Chương 1: Tương Ngộ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đại Việt thời nhà Trần, đất nước hưng thịnh, xã tắc bình yên, lê dân bách tính đều ấm no sung túc. Hoàng đế Trần Thái Tông từ khi lên ngôi, vẫn tọa lạc tại kinh đô Thăng Long của tiền triều. Với chính sách chiêu dụ hiền tài từ khắp nơi ra làm quan, ổn định xã tắc, trừ bạo an dân, triều đình cứ bảy năm lại tổ chức khoa thi Tam khôi, chọn ra ba người đỗ đầu là trạng nguyên, bảng nhãn và thám hoa.

Năm Thiên Ứng Chính Bình thứ mười sáu, khoa cử diễn ra, thí sinh từ các phủ, lộ trên cả nước lục tục kéo đến kinh thành Thăng Long đông như trẩy hội, kẻ hồ người hởi, xôn xao nhộn nhịp cả một vùng. Kết thúc khoa cử, yết bảng có Nguyễn Hiền thôn A Dương, huyện Thượng Hiền, phủ Thiên Trường đỗ trạng nguyên khi chỉ mới mười ba tuổi; Lê Văn Hưu đỗ bảng nhãn, Đặng Ma La đỗ thám hoa, những người thi trượt đều lũ lượt trở về quê nhà, đàn đàn lớp lớp như kiến bò về tổ.

Ngoại thành Thăng Long là một vùng đồi núi mênh mông rộng lớn, tứ bề địa thế hiểm trở, sơn đạo cheo leo, giống như một bức trường thành hung hiểm bao quanh kinh đô. Ở chân trời phía tây, ba đỉnh Tam Sơn, Khán Sơn, Thái Hòa cao ngút đến tận mây, trập trùng sương khói. Thấp thoáng trong ánh chiều tà, những cánh bạch hạc chao nghiêng trước gió, lúc thấp lúc cao, khi nhanh khi chậm, thi thoảng lại mất hút, lung linh huyền ảo chẳng khác nào tiên cảnh.

Trên một sơn đạo nhỏ, nắng chiếu lay lắt, có một cây cổ đa đã hơn trăm tuổi, cành lá xum xuê. Rễ đa thật dài, tua tủa sà xuống đất, đung đưa chạm vào người một chàng thiếu niên đang ngồi bên dưới. Người đó hơi gầy, mặt mày ủ rũ, nhưng văn chất nho nhã, cử chỉ điềm đạm, trông như một chàng thư sinh bao năm đèn sách. Chàng chậm rãi mở cái tay nải bằng vải sần đã cũ đang đeo trên vai, lấy ra một quyển kinh thư rồi say mê ngồi đọc.

Người thiếu niên đó tên là Văn Tôn, niên kỷ vừa tròn thập lục, diện mạo khôi ngô, anh tú, phảng phất nét thiện lương. Từ khi còn nhỏ, chàng đã được phụ thân dạy cho ngũ kinh, tứ thư, rồi đọc sách, viết chữ, nhưng ngộ tính không cao, chàng học trước quên sau, trong đầu vốn chẳng lưu lại được bao nhiêu chữ nghĩa. Qua hai tuần trăng, không quảng đường xá xa xôi, hết ngồi xe đến đi đò, chàng lặn lội từ quê nhà Hải Đông lên kinh đô ứng thí. Nào ngờ hai chữ công danh dễ dầu gì đạt được, chàng bị đánh trượt, thành thử bây giờ đang lầm lủi trở về. Đến giữa sơn lộ này thì lương khô hết sạch, vừa đói vừa mệt, chỉ dành ngồi đây đợi gặp người ngang qua thì xin chút thức ăn rồi đi tiếp.

Thế nhưng giữa nơi rừng núi hoang sơ, trong vòng mười dặm không hề có thôn bản nào cả, tuyệt nhiên không một bóng người qua lại, chỉ thấy bốn bề cây cối xanh tươi, chim kêu vượn hú vang lên từng đợt, nghe lạnh cả sống lưng. Bỗng từ đằng xa, có tiếng vó ngựa tiến đến mỗi lúc một gần. Trên lưng con bạch mã là một quái khách trẻ tuổi, khoảng chừng đôi mươi, người mặc hoàng bào, tay quất roi thoăn thoắt. Quái khách có thân hình cao lớn, nước da ngăm đen, mày rậm mắt to, dường như là người luyện võ. Vừa nhìn thấy Văn Tôn, y liền gò cương thật mạnh, con ngựa nhảy nhổm hai chân trước lên, hý dài mấy tiếng rồi mới dừng lại, khiến bụi đất dưới chân nó tung lên mù mịt.

Văn Tôn đang mãi mê đọc sách, nghe tiếng ngựa hý vang, rồi bụi bay trắng xóa khiến chàng ho sặc sụa, bỗng nghe một giọng trầm trầm cất lên:

- Tiểu tử, ngươi có biết đường nào về Quốc Oai hay không?

Lúc này chàng mới thấy rõ trước mặt là một đao khách cao lớn, tráng kiệt hơn người, đang trợn mắt cau mày nhìn mình. Văn Tôn kinh hãi, cúi rạp xuống đất, thưa với đao khách đang ngồi chễm chệ trên lưng ngựa:

- Bẩm tráng sĩ, tiểu nhân chỉ tình cờ đi qua, nào có thông thạo lối xá nơi đây, xin tráng sĩ tha mạng!

Giữa nơi hoang dơn dã lĩnh, đột nhiên lại xuất hiện một tên thư sinh hom hem ốm yếu, đao khách kia trong lòng bỗng nảy mối hiềm nghi, cho là phường đạo tặc cải trang, nhằm chặn đường thu tiền mãi lộ của dân lành. Y liền hỏi tiếp:

- Ngươi chỉ tình cờ đi qua? Hà cớ chi một tên thư sinh biết bao nhiêu chỗ không đến, lại đến cái nơi hoang vu, hẻo lánh này ngồi đọc sách? Nói!

Lời nói như chém đinh chặt sắt, giọng điệu lại đầy sự răn đe. Đoạn rút thanh đoản đao mang bên hông ra khỏi vỏ, chĩa thẳng về phía Văn Tôn.

Chàng thư sinh chỉ vừa mới trông thấy diện mạo của y đã sợ hãi lắm rồi, bây giờ lại bị dí đao vào cổ, thử hỏi làm sao không hồn bay phách tán, mặt cắt không còn một hạt máu? Vội dập đầu lia lịa, lí nhí nói:

- Xin tráng sĩ tha mạng! Tiểu nhân lên kinh đô ứng thí, trên đường hồi hương thì lương khô cạn kiệt, trong lúc ngồi đây chờ người qua lại để hành khất, chỉ đành lấy kinh thư ra đọc để quên đi cơn đói. Tiểu nhân thực không dám có nửa lời gian dối!

Quái khách nhìn bộ dạng hoảng hốt của chàng, nghe lời lẽ thì thành khẩn trung thực, cũng tin đến tám, chín phần. Y liền nhảy xuống ngựa, đỡ Văn Tôn đứng dậy, nói:

- Tại hạ đang đuổi theo một lũ ô hợp, tới đây thì mất dấu, dọc đường nghe bá tánh nói chúng đã chạy về Quốc Oai nên ráo riết truy tìm, trong lúc nóng vội mới đắc tội với huynh đệ đây, xin huynh đệ thứ cho ta tội lỗ mãng!

Đoạn cười hì hì, nói tiếp:

- Chẳng hay huynh đệ cao danh quý tính là gì?

Bấy giờ giọng nói của y đã dịu đi, ôn hòa nhã nhặn, chẳng khác gì công tử của một gia đình quan thân thế gia. Văn Tôn cũng vơi bớt kinh sợ, thở phào nhẹ nhõm, chắp tay nói:

- Tiểu đệ danh tính thật chẳng đáng nhắc đến, thượng Văn hạ Tôn, cũng xin mạo muội thỉnh vấn quý tính đại danh của tráng sĩ?

Quái khách bỗng nhiên cười lớn, tiếng cười của y vang lên trong không trung, thanh âm hùng tráng, làm cho chim chóc ở khoảng rừng bên cạnh kinh động, bay lên rợp trời. Người này niên kỷ còn trẻ mà trung khí hồn hổ, nội lực cao thâm như thế ắt phải là danh gia đệ tử của một đại môn phái trên giang hồ. Y ôm quyền đáp lễ, nói:

- Ta họ Triệu, tên Hùng, huynh đệ xem ra nhỏ tuổi hơn ta, vậy cứ gọi ta là Triệu đại ca được rồi!

Đoạn lôi cái tay nải bám đầy bụi bặm trên lưng ngựa xuống, lấy ra hai cái bánh bột mì nướng đưa cho Văn Tôn, nói:

- Ta chỉ còn lại nhiêu đây, Văn huynh đệ cứ cầm lấy mà ăn tạm rồi lên đường!

Nói rồi nhảy vọt lên ngựa, nhanh nhẹn dứt khoát, khinh công của người này chắc hẳn cũng ở mức thượng thừa. Con ngựa cước lực cũng thật lẹ, thoắt cái đã chạy về hướng bắc mấy mươi trượng. Văn Tôn cầm hai cái bánh trên tay, ngơ ngác nhìn theo, đến khi cả người lẫn ngựa đều khuất hẳn, chàng mới hoàn hồn, ngồi bệt xuống gốc cây ngấu nghiến.

Cơn đói vừa qua vài khắc, cơn khát lại đến. Nghĩ quanh đây rừng núi bao la, thể nào chẳng có vài con suối, chàng lần mò đi vào khu rừng bên cạnh.

Men theo lối mòn nhỏ, có lẽ là con đường mà tiều phu dùng để lên núi đốn củi, chàng cứ thế tiến về phía trước. Càng vào sâu, cây cối càng thưa thớt, cách vài trượng mới có một cây đại thụ mọc lên, hai bên đường thì cỏ dại mọc chen chúc. Đi thêm một đoạn nữa thì con đường hoàn toàn biến mất, dưới chân chỉ thấy toàn lá khô, sông suối chưa tìm được mà chốc chốc lại vang lên tiếng beo hùm ghê rợn. Nếu là ngày thường, những chốn rừng thiên nước độc thế này chàng nào dám léo tới, hoặc cũng đã quay đầu bỏ chạy, nhưng lúc này cơn khát làm lu mờ đầu óc, chàng cứ thế bước thật nhanh, mặc cho tay chân bắt đầu cóng lên. Bỗng hàng loạt những tiếng "răng rắc" phát ra, đám lá khô dưới đất tung bay lả tả, rồi chân chàng hụt hẫng như đạp vào khoảng không, thân hình nhẹ bẫng bay đi, trước mắt tối sầm lại.

Thì ra Văn Tôn đã rơi xuống một cái hố. Chàng thấy toàn thân ê ẩm, xương cốt rệu rã, mãi một lúc mới đưa tay lên hất mớ lá khô đang phủ kín trên người xuống được. Cái hố này rộng khoảng hai sải tay, trông như được thợ săn đào lên để bẫy thú, nhưng nó lại sâu hơn một trượng, thường thì cánh thợ săn chỉ đào hố nông để lúc con mồi rơi xuống sẽ dễ dàng bắt lên, hơn nữa bên dưới cũng đặt sẵn nhiều chông nhọn, còn cái hố này sâu hơn rất nhiều, xem ra có mục đích khác. Văn Tôn còn đang miên man nghĩ ngợi, bỗng nghe văng vẳng từ trên cao những tiếng cười ngạo nghễ, khoái trá, trong sự khoái trá lại có chút hung ác. Năm người mặc đồ đen, trên mặt cũng che kín bằng vải đen, chỉ chừa ra đôi mắt, từ trên những cây cao gần đó nhảy vọt xuống, đứng vây quanh miệng hố, người nào người nấy đều lăm lăm trường kiếm sắc nhọn trong tay.

Đường mòn này hóa ra lại là một lối tắt dẫn đến Khoái Châu, nhưng sơn đạo nhỏ hẹp, lại vòng vèo quanh co, thỉnh thoảng còn có thú dữ xuất hiện nên chỉ ai thông thuộc mới dám đi qua, hoặc một số thương nhân bản địa cùng đông đảo tráng đinh dùng để vận chuyển hàng hóa. Mấy tháng gần đây, bỗng dưng xuất hiện một đám cường đạo từ đâu kéo đến, tác ác đa đoan, chúng gặp thương nhân thì cướp của, gặp phụ nữ thì hãm hiếp, gặp người già, trẻ con thì đánh đập tàn nhẫn, quan phủ cũng tích cực điều tra nhưng chẳng có manh mối gì, thành thử đến giờ chẳng còn ai dám tới lui vùng này cả. Năm tên hắc y kia chính là lũ cường đạo mà quan binh đang truy nã, chúng mai phục ở đây đã hơn ba ngày trời, bấy giờ thấy có người rơi xuống bẫy thì hý hửng kéo đến, tưởng đâu lại được một mẻ lớn, nào ngờ chỉ là một tên thư sinh còi cọc đang nằm sóng soài bên dưới nên đâm ra bực dọc. Một tên trong số chúng cúi xuống, nói:

- Tiểu tử! Khôn hồn thì mau giao nộp hết của cải, ngân lượng trên người ra đi, bằng không bọn ông sẽ cho mi đi chầu trời!

Hắn cố gằng giọng cho thật đáng sợ. Quả nhiên Văn Tôn nghe thấy khẩu khí hung hãn đó thì điếng hết cả người, toàn thân run rẩy, ngước lên, lắp bắp nói:

- Xin các vị đại gia tha mạng! Tiểu nhân chỉ là thư sinh nghèo vừa lên kinh ứng thí trở về, trên người không còn ngân lượng!

Thế nhưng bọn người này xưa nay cướp bóc đã thành quen, không được tiền cũng được sắc, lý nào lại chịu cảnh dê vào miệng cọp mà không sơ múi được gì? Một tên to béo nhất trong đám kéo miếng vải đen che mặt xuống, để lộ ra khuôn mặt hung thần dữ tợn, râu ria xồm xoàm, cúi đầu xuống hố, nhăn mặt nhíu mày quát:

- Ngươi lên kinh ứng thí thì chí ít cũng đem theo vài chục lượng bạc, lý nào lại không còn một cắc?

Giọng của y eo éo khiến ai nghe thấy cũng phải buồn cười, bốn tên kia không sao nhịn nổi, tủm tỉm nhưng không dám phát ra thành tiếng, cũng may chúng đều mang vải đen che mặt, nên chỉ thấy đầu mày cuối mắt rung rinh, nếu không ắt hẳn y đã nổi cơn tam bành. Lời vừa dứt đã nhảy luôn xuống hố, tay trái nắm vai, tay phải dí lưỡi kiếm vào cổ Văn Tôn, vọt nhẹ một cái, hai chân đạp vào thành hố mấy bước, thoáng chốc đã lôi chàng lên trên. Ném Văn Tôn ngã lăn ra đất như một bó lúa, y nhìn một tên đang đứng bên cạnh, ra lệnh:

- Xét người nó cho ta!

Tên kia nghe lệnh liền bước tới lục soát, quả nhiên không lòi ra được cắc bạc nào. Y giật lấy cái tay nải trong tay Văn Tôn, giũ tung lên, chỉ thấy rơi ra toàn là kinh thư, bút, mực. Y xoay đầu nhìn về tên hắc y to béo, huơ tay ra hiệu, ý muốn nói trên người Văn Tôn thật sự không có ngân lượng. Tên hắc y to béo liền nổi điên, mày mi dựng ngược, quát:

- Giết nó!

Tên hắc y đang xét người Văn Tôn ngay lập đứng dậy, trường kiếm vung lên, nhằm ngay cổ Văn Tôn chém thẳng xuống. Lưỡi kiếm vun vút lướt đi, đường kiếm này vừa chạm đến da thịt thì lập tức đầu lìa khỏi cổ. Bỗng nhiên nghe "chíu" một tiếng, một vật nhỏ từ đâu bay tới, va vào khiến đường kiếm đang chém xuống như xé gió chệch đi trong gang tấc, dư lực của nó còn làm cho thanh kiếm rơi khỏi cánh tay vạm vỡ của tên hắc y, rơi phịch xuống đất. Cả bọn cùng kinh hãi, đồng thanh "A" lên một tiếng. Tên đầu lĩnh cúi xuống nhặt thanh kiếm, bỗng thấy bên cạnh có một hòn sỏi nhỏ, chốc lát đã thầm kinh dị: "Ném một hòn đá nhỏ bay đến với kình lực kinh thiên như thế, kẻ này chẳng phải hạng tầm thường". Y nhìn từ trái sang phải một vòng, rồi lại dáo dác tìm trên những ngọn cây, nhưng nào có thấy ai, bèn quát lên:

- Là phường chó má nào dám cản trở việc tốt của ông? Có ngon thì ra mặt, đấu với ông đây vài trăm hiệp!

Tiếng quát của y được truyền nội lực từ ngũ tạng, âm vang hùng hậu, khiến cành lá xung quanh khe khẽ đung đưa, mấy con thú nhỏ gần đó co giò chạy trốn.

Cách đấy khoảng chừng hai mươi trượng, một người dùng khinh công đạp vào những cành cây, lướt đi trên không trung, mau lẹ như một cơn gió, thoáng chốc đã đáp xuống giữa năm tên hắc y gian ác. Người đó chính là Triệu Hùng, y sau khi đưa cho Văn Tôn hai cái bánh, đã thúc ngựa chạy về hướng bắc. Đi được hơn hai dặm, bỗng nghe ở cánh rừng sau lưng vang lên những tiếng cười hung ác, rồi chim muôn hoảng sợ, bay lên tứ tán, biết có sự bất thường, bèn giục ngựa quay trở lại. Từ đằng xa đã thấy Văn Tôn bị một người mặc hắc y cầm trường kiếm chém xuống, tình thế cấp bách, chàng liền nhảy xuống ngựa, nhặt mấy viên sỏi, ném mạnh về phía đó, may sao cứu được y trong đường tơ kẽ tóc.

Triệu Hùng đảo mắt nhìn cả bọn một lượt, sau đó cũng cất tiếng cười phô trương nội lực. Tiếng cười vang lên như sấm rền rúng động, Văn Tôn đinh tai nhức óc không sao chịu nổi, phải đưa hai tay lên bịt tai lại. Tên đầu lĩnh xem chừng nội công cao nhất, vẫn còn đứng vững, nhưng bốn tên thuộc hạ thì đầu váng mắt hoa, chân tay rã rời, đều đánh rơi trường kiếm xuống đất.

Triệu Hùng nhún người nhẹ nhàng, thoắt cái đã nhảy vọt lên cao, "xoẹt" một tiếng, đoản đao trong tay đã rút ra khỏi vỏ, hai chân đạp nhẹ vào nhau, xoay người một vòng, trong chớp mắt chẳng ai nhìn thấy gì, bốn tên hắc y kia đã phụt máu ở cổ, chết không kịp ngáp.

Tên đầu lĩnh dường như nhận ra đao pháp của Triệu Hùng, chân y khẽ bước lùi về sau, tay siết chặt cán kiếm, nói:

- Thì ra các hạ chính là Nhất Đao Đoạt Mạng, Triệu Hùng.

Triệu Hùng chìa lưỡi đao còn dính đầy máu tươi về phía y, mục quang sắc bén, sát khí đằng đằng, nói:

- Chính là ta! Ta đã truy lùng bọn lục lâm thảo khấu các ngươi lâu lắm rồi, hôm nay các ngươi đừng hòng sống sót!

Tên hắc y giương thanh trường kiếm ra phía trước, hùng hổ nói:

- Được! Để xem bảo đao trên tay ngươi lợi hại, hay trường kiếm của ta lợi hại.

Nói rồi lập tức xông tới, mũi kiếm đâm thẳng trước ngực Triệu Hùng, kình lực cương kình uy mãnh, xem ra đây là đòn chí mạng của y. Triệu Hùng liền đưa đao gạt đi, "choang" một tiếng, đao kiếm chạm nhau, cùng dội ngược trở ra. Nhanh như chớp xẹt, tả chưởng của y lại đánh tới trước ngực. Triệu Hùng sớm đoán trước y sẽ sử tiếp chiêu này, đã ngầm vận nội lực vào tả chưởng, khi chưởng pháp của y chỉ còn cách mình hơn một thước, chàng liền đưa lên đỡ lấy. Triệu Hùng từ năm chín tuổi đã rời khỏi gia đình, tầm sư học nghệ, đến nay nội công luyện đến mức lô hỏa thuần thanh, cương nhu hồn hậu, thử hỏi một tên vô danh tiểu tốt ở cái nơi hoang sơn dã lĩnh này thì làm sao địch cho nổi? Hai luồng chân khí gặp nhau, một mạnh một yếu, thấy Triệu Hùng hạ bộ vững vàng, thần sắc không đổi, y biết mình đã lâm vào thế hạ phong, vội lùi chân phải về sau nửa bước, vận khí từ đan điền, dốc hết mười thành công lực vào tả chưởng đẩy ra. Triệu Hùng khẽ cau mày, tả chưởng cũng đẩy ra thật mạnh, lá khô dưới chân chàng bay lên xào xạc. Bấy giờ nội công đôi bên cao thấp lại càng rõ ràng, chỉ trong khoảnh khắc, y đã bị chưởng lực của Triệu Hùng hất văng ra sau hơn ba trượng, nằm dài trên đất, miệng thổ huyết tươi. Mãi một lúc sau mới lộm cộm bò dậy được, khấu đầu van xin:

- Xin Triệu đại hiệp từ bi độ lượng, tha cho tiểu nhân một con đường sống! Từ giờ tiểu nhân sẽ cải tà quy chính, không dám làm xằng làm bậy nữa!

Văn Tôn từ đầu vẫn nấp sau gốc cây gần đó quan chiến, bấy giờ thấy tên hắc y đã thụ thương không nhẹ, buột miệng kêu lên:

- Triệu đại ca! Xin đao hạ lưu nhân!

Triệu Hùng là người quân tử độ lượng, vốn không muốn đuổi cùng diệt tận kẻ đã biết quay đầu, liền phẩy tay nói:

- Chỉ cần từ rày đừng tác ác đa đoan, một lòng hướng thiện, ta cũng không muốn lấy cái mạng của ngươi làm gì. Mau xéo đi!

Đoạn quay sang nhìn Văn Tôn, định bước tới hỏi han vài câu, nào ngờ vừa quay lưng, bỗng nghe "vù" "vù" "vù" ba tiếng, ba mũi ngân châm đã bay về phía chàng. Tiếng ám khí trong gió nghe rõ mồn một, Triệu Hùng nhanh như chớp giật, lách sang một bên, ba mũi ngân châm ngay lập tức cắm phập vào thân cây trước mặt Văn Tôn, khiến y há hốc mồm kinh hãi. Nhựa cây vốn dĩ màu trắng, thế mà sau khi ba mũi ngân châm đâm vào, lại thấy một dịch nhày màu tím sẫm chảy ra, Triệu Hùng biết ngay trên ám khí của y có tẩm độc. Nộ khí nổi lên, chàng xoay người, lao vù về phía y, sẵn đoản đao trên tay, chém liền một nhát ngay trước ngực, tên ác tặc chết không kịp nhắm mắt.

Văn Tôn vừa rồi thấy y bị thương, chợt động tâm can, mong Triệu Hùng hạ thủ dung tình, chừa cho y một con đường sống. Nào ngờ y lại chấp mê bất ngộ, lấy oán báo ân, bây giờ thấy ân hận vô cùng, liền chạy ra khỏi gốc cây đang nấp, quỳ xuống trước mặt Triệu Hùng, hai tay ôm quyền nói:

- Tiểu đệ có mắt như mù, thị phi bất phân, trắng đen lẫn lộn, có chết cũng đáng, nhưng thiếu chút nữa đã làm liên lụy đến Triệu đại ca, xin Triệu đại ca trách tội!

Triệu Hùng đỡ y đứng dậy, nói:

- Thiên hạ rộng lớn, nhân tâm hiểm trá, Văn huynh đệ kinh lịch giang hồ chưa nhiều, không nhìn rõ tốt xấu âu cũng là lẽ thường, không đáng trách, không đáng trách!

Đoạn quay sang nhìn năm hắc y đã chết, thây phơi dã lĩnh, trầm ngâm một lúc rồi buồn rầu nói:

- Bọn chúng mới học được vài món võ nghệ, đã muốn xưng vương xưng hùng, làm những chuyện thương thiên hại lý, đi ngược với tôn chỉ của người luyện võ, thật đáng hổ thẹn!

Văn Tôn nào có biết "tôn chỉ của người luyện võ" ra làm sao, miên man suy nghĩ, Triệu Hùng lại nói tiếp:

- Đệ thân cô thế cô, dọc đường phải hết sức cẩn thận, đừng lui tới những nơi hẻo lánh như thế này!

Lời lẽ hết sức quan thiết, Văn Tôn trong lòng cảm khái, thấy vị Triệu đại ca này thật là một trang nam tử hào hiệp khẳng khái. Chợt nhớ tới những lời của tên hắc y ban nãy, hỏi:

- Tiểu đệ có nghe tên kia gọi Triệu đại ca là "Nhất Đao Đoạt Mạng", có phải chỉ cần một chiêu là lấy mạng người khác dễ dàng?

Trong lời nói có đến bảy, tám phần lo sợ. Triệu Hùng đương nhiên hiểu được, nói:

- Ta theo tôn chỉ của gia sư: hành thiện trừ ác, trợ khốn phò nguy, trước giờ không biết đã giết bao nhiêu người mà kể, nhưng những người táng mạng dưới đao này toàn những phường mặt người dạ thú, tàn ác vô tả, nào có đáng tiếc chi. Còn cái gì mà "đại hiệp Nhất Đao Đoạt Mạng", cũng chỉ là giang hồ đồn thổi, hữu danh vô thực mà thôi!

Nguyên lai Triệu Hùng là người luyện võ từ bé, công phu trác tuyệt, thích hành hiệp trượng nghĩa, trong hai năm gần đây đã giết không biết bao nhiêu cường hào ác bá, loạn tặc hung đồ, cho nên người trong giang hồ ai ai cũng đã từng nghe nhắc đến. Dạo nọ chàng lang thang ở vùng núi phía bắc, trông thấy bốn tên lưu manh đang hà hiếp một thiếu nữ, nộ khí dâng lên, mới một chiêu lấy mạng cả bốn tên. Chàng trừ ác chẳng bao giờ để lại tên tuổi, nên người ta chỉ biết phong là "đại hiệp Nhất Đao Đoạt Mạng", rồi lâu ngày trong giang hồ đều gọi chàng như thế, thành thử đến giờ đã thành cái danh xưng gắn liền Triệu Hùng.

Văn Tôn biết y là một đao khách lẫm liệt, hào hiệp trượng nghĩa, tuy xuất thủ có hơi tàn nhẫn nhưng đối với bọn gian ác vô đạo thì cũng chẳng đáng gì, nên khiếp sợ thì ít, mà mến mộ bội phần. Thật ra giang hồ loạn lạc, người người chém giết nhau như cơm bữa, có những cảnh tượng chặt đầu móc mắt, cưa tay cắt chân, kinh tởm hãi hùng hơn nhiều, nhưng xưa nay y chưa hề đi lại trên giang hồ, nào thấy được những sự đó, nên mới cho là Triệu Hùng ra tay đáng sợ. Trong đầu y chợt nghĩ:"Phụ thân muốn ta đỗ đạt thành tài, nhậm một chức quan nho nhỏ, ra sức giúp lê dân. Triệu đại ca dẫu không phải quan nhân, cũng tương trợ biết bao nhiêu bá tính, lại không cần dùi đầu kinh sử, chẳng phải tốt hơn gấp mấy lần hay sao?" liền vái Triệu Hùng một cái thật dài, nói:

- Triệu đại ca, tiểu đệ từ khi còn nhỏ đã ước muốn làm quan, cứu rỗi trăm họ cơ khổ. Nhưng đệ bản tính ngu muội, đèn sách ngày đêm, hết năm này đến tháng nọ, mảy may vẫn chẳng nên công cán gì. Nay gặp được Triệu đại ca là người quân tử lỗi lạc, hành hiệp trừ bạo, trong lòng hâm mộ biết nhường nào, chi bằng...chi bằng...

Triệu Hùng biết y có điều khó xử, lấp lửng không dám nói nên vỗ vai y, hỏi:

- Văn huynh đệ không cần ái ngại, có việc gì cứ nói ra, nếu trong khả năng, ta sẽ cố hết sức giúp cho!

Văn Tôn như tháo được nút thắt trong lòng, nhưng vẫn ngập ngừng, rồi chậm rãi nói:

- Xin Triệu đại ca cho tiểu đệ theo cùng, dẫu là phục thị Triệu đại ca, bưng nước rót trà, cầm cương dắt ngựa, miễn được góp chút sức mọn, cùng Triệu đại ca hiệp trợ người đời, có chết cũng mĩm cười mãn nguyện!

Triệu Hùng hết sức bàng hoàng, một tên thư sinh gầy gò ốm yếu, tay trói gà không chặt, bỗng dưng muốn theo mình lang bạt khắp nơi, chẳng khác gì thân cừu lao đầu vào hang sói, hung hiểm biết chừng nào? Y trố mắt nhìn Văn Tôn, hỏi:

- Ta rày đây mai đó, bốn bể là nhà, tính mạng chỉ trên đầu thương mũi kiếm. Đệ không biết võ công, cớ sao lại muốn cùng ta hành tẩu tứ phương, khác gì tự chuốc lấy cái khổ?

Văn Tôn chẳng hề nghĩ ngợi, đáp:

- Nam nhi chí tại bốn phương, chỉ cần làm nên việc tốt, có xá chi tính mạng. Mong Triệu đại ca toại nguyện!

Lời nói ra như chém đinh chặt sắt, nhiệt huyết tràn đầy. Triệu Hùng không ngờ một tên thư sinh yếu ớt, hom hem, lại có tấm lòng hiệp nghĩa như thế, cũng chẳng nỡ chối từ, nắm lấy vai y lay lay, vui mừng nói:

- Văn huynh đệ quả trang tuấn kiệt, hai ta đồng khí liên chi, chi bằng từ nay hãy kết làm huynh đệ, phúc họa cùng chịu, huynh đệ thấy có được hay không?

Nói xong cười ha ha đắc ý. Văn Tôn vui mừng không để đâu cho hết, vội quỳ xuống đất, đưa hai ngón tay lên nói:

- Hoàng thiên ở trên, thổ địa ở dưới, tiểu nhân Văn Tôn, hôm nay nguyện khấu đầu trước Triệu Hùng Triệu đại ca, bái người làm nghĩa huynh, từ nay sống chết có nhau, đồng cam cộng khổ, nếu trái lời thề, xin cho trăm thương ngàn kiếm chém thành muôn mảnh.

Triệu Hùng cũng hất vạt áo sang một bên, quỳ xuống, nói to:

- Tiểu nhân Triệu Hùng, từ nay nguyện kết nghĩa kim lang cùng Văn Tôn Văn hiền đệ, suốt đời chiếu cố, sinh tử liền kề, xin trời cao chứng giám.

Rồi đỡ người nghĩa đệ vừa mới kết giao đứng lên, phủi sạch bụi đất trên y phục của y. Hai người cùng cầm lấy tay nhau, hai tiếng "Nghĩa ca", "Nghĩa đệ" không hẹn mà cùng cất lên, ai cũng rưng rưng, trong lòng vui sướng khó tả.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro