giúp cậu một tay nhé." Có lẽ Lâm thấy sự ngập ngừng của tôi, bèn đổi sang một chủ đề khác. Tôi toan từ chối anh, tôi không muốn nợ anh thêm điều gì nữa, càng như vậy thì những ý tứ của tôi càng khó có thể thành lời. Thế nhưng Lâm nhanh nhẹn hơn tôi rất nhiều, một người mà đến đứng dậy còn mất nửa ngày như tôi chỉ có thể cầm chìa khóa xe rồi đuổi theo anh xuống chân đồi.

Đồ đạc trong xe tôi đa số là sách vở, một số ít còn lại thì là quần áo và đồ dùng cá nhân. Mấy thứ lặt vặt của tôi chỉ nhét trong một chiếc balo du lịch nhỏ, còn sách vở thì gần như để chật kín cả xe. Tôi bảo Lâm rằng anh cứ mặc tôi, đồi không dốc, lại có bậc thang, tôi có thể tự chuyển được nhưng anh chỉ nhìn tôi với vẻ không tin tưởng lắm, rồi đứng sang một bên. Tôi thấy anh không lên nhà, cũng chẳng để tâm, nhưng đến khi bê chồng sách được một đoạn thì tôi đã lãnh đủ. Tôi nhận ra mình quá yếu ớt để bê chúng, ít nhất là sau khi tôi bắt đầu sử dụng thuốc theo chỉ thị của chuyên gia, và trước đó khi sách được chuyển lên xe cũng là do có sự trợ giúp của hàng xóm trên thành phố. Tôi không muốn mình trông quá thảm hại nên cố gắng bê chồng sách đó vào buồng trong, đến khi quay ra gian chính đã thấy Lâm xếp được vài chồng rồi. anh không bước vào nhà đúng như anh nói mà chỉ xếp chúng ở cửa, tôi cũng không phản đối sự giúp đỡ của anh nữa mà yên phận bê chồng sách từ cửa vào buồng.

Cứ thế, Lâm đảm nhận việc chuyển đồ của tôi từ xe lên cửa nhà chính, rồi tôi bê từ cửa vào buồng trong. Nhà cấp bốn tuy rộng, nhưng việc bê sách vào buồng cũng không phải quá lâu và mất sức, khi bê hết đồ Lâm để ở cửa mà còn chưa thấy anh lên, tôi đứng chờ ở gian chính, tiện nhìn ngắm một chút tủ thờ và sập thờ.

Gian nhà chính có thiết kế truyền thống nhất theo kiểu nhà ở Bắc bộ, tuy được xây trên đồi nhưng chắc có lẽ các cụ tôi từng được đi kinh thành xưa, nên nhà xây xong mang nhiều màu sắc của nơi đó chứ không giống khu vực này lắm. Gian nhà hướng Nam, có hai lớp cửa, giữa hai lớp là khoảng sân nhỏ, đủ để đặt một hòn non bộ mà phải đi qua đó mới đến cửa của gian chính. Thời thơ ấu tôi và các anh chị em rất thích khoảng sân này, bởi vì trời mưa thì chỉ cần đóng lớp cửa phía ngoài là mưa không hắt mà gió cũng chẳng đến, lớp cửa trong vẫn mở để lấy không khí mát mẻ và ngắm mưa rơi trong sân nhỏ, thích ý vô cùng. Ngày đó có lẽ El Nino hay nóng lên toàn cầu còn chưa quá nghiêm trọng, nên sống ở quê hoàn toàn không cần điều hòa. Giờ thì quê hay thành phố cũng nóng như nhau cả thôi, có chăng thì thiết kế nhà này mát mẻ hơn một chút, nhưng điều hòa thì vẫn không thể thiếu.

Nhắc đến điều hòa, tôi vận chuyển đồ một chút cũng thấy mồ hôi mồ kê nhễ nhại, bèn bật điều hòa lên. Làn gió mát thổi ra khiến tôi thỏ phào, ngồi xuống sập đánh giá hoành phi treo trên xà nhà. Trên hoành phi là bốn chứ "Đường đệ cạnh tú", dịch nôm na là cây đường cây đệ đua nhau khoe sắc đẹp, còn ý nghĩa sâu xa thì là huynh đệ cùng giỏi giang, đại khái là vậy. Các cụ tôi tuy không phải dòng dõi thư hương, nhưng cũng là người có chữ có nghĩa, luôn muốn con cháu mình mình có học thức nên mới chọn bốn chữ như vậy. Về câu đối hai bên cột thì thứ cho tôi thiển cận, thời đại học có học qua chữ nhưng đều quên gần hết, để khi nào rảnh rỗi lại lôi ra tra vậy.

Tôi lơ đãng liếc ra cửa thì thấy Lâm đứng đó từ lúc nào, trên tay anh là balo đồ cá nhân của tôi, tôi mới sực nhớ ra mình mải nghĩ mà quên mất anh vẫn đang chuyển đồ cho tôi. Tôi áy náy kinh khủng, vội đứng lên.

"Anh, anh vào nhà cho mát! Tôi xin lỗi, mải suy nghĩ mà quên mất anh..." Tôi thầm chửi mình trong đầu, cứ thế này thì làm sao mà đuổi người ta đi cho được.

Lâm cũng chẳng khách sáo mà vào nhà luôn, có vẻ anh cũng thấy thoải mái, nhưng tôi thấy anh hơi ngơ ngác nhìn một lúc mới phát hiện ra không khí lạnh đến từ đâu.

"Ồ, ra là cái này có thể làm mát hơn sao? Tôi ở với ông cụ mấy năm nay, chưa thấy cụ sử dụng bao giờ."

Tôi hơi ngạc nhiên, nhưng cũng hiểu được phần nào, người già hay tiết kiệm, con cháu lắp mấy thứ tiện nghi vào nhà thường tiếc tiền điện mà không sử dụng đến. Nhưng điều làm tôi bất ngờ nhất là Lâm không biết điều hòa, anh nhìn qua cũng chỉ nhiều nhất 30 tuổi, thanh niên tầm tuổi anh dù có ở trong núi thì cũng biết mấy thứ như thế này chứ?

Tôi kêu Lâm để đồ xuống, còn mình thì ra sân bê ấm chén vào, gọi anh đến bên sập rồi rót cho anh chén nước. Tôi lúng túng tìm mãi mới ra chủ đề để nói chuyện.

"Trước giờ anh không bật điều hòa hả? Tôi nhớ ông cụ bảo ở gian sau cũng có điều hòa. Sau này anh làm việc xong cứ bật cho mát, mùa hè nóng lắm." Chắc do tôi áy náy và căng thẳng nên cứ nói liên hồi. "Anh không cần phải tiết kiệm đâu, chúng ta hai người thì tiền điện không đáng bao nhiêu cả... Nếu, nếu anh không biết sử dụng cũng có thể hỏi tôi..."

"Vậy cậu dạy tôi dùng à?" Anh cầm chén nước nhìn tôi đăm đăm, cười bảo.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro