Thị trường chứng khoán

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bài giảng Thị trường chứng khoán

Chương 1 NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

1.1. KHÁI NIỆM, ĐẶC ĐIỂM VÀ CÁC CHỦ THỂ THAM GIA TTCK

1.1.1. Cơ sở hình thành TTCK

Lịch sử đã chứng minh rằng: sự ra đời, tồn tại và phát triển TTCK là sản phẩm tất yếu khách quan của nền kinh tế phát triển theo cơ chế thị trường. Nhìn chung, sự ra đời của TTCK ở các quốc gia đều bắt nguồn từ hai nguyên nhân chủ yếu sau:

Thứ nhất, mâu thuẫn trong quan hệ cung - cầu vốn tiền tệ.

Đây là nguyên nhân mang tính tiền đề cho sự xuất hiện TTCK.

Thực tế cho thấy, các chủ thể trong nền kinh tế - xã hội, trước hết là Nhà nước và các doanh nghiệp, vì những lý do khác nhau mà thường có nhu cầu huy động vốn để bổ sung thiếu hụt ngân sách của mình. Cầu vốn là lượng vốn cần thiết để tiến hành quá trình đầu tư, xây dựng, sản xuất kinh doanh hay phục vụ cho một mục đích tiêu dùng nào đó của các chủ thể trong nền kinh tế.

Đồng thời trong nền kinh tế - xã hội, cũng luôn có cung vốn. Cung vốn là lựơng vốn hiện đang nhàn rỗi trong xã hội và có thể sử dụng cho các mục đích khác nhau, hoặc cho tiêu dùng, hoặc cho các hoạt động đầu tư, xây dựng, sản xuất kinh doanh.

Với mỗi quốc gia nguồn cung vốn bao gồm: nguồn cung trong nước và nguồn cung từ bên ngoài.

Nguồn cung trong nước: có thể chia thành nguồn cung từ tích luỹ và nguồn cân đối tạm thời.

Nguồn cung từ tích luỹ. Nguồn cung này bao gồm tiết kiệm của dân chúng, lợi nhuận của các doanh nghiệp, các quỹ chuyên dụng. Tuỳ theo tình hình phát triển kinh tế của mỗi nước mà nguồn cung từ tích luỹ cao thấp khác nhau. Đây là nguồn cung có tính chất dài hạn và tương đối ổn định.

Nguồn cân đối tạm thời. Đây là nguồn cung vốn từ việc cân đối tạm thời các nguồn tiền hoặc quỹ chưa sử dụng đến của ngân sách hay của các doanh nghiệp,... Nguồn vốn này mang tính chất tạm thời vì vậy nó không ổn định. Tuy nhiên quy mô của nó cũng không phải nhỏ.

Nguồn vốn từ bên ngoài: Đây là nguồn vốn từ các tổ chức tài chính - tiền tệ quốc tế hay các quốc gia khác chuyển đến, thường là từ các nước phát triển sang các nước chậm phát triển. Nguồn vốn này bao gồm: kiều hối, đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư gián tiếp (đầu tư chứng khoán, các khoản cho vay, viện trợ,...). Nguồn cung vốn từ bên ngoài có quy mô lớn nhưng là nguồn cung không liên tục và cũng không ổn định vì nó phụ thuộc chủ yếu vào các yếu tố khách quan bên ngoài hơn là các yếu tố chủ quan trong phạm vi quốc gia.

Tất cả các nguồn vốn dù ở bên trong hay ngoài một quốc gia, hợp lại thành nguồn cung về vốn, đáp ứng nhu cầu vốn trong nền kinh tế. Tuy nhiên đây chỉ là những nguồn vốn tiềm năng. Bởi vì, các nguồn cung vốn trên không phải luôn luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người cần vốn tại bất cứ thời điểm nào, cho bất cứ đối tượng nào, với bất cứ quy mô nào.

Như vậy, cung - cầu vốn tiền tệ xuất hiện và tồn tại là một thực tế khách quan, cần được giải quyết hợp lý và hiệu quả để tạo điều kiện cho nền kinh tế - xã hội tồn tại và phát triển. Trong xã hội hiện đại, việc giải quyết mâu thuẫn trong mối quan hệ tương quan giữa cung và cầu vốn tiền tệ có thể thực hiện bằng nhiều biện pháp khác nhau: hoặc thông qua việc sử dụng các định chế tài chính trung gian (ngân hàng, công ty tài chính,...) hoặc thông qua việc việc sử dụng mô hình định chế tài chính trực tiếp - đó chính là TTCK. Đây là một trong những lý do mà thị trường này còn được gọi là thị trường vốn. Với cơ chế hoạt động của thị trường vốn, lực lượng cung và cầu vốn tiền tệ có thể gặp gỡ nhau trực tiếp để đáp ứng nhu cầu của nhau. Nhờ vậy, mâu thuẫn trước mắt tạm thời được giải quyết, để rồi lại xuất hiện những mâu thuẫn mới đòi hỏi tiếp tục giải quyết. Và đây chính là nguồn "năng lượng", là xung lực để duy trì và phát triển hoạt động của TTCK.

Thứ hai, sự xuất hiện các loại chứng khoán.

Đây là nguyên nhân trực tiếp quyết định sự ra đời của TTCK.

+ Về phía Nhà nước: Khi ngân sách Nhà nước bị thiếu hụt, cũng có nghĩa là cầu về vốn tiền tệ xuất hiện, Chính phủ có thể sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để tạo ra nguồn bù đắp cho sự thâm hụt đó như: phát hành tiền, vay các ngân hàng, tìm nguồn tài trợ từ các đối tác nước ngoài,... Tuy nhiên các biện pháp này đều có những hạn chế và có thể gây nên những hậu quả nhất định đối với nền kinh tế xã hội quốc gia. Vì vậy, một biện pháp được coi là tối ưu hơn cả, đó là Nhà nước trực tiếp vay nợ của mọi tầng lớp dân cư cũng như các chủ thể khác trong nền kinh tế dưới hình thức tín dụng Nhà nước, bằng cách phát hành trái phiếu chính phủ.

+ Về phía doanh nghiệp: Trong nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp là chủ thể thứ hai (sau Nhà nước), cũng có nhu cầu rất lớn và thường xuyên về vốn tiền tệ. Được chủ động tạo vốn, doanh nghiệp sẽ lựa chọn phương án tài trợ hiệu quả nhất, nghĩa là với chi phí sử dụng vốn thấp nhất, ít rủi ro nhất. Nói chung, doanh nghiệp có hai giải pháp cơ bản đáp ứng nhu cầu về vốn đầu tư. Trước hết là khả năng tự tài trợ của doanh nghiệp. Tuy nhiên khả năng này là hạn chế và thường chỉ đáp ứng một phần nào đó nhu cầu vốn đầu tư. Biện pháp thứ hai là huy động vốn từ bên ngoài. Chủ yếu có hai phương án, hoặc là vay vốn từ các tổ chức tín dụng, hoặc là phát hành trái phiếu hay cổ phiếu. Biện pháp truyền thống là vay ngân hàng, bên cạnh những ưu điểm cũng bộc lộ những khó khăn và hạn chế nhất định về thủ tục, điều kiện, tài sản đảm bảo, số lượng tiền vay. Việc phát hành trái phiếu hay cổ phiếu mở ra khả năng tài trợ to lớn với những ưu điểm nổi trội so với các phương pháp truyền thống. Các loại cổ phiếu và trái phiếu do công ty phát hành, chính là chứng khoán.

Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, sự xuất hiện các loại chứng khoán hoàn toàn là yêu cầu cần thiết và khách quan. Vấn đề là làm thế nào để chứng khoán phát hành ra được nhà đầu tư chấp nhận. Đối với nhà đầu tư, điều mà họ quan tâm khi đầu tư vốn là tiền lời thu được từ khoản đầu tư, mức độ rủi ro, khả năng thanh khoản như thế nào,...

Nếu đầu tư vào chứng khoán, khả năng thanh khoản của chứng khoán phụ thuộc vào khả năng mua bán chứng khoán. Để tạo ra được khả năng đó, con đường duy nhất hợp lý là phải hình thành cơ chế của một thị trường riêng biệt - một loại thị trường chuyên môn hoá các giao dịch mua bán những sản phẩm tài chính, các chứng khoán trung và dài hạn.

Như vậy, sự ra đời của các loại chứng khoán cũng như quá trình thương mại hoá chúng vừa thoả mãn yêu cầu của người có vốn và người cần vốn, vừa là cơ sở để hình thành TTCK.

Nghiên cứu lịch sử ra đời và phát triển của TTCK cho thấy: TTCK cũng như tất cả các loại thị trường khác, buổi bình minh của thị trường được hình thành một cách rất tự phát và sơ khai, từ những nhu cầu riêng lẻ của các thành viên trong xã hội mà lúc đầu chủ yếu là các thương gia. Khoảng giữa thế kỷ XV, tại một số các thành phố lớn ở các nước phương Tây, các thương gia thường xuyên gặp nhau tại các quán cà phê để trao đổi, mua bán các hàng hóa (nông sản, khoáng sản, ngoại tệ, chứng từ có giá). Điểm đặc biệt là trong những cuộc thương lượng này, các thương gia chỉ dùng lời nói để trao đổi v130ới nhau, không có hàng hoá, ngoại tệ hay bất cứ một loại giấy tờ nào. Những cuộc trao đổi này lúc đầu chỉ có một nhóm nhỏ, dần dần số người tăng lên. Quy mô giao dịch cũng ngày càng gia tăng cùng với sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa. Khái niệm "thị trường" dần dần xuất hiện cùng với việc thống nhất các quy tắc giao dịch giữa các thành viên của thị trường vào những năm giữa thế kỷ XV.

Phiên chợ riêng (lữ quán của gia đình Vanber) đầu tiên diễn ra năm 1453 tại Bruges (Bỉ). Trước lữ quán này có một bảng hiệu vẽ hình 3 túi da với một tiếng Pháp "Bourse" tức là "mậu dịch trường" hay còn gọi là "sở giao dịch". Mậu dịch trường là một bảng hiệu chung, ba túi da tượng trưng cho 3 nội dung của mậu dịch trường: mậu dịch trường hàng hoá, mậu dịch trường ngoại tệ và mậu dịch trường chứng khoán. Đến năm 1547 mậu dịch trường tại thành phố Bruges bị suy sụp khi Bruges mất hẳn sự phồn vinh vì eo biển dẫn tàu bè vào thị trấn bị cát lấp mất. Thị trường được dời đến hải cảng Auvers (Bỉ). Mậu dịch Auvers phát triển nhanh, và từ kinh nghiệm của nó mậu dịch trường ở các nước bắt đầu phát triển. Tại London vào giữa thế kỷ XVIII, một mậu dịch trường được thiết lập theo mẫu mậu dịch trường Auvers gọi là Stock Exchange, nơi mà sau này gọi là Sở giao dịch chứng khoán London. Kế tiếp sau đó là các mậu dịch trường của các nước Pháp, Ý, Đức, Bắc Âu... cũng được thành lập.

Với việc phát triển quy mô giao dịch một cách nhanh chóng, sự gia tăng các thành viên cũng như hàng hóa và nội dung giao dịch, thị trường dần dần được phân chia thành các thị trường khác nhau với các hàng hóa và tính chất giao dịch khác nhau như: thị trường hàng hóa và dịch vụ, thị trường hối đoái, thị trường hợp đồng tương lai, thị trường chứng khoán ...

Phương thức giao dịch truyền thống ban đầu được diễn ra ngoài trời với những ký hiệu giao dịch bằng tay. Lòng bàn tay hướng về phía người gọi là lệnh mua, lòng bàn tay hướng ngược phía người gọi là lệnh bán, các ngón tay biểu thị mức giá... Cho tới năm 1921, ở Hoa Kỳ, các khu chợ được chuyển vào trong nhà, Sở giao dịch chứng khoán chính thức được thành lập. Cùng với sự phát triển của tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ, các phương thức giao dịch cũng ngày càng được hoàn thiện để từng bước nâng cao quy mô và chất lượng giao dịch. Nếu trong thời kỳ đầu của TTCK, các giao dịch được thực hiện thủ công, bảng đen phấn trắng thì vào những năm cuối thế kỷ XX hệ thống giao dịch điện tử hầu như đã hoàn toàn thay thế.

Lịch sử ra đời và phát triển của thị trường trên thế giới cho thấy, các nước phát triển theo cơ chế thị trường đều phải tuân theo các quy luật khắt khe của thị trường: quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu... Trong nền kinh tế thị trường, các yếu tố sản xuất đều là hàng hoá, vì vậy phải có các loại thị trường giành cho từng loại hàng hoá đó. Chính vì thế, trong cơ cấu thị trường của các nước, bên cạnh thị trường hàng hoá tiêu dùng, còn có thị trường tư liệu sản xuất, thị trường sức lao động, thị trường dịch vụ thông tin, TTCK... Điều đó chứng tỏ, TTCK là một yếu tố cấu thành đặc biệt quan trọng của nền kinh tế thị trường, nó ra đời tự phát và tồn tại khách quan trong nền kinh tế.

1.1.2. Khái niệm và các đặc điểm của TTCK

Thuật ngữ "thị trường" là một khái niệm cơ bản của kinh tế học và đã được nhiều nhà kinh tế học định nghĩa. Nếu hiểu "thị trường" một cách đơn giản là nơi mua bán hàng hoá thì không sai, nhưng không đầy đủ và không thấy được những loại thị trường không có "chợ" mua bán tập trung. Hơn nữa, nếu hiểu như vậy thì thật khó giải thích được những loại thị trường "vô hình" với những loại hàng hoá "vô hình" đã và đang ngày càng phát triển như thị trường vốn, thị trường dịch vụ,...

Xét về bản chất, thị trường là mối quan hệ kinh tế tổng hợp của 5 thành tố: hàng hoá, cung cầu, giá cả, phương thức giao dịch và thanh toán. Như vậy, nơi nào, lúc nào có đủ 5 thành tố thì nơi đó, khi đó diễn ra hoạt động của thị trường. Với nhận thức này chúng ta sẽ thấy được các loại thị trường "vô hình", những loại thị trường không có chợ mua bán tập trung tại một địa điểm cố định. Những khác biệt còn lại là quy mô của thị trường đó rộng hay hẹp, phổ biến hay chưa phổ biến, hiện đại hay còn thô sơ.

Có nhiều loại thị trường khác nhau tùy theo tiêu thức phân chia. Căn cứ vào đối tượng giao dịch thì có thể kể tới các loại thị trường như: thị trường hàng hoá và dịch vụ, thị trường sức lao động, thị trường vàng, thị trường ngoại tệ, thị trường chứng khoán...

TTCK là gì?

TTCK là thị trường diễn ra các hoạt động phát hành, giao dịch mua bán chứng khoán. Việc mua bán này được tiến hành ở thị trường sơ cấp, khi người mua mua được chứng khoán lần đầu từ những người phát hành chứng khoán, và ở thị trường thứ cấp khi có sự mua đi bán lại các chứng khoán đã được phát hành từ thị trường sơ cấp.

Như vậy, TTCK là 1 bộ phận của thị trường tài chính, là nơi diễn ra quá trình phát hành, mua bán các chứng khoán, đó là các công cụ nợ và công cụ vốn (còn gọi là công cụ sở hữu). Bản chất của TTCK là thị trường thể hiện mối quan hệ giữa cung và cầu vốn đầu tư. Giá chứng khoán chứa đựng các thông tin về chi phí vốn, hay còn gọi là giá của vốn đầu tư. TTCK là hình thức phát triển bậc cao của nền sản xuất và lưu thông hàng hóa.

Chứng khoán được phát hành và mua bán trên TTCK bao gồm nhiều loại khác nhau tùy theo tiêu thức phân loại. Nếu căn cứ vào thời gian sử dụng vốn sẽ có chứng khoán ngắn hạn và chứng khoán dài hạn. Các chứng khoán ngắn hạn thường được mua bán trên thị trường tiền tệ. Các chứng khoán dài hạn như cổ phiếu, trái phiếu thường được phát hành, mua bán trên TTCK. Vì vậy trên thực tế, đôi khi người ta đồng nhất giữa TTCK với thị trường vốn.

Đặc điểm của TTCK

Thứ nhất, hàng hoá của TTCK là những hàng hóa đặc thù - các loại chứng khoán. Đó là những công cụ chuyển tải giá trị như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư, chứng khoán phái sinh. Chứng khoán có những đặc điểm khác biệt so với các loại hàng hóa thông thường. Nếu như mỗi loại hàng hóa thông thường đều có tính năng tác dụng và mục đích sử dụng riêng (mua để sử dụng làm nguyên liệu phục vụ sản xuất, mua để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cá nhân như ăn, mặc...) thì chứng khoán không có những tính năng tác dụng riêng đó. Vì thế ở các thị trường hàng hóa dịch vụ, người sản xuất - người bán và người mua đều rất quan tâm tới hình dáng, mẫu mã, kích thước, chất liệu, tác dụng, giá thành và giá cả của sản phẩm; thì ở TTCK, do chứng khoán là những công cụ chuyển tải giá trị nên người ta chỉ quan tâm đến chứng khoán đó thật hay giả, khả năng sinh lợi và rủi ro tiềm ẩn thế nào, khả năng thanh khoản ra sao. Nói cách khác, việc phát hành, giao dịch các chứng khoán với tư cách là hàng hoá trên TTCK của tổ chức phát hành, của nhà đầu tư nhằm mục đích huy động các nguồn vốn nhàn rỗi cho đầu tư, đồng thời thực hiện việc chuyển dịch các dòng tiết kiệm và đầu tư nhằm mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận.

Thứ hai, TTCK được đặc trưng bởi định chế tài chính trực tiếp, những người có khả năng cung ứng vốn có thể điều chuyển vốn trực tiếp cho người cần vốn mà không cần thông qua các trung gian tài chính (ngân hàng, công ty tài chính,...) với tư cách là một chủ thể riêng biệt, độc lập thực hiện huy động vốn để phân phối vốn nhằm đạt được những lợi ích riêng.

Chúng ta đều đã biết, các nguồn tài chính có thể được chuyển dịch từ người cung sang người cầu bằng một trong hai hình thức: tài chính gián tiếp hoặc trực tiếp.

Tài chính gián tiếp: vốn được luân chuyển từ người cung vốn qua các trung gian tài chính (như ngân hàng thương mại, công ty tài chính...) rồi mới được chuyển tới người cầu vốn. Trung gian tài chính đứng giữa người cung và người cầu vốn, tiến hành tập trung các nguồn tài chính từ những người cung vốn và trả cho họ một khoản tiền lãi nhất định; sau đó sử dụng các nguồn lực tài chính huy động được để cho những người cầu vốn vay và thu từ họ một khoản tiền lãi nhất định. Trung gian tài chính được hưởng một khoản thu nhập từ phần chênh lệch giữa thu từ cung ứng nguồn lực tài chính và chi cho huy động các nguồn lực tài chính.

Tài chính trực tiếp: vốn hay các nguồn tài chính được luân chuyển trực tiếp từ người cung vốn sang người cầu vốn. Trong quá trình vận động này, nguồn tài chính không dừng lại ở bất kỳ một tổ chức tài chính trung gian nào. Người có nhu cầu sử dụng vốn phải trả chi phí sử dụng vốn cho người cung vốn. Tuy nhiên, trong hình thức tài trợ trực tiếp, nguồn vốn có thể luân chuyển tới người có nhu cầu theo 2 hình thức: tài trợ trực tiếp qua trung gian và tài trợ trực tiếp không qua trung gian.

Hình 1.1: Quá trình chu chuyển vốn trên thị trường tài chính

Tài trợ trực tiếp qua trung gian là một hình thức luân chuyển các nguồn tài chính trong đó ngoài người cung vốn và người cầu vốn còn xuất hiện một trung gian đứng ra tổ chức, thu xếp việc thực hiện giao dịch tài chính giữa người cung và người cầu. Ở hình thức này, nguồn tài chính không dừng lại ở trung gian (như trong tài trợ gián tiếp) song người cung và người cầu vốn phải trả một khoản phí nhất định đối cho người trung gian ngoài chi phí sử dụng vốn, ví dụ: hoa hồng đại lí, phí bảo lãnh phát hành chứng khoán... Đây là loại hình luân chuyển các nguồn tài chính phát sinh khá phổ biến trên thị trường.

Tài trợ trực tiếp không qua trung: là hình thức luân chuyển trực tiếp các nguồn tài chính giữa người cung vốn và người cầu vốn mà không cần qua bất kỳ một trung gian nào. Người cung vốn và người cầu vốn trực tiếp thỏa thuận các điều kiện giao dịch. Trong hình thức này, người có nhu cầu vốn chỉ phải trả chi phí sử dụng vốn cho người cung vốn để có quyền sử dụng vốn trong những khoảng thời gian nhất định. Loại hình luân chuyển các nguồn tài chính này phát sinh phổ biến trong phát hành chứng khoán nội bộ, mua chứng khoán trực tiếp từ tổ chức phát hành, hoặc trên thị trường tự do (thị trường ngầm), .

Thực tế phát triển TTCK cho thấy, hầu hết các hoạt động phát hành chứng khoán để huy động vốn của các tổ chức phát hành được thực hiện thông qua các hình thức tài trợ trực tiếp qua trung gian hoặc không qua trung gian.

Thứ ba, hoạt động mua bán trên TTCK chủ yếu được thực hiện qua người môi giới.

TTCK được cấu thành bởi nhiều bộ phận thị trường, trong đó TTCK tập trung và thị trường OTC là những bộ phận quan trọng. Do hàng hóa của thị trường này là các công cụ chuyển tải giá trị, nên bằng những giác quan thông thường nhà đầu tư khó có khả năng phân biệt được chứng khoán đó có đảm bảo yêu cầu về mặt pháp lí cũng như chất lượng của chúng. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư, đảm bảo TTCK hoạt động đúng pháp luật, công bằng, công khai và hiệu quả, luật pháp các nước thường quy định hoạt động mua bán chứng khoán trên các thị trường có tổ chức phải thông qua các trung gian, đó là những nhà môi giới chứng khoán đã được cấp phép là thành viên giao dịch của thị trường đó. Các nhà đầu tư muốn mua hoặc bán chứng khoán không thể đến thị trường đàm phán để mua bán trực tiếp, mà bắt buộc phải đặt lệnh mua bán qua các nhà môi giới chứng khoán.

Thứ tư, TTCK gần với thị trường cạnh tranh hoàn hảo.

TTCK bao gồm nhiều bộ phận thị trường khác nhau, trong đó TTCK tập trung là bộ phận trung tâm. Ở thị trường này tất cả mọi người đều được tự do tham gia mua và bán theo nguyên tắc hoạt động của thị trường. Không có sự áp đặt giá cả trên TTCK, giá cả ở đây được xác định dựa trên quan hệ cung cầu của thị trường và phản ánh các thông tin có liên quan đến chứng khoán.

Thứ năm, TTCK về cơ bản là thị trường liên tục. Sau khi các chứng khoán được phát hành trên thị trường sơ cấp, nó có thể được mua đi bán lại nhiều lần trên thị trường thứ cấp. TTCK đảm bảo cho những người đầu tư có thể chuyển các chứng khoán của họ nắm giữ thành tiền bất cứ lúc nào họ muốn.

Trên đây là một số đặc điểm cơ bản của TTCK. Chính những đặc điểm này là cơ sở để phân biệt sự khác nhau giữa TTCK với các thị trường khác; đồng thời đó cũng là những điểm nhấn tạo ra sự hấp dẫn của TTCK đối với các tổ chức phát hành, nhà đầu tư và kinh doanh chứng khoán. Đặc biệt đối với các tổ chức phát hành, TTCK là kênh huy động vốn trung và dài hạn rất thuận lợi vì với đặc điểm "thị trường chứng khoán là thị trường liên tục" đã tạo điều kiện cho các nguồn vốn ngắn hạn của nhà đầu tư, trở thành nguồn vốn dài hạn của nhà phát hành.

1.1.3. Các chủ thể tham gia TTCK

Tham gia TTCK bao gồm nhiều chủ thể như: tổ chức phát hành, nhà đầu tư, tổ chức kinh doanh chứng khoán, tổ chức phụ trợ, tổ chức quản lí TTCK .

● Tổ chức phát hành chứng khoán

Tổ chức phát hành chứng khoán là các tổ chức cần vốn và thực hiện huy động vốn thông qua TTCK. Tổ chức phát hành là người cung cấp chứng khoán - hàng hóa của TTCK. Thông thường tổ chức phát hành bao gồm:

- Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương: phát hành trái phiếu chính phủ và chính quyền địa phương.

- Doanh nghiệp (bao gồm cả các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tài chính ngân hàng và phi tài chính): phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp.

- Công ty quản lí quỹ đầu tư: phát hành chứng chỉ quỹ đầu tư.

● Nhà đầu tư chứng khoán

Nhà đầu tư chứng khoán là những người bỏ tiền đầu tư vào chứng khoán nhằm mục đích thu lợi nhuận. Nhà đầu tư có thể được chia thành nhiều loại như nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

+ Nhà đầu tư cá nhân

Nhà đầu tư cá nhân là những người tham gia mua bán chứng khoán trên TTCK. Cũng giống như những hoạt động đầu tư khác, mục đích của đầu tư chứng khoán để tìm kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, mỗi nhà đầu tư có khả năng tài chính, tâm lí đầu tư và điều kiện nhân thân... khác nhau. Do vậy, họ sẽ có thái độ khác nhau đối với rủi ro.

Các nhà đầu tư cá nhân thuộc trường phái thận trọng thường không thích rủi ro và rất bảo thủ trong các phương thức đầu tư. Họ tìm mọi cách để giảm rủi ro và tìm kiếm lợi nhuận từ những chứng khoán có rủi ro thấp, đầu tư dài hạn vào một số chứng khoán nhất định.

Các nhà đầu tư cá nhân thuộc trường phái mạo hiểm thường sẵn sàng chấp nhận rủi ro nhằm mục đích tối đa hóa lợi nhuận thu được. Họ thường đầu tư vào các chứng khoán có tỉ lệ rủi ro cao nhưng có lợi nhuận kì vọng lớn, thường đầu tư ngắn hạn mà không đầu tư lâu dài vào bất cứ một loại chứng khoán nào.

+ Nhà đầu tư tổ chức (còn gọi nhà đầu tư chuyên nghiệp)

Nhà đầu tư tổ chức là các tổ chức thường xuyên mua bán chứng khoán với số lượng lớn. Các tổ chức này thường có các bộ phận chức năng bao gồm các chuyên gia có kinh nghiệm để nghiên cứu thị trường và đưa ra các quyết định đầu tư. Nhìn chung có thể kể đến một số nhà đầu tư chuyên nghiệp sau:

- Các quỹ tín thác đầu tư: được thành lập nhằm thu hút vốn của nhiều nhà đầu tư cá nhân đề đầu tư trên TTCK. Ưu điểm nổi bật của hình thức đầu tư qua các quỹ tín thác là có thể đa dạng hóa danh mục đầu tư và các quyết định đầu tư được thực hiện bởi các chuyên gia có kinh nghiệm.

- Các công ty bảo hiểm: Công ty bảo hiểm quản lí phí bảo hiểm của những người tham gia bảo hiểm và sử dụng số tiền đó để đầu tư dưới các hình thức như: gửi ngân hàng, đầu tư vào chứng khoán... Để đảm bảo khả năng thanh toán bảo hiểm của các công ty bảo hiểm, pháp luật các nước thường có các quy định khá chặt chẽ về tỉ trọng các khoản đầu tư.

- Các quỹ hưu trí và quỹ bảo hiểm xã hội khác. Các quỹ này thu phí đóng góp định kì của các cá nhân để sau này trả cho họ lương hưu hay các khoản trợ cấp khác. Phần phí thu được chưa phải chi trả có thể được các nhà quản lí quỹ đầu tư vào các chứng khoán có độ an toàn cao như trái phiếu chính phủ.

- Các công ty tài chính, các NHTM... cũng có thể trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp khi họ mua bán chứng khoán cho chính mình.

● Người kinh doanh chứng khoán

Tham gia KDCK có thể bao gồm nhiều tổ chức như: CTCK, công ty quản lí quỹ đầu tư... và cá nhân hành nghề độc lập.

+ Công ty chứng khoán

CTCK là tổ chức có tư cách pháp nhân kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán, thực hiện một hoặc toàn bộ các hoạt động: môi giới, tự doanh, bảo lãnh phát hành, tư vấn đầu tư chứng khoán với mục đích tìm kiếm lợi nhuận.

Tùy theo điều kiện về năng lực tài chính, cơ sở vật chất kĩ thuật và nguồn nhân lực mà một CTCK có thể đảm nhận tất cả các nghiệp vụ kinh doanh hoặc chỉ đảm nhận một số nghiệp vụ nhất định theo giấy phép kinh doanh.

+ Công ty quản lý quỹ đầu tư

Công ty QLQ là tổ chức có tư cách pháp nhân, hoạt động cung cấp dịch vụ quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán.

Công ty QLQ là người thành lập và quản lí quỹ tín thác bằng cách: (1) đứng ra xin phép thành lập quỹ, phát hành chứng chỉ quỹ đầu tư ra công chúng để tạo vốn cho quỹ; (2) lựa chọn và thực hiện đầu tư vốn của quỹ vào chứng khoán hoặc tài sản khác phù hợp với điều lệ của quỹ; (3) xác định lợi nhuận của quỹ và tư vấn cho người lưu giữ tài sản của quỹ để phân phối lợi nhuận. Việc thành lập và hoạt động của quỹ và công ty QLQ được thực hiện theo luật tín thác đầu tư. Theo luật này một hợp đồng tín thác được kí kết bởi tất cả các bên tham gia vào quỹ: công ty quản lí quỹ, tổ chức giám sát bảo quản (thường là ngân hàng giám sát hoặc ngân hàng tín thác), và những người đầu tư.

● Người cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh chứng khoán (tổ chức phụ trợ)

Để đảm bảo cho TTCK có thể vận hành một cách bình thường, bên cạnh các chủ thể nêu trên cần có các tổ chức cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh chứng khoán như: tổ chức lưu kí chứng khoán và thanh toán bù trừ, tổ chức đánh giá hệ số tín nhiệm, tổ chức tài trợ chứng khoán, tổ chức kiểm toán, công nghệ thông tin TTCK...

- Tổ chức lưu kí chứng khoán và thanh toán bù trừ

Tổ chức lưu kí chứng khoán và thanh toán bù trừ là tổ chức nhận lưu giữ bảo quản các chứng khoán của khách hàng và tiến hành các nghiệp vụ thanh toán bù trừ các giao dịch mua bán chứng khoán.

- Công ty đánh giá hệ số tín nhiệm

Công ty đánh giá hệ số tín nhiệm là tổ chức chuyên thực hiện việc đánh giá về tình hình hiện tại và triển vọng hoạt động của các doanh nghiệp dưới dạng các hệ số tín nhiệm. Nhà đầu tư có thể dựa vào các hệ số tín nhiệm do các công ty đánh giá hệ số tín nhiệm cung cấp để cân nhắc trước khi ra quyết định đầu tư.

- Tổ chức tài trợ chứng khoán

Tổ chức tài trợ chứng khoán là các tổ chức được thành lập với mục đích khuyến khích mở rộng và tăng trưởng TTCK thông qua các hoạt động cho vay bảo lãnh, cho vay để mua cổ phiếu, cho vay chứng khoán cho các giao dịch chênh lệch... Các tổ chức tài trợ chứng khoán ở các nước khác nhau có đặc điểm khác nhau, có nước không có loại hình tổ chức này.

● Người quản lí và giám sát thị trường

Tùy theo chính sách phát triển thị trường và thực tế phát triển TTCK của mỗi quốc gia mà việc quản lí và giám sát TTCK được thực hiện bởi các chủ thể khác nhau. Thông thường tham gia quản lí giám sát TTCK bao gồm: Nhà nước (thông qua các cơ quan chức năng như UBCKNN, NHNN...), các tổ chức tự quản (Sở giao dịch, Hiệp hội các nhà kinh doanh chứng khoán...).

- Cơ quan quản lí nhà nước đối với TTCK

Sự quản lí của nhà nước đối với TTCK là nhân tố rất quan trọng để đảm bảo cho thị trường hoạt động trật tự, công bằng, đúng pháp luật. Tuy nhiên mô hình quản lí nhà nước đối với TTCK ở các nước đều có những điểm khác nhau. Nhìn nhận khái quát có thể thấy có hai loại mô hình về cơ quan quản lí nhà nước đối với TTCK: Một số nước giao nhiệm vụ quản lí nhà nước đối với TTCK cho một bộ của Chính phủ, thường là bộ Tài chính (Nhật Bản, Hàn Quốc...), một số nước thành lập cơ quan độc lập trực thuộc Chính phủ: Ủy ban chứng khoán (Mĩ...). Bên cạnh bộ Tài chính hoặc Ủy ban chứng khoán, một số bộ ngành khác cũng có chức năng tham gia quản lí TTCK ở một lĩnh vực thuộc thẩm quyền. Ví dụ: Ngân hàng Trung ương quản lí các NHTM thực hiện các hoạt động kinh doanh có liên quan đến chứng khoán như hoạt động thanh toán bù trừ, Bộ Tư pháp có trách nhiệm xử lí các hành vi gian lận trên TTCK...

- Sở giao dịch chứng khoán

SGDCK là nơi giao dịch các chứng khoán đã được niêm yết. Nhiệm vụ của Sở giao dịch là tổ chức vận hành thị trường thông qua các bộ phận chức năng như: quản lí niêm yết, quản lí giao dịch, quản lí công bố thông tin, thanh tra giám sát... trên cơ sở các văn bản pháp luật của nhà nước và các quy định của Sở.

Sở giao dịch ở nhiều nước là tổ chức tự định chế bao gồm các công ty chứng khoán thành viên, trực tiếp điều hành và giám sát các hoạt động giao dịch chứng khoán. Khi phát hiện ra các hành vi vi phạm quy chế thị trường, SGD tiến hành xử lí, áp dụng các biện pháp cưỡng chế thích hợp. Trường hợp phát hiện có hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định của ngành chứng khoán, Sở có trách nhiệm báo cáo lên Ủy ban chứng khoán để giải quyết. Hoạt động điều hành và giám sát của SGD phải được thực hiện trên cơ sở phù hợp với các quy định pháp luật có liên quan.

- Hiệp hội các nhà KDCK

Hiệp hội các nhà KDCK là tổ chức của các CTCK và một số thành viên khác hoạt động trong ngành công nghiệp chứng khoán được thành lập với mục đích bảo vệ lợi ích cho các công ty thành viên nói riêng và cho toàn ngành chứng khoán nói chung. Hiệp hội các nhà KDCK thường là tổ chức tự điều hành, tham gia quản lí giám sát thị trường theo một số nội dung chủ yếu sau:

+ Ban hành các quy định đối với thành viên và có trách nhiệm giám sát việc thực hiện các quy định của các thành viên Hiệp hội.

+ Thu nhận các khiếu nại của khách hàng đối với các CTCK thành viên. Xử lí các vi phạm của thành viên theo quy chế của Hiệp hội.

+ Đề xuất các kiến nghị đối với các cơ quan quản lí Nhà nước về các biện pháp phát triển thị trường.

1.2. PHÂN LOẠI THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

1.2.1. Theo đối tượng giao dịch

● Thị trường cổ phiếu (Stocks Market)

Thị trường cổ phiếu, còn gọi là thị trường vốn (vốn cổ phần) là thị trường mà đối tượng giao dịch là các loại cổ phiếu của các công ty cổ phần. Thị trường cổ phiếu được coi là bộ phận cơ bản và giữ vị trí quan trọng nhất của hệ thống TTCK. Nói đến TTCK người ta thường đồng nghĩa với thị trường cổ phiếu.

Thị trường cổ phiếu có một số đặc điểm sau:

+ Hàng hóa mua bán trên thị trường là các loại cổ phiếu (còn gọi là các công cụ vốn) như: cổ phiếu thường (còn gọi là cổ phiếu phổ thông), cổ phiếu ưu đãi.

+ Nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu giữ vai trò là cổ đông, là đồng sở hữu một phần công ty cổ phần - tổ chức phát hành ra cổ phiếu đó.

+ Do cổ phiếu không có thờì hạn nên để thu hồi vốn đầu tư, thông thường nhà đầu tư không thể yêu cầu tổ chức phát hành mua lại mà phải đem bán chúng (chuyển nhượng quyền sở hữu) cho những nhà đầu tư khác trên thị trường cổ phiếu.

● Thị trường trái phiếu (Bonds Market)

Thị trường trái phiếu, còn gọi là thị trường nợ là nơi giao dịch các loại trái phiếu. Trái phiếu được giao dịch trên thị trường bao gồm trái phiếu chính phủ và chính quyền địa phương, trái phiếu công ty, trái phiếu ngân hàng...

Thị trường trái phiếu có một số đặc điểm sau:

+ Hàng hóa mua bán trên thị trường là các loại trái phiếu (còn gọi là các công cụ nợ) như: công trái quốc gia, trái phiếu đầu tư, trái phiếu chính phủ, tín phiếu kho bạc, kì phiếu ngân hàng...

+ Nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu giữ vai trò là chủ nợ của tổ chức phát hành.

+ Do trái phiếu có kì hạn nên việc thu hồi vốn đầu tư có thể thực hiện trực tiếp từ tổ chức phát hành (nếu trái phiếu đã đến ngày đáo hạn). Trường hợp ngược lại, nhà đầu tư phải đem bán chúng (chuyển nhượng quyền sở hữu) cho những nhà đầu tư khác trên thị trường trái phiếu .

● Thị trường chứng chỉ quỹ đầu tư

Thị trường chứng chỉ quỹ là nơi giao dịch các loại chứng chỉ quỹ.

Thị trường chứng chỉ quỹ có một số đặc điểm sau:

+ Hàng hóa mua bán trên thị trường là các loại chứng chỉ quỹ do các công ty quản lí quỹ đầu tư phát hành.

+ Nhà đầu tư nắm giữ chứng chỉ quỹ là người ủy thác cho công ty quản lý quỹ thực hiện hoạt động đầu tư tập thể theo điều lệ của quỹ. Nhà đầu tư không có quyền kiểm soát hàng ngày đối với hoạt động đầu tư của quỹ.

+ Tùy theo đặc điểm của từng loại quỹ đầu tư mà nhà đầu tư nắm giữ chứng chỉ quỹ có thể thu hồi vốn đầu tư trực tiếp từ quỹ hoặc phải đem bán chúng (chuyển nhượng quyền sở hữu) cho những nhà đầu tư khác trên thị trường chứng chỉ quỹ .

● Thị trường chứng khoán phái sinh (Derivatives Market)

Là nơi giao dịch các loại chứng khoán phái sinh như quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn, hợp đồng kì hạn, hợp đồng tương lai... TTCK phái sinh là thị trường mà sự ra đời và phát triển của nó bắt nguồn từ chính việc phát hành, giao dịch các loại chứng khoán gốc. Sự tồn tại và phát triển của thị trường này có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu hoạt động sôi động và hiệu quả hơn.

Tiêu thức phân chia này giúp chúng ta có thể đánh trình độ phát triển của nền kinh tế nói chung cũng như chính bản thân phát triển của TTCK nói riêng. Với những nước phát triển, sự phát triển của thị trường cổ phiếu là biểu trưng cho sự phát triển của nền kinh tế. Song hành cùng với sự phát triển và hoàn thiện của thị trường, các loại chứng khoán phái sinh cũng ngày càng gia tăng để đáp ứng nhu cầu đa dạng, đồng thời cung cấp các công cụ phòng chống rủi ro cho các nhà đầu tư, kinh doanh chứng khoán.

1.2.2. Theo các giai đoạn vận động (quá trình lưu thông) của chứng khoán

● Thị trường sơ cấp (Primary market)

Là thị trường diễn ra các giao dịch phát hành các chứng khoán mới.

TTCK sơ cấp có vai trò tạo vốn cho các tổ chức phát hành và chuyển hoá các nguồn vốn nhàn rỗi trong công chúng vào đầu tư.

Đặc điểm của thị trường sơ cấp:

+ Trên thị trường sơ cấp, chứng khoán là phương tiện huy động vốn đối với nhà phát hành đồng thời là công cụ đầu tư các nguồn tiền nhàn rỗi đối với các nhà đầu tư.

+ Chủ thể giao dịch: trên thị trường sơ cấp, người bán chứng khoán là các tổ chức phát hành, người mua là các nhà đầu tư .

+ Kết quả giao dịch trên thị trường sơ cấp làm tăng vốn đầu tư cho nền kinh tế.

+ Tính chất hoạt động của thị trường: thị trường sơ cấp là thị trường không liên tục.

● Thị trường thứ cấp (Secondary market)

Là thị trường diễn ra các giao dịch mua bán các chứng khoán đã được phát hành trên thị trường sơ cấp.

Vai trò của TTCK thứ cấp là thực hiện việc di chuyển vốn đầu tư giữa các nhà đầu tư chứng khoán. Nếu xét trên góc độ kinh tế vĩ mô, TTCK thứ cấp là một định chế tài chính quan trọng trong quá trình điều tiết vốn đầu tư giữa các ngành, các lĩnh vực, tạo ra một sự cân đối mới cho nền kinh tế.

Đặc điểm của TTCK thứ cấp:

+ Trên thị trường thứ cấp, chứng khoán chỉ thuần túy là công cụ đầu tư mà không tồn tại với tư cách là phương tiện huy động vốn cho các tổ chức phát hành.

+ Chủ thể giao dịch của thị trường thứ cấp chủ yếu là các nhà đầu tư, kinh doanh chứng khoán, bao gồm: các nhà đầu tư cá nhân và các tổ chức đầu tư.

+ Kết quả hoạt động của thị trường thứ cấp không làm tăng vốn đầu tư cho nền kinh tế mà chỉ có vai trò làm thay đổi quyền sở hữu vốn đầu tư giữa các nhà đầu tư của thị trường.

+ Tính chất hoạt động của thị trường: thị trường thứ cấp là thị trường liên tục.

Thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp một mối quan hệ hữu cơ, gắn bó với nhau, làm tiền đề cho sự phát triển của TTCK. Thị trường sơ cấp có vai trò tạo hàng hóa cho hoạt động của thị trường sơ cấp, thị trường thứ cấp làm gia tăng tính thanh khoản của chứng khoán, đảm bảo cho sự phát triển của thị trường sơ cấp .

Phân chia và nghiên cứu TTCK theo tiêu thức này có ý nghĩa quan trọng trong việc phân tích quan hệ cung cầu vốn trong nền kinh tế, đồng thời tạo cơ sở để đánh giá hiện trạng nền kinh tế cũng như vị trí và uy tín của các tổ chức phát hành thông qua sự biến động giá chứng khoán trên thị trường thứ cấp.

1.2.3. Theo cơ chế hoạt động

● Thị trường chứng khoán chính thức

TTCK chính thức (còn gọi là thị trường có tổ chức) là thị trường mà sự ra đời và hoạt động được thừa nhận, bảo hộ về mặt pháp lý. Các hoạt động giao dịch của thị trường này nằm dưới sự kiểm soát và chịu sự ảnh hưởng bởi cơ chế điều tiết gián tiếp của Nhà nước. Nếu xét trên hình thức và cơ chế giao dịch, thị trường có tổ chức bao gồm:

+ Thị trường tập trung

TTCK tập trung là thị trường ở đó việc giao dịch mua bán chứng khoán được thực hiện tại một địa điểm tập trung gọi là sàn giao dịch.

Đặc điểm của TTCK tập trung:

- TTCK tập trung có địa điểm giao dịch cố định.

- Các chứng khoán được giao dịch tại TTCK tập trung phải thoả mãn những điều kiện nhất định và hoàn tất thủ tục niêm yết, thường là chứng khoán của những công ty lớn, có danh tiếng, đã qua thử thách của thị trường.

- Phương thức giao dịch chủ yếu là đấu giá hoặc ghép lệnh để hình thành giá cả cạnh tranh tốt nhất trong các phiên giao dịch.

- Thành viên tham gia giao dịch có giới hạn, thường chỉ bao gồm những tổ chức hoặc cá nhân có đủ điều kiện và đã được cơ quan quản lí của nhà nước về lĩnh vực chứng khoán và TTCK cấp phép thành viên.

- Nhà nước quản lí đối với thị trường thông qua các pháp luật chuyên ngành về CK & TTCK.

+ Thị trường phi tập trung (còn gọi là thị trường OTC - Over the Counter)

Thị trường OTC là thị trường ở đó việc giao dịch mua bán chứng khoán không diễn ra tại một địa điểm tập trung mà thông qua hệ thống máy vi tính và điện thoại kết nối giữa các thành viên của thị trường.

Đặc điểm của TTCK OTC:

- TTCK OTC không có địa điểm giao dịch cố định. Các giao dịch được tiến hành qua mạng lưới các CTCK phân tán trên khắp quốc gia.

- Các chứng khoán được giao dịch tại đây là các chứng khoán chưa được niêm yết trên bất kỳ thị trường tập trung nào và thường bao gồm các chứng khoán có tiêu chuẩn thấp hơn chứng khoán được niêm yết trên thị trường tập trung - chứng khoán của các công ty vừa và nhỏ.

- Giá cả trên thị trường được xác định chủ yếu theo phương thức thương lượng, thoả thuận.

- Nhà nước quản lí đối với thị trường thông qua các pháp luật chuyên ngành về CK & TTCK.

So sánh thị trường OTC với thị trường tập trung

Thị trường OTC Thị trường tập trung

- Địa điểm giao dịch phi tập trung.

- Giao dịch qua mạng máy tính điện tử.

- Thỏa thuận giá, hoặc mua bán theo giá niêm yết.

- Giao dịch chứng khoán loại 2 (có tiêu chuẩn thấp hơn).

- Sử dụng các nhà tạo lập thị trường hoạt động theo pháp luật.

- Được tổ chức quản lí chặt chẽ bởi các cơ quan quản lí nhà nước và tổ chức tự quản.

- Quản lí nhà nước đối với thị trường thông qua hệ thống các văn bản pháp luật chuyên ngành (luật chứng khoán) và các văn bản pháp luật có liên quan.

- Tổ chức tự quản là hiệp hội các nhà KDCK hoặc sở giao dịch.

- Cơ chế thanh toán đa dạng. - Địa điểm giao dịch tập trung.

- Giao dịch qua mạng hoặc không qua mạng

- Giá cả được hình thành theo phương thức đấu giá tập trung hoặc khớp lệnh.

- Giao dịch chứng khoán loại 1 (có tiêu chuẩn cao hơn).

- Không sử dụng các nhà tạo lập thị trường (đối với các thị trường đấu giá theo lệnh).

- Được tổ chức quản lí chặt chẽ bởi các cơ quan quản lí nhà nước và tổ chức tự quản.

- Quản lí nhà nước đối với thị trường thông qua hệ thống các văn bản pháp luật chuyên ngành (luật chứng khoán) và các văn bản pháp luật có liên quan.

- Tổ chức tự quản là sở giao dịch.

- 1 cơ chế thanh toán bù trừ đa phương.

● Thị trường chứng khoán không chính thức (TTCK tự do )

TTCK tự do (The free markets): còn gọi là thị trường ngầm, hay thị trường chợ đen, là thị trường ở đó các hoạt động giao dịch mua bán chứng khoán không được thực hiện qua hệ thống giao dịch của thị trường tập trung và thị trường OTC, nó ra đời và hoạt động một cách tự phát theo nhu cầu của thị trường.

TTCK tự do là thị trường mà hoạt động giao dịch mua bán, chuyển nhượng chứng khoán có thể diễn ra ở bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào, có thể thông qua các nhà môi giới hoặc do chính những người có nhu cầu đầu tư, mua bán chứng khoán thực hiện.

Dưới góc độ pháp lý, TTCK tự do là thị trường mà sự ra đời, tồn tại và hoạt động không được thừa nhận và bảo hộ bởi các pháp luật chuyên ngành về chứng khoán và TTCK. Nó ra đời và hoạt động bởi các nhu cầu tự phát của thị trường. Do không được bảo hộ về mặt pháp lý nên việc mua bán chứng khoán trên thị trường tự do chứa đựng nhiều rủi ro như lừa đảo, hàng giả, hàng không có thật...

So sánh thị trường OTC và thị trường tự do

Thị trường OTC Thị trường tự do

- Có tổ chức chặt chẽ.

- Giao dịch phi tập trung.

- Thỏa thuận giá qua mạng, hoặc mua bán theo giá niêm yết.

- Chứng khoán loại 2.

- Có quản lí nhà nước và tự quản. - Không có tổ chức.

- Giao dịch phi tập trung.

- Thỏa thuận giá trực tiếp và thủ công.

- Chứng khoán chưa niêm yết tại TTCK tập trung và thị trường OTC.

- Không có sự quản lí nhà nước bởi các luật chuyên ngành về CK & TTCK.

Thị trường có tổ chức và thị trường tự do là hai bộ phận cùng song song tồn tại và phát triển. Xét về lịch sử, thị trường tự do ra đời sớm hơn rất nhiều so với thị trường có tổ chức. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường cũng như sự gia tăng vai trò kiểm soát của Nhà nước thì quy mô và phạm vi hoạt động của thị trường tự do ngày càng giảm đi rõ rệt ngược lại với sự phát triển nhanh chóng của thị trường có tổ chức.

Xem xét hoạt động TTCK theo tiêu thức này giúp chúng ta có thể đánh giá được vai trò cũng như mức độ kiểm soát của Nhà nước đối với hoạt động của TTCK nói riêng cũng như toàn bộ nền kinh tế nói chung.

1.2.4. Theo thời hạn thanh toán

● Thị trường giao ngay

Thị trường giao ngay là thị trường mà việc giao nhận chứng khoán và thanh toán được diễn ra ngay trong ngày giao dịch hoặc trong thời gian thanh toán bù trừ theo quy định.

Đặc điểm của TTCK giao ngay:

- Việc kí ký hợp đồng giao dịch mua bán chứng khoán được thực hiện ở hiện tại.

- Việc chuyển giao quyền sở hữu chứng khoán và thanh toán được thực hiện ngay trong ngày giao dịch, hoặc trong thời gian thanh toán bù trừ theo quy định của thị trường mỗi nước (T+1 hoặc T+2 hoặc T+3).

● Thị trường kỳ hạn

Thị trường kì hạn là thị trường mà việc giao nhận chứng khoán và thanh toán được diễn ra sau ngày giao dịch một khoảng thời gian nhất định.

Đặc điểm của TTCK kì hạn:

- Việc kí ký hợp đồng giao dịch mua bán chứng khoán được thực hiện ở hiện tại.

- Việc chuyển giao quyền sở hữu chứng khoán và thanh toán được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định theo hợp đồng đã kí kết. Tùy theo cơ chế hoạt động của thị trường theo kiểu Âu hay kiểu Mĩ mà ngày thực hiện hợp đồng (chuyển giao quyền sở hữu chứng khoán và thanh toán) được thực hiện sau ngày giao ngay một khoảng thời gian đã kí hay bất cứ ngày nào trong thời hạn của hợp đồng.

1.3. CHỨC NĂNG VÀ VAI TRÒ CỦA TTCK

1.3.1. Chức năng của TTCK

TTCK là một bộ phận của thị trường tài chính được ví như là hệ thống các con kênh khơi thông dòng chảy cho các nguồn vốn đầu tư. Thông qua các con kênh này, vốn sẽ chảy từ nơi thừa về nơi thiếu, từ nơi sử dụng có hiệu quả thấp sang nơi sử dụng có hiệu quả cao hơn, vốn sẽ chảy sang các ngành, các lĩnh vực cần ưu tiên phát triển theo đòi hỏi của xã hội cũng như các định hướng phát triển nền kinh tế của Chính phủ.

Với tư cách là một định chế tài chính quan trọng trong nền kinh tế thị trường, TTCK được nhìn nhận với hai chức năng cơ bản là tập trung huy động vốn đầu tư và điều tiết các nguồn vốn trong nền kinh tế.

● Tập trung huy động vốn đầu tư cho nền kinh tế

Thông qua các giao dịch trên được thực hiện trên TTCK sơ cấp, các nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi trong dân cư, trong các tổ chức chính trị, các tổ chức xã hội... được tập trung cho các hoạt động đầu tư của các tổ chức phát hành.

- Thông qua phát hành trái phiếu, Nhà nước huy động vốn để thực hiện các chương trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các công trình công cộng, thực hiện công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

- Các doanh nghiệp, các ngân hàng, tổ chức tài chính sử dụng vốn huy động được qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu để đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển thị trường, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, nâng cao thị phần doanh nghiệp, củng cố vị trí trên thương trường.

● Điều tiết các nguồn vốn trong nền kinh tế

TTCK nói chung, TTCK thứ cấp nói riêng là nơi tạo tính thanh khoản cho các loại chứng khoán. Thông qua thị trường này nhà đầu tư có thể thu hồi vốn hoặc chuyển vốn đầu tư một cách dễ dàng thông qua các hoạt động bán và mua các loại chứng khoán.

Mặt khác, trong nền KTTT, bên cạnh những doanh nghiệp thành đạt, không ít doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh thấp kém, thậm chí có nguy cơ phá sản. Những doanh nghiệp này có thể phải chấp nhận giải pháp thu hẹp phạm vi kinh doanh ở một lĩnh vực nào đó bằng cách rút bớt vốn đầu tư khỏi các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để đầu tư vào một lĩnh vực khác thông qua việc mua các chứng khoán đang được giao dịch trên TTCK. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc vốn đầu tư tự phát điều tiết từ các ngành, các lĩnh vực có hiệu quả sử dụng thấp sang các ngành, các lĩnh vực có hiệu quả sử dụng cao hơn.

1.3.2. Vai trò của TTCK

Việc tạo lập và phát triển TTCK có ý nghĩa rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế của các nước có nền kinh tế thị trường. Nó là kênh bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu không có đầy đủ các điều kiện cần thiết để đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển thì TTCK cũng có thể gây nên những tác hại không lường đối với nền kinh tế - xã hội. Chính vì thế nhận thức được đầy đủ vai trò tích cực cũng như những bất lợi của TTCK có một ý nghĩa quan trọng trong việc sử dụng thị trường và xây dựng chính sách quản lý thị trường một cách hữu hiệu.

Ở hầu hết các nước có nền kinh tế thị trường phát triển đều tồn tại TTCK với các vai trò chủ yếu sau:

- TTCK là kênh huy động, tập trung và luân chuyển vốn linh hoạt của nền kinh tế

Trong nền kinh tế thị trường, TTCK được xem như một trung tâm thu gom mọi nguồn vốn tiết kiệm lớn nhỏ của từng hộ dân cư, các nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi trong các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính và từ nước ngoài,... tạo thành một nguồn vốn khổng lồ tài trợ cho nền kinh tế, mà các phương thức khác không làm được. Qua đó tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp có vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh và thu được lợi nhuận nhiều hơn. Nó giúp cho Nhà nước giải quyết thiếu hụt ngân sách bằng cách phát hành trái phiếu, tạo và tăng thêm nguồn vốn để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, các ngành kinh tế mũi nhọn...

- TTCK góp phần kích thích cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp

Thông qua TTCK, các doanh nghiệp có thể sử dụng vốn tiền tệ tạm thời nhàn rỗi để đầu tư chứng khoán như là một tài sản kinh doanh và ngược lại, các chứng khoán đó sẽ được chuyển thành tiền khi cần thiết.

Hơn nữa TTCK còn giúp các doanh nghiệp xâm nhập lẫn nhau thông qua việc mua bán cổ phiếu. Việc sáp nhập, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đều có thể thực hiện thông qua TTCK. Thậm chí khi một doanh nghiệp bị phá sản, nó cũng không mất đi, mà nó sẽ được bán vào tay một số cổ đông khác và các cổ đông mới này sẽ tiếp tục duy trì, phát triển sự hoạt động của doanh nghiệp.

Luật lệ của TTCK bắt buộc các doanh nghiệp tham gia thị trường phải công bố công khai, minh bạch tình hình tài chính, kết quả kinh doanh hàng quý, hàng năm trước dân chúng, để dân chúng cũng như các nhà đầu tư khác có thể nhận định, đánh giá được công ty. Bên cạnh đó, việc mua bán cổ phiếu của công ty một cách tự do, khiến người có cổ phiếu trở thành sở hữu chủ của công ty, họ có thể kiểm soát công ty một cách dễ dàng qua các cơ quan quản lý công ty và nhận biết được khả năng hoạt động của công ty qua sự chấp nhận của TTCK. Chính những điều này buộc các doanh nghiệp phải tính toán kỹ lưỡng trong việc huy động và sử dụng vốn, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

- TTCK góp phần đa dạng hóa các hình thức đầu tư và huy động vốn trong nền kinh tế

TTCK đưa đến cho công chúng những công cụ đầu tư mới, đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng có tâm lý và chiến lược riêng. Với một hệ thống các loại chứng khoán khác nhau của nhiều ngành kinh tế và các chủ thể khác nhau, người tiết kiệm có thể tự mình lựa chọn, hoặc thông qua những nhà tài chính chuyên môn lựa chọn những hình thức đầu tư thích hợp nhất. Nhờ vậy, vốn nhàn rỗi trong xã hội sẽ được thu hút vào công cuộc đầu tư. Vốn đầu tư sinh lời, càng kích thích ý thức tiết kiệm và đầu tư trong dân chúng. Nếu không có TTCK thì nguồn tiết kiệm trong dân chúng có thể vẫn tiếp tục nằm yên dưới dạng cất trữ, không sinh lời cho bản thân người tiết kiệm và cũng chẳng đóng góp gì cho quá trình phát triển kinh tế.

Như vậy, TTCK là nơi cung cấp các cơ hội đầu tư có lựa chọn cho công chúng, từ đó nâng cao tiết kiệm quốc gia, tạo điều kiện về vốn cho sự nghiệp phát triển kinh tế.

- TTCK là tấm gương phản ánh thực trạng và tương lai phát triển của doanh nghiệp

Thị giá chứng khoán của một doanh nghiệp đang giao dịch trên TTCK được coi là cơ sở quan trọng đánh giá thực trạng hoạt động của doanh nghiệp đó trong hiện tại cũng như trong tương lai. Thị giá cổ phiếu cao hay thấp biểu hiện trạng thái kinh tế của doanh nghiệp. Đặc biệt, mức độ cổ tức và giá thặng dư của cổ phiếu (chênh lệch giữa giá thị trường và mệnh giá) thể hiện khả năng mang lại lợi tức và thu nhập cho các cổ đông. Triển vọng tương lai của mỗi doanh nghiệp cũng được thể hiện một cách trực tiếp trên thị giá cổ phiếu và sự diễn biến quá trình biến động thị giá cổ phiếu của công ty.

Như vậy thông qua sự biến động về giá cả chứng khoán và các chỉ số trên TTCK, người ta có thể đánh giá được tình trạng "sức khoẻ" của một doanh nghiệp nói riêng cũng như của nền kinh tế nói chung cả trong hiện tại và tương lai.

