MOTS

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

> Lan tỏa nhịp đập hiện sinh
TL;DR: Đây là những gì mình đã chia sẻ ở Radio Sunday Night cùng Just, là tóm gọn một phần những suy nghĩ của mình về MOTS, có khá nhiều điều mình muốn triển khai chi tiết hơn nữa (như cấu trúc 3 hồi của 7 chẳng hạn) mà lúc đó chưa có giải thích kỹ càng được nên mình sẽ viết thêm ở một bài viết khác nhé.

Chắc hẳn mọi người không còn xa lạ gì với thông điệp của Bighit nói chung và Bangtan nói riêng, “Music & Artist for healing”, âm nhạc và nghệ sĩ mang đến sự chữa lành. Cá nhân mình cho rằng không có đau thương thì sẽ không có chữa lành. Như trước đây mình đã viết trên blog thế này, mỗi bài hát của Bangtan phóng chiếu lại một con người nào đó trong vô vàn những con người nằm trong mẫu chung mang tên “nhân loại”. Và những người đã từng trải qua những cảm xúc trong bài hát đó, bản thân họ một lúc nào đó cũng từng là con người bên trong bài hát đó, vậy nên họ cảm thấy được đồng cảm và yêu thích Bangtan nhiều hơn. Cái sự phóng chiếu này nó không bị giới hạn bởi không gian và thời gian, bởi vì bất cứ thời điểm nào trong suốt hành trình 8 năm của Bangtan, mình chắc chắn rằng luôn có ai đó đang được những bài hát ấy chạm đến trái tim. Vậy nên hôm nay, mình muốn lan tỏa một chút nhịp đập đó.

Có nhiều đánh giá và nhận định về thế hệ trẻ ngày nay, phần lớn trong số đó xoay quanh việc tại sao những người trẻ lại nói quá nhiều về chuyện bị khủng hoảng, bị tổn thương nhiều đến thế, thế hệ trước có như vậy đâu? Vấn đề này đối với bản thân mình nó giống như một mồi lửa cháy âm ỉ không bao giờ tắt, chỉ cần có một tác động nho nhỏ là sẽ bùng lên trở thành một đám cháy khó dập. Có người nói thế này, không chỉ là thế hệ trẻ, mà nhân loại ai cũng có thể bị khủng hoảng. Chỉ là xã hội càng phát triển tụi mình lại càng thành thật với sự khủng hoảng mà thôi.

Mình là một đứa sắp phải bước sang tuổi 20. Ở cái độ tuổi vừa mới trở thành người lớn này, bỗng dưng có được tự do để làm những gì mình thích mà không còn bố mẹ bao bọc là một điều gì đấy rất mới mẻ. Tự quyết định cách sống của bản thân, tự quyết định rằng mình sẽ trở thành ai, mình sẽ làm gì và làm như thế nào, rất tự do, cũng rất bỡ ngỡ. Cảm giác ấy nó giống như hồi bé mình bị ép đi ngủ trưa dù không muốn, nhưng lớn lên lại rất khát vọng những giấc ngủ đó. Mình không biết chính xác phải làm gì, không biết làm thế nào là đúng, đôi khi chỉ muốn quay lại như ngày bé được bố mẹ chở che. Và mình biết không chỉ có bản thân mình là như thế, khủng hoảng mục đích sống, thèm khát một nơi nào đó vững vàng để được dựa vào. Cơn khủng hoảng ấy nó như quả táo treo trên cành cây, lớn dần theo cuộc sống của mỗi người. Và một lúc nào đó, như Newton giật mình nhận ra quả táo rơi xuống đất chứ không phải bay lên trời, thì tụi mình bị khủng hoảng hiện sinh rơi vào đầu.

Cụm từ “khủng hoảng hiện sinh” xuất hiện từ những năm 30 của thế kỷ XX khi người ta nói về chủ nghĩa phát xít và mối đe dọa diệt chủng người Do Thái. Khi ấy, khủng hoảng hiện sinh được sử dụng theo đúng nghĩa đen của nó là khủng hoảng về sự sống còn để mô tả quá trình người Do Thái cố gắng sống sót dưới thời của Hitler. Đến năm 1970, bác sĩ người Đức Erikson chính thức nghiên cứu khủng hoảng hiện sinh qua lăng kính tâm lý học, ông đã đặt cho nó một tên gọi khác là “khủng hoảng danh tính”, cơn khủng hoảng của những con người đang xác định ý nghĩa tồn tại của bản thân trong cuộc đời. Từ đó, người ta dùng cụm từ “khủng hoảng hiện sinh” để nói đến những cảm giác lo lắng về ý nghĩa, lựa chọn và sự tự do trong cuộc sống. Người nào đang trải qua khủng hoảng hiện sinh sẽ cho rằng cuộc sống vốn vô nghĩa và sự tồn tại của chúng ta cũng như vậy, rồi một ngày nào đó chúng ta sẽ đều phải chết.

Thuật ngữ khủng hoảng hiện sinh còn có mối liên hệ mật thiết với chủ nghĩa hiện sinh, và để nói sâu hơn về chủ nghĩa hiện sinh thì khá là mất thời gian, mà mình thì không có ý định giảng giải về triết học trong một buổi radio đầy ý nghĩa như thế này rồi. Bởi vì chúng mình đã quá buồn ngủ với những bài học kiểu đó, như triết gia Friedrich Nietzsche đã nói ấy, “Phúc cho những người buồn ngủ, vì họ sẽ sớm ngủ gật”, đâu có ai trong tụi mình muốn ngủ gật vào lúc này đâu. Chúng ta nên tiếp cận chuyện này theo một cách khác, một cách gần gũi hơn bằng âm nhạc của Bangtan.

Với đánh giá từ góc độ cá nhân, mình cho rằng Map Of The Soul là những album thú vị tràn đầy những khía cạnh triết học, và trong đó có một bài hát rất hay để nói tổng quát về triết lý hiện sinh mà chắc hẳn ai trong số tụi mình cũng dễ dàng nhận ra, đó là Mikrokosmos với những câu hát thế này:

“Có ánh sáng là hoài bão
Có ánh sáng là sự lang thang
Ánh đèn của mỗi người
Tất thảy đều quý giá”

“Một lịch sử cho mỗi đời người
Một ngôi sao cho mỗi con người
Tỏa rạng với bảy tỷ nguồn sáng
Là bảy tỷ thế giới khác nhau”

Mỗi con người trong số chúng mình là một nguồn sáng, nguồn sáng đó được trao cho bản thân mỗi người chứ không phải ai khác, bởi tự chúng ta có quyền tự do và quyền định đoạt bản thân, không một ai có thể can thiệp vào việc đó. Chủ nghĩa hiện sinh cho rằng con người không được định nghĩa bởi một cái gì đó bên ngoài, bởi nếu có định nghĩa thì tất cả chúng ta đều chỉ là một thực thể sinh vật nào đó có trí thông minh, thế thì hóa ra nguồn sáng trao cho ai cũng sẽ như nhau cả à? Thay vào đó, tụi mình được định nghĩa bởi chính sự tồn tại của chúng mình, bằng những gì mình làm và nơi mình ở. Giống như một nguồn sáng có thể bừng sáng rực rỡ, cũng có thể êm ái dịu dàng tùy vào người sở hữu nó vậy. 

Nhưng sẽ có một lúc nào đấy chúng mình chẳng thấy rõ nguồn sáng trong tay có màu gì, thậm chí còn chẳng thấy nó sáng nữa, nó cũng giống như việc chẳng hiểu rõ mục đích sống của bản thân, nằm trên giường nhìn lên trần nhà thôi cũng thấy bất an về việc mình đang tồn tại. Tụi mình bắt đầu sự khủng hoảng ấy bằng những câu hỏi về bản thân, rằng mình thật sự là ai, đối với bản thân mình cũng như đối với cuộc đời. Và Bangtan cũng không phải ngoại lệ, họ bắt đầu kể lại câu chuyện về sự khủng hoảng ấy qua Persona như thế này:

“”Tôi là ai” chính là câu hỏi tôi đã tự vấn suốt cả đời mình
Cũng chính là câu hỏi mà chắc cả đời tôi cũng chẳng thể tìm được đáp án
Và nếu tôi có thể trả lời câu hỏi ấy chỉ với vài từ đơn thuần
Vậy chắc là Chúa đã không tạo ra hết thảy những điều đẹp đẽ trong cuộc sống rồi”

Mong muốn được tranh luận về sự tồn tại của bản thân xuất hiện ở hầu hết con người. Ở bản thân mình, cũng như ở những bạn Ami có mặt ở đây, sẽ luôn luôn có một lúc nào đó ai đó trong số chúng mình tự hỏi rằng “Tại sao mình lại được sinh ra nhỉ?”. Và câu hỏi đó thì quá khó để trả lời, mà càng khó thì tụi mình lại càng trăn trở nhiều hơn, càng không còn cảm thấy hài lòng về bản thân, mất niềm tin vào những giá trị mình cố gắng tạo dựng, phải đối đầu với cảm giác về tầm quan trọng của bản thân trong khi không còn hứng thú đối với tương lai của chính mình. Cái khoảng thời gian mà chúng mình vẫn hay gọi là “khủng hoảng tuổi 20”, “khủng hoảng tuổi 27”, “khủng hoảng tiền hôn nhân”, “Khủng hoảng hậu hôn nhân”, “mất phương hướng”, ”không có đam mê”, “trống rỗng”,... chính là nó đấy thôi. Chủ nghĩa hiện sinh cho rằng tất cả chúng ta đều có quyền tự do lựa chọn trong cuộc sống, và sự tự do ấy cũng đi cùng với trách nhiệm. Như mình đã chia sẻ về câu chuyện giấc ngủ trưa ấy. Vào lúc mà tụi mình không còn bị bố mẹ bắt phải đi ngủ trưa nữa, tụi mình được tự do quản lý giấc ngủ đó, nhưng đó cũng là lúc tụi mình phải gánh trách nhiệm trên vai, và chẳng mấy bất ngờ khi phải tự tay hy sinh khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi đó. Đó là lúc sự tự do dẫn tới tuyệt vọng, và trách nhiệm thì dắt theo file đính kèm mang tên “lo lắng”. Tụi mình chẳng biết thế nào là “đúng đắn”, đi ngủ trưa mặc kệ trách nhiệm hay là hy sinh lợi ích của chính mình?

Và đó là lúc tụi mình cố gắng chạy trốn, như kiểu Boy With Luv đã phải hát như thế này:

“Tôi sẽ thẳng thắn với bạn
Rằng đôi khi tôi cảm thấy hơi ngột ngạt
Lạc lối trên bầu trời cao rộng, nơi khán đài thênh thang
Rằng đôi khi tôi nguyện cầu được cao chạy xa bay”

Cơn khủng hoảng hiện sinh rơi vào đầu tụi mình khác quả táo của Newton ở chỗ: Nếu quả táo khiến Newton phải lao đầu vào nghiên cứu và chứng minh cho cả thế giới về một điều rất lớn lao, thì cơn khủng hoảng biến tụi mình thành một mớ rối bòng bong hỏng tứ tung, chỉ muốn biến mất khỏi hoàn cảnh hiện tại. Đó là một vấn đề rất đời thật, cũng rất con người mà ai cũng có thể liên hệ được thể hiện trong album Map Of The Soul: Persona.

Nghe đến đây chắc là các bạn cũng đang bắt đầu tự hỏi kiểu “Ừ vậy đó là khủng hoảng hiện sinh hả, hiểu hiểu, nhưng mà khủng hoảng quá rồi, giờ sao?”.

Thì để đối mặt với khủng hoảng hiện sinh, các cụ có câu thế này “Biết địch biết ta trăm trận trăm tháng”, hiểu được bản thân là coi như đã là bước đầu để có thể vượt qua cơn khủng hoảng rồi, nhưng không phải ai cũng làm được điều đó. Bởi vì hiểu được bản thân chưa bao giờ là điều dễ dàng. Về phía cá nhân mình, mình có 2 cách để hiểu về bản thân. Thứ nhất là người khác nhìn nhận mình như thế nào? Thứ hai là bản thân mình tự nhìn nhận mình ra sao?

Cái cách thứ nhất, thì ở đây mọi người có thể thấy đây là hai hình ảnh từ MV Boy With Luv. Trong Boy With Luv, Bangtan được định danh là những chàng trai với tấm lòng yêu thương, không phải một người nào đó to tát lớn lao quan tâm đến hòa bình hay trật tự thế giới, họ chỉ có tình yêu mà thôi. Và cũng qua bài thơ nói về những điều nhỏ bé hạnh phúc trong cuộc sống này, ARMY được định danh qua tình yêu.

“Tôi đã chẳng hề biết sức mạnh là gì
Tôi đã chẳng hề biết tình yêu là gì
Nhưng bạn đã dạy tôi cách sử dụng sức mạnh
Nhưng bạn đã dạy tôi cách sử dụng yêu thương
Bạn trao cho tôi sức mạnh
Bạn trao cho tôi tình yêu
Nên giờ tôi đã là một người hùng
Nên giờ tôi đã là một chàng trai mang theo yêu thương
Tôi sẽ cho bạn thấy tấm bản đồ của tâm hồn
Tôi sẽ cho bạn thấy ước mơ” (VCR MAMA 2018)

Thông qua việc định danh người khác và được người khác định danh, tụi mình dần dần xác định được ý nghĩa của mình trong cuộc sống này, thông qua đó mang theo sự yêu thương, bao gồm cả việc yêu thương bản thân để bắt đầu khám phá bản đồ tâm hồn, tự mình trả lời cho câu hỏi bản thân thực sự là ai.

Để trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai” của Persona, 7 đã bắt đầu với Interlude: Shadow bằng một câu như thế này:

“Tôi muốn là chính mình’’

Trong ca khúc này, SUGA đang đối thoại với nội tâm bên trong của bản thân, thẳng thắn đề cập đến những sự khủng hoảng bản thân phải đối mặt khi ngày càng tiến xa hơn, đó chính là việc gánh nặng và trách nhiệm càng ngày càng nặng nề. Nó đã đi sâu vào trong bản chất thực sự của cơn khủng hoảng, bản chất thực sự của cuộc sống, thứ đã khiến cho người ta phải lo lắng. Cứ thừa nhận và chấp nhận nó thôi, chấp nhận một bản thân mình như vậy, dù điều đó vô cùng khó khăn, nhưng mà chấp nhận được rồi thì sẽ thấy thoải mái hơn nhiều. Cảm giác giống như một ngày nào đó tụi mình cảm thấy việc ngủ dậy mỗi sáng gây áp lực nhiều quá, thì cứ nghĩ kiểu “Nhưng đằng nào chả phải dậy”, coi nó là một điều đương nhiên thì sẽ bớt đi được một nỗi phiền muộn ấy mà.

Chúng mình đã bàn về bản đồ tâm hồn kha khá rồi nhỉ, từ hồi Persona mới ra mắt, nên giờ cũng không cần phải nhắc lại chi tiết hay đi sâu vào những nguyên mẫu làm gì nữa. Nhưng có một vấn đề cần lưu ý ở đây hôm nay, ấy là Carl Jung thường mô tả vùng sâu nhất của tâm hồn – self – như một vòng tròn đầy đủ. Và hành trình tìm kiếm bản đồ tâm hồn cũng như vậy. Tụi mình sẽ đi một vòng tròn, để thấy điểm bắt đầu cũng chính là điểm kết thúc, đi hết một vòng là hết hành trình, chưa yên tâm thì đi thêm một lần, hai lần, ba lần nữa là được. Thì vòng tròn ấy cũng xuất hiện ở trong Map Of The Soul: 7. Mình sẽ không nói hết về tất cả các bài hát trong album mà chỉ điểm qua một số vấn đề chủ chốt như thế này. 7 được xây dựng theo cấu trúc 3 hồi, hồi thứ nhất kể về câu chuyện trong quá khứ, hồi thứ hai phản ánh hiện tại và hồi thứ ba hướng đến tương lai, mọi người có thể thấy rõ điều đấy trong 4 bài hát của vocal line.

“Mỗi ngày trôi qua tớ trở thành con người mới cũng chỉ vì cậu đó
Sẽ chẳng còn thú vị khi ngày qua ngày tớ vẫn là một bản sao như vậy”

Đây là một câu hát trong Filter của Jimin, là lời tâm sự của cậu ấy, cũng là thực tế của con người. Cơ thể con người có hơn 10 nghìn tỷ tế bào, và mỗi ngày những tế bào trong chúng ta phải chịu hàng chục ngàn tổn thương DNA, mỗi ngày lại có hơn 300 tỷ tế bào chết đi và được thay mới. Mỗi một ngày trôi qua như thế, chúng mình đã thay đổi đi một phần, trở thành một con người mới nhưng cũng vẫn là bản thân trước đó, chỉ là đã đi qua một sự kiện và giai đoạn nào đó rồi trở thành một phiên bản tốt hơn mà thôi, nhưng mình vẫn là mình, một bản thân mình trọn vẹn.

“Lần thứ nhất cho hiện tại
Lần thứ hai cho quá khứ”

Cách biệt thời gian là chủ đề chính trong My Time của Jungkook. Đó là một câu chuyện đầy vội vã về một cậu con trai đã mạnh mẽ trưởng thành từ một thực tập sinh 15 tuổi năm ấy. Trải qua rất nhiều điều, cũng đã bỏ lỡ rất nhiều điều, phải lớn lên quá sớm đến mức không định hình được đâu là nơi mình thuộc về, đâu là thời gian của riêng mình. Để rồi tạo nên một cuộc đối thoại giữa bản thân trong quá khứ và hiện tại.

“Sẽ không sao đâu mà
Vì tớ của ngày hôm nay vẫn ổn
Cậu trai của ngày hôm qua
Ngay lúc này tớ nhìn thấy hết thảy”

Một thiếu niên đã chạy một quãng đường đầy khó khăn để trở thành một bản thân của hiện tại là câu chuyện được kể trong Inner Child. Thiếu niên của quá khứ ấy đầy rẫy những vết thương, nhưng những vết thương ấy lại trở thành niềm hạnh phúc vỗ về và an ủi chàng trai trưởng thành của hiện tại.

Và rồi đến Moon, là câu chuyện về những con người sánh vai nhau đi từ quá khứ đến tương lai.

“Kể cả lúc tổn thương
Sánh bên tôi rạng rỡ, chỉ có riêng mỗi cậu
Hơn tất thảy ngôn từ
Hơn cả lời cảm kích
Tôi sẽ ở bên cậu”

Những cấu trúc này đã tạo thành một vòng tròn thời gian, đi từ quá khứ đến hiện tại, hiện tại đến tương lai, để rồi câu trả lời cho tương lai lại nằm ở quá khứ. Đây chính là bản đồ của tâm hồn, khi những hiểu biết và trải nghiệm trong quá khứ tạo nên bản thân mỗi người ở hiện tại, và những gì tụi mình làm ở hiện tại sẽ là thứ định hình tương lai. Và cái kết của Map Of The Soul, Outro: Ego cũng chính là câu trả lời cho cơn khủng hoảng hiện sinh mà hầu hết mọi người đều phải đối mặt ít nhất một lần trong đời.

“Chỉ cần tôi tin tưởng chính mình
Con đường tôi tin tưởng
Con đường tôi bước đi
Dần trở thành định mệnh của tôi
Cũng trở thành giá trị của tôi”

Hành trình kiếm tìm bản đồ tâm hồn cũng là hành trình tụi mình xác định lại danh tính của bản thân, vẽ nên ý nghĩa của tụi mình trong cuộc sống này. Mình từng cho rằng bản thân là trung tâm của thế giới này, là người được chọn, là nhân vật chính còn tất cả mọi người đều là nhân vật phụ được tạo ra để vũ trụ xoay quanh mình. Cơn khủng hoảng hiện sinh ập đến là lúc mình thấy rằng bản thân mình cũng chỉ là một vai phụ trên cuộc đời này, nhận ra rằng bản thân mình quá ảo tưởng. Nhưng như lời bài hát của Mikrokosmos đó, “Ta tỏa sáng theo cách của riêng mình”, mỗi người đều là nhân vật chính trong cuộc đời của chính họ. Mình không đặc biệt nhất, nhưng mình vẫn luôn là một phiên bản giới hạn.

Đây là một số điều mình muốn nói về Map Of The Soul ở radio ngày hôm nay, vẫn còn khá nhiều thứ mình chưa thể nhắc đến cũng như chưa thể nói sâu hơn nhưng thời gian có hạn nên mình sẽ dừng lại ở đây.

_________________
* Các bản dịch được trích thuộc về JustBangtanvn và Young Forever
* Ảnh là từ slide Just chuẩn bị cho mình

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#prv