moonchild

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Về Moonchild (I)

CẢNH BÁO: Thay vì nỗ lực lý giải mọi thứ đã diễn ra trong trí óc J (một điều mà tôi có thể chắc rằng mình sẽ không bao giờ làm được), tôi chỉ đang cố gắng nói về những gì tôi nhận được. (Tranh thủ chưa có nhạc mới và các bạn đi xem concert hết rồi)

Phần I. Trời, trăng, nỗi đau vận mệnh và ta sáng vì đâu?

Sẽ rõ ràng hơn nếu tôi nhận định về Moonchild thông qua hai khái niệm mà theo tôi (về sau xin cắt bớt cụm này ở nhiều chỗ đáng ra phải xuất hiện) là hai mặt của thế giới và là cội nguồn khởi sinh ra bài hát: “Moon” - “trăng” và “Sun” - “trời”.

“Ta chào đời giữa ánh trăng. Chẳng phải một ảo tưởng.
Không thở nổi giữa nắng trời. Phải giấu kín con tim.”
(Moonchild)

Moonchild đã bắt đầu bằng một sự trái khoáy mà không hề trái khoáy.

Trái khoáy ở chỗ thông thường, mặt trời vẫn xuất hiện như biểu tượng của những điều vui vẻ, rõ ràng còn mặt trăng mang tính mơ hồ, thiếu chân thực. Với Moonchild, trăng lại là bắt đầu cuộc sống, là chân thực. Ngược lại, trời cướp đi hơi thở và cuộc sống, là phần thiếu chân thực.

Điều không trái khoáy ở đây là có vẻ như sự đảo ngược này lại phù hợp với chúng ta hơn là vị trí thường gặp của trăng và trời.

[Trời]

Hãy nói về đời ta dưới nắng trời - cuộc sống ở nơi rành rõ khi trời trên cao và con người xung quanh đều soi lấy ta, khi ta được đưa vào một guồng sống không của riêng mình mà của vạn ngàn người khác. Xã hội đang dẫn từng cá nhân vào một hệ thống sống như những cuộc đua nối tiếp. Chúng ta phải cố gắng rất nhiều, làm rất mau chóng để đáp ứng được những yêu cầu của xã hội. Khung thời gian của xã hội đặt lên ta thời hạn để chuẩn bị xong bằng cấp, thời hạn có công ăn việc làm, độ tuổi phải lập gia đình, tuổi phải sinh con đẻ cái, tuổi phải có nơi ở ổn định và phương tiện đi lại, tuổi phụng dưỡng cha mẹ… Quy chuẩn của số đông áp rằng ta phải trở thành một người với những đặc điểm được cho là đúng với những cái danh ta mang: đàn ông, đàn bà, học sinh, người làm công, ông chủ, con cái, mẹ cha,... Ở mỗi cộng đồng đều có những cách vận hành riêng. Không bắt kịp cộng đồng ta đang sống thì sẽ bị đào thải. Không ai muốn bị bỏ lại phía sau. Vậy là dưới mặt trời, đời dài ngắn ra sao chưa biết, nhưng bằng mọi cách, người ta phải chạy theo quy luật xã hội.

Không ngoại lệ, thậm chí nên được cho là điển hình, nơi J sống là sàn diễn của một nền công nghiệp giải trí, điểm đậu neo của trăm ngàn chuẩn mực từ ngoại hình đến nhân cách; là Hàn Quốc, đất nước nổi tiếng với văn hóa nhanh lên (nhanh nhanh/ppalli - ppalli). Hàn Quốc đã vận động với một tốc độ chóng mặt trong nhiều năm để đuổi kịp các đất nước có nền kinh tế phát triển hơn. Nhờ đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghệ, xây dựng, giáo dục,... đất nước này đã chuyển mình từ một nơi bị chiến tranh tàn phá thành một cường quốc kinh tế. Trong tác phẩm Way Back into Korea, nhà nhân chủng học Kim Choong-soon đã viết: “Ppalli-ppalli không chỉ là một phần trong đời sống hàng ngày của người Hàn Quốc, tính khẩn trương được khắc sâu vào tâm trí của họ như một giá trị cơ bản.” “Giá trị cơ bản” ở đây còn có thể được lý giải rằng mỗi cá nhân đều được yêu cầu phải đạt được sự nhanh chóng này để đáp ứng được kỳ vọng của xã hội và chỉ có vậy mới có thể trở thành phù hợp với xã hội.

Nói về những bước chân “nhanh”, J từng viết:

“Dù hôm nay, tôi vẫn sống vậy thôi
Chân đưa nhanh, như lẽ thường mòn bước
Có mặt trời bóp hơi thở chết nghẹt
Và thế gian lột tôi tới trần truồng.”
(4 O’clock)

Cũng giống như những đất nước bị ảnh hưởng bởi Nho giáo khác bao gồm cả Việt Nam, luân lý đạo đức tại Hàn Quốc nhấn mạnh bổn phận, sự hoàn thiện nhân cách, quan hệ viên mãn giữa con người với nhau, sự hài hòa của tập đoàn hay cộng đồng trong sinh hoạt xã hội. Sự độc lập, tính tự do và tự phát triển của cá nhân là thứ ít được chú trọng hơn.

Việc chạy theo những chuẩn mực do xã hội đặt ra sẽ cản trở chúng ta phát triển những tố chất bên trong. Sự gay gắt mà mặt trời, hay nói đúng hơn là xã hội rọi xuống đã rút đi hơi thở con người trong cả 4 O’clock và Moonchild. Khi con người phải tốn quá nhiều phần đời mình để đi theo những đường ray định sẵn, phải dành quá nhiều để bắt kịp guồng quay của mặt trời, sự tồn tại của con người vẫn còn đó nhưng một phần sự sống, một phần con người thật sự  thật sự bị bóp ứ lại, bị giấu kín đi, không thể thoát ra ngoài: “Không thở nổi”, “bóp hơi thở chết nghẹt”, “giấu kín con tim”. Ở nơi rành rõ như dưới mặt trời, ta không được sống với một ta đầy đủ là ta. Ở nơi này, ta chỉ có thể giương ra những phần trong mình mà được xã hội công nhận, đúng hơn là những phần mà ta lựa chọn mang ra ánh sáng như một sự đảm bảo cho bản thân được tồn tại trong xã hội.

[Moon]

“...Có mặt trời bóp hơi thở chết nghẹt
Và thế gian lột tôi tới trần truồng.
Tôi đành vậy vì không còn cách khác
Dưới trăng rọi, nhặt vụn vỡ thân tôi.”
(4 O’clock)

Trăng lên khi trời xuống. Moonchild - Những đứa con của mặt trăng là những kẻ cần một ánh trăng, cần màn đêm, để được phần nào giải phóng khỏi mặt trời. Ở thế giới của mặt trời, mọi thứ phải đúng, tốt và phù hợp với số đông hoặc với kỳ vọng của ta về hình ảnh của mình trong mắt số đông. Ở thế giới của trăng, J nhìn vào những phần trong ta mà dưới guồng quay của mặt trời, ta không được phép hoặc không có thời giờ đến đối diện. Mà trước hết, biểu hiện của chúng là buồn đau.

“Ta sinh ra để buồn, buồn
Trầy trật để được vui, vui.
Hỡi tất cả những đứa con mặt trăng,
Lẽ đời phải vậy
Tất cả nỗi đau, tất cả muộn phiền
Nhìn xem, là định mệnh cho ta.
Cậu và đời tôi đều như vậy
Ta phải nhảy múa giữa cơn mưa
Nhảy múa giữa cơn đau
Dù có đâm xuống tan tành
Ta vẫn nhảy múa trên máy bay.”
(Moonchild)

Nỗi buồn hay cô đơn, muộn phiền, đau đớn không phải là thứ mà những đứa con của trăng có thể gặp hay không gặp trong đời. Chúng là chắc chắn. Chúng xuất hiện thường xuyên trong âm nhạc hay lời nói của J như cách sự hiện diện của chúng thường trực bên trong cậu. “Tôi vẫn không hiểu vì sao tôi thường cô đơn” (Adrift, mixtape RM). “Cuộc sống là những nhận thức và cô đơn đến dồn dập…”(Life, mixtape RM). “Sự lo âu, thứ biến thành tiếng ù trong tai một người đối với tôi là cái bóng. Nó lớn lên khi chiều cao tôi lớn lên, nó lớn thêm nữa khi đêm về” (Phỏng vấn Naver ngày 28/01/2018).

Những nỗi đau này không phải không có nơi khởi sinh.

“Dù sống để thấu hiểu thế gian
Thế gian chưa một lần thấu lại.
Vì đâu?
Không, một nửa kia khuyết mất
Gắng sức khiến tôi gặp đớn đau
Tôi nhớ, nhớ một tôi, người hỡi
Mong ước, ước một bản thân tôi
Mong cho tôi được chọn chính mình
Sao mãi chẳng thành dẫu mấy thiết tha?”
(Always)

Có những người trong chúng ta muốn được tiếp nhận bởi thế giới bằng tất cả những gì là ta. Nhưng nếu con người ta là một thể toàn vẹn, thể toàn vẹn này bao gồm cả những đặc tính được xã hội chào đón - thứ ta mang ra dưới mặt trời và những đặc tính không được xã hội chào đón - thứ ta nhặt về dưới mặt trăng. Những đặc tính của mặt trăng có thể là bất cứ thứ gì khác với đám đông, với chuẩn mực được xã hội kỳ vọng: sự ích kỷ, những tham vọng khác biệt, sự thiếu tham vọng quá mức, sự chậm chạp quá mức, sự vội vàng quá mức… Chúng cũng có thể là một bề ngoài không đẹp theo cách người ta kỳ vọng ở các thần tượng, việc tìm đến âm nhạc đại chúng của một người xuất thân underground, tham vọng rằng sẽ trở thành người đứng đầu dù chưa đạt thành tựu lớn, những điều vụng về và xấu xí sau một hình ảnh thần tượng tốt đẹp... là rất nhiều thứ khác mà ta không thể kể hết. Càng nhìn nhận rõ những phần khuất sau bóng nắng này, ta càng hay nhận được những câu trả lời rằng ta đã sai, ta không đúng, ta không phù hợp. Ta nhận ra sự không chào đón của thế giới và sự tách biệt của chính mình.

Việc được thế giới thấu hiểu toàn vẹn con người, để bản thân sống bằng toàn vẹn con người có vẻ như là không thể khi con người ta không bao giờ chỉ mang đặc tính mặt trời. Đối với những người nhận ra điều này, nhiều khi họ rơi vào tình trạng sống bằng một nửa con người mình. Nhưng một nửa không được phơi bày sẽ không chết đi, một nửa ấy vẫn ở bên trong và không ngừng nhắc nhở người ấy về sự tồn tại của nó. Một nửa ấy luôn kêu gọi một người nhìn nhận chính mình, trở thành chính mình. Từ việc ta muốn là chính ta nhưng lại không thể chấp nhận đầy đủ chính ta, nỗi đau phát sinh.

Những đứa con của trăng học cách xoay xở với những nỗi đau ấy bằng màn đêm và sự an ủi chính mình:

“Hơn bất cứ ai, ta cần khung cảnh ban đêm
Không một ai khác, chỉ tôi mới có thể an ủi chính mình
Nước mắt rơi cũng vẫn ổn thôi
Nhưng đừng xé nát chính mình.”
(Moonchild)

Không ai có thể biết hết nỗi đau của một người, thấu hiểu nó, trừ chính anh ta. Vào thời khắc của trăng, đứa con mặt trăng nhìn về những nỗi đau của bản thân như một phần của bản thân. Anh ta cho phép mình được yếu đuối, được khóc, với những cảm xúc mà ban ngày không thể bộc lộ. Anh ta đối xử dịu dàng với nỗi đau của bản thân và cho phép bản thân được là chính mình.

“Đứa con của trăng, đừng khóc. Khi mặt trăng lên, cậu tỏa sáng” là phần lời bài hát trong lyric video Moonchild được up trên kênh chính thức của bighit. Nhưng tại 1:14, từ “moon” được J phát âm như “you”. Tôi cho rằng đây là dụng ý của người viết nhạc. Lúc này, “mặt trăng” lên không chỉ là mặt trăng lên mà còn là “bạn” xuất hiện. Thời khắc của trăng cũng là thời khắc khi con người sâu thẳm trong người ta được xuất hiện. Lúc này, đứa con của trăng tỏa sáng.

Có một sự thay đổi có thể nhận thấy thông qua hành trình âm nhạc của J. Nếu vào những năm đầu tiên sau khi trở thành thần tượng, J hướng về tìm kiếm một con đường để đi theo thay vì cứ luôn lạc lối. J muốn cậu sống cho đúng và cho sáng. Sự tìm kiếm ấy đôi khi mang màu sắc tức giận, đôi khi mang màu sắc buồn bã, đôi khi chán chường muốn chết. Những điều này được thể hiện rõ ràng qua mixtape RM và một số bài hát của BTS. Nhưng đến Moonchild, J đã bớt tức tối hay căm giận. Chuyện đúng hay sai không còn quan trọng đến vậy nữa, một con đường rõ lối không còn là thứ nhất thiết phải tìm ra nữa.

“Vào thời khắc của trăng, nhìn trời đêm qua đôi mắt tâm hồn sẽ cho cậu thấy cánh cửa nơi cậu, thời khắc của cậu.”
(Moonchild)

Thứ J tìm đến là một cánh cửa nội tại. Cánh cửa này có thể liên hệ với cánh cửa trong Magic shop (BTS): “Vào những ngày tôi chán ghét bản thân, vào những ngày tôi chỉ muốn biến tan vĩnh viễn, hãy cùng nhau tạo nên một cánh cửa ở ngay trong tim. Nếu bạn mở cánh cửa và bước vào, thì nơi ấy sẽ chờ đợi bạn. Chỉ cần tin tưởng, nơi ấy sẽ an ủi bạn.”  Vào thời khắc trăng lên, khi đã nhìn thẳng vào những nỗi đau mình có, đón nhận nó không chỉ bằng lối tư duy vốn bị xã hội ảnh hưởng rất nhiều mà bằng cả trái tim, những nỗi đau sẽ được an ủi  bằng sự chấp nhận và yêu thương. (Về Magic shop lại là một thứ thiệt bự mà nếu có dịp chúng mình sẽ cùng bàn đến sau.) Khi ấy ta chấp nhận bản thân ta hơn. Và sự tỏa sáng đến từ bản thân ta với đầy đủ những góc khuất và nỗi đau chứ không phải từ bất cứ con đường đúng đắn nào được vạch sẵn mà người ta tìm kiếm dưới mặt trời.

Mặt trời có thể bày vẽ ra đúng và sai. Xã hội và đám đông có thể khiến cho người ta giấu giếm bản thân và cho rằng mình và đời mình tăm tối. Nhưng mặt trăng của J nói rằng đừng cho phép mặt trời làm cậu xé nát bản thân, hãy cứ chấp nhận nỗi đau,  khi cậu là cậu, cậu sẽ tỏa sáng.

-----
Các loại tái bút:
- Mọi khái niệm trăng - trời chỉ được sử dụng để phục vụ bài viết này.
- “Ta”: “ta” là “tôi”, là bất cứ ai cảm thấy giống “ta” trong câu nói chứa đựng từ này, không phải là bất cứ ai.
- Đương nhiên đây không phải bài viết đúng. Đây là lảm nhảm cơ mà.
- Tài liệu tham khảo các loại:
http://cafef.vn/van-hoa-ppalli-ppalli-chia-khoa-lam-nen-ky-tich-song-han-cua-nguoi-han-quoc-20180820092945245.chn
http://www.hanquochoc.edu.vn/cps/nghiencuu/vanhoahanquoc_nghiencuu/2010/9/7.asp

Facebook : Lá

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#bts