- TTCK là công cụ hữu hiệu giúp Nhà nước thực hiện chức năng điều tiết vĩ mô nền kinh tế

Các chỉ báo của TTCK phản ánh động thái của nền kinh tế một cách nhạy bén và chính xác. Giá các chứng khoán tăng lên cho thấy đầu tư đang mở rộng, nền kinh tế đang tăng trưởng; và ngược lại giá chứng khoán giảm sẽ cho thấy các dấu hiệu suy thoái của nền kinh tế. Vì thế, TTCK được coi là phong vũ biểu của nền kinh tế và là một công cụ quan trọng giúp chính phủ thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô. Thông qua TTCK, chính phủ có thể mua và bán trái phiếu chính phủ để tạo ra nguồn thu bù đắp thiếu hụt ngân sách và quản lí lạm phát. Ngoài ra, chính phủ cũng có thể sử dụng một số biện pháp, chính sách tác động vào TTCK nhằm định hướng đầu tư, đảm bảo sự phát triển cân đối của nền kinh tế...

- TTCK là công cụ góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế

TTCK là công cụ cho phép vừa thu hút, vừa kiểm soát vốn đấu tư nước ngoài một cách hữu hiệu, vì nó hoạt động theo nguyên tắc công khai. Nghĩa là mội đối tượng tham gia mua bán chứng khoán phải công khai và cập nhật toàn bộ những thông tin liên quan đến giá trị chứng khoán, công khai khả năng tài chính trong các giao dịch mua bán chứng khoán. Tính chuyên nghiệp của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ góp phần từng bước làm thay đổi tư duy trong đầu tư kinh doanh, đổi mới cơ chế quản lí theo xu thế quản lí hiện đại, từng bước góp phần khắc phục tình trạng đầu tư thiếu thông tin hoặc thông tin không trung thực, thiếu chính xác, đầu tư theo tâm lí, theo trào lưu đám đông của các nhà đầu tư trong nước. Hoạt động mua bán chứng khoán của các nhà đầu tư nước ngoài làm tăng tính sôi động của thị trường, qua đó góp phần quan trọng vào sự phát triển của TTCK của các quốc gia, đặc biệt là ở các TTCK mới hình nổi.

Như vậy TTCK không chỉ là công cụ cho phép thu hút và kiểm soát vốn đấu tư nước ngoài; mà còn góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của các quốc gia.

Ngoài ra, TTCK còn có các vai trò tích cực khác như: đảm bảo tính thanh khoản cho chứng khoán, làm giảm áp lực lạm phát, thúc đẩy quá trình cổ phần hoá DNNN...

1.3.3. Các khía cạnh tiêu cực trên TTCK

TTCK không phải là một công cụ vạn năng, nó không thể giải quyết được tất cả các nhu cầu của nền kinh tế đặt ra. Bên cạnh những tác động tích cực đó, do đặc điểm của các giao dịch chứng khoán mà rất dễ nảy sinh các hành vi vi phạm các nguyên tắc, các quy chế trong hoạt động mua bán, đó là "thao túng thị trường", "giao dịch nội gián", mua bán CK ngoài TTCK không chính thức làm ảnh hưởng đến mục tiêu "công bằng, hiệu quả và phát triển ổn định" của thị trường.

● Thao túng thị trường

"Thao túng thị trường" có thể được định nghĩa bằng nhiều cách khác nhau, nhưng tựu chung lại đều là những hành vi cố ý gây tác động đến thị trường bằng cách vận dụng quy luật cung - cầu hoặc các hành vi nhân tạo khác, để tác động đến giá cả chứng khoán, nhằm đạt được mục tiêu có lợi cho riêng mình. Thao túng thị trường thường được thể hiện dưới các hình thức cụ thể sau:

- Một là, đầu cơ chứng khoán. Trên TTCK, hoạt động đầu tư chứng khoán được xem là hoạt động cơ bản nhất của thị trường. Tuy vậy, cũng như bất kỳ hoạt động kinh tế nào, bên cạnh hoạt động đầu tư chứng khoán tích cực thông thường thì hoạt động đầu cơ chứng khoán, hay các nhà kinh tế còn gọi là hoạt động đầu tư mang tính chất đầu cơ, cũng song song tồn tại và là nhân tố hết sức quan trọng và phức tạp trên TTCK. Đầu tư và đầu cơ đều là những hoạt động kinh doanh nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Hoạt động đầu tư có thể là ngắn hạn, trung hạn hoặc dài hạn, còn hoạt động đầu cơ thường mang tính ngắn hạn. Các nhà đầu tư chứng khoán thường mua chứng khoán để nhận thu nhập từ chứng khoán đó mang lại, còn các nhà đầu cơ thường là những người mua bán chứng khoán để tìm kiếm lơi nhuận từ chênh lệch giá chứng khoán qua những lần mua đi bán lại trên TTCK. Bằng sự táo bạo của mình, họ chớp lấy thời cơ để mua hoặc bán chớp nhoáng các chứng khoán. Như vậy, mục tiêu của người đầu cơ không phải là nhận lợi tức của chứng khoán và thâm nhập vào các công ty danh tiếng mà là kiếm lời thông qua việc mua bán để hưởng chênh lệch giá chứng khoán. Họ sẵn sàng chấp nhận sự rủi ro, mạo hiểm để hy vọng thu được nhiều lợi nhuận cho mình. Vì vậy, những người đầu cơ thường hay tập trung vào những chứng khoán mà nhiều người cho rằng chúng có mức độ rủi ro cao. Họ thường quan tâm khai thác những thông tin có tính chất nhất thời, thẩm định, dự đoán những khả năng có tính chất bất thường. Đầu tư và đầu cơ đều là những hoạt động kinh doanh, giữa chúng có mức độ độc lập nhất định và có thể chuyển hoá lẫn nhau. Trên thực tế, một người mua chứng khoán với mục đích ban đầu là đầu tư, nhưng do giá chứng khoán họ đang nắm giữ lên giá hoặc sụt giá một cách nhanh chóng khiến họ phải quyết định bán đi các chứng khoán mà mình đang nắm giữ nhằm kiếm lời từ sự chênh lệch giá mua bán, hoặc bán đi để hạn chế rủi ro khi giá xuống, và vô tình họ đã trở thành một nhà đầu cơ chứng khoán tạm thời. Có thể nói rằng, trong hoạt động đầu tư đã nhen nhóm những yếu tố mang tính chất đầu cơ và ngay trong đầu cơ cũng có nhân tố của đầu tư. Thực tiễn hoạt động của TTCK có rất nhiều ví dụ sinh động về mối liên hệ rất chặt chẽ cũng như ranh giới mỏng manh giữa đầu tư và đầu cơ.

Trên TTCK, các nhà đầu cơ là những người dám bỏ tiền ra mua những loại chứng khoán khi có nhiều người bán, nhưng có rất ít người mua. Và ngược lại, họ cũng sẵn sàng bán khi có nhiều người mua nhưng có ít người bán. Chính các nhà đầu cơ, bằng kinh nghiệm, óc kinh doanh và tiền bạc của mình, họ đã giúp cho hoạt động của thị trường không bị gián đoạn. Trên góc độ đó, những nhà đầu cơ cũng có vai trò tích cực làm cho TTCK có tính thanh khoản cao, hoạt động giao dịch trên trên thị trường thêm phần sôi động. Vì vậy, những hoạt động đầu cơ này đều được các thị trường cho phép thực hiện.

Tuy nhiên, cũng có những hành động đầu cơ bị cấm. Đó là những hành động nhằm tạo ra sức ép về cung cầu một loại chứng khoán nào đó trên thị trường dẫn đến hình thành giá chứng khoán không đúng với giá trị đích thực của nó, để có lợi cho người đầu cơ và gây thiệt hại cho những nhà đầu tư khác. Ví dụ: các nhà đầu cơ kết hợp với nhau cùng liên tục mua, hoặc bán một loại chứng khoán, gây nên sự khan hiếm hay thừa thãi một cách giả tạo, dẫn đến giá cả chứng khoán sẽ gia tăng hoặc giảm sút một cách đột ngột. Khi giá đã tăng hoặc hạ đến một điểm tối ưu, một người trong số đó sẽ bán ra hoặc mua vào hết,...

- Hai là, hiện tượng chèn ép, cá lớn nuốt cá bé. Đó là hành vi những thương gia lớn thường đẩy giá lên hoặc gìm giá xuống để thu lợi, gây nên những thiệt hại cho những người có số lượng chứng khoán ít ỏi, vì trên TTCK giá cả hoàn toàn do cung cầu quyết định.

- Ba là, loan truyền tin đồn không chính xác hay thông tin lệch lạc về hiện trạng và triển vọng của một đơn vị kinh tế. Điều này có thể gây nên những hậu quả xấu cho đơn vị phát hành, cho thị trường và cho các nhà đầu tư chân chính. Hiện tượng "các tin đồn thất thiệt" có thể đem đến tình trạng cổ phiếu được đưa ra bán ồ ạt làm giá trị cổ phiếu giảm đột ngột, hoặc tình trạng đầu tư gia tăng làm giá cổ phiếu tăng nhanh vượt quá giá trị thực của chúng. Những người có ý đồ xấu có thể đứng ra mua (hoặc bán) cổ phiếu đó để khống chế công ty và hưởng một số lãi đáng kể sau khi tin đồn đã được kiểm chứng.

- Bốn là, cố ý gây sai lệch hay sự hiểu lầm về hoạt động giao dịch của một loại chứng khoán.

- Năm là, tìm mọi biện pháp để duy trì, ổn định mức giá chứng khoán nhằm tạo ra những lợi thế cho việc chào bán hoặc phát hành chứng khoán mới.

- Sáu là, thực hiện các giao dịch được sắp đặt trước, giao dịch giả tạo...

● Giao dịch nội gián

"Giao dịch nội gián" là những trường hợp người trong nội bộ tổ chức phát hành, hoặc những người do trong quá trình thực hiện những nhiệm vụ nào đó mà có được những thông tin chưa công bố ra công chúng, đã sử dụng hoặc trao cho người khác sử dụng những thông tin này để đầu tư, tham gia giao dịch có lợi cho mình. Đối tượng để thực hiện hành vi giao dịch nội gián là những người trong nội bộ bộ máy quản lý của tổ chức phát hành. Họ nắm được các thông tin nội bộ nhờ vào tư cách thành viên của tổ chức quản lý, lãnh đạo, giám sát hoặc nhờ vào chức năng của họ trong tổ chức phát hành.

Thông tin nội bộ là những thông tin quan trọng, chưa được công bố, liên quan đến một hoặc nhiều người phát hành, một hoặc nhiều người mua, bán chứng khoán có kỳ hạn, một hoặc nhiều sản phẩm tài chính đã được niêm yết, mà nếu thông tin đó được công bố sẽ có khả năng ảnh hướng đến giá chứng khoán, giá hợp đồng quyền chọn, hoặc giá sản phẩm tài chính có liên quan. Thông tin nội bộ bao gồm: những thay đổi lớn trong chính sách đầu tư, quản lý của công ty niêm yết, giao dịch của công ty với ngân hàng bị đình chỉ, công ty gặp tổn thất do hiểm hoạ thiên nhiên, các vụ kiện tụng lớn, tình trạng phá sản hay thâu tóm của công ty, những khó khăn trong việc trả nợ của công ty, những thay đổi trong ban quản trị, các kế hoạch sáp nhập, giải thể công ty, v,v...

Mua bán nội gián được xem như là một hành vi phi đạo đức về mặt thương mại và đi ngược lại nguyên tắc: mọi nhà đầu tư phải có cơ hội như nhau.

● Các hành vi khác

Mua bán chứng khoán trên TTCK tự do cũng có thể gây nên những hậu quả khó lường, vì bộ phận quản lý không thể biết được việc chuyển nhượng quyền sở hữu của một đơn vị nào đó. Mọi sự mua bán bên ngoài có khả năng tạo áp lực cho các nhà đầu tư khác, thậm chí đưa đến việc khống chế hay thay thế cả lãnh đạo của công ty. Do đó hầu hết các thị trường đều quy định mọi sự mua bán cổ phiếu đã đăng ký với TTCK phải được thực hiện thông qua TTCK.

Những mặt tiêu cực nêu trên và những biến tướng tinh vi của nó có thể hạn chế và khắc phục được bằng việc ban hành một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và có sự quản lý, giám sát thường xuyên của các cơ quan chức năng Nhà nước.

1.4. CÁC ĐIỀU KIỆN ĐỂ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN TTCK

TTCK là sản phẩm tất yếu khách quan của một nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường. TTCK ra đời đã mở ra một kênh huy động vốn mới trong nền kinh tế. Tuy nhiên, để đảm bảo cho TTCK ra đời và hơn thế nữa đó là sự phát triển ổn định, bền vững thì đòi hỏi phải có những điều kiện nhất định. Kinh nghiệm phát triển TTCK ở các nước cho thấy, TTCK chỉ có thể hình thành và phát triển khi có đủ các điều kiện sau:

1.4.1. Điều kiện về kinh tế

- Sự phát triển của nền kinh tế

TTCK là một thị trường bậc cao. Vì vậy, nó chỉ tồn tại ở các quốc gia có nền kinh tế hàng hoá - tiền tệ và các quan hệ thị trường ngày càng phát triển một cách ổn định, bền vững. Cũng giống như các thị trường khác, TTCK chỉ phát triển khi và chỉ khi nền kinh tế tăng trưởng ổn định biểu hiện ở sự gia tăng đều đặn của tổng sản phẩm quốc dân và quốc nội, tỉ lệ thất nghiệp thấp...

- Tình hình lưu thông tiền tệ

Chỉ khi kinh tế phát triển, chế độ lưu thông tiền tệ ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức vừa phải, lãi suất được hình thành theo quan hệ cung - cầu vốn trên thị trường, giá trị đồng nội tệ được ổn định thì công chúng mới yên tâm, tin tưởng tham gia đầu tư chứng khoán.

- Hàng hóa

Trên TTCK, hàng hoá là yếu tố vô cùng quan trọng góp phần tạo nên tính sôi động của thị trường. Vì vậy, để TTCK không ngừng phát triển và hoàn thiện phải tạo ra cho thị trường một lượng chứng khoán đa dạng, phong phú, đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, phù hợp với nhu cầu và tâm lý đa dạng của công chúng đầu tư.

- Các chủ thể kinh doanh và các tổ chức phụ trợ khác

Một TTCK hoàn chỉnh không thể thiếu các CTCK, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, các quỹ đầu tư, các tổ chức lưu kí và thanh toán bù trừ... Do đó, để TTCK phát triển cần có một hệ thống các tổ chức KDCK và các tổ chức phụ trợ hoạt động có hiệu quả và không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh cho các tổ chức này.

- Thu nhập dân cư

Khối lượng và tỷ trọng tiết kiệm trong tổng số thu nhập sẽ quyết định mức độ hoạt động của TTCK. Khi thu nhập bình quân đầu người thấp thì tỷ trọng chi tiêu cho tiêu dùng cao và tỷ trọng này càng giảm khi thu nhập bình quân đầu người tăng. Vì thế, TTCK chỉ có thể phát triển khi và chỉ khi thu nhập quốc dân cũng như thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng lên.

1.4.2. Điều kiện về pháp lý

Cũng giống như các thị trường khác, để TTCK ra đời, tồn tại và không ngừng phát triển không thể thiếu các điều kiện về pháp lí. Môi trường pháp lí trong lĩnh vực CK và TTCK thường bao gồm:

- Các quy chế về quản lý nhà nước đối với quá trình hình thành và vận hành thị trường.

- Các quy chế quản lý đối với các chủ thể tham gia thị trường: chủ thể quản lý, chủ thể phát hành, chủ thể kinh doanh dịch vụ, nhà đầu tư...

- Các quy chế quản lý đối với các hoạt động trên TTCK như: phát hành, niêm yết, giao dịch, công bố thông tin, lưu kí và thanh toán bù trừ...

Thực tế phát triển TTCK ở các nước cho thấy, TTCK chỉ có thể phát triển nếu quốc gia đó ban hành được một hệ thống các văn bản pháp lý đầy đủ, đồng bộ, có tính tiên liệu và hiệu lực pháp lí cao (bao gồm các văn bản luật và dưới luật có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến CK & TTCK), ổn định trong thời gian dài. Một hệ thống pháp lý chắp vá, không đồng bộ, tính pháp lý thấp và thay đổi thường xuyên sẽ làm TTCK hoạt động không ổn định, hiệu quả thấp kém và chậm phát triển.

1.4.3. Điều kiện về nhân lực

Con người là yếu tố có tính quyết định đến sự tồn tại và phát triển của thị trường. Vì vậy, để đảm bảo cho TTCK không ngừng phát triển và hoàn thiện phải có đội ngũ chuyên gia chứng khoán giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và phẩm chất, tư cách đạo đức tốt trên các lĩnh vực:

- Các chủ thể hoạch định chính sách, tổ chức, quản lý thị trường,

- Các chủ thể tác nghiệp trên thị trường: môi giới chứng khoán, tự doanh, bảo lãnh phát hành, lưu kí chứng khoán, tư vấn và quản lí danh mục đầu tư...

- Các chủ thể tham gia thị trường với vai trò phụ trợ: định mức tín nhiệm, kiểm toán, thanh toán bù trừ...

- Các nhà đầu tư và các nhà quản trị doanh nghiệp.

1.4.4. Điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật

Để phục vụ cho các giao dịch chứng khoán cần có hệ thống cơ sở vật chất kĩ thuật tương thích, đó là:

- Hệ thống giao dịch: chuyển lệnh, ghép lệnh, hệ thống yết giá,

- Hệ thống công bố thông tin,

- Hệ thống lưu ký, thanh toán,...

TTCK phát triển đồng nghĩa với việc quy mô thị trường ngày càng mở rộng, khối lượng các hoạt động trên thị trường ngày càng tăng lên. Điều đó đòi hỏi hệ thống trang thiết bị cho thị trường cũng phải không ngừng nâng cấp, hiện đại hóa... mới có thể đảm bảo cho thị trường hoạt động một cách nhanh chóng, an toàn và hiệu quả.

Trên đây là bốn điều kiện cơ bản để đảm bảo cho thị trường hình thành, phát triển ổn định và bền vững. Mức độ phát triển, hoàn thiện của các điều kiện là cơ sở nền tảng cho sự phát triển của TTCK. Các điều kiện này có mối quan hệ mật thiết với nhau, hỗ trợ ràng buộc lẫn nhau. Nếu như yếu tố kinh tế và cơ sở vật chất kỹ thuật là nền tảng, yếu tố pháp lý là công cụ, yếu tố tâm lý là động lực thì yếu tố con người là bao trùm lên tất cả các yếu tố đó. Có đủ các yếu tố nêu trên là điều kiện đảm bảo TTCK hoạt động đều đặn, lành mạnh, có hiệu quả và ngày càng phát triển.

Chương 2 CHỨNG KHOÁN

2.1. KHÁI NIỆM VÀ CÁC ĐẶC TRƯNG CƠ BẢN CỦA CHỨNG KHOÁN

2.1.1. Khái niệm và phân loại chứng khoán

● Chứng khoán (Securities) là gì ?

Có nhiều quan điểm khác nhau về chứng khoán. Tùy theo quan điểm, mục đích tiếp cận và nghiên cứu, sự phát triển của thị trường chứng khoán cũng như sự đa dạng phong phú về chủng loại chứng khoán mà người ta có thể khái quát, nhận dạng chứng khoán qua một số khái niệm sau :

- "Chứng khoán là một tài sản xác định về số lượng và có khả năng trao đổi, hoặc một công cụ có thể trao đổi đại diện cho giá trị tài chính".

- "Chứng khoán là một văn bản pháp lý, chứng nhận cho người cầm giữ nó có những những quyền nhất định đối với một loại tài sản nào đó".

- "Chứng khoán là thuật ngữ dùng để chỉ các chứng từ có giá xác nhận khoản tiền mà người chủ sở hữu đã bỏ ra để được quyền hưởng các khoản lợi tức nhất định theo những kỳ hạn nhất định".

- "Chứng khoán là các công cụ xác nhận quyền chủ sở hữu (cổ phiếu) hoặc quyền chủ nợ (trái phiếu) đối với tổ chức phát hành".

- Theo Luật Chứng khoán của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam số 70/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006 của Việt Nam thì ''chứng khoán là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành. Chứng khoán được thể hiện dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử ''.

Dù ghi nhận chứng khoán ở góc độ nào, theo cách nào, thì chứng khoán cũng đại biểu cho một số tiền nhất định mà người đầu tư đã ứng ra với mục đích là nó sẽ đem lại cho người sở hữu các quyền và lợi ích nhất định. Tùy theo loại chứng khoán đầu tư mà người sở hữu chứng khoán có được các quyền và lợi ích khác nhau. Nếu đầu tư mua cổ phiếu, nhà đầu tư có quyền là người chủ sở hữu một phần vốn của công ty cổ phần, được hưởng thu nhập do cổ phiếu mang lại đó là cổ tức. Nếu đầu tư mua trái phiếu, nhà đầu tư có quyền là chủ nợ đối với tổ chức phát hành, được hưởng thu nhập do trái phiếu mang lại đó là trái tức. Ngoài ra, nhà đầu tư còn có quyền chuyển nhượng chứng khoán do mình nắm giữ theo các quy định của pháp luật. Vì thế, chứng khoán có thể được mua bán và được lưu thông với tư cách là hàng hoá trên TTCK.

Tùy theo điều kiện phát triển kinh tế của mỗi quốc gia mà chứng khoán có thể phát hành theo một, hai hoặc cả ba hình thức kể trên. Ở những nước phát triển, chứng khoán thường được phát hành dưới hình thức bút toán ghi số và dữ liệu điện tử. Ở những nước kém phát triển, chứng khoán thường được phát hành dưới hình thức chứng chỉ.

● Phân loại chứng khoán

Chứng khoán có nhiều loại. Tùy theo các tiêu thức phân loại mà có thể chia chứng khoán thành các loại khác nhau.

+ Theo khả năng chuyển nhượng, chứng khoán được phân thành chứng khoán ghi danh (ghi tên) và chứng khoán vô danh (không ghi tên).

- Chứng khoán ghi danh là loại chứng khoán có ghi tên người chủ sở hữu. Loại chứng khoán này có được phép chuyển nhượng nhưng phải tuân theo những quy định pháp lý cụ thể về chuyển nhượng quyền sở hữu, như: thủ tục xác nhận của tổ chức phát hành, hoặc của cơ quan công chứng.

- Chứng khoán vô danh là loại chứng khoán không ghi tên người chủ sở hữu. Loại chứng khoán này được chuyển nhượng dễ dàng, không phải tuân theo những quy định pháp lý cụ thể về chuyển nhượng quyền sở hữu. Người mua có trách nhiệm chi trả cho người bán theo giá cả đã được xác định.

+ Theo tính chất sở hữu và nguồn gốc của chứng khoán, các chứng khoán được phân thành chứng khoán vốn, chứng khoán nợ, chứng khoán phái sinh.

- Chứng khoán vốn (Equity Securities): là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn của tổ chức phát hành. Người mua chứng khoán này (cổ phiếu - stock / share hoặc các loại chứng khoán khác đại diện cho một tỉ lệ sở hữu) có vai trò là người chủ sở hữu một phần vốn của tổ chức phát hành chứng khoán.

- Chứng khoán nợ (Debt Securities): là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn nợ của tổ chức phát hành. Người mua chứng khoán này (tín phiếu kho bạc /treasury Bond, kỳ phiếu ngân hàng / banknote, trái phiếu / bond...) có vai trò là người chủ nợ, người cho vay đối với tổ chức phát hành chứng khoán. Tổ chức phát hành có nghĩa vụ trả cho người sở hữu chứng khoán nợ một khoản tiền nhất định bao gồm cả gốc và lãi trong những khoảng thời gian đã xác định.

- Chứng khoán phái sinh (Derivatives Securities) là các công cụ tài chính có nguồn gốc từ chứng khoán và có quan hệ chặt chẽ với chứng khoán gốc như : quyền mua cổ phần / rights certificate, chứng quyền / warrants, quyền chọn / options, hợp đồng kì hạn / forward, hợp đồng tương lai / future, hợp đồng hoán đổi / swap....

+ Theo đặc điểm thu nhập do chứng khoán mang lại, chứng khoán được chia thành : chứng khoán có thu nhập cố định (trái phiếu có lãi suất cố định, cổ phiếu ưu đãi), chứng khoán có thu nhập biến đổi (trái phiếu có lãi suất thả nổi, cổ phiếu thường).

2.1.2. Các đặc trưng cơ bản của chứng khoán

Chứng khoán có nhiều loại, mỗi loại có những điểm khác nhau nhất định, nhưng chúng đều có các đặc trưng cơ bản sau :

● Tính sinh lợi (Yield)

Tính sinh lợi của chứng khoán là khả năng đem lại thu nhập cho người sở hữu chúng.

Các chứng khoán luôn chứa đựng một khả năng sinh lợi nhất định bởi lẽ khi phát hành ra chúng, nhà phát hành luôn hứa hẹn, cam kết một khoản thu nhập sẽ thanh toán cho nhà đầu tư, chính vì điều này mà nhà đầu tư mới bỏ vốn mua chứng khoán với tư cách là một hoạt động đầu tư.

Với các loại chứng khoán khác nhau thì mức độ và tính chất các khoản thu nhập mà chứng khoán đem lại cho người nắm giữ cũng khác nhau. Có những loại chứng khoán mà thu nhập của nó cho nhà đầu tư tương đối ổn định trong suốt thời gian đầu tư, ngược lại có những loại chứng khoán mà thu nhập của chúng hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng, hiệu quả các hoạt động kinh tế của tổ chức phát hành, cũng như tình hình quan hệ cung cầu loại chứng khoán đó trong nền kinh tế. Đối với cổ phiếu, người nắm giữ cổ phiếu sẽ được hưởng cổ tức hàng năm khi công ty cổ phần hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả và quyết định chi trả cổ tức cho cổ đông, ngoài ra họ còn có thể có thêm một khoản thu nhập tiềm năng trong tương lai dưới dạng chênh lệch giá chứng khoán nếu giá thị trường của cổ phiếu tăng. Đối với trái phiếu, theo các kỳ hạn cam kết của tổ chức phát hành, các trái chủ được quyền nhận trái tức, ngoài ra họ cũng có thể nhận thêm một khoản thu nhập thứ hai là chênh lệch giá nếu giá thị trường cuả trái phiếu đó tăng lên.

● Tính rủi ro (Risk)

Tính rủi ro của chứng khoán là những sự cố bất lợi có nguồn gốc từ chứng khoán đối với người chủ sở hữu dẫn tới những thiệt hại tổn thất cho người sở hữu chứng khoán.

Rủi ro cũng có thể hiểu là những hệ quả bất lợi ngoài sự kiểm soát của người chủ sở hữu, là yếu tố khó tránh khỏi trong đầu tư và kinh doanh. Đó là việc không thu được lãi và / hoặc vốn đã bỏ ra ban đầu. Có những rủi ro chung cho tất cả các loại chứng khoán (rủi ro hệ thống), và cũng có những rủi ro riêng gắn liền với từng loại chứng khoán nhất định (rủi ro không hệ thống). Các chứng khoán khác nhau, thì mức độ và tính chất rủi ro sẽ khác nhau. Khi đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư có thể gặp các loại rủi ro sau:

+ Rủi ro vỡ nợ: là rủi ro xảy ra khi người phát hành chứng khoán không thể thực hiện thanh toán đúng hạn các khoản lãi và gốc cho người mua chứng khoán. Rủi ro vỡ nợ có thể do rủi ro kinh doanh và rủi ro tài chính của tổ chức phát hành.

+ Rủi ro lạm phát: Trong lĩnh vực đầu tư vào các công cụ tài chính, lạm phát làm cho mức sinh lời danh nghĩa có sự khác biệt so với mức sinh lời thật. Khi mức sinh lời danh nghĩa nhỏ hơn sự mất giá của đồng tiền thì đó chính là rủi ro lạm phát.

+ Rủi ro hối đoái: khi nhà đầu tư trong nước mở rộng đầu tư chứng khoán trên thị trường vốn quốc tế, nếu sức mua của đồng ngoại tệ tại thời điểm thu hồi vốn đầu tư giảm so với lúc bỏ vốn đầu tư, sẽ làm cho nhà đầu tư bị thiệt thòi khi chuyển sang đồng bản tệ.

+ Rủi ro thị trường: là những rủi ro do biến động trên TTCK gây ra dẫn đến giảm giá chứng khoán, giảm tính thanh khoản của chứng khoán.

+ Rủi ro kĩ thuật: là những rủi ro do các sự cố kĩ thuật, hoặc kĩ năng tác nghiệp của những người hành nghề chứng khoán gây nên.

+ v.v...

Các loại rủi ro liên quan đến đầu tư chứng khoán rất đa dạng. Hiểu rõ, tiên liệu và sẵn sàng có các giải pháp hữu hiệu để ngăn ngừa, phòng chống rủi ro là điều kiện có ý nghĩa quan trọng khi quyết định đầu tư vào chứng khoán. Hơn thế nữa, trên TTCK, hàng hóa được giao dịch rất phong phú làm gia tăng cơ hội lựa chọn cho các nhà đầu tư. Song vấn đề đặt ra là sự lựa chọn đó xuất phát từ những căn cứ nào? Rủi ro của chứng khoán là một trong những căn cứ quan trọng mà các nhà đầu tư phải tính toán, so sánh để có một quyết định tối ưu cho đầu tư của mình.

● Tính thanh khoản (Liquidity)

Tính thanh khoản của chứng khoán (còn được gọi là tính hoán tệ, tính lỏng, tính lưu thông) là khả năng chuyển đổi chứng khoán thành tiền của người nắm giữ chứng khoán .

Các chứng khoán khác nhau thì có tính thanh khoản khác nhau. Một chứng khoán được coi là có tính thanh khoản cao nếu nó có thể chuyển đổi thành tiền một cách dễ dàng trong thời gian ngắn và không có rủi ro sụt giảm giá trị tiền tệ của chứng khoán đó.

Tính thanh khoản của mỗi chứng khoán cao hay thấp phụ thuộc vào:

+ Thời gian và chi phí cho việc chuyển đổi chứng khoán thành tiền,

+ Việc đảm bảo, duy trì giá trị ban đầu của chứng khoán.

Ba đặc trưng: tính sinh lợi, tính rủi ro, tính thanh khoản nói trên của chứng khoán có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Thông thường, các chứng khoán có rủi ro tiềm ẩn cao thì khả năng sinh lợi cao. Đó chính là yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư nắm giữ các chứng khoán có mức rủi ro dự kiến cao. Giữa khả năng sinh lợi và tính hoán tệ cũng có mối liên hệ mật thiết. Các chứng khoán có tính hoán tệ cao thì mức sinh lời thấp đồng thời ít rủi ro. Vì vậy các nhà đầu tư thường chọn các chứng khoán có tính hoán tệ cao, bởi những chứng khoán này thường có lợi thế trong giao dịch. Bất cứ lúc nào người nắm giữ chứng khoán cũng có thể bán nó với thời gian ngắn nhất, ở mức giá hợp lý nhất.

Tính sinh lợi của chứng khoán đã thu hút một số lượng nhất định nhà đầu tư nắm giữ chúng. Tuy nhiên, tính rủi ro lại là yếu tố tác động buộc họ phải cân nhắc xem lúc nào thì nên đầu tư nắm giữ chứng khoán và lúc nào nên rút vốn đầu tư. Còn tính thanh khoản của chứng khoán sẽ chuyển hoá hình thức đầu tư trung và dài hạn thành ngắn hạn, làm linh hoạt hoá các công cụ đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư chứng khoán có thể thu hồi vốn đầu tư hoặc di chuyển vốn đầu tư một cách dễ dàng.

* Ý nghĩa của việc nghiên cứu các đặc trưng của chứng khoán

- Không loại chứng khoán nào có lợi thế tuyệt đối. Vì vậy, nghiên cứu các đặc trưng của chứng khoán giúp người đầu tư lựa chọn loại chứng khoán phù hợp với tâm lý, khả năng tài chính và kết quả phân tích, đánh giá, dự báo về mỗi loại chứng khoán trong từng thời kì.

- Mỗi nhà đầu tư có tâm lý khác nhau. Để phát triển TTCK, nhà nước cần có cơ chế tổ chức, quản lí phát hành thích hợp nhằm đa dạng hóa các loại chứng khoán phát hành. Đây cũng là điều kiện quan trọng để khai thác triệt để tiềm năng cung ứng vốn của nền kinh tế, nâng cao khả năng huy động vốn cho các tổ chức phát hành.

2.2. CÁC LOẠI CHỨNG KHOÁN

2.2.1. Trái phiếu (Bonds)

2.2.1.1 Khái niệm

Có thể nhìn nhận trái phiếu theo nhiều cách khác nhau.

- Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận khoản nợ vay của nhà phát hành đối với người nắm giữ trái phiếu, nhà phát hành phải hoàn trả vốn vay gốc và lãi đầy đủ, đúng hạn như đã cam kết trong trái phiếu.

- Trái phiếu là loại chứng khoán quy định nghĩa vụ của người phát hành (bên vay) phải trả cho người nắm giữ trái phiếu (bên cho vay) một khoản tiền xác định bao gồm khoản cho vay ban đầu và lãi trong những khoảng thời gian cụ thể.

- Trái phiếu là chứng chỉ hoặc bút toán ghi sổ, chứng nhận người sở hữu trái phiếu (trái chủ) đã cho người phát hành trái phiếu vay một số tiền nhất định, theo các điều kiện nào đó.

- Theo Luật Chứng khoán của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam số 70/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006 thì ''trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn nợ của tổ chức phát hành''.

Trái phiếu là hàng hoá được mua bán trên thị trường. Vì vậy, khi phát hành cũng như khi đầu tư, người phát hành và người đầu tư cần hiểu rõ các thuật ngữ sau:

- Trái chủ: Chủ sở hữu trái phiếu, là người bỏ vốn mua trái phiếu.

- Mệnh giá trái phiếu (Nominal Principal / Face Amount / Face of Value): Mệnh giá trái phiếu hay còn gọi là giá trị danh nghĩa của trái phiếu. Mệnh giá trái phiếu thường được ghi trên trái phiếu, là số tiền mà tổ chức phát hành căn cứ vào đó để xác định trái tức (lợi tức trái phiếu) phải trả cho trái chủ. Mệnh giá cũng thể hiện số tiền người phát hành phải hoàn trả khi trái phiếu đến hạn thanh toán.

- Giá phát hành (Issue Price): Là giá bán của trái phiếu khi phát hành (giá mà nhà đầu tư mua trái phiếu khi nó được phát hành) lần đầu tiên. Số tiền thuần mà tổ chức phát hành nhận được là hiệu số giữa giá phát hành và phí phát hành. Thông thường, giá phát hành được xác định theo tỷ lệ % của mệnh giá. Tuỳ theo tình hình của thị trường và điều kiện của người phát hành, tuỳ theo khoảng thời gian cách quãng giữa ngày bán trái phiếu và ngày phát hành mà giá phát hành trái phiếu có thể là 1 trong 3 trường hợp: hoặc giá phát hành bằng mệnh giá (ngang giá trái phiếu), hoặc giá phát hành cao hơn mệnh giá (giá gia tăng), hoặc giá phát hành nhỏ hơn mệnh giá (giá chiết khấu).

- Thị giá trái phiếu: Là giá trái phiếu được giao dịch, mua bán trên thị trường tại một thời điểm nhất định.

- Thời hạn của trái phiếu (Term to Maturity / Maturity): là khoảng thời gian kể từ ngày phát hành trái phiếu đến ngày tổ chức phát hành hoàn trả số tiền gốc cho trái chủ. Ngày mà khoản vốn gốc trái phiếu được thanh toán gọi là ngày đáo hạn của trái phiếu. Thông thường, trái phiếu có thời hạn > 10 năm gọi là trái phiếu /Bonds, trái phiếu có thời hạn từ 1 đến 10 năm gọi là Notes, trái phiếu có thời hạn

- Kỳ trả lãi (Coupon Dated): Là khoảng cách (thời gian) giữa 2 thời điểm liên tiếp mà tại đó người phát hành trả lãi cho trái chủ. Lãi suất trái phiếu thường được công bố theo năm, nhưng việc thanh toán lãi trái phiếu có thể được thực hiện 6 tháng một lần.

- Lợi tức trái phiếu (còn gọi là trái tức hay tiền lãi của trái phiếu): là số tiền lãi mà trái chủ thu được từ trái phiếu theo kỳ hạn trả lãi cam kết của tổ chức phát hành.

- Lãi suất (coupon)

Khi phát hành trái phiếu tổ chức phát hành thường công bố trước mức lãi suất mà họ sẽ trả cho nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu. Đó chính là lãi suất danh nghĩa.

+ Lãi suất danh nghĩa (Nominal Interest) là tỷ lệ lãi suất mà tổ chức phát hành cam kết trả cho trái chủ. Lãi suất danh nghĩa thường được công bố theo một kỳ hạn nhất định, phổ biến là một năm. Thường thì lãi suất này cố định cho đến khi đáo hạn, tuy nhiên nó vẫn có thể thay đổi theo chỉ số thị trường tiền tệ hoặc theo thỏa thuận giữa tổ chức phát hành và trái chủ. Lãi suất danh nghĩa là căn cứ để xác định lợi tức của trái phiếu.

Lợi tức trái phiếu = Lãi suất (danh nghĩa) x Mệnh giá

Khi đầu tư trái phiếu, ngoài lãi suất danh nghĩa, nhà đầu tư cần quan tâm đến lãi suất hiện hành, lãi suất hoàn vốn, lãi suất đáo hạn, lãi suất kì hạn.

+ Tỉ suất lãi hiện hành / lãi suất hiện hành (Current Yield - CY): là tỷ lệ % giữa tổng số tiền lãi trong năm với giá thị trường hiện hành. Tỉ suất lãi hiện hành có thể lớn hơn, nhỏ hơn hoặc bằng lãi suất danh nghĩa.

Tổng thu nhập

Tỉ suất lãi hiện hành = -------------------

Thị giá

• Tìm hiểu về các phép toán tài chính trong phân tích chứng khoán

- Lãi đơn: Là số tiền lãi chỉ tính trên số vốn gốc mà không tính trên số tiền lãi do số vốn gốc sinh ra

Công thức: Si = Po (i) x n

Trong đó Si là lãi đơn, Po(i) là tiền gốc, n là số năm

- Lãi kép: Là số tiền không chỉ tính trên vốn gốc mà còn tính trên số tiền lãi do vốn gốc sinh ra. Nó chính là lãi tính trên lãi hay còn gọi là lãi kép

- Giá trị tương lai của một số tiền hiện tại

Giá trị tương lai của môt số tiền hiện tại chính là giá trị của số tiền này ở thời điểm hiện tại cộng với số tiền lãi mà nó sinh ra trong một khoảng thời gian từ hiện tại cho đến một thời điểm nào đó trong tương lai.

Công thức: FVn = Po x (1+i)n

FV1 = Po + Po i = Po (1+i)

FV2 = FV1+ FV1i = Po(1+i) +Po(1+i)x i = Po(1+i)(1+i) = Po (1+i)2

...............................

Ví dụ: FV10 = 1000$ x (1+8%) 10 = 2159$

- Giá trị của một số tiền trong tương lai: Để có số tiền đó trong tương lai thì phải bỏ ra bao nhiêu tiền ở hiện tại

Công thức: PVo = FVn / (1+i)n

Ví dụ: PVo = 1000 / 1+8%) 10 = 794$

- Xác định yếu tố lãi suất

- Xác định yếu tố kỳ hạn

- Giá trị thời gian của dòng tiền tiệ

+ Dòng tiền tệ: Là một chuỗi các khoản thu nhập hoặc chi trả xảy ra qua một số thời kỳ nhất định

Dòng niên kim: Là dòng tiền tệ bao gồm các khoản bằng nhau xảy ra qua một số thời kỳ nhất định

Dòng tiền tệ hỗn tạp: Là dòng tiền tệ không bằng nhau xảy ra qua một số thời kỳ nhất định

+ Thời giá của dòng tiền tệ

Giá trị tương lai của dòng niên kim: Là tổng giá trị tương lai của từng khoản tiền T xảy ra ở từng thời điểm n khác nhau

Công thức: FVAn = T

Số tiền Thời điểm n Giá trị tương lai ở thời điểm n

T n = 1 FV1 = T (1+i) n -1

T n = 2 FV2 = T (1+i) n-2

T

T...................

T n = n-1 FVn-1 = T (1+i) n - n +1 = T (1+i)

T n = n FV n = T (1+i) n - n = T(1+i ) 0

Vẽ dòng tiền và qui về tương lai, và chỉ ra hai trường hợp là nếu trả đầu năm, nếu trả cuối năm

Giá trị hiện tại của dòng tiền niêm kim: Là tổng giá trị hiện tại của khoản tiền T ở các thời điểm khác nhau.

Công thức: PVA n = T

...................

+ Lãi suất hoàn vốn (Internal Rate of Return - IRR): Là lãi suất y nào đó làm cho giá trị hiện tại của các khoản tiền thu được trong tương lai bằng lượng tiền bỏ ra mua trái phiếu ở hiện tại.

CF1 CF2 CFn-2 CFn-1 CFn n CFt

Pb = ------- + ------- + ... + -------- + --------- + ------- =  --------

(1+y)1 (1+y)2 (1+y)n-2 (1+y)n-1 (1+y)n t=1 (1+y)t

Trong đó: Pb là giá mua trái phiếu, CFt khoản tiền thu được trong năm thứ t, n là số năm.

Qua công thức trên cho thấy, lãi suất hoàn vốn của trái phiếu là thước đo mức sinh lời của trái phiếu có tính đến yếu tố thời gian và giá mua trái phiếu. Khi giá mua thay đổi thì lãi suất hoàn vốn cũng thay đổi theo. Khi giá trái phiếu có lãi suất cố định bằng mệnh giá của nó thì lãi suất hoàn vốn bằng với lãi suất danh nghĩa của trái phiếu.

Giá trái phiếu và lãi suất hoàn vốn có tương quan nghịch đảo, khi giá trái phiếu giảm thì lãi suất hoàn vốn tăng và ngược lại.

Ví dụ: Một trái phiếu có lãi suất cố định 10%/ năm, mệnh giá 100.000đ, thời hạn 10 năm. Nếu mua trái phiếu ở mức giá khác nhau thì lãi suất hoàn vốn khác nhau.

Giá trái phiếu (đồng) Lãi suất hoàn vốn

120.000 7,13%

110.000 8,48%

100.000 10,00%

90.000 11,75%

80.000 13,81%

+ Tỉ lệ lãi đến ngày đáo hạn / Lãi suất đáo hạn (Yield to Maturity - YTM): là lãi suất hoàn vốn trung bình của một trái phiếu, nếu mua trái phiếu đó vào thời điểm hiện tại và giữ trái phiếu cho tới ngày đến hạn thanh toán. Lãi suất đáo hạn được tính dựa vào công thức:

C C C C F n 1 F

PV = ------- + ------- + ... + -------- + ------- + ------- = C  -------- + --------

(1+y)1 (1+y)2 (1+y)n-1 (1+y)n (1+y)n t=1 (1+y)t (1+y)n

Trong đó: PV là giá trái phiếu, n là số kì trả lãi, C là tiền lãi của một kì trả lãi, F là mệnh giá trái phiếu, y là lãi suất đáo hạn.

Lãi suất đáo hạn có thể xác định theo công thức gần đúng sau:

Trong đó: i1, i2 : mức lãi suất lựa chọn (i2> i1 và i2- i1≤ 1%)

NPV1: giá trị hiện tại ròng ứng với lãi suất i1 ; NPV1>0

NPV2: giá trị hiện tại ròng ứng với lãi suất i2 ; NPV2

Lãi suất đáo hạn là đại lượng được sử dụng thường xuyên để đo lường mức sinh lời thực tế của trái phiếu. Trên thị trường trái phiếu ở các nước, lãi suất đáo hạn của những trái phiếu chủ yếu thường được niêm yết hàng ngày và được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vì vậy, lãi suất đáo hạn chính là một công cụ phân tích đầu tư rất hữu ích trong hoạt động kinh doanh mua bán chứng khoán.

+ Tỉ lệ thu nhập trên số tiền đầu tư / Lãi suất kì hạn: Một nhà đầu tư có thể không nắm giữ trái phiếu đến ngày đáo hạn. Họ mua trái phiếu và nắm giữ đến một ngày nhất định sau đó bán trái phiếu đi. Khoản tiền lãi mà nhà đầu tư có thể nhận được trong thời gian nắm giữ có thể bao gồm: tiền lợi tức trái phiếu tính theo mệnh giá và lãi suất, các khoản lãi hay lỗ từ chênh lệch giá bán và giá mua trái phiếu (còn gọi là lãi vốn).

Lãi suất kì hạn đo lường mức sinh lời khi nắm giữ một trái phiếu trong một kì hạn nhất định và được xác định theo công thức sau:

C + Pt+1 - Pt

R = ----------------

Pt

Trong đó R là lãi suất kì hạn (tỉ lệ thu nhập mà nhà đầu tư nhận được khi nắm giữ trái phiếu từ thời điểm t đến t+1), Pt và Pt+1 là giá trái phiếu ở thời điểm t và t+1, C là tiền lãi trái phiếu.

- Phí suất: là một khái niệm được sử dụng để xác định chi phí (giá cả) thực tế mà người phát hành phải chi trả cho việc sử dụng một đơn vị tiền vay. Nó được xác định bằng tỷ lệ % giữa tổng chi phí vay thực tế mà người phát hành phải trả trong một năm với giá bán (giá phát hành) trái phiếu. Chi phí vay thực tế phải trả bao gồm: lãi trái phiếu, chi phí phát hành, hoa hồng trả các tổ chức bảo lãnh, v.v, ...

Việc nghiên cứu các thuật ngữ liên quan tới trái phiếu có có ý nghĩa quan trọng, bởi nó là những căn cứ ban đầu giúp các tổ chức phát hành cũng như các nhà đầu tư có thể đưa ra các quyết định tối ưu cho mình. Đối với tổ chức phát hành, nó là cơ sở để lựa chọn các hình thức và phương thức phát hành có lợi nhất, giảm thiểu chi phí phát hành và huy động vốn nhanh nhất phù hợp với thực tế cung cầu vốn trên thị trường. Đối với các nhà đầu tư, việc lựa chọn loại trái phiếu, thời hạn đầu tư... sẽ là những tiêu chí quan trọng để xác định hiệu quả vốn đầu tư cũng như rủi ro mà họ phải chấp nhận trong tương lai.

2.2.1.2 Đặc điểm của trái phiếu

Thực chất phát hành trái phiếu là một hình thức vay nợ, người vay phát hành một chứng chỉ (hoặc sử dụng các bút toán ghi sổ, hoặc các dữ liệu điện tử) trong đó xác định số tiền vay, thời hạn vay, lãi suất vay và phương thức trả nợ. Chính vì vậy, trái phiếu có những đặc điểm sau:

- Trái phiếu là chứng khoán nợ và có thời hạn. Đến ngày đáo hạn, người sở hữu trái phiếu được hoàn trái.

- Thông thường trái phiếu có lợi tức được xác định trước. Tùy theo từng loại trái phiếu mà lợi tức có thể là cố định hoặc thay đổi theo lãi suất thị trường.

- Mệnh giá trái phiếu luôn được thể hiện trên bề mặt của trái phiếu.

- Trái phiếu có thể chuyển nhượng cho người khác sở hữu.

- Quan hệ kinh tế - tài chính phát sinh giữa người nắm giữ trái phiếu và tổ chức phát hành là quan hệ giữa chủ nợ và khách nợ.

2.2.1.3 Phân loại trái phiếu

● Căn cứ vào chủ thể phát hành

♦ Trái phiếu công ty (Corporate Bond): là một loại giấy nhận nợ có kỳ hạn do các công ty phát hành.

Trái phiếu công ty có đầy đủ các đặc điểm của trái phiếu và có các đặc điểm khác như:

+ Hầu hết trái phiếu, tiền lãi trả cho trái chủ không phụ thuộc vào mức lợi nhuận của công ty phát hành trừ trái phiếu thu nhập (Income Bond).

+ Trái chủ không có quyền bỏ phiếu và tham gia vào các hoạt động quản lý công ty.

+ Trái phiếu đem lại cho trái chủ quyền ưu tiên phân chia tài sản khi công ty bị giải thể, hoặc phá sản (được ưu tiên hoàn trả trước khi hoàn vốn cho các chủ sở hữu của công ty).

Trái phiếu công ty bao gồm nhiều loại như: trái phiếu không có đảm bảo, trái phiếu có đảm bảo, trái phiếu thu nhập, trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu có thể thu hồi... Mỗi loại thường chỉ khác nhau một số chi tiết nhỏ.

- Trái phiếu không có bảo đảm (Non Secured Bond): là loại trái phiếu khá thông dụng, nó được bảo đảm bằng uy tín của doanh nghiệp phát hành.

- Trái phiếu được bảo đảm (Secured Bond) là trái phiếu mà doanh nghiệp đem tài sản cụ thể của mình đảm bảo cho khả năng hoàn trả vốn cho trái chủ. Việc phát hành sẽ thông qua một tổ chức tài chính có khả năng bảo lãnh phát hành. Nếu doanh nghiệp không thanh toán trái phiếu đúng hạn thì trái chủ có quyền yêu cầu các cơ quan chức năng phát mại tài sản đó để thu hồi vốn và trái tức.

- Trái phiếu cầm cố (Mortage Bond) là trái phiếu được phát hành trên cơ sở vật cầm cố của doanh nghiệp, thường là bất động sản.

- Trái phiếu được bảo lãnh (Guaranteed Bond) là trái phiếu được một tổ chức khác đứng ra bảo lãnh thanh toán trái tức và vốn của trái phiếu đó khi trái phiếu không được thanh toán đúng hạn. Tổ chức bảo lãnh thường là các ngân hàng, công ty tài chính, công ty bảo hiểm...

- Trái phiếu thu nhập (Income Bond) là loại trái phiếu mà việc thanh toán lãi trái phiếu cho trái chủ phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp phát hành; có lãi thì chia, không có lãi thì thôi, không có quy định tích lũy trái tức. Loại trái phiếu này thường phát hành khi doanh nghiệp mới phục hồi, giá bán của nó thường thấp hơn mệnh giá.

- Trái phiếu chuyển đổi (Convertible Bond) là loại trái phiếu có thể chuyển đổi sang cổ phiếu thường nếu như nó đáp ứng được các điều kiện chuyển đổi. Việc phát hành loại trái phiếu này nhằm làm tăng tính hấp dẫn cho đợt phát hành. Khi phát hành tổ chức phát hành thường quy định giá chuyển đổi, tỉ lệ chuyển đổi, thời gian chuyển đổi.

Giá chuyển đổi (Conversion Price - CP) có thể cố định trong suốt thời hạn của trái phiếu, hoặc thay đổi theo từng giai đoạn cụ thể.

Ví dụ: một trái phiếu chuyển đổi có thời hạn 20 năm, trên trái phiếu quy định 5 năm đầu giá chuyển đổi là 2 USD một cổ phiếu thường; 5 năm kế tiếp là 2,5 USD; 10 năm còn lại là 3 USD một cổ phiếu thường.

Giá chuyển đổi cũng có thể quy định theo số lượng cổ phiếu được chuyển đổi. Ví dụ: 50 cổ phiếu đầu tiên chuyển đổi theo giá 2 USD, 100 cổ phiếu tiếp theo chuyển đổi theo giá 3 USD.

Tỉ lệ chuyển đổi (Conversion Ratio - CR) là số lượng cổ phiếu có thể chuyển đổi từ trái phiếu và có thể tính theo công thức: CR = F / CP (trong đó F là mệnh giá trái phiếu).

Ví dụ: Trái phiếu mệnh giá 1000.000 đ, giá chuyển đổi là 100.000 đ thì tỉ lệ chuyển đổi là 1000.000 / 100.000 = 10. Như vậy cứ 1 trái phiếu thì chuyển đổi được 10 cổ phiếu hay có thể nói tỉ lệ chuyển đổi là 1:10.

Tại thời điểm chuyển đổi, nếu giá thị trường của trái phiếu ngang bằng với giá thị trường của số cổ phiếu được chuyển đổi thì việc chuyển đổi là ngang giá. Nếu giá thị trường của trái phiếu nhỏ hơn giá thị trường của số cổ phiếu được chuyển đổi thì việc chuyển đổi có lợi cho nhà đầu tư và ngược lại.

Ví dụ: Vào thời gian hiệu lực của việc chuyển đổi, giá thị trường của trái phiếu nêu trên là 1.200.000 đ; Giá cổ phiếu được chuyển đổi là 150.000 đ. Tổng giá thị trường của số cổ phiếu được chuyển đổi là 10 x 150.000 = 1.500.000 đ. Trong trường hợp này, nhà đầu tư nên thực hiện việc chuyển đổi, vì việc chuyển đổi mang lại cho nhà đầu tư một lượng giá trị gia tăng 300.000 đ / 1 trái phiếu chuyển đổi.

- Trái phiếu có thể thu hồi (còn gọi là trái phiếu hoàn vốn - Callable Bond) là loại trái phiếu mà doanh nghiệp có thể hoàn vốn cho trái chủ trước thời hạn. Việc hoàn vốn này có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong thời hạn của trái phiếu, hoặc cũng có thể quy định sau một thời hạn nào đó kể từ khi phát hành.

♦ Trái phiếu Chính phủ (Government Bond) và trái phiếu chính quyền địa phương. Đây là công cụ vay nợ của Chính phủ hay chính quyền địa phương nhằm bù đắp thiếu hụt ngân sách và xây dựng các công trình công cộng.

Thông thường, Chính phủ giao cho Bộ Tài chính phát hành TPCP và Bộ Tài chính cũng chịu trách nhiệm trả nợ các loại trái phiếu này. TPCP là loại an toàn nhất vì có nguồn ngân sách của Chính phủ đảm bảo, vì vậy giá TPCP trên thị trường thường ít biến động. Các loại trái phiếu ngắn hạn có thể do Ngân hàng Trung ương phát hành theo sự uỷ nhiệm của Bộ Tài chính. Loại trái phiếu này không chỉ nhằm mục đích vay vốn cho ngân sách quốc gia mà còn nhằm thực hiện chính sách tiền tệ, khắc phục tình trạng lạm phát, đảm bảo hợp lý khối lượng tiền trong lưu thông.

TPCP và chính quyền địa phương có nhiều loại như: tín phiếu kho bạc (Treasury Bill), tín phiếu kho bạc trung hạn (Treasury Notes), trái phiếu kho bạc (Treasury Bond), công trái quốc gia, trái phiếu công trình (còn gọi là trái phiếu đầu tư), v.v...

● Căn cứ vào phương thức trả lãi

- Trái phiếu trả lãi trước (còn gọi là trái phiếu chiết khấu): là loại trái phiếu khi phát hành, tổ chức phát hành thanh toán ngay tiền lãi trái phiếu cho người mua bằng cách khấu trừ tiền lãi vào mệnh giá.

Trái phiếu này có đặc điểm là được phát hành theo giá chiết khấu, tiền lãi được thanh toán một lần vào thời điểm phát hành, khi đến hạn thanh toán, tổ chức phát hành chỉ hoàn trả số tiền bằng mệnh giá của trái phiếu.

Ví dụ: Tín phiếu kho bạc mệnh giá 100.000 đ, thời hạn một năm, lãi suất 10% / năm, phát hành theo hình thức chiết khấu. Giá phát hành (giá mua trái phiếu khi phát hành) là:

100.000 đ - 10% x 100.000 đ = 90.000 đ.

Đến ngày đáo hạn, tổ chức phát hành (kho bạc nhà nước) sẽ trả cho trái chủ số tiền theo mệnh giá 100.000 đ.

Lãi suất thực (lãi trả sau) của trái phiếu này sẽ là:

(100.000 - 90.000) / 90.000 = 0,1111 hay 11,11% / năm

- Trái phiếu trả lãi định kỳ: là trái phiếu mà trái tức được thanh toán cho trái chủ theo những định kỳ nhất định nào đó (thông thường là 6 tháng hoặc một năm).

Trái phiếu này được phát hành theo mệnh giá, đến những định kỳ đã cam kết của tổ chức phát hành, các trái chủ được thanh toán trái tức tương ứng với thời gian của kỳ trả lãi.

- Trái phiếu trả lãi sau: là loại trái phiếu mà toàn bộ trái tức được thanh toán một lần vào thời điểm trái phiếu đáo hạn. Trái phiếu này được phát hành theo mệnh giá. Trái tức được xác định căn cứ vào mệnh giá, lãi suất, thời hạn của trái phiếu và được thanh toán đồng thời với mệnh giá của trái phiếu cho trái chủ.

● Căn cứ vào trái phiếu có kèm phiếu lãi hay không

- Trái phiếu kèm phiếu lãi (Coupon Bond) là loại trái phiếu có cuống lãi (coupon) kèm theo, trên đó ghi lãi suất cùng với thời hạn của trái phiếu. Khi trả trái tức, tổ chức phát hành cắt rời phiếu lãi và trả tiền lãi cho trái chủ.

- Trái phiếu không phiếu lãi (Zero - Coupon Bond) là loại trái phiếu hoặc là không có phiếu lãi đính kèm, hoặc không có trái tức. Trái phiếu này được bán với giá thấp hơn mệnh giá, khi hoàn vốn được trả theo mệnh giá. Thực chất đây là trái phiếu chiết khấu hay trái phiếu trả lãi trước.

● Căn cứ vào tính chất lãi suất

- Trái phiếu có lãi suất cố định: là loại trái phiếu có lãi suất được xác định trước và không thay đổi trong suốt thời gian tồn tại của trái phiếu. Với loại trái phiếu này, sau khi được phát hành, trái tức luôn phải được thanh toán đúng với lãi suất mà tổ chức phát hành đã cam kết.

- Trái phiếu có lãi suất biến đổi (lãi suất thả nổi): Là loại trái phiếu mà tổ chức phát hành không ấn định một mức lãi suất cố định trong suốt thời hạn lưu hành của trái phiếu. Loại trái phiếu này, lãi suất được xác định căn cứ vào lãi suất trên thị trường vào thời điểm trả lãi để tính và trả lãi cho trái chủ. Hay nói cách khác, lãi suất sẽ được xác định căn cứ vào mức độ lạm phát của nền kinh tế và quan hệ cung cầu vốn trên thị trường vào các thời điểm trả lãi. Trên thực tế khi phát hành trái phiếu lãi suất thả nổi người ta thường sử dụng một mức lãi suất nào đó (được coi là lãi suất chuẩn, ví dụ như: lãi suất trái phiếu chính phủ, lãi suất LIBOR - London Interbank Offered Rate, SIBOR - Singapore Interbank Offered Rate...) để tham chiếu và công thêm một mức bù rủi ro nhất định. Ví dụ: SIBOR + 0,5% đối với trái phiếu kì hạn 1 năm, SIBOR + 2% đối với trái phiếu kì hạn 5 năm.

Ngoài ra, có thể phân chia trái phiếu theo một số tiêu thức khác như: căn cứ vào thời gian hoàn vốn, trái phiếu bao gồm: trái phiếu ngắn hạn hạn, trái phiếu trung hạn, trái phiếu dài hạn; căn cứ vào khả năng chuyển nhượng, trái phiếu bao gồm: trái phiếu ghi danh, trái phiếu vô danh, v.v...

2.2.2. Cổ phiếu (stocks / shares)

2.2.2.1 Khái niệm và đặc điểm của cổ phiếu

● Khái niệm

Có nhiều cách khái niệm về cổ phiếu.

- Cổ phiếu là chứng chỉ, hoặc bút toán ghi sổ, hoặc dữ liệu điện tử chứng nhận quyền sở hữu của một cổ đông đối với một công ty cổ phần.

- Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và các lợi ích hợp pháp của người chủ sở hữu đối với một phần vốn của tổ chức phát hành (công ty cổ phần).

- v.v...

Dù diễn đạt bằng cách nào thì chúng đều thống nhất với nhau về bản chất, đó là: cổ phiếu là chứng cứ pháp lý xác định việc đầu tư vốn vào công ty cổ phần và khẳng định các quyền và lợi ích hợp pháp của người nắm giữ cổ phiếu là người chủ sở hữu một phần vốn của công ty cổ phần.

Cổ phiếu là quyền lực, người nắm giữ cổ phiếu được hưởng các quyền với tư cách là người chủ sở hữu công ty theo mức độ tương ứng với số lượng cổ phiếu nắm giữ. Do vậy cổ phiếu còn được gọi là chứng khoán vốn.

● Đặc điểm của cổ phiếu

- Cổ phiếu là chứng khoán vốn, xác nhận sự hùn vốn vào công ty cổ phần trên nguyên tắc lời ăn, lỗ chịu.

- Cổ phiếu không có kỳ hạn, nó tồn tại cùng với sự tồn tại của công ty phát hành. Cổ phiếu chỉ được hoàn vốn một cách trực tiếp khi công ty cổ phần kết thúc thời hạn hoạt động hoặc bị phá sản. Thông thường cổ phiếu được hoàn vốn một cách gián tiếp bằng cách người nắm giữ bán cổ phiếu ra thị trường.

- Cổ phiếu được phát hành khi thành lập công ty cổ phần hoặc khi công ty cần tăng thêm vốn điều lệ để mở rộng kinh doanh, hiện đại hoá sản xuất.

- Thông thường, người mua cổ phiếu được quyền nhận cổ tức hàng năm có thể cố định hay biến động tùy theo từng loại cổ phiếu (trừ Voting Share).

- Người mua cổ phiếu sẽ là người sở hữu một phần giá trị của công ty, do đó phải chịu trách nhiệm hữu hạn về sự thua lỗ, phá sản của công ty.

- Người mua cổ phiếu được quyền chuyển nhượng cổ phiếu cho người khác.

- Người mua cổ phiếu có quyền kiểm soát sổ sách của công ty khi có lý do chính đáng, phù hợp với điều lệ công ty và luật pháp hiện hành.

- Người mua cổ phiếu có quyền được chia phần tài sản còn lại của công ty khi công ty bị giải thể hoặc phá sản. Số tài sản mà họ được quyền nhận lại tương ứng với số cổ phiếu mà họ đang nắm giữ.

2.2.2.2 Phân loại cổ phiếu

● Theo các quyền lợi mà cổ phiếu mang lại cho cổ đông, cổ phiếu bao gồm: cổ phiếu thường và cổ phiếu ưu đãi.

► Cổ phiếu thường (Common/Ordinary shares/stocks)

* Khái niệm cổ phiếu thường:

Cổ phiếu thường (còn gọi là cổ phiếu phổ thông) là loại cổ phiếu mà người sở hữu nó có các quyền thông thường của một cổ đông.

* Đặc điểm của cổ phiếu thường:

+ Cổ đông nắm giữ cổ phiếu thường được hưởng các quyền và lợi ích cơ bản sau:

- Hưởng cổ tức theo tuyên bố trả cổ tức của hội đồng quản trị ( HĐQT).

Đặc điểm cơ bản nhất của loại cổ phiếu thường là có thu nhập (cổ tức) không được xác định trước, mức cổ tức và phương thức chi trả (bằng tiền hay chứng khoán) phụ thuộc vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh và chính sách phân phối cổ tức của công ty phát hành. Cổ tức (hay lợi tức cổ phần ) là thu nhập hàng năm của cổ phiếu. Cổ tức thường được xác định và chia theo năm tài chính, nhưng cũng không ít công ty cổ phần quyết toán cổ tức theo năm tài chính và chia cho cổ đông theo hai, hoặc bốn kỳ trong một năm (6 hoặc 3 tháng chia cổ tức một lần).

- Có quyền sở hữu tài sản của công ty theo tỷ lệ % cổ phiếu nắm giữ.

- Có quyền tham gia đại hội cổ đông và bỏ phiếu bầu hội đồng quản trị. Được quyền ứng cử và đề cử các chức vụ quản lý theo qui chế. Có quyền bỏ phiếu biểu quyết (voting right) các vấn đề liên quan đến toàn bộ hoạt động kinh doanh của công ty trong đại hội cổ đông theo chính sách bỏ phiếu của công ty và tỉ lệ cổ phiếu mà cổ đông đang nắm giữ. Nếu không tham gia được họ có thể ủy quyền cho người khác thay mặt biểu quyết.

- Kiểm tra sổ sách của công ty khi có lí do chính đáng, phù hợp với quy định của pháp luật và điều lệ của công ty.

- Được quyền chuyển nhượng cổ phiếu cho người khác.

- Được mua cổ phiếu mới do công ty phát hành theo chính sách ưu đãi của công ty.

- Không được ưu tiên chia vốn khi công ty bị giải thể hay phá sản, có nghĩa là việc chia phần tài sản cho cổ đông thường chỉ được thực hiện sau khi công ty trang trải xong các nghĩa vụ đối với các chủ nợ và cổ đông ưu đãi .

+ Trên cổ phiếu chỉ ghi mệnh giá, không ghi cổ tức.

* Giá trị của cổ phiếu thường:

- Mệnh giá cổ phiếu: Hầu hết các công ty cổ phần đều ấn định mệnh giá cho mỗi cổ phiếu thường. Mệnh giá này được in trên tờ cổ phiếu hoặc ghi trong sổ sách kế toán, trong điều lệ của công ty phát hành. Mệnh giá cổ phiếu không liên quan trực tiếp đến giá trị thị trường của cổ phiếu đó. Mệnh giá thể hiện tầm quan trọng nhất của nó vào thời điểm phát hành, là căn cứ để xác định số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành và tính tỉ suất cổ tức danh nghĩa. Tuy nhiên, một công ty cổ phần cũng có thể phát hành cổ phiếu không có mệnh giá, chẳng hạn như các cổ phiếu đặc biệt dành cho các sáng lập viên của công ty. Cổ phiếu này có đặc điểm là nó chỉ được hưởng lời sau khi tiền lời thuần tuý đã chia cho các cổ đông (người chủ sở hữu cổ phiếu, đồng sở hữu công ty cổ phần).

- Thị giá cổ phiếu (Market Price): Do cổ phiếu thường có lợi tức không cố định mà phụ thuộc vào mức lợi nhuận thu được của công ty cổ phần và chính sách chi trả cổ tức của công ty, nên nó là loại chứng khoán có độ rủi ro cao. Đây cũng chính là nguyên nhân làm cho giá cổ phiếu trên thị trường thường biến động mạnh hơn so với các loại chứng khoán khác. Giá hay thị giá cổ phiếu là giá giao dịch, mua bán cổ phiếu trên thị trường vào một thời điểm xác định. Thị giá cổ phiếu có thể bằng, thấp hơn, hoặc cao hơn mệnh giá và giá trị sổ sách của cổ phiếu. Thị giá cổ phiếu biến động theo thời gian và phụ thuộc vào tác động tổng hợp của nhiều yếu tố như: sự tăng trưởng hoặc suy thoái của công ty cổ phần, tình hình kinh tế vĩ mô, tình hình chính trị, lãi suất thị trường... Sau đây là một số nhân tố cơ bản:

+ Những nhân tố bên trong tổ chức phát hành.

Mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau nhưng có thể thấy về cơ bản và lâu dài các nhân tố thuộc về nội tại tổ chức phát hành là nhân tố có tác động lớn đến thị giá cổ phiếu. Nhân tố cơ bản nhất gây nên sự dao động thị giá cổ phiếu nằm trong sự thay đổi mức thu nhập hiện tại (tỉ lệ cổ tức - divident rate, giá trị sổ sách của cổ phiếu hay giá trị doanh nghiệp) và triển vọng phát triển trong tương lai của doanh nghiệp. Kết quả kinh doanh hiện tại và tương lai của doanh nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: trình độ trang thiết bị máy móc và công nghệ, khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường, tiềm lực tài chính, trình độ quản lí của ban lãnh đạo, trình độ chuyên môn và kĩ năng nghề nghiệp của người lao động...

+ Những nhân tố bên ngoài tổ chức phát hành: có thể chia thành 2 nhóm nhân tố cơ bản: (1) Những thay đổi trong điều kiện chính trị xã hội như chiến tranh, những thay đổi trong bộ máy quản lí, sự tác động của điều kiện tự nhiên, điều kiện văn hóa, khoa học kĩ thuật..., (2) Những nhân tố về kinh tế, tiền tệ... Kinh tế trong nước và thế giới tăng trưởng, khả năng kinh doanh có triển vọng là điều kiện tốt cho hoạt động đầu tư làm cho giá cổ phiếu có xu hướng gia tăng và ngược lại. Giá cổ phiếu trên thị trường cũng rất nhạy cảm với sự thay đổi của lãi suất và tốc độ lạm phát. Lãi suất và lạm phát gia tăng thường kéo theo sự giảm giá của cổ phiếu...

- Giá trị sổ sách - Book Value (hay thư giá, giá trị tài sản ròng - Net Asset Value) của cổ phiếu thường (CPT): là giá trị cổ phiếu tính theo số liệu trong sổ kế toán của công ty vào một thời điểm xác định. Thư giá cổ phiếu không cố định mà thay đổi theo thời gian tùy thuộc vào giá phát hành, kết quả kinh doanh, chính sách chi trả cổ tức, chính sách phân phối thu nhập giữ lại, số lượng cổ phiếu đang lưu hành của công ty cổ phần...

Giá trị sổ sách của 1CPT (NAV) = Tổng vốn CPT / Số CPT đang lưu hành

Số cổ phiếu đang lưu hành: là số cổ phiếu công ty đã bán ra cho nhà đầu tư và công ty đã thu về được 1 phần hoặc toàn bộ số tiền bán số cổ phiếu đó. Đây chính là tổng số cổ phiếu do các nhà đầu tư vào công ty đang nắm giữ. Tổng số cổ phiếu đang lưu hành tại một thời điểm nhất định phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Số cổ phiếu được phép phát hành lần đầu và phát hành bổ sung trong quá trình kinh doanh, số cổ phiếu công ty mua lại, số cổ phiếu quỹ công ty đã bán ra, số cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông, tình hình tách, gộp cổ phiếu của công ty, tình hình chi trả cổ tức bằng cổ phiếu...

Khi một công ty đăng ký vốn điều lệ (lúc thành lập) hoặc đăng ký phát hành cổ phiếu bổ sung, sẽ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép phát hành một lượng cổ phiếu nhất định. Đó là số cổ phiếu được phép phát hành. Các công ty có thể không phát hành hết ngay số cổ phiếu được phép phát hành, họ để lại một số để sử dụng về sau (để chi trả cổ tức, để phát hành tiếp khi cần thiết...). Lượng cổ phiếu đã bán ra gọi là cổ phiếu đã phát hành. Số cổ phiếu đã phát hành nhưng được công ty mua lại và hiện đang do công ty nắm giữ gọi là cổ phiếu quỹ. Số cổ phiếu này không có quyền nhận cổ tức, và không được hưởng các quyền lợi khác (như tham gia ứng cử, bầu cử, biểu quyết...) như các cổ phiếu đang lưu hành.

Số cổ phiếu đã phát hành = Số cổ phiếu đang lưu hành + số cổ phiếu quỹ

► Cổ phiếu ưu đãi (Preferred shares/stocks)

* Khái niệm cổ phiếu ưu đãi:

Cổ phiếu ưu đãi là loại cổ phiếu cho phép người nắm giữ nó được hưởng một số quyền lợi ưu đãi so với cổ đông thường.

Có nhiều loại cổ phiếu ưu đãi như ưu đãi về cổ tức, ưu đãi về quyền biểu quyết... trong đó ưu đãi về cổ tức là loại phổ biến hơn cả.

* Cổ phiếu ưu đãi cổ tức có một số đặc điểm chủ yếu sau:

- Quyền ưu tiên về cổ tức và thanh toán khi thanh lý công ty. Khác với cổ phiếu thường, cổ phiếu ưu đãi cổ tức mang lại cho người nắm giữ nó được hưởng một khoản lợi tức cổ phần cố định, được xác định trước mà không phụ thuộc vào kết quả hoạt động của công ty. Mặt khác cổ đông ưu đãi cũng được nhận cổ tức trước cổ đông thường. Khi giải thể hay thanh lý công ty, cổ đông ưu đãi được thanh toán giá trị cổ phiếu của họ trước các cổ đông thường.

- Sự tích lũy cổ tức: Phần lớn cổ phiếu ưu đãi của các công ty phát hành đều là cổ phiếu ưu đãi tích lũy. Điều đó có nghĩa là, nếu một năm nào đó công ty gặp khó khăn trong kinh doanh thì có thể tuyên bố hoãn trả lợi tức cổ phần ưu đãi. Số cổ tức đó được tích lũy lại, chuyển sang kỳ kế tiếp và được trả trước khi công ty công bố trả cổ tức cho cổ đông thường. Các quy định này được coi là một biện pháp bảo vệ cổ đông ưu đãi.

- Không được hưởng quyền bỏ phiếu: không giống với các cổ đông thường, các cổ đông ưu đãi không được hưởng quyền bỏ phiếu để bầu ra Hội đồng quản trị và biểu quyết quyết định các vấn đề về quản lý công ty. Ngoài ra, một số công ty cổ phần ở các nước, khi phát hành cổ phiếu ưu đãi có điều khoản quy định cổ đông ưu đãi có quyền biểu quyết nếu công ty không trả được lợi tức cổ phiếu ưu đãi trong một thời kỳ nhất định, ví dụ: ở Pháp thường quy định nếu 3 tài khóa liền mà công ty không chi trả được lợi tức cổ phiếu ưu đãi thì cổ đông ưu đãi được quyền biểu quyết, và quyền này sẽ hết hiệu lực khi lợi tức cổ phần nợ những năm trước đã được thanh toán đủ.

- Trên cổ phiếu có ghi cổ tức và mệnh giá.

* Các loại cổ phiếu ưu đãi cổ tức:

- Cổ phiếu ưu đãi tích luỹ (Cumulative Preferred Stocks)

Là loại cổ phiếu mà nếu một năm nào đó công ty không có lãi để chi trả cổ tức và cổ tức đó được nợ lại trong năm tới và sẽ được trả gộp luôn cùng với cổ tức năm tới hay sẽ được trả vảo một năm nào đó mà công ty có đủ tiền để trả.

- Cổ phiếu ưu đãi không tích luỹ (Non-Cumulative Preferred Stocks)

Là loại cổ phiếu mà trong trường hợp công ty làm ăn thua lỗ, công ty không có tiền để trả cổ tức cho cổ phiếu ưu đãi loại này thì khoản cổ tức đó sẽ bị mất luôn. Kỳ hoạt động tiếp theo, dù công ty làm ăn rất hiệu quả, khoản cổ tức chưa chi trả của kì trước cũng không được truy lĩnh mà chỉ chi trả khoản cổ tức của kì hiện hành.

- Cổ phiếu ưu đãi tham dự (Participating Preferred Stocks)

Là loại cổ phiếu ưu đãi mà ngoài việc nhận cổ tức theo mức đã công bố trước người chủ sở hữu nó còn được nhận thêm khoản cổ tức đặc biệt nếu năm đó công ty hoạt động kinh doanh có hiệu quả cao vượt ngưỡng theo quy định.

- Cổ phiếu ưu đãi không tham dự (Non-Participating Preferred Stocks)

Là loại cổ phiếu ưu đãi mà người chủ sở hữu chỉ được nhận cổ tức theo mức đã công bố trước, ngoài ra không được nhận thêm khoản cổ tức nào vào những năm công ty hoạt động kinh doanh có hiệu quả cao.

- Cổ phiếu ưu đãi có thể chuyển đổi (Convertible Preferred Stocks)

Là loại cổ phiếu mà khi phát hành có ghi kèm điều khoản cho phép người chủ sở hữu chuyển đổi nó thành một số lượng nhất định cổ phiếu thường. Giá cả loại cổ phiếu ưu đãi được chuyển đổi dao động nhiều hơn các loại cổ phiếu ưu đãi khác vì nó gắn liền với cổ phiếu thường. Nếu công ty thành đạt, giá trị cổ phiếu thường trên thị trường tăng lên thì giá cổ phiếu ưu đãi được chuyển đổi cũng gia tăng tương ứng.

- Cổ phiếu ưu đãi có thể thu hồi (Redeemable Preferred Stocks)

Là loại cổ phiếu ưu đãi mà khi phát hành có ghi kèm điều khoản là công ty có thể thu hồi bằng cách bồi hoàn một số tiền, cộng thêm một khoản thưởng nhất định cho người chủ sở hữu. Thường thì các công ty sử dụng quyền thu hồi này để thu hồi các cổ phiếu có lãi suất cổ phần cao và thay thế bằng những cổ phiếu có lãi suất thấp hơn nhằm cải thiện tình hình tài chính của công ty.

* Ở Việt Nam, theo Luật doanh nghiệp, công ty cổ phần có thể phát hành các loại cổ phiếu ưu đãi sau:

- Cổ phiếu ưu đãi biểu quyết: loại cổ phiếu này chỉ phát hành cho tổ chức được Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập. Thời gian hiệu lực của cổ phiếu là 3 năm kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, sau đó chuyển thành cổ phiếu thường.

- Cổ phiếu ưu đãi về cổ tức.

- Cổ phiếu ưu đãi hoàn lại.

- Cổ phiếu ưu đãi khác (do điều lệ công ty quy định).

● Theo khả năng thu nhập và trạng thái công ty phát hành

- Cổ phiếu thượng hạng (blue chip stocks)

Cổ phiếu thượng hạng là cổ phiếu do các công ty lớn, có tình hình sản xuất kinh doanh ổn định, có uy tín tên tuổi trên thị trường phát hành và giao dịch. Do vậy, đây là loại cổ phiếu có tính thanh khoản cao. Vì thế, giá loại cổ phiếu này thường ổn định và sẽ có xu hướng gia tăng khi lãi suất vay vốn trên thị trường giảm.

- Cổ phiếu tăng trưởng (Growth stocks)

Cổ phiếu tăng trưởng do các công ty cổ phần đang trong giai đoạn tăng trưởng nhanh phát hành. Đây là những công ty cổ phần có tốc độ tăng thị phần và thu nhập công ty nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Ngược lại với cổ phiếu thượng hạng, cổ phiếu tăng trưởng có tỷ lệ cổ tức thấp, thậm chí có năm không có cổ tức. Lý do của đặc trưng này bắt nguồn từ quan điểm tái đầu tư của công ty phát hành muốn giành phần lớn lợi nhuận để tài trợ cho chiến lược phát triển kinh doanh .

- Cổ phiếu phòng vệ

Cổ phiếu phòng vệ là cổ phiếu của những công ty mà sự ổn định của chúng hầu như không phụ thuộc vào sự suy thoái của nền kinh tế. Đó là những công ty sản xuất kinh doanh các hàng hóa thiết yếu cho nhu cầu sinh hoạt như thực phẩm, bánh kẹo, nước giải khát... Trong khi các loại cổ phiếu khác bị giảm giá mạnh khi nền kinh tế suy thoái, thì cổ phiếu phòng vệ thường vẫn giữ giá vì có mức cổ tức ổn định. Ngược lại, khi nền kinh tế phát triển, cổ phiếu phòng vệ cũng khó có cơ hội tăng giá như các loại cổ phiếu thông thường khác.

- Cổ phiếu thu nhập (Income stocks)

Cổ phiếu thu nhập có mức cổ tức cao hơn mức trung bình. Đây là các lọai cổ phiếu do các công ty thuộc lĩnh vực công ích phát hành và thường phát hành cho những người già và những người về hưu.

- Cổ phiếu chu kì (Cylical stocks)

Cổ phiếu chu kỳ là cổ phiếu của những công ty có lợi nhuận không ổn định mà phụ thuộc vào chu kỳ sống sản phẩm của công ty trên thị trường. Điển hình là cổ phiếu của các công ty thuộc lĩnh vực kinh doanh sắt thép, xi măng, ô tô, máy công cụ,...

- Cổ phiếu thời vụ (Seasonal stocks)

Cổ phiếu thời vụ là cổ phiếu của các công ty cổ phần có tính mùa vụ trong họat động sản xuất kinh doanh. Tính thời vụ đã làm cho thu nhập của công ty không ổn định mà biến động theo thời vụ kinh doanh.

● Theo quyền tham gia bỏ phiếu biểu quyết trong đại hội đồng cổ đông

- Cổ phiếu đơn phiếu

Cổ phiếu đơn phiếu là loại cổ phiếu được phân bổ một phiếu bầu (voting) cho mỗi cổ phiếu. Loại cổ phiếu này thường dùng cho doanh nghiệp ít cổ đông (công ty cổ phần tư nhân), bởi vì tất cả các cổ đông đều có thể và có điều kiện tham dự đại hội đồng cổ đông đầy đủ.

- Cổ phiếu đa phiếu

Cổ phiếu đa phiếu là loại cổ phiếu mà số phiếu bầu được phân bổ ít hơn số cổ phiếu (nhiều cổ phiếu trên một phiếu bầu) đang lưu hành. Loại cổ phiếu này thường dùng cho doanh nghiệp nhiều cổ đông (công ty cổ phần đại chúng). Tất cả các cổ đông không thể tham dự đại hội đồng để bỏ phiếu biểu quyết các vấn đề quan trọng của công ty. Ví dụ: công ty ABC quy định 1000 cổ phiếu/ 1 phiếu bầu. Điều đó có nghĩa là cổ đông nào đủ 1000 cổ phiếu sẽ được phân bổ 1 phiếu bầu, nếu không đủ thì phải gộp nhiều cổ đông lại.

- Cổ phiếu lưỡng phiếu

Cổ phiếu lưỡng phiếu là loại cổ phiếu mà cổ đông của cổ phiếu này được phân bổ hai loại phiếu bầu. Doanh nghiệp phát hành cổ phiếu này thường có ít cổ đông. Quyền lưỡng phiếu này thường dành cho các cổ đông có uy tín, có danh phận trong xã hội hoặc trong ngành chuyên môn mà doanh nghiệp đó đang kinh doanh.

→ Các hình thức bỏ phiếu biểu quyết

Có hai hình thức bỏ phiếu biểu quyết: bỏ phiếu biểu quyết pháp định (Statutory Voting Right) và bỏ phiếu biểu quyết tích lũy (Cumulative Voting Right).

Quyền bỏ phiếu biểu quyết pháp định là quyền dành cho cổ đông dùng lá phiếu của mình bầu cho các thành viên hội đồng quản trị mà không được dồn phiếu cho một người, hoặc biểu quyết một số vấn đề trong đại hội cổ đông mà không được dồn phiếu một vấn đề nào đó. Ví dụ: cổ đông A được phân bổ 200 phiếu biểu quyết để bầu 5 thành viên hội đồng quản trị. Cổ đông này dành cho mỗi ứng viên 200 phiếu hoặc không dành phiếu nào mà không được dồn phiếu cho một người.

Quyền bỏ phiếu biểu quyết tích lũy cho phép cổ đông có thể dồn phiếu cho một người nào đó mà mình chọn vào hội đồng quản trị. Trường hợp của ông A ở ví dụ trên, ông A có quyền dồn cả 1000 phiếu (200 x 5) để bầu cho 1 người, hoặc 200 phiếu cho ứng viên này, 800 phiếu cho ứng viên khác. Cách bỏ phiếu này thích hợp với những công ty cổ phần đại chúng và có lợi cho cổ đông nhỏ, vì tuy có ít phiếu bầu, nhưng họ có thể tập trung phiếu để tăng thêm giá trị quyển bỏ phiếu của mình cho một người hoặc một vấn đề nào đó mà ông ta ưng thuận.

● Theo khả năng chuyển nhượng

- Cổ phiếu ghi danh: Là loại cổ phiếu có ghi tên người nắm giữ. Tên và thông tin cá nhân của chủ sở hữu được đăng ký và quản lý tại công ty phát hành.

Cổ phiếu ghi danh không được chuyển nhượng tự do và thường được phát hành cho các sáng lập viên và các thành viên chủ chốt của HĐQT.

- Cổ phiếu vô danh: Là loại cổ phiếu không ghi tên người nắm giữ. Tên và thông tin cá nhân của chủ sở hữu được không được lưu giữ và quản lý tại công ty phát hành. Cổ phiếu vô danh được chuyển nhượng tự do trên TTCK và phát hành rộng rãi ra công chúng.

♦ Những đặc trưng của cổ phiếu ưu đãi giống cổ phiếu thường:

- Cùng thể hiện quyền sở hữu đối với công ty.

- Không có thời hạn thanh toán vốn gốc.

- Lợi tức cổ phần không được tính giảm trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

- Khi công ty gặp khó khăn trong kinh doanh thu được ít lợi nhuận hoặc không thu được lợi nhuận thì có thể hoãn trả lợi tức cổ phần ưu đãi mà không bị đe dọa bởi nguy cơ phá sản.

♦ Những đặc trưng của cổ phiếu ưu đãi giống trái phiếu:

- Cổ phiếu ưu đãi về cổ tức có lợi tức được trả theo mức xác định trước.

- Khi công ty thu được lợi nhuận cao thì cổ đông ưu đãi không được tham dự vào việc phân chia phần lợi nhuận cao đó (nếu là cổ phiếu ưu đãi không tham dự), ngược lại nếu công ty kinh doanh sút kém công ty vẫn phải có trách nhiệm thanh toán lợi tức cho cổ đông ưu đãi, tuy nhiên công ty có thể hoãn trả vào kỳ tiếp theo.

- Về cơ bản cổ đông ưu đãi không có quyền biểu quyết (trừ cổ phiếu ưu đãi biểu quyết).

- Khi công ty bị phá sản cổ đông ưu đãi có quyền ưu tiên được phân chia tài sản trước cổ đông thường.

♦ Giống và khác nhau giữa cổ phiếu thường và trái phiếu công ty:

Xét trên góc độ doanh nghiệp, cổ phiếu và trái phiếu đều là chứng khoán và là công cụ mà doanh nghiệp có thể sử dụng để huy động vốn. Tuy nhiên cổ phiếu thường và trái phiếu có những điểm khác nhau cơ bản sau:

- Cổ phiếu là chứng khoán vốn, còn trái phiếu là chứng khoán nợ. Việc phát hành cổ phiếu làm tăng vốn chủ sở hữu, còn phát hành trái phiếu làm tăng nợ.

- Cổ phiếu không có kỳ hạn thanh toán, người mua cổ phiếu không thể trực tiếp rút vốn ra khỏi công ty mà chỉ có thể chuyển nhượng cho người khác. Trái phiếu có kỳ hạn thanh toán và đã được xác định trước. Khi trái phiếu đến hạn thanh toán, công ty có trách nhiệm hoàn vốn cho trái chủ theo mệnh giá.

- Nhìn chung lợi tức trái phiếu được xác định trước (cố định hoặc thả nổi lãi suất) không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty cổ phần. Lợi tức cổ phiếu phụ thuộc vào kết quả hoạt động của công ty. Khi công ty thanh lý, giải thể, người mua trái phiếu được thanh toán trước người có cổ phiếu.

- Người mua cổ phiếu là cổ đông - chủ sở hữu công ty có quyền quản lý công ty đồng thời cũng là người gánh chịu rủi ro của công ty. Còn người mua trái phiếu là người cho vay không có quyền tham gia vào việc quản lý công ty và nói chung không phải chịu rủi ro khi công ty kinh doanh kém hiệu quả. Nhưng nếu công ty phát hành bị phá sản thì cũng phải chịu rủi ro mất khả năng thanh toán.

2.2.3. Chứng chỉ quỹ đầu tư

● Sự ra đời của quỹ đầu tư

Trong giai đoạn đầu phát triển của TTCK, các nhà đầu tư trên thị trường chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân, với đặc trưng là việc đầu tư của họ thường được thực hiện một cách độc lập theo ý muốn chủ quan của cá nhân họ. Là những nhà đầu tư không chuyên nghiệp, lại hạn chế về kiến thức và kinh nghiệm đầu tư, mặt khác do quy mô vốn không lớn nên khó có khả năng đa dạng hóa danh mục đầu tư... Tất cả những điều nêu trên là nguyên nhân làm gia tăng rủi ro tiềm ẩn, giảm khả năng sinh lợi kì vọng trong đầu tư chứng khoán.

Quá trình phát triển của TTCK đã dẫn tới sự ra đời của các quỹ đầu tư chứng khoán. Quỹ đầu tư là quỹ hình thành từ vốn góp của nhà đầu tư với mục đích kiếm lợi nhuận từ việc đầu tư vào chứng khoán và các loại tài sản đầu tư khác, kể cả bất động sản, trong đó nhà đầu tư không có quyền kiểm soát hàng ngày đối với việc ra quyết định đầu tư của quỹ. Đây là một định chế tài chính, một tổ chức đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, thực hiện huy động vốn của các cá nhân và tập thể để đầu tư chứng khoán. Khác với đầu tư cá nhân, do có lợi thế về quy mô vốn đầu tư, hơn nữa việc đầu tư được thực hiện bởi những nhà đầu tư chuyên nghiệp, có kiến thức và kinh nghiệm trong đầu tư chứng khoán nên lợi nhuận kì vọng thu được từ hoạt động đầu tư này thường cao hơn.

Việc hình thành và gia tăng vốn của quỹ đầu tư chứng khoán có thể thực hiện bằng một trong hai con đường:

- Thứ nhất, Quỹ đầu tư chứng khoán thành lập theo quy chế của một công ty cổ phần (được gọi là công ty đầu tư chứng khoán), có tư cách pháp nhân và có một hội đồng quản trị để điều hành hoạt động của quỹ. Công ty phát hành cổ phiếu cho một số thành viên giới hạn, hoặc phát hành rộng rãi ra công chúng để huy động vốn (hình thành quỹ đầu tư). Người mua cổ phiếu giữ vị trí là các cổ đông, là đồng sở hữu công ty đầu tư chứng khoán.

- Thứ hai, Công ty quản lý quỹ phát hành các chứng chỉ quỹ và bán chứng chỉ này cho các nhà đầu tư để huy động vốn (hình thành quỹ đầu tư). Trong mô hình quỹ này nhà đầu tư sở hữu chứng chỉ quỹ không giữ vị trí là cổ đông mà đơn thuần là người ủy thác cho công ty quản lí quỹ sử dụng vốn huy động được qua phát hành chứng chỉ quỹ để thực hiện hoạt động đầu tư sao cho phù hợp với điều lệ của quỹ và pháp luật hiện hành.

● Các loại quỹ đầu tư

Có nhiều loại quỹ đầu tư chứng khoán như quỹ thành viên, quỹ đại chúng, quỹ mở, quỹ đóng...

Quỹ thành viên là quỹ đầu tư chứng khoán có số thành viên tham gia góp vốn không vượt quá 30 thành viên và chỉ bao gồm thành viên là pháp nhân.

Quỹ đại chúng là quỹ đầu tư chứng khoán thực hiện chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng. Theo cơ chế hoạt động, quỹ đại chúng thường bao gồm: quỹ mở và quỹ đóng.

Quỹ đóng là quỹ đại chúng mà chứng chỉ quỹ (hoặc cổ phiếu) đã chào bán ra công chúng không được mua lại theo yêu cầu của nhà đầu tư. Chứng chỉ quỹ (hoặc cổ phiếu) được niêm yết và giao dịch trên thị trường thứ cấp giữa các nhà đầu tư mà không làm ảnh hưởng đến quy mô nguồn vốn của quỹ.

Quỹ mở (còn gọi là quỹ hỗ tương) là quỹ đại chúng mà chứng chỉ quỹ (hoặc cổ phiếu) đã chào bán ra công chúng phải được mua lại theo yêu cầu của nhà đầu tư. Người đầu tư có thể yêu cầu người quản lí mua lại chứng chỉ quỹ đầu tư (hoặc cổ phiếu) của quỹ vào bất cứ lúc nào trong khi quỹ vẫn liên tục phát hành chứng chỉ (hoặc cổ phiếu) mới ra thị trường. Vì vậy số vốn của quỹ không ngừng thay đổi. Với đặc điểm này, cổ phiếu hay chứng chỉ quỹ không giao dịch trên thị trường thứ cấp mà giao dịch trực tiếp với quỹ hoặc với các đại lý được ủy quyền giao dịch của quỹ.

● Thế nào là chứng chỉ quỹ đầu tư

Chứng chỉ quỹ đầu tư là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với một phần vốn góp của quỹ đại chúng.

Đặc điểm của chứng chỉ quỹ:

- Chứng chỉ quỹ do công ty quản lí quỹ đầu tư phát hành nhằm huy động vốn để đầu tư chứng khoán hoặc các tài sản khác nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận.

- Chứng chỉ quỹ là bằng chứng xác nhận việc góp vốn của nhà đầu tư vào quỹ, do đó lợi ích (thu nhập) mà mỗi nhà đầu tư được hưởng phụ thuộc vào kết quả đầu tư của quỹ và tỉ lệ chứng chỉ quỹ mà nhà đầu tư nắm giữ so với tổng số chứng chỉ quỹ của quỹ đó đang lưu hành.

- Tùy theo đặc điểm của mỗi loại quỹ mà nhà đầu tư nắm giữ chứng chỉ quỹ có thể thu hồi vốn trực tiếp từ tổ chức phát hành chứng chỉ quỹ, hoặc đem bán chúng trên TTCK.

Phân biệt sự giống và khác nhau giữa đầu tư cổ phiếu của công ty đầu tư chứng khoán và đầu tư chứng chỉ quỹ do công ty quản lí quỹ phát hành:

Cả hai hình thức đầu tư mua cổ phiếu của công ty đầu tư chứng khoán và mua chứng chỉ quỹ có đặc điểm chung: đó là, người đầu tư không trực tiếp thực hiện hành vi đầu tư chứng khoán mà gián tiếp thông qua quỹ, đồng thời được hưởng lợi từ kết quả đầu tư của quỹ theo tỉ lệ cổ phiếu hoặc chứng chỉ quỹ mà họ nắm giữ so với tổng số cổ phiếu hoặc chứng chỉ quỹ đang lưu hành của tổ chức phát hành.

Tuy nhiên, giữa hai hình thức đầu tư cũng có những điểm khác nhau. Nếu nắm giữ cổ phiếu của công ty đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư giữ vai trò là cổ đông, có quyền ứng cử, bầu cử và biểu quyết các vấn đề quan trọng của công ty. Ngược lại, nếu sở hữu chứng chỉ quỹ do các công ty quản lí quỹ phát hành, nhà đầu tư không được quyền tham gia vào quá trình ra các quyết định đầu tư của quỹ với tư cách là đồng sở hữu mà chỉ thuần túy là người ủy thác việc đầu tư cho công ty quản lý quỹ.

2.2.4. Các chứng khoán phái sinh (Derivatives)

Chứng khoán phái sinh là những chứng khoán được hình thành trên cơ sở các chứng khoán gốc (cổ phiếu, trái phiếu) nhằm các mục tiêu khác nhau như: bảo vệ quyền lợi của người sở hữu chứng khoán gốc, phân tán rủi ro, bảo vệ hoặc tạo lợi nhuận.

Chứng khoán phái sinh có nhiều loại như: quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn, hợp đồng kì hạn, hợp đồng tương lai...

2.2.4.1. Quyền mua cổ phần (Rights Certificate)

Quyền mua cổ phần hay cổ phiếu (còn gọi là quyền mua trước / hay đặc quyền mua) là quyền được ưu tiên mua trước cổ phiếu phổ thông mới mà công ty cổ phần giành cho các cổ đông hiện hữu của công ty.

Theo Luật Chứng khoán của Việt Nam, Quyền mua cổ phần là loại chứng khoán do công ty cổ phần phát hành kèm theo đợt phát hành cổ phiếu bổ sung nhằm đảm bảo cho cổ đông hiện hữu quyền mua cổ phiếu mới theo những điều kiện đã được xác định (mua cổ phiếu mới theo một mức giá ấn định trước trong một khoảng thời gian xác định).

Nội dung cơ bản của chứng nhận quyền mua cổ phần:

- Tên hàng hóa cơ sở: tên của loại chứng khoán được mua theo quyền.

- Thời gian hiệu lực của quyền.

- Số lượng quyền mua mà cổ đông được hưởng.

- Giá mua cổ phiếu theo quyền.

- Tỉ lệ quyền mua / 1 cổ phiếu mới.

Số lượng cổ phiếu mới được quyền mua đối với từng cổ đông hiện hữu phụ thuộc vào các yếu tố:

- Số lượng cổ phiếu phổ thông cũ công ty đã phát hành.

- Số lượng cổ phiếu phổ thông mới công ty sẽ phát hành trong đợt phát hành.

- Số lượng cổ phiếu của công ty mà cổ đông đang sở hữu.

Số cổ phiếu mới Số cổ phiếu hiện đang nắm giữ

được quyền mua =

của cổ đông hiện hữu Tỉ lệ quyền mua /1 cổ phiếu mới

Đặc điểm của quyền mua trước:

- Được phát hành theo từng đợt với thời hạn hiệu lực thường rất ngắn khi các công ty cổ phần muốn tăng vốn điều lệ để thực hiện các dự án mở rộng sản xuất kinh doanh .

- Thông thường mỗi cổ phần đang lưu hành được cấp 1 quyền mua trước. Số lượng quyền cần thiết để được mua một cổ phiếu mới (tỉ lệ quyền mua / 1 cổ phiếu mới) phụ thuộc vào tổng số lượng quyền và số lượng cổ phiếu mới dự kiến phát hành theo kế hoạch của công ty.

Số lượng Số tiền cần huy động

cổ phiếu mới =

cần phát hành Giá bán 1 cổ phiếu theo quyền

Số quyền Số cổ phiếu cũ (số cổ phiếu đang lưu hành)

cần có để mua được =

một cổ phiếu mới Số cổ phiếu mới

- Mức giá ấn định (giá đăng ký/ giá bán cổ phiếu theo quyền) cổ phiếu mới đối với quyền mua thường thấp hơn giá thị trường, bởi 2 lý do:

+ Thứ nhất, bản thân giá thị trường của cổ phiếu đã chứa đựng một đặc trưng vốn có là không ổn định. Ngay sau khi quyền được phát hành, lượng cung cổ phiếu trên thị trường gia tăng trong khi nhu cầu có thể không thay đổi và đó là nguyên nhân dẫn đến giảm giá cổ phiếu. Do đó, nếu giá cổ phiếu theo quyền cao hơn giá thị trường sẽ dẫn tới hệ quả tất yếu là công ty không thể thực hiện được kế hoạch phát hành cổ phiếu phổ thông mới của mình.

+ Thứ hai, mức chênh lệch giá là cơ sở để gia tăng sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư mà trước hết là các cổ đông hiện hữu của công ty.

- Đối với các cổ đông hiện hữu, nếu không có nhu cầu đầu tư thêm vốn vào công ty của mình (không thực hiện quyền) thì có thể chuyển nhượng quyền cho nhà đầu tư khác trong thời gian quyền chưa hết hạn hiệu lực. Quyền mua trước có thể được giao dịch, chuyển nhượng nhiều lần trên TTCK giữa các nhà đầu tư.

- Giá quyền mua được giao dịch trên thị trường luôn biến động, phụ thuộc vào :

+ Mức chênh lệch giữa giá theo quyền và thị giá cổ phiếu đó.

+ Số quyền cần có để mua được một cổ phiếu mới.

+ Xu hướng biến động giá hiện hành của cổ phiếu trên thị trường.

+ Thời hạn hiệu lực còn laị của quyền mua.

Người ta thường xác định giá tham chiếu của quyền theo công thức sau:

Gọi P0 là giá cổ phiếu trên thị trường vào ngày giao dịch được hưởng quyền mua cổ phiếu (thường căn cứ theo giá thị trường của cổ phiếu trước ngày phát hành quyền - hay giá trước thời điểm chốt danh sách cổ đông), P1 là giá (dự kiến) cổ phiếu ngày giao dịch không được hưởng quyền mua, số cổ phiếu hiện đang lưu hành là m, số cổ phiếu dự kiến phát hành mới là n, F là giá cổ phiếu theo quyền, R là giá của quyền.

Theo nguyên tắc ngang giá ta có các công thức sau:

P1 = (mP0 + nF) / (m+n)

R = P0 - P1

Thay giá trị P1 vào công thức trên:

R = P0 - [(mP0 + nF) / (m+n)] = (mP0 + nP0 - mP0 - nF) / (m+n)

R = n (P0 - F) / (m+n)

(P0 - F)

R = -----------

m/n + 1

Nếu nhà đầu tư mua quyền với giá R sẽ là ngang giá (tức là tổng chi phí mua một cổ phiếu bằng P1), nếu mua với giá thấp hơn R thì tổng chi phí nhỏ hơn P1, nếu mua với giá cao hơn R thì tổng chi phí lớn hơn P1.

Cần lưu ý rằng P1 là mức giá của cổ phiếu dự đoán sau ngày phát hành quyền, và theo nguyên tắc ngang giá thì P1 P0).

Ví dụ: ông NAM mua cổ phiếu VTC vào ngày 26/7/2006 (ngày giao dịch được hưởng quyền mua cổ phiếu VTC trong đợt phát hành mới) với giá 52.600đ, ngày 31/7/2006 là ngày chốt danh sách cổ đông được quyền mua cổ phiếu VTC trong đợt phát hành mới với tỉ lệ 5:1 (5 cổ phiếu cũ được mua 1 cổ phiếu mới). Giá bán cổ phiếu VTC theo quyền mua là 43.800đ.

(P0 - F) 52.600 - 43.800 8.800

R = ----------- = --------------------- = ------- = 1.466,67đ

m/n +1 5+1 6

Mục đích phát hành quyền mua được thực hiện bởi nhiều lý do: không muốn chia sẻ quyền lực của các cổ đông hiện hữu với các nhà đầu tư khác trên thị trường, không muốn thay đổi cơ cấu cổ đông và cơ cấu ban lãnh đạo công ty; chia thưởng, bảo đảm lợi ích cổ đông hoặc tạo cơ hội cho cổ đông. Quyền mua được ví như là một công cụ hữu hiệu nhằm mục đích bảo vệ các quyền lợi của các cổ đông hiện hữu trong quá trình tăng vốn điều lệ của công ty cổ phần.

2.2.4.2. Chứng quyền (Warrants)

Chứng quyền (còn gọi là bảo chứng phiếu) là loại chứng khoán được phát hành cùng với việc phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu ưu đãi, cho phép người sở hữu chứng khoán được quyền mua một số lượng cổ phiếu thường theo một mức giá xác định trước trong một thời hạn nhất định.

Nội dung cơ bản của chứng quyền:

- Tên hàng hóa cơ sở.

- Thời gian hiệu lực của chứng quyền.

- Giá mua cổ phiếu theo chứng quyền hoặc giá chuyển đổi.

- Tỉ lệ chứng quyền / 1 chứng khoán được chuyển đổi.

Việc phát hành chứng quyền là hình thức quảng cáo về triển vọng trong tương lai của công ty, nhằm làm tăng tính hấp dẫn của chứng khoán trong đợt phát hành đó.

Ví dụ: công ty ABC muốn huy động vốn nợ một cách dễ dàng hơn nên đã quyết định phát hành trái phiếu kèm chứng quyền. Trái phiếu có mệnh giá 500.000 đ, thời hạn 10 năm, lãi suất 10%/ năm. Mỗi trái phiếu phát hành kèm theo một chứng quyền với tỉ lệ 1: 5 (có nghĩa là một trái phiếu được quyền mua 5 cổ phiếu thường), giá mua là 100.000 đ/CP (giá cổ phiếu của công ty trên thị trường hiện hành là 50.000đ /CP) trong thời hạn 5 năm (từ năm thứ 6 đến năm thứ 10). Nhà đầu tư mua trái phiếu với hy vọng sau 5 năm giá cổ phiếu của công ty tăng lên, chẳng hạn 145.000 đ/ CP. Lúc đó ông ta sẽ sử dụng chứng quyền để mua cổ phiếu của công ty theo giá đã được xác định trước 100.000 đ / CP và bán ra theo giá thị trường 145.000 đ /CP.

Nếu thị giá cổ phiếu trên thị trường không tăng, nhà đầu tư sẽ không thực hiện chứng quyền của mình.

Chứng quyền có các đặc điểm sau:

- Chứng quyền do các công ty phát hành chứng khoán gốc phát hành.

- Chứng quyền có thời hạn hiệu lực dài hơn quyền mua cổ phần, thông thường từ 5 đến 10 năm, thậm chí có thể là vĩnh viễn.

- Giá mua cổ phiếu ghi trên chứng quyền bao giờ cũng cao hơn giá thị trường của cổ phiếu tại thời điểm phát hành. Giá này thường cố định hoặc cũng có thể được tăng lên theo một định kỳ nào đó.

- Người nắm giữ chứng quyền được quyền mua cổ phiếu thường, hoặc có thể giao dịch, mua bán trên TTCK. Giá cả của chứng quyền được quyết định bởi :

+ Thứ nhất, giá trị nội tại của chứng quyền. Giá trị nội tại của chứng quyền là tổng mức chênh lệch giá giữa giá theo chứng quyền và dự báo giá thị trường của cổ phiếu vào thời điểm được phép mua hoặc chuyển đổi.

Ví dụ :

Tổng chứng quyền ông A nắm giữ cho phép mua một số cổ phiếu với tổng giá thanh toán là 2.000.000 VND (theo giá ghi trên chứng quyền). Giá thị trường của số cổ phiếu này ở thời điểm được mua cổ phiếu theo quyền là 2.200.000 VND thì giá trị nội tại của chứng quyền đó sẽ là 200.000VND.

Giá cả của chứng quyền được giao dịch trên thị trường bao giờ cũng nhỏ hơn giá trị nội tại của nó.

+ Thứ hai, độ dài thời hạn hiệu lực còn lại của chứng quyền. Thời hạn hiệu lực còn lại của chứng quyền càng ngắn thì giá chứng quyền càng thấp và ngược lại.

- Người nắm giữ chứng quyền không có những quyền của một cổ đông trong công ty (không có quyền biểu quyết, nhận cổ tức...)

2.2.4.3. Hợp đồng quyền chọn (Option contracts)

● Khái niệm: Hợp đồng quyền chọn là loại hợp đồng cho phép bên nắm giữ quyền (bên mua quyền) được mua (nếu là hợp đồng quyền chọn mua) hoặc bán (nếu là hợp đồng quyền chọn bán) nhưng không bắt buộc một khối lượng chứng khoán nhất định với một mức giá và trong một thời hạn xác định.

● Các yếu tố cơ bản của hợp đồng quyền chọn:

- Tên và khối lượng chứng khoán được mua, hoặc bán theo quyền,

- Loại quyền: quyền chọn mua - call option hay chọn bán - put option,

- Cách thực hiện quyền: quyền chọn kiểu Mỹ hay kiểu Âu,

- Thời hạn hiệu lực của quyền,

- Giá hàng hóa cơ sở (giá mua, hoặc bán chứng khoán theo quyền),

- Giá (phí) quyền chọn mà người mua quyền phải trả cho người bán quyền.

Người nắm giữ quyền chọn có quyền mua, hoặc có quyền bán chứng khoán trong thời gian hiệu lực của hợp đồng. Một hợp đồng quyền chọn kiểu Mỹ có thể được thực hiện vào bất kỳ thời điểm nào trong thời gian hiệu lực của nó, kể cả ngày đáo hạn của hợp đồng. Còn một hợp đồng quyền chọn kiểu Âu chỉ được phép thực hiện vào ngày hợp đồng đáo hạn.

● Đặc điểm của hợp đồng quyền chọn:

- Hợp đồng quyền chọn được kí kết ở hiện tại và tại thời điểm này người mua quyền phải trả cho người bán quyền phí quyền chọn.

- Hợp đồng quyền chọn không có tính bắt buộc, do đó trong thời gian hiệu lực của hợp đồng, người nắm giữ quyền có thể thực hiện, hoặc không thực hiện quyền chọn, hoặc có thể bán quyền cho người khác.

- Người bán quyền có trách nhiệm chuyển giao chứng khoán (đối với quyền chọn mua) hoặc thanh toán tiền (đối với quyền chọn bán) cho người mua quyền nếu người mua quyền thực hiện hợp đồng.

- Hợp đồng quyền chọn được các nhà đầu tư sử dụng để bảo vệ lợi nhuận hoặc hạn chế thua lỗ trong đầu tư kinh doanh chứng khoán.

● Các loại quyền chọn

+ Quyền chọn mua (Call option)

Khái niệm: Quyền chọn mua là loại quyền chọn cho phép bên mua quyền có quyền nhưng không bắt buộc mua một khối lượng chứng khoán nhất định với một mức giá và trong một thời hạn xác định.

Ví dụ: Giá cổ phiếu (CP) của công ty ABC hiện đang giao dịch ở mức giá 60.000 đ/CP. Dựa trên cơ sở 1 số thông tin thu thập được ông Nam dự đoán giá CP này sẽ tăng lên 90.000 đ/CP vào tháng 10. Nếu ông Nam muốn mua 2000CP ở hiện tại thì phải bỏ ra 120.000.000 đ (2000 x 60.000). Nếu dự đoán đúng, Ông Nam sẽ thu được lợi nhuận từ thương vụ đầu tư này, giá CP của công ty ABC càng tăng thì lợi nhuận thu được càng lớn. Nhưng nếu dự đoán của ông Nam không đúng, giá CP của công ty ABC không tăng mà lại giảm xuống 50.000 đ/CP vào tháng 10 thì ông Nam sẽ bị lỗ 20.000.000 đ [2000 x (60.000 - 50.000)]. Và, nếu giá thị trường càng giảm sâu bao nhiêu thì thua lỗ mà ông Nam phải gánh chịu sẽ càng lớn bấy nhiêu.

Để hạn chế rủi ro và vẫn thực hiện được ý định mua CP của công ty ABC như dự đoán, ông Nam đầu tư bằng việc mua quyền chọn mua CP của Cty ABC, giá cổ phiếu theo hợp đồng quyền chọn E = 60.000 đ/CP, thời hạn 2 tháng, số lượng 2000CP với giá (phí) quyền chọn mua C = 3000 đ/CP. Tổng chi phí mua quyền chọn mua là 6.000.000 đ (2000 x 3000đ). Nếu đến tháng 10, giá CP của công ty ABC tăng lên 90.000.000 đ/CP (theo đúng dự đoán), ông Nam sẽ thực hiện quyền chọn mua của mình và so với giá thị trường ông đã thu được số tiền lãi: 2000 x (90.000 - 60.000 - 3000) = 54.000.000 đ. Nếu giá CP trên thị trường càng tăng cao thì lãi ông Nam nhận đuợc càng lớn. Ngược lại, nếu giá CP không tăng mà giảm, thì ông Nam sẽ bị lỗ. Nhưng ông đã giới hạn được mức thua lỗ tối đa là 6.000.000 đ. Đây chính là điểm khác biệt giữa hợp đồng mua bán giao ngay với hợp đồng quyền chọn.

+ Quyền chọn bán (Put option)

Khái niệm: Quyền chọn bán là loại quyền chọn cho phép bên mua quyền có quyền nhưng không bắt buộc bán một khối lượng chứng khoán nhất định với một mức giá và trong một thời hạn xác định.

Ví dụ: Ông X đang nắm giữ 2000CP của công ty A mà ông đã mua cách đây 5 tháng với giá 40.000đ /CP. Hiện tại CP này đang giao dịch ở mức giá 60.000đ/CP. Dựa trên cơ sở 1 số thông tin thu thập được ông X dự đoán giá CP này sẽ giảm xuống 40.000đ/CP vào tháng 10. Ông X dự tính nếu bán 2000CP ở hiện tại thì sẽ thu được 120.000.000đ (2000 x 60.000) và thu được mức lãi là 40.000.000đ. Nhưng nếu dự đoán của X không đúng, giá CP của công ty A không giảm mà lại tăng lên 70.000đ/CP vào tháng 10 thì thu nhập của ông X sẽ bị giảm 20.000.000đ.

Để bảo vệ lợi nhuận và vẫn thực hiện được ý định bán số CP, ông X mua quyền chọn bán CP của công ty A, giá bán theo hợp đồng quyền chọn E = 60.000đ/CP, thời hạn 2 tháng, số lượng 2000CP với giá (phí) quyền chọn bán P = 3000đ/CP. Tổng chi phí mua quyền chọn bán là 6.000.000đ. Đến tháng 10, nếu giá CP của công ty A giảm xuống 40.000đ/CP (theo đúng dự đoán), ông X sẽ thực hiện quyền chọn bán của mình và vẫn thu được số tiền lãi: 2000 x (60.000 - 40.000 - 3000) = 34.000.000đ. Nếu giá CP không giảm mà lại tăng lên 70.000đ/CP, thì ông X sẽ không thực hiện quyền bán mà bán theo giá thị trường. Ông X sẽ nhận được số tiền lãi là: 2000 x (70.000 - 40.000 - 3000) = 54.000.000 đ. Nếu giá thị trường càng tăng thì lãi ông X nhận được sẽ càng lớn.

● Giá trị nội tại của quyền chọn

Là giá trị mà người nắm giữ quyền sẽ nhận được bằng cách thực hiện ngay lập tức.

Gọi E là giá chứng khoán theo quyền, S là giá chứng khoán mua bán giao ngay ở hiện tại.

E

E = S Quyền chọn mua hòa vốn (at the money)

E > S Quyền chọn mua lỗ (out of money)

Đối với quyền chọn bán thì ngược lại.

● Giá trị thời gian của quyền

Là khoản trội ra giữa giá của một quyền so với giá trị nội tại của nó.

VD: Giá quyền chọn mua 1cổ phiếu ABC là C = 4000đ, E = 40.000, S = 42.000

Giá trị thời gian của quyền 4000 - (42.000 - 40.000) = 2000 đ

● Các yếu tố ảnh hưởng đến giá quyền chọn

- Giá thực hiện (E): Đối với quyền chọn mua chứng khoán, nếu giá thực hiện theo quyền càng cao so với giá hiện hành của chứng khoán trên thị trường (S) thì giá quyền chọn mua càng thấp và ngược lại. Đối với quyền chọn bán chứng khoán, nếu giá thực hiện theo quyền càng cao thì giá quyền chọn bán càng cao và ngược lại.

- Xu hướng biến động giá giao ngay (S) của chứng khoán cơ sở: Đối với quyền chọn mua, giá quyền chọn có quan hệ cùng chiều với sự tăng giảm giá của chứng khoán cơ sở. Ngược lại, đối với quyền chọn bán, giá quyền chọn có quan hệ ngược chiều với sự biến động của giá chứng khoán cơ sở.

- Thời hạn hiệu lực còn lại của quyền chọn: Thông thường, nếu thời hạn hiệu lực của quyền chọn càng dài thì giá quyền càng cao. Ngược lại, thời hạn hiệu lực còn lại càng ngắn thì giá quyền càng thấp.

- Lãi suất ngắn hạn phi rủi ro hiện hành trên thị trường: Yếu tố này chủ yếu liên quan tới sự tăng, giảm giá của quyền chọn mua hoặc bán trái phiếu. Giá quyền chọn mua trái phiếu sẽ tăng nếu lãi suất ngắn hạn phi rủi ro hiện hành tăng. Điều này ngược lại đối với giá quyền chọn bán trái phiếu .

- Lãi suất coupon: Với lý do các coupon luôn có xu hướng làm giảm giá quyền mua trái phiếu, nên việc nắm giữ trái phiếu sẽ trở nên hấp dẫn hơn so với việc nắm giữ quyền. Điều đó sẽ làm cho giá quyền chọn mua trái phiếu có coupon thấp hơn giá quyền mua trái phiếu thông thường không có coupon. Điều này hoàn toàn ngược lại đối với giá quyền chọn bán trái phiếu .

- Xu hướng dao động của lãi suất trong thời hạn còn lại của quyền: Điều này được giải nghĩa là khi mức lãi suất dự đoán có xu hướng tăng thì giá quyền mua chứng khoán sẽ tăng, ngược lại, giá quyền bán chứng khoán sẽ giảm nếu nếu lãi suất dự đoán có xu hướng giảm sút. Bởi lẽ, khi lãi suất dự đoán càng cao thì người nắm giữ chứng khoán không muốn tiếp tục nắm giữ chứng khoán, điều này có lợi cho người nắm giữ quyền chọn mua và sẽ bất lợi cho những người nắm giữ quyền chọn bán.

- v.v...

Việc nghiên cứu sự tác động của các yếu tố tới sự tăng giảm giá quyền có một ý nghĩa quan trọng đối với người nắm giữ và nó lại càng quan trọng hơn đối với những người kinh doanh quyền chọn trên TTCK bởi đây chính là những căn cứ cần thiết để xác định giá quyền chọn..

● Sử dụng các hợp đồng quyền chọn giúp nhà đầu tư có thể đạt được các mục tiêu sau:

- Thứ nhất, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư chứng khoán. Khi giá chứng khoán trên thị trường có xu hướng tăng giá, người đầu tư thường có ý định mua chứng khoán ở thời điểm hịên tại và sẽ bán chúng khi giá chứng khoán tăng lên. Khi đó nhà đầu tư sẽ thu được lợi nhuận. Song để đạt được mục tiêu lợi nhuận như mong muốn khi giá chứng khoán có xu hướng gia tăng không nhất thiết phải thực hiện theo con đường kinh điển đó. Thay vì việc bỏ vốn mua chứng khoán, nhà đầu tư có thể mua quyền chọn mua. Khi giá chứng khoán trên thị trường về tới mức giá như nhà đầu tư đã dự đoán, anh ta sẽ thực hiện quyền mua đồng thời bán ngay số chứng khoán mua được theo giá thị trường hiện hành. Như vậy, với phương thức này giao dịch này đã giúp cho nhà đầu tư nâng cao hiệu suất vốn đầu tư của mình.

- Thứ hai, phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro. Giảm thiểu rủi ro là mong muốn của mọi nhà đầu tư. Trên TTCK, quyền chọn được coi là một trong các công cụ hạn chế rủi ro hiệu quả khi mà giá thị trường của chứng khoán biến động theo xu hướng bất lợi cho người nhà đầu tư chứng khoán. Bằng việc sử dụng quyền chọn nhà đầu tư luôn giới hạn được mức thua lỗ luôn nhỏ hơn hoặc cao nhất bằng số tiền bỏ ra mua quyền chọn (phí quyền chọn).

2.2.4.4. Hợp đồng kỳ hạn (Forward contracts)

Hợp đồng kỳ hạn là cam kết mua hoặc bán một hoặc một nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán nhất định với một số lượng và một mức giá nhất định vào ngày xác định trong tương lai.

Như vậy, hợp đồng kỳ hạn cũng là một hợp đồng kinh tế trong đó hai bên mua bán thỏa thuận và thống nhất với nhau các điều khoản của hợp đồng liên quan tới việc giao dịch chứng khoán vào một thời điểm trong tương lai. Khi thực hiện hợp đồng kỳ hạn, người mua chứng khoán sẽ nhận được chứng khoán đồng thời thanh toán tiền cho người bán. Người bán chuyển giao chứng khoán và nhận tiền theo mức giá đã thỏa thuận và được ghi trong hợp đồng.

Đặc điểm của hợp đồng kì hạn:

- Hợp đồng kỳ hạn có tính bắt buộc. Đến ngày thực hiện hợp đồng, nếu bên nào vi phạm hợp đồng sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm theo các điều khoản của hợp đồng đã kí.

- Ngày thực hiện hợp đồng tùy theo sự thỏa thuận giữa hai bên và phải phù hợp với cơ chế của thị trường.

- Giá trong hợp đồng kì hạn là giá mua bán chứng khoán, điều này có nghĩa là không có chi phí khi kí hợp đồng mua bán như trong hợp đồng quyền chọn.

- Hiệu quả cũng như rủi ro đối với mỗi bên phụ thuộc vào mức độ biến động giá chứng khoán trên thị trường, vào thiện chí và khả năng của bên kia trong quá trình thực hiện hợp đồng đã kí...

2.2.4.5. Hợp đồng tương lai (Future contracts)

Hợp đồng tương lai là hợp đồng mua, hoặc bán một khối lượng chứng khoán nào đó, tại một thời điểm xác định trong tương lai. Đây là loại hợp đồng đặc biệt được giao dịch theo tiêu chuẩn của sở giao dịch.

Đặc điểm của hợp đồng tương lai:

- Hoạt động mua bán được thực hiện theo các tiêu chuẩn mà sở giao dịch quy định. Ví dụ: loại chứng khoán được mua bán trên thị trường, thời gian đáo hạn, quy mô hợp đồng, mức ký quỹ...

- Giá chứng khoán được hình thành theo nguyên tắc đấu giá, hoặc khớp lệnh. Giá này không cố định như hợp đồng kỳ hạn mà thay đổi hàng ngày theo giá thị trường.

- Việc thanh toán lỗ, lãi với nhà đầu tư được thực hiện hàng ngày căn cứ vào quy mô hợp đồng và mức chênh lệch giá giữa giá đóng cửa ngày thanh toán với giá khớp lệnh (nếu là ngày thanh toán lãi, lỗ đầu tiên), với giá đóng cửa ngày hôm trước (nếu là các ngày thanh toán lãi, lỗ tiếp theo).

- Đến ngày đáo hạn, phần lớn các hợp đồng tương lai không giao hàng mà thực hiện bằng một hợp đồng đảo.

2.3. PHÁT HÀNH VÀ NIÊM YẾT CHỨNG KHOÁN

2.3.1. Phát hành chứng khoán

2.3.1.1. Chủ thể và mục đích phát hành

Theo luật định, chủ thể phát hành chứng khoán là các tổ chức được phép phát hành chứng khoán để huy động vốn sau khi thỏa mãn các điều kiện theo quy định hiện hành của Chính phủ. Mỗi chủ thể khác nhau có thể phát hành một hoặc một số loại chứng khoán nhất định theo quy định của pháp luật và mục đích phát hành cũng có thể khác nhau.

● Doanh nghiệp

Một trong những điều kiện quan trọng cho sự ra đời, tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp đó là vốn. Thực tế đã chứng minh rằng vốn quyết định quy mô, hiệu quả kinh doanh, quyết định vị thế của doanh nghiệp trên thương trường. Đồng thời với quy mô vốn cần thiết, các doanh nghiệp mới có điều kiện củng cố được uy tín của mình trong các quan hệ thanh toán với các đối tác liên quan. Vì vậy, khi thiếu vốn để duy trì và mở rộng quy mô kinh doanh, các doanh nghiệp phải có một cơ chế năng động để huy động vốn trong nền kinh tế. Một trong những con đường có thể lựa chọn là phát hành chứng khoán ra thị trường cho các nhà đầu tư. Thông qua việc phát hành chứng khoán, các doanh nghiệp sẽ huy động được một số vốn tương ứng với tổng giá phát hành chứng khoán trong một đợt phát hành.

Thông thường các công ty cổ phần (bao gồm cả các ngân hàng thương mại cổ phần), các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa được quyền phát hành cổ phiếu; các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn... được phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

● Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương

Chính phủ, mà người đại diện là các cơ quan chức năng của chính phủ và các chính quyền địa phương, trong những thời kỳ bội chi ngân sách, hoặc cần huy động vốn để thực hiện các chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các công trình công cộng... ngoài việc huy động các nguồn vốn từ trong nước và nước ngoài dưới nhiều hình thức khác nhau, có thể phát hành chứng khoán cho công chúng các nhà đầu tư.

Các loại chứng khoán do chính phủ hoặc chính quyền địa phương phát hành thường bao gồm: công trái quốc gia, trái phiếu đầu tư, tín phiếu kho bạc...

● Các công ty quản lí quỹ đầu tư

Các công ty quản lí quỹ đầu tư phát hành chứng chỉ quỹ đầu tư nhằm huy động vốn để đầu tư vào các danh mục đầu tư chứng khoán hoặc các tài sản khác do công ty quản lí quỹ lựa chọn phù hợp với các chiến lược đầu tư kinh doanh của quỹ.

2.3.1.2. Các hình thức phát hành

Phát hành chứng khoán là tổng hợp những nghiệp vụ liên quan đến kỹ thuật phát hành và phân phối chứng khoán của tổ chức phát hành. Để đảm bảo việc phát hành chứng khoán được thực hiện theo đúng kế hoạch và phù hợp với các mục tiêu của tổ chức phát hành, với các loại chứng khoán khác nhau có thể được thực hiện bằng các phương thức khác nhau.

● Phát hành cổ phiếu

Phát hành cổ phiếu gắn với những công ty cổ phần hoặc các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa theo chương trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước. Việc phát hành cổ phiếu có thể được thực hiện theo các hình thức dưới đây:

* Phát hành nội bộ

Là việc phát hành cổ phiếu cho các thành viên trong nội bộ tổ chức phát hành. Phát hành nội bộ thường được phát hành theo các hướng:

- Thứ nhất, phát hành cho người lao động của doanh nghiệp theo chương trình cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).

- Thứ hai, phát hành quyền mua cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu (đối với các công ty chưa phát hành rộng rãi cổ phiếu ra công chúng).

- Thứ ba, phát hành trong phạm vi những người quen biết...

Phát hành nội bộ (còn gọi là phát hành riêng lẻ) chỉ được thực hiện trong phạm vi một số người nhất định. Việc phát hành chứng khoán nội bộ thường không chịu sự điều chỉnh của luật về CK & TTCK mà chịu sự điều chỉnh của những văn bản pháp luật khác như: Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp. Việc phát hành riêng lẻ thường được miễn trừ các thủ tục xin phép ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), và chứng khoán phát hành theo hình thức này không phải là đối tượng được giao dịch ở sở giao dịch chứng khoán (SGDCK).

* Phát hành ra công chúng (phát hành trên TTCK)

Phát hành chứng khoán ra công chúng là việc phát hành trong đó chứng khoán được bán rộng rãi ra công chúng và khối lượng phát hành phải đạt tới một quy mô nhất định. Chứng khoán được phát hành ra công chúng thường là đối tượng giao dịch trên TTCK tập trung, được điều chỉnh bởi luật pháp về CK & TTCK và chịu sự quản lý, giám sát của một cơ quan chuyên trách. Đối với những nước và khu vực có TTCK phát triển như: Mỹ, Nhật, Hồng Kông,... Luật Chứng khoán không quy định cụ thể các điều kiện phát hành ra công chúng mà chỉ quy định những thủ tục mà doanh nghiệp phải thực hiện khi phát hành . Còn ở những nước có TTCK mới nổi thường đưa ra những điều kiện nhất định đối với tổ chức phát hành để đảm bảo đây là những doanh nghiệp có uy tín, có tình hình tài chính lành mạnh, hoạt động sản xuất kinh doanh tốt.

Việc phát hành cổ phiếu trên TTCK cho công chúng bao gồm:

Phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO - Initial Public Offering): là việc phát hành trong đó cổ phiếu của công ty lần đầu tiên được bán rộng rãi ra công chúng đầu tư.

Phát hành thêm cổ phiếu ra công chúng (chào bán sơ cấp, phân phối sơ cấp): là đợt phát hành cổ phiếu bổ sung của công ty đại chúng cho rộng rãi công chúng đầu tư.

Phát hành cổ phiếu trên TTCK có thể được thực hiện bằng một trong các cách thức sau:

- Phát hành thông qua hình thức bán đấu giá.

- Phát hành thông qua các tổ chức bảo lãnh phát hành như các ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán.

● Phát hành trái phiếu

* Phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Khác với phát hành cổ phiếu, khi phát hành cổ phiếu sẽ làm tăng vốn điều lệ của công ty, còn phát hành trái phiếu sẽ làm tăng khoản nợ của công ty phát hành. Phát hành cổ phiếu chỉ được thực hiện ở các công ty cổ phần, còn phát hành trái phiếu được thực hiện tại bất kỳ một loại hình doanh nghiệp nào nếu họ thỏa mãn các điều kiện phát hành. Vì vậy, trên thực tế việc phát hành trái phiếu thường được thực hiện dưới hình thức phát hành rộng rãi ra công chúng. Phát hành trái phiếu doanh nghiệp có thể được thực hiện ngay tại doanh nghiệp, hoặc tại các tổ chức bảo lãnh như công ty tài chính, ngân hàng thương mại..., hoặc tại sở giao dịch chứng khoán. Thông thường nó được phát hành trên TTCK thông qua hình thức bảo lãnh hoặc đấu thầu. Đây là hình thức phổ biến hiện nay ở những nước mà TTCK đã phát triển.

* Phát hành trái phiếu chính phủ và chính quyền địa phương

TPCP và trái phiếu chính quyền địa phương được phát hành theo các phương thức sau:

- Phát hành theo phương thức bán lẻ thông qua hệ thống kho bạc Nhà nước (KBNN). Đây là phương thức mà hệ thống KBNN trực tiếp bán trái phiếu cho các nhà đầu tư (chủ yếu là các cá nhân, hộ gia đình) tại hệ thống các quầy giao dịch lẻ của mình. Với mức mệnh giá phát hành đa dạng, các nhà đầu tư được lựa chọn để phù hợp với nhu cầu đầu tư và khả năng thanh toán của mình. Trong phương thức này, Chính phủ công bố một mức giá (lãi suất cố định hay lãi suất thả nổi) nhất định, thị trường là người quyết định khối lượng chứng khoán được phát hành.

- Phát hành TPCP qua các tổ chức đại lý. Về mặt kỹ thuật, phương thức này giống như phương thức bán lẻ qua hệ thống KBNN. Tuy nhiên trái phiếu được bán thông qua các tổ chức đại lý hưởng hoa hồng như các CTCK, các công ty tài chính và NHTM... Trường hợp không bán hết trái phiếu, tổ chức đại lý được trả số trái phiếu còn lại cho Bộ Tài chính.

- Bảo lãnh phát hành: là phương thức phát hành trong đó một, hoặc một số tổ chức bảo lãnh (thường là các tổ chức tài chính) giúp Bộ Tài chính thực hiện các thủ tục cần thiết trước khi phát hành TPCP ra thị trường, nhận mua TPCP để bán lại, hoặc mua lại số TPCP còn lại chưa được phân phối hết... Tổ chức bảo lãnh chỉ có trách nhiệm thực hiện việc bao tiêu TPCP theo các điều kiện thoả thuận mà không bao hàm nghĩa vụ đối với người đầu tư thay cho Bộ Tài chính.

- Phát hành theo phương thức đấu thầu trên TTCK. Ở Việt Nam hiện nay, các tổ chức được phép đăng ký tham gia đấu thầu TPCP gồm: các ngân hàng, công ty tài chính, các công ty chứng khoán (CTCK)... Trước ngày tổ chức đấu thầu, Trung tâm giao dịch chứng khoán (TTGDCK) gửi thông báo phát hành TPCP cho các thành viên tham gia đấu thầu. Các thành viên tham gia phải mở tài khoản ký quỹ và tài khoản lưu ký chứng khoán tại ngân hàng chỉ định và thành viên lưu ký của TTGDCK. Mức ký quỹ được quy định theo tỷ lệ phần trăm (thông thường tối thiểu 5%) trên tổng khối lượng đăng ký đấu thầu. Việc đấu thầu được thực hiện theo phương thức cạnh tranh lãi suất hoặc không cạnh tranh lãi suất (lãi suất trúng thầu xác định theo kết quả của đấu thầu cạnh tranh lãi suất).

Mỗi phương thức phát hành đều có những ưu, nhược điểm nhất định. Phát hành thông qua tổ chức bảo lãnh, đại lý, hay đấu thầu giúp cho tổ chức phát hành huy động được số vốn lớn trong thời gian ngắn, tận dụng được lợi thế về cơ sở vật chất kỹ thuật và trình độ chuyên môn của các tổ chức bảo lãnh, đại lý.

Các ưu thế của phương thức đấu thầu là hướng vào thị trường, lấy sự điều tiết của thị trường làm nguyên tắc điều hành. Cách làm như thế sẽ tạo ra cho thị trường một giá chuẩn, không gây ra sự bất trắc cho nhà đầu tư, tạo được uy tín và lòng tin cho những người tham gia thị trường. Tuy nhiên, trong phương thức này, người phát hành cũng có những rủi ro tiềm ẩn, đó là: có thể không có đủ số người đấu thầu để mua hết số lượng chứng khoán chào bán, hay lãi suất hình thành trên thị trường có thể cao hơn mức lãi suất tối đa mà Chính phủ có thể chấp nhận.

Bán lẻ TPCP đòi hỏi hệ thống kho bạc nhà nước phải tự tổ chức bán chứng khoán. Nếu mạng lưới tiêu thụ hạn chế thì không thể huy động được số vốn lớn trong thời gian ngắn, mặt khác chi phí cho việc huy động vốn theo phương thức này thường khá cao. Vì vậy, bán lẻ TPCP thường sử dụng trong những trường hợp: nhu cầu vốn huy động không lớn, không đòi hỏi gấp rút về thời gian.

Phương thức phát hành là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng huy động vốn. Nếu không xác định được phương thức phát hành thích hợp với điều kiện thực tế của nền kinh tế thì tổ chức phát hành có thể sẽ không thành công trong việc huy động vốn.

2.3.1.3. Điều kiện phát hành

Trong nền kinh tế thị trường, để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư, ổn định và lành mạnh hóa nền kinh tế vĩ mô cũng như góp phần nâng cao hiệu quả vốn đầu tư trên toàn bộ nền kinh tế, hạn chế tình trạng lừa đảo, các tổ chức phát hành muốn thực hiện việc phát hành chứng khoán để huy động vốn phải hội đủ các điều kiện hiện hành.

● Điều kiện cần

* Đối với phát hành cổ phiếu

+ Điều kiện định lượng

- Phải có vốn điều lệ ở mức nhất định không nhỏ hơn mức tối thiểu theo quy định.

- Sản xuất kinh doanh phải có lãi trong một khoảng thời gian nhất định tính đến thời điểm xin phát hành chứng khoán.

- Tổng giá trị của đợt phát hành phải đạt quy mô nhất định.

- Một tỉ lệ nhất định của đợt phát hành phải được bán cho 1 số lượng quy định công chúng đầu tư.

- Cổ đông sáng lập phải nắm giữ một tỉ lệ tối thiểu nhất định vốn cổ phần của tổ chức phát hành trong thời hạn tối thiểu nhất định kể từ ngày kết thúc việc phát hành

- Trường hợp tổng giá trị theo mệnh giá của đợt phát hành vượt quá một mức nhất định thì phải có tổ chức bảo lãnh phát hành.

+ Điều kiện định tính

- Thành viên HĐQT và tổng giám đốc (giám đốc) phải có trình độ, kinh nghiệm quản lý kinh doanh.

- Có phương án sử dụng có hiệu quả số vốn huy động được từ đợt phát hành.

- Các báo cáo tài chính, bản cáo bạch và các tài liệu cung cấp thông tin của công ty phải có độ tin cậy nhất định,...

Trường hợp phát hành bổ sung: Ngoài các điều kiện như phát hành lần đầu còn phải đáp ứng thêm các điều kiện sau:

- Lần phát hành sau phải cách lần trước một khoảng thời gian nhất định.

- Đã hoàn tất các đợt phát hành trước đó.

- Giá trị cổ phiếu phát hành thêm không lớn hơn tổng giá trị cổ phiếu hiện đang lưu hành.

Ở Việt Nam hiện nay, theo Luật Chứng khoán có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2007, một CTCP muốn phát hành cổ phiếu rộng rãi ra công chúng cần thỏa mãn các điều kiện sau:

(1) Có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán tối thiểu 10 tỷ đồng (tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán).

(2) Hoạt động kinh doanh năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán.

(3) Có phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

* Đối với phát hành trái phiếu

+ Phải có tỉ lệ tối thiểu tổng giá trị trái phiếu xin phép phát hành bán cho một số lượng người đầu tư nhất định ngoài tổ chức, tùy theo quy mô vốn điều lệ của tổ chức phát hành.

+ Phải có tổ chức bảo lãnh phát hành, trừ trường hợp bản thân tổ chức phát hành trái phiếu là tổ chức tín dụng.

+ Phải có cam kết thực hiện nghĩa vụ đối với người đầu tư và xác định đại diện người sở hữu trái phiếu.

Ở Việt Nam hiện nay theo Luật Chứng khoán có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2007, tổ chức kinh tế là doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu ra công chúng để huy động vốn phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán tối thiểu là 10 tỷ đồng (tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán).

- Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán, không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 1 năm.

- Có phương án phát hành, phương án sử dụng và trả nợ số vốn huy động được từ đợt chào bán được Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty thông qua.

- Có cam kết thực hiện nghĩa vụ của tổ chức phát hành đối với nhà đầu tư về điều kiện phát hành, thanh toán, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các điều kiện khác.

Ngoài các điều kiện nêu trên, khi doanh nghiệp muốn phát hành chứng khoán ra công chúng phải thực hiện đầy đủ các quy định về thủ tục phát hành: ví dụ: đơn xin phát hành, phương án phát hành chứng khoán, bản cáo bạch...

Phương án phát hành thường bao gồm các nội dung như: mục tiêu phát hành, số vốn cần huy động, số lượng chứng khoán cần phát hành, mệnh giá chứng khoán, thời gian dự kiến phát hành và kết thúc, phương thức phát hành, công ty bảo lãnh phát hành (nếu có), số lượng chứng khoán đang lưu hành, giữ lại (nếu có), phương án kinh doanh bằng nguồn vốn phát hành và khả năng trả nợ, những rủi ro trong kinh doanh và phát hành (nếu có)...

Nội dung bản cáo bạch thường bao gồm: tên, địa chỉ của đơn vị phát hành, giấy phép đăng kí kinh doanh, tóm tắt điều lệ hoạt động, sơ lược về quá trình hình thành, phát triển, cơ cấu bộ máy tổ chức, cơ cấu sở hữu vốn của các cổ đông hiện hữu; hội đồng quản trị, giám đốc, kế toán trưởng, số cổ phiếu mà họ nắm giữ; tình hình hoạt động trong 2 năm gần nhất, các sản phẩm và dịch vụ kinh doanh chính, tình hình nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, chính sách đối với người lao động, thuế, các nội dung liên quan đến việc phát hành quyền mua cổ phần, chứng quyền, trái phiếu chuyển đổi...

● Điều kiện đủ

Ngoài các điều kiện cần nêu trên (điều kiện theo quy định của pháp luật để có thể triển khai một đợt phát hành chứng khoán), để tăng khả năng thành công cho mỗi đợt phát hành, các tổ chức phát hành, các doanh nghiệp cần quan tâm giải quyết các vấn đề sau:

- Nâng cao uy tín của tổ chức phát hành với nhà đầu tư,

- Tìm hiểu nhu cầu thị trường để lựa chọn loại chứng khoán, thời điểm phát hành và phương thức phát hành thích hợp nhất nhằm thỏa mãn được các điều kiện của nhà đầu tư.

2.3.1.4. Lợi ích và bất lợi đối với doanh nghiệp khi phát hành chứng khoán

● Phát hành cổ phiếu

+ Những lợi ích:

- Thứ nhất, doanh nghiệp tăng được vốn đầu tư dài hạn nhưng không bị bắt buộc có tính pháp lý phải trả khoản chi phí cho việc sử dụng vốn. Khi kinh doanh bị thua lỗ, công ty không phải chia lợi tức cổ phần cho cổ đông.

- Thứ hai, doanh nghiệp không có nghĩa vụ hoàn trả vốn cho cổ đông theo kỳ hạn cố định, điều đó giúp công ty chủ động sử dụng vốn mà không phải lo gánh nặng nợ nần.

- Thứ ba, huy động vốn qua phát hành cổ phiếu thường làm giảm hệ số nợ và tăng mức độ vững chắc về tài chính của công ty, qua đó làm tăng thêm khả năng huy động vốn và mức độ tín nhiệm cho doanh nghiệp,...

+ Những bất lợi:

- Một là, việc phát hành cổ phiếu thường ra công chúng làm tăng thêm cổ đông mới từ đó phải phân chia quyền bỏ phiếu và quyền kiểm soát công ty cho số cổ đông mới, gây bất lợi cho cổ đông hiện hữu. Mặt khác, nếu công ty hoạt động kinh doanh có hiệu quả cao, phát hành cổ phiếu thường để huy động vốn sẽ không có lợi cho công ty bằng cách phát hành trái phiếu hay vay vốn từ các tổ chức tín dụng.

- Hai là, chi phí phát hành cổ phiếu thường nói chung cao hơn chi phí phát hành cổ phiếu ưu đãi và trái phiếu.

- Ba là, theo chế độ quản lý tài chính của nhiều nước, lợi tức cổ phần không được tính vào chi phí kinh doanh hợp lệ để giảm trừ thu nhập chịu thuế, trong khi đó lợi tức trái phiếu hay lãi vay được tính vào chi phí kinh doanh làm giảm mức thuế thu nhập mà doanh nghiệp phải nộp...

● Phát hành trái phiếu

+ Những lợi ích

- Lợi tức trái phiếu được giới hạn ở mức độ nhất định. Nếu doanh nghiệp kinh doanh có triển vọng thu lợi nhuận cao sẽ làm tăng mức doanh lợi vốn chủ sở hữu.

- Chi phí phát hành trái phiếu thường thấp hơn phát hành cổ phiếu.

- Khi phát hành trái phiếu, những người chủ sở hữu doanh nghiệp không bị phân chia quyền kiểm soát doanh nghiệp cho những trái chủ.

- Ở hầu hết các nước, lợi tức trái phiếu được tính vào chi phí kinh doanh làm giảm thu nhập và thuế thu nhập phải nộp.

- Khi phát hành trái phiếu mua lại doanh nghiệp có thể chủ động điều chỉnh cơ cấu vốn.

+ Bất lợi

- Doanh nghiệp có nghĩa vụ trả gốc và lợi tức cho các trái chủ đúng kỳ hạn. Nếu đến thời điểm trả nợ công ty gặp khó khăn về tài chính sẽ dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán, tăng nguy cơ bị phá sản.

- Việc tăng vốn bằng phát hành trấi phiếu có thể dẫn đến hệ số nợ cao. Nếu công ty kinh doanh thua lỗ sẽ làm tăng mức thua lỗ trên vốn chủ sở hữu, làm giảm vốn chủ sở hữu, giảm giá cổ phiếu của công ty...

2.3.2. Niêm yết chứng khoán

2.3.2.1. Khái niệm và các loại niêm yết chứng khoán

● Thế nào là niêm yết chứng khoán?

Trên TTCK, các chứng khoán được giao dịch rất đa dạng và phong phú. Bên cạnh những chứng khoán có chất lượng, có uy tín với các nhà đầu tư, cũng có không ít những chứng khoán chất lượng thấp hoặc không ổn định đã làm giảm lòng tin của các nhà đầu tư đối với TTCK. Để xây dựng lòng tin đối với các nhà đầu tư, đảm bảo thị trường hoạt động ổn định, trôi chảy và có hiệu quả thì việc lựa chọn những chứng khoán có đủ tiêu chuẩn để niêm yết và giao dịch trên TTCK tập trung là hoàn toàn cần thiết.

Niêm yết chứng khoán là việc đưa các chứng khoán có đủ tiêu chuẩn vào đăng ký và giao dịch tại TTCK tập trung.

● Các loại niêm yết

Căn cứ vào tính chất và điều kiện niêm yết, niêm yết chứng khoán bao gồm:

- Niêm yết lần đầu: Là việc cho phép chứng khoán của một tổ chức phát hành được đăng ký niêm yết giao dịch lần đầu tiên sau khi phát hành ra công chúng và đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về niêm yết.

- Niêm yết bổ sung: Là việc tổ chức niêm yết tiến hành niêm yết các chứng khoán mới phát hành với mục đích tăng vốn hoặc các mục đích khác sau khi đã được SGDCK chấp thuận.

- Thay đổi niêm yết: Là việc các tổ chức niêm yết thay đổi tên giao dịch, khối lượng, mệnh giá hoặc tổng giá trị cổ phiếu của mình.

- Niêm yết lại: Là việc SGDCK cho phép tổ chức niêm yết được tiếp tục niêm yết trở lại các chứng khoán đã bị đình chỉ niêm yết trước đây theo quyết định của SGD.

- Niêm yết cửa sau: Là việc các tổ chức không niêm yết tiến hành việc sáp nhập, hoặc liên kết với các tổ chức niêm yết để được quyền kiểm soát tổ chức niêm yết.

- Niêm yết toàn phần và niêm yết từng phần: Là hình thức niêm yết mà việc niêm yết được thực hiện toàn bộ hoặc chỉ một phần số chứng khoán đã được phát hành ra các nhà đầu tư của thị trường.

2.3.2.2. Tiêu chuẩn và thủ tục niêm yết chứng khoán

● Tiêu chuẩn niêm yết chứng khoán tại các TTCK tập trung

SGDCK là một TTCK có tổ chức và trên SGDCK chỉ giao dịch các chứng khoán có chất lượng, đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư. Vì vậy, các chứng khoán muốn được niêm yết giao dịch trên SGDCK phải thỏa mãn các tiêu chuẩn theo quy định của SGDCK và của Chính phủ. Hệ thống các tiêu chuẩn niêm yết bao gồm các tiêu chuẩn định tính và các tiêu chuẩn định lượng.

Các tiêu chuẩn định tính:

- Triển vọng phát triển của tổ chức phát hành.

- Nhận xét của kiểm toán về các báo cáo tài chính của công ty.

- Lợi ích kinh tế mang lại của công ty đối nền kinh tế quốc dân.

- Việc thực hiện công tác công bố thông tin.

- v.v...

Các tiêu chuẩn định lượng:

- Thời gian hoạt động của tổ chức phát hành đến thời điểm đăng ký niêm yết. Với bất kỳ một doanh nghiệp nào, thời gian hoạt động của công ty dài hay ngắn có một ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá triển vọng phát triển của nó trong nền kinh tế. Chỉ tiêu này được quy định khác nhau đối với các thị trường khác nhau.

- Quy mô và cơ cấu cổ phần của công ty. Quy mô vốn chủ sở hữu của một công ty niêm yết phải đạt tới một mức độ nhất định mới đảm bảo tính thanh khoản cho các chứng khoán của họ. Hơn thế nữa, cơ cấu vốn cổ phần trong công ty cũng đảm bảo tính xã hội hóa của công ty cũng như mức độ trách nhiệm của các cổ đông sáng lập đối với công ty của họ. Quy mô và cơ cấu sở hữu trong công ty cổ phần do cơ quan quản lý thị trường quy định phù hợp với trình độ phát triển của TTCK trong mỗi thời kỳ.

- Lợi suất thu được từ vốn cổ phần (suất cổ tức). Ngoài đầu tư vào cổ phiếu của các công ty cổ phần niêm yết, người đầu tư còn có thể đầu tư vào các thị trường khác. Tất nhiên nhà đầu tư chỉ chấp nhận đầu tư vốn vào các cổ phiếu có mức lợi suất cao, mức tối thiểu cũng phải cao hơn lãi suất tiền gửi cùng kỳ hạn.

- Tỷ lệ nợ. Tỷ lệ nợ phản ánh khả năng tự chủ tài chính của một doanh nghiệp. Tỷ lệ nợ ở một mức độ cho phép đánh giá sự lành mạnh tài tình hình chính của công ty.

- v.v...

TIÊU CHUẨN NIÊM YẾT CHỨNG KHOÁN Ở MỘT SỐ THỊ TRƯỜNG

Chỉ tiêu TOKYO Hàn Quốc Thẩm Quyến

Vốn cổ đông

Số lượng cổ đông

Các cổ đông chính

Các cổ đông khác ≥1 tỷ yên

≥1000-3000

≤70% ≥5 tỷ won

≥400-500

Dưới 50%

Hơn 40% ≥1,25 triệu $

Trên 1000

≥25%

Hệ thống các tiêu chuẩn định tính, định lượng được công bố công khai và áp dụng thống nhất cho các công ty. Tuy nhiên do tính đặc thù ở một số các ngành, lĩnh vực họat động của công ty mà các chỉ tiêu đó có thể mềm hóa, hoặc bị thắt chặt hơn để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư.

Chứng khoán có thể được lưu thông trên các TTCK khác nhau. Trên TTCK OTC, thường bao gồm chứng khoán của các công ty vừa và nhỏ. Còn trên TTCK tập trung (SGDCK) thì điều kiện để chứng khoán được niêm yết, giao dịch thường chặt chẽ hơn. Tất nhiên đối với mỗi thị trường, do những đặc điểm, điều kiện cụ thể khác nhau mà có những quy định khác nhau. Một số tiêu chuẩn phổ biến được sử dụng để lựa chọn loại chứng khoán được đăng ký niêm yết là:

- Một là, chứng khoán vô danh.

- Hai là, những chứng khoán có khối lượng lớn, mệnh giá nhỏ.

Các SGDCK thường yêu cầu cơ quan hay công ty phát hành muốn đăng ký niêm yết chứng khoán thì loại chứng khoán đó phải dành ít nhất 25% lượng chứng khoán được phát hành cho công chúng. Với tỷ lệ này cùng với yêu cầu mệnh giá nhỏ, công chúng mới dễ dàng tham gia mua bán các loại chứng khoán đó. Đây là điều kiện nhằm đảm bảo cho TTCK hoạt động liên tục, trôi chảy và sôi động.

- Ba là, những chứng khoán có độ tin cậy khá cao.

Đây là tiêu chuẩn nhằm bảo vệ lợi ích các nhà đầu tư và được thể hiện qua một số tiêu chuẩn cụ thể. UBCKNN có trách nhiệm thẩm định độ tin cậy của các loại chứng khoán do các cơ quan Nhà nước và các công ty phát hành trước khi đưa chúng ra niêm yết và giao dịch trên thị trường.

Ở Việt Nam theo NĐ 14/2007 NĐ-CP, ngày 19/1/2007, điều kiện niêm yết chứng khoán như sau:

Điều 8. Điều kiện niêm yết chứng khoán tại SGDCK

1. Điều kiện niêm yết cổ phiếu:

a) Là công ty cổ phần có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 80 tỷ đồng Việt Nam trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán. Căn cứ vào tình hình phát triển thị trường, mức vốn có thể được Bộ Tài chính điều chỉnh tăng hoặc giảm trong phạm vi tối đa 30% sau khi xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ;

b) Hoạt động kinh doanh hai năm liền trước năm đăng ký niêm yết phải có lãi và không có lỗ luỹ kế tính đến năm đăng ký niêm yết;

c) Không có các khoản nợ quá hạn chưa được dự phòng theo quy định của pháp luật; công khai mọi khoản nợ đối với công ty của thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc hoặc Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng, cổ đông lớn và những người có liên quan;

d) Tối thiểu 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 100 cổ đông nắm giữ;

đ) Cổ đông là thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc hoặc Phó Tổng Giám đốc và Kế toán trưởng của công ty phải cam kết nắm giữ 100% số cổ phiếu do mình sở hữu trong thời gian 6 tháng kể từ ngày niêm yết và 50% số cổ phiếu này trong thời gian 6 tháng tiếp theo, không tính số cổ phiếu thuộc sở hữu Nhà nước do các cá nhân trên đại diện nắm giữ;

e) Có hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu hợp lệ theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định này.

2. Điều kiện niêm yết trái phiếu:

a) Là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp nhà nước có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 80 tỷ đồng Việt Nam trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;

b) Hoạt động kinh doanh của hai năm liền trước năm đăng ký niêm yết phải có lãi, không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên một năm và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước;

c) Có ít nhất 100 người sở hữu trái phiếu cùng một đợt phát hành;

d) Có hồ sơ đăng ký niêm yết trái phiếu hợp lệ theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định này.

3. Điều kiện niêm yết chứng chỉ quỹ đại chúng hoặc cổ phiếu của công ty đầu tư chứng khoán đại chúng:

a) Là quỹ đóng có tổng giá trị chứng chỉ quỹ (theo mệnh giá) phát hành từ 50 tỷ đồng Việt Nam trở lên hoặc công ty đầu tư chứng khoán có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 50 tỷ đồng Việt Nam trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;

b) Sáng lập viên và thành viên Ban đại diện quỹ đầu tư chứng khoán hoặc thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc hoặc Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng của công ty đầu tư chứng khoán phải cam kết nắm giữ 100% số chứng chỉ quỹ hoặc cổ phiếu do mình sở hữu trong thời gian 6 tháng kể từ ngày niêm yết và 50% số chứng chỉ quỹ hoặc cổ phiếu này trong thời gian 6 tháng tiếp theo;

c) Có ít nhất 100 người sở hữu chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng hoặc ít nhất 100 cổ đông nắm giữ cổ phiếu của công ty đầu tư chứng khoán đại chúng;

d) Có hồ sơ đăng ký niêm yết chứng chỉ quỹ đại chúng hoặc cổ phiếu của công ty đầu tư chứng khoán đại chúng hợp lệ theo quy định tại khoản 4 Điều 10 Nghị định này.

4. Trong thời gian thực hiện chuyển đổi từ Trung tâm Giao dịch chứng khoán thành Sở Giao dịch chứng khoán theo quy định tại khoản 5 Điều 134 Luật Chứng khoán, tổ chức mới đăng ký niêm yết chứng khoán tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Điều 9. Điều kiện niêm yết chứng khoán tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán

1. Điều kiện niêm yết cổ phiếu:

a) Là công ty cổ phần có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 10 tỷ đồng Việt Nam trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;

b) Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký niêm yết phải có lãi, không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên một năm và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước;

c) Cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 100 cổ đông nắm giữ;

d) Cổ đông là thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó Giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc và Kế toán trưởng của công ty phải cam kết nắm giữ 100% số cổ phiếu do mình sở hữu trong thời gian 6 tháng kể từ ngày niêm yết và 50% số cổ phiếu này trong thời gian 6 tháng tiếp theo, không tính số cổ phiếu thuộc sở hữu Nhà nước do các cá nhân trên đại diện nắm giữ;

đ) Có hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu hợp lệ theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định này;

e) Việc niêm yết cổ phiếu của các doanh nghiệp thành lập mới thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng hoặc công nghệ cao, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chuyển đổi thành công ty cổ phần không phải đáp ứng điều kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

2. Điều kiện niêm yết trái phiếu doanh nghiệp:

a) Là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp nhà nước có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 10 tỷ đồng Việt Nam trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;

b) Các trái phiếu của một đợt phát hành có cùng ngày đáo hạn;

c) Có hồ sơ đăng ký niêm yết trái phiếu hợp lệ theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định này.

3. Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương được niêm yết trên Trung tâm Giao dịch chứng khoán theo đề nghị của tổ chức phát hành trái phiếu.

4. Chứng khoán đủ tiêu chuẩn niêm yết mà chưa niêm yết tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán được giao dịch tại công ty chứng khoán và chuyển kết quả giao dịch thông qua Trung tâm Giao dịch chứng khoán để thanh toán thông qua Trung tâm Lưu ký chứng khoán.

5. Việc phân định các khu vực niêm yết giao dịch tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán thực hiện theo Quy chế niêm yết của Trung tâm Giao dịch chứng khoán sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

6. Bộ Tài chính quy định cụ thể điều kiện niêm yết đối với các loại chứng khoán khác trên Trung tâm Giao dịch chứng khoán.

Thực tế niêm yết chứng khoán tại SGDCKTPHCM và TTGDCKHN

Số loại chứng khoán niêm yết tại SGDCKTPHCM

Mốc thời gian Cổ phiếu Trái phiếu Chứng chỉ quĩ Tỷ lệ vốn hóa /GDP (%)

28/07/2000 2 1 0

31/12/2000 5 5 0 0,28

31/12/2001 11 20 0 0,34

31/12/2002 20 25 0 0,48

31/12/2003 25 50 0 0,39

31/12/2004 26 70 1 0,63

31/12/2005 32 157 1 0,96

31/12/2006 106 350 2

31/12/2007 140 407 3

Số loại chứng khoán niêm yết tại TTGDCK Hà Nội

Mốc thời gian Cổ phiếu Trái phiếu Chứng chỉ quĩ Tỷ lệ vốn hóa/GDP

(%)

31/12/2005 9 15 0

31/12/2006 87 30 0

31/12/2007 115 159 0

● Thủ tục niêm yết chứng khoán:

Thông thường, quy trình niêm yết ở các thị trường được thực hiện theo các bước sau:

- Tổ chức phát hành nộp bản đăng ký niêm yết cho SGDCK.

- SGDCK thẩm định sơ bộ các tài liệu do công ty xin niêm yết nộp.

- Nộp bản đăng ký lên UBCKNN.

- Chào bán chứng khoán ra công chúng.

- Xin phép niêm yết.

Công ty muốn niêm yết và giao dịch chứng khoán của mình tại SGDCK phải gửi hồ sơ niêm yết chính thức lên sở giao dịch chứng khoán và kí hợp đống niêm yết với SGD. Hợp đồng niêm yết thường bao gồm một số nội dung: (1) đảm bảo việc công bố thông tin theo định kì, (2) đảm bảo việc công bố các báo cáo tài chính theo tiêu chuẩn nguyên tắc kế toán chung, (3) cung cấp cho SGDCK thông tin theo định kì nhằm giúp sở thực hiện tốt chức năng duy trì một thị trường có trật tự...

Các tài liệu trong hồ sơ niêm yết, ngoài hồ sơ thẩm định trước đây, cần có thêm các tài liệu sau:

+ Đơn xin niêm yết,

+ Hồ sơ đăng lí và báo cáo phân tích chứng khoán,

+ Bản sao hợp đồng dịch vụ giữa công ty và đại lí chuyển nhượng,

+ Bản sao hợp đồng với nhà bảo lãnh chính,

+ Mẫu chứng chỉ chứng khoán,

+ Báo cáo của đợt chào bán ra công chúng,

+ Bản trình bày của đại lí chuyển nhượng về cơ cấu sở hữu,

+ Danh sách cổ đông.

- Thẩm tra niêm yết chính thức.

- Quyết định chấp nhận niêm yết.

- Niêm yết chứng khoán.

2.3.2.3. Quản lý niêm yết

Sau khi chứng khoán đã được chính thức niêm yết và giao dịch trên SGDCK, việc quản lý niêm yết được coi là một họat động cần thiết nhằm duy trì chất lượng các chứng khoán được niêm yết và giao dịch trên thị trường.

- Chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất đối với các tổ chức niêm yết. Theo quy định, các công ty niêm yết phải nộp các báo cáo hoạt động hay sự kiện nhất định liên quan tới công tác tổ chức, điều hành và quản lý hoạt đông kinh doanh của công ty trong thời hạn quy định. Các báo cáo phải thỏa mãn các yêu cầu và thể hiện đầy đủ các nội dung cần thiết theo quy định của SGDCK.

- Thuyên chuyển. Thuyên chuyển là một nội dung trong chế độ quản lý niêm yết, là việc chuyển chứng khoán đang niêm yết tại thị trường chứng khoán này sang một thị trường chứng khoán khác có các điều kiện niêm yết cao hơn, hoặc ngược lại. Trường hợp chứng khoán bị thuyên chuyển sang thị trường chứng khoán có các tiêu chuẩn niêm yết thấp hơn là khi mà các công ty không thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn niêm yết. Ngược lại, khi chứng khoán của công ty niêm yết tại thị trường chứng khoán có tiêu chuẩn thấp nếu đã thỏa mãn các tiêu chuẩn của thị trường có tiêu chuẩn niêm yết cao hơn thì sẽ được thuyên chuyển sang niêm yết ở thị trường đó.

- Kiểm soát chứng khoán niêm yết. Khi các chứng khoán niêm yết không thể duy trì các tiêu chuẩn niêm yết nhưng chưa đến mức phải thuyên chuyển hoặc hủy bỏ niêm yết thì các chứng khoán đó sẽ bị kiểm soát. Trong thời gian kiểm soát, SGDCK sẽ thông báo cho tổ chức niêm yết về lý do kiểm soát và thời hạn trục xuất. Trong thời hạn trục xuất, nếu công ty niêm yết khắc phục được những nguyên nhân theo cảnh báo của SGDCK thì các chứng khoán của công ty sẽ được đưa ra khỏi danh sách các chứng khoán bị kiểm soát.

- Hủy bỏ niêm yết. Là một hình thức xử lý đối với các công ty niêm yết không thể duy trì và đáp ứng được các quy định, tiêu chuẩn niêm yết, đã quá thời hạn trục xuất mà không khắc phục được những tồn tại theo cảnh báo của SGDCK.

- Ngừng giao dịch. Cơ chế ngừng giao dịch chứng khoán được thực hiện trong các trường hợp sau:

+ Công ty niêm yết thuộc diện bị thuyên chuyển, hoặc bị hủy bỏ.

+ Khi công ty niêm yết phát hiện trên thị trường có những chứng chỉ giả mạo, hoặc có sửa chữa.

+ Khi công ty có quyết định tách, gộp cổ phiếu, phát hành quyền...

+ Khi SGDCK phát hiện công ty có những vi phạm trong quản lý kinh tế tài chính.

Thời gian ngừng giao dịch chứng khoán của công ty niêm yết dài, hay ngắn phụ thuộc vào việc giải quyết, khắc phục các nguyên nhân dẫn tới việc ngừng giao dịch chứng khoán của công ty.

2.3.2.4. Phí niêm yết

Là số tiền mà công ty niêm yết phải trả cho SGDCK liên quan tới việc niêm yết và giao dịch chứng khoán của mình tại SGDCK.

Phí niêm yết bao gồm 2 loại:

- Phí niêm yết lần đầu: là mức phí thu cho việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ của công ty niêm yết đối với niêm yết lần đầu.

- Phí quản lý niêm yết hàng năm: nhằm duy trì các tiêu chuẩn về quản lý niêm yết đối với chứng khoán của công ty niêm yết.

Phí niêm yết được tính trên tổng giá trị chứng khoán niêm yết và phụ thuộc vào từng thị trường cũng như các nhóm ngành hoạt động của công ty niêm yết theo chính sách của Nhà nước.

2.3.2.5. Lợi ích và bất lợi của niêm yết đối với các tổ chức niêm yết chứng khoán

● Lợi ích

Đối với các tổ chức niêm yết, khi chứng khoán của mình được chính thức niêm yết và giao dịch trên SGDCK sẽ đem lại nhiều lợi thế cho công ty, cụ thể:

- Dễ dàng huy động vốn. Một công ty niêm yết sẽ được công chúng các nhà đầu tư tín nhiệm hơn các công ty không được niêm yết. Và điều đó lý giải tại sao các công ty niêm yết sẽ dễ dàng huy động vốn trên TTCK hơn các công ty không niêm yết.

- Củng cố và nâng cao uy tín của công ty đối với công chúng và các đối tác của công ty trong kinh doanh.

- Nâng cao tính thanh khoản cho chứng khoán của công ty. Khi chứng khoán được niêm yết cũng đồng nghĩa với chứng khoán của công ty đã đạt ở một mức độ cần thiết về uy tín với thị trường. Chính bởi vậy tính thanh khoản của chứng khoán được nâng cao, phạm vi chấp nhận trong các quan hệ tài chính khác được mở rộng, các nhà đầu tư nhỏ sẽ có cơ hội để trở thành cổ đông của các công ty niêm yết.

- Được hưởng ưu đãi từ phía Nhà nước. Đối với các TTCK mới nổi, trong giai đoạn đầu, các công ty niêm yết thông thường được hưởng một số các ưu đãi từ phía Nhà nước như: ưu đãi về thị trường, ưu đãi về tín dụng, ưu đãi về thuế... trong đó thuế được coi là hình thức ưu đãi phổ biến nhất.

● Bất lợi

Bên cạnh các lợi ích được hưởng từ việc niêm yết chứng khoán của mình trên SGDCK, các công ty niêm yết cũng phải gánh chịu những bất lợi sau:

- Nộp phí niêm yết. Điều này hoàn toàn không tồn tại ở những công ty không niêm yết trên SGDCK.

- Nghĩa vụ công khai thông tin. Các công ty niêm yết phải có nghĩa vụ cung cấp các thông tin liên quan tới các họat động kinh doanh - tài chính của công ty. Việc công khai hóa các thông tin của công ty đôi khi gây ra những trở ngại cho công ty như ảnh hưởng tới các bí quyết, bí mật về công nghệ, kinh nghiệm quản lý kinh doanh, về chiến lược đầu tư của công ty ....

- Những cản trở trong việc sáp nhập, hay thâu tóm của công ty. Điều này thể hiện trên khía cạnh quyền biểu quyết của các cổ đông chủ chốt bị chia sẻ với những nhà đầu tư công chúng gây trở ngại cho công ty trong chiến lược sáp nhập, hoặc thâu tóm của mình.

Chương 3 HOẠT ĐỘNG GIAO DỊCH TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

3.1. GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN TRÊN TTCK TẬP TRUNG - SỞ GIAO DỊCH

3.1.1. Khái niệm và cơ cấu tổ chức SGDCK

3.1.1.1. Khái niệm

Sở giao dịch chứng khoán (Securities Exchange / Bourse) là một TTCK có tổ chức, được điều khiển ở trình độ cao và hoạt động của nó gắn với một không gian, địa điểm nhất định.

Sở giao dịch chứng khoán là nơi gặp gỡ giữa các nhà môi giới chứng khoán để thoả thuận, thương lượng, đấu giá mua bán chứng khoán, là cơ quan phục vụ cho các hoạt động giao dịch mua bán chứng khoán.

Sở giao dịch chứng khoán là một tổ chức cung cấp các phương tiện, dịch vụ, cơ sở vật chất... cho những nhà môi giới chứng khoán hoặc những thành viên giao dịch để mua bán chuyển nhượng chứng khoán.

Sở giao dịch chứng khoán là một định chế có chức năng tổ chức thực hiện và quản lí các giao dịch chứng khoán của các đơn vị thành viên của TTCK tập trung.

Đặc điểm của SGDCK:

- SGDCK là một định chế / một tổ chức / một cơ quan phục vụ cho việc giao dịch các loại chứng khoán. Để thực hiện chức năng này sở có nhiệm vụ xây dựng cơ sở vật chất và tổ chức bộ máy nhân sự... phù hợp với trình độ và quy mô phát triển của thị trường nhằm phục vụ các giao dịch mua bán chứng khoán của các đơn vị thành viên được thực hiện một cách an toàn và hiệu quả. Ngoài ra SGD cũng cung cấp toàn bộ nền tảng cho việc phát hành, chuyển đổi các loại chứng khoán, các công cụ tài chính liên quan đến chứng khoán và các sự kiện về vốn như thu nhập (income), cổ tức (divident)...

- Các chứng khoán được giao dịch trên SGDCK bao gồm: cổ phiếu được phát hành bởi các công ty, các chứng chỉ quỹ, trái phiếu và các sản phẩm đầu tư khác. Để một loại chứng khoán có thể mua bán trên SGD thì chứng khoán đó phải hoàn tất thủ tục niêm yết trên SGDCK.

- SGDCK là bộ phận quan trọng nhất của TTCK, nó không phải là một pháp nhân kinh doanh chứng khoán, tuyệt nhiên không mua vào và cũng không bán ra bất kỳ một loại chứng khoán nào đang giao dịch trên thị trường.

- Tùy theo sự phát triển của thị trường và cơ chế quản lí của nhà nước mà sở giao dịch được tổ chức theo một hình thức nhất định như : đơn vị sự nghiệp có thu, doanh nghiệp (công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần)... Thông thường, SGDCK là một tổ chức có tư cách pháp nhân, được thành lập và hoạt động theo qui định của pháp luật, tự chủ về tài chính.

3.1.1.2.Tổ chức sở giao dịch chứng khoán

● Hình thức tổ chức SGD

- Hình thái sơ khai ban đầu của SGDCK là các câu lạc bộ mini. Câu lạc bộ là nơi mà các thương gia, sau này là những người kinh doanh, môi giới chứng khoán gặp gỡ để giao dịch. Ở đó đó họ thống nhất với nhau những nội dung có tính chất quy ước liên quan tới các giao dịch chứng khoán. Họat động của câu lạc bộ này không với tư cách một pháp nhân và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.

Cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường nói chung cũng như các giao dịch chứng khoán nói riêng, hình thái câu lạc bộ mini đã dần bị thay thế bởi các hình thức ưu việt hơn.

- Hình thức sở hữu thành viên: Được tổ chức như một công ty TNHH trong đó thành viên góp vốn và sở hữu là các CTCK. Các CTCK thành viên sẽ cử ra HĐQT để quản lý và điều hành các hoạt động của sở. Thuộc hình thức này là các SGDCK Hàn Quốc, New York, Tokyo, Thai Lan,...

- Hình thức công ty cổ phần: Được tổ chức như một công ty cổ phần đặc biệt. Cổ đông chủ yếu là các CTCK thành viên, ngoài ra còn có cổ đông là các ngân hàng, công ty tài chính, công ty bảo hiểm. Thuộc hình thức này là các SGDCK Đức, Malaixia, London, Hongkong,...

- Hình thức sở hữu nhà nước: Với hình thức sở hữu này, Nhà nước sở hữu phần lớn hoặc toàn bộ tài sản của SGDCK. Nhà nước cử đại diện trực tiếp tham gia quản lý và điều hành các hoạt động của SGDCK. Thuộc hình thức này là các SGDCK Istalbul, Warsarwar,...

Chức năng cơ bản nhất của SGDCK là tổ chức các hoạt động giao dịch chứng khoán. Vì vậy hầu hết các SGDCK đều được tổ chức theo mô hình dưới đây:

● Cơ cấu tổ chức của SGDCK

Mô hình tổ chức của sở giao dịch chứng khoán

- Đại hội cổ đông: Là cơ quan quyền lực cao nhất và có toàn quyền trong việc đưa ra các quyết định liên quan tới hoạt động của SGDCK. Thành viên hội đồng quản trị bao gồm đại diện của các CTCK thành viên và một số các đại diện không phải là thành viên như tổ chức niêm yết, các nhà chuyên môn, nhà kinh doanh, chuyên gia luật và đại diện của Chính phủ.

Chức năng, quyền hạn của hội đồng quản trị của SGDCK được thể hiện ở các nội dung:

+ Đình chỉ và rút giấy phép thành viên.

+ Chấp nhận, đình chỉ hoặc hủy bỏ niêm yết chứng khoán.

+ Phê chuẩn kế hoạch và ngân sách hàng năm của SGDCK.

+ Xây dựng, ban hành và sửa đổi các quy chế hoạt động của SGDCK.

+ Giám sát hoạt động của các thành viên SGDCK.

+ Xử phạt các hành vi, vi phạm quy chế hoạt động của SGDCK.

+ Ủy quyền cho tổng giám đốc SGD một số công việc điều hành hoạt động của SGDCK.

Thông thường nhiệm kỳ của chủ tịch hội đồng quản trị và ủy viên là giám đốc điều hành là 3-4 năm, nhiệm kỳ của các đại diện cho công chúng thường ngắn hơn.

- Ban giám đốc điều hành: Ban giám đốc điều hành bao gồm tổng giám đốc và các phó tổng giám đốc điều hành và phụ trách các lĩnh vực hoạt động của SGDCK.

Chức năng của ban giám đốc là trực tiếp điều hành các hoạt động thường nhật của SGDCK, giám sát hành vi của các thành viên, dự thảo các quy định và quy chế của SGDCK. Hoạt động của ban giám đốc được thực hiện một cách độc lập nhưng chịu sự chỉ đạo trực tiếp của hội đồng quản trị.

- Bộ phận quản lý giao dịch: tổ chức và triển khai hoạt động trên các lĩnh vực cơ bản sau:

+ Tổ chức phân tích và báo cáo hoạt động và diễn biến của thị trường.

+ Duy trì sàn giao dịch và các hệ thống trực thuộc sàn giao dịch.

+ Xây dựng và điều chỉnh thời gian giao dịch, biên độ giá, giá tham chiếu.

+ Quản lý các giao dịch chứng khoán.

- Bộ phận quản lý niêm yết: Thực hiện các chức năng:

+ Xây dựng và điều chỉnh hệ thống các tiêu chuẩn niêm yết chứng khoán.

+ Kiểm tra, chấp nhận hoặc hủy bỏ niêm yết chứng khoán.

+ Phân tích các báo cáo tài chính của các tổ chức niêm yết.

+ Phân loại niêm yết chứng khoán theo nhóm ngành, xây dựng mã số chứng khoán niêm yết.

+ Đề nghị xử lý theo các hình thức khác nhau đối với các chứng khoán vi phạm chế độ niêm yết và các quy định khác của SGDCK.

+ Thu phí niêm yết (bao gồm phí niêm yết lần đầu và phí quản lý niêm yết hàng năm).

- Bộ phận quản lý thành viên:

+ Xem xét, chấp nhận, đình chỉ hoặc bãi miễn tư cách thành viên.

+ Phân loại thành viên.

+ Thu và quản lý thu phí thành viên và các quỹ khác theo quy định hiện hành.

+ Tổ chức phân tích và đánh giá hoạt động của các thành viên.

- Bộ phận công nghệ thông tin hoặc tin học:

+ Tổ chức nghiên cứu, lập kế hoạch và triển khai các chương trình phát triển hệ thống điện toán.

+ Tổ chức quản lý và vận hành hệ thống điện toán.

+ Tổ chức quản lý thông tin thị trường qua hệ thống điện tử, mạng Internet...

Ngoài các bộ phận chức năng cơ bản trên, cơ cấu tổ chức của sở giao dịch chứng khoán còn bao gồm khối văn phòng, các tiểu ban hỗ trợ...

3.1.2. Thành viên của SGDCK

Một SGDCK có thể có nhiều nhóm thành viên khác nhau, chẳng hạn như thành viên giao dịch, thành viên niêm yết, thành viên lưu ký... Trên TTCK, một tổ chức có thể được giữ một hoặc nhiều trọng trách thành viên nêu trên. Tuy nhiên, khi nói đến thành viên của TTCK tập trung, người ta thường hiểu rằng đó là thành viên giao dịch.

Thành viên giao dịch của SGDCK là các tổ chức và cá nhân được chấp nhận là thành viên trực tiếp thực hiện các giao dịch mua bán chứng khoán tại SGDCK.

Ở một số nước phát triển như Mỹ, EU thành viên giao dịch của SGDCK bao gồm cả tổ chức và cá nhân (các công ty môi giới chứng khoán, các chuyên gia, nhà môi giới độc lập, các nhà tạo thị trường...), trong khi đó, ở một số SGDCK của các nước khác chỉ chấp nhận thành viên là tổ chức.

● Điều kiện để trở thành thành viên của SGDCK

- Đối với thành viên là cá nhân: Với các nước khác nhau, tùy theo trình độ phát triển của nền kinh tế nói chung, thị trường chứng khoán nói riêng cũng cơ chế hoạt động của thị trường mà có các quy định khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung đối với thành viên là cá nhân phải thỏa mãn các điều kiện, tiêu chuẩn như sau:

+ Phải có chứng chỉ hành nghề môi giới chứng khoán và phải được SGDCK chấp thuận và cấp phép hoạt động.

+ Có tư cách đạo đức, sức khoẻ tốt, có kiến thức kinh tế, tài chính, pháp luật và phải trải qua một khoá đào tạo về chứng khoán và TTCK.

+ Có đủ năng lực tài chính thể hiện bằng một trong các hình thức sau: ký quỹ; hoặc có tài sản thế chấp tại một tổ chức tín dụng được chỉ định; hoặc được một ngân hàng hay công ty tài chính đứng ra bảo lãnh.

- Đối với thành viên là tổ chức

+ Phải có hồ sơ xin gia nhập SGDCK và được cấp phép hoạt động.

+ Phải có cơ sở vật chất kỹ thuật và lực lượng nhân sự cần thiết để hoạt động (trang thiết bị, phương tiện thông tin, đội ngũ cán bộ nhân viên môi giới,...)

+ Phải có vốn điều lệ đạt ở một mức nhất định theo quy định hiện hành.

+ Chấp hành đầy đủ các qui định, điều lệ của SGDCK.

● Quyền hạn và trách nhiệm của thành viên

- Bỏ phiếu quyết định các vấn đề quan trọng của SGDCK.

- Trực tiếp thực hiện các giao dịch mua bán chứng khoán tại sàn giao dịch của SGDCK cho khách hàng.

- Sử dụng các dịch vụ do SGDCK cung cấp như sử dụng các trang thiết bị, thông tin,...

- Bầu đại biểu đại diện tham gia HĐQT của SGDCK.

- Đóng lệ phí thành viên và tuân thủ các qui định của SGDCK.

3.1.3. Các nguyên tắc hoạt động của SGDCK

3.1.3.1. Nguyên tắc công khai

Tất cả hoạt động trên TTCK đều phải đảm bảo tính công khai.

Chứng khoán là loại hàng hoá đặc biệt, người đầu tư không thể đánh giá được chất lượng và độ tin cậy của chứng khoán nếu như không có thông tin về nó. Do đó, TTCK phải được vận hành trên cơ sở thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác.

Các thông tin cần phải được công khai:

- Công khai về tổ chức niêm yết. Các tổ chức niêm yết phải có nghĩa vụ công khai hóa tất cả các nội dung liên quan tới sự ra đời, tồn tại và các định hướng, chiến lược phát triển của mình trước các nhà đầu tư của thị trường cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan. Các nội dung công khai bao gồm như : Tiểu sử, trình độ học vấn và kinh nghiệm quản lý kinh doanh của ban lãnh đạo; tình hình họat động sản xuất kinh doanh; các kế hoạch huy động vốn và đầu tư; tình hình cổ tức hàng năm; những thay đổi về mặt nhân sự;...

- Công khai về các diễn biến của thị trường. Tất cả các diễn biến của thị trường phải được cập nhật thường xuyên và công bố kịp thời như: tình hình giao dịch trong một phiên giao dịch, các chỉ số của thị trường, những sự thay đổi về cơ chế giao dịch của thị trường...và các thông tin cần thiết khác liên quan. Các thông tin phải công bố được thực hiện theo định kỳ và thông tin bất thường.

Các yêu cầu về công khai thông tin:

+ Đầy đủ, chính xác: Thông tin đầy đủ, chính xác về CK&TTCK có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nó giúp cho các nhà đầu tư từ đó có thể đưa ra các quyết định đúng, chuẩn xác để giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư. Ngược lại, nếu các thông tin không đầy đủ, không chính xác có thể dẫn tới các quyết định sai lầm của các nhà đầu tư trên thị trường.

+ Kịp thời: Đặc trưng của thị trường nói chung cũng như TTCK nói riêng là luôn tiềm ẩn những yếu tố không ổn định. Do sự chi phối của quan hệ cung cầu, quy luật cạnh tranh, tình hình kinh tế, chính trị vĩ mô thay đổi với một tần suất không nhỏ, nên nếu các thông tin không kịp thời dễ dẫn tới các quyết định sai lầm của các nhà đầu tư.

+ Dễ tiếp cận: Với yêu cầu này, hệ thống phương tiện công bố thông tin phải đa dạng để đáp ứng nhu cầu tiếp cận nhanh chóng của các nhà đầu tư và những chủ thể khác liên quan. Hệ thống các phương tiện bao gồm các phương tiện thông tin đại chúng như: truyền thanh, truyền hình, báo chí, trang thông tin điện tử...; và hệ thống mạng lưới thông tin của sở giao dịch chứng khoán.

Nguyên tắc công khai có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc xây dựng lòng tin của các nhà đầu tư đối với sự hiện diện của TTCK và đảm bảo quyền lợi cho chính bản thân của họ. Đồng thời, nguyên tắc này buộc các chủ thể phải nâng cao trách nhiệm khi tham gia thị trường.

3.1.3.2. Nguyên tắc trung gian

Các giao dịch trên TTCK tập trung không được thực hiện trực tiếp giữa các nhà đầu tư, mà phải thông qua các tổ chức trung gian hay các nhà môi giới. Các nhà môi giới thực hiện giao dịch theo lệnh của khách hàng và hưởng hoa hồng.

Đây là một nguyên tắc căn bản trong tổ chức và vận hành TTCK tập trung vừa bởi lý do khách quan, vừa bởi lý do chủ quan.

+ Lý do khách quan: Đối với các nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư không chuyên nghiệp, những nhà đầu tư cá nhân khi mà họ không có đầy đủ những kiến thức, kinh nghiệm và các thông tin cần thiết...thì sự hiện diện của các trung gian môi giới trên thị trường là hoàn toàn cần thiết khách quan để họ ra được các quyết định đúng đắn.

+ Lý do chủ quan: Trên TTCK tập trung chỉ có các thành viên của thị trường mới được quyền trực tiếp giao dịch. Do vậy, các nhà đầu tư (trừ nhà đầu tư là các công ty chứng khoán) khi có nhu cầu giao dịch một loại chứng khoán nào đó phải nhất thiết thông qua một trung gian môi giới.

Thực hiện nguyên tắc này, một mặt đảm bảo cho các chứng khoán được giao dịch trên thị trường là các chứng khoán có thực, hợp pháp, tránh sự giả mạo, lừa đảo trong giao dịch, mặt khác đảm bảo vai trò quản lý, kiểm soát của cơ quan tổ chức thị trường và hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư chứng khoán.

3.1.3.3. Nguyên tắc đấu giá (hoặc khớp lệnh)

Giá chứng khoán được xác định thông qua việc đấu giá giữa các nhà môi giới hoặc so khớp giữa các lệnh mua và lệnh bán. Tất cả các thành viên tham gia thị trường đều không thể can thiệp trực tiếp vào việc ấn định giá.

TTCK tập trung là loại thị trường gần với thị trường cạnh tranh hoàn hảo, giá cả trên TTCK phải phản ánh được quan hệ cung cầu về chứng khoán và thể hiện tương quan cạnh tranh giữa các công ty. Do đó, để đảm bảo các yêu cầu này thì việc hình thành giá chứng khoán trên TTCK tập trung phải tuân theo nguyên tắc đấu giá / khớp lệnh.

► Các hình thức đấu giá/ khớp lệnh trên TTCK tập trung:

● Theo hình thức, đấu giá bao gồm:

+ Đấu giá trực tiếp: Là hình thức đấu giá, theo đó các nhà môi giới đại diện cho khách hàng của mình trực tiếp gặp nhau (mặt đối mặt trên sàn giao dịch) để thương lượng thông qua một chuyên gia chứng khoán của thị trường.

Đặc điểm:

- Hệ thống giao dịch có sự xuất hiện của những nhà tạo lập thị trường (market markers /dealers) cho một số loại chứng khoán nào đó. Những nhà tạo lập thị trường có nghĩa vụ chào các mức giá mua và bán tốt nhất.

- Giá thực hiện được xác định trên cơ sở cạnh tranh giữa những người tạo thị trường hưởng phần chênh lệch (spread) giữ giá mua và giá bán trong các giao dịch.

+ Đấu giá gián tiếp : Là hình thức đấu giá, theo đó các nhà môi giới đại diện cho khách hàng của mình thương lượng giá mua bán chứng khoán thông qua một chuyên gia chứng khoán của thị trường. Hình thức đấu giá này có những đặc điểm tương tự đấu giá trực tiếp chỉ khác ở chỗ các nhà môi giới không trực tiếp mặt đối mặt ở một địa điểm nhất định mà đấu giá qua các phương tiện truyền tin khác như gọi điện thoại, sử dụng mạng internet...

+ Đấu giá tự động (khớp lệnh): Là hình thức đấu giá được thực hiện thông qua hệ thống máy tính kết nối giữa máy chủ của SGDCK và hệ thống máy của các CTCK thành viên. Với hình thức này, thông qua hệ thống máy tính của các CTCK thành viên, các lệnh giao dịch của nhà đầu tư được cập nhật và truyền tới máy chủ của SGDCK, máy chủ tự động khớp các lệnh giao dịch theo chương trình đã được cài đặt. Giá khớp lệnh là mức giá mà tại đó chứng khoán được giao dịch với khối lượng cao nhất. Máy chủ sẽ thông báo kết quả khớp lệnh cho các CTCK thành viên.

Đặc điểm: lệnh giao dịch của nhà đầu tư được khớp trực tiếp với nhau không có sự tham gia của người tạo lập thị trường, giá thực hiện được xác định trên cơ sở cạnh tranh giữa những người đầu tư.

● Theo thời gian xác định giá, khớp lệnh bao gồm:

+ Khớp lệnh định kỳ: Khớp lệnh định kỳ là phương thức xác định giá, theo đó các lệnh giao dịch sẽ được tích lũy trong một khoảng thời gian nhất định và sẽ được đồng thời khớp ghép với nhau theo những nguyên tắc nhất định.

Đặc điểm:

- Khớp lệnh định kì thích hợp với những thị trường có quy mô nhỏ,

- Giúp cho giá thị trường ổn định trong cả thời gian của 1 kì khớp lệnh,

- Hạn chế sự biến động giá quá mức phát sinh từ việc phối hợp các lệnh giao dịch bất bình thường.

+ Khớp lệnh liên tục: Là phương thức xác định giá mà theo đó các lệnh giao dịch sẽ được khớp ghép với nhau ngay sau khi được gửi tới sàn giao dịch nếu thỏa mãn các điều kiện giao dịch.

Đặc điểm:

- Khớp lệnh liên tục thích hợp với những thị trường có quy mô lớn,

- Cung cấp liên tục mức giá của các chứng khoán và thỏa mãn nhu cầu thực hiện lệnh giao dịch ngay lập tức của nhà đầu tư,

- Có thể phát sinh tình trạng giá biến động lớn trong 1 phiên giao dịch nhất là ở các thị trường không quy định biên độ giao động giá.

Tùy theo điều kiện cụ thể của mỗi nước mà có thể áp dụng 1 trong 2 hình thức khớp lệnh trên hoặc kết hợp cả 2 hình thức: khớp lệnh định kì để xác định giá mở cửa, đóng cửa. Khớp lệnh liên tục được sử dụng để xác định giá trong suốt thời gian còn lại của phiên giao dịch.

Nguyên tắc đấu giá/ khớp lệnh bảo đảm giá chứng khoán được giao dịch phản ánh khách quan quan hệ cung cầu chứng khoán trong các phiên giao dịch, đồng thời đảm bảo cho khối lượng chứng khoán được giao dịch nhiều nhất.

3.1.4. Lệnh và các định chuẩn lệnh

3.1.4.1. Lệnh giao dịch

Với nguyên tắc trung gian, khi có nhu cầu giao dịch chứng khoán, các nhà đầu tư phải sử dụng các phương tiện để truyền tải các thông tin liên quan tới nhu cầu giao dịch của mình tới người môi giới được ủy quyền. Các phương tiện đó được gọi là các lệnh giao dịch chứng khoán.

● Khái niệm lệnh giao dịch

Lệnh giao dịch chứng khoán là các chỉ thị của nhà đầu tư yêu cầu người môi giới (công ty chứng khoán, nhà môi giới độc lập) tiến hành mua, bán chứng khoán theo những điều kiện nhất định.

Lệnh giao dịch được coi như một đơn đặt hàng cố định của nhà đầu tư đối với người môi giới. Vì vậy trách nhiệm và quyền hạn của nhà đầu tư và người môi giới phải được quy định rõ và phải tôn trọng. Lệnh là một cam kết không hủy bỏ trong thời hạn của lệnh, trừ khi nhà đầu tư yêu cầu hủy bỏ và được công ty chứng khoán chấp thuận.

● Nội dung của lệnh

Để đảm bảo tính thống nhất cũng như các yêu cầu về mặt kỹ thuật giao dịch, các lệnh giao dịch phải có các nội dung cơ bản như sau:

- Tên lệnh: lệnh mua / lệnh bán / lệnh hủy / lệnh sửa. Nội dung này thường được thể hiện trên các mẫu lệnh in sẵn do các công ty chứng khoán in ấn.

- Các thông tin khách hàng (họ tên, địa chỉ, điện thoại,..) và số hiệu tài khoản giao dịch.

- Đối với lệnh bán phải ghi rõ là bán đứt (long sale) hay bán khống (short sale): ở các nước cấm nghiệp vụ bán khống thì trong lệnh không thể hiện nội dung này.

- Tên và mã ký hiệu của loại chứng khoán muốn mua hoặc bán.

- Số lượng chứng khoán và mức giá yêu cầu sẵn sàng giao dịch.

- Loại lệnh (lệnh thị trường, lệnh giới hạn, lệnh dừng,...)

- Ngày giờ đặt lệnh và thời gian hiệu lực của lệnh.

- Các thông tin khác: tên CTCK, đại diện pháp lí của công ty...

● Hình thức của lệnh

Lệnh giao dịch có thể được thực hiện theo các hình thức sau:

- Lệnh văn bản: Các CTCK thường in sẵn các mẫu phiếu lệnh như phiếu lệnh mua, phiếu lệnh bán, phiếu lệnh huỷ,...

- Lệnh bằng điện và điện tử: điện thoại, telex, internet (emails, messages).

● Các loại lệnh

► Theo hành vi giao dịch, lệnh giao dịch bao gồm:

- Lệnh bán. Là loại lệnh mà theo đó khách hàng yêu cầu nhà môi giới tiến hành bán chứng khoán cho họ theo những điều kiện nhất định.

- Lệnh mua. Là loại lệnh mà theo đó khách hàng yêu cầu nhà môi giới tiến hành mua chứng khoán cho họ theo những điều kiện nhất định.

- Lệnh huỷ bỏ. Là loại lệnh mà theo đó khách hàng yêu cầu nhà môi giới tiến hành hủy bỏ lệnh giao dịch mà họ đã đặt trước đó.

Lệnh hủy bỏ bao gồm: lệnh hủy bỏ luôn và lệnh hủy bỏ có thay thế.

- Lệnh sửa: Là lệnh do nhà đầu tư đưa vào hệ thống sửa đổi một số nội dung vào lệnh gốc đã đặt trước đó (giá, khối lượng, mua hay bán...). Lệnh sửa đổi chỉ được chấp nhận khi lệnh gốc chưa được thực hiện.

- Lệnh mở: Là loại lệnh mà nhà đầu tư yêu cầu nhà môi giới mua hoặc bán chứng khoán tại mức giá cá biệt và lệnh có giá trị thường xuyên cho đến khi bị hủy bỏ.

Mẫu phiếu lệnh của một số công ty chứng khoán

► Theo thời gian hiệu lực của lệnh, lệnh giao dịch bao gồm: Lệnh ngày, lệnh tuần, lệnh tháng...

► Theo tính chất thực hiện, lệnh giao dịch bao gồm: Lệnh giới hạn, lệnh thị trường, lệnh ATO, lệnh ATC, lệnh dừng, lệnh giới hạn dừng.

* Lệnh giới hạn (Limit order - LO)

Lệnh giới hạn là loại lệnh giao dịch trong đó khách hàng đưa ra mức giá giới hạn để mua / bán chứng khoán. Đối với lệnh bán thì khách hàng đưa ra mức giá thấp nhất sẵn sàng bán, còn đối với lệnh mua thì khách hàng đưa ra mức giá cao nhất sẵn sàng mua.

Nhà môi giới có trách nhiệm mua hoặc bán tại mức giá giới hạn đã được xác định.

Ví dụ: mua REE 1.000 CP, giá 100.000đ ; điều này có nghĩa là khách hàng chỉ chấp nhận mua cổ phiếu REE với mức giá thấp hơn hoặc cao nhất là 100.000đ.

Bán SAM 500CP, giá 135.000đ; điều này có nghĩa là khách hàng chỉ chấp nhận bán cổ phiếu SAM với mức giá cao hơn hoặc thấp nhất là 135.000đ.

Đặc điểm: lệnh giới hạn được ưu tiên sau lệnh thị trường, lệnh ATO, ATC và do đó có thể không được thực hiện ngay, vì vậy nhà đầu tư phải xác định thời gian cho phép đến khi có lệnh hủy bỏ.

Ưu điểm: giúp nhà đầu tư khống chế được giá mua, bán khi giao dịch được thực hiện, giảm được rủi ro khi thị trường có biến động lớn về mức giá.

Nhược điểm: nhà đầu tư có thể phải nhận rủi ro do mất cơ hội đầu tư, đặc biệt trong trường hợp giá thị trường bỏ xa mức giá giới hạn (ngoài tầm kiểm soát của nhà đầu tư). Trong một số trường hợp, lệnh giới hạn không được thực hiện, ngay cả khi giá giới hạn phù hợp giá khớp lệnh nhưng không đáp ứng được các nguyên tắc ưu tiên trong khớp lệnh, hoặc khối lượng lệnh đối ứng ít hơn.

Ví dụ: cổ phiếu VTC

Khối lượng mua Giá mua (1000đ) Giá bán (1000đ) Khối lượng bán

5000 (M1) 100 98 1000 (B1)

99 1000 (B2)

Kết quả khớp lệnh: Giá tham chiếu 99, giá khớp 100, khối lượng khớp 2000

→ M1 chỉ mua được 2000 CP với giá 100.

* Lệnh thị trường (Market order - MO)

Lệnh thị trường còn gọi là lệnh theo giá thị trường (MP): Là loại lệnh mà khách hàng sẵn sàng giao dịch tại mọi mức giá có trên thị trường. Nhà môi giới không bị ràng buộc về giá cả, họ sẽ mua bán theo mức giá tốt nhất trên thị trường cho khách hàng.

Đặc điểm:

- Lệnh không ghi giá: ví dụ mua REE 1.000 CP @MP, bán SAM 500CP @MP

- Lệnh mua: sẵn sàng mua tại mọi mức giá bán có trên thị trường.

- Lệnh bán: sẵn sàng bán tại mọi mức giá mua có trên thị trường.

- Khi sử dụng lệnh này nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận mua hoặc bán ngay theo mức giá của thị trường nên lệnh được ưu tiên trước các loại lệnh khác. Mặc dù vậy, lệnh vẫn có thể không được thực hiện (nếu không có lệnh đối ứng, Ví dụ: có lệnh mua cổ phiếu A nhưng không có lệnh bán cổ phiếu A), hoặc không được thực hiện hết (nếu lệnh đối ứng có số lượng ít hơn).

- Thường được khớp lệnh, nên có tác dụng làm tăng tính thanh khoản của thị trường.

- Thường được áp dụng trong các trường hợp có nhu cầu mua, bán ngay.

- Phù hợp với các nhà đầu tư lớn, có đầy đủ thông tin.

- Lệnh thị trường không đưa ra mức giá nên nhà đầu tư không thể khống chế được giá mua, bán chứng khoán cho mình.

Thực tế ở Việt Nam: lệnh này chỉ được áp dụng trong giao dịch khớp lệnh liên tục. Lệnh này không được nhập vào hệ thống khi không có lệnh đối ứng. Sau khi so khớp lệnh mà khối lượng đặt lệnh của lệnh thị trường vẫn chưa được thực hiện hết thì lệnh thị trường sẽ được xem là lệnh giới hạn mua tại mức giá cao hơn, hoặc lệnh bán tại mức giá thấp hơn một bước giá trên thị trường.

VD1: sổ lệnh cổ phiếu XYZ như sau:

Khối lượng mua Giá mua (đ) Giá bán (đ) Khối lượng bán

5000 (M1) MP 120.000 1000 (B1)

121.000 2000 (B2)

Kết quả khớp lệnh: có 3000 CP được mua bán trong đó: 1000 CP được mua bán với giá 120.000đ và 2000CP được mua bán với giá 121.000đ, khối lượng 2000CP chưa được thực hiện của nhà đầu tư M1 sẽ tự động chuyển thành lệnh LO mua tại mức giá giới hạn 122.000đ.

Sau khi khớp lệnh, sổ lệnh cổ phiếu XYZ như sau:

Khối lượng mua Giá mua (đ) Giá bán (đ) Khối lượng bán

2000 (M1) 122.000

VD2: sổ lệnh cổ phiếu ABC như sau:

Khối lượng mua Giá mua (đ) Giá bán (đ) Khối lượng bán

1000 (M1) 135.000 137.000 1000 (B1)

2000 (M2) 134.000 MO 2600 (B2)

Kết quả khớp lệnh: có 2.600 CP được mua bán trong đó: 1000 CP được mua bán với giá 135.000đ và 1.600CP được mua bán với giá 134.000đ.

Sau khi khớp lệnh, sổ lệnh cổ phiếu ABC như sau:

Khối lượng mua Giá mua (đ) Giá bán (đ) Khối lượng bán

400 (M2) 134.000 137.000 1000 (B1)

* Lệnh ATO (At the Opening) và ATC (At the Closing)

Lệnh ATO và ATC là dạng đặc biệt của lệnh thị trường, theo lệnh này nhà môi giới sẽ thực hiện việc mua hoặc bán chứng khoán cho khách hàng theo mức giá khớp lệnh của phiên giao dịch (là lệnh thực hiện ở mức giá khớp lệnh).

+ Lệnh ATO là:

- Lệnh mua hoặc bán tại mức giá khớp lệnh xác định giá mở cửa,

- Lệnh không ghi giá (ghi ATO), ví dụ: mua REE 1.000CP @ATO,

bán SAM 500CP @ATO.

- Lệnh ATO được ưu tiên trước lệnh giới hạn khi so khớp lệnh,

- Hiệu lực của lệnh: trong phiên khớp lệnh định kỳ xác định giá mở cửa.

Ví dụ:

Khối lượng mua Giá mua (1000đ) Giá bán (1000đ) Khối lượng bán

1500 (M1) 100 ATO 1000 (B1)

99 2000 (B2)

Kết quả khớp lệnh: giá 100, khối lượng 1500

M1 và B1: 1000, M1 và B2: 5000

+ Lệnh ATC là:

- Lệnh mua hoặc bán tại mức giá khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa.

- Lệnh không ghi giá (ghi ATC), ví dụ: mua REE 1.000CP @ATC,

bán SAM 500CP @ATC.

- Lệnh ATC được ưu tiên trước lệnh giới hạn khi so khớp lệnh,

- Hiệu lực của lệnh: trong phiên khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa

* Lệnh dừng (Stop order - SO)

Lệnh dừng là loại lệnh giao dịch trong đó khách hàng đưa ra một mức giá dừng làm ngưỡng để nhà môi giới thực hiện việc mua vào hay bán ra chứng khoán.

Sau khi lệnh đã được đặt qua một nhà môi giới nào đó, nếu giá thị trường tiếp cận hoặc vượt qua mức giá dừng, nhà môi giới được ủy quyền sẽ tiến hành mua, hoặc bán chứng khoán cho nhà đầu tư. Và như vậy, tại thời điểm lệnh dừng được thực hiện, lệnh dừng đã trở thành lệnh thị trường. Vì vậy, xét về bản chất lệnh dừng được coi là lệnh thị trường có điều kiện.

Có 2 loại lệnh dừng: Lệnh dừng để mua và lệnh dừng để bán.

+ Lệnh dừng để mua (stop order to buy)

Lệnh dừng để mua là loại lệnh dừng trong đó khách hàng đưa ra một mức giá dừng để mua chứng khoán. Nếu giá thị trường tăng đạt hoặc vượt mức giá dừng thì ngay lập tức nhà môi giới chứng khoán phải mua chứng khoán vào cho khách hàng.

Ví dụ: Vào thời điểm ngày 1/1/N giá cổ phiếu X đang được giao dịch với mức giá bình quân là 10 USD/ cổ phiếu. Nhà đầu tư K dự đoán trong vòng 3 tháng tới giá cổ phiếu X không thể giữ được mức giá 10 USD/ cổ phiếu mà chỉ có thể ở mức giá 8 USD/ cổ phiếu. Vì lẽ đó, K quyết định đi vay một số lượng cổ phiếu của một nhà đầu tư khác, hoặc của nhà môi giới và bán ngay (bán khống) trên thị trường và hy vọng đến lúc phải trả nợ số cổ phiếu trên thì cũng là lúc giá cổ phiếu X sẽ về đúng như mức giá như K đã dự đoán. Nhưng để đề phòng dự đoán của mình không đúng, giá cổ phiếu X không giảm mà lại có xu hướng gia tăng vượt trên mức giá 10 USD/ cổ phiếu, K đặt lệnh dừng để mua với mức giá dừng 10,5 USD/ cổ phiếu. Khi giá cổ phiếu X gia tăng tới mức 10,5USD/CP hoặc vượt 10,5 USD/CP, CTCK được ủy quyền sẽ tiến hành mua cổ phiếu X cho K. Trong trường hợp này, K đã giới hạn mức lỗ trên 1 cổ phiếu là 0,5 USD hoặc có thể lớn hơn.

Đặc điểm của lệnh dừng để mua:

- Lệnh thường được nhà đầu tư đưa ra khi dự báo giá cổ phiếu có xu hướng giảm đi theo thời gian.

- Lệnh có thể được sử dụng kết hợp cùng với hành vi bán khống để hạn chế thua lỗ do dự báo giá không chính xác.

- Tại thời điểm đặt lệnh, mức giá dừng bao giờ cũng cao hơn mức giá hiện hành.

+ Lệnh dừng để bán (stop order to sell)

Lệnh dừng để bán là một loại lệnh dừng trong đó khách hàng đưa ra một mức giá dừng để bán chứng khoán. Nếu giá thị trường biến động giảm đạt hoặc thấp hơn mức giá dừng thì ngay lập tức lệnh được kích hoạt, nhà môi giới phải bán chứng khoán ra cho khách hàng.

Ví dụ: Nhà đầu tư K trong một phiên giao dịch vào ngày 30/8/N đã mua được 1000 cổ phiếu Z với giá 10 USD/ Cổ phiếu. Sau 1 tháng, giá cổ phiếu Z đã đạt tới mức giá là 15 USD/ cổ phiếu. Như vậy nếu K bán ngay toàn bộ số cổ phiếu này vào ngày 30/9/N thì K sẽ có một khoản thu nhập tương ứng với 5 USD/ cổ phiếu. Nhưng K lại cho rằng giá cổ phiếu Z hiện tại chưa phải là mức giá cao nhất mà nó có thể tiếp tục tăng. K quyết định chờ đợi khi nào cổ phiếu Z đạt tới mức giá đỉnh điểm thì mới bán. Nhưng để đề phòng trường hợp dự đoán sai, trong thời gian tới giá cổ phiếu Z không tiếp tục tăng, mà ngược lại bị giảm giá, để bảo vệ số lợi nhuận của mình, K sẽ đặt một lệnh dừng để bán với mức giá dừng là 14,5 USD chẳng hạn tại một CTCK nào đó. Nếu trong thực tế mà giá cổ phiếu Z không tiếp tục tăng mà lại giảm giá thì CTCK được ủy quyền sẽ bán toàn bộ số cổ phiếu trên cho K với mức giá 14,5 USD/ cổ phiếu hoặc thấp hơn một lượng giá trị nhất định.

Đặc điểm:

- Lệnh thường được nhà đầu tư đưa ra khi dự báo giá cổ phiếu có xu hướng tăng lên theo thời gian.

- Tại thời điểm đặt lệnh mức giá dừng phải thấp hơn mức giá hiện hành.

- Lệnh được sử dụng để bảo vệ lợi nhuận trong một thương vụ đã thực hiện.

→ Khi nào thì sử dụng lệnh dừng:

+ Sử dụng lệnh dừng có tính chất bảo vệ

- Bảo vệ tiền lời của người kinh doanh trong một thương vụ đã thực hiện.

- Bảo vệ tiền lời của người bán trong một thương vụ bán khống.

Bán khống chứng khoán là bán các chứng khoán mà nhà đầu tư chưa thực sự sở hữu tại thời điểm bán. Bằng cách vay chứng khoán từ các công ty chứng khoán để bán rồi mua chứng khoán đó để hoàn trả lại, nhà đầu tư sẽ có lời nếu chứng khoán rớt giá sau đó.

Bán khống chứng khoán là bán chứng khoán chưa có ở thời điểm hiện tại bằng hợp đồng giao lại chứng khoán đó trong tương lai. Nếu mua lại chứng khoán ở mức giá thấp hơn, người bán sẽ có lời. Tuy nhiên nếu chi phí mua lại chứng khoán tăng, người bán khống sẽ bị lỗ.

Trong thực tế, bán khống chứng khoán phù hợp với phương pháp lựa chọn chứng khoán duy lý. Nếu một nhà đầu tư dựa vào phân tích cơ bản của một công ty và tin rằng chứng khoán đã được định giá quá cao và giá chứng khoán nhất định sẽ giảm thì việc cân nhắc để bán khống chứng khoán này là một chiến lược hợp lý.

Tại Việt Nam, theo Luật chứng khoán được thông qua năm 2006 thì nghiệp vụ bán khống vẫn chưa được phép thực hiện.

+ Sử dụng lệnh dừng có tính chất phòng ngừa

- Phòng ngừa sự thua lỗ quá lớn trong trường hợp mua bán ngay.

- Phòng ngừa sự thua lỗ quá lớn trong trường hợp bán trước, mua sau.

→Ưu điểm và nhược điểm của lệnh dừng:

+ Ưu điểm: Bảo vệ lợi nhuận hoặc hạn chế thua lỗ đối với nhà đâu tư.

+ Nhược điểm: Khi có một số lượng lớn các lệnh dừng được "châm ngòi", sự náo loạn trong giao dịch sẽ xảy ra khi các lệnh dừng trở thành lệnh thị trường, từ đó bóp méo giá cả chứng khoán và mục đích của lệnh dừng là giới hạn thua lỗ và bảo vệ lợi nhuận không được thực hiện.

* Lệnh giới hạn dừng (Stop limit order)

Lệnh giới hạn dừng được sử dụng như là một công cụ để khắc phục sự bất định về mức giá thực hiện trong lệnh dừng. Đặc trưng của lệnh giới hạn dừng là khách hàng phải đồng thời đưa ra 2 mức giá là mức giá dừng và mức giá giới hạn. Khi giá thị trường của chứng khoán giao dịch tiếp cận hoặc vượt qua mức giá dừng lúc đó lệnh giới hạn dừng sẽ trở thành lệnh giới hạn có điều kiện.

Lệnh giới hạn dừng cũng có 2 loại: giới hạn dừng để bán và giới hạn dừng để mua. Đối với lệnh giới hạn dừng để mua, ngoài giá dừng còn đặt thêm giá giới hạn, giá này cao hơn giá dừng một mức nhất định. Ngược lại, đối với lệnh giới hạn dừng để bán, ngoài giá dừng còn đặt thêm giá giới hạn, giá này thấp hơn giá dừng một mức nhất định.

Ví dụ: Ông H đặt lệnh giới hạn dừng để bán 100 cổ phiếu TMS, giá dừng 55.000 đ; giá giới hạn 50.000 đ. Điều này có nghĩa là lệnh trên sẽ được kích hoạt tại mức giá 55.000 đ hay thấp hơn, tuy nhiên vì có giá giới hạn 50.000 đ nên lệnh này không được thực hiện tại mức giá thấp hơn 50.000 đ.

3.1.4.2. Định chuẩn lệnh

Giới hạn về thời gian và những quy định về cách thức thực hiện các lệnh giao dịch được coi là những căn cứ pháp lý quan trọng để xác định nghĩa vụ của nhà môi giới đối với khách hàng.

Những quy chuẩn về thời gian hiệu lực và cách thức thực hiện lệnh giao dịch gọi là các định chuẩn lệnh.

Về hình thức, định chuẩn lệnh thông thường bao gồm:

- Lệnh có giá trị trong ngày giao dịch (day order): là lệnh giao dịch mà trong đó khách hàng không giới hạn về thời gian, hoặc ghi rõ là hiệu lực trong ngày. Đến cuối ngày, lệnh giao dịch vẫn chưa thực hiện được, lệnh sẽ bị vô giá trị.

Những lệnh được coi là có giá trị giao dịch trong ngày nếu trong lệnh giao dịch không xác định rõ là có giá trị trong bao lâu và những lệnh ghi rõ có giá trị trong ngày.

- Lệnh có giá trị cho đến khi bị huỷ bỏ bởi lệnh khác (còn gọi là lệnh mở - open order): là lệnh giao dịch có giá trị hiệu lực đến khi được thực hiện hoặc đến khi nhà đầu tư thông báo hủy bỏ.

- Lệnh thực hiện ngay hoặc huỷ bỏ (immediate or cancel - IOC): là lệnh với đặc trưng sẽ bị hủy bỏ ngay nếu người môi giới không thể thực hiện ngay lập tức khi nó được chuyển tới sàn giao dịch. Lệnh có thể được thực hiện ngay toàn bộ hoặc một phần, phần còn lại chưa được thực hiện sẽ bị hủy bỏ.

- Lệnh thực hiện toàn bộ hoặc huỷ bỏ (full or kill - FOK): là lệnh yêu cầu thực hiện ngay toàn bộ nội dung của lệnh, nếu không thì hủy bỏ lệnh..

- Lệnh thực hiện tất cả hoặc không (all or none - AON): là loại lệnh yêu cầu phải được thực hiện toàn bộ trong cùng một giao dịch, nếu không thì hủy bỏ lệnh. Tuy nhiên lệnh không bắt buộc thực hiện ngay mà có thể thực hiện bất cứ lúc nào trong suốt quá trình giao dịch trong ngày.

● Liên hệ thực tế ở Việt Nam

→ Tại SGDCK TPHCM (HoSE):

+ Thời gian và phương thức giao dịch:

Tại HoSE hiện nay áp dụng các phương thức giao dịch: khớp lệnh liên tục, khớp lệnh định kì và giao dịch thỏa thuận. Thời gian giao dịch vào tất cả các buổi sáng từ thứ hai đến thứ 6 hàng tuần trừ các ngày lễ, tết và các ngày nghỉ khác theo quy định của Luật Lao động, UBCKNN và SGDCK.

- Cổ phiếu & chứng chỉ quỹ:

Từ 8.30 - trước 9.00 nhận lệnh phiên 1, 9.00 khớp lệnh định kì phiên 1 để xác định giá mở cửa,

Từ 9.00 - 10.15 nhận lệnh và khớp lệnh liên tục phiên 2,

Từ 10.15 - trước 10.30 nhận lệnh phiên 3, 10.30 khớp lệnh định kì phiên 3 để xác định giá đóng cửa,

Từ 10.30 - 11.00 giao dịch thỏa thuận.

- Trái phiếu: từ 8.30 - 11.00 giao dịch thỏa thuận.

+ Các loại lệnh và thời gian nhập lệnh

Lệnh 8.30 - 9.00 9.00 - 10.00 10.00 - 10.30 10.30 - 11.00

ATO +

LO + + +

MP +

ATC +

→ Tại TTGDCK HN (HaSTC):

Tại HaSTC hiện nay áp dụng các phương thức giao dịch báo giá liên tục và giao dịch thỏa thuận. Thời gian giao dịch từ 8.30 đến 11.00 vào tất cả các buổi sáng từ thứ hai đến thứ 6 hàng tuần trừ các ngày lễ, tết và các ngày nghỉ khác theo quy định của Luật Lao động, UBCKNN và SGDCK.

Giao dịch báo giá liên tục được thực hiện đối với giao dịch cổ phiếu hoặc chứng chỉ quỹ lô chẵn (có số lượng từ 100 đến 4.900) và là bội số của 100. Giao dịch thỏa thuận đối với trái phiếu (≥ 100 trđ tính theo mệnh giá) và cổ phiếu lô lớn (≥ 5000 CP, CCQ). Giao dịch lô lẻ (từ 1 đến 99 CP, CCQ) được thực hiện trực tiếp với CTCK mà khôg phải khớp lệnh tập trung.

3.1.5. Đơn vị giao dịch và đơn vị yết giá

● Đơn vị giao dịch

Đơn vị giao dịch được hiểu là một khối lượng chứng khoán tối thiểu thích hợp được quy định trong một lệnh giao dịch. Đơn vị giao dịch tác động trực tiếp đến sự cân đối quan hệ cung cầu chứng khoán trong giao dịch. Nếu đơn vị giao dịch lớn sẽ hạn chế khả năng tham gia của những nhà đầu tư nhỏ. Ngược lại, nếu đơn vị giao dịch nhỏ sẽ lãng phí thời gian và chi phí giao dịch. Vì vậy, căn cứ vào điều kiện về phát triển kinh tế, về thu nhập và khả năng tiết kiệm của nhà đầu tư, căn cứ vào quy mô thị trường... mà mỗi sở giao dịch có những quy định cụ thể về đơn vị giao dịch cho phù hợp. Ví dụ: ở sở giao dịch Hàn Quốc, đơn vị giao dịch là 10 cổ phiếu, do đó trên thị trường chỉ chấp nhận những giao dịch có quy mô là 10 hoặc bội số của 10. Những lệnh mua hoặc bán dưới 10 cổ phiếu không được chấp nhận trong sở. Sở giao dịch chứng khoán NewYork quy định đơn vị giao dịch là 100 cổ phiếu và được gọi là "lô chẵn", số lượng cổ phiếu mua hoặc bán ít hơn 100 được gọi là "lô lẻ".

→ Liên hệ thực tế ở Việt Nam

+ Tại SGDCK TPHCM:

- Lô chẵn (round - lot): mỗi lô chứng khoán gồm 10 cổ phiếu (CP) / chứng chỉ quỹ (CCQ), khối lượng giao dịch tối đa 19.990 CP / CCQ. Giao dịch lô chẵn là giao dịch có số lượng từ 10 đến 19.990 và là bội số của 10 được giao dịch theo phương thức khớp lệnh điịnh kì và khớp lệnh liên tục.

- Lô lẻ (odd - lot): là giao dịch có số lượng từ 1- 9 CP/CCQ, được giao dịch trực tiếp giữa khách hàng và công ty chứng khoán.

- Lô lớn (block - lot): ≥ 20.000 CP/ CCQ giao dịch theo phương thức thỏa thuận (từ 7/5/07).

- Không quy định đơn vị giao dịch đối với giao dịch thỏa thuận trái phiếu.

+ Tại TTGDCK HN: Giao dịch cổ phiếu: - khớp lệnh 100CP

- thỏa thuận: tối thiểu 5000 CP

Giao dịch trái phiếu: tối thiểu 100 trđ mệnh giá.

● Đơn vị yết giá (quotation unit)

Đơn vị yết giá là đơn vị tiền tệ tối thiểu được quy định đối với việc định giá. Ví dụ: đơn vị yết giá là 1/8 USD thì các lệnh giao dịch được chấp nhận là: 10 1/8, 10 1/4, 10 3/8,... còn lệnh 10 1/10 sẽ không được chấp nhận. Hầu hết các sở giao dịch đều quy định đơn vị yết giá nhằm tạo thuận lợi cho việc giao dịch trên thị trường cũng như việc phối hợp các đơn đặt hàng để đỡ mất nhiều thời gian, giảm chi phí giao dịch. Quy định đơn vị yết giá rộng mang lại sự tập trung về mức giá, nhưng lại hạn chế sự lựa chọn mức giá của nhà đầu tư. Ngược lại, đơn vị yết giá hẹp cho phép nhà đầu tư có nhiều lựa chọn về mức giá, nhưng lệnh giao dịch có thể bị dàn trải.

Thông thường đơn vị yết giá chỉ quy định đối với giao dịch khớp lệnh. Giao dịch thỏa thuận thường không quy định đơn vị yết giá.

→Thực tế ở Việt Nam

+ Tại SGDCK TPHCM:

- Đối với giao dịch khớp lệnh cổ phiếu và chứng chỉ quỹ:

Với mức giá ≥ 100.000đ, đơn vị yết giá là 1.000 đ.

Với mức giá từ 50.000 - 99.500đ, đơn vị yết giá là 500 đ.

Với mức giá ≤ 49.900đ, đơn vị yết giá là 100 đ.

- Không quy định đơn vị yết giá đối với phương thức thoả thuận.

+ Tại TTGDCK HN

Đơn vị yết giá là 100đ đối với cổ phiếu và trái phiếu giao dịch theo phương thức khớp lệnh.

● Biên độ dao động giá

Hầu hết các thị trường chứng khoán đều quy định biên độ dao động giá nhằm hạn chế sự biến động quá mức của giá chứng khoán trên thị trường.

Ví dụ: Ở Việt Nam, biên độ dao động giá là ± 5%, ±10%...; ở SGDCK Băng cốc quy định trần là 33%, sàn là 27%; SDGCK Newyork, chỉ số Dows Jones giảm 250 điểm thì ngừng hoạt động trong 30 phút, giảm 400 điểm thì ngừng giao dịch 40 phút...

Giới hạn thay đổi giá hàng ngày được xác định dựa trên giá cơ bản thường là giá đóng cửa ngày hôm trước, mức giá đó là giá tham chiếu.

Giá tham chiếu là mức giá làm cơ sở để tính toán biên độ dao động giá hoặc các giá khác nhau trong ngày giao dịch.

Trên cơ sở giá tham chiếu, giới hạn dao động giá của các chứng khoán được tính như sau:

Giá tối đa (còn gọi là giá trần) = Giá tham chiếu x (1 + biên độ dao động giá)

Giá tối thiểu (còn gọi là giá sàn) = Giá tham chiếu x (1 - biên độ dao động giá)

Việc xác định giá tham chiếu do cơ quan quản lí nhà nước về CK & TTCK của các quốc gia quy định, phụ thuộc vào tình hình thị trường trong từng thời kì.

Ví dụ: ở Việt Nam giá tham chiếu được xác định như sau:

+ Giá tham chiếu của CP, CCQ, TP đang giao dịch bình thường là giá đóng cửa ngày giao dịch trước đó.

+ Trường hợp chứng khoán mới niêm yết, trong ngày giao dịch đầu tiên TTGDCK nhận lệnh giao dịch không giới hạn biên độ dao động giá và lấy giá đóng cửa của ngày giao dịch làm giá tham chiếu. Biên độ dao động giá được áp dụng từ ngày kế tiếp.

+ Trường hợp chứng khoán thuộc diện bị kiểm soát, chứng khoán không còn thuộc diện bị kiểm soát, chứng khoán bị ngừng giao dịch trong thời gian quy định thì giá tham chiếu được xác định tương tự trường hợp chứng khoán mới niêm yết.

3.1.6. Phương thức giao dịch

Phương thức giao dịch là cách thức tổ chức, thực hiện các giao dịch chứng khoán trong một phiên giao dịch, là tổng hợp những nghiệp vụ liên quan đến kỹ thuật giao dịch chứng khoán tại SGDCK.

Trên thế giới hiện nay tồn tại 2 hệ thống giao dịch: đấu giá theo giá (Price driven system) và đấu giá theo lệnh (Order driven system) còn gọi là phương thức khớp lệnh.

Đấu giá hiểu theo nghĩa thông thường là một người bán và nhiều người mua ra giá để tìm ra người mua trả giá cao nhất. Trên TTCK, đấu giá là cơ chế xác định giá trong đó nhiều người bán và nhiều người mua ra giá để tìm ra mức giá tốt nhất đối với người mua và người bán.

● Đấu giá theo giá (Price driven system)

Trong hình thức đầu giá theo giá, các nhà tạo lập thị trường phải luôn cho giá mua và giá bán khi khách hàng yêu cầu, đồng thời giữa các nhà môi giới - nhà tạo lập thị trường phải cạnh tranh với nhau để hình thành giá giao dịch.

Hệ thống này được áp dụng ở SGDCK Anh, TTCK phi tập trung của Mĩ...

Ưu điểm: có tính thanh khoản cao.

Nhược điểm: Người tạo lập thị trường có thể bóp méo cơ chế xác lập giá trên thị trường và làm tăng chi phí giao dịch của người đầu tư.

● Đấu giá theo lệnh (Order driven system) - Phương thức khớp lệnh

Đấu giá theo lệnh là phương thức giao dịch trong đó tất cả các lệnh mua và lệnh bán được chuyển đến SGDCK và khớp ghép với nhau theo nguyên tắc xác định giá khớp lệnh.

→ Các nguyên tắc ưu tiên khi xác định giá khớp lệnh

Trong một phiên giao dịch, thông thường có nhiều lệnh giao dịch một loại chứng khoán được đồng thời chuyển tới sàn giao dịch với các điều kiện giao dịch khác nhau. Vì vậy, để đảm bảo công bằng và quyền lợi cho các nhà đầu tư, việc xác định thứ tự ưu tiên của các lệnh giao dịch là hoàn toàn cần thiết. Thông thường, thứ tự ưu tiên thực hiện các lệnh giao dịch được quy định như sau:

- Đối với các loại lệnh khác nhau được thực hiện theo thứ tự: lệnh thị trường, lệnh ATO, ATC được ưu tiên thực hiện trước lệnh giới hạn.

- Đối với lệnh giới hạn, được thực hiện theo thứ tự ưu tiên về giá: lệnh mua có mức giá cao hơn, lệnh bán có mức giá thấp hơn được ưu tiên thực hiện trước.

- Ưu tiên về thời gian: các lệnh có cùng mức giá thì lệnh giao dịch được nhập trước vào hệ thống giao dịch thì được ưu tiên thực hiện trước.

- Ưu tiên về khách hàng: lệnh của nhà đầu tư cá nhân được ưu tiên thực hiện trước lệnh của nhà đầu tư tổ chức, lệnh tự doanh của nhà môi giới, của công ty chứng khoán.

- Ưu tiên về khối lượng: lệnh của khách hàng có cùng mức giá và thời gian, lệnh nào có khối lượng lớn hơn được ưu tiên thực hiện trước.

→ Ưu nhược điểm của đấu giá theo lệnh

- Quá trình xác lập giá được thực hiện một cách khách quan, đảm bảo tính minh bạch của thị trường do không có sự tham gia của những nhà tạo lập thị trường.

- Nhà đầu tư được giao dịch với mức giá tốt nhất bởi vì tất cả các lệnh mua và bán đều được cạnh tranh nhau một cách công bằng.

- Đảm bảo tính hiệu quả của thị trường, vì:

+ Kĩ thuật giao dịch đơn giản,

+ Chi phí giao dịch thấp,

+ Nhà đầu tư có thể theo dõi kịp thời các thông tin của thị trường,

+ Các cơ quan quản lí dễ theo dõi, kiểm tra và giám sát.

- Nhược điểm: giá cả dễ biến động khi có sự mất cân đối quan hệ cung cầu, tính linh hoạt của thị trường thấp so với đấu giá theo giá.

→ Xác định giá khớp lệnh và các lệnh giao dịch được thực hiện:

+ Đối với khớp lệnh định kì:

- Cơ chế xác định giá khớp lệnh: là mức giá mà tại đó khối lượng chứng khoán được mua bán nhiều nhất. Trong ví dụ ở bảng dưới đây tại mức giá 40.3 là mức giá mà khối lượng mua bán đạt được ở mức cao nhất: 2400 cổ phiếu, nên giá khớp lệnh là giá 40.3.

Nếu có nhiều mức giá cùng thỏa mãn yêu cầu khối lượng chứng khoán được mua bán nhiều nhất thì giá khớp lệnh là mức giá trùng hoặc gần với giá tham chiếu. Ví dụ: có 2 mức giá 100 và 101 đều đảm bảo khối lượng chứng khoán mua bán nhiều nhất và bằng nhau (6000 cổ phiếu chẳng hạn), giá đóng cửa ngày hôm trước là 99 thì giá khớp lệnh của phiên giao dịch được chọn là 100.

Nếu có hai mức giá thỏa mãn yêu cầu khối lượng chứng khoán được mua bán nhiều nhất và gần giá tham chiếu như nhau, việc chọn giá nào làm giá khớp lệnh do SGDCK quyết định. Tuy nhiên trên thực tế, để đảm bảo mục tiêu phát triển của TTCK người ta thường chọn mức giá cao hơn. Ví dụ: có 2 mức giá 99 và 101 đều đảm bảo khối lượng chứng khoán mua bán nhiều nhất và bằng nhau (6000 cổ phiếu chẳng hạn), giá đóng cửa ngày hôm trước là 100 thì giá khớp lệnh của phiên giao dịch được chọn là 101.

- Các lệnh giao dịch được thực hiện:

Lệnh mua có mức giá đặt mua cao hơn mức giá khớp lệnh, lệnh mua ATO, ATC.

Lệnh bán có mức giá đạt bán thấp hơn mức giá khớp lệnh, lệnh bán ATO, ATC.

Các lệnh giao dịch có mức giá đặt mua, chào bán bằng mức giá khớp lệnh sẽ được thực hiện toàn bộ hoặc một phần tuỳ theo tình hình cụ thể (tổng khối lượng chứng khoán được mua bán) trong từng phiên giao dịch.

Ví dụ:

Trên sổ lệnh của cổ phiếu XYZ có các số liệu sau:

Lệnh mua K/L mua Cộng dồn mua Giá (1000đ) Cộng dồn bán K/L bán Lệnh bán

M1

M2

M3

M4

M5

M6

M7

M8

M9

-

M10

M11

M12

M13

300

500

400

300

500

300

100

300

400

-

500

200

300

100 300

800

1200

1500

2000

2300

2400

2700

3100

3100

3600

3800

4100

4200 40.9

40.8

40.7

40.6

40.5

40.4

40.3

40.2

40.1

40.0

39.9

39.8

39.7

39.6

39.5 4300

3800

3400

3200

3200

2900

2500

2200

1800

1500

1200

1000

700

500

200 500

400

200

0

300

400

300

400

300

300

200

300

200

300

200 B1

B2

B3

-

B4

B5

B6

B7

B8

B9

B10

B11

B12

B13

B14

Nhìn vào kết quả trên cho thấy có 2400 cổ phiếu được mua bán với giá 40.3, trong đó các lệnh mua được thực hiện gồm: M1, M2, M3, M4, M5, M6, M7; các lệnh bán được thực hiện bao gồm: B14, B13, B12, B11, B10, B9, B8, B7, B6. Trong đó riêng lệnh B6 chỉ bán được 200 do tổng khối lượng mua bán chỉ có 2400. Tổng giá trị giao dịch của phiên khớp lệnh này là: 2400 x 40.300 = 96.720.000 đ

+ Đối với khớp lệnh liên tục:

Khớp lệnh liên tục là phương thức giao dịch trong đó các lệnh mua và bán chứng khoán được hệ thống giao dịch so khớp ngay khi lệnh được nhập vào hệ thống giao dịch. Trong khớp lệnh liên tục, giá thực hiện là mức giá của các lệnh giới hạn đối ứng đang nằm chờ trên sổ lệnh. Nếu có nhiều lệnh nhập vào hệ thống cùng một lúc thì giá được xác định theo các nguyên tắc ưu tiên như đã nêu ở phần trên.

- Các lệnh có mức giá tốt nhất được ưu tiên thực hiện trước,

- Nếu có nhiều lệnh cùng mức giá thì lệnh nào được nhập vào hệ thống trước sẽ được thực hiện trước,

- Nếu lệnh mua và lệnh bán cùng thỏa mãn nhau về giá thì mức giá thực hiện sẽ là mức giá của lệnh được nhập vào hệ thống trước,

Ví dụ: trên sổ lệnh có lệnh mua 1000 CP XYZ giá 120.000 đ/cp và lệnh bán 1000 CP XYZ giá 116.000 đ/cp. Hai lệnh này thỏa mãn điều kiện của nhau. Nếu lệnh mua được nhập vào hệ thống trước thì giao dịch mua bán 1000 CP XYZ được thực hiện theo giá 120.000 đ/cp. Nếu lệnh bán nhập vào hệ thống trước thì giao dịch mua bán 1000 CP XYZ được thực hiện theo giá 116.000 đ/cp.

- Lệnh giao dịch có thể được thực hiện toàn bộ hoặc một phần theo bội số của đơn vị giao dịch.

Riêng đối với các lệnh MP chỉ được nhập vào hệ thống khi đã có lệnh giới hạn đối ứng nhập vào thị trường.

Ví dụ: Cổ phiếu AAA, giá tham chiếu: 99, sổ lệnh như sau:

KL mua Giá mua (1000đ) Giá bán (1000đ) KL bán

(C) 5000 100 98 1000 (A)

100 1000 (B)

Kết quả khớp lệnh: Giá 98.000: KL khớp 1000

Giá 100.000: KL khớp 1000

(C) mua được 2000 cổ phiếu trong đó 1000 cổ phiếu giá 98.000đ, 1000 cổ phiếu giá 100.000đ.

Sổ lệnh sau khi khớp như sau:

KL mua Giá mua (1000đ) Giá bán (1000đ) KL bán

(C) 3000 100

3.1.7. Qui trình giao dịch

Hoạt động giao dịch trên thị trường tập trung chủ yếu được thực hiện theo phương thức khớp lệnh. Để thực hiện các giao dịch chứng khoán, khách hàng sau khi đã lựa chọn và xác định được người môi giới, tiến hành các bước sau:

B1: Kí hợp đồng ủy thác với một công ty chứng khoán thành viên của SGDCK và mở tài khoản tiền gửi thanh toán và lưu kí chứng khoán

Cơ sở pháp lí để thực hiện giao dịch là hợp đồng kinh tế về ủy thác được kí kết giữa nhà đầu tư và công ty chứng khoán. Hợp đồng này phải thể hiện đầy đủ những nguyên tắc giao dịch của công ty chứng khoán và tuân thủ quy định của pháp luật. Hợp đồng ủy thác có thể được kí kết theo phương thức hợp đồng khung cho tất cả các giao dịch hay từng hợp đồng đơn lẻ. Trên thực tế, nhà đầu tư thường lựa chọn hợp đồng khung, đối với từng giao dịch, nhà đầu tư đặt ra những quy định cụ thể trên lệnh giao dịch và được coi là phụ lục không thể tách rời của hợp đồng.

Để phục vụ cho các giao dịch mua bán chứng khoán tại TTCK tập trung nhà đầu tư phải mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại một công ty chứng khoán. Thông thường có hai loại tài khoản: tài khoản tiền gửi thanh toán giao dịch chứng khoán và tài khoản lưu kí chứng khoán.

+ Tài khoản tiền gửi thanh toán: Hoạt động mua bán trên TTCK được thực hiện theo nguyên tắc hạch toán ghi sổ. Vì vậy, để phục vụ các giao dịch thanh toán chứng khoán, nhà đầu tư phải mở tài khoản tiền gửi thanh toán tại một ngân hàng nào đó.

Nếu nhà đầu tư chỉ yêu cầu công ty chứng khoán đơn thuần cung cấp dịch vụ môi giới trong giao dịch mua, bán chứng khoán trên cơ sở giao ngay thì mở tài khoản tiền mặt. Ở một số TTCK, nếu nhà đầu tư không thực hiện được việc thanh toán vào ngày thanh toán quy định, công ty chứng khoán có quyền bán chứng khoán có trên tài khoản lưu kí để lấy tiền thanh toán.

+ Tài khoản lưu kí chứng khoán (mở tại CTCK là thành viên của TTLKCK): Hoạt động mua bán chứng khoán trên TTCK tập trung không thực hiện theo phương thức trao tay, nên để thực hiện các giao dịch nhà đầu tư phải mở tài khoản lưu kí và thực hiện việc lưu kí chứng khoán. Công việc này không chỉ tạo thuận lợi cho các giao dịch mà còn tạo ra các lợi thế về thời gian và chi phí cho nhà đầu tư. Để mở tài khoản lưu kí nhà đầu tư phải kí hợp đồng lưu kí với một công ty chứng khoán. Tùy theo cơ chế quản lí lưu kí chứng khoán ở mỗi thị trường mà việc lưu kí chứng khoán có thể đưa vào kí gửi (lưu kí biệt lập) tại CTCK hoặc đưa vào lưu kí tập trung hay lưu kí tổng hợp. Khi nhà đầu tư mua chứng khoán, CTCK sẽ chuyển chứng khoán vào tài khoản lưu kí và chuyển cho nhà đầu tư bản trích lục lưu kí. Khi bán chứng khoán, CTCK sẽ hạch toán giảm số dư chứng khoán trên tài khoản lưu kí.

Trên thực tế các CTCK thường tư vấn cho nhà đầu tư mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng nơi công ty có tài khoản chính hay tại trung tâm lưu kí và thanh toán bù trừ mà công ty là thành viên, vì:

- Đối với hợp đồng mua chứng khoán: nhà đầu tư không phải đặt cọc, thay vào đó là thông báo phong tỏa tài khoản hoặc thông báo thế chấp chứng khoán hiện đang lưu kí phục vụ lệnh giao dịch. Điều này cho phép nhà đầu tư vẫn thụ hưởng lãi tiền gửi trong thời gian chờ thanh toán, đặc biệt đối với các lệnh "chờ mua".

- Đối với các hợp đồng bán chứng khoán: khi hợp đồng được thực hiện, CTCK sẽ chuyển ngay tiền từ tài khoản của mình sang tài khoản của nhà đầu tư. Nhờ vậy nhà đầu tư không phải chờ thu trong thời gian thanh toán theo quy định, mà được phép sử dụng tiền ngay.

- Khi quyết toán các giao dịch, các quyết toán tiền được thực hiện trong nội bộ một ngân hàng hay nội bộ hệ thống ngân hàng, do đó rút ngắn thời gian chờ thanh toán và có thể được miễn giảm phí thanh toán.

Ngoài 2 loại tài khoản nêu trên, nhà đầu tư có thể lựa chọn mở các loại tài khoản khác như tài khoản kí quỹ và tài khoản ủy thác sao cho phù hợp với đặc điểm của giao dịch chứng khoán, điều kiện, khả năng và nhu cầu của nhà đầu tư.

Tài khoản kí quỹ: dùng trong giao dịch mua kí quỹ và bán khống. Nhà đầu tư có thể sử dụng loại tài khoản này để vay tiền hoặc chứng khoán của công ty chứng khoán để thực hiện các giao dịch mua hoặc bán chứng khoán.

Tài khoản ủy thác: Là tài khoản mà nhà đầu tư ủy thác cho công ty chứng khoán có quyền quyết định việc mua, bán chứng khoán mà không cần thông báo, hoặc có sự đồng ý của nhà đầu tư. Việc mua, bán chứng khoán của người quản lý tài khoản được thực hiện trong phạm vi những điều kiện quy định trong hợp đồng.

Để quản lí hoạt động giao dịch, thông thường luật pháp các nước đều quy định mỗi nhà đầu tư chỉ được phép mở 1 tài khoản tại một công ty chứng khoán .

B2: Đặt lệnh giao dịch

Khi có nhu cầu giao dịch (mua hoặc bán chứng khoán), căn cứ vào nhu cầu, người đầu tư đặt lệnh giao dịch tại phòng tiếp thị của công ty chứng khoán. Việc chuyển lệnh tới công ty chứng khoán có thể được thực hiện thông qua các phương tiện khác nhau như: đặt lệnh tại sàn, hoặc gọi điện thoại, gửi qua fax, internet...

B3: Chuyển lệnh giao dịch đến phòng giao dịch

Sau khi nhận được lệnh của nhà đầu tư, nhân viên môi giới chuyển lệnh đến phòng giao dịch để kiểm tra các thông tin phục vụ cho việc giao dịch: số hiệu tài khoản, mật khẩu, tình trạng tài khoản...

Ký quỹ đảm bảo: Khi đặt lệnh giao dịch, người đầu tư phải có số dư trên tài khoản của mình không nhỏ hơn mức tối thiểu theo quy định của từng thị trường để đảm bảo cho việc thực hiện giao dịch. Số dư trên tài khoản có thể bằng tiền hoặc chứng khoán. Nếu là chứng khoán thì sẽ quy đổi ra tiền theo giá thị trường tại thời điểm giao dịch có chiết khấu theo một tỷ lệ quy định.

Ký quỹ đảm bảo thường được quy định bằng một tỷ lệ phần trăm (%) trên giá trị giao dịch. Tỷ lệ này phụ thuộc vào quy định của từng thị trường và của các công ty chứng khoán trên cơ sở phân loại khách hàng.

Ký quỹ đảm bảo được sử dụng như là một trong những công cụ quan trọng để điều tiết thị trường, nó có vai trò như là một cơ chế điều hòa, kích thích, hoặc hạn chế giao dịch thông qua việc giảm hoặc tăng tỷ lệ ký quỹ.

Ở Việt Nam hiện nay tỉ lệ kí quỹ quy định trong giao dịch mua chứng khoán tối thiểu là 70% giá trị giao dịch. Đối với lệnh bán, nhà đầu tư phải có đủ số chứng khoán đặt bán trên tài khoản. Nhà đầu tư không được phép đồng thời đặt lệnh mua và bán đối với một loại cổ phiếu, chứng chỉ quỹ trong cùng một ngày giao dịch.

B4: Chuyển lệnh giao dịch đến người môi giới của công ty tại sàn giao dịch

Sau khi kiểm tra, nếu lệnh đủ điều kiện giao dịch thì phòng giao dịch chuyển lệnh giao dịch tới sàn giao dịch (SGD). Việc chuyển lệnh có thể thực hiện bằng các phương tiện như điện thoại, internet... với các thông tin như: tên CTCK, ngân hàng ủy thác, lệnh mua / bán, lệnh số, loại chứng khoán, số lượng, giá cả...

B5: Chuyển lệnh giao dịch đến máy chủ của SGD

Nhân viên môi giới tại SGD, sau nhận được lệnh từ CTCK phải chuyển tới bộ phận nhận lệnh và khớp lệnh của SGD để tham gia khớp lệnh.

B6: Khớp lệnh và thông báo kết quả giao dịch

Đến giờ chốt giá giao dịch, SGD thông báo kết quả giao dịch từng loại chứng khoán trên SGD cho TTLK & TTBTCK cũng như các CTCK thành viên.

B7: Xác nhận giao dịch và làm thủ tục thanh toán

Nhân viên môi giới tại sàn giao dịch sau khi nhận được kết quả giao dịch, ngay lập tức báo ngay kết quả về phòng giao dịch của CTCK với các nội dung: số hiệu người môi giới đã mua bán, loại chứng khoán, số lượng, giá, số hiệu môi giới đối tác... Cuối ngày giao dịch, phòng giao dịch chuyển các phiếu lệnh có giao dịch đến phòng thanh toán. Phòng thanh toán căn cứ vào các kết quả giao dịch lập báo cáo kết quả giao dịch và chuyển kết quả đến trung tâm lưu kí và thanh toán bù trừ chứng khoán (TTLK&TTBTCK) để tiến hành quá trình thanh toán. Đồng thời sau khi có kết quả giao dịch CTCK gửi cho khách hàng một phiếu xác nhận qua hệ thống điện thoại hoặc gửi phiếu xác nhận qua hệ thống bưu điện. Xác nhận này có giá trị như 1 hóa đơn hẹn ngày thanh toán với khách hàng.

B8: Thanh toán và hoàn tất giao dịch

TTLK & TTBTCK tiến hành so khớp kết quả giao dịch do SGDCK cung cấp và báo cáo kết quả giao dịch của các CTCK để tiến hành thanh toán bù trừ. Trong thời gian T+x ngày, TTLK & TTBTCK sẽ thực hiện việc chuyển quyền sở hữu chứng khoán từ người bán sang người mua và Ngân hàng chỉ định thanh toán sẽ thanh toán bù trừ tiền từ người mua sang người bán thông qua hệ thống tài khoản của các CTCK tại ngân hàng. Việc bù trừ các kết quả giao dịch sẽ kết thúc bằng việc in ra các chứng từ thanh toán. Các chứng từ này được gửi cho các CTCK và là cơ sở để thực hiện thanh toán và giao nhận giữa các CTCK và với nhà đầu tư.

Ở Việt Nam, thời gian thanh toán là T+3 ngày.

B9: Sao kê tài khoản

Theo định kỳ quy định (thường là hàng tháng), công ty chứng khoán có trách nhiệm lập và gửi bản sao kê tài khoản cho các nhà đầu tư qua công ty. Nội dung bản sao kê tài khoản phải phản ánh mọi sự thay đổi của tài khoản liên quan tới các giao dịch. Nhà đầu tư kiểm tra tính chính xác của bản sao kê, nếu phát hiện hoặc nghi ngờ có sai sót thì thông báo ngay cho công ty chứng khoán bằng văn bản.

3.1.8. Một số giao dịch đặc biệt

● Giao dịch kí quỹ (Margin trading)

Giao dịch kí quỹ (còn gọi là giao dịch bảo chứng, hay giao dịch trả chậm) là việc mua hoặc bán chứng khoán trong đó, nhà đầu tư chỉ có 1 phần tiền hoặc chứng khoán, phần còn lại do công ty chứng khoán cho vay.

Trong hình thức giao dịch này CTCK không chỉ đóng vai trò là nhà môi giới mà còn là người cấp tín dụng. Các chứng khoán mua bằng giao dịch kí quỹ, tiền thu được từ giao dịch bán khống được coi là vật cầm cố, kí quỹ để đảm bảo cho khoản vay. Rủi ro xảy ra đối với các CTCK triển khai dịch vụ này phát sinh khi chứng khoán cầm cố bị giảm giá, làm cho giá trị tài sản đảm bảo thấp hơn giá trị khoản vay. Vì vậy để đảm bảo cho thị trường ổn định và phát triển, luật pháp các nước thường có các quy định cụ thể về yêu cầu kí quỹ. Loại hình giao dịch này thường phát triển khá mạnh ở các TTCK phát triển. Ở các thị trường mới nổi, giao dịch này thường bị hạn chế, thậm chí một số nước nghiêm cấm như Malaysia, Australia,...

Muốn thực hiện giao dịch kí quỹ, nhà đầu tư phải mở tài khoản kí quỹ (margin account) tại một CTCK và họ phải kí một hợp đồng bảo chứng mà bản chất là hợp đồng tín dụng, trong đó xác định giới hạn cho vay, thời gian vay, lãi suất... Đặc điểm của tài khoản kí quỹ là cho phép nhà đầu tư được mua chứng khoán bằng tiền do CTCK cung cấp nhưng phải có đảm bảo tiền vay, cho phép bán khống nhưng phải nằm trong giới hạn quy định...

Có hai loại giao dịch kí quỹ: mua kí quỹ và bán khống.

► Mua kí quỹ (Margin buying / Margin purchase)

- Mua kí quỹ (còn gọi là mua với hình thức vay số dư) là việc mua chứng khoán trong đó, nhà đầu tư chỉ có 1 phần tiền, phần còn lại do công ty chứng khoán cho vay.

- Bằng cách giao dịch kí quỹ, những người đầu tư có thể gia tăng lợi nhuận đầu tư do giao dịch này có tác dụng đòn bẩy tài chính rất mạnh đối với nhà đầu tư, đồng thời giao dịch kí quỹ sẽ có thể mang lại những tác động tích cực như ổn định giá chứng khoán, tăng cường tính thanh khoản của thị trường. Tuy nhiên, giao dịch kí quỹ cũng có thể gây thiệt hại cho nhà đầu tư và gây tổn hại đến hoạt động của thị trường khi giá chứng khoán sụt giảm. Bởi vì, khi giá chứng khoán giảm, nhà đầu tư sẽ bị thua lỗ. Mặt khác, việc bán chứng khoán trong thời kì giảm giá cũng rất khó khăn càng làm gia tăng thời hạn vay và tiền lãi phải trả. Xét về phía các tổ chức cho vay, khi không thu hồi được nợ, họ phải bán chứng khoán cầm cố của nhà đầu tư làm cho cung chứng khoán càng gia tăng, dẫn đến giá chứng khoán lại càng giảm sút...

- Xuất phát từ những đặc điểm nêu trên, nhà đầu tư thường tiến hành mua ký quỹ khi kì vọng giá chứng khoán sẽ tăng lên.

- Muốn thực hiện giao dịch mua kí quỹ, nhà đầu tư phải mở 1 tài khoản kí quỹ và kí quỹ theo tỉ lệ kí quỹ do SGD quy định. Trong quá trình thực hiện giao dịch, tỉ lệ kí quỹ có thể thay đổi để bảo đảm an toàn cho khoản tiền nhà môi giới đã cho vay.

Ví dụ: Tỉ lệ kí quỹ quy định tại SGDCK XYZ là 55% giá trị giao dịch chứng khoán. Nhà đầu tư A muốn mua 100CP, giá 100 USD/CP thì nhà đầu tư chỉ phải nộp số tiền là 5.500 USD cho 55CP và sử dụng số CP này làm tài sản thế chấp cho khoản vay để trả cho 45 CP còn lại. Kết quả của giao dịch mua kí quỹ này sẽ xảy ra theo các tình huống sau:

+ Trường hợp giá cổ phiếu tăng

Nếu giá cổ phiếu tăng gấp đôi từ 100 USD lên 200 USD thì tổng tiền lời (chưa trừ lãi vay và phí giao dịch trả cho nhà môi giới) sẽ là: 100 USD/CP x 100CP = 10.000 USD. So sánh với tổng vốn đầu tư thì tỉ lệ lãi là 100%, còn nếu so với số tiền thực tế bỏ ra 5.500 USD thì tỉ lệ lãi ông A nhận được là 181,8%. Như vậy, nhờ việc sử dụng đòn bẩy tài chính mà tỉ lệ lợi nhuận ông A nhận được đã tăng lên 81,8%.

+ Trường hợp giá cổ phiếu giảm

Nếu giá CP giảm từ 100 USD xuống còn 50 USD, điều này có nghĩa là tổng thị giá cổ phiếu đã giảm từ 10.000 USD xuống còn 5000 USD. Như vậy nhà đầu tư đã lỗ 5000 USD. Nếu cổ phiếu không được mua bằng hình thức vay số dư, nghĩa là nếu chỉ mua 55 cổ phiếu bằng tiền của chính mình, thì khoản lỗ sẽ là 50USD/CP x 55CP = 2750 USD (tương ứng với tỉ lệ 50%). Bằng việc mua với hình thức vay số dư nhà đầu tư gần như chịu lỗ gấp đôi: 91% (5.000 / 5.500). Trong trường hợp này đòn bẩy tài chính đã có tác dụng ngược, làm cho mức thua lỗ từ 50% tăng lên 91% (chưa kể lãi vay và phí môi giới).

Nếu cổ phiếu mua bằng hình thức vay số dư bị giảm giá đáng kể thì nhà đầu tư sẽ nhận được yêu cầu đóng thêm tiền kí quỹ để đảm bảo yêu cầu kí quỹ tối thiểu so với số tiền đã cho vay. Nếu nhà đầu tư không thực hiện yêu cầu trong vòng thời gian quy định, nhà môi giới cho vay sẽ thanh lí số cổ phiếu của nhà đầu tư để thu hồi vốn.

► Bán khống (Short selling)

Bán khống là việc bán chứng khoán không do người bán sở hữu. Người kinh doanh mượn chứng khoán để thực hiện việc bán ngay và sẽ mua để trả trong tương lai. Ngoài việc mua cổ phiếu đã vay để trả nợ, người bán khống còn phải trả cổ tức cho người cho vay cổ phiếu nếu trong thời gian vay công ty phát hành thanh toán cổ tức, hoặc thưởng cho cổ đông.

Người kinh doanh thực hiện việc bán khống khi nhận định giá chứng khoán sẽ hạ. Họ tin rằng trong một tương lai gần, một loại cổ phiếu nào đó sẽ hạ giá tới mức mà nếu bán ngay bấy giờ sẽ được một khoản lãi đáng kể. Khi vay cổ phiếu để bán, người vay phải trả cho người cho vay một khoản phí nhất định. Đồng thời để đảm bảo an toàn cho người cho vay, người vay thường phải ký quỹ một lượng tài sản (có thể bằng tiền, hoặc loại chứng khoán khác...) tương đương với giá trị cổ phiếu vay theo giá thị trường (thường là số tiền bán số cổ phiếu vay). Trong quá trình chưa trả nợ, nếu giá cổ phiếu đó tăng thì người bán khống (người vay) phải bổ sung thêm tiền ký quỹ, ngược lại nếu giá giảm thì họ được rút bớt ra.

Ví dụ: cổ phiếu XYZ đang mua bán trên thị trường với giá 100 USD. Ông A dự đoán cổ phiếu này sẽ giảm giá trong vài ba tháng tới. Ông A nói với nhà môi giới bán khống 1000 CP XYZ. Nhà môi giới sẽ vay 1000 CP từ một khách hàng, hoặc từ một nhà môi giới khác. Số tiền thu được 100.000 USD từ việc bán khống được ghi có vào tài khoản của ông A. Giả sử tỉ lệ kí quỹ quy định là 50% trên số tiền bán khống. Điều này có nghĩa ông A phải có tiền hoặc chứng khoán khác trong tài khoản của mình có giá trị ít nhất bằng 50.000 USD để làm tài sản thế chấp cho việc bán khống. Giả sử ông A có 50.000 USD trái phiếu chính phủ. Tài khoản của ông A sau giao dịch bán khống sẽ là:

Tài sản Nợ và vốn chủ sở hữu

Tiền: 100.000 USD

Trái phiếu chính phủ 50.000 USD Bán khống CP XYZ 100.000 USD

Vốn chủ sở hữu 50.000 USD

Giả sử dự đoán của ông A đúng, sau 3 tháng giá cổ phiếu XYZ giảm xuống còn 70 USD/CP. Ông A mua 1000 CP để trả lại cho nhà môi giới với tổng số tiền 70.000 USD. Số lợi nhuận ông A thu được (chưa trừ các khoản chi phí) là 30.000 USD. Ngược lại, nếu giá cổ phiếu XYZ tăng, nhà môi giới yêu cầu ông A phải đóng thêm tiền kí quỹ để đảm bảo đủ mức kí quỹ 50% theo giá thị trường hiện hành, hoặc bù trừ vị trí bán khống bằng cách mua cổ phiếu trả lại cho những người đã cho vay.

Bản chất của bán khống là kinh doanh theo xu hướng giảm giá của cổ phiếu. Người bán khống luôn mong muốn cổ phiếu giảm giá. Từ đó có thể nảy sinh hiện tượng, những người bán khống cùng nhau triệt hạ công ty và khi có nhiều người bán khống cùng một lúc một loại cổ phiếu thì giá cổ phiếu đó sẽ giảm, gây nên những ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của thị trường, đặc biệt trong những thời kì thị trường đang giảm sâu. Mặt khác, khi thị trường tăng giá liên tục, bán khống có thể làm khuynh gia bại sản các nhà đầu tư, thực chất là nhà đầu cơ, dẫn đến hiệu ứng không tốt đối với môi trường đầu tư. Nếu nghiệp vụ bán khống không bị ràng buộc, nó sẽ là một công cụ nguy hiểm của những kẻ đầu cơ trục lợi trên sự thua lỗ của người khác. Tuy nhiên, trong một chừng mực nào đó, việc bán khống cũng có tác dụng góp phần ổn định thị trường vì có người bán lúc giá cổ phiếu trên thị trường đang lên cao (người bán khống dự đoán giá sẽ giảm) làm tăng cung, tạo điều kiện giảm giá cổ phiếu; ngược lại, lúc giá giảm sẽ có người mua vào làm tăng cầu, góp phần kéo giá cổ phiếu lên. Nói cách khác, bán khống có tác động làm thay đổi quan hệ cung cầu ở hiện tại và trong tương lai khi nhà đầu tư mua chứng khoán để trả nợ.

● Giao dịch khối (Block trade)

- Giao dịch khối còn gọi là giao dịch lô lớn: là các giao dịch có khối lượng lớn.

- Tiêu chí của giao dịch khối được quy định dựa trên khối lượng giao dịch (khối lượng cổ phiếu, trái phiếu), hoặc dựa trên giá trị giao dịch (tính theo thị giá hoặc mệnh giá). Các tiêu chí này thiết lập phụ thuộc vào quy mô của thị trường, quy mô công ty và tính thanh khoản của từng thị trường. Ví dụ: ở Việt Nam hiện nay giao dịch lô lớn bao gồm các giao dịch cổ phiếu và chứng chỉ quỹ có khối lượng > 20.000.

- Các giao dịch khối được thực hiện theo các phương thức: phương thức báo giá sau đó báo cáo cơ quan quản lí thị trường và phương thức ngoài giờ.

+ Phương thức báo giá: Trong phương thức này, nhà đầu tư phải xin phép SGDCK. Khi xác định giá, người mua và người bán tự thỏa thuận với nhau về khối lượng và giá giao dịch, sau đó hai bên chuyển giao dịch này tới SGD xem xét và thông qua giao dịch. Nếu giá giao dịch không vượt quá giới hạn so với mức giá đóng cửa, hay được quyết định trước đó thì giao dịch có thể được thực hiện.

+ Phương thức ngoài giờ: các giao dịch khối diễn ra sau khi thị trường đóng cửa, mức giá do các đối tác thỏa thuận, nhưng thường lấy giá đóng cửa làm giá tham chiếu.

● Giao dịch lô lẻ (odd - lot trading)

- Giao dịch lô lẻ là các giao dịch có khối lượng nhỏ hơn 1 đơn vị giao dịch.

- Các giao dịch này diễn ra trên SGD hoặc thị trường OTC thông qua cơ chế giao dịch thỏa thuận giữa nhà đầu tư với CTCK.

- Giá thực hiện trong các giao dịch lô lẻ có thể được xác định trên cơ sở lấy giá giao dịch của loại chứng khoán đó trên SGD, chiết khấu theo 1 tỉ lệ thỏa thuận so với thị giá hoặc do CTCK thỏa thuận với khách hàng.

● Giao dịch không hưởng cổ tức và quyền mua cổ phiếu

+ Giao dịch không hưởng cổ tức là những giao dịch cổ phiếu thực hiện vào những ngày mà ngày thanh toán các giao dịch đó (ngày chuyển giao quyền sở hữu chứng khoán) diễn ra sau ngày chốt danh sách cổ đông (ngày khóa sổ) để chi trả cổ tức của công ty cổ phần.

Thông thường, định kì theo quyết định của Hội đồng quản trị, công ty cổ phần có thể trả cổ tức bằng tiền hoặc cổ phiếu. Những cổ đông có danh sách vào ngày đăng kí cuối cùng sẽ được nhận cổ tức. Những cổ đông sở hữu chứng khoán từ sau ngày khóa sổ sẽ không được nhận cổ tức.

+ Giao dịch không hưởng quyền mua cổ phiếu mới là những giao dịch cổ phiếu thực hiện vào những ngày mà ngày thanh toán các giao dịch đó (ngày chuyển giao quyền sở hữu chứng khoán) diễn ra sau ngày chốt danh sách cổ đông (ngày khóa sổ) để phát hành quyền mua cổ phiếu mới cho các cổ đông hiện hữu.

Vào những ngày giao dịch không hưởng cổ tức và quyền mua, SGD sẽ công bố trên hệ thống công bố thông tin để nhà đầu tư biết và xác định lại giá tham chiếu giao dịch.

Về nguyên tắc giá tham chiếu trong những ngày giao dịch không hưởng cổ tức và quyền mua sẽ bằng giá giao dịch trước đó (giá giao dịch ngày được nhận cổ tức và quyền mua) trừ đi giá trị cổ tức và quyền được nhận.

- Trường hợp trả cổ tức bằng cổ phiếu:

Giá đóng cửa ngày hôm trước

Giá tham chiếu = -----------------------------------------------------

1 + tỉ lệ cổ phiếu mới / cổ phiếu cũ

- Trường hợp trả cổ tức bằng tiền và cổ phiếu:

Giá đóng cửa ngày hôm trước - cổ tức bằng tiền

Giá tham chiếu = -------------------------------------------------------------

1 + tỉ lệ cổ phiếu mới / cổ phiếu cũ

- Trường hợp phát hành quyền mua cổ phiếu:

P1 = (mP0 + nF) / (m+n)

Trong đó P1 là giá tham chiếu (giá ngày giao dịch không hưởng quyền), P0 là giá cổ phiếu ngày hôm trước (ngày giao dịch hưởng quyền), F là giá cổ phiếu theo quyền mua, m là số cổ phiếu cũ (cổ phiếu đang lưu hành), n số cổ phiếu mới dự kiến phát hành.

● Giao dịch cổ phiếu quỹ

- Cổ phiếu quỹ (treasury stocks) là cổ phiếu đã phát hành và được mua lại bởi chính tổ chức phát hành.

- Việc mua lại cổ phiếu quỹ do tổ chức phát hành thực hiện và phải được sự chấp thuận của SGDCK.

- Công ty niêm yết muốn mua lại cổ phiếu quỹ phải xin phép SGD và nêu rõ nguồn vốn thực hiện việc mua lại, khối lượng và thời gian thực hiện việc mua lại, CTCK được ủy thác thực hiện lệnh.

- Thông thường để hạn chế tác động tới giá cổ phiếu trên thị trường, SGDCK quy định khối lượng giao dịch cổ phiếu mà công ty niêm yết được mua lại qua các phiên giao dịch và sau khi mua lại công ty niêm yết phải nắm giữ trong vòng thời gian tối thiểu theo quy định (ở Việt Nam hiện nay là 6 tháng) và không được phép bán ra trong thời gian đó.

● Giao dịch thâu tóm công ty

- Giao dịch thâu tóm công ty (take over) được thực hiện thông qua phương thức đấu thầu mua cổ phiếu (tender offer) trên thị trường thứ cấp. Mục tiêu của nhà đầu tư khi thực hiện giao dịch thâu tóm công ty là nắm giữ, kiểm soát 1 khối lượng lớn cổ phiếu có quyền biểu quyết, nhằm nắm quyền kiểm soát công ty, hoặc sáp nhập công ty.

- UBCK các nước thường quy định giao dịch thâu tóm sẽ được thực hiện thông qua phương thức đấu thầu mua lại cổ phiếu.

3.2. GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN TRÊN THỊ TRƯỜNG PHI TẬP TRUNG - OTC

3.2.1. Khái niệm và đặc điểm giao dịch trên thị trường OTC

● Khái niệm thị trường OTC (Over the Counter)

Thị trường OTC là thị trường có tổ chức nhưng không có địa điểm giao dịch tập trung, các thành viên của thị trường giao dịch với nhau qua mạng internet.

Nguồn gốc của từ Over the counter markets viết tắt là OTC là "qua quầy", dùng để chỉ thị trường mua bán chứng khoán qua quầy của các CTCK, chứ không mua bán trên Sàn giao dịch như ở TTCK tập trung. Khác với SGDCK là nơi tập trung của các nhà môi giới để họ thực hiện các cuộc đấu giá mua bán chứng khoán cho khách hàng hoặc cho chính họ, thị trường OTC là thị trường "thương lượng". Ở đó các nhà môi giới thực hiện các giao dịch mua bán chứng khoán trực tiếp với nhà đầu tư, hoặc qua hệ thống điện thoại, hoặc qua hệ thống computer.

Thị trường OTC không nằm tại một vị trí trung tâm nào cả, nó bao gồm các công ty môi giới thành viên của thị trường OTC khắp trong cả nước. Thành viên của thị trường OTC là các CTCK chuyên nghiệp, họ vừa giao dịch mua bán chứng khoán cho chính mình, vừa với tư cách là nhà môi giới cho khách hàng để hưởng hoa hồng. Trong giao dịch, các công ty này chủ động ra giá: giá cao nhất sẵn sàng mua và giá thấp nhất sẵn sàng bán. Chính họ là những người ra giá và thực hiện các lệnh giao dịch, mà không phụ thuộc vào lệnh đặt hàng của khách hàng. Danh từ chuyên môn gọi họ là "những người giao dịch", hay "những người tạo lập thị trường". Khi họ mua và bán chứng khoán cho chính mình, bằng nguồn vốn của mình, họ được gọi với tên gọi là nhà kinh doanh (tiếng Anh: Dealers). Khi họ mua bán cho khách hàng và hưởng phí dịch vụ môi giới, họ hoạt động với tư cách là một nhà môi giới: Brokers. Một nhà giao dịch môi giới chuyên mua và bán một số loại chứng khoán nhất định và thường xuyên nắm giữ một số lượng nhất định các loại chứng khoán này. Những nhà giao dịch môi giới này được gọi là những người tạo lập thị trường (Market Markers), bởi vì họ tạo ra thị trường cho chứng khoán đó. Một tên gọi khác nữa dành cho những người tạo lập thị trường, đó là nhà giao dịch (Dealers).

Để trở thành một nhà tạo thị trường ở hệ thống này, nhà kinh doanh phải thường xuyên đặt mua, chào bán và đáp ứng những yêu cầu nhất định về vốn, đồng thời phải đăng ký và được phép của cơ quan quản lý thị trường. Không giống như ở SGDCK (thị trường đấu giá theo giá) chỉ có 1 người tạo ra thị trường cho mỗi loại chứng khoán, đó là chuyên gia chứng khoán (specialist), ở thị trường OTC có thể có nhiều người tạo ra thị trường cho một loại chứng khoán.

● Đặc điểm giao dịch trên thị trường OTC

- Thị trường OTC có nhiều địa điểm giao dịch, nó bao gồm các công ty môi giới thành viên của thị trường OTC khắp trong cả nước.

- Chứng khoán giao dịch trên thị trường OTC phải được đăng ký rõ ràng và phải đáp ứng những yêu cầu về tài sản của người phát hành, số lượng các cổ đông và số lượng các chứng khoán đang lưu hành... Nhìn chung, chứng khoán được giao dịch trên thị trường OTC là chứng khoán của các công ty vừa và nhỏ chưa đủ điều kiện để niêm yết giao dịch trên TTCK tập trung. Ngoài ra còn bao gồm cả chứng khoán của các quỹ đầu tư, quỹ bảo hiểm, TPCP và chính quyền địa phương.

- Cơ chế xác lập giá trên thị trường OTC chủ yếu được thực hiện thông qua phương thức thỏa thuận song phương giữa bên mua và bên bán, hoặc người môi giới đại diện cho bên mua và bên bán.

- Cơ chế thanh toán các giao dịch trên thị trường OTC đa dạng và linh hoạt.

- Thị trường có sự tham gia của các nhà tạo lập thị trường, đó là các CTCK và Hiệp hội các nhà môi giới. Các công ty này có thể hoạt động mua bán chứng khoán cho chính mình - hoạt động tự doanh, và làm môi giới mua bán chứng khoán cho nhà đầu tư để hưởng hoa hồng.

- Thị trường OTC thường chịu sự quản lý của UBCKNN, của SGDCK (ví dụ ở Anh, Pháp, Canada...) và Hiệp hội chứng khoán (ví dụ ở Mĩ, Hàn Quốc, Nhật Bản...), hoạt động theo luật thị trường OTC và các quy định của Hiệp hội.

3.2.2. Yết giá trên thị trường OTC

Để tạo ra thị trường (Make a Market), nhà giao dịch xướng giá cao nhất anh ta sẵn sàng mua (bid / buy) và giá thấp nhất sẵn sàng bán (offer / sell). Giá chào bán và giá đặt mua được gọi là giá yết của nhà giao dịch. Khoản chênh lệch giữa giá chào bán và giá đặt mua gọi là khoản chênh lệch giá (spread). Tùy theo độ chuyên sâu của thị trường và sự hấp dẫn của loại chứng khoán nhất định mà giá yết có thể là:

- Giá yết chắc chắn (firm): có nghĩa là giá giao dịch sẵn sàng giao dịch tới khối lượng chào bán và đặt mua. Ví dụ: đối với 1 giá yết chắc chắn 60.25 - 60.50 ; 7 x 4 có nghĩa là nhà giao dịch sẽ mua tới 700 cổ phiếu với giá 60.25 $ hoặc sẽ bán tới 400 cổ phiếu với giá 60.50 $. Bất kì số cổ phiếu nào vượt quá số lượng đã tuyên bố đều phải thương lượng.

- Yết giá phụ thuộc (subject) có nghĩa là người tạo thị trường tiến hành yết giá phụ thuộc vào sự xác nhận của đối tác giao dịch.

- Yết giá chủ định (work out): là giá yết cố gắng đạt được, chỉ thực hiện đối với các loại chứng khoán kém năng động trên thị trường OTC. Vì là loại chứng khoán kém năng động nên khi ra giá loại chứng khoán này, người tạo thị trường OTC phải thu thập thông tin, tập hợp các nhu cầu giao dịch mà anh ta đã biết đối với loại chứng khoán đó để yết giá sao cho 1 giao dịch có thể thực hiện được.

Ở các nước có thị trường OTC phát triển, giá niêm yết được thể hiện trên màn hình yết giá tự động của Hiệp hội các nhà giao dịch chứng khoán quốc gia (National Association of Securities Dealers Automated Quotation - NASDAQ). Hệ thống này hiển thị giá chào bán và giá đặt mua của các loại chứng khoán.

Ở Việt Nam một số công ty chứng khoán thường niêm yết giá OTC trên trang Web của các công ty.

Ví dụ: Bảng yết giá OTC của Công ty chứng khoán Ngân hàng Công Thương (IBS)

Bảng giá OTC

Mua bán

Bảng giá OTC

Đăng tin

Công ty Mệnh giá Giá cao nhất Giá thấp nhất Ngày cập nhật

Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí 10,000 50,000 50,000 23/09/2006

Công ty VINAPCCO 10,000 35,000 35,000 23/09/2006

Công ty CP Bao Bì Tân Tiến 100,000 420,000 420,000 23/09/2006

Công ty CP Dược Hậu Giang 10,000 72,000 72,000 23/09/2006

Công ty CP Bảo HIểm Nhà Rồng 10,000 32,000 32,000 23/09/2006

Công ty CP FPT 100,000 145,000 145,000 23/09/2006

Công ty cổ phần Cao Su Hòa Bình 100,000 630,000 630,000 24/09/2006

Công ty CP Vận Tải Xăng Dầu 10,000 38,000 38,000 23/09/2006

Ngân hàng Xuất Nhập Khẩu EXIMBANK 1,000,000 7,900,000 7,900,000 23/09/2006

Ngân hàng Á Châu * 1,000,000 14,000,000 14,000,000 23/09/2006

Ngân hàng Phương Đông 1,000,000 5,300,000 5,300,000 23/09/2006

Ngân hàng TMCP Quân Đội 1,000,000 6,400,000 6,400,000 23/09/2006

Ngân hàng Việt Á 1,000,000 4,100,000 4,100,000 23/09/2006

Ngân hàng Thương mại Sài Gòn 800,000 3,800,000 3,800,000 23/09/2006

Ngân hàng Phương Nam 10,000 59,000 59,000 23/09/2006

Ngân hàng Đông Á 2,000,000 21,500,000 21,500,000 23/09/2006

Ngân hàng TMCP HABUBANK 1,000,000 5,100,000 5,100,000 23/09/2006

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương 1,000,000 10,000,000 10,000,000 23/09/2006

Ngân hàng TMCP Các Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh 10,000 67,000 67,000 23/09/2006

Ngân hàng Phát Triển Nhà Tp Hồ Chí Minh 1,000,000 3,800,000 3,800,000 23/09/2006

Ngân hàng Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam 100,000 105,000 105,000 23/09/2006

Ngân hàng Quốc Tế 10,000 51,000 51,000 23/09/2006

Ngân hàng An Bình 100,000 410,000 410,000 23/09/2006

Ngân hàng Thương mại Nam Á 1,000,000 3,800,000 3,800,000 23/09/2006

Ngân hàng PACIFIC 100,000 285,000 285,000 23/09/2006

Ngân hàng Nhơn Ái 100,000 250,000 250,000 23/09/2006

Ngân hàng Hàng Hải 1,000,000 5,300,000 5,300,000 23/09/2006

CTCP Chứng khoán Bảo Việt 10,000 120,000 120,000 23/09/2006

CTCP Chứng khoán Sài Gòn 10,000 105,000 105,000 23/09/2006

CTCP Bảo Hiểm Viễn Đông 10,000 37,000 37,000 23/09/2006

CTCP Bảo hiểm Xăng Dầu 10,000 33,000 33,000 23/09/2006

CTCP Bảo Bảo Hiểm Bảo Minh 10,000 50,000 50,000 23/09/2006

CTCP Dược Đồng Tháp 100,000 780,000 780,000 23/09/2006

Công ty Dược Phẩm IMEXPHARM 10,000 73,500 73,000 23/09/2006

3.2.3. Quy trình giao dịch

Ở nhiều nước thị trường OTC thường do Hiệp hội các nhà kinh doanh chứng khoán điều hành. Hiệp hội những nhà kinh doanh chứng khoán chịu trách nhiệm quản lý giao dịch, các vấn đề đăng kí, công khai thông tin, quản lí và định chế thị trường. Công ty chứng khoán đề xuất các chứng khoán đủ chất lượng để đăng kí với Hiệp hội những nhà kinh doanh chứng khoán.

Giao dịch chứng khoán trên thị trường OTC được thực hiện theo phương thức thương lượng, thỏa thuận và tuân thủ theo một quy trình chung sau:

B1: Mở tài khoản giao dịch

Khi có nhu cầu mua bán chứng khoán trên thị trường OTC, nhà đầu tư phải làm thủ tục mở tài khoản giao dịch tại một CTCK thành viên của thị trường OTC.

B2: Đặt lệnh giao dịch

Khi đặt lệnh mua, bán nhà đầu tư có thể thực hiện bằng một trong các hình thức: lệnh bằng văn bản (phiếu lệnh), gọi điện thoại, fax, hoặc hệ thống máy tính nối mạng diện rộng và phải đảm bảo đủ tỉ lệ ký quỹ theo quy định. Cụ thể là khi đặt lệnh bán, nhà đầu tư phải có đủ số chứng khoán trong tài khoản, còn khi đặt lệnh mua nhà đầu tư phải có đủ tiền ký quỹ theo thỏa thuận với CTCK.

Trường hợp đã xác định được đối tác giao dịch:

Nếu nhà đầu tư đã tìm được đối tác giao dịch và đã hoàn tất thỏa thuận giao dịch thì thông báo cho CTCK về thỏa thuận này (bao gồm: chứng từ xác nhận thỏa thuận, cam kết giữa 2 bên về khối lượng, giá thỏa thuận, mã số giao dịch của cả 2 bên...), CTCK sẽ thực hiện nhập lệnh giao dịch vào hệ thống của SGD.

Trường hợp chưa xác định được đối tác giao dịch (khách hàng chủ động quảng cáo - chủ động đặt mua hoặc chào bán):

Khi có nhu cầu giao dịch, nhà đầu tư đặt lệnh mua bán tại CTCK bằng cách điền các thông tin vào mẫu phiếu giao dịch thỏa thuận (mẫu quảng cáo giao dịch), và nộp phiếu lệnh cho nhân viên giao dịch hoặc gửi qua fax hoặc internet.

B3: Thực hiện lệnh giao dịch theo yêu cầu của khách hàng

Sau khi nhận lệnh của nhà đầu tư, đại diện giao dịch của CTCK kiểm tra các quảng cáo giao dịch thỏa thuận. Nếu CTCK là người tạo thị trường cho loại chứng khoán khách hàng đặt mua hoặc bán thì bộ phận giao dịch của công ty sẽ trực tiếp thương lượng và thỏa thuận với khách hàng. Nếu CTCK không phải là người tạo thị trường thì công ty sẽ nhập lệnh vào hệ thống giao dịch của SGD. Ngay lập tức các lệnh đó sẽ được hiển thị trên sổ lệnh của thị trường. Căn cứ vào thông tin trên sổ lệnh, công ty sẽ liên lạc với các CTCK có các loại chứng khoán này để giúp nhà đầu tư tìm kiếm và thỏa thuận với các đối tác giao dịch về mức giá và khối lượng giao dịch, nhằm đảm bảo giao dịch mua bán có lợi nhất cho khách hàng. Khi đạt được thỏa thuận, CTCK sẽ thực hiện lệnh giao dịch cho nhà đầu tư.

B4: Hệ thống giao dịch của thị trường OTC xác nhận các lệnh giao dịch do CTCK nhập vào và sẽ đưa ra kết quả giao dịch tổng hợp của toàn thị trường.

B5: Kết quả giao dịch thỏa thuận sẽ được hiển thị ngay trên màn hình của đại diện giao dịch và màn hình thông tin của CTCK.

Ví dụ về phương thức giao dịch trên thị trường OTC

Giả sử ông Nam muốn mua 100 cổ phiếu của công ty XYZ, loại cổ phiếu này đang được mua bán trên thị trường OTC. Ông Nam gọi điện cho 1 công ty môi giới và đặt lệnh mua 100 cổ phiếu của công ty XYZ với giá thị trường cho người đại diện có giấy phép của công ty. Tuy nhiên, công ty này không phải là người tạo thị trường cho cổ phiếu XYZ. Vì vậy người đại diện của công ty không thể thực hiện ngay lệnh mua cổ phiếu cho ông Nam. Do đó ông ta sẽ nói với ông Nam rằng, ông ta sẽ kiểm tra trên thị trường và sẽ gọi báo lại cho ông Nam. Người đại diện sẽ gọi điện cho 1 số nhà giao dịch đang tạo thị trường của cổ phiếu XYZ. Giả sử người đại diện liên lạc với 3 nhà giao dịch A, B, C.

- Nhà giao dịch A yết giá cổ phiếu XYZ là 43.500 - 45.000 (nghĩa là A sẽ mua cổ phiếu XYZ với giá 43.500đ và bán với giá 45.000đ.

- Nhà giao dịch B yết giá cổ phiếu XYZ là 43.800 - 45.300

- Nhà giao dịch C yết giá cổ phiếu XYZ là 43.600 - 45.200

Từ các yết giá đó người đại diện thấy rằng ông ta chỉ có thể mua cổ phiếu thường XYZ với giá thấp nhất là 45.000đ - Giá chào bán của nhà giao dịch A. Trên cơ sở đó người đại diện của công ty môi giới sẽ gọi lại và thông báo cho ông Nam rằng ông ta có thể bán cho ông Nam 100 cổ phiếu XYZ mà ông đang cần mua với giá 46.000, tức là công ty môi giới đã cộng thêm tiền lãi của mình là 1000đ / cổ phiếu. Đây là chênh lệch giữa giá công ty trả để mua cổ phiếu với giá bán cổ phiếu cho ông Nam.

Hiện nay ở Việt Nam, giao dịch chứng khoán trên thị trường OTC được hiểu là các hoạt động giao dịch mua bán chứng khoán không thông qua các sở và TTGDCK, và phổ biến là mua bán các cổ phiếu chưa niêm yết hoặc đăng ký giao dịch tại các sàn giao dịch, mua bán trái phiếu chuyển đổi và quyền mua cổ phiếu của người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa.

Hoạt động môi giới chứng khoán trên thị trường OTC sôi động và phát triển cùng với sự thăng trầm của thị trường OTC. Từ cuối năm 2005 đến nay, giao dịch chứng khoán trên thị trường OTC phát triển mạnh, số lượng người tham gia môi giới chứng khoán cũng tăng nhanh. Thực tế cho thấy, đông nhất và sôi động nhất là những người làm việc trong các NHTM cổ phần (thực tế này xuất hiện khi giá cổ phiếu của NHTM cổ phần đó sôi động, nhu cầu mua tăng cao...). Tiếp đến là những người môi giới xuất hiện ngay tại nơi làm thủ tục chuyển nhượng cổ phiếu của một số NHTM cổ phần, thông tin môi giới qua trang web, hoặc ngay tại sàn giao dịch của một số công ty chứng khoán. Trong các phiên đấu giá trái phiếu và cổ phiếu hấp dẫn cũng thường có sự xuất hiện của không ít các nhà môi giới OTC. Sau khi trúng thầu họ bán lại ngay cho người khác.

Người có nhu cầu mua hoặc bán một loại chứng khoán nào đó có thể giao dịch trực tiếp với môi giới, hoặc qua điện thoại, qua Email, tin nhắn... nhưng cuối cùng thì cũng phải trực tiếp gặp nhau. Thông thường nhà môi giới chứng khoán hưởng phí trên cơ sở doanh số mua, bán thành công, còn trên thị trường OTC thu nhập của họ là chênh lệch giá mua bán. Ví dụ: cổ phiếu của MB thời điểm giữa tháng 1/2007 được nhà môi giới mua vào với giá 7,9 triệu đồng / cổ phiếu, bán ra 8 trđ/ cổ phiếu; cổ phiếu Eximbank mua vào với giá 11,53 trđ bán ra 11,6; cổ phiếu của VPbank mua vào 70.500đ/cổ phiếu bán ra 71.000đ/ cổ phiếu. Nguyên tắc của môi giới là mua cao bán cao, mua thấp bán thấp và khớp lệnh giữa người mua và người bán. Trường hợp các lệnh mua không mua hết so với nhu cầu bán thì tạm thời nhà môi giới mua số cổ phiếu chênh lệch đó nếu dự đoán giá cổ phiếu đang lên.

Có thể nói rằng, hoạt động mua bán chứng khoán trên thị trường được gọi là OTC ở Việt Nam trong thời gian qua chưa có văn bản pháp lý nào điều chỉnh, nên thực chất đây là thị trường tự do. Vì vậy, mua bán cổ phiếu trên thị trường này thường phát sinh một số loại rủi ro như: tranh chấp hay thiệt hại về quyền mua cổ phần mới để tăng vốn điều lệ của công ty cổ phần, tranh chấp hay thiệt hại về cổ tức, rủi ro trong mua bán cổ phiếu chưa được chuyển nhượng, rủi ro trong chuyển nhượng quyền mua...

Chương 4 HỆ THỐNG LƯU KÝ, THANH TOÁN BÙ TRỪ VÀ THÔNG TIN CỦA TTCK

4.1. HỆ THỐNG ĐĂNG KÍ, LƯU KÍ, THANH TOÁN BÙ TRỪ CHỨNG KHOÁN

4.1.1. Khái niệm, chức năng và vai trò của hệ thống đăng kí, lưu kí và thanh toán bù trừ chứng khoán

4.1.1.1. Khái niệm

Hệ thống đăng kí, lưu kí và thanh toán bù trừ chứng khoán là tên gọi của một hệ thống trang thiết bị, con người, các quy định về hoạt động đăng kí, lưu kí và thanh toán bù trừ chứng khoán. Hệ thống này thực hiện một số hoạt động chính sau đây:

- Đăng kí chứng khoán: là việc đăng kí các thông tin về chứng khoán và quyền sở hữu chứng khoán của người nắm giữ chúng.

- Lưu kí chứng khoán: là hoạt động lưu giữ, bảo quản, chuyển giao chứng khoán cho khách hàng và giúp khách hàng thực hiện các quyền liên quan đến sở hữu chứng khoán: quyền nhận cổ tức, ghi chép theo dõi những thay đổi về tình hình đăng kí, lưu kí chứng khoán, quyền tham gia đại hội cổ đông...

- Bù trừ chứng khoán: là việc xử lí thông tin về các giao dịch chứng khoán nhằm đưa ra một con số ròng cuối cùng mà các chủ thể tham gia phải thanh toán sau khi giao dịch. Kết quả bù trừ sẽ chỉ ra bên nào phải trả tiền, bên nào phải giao chứng khoán.

- Thanh toán: là hoạt động hoàn tất các giao dịch mua bán chứng khoán, trong đó các bên sẽ phải thực hiện nghĩa vụ của mình, bên mua phải trả tiền, bên bán giao chứng khoán.

Để thực hiện các hoạt động nêu trên, nhóm G30 (một tổ chức quốc tế của tư nhân hoạt động phi lợi nhuận, thành viên của G30 bao gồm các chuyên gia cao cấp của các ngân hàng trung ương, các ngân hàng quốc tế, các công ty chứng khoán và một số học giả) khuyến nghị cần hình thành một tổ chức lưu kí chứng khoán tập trung. Chức năng của tổ chức này là ghi chép, lưu giữ, bảo quản các chứng khoán dưới hình thức chứng chỉ hoặc phi chứng chỉ (phi vật chất) và quản lí tất cả bằng chứng về quyền sở hữu chứng khoán trong một cơ sở dữ liệu tập trung.

Tổ chức lưu kí tập trung có thể nhìn nhận như một ngân hàng chứng khoán, nơi thực hiện tất cả các chuyển khoản chứng khoán từ nhà môi giới này sang nhà môi giới khác, từ nhà môi giới đến các tổ chức đầu tư... Ngày nay, tại các TTCK phát triển, tổ chức lưu kí chứng khoán tập trung còn cung cấp thêm một loạt các dịch vụ có liên quan đến các chứng khoán nắm giữ cho các thành viên lưu kí như: bảo quản chứng chỉ vật chất, duy trì vận hành hệ thống chứng khoán ghi sổ và hệ thống thanh toán tiền được kết nối với các ngân hàng, hoặc các hệ thống bù trừ tiền khác, nhận và phân phối cổ tức, thu hộ thuế, quản lí việc vay và cho vay chứng khoán...

Ở Việt Nam, khi TTCK tập trung mới ra đời, Phòng đăng kí, lưu kí & TTBT thuộc TTGDCK TPHCM có nhiệm vụ thực hiện các chức năng này. Đến nay Trung tâm lưu kí chứng khoán (VSD) đã được thành lập thay thế cho phòng và đảm nhận cả 4 chức năng đăng kí, lưu kí, bù trừ và thanh toán chứng khoán.

Theo hệ thống này, các tài khoản chứng khoán của các thành viên lưu kí được mở tại VSD và tài khoản tiền được duy trì bởi ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam, ngân hàng được Ủy ban chứng khoán nhà nước chỉ định thực hiện thanh toán các giao dịch chứng khoán. Các chứng khoán được chuyển giao bởi các bút toán ghi sổ, tức là ghi nợ tài khoản chứng khoán của người bán và ghi có vào tài khoản chứng khoán của người mua.

Để thực hiện bù trừ và thanh toán giao dịch, toàn bộ dữ liệu giao dịch chứng khoán của SGDCK, TTGDCK được chuyển sang VSD sau khi kết thúc phiên giao dịch. Trong chu trình thanh toán, hệ thống sẽ kiểm tra những thành viên giao dịch có đủ tiền và chứng khoán để thanh toán hay không. Nếu một thành viên không có đủ số dư, hệ thống sẽ thông báo đến các thành viên để chuẩn bị tiền và chứng khoán cần thiết để hoàn tất các giao dịch.

Theo quy định hiện hành ở Việt Nam, chứng khoán của các công ty đại chúng và chứng khoán khác niêm yết tại các sàn giao dịch chứng khoán phải được lưu kí tập trung tại VSD trước khi thực hiện giao dịch. Việc lưu kí chứng khoán hiện nay được thực hiện theo cơ chế 2 cấp:

Ở cấp thứ nhất, nhà đầu tư trực tiếp mở tài khoản lưu kí chứng khoán tại các công ty chứng khoán hoặc các ngân hàng thương mại được UBCKNN cấp phép hoạt động lưu kí và đã đăng kí là thành viên lưu kí tại VSD để lưu kí chứng khoán.

Ở cấp thứ hai, các CTCK, các NHTM mở tài khoản tại VSD thực hiện tái lưu kí chứng khoán của nhà đầu tư tại VSD. VSD quản lí chứng khoán lưu kí dưới hình thức lưu kí tổng hợp của từng thành viên lưu kí.

4.1.1.2. Chức năng

Hệ thống đăng kí, lưu kí và thanh toán bù trừ chứng khoán với vai trò là hệ thống hỗ trợ cho hoạt động giao dịch của TTCK phải thực hiện các chức năng cơ bản sau:

- Quản lí các chứng khoán lưu kí của khách hàng.

- Ghi nhận quyền sở hữu và các thông tin về tình hình thay đổi của chứng khoán lưu kí cho khách hàng.

- Cung cấp các thông tin về chứng khoán giả mạo, bị mất cắp...

- Thực hiện các nghiệp vụ thanh toán tiền và chuyển giao chứng khoán sau khi các giao dịch được thực hiện.

- Xử lí các thông tin về việc thực hiện quyền của người sở hữu chứng khoán đối với tổ chức phát hành như thông báo họp đại hội cổ đông, đại diện ủy quyền... và giúp các nhà đầu tư thực hiện quyền thông qua mạng lưới của hệ thống.

- Phân phối lãi, trả vốn gốc và cổ tức cho người sở hữu chứng khoán.

- Giúp quản lí tỉ lệ nắm giữ của người sở hữu chứng khoán.

- Cung cấp các dịch vụ khác liên quan đến chứng khoán lưu kí như cầm cố chứng khoán, thu thuế.

4.1.1.3. Vai trò

Hệ thống lưu kí, bù trừ, thanh toán và đăng kí chứng khoán có vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động của TTCK. Nhờ có hệ thống này, các giao dịch chứng khoán mới được hoàn tất. Vai trò hỗ trợ cho hoạt động giao dịch của TTCK của hệ thống này được thể hiện ở các khía cạnh chính sau đây:

- Thanh toán các giao dịch chứng khoán để hoàn tất quy trình giao dịch

Giống như mua bán các hàng hóa thông thường khác, hoạt động giao dịch mua bán chứng khoán chỉ hoàn tất sau khi chứng khoán và tiền được chuyển giao giữa bên mua và bên bán, đảm bảo bên mua chứng khoán nhận được chứng khoán và bên bán chứng khoán nhận được tiền.

Việc đặt lệnh thực hiện các giao dịch mua bán mới chỉ là khâu đầu tiên của một chuỗi các hoạt động. Sau khi xác định được kết quả giao dịch (giao dịch nào được thực hiện, giao dịch nào không được thực hiện), hệ thống lưu kí, thanh toán bù trừ (LK&TTBT) và đăng kí chứng khoán có nhiệm vụ xác định các chủ thể phải giao chứng khoán, nhận tiền và ngược lại. Việc thanh toán các giao dịch được hoàn tất, một mặt tạo điều kiện để thực hiện các giao dịch tiếp theo; mặt khác, giúp các chủ thể tham gia thị trường có cơ hội kiếm lời, chớp được thời cơ kinh doanh nếu các công việc sau khi xác định được kết quả giao dịch được thực hiện một cách nhanh chóng (rút ngắn thời gian thanh toán).

- Là công cụ để quản lí TTCK

Nhờ việc quản lí thông tin về người sở hữu chứng khoán, hệ thống LK&TTBT giúp nhà quản lí biết được tỉ lệ nắm giữ của người sở hữu chứng khoán, kịp thời đưa ra các quyết định xử lí khi các tỉ lệ sở hữu của một số đối tượng vượt quá quy định.

Mặt khác, hệ thống còn quản lí các thông tin về các chứng khoán bị mất trộm, mất cắp, các chứng khoán không còn giá trị lưu hành... và thông báo công khai trên thị trường, giúp các nhà đầu tư tránh được rủi ro do không nắm bắt được các thông tin trên...

- Giảm chi phí cho các chủ thể tham gia thị trường

Nếu không có hệ thống LK&TTBT chứng khoán, các hoạt động này sẽ được thực hiện trực tiếp giữa các chủ thể tham gia giao dịch. Do không thực hiện bù trừ nên việc thanh toán phải thực hiện cho từng giao dịch. Việc thanh toán như vậy sẽ gây nên sự trùng lắp, khối lượng công việc quá nhiều, gây lãng phí các nguồn lực xã hội.

Khi hệ thống LK&TTBT chứng khoán hiện đại được áp dụng sẽ giảm chi phí cho các chủ thể tham gia thị trường. Ví dụ: giảm chi phí in ấn, bảo quản chứng chỉ chứng khoán; giảm chi phí trong quá trình nhận, kiểm đếm chứng chỉ khi thanh toán và lưu kí chứng khoán... Hơn nữa, khi hệ thống này phát triển đến một mức độ nhất định, các hoạt động đăng kí chứng khoán, thực hiện quyền của người sở hữu chứng khoán đều được thực hiện thông qua hệ thống quản lí cơ sở dữ liệu. Nhờ đó mà việc đăng kí chứng khoán được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả, giảm được chi phí cho cơ quan đăng kí chứng khoán.

- Giảm rủi ro cho hoạt động của thị trường

Nếu không có hệ thống LK&TTBT chứng khoán, việc thanh toán sẽ được thực hiện trực tiếp giữa các chủ thể tham gia giao dịch, và do đó xác suất rủi ro sẽ tăng lên khi phải thực hiện chuyển giao các chứng khoán dưới dạng vật chất. Trong hệ thống LK&TTBT chứng khoán, hầu hết các thanh toán được thực hiện qua các bút toán ghi sổ, góp phần đáng kể vào việc giảm bớt chuyển giao chứng khoán vật chất, làm giảm rủi ro phát sinh trong quá trình chuyển giao và thanh toán. Bên cạnh đó, luật pháp các nước thường có những quy định thống nhất đối với các chủ thể tham gia hệ thống LK&TTBT chứng khoán như: quy định về thời gian thanh toán, trách nhiệm thanh toán, biện pháp hỗ trợ khi có chủ thể tạm thời mất khả năng thanh toán, các hình thức xử phạt khi các chủ thể vi phạm quy định về đăng kí, LK&TTBT chứng khoán... Đây chính là những căn cứ pháp lí cần thiết vừa để bảo vệ, vừa để ràng buộc trách nhiệm của các chủ thể tham gia thị trường. Nhờ đó mà giảm bớt được các rủi ro cho từng chủ thể, cũng như rủi ro hệ thống cho toàn thị trường.

Kinh nghiệm phát triển TTCK của các nước cho thấy, thời gian thanh toán càng dài thì mức độ rủi ro đối với các chủ thể tham gia càng lớn. Rủi ro phát sinh trong quá trình này do nhiều nguyên nhân như: sự cố máy tính, rủi ro do quá trình tác nghiệp của nhân viên, rủi ro do đối tác mất khả năng thanh toán (thiếu tiền, thiếu chứng khoán)... Các rủi ro này sẽ được giảm thiểu nếu thời gian thanh toán được rút ngắn.

- Góp phần đẩy nhanh tốc độ luân chuyển vốn của các chủ thể tham gia thị trường

Hệ thống LK&TTBT chứng khoán có khả năng thực hiện phần lớn các công việc thanh toán, chuyển quyền sở hữu... một cách nhanh chóng nếu công việc này được thực hiện qua các bút toán ghi sổ. Nhờ đó nguồn vốn của các chủ thể tham gia thị trường sẽ được sử dụng hiệu quả hơn, thời gian để thực hiện các công việc nhanh hơn, đẩy nhanh tốc độ luân chuyển vốn của các chủ thể tham gia thị trường cũng như tốc độ luân chuyển vốn của toàn xã hội.

4.1.2. Quy trình đăng kí, lưu kí và thanh toán bù trừ chứng khoán

4.1.2.1. Quy trình đăng kí làm thành viên lưu kí của SGDCK

Bước 1: Tổ chức đăng kí hoạt động lưu kí nộp hồ sơ đăng kí thành viên lưu kí (TVLK):

- Đơn đăng kí làm thành viên lưu kí,

- Giấy cam kết và ủy quyền của TVLK trong quan hệ với SGDCK/ TTLKCK,

- Giấy ủy quyền cho nhân viên nghiệp vụ,

- Giấy ủy quyền cho ngân hàng chỉ định thanh toán (NHCĐTT),

- Danh sách nhân viên nghiệp vụ thực hiện LKCK đăng kí với SGDCK / TTLKCK,

- Bản đăng kí mẫu chữ kí, mẫu dấu của tổ chức xin cấp phép hoạt động lưu kí,

- Tài liệu mô tả hệ thống kho, két phục vụ hoạt động LKCK,

- Lí lịch có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền đối với các thành viên trong ban giám đốc hội sở và nhân viên nghiệp vụ tại hội sở.

Bước 2: Bộ phận quản lí lưu kí của SGDCK / TTLKCK kiểm tra bộ hồ sơ đăng kí làm TVLK và ghi ngày nhận trên biên nhận hồ sơ.

Bước 3: Bộ phận quản lí lưu kí kiểm tra tính đầy đủ hợp lệ của hồ sơ đăng kí làm thành viên, đề nghị bổ sung, chỉnh sửa nếu thấy cần thiết.

Bước 4: Bộ phận quản lí lưu kí lập và gửi thông báo đóng góp Qũy hỗ trợ thanh toán (HTTT) cho tổ chức đăng kí hoạt động lưu kí, thông báo nộp phí TVLK theo quy định.

Bước 5: Sau khi tổ chức đăng kí hoạt động lưu kí nộp QHTTT và phí TVLK, bộ phận quản lí lưu kí trình giám đốc SGDCK / TTLKCK:

- Tờ trình về việc kết nạp TVLK,

- Giấy chứng nhận TVLK,

- Hồ sơ đăng kí TVLK.

Bước 6: Giám đốc ra quyết định chấp thuận TVLK.

Bước 7: Gửi giấy chứng nhận thành viên lưu kí cho tổ chức đăng kí hoạt động lưu kí.

Bước 8: Thông báo về thành viên lưu kí cho UBCKNN.

4.1.2.2. Quy trình lưu kí chứng khoán

Giai đoạn đầu hình thành và phát triển TTCK của các nước, giao dịch chứng khoán được thực hiện theo hình thức trao tay, nghĩa là giao dịch chứng khoán kết thúc khi người bán giao chứng chỉ chứng khoán (Stock Certificate) cho người mua và người mua trao trả tiền cho người bán. Cùng với sự phát triển của TTCK và sự phát triển của công nghệ thông tin, hệ thống thanh toán dựa trên sự vận động của các chứng khoán vật chất trở nên lạc hậu vì tính ưu việt của hệ thống chứng khoán ghi sổ.

Một là, khi chứng khoán ghi sổ được sử dụng trong quá trình thanh toán, các rủi ro về mất mát, mất cắp, giả mạo khi dịch chuyển chứng khoán được ngăn chặn một cách hữu hiệu.

Hai là, việc hạch toán giao dịch mua bán đã xóa bỏ những phiền toái phát sinh trong quá trình rút, hoặc chuyển giao các chứng chỉ vật chất, làm cho quy trình và thủ tục thanh toán được hợp lí hóa hơn.

Ba là, nếu không may bị mất sổ chứng nhận sở hữu chứng khoán nhà đầu tư vẫn có thể mua hoặc bán chứng khoán trong thời gian chờ đợi được cấp sổ mới.

Bốn là, nhờ việc thanh toán được thực hiện toàn bộ bằng hệ thống chuyển khoản thay vì trao tay các chứng khoán vật chất , cho phép đẩy nhanh tiến độ thanh toán.

Để phát huy các lợi thế của chứng khoán ghi sổ, tùy theo tình hình phát triển của TTCK, mỗi quốc gia có thể lựa chọn một trong hai kĩ thuật: phi vật chất hóa hoặc bất động hóa các chứng chỉ chứng khoán.

Phi vật chất hóa là xóa bỏ các chứng chỉ vật chất chứng minh quyền sở hữu chứng khoán. Theo hình thức này, tổ chức lưu kí chứng khoán có trách nhiệm theo dõi quyền sở hữu chứng khoán. Định kì, tổ chức lưu kí có trách nhiệm lập báo cáo quyền sở hữu chứng khoán cho cổ đông và trái chủ. Mặc dù có nhiều lợi thế, nhưng do những rào cản về tâm lí, thói quen, điều lệ hoặc luật pháp mà TTCK của nhiều quốc gia vẫn chưa thể phi vật chất hóa chứng khoán một cách hoàn toàn. Thay vào đó một giải pháp khả thi hơn được triển khai, đó là bất động hóa các chứng khoán. Bất động hóa các chứng khoán là đặt các chứng chỉ chứng khoán vào một tổ chức lưu kí tập trung để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển khoản các chứng khoán. Việc chuyển quyền sở hữu sau đó chỉ xảy ra trong phạm vi tổ chức lưu kí tập trung mà không cần phải có sự chuyển dịch các chứng chỉ.

Hoạt động lưu kí chứng khoán thường bao gồm các công việc chính sau:

● Mở tài khoản lưu kí chứng khoán

Tài khoản lưu kí chứng khoán là tài khoản dùng để hạch toán việc gửi, rút, hoặc chuyển nhượng chứng khoán.

Tài khoản lưu kí chứng khoán gồm có:

- Tài khoản chứng khoán giao dịch,

- Tài khoản chứng khoán cầm cố,

- Tài khoản chứng khoán chờ niêm yết,

- Tài khoản chứng khoán chờ rút,

- Tài khoản thanh toán bù trừ chứng khoán đã giao dịch,

- Các tài khoản khác.

Nhà đầu tư muốn mua bán chứng khoán tại các sàn giao dịch phải phải làm thủ tục mở tài khoản lưu kí chứng khoán tại thành viên lưu kí và chỉ được đặt lệnh giao dịch thông qua thành viên này. TTLKCK mở tài khoản lưu kí chứng khoán để hạch toán và quản lí các chứng khoán kí gửi cho các thành viên. Phần chứng khoán thuộc sở hữu của nhà đầu tư của các thành viên lưu kí sẽ được hạch toán vào tài khoản giao dịch chứng khoán của khách hàng do SGDCK/ TTLKCK mở đứng tên công ty chứng khoán (thành viên giao dịch) và quản lí tách biệt với phần chứng khoán thuộc sở hữu của các thành viên đó.

● Kí gửi chứng khoán

Để chứng khoán tập trung vào TTLKCK, nhà đầu tư sở hữu chứng khoán phải gửi chứng khoán tại thành viên lưu kí nơi mở tài khoản lưu kí chứng khoán. Sau khi tiếp nhận và hạch toán chứng khoán kí gửi, thành viên đem chứng khoán tái lưu kí tại TTLKCK. Sau khi hạch toán vào tài khoản chứng khoán giao dịch của nhà đầu tư của thành viên lưu kí, TTLKCK gửi giấy báo có xác nhận việc gửi chứng khoán cho thành viên lưu kí.

Trường hợp lưu kí chứng khoán ghi sổ đặt mua trong đợt phát hành mới, phát hành thêm để tăng vốn, quy trình lưu kí chứng khoán thực hiện theo quy trình sau:

(1) Tổ chức phát hành làm thủ tục đăng kí lưu kí.

(2) Nhà đầu tư kí gửi chứng chỉ chứng khoán (nộp giấy chứng nhận quyền sở hữu chứng khoán).

(3) Thành viên lưu kí hạch toán vào tài khoản lưu kí khách hàng và thông báo cho nhà đầu tư.

(4) Thành viên kí gửi chứng chỉ chứng khoán vào TTLKCK,

(4*) Thành viên lưu kí lập danh sách khách hàng lưu kí chứng khoán ghi sổ, gửi danh sách này cho tổ chức phát hành.

(5*) Tổ chức phát hành đối chiếu danh sách khách hàng với danh sách cổ đông, gửi cho thành viên lưu kí kết quả xác nhận.

(5) Trung tâm LKCK hạch toán vào tài khoản lưu kí của thành viên và xác nhận với thành viên.

(6) Tổ chức phát hành nộp danh sách cổ đông kèm thông báo về thành viên lưu kí mà nhà đầu tư đã kí gửi chứng khoán.

(7) TTLKCK thực hiện bút toán tương ứng trên các tài khoản lưu kí, chuyển giấy xác nhận gửi chứng khoán cho tổ chức phát hành.

4.1.2.3. Quy trình bù trừ và thanh toán chứng khoán

Nhờ các tiến bộ trong công nghệ và truyền thông, hiện nay hầu hết các TTCK các nước đều áp dụng chung một quy trình bù trừ và thanh toán lõi (Core Clearing and Settlement Processes). Quy trình này được xây dựng dựa trên khuôn khổ các khuyến nghị của nhóm G30 và các nghiên cứu về rủi ro thanh toán sau đó.

Bước 1: Đối chiếu và kiểm tra các giao dịch

Sau khi xác định các giao dịch được thực hiện, tất cả các giao dịch được ghi chép "sao chụp" lại và được so khớp, đối chiếu và kiểm tra để đảm bảo rằng các chủ thể tham gia giao dịch đều đồng ý về các điều kiện giao dịch: loại chứng khoán, khối lượng, giá cả. Tùy thuộc vào cấu trúc của thị trường, quy trình ghi nhận và báo cáo giao dịch sẽ được thực hiện theo những cách thức khác nhau. Nếu là hệ thống giao dịch tự động, các thông tin về giao dịch có thể được cung cấp bởi hệ thống máy tính được nối mạng. Trong các thị trường dựa vào phương tiện truyền tin như điện thoại... các ghi nhận và báo cáo giao dịch được thực hiện một cách thủ công toàn phần hoặc bán phần.

Trong bước này, các thành viên tham gia giao dịch được sửa sai các chi tiết giao dịch. Lỗi trong các dữ liệu giao dịch là một trong những chướng ngại chủ yếu trong việc thực hiện thanh toán đúng hạn nên việc sửa lỗi trong giao dịch phải thực hiện trước khi kết thúc ngày T+1 theo khuyến nghị của G30.

Báo cáo giao dịch là sự thừa nhận pháp lí đầu tiên về giao dịch đã được thực hiện. Vì vậy các thông tin chi tiết trong báo cáo giao dịch gửi cho tổ chức bù trừ phải đầy đủ để có thể mô tả các đặc tính cơ bản của một giao dịch. Thông thường một báo cáo giao dịch sẽ bao gồm những thông tin chính như: (1) Ai (Who) là các chủ thể có liên quan trong giao dịch, (2) Chứng khoán gì (What) đã được giao dịch và số lượng giao dịch, (3) Nơi (Where) thực hiện giao dịch (sở giao dịch hay thị trường OTC), (4) Khi nào (When) thỏa thuận xong giao dịch (Trade Date) và khi nào thanh toán giao dịch (Settlement Date), (5) Tại sao (Why) giao dịch được thực hiện (loại giao dịch), (6) Giao dịch được thanh toán như thế nào.

Bước 2: Xác nhận giao dịch

Trong bước này các chủ thể giao dịch có thể rà soát và xác nhận các giao dịch trước khi thanh toán. Các ngân hàng, các tổ chức lưu kí và đại lí thanh toán có thể sử dụng hệ thống xác nhận giao dịch để thông tin cho các bên liên quan đến thanh toán. Nhóm G30 khuyến nghị, việc đối chiếu giao dịch nên thực hiện vào ngày T+1.

Bước 3: Bù trừ các giao dịch

Bù trừ các giao dịch là thủ tục cần thiết để tính toán, xác định và phân bổ nghĩa vụ chuyển giao chứng khoán và thanh toán tiền của các chủ thể tham gia vào ngày thanh toán. Bằng cách thiết lập các tài khoản tiền, chứng khoán và ghi nợ, ghi có vào các tài khoản thích hợp, việc bù trừ tiền và chứng khoán cho phép giảm thiểu khối lượng xử lí và mức độ rủi ro trong hệ thống thanh toán.

Có hai loại bù trừ là bù trừ song phương và bù trừ đa phương. Bù trừ song phương là bù trừ chỉ giữa hai chủ thể, còn bù trừ đa phương là bù trừ giữa nhiều chủ thể tham gia giao dịch mua bán chứng khoán.

Bước 4: Thanh toán và chuyển giao chứng khoán

Trong trường hợp phải chuyển giao chứng khoán nhưng chưa có sẵn, thành viên thiếu chứng khoán được khuyến khích vay mượn chứng khoán để thanh toán đúng hạn.

Thời gian để hoàn thành từng bước trong quy trình thanh toán tùy thuộc vào các thị trường. Tuy nhiên theo khuyến nghị của nhóm G30, thời gian thanh toán không nên chậm hơn T+3 ngày.

Ở Việt Nam, trước tháng 5 năm 2003, trong khuôn khổ của một TTCK sơ khai và nhỏ bé, chu trình thanh toán được áp dụng trên TTCK là T+4. Từ tháng 5 năm 2003 đến nay, chu trình thanh toán được rút gọn thành T+3.

● Chu trình thanh toán bù trừ đa phương áp dụng cho các chứng khoán niêm yết tại SGDCK TPHCM

Ngày Trách nhiệm của các bên có liên quan

T Phòng công nghệ thông tin chuyển kết quả giao dịch cho chi nhánh trung tâm lưu kí chứng khoán (TTLKCK), phòng lưu kí thanh toán bù trừ tại SGDCK TPHCM lập báo cáo thanh toán giao dịch để gửi cho các thành viên lưu kí.

T+1 Thành viên lưu kí đối chiếu các giao dịch của môi giới với nhà đầu tư, các giao dịch của tổ chức lưu kí, các giao dịch tự doanh và sửa lỗi giao dịch (nếu có).

T+2 Nếu không có báo cáo sửa lỗi giao dịch, TTLKCK thực hiện bù trừ các giao dịch chứng khoán theo phương thức bù trừ đa phương. Ngân hàng chỉ định thanh toán kiểm tra số dư trên tài khoản tiền gửi giao dịch chứng khoán của các thành viên lưu kí, phòng lưu kí kiểm tra số dư chứng khoán trên tàikhoản của các thành viên lưu kí, thông báo cho các thành viên lưu kí nếu số dư trên tài khoản không đủ số phải thanh toán.

T+3 Ngân hàng chỉ định thanh toán và phòng lưu kí phân bổ tiền và chứng khoán vào các tài khoản của các thành viên lưu kí có liên quan, quy trình kết thúc vào 15h30 cùng ngày..

● Chu trình thanh toán bù trừ song phương

Ngày Trách nhiệm của các bên có liên quan

T TTGDCK chuyển kết quả giao dịch cho phòng lưu kí thanh toán bù trừ lập báo cáo thanh toán giao dịch để gửi cho các thành viên lưu kí. Thành viên lưu kí đối chiếu các giao dịch của mình, ghi nhận các sai sót để thông báo cho TTLKCK và sửa lỗi giao dịch (nếu có và phải sửa xong trước khi chuyển giao dịch chứng khoán vào ngày T+2).

T+1 Nếu không có báo cáo sửa lỗi giao dịch, TTLKCK thực hiện bù trừ các giao dịch chứng khoán theo phương thức bù trừ song phương. Ngân hàng chỉ định thanh toán kiểm tra số dư trên tài khoản tiền gửi giao dịch chứng khoán của các thành viên lưu kí, phòng lưu kí kiểm tra số dư chứng khoán trên tài khoản của các thành viên lưu kí, thông báo cho các thành viên lưu kí nếu số dư trên tài khoản không đủ số phải thanh toán.

T+2 Ngân hàng chỉ định thanh toán và phòng lưu kí phân bổ tiền và chứng khoán vào các tài khoản của các thành viên lưu kí có liên quan, quy trình kết thúc vào 15h30 cùng ngày.

● Chu trình thanh toán trực tiếp tại TTGDCK HN

Ngày Trách nhiệm của các bên có liên quan

Ngày giao dịch Phòng giám sát giao dịch của TTGDCKHN chuyển kết quả giao dịch cho phòng lưu kí thanh toán bù trừ lập báo cáo thanh toán giao dịch để gửi cho các thành viên lưu kí. Thành viên lưu kí đối chiếu các giao dịch của mình, ghi nhận các sai sót để thông báo cho TTLKCK và sửa lỗi giao dịch (nếu có và phải sửa xong trước khi chuyển giao dịch chứng khoán vào ngày thanh toán theo quy định). Ngân hàng chỉ định thanh toán kiểm tra số dư trên tài khoản tiền gửi giao dịch chứng khoán của các thành viên lưu kí, phòng lưu kí kiểm tra số dư chứng khoán trên tài khoản của các thành viên lưu kí (kiểm tra trước ngày thanh toán 1 ngày), thông báo cho các thành viên lưu kí nếu số dư trên tài khoản không đủ số phải thanh toán.

Ngày thanh toán Ngân hàng chỉ định thanh toán và phòng lưu kí phân bổ tiền và chứng khoán vào các tài khoản của các thành viên lưu kí có liên quan, quy trình kết thúc vào 15h30 cùng ngày.

4.2. HỆ THỐNG THÔNG TIN TTCK

4.2.1 Thông tin và vai trò của hệ thống thông tin TTCK

4.2.1.1. Phân loại thông tin

Trong nền kinh tế thị trường, hệ thống thông tin liên quan đến các hoạt động và diễn biến của thị trường giữ một vị trí, vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của chính bản thân thị trường. Hệ thống thông tin của TTCK là hệ thống các chỉ tiêu, tư liệu phản ánh hoạt động của TTCK và các chủ thể tham gia TTCK cũng như tình hình, kinh tế, chính trị, xã hội liên quan đến thực trạng và tương lai phát triển của thị trường.

Hoạt động của TTCK là tổng hợp tất cả các mối quan hệ liên quan tới các giao dịch chứng khoán. Chính vì vậy, hệ thống thông tin của TTCK rất đa dạng và phong phú. Để có một cách nhìn tổng quát và hệ thống, chúng ta có thể phân loại thông tin TTCK theo các tiêu thức cơ bản sau:

- Theo loại chứng khoán, thông tin bao gồm :

+ Thông tin về cổ phiếu,

+ Thông tin về trái phiếu,

+ Thông tin về chứng chỉ quỹ đầu tư,

+ Thông tin về các chứng khoán phái sinh (quyền mua cổ phiếu, chứng quyền, quyền chọn...).

- Theo phạm vi bao quát, thông tin bao gồm:

+ Thông tin đơn lẻ từng chứng khoán,

+ Thông tin ngành,

+ Thông tin nhóm ngành,

+ Thông tin nhóm cổ phiếu đại diện và cả thị trường,

+ Thông tin về thị trường trong nước và quốc tế.

- Theo chủ thể cung cấp thông tin, thông tin bao gồm:

+ Thông tin của các đơn vị thành viên: đơn vị niêm yết, công ty chứng khoán,

+ Thông tin của các cơ quan quản lí thị trường: UBCKNN, SGDCK, Hiệp hội các nhà KDCK...

+ Thông tin của các tổ chức phụ trợ: công ty định mức tín nhiệm, tổ chức LK&TTBT...

+ Thông tin từ các cơ quan báo chí...

- Theo thời gian, thông tin bao gồm:

+ Thông tin quá khứ, thông tin hiện tại và thông tin dự báo tương lai,

+ Thông tin tổng hợp theo thời gian: ngày, tuần, tháng, quý, năm...

4.2.1.2. Vai trò của thông tin TTCK

Thông tin có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành nhận thức của con người, trong quản lí kinh tế xã hội của Nhà nước, trong công tác giáo dục đào tạo và là một bộ phận hợp thành cũng như một yếu tố thúc đẩy sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Nhu cầu về thông tin là phổ biến và liên tục. Kinh tế xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về thông tin ngày càng cao và trở nên cấp thiết, thông tin đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp nói riêng và đối với toàn xã hội nói chung.

Đối với TTCK, khi niềm tin trở thành một yếu tố không thể thiếu được trong quá trình phát triển thị trường thì thông tin trở thành một yếu tố hết sức nhạy cảm và quan trọng. TTCK là thị trường của niềm tin, niềm tin đó được xây dựng trên nền tảng thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch. Sự cần thiết của của hệ thống thông tin bắt nguồn từ chính nguyên tắc công khai của TTCK. Với nguyên tắc này, mọi chủ thể tham gia thị trường phải có cơ hội và quyền bình đẳng như nhau trong việc được cung cấp đầy đủ các thông tin về thị trường. Càng có nhiều thông tin về tổ chức phát hành, về TTCK nhà đầu tư càng có nhiều cơ sở nền tảng cho việc ra quyết định đầu tư. Với vai trò của mình, thông tin là nhân tố tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của TTCK. Tuy nhiên sự tác động như thế nào, theo chiều hướng nào còn tùy thuộc vào chất lượng của thông tin. Khi các thông tin đưa ra chính xác, kịp thời, đầy đủ, rộng khắp sẽ tạo nên sự công bằng giữa các nhà đầu tư trong tiếp nhận thông tin, hạn chế các giao dịch nội gián, tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư, góp phần tích cực vào sự phát triển của TTCK. Ngược lại, thông tin công bố không chính xác, hoặc chính xác nhưng không đầy đủ, kịp thời...làm mất lòng tin của nhà đầu tư đối với tổ chức phát hành, với tổ chức kinh doanh chứng khoán, với người tổ chức và quản lí thị trường..., dẫn đến thị trường hoạt động không ổn định và cao hơn nữa là sự sụp đổ của cả hệ thống TTCK nói riêng và thị trường tài chính nói chung.

Bên cạnh những tác động tổng hợp, thông tin cũng có tác động mạnh mẽ đến từng chủ thể tham gia thị trường.

+ Đối với tổ chức phát hành: hệ thống thông tin là cơ sở quan trọng giúp tổ chức phát hành lựa chọn đúng loại chứng khoán, thời điểm và phương thức phát hành - yếu tố không thể thiếu để mang đến sự thành công cho mỗi đợt phát hành. Đồng thời, thông tin là cơ sở đưa họ đến với công chúng, đến với nhà đầu tư. Không có thông tin sẽ chẳng có ai biết đến đợt phát hành và cũng có nghĩa tổ chức phát hành không huy động được vốn đầu tư.

+ Đối với các nhà đầu tư: Hệ thống thông tin là cơ sở dữ liệu cần thiết để nhà đầu tư cân nhắc trước khi ra các quyết định đầu tư. Thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác giúp nhà đầu tư có quyết định kịp thời, đúng đắn. Với các quyết định đúng, họ có thể giảm thiểu rủi ro và không ngừng nâng cao hiệu quả vốn đầu tư.

+ Đối với các công ty chứng khoán: Hệ thống thông tin là cơ sở tin cậy trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh cũng như chiến lược phát triển của công ty phù hợp với hiện trạng và xu thế của thị trường.

+ Đối với các cơ quan quản lý thị trường: Hệ thống thông tin là căn cứ thực tiễn để đánh giá khách quan thực trạng, là cơ sở để điều chỉnh, hoàn thiện quy trình, quy chế hoạt động của thị trường, nhằm đảm bảo cho sự vận hành có hiệu quả của TTCK...

4.2.2. Một số thông tin cơ bản về TTCK

Hệ thống thông tin TTCK bao gồm nhiều loại khác nhau. Tùy theo mục đích của người sử dụng thông tin, họ có thể sử dụng nhóm thông tin này, hoặc nhóm thông tin khác, hoặc phối kết hợp đồng thời nhiều nhóm thông tin. Tuy nhiên trong thực tế, để đảm bảo tính khách quan, đồng bộ và hiệu quả, hệ thống thông tin TTCK thường được cập nhật và phân tích theo 4 nguồn chính, đó là: thông tin từ tổ chức niêm yết, từ tổ chức kinh doanh chứng khoán, từ thực tiễn giao dịch thị trường và từ các cơ quan quản lý.

4.2.2.1. Thông tin về tổ chức niêm yết chứng khoán

Tổ chức niêm yết là tổ chức có chứng khoán đăng kí giao dịch tại các trung tâm hoặc SGDCK. Tổ chức niêm yết phải thực hiện công bố thông tin theo quy chế giao dịch và theo cơ chế quản lí thị trường. Thông thường, tổ chức niêm yết phải cử một đại diện công bố thông tin và mọi thông tin công bố chính thức phải qua đầu mối này để chuyển tải ra thị trường. Các thông tin mà tổ chức niêm yết phải công bố bao gồm:

- Bản cáo bạch: đây là tài liệu công ty niêm yết chuẩn bị và công bố khi xin cấp phép phát hành chứng khoán. Đối với công ty đã phát hành, khi đăng kí niêm yết cũng phải chuẩn bị tài liệu giới thiệu tóm tắt về công ty như: hội đồng quản trị, ban giám đốc, các cổ đông lớn của công ty, số lượng cổ phiếu được phép phát hành và đã phát hành, báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh trong 2 năm gần nhất, báo cáo tổng kết tài sản, báo cáo thu nhập và thu chi tiền tệ...

- Thông tin định kì: công ty niêm yết phải công bố công khai các thông tin định kì theo quý, nửa năm và năm, bao gồm: bảng cân đối kế toán, báo cáo thu nhập, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, thuyết minh báo cáo tài chính. Hiện nay ở Việt Nam, công ty niêm yết phải công bố công khai báo cáo thu nhập hàng tháng.

- Thông tin đột xuất (thông tin bất thường): mỗi khi xuất hiện thông tin đột xuất, và nếu công bố ra sẽ ảnh hưởng đến giá chứng khoán của công ty đó thì công ty niêm yết phải công bố ngay lập tức trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Hình thức công bố thông tin này yêu cầu công ty niêm yết phải công bố ngay khi điều cho phép, nhưng không muộn quá 24 tiếng kể từ khi sự kiện xảy ra, ví dụ: kí được hợp đồng lớn, tài khoản của công ty bị phong tỏa, tạm ngừng kinh doanh, bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh, mua bán cổ phiếu quỹ, mua bán cổ phiếu của cổ đông sáng lập, cổ đông lớn...

- Thông tin theo yêu cầu: đây là các thông tin mà các cơ quan quản lí có thẩm quyền như UBCKNN, SGDCK, cơ quan thống kê, cơ quan công an, pháp lí... yêu cầu cung cấp, ví dụ: thông tin ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá chứng khoán và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư cần phải xác nhận thông tin đó. Thông thường các thông tin này không công bố khai khi chưa cần thiết.

4.2.2.2. Thông tin từ tổ chức kinh doanh chứng khoán

Ngoài các thông tin trong các báo cáo tài chính quý, nửa năm, năm, các tổ chức kinh doanh chứng khoán như: công ty chứng khoán, công ty quản lí quỹ đầu tư cần báo cáo về số tài khoản đầu tư chứng khoán đã mở, số dư chứng khoán và tiền, tình hình giao dịch của các tài khoản, các giao dịch lô lớn, tình hình mua bán cổ phiếu quỹ,... Nếu do nhu cầu quản lí, các cơ quan quản lí như UBCKNN, SGDCK có thể yêu cầu các tổ chức này báo cáo chi tiết hơn ở một số ngày giao dịch, hoặc tình hình giao dịch, số dư tài khoản chứng khoán của một số khách hàng.

4.2.2.3. Thông tin thị trường

Thông tin thị trường do SGDCK hoặc các TTGDCK cung cấp. Để phát huy tối đa vai trò của hệ thống thông tin, SGDCK phải tổ chức hệ thống cung cấp thông tin thị trường và các thông tin liên quan khác một cách đầy đủ, đồng bộ, khách quan, trung thực, kịp thời và chính xác.

Các thông tin do SGDCK cung cấp thường bao gồm: thông tin về các loại chứng khoán, thông tin về giao dịch (khối lượng giao dịch, giá khớp lệnh, giá trị giao dịch của từng chứng khoán và toàn thị trường), thông tin về tỷ lệ chứng khoán được khớp lệnh, thông tin về quan hệ cung cầu, thông tin về các chỉ số của thị trường, độ sâu (market depth), độ rộng (market breadth) của thị trường; thông tin về quản lí giao dịch và quy chế, nguyên tắc giao dịch chứng khoán. Các thông tin này được cập nhật thường xuyên và thường được công bố trên tờ thông tin chứng khoán hoặc các trang web của SGDCK.

Ở Việt Nam, SGDCK TPHCM (HoSE) và TTGDCK Hà Nội thường công bố các thông tin sau:

- Mã các chứng khoán niêm yết tại HoSE, TTGDCK Hà Nội,

- Số lượng chứng khoán niêm yết,

- Cổ tức (DIV) của các chứng khoán lần trả gần nhất,

- Thu nhập thuần (EPS) năm gần nhất cho một cổ phiếu thường,

- Hệ số giá trên thu nhập (P/E),

- Giá đóng cửa của phiên giao dịch, mức độ biến động so với giá đóng cửa ngày hôm trước,

- Khối lượng giao dịch, giá trị giao dịch,

- Tổng khối lượng đặt mua, khối lượng đặt mua với giá cao nhất,

- Tổng khối lượng chào bán, khối lượng chào bán với giá thấp nhất,

4.2.2.4. Thông tin về quản lí

Thông tin về quản lí thường bao gồm các thông tin về cơ quan quản lí, cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ và phối hợp công tác ; thông tin về các văn bản pháp lí về chứng khoán và TTCK.

Ở Việt Nam các thông tin về quản lí chủ yếu giới thiệu về UBCKNN, SGDCK, TTGDCK và các văn bản pháp quy về chứng khoán và TTCK như : Luật chứng khoán, các nghị định của Chính phủ, các thông tư hướng dẫn, các quyết định của các bộ và UBCKNN.

4.2.3. Các yêu cầu về công bố thông tin

Công bố thông tin TTCK được hiểu là các cách thức để truyền tải thông tin đến công chúng, đến các thành viên tham gia thị trường và những người khác có nhu cầu tiếp nhận thông tin. Dù công bố thông tin theo hình thức nào: thông tin viết, thông tin bằng âm thanh, thông tin bằng hình ảnh và thông tin đa phương tiện, bằng phương tiện gì (các ấn phẩm, các website, bảng điện tử, báo chí...) thì việc công bố thông tin cũng phải đảm bảo các nguyên tắc : chính xác, đầy đủ, kịp thời, liên tục và công bằng đối với các đối tượng nhận thông tin.

Thứ nhất, tính chính xác của thông tin

Tính chính xác của thông tin trước hết thể hiện ở tính chính thức của thông tin, tức là thông tin phải do người có thẩm quyền công bố và các thông tin đã được kiểm định, phê duyệt như : các báo cáo tài chính đã được kiểm toán hoặc các thông tin đã được hội đồng quản trị của công ty thông qua, các dự án đã được phê duyệt... Điều này có tác động rất lớn đến tính chính xác của thông tin. Một khi các thông tin đã được kiểm định, hoặc được người có thẩm quyền phê duyệt tức là các thông tin đó không còn là thông tin không chính thức, thông tin ''vỉa hè'', và được đảm bảo bằng chính những người đã thẩm định, phê duyệt. Họ sẽ là những người có trách nhiệm khi có những biến động nhất định liên quan đến các nguồn thông tin trên.

Tính chính xác của thông tin còn được thể hiện ở việc thông tin đó có phản ánh đúng tình hình hoạt động của tổ chức phát hành, cũng như các biến động về nhân sự cấp cao, về giao dịch cổ phiếu của cổ đông sáng lập, của cổ đông lớn... hay không. Vì vậy, công bố thông tin đòi hỏi phải tôn trọng tính trung thực vốn có của thông tin, không được xuyên tạc, bóp méo thông tin hoặc có hành vi cố ý gây hiểu nhầm thông tin. Chẳng hạn như trong kế toán, lời lỗ ngắn hạn trong nhiều trường hợp thuộc về kĩ thuật hạch toán (tức là phương pháp tính), hay các công ty con thường bán lòng vòng sản phẩm cho nhau rồi ghi vào doanh thu của cả công ty mẹ lẫn công ty con...

Thứ hai, tính đầy đủ của thông tin

Trên thực tế, có thể có những thông tin đã đúng nhưng chưa đủ. Tính đầy đủ của thông tin thể hiện ở việc công bố đầy đủ các mặt hoạt động của tổ chức phát hành, tình hình giao dịch trên thị trường, tình hình môi trường kinh tế, chính trị xã hội trong nước và thế giới. Tính đầy đủ là một trong những tiêu chí quan trọng của chất lượng thông tin. Một khi có thông tin đầy đủ, công chúng nói chung, nhà đầu tư nói riêng sẽ có được cái nhìn toàn diện về tổ chức phát hành và do đó sẽ đưa ra được các quyết định đầu tư đúng, đảm bảo sự công bằng, minh bạch trên thị trường, tăng niềm tin của họ vào thị trường và vào tổ chức phát hành. Có thể có những công ty chỉ công bố về tình hình sản xuất kinh doanh, mà không công bố những biến động về nhân sự cấp cao dẫn đến thông tin mà nhà đầu tư nhận được không đầy đủ. Điều này có thể ảnh hưởng ở mức độ nhất định đến giá cổ phiếu, và những người nắm được thông tin sẽ có thể trục lợi. Do đó, đảm bảo tính đầy đủ của thông tin là yêu cầu rất cần thiết.

Thứ ba, tính kịp thời và liên tục của thông tin

Tính kịp thời và liên tục cũng là một đặc tính cấu thành chất lượng thông tin. Các thông tin phải đảm bảo được đưa ra trong một thời gian nhất định và hợp lí kể từ khi phát sinh thông tin. Việc công bố thông tin kịp thời sẽ giúp nhà đầu tư tránh được những hiểu lầm đáng tiếc từ những tin đồn trên thị trường, góp phần giảm bớt các giao dịch nội gián. Một thông tin đưa ra mặc dù đã chính xác và đầy đủ nhưng nếu không kịp thời có thể là nguyên nhân làm sai lệch giá chứng khoán, hoặc dẫn đến các giao dịch nội gián. Chỉ cần thông tin bị rò rỉ trước một ngày, thậm chí một vài giờ đã dẫn đến những giao dịch không công bằng, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư chân chính. Vì vậy, để đảm bảo tính kịp thời, liên tục luật pháp về CK & TTCK các nước thường ban hành các quy định về thời hạn và quy trình công bố thông tin, và đòi hỏi các tổ chức có trách nhiệm cung cấp thông tin phải tuân tủ nghiêm ngặt các quy định này.

Chương 5 PHÂN TÍCH ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

5.1. ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

5.1.1. Khái niệm và đặc điểm của đầu tư chứng khoán

● Khái niệm

Đầu tư là việc bỏ vốn vào một lĩnh vực nào đó để nhằm đạt được mục tiêu xác định. Tương ứng với tính chất bỏ vốn và mục tiêu đầu tư, đầu tư bao gồm nhiều loại như: Đầu tư cho tiêu dùng và đầu tư cho sản xuất kinh doanh, đầu tư của Chính phủ và đầu tư của cá nhân, đầu tư không vì mục tiêu lợi nhuận và đầu tư vì mục tiêu lợi nhuận...Đầu tư chứng khoán là một trong những loại đầu tư vì mục tiêu lợi nhuận.

Đầu tư chứng khoán là hình thức đầu tư trong đó nhà đầu tư sử dụng các nguồn vốn để mua chứng khoán nhằm mục tiêu chủ yếu là thu lợi nhuận.

Thu nhập mà nhà đầu tư nhận được thông qua hành vi bỏ vốn mua chứng khoán của một tổ chức phát hành nào đó trước hết là lợi tức do chứng khoán mang lại theo những kỳ hạn nhất định như : cổ tức, trái tức. Với khía cạnh này, chúng ta mới chỉ đề cập đến các giao dịch chứng khoán trên thị trường sơ cấp khi tổ chức phát hành phát hành chứng khoán ra thị trường để huy động vốn. Cùng với sự phát triển của TTCK nhất là thị trường thứ cấp, hoạt động đầu tư còn được thực hiện trên thị trường thứ cấp. Hơn thế nữa, đầu tư chứng khoán cũng không phải chỉ nhằm mục tiêu hưởng thu nhập từ tổ chức phát hành (trừ trường hợp không có ý định bán chứng khoán mà mình sở hữu) mà còn để tìm kiếm những khoản thu nhập từ chênh lệch giá chứng khoán, thu nhập từ việc mua bán các chứng khoán phái sinh, hoặc để phân tán rủi ro trong đầu tư. Ngoài ra, hoạt động đầu tư còn có thể nhằm thực hiện các mục tiêu phi kinh tế theo chiến lược đầu tư của họ.

● Đặc điểm của đầu tư chứng khoán

Đầu tư chứng khoán có thể coi là một loại đầu tư cao cấp, một loại đầu tư chỉ tồn tại và phát triển trong nền kinh tế thị trường hiện đại. Đầu tư chứng khoán, nếu so với các loại đầu tư khác có các đặc trưng riêng có sau:

- Thứ nhất, đầu tư chứng khoán là hình thức đầu tư tài chính linh hoạt do các chứng khoán thường có tính thanh khoản khá cao. Xuất phát từ tính thanh khoản của chứng khoán mà các nhà đầu tư có thể linh hoạt hóa trong việc đầu tư và rút vốn đầu tư dưới hình thức mua và bán chứng khoán trên thị trường.

- Thứ hai, so với việc gửi tiết kiệm, đầu tư chứng khoán thường đem lại mức lợi nhuận kỳ vọng cao hơn nhưng rủi ro tiềm ẩn cũng cao hơn. Với đặc trưng này, đầu tư chứng khoán phù hợp hơn với các nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong đầu tư để đổi lại anh ta sẽ có mức thu nhập kì vọng cao hơn.

- Thứ ba, mặc dù đầu tư chứng khoán được thực hiện ở kênh tài chính trực tiếp nhưng các giao dịch này thường được thực hiện thông qua các trung gian để giảm thiểu rủi ro. Với các điều kiện phát hành và niêm yết chứng khoán ngày càng được hoàn thiện và chặt chẽ hơn để đảm bảo các chứng khoán có chất lượng được giao dịch trên thị trường. Tuy nhiên, rủi ro luôn là người bạn đồng hành bất đắc dĩ của các nhà đầu tư. Khác với thị trường hàng hóa, dịch vụ thông thường các chứng khoán thường được giao dịch thông qua các trung gian môi giới của thị trường. Đặc trưng này vừa xuất phát từ yêu cầu khách quan do tính trừu tượng của chứng khoán đồng thời cũng bắt nguồn từ cơ chế hoạt động của TTCK tập trung.

5.1.2. Các hình thức đầu tư chứng khoán

Có nhiều hình thức đầu tư chứng khoán khác nhau tùy theo tiêu thức phân loại.

- Căn cứ vào công cụ đầu tư, đầu tư chứng khoán bao gồm: đầu tư cổ phiếu, đầu tư trái phiếu của doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính quyền địa phương, đầu tư chứng chỉ quỹ đầu tư.

- Căn cứ và mục đích đầu tư, đầu tư chứng khoán bao gồm: đầu tư nhằm hưởng lợi ích về kinh tế (cổ tức, trái tức, lãi vốn), đầu tư nhằm nắm giữ quyền quản lý kiểm soát tổ chức phát hành.

- Căn cứ vào thời gian đầu tư, đầu tư chứng khoán bao gồm: đầu tư ngắn hạn, đầu tư dài hạn.

Đầu tư ngắn hạn có thể thực hiện theo các hình thức sau :

+ Đầu tư vào trái phiếu ngắn hạn : hình thức đầu tư này thường thích hợp với các nhà đầu tư ngại rủi ro. Do tính hoán tệ của các trái phiếu ngắn hạn cao nên chi phí chuyển đổi thành tiền không lớn, thời gian chuyển đổi thành tiền ngắn.

+ Đầu tư vào các cổ phiếu, trái phiếu dài hạn và bán đi khi cần thiết. Với hình thức đầu tư này nhà đầu tư có thể thu được món lợi lớn qua các thương vụ đầu tư nhưng mức độ rủi ro cũng rất cao và vì thế nó chỉ thích hợp với những nhà đầu tư mạo hiểm.

Đầu tư dài hạn có thể thực hiện theo các hình thức sau :

+ Đầu tư vào cổ phiếu : Trong hình thức đầu tư này thu nhập của nhà đầu tư không chỉ là cổ tức và giá trị cổ phiếu gia tăng theo thời gian mà nhà đầu tư còn là chủ sở hữu, tham gia quản lí và kểm soát công ty tương ứng với tỉ lệ sở hữu cổ phiếu.

+ Đầu tư vào trái phiếu dài hạn : trong hình thức này, nhà đầu tư nhận được trái tức theo định kì nhất định nào đó, nhưng khác với đầu tư trái phiếu ngắn hạn, lãi suất trái phiếu dài hạn thường cao hơn.

Việc phân chia hoạt động đầu tư theo thời gian chỉ có tính tương đối. Vì, thứ nhất mục tiêu cuối cùng của tất cả các hoạt động đầu tư dù là ngắn hạn hay dài hạn đều là tối đa hóa lợi ích ; thứ hai, sự chuyển giao giữa các hình thức đầu tư trên có thể thực hiện một cách dễ dàng do phát sinh nhu cầu thanh toán đột xuất hoặc do sự biến động giá cả trên thị trường. Vì thế một nhà đầu tư có ý định mua cổ phiếu hoặc trái phiếu dài hạn và giữ chúng lâu dài, nhưng vì một lí do nào đó, ví dụ như giá cổ phiếu tăng giảm quá mạnh, do nhu cầu chi tiêu đột xuất quá lớn họ sẽ bán chứng khoán đó đi để chuyển hướng đầu tư hoặc đáp ứng nhu cầu thanh toán. Ngược lại, một nhà đầu tư mua trái phiếu dài hạn hoặc cổ phiếu với mục đích đầu tư ngắn hạn, nhưng do giá các chứng khoán đã đầu tư liên tục gia tăng nên họ có thể quyết định nắm giữ chúng trong dài hạn.

5.1.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư chứng khoán

Do theo đuổi mục tiêu tìm kiếm lợi ích tối đa và hạn chế thấp nhất những rủi ro cũng như đáp ứng nguyện vọng có thể dễ dàng chuyển chứng khoán thành tiền khi cần thiết, nên trước khi ra quyết định đầu tư, nhà đầu tư cần nghiên cứu và cân nhắc các yếu tố sau:

● Thu nhập

Thu nhập là mục đích của đầu tư. Vì vậy thu nhập là yếu tố đầu tiên mà nhà đầu tư cần quan tâm tính toán và phân tích trước khi ra quyết định đầu tư. Thu nhập trong đầu tư chứng khoán thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: ví dụ: lợi tức trái phiếu (trái tức), lợi tức cổ phiếu (cổ tức), chênh lệch giá trên thị trường, chênh lệch giá trị sổ sách của cổ phiếu qua quá trình tích lũy vốn của công ty cũng như sự xuất hiện của các tài sản vô hình... Do đó, để có thể đánh giá được mức thu nhập trong hoạt động đầu tư, nhà đầu tư không chỉ quan tâm tới mức lãi suất, hoặc các lợi tức hiện hành (đặc biệt đối với cổ phiếu) mà phải đặt sự chú ý nhiều hơn đối với triển vọng của công ty phát hành và những thay đổi trong tổng số cổ đông. Thông thường trong phân tích khả năng thu nhập của các cổ phiếu, người ta thường sử dụng các hệ số chi trả cổ tức, hệ số thị giá / thư giá, hệ số P/E, tốc độ tăng trưởng của công ty...

● Rủi ro

Rủi ro trong đầu tư chứng khoán là những hệ quả ngoài mong muốn, biểu hiện ở sự suy giảm và các tổn thất về lợi ích kinh tế của nhà đầu tư.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rủi ro trong đầu tư chứng khoán và theo đó tác động của chúng đến thu nhập thực tế cũng rất khác nhau, với các đặc trưng và mức độ rủi ro cao thấp khác nhau. Khi đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư có thể phải chấp nhận một số loại rủi ro chính sau đây.

Rủi ro lãi suất: là sự tổn thất, suy giảm hiệu quả vốn đầu tư do biến động của lãi suất thị trường.

Rủi ro sức mua: là sự suy giảm về thu nhập thực tế của chứng khoán do sự sa sút về sức mua của tiền tệ.

Rủi ro thị trường: là những biến động của thị trường (quan hệ cung cầu, cạnh tranh giữa các nhà đầu tư...) dẫn đến sự mất giá của chứng khoán đang được giao dịch trên thị trường.

Rủi ro quản lý: là những sai sót và nhầm lẫn của các nhà quản trị doanh nghiệp phát hành chứng khoán dẫn đến sự giảm sút về hiệu quả các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến lợi nhuận đầu tư chứng khoán.

Rủi ro phá sản: là rủi ro do sự phá sản của tổ chức phát hành (chủ yếu là các doanh nghiệp) gây ra những tổn thất về vốn đầu tư và lợi nhuận dự kiến của các nhà đầu tư chứng khoán.

Rủi ro thanh khoản: là sự suy giảm về tính thanh khoản của chứng khoán biểu hiện dưới hình thức tăng chi phí chuyển đổi chứng khoán thành tiền và từ đó làm giảm lợi nhuận dự kiến của chứng khoán.

Rủi ro ngành: là những biến động của ngành làm giảm lợi nhuận đầu tư chứng khoán.

Ngoài ra, còn có thể phát sinh nhiều loại rủi ro khác như rủi ro kĩ thuật, rủi ro đạo đức, rủi ro pháp luật... Nhận dạng và tiên liệu trước các rủi ro có thể phát sinh đối với mỗi hình thức đầu tư là biện pháp quan trọng giúp nhà đầu tư đạt được các mục tiêu đặt ra trong đầu tư chứng khoán.

● Tính hoán tệ của chứng khoán

Tính hoán tệ của chứng khoán là yếu tố quan trọng tác động đến các quyết định đầu tư chứng khoán. Bởi vì, hầu hết các nhà đầu tư không phải lúc nào cũng tính trước được những nhu cầu tiêu dùng để xác định lượng tiền dự trữ phục vụ yêu cầu thanh toán, nên hành động bán chứng khoán để đáp ứng nhu cầu chi trả có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Mặt khác, do nhiều yếu tố tác động khác nhau mà nhu cầu và mục tiêu đầu tư có thể thay đổi theo thời gian, và do đó nhu cầu hoán tệ (bán chứng khoán) cũng sẽ nảy sinh. Trên thực tế, khả năng hoán tệ của chứng khoán phụ thuộc vào một số yếu tố cơ bản sau:

- Số người nắm giữ chứng khoán: loại chứng khoán nào được phát hành rộng rãi ra công chúng thì số người nắm giữ chứng khoán đông đảo hơn, từ đó việc mua bán chúng cũng phổ biến và dễ dàng hơn.

- Chất lượng của chứng khoán: thể hiện chủ yếu ở mức độ an toàn của chứng khoán và điều này lại phụ thuộc vào khả năng thanh toán của tổ chức phát hành. Thông thường những chứng khoán có rủi ro tiềm ẩn thấp thì tính hoán tệ cao và ngược lại.

- Chi phí giao dịch: việc mua bán trên TTCK chủ yếu được thực hiện thông qua các nhà môi giới. Vì thế, các nhà đầu tư luôn phải trả một khoản chi phí nào đó khi mua bán chứng khoán. Nếu khoản chi phí là hợp lí, nhà đầu tư có thể dễ dàng bán chứng khoán khi cần thiết, ngược lại nếu chi phí quá cao nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc kĩ trước khi ra quyết định dẫn tới thời gian bán chứng khoán kéo dài, làm giảm tính hoán tệ của chứng khoán. Thông thường tính hoán tệ của chứng khoán tỉ lệ thuận với khả năng sinh lợi, tỉ lệ nghịch với tính rủi ro và thời gian đáo hạn của chứng khoán.

- Chế độ quản lí ngoại hối: các nhà đầu tư nước ngoài, khi bán chứng khoán và chuyển thu nhập về nước thường chuyển đổi ra tiền nước ngoài. Do đó, nếu thủ tục chuyển đổi ngoại hối phức tạp, thời gian thanh toán kéo dài, đứng trên giác độ là nhà đầu tư nước ngoài, tổng thời gian để chuyển đổi chứng khoán thành loại tiền mà họ yêu cầu sẽ lâu hơn, và đó cũng là một nguyên nhân cản trở đối với nhà đầu tư nước ngoài.

● Tâm lí và bản lĩnh của nhà đầu tư

Có thể nói rằng, trong đầu tư chứng khoán, nếu thu nhập (doanh lợi) kì vọng là động lực thôi thúc, lôi kéo các nhà đầu tư sẵn sàng tiếp cận các quyết định đầu tư thì ngược lại, rủi ro luôn là một trở ngại, làm giảm sự nhiệt tình đó, buộc họ phải cẩn trọng, cân nhắc. Thu nhập là cái mà nhà đầu tư có thể nhận được, ngược lại rủi ro là cái giá vô hình cho mức thu nhập dự kiến trong tương lai mà nhà đầu tư phải chấp nhận nếu muốn đạt được mục tiêu của mình. Thu nhập và rủi ro đồng thời hiện hữu với các quyết định đầu tư. Tuy nhiên, việc ra quyết định lựa chọn loại chứng khoán, phương thức đầu tư cũng có những điểm khác biệt giữa các nhà đầu tư. Ngoài thu nhập, rủi ro và khả năng thanh khoản, một quyết định đầu tư nào đó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chủ quan của nhà đầu tư như: trình độ kiến thức, kinh nghiệm, tâm lý và bản lĩnh của nhà đầu tư. Thông thường trên TTCK có 3 nhóm nhà đầu tư:

- Nhóm những người có năng lực, kiến thức và bề dày kinh nghiệm. Thêm vào đó họ sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm. Nhóm người này thường lựa chọn những chứng khoán có khả năng rủi ro cao, đổi lại họ sẽ có một mức thu nhập tương xứng với cái giá họ phải chấp nhận. Đây là nhóm người đại diện cho những nhà đầu tư cổ phiếu, hoặc các loại trái phiếu dài hạn của các công ty.

- Nhóm những người mua, bán chứng khoán theo trào lưu là những người thiếu bản lĩnh, lí trí, kinh doanh một cách thụ động. Loại chứng khoán mà họ mua, bán là tất cả các loại chứng khoán hiện hữu đang được giao dịch sôi động trên thị trường.

- Nhóm những người thuộc trường phái thận trọng, không dám chấp nhận mạo hiểm, đổi lại họ sẽ có những khoản thu nhập chắc chắn khiêm tốn trong tương lai. Chứng khoán mà họ sẵn sàng giao dịch là những chứng khoán có mức thu nhập hợp lý với một hệ số an toàn khá cao, điển hình là trái phiếu chính phủ ngắn hạn.

5.2. PHÂN TÍCH ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

5.2.1. Mục đích và yêu cầu của phân tích đầu tư chứng khoán

Chứng khoán là loại hàng hóa đặc biệt, chất lượng và giá trị của chúng không được chứa đựng trong các bằng chứng pháp lí xác nhận sự tồn tại của chứng khoán như các hàng hóa khác mà nó phụ thuộc vào thực trạng hoạt động và tương lai của tổ chức phát hành. Bên cạnh đó, giá trị chứng khoán còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như sự thay đổi của môi trường kinh doanh, diễn biến của thị trường chứng khoán...

Vì vậy, để có thể đánh giá được chất lượng và giá trị của chứng khoán làm cơ sở cho việc ra các quyết định đầu tư, người ta thường phải tiến hành các hoạt động phân tích về chứng khoán và TTCK.

Phân tích đầu tư chứng khoán là các hoạt động thu thập thông tin, phân tích, đánh giá về chứng khoán và TTCK trong quá khứ, hiện tại và dự báo tương lai.

● Mục đích của phân tích đầu tư chứng khoán

►Mục đích trung gian

+ Lựa chọn chứng khoán để đầu tư

Trên TTCK, số lượng chứng khoán nhiều hay ít tùy thuộc vào thực tế phát triển của nó. Thị trường càng phát triển, số lượng chứng khoán được phát hành và niêm yết càng nhiều. Bằng những giác quan thông thường, nhà đầu tư không thể biết được loại chứng khoán nào tốt, loại chứng khoán nào không tốt để ra quyết định đầu tư. Bởi mỗi loại chứng khoán khác nhau thì hiệu quả và rủi ro cũng tồn tại ở các mức độ khác nhau. Vì vậy thông qua các hoạt động phân tích và (phân tích cơ bản - fundamental analysis) nhà đầu tư sẽ có cơ sở để chọn mua những chứng khoán có triển vọng tốt nhưng đang bị thị trường đánh giá thấp.

+ Lựa chọn thời điểm mua, bán chứng khoán

Giống như các hình thức đầu tư khác, quyết định đầu tư chứng khoán của các nhà đầu tư bao giờ cũng gắn với những cơ hội và rủi ro tiềm ẩn trong suốt quá trình đầu tư. Với những diễn biến theo các chiều hướng khác nhau của thị trường, đòi hỏi nhà đầu tư phải có những phản ứng tức thời với các quyết định tối ưu. Chính bởi vậy, việc phân tích đầu tư chứng khoán được coi là tiền đề, là cơ sở quan trọng cho những phản ứng và quyết định đó. Thông qua các dữ liệu, các thông tin có độ tin cậy cao và bằng những phương pháp phân tích phù hợp (phân tích kỹ thuật - technical analysis) nhà đầu tư xác định được thời điểm mua, bán; nhờ đó có thể chớp được những cơ hội mà thị trường mang lại.

► Mục đích cuối cùng

Phân tích đầu tư chứng khoán là một trong những công cụ hữu hiệu giúp nhà đầu tư thực hiện các mục tiêu trong đầu tư chứng khoán, đó là:

+ Tối đa hoá hiệu quả vốn đầu tư,

+ Tối thiểu hoá rủi ro trong đầu tư chứng khoán.

● Yêu cầu của phân tích đầu tư chứng khoán

- Đưa ra được các kết quả phân tích, đánh giá về mỗi loại chứng khoán - trong quá khứ, hiện tại và triển vọng tương lai để làm cơ sở cho việc ra quyết định loại chứng khoán, hoặc danh mục chứng khoán đầu tư.

Hoạt động phân tích đầu tư chứng khoán ra đời và song song tồn tại cùng với sự hiện diện của chứng khoán, đầu tư chứng khoán. Cùng với sự phát triển của TTCK, vai trò của của phân tích đầu tư chứng khoán càng được khẳng định và thể hiện một cách rõ ràng hơn. Để phát huy được vai trò của mình, phân tích đầu tư chứng khoán phải phân loại, chọn lọc các thông tin từ các nguồn cung cấp đa dạng, phải áp dụng các phương pháp phân tích phù hợp và phải có một nhận định toàn diện để đưa ra các cơ sở tin cậy cho các quyết định đầu tư.

- Đưa ra được các biểu đồ, đồ thị về quy mô giao dịch, diễn biến về giá, chỉ số giá của từng loại chứng khoán, của một nhóm ngành, của từng thị trường và các chỉ số khác của TTCK...; nhận dạng các xu thế về giá trong quá khứ, hiện tại và dự báo trong tương lai.

Với các TTCK phát triển sôi động, diễn biến thị trường thường rất phức tạp, thậm chí chứa đựng nhiều yếu tố bất ổn. Sự chi phối khắc nghiệt của quy luật cạnh tranh, cơ chế tự điều tiết với sự chi phối của quy luật cung cầu đã và đang đặt ra cho các nhà đầu tư phải lựa chọn chứng khoán và thời điểm thích hợp để đầu tư. Khi nào thì nên mua, hoặc bán chứng khoán, đó là bài toán cần có lời giải đáp. Câu trả lời chỉ có thể có được nếu các nhà phân tích đầu tư chứng khoán đưa ra được các biểu đồ, đồ thị và nhận dạng được các trào lưu lên xuống của giá chứng khoán trong quá khứ, hiện tại và dự báo được xu thế về giá trong tương lai.

5.2.2. Các phương pháp phân tích đầu tư chứng khoán

5.2.2.1. Phân tích cơ bản (fundamental analysis)

Phân tích cơ bản bao gồm các hoạt động phân tích môi trường đầu tư (như phân tích nền kinh tế toàn cầu, phân tích nền kinh tế quốc gia, phân tích ngành) và phân tích doanh nghiệp làm cơ sở cho việc ra quyết định thị trường đầu tư, lĩnh vực và danh mục các loại chứng khoán đầu tư.

● Phân tích kinh tế vĩ mô và phân tích ngành (phân tích môi trường đầu tư)

Trong nền kinh tế thị trường, nhất là trong xu thế hội nhập sự tồn tại, phát triển cũng như sự suy thoái của các doanh nghiệp là hệ quả tất yếu khách quan, đôi khi hoàn toàn không phụ thuộc vào chủ quan của chính bản thân doanh nghiệp. Tương lai của doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào viễn cảnh của nền kinh tế toàn cầu, nền kinh tế quốc gia, xu hướng phát triển của ngành và các chiến lược kinh doanh cũng như tình hình tài chính của doanh nghiệp. Xu hướng biến động giá cổ phiếu cũng như khả năng cổ tức và thu nhập dự kiến của doanh nghiệp phụ thuộc vào tương lai của doanh nghiệp. Do đó, để có thể lựa chọn chứng khoán và các phương thức đầu tư tối ưu thì việc phân tích và dự đoán tương lai của doanh nghiệp phát hành trong mối quan hệ hữu cơ với các tình huống kinh tế vĩ mô và ngành sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả vốn đầu tư.

►Phân tích nền kinh tế toàn cầu

Xu hướng kinh tế hội nhập đã tạo ra một sự ràng buộc lẫn nhau về sự phát triển của các nền kinh tế cũng như bản thân các doanh nghiệp. Trong thời đại ngày nay, sự tăng trưởng hoặc suy thoái kinh tế của quốc gia, khu vực này sẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng hoặc suy thoái kinh tế tất yếu của các quốc gia khác. Điều đó đã đặt ra không ít các câu hỏi khác nhau cho các chuyên gia kinh tế trong phân tích nền kinh tế hoàn cầu về các yếu tố cũng như sự ảnh hưởng của nó tới các nền kinh tế.

Các yếu tố cơ bản thuộc môi trường kinh tế toàn cầu có ảnh hưởng đến tương lai của doanh nghiệp bao gồm:

- Các diễn biến về chính trị trong khu vực cũng như của từng quốc gia;

- Tốc độ tăng trưởng GDP của các khu vực cũng như của từng quốc gia;

- Các chiến lược và chính sách kinh tế tài chính của các quốc gia như: chính sách tỷ giá, chính sách lãi suất, hàng rào thuế quan, chính sách bảo hộ cho nền kinh tế nội địa...

- Sự can thiệp của các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế như: chính sách đầu tư, hỗ trợ, chính sách lãi suất..

- Các liên kết kinh tế của các khu vực, các quốc gia, các tập đoàn kinh tế ...

- v.v...

Tất cả các yếu tố trên đã, đang và sẽ luôn luôn là các yếu tố tác động trực tiếp tới tương lai của từng doanh nghiệp trên các khía cạnh như: khả năng xuất khẩu, sức cạnh tranh, quan điểm và các chiến lược đầu tư trong nước cũng như ra nước ngoài của doanh nghiệp...

►Phân tích nền kinh tế quốc gia

Thực tế đã chứng minh rằng bên cạnh sự ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu, mỗi nền kinh tế của từng quốc gia đều có những thế mạnh và khó khăn riêng trong chiến lược phát triển của mình. Điều đó đã là lời giải đáp thỏa đáng là tại sao trong cùng một giai đoạn lịch sử có những nền kinh tế ổn định và tăng trưởng, nhưng ngược lại có không ít những nền kinh tế vẫn chưa thể thoát ra khỏi cảnh đói nghèo và lạc hậu. Nền kinh tế quốc gia là ngôi nhà thường trú mà trong đó các doanh nghiệp tồn tại và hoạt động. Do đó, để đánh giá tương lai của một doanh nghiệp thì không được bỏ qua việc xem xét môi trường kinh tế vĩ mô của quốc gia sở tại.

Các yếu tố cơ bản thuộc môi trường kinh tế vĩ mô của các quốc gia ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của các doanh nghiệp trong tương lai bao gồm:

- Tổng sản phẩm quốc nội (GDP): sự tăng trưởng GDP phản ánh sự phồn thịnh của quốc gia, là chỉ tiêu cơ bản phản ánh tổng quát thực trạng của nền kinh tế, thể hiện mức độ cơ hội để doanh nghiệp có thể thực thi các chiến lược đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh của mình.

- Tỷ lệ lạm phát: là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá thực lực cũng như triển vọng phát triển của từng nền kinh tế. Tỷ lệ lạm phát cao và có xu hướng gia tăng làm giảm sút thu nhập thực tế từ đầu tư chứng khoán.

- Tỷ lệ thất nghiệp: là tỉ lệ người lao động trong tổng lực lượng lao động chưa tìm được việc làm. Chỉ tiêu này phản ánh công suất hoạt động của nền kinh tế. Tuy nhiên, khi xem xét chỉ tiêu này cũng cần phải đặt trong mối quan hệ về trình độ phát triển công nghệ của từng quốc gia để có thể đánh giá khách quan nền kinh tế của từng quốc gia.

- Lãi suất: lãi suất bình quân của nền kinh tế là yếu tố cơ bản cấu thành chi phí sử dụng vốn, chi phối thường xuyên đến quá trình ra các quyết định đầu tư. Các mức lãi suất cao sẽ làm giảm giá trị hiện tại của các dòng tiền tương lai, từ đó làm giảm tính hấp dẫn của các cơ hội đầu tư chứng khoán. Lãi suất (lãi suất thực) là yếu tố chủ yếu cấu thành chi phí đầu tư kinh doanh, là giới hạn để lựa chọn phương hướng đầu tư. Do đó, khi phân tích tìm kiếm cơ hội đầu tư chứng khoán, chúng ta phải xem xét và dự báo lãi suất. Lãi suất phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố như: quy mô nguồn tiền gửi tiết kiệm; quan hệ cung cầu vốn trong nền kinh tế; sự can thiệp của chính phủ;...

- Thâm hụt ngân sách: Là yếu tố ảnh hưởng đến các quyết định tăng thu ngân sách và cắt giảm chi tiêu của chính phủ, tăng lãi suất huy động vốn,... từ đó sẽ ảnh hưởng đến lãi suất thị trường, giá cả và tình hình lạm phát, nghĩa vụ đóng thuế của các chủ thể kinh doanh, nhu cầu của thị trường,...

- Tâm lý của công chúng: tâm lý của công chúng ảnh hưởng trực tiếp quy mô cầu tiêu dùng của thị trường. Nếu người tiêu dùng tin vào thu nhập trong tương lai của họ sẽ tăng thì họ sẵn sàng tăng chi tiêu. Tương tự, nếu người kinh doanh dự đoán rằng nhu cầu đối với sản phẩm của họ sẽ tăng thì họ sẽ gia tăng sản xuất và dự trữ. Do đó, tâm lý của công chúng người tiêu dùng ảnh hưởng đến tổng cầu của nền kinh tế nói chung cũng như cơ hội mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

- Chu kỳ của nền kinh tế: sự thay đổi tuần hoàn các trạng thái kinh tế theo trình tự: Tăng trưởng - Suy thoái - Phục hồi của nền kinh tế quốc gia có ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của các doanh nghiệp. Điều này lưu tâm các nhà đầu tư chứng khoán rằng trong đầu tư luôn luôn phải có một cái nhìn xa hơn, rộng hơn về viễn cảnh của doanh nghiệp trong mối quan hệ với chu kỳ của nền kinh tế.

► Phân tích chính sách của Chính phủ

" Người ta không thể vỗ tay bằng một bàn tay". Điều đó đã khẳng định vai trò tất yếu khách quan của Nhà nước, của Chính phủ đối với nền kinh tế của từng quốc gia. Nói cách khác, sự phát triển hay suy thoái của nền kinh tế vĩ mô chịu sự chi phối trực tiếp bởi vai trò quản lý và điều tiết của Nhà nước. Trong phân tích chính sách của Chính phủ liên quan tới đầu tư chứng khoán cần quan tâm đến 2 chính sách lớn là:

- Chính sách tài chính: chính sách tài chính của Chính phủ bao gồm các chính sách thuế và chính sách chi tiêu của Chính phủ cho đầu tư phát triển. Thuế là một định chế tài chính ảnh hưởng trực tiếp tới chính sách giá cả hàng hóa của doanh nghiệp, đến thu nhập thực tế của người tiêu dùng và các chủ thể kinh doanh. Tương tự, tăng hoặc giảm chi tiêu của Chính phủ sẽ làm thay đổi quy mô nhu cầu tiêu dùng đối với hàng hoá, dịch vụ.

- Chính sách tiền tệ: chính sách tiền tệ của Nhà nước có liên quan đến việc huy động các nguồn tiền nhàn rỗi trong nền kinh tế, điều tiết cung ứng tiền tệ để kích thích đầu tư và tiêu dùng, từ đó ảnh hưởng đến cơ chế lãi suất. Bởi vậy, chính sách tiền tệ của Chính phủ sẽ chi phối đến chiến lược huy động vốn, kế hoạch đầu tư phát triển của doanh nghiệp.

Khi phân tích về môi trường pháp luật của một quốc gia cần quan tâm đến các khía cạnh: tính đồng bộ, tính khả thi, tính hiệu quả, tính ổn định và tính quốc tế của hệ thống pháp luật đó. Một môi trường pháp lí đồng bộ, hiệu quả, ổn định... là môi trường tốt cho hoạt động đầu tư chứng khoán, góp phần hạn chế rủi ro, và ngược lại một môi trường pháp lí không đồng bộ, hiệu lực thấp, thay đổi thường xuyên... sẽ làm gia tăng nguy cơ rủi ro pháp luật trong đầu tư chứng khoán.

► Phân tích ngành

Phân tích ngành thực chất là phân tích quan hệ cung - cầu một, hoặc một nhóm hàng hóa, dịch vụ do một ngành nào đó đảm nhận. Doanh nghiệp là một trong những hạt nhân trực tiếp cấu thành cung của ngành. Khi phân tích ngành cần quan tâm đến các nội dung cơ bản:

- Phân tích chu kỳ sống của sản phẩm: Chu kỳ sống của sản phẩm liên quan trực tiếp tới chiến lược quy mô sản xuất, kinh doanh của từng doanh nghiệp. Tương thích với các giai đọan trong chu kỳ sống sản phẩm, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm đó thay đổi thì hiệu quả vốn đầu tư của doanh nghiệp cũng sẽ bị thay đổi. Dưới góc độ đầu tư chứng khoán, các nhà đầu tư không những quan tâm tới lợi nhuận của một kỳ đầu tư trong hiện tại mà còn phải quan tâm tới lợi nhuận kỳ vọng trong tương lai đối với các chứng khoán có thể đầu tư. Với khía cạnh đó, khi nào mua, khi nào bán chứng khoán là một trong những vấn đề mà nhà đầu tư phải quan tâm.

- Phân tích cơ cấu và các thế lực của ngành: Thương trường như chiến trường. Đó là hệ quả tất yếu của cơ chế thị trường do sự hiện diện và chi phối của quy luật cạnh tranh. Sức cạnh tranh của các doanh nghiệp là tổng hòa của các yếu tố như: khả năng tài chính, công nghệ, kinh nghiệm tổ chức và quản lý kinh doanh, uy tín tên tuổi của doanh nghiệp...Ảnh hưởng của cạnh tranh tới sự sống còn của các doanh nghiệp thường được biểu hiện dưới các hình thức như: mối đe doạ xâm nhập của các đối thủ cạnh tranh hiện hữu cũng như các đối thủ tiềm năng, sức ép từ các sản phẩm cùng loại thay thế, thế độc quyền của người mua, người bán...

- Xác định hệ số rủi ro của ngành (hệ số β), từ đó tính toán lợi suất đòi hỏi của nhà đầu tư theo mô hình CAPM

E(R) = Rf + β(Rm - Rf)

Trong đó: E(R) là mức lợi suất đòi hỏi của nhà đầu tư

Rf : lãi suất phi rủi ro

Rm : mức sinh lời bình quân của thị trường

β : hệ số rủi ro của ngành

Phân tích ngành có vai trò quan trọng tác động trực tiếp đến hiệu quả của mỗi quyết định đầu tư.

- Tỷ suất sinh lời của các ngành là khác nhau -> việc phân tích ngành sẽ giúp nhà đầu tư chọn được những ngành có lợi suất cao để đầu tư.

- Ngay trong một ngành, lợi suất cũng không ổn định -> việc phân tích ngành sẽ giúp nhà đầu tư tìm được cơ hội đầu tư và rút vốn đầu tư đúng lúc.

- Các ngành khác nhau có mức độ rủi ro khác nhau -> việc phân tích ngành sẽ giúp nhà đầu tư có thể đánh giá mức độ rủi ro của ngành để xác định mức lợi suất đầu tư tương xứng cần phải đạt được.

- Từ thực tế, mức độ rủi ro của mỗi ngành có sự biến động không nhiều theo thời gian. Việc phân tích mức độ rủi ro của từng ngành trong quá khứ giúp nhà đầu tư có thể dự đoán rủi ro của nó trong tương lai.

● Phân tích doanh nghiệp

Trong đầu tư, ngạn ngữ thường có câu: "Trông giỏ bỏ thóc". Không có một nhà đầu tư nào lại không quan tâm tới địa chỉ nơi mà anh ta muốn đầu tư vốn để tìm kiếm một mức lợi nhuận như mong muốn với rủi ro thấp nhất. Doanh nghiệp là nơi trực tiếp sử dụng vốn đầu tư và là nơi trực tiếp hứa hẹn sẽ đem lại những lợi ích kinh tế cho nhà đầu tư. Bởi vậy, việc phân tích doanh nghiệp có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, liên quan trực tiếp tới việc lựa chọn chứng khoán để đầu tư.

► Phân tích chiến lược phát triển của doanh nghiệp

Các nội dung chính cần quan tâm trong phân tích chiến lược phát triển doanh nghiệp bao gồm :

* Lịch sử của doanh nghiệp

Đôi khi việc nghiên cứu quá khứ của một doanh nghiệp là điều rất có ích để có thể hiểu rõ được chiến lược phát triển của nó ở hiện tại và tương lai. Ví dụ : một doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ bằng việc thâu tóm các doanh nghiệp khác sẽ hầu như không có sự thay đổi trong chiến lược của nó trong tương lai, trừ khi có biến động lớn về cơ cấu quyền lực.

* Nguồn nhân lực

Con người là yếu tố có tính quyết định đến hiệu quả kinh doanh, đến sự tồn vong và phát triển của một doanh nghiệp. Trong phân tích về nguồn nhân lực người ta thường quan tâm đến hai dạng sau :

- Người lãnh đạo

Thực tế cho thấy, khả năng của người lãnh đạo, uy tín, tiếng tăm của họ là nguyên nhân dẫn đến những thành công của các doanh nghiệp mà họ điều hành. Người lãnh đạo trong các công ty cổ phần lớn thường có tầm nhìn xa trông rộng hơn các chủ doanh nghiệp nhỏ. Các nhà lãnh đạo sắp đến tuổi nghỉ hưu cũng có xu hướng hạn chế việc theo đuổi các dự án cỡ lớn. Điều này có nguy cơ làm giảm khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp trong nhiều năm sau. Chính vì thế tuổi tác cũng có tầm quan trọng như khả năng quản lí của người lãnh đạo.

- Người lao động

Người lao động là hạt nhân của năng lực phát triển của doanh nghiệp. Người lao động có trình độ chuyên môn cao, có kĩ năng và kinh nghiệm nghề nghiệp sẽ có nhiều khả năng trong cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Mặt khác các chi phí đào tạo và quá trình tuyển dụng các nguồn nhân lực cũng cần được nghiên cứu một cách tỉ mỉ, bởi nó là yếu tố tác động trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực của mỗi doanh nghiệp.

* Nguồn lực tài chính

Chiến lược của một doanh nghiệp phải được đặt trong mối quan hệ với khả năng tài chính của nó. Người ta sẽ suy nghĩ như thế nào về một doanh nghiệp khẳng định mong muốn phát triển nhờ vào những nguồn lực bên ngoài, vay nợ nhiều nhưng lại không có tài sản gì đáng kể ? Một doanh nghiệp có nguồn lực tài chính hùng mạnh là điều kiện tốt để không ngừng nâng cao vị thế, thương hiệu và khả năng chiếm lĩnh thị trường, không chỉ trong nước mà còn cả thị trường quốc tế.

* Khách hàng và nhà cung cấp

Sự phát triển của một doanh nghiệp cũng phụ thuộc rất nhiều vào khách hàng và nhà cung cấp của họ. Hãy thử tưởng tượng, nếu doanh nghiệp có một khách hàng chiếm tới hơn 50% doanh số thì điều gì sẽ xảy ra nếu khách hàng đó chuyển sang mua hàng của một nhà cung cấp khác, hoặc khách hàng đó lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Vì lí do đó, một doanh nghiệp quá tập trung vào một nhóm khách hàng hay nhà cung cấp, hoặc chỉ có một số khách hàng lớn thường bị đánh giá có mức độ ổn định tài chính và khả năng toán thấp hơn so với những doanh nghiệp có nhiều khách hàng nhỏ.

* Chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp

Chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp là một trong những căn cứ quan trọng để xác định lợi nhuận dự kiến của các kỳ đầu tư chứng khoán trong tương lai. Chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp là các định hướng phát triển có tính chất dài hạn được thể hiện trên các kế hoạch chủ yếu của doanh nghiệp như:

- Kế hoạch đầu tư phát triển công nghệ,

- Kế hoạch sản phẩm,

- Kế hoạch phát triển thị trường,

- Kế hoạch huy động vốn dài hạn,

- v.v...

Một chiến lược kinh doanh mang tính khả thi là một chiến lược được hoạch định trên cơ sở các tham chiếu về tình hình và triển vọng của thị trường nội địa cũng như thị trường quốc tế, về chính sách kinh tế vĩ mô và sự can thiệp của Chính phủ, về khả năng đáp ứng của doanh nghiệp cho các chỉ tiêu kế hoạch...Với các nhà đầu tư, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp là một trong những căn cứ quan trọng để lựa chọn địa chỉ đầu tư vốn của mình.

► Phân tích tài chính doanh nghiệp

Tình hình tài chính doanh nghiệp được ví như một bức tranh toàn cảnh sống động và đầy đủ về "tình trạng sức khỏe" của một doanh nghiệp. Nếu xem xét các báo cáo tài chính doanh nghiệp giống như là bảng liệt kê các thông số ban đầu về thể trạng của cơ thể con người, thì phân tích các báo cáo tài chính được ví như việc các bác sĩ thực hiện các xét nghiệm, giải phẫu để chẩn đoán bệnh. Do đó, phân tích và đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp được coi là một trong những nội dung quan trọng và không thể bỏ qua khi quyết định đầu tư vào cổ phiếu hay trái phiếu của một doanh nghiệp cụ thể, bởi vì tình hình tài chính hiện tại sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tương lai của doanh nghiệp.

♦ Nguồn thông tin phục vụ cho phân tích tài chính doanh nghiệp:

Thông thường, để xem xét và đánh giá tình hình tài chính doanh nghiệp, các nhà phân tích căn cứ vào các dữ liệu thực tế được phản ánh thông qua các báo cáo tài chính của doanh nghiệp đã được kiểm toán và được công khai trên TTCK.

(1) Bảng cân đối kế toán

Bảng cân đối kế toán là một báo cáo tài chính mô tả thực trạng về tình hình tài sản và nguồn vốn của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định (thường là thời điểm kết thúc một niên độ kế toán).

BỘ, TỔNG CÔNG TY.........

ĐƠN VỊ............

BẢNG CÂN ĐỐI KẾ TOÁN

Ngày......tháng......năm.......

Đơn vị tính...............

Tài sản Nguồn vốn

I. Tài sản lưu động và ĐTNH (tài sản ngắn hạn)

1.Tiền và các khoản tương đương tiền

2.Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn

3.Các khoản phải thu

4. Hàng tồn kho

5.Tài sản ngắn hạn khác I. Nợ phải trả

1. Nợ ngắn hạn

2. Nợ dài hạn

II. TSCĐ và ĐTDH (tài sản dài hạn)

1. Các khoản phải thu dài hạn

2. Tài sản cố định

3. Bất động sản đầu tư

4.Các khoản đầu tư tài chính dài hạn

5. Tài sản dài hạn khác II. Vốn chủ sở hữu

1. Vốn chủ sở hữu

- Vốn đầu tư của chủ sở hữu

- Thặng dư vốn cổ phần

- Các quỹ (đầu tư phát triển, dự phòng tài chính)

- Lợi nhuận chưa phân phối...

2. Nguồn kinh phí và quỹ khác

Tổng cộng tài sản Tổng cộng nguồn vốn

CÁC CHỈ TIÊU NGOÀI BẢNG CÂN ĐỐI KẾ TOÁN

1. Tài sản thuê ngoài

2. Vật tư hàng hóa nhận giữ hộ, nhận gia công

3. Hàng hóa nhận bán hộ, nhận kí gửi

4. Nợ khó đòi đã xử lí

5. Ngoại tệ các loại

6. Dự toán chi hoạt động

7. Nguồn vốn khấu hao cơ bản hiện có

Ý nghĩa của bảng cân đối kế toán

- Phần tài sản:

+ Về mặt kinh tế: phản ánh qui mô và kết cấu các loại tài sản hiện có mà doanh nghiệp đã hình thành và sử dụng trong các hoạt động của doanh nghiệp (gồm cả TSCĐ thuê tài chính).

+ Về mặt pháp lý: phản ánh số tài sản thuộc quyền quản lý, sử dụng của doanh nghiệp tại thời điểm lập báo cáo.

- Phần nguồn vốn:

+ Về mặt kinh tế: phản ánh qui mô và kết cấu các loại nguồn vốn mà doanh nghiệp đã huy động vào sản xuất kinh doanh.

+ Về mặt pháp lý: phản ánh trách nhiệm của doanh nghiệp đối với các chủ thể cung ứng vốn cho doanh nghiệp.

(2) Báo cáo kết quả kinh doanh

Báo cáo kết quả kinh doanh là báo cáo tài chính phản ánh kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong một thời kỳ nhất định (thường là một quý hoặc năm).

BỘ, TỔNG CÔNG TY.........

ĐƠN VỊ............

KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH

Quý.......... năm.........

Phần I - Lãi, lỗ

Đơn vị tính...............

Chỉ tiêu Mã số Kỳ này Kỳ trước Lũy kế

từ đầu năm

1 2 3 4 5

1. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ

2. Các khoản giảm trừ

3. Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ

4. Giá vốn hàng bán

5. Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ

6. Doanh thu hoạt động tài chính

7. Chi phí tài chính

8. Chi phí bán hàng

9. Chi phí quản lý doanh nghiệp

10. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh

11. Thu nhập khác

12. Chi phí khác

13. Lợi nhuận khác

14. Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế

15. Thuế thu nhập doanh nghiệp

16. Lợi nhuận sau thuế TNDN

Ngoài ra, phân tích tài chính doanh nghiệp còn dựa vào một số báo cáo tài chính khác như: báo cáo lưu chuyển tiền tệ, thuyết minh về kết quả kinh doanh...

♦ Nội dung phân tích:

Trên cơ sở hệ thống số liệu đã được phản ánh ở các báo cáo tài chính liên quan, để đánh giá tình hình tài chính doanh nghiệp người ta thường tính toán và phân tích một số các chỉ tiêu sau:

■ Các chỉ tiêu phản ánh tình hình thanh toán

Hệ số

thanh toán chung = Tổng giá trị tài sản

Tổng nợ (1)

Hệ số thanh toán chung phản ánh 1 đồng nợ được đảm bảo bằng bao nhiêu đồng tài sản của doanh nghiệp. Nhìn chung, hệ số này càng cao, chứng tỏ khả năng thanh toán của doanh nghiệp là tốt, doanh nghiệp chủ động được nguồn vốn trong kinh doanh. Nếu hệ số này bằng 1 hoặc nhỏ hơn 1 chứng tỏ doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng mất hết vốn chủ sở hữu và đang đi đến bờ vực phá sản.

Hệ số thanh toán

nợ dài hạn = Giá trị TSCĐ và ĐTDH

Tổng nợ dài hạn (2)

Hệ số thanh toán nợ dài hạn phản ánh 1 đồng nợ dài hạn được đảm bảo bằng bao nhiêu đồng tài sản dài hạn của doanh nghiệp.

Hệ số thanh toán

nợ ngắn hạn = Giá trị TSLĐ và ĐTNH

Tổng nợ ngắn hạn (3)

Hệ số thanh toán nợ ngắn hạn phản ánh khả năng của doanh nghiệp có thể hoàn trả các khoản nợ ngắn hạn bằng các TSLĐ của doanh nghiệp.

Hệ số thanh toán

nhanh nợ ngắn hạn = TSLĐ và ĐTNH - hàng tồn kho

Tổng nợ ngắn hạn (4)

Hệ số thanh toán nhanh nợ ngắn hạn đo lường khả năng mà lượng tiền sẵn có vào ngày lập bảng cân đối kế toán và lượng tiền mà doanh nghiệp hi vọng có thể chuyển đổi được từ đầu tư tài chính và các khoản phải thu để hoàn trả các khoản nợ ngắn hạn.

Nhìn chung các hệ số thanh toán nợ ngắn hạn cao đem lại sự an toàn về tình hình tài chính, đảm bảo doanh nghiệp luôn có đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn. Ngược lại các hệ số thanh toán thấp thể hiện tiềm năng thanh toán kém. Tuy nhiên, 1 doanh nghiệp có hệ số thanh toán nợ ngắn hạn quá cao cũng có mặt không tốt, do doanh nghiệp tồn trữ khối lượng tiền quá lớn, một loại tài sản gần như không sinh lời.

■ Các chỉ tiêu phản ánh cơ cấu vốn và tình hình tài sản

Hệ số

nợ = Tổng nợ phải trả

Tổng nguồn vốn (5)

Hệ số

tự tài trợ = Tổng vốn chủ sở hữu

Tổng nguồn vốn (6)

Nhìn chung hệ số tự tài trợ cao phản ánh doanh nghiệp rất chủ động về vốn trong kinh doanh. Tuy nhiên tùy theo đặc điểm ngành nghề kinh doanh của mỗi doanh nghiệp mà có kết cấu nguồn tài trợ và cơ cấu tài sản khác nhau. Do vậy không thể dựa vào từng chỉ tiêu mà có những đánh giá xác đáng về doanh nghiệp.

Tỉ trọng

vốn cố định = Giá trị TSCĐ và ĐTDH

Tổng tài sản (7)

Tỉ trọng

vốn lưu định = Giá trị TSLĐ và ĐTNH

Tổng tài sản (8)

Các chỉ tiêu phản ánh quan hệ cân đối giữa tài sản và nguồn vốn (9)

- Quan hệ giữa TSCĐ và nguồn dài hạn

Nguồn vốn dài hạn của doanh nghiệp = Vốn chủ sở hữu (Vcsh) + Nợ dài hạn (Nợdh)

Nếu TSCĐ > Nguồn dài hạn chứng tỏ nguồn tài trợ không hợp lý, doanh nghiệp dễ lâm vào tình trạng thiếu và mất khả năng thanh toán do dùng nguồn ngắn hạn tài trợ cho tài sản dài hạn.

- VLĐ thường xuyên = Vcsh + Nợdh - Giá trị còn lại của TSCĐ (VCĐ)

- Vốn lưu động thuần = TSLĐ và ĐTNH - Tổng nợ ngắn hạn

(Net working capital)

■ Các chỉ tiêu phản ánh năng lực hoạt động của tài sản

Vòng quay

hàng tồn kho = Giá vốn hàng bán

Giá trị hàng hóa tồn kho bình quân (10)

Số ngày 1 vòng quay

hàng tồn kho = Giá trị hàng hóa tồn kho bình quân Giá trị hàng bán bình quân 1 ngày (11)

Vòng quay hàng tồn kho phản ánh trong 1 kì, hàng tồn kho luân chuyển được bao nhiêu lần. Số ngày của 1 vòng quay hàng tồn kho phản ánh số ngày từ khi mua nguyên vật liệu, hàng hóa đến khi bán được hàng.

Nhìn chung, so với kì trước, vòng quay hàng tồn kho giảm, hay thời gian của 1 vòng quay hàng tồn kho tăng, chứng tỏ hàng tồn kho luân chuyển chậm, vốn ứ đọng, kéo theo nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng (trong điều kiện quy mô sản xuất kinh doanh không thay đổi).

Nguyên nhân làm giảm vòng quay hàng tồn kho có thể do:

- Hiệu quả quản lí yếu tố đầu vào không tốt,

- Chu kì sản xuất kéo dài,

- Thành phẩm hàng hóa không bán được,

- Chính sách dự trữ vật tư, hàng hóa,

- Các nguyên nhân khách quan khác.

Thận trọng khi phân tích: trường hợp vòng quay hàng tồn kho tăng song phản ánh xu hướng tài chính không tốt (sau khi bán, hàng khan hiếm, giá cả đầu vào tăng, không có hàng bán...).

Vòng quay

các khoản phải thu = Doanh thu bán chịu trong kì

Phải thu bình quân (12)

Kỳ thu tiền bình quân = Phải thu bình quân

Doanh thu bán chịu bquân 1 ngày (13)

Kì thu tiền bình quân phản ánh số ngày cần thiết để chuyển các khoản phải thu từ người mua thành tiền. Nó cho thấy hiệu quả của cơ chế quản lí tín dụng của doanh nghiệp.

Nếu chính sách tín dụng của doanh nghiệp không thay đổi, vòng quay khoản phải thu bình quân tăng, hay kì thu tiền bình quân ngắn hơn so với kì trước thường được coi là tốt, bởi các tác động tích cực sau:

- Làm giảm vốn bị ứ đọng trong khâu thanh toán,

- Giảm nhu cầu vốn của doanh nghiệp (trong điều kiện quy mô sản xuất không thay đổi).

- Tăng hiệu quả sử dụng vốn.

- Tăng khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn cho chủ nợ.

Ngược lại, nếu chính sách tín dụng của doanh nghiệp không thay đổi, vòng quay khoản phải thu bình quân giảm, hay kì thu tiền bình quân dài hơn so với kì trước thường được đánh giá là không tốt. Nguyên nhân của tình trạng đó có thể là:

- Công tác giám sát, quản lí nợ của doanh nghiệp không tốt.

- Khách nợ cố tình chây ỳ, hoặc lâm vào tình trạng thiếu / mất khả năng thanh toán.

- Kết quả của những biện pháp nhằm duy trì khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp...

Lưu ý: cần thận trọng khi phân tích trong các trường hợp, vòng quay khoản phải thu tăng song lại phản ánh xu hướng tài chính không tốt do các khoản phải thu giảm kéo theo kết quả tiêu thụ giảm. Cần phân tích kĩ nguyên nhân để có cách nhìn nhận đánh giá chính xác.

Kỳ thanh toán (phải trả)

bình quân = Phải trả bình quân

Doanh thu mua chịu bquân 1 ngày (14)

Vòng quay

vốn lưu động = Doanh thu thuần

VLĐ bình quân (15)

■ Các chỉ tiêu phản ánh kết quả kinh doanh và phân phối thu nhập

Chỉ số lợi nhuận/ doanh thu

(doanh lợi) = Lợi nhuận sau thuế

Doanh thu thuần (16)

(Net profit margin - lợi nhuận biên)

Trên thực tế, mức độ lợi nhuận ròng giữa các ngành là khác nhau, còn trong một ngành thì công ty nào quản lí và sử dụng các yếu tố đầu vào (vốn, nhân lực...) tốt hơn thì sẽ có hệ số lợi nhuận / doanh thu (lợi nhuận ròng) cao hơn.

Chỉ số lợi nhuận/ tài sản

(ROA) = Lợi nhuận sau thuế

Tổng vốn bình quân (17)

Chỉ số lợi nhuận/ vốn CSH

(ROE) = Lợi nhuận sau thuế

Tổng vốn CSH bình quân (18)

ROE thường được các nhà đầu tư phân tích để so sánh với các cổ phiếu khác trên thị trường. Thông thường ROE càng cao thì cổ phiếu càng hấp dẫn, vì tỉ số này cho thấy được khả năng sinh lời của công ty so với các công ty khác. Chỉ số này là thước đo chính xác nhất để đánh giá một đồng vốn của cổ đông bỏ ra tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận. ROE cao chứng tỏ công ty sử dụng có hiệu quả đồng vốn của cổ đông. Từ đó nhà đầu tư có cơ sở tham khảo khi quyết định mua cổ phiếu của công ty X hay công ty Y có cùng ngành nghề với nhau.

Thu nhập ròng một cổ phiếu thường (EPS) = Lợi nhuận ròng - cổ tức cổ phiếu ưu đãi

Tổng khối lượng cổ phiếu thường đang lưu hành

(19)

Tài sản ròng một cổ phiếu thường (NAV) = Tổng tài sản - Tổng nợ - Tổng mệnh giá CPUĐ Tổng khối lượng cổ phiếu thường đang lưu hành

(20)

Cổ tức một cổ phiếu thường (DPS/ DIV) = Thu nhập ròng - Cổ tức CPUĐ - Thu nhập giữ lại Tổng khối lượng cổ phiếu thường đang lưu hành

(21)

Nhìn chung các chỉ số trên (16,17,18,19,20,21) càng cao, chứng tỏ doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Song để có cái nhìn toàn diện hơn, cần so sánh với các chỉ số của chính doanh nghiệp ở các thời kì trước và so sánh với số trung bình của ngành hoặc của các doanh nghiệp có điều kiện tương tự trong cùng ngành.

Hệ số chi trả cổ tức (DPS/ EPS) = Tổng cổ tức đem chia cho cổ phiếu thường

Lợi nhuận ròng - cổ tức cổ phiếu ưu đãi (22)

hoặc, Hệ số chi trả cổ tức = 1 - tỉ lệ thu nhập giữ lại

Hệ số chi trả cổ tức thường được tuyên bố tại đại hội cổ đông thường niên, nói lên cổ tức của cổ đông chiếm bao nhiêu phần trăm trong thu nhập, nó cũng nói lên chính sách chia cổ tức của công ty. Chính sách này có thể thay đổi theo từng thời kì và do đó nó phản ánh chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.

Suất cổ tức hiện hành = Cổ tức 1 cổ phiếu thường (DPS)

Thị giá cổ phiếu thường (23)

Suất cổ tức hiện hành phản ánh thu nhập của nhà đầu tư tính trên vốn thực anh ta phải bỏ ra để có được cổ tức tương ứng.

■ Các chỉ tiêu về triển vọng phát triển của công ty

Hệ số thu nhập giữ lại (b) = 1 - hệ số chi trả cổ tức (24)

Hệ số thu nhập giữ lại là 1 yếu tố quan trọng nói lên sự tích lũy của công ty cho tương lai, góp phần vào tốc độ phát triển của công ty sau này.

Hệ số giá / thu nhập

(P/E) = Thị giá cổ phiếu (market price - Pm)

Thu nhập ròng của một cổ phiếu (EPS) (25)

P/E cho thấy giá cổ phiếu hiện tại cao hơn thu nhập bao nhiêu lần, hay nhà đầu tư phải trả giá cho mỗi đồng thu nhập.

Một công ty hiện tại có thu nhập chưa cao, nhưng lại được thị trường đánh giá cao về tiềm năng phát triển thì P/E sẽ cao, và ngược lại.

Chỉ số thị giá / thư giá (M/B) = Thị giá cổ phiếu (market price - Pm)

Giá trị sổ sách 1 CP thường (book value) (26)

Chỉ tiêu này cho biết giá cổ phiếu đang bán trên thị trường đắt hơn, rẻ hơn hay bằng mệnh giá. Tương tự như P/E, chỉ tiêu này càng cao, chứng tỏ công ty được đánh giá có triển vọng phát triển trong tương lai.

Tốc độ tăng trưởng (growth rate) = Tỉ lệ thu nhập giữ lại (b) x ROE (27)

♦ Quy trình và kĩ thuật phân tích đầu tư bằng các chỉ số tài chính:

Trên thực tế, số lượng các loại chứng khoán được cung ứng cho thị trường là rất lớn. Vì vậy, nhà đầu tư không thể tiến hành phân tích tất cả các loại chứng khoán hiện có trên thị trường. Ngay cả các nhà phân tích chuyên nghiệp, tùy theo điều kiện và những thế mạnh riêng mà họ có thể chỉ chuyên phân tích chứng khoán ở một ngành hoặc một nhóm ngành nhất định. Để đạt hiệu quả cao trong phân tích, nhà đầu tư cần tuân thủ một quy trình bao gồm các bước sau :

- (1) Lựa chọn 1 vài doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực (ngành) mà mình quan tâm để tìm thông tin.

- (2) Phân tích, so sánh tình hình tài chính của doanh nghiệp giữa các thời kì và với các doanh nghiệp khác trong cùng ngành, hoặc số trung bình của ngành.

Mỗi chỉ số đề cập ở phần trên chỉ cung cấp một số thông tin về mức độ hiệu quả trong hoạt động của một công ty. Do vậy, việc phân tích tài chính chỉ đặc biệt có ý nghĩa khi có một số chuẩn mực để so sánh, ví dụ so sánh các chỉ số của cùng một doanh nghiệp giữa các thời kì khác nhau để đánh giá xu hướng phát triển của doanh nghiệp ; so sánh các chỉ số của doanh nghiệp với các đối thủ cạnh tranh, với ngành, hay với công ty hoạt động tốt nhất trong cùng ngành để chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu của công ty được lựa chọn phân tích.

- (3) Đánh giá tổng quát về các cổ phiếu, trái phiếu đã phân tích; so sánh đối chiếu với mục tiêu đã xác định để ra quyết định đầu tư.

Việc phân tích tài chính nhằm đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp ở hiện tại và dự báo triển vọng của nó ở tương lai, do đó nếu chỉ giới hạn phạm vi nghiên cứu, phân tích là các báo cáo tài chính thì có thể có những nhìn nhận đánh giá lệch lạc, thiếu xác đáng về một doanh nghiệp. Vì vậy, cần phải kết hợp với các nội dung phân tích cơ bản khác, so sánh với mục tiêu đã xác định để có quyết định đầu tư thích hợp. Thực tế cho thấy không có một quyết định đầu tư nào là đúng cho mọi điều kiện và mọi chủ thể đầu tư.

5.2.2.2. Phân tích kỹ thuật (technical analysis)

● Khái niệm

Phân tích kỹ thuật là việc sử dụng các dữ liệu thị trường (dữ liệu thống kê về diễn biến giá và khối lượng chứng khoán giao dịch), các học thuyết thị trường mang tính kỹ thuật và biểu diễn thực trạng giao dịch qua các mô hình, biểu đồ để nghiên cứu, phân tích, nhận dạng, đánh giá các trào lưu lên xuống giá của thị trường trong hiện tại. Trên cơ sở đó, dự đoán xu hướng biến động giá của từng loại chứng khoán cụ thể, của nhóm ngành, hoặc của tất cả các loại chứng khoán đang được giao dịch trên thị trường trong tương lai.

Thông qua phân tích kỹ thuật, các nhà phân tích sẽ xác định các thời điểm thích hợp cho việc mua, hay bán chứng khoán. Bởi vì theo tính quy luật, nếu xem xét trong một khoảng thời gian đủ mức cần thiết của thống kê, các dao động ngẫu nhiên của giá chứng khoán đều gắn liền và chịu sự chi phối của một số các yếu tố nào đó. Mà sự ngẫu nhiên rời rạc đó sẽ tạo thành một chuỗi gắn với một xu hướng cơ bản nhất định.

Trong phân tích kỹ thuật, các nhà phân tích thường sử dụng phương pháp biểu đồ, các chỉ tiêu phân tích kỹ thuật, hoặc là hệ thống xếp hạng.

● Các nguồn thông tin được sử dụng trong phân tích kĩ thuật

- Thông tin từ SGDCK về tình hình giao dịch: quan hệ cung cầu về từng loại chứng khoán và toàn thị trường, kết quả giao dịch (khối lượng, giá và tổng giá trị thị trường), khối lượng chứng khoán mua bán nhiều nhất, số mã chứng khoán tăng giá nhiều nhất, số mã chứng khoán giảm giá nhiều nhất....

- Thông tin từ các tổ chức niêm yết, kinh doanh, dịch vụ chứng khoán: sự tham gia của các quỹ đầu tư, giao dịch của cổ đông nước ngoài...

Đặc biệt cần quan tâm lưu ý các thông tin nhạy cảm như: giao dịch cổ phiếu quỹ, tách gộp cổ phiếu, thưởng cổ phiếu, trả cổ tức, phát hành thêm cổ phiếu, giao dịch của cổ đông lãnh đạo, giao dịch thâu tóm, sáp nhập...

● Các chỉ số của TTCK

Một trong những điều quan tâm nhất của nhà đầu tư là xem xét sự biến động về giá chứng khoán. Để có một cái nhìn tổng quan về sự biến động của giá chứng khoán trên thị trường, người ta đưa ra các chỉ số thị trường như chỉ số của thị trường cổ phiếu, chỉ số của thị trường trái phiếu. Trên thực tế, chỉ số của thị trường cổ phiếu lôi cuốn hơn sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

Các chỉ số của thị trường cổ phiếu được sử dụng phổ biến là chỉ số giá, chỉ số tổng giá trị thị trường, vòng quay cổ phiếu niêm yết... Các chỉ số thị trường được công bố công khai, nhờ đó người đầu tư có thể thấy được sự biến động giá cổ phiếu và mức độ hoạt động của thị trường.

■ Chỉ số giá cổ phiếu

► Khái niệm chỉ số giá

Chỉ số giá chứng khoán là chỉ số phản ánh mức giá bình quân của chứng khoán tại một ngày nhất định so với ngày gốc.

Chỉ số giá cổ phiếu là chỉ số phản ánh mức giá bình quân của cổ phiếu tại một ngày nhất định so với ngày gốc. Chỉ số giá cổ phiếu phản ánh xu hướng phát triển của thị trường, của giá cổ phiếu, tình hình giao dịch trên thị trường và là công cụ được sử dụng phổ biến trong phân tích kĩ thuật.

Mỗi chỉ số được xây dựng theo những phương pháp khác nhau. Một chỉ số thị trường được xây dựng tốt sẽ cung cấp một sự chỉ dẫn khách quan về giá cả của tổng thể nghiên cứu. Ngược lại, một chỉ số xây dựng kém sẽ chỉ đưa ra những gì mà nó không có tính đại diện của tổng thể. Tuy nhiên, nếu tổng thể là đồng nhất thì thậm chí một chỉ số được xây dựng kém cũng cho ta một dấu hiệu tốt về xu hướng vận động của nó. Để xây dựng một chỉ số giá cổ phiếu, người ta phải xác định dung lượng mẫu, cơ cấu mẫu, phương pháp tính, ngày cơ sở, điểm cơ sở.

- Kích thước mẫu: mẫu được chọn phải là một tỉ lệ có ý nghĩa thống kê của tổng thể nghiên cứu. Những mẫu lớn thường cung cấp những dấu hiệu rõ ràng hơn về tổng thể. Nhưng nếu mẫu quá lớn và quá đa dạng sẽ không kinh tế và không hấp dẫn các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

- Cơ cấu mẫu: mẫu phải có tính đại diện cho tất cả các bộ phận của tổng thể nghiên cứu. Tùy theo chỉ số nghiên cứu khác nhau (ngành, hay toàn bộ thị trường...) mà lựa chọn cơ cấu cổ phiếu thích hợp. Một mẫu nghiên cứu không nên chỉ bao gồm những công ty lớn. Đối với chỉ số của ngành cần phải chọn những công ty mà tất cả không cùng trong một ngành hẹp...

- Phương pháp tính: phương pháp tính là yếu tố tác động trực tiếp đến mức độ biến động của chỉ số giá. Tùy theo các yêu cầu khác nhau trong phân tích mà chọn phương pháp tính nhất định (bình quân số học đơn giản, bình quân gia quyền...).

- v.v...

Chỉ số giá có thể tính cho từng ngành như chỉ số bình quân công nghiệp, vận tải, dịch vụ công cộng Dow-Jones của Mĩ (DJIA), hoặc nhóm ngành như chỉ số hỗn hợp bình quân Dow-Jones, hoặc cho toàn thị trường như chỉ số Hangseng, VN Index... Chỉ số giá được tính theo thời gian và theo thị trường làm cơ sở để so sánh tình hình, xu hướng thị trường theo thời gian, hoặc không gian, hay giữa các vùng lãnh thổ khác nhau.

►Các phương pháp tính chỉ số giá cổ phiếu

Có nhiều phương pháp tính chỉ số giá cổ phiếu. Sau đây là một số phương pháp cơ bản:

(1) Phương pháp bình quân đơn giản

Đây là chỉ số bình quân số học đơn giản, không có sự tham gia của quyền số. Trong các trường hợp tách gộp cổ phiếu, phát hành quyền mua cổ phiếu, tăng vốn, người ta tiến hành điều chỉnh "số chia -  Pi0 " để đảm bảo tính liên tục của chỉ số theo thời gian. Cách điều chỉnh số chia được quy định khác nhau ở mỗi thị trường.

 Pit

It = ______ x I0

 Pi0

It là chỉ số giá bình quân, Pit là giá cổ phiếu i kỳ nghiên cứu, Pi0 là giá cổ phiếu i kỳ gốc, I0 là chỉ số giá cơ sở thường là 100.

Cách tính này có đặc điểm là cổ phiếu có giá trị càng cao thì càng có ảnh hưởng lớn đến số bình quân. Sự tăng giá 1% của cổ phiếu có giá trị cao thì ảnh hưởng nhiều hơn so với sự thay đổi giá 1% của cổ phiếu có giá trị thấp. Mức bình quân không phản ánh giá bình quân vì hệ số chia thay đổi liên tục. Chỉ số này chỉ phản ánh đúng khi độ lệch chuẩn nhỏ. Các chỉ số trung bình công nghiệp Dow-Jones (Dow-Jones Industrial Average - DJIA) của Mỹ, chỉ số Nikkei 225 của Nhật, chỉ số tổng hợp MIB của Ý áp dụng cách tính này.

(2) Phương pháp bình quân gia quyền giá trị

Phương pháp chỉ số bình quân gia quyền giá trị khác phương pháp bình quân giản đơn ở chỗ có sử dụng quyền số là số lượng cổ phiếu niêm yết. Đặc điểm của phương pháp này là loại cổ phiếu nào có số lượng niêm yết và giá giao dịch càng cao thì có tác động càng lớn tới chỉ số giá. Trong các cổ phiếu có cùng mức giá, cổ phiếu nào có số lượng niêm yết nhiều hơn (thường là cổ phiếu của các công ty lớn - các cổ phiếu dẫn dắt thị trường) sẽ có tác động tới chỉ số giá nhiều hơn. Những cổ phiếu giao dịch ít vẫn có ảnh hưởng, không phản ánh được thực thi thị trường.

Việc đưa ra chỉ số này nhằm so sánh giá trị thị trường hiện tại với một giá trị tham chiếu, hay còn gọi là giá trị cơ sở tại 1 thời điểm xác định trước đó (gọi là kỳ gốc hay kỳ cơ sở). Thông thường giá trị cơ sở được chọn là 100.

Chỉ số tổng hợp được tính toán dựa trên các biến về giá và số lượng cổ phiếu đang lưu hành (hoặc đang niêm yết trên thị trường).

Chỉ số Tổng giá trị thị trường kỳ hiện hành

tổng hợp = _______________________________ x 100

Tổng giá trị thị trường kỳ cơ sở

Hai phương pháp thường được dùng để tính chỉ số giá này là phương pháp Laspeyres và Paascher.

+ Phương pháp Laspeyres: dựa trên lượng cổ phiếu kỳ cơ sở (kỳ gốc)

Qi0 Pit

It = ______ x I0

 Qi0Pi0

Trong đó: It là chỉ số giá bình quân Laspeyres, Qi0 là khối lượng cổ phiếu i (quyền số) kỳ gốc, hoặc cơ cấu khối lượng kỳ gốc.

Do quyền số là khối lượng cổ phiếu kì gốc nên phương pháp này có nhược điểm là không phản ánh được cơ cấu biến đổi của thị trường.

+ Phương pháp Paascher: dựa trên lượng cổ phiếu kỳ hiện hành

Qit Pit

It = ______ x I0

 QitPi0

Trong đó: It là chỉ số giá bình quân Paascher, Qit là khối lượng cổ phiếu (quyền số) kỳ báo cáo hoặc cơ cấu khối lượng kỳ báo cáo.

Phương pháp tính này dựa trên quyền số là khối lượng cổ phiếu kì so sánh nên phải thường xuyên cập nhật số liệu cổ phiếu niêm yết kì so sánh (hay kì báo cáo).

Đây là loại chỉ số giá cổ phiếu thông dụng nhất, nhiều nước áp dụng nhất. Các chỉ số như Kospi của Hàn quốc, Nyse Composite, S & P 500 của Mỹ, Topix của Nhật, FTSE 100 của Anh, TSE của Đài Loan, Hang-seng Hongkong và CAC 40 của Pháp được tính dựa trên phương pháp Paascher. Còn chỉ số FAZ và DAX của Đức được tính theo phương pháp Laspeyres.

►Một số chỉ số giá cổ phiếu

* Chỉ số chứng khoán Việt Nam: VN Index

Qit Pit

VN Indext = ______ x I0

 Qi0Pi0

Trong đó: Pit giá hiện hành của cổ phiếu i, Qit là khối lượng cổ phiếu i niêm yết trên thị trường, Pi0 là giá cổ phiếu i kỳ gốc, Qi0 là khối lượng cổ phiếu i kỳ gốc. I0=100

Ví dụ: Kết quả phiên giao dịch đầu tiên ngày 28/7/2000

Tên công ty Mã cổ phiếu Giá thực hiện Số lượng CP niêm yết Giá thị trường

Cơ điện lạnh REE 16.000 15.000.000 240.000.000.000

Cáp VL VT SAM 17.000 12.000.000 204.000.000.000

Tổng 444.000.000.000

444.000.000.000

VN Index = _______________ x 100 = 100

444.000.000.000

Vào ngày 2/8/2000 kết quả giao dịch như sau:

Tên cty Mã cổ phiếu Giá thực hiện Số lượng CP niêm yết Giá thị trường

Cơ điện lanh REE 16.600 15.000.000 249.000.000.000

Cáp VL VT SAM 17.500 12.000.000 210.000.000.000

Tổng 459.000.000.000

459.000.000.000

VN Index = _______________ x 100 = 103,38

444.000.000.000

→Các trường hợp phải tính số chia mới:

Trong quá trình tính toán chỉ số VN-Index bên cạnh sự biến động về giá cổ phiếu, còn có một số nhân tố khác làm thay đổi cơ cấu cổ phiếu niêm yết như: niêm yết mới, niêm yết bổ sung, tách gộp cổ phiếu. Sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến tính không liên tục của chỉ số, nghĩa là chỉ số ngày báo cáo không đồng nhất với ngày trước đó. Do đó, cần điều chỉnh số chia cho phù hợp với những thay đổi về tình hình cổ phiếu niêm yết trên thị trường.

- Trường hợp 1: Khi có cổ phiếu mới được niêm yết và giao dịch trên thị trường, sẽ điều chỉnh số chia cũ (d0:  Qi0Pi0 ) như sau:

Qi1 Pi1

D = ______ x d0

 Qi0Pi1

D là số chia mới.

Vào ngày 4/8/2000 kết quả giao dịch như sau:

Tên công ty Mã cổ phiếu Giá thực hiện Số lượng CP niêm yết Giá thị trường

Cơ điện lanh REE 16.900 15.000.000 253.500.000.000

Cáp VL VT SAM 17.800 12.000.000 213.600.000.000

Giấy Hải phòng HAP 16.000 1.008.000 16.128.000.000

Transimex TMS 14.000 2.200.000 30.800.000.000

Tổng 514.028.000.000

Điều chỉnh số chia mới D như sau:

P(ree) x Q(ree) + P(sam) x Q(sam) + P(hap) x Q(hap) + P(tms) x Q(tms)

D = d0 x -------------------------------------------------------------------------------------------

P(ree) x Q(ree) + P(sam) x Q(sam)

D = 444.000.000.000 x 514.028.000.000 / 467.100.000.000 = 488.607.219.010

514.028.000.000

VN Index = _______________ x 100 = 105,2

488.607.219.010

Như vậy, chỉ số VN Index ngày 4/8/2000 tăng 1,82 điểm (105,2 - 103,38) = 1,76% (1,82/ 103,38) so với phiên trước (2/8/2000).

- Trường hợp 2: Tổ chức niêm yết tăng vốn điều lệ

D0 x V1

D1 = _______

V1 - AV

Trong đó: D1 hệ số chia mới, D0 hệ số chia cũ (D0 =  Q0iP0i), V1 là tổng giá trị hiện hành của các cổ phiếu niêm yết (V1 =  Q1iP1i), AV là giá trị điều chỉnh cổ phiếu.

- Trường hợp 3: Hủy niêm yết, giảm vốn điều lệ.

D0 x V1

D1 = _______

V1 + AV

* Chỉ số Dow-Jones

Chỉ số Dow-Jones do hai nhà kinh tế người Mỹ là Charles Henry Dow và Edward David Jones xây dựng năm 1884. Chỉ số Dow-Jones bao gồm 4 chỉ số và được tính theo phương pháp bình quân giản đơn.

- Dow-Jones công nghiệp (DJIA - Dow Jones Industrial Average) được xác định trên cơ sở giá cổ phiếu của 30 công ty công nghiệp hàng đầu (blue chip) Hoa Kỳ.

- Dow-Jones vận tải (DJTA - Dow Jones Transportation Average) được xác định trên cơ sở giá cổ phiếu của 20 công ty vận tải hàng đầu Hoa Kỳ.

- Dow-Jones dịch vụ (DJUA - Dow Jones Utilities Average) công cộng được xác định trên cơ sở giá cổ phiếu của 15 công ty dịch vụ công cộng hàng đầu Hoa Kỳ.

- Dow-Jones hỗn hợp được xác định trên cơ sở giá cổ phiếu của toàn bộ 65 cổ phiếu kể trên.

Để loại trừ ảnh hưởng của các yếu tố có tính chất kĩ thuật như tách và gộp cổ phiếu, phát hành thêm... người ta đã sử dụng "số chia" (Divisor) để xác định chỉ số giá khi có những thay đổi này. Số chia cũng thường xuyên được thay đổi để phù hợp với thực tế về việc tách, gộp... cổ phiếu ở từng thời kỳ như năm 1985 số chia là 1,09; năm 1988 là 0,754; năm 1992 con số này là 0,4627.....

Chỉ số Dow-Jones được tính toán và công bố đều đặn trên các phương tiện thông tin đại chúng với tần suất 30phút /lần, phù hợp với diễn biến giao dịch cổ phiếu trên TTCK Newyork của Hoa Kỳ. Nó được coi là một trong những thước đo quan trọng, tổng quát và là cơ sở để dự báo diễn biến của thị trường. Các trào lưu lên, xuống giá cổ phiếu được thể hiện thông qua sự tăng giảm chỉ số Dow-Jones qua các thời kỳ.

Theo quan điểm của lý thuyết Dow-Jones, nếu căn cứ vào thời gian, xu hướng biến động giá cổ phiếu được cấu thành bởi 3 xu hướng:

- Xu hướng dài hạn (xu hướng chính) thể hiện diễn biến giá cổ phiếu trong một khoảng thời gian tương đối dài từ vài tháng tới vài năm

- Xu hướng trung hạn (xu hướng trung gian, xu hướng phụ) thể hiện diễn biến giá cổ phiếu trong những khoảng thời gian cấu thành trong xu hướng dài hạn.

- Xu hướng ngắn hạn (xu hướng thứ yếu) là những dao động giá cổ phiếu hàng ngày thậm chí qua các phiên giao dịch liền kề.

Thông qua việc biểu đồ hóa diễn biến giá cổ phiếu, các nhà phân tích xác định các "đỉnh cao" và "điểm đáy" nhất thời cũng như xu hướng cơ bản tất yếu của một thời kỳ nhất định làm cơ sở để dự báo xu hướng giá trong tương lai.

* Một số chỉ số TTCK khác

- Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc, ngày gốc là 3/1/1990.

- Chỉ số Nikkei của Nhật là số bình quân của 225 cổ phiếu thuộc sở giao dịch chứng khoán Tokyo và 250 cổ phiếu của SGDCK Osaka.

- Chỉ số Hangseng của Hông Kông là số bình quân gia quyền của 33 loại cổ phiếu. Ngày gốc là 31/7/1994.

- Chỉ số CAC của Pháp là số bình quân của 240 cổ phiếu hàng đầu tại SGDCK Paris. Ngày gốc là 31/12/1981.

- Chỉ số FT 30 của Anh, tính từ 30 cổ phiếu hàng đầu tại SGDCK Luân đôn, thời gian gốc là 1935.

- Chỉ số DAX của Đức là số bình quân của 30 cổ phiếu hàng đầu, ngày gốc là 31/12/1987. Riêng chỉ số này giá trị gốc là 1000.

■ Các chỉ tiêu phân tích kỹ thuật

Ngoài chỉ số giá chứng khoán, các nhà phân tích còn sử dụng các chỉ tiêu kỹ thuật để dự báo diễn biến trong tương lai của thị trường. Sau đây là một số chỉ tiêu cơ bản:

(1) Quy mô thị trường

Quy mô của thị trường được biểu hiện thông qua một số chỉ tiêu cụ thể như: tổng giá trị thị trường, khối lượng và giá trị giao dịch.

Tổng giá trị thị trường (còn gọi là số vốn hóa) là tổng số vốn cổ phần tính theo giá trị thị trường của các công ty có cổ phiếu niêm yết và được tính theo công thức sau:

V = QiPi

V là tổng giá trị thị trường

Qi là số lượng cổ phiếu i niêm yết trên thị trường

Pi là giá trị thị trường của cổ phiếu i

Khối lượng và giá trị giao dịch cho thấy mức độ hoạt động của thị trường và được SGDCK, Hiệp hội các nhà kinh doanh chứng khoán thông báo hàng ngày. Các nhà phân tích kĩ thuật thường xem xét một cách cẩn thận những con số này vì lịch sử cho thấy sự thay đổi của khối lượng giao dịch có nhiều khả năng dẫn đến các xu hướng về giá. Các nhà phân tích cho rằng, thông thường khi khối lượng giao dịch tăng thì giá cổ phiếu có xu hướng tăng lên.

(2) Nhịp độ hoạt động của thị trường

Nhịp độ hoạt động của thị trường thường được phản ánh thông qua 2 chỉ tiêu:

Vòng quay vốn

của thị trường = Tổng giá trị chứng khoán được giao dịch trong một thời kì

Tổng giá trị thị trường của chứng khoán niêm yết bình quân

Hệ số giao dịch

cổ phiếu niêm yết = Tổng số cổ phiếu niêm yết được giao dịch

Tổng số cổ phiếu niêm yết

Chỉ số này cũng có thể tính bằng giá trị:

Hệ số giao dịch

cổ phiếu niêm yết = Tổng giá trị cổ phiếu niêm yết được giao dịch

Tổng giá trị cổ phiếu niêm yết

Vòng quay của cổ phiếu = Tổng giá trị cổ phiếu niêm yết giao dịch trong một thời kì

Tổng giá trị cổ phiếu niêm yết bình quân trong kì

(3) Tỷ số quyền chọn bán/ quyền chọn mua

Là tỷ số thể hiện quan hệ tỷ lệ giữa tổng số quyền chọn bán với tổng số quyền chọn mua đang lưu hành trên TTCK. Thông thường theo kinh nghiệm lịch sử, tỷ số này ở mức 65% là con số lý tưởng. Vì các quyền chọn bán có lợi trong trường hợp thị trường giảm giá, trong khi quyền chọn mua có lợi khi thị trường tăng giá. Mức chênh lệch giữa tỷ số thực tế của thị trường trong các thời điểm khác nhau so với con số 65% được coi là thước đo để dự báo xu hướng vận động của thị trường. Nhiều nhà phân tích kĩ thuật cho rằng, tỉ số này tăng là dấu hiệu của một thị trường sắp suy giảm, do vậy nó là dấu hiệu cảnh báo một cơ hội mua vào.

Phân tích đầu tư chứng khoán là việc phối kết hợp đồng thời hệ thống các nguồn thông tin, các phương pháp phân tích khoa học và khả thi gắn kết với sự phát triển của từng thị trường. Thông qua các phương pháp, chỉ tiêu phân tích thích hợp cùng với các tập hợp và lựa chọn thông tin sẽ cho các lời giải cần thiết trong các quyết định đầu tư chứng khoán. Hiệu quả của phân tích đầu tư chứng khoán sẽ là một nhân tố khách quan để kéo dài khoảng cách giữa 2 canh bạc là canh bạc đỏ đen và canh bạc có tính toán thông qua những cơ sở khoa học có độ tin cậy cao.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. PGS, TS Đinh Văn Sơn, Thị trường chứng khoán, nhà xuất bản Thống kê, 2005.

2. TS Đào Lê Minh (chủ biên), Ủy ban chứng khoán nhà nước, Giáo trình Những vấn đề cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán, nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 2002.

3. Trường đại học Tài chính Kế toán, Giáo trình Thị Trường chứng khoán, nhà xuất bản Tài chính, 2000.

4. PGS, TS Lê Văn Tư, Lê Tùng Vân, Thị Trường chứng khoán, nhà xuất bản Thống kê, năm 2000.

5. PGS, TS Bùi Kim Yến, đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, Giáo trình Thị trường chứng khoán, nhà xuất bản Lao động - xã hội, năm 2007.

6. Luật chứng khoán của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhà xuất bản Lao động - xã hội, năm 2007.

7. Các văn bản pháp quy khác về chứng khoán và TTCK.

8. Trung Dũng, Bí quyết đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhà xuất bản Lao động - xã hội, năm 2007.

9. PGS, TS Nguyễn Thị Mùi (chủ biên), Học viện Tài chính, Kinh doanh chứng khoán, nhà xuất bản Tài chính, 2007.

10. Ths Lê Thị Mai Linh (chủ biên), Ủy ban chứng khoán nhà nước, Giáo trình phân tích và đầu tư chứng khoán, nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 2003.

11. Lê Văn Thủy, Cẩm nang người tư vấn kinh doanh và đầu tư chứng khoán ở Việt Nam, nhà xuất bản Tài chính, 2007.

12. Bùi Nguyên Hoàn, GS. Raymond L.Chiang (chủ biên), Thuật ngữ thông dụng về chứng khoán và thị trường chứng khoán, nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 2002.

13. Đặng Quang Gia, Từ điển thị trường chứng khoán, nhà xuất bán Thống kê, 1996.

14. Vũ Ngọc Nhung, Hồ Ngọc Cẩn, 144 câu hỏi đáp về thị trường chứng khoán Việt Nam, nhà xuất bản Thống kê, 2002.

15. Bùi Trí Dũng, Đầu tư chứng khoán, nhà xuất bản Tài chính, 2002.

16. The Stock Market Really Works.

17. Securities Market in Japan, published by Japan Securities Research Institue, 1992.

18. Securities Market in Asia, published by The Asia Securities Analysts Council, 1992.

MỤC LỤC

Trang

Lời nói đầu

Chương 1: Những vấn đề cơ bản về thị trường chứng khoán

1.1. Khái niệm, đặc điểm và các chủ thể tham gia TTCK

1.1.1. Cơ sở hình thành TTCK

1.1.2. Khái niệm và đặc điểm của TTCK

1.1.3. Các chủ thể tham gia TTCK

1.2. Phân loại thị trường chứng khoán

1.2.1. Theo đối tượng giao dịch

1.2.2. Theo các giai đoạn vận động của chứng khoán

1.2.3. Theo cơ chế hoạt động

1.2.4. Theo thời hạn thanh toán

1.3. Chức năng và vai trò của thị trường chứng khoán

1.3.1. Chức năng của TTCK

1.3.2. Vai trò của TTCK

1.3.3. Các khía cạnh tiêu cực trên TTCK

1.4. Các điều kiện để hình thành và phát triển TTCK

1.4.1. Điều kiện về kinh tế

1.4.2. Điều kiện về pháp lí

1.4.3. Điều kiện về nhân lực

1.4.4. Điều kiện về cơ sở vật chất kĩ thuật

Chương 2: Chứng khoán

2.1. Khái niệm và các đặc trưng của chứng khoán

2.1.1. Khái niệm và phân loại chứng khoán

2.1.2. Các đặc trưng cơ bản của chứng khoán

2.2. Các loại chứng khoán

2.2.1. Trái phiếu

2.2.2. Cổ phiếu

2.2.3. Chứng chỉ quỹ đầu tư

2.2.4. Các chứng khoán phái sinh

2.3. Phát hành và niêm yết chứng khoán

2.3.1. Phát hành chứng khoán

2.3.2. Niêm yết chứng khoán

Chương 3: Hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán

3.1. Giao dịch chứng khoán trên TTCK tập trung - sở giao dịch

3.1.1. Khái niệm và cơ cấu tổ chức sở giao dịch chứng khoán

3.1.2. Thành viên của SGDCK

3.1.3. Các nguyên tắc hoạt động của SGDCK

3.1.4. Lệnh và các định chuẩn lệnh

3.1.5. Đơn vị giao dịch và đơn vị yết giá

3.1.6. Phương thức giao dịch

3.1.7. Quy trình giao dịch

3.1.8. Một số giao dịch đặc biệt

3.2. Giao dịch chứng khoán trên thị trường phi tập trung - OTC

3.2.1. Khái niệm và đặc điểm giao dịch trên thị trường OTC

3.2.2. Yết giá trên thị trường OTC

3.2.3. Quy trình giao dịch trên thị trường OTC

Chương 4: Hệ thống lưu kí, thanh toán bù trừ và thông tin TTCK

4.1. Hệ thống đăng kí, lưu kí, thanh toán bù trừ chứng khoán

4.1.1. Khái niệm, chức năng và vai trò của hệ thống đăng kí, lưu kí và thanh toán bù trừ chứng khoán

4.1.2. Quy trình đăng kí, lưu kí và thanh toán bù trừ chứng khoán

4.2. Hệ thống thông tin TTCK

4.2.1 Thông tin và vai trò của hệ thống thông tin TTCK

4.2.2. Một số thông tin cơ bản về TTCK

4.2.3. Các yêu cầu về công bố thông tin

Chương 5: Phân tích đầu tư chứng khoán

5.1. Đầu tư chứng khoán

5.1.1. Khái niệm và đặc điểm của đầu tư chứng khoán

5.1.2. Các hình thức đầu tư chứng khoán

5.1.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư chứng khoán

5.2. Phân tích đầu tư chứng khoán

5.2.1. Mục đích và yêu cầu của phân tích đầu tư chứng khoán

5.2.2. Các phương pháp phân tích đầu tư chứng khoán

http://pages.stern.nyu.edu/~adamodar/New_Home_Page/invemgmt/invmg.htm

http://pages.stern.nyu.edu/~adamodar/New_Home_Page/invemgmt/invmg.htm

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro