Bài Từ Theo Điệu - Lòng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

BÀI TỪ THEO ĐIỆU

Bất thị ái phong trần,
Tự bị tiền duyên ngộ.
Hoa lạc hoa khai tự hữu thì,
Tổng lại đông quân chủ.

Khứ dã chung tu khứ,
Trú dã như hà trú?
Nhược đắc sơn hoa sáp mãn đầu,
Mạc vấn nô quy xứ!

NGHIÊM NHUỴ

BÀI TỪ THEO ĐIỆU "BỐC TOÁN TỬ" (1)

Chẳng phải thích cuộc sống phong trần, (2)
Tựa như bị lỗi lầm tiền kiếp.
Hoa rơi, hoa nở tự có thời,
Đều do chúa xuân làm chủ. (3)

Bỏ đi, đã đành là nên bỏ đi,
Ở lại, biết ở lại như thế nào?
Giá mà được hái hoa núi cài đầy đầu, (4)
(Thì) chẳng cần phải hỏi tôi về đâu!

Chú thích:

(1) Bài thơ theo điệu "Bốc toán tử" này được sáng tác trong một hoàn cảnh đặc biệt.
Bấy giờ Nghiêm Nhụy đang làm doanh kỹ ở Thai Châu, viên quan tri châu ở đó là Đường Dữ Chính ra lệnh cho Nghiêm Nhụy làm một bài từ vịnh hoa bạch đào. Nghiêm Nhụy đâu dám chống lệnh. Nàng lập tức viết xong và ca một bài từ theo điệu "Như mộng lệnh". Đường Dữ Chính rất tán thưởng, ban tặng cho nàng rất nhiều. Đến đêm Thất tịch (07-07) Đường Dữ Chính mở tiệc trong phủ chiêu đãi bạn bè tân khách. Trong tiệc có một vị hào sĩ tên là Tạ Nguyên Khanh hâm mộ danh tiếng Nghiêm Nhụy lập tức làm một bài từ theo điệu "Thước kiều tiên", rất hợp với đêm hoan hội của Ngưu Lang, Chức Nữ, thể hiện rõ thông minh tài trí của nàng. Tạ Nguyên Khanh say mê nàng, liền giữ nàng ở nhà nửa năm, không tiếc tiền của tặng nàng. Nào ngờ sau đó nhà "đạo học" nổi tiếng của đời Tống là Chu Hy, làm quan khâm sai đến Thai Châu, muốn trai tìm tội lỗi của Đường Dữ Chính, chỉ trích họ Đường có quan hệ bất chính với doanh kỹ Nghiêm Nhụy và bắt Nghiêm Nhụy tống giam hai tháng. Nàng bị tra khảo chết đi sống lại nhưng không hề nói một điều gì tổn hại đến Đường Dữ Chính. Ít lâu sau, Chu Hy được đổi đi làm q uan nơi khác, Nhạc Lâm kế nhiệm. Ông này thông cảm với cảnh ngộ của Nghiêm Nhụy, nhân một buổi lễ, Nhạc Lâm ra lệnh cho Nghiêm Nhụy làm một bài Từ bày tỏ nỗi oan khuất của mình. Nghiêm Nhụy ứng khẩu ca luôn bài từ "Bốc toán tử" này. Nhạc Lâm lập tức ra lệnh cho nàng hoàn lương.
(Có thể, khi viết "Kim Vân Kiều truyện", Thanh Tâm Tài Nhân đã có căn cứ vào câu chuyện này để hư cấu nên việc xử vụ án Thúc Sinh - Thúy Kiều).

(2) Phong trần (gió bụi): Người xưa gọi cuộc sống của kỹ nữ là kiếp phong trần.

(3) Hai câu này ý nói rằng mình bị phụ thuộc vào sự an bài của người khác, không được tự chủ, đồng thời cũng hàm ý mong vị quan mới phán quyết công bằng cho nỗi oan của nàng.

(4) Câu này tỏ ý muốn được hoàn lương, làm một người phụ nữ bình thương hái hoa núi cài đầu. Ở câu cuối, "nô" là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất. Xưa ở Trung Quốc, nữ thường tự xưng là "nô", nam thường tự xưng là "bộc" với ý khiêm tốn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro