Thelovelybone-thuvien-ebook.com2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

NĂM

(Phần type của Thuyax)

Con người tôi bị giằng co, một phần tôi mong muốn báo thù ngay, muốn bố tôi biến thành người khác hẳn xưa nay, thành một kẻ nổi hung vì điên giận. Giống như ta thấy trong phim và tiểu thuyết. Một người bình thường nào đấy đột nhiên vớ lấy súng hoặc vác dao truy đuổi kẻ đã sát hại gia đình mình. Ông thành một kiểu Bronson(1) và được người người hoan hô.

Trong thực tế thì sự việc diễn ra như sau :

Sáng sáng bố thức dậy. Lúc còn ngái ngủ, ông vẫn như từ trước đến nay. Nhưng rồi, khi đã tỉnh ngủ, bố như bị ngấm dần thuốc độc. Mới đầu, ông không tài nào ngồi lên nổi. Ông nằm liệt dưới một gánh nặng. Song chỉ cựa quậy mới mong thoát ra được. Ông cố cựa quậy nhưng chẳng cựa quậy nào cứu vãn nổi. Mặc cảm tội lỗi như bàn tay Thượng đế ấn xuống và phán: " ngươi đã vắng mặt khi con gái ngươi cần đến ngươi."

Trước khi bố tôi đi qua nhà tên Harvey, mẹ tôi đang ngồi ở tiền sảnh, cạnh tượng thánh St.Francis. Khi ông trở vào nhà, bà không còn ngồi đó nữa. Ông gọi bà ba lần, như mong bà đừng xuất hiện, rồi ông lên lầu vào phòng làm việc để ghi vào quyển vở đóng gáy xoắn :Bợm rượu? Thử chuốc hắn say. Biết đâu hắn sẽ thổ lộ." Rồi ông viết: "Tôi nghĩ Susie đang quan sát tôi." Trên thiên đường tôi như lên cơn say. Tôi ôm chầm Holly, ôm chầm Franny. Tôi nghĩ là bố tôi biết.

Thế rồi Lindsey sập cửa ầm ĩ hơn thường lệ, và bố tôi mừng vì có tiếng ồn như vậy. Tiếng sập cửa mạnh làm lắng xuống buổi chiều lạ lùng ông vừa trải qua, đưa ông trở về thực tại, với những sinh hoạt để ông khỏi bị chìm nghỉm. Tôi hiểu chứ - tuy như thế không có nghĩa tôi không hờn trách và quên cái lúc ngồi vào bàn ăn tối, nghe Lindsey khoe miết với bố mẹ là đã làm bài được điểm cao, hoặc thầy giáo môn sử đề cử em được cấp bằng khen cấp quận. Nhưng Lindsey đang sống, và người sống cũng phải được mọi người quan tâm chứ.

Em bước thình thịch lên thang lầu. Tiếng guốc em dộng lên mặt gỗ thông làm rung chuyển cả nhà.

Hẳn tôi có ghen tị chuyện bố chăm chút em, nhưng tôi thán phục cách em đối phó với tình thế. Hơn bất cứ ai trong nhà, Lindsey đối mặt với hiện tượng mà Holly gọi là hội chứng người-chết-dạo-quanh - tức là mọi người chỉ thấy ta-đã-khuất chứ không thấy ta.

Mọi người, kể cả bố mẹ tôi, đều thấy tôi khi nhìn Lindsey. Ngay cả Lindsey cũng bị hội chứng này. Em tránh soi gương. Tránh bật đèn khi tắm.

Em bước ra khỏi bồn tắm, mò mẫm tìm nơi vẫn vắt khăn. Em cảm thấy yên tâm trong bóng tối - hơi nước bốc lên từ sàn gạch che chở em. Nếu trong nhà im ắng cả hay chỉ còn tiếng rì rầm dưới nhà, em biết sẽ không bị quấy rầy. Đó là lúc em nghĩ đến tôi, bằng hai cách: hoặc em nghĩ Susie, chỉ một chữ này thôi, và bật khóc, để nước mắt lăn xuống gò má ướt đẫm hơi nước, biết rằng không ai nhìn thấy em, không ai tìm cách đo đếm định lượng cái chất nguy hiểm có tên là nỗi thống khổ này, hoặc em tưởng tượng tôi phải bỏ chạy, thoát khỏi hiểm nguy, tưởng rằng em bị bắt thay vào đó, nhưng em chống trả quyết liệt cho đến lúc thoát được. Em cố gạt khỏi tâm trí câu hỏi cứ luẩn quẩn trong đầu, Hiện giờ Susie đang ở nơi nao?

Bố tôi lắng nghe những tiếng động trong phòng Lindsey. Rầm, cửa sập lại. Lẹp xẹp, tiếng sách quẳng xuống đất. Két két, em ngã vật ra giường. Bùm, bùm, guốc đá văng ra sàn. Vài phút sau ông đứng ở cửa phòng em.

"Lindsey", ông vừa gõ vừa gọi.

Không có tiếng trả lời.

"Lindsey, bố vào được chứ?"

"Bố đi đi," câu trả lời quyết liệt của em vọng ra.

"Thôi mà, bé yêu của bố," ông năn nỉ.

"Bố đi đi!"

"Lindsey", bố tôi nói, ông thở mạnh, "sao không để bố vào?" Ông khẽ tì trá vào cửa phòng ngủ. Gỗ mát lạnh và, trong một giây, ông quên tiếng mạch máu giật giật ở thái dương, quên nỗi nghi vấn cứ tự lặp đi lặp lại. Harvey, Harvey, Harvey.

Chân mang tất, Líndsey rón rén đi ra cửa. Em mở khóa, trong lúc bố lùi lại lấy vẻ mặt mà ông hi vọng sẽ diễn tả câu: "Nghe bố đã, đừng bỏ đi."

"Sao cơ?" em bảo. Mặt em đanh lại, bướng bỉnh. "Bố muốn hỏi gì?"

"Bố muốn biết con ra sao," ông trả lời. Ông nghĩ đến tấm màn buông xuống giữa ông và Harvey, lỡ dịp tóm cổ hắn, giải pháp toàn mỹ để ông trút được gánh nặng trách nhiệm. Ngày ngày ông phải chịu đựng nhìn người thân ra phố, đến trường, đi ngang qua cửa ngôi nhà ốp ván xanh của Harvey. Để máu chảy ngược về tim, ông nhất thiết cần đến con bé.

"Con muốn ở một mình," Lindsey nói. "Bố không thấy sao?"

"Bố sẽ ở lại nếu con cần," ông bảo.

"Bố à," em nhượng bộ, "con tự lo được mà."

Ông biết nói gì đây? Ông cũng có thể phá luật và thú nhận, "Bố thì không, bố không làm được như thế, đừng bỏ bố một mình," nhưng ông đứng lặng một giây rồi rút lui. "Bố hiểu", ông buột miệng nói, tuy trong lòng không nghĩ thế.

Tôi muốn nhấc bổng ông lên, như những tượng tạc tôi từng nhìn thấy trong các sách lịch sử nghệ thuật. Một người đàn bà nâng một người đàn ông. Một sự cứu thoát ngược đời.

Con gái mà lại bảo với bố: "Mọi chuyện ổn cả. Bố cũng vậy. Con sẽ không để xảy ra bất cứ điều gì mà làm bố đau lòng nữa."

Thay vì nói thế tôi quan sát ông đi gọi điện thoại cho Len Fenerman.

Trong mấy tuần lễ đầu ấy có thể nói cảnh sát thật đáng phục. Chuyện thanh thiếu nữ chết mất xác ít xảy ra ở những vùng ngoại ô này. Nhưng khi mãi vẫn không có chút manh mối nào để tìm thi thể của tôi, hay ai là hung thủ thì họ bắt đầu nóng nảy. Thường thì sau một thời hạn nhất định họ đều tìm được vài bằng chứng cụ thể nào đó; cái khung thời gian này giờ cứ càng lúc càng thu nhỏ lại.

"Mong rằng tôi không nói những điều vô lý, thanh tra Fenerman ạ," bố tôi nói.

"Xin gọi tôi là Len." Gài ở góc quyển ghi vụ việc hàng ngày trên bàn là tấm ảnh chụp ở trường mẹ tôi đưa cho Len Fenerman. Ông biết rằng tôi đã chết rồi, trước khi có ai đó nói ra điều này.

"Tôi tin chắc có một người hàng xóm biết ít nhiều về chuyện này." Ông đăm đăm nhìn qua cửa sổ phòng làm việc trên lầu về phía cánh đồng ngô. Người chủ ruộng ngô cho báo chí biết rằng ông sẽ không tạm canh gác trong ít lâu.

"Người đó là ai, và điều gì đã khiến ông tin như vậy?" Len Fenerman hỏi. Ông ta cầm một mẩu bút chì đã bị gặm mòn trên khay sắt trong ngăn kéo trên bàn giấy.

Bố tôi kể về cái lều, về cung cách tên Harvey xua đuổi ông về nhà, cách hắn nhắc tên tôi, về những người láng giềng vẫn kháo nhau rằng một người sống không con cái, không có việc làm ổn định như Harvey quả là bất thường.

"Tôi sẽ kiểm tra," Len Fenerman nói thế vì không thể làm khác. Đó là vai ông phải đóng trong vở diễn này. Nhưng những gì bố tôi vừa thông báo là quá ít, nếu không nói là chẳng giúp ông ta được gì. "Ông nhớ đừng kể cho ai khác và tránh đừng gặp hắn nữa," ông căn dặn bố.

Gác máy xong, bố tôi cảm thấy mình trống rỗng một cách lạ lùng. Sức cùng lực kiệt ông mở cửa phòng làm việc rồi khép nhẹ lại sau lưng. Đứng ở hành lang, ông lại gọi tên mẹ một lần nữa: "Abigail ơi!"

Mẹ tôi đang đứng trong phòng tắm dưới nhà, ăn vụng mấy miếng bạnh hạnh nhân mà hãng của bố vẫn gửi làm quà Giáng sinh. Bà ăn ngấu nghiến; chúng như những mặt trời nở bung trong miệng bà. Hồi mang thai tôi, suốt mùa hè bà khoác mãi một cái áo thụng cho đàn bà chửa bằng vải bông kẻ sọc, không chịu bỏ tiền mua thêm cái nào khác, nhưng ăn đủ các thứ bà thèm, bà vừa lấy tay xoa xoa bụng, vừa nói: "Cám ơn bé yêu," trong lúc để sô-cô-la nhểu cả xuống ngực áo.

Có tiếng gõ vào phía dưới cánh cửa.

"M...e...ẹ?" Bà nhét mấy cái bánh hạnh nhân vào tủ thuốc trở lại, nuốt vội mấy miếng còn trong miệng.

"M...e...ẹ?" Buckley lại gọi, giọng nghe còn ngái ngủ.

"Mẹ...mẹ...ẹ ẹ!"

Bà ghét cay ghét đắng cái tên gọi đó.

Khi mẹ tôi mở cửa, Buckley ôm lấy đầu gối, áp má lên đầu bà.

Nghe có tiếng chân, bố tôi vào bếp, gặp mẹ. Cả hai cùng tìm an ủi trong việc chăm chút Buckley.

"Chị Susie đâu rồi?" Buckley bật hỏi khi bố đang phết mức hạt dẻ lên bánh mì. Ông làm ba lát. Một cho mình, một cho vợ, và một cho cậu con trai bốn tuổi.

"Con cất đồ chơi rồi à?" bố tôi hỏi Buckley, rồi lấy làm lạ tại sao mình lại cứ nhất định lẩn tránh vấn đề với nhân vật duy nhất đã hỏi thẳng như thế.

"Mẹ sao vậy?" Buckley hỏi. Cả hai bố con cùng nhìn mẹ tôi, bà đang nhìn sững vào bồn rửa bát khô queo.

"Con có muốn tuần này nhà mình đi vườn Bách thú chơi không?" bố tôi hỏi. Ông thấy mình đáng ghét vì đã nói thế. Ông ghét mua chuộc và bỡn cợt - ghét lừa phỉnh. Nhưng làm sao ông kể nổi cho nó biết rằng chị cả của nó có thể đã vùi thân ở đâu đó, bị chặt thành nhiều mảnh?

Nhưng Buckley vừa nghe lọt tai từ vườn Bách thú và tất cả những ý nghĩa của từ này - với em chủ yếu là Khỉ! - thế là em lại dấn bước trên con đường mòn chông chênh của miền quên lãng thêm một ngày nữa. Cái bóng của năm tháng chưa đè quá nặng lên thân hình bé nhỏ của nó. Em biết là tôi đã đi xa đấy, nhưng ai đi mà chẳng có lúc trở về.

Khi Len Fenerman đi hỏi từ nhà này sang nhà khác trong vùng, ông ta không thấy tên George Harvey có gì đáng chú ý. Harvey hiện sống độc thân, nhưng nghe nói lúc đầu hắn dự tính đến đây với bà vợ. Song trước ngày dọn nhà ít lâu, bà vợ qua đời. Hắn nhận việc lắp ráp nhà cho búp-bê, giao cho các cửa hàng chuyên bán những món đồ đó. Hắn sống tách biệt, ít giao du. Mọi người chỉ biết có thế. Tuy hắn không quan hệ thân thiết với ai, song hàng xóm luôn có cảm tình. Mỗi ngôi nhà ở đây đều chứa đựng một câu chuyện. Đặc biệt với Len Fenerman thì ngôi nhà của George Harvey có vẻ là một câu chuyện hấp dẫn.

Không, Harvey khai hắn không quen biết gia đình Salmon lắm. Hắn có thấy lũ trẻ. Ai cũng biết nhà nào có trẻ con nhà nào không, hắn nói thêm, đầu hơi cúi về phía trái một chút. "Nhìn vào vườn thấy có đồ chơi. Những nhà này bao giờ cũng sống động hơn," hắn nhận xét thêm, giọng ngập ngùng.

"Tôi được biết ông có trò chuyện với ông Salmon cách đây không lâu," Len nói hôm trở lại ngôi nhà màu xanh lục.

"Đúng vậy, có gì không ổn ư?" Harvey hỏi. Hắn nháy mắt với Len nhưng lại thôi ngay. "Xin lỗi tôi phải tìm cái kính đã," hắn nói. "Tôi đang ráp mấy chi tiết cho một công trình thời Đệ nhị Đế chế."

"Đệ nhị Đế chế." Len thắc mắc.

"Hàng người ta đặt cho mùa Giáng sinh tôi đã giao xong cả rồi, bây giờ tôi có thể thử nghiệm mẫu mã khác," Harvey nói. Len theo hắn ra phía sau, cái bàn ăn ở đây được đẩy sát vào tường. Trên bàn nằm xếp lớp hàng tá những thanh ván nhỏ, trông như ván dát tường tý hon.

Hắn có hơi kỳ dị thật, Fenerman nghĩ bụng, nhưng điều đó đâu khiến hắn trở thành kẻ giết người.

Harvey mang kính lên và đột nhiên trở nên cởi mở hơn. "Đúng thế, ông Salmon có lần trên đường đi dạo có ghé vào giúp tôi dựng cái lều hợp cẩn."

"Lều hợp cẩn là sao?"

"Năm nào tôi cũng làm gì đó cho Leah," hắn giải thích. "Cô ấy là vợ tôi. Tôi góa vợ."

Len cảm thấy vừa xâm phạm những nghi thức riêng tư của người đàn ông này. "Vâng, tôi hiểu," ông nói.

"Tôi thấy chuyện xảy ra với cô bé thật quá khủng khiếp," Harvey nói. "Tôi cố bày tỏ điều này với ông Salmon. Nhưng tôi có kinh nghiệm rằng vào những lúc như thế này mọi sự chẳng có ý nghĩa gì hết cả."

"Vậy năm nào ông cũng dựng cái lều đó à?" Len Fenerman hỏi. Đây là điều mà hàng xóm có thể xác nhận với ông là có hay không.

"Trước kia tôi dựng trong nhà, nhưng năm nay tôi thử dựng ngoài trời. Chúng tôi lấy nhau vào đúng mùa đông mà. Tôi nghĩ sẽ dựng kịp trước khi tuyết bắt đầu rơi."

"Trong nhà là chỗ nào?"

"Ở dưới hầm. Nếu ông muốn tôi chỉ ông xem. Tôi vẫn còn cất giữ mọi thứ của Leah dưới đó."

Nhưng Len không đi xa thêm nữa.

"Tôi quấy rầy ông thế là đủ rồi," ông nói. "Tôi chỉ định rà qua mọi người trong khu vực này một lượt nữa."

"Các ông điều tra đến đâu rồi?" Harvey hỏi. "Phát hiện được gì chưa?"

Len không bao giờ ưa những câu hỏi như thế, cho dù theo ông nghĩ đó là quyền của những kẻ bị ông xâm phạm đời tư.

"Đôi khi tôi nghĩ manh mối sẽ tìm được cách xuất hiện đúng lúc," ông đáp. "Nghĩa là nếu chúng muốn người ta phát hiện." Đó là lối trả lời bí hiểm, kiểu Khổng Tử, nhưng lại hầu hết hiệu quả với hầu hết đám dân sự.

"Ông có nói chuyện với thằng nhỏ nhà Ellis rồi chứ?" Harvey hỏi.

"Chúng tôi đã nói chuyện với gia đình đó."

"Tôi nghe nói nó đã hành hạ lũ vật nuôi của nhà hàng xóm."

"Cậu ta có vẻ hư, tôi công nhận," Len nói, "nhưng vào thời điểm đó cậu ta đang làm việc trong khu thương xá."

"Có người làm chứng chứ?"

"Có."

"Tôi chỉ nghĩ được đến thế," Harvey nói. "Ước gì giúp ông được nhiều hơn."

Len cảm thấy hắn chân thành.

"Đúng là hắn hơi hâm hấp," Len gọi điện cho bố tôi, "nhưng tôi không có chứng cứ gì để buộc tội hắn."

"Thế hắn nói sao về cái lều?"

"Rằng hắn dựng cho bà vợ tên là Leah."

"Tôi nhớ bà Stead có kể cho cô Abigail nhà tôi rằng tên vợ hắn là Sophie mà," bố tôi nói

Len giở sổ tay kiểm tra lại. "Không, tên là Leah. Tôi có ghi rõ ràng."

Bố tôi đâm hoài nghi chính mình. Ông nghe cái tên Sophie ở đâu nhỉ? Ông chắc chắn là có nghe cái tên đó, nhưng cách đây đã nhiều năm rồi, ở một buổi liên hoan trong khu phố, tên các đứa nhỏ và các bà vợ cứ bay phấp phới như hoa giấy giữa các câu chuyện phiếm người ta kể để tỏ ra hòa thuận với láng giềng, còn những lời giới thiệu con cái và người lạ lại quá mơ hồ khiến chẳng còn nhớ đến hôm sau.

Tuy nhiên ông nhớ chắc tên Harvey không đến dự bữa liên hoan đó. Cũng không hề tham dự bất cứ buổi liên hoan nào khác. Theo chuẩn mực của nhiều người trong khu, chứ không phải của bố tôi, thì đó là do tính hắn kỳ quặc. Bố không hề thấy thật thoải mái khi cứ phải gượng gạo chan hòa như thế.

Bố tôi viết vào sổ "Leah". Rồi ông viết "Sophie?". Ông không ngờ mình đã bắt đầu lên danh sách những người bị giết. (cont)

-------------------------

1.Charles Bronson (1921-2003): tài tử Mỹ, trong phim Death wish (19) đóng vai người chồng và cha báo thù cho vợ và con bị thảm sát.

Hôm lễ Chúa giáng sinh, nếu ở thiên đường có lẽ mọi người trong gia đình tôi sẽ thoải mái hơn. Trên đó chẳng mấy ai buồn biết đến lễ Giáng sinh. Có vài người mặc toàn một màu trắng toát giả làm bông tuyết, ngoài ra chẳng có gì khác nữa.

Giáng sinh ấy, Samuel Heckler bất ngờ đến nhà chúng tôi. Cậu không hóa trang thành bông tuyết. Cậu khoác cái áo da cũ của ông anh, mặc chiếc quần nhà binh rộng thùng thình.

Em trai tôi đang mải miết với lô đồ chơi ở gian ngoài. Mẹ tôi mừng vì đã mua quà cho nó từ trước rồi. Lindsey được đôi găng tay và thỏi son môi có vị anh đào. Bố tôi được năm khăn tay trắng mẹ đặt mua qua bưu điện tù nhiều tháng trước. Trừ em trai Buckley còn chẳng ai nghĩ đến chuyện quà cáp. Suốt mấy ngày trước Giáng sinh đèn đóm trên cây thông cũng không được cắm điện. Chỉ có ngọn nến bố tôi đặt ở cửa sổ phòng làm việc của ông là được thắp lên. Bố thắp nến lúc trời sụp tối; còn mẹ, em gái và em trai tôi không ra khỏi nhà sau bốn giờ chiều. Chỉ mình tôi nhìn thấy ngọn nến.

"Có ai ngoài cửa kìa!" em tôi kêu lên. Nó vừa xây Nhà trọc trời và ngôi nhà vẫn chưa chịu đổ. "Anh ta xách một cái va-li."

Mẹ tôi tạm ngừng làm món trứng đánh với rượu, rời bếp ra phía cửa trước. Lindsey đang đau khổ vì mấy ngày lễ đòi hỏi em phải có mặt trong phòn sinh hoạt. Em và bố đang chơi trò Monopoly(1), hai bố con cùng lờ đi những ô ác liệt để người kia khỏi lâm vào thế kẹt. Bãi bỏ thuế hàng xa xỉ, không chấp nhận Vận rủi.

Ở tiền sảnh mẹ tôi lấy tay miết cho phẳng nếp váy. Bà kéo Buckley ra trước và đặt tay lên vai em.

"Đợi người ta gõ cửa đã," bà bảo.

"Chắc là mục sư Strick," bố vừa nói với Lindsey vừa vơ số tiền mười lăm đô-la giải nhì cuộc thi hoa hậu.

"Con mong là không phải, vì hương hồn chị Susie," Lindsey đánh bạo nói.

Lindsey buộc miệng gọi tên tôi, thế là bố tôi bám khư khư vào cái tên ấy. Lindsey đổ được quân nhị, tiến đến Marvin Gartens.

"Vậy thành hai mươi tư đô-la," bố nói, "nhưng bố sẽ lấy mười."

"Lindsey ơi," mẹ tôi gọi. "Con có khách."

Bố tôi nhìn em đứng dậy ra khỏi phòng. Bố với tôi cùng nhìn. Lúc đó tôi ngồi lại với bố. Tôi là hồn ma trên bàn cờ. Ông nhìn trân trối chiếc giày cũ nằm một bên góc hộp. Giá mà tôi nâng nó lên được, cho nó nhảy từ đường Bàn cờ đến đường Biển Baltic, nơi tôi luôn cho là chỗ cư ngụ của những người khá giả hơn. "Vì chị hay chê bai báng bổ," hẳn Lindsey sẽ nói thế. Còn bố tôi sẽ bảo, "Bố thật hãnh diện đã nuôi dạy con thành một đứa không hợm hĩnh."

"Nhà ga đây, Susie à," ông nói. "Con vẫn thích tậu mấy nhà ga lắm mà."

Để làm nổi bật kiểu tóc đuôi nhọn và ép được mớ tóc bò liếm, Samuel Heckler chỉ chịu chải tém ra sau. Vì thế trông cậu, ở tuổi mười ba, thêm cái áo da màu đen, giống như ma cà-rồng còn vị thành niên.

"Chúc Lindsey một mùa Giáng sinh vui tươi," cậu nói rồi trao cho em tôi hộp quà bọc giấy xanh.

Tôi thấy hết: toàn thân Lindsey bắt đầu xoắn lại. Em đã khổ công luyện tập để giữ khoảng cách với tất cả mọi người không trừ ai, còn em thấy Samuel Heckler đáng yêu quá. Tim em, như một chất liệu cho món ăn đang nấu trên bếp, co lại và nếu tạm quên cái chết của tôi, thì năm nay em đã mười ba, cậu ta thì dễ mến, nhất là lại đến thăm em vào lễ Giáng sinh.

"Nghe nói Lindsey được xếp hạng có năng khiếu," cậu nói, vì không ai lên tiếng. "Mình cũng thế."

Lúc đó mẹ tôi mới sực nhớ vặn nút sang vai bà chủ nhà. "Cháu vào chơi?" bà đon đả bảo. "Bác có món kem trứng đánh rượu trong bếp."

"Thế thì tốt quá," Samuel nói và đưa tay cho em tôi khoác, làm em và tôi đều ngẩn cả người.

"Cái gì thế này?" Buckley lon ton chạy theo hỏi, tay chỉ vào cái em tưởng là va-li.

"Kèn an-tô," Samuel Heckler đáp.

"Là cái gì?" Em hỏi lại.

Lindsey bây giờ mới lên tiếng. "Anh Samuel chơi kèn xắc-xô an-tô."

"Sơ sơ thôi," Samuel nói.

Em trai tôi không hỏi tiếp kèn xắc-xô là gì. Nó biết Lindsey sắp như thế nào. Cô nàng sắp thành thứ mà tôi gọi là "làm bộ làm tịch," chẳng hạn "Buckley ơi, em đừng lo, Lindsey sắp 'làm bộ làm tịch' đấy." Thường thì tôi vừa nói vừa cù em, có khi dụi dụi hay húc đầu vào bụng nó, miệng lẩm bẩm 'làm bộ làm tịch' mãi cho đến khi nó cười như nắc nẻ.

Buckley lẽo đẽo theo sau ba người vào bếp và hỏi điều mà ngày nào em cũng hỏi ít nhất một lần, "Chị Susie đâu rồi?"

Mọi người lặng thinh. Samuel nhìn Lindsey.

"Buckley ơi,"bố gọi em từ phòng bên cạnh, "ra đây chơi Monopoly với bố nào."

Em tôi chưa hề được dự phần chơi trò Monopoly. Ai cũng bảo em còn bé quá, nhưng đây hẳn là phép lại của lễ Giáng sinh. Em chạy vào phòng sinh hoạt, bố nhấc em đặt ngồi lên lòng.

"Con thấy chiếc giày chứ?" bố hỏi.

Buckley gật đầu.

"Bố muốn con lắng nghe những gì bố sắp nói về chiếc giày này, rõ chưa?"

"Chị Susie?" em hỏi, mơ hồ đoán rằng hai chuyện có liên quan đến nhau.

"Đúng thế, bố sắp kể cho con nghe chị Susie giờ đang ở đâu."

Trên thiên đường tôi bật khóc. Tôi biết phải làm gì khác bây giờ?

"Chiếc giày này là quân Susie chọn để chơi Monopoly," ông bảo. "Bố có quân xe ô-tô, đôi khi lấy xe cút-kít. Lindsey chọn cái bàn là, khi nào mẹ chơi thì mẹ chọn cỗ súng đại bác."

"Kia là con chó phải không bố?"

"Phải, đó là con chó xù Scottie."

"Nó là của con!"

"Được", bố nói. Ông không vội vàng gì. Ông đã có cách giải thích. Ông ôm con trong lòng, vừa nói ông vừa cảm nhận thân thể tí hon trên đùi mình - một khối nằng nặng, rất ấm, rất sống động, rất người. Điều này an ủi ông. "Con chó Scottie từ nay sẽ là quân của con. Thế quân của chị Susie là gì nào, nhắc lại đi?"

"Chiếc giày", Buckley trả lời.

"Đúng, còn bố là quân xe, chị Lindsey là cái bàn là, mẹ là cỗ đại bác."

Em tôi cố sức tập trung.

"Bây giờ mình bày hết lên bàn cờ, nhé? Con làm đi, thay cho bố."

Buckley bốc một nắm, lại bốc tiếp, cho đến khi mọi quân cờ đều yên vị giữa ô Vận may và Qũy cứu tế.

"Bây giờ ta xem các quân cờ kia là bạn mình nhé."

"Như Nate hả bố?"

"Đúng thế, mình chọn cái mũ làm Nate. Còn bàn cờ là thế giới. Bây giờ nếu bố bảo, khi bố gieo xúc-xắc xong sẽ có một quân cờ bị lấy đi, thì điều đó nghĩa là gì?"

"Mấy quân đó không chơi được nữa à?"

"Đúng thế."

"Tại sao vậy?" Buckley hỏi.

Em ngước nhìn bố, do dự

"Sao vậy hả bố?" em lại hỏi lần nữa.

Bố tôi không muốn trả lời rằng "bởi vì cuộc đời bất công" hay "bởi vì cuộc đời là thế." Ông muốn tìm một hình ảnh đơn giản, rõ ràng, giải thích cho một đứa bé bốn tuổi hiểu được chết nghĩa là thế nào. Ông ấp bàn tay lên tấm lưng bé bỏng của Buckley.

"Chị Susie chết rồi," ông nói, chịu không ghép nổi chuyện này vào bất cứ luật chơi nào. "Con có thể hiểu được thế nghĩa là gì không?"

Buckley vươn tay che chiếc giày. Em ngẩng đầu nhìn bố xem mình trả lời thế có đúng không.

Bố gật đầu. "Con sẽ chẳng bao giờ gặp chị Susie nữa, bé ạ. Không ai trong chúng ta còn gặp." Bố tôi nấc lên. Buckley ngước nhìn vào mắt bố nhưng em không hiểu hết đầu đuôi.

Sau đó Buckley đặt chiếc giày trên mặt tủ quần áo của em, cho đến một hôm nó đột ngột biến mất, tìm mấy cũng không thấy.

Trong bếp mẹ làm xong món kem trứng đánh rượu rồi xin lỗi để sang phòng ăn soạn dao muỗng nĩa bằng bạc đếm cho đủ số, bày đúng thứ tự lớp lang theo hình 'bậc tam cấp' như đã học được thời bà làm ở hiệu Wanamaker chuyên bán hàng cưới, trước khi sinh tôi. Bà thèm một điếu thuốc và ước gì mấy đứa con còn sống của bà biến quách đi một lúc.

"Lindsey bóc quà ra xem chứ hả?" Samuel Heckler hỏi em gái tôi.

Chúng đứng bên tủ bếp, dựa vào máy rửa bát và các ngăn kéo đựng khăn ăn và khăn lau bát. Trong căn phòng bên tay phải có bố đang ngồi với em trai tôi; phía bên kia nhà bếp mẹ tôi đang nghĩ tới những Wedgwood Florentine, Cobalt Blue, Royal Worcester, Mountbatten, Lenox và Eternal.

Lindsey mỉm cười, kéo dải ruy-băng màu trắng thắt trên nắp hộp.

"Mẹ mình thắt nơ hộ đấy," Samuel Heckler nói.

Em xé lớp giấy xanh bọc chiếc hộp nhung đen. Xé giấy xong em thận trọng cầm nó trong lòng bàn tay. Trên thiên đường tôi cũng hồi hộp phấn khích. Hồi Lindsey và tôi còn chơi búp-bê hiệu Barbie và cậu chàng Ken làm đám cưới lúc mười sáu tuổi. Với chúng tôi con người chỉ yêu một lần duy nhất trong đời; chúng tôi không hình dung được thế nào là thỏa hiệp, hoặc thử tới thử lui.

"Cứ mở ra đi," Samuel Heckler bảo.

"Mình sợ lắm."

"Có gì đâu."

Cậu sờ lên cánh tay em và ôi chao là cảm giác của tôi lúc đó! Lindsey đứng trong bếp cạnh một chàng trai dễ thương, dù giống ma cà-rồng hay không! Thật là tin sốt dẻo, tin giật gân chạy tít trên báo - tôi tình cờ được biết mọi chuyện. Em sẽ chẳng bao giờ hé răng kể cho tôi những chuyện này đâu.

Hộp đựng món quà gì còn tùy mắt người xem, hoặc rập khuôn, hoặc gây thất vọng, hoặc tuyệt vời. Rập khuôn vì cậu mới mười ba tuổi, hoặc gây thất vọng vì không phải là một chiếc nhẫn cưới, hoặc tuyệt vời. Cậu tặng em một nửa quả tim bằng vàng. Nửa kia cậu kéo ra từ sợi dây da thô đeo quanh cổ nhét trong chiếc áo thun hiệu Hukapoo.

Lindsey đỏ bừng mặt; trên thiên đường mặt tôi cũng ửng hồng.

Tôi quên bẵng bố đang ở trong phòng sinh hoạt, quên mẹ đang lo đếm muỗng nĩa bạc. Tôi nhìn Lindsey tiến sát lại Samuel Heckler. Em ôm hôn cậu; một cảnh tượng huy hoàng. Tôi như được hồi sinh.

----------------------

1.Monopoly: Độc quyền; tên một trò chơi phổ biến, còn gọi là tỷ phú, các đối tranh nhau mua, bán, thuê bất động sản, biểu tượng là các tòa nhà và địa danh trên bàn cờ.

etou_akira vẫn chưa có mặt trong diễn đàn Trả Lời Với Trích Dẫn

SÁU

(Phần type của Thuyax)

Hai tuần trước ngày từ giã cõi đời, tôi rời nhà muộn hơn thường lệ, nên lúc đến trường thì bùng binh tráng nhựa đen, bãi dành riêng cho xe buýt chở học sinh đã vắng tanh.

Một viên giám thị phòng kỷ luật túc trực sẵn để ghi tên học trò nào vào trường bằng cửa chính sau khi chuông reo lần thứ nhất, mà tôi thì không muốn bị loa phóng thanh réo tên mình giữa giờ học, bắt đến ngồi chờ ở băng ghế gỗ trước phòng ông Peterford, nơi mà ai cũng biết là sẽ bị bắt quỳ xuống để ông lấy thanh gỗ quất vào mông. Ông đã yêu cầu giáo viên môn thủ công đục vài lỗ để giảm lực cản của không khí, làm đau thêm bội phần khi nó phạng lên lớp quần jeans.

Tôi chưa bao giờ đến trường quá muộn hay làm điều gì sai quấy đến nỗi phải chịu đòn, nhưng tôi hay bất cứ đứa học trò nào khác hoàn toàn hình dung rõ rệt đến nỗi thấy rát bỏng cả mông. Clarissa kể cho tôi rằng mấy oắt con nghiện oặt, như vẫn gọi ở trường, toàn đi cửa sau xuyên hậu trường sân khấu mà bà Cleo gác trường luôn để ngỏ, bà đã phải bỏ học nửa chừng vì là dân nghiện thâm canh cố đế.

Thế là ngày hôm đó tôi lẻn vào khu hậu trường sân khấu, dò từng bước chân, cẩn thận để đừng vấp phải đủ loại dây điện và dây cáp nằm ngổn ngang. Tôi dừng lại chỗ giàn giáo, đặt cặp sách xuống để chải lại tóc. Tôi có thói quen đội cái mũ gắn chuông khi rời khỏi nhà nhưng vừa đi qua khỏi ngôi nhà gia đình O'Dwyer là tôi thay ngay, trùm cái mũ đan cũ màu đen của bố lên đầu. Tóc tôi dựng lên vì tĩnh điện nên đến nơi tôi phải vào ngay phòng vệ sinh nữ để chải cho tóc nằm xuống.

"Susie Salmon xinh lắm đấy."

Tôi nghe tiếng mà không nhận ra từ đâu nên đưa mắt nhìn quanh quất.

"Đây cơ mà," tiếng nói cất lên.

Tôi ngẩng lên thấy đầu và mình của Ray Singh ló khỏi giàn giáo trên đầu tôi.

"Chào bạn," cậu nói.

Tôi biết Ray Singh đang phải lòng tôi. Cậu ta từ Anh đến đây năm ngoái nhưng Clarssa bảo sinh quán cậu ta lại là Ấn Độ. Chuyện một người có thể mang khuôn mặt của một quốc gia, nói ngôn ngữ của một dân tộc khác, rồi lại di cư sang một nước thứ ba quả thật tôi thấy quá khó tin. Tôi thấy cậu thật "hết xẩy"(1) là vì thế. Hơn nữa, cậu có vẻ thông minh gấp bọn tôi tám trăm lần, và cậu lại trồng cây si tôi nữa chứ. Cuối cùng những thứ mà tôi cho là điệu bộ - chiếc áo lễ phục thỉnh thoảng mặc đến trường, những điếu thuốc lá ngoại, thực ra là của bà mẹ - là bằng chứng tôi nghĩ cậu là con nhà gia thế. Cậu biết và thấy những điều bọn tôi không thấy. Buổi sáng hôm ấy, khi cậu nói với tôi từ trên cao, tim tôi như muốn rụng xuống sàn.

"Chuông tiết đầu chưa rung à?" tôi hỏi.

"Hôm nay thầy Morton phụ trách điểm danh," cậu nói. Như thế là đã giải thích cho tất cả. Thầy Morton thường xuyên váng đầu do nát rượu, cao điểm thường đúng vào giờ đểm danh. Thầy chẳng bao giờ điểm danh.

"Đằng ấy làm gì trên đó vậy?"

"Leo lên đây mà xem," cậu vừa nói vừa lùi khuất tầm mắt tôi.

Tôi ngần ngại.

"Nào, Susie."

Đó là ngày duy nhất trong cuộc đời tôi dám làm đứa học trò hư - hay ít ra bắt chước làm những điều cấm kỵ. Tôi đặt chân lên nấc thang cuối của giàn giáo, với tay nắm thanh xà ngang đầu tiên.

"Mang cả đồ lên luôn," Ray khuyên tôi.

Tôi quay lại lấy cặp sách, vụng về leo lên.

"Để mình giúp," cậu nói rồi đưa hai tay xốc nách tôi nhấc lên, dù qua lớp áo pác-ca mùa đông tôi cũng thấy ngượng. Tôi ngồi buông thõng hai chân đu đưa một lúc.

"Rút chân lên đi," cậu ta nói. "Như thế sẽ không ai nhìn thấy mình."

Tôi làm theo rồi đăm đăm nhìn cậu một lúc. Đột nhiên tôi cảm thấy mình thật ngớ ngẩn - không hiểu sao lại lên trên này.

"Thế đằng ấy ở đây suốt cả ngày hay sao?" tôi hỏi.

"Chờ hết giờ Anh văn thôi."

"Bạn bỏ giờ Anh văn!" Cứ như cậu nói mới đánh cướp ngân hàng xong.

"Vở kịch nào của Shakespeare do đoàn Royal Shakespeare Company diễn mình đều đã xem cả rồi," Ray nói. "Mụ cù lần đó đâu có gì để dạy mình."

Lúc đó tôi thật ái ngại cho bà Dewitt . Nếu làm đứa học trò hư có nghĩa phải gọi bà là mụ cù lần thì không có tôi rồi đấy.

"Mình thích vở Othello," tôi mạnh miệng nói.

"Mụ toàn giảng nhăng cuội, thái độ lại trịch thượng kẻ cả. Một dị bản Đen như tôi đây của gã người Moor (2)."

Ray rất thông minh. Thêm chuyện là dân gốc Ấn đến từ Anh đã khiến cậu thành người từ sao Hỏa ở thị trấn Norristown này.

"Tay tài tử trong phim hóa trang thành đen trông ngô nghê thật," tôi nói.

"Đằng ấy nói về Ngài Laurence Olivier(3) chứ gì."

Ray và tôi im lặng. Im lặng đủ để nghe tiếng chuông kết thúc màn điểm danh, ròi năm phút sau là tiếng chuông báo để chúng tôi xuống tầng trệt vào lớp do bà Dewitt phụ trách. Khi tiếng chuông rứt tôi cảm thấy da mình như cứ từng giây từng phút nóng dần lên theo tia nhìn của Ray đang lướt khắp người mình, để ý từng chi tiết cái áo khoác pác-ca màu xanh dương quý tộc và chiếc váy ngắn màu xanh lá cây chói chang cùng tất dài tiệp màu hiệu Danskin của tôi. Đôi giày tôi muốn mang lại đang nằm trong cặp đựng sách để bên cạnh. Chân tôi đang xỏ đôi ủng giả da cừu lót len nhân tạo, những sợi len xoắn xít hoen bẩn thòi ra dọc các đường nẹp và chỗ cổ ủng, trông như mớ ruột gà lòng thong. Giá biết trước ở đây sẽ diễn ra màn tình tự luyến ái duy nhất của cả cuộc đời mình thì tôi đã sửa soạn kỹ hơn, lấy thỏi son hiệu Nụ hôn tình dược có vị dâu ngọt và chuối ra tô môi lại trước khi bước vào đây rồi.

Tôi cảm thấy Ray đang cúi xuống tôi, giàn giáo bên dưới chúng tôi kêu kẽo kẹt theo từng cử động của cậu. Tôi thầm nghĩ Anh chàng đến từ Anh quốc. Môi cậu càng lúc càng gần lại, giàn giáo nghiêng chênh chếch một bên. Người tôi chống chếnh - sắp thả người lặn ngụp dưới con sóng của nụ hôn đầu, chợt cả hai cùng nghe có tiếng động. Chúng tôi lặng cả người.

Ray và tôi nằm bên nhau, mắt dán lên trần nhà đầy bóng đèn và chằng chịt dây điện. Một lúc sau cửa hậu trường mở ra, ông Peterford và cô Ryan phụ trách môn mỹ nghệ bước vào, chúng tôi nhận ra họ qua giọng nói. Còn một người thứ ba nữa cùng đi với họ.

"Lần này thầy cô chưa áp dụng biện pháp kỷ luật, nhưng nếu em cứ tiếp tục thì sẽ phải trừng phạt thôi," ông Peterford bảo. "Cô Ryan này, cô có cầm theo những thứ ấy không?"

"Có đây." Cô Ryan đã từ một trường Công giáo chuyển tới trường Kennet này, phụ trách khoa mỹ nghệ thay hai tay cựu Híp-pi(4) bị sa thải vì vụ nổ lò nung. Chúng tôi hết còn được làm thí nghiệm với kim loại nung nóng chảy, nhồi nặn đất sét nữa, bây giờ ngày này qua ngày khác phải phác họa mặt nhìn nghiêng những tượng gỗ trong tư thế cứng ngắc cô giáo đem dựng làm mẫu cho cả lớp vào mỗi đầu giờ học.

"Em chỉ làm bài tập thôi mà." Đó là Ruth Connors. Tôi nhận ra giọng nói và Ray cũng thế. Chúng tôi cùng có tiết Anh văn với bà Dewitt.

"Đây không phải là bài tập," ông Peterford nói.

Ray nắm tay tôi, bóp mạnh. Chúng tôi biết họ đang nói về chuyện gì. Bản sao một bức tranh vẽ của Ruth được chuyền đi một vòng trong thư viện, đến tay cậu đang đứng ở tủ đựng phiếu thư mục sách thì bị bà thủ thư bắt gặp.

"Nếu cô không nhầm thì trên tượng mẫu không có bầu vú" cô Ryan nói.

Bức tranh vẽ một người đàn bà nằm hai chân vắt chéo. Không phải hình bức tượng gỗ có thân mình nối với tứ chi bằng khoen móc và dây kẽm. Người đàn bà trông rất thật, và nét chì than tô mắt - vô tình hay hữu ý - tạo một vẻ khiêu dục gợi tình làm đứa nào nhìn cũng hoặc cực kỳ khó chịu hoặc hân hoan thú vị, xin cảm ơn bạn thật đấy.

"Trên tượng mẫu cũng đâu có mũi hay mồm," Ruth chống chế, "thế nhưng cô vẫn bắt bọn em vẽ đủ cả."

Ray lại bóp mạnh tay tôi lần nữa.

"Không cần nhiều lời, cô nương ạ," ông Peterford nói. "Chính cái thế nằm ườn trong bức vẽ này rõ ràng đã khiến cậu nhóc nhà Nelson đem đi sao chụp."

"Lỗi tại em à?"

"Không có bức vẽ thì đã chẳng có chuyện."

"Vậy vẫn lỗi tại em chứ gì?"

"Tôi yêu cầu cô hiểu là cô đã đưa trường ta vào tình thế nào rồi, và giúp chúng tôi bằng cách vẽ những gì mà cô Ryan đã đề ra cho cả lớp, tránh thêm thắt những chi tiết không cần thiết."

"Leonardo da Vinci(5) từng vẽ cả xác chết đấy thôi," Ruth khẽ nói.

"Rõ chưa?"

"Rõ ạ", Ruth nói.

Có tiếng cửa hậu trường mở ra, sập lại, sau đó một lúc Ray và tôi nghe tiếng Ruth Connors khóc. Ray chúm môi để tôi hiểu ý muốn nói " Xuống đi!", thế là tôi dịch người dần ra phía bờ giàn giáo, đung đưa chân tìm chỗ bám.

Chính tuần đó Ray hôn tôi bên chiếc tủ cá nhân của tôi. Lúc ở trên giàn giáo cậu muốn lắm mà lỡ cơ hội. Nụ hôn duy nhất của chúng tôi xảy đến bất ngờ như một tai nạn - một cầu vồng tuyệt vời trong vũng xăng.

Tôi leo xuống giàn giáo, lưng quay về phía Ruth. Cô nàng không nhúc nhích hay trốn tránh, chỉ đưa mắt nhìn tôi quay người lại. Cô nàng ngồi trên một thùng gỗ gần sau hậu trường. Đôi màn phông cũ kỹ buông rủ xuống phía trái cô nàng. Cô nàng nhìn tôi bước đến gần, không buồn lau nước mắt.

"Susie Salmon", cô nàng nói, chỉ để tự xác định. Khả năng tôi bỏ giờ đầu, trốn ở hậu trường trong thính phòng, cho đến ngày hôm đó, quả thật khó xảy ra như chuyện đứa nữ học sinh thông minh nhất lớp tôi bị thầy giám thị phụ trách kỷ luật la mắng vậy.

Tôi đúng trước mặt cô nàng, mũ trong tay.

"Mũ gì trông kỳ cục quá," cô nàng nói.

Tôi giơ cái mũ đính chuông lên nhìn. "Tớ biết chứ. Của mẹ tớ đan cho đấy."

"Vậy là bạn nghe rồi hả?"

"Cho tớ xem được không?"

Ruth giở bản chụp đã nhàu vì qua tay nhiều người và tôi chăm chú nhìn.

Brian Nelson đã lấy bút bi xanh vòng một lỗ trông thật tục tĩu vào chỗ giữa hai đùi bắt tréo. Tôi lùi lại còn cô nàng quan sát tôi. Tôi thấy có gì lóe lên trong ánh mắt cô nàng, một câu hỏi kín đáo, rồi cúi lôi từ ba lô một tập giấy vẽ bọc bìa da màu đen.

Tranh trong đó đẹp khôn tả. Đa số vẽ đàn bà, nhưng cũng có thú vật và đàn ông nữa. Tôi chưa hề được xem những thứ như thế bao giờ. Trang nào cô nàng cũng vẽ đầy kín. Lúc ấy tôi mới hiểu vì sao Ruth bị xem là phá hoại, không phải vì cô nàng vẽ tranh đàn bà khỏa thân bị bọn con trai đem ra tô bậy, mà vì cô nàng có tài hơn các giáo viên. Cô nàng là thứ nổi loạn trầm lặng nhất. Tuyệt vọng, đúng thế.

"Bạn vẽ tài thật đấy Ruth ạ," tôi tấm tắc.

"Cảm ơn", cô nàng trả lời, còn tôi tiếp tục xem từng trang, như uống và người. Vùng cơ thể nằm dưới lắn đen ngang rốn trong những tấm hình này - phần mẹ tôi gọi là "bộ máy chế tạo em bé" - đã khiến tôi vừa sợ vừa phấn khích.

Tôi từng tuyên bố với Lindsey rằng sẽ không bao giờ có con, và khi vừa tròn mười tuổi, trong suốt gần sáu tháng trời tôi luôn thổ lộ với bất cứ người lớn nào chịu lắng nghe rằng tôi có ý định sau này sẽ đi thắt ống dẫn trứng. Thực ra tôi không hiểu mấy thế nghĩa là sao, chỉ biết đó là một biện pháp quyết liệt, đòi hỏi phải giải phẫu, khiến bố tôi phá lên cười.

Kể từ đó, Ruth đã từ lập dị biến thành đặc biệt đối với tôi. Mấy bức họa tuyệt đến nỗi làm tôi lúc đó quên bẵng nội quy nha trường, rằng lũ học trò chúng tôi phải tuân theo tiếng chuông và tiếng còi.

Sau khi cánh đồng ngô bị quây lại, đào bới dò tìm, rồi bỏ hoang, Ruth hay ra đó đi dạo. Cô nàng quấn cổ bằng chiếc khăn len to của người bà cho, dưới chiếc áo thủy thủ sờn cũ của ông bố. Cô nàng sớm nhận ra rằng ngoài môn thể dục, thầy cô các môn khác không báo lên văn phòng nếu cô nàng trốn học. Không có cô nàng họ càng mừng : trí thông minh của cô nàng đã khiến cho cô nàng trở thành vấn đề, vì nó đòi hỏi họ phải tập trung giảng dạy và đẩy nhanh chương trình học.

Thế là từ nay sáng sáng cô nàng đi theo xe ông bố để khỏi phải đón xe buýt. Ông rời nhà rát sớm, mang theo hộp sắt tây đỏ thuôn thuôn đựng bữa ăn trưa, chiếc hộp mà hồi cô nàng còn nhỏ ông cho cô nàng lấy chơi, giả làm chuồng cho ngựa của búp-bê Barbie, bây giờ ông dùng đựng chai rượu Bourbon. Trước khi thả cô nàng xuống bãi đậu xe vắng vẻ, ông dừng chiếc xe tải nhưng vẫn để máy sưởi.

"Hôm nay mọi chuyện cũng suôn sẻ cả chứ?" lần nào ông cũng hỏi.

Ruth gật đầu.

"Làm một ngụm để còn đi tiếp nhé?"

Lần nào cô nàng không gật đầu mà đưa cái hộp cho ông. Ông mở nắp, vặn nút chai rượu, ực một ngụm to rồi trao lại cho con gái. Cô nàng ngửa cổ ra sau rất kịch rồi hoặc lấy lưỡi che bớt miệng chai để chỉ có một ít rượu vào miệng, hoặc rúm người làm một ngụm nếu ông đang nhìn.

Từ trên buồng lái cao ngất nghểu cô nàng tụt xuống. Trời lạnh, lạnh cắt da trước khi mặt trời ló dạng. Rồi cô nàng nhớ một điều học được trong lớp: vận động thì ấm hơn chỉ ngồi một chỗ. Thế là cô nàng bắt đầu rảo bước thẳng đến cánh đồng ngô. Cô nàng vừa đi vừa độc thoại, thỉnh thoảng nghĩ đến tôi. Cô nàng thường tựa bờ rào chăng lưới ngăn sân bóng đá với đường chạy để nghỉ chân, ngắm nhìn thế giới chung quanh đang sống dậy.

Mỗi sáng chúng tôi gặp nhau trong mấy tháng đầu như thế đấy. Mặt trời lên cao trên cánh đồng ngô và con Holiday , được bố tôi thả ra, sẽ lùng sục lũ thỏ giữa những thân ngô khô héo. Lũ thỏ thích những bãi cỏ được tỉa xén trên những bãi tập điền kinh; khi lại gần, Ruth thấy bóng chúng sẫm màu dọc những đường biên xa nhất vạch bằng vôi trắng, trông như một đội thể thao tí hon. Cô nàng thích ý tưởng này, tôi cũng thế. Cô nàng tin rằng đám thú nhồi bông đi lại vào ban đêm khi người ta đi ngủ. Cô nàng vẫn nghĩ rằng trong hôp đựng thức ăn trưa của ông bố có những con bò và cừu tí hon dư thì giờ để nhâm nhi rượu Bourbon với dồi Baloney(6).

Sau khi Lindsey đem đôi găng tay, quà Giáng sinh của tôi, đặt giữa đường biên xa nhất của sân bóng đá tiếp giáp cánh đồng ngô, thì một sáng nọ tôi thấy lũ thỏ đang thám thính: chúng ngửi ngửi những góc găng có dính da đồng loại. Rồi tôi thấy Ruth kịp nhặt chúng lên trước khi con Holiday đớp mất. Cô nàng lộn tría một chiếc, lật mặt lông ra ngoài rồi áp lên má. Cô nàng ngước nhìn trời rồi nói "Cảm ơn." Tôi thích nghĩ rằng cô nàng đang trò chuyện với tôi.

Tôi dần dần quý mến cô nàng từ nhũng buổi sáng ấy, cảm thấy rằng bằng cách nào đấy chúng tôi sinh ra để bầu bạn với nhau, điều chẳng bao giời giải thích nổi khi nỗi đứa ở một bên Cõi lưng chừng. Hai đứa con gái khác thường đã tìm đến nhau một cách hết sức khác thường - trong cảm giác ớn lạnh đã khiến cô nàng rùng mình khi tôi lướt qua hôm đó.

Ray hay đi bộ, như tôi, dù nhà ở cuối khu phố nằm quanh trường học. Cậu đã từng thấy Ruth Conners đi dạo một mình trên các sân bóng đá. Từ sau lễ Giáng sinh cậu luôn rảo bước một mạch đến trường rồi về nhà ngay, không hề la cà đâu nữa. Cậu mong tên sát nhân sớm bị tóm cổ không kém gì bố mẹ tôi. Chưa tóm được hắn thì dù có chứng cớ tại ngoại cậu vẫn không làm sao xóa được mọi nghi ngờ.

Cậu chọn một buổi sáng ông bố không phải đi dạy ở trường đại học, rót đầy trà ngọt bà mẹ pha vào bình thủy của ông bố. Cậu rời nhà sớm để ngồi chờ Ruth trên vành sắt uốn vòng mà các vận động viên ném tạ tì chân ở vành tròn bê-tông.

Khi thấy Ruth đang đi phía bên kia hàng xích sắt giữa ngăn nhà trường với sân bóng, trong đó có cái sân được trân trọng nhất - bãi bóng bầu dục - cậu xoa tay, chuẩn bị những gì định nói. Lần can đảm này không phải vì cậu đã

hôn tôi - mục tiêu cậu đặt ra từ cả năm trước khi hoàn thành - mà vì sự cô đơn cùng cực ở tuổi mười bốn.

Tôi quan sát Ruth đang tiến đến gần sân bóng đá, tưởng chỉ có mình ở đó. Khi dọn dẹp một ngôi nhà cũ của bố cô nàng đã tìm thấy và đem về cho cô nàng một thứ rất thích hợp với thú tiêu khiển mới của cô nàng - đó là một tuyển thơ. Cô nàng ôm quyển sách sát vào người.

Cô nàng thấy Ray đứng lên khi vẫn còn cách một đoạn.

"Chào Ruth Conners!" cậu vừa gọi vừa vẫy hai tay.

Ruth ngó qua, nhớ ngay tên cậu: Ray Singh. Ngoài ra cô nàng không biết gì hơn nữa. Cô nàng nghe đồn cảnh sát đã đến tận nhà cậu ta, nhưng cô nàng tin lời ông bố rằng " Chẳng đứa con nít nào làm chuyện đó cả." Cô nàng liền đi về phía cậu.

"Tớ có trà trong bình thủy đây," Ray nói. Trên thiên đường tôi đỏ mặt xấu hổ giùm cho cậu. Khi luận về vở Othello thì cậu nói hay thật, nhưng lúc này cậu vụng về làm sao.

"Không, mình cám ơn," Ruth nói. Cô nàng đứng gần nhưng vẫn giữ một khoảng cách xa hơn bình thường. Mấy móng tay cô nàng bấu vào cái bìa đã sờn của tập thơ.

"Hôm bạn với Susie nói chuyện sau hậu trường mình cũng có mặt ở đó nữa," Ray nói. Cậu đưa bình thủy cho cô nàng nhưng cô nàng không nhích lại gần hơn, cũng chẳng ừ hữ gì.

"Susie Salmon đấy," cậu nói rõ thêm.

"Mình biết cậu muốn nói ai mà," cô nàng bảo.

"Bạn đến dự lễ tưởng niệm chứ?"

"Mình không biết có buổi lễ đó," cô nàng nói.

"Chắc mình không đến đâu."

Tôi đăm đăm nhìn vào môi anh chàng. Chúng đỏ hơn do trời lạnh. Ruth xích lại một bước.

"Bạn muốn bôi sáp chống khô môi không?", Ruth hỏi.

Ray đưa tay mang găng lên ngang miệng, sợi len vướng vào những vết nẻ trên đôi môi tôi từng hôn. Ruth thọc tay vào túi áo khoác lấy ra thỏi Chap Stick. "Đây này", cô nàng bảo, " Mình có cả lô cả lèn. Cậu cứ giữ mà dùng."

"Hay quá", cậu trả lời. Thế có muốn ngồi xuống đây cùng chờ xe buýt với mình không?"

Cả hai cùng ngồi ở bãi xi-măng của các vận động viên đẩy tạ. Tôi lại chứng kiến một cảnh chưa từng thấy: hai người ngồi bên nhau. Điều này làm Ray trở nên quyến rũ tôi hơn hẳn trước kia. Mắt anh chàng màu xám đậm. Từ trên thiên đườn nhìn xuống tôi không ngần ngại thả mình vào đó.

Chuyện gặp nhau trở thành thông lệ. Hôm nào bố cậu Ray đi dạy thì Ruth mang cho cậu ít rượu Bourbon trong cái chai bẹt(7) của ông bố; bằng không thì có trà ngọt. Cả hai rét nhưng dường như họ chẳng bận tâm.

Họ trò chuyện về thân phận người ngoại quốc sống ở Norristown như thế nào. Họ đọc to những bài trong hợp tuyển của Ruth. Họ trao đổi cách trở thành người mình muốn - trong nghề nghiệp. Ray muốn trở thành bác sĩ. Ruth muốn trở thành họa sĩ hoặc thi sĩ. Họ thành lập một hội kín với những kẻ khá lập dị nữa tìm thấy trong lớp. Trong số đó đương nhiên có những đứa như Mike Bayles đã hít quá nhiều a-xít(8) đến nỗi không ai hiểu làm sao nó vẫn đi học nổi, hay Jeremiah từ bang Lousiana chuyển về đây và cũng dân ngoại quốc y như Ray vậy. Rồi đến những đứa trầm tĩnh hơn. Có Artie luôn hăng say giải thích cho bất cứ ai muốn nghe về tác hại của chất formaldehyde(9). Có Harry Orland cả thẹn đến nỗi chỉ mặc quần đùi tập thể dục bên ngoài quần jeans. Cả Vicki Kurt nữa, ai cũng tưởng đã bình thường lại sau khi bà mẹ qua đời, nhưng Ruth có lần bắt gặp nó nằm ngủ trên lớp lá thông gom lại lót lưng, phía sau trạm biến điện thế của trường. Và đôi khi họ nói về tôi.

"Thật lạ", Ruth nói. "Ý tớ muốn nói, mình với Susie học cùng lớp từ vườn trẻ, nhưng mãi đến hôm ở hậu trường sân khấu trong nhà hát hai đứa mới nhìn nhau lần đầu tiên."

"Cô ấy rất tuyệt," Ray nói. Cậu nghĩ tới lúc môi chúng tôi chạm phớt vào nhau khi chỉ có hai đứa đứng bên dãy tủ cá nhân. Tôi nhắm mắt nhưng miệng vẫn mỉm cười rồi sau đó gần như bỏ chạy như thế nào. "Bạn có nghĩ là họ sẽ tìm ra tên sát nhân không?"

"Chắc sẽ tìm ra thôi. Cậu biết đấy, chỗ mình ngồi đây chỉ cách nơi xảy ra án mạng độ trăm thước chứ mấy."

"Mình biết", cậu nói.

Hai người ngồi trên cái vành sắt ở bãi ném tạ, cầm ly trà trong bàn tay đeo găng. Cánh đồng ngô đã trở thành một nơi không ai lai vãng nữa. Khi có quả bóng bị đá lạc sang thì mới có một cậu làm gan sang lượm. Rồi buổi sáng ấy mặt trời lên cao dần, rọi qua các thân ngô khô héo nhưng chẳng có chút hơi ấm nào.

"Tớ nhặt được cái này đây," cô nàng nói, chỉ vào đôi găng da.

"Bạn có bao giờ nghĩ đến Susie không?" cậu hỏi.

Hai người lại im lặng.

"Nghĩ luôn đấy chứ," Ruth nói. Một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng tôi. "Cậu biết không, đôi khi mình nghĩ Susie thật may mắn. Mình ghét sống ở đây."

"Tớ cũng thế," Ray đáp. "Nhưng tớ đã từng sống ở nhiều nơi khác. Đây chỉ là địa ngục tạm thời, không phải vĩnh viễn."

"Bạn muốn nói..."

"Cô ấy đang ở trên thiên đường, nếu bạn tin điều đó."

"Thế bạn không tin à?"

"Mình không tin, không."

"Tớ tin đấy," Ruth nói. "Không phải tin ba cái chuyện thiên thần chắp cánh, nhưng tin là thiên đường có thật."

"Thế cô ấy hạnh phúc chứ?"

"Đó là thiên đường, phải không nào?"

"Nhưng nghĩa là thế nào chứ?"

Nước trà giờ lạnh buốt răng, và hồi chuông đầu vang lên. Ruth nhìn vào đáy ly trà nhoẻn miệng cười. "Như bố mình thì ông sẽ bảo như thế có nghĩa là cô nàng đã thoát khỏi cái hố phân này rồi."

Khi bố tôi gõ cửa nhà Ray Singh, bà Ruana mẹ của Ray làm ông ngạc nhiên đến thoảng thốt. Không phải vì bà ân cần chào đón ngày từ đầu, bà chẳng có vẻ gì hân hoan cả, nhưng có cái gì đó trong mái tóc huyền, trong đôi mắt xám và cả trong cái cách lạ lùng như thể bà lùi lại sau khi đã mở cửa, đã làm ông choáng ngợp.

Trước đó ông có nghe cảnh sát thoải mái kháo nhau về bà. Theo họ bà lạnh lùng và kênh kiệu, kẻ cả, kỳ cục. Ông hình dung sẽ gặp một con người như thế.

"Mời ông vào chơi," bà nói khi ông xưng tên. Nghe cái tên Salmon trong mắt bà như có những cánh cửa, không phải đóng sập lại, mà mở ra dẫn lối vào những không gian còn tăm tối mà ông rất mong là người đầu tiên được thăm viếng.

Ông gần như mất thăng bằng khi bà dẫn vào gian phòng ngoài chật hẹp, đầy đồ đạc. Trên sàn la liệt sách xếp gáy hướng lên trên, thành ba hang dọc theo tường. Bà mắc áo choàng Sari màu vàng, bên dưới trông như chiếc quần bằng hang thêu kim tuyến. Chân trần. Bà đi qua tấm thảm, dừng lại trước đi văng. "Ông uống gì nhé," bà hỏi và ông gật đầu.

"Ông thích uống nóng hay lạnh ạ?"

Bà cho xin thứ gì nóng."

Khi bà rẽ sang phòng bên nằm khuất tầm mắt, ông ngồi xuống chiếc đi văng phủ vải nâu kẻ ô. Những cửa sổ đối diện ông, bên dưới xếp đầy sách, được che bằng những tấm màn dài hàng Mu-xơ-lin khiến ánh sáng chói chang phải khó nhọc mới lọt qua được. Đột nhiên ông thấy ấm người, hầu như quên bẵng lý do vì sao sáng nay ông phải kiểm tra lại hai lần địa chỉ nhà Singh.

Một lúc sau, khi bố tôi đang nghĩ sao mình mệt thế và đã hứa với mẹ tôi là sẽ ghé hiệu hấp tẩy lấy một số quần áo để đó từ lâu, thì bà Singh trở ra với khay trà, đặt lên tấm thảm trước mặt ông.

"Chúng tôi chưa sắm sửa nhiều bàn ghế. Tiến sĩ Singh vẫn đang tìm chỗ làm dài hạn."

Bà sang phòng bên cạnh lấy cho mình cái gối bọc vải tía, đặt xuống thảm đối diện với ông.

"Tiến sĩ Singh là giáo sư đại học ạ?", bố hỏi, tuy đã biết mười mươi, biết rõ cả về người đàn bà nhan sắc này và ngôi nhà bàn ghế sơ sài, nên ông cảm thấy hơi ngượng.

"Vâng", bà trả lời rồi rót trà. Im lặng. Bà nâng tách trà mời, khi ông cầm lấy thì bà nói: "Ray cùng đi với bố nó hôm con gái ông bị sát hại."

Ông choáng váng tý nữa ngã chúi lên người bà.

"Hẳn đó là lý do ông đến đây," bà bói tiếp.

"Vâng", ông trả lời, "tôi muốn nói chuyện với cháu."

"Cháu đi học chưa về," bà bảo. "Ông biết giờ giấc nhà trường mà." Bà gập đôi chân trong quần kim tuyến sang một bên. Móng chân bà để dài, không tô màu, các đầu ngón chân chai đi sau nhiều năm tập múa.

"Tôi muốn ghé thăm và cả quyết với bà rằng tôi biết cháu vô can," bố tôi nói. Tôi chăm chú nhìn ông. Chưa bao giờ tôi thấy ông như thế này. Câu chữ thốt ra như những gánh nặng ông trút xuống, những động từ và danh từ lâu nay bị kiềm giữ, nhưng ông mải nhìn đôi bàn chân bà khum trên mặt thảm nâu xám, nhìn những đốm nắng yếu ớt lọt qua rèm cửa vuốt ve má phải của bà.

"Cháu nó không hề làm điều gì sai trái cả, và cháu phải lòng cháu gái nhà ông. Tình ở tuổi học trò nhưng vẫn là tình yêu."

Thứ tình học trò này mẹ của Ray gặp mãi rồi. Như cậu nhỏ đi bỏ báo, quăng vào hiên nhà rồi dừng xe đạp ngóng, hi vọng rằng bà đứng gần cửa khi nghe tiếng tờ báo Thông tin bang Philadelphia rơi phạch xuống hiên. Mong bà ra lấy, mong bà vẫy chào. Bà không cần phải mỉm cười, và bà hiếm khi cười khi ra khỏi nhà - chỉ cần cậu thấy ánh mắt bà, dáng đi vũ nữ công của bà, cách bà khoan thai như cân nhắc từng động tác

Khi cảnh sát đến đây tìm kẻ sát nhân, họ đã lấn ca lấn cấn bước vào trong cái tiền sảnh tối tăm, nhưng Ray còn chưa xuống hết cầu thang thì bà Ruana đã làm họ bối rối, khiến họ vui vẻ ngồi trên đệm bọc lụa dùng trà. Họ yên trí bà sẽ kể lể huyên thuyên, điều họ quen thấy ở các người đàn bà xinh đẹp khác, thế nhưng họ càng tìm cách lấy lòng thì bà càng tỏ thái độ không khoan nhượng, bỏ ra đứng cạnh cửa sổ suốt thời gian họ lục vấn con trai mình.

"Tôi mừng cho Susie có được một cậu trai dễ mến thương nó," bố tôi nói. "Tôi muốn cảm ơn con trai bà."

Bà mỉm cười, không để lộ hàm răng.

"Cậu ấy có viết cho cháu một bức thư tỏ tình," ông nói tiếp.

"Đúng thế."

"Ước gì tôi đã linh cảm chuyện này để cũng làm như thế," ông nói. "Để bảo với con tôi vào ngày cuối của đời nó rằng tôi thương nó lắm."

"Vâng."

"Nhưng con bà đã làm được điều đó."

"Vâng."

Hai người nhìn nhau một lúc.

"Chắc hôm đó bà làm cảnh sát tức điên nhỉ," ông vừa nói vừa tủm tỉm cười, với mình hơn là với bà.

"Họ đến đây để buộc tội Ray," bà trả lời. "Tôi không bận tâm về chuyện họ nghĩ gì về tôi."

"Hẳn lúc đó cậu con trai bà khổ tâm lắm nhỉ," bố tôi bảo.

"Không, tôi không cho phép bất cứ ai làm nó buồn phiền", bà nghiêm giọng và đặt tách trà xuống khay. "Ông không cần thương hại Ray hay chúng tôi."

Bố tôi lắp bắp định chống chế.

Bà khua tay. "Ông mất đứa con gái yêu và đến đây với một chủ đích nào đó. Tôi chấp nhận, song chỉ điều đó thôi, còn nếu ông muốn thử tìm hiểu cuộc sống của chúng tôi thì tôi không cho phép."

"Tôi không hề có ý xúc phạm bà," ông trả lời, "tôi chỉ..."

Bà lại giơ tay lên lần nữa.

"Hai mươi phút nữa Ray sẽ về đến đây. Tôi sẽ chuẩn bị tinh thần cho cháu trước, sau đó ông có thể trò chuyện với cháu về con gái của ông."

"Tôi có nói gì đâu nào?"

"Tôi không thích mua sắm bàn ghế gì cho nhiều. Như vậy sẽ dễ cho tôi nếu một ngày nào đấy phải quyết định thu vén rời khỏi nơi này."

"Tôi mong ông bà sẽ ở lại đây," bố tôi nói, vì từ nhỏ ông được dạy lễ phép, ông cũng giáo dục tôi như thế, nhưng ông nói vậy vì phần nào đó ông mong đợi nhiều hơn từ phía người đàn bà lạnh lùng nhưng không thật lạnh lùng này, từ tảng đá nhưng không phải tảng đá này.

"Ông thật tử tế," bà bảo, "nhưng ông đâu biết gì về tôi. Bây giờ chúng ta cùng đợi Ray về."

Bố tôi đã rời nhà ngay giữa lúc Lindsey và mẹ tôi cãi nhau. Mẹ tôi cứ cố ép Lindsey cùng đi bơi với bà ở hồ tắm Y(10). Chẳng buồn cân nhắc, Lindsey tru tréo gào lên : "Con thà chết còn hơn!". Bố tôi thấy mẹ lặng người đi, rồi òa khóc, bà nức nở chạy vào phòng ngủ sập cửa lại. Ông lặng lẽ nhét quyển sổ tay vào túi áo khoác, lấy chìa khóa xe móc ở cửa sau rồi lẻn ra ngoài.

Trong hai tháng đầu bố mẹ tôi mỗi người một hướng. Người này ở nhà thì người kia đi. Bố tôi ngủ gật trên chiếc ghế màu xanh lục trong phòng làm việc, khi tỉnh dậy ông rón rén vào phòng ngủ, chui vào giường. Nếu mẹ tôi đã kéo hết chăn thì ông cứ thế nằm không, co quắp, sẵn sàng bật dậy bất cứ lúc nào, sẵn sàng đối phó với mọi thứ.

"Tôi biết kẻ nào đã giết con tôi," ông nghe thấy tiếng mình nói với bà Ruana Singh.

"Ông đã cho cảnh sát biết rồi chứ?"

"Rồi."

"Thế họ nói sao?"

"Họ bảo tạm thời không có gì cho thấy hắn có liên quan đến vụ án mạng, ngoài sự nghi ngờ của tôi."

"Sự nghi ngờ của một người cha..." bà bỏ lửng câu nói.

"Cũng mạnh không kém trực giác của một bà mẹ."

Lần này khi mỉm cười bà để hé chút răng.

"Hắn là hàng xóm."

"Ông định làm gì?"

"Tôi đang điều tra mọi manh mối," bố tôi đáp, thừa biết giọng mình lúc ấy thế nào.

"Và con trai tôi..."

"Là một manh mối."

"Có thể tên đàn ông kia làm ông quá sợ."

"Nhưng tôi phải làm gì chứ," ông phản đối.

"Chúng ta trở lại khởi điểm, ông Salmon ạ," bà nói. "Ông hiểu nhầm ý tôi. Tôi không nói việc ông đến đây là sai. Trong chừng mực nào đó thì việc này đúng thôi. Ông muốn tìm chút gì đấy êm ái, chút gì đấy ấm áp trong tất cả những chuyện này. Sự điều tra của ông đã đưa ông tới đây. Điều đó tốt thôi. Tôi chỉ băn khoăn không biết nó cũng tốt cho con trai tôi hay không thôi."

"Tôi không có ý làm gì cháu đâu."

"Tên hắn là gì?"

"George Harvey." Đây là lần đầu tiên ông nói to tên hắn cho một người khác nghe, ngoài Len Fenerman.

Không nói gì thêm, bà đứng lên, quay lưng về phía bố tôi, bước tới cửa sổ đầu tiên rồi cửa sổ kia kéo màn. Bà thích ánh nắng vào quãng giờ tan học. Bà ngóng chờ Ray trên đường về nhà.

"Ray về kia rồi. Tôi ra đón cháu. Xin lỗi ông, tôi phải khoác áo xỏ giày." Bà ngừng một lát rồi nói tiếp. "Ông Salmon ạ, ở địa vị ông tôi cũng sẽ làm y như ông vậy: tôi sẽ kể với những ai tôi thấy cần, tôi sẽ không tiết lộ tên hắn cho quá nhiều người biết. Khi biết chắc rồi," bà nói, "tôi sẽ tìm một cách êm thấm giết hắn."

Ông nghe tiếng bà vọng ngoài tiền sảnh, tiếng các móc áo bằng kim loại lách cách lúc bà lấy áo choàng. Vài phút sau có tiếng cửa mở ra rồi sập lại. Một luồng gió lạnh từ ngoài lùa vào, rồi ông thấy trên đường một bà mẹ đón con trai. Hai mẹ con đều không cười. Đầu họ cúi thấp, môi mấp máy. Ray được cho biết là bố tôi đang chờ cậu trong nhà.

Mới đầu cả tôi lẫn mẹ tôi đều nghĩ rằng Len Fenerman khác những người kia là điều ai cũng thấy. Ông ta nhỏ nhắn hơn những viên cảnh sát cao lớn dềnh dàng mặc sắc phục thường tháp tùng ông. Thế nhưng còn có những đặc điểm khó thấy hơn - chẳng hạn cách ông ta hay trầm tư suy nghĩ, ít pha trò, luôn nghiêm trang khi đề cập đến tôi hay những chi tiết liên quan đến vụ này. Nhưng khi trò chuyện với mẹ tôi, Len Fenerman đã tự bộc lộ ông là người như thế nào: một con người lạc quan. Ông tin chắc kẻ giết tôi trước sau cũng sẽ bị bắt.

"Có lẽ chưa phải hôm nay hay ngày mai đâu," ông bảo với mẹ tôi, "nhưng một ngày nào đó, hắn sẽ có hành động bất cẩn. Loại người này thường không làm chủ được thói quen của họ."

Mẹ tôi phải một mình tiếp chuyện Len Fenerma, chờ bố tôi từ gia đình Singh về. Trên bàn trong phòng sinh hoạt chung lô bút chì màu của Buckley nằm lăn lóc trên tờ giấy gói đồ mẹ tôi để đó. Buckley và cu Nate vẽ mãi cho đến lúc buồn ngủ đầu rũ xuống như những bông hoa nặng trĩu, mẹ tôi phải bế từng đứa, đặt nằm trên đi văng. Hai đứa nằm ngủ ở đó, đầu mỗi đứa một phía, chân gần chạm nhau quãng giữa đi văng.

Len Fenerman đủ lịch lãm nên đã hạ giọng thì thầm nhưng mẹ tôi để ý thấy ông ta không phải là người yêu thích trẻ con. Ông ta nhìn bà bế hai đứa bé chứ không đứng dậy giúp một tay hay nhận xét về chúng, như các nhân viên cảnh sát khác vẫn nhận xét về bà qua những đứa con, cả đứa còn sống lẫn đứa đã chết.

"Anh Jack có chuyện muốn nói với ông," mẹ tôi nói. "Nhưng chắc là ông quá bận không đợi được."

"Cũng không bận lắm đâu.

Tôi thấy một lọn tóc đen bà giắt sau vành tai tuột ra, làm khuôn mặt bà dịu hơn. Tôi thấy ông Len cũng nhận ra điều ấy.

"Nhà tôi đến nhà cậu Ray Singh đáng thương," bà nói và giắt lại lọn tóc vừa vương ra.

"Tôi rất tiếc đã phải thẩm vấn cậu ta," Len nói.

"Đúng thế", bà bảo. "Chẳng cậu nào lại có thể..." Bà không nói chữ đó ra được mà ông không đòi bà phải nói.

"Không thể bác bỏ được bằng chứng ngoại phạm của cậu ta."

Mẹ tôi nhặt một cây bút chì màu trên tờ giấy gói đồ. Len Fenerman nhìn mẹ tôi vạch những đường thẳng thành hình người và chó. Buckley và Nate ngáy khe khẽ trên đi văng. Em tôi nằm co người như bào thai trong bụng mẹ, một lúc sau cho ngón tay cái vào miệng mút. Mẹ vẫn dặn chúng tôi phải tập cho em bỏ cái tật đó đi. Giờ đây bà thèm được yên bình thảnh thơi như em.

"Bà làm tôi nhớ đến vợ tôi," Len lên tiếng sau một lúc lâu im lặng, trong lúc đó mẹ tôi vẽ một con chó màu cam và một thứ trông như con ngựa màu xanh da trời bị điện giật.

"Bà ấy cũng không biết vẽ à?"

"Hồi đó nhà tôi thường kiệm lời, nếu cô ấy không có gì đáng để nói."

Vài phút nữa trôi qua. Mẹ vẽ một mặt trời như quả bóng màu vàng. Một ngôi nhà màu nâu trồng hoa trước cửa - hồng, xanh da trời, tía.

"Sao lại hồi đó?"

Hai người cùng nghe tiếng mở cửa nhà xe. "Nhà tôi mất không lâu sau khi chúng tôi lấy nhau," ông nói.

"Bố!" Buckley la lên, bật dậy, quên cả cu Nate lẫn mọi người.

"Tôi rất lấy làm tiếc," bà nói với Len.

"Tôi cũng thế," ông nói, "về chuyện cháu Susie. Thật đấy."

Bố tôi vui vẻ chào Buckley và Nate ở hậu sảnh, ông kêu "Dưỡng khí của bố ơi!" như luôn vẫn kêu khi bị ba chị em tôi bám vai bá cổ sau một ngày làm việc đằng đẵng. Ngay cả khi thấy mình chỉ đóng trò thì chuyện ra vẻ hồ hởi trước em trai tôi thường là lúc ông vui thú nhất trong ngày.

Trong lúc bố tôi từ sau nhà đi ra phòng sinh hoạt chung, mẹ tôi đăm đăm nhìn Len Fenerman. Ra ngay chỗ bồn rửa bát đi mẹ, tôi muốn nói với bà rằng mẹ hãy ngó xuống lỗ thoát nước và nhìn vào lòng đất. Con đang đợi dưới đó; con đang ở trên này quan sát.

Len Fenerman là người đầu tiên yêu cầu mẹ tôi đưa tấm ảnh tôi chụp ở trường lúc cảnh sát vẫn tin rằng tôi vẫn còn sống. Trong ví ông, nó nằm chung với một sấp ảnh khác. Giữa những ảnh trẻ con và người lạ là tấm ảnh của vợ ông. Vụ nào xong rồi, ông ghi ngày tháng giải quyết sau tấm ảnh. Vụ nào chưa xong - đó là theo ý ông, chứ không phải trong hồ sơ chính thức của cảnh sát - phía sau ảnh vẫn để trống. Phía sau ảnh tôi không ghi gì hết. Sau ảnh vợ ông cũng chẳng có gì.

"Chào ông Len, ông mạnh khỏe chứ?" bố tôi hỏi. Con Holiday nhổn dậy, vẫy đuôi đòi bố tôi vuốt ve.

"Tôi nghe nói ông đến gặp Ray Singh," Len nói.

"Hai chú nhóc này, sao không lên phòng Buckley mà chơi đi?" mẹ tôi bảo. "Thanh tra Fenerman với bố cần nói chuyện."

(end chapter 6)

--------------

"Cool" (dùng trong nghĩa tiếng lóng) có thể hiểu là ngon lành, hết xẩy, chịu chơi.

Nhân vật Othello là người Moor, một nô lệ da đen.

Sir Laurence Kerr Olivier (1907-1989), diễn viên người Anh nổi tiếng, đóng các vai chính trong các vở kịch của đại văn hào Shakespeare.

Hippies: những người thuộc phong trào phản kháng của giới trẻ ở Hoa Kỳ cuối những năm 1960, không chấp nhận lối sống đương thời, chủ trương trở lại với thiên nhiên, sống đơn giản hiền hòa nhân đạo,...; ấn tượng về họ nói chung là hình ảnh những người theo chủ nghĩ tự nhiên, không nhận trách nhiệm với xã hội,... hoặc hình ảnh những kẻ đầu bù tóc rối, nghiện cần sa, ma túy.

Leonardo da Vinci (1452-1519): danh tài người Ý thời Phục hưng, kiệt xuất trong nhiều lĩnh vực: hội họa, điêu khắc, kiến trúc, khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật.

Mortadella di Bologna: món dồi xuất xứ từ Bologna (Ý). Do đọc trại nên Bologna biến thành baloney.

Loại chai rất mỏng, đút túi áo, cho những ai thường xuyên cần rượu.

A-xit: nói tắt của Lysergic Acid Diethylamide tức LSD một loại ma túy.

Formaldehyde: chất khí dùng để khử trùng, chế biến chất dẻo, độc tố có thể gây ung thư.

10.Y: viết tắt của YWCA - Young Women's Christian Association - Hội thanh nữ công giáo.

Chương bảy

"Bồ có thấy chị ấy không?" Buckley hỏi Nate lúc cả hai leo thang lên gác, theo sau là con Holiday. "Chị tớ ấy".

"Không", Nate trả lời.

"Chị ấy đi vắng ít ngày, nhưng bây giờ về rồi. Ta chạy đua nào!"

Thế là cả ba - hai cậu bé và con chó - chạy ào lên đoạn thang dài uốn khúc.

Tôi chưa từng cho phép mình thương nhớ Buckley, sợ rằng nó có thể thấy bóng hình tôi hiện ra trong gương hay nắp chai. Như mọi người khác, tôi cố che chở em. "Nó còn bé quá mà", tôi nói với Franny. "Thế theo cháu thì lũ bạn mà bọn trẻ con vẫn tưởng tượng từ đâu mà ra?", bà vặn lại.

Hai cậu bé ngồi vài phút dưới bức phù điêu tấm bia mộ lông khung treo ngoài phòng ngủ của bố mẹ tôi. Của một ngôi mộ trong một nghĩa trang ở Luân Đôn. Mẹ kể cho Lindsay và tôi rằng bố mẹ tìm tranh treo tường; trong tuần trăng mật hai ông bà gặp một bà cụ chỉ cho cách in vỗ phù điêu mộ bia. Năm tôi lên mười, phần lớn phù điêu mộ bia này được đem cất dưới hầm, các mảng trống trên những bức tường ngoại ô của chúng tôi được trám bằng những bức đồ họa sặc sỡ mà người ta cho là sẽ kích thich trí tuệ của trẻ con. Nhưng Lindsay và tôi lại ưa các bức phù điêu mộ bia, nhất là bức treo trên chỗ cu Nate và Buckley ngồi xế trưa hôm đó.

Giá còn sống, tôi và Lindsey sẽ nằm dài trên sàn ngay dưới bức tranh đó. Tôi giả làm chàng hiệp sĩ trong tranh, còn Holiday là con chó trung thành nằm cuộn mình dưới chân chàng. Lindsey đóng vai cô vợ góa. Vở kịch luôn kết thúc bằng những tràng cười sặc sụa dù mở đầu trang nghiêm mấy đi nữa. Lindsey sẽ giãi bày với chàng hiệp sĩ quá cố rằng người vợ phải tiếp tục sống, không thể bị giam hãm cả phần đời còn lại bởi người chồng đã chết khô xác. Tôi bèn nổi cơn thịnh nộ, nhưng không đóng trò này được lâu. Cuối cùng cô vợ mô tả người tình mới của mình như sau: một gã đồ tể béo phị biếu nàng toàn thứ thịt thượng hạng, hay anh thợ rèn khéo tay biết làm cho nàng cái móc cài áo. "Hiệp sĩ ơi, chàng đã chết rồi," Lindsey nói. "Đã đến lúc em phải đi tiếp đây."

"Tối hôm quá chị tớ vô phòng hôn lên má tớ đấy," Buckley kể.

"Làm gì có chuyện đó"

"Có mà"

"Thật không?"

"Thật"

"Thế bồ có kể cho mẹ bồ không?"

"Đây là chuyện bí mật," Buckley bảo. "Chị Susie bảo là chị ấy chưa tiện trò chuyện với bố mẹ tớ. Có cái này nữa, bồ muốn xem không?"

"Có chứ", Nate nói.

Cả hai nhổm dậy đi về phía dãy phong ba chị em, để con Holiday nằm thiu ngủ dưới tấm phù điêu.

"Vào đây mà xem," Buckley nói.

Hai đứa vào phòng tôi. Tấm ảnh chụp mẹ tôi Lindsey đã lấy đi rồi. Ngẫm nghĩ một lúc em lại quay vào lấy luôn cả phù hiệu in hàng chữ "Hippy-Diddy gửi lời chào thắm thiết."

"Phòng của chị Susie," Nate nói.

Buckley đưa mấy ngón tay lên môi. Bé vẫn thấy mẹ ra hiệu như thế mỗi khi muốn chúng tôi đừng làm ồn, bây giờ bé cũng muốn Nate giữ yên lặng. Bé nằm sấp trên thảm, ra hiệu cho Nate làm theo, rồi hai đứa bắt chước Holiday bò dưới tấm khăn trải giường đến chỗ giấu đồ bí mật của tôi.

Mặt dưới tẩm vải bọc đệm lò xo bị thủng một lỗ, tôi mới nhét trong đó lỉnh kỉnh các thứ không muốn cho ai thấy. Tôi phải giấu, kẻo con Holiday cào toạc chỗ đó, móc rơi ra hết. Quả nhiên điều này xảy ra hai mươi bốn giờ sau khi tôi mất tích. Bố mẹ tôi đã lục tìm phòng tôi mong tìm được mấy lời giải thích, rồi để cửa ngỏ. Con Holiday đã tha đi mấy miếng kẹo dẻo cam thảo tôi cất trong đó. Mấy thứ tôi cất giấu nằm vưong vãi dưới gậm giường; trong số đó có một món chỉ có Buckley và Nate mới nhận ra được. Buckley giở chiếc khăn tay cũ của bố tôi; nó đấy, cái cành cây con dính máu.

Năm ngoái, thằng bé Buckley ba tuổi đã nuốt que cành cây con đó. Nate và bé đang chơi trò nhét sỏi và mũi trong vườn sau; rồi Buckley tìm thấy một cành con dưới gốc cây sồi, chỗ mẹ tôi buộc một đầu dây phơi quần áo. Nó ngậm que như người ta ngậm thuốc lá. Tôi ngồi ngoài hàng hiên trước cửa sổ phòng mình nhìn xuống trông chừng em, vừa tô móng chân bằn loại thuốc hồn tía pha kim nhũ của Clarissa vừa đọc tạp chí Tuổi mười bảy.

Tôi luôn bị giao nhiệm vụ trông chừng đứa em trai nhỏ. Lindsey được xem là chưa đủ lớn. Ngoài ra, cô nàng có bộ óc đầy sáng kiến, có nghĩa là cô nàng được rảnh rang làm những chuyện như dành cả buổi trưa hè hôm đó chỉ để vẽ chi li mắt một con ruồi trên giấy vẽ đồ thị với bộ bút màu chì 130 màu hiệu Prisma của cô nàng.

Ngoài trời không nóng lắm, lúc đó đang hè, và tôi định dùng thời gian phải bé chân ngồi nhà vào việc làm đẹp. Buổi sáng tôi đã tắm gội và xông hơi. Xong xuôi tôi ra hàng hiên ngồi hong tóc và tô móng chân.

Vừa tô xong lớp thuốc kim nhũ màu tía lần thức nhì thì có một con ruồi đậu trên que cọ của nắp lọ thuốc. Tôi nghe tiếng Nate kêu nhưn đang thách hay dọa gì đó, tôi liếc nhìn con ruồi để cố nhận ra những ô vuông trên mắt nó mà Lindsey đang tô vẽ trong nhà. Một làn gió thoảng qua khiến những sợi vải te tua của chiếc quần Jean cắt cụt áp sát vào đùi tôi.

"Chị Susie ơi, chị Susie!" Nate réo lên.

Tôi nhìn xuống thấy Buckley đang nằm lăn trên đất.

Tôi luôn kể cho Holly về chính cái ngày hôm ấy, khi chúng tôi trò chuyện về việc cứu nạn. Tôi tin là có thể được, còn cô nàng thì không.

Tôi xoay người, buông chân, chiu tọt qua cửa sổ đang mở, một chân hạ đúng xuống cái ghế đẩu để ngồi khâu vá, chân kia đặt lên tấm thảm bện, ngay trước bàn chân nọ, tôi quỳ xuống rồi phóng đi như một vận động viên điền kinh rời bệ. Tôi chạy dọc hành lang rồi theo cầu thang tuột xuống nhà dưới - bình thường chún tôi bị cấm làm thế. Tôi gọi Lindsey rồi quên em ngay, chạy qua chiếc cửa căng lưới ra vườn sau, nhảy phóc qua hàng rào chắn chó tới chỗ cây sồi.

Buckley bị nghẹt thở, người em co quắp, tôi bồng em đi trước vào ga-ra, nơi để chiếc Mustang quý giá của bố, Nate lẽo đẽo theo sau. Tôi từng quan sát bố mẹ lái xe, mẹ cũng đã chỏ tôi cách gài số lùi xe. Tôi đặt Buckley lên băng sau, mò chùm chìa khóa bố vẫn giấu trong lô chậu sành không dùng đến. Tôi phóng ào ào suốt đoạn đường đến bệnh viện. Tôi làm cháy mất phanh tay, nhưng hình như chẳng ai để ý đến chuyện đó.

"Nếu hôm đó không có cháu gái," sau này ông bác sĩ nói với mẹ tôi, "thì chắc là bà mất cậu bé này rồi."

Bà ngoại Lynn tiên đoán là tôi sẽ sống lâu vì đã cứu mạng em tôi. Như thường lệ, bà đã đoán sai.

"Lạ nhỉ", Nate thốt lên, cầm nhánh cây lên xem và lấy làm ngạc nhiên sao máu đỏ nay biến thành đen.

"Ừ, lạ thật," Buckley nói. Hồi tưởng lại bé thấy trong bụng trộn trạo. Nhớ lại những cơn đau, nhớ có gì thay đổi trên gương mặt những người lớn đứng quanh cái giường rộng thênh thang em nằm ở nhà thương. Em chỉ thấy nét mặt nghiêm trọng này một lần nữa thôi. Nhưng hồi em ở nhà thương, ánh mắt bố mẹ lúc đầu trĩu nặng lo âu, sau rạng rỡ và nhẹ nhõm khi ôm ấp em, còn bây giờ mắt bố mẹ chúng tôi thẫn thờ và sẽ mãi thẫn thờ.

Ngày hôm ấy trên thiên đường tôi thấy kiệt sức. Tôi lảo đảo bước về vọng lâu, mắt căng nhìn. Trời tối mịt, đối diện là một tòa nhà to sừng sững tôi chưa hề bước chân vào.

Thưở bé tôi tùng đọc truyện Cậu James và quả đào khổng lồ. Tòa nhà này trông giống ngôi nhà các bà dì của cậu ta, đồ sộ, ảm đảm, kiến trúc kiểu Victoria (1). Tòa nhà có gác vọng canh trên nóc (2). Trong một khoảnh khắc, lúc mắt tôi làm quen với bóng tối, tôi tưởng như nhìn thấy một hàng phụ nữ đứng trên hành lang chỉ tay về hướng tôi. Nhưng một loáng sau tôi lại thấy khác. Đó là một đàn quạ đen đậu thành hàng, ngậm những cành nhỏ cong cong. Lúc tôi đứng lên để đi về ngôi nhà hai căn của mình thì chúng cất cánh bay theo. Em trai tôi có thực hình thấy tôi không nhỉ, hay cậu bé chỉ kể lại những chuyện lý thú em tự đặt ra?

_______________

1. Nữ hoàng Victoria (1837-1901), đế quốc Anh bao la và thịnh vượng nhất dưới thời bà, nên đã có câu: "Mặt trời không bao giờ lặn trên vương quốc Anh".

2. Nguyên văn: "Widow's walk", là gác không mái che trên nóc cá nhà xây ở vùng ven biển để các bà vợ đứng ngóng ra khơi xem có tàu thuyền đi lưới của chồng mình về hay không.

Chương tám

Suốt ba tháng ròng tên Harvey chỉ nằm mơ toàn thấy nhà là nhà. Hắn thấy một khoảnh đất ở Nam Tư, nơi những ngôi nhà sàn mái rạ không chống nổi con nước lũ vũ bão nên bị cuốn trôi. Bầu trời trên cao một màu xanh lơ. Hắn thấy các ngôi nhà thờ gỗ xây dọc các vịnh hẹp và các vùng thung lũng nằm khuất phía sau của xứ Nauy, những khúc gỗ này xưa kia do chính các tay thợ đóng thuyền người Viking (1) chạm khắc. Hình tượng rồng và anh hùng của từng nơi được tạc lên gỗ. Nhưng chỉ có một toàn nhà ở vùng Vologda hắn hay mơ thấy nhất: đó là nhà thờ Chúa Biến Hình (2). Hắn đã nằm mơ thấy thế - giấc mơ hắn ưa nhất - vào buổi tối hôm hắn giết tôi và liên tục trong những đêm tiếp theo, cho đến khi những giấc mơ khác trở lại với hắn. Những giấc mơ không yên tĩnh - những giấc mơ về đàn bà và trẻ con.

Tôi có thể thấy ngược thời gian, trở lại lúc Harvey còn trong vòng tay bà mẹ, đăm đăm nhìn qua cái bàn đầy những mảnh thủy tinh đủ màu. Bố hắn phân loại, gom theo hình dạng, kích thước, độ dày và trọng lượng. Đôi mắt thợ kim hoàn của ông bố săm soi từng viên tìm tì vết. Rồi George Harvey quay sang dán mắt tìm viên đá quý quy nhất mẹ hắn đeo ở cổ, một viên mã não to hình bầu dục, chung quanh nạm bạc, trong đó có một con ruồi nguyen vẹn.

"Thợ xây cất," Harvey chỉ nói có thế, hồi hắn còn nhỏ. Sau đó hắn không trả lời nữa khi có ai hỏi bố hắn làm nghề gì. Làm sao hắn kể được rằng ông làm việc trong sa mạc, chuyên dựng lều lán tạm bợ với mảnh chai vụn và ván gỗ cũ? Bố hắn còn thuyết cho hắn một tràng về những đặc điểm của một tòa nhà hoàn chỉnh, về bí quyết để xây những công trình bền vững.

Quyển sổ ghi cũ kỹ của bố hắn là thứ Harvey lấy ra đọc mỗi khi những giấc mơ không yên tĩnh kia trở lại. Hắn đắm mình trong hình ảnh những nơi chốn và thế giới khác, cố ưa thích những gì thực tâm hắn không ưa thích. Thế rồi hắn bắt đầu mơ về lần cuối cùng thấy mẹ hắn, bà đang chạy băng qua cánh đồng ven đường. Mẹ hắn mặc toàn một màu trắng, từ quần kiểu Capri đến tấm áo chẽn, cổ áo cắt hình mỗi thuyền. Bố mẹ hắn cãi nhau lần cuối cùng trong chiếc xe ngột ngạt lúc chạy đến ngoại vi thành phố Truth or Consequences, bang New Mexico. Bố hắn tống mẹ hắn ra khỏi xe. George Harvey ngồi lì như hóa đá trên băng sau, mắt mở to, không sợ hãi vì đã hóa đá, theo dõi từ đầu đến cuối, như sau này hắn vẫn làm - giống như xem phim với tốc độ chậm. Mẹ hắn bỏ chạy không quay lại, dáng bà mảnh mai, trắng toát dần mất hút, trong khi con trai bà nắm sợi dây chuyền với mặt ngọc mã não bà rứt ra đưa cho hắn. Bố hắn trông chừng dòng xe trên đường rồi bảo: "Mẹ mày đi rồi, con ạ. Không về nữa đâu."

_____________

1. Viking: người Bắc Âu, đặc biệt là Đan Mạch. Nổi tiếng là cướp biển và cướp đất, từ thế kỷ 8 đến 11, gây kinh hoàng cho các nước láng giềng.

2. The Church of Transfiguration: tích chúa Giê-su biến hình ra cho ba vị tông đồ biết mình là Thiên chúa, (theo Tân Ước Mát-tê-ô, 17).

9

Bà ngoại đến nhà chúng tôi buổi tối trước hôm cử hành lễ tưởng niệm tôi, vẫn với cung cách như mọi khi. Bà thích thuê xe li-mu-din (1) đưa bà từ phi trường về, ngồi trong xe bà nhấm nháp rượu sâm-banh, trên người khoác cái bà gọi là "con thú lông dày tuyệt vời" của bà - chiếc áo lông chồn bà mua được ở quầy quần áo cũ nhà thờ họ đạo bày bán gây quỹ từ thiện. Bố mẹ tôi không mời bà mà chỉ rủ bà cùng đi với gia đình, nếu bà muốn dự buổi lễ. Cuối tháng Giêng thầy hiệu trưởng Caden nảy ra sáng kiến này. Ông bảo rằng " Buổi lễ sẽ gây tác động tốt cho các cháu của ông bà và cho cả học sinh toàn trường nữa". Ông đích thân tổ chức buổi lễ ở nhà thờ xứ đạo chúng tôi. Bố mẹ tôi như những kẻ mộng du, ông hỏi gì cũng đồng ý, gật đầu ưng thuận mọi đề nghị của ông, từ các thứ hoa ông chọn đến người đọc điếu văn. Khi mẹ tôi thưa chuyện này với bà ngoại qua điện thoại, bà ngạc nhiên khi nghe bà ngoại bảo "Mẹ sẽ đến".

"Nhưng mẹ không bắt buộc phải có mặt đâu."

Ở đầu dây bên kia bà ngoại lặng thinh một lúc. "Abigail này", bà nói, "đây là đám tang Susan cơ mà."

Bà ngoại Lynn đã làm mẹ tôi ngượng vì bà khăng khăng khoác cái áo lông cũ đi dạo quanh khu phố, và bà đã có lần son phấn quá đáng khi dự một buổi liên hoan trong khu phố. Bà hỏi đi hỏi lại mẹ tôi cho đến khi biết hết tên tuổi từng người láng giềng, hỏi mẹ đã nhìn tận mắt bên trong nhà họ chưa, ông chồng làm nghề gì, xe hơi hiệu gì. Bà lên một danh sách đầy đủ về các người hàng xóm. Bây giờ tôi mới rõ ràng đó là cách để bà hiểu con gái mình hơn. Bà bủa vây mẹ song tính toàn nhầm, khác nào một màn khiêu vũ não lòng vì không có người cùng nhảy.

"Jack-y", bà ngoại nói khi lại gần bố mẹ tôi đứng ở hiên trước, "Mẹ con mình phải uống chút gì mạnh mới được!" Rồi bà thấy Lindsey dang rón rén lẻn lên gác, cố vớt vát thêm ít phút trước màn chào hỏi bắt buộc . "Con bé này không ưa bà," bà ngoại Lynn nói. Bà cười gượng. Răng bà trắng và đều.

"Mẹ à", mẹ tôi kêu lên - tôi chỉ muốn lao vào trong đôi mắt đại dương đầy mát mát của mẹ - "con chắc cháu Lindsey chỉ định lên phòng thay áo xống cho tươm tất thôi mà."

"Làm gì có chuyện tươm tất ở cái nhà này!" bà ngoại đáp.

"Bà ngoại Lynn à," bố tôi nói, "nhà này không còn là ngôi nhà lần trước bà đến nữa đâu. Con đi lấy nước mời bà đây, nhưng xin bà tôn trọng điều đó."

"Anh trông vẫn bảnh trai gớm, Jack ạ," bà ngoại bảo.

Mẹ tôi đỡ lấy áo choàng của bà. Con Holiday bị nhốt trong phòng làm việc của bố ngay khi Buckley hét ầm từ vị trí quan sát của nó ở cửa sổ trên lầu: " Bà ngoại đến rồi!" Buckleu khoe với cu Nate bay bất kỳ ai chịu nghe rằng bà ngoại có những chiếc xe hơi to nhất thế giới.

"Trông mẹ vẫn duyên dáng quá," mẹ tôi nói.

"Hừm..." Lúc bố tôi đứng xa không thể nghe thấy được, bà hỏi, "Anh ấy hồi này ra sao?"

"Cả nhà phải đương đầu với khó khăn, nhưng không dễ mẹ ạ."

"Anh ấy vẫn cứ lẩm bẩm rằng tay nọ là hung thủ hay sao?"

"Vâng, nhà con vẫn tin như thế."

"Coi chừng bị kiện đấy con ạ," bà bảo.

"Nhà con không nói với ai điều này, ngoài cảnh sát ra."

Họ không thấy em gái tôi đang ngồi ở bậc thang trên cùng.

"Anh ấy đừng nên nói với ai. Mẹ hiểu anh ấy cần đổ lỗi cho người nào đấy, nhưng mà..."

"Bà Lynn ơi, 77 hay martini?" bố tôi hỏi lúc quay vào tiền sảnh.

"Thế anh uống gì nào?"

"Thật ra hồi này con không uống nữa," bố tôi đáp.

"Đó là chuyện của anh. Thôi để tôi tự liệu. Tôi biết rượu để đâu, không ai phải bảo!"

Không có bộ áo lông dày trông bà tôi gầy như que củi. Bà gọi đó là 'nhịn cho rạc người' khi cố vấn tôi năm tôi mười một tuổi. "Cháu phải nhịn đến rạc người ra, cưng ạ, trước khi phát phì. Ai bảo mình mũm mĩm là có ý chê mình xấu đấy." Bà và mẹ tôi đã đôi co về chuyện tôi đã đủ lớn chưa để dùng Benzedrin (2) - mà bà gọi là thuốc cứu tinh thiết thân của bà, khi nói: " Tôi tặng cho con gái chị món thuốc cứu tinh của tôi, mà chị không chịu ư?"

Hôi tôi còn sống, chuyện gì bà ngoại tôi làm cũng đều dở hết. Nhưng chuyện lạ đã xảy ra ngày hôm ấy, khi bà đến trong chiến li-mu-din có tài xế lái, mở cửa nhà chúng tôi, xộc vào. Với bộ trang phục diêm dúa kệch cỡm của mình bà đã đem ánh sáng trở lại ngôi nhà của chúng tôi.

"Phải giúp con mới được, Abignail ạ," bà tôi nói sau khi thưởng thức bữa ăn đàng hoàng mẹ tôi nấu lần đầu tiên kể từ hôm tôi mất tích. Mẹ tôi sửng sốt. Mẹ đã xỏ đổi găng xanh da trời dùng rửa bát, cho đầy nước xà-bông vào bồn, dợm rửa từng cái. Lindsey sẽ lau khô. Mẹ tôi đinh ninh bà ngoại sẽ bảo ông con rể Jack rót cho bà một ly rượu uống cho tiêu.

"Ô, mẹ dễ thương quá."

"Có gì đâu," bà bảo. "Mẹ chạy ù ra tiền sảnh tìm cái túi thần đã."

"Trời đất ơi!", tôi nghe mẹ nói trong hơi thở.

"A, phải rồi, cái túi thần," Lyndsey reo lên - suốt bữa ăn em không nói năng gì.

"Thôi mà, con xin mẹ!" mẹ tôi phản đối, khi bà ngoại Lynn quay vào.

"Nào, mấy đứa dọn sạch bàn rồi đưa mẹ các cháu lại đây. Bà sẽ tân trang cho mẹ."

"Mẹ đừng có điên. Con còn phải rửa cả đống bát đĩa đây này."

"Abigail", bố tôi xen vào.

"Không được đâu. Mẹ có thể dụ anh uống say, nhưng bà đừng hòng đến gần em với những dụng cụ tra tấn này."

"Anh đâu có say," bố trả lời.

"Anh đang cười đấy thôi," mẹ tôi bảo.

"Vậy con hãy kiện anh ấy đi," bà ngoại Lynn bảo.

"Buckley đâu, nắm tay lôi mẹ lại đây cho bà." Em trai tôi vâng lời. Em thích thú thấy mẹ bị người khác ra lệnh và thúc ép.

"Bà ngoại Lynn này?" Lyndsey e dè hỏi bà.

Mẹ tôi bị Buckley kéo đến chiếc ghê bà ngoại đã xoay đối diện với bà.

"Gì vậy, cháu?"

"Bà dạy cháu cách trang điểm được không?"

"Lạy chúa cả trên trời, ơn chúa, được chứ sao không?"

Mẹ tôi ngồi xuống ghé, buckley leo ngồi trên lòng bà. "Có chuyện gì vậy hở mẹ?"

"Em đang cười phải không, Abbie?" Bố tôi tủm tỉm.

Đúng thế. Mẹ cười mà nước mắt tuôn rơi.

"Susie là đứa bé ngoan, con ạ," bà ngoại Lyn bảo mẹ.

"Như con vậy." Bà nói luôn một mạch. "Nào, ngẩng cằm lên cho mẹ nhìn kỹ mấy cái bọng mắt xem."

Buckley leo xuống rồi lại leo lên chiếc ghế khác. "Lyndsey à, đây là que uốn lông mi," bà giảng giải. "Bà đã chỉ cho mẹ các cháu hết mấy thứ này rồi."

"Clarissa cũng dùng mấy thứ này," Lyndsey bảo.

Bà ngoại kẹp lên mỗi bên mắt mẹ tôi một hàng mi giả bằng cao su, mẹ tôi biết thủ thuật này nên ngước mắt nhìn lên.

"Con nói chuyện với Clarissa chưa?", bố tôi hỏi.

"Đúng ra thì chưa," Lyndsey trả lời. "Chị ấy hay cặp kè với Brian Nelson. Hai người trốn học nhiều đến nỗi bị phạt cấm cửa ba ngày."

"Bố không ngờ Clarissa lại thế," bố tôi nói. "So với đám bạn cùng nhóm thì cô bé không phải đứa lanh lợi nhất, nhưng trước giờ chưa từng làm gì bê bối."

"Mới đây con tình cờ gặp thì chị ấy sặc mùi cần sa."

"Mong cháu đừng vướng vào mấy thứ đó," bà ngoại Lynn nói. Bà nốc cạn chỗ rượu 77 rồi dằn mạnh cốc rượu cao nghệu xuống bàn, "Xem này, Lyndsey, cháu có thấy khi lông mi cong lên trông mắt mẹ cháu to hơn không?"

Lyndsey cố hình dung diềm mi mắt mình nhưng lại chỉ thấy hiện ra hàng lông mi rồi như chùm sao của Samuel Heckler lúc cậu ta ghé sát mặt để hôn mình. Tròng mắt em mở lớn ra, động đậy liên tục như hai trái ô-liu nhỏ hung hăng.

"Bà thật không ngờ đấy," bà ngoại Lynn vừa nói vừa chống nạnh, một tay vẫn nắm hai cái cán kỳ cục của que kẹp lông mi.

"Sao ạ?"

"Lyndsey Salmon à, cháu có bồ rồi," bà tôi thông báo cho cả nhà.

Bố tôi tủm tỉm cười. Bỗng dưng ông thấy có cảm tình với bà. Tôi cũng thế.

"Làm gì có," Lyndsey chối.

Bà ngoại sắp lên tiếng thì mẹ tôi thì thào: "Có mà"

"Xin chúa phù hộ cháu, cưng à," bà nói, "cháu nên có bồ. Lo cho mẹ cháu xong bà sẽ trang điểm cho cháu, đặc biệt kiểu bà ngoại Lynn. Anh Jack, cho mẹ xin một ly rượu khai vị."

"Rượu khai vị là thứ mà mẹ..." mẹ tôi lên tiếng.

"Thôi đừng sửa lưng mẹ, Abignail ạ."

Bà tôi uống đến say mèm. Bà đã biến mặt mũi Lindsey thành như hề, hay như chính bà ngoại Lynn nói, là "gái điếm thượng lưu." Còn bố tôi được bà tặng cho danh hiệu "ma men thanh lịch." Điều đáng ngạc nhiên nhất là mẹ tôi đi ngủ, bỏ mặc đống bát đĩa chưa rửa trong bồn.

------------------

1. Limousine: loại xe dài, sang trọng.

2. Benzedrin: tên hiệu thuốc của Amphetamine, chất kích thích hệ thần kinh trung ương.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro