Thelovelybone-thuvien-ebook.com

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

MỘT

Họ của tôi là Salmon, nghĩa là cá hồi; còn tên là Susie. Tôi mười bốn tuổi khi bị sát hại vào ngày mồng 6 tháng Chạp năm 1973. Hầu hết các cô gái bị mất tích vào những năm 70 có hình đăng trên báo đều trông hao hao như tôi: da trắng, tóc nâu như lông chuột. Mãi về sau mới đến thời kỳ mà ảnh trẻ em, cả gái lẫn trai, da màu lẫn da trắng, được in cả trên hộp đựng sữa tươi hay lên mặt báo, chứ hồi đó người ta vẫn nghĩ làm gì có những chuyện như vậy xảy ra trên đời này. Trong tập kỷ yếu của trường trung học cơ sở tôi ghi một câu trích dẫn nhà thơ Tây Ban Nha tên Juan Ramon Jimenez mà em gái tôi đã mách cho để tìm đọc. Đại ý thế này: "Dù ai đưa giấy kẻ dòng ngay hàng thẳng lối, xin bạn cứ giữ các viết riêng của mình." Tôi chọn câu này trước nhất vì nó diễn tả thái độ bất mãn của tôi đối với môi trường khuôn phép, theo kiểu quản lý lớp học, trong đó có tôi, thứ nữa, vì đó không phải là câu phát biểu dấm dớ của một ban nhạc Rock nào đó, tôi mặc nhiên sẽ được xem là dân hay chữ. Tôi là hội viên Câu lạc bộ Cờ vua, Câu lạc bộ Hóa học, và tuy cố gắng nhiều tôi vẫn cứ làm chảy các món bà Delmonico cho cả lớp tập nấu trong giờ gia chánh. Giáo sư tôi ưa nhất là thầy Botte, dạy môn sinh học, ông thích bày trò làm hồi sinh lũ ếch nhái và tôm cá mà chúng tôi phải tập mổ xẻ, bằng cách cho chúng vào mấy cái chảo loại không dính, khiến chúng giật búng lên như đang nhảy nhót.

Tiện thể xin nói ngay rằng thầy Botte không phải là thủ phạm giết tôi đâu đấy. Bạn đọc chớ nghĩ rằng bất cứ nhân vật nào sắp xuất hiện ở đây cũng đều đáng nghi cả. Thế mới thành chuyện chứ. Chẳng ai biết chắc cả. Thầy Botte có đến dự lễ tưởng niệm tôi (như hầu hết thầy trò toàn trường, xin nói thêm. Tôi chưa bao giờ nổi tiếng đến thế) và thầy khóc lóc khá thảm thiết. Thầy có một người con bị bệnh. Chúng tôi biết, nên mỗi khi thầy đem những mẩu chuyện giễu cũ mèm, đã kể từ trước thời tôi học thầy, ra kể rồi cười, cả lớp cũng phụ họa, đôi khi còn cố cười ngặt nghẽo để làm ông vui. Cô con gái thầy mất một năm rưỡi sau khi tôi chết, vì bệnh bạch cầu, nhưng tôi chưa từng gặp cô ấy trên thiên đường của tôi.

Kẻ giết tôi là một tay hàng xóm. Mẹ tôi thích loại hoa hắn trồng dọc hàng rào, bố tôi có lần trò chuyện với hắn về phân bón. Kẻ giết tôi cho rằng chỉ những chác cổ điển, lấy vỏ trứng, bã cà-phê đem bón, như mẹ hắn từng làm, theo lời hắn kể, mới làm tốt đất. Bố tôi trở vào nhà cười cười, pha trò về khu vườn của hắn, đẹp thật, nhưng mỗi đợt trở trời nóng gắt mùi hôi thối bốc lên đến tận mây xanh.

Thế nhưng vào hôm mồng 6 tháng Chạp năm 1973 thì trời đổ tuyết, từ trường về nhà tôi đi lối tắt băng qua cánh đồng ngô. Trời đã sẩm tối vì mùa đông ngày ngắn hơn; bây giờ tôi vẫn còn nhớ những thân ngô đổ ngang đổ ngửa làm tôi đi đứng khá vất vả. Bông tuyết rơi nhẹ, như những bàn tay tí hon lất phất bay, tôi thở bằng mũi cho đến lúc nước mũi ròng ròng, đành há miệng để thở. Còn cách chỗ Harvay đứng đọ hai thước, tôi thè lưỡi hứng một bông tuyết nếm thử.

"Đừng hoảng hồn nhé." hắn lên tiếng.

Đương nhiên là tôi phải sợ hết hồn rồi vì đang ở giữa cánh đồng ngô, mà trời thì tối mịt. Khi chết rồi, tôi nhớ lại rằng trước đó có ngửi thấy thoang thoảng mùi nước hoa Cô-lôn(1) nhưng tôi không chú ý hoặc tưởng rằng mùi ấy bay ra từ một trong các ngôi nhà phía trên kia.

"Chú Harvey đó à," tôi nói.

"Cháu là gái lớn nhà Salmon phải không?"

"Vâng ạ."

"Bố mẹ khỏe cả chứ?"

Tuy là con gái lớn trong nhà và ở lớp đạt điểm cao nhất trong một kỳ thi đố kiến thức khoa học, tôi chẳng bao giờ thấy thoải mái khi phải tiếp chuyện người lớn.

"Khỏe ạ." tôi trả lời. Tôi lạnh, nhưng uy quyền đương nhiên lại thuộc về hắn, một người lớn tuổi, lại là hàng xóm từng trò chuyện với bố tôi về phân bón, buộc tôi cứ đứng đó như chôn chân tại chỗ.

"Chú mới dựng xong cái này," hắn nói. "Cháu muốn xem thử không?".

"Cháu hơi lạnh, chú Harvey ạ," tôi trả lời. "với lại mẹ muốn cháu về nhà trước khi trời tối."

"Đằng nào trời cũng tối rồi, Susie ạ." hắn nói.

Giờ đây tôi ước gì lúc đó mình nhận ra ngay điều lạ lùng này. Tôi chưa hề xưng tên mình cho hắn biết. Tôi đoán hẳn là bố tôi lại đã đem kể một trong những giai thoại làm chúng tôi ngượng chín người, trong khi ông thấy làm thế chứng tỏ rằng ông yêu quý các con. Ông thuộc giới các ông bố hay giữ ảnh chụp con trần truồng lúc mới lên ba đứng trong phòng tắm, ở tầng trệt vốn dành cho khách khứa. Ông có ảnh chụp Lindsey, em gái tôi, như thế thật - lạy Chúa. Phần tôi ít ra cũng đã thoát được cái cảnh xấu hổ đến muốn độn thổ ấy. Thế nhưng ông rất thích kể câu chuyện hồi Lindsey mới sinh, tôi ghen với nó đến nỗi một hôm nhân lúc bố mải điện thoại trong phòng bên, tôi mò xuống đi văng - ông thấy được tôi từ chỗ đang đứng - tìm cách tè lên đầu Lindsey đang nằm trong chiếc nôi có quai xách. Lần nào ông kể chuyện này tôi đều thấy bẽ mặt vô cùng, dù là kể cho ông mục sư giáo xứ hay với bà hàng xóm Stead vốn là chuyên viên trị liệu tâm lý, mong bà cho biết ý kiến, hay với bất kỳ ai từng bảo ông "Susie gan lắm đấy!"

"Gan à?" bố tôi thốt lên. "Để tôi kể cho nghe chuyện cháu gan thế nào nhé" và ông bắt đầu giai thoại Susie - tè - lên - em - bé - Lindsey liền tức thì.

Nhưng sự thực là : bố tôi chưa hề nêu tên chúng tôi và cũng không hề kẻ cho Harvey nghe giai thoại Susie - tè - lên - em - bé - Lindsey nói trên.

Sau này Harbey tình cờ gặp mẹ tôi ngoài đường và nói thế này với bà: "Tôi có nghe về thảm kịch kinh hoàng này, thật kinh khủng ngoài sức tưởng tượng. Thế cháu tên gì nhỉ?"

"Susie", mẹ tôi đáp, cố gồng mình mang cái gánh nặng gắn liền với cái tên này, gánh nặng mà bà ngỡ sẽ có ngày nhẹ bớt đi, đâu ngờ nó sẽ còn gây cho bà nhiều đau đớn mới, muôn hình vạn trạng, trong suốt quãng đời còn lại của bà.

Harvey phân ưu giống như mọi người: "Mong thằng khốn nạn đó sớm bị tóm cổ. Xin chia buồn với bà về nỗi mất mát này."

Nghe thế, lúc đó tôi đang lắp ghép lại chân tay của mình trên thiên đường, tôi thật không ngờ nổi hắn lại mặt dày mày dạn đến thế. "Thật là quân vô liêm sỉ," tôi nói với Franny, bà hướng dẫn của tôi, lo việc đón tiếp người mới tới. "Đúng thế," bà đáp gọn lỏn. Trên thiên đường của tôi không mấy ai nói chuyện phiếm.

Harvey bảo chỉ cần một phút thôi, thế là tôi đi theo hắn thêm một đoạn nữa vào sâu trong cánh đồng, quãng này ít thân ngô gãy hơn vì không ai đi tắt lối này đến trường. Mẹ tôi từng bảo em trai Buckley của tôi, hồi nó còn bé tý, rằng ngô trong cánh đồng này không ăn được, khi nó hỏi sao không thấy ai ăn. "Ngô này dành cho ngựa, không phải cho người," bà nói. "Cũng không cho chó, hở mẹ?" Buckley hỏi tiếp. "Không con ạ", mẹ trả lời. "Cũng không cho khủng long à?" Buckley cứ thế hỏi mãi không dứt.

"Chú mới làm xong một chỗ trú ẩn nho nhỏ," Harvey lên tiếng.

Hắn dừng bước quay lại nhìn tôi.

"Cháu có thấy gì đâu," tôi trả lời. Tôi chợt nhận ra hắn đang nhìn tôi bằng ánh mắt lạ lùng. Tôi đã từng bắt gặp ánh mắt tương tự ở những người đàn ông lớn tuổi từ ngày tôi không còn nét bụ bẫm của trẻ con nữa, nhưng thường thì đầu óc họ cũng không đến nỗi phát cuồng khi nhìn tôi khoác chiếc áo pác-ca có mũ trùm màu xanh dương và mặc quần ống loe màu vàng. Tròng mắt kính của hắn nhỏ và tròn, gọng vàng, hắn nhướn mắt nhìn tôi từ phía trên gọng kính.

"Phải tập quan sát kỹ hơn đi chứ, Susie." hắn bảo.

Tôi linh cảm mình nên tìm cách ra khỏi chỗ đó, nhưng tôi lại không làm. Tại sao tôi không làm thế nhỉ? Franny bảo rằng thế chẳng ích gì: "Cháu đã không làm, và thế là hết chuyện. Đừng nghĩ tới nghĩ lui mãi. Chẳng được gì. Cháu đã chết rồi, phải chấp nhận thế thôi."

"Thử tìm lần nữa đi." Harvey nói rồi ngồi xổm, vỗ vỗ trên mặt đất.

"Cái gì thế?" tôi hỏi hắn.

Hai tai tôi buốt cóng. Tại tôi không chịu đội cái mũ sặc sỡ có ngù len gắn những quả chuông tí hon kêu leng keng mẹ tôi đan làm quà mùa Giáng sinh năm nào, mà cuộn lại nhét vào túi áo pác-ca.

Bây giờ tôi nhớ lại là đã bước tới và giậm chân lên mặt đất gần chỗ hắn. Đất chỗ đó có vẻ còn rắn hơn cả đất đóng băng vốn đã cứng lắm rồi.

"Gỗ đấy", Harvey giải thích. "Để giữ cho cửa vào không bị sụp lở. Còn toàn bằng đất cả."

"Đó là cái gì vậy?" tôi hỏi. Tôi không còn cảm thấy lạnh, không còn hoảng sợ trước ánh mắt hắn nhìn tôi nữa. Tôi lại trở thành đứa học trò trong tiết khoa học tự nhiên: tôi tò mò.

"Cháu cứ chui xuống mà xem."

Phải chật vật lắm mới chui được xuống cái hầm, hắn cũng công nhận thế, khi cả hai xuống lọt rồi. Nhưng vì tôi quá kinh ngạc không hiểu sao hắn dựng được cả một cái ông để thông khói, khi nào muốn đốt lửa, nên chưa kịp thắc mắc sao việc chui vào chui ra cái hầm lại khó khăn vậy. Cũng phải nói thêm rằng tẩu thoát là khái niệm tôi chưa hề biết đến qua một kinh nghiệm nào trong đời sống. Nguyên nhân từng làm tôi kinh hoàng bỏ chạy là Artie, một thằng cổ quái cùng lớp, có bố làm nghề nhà đòn chuyên lo mai táng. Nó thích làm như luôn mang theo người một ống tiêm đựng đầy dung dịch liệm xác. Trên tập vở của mình Artie vẽ những chiêc kim tiêm nhễu giọt thứ chất lỏng đen sì.

"Thế này thì ngầu thật!" Tôi nói với Harvey. Lúc đó hắn có là Chàng Gù nhà thờ Đức Bà (2) chúng tôi biết qua bài học ở lớp Pháp văn đi nữa thì tôi cũng không bận tâm. Tôi thoắt trở lại thuở bé con. Tôi trở thành em trai Buckley hôm đi thăm Viện bảo tàng lịch sử tự nhiên ở New York, em mê mẩn nhìn mấy bộ xương khủng long vì đại được trưng bày. Cả chữ "ngầu" tôi cũng chưa hề công khai dùng lại suốt từ hồi ở trường tiểu học đến nay.

"Đúng là trò giật lại que kẹo để dụ em bé đi theo" Franny bảo thế.

Giờ đây tôi vẫn hình dung rất rõ cái hầm, như thể chuyện mới xảy ra hôm qua, mà đúng là hôm qua thật. Với chúng tôi, từ nay cuộc sống mãi mãi sẽ chỉ là chuyện của ngày hôm qua. Cái hầm to cỡ cái phòng con ở nhà, nơi chúng tôi để giày ống và treo áo đi mưa, nơi mẹ cố xoay xở nhét vừa cái máy giặt và đặt cái máy sấy chồng lên trên. Tôi gần như đứng thẳng lưng được trong hầm, nhưng Harvey phải cúi lom khom. Lúc đào hắn đã đắp sẵn một băng ghế dọc chiều dài căn hầm. Hắn ngồi ngay xuống đó.

"Cháu cứ việc xem đi," hắn bảo.

Tôi ngẩn người, mê mải ngắm cái giá treo phía trên đầu hắn, nơi hắn để sẵn diêm, một lô pin, một cái đèn huỳnh quang chạy pin, nguồn ánh sáng duy nhât trong hầm - loại ánh sáng ma quái sẽ làm tôi khó nhận rõ các đường nét trên mặt hắn khi hắn nằm đè lên người tôi.

Trên giá có một cái gương, con dao cạo và kem cạo râu. Tôi thấy kỳ cục thật. Sao hắn không cạo râu ở nhà nhỉ? Song hẳn tôi cho rằng một người có tòa nhà mấy tầng khang trang mà lại đi đào cái hầm cách đó chỉ nửa dặm đường thì chắc không điên cũng dở người. Bố tôi có cách rất hay để mô tả loại người như thế: "Ông ta là người có cá tính, thế thôi".

Thế nên hẳn lúc đó tôi cho rằng Harvey là một kẻ có cá tính, và tôi thấy thích cái hầm ấm áp, tôi muốn biết cách hắn đào hầm, theo trình tự nào, và hắn đã học được ở đâu.

Nhưng ba ngày sau đó, lúc con chó của gia đình Gilbert tìm thấy rồi tha về mẩu xương khủyu tay của tôi, còn dính cả vỏ bắp ngô tố giác, thì Harvey đã lấp hầm rồi. Suốt quãng thời gian đó tôi đang trên đường quá cảnh. Tôi hụt không được mục kích cảnh hắn cuống cuồng rút những thanh gỗ gia cố, thu vén mọi tang vật cho vào một bao tải cùng với những bộ phận cơ thể tôi, chỉ bỏ sót có mẩu xương khủy tay kia. Đến lúc tôi tom góp đủ các mảnh thi thể cần nhất để làm được việc quan sát mọi chuyện diễn ra ở dương thế thì mọi tâm tư tôi hướng cả về gia đình mình, không còn đầu óc để ý đến gì khác nữa.

Mẹ tôi ngồi trên cái ghế gỗ trước cửa ra vào, miệng há hốc. Sắc mặt bà vốn nhợt nhạt giờ xanh xao hơn bao giờ hết. Đôi mắt xanh thẳm của bà mở trừng trừng. Còn bố tôi bị lôi vào những bận bịu tít mù. Ông đòi được biết mọi chi tiết, muốn cùng đi với cảnh sát đào xới cánh đồng ngô. Đến nay tôi vẫn cảm ơn Chúa đã gửi đến viên thanh tra vóc người nhỏ nhắn tên Len Fenerman. Ông ta cử hai viên cảnh sát mặc sắc phục đi với bố tôi ra phố, để ông chỉ mọi chỗ tôi hay tụ tập với chúng bạn. Suốt ngày đầu họ kèm bố tôi đi khắp một khu thương xá. Không ai kể cho Lindsey, lúc đó đã mười ba tuổi và đủ khôn lớn, hay cho Buckley, mới lên bốn và dĩ nhiên chẳng hiểu gì lắm.

Harvey hỏi tôi có muốn giải khát không. Hắn nói thế đấy. Tôi bảo tôi phải về nhà ngay.

"Ngoan nào, uống Coca Cola đi," hắn nói. "Chú chắc chắn những đứa khác hễ bảo là uống ngay thôi."

"Mấy đứa nào khác cơ?"

"Chú làm cái hầm này cho bọn trẻ quanh đây, cháu ạ. Chú định làm một loại câu lạc bộ ấy mà."

Tôi không nghĩ rằng lúc đó mình tin lời hắn. Tôi ngờ hắn nói dối, nhưng cho đó là một câu nói dối đáng tội nghiệp. Tôi hình dung hắn cô đơn. Chúng tôi có được đọc về những loại đàn ông tương tự trong giờ Y học - Sinh lý. Những kẻ không lấy vợ, tối về hâm thức ăn đông lạnh đóng gói sẵn, luôn sợ bị hắt hủi đến nỗi thú vật cũng không dám nuôi. Tôi thấy thương hại hắn.

"Thôi được", tôi bảo. "Cháu uống Coca Cola vậy."

Sau hắn hỏi tiếp: "Cháu không thấy nóng sao, Susie? Sao không bỏ áo khoác ra?"

Tôi làm theo.

Hắn mới tiếp: "Cháu xinh lắm, Susie ạ".

"Cám ơn chú," tôi đáp, tuy lúc đó hắn gây cho tôi thứ cảm giác mà tôi với nhỏ bạn Clarissa từng gọi là "sảng hồn sảng vía".

"Cháu có bồ chưa?"

"Chưa ạ". tôi trả lời. Nốc vội chỗ Coca Cola, còn gần đầy chai, rồi bảo, "Cháu phải đi, chú Harvey ạ. Ở đây thích thật, nhưng mà cháu phải đi thôi."

Hắn đứng lên lom khom diễn màn Chàng Gù, ra chắn chỗ có sáu bậc thang bằng đất nện dẫn ra thế giới bên ngoài. "Chú chẳng hiểu tại sao cháu lại nghĩ sẽ rời khỏi nơi này được."

Tôi nói để khỏi phải nhìn nhận sự thật này: Harvey không phải là một kẻ có cá tính. Giờ đây thấy hắn đứng chặn lối ra, tôi mới thấy ghê sợ kinh tởm hắn.

"Chú Harvey à, cháu phải về nhà thật mà"

"Cởi quần áo ra".

"Sao cơ?"

"Cởi hết quần áo ra," Harvey ra lệnh. "Ta muốn kiểm tra xem mi có còn trinh không?"

"Còn mà, chú Harvey ạ", tôi trả lời.

"Ta phải kiểm tra cho chắc. Bố mẹ mi sẽ cảm ơn ta nữa là khác."

"Bố mẹ cháu à?"

"Họ chỉ muốn có con gái nết na," hắn nói.

"Chú Harvey", tôi van vỉ, "làm ơn để cháu đi đi mà."

"Mi chẳng đi đâu cả, Susie. Mi ở trong tay ta rồi."

Thời đó chưa có phong trào luyện tập thể dục, ít ai nghe đến và biết môn Aerobics, thể dục nhịp điệu là gì. Con gái phải thùy mị dịu dàng, chỉ những đứa bị chúng tôi nghĩ là đồng tính luyến ái mới tham gia môn leo dây ở trường.

Tôi chống cự kịch liệt. Tôi chống trả hết sức để hắn không làm hại tôi được nhưng cái gọi là hết-sức-kịch-liệt của tôi cũng chẳng nhằm nhò gì, không đủ vào đâu, thế là tôi nhanh chóng bị vật ngửa xuống đất, hắn nằm đè lên người tôi, thở hổn hển, mồ hôi vã như tắm, văng cả kính trong cuộc vật lộn.

Lúc đó tôi còn sống. Tôi thầm nghĩ không có gì trên đời khủng khiếp cho bằng phải chịu nằm ngửa, bị một người đàn ông mồ hôi nhễ nhại nằm đè lên người. Bị giam hãm dưới lòng đất và không một ai biết mình đang ở đâu.

Tôi nghĩ đến mẹ tôi.

Mẹ tôi chắc đang nhìn kim đồng hồ trên lò bếp. Cái lò mới mua và mẹ tôi thích nhất ở chỗ nó có cả đồng hồ. "Nhờ vậy con nấu nướng căn đúng từng phút." Bà nói với bà ngoại, vốn là một bà mẹ không quan tâm gì lắm đến chuyện bếp núc.

Hẳn là mẹ tôi sốt ruột, nhưng bà bực mình hơn là lo lắng về sự trễ giờ của tôi. Khi bố cho xe vào ga-ra rồi, bà sẽ lăng xăng pha cho ông ly cốc-tai rượu vang Sherry, rồi bảo ông với vẻ bực bội: "Anh biết Trường trung học cơ sở chứ," bà sẽ nói thế. "Hẳn lại có lễ Đón xuân." "Abigail à". Bố tôi hẳn sẽ trả lời, "Làm gì có lễ Đón xuân giữa mùa tuyết rơi?". Không đạt hiệu quả như ý, hẳn mẹ tôi sẽ lôi em Buckley vào phòng khách, bảo "Ra mà chơi với bố đi," rồi bà rút vào bếp tợp một ngụm Sherry.

Tên Harvey ấn môi lên môi tôi. Môi hắn vều, ướt nhẫy, tôi muốn hét to mà không được vì quá kinh hoàng và kiệt quệ vì chống trả. Có một anh chàng tôi thích đã từng hôn tôi. Tên cậu ta là Ray, người Ấn Độ. Cậu nói pha giọng, da ngăm đen. Ít ai nghĩ tằng tôi lại đi ưa anh chàng này. Clarissa bảo đôi mắt to nhưng hay lim dim của cậu trông "ma quái" làm sao, nhưng cậu tử tế, thông minh, cố ý để cho tôi cóp bài thi đại số nhưng cứ tỉnh bơ làm như không hay biết gì. Cậu hôn tôi chỗ tủ để đồ cá nhân của học sinh, trước hôm phải nộp ảnh cho tập kỷ yếu. Khi phát hành tập kỷ yếu vào cuối hè, tôi thấy cậu điền vào dưới tấm ảnh của mình câu trả lời cho câu hỏi quen thuộc: "Trái tim tôi thuộc về..." hai chữ "Susie Salmon". Tôi đoán là cậu đã toan tính cả rồi. Tôi còn nhớ rằng môi cậu hơi khô ráp.

"Đừng, chú Harvey ạ." Tôi lắp bắp và cứ lập đi lập lại mãi một từ này. Đừng. Và tôi cùng nói mãi câu làm ơn làm phước, đừng. Franny kể cho tôi rằng hầu như ai trước khi chết cũng đề khẩn khoản van xin "hãy làm ơn làm phước."

"Ta thèm mi lắm, Susie ạ", hắn bảo

"Xin chú tha cho," tôi nói. "Đừng mà", tôi lại nói. Có khi tôi gộp cả hai. "Xin tha cho, đừng mà" hay "Đừng mà, xin chú tha cho." Giống như khi ta thử xoay chìa đủ mọi chiều mà ổ khóa cứ trơ trơ, hay khi hô "Bắt được rồi, bắt được rồi, bắt được rồi" mà quả bóng lại vút qua đầu bay về hướng khán đài.

"Xin chú đừng làm thế".

Phát mệt vì nghe tôi lạy van, hắn thọc tay vào túi áo pác-ca của tôi, lôi cái mũ len mẹ đan, vo lại tọng vào miệng tôi. Âm thanh duy nhất tôi còn gây ra được sau đó là tiếng leng keng yếu ớt của mấy cái chuông tí hon.

Đôi môi ướt nhẫy của hắn lướt khắp mặt và cổ tôi, khi thấy hắn luồn tay vào dưới áo thì tôi bật khóc. Tôi bắt đầu rời khỏi thân xác mình, bay lên cư ngụ trong không trung và cõi tĩnh lặng. Tôi khóc và vùng vẫy đến nỗi không còn cảm thấy gì nữa. Hắn xé toạc quần tôi vì không tìm ra dây khóa kéo mẹ tôi đã bỏ công khéo léo may chìm bên hông.

"Quần lót trắng to nhỉ," hắn nói.

Tôi cảm thấy cơ thể mình căng phồng lên. Thấy mình là biển, còn hắn đứng giữa biển mà bài tiết đủ thứ cặn bã. Tôi cảm thấy mọi ngóc ngách cơ thể mình bị lộn ra lộn vào, như trò xoắn dây đủ kiểu quanh các ngón tay tôi từng chơi với Lindsey để làm em cười vui. Giờ đây, nằm đè lên người tôi, hắn đang dùng tay để tự kích thích.

"Susie! Susie!" Tôi nghe tiếng mẹ gọi. "Đến giờ ăn tối rồi"

Hắn ở trong thân thể tôi. Hắn rền rĩ như lợn ỉ!

"Hôm nay có món đậu đũa với thịt cừu non đấy"

Tôi là cối, còn hắn là chày.

"Em trai con dùng ngón tay quệt màu vẽ bức tranh mới đấy, còn mẹ, hôm nay mẹ nướng bánh táo".

Harvey giữ tôi nằm im lìm dưới người hắn, lắng nghe tiếng tim hắn và tiếng tim tôi đập. Nghe nhịp tim tôi giật giật như chú thỏ đang phóng, còn tim hắn đập thình thịch như tiếng búa nện vào vải. Hai cơ thể nằm duỗi dài, áp vào nhau, và trong lúc đang run bần bật, một ý tưởng ập đến làm tôi bàng hoàng: hắn đã làm chuyện này với tôi và tôi vẫn còn sống. Vậy là xong xuôi. Tôi vẫn còn đang thở. Tôi nghe tiếng tim hắn đập. Tôi ngửi mùi hơi thở của hắn. Đất đen quanh đây có mùi riêng của nó, ẩm ướt bẩn thỉu, nơi sâu bọ và côn trùng ngày ngày sinh sống. Giá làm được thì tôi đã gào thét hàng giờ rồi.

Tôi biết hắn sắp giết tôi. Lúc đó tôi chưa ý thức được rằng thực ra tôi đã là một con thú đang hấp hối.

"Sao không dậy đi?" Harvey lăn qua một bên rồi khom dậy hỏi tôi.

Giọng hắn dịu dàng, khuyến dụ, giọng người tình nhân một buổi sáng dậy muộn. Chỉ là gợi ý, không phải mệnh lệnh.

Tôi không nhúc nhích nổi. Tôi không đủ sức ngồi dậy.

Bởi vì tôi không làm theo - có phải chỉ vì tôi không làm theo gợi ý của hắn, có phải chỉ vì thế? - hắn quay người đưa tay mò mẫm mặt giá treo trên đầu, nơi hắn để dao cạo và kem cạo râu. Hắn lôi xuống một con dao. Được rút ra khỏi vỏ, con dao như cười với tôi, lưỡi cong tựa khóe miệng nhếch lên nhăn nhở.

Hắn lôi cái mũ ra khỏi miệng tôi.

"Hãy nói rằng mi yêu ta," hắn bảo.

Tôi thều thào nói theo.

Hồi kết cục đằng nào cũng đến.

__________

(1) "Cologne": tên tiếng Anh, Pháp của thành phố Koein ở Đức, sản xuất nước hoa cologne từ thế kỷ 18. ( Mọi chú thích là của người dịch)

(2). Nhân vật trong tác phẩm Notre-Dame de Paris (Nhà thờ Đức bà ở Paris) của Victor Hugo (1802 - 1885)

HAI

KHi mới lên thiên đường tôi tưởng ai cũng thấy những gì mình thấy. Rằng trong thiên đường của mỗi người có những cột gôn bóng đá phía xa xa, có những nữ lực sĩ ném tạ phóng lao đi đứng ì ạch. Rằng mọi tòa nhà đều giống những ngôi trường trung học xây vào những năm 1960 ở ngoại ô Đông Bắc. Những tòa nhà này to và thấp bè, nằm rải rác trên những lô đất có rải sỏi cát, quy hoạch rập khuôn đơn điệu, có hiên và những kiến trúc mở ra ngoài cho ra vẻ tân kỳ. Tôi chuộng những tòa nhà màu cam hay xanh ngọc lam, giống trường trung học ở Fairfax. Lúc còn ở dương thế thỉnh thoảng tôi xin bố chở xe chạy qua trường này để tưởng như mình được đi học ở đấy.

Học xong lớp bảy, tám và chín của trung học cơ sở rồi thì trường cấp hai sẽ là khởi đầu của một giai đoạn mới. Bao giờ vào trường Fairfax tôi sẽ đòi mọi người gọi đúng tên mình là Suzanne, chứ không phải là Susie. Mái tóc tôi hoặc sẽ cắt đuổi theo mốt bậc thang hoặc được búi lên cao. Tôi sẽ có thân hình khiến bọn con trai ngày đêm mơ tưởng, làm bọn con gái ghen tị, không những thế tôi sẽ dễ mến đến độ bọn chúng tự thấy có lỗi nếu không tôn vinh tôi. Tôi hay hình dung rằng mình - một khi đã được xem như bà hoàng - sẽ ra tay che chở mấy đứa bị gạt ra rìa trong quán giải khát của trường. Kẻ nào đem thằng Clive Saunders ra chế nhạo vì có tướng đi như con gái thì tôi sẽ báo thù cho nó ngay bằng một cú đá vào những bộ phận ít được che chở nhất của tay đó. Hễ bọn con trai trêu chọc Phoebe Hart vì bộ ngực quá nảy nở của cô nàng thì tôi sẽ thuyết giảng một bài học cho chúng hiểu tại sao loại chuyện chế giễu ngực con gái chẳng có gì đáng cười cả. Bản thân tôi cũng phải quên đi rằng chính tôi, mỗi khi Phoebe đi ngang qua, từng ghi vào bên lề vở của mình một hàng những tên nhạo đại loại: Winnebagos, Hoo-has, Johnny Yellows (1). Dứt cơn mơ, tôi thấy mình ngồi băng sau trên chiếc xe bố đang lái. Riêng tôi chẳng có gì đáng chê trách. Hoặc, tôi sẽ học xong hết chương trình trung học trong vòng vài ngày chứ không phải vài năm, hoặc, không thể giải thích nổi tại sao, tôi sẽ đoạt giải Oscar diễn viên xuất sắc ngay từ năm học đầu.

Đó là những mơ tưởng của tôi ngày còn ở dương thế.

Sau vài ngày sống ở thiên đường tôi chợt hiểu ra rằng những nữ lực sĩ ném tạ, phóng lao và những tay chơi bóng rổ trên sân nhựa khô rộp kia đều sống trong thiên đường mỗi người tự hình dung. Thiên đường của họ giống thiên đường của tôi, không hẳn là sao nguyên bản, nhưng rất nhiều sự kiện diễn ra không khác gì với ở đây.

Tôi ở đến ngày thứ ba thì gặp Holly, cô bạn cùng nhà. Cô nàng ngồi trên ghế xích-đu. (Tôi không hề thắc mắc sao ở trường học lại có ghế xích đu. Thế mới là thiên đường chứ! Không phải thứ ghế phẳng lì - ở đây chỉ có loại ghế bằng nhựa đen cứng, mặt ghế trũng ôm sát người bạn, lại có thể nhún nhún vài cái lấy đà trước khi đu). Holly đang ngồi đọc quyển sách in ký tự lạ lẫm làm tôi liên tưởng đến món cơm chiên với thịt heo bố vẫn mua về từ quán Hop Fat Kitchen. Buckley rất thích cái tên này nên cứ hét toáng lên "Hop Fat". Bây giờ tôi biết tiếng Việt rồi, biết cả chuyện ông Herman Jade, chủ quán Hop Fat không phải người Việt Nam, cả Herman Jade cũng không phải tên thật mà là tên ông lấy khi đi từ Trung Quốc đến Hoa Kỳ. Holly đã cho tôi biết những điều này.

"Chào bạn", tôi nói. "Tớ tên là Susie."

Sau này cô nàng mới kể cho tôi nghe là đã chọn tên Holly từ phim Điểm tâm trước cửa hiệu Tiffany (2). Nhưng hôm đó cô nàng chỉ buột miệng xưng tên vậy thôi.

"Còn tớ là Holly," cô nàng đáp lại. Bởi không ai muốn nghe ra mình phát âm với giọng lạ trong thiên đường của mình nên cô nàng nói không mang tí giọng lạ nào.

Tôi nhìn chăm chăm vào mái tóc đen của cô nàng. Óng ả như vẫn thấy quảng cáo trên các báo ảnh. "Bạn ở đây bao lâu rồi?" tôi hỏi.

"Ba ngày."

"Tớ cũng thế."

Tôi ngồi xuống ghế đu cạnh cô nàng, xoay người nhiều vòng để dây treo cuộn xoắn lại. Rồi buông ra cho ghế bung ngược mãi cho đến lúc tôi chặn lại.

"Bạn có thích ở đây không?" cô nàng hỏi.

"Không".

"Tớ cũng thế."

Chúng tôi quen nhau như thế đấy.

Trên thiên đàng của mình, mọi ước nguyện bình thường nhất của chúng tôi đều được thỏa mãn. Trong trường chẳng có thầy cô nào cả. Chúng tôi không bị bắt buộc phải vào lớp, trừ giờ nghệ thuật cho tôi, còn Holly tập dượt với ban nhạc Jazz. Bọn con trai không chơi trò véo mông trộm hay lớn tiếng chê chúng tôi hôi. Sách học toàn loại tạp chí Tuổi mười bày, Thế giới hoa lệ và Thời trang.

Thiên đường của chúng tôi rộng thêm ra theo mối quan hệ phát triển. Chúng tôi có nhiều ước nguyện giống nhau.

Franny, bà cố vấn của tôi ngày tôi mới đến, trở thành người hướng dẫn cho cả bọn. Franny, đã ngoại tứ tuần, đáng tuổi mẹ chúng tôi. Mất một thời gian Holly và tôi mới hiểu rằng điều chúng tôi muốn là: có mẹ.

Trong thiên đường của bà, Franny chuyên phục vụ người khác, bà thấy được tưởng thưởng khi thấy hiệu quả việc mình làm, thấy mọi người cảm kích. Ở hạ giới bà là trợ tá xã hội, chăm lo những người nghèo khó, không cửa không nhà. Bà làm việc cho nhà thờ Thánh Mary, phân phát phần ăn dành riêng cho đàn bà và trẻ em, bà quản mọi việc từ trả lời điện thoại cho đến diệt gián bằng cách dùng cạnh bàn tay chặt theo kiểu Ka-ra-tê. Bà bị một tay đàn ông đi lùng tìm vợ mình bắn trúng mặt.

Sang ngày thứ năm bà Franny ghé thăm Holly và tôi. Bà đưa hai ly giấy đựng nước pha chanh bột hiệu Kool-Aid cho chúng tôi uống. "Cô đến xem các cháu cần giúp gì không." bà bảo.

Tôi nhìn sâu vào đôi mắt xanh nhỏ viền nhiều nếp nhăn do hay cười, thú nhận. "Chúng cháu thấy ở đây chán quá."

Holly đang cố thè lưỡi thật dài để xem đã chuyển sang màu xanh lục chưa.

"Thế các cháu muốn gì nào?"

"Cháu cũng chẳng biết nữa," tôi đáp

"Cái chính là các cháu phải ước muốn, và nếu các cháu thực sự khao khát, đồng thời hiểu - phải hiểu thật rõ cơ - tại sao mình mong muốn điều đó, thì nó sẽ tới thôi."

Nghe thật đơn giản mà quả đúng thế thật. Holly và tôi cùng ở trong ngôi nhà gồm hai căn ghép lại là từ dịp đó.

Tôi không ưa ngôi nhà xây kiểu lệch tầng của gia đình mình lúc còn ở dương thế. Tôi ghét cả tủ lẫn bàn ghế trang trí nội thất cũng như cách xây cất khiến nhà này nhìn chõ sang nhà bên cạnh, lại chõ sang nhà kế tiếp, lại nhà kế tiếp nữa, cứ thế - như một âm thanh cứ thế vang vọng lan khắp quả đồi. Ngôi nhà hai căn của chúng tôi nhìn ra một công viên, cách một quãng, đủ gần để chúng tôi biết mình không lẻ loi, nhưng cũng không quá gần để nhìn thấy cả đèn nhà người khác.

Cuối cùng, tôi bắt đầu mong ước nhiều hơn. Chính tôi cũng thấy lạ là sao mình quá đỗi khao khát muốn biết những gì chưa kịp biết ngày còn ở dương gian. Tôi muốn được trưởng thành.

"Con người ta trưởng thành được là nhờ sống," tôi bảo bà Franny. "Cháu muốn được sống."

"Chuyện này vô phương," bà đáp ngay.

"Thế ít ra chúng cháu phải được phép nhìn người ta sống chứ?" Holly hỏi.

"Thì các cháu vẫn làm đấy thôi," bà bảo.

"Cháu nghĩ ý bạn Holly muốn nói là toàn bộ cuộc đời cơ," tôi bảo, "từ đầu đến cuối, nhìn xem họ sống như thế nào. Biết được những bí mật. Có như thế chúng cháu mới làm hay hơn chứ."

"Các cháu không bao giờ có dịp thử nghiệm nữa đâu," Franny xác định rõ.

"Cám ơn Trung tâm Cố vấn," tôi nói, nhưng thiên đường của chúng tôi bắt đầu mở rộng.

Trường trung học, kiến trúc kiểu ở Fairfax, vẫn tọa lạc ở đó, nhưng bây giờ có nhiều con đường dẫn ra ngoài thành phố.

"Cứ theo những con đường đó mà đi." Franny bảo thế, "rồi các cháu sẽ tìm thấy những gì mình cần."

Thế là tôi với Holly lên đường. Thiên đường của chúng tôi có một tiệm kem, ở đó nếu bạn hỏi mua kem que bạc hà sẽ không ai trả lời "Mùa này làm gì có"; ở đó có một nhật báo hay in ảnh chúng tôi, làm chúng tôi thấy mình quan trọng hẳn lên; có in cả hình những người đàn ông đẹp trai và phụ nữ xinh tươi nữa, vì Holly với tôi thích xem tạp chí thời trang. Thình thoảng Holly tỏ ra lơ đãng, lúc khác cô nàng lại bỏ đi những đâu tôi tìm không thấy. Đấy là lúc cô nàng đi đến vùng nào đó của thiên đường mà tôi không được biết. Lúc đó tôi thấy nhớ cô nàng, nhớ mà thấy khó chịu bất an bởi vì lúc bấy giờ tôi đã hiểu ý nghĩa của chữ vĩnh viễn.

Điều tôi mong mỏi nhất thì lại không đạt được: rằng tên Harvey phải chết, còn tôi được tiếp tục sống. Thiên đường chưa hoàn mỹ ở chỗ đó. Nhưng dần dần tôi tin rằng nếu chú tâm theo dõi và thiết tha mong ước thì mình có thể tác động lên cuộc sống của những người thân yêu ở trần thế.

Bố tôi là người nhận điện thoại vào ngày 9 tháng Chạp. Đó là điểm khởi đầu của hồi kết. Ông cho cảnh sát biết nhóm máu của tôi, rồi tả mức độ sẫm nhạt của nước da tôi. Họ hỏi ông ngoài ra còn đặc điểm nào nữa cho phép nhận dạng tôi. Bố tả kỹ gương mặt tôi, sa đà vào những chi tiết dông dài. Thanh tra Fenerman cứ để ông nói, không ngắt lời, vì cái tin phải báo quá khủng khiếp. Cuối cùng ông Fenerman cũng phải nói: "Ông Salmon ạ, chúng tôi chỉ mới tìm ra một phần cơ thể."

Đang đứng trong nhà bếp, bố thốt rùng mình buồn nôn. Biết báo tin này cho Abigail, vợ ông, thế nào đây?

"Vậy ông đâu thể khẳng định là cháu đã chết được?" ông vặn lại.

"Trên đời này chẳng có gì là chắc chắn cả," thanh tra Len Fenerman đáp.

Đó cũng là câu bố nói với mẹ: "Trên đời chẳng có gì là chắc chắn cả."

Ba đêm liền ông không biết nên cư xử thế nào, nên nói gì với mẹ tôi. Trước nay hai người chưa hề bị suy sụp cùng một lúc. Thường thì người này cần người kia vực đỡ, lúc đó bám lấy, mượn một phần sức lực của người vững vàng hơn, chứ chưa bao giờ cả hai cùng cần lẫn nhau. Với lại, họ chưa bao giờ phải hiểu nghĩa của từ kinh hoàng như bây giờ.

"Trên đời này chẳng có gì là chắc chắn cả," mẹ tôi lặp lại, bám víu vào đó, đúng như ý bố tôi mong muốn.

Mẹ tôi là người duy nhất hiểu ý nghĩa từng cái hình khoen móc ở vòng đeo tay của tôi - bà nhớ hai mẹ con đã mua ở đâu và vì sao tôi thích. Bà liệt kê tỉ mỉ những gì tôi mang theo và mặc trên người. Nếu tìm được các món đồ ấy ở vệ đường một nơi xa đây hằng dặm, những manh mối này có thể khiến cảnh sát sở tại liên hệ đến trường hợp tử nạn của tôi.

Trong tâm tưởng, tôi bồng bềnh trôi giữa niềm vui ngọt ngào mà cay đắng, khi thấy mẹ tôi kể tên các thứ tôi ưa thích và mang trên người, và mối hy vọng viển vông của bà rằng chúng sẽ làm nên chuyện. Rằng ở đâu đó có người nhặt được cục tẩy hình nhân vật trong truyện tranh hay cái phù hiệu có ảnh ca sĩ nhạc rock rồi báo cho cảnh sát.

Sau cú điện thoại của thanh tra Len, bố tôi đưa tay cho mẹ nắm và cả hai ngồi ngây trên giường, mắt nhìn sững trước mặt. Mẹ tôi mê mụ cả người, bám vào việc liệt kê mấy món đồ nọ, còn bố tôi có cảm tưởng ông bước vào một con đường hầm tối đen. Vào một lúc nào đó, trời đổ mưa. Tôi cảm thấy cả bố lẫn mẹ có cùng ý nghĩ nhưng không ai nói ra, rằng tôi đang ở đâu đó ngoài kia, mà trời lại đang mưa. Rằng họ mong tôi được yên lành, đang trú thân ở một nơi nào khô ráo, ấm cúng.

Không ai biết mình hay người kia đã thiếp đi trước, xương cốt ê ẩm vì kiệt sức, họ trôi vào cơn ngủ mê rồi chợt bừng mắt thức cùng lúc, thấy như mình làm điều gì không phải. Trận mưa - đã biến chuyển nhiều lượt tùy nhiệt độ xuống thấp đến mức nào - giờ thành mưa đá, chính tiếng đá rơi xuống mái nhà đã đánh thức họ dậy cùng lúc.

Bố mẹ tôi không nói gì. Hai người nhìn nhau trong quầng sáng mờ nhạt của ngọn đèn chưa tắt ở góc phòng đối diện. Mẹ tôi bật khóc, bố ôm mẹ, lấy hai đầu ngón tay cái gạt những giọt nước mắt lăn trên má và dịu dàng hôn lên mắt mẹ.

Lúc bố mẹ an ủi vỗ về nhau tôi quay đi, dõi nhìn vào cánh đồng ngô, xem còn sót thứ gì mà cảnh sát có thể tìm thấy vào sáng hôm sau không. Mưa đá làm thân ngô trĩu xuống, cũng như đã xua mọi loài sinh vật chui hết cả vào hang. Dưới mặt đất không sâu lắm là hang của mấy chú thỏ rừng mà tôi rất thích, chúng ăn rau và hoa chung quanh đó, thình thoảng vô tình lôi về hang cả thuốc bả độc. Thế rồi, dưới mặt đất này, khá xa nơi một ông hay bà nào đấy đã rải mồi trộn bả độc khắp vườn mình, có cả một gia đình nhà thỏ nằm chết co quắp, không còn một mống.

Buổi sáng ngày mồng mười bố tôi đem chai rượu Scotch ra dốc sạch vào bồn rửa bát. Lindsey hỏi ông nguyên do.

"Bố sợ để đó bố lại uống nữa," ông bảo.

"Hôm qua ai gọi điện vậy bố?" em tôi hỏi.

"Điện thoại của ai đâu?"

"Con nghe bố nói gì đó, như mấy lần kể về cách chị Susie cười. Về các vì sao trên trời nổ tung đấy."

"Bố có nói vậy à?"

"Thôi bố đừng vờ nữa. Phải cảnh sát không?"

"Muốn bố nói thật không?"

"Muốn, bố đừng giấu con." Lindsey đồng ý.

"Họ tìm được một mảnh thân thể. Có thể là của Susie."

Em như bị đấm vào dạ dày. "Bố nói sao?"

"Chẳng có gì là chắc chắn cả," bố tìm cách trấn an.

Lindsey ngồi xuống chỗ bàn ăn. "Con buồn nôn quá," em bảo.

"Con làm sao thế?"

"Bố, con muốn bố cho biết đó là cái gì. Mảnh cơ thể nào mới được chứ, xong thì con sẽ phải nôn đây."

Bố lấy cái thau sắt to, đem lại bàn đặt cạnh Lindsey trước khi ngồi xuống.

"Con nghe đây," em bảo. "Bố cứ nói."

"Đó là mẩu xương khuỷu tay. Con chó nhà Gilbert tìm được."

Ông nắm tay em và thế là, như đã bảo trước, em nôn thốc nôn tháo vào cái thau sáng loáng ánh bạc.

Quãng gần trưa trời quang dần; cảnh sát chăng dây quây một khu của cánh đồng ngô cách nhà tôi không xa và bắt đầu tìm kiếm. Nước mưa, nước của tuyết tan, tuyết trắng còn đọng và mưa đá hòa trộn làm đất nhão nhoét; tuy thế có một chỗ rõ ràng đất mới bị xới đào lên. Họ bắt đầu đào ngay tại đó.

Sau này phòng thí nghiệm khẳng định là ở một số chỗ đất thẫm đẫm máu của tôi, nhưng hôm ấy cảnh sát càng lúc càng nản lòng vì cứ phải vất vả đào xới đất bùn trong giá lạnh tìm thi thể một cô gái.

Dọc biên sân bóng đá có vài người hàng xóm đứng cách vùng chắn của cảnh sát một quãng, họ thắc mắc về mấy người đàn ông khoác áo pác-ca màu xanh dày cộm dùng xẻng với cào mà cứ như đang cầm dụng cụ y khoa vậy.

Bố mẹ tôi ở nhà. Lindsey rút lên phòng riêng. Em Buckley mấy ngày nay ở chơi bên nhà bạn nó tên Nate ở gần đây. Gia đình Nate bảo em rằng tôi đến chơi nhà Clarissa và ngủ lại đó vài hôm.

Tôi biết thi thể mình hiện ở đâu nhưng không thể nói cho mọi người biết được. Tôi quan sát và chờ xem họ sẽ thấy được gì. Thế rồi, như một tiếng sét ngang tai, khi đã xế trưa, một viên cảnh sát giơ cao nắm tay bám đầy đất, hô hoán lên.

"Lại đây xem này!" ông ta kêu toáng, thế là đám cảnh sát kia chạy bu ngay lại.

Hàng xóm đã bỏ về hết chỉ còn bà Stead. Sau khi hội ý với cả toán quây quanh viên cảnh sát đã tìm ra tang vật, thanh tra Fenerman rẽ nhóm người trang phục màu tối sậm đó đến chỗ bà đứng.

"Bà Stead phải không ạ?" ông nói từ bên này sợi dây băng chắn ngăn hai người.

"Vâng."

"Bà có cháu nào đi học trường này không?"

"Có."

"Vậy mời bà đi với tôi, được chứ?"

Một viên cảnh sát trẻ hướng dẫn bà chui dưới dây chắn, bước trên cánh đồng ngô gập ghềnh, đất bị xới tung, đến chỗ nhóm kia đang đứng.

"Bà Stead ạ," Len Fenerman nói, "chắc bà nhận ra ngay chứ?" Ông giơ cao quyển Giết con chim nhạn (1) loại bìa mềm. "Đây là sách cho họ trò đọc phải không bà?"

"Vâng", bà đáp gọn, mặt tái nhợt đi.

"Có phiền bà không nếu tôi hỏi bà..." ông lựa lời.

"Lớp chín", bà đáp, nhìn thẳng vào đôi mắt xanh màu đá phiến của Len Fenerman. "Lớp của Susie." Bà là chuyên viên trị liệu tâm lý, tự tin vào khả năng mình dù nghe những chuyện não lòng vẫn phải giữ được đầu óc sáng suốt để phân tích mọi chi tiết rối rắm trong cuộc đời các bệnh nhân, thê smà bà đột nhiên thấy mình phải tựa vào cậu cảnh sát trẻ dẫn bà vào đây mới đứng vững nổi. Tôi đọc được cả tâm trạng bà đang hối tiếc, giá lúc nãy bà cũng đi về như mọi người, ước gì lúc này bà đang ngồi với chồng trong phòng khách hoặc ra vườn sau với cậu con trai.

"Thầy cô nào dạy lớp này?"

"Bà Dewitt", bà Stead trả lời. "Bọn trẻ học xong Othello (2) rồi thấy đọc quyển sách này đầu óc thư giãn hẳn."

"Othello?"

"Vâng." bà nói, những gì bà biết về nhà trường đột nhiên trở thành tối quan trọng, nhất là lúc này - cả toán cảnh sát lắng tai nghe. "Bà Dewitt hay cho đọc xen kẽ, trước kỳ nghỉ Giáng sinh bà quần học trò một trận với kịch Shakespeare. Xong, bà cho đọc Harper Lee để tưởng thưởng. Nếu Susie mang quyển Giết con chim nhại trong cặp, có nghĩa là cháu đã nộp bài luận về Othello rồi."

Các chi tiết này sau đó kiểm lại thấy đúng cả.

Cảnh sát gọi điện thoại. Tôi nhìn vòng tròn cứ rộng dần ra. Bà Dewitt còn giữ bài luận tôi nộp. Cuối cùng bà gửi lại bài luận, chưa ghi lời phê nào, cho bố mẹ tôi qua đường bưu điện. "Tôi nghĩ hẳn ông bà muốn cất giữ bài viết này," bà Dewitt viết trên tờ giấy đính kèm. "Xin thành thực chia buồn." Lindsey thừa hưởng bài luận văn này vì đọc nó mẹ tôi thấy đau lòng. Tôi đề tựa là "Kẻ bị khai trừ: một người đàn ông cô độc." Chính Lindsey đã gợi ý đặt tựa "Kẻ bị khai trừ," phần sau do tôi nghĩ ra. Em tôi bấm ba lỗ dọc theo lề rồi kẹp từng trang giấy viết tay nắn nót ấy vào một cuốn vở còn trống. Em cất vào tủ, để phía dưới ngăn đựng các búp-bê hiệu Barbie, cái hộp đựng búp-bê hiệu Raggedy tên Ann với Andy được giữ mới tinh tươm từng làm tôi phát thèm.

Thanh tra Fenerman gọi điện cho bố mẹ tôi. Cảnh sát tìm thấy một quyển sách giáo khoa mà họ nghĩ rằng cô giáo trao cho tôi vào ngày cuối cùng đó.

"Nhưng vẫn có thể là sách của ai khác," bố nói với mẹ, khi hai người bắt đầu một đêm trằn trọc không chợp mắt nổi. "Hoặc giả Susie đánh rơi dọc đường."

Chứng cớ ngày càng chồng chất, nhưng bố mẹ tôi không chịu tin.

Hai hôm sau, ngày mười hai tháng Chạp, cảnh sát tìm thấy mấy trang tôi ghi chép trong tiết học của thầy Botte. Mấy con thú đã tha quyển vở ra khỏi chỗ vùi giấu ban đầu - đất bám trên giấy không giống đất quanh chỗ tìm ra - và vì một con mèo leo lên cây vọc phá tổ quạ nên người ta nhặt được trang giấy kẻ ô ly dùng vẽ đồ thị có mấy hàng viết tháu của tôi, ghi về các lý thuyết tôi chẳng hiểu gì cả nhưng vẫn chăm chỉ chép. Các mảnh giấy vụn nằm lẫn với là và nhành cây. Cảnh sát tách mấy miếng giấy kẻ ô ly ra khỏi vài mảnh giấy dài loại khác, mỏng hơn và hơi khô giòn, không kẻ hàng.

Cô gái ở ngôi nhà có cây nọ nhận ra được nét chữ. Không phải nét chữ của tôi mà của anh chàng phải lòng tôi: Ray Singh. Ray viết mấy câu tỏ tình trên tờ giấy loại đặc biệt làm từ bột gạo của bà mẹ, tờ mà hình như tôi chưa kip đọc. Cậu đã nhét nó vào vở tôi trong tiết học vào ngày thứ tư ở phòng thí nghiệm. Chữ viết của cậu dễ nhận ra. Khi đến nơi, cảnh sát phải tìm cách chắp các mẩu giấy vụn từ quyển vở sinh vật học của tôi và tờ thư tình của Ray Singh.

"Ray không được khỏe lắm," bà mẹ trả lời khi điều tra viên đến nhà, yêu cầu được nói chuyện với Ray. Nhưng qua bà họ cũng thu thập được những gì cần biết. Ray gật đầu xác nhận khi bà lặp lại những câu hỏi của viên cảnh sát cho cậu. Đúng, cậu có viết thư tình cho Susie Salmon. Đúng, cậu có nhét vào quyển vở của Susie sau khi thầy Botte bảo Susie đi thu bài kiểm tra đột xuất thầy vừa ra cho cả lớp. Đúng thế, cậu tự gọi mình là gã người Moor (3).

Ray Singh trở thành nghi phạm số một.

"Cậu bé dễ thương đó ư?" mẹ tôi nói với bố.

"Ray Singh là người tử tế mà," em gái tôi nói, giọng bình thản, lúc ăn tối hôm đó.

Tôi quan sát cả nhà, biết họ hiểu rằng Ray Singh không thể là thủ phạm được.

Cảnh sát ập đến nhà cậu, gây áp lực nặng nề, ám chỉ bóng gió khi lục vấn. Họ phấn khích vì nhìn màu da sẫm của Ray nghĩ ngay cậu là hung thủ, nhìn cung cách của cậu mà điên tiết, rồi còn vì thấy bà mẹ đẹp một cách lạ lẫm, lạnh lùng xa cách. Nhưng Ray có bằng chứng ngoại phạm. Cả một loạt quốc gia có thể làm chứng cho cậu. Bố cậu, giảng dạy môn lịch sử hậu thuộc địa ở đại học Pennyslavia, đã thôi thúc cậu trình bày về kinh nghiệm giới trẻ trong buổi thuyết trình ở Viện Quốc tế đúng ngày tôi lìa đời.

Lúc đầu thì chính việc Ray vắng mặt ở trường đã bị xem là bằng chứng buộc tội, nhưng khi cảnh sát được trao danh sách bốn mươi lăm người đã tai nghe mắt thấy Ray lên phát biểu về đề tài "Các khu vực ngoại vi thành phố: Kinh nghiệm của Hoa Kỳ" thì họ phải thừa nhận cậu vô tội. Mấy cảnh sát đứng ngoài khuôn viên gia đình Singh, vặt cành lá ở bờ rào. Sẽ dễ dàng cho họ biết bao nếu câu giải đáp, như có ma thuật, cứ tự động từ một cái cây trên trời rơi xuống. Dù vậy, tin đồn vẫn cứ lan truyền, cố gắng hòa nhập của Ray, chưa tiến xa được mấy, nay bị đổi ngược chiều. Từ đó hễ tan trường là cậu đi thẳng một mạch về nhà.

Những chuyện này làm tôi phát điên lên được. Phải mục kích mà không có cách nào hướng cảnh sát đi về phía ngôi nhà màu xanh lá cây ngay sát nhà bố mẹ tôi, nơi tên Harvey đang ngồi gọt chạm cái đầu mái ngôi nhà kiểu gô-tich hắn ráp cho búp bê. Hắn theo dõi tin tức và rà đọc hết các báo, nhưng hắn khoác một vẻ vô tội giống như mặc chiếc áo cũ song thoải mái dễ chịu. Trước đó tâm trí hắn hoảng loạn nhưng nay đã bình tĩnh lại rồi.

Tôi cố tìm an ủi nơi còn Holiday, con chó của gia đình tôi. Tôi nhớ nó khác cách tôi cho phép mình nhớ bố mẹ, em gái và em trai tôi. Vì nếu nhớ họ cũng như nhớ con chó là tôi chấp nhận sẽ không bao giờ còn được gần gũi người thân nữa; nghe thì ngớ ngẩn thật nhưng tôi chưa hề tin, và cũng không muốn tin điều đó. Tối đến Holiday nằm trong phòng Lindsey, nó luôn đứng cạnh bố tôi khi ông mở cửa cho người lạ, nó mừng quýnh mỗi khi được mẹ tôi chia cho vài mẩu những thứ bà lén ăn trong bếp và nó chịu để Buckley nắm đuôi kéo tai lôi đi lòng vòng trong ngôi nhà im ỉm khóa.

Có quá nhiều máu thấm vào đất.

Ngày mười lăm tháng Chạp, trong số những tiếng gõ cửa thường báo hiệu cho gia đình tôi là phải chuẩn bị tư thế đối phó trước khi mở cửa cho khách lạ - mấy người láng giềng tử tế lúng túng chia buồn, những tay phóng viên ăn nói vụng về mà nhẫn tâm - có tiếng gõ cửa của người làm cho bố tôi cuối cùng phải tin thật.

Đó là Len Fenerman, người luôn ân cần tử tế với bố, và một cảnh sát viên mang sắc phục.

Họ bước vào, lâu nay họ quen lệ là mẹ tôi muốn họ cần bảo gì thì vào thẳng phòng khách, để hai đứa em tôi trên gác không nghe lỏm được.

"CHúng tôi có tìm được một món đồ và nghĩ là của Susie," Len nói. Len rất ý tứ. Tôi thấy ông đang cân nhắc từng lời. Ông để ý lựa lời để bố mẹ tôi đừng lập tức nghĩ ngay rằng cảnh sát đã tìm thấy xác tôi, rằng lần này chắc chắn tôi đã chết thật rồi.

"Món đồ gì?" mẹ tôi sốt ruột hỏi. Bà khoanh tay lại, gắng nghe kể thêm một chi tiết với bà là vớ vẩn nhưng với mấy người kia thì đầy ý nghĩa. Bà như một bức tường. Tập vở với sách truyện chẳng nói với bà được điều gì. Con gái bà có thể vẫn còn sống, cho dù cụt một cánh tay. Máu me nhiều là máu me nhiều. Không phải là xác người. Jack, chồng bà nói thế và bà cũng tin vậy; trên đời này chẳng có gì là chắc chắn cả.

Nhưng khi họ giơ lên bao tang vật đựng cái mũ của tôi, có gì đó vỡ vụn trong lòng bà. Bức tường mỏng manh bằng pha lê chỉ từng che chở trái tim bà - chẳng hiểu sao làm cho bà tê liệt, đến mất cả lòng tin - bỗng vỡ tan tành.

"Cái ngù len," Lindsey kêu lên. Em từ nhà bếp lẻn vào phòng khách. Không ai ngoài tôi nhìn thấy em vào phòng.

Mẹ tôi kêu hộc lên một tiếng, tay chới với, nghe như tiếng kim loại cọ xát, như khi một người máy hực lên vài âm cuối trước khi động cơ tắt hẳn.

"Chúng tôi đã cho phân chất sợi bông," Len nói. "Rất có thể là kẻ dụ dỗ cháu đã sử dụng nó khi phạm tội ác."

"Sao cơ?" bố hỏi. Ông thấy mình bất lực. Người ta giải thích mà ông chẳng hiểu ất giáp gì.

"Để cháu không kêu lên được."

"Cái gì?"

"Cái ngù đẫm nước bọt của cháu," viên cảnh sát mang sắc phục nãy giờ vẫn yên lặng, tự động xen vào. "Hắn đã dùng nó bịt miệng cháu bé."

Mẹ tôi giật nó khỏi tay ông Len Fenerman, những cái chuông tí hon bà khâu vào ngủ kêu leng keng khi nó rơi xuống đầu gối bà. Bà gục trên cái mũ đã đan cho tôi.

Tôi thấy Lindsey đứng đờ ở cửa. Em không nhìn ra bố mẹ nữa; em không còn nhận ra bất cứ gì nữa.

Bố tiễn ông Len Fenerman, con người đầy thiện chí, và viên cảnh sát mặc sắc phục ra cửa trước.

"Ông Salmon ạ," Len Fenerman nói, "trên cơ sở lượng máu tìm được, và sự bạo tàn tôi ước đoán được qua đó, cũng như dựa trên những chứng cớ khác mà chúng ta đã trao đổi, bây giờ chúng tôi phải tiến hành vụ này với giả thiết là con gái ông đã bị giết hại thật rồi."

Lindsey nghe lỏm được điều em đã biết từ năm ngày trước, khi bố kể về mẩu xương khủy tay. Mẹ tôi bắt đầu khóc rấm rức.

"Kể từ này chúng tôi sẽ xử lý vụ này như một án mạng," Fenerman nói.

"Nhưng xác cháu vẫn chưa tìm ra mà," bố cố vớt vát.

"Mọi tang chứng đều cho thấy con gái ông đã chết thật rồi. Tôi xin thành thực chia buồn."

Viên cảnh sát mang sắc phục cứ nhìn chệch sang bên phải, tránh ánh mắt van lơn của bố tôi. Tôi tự hỏi phải chăng họ đã học ở trường nghiệp vụ cách phản ứng như thế. Còn ông Len Fenerman nhìn thẳng vào mắt bố tôi. "Tôi sẽ ghé lại lần nữa trong ngày," ông bảo.

Lúc quay vào phòng khách, bố tôi suy sụp đến nỗi không thể chìa tay cho mẹ tôi đang ngồi trên thảm hay cho em tôi đang đứng chết trân bên cạnh. Ông lên lầu, nhớ rằng có Holiday nằm trên tấm thảm trong phòng làm việc. Hồi nãy ông thấy nó nằm đó. Tí nữa đây, vùi mặt vào bộ lông dày quanh cổ nó, bố mới bật ra tiếng khóc.

Buổi trưa hôm ấy cả ba người đều rón rén đi lại, cố giữ im lặng, như sợ rằng tiếng bước chân sẽ xác nhận những tin mới kia. Bà mẹ cu Nate gõ cửa để giao trả Buckley. Không ai ra mở cửa. Bà lùi ra vì linh cảm đã có chuyện gì đấy xảy ra trong ngôi nhà này, tuy nó giống y những nhà bên cạnh. Bà trở thành đồng lõa với em trai tôi, khi bảo sẽ dắt nó ra hiệu kem cho ăn đến kỳ chán mới thôi.

Cuối cùng, lúc bốn giờ, mẹ và bố tôi cùng đứng trong căn phòng dưới nhà. Mỗi người vào bằng một cửa khác.

Mẹ tôi nhìn bố: "Bà ngoại", bà bảo, và ông gật đầu. Ông quay số gọi cho bà ngoại Lynn, người duy nhất còn sống trong các ông bà của chúng tôi.

Tôi hơi lo cho em gái, sợ bị bỏ một mình nó sẽ làm chuyện dại dột. Em ở trong phòng riêng, ngồi trên cái trường kỷ cũ bố mẹ tôi đã thải, đang tập cho mình cứng cáp vững vàng hơn. Hít sâu vào rồi nín giữ hơi. Cố ngồi yên lần sau lâu hơn lần trước. Thu mình nhỏ lại như hòn đá. Quấn những ven rìa của bạn lại rồi gập chúng xuống mặt dưới để không ai thấy được.

Mẹ tôi bảo để tùy em chọn ở nhà hay vẫn đi học cho tới Giáng sinh - cũng chỉ còn một tuần nữa thôi - nhưng Lindsey chọn đi học.

Sáng thứ Hai, cả lớp chăm chăm nhìn khi thấy Lindsey bước vào phòng học.

"Ông hiệu trưởng muốn gặp em đấy, cưng ạ," bà Dewitt hạ giọng nói với em.

Lúc bà Dewitt nói em tôi không nhìn bà. Em đang luyện để hoàn thiện nghệ thuật vừa giao tiếp vừa nhìn xuyên suốt người đối thoại với mình. Đó là dấu hiệu đầu tiên bảo cho tôi biết rằng sắp có chuyện đến nơi. Bà Dewitt cũng là giáo sư Anh văn, nhưng quan trọng hơn là chuyện ông Dewitt chồng bà, huấn luyện viên bóng đá cho đám con trai, đã từng khuyến khích Lindsey gia nhập đội bóng. Em tôi quý mến hai ông bà, nhưng sáng hôm đó em quyết định chỉ nhìn thẳng vào mắt những ai em biết có thể phản công chống trả được.

Trong lúc thu gom tập vở, em nghe chung quanh toàn những tiếng xầm xì. Em biết mười mươi rằng ngay trước khi em rời phòng, Danny Clarke đã rỉ tai Sylvia Henley điều gì đó. Có ai vừa đánh rơi gì đấy phía cuối phòng học. Em biết chúng cố ý làm thế để nhân lúc cúi lượm rồi quay về chỗ sẽ thì thao trao đổi với nhau về em của cô gái mới chết nọ.

Lindsey đi xuyên suốt dãy phòng học, rẽ phải lách trái dọc hành lang đặt tủ có khóa - né tránh bất cứ ai định sán lại hỏi han. Ước gì tôi được đi sóng đôi bên em, bắt chước điệu bộ của ông hiệu trưởng và cách ông khai mạc những buổi họp toàn trường ở đại sảnh: "Hiệu trưởng của các em là ngưởi bạn có nguyên tắc (1)!" Tôi sẽ lải nhải mãi bên tai làm em phải cười sặc lên.

May mắn cho em là đi suốt không gặp ai, nhưng đến văn phòng thì em phải hứng chịu những cái nhìn đầy thương cảm của mấy bà thư ký thích an ủi vỗ về. Không sao. Ở nhà, trong phòng riêng, em đã chuẩn bị sẵn rồi. Em tự trang bị đến tận răng để đương đầu với mọi biểu lộ thiếu tế nhị của lòng trắc ẩn.

"Lindsey à", ông hiệu trưởng Caden nói, "sáng nay thầy mới nhận được điện thoại của cảnh sát. Thầy thành thực chia buồn với em về nỗi mất mát này."

Em nhìn thẳng vào mắt ông. Không phải tia nhìn mà là chùm tia la-de. "Chính xác thì em mất cái gì ạ?"

Ông Caden thấy nên nói thẳng vào những khủng hoảng của bọn trẻ. Ông đi vòng từ phía sau bàn giấy, dắt Lindsey tới băng ghế mà đám học trò đặt cho cái tên Trường kỷ. Mai đây ông sẽ thay nó bằng hai cái ghế dựa, cũng bởi vì khi đi kiểm tra một loạt các trường trong hạt này, các vị chức trách trong giới chính trị gia đã bảo ông: "Không nên để trường kỷ ở đây - mà nên để ghế dựa. Trường kỷ dễ gây hiểu lầm."

Ông Caden ngồi xuống nên em tôi cũng ngồi theo. Tôi thích nghĩ rằng lúc đó, dù bực bội đến mấy, em cũng thấy hồi hộp khi ngồi trên chính cái Trường kỷ nổi tiếng này. Tôi muốn tin rằng không vì tôi mà em mất hết mọi khả năng cảm nhận của mình.

"Thầy cô luôn bên cạnh để giúp các em bằng mọi cách," ông Caden bảo. Ông tỏ hết thiện chí.

"Em đâu có sao ạ."

"Thế em có muốn kể thầy nghe không?"

"Kể gì ạ?" Lindsey hỏi lại. Em đang giở cái giọng mà bố tôi gọi là "xấc láo", như khi ông nói "Susie này, không được nói cái giọng xấc láo đó với bố nghe chưa."

"Về nỗi mất mát của em đấy," ông nói. Ông vương tay sờ đầu gối em. Bàn tay ông như dấu sắt nung ấn lên da thịt em.

"Em không hề biết là đã đánh mất cái gì ạ," em đáp, rồi lấy hết sức bình sinh, em rà soát khắp người, lộn trái hết các túi quần túi áo ra xem.

Ông Caden không biết phải nói gì. Năm ngoái Vicki Kurtz gục đầu vào lòng ông mà khóc. Tình thế có nan giải thật, đúng vậy, nhưng giờ đây nghĩ lại, ông thấy trong trườn hợp Vicki Kurtz với bà mẹ mới mất, cách ông giải quyết cơn khủng hoảng quả là khéo léo. Ông dìu Vicki Kurtz đến băng ghế - không, không đúng, chính Vicki đi thẳng đến cái băng, ngồi xuống đó - ông vừa nói: "Thầy có lời chia buồn về nỗi mất mát của em" thì Vicki Kurtz òa khóc như quả bóng bơm quá căng bị nổ tung. Ông vỗ về cô bé khóc ròng trong vòng tay mình, và chiều hôm đó ông đưa bộ quần áo cho hiệu giặt hấp tẩy.

Nhưng Lindsey Salmon khác. Cô bé có năng khiếu, là một trong hai mươi học sinh được trường tuyển chọn gửi đi dự hội nghị học sinh năng khiếu toàn bang. Sự cố duy nhất bị ghi trong học bạ là vụ cãi lại giáo sư hồi đầu năm, không trầm trọng gì lắm, khi cô nàng bị khiển trách đã mang loại tiểu thuyết nhảm nhí - Sợ bay (2) - vào lớp.

"Thầy cứ chọc cho nó cười đi," tôi muốn nói cho ông hiệu trưởng biết vô cùng. " Thầy dẫn nó đi xem phim hài của Bộ tứ huynh đệ nhà họ Marx(3), hoặc lừa cho nó ngồi phải chiếc gối phát ra tiếng rắm, hay cho nó thấy cái quần đùi thầy đang mặc có in hình mấy tên quỷ oắt con đang ăn bánh mỳ kẹp xúc-xích!" Tôi chỉ nói thôi chứ không thể làm gì khác, khổ nỗi không ai ở dương gian nghe được lời tôi.

Có lần Sở giáo dụ của hạt tổ chức thi sát hạch để xem trò nào có năng khiếu, trò nào không. Trước kia tôi hay để cho Lindsey hiểu rằng tôi ghen tị với nó vì tóc nó đẹp, hơn là vì tôi bị xem là "chị ngố" trong hai đứa. Lúc còn bé cả hai mái đầu rậm một màu vàng nhưng lớn lên tóc vàng của tôi rụng dần, thay vào đó là lớp tóc mới màu nâu xỉn như lông chuột. Còn tóc Lindsey không đổi màu, được xem như chuyện hoang đường. Trong gia đình, em là người duy nhất có mái tóc vàng thật sự.

Nhưng một khi được xem là có năng khiếu, cô nàng tự buộc mình làm sao cho xứng đáng với danh hiệu ấy. Cô nàng khóa cửa phòng miệt mài đọc toàn những quyển sách dày cộm. Lúc tôi còn đọc A-lô, Chúa đấy phải không ạ? Con là Margaret đây (4), thì cô nàng đọc các tác phẩm mang tựa đề Kháng cự, Nổi loạn, và Cái chết của Camus (5). Có lẽ không hiểu mấy, nhưng đi đâu cô nàng cũng kè kè cắp theo, thế là mọi người - kể cả thầy cô - phải dần dần để cho nó yên.

"Lindsey ạ, thầy muốn nói là ai cũng nhớ tiếc Susie cả," ông Caden nói.

Em không đáp.

"Chị của em rất thông minh," thầy thử lần nữa.

Em trân trối nhìn thầy.

"Từ nay mọi chuyện đổ lên vai em hết." Ông không biết mình đang nói những gì, nhưng thầy thấy em im lặng nên cho rằng mình đã dò đúng hướng. "Bây giờ em là con gái duy nhất họ nhà Salmon."

Vẫn yên lặng.

"Em có biết ai đến tìm thầy sáng nay không?" Ông Caden còn giữ lại cho hồi kết cuộc một cái tin chủ bài mà ông chắc sẽ có tác dụng. "Thầy Dewitt đấy. Thầy ấy dự định lập đội bóng đá nữ," ông Caden kể. "Hình dung sẽ là một đội tập hợp quanh em. Thầy ấy quan sát biết em chơi khá, ngang ngửa bọn con trai, nên nghĩ các trò gái khác se tham gia nếu có em làm đội trưởng. Em thấy sao?"

Trong lòng em tôi trái tim co lại như nắm đấm. "Em thấy thật khó có lòng dạ nào chạy chơi bóng đá trên cái sân cỏ chỉ cách nơi người ta bảo chị em bị giết hại đâu có mười thước."

Tung lưới rồi!

Ông Caden há hốc miệng, nhìn sững Lindsey.

"Còn chuyện gì nữa không ạ?" em hỏi.

"Không, thầy ..." ông Caden lại đưa tay ra. Sợi dây giăng nối vẫn còn đó - ông vẫn còn mong thấy hiểu thêm. "Em phải biết rằng các thầy cô đều đau lòng," ông nói.

"Em phải về lớp thôi ạ, em hụt tiết học đầu mất rồi," em nói.

Lúc đó em làm tôi nhớ lại một nhân vật trong các phim Cao-bồi mà bố tôi rất thích, loại phim mấy bố con cùng xem trên đài truyền hình lúc về khuya. Phim luôn có một anh chàng, vừa nã đạn xong liền chậm rãi nâng súng lên chúm môi thổi nhẹ vào nòng.

Lindsey đứng lên, thong thả rời văn phòng hiệu trưởng Caden. Đường về lại lớp là thời gian duy nhất mà em thư thái. Bên kia cửa là các bà thư ký, thầy cô đứng trên bục giảng trước cả lớp, bàn nào cũng có học trò, ở nha fthif lúc nào bố mẹ cũng có đó, cảnh sát ngày nào cũng đảo qua. Em sẽ không gục ngã. Tôi quan sát em, nghe cả những câu em nhẩm đi nhẩm lại trong đầu. Ổn cả. Mọi chuyện ổn cả. Tôi chết rồi, song chuyện này ngày nào chẳng có - thiên hạ người ta vẫn chết đấy thôi. Hôm ấy, khi ra khỏi phòng ngoài - phòng của các bà thư ký, tưởng như em nhìn vào mắt các bà, nhưng thực ra em chú mục vào vệt son môi tô vụng hay bộ váy với áo khoác bằng vải kép Trung Quốc in họa tiết lá cành của họ.

Tối hôm đó ở nhà, em nằm trên sàn trong phòng mình, thọc chân vào dưới tủ làm chỗ tựa. Em tập ngồi dậy mười bận. Rồi quay sang thế hít đất. Không phải kiểu con gái đâu. Thầy Dewitt từng kể cho em nghe hồi ở Lính thủy đánh bộ thầy tập như thế nào, đầu ngẩng cao, chỉ chống một tay thôi, rồi chập hai tay, chống một tay, chập hai tay, cứ xen kẽ như thế. Xong mười lượt em đi lại kệ sách lôi ra hai quyển nặng nhất - quyển từ điển và quyển niên giám thế giới. Em tập gồng bắp tay cho đến lúc hai cánh tay mỏi nhừ. Em chỉ tập trung vào việc thở. Hít vào, thở ra.

Tôi ngồi trong tòa vọng lâu ở quảng trường chính trong thiên đường của mình (ông bà hàng xóm O'Dwyers từng có một tòa vọng lâu; suốt thời niên thiếu tôi ganh tị thèm có được một cái như vậy) nhìn em tôi đang nổi cơn thịnh nộ.

Vài giờ trước khi tôi chết, mẹ tôi dán lên cánh cửa tủ lạnh một tấm tranh em Buckley vẽ. Bức tranh có một vạch đậm xanh da trời làm đường ranh giới giữa không gian và mặt đất. Những ngày sau đó tôi nhìn người trong nhà đi qua đi lại trước bức tranh và tôi bỗng tin chắc rằng cái vạch màu xanh đó là một nơi có thật - một Cõi lưng chừng - nơi thiên đường tiếp giáp hạ giới. Tôi muốn tới đó để đi vào trong sắc xanh hoa xa cúc của bút chì màu Crayola, sắc xanh sẫm vương giả, sắc ngọc lam lóng lánh, sắc màu thiên thanh.

Nhiều lần tôi thấy hễ mình cứ mong ước những điều đơn giản là y như rằng được toại nguyện. Những món quà quí giá gói trong lông thú. Hoặc chó chẳng hạn.

Hằng ngay chó lớn chó con đủ loại chạy rông khắp công viên trong thiên đường của tôi, bên ngoài phòng riêng. KHi mở cửa nhìn ra tôi thấy chúng, con thì phục phịch vẻ thỏa thuê, con thì ốm nhom mà rậm lông, hoặc gầy còm da trụi lủi. Bọn chó Pitbull nằm ngửa lăn qua lăn lại trong nắng, núm vũ nâu sẫm của mấy con cái căng phồng, gọi lũ chó con đến bú. Lũ chó giống Basset vấp cả vào những cái tai dài lòng thòng của chúng, lại đủng đỉnh đi tiếp, huých vào sườn mấy con chó Dachs, móc vào chân mấy con Greyhound, va vào đầu mấy con chó cảnh Bắc Kinh. Khi Holly mang cái kè xắc-xô gam cao ra ngồi trước cửa chính trông ra công viên, thổi nhạc Blues (6), bầy chó ùa cả lại hòa ca. Chúng ngồi chồm chỗm, đồng thanh tru lên. Cửa nhiều nhà khac liền mở toang, mấy người đàn bà, sống một mình hay chung nhà với bạn, bước ra xem. Tôi cũng rời phòng. Holly cứ thổi hết bài này đến bài khác. Mặt trời lặn dần, và tất cả chúng tôi khiêu vũ với bầy chó. Chúng tôi đuổi bắt chúng, chúng săn đuổi chúng tôi. Tất cả nối nhau thành hình tròn. Kẻ mặc áo vải đốm, người khoác áo in hoa hoặc kẻ sọc, hay trơn một màu. Khi trăng đã lên cao tiến kèn mới dứt. Buổi khiêu vũ kết thúc. Chúng tôi lạnh run.

Bà Bethel Utemeyer, người cao tuổi nhất trong thiên đường của tôi, mang ra cây vĩ cầm. Hollt nhẹ hòa tiếng kèn theo. Họ trình diễn một màn song tấu. Một bà cao tuổi, trầm lặng và một cô chưa kip sống trọn tuổi con gái. Kẻ ứng người đối, đó là bài nhạc giai điệu hỗn loạn nhất mà họ từng sáng tác để làm chúng tôi khuây khỏa.

Những người khiêu vũ lần lượt trở vào nhà. Bài nhạc còn âm vang cho đến khi Holly hòa âm một lần cuối và bà Utemeyer, trầm lặng, trong tư thế đứng thẳng, theo tập tục, kết thúc bằng một khúc dân nhạc cho điệu nhảy Jig.

Lúc ấy ngôi nhà đã chìm vào giấc ngủ; đó là buổi lễ ban tối của tôi.

_______________

(1) Nguyên văn "Your principal is your pal with principles" : Hiệu trưởng (principal) của các em là người bạn (pal) có nguyên tắc (principle) - tác giả chơi chữ.

(2) "Fear of Flying"

(3) Marx Brothers: bốn anh em biểu diễn ca nhạc, nổi tiếng với những phim hài vào những năm 1930-1950.

(4) "Are you the God? It's me, Margaret".

(5)Albert Camus (1913-1960): Nhà văn Pháp, giải Nobel văn chương năm 1957.

3

Những gì chúng tôi thấy được khi nhìn xuống dương gian thật là lạ lùng. Ngoài hình ảnh đầu tiên ta có thể nghĩ ngay đến, tức là hiện tượng nhìn-từ-nhà-chọc-trời-thấy-như-kiến-bò, còn có cảnh những vong hồn ở mọi nơi trên địa cầu đang rời khỏi hình hài thân xác họ.

Holly và tôi thường bay rà soát mặt đất mong tìm thấy gì bất ngờ trong khoảnh khắc không lấy gì làm ly kỳ ấy, và thỉnh thoảng mới hạ xuống, mục kích trong vài giây một cảnh tượng nào đó. Có linh hồn lướt ngang qua một người còn sống, quệt nhẹ vào vai hay má, rồi bay tiếp lên thiên đường. Người sống không bao giờ nhìn thấy rõ được những linh hồn này, nhưng nhiều người hình như cảm nhận rõ rệt rằng đã có gì thay đổi chung quanh họ. Họ kể về một luồng gió lạnh thổi qua. Người chồng hay vợ của kẻ quá cố chợt thức giấc giữa cơn mơ, thấy có ai đứng ở cuối giường hay ngưỡng cửa, hoặc bước lên xe buýt, như một bóng ma.

Khi thoát ra khỏi lòng đất tôi có chạm phải một cô nàng tên Ruth. Chúng tôi học cùng trường nhưng chưa hề có dịp làm quen. Tối hôm ấy, khi hồn tôi gào thét thoát khỏi lòng đất thì cô nàng đang đứng đúng trên hướng đó, chắn mất đường. Tôi buộc lòng phải chạm vào người cô nàng. Vừa mới được giải thoát khỏi kiếp sống bị hủy hoại một cách tàn bạo như vậy, tôi không thể tính toán đường đi nước bước. Tôi nào đã có thì giờ để suy ngẫm. Khi bị bạo hành con người chỉ còn tập trung lo chuyện thoát thân. Lúc hồn bắt đầu vượt qua lằn ranh, cuộc sống rời khỏi cơ thể như con thuyền buộc phải xa bờ, ta bám chặt lấy cái chết như níu sợi thừng sẽ đưa ta đi, ta cố đu thật mạnh, mong sẽ rơi xuống một nơi nào đó xa chỗ mình đang ở.

Tương tự một cú điện thoại gọi từ ngục tối, tôi chạm phải Ruth Connors- tôi đã gọi nhầm số, quay đại một số nào hú họa. Tôi thấy cô nàng đứng đó, cạnh chiếc xe Fiat đỏ và han gỉ của thầy Botte. Khi bay lướt qua, tôi vươn tay quệt mát cô nàng, chạm vào khuôn mặt cuối cùng, cảm nhận lần liên hệ cuối cùng với dương thế qua cô gái không-tiêu-biểu-lắm cho lứa tuổi của mình này.

Sáng ngày mùng bảy tháng chạp, Ruth than với mẹ đã mơ thấy một chuyện y như có xảy ra thật, chứ không phải chỉ là chuyện trong mơ. Khi bà hỏi vậy nghĩa là sao, Ruth đáp: "Con đang băng qua bãi đậu xe của thầy cô thì thấy ở đầu kia của sân bóng có một bóng ma mờ ảo chạy về phía con."

Bà Connors đang quậy nồi bột yến mạch đặc quánh. Bà nhìn cô con gái đang làm điệu bộ với những ngón tay thon dài - bàn tay thừa hưởng từ ông bố.

"Đó là bóng một cô gái, con cảm thấy thế thật," Ruth nói. " Nó bay lên khỏi mặt đất. Mắt nó lõm vào sâu hoắm. Nó choàng một tấm khăn trắng mỏng, nhẹ như vải màn. Con nhìn xuyên qua khăn thấy mặt nó, các đường hiện ra khá rõ, mũi, hai mắt, khuôn mặt, cả tóc nữa."

"Bà mẹ bê nồi yến mạch đặt bên cạnh rồi vặn lửa nhỏ lại. "Ruth à", bà bảo, "con tưởng tượng quá nhiều rồi đấy biết không."

Ruth ngầm hiểu là phải im miệng. Cô nàng không đả động đến giấc mơ này - tuy chẳng phải là mơ - nữa, kể cả mười ngày sau, khi tin về cái chết của tôi lan truyền khắp trường, được thêm thắt như với mọi chuyện kinh dị nào được xem là hay ho. Đám trẻ cùng lứa tuổi tôi cứ buộc phải tô vẻ cho chuyện thêm kinh hoàng hơn nữa. Tuy nhiên vẫn còn thiều nhiều chi tiết - diễn tiến ra sao, lúc nào và ai là hung thủ - đây là những cái bát không chúng đổ cho đầy bằng đủ mọi giả thiết. Ma quỷ. Tế lễ. Nửa đêm. Ray Singh.

Dù đã cố hết sức, tôi vẫn không làm sao mách nổi cho Ruth chú ý đến một món đồ chưa ai tìm ra: đó là chiếc vòng bạc với nhiều khoen móc. Tôi nghĩ nó sẽ giúp được cô nàng. Nó nằm phơi ra đó, chỉ chờ có bàn tay nào nhặt lên, một bàn tay biết nhận ra và liên tưởng ngay: đây chính là manh mối. Thế nhưng bây giờ nó không còn nằm trong cánh đồng ngô nữa.

Ruth bắt đầu làm thơ. Nếu bà mẹ, hay các thầy cô vốn dễ gần hơn, đều không muốn nghe kể kinh nghiệm về một thực tại huyền bí cô nàng đã trải qua, thì cô nàng đành đem những vần thơ che đậy thực tại đó vậy.

Tôi đã ước giá Ruth tìm đến nhà và kể cho gia đình tôi nghe. Có thể ngoài em gái tôi ra không ai từng nghe đến tên cô nàng. Ruth là đứa áp chót được chọn vào đội thể dục. Cô nàng chuyên thụp xuống tránh khi thấy quả bóng chuyền bay về phía mình, kệ cho bóng rơi xuống sàn khiến cả đội cùng huấn luyện viên phải cố nén mới không càu nhàu.

Trong lúc mẹ tôi ngồi lặng trên chiếc ghế tựa cứng ngoài hành lang, nhìn bố tôi lui tới lăng xăng làm những chuyện ông thấy có nhiệm vụ phải chu toàn - lúc này ông nhất nhất phải biết mọi động tĩnh trong căn nhà, biết đứa con trai bé bỏng, bà vợ và đứa con gái còn sót lại, đang ở đâu làm gì - thì Ruth, ghi nhớ cuộc hội ngộ tình cờ với tôi ở bãi đậu xe, âm thầm đi tìm hiểu thêm.

Ruth giở các tập kỷ yếu cũ, tìm được bức ảnh chụp cả lớp tôi, cả các ảnh chụp sinh hoạt như ở Câu lạc bộ Hóa học, cô nàng cắt ra với cái kéo hình thiên nga bà mẹ dùng lúc thêu thùa. Dù cô nàng ngày càng bị ám ảnh về chuyện tôi, tôi vẫn giữ thái độ dè chừng, cho đến tuần lễ cuối trước Giáng sinh, khi cô nàng phát hiện một chuyện trong hành lang nhà trường.

Đó là Clarissa bạn tôi và Brian Nelson. Tôi từng đặt tên cho cậu là " chàng bù nhìn" bởi vì, dù có đôi vai vạm vỡ khiến lũ con gái phải ngẩn ngơ tơ tưởng, bộ mặt cậu lại cứ khiến tôi liên tưởng đến bao vải bố độn rơm. Cậu đội chiếc mũ da mềm kiểu Hippie, hút thuốc tự cuốn trong căn phòng dành cho học sinh hút thuốc. Theo mẹ tôi thì chuyện Clarissa thích tô mi mắt màu xanh da trời là một dấu hiệu báo động sớm, nhưng chính vì lý do đó mà tôi ưa cô nàng. Cô nàng toàn làm những chuyện tôi bị cấm đoán: nhuộm vàng tươi mái tóc dài, mang giày đế cộm, hút thuốc lá khi tan học.

Ruth đi trờ tới nhưng hai đứa kia không để ý. Cô nàng bê một chồng sách nặng chịch mượn của bà Kaplan, giáo sư xã hội học. Toàn những bài về phong trào đòi nữ quyền vào giai đoạn đầu, và cô nàng quay gáy sách vào người để không ai nhận ra những sách gì. Bố cô nàng, một nhà thầu xây cất, đã làm quà cho cô nàng hai dây đai co giãn rất chắc dùng để buộc sách. Ruth đã dùng hai dây này chằng buộc lô sách định sẽ đọc suốt kỳ nghĩ hè.

Clarissa và Brian đan cười khúc khích. Tay anh chàng thò vào dưới áo cô nàng, càng lần lên cao thì nàng càng cười to nhưng cố ngăn cản bằng cách quay đi hay lùi ra sau. Ruth đứng tránh ra, như vẫn luôn như thế. Thông thường cô nàng sẽ tảng lờ, cúi đầu, mắt quay chỗ khác nhưng ai cũng biết Clarissa là bạn của tôi. Nên Ruth mới nhìn.

"Thôi mà cưng", Brian nói, "cho sờ chút đi. Một gò thôi cũng được."

Tôi thấy Ruth bĩu môi ghê tởm. Trên thiên đường môi tôi cũng bĩu lên như vậy.

"Không, Brian. Ở đây không được đâu."

"Thế ra bãi ngô có được không?" cậu thì thào.

Clarissa khúc khích cười bối rối, nhưng vẫn rúc mặt vào gáy cậu. Tạm thời cô nàng cứ từ chối đã.

Sau vụ đó tủ của Clarissa bị bẻ khóa.

Trong các thứ bị mất có tập tạp ký đóng giấy rời, mấy tấm ảnh linh tinh dán trong tủ và chỗ cần sa Brian giấu ở đó mà Clarissa không hề hay biết.

Ruth chưa hề biết hít là gì, đêm ấy đã moi ruột mấy điếu thuốc dài màu nâu hiệu More 100 của bà mẹ, nhét cần sa thay vào. Cô nàng ngồi trong nhà kho để dụng cụ rọi đèn pin xem ảnh tôi và hút nhiều cần sa hơn những tay nghiện nặng ở trường từng hút.

Bà Connors, đang đứng rửa bát bên cửa sổ bếp, ngửi thoang thoảng mùi khói thuốc bay từ nhà kho.

"Em đoán là con Ruth có bạn ở trường rồi đấy, mình ạ," bà nói với ông chồng đang nhâm nhi cà phê, đọc tờ bản tin chiều. Cuối một ngày làm việc ông quá mệt, chẳng buồn suy diễn.

"Tốt thôi", ông bảo

"Có lẽ vẫn còn hy vọng cho nó."

"Đã hẳn", ông đáp.

Khuya hôm đó, khi Ruth loạng choạng bước vào nhà, mắt đờ đẫn do dùng đèn pin và hút hết tám điếu thuốc More, bà mẹ mỉm cười đón cô nàng, bảo có bánh nướng nhân quả việt quất trong bếp. Phải mất mấy ngày bận bịu về những đề tài không-liên-can-đến-Susie, Ruth mới nghiệm ra vì sao cô nàng ăn một mạch hết cả ổ bánh ấy.

Không khí trong thiên đường của tôi thường có mùi chồn hôi - chỉ thoang thoảng thôi. Đó là mùi tôi rất thích lúc còn ở dương thế. Khi hít vào tôi vừa thở vừa ngửi nó. Đó là các chất mà một con thú sung sức tiết ra lúc đang hoảng sợ, hỗn hợp thành một mùi xạ hương cay hăng, bám dai dẳng. Thiên đường của Franny đượm mùi thuốc lá loại hảo hạng. Còn của Holly thơm mùi trái quất vàng.

Tôi những muốn ngồi suốt ngày đêm trong tòa vọng lâu nhìn xuống. Thấy Clarissa đang dần xa tôi, tìm khuây khỏa nơi Brian. Thấy Ruth đứng nép sau góc tường gần phòng gia chánh hoặc trước cửa quán giải khát kế bên trạm y tế, đăm đăm nhìn Clarissa. Mới đầu, được tha hồ quan sát mọi chuyện trong trường, tôi đâm nghiện. Tôi thấy chàng phụ tá huấn luyện viên bóng đá lén để hộp sô-cô-la cho cô giáo môn khoa học tự nhiên đã có chồng, hay tay trưởng đội cổ động viên làm đủ cách để lôi kéo sự chú ý của một nhóc con từng bị đuổi nhiều lần khỏi nhiều trường đến nỗi không đếm xuể. Tôi mục kích thầy dạy vẽ làm tình với cô bồ trong phòng đặt lò nung đồ gốm, thấy ông hiệu trưởng thờ thẩn tương tư tay phụ tá huấn luyện viên bóng đá kia. Tôi kết luận rằng tay phụ tay phụ tá huấn luyện viên bóng đá trong trường trung học cơ sở Kennet là một gã lang chạ (1) thập thành, tuy tôi không thể nào mê nổi cái cằm vuông của hắn.

Tối tối trên đường về lại ngôi nhà ghép hai căn, tôi bước dọc dãy đèn đường kiểu cổ tôi từng có lần thấy trong vở kịch Thành phố của chúng ta. Các bóng đèn như những quả cầu treo võng trên trụ sắt hình vòng cung. Tôi nhớ lại chúng vì khi xem vở kịch với gia đình, tôi mường tượng chúng là những trái dâu khổng lồ, nặng trĩu, đầy ánh sáng. Ở thiên đường, trên đường về nhà, tôi chơi trò xê dịch sao cho cái bóng của tôi với hái được những quả dâu ấy.

Một tối nọ sau khi quan sát Ruth, ngay giữa đường về tôi gặp Franny. Phố xá vắng teo, trước mặt tôi lá cây xoáy tròn tung bay trong gió. Tôi đứng đó nhìn bà - nhìn nhưng nếp nhăn do hay cười quanh mắt và khóe miệng bà.

"Sao cháu run vậy?" Franny hỏi.

Tuy không khí ẩm ướt lạnh lẽo nhưng tôi không thể bảo đó là lý do được.

"Cháu cứ nhớ mẹ cháu mãi," tôi bảo thế.

Franny lấy cả hai tay ủ bàn tay trái của tôi và mỉm cười.

Tôi muốn hôn nhẹ lên má bà hoặc được bà ôm vào lòng, nhưng lại thôi, chỉ đứng nhìn bà bước xa dần, nhìn tà áo xanh của bà khuất dần. Tôi biết bà không phải là mẹ mình. Tôi không thể làm như thể bà là mẹ mình được.

Tôi quay gót về lại tòa vọng lâu. Tôi cảm thấy khí ẩm luồn suốt dọc tứ chi, đẩy nhẹ, rất nhẹ, ngọn những sợi tóc của tôi. Tôi nghĩ đến những màng nhện vào buổi sáng tinh mơ, sương đọng tựa như hạt ngọc, vậy mà nhiều khi tôi nở đưa tay gạt nhẹ, phá đi không chút bận tâm.

Vào buổi sáng sinh nhật thứ mười một của mình, tôi thức giấc thật sớm. Chưa ai dậy cả, tôi tưởng thế. Tôi rón rén xuống nhà nhìn vào phòng ăn, nghĩ là quà cho mình để ở đó. Nhưng chẳng có gì hết. Cũng vẫn cái bàn y như hôm trước. Nhưng khi quay người lại tôi mới thấy nó nằm trên cái bàn của mẹ trong phòng sinh hoạt. Cái bàn rất đẹp này lúc nào cũng sạch bóng. Bố mẹ gọi là "bàn để thanh toán hóa đơn." Cái máy ảnh bọc giấy mềm nhưng chưa đóng hộp đang nằm đó - món quà tôi đã hỏi xin bằng giọng năn nỉ than van, không dám tin rằng bố mẹ sẽ mua cho mình. Tôi lại gần cúi nhìn ngẩn ngơ. Đó là một chiếc tự động Instamatic, bên cạnh là ba cuộn phim và một hộp bốn bóng đèn nháy vuông vức. Đó là cái máy ảnh đầu tiên của tôi, hộp đồ nghề ban đầu để sau này làm nghề mình ưa thích. Một nhiếp ảnh viên chuyên chụp thú rừng.

Tôi nhìn quanh. Không có ai. Nhìn qua tấm mành cửa trước mà mẹ tôi luôn để xeo xéo - " mời mọc nhưng vẫn kín đáo" - tôi thấy Grace Tarking, nhà ở cuối phố, học trường tư thục, đang tập môn đi bộ, cổ chân cô nàng cột mấy quả tạ nhỏ. Tôi hấp tấp nạp phim rồi rình săn ảnh Grace Tarking, tôi hình dung mai sau lớn lên cũng sẽ rình rập săn ảnh voi và tê giác trong rừng. Ở đây tôi nấp sau mành mành và cửa sổ, còn ở rừng sâu sẽ nấp trong lau sậy. Tôi vừa khẽ khàng, ý tôi muốn nói là lén lút, vừa túm gọn vạt áo ngủ dài bằng vải flanen trong bàn tay không cầm máy ảnh. Tôi bám theo cô nàng, tôi chạy qua phòng khách, tiền sảnh sang phòng làm việc phía đối diện. Nhìn bóng cô nàng dần khuất, đầu tôi chợt nảy ra một ý hay ho: chạy ra vườn sau, ở đó tôi có thể thấy cô nàng mà không bị cản tầm mắt.

Thế là tôi nhón chân chạy ra sau nhà, lúc đó mới thấy cửa ra hàng hiên đã mở toang.

Khi nhìn thấy mẹ, tôi quên luôn chuyện Grace Tarking. Ước gì tôi biết cách diễn đạt đúng hơn, nhưng tôi quả chưa hề thấy bà ngồi bất động, như thể ngồi nhưng không có mặt ở đây như thế. Bà ngồi trên cái ghế xếp bằng nhôm quay ra vườn sau, bên ngoài cánh cửa căng lưới muỗi. Bà cầm cái đĩa lót, trên có tách cà phê quen thuộc. Sáng hôm đó không có vệt son trên chiếc tách vì bà không tô môi, mãi sau đó bà mới tô...mà tô cho ai? Tôi chưa từng nghĩ tới việc đặt câu hỏi này. Bố tôi? hay cho chúng tôi?

Con Holiday nằm phục cạnh bể nước cho chim tắm, sung sướng thè lưỡi thở, không để ý tới tôi. Nó đang nhìn mẹ tôi. Bà đang nhìn đâu thật xa xăm. Giây phút ấy, bà không phải là mẹ của tôi mà là gì đó tách rời ra khỏi tôi. Tôi nhìn một con người mà trước giờ tôi chỉ biết là mẹ mình, thấy làn da mặt mịn màng như có đánh phấn của bà - phấn mà không dùng kem nền - mịn màng tự nhiên. Lông mày cùng với mắt bà hợp thành một tổng thể hài hòa. "Mắt đại dương," bố tôi gọi bà như thế mỗi khi ông muốn xin một thỏi sô-cô-la anh đào bà cất riêng cho mình trong ngăn tủ dành để rượu. Bây giờ tôi mới hiểu nghĩa cái tên này. Tôi cứ nghĩ vì mắt mẹ màu xanh, nhưng nay mới hiểu vì chúng sâu thăm thẳm khiến tôi phát sợ. Bấy giờ tôi thấy bằng trực giác, không phải đã nghĩ kỹ, rằng trước khi con Holiday thấy và đánh hơi được tôi, trước khi làn sương mù là đà trên đám cỏ tan đi và người mẹ bên trong bà thức dậy như mỗi buổi sáng, tôi phải chụp ảnh bà ngay với cái máy ảnh mới tinh của mình.

Khi cuộn phim từ xưởng tráng Kodak được gửi lại trong chiếc phong bì đặc biệt dày cộm, tôi nhận ra sự khác biệt ngay lập tức. Chỉ có một tấm duy nhất trên đó mẹ tôi là cô Abigail. Đó là tấm ảnh đầu tiên, chụp lúc bà không hay biết, nắm bắt khoảnh khắc trước khi tiếng bấm máy làm bà giật mình trở lại thành bà mẹ của cô bé có sinh nhật, bà chủ của một con chó sung sướng, hiền thê của một ông chồng yêu vợ, mẹ của của bé gái thứ hai cùng một bé trai bà yêu quí. Là bà nội trợ. Là người chăm sóc vườn tược. Là bà hàng xóm vui tươi. Đôi mắt mẹ tôi là những đại dương chứa sự mất mát. Tôi tưởng sẽ có cả đời để tìm hiểu đôi mắt ấy, ngờ đâu tôi chỉ có một ngày duy nhất kia. Một lần trên dương thế tôi được thấy mẹ là cô Abigail, rồi tôi không cố gắng làm gì thêm mà lại để hình ảnh ấy trôi ngược mất hút - tôi không để mình bị mê hoặc vì tôi muốn bà vẫn cứ là bà mẹ kia, bao bọc tôi như bà mẹ ấy vẫn làm.

Tôi ngồi trong tòa vọng lâu, đang nhớ lại tấm ảnh, nghĩ đến mẹ tôi, thì Lindsay thức dậy giữa đêm, rón rén đi dọc hành lang. Tôi chăm chú nhìn em như theo dõi trong phim cảnh một tên đạo chích đi lùng khắp trong nhà. Tôi biết khi em tôi vặn nắm cửa phòng tôi, cửa sẽ mở. Tôi biết nó sẽ vào phòng, nhưng nó định làm gì trong đó? Lãnh thổ riêng của tôi đã trở thành một "vùng cấm địa" ngay trong nhà. Mẹ tôi không động đến nó. Giường tôi vẫn không được dọn dẹp từ buổi sáng tôi hối hả đi cho kịp giờ, buổi sáng ngày tôi lìa đời. Con hà mã nhồi bông bọc vải vẽ hoa nằm giữa đống gối và khăn trải giường, cả bộ quần áo tôi lôi ra trước khi chọn cái quần ống loe màu vàng.

Lindsay bước qua tấm thảm chùi chân mềm mại, sờ vào cái váy màu xanh nước biển và cái áo khoác móc bằng sợi đỏ và xanh bị vò lại như hai quả bóng vải cực kỳ kinh tởm. Em cũng có một cái móc cùng kiểu, sợi màu cam và xanh lục. Em cầm cái áo lên, trải trên giường, vuốt cho phẳng phiu. Cái áo thật xấu nhưng đột nhiên lại vô cùng quý giá. Tôi thấy thế. Em vuốt ve cái áo.

Lindsay lấy ngón tay lần theo vành cái khay mạ màu vàng tôi để trên tủ áo, đựng đầy huy hiệu của trường hay được phát trong các kỳ vận động bầu cử. Cái tôi ưa nhất có màu hồng mang hàng chữ "Hippy-Dippy yêu bạn lắm" tôi nhặt được ở bãi đậu xe nhưng đã phải hứa với mẹ là sẽ không đeo. Tôi giữ một lô trong khay, còn thì cài lên tấm hiệu kỳ to tướng của trường Đại học bang Idiana, nơi bố tôi từng theo học. Tôi nghĩ em tôi sẽ nhón lấy - một hai cái thôi để cài - nhưng không phải. Em cũng chẳng cầm lên cái nào. Chỉ lướt mấy đầu ngón tay lên các thứ trong khay. Rồi em ngó nhìn chiếc khay, một mẩu màu trắng nhỏ xíu thò ra bên dưới. Em kéo ra.

Đó chính là tấm ảnh.

Em thở ra một hơi dài, ngồi xuống sàn nhà, miệng vẫn hé mở, tay vẫn cầm tấm ảnh. Mấy sợi dây buộc lá hiệu kỳ bay lất phất, quật quá lại như chiếc lều vải bật khỏi cọc. Em cũng vậy giống như tôi trước buổi sáng chụp tấm ảnh này, chưa hề nhìn thấy con-người-lạ-mà-cũng-là-mẹ-mình này bao giờ. Em đã từng thấy những tấm ảnh chụp ngay sau đó. Mẹ tôi trong mệt mỏi nhưng tươi cười. Mẹ và con Holiday đứng trước cây sơn thù du, ánh nắng chiếu qua chiếc áo ngủ và áo khoác ngoài. Nhưng tôi muốn mình là người duy nhất trong nhà biết rằng mẹ còn là một kẻ khác nữa - một con người bí ẩn và xa lạ với chúng tôi.

------------------

1. Nguyên văn: a stud (tức studhorse): ngựa giống

Lần đầu tiên tôi vi phạm quy định là do ngẫu nhiên. Hôm ấy là ngày 23 tháng chạp năm 1973.

Em Buckley đang ngủ. Mẹ tôi đưa Lindsay đi nha sĩ. Tuần đó bố mẹ tôi đã thống nhất rằng mỗi ngày cả gia đình phải giành thì giờ để ổn định nhịp sống bình thường. Bố tôi tự nguyện nhận việc thu dọn phòng dành cho khách ở trên lầu, lâu nay trở thành phòng làm việc của ông.

Ông nội chúng tôi đã chỉ ông cách làm tàu thuyền cho vào chai lọ. Mẹ, em gái với em trai tôi chẳng mảy may thú vị. Còn tôi lại mê thích vô cùng. Phòng làm việc đầy những tàu thuyền như thế.

Công việc của ông là cộng toàn những số là số - đó là sự cần cù mà hãng bảo hiểm Chadd Ford đòi hỏi - tối về ông làm thuyền hay đọc sách về cuộc Nội chiến cho đầu óc thư giãn. Ông gọi tôi vào mỗi khi sắp sửa giương buồm. Lúc đó thân tàu đã được dán chắc chắn vào đáy chai. Tôi vào phòng, ông bảo tôi đóng cửa lại. Thường thì hình như ngay tức khắc có tiếng chuông gọi ăn tối, như thể mẹ tôi có giác quan thứ sáu trước những sinh hoạt không có bà tham gia. Nhưng khi giác quan này không làm việc, nhiệm vụ của tôi là giữ cái chai cho ông.

"Giữ cho chắc nhé," ông sẽ bảo. "Con là phó thuyền trưởng thứ nhất của bố đấy."

Ông nhẹ nhàng kéo đầu sợi dây còn thòi ra ở cổ chai, và, voilà (1), mấy cánh buồm giương hết lên, dù đó là thuyền buồm thô sơ hay tàu cao tốc. Chúng tôi đã hoàn thành con tàu. Tôi rất muốn nhưng không vỗ tay được vì bận giữ cái chai. Sau đó đó bố tôi phải thật nhanh tay, đốt đầu dây còn trong chai với cái móc áo ông vừa hơ nóng trên ngọn nến. Nếu ông sơ sẩy, sẽ hỏng cái tàu, hoặc tệ hơn nữa mấy cánh buồm giấy tí hon sẽ bắt lửa và đột nhiên, trong tiếng xì xì dữ dội, tôi sẽ chỉ còn giữ trong tay một cái chai rực lửa.

Cuối cùng bố tôi ráp một cái giàn đỡ bằng gỗ Balsa (2), để thay tôi. Lindsey và em Buckley không có cùng một ham thích như tôi. Bố tôi muốn truyền một phần hứng thú của mình sang vợ con nhưng rồi đành bỏ cuộc và rút vào phòng một mình. Với họ thì tàu thuyền trong chai nào cũng như nhau thôi.

Nhưng hôm ấy, khi dọn phòng ông đã trò chuyện với tôi.

"Susie, con ơi, cô thủy thủ bé bỏng của bố ơi," ông bảo, "mấy cái thuyền nhỏ này con vẫn thích nhất đấy."

Tôi nhìn ông bưng mấy cái tàu thuyền trong chai lọ vẫn bày trên kệ để thành hàng trên bàn. Ông lấy cái áo cũ của mẹ xé ra làm giẻ, lau bụi trên kệ. Dưới gầm bàn là những hàng vỏ chai không - hai bố con đã nhặt nhạnh về trữ sẵn dự định sẽ làm tiếp. Trong tủ còn nhiều tàu hơn nữa - những chiếc tàu bố cùng làm với ông nội, những chiếc làm một mình, rồi những chiếc hai bố con tôi làm với nhau. Vài cái còn nguyên vẹn, nhưng vải buồm đã ngả nâu; mấy chiếc khác sụp xuống hay đổ nghiêng qua bao năm tháng. Có cả chiếc đã bốc cháy vào tuần lễ trước ngày tôi chết.

Ông đập nát chiếc này trước tiên.

Tim tôi thắt lại. Ông quay nhìn khắp lượt những chiếc kia, những năm tháng chúng ghi dấu và những bàn tay từng cầm giữ chúng. Bàn tay người cha quá cố, bàn tay đứa con mới tử biệt. Tôi nhìn ông đập nát hết số còn lại. Ông làm phép rửa tội cho mấy bức tường và cái ghế gỗ bằng tin tôi chết, sau đó ông đứng giữa căn phòng làm việc cũng là phòng cho khách, quanh ông đầy mảnh chai màu xanh lục. Chai lọ, tất cả vỡ tan nằm la liệt trên sàn, những lá buồm và thân tàu ngổn ngang trong đó. Ông đứng giữa một bãi đổ nát. Đúng lúc ấy, tôi hiện ra mà không rõ bằng cách nào. Tôi chiếu mặt mình lên từng mảnh chai, từng miếng giấy, từng mẩu gỗ. Bố tôi ngó xuống rồi nhìn quanh, mắt ông lướt khắp phòng. Chỉ một giây thôi, rồi tôi biến mất. Bố tôi lặng đi một lúc, rồi ông cười - tiếng gào hộc lên từ trong gan ruột. Ông cười vang và đục đến nỗi tôi run rẩy trên thiên đường.

Ông rời phòng, đi quá hai cửa đến phòng ngủ của tôi. Hành lang thì hẹp, cửa phòng tôi giống cửa các phòng khác, đều mỏng mảnh, tống mạnh cũng thủng. Ông định đập tan tấm gương trên tủ quần áo của tôi, định lấy móng tay xé giấy dán tường, nhưng thay vì làm thế, ông lại ngã lăn ra giường tôi khóc nức nở, vo tròn tấm khăn trải giường màu hoa oải hương trong đôi tay.

"Bố đó hả?" Buckley hỏi. Em tôi nắm quả đấm cửa.

Bố quay lại nhưng không sao ngăn được nước mắt. Ông tuột xuống sàn, tay vẫn nắm tấm khăn giường, rồi dang rộng hai tay. Ông phải bảo em trai tôi hai lần, điều chưa từng thấy, và Buckley đã tới bên ông.

Bố quấn em trong cái khăn còn mùi tôi. Ông nhớ lại ngày tôi năn nỉ ông sơn và dán giấy tường màu tía cho tôi. Hồi tưởng lúc xếp những số cũ của tạp chí National Geographics vào tầng kệ dưới cùng. (Tôi từng muốn miệt mài trong nghề nhiếp ảnh dã thú). Hồi tưởng quảng thời gian ngắn ngủi khi trong nhà mới có một đứa con, trước ngày Lindsey ra đời.

"Với bố, con là đứa rất đặc biệt đấy, nhóc ạ," bố vừa nói vừa ôm nó.

Buckley lùi lại, nhìn đăm đăm vào gương mặt nhăn nheo của bố với những giọt lệ long lanh nơi khóe mắt. Nó nghiêm trang gật đầu và hôn lên mà bố. Một điều thiêng liêng đến thế thì ngay cả trên thiên đường cũng không ai nghĩ ra được: đó là sự chăm chút một đứa bé con dành cho một người lớn.

Bố tôi quàng tấm trải giường lên vai Buckley và hồi tưởng chuyện tôi lăn từ trên cái giường to bốn cọc rơi xuống thảm mà không hề thức giấc. Lúc ấy đang ngồi đọc sách trên cái ghế xanh lục trong phòng làm việc, ông giật nảy mình nghe tiếng tôi rớt xuống đất. Ông đứng dậy đi một khúc ngắn tẹo đến phòng tôi. Ông hay ngắm tôi ngủ ngon lành, ác mộng hay ngay cả sàn nhà cứng cũng không đánh thức nổi. Những lúc như thế, ông thề sẽ làm tất cả để tạo điều kiện cho các con ông trở thành vua hay chúa, nghệ nhân hay bác sĩ, hoặc nhà nhiếp ảnh dã thú. Chúng mơ gì được nấy.

Vài tháng trước khi tôi chết, ông có vào nhìn tôi ngủ, nhưng lần này vùi trong chăn còn có cả Buckley, mặc đồ ngủ, tay ôm con gấu, nằm nép vào lưng tôi, vừa ngủ vừa mút ngòn tay cái. Lúc ấy bố tôi lần đầu tiên thoáng cảm thấy nỗi ưu tư khác lạ của một kẻ làm cha rằng mình không bất tử. Đời ông đã sinh ra ba đứa con, con số ấy làm ông yên tâm. Ông hay Abigail dù có mệnh hệ nào thì ba đứa cũng có nhau. Như thế thì dòng dõi do ông mở đầu, theo ông thấy, sẽ trường tồn như sợi dây thép bền bỉ kéo suốt vào tương lai, vẫn tồn tại sau khi ông không còn nữa, dù ông văng khỏi sợi dây ấy, rơi xuống đâu đi nữa. Ngay cả vào lúc tuổi hạc đã cao cũng không hề gì.

Hẳn giờ đây ông tìm thấy hình ảnh Susie của ông trong đứa con trai út. Hãy dành tình thương cho người còn sống. Ông tự nhủ - nói to trong đầu mình - nhưng sự xuất hiện của tôi kéo ông, lôi giật ông lại. Ông đăm đăm nhìn đứa con trai bé bỏng đang ôm trong vòng tay. "Bé là ai thế?" ông thấy mình đang tự hỏi. " Bé từ đâu đến đây vậy?"

Tôi nhìn đứa em trai và bố mình. Sự thật rất khác với những gì ta học ở trường. Sự thật là: đường ranh giữa người sống và người chết dường như mờ mờ ảo ảo, nhạt nhòe.

-----------------------

(1) Voilà (tiếng Pháp trong nguyên bản): thấy chưa; xong xuôi, thành công!

(2) Balsa: một loại gỗ rất nhẹ ở Nam Mỹ, thổ dân dùng đóng bè đi biển.

4

Mấy tiếng đồng hồ sau khi tôi bị giết, lúc mẹ tôi gọi điện thoại khắp nơi và bố vào từng nhà những người láng giềng hỏi xem có tôi ở đó không, thì tên Harvey đã làm sập cái hầm trong cánh đồng ngô và xách cái bao, trong nhét xác tôi đã chặt khúc, đem đi. Hắn đi ngang qua chỗ cách nơi bố tôi đứng chuyện vãn với ông bà Tarking chỉ có hai căn. Hắn men theo lối hẹp giữa hai hàng giậu cành lá giao nhau, phân ranh hai nhà - hàng hoàng dương của gia đình O'Dwyer và hàng cây cúc vàng của gia đình Stead. Người hắn quệt vào đám lá xanh dày đặc, để lại dấu vết của tôi, mùi mà con chó nhà Gilbert sẽ đánh hơi ra rồi lần theo, tìm thấy mẩu xương khuỷu tay của tôi, mùi mà mưa đá và những trận mưa suốt ba ngày sau sẽ gột sạch, trước khi có người nghĩ đến chuyện cho chó của cảnh sát lùng tìm. Hắn mang tôi về nhà hắn, để tôi nằm đợi ở đó trong lúc hắn vào nhà tắm gội.

Sau này mỗi lần nhà sang tên, các chủ nhà mới than phiền về vệt sẫm trên sàn ga-ra. Khi hướng dẫn những khách hàng có khả năng sẽ mua nhà đi xem một vòng, người môi giới bảo đấy là vết dầu, nhưng đó là máu của tôi rỉ qua cái bao tên Harvey xách, nhểu xuống sàn bê-tông. Dấu vết đầu tiên trong số những tín hiệu tôi kín đáo gửi cho thế giới bên ngoài.

Phải một thời gian sau tôi mới nhận ra điều mà quí vị hẳn đã phỏng đoán từ lâu, rằng tôi không phải là đứa con gái đầu tiên bị hắn giết. Hắn biết rành cách mang xác tôi ra khỏi cánh đồng. Hắn biết theo dõi tin tức khí tượng để chỉ ra tay trong khoảng thời gian từ mưa lay phay đến nặng hạt, khiến cảnh sát không còn dấu vết hòng lần theo. Nhưng hắn cũng không cẩn tắc đến mức mà phía cảnh sát thường tưởng. Hắn bỏ quên mẩu xương khuỷu tay của tôi, lấy bao vải đựng thây người đẫm máu, nên nếu ai có ở đó, bất kỳ người nào, để ý quan sát, hẳn sẽ thắc mắc sao người hàng xóm của họ lại len vào lối phân ranh, vì nó quá hẹp, ngay cả với bọn trẻ con thích lấy hàng giậu cành lá bện vào nhau này để chơi trò ú tim.

Khi kỳ cọ người dưới tia nước nóng trong phòng tắm của ngôi nhà vùng ngoại ô này - thiết kế y hệt phòng tắm mà tôi với Lindsey và Buckley sử dụng chung - động tác của hắn chậm rãi, không cập rập. Hắn cảm thấy toàn thân thư giãn dần. Hắn không bật đèn trong phòng tắm, tận hưởng khoái cảm khi nước ấm cuốn đi những dấu vết của tôi, rồi tưởng tượng ra những gì diễn ra trong tâm trí tôi lúc đó. Tiếng gào thét tắc ngẹn của tôi vang trong tai hắn. Hơi thở cuối cùng của tôi, dịu ngọt làm sao. Da thịt nõn nà tuyệt vời, chưa hề phơi nắng, như của trẻ sơ sinh, thoắt cái bị xẻ một đường thật thiện nghệ, dưới lưỡi dao của hắn. Hắn rùng mình vì hơi nóng, một khoái cảm râm ran khắp người làm chân tay hắn nổi da gà. Hắn bỏ tôi vào bao vải dầu, vứt vào đó kem và lưỡi dao cạo râu quơ từ kệ đắp đất xuống, tập thơ non-xe của hắn, cuối cùng là con dao vấy máu. Chúng nằm lẫn với đầu gối, ngón tay, ngón chân của tôi, nhưng hắn ghi vào mảnh giấy để khuya hôm đó nhớ lục ra trước khi máu tôi khô lại dính bết vào. Ít nhất hắn muốn giữ lại tập thơ non-xê và con dao.

Ở buổi thánh lễ chiều có đủ mặt họ nhà chó. Mấy con tôi ưa nhất ngẩng phắt đầu khi đánh hơi thấy mùi lạ trong không trung. Nếu mùi đủ mạnh, tuy chưa nhận ra ngay được, hoặc giả chúng biết là mùi gì rồi - bộ não chúng làm việc không ngừng nghỉ: "Ngon tuyệt, bít tết Tác-ta (1)" - chúng sẽ lần theo đến khi tìm được đối tượng truy nã. Mặt đối mặt với món hàng có thực, câu chuyện có thực rồi chúng mới quyết định phải làm gì. Đó là cách chúng tiến hành. Chúng không hề dập tắt nhu cầu muốn biết chỉ vì mùi nọ hôi thối hay đối tượng nguy hiểm. Chúng săn lùng. Tôi cũng thế.

Harvey chở cái bao vải dầu màu cam chứa thi hài của tôi đến cái hố sụt cách khu nhà chúng tôi tám dặm, một vùng mới đây còn bỏ hoang chỉ có đường ray xe lửa chạy qua và một hiệu sửa xe gắn mày gần đó. Trong xe, hắn bật một kênh phát thanh truyền liên tục những bài hoan ca mừng Giáng sinh trong tháng Chạp. Ngồi trong cái xe thùng to kềnh hắn phởn phơ huýt sáo, tự chúc mừng mình, thấy no căng bụng. Bánh táo nướng này, bánh mì kẹp thịt bằm pho-mát, rồi lại thêm kem, cà-phê nữa. No nê. Hắn thấy mình càng ngày càng thành thạo hơn, không bao giờ lặp lại bài bản cũ, hắn chán làm thế lắm, mà biến mỗi vụ giết người thành một điều bất ngờ, một món quà cho chính hắn ta.

Không khí trong xe lạnh và loãng. Tôi nhìn thấy cả hơi nước hắn thở ra, nên tự dưng muốn xoa bóp hai buồng phổi mình giờ đã cứng như đá.

Hắn lái vào một con đường hẹp, cỏ mọc thưa, nằm giữa hai khu công nghiệp mới. Chiếc xe chệnh choạng nẩy lên khỏi một ổ gà sâu hoắm, cái két sắt đựng bao chứa xác tôi va vào làm nứt lớp nhựa che trục bánh xe sau. "Mẹ kiếp," hắn chửi đổng. Rồi hắn luôn miệng tiếp tục huýt sáo.

Tôi vẫn còn nhớ chuyến đi trên con đường này, bố tôi cầm lái còn Buckley ngồi nép sát vào tôi - một dây nịt an toàn cho cả hai đứa - một cuộc du ngoạn trái luật giao thông.

Trước đó bố tôi hỏi có đứa nào muốn xem một cái tủ lạnh biến mất như thế nào không.

" Mặt đất sẽ nuốt chửng nó đấy!" Ông bảo. Bố đội mũ, xỏ đôi găng da Cordovan màu sẫm mà tôi thèm có được. Tôi biết ai mang găng đều là người lớn, còn mang bao tay (2) thì chưa phải. (Chuẩn bị mừng Giáng sinh năm 1973, mẹ tôi đã mua sẵn cho tôi một đôi găng tay. Cuối cùng chúng thành quà cho Lindsey nhưng em biết đó là phần của tôi. Một hôm đi học về, em đặt chúng ở bờ đường dọc cánh đồng ngô. Em vẫn luôn làm thế - mang cho tôi lúc thứ này lúc thứ nọ).

"Mặt đất có mồm hở bố?" Buckley hỏi.

"Có cái mồm to và tròn nhưng không có môi," bố trả lời.

"Anh Jack à," mẹ tôi bật cười, xen vào, "thôi đi. Anh có biết em đã bắt gặp con nạt nộ đám hoa mõm rồng(3) ngoài vườn không?"

"Con muốn đi xem," tôi nói. Bố từng kể với tôi rằng có một cái mỏ ngầm không ai khai tác nữa nên sụt lở thành cái hố. Tôi không quan tâm; như mọi đứa trẻ tôi chỉ muốn xem mặt đất nuốt chửng các thứ ra sao.

Thế nên khi thấy Harvey mang tôi đến cái hố này, tôi phải nhìn nhận rằng hắn thật tinh ranh. Hắn tống bao tải vào cái két sắt, nhét tôi vào giữa một khối kim loại nặng chịch.

Khi hắn đến nơi thì trời đã tối, hắn để két sắt trong xe, đi tới ngôi nhà của gia đình Flanagan, họ cư ngụ trên khu đất này. Gia đình Flanagan sinh sống bằng lệ phí khách hàng trả cho những máy móc gia dụng họ mang đến bỏ.

Harvey gõ cửa ngôi nhà nhỏ sơn trắng, một người đàn bà ra mở cửa. Mùi lá hương thảo và thịt cừu bốc lên phía sau nhà, làm sực nức thiên đường của tôi, thốc vào mũi Harvey.

"Chào ông", bà Flanagan nói, "Có món gì đấy?"

"Còn để sau xe," Harvey đáp. Hắn cầm sẵn tờ hai mươi đô-la.

"Ông bỏ gì trong đó vậy, thây người phải không?" bà nói đùa.

Dĩ nhiên bà chẳng bao giờ ngờ thế được. Bà ở trong một ngôi nhà nhỏ nhưng ấm cúng. Bà có ông chồng thường trực ở nhà sửa chữa linh tinh, yêu quí bà vì chẳng phải làm lụng gì, có thằng con còn nhỏ cứ nghĩ trên đời không còn ai khác ngoài mẹ mình.

Harvey mỉm cười; thấy nụ cười nở trên mặt hắn, tôi không tài nào quay mắt đi được.

"Cái két sắt cũ rích của ông già tôi, bây giờ mới vần ra đây được," hắn bảo.

"Cứ định từ mấy năm nay rồi đấy chứ. Không ai còn nhớ mã số của ổ khóa nữa."

"Có gì trong đó không?" bà hỏi

"Khí lưu cữu."

"Vậy lùi xe vào đây. Ông cần phụ không?"

"Được vậy thì tốt quá," hắn nói.

Ông bà Flanagan không mảy may ngờ rằng cô gái mà họ đọc trên các nhật báo suốt mấy năm sau đó - MẤT TÍCH, NGHI BỊ SÁT HẠI; CHÓ HÀNG XÓM TÌM THẤY XƯƠNG KHUỶU TAY; THIẾU NỮ, 14 TUỔI, CÓ LẼ BỊ GIẾT TRONG RUỘNG NGÔ CỦA GIA ĐÌNH STOLFUZ; CẢNH BÁO CÁC THIẾU NỮ; QUY HOẠCH LẠI CÁC KHU ĐẤT GIÁP TRƯỜNG TRUNG HỌC; LINDSEY SALMON, EM GÁI NẠN NHÂN, ĐỌC ĐIẾU VĂN - lại có thể nằm trong cái két sắt màu xám mà một người đàn ông đơn độc chở đến vào một tối nọ, trả hai mươi đô-la công họ đem vứt xuống hố.

Trên đường trở ra xe Harvey thọc tay vào túi quần. Trong đó còn cái vòng bạc hộ mệnh của tôi. Hắn không nhớ là đã giật khỏi cổ tay tôi. Đã nhét nó vào túi cái quần sạch mới thay. Hắn lấy mấy ngón tay mân mê, mặt ngón tay trỏ của hắn chạm mảnh kim loại màu vàng trơn nhẵn của viên đá đỉnh vòm hình bang Pennsylvania (4), sờ gót chiếc giày múa ba-lê be bé, miệng hõm của cái đê khâu tí hon và mấy nan hoa của chiếc xe đạp có bánh quay được. Chạy xuôi đường số 202 một lúc hắn tạt vào lề đường ăn khúc bánh mì kẹp dồi gan đã chuẩn bị sẵn sáng sớm hôm đó, rồi lái đến khu công nghiệp đang xây ở phía nam thì trấn Downing. Trên công trường không một bóng người. Thời đó những vùng ngoại ô không mấy an ninh. Hắn đậu xe cạnh phòng vệ sinh đi động. Hắn chuẩn bị sẵn sàng bằng cớ phòng khi cần đến - điều khó xảy ra.

Đây là phần của màn hậu diễn tôi luôn liên tưởng khi nghĩ đễn Harvey - hình ảnh hắn đi quẩn quanh bên những hố đất mới đào lầy lội, lọt thỏm giữa những chiếc xe ủi khổng lồ, hình thù trông phát sợ trong bóng đêm. Vào buổi tối hôm sau tôi lìa trần, bầu trời xanh thăm thẳm, tên Harvey có thể nhìn xa hàng dặm trong khoảng không trống trải đó. Tôi quyết định cùng đứng với hắn, nhìn hàng dặm phía trước để cũng thấy những gì hắn thấy. Gió nổi lên. Hắn đi tới chỗ mà trực giác của một kẻ rành xây cất như hắn mách cho biết sắp sửa đào một cái hồ nhân tạo, và hắn đứng đó, mân mê lần cuối chiếc vòng hộ mệnh. Hắn thích viên đá hình bang Pennsylvania, trên đó bố tôi đã thuê khắc mấy mẫu tự đầu của tên tôi - tôi thích nhất cái xe đạp tí hon - và hắn tháo nó ra, bỏ vào túi. Còn cái vòng tay với những thứ kia hắn vứt vào cái hồ nhân tạo sắp đào.

-------------------

(1) Steak tartare: thịt bò tươi bằm nhỏ với hành, thêm muối tiêu, dầu dấm. Ăn với bánh mì. Món này chỉ ăn mùa đông để tránh bị ôi.

(2) Găng tay có đủ năm ngón, bao tay là vỏ bọc.

(3) Snapdragon: Kim-ngư-thảo là hoa mõm chó. (to snap: táp, nạt nộ, quát tháo; dragon: con rồng.)

(4) "The Pennsylvania keystone", keystone: viên đá đỉnh vòm, chem. lúc hoàn thành khung cửa xây bằng đá. Bang Pennsylvania có tên là the keystone state do có vị trí trung tâm, từ đó 13 tiểu bang liên kết phối hợp chống vương quốc Anh trong Revolutionary War (chiến tranh cách mạng), 1755-1783, cũng là nơi ký kết hiệp ước The Philadelphia Convention năm 1787 làm nền tảng cho Hiến pháp quốc hội Hoa kỳ thông qua năm 1788.

Hai hôm trước lễ giáng sinh, tôi quan sát tên Harvey đọc một quyển sách về hai bộ tộc Dogon và Bambara ở Mali. Tôi thấy hắn chợt lóe lên một ý khi đọc về loại vải và thừng họ dùng để dựng lều. Hắn quyết định dựng lều, thử nghiệm như đã làm với cái hầm, và hắn chọn kiểu lều dùng cho nghi lễ như tả trong sách. Hắn sẽ gom góp những vật liệu đơn giản và chỉ trong vài giờ đồng hồ sẽ dựng xong trong vườn sau nhà.

Sau khi đập tan những tàu thuyền trong chai lọ, bố tôi gặp gắn ở đấy.

Ngoài trời khá lạnh nhưng Harvey chỉ mặc phong phanh mỗi cái áo vải mỏng. Hắn năm nay tròn ba mươi sáu tuổi và mới dùng thử loại kính cứng áp tròng. Kính làm mắt hắn lúc nào cũng đỏ ngầu, và nhiều người trong số đó có bố tôi, nghĩ rằng hắn bắt đầu sinh tật rượu chè.

"Cái gì thế?" bố tôi hỏi.

Mặc dù bị chứng yếu tim di truyền trong phái nam dòng họ Salmon, bố tôi là người khỏe mạnh. Ông to cao hơn tên Harvey nên khi ông đi vòng mặt trước ngôi nhà ốp ván màu xanh lục để vào khu vườn nơi ông thấy hắn dựng thứ gì như cột gôn, trông tướng ông dềnh dàng vạm vỡ. Ông cảm thấy phấn chấn từ khi nhìn thấy tôi trong những mảnh gương vỡ. Tôi nhìn ông băng qua sân cỏ, bước thong dong như bọn trẻ tung tăng đến trường. Ông đứng lại trước khi lòng bàn tay ông chạm vào hàng rào cây hương mộc của Harvey.

"Cái gì thế?" ông lại hỏi.

Harvey ngừng tay trong khoảng khắc quay nhìn ông, xong lại lui cui làm tiếp.

"Lều bện bằng lạt."

"Nghĩa là gì?"

"Ông Salmon ạ," hắn nói, "tôi xin chia buồn về mất mát của ông."

Bố tôi đứng thẳng người lên, đáp lại theo đúng lễ nghi.

"Cảm ơn ông." Có gì như hòn sỏi vướng trong cổ họng ông.

Hai người không ai nói gì nữa, rồi thấy bố tôi không có vẻ định cáo từ, Harvey hỏi ông có muốn phụ hắn một tay không.

Và thế là, từ trên thiên đường, tôi mục kích bố tôi cùng dựng lều với kẻ đã ra tay sát hại mình.

Bố tôi không học được gì nhiều. Ông tập cách xuyên những cái que đã uốn hình vòng cung qua các cột có ngạnh, rồi xỏ loại lạt mảnh hơn bện thành những vòng bán cung trong hướng ngược lại. Ông tập cách túm các đầu que lại buộc vào những thanh bắc ngang. Ông được biết mình làm theo những cách thức này là vì Harvey mới đọc một cuốn sách về bộ lạc Imezzureg và muốn dựng một cái lều y theo cách của họ. Ông đứng đó, nghĩ bụng tay này quả là dở hơi đúng như hàng xóm vẫn đồn. Cho đến nay, họ cũng chỉ nói thế.

Nhưng khi dựng xong cái khung cơ bản - tất cả chỉ cần một tiếng đồng hồ - thì Harvey đi vào nhà mà không nói để làm gì. Bố tôi tưởng là để nghỉ tay. Hoặc hắn ta vào uống cà-phê, hay pha một bình trà.

Ông nhầm. Harvey vào nhà lên lầu để kiểm lại con dao lạng thịt hắn để trong phòng ngủ. Con dao vẫn nằm trong ngăn kéo bàn để ở đầu giường, trên bàn là quyển vở nháp trong đó hắn hay vẽ phác lại những mẫu mã sơ đồ thấy trong mơ mỗi khi bừng mắt thức giấc giữa đêm khuya. Hắn nhìn vào trong cái bao giấy gói của tiệm tạp hóa đã vo tròn nhàu nát. Máu của tôi đọng trên lưỡi dao giờ đã đen sẫm. Nghĩ đến điều đó, rồi hồi tưởng lại những gì hắn làm dưới hầm khiến hắn sực nhớ lại điều đã đọc về một bộ lạc có phong tục khác thường ở miền nam Ayr. Rằng khi vừa dựng lều cho một đôi nam nữ mới làm lễ hôn phối xong, những người đàn bà của bộ lạc đem hết tài nghệ khéo léo ra may một tấm khăn thật đẹp để phủ lên lều.

Bên ngoài tuyết bắt đầu rơi. Kể từ hôm tôi lìa trần đến nay tuyết mới lại rơi, và bố tôi cũng chợt có cùng ý nghĩ như tôi.

"Bố có nghe thấy tiếng con rồi, bé yêu ạ," ông thầm bảo tôi, tuy tôi chẳng hề mở miệng. "Gì thế kia?"

Tôi cố tập trung theo hướng mắt ông nhìn và thấy một bông hoa phong lữ đã héo úa. Tôi nghĩ nếu tôi làm cho hoa nở lại được thì ông sẽ có câu trả lời ngay. Thế là trên thiên đường của tôi hoa nở rộ ngay lập tức. Những cánh hoa phong lữ xoay xoay bay rợp trời rơi xuống nằm ngập đến thắt lưng tôi. Nhưng ở hạ giới tuyệt không thấy có mảy may biến đổi nào.

Tuy nhiên qua bức màn tuyết tôi nhận thấy điều này: bố tôi nhìn ngôi nhà màu xanh với đôi mắt khác. Ông bắt đầu thắc mắc.

Harvey khoác thêm một cái áo vải fla-nen dày trước khi trở ra nhưng điều làm bố tôi chú ý trước hết là những gì hắn bưng trên tay: một chồng khăn trải giường màu trắng.

"Để làm gì vậy?" bố hỏi. Đột nhiên ông cứ thấy khuôn mặt tôi hiển hiện trước mặt ông.

"Vải bạt phủ lều," Harvey nói. Khi hắn đưa bố tôi một xấp, mu bàn tay hắn chạm vào mấy ngón tay bố tôi. Như có dòng điện truyền làm giật tay ông.

"Ông có biết chuyện gì đấy," bố tôi nói.

Bắt gặp tia nhìn của bố tôi hắn không quay mắt đi nhưng không đáp.

Cả hai tiếp tục làm, tuyết vẫn rơi lãng đãng. Trong lúc luôn tay làm, lượng kích thích tố a-dre-na-lin trong người ông tăng vọt. Ông kiểm điểm lại những điều đã biết. Đã có ai hỏi người đàn ông này ở đâu hôm tôi mất tích chưa? Có người nào thấy hắn trong cánh đồng ngô không? Ông biết các láng giềng của ông đều đã bị thẩm vấn. Cảnh sát đã lần lượt đến từng nhà một.

Bố tôi và Harvey trải mấy tấm khăn lên cái vòm hình vòng cung, gài chặt dọc theo những ô vuông hình thành từ những thanh ngang buộc chằng vào những cây cọc có ngạnh. Xong họ giăng những tấm còn lại từ các thanh ngang cho rũ xuống, mép khăn gần chạm mặt đất.

Lúc họ xong việc, tuyết trải một lớp mỏng trên vòm lều phủ vải. Tuyết nằm ở những chỗ hõm trên áo bố tôi và đọng thành một đường viền trên mép sợi dây thắt lưng của ông. Tôi đau lòng quá. Tôi chợt hiểu sẽ chẳng bao giờ còn được chạy ào ra đón tuyết đổ với con chó Holiday nữa, sẽ chẳng còn được đẩy Lindsey ngồi trên sẽ trượt tuyết, chẳng bao giờ còn dịp chỉ cho em trai tôi điều nó chưa nên biết, là làm tuyết cứng lại bằng cách nén chặt giữa hai lòng bàn tay úp lại. Tôi đứng đơn độc giữa một biển đầy những cánh hoa tươi màu. Trên mặt đất những bông tuyết rơi đều, mịn màng, tinh khôi, như tấm màn chầm chậm buông xuống.

Đừng trong lều Harvey mường tượng cảnh cô dâu trinh trắng ngồi trên lưng lạc đà, được đưa tới cho một thành viên bộ lạc Immezzureg. Khi bố tôi dợm bước tới, Harvey giơ tay ngăn lại.

"Làm thế đủ rồi," hắn nói. "Sao ông không lo về nhà đi?"

Đã tới lúc để bố tôi cân nhắc xem nên nói gì. Nhưng điều duy nhất ông nghĩ ra được lại chỉ là: "Susie", ông thì thào, âm thứ hai quất vụt như con rắn.

"Chúng ta vừa cùng nhau dựng lều," Harvey nói. " Hàng xóm thấy hai chúng ta đấy. Bây giờ mình là bạn của nhau."

"Ông có biết chuyện gì mà," bố tôi nói.

"Đi về đi. "Tôi không giúp gì ông được."

Harvey không mỉm cười hay bước tới. Hắn lùi vào căn lều hợp cẩn và kéo cho cái khăn trắng cuối cùng có thêu chữ cái lồng vào nhau buông rủ xuống.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro