Hàn Mặc Tử

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thật ra là tôi đã muốn viết về Hàn Mặc Tử từ lâu rồi mà lại cảm thấy bản thân mình chưa đủ hiểu rõ về thơ và cuộc đời của ông vậy nên mãi đến bây giờ sau khi đã tìm hiểu có thể cho là tương đối kĩ càng thì mới viết được đây.

Nhắc đến Hàn Mặc Tử chắc hẳn hầu hết mọi người đều biết ông thông qua bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" vô cùng nổi tiếng được biên soạn trong sách giáo khoa ngữ văn mười một nhỉ? Tôi cũng thế, và cũng chính từ đây tôi đã bắt đầu cảm thấy thơ của ông thi sĩ này thật thú vị =]]]]]

Hàn Mặc Tử, tên thật là Nguyễn Trọng Trí. Là một thi sĩ tài hoa sống vào nửa đầu thế kỷ hai mươi. Mười sáu tuổi ông viết bài thơ đầu tiên, trong suốt hai mươi tám năm cuộc đời ông đã sống, đã đi, đã yêu tha thiết và cũng đã trải qua đau đớn đến cùng cực. Và khi ra đi ở tuổi hai mươi tám, di sản ông để lại không chỉ đơn thuần là những tập thơ, kịch thơ hay văn xuôi mà còn là một thế giới tinh thần mênh mông mà nếu mà ta đã lỡ bước vào đấy thì sẽ thấy nó giống như lời của nhà bình luận văn học Hoài Thanh đã nhận xét: "Vườn thơ Hàn rộng không bờ bến, càng đi xa càng ớn lạnh." Và sự "ớn lạnh" ấy thể hiện rõ nhất là ở tập thơ "Đau thương" - một tập thơ nổi tiếng và khác biệt hơn hẳn những tập thơ khác của Hàn. "Đau thương" không lãng mạn như "Gái quê", cũng không cổ điển như "Lệ Thanh thi tập", bởi hơn tất cả "Đau thương" là thơ Điên, là phần đặc sắc nhất đã làm nên tên tuổi của Hàn Mặc Tử, làm nên cái "lạ" ở nhà thơ này, và cũng chính vì thế mà khi nói đến Hàn là nói đến "thi sĩ điên"!

"Điên" trong quan điểm của Trường thơ Loạn mà Hàn là "kẻ cai trị" thì đó không phải là một trạng thái bệnh lí mà là một trạng thái sáng tạo. Đó là khi hưng phấn sáng tạo ở cực điểm, Hàn gọi đó là sự hòa trộn giữa chiêm bao và hiện thực, trạng thái chập chờn bất định giữa ý thức, tiềm thức và vô thức. Đây là lúc các hình sắc của tinh thần được sinh nở ở mức phun trào, trong trạng thái ấy người làm thơ như lên đồng, nhập đồng, trút ra mọi bí mật của tâm linh. Người ta đến với trạng thái này bằng nhiều cách, còn Hàn thì đến với nó bằng đau thương. Chính từ nỗi đau thể xác từ căn bệnh phong gây ra và nỗi đau của một người mang trong mình tình yêu quá mãnh liệt nhưng lại vô vọng và tuyệt vọng, ông luôn thiết tha sống nhưng luôn phải đối mặt với việc chia lìa sự sống, do đó bản chất đau thương ở Hàn là một sự tuyệt vọng, càng tuyệt vọng lại càng mãnh liệt và càng mãnh liệt lại càng tuyệt vọng. Hàn đã lấy cả đau đớn trong thân xác làm ngôn ngữ để cất lên tiếng đau khổ của tinh thần, vì thế đau đớn của tinh thần và thể xác được chuyển hóa lẫn nhau:

"Trời hỡi, bao giờ tôi chết đi?
Bao giờ tôi hết được yêu vì,
Bao giờ mặt nhật tan thành máu
Và khối lòng tôi cứng tựa si?"

"Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?
Sao bông phượng nở trong màu huyết,
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?"

-Những giọt lệ-

Sống như Hàn là một trải nghiệm bất đắc dĩ, một trải nghiệm đày đọa để có được thứ thơ của máu, vì thế mỗi lời thơ như một lời tuyệt mệnh, một lời nguyện cuối về sự sống của mình và sự sống trên đời. Hàn như đã chết trong những câu thơ đó. Và chính ông đã gọi trạng thái sống này của mình là "sống đến gần đứt cả sự sống". Với người khác, sống để mà tận hưởng tối đa cuộc đời này là hạnh phúc, còn với Hàn thì chỉ cần được sống thôi cũng đã hạnh phúc rồi. Trải nghiệm bất hạnh của kẻ bị tước đoạt mất cơ hội sống khiến Hàn thấm thía hơn ai hết về cái hạnh phúc được sống trên cõi đời này, và ông đã phải giành giật sự sống đến từng ngày, từng giờ, sống như một giây đàn sắp sửa đứt phăng, sống như một linh hồn mong manh chợt tắt. Và đến nay khi đọc lại bất cứ dòng thơ nào trong đó ta vẫn không khỏi cảm thấy lạnh người:

"Gió rít tầng cao trăng ngã ngửa
Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô
Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy
Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra"

-Say trăng-

"Hồn là ai? Tôi không biết
Hồn theo tôi như muốn cợt chơi tôi
Môi đầy hương tôi không dám ngậm cười
Hồn vội mớm cho tôi bao ánh sáng
Tôi chết giả và no nê vô hạn
Cười như điên, sặc sụa cả mùi trăng
Áo tôi là một thứ ngợp hơn vàng
Hồn đã cấu, đã cào, nhai ngấu nghiến
Thịt da tôi sương sần và tê điếng
Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên."

-Hồn là ai?-

Sau tất cả thì tập thơ "Đau thương" của Hàn Mặc Tử là một tập thơ tuyệt vời, sau khi đọc xong và tìm hiểu mọi tài liệu trên internet về nó thì đọng lại trong tôi là tất cả lòng cảm thán và bái phục: hay, điên và cực kì táo bạo! Ông quả thật rất tài giỏi, từng con chữ, từng vần thơ, từng hình ảnh trong thơ ông đều rất sáng tạo và độc đáo. Ông như một nhà phù thuỷ tài ba đã phù phép vào những con chữ ấy khiến cho ai từng đọc một lần đọc thơ ông đều sẽ ấn tượng mãi. Đọc từng dòng thơ ấy ta đều sẽ cảm nhận được sự khát khao tình yêu đến mãnh liệt, khát khao được sống đến cháy bỏng hơn bất kì ai nhưng tiếc thay, những khao khát ấy dù cho mãnh liệt như thế nhưng lại bị chính số phận nghiệt ngã làm cho càng tuyệt vọng hơn. Sở dĩ ta có thể cảm nhận rõ ràng như vậy là bởi vì ông đã đặt toàn bộ nghĩa lí của mình vào thơ, đã muốn trút hồn mình, rưới máu mình vào thơ. Hiếm có thi sĩ nào xem thơ cao quý và linh thiêng như máu, vì đối với ông, máu là sự sống của người và cũng là sự sống của thơ:


"Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút
Mỗi lời thơ đều dính não cân ta
Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt
Như mê man chết điếng cả làn da."

-Rướm máu-

Do vậy mà từng dòng thơ của ông mới đậm màu sắc kinh dị và rợn người đến thế, tất cả những hình ảnh, câu từ như cuốn lấy độc giả chìm vào một thế giới ảo mộng do chính ông vẽ ra, vừa huyền bí mà cũng vừa kì dị. Ở nơi đó tràn ngập hình ảnh của trăng, hồn và máu, khiến cho người ta phải thốt lên rằng: "thật đáng sợ!". Tuy vậy nhưng thơ Hàn lại không hề phản cảm mà trái lại còn rất cuốn hút, lôi cuốn đến lạ kì, khiến cho người ta vừa sợ lại vừa tò mò về cái thế giới mộng ảo kì quái ấy, chỉ muốn đi thật sâu vào đó để có thể khám phá được hết mọi sự kì dị ẩn chứa trong đó. Ôi Hàn Mặc Tử! Tôi mê thơ ông quá đỗi!

Nếu học kì một tôi mê Nam Cao, một vị tác gia tài giỏi trong văn học hiện thực với ngôn từ mộc mạc, gần gũi, một ngòi bút rất gân guốc viết về hiện thực thời thực dân phong kiến không hề kiêng dè hay né tránh, đồng thời lại chan chứa lòng nhân đạo. Thì đến học kì hai tôi lại mê Hàn Mặc Tử, một nhà thơ quá đỗi tài ba nhưng số phận khắc nghiệt khiến ông chỉ sống mãi ở tuổi hai mươi tám. Khi biết đến Hàn Mặc Tử thì tôi mới thấm thía câu nói của Nguyễn Du: "chữ tài liền với chữ tai một vần.."

Nếu bạn hỏi tôi điều gì của Hàn Mặc Tử đã thu hút tôi thì như những điều tôi đã nói ở phía trên. Chính là vì sự quằn quại đau đớn và cả sự kì dị ma quái toát lên từ chính những con chữ trong các bài thơ của ông ấy. Tôi vốn là người thích những gì kì dị, có một thời tôi đã rất thích những nhân creepypasta như slenderman hay jeff the killer, bla bla.. Và khi tôi bắt gặp sự kì dị đó ở thơ của Hàn, tôi liền bật chế độ "fan girl" dành cho ông ngay và luôn không hề do dự =]]]]]

À, ngoài tập thơ "Đau thương" vô cùng nổi tiếng đó thì còn có tập "Gái quê" cũng hay không kém đâu! Theo như review thì tập thơ có những bài mang âm hưởng vui tươi, trẻ trung, rộn ràng nhưng cũng có những bài lại đầy đau thương, chia ly và ai oán. Tôi thì tôi chưa đọc hết tập thơ này, chỉ mới phần đầu thôi, nhưng tôi đã thấy được sự lãng mạn và còn có cả sự táo bạo nữa. Táo bạo nhưng không hề phản cảm chút nào. Tiêu biểu là bài thơ "Bẽn lẽn" này đây:

"Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi

Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi

Trong khóm vi vu rào rạt mãi
Tiếng lòng ai nói? Sao im đi?
Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe

Vô tình để gió hôn lên má
Bẽn lẽn làm sao lúc nửa đêm
Em sợ lang quân em biết được
Nghi ngờ tới cái tiết trinh em."

Uầy, hay tuyệt nhỉ?

Còn bạn thì sao? Có mê ông "thi sĩ điên" này giống tôi không?

04/04/2020

[reup từ "Diary about me" với một số chỉnh sửa.]

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro