Vội vàng 13 câu đầu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

   Có lẽ, ai đã từng một lần lật mở ngưỡng cửa văn chương của Xuân Diệu đều trót yêu cái hồn luôn rộng mở, chẳng bao giờ để lòng mình khép kín- một hồn thơ tha thiết, rạo rực, băn khoăn. Phải chăng, chính sự giao thoa của miền đất Hà Tĩnh hiếu học với quê mẹ Quy Nhơn nơi có những bãi biển trải dài vô tận đã tôi luyện nên một Xuân Diệu với phong cách rất riêng, rất độc đáo. Ông là một cây bút có sức sáng tạo mãnh liệt, dồi dào và bền bỉ. Vì thế ông xứng đáng với danh hiệu "một nhà thơ lớn, một nghệ sĩ lớn, một nhà văn hóa lớn". Bài thơ "Vội vàng" là tác phẩm tiêu biểu cho hồn thơ Xuân Diệu góp phần xây dựng được cái tôi cá nhân tươi trẻ của nhà thơ. Đặc biệt qua 13 dòng thơ đầu ta cảm nhận được tình yêu tha thiết, niềm đắm say mãnh liệt của thi nhân với cuộc sống tươi đẹp nơi trần thế:
" Tôi muốn tắt nắng đi
...............
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân."
    Bài thơ "Vội Vàng" nằm trong tập "Thơ Thơ", xuất bản năm 1938 là bài thơ tiêu biểu của tập thơ nói riêng, của hồn thơ Xuân Diệu nói chung. Cả bài thơ thể hiện một nhân sinh quan mang ý nghĩa nhân bản sâu sắc: Thiên đường là ở ngay trên mặt đất. Vì vậy hãy yêu mến, hãy gắn bó và sống hết mình với cuộc sống thực tại đầy tươi vui này. Bài thơ bộc lộ niềm ham sống, khát sống, yêu cuộc sống đến mãnh liệt của thi nhân.
    Có thể nói trong thơ ca trung đại ít có nhà thơ nào dám khẳng định cái tôi cá nhân của mình một cách táo bạo nhưng đến với phong trào Thơ mới cái tôi được bộc lộ vô cùng mãnh liệt và đặc biệt nhà thơ Xuân Diệu cũng đã thể hiện một cách vô cùng độc đáo:

"Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi"
    Mở đầu tác phẩm tác giả sử dụng điệp ngữ "tôi muốn" cùng với thể thơ ngũ ngôn có tiết đấu mạnh, nhanh dứt khoát đã góp phần thể hiện khát vọng mãnh liệt đang trào dâng trong lòng tác giả. Đó là ước mơ "tắt nắng" và "buộc gió". Ước mơ mãnh liệt nhưng lại phi lí. Những từ " tắt", "buộc" được sử dụng cho những điều hữu hình cầm nắm được vậy mà tác giả lại dùng cho những sự vật không bao giờ chúng ta có thể làm được. Ta có thể thấy màu vàng của nắng, cảm nhận được hơi ấm từ nó, gió có thể thổi qua, táp vào mặt, mơn man da thịt, có thể thấy gió đung đưa bên những cành liễu.. nhưng chẳng bao giờ cầm được nắng nắm được gió. Một điều tưởng chừng như vô lí đó nhưng lại trở thành khát khao của tác giả. Tại sao Xuân Diệu lại mong ước như vậy? Ông muốn "màu đừng nhạt mất","hương đừng bay đi". Hóa ra nhà thơ muốn níu giữ thời gian để màu sắc và hương thơm còn mãi với cuộc đời, để giữ mãi thời xuân của tạo vật. Đó là ước muốn bất tử hóa cái đẹp, giữ cho cái đẹp mãi tỏa sắc, lên hương. Một ước muốn phi lí ở lí trí nhưng hợp lí về chiều sâu tình cảm cảm xúc con người bởi ai cũng muốn những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Chàng thi sĩ này khiến ta liên tưởng đến hình ảnh Đônkihote trong "Đánh nhau với cối xay gió". Dù không thể hoàn thành ước muốn xa vời ấy nhưng vẫn làm, vẫn khát khao.
    Nếu Xuân Diệu muốn níu giữ những gì tuyệt vời nhất của thiên nhiên thì Chế Lan Viên lại muốn lấy mọi cái buồn của mùa thu chặn mùa đông, không muốn nhìn vào sự sống:
"Ai đâu trở lại mùa thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng
Với của hoa tươi muốn cánh rã
Về đây đem chắn nẻo xuân sang"
    Có sự khác biệt ấy phải chăng là do thơ Xuân Diệu bao giờ cũng "say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, quấn quýt". Thơ ông không có khái niệm sống châm chạp, chỉ có một khát vọng không tưởng, với quan niệm chạy đua cùng thời gian, sống hết mình, sống mãnh liệt cho từng phút, từng giây của sự sống. Tuy nhiên, lối sống vội vàng này không có nghĩa là sống gấp, sống ẩu như một số bộ phận thanh niên hiện nay. Với Xuân Diệu, thế giới này đầy tươi đẹp, hương sắc được thể hiện qua dòng tâm trạng mãnh liệt với những câu thơ dài hơn. Tác giả đã miêu tả bức tranh thiên nhiên tươi đẹp nơi trần thế đang mơn mởn non tơ:
" Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si."
    Trước mắt ta bây giờ, bức tranh thiên nhiên giống như một thiên đường trên mặt đất. "Của ong bướm", "Của yến anh"- một cách nói rất độc đáo khiến cho câu thơ được Tây hóa, đầy sáng tạo, mới mẻ. Biện pháp điệp ngữ "này đây" đã một lần nữa nhấn mạnh, giúp người đọc cảm nhân và hình dung thái độ trầm trồ, thán phục, thích thú của thi nhân khi mỗi bước đi đều được chiêm ngưỡng vẻ đẹp say đắm của thiên nhiên, vạn vật. Bức họa ấy được thêu dệt từ những nét vẽ hết sức điều luyện. Hình ảnh "ong bướm", "yến anh" - những cặp đôi gắn kết, không thể tách rời lại được gắn với thời gian " tuần tháng mật". Liệu đây có phải là tuần mà ong bướm đi tìm hoa kiếm mật, hay đây là thời gian đẹp đẽ, ngọt ngào nhất của cuộc đời con người? Dù hiểu theo cách nào thì đây vẫn là khoảng thời gian tươi đẹp, hạnh phúc nhất của tình yêu say đắm. Thoáng hiện lên trong bức họa còn có chiếc "lá của cành tơ phơ phất", cho ta thấy được cái non tơ, mãnh liệt, mơn mởn đang phơ phất trước gió mùa xuân. Tất cả thiên nhiên, vạn vật đầy sức sống, gợi cảm, nồng nàn, quyến rũ như đang chào mời, vẫy gọi.Không "thoát lên tiên" mơ theo cảnh bồng lai như Thế Lữ, không tìm về chốn thôn quê để ủ mình trong yên bình như Nguyễn Bính, không lẩn trốn vào quá khứ nơi có những "bóng ma sợ soạng" như Chế Lan Viên, trong mắt Xuân Diệu, thế giới đẹp nhất là cuộc sống trần thế, tại đây và ngay lúc này. Sao người ta cứ đi tìm bồng lai tiên cảnh ở đâu, cứ đi tìm cõi cực lạc ở mãi chốn xa xăm nào trong khi nó ở ngay trong cuộc sống quanh ta, ngay phút giây hiện tại.
    Các nhà thơ xưa thường lấy khuôn mẫu, vẻ đẹp thiên nhiên làm chuẩn mực cho cái đẹp vì vậy con người chỉ có đẹp như thiên nhiên. Nhưng với Xuân Diệu định lí ấy bị đảo ngược: con người là chuẩn mực. Với quan niệm ấy tác giả đã sáng tạo được hình ảnh vô cùng đẹp:
"Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Một buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa
Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần"
    Khi hàng mi chớp mắt thì ánh sáng của một buổi bình minh gọi thần Vui đến ban tặng cho thế gian niềm hạnh phúc. Cả bình minh rực rỡ của vũ trụ được tỏa ra từ đôi mắt người thiếu nữ. Tác giả tiếp tục sử dụng so sánh chuyển đổi cảm giác vô cùng đôc đáo, ông hình dung "tháng Giêng"-tháng đầu tiên của mùa xuân giống như "cặp môi gần" mọng đỏ căng tròn của người thiếu nữ. Chính nhờ nghệ thuật so sánh mà mùa xuân không còn là một thể vô hình của tạo hóa mà trái lại nó hiện lên thật cụ thể, khơi gợi lên nhiều xúc cảm trong lòng người đọc. Phép so sánh đã đưa cặp môi của người thiếu nữ trở thành trung tâm của vũ trụ, con người trở thành chuẩn mực cho cái đẹp, là thước đo vẻ đẹp của tạo hóa. Nhà thơ khẳng định chuẩn mực xã hội là con người, đặc biệt là con người trong tuổi trẻ và tình yêu.
    Cuộc sống trần thể đẹp nhất vào lúc xuân. Và con người chỉ tận hưởng được lúc đang còn trẻ. Song tuổi trẻ thì tàn phai theo thời gian, vì thế mà ông phải sống vội vàng, gấp gáp.
"Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân."
    Nhà thơ tận hưởng cuộc sống một cách "sung sướng" nhưng lại "vội vàng một nửa" bởi một phút giây ra đi vĩnh viễn không trở lại. Mất mát sẽ đến nếu ta không chớp lấy thời cơ. Vì vậy mà Xuân Diệu không chờ mùa hạ đến mới nhớ xuân mà ông chọn cách ôm riết mùa xuân lúc tràn đầy, tươi non. Ông tiếc nuối mùa xuân đầy rực rỡ huy hoàng ngay trong những tháng ngày đẹp nhất của tuổi trẻ. Qua đoạn thơ người đọc cảm nhận được quan niệm nhân sinh tích cực của tác giả, nó động viên mỗi con người chúng ta hãy sống hết mình, sống sao cho ý nghĩa để không phí hoài những tháng ngày của tuổi trẻ.
    "Vội vàng" của Xuân Diệu đã đem đến cho chúng ta cho chúng ta một thông điệp vô cùng ý nghĩa đó là thái độ sống lạc quan, tích cực trân trọng từng phút giây hiện tại trong cuộc sống. Xuân Diệu "mới" không chỉ ở tư tưởng mà "mới" cả ở cách thể hiện. Thể thơ tự do với sự chuyển mạch, co duỗi linh hoạt theo cung bậc cảm xúc. Những câu thơ vắt dòng, từ ngữ táo bạo và hình ảnh mới lạ cũng góp phần làm nên một thi phẩm "rất Xuân Diệu".
    Xuân Diệu lại một lần nữa góp vào thi đàn Việt Nam một tuyệt phẩm. Bên cạnh những vần thơ rất hay về tình yêu, còn có những vần thơ nhân sinh sâu sắc. Vội vàng xứng đáng được coi là một tuyệt tác cho mọi thời đại.
#MT

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro